Họp báo chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám Mục khóa đặc biệt

Họp báo chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám Mục khóa đặc biệt

VATICAN. Sáng 5 tháng 11-2013, các chức sắc Thượng HĐGM đã mở cuộc họp báo về tiến trình chuẩn bị Thượng HĐGM thế giới, khóa đặc biệt kỳ III, sẽ tiến hành vào tháng 10 năm tới về đề tài: ”Những thách đố đối với gia đình trong khuôn khổ công cuộc rao giảng Tin Mừng”. Tham dự khóa họp này có khoảng 150 GM thế giới.

Hiện diện trên bàn chủ tọa cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh có ĐHY Peter Erdoer người Hungari, Tổng tường trình viên, Đức TGM Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới và Đức TGM Bruno Forte, Tổng thư ký đặc biệt.

Đức TGM Baldisseri cho biết cơ cấu và hướng đi của Thượng HĐGM được thay đổi theo ý muốn rõ rệt của ĐTC để tăng cường việc thực thi đoàn thể tính của hàng GM và tình hiệp thông trong Giáo Hội.

Theo qui chế, các vị đương nhiên có quyền tham dự Thượng HĐGM khóa đặc biệt là: các Chủ tịch HĐGM và Hội đồng của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương, các vị thủ lãnh các cơ quan trung ương Tòa Thánh (25), ngoài ra có 3 LM Tổng Quyền do Hiệp Hội các Bề trên tổng quyền dòng nam bầu lên.

Thượng HĐGM về các thách đố của gia đình sẽ tiến hành qua 2 giai đoạn: giai đoạn thứ I là Thượng HĐGM khóa đặc biệt từ mùng 5 đến 19-10 năm 2014 với mục đích xác định tình hình và thu thập chứng từ cũng như những đề nghị của các GM. Giai đoạn thứ II sẽ là một Thượng HĐGM thường kỳ vào năm 2015, để tìm kiếm những đường hướng hoạt động cho việc mục vụ con người trong gia đình”.

Hôm 18-10-2013, Văn Phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM đã gửi đến 136 HĐGM, các Công Nghị của các Giáo Hội Công giáo đông phương và các vị liên hệ khác, một tài liệu đề cương, gọi là Lineamenta, một văn kiện ngắn gọn dài 7 trang gồm 3 phần:

Phần I về gia đình và việc rao giảng Tin Mừng,

Phần II: Giáo Hội và Tin Mừng về gia đình, trong đó lần lượt nói về:

– Kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo và Cứu Chuộc

– Giáo huấn của Giáo Hội về Gia đình

Phần III gồm một bản tổng cộng 38 câu hỏi, phân làm 9 tiết mục, với mục đích tham khỏi ý kiến các Giáo Hội địa phương, hầu chuẩn bị cho Thượng HĐGM thế giới năm tới.

Vì thời gian gần kề, Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM yêu cầu các HĐGM và các cơ quan khác được tham khảo ý kiến gửi các bản trả lời góp ý về Roma trước cuối tháng giêng năm tới, 2014, để dựa vào đó, một Tài liệu làm việc sẽ được soạn thảo ngay trong tháng 2-2014.

Việc tham khảo ý kiến này không phải là một cuộc ”trưng cầu dân ý” hay là thăm dò dư luận, nhưng là trình bày những kinh nghiệm trong đức tin. Các GM giáo phận được yêu cầu soạn một tổng hợp – chứ không phải trình bày ý kiến riêng của các vị – đi từ những tổng hợp do các cha sở thực diện, dựa theo kết quả cuộc điều tra trong các xứ đạo liên hệ. Vì thế, một cách nào đó, cuộc tham khảo ý kiến này cũng đi tới các giáo dân.

Trong cuộc họp báo, Đức TGM Bruno Forte, Tổng thư ký đặc biệt nói đến những thách đố gia đình ngày nay đang gặp phải. Ngài nói: ”Ngày nay người ta đang thấy xuất hiện những vấn đề chưa từng có cách đây ít năm, từ sự lan tràn các cặp sống chung không kết hôn, và nhiều khi loại bỏ cả ý tưởng về vấn đề này, cho đến các cặp đồng phái, mà nhiều khi họ cũng được phép nhận con nuôi”. Ngoài ra cũng có nhiều hoàn cảnh đòi Giáo Hội phải đặc biệt quan tâm: từ nền văn hóa không muốn cam kết dấn thân và không chấp nhận tính chất bất khả phân ly của hôn phối, cho tới việc định nghĩa lại gia đình, quan niệm đa nguyên duy tương đối với hôn nhân, và những dự luật làm mất giá trị của sự bền vững và trung thành của giao ước hôn nhân.”

Đức TGM Forte nhận xét rằng ”những thách đố đó có kéo theo những hậu quả quan trọng về mục vụ. Chẳng hạn nếu ta nghĩ tới nguyên sự kiện trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều người trẻ sinh ra từ một hôn phối bất hợp lệ, thì có thể các em sẽ không bao giờ thấy cha mẹ lãnh nhận các bí tích, và từ đó chúng ta hiểu những thách đố cấp thiết dường nào mà tình trạng hiện nay đề ra cho việc loan báo Tin Mừng”.

Đức TGM Forte cho biết trong số nhiều đề nghị được gửi về Tòa Thánh, cũng có một vấn đề rất tế nhị là loạn luân. (SD 5-11-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Tòa Thánh Vatican Sự thăm dò về các vấn đề gia đình bao gồm cả hôn nhân đồng tính

Tòa Thánh Vatican Sự thăm dò về các vấn đề gia đình bao gồm cả hôn nhân đồng tính

VATICAN CITY (Reuters) – Tòa thánh Vatican đang yêu cầu các giám mục và các linh mục trong giáo xứ trên toàn thế giới tại địa phương quan sát về vấn đề hôn nhân đồng tính , ly dị và ngừa thai trước cho cuộc họp của các Giám mục vào năm tới để thảo luận về Giáo Hội Công Giáo La Mã giáo liên quan đến gia đình.

Trong khi đó, đây là việc thực tế phổ biến để gửi ra các bản thăm dò  trước cuộc họp, thượng hội đồng. Các câu hỏi thăm dò thể hiện sự cảm nhận lớn hơn đến các vấn đề từng được coi là điều cấm kỵ , như làm thế nào để bao gồm các con nuôi của các cặp vợ chồng đồng tính trong Giáo Hội.

Việc này cũng cho thấy Đức Thánh Cha Phanxicô đang tiếp cận với giáo xứ địa phương và không chỉ dựa vào hệ thống giai cấp Giáo hội về việc triển khai giáo huấn Công giáo.

Các câu hỏi đã được gửi cho các Giám mục vào ngày 18, theo một lá thư từ Đức Tổng Giám Mục Lorenzo Baldisseri , Tổng thư ký của cuộc họp Thượng Hội Đồng, các giám mục Công giáo trên toàn thế giới.

Các lá thư và khảo sát câu hỏi đã được đăng trên trang web Công giáo của phóng viên quốc gia vào thứ năm, và xác nhận của Tòa Thánh vào thứ Sáu.

" Mối quan tâm đó là chưa từng có cho đến khi một vài năm trước đây đã xuất hiện hôm nay là kết quả của tình huống khác nhau, từ việc chung sống với nhau … liên hệ của những người đồng tính, không bình thường, cho phép nhận con nuôi "

Cuộc thăm dò không báo hiệu bất kỳ sự thay đổi trong học thuyết Giáo hội đối với hôn nhân đồng tính hay ngừa thai, nhưng cho thấy bằng chứng Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn tiếp cận với những người Công giáo bình thường về các vấn đề liên quan đến gia đình hiện đại .

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố trong tháng Chín, Đức Thánh Cha nói Giáo Hội phải thoát khỏi nỗi ám ảnh với việc phá thai, ngừa thai và đồng tính luyến ái và trở thành xót thương hơn, hoặc có nguy cơ sụp đổ của toàn bộ đạo đức.

Các câu hỏi cho một mối quan tâm về cách thức tốt hơn để chuẩn bị người trẻ để kết hôn, hiệu quả của phương pháp ngừa thai tự nhiên, và làm thế nào để hỗ trợ các " hành trình đức tin " của ly dị và tái hôn với những người bị loại ra khỏi các bí tích.
Tuy nhiên, chưa đầy hai tuần trước Vatican xác nhận rằng người Công giáo, những người đã tái hôn sau khi ly hôn đang bị ngăn chận không được phép rước lễ.

Cuộc điều tra hỏi những gì " chú ý mục vụ " có thể được trao cho những người đã chọn một sự kết hợp đồng tính, và " trong trường hợp của các đoàn thể của người cùng giới đã thông qua trẻ em, những gì có thể được thực hiện về mục vụ trong ánh sáng của truyền đức tin ? "

Ở Anh, các giám mục đã đăng các khảo sát trực tuyến để bất cứ ai , kể cả giáo dân và cha mẹ Công giáo, có thể vào website. ( http://r.reuters.com/vyh44v )

Các kết quả thăm dò ý kiến ​​sẽ được đưa vào một bài báo làm việc cho một cuộc họp bất thường của Thượng Hội Đồng các giám mục tiếp theo tháng Mười.


( Tường trình của Steve Scherer và Philip Pullella ; Viết bởi Steve Scherer ; Editing by Robin Pomeroy )

Thái Trọng phỏng dịch

Thiên Chúa là Cha luôn đợi chờ con người hoán cải

Thiên Chúa là Cha luôn đợi chờ con người hoán cải

Thiên Chúa là Cha luôn đợi chờ con người hoán cải trở về với Ngài. Hãy để cho Chúa Giêsu gọi tên chúng ta. Hãy lắng nghe tiếng của Ngài nói với chúng ta: ”Ngày hôm nay Ta phải dừng lại tại nhà con”, nghĩa là trong tim con, trong cuộc sống con. Và chúng ta hãy tươi vui tiếp đón Ngài! Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi tính ích kỷ và làm cho đời sống chúng ta trở thành một qùa tặng của tình yêu.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 60,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 3 tháng 11-2013. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:

Anh chị em thân mến, trang Tin Mừng của thánh Luca Chúa Nhật hộm nay cho thấy Chúa Giêsu vào thành Giêricô trên con đường đi về Giêrusalem. ĐÂy là chặng cuối cùng của một chuyến đi tóm tắt ý nghĩa toàn cuộc sống của Chúa Giêsu, được tận hiến cho việc tìm kiếm và cứu rỗi các con chiên lạc của nhà Israel. Nhưng con đường càng đến gần đích điểm bao nhiêu, thì chung quanh Chúa Giêsu chiếc vòng thù nghịch lại càng thắt chặt bấy nhiêu.

Ấy thế mà tại Giêricô xảy ra một trong các biến cố tươi vui nhất được thánh sử Luca kể lại: đó là sự hoán cải của ông Giakêu. Người này là một con chiên đã bị hư mất, bỊ khinh bỉ và ”dứt phép thông công”, bởi vì ông ta là một người thu thuế, còn hơn thế nữa, là thủ lãnh những người thu thuế trong thành phố, bạn của các người Roma xâm lăng, là một tay trộm cướp và là một kẻ khai thác bóc lột.

Bị ngăn cản tới gần Chúa Giêsu, có lẽ vì tiếng xấu của ông, và cũng vì thân hình thấp bé của mình, ông Giakêu trèo lên một cái cây, để có thể trông thấy vị Thầy đi ngang qua. Tuy nhiên cử chỉ bề ngoài hơi tức cười này diễn tả hành động bên trong của người tìm lên cao hơn đám đông để có một tiếp xúc với Chúa Giêsu. Chính ông Giakêu cũng không biết ý nghĩa sây xa cử chỉ này của mình; ông không biết tại sao mình có cử chỉ ấy nhưng ông làm nó; ông cũng chẳng dám hy vọng là có thể vượt thắng được khoảng cách giữa ông và Chúa Giêsu, nên ông chỉ bằng lòng với việc trông thấy Người đi ngang qua thôi. Nhưng Chúa Giêsu khi tới gần cây đó, gọi tên ông: ”Giakêu, hãy xuống ngay, bởi vì hôm nay tôi phải dừng lại trong nhà ông” (Lc 19,5). Và Đức Thánh Cha giải thích cử chỉ này của Chúa Giêsu như sau:

Con người có thân mình nhỏ thó đó, bị tất cả mọi người khước từ, và cách xa Chúa Giêsu, như mất hút trong đám đông vô danh, nhưng Chúa Giêsu gọi ông, và tên Giakêu trong tiếng thời đó có một ý nghĩa đẹp tràn đầy các ám chỉ. Thật thế Giakêu có nghĩa là ”Thiên Chúa nhớ tới”.

Và Chúa Giêsu đến nhà ông Giakêu, khiến cho tất cả mọi người thành Giêricô chỉ trích, bởi vì thời đó người ta cũng bép xép lắm, và người ta nói: ”Mà làm sao thế? Với biết bao nhiều người tốt lành trong thành phố mà ông ấy lại ở nhà cái tên thu thuế ấy? Phải, bởi vì ông ta đã bị hư mất rồi, và Chúa Giêsu nói: ”Hôm nay ơn cứu rỗi đã đến cho nhà này, bởi vì cả ông ta cũng là con cái tổ phụ Abraham” (Lc 19,9). Từ ngày đó, niềm vui bước vào trong nhà ộng Giakêu, hòa bình, ơn cứu độ và Chúa Giêsu bước vào nhà ông. Tiếp đến Đức Thánh Cha mạnh mẽ khẳng định ý muốn cứu độ của Thiên Chúa đối với con người:

Không có nghề nghiệp nào, không có điều kiện xã hội nào, không có lỗi lầm hay tội phạm thuộc bất cứ loại nào có thể xóa bỏ khỏi ký ức và con tim của Thiên Chúa một người trong các con cái Ngài. Thiên Chúa luôn nhớ, Ngài không quên bất cứ ai Ngài đã tạo dựng. Ngài là cha, luôn luôn tỉnh thức và yêu thương đợi chờ trông thấy tái sinh nơi con tim của người con ước muốn trở về nhà. Và khi Ngài nhận ra ước muốn đó, cả khi nó chỉ đơn sơ được nhắc, và biết bao lần nó hầu như vô thức, thì ngay lập tức Ngài ở bên cạnh, và với ơn tha thứ của Ngài Ngài khiến cho con đường hoán cải và trở về của ông được nhẹ nhàng hơn. Hôm nay chúng ta hãy nhìn ông Giakêu trên cây, cử chỉ của ông là một cử chỉ nực cười, nhưng là một cử chỉ của ơn cứu rỗi. Và tôi nói với bạn, nếu bạn có một gánh nặng trên lương tâm, nếu bạn xấu hổ vì biết bao nhiêu điều đã phạm, hãy dừng lại một chút, đừng hoảng sợ. Hãy nghĩ tới một người nào đó đang chờ đợi bạn, bởi vì Người không ngừng nhớ tới bạn, và người nào đó là chính là Chúa Cha, là Thiên Chúa, là Đấng chờ đợi bạn. Hãy làm như ông Giakêu, hãy trèo lên cây của sự ước muốn được tha thứ, tôi bảo đảm với bạn rằng bạn sẽ không thất vọng. Chúa Giêsu thương xót, và ngài không bao giờ mệt mỏi tha thứ! Hãy nhớ kỹ điều ấy! Chúa Giêsu là như thế.

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy để cho Chúa Giêsu gọi tên chúng ta! Trong sâu thẳm của con tim chúng ta hãy lắng nghe tiếng của Ngài nói với chúng ta: ”Ngày hôm nay Ta phải dừng lại tại nhà con”, nghĩa là trong tim con, trong cuộc sống con. Và chúng ta hãy tươi vui tiếp đón Ngài! Ngài có thể thay đổi chúng ta, biến con tim bằng đá của chúng ta trở thành con tim bằng thịt, Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi tính ích kỷ và làm cho đời sống chúng ta trở thành một qùa tặng của tình yêu. Chúa Giêsu có thể làm đều đó, hãy để Chúa Giêsu nhìn bạn.

Trước khi chào nhiều nhóm tín hữu khác nhau Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Ánh mắt yêu thương

Ánh mắt yêu thương

Mỗi khi đọc câu chuyện ông Giakêu, tôi ngỡ ngàng trước ánh mắt của Chúa Giêsu khi Ngài nhìn lên ông Giakêu trên cây sung. Ánh mắt ấy có sức mạnh kỳ lạ. Ánh mắt ấy chất chứa bao tâm tình. Chỉ trong một ánh mắt cuộc đời Giakêu hoàn toàn biến đổi.

