“Nước hằng sống” chính là Đức Giêsu

“Nước hằng sống” chính là Đức Giêsu

Trong kiếp nhân sinh của con người, phát sinh từ sự thiếu thốn, thèm muốn, mong mỏi và hy vọng được thỏa mãn, nên người ta thường khao khát một điều gì đó tốt hơn những gì đang sở hữu. Có những khát khao làm cho cuộc sống của con người tốt hơn sau khi đạt được. Nhưng cũng không thiếu gì những thỏa mãn làm cho tình trạng của con người trở nên tồi tệ hơn.

Trình thuật của thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe cho thấy có một thứ khát khao mà theo lẽ thường thì ít ai nghĩ tới, đó là khát khao “Nước Hằng Sống”. Một khi đã được thỏa mãn niềm khát khao quan trọng nhất này, thì mọi khát khao khác cũng được trở nên dư đầy.

1. Cuộc gặp gỡ kỳ diệu

Bài Tin Mừng hôm nay gợi lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari. Một cuộc gặp gỡ hiếm có và xem ra rất bất thường, hy hữu và đặc biệt giữa một bên là người Dothái, bên kia là người Samari.

Hy hữu, bất thường, bởi vì từ trước đến nay giữa người Samari và người Dothái không hề có sự liên lạc, giao thương và luôn trong trạng thái nghi kỵ, khinh khi. Ấy vậy mà hôm nay, Đức Giêsu là người Dothái, người phụ nữ là người Samari lại có buổi gặp nhau thân tình. Câu chuyện được khởi đi từ việc Đức Giêsu rời Giuđê để đi Galilê. Trên hành trình đó Ngài đã chọn con đường tắt, nhanh nhất để đi. Con đường đó phải băng qua làng Samari. Chính khi băng qua đây, mà Ngài gặp gỡ người phụ nữ Samari. Đây là cuộc gặp hy hữu và bất thường.

Cuộc gặp gỡ này cũng là một cuộc gặp gỡ đặc biệt vì: ban đầu, Đức Giêsu là người chủ động xin nước nơi chị phụ nữ Samari từ giếng Giacóp, Ngài lên tiếng: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” (Ga 4,7). Người phụ nữ quá ngỡ ngàng bởi lẽ giữa người Dothái và Samari đã từ lâu, họ không đội trời chung, và người Samari luôn bị người Dothái khinh miệt, không thèm tiếp xúc… Nhưng Đức Giêsu đã đi bước trước để phá vỡ rào cản mà lâu nay vẫn trói buộc giữa hai bên, bằng việc Ngài bắt chuyện và chủ động xin nước uống. Hành động này của Đức Giêsu làm cho người phụ nữ không khỏi ngạc nhiên, vì thế, chị ta thốt lên: “Ông là người Dothái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” (Ga 4,9). Nhưng Đức Giêsu đã trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4, 10); và như một sự tiệm tiến, Đức Giêsu đã nói trực tiếp chính Ngài là nguồn mạch nước hằng sống, thứ nước ấy uống vào sẽ không còn khát nữa. Khi nghe thấy thế, Người đàn bà đã tha thiết xin Đức Giêsu: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước” (Ga 4, 15).

Thật vậy, qua cuộc gặp gỡ này, Đức Giêsu đã làm một cuộc cách mạng. Cách mạng về khoảng cách địa lý, về vai vế để đi đến một cuộc cách mạng vĩ đại, đó là cách mạng tâm hồn. Nhờ cuộc cách mạng tâm hồn này, mà từ nay, giữa người Dothái và người Samari được sống và sống dồi dào khi thờ phượng Chúa không chỉ ở trên núi này hay núi nọ, mà ngay tại trong tâm của mình qua Thần Khí và sự thật.

2. Đức Giêsu là Nước Hằng Sống

Khi nói về cuộc cách mạng tâm hồn nơi chị phụ nữ trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, tưởng cũng nên nhắc lại: trước kia giữa người Dothái và người Samari, họ có chung một nguồn gốc. Nhưng do cuộc sống thay đổi và vì thời cuộc…, nên người Samari có những giao thương với ngoại bang, từ đó người Do thái cho là lai căng, thậm chí là bội giáo, và thường khinh thị, không muốn giao tiếp.

