Đức Thánh Cha tiếp kiến các phái đoàn Kitô và tôn giáo bạn

Đức Thánh Cha tiếp kiến các phái đoàn Kitô và tôn giáo bạn

VATICAN. ĐTC Phanxicô tái bày tỏ quyết tâm của Giáo Hội Công Giáo theo đuổi con đường đại kết với các Giáo Hội Kitô và tăng cường tình thân hữu với các tôn giáo bạn.

Ngài bày tỏ trên đây trong buổi tiếp kiến trưa 20 tháng 3-2013 dành cho 33 phái đoàn thuộc các Giáo Hội và Cộng đồng Kitô và các tôn giáo khác về Roma dự lễ khai mạc sứ vụ của ngài hôm 19 tháng 3 vừa qua.

Trong số các vị đại diện, có 10 phái đoàn thuộc các Giáo Hội Chính Thống Bizantine, 5 thuộc các Giáo Hội Chính Thống Đông phương, trong đó có Giáo Hội Arméni Tông Truyền, Chính Thống Copte Ai Cập, và Chính Thống Siriac. Về phía các Giáo Hội Kitô tây phương, có phái đoàn của Liên hiệp Anh giáo, Công Giáo Cũ, Liên hiệp Tin Lành Luther, Methodist, Cải Cách, Baptist, Mennonite, Đạo binh cứu độ, Pentecostal, v.v.. Cả thầy Alois Loeser, tu viện trưởng Đại kết Taizé cũng có mặt. Ngoài ra có các đại diện của Do thái, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo, đạo Sikh và Jaina.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, và cũng là vị Thượng Phụ danh dự chung của Chính Thống giáo, ĐTC nhắc đến Năm Đức Tin do vị tiền nhiệm của ngài, Biển Đức 16, đề xướng cho Giáo Hội Công Giáo, ngài muốn tiếp tục sáng kiến này đồng thời hy vọng đó là một khích lệ cho hành trình đức tin của mọi người.

ĐTC nói thêm rằng: ”Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô, tất cả chúng ta đều cảm thấy gắn bó sâu xa với lời nguyện của Chúa Cứu Thế trong Bữa Tiệc Ly, lời cầu xin của Chúa ”Ứơc gì tất cả chúng được nên một”. Chúng ta hãy xin Chúa Cha từ bi cho chúng ta được sống trọn vẹn niềm tin chúng ta đã nhận lãnh như hồng ân trong ngày chúng ta chịu phép rửa và có thể làm chứng trong tự do, vui tươi và can đảm. Đó sẽ là việc phục vụ tốt nhất của chúng ta cho chính nghĩa hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô, một việc phục vụ hy vọng cho một thế giới còn bị chia rẽ, đố kỵ và cạnh tranh. Hễ chúng ta càng trung thành với thánh ý Chúa, trong tư tưởng, lời nói, và hoạt động, thì chúng ta càng thực sự tiến tới hiệp nhất”.

ĐTC cho biết: ”Về phần tôi, tôi muốn đoan chắc rằng, theo vết các vị tiền nhiệm của tôi, tôi quyết tâm theo đuổi con đường đối thoại đại kết… và tôi cũng xin anh chị em chuyển lời chào thân ái và sự tưởng nhớ của tôi trong Chúa Giêsu Kitô tới các Giáo Hội và Cộng đồng Giáo Hội mà anh chị em đại diện”.

ĐTC chào thăm các đại diện của Do thái giáo và Hồi giáo cũng như các tôn giáo khác. Ngài nhấn mạnh đến mối liên hệ tinh thần giữa Giáo Hội Công Giáo và dân tộc Do thái. Và ngài nói thêm rằng: ”Giáo Hội Công Giáo ý thức về tầm quan trọng của việc thăng tiến tình bạn và sự tôn trọng giữa những người nam nữ thuộc các truyền thống khác nhau. Tôi xin lập lại, ”thăng tiến tình thân hữu và sự tôn trọng giữa những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau”.

Sau bài diễn văn, ĐTC đã lần lượt bắt tay chào hỏi mọi đại diện của các Giáo Hội Kitô và các tôn giáo bạn.
Trước khi gặp chung các phái đoàn thuộc các Đại biểu Anh em thuộc các Giáo Hội và cộng đoàn Giáo Hội Kitô, ĐTC đã tiếp riêng Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, kế đến là là Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ thuộc Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva.

Ngoài ra, ĐTC cũng tiếp bà Tổng thống Brazil, Dilma Rousseff. Cha Lombardi giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, trong cuộc gặp gỡ, bà đã lập lại lời mời ĐTC đến Brazil nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ vào tháng 7 năm tại tại Rio de Janeiro (SD 20-3-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Dây Pallium

Dây Pallium

Dây Pallium

Dây Pallium

Ngày lễ khai mạc sứ vụ mục tử Phêrô, còn gọi là lễ đăng quang, Đức tân giáo hoàng nhận choàng lên vai dây Pallium, và chiếc nhẫn ngư phủ được trao xỏ vào ngón tay.

Hai biểu tượng này diễn tả chức vị cùng quyền hành của Đức giáo hoàng Công giáo Roma.

Nhưng đâu là ý nghĩa dây Pallium?

1. Nguồn gốc lịch sử dây Pallium

Dây Pallium là biểu hiểu chức vị của Đức Giáo Hoàng Công giáo. Dây Pallium cũng được trao ban cho các vị Tổng giám mục đứng đầu các Tổng giáo phận Công giáo trên thế giới.

Dây Pallium cũng là chiếc dây Các Phép (Stola), mà linh mục mang đeo khi cử hành các Bí Tích. Dây Pallium ngày nay có hình thể như chữ Y, phía trên quấn thành hình tròn choàng qua hai bên vai, và phía dưới dài xuống trước ngực, chiều ngang rộng từ 5 đến 15 centimét. Trên dây Pallium có thêu các hình Thánh gía mầu đen. Riêng dây Pallium của Đức giáo hoàng thêu hình Thánh gía mầu đỏ.

Tới thế kỷ thứ 3. dây Pallium là một phần áo mão của các Nghị sĩ quan thượng viện Roma. Sau khi đạo Công giáo được chính thức công nhận là tôn giáo trong toàn thể đế quốc Roma năm 380, dây Pallium được trao cho các Giáo sĩ chức sắc cao cấp.

Bên Đông Phương dây Pallium thuộc về phẩm phục của các Đức Giám mục.

Từ thế kỷ thứ 7. Đức Giáo Hoàng bên Phương tây trao dây Pallium cho các vị Tổng giám mục.

Dây Pallium được Đức Giáo Hoàng cũng như các Vị Tổng giám mục mang đeo trên vai, không chỉ mang ý nghĩa là biểu tượng của chức vị cùng quyền bính. Nhưng còn hơn thế nữa. Dây Pallium có một ý nghĩa thâm sâu về đạo đức thần học, nhất là trách nhiệm là mục tử của người được mang đeo dây này.

2. Ý nghĩa đạo đức thần học

Biểu tượng đầu tiên là dây Pallium, được dệt bằng len thuần túy, sẽ được đặt lên đôi vai tôi. Dấu chỉ xa xưa này các Giám mục Rôma đã quàng từ thế kỷ IV có thể xem là hình ảnh gánh nặng của Đức Kitô mà vị Giám mục của thành này, Tôi Tớ của các Tôi Tớ Chúa, mang lên vai ngài. Ách của Thiên Chúa là thánh ý Chúa mà chúng ta nhận lấy. Và thánh ý này không đè nặng lên chúng ta, đè bẹp chúng ta và lấy đi tự do của chúng ta. Niềm vui của dân Do Thái, đặc ân lớn nhất của dân tộc này là biết điều gì Chúa muốn, là biết nơi đâu có thể tìm ra con đường dẫn đến sự sống. Đó cũng là niềm vui của chúng ta: Thánh ý Chúa không tha hóa ta, nhưng thanh tẩy chúng ta – cho dù điều này có thể là đau thương – và do đó dẫn ta quay về với chính mình. Như thế, chúng ta không phụng sự một mình Ngài nhưng còn phụng sự ơn cứu độ của toàn thế giới, của toàn bộ lịch sử.

Biểu tượng của dây Pallium còn cụ thể hơn nữa: len chiên nhằm tiêu biểu cho những con chiên lạc lối, yếu đau mà vị mục tử vác lên vai ngài và đem đến những nguồn nước sự sống. Đối với các Nghị Phụ của Giáo Hội, dụ ngôn con chiên đi lạc mà vị mục tử tìm kiếm trong sa mạc, là một hình ảnh của mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội. Nhân loại – mỗi một người trong chúng ta – là con chiên lạc trong sa mạc không còn biết lối về. Con Thiên Chúa sẽ không thể để điều này xảy ra; Ngài không thể bỏ mặc con người trong điều kiện thê thảm như vậy. Ngài nhảy trên đôi chân mình và từ bỏ vinh quang thiên quốc để tìm kiếm con chiên này và theo nó đến tận cùng của Thánh Giá. Ngài mang nó lên vai và gách vác nhân loại; Ngài gách vác tất cả chúng ta – Ngài là mục tử nhân lành đã thí mạng vì đàn chiên. Điều dây Pallium này chỉ ra đầu tiên và trên hết là tất cả chúng ta được gánh vác bởi Đức Kitô. Nhưng đồng thời nó cũng mời gọi chúng ta gánh vác lẫn nhau.

Do đó, dây Pallium trở thành một biểu tượng cho sứ vụ mục tử mà Bài Đọc thứ Hai và Bài Phúc Âm đề cập đến. Người mục tử phải được linh hứng bởi lòng nhiệt thành thánh thiện của Đức Kitô: với Ngài không thể có chuyện thờ ơ trước cảnh quá nhiều người đang sống trong sa mạc. Và có quá nhiều loại sa mạc. Có những sa mạc của nghèo đói, sa mạc của đói khát, sa mạc của bỏ rơi, của cô đơn, của tình yêu bị huỷ diệt. Có những sa mạc của đêm đen Thiên Chúa, sự trống rỗng của các linh hồn không còn nhận thức được phẩm giá và mục đích đời người. Những sa mạc bên ngoài thế giới đang lớn dần vì những sa mạc bên trong đã trở thành quá mênh mông.

Do đó, những kho tàng dưới thế không còn để kiến tạo vườn của Thiên Chúa cho tất cả mọi người sống chung nhưng chúng được dùng để phục vụ những quyền lực bóc lột và hủy diệt. Giáo Hội như một tổng thể và tất cả các Mục Tử, giống như Đức Kitô, cần phải tiến bước để dẫn dắt dân ra khỏi sa mạc, tiến về cung điện cuộc sống, tiến đến tình bạn với Con Thiên Chúa, tiến đến Đấng đã ban cho chúng ta sự sống, và sự sống dồi dào.

Biểu tượng của con chiên cũng có một ý nghĩa sâu xa hơn. Trong vùng Cận Đông Cổ, các vua chúa có thói quen xem mình là các mục tử của dân họ. Đây là một hình ảnh tiêu biểu cho quyền lực của họ, một hình ảnh coi thường người khác: với họ đối tượng của mình chỉ như bầy cừu mà mục tử có thể khử bỏ tùy thích. Khi mục tử của toàn thể nhân loại, Thiên Chúa hằng sống, chính Ngài trở nên con chiên, Ngài đứng bên những con chiên, đứng bên những ai bị áp bức và giết hại. Đây là cách thức Ngài tự mạc khải mình là vị mục tử chân chính: Đức Giêsu nói về chính Ngài: "Ta là Mục Tử Tốt Lành … Ta thí mạng sống mình vì đàn chiên" (Ga 10:14). Không phải là quyền lực nhưng chính là tình yêu cứu chuộc chúng ta! Đây là dấu chỉ của Thiên Chúa: chính Ngài là tình yêu.

Biết bao lần chúng ta mong Thiên Chúa tỏ mình ra mạnh mẽ hơn, muốn Ngài ra oai quyết liệt, đánh gục sự dữ và kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Tất cả các ý thức hệ về quyền lực biện minh cho chúng bằng đúng đường lối này, chúng biện minh cho sự hủy hoại bất cứ thứ gì chắn lối trên con đường của tiến bộ và giải phóng nhân loại. Chúng ta đau khổ vì sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta lại cần đến sự nhẫn nại của Ngài. Thiên Chúa, Đấng đã trở nên chiên con bảo với chúng ta rằng thế giới được cứu rỗi bởi Đấng Chịu Đóng Đinh, chứ không phải bởi những kẻ đóng đinh Ngài. Thế giới được cứu chuộc bởi sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Nó bị phá hủy bởi sự thiếu kiên nhẫn của con người.

Một trong những tính cách căn bản của một mục tử phải là yêu thương dân được trao phó cho mình như yêu mến Đức Kitô Đấng ngài phụng sự. Chúa Kitô nói với Thánh Phêrô: "Hãy chăm sóc các chiên ta", và giờ đây, trong giây phút này, Ngài cũng nói với tôi điều đó. Chăm sóc nghĩa là yêu thương, và yêu thương cũng có nghĩa là sẵn sàng chịu đau khổ. Yêu thương nghĩa là trao ban cho đàn chiên những gì là thực sự lương hảo, dưỡng chất chân lý Thiên Chúa, lời Chúa, dưỡng chất sự hiện diện của Ngài, được ban cho chúng ta qua các Bí Tích Hồng Phúc. Các bạn thân mến- trong giờ phút này, tôi chỉ có thể nói: hãy cầu nguyện cho tôi, để tôi có thể học biết yêu Chúa càng ngày càng nhiều hơn. Hãy cầu nguyện cho tôi để tôi có thể học biết yêu đàn chiên của Ngài càng ngày càng nhiều hơn – nói cách khác, các bạn, Giáo Hội thánh thiện, mỗi người trong các bạn và tất cả các bạn hợp lại. Xin cầu cho tôi, để tôi đừng trốn chạy vì sợ sói dữ. Hãy cầu nguyện cho nhau xin Thiên Chúa gánh vác chúng ta và chúng ta sẽ học biết cách gánh vác lẫn nhau.“ ( Đức Giáo hoàng Benedicto XVI., bài giảng lễ khai mạc sứ vụ mục tử Phero, Vatican 24.04.2005

3. Chiếc dây Pallium được làm phép thánh hiến

Dây Pallium được làm bện bằng lông của con chiên, và vào ngày lễ kính Thánh nữ Agnes, 21.01. hằng năm do Đức Giáo Hoàng làm phép thánh hiến.

Lông các con chiên được thu thập đưa về nhà Dòng Santa Cecilia kín bên Ý Trastevere bện dệt thành dây Pallium.

Chiều trước ngày lễ kính hai Thánh Tông đồ Phero và Phaolo, những chiếc dây Pallien được đưa đến bàn thờ trước mộ Thánh Phero nằm bên dưới bàn thờ chính của đền thờ Thánh Phero bên Vatican. Những dây Pallien mới này được giữ cẩn thận trong hộp ngay sát cạnh di tích Xương Thánh của Thánh Phero. Như thế dây Pallium được đụng chạm với di tích Xương Thánh của vị Tông Đồ cả của Chúa Giesu, Thánh Phêrô.

Dây Pallium được Đức Giáo Hoàng trao ban cho các Vị Tổng giám mục mới được bổ nhiệm đứng đầu các Tổng giáo phận vào ngày lễ kính hai Thánh Tông đồ Phero và Phaolô, 29.06. hằng năm ở đền thờ Thánh Phero bên Vatican, trong buổi lễ đại trào long trọng.

Việc trao dây Pallium từ tay Đức giáo hoàng cho các vị Tổng giám mục mới được bổ nhiệm gắn liền với lời tuyên thệ trung thành với Đức Gíao hoàng Roma đương nhiệm và những vị kế nhiệm ngài.

Các vị Tổng giám mục chỉ được mang đeo dây Pallium khi dâng thánh lễ trong Tổng giáo phận của ngài, và trong những Giáo phận thuộc về vùng tổng giáo phận của mình.

Chỉ một mình Đức Gíao Hoàng Roma được mang dây Pallium khắp nơi, chỗ nào ngài tới dâng thánh lễ.

Dây Pallium chỉ trao ban cá nhân cho vị Tổng giám mục. Nên vị đó không được trao truyền tiếp cho ai. Khi vị đó qua đời, dây Pallium cũng được quàng vào chôn theo vị đó.

Một vị Tổng giám mục đã được trao dây Pallium cho một tổng giáo phận, và rồi một thời gian sau lại được bổ nhiệm sang làm việc ở một Tổng giáo phận khác, vị đó lại cần dây Pallium mới.

Đức Giáo Hoàng được mang dây Pallium

Hôm 19 tháng  03-2013 Đức tân Giáo Hoàng Phanxicô đã được Đức Hồng Y đẳng Phó Tế Tauran, trao choàng dây Pallium có thêu 6 hình cây Thánh gía mầu đỏ trong lễ khai mạc sứ vụ mục tử Phêrô.

Tuy không trực tiếp như vị tiền nhiệm Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêdictô XVI. trong lễ khai mạc sứ vụ mục tử đã có suy tư nói về ý nghĩa dây Pallium. Nhưng Đức tân Giáo Hoàng Phanxicô trong bài giảng, đã nói lên khía cạnh gánh nặng trách nhiệm phục vụ canh giữ những gì Thiên Chúa đã tạo dựng ban cho con người:

”Nhưng ơn gọi của người canh giữ không phải chỉ liên hệ đến các tín hữu Kitô chúng ta mà thôi, nhưng còn có một chiều kích đi trước và nhân bản, liên hệ tới tất cả mọi người.

Đó là việc bảo tồn toàn thể thiên nhiên, vẻ đẹp của công trình tạo dựng, như được trình bày cho chúng ta trong Sách Sáng Thế và như thánh Phanxicô Assisi đã chỉ cho chúng ta; đó là tôn trọng đối với mỗi thụ tạo của Thiên Chúa và môi trường trong đó chúng ta sinh sống.

Đó là giữ gìn con người, chăm sóc tất cả mọi người, mỗi người, với tình yêu thương, đặc biệt là các trẻ em, người già, những người yếu đuối hơn và thường ở ngoài lề tâm hồn chúng ta.

Đó là chăm sóc lẫn nhau trong gia đình: vợ chồng gìn giữ nhau, và trong tư cách là cha mẹ, họ chăm sóc con cái, rồi với thời gian cả con cái cũng trở thành những người gìn giữ cha mẹ.

Đó là sống những tình bạn chân thành, là một sự gìn giữ nhau trong sự tín nhiệm, trong sự tôn trọng và trong thiện ích. Xét cho cùng, tất cả đều được ủy thác cho sự gìn giữ của con người, và đó là một trách nhiệm liên hệ tới tất cả chúng ta. Anh chị em hãy trở thành những người gìn giữ hồng ân của Thiên Chúa.

”Và khi con người thiếu sót trách nhiệm của mình, khi chúng ta không chăm sóc công trình tạo dựng và các anh chị em chúng ta, thì khi ấy xảy ra sự tàn phá và con tim trở nên chai đá. Rất tiếc là trong mỗi thời đại, đều có những ”vua Hêrôđê” đề ra những mưu đồ chết chóc, hủy hoại và bóp méo khuôn mặt của con người nam nữ. (Đức giáo hoàng Phanxicô, Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ mục tử, 19.03.2013)

Đức tân Gíáo Hoàng Phanxicô từ khi được bầu chọn là Giáo Hoàng đã và đang chiếm giữ được cảm tình lòng qúi mến của mọi người. Người ta nghe, nhìn thấy cùng cảm nhận n được lòng khiêm nhượng, sự chân thành đơn giản trong cung cách cũng như lời nói của ngài phát chiếu tỏa ra.

Nhiều người đã nói lên tâm tư tin là làn gió mới Đức Chúa Thánh Thần đang thổi vào trong Giáo Hội.