Đó là ánh mắt quan tâm. Chúa Giêsu vào thành Giêricô. Giêricô là một thành phố rộng lớn, người đông đúc, buôn bán sầm uất. Một đám đông lớn đi theo Chúa Giêsu. Trong khi đó ông Giakêu thật bé nhỏ. Nên ông phải leo lên cây sung để nhìn Chúa. Thật lạ lùng. Giữa đám đông mênh mông ấy, Chúa vẫn nhìn thấy ông Giakêu, dù ông thấp lùn. Giữa muôn người, Chúa chỉ tìm Giakêu. Lại còn biết rõ tên ông. Điều đó chứng tỏ Chúa quan tâm tới Giakêu, dù ông bé nhỏ trong một đám đông hỗn độn. Giakêu chắc chắn cảm thấy ấm lòng vì ánh mắt quan tâm của Chúa.

Đó là ánh mắt khiêm nhường. Hãy tưởng tượng cảnh Chúa ngước lên nhìn Giakêu. Chúa nhìn lên. Giakêu nhìn xuống. Thật là một cảnh tượng phi thường. Người có tầm vóc cao lớn phải ngước nhìn lên mới gặp ánh mắt người thấp bé. Thiên Chúa phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được phàm nhân. Đấng vô cùng thánh thiện phải ngước mắt nhìn lên mới gặp kẻ tội lỗi tầy trời. Tạo hóa phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được thụ tạo. Đấng Cứu Độ phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được kẻ cần được cứu. Đấng tha tội phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được kẻ cần được thứ tha. Thật là một sự khiêm nhường thẳm sâu. Giakêu chắc chắn phải choáng váng vì ánh mắt khiêm nhường của Chúa.

Đó là ánh mắt tha thứ. Nguyên một việc quan tâm tìm kiếm cũng đã chứng tỏ Chúa tha thứ cho ông rồi. Huống hồ Chúa còn khiêm tốn ngước nhìn lên. Hơn thế nữa Chúa còn ngỏ lời muốn đến thăm nhà ông. Giakêu chưa tìm Chúa thì Chúa đã tìm Giakêu. Giakêu chưa gọi Chúa thì Chúa đã gọi Giakêu. Giakêu chưa mời thì Chúa đã ngỏ ý đến nhà. Giakêu chưa xin lỗi thì Chúa đã tha thứ. Ánh mắt tha thứ mới khoan dung độ lượng và ấm áp làm sao. Giakêu chắc chắn tràn đầy niềm hối cải khi nhìn vào ánh mắt tha thứ của Chúa.

Đó là ánh mắt tin tưởng. Chúa Giêsu nhìn Giakêu bằng ánh mắt tin tưởng. Tin tưởng nên không nhìn về quá khứ mà chỉ hướng về tương lai. Chúa quên hết tội lỗi của ông. Hơn thế nữa Chúa tin rằng ông sẽ nên người tốt. Chúa tin rằng ông sẽ làm lại cuộc đời. Chúa tin vào tương lai của ông. Nên Chúa đã nhìn ông. Nên Chúa tha thứ cho ông. Nên Chúa kết thân với ông. Trước ánh mắt tin tưởng của Chúa, chắc chắn Giakêu sẽ cương quyết làm lại cuộc đời.

Đó là ánh mắt yêu thương. Tất cả sẽ không thể giải thích được nếu không có tình yêu. Chúa quan tâm tới Giakêu vì Chúa yêu thương ông, như người mục tử tốt lành đi tìm con chiên lạc. Chúa khiêm nhường vì Chúa yêu thương ông, như người cha cõng con trên vai. Chúa tha thứ vì Chúa yêu thương ông, như người cha sẵn sàng chờ đón đứa con hoang đàng. Chúa tin tưởng vì Chúa yêu thương ông, như người mẹ không khi nào nói rằng con mình xấu, dù nó phạm tội trăm lần. Chúa nhìn ông bằng ánh mắt yêu thương. Ngập tràn trong yêu thương, trái tim Giakêu bừng lên ngọn lửa yêu thương. Đời ông được đốt cháy trong yêu thương. Nên ông đã đáp lại tình yêu thương của Chúa. Vì yêu mến Chúa mà ông yêu thương đồng loại. Yêu thương nên đền bù thiệt hại. Yêu thương nên chia sẻ chân thành.

Lạy Chúa, Chúa luôn nhìn con bằng ánh mắt yêu thương. Xin cho con biết nhìn vào mắt Chúa, nhận ra tình yêu thương của Chúa và biến đổi cuộc đời như ông Giakêu.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1.    Chúa nhìn Giakêu bằng ánh mắt thế nào?

2.    Giakêu đã đáp lại ánh mắt của Chúa ra sao?

3.    Bạn có bao giờ nhìn thấy ánh mắt Chúa nhìn bạn chưa?

4.    Bạn có muốn nhìn tha nhân bằng ánh mắt của Chúa không?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

CẤM VÀO NHÀ KẺ CÓ TỘI

CẤM VÀO NHÀ KẺ CÓ TỘI

Tháng Mân Côi vừa hết. Bà con Giáo Dân đọc kinh Mân Côi và Kiệu Đức Mẹ đến từng nhà trong Giáo Họ. Thế là Đức Mẹ đã đến thăm và ở lại nhà con cái Mẹ ít là một đêm. Mỗi gia đình chăm chút từng cánh hoa dâng Mẹ. Ông bà, cha mẹ, con cháu sum họp bên Mẹ, kinh nguyện sốt sắng. Ông Trùm Họ tổng kết tháng Mân Côi rành rành rằng: Xóm 1, 28 gia đình, trừ 2 nhà rối; Xóm 2, 24 gia đình, trừ 3 nhà rối, Xóm 3, 27 gia đình, trừ 2 nhà chống đối cha sở, 1 nhà rối; Xóm 4, 16 gia đình, trừ 3 nhà bỏ đạo, 2 nhà có con làm nghề tội lỗi, 2 nhà không đóng niên liễm 3 năm rồi !

Đêm 15 tháng 10, kiệu Đức Mẹ về đến nhà ông bà N, xóm 1. Chị H, bên cạnh nhà ông bà N, biết mình trong tình trạng “rối không gỡ được” đã 12 năm nay, và biết Đức Mẹ sẽ không được người ta cho phép đến nhà mình, nên chị đã sang nhà ông bà N, cầu khẩn: “Ông bà làm ơn cho con lén khiêng kiệu Đức Mẹ sang nhà con một tí, một tí thôi, rồi con đem trả lại ngay”. Ông N trả lời: “Nếu bên trùm họ mà biết thì chết tui !”

Như thế là Đức Mẹ bị… cấm vào nhà kẻ có tội. Tội nghiệp Đức Mẹ ghê ! Nhưng mà ai đã ban lệnh cấm nầy ?

Thật đáng tiếc ! Cho đến hôm nay mà vẫn còn những lệnh cấm không phù hợp với Tin Mừng tí nào ! Hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu đã đả phá cái luật bất nhân này rồi, mà sao đến bây giờ, 2013, chúng ta vẫn còn giữ ?

Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca tường thuật việc Chúa Giêsu chủ động “vào nhà kẻ có tội”. Và chính ý hướng chủ động của Chúa đã làm cho con người tội lỗi ấy hoàn lương, nên công chính.

          Dakêu, một người thu thuế và đứng đầu những người thu thuế trong vùng, bị xem là tội lỗi công khai và bị xã hội ruồng bỏ. Những tưởng ông ta cũng chẳng màng đến chuyện chấp nhận hay loại trừ tương quan xã hội, bởi vì ông có thiếu thốn điều chi trên đời này đâu. Đứng đầu những người thu thuế thì hẳn nhiên là ông có dư giả bạc tiền, tiện nghi, phương tiện, có tất cả, thì cần gì phải bận tâm đến chuyện chấp nhận hay ruồng bỏ ?!?

Nhưng không, ông vẫn cảm thấy thiếu thốn điều gì đó quan trọng hơn của cải, quyền thế của ông. Chính cái “cảm thấy thiếu” nơi ông đã thôi thúc ông “tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai”. Việc ông vượt qua cản trở về ngoại hình thấp bé bằng cách leo lên cây sung cho thấy quyết tâm của ông là phải nhìn xem cho bằng được. Điều đó đã nói lên việc gặp gỡ Đức Giêsu là cần thiết cách tuyệt đối nơi ông.

Có thể đám dân chúng theo Chúa Giêsu dự đoán là Chúa Giêsu sẽ chẳng màng tới ông Dakêu tội lỗi kia. Nhưng không, điều ngược lại đã xảy ra là: Chúa dừng lại, ngước nhìn lên ông đang đeo trên cành sung, và ân cần nói: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.

Thánh Luca thuật rằng ông Dakêu “vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón rước Người”. Hình ảnh rất sống động diễn tả trọn vẹn niềm vui, niềm hạnh phúc của người tội lỗi, người bị thiên hạ tuyệt giao, loại trừ, xua đuổi, nay được Con Thiên Chúa viếng thăm.

Thế là Chúa Giêsu đã “vào nhà người tội lỗi”. Lệnh “cấm vào nhà người tội lỗi” như một bản luật vẫn còn sắc nét trong tâm khảm của dân chúng, nên họ mới xầm xì: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !” Nhưng cách nào đó, Chúa Giêsu đã đả phá công khai, và viết nên một bản luật mới: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất”.

Tình thương của Thiên Chúa có sức biến đổi con người từ chỗ bất chính nên công chính, từ chỗ chưa hoàn thiện đến chỗ toàn thiện. Cụ thể nhất là biến đổi con người Dakêu hôm nay: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo. Và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Như thế, cuộc gặp gỡ trực tiếp rất ít lời trò chuyện mà quí hơn biết bao câu nói, biết bao lời nhắn gửi. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu tuyên bố: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này”. Đúng là gặp gỡ Đức Giêsu, biến đổi cuộc đời mình và đón nhận ơn tái sinh.

Rõ ràng là Chúa Giêsu không giữ luật “cấm vào nhà người tội lỗi”, mà còn, ngược lại, Chúa đến với người tội lỗi để người tội lỗi được cứu rỗi.

Thiết tưởng, Tin Mừng hôm nay gửi đến chúng ta những thông điệp quí giá:

Thông điệp cho người tội lỗi: Hãy cảm thấy thiếu Chúa Giêsu, cảm thấy cần Chúa Giêsu, khát khao, tìm, và gặp Lời Thiên Chúa, gặp Đức Giêsu cho bằng được.

Thông điệp cho những người cho mình là công chính: Đừng khinh bỉ, loại trừ người tội lỗi, nhưng hãy cảm thông nỗi đau của họ, hãy mở lòng đón nhận họ, hãy tạo điều kiện tốt nhất để mở đường cho họ đến với Chúa Giêsu và để Chúa Giêsu đến với họ…

Thông điệp cho các mục tử: Thường xuyên đến thăm con chiên của mình, nhất là những con chiên đau yếu, bệnh tật, nguội lạnh, rối rắm, tội lỗi… Một lần thăm của các mục tử có giá trị biết bao đối với con chiên. Ước gì không có con chiên nào phàn nàn về việc mục tử ở với chiên vài ba năm rồi mà chưa hề thăm một nhà ai cả, huống chi nhà người tội lỗi !

Trở lại với câu chuyện của chị H trên đây, ước gì mọi người hiểu và cảm thông cho chị cũng như cho những người như chị. “Ông bà làm ơn cho con lén khiêng kiệu Đức Mẹ sang nhà con một tí, một tí thôi, rồi con đem trả lại ngay”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khao khát Chúa, biết cần có Chúa, biết tìm và gặp Chúa cho bằng được, để chúng con được ơn biến đổi và tái sinh.

Xin cho chúng con biết cảm thông và xoa dịu nỗi đau của những người khát khao nên công chính. Amen.

PM. CAO HUY HOÀNG, 31.10.2013

CÁI HỐ

CÁI HỐ

Chủ đề: “Chúa Giêsu thường gõ cửa tâm hồn chúng ta, nhưng chúng ta có mở cửa cho Người hay không là tùy ý chúng ta.”

Một trong những người tiền phong vận động chính phủ cải cách hệ thống nhà tù ở Hoa Kỳ là một tội phạm đã hối cải, tên Starr Daily. Câu chuyện ông hoán cải thật lạ lùng nhưng thật tuyệt vời.

Khi Daily bị kết án tù lần thứ ba trong đời, quan toà nói với ông:

“Có phạt thêm nữa thì ông cũng vậy, và tôi không biết phải làm gì khác trong vụ xử ông. Sự bất lực của chúng tôi là sự tuyệt vọng của ông.”

Trong thời gian ở tù, lối sống của Daily thật tệ hại đến nỗi người ta phải giam ông vào một cái “hố” biệt lập. Thông thường một tù nhân chỉ có thể chịu nổi cảnh giam cầm đó hai tuần lễ. Sau đó có bác sĩ đến thăm và ra lệnh đưa về nhà giam bình thường.

Nhưng trường hợp của Daily thì đã hơn hai tuần lễ và vẫn tiếp tục.

Rồi một ngày kia, một sự kiện khác thường xẩy đến. Khi Daily nằm trên sàn lạnh lẽo của cái “hố”, một tư tưởng kỳ lạ nảy ra trong đầu.

Ông thường có một sức mạnh và năng lực đáng kể. Bỗng dưng ông tự hỏi điều gì sẽ xảy ra cho ông nếu ông dùng sức mạnh và năng lực ấy để làm việc thiện hơn là làm điều xấu. Ý tưởng ấy tràn ngập tâm trí ông. Và trong một thời gian thật lâu, ông nằm suy nghĩ về điều đó.

Điều kế tiếp xẩy đến thì thật khó để diễn tả. Daily bắt đầu có những giấc mơ đứt đoạn về Đức Giêsu Kitô, là người mà từ lâu ông cố gạt ra khỏi cuộc đời mình. Dường như ĐứcGiêsu đứng bên cạnh ông và nhìn vào mắt ông, như thể Người đi vào linh hồn ông. Trong suốt cuộc đời, chưa bao giờ Daily cảm được thế nào là tình yêu.

Sau đó, tất cả những người mà Daily đã làm họ đau khổ dường như lướt qua tâm trí ông. Và khi đó, Daily đã tỏ lòng thương mến họ, và dường như vết thương lòng được lành lặn.

Cảm nghiệm đó đã thay đổi hoàn toàn con người Daily. Trước đó, ông là một tội phạm cứng cỏi, đầy căm thù. Sau đó, ông là một con người mới, đầy tình yêu.

Sau cùng, Daily được phóng thích và bắt đầu một sự nghiệp mới để nói chuyện và viết lách hôã trợ việc cải cách nhà tù.

Nhận định về sự hoán cải lạ lùng của ông Daily, ông Peter Marshall, một tuyên uý nổi tiếng của Quốc Hội, nói rằng: “Starr Daily là một bằng chứng sống động tốt nhất mà tôi chưa từng thấy, đó là ‘một tạo vật mới trong Đức Giêsu Kitô’ thì không chỉ là một con người cũ được chắp vá, nhưng là một con người hoàn toàn mới” Catherine Marshall, A Man Called Peter.

Câu chuyện của ông Starr Daily có sự tương đồng kỳ lạ với câu chuyện của ông Giakêu trong bài Phúc Âm hôm nay.

Cả hai đều có đời sống tệ hại. Cả hai đều gặp gỡ Chúa Giêsu. Cả hai đều thay đổi đáng kể nhờ sự gặp gỡ đó. Và cả hai đều đền bù cho quá khứ.

Trong một phương cách sùng tín, ông Daily tuôn đổ tình yêu trên những người mà ông đã tổn thương họ. Ông còn dành trọn cuộc đời để cải cách hệ thống nhà tù.

Ông Giakêu phân phát nửa gia tài cho người nghèo. Và những ai bị ông lường gạt đều được bồi thường gấp bốn. Số tiền bồi thường này nhiều hơn luật buộc gấp đôi. (Xh 22:3)

Chúng ta áp dụng câu chuyện của ông Daily và ông Giakêu vào đời sống như thế nào?

Cả hai câu chuyện đều nhắc nhở chúng ta về một điều mà chúng ta thường quên. Chúa Giêsu muốn đi vào cuộc đời chúng ta và thay đổi chúng ta trở nên tốt hơn, cũng như Người đã thay đổi ông Daily và Giakêu.

Nhưng Chúa Giêsu không ép buộc chúng ta, cũng như Người không ép buộc ông Daily và ông Giakêu. Người để chúng ta tự do.

Chúa Giêsu đối xử với chúng ta cũng giống như Người đối xử với một phụ nữ trong Phúc Âm, mà bà bị bệnh hoại huyết (Mc 5:25-34). Hãy nhớ lại câu chuyện này.

Một ngày kia Đức Giêsu đi ngang qua, và bà tự nhủ, “Nếu mình được chạm đến y phục của Ngài, mình sẽ lành mạnh.”

Bà đã đến và chạm vào áo của Chúa Giêsu và được lành mạnh.

Chúa Giêsu cũng thường đi ngang qua đời sống chúng ta. Khi Người đến, chúng ta chỉ cần thi hành như người phụ nữ nói trên. Chúng ta chỉ cần tiến đến và chạm vào áo của Người. Nếu chúng ta làm như vậy, Người sẽ chữa lành chúng ta, cũng như Người đã chữa lành người phụ nữ, cũng như Người đã chữa lành ông Starr Daily, và cũng như Người đã chữa lành ông Giakêu.

Điều này đưa chúng ta đến điểm sau cùng. Khi nào thì chúng ta có thể biết chắc là Chúa Giêsu đi ngang qua cuộc đời chúng ta?

Có nhiều lần Chúa Giêsu đi ngang qua cuộc đời chúng ta, trong một phương cách đặc biệt. Chỉ kể ra đây ba trường hợp đặc biệt.

Thứ nhất, Chúa Giêsu hiện diện trong đời sống chúng ta, trong một phương cách đặc biệt, mỗi lần Kinh Thánh được đọc lên và được dẫn giải trong Thánh Lễ. “Đức Giêsu nói với các môn đệ, ‘Ai nghe anh em là nghe Thầy…‘”

Và vì vậy lần đầu tiên Chúa Giêsu hiện diện trong đời sống chúng ta, trong một phương cách đặc biệt, là trong Phụng Vụ Lời Chúa ở Thánh Lễ.

Thứ hai, Chúa Giêsu hiện diện trong đời sống chúng ta, qua một phương cách đặc biệt, trong Phụng Vụ Thánh Thể. “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ sống trong Ta và Ta sống trong người ấy” Gioan 6:56.

Và vì vậy ngoài sự hiện diện khi lời Chúa trong Kinh Thánh được giảng giải trong Phụng Vụ Lời Chúa, Chúa Giêsu còn hiện diện, trong một phương cách đặc biệt, khi thân thể Người được bẻ ra và ban cho chúng ta trong Phụng Vụ Thánh Thể.

Sau cùng, Chúa Giêsu hiện diện, trong một phương cách đặc biệt, khi chúng ta gặp gỡ những người nghèo hèn. Chúa Giêsu nói bất cứ ai giúp đỡ những người này là giúp đỡ chính Người. (Matthew 25:40).

Và như vậy có ba lần đặc biệt khi chúng ta có thể biết chắc là Chúa Giêsu hiện diện trong đời sống chúng ta qua một phương cách đặc biệt.

Đó là khi lời Chúa được mở ra và đọc cho chúng ta nghe, khi thân thể Chúa được bẻ ra và ban cho chúng ta, và khi một phần tử trong gia đình của Chúa bị tan nát và đến với chúng ta xin giúp đỡ.

Khi Chúa Giêsu hiện diện với chúng ta qua một trong ba phương cách đặc biệt này, chúng ta chỉ cần thi hành điều mà ông Starr Daily đã làm, điều mà ông Giakêu đã làm và điều mà người phụ nữ bị bệnh hoại huyết đã làm.

Chúng ta chỉ cần tiến đến, chạm đến Đức Giêsu, và mời Người đi vào cuộc đời chúng ta, cũng như họ đã làm. Và nếu chúng ta thi hành như vậy, Người sẽ đi vào cuộc đời chúng ta, chữa lành cho chúng ta như Người đã chữa lành cho họ.

Hãy kết thúc bài chia sẻ hôm nay với những lời thật tuyệt vời trong sách Khải Huyền. Chúa Giêsu nói với chúng ta qua những lời ấy:

“Hãy lắng nghe! Ta đứng ở ngoài cửa và gõ; nếu ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ đi vào nhà của họ và ăn với họ, và họ sẽ ăn với Ta” (Kh 3:20).

Cha Mark Link, S.J.

TÌNH THƯƠNG BIẾN ĐỔI

TÌNH THƯƠNG BIẾN ĐỔI

Đi hành hương Đất Thánh, ai cũng muốn đến Giêricô thăm “Cây sung Giakêu” và thưởng thức trái chà là. “Cây sung Giakêu” to lớn khoảng hai người ôm. Cây sung này được trồng lại cách đây hơn 700 năm. Tôi đi dịp tháng 4 nên sung nhiều trái. Các bà thích lắm, hái ăn và tin rằng trái từ “cây sung Giakêu” chữa lành mọi thứ bệnh.

Giêricô trở nên nổi tiếng với câu chuyện ông Giakêu trèo lên cây sung để nhìn cho được Chúa Giêsu đi ngang qua.

Giêricô chính là miến Đất Hứa, khi xưa Môsê từ trên núi Nebô đã được nhìn thấy. Sách Giosuê chương 6 kể lại cuốn đánh chiếm thành Giêricô.

Giêricô là một thành rất giàu có và quan trọng, nằm trong vùng thung lũng sông Giođan, là giao điểm của đường lên Giêrusalem và các lối qua sông Giođan để tỏa về các vùng đất phía sông Giođan.

Giêricô có một rừng chà là rất lớn, những vườn cây thuốc thơm nổi tiếng quốc tế, cách xa mấy dặm vẫn ngửi thấy mùi thuốc thơm. Các vườn hoa hồng ở đó cũng rất nổi tiếng. Người ta gọi Giêricô là “thành cây chà là”. Sử gia Do thái Josephus gọi là “Khu đất thần tiên, khu đất màu mỡ nhất của Phalettin”. Người La mã chở trái chà là và dầu thơm từ đó đi bán khắp nơi trên thế giới.

Chúa Giêsu đi qua Giêricô, tiến về Giêrusalem với đoàn người hành hương đông đảo, chuẩn bị bước vào khổ nạn. Ông Giakêu leo lên cây sung để nhìn cho được Chúa sắp đi ngang qua. Chúa nhìn lên cây sung thấy Giakêu. Chúa nhìn ông bằng ánh mắt yêu thương.Trái tim Giakêu bừng lên ngọn lửa yêu thương. Ông đáp lại tình thương của Chúa và thể hiện bằng việc đền bù thiệt hại, chia sẻ chân thành cho tha nhân. Tình thương của Chúa đã cảm hóa Giakêu và biến đổi cuộc đời ông.

1. Tình thương biến đổi

Giakêu là một người thu thuế và là một người giàu có. Ông đã từng nghe biết Chúa Giêsu đã chọn ông Lêvi, một nhân viên ngành thuế như ông làm môn đệ (Mt 9,9). Nay ông rất muốn có dịp nhìn thấy con người kỳ lạ này.

Lần kia, biết Người sắp đi ngang Giêricô quê hương ông, Giakêu ra xem, nhưng vì dân chúng quá đông mà ông lại lùn, nên ông leo lên một cây sung để nhìn cho rõ. Ðường đường một người “đứng đầu những người thu thuế”, một công chức có địa vị, nhưng ông vẫn không sợ mất mặt, vẫn trèo lên cây cao.

Chúa ngước mắt lên cây sung, ánh mắt Chúa và ánh mắt Giakêu gặp nhau. Ánh mắt Giakêu bộc bạch tất cả tấm lòng và cuộc đời của mình: một người thu thuế, một người bị vạ tuyệt thông cách ly, một tâm hồn khát khao muốn gặp Chúa, một con chiên lạc đang tìm lối về. Lòng Chúa xao xuyến, thương mến vô vàn, một tâm hồn mà Chúa đang muốn tìm về đây. Chúa nói: “Hỡi Giakêu hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ông“. Giakêu cười sung sướng, nhảy xuống đất, chạy mau về nhà, làm tiệc tiếp đãi khách quý. Và đó phải là một bữa tiệc linh đình, có đông bạn bè trong ngành thuế tham dự, giống như ông Lêvi đã làm trước kia (x. Lc 5,29).

Không phải bốc đồng, nhưng từ đáy lòng Giakêu cuộn lên một niềm sám hối mãnh liệt khiến ông cất tiếng thưa với Chúa: “Thưa Ngài, này đây phần nửa tài sản tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn“. Ông Giakêu tự buộc mình làm một việc đền bù rộng rãi phi thường, vượt xa mức đòi hỏi của luật lệ. Ðiều ấy chứng tỏ ông đã thật lòng hoán cải và hơn nữa ông biết mình đã được tha thứ và cứu độ. Chính Chúa Giêsu xác nhận như thế khi Ngưới phán: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này“.

Trước đây Giakêu chỉ nghĩ đến tiền và sống ích kỷ cho riêng mình, không nghĩ đến người khác.Trước đây Giakêu vốn tham lam, bất lương, lòng quảng đại bị chôn vùi qua bao năm tháng. Hôm nay, gặp được Chúa Giêsu, ông đã biết sống trao ban cho người khác, quan tâm đến người nghèo, sống công bằng với mọi người. Lòng quảng đại đó được bộc phát cách rõ ràng: “Tôi xin bố thí phần nữa của cải của tôi cho người nghèo, và nếu tôi có gian lận gì của ai, tôi xin đền lại gấp bốn”. Quả là mùa xuân về trong tâm hồn Giakêu. Ngập tràn ánh nắng. Ngây ngất niềm vui. Bình minh Ơn Cứu Ðộ chan hoà lòng trí ông, gia đình ông.

2. Tình thương hoán cải

Trong sách (Lv 5, 20-26; Xh 21, 37; Ds 5, 6) đều nói đến khoản luật phải trả lại, đền bù cho người nghèo, cho kẻ bị thiệt hại một số của cải. Ðó là luật trong Cựu Ước. Giakêu trình bày ngay vấn đề, điều đó cho thấy có lẽ ông đã nghiên cứu Thánh Kinh, biết được các luật lệ đó. Tiếng lòng hồi sinh và như vậy ông đã có thao thức thầm kín, có băn khoăn và chờ đợi. Trong cuộc sống dư giả vật chất, bân rộn với công việc làm ăn, ông vẫn thấy lòng trĩu nặng ưu tư, để rồi hôm nay có cơ hội ông tìm kiếm Chúa mong làm lại cuộc đời mới.

Thánh Luca đã nói rõ: ông là thủ lãnh của những người thu thuế. Giêricô bấy giờ là hải cảng, thu thuế nơi xuất nhập cảng phồn thịnh phải là một tay có thế lực. Trong nghề nghiệp đó, bạn bè của ông phải là những người thu thuế, các sĩ quan Rôma. Vậy tại sao ông lại vất vả chen lấn với đám đông để mong gặp một người tên là Giêsu, kẻ hoàn toàn khác địa vị xã hội với ông? Là người giàu có, sang trọng, tại sao ông bỏ cả thể hiện sẵn sàng trèo lên cây sung như một đứa trẻ để nhìn cho được Chúa Giêsu đi qua? Hơn nữa, vốn bị dân chúng thù ghét, ông có thể bị nguy hiểm tính mạng khi đối diện với quần chúng giữa đám đông. Như thế ông phải liều, và bỏ ngoài tai mọi phê bình.

Ðộng lực nào thúc đẩy ông đi tìm Chúa Giêsu? Chắc chắn không phải vì sự tò mò, nhưng có lẽ nhờ lời Thánh Kinh đánh động.Tâm hồn mong hoán cải đã thúc bách ông lên đường tìm Chúa ! Hoán cải là kết quả của một cảm nhận về tình yêu, một ưu tư thao thức tìm kiếm. Hoán cải là từ bỏ. Bất cứ cuộc trở lại nào, dù lớn dù nhỏ, cũng đòi phải từ bỏ. Hoán cải bởi tình thương bao giờ cũng có kết quả tốt. Giakêu tích cực đi tìm Chúa: “Ông chạy tới phía trước, leo lên một cây sung“. Khi nghe tiếng Chúa gọi, ông đã nhanh chóng và vui mừng đáp lại: “Ông vội vàng tụt xuống“. Ông còn “vui mừng đón rước Ngài về nhà“. Ông nhìn nhận tội lỗi của mình.Ông đền bù những thiệt hại mình gây cho kẻ khác. Ông còn lấy tài sản bố thí cho người nghèo. Hoán cải là một hành trình: từ bỏ những tội lỗi, quảng đại đáp lại tiếng Chúa và canh tân đời sống. Giakêu hoán cải đem lại niềm vui cho chính ông và hai nhóm người, đó là nhóm nghèo được ông san sẻ cho phân nửa tài sản, nhóm bị oan ức (nếu có) được giải oan và nhận huê lợi hơn bốn lần thiệt hại. Việc hoán cải của một người mang lại niềm vui cho nhiều người.

Giakêu lùn về thể lý nhưng tâm hồn không thấp chút nào. Giá trị một người hệ tại nơi tâm hồn. Gía trị của một việc làm ở nơi lòng mến. Đối với Chúa Giêsu, giờ đây, Giakêu, đã trở nên cao thượng nhờ ông biết hoán cải và sống có tình người. Chiều cao thân xác Giakêu vẫn thấp nhưng chiều cao tâm hồn bây giờ ngất cao nhờ tình thương chiếu rọi.

3. Tình thương cảm hóa

Chúa Giêsu là bậc Thầy cảm hoá lòng người. Tôn trọng, yêu thương có sức cảm hoá đến kỳ diệu. Ánh mắt, lời nói và thái độ của Chúa Giêsu đem mùa xuân về cho tâm hồn Giakêu. Những gì xưa nay trói buộc ông, làm cho ông say mê kiếm tìm giờ trở nên vô vị. Giakêu trở nên nghèo hơn trước, nhưng ông lại hạnh phúc hơn xưa nhiều lần. Thân xác ông vẫn lùn như xưa, nhưng tâm hồn ông đã cao thượng hơn gấp bội. Từ một người đáng khinh, Giakêu bỗng trở thành một người đáng khâm phục. Bởi lẽ, Ông đã gặp được Chúa, được nhận lãnh Ơn Cứu Ðộ của người Mục Tử Nhân Lành đi tìm con chiên lạc.

Kho tàng văn học Thiền có ghi lại câu chuyện sau đây. Thiền sư Sengai có một anh đệ tử hư hỏng, đêm đêm thường leo tường trốn ra ngoài chơi đêm. Vị thiền sư biết được điều đó nên vào đêm nọ, sau khi phát hiện người đệ tử vượt tường bằng cách leo lên một chiếc ghế khá cao, vị thiền sư đi đến vị trí đặt ghế, nhắc chiếc ghế bỏ sang bên rồi đứng vào chỗ đó.Trong đêm tối, người học trò leo tường trở vào, rồi theo thói quen đặt chân lên ghế để nhảy xuống, không dè lại đặt chân lên lưng thầy. Khi phát hiện thầy đứng ngay trước mặt, anh học trò hoảng sợ chờ đợi những lời khiển trách nặng nề. Thế nhưng cuối cùng vị thầy chỉ nói mấy lời yêu thương: “Áo con ướt đẫm sương đêm rồi! Mau vào thay áo ngay kẻo cảm lạnh!”. Thế là từ đó, người học trò không bao giờ còn đi chơi đêm nữa.

 

Những lời trách móc, lên án, những thái độ khinh bỉ hay loại trừ chỉ tạo nên nguy cơ làm cho những con người tội lỗi lún sâu vào con đường lầm lạc.Nhưng chính thái độ tôn trọng và tấm lòng yêu thương sẽ tạo nên sức cảm hoá diệu kỳ. Câu chuyện về ông Giakêu cho thấy, thái độ lên án và tẩy chay thường chỉ khiến người có tội thu mình lại và càng dễ dấn sâu hơn vào con đường sai trái của mình; chỉ có một thái độ tích cực có thể giúp họ hồi tâm hoán cải, đó là cởi mở, cảm thông, kính trọng và tùy hoàn cảnh mà nhắc nhở hay sửa dạy với đầy lòng yêu mến.

Giakêu rất cảm động trước sự trân trọng và yêu thương của Chúa Giêsu.Giakêu quyết tâm trở về con đường ngay chính, trước tiên bằng việc thực thi bác ái và công bằng. Cung cách đối xử chan chứa tình người mới là yếu tố chính yếu đem lại thành công trong công việc tông đồ. Đó là nghệ thuật cảm hoá lòng người mà Chúa Giêsu đã sử dụng để làm nên phép lạ nơi con người Giakêu.

Lạy Chúa Giêsu, tình thương của Chúa đã làm nên bao điều kỳ diệu. Xin dạy chúng con nhìn tha nhân bằng ánh mắt của Chúa, sống với người khác bằng tình thương, hy vọng vào lòng tốt của mỗi người và tin tưởng vào sự quảng đại của họ, nhờ đó thế giới của chúng con trở nên nhân bản hơn và thần linh hơn. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Trở về

Trở về

Truyện kể: Công tước D’Ossome, phó vương xứ Napoli, nước Ý. Một hôm, ông đi thị sát chiến thuyền Galère được chèo chống bởi một đội tù nhân đông đảo. Khi gặp các tù nhân, ai cũng kêu ca bào chữa rằng họ là những người vô tội. Chỉ có một tù nhân ngồi ở phía góc cúi đầu, chẳng nói chẳng rằng. Công tước bước đến và dịu dàng hỏi han. Anh nói: Thưa ngài, tôi chẳng có gì để bào chữa. Tôi chịu xứng với tội tôi đã phạm. Công tước quay ra nói với mọi người: Anh này là phạm nhân, hắn không xứng đáng ngồi nơi đây chung đụng với những người vô tội. Ta ra lệnh trục xuất ngay hắn ra khỏi chỗ này. Và thế là, chỉ nhờ vào lòng chân thành biết nhận lỗi. Người tù nhân đã được giải phóng khỏi kiếp nô lệ.

Thiên Chúa là Đấng thánh thiện tốt lành vô cùng. Vì yêu thương, Chúa tạo dựng muôn loài và muôn vật để cùng chung hưởng hạnh phúc. Nhìn ngắm vũ trụ muôn loài thật quá vĩ đại nhưng tình thương của Chúa còn bao la vĩ đại tuyệt vời hơn. Tác giả sách Khôn Ngoan viết: “Trước nhan thánh, toàn thể vũ trụ ví tựa hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất.” (Kn 11,22). Thụ tao do Chúa dựng nên đều tuỳ thuộc vào sự an bài của Chúa. Sự hiện hữu của những mầm sống từ loài thực vật nhỏ li ti cho đến những loài vật khổng lồ đều sống dưới sự chở che quan phòng của Thiên Chúa. Mọi loài thọ tạo đều chia sẻ một nguồn sống từ Đấng Tạo Hoá: “Lạy Chúa tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa.” (Kn 11,26). Mỗi loài thụ tạo đều góp phần làm vinh danh Thiên Chúa từ đời này tới đời kia.

Luật Chúa như kim chỉ nam giúp cho chúng ta tìm ra con đường chính thật. Giống như luật lệ giao thông, trên mọi con đường lớn nhỏ đều có các bảng dẫn lối chỉ đường, vậy mà nhiều người cũng vẫn bị lạc hoặc phạm lỗi. Những ai có bằng lái xe đều phải học biết luật lệ, khi phạm luật thì bị phạt. Chúng ta không thể kêu ca trách móc ai cả. Đời sống đạo cũng thế, có luật Chúa và luật Giáo Hội, chúng ta cố gắng soi mình để sống tốt và sống cho phù hợp với luật dạy. Chúng ta được nhắc nhở canh thức và thức tỉnh lương tâm sống đạo. Sách Khôn Ngoan dậy rằng: “Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa.” (Kn 12,2). Đừng coi thường những huấn lệnh, giới răn và lời khuyên dạy. Có đôi khi chúng ta đang dìm mình trong vũng lầy mà không nhận ra. Sống trong u mê lầm lạc lại tưởng là đang sống trong hoan lạc.

Phúc Âm kể câu truyện Chúa Giêsu đi ngang qua làng, thấy ông Giakêu trèo lên cây sung để nhìn xem Chúa. Chúa ngước nhìn lên, ông cúi xuống và hai ánh mắt chạm nhau. Trái tim Chúa xót thương và lòng người thổn thức. Chúa đề nghị ghé thăm nhà ông. Giakêu vui mừng đón tiếp Chúa và ông tự xưng thú tội lỗi mình trước mọi người. Ông Giakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đay phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” (Lc 19,8). Ánh mắt nhân từ của Chúa đã cải hoá được một tâm hồn tội lỗi. Với lòng chân thành hối lỗi đền bù, Chúa đã cứu ông ra khỏi vũng lầy của gian tham tội lỗi.

Chúa Giêsu rong ruổi đi tìm những con chiên bị lạc. Có nhiều con chiên xa lạc chưa biết đường trở về. Chúa đã tìm và đi cứu, “vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy xin Chúa Cha ban thêm các thợ gặt tâm hồn. Cánh đồng lúa chín bao la nhưng thiếu thợ gặt. Còn biết bao nhiêu người đang bị mê lầm trong tội lỗi mà không nhận biết Tin Mừng cứu độ. Đôi khi chính chúng ta quá quen với lối sống ấm êm hưởng thụ và cách sống dung túng, truỵ lạc, chúng ta không muốn từ bỏ con đường cũ và không muốn bước ra khỏi vũng bùn nhơ nhớp. Buông bỏ tội lỗi thì tiếc xót, vì tội là một cái thú. Chúa thường gởi đến những nhân chứng để đánh động tâm hồn. Chúng ta rất may mắn được lắng nghe lời Chúa chỉ dậy và được Giáo Hội nhắc nhở luôn. Chúng ta cần cầu nguyện xin ơn can đảm để có thái độ dứt khoát với tội lỗi qúa khứ.

Khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu xin rằng xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Mỗi ngày sống, chúng ta phải đối diện với rất nhiều cơn cám dỗ. Cám dỗ về danh, lợi và thú. Có nghĩa là khi còn sống, thân xác luôn đòi hỏi những nhu cầu rất tự nhiên. Chúng ta luôn có cơ hội để chọn lựa thái độ sống tốt. Cái danh cái lợi, ai mà không thích. Tiền bạc và lạc thú, mấy ai từ chối. Những thói đời tham sân si kéo ghì con người chúng ta lại. Người ta thường nói tới cái ‘thú’ ở đời. Lạc thú dẫn chúng ta vào những si mê quay cuồng trong thú vui nhục dục, tham lam danh lợi, tiền bạc, gian lận bài bạc và buông thả cuộc sống.

Tội lỗi cứ bám sát cuộc đời của chúng ta. Nếu chúng ta không dứt khoát khước từ và dũ bỏ, nó sẽ không buông tha chúng ta. Chúng ta cần tự xét, nhận lỗi và sửa lỗi mình mỗi ngày. Cũng giống như ngày hôm qua chúng ta đã ăn no, ngày hôm nay đói, lại muốn ăn. Hôm qua, chúng ta tắm rửa sạch sẽ, mát mẻ, hôm nay lại thấy dơ, nên phải tắm. Sáng thức dậy ra khỏi nhà và đi làm việc. Chiều lại trở về xum họp gia đình. Ai ra đi cũng mong trở về. Kẻ đi lạc, mong tìm được lối ra. Người rơi vào đường lầm, nên tìm đường trở lại. Khi sa ngã phạm tội, cần phải sám hối ăn năn. Tội hôm qua khác tội hôm nay. Cần xưng thú và lãnh ơn tha tội và xin hứa quyết lòng chừa. Mỗi lần phạm tội đều là tội mới trong hoàn cảnh mới. Chúng ta cần tiếp tục sám hối và trở về. Sống mỗi ngày cho trọn vẹn. Mỗi người được mời gọi đổi thay để sống tốt, thánh thiện và hoàn hảo hơn mỗi ngày.

Chúng ta có trí khôn để nhận biết giá trị của không gian và thời gian. Thời gian thuộc về Chúa. Mỗi ngày là một ngày mới hoàn toàn. Những điều chúng ta xem như cũ, cứ lặp đi lặp lại, nhưng không phải thế. Lời khuyên cũ được nhắc lại trong hoàn cảnh mới và với tâm tình mới. Mười năm trước chúng ta đã nghe câu truyện đó, hôm nay chúng ta được nghe lại cùng câu truyện nhưng đã có nhiều đổi thay. Khi xưa, chúng ta còn trẻ, còn hăng say và còn nhiều vấp ngã. Hôm nay, chúng ta trưởng hơn một chút, chững chạc hơn một tí và có thể nhẫn nại hơn. Điều quan trọng là chúng ta có tốt lành thánh thiện hơn không, hay vẫn dậm chân tại chỗ và đôi khi còn bị thụt lùi. Cho nên lời khuyên răn mời gọi đổi đời, trở về và sửa sai vẫn là cần thiết.

Trong thư gửi giáo đoàn Thessalônica, Thánh Phaolô vừa mời gọi và vừa cảnh báo: “Nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mạc khải, hoặc đã nói, đã viết thư qủa quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ.” (2 Thes 2,2). Hãy sống thanh thản trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng, chúng ta không phải bồn chồn lo lắng truyện gì sẽ xảy đến. Đừng để lòng bận vướng những oán thù đã qua. Cố gắng sống trọn vẹn giây phút hiện tại trong ân tình với Chúa và với anh chị em.

Lạy Chúa, thân con mỏi mệt, tâm con yếu đuối, lòng con tội lỗi và hồn con lạc xa Chúa. Con xin thành tâm hối lỗi, xin Chúa thứ tha và đưa dắt con về nẻo chính đường ngay.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Viếng thăm nhau

Viếng thăm nhau

Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II được coi là sứ giả của Thiên Chúa, và là con người của muôn người. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đã thực hiện trên 100 chuyến công du đến 129 quốc gia để gặp gỡ và chung sống với đủ mọi thành phần trong xã hội, đủ mọi dân tộc trên khắp Năm Châu. Dù tuổi già sức yếu, hai lần té gãy xương, thậm chí cuộc ám sát năm 1981 đã khiến ngài từng ngã qụy vì viên đạn bắn gần vào tim, nhưng tất cả vẫn không làm chùn bước chân của người mục tử đi đến với đoàn chiên và tìm chiên lạc trở về.

Ngài đã thực hiện một chuyến viếng thăm lịch sử, một chuyến viếng thăm đã chinh phục được toàn thể luơng tâm nhân loại. Đó là khi Ngài dừng chân bên bức tường Than Khóc. Tại đây, ngài lập lại lời xin lỗi cho cả một quá khứ hiểu lầm đầy đau thương. Đây quả thực là một cuộc viếng thăm đã san bằng con đường gồ ghề gai góc và mở ra một chân trời mới.

Chân trời của sự tha thứ lẫn nhau.

Chân trời của sự tin tưởng lẫn nhau

Chân trời của những chân lý chung

Chân trời của những trách nhiệm chung

Và chân trời của sự cầu nguyện chung.

Đức thánh Cha Đức Bênêdicto 16 cũng ra đi, để đến với muôn dân. Đặc biệt trong chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 11/2006, ngài đã thực hiện một chuyến viếng thăm đầy mạo hiểm theo cái nhìn người đời, nhưng là bước đi đầy lòng cậy trông và phó thác vào Thiên Chúa quan phòng. Ngài đã đánh đổ mọi cái nhìn lệch lạc về ngài khi ôm chúc bình an với Đức Thượng phụ Bathôlômêô I, và khi ngài bước vào Đền Thờ Xanh trong sự kính trọng và đầy thiện cảm của anh em Hồi Giáo. Chính chuyến tông du có tính lịch sử này, giới truyền thông trên toàn thế giới cho rằng ngài đã đóng góp: “cho việc xây dựng một thế giới có khả năng nhận ra những chân lý chung trong tình huynh đệ và đối thoại, và không chiều theo đối kháng hay đầu hàng quyền lực sự chết”.

Trong cuộc đời dương thế, Chúa Giê-su luôn đi đến với mọi người. Mỗi bước đi của Ngài luôn để lại dấu ấn đầy yêu thương cho những ai được tiếp xúc với Ngài. Hôm nay, Gia-kêu đã được Chúa viếng thăm. Đây là một hồng phúc dành cho Gia-kêu. Gia Kêu không ngờ mình lại được Thiên Chúa viếng thăm. Những người Do Thái năm xưa càng không ngờ Thầy Giê-su, một vị Thầy đáng kính, một người thánh thiện lại ghé thăm kẻ tội lỗi. Nhưng đây lại là đường lối của Chúa. Chúa đã dùng cách này để mang tình yêu đổi lấy cuộc đời Gia Kêu. Chúa dùng tình yêu để cải hoá người tội lỗi. Chúa đến để tìm kiếm, để cứu chữa những gì đã mất. Chính trong chuyến viếng thăm lịch sử này, Chúa đã đổi đời Gia Kêu để từ đây ông không còn tham lam quyền bính hay tham lam tiền bạc. Gia Kêu đã sám hối và chuộc lại lỗi lầm. Ông đã cho đi những của phù vân. Ông đã biết dùng của cải đời này mà mua lấy bạn hữu Nước Trời mai sau. Ông còn bỏ tiền để đền bù những việc lỗi công bằng bác ái mà ông đã gây ra. Ông đã tìm được sự bình an của tâm hồn sau một lần được Chúa viếng thăm.

Con đường đến với anh em phải là con đường của các môn đệ Thầy Giêsu. Hãy ra khỏi chính mình để đến với anh em. Hãy tìm đến các con chiên lạc mà đưa về ràn. Hãy hội nhập với đời để đem đạo vào đời. Chúa đã đi vào đời để gieo chân lý, niềm tin và hy vọng. Là môn đệ của Chúa cũng cần bước theo dấu chân của Thầy Giêsu. Dấu chân luôn rong ruổi khắp mọi nẻo đường. Dấu chân của người môn đệ đi đến đâu, sẽ để lại cho đời một màu xanh của yêu thương và hạnh phúc bình an. Ưoc mong mỗi người chúng ta hãy can đảm vượt qua những trở ngại từ bản thân, từ môi trường để dấn thân cho Tin mừng của Chúa được đến với muôn người. Hãy xoá mọi thành kiến xấu nơi anh em để có thể hoà hợp với anh em. Hãy xoá bỏ mọi ngăn cách giầu nghèo hay địa vị cao thấp mà sống hoà đồng với anh em. Hãy xoá bỏ mọi hiềm khích hận thù để sống bác ái yêu thương nhau ngõ hầu làm sáng danh Chúa qua những dấu chỉ của tình yêu thương.

Nguyện xin Chúa là Đấng đã viếng thăm Gia-kêu xin cũng lưu lại nơi cuộc đời chúng con để biến đổi chúng con thành những tín hữu biết sống công bình bác ái và dấn thân hết mình phục vụ tha nhân. Amen.

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

 

BÍ QUYẾT NÊN THÁNH

 BÍ QUYẾT NÊN THÁNH

Năm phụng vụ diễn tả lịch sử cứu độ và tuyệt đỉnh của lịch sử này là cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô. Năm phụng vụ có năm mùa nhưng tựu trung chỉ mừng một mầu nhiệm duy nhất- mầu nhiệm cứu độ: Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta.

Năm mùa phụng vụ đều quy về chính Chúa Kitô  là Đấng Cứu Độ.Ngài là Con Thiên Chúa nhập thể,đã sinh ra,đã chết,đã sống lại,lên trời ngự  bên hữu Chúa Cha,và gởi Thánh Thần đến với Giáo hội. Các  ngày lễ về các Thánh nói lên thành quả của ơn cứu độ. Mỗi vị Thánh được tôn phong hàng ngày là một bằng chứng sống động về sự thành công của ơn cứu độ.Các ngày lễ này có hai cao điểm:

– Lễ Đức Maria hồn xác lên trời là chiều cao và chiều sâu của ơn cứu độ.Thiên Chúa cứu độ là cứu cả hồn xác,toàn diện con người: “Người đã đoái thương nhìn đến phận hèn tớ nữ… Người đã làm những điều cao cả”.

– Lễ Các Thánh Nam Nữ là chiều rộng của ơn cứu độ: “Lòng thương xót của Chúa trải rộng từ đời nọ đến đời kia”.

Theo lời Sách Khải Huyền, Các Thánh trên trời là “một đoàn người đông đảo, không sao đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi nước, mọi ngôn ngữ”. Họ đang chúc tụng Thiên Chúa, Đấng ngự trên ngai và Con Chiên, là Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta.

1. Các Thánh Nam Nữ là ai?

Các Thánh Nam Nữ là những phúc nhân (chữ của Đức Cha Bùi Văn Đọc), những người đang hưởng hạnh phúc đời đời bên cạnh Thiên Chúa. Các Ngài là tất cả những người đã chết trong ơn nghĩa Chúa, đang thuộc trọn về Chúa. Các Ngài sung sướng, vui mừng vì thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, được thấy Thiên Chúa tốt lành.

Các Thánh Nam Nữ là những người đã thực hiện những điều mà Thánh Phanxicô Átsidi dệt thành Kinh Hòa Bình:

Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…

Các Thánh Nam Nữ  đông vô kể: “Tôi lại thấy một Thiên Thần khác, mang ấn của Thiên Chúa hằng sống, từ phía mặt trời mọc đi lên… Rồi tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn” (Kh 7,2-4).

Con số “một trăm bốn mươn bốn ngàn” chỉ là một cách nói để bày tỏ sự viên mãn và hoàn hảo của dân Thiên Chúa, dân mới được Thiên Chúa cứu chuộc, thuộc về Thiên Chúa, chứ không thể hiểu theo nghĩa số học, số lượng. “Một trăm bốn mươn bốn ngàn” trong Khải huyền là một con số tượng trưng, một con số tròn đầy (12 x 12 = 144). Số kẻ được niêm ấn là tròn đầy.Và điều tuyệt diệu là trong thị kiến Khải huyền chi tộc nào cũng có số người được niêm ấn như nhau: 12 ngàn thuộc chi tộc Giuđa,12 ngàn thuộc chi tộc Ruben,12 ngàn thuộc chi tộc Gad… không tên họ nào lấn lướt, không tên họ bị loại trừ. Các chi tộc đều được Thiên Chúa kêu mời đầy đủ. Bởi ngay sau đó, thánh Gioan viết tiếp: “Tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nỗi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành thiên tuế” (Kh 7,4).

Một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi. Đó là  cộng đoàn các Thánh Nam Nữ. Quả là đang trở  thành hiện thực nơi Lời Chúa Giêsu đã thốt lên khi gặp được lòng tin của viên bách quản: “Ta bảo thật các ngươi,nhiều kẻ tự phương đông,phương đoài mà đến và được dự tiệc cùng Abraham,Isaac và Jacob trong nước trời”.

Chính vì thế, ngoài những vị thánh mà Giáo Hội đã xác định được và đã kính nhớ các Ngài vào các ngày lễ trong năm, Giáo Hội còn dành ra một ngày lễ đặc biệt để long trọng kính nhớ hằng hà sa số các vị thánh mà Giáo Hội chưa hoặc không thể xác định được, gọi chung là Các Thánh Nam Nữ. Chúng ta mững lễ các Thánh Nam Nữ là mừng Nhà Cha rộng lớn như lòng Thiên Chúa, đủ chổ cho mọi dân tộc.

2. Bí quyết nên thánh

Thánh Gioan viết: “Một trong các kỳ mục lên tiếng hỏi tôi: những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu tới? Tôi trả lời: thưa Ngài, Ngài biết đó. Vị ấy bảo tôi: Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao” (Kh7,13).Thánh Tông đồ đã nhìn thấy họ trên Thiên đàng, tràn đầy hân hoan, ca hát chúc tụng Thiên Chúa: “Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14). Quả thực, việc thanh tẩy tội lỗi chỉ thành tựu nhờ máu Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, các Thánh đã phải trải qua cuộc gian truân lớn. Vì tình yêu Đức Kitô, tất cả đã phải giao chiến với quyền lực của sự dữ, với muôn nghìn đau khổ và khó nhọc. Nhưng thánh Gioan cũng giới thiệu phần thưởng lớn lao của các Ngài: “Họ đêm ngày thờ phượng trong đền thờ của Thiên Chúa… Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh” (Kh 7,15-17).

Các Thánh “đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên”. Như thế, họ không phải là những con người hoàn hảo, thánh thiện,tinh tuyền,không vướng mắc lỗi lầm thiếu sót hay tật xấu nào. Không ai bẩm sinh đã là Thánh. Các Thánh cũng không phải là những siêu nhân, không là những con người phi thường vượt trên đám đông nhân loại. Các Thánh càng không phải là những người bất thường kỳ dị. Các Thánh là những con người bình thường như mọi người,nhưng các Ngài đã sống những điều tầm thường một cách phi thường. Nhờ Ơn Chúa trợ lực, các Ngài đã cố gắng tiến tới mẫu mực của mình là Chúa Kitô. Bí quyết nên thánh của các Ngài là sống Tám Mối Phúc Thật, là đón nhận ân sủng của Chúa vô điều kiện,hợp tác với ân sủng đó,vâng theo ý Chúa,chọn điều thiện, luyện tập nhân đức.

Có rất nhiều vị  thánh bởi vì có rất nhiều cách để nên thánh, nhiều con đường nên thánh. Trong bài Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu đã trình bày tám con đường nên thánh, tám con đường để được hạnh phúc đích thực.

Có người nên thánh, vì sống khó nghèo, không ham mê của cải trần gian, chỉ ham mê một điều là thích được Chúa yêu và đáp trả lại tình yêu của Chúa.

Có người nên thánh, vì sống hiền lành, tử tế với mọi người, nhịn nhục, yêu thương mọi người không trừ một ai.

Có người nên thánh, vì đã phải chịu đau khổ nhiều mà không ngã lòng thất vọng, còn biết dùng những đau khổ của mình, kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, dâng lên cho Thiên Chúa làm của lễ.

Có người nên thánh, vì có lòng nhân từ quảng đại và hay tha thứ, có lòng xót thương xót đối với những người đau khổ tinh thần hay thể xác.

Có người nên thánh, vì khao khát Chúa, muốn sống công chính đẹp lòng Chúa.

Có người nên thánh vì tâm hồn trong sạch, không vương vấn tội lỗi trần gian, không bị các thứ đam mê xác thịt làm chủ.

Có người nên thánh vì hiếu hòa, không gây hấn với ai, mà còn dấn thân hoà giải những người khác, đem lại bình an cho mọi người.

Có người nên thánh, vì sống tốt, sống ngay thẳng, trung thành với Chúa và giáo huấn của Người, dù phải bách hại khổ sở, có khi còn bị giết chết nữa. Mọi cuộc đời, mọi con người đều có thể nên thánh.

Có những vị thánh không có tên trong lịch, nhưng vẫn được gần Chúa. Có những vị thánh nông dân chân lấm tay bùn, vất vả nuôi con. Có những vị thánh nội trợ âm thầm, quét nhà nấu bếp mà lòng lúc nào cũng vui. Có những vị thánh là những người con ngoan trong gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương quảng đại đối với anh chị em. Có những vị thánh là nữ tu, là chủng sinh, là linh mục, là giám mục. Có những vị thánh là những con người đam mê chân lý, như những nhà khoa học, những triết gia. Có những vị thánh là những nghệ sĩ làm đẹp cuộc đời bằng nhiều cách khác nhau, mang lại niềm vui cho mọi người. (ĐTGM. P. Bùi Văn Đọc).

Tuy có nhiều cách thức nên thánh, có vị nên thánh trong bậc tu trì, có vị lại nên thánh trong đời sống gia đình, có vị nên thánh bằng các hoạt động tông đồ năng nổ, có vị nên thánh trong một đời sống âm thầm, lặng lẽ, có vị nên thánh nơi pháp trường đẫm máu, có vị nên thánh chốn sa mạc cô liêu… Nhưng tựu trung, tất cả các thánh đã gặp nhau trên một con đường. Đó là con đường hẹp, con đường thập giá, Chúa Giêsu đã đi “qua đau khổ đến vinh quang”.

“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống
Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”.

Chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng Thánh, còn con người được mời gọi trở nên thánh khi tham dự vào sự thánh thiện duy nhất của Thiên Chúa. Các Thánh được tuyên phong lên bậc hiển thánh bởi vì cuộc đời các ngài là một tấm gương phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa. Ai giống Đức Kitô, người ấy trở nên thánh thiện. Ai thực hiện những giá trị Tin mừng, người ấy trở nên thánh thiện. Một sự thánh thiện như thế rất có thể được thực hiện trong một đời sống rất bình thường. Giáo hội hướng tới một sự thánh thiện tỏa rộng, một hình thức thánh thiện vừa bình dân, vừa gần gũi lại vừa có thể được thực hiện cho hết mọi người, thay vì một hình thức thánh thiện chọn lọc, dành riêng cho một thiểu số. Đó là thành quả Ơn Cứu Độ của Chúa Kitô. Giáo Hội phong thánh để tôn vinh Thiên Chúa và khuyến khích chúng ta noi theo gương sống của Các Thánh.

3. Ơn gọi lớn nhất của con người là nên thánh

Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh. Đó là một ơn gọi rất cao cả như lời Chúa Giêsu: "Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện" (Mt 5,48). Công Ðồng Vatican II cũng lập lại ý tưởng đó: "Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người" (GH 11.3). Trong các thư của Thánh Phaolô, ngài gọi các tín hữu là những vị thánh. Qua Bí Tích Rửa Tội, mọi tín hữu được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Đức Chân Phước Gioan Phaolô II nói rằng: thành công đẹp nhất của một cuộc đời là sự thánh thiện. Tin Chúa, yêu Chúa và sống theo lời Chúa dạy qua Tám Mối Phúc Thật, mọi tín hữu sẽ nên thánh.

Trong Năm Phụng Vụ, Giáo hội tôn kính nhiều vị Thánh có tên tuổi. Ngày lễ các Thánh Nam Nữ, Giáo hội tôn kính tất cả các vị Thánh, trong đó có ông bà cha mẹ, những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta và đã trở nên thánh nhân, mặc dù chưa được Giáo hội tuyên phong.

Trở nên giống Chúa Giêsu, trở nên trọn lành như Chúa Cha ở trên trời, trở nên thánh, đó là ơn gọi của mọi người Kitô hữu chúng ta và đó cũng là sứ điệp Chúa Giêsu và Giáo Hội muốn nhắn gửi qua ngày lễ kính Các Thánh Nam Nữ.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Phái đoàn Công giáo đến Seoul

Phái đoàn Công giáo đến Seoul

Philippa Hitchen từ Seoul, Hàn Quốc

Phái đoàn Công giáo đến Seoul thumbnail

Đức Tổng giám mục Yeom Soo-jung của tổng giáo phận Seoul tiếp đón phái đoàn

Một phái đoàn Công giáo gồm đông đảo các chuyên gia về đại kết đã tới Seoul, Hàn Quốc cuối tuần qua, chuẩn bị tham dự Đại hội X của Hội đồng các Giáo hội Thế giới được tổ chức ở Busan từ 30-10 tới 8-11.

Trước thềm đại hội, phái đoàn dành hai ngày đi thăm cộng đoàn Công giáo địa phương và gặp gỡ lãnh đạo của các Giáo hội khác cũng như các tôn giáo bạn.

Sau khi được Sứ thần Tòa thánh tại Hàn Quốc là Đức Tổng giám mục Osvaldo Padilla đón tiếp hôm thứ Bảy, phái đoàn tham dự Thánh lễ buổi trưa Chủ nhật tại nhà thờ Chính tòa Myeongdong ở Seoul, gặp gỡ Đức Tổng giám mục Yeom Soo-jung và cầu nguyện trong hầm mộ chứa hài cốt của một số thừa sai người Pháp tiên khởi chịu tử vì đạo tại một trong những nơi bách hại đạo hồi giữa thế kỷ 19.

Sau đó phái đoàn thăm chủng viện Seoul đang đào tạo linh mục cho khoảng 270 chủng sinh, và gặp gỡ Đức Hồng y Cheong Jinsuk, cựu tổng giám mục tổng giáo phận Seoul. Đức Hồng y chia sẻ những câu chuyện trong những năm ngài ở chủng viện từ 1954-1961. Kể lại cảnh đói nghèo tột cùng của người Hàn Quốc tại thời điểm đó, Đức Hồng y giải thích cách thức Giáo hội đã phải tìm cách thích nghi với sự phát triển phi thường ở thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, vốn đã đưa đất nước của ngài trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Ngài cũng nói đến quan hệ tốt đẹp mà Giáo hội Công giáo hòa hợp với Giáo hội Tin Lành để có số tín hữu chiếm 18% dân số Hàn Quốc. Ngài tự hào rằng năm 1977 Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên xuất bản bản dịch đại kết của quyển Kinh thánh bằng ngôn ngữ bản địa.

Sau cùng các chủng sinh dẫn phái đoàn đi thăm thư viện và nhà nguyện nơi lưu giữ hài cốt của linh mục người Hàn đầu tiên Cha Kim Tae-gon, người đã chịu bách hại và chết vì đức tin năm 1846, khi mới được 26 tuổi.

Trích từ UCANEWS VN

 

 

Đức Phanxicô tiếp kiến bà Aung San Suu Kyi

Đức Phanxicô tiếp kiến bà Aung San Suu Kyi

Giacomo Galeazzi cho Vatican Insider/La Stampa

Đức Phanxicô tiếp kiến bà Aung San Suu Kyi thumbnail

Picture Courtesy: Vatican Insider/La Stampa

Cho tới nay và chưa bao giờ thân thiết như thế. Hôm 29-10 Đức Thánh cha Phanxicô tiếp kiến nhà đoạt giải Nobel Hòa bình người Miến Điện bà Aung San Suu Kyi tại thư viện giáo hoàng trong Điện Tông tòa. Trước đó bà đã được vinh danh là công dân danh dự của Rôma trên Đồi Capitoline cổ kính.

Đã có “một cảm xúc tuyệt vời về sự hòa hợp và hài hòa” trong cuộc gặp gỡ của Đức Thánh cha với “nhân vật biểu tượng của thế giới châu Á” này, phát ngôn viên Tòa thánh linh mục Federico Lombardi cho biết.

Cuộc tiếp kiến của Đức Giáo hoàng với nhà lãnh đạo của biểu tượng dân chủ và nhân quyền Miến Điện là một sự kiện lịch sử có thể mang lại – dù không ngay lập tức – những kết quả nghiêm túc về chính trị, tôn giáo và văn hóa. Theo nhà lãnh đạo đối lập Miến Điện, nếu không có thay đổi về hiến pháp, thì các cuộc bầu cử tổng thống ở Miến Điện năm 2015 sẽ không có dân chủ, công bằng hay mang tính đại diện. Năm 2015, Miến Điện sẽ bỏ phiếu bầu quốc hội và việc bầu cử này sẽ canh tân toàn bộ quốc hội vốn khi đó sẽ bầu ra một nguyên thủ quốc gia.

Quốc gia này đã tổ chức các cuộc bầu cử (có phần nào) tự do đầu tiên của mình trong lịch sử mới đây sau nhiều thập niên dưới chế độ độc tài quân sự, bằng cuộc bầu cử bổ sung năm 2012 đã mở đường cho nhà lãnh đạo Liên minh Dân tộc vì dân chủ – người đã bị quản thúc 15 năm trong suốt 22 năm qua bởi chính quyền quân sự – bước vào quốc hội. Bà Aung San Suu Kyi đã tuyên bố bà muốn ra tranh cử chức vụ lãnh đạo cao nhất ở đất nước này.

Nhưng trước hết hiến pháp cần phải được tu chính bởi hiến pháp hiện nay do chính quyền quân sự thông qua hồi năm 2008 bằng cuộc bỏ phiếu khôi hài trong tình hình khẩn cấp do Bão Nargis gây ra và vẫn còn có một điều khoản ngăn cản nhà lãnh đạo không được công nhận này ra tranh cử một cách dân chủ. Điều khoản đó nói rằng các công dân lập gia đình và có con với người nước ngoài không thể được bầu cử.

Theo Asianews, hai con trai của bà mang quốc tịch Anh cũng như cha của họ là Michael Aris qua đời vì bệnh tật năm 1999 là người Anh. “Mọi quốc gia – chứ không chỉ đất nước tôi – đều cần có hòa bình. Hòa bình xuất phát từ con tim và để có được hòa bình, mọi nguồn cơn của lòng thù hận và sợ hãi phải được xóa bỏ” – bà Aung San Suu Kyi nói trong một tuyên bố.

Nguồn: Vatican Insider/La Stampa

Trích từ UCANEWS VN

Đức Thánh Cha chào mừng Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô

Đức Thánh Cha chào mừng Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô

VATICAN. ĐTC Phanxicô chào mừng Đại hội kỳ 10 của Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô nhóm tại Hàn Quốc và tái bày tỏ quyết tâm của Giáo Hội Công Giáo cộng tác với Hội đồng này.

3 ngàn vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô không Công Giáo tham dự Đại hội nhóm 7 năm một lần của Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, khai diễn ngày 30-10-2013 tại Phủ Sơn (Busan), là thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc, sau thủ đô Hán Thành.

Sứ điệp được ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô tuyên đọc trong buổi khai mạc đại hội. Ngài nhắc đến chủ đề Đại Hội lần này là ”Lạy Thiên Chúa của sự sống, xin dẫn chúng con đến công lý và hòa bình” và nhận định rằng ”Chủ đề này trước tiên là một lời khẩn nguyện dâng lên Chúa Ba Ngôi.. Hễ khi nào hồng ân sự sống được quí chuộng, thì công lý và hòa bình trổi vượt, Nước Chúa hiện diện và quyền năng tối thượng của Chúa đang hoạt động.. Vì thế, tôi tin tưởng rằng Đại hội này sẽ giúp củng cố quyết tâm của mọi Kitô hữu gia tăng cầu nguyện và cộng tác trong việc phụng sự Tin Mừng và thiện ích toàn diện của gia đình nhân lại. Thế giới hoàn cầu hóa trong đó chúng ta đang sống đòi chúng ta làm chứng tá chung về phẩm giá Chúa ban cho mỗi người, và thăng tiến hữu hiệu những điều kiện văn hóa, xã hội và luật pháp, giúp mỗi người và các cộng đoàn tăng trưởng trong tự do, và nâng đỡ sứ mạng của gia đình như nền tảng của xã hội, củng cố một nền giáo dục lành mạnh và toàn diện cho giới trẻ, bảo đảm cho mọi người được tự do tôn giáo không bị cản trở”.

ĐTC cũng khẳng định rằng: ”Trong niềm trung thành với Tin Mừng và đáp lại nhu cầu cấp thiết của thời nay, chúng ta được kêu gọi tìm đến với những người đang ở ngoài rìa các xã hội chúng ta và chứng tỏ tình liên đới đặc biệt với những anh chị em chúng ta dễ bị tổn thương nhất: những người nghèo, người tàn tật, hài nhi chưa sinh ra và bệnh nhân, người di dân và tị nạn, người già và người trẻ thiếu công ăn việc làm”.

Sau cùng ĐTC cho biết ngài cầu nguyện để Đại hội của Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô góp phần mang lại một đà tiến mới cho sức sinh động và quan điểm cho mọi người dấn thân cho chính nghĩa hiệp nhất các tín hữu Kitô, trong niềm trung thành với ý muốn của Chúa cho Giáo Hội của Ngài, cởi mở đối với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh.

Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô là một tổ chức qui tụ 345 Giáo Hội thành viên gồm Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo và các Giáo Hội Kitô không Công Giáo khác. Giáo Hội Công Giáo không phải là thành viên, nhưng cũng gửi khoảng 25 đại biểu quan sát viên đến dự, trong đó có các chức sắc của Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, Liên HĐGM Á châu và một số tổ chức Công Giáo khác.

Trong 9 ngày nhóm họp, cho đến 8-11 tới đây, Đại hội duyệt lại công việc của Hội đồng đại kết, xác định các chính sách tổng quát, công bố các tuyên ngôn và bầu Ủy ban trung ương của Hội đồng đại kết. (SD 30-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Chính sách ngoại giao của Tòa Thánh Vatican trong 50 năm qua

Chính sách ngoại giao của Tòa Thánh Vatican trong 50 năm qua

Phỏng vấn Đức Hồng Y Achille Silvestrini, nguyên Tổng Trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương

Ngày 25 tháng 10-2013 Đức Hồng Y Achille Silvestrini tròn 90 tuổi. Nhân dịp này Đức Hồng Y, nguyên Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, đã dành cho phóng viên Filippo Rizzi của nhật báo Tương Lai, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Đồng Giám Mục Italia, một bài phỏng vấn liên quan tới Công Đồng Chung Vatican II và đường lối ngoại giao của Tòa Thánh Vatican.

Đức Hồng Y Achille Silvestrini sinh năm 1923, thụ phong linh mục năm 1946. Sau khi đậu tiến sĩ Lưỡng Luật tại đại học Laterano, cha Silvestrini theo học Trường Ngoại Giao Tòa Thánh, và năm 1953 bắt đầu làm việc trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đặc trách các nước vùng Đông Nam Á. Từ năm 1958 Đức Ông Silvestrini là thư ký của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Domenico Tardini, và Đức Hồng Y Amleto Giovanni Cicongani cho tới năm 1969.

Như là người đặc trách các tương quan với các tổ chức quốc tế, Đức Ông Silvestrini đã là cộng sự viên của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Toà Thánh Agostino Casaroli, và trợ giúp người trong việc thực hiện chính sách cởi mở và đối thoại với các nước cộng sản Đông Âu. Đức Ông đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế như: hội nghị Helsinki về an ninh và cộng tác Âu châu năm 1975, các cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị này tại Genève năm 1973, hội nghị Belgrad để kiểm thực việc áp dụng. Đức Ông cũng đã hướng dẫn phái đoàn Tòa Thánh tham dự phiên họp của Liên Hiệp Quốc về việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích dân sự năm 1971; hội nghị về thỏa hiệp không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1975.

Năm 1979 Đức Ông Silvestrini được chỉ định làm Thư ký phân bộ liên lạc với các nước của Tòa Thánh và được nâng lên hàng Tổng Giám Mục. Năm 1983 Đức Tổng Giám Mục Silvestrini đại diện Tòa Thánh tham dự Hội nghị an ninh và cộng tác Âu châu lần thứ ba tại Madrid. Ngài cũng là trưởng phái đoàn Tòa Thánh tham dự cuộc họp tái duyệt xét các Thỏa hiệp Laterano với chính phủ Italia năm 1984; cũng như tham dự các cuộc họp liên quan tới việc giải quyết cuộc tranh chấp quần đảo Falklands giữa Anh Quốc và Argentina, và cuộc cách mạng tại Nicaragua. Năm 1988 Đức Gioan Phaolô II vinh thăng Đức Cha Silvestrini làm Hồng Y. Sau đó ngài được chỉ định làm Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, cho tới khi về hưu năm 1999.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, 50 năm đã trôi qua kể từ khi Đức Gioan XXIII triệu tập Công Đồng Chung Vatican II ngày 11 tháng 10 năm 1962. Đức Hồng Y nghĩ gì về thời điểm này?

Đáp: Tôi tin rằng cần phải tái khởi hành từ Công Đồng Chung Vatican II, từ tất cả những gì chưa trở thành thực tại và cần được thi hành. Cùng với người bạn thân của tôi là Đức cố Hồng Y Carlo Maria Martini, trong các năm qua, biết bao lần chúng tôi thường tự vấn liên quan tới sự cấp thiết phải tìm ra một thứ ngôn ngữ mới để nói với nhân loại ngày nay, một cách đặc biệt với các thế hệ trẻ, và đưa ra các câu trả lời thích đáng cho xã hội tân tiến hiện nay. Thách đố chờ đợi Giáo Hội là ra khỏi các môi trường chật hẹp của các phòng thánh, trong một nghĩa nào đó là ”tự giải trừ giáo sĩ” cả với giáo dân nữa và sống Tin Mừng một cách đích thực. Tôi cho rằng Âu châu không còn có thể ghi dấu các biên giới của giáo hội học nữa. Một thí dụ? Việc bầu Đức Bergoglio làm Giáo Hoàng đã không chỉ có nghĩa của sự mới mẻ: người Kế vị thánh Phêrô đến từ một nước xa xôi. Cung cách là Giám Mục Roma không chỉ gợi ý việc tái phục hồi tính cách hoàn vũ trong sứ mệnh của Giáo Hội Công Giáo, mà cũng mời gọi tất cả mọi kitô hữu canh tân ngôn ngữ loan báo đức tin, như chúng ta đã thấy trong nền thần học cho đến nay. Việc bầu Đức Bergoglio, là người gắn bó với huấn quyền của Đức Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, có lẽ thúc giục chúng ta lấy lại các đề tài đã từng là trọng tâm của các cuộc thảo luận thời Công Đồng; tái khám phá ra bằng cách tiếp thu các bài học của những ngôn sứ như Lercaro và Dossetti, và vài ưu tiên làm thành căn tính của Giáo Hội, dấu ấn của Cộng Đồng Chung Vatican II như việc lựa chọn bênh vực người nghèo, theo đuổi hòa bình giữa các dân tộc và đối thoại với những người ở xa và những người không tin. Trong nền tảng, đó là việc thời sự hóa Công Đồng, trong các ý hướng của Đức Gioan XXIII. Nó đã và vẫn là một nhiệm vụ còn rộng mở ngày nay: khiến cho Tin Mừng đến với con tim của tất cả mọi người.

Hỏi: Đức Hồng Y có các kỷ niệm đặc biệt nào về các năm giao động thời Công Đồng Chung Vatican II hay không?

Đáp: Đó đã là các năm hoạt động rất mạnh mẽ, cho phép tôi, như là người soạn thảo các công văn của Tòa thánh thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh, học hỏi từ Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh thời đó là Đức Hồng Y Domenico Tardini, không chỉ liên quan tới tầm quan trọng của ngành ngoại giao, mà cả việc lắng nghe các tác nhân đối thoại nữa, trong thái độ dành ưu tiên cho tình bác ái. Tôi cũng không thể quên được việc chấp nhận vĩnh viễn tài liệu về tự do tôn giáo Dignitatis Humanae đã quan trọng thế nào đối với Đức Ông Pietro Pavan. Tôi thường nghĩ tới sự cay đắng và tiếng khóc của cha Pavan, khi người ta báo cho cha biết là tài liệu chắc sẽ không được chấp thuận. Nhưng trái lại ngày 21 tháng 9 năm 1965 tài liệu đã được các Nghị Phụ chấp thuận. Và thế là tiếng khóc của cha bất thình lình biến thành niềm vui.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, có rất ít người biết rằng bài phỏng vấn đầu tiên mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đồng ý cho nhà báo Alberto Cavallari của nhật báo ”Người đưa tin chiều” thực hiện, đã do trung gian của Đức Hồng Y. Đức Hồng Y có thể giải thích cho biết cuộc gặp gỡ này đã xảy ra như thế nào không?

Đáp: Tôi nhớ rằng nhà báo Alberto Cavallari đã được Đức Ông Pasquale Macchi, thư ký của Đức Phaolô VI, giới thiệu với tôi. Hồi đó ông ta đang làm một cuộc tìm hiểu sinh hoạt của nhiều cơ quan trung ương Tòa Thánh, và viết cuốn sách nổi tiếng tựa đề ”Vaticăng thay đổi”. Chính trong bối cảnh ấy đã nảy sinh ra một cuộc nói chuyện giữa ông Cavallari và Đức Phaolô VI, vị Giáo Hoàng vĩ đại người vùng Brescia. Tôi nhớ rằng ông Alfio Russo, Giám đốc nhật báo ”Người đưa tin chiều” đã gửi ông Cavallari tới Roma để theo dõi Công Đồng Chung Vaticăng II, để tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra trong Giáo Hội. Tôi tin rằng từ đó đã nảy sinh ra cuộc điều tra của ông ta, đạt tột đỉnh với bài phỏng vấn Đức Phaolô VI, trước khi Đức Phaolô VI viếng thăm Liên Hiệp Quốc và đọc diễn văn tại đây. Đây cũng là cuộc phỏng vấn đầu tiên, mà một vị Giáo Hoàng dành cho giới báo chí kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Và nhà báo Alberto Cavallari đã viết lại một mạch bài phỏng vấn trong một quán giải khát ở đại lộ Hòa Giải. Ông Cavallari sau này đã trở thành bạn thân của tôi.

Hỏi: Trong các năm làm việc Đức Hồng Y đã gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng, từ việc ký các thỏa hiệp quan trọng, nhưng nhất là một cuộc sống như nhân viên ngoại giao của Tòa Thánh và như là một mục tử. Đức Hồng Y có các kỷ niệm nào trong các năm đó, và khi nào thì đã xảy ra sự tan giá băng giữa Liên Bang Xô Viết và Tòa Thánh Vatican?

Đáp: Chính Công Đồng Chung Vaticăng II và thông điệp ”Hòa Bình dưới thế” trong các năm đó đã giúp thay đổi bầu khí với Liên Xô và mở ra các cuộc đối thoại. Dĩ nhiên là một gương mặt đặc sủng và trí thức tinh tế như Agostino Casaroli, Hồng Y tương lai, đã là một trong các kiến trúc sư của cuộc tan giá băng này. Nó đã đươc hướng dẫn bởi chính sách từng bước nhỏ. nhưng cũng được hướng dẫn bởi niềm hy vọng của những điều có thể làm được, như chính sách cởi mở đối với Đông Âu gọi là ”Ostpolitik”. Tôi nghĩ tới sự cẩn trọng của người như chuyến đi năm 1963 từ Vienne sang Buudapest, hay sự cẩn trọng và kiên nhẫn của người trong các hoàn cảnh khó khăn. Nếu chúng ta muốn nhận ra ý nghĩa của nền ngoại giao của Tòa Thánh Vaticăng, thì phải tìm nó trong chính các năm này. Nếu không có chúng, thì đã không có biến cố ngày mùng 6 tháng 10 năm 1978, khi Đức Karol Wojtila được bầu làm Giáo Hoàng lấy tên hiệu là Gioan Phaolô II. Trong đặc sủng của Đức Karol Wojtila, sự hiệp nhất tinh thần của Âu châu được báo trước. Ngài có đức tin và sức mạnh của vị ngôn sứ. Thân thể của người và các cử chỉ của người cùng với các lời nói hiệp nhất một cách bất thình lình điều đã bị gạt bỏ với yêu sách của ý thức hệ. Dĩ nhiên còn có môt kinh nghiệm quan trọng khác nữa trong đời tôi. Đó là khi tôi thuộc phái đoàn Tòa Thánh ký Thỏa hiệp năm 1984, và trong dịp đó tôi đã kinh nghiệm được sự tuyệt tác của ngành ngoại giao, được xây dựng trong các năm trước đó.

Hỏi: Đức Hồng Y có muốn nhắn gửi sứ điệp nào cho các người trẻ và cho Giáo Hội tương lai hay không?

Đáp: Tôi tin rằng, như tôi đã nói, sứ điệp là lấy lại những gì chưa được thực hiện do Công Đồng Chung Vatican II đề ra. Đã có rất nhiều điều bị Đức Phaolô VI bỏ dở. Chúng vẫn còn đó. Nhưng không phải chỉ có thế mà thôi. Một trong các thách đố rộng mở cho nền văn hóa ngày nay, có lẽ có thể là thách đố đem nền thần học vào trong các khả năng của giáo dân để tạo thuận tiện cho một việc nghiên cứu được dưỡng nuôi bởi sự đối chiếu các khác biệt. Thế rồi tôi cũng tin rằng thật là quan trọng biết tiếp nhận các dấu chỉ thời đại và niềm hy vọng, mà ngày nay các Giáo Hội trẻ của Á chậu và châu Mỹ Latinh biết khơi dậy. Có lẽ từ đó cũng có thể tái sinh và tái khẳng định trong đại lục Tây Âu già nua và mệt mỏi của chúng ta tương lai của Kitô giáo. Như tôi đã nói cách đây nhiều năm, khi được một nhà báo hỏi, thật là đẹp nếu một ngày kia Ngày Quốc Tế Giới Trẻ được cử hành bên Trung Quốc. Đây là môt giấc mơ mà chúng ta hy vọng trở thành thực tại.

(Avvenire 25-10-2013)

Linh Tiến Khải

 

Bùng nổ phim lấy chủ đề Kinh Thánh ở Hollywood

Bùng nổ phim lấy chủ đề Kinh Thánh ở Hollywood

Sarah Pulliam Bailey cho Religion News Service

Bùng nổ phim lấy chủ đề Kinh Thánh ở Hollywood thumbnail

Một cảnh trong bộ phim “Son of God” (Ảnh: Lightworkers Media)

Các xưởng phim và nhà làm phim đang tái khám phá một chủ đề cổ điển làm tài liệu nguồn cho các phim theo xu thế chủ đạo sắp tới đó là Kinh Thánh.

Gần 10 năm sau sự thành công của bộ phim bom tấn của Mel Gibson “Cuộc khổ nạn của Đức Kitô”, thu được 611.9 triệu Mỹ kim trên toàn thế giới, các xưởng phim đang dựa vào Kinh Thánh để tìm tài liệu hay.

Các phim sắp tới bao gồm:

* LD Entertainment đang tài trợ tài chính cho bộ phim “Resurrection” (“sự Phục sinh”), loạt sự kiện diễn ra ngay sau khi Chúa Giêsu chịu chết, được điều hành bởi “Hatfields & McCoys” đạo diễn Kevin Reynolds.

* Paramount sẽ phát hành bộ phim “Noah”, phóng tác trị giá 125 triệu Mỹ kim có Russell Crowe đóng vai chính vào năm 2014.

* 20th Century Fox đang thực hiện bộ phim “Exodus”, diễn viên chính Christian Bale đóng vai Môisê.

* Warner Bros có phim lấy đề tài về Môisê mang tựa đề “Gods And Kings”, do Steven Spielberg làm đạo diễn.

* Warner Bros. cũng đang thực hiện một bộ phim về Phôngxiô Philatô, được biết có sự góp mặt của Brad Pitt.

* Sony đang dàn dựng bộ phim “The Redemption of Cain” của Will Smith, bộ phim nói về sự kình địch giữa hai anh em Cain và Abel.

* Lionsgate đang thực hiện bộ phim “Mary Mother of Christ”, “cuốn phim mô tả những sự việc xảy ra trước phim ‘Cuộc khổ nạn của Đức Kitô’” có Ben Kingsley tham gia.

Song song với loạt phim lấy chủ đề Kinh Thánh sắp tới này, các nhà sản xuất đến từ chương trình truyền hình “The Bible” của kênh History thông báo rằng phóng tác phim “Son of God” sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào tháng Hai với hãng 20th Century Fox.

Cặp đôi Mark Burnett và diễn viên chính trong phim “Touched by an Angel” Roma Downey nói kết hợp Hollywood với Kinh Thánh có thể khó khăn.

“Nó không chỉ là một câu chuyện. Sẽ phải trả giá nếu không đi đúng hướng và không thể tìm được người cố vấn thích hợp”, Burnett, người sản xuất bộ phim “The Voice” và “Survivor”, nói.

Khi trình bày với một nhóm trẻ em, đôi này cho biết họ được nhắc nhớ một câu: “Xin đừng làm cho nó nhàm chán”.

“Có ý định tốt vẫn chưa đủ. Nó phải được trình bày một cách phù hợp với khán giả đương thời”, Downey, người đóng vai Mẹ Chúa Giêsu trong phim bộ này, nói.

Nguồn: Religion News Service

Trích từ UCANEWS VN

Giáo hội Hoa Kỳ kỷ niệm ngày Chúa Nhật của chức Linh mục vào ngày 27 tháng 10

Giáo Hội Hoa Kỳ tổ chức ngày “Chúa nhật dành cho Chức Linh mục” vào ngày 27 tháng 10 để kỷ niệm 10 năm thành lập ngày truyền thống này.

Washington, D.C., (Zenit.org)

Hội đồng Quốc tế Serra Hoa Kỳ sẽ tổ chức lễ kỷ niệm hàng năm dành cho các Linh mục vào Chúa nhật (Priesthood Sunday) cuối tuần này, 27 tháng 10. Vào ngày đó, các giáo xứ Công giáo ở Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho các linh mục của họ bằng lời cầu nguyện, dâng Thánh lễ và đối thoại.

Chúa nhật cuối cùng của tháng Mười được chỉ định như Chúa nhật của chức Linh mục, một ngày lễ kỷ niệm chức linh mục được những người lãnh đạo giáo dân của giáo xứ tổ chức với sự phối hợp của Hội đồng Quốc tế Serra của Hoa Kỳ.

Chúa nhật của chức Linh mục được thành lập vào năm 2003 là một cách giúp các cộng đồng Kitô giáo bày tỏ sự đánh giá cao đối với các linh mục đã phục vụ họ, ngay cả khi các phương tiện truyền thông thường quan tâm đến những mặt tiêu cực của chức Linh mục.

Một ngày lễ kỷ niệm như vậy được thành lập có liên quan đến việc số lượng các linh mục ở Mỹ đang giảm sút đáng kể. Chỉ có khoảng 4.000 linh mục trong tổng số 19.000 giáo xứ ở đất nước này. Hiện nay, nhiều Linh mục phải phục vụ hai hay nhiều giáo xứ.

Giáo dân của mỗi giáo xứ, trường học hoặc các sứ vụ khác được yêu cầu phát huy sáng kiến theo cách riêng biệt của họ để đánh dấu ngày tôn vinh cả chức Linh mục lẫn các Linh mục của họ. Cử hành Phụng vụ đặc biệt, dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các linh mục trong ngày Chúa nhật của Chức Linh mục, và khuyến khích mở một cuộc đối thoại giữa các Linh mục và giáo dân.

Sr. Sen Trắng chuyển ngữ

MÓN QUÀ THIÊN CHÚA QUÝ NHẤT

MÓN QUÀ THIÊN CHÚA QUÝ NHẤT

Chủ đề: “Sự ăn năn hối lỗi không chỉ đau buồn muốn chừa bỏ hành động xấu xa, nhưng còn ao ước thay đổi được những sai trái đã phạm.”

Có một câu chuyện cổ được phổ biến trong dân gian từ thời trung cổ. Câu chuyện về một phụ nữ từ trần khi còn trẻ và ra trước tòa phán xét. Cuộc đời bà khi ở trần thế thật bê bối.

Khi đến cổng thiên đường, bà được bảo là chỉ được vào thiên đường với một điều kiện. Đó là bà phải trở lại trần thế và đem về một món quà mà Thiên Chúa coi là giá trị nhất.

Người phụ nữ trẻ trở về trần thế và suy nghĩ về món quà mà Thiên Chúa quý giá nhất.

Ngày kia bà thấy một thanh niên vừa chết vì đức tin. Bà nghĩ, “A phải rồi, chắc đây là món quà Thiên Chúa quý nhất: đó là máu của một người chết vì đức tin.”

Bởi thế bà hứng lấy một giọt máu của người thanh niên và đem về thiên đường. Nhưng khi trình diện máu ấy, bà được bảo là còn có món quà mà Thiên Chúa quý hơn máu người tử đạo.

Do đó bà trở về trần thế và suy nghĩ về món quà mà Thiên Chúa còn quý hơn máu của người chết vì đức tin.

Sau đó bà gặp một nhà truyền giáo già nua rao giảng lời Chúa cho người nghèo. “A, đúng rồi!” bà nghĩ “đây là món quà Thiên Chúa quý nhất: đó là mồ hôi từ trán của người dành trọn cuộc đời để rao giảng tin mừng cho người nghèo.”

Nhưng khi bà trình diện món quà ấy, bà lại được bảo là còn có món quà mà Thiên Chúa quý hơn giọt mồ hôi của nhà truyền giáo.

Do đó bà lại trở về trần gian và suy nghĩ về món quà mà Thiên Chúa quý hơn giọt mồ hôi của người dành trọn cuộc đời để dạy bảo dân chúng về Chúa Giêsu.

Và cứ như thế bà trở lại thiên đường với các món quà quý giá. Nhưng lần nào bà cũng được bảo là còn có món quà mà Thiên Chúa quý nhất.

Sau cùng, một ngày kia, khi sắp sửa bỏ cuộc vì chán nản thì bà gặp một đứa trẻ đang nô đùa gần bồn phun nước. Khuôn mặt của nó thật xinh xắn và ngây thơ.

Ngay lúc đó, một người cưỡi ngựa đi đến. Ông ta xuống ngựa để đến uống nước ở bồn. Khi nhìn thấy đứa trẻ, ông nhớ lại thời thơ ấu thật hồn nhiên ngây thơ của ông.

Sau đó ông nhìn vào hồ nước và thấy khuôn mặt của ông được phản chiếu trong đó. Nó thật xấu xa và cằn cỗi. Khi ông sững sờ nhìn vào khuôn mặt mình trong nước, bỗng dưng ông nhận thấy ông đã sai lầm phí phạm một cuộc đời mà Chúa đã ban cho ông.

Lúc đó giọt nước mắt thống hối dâng trào trên mắt và lăn dài trên gò má nhăn nheo rồi rơi xuống hồ nước.

Người phụ nữ vội hứng lấy giọt nước mắt ấy và đưa về thiên đường. Khi bà trình diện món qùa ấy, các thiên thần và các thánh đều vui mừng. Thật vậy, đây là món quà mà Thiên Chúa quý hơn tất cả món quà khác: đó là giọt nước mắt của người tội lỗi thống hối.

Câu chuyện này thật thích hợp với bài Phúc Âm hôm nay. Vì lời cầu nguyện mà Thiên Chúa coi có giá trị nhất là lời cầu nguyện của người tội lỗi thống hối.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu còn nói:

“thiên đường sẽ vui hơn khi một người tội lỗi ăn năn sám hối hơn là chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn.” (Luca 15:7)

Hối lối được định nghĩa là đau buồn đến độ chấm dứt những hành động sái quấy.

Nhưng hối lối còn hơn thế nữa. Nó không chỉ đau buồn đủ để chấm dứt những hành động sái quấy nhưng còn đau buồn đến độ ước muốn sửa sai những lầm lỗi mà chúng ta đã phạm trong quá khứ.

Một câu chuyện sau của ông James Colaianni giúp chúng ta thấy rõ điều này.

Một đứa bé đến thăm bà nội. Bà hỏi nó thích ăn gì nhất. Nó trả lời, “bánh bột chiên.” Sau đó nó cho biết thêm là khi ở nhà nó chỉ được ăn có ba cái mà thôi. Rồi nó hỏi, “Vậy con ăn thiệt nhiều được không nội?”

Bà nội gật đầu, “được.”

Sau khi đứa bé ăn gần mười cái bánh bột chiên, bà nhận ra sự khó chịu trên khuôn mặt của nó. Bà hỏi, “Sao vậy? Con không muốn ăn thêm nữa sao!”

“Không,” đứa bé trả lời, “Con không muốn ăn nữa. Cả mấy cái ăn rồi con cũng muốn ói ra!”

Đó là một tâm trạng tốt–khó chịu nhưng tốt. Lý do nó tốt là vì đó là tâm trạng hối lỗi.

Hối lỗi không chỉ đau buồn đến độ muốn từ bỏ, nhưng còn là đau buồn đến độ ước muốn đừng thi hành những gì mà chúng ta đã làm.

Đây là loại thống hối mà câu chuyện cổ muốn đề cập đến. Đây là loại thống hối mà Chúa Giêsu đề cập đến trong Phúc Âm hôm nay.

Nhiều năm trước đây, có một vở kịch trình diễn ở Broadway về một thanh niên bỏ học, đi bụi đời và rơi vào đường cần sa ma tuý.

Trong một cảnh không thể quên được của vở kịch, người thanh niên này nhìn lên trời và đau đớn vì tuyệt vọng, anh thốt lên:

“Tôi ao ước chừng nào, phải chi cuộc đời tôi là một cuốn sách để tôi có thể xé bỏ những trang giấy đầy những sai lầm vấp phạm.”

Cám ơn Chúa Giêsu, cuộc đời thì giống như một cuốn sách. Và cám ơn Chúa Giêsu, chúng ta có thể xé bỏ những trang giấy mà chúng ta đã sai lầm.

Trong tình yêu của Người, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta bí tích Hòa Giải. Qua bí tích này, chúng ta có thể xé bỏ những phần của cuộc đời mà chúng ta đã sai lầm lỗi phạm.

Đây là ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay. Đây là tin mừng mà chúng ta cử hành trong Thánh Lễ hôm nay.

Đó là tin mừng vì món quà mà Thiên Chúa quý giá nhất là giọt nước mắt của người tội lỗi thống hối.

Cha Mark Link, SJ

 

Xin thương xót con

Xin thương xót con

Hai người cùng lên đền thờ cầu nguyện. Nhưng kết quả thật bất ngờ. Người mà ai cũng kính trọng thì lại không được nhận lời. Người mà ai cũng khinh miệt thì lại được Chúa nhận lời và được công chính hóa. Qua dụ ngôn này, Chúa cho thấy lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa phải là lời cầu nguyện khiêm nhường.

Khiêm nhường không tự mãn

Người biệt phái tự mãn vì những việc tốt mình làm được. Làm được việc tốt thật đáng khen. Nhưng cần phải nhận biết nguồn gốc việc tốt của mình. Biết nguồn gốc việc tốt phải khởi đi từ nhận biết nguồn gốc bản thân mình. Tôi có mặt ở đời là ơn Chúa ban. Tôi thừa hưởng một sức khỏe, một gia đình, một nền giáo dục, một nề nếp đạo đức, đó là ơn Chúa ban. Vì thế tôi làm được việc tốt cũng là ơn lành Chúa ban. Nếu tôi rơi vào một hoàn cảnh xấu, tôi có làm được việc tốt không? Rất khó. Vì thế đừng tự mãn khi làm được việc tốt.

Khiêm nhường không khinh người

Người khiêm nhường nhận biết thân phận mình sẽ không dám khinh người. Tôi làm được việc tốt vì tôi có hoàn cảnh tốt. Người kia làm việc xấu vì họ không có hoàn cảnh tốt như tôi. Vì thế không nên khinh người. Hơn nữa, trong tinh thần bác ái huynh đệ, thấy người hèn kém tôi càng phải yêu thương, nâng đỡ. Thấy người tội lỗi yếu đuối tôi càng phải tế nhị kính trọng. Chúa Giêsu vẫn làm gương trân trọng người tội lỗi như đối với người phụ nữ ngoại tình, đối với Giakêu và cả đối với Giuđa nữa.

Khiêm nhường nhận biết thân phận tội lỗi

Con người đâu có ai hoàn hảo. Huống hồ có những nết xấu đeo đẳng ta mãi không thể dứt ra được. Ta đã ngã đi ngã lại nhiều lần. Biết bao quyết tâm. Biết bao ơn Chúa. Biết bao lời cầu nguyện. Nhưng “một cái dằm” cứ nằm mãi trong thịt khiến ta đau nhức khôn nguôi. Ta không thể nào thoát khỏi tội lỗi. Vì thế tâm tình xứng hợp là khiêm nhường nhận biết thân phận tội lỗi của mình. Khiêm nhường nhận trước mặt Chúa. Khiêm nhường nhận trước mặt anh em. Đó là thái độ trung thực và đúng đắn.

Khiêm nhường xin Chúa ban ơn cứu độ

Vì không thể tự mình thoát khỏi tội lỗi, không thể đạt tới ơn cứu độ, nên ta cần ơn Chúa. Không thể tự giải thoát, nên ta cần Chúa giải thoát ta khỏi ách nô lệ tội lỗi. Thân phận ta thật khốn cùng. Sức lực ta thật yếu đuối. Nên lời cầu nguyện đúng nhất là: “Lạy Chúa, xin thương xót con”. Tương truyền đó là lời cầu nguyện liên lỉ suốt đời của thánh Phêrô, vị Tông đồ trưởng, vị Giáo Hoàng tiên khởi.

Với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con”, ta nhận biết mình không thể sống công chính tự sức riêng, nhưng chỉ được “công chính hóa” nhờ ơn Chúa. Với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con”, ta nhận biết ta được ơn Chúa không phải vì ta xứng đáng nhưng vì được Chúa thương yêu. Với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con”, ta nhận biết rằng lời cầu nguyện khiêm nhường là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa.

“Lạy Chúa, xin thương xót con”

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Tôi có hay tự mãn vì mình sống tốt hơn người khác không? Thái độ này có đúng không?

2) Tôi có hay khinh miệt, lên án người khác không? Thái độ này có đúng không?

3) Tại sao tôi phải khiêm nhường khi cầu nguyện?

4) Tôi có một nết xấu thường phạm. Tôi đã xưng tội nhiều lần và quyết tâm chừa cải. Nhưng chứng nào tật ấy. Bạn có cảm nghiệm được điều này nơi bản thân không?


ĐTGM Ngô Quang Kệt

TỰ TÔN

TỰ TÔN

Bài Tin Mừng hôm nay (CN XXX/TN-C) trình thuật dụ ngôn “Người Pha-ri-sêu và người thu thuế”. Hai người cùng lên Đền Thờ cầu nguyện. Lên Đền Thờ khẩn cầu, tạ ơn, xin ơn là một việc tốt, nhưng ở đây hai người có hai thái độ trái ngược nhau. Người Pha-ri-sêu không thành thật cầu nguyện mà là tự khoe khoang, kể công, kể phúc. Ông cầu nguyện nhưng thực ra ông đang liệt kê một bảng thành tích: Ông đã giữ luật, đã không dám làm những điều lề luật cấm. Những điều được phép làm, ông còn làm nhiều hơn. Còn người thu thuế, tuy rằng ông tội lỗi thật vì đã từng phạm nhiều tội ác, nhưng ông đã hối hận và thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình. Ông không dám nói nhiều, mà chỉ một câu ngắn gọn bộc lộ hết tấm lòng chân thành của mình: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18, 13).

Cũng đã có nhiều bài chia sẻ cho rằng người Pha-ri-sêu đã sống và làm những việc tốt lành và ông đến Đền Thờ là để cảm ơn Thiên Chúa chớ không phải để khoe khoang thành tích (lý do là ông đã chỉ “nói thầm” với Thiên Chúa, chớ không nói to cho mọi người cùng nghe). Vấn đề đặt ra ở đây không phải là nói nhỏ hay nói to, mà là nói những gì với mục đích ra sao. Hơn ai hết, người Pha-ri-sêu đã biết Thiên Chúa thấu hiểu tất cả những gì thầm kín nhất của con người, không cần nói ra thì Người đã hiểu tận căn nội dung và mục đích người đến cầu nguyện. Những việc làm tốt đẹp ấy của người Pha-ri-sêu nếu thật sự phát xuất từ tình yêu, thì ông ta đã chẳng cần phải mở dầu bằng câu “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18, 11). Và sau đó là một loạt những thành tích để chứng mình ông ta là người công chính chớ không “tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia”. Đúng là thái độ của một kẻ kiêu ngạo, tự tôn, háo thắng, coi khinh người khác.

Người Pha-ri-sêu tưởng rằng ông ta có thể cậy vào việc giữ lề luật và những việc đạo đức của mình để tự hào là công chính trước mặt Thiên Chúa. Thực ra, sự công chính không đến từ việc làm hay việc tuân giữ lề luật, mà đến từ việc tin vào ân sủng của Thiên Chúa và sống phù hợp với niềm tin ấy. Do đó, càng cậy vào việc giữ luật và những việc mình làm để tự hào về sự công chính của mình thì càng trở nên bất chính trước mặt Thiên Chúa. Thánh Phao-lô đã khẳng định: “Trước nhan Chúa, không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy“ (Rm 3, 20). Những “dân nội” It-ra-en chỉ chuyên đi “tìm một luật làm cho họ nên công chính thì lại không đạt tới Luật đó. Tại sao thế? Tại vì họ không tìm cách nên công chính nhờ đức tin, nhưng nhờ việc làm.” (Rm 9, 31-32). Trong khi đó thì đã có biết bao nhiêu tấm gương “các dân ngoại không tìm cách để được nên công chính, thì được nên công chính, mà được nên công chính là nhờ đức tin” (Rm 9, 30), mà người thu thuế trong bài Tin Mừng hôm nay là một ví dụ điển hình.

Nói đến đức tin thì không thể quên được đức mến. Thật vậy, “chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5, 6). Nếu “mến Chúa” mà không “yêu người” thì chưa thể gọi được là đã đặt hết lòng tin vào Thiên Chúa Tình Yêu. Thánh Phao-lô trong Thư gửi tín hữu Cô-rin-tô đã nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1Cr 13, 3).  Thật vậy, với những việc làm tốt đẹp, nhưng được làm với sự vô cảm, làm theo thói quen, theo truyền thống, hoặc làm để khoe mẽ “ra vẻ ta đây”, mà không làm vì lòng “mến Chúa, yêu người”, thì cũng kể như không. Lời khuyên phù hợp nhất trong trường hợp này là đừng bao giờ tự hào về sự thánh thiện hay những việc làm tốt đẹp của mình, vì “Người nào không dựa vào việc làm nhưng tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính, thì lòng tin sẽ làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính” (Rm 4, 5).

Ấy cũng chỉ vì “một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc 18, 9), nên Đức Ki-tô mới kể dụ ngôn “Người Pha-ri-sêu và người thu thuế”. Người thẳng thắn kết luận: “Tôi nói cho các ông biết: người này (người thu thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (người Pha-ri-sêu) thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18, 14). Như vậy là đã rõ, chỉ những người khiêm nhu tự hạ mới có hy vọng được “no đầy ơn phúc”; còn kẻ tự tôn tất sẽ bị hạ bệ, dẹp tan (“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1, 51-52).

Lời khuyên chí tình vẫn mãi mãi là “Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9, 35). Hãy thẳng thắn nhìn lại chính con người của mình, không kiêu căng tự phụ, nhưng cũng không tự ti thái quá về tội lỗi của mình. Với con người trần thế đã “bị tội lỗi thồng trị” kể từ khi Nguyên tổ sa ngã, thì không ai tránh khỏi tội lỗi, và trước mặt Thiên Chúa, “không ai là người công chính, dẫu một người cũng không” (Rm 3,10). Tuy nhiên, không vì thế mà Thiên Chúa ghét bỏ, trái lại Người càng thương nhiều hơn và tìm mọi cách cứu vớt con người khỏi vòng tội lỗi. Điều hiển nhiên không cần bàn cãi vì thực tế đã chứng minh: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5:20). Duy chỉ có điều con người có biết nhìn lại mình một cách chân thực để thấy được tội lỗi đã mắc phạm, đồng thời có thực lòng ăn năn hối cải về những sai lầm thiếu sót của mình hay không, mà thôi.

Người tín hữu hôm nay hãy “xoay cái nhìn ra khỏi ‘cái tôi’ của mình”, ngõ hầu được “tái sinh bởi nước và Thánh Linh”, và “tái khẳng định quyết tâm vững vàng đáp ứng hoạt động của Ơn Thánh để làm môn đệ của Chúa” (Sđ Mùa Chay 2011, số 2), kiên quyết không bao giờ kiêu căng hợm hĩnh, chỉ biết “tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” như anh chàng Pha-ri-sêu trong dụ ngôn. Đồng thời, hãy noi gương người thu thuế trong khi cầu nguyện thì thân thưa với Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”, và trong cuộc sống đời thường hãy để “đức tin hành động nhờ đức ái”. Ước  được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: Mẹ Maria là mẫu gương cho Giáo Hội

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: Mẹ Maria là mẫu gương cho Giáo Hội

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung hơn 80 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 23-10-2013, ĐTC Phanxicô diễn giải về đề tài: Mẹ Maria mẫu gương của Giáo Hội, và ngài nhắn nhủ các tín hữu noi gương tin tưởng của Mẹ Maria giữa những khó khăn, gương yêu thương nhưng không như Mẹ, đối xử với nhau như anh chị em, và sống kết hiệp với Chúa Giêsu.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em
”Tiếp tục bài giáo lý về Giáo Hội, hôm nay tôi muốn nhìn lên Đức Mẹ Maria như hình ảnh và mẫu gương của Giáo Hội. Tôi lấy lại một kiểu nói của Công Đồng chung Vatican 2. Hiến Chế Lumen gentium, Ánh sáng muốn dân, khẳng định: ”Như thánh Ambrosio đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là hình ảnh của Giáo Hội về đức tin, đức mến và sự kết hiệp hoàn hảo với Chúa Kitô” (n.63)

1. Chúng ta đi từ khía cạnh thứ nhất: Mẹ Maria như mẫu gương đức tin. Theo nghĩa nào Mẹ Maria là mẫu gương đức tin của Giáo Hội? Chúng ta hãy nghĩ xem Đức Trinh Nữ Maria là ai: là một thiếu nữ Do thái, hết lòng mong đợi ơn cứu chuộc dân tộc của mình. Nhưng trong tâm hồn người thiếu nữ Israel ấy có một bí mật mà chính Mẹ chưa biết: theo ý định tình thương của Thiên Chúa, Mẹ được tiền định trở thành Mẹ Đấng Cứu Chuộc. Trong lúc Truyền Tin, Sứ thần của Thiên Chúa gọi Mẹ là ”Người đầy ơn phúc” và tỏ lộ cho Mẹ dự án ấy. Mẹ Maria thưa ”xin vâng” và từ lúc ấy đức tin của Mẹ Maria nhận được ánh sáng mới: đức tin tập trung vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhận lấy xác thể từ Mẹ và nơi Chúa, mọi lời hứa của toàn thể lịch sử cứu độ được viên mãn. Đức tin của Mẹ Maria là sự viên mãn niềm tin của Israel, nơi Mẹ có tập trung trọn con đường của dân tộc trong đức tin, mong đợi ơn cứu chuộc, và theo nghĩa đó Mẹ là mẫu gương đức tin của Giáo Hội, có trọng tâm là Chúa Kitô, Đấng là hiện tình thương vô biên của Thiên Chúa.

ĐTC đặt câu hỏi:
”Và Mẹ Maria đã sống niềm tin ấy như thế nào? Thưa Mẹ đã sống niềm tin ấy trong sự đơn sơ giữa hàng ngàn công việc bận rộn hằng ngày của mỗi bà mẹ, như chăm lo lương thực, quần áo, chăm sóc nhà cửa… Chính cuộc sống bình thường của Đức Mẹ là môi trường diễn ra quan hệ đặc thù và một cuộc đối thoại sâu xa giữa Mẹ và Thiên Chúa, giữa Mẹ và Chúa Con. Lời ”xin vâng” của Mẹ Maria, vốn đã hoàn hảo ngay từ đầu, tăng trưởng cho đến giờ thập giá. Tại đó tình mẫu tử của Mẹ càng mở rộng, ấp ủ mỗi người chúng ta, đời sống chúng ta, để hướng dẫn chúng ta đến cùng Chúa Con. Mẹ Maria luôn sống chìm đắm trong mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, như người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Chúa, suy gẫm mọi sự trong tâm hồn dưới ánh sáng của Thánh Linh, để hiểu và thực hành trọn thánh ý Thiên Chúa.

”Chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có để cho mình được đức tin của Đức Maria, Mẹ chúng ta, soi sáng hay không? Hay là chúng ta nghĩ Mẹ xa xăm và quá khác biệt với chúng ta? Trong những lúc khó khăn, thử thách, đen tối, chúng ta có nhìn lên Mẹ như mẫu gương tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng luôn luôn mong muốn và chỉ muốn điều thiện cho chúng ta mà thôi?

2. Bước sang điểm thứ hai: Mẹ Maria là mẫu gương đức mến. Mẹ Maria là mẫu gương sống động về đức mến như thế nào cho Giáo Hội? Chúng ta hãy nghĩ đến thái độ sẵn sàng của Mẹ đối với bà chị họ Elisabeth. Khi viếng thăm bà, Đức Trinh Nữ Maria không những chỉ mang đến một sự trợ giúp vật chất, nhưng còn mang Chúa Giêsu, đang sống trong lòng Mẹ. Mang Chúa Giêsu đến nhà ấy có nghĩa là mang niềm vui, niềm vui trọn vẹn. Bà Elisabeth và ông Zaccaria vui mừng vì có thai, một điều dường như không thể xảy ra được ở tuổi già của họ, nhưng chính thiếu nữ Maria đã mang cho ông bà niềm vui tràn đầy, niềm vui đến từ Chúa Giêsu và từ Chúa Thánh Linh và biểu lộ trong tình bác ái nhưng không, trong sự chia sẻ, tương trợ, cảm thông lẫn nhau.

Đức Mẹ cũng muốn mang đến cho tất cả chúng ta, hồng ân cao cả là Chúa Giêsu, và cùng với Ngài Mẹ mang tình thương, an bình và niềm vui của Mẹ. Giáo Hội cũng vậy: giống như Mẹ Maria. Giáo Hội không phải là một cửa tiệm, một cơ quan từ thiện, không phải là một tổ chức phi chính phủ, Giáo Hội được sai đi mang Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Giáo Hội không mang chính mình, nhưng mang Chúa Giêsu. Và Giáo Hội phải như Mẹ Maria, khi Mẹ đi viếng bà chị họ Elisabeth. Mẹ mang gì? Thưa mang Chúa Giêsu. Đây là điểm trung tâm của Giáo Hội:mang Chúa Giêsu. Giả sử Giáo Hội khôn gmang Chúa Giêsu nữa, thì đó là một Giáo Hội chết!

Còn chúng ta thì sao? Đâu là tình thương mà chúng ta mang đến cho tha nhân? Đó có phải là tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng chia sẻ, tha thứ, tháp tùng, hay là một thứ tình yêu bị hóa loãng? Khi người ta làm loãng rượu, thì nó giống như nước? Phải chăng tình yêu chúng ta giống như thế, hoặc tình yêu lúc mạng lúc yếu theo thiện cảm, tìm kiếm sự đáp trả? Một tình yêu vụ lợi. Nhưng thử hỏi: Chúa Giêsu có muốn tình yêu vụ lợi hay không? Tình yêu phải là một tình yêu nhưng không, như tình yêu của Chúa. Đâu là những quan hệ trong các giáo xứ, các cộng đoàn của chúng ta? Chúng ta có đối xử với nhau như anh chị em hay không? Hay là chúng ta đoán xét, nói xấu nhau, mỗi người chỉ chăm lo ”mảnh vườn riêng” của mình?
3. Và tôi nói vắn tắt về khía cạnh cuối cùng: Mẹ Maria là mẫu gương sự kết hiệp với Chúa Kitô. Đời sống của Đức Trinh Nữ rất thánh là đời sống của một phụ nữ trong dân của Ngài; cầu nguyện, làm việc, đi đến Hội đường.. Nhưng mỗi hành động luôn được thi hành trong sự kết hiệp hoàn hảo với Chúa Giêsu. Sự kết hiệp này đạt tới tột đỉnh trên đồi Canvê: tại đây Mẹ Maria kết hiệp với Con trong cuộc tử đạo nội tậm, và trong sự dâng hiến cuộc sống cho Chúa Cha để cứu độ nhân loại. Đức Mẹ đã đón nhận sự đau khổ của Con làm của mình và cùng với Chúa Con đã chấp nhận thánh ý Chúa Cha, trong sự vâng phục mang lại hoa trái, mang lại chiến thắng đích thực trên sự ác và sự chết.

Thực tại mà Mẹ Maria dạy chúng rất là đẹp: luôn sống kết hiệp với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tự hỏi: phải chăng chúng ta chỉ nhớ đến Chúa Giêsu khi có điều gì không ổn và chúng ta cần một cái gì đó, hoặc chúng ta có một tương quan liên lỷ, một tình bạn sâu xa, cả khi phải theo Chúa trên con đường thập giá?

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân thánh, sức mạnh của Ngài để trong cuộc sống chúng ta và trong đời sống của mỗi cộng đoàn Giáo Hội có phản ánh mẫu gương của Đức Maria, Mẹ Giáo Hội.

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý trên đây, các giám chức và LM tại Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt ý chính bài huấn giáo của ĐTC, cũng như dịch những lời chào của ngài từ tiếng Ý sang các ngôn ngữ chính.

Chào các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nhắc đến các tín hữu thuộc giáo phận Angoulême do Đức Cha Dagens hướng dẫn, và nhiều nhóm giáo xứ, người trẻ, đến từ Pháp, Thụy Sĩ và Bỉ.

Ngỏ lời với các tín hữu nói tiếng Anh, đến từ Anh quốc, Ailen, Đan Mạch, Na Uy, và từ nhiều nước Á châu như Ấn độ, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, ĐTC đặc biệt nhắc đến một nhóm liên quốc hội liên đảng tại Anh quốc về Tòa Thánh.

Khi chào đông đảo các tín hữu hành hương đến từ nước Đức, ĐTC nói đến các đoàn từ Đan Mạch và nhiều giáo phận Đức về Roma hành hương nhân dịp kỷ niệm 25 năm phong chân phước Niels Stensen, dưới sự hướng dẫn của ĐHY Meisner TGM giáo phận Koeln.

Với các tín hữu Ba Lan, ĐTC mời gọi họ trong tháng 10 này cầu nguyện cách riêng cho hòa bình trên thế giới, và sự phục hồi các giá trị Tin Mừng.

Sau cùng, khi chào các phái đoàn bằng tiếng Ý, ĐTC nhắn nhủ rằng tháng 10 nhắc nhớ chúng ta về sự dấn thân của mỗi người trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Ngài nói: ”Các bạn trẻ thân mến, đặc biệt các chủng sinh ở Verona, và những người trẻ từ giáo phận Manfredonia-Vieste- San Giovanni Rotondo miền nam Italia, các con hãy trở thành những chứng nhân can đảm của đức tin Kitô. Và hỡi anh chị em bệnh nhân thân mến,hãy dâng thánh giá hằng ngày của anh chị em để cầu cho sự hoán cải những người xa lìa ánh sáng Tin Mừng; và sau cùng, hỡi các đôi tân hôn, anh chị em hãy trở thành những người loan báo tình thương của Chúa Kitô, đi từ gia đình của anh chị em.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio