HỘI NGHỊ QUỐC GIA ĐẦU TIÊN VỀ VIỆC TÁI TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG BÊN BA LAN

HỘI NGHỊ QUỐC GIA ĐẦU TIÊN VỀ VIỆC TÁI TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG BÊN BA LAN

KOSTRZYN: Ngày 28 tháng 7-2012 hội nghị quốc gia đầu tiên về việc tái truyền giảng Tin Mừng đã khai diễn tại Kostrzyn bên Ba Lan, với hơn 1.500 người tham dự gồm cả Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình tiếng Ba Lan đài Vatican Đức Cha Fisichella cho biết mục đích chuyên biệt của việc tái truyền giảng Tin Mừng là làm sống dậy ý thức truyền giáo nơi các tín hữu kitô đã được rửa tội. Chỉ như thế mới có thể đến với những người xưng mình là tín hữu kitô nhưng đã trở nên thờ ơ hay không tham dự cuộc sống của cộng đoàn Kitô nữa, hoặc những người chưa hề biết Chúa Giêsu Kitô. Có lẽ trong cuộc khủng hhoảng sâu xa này trong nền văn hóa và trong xã hội, các kitô hữu có thể tìm thấy sự an ninh một cách dễ dàng hơn bên trong các Giáo Hội và cộng đoàn của mình. Nhưng điều này đòi buộc chúng ta kiểm thực biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống. Nó bắt buộc các tín hữu Kitô hiện diện trong thế giới để đem Tin Mừng đến cho con người tại nơi nó đang sống. Không có sự hiện diện của tín hữu công giáo, xã hội sẽ nghèo nàn hơn và buồn tẻ hơn, vì thiếu sự phong phú của Tin Mừng và niềm hy vọng.

Nhưng để có thể loan báo Tin Mừng, Giáo Hội cần phải có một thứ ngôn ngữ mới, một phương pháp mới, và một lòng hăng say mới, như Đức Gioan Phaolô II đã nói. Phải có khả năng nói thứ ngôn ngữ của con người thời đại, nhưng không được quên rằng nội dung lời loan báo vẫn luôn là một, không thay đổi. Để được như vậy, phải có khả năng bước vào trong nền văn hóa tục hóa, làm cho người ta hiểu các hạn hẹp của một nền văn hóa tục hóa. Sống như thể là Thiên Chúa không hiện hữu chẳng những đã không khiến cho nền văn hóa được phong phú, mà còn làm cho con người nghèo nàn đi và ngày nay đang gặp khủng hoảng nặng. Một trong những hoa trái đầu tiên của công tác tái truyền giảng Tin Mừng, mà Đức Tổng Giám Mục Fisichella chờ mong, là hiểu biết đòi hỏi của sự hiệp nhất và trong sự tôn trọng việc bổ túc cho nhau. Phải có khả năng thừa nhận rằng các kinh nghiệm khác nhau đều quan trong, giống như các phụ lưu cùng chảy vào một con sông (RG 29-7-2012)

Linh Tien Khải  (Vietvatican)

MỘT BỆNH NHÂN PARKINSON ĐƯỢC ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II CHỮA LÀNH

MỘT BỆNH NHÂN PARKINSON ĐƯỢC ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II CHỮA LÀNH

BOGOTÀ: Ông Marco Fidel Rojas, người Colombia, đã được lành bệnh Parkinson một cách lạ lùng, nhờ lời bầu cử của Đức Gioan Phaolô II. Tất cả các hồ sơ bệnh lý và chứng từ của ông đã được chuyển về Bộ Phong Thánh tại Roma để được cứu xét.

Kể lại với phóng viên Thời Báo Colombia ông Rojas cho biết ông bắt đầu có các dấu hiệu bị bệnh Parkinson hồi tháng 12 năm 2005. Sau các cuộc khám nghiệm các bác sĩ cho biết ông đã bị đứt mạch máu não dẫn tới bệnh Parkinson. Bệnh tình ngày càng nặng, ông tưởng mình có thể chết bất cứ lúc nào, và nhiều lần ông đã bị ngã khỏi xe lăn.

Tình trạng bệnh tật của ông ngày càng nặng. Bất thình lình ông nhớ lại là buổi chiều ngày 27 tháng 12 năm 2010, trong một chuyến hành hương Roma, sau thánh lễ ông có thưa chuyện với Đức Gioan Phaolo II một lúc. Thế là tối hôm đó trong đau đớn ông nghĩ: ”Tôi có một người bạn trên trời và Người đã bị bệnh Parkinson. Thế tại sao tôi lại đã không cầu nguyên với người trước? Lạy Đấng đáng kính Gioan Phaolô II, xin đến chữa lành con, xin hãy đặt tay ngài trên đầu con”. Sau khi cầu nguyện như thế ông Rojas nói ông đã ngủ rất ngon đêm đó, và sáng hôm sau ông thức dậy và không còn có các triệu chứng bệnh Parkinson nữa.

”Vâng, Đức Gioan Phaolô II đã chữa tôi lành bệnh, và tôi hứa với Đấng đã chữa tôi lành là tôi sẽ truyền bá lòng sùng kính Người tại bất cứ nơi đâu tôi có thể làm”.
Tờ Thời Báo Colombia cho biết bác sĩ Antonio Schlesinger Piedrahita, một bác sĩ thần kinh nổi tiếng bên Colombia, đã chứng thực sự lành bệnh của ông Fidel và cho biết ông ta rất khỏe mạnh.

Phép lạ lành bệnh Parkinson của nữ tu Marie Simon Pierre đã dẫn tới lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II tại Roma hồi tháng 5 năm ngoái 2011. Phép lạ cho ông Marco Fidel Rojas có thể sẽ là phép lạ để tôn phong Hiển thánh cho Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (CNA 17-7-2012).

Linh Tiến Khải

Thiên Chúa có khả năng nhân lên nhiều mỗi một cử chỉ yêu thương nhỏ nhặt của chúng ta

Thiên Chúa có khả năng nhân lên nhiều mỗi một cử chỉ yêu thương nhỏ nhặt của chúng ta

Qua phép lạ hóa bành ra nhiều Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng nếu mỗi người cống hiến cái ít ỏi mình có, thì phép lạ mới luôn có thể xảy ra: Thiên Chúa có khả năng nhân lên nhiều mỗi một cử chỉ yêu thương nhỏ nhặt của chúng ta, và khiến cho chúng ta trở thành những người chia sẻ ơn của Người.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên với 2.000 tín hữu và du khách hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trong sân nhà nghỉ Castel Gandolfo trưa Chúa Nhật hôm qua.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã suy tư về phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng đi theo nghe Người giảng dậy, như thánh sử Gioan kể trong chương 6 của Phúc Âm. Ngài nói:

Các hành động do Chúa Giêsu làm song song với các hành động trong Bữa Tiệc Ly: ”Người cấm lấy bánh, và sau khi dâng lời tạ ơn, Người phân phát cho những người ngồi đó” (Ga 6,11). Việc nhấn mạnh trên đề tài ”bánh”, được chia sẻ, và việc tạ ơn trong tiếng hy lạp là ”eucharistesas” (c. 11), gợi lại bí tích Thánh Thể, Hy tế của Chúa Kitô cho ơn cứu độ của thế giới.

Thánh sử nhận xét rằng lễ Vượt Qua tới gần (c.4). Cái nhìn hướng tới Thập Giá, sự hiến dâng hoàn toàn vì tình yêu và hướng tới Thánh Thể, kéo dài luôn mãi sự hiến dâng: Chúa Kitô trở thành bánh sự sống cho con người. Thánh Agostino chú giải như sau: ”Ai là bánh của trời, nếu không phải là Chúa Kitô? Nhưng để con người có thể ăn bánh của các thiên thần, Chúa của các thiên thần đã làm người. Nếu đã không làm như thế, thì chúng ta sẽ không có thân xác Người; mà không có thân xác Người, chúng ta sẽ không được ăn bánh của bàn thờ” (Sermone 130,2). Thánh Thể là cuộc gặp gỡ lớn lao thường xuyên của con người với Thiên Chúa, trong đó Chúa trở thành của ăn cho chúng ta, trao ban chính Người cho chúng ta để biến đổi chúng ta trong Người.

Trong cảnh hóa bánh ra nhiều sự hiện diện của một chú bé được ghi nhận. Trước nỗi khó khăn phải nuôi biết bao nhiêu người, chú bé ấy góp chút lương thực mình có, là năm cái bánh và hai con cá (Ga 6,8). Rồi Đức Thánh cha giải thích phép lạ như sau:

Phép lạ không xảy ra từ nhưng không, mà từ một sự chia sẻ khiêm tốn đầu tiên của điều mà một chú bé đơn sơ đã có bên mình. Chúa Giêsu không xin chúng ta điều chúng ta không có, nhưng Ngài cho chúng ta thấy rằng nếu mỗi người cống hiến cái ít ỏi mình có, thì phép lạ mới luôn có thể xảy ra: Thiên Chúa có khả năng nhân lên nhiều mỗi một cử chỉ yêu thương nhỏ nhặt của chúng ta, và khiến cho chúng ta trở thành những người chia sẻ ơn của Người. Đám đông bị đánh động bởi phép lạ: họ trông thấy nơi Đức Giêsu ông Môshê mới, xứng đáng quyền năng, và họ trông thấy trong bánh manna mới tương lai được bảo đảm, nhưng họ chỉ dừng lại nơi yếu tố vật chất, và Chúa ”biết rằng họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6,15). Chúa Giêsu không phải là một vị vua trần gian thực thi sự thống trị, mà là một vì vua phục vụ, cúi xuống trên con người để không chỉ thỏa mãn cái đói vật chất, mà nhất là phục vụ cái đói sâu xa hơn: cái đói Thiên chúa.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy xin Chúa làm cho chúng ta khám phá ra tầm quan trọng nuôi dưỡng chính mình bằng mình Chúa Kitô, bằng cách trung thành tham dự Thánh Thể với ý thức lớn lao, để luôn ngày càng kết hiếp mật thiết hơn với Người. Thât thế ”không phải thực phẩm thánh thể biến đổi trong chúng ta, mà chính chúng ta là những người đến với thực phẩm thánh thể được đổi thay một cách nhiệm mầu. Chúa Kitô dưỡng nuôi chúng ta bằng cách kết hiệp chúng ta với Người; Người lôi kéo chúng ta vào trong Người” (Tông huấn Sacramentum caritatis, 70). Đồng thời, chúng ta muốn cầu nguyện để đừng có ai thiếu bánh ăn cần thiết cho một cuộc sống xứng đáng, và để cho các bất bình đẳng được dẹp bỏ không phải bằng vũ khí của bạo lực, nhưng bằng sự chia sẻ và tình yêu.