Đức Giáo Hoàng với dây Pallium

*********************

Làn gió mới Đức Chúa Thánh Thần thổi vào đời sống Giáo Hội là làn gió thiêng liêng đạo đức, làn gió mang đến sự tươi mát đem đến sức sống sự phấn khởi cho con người, mà các vị Giáo Hoàng cũ cũng như mới đều nhấn mạnh đến:

1. Đức nguyên Gíáo Hoàng Bênêđictô XVI. trong buổi triểu yết cuối cùng ngày 27.02.2013 đã cảnh gíac nguy cơ coi biến Gíao Hội tựa như một „Tổ hợp cho mục tiêu tôn giáo hay mục tiêu nhân bản lo việc phúc lợi“

Đức tân Gíáo Hoàng Phanxicô trong bài giảng đầu tiên ở nhà nguyện Sixtine với các Vị Hồng Y đã nói lên tâm tư quyết liệt chống lại hình ảnh một Giáo Hội như „Chúng ta có thể tiến bước theo ý muốn của mình, chúng ta có thể xây dựng rất nhiều điều, nhưng nếu chúng ta không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, thì có ích gì? Chúng ta sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ (NGO) đáng thương, chứ không phải là Giáo Hội, không phải là Hiền Thê của Chúa“ ( 14.03.2013.)

2. Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. khi từ gĩa lui về nghỉ hưu đã kêu gọi cùng xây dựng Giáo hội trong „ hòa hợp hài hòa“.

Đức tân Gíáo Hoàng Phanxicô cũng nhìn thấy mục tiêu của Giáo Hội „không phải đều giống như nhau, nhưng trong sự hòa hợp hài hòa.“

3. Đức nguyên Gíao hoàng Bênêđictô XVI. đã nói lên Giáo Hội cần phải đừng để bị tục hóa. Nhưng ưu tiên cho người nghèo.

Đức tân Giáo Hoàng Phanxicô luôn nhấn mạnh đến khía cạnh sống dấn thân cùng đồng hành với người nghèo.

Mỗi Vị Giáo Hoàng được Chúa gửi đến cho Giáo Hội vào mỗi thời điểm khác nhau, mà đời sống con thuyền Giáo Hội cần.

Như thế có thể nói được:

Đức cố Gíáo Hoàng Phaolo II., bây giờ là Á Thánh, đã giữ con thuyền đời sống Giáo Hội cho vững vàng trở lại trong cơn sóng gió bão táp.

Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. đã bắt đầu làm nhiệm vụ thanh tẩy rửa con thuyền Giáo Hội bị dơ bẩn, và lèo lái cho đi trở lại đúng đường, đúng hướng.

Và Đức tân Giáo Hoàng Phanxicô bây giờ làm nhiệm vụ cho dàn máy bên trong thuyền hoạt động nổ chạy, để con thuyền Giáo Hội có khả năng vượt đại dương.

Khí hậu mùa Xuân đang về với đất trời, với con người và với Gíao Hội Chúa ở trần gian.

 

Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Trích từ Đạo Binh Đức Mẹ

Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Thánh Cha Phanxicô, Giám Mục Roma

Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Thánh Cha Phanxicô, Giám Mục Roma

Pope Francis installation mass

Video Lễ Nhậm Chức của Đức Thánh Cha Francis ngày 19 tháng 3 2013 (dài 4 giờ)

VATICAN. 200 ngàn tín hữu cùng với đại diện chính quyền 132 quốc gia cũng như nhiều phái đoàn các Giáo Hội Kitô và liên tôn đã tham dự thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của ĐTC Phanxicô từ lúc 9.30 sáng ngày 19 tháng 3-2013 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Lúc 8 giờ 45, ĐTC Phanxicô đã đi trên chiếc xe díp màu trắng, mui trần, không có kiếng chắn đạn, tiến ra Quảng trường thánh Phêrô. Ngài tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, reo vui, vẫy cờ quốc gia của họ. Có một lúc ĐTC truyền dừng xe lại, ngài xuống xe ôm hôn một người khuyết tật, và những lúc khác, ngài ôm hôn các em bé do các nhân viên an ninh bế lên ngài.

Trước thánh lễ, lúc 9 giờ 20 phút, ĐTC đã xuống hầm dưới bàn thờ chính của Đền Thờ Thánh Phêrô và đến trước mộ của Thánh Tông Đồ trưởng. Tại đây, cùng với 10 thủ lãnh các Giáo hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương, trong đó có 4 vị Thượng Phụ Giáo Chủ, 4 vị Tổng Giám Mục trưởng, trong số này 4 vị là Hồng Y, ngài cầu nguyện và xông hương trên mộ Thánh Nhân. Từ mộ thánh Phêrô, hai thầy Phó tế đã lấy hai chiếc đĩa: một đựng dây Pallium và một đựng nhẫn Ngư Phủ của ĐTC, để tháp tùng ngài trong đoàn rước tiến ra lễ đài trên thềm đền thờ thánh Phêrô.

Thành phần tham dự

Đi trước ĐTC trong đoàn rước là 180 vị đồng tế, hầu hết là các Hồng Y, trong phẩm phục màu trắng vàng, trong khi ca đoàn Sistina của Tòa Thánh hát kinh cầu các Thánh xin các vị phù giúp Đức tân Giáo Hoàng.

Trong đoàn đồng tế, đặc biệt cũng có 2 LM đó là Cha José Rodriguez Carballo người Mêhicô, và Cha Aldolfo Nicolás Pachón, người Tây Ban Nha, Bề trên Tổng quyền dòng Tên. Hai vị được mời đồng tế trong tư cách là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam.

Việc giúp lễ do 15 tu sĩ Phanxicô thuộc Đền thánh La Verna ở miền trung Italia, nơi thánh Phanxicô Assisi nhận 5 dấu thánh, đảm trách với sự phụ giúp của 4 thầy thuộc dòng Phanxicô Viện Tu ở Roma. Phần thánh ca trong buổi lễ do Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh gồm 65 ca viên do Nhạc trưởng là Đức ông Massimo Palombella điều khiển, cộng thêm với Ca đoàn tổng hợp gồm 80 ca viên.

Bên trái bàn thờ là 200 GM và 33 phái đoàn của các Giáo Hội Kitô anh em, đứng đầu là Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople bên Thổ Nhĩ Kỳ, và cũng được coi là vị thủ lãnh danh dự chung của toàn Chính Thống giáo. Các vị lãnh đạo các Giáo Hội Tin Lành, Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, và cả thầy Alois Loeser, tu viện trưởng tu viện Đại kết Taizé bên Pháp.

Cũng ở bên trái nhưng xuống phía trước bàn thờ là phái đoàn của các tôn giáo bạn, từ Do thái giáo, Phật giáo, Hồi giáo, đạo Sikh, Jaina và Ấn Giáo. Sau đó là 1.200 LM và chủng sinh.

Bên hông phải bàn thờ là chỗ dành cho 132 phái đoàn chính thức của các nước, đứng đầu là Tổng thống Cộng hòa Italia, ông Giorgio Napolitano, Bà Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner của Argentina, 6 vị vua, 32 vị Tổng thống, 3 thái tử, phần còn lại là các thủ tướng chính phủ, phu nhân Tổng thống, hoặc Phó tổng thống, trong đó có Ông Joseph Biden của Hoa Kỳ.

Chính quyền thành Roma đã bố trí một số màn hình khổng lồ tại khu vực quảng trường Thánh Phêrô và đường Hòa Giải để dân chúng có thể tham dự thánh lễ.

ĐTC tiến ra lễ đài trước sự vỗ tay vang dội của mọi người. Nhiều lá cờ quốc gia cũng được các tín hữu phất lên, dưới bầu trời đẹp.

Nghi thức nhận Pallium và nhẫn Ngư Ph

Nghi thức khai mạc sứ vụ Phêrô, theo qui định của ĐTC Biển Đức 16, nay được cử hành liền trước thánh lễ, vì không phải là bí tích. Nghi thức này gồm phần trao dây Pallium Giáo Hoàng và trao nhẫn Ngư Phủ.

Dây Pallium được trao cho ĐTC là dây làm bằng lông chiên màu trắng, có 6 hình Thánh Giá màu đỏ, khi được đeo vào cổ, có một phần dài ở phía trước ngực và một phần dài ở sau lưng. Đây là biểu hiệu cổ kính nhất của Giám Mục. Simeon thành Tessalonica viết: ”Dây Pallium chỉ Chúa Cứu Thế khi gặp chúng ta như chiên lạc đàn, Ngài vác lên vai, và khi nhận lấy nhân tính con người trong cuộc nhập thể, Ngài thần hóa nhân tính ấy bằng cái chết của Ngài trên Thánh Giá, Ngài dâng chúng ta cho Chúa Cha, và qua cuộc phục sinh, Ngài nâng chúng ta lên cao”.
Vì thế dây Pallium nhắc nhớ vị Mục Tử nhân lành (cf Ga 10,11), vác trên vai con chiên lạc (cf Lc 15,4-7), và 3 câu trả lời yêu mến đáp lại 3 câu Chúa Giêsu Phục Sinh hỏi thánh Phêrô, và Chúa dạy thánh nhân hãy chăn các con chiên con và chiên mẹ của Ngài (cf Ga 21,15-17).

3 vị Hồng Y là Angelo Sodano, niên trưởng HY đoàn, trưởng đẳng GM, ĐHY Godfried Danneels, nguyên TGM Bruxelles bên Bỉ, trưởng đẳng HY Linh Mục, và ĐHY Jean Louis Tauran, người Pháp, trưởng đẳng HY Phó tế lần lượt tiến lên trước mặt ĐTC. ĐHY Tauran cầu xin Thiên Chúa của hòa bình ban cho ĐGH dây Pallium đã lấy từ bàn thờ tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô Tông Đồ, là Đấng mà Mục Tử nhân lành đã truyền chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Ngài, và ngày hôm nay ĐTC kế vị thánh nhân. Xin Thánh Thần Chân Lý ban ơn soi sáng và phân định cho sứ vụ của ĐTC củng cố các anh em trong đức tin duy nhất.

Rồi ĐHY trưởng đẳng Phó tế tiến lên đeo dây Pallium vào cổ Đức tân Giáo Hoàng, tiếp đến ĐHY trưởng đẳng LM Danneels kết thúc với lời nguyện: ”xin Thiên Chúa chúc lành và củng cố ơn Thánh Linh để sứ vụ của Đức tân Giáo Hoàng tương ứng với sự cao cả của đoàn sủng mà Chúa đã ban cho Người.”

Sau đó là nghi thức trao nhẫn Ngư Phủ. Ngay từ ngàn năm thứ I, nhẫn là biểu hiệu riêng của Giám Mục. Chiếc nhẫn Ngư Phủ được trao cho ĐTC Phanxiô bằng bạc có hình thánh Phêrô đang cầm chìa khóa, có nghĩa đó là nhẫn chứng thực thực đức tin và nói lên nghĩa vụ được ủy thác cho thánh Phêrô là củng cố các anh em mình (cf Luca 22,32). Nhẫn này được gọi là Nhẫn Ngư Phủ vì thánh Phêrô là Tông Đồ Ngư Phủ (cf Mathêu 4,18-19). Sau khi tin vào lời Chúa Giêsu (cf Luca 5,5), thánh nhân đã thả lưới và kéo vào bờ mẻ cá lạ lùng (cf Gioan 21,3-14).

ĐHY Angelo Sodano, trưởng đẳng GM, nói: ”Kính thưa Đức Thánh Cha, chính Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, là Mục tử và là Giám mục của các linh hồn chúng ta, Đấng đã xây dựng Giáo Hội trên đá tảng, ban cho ĐTC Nhẫn này, ấn tín của Thánh Phêrô Ngư Phủ, Người đã sống niềm hy vọng trên biển Tiberiade và Chúa đã trao cho Người chìa khóa nước trời. Ngày hôm nay, ĐTC kế vị Thánh Phêrô trong Giám mục đoàn của Giáo Hội này, làm đầu trong tình hiệp thông hiệp nhất theo giáo huấn của Thánh Phaolô Tông Đồ. Xin Thánh Thần tình yêu được phú vào tâm hồn chúng ta làm cho ĐTC được tràn đầy sức mạnh và sự dịu dàng để giữ gìn các tín hữu Chúa Kitô, qua sứ vụ của ĐTC, trong sự hiệp thông duy nhất”.

Rồi ĐHY Sodano trao Nhẫn Ngư Phủ cho ĐTC, giữa tiếng vỗ tay vang dội của cộng đoàn.

Tiếp đến là nghi thức tuân phục. Hồi ĐGH Biển Đức 16 khai mạc sứ vụ, ngoài các Hồng y còn có các đại diện LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân, tổng cộng là 12 người, nhưng lần này chỉ có 6 HY đại diện, mỗi đẳng GM, LM và Phó tế 2 vị. Hai vị đứng đầu là ĐHY Giovanni Battista Re và ĐHY Bertone.

Trong nghi thức này không có đại diện LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân vì họ sẽ cử hành nghi thức tuân phục trong buổi lễ ĐTC Phanxicô sẽ cử hành trong mùa Phục Sinh khi đến nhận Nhà thờ chính tòa giáo phận Roma của ngài là Đền thờ thánh Gioan Laterano.

Thánh lễ kính Thánh Giuse với kinh nguyện và các bài đọc đi kèm bắt đầu sau nghi thức nhận Pallium và nhẫn Ngư Phủ của ĐTC.

Bài Tin Mừng được hát bằng tiếng Hy Lạp kể lại sự tích thánh Giuse sau khi thấy Đức Maria có thai, thì toan tính âm thầm bỏ rơi Người, nhưng đã được Sứ thần Chúa hiện ra trong giấc mộng và dạy hãy đón nhận Đức Maria về nhà mình.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng tiếp đó bằng tiếng Ý, ĐTC nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi cảm tạ Chúa vì được cử hành Thánh Lễ này, khai mạc sứ vụ Phêrô trong ngày lễ trọng kính Thánh Giuse, Hôn Phu của Đức Trinh Nữ Maria, và là Bổn Mạng của Giáo Hội: đây là một dịp trùng hợp đầy ý nghĩa và cũng là lễ bổn mạng của Vị Tiền Nhiệm Đáng Kính của tôi: chúng ta gần gũi ngài trong kinh nguyện, đầy lòng quí mến và biết ơn (vỗ tay).

Tôi thân ái chào các anh em Hồng y và Giám Mục, các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em giáo dân. Tôi cám ơn các đại diện của các Giáo Hội và Cộng đoàn Giáo Hội khác hiện diện nơi đây cũng như các đại diện của cộng đồng Do thái và các cộng đồng tôn giáo khác. Tôi gửi lời chào nồng nhiệt đến các vị Quốc trưởng và Thủ tướng chính phủ, các phái đoàn chính thức của bao nhiêu nước trên thế giới và ngoại giao đoàn.

Chúng ta đã nghe trong Tin Mừng rằng ”Giuse làm như Thiên Thần Chúa đã truyền và đón nhận hiền thê của mình” (Mt 1,24). Trong những lời này có gồm tóm sứ mạng mà Thiên Chúa ủy thác cho Giuse, sứ mạng làm người canh giữ. Nhưng canh giữ ai? Thưa là canh giữ Mẹ Maria và Chúa Giêsu, nhưng đó là một sự canh giữ được nới rộng cho toàn thể Giáo Hội, như Chân phước Gioan Phaolô 2 đã nhấn mạnh: ”Thánh Giuse, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Đức Giêsu Kitô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Đức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu” (Tông Huấn Redemptoris Custos, 1).

Thánh Giuse thi hành công việc canh giữ ấy như thế nào? Thưa một cách kín đáo, khiêm tốn, trong thinh lặng, nhưng với một sự hiện diện liên lỷ và trung tín hoàn toàn, cả khi Ngài không hiểu. Từ khi kết hôn với Mẹ Maria cho đến biến cố Chúa Giêsu 12 tuổi tại Đền thờ Jerusalem, Ngài ân cần yêu thương đồng hành trong mọi lúc. Ngài ở cạnh Maria Hiền thê của Ngài trong những lúc thanh thản cũng như trong những lúc khó khăn của cuộc sống, trong hành trình đi Bêlem để kiểm tra dân số, và trong những giờ hồi hộp và vui mừng của cuộc sinh hạ; trong lúc bi thảm tị nạn sang Ai Cập và trong cuộc vất vả tìm con tại Đền Thờ; và rồi trong cuộc sống hằng ngày tại nhà Nazareth, trong phòng làm việc nơi thánh nhân đã dạy nghề cho Chúa Giêsu.

Thánh Giuse đã sống ơn gọi gìn giữ Mẹ Maria, Chúa Giêsu và Giáo Hội như thế nào? Thưa trong sự luôn quan tâm để ý tới Thiên Chúa, cởi mở đối với những dấu hiệu của Chúa, sẵn sàng đối với dự phóng của Chúa, không phải tới điều riêng của mình, nhưng điều mà Thiên Chúa yêu cầu Vua Davít, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ I; Thiên Chúa không mong ước một nhà do con người làm ra, nhưng Chúa muốn lòng trung thành với Lời Ngài, với kế hoạch của Ngài; và chính Thiên Chúa xây dựng căn nhà, nhưng bằng những viên đá sống động nhờ Thánh Thần của Ngài. Và thánh Giuse là người ”canh giữ”, vì Ngài biết lắng nghe Thiên Chúa, để cho thánh ý Chúa hướng dẫn, và chính vì thế thánh nhân càng nhạy cảm hơn đối với những người được ủy thác cho Ngài, biết đọc các biến cố một cách thực tế, chú ý đến những gì ở chung quanh và biết đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn. Các bạn thân mến, chúng ta thấy thánh Giuse đáp ứng ơn gọi của Chúa như thế nào, với thái độ sẵn sàng, mau mắn, nhưng chúng ta cũng thấy đâu là trung tâm điểm ơn gọi Kitô, là chính Chúa Kitô! Chúng ta hãy gìn giữ Chúa Kitô trong đời sống chúng ta, để giữ gìn những người khác, để giữ gìn thiên nhiên, công trình sáng tạo.

”Nhưng ơn gọi của người canh giữ không phải chỉ liên hệ đến các tín hữu Kitô chúng ta mà thôi, nhưng còn có một chiều kích đi trước và nhân bản, liên hệ tới tất cả mọi người. Đó là việc bảo tồn toàn thể thiên nhiên, vẻ đẹp của công trình tạo dựng, như được trình bày cho chúng ta trong Sách Sáng Thế và như thánh Phanxicô Assisi đã chỉ cho chúng ta; đó là tôn trọng đối với mỗi thụ tạo của Thiên Chúa và môi trường trong đó chúng ta sinh sống. Đó là giữ gìn con người, chăm sóc tất cả mọi người, mỗi người, với tình yêu thương, đặc biệt là các trẻ em, người già, những người yếu đuối hơn và thường ở ngoài lề tâm hồn chúng ta. Đó là chăm sóc lẫn nhau trong gia đình: vợ chồng gìn giữ nhau, và trong tư cách là cha mẹ, họ chăm sóc con cái, rồi với thời gian cả con cái cũng trở thành những người gìn giữ cha mẹ. Đó là sống những tình bạn chân thành, là một sự gìn giữ nhau trong sự tín nhiệm, trong sự tôn trọng và trong thiện ích. Xét cho cùng, tất cả đều được ủy thác cho sự gìn giữ của con người, và đó là một trách nhiệm liên hệ tới tất cả chúng ta. Anh chị em hãy trở thành những người gìn giữ hồng ân của Thiên Chúa.

