TÔI CÓ NÊN QUỲ GỐI?

TÔI CÓ NÊN QUỲ GỐI?

Sự tận tụy với Chúa Giêsu, đôi khi đưa chúng ta vào vị thế đối nghịch với những người chúng ta yêu mến

Một khoảng thời gian trước đây, nhà bỉnh bút Arthur Jones của tờ National Catholic Reporter đã chia sẻ với độc giả một giây phút quan trọng xảy ra trong cuộc đời ông trước đây (March 28, 1986). Điều này xảy ra khi ông được chọn vào Không Lực Hoàng Gia và thấy mình ở trong một trại lính với 30 người khác.

Vào đêm đầu tiên ông có một quyết đinh lớn. Ông thường quỳ gối cầu nguyện. Bây giờ ông có nên tiếp tục quỳ gối như thế khi ở trong quân ngũ không? Ông suy nghĩ đôi chút và tự nhủ: “Tại sao tôi phải thay đổi chỉ vì người ta đang nhìn? Có phải tôi bắt đầu cuộc đời xa nhà của tôi bằng cách để cho người khác ra lệnh cho tôi những gì phải làm và không nên làm?” Ông quyết định quỳ cầu nguyện.

Vào lúc ông chấm dứt, ông biết mọi người đều để ý đến ông. Và khi ông làm dấu thánh giá, ông biết rằng mọi người đều biết ông là một người Công Giáo.

Thì ra ông là người Công Giáo duy nhất trong trại lính. Tuy nhiên, ông quỳ gối cầu nguyện hàng đêm.

Ông nói rằng mười phút quỳ cầu nguyện đó thường đưa đến những cuộc tranh luận kéo dài hàng giờ đồng hồ.

Vào ngày cuối cùng trong trại lính, có người nói với ông, “Ông là một Kitô Hữu tốt lành nhất mà tôi chưa bao giờ gặp.”

Ông trả lời, “Có thể tôi là người Kitô Hữu công khai nhất mà bạn chưa từng gặp, nhưng tôi không nghĩ tôi là người tốt lành nhất. Dù vậy, tôi cảm ơn bạn về câu nói của bạn.”

Câu chuyện này minh họa một trong những điểm của bài phúc âm hôm nay. Sự tận tụy với Đức Giêsu Kitô có nghĩa giữ vững lập trường ở những điều nào đó. Và, nhiều khi, lập trường đó đưa chúng ta vào vị thế đối nghịch với người khác.

Nhưng chính sự đối nghịch này giúp chúng ta có thể trở nên một loại nhân chứng mà Chúa Giêsu nói trong Bài Giảng Trên Núi. Người nói:

“Các con là ánh sáng cho toàn thể thế gian. Một thành xây trên núi thì không thể giấu được. Ông ai đốt đèn và đặt nó dưới đáy thùng; nhưng họ đặt nó trên giá, để chiếu sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của các con phải chiếu tỏa trước mọi người, như vậy họ sẽ thấy những việc tốt lành con làm và ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt. 5:14-16).

Nhiều khi, sự tận tụy của chúng ta với Chúa Giêsu sẽ khiến chúng ta bị bách hại, như ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc một hôm nay.

Nhiều khi nó sẽ khiến chúng ta phải cố gắng tranh đấu, như Thánh Phaolô nhận xét trong bài đọc hai.

Nhiều khi nó khiến chúng ta chống đối với ngay cả những người trong gia đình, như Chúa Giêsu cảnh giác trong bài phúc âm hôm nay.

Đây là một trong những lý do tại sao người La Mã xưa đã ghét bỏ Kitô Giáo đến thế. Nó đã tách biệt gia đình họ.

Một khi đứa con trở nên một Kitô Hữu, họ không còn có thể cùng với người khác thờ phượng tà thần.

Họ không có thể cùng với người khác cổ vũ hai người nô lệ giết nhau ở đấu trường.

Họ không còn có thể cùng với người khác khuyên em gái mình hãy để bé sơ sinh tật nguyền chết dần mòn thay vì để nói lớn lên và tàn tật.

Họ không còn có thể cùng với bạn bè tham dự các cuộc vui chơi trụy lạc và vô luân là đặc điểm của xã hội Rôma thời bấy giờ.

Hàng ngày, người Kitô Hữu ở Rôma phải quyết định là họ có nên yêu thương bà con thân thuộc hơn là yêu mến Chúa Kitô không.

Và thường thường điều này khiến họ ở vào tình trạng đối nghịch với gia đình mình.

Một thí dụ cho sự đối nghịch như thế xảy ra trong vở kịch Fiddler on the Roof. Câu chuyện xảy ra ở Nga vào năm 1905. Vở kịch tập trung vào một người tên là Tevye, người cha của một gia đình Do Thái nghèo. Tevye có năm cô con gái và không có con trai.

Cô gái lớn lấy một thợ may là người không được chọn cho cô theo truyền thống “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Sau khi vật lộn với lương tâm của mình, ông Tevye phải chấp nhận hôn nhân này.

Cô con gái kế kết hôn với một sinh viên, là người đã đạp đổ nhiều truyền thống của Do Thái Giáo. Lại một lần nữa phải vật lộn với lương tâm, ông Tevye cũng phải chấp nhận hôn nhân này.

Sau cùng, cô con gái thứ ba, Chava, kết hôn với một người không phải Do Thái, một quân nhân Nga còn trẻ. Khi bà Golde, vợ ông Tevye, báo tin này, ông nói, “Với chúng ta, con Chava đã chết! Chúng ta phải quên nó đi.”

Bà Golde biến dạng sau hậu trường, và ông Tevye bắt đầu cất tiếng ca bài được gọi là “Chavaleh”. Trong đó ông tâm sự với Thiên Chúa. Ông không hiểu tại sao Chava lại làm điều mà cô đã làm.

Vào lúc đó, Chava xuất hiện và bắt đầu nài nỉ ông Tevye chấp nhận cô và chồng cô. Ông Tevye ngước mắt lên trời và nói: “Làm thế nào con có thể chấp nhận chúng? Có thể nào con từ chối mọi điều con tin? Đằng khác, có thể nào con từ chối chính đứa con của con?… [Nhưng nếu con từ chối mọi điều con tin tưởng…] nếu con cố bẻ cong như thế, con sẽ gẫy… Không, Chava.”

Khi Chúa Giêsu mời người ta theo Người, Chúa biết điều mà Người yêu cầu nơi họ. Với một số người, điều đó có nghĩa phải thi hành điều mà cô Chava đã làm. Có nghĩa từ bỏ cha mẹ, và gia đình.

Nói cách khác, lời hứa với Chúa Giêsu thì phải ở vị thế ưu tiên trên mọi thứ khác, ngay cả lời hứa với gia đình mình.

Và đây là thông điệp của các bài đọc hôm nay. Đó là một thông điệp mà nó quan trọng trong ngày nay cũng như vào thời của Chúa Giêsu. Lời hứa của Kitô Hữu với Chúa Giêsu và Chúa Cha phải giữ ưu tiên trên mọi thứ khác. Lời hứa của Kitô Hữu đối với sự sáng và sự thật thì không thể tương nhượng bất cứ cách nào.

“Các con là ánh sáng cho toàn thể thế gian. Một thành xây trên núi thì không thể giấu được. Ông ai đốt đèn và đặt nó dưới đáy thùng; nhưng họ đặt nó trên giá, để chiếu sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của các con phải chiếu tỏa trước mọi người, như vậy họ sẽ thấy những việc tốt lành con làm và ngợi khen Cha các con ở trên trời” Mt. 5:14-16

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự can đảm để đi theo Chúa, dù rằng điều đó khiến chúng con phải tranh đấu, như Thánh Phaolô viết trong bài đọc hai hôm nay.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự can đảm để đi theo Chúa, dù rằng điều đó khiến chúng con bị bách hại, như ngôn sứ Giêrêmia đã bị trong bài đọc một hôm nay.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự can đảm để đi theo Chúa, dù rằng, đôi khi điều đó đưa chúng con vào thế đối nghịch với gia đình, như Đức Giêsu đã cảnh giác chúng con trong bài phúc âm hôm nay.

Lm. Mark Link, S.J.

Comments are closed.