KHÔNG AI LÀ TIÊN TRI NƠI QUÊ HƯƠNG MÌNH

KHÔNG AI LÀ TIÊN TRI NƠI QUÊ HƯƠNG MÌNH

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM B (07/08/2012)
[Ed 2,2-5; 2 Cr 12,7-10; Mc 6,1-6]

 

Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay của thánh Mác-cô thuật lại cho chúng ta cách đối xử của các người đồng hương Chúa Giê-su đối với Ngài, khi họ biết Ngài trổi vượt hơn họ. Cách đối xử đó đã được Chúa Giê-su tóm lược trong một câu ngắn gọn và chua chát: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi" (Mc 6, 4).
 
Quê hương của Chúa Giê-su, ai trong chúng ta cũng biết. Đó là làng Na-da-rét, vùng Ga-li-lê-a, nơi Người ra đi, nhận phép rửa của thánh Gio-an Tẩy Giả để bắt đầu cuộc đời công khai của Ngài: "Hồi ấy Chúa Giê-su từ Na-da-rét, miền Ga-li-lê-a đến và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan" (Mc 1, 9).
 
Sau khi nhận phép rửa, Chúa Giê-su ra đi giảng dạy ở nhiều miền khác của Do-thái, khởi đầu từ Ga-li-lê-a. Ở mọi nơi, Người giảng dạy, làm nhiều phép lạ chữa bệnh tật, trừ quỷ và làm cho con người nhẹ bớt đi những bất hạnh của họ. Nơi đâu Ngài cũng được mọi người tiếp đón, tin nghe, thán phục và ngưỡng mộ trí khôn ngoan và quyền năng Con Thiên Chúa của Ngài. Nhiều người đi theo Ngài ngày đêm và Ngài đã chọn mười hai Môn Đệ thân tín với Ngài, trong số những người đó. Đó là những gì thánh Mác-cô thuật lại cho chúng ta trong suốt những chương đầu của Phúc Âm (x. Mc 1, 5).
 
Chính thánh Mác-cô đã tuyên xưng đức tin và lòng ngưỡng mộ của Ngài đối với Chúa Giê-su ngay ở những dòng đầu tiên của Phúc Âm: "Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Ki Tô, Con Thiên Chúa" (Mc 1, 1). Nhưng rồi, cuộc đời Chúa Giê-su không phải là không có sóng gió và chướng ngại vật. Sóng gió và chướng ngại vật đó bắt đầu từ chương 6 trở đi, xảy ra tại chính quê hương thân yêu của Ngài, do chính những người đồng hương và cũng có thể chính bà con của Ngài tạo nên: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình thôi" (Mc 6, 4).
 
Một câu nói chua chát, xác nhận thực tại lắm lúc phũ phàng. Trở lại thăm quê hương, sau bao nhiêu ngày lặn lội giảng dạy khắp nơi. Người bắt đầu loan báo sứ mạng của Ngài cho bà con và đồng hương trong hội đường: "Đến ngày sa-bát, Người giảng dạy trong hội đường. Nhiều người rất đổi ngạc nhiên" (Mc 6, 2). Nhưng rồi những ngạc nhiên đó, thay gì biến thành thán phục và tin tưởng vào lời lẽ khôn ngoan và quyền năng thần linh liên hệ đến sứ mạng mà Chúa Giê-su muốn đem đến, bà con và những người đồng hương của Ngài lại dựa vào tiền kiến và cũng có lẽ bị thúc đẩy bởi ganh tỵ, họ lại giữ thái độ đóng kín, không chấp nhận: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta khôn ngoan như vậy nghĩa là sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ mộc, con bà Ma-ri-a và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-suê, Giu-đa và Si-mon sao? Anh chị em của ông ta không phải là bà con hàng xóm với chúng ta sao?" (Mc 6, 2-3). 
 
Ý nghĩa của câu Phúc Âm vừa trích dẫn không có ý nghĩa gì hơn là câu hỏi về căn nguyên (identité) của Chúa Giê-su: Chúa Giê-su là ai? Đọc Phúc Âm thánh Mác-cô, nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy thánh nhân lập lại câu hỏi trên nhiều lần qua suốt Phúc Âm của ngài. Và mỗi lần nêu lên câu hỏi là mỗi lần ngài đưa ra dẫn chứng để làm câu trả lời. Nói cách khác, mục đích của thánh Mác-cô viết Phúc Âm là để trả lời cho đức tin mà ngài đã viết ngay ở dòng đầu: "Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Ki Tô, Con Thiên Chúa" (Mc 1, 1).
 
Và sau đây là những câu hỏi thánh Mác-cô lập đi lập lại để nhắc lại ý nghĩa và chứng minh tiếp theo với những đoạn Phúc Âm liên hệ: "Mọi người đều ngạc nhiên đến đổi họ bàn tán nhau: Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mi mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh" (Mc 1, 27).
 
   – "Sao ông nầy lại dám nói như vậy? Ông ta phạm thượng. Ai có quyền tha tội ngoài một mình Thiên Chúa?" (Mc 2, 7).
   – "Các ông hoảng sợ và nói với nhau: Vậy người nầy là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?" (Mc 4, 41).
   – "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai cho ông quyền làm các điều ấy?" (Mc 11, 28).
   – "Vị thượng tế lại hỏi Người: Ông có phải là Đấng Ki Tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?" (Mc 14, 61).
   – " Phi-la-tô hỏi Người: Ông là vua Do-thái sao? Người trả lời: Đúng như Ngài nói đó" (Mc 15, 2).
 
Trở lại câu bàn tán về căn nguyên của Chúa Giê-su được các người đồng hương của Ngài nêu ra. Thật ra, khi họ đưa ra các thành kiến mà họ biết về Ngài: Ngài là "bác thợ mộc, con bà Ma-ri-a", "anh em với các ông Gia-cô-bê, Gio-suê, Giu-đa và Si-mon", anh em của Ngài là "hàng xóm với chúng ta", họ đưa ra không phải để có một câu giải đáp, mà để làm chiêu bài cho việc cố chấp không tin của họ. Đó có lẽ cũng là thái độ thông thường chúng ta thường gặp trong cuộc sống. Rất thường chúng ta gặp được một số người không ít, không có khả năng phân biệt giữa "chủ thể" (persona) và "chủ đề" (doctrina).
 
Dường như thể "chủ thể" (persona) là "bác thợ mộc, anh em của Gia-cô-bê, Gio-suê, Giu-đa và Si-mon là hàng xóm với chúng ta", là người tầm thường, thì "chủ đề"  (doctrina), tức là lý tưởng, chủ trương, đường lối, suy tư của người đó cũng không ra gì. Lý luận đó làm cho những người đồng hương của Chúa Giê-su trở thành mù quáng và chai đá trước những sự thật hiển nhiên mà chính họ cũng không thể chối cãi: "Nhiều người rất đỗi ngạc nhiên. Họ hỏi: bởi đâu mà ông ta làm được như thế? Ông ta khôn ngoan như vậy, nghĩa là sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?"  (Mc 6,2).
 
Thái độ cố chấp chai đá đó khiến họ đóng chặt tâm hồn, mà đáng lý ra họ phải rộng mở để tiếp đón ơn cứu rỗi của Chúa Giê-su đem đến. Không chấp nhận Chúa Giêsu là không chấp nhận ơn cứu rổi Người đem đến cho: "Chúa Giê-su đáp: Ta là đàng, là sự thật và là sự sống" (Ga 14, 6). Sự cố chấp chai đá đó đã làm cho chính Chúa Giê-su cũng phải ngạc nhiên: "Người lấy làm lạ vì họ không tin" (Mc 6, 6). Với tất cả thân tình trở về thăm quê hương, nhưng đứng trước thái độ cố chấp chai đá của các người đồng hương, Chúa Giê-su cũng chịu bó tay: "Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó" (Mc 6, 5).
 
Tại sao đứng trước lòng cứng tin của các người đồng hương, Chúa Giêsu "không thể làm được phép lạ nào tại đó?" Phép lạ có thể thắp lên một ánh lửa hay là một minh chứng để củng cố đức tin, nhưng phép lạ không sinh ra đức tin. Đức tin phát xuất tự trong tâm hồn, là sự rộng mở của tâm hồn để đón nhận chân lý được Chúa  mạc khải cho. Hiểu được như vậy, chúng ta hiểu được tại sao Chúa Giê-su cấm các Môn Đệ được Chúa Giê-su cho chứng kiến biến cố Ngài biến đổi hình dạng ra sáng láng trên núi, thuật lại cho người khác: "Đang khi Thầy trò từ trên núi xuống, Chúa Giê-su truyền cho các ông rằng: Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy" (Mt 17, 9).
 