Chúng ta hãy tín thác nơi Đức Trinh Nữ Maria, trong khi khẩn nài sự che chở hiền mẫu của Mẹ trên chúng ta và các người thân của chúng ta.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức thánh Cha Biển Đức XVI đã tha thiết kêu gọi các phe liên hệ ngưng chiến tại Siria. Ngài xin cộng đồng quốc tế giúp tìm ra giải pháp chính trị và tái lập hòa bình và hòa giải cho quốc gia này. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, tôi tiếp tục âu lo theo dõi các giai đoạn bạo lực thê thảm gia tăng tại Siria, với hàng loạt người chết và bị thương, cả giữa các thường dân, và một số rất đông người di tản trong nội địa và người di cư sang các nước láng giềng. Tôi xin cho họ được bảo đảm sự trợ giúp nhân đạo và xã hội. Tôi xin canh tân sự gần gũi của tôi đối với dân chúbg khổ đau và nhớ tới họ trong lời cầu nguyện. Tôi xin lập lại lời kêu gọi tha thiết chấm dứt mọi bạo lực và đổ máu. Tôi cầu xin Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan đặc biệt cho những người có trọng trách, để đưa ra mọi nỗ lực trong việc tìm kiếm hòa bình, kể cả từ phía cộng đoàn quốc tế, qua sự đối thoại và hòa giải, nhắm tới một giải pháp chính trị thích hợp cho cuộc xung khắc. Tôi cũng nghĩ tới quốc gia Irak thân yêu trong những ngày này đã bị nhiều vụ mưu sát trầm trọng, khiến cho nhiều người chết và bị thương. Ước chi quốc gia lớn lao này tìm lại được con đường ổn định, hòa giải và hòa bình.

Đức Thánh Cha cũng nhắc tới Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 28 tại Rio de Janeiro bên Brasil vào năm tới. Đây là một dịp qúy báu giúp biết bao nhiêu người trẻ sống kinh nghiệm niềm vui và vẻ đẹp thuộc về Giáo Hội và sống đức tin. Đức Thánh Cha nhìn về biến cố này với niềm hy vọng. Ngài khích lệ và cám ơn ban tổ chức, đặc biết là tổng giáo phận Rio de Janeiro, mau mắn dấn thân chuẩn bị tiếp đón các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới tham dự biến cố quan trọng này của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha cũng bầy tỏ sự gần gũi của ngài với các công nhân xưởng chế thép Ilva tại tỉnh Taranto nam Italia và gia đình họ, đang phải sống thời gian khó khăn, vì nguy cơ mất công ăn việc làm. Ngài khích lệ tất cả mọi người có ý thức trách nhiệm, và cỗ võ các cơ cáu quốc gia vá địa phương cố gắng làm mọi sự có thể để đạt tới một giải pháp công bằng, bảo vệ quyền sức khỏe cũng như công ăn việc làm cho công nhân, đặc biệt trong thời gian khủng hoảng kinh tế này. Khi nghe tin xưởng chế thép phải đóng cửa, các công nhân đã kéo nhau xuống đường biểu tình và chiếm tòa thị sảnh thành phố.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc mọi người mùa hè vui vẻ khỏe mạnh.

Linh Tiến Khải

HÃY CHO NHAU SỰ SỐNG

HÃY CHO NHAU SỰ SỐNG
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B (29/07/2012)
[2 V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15]
Đói khắp nơi!

Nơi nào cũng có người đang chết vì đói. Về Việt Nam, vì đi du lịch ở những khu du lịch sang trọng, nghỉ ở khách sạn 3 sao, 5 sao, 5, 7 tầng cao ngất, ăn ở nhà hàng đắt tiền đủ món ngon vật lạ, tiêu khiển ở những khu giải trí lắm trò lãng phí nên bạn phải thấy cảnh ăn chơi thừa mứa của các quan lại, đại gia, của những tay dốt đặc cán mai học làm sang nhờ những đồng tiền  kiếm được mà không đổi lấy chút mồ hôi nước mắt. Họ ăn quá no, uống quá say, nhưng thực ra, họ đang đói: đói một niềm tin, đói một lý tưởng, đói một ý nghĩa cuộc đời.

Nếu về Việt Nam, bạn chịu khó bước xuống khỏi mấy tầng khách sạn kia, chịu khó len vào con hẻm nhỏ, chịu khó ra phía sau những mặt tiền vĩ đại, chịu khó cúi mình chui qua những góc phố chật chội tanh hôi, chui vào những “ổ chuột sài gòn”… hoặc xa hơn một tí, bạn hãy ra khỏi Sàigòn, ra khỏi các thành phố, để về những hóc núi tối tăm xa xôi, bạn sẽ thấy còn biết bao người đang đói từng bữa cơm trắng, đói từng con cá tươi, đói cả gói mì tôm chưa đầy năm ngàn đồng, đói cái quần tấm áo, đói một viên thuốc, đói vệ sinh, đói những nhu cầu căn bản nhất của con người.

Còn có cả những cái đói trí thức, đói công lý, đói tinh thần, đói tình thương đang hiện diện khắp nơi. Càng lúc càng có nhiều người trẻ đói tình thương của cha của mẹ. Giới trẻ đang đói một quan tâm đúng mức về tình trạng nguội đức tin và buông thả đời sống luân lý. Các gia đình đang đói một chuẩn mực đơn hôn, vĩnh hôn, hạnh phúc, đói một chuẩn mực của giáo hội thu nhỏ. Giáo dân đang đói những gương lành hy sinh cho chính đạo, đói gương sáng đạo đức, đói thông tin quan trọng về hiện tình giáo hội trong nước.

Những người đau khổ vì tội lỗi công khai đang đói một ánh mắt chạnh lòng thương cảm. Những người bị áp bức đang đói tiếng trống kêu oan, người tù tội đang đói mối thương người “thăm viếng kẻ tù rạc”. Con Cuông đang đói một lời cầu nguyện, chia sẻ, động viên, và bênh vực cho những người bảo vệ đức tin, công lý, tự do trước thế lực gian tà xem thường Thiên Chúa và chống lại Thiên Chúa.

… Đói khắp nơi!
 
Chúa không để chúng ta đói

Là ông chủ tốt bụng, là người Cha nhân lành, Thiên Chúa không muốn con người chúng ta chết vì đói, cũng không để chúng ta chết đói. Ngài ban cho chúng ta trí khôn để biết kiếm cái ăn, và ban cho trái tim để biết chia sẻ cái ăn cho người khác. Chỉ tiếc là, chúng ta biết tận dụng khả năng của trí khôn để kiếm ra cái ăn cho mình nhưng không có trái tim chạnh lòng thương người chia sẻ cái ăn cho người nên mới xảy ra là, “kẻ ăn không hết, người làm không ra”. Người nghèo đói cái ăn, người giàu đói lòng nhân ái. Cả hai đều đói.

Tin Mừng hôm nay giới thiệu một Đức Giêsu có lòng nhân ái trước cái đói phần xác của con người và giới thiệu một người có lòng nhân ái giống Chúa Giêsu, không ai khác, đó là một em bé, có năm chiếc bánh be bé và hai con cá nho nhỏ.

Vâng Tin Mừng thuật lại rằng: Chúa Giêsu để ý đến đoàn người theo Ngài đang đói, và Ngài muốn kiếm cho họ cái ăn. : "Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?" . Chúa Giêsu không hỏi phải tốn bao nhiêu tiền lo cho người ta ăn nhưng Ngài hỏi “mua ở đâu”. Vậy mà, Philipphê muốn tránh né chuyện lo ăn cho người ta bằng cách trả lời:"Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút". Còn ông Anre, đã không đi mua, lại còn tính toán chi li đến chuyện đòi chia phần nhỏ của em bé cho ngàn người ăn trong khi chưa biết em bé có bằng lòng không.

Chuyện kỳ diệu đã xảy ra là em bé bằng lòng trao 5 chiếc bánh và hai con cá cho các ông. Năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ, là khẩu phần vừa đủ cho một em bé. Em đã sẵn sàng cho đi phần nuôi sống mình. Nếu 5 chiếc bánh và hai con cá ấy của một người lớn, người có đầy kinh nghiệm về cuộc sinh tồn, chắc gì, người ấy đã sẻ chia? Em bé nầy giống Chúa Giêsu vì có lòng nhân ái, sẵn sàng cho đi chính sự sống của mình. Và phép lạ của lòng nhân ái đã xảy ra. Mọi người ăn no.
 
Chúa muốn chúng ta nuôi nhau

Chúa muốn chúng ta nuôi sống nhau bằng lòng nhân ái, bằng trái tim biết chạnh lòng thương. Nhưng lòng nhân ái, và trái tim chạnh thương chỉ có nơi những tâm hồn bé nhỏ, biết tín thác hoàn toàn vào Chúa. Giá trị của việc cho đi ở chỗ cho đi chính nhu cầu của mình. Những đồng tiền bác ái không phải là những đồng tiền dư thừa, nhưng chính là đồng tiền nuôi sống gia đình. Chia sẻ chính đồng tiền nuôi sống mình, chứ không phải chia sẻ đồng tiền dư thừa, cất để.

Năm chiếc bánh be bé của em bé, hai con cá nho nhỏ của em nhỏ làm tôi liên tưởng đến miếng cơm manh áo của chúng ta trong những ngày cùng cực sau 1975. Người có tiền xếp hàng mua từng mét vải, từng cân gạo, từng ký cá. Có người không tiền đứng ngoài hàng ngó người trong hàng mà đứt từng đoạn ruột khi nghĩ đến đám nhỏ nhà mình sẽ không có gì để ăn để sống trong những ngày sắp tới. Chờ người trong hàng bước ra với đôi cân gạo mới dám tỏ bày: “Chị cho em mượn một lon gạo. Một lon thôi, thằng út thèm cháo mấy hôm rồi”. Chị kia lấy tay vóc mấy vóc gạo thiu hẫm: “Chị cầm đỡ đi, nhà tôi chín người, cũng đang đói”.

Thương ơi những ngày gian khổ ấy, và cũng chính từ những gian khổ ấy, mới rõ ra rằng “việc nhỏ” của “tấm lòng lớn” là việc của Hy Tế.

Có vài “nhóm bác ái Công giáo” ở Sài Gòn không thường đi du lịch, nhưng lại rất thường có những chuyến đi thăm các họ đạo xa xôi ở miền Tây sông nước, ở miền Trung cao nguyên hay mạn ngược miền sơn cước phía bắc. Tôi nể phục họ vì họ đến để “xem nơi người ở và ở lại với người”, ăn uống với người, sinh hoạt với người, hiểu người, yêu mến người và cuối cùng là tìm đủ mọi cách để chia sẻ cho người những điều kiện sống tương đối hơn.

Có lần họ đến thăm một vài Giáo Xứ gần nơi tôi sống, rồi về kể cho nhau nghe: Về thăm xóm rẫy của anh H, và dự thánh lễ tại nhà thờ một giáo họ, mình để ý có mấy người đi lễ mang những chiếc áo dài không sang trọng lắm, nhưng đủ đàng hoàng xinh đẹp mà chính tay mình đã xin về, giặt ủi, xếp vào bao và giao cho anh H. Ôi, mình thật hạnh phúc, thật sung sướng vì đã góp một chút công vào phép lạ của tình thương Thiên Chúa.
 
Quả thực, nếu có những sẻ chia phát xuất từ trái tim nhân ái, chắc hẳn sẽ không còn quá nhiều cảnh khổ đau, chết chóc vì đói.

Lời Chúa hôm nay đang mời gọi chúng ta biết tín thác vào Chúa, và biết sẻ chia sự sống cho nhau. Sự sống ấy, không chỉ là cái ăn, cái mặc mà còn là tình thương, lòng thông cảm, mà còn là gióng lên tiếng trống kêu oan, rập ràng tiếng kinh nguyện cầu cho công lý, ý hợp tâm đầu bảo vệ Đức Tin công giáo, tiếp sức cho người chiến đấu cho công lý, cho tự do…

Hình ảnh em bé với “ năm tấm bánh bé hai con cá nhỏ” có thể làm động lòng chúng ta. Thiết tưởng, bao lâu chúng ta còn muốn làm người lớn với bao toan tính, tránh né, an vị yên thân, thì bấy lâu vẫn còn khó lòng mà biết sẻ chia cho đời tấm bánh hay con cá vốn đã dư thừa, cất để.

Nguyện xin Chúa cho chúng con lòng đơn sơ khiêm nhượng tín thác như bé thơ để dám tin rằng ai đành mất sự sống mình thì được sống muôn đời. A men. 
 
Nha Trang 26-07-2012
PM. Cao Huy Hoàng

 

CHUYỆN THỰC TẾ

CHUYỆN THỰC TẾ

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B (29/07/2012)
[2 V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15]

Trong kinh “Thương Người Có 14 Mối”, mối thứ  nhất của phần “Thương Xác 7 Mối” là “cho kẻ đói ăn”. Giáo hội rất thực tế vì  không thể nói suông, và vì Giáo hội theo đúng cách của Đức Kitô. Tuy nhiên, có lẽ người Công giáo chúng ta vẫn chỉ yêu người bằng lý thuyết, qua sách báo, qua những bài “thuyết pháp” hùng hồn, thậm chí là yêu người “online” mà thôi. Chúa Giêsu chưa một lần nói suông. Nghiêm túc xét mình, liệu chúng ta đã theo Chúa đúng Ý Ngài? Chắc hẳn chúng ta phải đấm ngực nhiều lần lắm! Vì thế, danh nhân Mahātmā Gāndhī (1869-1948, được dân Ấn Độ coi là Quốc phụ) nói thẳng: “Tôi sẵn sàng làm người Kitô hữu nếu tôi tìm được những Kitô hữu thực thi Bài Giảng Trên Núi” – tức là Bát Phúc, là Tám Mối Phúc Thật. Chắc chắn chúng ta phải “giật mình” mà xét lại cách sống của chính mình vậy!

Chúa Giêsu thực tế  bằng cách hóa bánh ra nhiều hai lần: Lần một với  5 cái bánh và 2 con cá mà đủ cho khoảng 5.000 người ăn, chưa kể phụ nữ và trẻ em, lại còn dư 12 giỏ đầy (Mt 14:17-21; Mc 6:30-44; Lc 9:10-17; Ga 6:1-14), lần hai với 7 cái bánh và một ít cá nhỏ mà đủ cho khoảng 4.000 người ăn, chưa kể phụ nữ và trẻ em (Mt 15:34-38; Mc 8:1-10). Quả thật, Chúa Giêsu vô cùng thực tế. Và Ngài muốn chúng ta làm như vậy, nghĩa là phải biến lời nói thành hành động cụ thể.

Ăn là điều cần thiết nhất để duy trì sự sống. Ăn còn là cái thú đầu tiên trong tứ khoái của con người, và ăn cũng là  điều người ta phải học đầu tiên: Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Một người trong nhóm  các ngôn sứ ra đồng hái rau, tìm thấy một thứ cây giống như nho dại, họ hái trái dưa đắng ấy, đầy một vạt áo, rồi về nhà, thái nhỏ ra, bỏ vào nồi nấu cháo, vì họ không biết đó là thứ gì. Sau đó, họ múc ra cho mọi người ăn. Vừa ăn chút cháo, họ kêu lên: “Người của Thiên Chúa ơi, thần chết ở trong nồi!” (2 V 4:40), nghĩa là nồi cháo đó có độc tố vì được nấu bằng những loại trái độc. Và họ không thể ăn được. Nhưng ông Ê-li-sa bảo: “Đem bột đến đây!”. Ông bỏ bột vào và bảo: “Múc ra cho người ta ăn”. Lạ thay, trong nồi liền hết chất độc. Không biết ông Ê-li-sa có nghiên cứu y dược hay không mà kết hợp thực phẩm tài tình quá!

Rồi có một người từ Ba-an Sa-li-sa đến, đem bánh đầu mùa biếu người của Chúa, đó là 20 chiếc bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị. Ông Ê-li-sa không giữ riêng cho mình và những người trong nhóm, mà ông nói: “Phát cho người ta ăn” (2 V 4:42). Nhưng tiểu đồng hỏi ông: “Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được?” (2 V 4:43a). Ông cương quyết: “Cứ phát cho người ta ăn! Vì Đức Chúa phán thế này: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư” (2 V 4:43b). Quả đúng như vậy, phép lạ đã xảy ra nhãn tiền. Sau khi tiểu đồng phát cho người ta ăn xong, vẫn còn dư như lời Chúa phán.

Thiên Chúa là Đấng toàn năng, biến không thành có, điều gì với loài người là “không thể” thì với Ngài là  “có thể”. Vì vậy, “muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng” (Tv 145:10-11a). Ai tin tưởng và ngước mắt trông lên Chúa, Ngài đều chạnh lòng thương và “chính Ngài đúng bữa cho ăn” (Tv 145:11b). Thật vậy, “khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê” (Tv 145:16). Không chỉ vậy, Ngài còn “công minh trong mọi đường lối, đầy yêu thương trong mọi việc Ngài làm, gần gũi tất cả những ai thành tâm cầu khẩn Ngài” (Tv 145:17-18).

Ôi, tình yêu Thiên Chúa quá bao la, lòng thương xót của Ngài quá hải hà, vì Ngài luôn “chạnh lòng thương” những con người sầu khổ, thiếu thốn về vật chất hoặc tinh thần!

Dù đang bị tù vì Chúa, Thánh Phaolô vẫn phải bày tỏ: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em” (Ep 4:1). Theo Thánh Phaolô, cách “sống xứng đáng” đó là: Ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau; thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau (Ep 4:2-3). Tại sao? Thánh Phaolô giải thích: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4:4-6). Tất cả đều là MỘT trong Thiên Chúa thì không có lý do gì mà tách rời. Có ai lại tự cắt lìa một phần thân thể của mình chứ? Mà đã là MỘT thì phải yêu thương, quan tâm, nâng niu và chia sẻ mọi thứ với nhau.

Thánh sử Gioan kể  tỉ mỉ: Hôm đó, Đức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tibêria, có đông đảo dân chúng đi theo Ngài, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Ngài đã làm cho các bệnh nhân. Ngài lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái. Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Ngài hỏi ông Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6:5). Thực ra Ngài nói thế là để thử ông, chứ Ngài biết mình sắp làm gì.

Ông Philípphê vừa gãi đầu vừa đáp: “Thầy ơi là Thầy, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” (Ga 6:7). Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, thưa với Ngài: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (Ga 6:9). Đức Giêsu ôn tồn: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi” (Ga 6:10). Người ta ngồi xuống trên cỏ, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Có lẽ lúc đó các tông đồ lắc đầu ngán ngẩm vì đông quá, có sẵn đủ thực phẩm mà phục vụ họ cũng mệt đừ người. Mỗi ông phải phục vụ khoảng 500 thực khách cơ mà!

Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Ngài cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý chứ không “chia khẩu phần”. Khi họ đã no nê rồi, Ngài bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi” (Ga 6:12). Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Hơn cả tuyệt vời!

Dân chúng thấy dấu lạ  Đức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” (Ga 6:14). Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Ngài lại lánh mặt, đi lên núi một mình. Ngài “thực tế” với người khác nhưng lại không “thực tế” với chính mình. Ngài không muốn được “tôn làm vua” mà lại “lánh mặt” và “đi lên núi”, đáng lưu ý là Ngài đi lên núi một mình mà thôi!

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết sống “thực tế” như Đức Giêsu Kitô là biết “chạnh lòng thương” tha nhân, dù họ là ai, đồng thời cũng biết cầm lấy “chiếc bánh cuộc đời” của chúng con, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và chia sẻ với mọi người. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

Trầm Thiên Thu

CÁC GIÁM MỤC IRELAND, SCOTLAND, ANH QUỐC VÀ VÙNG WALES KÊU GỌI TÍN HỮU CÓ KIỂU SỐNG QUÂN BÌNH

CÁC GIÁM MỤC IRELAND, SCOTLAND, ANH QUỐC VÀ VÙNG WALES KÊU GỌI TÍN HỮU CÓ KIỂU SỐNG QUÂN BÌNH

LUÂN ĐÔN: Nhân dịp khai mở Thế Vận Hội chiều 27 tháng 7-2012, Đức Cha Vincent Nichols Tổng Giám Mục Westminster, đã ra thông cáo chào mừng các lực sĩ điền kinh cũng như du khách toàn thế giới. Ngài cầu mong Thế Vận Hội là thời gian nối kết và canh tân tình thân hữu, cần thiết cho hòa bình và sự hiểu biết nhau sâu xa trong cộng đoàn nhân loại.

Đức Cha khẳng định rằng phân tích cho cùng mọi người đều là một lữ khách kiếm tìm sự thật, lòng tốt và việc thực hiện tiềm năng của mình. Và khi sống cuộc lữ hảnh đó với lòng chân thật, nó rộng mở cho đối thoại và không loại trừ dấn thân xây dựng tình huynh đệ và hòa bình.

Cũng nhân dịp Thế Vận Hội các Giám Mục Ireland, Scotland, Anh quốc và vùng Wales đã phân phát 400.000 pamphlets, kêu gọi tín hữu có kiểu sống quân bình nhậy cảm đối với phẩm giá cao trọng tuyệt vời của thân xác, và dùng thân xác để chúc tụng Thiên Chúa.

Các Giám Mục đã đưa ra lời kêu gọi trân đây nhân ”Ngày cho sự sống” được cử hành vào ngày Chúa Nhật 29-7-2012 và nhấn mạnh tầm quan trong của sức khỏe vật lý, việc tập thể thao thể dục và săn sóc thân xác. Số tiền quyên được trong ngày này sẽ được dùng để tài trợ cho trung tâm luân lý sinh học Anscombe và các sinh hoạt khác do Giáo Hội bảo trợ.

Đức Cha Peter Smith, Tổng Giám Mục Southwark, chủ tịch phát động Ngày cho sự sống tại Anh quốc và vùng Wales, đã bình luận về ý nghĩa của Thế Vận Hội và tầm quan trọng của kiểu sống lành mạnh. Đức Cha nói: Trong mấy tuần tới này chúng ta sẽ thấy các lực sĩ điền kinh biểu diễn những điều hay đẹp. Thật không thể tin được, khi thấy các giải quán quân bị vượt qua, các mề đai vàng được thắng, và sau bao nhiêu năm tập luyện, hy sinh cá nhân, và kỷ luật hằng ngày, thân xác con người có thể làm được những gì mà loài người nghĩ là không thể làm được. Năm nay Ngày cho sự sống mời gọi chúng ta chú ý tới tầm quan trọng của việc săn sóc sức khỏe của thân xác trong mọi giai đoạn và hoàn cảnh, sử dụng thân xác để làm vinh danh Thiên Chúa… Các cuộc tranh tài Thế Vận Hội làm chứng cho thấy để đạt các kết qủa cần phải có sự hài hòa giữa thân xác, tinh thần và trí tuệ qua sự rèn luyện và qua kỷ luật.