”Và khi con người thiếu sót trách nhiệm của mình, khi chúng ta không chăm sóc công trình tạo dựng và các anh chị em chúng ta, thì khi ấy xảy ra sự tàn phá và con tim trở nên chai đá. Rất tiếc là trong mỗi thời đại, đều có những ”vua Hêrôđê” đề ra những mưu đồ chết chóc, hủy hoại và bóp méo khuôn mặt của con người nam nữ.
Tôi muốn xin tất cả những người đang nắm giữ các vai trò trách nhiệm trong lãnh vực kinh tế, chính trị hoặc xã hội, tất cả những người thiện chí: ”Chúng ta hãy trở thành những người gìn giữ công trình tạo dựng, gìn giữ kế hoạch của Thiên Chúa được ghi khắc trong thiên nhiên, giữ gìn tha nhân, môi sinh; chúng ta đừng để cho những dấu hiệu tàn phá và chết chóc tháp tùng hành trình của thế giới chúng ta! Nhưng để ”gìn giữ” thì chúng ta cũng phải chăm sóc chính mình! Chúng ta hãy nhớ rằng oán ghét, ghen tương, kiêu ngạo làm cho cuộc sống bị nhơ bẩn! Gìn giữ có nghĩa là canh chừng những tâm tình chúng ta, con tim chúng ta, vì chính từ đó nảy sinh những ý hướng tốt hay xấu: những ý hướng xây dựng và những ý hướng hủy hoại! Chúng ta không được sợ sự tốt lành, và cũng đừng sợ sự dịu dàng!

”Và ở đây, tôi muốn ghi nhận thêm điều này: chăm sóc, giữ gìn, đòi phải có sự tốt lành, đòi phải được sống với sự dịu dàng. Trong các sách Phúc Âm, thánh Giuse xuất hiện như một người mạnh mẽ, can đảm, chuyên cần làm việc, nhưng trong tâm hồn Ngài trổi vượt một sự rất dịu dàng, đây không phải là đức tính của kẻ yếu, trái lại, nó chứng tỏ một tâm hồn mạnh mẽ và có khả năng chú ý, cảm thương, thực sự cởi mở đối với tha nhân, yêu thương. Chúng ta không được sợ sự tốt lành và dịu dàng!

”Ngày nay, cùng với lễ Thánh Giuse, chúng ta cử hành khởi đầu sứ vụ của tân GM Roma, người Kế Vị Thánh Phêrô, cũng bao gồm một quyền bính. Dĩ nhiên Chúa Giêsu Kitô đã ban quyền cho thánh Phêrô, nhưng đó là quyền bính gì thế? Sau ba câu Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô về tình yêu, có 3 lời mời gọi: hãy chăn các chiên con, hãy chăn giắt các chiên mẹ của Thầy. Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực là phục vụ và cả Giáo Hoàng, để thi hành quyền bính này, ngày càng phải tiến sâu hơn vào việc phục vụ ấy, việc phục vụ có tột đỉnh sáng ngời trên Thập Giá; Giáo Hoàng phải nhìn đến sự phục vụ khiêm tốn, cụ thể, đầy đức tin, của thánh Giuse và như thánh nhân, mở rộng vòng tay để giữ gìn toàn thể Dân Chúa và yêu thương, dịu dàng, đón nhận toàn thể nhân loại, nhất là những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, những người nhỏ bé nhất, những người mà thánh Mathêu mô tả trong cuộc phán xét chung về đức bác ái: những người đói, khát, ngoại kiều, người trần trụi, bệnh nhân, tù nhân (Xc Mt 25,31-46). Chỉ những ai phục vụ với lòng yêu mến mới biết giữ gìn!

Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô nói về Abraham, người ”đã tin, kiêm vững trong niềm hy vọng bất chấp mọi nghịch cảnh” (Rm 4.18). Kiên vững trong niềm hy vọng, bất chấp mọi nghịch cảnh! Cả ngày nay, đứng trước bao nhiêu chân trời đen xám, chúng ta cần thấy ánh sáng hy vọng và chính chúng ta trao ban hy vọng. Giữ gìn công trình tạo dựng, mỗi người nam nữ, với cái nhìn dịu dàng và yêu thương, đó chính là mở rộng chân trời hy vọng, là mở ra một luồng sáng giữa bao nhiêu mây mù, là mang sức nóng hy vọng! Và đối với tín hữu, đối với các tín hữu Kitô chúng ta, như Abraham, như thánh Giuse, niềm hy vọng mà chúng ta mang có chân trời của Thiên Chúa được mở rộng cho chúng ta trong Chúa Kitô, được xây dựng trên đá tảng là Thiên Chúa.

”Giữ gìn Chúa Giêsu với Mẹ Maria, giữ gìn toàn thể công trình sáng tạo, giữ gìn mỗi người, đặc biệt là người nghèo nhất, giữ gìn chính chúng ta; đó là một công tác phục vụ mà Giám Mục Roma được kêu gọi chu toàn, nhưng đó cũng là ơn gọi mà tất cả chúng ta được mời gọi làm cho ngôi sao hy vọng được chiếu sáng rạng ngời: Chúng ta hãy gìn giữ với lòng yêu mến điều Thiên Chúa đã ban cho chúng ta!

”Tôi cầu khẩn sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, của Thánh Giuse, của thánh Phêrô và Phaolô, thánh Phanxicô, xin Chúa Thánh Linh tháp tùng sứ vụ của tôi, và tôi nói với tất cả anh chị em rằng: xin cầu nguyện cho tôi! Amen

Các ý nguyện

Bài giảng của ĐTC bị ngắt quãng nhiều lần vì những tiếng vỗ tay của các tín hữu, lần đầu khi ngài chúc mừng lễ Bổn mạng của Vị Tiền nhiệm và mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Người.

Trong phần lời nguyện phổ quát, đã có 5 ý nguyện được xướng lên là tiếng Nga, Pháp, Arap, Swahili bên Phi châu và tiếng Hoa, lần lượt cầu cho Giáo Hội: Xin Thiên Chúa toàn năng nâng đỡ mọi người, các mục tử và tín hữu, sống tuân phục vô điều kiện đối với Tin Mừng; xin Chúa gìn giữ ĐGH Phanxicô trong việc thi hành sứ vụ của Người Kế Nhiệm Thánh Phêrô và Chủ Chăn của toàn thể Giáo hội; cầu cho các người cầm quyền: xin Chúa soi sáng tâm trí và hướng dẫn họ trong việc xây dựng nền văn minh tình thương; cầu cho những người nghèo khổ trên trái đất: xin Chúa bồi dưỡng, an ủi và ban cho họ niềm hy vọng nhờ lòng bác ái của các tín hữu Kitô; sau cùng là cầu cho gia đình của Thiên Chúa đang tụ họp trong thánh lễ: xin Chúa biến đổi cuộc sống của tất cả các tín hữu nên giống Chúa Giêsu.

Để rút ngắn thời gian buổi lễ, không có phần tiến dâng lễ vật, và ĐTC cũng không đích thân cho rước lễ, nhưng một thầy Phó tế đã làm thay. Trong khi đó có 500 LM mang Mình Thánh Chúa phân phát cho các tín hữu tại khu vực hành lễ. Sau thánh lễ, ở bên trong Đền thờ Thánh Thánh Phêrô, ĐTC đã chào thăm các vị thủ lãnh của 132 phái đoàn chính thức do chính phủ các nước gửi đến dự lễ. Bắt đầu là bà tổng thống Cristina Kirchner của Argentina và tổng thống Giorgio Napolitano của Italia.

Lễ khai mạc sứ vụ của ĐTC kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ và được nhiều tín hữu trên thế giới theo dõi qua truyền hình.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tiểu Sử Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Tiểu Sử Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Hôm nay, trong ngày lễ Kính thánh Giuse, ngày 19 tháng 03 năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ để khai mạc triều đại Giáo hoàng của mình. Nhận dịp này, chúng tôi xin gửi đến quý vị tiểu sử của vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công Giáo. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ tân thế giới, và cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng tên.
Thiếu thời
Đức Giáo Hoàng Phanxicô tên thật là Jorge Mario Bergoglio sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936, tại Buenos Aires, nước Argentina, trong một gia đình di dân người Ý có năm người con. Cha của ngài, một công nhân đường sắt, là Maria Jose Bergoglio, mẹ ngài là Regina Maria Sivori, một người nội trợ. Từ năm 20 tuổi, sau cuộc giải phẫu vì bị nhiễm trùng đường hô hấp, ngài chỉ còn một lá phổi. Tuy đã nhận bằng thạc sĩ hóa học, ngài đã quyết định không gắn bó với chuyên môn này mà muốn trở thành một linh mục.
Linh Mục Dòng tên
Sau khi học tại chủng viện Villa Devoto, ngài vào nhà tập Dòng Tên ở Cordoba ngày 11 tháng Ba năm 1958 và khấn lần đầu trong Dòng hai năm sau – ngày 12 tháng Ba năm 1960. Sau đó, thầy Bergoglio học nhân văn và triết học, và đã hoàn thành chương trình cử nhân triết học tại Đại Học Maximo San José ở San Miguel năm 1963. Theo chương trình huấn luyện của Dòng, sau thời gian học triết, thầy Bergoglio đã làm hai năm thực tập tông đồ tại hai trường Inmaculada ở Santa Fe và Salvador ở Buenos Aires. Tại đây, thầy giảng dạy văn học và tâm lý học. Sau thời gian thực tập tông đồ, thầy đã học Thần học tại chủng viện San Miguel, từ năm 1967 đến năm 1970. Hoàn tất chương trình thần học, thầy Bergoglio được Đức Tổng Giám Mục José Ramón Castellano phong chức linh mục vào ngày 13 tháng 12 năm 1969.
Sau khi chịu chức, cũng theo chương trình huấn luyện của Dòng, cha Bergoglio đã làm nhà Tập năm ba tại Tây Ban Nha từ năm 1970 đến 1971 trước khi khấn trọng ngày 22 tháng 4 năm 1973. Sau khi hoàn thành chương trình nhà tập năm ba, từ năm 1971 đến 1973, cha Bergoglio đã được đặt làm Giám tập, trong thời gian này, cha cũng là giáo sư thần học tại học viện Maximo. Năm 1972 ngài cũng được đặt làm cố vấn của tỉnh Dòng tên Argentina. Với danh tiếng về tài lãnh đạo của mình, linh mục trẻ Bergoglio được Cha Bề Trên Cả Dòng tên đặt làm giám tỉnh khi mới 36 tuổi. Ngài giữ chức vụ này trong vòng 6 năm, từ năm 1973 đến năm 1979.
Sau đó, vào năm 1980, cha Bergoglio đã trở thành Viện trưởng của chủng viện San Miguel, nơi cha đã được đào tạo. Cha Bergoglio phục vụ trong cương vị đó cho đến năm 1986 trước khi sang Đức tiếp tục chương trình thần học của mình. Sau đó, cha Bergoglio đã trở về quê hương của mình để phục vụ như là cha giải tội và linh hướng tại Córdoba.
Giám Mục và Hồng Y
Sau thời gian hoạt động tích cực trong vai trò linh mục cũng như giáo sư thần học, vào ngày 27 tháng 6 năm
1992, cha Bergoglio được bổ nhiệm làm tổng giám mục phó giáo phận Buenos Aires với quyền kế vị, hiệu tòa Auca.
Vào ngày 28 tháng 2 năm 1998, ngài thay Đức Hồng Y Quarracino vào ngày 28 tháng 2 năm 1998 trong chức vụ Tổng Giám Mục Buenos Aires. Trong cương vị tổng giám mục, ngài còn làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Argentina hai nhiệm kỳ từ ngày 08 tháng 11 năm 2005 đến ngày 08 tháng 11 năm 2011. Ngoài ra ngài còn là thành viên của Liên Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh và đồng thời cũng là Đấng Bản Quyền cho người Công Giáo Đông Phương ở Argentina. Trong Thượng HĐGM thế giới kỳ 10 hồi tháng 10 năm 2001, ngài được bổ nhiệm làm Tổng tường trình viên.
Trong một công nghị diễn ra ngày 21 tháng 02 năm 2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y cho ngài với Hiệu Tòa là nhà thờ Robert Bellarmino. Trong cương vị Hồng Y, ngài cũng được bổ nhiệm vào một số vị trí trong Giáo Triều Rôma như Thánh Bộ Giáo sĩ, Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Thánh Bộ Đời Sống Tận Hiến và các Tu Hội Tông Đồ. Ngài cũng là một thành viên của Ủy ban châu Mỹ La tinh và Hội đồng gia đình.
Đức Hồng Y Bergoglio nổi tiếng về sự khiêm tốn, mạnh mẽ bảo vệ các học thuyết Giáo Hội và dấn thân cho công bằng xã hội.
Khi làm TGM giáo phận Buenos Aires, ngài nổi tiếng là người gần gũi với dân chúng. Người ta vẫn thường thấy hình ảnh một vị Giám mục đi lại bằng xe bus giữa những con chiên của mình. Ngài thường viếng thăm người nghèo khổ và đặc biệt là những người bệnh tật. Dù là Hồng y, Ngài sống trong một căn nhà nhỏ, chứ không phải tại nơi cư trú nguy nga của giám mục, và tự nấu ăn. Đối với nhiều người dân Buenos Aires, ngài thường được gọi bằng danh hiệu đơn sơ là “Cha Jorge”. Trong tư cách là Tổng Giám Mục, ngài đã nhắn nhủ với các giám mục rằng: “Đức Giê-su dạy chúng ta một cách khác: hãy ra đi và làm chứng, hãy ra đi và gần gũi với anh chị em của chúng ta, hãy ra đi và chia sẻ… Hãy trở thành lời trong thân thể cũng như trong tinh thần”. Không chỉ khuyên nhủ bằng lời, chính ngài đã hành động và đã nêu gương cho các anh em linh mục của ngài. Thật vậy, sau khi nhận mũ áo hồng y, vào thứ năm Tuần thánh 2001, ĐHY Jorge Mario Bergoglio đã hôn và rửa chân cho 12 người bị nhiễm HIV.
Trong tư cách là mục tử, ngài mạnh mẽ bảo vệ các học thuyết của Giáo hội đặc biệt là các vấn đề luân lý và bảo vệ sự sống. Ngài đã nhiều lần công khai lên án nạn hôn nhân đồng tính, tình trạng phá thai và ngừa thai nhân tạo. Hồi năm 2010, khi Argentina trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên ban hành luật công nhận hôn nhân đồng phái, ĐHY khuyến khích các linh mục toàn quốc kêu gọi các tín hữu Công Giáo chống lại luật này vì nó làm thương tổn ý nghĩa đời sống gia đình cách trầm trọng. Trước đó năm 2006, ngài cũng phê bình dự luật cho phá thai.
Khi còn là một linh mục, Đức Hồng y nổi tiếng với tài lãnh đạo. Khi làm Giám Mục và Hồng Y, ngài đã thiết lập các giáo xứ mới, chỉnh đốn các văn phòng hành chánh, hướng dẫn các sáng kiến bảo vệ sự sống và bắt đầu các chương trình mục vụ mới, như thành lập một Ủy ban về những người ly dị.
Đức Hồng Y Bergoglio cũng rất quan tâm đến việc đối thoại giữa các tôn giáo. Khi còn là tổng giám mục, ngài quan tâm đến vấn đề đối thoại với Do thái giáo. Ngài và giáo sĩ Do thái giáo Abraham Skorka là đồng tác giả Sobre el cielo y la tierra (Về trời và đất).

Giáo Hoàng Phanxicô
Sau cái chết của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Bergoglio, đã được nhiều người coi là một ứng viên sáng giá cho ngôi Giáo Hoàng vào năm 2005. Ngài là Hồng Y nhiếp chính điều hành cùng với Hồng Y Đoàn điều hành Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo Roma trong thời gian trống tòa năm 2005. Đức Hồng Y Bergoglio được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, trong ngày thứ hai của Mật nghị năm 2013. Ngài là vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công Giáo. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đến từ tân thế giới, đầu tiên xuất thân từ dòng Tên, và là vị Giáo Hoàng đầu tiên lấy danh hiệu là Phanxicô.

Nguyễn Minh Triệu sj- Vatican Radio

THÁNH GIUSE – ĐƯỜNG NÊN THÁNH

 THÁNH GIUSE  – ĐƯỜNG NÊN THÁNH

Saint Joseph 2

Trong các loài hoa, có  một loài không những thân luôn mọc về phía ánh sáng mà hoa còn luôn quay về phía mặt trời. Đó là Hoa hướng dương.Hoa hướng dương luôn hướng về  phía mặt trời với cánh hoa mở rộng đón nhận  ánh sáng và sức sống để toả hương khoe sắc.

Thánh Giuse như hoa hướng dương luôn hướng về Thánh Ý Thiên Chúa.Ngài hằng hướng mắt, hướng lòng về Thiên Chúa để nhận ra và  làm tròn Thiên Ý.Thánh Giuse được sách Tin mừng gọi là “người công chính”. Theo Kinh thánh, “Người công chính sống bởi đức tin” (Hab 2,4; Rm 1,17; Gal 3,11). Sống đức tin là sống công chính, là hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa như tổ phụ Abraham. Người công chính, nói đơn giản là người tốt, ngay thẳng, trung tín, có trách nhiệm. Là tôi tớ trung thành của Thiên Chúa, luôn thực thi trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa. Là con người luôn biết kính trọng và yêu thương tha nhân.

Thánh Giuse tuyệt đối tin tưởng vào lời Thiên Chúa. Ngài đã luôn sống trong thái độ hoàn toàn phó thác cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Trong bất cứ hoàn cảnh nào,hễ biết là Ý Chúa, Thánh Giuse vui lòng lãnh nhận và mau mắn thi hành.
 
-Thấy Maria có thai,Giuse phải đau khổ lắm.Người Hôn thê đạo hạnh mà Ngài rất mực yêu thương lại mang thai trước khi về nhà  chồng. Bối rối và khó xử nhưng Ngài vẫn tiếp tục tin tưởng Maria trong sạch vẹn tuyền. Không một lời phàn nàn, ca thán, trách móc, Giuse không hề hạch sách hay tra hỏi Maria một lời nào, Ngài âm thầm ôm lấy nổi đau riêng mình với một quyết định : “Đào vi thượng sách”. Giuse không còn chọn lựa nào khác “ vì là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” ( Mt 1,19).Thế nhưng, Thiên Thần đã hiện ra với Giuse trong giấc mộng giải thích cho Ngài biết “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20);rồi Thiên Thần khuyên Giuse “Chớ sợ rước Maria về nhà mình”(Mt1,20). Nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa “ Giuse đã làm như lời Thiên Thần Chúa truyền và ông đã rước bà về”(Mt 1,24).

– Cuộc sống đang bình yên tại Bêlem thì  chính lúc đó Chúa lại bảo ông chỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc sang Aicập sống kiếp lưu đày.Trước mắt là gian truân vất vả,đường dài vạn dặm mà vợ yếu con thơ, nhưng Giuse luôn tín thác vâng phục “Chỗi dậy, ông đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Aicập ngay giữa đêm khuya” (Mt 2,14).

– Khi đã ổn định cuộc sống nơi xứ lạ quê người với một cơ ngơi bé  nhỏ mà Giuse đã gầy dựng từ hai bàn tay trắng.Vậy mà một lần nữa Chúa lại bảo ông phải bỏ  lại tất cả để ra đi.Thật mau mắn trước Thiên  Ý “Giuse chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người về đất Israel”(Mt2,21).
 
Trước Thánh Ý Thiên Chúa, Giuse vâng phục và chu toàn.Từ Nazareth qua Bêlem, từ Bêlem đi Aicập, từ Aicập về Israel, Chúa bảo ông đi là ông đi, bảo ông về là ông về, bảo ông làm thế nào là ông làm thế ấy,đúng thời gian,đúng địa điểm mà không thắc mắc,không hoài nghi, không cự nự.Tất cả mọi lần Giuse đều thưa như Đức Maria “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”(Lc1,38).

Thánh Ý Thiên Chúa bao giờ cũng hoàn hảo, không những cho cá nhân mà còn cho toàn thể nhân loại. Thánh Giuse người công chính đã thực hiện lời mời gọi “nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo” (Mt 5, 48) bằng cách thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

Công đồng Vatican II dạy: “Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tuỳ theo con đường của mỗi người” (GH 11,3).

Nên thánh theo con đường của Thánh Giuse là một con đường cho nhiều người.Không quan trọng mình là ai, địa vị nào trong xã hội, làm việc cao quý hay tầm thường. Trước nhan Thiên Chúa, mọi địa vị và công việc đều có giá trị. Điều quan trọng là hãy thực thi thánh ý Chúa, đáp lại tiếng Người mời gọi trong cuộc sống. Địa vị và công việc lao động chân tay của Thánh Giuse chỉ ở mức tầm thường; thế nhưng, ngài vẫn có khả năng biến đổi nó trở thành phi thường. Cái phi thường ở trong cái tầm thường của mỗi con người là một viên ngọc quý tiềm ẩn. Những người đồng thời nói về Thánh Giuse rất trìu mến là “bác thợ mộc”. Một tên gọi rất thường nhưng lại bao hàm lòng yêu mến con người thợ mộc ấy. Dĩ nhiên, phải có điều gì đó nơi người thợ mộc kia đã tạo được thiện cảm và lòng yêu mến của nhiều người. Ngày nay có bao nhiêu người chức nọ, quyền kia, có học vị, có địa vị, rất giàu có; nhưng khi nói về họ, nhiều người rủa thầm: tên này, tên nọ, thằng này, thằng kia, tay này, tay nọ… Để được tôn trọng, trước tiên người đó cần có lòng tự trọng. Công việc mỗi ngày bộc lộ tính tự trọng trong đó, người có lòng tự trọng sẽ làm công việc cẩn thận, có trách nhiệm, liêm khiết, công bằng, hợp tác, thân tình… Thánh Giuse là một con người “đầy tinh thần trách nhiệm”, một con người nhiều sáng kiến trong bất cứ công việc gì được trao phó. Thánh Giuse nên thánh trong nghề nghiệp của mình nên Ngài là Thánh bổn mạng của những người lao động.

Theo gương thánh Giuse, sống đạo là tin tưởng, cậy trông, yêu mến Thiên Chúa. Tin với tâm hồn thờ phượng, tạ ơn, với lòng phó thác nguyện cầu và sống theo Ý Chúa.

Hoa hướng dương là  hình ảnh Thánh Giuse. Nhìn một đoá hoa hướng dương khoe sắc ta nghĩ đến Thánh Giuse. Nhìn cả vườn hoa hướng dương đang rực rỡ trong nắng ấm ta ước mong mỗi người Kitô hữu là một bông hoa nhỏ luôn hướng tâm hồn về Thiên Chúa, mở rộng lòng đón nhận sự sống,tình yêu, niềm vui để rồi toả hương khoe sắc cho cuộc đời.
 
Thánh Giuse mãi mãi là tấm gương cho tất cả chúng ta soi.Tấm gương của một con người luôn thao thức lắng nghe tiếng Chúa và khi đã nghe thì  mau mắn đáp lại không thắc mắc cho dù phải trả  giá.Tấm gương của một con người luôn hướng tâm hồn về Chúa, xin vâng trước Thiên Ý, luôn phó thác để Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Người.Tấm gương về người quản gia trung tín chăm sóc hai kho tàng quý giá nhất trần gian là Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria.

Thánh Giuse là con người thầm lặng, ít nói, khiêm tốn, sống theo Ý Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Gioan Tẩy Giả chân thành “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”. Giuse đã sống điều đó mà không nói một lời. Chính cuộc sống ấy đã làm nên một con đường tu đức hướng đến trọn lành. Thánh Giuse là bậc thầy dạy con người sống an vui và nên thánh trong địa vị của mình. Thánh Giuse là mẫu gương cho mọi người nên thánh trong cuộc sống thường ngày.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

SỐNG ĐỨC TIN THEO GƯƠNG THÁNH GIUSE

SỐNG ĐỨC TIN THEO GƯƠNG THÁNH GIUSE

saint joseph3

Thánh Giuse được Tin mừng hôm nay công khai tuyên dương là “người công chính”. Công chính là gì?

Theo luân lý, công chính là trả cho người khác cái thuộc về họ. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu cũng có lần nói: “Của Xêda hãy trả cho Xêda. Của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”. Việc thánh Giuse muốn kín đáo bỏ trốn được giải thích nhiều cách khác nhau. Nhưng cách giải thích chính xác nhất là của thánh Bênađô. Ngài nói:

“Lý do Giuse muốn rời bỏ Maria cũng là lý do mà Phêrô đã xin Chúa tránh xa ông: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! " (Lc 5:8). Đó cũng là lý do viên đại đội trưởng không dám mời Đức Giêsu vào nhà : “Thưa thầy tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi” (Lc 7:6). Như vậy, vì tự coi mình không xứng đáng và là người tội lỗi, nên Giuse tự nhủ rằng mình chẳng là gì hết để có thể sống chung với một con người vĩ đại như Đức Maria… Phêrô đã sợ hãi sự cao cả của quyền năng, viên đại đội trưởng đã e sợ sự hiện diện uy nghi, Giuse cũng thế, ông sợ hãi trước sự mới lạ, trước chiều sâu của một mầu nhiệm lớn lao, nên muốn rời bỏ bà cách kín đáo.. . Lý do khiến Giuse muốn rời bỏ Maria là thế đó”.

Thánh Giuse công chính không dám nhận những gì không phải của mình. Ngài muốn trả cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa. Bào thai trong lòng Đức Mẹ là quyền năng của Thiên Chúa. Thánh Giuse không dám lãnh nhận địa vị cao cả đó.

Đặc biệt hơn, công chính là sống đức tin. Đó chính là điều thánh Phaolô quả quyết khi nói về tổ phụ Abraham trong thư Rôma 4, 3.18-22 mà chúng ta nghe một phần trong bài sách thánh thứ hai: “Ông Abraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính….Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin…, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện. Bởi thế ông được kể là người công chính”.

Quả thật Abraham luôn tin tưởng vào Thiên Chúa. Vì tin tưởng nên ông mau mắn vâng lời, thi hành mệnh lệnh Thiên Chúa truyền dạy. Thiên Chúa truyền cho ông bỏ quê hương xứ sở, lập tức ông lên đường. Thiên Chúa truyền dòng dõi ông sẽ đông như sao trên trời, như cát dưới biển, dù lớn tuổi, ông vẫn tin. Khi Isaac, con trai ông, đứa con của lời hứa, được mười hai tuổi, Thiên Chúa truyền ông sát tế dâng cho Người, ông lập tức thi hành.

Cũng trong thư Rôma, thánh Phaolô nhắc lại lời tiên tri Habacuc: “Người công chính sống bởi đức tin” (Hab 2,4// Rm 1,17// Gal 3,11). Sống đức tin là sống công chính. Vì ai tin vào Lời Chúa, thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa là trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa là tất cả. Ta chẳng là gì. Mọi sự là của Thiên Chúa. Ta chẳng có gì. Vì thế tuyệt đối vâng lệnh Thiên Chúa và mau mắn thi hành mệnh lệnh của Người là điều hợp lý.

Thánh Giuse là người công chính vì thánh nhân tuyệt đối tin tưởng lời Thiên Chúa, dù lời Thiên Chúa nói với thánh nhân trong giấc ngủ. Thánh nhân tin vào lời Thiên Chúa, trong những sự việc bình thường và hợp lý. Như khi truyền cho thánh nhân đem Chúa Giêsu và Đức Mẹ trốn sang Ai cập và sau đó trở về. Thánh nhân còn tuyệt đối tin tưởng ngay cả trong những trường hợp bất thường và lý trí không giải thích được. Như khi thánh nhân định trốn đi, nhưng Thiên Chúa truyền cho thánh nhân ở lại để nhận Đức Mẹ về làm bạn. Không những tuyệt đối tin tưởng, thánh nhân còn mau mắn thi hành không chút chậm trễ. Đức tin của thánh nhân thật lớn lao. Và vì thế sự công chính của thánh nhân thật trổi vượt, xứng đáng được Tin Mừng chính thức ca tụng.

Chúng ta đang sống trong Năm Đức Tin. Nhưng xem ra chúng ta còn thiếu đức tin. Nếu “người công chính sống bởi đức tin” thì ta chưa sống bởi đức tin. Vì ta còn thiếu công chính. Ta chưa trả cho người khác những gì thuộc về họ. Bất công lớn lao đang tràn lan khắp nơi. Ta chiếm đoạt những gì không phải của mình. Từ chiếm đoạt vật chất của cải, đến chiếm đoạt danh dự, phẩm giá của người khác. Từ chiếm đoạt quyền lợi, đến chiếm đoạt cả tự do. Từ chiếm đoạt uy tín, đến chiếm đoạt cả tiếng nói, cả ý kiến của người khác. Nhất là khi sự chiếm đoạt bât công được thể chế hóa qua guồng máy có tổ chức, được hợp thức hóa qua luật lệ. Tiếm quyền, tiếm danh, tiếm ngôn đang được thực hiện khắp nơi. Nhưng trên hết con người đang chiếm đoạt quyền lợi, và vị trí của Thiên Chúa.

Cần sửa chữa những tệ nạn này bằng một đời sống công chính. Đó là điều mà Hội đồng Giám mục Việt nam đã thể hiện qua bản góp ý để sửa đổi Hiến pháp nước Việt nam. Hãy trả cho từ ngữ đúng ý nghĩa của nó. Hãy trả cho người dân đúng quyền lợi của họ. Hãy trả cho đảng phái đúng vị trí của nó. Và hãy trả cho các cơ quan chính quyền đúng chức năng của nó.

Hôm nay chúng ta vui mừng hiệp thông với toàn thể Giáo hội trong ngày lễ đăng quang của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Thánh Cha là người thao thức với đời sống đức tin thể hiện qua sự công chính. Vì thế suốt đời mục tử ngài quan tâm tới đoàn chiên nghèo khổ. Đòi công bằng cho người nghèo được nghe rao giảng Tin mừng, ngài đã nói với các linh mục: "Chúa Giêsu dậy chúng ta một phương cách khác: Hãy đi. Hãy đi chia xẻ chứng tá của các bạn, hãy đi mà giao dịch với các anh chị em, hãy đi và chia xẻ, đi và thăm hỏi. Hãy trở thành Lời Chúa bằng cả thân xác lẫn tinh thần.”

Đòi công bằng cho người nghèo được quan tâm nên Ngài đã lên án các đồng sự lãnh đạo giáo hội là đạo đức giả vì đã quên rằng Chúa Giêsu Kitô đã làm cho người phong cùi được sạch và ăn uống với phụ nữ làng chơi. Để chia sẻ với người nghèo, bản thân ngài thường đi xe buýt đến sở làm, tự nấu ăn lấy và thường xuyên thăm viếng các khu xóm nghèo nàn xung quanh thủ đô nước Argentina.

Cũng vì luôn đứng về phía người nghèo và luôn bảo vệ công lý, chống lại bất công, bất bình đẳng trong xã hội, Ngài không ngại lên tiếng chỉ trích những điều bất công, phi lý. Mark Rice-Oxley trên nhật báo The Guardian tại Anh, hôm 13/03, năm 2009, cho biết Ngài đã chỉ trích chính phủ của Tổng thống Ernesto Kirchner, chồng của Tổng thống hiện tại của Argentina là Cristina Fernández de Kirchner, là xấu xa và bất chính khi để bất bình đẳng tại nước này gia tăng. Theo báo La Croix, Ngài đấu tranh chống nghèo đói vì Ngài coi nghèo đói là một sự vi phạm nhân quyền. Cũng theo bài viết này, trong một đất nước mà đối lập hầu như không tồn tại, Ngài thực sự là tiếng nói duy nhất dám đương đầu với vợ chồng Tổng thống Kirchner – người mà Ngài không ngừng chỉ trích là độc đoán, chuyên quyền.

Tạ ơn Chúa đã ban cho thời đại chúng ta một vị Giáo hoàng sống đức tin mãnh liệt trong đức công chính lớn lao. Chúng ta hãy đồng hành với ngài và noi gương ngài sống đức tin trong Năm Đức Tin này bằng đời sống công chính.

Lạy Thánh Cả Giuse là Đấng Công Chính, xin nâng đỡ Đức Thánh Cha Phanxicô.

 
 ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Công bố huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Công bố huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Logos Vatican

VATICAN. Hôm 18 tháng 3-2013, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố huy hiệu của ĐGH Phanxicô.
Nòng cốt huy hiệu này giống huy hiệu Tổng Giám Mục của ngài.

Huy hiệu gồm có mũ Giám Mục có 3 nấc, với hai giải mầu đỏ, cùng với hai chìa khóa: một vàng một trắng được nối với nhau bằng một giây màu đó. Ở giữa là phần huy hiệu GM cũ của ĐTC gồm một thuẫn nền xanh da trời, ở giữa là hình mặt trời chiếu sáng ở trung tâm có hình thánh giá với 3 chữ viết tắt IHS, nghĩa là Chúa Giêsu Đấng Cứu Nhân. Đây cũng là biểu hiệu dòng Tên, xuất xứ của ĐTC. Dưới 3 chữ đó là 3 cái đinh màu đen. Bên dưới có hình ngôi sao và một bông hoa hương cam tùng (nardo). Ngôi sao tượng trưng Đức Mẹ Maria Mẹ Chúa Kitô và Giáo Hội; bông hoa hương cam tùng chỉ thánh Giuse bổn mạng Giáo Hội hoàn vũ, vì theo truyền thống hình ảnh Tây Ban Nha, thánh Giuse được tượng trưng bằng một nhành cây hoa hương cam tùng. Qua các biểu hiệu này, ĐTC muốn biểu lộ lòng sùng mộ đặc biệt đối với Mẹ Maria và Thánh Giuse.

Khẩu hiệu

Dưới các biểu hiệu đó là khẩu hiệu của ĐTC cũng là khẩu hiệu GM của ngài: Miserando atque Eligendo (Cảm thương và chọn), rút từ bài giảng của thánh Bêđa, chú giải sự tích Phúc Âm Chúa nhìn thấy Mathêu người biệt phái, ngài cảm thương và gọi ông theo Ngài. Thánh nhân viên. Câu đó là: ”Vidit ergo Jesus publicanum et quia miserando atque eligendo vidit, ait illi Sequere me” (Chúa Giêsu thấy một người thu thuế và ngài nhìn ông với tâm tình yêu thương và chọn ông, Ngài nói: Hãy theo Ta”.

Bài giảng này là một lời ca ngợi lòng từ bi Chúa và được diễn lại trong Phụng vụ các giờ kinh lễ thánh Mathêu. Bài giảng ấy có một ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời và hành trình thiêng liêng của ĐGH. Thực vậy vào lễ thánh Mathêu năm 1953, thanh niên Jorge Bergoglio, 17 tuổi, đặc biệt cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong đời mình. Sau khi xưng tội, anh cảm thấy con tim được đánh động và cảm thấy lòng từ bi Chúa xuống trên anh, với cái nhìn yêu thương dịu hiền, Ngài gọi anh đi vào đời sống tu trì, theo gương thánh Ignatio Loyola.

Sau khi được chọn làm Giám Mục, Đức Cha Bergoglio nhớ lại biến cố ấy đã đánh dấu khởi sự cuộc tận hiến cho Chúa trong Giáo Hội, nên đã quyết định chọn câu nói của thánh Bêđa ”miserando atque eligendo”, như khẩu hiệu và chương trình sống của mình, và ĐTC muốn diễn tả lại cả trong huy hiệu Giáo Hoàng của Người. (SD 18-3-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong buổi tiếp kiến Hồng Y Đoàn lần đầu tiên

Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong buổi tiếp kiến Hồng Y Đoàn lần đầu tiên

Pope Francis Diễn văn đầu tiên

Anh em thân mến,
Thời gian Mật Nghị Hồng Y đầy ý nghĩa không những đối với Hồng Y Đoàn mà còn đối với tất cả các tín hữu. Trong những ngày này, chúng ta cảm nghiệm cách rõ ràng mối thân tình và tình liên đới của Giáo hội hoàn vũ, cũng như sự quan tâm của nhiều người, dù không cùng tôn giáo với chúng ta nhưng vẫn hướng về Giáo hội và Tòa thánh với niềm kính trọng và ngưỡng mộ.

Khắp nơi trên địa cầu, một bản hợp ca của lời cầu nguyện tha thiết được các dân Kitô giáo cất lên dành cho vị Giáo hoàng mới, và lần gặp gỡ đầu tiên của tôi với cộng đoàn chật kín cả quảng trường thánh Phêrô là một bản hợp ca đầy cảm xúc. Với hình ảnh ấn tượng của một đám đông cầu nguyện và vui mừng như thế vẫn còn in dấu trong tâm trí tôi, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với các giám mục, linh mục, những người tận hiến, các gia đình, người trẻ và người cao tuổi về sự gần gũi thiêng liêng của họ, là điều rất chân thành và đầy cảm kích.

Tôi cảm thấy cần phải nói lên lòng biết ơn sâu xa đối với tất cả anh em, những Hồng Y khả kính và thân thiết, vì anh em đã cộng tác để điều hành Giáo hội trong thời gian trống tòa. Trước hết, tôi xin chào Đức Hồng Y Angelo, Niên Trưởng Hồng T Đoàn và xin cảm ơn ngài về lời chào mừng mà ngài đã dành cho tôi nhân danh anh em. Cùng với ngài, tôi xin cảm ơn Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, vị Nhiếp chính của Tòa Thánh, về công việc tốt đẹp của ngài trong giai đoạn chuyển giao khó khăn này, và Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, người điều hành Mật NghịHồngY. Với lòng biết ơn, tôi đặc biệt nghĩ đến các vị Hồng Y khả kính, vì tuổi tác và bệnh tật, vẫn đồng hành với chúng ta và yêu mến Giáo hội bằng những hy sinh và lời cầu nguyện. Và tôi muốn báo tin cho các ngài rằng, ngày hôm kia, Đức Hồng Y Mejia đã trải qua một cơn đau tim và đang ở trong bệnh viện. Tôi tin rằng ngài đã ổn định và ngài gửi đến chúng ta lời chào mừng.

Tôi không quên cám ơn tất cả những ai, bằng nhiều cách, đã chuẩn bị cho Mật Nghị Hồng Y, bảo đảm an toàn và yên tĩnh cho các Hồng Y trong thời gian rất quan trọng này của đời sống Giáo hội.
 
Với tất cả lòng biết ơn, tôi đặc biệt nghĩ đến vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Bênêđictô XVI, người mà trong những năm qua đã làm phong phú và tiếp thêm sinh lực cho Giáo hội bằng giáo huấn, lòng nhân từ, sự hướng dẫn, đức tin, sự khiêm hạ và ôn hòa của ngài; những điều này sẽ tồn tại như di sản thiêng liêng. Ngài đã cống hiến hết mình cho sứ vụ thánh Phêrô bằng cách diễn tả khôn ngoan và khiêm hạ, với cái nhìn luôn hướng về Đức Kitô, Đấng Phục sinh, hiện diện và sống động trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta luôn nhớ đến ngài bằng lời cầu nguyện nhiệt tâm và lòng biết ơn chân thành. Tôi cảm thấy rằng Đức Bênêđictô XVI đã thắp lên một ngọn lửa trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta; ngọn lửa sẽ tiếp tục bừng cháy vì nó được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện mà ngài vẫn dành cho Giáo hội trong cuộc lữ hành thiêng liêng và sứ mạng của mình.

Anh em thân mến,

Buổi gặp gỡ của chúng ta nhằm tiếp nối tình hiệp thông Giáo hội sâu sắc mà chúng ta đã cảm nghiệm trong thời gian qua. Được thúc đẩy bởi tinh thần trách nhiệm sâu xa và được nâng đỡ bởi tình yêu lớn lao đối với Đức Kitô và Giáo hội, chúng ta cùng cầu nguyện, chia sẻ cho nhau những cảm nhận, kinh nghiệm và suy tư của mình trong tình huynh đệ. Trong chính bầu khí thân mật này, sự hiểu biết lẫn nhau và cởi mở cho nhau được lớn lên. Và đó là điều tốt bởi vì chúng ta là anh em. Như có một vị đã nói với tôi: các Hồng Y là những linh mục của Đức Thánh Cha. Chúng ta là cộng đoàn thân mật và gần gũi như thế, điều đó sẽ giúp ích cho mỗi người trong chúng ta. Sự cởi mở và hiểu biết lẫn nhau giúp chúng ta mở ra cho tác động của Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng Phù Trợ, là tác nhân tối cao của mọi sáng kiến và biểu lộ của đức tin. Điều này rất thú vị và mời gọi tôi suy nghĩ. Đấng Phù Trợ tạo nên mọi khác biệt trong Giáo hội và giống như vị tông đồ của tháp Babel. Mặt khác, Đấng Phù Trợ lại kết hợp tất cả những khác biệt này – không phải làm cho chúng như nhau – mà là hài hòa với nhau. Tôi nhớ đến một giáo phụ đã mô tả Thánh Thần là chính sự hài hòa: “Ipse harmonia est”. Đấng Phù Trợ ban cho mỗi người chúng ta đặc sủng khác nhau, và liên kết chúng ta nên một trong cộng đoàn Giáo hội, để thờ phượng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Bắt đầu từ chính tình liên kết đích thực của Hồng Y Đoàn, tôi muốn bày tỏ ước mong phục vụ Tin mừng với tình yêu mới mẻ, giúp cho Giáo hội ngày càng sống trong Đức Kitô và với Đức Kitô. Được thôi thúc bởi Năm Đức Tin, tất cả chúng ta, mục tử và giáo dân, chúng ta sẽ cố gắng trung thành thực thi sứ mạng thường hằng: sứ mạng mang Chúa Giêsu Kitô cho con người, và dẫn đưa con người đến gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, Đấng hiện diện thật sự trong Giáo hội và đồng thời hiện diện trong mỗi tâm hồn. Cuộc gặp gỡ này làm cho chúng ta nên con người mới trong huyền nhiệm Ân sủng, khơi lên trong lòng chúng ta niềm vui của người Kitô hữu, đó là cái lợi “gấp trăm” mà Đức Kitô ban tặng cho những ai đón nhận Ngài.

Như Đức Bênêđictô XVI nhắc nhở chúng ta nhiều lần trong giáo huấn của ngài, và cuối cùng với cử chỉ khiêm tốn và can đảm, rằng chính Đức Kitô dẫn dắt Giáo hội qua Thánh Thần của Người. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo hội, với ân ban sự sống và sức mạnh hiệp nhất. Người làm cho tất cả nên một trong Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Chúng ta đừng bao giờ chiều theo tinh thần bi quan và chua chát mà ma quỉ bày ra trước mặt chúng ta mỗi ngày; đừng bi quan và thất vọng. Chúng ta tin chắc rằng Chúa Thánh Thần, với hơi thở quyền năng, ban cho Giáo hội lòng can đảm để kiên trì tìm kiếm những phương cách mới để loan báo Tin Mừng, nhằm mang Tin Mừng đến tận cùng cõi đất. Chân lý Kitô giáo có sức thu hút và thuyết phục vì nó đáp ứng nhu cầu sâu xa của con người, loan báo một cách thuyết phục rằng Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất trọn vẹn của con người và tất cả nhân loại. Việc loan báo này ngày nay vẫn còn giá trị như thời sơ khai của Kitô giáo, khi Giáo hội thực thi sứ vụ truyền bá Tin Mừng.

Anh em thân mến,

Hãy can đảm lên! Một nửa trong chúng ta đã già: Tôi thích nghĩ về tuổi già như ngai tòa của sự khôn ngoan. Người già thường khôn ngoan vì họ đã bước đi trên đời, như ông Simeon và bà Anna trong Đền thờ. Chính sự khôn ngoan đã giúp họ nhận ra Chúa Giêsu. Chúng ta hãy trao ban sự khôn ngoan này cho người trẻ: như rượu ngon được tăng triển theo thời gian, chúng ta hãy ban tặng sự khôn ngoan này của cuộc sống cho người trẻ. Tôi nhớ đến một thi sĩ người Đức viết về tuổi già rằng: “Es ist ruhig, das Alter, und fromm” – tuổi già là thời của bình an và cầu nguyện. Chúng ta cần trao ban cho người trẻ sự khôn ngoan này.

Anh em sẽ trở về giáo phận để tiếp tục sứ vụ của mình, được tiếp thêm sinh lực qua những ngày tràn đầy tình hiệp thông và lòng tin này. Kinh nghiệm độc đáo không gì sánh bằng này cho phép chúng ta hiểu được tất cả vẻ đẹp của Giáo hội, là điều phản ánh sự sáng của Đức Kitô Phục sinh: sẽ có ngày chúng ta chiêm ngưỡng khuôn mặt đẹp đẽ của Đấng Phục sinh.

Tôi xin phó thác sứ vụ của tôi và của anh em cho sự chuyển cầu đầy quyền thế của Đức Maria, Mẹ chúng ta, Mẹ Giáo hội. Dưới cái nhìn từ mẫu của Người, ước gì mỗi người chúng ta bước đi và lắng nghe tiếng của Con chí thánh của Mẹ, gia tăng sự hiệp nhất, kiên trì cầu nguyện và làm chứng cho đức tin chân thực trong sự hiện diện của Chúa. Tôi chân thành ban phép lành Tòa Thánh cho anh em, cho cộng sự viên của anh em và cho những người anh em phục vụ. 
 

Lm. Quang Long chuyển ngữ

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô: Lòng Thương Xót Có Sức Biến Đổi Thế Giới

Đức Thánh Cha Phanxicô: Lòng Thương Xót Có Sức Biến Đổi Thế Giới

VATICAN. Hơn 150 ngàn người đã tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên trong triều đại Giáo Hoàng của ĐTC Phanxicô trưa Chúa Nhật ngày 17 tháng 03 năm 2013. Từ sáng sớm rất nhiều tín hữu và khách hành hương đã tuôn về Quảng trường Thánh Phêrô để tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin và gặp gỡ vị Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công Giáo. Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ tân thế giới và là người đầu tiên lấy danh hiệu Phanxicô.

Các con đường dẫn vào Roma đều bị phong tỏa, rất nhiều nhân viên an ninh và tình nguyện viên đã được huy động để hướng dẫn và giúp đỡ các tín hữu và khách hành hương. Ngoài ra còn có 300 tình nguyện viên sẵn sàng giúp những người khuyết tật mong muốn gặp gỡ Đức Thánh Cha. Vì số lượng người tham dự quá đông, ban tổ chức đã bố trí 4 màn hình khổng lồ để những người ở xa cũng thấy được ĐTC. Dân chúng đứng tràn ra tới đường Hòa Giải.

Đúng 12 giờ trưa, ĐTC Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trông xuống quảng trường, giữa tiếng reo vui mừng của các tín hữu. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, sau lời chào, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. ĐTC nói:

“Sau cuộc gặp vào thứ 4 tuần trước, hôm nay một lần nữa tôi lại có cơ hội để gặp gỡ anh chị em. Tôi hạnh phúc vì chúng ta gặp gỡ nhau trong ngày Chúa Nhật, ngày của Thiên Chúa. Điều này thật đẹp và quan trọng đối với mỗi người Kitô hữu chúng ta. Chúa Nhật là ngày chúng ta gặp gỡ, chào hỏi, và chia sẻ cho nhau, điều mà chúng ta đang làm tại quảng trường này.

Trong Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay hôm nay, Lời Chúa trình bày cho chúng ta câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình được Chúa cứu khỏi án tử hình. Chiêm ngắm thái độ của Đức Giê-su, chúng ta không nghe thấy những lời trách mắng, những lời kết án, nhưng là lời của tình yêu, lời thương xót mời gọi chúng ta hoán cải.
Anh chị em thân mến, gương mặt của Thiên Chúa là gương mặt của người cha đầy lòng thương xót, Ngài luôn kiên nhẫn với chúng ta. Anh chị em hãy nghĩ về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, không phải Thiên Chúa luôn kiên nhẫn với mỗi người chúng ta sao? Vâng, đây chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài luôn kiên nhẫn để hiểu, chờ đợi và không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta biết quay lại với Ngài với tất cả con tim. Như lời Thánh vịnh có chép rằng: “Lòng thương xót của Thiên Chúa vĩ đại dường bao”.

Tiếp đến Đức Thánh Cha nói rằng, trong những ngày này Ngài đã đọc một tác phẩm của thần học gia Kasper. Và chính tác phẩm đã gợi hứng cho ngài về lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài nói:

“Đức Hồng Y Kasper nói về việc lắng nghe lòng thương xót, và lời này có thể biến đổi tất cả. Lòng thương xót có thể làm cho thế giới trở nên ấm áp hơn và công bằng hơn. Do đó, chúng ta cần hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài là một người cha đầy lòng thương xót đối với mỗi người chúng ta. Hãy nhớ lại lời của ngôn sứ Isaia: “Tội các ngươi dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết. có thắm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1,18). Lòng thương xót đẹp biết bao!”

Sau đó ngài kể lại một câu chuyện trong kinh nghiệm mục vụ của ngài. Ngài nói:

“Tôi nhớ, vào năm 1992, khi còn là Giám mục, tôi đi dâng lễ tại một nhà thờ cho các bệnh nhân. Trong thánh lễ này tôi cũng giải tội cho một số người. Cuối thánh lễ, tôi đứng dậy vì tôi phải ban bí tích thêm sức. Lúc đó, có một người phụ nữ lớn tuổi tới gần tôi, bà rất khiêm nhường. Tôi nhìn người phụ này và nói với bà:
“Thưa bà, bà có muốn xưng tội không?”
Bà đáp: “Thưa có.”
“Nhưng nếu bà không có tội…”.
Và bà trả lời tôi rằng: “Tất cả chúng ta đều có tội”.
“Nhưng có lẽ Thiên Chúa sẽ không tha thứ cho chúng ta”, Tôi nói.
Bà đáp lại: “Chắc chắn Thiên Chúa tha thứ tất cả”.
“Nhưng làm sao bà biết, thưa bà?” Tôi hỏi lại.
“Vì nếu Thiên Chúa không tha thứ cho chúng ta, thế giới này sẽ không tồn tại”. Nghe những lời đó, tôi định hỏi bà rằng: “Bà ơi, nói cho tôi biết, phải chăng bà học ở trường đại học Gregoriana.” Bởi vì đây chính là sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Một sự khôn ngoan nội tâm về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ quên lời này: Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta, không bào giờ! Và vấn đề của chúng ta là gì? Thưa, vấn đề là chúng ta chán nản, chúng ta không muốn, chúng ta không mong muốn sự tha thứ. Ngài không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ! Thiên Chúa là người cha yêu thương luôn tha thứ. Ngài có một trái tim đầy lòng thương xót dành cho tất cả chúng ta. Và chúng ta cũng cần học và thương xót người khác. Chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ Chúng ta, vì chính ngang qua mẹ, lòng thương xót của Thiên Chúa đã được thực thi giữa con người.”

Tiếp đến, Đức Thánh Cha cảm ơn mọi người và ngài cũng xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho Ngài. Ngài nói:

“Tôi xin gửi lời chào đến tất cả khách hành hương, cảm ơn các bạn vì đã tiếp đón và cầu nguyện cho tôi. Hãy cầu nguyện cho tôi, tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi. Tôi cảm ơn các tín hữu tại Roma và toàn thể anh chị em đến từ nhiều nơi trên thế giới cũng như những ai theo dõi qua các phương tiện truyền thông. Tôi chọn Thánh Phanxicô làm Đấng bảo trợ cho triều đại giáo Hoàng của tôi vì ngài là một người Ý. Tôi muốn có một sự gắn bó thiêng liêng với vùng đất này, là nguồn gốc của tôi. Thế nhưng, Đức Giê-su cũng mời gọi chúng ta trở thành thành viên của một gia đình mới, gia đình của Thiên Chúa, để chúng ta cùng bước đi trên con đường Tin Mừng. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em, và đừng bao giờ quên rằng, Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trao ban sự tha thứ.”

Cuối cùng Đức Thánh Cha ban phép lành cho tất cả những người hiện diện.

Nguyễn Minh Triệu sj – Vatican Radio

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến giới truyền thông

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến giới truyền thông

VATICAN. Sáng ngày 16 tháng 3-2013, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến hàng ngàn người thuộc giới truyền thông. Ngài kêu gọi họ hãy để ý tới bản chất đặc biệt của Giáo Hội khi thông tin về các hoạt động của Hội Thánh, và kể lại lý do tại sao ngài chọn tên Phanxicô.

Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô 6 trong buổi tiếp kiến từ lúc 11 giờ có lối 2,500 người, họ đại diện cho khoảng 6 ngàn người thuộc 81 quốc gia có mặt tại Roma để thông tin về các hoạt động của Tòa Thánh, từ sau khi Đức Biển Đức 16 từ nhiệm, cho tới việc bầu Giáo Hoàng mới và các hoạt động đầu tiên của ngài.

Đức TGM Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC và giới thiệu với ngài các thành phần chính trong giới truyền thông hiện diện.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đã cám ơn những người thuộc giới truyền thông đã hoạt động rất nhiều trong những ngày này; ngài đề cao vai trò ngày càng quan trọng của các phương tiện truyền thông và nói thêm rằng: ”Tôi đặc biệt cám ơn những người đã biết quan sát và trình bày những biến cố này trong lịch sử Giáo Hội, để ý đến viễn tượng đúng đắn nhất trong đó cần phải đọc các biến cố ấy, viễn tượng đức tin… Các biến cố Giáo Hội chắc chắn là không phức tạp hơn các biến cố chính trị hoặc kinh tế! Nhưng chúng có một đặc tính đặc thù sâu xa: đó là đáp ứng một tiêu chuẩn chủ yếu không thuộc các biến cố trần thế, và chính vì thế không dễ giải thích và thông truyền cho một công chúng rất rộng lớn và khác biệt. Thực vậy Giáo Hội tuy là một tổ chức con người và lịch sử, với tất cả những yếu tố đi kèm, nhưng Giáo Hội không có một bản chất chính trị, trái lại Giáo Hội nòng cốt là tinh thần: là Dân Thiên Chúa. Dân Thánh của Thiên Chúa đang tiến bước về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô. Chỉ khi nào đặt mình trong viễn tượng ấy ta mới có thể hoàn toàn giải thích được những gì Giáo Hội thực hiện”.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng ”Chính chúa Kitô là vị Mục Tử của Giáo Hội, nhưng sự hiện diện của Chúa trong lịch sử, tiến qua tự do của con người, trong đó một người được chọn để phục vụ như Đại Diện của Chúa, là Người Kế nhiệm thánh Phêrô Tông Đồ, nhưng Chúa Kitô là trung tâm chứ không phải là Phêrô”.

Tại sao chọn danh hiệu Phanxicô

ĐTC ứng khẩu giải thích cho giới truyền thông lý do tại sao ngài chọn tên hiệu là Phanxicô. Ngài nói:

”Một số người không biết tại sao GM Roma đã muốn được gọi là Phanxicô. Một số người nghĩ đến Phanxicô Xavie, Phanxicô đệ Salê, và Phanxicô Assisi. Tôi kể cho các bạn lịch sử. Trong cuộc bầu phiếu, ở bên cạnh tôi có Đức TGM hồi hưu của giáo phận São Paulo, và nguyên là Tổng trưởng Bộ giáo sĩ, đó là ĐHY Claudio Hummes (OFM): một người bạn rất thân! Khi sự việc trở nên nguy hiểm hơn, ĐHY khích lệ tôi. Và khi số phiếu lên đến 2 phần 3, thì cộng đoàn vỗ tay như thói quen vì đã bầu được Giáo Hoàng. ĐHY Hummes ôm lấy tôi và nói: ”Bạn đừng quên người nghèo nhé!”. Và lời ấy đã đi vào tâm trí tôi: người nghèo, người nghèo!. Rồi ngay lúc ấy cùng với người nghèo tôi đã nghĩ đến thánh Phanxicô Assisi. Rồi tôi cũng nghĩ đến các cuộc chiến tranh, trong khi cuộc khui phiếu tiếp tục, cho đến tất cả các phiếu. Thánh Phanxicô là người hòa bình. Và thế là tên Phanxicô đi vào tâm hồn tôi: Phanxicô Assisi. Người khó nghèo, người hòa bình, người yêu mến và bảo tồn thiên nhiên, trong lúc này chúng ta đang có một quan hệ không tốt lắm đối với Đấng Tạo Hóa. Đó là vị mang lại cho chúng ta tinh thần hòa bình, con người thanh bần. A, tôi mong ước một Giáo Hội thanh bần và cho người nghèo dường nào! Sau đó một vài hồng y đã nói đùa với tôi: ”Lẽ ra bạn phải được gọi là Adriano, vì ĐGH Adriano VI là một nhà cải cách, cần phải cải tổ…”. Một vị khác nói: ”Không, không, tên của bạn phải là Clemente”. Nhưng tại sao? ”Clemente XV: như thế bạn trả đũa được ĐGH Clemente XIV là người đã giải tán dòng Tên!”. Đó là những câu nói đùa thôi…”

Giới truyền thông hiện diện đã nồng nhiệt vỗ tay vì những tiết lộ trên đây của ĐTC. Cuối buổi tiếp kiến, ngài đã bắt tay chào thăm hàng chục đại diện của giới báo chí và truyền thanh truyền hình. (SD 16-3-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha yêu cầu các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh tiếp tục công việc

Đức Thánh Cha yêu cầu các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh tiếp tục công việc

VATICAN. Hôm 16 tháng 3-2013, ĐTC Phanxicô đã bày tỏ mong muốn rằng các vị thủ lãnh và thành viên các cơ quan Tòa Thánh, cũng như các vị Tổng thư ký, và Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về Quốc Gia Thành Vatican tạm thời tiếp tục trách vụ của mình cho đến khi ngài định liệu cách khác.

Thực vậy, Đức Thánh Cha muốn dành một số thời gian để suy tư, cầu nguyện và đối thoại, trước khi bổ nhiệm hoặc tái khẳng định chung kết.

Theo giáo luật, khi Tòa Thánh trống vị, tất cả các vị Tổng trưởng và Chủ tịch các cơ quan trung ương Tòa Thánh, ngoại trừ ĐHY Chánh tòa Ân giải tối cao và ĐHY nhiếp chính, đều ngưng chức.

Sau khi đắc cử, Đức tân Giáo Hoàng thường yêu cầu các vị ấy tạm thời tiếp tục công việc cho đến khi ngài định liệu cách khác: bổ nhiệm người khác thay thế hoặc tái bổ nhiệm các vị ấy (SD 16-3-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tha thứ trong thinh lặng

Tha thứ trong thinh lặng

Phiên tòa xử người đàn bà phạm tội ngoại tình diễn ra khi Chúa Giêsu bắt đầu bài giảng của Ngài. Thánh Gioan không nói rõ nội dung của bài giảng của Chúa Giêsu, nhưng khi đặt phiên tòa vào khởi đầu của bài giảng của Chúa Giêsu, thánh nhân hẳn đã muốn nêu bật một cung cách rất đặc biệt trong sự giảng dạy của Chúa Giêsu. Khi các biệt phái đưa người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến trước mặt Chúa Giêsu và hỏi ý kiến Ngài. Chúa Giêsu đã giữ thinh lặng. Ngài không còn nói nữa mà lại cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Từ hàng bao thế kỷ qua, các nhà chú giải Kinh Thánh đã nhọc công nghiên cứu mà vẫn không ra, đối với thánh Gioan, người ghi lại biến cố này, điều quan trọng không phải là nội dung của những lời Chúa Giêsu đã viết ra mà chính là sự thinh lặng của Ngài.

