Người cựu giúp việc của ĐTC tiếp tục bị tạm giam

Người cựu giúp việc của ĐTC tiếp tục bị tạm giam

VATICAN. Người cựu giúp việc của ĐTC, Ông Paolo Gabriele, tiếp tục bị tạm giam thêm vài ngày nữa.
Ông Gabriele bị hiến binh Vatican bắt để điều tra về tội lấy cắp và tàng trữ bất hợp pháp các thư từ tài liệu mật từ căn hộ của ĐTC. Ngày 12 tháng 7-2012 là hạn chót 50 ngày tạm giam. Theo luật của Vatican, việc tam giam này có thể kéo dài thêm 50 ngày nữa.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí cạnh Tòa Thánh trưa ngày 12 tháng 7-2012, Cha Lombardi SJ, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết thẩm phán điều tra, ông Piero Antonio Bonnet, đã quyết định gia hạn thời gian tạm giam bị can thêm vài ngày vì ”ông còn phải thu thập một vài chứng từ nữa”. Tiếp đến ”sẽ có các cuộc hỏi cung chính thức.. Tất cả những điều này sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày kể từ hôm nay, 11 tháng 7-2012”.

Vì thế, cha Lombardi nói, trong tuần tới đây và đầu tuần lễ kế tiệp, “thẩm phán điều tra sẽ kết thúc giai đoạn thu thập thông tin cũng như các cuộc thẩm vấn ông Gabriele, và sẽ quyết định về việc tạm giam đương sự”.
Cha Lombardi bác bỏ tin của một số báo chí cho rằng Ông Gabriele lâm vào một tình trạng tâm lý đáng lo âu và nói rằng: ”Tôi có những yếu tố thông tin trấn an hơn: Luật sư bênh vực Gabriele là ông Carlo Fusco cho biết thân chủ của ông vẫn thanh thản, kín múc an ủi từ kinh nguyện, ở trong một tình trạng sức khỏe yên hàn, không đáng lo ngại”.

LM Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong tiến trình điều tra, thẩm phán của Vatican không hề yêu cầu nhà chức trách tư pháp Italia điều tra dùm về người nào. Cho đến nay người duy nhất bị điều tra vẫn là ông Paolo Gabriele.

Sau cùng, cha Lombardi thông báo: Ủy ban 3 Hồng y điều tra về những vụ thất thoát tài liệu tại Vatican do ĐHY Julian Herranz làm chủ tịch, dự kiến sẽ kết thúc công việc trong tuần này và chuẩn bị phúc trình đầu tiên để đệ lên ĐTC trong tuần tới đây. (Tổng hợp 12 tháng-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Thông cáo của Tòa Sứ Thần tại Slovak về vụ ĐTC bãi chức 1 TGM

Thông cáo của Tòa Sứ Thần tại Slovak về vụ ĐTC bãi chức 1 TGM

BRATISLAVA. Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Bratislava, thủ đô Cộng hòa Slovak, kêu gọi các tín hữu chấp nhận quyết định của ĐTC trong tinh thần đức tin về việc bãi chức vị TGM giáo phận Trnava.

Ngày 2 tháng7-2012, Đức TGM giáo phận Trnava, Robert Bezák, CSsR, 52 tuổi, đã ĐTC bãi chức, sau 3 năm cai quản giáo phận này. Sau đó có nhiều nhóm tín hữu biểu tình chống đối và đòi Tòa Thánh phải cho biết lý do tại sao. Chúa nhật 8 tháng 7-2012, lối 100 người biểu tình trước nhà thờ chính tòa Trnava kêu gọi tẩy chay các thánh lễ tại đây. Nhiều nhóm khác thu tập chữ ký hoặc tổ chức canh thức cầu nguyện để phản đối. Một buổi hòa nhạc dự kiến tối ngày 10 tháng 7-2012 với sự tham dự của nhiều nhân vật để liên đới với vị GM bị bãi chức.

LM Jozef Kovacik, Phát ngôn viên HĐGM Slovak, bác bỏ những yêu cầu đòi được biết lý do tại sao Đức Cha Bézak bị bãi chức. Cha nói: ”Thật là sai lầm khi nghĩ rằng người ta có quyền đòi được biết tất cả những thông tin. ĐGH không phải trả lời cho người nào về những quyết định của ngài. Đàng khác, các yêu cầu cần được gửi về Vatican cho đến khi bổ nhiệm một vị TGM mới.

Trong bối cảnh đó, hôm 9 tháng 7-2012, Tòa Sứ Thần đã nhân danh Tòa Thánh, ra thông cáo để làm sáng tỏ một số tin tức sai lầm được báo chí phổ biến sau việc thu hồi trách nhiệm mục vụ của Đức TGM Robert Bezák. Theo thông cáo, ”Dựa trên nhiều tin tức về tình trạng mục vụ của tổng giáo phận Trnava do các LM và giáo dân trực tiếp gửi về Tòa Thánh, ĐHY Quốc vụ khanh đã cho phép Bộ giáo sĩ mở cuộc thanh tra tông tòa tại Trnava với mục đích kiểm chứng những lời than phiền”.

Cuộc thanh tra đã được thực hiện từ ngày 22 tháng 1 đến 1 tháng 2-2012, dưới sự hướng dẫn của Đức Cha Jan Baxan, GM giáo phận Litomerice thuộc cộng hòa Tiệp, và kết quả được gửi về Bộ giáo sĩ để các vị có thẩm quyền cứu xét. Tiếp theo đó, Bộ Giám Mục đã thông báo cho Đức Cha Bezák về những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến con người và hoạt động mục vụ của Đức Cha, đồng thời yêu cầu Đức Cha cứu xét những vấn đề được nêu lên và giải thích lập trường. ĐTC, sau khi suy tư kỹ lưỡng, đã quyết định yêu cầu Đức Cha Bezák từ chức TGM giáo phận Trnava. Sau khi vị này từ chối, ĐTC đã quyết định thu hồi trách vụ mục vụ của Đức Cha, và cho công bố quyết định ngày ngày 2 tháng 7 vừa qua.

Thông cáo của Tòa Sứ Thần cho biết ”Tòa Thánh rất lấy làm tiếc vì Đức Cha Bezák đã công bố trước quyết định của ĐTC và vi phạm ”bí mật Giáo Hoàng”. Tòa Sứ Thần mời gọi các tín hữu tại Slovak hãy thành tâm chấp nhận quyết định của ĐTC trong tinh thần đức tin và cầu mong rằng sự hiệp nhất của Giáo Hội tại Slovak có thể được củng cố” (SD 10-7-2012)

G. Trần Đức Anh OP

SỐNG THEO NHỊP ĐIỆU PHỤNG VỤ CÁC GIỜ KINH

SỐNG THEO NHỊP ĐIỆU PHỤNG VỤ CÁC GIỜ KINH

Mẹ Marianne Zuercher chào đời năm 1945 tại Thurgovie và hiện là Viện Mẫu đan viện Xitô Maigrauge ở thành phố Fribourg bên nước Thụy Sỹ.

Trước đó, sau khi đậu cử nhân khoa kinh tế, Chị Marianne dạy học tại trường thương mại ở Bourguillon rồi làm hiệu trưởng trường này. Chị thuộc về dòng Các Nữ Tu Baldegg. Nhưng rồi Chị nghe tiếng Chúa gọi vào đời sống đan tu nên gia nhập đan viện Xitô Maigrauge vào năm 1985. Chị tuyên khấn trọng thể 4 lời khấn vào năm 1990. Trong vòng 20 năm, Chị là quản lý của cộng đoàn. Ngày 06-13-2011 Chị được bầu làm Viện Mẫu thứ 54 của đan viện Xitô Maigrauge. Xin nhường lời cho Mẹ Marianne nói về linh đạo đan tu.

Là nữ đan sĩ Xitô, một ngày sống của tôi trôi qua với phụng vụ, đọc và suy gẫm Lời Chúa và cuộc sống cộng đoàn. Phụng Vụ của chúng tôi rất thanh đạm và đơn giản. Thánh Lễ mỗi ngày là trung tâm và là suối nguồn cuộc sống kết hiệp với THIÊN CHÚA. 7 lần trong ngày, chúng tôi cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Thời khóa biểu của tôi được quy định bởi thời gian đọc Kinh Thần Vụ. Thánh Biển-Đức xin chúng tôi dành ưu tiên cho Công Trình của THIÊN CHÚA. Điều này cống hiến một hệ thức khác liên quan tới thời gian. Thật vậy, chính linh đạo đan tu đào luyện nơi tôi mối quan hệ thân tình với THIÊN CHÚA và với toàn thể đại gia đình nhân loại, điều mà tôi không tìm thấy nơi nào khác. ”Chúc Tụng, Thờ Lạy, Khẩn Cầu” trở thành vấn đề sinh tử đối với tôi. Tôi thích nhất là buổi đọc Kinh Mai vào lúc 4 giờ sáng. Đây là buổi canh thức dâng lên THIÊN CHÚA nhân danh toàn thể nhân loại. Mùa phụng vụ ghi dấu thời gian theo dòng một năm. Tôi đợi chờ mỗi Mùa Phụng Vụ với niềm vui và nỗi ước ao chen lẫn một chút lo âu tự hỏi:
– THIÊN CHÚA rồi đây sẽ đưa mình đi tới nơi đâu?

Đọc và suy gẫm Lời Chúa – La lectio divina – là thời gian quan trọng trong một ngày sống của tôi. Việc đọc Lời Chúa chậm rãi, nghiền ngẫm giúp tôi có thể sống và đọc sốt sắng Kinh Thần Vụ. Nó cũng giúp tôi học cách yêu mến cuộc sống cộng đoàn trong trọn nét đẹp và thách thức của nó hầu có thể yêu thương tất cả Các Chị Em tôi. Trong Thánh Vịnh, tôi luôn luôn bị thôi-miên bởi cặp từ ”Tình Yêu và Sự Thật”. Và tôi đã chọn cặp từ này làm khẩu hiệu viện mẫu của tôi.

Nếu có ai hỏi: ”Chốn nào và nhân vật nào gợi hứng” thì tôi xin trả lời. Chính tại Maigrauge mà THIÊN CHÚA gọi tôi và cũng chính nơi đây tôi đáp lại Tiếng Chúa. Nhưng trước khi đến đây, có một nơi khác. Khi du hành đến Bourgogne tôi được hồng phúc viếng Citeaux. Khi đặt chân đến đây tôi có cảm tưởng mình bước đi trên đất thánh ngay cả khi nó không có gì là đạo đức cũng chả có gì là mỹ thuật. Một niềm kính trọng sâu xa xâm chiếm tâm hồn tôi và làm cho tôi khám phá ra sự hiện diện của Các Cha Xitô. Hôm nay thì tôi có thể quả quyết rằng Thánh Bernard thành Clairvaux (1090-1153) đã trở thành Cha Thiêng Liêng của tôi. Tôi được ơn liên kết sâu xa vào đạo lý và các tác phẩm của người. Đặc biệt là các bài giảng quanh năm và bài giảng về Sách Diễm Ca đã thực sự dưỡng nuôi cuộc sống thiêng liêng và là niềm vui bao la cho cuộc đời nội tâm của tôi. Chính thánh Bernard dạy tôi yêu mến Lời Chúa, bởi vì, các tác phẩm của người được dệt nên bởi Kinh Thánh.

Nếu có ai hỏi: ”Nơi đâu và làm thế nào nuôi dưỡng cuộc sống thiêng liêng” thì tôi xin trả lời. Trong nhà thờ tuyệt đẹp của chúng tôi. Chính nét giản dị của ngôi nhà thờ giúp tôi không ngừng đi vào cái chính yếu. Thánh Lễ mỗi ngày là nguồn sinh lực cho tôi. Tôi cũng yêu mến các hành lang nội cấm nối liền nơi chúng tôi sống và làm việc cũng như nơi an nghỉ của Các Chị Em đi trước chúng tôi. Và thiên nhiên nữa. Tôi nhìn thiên nhiên và lắng nghe thiên nhiên. Trong khung cảnh sống hạn hẹp như chúng tôi thì chúng tôi thường chú ý đến những thay đổi nhỏ nhặt nhất liên quan đến màu sắc và ánh sáng. Theo sát sự thay đổi các mùa trong vùng Sarine thật là niềm vui sâu xa đối với tôi. Mỗi năm một lần vào mùa đông tôi đến sống tại Đan Viện các Nữ Tu Kín Cát-Minh ở Pâquier. Cuộc sống cô tịch và những buổi đi bộ trên tuyết khiến tôi hồi sinh và gieo vào lòng tôi tâm tình tri ân cảm tạ THIÊN CHÚA là Cha Nhân Lành.

… ”Trời xanh tường thuật vinh quang THIÊN CHÚA, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông đip loan đi tới chân trời góc biển. Chúa căng lu cho thái dương ti đó, thái dương xuất hiện như tân lang rời khỏi loan phòng, và vui sưng lên đưng như tráng sĩ. Từ chân trời này, thái dương xuất hiện, rồi chuyển vần mãi đến chân trời kia, chẳng có chi tránh khỏi ánh dương nồng” (Thánh Vịnh 19(18) 2-7).

(”Évangile et Mission” bimensuel officiel de l'église catholique des diocèses de Lausanne, Genève et Fribourg . Bâle . Abbaye de Saint-Maurice, 05 . 21 Mars 2012, trang 200-201)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
 

 

Tòa Thánh lên tiếng về vụ truyền chức Giám Mục bất hợp pháp tại Trung Quốc

Tòa Thánh lên tiếng về vụ truyền chức Giám Mục bất hợp pháp tại Trung Quốc

VATICAN. Tòa Thánh loan báo: LM Giuse Nhạc Phúc Sanh bị vạ tuyệt thông tức khắc vì chịu chức GM hôm 6 tháng 7-2012 không có sự ủy nhiệm của ĐTC, đồng thời Tòa Thánh kêu gọi Nhà Nước Trung Quốc đừng có những hành động trái ngược tinh thần đối thoại.