Ngài không muốn cho đức tin các ông và nhiều người khác bị chóa mắt bởi hình ảnh chói lọi của biến cố tỏ mình ra sáng láng trên núi, mà phải là một đức tin đâm rễ sâu trong tâm hồn qua thử thách tử nạn và sự sống lại của Ngài. Cũng chính vì vậy, trước khi làm phép lạ cho La-da-rô sống lại, Ngài đòi buộc chị Mác-ta phải tin. Không có đức tin, phép lạ có thể được coi như những trò ảo thuật: "Chúa Giêsu liền phán: Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy dù đã chết cũng được sống lại. Chị có tin thế không? Cô Mác-ta đáp: Thưa Thầy có. Con tin Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian" (Ga 11, 25-27).
 
Càng rõ hơn nữa, đức tin không thể dựa vào phép lạ hay kiểm chứng để tin, mà là sự rộng mở của tâm hồn để đón nhận lời Chúa và ơn Chúa (fides ex auditu), khi Chúa Giê-su dạy bảo thánh Tô-ma: "Chúa Giê-su bảo: Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay cho những người không thấy mà tin" (Ga 20, 28). Tin vào lời Người giảng dạy. Thái độ cố chấp và chối bỏ của các người đồng hương Chúa Giê-su, dựa vào những hiểu biết và tiền kiến (préjugés) nhân loại dạy cho chúng ta một bài học.
 
– Với thiên kiến cố ý chối bỏ sự thật và tiền kiến chỉ tin vào kiến thức hiểu biết nhân loại của mình, chúng ta không bao giờ có thể đi đến đức tin. Họ nghĩ rằng họ đã biết về Chúa Giê-su, về nghề nghiệp của Ngài (bác thợ mộc), về gia phả, họ hàng của Ngài (con bà Ma-ri-a, anh em của ông Gia-cô-bê, Gio-suê, Giu-đa và Si-mon, anh chị em là hàng xóm với chúng ta), là biết hết về Ngài. Thái độ cố chấp và ỷ lại tự cao đó không bao giờ cho chúng ta đạt đến đức tin. Kiến thức nhân loại và lương tâm ngay chính là những khởi điểm và số vốn quan trọng trên con đường đi tìm chân lý. Bởi lẽ đức tin không phải là thái độ mù quáng, không lý luận. Thiên Chúa ban cho chúng ta trí khôn ngoan là để chúng ta dùng trí khôn tìm đến Ngài, hiểu biết Ngài và từ đó biết ơn và yêu mến Ngài, Đấng đã dựng nên chúng ta.
 
– Tuy nhiên, đức tin là tin vào Thiên Chúa vô hạn và những chân lý Ngài mạc khải vượt quá khả năng hiểu biết của chúng ta,  không thể  quy tóm vào những gì chỉ có thể chứng minh được, lý luận được. Chúng ta khởi hành bằng lý trí và những số vốn kiến thức nhân loại của chúng ta, nhưng đến một đoạn đường nào đó, cuộc hành trình đức tin vượt quá khả năng của lý trí. Thái độ còn lại phải có là lăng xả, phó thác vào sự khôn ngoan vô tận và tình thương bao la của Chúa, như đứa trẻ lăn xả vào lòng mẹ, như đôi nam nữ yêu nhau phó thác cho nhau. Đức tin không phải là tin Thiên Chúa có hay không, mà là tin cậy và ủy thác vào Thiên Chúa.
 
Đó là ý nghĩa sâu xa của Kinh Tin Kính bằng La Ngữ chúng ta thường đọc trong thánh Lễ: "Credo in Unum Deum Patrem Omnipotentem": Tôi tin kính (và phó thác cả con người con vào tay) một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng. Đức tin là tin bằng cả lý trí và trái tim của chúng ta.
 
Nguyễn Học Tập  (ĐBĐM)

Comments are closed.