Nhưng hôm nay, Đức Giêsu đã vượt qua ranh giới của cái gọi là “ta và địch”, trong truyền thống để đến với anh chị em của mình. Khi Ngài chủ động đến với chị ta như thế, Đức Giêsu đã làm một cuộc cách mạng nhằm cải hóa tâm hồn chị. Tâm trạng và thái độ của người đàn bà này có thể nói là một cuộc diễn biễn tiệm tiến trong ân sủng và đức tin. Thật vậy, thoạt tiên, sự xuất hiện của Đức Giêsu trước mặt chị chẳng hơn gì một “tên Dothái”. Đây là lối nghĩ miệt thị nhau, vì đã có mâu thuẫn từ nhiều thế hệ. Nhưng sau đó, chị ta đã “thưa ông”. Tiếp theo, khi được Đức Giêsu mặc khải cho biết chị ta đã 5 đời chồng rồi, lúc đó, chị đã gọi Ngài là một vị “ngôn sứ” là Đấng “Mêsia”. Cuối cùng, chị đã tôn vinh Ngài là Đấng Cứu Độ trần gian.

Qua câu chuyện giữa Đức Giêsu và người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp, Đức Giêsu đã mặc khải hai điều:

Trước tiên, Đức Giêsu mặc khải cho người phụ nữ biết rằng: Ngài chính là Đấng Kitô, là Mêsia mà muôn dân mong đợi từ lâu. Ngài chính là nguồn mạch phát sinh sự sống, nên gặp được Ngài là gặp được chính nguồn sự sống bất diệt: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa.Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4, 13-14). Như vậy, Đức Giêsu chính là “Nước Hằng Sống”.

Thứ đến, Đức Giêsu mặc khải thêm: đã đến lúc không còn chuyện phân biệt rằng Thiên Chúa của tôi và Thiên Chúa của chị nữa. Không còn chuyện cùng một Thiên Chúa chúng ta thờ, nhưng lại chỉ thờ ở đây mà không thờ chỗ khác. Vì thế, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Nhưng giờ đã đến – và chính lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4, 23).

Như vậy, điều mà Đức Giêsu đã mặc khải cho người phụ nữ khi xưa, cũng chính là điều mà Ngài muốn mặc khải cho chúng ta ngày hôm nay.

3. Sứ điệp Lời Chúa

Chúng ta đang sống trong một xã hội đề cao nhu cầu hưởng thụ. Thượng tôn vật chất… Tuy nhiên, vẫn còn đó những thiếu thốn khi trong nhà có nhiều tiền. Vẫn còn đó sự bất an, khi quyền lực có trong tay. Và, vẫn còn đó, một khoảng cách giữa người với người ngay trong cùng một căn nhà…

Vì thế, trong cuộc sống hiện thời, con người luôn khắc khoải và có những khát vọng như:

Khát vọng chân lý, công bằng khi phải đối diện với sự gian dối, bất công. Hoặc sống trong cảnh thù hận, ích kỷ…người ta khao khát tình thương, lòng bao dung, sự tha thứ. Còn sống trong chiến tranh, loạn lạc, đau khổ và bất an, thì người ta mong muốn có hòa bình, hạnh phúc và an vui…

Như vậy, con người vẫn luôn mong được hạnh phúc. Nhưng có biết bao người càng tìm càng mất. Tại sao vậy? Thưa, vì họ tìm và gắn bó vào những thực tại trần thế như: quyền, tiền, danh vọng, nhục dục… nên không bao giờ họ được khỏa lấp nỗi khát vọng trong sâu thẳm tâm hồn của mình. Tình trạng của người Phụ nữ bên bờ giếng là một minh họa. Chị ta ngồi ngay bên miệng giếng, nhưng tâm hồn vẫn khát. Chị ta cứ ngỡ rằng khi lao mình vào những thú vui nhục dục… thì sẽ được hạnh phúc. Không phải thế! Chị ta đã lầm khi đặt lý tưởng, mục đích của cuộc đời chị sai chỗ, nhầm đối tượng. Chỉ khi gặp được Đức Giêsu, chị ta mới hết khát và thỏa mãn. Thật vậy: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 61,2). Hay như thánh Augustinô cũng phải thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, linh hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.

Thật vậy, theo bản năng của con người, ai trong đời mà lại không mong muốn đạt được chân, thiện, mỹ. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta cũng không khác gì Dân Itrael khi xưa. Luôn đi tìm những thứ nhất thời, mau qua. Họ được Chúa cứu và giải thoát ra khỏi cảnh nô lệ bên Aicập, nhưng không bao lâu, người ta lên tiếng trách mọc Chúa và nhớ những củ hành củ tỏi bên Aicập. Họ đã lầm! Đang có Chúa ở bên, nhưng vẫn không nhận ra.

Cũng vậy, khi chưa cảm nhận được Chúa thực sự, con người luôn sống hình thức và phụ thuộc vào những chuyện bên ngoài. Vì thế, vẫn còn đó những anh chị em sốt sắng đi lễ nhà thờ, nhưng sẵn sàng cãi vã to tiếng với những người sống chung quanh chỉ vì con chó, con mèo, hay mấy đứa trẻ chơi với nhau… Cũng vẫn còn đó khi làng này và làng bên kia có những khúc mắc từ lâu, nên hôm nay có lễ ở làng bên thì bên này làng tỏ vẻ ngần ngại không muốn đi, chỉ vì sự nghi kỵ trước kia lại nổi lên.

Mong sao, với sứ điệp Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta sẽ khao khát đi tìm chân lý, sự sống. Đi tìm chính Chúa và sống với Ngài. Đồng thời, chúng ta cũng bỏ qua khoảng cách kỳ thị để đến được với nhau. Bởi vì Chúa là Chúa của mọi người chứ không chỉ riêng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết vượt lên trên những rào cản của kỳ thị, ghét ghen, để xây dựng sự hiệp nhất. Luôn biết mở lòng ra để đón nhận chính Chúa vào trong cuộc đời, hầu chúng con đáng được hưởng hạnh phúc viên mãn. Amen.

Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển

Xin Ơn Sống Mùa Chay

Xin Ơn Sống Mùa Chay

Mùa Phụng Vụ lại dẫn chúng ta đến một tâm tình khác, mùa có chút bi thương buồn bã hơn, nhưng lại là mùa chuẩn bị cho chúng ta đón nhận một món quà thật to lớn từ Thiên Chúa. Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Việc Người trở nên đồng hóa với con người đã là một dấu chỉ vô cùng to lớn cho tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thế nhưng, ngay từ khi Người giáng thế, đã có biết bao dấu chỉ xảy đến gợi nhắc chúng ta về một sự hy sinh khác cao cả và vô cùng ý nghĩa mà Người sẽ tiếp tục thực hiện vì ơn cứu độ cho toàn thể con người. Từ Đông Phương xa xôi, các đạo sỹ lần theo ánh sao đêm để triều yết Hài Nhi. Trong số những món quà họ mang theo để biếu Người, có nhũ hương và mộc dược, thứ dùng để ướp xác người chết. Khi Người chịu phép cắt bì, ông Simêon đã nói về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Maria. Biến cố lạc mất Giêsu trong Đền Thờ năm 12 tuổi cũng nói về một cuộc chia ly nào đấy sẽ đến về sau. Khi khởi sự sứ mạng công khai, Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Giêsu như là “con chiên của Thiên Chúa”, một con vật bị đem đi sát tế để đền tội cho muôn người. Đỉnh cao của công cuộc cứu thể được thực hiện nơi Đức Giêsu là cái chết của Người. Nhưng đấy không phải là một cái chết bình thường. Ngoài những hàm oan và đau đớn, vốn là cái bề ngoài mà ta có thể thấy được nơi sự hy sinh của Đức Giêsu trên thập giá, cuộc Tử Nạn của Đấng Cứu Thế còn mang một ý nghĩa thiêng liêng cao vời, mà trong mùa chay này, chúng ta được mời gọi để trầm mình chiêm ngắm.

Mùa chay là mùa chúng ta được mời gọi để suy nghĩ về tình yêu, một tình yêu đích thực, trong suốt nhưng cũng có phần lạ kỳ nhất trong lịch sử nhân loại: tình yêu của Thiên Chúa dành cho từng người tội nhân chúng ta. Vì yêu thương chúng ta, vinh quanh lẫy lừng của một Thiên Chúa, Giêsu cũng chẳng màng chi đến. Ngài chấp nhận bị nộp vào tay người đời, bị xem là đồ bị nguyền rủa và xấu xa. Ngài đến để thi ân giáng phúc cho người ta, nhưng chính Ngài lại bị chính những người mình yêu bội phản và giết chết mình. Ấy vậy mà Ngài không hề buông ra một lời phản kháng, trái lại, còn an ủi, còn nói lời thứ tha. Khi yêu, người ta chẳng màng chi đến mình nữa. Tất cả những gì người ta làm chỉ nhắm đến hạnh phúc và tương lai tươi sáng của người mình yêu. Giêsu đã yêu mà không hề chiếm giữ, yêu mà vẫn tôn trọng tự do, Ngài chỉ mong chờ, chứ không bắt buộc người mình yêu phải yêu mình như thế. Chúng ta có cảm nghiệm được tình yêu này của Giêsu trong cuộc đời mình không?

Mùa chay cũng là mùa chúng ta được mời gọi để suy nghĩ về vinh quang thập giá của người môn đệ Chúa. Nếu như người đời vẫn quan niệm vinh quang là có thật nhiều của cải và quyền lực, được người khác tâng bốc và tung hô, có thể sai khiến được nhiều người, thì vinh quang của chúng ta – những người môn đệ Chúa là lấy phục vụ làm đầu, là dành phần hơn cho người khác, lãnh phần thiệt hại về phía mình. Vinh quang của thập giá không phải cố chiếm vị trí trọng tâm để người khác hướng về mình với sự ngưỡng mộ và ca khen, nhưng là âm thầm rút về đằng sau, hy sinh mà không đòi đền đáp, cho đi mà chẳng mong đáp đền. Vinh quang của thập giá hệ ở tình yêu và lấy sự tha thứ làm phương dược xoa dịu đi tất cả những oán hờn căm phẫn, những ác độc mưu toan. Ai trong chúng ta cũng mong muốn mình làm lớn, chẳng ai thích cúi mình, thích phục vụ. Người nào có thể quên đi lợi ích của mình vì người khác, ấy mới thật sự là một con người dũng mãnh và phi thường. Sẽ dễ hơn cho chúng ta để sống một cuộc đời hưởng thụ. Nhưng nếu chúng ta dám sống hai chữ “hy sinh”, ta mới thật sự là người đáng hưởng phúc lộc “vinh quang”. Chúng ta đang tìm kiếm vinh quang của Thiên Chúa hay vinh quang của người đời? Có bao giờ ta xác tín rằng “vinh quang của ta là thập giá Đức Kitô” chưa?

Thời gian mùa chay cũng mời gọi chúng ta hãy nhớ đến thân phận tro bụi của mình, nhớ đến cái kết cục thảm khốc mà ai cũng phải tiến đến là cái chết, nhớ đến những ảo tưởng và phù hoa mà tiền tài và danh vọng ở thế gian này bày vẽ trước mặt ta. Hãy suy nghĩ về cái chóng qua của một kiếp con người? Cũng tựa như những cánh hoa tươi trong vườn. Một thời hoa cũng thơm hương, gọi mời ong bướm muôn phương, nhưng rồi cũng có ngày hoa trở nên xơ xác. Cao sang mấy, danh vọng mấy, rồi có ngày chúng cũng sẽ trôi tuột khỏi bàn tay ta. Ta được mời gọi để hướng đến một điều gì đó bền vững hơn, chắc chắn hơn, một tài sản cao quý hơn trên Nước Thiên Đàng sau khi chết. Ta hãy tìm cách tích trữ của cải ấy qua đời sống cầu nguyện, qua những việc hy sinh và qua những việc bác ái.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn cho chúng ta, giúp chúng ta có được một sự chuẩn bị thật chu đáo trong mùa chay thánh này, để có thể đón chờ hồng ân cứu độ của Thiên Chúa.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