Trong thông cáo công bố ngày 10 tháng 7-2012, Tòa Thánh cho biết:

1. LM Nhạc Phúc Sanh chịu chức GM bất hợp pháp ngày 6 tháng 7-2012 tại Cáp Nhĩ Tân (Harbin, tỉnh Hắc Long Giang) nên bị vạ tuyệt thông tức khắc theo giáo luật số 1382. Vì thế Tòa Thánh không nhìn nhận vị này là GM của miền giám quản Tông tòa Cáp nhĩ tân, và vị này không có quyền bính để cai quản các linh mục và cộng đoàn Công giáo tại tỉnh Hắc Long Giang.

LM Nhạc Phúc Sanh đã được thông báo từ lâu là không thể được Tòa Thánh phê chuẩn như ứng viên Giám Mục và nhiều lần cha đã được yêu cầu đừng chấp nhận việc truyền chức GM không có sự ủy nhiệm của ĐGH.
2. Các GM khác tham dự cuộc truyền chức bất hợp pháp này cũng bị hình phạt như giáo luật trù định, họ phải tường trình Tòa Thánh về sự tham dự của họ tại buổi lễ tôn giáo này.

3. Tòa Thánh ca ngợi các LM, tu sĩ và giáo dân đã cầu nguyện và ăn chay để cầu cho LM Nhạc Phúc Sanh được tỉnh ngộ, cho sự thánh thiện của các GM và cho sự hiệp nhất của Giáo Hội tại Trung Quốc, đặc biệt tại miền giám quản Tông tòa Cáp Nhĩ tân.

4. Tất cả các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc, các chủ chăn, linh mục, tu sĩ và giáo dân được mời gọi bênh vực và bảo tồn những gì thuộc về đạo lý và truyền thống của Giáo Hội. Cả trong những khó khăn hiện nay họ tín thác hướng nhìn về tương lai, được nâng đỡ nhờ xác tín rằng Giáo hội được thiết lập trên đá tảng Phêrô và các Đấng kế vị.
5. Tin tưởng nơi ước muốn thực sự của Nhà Nước Trung quốc về việc đối thoại với Tòa Thánh, Tòa Thánh cầu mong chính quyền Trung Quốc đừng tạo điều kiện cho những hành vi trái ngược với sự đối thoại như thế. Cả các tín hữu Công Giáo Trung Quốc cùng chờ đợi những cử chỉ cụ thể theo chiều hướng đó, nhất là tránh những buổi cử hành và truyền chức GM bất hợp pháp không có sự ủy nhiệm của ĐGH, tạo ra chia rẽ và đau khổ cho cộng đoàn Công Giáo tại Trung Quốc và Giáo hội hoàn vũ.

Sau cùng thông cáo của Tòa thánh nói rằng thật là điều đáng quí chuộng và khích lệ việc truyền chức GM cho Cha Tadeo Mã Đại Thanh, GM phụ tá giáo phận Thượng Hải hôm 7-7-2012. Sự hiện diện của 1 GM không thông hiệp với ĐTC tại buổi lễ này là điều không thích hợp và chứng tỏ sự thiếu tế nhị đối với một cuộc truyền chức GM hợp pháp.

Trong buổi truyền chức và nói, Đức Cha Mã Đại Thanh tuyên bố từ bỏ mọi hoạt động với Hội Công Giáo yêu nước để chăm lo mục vụ cho Giáo Hội.
Tin tức của các báo nói rằng sau vụ này, Nhà Nước bắt Đức Cha phải đi tĩnh dưỡng ở chủng viện.

Vụ truyền chức GM bất hợp pháp tại Cáp Nhĩ Tân

Theo hãng tin Công Giáo Á Châu, lễ truyền chức GM bất hợp pháp cho LM Nhạc Phúc Sanh do GM Johan Phòng Hưng Diêu (Fang Xinyao), GM Lâm Nghi (Linyi) tỉnh Sơn Đông, chủ phong. Vị này là Chủ tịch Hội Công giáo yêu nước Trung Quốc. Các GM khác đồng tế là Bùi Quân Dân (Pei Junmin), GM Liêu Ninh, Mạnh Khánh Lộc (Meng Qinglu), GM Hô Hòa Hạo Đặc (Hohhot) (Nội Mông Cổ), Vương Nhân Lôi (Wang Renlei), GM Từ Châu tỉnh Giang Tô, và Dương Vĩnh Cường (Yang Yongqiang), GM Chu Thôn (Zhoucun, tỉnh Sơn Đông). Các GM này đều là những người đã được Tòa Thánh phê chuẩn. Người ta không rõ các vị này tự nguyện tham dự hoặc bị cưỡng bách, như trong các vụ truyền chức bất hợp pháp trước đây.
Tham dự buổi lễ có khoảng 40 LM và 1 ngàn giáo dân. (SD 10 tháng 7-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha viếng thăm Tổng tu nghị của Dòng Ngôi Lời

Đức Thánh Cha viếng thăm Tổng tu nghị của Dòng Ngôi Lời

NEMI. Sáng ngày 9 tháng 7-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã đến chào thăm tổng tu nghị của Dòng Ngôi Lời tại trung tâm Ad Gentes ở làng Nemi.

Làng này nằm bên bờ hồ Nemi, cách dinh thự mùa hè của ĐTC tại Castel Gandolfo chừng 15 phút xe hơi. Khi còn là LM Joseph Ratzinger, 38 tuổi, chuyên gia thần học của Công đồng chung Vatican 2, ngài đã cư ngụ tại đây để tham dự các phiên họp của Ủy ban Công đồng về truyền giáo, từ ngày 29 tháng 3 đến 3 tháng 4-1965, để góp phần soạn dự thảo sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng về truyền giáo. Sắc lệnh này được Công đồng thông qua ngày 7 tháng 12-1965 với 2.393 phiếu thuận và chỉ có 5 phiếu chống.

Cha Bề trên Tổng quyền dòng Ngôi Lời đã mời ĐTC đến viếng thăm, với kỷ niệm ấy và nhân dịp Tổng tu nghị thứ 17 của dòng nhóm tại đây từ ngày 17 tháng 6-2012 với chủ đề ”Từ mọi quốc gia, dân tộc và ngôn ngữ: chia sẻ đời sống liên văn hóa và sứ mạng”.

Đến nơi vào lúc 11 giờ 45, ĐTC đã được cha Heinz Kulueke, người Đức, Bề trên Tổng quyền vừa đắc cử, và Cha Antonio Pernia, người Philippines, Bề trên Tổng quyền sắp mãn nhiệm, cùng với 150 tham dự viên Tổng tu nghị của dòng Ngôi Lời nồng nhiệt đón tiếp.

ĐTC vào Nhà Nguyện của Trung Tâm, quì cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa, và sau lời chào mừng của Cha Pernia Bề trên Tổng quyền ngài ngỏ lời với mọi người hiện diện, cám ơn dòng Ngôi Lời vì cho ngài cơ hội sống lại kỷ niệm thật đẹp, có lẽ đẹp nhất trong thời Công đồng cách đây 47 năm:

Diễn văn ứng khẩu của ĐTC:

”Tôi chân thành biết ơn vì được cơ hội, sau 47 năm, nhìn lại căn nhà này ở Nemi. Tôi đã có một kỷ niệm rất đẹp về nhà này, có lẽ là kỷ niệm đẹp nhất trong toàn Công đồng. Hồi đó tôi cư ngụ ở trung tâm Roma, tại Học viện Santa Maria dell'Anima, với tất cả những tiếng ồn ào: tất cả những điều ấy cũng đẹp! Nhưng ở đây, giữa cảnh trí xanh tươi, được hưởng thiên nhiên tươi mát và không khí trong lành, tự nó là một điều tươi đẹp rồi. Tiếp đến tại đây, hồi đó có sự hiện diện của bao nhiêu nhà thần học lớn, với trách vụ rất quan trọng và đẹp đẽ là chuẩn bị một sắc lệnh về truyền giáo.

”Tôi nhớ đến trước tiên là cha Tổng quyền dòng Ngôi Lời hồi đó là cha Schuette, người đã chịu đau khổ tại Trung Quốc, đã bị lên án, rồi trục xuất. Ngài đầy năng động truyền giáo, cảm thấy cần phải mang lại một đà tiến mới cho tinh thần truyền giáo. Và có tôi, là một nhà thần học chẳng có gì là quan trọng, rất trẻ, tôi không hiểu sao mình lại được mời. Nhưng đó cũng là một hồng ân lớn cho tôi.”

”Rồi có cả Cha Fulton Sheen, làm cho chúng tôi say mê ban tối với các diễn văn của ngài, có cha Congar và các chuyên gia lớn về truyền giáo học ở đại học Louvain. Đối với tôi thực là một sự phong phú tinh thần, một món quà lớn. Đó là một sắc lệnh không gặp nhiều tranh biện lớn. Có cuộc tranh biện mà tôi thực sự không hiểu, giữa trường phái Louvain và trường phái Muenster: mục đích chính của truyền giáo là thiết lập Giáo hội (Implantatio Ecclesiae) hay là loan báo Tin Mừng? Nhưng tất cả đều đồng qui trong một năng động duy nhất là cần phải mang ánh sáng Lời Chúa, ánh sáng tình thương của Thiên Chúa vào trần thế và mang lại một niềm vui mới cho sự loan báo ấy.”
”Và thế là trong những ngày ấy đã nảy sinh một sắc lệnh rất đẹp và rất tốt, hầu như được tất cả các nghị phụ đồng thanh chấp nhận, và đối với tôi đó cũng là một bổ túc rất tốt cho Hiến chế Lumen gentium, vì trong đó chúng ta tìm thấy một nền Giáo hội học Chúa Ba Ngôi, khởi hành từ ý tưởng cổ điển là ”bonum diffusivum sui”, điều thiện thì tự nhiên tỏa lan ra: điều tốt lành không thể ở lại nơi chính mình, nhưng thông truyền ra. Và điều này đã xuất hiện trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, giữa lòng Thiên Chúa, và lan tỏa trong lịch sử cứu độ và trong sự cần thiết của chúng ta trao ban cho người khác điều chúng ta đã nhận lãnh.

”Và thế là với những kỷ niệm ấy, tôi thường nghĩ đến những ngày ở Nemi, những ngày đó, như tôi đã nói, là thành phần thiết yếu trong kinh nghiệm của tôi về Công đồng. Và tôi vui mừng được thấy Dòng của anh em triển nở, cha Tổng quyền đã nói là có 6 ngàn tu sĩ tại bao nhiêu nước. Hiển nhiên năng động truyền giáo đang sống động và chỉ sống động nếu có niềm vui Tin Mừng, nếu chúng ta ở trong kinh nghiệm về sự thiện hảo đến từ Thiên Chúa và phải, muốn, thông truyền ra. Cám ơn anh em về sức sinh động của anh em. Tôi cầu chúc cho Tổng tu nghị này được mọi phúc lành của CHúa, nhiều linh hứng: ước gì chính những năng lực soi sáng của Chúa Thánh Linh đã tháp tùng chúng ta trong những ngày ấy tái hiện diện giữa anh em và giúp anh em tìm được con đường cho Hội dòng của anh em, cho sứ mạng truyền giảng Tin Mừng cho dân ngoại trong những năm tới đây. Xin cám ơn tất cả anh em, xin Chúa chúc lành cho anh em. Xin anh em cầu nguyện cho tôi cũng như tôi cầu nguyện cho anh em. Cám ơn”.

Cuộc viếng thăm, với tư cách riêng, của ĐTC tại Trung Tâm Ad Gentes kéo dài nửa tiếng và kết thúc với Phép lành của ngài, trước khi trở về Castel Gandolfo.

Dòng Ngôi lời do thánh Arnold Janssen sáng lập năm 1875 tại làng Steyl bên Hòa Lan và hiện có 6015 tu sĩ, trong đó hàng trăm tu sĩ thuộc tỉnh dòng Việt Nam và nhiều người Việt khác thuộc các tỉnh dòng ở Mỹ và nước khác. (SD 9-7-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Phái đoàn Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc bênh vực tự do tôn giáo

Phái đoàn Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc bênh vực tự do tôn giáo

GENÈVE. Phái đoàn Tòa Thánh tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Genève đã mạnh mẽ bênh vực quyền tự do tôn giáo.

Phái đoàn Tòa thánh do Đức TGM Silvano Tomasi làm trưởng đoàn, đã dự khóa họp thứ 20 của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhóm tại Genève, Thụy Sĩ, từ ngày 7-6 đến 6-7-2012. Trong bài tham luận ngày 3-7-2012 về tự do tôn giáo, Đức TGM Tomasi đã khẳng định như sau:

”Trong sự quan tâm sâu xa, Phái đoàn Tòa Thánh lưu ý về hố chia cách sâu rộng giữa sự quyết tâm và những nguyên tắc được cộng đồng quốc tế tuyên bố về tự do tôn giáo, tự do lương tâm, tín ngưỡng, và quyền tự do hội họp, với việc áp dụng các nhân quyền căn bản này trong thực tế. Việc sử dụng bom và những cuộc tấn công tàn bạo gần đây chống lại các nơi thờ phượng và các cộng đồng tín hữu Kitô đang cầu nguyện, đã giết hại hàng trăm người vô tội tại nhiều quốc gia. Tình trạng các tội ác này kéo dài và lan sang nhiều quốc gia, sự hỗ trợ về nhân sự và tài lực dành cho các tội ác đó do các nhóm cực đoan cung cấp, mục tiêu của họ là làm xáo trộn cuộc sống chung hòa bình trong sự tôn trọng và cộng tác với nhau, đó là những lý do phải thúc đẩy cac giới hữu trách mau lẹ có một câu trả lời hữu hiệu hơn về sự ý thức của quần chúng cũng như về hoạt động phòng ngừa.

Xung đột tôn giáo là một nguy hiểm cho sự phát triển xã hội, chính trị và kinh tế. Xung đột tôn giáo trong một xã hội bị cực đoan hóa sẽ phá vỡ những quan hệ cần thiết cho đời sống xã hội và cho thương mại được triển nở. Nó tạo ra bạo lực, tước đoạt của dân chúng nquyền cơ bản nhất trong mọi quyền, đó là quyền sống. Nó gieo rắc những mầm mống nghi kỵ và cay đắng có thể truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Xung đột tại nước này có thể lan sang nước khác và gây khó khăn nghiêm trọng tại các quốc gia khác.

Cũng vậy, sự bắt đi mất tích, bắt giữ, giam cầm, dọa giết và kỳ thị chống lại những người trở lại đạo và những người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số, hay thuộc những cộng đoàn tín ngưỡng, là điều thường xảy ra trên thế giới. Những vụ tấn công tàn bạo, những lời tuyên bố và cả những sách giáo khoa xúi giục bạo động và giết hại những phần tử của các tôn giáo và các nhóm tôn giáo ít người là những điều rất thường được báo chí loan tin. Những đe dọa tự do tôn giáo như thế là điều làm thương tổn sâu xa cho phẩm giá con người. Sự giới hạn việc thực thi quyền tự do tôn giáo sẽ đe đọa căn tính cá nhân, lương tâm, những chọn lựa cơ bản trong cuộc sống và cản trở việc thi hành các quyền khác của con người”.
ĐGH Biển Đức 16 đã bày tỏ mối quan tâm trầm trọng của ngài về những tình trạng gây xáo trộn như thế tại nhiều nơi trên thế giới như kết quả làm cho ”người ta không thể tuyên xưng tôn giáo của mình một cách tự do, ngoại trừ trường hợp chấp nhận rủi ro cho sinh mạng và tài sản của mình. Tại những vùng khác, chúng ta thấy những hình thức tinh vi tối tân hơn với những thành kiến và thái độ đố kỵ đối với các tín hữu và các biểu tượng tôn giáo” (Sứ điệp Hòa bình thế giới năm 2011, n.4). Các Kitô hữu là nhóm tôn giáo bị bách hại nhiều nhất.

Đức TGM Tomasi nói tiếp:

”Tính chất bao trùm của tự do tôn giáo đòi hỏi một sự bảo vệ đồng đều và hữu hiệu dưới luật pháp, mà không kỳ thị một người nào, nhưng đặc biệt nhất là cho các phần tử của các nhóm thiểu số hoặc những người dễ bị tổn thương vì những thành kiến hoặc kỳ thị vì nhiều lý do. Vì thế, Tuyên Ngôn và Chương trình hành động tại Vienne đã khẳng định rằng ”.. Những người thuộc về các nhóm dân thiểu số có quyền được hưởng văn hóa riêng của họ, được tuyên xưng và thực hành tôn giáo của họ.. nơi riêng tư cũng như nơi công cộng, một cách tự do và không phải chịu sự xen mình hoặc hình thức kỳ thị nào” (Part I, art 19).

Nhiều văn kiện quốc tế khác về nhân quyền, các nghị quyết của Đại hội đồng và Hội đồng nhân quyền đều khẳng định rõ ràng rằng ”mỗi ngừơi có quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo hoặc tín ngưỡng”. Tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình qua giáo huấn, thực hành, thờ phượng và giữ đạo cũng được bảo đảm. ”Thật là điều không thể tưởng tượng được khi các tín hữu phải hủy bỏ một phần của họ, – tín ngưỡng của họ – để trở thành những công dân tích cực. Không bao giờ cần phải chối bỏ Thiên Chúa để được hưởng các quyền của mình”.
Các lý tưởng tự do tôn giáo – trong việc phụng tự, thực hành và diễn tả – được qui định trong các hiến pháp của hầu hết các nước dân chủ trên thế giới. Hơn nữa, tự do này, một quyền có nhiều khía cạnh, có liên hệ tới quyền sống và tự do, trong số các quyền khác.

Phù hợp với Hiệp Ước quốc tế về các dân quyền và chính quyền, Phái đoàn Tòa Thánh nhìn nhận rằng các Nhà Nước có nghĩa vụ đề ra và nâng đỡ các cơ cấu hạ tầng và những điều kiện thuận lợi để tạo điều kiện dễ dàng cho sự phát triển các cộng đoàn tôn giáo và các phần tử của các cộng đoàn ấy một cách tự do và không bị kỳ thị. Như thế quyền tự do tôn giáo không phải chỉ là một quyền cá nhân nhưng cũng trở thành một quyền tập thể cho các cộng đoàn tôn giáo”. Về vấn đề này có quyền của các cộng đoàn ấy được tự quản trị theo các quy luật riêng của mình, quyền phụng tự công khai, quyền được giáo huấn cảc phần tử của mình trong việc thực hành tín ngưỡng; quyền được tuyển chọn, huấn luyện, bổ nhiệm và thuyên chuyển các thừa tác viên tinh thần của mình; quyền kiến thiết các cơ sở dùng vào việc tôn giáo, quyền thủ đắc và sử dụng ngân khoản hoặc tài sản; quyền giảng dạy và làm chứng về tín ngưỡng của mình một cách công khai, bằng lời nói cũng như bằng chữ viết, và quyền được hội họp, thiết lập các tổ chức giáo dục, văn hóa, từ thiện và xã hội, theo các lý do liên hệ.

Đức TGM Silvano Tomasi cũng nói rằng: ”Phái đoàn Tòa Thánh nhìn nhận liên hệ giữa sự ổn định xã hội và việc công nhận các quyền con người. Do bối cảnh bất ổn về kinh tế và xã hội tại các nước trên thế giới, điều thiết yếu là mọi nhân quyền, và đặc biệt hơn cả là quyền tự do tôn giáo phải được bảo vệ. Các Nhà Nước phải khích lệ thành lập các hệ thống nhắm sự thăng tiến sự cảm thông lẫn nhau, cổ võ đối thoại liên tôn và tăng cường việc bảo vệ các nhóm tôn giáo bằng những bảo đảm thích hợp và hữu hiệu về tự do tôn giáo, qua việc sử dụng các hệ thống pháp lý làm trung gian tương ứng và thích hợp, và nếu cần, thì điều chỉnh lại.

Theo quan điểm phái đoàn chúng tôi, quyền tự do tôn giáo không thể bị thu hẹp vào tự do phụng tự. Bao gồm trong quyền tự do này cũng có cả quyền được rao giảng, giáo dục, đón nhận các tín đồ mới, góp phần vào các cuộc thảo luận chính trị cũng như tham gia các hoạt động công cộng. Điều quan trọng nhất là phải duy trì và bảo vệ quyền tự do lương tâm. Các tín hữu không thể bị chính quyền bó buộc chọn lựa giữa sự tuân theo các chính sách hoặc luật lệ của chính phủ và sự trung thành với giáo huấn tôn giáo và tín ngưỡng của mình. Một điều cũng quan trọng, đó là tôn trọng quyền của các bậc cha mẹ gửi con cái họ đến những trường học phản ánh tín ngưỡng của họ. Những hệ thống cưỡng bách giáo dục, bắt mọi người theo cùng một khuôn mẫu, có thể là một sự trực tiếp tấn công các quyền lợi và nghĩa vụ của các cha mẹ trong việc đảm bảo nền huấn luyện tôn giáo và luân lý đạo đức cho con cái họ. Đồng thời tất cả các hệ thống giáo dục phải thăng tiến sự tôn trọng và bảo vệ dân chúng, không nuôi thành kiến nào đối với tín ngưỡng và việc thực hành tín ngưỡng của họ.

Thưa bà chủ tịch, Phái đoàn Tòa Thánh muốn kết luận bài tham luận này bằng câu trưng dẫn Tuyên ngôn Vienne, kêu gọi ”tất cả các chính phủ hãy đề ra những biện pháp thích hợp, đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế của mình và chiếu theo hệ thống pháp luật liên hệ để chống lại nạn bất bao dung và bạo lực dựa trên tôn giáo hoặc tín ngưỡng…, và cũng chống lại những hành động kỳ thị phụ nữ, xúc phạm đến các nơi tôn giáo, nhìn nhận rằng mỗi người có quyền được tự do tư tưởng, lương tâm, ngôn luận và tôn giáo. Hội nghị tại Vienne cũng mời gọi mọi Nhà Nước hãy thực hành các điều khoản của Tuyên ngôn về việc loại trừ mọi hình thức bất bao dung và kỳ thị tín ngưỡng hoặc tôn giáo” (Part II, art. 22).

Sau cùng, chúng tôi khuyến khích mỗi quốc gia đảm bảo, bảo vệ và thăng tiến quyền hợp pháp của dân chúng được có, thực hành và biểu lộ tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình một cách tự do và không phải chịu một sự cưỡng bách và bạo lực nào, và không phải luôn sống trong lo sợ trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công chống tôn giáo hủy hoại các nhân quyền cơ bản”.

G. Trần Đức Anh OP chuyển ý

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha tại Castel Gandolfo: 08 tháng 7-2012

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha tại Castel Gandolfo: ngày 8 tháng 7-2012

CASTEL GANDOLFO. Trưa Chúa nhật 8 tháng 7-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên trong mùa hè này tại Castel Gandolfo, dinh thự mùa hè của ngài cách Roma lối 30 cây số.

ĐTC đến cư ngụ tại đây từ ngày thứ ba, 3 tháng 7-2012 và lưu lại đây tới cuối tháng 9. Từ quảng trường bên ngoài dinh thự, cũng có hàng trăm tín hữu tham dự buộc đọc kinh qua loa phóng thanh.

Trong số hàng ngàn người hiện diện trong khuôn viên tại buổi đọc kinh, cũng có đại diện chính quyền địa phương, và đông đảo tín hữu hành hương đến nhiều nước.

Đúng 12 giờ trưa, ĐTC xuất hiện tại bao lơn của dinh thự giữa tiếng reo hò vui mừng của mọi người. Khi ngài vừa nói: ”Anh chị em thân mến!” thì ca đoàn các thiếu nhi từ giáo phận Dresden ở miền Đông Đức đã đồng ca một bài ca ngắn để chào mừng ngài. ĐTC lắng nghe và nhiệt liệt cám ơn các thiếu nhi ca viên. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng của ngày chúa nhật 14 thường niên và nói:

”Tôi muốn dừng lại một lát về đoạn Tin Mừng chúa nhật hôm nay, một đoạn từ đó người ta rút ra câu nói thời danh ”không ai là tiên tri nơi quê hương của mình”, nghĩa là không có tiên tri nào được đón nhận nơi những người đã nhìn thấy tiên tri ấy lớn lên (Xc Mc 6,4). Thực vậy, sau khi Chúa Giêsu, – lúc ấy khoảng 30 tuổi-, từ giã Nazareth và đi giảng đạo và chữa bệnh ở nơi khác trong một thời gian, ngài trở về làng cũ và bắt đầu giảng dạy trong Hội đường. Những người đồng hương của ngài ”ngỡ ngàng” vì sự khôn ngoan, và vì họ biết ngài là ”con của bà Maria”, là người thợ mộc đã sống giữa họ, nên thay vì tin nhận và đón tiếp ngài, họ lại xấu hổ vì ngài (Xc Mc 6, 2-3). Sự kiện này dễ hiểu vì sự quen thuộc trên bình diện con người làm cho người ta khó đi xa hơn và cởi mở đối với chiều kích thần linh (…). Chúa Giêsu giống như một thí dụ điển hình về kinh nghiệm của các tiên tri của Israel, các vị bị coi rẻ nơi quê hương, và Chúa đồng hóa với các vị ấy. Do sự khép kín tinh thần như thế, Chúa Giêsu không thể thực hiện tại Nazareth ”một phép lạ nào, nhưng ngài chỉ đặt tay trên vài bệnh nhân và chữa lành họ” (Mc 6,5). Thực vậy, các phép lạ của Chúa Kitô không phải là một sự biểu dương quyền năng, nhưng là những dấu chỉ tình thương của Thiên chúa, được thể hiện tại nơi mà tình thương ấy gặp được niềm tin của con người. Origène đã viết: ”Cũng như có một sự thu hút tự nhiên từ phía một số người này đối với người khác, như sự thu hút của nam châm đối với sắt.. niềm tin cũng thực hiện một sự thu hút như thế đối với quyền năng của Chúa” (Chú giải Tin Mừng theo thánh Mathêu 10,19).

Vì vậy, như người ta nói, Chúa Giêsu có vẻ coi sự ngược đãi mà ngài gặp ở Nazareth là có lý. Nhưng thực ra, vào cuối trình thuật, chúng ta thấy một nhận xét ngược lại. Thánh sử Phúc âm viết rằng Chúa Giêsu ”ngỡ ngàng về sự cứng lòng tin của họ” (Mc 6,6). Sự kinh ngạc của Chúa Giêsu tương ứng với sự ngỡ ngàng của những người đồng hương. Cả Chúa, theo một nghĩa nào đó, cũng lấy làm điều đau buồn! Mặc dù ngài biết không tiên tri nào được đón nhận nơi quê hương mình, nhưng sự khép kín tâm hồn của những người đồng hương đối với ngài thật là tăm tối, không thể hiểu nổi: làm sao mà họ không nhận ra ánh sáng chân lý như thế? Tại sao họ không cởi mở đối với lòng từ nhân của Thiên Chúa là Đấng muốn chia sẻ nhân tính của chúng ta? Thực tế, con người của Đức Giêsu thành Nazareth phản ánh Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa cư ngụ trọn vẹn. Và trong khi chúng ta luôn luôn tìm kiếm những dấu chỉ khác, những phép lạ khác, chúng ta không nhận ra rằng Dấu Chỉ đích thực chính là Ngài, là Thiên Chúa làm người, chính Ngài là phép lạ lớn nhất của vụ trụ: toàn thể tình thương của Thiên Chúa được cô đọng trong một con tim nhân trần, trong khuôn mặt của một người.

”Người đã hiểu được đích thực thực tại này chính là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ có phúc vì đã tin (Xc Lc 1,45). Mẹ Maria không lấy làm đau buồn vì Con của Mẹ: sự kinh ngạc của Mẹ đối với Chúa tràn đầy niềm tin, đầy tình thương và vui mừng, khi Mẹ thấy Người nhân trần dường ấy và đồng thời thần linh dường nào. Nơi Mẹ, là Mẹ chúng ta trong đức tin, chúng ta hãy học cách nhận ra trong nhân tính của Chúa Kitô mạc khải hoàn hảo về Thiên Chúa.”

