Đừng sợ hãi bước qua cửa hẹp của Chúa Giêsu để gia nhập gia đình của Thiên Chúa

Đừng sợ hãi bước qua cửa hẹp của Chúa Giêsu để gia nhập gia đình của Thiên Chúa

Chúa Giêsu là cửa dẫn chúng ta vào trong gia đình ấm êm của Thiên Chúa và sự hiệp thông với Người. Chúng ta đừng sợ hãi bước qua cửa niềm tin nơi Chúa Giêsu, để cho Người luôn ngày càng bước vào trong cuộc sống chúng ta, để chúng ta ra khỏi các ích kỷ, các khép kín, các thờ ơ của chúng ta đối với tha nhân.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời khích lệ như trên trước mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyên Tin trưa Chúa Nhật 25-8-2013 tại quảng trường thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về đề tài ơn cứu rỗi. Chúa Giêsu đang từ Galilea đi lên thành Giêrusalem và dọc đường, thánh sử Luca kể, có một người nọ tới gần và thưa với Người: ”Lậy Chúa, có ít người được cứu rỗi phải không?” (Lc 13,23). Chúa Giêsu không trả lời cậu hỏi một cách trực tiếp: không là điều quan trọng biết xem có bao nhiêu người đươc cứu rỗi, mà quan trọng hơn biết đâu là con đường của ơn cứu rỗi. Chúa Giêsu trả lời câu hỏi băng cách nói: ”Các con hãy cố gắng vào cửa hẹp, bởi vì nhiều người sẽ tìm vào mà không thành cộng” (c. 24). Chúa Giêsu muốn nói gì vậy? Đâu là cửa mà chúng ta phải vào? Và tại sao Chúa Giêsu lại nói về cửa hẹp? Đức Thánh Cha trả lời như sau:

Cửa đó là chính Chúa Giêsu (x. Ga 10,9). Người là cửa, là đường cho sự cứu rỗi. Người dẫn chúng ta tới Thiên Chúa Cha. Và cửa là Giêsu không bao giờ đóng, cửa này không bao giờ đóng, nó luôn luôn mở và mở cho tất cả mọi người, không phận biệt, không loại trừ, không đặc ân. Bởi vì anh chị em biết không, Chúa Giêsu không loại trừ ai hết. Có lẽ có ai đó trong anh chị em sẽ có thể nói với tôi rằng: Nhưng mà thưa cha, chắc chắn là con bị loại trừ rồi, bởi vì con là một kẻ tội lỗi lắm: con đã làm những điều xấu xa, con đã làm biết bao nhiêu, trong cuộc sống…” Không, bạn không bị loại trừ đâu! Chính vì điều đó mà ban là người được ưa thích, bởi vì Chúa Giêsu luôn luôn ưa thích kẻ có tội hơn. Để tha thứ cho họ, để yêu thương họ… Chúa Giêsu đang chờ đợi bạn để ôm bạn vào vòng tay của Người, để tha thứ cho bạn… Đừng sợ: Ngài chờ đợi bạn. Hãy linh hoạt lên, hãy can đảm bước vào cửa của Người.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói hình ảnh cái cửa hay trở lại trong Phúc Âm, và nhắc nhờ tới cửa nhà, của tổ ấm gia đình, nơi chúng ta tìm thấy an ninh, tình yêu và hơi ấm. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng có một cửa làm cho chúng ta bước vào trong gia đình của Thiên Chúa, trong sự ấm áp của nhà Thiên Chúa, của sự hiệp thông với Người. Tất cả chúng ta đều được mời gọi bước qua cửa đó, bước qua cửa của đức tin và vào trong cuộc sống của Người, để cho Người vào trong cuộc sống của chúng ta, để Người biến đổi nó, canh tân nó, ban cho nó niềm vui tràn đầy và lâu bền.

Ngày nay chúng ta đi qua trước biết bao nhiêu cửa mời gọi vào bằng cách hứa hẹn một hạnh phúc, mà rồi chúng ta nhận ra rằng nó chỉ kéo dài một lát, nó cạn kiệt trong chính nó, và không có tương lai. Nhưng tôi xin hỏi anh chị em: Chúng ta vào qua cửa nào đây? Và chúng ta muốn cho ai vào qua cửa cuộc sống chúng ta? Và Đức Thánh Cha mạnh mẽ mời gọi như sau:

Tôi muốn mạnh mẽ nói rằng: chúng ta đừng sợ hãi bước qua cửa niềm tin nơi Chúa Giêsu, để cho Người ngày càng bước vào hơn trong cuộc sống chúng ta, để ra khỏi các ích kỷ của chúng ta, ra khỏi các đóng kín của chúng ta, ra khỏi các thờ ơ của chúng ta đối với các người khác. Bởi vì Chúa Giêsu soi sáng cuộc sống chúng ta với một ánh sáng không tắt nữa. Nó không phải một pháo bông, không phải là một ánh chớp: không. Nó là một ánh sáng yên tĩnh kéo dài luôn mãi, và trao ban cho chúng ta hòa bình. Chúa Giêsu là ánh sáng mà chúng ta gặp, nếu chúng ta qua cửa của Chúa Giêsu. Dĩ nhiên cửa của Chúa Giêsu là một cửa hep, không phải bởi vì nó là một phòng tra tấn. Không, không phải vì vậy! Nhưng bởi vì người đòi hỏi chúng ta mở con tim ra cho Người, nhận biết chúng ta là kẻ tội lỗi, cần đến ơn cứu rỗi của Người, sự tha thứ của Người, tình yêu của Người, khiêm tốn tiếp nhận lòng thương xót của Người và để cho Người canh tân chúng ta. Trong Phúc Âm Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng là tín hữu kitô không phải là một nhãn hiệu! Tôi xin hỏi anh chị em: anh chị em là tín hữu kitô của nhãn hiệu hay của sự thật? Mỗi người hãy tự trả lời trong lòng mình nhé. Không bao giờ là tín hữu kitô của nhãn hiệu! Nhưng là kitô hữu thực thụ của con tim. Là kitô hữu là sống và làm chứng cho đức tin trong lời cầu nguyện, trong các việc bác ái, trong việc thăng tiến công lý, và thực thi điều thiện. Toàn cuộc sống chúng ta phải đi qua cửa hẹp là Chúa Kitô.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria, là Cửa Trời, giúp chúng ta đi qua cửa đức tin, để cho Con Mẹ biến đổi cuộc sống chúng ta như đã biến đổi cuộc sống của Mẹ, để đe, tin vui của Phúc Âm tới cho tất cả mọi người.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã lại kêu goi hòa bình cho dân nước Siria. Ngài nói: Tôi tiếp tục theo đõi tình hình tại Siria với nỗi đau đớn lớn lao và sự âu lo. Việc gia tăng bạo lực trong một trận chiến huynh đệ với, các tai ương và hành động tàn ác gia tăng, mà chúng ta tất cả cũng đã có thể trông thấy trong các hình ảnh kinh khủng của những ngày này, lại một lần nữa thúc đẩy tôi lên tiếng để cho tiếng súng im lặng. Không phải xung đột cống hiến các viễn tượng hy vọng giúp giải quyết các vấn đề, nhưng là khả năng gặp gỡ và đối thoại.

Từ cùng tận trái tim tôi, tôi muốn bầy tỏ sự gần gũi của tôi, qua lời cầu nguyên và tình liên đới, với tất cả các nạn nhân của cuộc xung đột này, với tất cả những người đau khổ, đặc biệt là các trẻ em, và tôi xin mời gọi họ luôn giữ cho niềm hy vọng hòa bình cháy sáng. Tôi kêu gọi Cộng đồng quốc tế tỏ ra nhậy cảm hơn đối với tình hình thê thảm này và dấn thân để trợ giúp Quốc gia Sirai thân yêu tìm ra một giải pháp cho một cuộc chiến gieo tàn phá và chết chóc. Chúng ta tất cả cùng cầu nguyện, Chúng ta tất cả cùng xin Đức Mẹ, Nữ Vương Hòa Bình: Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình cầu cho chúng con. Xin tất cả mọi người: Lậy Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình cầu cho chúng con.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm tín hữu khác nhau và chúc mọi người trở về với cuôc sống thường ngày an lành và cùng nhau nhìn tương lai với niềm hy vọng.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

THIÊN CHÚA KHÔNG XÉT LÝ LỊCH

THIÊN CHÚA KHÔNG XÉT LÝ LỊCH

Lời của Chúa là Tin Mừng, không thể nào là tin buồn cả. Nhưng, thiết tưởng,  trang Tin Mừng hôm nay gợi lên cho mỗi người một nỗi buồn chính đáng, nỗi lo chính đáng. Nỗi buồn chính đáng về đoạn hành trình chúng ta đã đi qua, và nỗi lo chính đáng về hành trình chúng ta đang đi tới.

Chúa Giê-su cho chúng ta biết trước về sự tuyển chọn công dân Nước Trời, tuyển chọn người vào dự tiệc trong Nước Trời theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Thật đáng buồn thay khi phải đón nhận những lời yêu rất thẳng thắn mà cũng rất đáng buồn, đáng khiếp sợ nếu mỗi chúng ta phải nhận lấy lời này:

“Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!”

“Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”

 Thiên Chúa không xét lý lịch

 Rõ ràng là Thiên Chúa không phán xét mỗi chúng ta theo tiêu chuẩn lý lịch. Đáng buồn thay! Lâu nay chúng ta vẫn tự hào rằng chúng ta là con cháu của các Thánh Tử Đạo, của các chứng nhân anh dũng đã từng bị bách hại, bị giết chết ngàn ngàn người, bị chôn tập thể ở nhiều gò nhiểu nỗng mà bây giờ vẫn còn gọi là Gò Mã Thánh, hay Gò Thánh. Lại cũng có người khoe khoang rằng dòng họ nhà mình có vài người làm Đức Cha, có cả chục người làm Linh Mục, tu sĩ nam nữ thì vô kể. Người khác lại tự hào rằng dòng mình thì không có cha, có sơ nhưng ông cố, ông sơ theo đạo thời xửa thời xưa vài trăm năm trước. Đáng buồn thay khi không chỉ tự hào khoe khoang về lí lịch của mình, mà đôi khi còn lên mặt dạy đời cho những người tân tòng, chê bai dè bỉu những người mới theo đạo trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Theo đạo khi lập gia đình với người có đạo, theo đạo sau một cơn bạo bệnh được giúp đỡ, chẳng hạn… Đáng buồn thay! Chúng ta thật vô lý vì rõ ràng là chính mình đã có đạo, nhưng gần như chỉ là đạo danh nghĩa, đạo giấy tờ mà chửa thực sự sống tinh thần của Đạo. Chúng ta chẳng khác nào những người Do Thái ngày xưa lấy lí lịch của mình ra mà kỳ kèo với Thiên Chúa để được vào Nước Trời rằng: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”.

Trong lý lịch ở đời, người ta có yêu cầu phải khai rõ làm nghề gì, ở đâu, nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài không hỏi chi tiết này. Thế thì chúng ta có nhận ra sự vô duyên của mình khi mãi tự hào về chức vụ của mình trong Hội Thánh Chúa. Cần thiết để được chuẩn vào Nước Trời sao, mà có người cứ phải tranh giành làm ông kia bà nọ trong Giáo Xứ. Và khi không được bầu vào chỗ mà mình ước ao, thì đâm ra bất mãn, chê bai, tìm cách bêu xấu, hạ bệ những người đương chức. Không phải là hiếm những trường hợp kiện cáo vô duyên nơi các giáo xứ, các hội đoàn chỉ vì lòng ganh tỵ không đáng có. Đáng buồn thay. Chúa không tuyển vào Nước Trời theo tiêu chuẩn chức vị, chức vụ hay công trạng làm việc cho Chúa, cho Hội Thánh lâu năm.

Chúa cũng không xét về trình độ hiểu biết về Thiên Chúa. Vậy mà trong chúng ta vẫn có người rất tự mãn về vốn học, vốn tu nghiệp, vốn đào tạo một mớ kiến thức thần học. Cũng có người tự hài lòng về tài năng giảng thuyết về Thiên Chúa rất thuyết phục, rất hấp dẫn. Người khác lại tự hào về những tác phẩm viết về Thiên Chúa, những suy tư, những ca khúc, những bài văn, bài thơ, những công trình nghiên cứu đồ sộ… Đáng buồn thay! Chúa cũng không xét về trình độ, về tác phẩm.

Nhờ Lời Chúa hôm nay soi sáng, chúng ta có thể thấy còn nhiều điều đáng buồn cho cái suy nghĩ kém cỏi của mình, cái lầm tưởng của mình, khi tự vẽ ra cho mình một Nước Thiên Chúa y chang như một đất nước trần gian về chuyện thưởng, phạt. Vì quả thực, các nước ở trần gian thưởng không đúng người, phạt không đúng tội vẫn là chuyện cơm bữa. Nước nào càng kém văn minh về tình thương, kém hiểu biết về Thiên Chúa thì càng bất công, bất chính tồi tệ hơn.

 Tiêu chuẩn của Thiên Chúa

Chúa Giê-su biết rõ lòng dạ con người chúng ta đang quá vấn vương mùi đời và không muốn cho chúng ta suy nghĩ lầm lạc về Nước Thiên Chúa. Ngài đã trả lời cho thắc mắc của một người rằng “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” bằng câu nói “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”.

“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” chính là tiết lộ tiêu chuẩn của Thiên Chúa dành cho những ai muốn được vào Nước Trời.

Câu trả lời ấy là Lời Vàng cho mỗi chúng ta, nhắc nhở cho chúng ta một nỗi lo rất chính đáng trên đoạn hành trình còn lại của mỗi người: vào Nước Trời qua lối hẹp, lối mà Chúa Giê-su đã đi.

Hai từ “lối hẹp” hay “cửa hẹp” mà Chúa Giê-su dùng hôm nay như phần kết luận, hay bản tóm tắt cả một cuộc đời của Ngôi Con Thiên Chúa, tóm tắt bao nhiêu Lời đã mạc khải, Lời đã giảng dạy trong hành trình rao giảng Nước Thiên Chúa.

-Lối hẹp của lòng khiêm cung và vâng phục tuyệt đối: Con Thiên Chúa cao trọng quyền phép lại khiêm cung vô cùng để con người kiêu căng phải biết cúi đầu nhận tội. Con Thiên Chúa chịu bước xuống làm người, để con người được bước lên cùng Thiên Chúa. Con Thiên Chúa chấp nhận bỏ trời xuống đất, để con người biết buông bỏ mọi sự phù vân dưới đất mà lên trời vĩnh cửu. Con Thiên Chúa toàn năng, chí thánh, chí thiện bằng lòng mang thân phận tội nhân, để tội nhân được vinh phúc thông chia sự thánh thiện của Ngài…

-Lối hẹp của tình yêu thương tuyệt đối: Con Thiên Chúa yêu thương con người để con người hẹp hòi ích kỷ biết thương nhau. Con Thiên Chúa hiến thân chịu chết cứu chuộc con người để con người biết hy sinh cho nhau được sống và sống vui. Con Thiên Chúa biết chạnh lòng trước nỗi đau của con người để con người cũng biết chạnh lòng thương xót bao mảnh đời cơ cực. Con Thiên Chúa khoan dung tha thứ cho con người tội lỗi tày trời, để con người cũng biết thứ tha cho nhau và xây dựng bình an hạnh phúc…

Vâng, nói cách khác, tiêu chuẩn của Thiên Chúa: “qua lối hẹp”, “qua cửa hẹp mà vào” là hãy nên giống Chúa Giê-su trong mọi sự, hãy đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su trong hành trình cuộc đời hành hương, hãy đi con đường Thánh Giá mà Chúa Giê-su đã đi mới mong được vào Nước Thiên Chúa.

Bấy giờ, Thiên Chúa Cha không xét lý lịch, nhưng hẳn là ai đã nên giống Chúa Giê-su trong mọi sự, thì sẽ được Ngài đón tiếp, được cho vào Nước Thiên Chúa trước. Và dĩ nhiên là, cả tôi, cả bạn, cả những người trông mong và kỳ kèo Ngài xét cho cái lý lịch con ông cháu cha, chức vụ, hay tài năng trình độ của mình mà không nên giống Chúa Giê-su thì hẳn là chỉ còn biết trông nhờ vào Lòng Thương Xót của Ngài mà thôi, nếu không nói là bị quăng ra ngoài nơi khóc lóc, nghiến răng, trầm luân muôn kiếp.

 “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”.

Nỗi lo thật chính đáng: “Tôi là kẻ đứng hàng đầu, lại xuống hàng chót đấy sao?”.

Cuộc đời là chuyến hành hương

Người đi phải chọn đúng Đường mà đi…

(Hương Nam)

 Lạy Chúa Giê-su, xin tạ ơn Chúa đã cho chúng con biết tiêu chuẩn vào Nước Trời. Xin cho chúng con biết chọn con đường Thánh Giá của Chúa mà can đảm và kiên trì bước đi. A men.

 PM. Cao Huy Hoàng, 24-8-2013

 

ĐI VÀO CỬA HẸP

ĐI VÀO CỬA HẸP

Vấn đề được cứu rỗi luôn là vấn đề được mọi người Kitô hữu quan tâm và trân trọng. Đối với quan niệm hẹp hòi của người Do Thái xưa: “Chỉ có ít người được cứu rỗi”. Việc nhiều hay ít người được cứu rỗi hay không, không phải là điều quan trọng. Do đó, đừng tò mò, đừng quá lo lắng, mà con người hãy xem mình có được kể vào số những người được chọn, được cứu rỗi hay không? Thực tế, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp vấn đề này, không muốn mạc khải về việc này mà Chúa đã rất khôn ngoan trả lời và câu trả lời của Ngài cũng là điều kiện tiên quyết, căn bản để được cứu rỗi: “Hãy cố gắng đi vào cửa hẹp”.

Đối với Chúa Giêsu đường rộng thênh thang dẫn chúng ta vào chốn hư đốn. Đường rộng hay cửa rộng là những thái quá của cuộc sống, những đam mê của cải, những ham mê danh vọng, thú vui ở đời. Đường rộng là con người tự ý làm theo mình, tự xô đẩy mình vào chỗ tối tăm, hư đốn. Cửa rộng là những sa hoa phung phí, của cải đầy kho nhưng không biết chia sẻ như dụ ngôn ông Phú hộ mà Chúa Giêsu minh họa trong Tin Mừng. Đường rộng là con đường mà người thanh niên giầu có tuy đã thực hành nhiều điều luật tốt lành trong đới sống Đạo nhưng lại không muốn phân chia, chia sẻ của cải cho người nghèo khó, mà lại cứ thích thẳng cánh cò bay, thích đi trên những con đường nhựa rộng thênh thanh, tự do chạy nhảy… Chúa Giêsu đề cập đến cửa hẹp ở đây không có nghĩa rằng Ngài hẹp hòi, ích kỷ, bo bo giữ của, nhưng chỉ tại con người chưa sẵn sàng, chưa nhỏ đủ để bước vào Nước Trời, bởi vì con người còn quá cồng kềnh, còn quá khổ, còn quá to để không thể bước vào cửa hẹp. Cửa hẹp là sự cồng kềnh của những vướng mắc, của những hưởng thụ v.v… Cửa hẹp là sự cồng kềng của cái tôi cứng cỏi, hẹp hòi, ích kỷ, của cái tôi hèn nhát không dám dấn thân, không dám tiến bước.Nên, cánh cửa Nước Trời mà những người thiện chí, những người tốt dễ dàng bước vào thì đối với nhiều người đã trở thành khung cửa hẹp, vì cái tôi của họ quá cồng kềnh. Cho nên, vấn đề vào Nước Trời hay không, không phải do Chúa không muốn con người vào mà do con người làm cho mình quá khổ, quá cồng kềnh khiến con người không vào được cửa hẹp.

Nữ tu Bênêđita Thánh Giá-Dòng Xitô đã viết một đoạn rất hay: “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em. ‘Ta không biết các anh từ đâu đến!’. Những lời nói của ông chủ quả thật làm lung lay thái độ của chúng ta.Lời Chúa muốn kết hiệp với chúng ta hơn là những ảo tưởng vô nghĩa của chúng ta, từ nơi sâu thẳm chúng ta nhận ra mình trống rỗng, yếu đuối tầm thường. Chúng ta nghe Chúa Giêsu nhắc đến hai lần: “Ta không biết các anh từ đâu đến!”. Lúc đó tiếng kêu của người mù có thể phát xuất từ nơi sâu kín của con tim chúng ta bị rỉ máu: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi” (Lc 18, 38 ). Nếu chúng ta chấp nhận sự bất lực của chúng ta để thực hiện việc giải thoát chính mình đơn thuần bằng những nỗ lực của chúng ta, lúc ấy, cửa hẹp sẽ rộng mở và đôi mắt chúng ta cũng mở ra. “Cửa Chuồng Chiên” (Ga 10,7), đó là Chúa Giêsu với đôi tay giang rộng trên thánh giá và ôm lấy toàn thể vũ trụ. Được Thiên Chúa Cha gọi mời, Người cũng mời gọi những con người đến từ mọi quốc gia và ngôn ngữ. Cha Christian de Chergé đã viết: “Thánh giá là chìa khóa của ngôi nhà mà chúng ta phải bước vào và là chìa khóa của những điều bí ẩn”.

Nói tóm lại con đường vào Nước Trời là do mỗi người chứ không phải Chúa. Chính vì thế, không phải chúng ta đòi Thiên Chúa nới rộng cửa, nhưng chính chúng ta phải biết trở thành bé nhỏ như Chúa đã dạy: “Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Thầy vì Nước Trời về những ai giống như chúng”. Trở nên nhỏ bé là biết trở nên đơn sơ, trong trắng, thánh thiện và biết từ bỏ tất cả những gì không phù hợp, không theo ý của Chúa. Chúng ta thực sự phải khám phá Nước Trời qua Tình Yêu của Thiên Chúa như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa ngày 11.08.2013: “Tình yêu của Thiên Chúa là kho tàng đích thật của chúng ta. Đó là một tình yêu trao ban giá trị và vẻ đẹp cho tất cả mọi sự, một tình yêu trao ban sức mạnh cho gia đình, công ăn việc làm, học hành, tình bạn, nghệ thuật và mọi sinh hoạt của con người. Nó cũng trao ban ý nghĩa cho cả các kinh nghiệm tiêu cực và tội lỗi của chúng ta nữa”. Sống tình yêu của Chúa và chấp nhận nói lời “Xin Vâng” như Đức Mẹ là chúng ta đang bước vào con đường hẹp, bước cửa Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con mau mắn tìm kiếm Nước Trời, cởi bỏ con người cũ để mặc lấy Đức Kitô. Xin cho chúng con biết tìm kiếm thánh ý Chúa hơn là tìm kiếm con người của mình. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1. Cửa hẹp là gì?
2. Tại sao chúng ta phải cởi bỏ con người cũ?
3. Con người cồng kềnh là gì?

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TOMASI KÊU GỌI TÌM GIẢI PHÁP HÒA BÌNH CHO SIRIA

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TOMASI KÊU GỌI TÌM GIẢI PHÁP HÒA BÌNH CHO SIRIA

GENÈVE: Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Genève, khẩn thiết kêu gọi tìm giải pháp hòa bình cho Siria, qua việc đối thoại chân thành giữa mọi lực lượng liên hệ.

Đức Tổng Giám Mục Tomasi đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vaticăng sáng ngày 22-8-2013. Đức Cha nói cộng đồng quốc tế có lý do để âu lo trước các cảnh đẫm máu xảy ra tại Siria với nguy cơ dùng vũ khí hóa học để tàn sát thường dân vô tội. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh bạo lực không dẫn đưa tới giải pháp nào cả. Vì thế mọi phe phái cần phải đối thoại để có thể đi tới hội nghị Genève thứ hai, trong đó các thành phần của mọi phía đều có thể hiện diện và trình bầy các lý lẽ của mình, và cùng nhau thành lập một chính phủ lâm thời. Để đưực như vậy cần gạt bỏ mọi điều kiện loại trừ nhóm này nhóm nọ. Đây là cố gắng cần thiết để chấm dứt bạo lực. Đức Tổng Giám Mục Tomasi cũng nhấn mạnh phải thôi tiếp tục gửi vũ khí tới Siria cho phe đối lập cũng như cho chính quyền. Ngoài ra cũng cần phải loại bỏ kiểu đọc hiểu thiên vị thực tại của Siria và toàn vùng Trung Đông. Người ta có cảm tường các phương tiện truyền thông không xem xét mọi khía cạnh đã gây ra các xung khắc tại Siria. Chúng ta đã chứng kiến tại Ai Cập trong trường hợp các Anh em hồi giáo được sự ủng hộ vô điều kiện đã đưa tới các bạo lực khác. Có các lợi lộc hiển nhiên: người muốn một chính quyền Sunnit, người muốn có sự tham dự của tất cả mọi nhóm thiểu số. Vì thế cần phải khởi hành từ ý niệm công dân, tôn trọng mọi công dân trong nước, và để cho các khác biệt tôn giáo, chủng tộc, chính trị phát triển trong một bối cảnh đối thoại.

Liên quan tới vấn đề dùng vũ khí hóa học, Đức Tổng Giám Mục Tomasi cho rằng không nên đưa ra kết luận, khi chưa có các bằng chứng hiển nhiên. Qua các quan sát viên đã hiện diện tại Siria cộng đồng quốc tế có thể đưa ra ánh sáng vụ này. Nhưng không thể bắt đầu với một thành kiến, quy trách nhiệm cho người này người nọ. Cần phải đặt nghi vấn ai muốn phạm loại tội vô nhân này? Kinh nghiệm cho thấy các can thiệp vũ trang tại vùng Trung Đông, bên Irak và Afghanistan đã không đưa tới kết qủa xây dựng nào. Vì nguyên tắc “với chiến tranh người ta mất tất cả” vẫn có giá trị (RG 22-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỐI THOẠI DỰA TRÊN SỰ HIỀN DỊU DẪN ĐƯA TỚI HÒA BÌNH

ĐỐI THOẠI DỰA TRÊN SỰ HIỀN DỊU DẪN ĐƯA TỚI HÒA BÌNH

VATICAN: Sáng ngày 21-8-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp một nhóm 200 học sinh và giáo sư trường trung học Seibu Gauken Bunri Tokyo trong sân Damaso của nội thành Vaticăng. Ngài khích lệ các bạn trẻ thăng tiến sự gặp gỡ, đối chiếu và đối thoại vì đó là các dụng cụ của sự hiểu biết và hòa bình, đặc biệt khi chúng có nền tảng là sự hiền dịu.

Nhắc tới kinh nghiệm của mgài ngay từ khi còn trẻ đã muốn sang truyền giáo bên Nhật Bản Đức Thánh Cha nói: sự hiểu biết các nền văn hóa khác là cơ may giúp chúng ta lớn lên. Nếu chúng ta bị cô lập trong chính mình, chúng ta chỉ có những gì mình có, mà không thể lớn lên trên bình diện văn hóa. Trái lại, nếu chúng ta đi tìm gặp các người khác, các nền văn hóa khác, các kiểu suy tư khác, các tôn giáo khác, thì chúng ta sẽ ra khỏi chính mình, và bắt đầu cuộc mạo hiểm đẹp biết bao nhiêu là sự đối thoại.

Đối thoại rất quan trọng, vì nó giúp chúng ta lớn lên và trưởng thành. Trái lại, khép kín trong chính mình có thể gây ra các hiểu lầm và cãi nhau. Tuy nhiên, để cho cuộc đối thoại có hiệu qủa, cần phải có thái độ hiền dịu và khả năng tìm ra các con người và các nền văn hóa với sự hòa bình, khả năng đặt ra các vấn nạn thông minh… lắng nghe người khác trước rồi sau đó hẵng nói. Đó là sự hiền dịu. Chính đối thoại đưa tới hòa bình. Trái lại, việc thiếu đối thoại và khép kín trong chính mình chứa đựng các nguy hiểm đối với con người. Mọi chiến tranh, mọi xung khắc và tất cả các vấn đề không thể giải quyết được, nếu thiếu đối thoại. Khi có vấn đề hãy đối thoại, vì đối thoại tạo hòa bình. Các bạn hãy biết đối thoại. Khi đối thoại người ta lớn lên, và đó là điều tôi cầu chúc các bạn.

Một nữ sinh đã đại diện cả nhóm cám ơn Đức Thánh Cha đã cho họ được gặp ngài và hứa là từ nay sẽ thực hành lời Đức Thánh Cha nhắn nhủ. Vì nữ sinh nói tiếng Ý nên Đức Thánh Cha hỏi: ”Cha cám ơn nhiều lắm. Mà con sinh ở Napoli hay sao mà nói tiếng Ý giỏi vậy?” Sau đó các bạn trẻ đã hát mừng Đức Thánh Cha bằng tiếng Nhật và ca khúc của trường Seibu Gauken Nunri. Đức Thánh Cha khen các bạn trẻ giỏi, hát hay quá! Ngài nói rất tiếc ngài lại không biết hát (RG 21-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Nạn mang thai mướn tại Ấn Độ

Nạn mang thai mướn tại Ấn Độ

Trong các tuần qua báo chí thế giới đã phanh phui ra một thảm cảnh nô lệ mới trong xã hội ngày nay: đó là thảm cảnh phụ nữ Ấn nghèo tại Mumbai và New Dehli được trả tiền để mang thai mướn cho những cặp vợ chồng Tây Âu muốn có con mà không thể có con, vì nhiều lý do khác nhau. Trứng đã thụ thai được trồng vào tử cung của các bà mẹ mang thai mướn.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Washington Post bà Koomal Kapoor, 24 tuổi sống trong một xóm nghèo ngoại ô thủ độ New Dehli, cho biết chị đã sinh đôi hai đứa con rất đẹp, da trắng tóc đen, và đã nhận được 8.000 mỹ kim tiền mang thai mướn từ một cặp vợ chồng Tây phương, có học vấn cao và công ăn việc làm chắc chắn tuyệt đối muốn có con. Chị Koomal Kapoor cho biết chị đã nhận mang thai mướn để có tiền bảo đảm tương lai cho đứa con gái của chị. Chị làm thuê trong một hãng may quần áo mỗi tháng chỉ có 54 mỹ kim tiền lương, còn chồng chị làm nghề hốt rắc mỗi tháng được 85 mỹ kim. Trong suốt thời gian mang thai người ta lập đi lập lại với chị rằng bào thai ấy không phải là con chị, mà là con của người khác. Mặc dù vậy, giây phút khó khăn nhất vẫn là lúc phải giao đứa bé chị đã nuôi nấng trong suốt thời gian mang thai cho người khác. Khi các bào thai không hội đủ tiêu chuẩn, nghĩa là không lành mạnh, đa số các phụ nữ mang thai mướn đã phải quyết định phá thai.

Việc mua bán trẻ sơ sinh bị coi là một tội phạm bị trừng phạt trong mọi quốc gia trên thế giới. Nhưng hiện nay các hình thức thương mại này được tổ chức một cách rất tinh vi và được giới thiệu một cách dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên, trong bản chất chúng thuộc thị trường quốc tế rộng lớn và mang lại các lợi nhuận rất lớn, gồm từ việc cho thụ thai trong lồng kính trong tất cả các hình thức khác nhau của nó: với trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng muốn có con, hay chỉ có một nửa tức chỉ có trứng của người vợ hay tinh trùng của người cha, hoặc phôi thai hoàn toàn của người khác được bán sẵn, rồi sau đó được trồng vào tử cung của phụ nữ mang thai mướn, cho tới khi đứa con chào đời.

Mang thai mướn đã là một dịch vụ thương mại rất cổ xưa trong lịch sử loài người, trong đó chỉ có những người nghèo là nạn nhân phải nhường thân thể và đứa con mình sinh ra cho những người giầu, để thỏa mãn ước muốn có con của những kẻ có tiền. Tuy nhiên, với các kỹ thuật tối tân ngày nay phôi thai được cấy vào tử cung của người phụ nữ mang thai mướn là con của một cặp vợ chồng lấy nhau hơp hợp pháp, hay chỉ chung sống với nhau. Nhưng càng ngày càng có nhiều trường hợp chỉ có một người nam hay nữ hoặc một cặp đồng phái muốn có con. Và trong trường hợp đó thì các tương quan sinh học giữa phôi thai và người sinh ra nó hoàn toàn vô danh và không chắc chắn.

Riêng đối với các cặp đồng phái nam, thì tử cung đi mướn và mua các trứng đã thụ tinh hầu như là phương thế duy nhất để có con với vài đóng góp di truyền riêng. Chính vì thế việc hợp thức hóa hôn nhân của các người đồng phái sẽ khiến cho dịch vụ thụ thai trong ống nghiệm và mang thai mướn lại ngày càng thịnh hành và lan tràn hơn nữa.

Để ý thức được tầm nghiêm trọng rộng lớn của tệ nạn mang thai mướn này trên bình diện tâm sinh vật thể lý và luân lý đạo đức xã hội, cần phải đọc bản tường trình tựa đề ”Làm mẹ thay thế. Luân lý đạo đức hay thương mại” của tổ chức phi chính phủ có tên gọi là ”Trung tâm nghiên cứu xã hội New Dehli”. Tổ chức này chuyên nghiên cứu về các điều kiện sống của phụ nữ Ấn Độ. Bản tường trình cống hiến cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về số phận của các phụ nữ Ấn nghèo, và vén mở cho thấy các tin tức và sự thật kinh khủng của tệ nạn này.

Bản tường trình nói trên là kết quả các cuộc phỏng vấn khoảng 100 bà mẹ mang thai mướn, tất cả người Ấn Độ, và 50 cặp vợ chồng Tây âu, đã liên lụy trong dịch vụ này tại các trung tâm và nhà thương ở Mumbai và New Dehli, từ nay trở đi đã nổi tiếng là các thủ đô của dịch vụ thương mại quốc tế cho mướn tử cung.

Với việc chuyển tài chánh, đứa con sinh ra từ bà mẹ mang thai mướn trở thành một ”món hàng có thể bán”, mà không chú ý gì đến các quyền của các phụ nữ mang thai mướn và các trẻ em sẽ sinh ra. Dịch vụ mang thai mướn này trầm trọng tới độ báo động Hội đồng nghiên cứu y khoa của Ấn Độ, là tổ chức của chính quyền năm 2005 đã phải đề ra một đường hướng chỉ dẫn. Nhưng cho tới nay vẫn chưa có luật để điều phối hiện tượng này và nó đã trở thành một phong trào thu hút các cặp muốn có con trên toàn thế giới.

Ngoài ra từ năm 2012 các người ngoại quốc không còn có thể mướn mang thai tại Ấn Độ với giấy phép nhập cảnh du lịch nữa. Nhưng cần phải có giấy chứng nhận của một bác sĩ, và để có giấy này họ phải cống hiến vài bảo đảm tối thiểu, chẳng hạn như việc mang thai mướn phải được chấp nhận bởi chính quyền của các cặp vợ chồng muốn có con, hay thỏa thuận giữa hai bên phải được ký kết một cách chính thức. Mặc dù có các phòng ngừa tối thiểu như thế, tình hình được miêu tả trong bản tường trình gây kinh hoàng, và cũng thật là không ngoa, khi dùng từ ”nô lệ”.

Kỹ nghệ mang thai mướn bên Ấn Độ hàng năm thu lời tới 2 tỷ mỹ kim với hàng ngàn nhà thương không hợp pháp. Và dĩ nhiên là không ai có thể biết đã có bao nhiêu trẻ em sinh ra từ các cuộc mang thai mướn này. Giá biểu cho mỗi vụ mang thai mướn xê dịch từ 10.000 đến 35.000 mỹ kim: tính ra thì vẫn rất rẻ so với giá từ 59.000 cho tới 80.000 mỹ kim cho cùng các tiến trình mang thai mướn bên Hoa Kỳ. Nhưng nói tới việc lựa chọn các bà mẹ mang thai mướn cho các phụ nữ khác là một dối trá tàn ác. Thật ra các phụ nữ nhận mang thai mướn này là các phụ nữ nghèo, và mù chữ hay bán mù chữ, với các công việc làm bấp bênh được trả lương quá thấp, và không có cơ hội tiến thân nào trong xã hội Ấn. Họ chấp nhận mang thai mướn chỉ để có tiền, và họ được sự hỗ trợ của chồng, vì ông cũng cần tiền để trả nợ, hay để bảo đảm cho việc giáo dục các con cái của họ. Các phụ nữ được phỏng vấn tuổi từ 26 đến 30, phải mắn con, nghĩa là đã có các con. Luật cấm sử dụng các trứng thụ tinh riêng của họ cho dịch vụ mang thai mướn. Như thế các phụ nữ này bị bắt buộc phải ký hợp đồng tuyệt đối theo các kỹ thuật thụ thai trong ống nghiệm để có con, và phải từ bỏ chúng ngay sau khi cho chúng chào đời.

Đa số các phụ nữ mang thai mướn tại Ấn Độ được tuyển lựa bởi các người trung gian đã từng mang thai mướn. Hợp đồng được ký nhận giữa đôi vợ chồng muốn có con, người phụ nữ nhận mang thai mướn và người chồng của bà ta, nhưng không có chữ ký của nhân viên nhà thương lo cho dich vụ này hầu tránh các vụ kiện tụng tranh chấp pháp lý. Bình thường nó được ký vào tháng thứ 4 trở đi, khi cặp vợ chồng muốn có con biết chắc chắn bào thai sẽ chào đời và lành mạnh, không có các bất bình thường. Và trong trường hợp bào thai tàn tật, thì người mẹ mang thai mướn bị bắt buộc phải phá thai, mà không được hỏi ý kiến, nếu cặp vợ chồng muốn có con quyết định như thế. Trái lại, nếu khi sinh ra mà đứa bé tàn tật, thì khi đó các nhà thương hay các người trung gian có bổn phận phải tìm một giải pháp. Đôi khi hợp đồng cũng bao gồm cả phái tính của đứa trẻ sẽ sinh ra nữa.

Nếu vào địa chỉ trên mạng ”newlifeIndia.com” người ta có thể thấy tin tức chi tiết liên quan tới kỹ nghệ mang thai mướn này, với ”giá cả trọn gói” khác nhau tùy theo nguồn gốc các phôi thai. Trứng đã thụ tinh Ấn độ rẻ hơn trứng đã thụ tinh gốc Caucase. Chỉ cần trả thêm 10.000 mỹ kim nữa thì sẽ có đứa con da trắng, tóc hoe. Các gói giá mang thai mướn cũng bao gồm cả trường hợp hai bà mẹ mang thai cùng một lúc, rồi tùy ý các cặp muốn có con lựa chọn. Chi phí trả thành 4 đợt: đợt đầu 400 mỹ kim cho việc lựa chọn phụ nữ mang thai mướn bao gồm cả tiền chuyên chở; đợt hai trước khi thụ tinh trong ống nghiệm, đợt ba là khi đã mang thai, và đợt bốn là sau khi sinh. Tổng cộng tất cả là 28.550 mỹ kim, nếu đứa trẻ chào đời; trong trường hợp hai đứa thì được giảm giá chỉ mất 42.200 mỹ kim. Ngoài ra còn có các chi phí ngoại lệ: trường hợp sinh đôi thì thêm 1.000 mỹ kim, chỉ có một phôi thai thì 500 mỹ kim. Trường hợp mất tử cung được bồi thường 1.500 mỹ kim, trường hợp đứa trẻ sinh sớm thì cũng có giá tương đương với thời gian đứa bé sống trong lồng kính vv…

Sự kiện chỉ ký hợp đồng khi bào thai đã lớn khiến cho các phụ nữ mang thai mướn hoàn toàn tùy thuộc nơi các nhà thương, xét vì hầu như không có phụ nữ mang thai mướn hay chồng của họ biết đọc biết viết để hiểu các điều lệ của dịch vụ này. Chẳng hạn các chỉ dẫn hạn chế tối đa là ba lần thụ thai trong ống nghiệm cho mỗi lần mang thai mướn. Tử cung cho mướn phải được chuẩn bị đón nhận các phôi thai, nhưng vì là những người mù chữ các phụ nữ mang thai mướn thường không biết các nhà thương làm gì với họ và thân thể họ. Bản tường trình của Trung tâm nghiên cứu xã hội New Dehli cho biết hợp đồng chỉ được giải thích bằng miệng bởi các nhân viên hay bởi các bác sĩ nhà thương, và chỉ có ít phụ nữ mang thai mướn nhận được một bản của hợp đồng, mà họ không hay biết các điều khoản. Trong trường hợp phá thai tự nhiên hay được trợ giúp, các phụ nữ mang thai mướn không luôn luôn được trả tiền, cũng như trong trường hợp sinh đôi. Cũng có thể xảy ra là một cặp vợ chồng muốn có con mướn hai ba phụ nữ mang thai một lúc để được thành công một cách chắc chắn hơn. Nếu tất cả đều mang thai, thì chính họ được quyết định để cho họ sinh con hết hay không. Cũng có thể lựa chọn giải pháp rẻ hơn: trả tiền cho hai phụ nữ mang thai mướn cùng một lần thì rẻ hơn là phải trả trước sau một cách riêng rẽ. Tóm lại, trong kỹ nghệ mang thai mướn cũng giống như trong việc chuyển ngân thương mại, khách hàng có quyền đưa ra các điều kiện trước khi được phục vụ. Việc mang thai mướn là một dịch vụ với mọi hiệu qủa của nó, cũng như đứa bé là một sản phẩm với mọi hiệu qủa của nó.

Số tiền mà các phụ nữ cho mượn tử cung nhận được hoàn toàn là trong sự kín đáo của các nhà thương, thường chỉ bằng 1 hay 2% tổng số tiền các cặp vợ chồng muốn có con trả cho dịch vụ mang thai mướn này. Nói chung các nhà thương và các người trung gian thường không khích lệ các liên lạc giữa các bà mẹ nhận mang thai mướn và các cặp vợ chồng muốn có con, vì muốn tránh các hợp đồng kinh tế trực tiếp gây thiệt thòi cho tổ chức.

Trong thời gian mang thai các bà me mang thai mướn sống trong các ”nơi ẩn kín” là các nhà có người canh gác để họ khỏi trốn đi, để bảo đảm chế độ ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng cho họ, và kiểm soát các điều kiện vệ sinh và y tế tránh các bệnh truyền nhiễm đến từ chồng của họ.

Trong các buổi phỏng vấn các bà mẹ mang thai mướn luôn luôn có sự hiện diện của các nhân viên nhà thương. Và trong đa số các trường hợp đứa bé sinh ra bị lấy đi ngay, và thường khi người ta cũng không nói cho người mang thai mướn biết đứa con đó là con trai hay con gái.

Đây qủa thật là một chế độ thực dân sinh sản, mà Tây phương già nua nhưng giầu có đã quen một cách bình thản, nhân danh các ”quyền dân sự mới”.

(Avvenire 6-8-2013) Viết theo Assunta Morresi

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

TÌNH HÌNH TRUNG PHI VẪN THÊ THẢM

TÌNH HÌNH TRUNG PHI VẪN THÊ THẢM

BANGUI: Linh Mục Anastasio Roggero, dòng Cát Minh cho biết tình hình chính trị xã hội tại Trung Phi vẫn căng thẳng, và trong thủ đô Bangui vẫn xảy ra các vụ tra tấn trả thù, khiến cho nhiều người chết.

Cha Roggero đã làm việc truyền giáo tại Trung Phi từ 40 năm qua, cuộc đảo chánh cách đây 10 năm đã khiến cho nhiều ngưới chết và nay lực lượng du kích quân Seleka nắm quyền đang trả thủ.

Trong tuyên ngôn công bố những ngày vừa qua Hồi Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã khẳng định rằng cuộc khủng hoảng tại Trung Phi đang là một đe dọa nghiêm trọng cho toàn vùng, vì thế Hội đồng đang cứu xét các khá thể giúp ổn định tình hình Trung Phi. Theo cha Roggero đàng sau cuộc khủng hoảng của Trung Phi có bàn tay của các tổ chức buôn kim cương và khai thác dầu hỏa. Nhưng Trung Phi chỉ là một quồc gia có tên trên bản đồ địa lý. Còn trong thực tế từ ngày độc lập cách đây 50 năm, đất nước này đã không bao giờ có khả năng dùng tiền của mình để xây một trường học hay một nhà thương. Dân nghèo Trung Phi không phản ứng. Nhưng họ không thể chỉ chờ đợi các trợ giúp từ người khác. Rất không may cho Trung Phi là giờ đây các giới chức chính trị lại theo các người đã chiến thắng.

Cha Roggero hiện đang hoat động cho dự án lớn tại Bangui: trồng 20 mẫu rừng và 110 mẫu dầu cọ, nhưng cha không trông thấy tương lai nào cho đất nước Trung Phi. Là quản lý của dòng từ năm 1975 tới nay cha cho biết đã chưa thấy chính quyền đưa ra dự án phát triển nào cả, 95% dân chúng trong các làng mạc sống như cách đây 2,000 năm. Trong khi Trung Phi là một đất nước tuyệt vời, nó đã có thể là một thiên đàng dưới đất, vì có rừng, có mưa, có đảo, và không bị các tai ương thiên nhiên. Trung Phi có hết mọi sự nhưng không tiến lên được (RG 18-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

ĐỨC THÁNH CHA KHÍCH LỆ CÁC THỪA SAI LOAN BÁO CHÚA KITÔ TRONG CÁC VÙNG NGOẠI Ô

ĐỨC THÁNH CHA KHÍCH LỆ CÁC THỪA SAI LOAN BÁO CHÚA KITÔ TRONG CÁC VÙNG NGOẠI Ô

CATAMARCA: Trong sứ điệp gửi các thừa sai tham dự Đại hội truyền giáo toàn quốc lần thứ IV tại Catamarca, nước Argentina, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ các thừa sai loan báo Chúa Kitô trong các vùng ngoại ô cuộc sống.

Hơn 1,000 thừa sai đến từ khắp nơi trong nước Argentina đã tham dự đại hội trong các ngày 17-19 tháng 8 năm 2013. Thánh lễ khai mac đại hội đã do Đức Cha Luis Urbanc, Giám Mục Catamarca chủ sự. Cùng đồng tế có nhiều Giám Mục trong đó có Đức Cha Vicente Bokalic, Giám Mục phụ tá Buenos Aires Chủ tịch Ủy ban truyền giáo của Hội Đồng Giám Mục Argentina, và Đức Cha Jorge Lozano Giám Mục Gualeguaychú, Chủ tịch Ủy ban mục vụ xã hội, Linh Mục Mario De Sanzi Dante, Giám đốc Hiệp hội truyền giáo Argentina và Linh Mục Carlos Robledo, Giám đốc văn phòng truyền giáo Catamarca.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho các thừa sai ơn sức mạnh và lòng can đảm để hoạt động không sợ hãi và không bị cám dỗ sống một cuộc sống dễ dãi. Đức Thánh Cha hứa gần gũi các vị trong Thánh Lễ và lời cầu nguyện.

Đại hội này có mục đích chuẩn bị cho Đại hội truyền giáo Mỹ châu La tinh lần thứ IV sẽ khai diễn vào tháng 11 năm 2013 tại Caracaibo bên Venezuela (FIDES 19-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Theo Chúa Giêsu là luôn nhìn lên Chúa và đi theo Người, cho dù có phải trả giá mắc mỏ.

Theo Chúa Giêsu là luôn nhìn lên Chúa và đi theo Người, cho dù có phải trả giá mắc mỏ.

Theo Chúa Giêsu là luôn nhìn lên Chúa và đi theo Người, cho dù có phải trả giá mắc mỏ. Sức mạnh đích thật của kitô hữu là sức mạnh của sự thật và tình yêu thương, bao gồm việc từ chối mọi bạo lực. Đức tin và bạo lực không tương hợp với nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 18-8-2013.

Mở đầu bài huấn đụ Đức Thánh Cha nói: Trong phụng vụ hôm nay chúng ta nghe các lời này của thư gửi tín hữu Do thái: ”Chúng ta hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,1-2). Đây là một kiểu diễn tả, mà chúng ta phải đặc biệt nhấn mạnh trong năm Đức Tin này. Áp dụng vào cuộc sống tín hữu Đức Thánh Cha nói:

Cả chúng ta nữa trong suốt năm nay, chúng ta cũng hãy hướng nhìn lên Chúa Giêsu, bởi vì đức tin đến tư Người, là tiếng ”xin vâng” của chúng ta trong tương quan con thảo với Thiên Chúa; chính Người là Đấng trung gian duy nhất của tương quan ấy giữa chúng ta với Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên Trời. Đức Giêsu là Con, và chúng ta là con trong Người.

Nhưng Lời Chúa trong Chúa Nhật này cũng chứa đựng một lời nói của Đức Giêsu khiến cho chúng ta bị khủng hoảng, và nó phải được giải thích, nếu không nó có thể gây ra các hiểu lầm. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ”Các con tưởng rằng Thầy đến để ban bình an cho trái đất sao? Không, Thầy bảo cho các con biết, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12,51). Điều nay có nghĩa là gì? Và Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Nó có nghĩa là đức tin không phải là một cái gì để trang hoàng, trang sức; không phải là trang hoàng cuộc sống với một chút tôn giáo, hay như chiếc bánh với một chút kem sữa. Không! Đức tin bao gồm việc lựa chọn Thiên Chúa như là tiêu chuẩn nền tảng của cuộc sống, và Thiên Chúa không phải là trống không, không trung lập, Thiên Chúa luôn luôn tích cực, Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu thì tích cực. Sau khi Chúa Giêsu đến trần gian, không còn có thể làm như thể chúng ta không biết Thiên Chúa. Như thể Người là một điều trừu tượng, trống rỗng, quy chiếu thuần túy danh từ, không, Thiên Chúa có một gương mặt cụ thể, có một tên gọi: Thiên Chúa là lòng thương xót. Thiên Chúa là sự trung thành, là sự sống tự trao ban cho tất cả chúng ta. Chính vì vậy Chúa Giêsu nói Thầy đến để đem chia rẽ, không phải Chúa Giêsu muốn chia rẽ con người với nhau, trái lại, Chúa Giêsu là niềm an bình của chúng ta, là sự hòa giải của chúng ta. Nhưng niềm an bình ấy không phải là sự an bình của các nấm mồ, không phải sự trung lập, Chúa Giêsu không đem đến sự trung lập; sự bình an này không phải là một giàn xếp bằng mọị giá. Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa đích thực của việc theo Chúa như sau:

Theo Chúa Giêsu bao gồm việc khước từ sự dữ, ích kỷ và lựa chọn sự thiện, chân lý, công bằng, cả khi nó đòi buộc hy sinh và từ bỏ các lợi lộc. Và chính điều này chia rẽ; chúng ta biết, nó chia rẽ cả những tương quan chặt chẽ nhất. Nhưng hãy chú ý: không phải Chúa Giêsu chia rẽ đâu! Người đưa ra tiêu chuẩn: sống cho chính mình, hay sống cho Thiên Chúa và cho tha nhân; làm cho mình được hầu hạ hay hầu hạ; vâng lời cái tôi của mình hay vâng lời Thiên Chúa. Đó, Chúa Giêsu ”là dấu chỉ sự mẫu thuẫn” là trong nghĩa đó (Lc 2,34).

Như vậy, lời này của Tin Mừng không cho phép sử dụng sức mạnh để phổ biến đức tin. Trái lại: sức mạnh của kitô hữu là sức mạnh của chân lý và của tình yêu, bao gồm tư bỏ mọi bạo lực. Đức tin và bạo lực không tương hợp với nhau. Trái lại, đức tin và sự mạnh mẽ đi đôi với nhau. Tín hữu kitô không bạo lực, nhưng mạnh mẽ. Và với sức mạnh nào? Sức mạnh của sư hiền dịu, sức mạnh của sự hiền dịu, sức mạnh của tình yêu thương.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, cả giữa các người bà con của Chúa Giêsu cũng có vài người cho tới điểm nào đó đã không chia sẻ kiểu sống và giảng dậy của Người; Tin Mừng nói với chúng ta như thế (x. Mc 3,20-21). Nhưng Mẹ Người đã luôn luôn trung thành theo Người, dán chặt cài nhìn trên trái tim Chúa Giêsu, Con Đấng Tối Cao, và trên mầu nhiệm của Người. Và sau cùng, nhờ đức tin của Mẹ Maria, các người bà con của Chúa Giêsu đã bước vào làm thành phần của cộng đoàn kitô tiên khởi (x. Cv 1,14). Chúng ta cũng hãy xin Mẹ Maria trợ giúp chúng ta biết gắn chặt cái nhìn nơi Chúa Giêsu, và theo Người, cho dù có phải trả giá mắc mỏ.

Anh chị em hãy nhớ: theo Chúa Giêsu không phải là trung lập, theo Chúa Giêsu có nghĩa là để cho mình bị liên lụy,, bởi vì đức tin không phải là một đồ trang sức, mà là sức mạnh của linh hồn!

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã xin mọi người cùng ngài cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ đắm phà bên Philippines, cũng như cho gia đình và thân nhân của họ đang phải chịu đau đớn biết bao nhiêu. Ngài cũng nói chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình bên Ai Cập. Xin anh chị em tất cả cùng nói: ”Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương hòa bình, xin cầu cho chúng con! Tất cả mọi người: ”Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương hòa bình, xin cầu cho chúng con!

Đức Thánh Cha đã chào tất cả mọi người hiện diện đặc biệt là nhóm dân ca vũ Ba La đến từ Edmonton bên Canada và nhóm bạn trẻ Brambilla gần Bergamo. Khi nghe họ reo hò Đức thánh Cha nói: ”Cha thấy các con. Cha thấy các con rõ lắm! Rồi ngài nói tiếp: tôi chúc lành cho ngọn đuốc mà các bạn trẻ sẽ đi bộ đem từ Roma về tới nhà họ. Sau cùng ngài đã chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành và bữa trưa ngon miệng.

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

GIÁO HỘI ẤN ĐỘ CỬ HÀNH NGÀY CHÚA NHẬT CÔNG LÝ

GIÁO HỘI ẤN ĐỘ CỬ HÀNH NGÀY CHÚA NHẬT CÔNG LÝ

NEW DEHLI: Nhân kỷ niệm 50 năm Đức Chận phước Giáo Hoàng Gioan XXIII công bố thông điệp ”Hòa bình dưới thế”, Ủy ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ đã phát động Ngày Chúa Nhật Công Lý, mừng vào Chúa Nhật sau lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời năm nay 2013 là 18-8, cũng là ngày độc lập của Ấn Độ.

Đức Cha Yvon Ambroise, Chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa Bình, cho biết mục đích ngày Chúa Nhật Công Lý là mời gọi tín hữu suy tư về một trật tự thế giới mới, dựa trên các cột trụ sự thật, công lý, tình yêu thương và sự tự do; và lấy hứng từ nền văn hóa hòa bình mà Thông điệp mời gọi thực thi. Đơn thuốc hòa bình mà thông điệp cống hiến cho chúng ta rất đơn sơ: đó là thừa nhận phẩm giá con người, tôn trong các quyền của mỗi người trong tất cả mọi tương quan với nhau, đối thoại như dụng cụ giải quyết các xung khắc, lo lắng đối với các vụ tàn sát và tàn phá do chiến tranh gây ra. Thông điệp cũng yêu cầu chấm dứt nạn thi đua vũ trang. Và lời mời gọi này cũng hướng tới Ấn Độ, vì Ấn Độ là một trong các nước nhập cảng nhiều khí giới nhất, và là một trong 24 nước đã không ký vào Thỏa hiệp về việc hạn chế buôn bán vũ khí, do Liên Hiệp Quốc đề ra. Cho đến nay thỏa hiệp này đã được 70 nước ký nhận. Nó đòi buộc sự trong sáng trong việc mua bán vũ khí, và từ chối bán vũ khí cho các nước có nguy cơ chiến tranh.

Nhắc lại sự kiện Hội Đồng Giám Mục Ấn đã thành lập Ngày Chúa Nhật Công Lý hồi năm 1983, Đức Cha Ambrose cho biết mục đích là gây thức cho các cá nhân và tổ chức xã hội bổn phận thăng tiến công lý xã hội. Con đường duy nhất dẫn tới hòa bình là sống công bằng và tha thứ, khước từ bạo lực và báo oán. Chỉ có tình yêu thương mới có sức mạnh biến đổi xã hội.

Các Giám Mục Ấn cũng bầy tỏ âu lo đối với tình trạng xã hội Ấn hiện nay, trong đó chính trị và kinh tế loại trừ người nghèo, không thăng tiến môi sinh, coi con người như các chủ thể tiêu thụ, và vi phạm các quyền con người. Chính vì thế Chúa Nhật Công Lý là lời mời gọi mọi thành phần và tổ chức xã hội dấn thân thăng tiến việc thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ các quyền con người. Các Giám Mục cũng xin các linh mục giảng về công lý và các quyền con người trong các thánh lễ (SD 16-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

“Ta muốn lửa ấy cháy lên”

“Ta muốn lửa ấy cháy lên”

Bài Phúc âm Chúa nhật hôm nay là một trong những đoạn khó nhất, vì Chúa Giêsu đã sử dụng những từ ngữ mà xem ra có một ý nghĩa khác với ý nghĩa chúng ta thường hiểu. Lửa, Phép Rửa, sự chia rẽ và Chúa xác nhận đây là sứ mạng không thể bỏ qua được của Ngài khi xuống trần gian: “Thầy đến để mang lửa xuống thế gian và Thầy thật ao ước biết chừng nào cho lửa ấy cháy lên. Thầy còn một Phép Rửa phải chịu, anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình, không phải thế đâu nhưng là đến đem sự chia rẽ”.

Thật là những quả quyết khó hiểu nếu không phải do chính chúa nói ra, và nếu chúng ta có quyền thay đổi Lời Chúa thì có lẽ chúng ta đành bỏ đi những lời khó hiểu này rồi. Chúa Giêsu nói đến lửa nào đây? Ngài nhắc đến phép rửa sắp phải chịu, Phép rửa nào đây? Con người khao khát hòa bình, nhưng Chúa lại nói sứ mạng của Ngài mang đến sự chia rẽ, vậy sự chia rẽ nào đây?

Trong vài phút chia sẻ này chúng ta không thể thực hiện một công việc bác họ chú giải, nhưng chỉ cố gắng nhìn tổng quát những Lời Chúa muốn nói với chúng ta. Lửa trong ngôn ngữ Kinh Thánh Cựu ước chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Môisen được Thiên Chúa Toàn Năng hiện ra nơi bụi gai dưới hình thức lửa bốc cháy. Lửa này có sức mạnh biến đổi, thanh luyện con người để hình ảnh của Thiên Chúa được chiếu sáng rõ ràng hơn nơi chính mình.

Sức mạnh cứu rỗi của Chúa Giêsu trên trần gian này không khác gì hơn là làm cho Thiên Chúa được hiện diện trong cuộc sống con người, là biến đổi và thanh tẩy con người khỏi vết nhơ tội lỗi, để con người được tỏa chiếu sáng hơn hình ảnh của Thiên Chúa: “Thầy đến để mang lửa” hay đúng hơn “để gieo lửa”. Hành động gieo lửa nổi lên một sự tích cực nhiều hơn là từ ngữ “mang”. Chúa Giêsu không chỉ mang xuống mà Ngài còn ra sức tận dụng hết sức mình, tận dụng hết khả năng của Ngài để gieo rắc lửa đó xuống trần gian giữa những gian nan thử thách, chống đối không tin của con người. Sứ mạng này Chúa phải chu toàn, không thể nào tránh né được.

Chúng ta còn nhớ vào khởi đầu sứ mạng rao giảng Tin Mừng, ma quỉ đã đến cám dỗ Chúa hãy quì xuống tôn thờ ma quỉ để rồi mọi vinh quang, mọi vương quốc trên trần gian này được trao cho Chúa. Nhưng Chúa Giêsu đã mạnh mẽ không để cho ma quỉ làm Ngài lạc hướng, vì mục đích đời Ngài chỉ làm cho con người tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi. Sứ mạng của Chúa lúc nào cũng phải là làm cho Thiên Chúa được nhìn nhận, được tôn thờ và được tôn vinh nơi con người, dù phải trả giá thật đắt là phải hy sinh chính mạng sống mình trên thập giá.

Cái chết của Chúa, cuộc thương khó của Ngài, đó là Phép Rửa mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Thầy còn một Phép Rửa phải chịu”. Chúng ta nhớ trên đường lên Giêrusalem để thực hiện cuộc vượt qua trong đau thương, hai môn đệ Giacôbê và Gioan nhờ mẹ mình đến xin Chúa Giêsu cho được ngồi bên tả, bên hữu Chúa và Chúa Giêsu đã có phản ứng như sau: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống hay chịu được Phép Rửa Thầy sắp chịu hay không? Chén Thầy uống các con cũng sẽ uống và Phép Rửa Thầy chịu các con cũng sẽ chịu”.

Rõ ràng, Chúa Giêsu nói đến cuộc thương khó của Người qua từ ngữ “Phép Rửa”. Chúa Giêsu phải đi vào cuộc thương khó, phải thực hiện cuộc hy sinh trên thập giá để có thể gieo lửa tình yêu Thiên Chúa xuống trần gian, nhất là gieo tình yêu đó vào trong tâm hồn con người. Đây không phải là sứ mạng dễ dàng, một sứ mạng đòi hỏi nhiều hy sinh, một sứ mạng đòi Chúa phải hy sinh chính mạng sống mình và đổ máu mình ra trên thập giá và Ngài mời gọi các môn đệ hãy đi qua, đi ngang con đường này.

Trong một ngôn ngữ dễ hiểu hơn, Ngài đã mời gọi: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác lấy thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Ai không vác lấy thập giá mà theo Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta”. Thật là những lời vừa mời gọi, vừa cảnh tỉnh mà chúng ta không thể nào lơ là bỏ qua được.

Cuộc đời theo Chúa, đón nhận lửa Chúa gieo xuống và lãnh nhận Phép Rửa Chúa chịu. Cuộc đời theo Chúa này là một cuộc đời đầy hy sinh từ bỏ, chấp nhận tách rời ra khỏi những gì cản trở ta trở nên giống Chúa và đây là sự chia rẽ mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Theo Chúa, sống trung thành với Lời Chúa, lãnh nhận lửa tình yêu của Chúa trong tâm hồn và chấp nhận hy sinh như Chúa đã hy sinh trên thập giá, chấp nhận chịu Phép Rửa của Chúa. Theo Chúa như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ được bình an thật Chúa ban cho, nhưng đồng thời chúng ta cũng bị chia rẽ, bị tách rời ra khỏi kẻ khác, nhất là khi những kẻ khác đó a dua hoạt động cho ma quỉ chống lại chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa.

Người đồ đệ của Chúa không thể nào đi con đường khác con đường mà Chúa đã đi qua, và sứ mạng mà Chúa muốn cho mọi người đồ đệ thực hiện cũng là sứ mạng gieo lửa xuống trần gian qua cuộc đời chịu đóng đinh với Chúa, chịu Phép Rửa của Chúa. Thử hỏi chúng ta có sẵn sàng chưa? Chúng ta có đủ can đảm chưa? Và chúng ta muốn theo Chúa, chúng ta xin được theo Chúa trọn đời nhưng chúng ta có biết rõ điều chúng ta xin hay không?

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta được trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến, cho mỗi người chúng ta được sẵn sàng hơn để đón nhận lửa Thiên Chúa đến trong tâm hồn và để cho lửa đó đốt cháy những tật xấu nơi con người chúng ta. Xin Chúa cho mỗi ngày chúng ta được trở nên giống Chúa hơn, cho chúng ta được sẵn sàng chịu phép rửa của Chúa, chấp nhận hy sinh, chấp nhận từ bỏ, chấp nhận chia rẽ, tách rời khỏi những gì cản trở ta theo Chúa. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua Kinh Tin Kính.

Veritas Radio

Ánh sáng và bóng tối

Ánh sáng và bóng tối

Một đạo sĩ Ấn Độ hỏi các đệ tử: “Này các con, các con có biết khi nào đêm tàn và ngày xuất hiện không?”. Các môn đệ thi nhau trả lời. Có người hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện là khi mà nhìn một đoàn vật từ xa người ta có thể phân biệt được con nào là con bò, con nào là con trâu không?”. Thày lắc đầu: “Không phải”. Một đệ tử khác lại hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui, là khi từ xa nhìn vào vườn cây người ta có thể phân biệt cây nào là cây xoài, cây nào là cây mít không?”. Thày vẫn lắc đầu. Không đệ tử nào trả lời được câu hỏi. Lúc đó, đạo sĩ mới từ từ nói: “Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nhìn vào mặt nhau, người ta nhận ra nhau là anh em”.

Thật kỳ lạ. Chúng ta đã biết nhiều loại ánh sáng như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, ánh sáng đèn điện, đèn pin, ánh sáng đèn dầu, đèn cầy. Cả những ánh sáng tinh vi như tia hồng ngoại, tia X. Tất cả chỉ soi sáng cho thấy sự vật như nó là. Không có ánh sáng nào soi vào mặt một người xa lạ có thể biến người đó thành anh em mình cả. Thứ ánh sáng ấy ở đâu?

Mẹ Têrêxa có thể trả lời câu hỏi này. Một hôm, Mẹ ghé thăm một người đàn ông tội nghiệp. Ông sống trong một túp lều tồi tàn, lụp xụp. Bên trong lều là cả một bãi rác mênh mông. Mùng mền, chăn chiếu, quần áo hỗn độn, rách nát và hôi hám. Nhà cửa, đồ đạc phủ một lớp bụi dầy. Thế mà ông lão tự giam mình trong đống rác ấy. Ông ghét bỏ mọi người nên không lui tới với ai. Ông sống cô độc. Mẹ Têrêxa và các chị vào chào ông. Ông làm thinh không đáp. Thấy căn lều hỗn độn, bụi bặm, các chị xin phép ông dọn dẹp, ông không trả lời. Mặc kệ! Các chị cứ bắt tay vào dọn dẹp, xếp đặt, lau chùi. Thấy trong góc lều có một cây đèn, mẹ Têrêxa lấy ra lau chùi. Chùi sạch lớp bụi, mẹ kêu lên: “Ồ, cây đèn đẹp quá!”. Ông lão bỗng lên tiếng: “Đó là cây đèn tôi tặng vợ tôi nhân dịp đám cưới”. – Ông không thắp đèn lên sao?”. – Không, từ khi vợ tôi qua đời, tôi không bao giờ thắp đèn”. – Thế ông có muốn chúng tôi tới thăm ông mỗi ngày và thắp đèn cho ông không?”. Thấy các nữ tu tử tế, ông đồng ý. Từ đó, mỗi chiều các chị đều ghé thăm, truyện trò và thắp đèn cho ông. Dần dà, ông trở nên vui vẻ yêu đời. Ông nói chuyện cởi mở với các nữ tu. Ông đi lại thăm viếng hàng xóm. Mọi người đến với ông. Căn lều hiu quạnh trở lại ấm áp. Trước kia, căn lều tăm tối không phải vì ông không thắp đèn, nhưng vì ngọn lửa trong trái tim ông lịm tắt. Nay căn lều sáng lên niềm vui không phải vì ánh sáng ngọn đèn dầu, nhưng vì ánh sáng trong trái tim ông bừng lên. Trước kia ông thù oán, xa lánh mọi người vì ánh lửa trong trái tim tàn lụi. Nay nhờ các nữ tu nhen nhúm, ngọn lửa trong trái tim ông bừng lên và ông cảm thấy tha thiết yêu mến mọi người và mọi người cũng tha thiết yêu mến ông.

Thứ ánh sáng kỳ diệu ấy phát xuất từ trái tim. Ánh sáng ấy ta thấy thấp thoáng khắp các trang sách Tin Mừng. Khi người xứ Samaria nhân hậu cúi xuống băng bó vết thương cho người bị nạn, ánh sáng bừng lên. Hai người xa lạ nhìn vào mặt nhau và nhận ra nhau là anh em.

Chúa Giêsu mang ánh sáng này xuống trần gian. Và Người ước mong cho ngọn lửa yêu thương cháy bừng lên soi sáng cho thế giới: “Thày đã đến ném lửa vào trái đất, và Thày những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”. Lời ước mong thật tha thiết nhưng có pha lẫn ngậm ngùi. Phải chi lửa ấy đã bùng lên có nghĩa là lửa ấy chưa bùng lên cao, chưa lan ra xa.

Thật vậy, nhìn vào tình hình thế giới, chiến tranh không lúc nào ngơi. Thế kỷ 20 đã biết đến hai cuộc thế chiến với biết bao thiệt hại về người về của và nhất là về tình đoàn kết. Trong thập niên 80, chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông-Tây chấm dứt, người ta tưởng rằng giấc mơ hoà bình thế là đã thành sự thật. Nhưng không, chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Rwanda, Kosovo, ở Trung Đông… ánh sáng vẫn chưa soi tới những vùng chiến tranh. Bóng tối hận thù vẫn còn vây phủ. Những người anh em vẫn còn chém giết nhau.

Nhìn vào bản thân mình, ta thấy trong ta cũng còn nhiều vùng mà ánh sáng Tin Mừng chưa soi dọi tới. Trong lòng ta vẫn còn những ngõ ngách chứa đầy bóng tối ghen ghét, hận thù. Nên ta nhìn ra chung quanh mà ít gặp được anh em mình.

Lời Chúa hôm nay tha thiết kêu gọi ta. Hãy khơi cho ngọn lửa yêu thương bừng sáng lên. Hãy đẩy lùi bóng tối chiến tranh, chia rẽ, hận thù. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận và ban phát yêu thương, xoá đi những nhỏ nhen, ích kỷ. Để mọi người nhìn nhau là anh em thực sự. Bấy giờ đêm mới tàn và ngày mới bắt đầu. Bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng, ánh sáng rực rỡ phát xuất từ những trái tim chan hoà yêu thương.

Lạy Chúa, xin hãy nhóm lên trong trái tim con ngọn lửa yêu thương của Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Bạn đang sống trong ánh sáng hay bóng tối?

2) Bạn có muốn góp phần đem ánh sáng của Chúa đi gieo rắc khắp nơi không?

3) Bạn bắt đầu chiếu sáng bằng cách nào?

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

TÔI CÓ NÊN QUỲ GỐI?

TÔI CÓ NÊN QUỲ GỐI?

Sự tận tụy với Chúa Giêsu, đôi khi đưa chúng ta vào vị thế đối nghịch với những người chúng ta yêu mến

Một khoảng thời gian trước đây, nhà bỉnh bút Arthur Jones của tờ National Catholic Reporter đã chia sẻ với độc giả một giây phút quan trọng xảy ra trong cuộc đời ông trước đây (March 28, 1986). Điều này xảy ra khi ông được chọn vào Không Lực Hoàng Gia và thấy mình ở trong một trại lính với 30 người khác.

Vào đêm đầu tiên ông có một quyết đinh lớn. Ông thường quỳ gối cầu nguyện. Bây giờ ông có nên tiếp tục quỳ gối như thế khi ở trong quân ngũ không? Ông suy nghĩ đôi chút và tự nhủ: “Tại sao tôi phải thay đổi chỉ vì người ta đang nhìn? Có phải tôi bắt đầu cuộc đời xa nhà của tôi bằng cách để cho người khác ra lệnh cho tôi những gì phải làm và không nên làm?” Ông quyết định quỳ cầu nguyện.

Vào lúc ông chấm dứt, ông biết mọi người đều để ý đến ông. Và khi ông làm dấu thánh giá, ông biết rằng mọi người đều biết ông là một người Công Giáo.

Thì ra ông là người Công Giáo duy nhất trong trại lính. Tuy nhiên, ông quỳ gối cầu nguyện hàng đêm.

Ông nói rằng mười phút quỳ cầu nguyện đó thường đưa đến những cuộc tranh luận kéo dài hàng giờ đồng hồ.

Vào ngày cuối cùng trong trại lính, có người nói với ông, “Ông là một Kitô Hữu tốt lành nhất mà tôi chưa bao giờ gặp.”

Ông trả lời, “Có thể tôi là người Kitô Hữu công khai nhất mà bạn chưa từng gặp, nhưng tôi không nghĩ tôi là người tốt lành nhất. Dù vậy, tôi cảm ơn bạn về câu nói của bạn.”

Câu chuyện này minh họa một trong những điểm của bài phúc âm hôm nay. Sự tận tụy với Đức Giêsu Kitô có nghĩa giữ vững lập trường ở những điều nào đó. Và, nhiều khi, lập trường đó đưa chúng ta vào vị thế đối nghịch với người khác.

Nhưng chính sự đối nghịch này giúp chúng ta có thể trở nên một loại nhân chứng mà Chúa Giêsu nói trong Bài Giảng Trên Núi. Người nói:

“Các con là ánh sáng cho toàn thể thế gian. Một thành xây trên núi thì không thể giấu được. Ông ai đốt đèn và đặt nó dưới đáy thùng; nhưng họ đặt nó trên giá, để chiếu sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của các con phải chiếu tỏa trước mọi người, như vậy họ sẽ thấy những việc tốt lành con làm và ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt. 5:14-16).

Nhiều khi, sự tận tụy của chúng ta với Chúa Giêsu sẽ khiến chúng ta bị bách hại, như ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc một hôm nay.

Nhiều khi nó sẽ khiến chúng ta phải cố gắng tranh đấu, như Thánh Phaolô nhận xét trong bài đọc hai.

Nhiều khi nó khiến chúng ta chống đối với ngay cả những người trong gia đình, như Chúa Giêsu cảnh giác trong bài phúc âm hôm nay.

Đây là một trong những lý do tại sao người La Mã xưa đã ghét bỏ Kitô Giáo đến thế. Nó đã tách biệt gia đình họ.

Một khi đứa con trở nên một Kitô Hữu, họ không còn có thể cùng với người khác thờ phượng tà thần.

Họ không có thể cùng với người khác cổ vũ hai người nô lệ giết nhau ở đấu trường.

Họ không còn có thể cùng với người khác khuyên em gái mình hãy để bé sơ sinh tật nguyền chết dần mòn thay vì để nói lớn lên và tàn tật.

Họ không còn có thể cùng với bạn bè tham dự các cuộc vui chơi trụy lạc và vô luân là đặc điểm của xã hội Rôma thời bấy giờ.

Hàng ngày, người Kitô Hữu ở Rôma phải quyết định là họ có nên yêu thương bà con thân thuộc hơn là yêu mến Chúa Kitô không.

Và thường thường điều này khiến họ ở vào tình trạng đối nghịch với gia đình mình.

Một thí dụ cho sự đối nghịch như thế xảy ra trong vở kịch Fiddler on the Roof. Câu chuyện xảy ra ở Nga vào năm 1905. Vở kịch tập trung vào một người tên là Tevye, người cha của một gia đình Do Thái nghèo. Tevye có năm cô con gái và không có con trai.

Cô gái lớn lấy một thợ may là người không được chọn cho cô theo truyền thống “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Sau khi vật lộn với lương tâm của mình, ông Tevye phải chấp nhận hôn nhân này.

Cô con gái kế kết hôn với một sinh viên, là người đã đạp đổ nhiều truyền thống của Do Thái Giáo. Lại một lần nữa phải vật lộn với lương tâm, ông Tevye cũng phải chấp nhận hôn nhân này.

Sau cùng, cô con gái thứ ba, Chava, kết hôn với một người không phải Do Thái, một quân nhân Nga còn trẻ. Khi bà Golde, vợ ông Tevye, báo tin này, ông nói, “Với chúng ta, con Chava đã chết! Chúng ta phải quên nó đi.”

Bà Golde biến dạng sau hậu trường, và ông Tevye bắt đầu cất tiếng ca bài được gọi là “Chavaleh”. Trong đó ông tâm sự với Thiên Chúa. Ông không hiểu tại sao Chava lại làm điều mà cô đã làm.

Vào lúc đó, Chava xuất hiện và bắt đầu nài nỉ ông Tevye chấp nhận cô và chồng cô. Ông Tevye ngước mắt lên trời và nói: “Làm thế nào con có thể chấp nhận chúng? Có thể nào con từ chối mọi điều con tin? Đằng khác, có thể nào con từ chối chính đứa con của con?… [Nhưng nếu con từ chối mọi điều con tin tưởng…] nếu con cố bẻ cong như thế, con sẽ gẫy… Không, Chava.”

Khi Chúa Giêsu mời người ta theo Người, Chúa biết điều mà Người yêu cầu nơi họ. Với một số người, điều đó có nghĩa phải thi hành điều mà cô Chava đã làm. Có nghĩa từ bỏ cha mẹ, và gia đình.

Nói cách khác, lời hứa với Chúa Giêsu thì phải ở vị thế ưu tiên trên mọi thứ khác, ngay cả lời hứa với gia đình mình.

Và đây là thông điệp của các bài đọc hôm nay. Đó là một thông điệp mà nó quan trọng trong ngày nay cũng như vào thời của Chúa Giêsu. Lời hứa của Kitô Hữu với Chúa Giêsu và Chúa Cha phải giữ ưu tiên trên mọi thứ khác. Lời hứa của Kitô Hữu đối với sự sáng và sự thật thì không thể tương nhượng bất cứ cách nào.

“Các con là ánh sáng cho toàn thể thế gian. Một thành xây trên núi thì không thể giấu được. Ông ai đốt đèn và đặt nó dưới đáy thùng; nhưng họ đặt nó trên giá, để chiếu sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của các con phải chiếu tỏa trước mọi người, như vậy họ sẽ thấy những việc tốt lành con làm và ngợi khen Cha các con ở trên trời” Mt. 5:14-16

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự can đảm để đi theo Chúa, dù rằng điều đó khiến chúng con phải tranh đấu, như Thánh Phaolô viết trong bài đọc hai hôm nay.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự can đảm để đi theo Chúa, dù rằng điều đó khiến chúng con bị bách hại, như ngôn sứ Giêrêmia đã bị trong bài đọc một hôm nay.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự can đảm để đi theo Chúa, dù rằng, đôi khi điều đó đưa chúng con vào thế đối nghịch với gia đình, như Đức Giêsu đã cảnh giác chúng con trong bài phúc âm hôm nay.

Lm. Mark Link, S.J.

HỘI ĐỒNG ĐẠI KẾT CÁC GIÁO HỘI KITÔ KÊU GỌI HÒA BÌNH CHO AI CẬP

HỘI ĐỒNG ĐẠI KẾT CÁC GIÁO HỘI KITÔ KÊU GỌI HÒA BÌNH CHO AI CẬP

GENÈVE: Hôm 16-8-2013, mục sư Olav Fykse Tveit, Tổng thư ký Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô, có trụ sở tại Genève bên Thụy sĩ, đã kêu gọi cầu nguyện cho việc chữa lành, công lý và hòa bình cho nhân dân Ai Cập.

Lời kêu gọi của Mục sư tiếp theo lời kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra trong buổi đọc Kinh Truyền Tin sau thánh lễ cử hành cho hàng ngàn tín hữu và du khách hành hương tại Castel Gandolfo sáng ngày 15-8-2013. Thông cáo của Hội Đồng các Giáo Hội Kitô khẳng định rằng các vụ bạo động xảy ra tại Ai Cập, làm cho hàng trăm người chết và hàng chục nhà thờ và cơ sở của các Kitô hữu bị đốt phá, đã khiến cho các Giáo Hội Kitô rất đau buồn. Vì thế chúng tôi kêu gọi mọi phía chấm dứt ngay các bạo lực này. Dân nước Ai cập đang phải trải qua một giai đoạn lịch sử khó khăn kể từ các diễn tiến chính trị năm 2011. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác nhau người dân ai Cập đã chứng minh cho thấy họ tin vào một xã hội đa tôn giáo và đa văn hóa, nơi mọi phía có thể nắm tay nhau đương đầu với các thách đố và chung xây một tương lại tốt đẹp hơn. Mục sư Tveit hy vọng rằng những gì đang xảy ra bên Ai Cập không bị giải thích là một xung xột giữa các Kitô hữu và các tín hữu hồi. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ủi an và chữa lành các vết thương và đồng hành với nhân dân Ai Cập trên con đường công lý và hòa bình.

Các tin tức nhận được cho biết trong ngày 14-8-2013 các vụ đụng độ giữa các lực lượng an ninh và các đoàn người biểu tình ủng hộ ông Morsi và đảng các Anh em hồi giáo đã khiến cho 200 người bị chết trong đó cũng có nhiều cảnh sát. Số người chết trong ngày 15-8-2013 trên toàn nước Ai Cập đã lên tới 638 người.

Các người biểu tình và thành viên của đảng Anh em hồi giáo cũng đã đốt một dinh thự của chính quyền gần thủ đô Cairo, và đã có 17 nhà thờ Kitô bị cướp bóc và đốt phá. Tại Suez nhà thờ dòng Chúa Chiên Lành, trường học và nhà thương kế cận bị cướp phá. Tại miền băc Minya nhà thờ công giáo Copte Mar Guirgis bị đốt phá cùng với nhà thờ thánh Marcô của các cha dòng Tên và tu viện của các nữ tu dòng thánh Giuse. Ở mạn bắc Beni Souef trên sông Nil tu viện Đức Mẹ Vô Nhiễm của dòng Phanxicô cũng bị đốt phá. Trong khi ở miền trung Ai Cập tại Asyut nhà thờ thánh nữ Têrêxa của các cha dòng Phanxicô và tu viện của các nữ tu Phanxicô cũng bị đốt.

Trong thủ đô Cairo các kẻ tấn công đã ném đá và tấn công cửa nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Fatima. Tổng cộng có tới 25 vụ tấn công khác nhau chống lại các nhà thờ chính thống và Tin Lành. Trong số các Kitô hữu bị giết đặc biệt có bé gái Jessica Boulos, 10 tuổi bị một người vũ trang bắn chết tuần vừa qua trên đường từ lớp học Thánh Kinh ở nhà thờ tin lành Cairo về nhà.

Bà Nina Shea, giám đốc Trung tâm bảo vệ tự do tôn giáo của Học viện Hudson Washington DC, đã viết một bài trên báo điện tử và than phiền về thái độ dửng dưng của Hòa Kỳ đối với thảm cảnh của các Kitô hữu Ai Cập, bị đảng các Anh em hồi giáo và các nhóm ủng hộ ông Morsi biến thành con dê đền tội (SD, CNA 15-9-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Người Bắc Hàn đầu tiên đang được cứu xét phong chân phước

Người Bắc Hàn đầu tiên đang được cứu xét phong chân phước

Văn phòng quốc vụ khanh Tòa Thánh công bố những phần điều chỉnh trong Niên Giám Tòa Thánh hai lần một tháng. Cuốn niêm giám phát hành ngày 1-7 vừa qua có một mẩu tin gây tò mò về một trong những quốc gia bí mật nhất trên thế giới là Bắc Hàn, quốc gia thường xuyên trở thành tin tức chính trên báo đài quốc tế vì đe dọa dùng vũ khí hạt nhân.

Mẩu tin đó nói cuối cùng Tòa Thánh cũng đang công nhận giáo phận Bình Nhưỡng trống tòa, sau khi Đức Giám mục Francis Borgia Hong Yong-ho qua đời. Ngài sinh ngày 12-10-1906, chịu chức linh mục ngày 25-5-1933, được Đức Piô XII bổ nhiệm làm đại diện tông tòa ngày 24-3-1944 và được tấn phong giám mục vào ngày 29-6 sau đó.

Nhưng tin đó không nói một vị giám chức qua đời ở tuổi đáng kính trên 106, vốn là một kỷ lục, mà là trong cuốn sách không còn cái tên Hong nữa, người được gọi là đấng bản quyền của Bình Nhưỡng và được nêu rõ là “mất tích” trong nhiều thập niên.

Thật ra, Đức cha Hong nằm trong số 166 giáo sĩ bị giết hoặc bị bắt cóc trong lúc diễn ra các cuộc bắt đạo khủng khiếp ở Bắc Hàn vào cuối thập niên 1940 khi chính quyền cộng sản của Kim Il-sung ra đời.

Do đó trong hơn 60 năm người ta không biết thêm gì về ngài, nhưng Tòa Thánh không hề quên ngài, và luôn nhớ tên ngài.

Không chỉ thế. Vào ngày 10-3-1962, Đức Gioan XXIII quyết định nâng hạt đại diện tông tòa Bình Nhưỡng lên hàng giáo phận, và bổ nhiệm Đức ông “mất tích” Hong làm giám mục tiên khởi.

Tòa Thánh kiên trì giữ tước hiệu giám mục “mất tích” trong nhiều thập niên, như Đức Hồng y Nicholas Cheong Jinsuk, hiện nay là giám mục danh dự của Seoul giải thích cách đây nhiều năm, đây là “cách Tòa Thánh kỷ niệm biến cố Giáo hội ở Triều Tiên đã trải qua và bây giờ vẫn còn”.

Nhưng quyết định công nhận Đức cha Hong đã chết được công bố trong năm nay không có nghĩa là “biến cố” này của Giáo hội Triều Tiên được xem là đã khép lại. Có động cơ khác. Nó liên quan đến việc các giám mục Triều Tiên yêu cầu bộ phong thánh công bố “không có ngăn trở gì” khi mở án phong chân phước cho Đức cha Hong và 80 bạn tử đạo của ngài. Và dĩ nhiên không có ai có thể là ứng viên được tôn phong thánh nếu chưa chết.

Nguồn: La Chiesa/EspressoOnline.net

UCANEWS

THỂ THAO LÀ ƠN CỦA THIÊN CHÚA VÀ LÀ PHƯƠNG CÁCH THÔNG TRUYỀN NHÂN BẢN

THỂ THAO LÀ ƠN CỦA THIÊN CHÚA VÀ LÀ PHƯƠNG CÁCH THÔNG TRUYỀN NHÂN BẢN

VATICAN: Trong buổi tiếp hai đội banh Italia và Argentina sáng 13-8-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các cầu thủ bóng đá ý thức được trách nhiệm xã hội của họ, vì cung cách sống của họ là điểm quy chiếu cho giới trẻ.

Ngỏ lời với các cầu thủ của hai đội banh bằng tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha Đức Thánh Cha đề cao trách nhiệm xã hội lớn lao của họ. Sự kiện họ nổi tiếng khiến cho dân chúng theo dõi họ trong sân chơi cũng như khi ở ngoài sân chơi. Bóng đá hấp dẫn vì có ba yếu tố: vẻ đẹp, sự nhưng không và tình đồng đội. Không có chỗ cho chủ nghĩ cá nhân, nhưng tất cả đều được phối hợp cho đội banh. Cả ba yếu tố đó được tóm gọn trong từ ”yêu thích”.

Tuy thể thao cần được tổ chức trên bình diện quốc gia, quốc tế và chuyên nghiệp, nhưng nó không được bỏ rơi ơn gọi ban đầu của nó là ”mộ điệu”. Khi một nhà thể thao, tuy chuyên nghiệp, nhưng vun trồng chiều kích ”yêu thích”, thì họ sinh ích cho xã hội, họ xây dựng thiện ích chung, bằt đầu từ các giá trị của sự nhưng không, tình đồng đội và vẻ đẹp.

Tiếp tục suy tư về thể thao Đức Thánh Cha nói điều này đưa tới chỗ nghĩ rằng trước khi là các nhà vô địch, các bạn phải là người, là con người nhân bản với các đức tính và các khuyết điểm, với con tim và tư tưởng, các khát vọng và các vấn đề của mình. Và khi đó, tuy có là các nhân vật, các bạn sẽ luôn luôn là người, trong thể thao và trong cuộc sống. Là người, nhưng là người đem theo sự nhân bản.

Quay sang các người lãnh đạo Đức Thánh Cha nói thể thao đích thật quan trọng. Như vài bộ môn khác, bóng đá đã trở thành một kỹ nghệ làm ăn lớn, nhưng phải làm sao để nó đừng đánh mất đi tính cách thể thao của nó. Việc thăng tiến thái độ ”yêu thích” giúp loại bỏ một cách vĩnh viễn nguy cơ kỳ thị. Khi các đội banh đi theo con đường này, thì sân vận động được phong phú về tính nhân bản; bạo lực biến mất, và người ta lại thấy các gia đình trên các hàng ghế sân vận động.

Riêng với các ông bầu và các cầu thủ đội banh Argentina Đức Thánh Cha xin họ sống thể thao như là một ơn của Thiên Chúa, một cơ may phát huy các tài năng cũng như trách nhiệm của họ. Vì cung cách hành xử của họ, trong sân đấu cũng như ở ngoài, trong cuộc sống, họ là một điểm tham chiếu, một gương mẫu… Thiện ích mà họ làm được gây ấn tượng. Với cung cách hành xử, với các trận đấu, với các giá trị của họ, các cầu thủ đem lại thiện ích. Người ta nhìn vào họ. Vì thế phải lợi dụng nó để gieo vãi sự thiện. Các cầu thủ là mẫu gương trong sự thiện cũng như trong sự dữ. Do đó cần ý thức được điều này và nêu gương liêm chính, tôn trọng và vị tha. Các cầu thủ túc cầu cũng là những tác nhân của hòa bình xã hội. Đức Thánh Cha nói: Tôi tin tưởng nơi tất cả thiện ích, mà các bạn có thể làm cho giới trẻ. Tôi cầu xin để các bạn có thể thăng tiến ơn gọi cao qúy này của thể thao. Xin Chúa chúc lành cho các bạn và xin Đức Mẹ gìn giữ các bạn. Tôi cũng xin các bạn cầu nguyện cho tôi, để trong ”sân”, trong đó Thiên Chúa đã đặt để tôi, tôi có thể chơi một trận liêm chính và can đảm cho thiện ích của tất cả chúng ta.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã làm phép một cây ô liu, biểu tượng cho hòa bình trên toàn thế giới. Nó được trồng tượng trưng tại sân thế vận Roma, và sau mùa hè sẽ được trồng trong vườn Vatican. Đức Thánh Cha đã bắt tay từng cầu thủ một và nói chuyện với họ.

Trước đó ông Giancarlo Abete, chủ tịch Liên hiệp túc cầu Italia, đã nhân danh 1.5 triệu thành viên của hơn 15,000 hiệp hội và 70,000 đội banh chuyên nghiệp và không chuyện nghiệp, bao gồm cả các học sinh, cùng với các trọng tài và nhân viên kỹ thuật, đã ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha và cảm ơn sự ưu ái ngài dành cho hai đội banh và giới túc cầu. Ông nói ngoài tính cách bình dân ngoại thường, bóng đá còn là một chứng tá dấn thân dân sự và xã hội, một túc cầu lành mạnh và trong sạch, giúp phát huy tình liên đới, việc hội nhập xã hội không phân biệt, và bảo vệ các giá trị luân lý đạo đức chống lại mọi bạo lực và bất hợp pháp. Đó cũng là dấn thân của Liên hiệp túc cầu Italia trong nỗ lực thăng tiến con người, tái khẳng định phẩm giá và sự tôn trọng con người (SD 13-8-2013).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

CÁC GIÁM MỤC GUATEMALA KHÍCH LỆ TÍN HỮU RAO TRUYỀN TIN MỪNG

CÁC GIÁM MỤC GUATEMALA KHÍCH LỆ TÍN HỮU RAO TRUYỀN TIN MỪNG

THÀNH PHỐ GUATEMALA: Trong thư mục vụ công bố nhân Năm Đức Tin các Giám Mục Guatemala khích lệ tín hữu ý thức được sự cấp thiết phải loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người chưa biết Chúa mà không có thành kiến hay óc phe phái.

Trong thư các Giám Mục khẳng định rằng tín hữu không tin cho chính mính, để có thể là tín hữu cần phải thông truyền, phố biến và làm chứng niềm vui của đức tin. Năm Đức Tin không phải là năm tưởng niệm, nhưng là một thời gian canh tân, lấy đà tạo dựng để dấn thân rao truyền Tin Mừng trong các tình trạng mới của thế giới ngày nay. Việc thông truyền đức tin là phần của cuộc sống Kitô. Trong xã hội và nền văn hóa ngày nay có ba lãnh vực cần phải gieo vãi và thông truyền đức tin và để cho quyền năng biến đổi của Tin Mừng hoạt động: đó là gia đình, nơi làm việc và cộng đoàn.

Tiếp tục thư mục vụ các Giám Mục Guatemala nhấn mạnh rằng các tương quan nhân bản không chỉ được xây dựng trên công lý và sự bình đẳng, mà cũng được ghi dấu bởi sự nhưng không thúc đẩy tình liên đới và sự hòa giải. Các Giám Mục cũng ôn lại lịch sử truyền giáo tại Guatemala từ các nạn bạo lực của thời thuộc địa, tới chứng tá của những người bênh vực các thổ dân, từ các xung đột vũ trang thời nay tới các hy sinh của biết bao nhiêu thừa sai nam nữ bị sát hại vì bênh vực phẩm giá và sự tự do, từ các công tác bác ái trợ giúp xã hội giáo dục do Giáo Hội điều khiển cho tới các thách đố của xã hội ngày nay muốn loại bỏ Thiên Chúa và tầm thường hóa đức tin. Các Giám Mục mời gọi tín hữu chú ý tới các năng động văn hóa ngăn cản con người đặt ra các vấn nạn nền tảng của cuộc sống, và biến họ thành nạn nhân của các quan niệm phiếm diện hời hợt giản lược vào các lợi nhuận cá nhân. Việc khước từ một quy chiếu luân lý đạo đức đại đồng trong tất cả mọi bình diện xã hội được diễn tả ra trong sự gian tham hối lộ, giải tán cơ chế gia đình, không tôn trọng sự sống, gạt bỏ ngoài lề và bất bình đẳng xã hội.

Các Giám Mục cũng tố cáo nạn các hình thái tôn giáo lan tràn lèo lái con người và làm thương mại tôn giáo. Sau cùng các Giám Mục mời gọi hàng giáo sĩ tu sĩ canh tân việc gặp gỡ Chúa Giêsu để loại trừ sự vô cảm, lối sống sang trọng và các tư tưởng mục vụ thần học mau tàn phai, và đẩy mạnh việc thông truyền Lời Chúa và lời cầu nguyện. Các Giám Mục cũng khuyến khích giáo dân lãnh trách nhiệm trong gia đình, tại nơi làm việc, chia sẻ các sinh hoạt xã hội khác nhau và làm chứng cho Chúa Kitô (SD 9-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Tình yêu của Thiên Chúa là kho tàng đích thật của chúng ta. Nó trao ban ý nghĩa cho mọi thực tại cuộc sống

Tình yêu của Thiên Chúa là kho tàng đích thật của chúng ta. Nó trao ban ý nghĩa cho mọi thực tại cuộc sống

Tình yêu của Thiên Chúa là kho tàng đích thật của chúng ta. Đó là một tình yêu trao ban giá trị và vẻ đẹp cho tất cả mọi sự, một tình yêu trao ban sức mạnh cho gia đình, công việc làm ăn, học hành, tình bạn, nghệ thuật và mọi sinh hhoạt của con người. Nó cũng trao ban ý nghĩa cho cả các kinh nghiệm tiêu cực và tội lỗi của chúng ta nữa.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trện với mấy chục ngàn tín hữu và du khàch hanh hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật hôm qua.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Lc 12,32-48) nói với chúng ta về cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa Kitô, một ước mong làm cho chúng ta luôn luôn sẵn sàng với tâm trí tỉnh thức, bởi vì chúng ta chờ đợi cuộc gặp gỡ đó với tất cả con tim, với tất cả chính mình. Đây là một khía cạnh nền tảng của cuộc sống. Có một ước mong rõ ràng hay dấu kín, mà tất cả chung ta đều có trong tim. Tất cả chúng ta đều có trong tim ước mong đó.

Thật là quan trọng nhìn giáo huấn này của Chúa Giêsu trong bối cảnh cụ thể, hiện sinh, trong đó Người đã truyền lại nó. Trong trường hợp này thánh sử Luca cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đang cùng với các môn đệ đi về Giêrusalem, đi về lễ Vượt Qua cái chết và sự sống lại của Người, và trên con đường đó Người giáo dục các ông, bằng cách thổ lộ cho các ông biết điều Người mang trong tim, các thái độ sâu thẳm của tâm hồn Người. Trong các thái độ đó có sự tách rời khỏi của cải trần gian, tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa Cha, và tỉnh thức nội tâm, hoạt động chờ đợi Nước Thiên Chúa. Đối với Chúa Giêsu đó là sự chờ đợi việc trở về nhà Cha. Đối với chúng ta thì đó là chờ đợi chính Chúa Kitô, Đấng sẽ đến đem chúng ta vào lễ hội vô tận, như Người đã làm với Mẹ Maria Rất Thánh, đem Mẹ về Trời với Người.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Tin Mừng này muốn nói với chúng ta rằng kitô hữu là một người mang trong con tim một ước mong vĩ đại, một ước mong sâu thẳm: ước mong gặp gỡ Chúa của mình, cùng với các anh chị em khác, bạn đường của mình. Tất cả những điều này Chúa Giêsu nói với chúng ta qua một câu nổi tiếng của Người: ”Kho tàng của các con ở đâu thì lòng các con cũng ở đó” (Lc 12,34). Tất cả chúng ta đều có một ước mong. Thật là đáng thương người không có ước mong! Ước mong tiến tới, tiến về chân trời đối với kitô hữu chúng ta là sự gặp gỡ với Chúa Giêsu, là sự sống và niềm vui khiến cho chúng ta hạnh phúc. Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đưa ra hai câu hỏi: thứ nhất: tất cả anh chị em, anh chị em có một con tim ước mong không? Hãy suy nghĩ và trả lời trong thinh lặng. Và Đức Thánh Cha hỏi lại:

Bạn có một con tim ước mong hay một con tim khép kín, một con tim say ngủ, một con tim bị thuốc mê đối với các điều xinh đẹp trong đời? Ước mong tiến tới gặp gỡ Chúa Giêsu… Và câu hỏi thứ hai là kho tàng mà bạn ước mong ở đâu? Đối với bạn thực tại nào quan trọng nhất, qúy báu nhất, thu hút bạn như một nam châm? cái gì lôi kéo con tim bạn? Tôi có thể nói đó là tình yêu Thiên Chúa không? Đó là ước muốn làm sự lành cho người khác? Sống cho Chúa và cho các anh chị em khác? Tôi có thể nói điều đó không? Mỗi người hãy trả lời trong con tim của mình. Nhưng mà có người có thể nói với tôi rằng: Thưa cha, con là một người làm việc, có gia đình, đối với con thực tại quan trọng nhất là lo cho gia đình tiến tới, là công việc làm… Chắc chắn là đúng rồi, nó quan trọng, nhưng mà đâu là sức mạnh giữ cho gia đình hiệp nhất? Đó chính là tình yêu và ai gieo tình yêu vào con tim chúng ta? Thiên Chùa. Tình yêu của Thiên Chúa. Và Đức Thánh Cha quảng diễn thêm như sau:

Chính tình yêu của Thiên Chúa trao ban ý nghĩa cho các dấn thân bé nhỏ thường ngày và giúp đương đầu với các thử thách lớn lao. Đó là kho tàng đích thật của con người. Tiến tới trong cuộc sống với tình yêu, với tình yêu mà Chúa đã gieo vào lòng, với tình yêu của Thiên Chúa. Và đó là kho tàng đích thưc. Nhưng mà tình yêu của Thiên Chúa là gì?. Nó không phải là cái gì mơ hồ, một tâm tình tổng quát; tình yêu của Thiên Chúa có một tên gọi và một gương mặt: đó là Đức Giêsu Kitô. Chúa Giêsu. Tình yêu của Thiên Chúa tự biểu lộ ra nơi Chúa Giêsu, bởi vì chúng ta không thể yêu không khí… Không, chúng ta không thể. Chúng ta yêu các con người, và người mà chúng ta yêu là Chúa Giêsu, ơn của Thiên Chúa Cha giữa chúng ta. Đó là một tình yêu trao ban giá trị và vẻ đẹp cho tất cả mọi sự còn lại, một tình yêu trao ban sức mạnh cho gia đình, công việc làm, học hành, tình bạn, nghệ thuật và mọi sinh hoạt của con người. Và nó cũng trao ban ý nghĩa cho cả các kinh nghiệm tiêu cực nữa, bởi vì tình yêu đó cho phép chúng ta đi xa hơn các kinh nghiệm, đi xa hơn và không là tù nhận của sự dữ, nhưng khiến cho chúng ta vượt xa hơn, luôn mở ra cho chúng ta niềm hy vọng. Đó, tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu luôn luôn mở chúng ta ra cho niềm hy vọng, cho chân trời của niềm hy vọng, cho chân trời cuối cùng của cuộc hành hương. Như thế cả các mệt nhọc, các ngã qụy cũng có một ý nghĩa. Cả các tội lỗi của chúng ta cũng tìm ra một ý nghĩa trong tình yêu của Thiên Chúa, bởi vì tình yêu đó của Thiên chúa nơi Đức Giêsu Kitô luôn luôn tha thứ cho chúng ta, yêu thương chúng ta đến độ luôn luôn tha thứ cho chúng ta.

Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, hôm nay trong Giáo Hội chúng ta nhớ thánh nữ Chiara thành Assisi, là người đã theo gót thánh Phanxicô bỏ tất cả để thánh hiến mình cho Chúa Kitô trong sự nghèo khó. Thánh nữ Chiara cho chúng ta một chứng tá rất đẹp về Tin Mừng hôm nay: xin thánh nữ giúp chúng ta cùng với Đức Trinh Nữ Maria cũng sống Tin Mừng ấy, mỗi người theo ơn gọi riêng của mình.

Rồi Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người:

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết thứ năm tới đây là lễ trọng Đức Mẹ hồn xác lên trời. Chúng ta hãy nghĩ tới Mẹ chúng ta đã về Trời với Chúa Giêsu và trong ngày đó chúng ta hãy mừng lễ Mẹ. Tôi cững muốn gửi một lời chào tới các tín hữu hồi, anh em của chúng ta, trên toàn thế giới, vừa mới kết thúc tháng chay tịnh Ramadan, dành đặc biệt cho việc ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí. Như tôi đã viết trong Sứ điệp của tôi cho dịp này, tôi cầu chúc rằng các tín hữu kitô và hồi giáo dấn thân thăng tiến sự tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt qua việc giáo dục các thế hệ mới. Tiếp đến Đức Thánh đã chào nhiều nhóm tín hữu khác nhau và chúc mọi người những ngày hè bổ ích.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỘT XUẤT THĂM KHU VỰC KỸ NGHỆ CỦA THẢNH VATICAN

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỘT XUẤT THĂM KHU VỰC KỸ NGHỆ CỦA THẢNH VATICAN

VATICAN: Sáng thứ sáu 9 tháng 8-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bất thình lình đến thăm khu vực kỹ nghệ trong nội thảnh Vaticăng, trước sự ngỡ ngàng vui sướng của các nhân viên. Ngài chào thăm và nói chuyện với các nhân viên của xưởng mộc, nhà máy điện, phòng thí nghiệm thủy điện lực và một kho chứa hàng.

Đức Thánh Cha đã đến khu vực này lúc sau 9 giờ, ngài vào các xưởng máy và chào nhân viên. Chuyến viếng thăm kéo dài 20 phút. Đức Thánh Cha đã chăm chú lắng nghe lời giải thích của một nhân viên trung tâm nhiệt năng và bắt tay ba nhân viên khác đang làm việc tại đây. Nghe tin Đức Thánh Cha đến thăm, các nhân viên toàn khu vực kỹ nghệ đã chạy ra chào và Đức Thánh Cha đã bắt tay từng người và chúc họ làm việc tốt. Sau đó ngài lên chiếc xe C1 nhỏ của ông quản gia Sandro Mariotti rồi trở về nhà trọ Thánh Martha.

Chuyến viếng thăm ngắn gọn, nhưng đủ cho Đức Thánh Cha có ý niệm về sinh hoạt của các nhân viện một khu vực ít người để ý trong nội thành Vatican có từ thời Đức Giáo Hoàng Pio XI. Và chắc chắn đây chưa phải là chuyến viếng thăm đột xuất cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các nhân viên làm việc trong Quốc gia thành phố Vatican (SD 9-8-2013).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

NỖI NHỚ

NỖI NHỚ

Lúc không biết, giờ không ngờ….

Nhờ khoa học, vốn học, thời nay, con người ta đang biết quá nhiều chuyện trên đời, kể cả những điều bí mật nhất trong vũ trụ, trong thiên nhiên. Tiếc là, chỉ còn một điều mà cả triệu năm rồi chưa ai dám nói mình biết: giờ chết. Giờ chết của chính mình thì không biết đã đành, giờ chết của người thân đang nằm hấp hối trước mắt mình kia, đôi khi cũng đoán non đoán già mà không chính xác nổi. Đúng là sự chết thì cố định, giờ chết thì bất ngờ.

Đã không biết giờ chết, đôi khi chúng ta lại còn không muốn biết, không dám biết, không cần biết, chẳng quan tâm đến sự chết… vì muốn cho cuộc sống mình cứ thoải mái khỏi bị ám ảnh về một lần từ biệt, một lần chỉ đi từ nhà ra tới nghĩa trang thôi mà là chuyến đi xa muôn trùng:

Tưởng gần mà lại hóa xa

Ấy lần từ biệt căn nhà trần gian

Bao nhiêu đưa tiễn bàng hoàng

Tưởng người bất động trong quan tài buồn

(Hồ Giang A)

Nếu các Ki-tô Hữu Công Giáo hiểu rằng sự chết cố định, giờ chết bất ngờ, ý nghĩa của sự chết là một cuộc trở về quê hương mới, hẳn không cần bận tâm tới giờ chết nữa, nhưng điều đáng bận tâm là việc chuẩn bị cho sự chết thế nào, để biến cố ấy kết thúc một hành trình quý giá, và mở ra một cuộc sống mới với Thiên Chúa, một cuộc sống mới của thần linh. Chúng ta vẫn nghe, vẫn hát: “Cuộc sống này chỉ thay đổi mà không mất đi” (Kinh Tiền Tụng lễ cầu hồn – Bài hát Sự Sống Thay Đổi, Ns. Phanxicô). Thay đổi như thế nào?  Nếu chỉ dừng lại ở điểm “thay đổi” thôi, thì vẫn còn mơ hồ lắm. Có nhiều người vẫn ước gì thay đổi có nghĩa là mình sẽ lại tiếp tục làm người, nhưng là người tốt lành thánh thiện. Sao không xác tín cách mạnh mẽ rằng: việc thay đổi ấy là thay đổi tình trạng sống tạm bợ thành tình trạng sống vĩnh cửu, thay đổi từ tình trạng “người” sang tình trạng “thần linh”?

 

Chuẩn bị là sống mật thiết với Chúa Giê-su

Như vậy, việc chuẩn bị cho sự chết phải là việc sống thiết thân với Chúa Giê-su, trở thành bạn hữu của Chúa Giê-su trong cõi sống trần gian này, để được sống, được là bạn hữu của Thiên Chúa trong cõi sống muôn đời.

Không! Người đang hát lời thương

Hân hoan về với quê hương muôn đời

Bởi trong suốt cuộc làm người

Đã nên bạn hữu của Người, Giê-su

(Hồ Giang A)

Chuẩn bị bằng việc sống thiết thân với Chúa Giê-su là nghe và thực hiện Lời Người đã dạy, đi con đường Ngài đã đi, yêu như Ngài đã yêu, sống như Ngài đã sống, đồng hình đồng dạng, đồng tâm, đồng chí, đồng ý, đồng bàn với Ngài trong mọi tình huống cuộc đời.  Và cuối cùng, cùng chết với Ngài để hoàn tất lời xin vâng tuyệt đối, để được cùng sống lại với Ngài, để làm vinh danh Thiên Chúa Cha, trở về với Cha. Việc chuẩn bị ấy, Chúa Giê-su gọi là biết “thắt lưng, thắp đèn, tỉnh thức” đón chờ Chúa đến. Cụ thể hơn, kết hiệp với Thánh Thể Chúa Giê-su. Tôi nhớ lần thăm anh bạn bịnh ung thư nằm tại bệnh viện Chợ Rẫy. Sau mấy lời thăm, anh cảm ơn, rồi nắm lấy tay tôi và nói: “Anh Hoàng ơi! Tôi tạ ơn Chúa.  Ung thư, đau đớn lắm, nhưng để mình có thời gian chuẩn bị đón Chúa đến, trở về với Chúa. Có các Sơ đem Của Ăn Đàng cho tôi anh à. Mừng lắm”. Sau sáu tháng kiên trì, chờ đợi, Anh đã được Chúa gọi về ngay hôm lễ Chúa Lên Trời 2013.

 

Trong khi đó, ma quỷ không muốn cho con người hiểu rằng chết là hạnh phúc, là cuộc trở về với sự sống ngàn thu, nhờ tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh. Bởi vì, chính Chúa Giê-su đã chiến thắng sự chết do tội lỗi và mở lối cho con người vào sự sống muôn đời của Thiên Chúa. Ma quỷ không muốn cho ai được cứu rỗi. Vì thế, chúng vẫn luôn luôn vẽ ra cho con người về sự kinh khủng của cái chết, cho con người tiếc nuối về sự sống với bao nhiêu khoái lạc ở trần gian, cho con người tìm đủ cách để kéo dài sự sống tạm bợ này.

Ma quỷ rất sợ chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su để chuẩn bị đàng hoàng cho chuộc gặp gỡ ấy. Vì thế, chúng luôn tìm cách tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Giê-su. Đã vậy, đối với những con người chưa tin vào Thiên Chúa, chúng gieo trong lòng họ tư tưởng rằng ‘chẳng có Thiên Chúa đâu, chết là hết, nên chi phải hưởng thụ đời này cho no say, cho bưa, cho đã’. Với các Ki-tô hữu, chúng lại gieo tư tưởng nguy hiểm nhất rằng: chưa chết đâu, còn lâu mới chết! “Em rất khỏe, trẻ, đẹp, giàu, sang, hiền lành, phúc hậu, đạo đức, nết na… và nhất là “em chưa chết đâu em, em hãy còn sống lâu, đẹp mãi”. Cơn cám dỗ ấy thật dễ nghe, dễ chịu. Từ đó, con người ta ra công lo cho cái trẻ, cái đẹp, cái giàu sang hưởng thụ ở sự sống đời này, mà quên hẳn đi chuẩn bị cần thiết cho giờ Chúa đến. Khi các Ki-tô hữu Công Giáo quên hẳn đi việc kết hiệp với Chúa Giê-su, lao mình vào các cuộc ăn chơi hưởng thụ vật chất đời này, ấy là lúc ma quỷ ăn mừng thành công vĩ đại của nó. Chúng nó còn mừng vui hơn nữa khi thấy những người mắc bẫy của chúng là những người đáng lý ra phải làm gương sáng về việc chuẩn bị.

 

Nhớ đến Chúa Giê-su

Thiết tưởng, trong cuộc đời, mỗi chúng ta có trăm ngàn chuyện nhớ, nỗi nhớ. Mà nỗi nhớ quan trọng nhất cho đời sau là nhớ đến Chúa Giê-su, Đấng Cứu Chuộc ta, thì chúng ta lại quên.

Những người tình nhớ nhau, nhớ quay quắt, nhớ điên dại, nhớ hình dáng, tiếng nói, nhớ cái nắm tay, nhớ nụ hôn nồng, nhớ kỷ niệm bềnh bồng lãng du lãng mạn…Sao chúng ta lại không thể nhớ đến Chúa Giê-su với một chút nồng nàn như ta nhớ đến chuyện tình, tiền trên gian trần này? Câu trả lời rất đơn giản vì ta đang yêu Chúa Giê-su quá ít!

Xin mượn mấy câu thơ của Hương Nam, trong bài “Ước Gì, Nỗi Nhớ…”

Ước gì nỗi nhớ Thiên Đàng

Gấp đôi nỗi nhớ trần gian hư phù

Mỗi ngày nhớ Chúa Giê-su

May ra hiểu cõi thiên thu thế nào…

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con yêu Chúa Giê-su thật nhiều, và nhớ Chúa Giê-su nhiều hơn nhớ đến chuyện sống chết và giờ nào con phải chết. A men.

 

PM. Cao Huy Hoàng, 09 tháng 8-2013