Vẫn liên quan tới Thế Vận Hội. Tín hữu công giáo Anh quốc đã làm một Cây Thánh Giá Thế Vận Hội, giúp biểu tượng cho các bộ môn thi đấu và sẽ được chuyền cho các Thế Vận Hội tiếp theo. Ông James Parker, người phối hợp Thế Vận Hội 2012 nói: Như là tín hữu kitô, cuộc sống của chúng ta không có ý nghĩa gì, nếu không có Thánh Giá; và đây xem ra là đối tượng xứng hợp nhất đối với sự dấn thân của chúng tôi, và như là món qùa tương lai cho các người khác.

Thánh Giá được đặt tại trung tâm Joshua gần làng Thế Vấn Hội, là nơi Giáo Hội tổ chức các thánh lễ, các buổi cầu nguyện, sinh hoạt và hội họp cho các lực sĩ điền kinh. Nó tựa như Thánh Giá của Ngày quốc tế giới trẻ. Người vẽ kiệu và làm cây Thánh Giá Thế Vận Hội là ông Jon Cornwall, thuộc trung tâm cấm phòng Walshingham tại Essex. Ông cho biết đã dùng 12 loại gỗ khác nhau trên thế giới để tượng trưng cho 12 Tông Đồ. Đế cắm Thánh Giá bằng gỗ gồm ba tầng, biểu tượng cho ba nhân đức đối thần tin, cậy, mến.

Ông tin rằng các lực sĩ điền kinh cũng như những du khách từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự các cuộc tranh tài Thế Vận Hội sẽ đến thờ lạy Thánh Giá, và khi làm như thế họ sẽ yêu mến Chúa Kitô hơn. Còn ông Parker thì nói Trung tâm Joshua có thể là mô thức cho thấy có thể phối hợp thể thao thể dục với tinh thần tu đức trong các biến cố thể thao tương lai. Sáng kiến này đáp lại lời Đức Thánh Cha Biển Đức XVI kêu mời tìm ra các cách thức lôi kéo tâm trí con người đến với Chúa Kitô (ZENIT 23-7-2012; CNS 26-7-2012)

Linh Tiến Khải

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO Từ 07-23 đến 07-29-2012

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Từ 07-23 đến 07-29-2012      

Trích từ Xuân Bích VN

 

Đừng đụng tới Thánh Giá.

Bộ trưởng ngoại giao Ý : chấm dứt ngay bạo lực bài Kitô giáo phải là ưu tiên quốc tế.

Nhà thần học nhìn thấy cách giảng dạy không hợp lý trong một số giáo viên giáo dục tôn giáo Công Giáo.

Đại học Pêru không còn là [ĐH] Công giáo và thuộc Giáo hoàng nữa.

Biểu trưng (Logo) chính thức chuyến tông du Liban của Đức Biển-Đức XVI.

Hơn 10.000 thanh niên tụ họp để tỏ rõ sự dấn thân truyền giáo.

Nhóm họp quốc tế lần thứ 11 “Các Nhóm Đức Bà”  tại Brasilia.

-Bổ nhiệm mới.

Lãnh đạo LCWR bị chỉ trích nặng nề về lẫn tránh trả lời trong cuộc phỏng vấn.

SSPX phải chấp nhận Công Đồng Vatican II.

Quỹ “Populorum Progressio” : 103 dự án được xem xét.

Vatican đang cân nhắc việc rút khỏi [khu vực] đồng Euro.

-Báo cáo ủng hộ đòi hỏi Uỷ quyền đối với các giáo sư thần học Công giáo.

Bảo tàng Vatican.

Chính quyền phạt các linh mục Hắc Long Giang.

Tân Tổng trưởng nói những đấu đá trong Giáo Hội phải chấm dứt ngay.

Không có “trung điểm” có thể với LCWR về các vấn đề chủ chốt.

Ba tôn giáo [bắt nguồn từ] Abraham bênh vực việc tạo dựng.

Đức Bà tiên báo nhiều điều trong các tai ương của Giáo Hội vào thập niên 1600s.

  (Xem thêm chi tiết . . .    TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO 07-23 đến 07-29- 2012 )

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC CHARLES CHAPUT MỜI GỌI TÍN HỮU MỸ DẤN THÂN BIỂU LỘ ĐỨC TIN TRONG CUỘC SỐNG CÔNG CỘNG

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC CHARLES CHAPUT MỜI GỌI TÍN HỮU MỸ DẤN THÂN BIỂU LỘ ĐỨC TIN TRONG CUỘC SỐNG CÔNG CỘNG

NAPA: Đức Cha Charles Chaput, Tổng Giám Mục Philadelphia, kêu gọi tín hữu công giáo Mỹ dấn thân biểu lộ niềm tin trong cuộc sống công cộng, vì Hoa Kỳ hiện nay là vùng đất truyền giáo.

Đức Tổng Giám Mục Chaput đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong đại hội của giới lãnh đạo công giáo, tổ chức tại Học viện Napa California ngày 26 tháng 7-2012. Đại hội tại Napa kéo dài cho tới Chúa Nhật 29 tháng 7-2012 nhằm mục đích giúp hàng lãnh đạo công giáo hiểu biết đức tin để sống và bảo vệ nó trong thế giới tục hóa Mỹ hiện nay.

Đức Cha Chaput đã khích lệ mọi người tái khám phá ra căn tính công giáo và lịch sử của mình, để tái lập sự hiểu biết về tự do tại Hoa Kỳ. Các thế hệ cha ông lập nước đã lấy đức tin Kitô làm điểm tham chiếu, và đón nhận sự cộng tác giữa chính quyền và các nhóm tôn giáo trong việc thăng tiến công ích xã hội. Và các vị đã hiểu tự do tôn giáo bao gồm quyền của các tín hữu, giới lãnh đạo và cộng đoàn dấn thân trong xã hội và làm việc trong các lãnh vực công cộng. Họ đã hiểu rằng tôn giáo không phải chỉ là niềm tin riêng tư hay việc phụng tự, mà là sống đời môn đệ tích cực, bao gồm việc rao giảng, dậy dỗ công khai làm chứng và phục vụ tha nhân.

Thế nhưng ngày nay khuynh hướng tục hóa và đánh mất nền tảng luân lý cho thấy Hoa Kỳ đang trở thành một quốc gia khác với quốc gia do các thế hệ cha ông đã thành lập. Ngày nay sự khinh bỉ niềm tin tôn giáo gia tăng và chính quyền gây áp lực trên các tổ chức tôn giáo, không phải chỉ trong việc quảng bá ngừa thai mà cả việc tấn kích quyền tự do lương tâm, bằng cách đánh thuế các dịch vụ và hoạt động bác ái, các nhân viên y tế và tư nhân.

Tuy nhiên, vẫn còn có cơ may thay đổi nền văn hóa. Thay đổi không phải chỉ bằng hành động, mà bằng điều chúng ta thực sự tin, bởi vì điều chúng ta tin nhào nắn kiểu người của chúng ta. Nền văn hóa lớn lên từ tinh thần của người dân, sống làm sao, yêu thích những gì và muốn chết cho cái gì. Việc thay đổi nền văn hóa sẽ đòi hỏi phải thay đổi suy tư và hiểu rằng không có sự hài hòa tự động giữa niềm tin kitô và nền dân chủ Mỹ. Dân chủ không phải là mục đích trong chính nó. Ý kiến của đa số không xác định cái gì là tốt và thật. Đúng hơn, cần có các nhà chính trị đâm rễ sâu trong nền đạo đức. Tín hữu công giáo phải đứng lên tranh đấu cho những gì mình tin, bằng cách hiểu rằng sự dấn thân chính trị là cấp thiết và sẽ nắm giữ một vai trò ý nghĩa trong việc hình thành tương lai đất nước. Các nền dân chủ sống còn, tùy thuộc nơi người dân xác tín chiến đấu cho điều họ tin trong quảng trường công cộng. Sự cộng tác cần có cho nền dân chủ không thể là cớ cho việc giàn xếp với sự dữ, hay để cho sự tự do rao giảng và phục vụ Thiên Chúa bị cắt chặt đi. Ngoài ra, cũng cần phải canh tân nội tâm nữa, để cho Thiên Chúa và sự thinh lặng đi vào trong cuộc sống chúng ta.

Sau cùng Đức Cha Chaput mời gọi tín hữu công giáo Mỹ thăng tiến nền văn hóa tự do tôn giáo bằng cách không ngần ngại công khai sống đức tin. (CNA 27-7-2012)

Linh Tiến Khải
 

 

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ẤN ĐỘ KÊU GỌI TÁI LẬP HÒA BÌNH TRONG VÙNG ASSAM

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ẤN ĐỘ KÊU GỌI TÁI LẬP HÒA BÌNH TRONG VÙNG ASSAM

NEW DEHLI: Trong thông cáo công bố ngày 26 tháng 7-2012 Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ kêu gọi tái lập hòa bình trong vùng Assam Hạ, và bày tỏ đau buồn sâu xa vì các xung đột giữa các tín hữu kitô và hồi giáo đã khiến cho 40 người thiệt mạng và 170.000 người phải chạy trốn bạo lực.

Trong thông cáo mang chữ ký của Đức Tổng Giám Mục Albert D'Souza, Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Ấn, các Giám Mục chia buồn với gia đình các nạn nhân và bầy tỏ tình liên đới với các người phải di tản để lánh nạn bạo lực. Các vị kêu gọi các cộng đoàn trong các quận Kokrajhar, Chirang, Dhubi và Bongaigaon mau chóng tìm ra các con đường giúp sống trong yêu thương và tình huynh đệ. Giáo Hội công giáo và giáo phận Bongaigaon đang nỗ lực cùng với chính quyền và các tổ chức phi chính phủ khác trợ giúp tái lập hòa bình và bình thường hóa tình hình căng thẳng tại đây.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vatican ngày 26 tháng 7-2012, Đức Cha Thomas Pulloppillil, Giám Mục giáo phận Bongaigaon trong bang Assam, cho biết các đụng độ xảy ra giữa bộ lạc Bodo và cộng đoàn các người di cư hồi giáo. Ban đầu đã chỉ có cảnh lời qua tiếng lại, nhưng sau đó đã biến thành việc đánh đấm nhau khiến cho một số người chết. Ban đầu đã có 4 thanh niên Kitô Bodo bi ám sát, tiếp đến vài người hồi bị giết. Thế là bạo lực lan tràn ra trong toàn vùng khiến cho 40 người chết và 170.000 người phải chạy trốn vào trong các trại tị nạn. Lý do của các xung đột là việc tranh giành đất đai. Người Bodo cai quản các quận lỵ trong vùng xảy ra các vụ bạo động. Trong các năm vừa qua các người di cư hồi giáo tới sinh sống giữa người Bodo. Trong vùng này các nhà của người hồi đã là mục tiêu của các cuộc bạo động, trong khi tại các quận lỵ có ít người Bodo sinh sống, thì họ trở thành các nạn nhân. Họ bị giết và mất hết tài sản đất đai.

Giáo Hội công giáo đã mạnh mẽ kêu gọi hai cộng đoàn tái lập hòa bình và nhận đứng ra làm trung gian để giúp hai bên đối thoại và giảng hòa với nhau (SD RG 26-7-2012)

Linh Tiến Khải

TÒA THÁNH KỆU GỌI CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ CHỐNG LẠI VIỆC BUÔN BÁN VŨ KHÍ BẤT HỢP PHÁP VÀ TRỢ GIÚP CÁC NẠN NHÂN CHIẾN TRANH

TÒA THÁNH KỆU GỌI CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ CHỐNG LẠI VIỆC BUÔN BÁN VŨ KHÍ BẤT HỢP PHÁP VÀ TRỢ GIÚP CÁC NẠN NHÂN CHIẾN TRANH

NEW YORK: Đức Tổng Giám Mục Francis Chullikat, Quan sát viên thường trực của Tòa Thành cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chống lại việc buôn bán khí giới bất hợp pháp và trợ giúp các nạn nhân chiến tranh.

Đức Cha Chullikat đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài tham luận đọc tại phiên họp của Liên Hiệp Quốc về Thỏa hiệp buôn bán vũ khí, kết thúc ngày 27 tháng 7-2012 tại New York. Vị đại diện của Tòa Thánh nhấn mạnh rằng không thể coi vũ khí như là các hàng hóa bình thường khác và Tòa Thánh xác tín rằng Thỏa hiệp về việc buôn bán các vũ khí có thể tao ra sự khác biệt đối với hàng triệu người, nạn nhân của việc bán vũ khí đạn dược vô luật lệ vô trách nhiệm, và mua vũ khí và đạn dược bất hợp pháp từ phía các kẻ tội phạm. Đức Cha Chullikat cầu mong rằng mục đích cuối cùng của Thỏa hiệp nói trên là việc giải trừ thị trường quốc tế buôn bán vũ khí.

Đức Cha cũng nêu bật rằng việc buôn bán vũ khí bất hơp pháp có các hệ lụy tiêu cực đối với sự phát triển, nền hòa bình, luật nhân đạo và các quyền con người. Đức Cha nói: Khí giới không thể được so sánh với các hàng hóa trao đổi khác trên các thị trường quốc gia và quốc tế. Cần phải có sự điều hợp đặc biệt có khả năng phòng ngừa, chống trả và nhổ tận gốc rễ việc buôn bán vũ khí và đạn dược bất hợp pháp và vô trách nhiệm. Để được như thế, cần phải có sự dấn thân của tất cả mọi thành viên của cộng đoàn quốc tế, từ các quốc gia cho tới các tổ chức quốc tế, từ các tổ chức phi chính quyền cho tới các tổ chức tư nhân.

Vị đại diện Tòa Thánh cũng liệt kê ra một loạt các biện pháp cần thi hành, trong đó có sự cộng tác giữa các quốc gia, việc thực sự kiểm soát khí giới loại nhẹ, một sự trong sáng hơn trong việc buốn bán khí giới hợp pháp. Đức Tổng Giám Mục Chullikat cũng đặc biệt chú ý tới các nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang. Họ cần được các chính quyền trợ giúp và tái hội

nhập vào cuộc sống xã hội và kinh tế. Và Đức Cha than phiền về sự bất lực trong việc thăng tiến một nền văn hóa hòa bình. Theo Đức Cha cần phải có các sáng kiến giáo dục và các chương trình giúp gia tăng ý thức về việc loại trừ vũ khí và phải lôi kéo tất cả mọi giai tầng xã hội vào cuộc, kể cả các tổ chức tôn giáo. Tòa Thánh luôn dấn thân hàng đầu trong việc thăng tiến hòa bình và chống lại nền văn hóa bạo lực và tội phạm. Sau cùng Đức Cha Chullikat nhấn mạnh rằng việc chấp nhận một thỏa hiệp mạnh mẽ và hữu hiệu về việc buôn bán vũ khí sẽ là một dấu chỉ quan trong diễn tả ý chí chính trị của các chính quyền để bảo đảm hòa bình, công bằng, ổn định và thịnh vượng trên thế giới (SD RG 27-7-2012)

Linh Tiến Khải

Tình hình hôn nhân và ơn gọi tại Anh Quốc

Tình hình hôn nhân và ơn gọi tại Anh Quốc

Phỏng vấn Đức Cha John Arnold, Giám Mục phụ tá tổng giáo phận Westminster.

Trong các ngày này con mắt của toàn thế giới đổ dồn về Luân Đôn, nơi Thế Vận Hội sẽ khai diễn ngày 27 tháng 7-2012 và sẽ kéo dài cho tới ngày 12tháng 8-2012.

Với sự hiện diện của hàng chục ngàn lực sĩ điền kinh, và gần 5 triệu giới hâm mộ đến từ khắp nơi trên thế giới vừa để theo dõi các trận tranh tài vừa để du lịch, Anh Quốc sẽ thu vào khoảng 16 tỷ bảng Anh. Đây là một số tiền lớn, bù đắp cho ngân sách quốc gia, đặc biệt trong tình trang khủng hoảng kinh tế tài chánh trầm trọng hiện nay.

Các Giáo Hội Kitô, đặc biệt là công giáo và anh giáo, cũng dấn thân đảm trách việc phục vụ các nhu cầu tinh thần của các lực sĩ điền kinh và du khách. Đây cũng là dịp để Giáo Hội công giáo duyệt xét lại một số thách đố mà Giáo Hội đang phải đương đầu.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha John Arnold, Giám Mục phụ tá tổng giáo phận Westminster trong thủ đô Luân Đôn. Hồi trung tuần tháng 7 này Đức Cha đã sang Roma để chủ sự thánh lễ truyền chức Phó Tế cho một số tiến chức thuộc trường Đấng Đáng Kính Beda, và đã dành cho phóng viên Ann Schneider bài phỏng vấn về tình hình Giáo Hội công giáo Anh Quốc và vùng Galles.

Hỏi: Thưa Đức Cha, hiện nay bên Anh quốc ngưi ta đang bàn tán sôi nổi về hôn nhân. Đặc biệt là chính quyền Anh đang đòi định nghĩa lại hôn nhân, và muốn thừa nhận hôn nhân của những ngưi đồng phái tính. Giáo Hội có vai trò nào trong cuộc thảo luận này? Và Đức Cha trình bầy vấn đề này trên bình diện mục vụ như thế nào?

Đáp: Giáo Hội công giáo có một vai trò rất quan trọng trong việc cứng rắn duy trì giáo huấn liên quan tới bí tích hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, là nền tảng của xã hội. Điều mà chúng tôi phải chấp nhận trong lúc này là chúng tôi là thiểu số nhỏ trong nước, nhưng chúng tôi thực sự có điều gì đó để hãnh diện về sự hiểu biết về hôn nhân, và chúng tôi đã thăng tiến điều đó. Tôi không nghĩ là có điều gì hiếu chiến về chuyện này, vì nó chỉ đơn sơ tạo ra các lý luận.

Chúng tôi đang tìm kiếm một sự hiểu biết chung và khiến cho nó lớn lên. Vì thế chúng tôi phải thăng tiến ý nghĩa về hôn nhân, trước hết với các cộng đoàn của chúng tôi, giúp tín hữu xác tín về quan niệm công giáo về hôn nhân và thần học hôn nhân, và thực thi xác tín đó trong các giáo xứ bằng cách gia tăng việc chuẩn bị hôn nhân, gia tăng việc cử hành cho các cặp vợ chồng cưới nhau, thăng tiến đời sống hôn nhân của họ theo chiều hướng này. Tôi nghĩ đây là phương thế tốt nhất giúp thăng tiến hôn nhân.

Rất tiếc là chính quyền Anh quốc đã bắt đầu cuộc thăm dò ý kiến liên quan tới cách thức tốt nhất để giới thiệu hôn nhân đồng phái, thay vì thảo luận trước xem có nên giới thiệu nó hay không. Nhưng tôi hy vọng chính quyền không hấp tấp trong vấn đề này, vì nó có các hậu qủa không lường trước được.

Có nhiều người hiểu ý niệm công giáo về hôn nhân. Nhưng cũng có nhiều người công giáo đã chỉ chấp nhận ý niệm đó mà không bao giờ suy tư nghiêm chỉnh về ý nghĩa của nó. Vì thế chúng tôi phải cố gắng rất nhiều để giúp họ hiểu giáo lý Giáo Hội đã giảng dậy từ trước tới nay.

Hỏi: Thưa Đức Cha, tình hình ơn gọi linh mục tu sĩ tại Anh quốc hiện nay ra sao. Giáo Hội có các sáng kiến nào nhằm thăng tiến ơn gọi hay không?

Đáp: Trong các năm gần đây chúng tôi đã chứng kiến cảnh giảm sút ơn gọi linh mục tu sĩ, nhưng từ năm năm qua ơn gọi bắt đầu có trở lại, tuy không nhiều lắm, nhưng gia tăng đều đặn. Trong giáo phận của tôi mỗi năm có 9-10 sinh viên gia nhập chủng viện. Và đây là dấu chỉ rất tốt. Tôi nghĩ cũng có các sinh viên gia nhập chủng viện sau một thời gian chuẩn bị trước. Dĩ nhiên, nó không như cách đây 30 năm, khi người trẻ muốn vào chủng viện và được chấp nhận ngay mà không có ai đặt vấn đề. Ngày nay có nhiều phân định và chuẩn bị hơn, trước khi các sinh viên được gia nhập chủng viện. Và tôi nghĩ mọi chuyện xem ra tốt đẹp hơn. Thực tế mà nói, mỗi giáo phận đều có một linh mục đặc trách việc thăng tiến ơn gọi. Đây là điều rất lành mạnh và đem lại kết qủa tốt.

Dĩ nhiên là chúng tôi đã có di vật từ chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, đó là lại có người chú ý tới ơn gọi. Và trông thấy sự kiện này thật là điều tuyệt diệu. Nhưng chúng tôi không được tự mãn. Chắc chắn đây không phải là tình hình của thập niên 1960, là thời gian chúng tội có nhiều ơn gọi nhất. Nhưng tôi nghĩ rằng có việc tái khám phá ra ơn gọi, tái đinh nghĩa ơn gọi linh mục là gì, để người trẻ biết mình được mời gọi và được chuẩn bị sống cuộc sống nào.

Hỏi: Đức Cha vừa nói về sự chú ý tới ơn gọi theo sau chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại Anh quốc hồi năm 2010. Chuyến viếng thăm ấy có sinh thêm hoa trái nào khác nữa hay không, thưa Đức Cha?

Đáp: Một cách đặc biệt trong diễn văn Đức Thánh Cha nói với các giới chức chính trị, kỹ nghệ thương mại tại thính đường Westminster, ngài đã kêu gọi nói chuyện trong môi trường xã hội, trong đó Giáo Hội cần phải có tiếng nói và tìm ra các con đường phát triển tốt đẹp nhất trước mắt, vì đó là lợi ích của chúng ta. Đức Thánh Cha nói rằng Giáo Hội có thể góp phần mình, và tôi nghĩ ngài đã nói lên điều này một cách hòa hoãn và dễ thương đến độ có nhiều người vẫn coi chúng tôi như là tiếng nói có suy tư, thì giờ đây hiểu rằng nó thật đáng được lắng nghe. Như thế tôi rất là lạc quan: chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha để lại trong xã hội chúng tôi hiệu qủa lâu dài.

Hỏi: Chăng còn bao lậu nữa Năm Đức Tin sẽ bắt đầu. Giáo Hội tại Anh quốc đã đưa ra các sáng kiến nào để cử hành năm này thưa Đức Cha?

Đáp: Chúng tôi coi lời mời gọi của Đức Thánh Cha là điều rất nghiêm chỉnh trên bình diện Hội Đồng Giám Mục Anh quốc. Các Giám Mục đã đề ra nhiều sáng kiến khác nhau. Riêng trong giáo phận của tôi thì chúng tôi đã chia Năm Đức Tin thành bốn chặng, mỗi chặng nhấn mạnh trên một khía cạnh của việc sống đức tin. Chặng thư nhất là để khám phá đức tin: khi mời gọi tín hữu sống đức tin và đến với đức tin chúng tôi mời gọi họ điều gì? Chặng thứ hai chú ý tới các bí tích. Chúng ta cử hành đức tin như thế nào đây? Chặng thứ ba sẽ là sống đức tin như thế nào trong xã hội và để lại ảnh hưởng nào trong xã hội vì đức tin mà chúng ta có. Chặng thứ bốn sẽ dành riêng cho việc vun trồng tinh thần tu đức cá nhân, hiểu biết và cầu nguyện.

Các giáo phận đã có các cách thức khác nhau trong việc cử hành Năm Đức Tin, nhưng mọi giáo phận đều khích lệ tín hữu lợi dụng cơ may này để đào sâu đức tin của mình bằng bất cứ cách nào. Chúng tôi cũng chú ý để không chất thêm gánh nặng cho cuộc sống vốn đã rất bận rộn của tín hữu. Chúng tôi chỉ mời gọi họ làm những gì có thể, mỗi người theo hoàn cảnh và cuộc sống riêng của mình.

Hỏi: Thưa Đức Cha, Anh quốc đang chuẩn bị cho Thế Vận Hội 2012 sắp bắt đu. Dĩ nhiên đây là một biến cố đi. Nhưng các cuc thi đấu có thể đưc dùng để truyến bá đc tin như thế nào?

Đáp: Trước hết Giáo Hội đã huy động và bố trí các linh mục tuyên úy chung quanh các làng Thế Vận Hội để đáp ứng các nhu cầu tinh thần của các lực sĩ điền kinh, và Giáo Hội hy vọng rằng sự hiện diện của các vị có thể trợ giúp họ. Chúng tôi cũng khích lệ các lực sĩ nói về ảnh hưởng của đức tin đối với các cuộc thi đấu các môn sở trường của họ. Nhiều người đã rất là quảng đại, nhận lời tới nói chuyện với giới trẻ về sự định đoạt và tận tụy trong các sinh hoạt thể thao thể dục, đặc biệt dưới ánh sáng đức tin. Vì giáo phận của chúng tôi tiếp đón nhiều lực sĩ điền kinh như vậy nên đây là một cơ may rất lớn cho các giáo xứ địa phương tiếp đón hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới quy tụ về thủ đô Luân Đôn để theo dõi các trận tranh tài điền kinh. Trong số đó chắc chắn là có nhiều tín hữu công giáo tìm tham dự các buổi cử hành các bí tích trong thời gian họ lưu lại Luân Đôn. Và đây là cơ may rất lớn. Vâng, Thế Vận Hội là biến cố đời, nhưng chúng tôi cũng đã dùng thời gian 50 ngày trước khi Thế Vận Hội khai diễn như thời gian cổ võ hàa bình, và đó cũng là mục đích của 50 ngày sau khi Thế Vận Hội kết thúc, theo một truyền thống đã có từ lâu. Sự hòa bình ấy không chỉ kết thúc với các sinh hoạt, nhưng tìm cách thăng tiến đối thoại và thảo luân với các nhóm khác nhau, đang theo đuổi cùng mục đích nhưng trong các cách thức khác nhau.

Tôi nghĩ Thế Vận Hội sẽ có kết qủa tốt. Nó đang đem lại rất nhiều việc nặng nhọc, nhưng xem ra hứa hẹn rất nhiều.

Hỏi: Thế Giáo phận của Đc Cha đang đưa ra các chuẩn bị nào đ đ đầu cho Thế Vận Hội?

Đáp: Một cách đặc biệt các giáo xứ gần với các nơi tranh giải có giờ chầu Thánh Thể, và việc giải thích cho các du khách ý nghĩa của sinh hoạt này trong giáo xứ. Các giáo xứ cũng sắp đặt giáo dân thay phiên nhau chào đón du khách. Thật khó mà biết được sẽ có những ai tới và họ cần những gì. Nhưng tôi nghĩ thái độ rộng mở tổng quát cho khả thể có du khách tham dự Thế Vận Hội tới thăm; và việc có thể nói chuyện với họ về đức tin của chúng tôi cũng là một điều tốt rồi.

(ZENIT 16-7-2012)

Linh Tiến Khải

GIÁO HỘI ẤN ĐỘ CẦU NGUYỆN CHO TỔNG THỐNG TÂN CỬ VÀ GÓP PHẦN XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC

GIÁO HỘI ẤN ĐỘ CẦU NGUYỆN CHO TỔNG THỐNG TÂN CỬ VÀ GÓP PHẦN XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC

MUMBAI: Giáo Hội Công giáo Ấn Độ chào mừng tổng thống tân cử Pranab Mukherjee, và tái khẳng định sự dấn thân của mình trong việc góp phần thăng tiến đất nước.

Đức Hồng Y Oswald Gracias, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ, đã bầy tỏ như trên trong thư gửi vị tổng thống thứ 13 của Ấn Độ. Nhân danh Giáo Hội Công Giáo Đức Hồng Y chúc mừng tân tổng thống, và cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho tân tổng thống và đất nước Ấn Độ. Giáo Hội hy vọng có thể cộng tác với chính quyền trong việc phát huy các giá trị của nền văn minh sự sống, hòa hợp, đối thoại và sự toàn vẹn của cuộc sống công cộng. Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn cũng nhân dịp này duyệt qua một số sinh hoạt hoàn toàn vô vị lợi của Giáo Hội trong việc thăng tiến cuộc sống của người dân Ấn. Trong khắp nước Ấn Độ, Giáo Hội đã luôn luôn hoạt động cho dân nghèo. 60% các trường của Giáo Hội là trong các vùng thôn quê. Giáo Hội cũng thăng tiến giáo dục cho trẻ nữ và mở nhiều trường cho nữ sinh tại nông thôn. Nữ giới là giai tầng bị thiệt thòi và nghèo nàn nhất trong xã hội.

Trên bình diện y tế Giáo Hội cũng đảm trách việc thăng tiến sức khỏe cho dân nghèo và những người bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, đặc biệt cho dân quê và các bộ lạc. Hiện nay Giáo Hội điều hành 788 nhà thương, nhiều trạm phát thuốc và trung tâm tâm thần, trại phong cùi, các trung tâm cho bệnh nhân lao phổi, Sida và các bệnh nhân trong giai đoạn cuối đời, không phân biệt chủng tộc và tôn giáo. Liên quan đến việc thăng tiến nền văn minh sự sống Đức Hồng Y yêu cầu chính quyền bảo vệ các trẻ nữ chống lại tệ nạn giết các bào thai nữ rất thịnh hành tại Ấn. Giáo Hội cũng tham gia vào nhiều chương trình phát triển nhằm thăng tiến an sinh cho dân, và hy vọng chính quyền có các biện pháp đối phó với nạn gian tham hối lộ. Trong lãnh vực đối thoại liên tôn Giáo Hội cũng thăng tiến đối thoại với mọi tôn giáo khác về mọi lãnh vực cuộc sống xã hội. Sau cùng Giáo Hội cầu xin cho Ấn Độ củng cố nền văn minh sự sống, hòa bình, hòa hợp và đối thoại trong nhiệm kỳ của tổng thống Mukherjee (ASIANEWS 23-7-2012)

Linh Tiến Khải

TỔ CHỨC CARITAS QUỐC TẾ BÁO ĐỘNG NẠN ĐÓI ĐE DỌA 18 TRIỆU NGƯỜI TRONG VÙNG SAHEL

TỔ CHỨC CARITAS QUỐC TẾ BÁO ĐỘNG NẠN ĐÓI ĐE DỌA 18 TRIỆU NGƯỜI TRONG VÙNG SAHEL

ROMA: Ngày 25 tháng 7-2012 Ông Ryan Worms, thuộc tổ chức Caritas Quốc Tế đã mạnh mẽ tố cáo trước dư luận quốc tế nạn đói đang đe dọa 18 triệu người trong vùng Sahel.

Ông cho biết từ nhiều tháng qua dân chúng trong vùng không còn lương thực dự trữ nữa, và họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thực phẩm để nuôi trẻ em. Cuộc khủng hoảng thực phẩm càng trầm trọng hơn với chiến cuộc tại Mali, và nó đe dọa 18 triệu người trong các nước Mauritania, Sénégal, Gambia, Mali, Burkina Faso, NIger, Camerun và Tchad.

Tổ chức Caritas Quốc Tế kêu gọi công đồng quốc tế, các chính quyền và tổ chức nhân đạo trợ giúp các dân tộc vùng này đang phải gánh chịu rất nhiều khổ đau. Dân chúng trong vùng Sahel thiếu thực phẩm vì nạn hạn hán kèo dài và nạn sa mạc lan tràn. Hiên nay Caritas quốc tế đang trợ giúp thực phẩm cho 700.000 người, nhưng còn rất nhiều việc phải làm. Cho tới nay tín hữu công giáo đã trợ giúp 11 triệu mỹ kim, nhưng còn cần những số tiền lớn hơn nữa mới mong cứu sống được nhiều người.

Trong tuần qua Liên Hiệp Quốc đã báo động một trận dịch tả đang tới trong vùng, khiến cho tình hình của các trẻ em và người tị nạn Mali càng thê thảm hơn. Đã có 700 người chết trong vùng Tây và Trung Phi châu, và số người bị dịch tả đã lên tới 27.000. Mùa mưa tới khiến cho việc cứu trợ trở nên khó khăn tại Niger và Burkina Faso. Caritas quốc tế đang tập trung nỗ lực vào việc cứu sống trẻ em dưới 5 tuổi và các bà mẹ.

Song song là chiến dịch phân phát hạt giống cho nông dân địa phương để gieo trong mùa mưa, và trợ giúp lương thực cho họ. Thêm vào đó là chương trình ”làm việc để có thực phẩm hay tiền”, giúp người dân vỡ đất trồng trọt và làm hệ thống dẫn thủy nhập điền. Họ được trả lương bằng tiền hay thực phẩm (ZENIT 25-7-22012)

Linh Tiến Khải
 

ĐỨC THÁNH CHA CHIA BUỒN VỚI ĐỨC HỒNG Y JAIME ORTEGA TỔNG GIÁM MỤC LA HABANA VÀ GIA ĐÌNH ÔNG OSWALDO PAYA SARDINHAS

ĐỨC THÁNH CHA CHIA BUỒN VỚI ĐỨC HỒNG Y JAIME ORTEGA TỔNG GIÁM MỤC LA HABANA VÀ GIA ĐÌNH ÔNG OSWALDO PAYA SARDINHAS

VATICAN: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã gửi điện tín chia buồn với Đức Hồng Y Jaime Ortega Tổng Giám Mục La Habana và thân nhân hai ông Osvaldo Sardinhas và Harold Cepero Escalante, qua đời trong một tai nạn xe hơi ngày 22-7-2012.

Điện tín đã được trong thánh lễ an táng ông Osvaldo tại nhà thờ chính tòa La Habana, do Đức Hồng Y Jaime Ortega chủ sự ngày 24 tháng 7-2012.

Trong diện tín mang chữ ký của Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu, Phụ tá Quốc Vu Khanh Tòa Thánh, Đức Thánh Cha chia buồn với thân nhân và cầu xin Thiên Chúa cho những người đã chết được nghỉ yên đời đời và an ủi những ai đang phải đau buồn vì sự chia ly này. Ngài khẩn nài sự chở che của Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng và xin ơn thánh Chúa xuống tràn đầy trên tất cả và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Ông Osvaldo Paya Sardinhas đã là nhà chính trị bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Cuba. Là tín hữu công giáo sống đạo nhiệt thành năm 1987 ông thành lập Phong trào Giải phóng Kitô và đương đầu với nhà nước cộng sản độc tài Cuba.

Ông nổi tiếng vì đã tổ chức Dự án Varela thu thập 25.000 chữ ký yêu cầu nhà nước Cuba bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp cũng như thành lập nền dân chủ đa đảng. Ông qua đời vì tai nạn xe hơi ngày 22 tháng 7-2012.

Trong thông cáo chính quyền cho biết xe chở ông tông vào một cây bên đường vì tài xế đã chạy quá tốc độ. Nhưng thân nhân và bạn bè của ông yêu cầu điều tra nội vụ vì nghi ngờ ông bị mưu sát. Rất đông người đã tới tham dự thánh lễ an táng, đặc biệt là những người bất đồng chính kiến. Đã xảy ra xô sát với cảnh sát và có 50 người bị bắt khi nhiều người đã lớn tiếng đả đảo nhà nước cộng sản độc tài Cuba (SD 24-7-2012)

Linh Tiến Khải

LINH MỤC TADEUSZ WOJDA ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH LÀM PHÓ TỔNG THƯ KÝ BỘ TRUYỀN GIÁO

LINH MỤC TADEUSZ WOJDA ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH LÀM PHÓ TỔNG THƯ KÝ BỘ TRUYỀN GIÁO

VATICAN: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chỉ định Linh Mục Tadeusz Wojda, thuộc Hiệp hội Tông đồ công giáo, làm Phó tổng thư ký Bộ Truyền Giáo. Cho tới nay cha là chủ sự của Bộ.

Đức Cha Savio Hàn Đại Huy Tổng thư ký Bộ Truyền giáo đã loan tin này cho các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân nhân viên của Bộ trong buổi đọc kinh Truyền Tin chung trưa 24 tháng 7-2012. Cha Wojda thay thế Linh Muc Massimo Cenci, thuộc Hội Truyền giáo nước ngoài Milano PIME, qua đời đột ngột ngày 11 tháng 5-2012 (FIDES 24-7-2012).

Linh Tiến Khải

SỨ ĐIỆP GỬI NGÀY QUỐC TẾ DU LỊCH CỦA HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH MỤC VỤ CHO NGƯỜI DI CƯ VÀ LƯU ĐỘNG

SỨ ĐIỆP GỬI NGÀY QUỐC TẾ DU LỊCH CỦA HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH MỤC VỤ CHO NGƯỜI DI CƯ VÀ LƯU ĐỘNG

VATICAN: Trong sứ điệp công bố ngày 24 tháng 7-2012 cho Ngày Quốc Tế Du Lịch 27 tháng 9-2012 Hội Đồng Tòa Thánh cho người di cư và lưu động đã khích lệ mọi người thay đổi tấm thức và kiểu sống, cũng như tôn trọng các nền văn hóa địa phương và bảo vệ môi sinh.

Sứ điệp mang chữ ký của ĐHY Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách mục vụ cho người di cư và lưu động. Ngày Quốc Tế Du Lịch năm nay có đề tài là ”Du lịch, và năng lượng có thể chịu đựng được: các máy đẩy của sự phát triển có thể chịu đựng nổi”. Nó trùng hợp với ”Năm quốc tế năng lượng có thể chịu đựng nổi 2012”, do Liên Hiệp Quốc phát động nhằm cải thiện việc cung cấp năng lượng đáng tin cậy, với giá cả hợp lý, có giá trị trên bình diện kinh tế, chấp nhân được trên bình diện xã hội và hữu lý trên bình diện môi sinh.

Sứ điệp nhắc tới hiện tượng du lịch ngày càng gia tăng trên thế giới với 1 tỷ người trong năm 2012 và 2 tỷ người trong năm 2030. Cùng với việc tiêu thụ qúa độ các tài nguyên và năng lượng cũng như số lượng rác rưởi khổng lồ, du lịch gây ra các hậu qủa rất trầm trọng trên môi sinh. Vì thế cần phải làm tất cả những gì có thể để thích ứng với các điều kiện thay đổi khí hậu và giảm lượng thán khí thải vào trong không trung. Tuy đã có các tiến bộ, nhưng vẫn còn có rất nhiều việc phải làm. Chính vì thế Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động muốn góp phần mình vào nỗ lực này vì xác tín rằng Giáo Hội có một trách nhiệm đối với thụ tạo và phải bầy tỏ trách nhiệm ấy cả nơi công cộng nữa.

Dĩ nhiên, Giáo Hội không có bổn phận đưa ra các giải pháp kỹ thuật cụ thể, nhưng cho thấy rằng sự phát triển không thể bị giản lược vào các chiều kích kỹ thuật, chính trị, hay kinh tế. Giáo Hội muốn đồng hành với sự phát triển này với vài định hướng luân lý đạo đức nhấn mạnh rằng mọi phát triển phải luôn luôn phục vụ con người và phục vụ công ích. Thật thế, trong sứ điệp gửi hội nghị quốc tế về du lịch hồi tháng 4 năm nay 2012 tại Cancun bên Mêhicô, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhấn mạnh tầm quan trọng ”soi sáng hiện tượng này với giáo thuyết xã hội của Hội Thánh, bằng cách thăng tiến một nền văn hóa du lịch có luân lý đạo đức và trách nhiệm, giúp đạt tới việc tôn trọng phẩm giá của con người và của các dân tộc, có thể đến với mọi người, công bằng, có thể chịu đựng nổi và tôn trọng môi sinh”.

Để được như thế trước hết cần nỗ lực giáo dục thăng tiến việc thay đổi tâm thức, để có các kiểu sống mới và đạt tới nghệ thuật chung sống, biết tôn trọng giao ước giữa con người và thiên nhiên, đặc biệt trong mùa hè. Ngoài ra cũng cần phải vun trồng luân lý đạo đức trách nhiệm và cẩn trọng, ý thức được hậu qủa các hành động của mình. Đức Thánh Cha cũng nhắc cho biết rằng: ”Kiểu con người đối xử với thiên nhiên phản ánh kiểu nó đối xử với chính mình và ngược lại. Điều này nhắc nhở xã hội ngày nay phải duyệt xét kiểu sống của mình một cách nghiêm chỉnh. Trong nhiều phần của thế giới kiểu sống này nghiêng về chủ thuyết hưởng lạc, tiêu thụ, và thờ ơ trước các tai ương bắt nguồn tứ đó”. Cần phải biết sống thanh đạm hơn, giảm bớt và cải tiến việc sử dụng năng lượng… Bảo vệ môi sinh là một thách đố đối với toàn nhân loại. Tôn trọng thiện ích chung là một bổn phận chung phổ quát. Do đó cần có sự cộng tác của tất cả mọi cơ cấu và nhân viên liên hệ trong ngành du lịch cũng như các chính quyền và cộng đoàn địa phương.

Sau cùng du lịch cũng là dịp tốt để rao truyền Tin Mừng và giới thiệu Chúa Kitô với con người ngày nay (SD 24-7-2012)

Linh Tiến Khải

ĐỨC THÁNH CHA KHÍCH LỆ CÁC TU HỘI ĐỜI LÀ CẦU NỐI GIỮA GIÁO HỘI VÀ THẾ GIỚI

ĐỨC THÁNH CHA KHÍCH LỆ CÁC TU HỘI ĐỜI LÀ CẦU NỐI GIỮA GIÁO HỘI VÀ THẾ GIỚI

VATICAN: Trong sứ điệp gửi các tham dự viên đại hội các các tu hội đời đang diễn ra tại Assisi cho tới ngày 26 tháng 7-2012, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khích lệ các tu hội đời can đảm chu toàn nhiệm vụ là cầu nối giữa Giáo Hội và thế giới.

Sứ điệp do Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký có đoạn viết: Các tu hội đời bao gồm các người nam nữ được thánh hiến có cái nhìn sâu rộng và là chứng tá tốt lành trong lịch sử. Trong một thời đại đặt ra các vấn nạn sâu rộng cho cuộc sống và đức tin, khi nhìn lên Chúa Thánh Thần, các người thánh hiến có thể theo đuổi ơn gọi riêng của mình là sống giữa thế giới và lãnh nhận tất cả gánh nặng và các ước mong với một cái nhìn nhân loại ngày càng trùng hợp với cái nhìn của Thiên Chúa. Chính như thế mà họ vén mở cho thấy sứ mệnh quan trọng của họ trong Giáo Hội là trợ giúp Giáo Hội thực hiện sự hiện diện của mình trong lòng thế giới, để qua nền thần học lịch sử, là phần của việc rao truyền Tin Mừng, con người ngày nay có thể tìm ra cái nhìn thực sự tự do và hòa bình trên thế giới mà họ đang cần tới.

Đức Thánh Cha mời gọi thành viên các tu hội đời hãy là cây cầu nối liền Giáo Hội với thế giới, và sống trong dấu chỉ của sự hỗ tương, để Giáo Hội góp phần khiến cho con người và lịch sử của nó trong thế giới được nhân bản hơn, và để thế giới giúp Giáo Hội hiểu biết chính mình hơn và sống sứ mệnh của mình cách tốt đẹp hơn. Đức Thánh Cha đã đề ra ba đường hướng đặc biệt mà các tu hội đời phải chú ý: thứ nhất là sự tận hiến hoàn toàn cho cuộc gặp gỡ cá nhân với tình yêu Thiên Chúa, thứ hai là cuộc sống thiêng liêng nhằm dẫn đưa mọi sự về với Chúa Kitô, được dưỡng nuôi trong lời cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa để xây dựng niềm hy vọng và sự tin tưởng, và thứ ba là việc đào tạo giáo dục sống khôn ngoan giúp luôn ý thức được tính chất trung tâm của con người và sự cao cả của Thiên Chúa. Chính kiểu văn hóa này khiến cho giáo dân và giáo sĩ có khả năng để cho mình được cật vấn bởi thế giới ngày nay và dấn thân phân định lịch sử dưới ánh sáng Lời Hằng Sống.

Đại hội của các tu hội đời tại Assisi có đề tài là ”Lắng nghe tiếng Chúa trong các luống cầy lịch sử: tính cách đời nói với sự thánh hiến”. Đại hội nằm trong đường hướng của Năm Đức Tin và việc tái truyền giảng Tin Mừng cho thế giới tây âu (RG 24-7-2012)

Linh Tiến Khải

Sự kiện Giáo hội Việt Nam tuần qua

Sự kiện Giáo hội Việt Nam tuần qua

July 20, 2012 

UCAN Việt Nam,

Sự kiện thu hút dư luận trong nước và thế giới nhiều nhất là hàng trăm ngàn giáo dân từ 20 giáo hạt trong giáo phận Vinh tụ họp cầu nguyện cho các giáo dân bị người của chính quyền đánh đập không cho tham dự Thánh lễ tại nhà nguyện giáo điểm Con Cuông. Mỗi nơi có từ 4.000 tới 20.000 người tham dự Thánh lễ đặc biệt này.

Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đồng tế cùng với Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, và các linh mục tại nhà thờ Chính tòa. Ngài cũng nhắn nhủ cộng đoàn:

“Trong mọi hoàn cảnh, người môn đệ Chúa Giêsu phải can trường đối diện với những khó khăn, phải can trường bảo vệ niềm tin. Tuy nhiên, đừng bao giờ đánh mất tính hiền hòa, yêu thương và những gì căn bản của đạo Công giáo mà Chúa đã dạy”.

Giáo dân cầu nguyện cho chính quyền biết tôn trọng nhân phẩm và quyền tự do tôn giáo, và mưu cầu công ích.

Hôm 17-7, Đức cha Hợp đến thăm hỏi, động viên chị Maria Ngô Thị Thanh đang nằm điều trị tại phòng khám đa khoa Xã Đoài.

Chị Thanh, 34 tuổi, mẹ của bốn đứa con thuộc xứ Chính Yên, bị đám côn đồ đánh trọng thương ở đầu khi cố ngăn chặn đám côn đồ hành hung và ngăn cản linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục dâng lễ tại nhà nguyện.

Trong cuộc gặp gỡ hơn 300 chức việc tại nhà thờ Đức An ở thành phố Pleiku, Đức cha Michael Hoàng Đức Oanh của giáo phận Kontum kêu gọi chức việc phải sẵn sàng giũ bỏ chức vụ xã hội để phục vụ cộng đoàn.

“Tôi không ngăn cấm chức việc vào đảng, vào chức vụ xã hội, đã từng có trong hàng ngũ tu sĩ vào ủy ban đoàn kết Công giáo kết cuộc không phục vụ gì cho giáo hội mà còn cản trở, để rồi chính bản thân mình cuối cùng không có một định hướng, cuộc sống cứ ngơ ngơ ngác ngác. Tôi yêu cầu ai trong chức việc vào đảng, vào chức vụ xã hội hãy trả lại nhiệm vụ chức việc để người khác đảm trách.

Chức việc là người đứng đầu trong giáo xứ thì phải lên tiếng nói thẳng, nói thật những gì không có lợi cho giáo xứ, giáo phận, giáo hội dù có đụng chạm đến linh mục đến tu sĩ cũng phải nói. Phải để cho chức vụ của anh chị em đang đảm nhiệm phục vụ Giáo Hội một cách công bằng, không e ngại và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đức tin và làm chứng cho Đức Kitô”.

Liên quan việc đào tạo linh mục, khoảng 80 nhà đào tạo linh mục và phụ trách ơn gọi từ các đại chủng viện, giáo phận và dòng đã kết thúc khóa thường huấn "Hướng đến sứ vụ, đào tạo chính mình và đào tạo người khác có khả năng phân định" dài hai tuần hôm 15/7 tại Tòa Giám mục Đà Lạt.

 

Đức cha Ma vẫn còn bị quản thúc dù chính quyền đã ngưng điều tra

Đức cha Ma vẫn còn bị quản thúc dù chính quyền đã ngưng điều tra

July 23, 2012 

Phóng viên ucanews.com từ Thượng Hải China 

Đức cha Ma vẫn còn bị quản thúc dù chính quyền đã ngưng điều tra thumbnail

Chủng viện Sheshan ở Thượng Hải

Chính quyền địa phương đã kết thúc điều tra lễ tấn phong giám mục Đức cha phụ tá Thaddeus Ma Daqin của Thượng Hải, người đã tuyên bố từ bỏ các chức vụ trong Hội Công giáo yêu nước Trung Quốc (CCPA), theo các nguồn tin hôm 20 tháng 7.

Nhưng Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về Đức cha Ma và người ta nghi ngờ ngài bị cấm thi hành thừa tác vụ giám mục ngay sau lễ phong chức hôm 7 tháng 7.

Tin cho biết đức cha 45 tuổi bị quản thúc tại chủng viện Sheshan, ngoại ô Thượng Hải mặc dù blog của ngài được cập nhật hai lần trong tuần trước.

Chính quyền đã hỏi cung hơn 100 linh mục và nữ tu trong giáo phận không tham dự lễ tấn phong về lý do tại sao họ không tham dự, ý kiến của họ về lễ tấn phong và lời phát biểu của Đức cha Ma trong Thánh lễ, các nguồn tin kể. Một số linh mục đồng tế Thánh lễ cũng bị phỏng vấn nhiều lần và đã kết thúc vào cuối tuần trước.

Tòa Thánh bổ nhiệm Đức cha Ma làm giám mục phụ tá nhưng chính quyền Trung Quốc công nhận ngài là "giám mục phó".

Một linh mục thuộc giáo phận Thượng Hải yêu cầu giấu tên nhận xét Đức cha Ma phải ở lại trong chủng viện vô thời hạn. Vị linh mục dẫn lời các quan chức nói việc ngài trở về "phụ thuộc vào động thái của ngài và phản ứng của người Công giáo".

CCPA và Hội đồng Giám mục Giáo hội Trung Quốc (BCCCC) nói lễ phong chức này "bị nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng các quy định của BCCCC". Đức cha Ma là giám mục ‘công khai’ đầu tiên trong những năm gần đây công khai thông báo trong lễ tấn phong giám mục ý định từ bỏ các chức vụ trong CCPA.

Kinh cầu Thánh Giuse bằng chữ Hán phồn thể do linh mục người Bồ Đào Nha Emmanuel Diaz (1574-1659), thừa sai dòng Tên đến Trung Quốc vào thế kỷ 17 dịch, được đăng trên blog của Đức cha Ma hôm 19 tháng 7.

Phần chú thích bên dưới viết Đức cha Ma vui mừng khi tìm thấy bản kinh cổ gắn liền với các câu Kinh thánh. Bài viết so sánh kinh này với bản kinh được dùng hiện nay và nói: "Các tín hữu có thể chọn một trong hai bản kinh để cầu nguyện riêng".

Những thông tin cập nhật trên blog này an ủi những ai quan tâm Đức cha Ma, ngài rất giỏi văn chương Trung Quốc, nguồn tin nói. Nhưng một vài bình luận bên dưới bài đăng hôm thứ Năm tuần trước nghi ngờ không biết bài này là của đức cha hay ai khác.

Lần đăng tải đầu tiên từ khi ngài mất tích là hôm thứ Hai, hôm đó năm bài thơ của linh mục Simon Xaverius Wu Yushan (1632-1718) được tải lên. Cha Wu là một trong các linh mục bản xứ đầu tiên của Trung Quốc. Bức tranh được ký tên "Thaddy Ma" bằng tiếng Anh.

Sau lễ tấn phong Đức cha Ma, tên blog của ngài đã đổi từ "Notes of a Shanghai priest " thành " Notes of Shanghai’s least servant ", cách người ta gọi các giám mục, ám chỉ Đức cha Ma.

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA GỬI ĐẠI HỘI LẦN THỨ 11 CỦA PHONG TRÀO QUỐC TẾ TU ĐỨC GIA ĐÌNH ”EQUIPES NOTRE DAME” BÊN BRASIL

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA GỬI ĐẠI HỘI LẦN THỨ 11 CỦA PHONG TRÀO QUỐC TẾ TU ĐỨC GIA ĐÌNH ”EQUIPES NOTRE DAME” BÊN BRASIL

VATICAN: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khuyến khích các cặp vợ chồng kitô hãy là gương mặt tươi cười và hiền dịu của Giáo Hội và là các sứ giả tốt lành và có sức thuyết phục nhất cảu vẻ đẹp tình yêu được nâng đỡ và dưỡng nuôi bởi đức tin.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong sứ điệp gửi đại hội lần thứ 11 của phong trào tu đức hôn nhân ”Equipes Notre Dame” đang diễn ra bên Brasil cho tới ngày 26 tháng 7-2012. Trong sứ điệp do Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký, Đức Thánh Cha không dấu diếm các vấn đề và các khó khăn mà hôn nhân và gia đình gặp phải trong môi trường xã hội tục hóa ngày nay. Nhưng chính trong môi trường ấy các đôi vợ chồng kitô phải loan báo các sự thật nền tảng của tình yêu nhân loại và ý nghĩa sâu xa của nó. Vì như Đức Phaolô VI đã nói: tình yêu của một người nam và một người nữ, nụ cuời của một trẻ em, sự bình an trong gia đình, tất cả đều phản ánh một tình yêu khác: tình yêu của Thiên Chúa.

Dĩ nhiên lý tưởng này xem ra qúa cao nhưng chính ở đây phong trào tu đức hôn nhân ”Equipes Notre Dame” đã góp phần khích lệ các cặp vợ chồng lãnh nhận các bí tích, và đưa ra các đề nghị đơn sơ cụ thể giúp họ sống tinh thần tu đức hôn nhân trong cuộc sống thường ngày. Đức Thánh Cha đã đưa ra một đề nghị cụ thể khác đó là dấn thân ngồi lại với nhau và đối thoại giữa các đôi vợ chồng với tất cả sự chân thành liên quan tới các vấn đề quan trọng nhất của cuộc sống lứa đôi. Sự đối thoại này càng cần thiết hơn nữa trong một thế giới bị thống trị bởi chủ nghĩa cá nhân, duy hoạt động, vội vã và lo ra như thế giới ngày nay. Nó giúp tránh các hiểu lầm thường gây ra các đổ vỡ không thể chữa lành được. Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng các giáo huấn của Công Đồng Chung Vatican II đã cống hiến cho Giáo Hội một gương mặt canh tân giá tri tình yêu và cuộc sống hôn nhân và gia đình.

Phong trào tu đức hôn nhân đã do Linh Muc Henri Caffarel, người Pháp thành lập năm 1939. Đại hội lần thứ XI đang điễn ra bên Brasil với sự tham dự của hơn 7.000 thành viên và 400 linh mục cộng thêm hơn 700 thiện nguyện viên đến từ khắp nơi trên thế giới (RG 22-7-2012)

Linh Tiến Khải