Chào thăm các tín hữu

Sau khi ban phép lành, như thường lệ, ĐTC chào thăm các tín hữu hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Trước tiên Ngài chào cộng đoàn Castel Gandolfo ở địa phương và cầu chúc mọi gia đình được một thời gian nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe thể lý và tình thần. ĐTC cũng nói:

Tôi thân ái chào thăm các nữ tu dòng thánh Elisabeth đến từ nhiều nước đang tham dự cuộc gặp gỡ đặc biệt 10 năm sau khi khấn trọn đời. Chị em thân mến, xin Chúa canh tân chị em sâu rộng trong tình thương của Ngài. Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nhắc đến cách riêng các nữ tu dòng Thờ Lạy Thánh Thể đến từ Sénégal và Congo ở Phi châu, các bạn trẻ dưới sự chăm sóc của Văn phòng tuyên úy vùng Vịnh Saint-Tropez ở miền nam Pháp. Ngài nói: ”Trong mùa hè này, các con đừng quên Chúa, hãy nghĩ đến việc cầu nguyện và tham dự thánh lễ Chúa nhật! Ước gì Mẹ Maria là mẫu gương của những tâm hồn lắng nghe, tháp tùng các con trên những nẻo đường trần thế!”
Bằng tiếng Anh, ĐTC chào thăm các LM đang tham dự khóa huấn luyện dành cho các vị đào tạo ở chủng viện do Giáo Hoàng học viện Nữ Vương các Tông Đồ tổ chức. Ngài nói: ”Trong Tin mừng chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta sống với một tâm hồn cởi mở và đơn sơ, được đức tin chân thực nuôi dưỡng, thì chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta và tuân theo thánh ý Chúa.”
Bằng tiếng Đức, ĐTC tái cám ơn các thiếu nhi thuộc ca đoàn giáo phận Dresden vì bài ca thật hay. Ngài cũng nhắc lại sự tích Chúa Giêsu không được đón nhận tại quê hương. Dân chúng không sẵn sàng nhìn nhận Chúa là Đức Kitô. Nơi chúng ta cũng có nguy cơ khi chúng ta nói rằng: ”Chúng tôi là Kitô hữu, chúng tôi đã biết mọi sự và không còn quan tâm gì đến Chúa là ai nữa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, xin Chúa cất khỏi chúng ta thái độ khép kín trong tâm hồn như thế và chúng ta hãy lợi dụng thời kỳ nghỉ hè này, ở lại lâu sâu hơn trong Chúa Kitô, đón nhận sự chỉ đường của Ngài cho cuộc sống chúng ta và xác tín về quyền năng thần linh của Chúa.

Sau cùng, bằng tiếng Ba Lan, ĐTC gửi lời chào thăm những người tham dự cuộc hành hương của gia đình Đài phát thanh Maria, tụ tập tại Đền thánh Đức Mẹ Jasna Gora, Czestochowa, để cầu nguyện cho tổ quốc, cho các gia đình, cho tự do ngôn luận. Ngài cũng nhắc đến buổi cầu nguyện liên tôn cho hòa bình cử hành lúc 21 giờ chúa nhật 8-7-2012 tại trại tập trung Majdanek, Ba Lan, gần thành phố Lublin. Buổi cầu nguyện do Hội Ngàn Năm mới tổ chức, một Hội do HĐGM Ba Lan thành lập cách đây 12 năm để tưởng niệm triều đại Giáo Hoàng của Đức Chân Phước Gioan Phaolô 2 bằng cách phổ biến giáo huấn của Người và giúp những người trẻ muốn học hành nhưng không có phương tiện tài chánh.

G. Trần Đức Anh OP

KHÔNG AI LÀ TIÊN TRI NƠI QUÊ HƯƠNG MÌNH

KHÔNG AI LÀ TIÊN TRI NƠI QUÊ HƯƠNG MÌNH

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM B (07/08/2012)
[Ed 2,2-5; 2 Cr 12,7-10; Mc 6,1-6]

 

Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay của thánh Mác-cô thuật lại cho chúng ta cách đối xử của các người đồng hương Chúa Giê-su đối với Ngài, khi họ biết Ngài trổi vượt hơn họ. Cách đối xử đó đã được Chúa Giê-su tóm lược trong một câu ngắn gọn và chua chát: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi" (Mc 6, 4).
 
Quê hương của Chúa Giê-su, ai trong chúng ta cũng biết. Đó là làng Na-da-rét, vùng Ga-li-lê-a, nơi Người ra đi, nhận phép rửa của thánh Gio-an Tẩy Giả để bắt đầu cuộc đời công khai của Ngài: "Hồi ấy Chúa Giê-su từ Na-da-rét, miền Ga-li-lê-a đến và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan" (Mc 1, 9).
 
Sau khi nhận phép rửa, Chúa Giê-su ra đi giảng dạy ở nhiều miền khác của Do-thái, khởi đầu từ Ga-li-lê-a. Ở mọi nơi, Người giảng dạy, làm nhiều phép lạ chữa bệnh tật, trừ quỷ và làm cho con người nhẹ bớt đi những bất hạnh của họ. Nơi đâu Ngài cũng được mọi người tiếp đón, tin nghe, thán phục và ngưỡng mộ trí khôn ngoan và quyền năng Con Thiên Chúa của Ngài. Nhiều người đi theo Ngài ngày đêm và Ngài đã chọn mười hai Môn Đệ thân tín với Ngài, trong số những người đó. Đó là những gì thánh Mác-cô thuật lại cho chúng ta trong suốt những chương đầu của Phúc Âm (x. Mc 1, 5).
 
Chính thánh Mác-cô đã tuyên xưng đức tin và lòng ngưỡng mộ của Ngài đối với Chúa Giê-su ngay ở những dòng đầu tiên của Phúc Âm: "Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Ki Tô, Con Thiên Chúa" (Mc 1, 1). Nhưng rồi, cuộc đời Chúa Giê-su không phải là không có sóng gió và chướng ngại vật. Sóng gió và chướng ngại vật đó bắt đầu từ chương 6 trở đi, xảy ra tại chính quê hương thân yêu của Ngài, do chính những người đồng hương và cũng có thể chính bà con của Ngài tạo nên: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình thôi" (Mc 6, 4).
 
Một câu nói chua chát, xác nhận thực tại lắm lúc phũ phàng. Trở lại thăm quê hương, sau bao nhiêu ngày lặn lội giảng dạy khắp nơi. Người bắt đầu loan báo sứ mạng của Ngài cho bà con và đồng hương trong hội đường: "Đến ngày sa-bát, Người giảng dạy trong hội đường. Nhiều người rất đổi ngạc nhiên" (Mc 6, 2). Nhưng rồi những ngạc nhiên đó, thay gì biến thành thán phục và tin tưởng vào lời lẽ khôn ngoan và quyền năng thần linh liên hệ đến sứ mạng mà Chúa Giê-su muốn đem đến, bà con và những người đồng hương của Ngài lại dựa vào tiền kiến và cũng có lẽ bị thúc đẩy bởi ganh tỵ, họ lại giữ thái độ đóng kín, không chấp nhận: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta khôn ngoan như vậy nghĩa là sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ mộc, con bà Ma-ri-a và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-suê, Giu-đa và Si-mon sao? Anh chị em của ông ta không phải là bà con hàng xóm với chúng ta sao?" (Mc 6, 2-3). 
 
Ý nghĩa của câu Phúc Âm vừa trích dẫn không có ý nghĩa gì hơn là câu hỏi về căn nguyên (identité) của Chúa Giê-su: Chúa Giê-su là ai? Đọc Phúc Âm thánh Mác-cô, nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy thánh nhân lập lại câu hỏi trên nhiều lần qua suốt Phúc Âm của ngài. Và mỗi lần nêu lên câu hỏi là mỗi lần ngài đưa ra dẫn chứng để làm câu trả lời. Nói cách khác, mục đích của thánh Mác-cô viết Phúc Âm là để trả lời cho đức tin mà ngài đã viết ngay ở dòng đầu: "Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Ki Tô, Con Thiên Chúa" (Mc 1, 1).
 
Và sau đây là những câu hỏi thánh Mác-cô lập đi lập lại để nhắc lại ý nghĩa và chứng minh tiếp theo với những đoạn Phúc Âm liên hệ: "Mọi người đều ngạc nhiên đến đổi họ bàn tán nhau: Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mi mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh" (Mc 1, 27).
 
   – "Sao ông nầy lại dám nói như vậy? Ông ta phạm thượng. Ai có quyền tha tội ngoài một mình Thiên Chúa?" (Mc 2, 7).
   – "Các ông hoảng sợ và nói với nhau: Vậy người nầy là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?" (Mc 4, 41).
   – "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai cho ông quyền làm các điều ấy?" (Mc 11, 28).
   – "Vị thượng tế lại hỏi Người: Ông có phải là Đấng Ki Tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?" (Mc 14, 61).
   – " Phi-la-tô hỏi Người: Ông là vua Do-thái sao? Người trả lời: Đúng như Ngài nói đó" (Mc 15, 2).
 
Trở lại câu bàn tán về căn nguyên của Chúa Giê-su được các người đồng hương của Ngài nêu ra. Thật ra, khi họ đưa ra các thành kiến mà họ biết về Ngài: Ngài là "bác thợ mộc, con bà Ma-ri-a", "anh em với các ông Gia-cô-bê, Gio-suê, Giu-đa và Si-mon", anh em của Ngài là "hàng xóm với chúng ta", họ đưa ra không phải để có một câu giải đáp, mà để làm chiêu bài cho việc cố chấp không tin của họ. Đó có lẽ cũng là thái độ thông thường chúng ta thường gặp trong cuộc sống. Rất thường chúng ta gặp được một số người không ít, không có khả năng phân biệt giữa "chủ thể" (persona) và "chủ đề" (doctrina).
 
Dường như thể "chủ thể" (persona) là "bác thợ mộc, anh em của Gia-cô-bê, Gio-suê, Giu-đa và Si-mon là hàng xóm với chúng ta", là người tầm thường, thì "chủ đề"  (doctrina), tức là lý tưởng, chủ trương, đường lối, suy tư của người đó cũng không ra gì. Lý luận đó làm cho những người đồng hương của Chúa Giê-su trở thành mù quáng và chai đá trước những sự thật hiển nhiên mà chính họ cũng không thể chối cãi: "Nhiều người rất đỗi ngạc nhiên. Họ hỏi: bởi đâu mà ông ta làm được như thế? Ông ta khôn ngoan như vậy, nghĩa là sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?"  (Mc 6,2).
 
Thái độ cố chấp chai đá đó khiến họ đóng chặt tâm hồn, mà đáng lý ra họ phải rộng mở để tiếp đón ơn cứu rỗi của Chúa Giê-su đem đến. Không chấp nhận Chúa Giêsu là không chấp nhận ơn cứu rổi Người đem đến cho: "Chúa Giê-su đáp: Ta là đàng, là sự thật và là sự sống" (Ga 14, 6). Sự cố chấp chai đá đó đã làm cho chính Chúa Giê-su cũng phải ngạc nhiên: "Người lấy làm lạ vì họ không tin" (Mc 6, 6). Với tất cả thân tình trở về thăm quê hương, nhưng đứng trước thái độ cố chấp chai đá của các người đồng hương, Chúa Giê-su cũng chịu bó tay: "Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó" (Mc 6, 5).
 
Tại sao đứng trước lòng cứng tin của các người đồng hương, Chúa Giêsu "không thể làm được phép lạ nào tại đó?" Phép lạ có thể thắp lên một ánh lửa hay là một minh chứng để củng cố đức tin, nhưng phép lạ không sinh ra đức tin. Đức tin phát xuất tự trong tâm hồn, là sự rộng mở của tâm hồn để đón nhận chân lý được Chúa  mạc khải cho. Hiểu được như vậy, chúng ta hiểu được tại sao Chúa Giê-su cấm các Môn Đệ được Chúa Giê-su cho chứng kiến biến cố Ngài biến đổi hình dạng ra sáng láng trên núi, thuật lại cho người khác: "Đang khi Thầy trò từ trên núi xuống, Chúa Giê-su truyền cho các ông rằng: Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy" (Mt 17, 9).
 
Ngài không muốn cho đức tin các ông và nhiều người khác bị chóa mắt bởi hình ảnh chói lọi của biến cố tỏ mình ra sáng láng trên núi, mà phải là một đức tin đâm rễ sâu trong tâm hồn qua thử thách tử nạn và sự sống lại của Ngài. Cũng chính vì vậy, trước khi làm phép lạ cho La-da-rô sống lại, Ngài đòi buộc chị Mác-ta phải tin. Không có đức tin, phép lạ có thể được coi như những trò ảo thuật: "Chúa Giêsu liền phán: Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy dù đã chết cũng được sống lại. Chị có tin thế không? Cô Mác-ta đáp: Thưa Thầy có. Con tin Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian" (Ga 11, 25-27).
 
Càng rõ hơn nữa, đức tin không thể dựa vào phép lạ hay kiểm chứng để tin, mà là sự rộng mở của tâm hồn để đón nhận lời Chúa và ơn Chúa (fides ex auditu), khi Chúa Giê-su dạy bảo thánh Tô-ma: "Chúa Giê-su bảo: Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay cho những người không thấy mà tin" (Ga 20, 28). Tin vào lời Người giảng dạy. Thái độ cố chấp và chối bỏ của các người đồng hương Chúa Giê-su, dựa vào những hiểu biết và tiền kiến (préjugés) nhân loại dạy cho chúng ta một bài học.
 
– Với thiên kiến cố ý chối bỏ sự thật và tiền kiến chỉ tin vào kiến thức hiểu biết nhân loại của mình, chúng ta không bao giờ có thể đi đến đức tin. Họ nghĩ rằng họ đã biết về Chúa Giê-su, về nghề nghiệp của Ngài (bác thợ mộc), về gia phả, họ hàng của Ngài (con bà Ma-ri-a, anh em của ông Gia-cô-bê, Gio-suê, Giu-đa và Si-mon, anh chị em là hàng xóm với chúng ta), là biết hết về Ngài. Thái độ cố chấp và ỷ lại tự cao đó không bao giờ cho chúng ta đạt đến đức tin. Kiến thức nhân loại và lương tâm ngay chính là những khởi điểm và số vốn quan trọng trên con đường đi tìm chân lý. Bởi lẽ đức tin không phải là thái độ mù quáng, không lý luận. Thiên Chúa ban cho chúng ta trí khôn ngoan là để chúng ta dùng trí khôn tìm đến Ngài, hiểu biết Ngài và từ đó biết ơn và yêu mến Ngài, Đấng đã dựng nên chúng ta.
 
– Tuy nhiên, đức tin là tin vào Thiên Chúa vô hạn và những chân lý Ngài mạc khải vượt quá khả năng hiểu biết của chúng ta,  không thể  quy tóm vào những gì chỉ có thể chứng minh được, lý luận được. Chúng ta khởi hành bằng lý trí và những số vốn kiến thức nhân loại của chúng ta, nhưng đến một đoạn đường nào đó, cuộc hành trình đức tin vượt quá khả năng của lý trí. Thái độ còn lại phải có là lăng xả, phó thác vào sự khôn ngoan vô tận và tình thương bao la của Chúa, như đứa trẻ lăn xả vào lòng mẹ, như đôi nam nữ yêu nhau phó thác cho nhau. Đức tin không phải là tin Thiên Chúa có hay không, mà là tin cậy và ủy thác vào Thiên Chúa.
 
Đó là ý nghĩa sâu xa của Kinh Tin Kính bằng La Ngữ chúng ta thường đọc trong thánh Lễ: "Credo in Unum Deum Patrem Omnipotentem": Tôi tin kính (và phó thác cả con người con vào tay) một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng. Đức tin là tin bằng cả lý trí và trái tim của chúng ta.
 
Nguyễn Học Tập  (ĐBĐM)

NHỮNG CON MẮT THỊT

NHỮNG CON MẮT THỊT

Suy Niệm Lời Chúa CN 14 TN B. (Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6)

Cuốn sách của Thiên Chúa đang mở ra. Cuốn sách ghi Lời Chân Lý. Cuốn sách mà Tiên tri Ezêkiel đã thị kiến với Lời rằng: “Chính ta đã sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân đang phản nghịch chống lại Ta, chúng cũng như cha ông  đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. Những đứa con mặt dày, mặt dạn, lòng chai dạ đá, chính ta sai ngươi đến với chúng"”(Ed 2,3-4).

Cuốn sách ấy tiên báo về chính  Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, và trang Tin Mừng hôm nay, qua tường thuật của Thánh Marcô, quả thực đã ứng nghiệm, không sai. Con người đồng thời, đồng hương của Chúa Giêsu không thể nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa, và tỏ ra “mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá” trước những lời rao giảng của Ngài. Họ không biết được, và cũng không chịu mở lòng ra để biết được Ngài là Đấng Thiên sai. Họ chỉ muốn nhìn thấy cái trước mắt là thân thế sự nghiệp quá sơ sài của Ngài để rồi trách cứ một cách ngạo mạn:  “Ông ta không phải là bác thợ mộc, con bà Maria và là anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simon sao?  Chị em của ông không phải là bà con lối xóm của chúng ta sao?” (Mc 6,3).

Những con mắt thịt hai ngàn năm trước

Thì ra, từ ngàn năm trước, người ta đã có thói quen thẩm định tư cách một con người bằng cách nhìn vào thế, thân, ngân, lý! “Nhất thế, nhì thân, tam ngân, tứ lý”. Họ chỉ nhìn con người bằng con mắt con người, và con người ấy chỉ được trọng vọng khi đáp ứng được cái yêu cầu rất con người vật chất hữu hạn của họ.

Chúa Giêsu đã về thăm quê hương và giảng trong hội đường. Theo cách trình  bày của Thánh Marco, thì không phải những người quê hương của Chúa không nhận thấy sự khôn ngoan nổi trội của một con người mang tên Giêsu! “Ông ta được khôn ngoan như thế nghĩa là làm sao?” (Mc 6,2). Họ có thấy, và thấy quá rõ ràng đấy chứ, nhưng họ không muốn chấp nhận nghe và tin vào lời giảng của Ngài, một là vì lòng ganh tỵ và hai là vì chẳng mang lại lợi lộc gì trước mắt có thể nhai nuốt được.

Vì ganh tỵ,  lời giảng dạy của một con bác thợ mộc, hay chính người cũng là thợ mộc với nghề cha truyền con nối suốt ba mươi năm trời kia, thì có gì phải đáng nể phục. Con thợ mộc lại giảng trong hội đường lại là chuyện dở hơi hơn nữa! 

Vì lợi lộc trần gian, cho nên, dẫu cho ông Giêsu nghèo khó kia có nói lời vàng lời ngọc thì giá trị cũng không bằng  lời của người có vàng có ngọc khoe trước mắt họ, ban tặng cho họ.

Thánh kinh gọi họ là “mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá” quả là chính xác, vì họ đã không mở lòng ra để thay đổi một não trạng xưa cũ của con người: Não trạng duy vật, lấy vật chất làm cái gốc con người, dựa vào vật chất mà thẩm định giá trị con người. Cùng một xuất xứ địa lý, cùng một cảnh ngộ cơ cực, không thể có ai xuất chúng hơn mình! Và nếu có, cũng không cần phải công nhận làm gì cho mệt xác nếu không có lợi lộc gì cho mình.

Họ không muốn mở con mắt linh hồn ra mà nhìn thấy cái “thế” của Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, chính là Con của Thiên Chúa và cái “thân” của Ngài là “chính Ngài là Thiên Chúa”. Họ càng không thể thấy cái “ngân” của Ngài là kho tàng sự sống vĩnh cửu không mối mọt, không nhàu nát, không hoen gỉ, và đời đời không hề mất nhưng luôn tồn tại. Họ không muốn nghe cái “lý” của Ngài là chân lý thường hằng bất biến đem lại sự sống và hạnh phúc đời đời! Họ “mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá” vì họ muốn nhìn thấy tận mắt cái hạnh phúc duy vật chất có thể ăn tươi nuốt sống được. Họ đang “đốt căn nhà muôn năm để luộc cho mình một quả trứng ăn liền”. Lòng họ không mở ra. Lòng họ đầy ích kỷ! Đúng như lời Thánh Nicôlas nhận định “Người ích kỷ có thể đốt nhà bạn để luộc cho mình một quả trứng”.

Những con mắt thịt hai ngàn năm sau

Đã hơn  hai ngàn năm Thiên Chúa Giáng Sinh làm người, con người vẫn luôn tự hào vì những thành quả văn minh tiến bộ tột bực, nhưng vẫn còn một điều chưa hề tiến bộ, chưa hề thay đổi: lòng ích kỷ vẫn còn tồn tại nơi một số con người, nếu không dám nói là toàn thể.

Lòng ích kỷ phát sinh từ lòng kiêu ngạo! Kiêu ngạo và ích kỷ đẻ ra trăm ngàn thứ tệ hại khác: ganh tị, đàn áp, chà đạp, bất chấp luân thường đạo lý, tẩy chay lẽ phải, thanh trừng chân lý… tất cả để phục vụ cho cái lợi lộc riêng mình, cho cái “trứng luộc ăn liền” của mình.

Có muôn vàn  thành tựu lớn lao của khoa học, chính trị, xã hội, nhưng  để phục vụ cho một cõi lòng hẹp hòi nhỏ bé tí teo thế sao! Có những văn minh rất đáng phục, nhưng lại là văn minh đưa dẫn con người vào chỗ tự hủy diệt thế sao? Số phận của Tin Mừng, qua các thời đại luôn phải đối mặt với sự tẩy chay của lòng người ích kỷ.  Số phận của các ngôn sứ vẫn luôn bị sự thanh trừng tàn sát vì lòng người không muốn ai can thiệp vào cái hủ riêng mình!  Cái hủ “trứng luộc ăn liền” chứa đầy những thèm khát hưởng thụ và tìm mọi phương thế để hưởng thụ!

Nghịch lý trầm kha này đã cho thấy rõ  chân tướng âm mưu của Satan quỉ dữ, luôn đối lập với Thiên Chúa, đối lập với Tin Mừng. Do đó, hai ngàn năm sau ngày Tin Mừng Giáng Thế, những con mắt thịt trần gian vẫn luôn trong tư thế tẩy chay Tin Mừng chỉ vì một lẽ: Tin Mừng đòi đổi mới. Mà đổi mới là bất lợi. Đổi mới là phải đổi lòng ích kỷ thành quảng đại, đổi lòng chai dạ đá hóa ra mềm mại, đổi mặt dày mặt dạn của satan nên khuôn mặt đầy yêu thương của Thiên Chúa… Đổi mới là phải kiến tạo một thế giới của Thiên Chúa, kiến tạo một cộng đồng nhân loại theo tinh thần Tin Mừng, phải tái lập quan hệ với sự sống vĩnh cửu thay cho sự sống tạm bợ ở đời nầy… Không chấp nhận đổi mới, đồng nghĩa với việc giữ nguyên“mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá” , mà “đốt sự sống đời đời để luộc cho mình một quả trứng ăn liền, khoái khẩu”

Những con mắt thịt ở trong nhà mình

Về với thực tế quanh ta, với hơn 80 triệu con người thân thương gần gũi nhất, cùng dòng máu, cùng màu da, cùng trải qua bao cuộc thăng trầm để bảo tồn nòi giống Tiên Rồng hùng anh Dũng Lạc, để nhìn lại hành trình của Tin Mừng Chúa Giêsu Cứu Thế. Số phận của Tin Mừng, của các Ngôn Sứ cũng không khác gì số phận Đức Giêsu ngày ấy. Nhưng niềm tự hào chân chính vẫn trào dâng trong chúng ta vì máu Các Thánh Tử đạo đã trổ sinh muôn ngàn hạt giống Đức Tin trên mảnh đất nầy.

Tuy nhiên, nếu Tin Mừng ở đâu cũng phải chung số phận chịu tẩy chay, chịu thanh trừng, thì ở nhà mình, ở đất nước mình chắc hẳn càng không tránh khỏi. “Thế, thân, ngân, lý” của Tin Mừng và các ngôn sứ Việt Nam chẳng khác gì “thế, thân, ngân, lý” của Chúa Giêsu Kitô ngày ấy- cũng đã bị lòng ích kỷ, tính kiêu ngạo, “mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá” tẩy chay tới mức triệt để. Một phần mười dân số chấp nhận Tin Mừng và chấp nhận đổi mới chưa đủ làm chứng rằng Chúa Giêsu không bị thanh trừng!  Lòng con người đang đóng kín, không muốn cho ánh sáng chân lý lọt vào, sợ đổi mới, vì họ đang có một hạnh phúc ảo. Hơn nữa, họ vẫn đang tìm mọi cách để kéo dài hạnh phúc ảo ấy đến muôn năm! Cái hạnh phúc tức thời của lòng ích kỷ. Là Cha là Mẹ, có lẽ không ai dám “khôn ba năm dại một giờ”“đốt nhà mình để luộc quả trứng ăn liền cho tương lai  cháu con lâm cảnh màn trời chiếu đất”. Cũng vậy, càng không thể liều lĩnh “đốt sự sống đời đời để luộc cho mình một quả trứng ăn liền, khoái khẩu” ở đời nầy vậy!

Để Tin Mừng được đón nhận trên quê hương, có người nghĩ rằng: chứng nhân tại một đất nước thắm máu các thánh tử đạo mà không chấp nhận tử vì đạo thì quả thật là vô lý! Nhưng cách tử-vì-đạo-cách-có-lợi cho mình và cho Giáo Hội nhất,  chắc chắn phải nhờ ơn Chúa Thánh Thần, phải theo sự hướng dẫn của Giáo Hội, để sống tốt cuộc sống Tin Mừng. Trong đó, có cả việc cần thiết phải nói cho những kẻ đốt nhà mình hoặc nhà người khác rằng: quê hương vĩnh cửu của chúng ta không phải ở mảnh đất nầy, ở trần gian nầy, nhưng là ở một Thiên Quốc vĩnh cửu. Anh có thể ăn một quá trứng luộc chính bằng cả giang san nầy đi nữa, thì anh có sống đời đời chăng? Có hạnh phúc đời đời chăng? Đừng cứng lòng, nhưng hãy tin! “Hãy sám hối và tin và Tin Mừng”

Nguyện xin hướng dẫn của Thánh Phaolô Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” giúp chúng con kiên trì, kiên vững theo bước chân khiêm tốn nghèo hèn của Chúa Giêsu – nhưng rất mạnh mẽ, để đem hạnh phúc thật cho nhân loại..  Và cùng xác tín với Thánh Phaolô rằng: “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”  (2Cr 12,9-10)

PM. Cao Huy Hoàng

 

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO (07/01-07/08/2012)

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

(07/01-07/08/2012)

Đức Giáo Hoàng người Đức chúc mừng đội bóng đá Ý chiến thắng

Lớn lên trong lòng trung thành vời Giáo Huần của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của ĐGM Phú Cường và Qui Nhơn.

Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo thăm mục vụ Công Hoà Dân chủ Congo.

Giám mục bất hợp lệ truyền chức cho các linh mục ở Leshan.

-Toà Thánh lên án vụ tấn công hai thánh đường.

-Thánh Đường [nơi] Chúa Sinh Ra trở thành Di Sản Thế Giới UNESCO.

Khai mạc Tổng công nghị Dòng Đức Maria.

Bổ nhiệm mới:

Ba Lan :Một khoản luật cấm thụ thai ống nghiệm.

GM Fellay SSPX : Các thương thuyết đi vào bế tắc.

Các tường thuật phép lạ ở Ân Độ dẫn tới các cuộc trở lại đạo.

Zen làm đặc phái viên của Đức Thánh Cha tại Papouasie Tân Guinê.

Đức Thánh Cha bãi chức Tổng giám mục người Slovakia.

Phương pháp thụ thai ống nghiệm đã cho ra đời 5 triệu trẻ em.

Bảo tàng Israel dịu giọng chỉ trích Đức Piô XII.

Tân tổng trưởng CDF cắt tài trợ cho các nhóm bất đồng ở Đức.

Các văn bản phụng vụ cho Giáo hạt tòng nhân.

Tân Bề Trên Tổng Quyền Dòng Thừa Sai Ngôi Lời (SDV).

Tuyên bố của Vatican là “lăng nhục”.

Thư Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi ĐHY Bertone ngày 07/02/2012:

Giám quản Tông Toà GP Harbin “mất tích”hôm trước vụ phong chức bất hợp lệ.

Vatican thông báo thâm hụt 18 triệu USD năm 2011.

Mối liên hệ giữa việc tham dự các Bí Tích và niềm tin vào thiên đàng, hoả ngục.

GH Mông-Cổ mừng 20 năm: “Chúa đã làm cho chúng tôi những điều vĩ đại”.

TIN VẮN (từ hãng thông tấn APIC).

(Xem trọn tin tức . . .TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO 07-01 to 07-08-2012)

Công bố kết toán chi thu 2011 của Vatican

Công bố kết toán chi thu 2011 của Vatican

VATICAN. Mặc dù ngân sách của Tòa Thánh bị thiếu hụt, sẽ không có sự cắt giảm nhân viên.

Trên đây là lời tuyên bố của Cha Lombardi, SJ, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, với giới báo chí, sau khi Hội đồng Hồng Y đặc trách các vấn đề tổ chức và kinh tế tài chánh của Tòa Thánh công bố thông cáo hôm 5-7-2012 sau 2 ngày nhóm họp. Thông cáo cho biết ngân sách năm 2011 của Tòa Thánh bị thiếu hụt gần 14 triệu 900 ngàn Euro, nhưng bù lại ngân sách Quốc gia thành Vatican trong năm ngoái dư được gần 21 triệu 844 ngàn Euro.

Hội đồng gồm 15 Hồng Y đến từ 15 quốc gia do ĐTC bổ nhiệm. Cha Lombardi nói: ”Sẽ không có vụ cắt giảm nhân viên để tiết kiệm chi tiêu của Tòa Thánh, mặc dù tình trạng kinh tế thế giới khó khăn”.

Phần lớn ngân sách của Tòa Thánh được dùng để trả lương cho 2.832 nhân viên cũng như chi phí cho các phương tiện truyền thông xã hội, trong số này có Đài Vatican. Từ lâu, đài này đã cố gắng giảm bớt tối đa chi phí của mình, trong đó có biện pháp những người về hưu sẽ không được thay thế.

Thông cáo của Hội đồng Hồng y cho biết ngân sách năm 2012 của Quốc gia Thành Vatican dư được hơn 21 triệu 834 ngàn Euro trong đó có việc trả lương cho 1.887 nhân viên tính đến ngày 31-12 năm ngoái. Kết quả tích cực này là nhờ số tiền bảo tàng viện thu được tăng lên đáng kể với hơn 5 triệu khách viếng thăm trong năm 2011.
Cha Lombardi ca ngợi sự đóng góp quảng đại của nhiều tín hữu cho Tòa thánh: 69 triệu 711 ngàn mỹ kim trong năm 2011.

Số tiền các giáo phận đóng góp cho Tòa Thánh chiếu theo khoản số 1271 của Bộ giáo luật được 32 triệu 128 ngàn mỹ kim trong năm 2011.

Ngoài ra, Viện Giáo Vụ, quen gọi là ”Ngân hàng Vatican” đã trợ giúp ĐTC trong sứ vụ tông đồ và bác ái 49 triệu Euro trong năm ngoái.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí hôm 5-7-2012, cha Lombardi nhắc lại rằng trong những năm gần đây, ngân sách của Tòa Thánh trồi sụt, có năm được dư, có năm bị thiếu hụt. Năm nay, số tiền các tín hữu đóng góp (đồng tiền thánh Phêrô) gia tăng. Nhiều người giúp Tòa Thánh như ân nhân ẩn danh. Ngoài ra, sự đóng góp của các giáo phận cho Tòa Thánh không phải là ”tiền thuế”, nhưng là sự đáp ứng một lời kêu gọi: ai có nhiều hơn thì giúp người có ít hơn trong Giáo Hội. Đây là sự trợ giúp bắt đầu từ 30 năm nay trong Giáo Hội và ngày càng được cảm thấy trong tinh thần đồng trách nhiệm.

G. Trần Đức Anh OP

Thân Thế Đức TGM Gerhard Ludwig Mueller, Tân Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin

Thân Thế Đức TGM Gerhard Ludwig Mueller, Tân Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin

VATICAN. Hôm thứ hai, 2-7-2012, ĐTC đã nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của ĐHY William Joseph Levada, 76 tuổi, người Mỹ, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, đồng thời ngài bổ nhiệm người kế vị là Đức Cha Gerhard Ludwig Mueller, cho đến nay là GM giáo phận Regensburg bên Đức. Cùng với việc bổ nhiệm này, Đức Cha Mueller được thăng TGM.

Đức TGM Mueller năm nay 65 tuổi, sinh ngày 31-12-1947 tại thành phố Mainz. Sau khi học triết và thần học tại Mainz, rồi tại Munich và Freiburg-im-Breisgau, năm 1977, khi được 30 tuổi, thầy Mueller đậu tiến sĩ thần học với luận án do Cha Karl Lehmann hướng dẫn, Cha Lehmann sau này là HY, và vẫn còn cai quản giáo phận Mainz. Luận án của Cha Mueller có tựa đề là ”Giáo Hội và các bí tích trong Kitô giáo không tôn giáo”. Năm sau đó, 1978, thầy Mueller thụ phong linh mục, và lần lượt phó xứ tại 3 giáo xứ, và làm giáo sư môn tôn giáo tại hai trường trung học.

Năm 1978, cha Mueller bảo vệ luận án hậu tiến sĩ (habilitatio), cũng dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Lehmann tại Đại học Freiburg, về đề tài ”Cộng đoàn và sự tôn kính các Thánh – nền tảng lịch sử của việc tôn kính các thánh”.
Năm 1986, cha Mueller được bổ nhiệm làm giáo sư thần học tín lý và lịch sử tín lý tại Đại học Ludwig Maximilians ở Munich. Với 38 tuổi, cha là một trong những giáo sư trẻ nhất tại đây. Cha đảm trách nhiệm vụ này trong 16 năm, đồng thời cũng được mời làm giáo sư thỉnh giảng tại nhiều đại học tại Peru, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Ấn độ, Roma và Brazil. Trong thời gian làm giáo sư, cha Mueller vẫn làm việc mục vụ tại giáo xứ Leiden Christi ở thành phố Munich.

Ngày 1-10-năm 2002, cha được ĐTC Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm GM giáo phận Regensburg, giáo phận này cũng là nơi ĐTC Biển Đức 16 từng làm giáo sư và khoa trưởng thần học trước khi được bổ nhiệm làm TGM Munich năm 1977.

Từ năm 1990, Cha Mueller đã làm việc cho Ủy ban GM Đức về giáo lý đức tin, và ngài từng làm thành viên Ủy ban thần học quốc tế từ năm 1998 đến năm 2002, một Ủy ban do ĐHY Joseph Ratzinger làm Chủ tịch, trong tư cách là Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin.

Năm 2002, theo đề nghị của ĐHY Walter Kasper, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, ĐTC bổ nhiệm Đức Cha Mueller làm thành viên của Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống giáo. Trong HĐGM Đức, cha Mueller từng là chủ tịch Ủy ban đối thoại đại kết và góp phần tái lập cuộc đối thoại với Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva.

Năm 2005, Đức Cha Mueller tham dự Thượng HĐGM thế giới về bí tích Thánh thể, và năm sau đó, 2006, ngài đón tiếp ĐTC Biển Đức 16 về thăm giáo phận Regensburg, nhân dịp ngài về thăm quê hương ở miền Bavaria.
Đức Cha Gerhard Ludwig Mueller là tác giả của hơn 400 ấn phẩm khoa học, trưong đó nổi tiếng nhất là cuốn ”Tín lý Công Giáo. Nghiên cứu và thực hành Thần Học” (Katholische Dogmatik. Fuer Studium und Praxis der Theologie”, một tác phẩm dài 900 trang, được tái bản nhiềulần, lần thứ 7 vào năm 2007, và được dịch ra các ngôn ngữ như Tây Ban Nha, Ý và Hungari. Bản dịch tiếng Tiệp đang được chuẩn bị.

Đối với ĐHY Ratzinger nay là ĐTC Biển Đức 16, Đức Cha Mueller cũng có một quan hệ đặc biệt. Ngài được ủy thác nhiệm vụ ấn hành toàn bộ của ĐHY Ratzinger, dự kiến là 16 cuốn. Để thi hành công tác to lớn này, năm 2008, Đức Cha Mueller thành lập Viện ĐGH Biển Đức 16 với trụ sở đặt tại thành phố Regensburg và cuốn đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Đức hồi tháng 10 năm 2008, 5 tháng sau, cuốn này được ấn hành bằng Ý. Đó là cuốn 11 và mang tựa đề là ”thần học phụng vụ”.

Đức TGM Mueller cũng có quan hệ đặc biệt với Mỹ châu la tinh. Đại học Giáo hoàng Lima, thủ đô Peru, trao tặng Văn bằng tiến sĩ danh dự hồi năm 2008. Ngài cũng được biết là có một tình bạn cố tri với cha Gustavo Guttierrez, nhà thần học giải phóng, sau này gia nhập dòng Đa Minh. Hai vị đã cộng tác với nhau trong việc soạn cuốn sách về nạn nghèo đói và thần học giải phóng xuất bản hồi năm 2004. Ngài cũng được các văn bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Công Giáo Lublin bên Ba Lan, Đại học Wyszinski ở Varsava, Ba Lan.

Trong nhiệm vụ Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, ngài phối hợp hoạt động của 16 HY và 7 GM thành viên để đề ra những hướng đi tổng quát cho Bộ.

Cộng tác trực tiếp hơn với Đức TGM Mueller trong nhiệm vụ Tổng trưởng, có vị Tổng thư ký, hiện nay là Đức TGM Luis Francisco Ladaria Ferrer, dòng Tên người Tây Ban Nha, và Đức Ông Phó Tổng thư ký Damiano Marzotto Caotorta cùng với khoảng 35 nhân viên các cấp khác, và 32 chuyên gia cố vấn.

G. Trần Đức Anh OP

GP.VINH: Sự việc vừa xảy ra tại giáo điểm Con Cuông ngày 1 tháng 7-2012

GP.VINH: Sự việc vừa xảy ra tại giáo điểm Con Cuông ngày 1 tháng 7-2012

Nguồn: Cônggiáo.info

Linh mục, giáo dân bị hành hung; ảnh tượng bị đập nát

Liên tiếp trong những thời gian qua, giáo dân tại giáo điểm Con Cuông (thuộc xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) luôn chịu sự kìm kẹp, phân biệt đối xử và vu khống bởi chính quyền địa phương. Chính quyền liên tục cho người đe dọa, ngăn cản, khủng bố linh mục và bà con giáo dân. Gần đây nhất là sự kiện hàng trăm cán bộ và côn đồ đến quấy rối, ngăn cản không cho linh mục GB. Nguyễn Đình Thục cử hành Thánh lễ mừng kính thánh Gioan Tẩy giả ngày 24.6.2012. Sự kiện hôm nay 1.7.2012 là cao điểm và là kết quả những toan tính lâu dài, được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của các thế lực đen tối.

Theo lời của nữ tu Đinh Thị Bắc thì vào lúc 11 giờ 50 phút, xe công an, xe tuyên truyền của Phòng Văn hóa huyện Con Cuông, dân phòng và một nhóm côn đồ đã tập trung trước cổng nhà nguyện giáo điểm Con Cuông. Công an tiến hành phá khóa lao vào và dùng vũ lực của số đông trấn áp hai nữ tu Đinh Thị Bắc và Hồ Thị Hiền đang phục vụ tại đây. Công an viên Phạm Văn Tuyên đã đấm đá một nữ giáo dân tên là Bảy khi chị lên tiếng đòi nhóm người này dừng việc hành hung các nữ tu.

Đến 13 giờ 30, một số bà con cư trú tại giáo điểm Con Cuông đã đến nhà nguyện và bắt đầu đọc kinh. Khoảng 50 người bắt đầu la ó, gào thét, xô đẩy giáo dân ra khỏi nhà nguyện. Đội ngũ cán bộ và nhóm côn đồ lúc trưa ùa vào nhạo cười, đập phá bàn ghế, hoa nến, chén đĩa. Nghiêm trọng nhất là việc đập nát tượng Đức Mẹ trên cung thánh.

Vào khoảng 14 giờ, khi linh mục GB. Nguyễn Đình Thục đặt chân tới khuôn viên nhà nguyện để chuẩn bị cử hành thánh lễ Chúa nhật, lập tức, bị một số cán bộ và nhóm người đông đảo đang đợi sẵn ùa đến bao vây yêu cầu linh mục không được cử hành thánh lễ và đấm đá túi bụi vào ngài. Bà con giáo dân thấy họ đánh đập cha xứ như vậy thì xông lên chịu đòn thay. Vì giáo dân ít nên họ tiếp tục càn lướt, đánh đập làm bị thương nhiều người. Đặc biệt, có trường hợp chị Maria Ngô Thị Thanh bị côn đồ dùng loa cầm tay đánh vào đầu gây chấn thương dập sọ não, hiện đang phải cấp cứu tại Hà Nội. Tuy nhiên sau đó, số giáo dân ít ỏi đã cố gắng đẩy lui những người xúc phạm nơi thánh. 41 người phía chính quyền chiếm giữ nhà nguyện thấy tình hình bên ngoài bất ổn nên chốt cửa, tự giam mình bên trong.

Linh mục GB. Nguyễn Đình Thục đã dâng lễ ngay tại sân nhà nguyện vì các đối tượng bên trong không chịu mở cửa. Mái ngói của nhà nguyện luôn phải hứng chịu những trận mưa gạch đá, các cánh cửa nhà nguyện bị tháo dỡ. Bà con hoang mang chứng kiến sự hiện diện của cảnh sát cơ động 113 và một lực lượng quân đội với súng ống sẵn sàng chĩa vào nhà nguyện.

Cùng thời điểm đó, nhận được tin linh mục và bà con đồng đạo của mình gặp nạn, đông đảo giáo dân hạt Bột Đà lên hiệp thông, san sẻ những đau thương hoạn nạn đang xẩy đến với họ. Toàn thể giáo dân có mặt hết sức bất bình và phẫn nộ trước cảnh nhà cầm quyền trấn áp và bắt đi nhiều tín hữu. Nhóm 41 đối tượng trên có cả một số thành viên ban ngành cấp huyện, xã và côn đồ sợ hãi trước tinh thần giáo dân nên không dám rời ra khỏi nhà nguyện. Số đối tượng quá khích còn lại phía ngoài vẫn tìm cách khống chế bà con giáo dân. Khi Thánh lễ đang diễn ra, có hai đối tượng người Thanh Chương xông vào ném đá nhà nguyện. Giáo dân đã giữ lại và họ khai báo là chính quyền địa phương đã trả 500.000 đồng cho một lần đến quấy rối.

Đến 16 giờ 30' cùng ngày, sau khi thánh lễ kết thúc, ông Vi Văn Kim, Phó chủ tịch huyện Con Cuông; ông Hoàng Đình Tấn, Trưởng công an huyện; ông Bằng, công an tỉnh Nghệ An đã vào làm việc. Ông Kim buộc phải thừa nhận những việc làm trên đây là sai trái và nói lời xin lỗi trước mặt đông đảo bà con giáo dân đang hiện diện.

4 giờ sau, bất chấp sự đe dọa từ phía chính quyền, giáo dân vẫn tập trung đông đảo yêu cầu chính quyền lập biên bản làm rõ sự việc đã xảy ra. Mãi đến 22 giờ, sau nhiều lý do quanh co để nhằm chối bỏ trách nhiệm, biên bản cũng được lập xong theo đúng những gì đã xảy ra nhưng lại phải “chờ con dấu”. Trong biên bản, phía chính quyền buộc phải thừa nhận việc cho người đến quấy phá, đánh đập giáo dân, xúc phạm ảnh tượng, nơi thờ tự là những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật và gây chia rẽ khối đoàn kết trong quần chúng nhân dân.

Đến 3 giờ 30' sáng ngày 02.07.2012, trật tự tại giáo điểm Con Cuông mới được vãn hồi. Sau đêm thức trắng đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con đồng đạo tại xã Yên Khê và phụ cận, giáo dân các nơi bắt đầu ra về trong tâm trạng bất an vì những nhức nhối chưa được chính quyền cộng tác giải quyết tại đây.

Sự kiện này mới chỉ là bước khởi đầu cho những âm mưu đen tối của thế lực sự dữ. Mặc dầu vậy, bà con giáo dân tại giáo điểm Con Cuông, cùng với sự hiệp thông chia sẻ của giáo dân toàn giáo phận, luôn sẵn sàng vác lấy thập giá Đức Kitô, trên bước đường mưu cầu bình an, tự do tôn giáo, để công lý và hòa bình được thực thi trên mảnh đất miền tây xứ Nghệ.

Để chia sẻ với những đau thương của anh chị em giáo dân Con Cuông, xin mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện cho các nạn nhân của bạo quyền và bất công; cầu cho các cấp lãnh đạo chính quyền sớm nhận ra những nhu cầu chính đáng, những quyền lợi cơ bản của người dân được đáp ứng.

 

Đồng Lam

(GPVO 3.7.2012)

Đức Thánh Cha tái bày tỏ tín nhiệm ĐHY Bertone

Đức Thánh Cha tái bày tỏ tín nhiệm ĐHY Bertone

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 tái bày tỏ lòng tín nhiệm ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và bênh vực ĐHY chống lại những lời phê bình chỉ trích bất công.

Trong thư gửi ĐHY Bertone, được Phòng báo chí Tòa Thánh phổ biến hôm 4-7-2012, ĐTC viết:

”Áp ngày khởi hành đi Castel Gandolfo để lưu lại đây trong mùa hè, tôi muốn bày tỏ với ĐHY lòng biết ơn sâu xa vì sự gần gũi kín đáo và vì sự cố vấn sáng suốt của ĐHY mà tôi đặc biệt được giúp đỡ trong những tháng gần đây.
”Tôi đau buồn nhận thấy có những lời phê bình chỉ trích bất công chống lại ĐHY, vì thế tôi muốn tái bày tỏ với ĐHY sự tín nhiệm của tôi, như tôi đã từng bày tỏ với ĐHY qua thư đề ngày 15 tháng 1 năm 2010, nội dung của thư này vẫn không hề thay đổi”.
”Trong khi tôi phó thác Sứ vụ của ĐHY cho sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng phù trợ các tín hữu Kitô, và của hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, tôi muốn gửi đến ĐHY, cùng với lời chào huynh đệ của tôi, Phép lành Tòa Thánh, như bảo chứng mọi thiện hảo mong ước.

Vatican ngày 2 tháng 7 năm 2012

Biển Đức 16 Giáo Hoàng

(G. Trần Đức Anh OP chuyển ý)

ĐTGM FULTON SHEEN được tuyên phong là Bậc Đáng Kính

ĐTGM Fulton Sheen được tuyên phong là Bậc Đáng Kính
 
Vị Tổng Giám mục Hoa Kỳ này đã được đưa vào danh sách các đấng mới được tuyên phong là các Tôi Tớ Chúa.
 
Zenit – Rôma, ngày 28.6.2012 – Trong một buổi triều yết riêng ngày hôm nay với ĐHY. Angelo Amato – Tổng Trưởng Thánh bộ Phong Thánh, ĐTC Bênêđictô XVI đã công nhận ĐTGM Fulton J. Sheen có đủ "nhân đức anh hùng" lúc sinh thời, qua đó chính thức mở án phong thánh cho ngài.

 

Vị Tổng Giám mục và cũng là nguyên Giám mục Giáo phận Rochester (New York) này sinh năm 1895 và qua đời vào năm 1979. Lúc sinh thời, ngài đã rất nổi tiếng trong suốt 20 năm truyền giáo trên đài phát thanh và truyền hình. Trước khi án phong thánh của ngài được tiếp tục để dẫn đến việc phong chân phước, ĐTC phải phê chuẩn ít nhất một phép lạ nhờ lời cầu bầu của ngài.

Những vị khác được tôn vinh trong cùng Sắc lệnh gồm có ĐGM Alvaro del Portillo y Diez de Sollano (1914-1994) – vị giám mục đầu tiên của Hạt Tòng Nhân Thánh giá và Opus Dei, Bà Marie of the Sacred Heart (1806-1885) – một góa phụ Canada – người sáng lập Tu hội Nữ tỳ Trái Tim Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, và nữ tu Mary Angeline Teresa (1893-1984) – một người Mỹ – sáng lập Dòng Chị em Cát Minh Phục vụ Người Cao Niên và Tật nguyền. Trong danh sách này cũng có một số các vị tử đạo, bao gồm cả 154 vị tử đạo của cuộc nội chiến Tây Ban Nha.

ĐTC cũng đã cho phép phổ biến sắc lệnh công nhận:

CÓ PHÉP LẠ

– Tôi Tớ Chúa Luca Passi, linh mục giáo phận người Ý – Đấng sáng lập Dòng Chị em Thánh Dorothy Giảng dạy (1789-1866).
– Tôi Tớ Chúa Francesca de Paula de Jesus,cũng được biết đến với tên gọi Nha Chica, nữ giáo dân người Brazil (1808-1895).
TỬ ĐẠO
– Tôi Tớ Chúa Manuel Borras Ferre – Giám Mục Phụ tá Tarragona Tây Ban Nha, Tu sĩ Agapito Modesto (ne Modesto Pamplona Falguera) – Tu hội Huynh đệ Trường học Kitô, và 145 bạn hữu, bị giết vì đức tin ở Tây Ban Nha từ năm 1936 đến 1939.
– Tôi Tớ Chúa Giuseppe Puglisi, linh mục giáo phận người Ý (1937-1993), bị giết vì đức tin ở Palermo ( Ý) vào năm 1993.
– Tôi Tớ Chúa Ermenegildo of the Assumption (tên thật là Ermenegildo Aregita Iza y Aregita) và năm bạn hữu thuộc Dòng Chúa Ba Ngôi, bị giết vì đức tin ở Tây Ban Nha vào năm 1936.
– Tôi Tớ Chúa Victoria de Jesus (sinh Francesca Valverde Gonzalez), một tu sĩ người Tây Ban Nha thuộc Tu hội “Calasancio de Hijas de la Divina Pastora" (1888-1937), bị giết vì đức tin ở Tây Ban Nha vào năm 1937.
– Tôi Tớ Chúa Devasahayam (Lazarus) Pillai, giáo dân người Ấn Độ (1712-1752), bị giết vì đức tin ở Ấn Độ năm 1752.

NHÂN ĐỨC ANH HÙNG

– Tôi Tớ Chúa Sisto Riario Sforza – TGM thành Naples nước Ý, cũng là ĐHY của Giáo Hội La Mã (1810-1877).
– Tôi Tớ Chúa Fulton Sheen, TGM Hoa Kỳ, nguyên giám mục giáo phận Rochester (1895-1979).
– Tôi Tớ Chúa Alvaro del Portillo y Diez de Sollano, Giám mục người Tây Ban Nha của Hạt Tòng nhân Thánh Giá và Opus Dei (1914-1994).
– Tôi Tớ Chúa Ludwig Tijssen, linh mục giáo phận người Hà Lan (1865-1929).
– Tôi Tớ Chúa Cristobal of St. Catherine (tên thật là Cristobal Fernando Valladolid), linh mục người Tây Ban Nha và là Đấng sáng lập Dòng Bệnh viện Chúa Giêsu Thành Nazareth tại Cordoba (1638-1690).
– Tôi Tớ Chúa Marie Thánh Tâm (tên thật là Marie Josephte Fitzbach), một góa phụ người Canada và là đấng sáng lập Cộng đoàn Nữ tỳ Trái Tim Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, còn được gọi là Chị em Chúa Chiên Lành Quebec (1806-1885).
– Tôi Tớ Chúa Mary Angeline Teresa (tên thật là Bridget Teresa McCrory), đấng sáng lập Cộng đoàn Chị em Cát Minh Phục vụ Người Cao tuổi và Tàn tật (1893-1984).
– Tôi Tớ Chúa Maria Margit (tên thật là Bogner Adelaide), người Hungary, nữ tu Dòng Thăm Viếng (1905-1933).
– Tôi Tớ Chúa Ferdinanda Riva, nữ tu người Ý, Tu hội Nữ Tử Bác Ái (1920-1956).
 

 

Phương Anh (Đạo Binh Đức Mẹ)

 

 

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Liban

Chương trình viếng thăm ca Đức Thánh Cha tại Liban

VATICAN. Hôm 3-7-2012, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình viếng thăm của ĐTC tại Liban từ ngày 14 đến 16-9 tới đây để công bố Tông Huấn Hậu Thượng HĐGM Trung Đông.

ĐTC sẽ rời Phi trường Ciampino của Roma lúc 9 giờ rưỡi sáng thứ sáu 14-9 và đến Phi trường quốc tế Rafiq Hariri thuộc thủ đô Beirut lúc 13.45. Lúc 6 giờ chiều cùng ngày, ngài kính viếng Vương cung thánh đường thánh Phaolô ở Harissa và ký Tông huấn Hậu THĐGM.

Sáng thứ bẩy hôm sau, 15-9, vào lúc 10 giờ, ĐTC viếng thăm Tổng thống Liban, gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống ở Baabda, trước khi gặp thủ lãnh các cộng đoàn Hồi giáo, rồi các thành viên trong chính phủ, ngoại giao đoàn, và đại diện giới văn hóa vào lúc 11 giờ 15.

Ban trưa, ĐTC sẽ dùng bữa với các vị Thượng Phụ và GM Liban, cùng với các thành viên Hội đồng đặc biệt của Thượng HĐGM Trung Đông tại Tòa Thượng Phụ Công Giáo Arméni.

Hoạt động mục vụ đúng nghĩa đầu tiên của ĐTC là cuộc gặp gỡ giới trẻ vào lúc 6 giờ chiều thứ bẩy 15-9 tại quảng trường trước tòa Thượng Phụ Công Giáo Maronite ở Bkerké gần Beirut.

Chúa nhật 16-9, vào lúc 10 giờ, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ tại Beirut City Center Waterfont và trao Văn bản Tông Huấn cho các đại diện Giáo hội Công Giáo ở Trung Đông. Ban chiều vào lúc 5 giờ 15, ĐTC gặp gỡ các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô khác tại Tòa Thượng Phụ Công Giáo Siri trước khi ra phi trường lúc 6 giờ rưỡi chiều để đáp máy bay trở về Roma, dự kiến vào lúc 9 giờ 40 tối cùng ngày.

Tổng cộng ĐTC sẽ đọc 5 bài diễn văn và 2 bài giảng trong cuộc viếng thăm.

Thượng HĐGM Trung Đông tiến hành tại Roma từ ngày 10 đến 24-10 năm 2010 về đề tài ”Giáo hội Công Giáo tại Trung Đông: hiệp thông và chứng tá. ”Đông đảo các tín hữu đồng tâm hiệp ý với nhau” (Cv 4,32).
Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí cạnh Tòa thánh ngày 3-7-2012, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa thánh, cho biết ”tình hình tại Syrie là tất cả chúng ta đều biết, nhưng việc chuẩn bị cuộc viếng thăm của ĐTC vẫn được tiến hành trong viễn tượng tình hình tại Liban kiểm soát được và cuộc viếng thăm của ngài có thể diễn ra bình thường”. (SD 3-7-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Họp báo của cha Lombardi về vụ “Vatileaks”

Họp báo của cha Lombardi về vụ “Vatileaks”

VATICAN. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết cuộc hỏi cung chính thức người cựu giúp việc của ĐTC, Paolo Gabriele, sắp chấm dứt.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí cạnh Tòa Thánh hôm 3-7-2012, Cha Lombardi nói: “Trong tuần tới, Ông thẩm phán điều tra, Piero Bonnet, sẽ quyết định về việc trả tự do cho ông Paolo Grabiele, hoặc quản thúc tại gia, và sau đó là việc xét xử.. Tuy nhiên, nếu bị can bị đưa ra tòa xét xử, thì việc làm này sẽ không diễn ra trước mùa thu năm nay”.

Ông Paolo Grabiele bị tạm giam từ ngày 24-5-2012 tại Vatican vì bị cáo về tội lấy trộm và lưu giữ các tài liệu mật từ căn hộ của ĐGH.

Cha Lombardi nói rằng: ”Xét về mặt chính thức, Ông Grabiele vẫn còn là bị can duy nhất trong vụ này, tuy nhiên đã có những người khác được hỏi và cần đợi xem có những người khác bị điều tra hay không.. Ủy ban Hồng y điều tra (gồm 3 vị) tiếp tục công việc và cho đến nay các vị đã nghe 28 người. Ủy ban hồng y dự kiến sẽ tường trình lên ĐTC trước cuối tháng 7 này”. (SD 3-7-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân Tổng Trưởng Bộ giáo lý đức tin

Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân Tổng Trưởng Bộ giáo lý đức tin

VATICAN. Hôm 2-7-2012, ĐTC đã nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của ĐHY William Joseph Levada, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin kiêm chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh Ecclesia Dei (Giáo Hội của Thiên Chúa).

Đồng thời ngài bổ nhiệm người kế vị là Đức Cha Gerhard Ludwig Mueller, cho đến nay là GM giáo phận Regensburg bên Đức. Cùng với việc bổ nhiệm này, Đức Cha Mueller được thăng TGM, đồng thời cũng là Chủ tịch của 3 Ủy ban Ecclesia Dei, Kinh Thánh và Thần Học quốc tế.

ĐHY Levada người Mỹ, năm nay 76 tuổi (15-6-1936), nguyên là TGM giáo phận Portland, Oregon, rồi làm TGM San Francisco, trước khi được Đức tân Giáo Hoàng Benedicto 16 bổ nhiệm kế vị ngài trong chức vụ Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin hồi tháng 5 năm 2005. 10 tháng sau đó, Đức TGM Levada được thăng Hồng Y.

Đức TGM Mueller năm nay 65 tuổi (31-12-1947), nguyên là giáo sư tín lý và lịch sử tín lý tại Đại học Ludwig Maximilians ở Munich từ năm 1986, trước khi được ĐTC Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm GM giáo phận Regensburg năm 2000 là nơi ĐTC Biển Đức 16 từng làm khoa trưởng thần học trước khi được bổ nhiệm làm TGM Munich.
Đức Cha Gerhard Ludwig Mueller là tác giả của hơn 400 ấn phẩm khoa học, trong đó nổi tiếng nhất là cuốn ”Tín lý Công Giáo. Nghiên cứu và thực hành Thần Học” (Katholische Dogmatik. Fuer Studium und Praxis der Theologie”. Ngài từng là thành viên Ủy ban thần học quốc tế và thành viên Bộ giáo lý đức tin.

Một Giám Mục Slovak bị cách chức

Cũng ngày 2-7-2012, ĐTC đã cách chức Đức Cha Robert Bezak, 52 tuổi, dòng Chúa Cứu Thế, TGM giáo phận Trnava, thuộc Cộng hòa Slovakia. Đức Cha được bổ nhiệm làm TGM giáo phận này hồi năm 2009, kế nhiệm Đức TGM Jan Sokol.

Phòng báo chí Tòa Thánh không cung cấp chi tiết gì về lý do vụ cách chức này, nhưng báo chí Slovakia cho biết hồi cuối tháng giêng và đầu tháng hai năm nay, Bộ Giám Mục đã cho thực hiện một cuộc thanh tra tông tòa tại giáo phận Trnava vì có những vấn đề trầm trọng thuộc lãnh vực quản trị và tài chánh, chứ không phải vì đời sống luân lý của vị GM này.

Bình thường, khi có vấn đề trầm trọng, Tòa Thánh đề nghị vị GM có lỗi từ chức, nhưng nếu đương sự không chấp nhận đề nghị, thì Tòa Thánh đi tới quyết định ”cất khỏi nhiệm vụ săn sóc mục vụ giáo phận”.

Trong thánh lễ chúa nhật 1-7-2012, chính Đức TGM Bezaks thông báo cho các tín hữu về việc mình bị cách chức bằng cách đọc một văn thư của Tòa Sứ Thần Tòa thánh về vấn đề này. Đức GM Phụ tá Jan Orosch, Tổng đại diện, được Tòa thánh bổ nhiệm làm Giám quản giáo phận. (SD 2-7-2012)

G. Trần Đức Anh OP

KÍNH MỪNG KỶ NIỆM NGÀY NHẬM CHỨC CỦA CHA QUẢN NHIỆM NICOLAS TOÀN NGUYỄN VÀ SƠ LINH HƯỚNG PAULINE TRÂM NGUYỄN.

KÍNH MỪNG KỶ NIỆM NGÀY NHẬM CHỨC  CỦA CHA QUẢN NHIỆM NICOLAS TOÀN NGUYỄN VÀ SƠ  LINH HƯỚNG PAULINE TRÂM NGUYỄN.

Nhân dịp kỷ niệm tròn một năm Linh Mục Nicolas Toàn Nguyễn nhậm chức Cha Quản nhiệm và Sơ Pauline Trâm Nguyễn phụ trách dạy Giáo Lý . Chúng con nhóm thầy cô, các em phụ giáo và các thiện nguyện viên  trường Việt ngữ và Văn hóa Phan Bội Châu kính chúc Quý Cha và Quý Sơ luôn an mạnh và tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần .

Kính dâng lời cầu nguyện lên Chúa ban cho chúng con thêm sự khôn ngoan, sức mạnh và kiên nhẫn để vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn trong đời sống, và tiếp tục hoài bảo của chúng con trong việc giáo dục các mầm non của Giáo hội nhằm phát triển đức tin, biết  kính Chúa, yêu người , giữ trọn 10 điều răn, sống xứng đáng và tự hào là người Công giáo, duy trì tiếng Việt và bảo tồn văn hóa dân tộc nơi xứ người.

Cho dù các thế hệ con cháu chúng ta sinh ra ở mọi nơi trên khắp địa cầu này vẫn biết nói, biết viết và yêu tiếng Việt, dạt dào yêu thương như lời ca tha thiết : “ Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi… à,à ơi. .. Mẹ hiền ru những  câu xa vời… à,à ơi tiếng ru muôn đời. Tiếng nước tôi, bốn nghìn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi… Tiếng nước tôi tiếng Mẹ sinh từ lúc nằm nôi, thoát ngàn năm thành tiếng lòng tôi, tiếng nước tôi…những câu hò giận hờn không nguôi nhớ nhung hoài mãnh tình xa xôi, vẫn tin vào mộng đẹp ngày mai…”

Những lời ru êm ái của mẹ hiền gợi nhớ bao kỷ niệm và nổi lòng thương nhớ về quê hương thân yêu, giúp con cháu hiểu biết về nguồn gốc và hãnh diện mình là người Việt Nam và  vẫn cầu nguyện, hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn cho quê hương nhờ vào những thế hệ con cháu sau này trở về xây dựng lại quê hương một khi thật sự có tự do, dân chủ.

Với một một nền đạo đức, luân lý, văn hóa phong phú cao đẹp; qua những câu ca dao,tục ngữ: “ Uống nước , nhớ nguồn” , “ Ăn quả , nhớ kẻ trồng cây”. Nhân dịp Chúa Nhật Tuần 13 Thường Niên , ngày 1 tháng 7 năm 2012 . Kính nhớ tới Chân Phước JUNIPERO SERRA , Ngài là vị Linh mục đã thành lập và phát triển  Giáo Hội tại  Tiểu Bang California; với một trái tim đầy nhiệt huyết ;một ý chí bất khuất , cùng  bao công lao khó nhọc , hy sinh, cống hiến  của Ngài và các linh mục, các sơ , các giáo dân bản xứ ; là những ân nhân đã tận tình giúp đỡ giáo dân tỵ nạn Việt Nam chúng ta trong suốt thời gian qua.

Nhân dịp kỷ niệm một năm Chúa đã  ban Quý Cha Quản Nhiệm Nicolas Toàn Nguyễn và Quý Sơ Pauline Trâm Nguyễn làm chủ chăn, linh hướng Cộng Đoàn Anaheim  và cũng nhân dịp kỷ niệm 152 năm thành lập Giáo đường phụng vụ Thiên Chúa được mang tên Thánh Boniface đã là một nơi tụ họp đầu tiên  của các giáo dân tỵ nạn Việt Nam sau biến cố đau thương của ngày 30  tháng 4 năm 1975. Để tạ ơn Thiên Chúa đã ban trong thời gian bắt đầu cuộc sống tha hương của giáo dân tỵ nạn chúng ta được Đức Ông John C. Kannen làm Chánh Xứ  lúc bấy giờ, đã rất ưu ái, tận tình giúp đỡ .Và cũng nhờ vào Ân sủng của Thiên Chúa mà Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim đã ra đời và phát triển đến ngày nay.

Kính gởi đến Quý Cha, Quý Thầy, Quý Sơ, Quý Đoàn Thể, Quý Phụ huynh học sinh link dẫn và hình ảnh sơ lược lịch sử nhà thờ  St. Boniface:

https://vn.cddmmtanaheim.org/?p=2628

 

  • Print
  • Print
  • Print
  • Print
  • Print
  • Print
  • Print
  • Print
  • Print
  • Print
  • Print
  • Print
  • Print
  • Print
  • Print
  • Print
  • Print
  • Print

 

 

 

Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim được thành lập và phát triển trong suốt 37 năm qua và cũng từ  đó Trường Việt Ngữ và Văn Hóa Phan Bội Châu được ra đời khoảng 28 năm, nhờ thế mà chúng ta tuy xa quê hương nhưng ngôn ngữ và văn hóa Việt chúng ta vẫn được tồn tại trên đất khách quê người. Một chút gì để hoài niệm và tri ân đến những tấm lòng quảng đại, nhân ái của các vị ân nhân đã bảo trợ và giúp đỡ giáo dân tỵ nạn Việt Nam.  Nguyện xin Thiên Chúa nhân lành đoái thương linh hồn các vị ân nhân đã qua đời và các vị ân nhân cùng gia quyến vẫn còn tại thế.  Nguyện xin  Chân Phước Junipero Serra, các vị Đức Ông, các vị Linh mục, các vị Nữ tu thuộc nhà thờ St. Catherine đã về nhà Chúa cầu bầu cho giáo dân tỵ nạn Việt Nam.

Kính chúc Quý Cha Quản Nhiệm,  Qúy Thầy, Quý Sơ, Quý Đoàn thể cùng Quý Phụ huynh học sinh  tràn đầy Hồng ân Thiên Chúa, xin toàn thể cộng đoàn hợp lời cầu nguyện cho Trường Việt ngữ và Văn hóa Phan Bội Châu, mỗi ngày phát triển trong ngành giáo dục để hướng dẫn và phát huy Đức Tin qua việc duy trì, bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Chúng con rất cảm ơn sự quan tâm và giúp đỡ của tất cả mọi người trong thời gian qua, chúng con luôn giữ vững  ý chí  thực thi câu: “TIẾNG VIỆT CÒN, NGƯỜI VIỆT CÒN”. Nhờ  vào đó mà  CỘNG ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM sẽ trường tồn mãi mãi .Nhằm mục đích làm SÁNG DANH THIÊN CHÚA , thực thi bổn phận của giáo dân và cũng là trách nhiệm của công dân nước Việt đang sống xa quê cha đất tổ nhưng vẫn hoài cố hương.

Kính Chào thân ái và đoàn kết.

TVST – July 2012

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ NHÀ THỜ SAINT BONIFACE – Anaheim California

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ NHÀ THỜ SAINT BONIFACE – Anaheim California

(Xem trọn bộ Hình Ảnh Nhà Thờ Saint Boniface – Anaheim)

  • Print
  • Print
  • Print
  • Print
  • Print

Sưu tầm bởi TVST

Công giáo đã đến Orange county, California vào năm 1776, được thành lập bởi Cha Thừa sai Junipero Serra, Mission San Juan Capistrano. Ngài được Đức Giáo Hoàng Đệ Nhị phong Chân Phước (Beatified) ngày 25 tháng 7 năm 1988.

Vào đầu những năm 1860, các buổi Thánh lễ đầu tiên được cử hành tại nhà gia đình ông bà Rimpau ở góc đường Palm (nay là Harbor) và đường Broadway.Khu đất này ngày nay là Thư viện thành phố Anaheim.

Trong thời gian 1860 – 1875, vì phương tiện giao thông di chuyển, đường xá còn rất hạn chế. Không thuận lợi cho sức khỏe, và thời gian của các Cha đã phải thường xuyên di chuyển đi lại Anaheim nhiều lần hàng tuần , cùng những nhu cầu phục vụ các Thánh lễ ngày càng gia tăng theo sự phát triển của giáo dân vùng Anaheim.

Vị Linh mục thường trú đầu tiên tại giáo xứ Anaheim là Cha Victor Foran được bổ nhiệm vào năm 1875.

(Xin xem tiếp . . .  SƠ LƯỢC LỊCH SỬ NHÀ THỜ SAINT BONIFACE Anaheim California )