Cử chỉ không lời của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng có thể được xem như một bài dụ ngôn bằng hành động mà Ngài muốn dạy cho dân chúng. Ngài muốn cho dân chúng thấy rằng những gì Ngài làm còn quan trọng hơn là những lời Ngài nói. Chúa Giêsu đã dạy bằng nhiều dụ ngôn. Có những dụ ngôn bằng lời nói nhưng cũng có những dụ ngôn bằng hành động. Khi Ngài đến ngồi đồng bàn với các tội nhân, khi Ngài quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, đó là những dụ ngôn bằng hành động, qua đó Ngài muốn nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.

Chỉ trong thinh lặng, con người mới có thể trở về với cõi lòng và nghe được tiếng nói của Chúa trong lương tâm. Đây là sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn nói với các biệt phái và đám đông đến nghe Ngài giảng dạy. Người ta ồn ào và hung hãn bao nhiêu khi lôi người đàn bà ngoại tình tới trước mặt Chúa, thì giờ đây trong thinh lặng do Ngài gợi lên người ta lại càng nhận ra chính bản thân tội lỗi của mình hơn. Trước đó, người ta càng mạnh bạo để kết án người khác bao nhiêu, thì giờ đây người ta lại càng rụt rè xấu hổ bấy nhiêu.

Có thinh lặng con người mới đi sâu vào cõi lòng mình. Có thinh lặng con người mới nhận ra thân phận tội lỗi bất toàn của mình. Có thinh lặng con người mới có thể tha thứ cho người khác. Có thể đó là bài học mà đám đông dân chúng đã tiếp thu được trong phiên tòa xử người đàn bà phạm tội ngoại tình ngày hôm đó.

Mọi người đều rút lui, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Họ rút lui trong thinh lặng. Có lẽ đây là lần đầu tiên đám đông dân chúng ra về trong thinh lặng. Họ đã nắm bắt được nội dung của bài giảng ngày hôm đó. Hôm ấy Chúa Giêsu không chỉ tha thứ và giải cứu cho người đàn bà ngoại tình. Ngài cũng đã loan báo chính số phận của Ngài, rồi đây Ngài cũng bị điệu ra trước tòa án để xét xử. Nhưng như Ngài đã cúi xuống và thinh lặng trong phiên tòa xử người đàn bà ngoại tình, Ngài cũng phải giữ thinh lặng trong suốt phiên tòa của Ngài. Và tuyệt đỉnh của sự thinh lặng ấy là cử chỉ tha thứ của Ngài khi bị treo trên thập giá. Ngài đã thể hiện sự tha thứ bằng thinh lặng. Không phải chỉ có ấn phẩm mới đáng kể, im lặng cũng là nói lên một cách phát biểu, đó là im lặng của cái chết, im lặng của phẩm cách, im lặng của tĩnh tâm, im lặng của quá trình tăng trưởng, im lặng của thận trọng và nhất là im lặng của tha thứ.

Ngày nay, có quá nhiều những lời nói suông. Trong nền văn minh tràn đầy những ấn phẩm và trào ứa thông tin, những thứ tiếng ồn ào phát ra từ các phương tiện truyền thông, từ lãnh vực thương mại và chính trị. Ngay cả tình yêu cũng được diễn tả bằng những lời nói suông.

Trong những ngày này, Giáo Hội mời gọi chúng ta đi vào thinh lặng của cõi lòng và lắng nghe sự thinh lặng của Chúa Giêsu trên thập giá. Từ trên thập giá Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở về với cõi lòng để nhận ra thân phận tội lỗi của chúng ta, để nghe được lời tha thứ của Ngài và nhất là để tha thứ cho người khác.

Trích trong Mỗi Ngày Một Tin Vui

HÃY BỎ HÒN ĐÁ XUỐNG

 HÃY BỎ HÒN ĐÁ XUỐNG

 

Càng gần đến tuần kỷ niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu, lời mời gọi sám hối càng trở nên khẩn thiết hơn, tích cực hơn. Lời Chúa Chúa Nhật 5 Mùa Chay đặt tôi trong tình trạng tự trải lòng mình ra trước Tình Yêu của Thiên Chúa và nhờ Tình Yêu thiêng liêng ấy chiếu vào cõi thâm sâu thầm kín để thấy mình còn lắm điều tồi tệ.

SỰ IM LẶNG CỦA TỘI NHÂN

Các Kinh Sư và Pharisêu  đem đến cho Chúa Giêsu một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, đặt cô ấy đứng giữa và yêu cầu cho ý kiến. Họ muốn gài bẫy Chúa Giêsu phạm luật Môsê. Vì theo luật Môsê thì người đàn bà tội lỗi này phải bị ném đá cho đến chết (x. Lv 20, 10; Đnl 22, 22 – 24 ).

Tôi đang hình dung ra một tòa án cộng đồng, diễn ra ngay trong Đền Thờ, công tố viên không ai khác là các Kinh Sư và Pharisêu, vị thẩm phán và còn là luật sư bào chữa, khách mời hôm nay là Chúa Giêsu, còn người tham dự phiên tòa là dân chúng đang nắm trong tay những hòn đá, khoái chí, hăm he chờ ném vào người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Theo lời kể của phóng viên tại tòa, Thánh Gioan, thì trong suốt phiên tòa, “người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình” ấy, chị chỉ nói mỗi một câu “họ đã về cả rồi”. Chị hoàn toàn im lặng trong khi chờ bị ném đá, một sự im lặng đáng chú ý.

Dẫu biết rằng “im lặng là đồng lõa”, “im lặng là chấp nhận”, nhưng tôi muốn nghĩ đến trong cái im lặng ấy, có thể, còn có  bao điều chị muốn nói, nhưng không thể nói  được, vì “văn bản luật” đã rõ ràng và tội trạng đã đành rành. Đã nói đến luật pháp trần gian, thì phải hiểu luật pháp luôn là một “cây thước” cứng ngắc. Tôi muốn đặt mình vào tình thế của “người nữ công khai phạm tội ngoại tình” để thêm được một người hiểu cho chị, vì trong sân ai cũng không hiểu, chỉ mỗi một người hiểu chị, là Chúa Giêsu. Trong cái im lặng ấy, có thể chị đang xấu hổ và có thể có nhiều tâm sự thầm kín, nhưng không là lý do để có thể bào chữa, rằng thì là:

“Nhà em nghèo, chồng em bệnh, ba đứa con phải được lo cho học hành”.

“Em cần tiền để sửa lại nhà cửa. Nhà em rách nát, nắng mưa gió cát rác rưởi đều có lối vào”.

“Em không cưỡng lại được số phận, vì trời ban cho em cái hồng nhan “khuynh nước, khuynh thành” làm cho bao “đấng mày râu” chao đảo, như “sắc bất ba đào dị nịch nhân”.

“Em đã lỡ tự trau chuốt cho mình quá mức cần thiết, tưởng để cho đẹp mặt với người ta, có ai ngờ… trở thành món mồi ngon cho những người có lòng tham khoái lạc”.

“Em không thể sống trong cảnh cô đơn khi hãy còn quá trẻ. Em cần có anh ấy!” 

“Anh ấy cần có em, đến với anh ấy vì em muốn giải thoát anh ấy khỏi những bi lụy…”

“Em đang cần một đứa con để giải tỏa những u ám trong gia đình em”…

… Và hàng chục lý do khác nữa để tự biện hộ.

Vâng, có thể chị không có cơ hội để giải bày những tâm sự  với bao nhiêu là lý do chủ quan, khách quan…, có thể chị hiểu là dù có nói gì đi nữa, thì trước mắt người đời, chị cũng không thoát tội chết, không khỏi bị ném đá. Có thể chị hiểu: ý hướng tốt khi thực hiện một điều xấu không đủ biện minh hay chạy tội thành trắng án – cũng như, mục đích tốt không biện minh cho phương tiện xấu – ấy là luật. Biết như thế, nhưng Chúa Giêsu, Đấng hiểu thấu mọi nỗi lòng, hiểu thấu mọi sự im lặng, mọi nỗi đau thầm kín nhất trong lòng, Ngài hiểu chị và thương xót chị.

NHÌN LẠI CHÍNH MÌNH

Chúa Giêsu không chỉ muốn nói cho đám đông tố cáo rằng “hãy thông cảm cho tội nhân” mà còn điều quan trọng là cảnh cáo họ “hãy nhìn lại chính mình”. Chúa nói: “Ai trong các người vô tội hãy ném đá chị này trước đi”.

– Hãy nhìn lại chính mình, đúng thế, nếu người đời chưa phát hiện ra tôi đang sống trong tình trạng tội lỗi, để tôi trở thành tội nhân công khai, đáng phải bị ném đá, thì lòng tôi ơi, hãy nhớ rằng, nhà ngươi đã bị Thiên Chúa “bắt quả tang” từ trong ý nghĩ, trong tư tưởng đến hành động… không biết bao nhiêu lần rồi, nhưng Ngài vẫn im lặng, đợi chờ. Tôi có thể tránh được ánh mắt của người đời, nhưng không thể tránh được ánh mắt của Thiên Chúa.

 Hãy nhìn lại chính mình, để thấy, có đôi khi, người ta chưa phạm tội, thì mình đã phạm tội rồi. Thấy một người có khả năng làm việc trong Giáo Xứ, họ đóng góp được nhiều việc, còn tôi, tôi chẳng có tài gì, tôi lại nói: “Ông ấy, bà ấy, con mẹ ấy nó kiêu ngạo lắm”. Thế nghĩa là gì? Có phải họ chưa kịp kiêu ngạo thì tôi đã kiêu ngạo rồi chăng? Nghe chuyện thường xuyên ai đó vẫn gặp nhau, tôi thêu dệt thành chuyện tình ly kỳ hấp dẫn nhất để mọi người có thể tin rằng họ đã phạm tội điều răn thứ 9. Thế có phải chính tôi đã phạm tội trước họ chăng?

Hãy nhìn lại chính mình, để thấy, mình đang tội lỗi nhiều hơn người khác, nhất là khi mình đang có được những vỏ bọc bên ngoài có vẻ như là đạo đức lắm: trí thức Công Giáo chẳng hạn, thành viên Hội Đồng Mục Vụ, Ban Trị Sự, Ban Giáo Lý, hay trong các ban ngành đoàn thể khác chẳng hạn. Những vỏ bọc ấy không là bằng chứng vô tội của tôi, và càng không phải là cái thẩm quyền xét đoán hay kết tội anh em.

– Hãy nhìn lại chính mình, để thấy, những công việc, kể cả việc đạo đức của tôi hằng ngày nơi cộng đoàn Dân Chúa, nếu không vì Lòng Mến chân thành, và vì vinh danh Chúa, thì cũng hãy coi chừng, chưa chắc đó là bảo chứng cho lòng trong sạch của mình. Càng không phải đó là giấy xác nhận tôi có quyền thẩm định tư cách của người này, xếp hạng đạo đức cho người kia, và loại trừ người nọ vì lý do họ phạm tội. Chính từ những xét đoán, kết án, phân biệt, loại trừ đã dẫn đến sự mất hiệp nhất trong cộng đoàn Dân Chúa, làm giảm sút sự phát triển của một Giáo Xứ, một cộng đoàn, thậm chí khiến cho tất cả phải giậm chân tại chỗ, tụt dốc hay rệu rã.

HÃY BỎ HÒN ĐÁ XUỐNG

Khi đã nhìn lại chính mình, người ta đã bỏ hòn đá xuống, rồi lẳng lặng ra về. Chúa Giêsu hỏi người đàn bà ngoại tình: “Này chị, họ đâu cả rồi, không ai lên án chị sao?” – “Thưa Ông, không có ai cả” – “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu, chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 10 – 11 ).

Phàm ai sống trên đời cũng “thích” xét đoán và kết án, và không hề thích chính mình “bị xét đoán và bị kết án”. Nhưng ở một chỗ khác, Chúa Giêsu nói: “Đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán” (Mt 7, 1). Và cụ thể nhất, trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã thể hiện tinh thần ấy. Mặc dù điều luật về tội ngoại tình của Chúa Giêsu còn ngặt hơn nhiều “Các ngươi đã nghe bảo: ‘Chớ ngoại tình’. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: phàm ai nhìn người nữ để thỏa lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng” (Mt 5, 27 – 28). Nhưng trước một tội nhân công khai, ở đây là người đàn bà đã được nNgài hiểu thấu nỗi lòng, Ngài cũng không lên án, ngược lại, Ngài tha thứ và vạch ra một hướng đi tích cực hơn cho chị: “Hãy về và đừng phạm tội nữa”.

Đúng như tinh thần Ngài đã nêu nơi Lc 17, 3 – 4: “Nếu anh em ngươi trót phạm tội, thì hãy răn bảo nó; nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó. Cho dẫu nó xúc phạm đến ngươi bảy lần một ngày, và bảy lần nó trở lại với ngươi và nói “tôi xin chừa cải” thì ngươi cũng phải tha thứ cho nó”.

Tôi xin trích đoạn bài thơ “Càng yêu em hơn” trong tập “Nhật Ký Yêu” của tác giả T.G, một người bạn của tôi:
 

Nàng gục đầu khóc trong vai tôi 
Khóc sụt sùi, nghẹn từng tiếng, rồi òa lên nức nở 
“Anh ơi !“Hãy tha thứ cho em  
cuộc lao đao trong chiến trận tình đời 
Em đã dối gian anh và em là người chiến bại 
Ôi một thời đoan trang và hồng nhan con gái 
Đã bay xa theo gió lộng phù hoa 
Em tưởng mình sẽ hạnh phúc bao la 
Có ngờ đâu lối về xa vạn dặm… 
Cảm ơn anh không vì say vì đắm 
Nhưng vì yêu, đã tha thứ cho em 
Đón em về, dù rã nát trái tim 
Tình yêu anh, cho em con đường mới….”

 

Tác giả T.G. đã bỏ hòn  đá xuống, và viết vào nhật ký những dòng thơ  đầy nước mắt với tựa đề “Càng Yêu Em Hơn”. Tôi nghĩ anh bạn tôi cũng thấm tinh thần Tha Thứ  của Chúa Giêsu hôm nay đối với chính người bạn đời của mình.

Trong khi viết những dòng suy niệm này, tôi nhận được Email của anh tôi, Laogiacali, chuyển cho tôi mấy dòng của ngài Jim Lawhon:

“I remember there are 4 things that we cannot recover: The stone… after… the throw ! The word… after… it’s said ! The occasion… after… the loss ! The time… after… it’s gone”.

“Tôi nhớ, có 4 điều mà chúng ta không thể thu hồi lại được: Hòn đá đã ném đi. Lời đã nói ra. Cơ hội đã vuột mất. Và thời gian đã qua đi”.

Cảm ơn anh Laogiacali, cảm ơn ngài Jim Lawhon, em mượn ý tưởng này để kết.

Xin hãy bỏ hòn đá xuống. Xin khoan hãy nói lời buộc tội… Hòn đá đã ném đi không thu hồi lại được. Lời đã buông… 
Lạy Chúa Giêsu giàu lòng xót thương, xin thương tha cho con là người tội lỗi nhất – những tội trong tư tưởng, trong lòng trí, và những tội chưa công khai mà Ngài đã “bắt quả tang”. Xin ban cho con lòng thương xót cảm thông và tha thứ, để mở cho anh em con một lối về với bình an và thiện hảo. Amen.

PM. CAO HUY HOÀNG

Chúa Nhật 5 Mùa Chay Năm C

 Chúa Nhật 5 Mùa Chay Năm C

Kính thưa qúi ông bà anh chị em, trên phương diện xã hội, chúng ta rất cảm phục một phần lớn người Việt Nam ở trên đất nước Hoa Kỳ này đã thành công trong việc học hành cũng như sự nghiệp làm ăn. Bởi đâu họ có được như vậy, nếu không phải nhờ họ xác định được mục đích, để rồi họ nỗ lực quyết tâm đạt cho bằng được đích điểm, cho dẫu gặp khó khăn gian khổ cũng không làm họ nản chí sờn long.

     Hôm nay trong bài đọc 2, chúng ta cũng nói đến vấn đề mục đích cần phải đạt được. người nào vậy, nếu không phải là Thánh Phaolô, là tác giả của bài đọc 2, thơ gởi tín hữu Philipphê. Ngài đã hướng tới mục đích và cứu cánh cuối cùng là Đức Giêsu, và bằng mọi cách ngài phải đạt cho bằng được mà không có một mãnh lực nào ngăn cản nổi; vì Đức Ki-tô mà ngài đánh đổi tất cả. Mọi sự trên đời ngài coi như rác rưởi, phân bón so với mối lợi tuyệt hảo là Đức Kitô. Với một sự xác tín mạnh mẽ vào Đức Kitô mà ngài bất chấp tất cả, cho dù gian khổ, đói khát, đòn vọt, tù đày, kể cả cái chết, không có gì có thể tách Thánh nhân ra khỏi lòng mến Đức Kitô. Phải chăng mỗi người trong chúng ta có được sự xác tín vào Đức Ki-tô như thánh Phaolo, thì bằng mọi cách ta phải chiếm lấy được Đức Kitô là một mối lợi tuyệt hảo, để ta cùng nói lên lời tuyên tín như thánh Phaolô: “Tôi thâm tín rằng: sự chết hay sự sống, dù thiên thần thiên phủ, dù hiện tại tương lai, hay hiểm nguy. Hay cho dù là muôn chiều sâu, dù là muôn chiều cao, dù là ai bất cứ trên trần gian. Không có gì, không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô”. 

     Qua bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy, Chúa Giêsu đứng trước một cạm bẫy thật nguy hiểm; trả lời đàng nào cũng bị kết tội: “Thưa thầy, người đàn bà này bị bắt qủa tang đang ngoại tình. Trong luật Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Thầy nghĩ sao? Vì tình thương thì Thầy cần tha thứ cho người đàn bà này. Nhưng vì trung thành với luật Môisê thì phải kết liễu người đàn bà này. Đối thủ thật hí hửng bởi bẫy gài như vậy thì không ai thoát. Thế nhưng họ hung hổ tố cáo như vậy, nên không thấy sự bất công thật trơ trẽn ở chỗ: người đàn bà này ngoại tình là ngoại tình với ai mới được? Còn người kia ở đâu rồi? Có phải là các người bao che cho người cùng phái không? Bẫy gài nguy hiểm cùng với những bộ mặt hùng hổ, chờ câu trả lời là các hòn đá sẽ được tung ra. Nhưng câu trả lời của Chúa Giê-su, không phải là câu trả lời trực tiếp, mà nó mang tính cách câu hỏi thách thức đối phương, bắt họ nhìn lại chính mình: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Chúa Giê-su chấp nhận cho họ ném đá nhưng với điều kiện; họ phải nhìn vào con người của họ trước đã, rồi mới kết án người khác. Ai ngờ lời mời gọi này, kẻ cao niên thì lại rút lui trước, rồi từ từ tất cả đều rút lui. Với câu hỏi lại của Chúa Giêsu là câu hỏi xé lòng của họ, nên họ thấy xấu hổ vì mình chẳng tốt lành hơn người đàn bà đó, có khi còn ghê gớm hơn nữa, chẳng qua là dưới con mắt người đời thì người ta không thấy thôi, nhưng làm sao che dấu được con mắt của Thiên Chúa.
 
     Hình ảnh những người Biệt Phái, Pharisêu trong vụ án ném đá xưa, kể ra họ cũng còn nhận ra tình trạng con người của họ, nhưng ngày hôm nay biết bao người hùng hổ lên án người này, người kia mà không nhìn lại chính mình; họ lên án trực tiếp đối phương, lên án qua báo chí, sách vở, đài radio, TV, internet… Họ lên án cho bằng được, đâu cần thỉnh ý Chúa để Ngài cho câu trả lời trước khi họ hành động.
 
     Ôi thôi, con người trước mặt Chúa ai cũng đầy tội lỗi, khuyết điểm, chẳng qua là mình không chịu nhìn thẳng vào con người của mình, mà chỉ nhìn vào đối phương để vạch lá tìm sâu, bới móc rác rưởi; trong khi mình có khi cả một đống dơ bẩn, hôi thối, chẳng qua vì lỗ mũi của mình bị hư trầm trọng đó thôi. Bởi vậy có chyện kể rằng: có người kia mang hai giỏ trên mình; cái trước cái sau. Cái giỏ trước đựng rác, còn giỏ sau lưng đựng phân dơ bẩn hôi thối, thế mà anh ta cứ vênh vang như mình sạch lắm để rồi chê bai và kết án người khác.   
 
     Sứ điệp Lời Chúa tuần này: với câu hỏi của Chúa Giê-su cho các Kinh Sư và những người Pha-ri-sêu xưa, thì ngày hôm nay Ngài vẫn hỏi mỗi người chúng ta: “Ai cảm thấy mình sạch tội thì cứ lên án những người khác”. Phải chăng, trước khi hành động, chúng ta chịu dừng lại một chút để suy nghĩ về câu hỏi của Chúa Giê-su trước khi lên án ai thì hay biết mấy.
 
     Ước gì lời Chúa qua chúa nhật thứ năm mùa chay năm C này, giúp mỗi người chúng ta có được sự xác tín như thánh Phaolo, để bằng mọi giá ta chiếm được Đức Kitô. Và khi ta có được Đức Kitô thì ta có những hành xử như Ngài, nhất là khi đứng trước những người lầm đường lạc lối, những kẻ yếu đuối tội lỗi.  Amen.

Linh mục Phaolô Cao Thế Bình SDD

EM CÒN ĐÓ, XÕA LÒNG ĐÊM TÓC RỐI

 EM CÒN ĐÓ, XÕA LÒNG ĐÊM TÓC RỐI

“Em còn đó, xoã lòng đêm tóc rối,
Tôi đứng đây bụi lốc mịt mù xa.”
 (Dẫn từ thơ Vương Ngọc Long)

Ga 8: 1-11

Tóc vẫn rối, chắc hẳn lòng em cũng thêm rối? Rối tơi bời, nhưng người đời chẳng bận tâm. Thế đó, một tâm tình nhiều ý nghĩa đã thấy nơi trình thuật thánh Gioan viết hôm nay.

Trình thuật thánh Gioan nay viết, là viết về nữ phụ nọ bị cho là lăng loàn, tội lỗi, rất ngoại tình. Trình thuật hôm nay, là một trong các đoản khúc độc đáo của thánh Gioan, chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ 3, mà thôi. Các nhà chú giải kinh thánh cho rằng: đoản khúc này do cộng đoàn Luca thời tiên khởi đã đưa vào văn bản của thánh Gioan, vì lầm lẫn. Cũng có thể, các vị chép Tin Mừng lại cứ nghĩ Đức Giêsu xử tội nữ phụ ngoại tình ở trình thuật hơi nhẹ tay, dù kinh điển luật Do thái có ghi rõ.

Rõ ràng, trình thuật nay cho thấy cộng đoàn xét tội loạn luân chỉ mỗi nữ phụ thôi chứ không bắt giữ người đồng phạm. Loạn luân hay ngoại tình, đâu là hành xử chỉ một mình. Đây, rõ ràng có bất công, kỳ thị và thành kiến. Nữ phụ trong truyện, vẫn đại diện cho lớp người bị xã hội cổ xưa chê trách, phỉ báng, không chấp nhận. Xã hội mọi thời lại cũng coi thường, kết tội và chối bỏ phụ nữ dưới trướng mọi nam nhân.

Xã hội Do thái còn cách ly, bỏ tù và trừ khử các nữ phụ, để giữ mặt cho phe nhóm của họ. Trình thuật hôm nay, cho thấy: bằng vào việc sẻ san nỗi tức bực của kẻ giả hình và biến chuyện sống cung cách giả hình thành luật đối với cộng đoàn ở đó. Thế nên, phụ nữ xã hội này vẫn bị sử dụng cho mục đích tựa như thế. Và lần này, người đọc cũng như người kể, đều chuốc vào mình sự tức bực, giận hờn của phe nhóm/xã hội thời buổi ấy. Đó, còn là động thái của người sống vào thời buổi trước. Thế còn, xã hội hôm nay thì sao? Xã hội, nay thấy khá nhiều hành xử bất công với phụ nữ, vẫn không dứt.

Xưa nay, phụ nữ luôn là nhóm người không những thiệt thòi đủ điều, lại bị dồn vào chân tường khiến họ phải sống bên lề xã hội. Như di dân/người ngoại cuộc, phụ nữ không đủ tư cách để có được vai vế đáng kể trong bất cứ cộng đoàn nào ở Do thái. Họ bị coi như hiện thân của nỗi nhục phải sống trong xã hội do nam nhân khống chế, toàn trị. Trình thuật, nay còn mô tả nhóm người kết án nữ phụ phạm lỗi ngoại tình, họ đều là nam nhân. Không thấy trình thuật kể tên của nữ lưu nào trong đám người lên án hoặc xét xử chị ta hết. Sở dĩ, nữ phụ hôm ấy bị coi là có tội vì chị đã phạm vào niềm tin của mọi người về hôn phối. Và, một lần nữa, vụ xử riêng chị lại được đem ra ánh sáng, trước chúng dân toàn nam giới là để gài bẫy xem Chúa xử thế nào.

Sách Đệ Nhị Luật đoạn 22 đòi bất cứ nữ phụ nào phạm tội ngoại tình đều bị đem ra ném đá cho bằng chết. Thời Chúa sống, giới cầm quyền La Mã chừng như đã truất bỏ quyền hạn của người Do thái không được phép lên án chết trong trường hợp tương tự và một vài trường hợp khác giống như thế. Bởi thế nên, khi Chúa bảo: “Ai nghĩ mình vô tội hãy ra tay trước đi…” là Ngài tự đặt mình vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” hoặc chối bỏ luật Môsê hoặc đả phá luật của La Mã. Nếu làm như thế, hẳn Ngài tỏ cho thấy Ngài cũng khát máu như nam giới trong làng đòi Chúa giữ cả luật Do thái, La Mã và lệ làng của vua quan tự cho mình có văn hoá, văn minh?

Xem thế, thì ở đây có đến hai phiên xử: một phiên xét tội nữ phụ bị lên án chết do đám người cho rằng chị đã phạm luật. Còn, phiên kia đặt Chúa vào tình thế xét nghiệm, thử phổi để xem sao. Giả như Chúa không trả lời được vấn nạn do họ đặt ra, hẳn Ngài cũng bị xử chết hệt như nữ phụ ấy. Nếu quả đúng thế, thì thiết tưởng cũng không nên gọi nữ phụ nọ là người “bị bắt quả tang phạm pháp”, mà chỉ nên coi chị như người bị án tử đang chờ ngày hành quyết. Hai phiên xử, được nghệ nhân tên Lucas Cranach vẽ lên hình ảnh giống như tranh của Rembrandt về người con đi hoang, nay trở về. Cả hai bức tranh, được trưng bày tại bảo tàng viện St Petersburg cốt để giúp mọi người có chất liệu mà suy tư vào mùa Chay.

Bức tranh đây cho thấy: đám nam giới chủ toạ buổi xử đã kế án nữ phụ nọ vì chị vi phạm tội đáng chết, nhưng họ vẫn chờ Chúa cho ý kiến, để còn tính. Trong khi đó, Ngài lại bảo: “Ai nghĩ mình vô tội hãy ra tay trước đi...” Theo lệ làng, vị cao niên nhất sẽ ra tay ném đá trước; nhưng ở đây, vị ấy lại là người đầu tiên rút lui có trật tự, để mọi người cũng dấn bước, tiếp theo sau. Và, vụ xử bị đình chỉ, vì chẳng ai ra tay giải quyết, nên án này bị huỷ. Còn lại tại hiện trường chỉ thấy mỗi Đức Giêsu và tử tội, tượng trưng cho niềm khổ đau và lòng thương xót. Nhưng hỏi rằng: sự thể như thế có là đau khổ hôm nay không? Và, lòng Chúa xót thương vẫn là sự thương xót, suốt mọi thời đấy chứ?

Lại nữa, điều gì xảy đến trong lòng người nữ phụ buổi hôm đó? Và, nếu bảo rằng chị biết mình đã làm quấy, nên không cần ai nói cho chị biết gì thêm; và không chối bỏ điều đó. Chị thêm mỗi lo: sao là phụ nữ, chị bị coi như trò đùa của thiên hạ, về mọi việc. Chị không thấy căng thẳng, cũng chẳng đắng cay/khổ não mà chỉ mong sao để không còn nhớ chuyện cũ, và được ân xá. Chị là nữ phụ bị công luận ghen ghét, dè bỉu vì biết rõ tội trạng của chị. Họ không giết chị ngay lúc đó, nhưng chị cũng không thể sống với họ ở xã hội hoặc nơi nào mà câu chuyện về chị vẫn tiếp tục được kể cho thiên hạ nghe.

Theo tầm nhìn của xã hội cứ vin vào lề luật, thì chị như người đã chết hoặc người mắc nợ xã hội, mãi thiên thu. Chị khác nào người cùi/hủi bị đẩy lùi khỏi chốn dân gian sinh sống, giống những người không chốn dung thân. Nói tóm lại, vì họ, mà chị nay không thể quên những chuyện do xã hội của nam giới chuyên khuynh loát, khống chế phụ nữ. Dù có ai khuyên chị hãy quên đi chuyện như thế, có nhớ cũng chẳng làm được gì, nhưng chị thuộc lớp người không thể quên được chuyện có liên quan cả đời mình. Và những người xét xử cũng không quên được tội trạng của chị nữa. Thế nên, chị thấy không có lối thoát, và chẳng có gì giúp chị ra khỏi ngõ bí.

Nhưng, có một giọng nói trước nhất không nói tất cả mọi sự cho chị biết, mà chỉ cho người lên án Chúa thôi. Sau đó, mới hỏi chị xem có biết và có hiểu rằng: chẳng ai lên án chị hết! Và giọng ấy còn cho chị biết rằng: Đức Chúa lòng lành không bao giờ lên án chị. Theo cách nào đó, điều này nghĩa là chị đã được thứ tha, trước khi những người kết án chị bỏ đó mà đi. Tận tâm can, chị biết Chúa không lên án chị. Và, ngay khi ấy, chị đã biết tội/nợ của chị đà biến mất. Đó là quà tặng vượt quá những gì chị đáng được hưởng. Việc này không mang tính hữu lý theo người phàm, nhưng là điều rất mới, thuộc trật tự khác còn mới hơn. Nó như bài ca mới; và chị được mời để cùng mọi người hát lên bài ca mới ấy.

Trình thuật kể rằng Chúa có viết điều gì trên đất, nhưng thực sự Chúa chưa từng viết điều gì thành kinh điển và có lẽ hôm ấy Ngài cũng chỉ quệt quệt đôi vạch chứ chẳng viết chữ gì. Tự trung thì, người kết án chị đã phản ánh tội của chị vào văn bản của Chúa, rồi bỏ đi là vì thế. Sự việc như thể, hôm ấy, có đường lối mới rất tích cực về thứ tha đã trực chỉ người nữ phụ tội phạm như chị. Tha thứ đến với chị trong khi mọi người bỏ đó mà đi mang theo mọi hờn giận, ghét ghen, chẳng tha thứ.

Sự thể xảy ra hôm đó, là: có điều gì đó chưa từng xảy ra hôm trước, nay đã đến. Đó là quà tặng từ Đấng chưa thể hiện vào hôm trước, và cũng chưa có mặt ở hiện trường xử án, đầy vỡ đổ. Điều mới đó gọi là tha thứ. Tha thứ lớn hơn mọi sự ở thế trần. Tha thứ dẫn con người ra khỏi chính mình, vẫn khổ đau, đóng kín. Tha thứ lớn hơn sự công chính, hữu lý và hữu tình. Một thứ mới mẻ khiến con người thấy có sự sống sinh động và tình thương yêu, cũng rất lớn. Đó là tha thứ mà không ai vi phạm, sờ chạm được.

Dân con Hội thánh chưa hiểu sự mới mẻ này được là bởi giới chức có trọng trách dẫn dắt Hội thánh lại cứ giảng rao quá nhiều ‘sự’ về án chết, lỗi tội và khổ đau như ném đá cho chết. Có lẽ Hội thánh nay cần thứ gì đó to tát hơn để ta có thể học hỏi yêu thương từ nữ phụ phạm lỗi nay được tha nên đã yêu.

Nữ phụ ấy là ai? Phải chăng là bà Susannah ở Cựu Ước? Phải chăng nữ phụ kể ở trình thuật hôm nay là tổng hợp giữa người nữ thành Samaritanô và người mù bẩm sinh? Cũng có thể là một Ladarô ở trong mồ, tức nhân vật chính trong phụng vụ mùa Chay này chăng? Nữ phụ trong trình thuật phải chăng là biểu tượng của những ai từng bị đào thải, vì đã làm những việc theo cung cách khác hẳn xã hội từng chỉ vẽ bằng luật? Trả lời câu hỏi này, hẳn ta sẽ hiểu được ý chính của tác giả khi viết trình thuật hôm nay.

Trong cảm nghiệm tinh thần đó, cũng nên ngâm lại lời thơ vừa trích dẫn, rằng:

            “Em còn đó, xoã lòng đêm tóc rối,
            Tôi đứng đây, bụi lốc mịt mù xa.
            Nghìn mắt lá đang nhìn tôi ái ngại,
            Đêm nguyệt quỳnh hoá nở kiếp phù hoa.”
            (Vương Ngọc Long – Đêm Nguyệt Quỳnh)

“Đêm Nguyệt Quỳnh”, chắc chắn không là đêm của tình thương yêu/tha thứ như nhà thơ hiểu. Nhưng, vẫn là đêm tuyệt diệu cho nữ phụ ở trình thuật và cho tôi, là người lâu nay vẫn hưởng nhờ ơn tha thứ từ Đức Chúa, rất lòng lành. Thế đó, là lời đáp trả của lời thơ vương vấn ở đâu đó, rất trong đời.    
       

 

Lm. Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Hồng y đoàn

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Hồng y đoàn

VATICAN. Lúc 11 giờ sáng 15 tháng 3-2013, ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ tất cả các Hồng y, kể cả các vị trên 80 tuổi. Ngài mời gọi mọi người đừng bi quan, nản chí hoặc có thái độ cay đắng.

Đầu buổi tiếp kiến tại sảnh đường Clemente trong dinh tông tòa, ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn, dâng lời cảm tạ Chúa vì hồng ân đã ban cho Giáo Hội một vị Mục Tử mới. Đồng thời ĐHY cũng cám ơn ĐTC vì đã quảng đại đón nhận lời mời gọi của Chúa: ”Nếu con yêu mến Thầy, thì hãy chăn các chiên con của Thầy; hãy chăn các chiên của Thầy” (Ga 21,15).

ĐHY Niên trưởng cũng Hồng y đoàn bày tỏ sự sẵn sàng của tất cả các Hồng Y đóng góp phần khiêm hạ của mình cho sứ vụ Phêrô, dấn thân hành động, mỗi người theo ơn thánh đã nhận lãnh (Xc 1 Pr 4,10-11).

Về phần ĐTC, trong lời ngỏ với các Hồng y, ngài nhắc lại những ngày mật nghị Hồng y đầy ý nghĩa không những đối với Hồng y đoàn nhưng còn đối với mọi tín hữu. Ngài nói:

”Từ mọi góc trái đất, kinh nguyện của Dân Kitô đã được đồng thanh và sốt sắng dâng lên để cầu cho vị tân Giáo Hoàng, và cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với đám đông dân chúng tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô đầy xúc động. Với hình ảnh đầy ý nghĩa về dân chúng cầu nguyện và vui mừng còn in trong tâm trí, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với các GM, các GM, những người thánh hiến, các bạn trẻ, các gia đình, người già, vì sự gần gũi tinh thần đánh động và nhiệt thành như vậy”.

ĐTC cám ơn tất cả các HY, đặc biệt ĐHY Niên trưởng Sodano, ĐHY Nhiếp Chính Bertone, cũng như ĐHY Giovanni Battista Re, vị kỳ cựu nhất trong mật nghị Hồng Y và những hoạt động trong những ngày qua, trong giai đoạn chuyển tiếp khó khăn.

ĐTC bày tỏ ”Một tư tưởng đầy lòng quí mến và biết ơn sâu xa đối với vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi, Biển Đức 16: trong những năm qua của triều đại Giáo Hoàng, Người đã làm cho Giáo Hội phong phú và được củng cố nhờ giáo huấn của Người, nhờ lòng từ nhân, sự hướng dẫn, niềm tin, sự khiêm tốn và hiền dịu của Người; những điều này sẽ còn là một gia sản tinh thần cho tất cả mọi người. Sứ vụ Phêrô, được Người tận tụy chu toàn, đã được ngài diễn tả một cách khôn ngoan và khiêm tốn, với cái nhìn luôn hướng về Chúa Kitô, Chúa Kitô phục sinh, hiện diện và sinh động trong Thánh Thể. Kinh nguyện sốt sáng, sự luôn tưởng nhớ và quí mến, biết ơn. Chúng ta cảm thấy rằng Đức Biển Đức 16 đã khơi lên trong thẳm sâu tâm hồn chúng ta một ngọn lửa: lửa này tiếp tục cháy vì sẽ được nuôi dưỡng bằng kinh nguyện của Ngài, sẽ nâng đỡ Giáo Hội trong hình trình tu đức và truyền giáo.”

Trong phần kế tiếp, ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Chính Chúa Thánh Linh hướng dẫn Giáo Hội, Ngài là linh hồn của Giáo Hội với sức mạnh làm sinh động và liên kết nhiều người thành một thân mình duy nhất, là Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Chúng ta đừng bao giờ chiều theo thái độ bi quan, thái độ cay đắng mà ma quỷ đặt trước chúng ta mỗi ngày; không chiều theo sự bi quan, nản chí: chúng ta chắc chắn rằng với hơi thở quyền năng, Chúa Thánh Linh ban cho Giáo Hội, lòng can đảm kiên trì và tìm kiếm những phương pháp mới để rao giảng Tin Mừng, để đưa Tin Mừng đến tận bờ cõi trái đất (Xc Cv 1,8). Chân lý Kitô giáo có sức thu hút và thuyết phục vì đáp lại nhu cầu sâu xa của cuộc sống con người, loan báo một cách đầy sức thuyết phục rằng Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất của trọn con người và tất cả mọi người. Việc loan báo này vẫn còn giá trị ngày nay như thời kỳ đầu của Kitô giáo, khi Tin Mừng bắt đầu được lan tỏa.”

Nhận thấy tuổi cao của nhiều HY, ĐTC cũng đề cao giá trị của tuổi già: tuổi già là tòa khôn ngoan về cuộc sống. Người già có sự khôn ngoan, đã tiến bước trong cuộc sống, như cụ già Simeon, bà cụ già Anna trong Đền thờ. Chính sự khôn ngoan ấy đã làm cho họ nhận ra Chúa Giêsu. Chúng ta hãy trao ban sự khôn ngoan về cuộc sống ấy cho giới trẻ”.

Sau bài diễn văn dọn sẵn nhưng cũng có nhiều đoạn ứng khẩu ĐTC đã đứng lại gần một tiếng đồng hồ nồng nhiệt và thân ái chào thăm từng vị Hồng y, trao đổi với mỗi vị vài lời. (SD 15-3-2013)

G. Trần Đức Anh OP-Vatican Radio
 

 

Tòa Thánh bác bỏ chiến dịch ở Argentina chống Đức tân Giáo Hoàng

Tòa Thánh bác bỏ chiến dịch ở Argentina chống Đức tân Giáo Hoàng

VATICAN. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, bác bỏ chiến dịch do phe tả phái bài giáo sĩ tại Argentina tung lên để vu khống ĐTC Phanxicô, khi còn làm Giám tỉnh trong thời độc tài quân phiệt ở Argentina không bênh vực hai tu sĩ dòng Tên thuộc quyền.

Chiến dịch vu khống đó được đẩy mạnh với cuốn sách và các bài báo của ký giả Horacio Verbitsky, một người rất thân cận với chính phủ Argentina hiện nay.

Tuyên bố với giới báo chí trong cuộc họp báo sáng hôm 15 tháng 3-2013 tại Vatican, Cha Lombardi nói:
”Chiến dịch chống Đức Bergoglio đã được nhiều người biết đến và bắt đầu từ nhiều năm nay rồi. Chiến dịch ấy được tiến hành qua việc ấn hành một cuốn sách chuyên biệt trong những đợt nhiều khi có tính chất vu khống và mạ lỵ. Tính chất bài giáo sĩ của chiến dịch này và những lời cáo buộc chống Đức Bergoglio là điều được biết rõ và hiển nhiên.

”Sự cáo buộc liên quan tới thời kỳ Bergogio chưa là GM, nhưng là bề trên của Dòng Tên tại Argentina và 2 linh mục bị bắt cóc và họ nói là cha Bergoglio không bảo vệ hai vị đó.

”Không hề có một lời cáo buộc cụ thể đáng tin đối với Đức Bergoglio. Nhà chức trách tư pháp Argentina đã thẩm vấn Ngài một lần trong tư cách là người thông thạo về sự việc, nhưng không hề buộc tội ngài về điều gì.
Ngài đã trưng dẫn các bằng chứng để phủ nhận những lời cáo buộc.

Cha Lombardi cho biết: ”Trái lại có rất nhiều tuyên ngôn chứng tỏ điều mà Đức Bergoglio đã làm để bảo vệ nhiều người thời thời độc tài quân phiệt”.

Người ta cũng biết rõ vai trò của Đức Bergoglio sau khi trở thành Giám Mục. Ngài cổ võ việc xin lỗi của Giáo Hội tại Argentina vì đã không làm đầy đủ trong thời độc tài.

Từ nhiều năm nay những thành phần tả phái bài giáo sĩ sử dụng những phân tích lịch sử xã hội về thời kỳ độc tài để đưa ra những lời cáo buộc để tấn công Giáo Hội. Những lời cáo buộc ấy phải bị bác bỏ một cách quyết liệt.
Cha Lombardi cũng nói rằng 2 LM dòng Tên bị chế độ quân phiệt bắt cóc mà người ta bảo là cha Bergoglio không can thiệp, sau này được trả tự do và đã đồng tế thánh lễ với cha Bề trên Bergoglio và hòa giải. (SD 15-3-2013)

G. Trần Đức Anh OP-Vatican Radio

HÃY GIEO YÊU THƯƠNG

HÃY GIEO YÊU THƯƠNG

HÃY GIEO YÊU THƯƠNG VÀO NƠI OÁN THÙ.

Mặt đất tràn đầy thiên đàng,

Mọi lùm cây bừng sáng vì Thiên Chúa hiện diện,

Ai thấy Thiên Chúa thì mới cởi giầy ra,

Những người khác chỉ ngồi chung quanh hái quả mâm xôi.

                                                ( Elizabeth Barrett Browning)

Rose heart

Xin xem . . .HÃY GIEO YÊU THƯƠNG

Những hoạt động đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Những hoạt động đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

ROMA. Khoảng 8 giờ sáng 14 tháng 3-2013, Đức tân Giáo Hoàng Phanxicô đã đến kính viếng và cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Roma, để cầu xin Mẹ Thiên Chúa dìu dắt ngài trong việc phục vụ và hướng dẫn Giáo Hội.

ĐTC được ĐHY Giám quản Roma Agostini Vallini tháp tùng và được ĐHY Santos Abril y Castelló, Giám quản Đền thờ, cùng với các kinh sĩ Đền thờ và các cha dòng Đa Minh giải tội, các tu sĩ Phanxiô coi nhà thánh, chào đón. Hiện diện tại đây cũng có ĐHY Bernard Law, nguyên Giám quản Đền thờ Đức Bà Cả và Đức TGM Georg Gaenswein, Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng.

Sau khi đặt vòng hoa trên bàn thờ và cầu nguyện riêng lối 10 phút trước tượng ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma tại nhà nguyện Paolina, ĐTC Phanxicô đã viếng thánh tích Máng Cỏ ở dưới bàn thờ chính và viếng Nhà Nguyện Sistina nơi có bàn thờ mà thánh Ignatio Loyola đã dâng thánh lễ đầu tiên vào lễ Giáng Sinh. Ngài cũng kính viếng di hài thánh Piô 5 Giáo Hoàng tại cùng nhà nguyện.

Tiếp đến, ĐGH chào thăm từng vị kinh sĩ và các cha giải tội, và nhân viên. Trên đường về Vatican, ĐGH đã dừng lại tại nhà trọ giáo sĩ quốc tế ở đường Scrofa số 70 để lấy hành lý. Đây là nơi ngài trọ trong những ngày trước khi vào mật nghị. Trước khi rời nơi đây, ĐGH đã trả tiền trọ những ngày trước đó để làm gương. Nhân viên từ chối không dám lấy nhưng ngài ép phải lấy và nói rằng ”Đây là tiền trọ của tôi trong tư cách là Hồng Y”.

Xe ĐTC di chuyển sáng hôm qua chỉ là một xe thường của Hiến binh Vatican, chứ không phải là xe dành cho Giáo Hoàng.

Lúc 5 giờ chiều hôm qua, ĐTC đã cử hành thánh lễ với các Hồng y tại Nhà nguyện Sistina để bế mạc mật nghị. Thánh lễ không có dân chúng tham dự nhưng được trực tiếp truyền hình.

Sau đó ngài đã viếng thăm căn hộ Giáo Hoàng. Căn hộ này đã được niêm phong kể từ khi việc từ nhiệm của ĐGH Biển Đức 16 bắt đầu có hiệu lực vào cuối ngày 28 tháng 2 vừa qua.

Lịch trình hoạt động của ĐTC

Phòng báo chí Tòa Thánh cũng bố lịch trình hoạt động của Đức Tân Giáo Hoàng trong những ngày tới đây:

Lúc 11 giờ sáng thứ sáu, 15-3, ĐTC sẽ tiếp kiến tất cả các Hồng y, kể cả các vị trên 80 tuổi.
– Lúc 11 giờ sáng thứ bẩy, 16-3, ngài sẽ tiếp kiến đại diện của giới truyền thông hiện diện tại Roma trong những ngày này.

Tính đến ngày 12-3 vừa qua có hơn 5.600 ký giả và nhân viên truyền thông các nước đăng ký tại Phòng báo chí Tòa Thánh để theo dõi và tường thuật về các sinh hoạt tại Tòa Thánh nhân dịp bầu Giáo Hoàng mới.
Con số trên đây không 650 ký giả đăng ký thường trực, gồm 400 ký giả báp chí, 57 nhiếp ảnh viên, 201 ký giả và nhân viên truyền hình.

Số người xin đăng ký nhân dịp mật nghị Hồng y bầu Giáo Hoàng mới là 5.683 người, và có 5.2143 đơn được chấp nhận. Trong số này có 1.845 người thuộc giới báo chí và phóng viên, 1036 người là nhân viên thu hình, 999 kỹ thuật viên, 595 người sản xuất chương trình, 414 nhiếp ảnh viên, 132 người thực hiện các chương trình truyền hình.

Các nhân viên truyền thông trên đây đến từ 76 quốc gia và nói 26 ngôn ngữ.

– Sáng chúa nhật 17-3, ĐTC sẽ chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin lần đầu tiên với các tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô.

– Sáng thứ ba, 19-3, ĐTC Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ lúc 9 giờ rưỡi sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô để khai mạc sứ vụ Phêrô.

– Sau cùng ngày thứ tư, 20-3 sẽ không có buổi tiếp kiến chung các tín hữu, nhưng ĐTC sẽ tiếp phái đoàn các Giáo Hội Kitô anh em.

Trong cuộc họp báo, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết ban tối ngày 13 tháng 3-2013 sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, ĐTC Phanxicô đã điện thoại thăm hỏi Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 và sẽ đến thăm Người tại Castel Gandolfo trong những ngày tới đây.

Chiều tối ngày thứ tư 13 tháng 3-2013, sau khi đắc cử, Đức tân Giáo Hoàng đã đứng trước bàn thờ và nhận sự chúc mừng của các Hồng Y. Sau đó khi trở về nhà trọ thánh Marta, ĐGH đã từ chối dùng xe riêng của Giáo Hoàng, nhưng đi chung xe bus với các Hồng Y.

Vào cuối bữa ăn tối trong bầu không khí thật vui vẻ, ĐGH đã cám ơn các Hồng y và nói rằng: ”Xin Chúa tha thứ cho anh em vì những gì anh em đã làm!”. Ngài ám chỉ đến việc các Hồng y đã bầu ngài làm Giáo Hoàng.
Sau cùng, cha Lombardi trả lời câu hỏi của giới báo chí và cho biết ĐTC Phanxicô sử dụng các thứ tiếng: Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức và Anh (SD 14-3-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Hồng Y Bergoglio được bầu làm tân Giáo Hoàng Phanxicô I

Đức Hồng Y Bergoglio được bầu làm tân Giáo Hoàng Phanxicô I

Tân Đức Giáo Hoàng Francis I

VATICAN. ĐHY Jorge Mario Bergoglio, 76 tuổi, TGM giáo phận Buenos Aires, Argentina, đã được bầu làm Giáo Hoàng và ngài lấy danh hiệu là Phanxicô.

Lúc 19 giờ 6 phút tối hôm 13 tháng 3-2013, khói trắng bắt đầu xông ra từ ống khói trên mái nhà nguyện Sistina, giữa tiếng reo vui mừng của hàng chục ngàn tín hữu kiên nhẫn đứng chờ đợi hàng giờ trước đó dưới trời mưa.

Khói trắng thật rõ ràng, các chuông của Đền thờ thánh Phêrô được gióng lên liên hồi, báo hiệu đã có Giáo Hoàng mới.

Tin này được loan đi lập tức trên khắp thế giới. Các đài truyền hình và phát thanh tạm ngưng chương trình đang phát để loan đi tin quan trọng này.

Tại Roma, hàng chục ngàn tín hữu và dân chúng dùng mọi cách để tuốn về Quảng trường thánh Phêrô để chào mừng vị tân Giáo Hoàng.

Quảng trường đông chật người, các tín hữu nhẩy mừng, reo hò ca hát, phất cờ quốc gia của họ. Có những những nhóm trương biểu ngữ hoan hô Đức Giáo Hoàng.

Trong khi chờ đợi ban quân nhạc của Hiến binh Vatican, cùng với đoàn vệ binh Thụy Sĩ và ban quân nhạc của hiến binh Italia và đoàn liên quân của nước này tiến ra thềm Đền thờ Thánh Phêrô để sẵn sàng chào mừng Đức Tân Giáo Hoàng. Ông Đô trưởng Roma, Gianni Alemano, cũng có mặt để chào mừng.

1 giờ 5 phút sau khi bắt đầu có khói trắng, ĐHY Jean Louis Tauran, người Pháp, trưởng đẳng Phó tế, xuất hiện tại bao lơn đền thờ thánh Phêrô, giữa tiếng reo hò vui mừng của mọi người. Viva il Papa. Bầu trời lúc này đã tạnh mưa. ĐHY long trọng tuyên bố:

Tôi loan báo cho anh chị em một tin vui lớn: Chúng ta đã có Giáo Hoàng. Đó là ĐHY Bergoglio. Ngài lấy danh hiệu là Phanxicô.

Lời chào của Đức Tân Giáo Hoàng

Ít phút sau đó, Đức tân Giáo Hoàng xuất hiện, Ngài ứng khẩu nói với mọi người:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em
Anh chị em biết là nghĩa vụ của mật nghị Hồng y là cung cấp một GM cho Roma. Dường như các anh em Hồng y của tôi đi đến hầu như tận cùng thế giới để lấy vị đó, nhưng bây giờ chúng ta đang ở đây. Tôi cám ơn anh chị em vì sự tiếp đón. Cộng đồng giáo phận Roma dành cho GM của mình. Cám ơn Anh chị em.

Trước tiên tôi muốn cầu nguyện cho Đức nguyên GM Roma Biển Đức 16. Tất cả chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho ngài, xin Chúa chúc lành cho ngài và xin Mẹ Maria gìn giữ ngài.

Tiếp đến Đức Tân Giáo Hoàng và mọi người đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh.

Rồi ĐTC Phanxicô nói tiếp: ”Và giờ đây chúng ta bắt đầu hành trình này, GM và dân chúng, hành trình của Giáo Hội Roma là Giáo Hội chủ trì toàn thể các Giáo Hội khác trong đức bác ái, một hành trình huynh đệ và yêu thương, tín nhiệm giữa chúng ta. Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho chúng ta, cầu cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thế giới để có một tình huynh đệ đậm đà hơn. Tôi cầu mong cho anh chị em sao cho hành trình này của Giáo Hội mà hôm nay chúng ta bắt đầu, và cho người giúp đỡ tôi là ĐHY Giám quản hiện diện ở đây, được nhiều thành quả cho công cuộc rao giảng Tin Mừng tại thành phố đẹp đẽ này.

”Và giờ đây tôi muốn ban phép lành cho anh chị em. Nhưng trước tiên tôi xin anh chị em một ân huệ. Trước khi GM chúc lànhc ho dân, tôi xin anh chị em cầu xin Chúa chúc lành cho tôi. Kinh nguyện của dân, cầu xin Chúa ban phép lành cho GM của mình. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng, anh chị em cầu nguyện cho tôi.

Sau cùng, ĐHY Tauran loan báo ĐTC ban phép lành với ơn toàn xá cho các tín hữu, cho Roma và toàn thế giới.


Vài dòng tiểu sử

ĐTC Jorge Mario Bergoglio thuộc dòng Tên, sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936 tại Buenos Aires. Ngài gia nhập dòng Tên ngày 11-3 năm 1858 và theo học các môn nhân văn tại Chile và năm 1963 ngài trở về thủ đô Argentina, tốt nghiệp triết học tại Phân khoa triết tại Học viện San José. Trong hai năm từ 1964 đến 1965, ngài làm giáo sư văn chương và tâm lý tại Học viện Đức Mẹ Vô Nhiễm ở thành phố Santa Fe, rồi sau đó tại Học viện Salvatore tại Buenos Aires.

Từ năm 1967 đến 1970 ngài học thần học và tốt nghiệp tại Học viện San Miguel. Ngày 13-12 năm 1969, thầy Bergoglio thụ phong linh mục lúc đã 33 tuổi. Rồi năm sau Cha làm nhà tập thứ hai ở Tây Ban Nha trước khi khấn trọng ngày 22-4-1973.

Cha Bergolio làm giáo tập, rồi giáo sư tại phân khoa thần học, trước khi làm Giám tỉnh dòng Tên ở Argentina năm 1973.

10 năm sau đó, Cha Bergoglio sang Đức dọn luận án tiến sĩ . Năm 1992 ngài được Đức Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm GM Phụ tá tổng giáo phận Buenos Aires và 6 năm sau trở thành TGM giáo phận chính tòa của Giáo phận này. 3 năm sau, 2001, ngài được thăng hồng y.

ĐHY Bergoglio vốn là vị, theo báo chí, đã được nhiều phiếu nhất sau ĐHY Ratzinger trong mật nghị bầu Giáo Hoàng cách đây 8 năm.

Khi làm TGM giáo phận Buenos Aires, nổi tiếng là gần gũi dân chúng và sống khiêm nhường. Ngài vẫn thường đi xe bus, viếng thăm người nghèo, sống trong một căn hộ đơn sơ và tự nấu ăn. Đối với nhiều người dân Buenos Aires, ngài thường được gọi bằng danh hiệu đơn sơ là ”Cha Jorge”.

ĐHY Bergoglio thiết lập các giáo xứ mới, chỉnh đốn các văn phòng hành chắnh, hướng dẫn các sáng kiến bảo vệ sự sống và bắt đầu các chương trình mục vụ mới, như thành lập một Ủy ban về những người ly dị. Trong Thượng HĐGM thế giới kỳ 10 hồi tháng 10 năm 2001, ngài được bổ nhiệm làm Tổng tường trình viên. Từ năm 2005 đến 2011 ngài làm Chủ tịch HĐGM Argentina.

ĐHY Bergoglio đã viết các sách và linh đạo và suy niệm, và cũng thường lên tiếng chống lại nạn phá thai, hôn nhân đồng phái.

Hồi năm 2010, khi Argentina trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên ban hành luật công nhân hôn nhân đồng phái, ĐHY khuyến khích các LM toàn quốc kêu gọi các tín hữu Công Giáo chống lại luật này vì nó làm thương tổn gia đình trầm trọng. Trước đó năm 2006, ngài cũng phê bình dự luật cho phá thai.

Đắc cử Giáo Hoàng

ĐHY Bergoglio đã đắc cử Giáo Hoàng trong lần bỏ phiếu thứ 5 tại mật nghị Hồng y tại nhà nguyện Sistina.
Theo nghi thức về mật nghị, sau khi HY hội đủ số phiếu ít là 2 phần 3 để đắc cử, ĐHY Giovanni Battista Re, 79 tuổi, là vị kỳ cựu nhất trong số các HY thuộc đẳng GM trong mật nghị, tiến đến trước mặt ĐHY và hỏi: ”Ngài có chấp nhận việc bầu ngài làm Giáo Hoàng chiếu theo giáo luật không?”. Sau khi ĐHY trả lời khẳng định thì ĐHY Re hỏi tiếp: ”Vậy ngài muốn được gọi bằng tên nào?” Đức tân Giáo Hoàng cho biết ngài chọn tên là Phanxicô.
Tiếp đến, Đức Ông Guido Marini, trưởng ban nghi lễ phụng vụ của ĐGH, cùng với một công chứng viên tông tòa và 2 chức sắc phụ tá khác với tư cách là nhân chứng, sẽ soạn văn kiện chính thức về cuộc bầu cử và tên hiệu của vị tân Giáo Hoàng.

Lúc đó các lá phiếu được đốt đi và máy xông khói trắng được dùng để báo hiệu cho toàn thế giới bên ngoài.
Đức tân Giáo Hoàng đi vào căn phòng nhỏ cạnh nhà nguyện Sistina quen gọi là ”Phòng nước mắt”. Tại đây đã có sẵn 3 bộ áo Giáo Hoàng theo 3 kích thước khác nhau, để Đức tân Giáo Hoàng thay đổi phẩm phục.

Rồi ngài trở lại Nhà nguyện Sistina để cầu nguyện với Hồng y cử tri, và các vị đến chúc mừng Đức tân Giáo Hoàng, hứa vâng phục ngài, rồi cộng đoàn cùng nhau hát kinh Te Deum, Tạ Ơn Chúa.

Trước khi xuất hiện tại bao lơn Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng mới đã dừng lại tại Nhà nguyện Paolina để cầu nguyện chốc lát trước Mình Thánh Chúa.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio