Chiêm Ngắm Mẹ Maria

Chiêm Ngắm Mẹ Maria

Truyền thống dân tộc Việt Nam chúng ta luôn đề cao hình ảnh những người mẹ vất vả một nắng hai sương lo cho đàn con cơm ngon áo ấm. Chẳng ai trong chúng ta có thể không xốn xang trong lòng khi nghĩ đến mẹ mình, một thời mang nặng đẻ đau, một đời hy sinh trong âm thầm lặng lẽ cho mình. Trên phương diện đức tin, chúng ta cũng có một người mẹ như vậy. Từ xưa đến nay, Mẹ không bao giờ bỏ rơi con cái mình. Hôm nay, trong tháng Mân Côi này, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm Mẹ khi Mẹ còn tại thế, qua lược thuật của các sách Tin Mừng, ngỏ hầu chúng ta có thể noi gương Mẹ, sống xứng đáng là con cái Mẹ và Cha trên trời.

Cũng như bao thiếu nữ khác, Mẹ ôm ấp cho mình những mộng ước tương lai. Trời đã xe duyên cho Maria với chàng trai trẻ Giuse, hứa hẹn một gia đình, tuy nghèo nhưng hạnh phúc. Nhưng Thiên Chúa đã chen vào kế hoạch ấy, khiến cho cuộc đời cô thiếu nữ thôn quê ấy như được mở sang trang. Ngày Thiên Sứ truyền tin, cả vũ trụ và muôn loài thụ tạo trong trời đất đợi chờ lời đáp của Mẹ. Hai tiếng “Xin Vâng” đơn sơ ấy của Maria không phải chỉ liên can giữa Mẹ và Chúa, nhưng là với tất cả mọi sự, vì nó quyết định cho việc công trình cứu độ của Thiên Chúa có được thực thi hay không. Nhưng lời đáp ấy cũng mở đầu cho một hàng loạt những tiếng “Xin Vâng” khác trong cuộc đời Mẹ, có khi đau khổ đến vô cùng. Sở dĩ Mẹ có thể nói được lời “Xin Vâng” liên lỉ, ấy là nhờ niềm tin của Mẹ vào Chúa luôn kiên vững không lay.

Thiên sứ nói với Mẹ rằng Mẹ sẽ cưu mang Con Chúa Trời. Một vinh dự vô cùng lo lớn! Nhưng rồi suốt mấy mươi năm làm mẹ Giê-su, Mẹ có được hưởng chút vinh quang nào đâu. Mẹ làm mẹ của một Thiên Chúa tự hạ và khó nghèo, Mẹ gắn chặt cuộc đời mình với vị Thiên Chúa ấy, nên đời Mẹ cũng luôn là một hành trình đi xuống và khiêm nhu. Có ai ngờ Chúa lại muốn hạ sinh khi đang lữ hành trên đường, nơi chuồng súc vật hôi tanh, ngoài trời đông lạnh lẽo. Vinh dự gì đâu chuyện một người phụ nữ lâm bồn trong hoàn cảnh bị xua đuổi ra ngoài đường, chứ không phải nơi nệm êm chăn ấm, có người hầu hạ chăm nom. Có ai ngờ Con Thiên Chúa quyền uy đến thế, lại cúi mình trước bạo quyền Herode, chấp nhập tị nạn sang Ai Cập. Mẹ cũng chịu cùng số phận như Con. Giữa đêm khuya lạnh lẽo, thân người phụ nữ vừa mới sinh con, còn yếu ớt, đã phải vội vã cất bước ra đi.

Ngày truyền tin, Thiên Sứ nói với Mẹ rằng người mà Mẹ cưu mang sẽ là một đấng anh hùng, sẽ ra tay cứu con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Nhưng đợi chờ mãi, 10 năm, 20 năm, 30 năm, tóc Mẹ có lẽ cũng đã pha sương, nhưng chẳng thấy nơi con trai của mình dấu hiệu gì của một đấng quân vương, ra tay giải phóng. Bỗng có ngày, con mình nghe được tiếng gọi của Cha, rong ruổi khắp thôn này xứ nọ, truyền rao chân lý Tin Mừng, Mẹ vẫn an vui với cuộc sống lẻ loi một mình nơi làng nhỏ. Giuse lúc ấy có lẽ đã qua đời, Giêsu cũng bỏ Mẹ lên đường thực thi sứ mạng. Mẹ cô đơn nơi góc nhà quạnh vắng. Yêu con lắm, nhưng Mẹ biết Mẹ không nên làm điều gì níu kéo bước chân con. Mẹ lại trở về trong lặng thinh và cầu nguyện. Mẹ tiếp tục thưa tiếng “Xin Vâng”

Rồi ngày kia, Mẹ như đau buốt con tim, ngàn lưỡi gươm như xé nát lòng Mẹ khi chứng khiến cảnh người con dấu yêu bị xử tử như một tên tội đồ. Trên đồi cao u ám, trước mặt Mẹ đây, không còn là một thân hình cường tráng, mạnh khỏe và đáng yêu như ngày nào, nhưng là một thân xác tả tơi vì dặm trường sương gió ba năm dong dủi trên đường, vì những đòn roi vô tâm, bội phản, vì những sỉ nhục của ganh ghét bạo quyền. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau của một người mẹ chứng kiến cảnh con yêu của mình bị giết chết nhưng không thể làm được gì? Đây là Đấng Cứu Thế ư? Đây là Con Thiên Chúa sao? Đây là Đấng dựng nên muôn loài, Đấng thống trị muôn dân, Đấng trỗi vượt trên các tầng trời sao? Trong giờ phút ấy, Mẹ mới hiểu được thế nào là xin vâng, Mẹ mới thấu được đâu là cái giá phải trả khi thưa tiếng Xin Vâng. Chính tại giây phút đau đớn nhất này, Mẹ đã sống hai chữ Xin Vâng trọn vẹn nhất.

Giờ đây, Mẹ được Chúa thưởng công vì những hy sinh Mẹ đã chịu. Mẹ đã sống Xin Vâng trọn vẹn với Chúa thì Chúa đã không từ chối điều gì nơi Mẹ. Chúng ta hãy xin Mẹ giúp chúng ta, biết noi gương Mẹ, dám đối diện với từng nghịch cảnh trong cuộc sống, với một niềm tín thác mạnh mẽ vào Thiên Chúa toàn năng.

Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ

 

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự buổi cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự buổi cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima

our-lady-of-fatima1

VATICAN. Gần 100 ngàn tín hữu đã tham dự buổi cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima do ĐTC Phanxicô chủ sự tại Quảng trường Thánh Phêrô chiều ngày thứ bẩy 12 tháng 10-2013.

Buổi cầu nguyện diễn ra trong khuôn khổ Ngày Thánh Mẫu trong Năm Đức Tin, với cao điểm là Thánh Lễ và nghi thức ĐTC tái thánh hiến thế giới cho Trái Tim Đức Mẹ sáng chúa nhật 13 tháng 10-2013, kỷ niệm đúng 96 năm Đức Mẹ hiện ra lần cuối cùng tại Fatima.

Sự hiện diện của nguyên bản tưng Đức Mẹ Fatima

Theo lời yêu cầu của ĐTC, nguyên bản Tượng Đức Mẹ được đưa ra khỏi Đền Thánh Fatima và đưa về Roma. Đây là biến cố rất họa hiếm. Lần trước đây là vào dịp Đại Năm Thánh 2000, khi Chân phước Gioan Phaolô 2 cử hành nghi thức phó thác thế giới và Giáo Hội cho Đức Mẹ, ngày 8 tháng 10-2000 tại Quảng trường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của 1,500 GM thế giới. Trong triều thiên của Tượng, có gắn viên đạn do ĐTC Gioan Phaolô 2 tặng, viên đạn mà tên Ali Agca đã bắn vào ngài trong cuộc mưu sát ngày 13 tháng 5-1981.

Tượng Đức Mẹ Fatima được chở tới Phi trường Fiumicino ở Roma chiều 12 tháng 10-2013. Từ đây lúc 1 giờ rưỡi, Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng đã đón rước và tháp tùng về Vatican trên một máy bay trực thăng tối tân của không đoàn 15 thuộc không lực Italia. Chặng dừng đầu tiên của tượng diễn ra tại nhà nguyện trong nhà của Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 để ngài cầu nguyện một lát, trước khi được rước đến Nhà Trọ Thánh Marta và được ĐTC Phanxicô trực tiếp chào kính.

Lúc gần 4 giờ chiều, tượng Đức Mẹ Fatima được long trọng rước ra Quảng trường thánh Phêrô. Dẫn đường là Đức TGM Fisichella và Tượng được 4 Vệ Binh Thụy Sĩ và Hiến Binh Vatican tháp tùng. Các tín hữu đã tụ tập tại đây từ hàng giờ trước đó. Họ đứng tràn ra tới giữa đường Hòa Giải. Hiện diện cạnh lễ đài có hơn 30 HY và Giám Mục.

Tượng Đức Mẹ được rước qua các khu vực khác nhau ở Quảng trường để các tín hữu chào kính. Họ vẫy khăn tay màu trắng khi Tượng Đức Mẹ đi qua, theo thói quen ở Fatima, trong khi ca đoàn hát bài Ave Maria.

Cầu nguyện

Lúc gần 5 giờ chiều, ĐTC Phanxicô tiến vào Quảng trường. Trong lời chào mừng, Đức TGM Fisichella đã giới thiệu hơn 800 hội đoàn Thánh Mẫu được các GM hoặc LM tuyên úy tháp tùng đến tham dự buổi cầu nguyện.

Tiếp đến là nghi thức đón rước Tượng Đức Mẹ từ cây tháp bút giữa Quảng trường tiến lên lễ đài, giữa tiếng hát của mọi người ca bài Ave Maria theo cung điệu của Đền Thánh Fatima. ĐTC hôn kính tượng Đức Mẹ trước khi tượng được đặt trên ngai. Ngài dâng kính Đức Mẹ xâu chuỗi Mân Côi quí giá.

Buổi cầu nguyện được đặt đầu và tiến hành theo ”con đường của Mẹ” gồm 7 chặng: Mẹ Maria chí thánh đón nhận trong đức tin lời tiên tri của cụ già Simeon; Mẹ Maria trốn sang Ai Cập để cứu Chúa Giêsu; Mẹ Maria tìm Chúa Giêsu ở lại Đền thờ Jerusalem; Mẹ Maria gặp Chúa Giêsu trên đường dẫn đến đồi Canvê; Mẹ Maria hiện diện trong cuộc đóng đanh và cái chết của Chúa Giêsu; Mẹ Maria đón nhận xác Chúa Giêsu từ trên thập giá; và sau cùng là Mẹ Maria đặt xác Chúa Giêsu trong mộ và chờ đợi Chúa sống lại.

Mỗi chặng có một bài đọc ngắn trích từ các Sách Tin Mừng, tiếp đến mỗi người cầu nguyện trong thinh lặng, rồi ca đoàn và cộng đoàn hát một đoạn kinh cầu, rồi một kinh Kính Mừng.

Huấn giáo của Đức Thánh Cha

Sau chặng thứ bẩy, ĐTC đã trình bày một bài huấn giáo về Đức Mẹ. Ngài mở đầu, nói với mọi người rằng: ”Tất cả chúng ta ở đây, trong cuộc gặp gỡ Năm Đức Tin, qui hướng về Đức Maria, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội, Mẹ chúng ta. Tượng Đức Mẹ đến từ Fatima giúp chúng ta cảm thấy sự hiện diện của Mẹ giữa chúng ta. Mẹ Maria luôn mang chúng ta đến cùng Chúa Giêsu. Mẹ là một phụ nữ đức tin, một tín hữu chân thực. Đức tin của Mẹ Maria thế nào?”
ĐTC lần lượt trình bày 3 yếu tố trong Đức tin của Mẹ Maria:

Trưc tiên, đức tin của Mẹ tháo gỡ cái nút thắt của tội lỗi (Xc LG 56).. Điều mà bà Eva đã thắt lại bằng sự thiếu tin tưởng, thì Mẹ Maria tháo gỡ bằng niềm tin của Mẹ.

Yếu tố thứ hai: Mẹ Maria trao tặng xác thể cho Chúa Giêsu, như Công đồng chung Vatican 2 đã dạy: ”Do niềm tin và lòng vâng phục, Mẹ Maria đã sinh chính Con của Chúa Cha trên trần thế, mà không biết người nam, nhưng dưới bóng của Chúa Thánh Linh” (LG 63). Mẹ Maria đã chịu thai Chúa Giêsu trong đức tin rồi trong xác thể.

Yếu tố thứ ba: Đức tin của Mẹ Maria như mt con đường. Mẹ Maria đi trước chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin, Mẹ tháp tùng và nâng đỡ chúng ta. Đức tin của Mẹ Maria là một con đường theo nghĩa trọn cuộc sống của Mẹ là bước theo Con của Mẹ: Chính Chúa là đường, chính Chúa là hành trình. Tiến bước trong đức tin, bước tiến trong cuộc lữ hành thiêng liêng ấy chính là đức tin, và không là gì khác hơn là bước theo Chúa Giêsu, lắng nghe và để cho Lời Chúa hướng dẫn; nhìn như Chúa cư xử và đặt chân chúng ta theo vết chân của Chúa, có cùng những tâm tình và thái độ của Chúa: khiêm tốn, từ bi, gần gũi, nhưng quyết liệt từ khước thái độ giả hình, sống hai mặt, tôn thờ thần tượng.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng: ”Con đường của Chúa Giêsu chính là con đường yêu thương trung tín đến cùng, cho đến độ hy sinh mạng sống, đó là con đường thập giá. Vì thế, hành trình đức tin tiến qua thập giá và Mẹ Maria đã hiểu điều đó ngay từ đầu, khi vua Hêrôđê muốn giết Chúa Giêsu mới sinh. Nhưng rồi thập giá ấy đã trở nên sâu đậm hơn, khi Chúa Giêsu bị phủ nhận: khi ấy đức tin của Mẹ Maria phải đương đầu với sự thiếu cảm thông và khinh rẻ; khi đến ”giờ” của Chúa Giêsu, giờ khổ nạn, lúc ấy đức tin của Mẹ Maria trở thành ánh lửa trong đêm tối. Trong đêm thứ bẩy Tuần Thánh, Mẹ Maria đã canh thức. Ánh lửa của Mẹ bé nhỏ nhưng sáng tỏ, đã được thắp lên cho đến bình minh của cuộc Phục Sinh; và khi Mẹ nghe nói ngôi mộ của Chúa Con trống rỗng, trong tim mẹ tỏa lan niềm vui đức tin, niềm tin kitô nơi sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Đó chính là tột đỉnh hành trình đức tin của Mẹ Maria và toàn thể Giáo Hội.

Và ĐTC đặt câu hỏi: Đức tin của chúng ta thế nào? Như Mẹ Maria, chúng ta có giữ cho đức tin được cháy sáng trong những lúc khó khăn, trong tăm tối hay không? Tôi có niềm vui đức tin hay không?”

Buổi cầu nguyện kết thúc với Kinh Lạy Cha, và Phép lành của ĐTC, rồi Bài Ca Salve Regina, Lạy Nữ Vương Thiên Đàng.

Kinh Mân Côi và canh thức

Sau buổi cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô, Tượng Đức Mẹ Fatima được trực thăng của không lực Italia chở đến Đền Thánh Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa, cách trung tâm Roma hơn 10 cây số. tại đây có buổi đọc kinh Mân Côi được nối qua truyền hình với một số Trung tâm Thánh Mẫu tại 10 nước trên thế giới, trong đó có Lộ Đức, Nazareth, Lujan (Argentina), Guadalupe (Mêhicô), Nairobi (Kenya), Banneux (Bỉ), Czestochowa (Ba Lan), Đền Thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm (Washington, USA), Akia (Nhật Bản) và Vailankani (Ấn Độ), Aparecida (Brazil).

Sau đó là buổi canh thức cầu nguyện với sự tham dự của các tín hữu hành hương thuộc giáo phận Roma, cho đến bình minh. Rồi trực thăng lại chở Thánh Tượng Đức Mẹ về Vatican. Tại đây từ lúc 9 giờ rước, Tượng Đức Mẹ lại được rước qua các khu vực ở Quảng trường trước khi ĐTC bắt đầu cử hành thánh lễ và nghi thức Phó Thác thế giới cho Đức Mẹ. Có 1 ngàn LM được đồng tế với ĐTC.

Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, và cũng là trưởng ban tổ chức Ngày Thánh Mẫu này cho biết có hơn 150 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ đặc biệt sáng chúa nhật 13-10-2013, với ĐTC. Phần lớn các tín hữu đến từ Italia, nhưng cũng có các đoàn đại biểu đến từ 48 nước có đăng ký chính thức, trong số này có cả những nước xa xăm như Australia, Ấn độ, Argentina, Nhật Bản, Hoa Kỳ và nhiều nước Nam Mỹ. (SD 12-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

 

Đức tin của con đã cứu con

Đức tin của con đã cứu con

Có câu chuyện kể rằng, một hôm Chúa sai hai thiên thần xuống trần gian đi làm nhiệm vụ, đúng hẹn hai thiên thần trở về, một vị đeo cái giỏ nặng trĩu, thấy vị kia đeo cái giỏ nhẹ tênh, hầu như không có gì bèn nói: Chúa sai tôi xuống trần gian thâu tất cả những lời cầu xin, nhưng nhiều quá nên cái giỏ của tôi rất nặng. Còn ngài, ngài đã làm gì mà sao cái giỏ của ngài nhẹ quá vậy? Vị kia trả lời: Tôi xuống trần gian để thu tất cả những lời tạ ơn, nhưng chẳng có bao nhiêu.

Câu chuyện phần nào nói lên một thực tế của con người và giúp chúng ta hiểu được bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe đọc, thì ra người ta hầu như biết cầu xin hơn là biết đón nhận và tạ ơn. Thánh Luca thuật lại sự kiện có mười người phong cùi đến gặp Chúa Giêsu và khẩn khoản cầu xin Chúa thương xót, Chúa đã chữa lành bệnh cho họ, nhưng chỉ có một người quay lại để tạ ơn Chúa. Người quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa lại là một người ngoại, vậy thì chẳng lẽ những người kia không được lành bệnh sao?

Đọc bài Tin Mừng này tôi nhớ lại một sự kiện tôi đã gặp mà tôi nhớ rất rõ, đó là trưa ngày mùng 3 tháng 11 năm 1995 tại một nhà thờ của Dòng Đaminh, có một phụ nữ ôm một bó hoa tươi đang phân vân đi đi lại lại trước các tượng thánh Đaminh, thánh Vinh sơn Liêm và thánh Martinô trong khuôn viên nhà thờ. Tôi tiến lại gần và hỏi hình như bà muốn đặt hoa trước vị thánh nào đó phải không? Bà thú nhận bà là người ngoại đạo, bà làm việc này theo yêu cầu của đứa con trai của bà. Nhưng thật đáng tiếc, bà không biết đâu là thánh Martinô, rồi bà tiếp tục tâm sự: gia đình bà đều ngoại giáo, cách đó nhiều năm đứa con trai của bà học lớp 9, theo các bạn bè Công giáo đến khấn xin thánh Martinô cho học hành tốt đẹp và tất cả chúng đã đạt được như ý. Kể từ đó, hàng năm vào ngày 3/11 lễ thánh Martinô nó vẫn mang bông đến tạ ơn thánh nhân, nhưng bởi vì năm nay nó đi xa, nó vẫn nhớ việc này và nhờ bà làm giúp cho nó.

Một người ngoại đạo họ không biết Chúa, không đón nhận Phép Rửa, không cùng tuyên xưng đức tin với chúng ta nhưng họ đã nhận ra nguồn hạnh phúc thật của sự sống. Họ ý thức rất rõ và xác tín những gì họ đã đón nhận. Họ hiểu ra rằng tất cả cuộc đời của họ đều là hồng ân. Họ chưa bao giờ tuyên xưng đức tin, nhưng họ đã luôn sống và thể hiện đức tin: “Lòng tin của ngươi đã cứu ngươi”. Có thể nói, người biết tạ ơn đó là người có thái độ biết cầu xin và biết đón nhận, hay là người có thái độ tạ ơn Thiên Chúa, đó là người có đức tin.

Mỗi người chúng ta khi cầu nguyện, chúng ta thường hay nhắm đến cầu xin và luôn luôn cầu xin cho chúng ta, cho nên chúng ta đã quên mất rằng, tạ ơn là một trong những yếu tố quan trọng trong đời sống cầu nguyện. Cùng với chúc tụng, sám hối, chúng ta cầu nguyện hình như là để cầu xin Thiên Chúa thực hiện theo ý của chúng ta hơn là để chúng ta nhận ra thánh ý Chúa và thực hành ý Ngài.

Chính thái độ đó mà chúng ta cứ quay quắt trong ý định riêng tư và dằn vặt trong tính toán nên không thể nào nhận ra được hồng ân cao cả đầy yêu thương của Thiên Chúa đang thực hiện trong cuộc đời của mình. Nếu chúng ta ý thức một chút, chúng ta sẽ nhận ra cuộc đời của chúng ta là cả một cuộc đời đầy những hồng ân. Vì vậy, chúng ta phải chúc tụng, tạ ơn cả cuộc đời và cả một cuộc đời của chúng ta phải là một cuộc đời tạ ơn liên lỉ.

Xin cho mỗi người chúng ta vững mạnh trong đức tin để nhận ra trên thế giới này Thiên Chúa vẫn đang sống, vẫn đang hành động, đang ở với chúng ta, để chúng ta chúc tụng và tạ ơn. Giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng đức tin và xin cho mỗi người chúng ta cũng sống trọn vẹn đức tin để chúng ta chúc tụng, tạ ơn Chúa.

Veritas Radio

BIẾT ƠN

BIẾT ƠN

“Sự biết ơn phải chân thành và được thành tâm bày tỏ”

Bà Dorothy Day là một người trở lại Công Giáo khi đã lớn tuổi. Cuộc đời bà đáng được Hollywood dựng thành phim. Khi bà từ trần năm 84 tuổi, tờ New York Time đã không do dự gọi bà là người có ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử Công Giáo Hoa Kỳ.

Sau cái chết của bà, đã có một phong trào vận động để phong thánh cho bà, nhất là vì những gì bà đã làm cho người nghèo và người tuyệt vọng ở Nữu Ước.

Cách đây không lâu, tờ America đã phỏng vấn bà Eileen Egan, một người bạn thân của bà Dorothy. Một trong những câu hỏi mà người phóng viên đặt ra với bà Eileen là “Điều gì đặc biệt nhất khi bà nghĩ đến bà Dorothy?”

Không chút do dự, bà Eileen đáp, “Đó là tinh thần biết ơn.” Và bà đã đưa ra một thí dụ.

Vào một ngày trời lạnh, cả hai đang ở trên xà lan. Bà Dorothy chỉ mặc chiếc áo khoác mỏng. May mắn, bà có mang theo tờ báo nên bà lấy quấn quanh người bên dưới áo khoác. Khi làm như vậy, bà mỉm cười và nói, “Tôi cám ơn những người vô gia cư đã dạy tôi cách này để giữ người cho ấm.”

Bà Eileen nói thêm, “Bất cứ ở đâu, bà Dorothy đều tìm lấy lý do nào đó để cảm tạ. Thí dụ, có lần bà nói, tôi biết ơn Chúa Giêsu đã đến sống trên mặt đất này đến độ đôi khi tôi cảm thấy muốn quỳ xuống hôn đất, chỉ vì chân của Chúa đã chạm đến nó.”

Trên mộ bia của bà Dorothy ở Staten Island, hai chữ đi liền với tên của bà là: Deo Gratias, đó là “Tạ ơn Chúa.” Chính bà đã yêu cầu khắc dòng chữ này.

Câu chuyện của bà Dorothy đã dẫn chúng ta đến câu chuyện của mười người phong hủi trong bài Phúc Âm hôm nay vì câu chuyện của bà nhấn mạnh đến hai điểm quan trọng về sự biết ơn.

Thứ nhất, nó phải chân thành. Thứ hai, nó phải được thành tâm bày tỏ. Thái độ biết ơn người vô gia cư vì đã dạy bà cách giữ người cho ấm, và bà biết ơn Chúa Giêsu vì đã xuống thế làm người, cả hai đều chân thành và được thành tâm bày tỏ.

Trong Phúc Âm hôm nay sự biết ơn của chín người phong hủi không trở lại cám ơn có lẽ thành tâm. Chúng ta không biết.

Nhưng chúng ta biết chỉ có một người trở lại bày tỏ sự biết ơn trong một phương cách chân thành. Ông ta phủ phục dưới chân Chúa Giêsu.

Một lớp học sinh trung học đang chuẩn bị thảo luận về bài Phúc Âm hôm nay. Để bắt đầu, thầy giáo yêu cầu họ trả lời trên giấy hai câu hỏi sau:

Thứ nhất, đã bao lâu bạn chưa cám ơn cha mẹ vì điều gì đó?

Thứ hai, bạn cám ơn các ngài vì điều gì?

Tôi muốn chia sẻ với các bạn hai câu trả lời của hai học sinh. Câu trả lời thứ nhất viết:

Lần sau cùng tôi nhớ đã cám ơn cha mẹ vào khoảng một tuần trước đây.Tôi cám ơn mẹ tôi đã giúp tôi làm bài tập. Tôi nhớ là bà đã tốn vài giờ đồng hồ. Một tuần sau khi tôi đã nộp bài, bà còn đem về nhà các tài liệu liên quan đến đề bài và nói, “Những cái này cốt để cho con biết thêm.”

Câu trả lời của học sinh thứ hai như sau:

Tôi nhớ lần sau cùng cám ơn cha mẹ thì cách đây vài tuần. Tôi sửa soạn đi chơi tối thứ Bẩy và để cha tôi ở nhà một mình, vì mẹ tôi đã từ trần hồi mùa hè qua. Trước khi rời nhà, tôi đến với ông và đặt tay lên vai ông một cách thân mật. Tôi không nói gì, nhưng tôi biết ông hiểu là tôi cám ơn ông vì đã cho phép tôi đi chơi.

Tôi không biết các bạn nghĩ sao, nhưng tôi thấy hai câu trả lời này thật cảm động.

Cả hai trường hợp, sự biết ơn của các học sinh thật chân thành. Và trong cả hai trường hợp, sự biết ơn được bầy tỏ trong một phương cách nồng hậu và thành tâm.

Điều đó đưa chúng ta đến việc cử hành Thánh Lễ hôm nay.

Các câu chuyện của bà Dorothy Day, của các học sinh, và mười người phong hủi đã mời gọi chúng ta kiểm điểm lại thái độ biết ơn của chúng ta và cách bày tỏ sự biết ơn ấy.

Thí dụ, có một chi tiết đáng kể trong câu chuyện Phúc Âm khiến chúng ta phải để ý. Đó là nhận xét của Chúa Giêsu về người phong hủi trở lại cám ơn lại là người Samaritan.

Qua chi tiết này, Chúa Giêsu muốn nói chín người kia là Do Thái. Có thể nói, họ là người đồng hương của Chúa. Bạn mong đợi họ tỏ lòng biết ơn nhau, nhưng họ đã không làm như vậy.

Điều này cũng thường đúng với chúng ta. Khi cần phải biết ơn gia đình, chúng ta thường cho đó là hành động đương nhiên khỏi phải nói lên. Và, thật không may, chúng ta cũng thường hành động như vậy khi đối với Thiên Chúa.

Có người nói khi coi sự biết ơn là đương nhiên–không bày tỏ ra bên ngoài–thì cũng giống như chúng ta nháy mắt ra hiệu cho nhau trong bóng tối. Bạn biết khi bạn nháy mắt với họ, nhưng họ không thấy điều đó.

Và vì thế, khi chúng ta trở về với bàn thờ, có lẽ chúng ta cần dành thời giờ để cảm tạ Thiên Chúa vì đã sai Con của Người xuống trần gian.

Và chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn qua việc cử hành Thánh Lễ một cách sốt sắng, một cách thành tâm.

Chúng ta hãy kết thúc bài giảng hôm nay với lời của ngôn sứ Isaia:

Hãy cảm tạ Thiên Chúa!…
Hãy nói với mọi dân tộc về những điều Người đã thực hiện.
Hãy nói với họ Người thật vĩ đại dường bao!
Hãy hát lên ca tụng Thiên Chúa vì những việc trọng đại Người đã thực hiện
.” Is 12:4-5

Cha Mark Link

Thể hiện của tự do thực sự

Thể hiện của tự do thực sự

Trong suốt nhiều thế kỷ, người Do thái đã phải còng lưng dưới sức nặng của lao động khổ sai bên Ai Cập. Dưới sự lãnh đạo của Môsê, Thiên Chúa đã giải phóng họ và đưa họ vào vùng đất tự do. Để đánh dấu cuộc giải phóng khỏi các thứ khổ sai đó, Thiên Chúa đã thiết lập một ngày trong tuần như ngày Hưu Lễ. Đó là lý do tại sao người Do thái đã trân trọng tuân giữ ngày Hưu lễ. Nó chính là biểu trưng của tự do, bởi vì thời nô lệ, bẩy ngày trên bẩy ngày, người Do thái không thể có được một ngày nghỉ ngơi. Như vậy, nghỉ ngơi là dấu chỉ của tự do, và đó là ý nghĩa nguyên thủy của ngày Hưu lễ.

Thế nhưng, dần dà qua dòng thời gian các nhà thần học Do thái đã thay đổi ý nghĩa ấy của ngày Hưu lễ: thay vì là biểu tượng của tự do, họ đã biến ngày Hưu lễ thành một gánh nặng đầy đọa và trói buộc con người; họ đã kéo dài ngày Hưu lễ thành một bản kê khai tỉ mỉ những gì không được phép làm trong ngày Hưu lễ và như vậy dấu chỉ của tự do giờ đây chỉ còn là một hình thức nô lệ mới đối với người Do thái: thay vì là dấu chỉ của tự do đưa con người vào gặp gỡ với Thiên Chúa, ngày Hưu lễ đã trở thành một gánh nặng chồng chất trên vai con người, nhất là làm cho con người xa cách Thiên Chúa.

Đó cũng là tình trạng của lề luật nói chung thời Chúa Giêsu. Luật lệ không còn là vì con người, nghĩa là giải phóng con người, mà trở thành gánh nặng đè bẹp con người và tách lìa con người khỏi Thiên Chúa; con người chú tâm thi hành lề luật hơn là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Thái độ của 9 người phong cùi người Do thái trong Tin Mừng hôm nay phản ánh tâm thức chung của người Do thái thời đó. Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi, trong đó chỉ có một người Samari không phải tuân hành luật Do thái. Theo đúng đòi hỏi của lề luật, Chúa Giêsu đã yêu cầu 9 người Do thái đến trình diện các tư tế để được xác nhận là đã khỏi bệnh, riêng người Samari không phải tuân giữ điều đó, nhưng đây lại là người duy nhất trở lại cám ơn Chúa Giêsu và ngợi khen Thiên Chúa.

Câu truyện trên cho chúng ta thấy luật lệ đã cản trở con người đến gặp gỡ Chúa Giêsu và cảm tạ Thiên Chúa. Người Samari vì không bị chi phối bởi lề luật, nên đã được tự do để nói lên tình cảm chân thật của mình, người này gần với tôn giáo đích thực bởi vì ông có tự do hơn. Thiên Chúa thi ân một cách nhưng không thì con người cũng phải đáp trả một cách tự do. Một tương quan như thế không thể có được trong một xã hội lề luật, trong đó con người chỉ biết tính toán theo thứ công bình hoán đổi. Người Do thái vốn quen thuộc với tâm thức ấy, họ tính toán chi ly về công đức của mình, họ lượng giá phần thưởng dựa trên công nghiệp của mình. Chúa Giêsu đã đánh đổ một quan niệm như thế về tương quan giữa con người và Thiên Chúa: ơn cứu rỗi mà Ngài loan báo và thực hiện là ơn cứu rỗi nhưng không, đến độ con người chỉ được cứu độ nhờ lòng tin vào lòng từ bi của Thiên Chúa, đến độ những kẻ tội lỗi là những người đầu tiên được vào Nước Chúa.

Ngày nay, có lẽ nhiều người chúng ta cũng giống như 9 người phong cùi Do thái trong Tin Mừng hôm nay. Họ đã bị lề luật giam hãm trong Đền thờ để không còn có thể nói lên lời tạ ơn đối với Đấng đã thi ân cho mình; họ xem lề luật trọng hơn điều thiết yếu của niềm tin là lòng biết ơn và niềm tín thác. Cũng như họ, có lẽ chúng ta đã tỏ ra trung thành một cách chi ly với luật Hội Thánh, nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn còn tự hỏi: Tôi phải đọc bao nhiêu kinh? Tôi phải lần bao nhiêu chuỗi? Tôi phải ăn chay bao nhiêu lần? Tôi phải bố thí cho bao nhiêu người nghèo khó? Tính toán như thế là quên rằng Thiên Chúa như Chúa Giêsu mạc khải là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài ban ơn cho chúng ta hơn cả những gì chúng ta chờ đợi và tính toán. Một Thiên Chúa như thế, con người không thể có một tâm tình nào xứng hợp hơn là lòng tri ân, niềm tín thác. Đó là sự thể hiện của một tâm hồn tự do đích thực, nhờ đó con người có thể vượt qua bốn bức tường nhà thờ để không ngừng gặp gỡ Chúa trong cuộc sống mỗi ngày.

Asia Veritas Radio

Đón nhận ơn cứu độ

Đón nhận ơn cứu độ

Chúa Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem để chịu khổ hình, hoàn thành việc cứu độ. Chính lúc đi ngang qua Samaria, nhất là qua việc cứu chữa mười bệnh nhân phong, Chúa cho thấy một vài đặc điểm của ơn cứu độ.

Ơn cứu độ là phổ quát.

Chúa muốn cứu độ hết mọi người không loại trừ ai. Nên Chúa đi qua Samaria. Samaria là vùng đất cấm kỵ đối với người Do Thái. Đó là vùng đất ngoại đạo. Đó là vùng đất ô uế. Người Do Thái và người Samaria không giao thiệp với nhau. Nhưng Chúa đã vượt qua ranh giới cấm kỵ đó. Chúa muốn đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Tại Samaria Chúa còn gặp gỡ mười người phong cùi. Lại một cấm kỵ nữa. Người phong cùi vốn bị coi là hạng người tội lỗi, ô uế. Ai gặp họ đều trở nên ô uế. Họ bị loại trừ ra khỏi đời sống xã hội. Tại Samaria, những người phong cùi là những người ở tầng lớp cuối cùng của xã hội. Chúa đem ơn cứu độ cho mọi người, kể cả những người bị khinh miệt nhất, bị quên lãng nhất, bị hất hủi nhất. Ơn cứu độ Chúa ban cho tất cả mọi người. Trước mặt Chúa mọi người đều bình đẳng.

Ơn cứu độ là nhưng không.

Không ai dám nghĩ đến việc mời Chúa xuống trần gian. Không ai có công trạng gì khiến Chúa phải xuống trần gian để tưởng thưởng hay để đền đáp. Chúa xuống trần gian hoàn toàn do lòng nhân từ yêu thương của Chúa. Cũng thế, người Samaria hoàn toàn bất ngờ khi Chúa đến miền đất của họ. Những người phong cùi lại càng không bao giờ dám mơ tưởng tới. Bản thân họ đã bị lên án, bị loại trừ rồi. Ngay việc gặp một người bình thường đã không được phép, huống chi là gặp gỡ Chúa. Nhưng Chúa đã đến gặp gỡ họ, ban ơn cứu chữa họ. Hoàn toàn nhưng không. Họ chẳng có công gì. Họ chẳng có quyền đòi hỏi gì. Họ chỉ có nỗi đau khổ tột cùng. Chính nỗi đau khổ đó đã khơi dậy lòng yêu thương của Chúa. Vì Chúa là tình yêu thương.

Ơn cứu độ phải được đón nhận với niềm tin.

Tuy ơn cứu độ được ban rộng rãi và nhưng không, nhưng để đón nhận đòi phải có niềm tin. Những người phong cùi hôm nay đã bày tỏ niềm tin qua hai thái độ. Thái độ thứ nhất là đồng thanh lớn tiếng kêu cầu danh Chúa Giêsu: “Lạy Thày Giêsu, xin cứu chúng tôi”. Danh Thánh Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa cứu. Từ cùng tận nỗi đau khổ, những người phong cùi đã kêu van bằng tất cả tấm lòng tha thiết và với niềm tin vững chắc. Chỉ có Chúa mới thương xót họ. Chỉ có Chúa mới đủ quyền năng cứu chữa họ. Thái độ thứ hai là đi trình diện với thày tư tế. Chúa không chữa họ ngay nhưng bảo họ đi trình diện với thày tư tế. Dù chưa được khỏi, nhưng họ vẫn tin tưởng lên đường. Đang khi đi đường thì họ được khỏi. Đức tin đã chữa họ.

Ơn cứu độ phải được đón nhận với niềm vui.

Đây là niềm vui trong mối tương giao giữa Thiên Chúa với con người. Cốt lõi của ơn cứu độ là thiết lập mối tương giao, cho con người được trở nên con cái Thiên Chúa, đồng hưởng hạnh phúc với Chúa. Đó là cội rễ của niềm vui, niềm hạnh phúc. Chín người bệnh không trở lại chỉ có niềm vui được khỏi bệnh, nhưng không có niềm vui trong mối tương giao với Thiên Chúa. Họ có đức tin cầu xin nhưng thiếu đức tin gặp gỡ với Thiên Chúa. Niềm vui được khỏi bệnh rồi cũng sẽ nhạt phai. Chỉ có một người trở lại tạ ơn. Anh trở lại vì mối tương giao. Anh nhận biết nguồn gốc niềm vui của mình. Anh sụp lạy Chúa vì biết nguồn gốc hiện hữu của mình. Anh đã tìm thấy nguồn cội ý nghĩa đời mình. Niềm vui của anh sẽ còn mãi mãi. Đời anh sẽ là một đời tạ ơn không ngừng.

Lạy Chúa, xin cho con biết tìm đến gặp gỡ Chúa để tạ ơn Chúa. Chính niềm vui tạ ơn này đem đến cho con hạnh phúc suốt đời con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Vì sao Chúa ban ơn cứu độ cho ta và ta phải đón nhận với thái độ thế nào?
2) Đức tin cầu xin và đức tin gặp gỡ Chúa khác nhau thế nào? Bạn đã tiến đến đâu trong đời sống đức tin?
3) Có những miền đất, những con người nào mà bạn coi là cấm kỵ khiến bạn chưa dám tiếp cận không? Với gương Chúa Giêsu hôm nay, bạn sẽ làm gì?
4) Biết ơn rất cần trong đời sống tự nhiên. Bạn có biết ơn trong đời sống siêu nhiên không?

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

ƠN NGƯỜI, ƠN ĐỜI

ƠN NGƯỜI, ƠN ĐỜI

Nhờ ơn người, nhờ ơn đời

Có vẻ như chữ “nhơn” do chữ “nhờ ơn” mà thành. Là người, ai cũng nhờ ơn:

– ơn Cha Mẹ sinh thành dưỡng dục trong suốt một cuộc đời lam lũ nghèo khó;

– ơn giáo hội qua các bí tích để tôi được gọi là Thiên Chúa là Cha, và tôi là nghĩa tử của Ngài;

– ơn Thầy cô miệt mài hun đúc tôi từ chữ đến nghĩa, từ học đến hành;

– ơn người thân- bà con, anh em- thương yêu đùm bọc nâng niu giúp đỡ;

– ơn người dưng nước lã cho tôi nghĩa tình quê hương, nhân loại;

– ơn người đạo đức mỗi ngày cầu nguyện hy sinh cho mọi người, trong đó có tôi, được bình an;

– ơn người lành cho tôi bao bài học phải giữ;

– ơn kẻ dữ cho tôi bao bài học phải tránh;

– ơn người trung tín, ơn người phản bội, ơn người yêu, ơn người ghét, ơn người dối trá, ơn người thành thật, ơn người có đạo, ơn người vô thần, ơn người cho vay, ơn người đòi nợ, ơn người mắng nhiếc sỉ nhục, ơn người an ủi cảm thông, ơn ốm đau bệnh tật, ơn tai nạn bất ngờ, kể cả sự chết…

Làm sao kể hết những ơn lộc mà tôi đã nhận được qua những con người, những biến cố. Vì thế, có thể nói, mỗi người quanh tôi, gần tôi, xa tôi, người biết tôi, chưa biết tôi,  người ở Texas, người ở Cali, người ở tận châu Phi, có người ở Sài gòn, có người Hà Nội…có người giàu có, cũng có người  nghèo khó… tất cả đều là ân nhân của tôi một cách nào đó.

Mỗi người trở nên một phần trong cuộc sống của nhau, không thể thiếu.

 Mỗi biến cố cũng vậy, dù tốt hay xấu, dù có lợi hay không có lợi, tôi cũng nhận được một ơn đặc biệt. “Thất bại là mẹ thành công”. Chẳng hạn, nếu không có một cái nhìn mới mẻ dưới ánh sáng đức tin, thì tôi không thể chấp nhận sự thua thiệt, cảnh tang thương hay thất bại là một ân huệ. Và đợi đến lúc tôi cảm nghiệm được rằng: tôi đã nhờ ơn đau khổ mà thành nhơn, thì tôi không còn đủ thời gian để xin lỗi những đau khổ vì đã nặng lời trách móc.

Vì thế, tôi muốn xác tín rằng: mỗi con người đang là cánh tay của Thiên Chúa nối dài để thi ân; mỗi biến cố là công cụ, là phương cách Chúa đã dùng  để ban ơn cho  tôi, cho mọi người.

Quả thật đời sống con người cần có nhau để tô đẹp cho nhau và cho cuộc đời, như có người nói:

“Nói với lá rằng hoa chưa đẹp nhất,

nếu không chen vào giữa lá nhung xanh,

nói với anh rằng em chưa đẹp nhất,

nếu không chen vào giữa trái tim anh”.

Hoa đẹp nhờ có lá, tôi đẹp nhờ có người xấu. Tôi biết tôi giàu nhờ có người nghèo quanh tôi. Tôi biết tôi mạnh khỏe nhờ có người đau yếu…

Hãy mở lòng ra để đón nhận nhau, chấp nhận nhờ ơn nhau, như một người cần có trái tim để sống.

Bác Trần Duy Nhiên trong thư gửi các cháu mổ tim có đoạn “một trái tim bị mổ, ngàn trái tim mở ra.  Ngàn trái tim mở ra,  vì có Một Trái Tim đã mở toang ra vì yêu nhân loại”.

Vâng, sống trong cuộc sống là sống với, sống vì, sống cho người khác sống. Tôi có thể cảm nhận trái tim tôi đập được là nhờ trái tim của nhiều người khác.Vâng, tất cả chúng ta đang “nhờ ơn” mà thành “nhơn”.

Nguồn ơn ấy, chính là sự quan phòng tuyệt vời của Thiên Chúa tình yêu.

Biết ơn 

Biết mình cần “nhờ ơn” người khác là một điều đã khó; biết ơn người khác lại là một điều khó hơn. Để biết ơn, phải cảm nhận được ơn mình đã nhận. Và đối với tín hữu của Chúa, để cảm nhận được ân huệ của Thiên Chúa qua các biến cố, qua tha nhân, nhất thiết người thọ ơn phải có lòng khiêm tốn sâu xa và một đức tin chân thành mà sâu sắc.

Tướng Naaman trong sách các vua 5,14-17 quả thật đã có một niềm tin khiêm tốn sâu thẳm, nên mới có được một niềm xác tín vững chắc để nghe lời của Tiên tri Elise mà đi dìm mình bảy lần trong sông Giodan Cũng vậy, mười người phung hủi trong Tin Mừng Lc 17,11-14 có niềm tin khiêm tốn sâu thẳm, nghe lời Đức Giêsu mà đi trình diện các tư tế.

Cả một đất nước Aram không có con sông nào sạch sao và chắc gì sông Giodan sạch bằng? Hoặc có thầy thuốc nào bảo chỉ cần đi trình diện với ông nầy ông kia thì sẽ được khỏi bệnh?

Quả là một điều lý trí không thể chấp nhận được. Nhưng điều lý trí không chấp nhận được ấy lại là đức tin.

Như vậy sự khiêm tốn ở đây chính là bằng lòng hy sinh lý trí, hy sinh cái suy luận theo tài năng hiểu biết của mình, để đón nhận điều sẽ xảy ra với lòng tin tưởng tuyệt đối. Việc chấp nhận dìm mình trong song Giodan của Naaman cũng như chuyện chấp nhận thực hiện điều trái ý, chấp nhận điều chẳng lành trong cuộc đời, không dễ dàng tí nào đối với người không có đức tin.

 Việc chấp nhận đến với Giodan còn mang một ý nghĩa khác,  là chấp nhận đến với Đất Nước của Thiên Chúa, đến với Giáo Hội.

Cũng vậy, “đi trình diện với các tư tế” trong trình thuật Luca 17,11-19  cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận đến với những người của Thiên Chúa, trong Giáo Hội.  Và khi đến, phải khiêm tốn và xác tín rằng, tôi đến là tôi sẽ được nhận ơn.

“Trong khi đi trình diện với các tư tế, họ đã được sạch phung hủi”. Điểm nầy, tôi liên tưởng đến người có lòng khao khát được sạch những vết phung hủi của tâm hồn do tội lỗi, trên đường đi đến tòa cáo giải với lòng khiêm tốn và đức tin, thiết nghĩ, họ đã được sạch tội rồi nếu họ chết khi chưa kịp xưng thú các tội.

Chấp nhận dìm mình trong dòng sông Giodan  hay đến với Đức Giêsu để nhận được ơn sự sống đòi hỏi một đức tin cao nhất, như Thánh Phaolô xác quyết: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta cùng kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2Tm 2,11-12)

 Rất tiếc, rất tiếc, vẫn còn có nhiều người luôn tuyên bố: “Từ nhỏ đến giờ tôi chẳng nhờ ơn ai cả, tôi tự lập mà nên”. Có người không chấp nhận nhờ vả vì sỉ diện, một cách tránh né do lòng kiêu ngạo. Vậy, không chấp nhận nhờ ơn thì làm gì nói đến chuyện biết ơn.

Ngay cả đối với sự hiện hữu tốt đẹp của chính mình trên trần gian, có người theo chủ nghĩa duy vật vô thần không đủ khiêm tốn để chấp nhận đó là một ơn huệ, còn to tiếng phủ nhận; và cho là một việc tự nhiên do chuyện giải trí của cha mẹ mà có! Thế thì làm gì có lòng biết ơn ai! Rồi từ đó, kéo theo một thế hệ con cháu vô ơn với trời đất, với tổ tiên, với nòi giống. Cái chủ nghĩa duy vật dạy cho họ cuộc sống con người bắt đầu từ con vật, sống và lớn lên như con vật, rồi chết đi như con vật.

Và khái niệm đó đóng khung lý trí của họ mà họ xem như một chân lý. Họ không thể khiêm tốn hy sinh cái lý trí què quặt ấy để đón nhận ánh sáng của đức tin. Họ không chấp nhận dìm mình trong dòng sông cứu rỗi mà người của Thiên Chúa giới thiệu. Họ cố tình không biết những ơn cao trọng mà dòng sông cứu rỗi mang lại. Chẳng trách gì mà họ không những không khiêm tốn đến với Chúa Giêsu mà còn không muốn ai đến với Ngài.

Rất tiếc hơn nữa, những con cái của Chúa cũng không thiếu những con người vô ơn như vậy. Khi cuộc sống vất vả, đau yếu, bệnh tật, nghèo túng thì sốt sằng tìm đến Chúa để kêu la cầu cứu; đến khi có của ăn của để, nhà cao cửa rộng, phương tiện  tiện nghi đầy đủ thì xem tất cả những gì mình có là do sức mình, rồi tỏ ra bất cần đến Thiên Chúa nữa, bất cần đến ơn cao trọng hơn cả là ơn cứu rỗi, tự gieo mình vào một cuộc sống mỗi ngày thêm sa đọa. Chúa Giêsu nói: “không phải cả mười người đều được sạch cả sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”(Lc.17,17-18)

Với tôi, bài học của tướng Naaman và mười người phung hủi, cho thấy sự cần thiết của lòng khiêm tốn, của một đức tin vững chắc để đón nhận và biết ơn Thiên Chúa đang tràn lan trong đời mình qua mọi người và qua mọi biến cố.

Hãy khiêm tốn đến với dòng sông Bí tích, dòng sông Giodan ngày xưa, và dòng sông của Đức Giêsu hôm nay, trong dó có dòng sông của bí tích hòa giải với xác tín chính Chúa Giêsu cũng đang nói với ta “Đức tin con đã chữa con” mọi thứ bệnh trầm kha nhất của tâm hồn. Và rồi,  hãy thể hiện lòng biết ơn cách cụ thể qua việc đền đáp công ơn của Người.

Đền ơn 

 Đối với người Việt Nam, có thể nói  có lòng biết ơn là đã đủ sống với đạo làm người, vì có những ơn Trời ban mà con người không bao giờ đáp đền cho cân xứng.

Với chúng ta, sống tâm tình biết ơn, thiết nghĩ, là chưa đủ. Phải thiết thực đáp đền ơn Chúa bằng việc thờ phượng tôn vinh Thiên Chúa cho xứng đáng. Biết việc đền ơn không phải là lễ vật như “món quà” của Naaman dâng cho Thiên Chúa qua Elise. Naaman đã chọn cách đền ơn bằng việc “chở một ít đất ở Giodan về mà lập bàn thờ Thiên Chúa trên đất ấy”.(2V 5,15-17). Cũng như người Samari “thấy mình được khỏi, liền quay trở lại mà lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn” (Lc 17,15-16).

Như vậy, đáp đền ơn Thiên Chúa là tôn vinh Thiên Chúa bằng cách:

sống trọn tình con thảo trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa quan phòng, tin tưởng vào Chúa Giêsu và Giáo Hội của Ngài: “hãy trình diện với các tư tế”.

Về điểm nầy, tôi không đồng tình với quan điểm “Giêsu-Yes”, “Giáo Hội- No”. Vì như thế là chúng ta tự mâu thuẫn với đức tin của mình. Chúng ta đã nhận muôn ơn Chúa qua Giáo Hội. Phủ nhận Giáo hội cũng chính là phủ nhận đức tin vào Thiên Chúa. Ta vẫn tuyên tín “ tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” kia mà. Hãy tin tưởng vào Giáo Hội của Chúa. Không vì một vài phần tử bội tín hoặc phá phách trong giáo hội mà ta phủ nhận sự thánh thiện của Giáo Hội, rồi trở thành người vô ơn một cách oan uổng. Hãy tin tưởng Giáo Hội.

sống và trở nên nguồn sống cho tha nhân – nguồn sống ấy có thể là một nụ cười, một niềm vui, một chia sẻ như làm cánh tay nối dài của Thiên Chúa. Ta vẫn thường nhận ơn của một người và không bao giờ đáp trả nổi, nhưng ta lại thi ân cho người khác như một nghĩa cử đền đáp  cho người mình đã nhận. Hãy sống chứng nhân tôn vinh thờ phượng Chúa bằng đức bác ái.

Để kết

Tôi có nghe các em mổ tim nhờ Hội Bác ái Phanxicô hỗ trợ- sau khi mổ tim thành công, hát mấy câu trọn vẹn ba ý nghĩa: nhờ ơn, biết ơn và đền ơn, như sau:

“Em có một trái tim nhưng là trái tim của nhiều người

Em sống nhờ trái tim, nhờ tình yêu thương người mọi nơi

Em suốt đời biết ơn người cho em sự sống nầy

Sẽ sống và sẻ chia tình yêu thương cho muôn người.”

 Lạy Chúa xin cho chúng con lòng khiêm tốn và đức tin vững chắc, để đón nhận tất cả là hồng ân Chúa.  Và xin cho chúng con biết sẻ chia sự sống cho tha nhân. A men.

 PM. Cao Huy Hoàng

LÒNG BIẾT ƠN

LÒNG BIẾT ƠN

Đọc Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, tôi cảm thấy thật buồn về thái độ vô ơn của chín người được ơn. Trong số mười người phong hủi được Chúa Giêsu chữa lành, chỉ có một người quay trở lại để tạ ơn. Mười người được ơn, chỉ có một người biết ơn. Tỷ lệ một phần mười. Một tỷ lệ quá thấp. Như vậy, kẻ vô ơn thì thật nhiều, còn người biết ơn có lẽ thật ít. Người biết ơn ấy lại là người ngoại đạo.

Chúa Giêsu hỏi người ngoại giáo: “Không phải tất cả mười người đều được lành sạch cả sao ? còn chín người kia đâu ? không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này ?”. Chúa Giêsu buồn không phải vì bị phụ ơn mà vì trong số mười người chỉ có một người hiểu biết tình trạng thiêng liêng của mình trước mặt Thiên Chúa.

Trong cuốn sách “Nói với chính mình” Đức Cha Bùi Tuần có viết: Tôi rất thích chó vì chó biết ơn. Dầu chỉ nhận được một cục xương, chó cũng tỏ vẻ biết ơn. Chủ đi đâu về, chó cũng vẫy đuôi mừng rỡ. Trong khi đó, con người vô ơn lại là chuyện bình thường.

Chuyện phiếm 7 “Hai chữ cám ơn”, Gã Siêu xót xa: Một tác giả nào đó đã viết : Một sự kiện làm chúng ta phải ngạc nhiên không ít, đó là một số người Việt Nam từ nước ngoài trở về thăm quê hương đã đưa ra nhận xét như sau. Dầu có cố gắng che dấu đến đâu cái tông tích Việt kiều của mình, họ vẫn cứ bị lộ ra. Và oái oăm thay, cái tông tích ấy được thể hiện không phải qua cách mua sắm tiêu xài, hay là phục sức, mà gắn liền với một chi tiết rất tầm thường. Người ta nhận ra họ bởi vì họ là những người luôn miệng nói lên hai tiếng “cám ơn”. Nếu quả thực hai tiếng cám ơn đã trở thành quí hiếm trên môi miệng người Việt Nam hiện nay, thì phải chăng đó là một lời báo động đáng lo ngại. Đó có thể là dấu chỉ của sự khô cạn tình người trong xã hội Việt Nam chúng ta. Khi ơn nghĩa đã bị chối bỏ, thì dĩ nhiên sự ràng buộc về tình người cũng trở thành mong manh. Và khi tình người bị chối bỏ, thì nhiều lãnh vực khác cũng sẽ bị lung lay và sụp đổ.

Sở dĩ như vậy là vì những người Việt Nam sống ở nước ngoài tiếp xúc thường xuyên với người phương tây, nên cũng lây nhiễm phần nào nét đẹp văn hóa của họ. Đúng thế, những tiếng vốn được người phương tây xử dụng nhiều nhất là “xin lỗi” và “cám ơn”. Dân Pháp thì luôn miệng nói “pardon” và “merci”. Còn dân Ăng lê thì động một tí là “sorry” và “thank you”. Thói quen tốt đẹp này có được là do sự giáo dục từ trong gia đình. Có người đã tổng kết được mười mấy chữ quan trọng trong việc giáo dục trẻ em ở phương tây, đó là cám ơn, chào ông bà, xin lỗi, phiền ông bà, tạm biệt, xin mời…Trong đó đứng đầu là hai tiếng “cám ơn”, Như vậy, họ đã dạy cho con em biết cảm động, không được thờ ơ nhìn sự giúp đỡ và làm ơn của người khác.Từ đó, gã suy ra rằng lòng biết ơn và tình yêu mến luôn đi song song và tỷ lệ thuận với nhau . Lòng biết ơn sẽ sinh ra tình yêu mến và tình yêu mến lại sinh ra lòng biết ơn.(dunglac.org).

Tác giả Nguyễn Văn Tuấn, trong bài “Văn hóa cám ơn” viết chua chát: Cám ơn và xin lỗi đôi khi trở thành một đề tài xã hội. Khoảng 2 năm trước đây, viết trên báo Tuổi Trẻ, một người Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam “phàn nàn” rằng người Việt Nam ít nói xin lỗi. Tiếp theo đó là một thư khác của bạn đọc người Việt chỉ ra rằng chẳng những ít nói xin lỗi, mà người Việt còn ít nói cám ơn. Điều này có vẻ mâu thuẫn với truyền thống đạo lý của người Việt, vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, ghi ơn tiền nhân. Nhưng có lẽ trong cuộc sống bề bộn của thời thực dụng kinh tế, không ít người Việt, trong đó có cả những quan chức, quên nói lời cám ơn. Và, sự thiếu sót này có thể ảnh hưởng đến quốc thể và gây ấn tượng không đẹp ở người nước ngoài về người Việt. Câu chuyện mà tôi sắp kể sau đây còn cho thấy hình như trong một số quan chức, thể hiện sự tri ân vẫn còn khá khó khăn. Anh là một kỹ sư người Đức, do cơ duyên nào đó, lấy vợ Việt Nam và quê vợ ở một làng nghèo thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có lẽ để làm một nghĩa cử đẹp cho quê vợ, anh về Đức quyên tiền, và đem số tiền đó về quê vợ xây một bệnh xá cho người dân nghèo. Người dân trong làng ai cũng nhớ anh ta trực tiếp chỉ huy việc xây dựng, rất quan tâm đến chất lượng đến nổi cẩn thận gõ từng viên gạch để đánh giá xem thật hay dỏm. Kết quả là một bệnh xá khang trang và có chất lượng cao. Đến ngày khai mạc, các quan chức trong làng đua nhau cám ơn Đảng và Nhà nước, nhưng không có đến một lời cám ơn chàng rể người Đức dù anh có mặt trong buổi lễ khánh thành bệnh xá. (saigonecho.com).

Vô ơn chẳng làm cho người ban ơn thiệt thòi mà chỉ làm cho tâm hồn kẻ chịu ơn thêm chật hẹp. Đúng như John Hery Jowett đã viết: “Sống vô ơn là một cuộc đời trống vắng tình yêu và không cảm xúc. Có hy vọng mà không có tri ân là sự thiếu hụt của một nhận thức tinh tế. Lòng tin mà thiếu niềm tri ân là một lòng tin không có nghị lực. Tất cả những nhân đức bị tách biệt khỏi lòng biết ơn đều trở nên tàn tật khập khiễng trên con đường thiêng liêng”.

Văn hóa cám ơn được thể hiện trong xã hội văn minh. Mọi người luôn nói cám ơn mỗi khi được người khác giúp đỡ, dù chỉ là nhỏ bé thôi. Hai tiếng cám ơn làm ấm lòng người nghe. Hai tiếng cám ơn làm tăng thêm giá trị của người nói. Người biết nói tiếng cám ơn được đánh giá là người văn hoá, văn minh.

Chúa Giêsu xem trọng lòng biết ơn cũng là vì ích lợi của kẻ được ơn mà thôi. Người Samari trở lại tạ ơn Chúa đã ban cho anh ơn phần xác. Chúa lại ban thêm cho anh ơn phần hồn nữa: “Ðứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh“. Như thế, cám ơn lại là cơ hội để nhận được thêm ơn.

Sống trên đời này mọi người cần biết ơn nhau. Biết ơn là thái độ cần thiết cần phải có đối với người ban ơn. Trong cuộc sống, tiếng “cám ơn”, “xin lỗi” luôn có sẵn trên môi miệng những người có giáo dục, lịch sự, lễ độ. Lòng biết ơn, tiếng cám ơn phát xuất từ tấm lòng chân thành luôn làm vui lòng mọi người. Chính lòng biết ơn Thiên Chúa, biết ơn cha mẹ là nền tảng cho mọi thứ biết ơn khác.

Có hai thứ chịu ơn: vật chất và tinh thần.

Vật chất thì có thể tính bằng con số, đo lường bằng mức độ như một cây vàng, một ngàn đồng, một sào đất… Tất cả những thứ ấy đều có thể trả được.

Chịu ơn về tinh thần thì khó định nghĩa rõ ràng để trả ơn. Khi một người thất vọng, chán chường, cô đơn, đau khổ, bệnh tật… nếu có được một chút lửa ấm tình thương nâng đỡ sẻ chia giúp cho người đó ra khỏi đêm tối, tìm lại ánh sáng, niềm vui, bình an, hy vọng, thì lòng biết ơn đó là mãi mãi.Kẻ nghĩ rằng trả ơn là xong, không cần biết ơn nữa, đó là một tâm hồn nghèo nàn.

Thật là dễ nếu cảm ơn những điều tốt đẹp. Nhưng cuộc sống bao giờ cũng tạo cơ hội mới cho mọi người cảm ơn cả những thứ chưa hoàn hảo nữa. Suy nghĩ luôn có thể chuyển tiêu cực thành tích cực. Nếu bạn biết cách biết ơn những thứ rắc rối của bạn thì chúng có thể giúp ích nhiều cho bạn!

Bạn thân mến.

Hãy cảm ơn vì bạn chưa có tất cả những thứ bạn muốn. Vì nếu bạn có rồi thì bạn còn có gì để trông chờ và hy vọng nữa đâu.

Hãy cảm ơn vì còn nhiều điều bạn chưa biết. Vì nếu bạn biết hết rồi thì bạn chẳng còn gì để học hỏi nữa sao?

Hãy cảm ơn những lúc khó khăn. Vì nếu không có một lúc khó khăn thì liệu bạn có trưởng thành được không?

Hãy cảm ơn vì bạn còn có những nhược điểm. Vì nếu không còn nhược điểm gì thì bạn sẽ chẳng còn cơ hội để tiến bộ, để cải thiện bản thân.

Hãy cảm ơn những thử thách. Vì nếu không có thử thách nào thì liệu cái gì có thể xây dựng nên sức mạnh và cá tính của bạn?

Hãy cảm ơn những lỗi lầm bạn đã có. Vì nếu bạn không có lỗi lầm gì thì cái gì sẽ dạy cho bạn những bài học đáng giá như thế đây?

Hãy cảm ơn những khi bạn mệt mỏi. Vì nếu bạn không khi nào mệt mỏi tức là bạn không làm việc gì hay sao?

Suốt cuộc đời, bạn và tôi đều mang ơn rất nhiều. Cám ơn về tất cả, tri ân về tất cả. Bắt đầu mầm sống trong lòng mẹ, nơi ngôi nhà ấm cúng, thầm kín đầu tiên đó, tôi được mẹ lấy máu thịt nuôi dưỡng lớn dần từng ngày.Từ ngày đó tôi đã chịu ơn rồi. Tôi vào đời với tiếng khóc như biểu tượng sự yếu đuối và cần đến mọi người. Rồi tôi lớn lên nhờ dòng sữa mẹ, nhờ hơi ấm, nhờ những bàn tay nuôi nấng dẫn dắt. Công cha, nghĩa mẹ, thầy cô giáo dục. Vào đời, tôi cần tình yêu, cần tình bạn, cần thông cảm. Cuộc đời được dệt nên bằng những ơn nghĩa nối tiếp nhau. Sự sống là ân ban cao cả nhất, thiêng liêng nhất mà tôi được đón nhận từ Thiên Chúa. Ngài tạo thành tôi và còn ban Con Một của Ngài chịu chết thập giá để cứu chuộc và ban cho tôi Sự Sống Mới.

Nói đến trả ơn, chỉ có thể trả ơn người, chứ không bao giờ trả ơn Chúa được. Hôm nay tôi nghèo, có người giúp tôi. Thời gian sau, có thể khá hơn tôi có dịp trả ơn. Nhưng với Chúa thì bao giờ tôi cũng nghèo, cũng túng thiếu. Chúa chẳng cần gì để tôi có thể trả ơn, vì mọi sự đều đến từ Chúa. Tôi chỉ có thể biết ơn Ngài bằng thái độ yêu quý những gì Ngài ban tặng. Tặng vật lớn nhất là sự sống và lời mời gọi làm con của Ngài. Bởi đó phải yêu quý sự sống của mình, yêu bản thân mình, yêu con người và yêu cuộc đời. Ghét bỏ chính mình, không yêu người là sự vô ơn đối với người ban tặng. Mọi sự đều đến từ Thiên Chúa. Ngài sắp xếp hoà điệu để con người tham gia vào chương trình đón nhận ân sủng Ngài trao tặng. Những gì tôi đón nhận từ tha nhân cũng là ơn Chúa, nên lòng biết ơn đối với tha nhân cũng chính là lòng biết ơn đối với Chúa.

Mỗi sáng khi vừa thứa dậy, tâm tình đầu tiên là tôi Tạ Ơn Chúa, dâng một ngày mới cho Chúa. Cùng cộng đoàn hiệp dâng Thánh Lễ chung lời Tạ Ơn Chúa, một ngày mới tràn đầy bình an và ơn thánh.

Tạ ơn để đón nhận thêm ơn lành cho cuộc sống, lời Kinh Tiền Tụng số IV trong Sách Lễ Rôma: “Thật ra, Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Chúa lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời“.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sống tâm tình biết ơn, biết ơn Chúa, biết ơn người để cuộc đời chúng con là bài ca tri ân tình thương của Chúa. Amen.

LM Giuse Nguyễn hữu An

CÁM ƠN

CÁM ƠN

Một trong những tiếng được kể là đẹp nhất trong kho tàng ngôn ngữ con người, từ đông sang tây, từ bắc tới nam, tức là khắp mọi nơi. Một tiếng rất ngắn nhưng đưa đi rất xa, nếu chúng ta biết sử dụng nó một cách trọn vẹn, chân tình. Đó là tiếng “cám ơn”. Nhưng trong thực tế, dường như người ta còn quá dè dặt và tiết kiệm tỏ lòng biết ơn nhau và cám ơn nhau.

Bài Tin Mừng Chúa Giêsu lưu ý chúng ta về lỗ hổng trầm trọng ấy. Chúa đã làm phép lạ chữa lành cho cả mười người phong cùi. Thế là họ ra đi sung sướng, thỏa mãn, chỉ có một người nghĩ tới việc trở lại cám ơn Chúa. Chúa hỏi người ấy: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?” Chỉ là vì họ quên cám ơn. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta quên: cố tình quên hoặc vô tình quên như thế.

Có phải chúng ta vẫn thường coi việc người khác làm cho chúng ta hay phục vụ chúng ta như là những chuyện đương nhiên, những việc họ phải làm? Chẳng hạn khi có người lưu ý một ông giám đốc hay một ông chủ về sự tận tâm của người thừa hành hay người giúp việc, thì các vị này đã tỉnh bơ trả lời: “Họ đã được trả lương để làm việc ấy mà”. Người ta trả tiền công và tưởng thế là sòng phẳng.

Chúng ta nên suy nghĩ tới đức bác ái Kitô giáo, tới tình người được gói ghém trong tiếng “cám ơn”, dù khi đã trả tiền công. Thực vậy, có biết bao nhiêu chuyện mà người ta không thể thanh toán được bằng tiền bạc, nhưng bằng một nụ cười, một thoáng quan tâm, một tiếng cám ơn. Những người bán hoa đã viết một biểu ngữ trước quầy hàng của họ thế này: “Hãy diễn tả tâm tình của bạn bằng những bông hoa”. Cũng vậy, chúng ta phải diễn tả tâm tình của mình ra nhờ những cái gì khác hơn là tiền bạc, hoặc cả tiền “puộc boa”, tiền trà nước, đó là lời cám ơn. Có cả một nghệ thuật bày tỏ lòng tri ân mà chúng ta phải tập để biết sử dụng hợp thời, đúng lúc và tinh tế khéo léo.

Chúng ta phải biết cám ơn những người sống chung quanh mình, bắt đầu từ những người gần gũi nhất, đó là những người trong gia đình. Người ta nói: hạnh phúc của mái gia đình tùy thuộc một phần không nhỏ vào bổn phận nhớ ơn nhau. Cuộc sống của chúng ta được dệt thành bởi trăm ngàn điều nhỏ mọn chẳng đáng kể gì, thế mà hạnh phúc gia đình phần lớn lại lệ thuộc vào những điều chẳng đáng kể gì đó, là tiếng “cám ơn” bé nhỏ nói cho đúng lúc.

Thực vậy, hạnh phúc thay gia đình nào có những người con biết nói cám ơn người cha người mẹ vẫn tận tâm tận lực lo lắng cho chúng và suốt ngày tảo tần mưu ích cho chúng. Và cũng thật hạnh phúc cho gia đình nào người chồng biết nói cám ơn đối với người vợ và người vợ biết nói cám ơn đối với người chồng. Tiếng cám ơn người chồng nói với người vợ đáng giá hơn tất cả mọi thứ vật chất, vì nó chứng tỏ người chồng lưu ý tới những gì người vợ làm cho mình. Cũng vậy, tiếng cám ơn người vợ nói với người chồng sẽ động viên cho ông thêm nghị lực, thêm can đảm, thêm sức mạnh để hăng say với công việc đều đều cực nhọc vất vả hằng ngày.

Sau hết nhưng trước hết và trên hết, chúng ta phải biết cám ơn Thiên Chúa, vì tất cả những gì chúng ta đang có, đang sử dụng: về ngôi nhà đang che chở chúng ta, cái bàn kia, cái giường ấy, chiếc tủ này, những quyển sách đó, cái đèn đang cháy sáng kia, những người bạn chúng ta gặp tình cờ trong cuộc sống, và hàng trăm hàng ngàn điều khác đang ở trong tầm tay chúng ta… Chính Thiên Chúa ban cho chúng ta những điều ấy xuyên qua những nguyên do phụ thuộc. Vì thế, chúng ta phải luôn dâng lên Thiên Chúa tâm tình cảm tạ tri ân như đối với nguyên nhân tối hậu, từ đó phát xuất ra mọi điều thiện hảo cho chúng ta.

Có một người cha trong gia đình đã ghi lại câu chuyện và những ý nghĩ sau đây: Một đêm kia, trong lúc đang đọc báo, tôi nghe đứa con gái bé nhỏ của tôi nói: “Bố ơi, con sẽ đếm xem trên trời có bao nhiêu ngôi sao nhé”. Sau đó, tôi nghe giọng nói êm đềm của con tôi bắt đầu đếm 1,2,3,4… Rồi tôi chăm chú vào việc đọc báo, không để ý đến tiếng con tôi đếm các ngôi sao nữa. Đến khi đọc xong bài báo, tôi chú ý lắng tai và nghe tiếng nó vẫn tiếp tục đếm 123, 124, 125…Đến đây nó bỗng ngừng lại, không đếm nữa, rồi quay sang nói với tôi: “Bố ơi, con không dè trên trời lại có nhiều sao đến thế”. Nghe con gái nhận xét như vậy, tôi chợt nhớ là thỉnh thoảng tôi cũng âm thầm nói với Chúa: “Chúa ơi, để con thử đếm xem con đã nhận lãnh bao nhiêu ơn lành Chúa đã ban”, và càng đếm, trái tim tôi hình như càng cảm thấy thổn thức, không phải vì âu sầu mà vì bị quá nhiều hồng ân Chúa đè nặng. Rồi tôi cũng thường phải thốt lên như con gái tôi: “Lạy Chúa, con không dè đời con lại có quá nhiều hồng ân của Chúa đến thế”.

Hôm nay, mỗi người chúng ta hãy nhìn lại thời gian đã qua, nghĩ lại quá khứ cuộc đời mình và gia đình mình: có phải chúng ta đã lãnh nhận được rất nhiều ơn lành của Chúa mà rất ít khi chúng ta để ý cám ơn Chúa và tri ân Ngài không? Đó là một thiếu sót lớn lao đấy. Cuộc đời chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa, từ mọi người thực là nhiều: từ một đồng bạc đến một sản nghiệp, từ một nụ cười đến một tình thương, từ một lời chào đến những lời an ủi, khích lệ, trao đổi, gặp gỡ… tất cả và bất cứ sự gì chúng ta lãnh nhận được đều là những viên gạch xây dựng đời chúng ta và gia đình chúng ta. Nên chúng ta phải luôn tạ ơn Chúa và cám ơn mọi người. Tạ ơn Chúa là chúng ta đem các ơn mình đã lãnh nhận được trình bày với Chúa, để rồi Chúa sẽ ban lại nhiều hơn, như người ta thường nói: “Một lần cám ơn là hai lần xin ơn”.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết sống trong tâm tình tạ ơn Chúa như thánh Phaolô đã khuyên bảo giáo dân Côlôsê: “Anh em hãy luôn sống trong tâm tình tạ ơn Chúa và biết ơn Chúa”. Đồng thời, chúng ta cũng phải luôn biết cám ơn mọi người, vì có thể nói, tất cả những người có liên hệ xa gần với chúng ta, đều là những ân nhân của chúng ta.

Nguồn: Sưu tầm

Đức Thánh Cha tiếp kiến Cộng đoàn Do thái ở Roma

Đức Thánh Cha tiếp kiến Cộng đoàn Do thái ở Roma

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng hôm 11 tháng 10-2013 dành cho các đại diện Cộng đoàn Do thái ở Roma, ĐTC tái khẳng định sự gần gũi của Giáo Hội Công Giáo và loại trừ mọi hình thức của trào lưu bài Do thái.

Trong phái đoàn 30 vị lãnh đạo Do thái, có Rabbi trưởng Riccardo Di Segni của thành Roma, các Rabbi khác cùng với các vị lãnh đạo các tổ chức Do thái. Buổi tiếp kiến diễn ra nhân dịp kỷ niệm 70 năm quân Đức Quốc Xã bố ráp khu vực của người Do thái ở Roma ngày 16-10 năm 1943 và bắt 2.091 người đưa họ tới các trại tiêu diệt ở Ba Lan và Đức.

Lên tiếng trong cuộc gặp gỡ, ĐTC nhắc đến 2 ngàn năm quan hệ giữa cộng đoàn Do thái với Công Giáo ở Roma với bao nhiêu thăng trầm, thiếu thông cảm, và nhiều khi có những bất công đích thực. Nhưng từ nhiều thập niên qua, quan hệ thân hữu và huynh đệ đã được phát triển.

ĐTC nói: ”Trong vài ngày nữa, chúng ta sẽ kỷ niệm 70 năm cuộc phát lưu người Do thái ở Roma. Chúng ta sẽ tưởng niệm và cầu nguyện cho bao nhiêu nạn nhân vô tội do sự man rợ do con người gây ra, cho gia đình họ. Đây cũng sẽ là dịp để luôn luôn duy trì sự chú ý tỉnh thức để khỏi tái diễn vì bất kỳ lý do nào những hình thức bất bao dung và bài Do thái ở Roma, cũng như các nơi khác trên thế giới. Trào lưu bài Do thái phải được loại trừ khỏi tâm hồn của đời sống của mỗi người nam nữ!”

ĐTC nói thêm rằng: ”Dịp kỷ niệm này cũng giúp chúng ta nhớ lại trong những giờ phút đen tối, cộng đoàn Kitô tại thành phố này đã biết giơ tay ra giúp người anh em đang gặp khó khăn. Chúng ta biết nhiều dòng tu, đan viện và chính các Vương cung thánh đường Giáo Hoàng, giải thích ý muốn của ĐGH, đã mở cửa đón nhận những anh chị em Do thái, và bao nhiêu tín hữu Kitô thường đã giúp đỡ nhiều ít, theo khả năng của họ”.

Theo ĐTC, ”nhiều tín hữu Kitô tuy không biết là cần phải cập nhật sự hiểu biết của Kitô giáo về Do thái giáo và có lẽ cũng ít biết về cộng đoàn Do thái, nhưng họ đã có can cảm làm điều đúng trong lúc đó, nghĩa là bảo vệ người anh em đang gặp nguy hiểm. Tôi muốn nhấn mạnh khía cạnh đó, vì tuy cần phải đào sâu từ cả hai phía về suy tư thần học qua cuộc đối thoại, nhưng một điều khác cũng đúng, đó là có một cuộc đối thoại trong cuộc sống, đối thoại bằng kinh nghiệm hằng ngày, là điều cũng không kém phần quan trọng. Nói đúng ra, nếu không có một nền văn hóa gặp gỡ đích thực và cụ thể, đưa tới những quan hệ chân chính, không thành kiến và ngờ vực, thì sự dấn thân trong lãnh vực trí thức sẽ chẳng hữu ích bao nhiêu.”

Và ĐTC kết luận rằng ”Tại Roma này tôi hy vọng sẽ góp phần vào sự gần gũi và tình thân hữu, như tôi đã được ơn thực hiện điều đó với cộng đoàn Do thái ở Buenos Aires. Trong số nhiều điều chúng ta có chung với nhau, có chứng tá về chân lý của 10 giới răn, như nền tảng vững chắc và là nguồn mạch sự sống cho xã hội chúng ta, một xã hội đang bị ngỡ ngàng lạc hướng vì chủ thuyết đa nguyên tột độ với những chọn lựa và đường hướng chịu ảnh hưởng của trào lưu duy tương đối, khiến cho người ta không còn những điểm tham chiếu vững chắc nữa” (Xc DGH Biển Đức 16, diễn văn tại Hội đường Do thái Roma 17-1-2010, 5-6). (SD 11-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

 

Chân Phước Angela thành Foligno được ghi vào sổ bộ các thánh

Chân Phước Angela thành Foligno được ghi vào sổ bộ các thánh

VATICAN. Hôm 11 tháng 10-2013, Bộ Phong Thánh đã thông báo quyết định của ĐTC ghi tên nữ chân phước Angela thành Foligno vào sổ bộ các thánh và đồng thời Bộ công bố các sắc lệnh liên quan đến án phong chân phước và hiển thánh.

Thông báo cho biết: ĐTC nới rộng việc tôn kính theo phụng vụ trong toàn thể Giáo Hội hoàn vũ Chân Phước Angela thành Foligno, thuộc dòng Ba Phanxicô tại thế, sinh tại thành Foligno khoảng năm 1248 và qua đời tại đó năm 1309, thọ 61 tuổi, và ghi tên Người vào sổ bộ các thánh. Điều này có nghĩa là chân phước Angela được phong hiển thánh mà không cần phải qua thủ tục thông thường.

Thánh nữ Angela đã được tôn kính ngay từ sau khi qua đời và cho đến nay vẫn được coi như vị thánh do dân tôn phong (vox populi). Ngài sinh trong một gia đình khá giả ở Foligno, trung Italia, không xa Assisi. Sau một cuộc đời tháo thứ, Angela hoán cải. Sau khi chồng con qua đời, Angela gia nhập dòng Ba Phanxicô tại thế và sống thời cầu nguyện khổ hạnh. Thánh nữ được nhiều thị kiến về Chúa Kitô và cuộc khổ nạn của Chúa. Ngài được Đức Clémente XI phong chân phước năm 1701.

Trong lịch sử Giáo Hội, cũng có một số vị được phong chân phước hoặc hiển thánh do sự sùng kính của dân chúng, mà không có sự can thiệp của Giáo Hội. Hồi tháng 10 năm 1982, Đức Gioan Phaolô 2 đã cho phép tôn kính chính thức Fra Angelico, LM họa sĩ nổi tiếng dòng Đa Minh Italia, như chân phước. Sau khi qua đời, cha đã được dân chúng gọi là ”Beato” (Chân phước) rồi.

Bộ Phong thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Nữ Tôi Tớ Chúa Maria Assunta Caterina Marchetti Đồng Sáng lập dòng các nữ tu thừa sai thánh Carlo, sinh tại Italia năm 1871 và qua đời tại Brazil năm 1948, thọ 87 tuổi.

Ngoài ra có 3 sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 3 vị Tôi Tớ Chúa: 2 vị người Italia và 1 vị người Canada: Elisabeth Turgeon, sáng lập dòng các nữ tu Thánh Mân Côi de Rimouski (SD 11-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thông Điệp Của Đức Thánh Cha Phanxicô Nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2013

Thông Điệp Của Đức Thánh Cha Phanxicô Nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2013

Anh chị em thân mến,

Năm nay, chúng ta cử hành Ngày Truyền Giáo Thế Giới trong khi chuẩn bị kết thúc Năm Đức Tin. Đây quả là một cơ hội quan trọng để chúng ta thắt chặt hơn tình bằng hữu giữa chúng ta với Thiên Chúa và hành trình của chúng ta xét như một Giáo Hội truyền giảng Tin Mừng với lòng can đảm. Trong viễn cảnh này, tôi xin chia sẻ một vài suy tư của mình.

1. Đức tin là một tặng phẩm vô cùng quý giá của Thiên Chúa, giúp mở tâm trí chúng ta ra để hiểu biết và yêu mến Ngài. Ngài muốn đi vào trong tương quan với chúng ta để làm cho chúng ta thông dự vào sự sống của riêng Ngài và làm cho cuộc sống của chúng ta thêm ý nghĩa hơn, tốt hơn và tươi đẹp hơn. Thiên Chúa yêu thương chúng ta! Tuy nhiên, đức tin cần phải được đón nhận, nó cần lời đáp trả cá vị của chúng ta, sự can đảm tín thác hoàn toàn cho Chúa, sống tình yêu của Ngài và cảm tạ vì lòng nhân ái vô lượng của Ngài. Đó là một tặng phẩm, không phải dành cho một số ít người nhưng là dành cho tất cả với lòng quảng đại. Mọi người đều phải có thể cảm nghiệm được niềm vui vì được Thiên Chúa yêu thương, niềm vui ơn cứu độ! Đó là một tặng phẩm mà người ta không thể giữ cho riêng mình, nhưng phải được sẻ chia. Nếu chúng ta muốn giữ nó cho riêng mình, chúng ta sẽ trở thành những người Kitô hữu cô lập, cằn cỗi và ốm yếu. Rao giảng Tin Mừng là một phần của việc là môn đệ Đức Kitô và đó là một dấn thân liên lỉ làm sống động trọn vẹn đời sống trong Giáo Hội. “Tầm vươn xa của việc truyền giáo là dấu chỉ rõ ràng cho thấy mức độ trưởng thành của một cộng đoàn giáo hội” (BENEDICT XVI, Verbum Domini, 95). Mỗi cộng đoàn sẽ “trưởng thành” khi nó tuyên xưng đức tin, cử hành đức tin với niềm vui sướng trong phụng vụ, sống đức ái, rao giảng Lời Chúa một cách không ngừng nghỉ, rời bỏ chốn an toàn của mình để mang đức tin ấy đến những “vùng ngoại biên”, đặc biệt là đến với những ai chưa có cơ hội biết Đức Kitô. Sức mạnh của đức tin chúng ta, ở cấp độ cá nhân và cộng đoàn, có thể được đo lường bởi khả năng thông truyền đức tin ấy cho những người khác, khả năng lan tỏa và sống đức tin ấy trong tình bác ái, trong việc làm chứng cho nó trước những ai chúng ta gặp gỡ và những người cùng chia sẻ với chúng ta hành trình cuộc sống.

2. Năm mươi năm sau khi Công Đồng Vatican II bắt đầu, Năm Đức Tin thúc đẩy toàn thể Giáo Hội hướng tới một sự ý thức mới về sự hiện diện của nó trong thế giới đương đại và về sứ mạng của nó giữa muôn dân nước. Tinh thần truyền giáo không chỉ là vấn đề về những vùng lãnh thổ địa lý, nhưng còn về các dân tộc, nền văn hóa và các cá nhân, bởi vì “các ranh giới” của đức tin không chỉ vượt qua các nơi chốn và truyền thống con người, nhưng còn là con tim của mỗi người nam nữ. Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh cách đặc biệt đến việc nhiệm vụ truyền giáo, nhiệm vụ mở rộng các biên giới đức tin, thuộc về những người đã chịu phép rửa và tất cả cộng đoàn Kitô hữu như thế nào; vì “dân Chúa sống trong các cộng đoàn, đặc biệt là trong các giáo phận và giáo xứ, và cách nào đó đức tin trở nên hiển hiện trong họ, việc làm chứng cho Đức Kitô cho mọi dân nước là tùy thuộc vào họ” (Ad Gentes, 37). Vì thế, mỗi cộng đoàn được khuyến khích, và được mời gọi biến lời mời gọi của Đức Giê-su dành cho các Tông Đồ thành của mình, để trở thành “nhân chứng của Người ở Giêrusalem, qua miền Giuđêa và Samaria và đến tận cùng trái đất”(Cv 1:8) và điều này không phải là điều thứ yếu trong đời sống Kitô hữu của chúng ta, nhưng là điều chính yếu: tất cả chúng ta được mời gọi để bước đi trên mọi nẻo đường thế giới với các anh chị em của chúng ta, tuyên xưng và làm chứng cho đức tin vào Đức Kitô và biến chúng ta thành những sứ giả Tin Mừng. Tôi mời gọi các Giám Mục, Linh Mục, Hội Đồng Mục Vụ, các cá nhân và nhóm có trách nhiệm trong Giáo Hội hãy giữ một vị thế nổi bậc cho chiều kích truyền giáo này trong các chương trình mục vụ và huấn luyện, với một sự hiểu biết rằng dấn thân tông đồ của họ sẽ không hoàn thành trừ phi nó nhắm đến “việc làm chứng cho Đức Kitô trước muôn dân muôn nước.” Việc truyền giáo này không đơn thuần là một chiều kích mang tính chương trình trong đời sống Kitô hữu, nhưng nó còn là một chiều kích mang tính kiểu mẫu, ảnh hưởng đến toàn bộ các phương diện khác trong đời sống Ki-tô hữu.

3. Công việc loan báo tin mừng thường gặp phải những khó khăn, không chỉ bên ngoài, nhưng có khi nằm trong chính cộng đoàn giáo hội. Đôi khi chúng ta thiếu nhiệt thành, niềm vui, cam đảm và hy vọng trong việc rao giảng Thông Điệp của Đức Kitô cho tất cả mọi người và trong việc giúp đỡ con người trong thời đại chúng ta gặp gỡ Ngài. Đôi khi, vẫn còn có tư tưởng cho rằng rao giảng chân lý Tin Mừng là một xâm hại đến tự do. Đức Phaolô VI đã nói rất hùng hồn về điều này: “Sẽ là … một sai lầm khi áp đặt cái gì đó lên lương tâm của người anh chị em. Nhưng mang đến cho lương tâm của họ chân lý của Tin Mừng và ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, với một sự rõ ràng tuyệt đối và sự tôn trọng hoàn toàn chọn lựa tự do của họ… là một bằng chứng cho thấy sự tự do này.” (Evangelii Nuntiandi, 80). Chúng ta phải luôn luôn can đảm và vui mừng khi giúp người ta, với lòng tôn trọng, gặp gỡ Đức Kitô, và khi trở nên sứ giả của Tin Mừng. Đức Giêsu đến giữa chúng ta để cho chúng ta thấy con đường cứu độ và ngài giao phó cho chúng ta sứ mạng chiếu tỏa con đường ấy đến tật cùng thế giới. Thông thường, chúng ta vẫn hay thấy người ta nhấn mạnh và nói nhiều đến bạo lực, dối trá và sai phạm. Trong thời đại này của chúng ta, thật là cấp thiết để loan báo và làm chứng cho sự tốt đẹp của Tin Mừng, và chúng ta làm điều này trong lòng Giáo Hội. Bởi vì, về phương diện này, điều quan trọng là không bao giờ được quên một nguyên lý căn bản dành cho từng người đi rao giảng Tin Mừng: ta không thể rao giảng về Đức Kitô mà không có Giáo Hội. Công cuộc rao giảng Tin Mừng không phải là hành vi riêng lẽ hay mang tính cá nhân tách biệt; đó luôn luôn mang tính giáo hội. Đức Phaolo VI đã viết rằng, “khi một nhà giảng thuyết, giáo lý viên hay Linh Mục vô danh nào rao giảng Tin Mừng, quy tụ thành một cộng đoàn nhỏ với nhau, thông truyền đức tin cho nhau, cử hành một Bí Tích, dù là làm một mình, người ấy vẫn đang thực thi một hành vi mang tính giáo hội.” Người ấy cử hành “không bởi một sứ mạng mà người ấy dấn mình vào hay bởi một sự gợi hứng cá nhân nào, nhưng trong sự liên đới với sứ mạng của Giáo hội và nhân danh giáo hội.” (ibid. 60). Và chính điều này đã thêm sức cho sứ mạng và khiến cho mỗi thừa sai và người đi rao giảng Tin Mừng không bao giờ cảm thấy cô đơn, nhưng là một phần của Thân Thể độc nhất do Thánh Thần thúc đẩy.

4. Trong kỷ nguyên của chúng ta, sự lưu động rộng khắp và sự dễ dàng của việc truyền thông nhờ các phương tiện tân tiến đã nối kết con người, tri thức, kinh nghiệm lại với nhau. Vì lý do công việc, các gia đình phải di chuyển từ châu lục này đến châu lục khác; những trao đổi về chuyên môn và văn hóa, du lịch và các hiện tượng khác cũng đã dẫn đến những phong trào lớn của con người. Điều này đã gây ra những khó khăn, thậm chí cho các cộng đoàn giáo xứ, để biết người nào sống vĩnh cư hay tạm thời trong một khu vực. Ngoài ra, trong những lãnh địa rộng lớn đã một thời theo Công Giáo, số người trở nên xa lạ với đức tin hay thờ ơ với chiều kích tôn giáo hay bị những mê tín khác lôi kéo càng lúc càng gia tăng. Vì thế, rất thường khi một số người đã lãnh bí tích rửa tội có những chọn lựa cho lối sống của mình xa lạc với đức tin, khiến họ cần một “cuộc truyền giảng Tin Mừng mới”. Tất cả những vấn nạn này càng làm sáng tỏ một sự thật là có một bộ phận lớn trong cộng đồng nhân loại chưa nắm bắt được tin mừng của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta cũng sống trong một thời đại khủng hoảng vốn đụng chạm đến các chiều kích khác nhau của sự hiện hữu, không chỉ về kinh tế, tài chính, an toàn thực phẩm, hay môi trường, nhưng còn cả những chiều kích liên quan đến ý nghĩa sâu xa của sự sống và những giá trị nền tảng tác động đến nó. Thậm chí, việc con người đồng hiện hữu cũng được đánh dấu bởi những căng thẳng và mâu thuẫn, gây ra những bất an và khó khăn trong việc tìm ra một con đường đúng đắn cho một nền hòa bình vững chắc. Trong hoàn cảnh phức tạp này, nơi mà phạm vi của hiện tại và của tương lai dường như đang trải qua những bóng đêm đe dọa, thật cần thiết biết bao để chúng ta rao giảng một cách can đảm và trong mọi tình huống Tin Mừng của Đức Kitô, một thông điệp của hy vọng, hòa giải, hiệp thông, và một cuộc loan truyền sự gần gũi của Thiên Chúa, lòng thương xót, ơn cứu độ của Người, và một cuộc rao giảng rằng quyền năng của tình yêu Thiên Chúa có thể vượt qua bóng đêm sự dữ và dẫn dắt chúng ta trên đường lành. Anh chị em trong thời đại chúng ta cần một ánh sáng chắc chắn soi chiếu đường đi của họ và ánh sáng ấy chỉ có được nhờ gặp gỡ được Đức Kitô. Chúng ta hãy mang đến cho thế giới, qua chứng tá của chúng ta, với lòng yêu mến, niềm hy vọng mà đức tin mang lại! Tinh thần truyền giáo của Giáo Hội không phải là lôi kéo người theo tôn giáo khác vào tôn giáo của mình, nhưng là chứng từ của một đời sống tỏa chiếu con đường ngập tràn hy vọng và tình yêu. Giáo Hội – tôi nhắc lại lần nữa – không phải là một tổ chức cứu trợ, không phải là một xí nghiệp, hay một tổ chức phi chính phủ, nhưng là một cộng đoàn những người được Thánh Thần gợi hứng, những người đã và đang sống kinh nghiệm tuyệt vời của việc gặp gỡ Đức Giêsu Kitô và muốn chia sẻ cho người khác kinh nghiệm vui mừng thẳm sâu này, là thông điệp cứu độ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội đi trên hành trình này.

5. Tôi khuyến khích mỗi người hãy trở thành một người mang tin mừng Đức Kitô và tôi đặc biệt tri ân các nhà truyền giáo, các linh mục sống tinh thần Fidei Donum, các tu sĩ nam nữ và giáo dân – rất đông – những người đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, rời bỏ quê hương của mình để phục vụ Tin Mừng trong những miền đất và văn hóa khác. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng cũng cùng các Giáo Hội trẻ đó đang dấn thân cách quảng đại như thế nào trong việc sai gửi các nhà truyền giáo đến các Giáo Hội đang gặp khó khăn – thường là những Giáo Hội có truyền thống Kitô giáo lâu đời – và vì thế mang luôn cả sự tươi tắn và lòng nhiệt thành của đức tin mà họ đang sống, một đức tin có khả năng làm mới lại đời sống và trao ban hy vọng. Để có thể sống chiều kích phổ quát này, đáp lại lệnh truyền của Đức Giêsu: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy” (Mt 28:19) là một sự phong phú cho mỗi Giáo Hội địa phương, mỗi cộng đoàn, và việc gửi các thừa sai ra đi không bao giờ là một điều thua thiệt, nhưng là một mối lợi. Tôi mời gọi hết thảy những ai cảm nghiệm được lời mời gọi này hãy đáp lại tiếng nói của Chúa Thánh Thần cách quảng đại, tùy theo bậc sống của mình, và không ngại tỏ ra hào phóng với Thiên Chúa. Tôi cũng mời gọi các Giám Mục, gia đình công giáo, các cộng đoàn và toàn thể các nhóm Kitô, với sự nhận định cẩn thận và rộng lớn, hãy nâng đỡ các nhà truyền giáo gọi là ad gentes và trợ giúp các Giáo Hội đang cần các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, hầu có thể thắt chặt hơn cộng đoàn Kitô hữu. Và mối bận tâm này cũng cần phải có trong các Giáo Hội vốn là một phần của cùng một Hội Đồng Giám Mục và một Vùng, bởi vì thật là quan trọng khi những giáo hội giàu ơn gọi giúp đỡ cách rộng lượng hơn những giáo hội thiếu ơn goi.

Đồng thời, tôi cũng xin các nhà truyền giáo, đặc biệt là các linh mục sống theo Fidei Donum và giáo dân, hãy vui sống việc phục vụ quý giá của mình trong các giáo hội mà họ được sai đến và mang niềm vui cũng như kinh nghiệm của họ về những Giáo Hội quê hương của mình, hãy nhớ Phaolo và Banaba ở cuối hành trình truyền giáo thứ nhất của họ đã “tường thuật thế nào những điều Thiên Chúa đã cùng làm với họ và Ngài đã mở cánh cửa đức tin cho các dân ngoại như thế nào” (Cv 14:27). Họ có thể trở thành con đường cho một loại “quay trở lại” của đức tin, mang sự tươi tắn của các Giáo Hội trẻ đến với các Giáo Hội có truyền thống Ki-tô giáo lâu đời, và nhờ đó giúp họ tái khám phá ra sự nhiệt thành và niềm vui của việc san sẻ đức tin trong một cuộc trao đổi làm phong phú cho nhau trên hành trình theo Chúa.

Mối bận tâm dành cho tất cả các giáo hội mà Giám Mục Rôma chia sẻ với anh em Giám Mục của mình tìm thấy một sự diễn tả quan trọng trong hoạt động của Hội Đồng Truyền Giáo Giáo Hoàng (Pontifical Mission Societies), một cơ quan nhằm thúc đẩy và đào sâu ý thức truyền giáo của mỗi người Ki-tô hữu đã được rửa tội, và mỗi cộng đoàn, bằng việc nhắc nhở họ nhớ đến nhu cầu đào luyện việc truyền giáo một cách sâu sắc hơn cho toàn thể Dân Chúa và bằng việc khuyến khích các cộng đoàn Ki-tô hữu đóng góp cho việc lan toàn Tin Mừng trên thế giới.

Cuối cùng, tôi muốn diễn ra một suy nghĩ về các Kitô hữu, những người sinh sống trên khắp mọi miền của thế giới, đang trải nghiệm những khó khăn trong việc tuyên xưng cách công khai niềm tin và trong việc hưởng các năng quyền pháp lý để có thể tuyên xưng đức tin của mình. Họ là những anh chị em của chúng ta, những chứng nhân can trường – thậm chí còn đông hơn các vị tử đạo trong các thế kỷ đầu – họ là những người đang chịu đựng nhiều hình thức bách đạo đương đại với một sự ngoan cường mang tính tông đồ. Một số người đã liều mình quyết giữ lòng trung tín với Tin Mừng của Đức Kitô. Tôi thành thực xác quyết lại lần nữa sự gần gũi của tôi trong lời cầu nguyện đối với các cá nhân, gia đình và cộng đoàn đang phải chịu đựng những bạo lực và thù hằn, và tôi lặp lại với họ những lời an ủi của Đức Giêsu: “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16:33)

Đức Biển Đức XVI đã diễn tả niềm hy vọng rằng: “Lời Chúa sẽ lan tỏa nhanh chóng và được tôn vinh khắp nơi” (2 Tx 3:1). Ước gì năm đức tin này không ngừng gia tăng mối tương quan giữa chúng ta với Đức Chúa Giê-su Ki-tô, vì chỉ trong Người, ta mới có được một sự chắc chắn để nhìn về tương lai và một đảm bảo của tình yêu chân thực và kéo dài mãi” (Porta fidei, 15). Đây là mong ước của tôi cho Ngày Truyền Giáo Thế Giới năm nay. Tôi ưu ái ban phép lành cho các nhà truyền giáo và tất cả những ai đồng hành và nâng đỡ công cuộc dấn thân nền tảng này của Giáo Hội trong việc rao giảng Tin Mừng cho khắp mọi người ở tận cùng trái đất. Nhờ đó, chúng ta, xét như những thừa tác viên và nhà truyền giáo của Tin Mừng, cảm nghiệm được “niềm vui dịu ngọt và an ủi của việc loan báo tin mừng” (PAUL VI, Evangelii Nuntiandi, 80)
Từ Vatican, 19.5.2013, Lễ Trọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Phanxicô, Giáo Hoàng

Chuyển ngữ: Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ

LM Lý được giải thưởng ‘Truman-Reagan Medal of Freedom”

LM Lý được giải thưởng 'Truman-Reagan Medal of Freedom”

WASHINGTON DC (NV) .- Sáng hội Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản trên thế giới vinh danh và trao giải thưởng năm nay cho linh mục Nguyễn Văn Lý hiện đang bị tù tại Việt Nam.

Linh mục Nguyễn Văn Lý bị một Công an CSVN bịt miệng khi ngài lên tiếng đả kích Cộng Sản tại phiên tòa ở Huế ngày 30/3/2007. Tấm hình này được coi như biểu tượng của sự vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. (Hình: AFP/Getty Images)

Theo nguồn tin từ Hoa Thịnh Đốn, Sáng Hội Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản (Victims of Communism Memorial Foundation) vừa quyết định vinh danh và trao huy chương  “Truman-Reagan Medal of Freedom” năm nay cho linh mục Nguyễn Văn Lý vì đã đấu tranh không ngừng nghỉ cho nhân quyền, tự do tôn giáo, bất chấp tù tội, nguy hiểm bản thân nên đã bị nhà cầm quyền CSVN kết án tù.

Giải thưởng và huy chương “Truman-Reagan Medal of Freedom” dành cho linh mục Nguyễn Văn Lý sẽ được tổ chức trao tặng tại Hoa Thịnh Đốn vào ngày 1/11/2013 tới đây.

Linh mục Nguyễn Văn Lý, 67 tuổi, đã bị nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù 3 lần mà thời gian ở tù tổng cộng đã gần 20 năm, chưa kể các năm tháng bị quản chế. Hiện ông đang bị giam giữ ở nhà tù Ba Sao tỉnh Nam Hà với bản án 8 năm với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”.

Dù đã bị tai biến mạch máu ít nhất 3 lần trong nhà tù, nhiều lúc không thể tự di chuyển đi đứng và gần với cái chết, ông vẫn không được nhà cầm quyền CSVN trả tự do dù có sự vận động mạnh mẽ của các chính phủ và quốc hội các nước Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Linh mục Lý đã tố cáo nhà cầm quyền CSVN thi hành các chính sách cai trị ngược lại với những cam kết quốc tế về nhân quyền, đòi chế độ trả lại cho nhân dân các quyền tự do căn bản như quyền tự do báo chí, tự do phát biểu, tự do hội họp lập hội, tự do tôn giáo, tuy có ghi trong bản hiến pháp của chế độ nhưng bị hạn chế nghiêm ngặt trong thực tế. 

Linh mục Nguyễn Văn Lý là một trong những người sáng lập Khối 8406, một tổ chức công dân vận động dân chủ hóa đất nước, đòi CSVN bỏ điều 4 hiến pháp dành độc quyền cai trị cho đảng Cộng Sản và đòi bầu cử quốc hội trực tiếp, tự do ứng cử và bầu cử.

 

Tượng nữ thần Dân Chủ tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nhắc nhở mọi người về hơn 100 triệu nạn nhân bị Cộng Sản sát hại khắp trên thế giới. (Hình: Wikipedia)


Bất cứ người dân nào đi ra ngoài khuôn khổ của nhà cầm quyền độc tài tại Việt Nam, đều bị bắt bỏ tù dựa trên những điều luật hình sự mơ hồ. Khi còn là quản xứ họ đạo An Truyền gần thành phố Huế, linh mục Lý đã cùng giáo dân treo biểu ngữ “Tự do tôn giáo hay là chết” quanh nhà thờ.

Sáng hội Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản có cựu tổng thống George W. Bush là chủ tịch danh dự.

Sáng Hội Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản là một tổ chức vô vị lợi mang tính giáo dục ở Hoa Kỳ. Tổ chức được thành lập theo một đạo luật năm 1993 với mục đích tưởng niệm hơn 100 triệu nạn nhân đã bị Cộng Sản sát hại trên thế giới.

Linh mục Nguyễn Văn Lý từng được nhiều vị dân cử tại Hoa kỳ và quốc hội Liên Âu đề cử giải thưởng Nobel Hòa Bình. (TN).

Nguồn: Người Việt

Đức Giáo Hoàng tiếp kiến chung: Giáo Hội là Công Giáo theo nghĩa nào?

Đức Giáo Hoàng tiếp kiến chung: Giáo Hội là Công Giáo theo nghĩa nào?

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 80 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 9-10-2013, ĐTC Phanxicô đã giải thích về đặc tính ”Công Giáo” của Giáo Hội.

Quảng trường Thánh Phêrô như ”một rừng” các ô dù nhiều màu, tràn ra tới nửa đường Hòa Giải. Tuy trời mưa, ĐTC vẫn dành 40 phút đi xe jeep mui trần màu trắng, tiến qua các lối đi ở Quảng trường để chào thăm các tín hữu.

Trong số đông đảo các GM hiện diện cũng có nhiều GM đến từ hai nước Ethiopia và Eritrea bên Phi châu. Trước đó, các vị đã cùng với ĐHY Leoardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, cử hành thánh lễ trước mộ thánh Phêrô Tông Đồ để cầu nguyện cho các thuyền nhân bị thiệt mạng trong vụ vượt biên hôm 3-10 vừa qua gần đảo Lampedusa, cực nam Italia, trong đó có đông đảo người Ethiopie và Eritrea.

Sau phần tôn vinh lời Chúa, ĐTC đã bắt đầu bài giáo lý về đề tài: ”Giáo Hội Công Giáo”, qua đó ngài xác định Giáo Hội là Công Giáo theo nghĩa nào, và ngài cổ võ các tín hữu tăng cường tình hiệp thông và tích cực tham gia vào đời sống của Giáo Hội.

Bài giáo lý của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.. Nhưng tôi thấy rằng hôm nay, một ngày trời xấu, anh chị em thật can đảm, tôi khen anh chị em!

”Tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo…”. Hôm nay chúng ta dừng lại để suy tư về đặc tính này của Giáo Hội: đặc tính Công Giáo. Trước tiên, Công Giáo có nghĩa là gì? Thưa nó xuất phát từ tiếng Hy Lạp ”kathòlón” có nghĩa là ”theo tất cả”, toàn thể. Vậy đặc tính toàn thể này được áp dụng cho Giáo Hội theo nghĩa nào? Theo nghĩa nào chúng ta nói Giáo Hội là Công Giáo? Tôi muốn trình bày trong 3 ý nghĩa cơ bản.

1. Trước hết. Giáo Hội là Công Giáo vì là không gian, là căn nhà trong đó toàn thể đức tin được loan báo cho chúng ta, trong đó ơn cứu độ mà Chúa Kitô mang đến cho chúng ta, được trao tặng cho mọi người, Giáo Hội làm cho chúng ta gặp gỡ lòng từ bi của Thiên Chúa Đấng biến đổi chúng ta vì trong Giáo Hội có Chúa Giêsu Kitô hiện diện, Ngài ban cho Giáo Hội được tuyên xưng đức tin chân thực, được cuộc sống sung mãn nhờ các bí tích, thừa tác vụ thánh chức chân chính. Trong Giáo Hội mỗi người chúng ta tìm được những gì cần thiết để tin, để sống như Kitô hữu, để nên thánh, để tiến bước trong mọi nơi và mọi thời.

Như một ví dụ, chúng ta có thể nói rằng giống như trong đời sống gia đình: trong gia đình mỗi người chúng ta nhận được tất cả những gì giúp chúng ta lớn lên, trưởng thành và sống. Ta không thể tự tăng trưởng một mình, không thể tự mình bước đi, tự cô lập, nhưng tiến bước và tăng trưởng trong một cộng đoàn, trong một gia đình. Trong Giáo Hội chúng ta có thể nghe Lời Chúa, tin chắn rằng sứ điệp mà Chúa ban cho chúng ta, trong Giáo Hội chúng ta có thể gặp Chúa trong các bí tích là những cánh cửa mở rộng qua đó ánh sáng Chúa Kitô chiếu dọi cho chúng ta, những dòng suối từ đó chúng ta kín múc chính sự sống của Thiên Chúa; trong Giáo Hội chúng ta học cách sống tình hiệp thông, tình thương đến từ Thiên Chúa. Hôm nay mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: tôi sống thể nào trong Giáo Hội? Khi tôi đi nhà thờ, có giống như tôi đi xem xinê, đi dự một cuộc đấu bóng hay không? Không, không phải vậy! Vậy tôi đi nhà thờ thế nào? Tôi đón nhận thế nào những hồng ân được trao tặng cho tôi, để lớn lên và trưởng thành như Kitô hữu? Tôi có tham dự vào đời sống cộng đoàn hoặc là tôi khép kín trong những vấn đề của tôi, cô lập với người khác? Theo nghĩa đầu tiên này, Giáo Hội là Công Giáo vì là nhà của tất cả mọi người: tất cả đều là con của Giáo Hội và tất cả ở trong nhà này.

2. Ý nghĩa thứ hai: Giáo Hội là Công Giáo vì là phổ quát, và Giáo Hội xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới, loan báo Tin Mừng cho mỗi người nam nữ. Giáo Hội không phải là một nhóm những người ưu tú, không phải chỉ liên quan đến vài người. Giáo Hội không bị khép kín, Giáo Hội được gửi tới tất cả mọi người, tới toàn thể nhân loại. Và Giáo Hội duy nhất hiện diện cả trong những phần bé nhỏ nhất của Hội Thánh. Mỗi người có thể nói rằng trong giáo xứ của tôi có Giáo Hội Công Giáo hiện diện, vì giáo xứ của tôi cũng là thành phần của Giáo Hội hoàn vũ, cả giáo xứ này cũng có đầy đủ các hồng ân của Chúa Kitô, đức tin, các bí tích, thừa tác vụ, hiệp thông với ĐGM, Đức Giáo Hoàng và, cởi mở đối với tất cả mọi người, không phân biệt ai. Giáo Hội không phải chỉ ở dưới bóng tháp chuông của chúng ta, nhưng ôm lấy tất cả mọi người, mọi dân tộc tuyên xưng cùng một niềm tin, được nuôi dưỡng bằng cùng bí tích Thánh Thế, được các mục tử phục vụ. Cảm thấy mình được hiệp thông với tất cả các Giáo Hội, với tất cả các cộng đoàn Công Giáo lớn nhỏ trên thế giới! và rồi cảm thấy rằng tất cả mọi người đều ở trong sứ mạng, các cộng đoàn lớn nhỏ, tất cả chúng ta phải mở cửa để ra ngoài loan báo Tin Mừng. Vì thế chúng ta hãy tự hỏi: tôi đang làm gì để thông truyền cho tha nhân niềm vui được gặp gỡ Chúa, niềm vui được thuộc về Giáo Hội? Loan báo và làm chứng đức tin không phải là công việc của vài người, nhưng cũgn liên hệ đến tôi, đến anh chị em, đến mỗi người chúng ta!

3. Tư tưởng thứ ba và sau cùng: Giáo Hội là Công Giáo vì là ”Nhà của sự hòa hợp” trong đó sự hiệp nhất và khác biệt liên kết với nhau để trở thành một sự phong phú. Chúng ta hãy nghĩ đến hình ảnh một bản hợp ca, nghĩa là một sự đồng thuận và hòa hợp, các nhạc khí khác nhau cùng được đánh lên, mỗi nhạc khí giữ nguyên sắc thái riêng của mình và những đặc tính âm thanh riêng, nhưng hòa hợp với nhau về một cái gì chung. Rồi có người nhạc trưởng hướng dẫn. Trong bản hợp ca các sắc thái riêng của mỗi nhạc khí không bị xóa bỏ, đặc tính riêng của mỗi nhạc khí được đề cao giá trị tối đa!

Đó là một hình ảnh thật đẹp nói với chúng ta rằng Giáo Hội giống như một ban đại hợp xướng, trong đó có sự khác biệt: không phải tất cả chúng ta đều giống nhau, và chúng ta không thể giống nhau như vậy. Tất cả chúng ta khác nhau, mỗi người với những phẩm tính riêng, và đây là điều đẹp đẽ của Giáo Hội: mỗi người mang những gì Chúa ban, để làm cho tha nhân được phong phú. Giữa các phần tử của Giáo Hội, có những sắc thái khác nhau giữa các thành phần, nhưng không xung đột với nhau, không đối nghịch nhau; đó là một sự khác biệt để cho mình trở thành một sự hòa hợp nhờ Thánh Linh; chính Chúa là Ca trưởng đích thực, chính Ngài là sự hòa hợp. Và ở đây chúng ta tự hỏi: chúng ta có sống sự hòa hợp trong các cộng đoàn chúng ta hay không hay là chúng ta cãi nhau? Trong giáo xứ của tôi, trong phong trào của tôi, có những vụ nói xấu nhau không? Nếu có như thế thì không có sự hòa hợp, có sự đấu tranh, và như thế không phải là Giáo Hội: Giáo Hội là sự hòa hợp tất cả mọi người. Không bao giờ nói hành nói xấu nhau, không bao giờ cãi nhau. Chúng ta có chấp nhận người khác, chúng nhận có một sự khác biệt chính đáng hoặc chúng ta có xu hướng đồng nhất hóa? Sự đồng nhất hủy hoại sự sống, sự sống của Giáo Hội là sự khác biệt, và khi chúng ta muốn áp đặt sự đồng nhất cho tất cả mọi người, chúng ta giết chết các hồng ân của Chúa Thánh Linh. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Linh là tác giả sự hiệp nhất trong sự khác biệt làm cho chúng ta ngày càng ”Công Giáo” hơn, nghĩa là ở trong Giáo Hội Công Giáo và hoàn vũ!

Chào thăm các đoàn tín hữu

Sau bài giáo lý trên đây, các giám chức tại Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt ý chính bài huấn giáo của ĐTC, cũng như dịch những lời chào của ngài từ tiếng Ý sang các ngôn ngữ chính.

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt chào thăm các GM thuộc HĐGM miền Bắc Phi và khích lệ các vị hãy củng cố các quan hệ huynh đệ với những người Hồi giáo. Và với tất cả mọi người, ngài nói: 'Anh chị em đừng sợ cầu xin Chúa Thánh Linh, xin Chúa làm cho mỗi ngừơi trở thành một người hiệp thông, luôn sẵn sàng hân hoan loan báo cho mọi người và mọi nơi, Tin Mừng cứu độ!”.

Với các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC chào thăm các bạn hữu của Học Viện Đức và Hungari đến Roma thể tham dự lễ truyền chức LM và phó tế, cũng như các tham dự viên tuần lễ giới thiệu đoàn Vệ Binh Thụy Sĩ.

Ngỏ lời với các tín hữu nói tiếng Arập, ngài nhắc lại biến cố cách đây 1 năm, ngài 10-10 năm 2012, sau cuộc viếng thăm tại Liban và trao Tông Huán ”Giáo Hội tại Trung Đông: hiệp thông và chứng tá”, ĐGH Biển Đức 16 đã du nhập tiếng Arập trong các buổi tiếp kiến chung hằng tuần, như các Nghị Phụ thỉnh cầu, để biểu lộ với tất cả các tín hữu Kitô ở Trung Đông sự gần gũi của Giáo Hội Công Giáo với các con cái Đông Phương. Hôm nay khi nói về câu ”Tôi tin Giáo Hội Công Giáo”, tôi xin anh chị em cầu nguyện cho hòa bình ở Trung Đông: tại Siria, Irak, Ai Cập, tại Liban và Thánh Địa, nơi vị Vua Hòa Bình, Chúa Giêsu Kitô đã sinh ra. Chúng ta hãy cầu nguyện để ánh sáng Chúa Kitô đi tới tâm hồn mỗi người và mọi nơi, cho đến tận bờ cõi trái đất.

Sau cùng, khi chào các tín hữu nói tiếng Ý, ĐTC chào thăm cách riêng các GM thuộc Giáo Hội Công Giáo theo truyền thống Alessandria ở Ethiopia và Eritrea. Tôi đặc biệt gần gũi các vị trong kinh nguyện và trong đau buồn vì bao nhiêu người con của phần đất này đã bỏ mình trong thảm trạng ở Lampedusa.

ĐTC đã kết thúc buổi tiếp kiến với kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh ban cho mọi người.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền 2013

Giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền 2013

Vào trưa Chủ Nhật, ngày 6-10-2013, một buổi lễ vinh danh và trao tặng "Giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền 2013" cho nhà báo J.B. Nguyễn Hữu Vinh và Mục Sư Phạm Ngọc Thạch, tại thành phố Houston, do Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại tổ chức.

Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại thành lập vào năm 1992 tại Rome, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người Công giáo Việt Nam tị nạn Cộng sản tại hải ngoại. Đến năm 2010, phong trào thiết lập Giải Tự Do Tôn Giáo (TDTG) Nguyễn Kim Điền, để hỗ trợ và vinh danh những cá nhân hay tổ chức đã đóng góp tích cực vào việc tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam. Lần đầu tiên, Giải TDTG-Nguyễn Kim Điền vinh danh Tu viện và Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà. Năm kế tiếp, 2011, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Nguyễn văn Lía và Linh mục Nguyễn hữu Giải, thuộc Tổng giáo phận Huế, được chọn để trao giải này. Sang đến năm 2012, ông Võ văn Thanh Liêm, cũng là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và Giáo điểm Con Cuông thuộc giáo phận Vinh được vinh danh.

Ông Đỗ Như Điện, đại diện Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại, giải thích rằng những cá nhân và đoàn thể được chọn để trao giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền là những người đã vì tranh đấu cho tự do tôn giáo mà bị nhà nước Việt Nam đối xử không công bằng:

"Những người được chọn là những người đã từng vào tù ra khám. Đã bị hành hạ, hành hạ về thân xác, về gia đình, về thể lực. Tất cả những gì họ (nhà nước) có thể đổ lên đầu những người đó là họ làm. Do đó chúng tôi thấy cần phải vinh danh những người đã can trường để tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo trong nước."

RFA_TDTonGiao2-305.jpg

Năm nay, Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại chọn Mục Sư Phạm Ngọc Thạch và blogger J.B. Nguyễn Hữu Vinh để trao giải TDTG-Nguyễn Kim Điền. Trong thông báo gửi báo chí, ban tổ chức cho biết:

Nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh đã kiên cường tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam trên nhiều hình thức, đặc biệt trên mặt truyền thông. Ông đã bị đánh trọng thương trong vụ Cộng sản Việt Nam triệt hạ thánh giá tại Đồng Chiêm và liên tục bị khủng bố, hạch sách, bao vây kinh tế nhưng vẫn hiên ngang xông xáo, không lùi bước.

Mục Sư Phạm Ngọc Thạch đã bị bắt bớ, đánh đập, vào tù, đuổi nhà và đang trở thành kẻ vô gia cư trên chính quê hương Việt Nam, nên ông coi giang sơn đất nước là nhà, và vẫn kiên cường tiếp tục sứ mạng rao giảng sự thật, và tranh đấu cho tự do tôn giáo, nhân quyền cho đồng bào Việt Nam.

Mục sư Phạm Ngọc Thạch và blogger Nguyễn Hữu Vinh không đến được Hoa Kỳ để nhận giải thưởng nhưng đã cử người đại diện nhận thay cho mình.  Trong dịp này, qua điện thoại, Mục Sư Phạm Ngọc Thạch đã phát biểu cảm tưởng cũng như lời cảm ơn ban tổ chức và đồng hương tham dự:

"Khi nhận được tin tôi được chọn là người trúng giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền năm nay, tôi hết sức bỡ ngỡ, sung sướng lẫn hãnh diện nhưng đồng thời lại cảm thấy vô cùng ái ngại khi được Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại đánh giá cao việc đấu tranh cho tự do tôn giáo của tôi. Tôi ái ngại vì nghĩ rằng có nhiều người đấu tranh hơn tôi, xứng đáng lãnh giải này hơn tôi.

Tôi hy vọng tất cả những người đấu tranh can trường đó cũng sẽ được vinh danh trong tương lai. Vì thế, khi lãnh nhận sự vinh danh lẫn giải thưởng ngày hôm nay, tôi muốn nhận lãnh với tư cách đại diện cho tất cả những người đấu tranh cho tự do tôn giáo nói riêng và cho những người đang đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền ở trong nước, nói chung, chứ không phải chỉ nhận lãnh cho riêng tôi… Trước khi dứt lời, tôi ước nguyện tất cả chúng ta, dù ở bất cứ đâu, cũng đều đoàn kết đấu tranh không mệt mỏi cho quê hương Việt Nam thoát khỏi chế độ độc tài cộng sản để được thanh bình, tự do và hạnh phúc."

Và ông Phạm Hồng Lam, thay mặt blogger JB Nguyễn Hữu Vinh, đọc điện thư của nhà báo này, gửi đến từ Việt Nam.

"… Thật khó nói hết được sự xúc động khi tôi được Phong Trào Giáo Dân Hải Ngoại chọn vinh danh trao tặng giải thưởng Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền 2013, cùng với mục sư Phạm Ngọc Thạch. Vinh dự này đối với tôi là một phần thưởng lớn lao. Đây là điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới, kể từ khi bắt đầu cất tiếng nói nhỏ bé của mình cho quyền cơ bản nhất của con người, đó là quyền tự do tôn giáo, quyền được làm người có niềm tin, trong một đất nước độc tài, theo chủ nghĩa Cộng sản vô thần. Đây không phải chỉ là vinh dự riêng của cá nhân tôi mà là nguồn cổ vũ, động viên tất cả anh chị em cùng có chung nguyện ước, chung ý chí và hành động, chung một tấm lòng muốn cho đất nước, người dân, được tự do, ấm no hạnh phúc…"

Hiện diện trong buổi vinh danh và trao giải Tự Do Tôn giáo Nguyễn Kim Điền 2013, nha sĩ Chu Văn Cương, chủ tịch Tổ chức Phục Hưng Việt Nam, chia sẻ là ông rất tâm đắc với việc làm của Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại.

"Biết về Phong Trào Giáo Dân, tìm hiểu được cương lĩnh của Phong Trào Giáo dân, chúng tôi rất tâm đắc vì chúng tôi nhận thấy rằng tín đồ của các tôn giáo, nếu chỉ đấu tranh cho tôn giáo mà không nghĩ đến đất nước Việt Nam là một sự thiếu sót rất lớn. Chúng tôi nhận thấy được rằng, ngoài đời sống tâm linh, những sự nghiên cứu về siêu nhân, về đạo … và những công tác thường làm của một tín đồ là công tác từ thiện, bác ái, xã hội …thì Phong trào Giáo dân còn đặt rất nặng về vấn đề chính trị."

Xin mượn lời phát biểu của cư sĩ Nguyễn Anh Dũng trong buổi vinh danh và trao giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền 2013, để kết thúc phóng sự này:

"Đất nước Việt Nam được diễm phúc có được đức cố TGM Nguyễn Kim Điền là một công dân yêu nước. Giáo Hội có một đức TGM, vì phúc âm mang đến quyền lợi cho đồng bào, cho dân tộc Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của đất nước, phong trào giáo dân đã đi song hành với đất nước, và thực tế là giải nhân quyền. Nhà báo Nguyễn hữu Vinh đã dùng ngòi bút của mình, những ngòi bút mềm trở thành những ngòi bút sắt, viết lên sự thật; sự đau khổ của đất nước, viết lên sự thật; sự tàn ác của cộng sản Việt Nam. Và chúng ta, 90 triệu dân trong và ngoài nước, hãy đồng hành với nhà báo Nguyễn Hữu Vinh, là những cây bút sắt, 90 triệu cây bút, viết lên sự tàn ác của CSVN."

Hiền Vy, thông tín viên RFA

Đức Thánh Cha triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục về mục vụ gia đình

Đức Thánh Cha triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục về mục vụ gia đình

VATICAN. Hôm 8-10-2013, ĐTC Phanxicô tuyên bố triệu tập một Thượng HĐGM khóa ngoại thường lần thứ III, sẽ tiến hành tại Vatican từ ngày 5 đến 19-10-2014.

Chủ đề của khóa họp là: “Những thách đố mục vụ gia đình trong bối cảnh truyền giảng Tin Mừng”.
Cho đến nay đã có 2 Thượng HĐGM thế giới khóa ngoại thường: khóa thứ I hồi năm 1969 về các HĐGM và đoàn thể tính (collegialità) của hàng Giám Mục; khóa thứ II hồi năm 1985 về việc áp dụng Công đồng chung Vatican II, 20 năm sau khi bế mạc Công Đồng.

Ngoài ra đã có 13 Thượng HĐGM thế giới thường kỳ, thông thường 3 năm nhóm một lần. Lần thứ 13 hồi tháng 10 năm 2012 về việc tái truyền giảng Tin Mừng.

Chiều thứ hai 7-10 và sáng 8-10, ĐTC đã đích thân tham dự khóa họp của Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM Thế giới. Từ lâu ngài đã bày tỏ ý muốn cải tổ phương thức tiến hành các Thượng HĐGM.

Trong ý hưởng cải tổ Thượng HĐGM, ĐTC đã thuyên chuyển Đức TGM Nikola Eterovic người Croát làm Sứ thần Tòa Thánh tại Đức, sau 9 năm làm Tổng thư ký Thượng HĐGM, và ngài bổ nhiệm Đức TGM Lorenzo Baldissero, cho đến nay là Tổng thư ký Bộ Giám Mục, làm Tân Tổng thư ký Thượng HĐGM.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, tuyên bố rằng: ”Thật là một điều rất quan trọng việc ấn định một Thượng HĐGM ngoại thường về đề tài mục vụ gia đình. Đây là cách thức ĐTC muốn tiến hành suy tư và hành trình của Cộng đồng Giáo Hội, với sự tham dự trong tinh thần trách nhiệm của hàng GM ở các nơi trên thế giới.
Thật là điều đúng khi Giáo Hội cùng tiến hành trong suy tư và kinh nguyện, cũng như đề ra những đường hướng mục vụ chung trong những điểm quan trọng nhất, như mục vụ gia đình, dưới sự hướng dẫn của ĐGH và các GM. Việc ấn định Thượng HĐGM ngoại thường cho thấy rõ con đường đó. Trong bối cảnh này, đề nghị những giải pháp đặc biệt từ phía những người hoặc cơ quan địa phương có nguy cơ tạo ra sự hỗn động. Tốt hơn nên làm nội bật tầm quan trọng của việc tiến bước trong sự hiệp thông hoàn toàn với cộng đoàn Giáo Hội”.

Cha Lombardi ám chỉ tới tin nói rằng Tổng giáo phận Freiburg bên Đức cho những tín hữu ly dị tái hôn được lãnh nhận các bí tích. Đức TGM Robert Zollitsch, nguyên TGM chính tòa nay là Giám quản Tông tòa tổng giáo phận Freiburg phải thanh minh rằng: ”Không có gì thay đổi, không có gì là mới mẻ”. Tin này từ văn phòng mục vụ địa phương và không mang trách nhiệm nào của Đức GM sở tại.

Hồi năm 2012, 120 LM ở Freiburg đã ký vào một tuyên ngôn bày tỏ bất đồng với kỷ luật hiện hành của Giáo Hội về việc không cho ngừơi ly dị tái hôn được rước lễ. (SD 8-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Hơn 1,000 người thắp nến cầu nguyện cho giáo dân Mỹ Yên tối ngày 5 tháng 10-2013

Hơn 1,000 người thắp nến cầu nguyện cho giáo dân Mỹ Yên tối ngày 5 tháng 10-2013

GARDEN GROVE (NV) – Ðêm thắp nến cầu nguyện cho nạn nhân giáo xứ Mỹ Yên và các nhà tranh đấu tại Việt Nam, diễn ra từ 7 đến 10 giờ tối Thứ Bảy, tại bãi đậu xe trường Bolsa Grande High School, Garden Grove, với cả ngàn người, thuộc mọi lứa tuổi, tham dự.
 

Hội Ðồng Liên Tôn và nhân sĩ cộng đồng giơ cao những ngọn nến hiệp thông với giáo dân Mỹ Yên. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Sau phần nghi thức chào quốc kỳ Việt, Mỹ và phút mặc niệm, các thành viên Hội Ðồng Liên Tôn Việt Nam và các đại diện giáo dân hiệp thông trong nghi thức cầu nguyện. Các vị lãnh đạo tôn giáo thay phiên cầu nguyện đặc biệt cho các nạn nhân giáo xứ Mỹ Yên và các nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trong nước đang gặp khó khăn.

Buổi lễ thắp nến được xen lẫn với những màn văn nghệ rực lửa đấu tranh do nhiều ca nghệ sĩ của Trung Tâm Asia thực hiện. Ðiều khiển chương trình là hai MC Việt Dzũng và Minh Phượng của đài Radio Bolsa.

Bài hát “Việt Nam Tôi Ðâu?” của nhạc sĩ Việt Khang, do Mai Thanh Sơn, Trúc Hồ và Ðoàn Phi trình bày, làm nổ tung sân khấu và khiến hàng ngàn cánh tay của người tham dự đưa lên, ngả nghiêng theo tiếng hát da diết và sống dậy với hùng khí của bài nhạc.
 

Các bạn trẻ hưởng ứng bài hát “Việt Nam Tôi Ðâu?” của nhạc sĩ Việt Khang, hiện đang bị giam giữ trong nhà tù ở Việt Nam. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Phát biểu của Linh Mục Nguyễn Văn Khải, từ Rome sang, một vị linh mục trẻ nổi danh của giáo xứ Thái Hà, lại càng thu hút mọi người hơn nữa, qua cách nói độc đáo và dí dỏm của ông.

“Chúng ta phải mạnh mẽ hơn nữa để phát huy tinh thần mấy chục năm đấu tranh ở hải ngoại. Ðể tố cáo tội ác của cộng sản trước quốc tế, làm cho những kẻ tay sai cộng sản đi theo con đường dữ, chúng ta tố cáo để chúng không ngửng mặt lên được với quốc tế, phải đi cửa hậu. Hèn với giặc, ác với dân như Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang hay gần nhất là Nguyễn Tấn Dũng,” Linh Mục Khải nói, trong khi những tràng pháo tay nổi lên.

Vị linh mục nói thêm: “Ðối với cộng sản, không thể dùng đối thoại mà phải đối đầu vì bản chất của chúng là dối trá. Chúng ta phải dùng 'Lý-Lì-Liều'!”

Các tiếng vỗ tay xen với lời ca ngợi lại nổi lên.

“Chống cộng không phải là giết người mà là giết chủ thuyết và cơ chế giết người. Cộng sản là cơ chế của tội ác, là hiện thân của quỷ dữ,” vị linh mục nói.
 

Từ trái, Mai Thanh Sơn, Trúc Hồ và Ðoàn Phi với nhạc phẩm “Việt Nam Tôi Ðâu?” được tất cả mọi người hưởng ứng nhiệt liệt. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Những nhà tranh đấu trong nước nói rằng lúc nào họ cũng sẵn sàng để đi tù vì chỉ vào tù mới gặp người tốt và thử thách là quà tặng của tổ quốc dành cho họ,” Linh Mục Khải lên giọng thu hút đám đông.

Linh mục nói năm 2007 mới có phong trào chống Tàu Cộng, thế mà năm 2013, Hà Nội mỗi Chủ Nhật đều có người xuống đường chống Tàu Cộng.

“Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải, một cựu cán binh Việt Cộng xuống đường, nữ sinh Phương Uyên chưa đầy 20 tuổi, xuống đường là những gì trong nước đang làm,” ông giải thích.
“Hải ngoại chúng ta phải nỗ lực dùng quốc tế vận. Cộng sản sợ các tôn giáo và mọi người hiệp thông, đoàn kết như chúng ta tối hôm nay!” vị linh mục khẳng định.

Sân khấu được dựng trong bãi đậu xe hướng về phía Tây, góc Westminster và Bushard. Phía trước sân khấu là hàng trăm chiếc ghế màu trắng được ban tổ chức thuê để đồng hương ngồi.

“Lúc đầu chỉ định có 500 ghế, nhưng sau đã phải tăng lên 800 ghế vì sự hưởng ứng quá nồng nhiệt của đồng hương,” anh Nguyễn Thiện Thành, một trong những người tổ chức, nói.
Người tham dự đứng phía sau các hàng ghế, hai bên và sau sân khấu cũng rất đông.

Một cặp vợ chồng trẻ thích nhất là mấy câu thơ mà Linh Mục Khải trích và cô vợ che tay cười thú vị.

“Ðánh cho chế độ cộng nô, làm ăn lương thiện cũng vô nhà tù. Tương lai dân tộc tối hù, chỉ vì Việt Cộng cầm cu giặc Tàu!” người chồng đọc lên các lời thơ một cách thích thú.

Qua buổi thắp nến, nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc đài truyền hình SBTN, nhận xét: “Hy vọng đêm thắp nến hôm nay sẽ cho những người bị cầm tù trong nước, cũng như gia đình họ, không cảm thấy cô đơn, vì những người Việt hải ngoại yêu chuộng tự do sẽ đồng hành với họ cho tới cuối con đường.”

Về mặt tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Chí, một người tham gia tổ chức buổi thắp nến, nói: “Buổi thắp nến tối nay do 30 hội đoàn đứng ra tổ chức.”

Ông Ngô Thiện Ðức, một người khác tham gia tổ chức sự kiện này, nói thêm: “Ðặc biệt lần này là các đoàn thể trẻ ngồi lại tổ chức, nên không có ban tổ chức, mà chỉ có ban phối hợp thôi.”

Hôm 5 Tháng Chín, Tòa Giám Mục Giáo Phận Vinh đặt ở Xã Ðoài ra thông báo cho biết: “Tòa Giám Mục Xã Ðoài cực lực lên án việc chính quyền tỉnh Nghệ An dùng bạo lực đàn áp quần chúng nhân dân, xâm phạm nghiêm trọng nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng của người dân, xúc phạm niềm tin tôn giáo.”

“Chúng tôi mạnh mẽ phản đối việc chính quyền không tôn trọng sự thật trong vụ việc ngày 22 Tháng Năm 2013, xuyên tạc và phủ nhận thiện chí đối thoại của Tòa Giám Mục giáo phận Vinh trong việc bênh vực quyền lợi người dân, bảo vệ công lý xã hội…”

Ðồng thời, bản thông cáo của Tòa Giám Mục Xã Ðoài “khẩn thiết kêu gọi mọi tín hữu giáo phận Vinh và những người yêu chuộng hòa bình hiệp thông cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ đàn áp này và lên tiếng bênh vực cho công lý.”

Trước đó một ngày, thân nhân của hai ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải đến trụ sở xã Nghi Phương chờ đón các ông về nhà theo sự cam kết của ông chủ tịch xã Nguyễn Trọng Tạo mà hạn chót là 4 giờ chiều.

Hai ông, là giáo dân giáo xứ Mỹ Yên, đã bị công an bắt cóc ngày 27 Tháng Sáu, rồi sau mới thông báo cho gia đình họ là “gây rối trật tự công cộng.”

Ðứng trước trụ sở xã Nghi Phương ngày 4 Tháng Chín, ngoài thân nhân, còn có hàng trăm giáo dân đứng ủng hộ tinh thần. Tuy nhiên, không thấy hai ông Khởi và Hải được trả tự do như ông Tạo viết giấy cam kết một ngày trước đó, mà một rừng cảnh sát cơ động, công an, bộ đội trang bị súng ống, lựu đạn cay, lựu đạn khói, dùi cui điện kéo tới.

Vụ đàn áp đã xảy ra, theo bản tin của Giáo Phận Vinh cho biết, giáo dân “đã bị lực lượng công an và bộ đội đánh đập nặng nề và bắt đi nhiều người. Một số giáo dân bị đánh đập trọng thương đã được chuyển về phòng khám đa khoa Tòa Giám Mục Xã Ðoài cấp cứu, một số khác đang được cấp cứu tại bệnh viện 115, thành phố Vinh.”


Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com

 

Đức Thánh Cha cảnh giác trước cám dỗ ”chạy trốn Thiên Chúa”

Đức Thánh Cha cảnh giác trước cám dỗ ”chạy trốn Thiên Chúa”

VATICAN. ĐTC Phanxicô cảnh giác các tín hữu trước cám dỗ muốn ”trốn chạy khỏi Thiên Chúa”.

Trong bài giảng thánh lễ lúc 7 giờ sáng 7 tháng 10-2013, tại Nhà Trọ Thánh Marta ở Nội Thành Vatican, ĐTC diễn giải về chuyện ông Giona chăm chỉ giữ luật và làm điều thiện, nhưng khi Chúa bảo ông đến giảng cho dân thành Nivive thì ông xuống thuyền chạy trốn. Ngài cũng nhắc đến sự tích người bị cướp đánh trọng thương và bỏ mặc bên vệ đường. Thầy tư tế và thầy Levi đi đang ngang qua đó, tránh sang bên kia đường, trong khi người Samaritano, vốn bị người Do thái coi là người tội lỗi, đã dừng lại cứu giúp người bị thương.

ĐTC khẳng định rằng: ”Sự trốn chạy khỏi Thiên Chúa như thế cũng có thể là thái độ của Kitô hữu, của người Công Giáo, của LM, GM hay Giáo Hoàng. Tất cả chúng ta đều có thể chạy trốn khỏi Thiên Chúa. Đó là một cám dỗ hằng ngày. Đó là thái độ không lắng nghe tiếng Chúa, không nghe đề nghị và lời mời gọi của Chúa trong con tim chúng ta. Có những cách trốn chạy khỏi Thiên Chúa một cách tinh vi hơn như thái độ của thầy tư tế và thầy Levi, viện cớ sợ trễ giờ lễ, để không cứu giúp người bị thương”.

ĐTC đề cao thái độ của người Samaritano nhân lành, ”ông ta không quen với những việc thực hành tôn giáo, với đời sống luân lý, và sai lầm về phương diện thần học, vì người xứ Samaria tin rằng phải thờ lạy Thiên Chúa ở nơi khác, chứ không phải tại nơi Chúa muốn… Nhưng ông đã hiểu Thiên Chúa đang gọi ông và ông không chạy trốn. Ông đến gần người bị thương, băng bó săn sóc vết thương rồi vác lên ngựa, chở đới nhà trọ và săn sóc.”
ĐTC nhận xét rằng vị tư tế và thầy Levi trốn chạy Thiên Chúa vì họ có con tim khép kín. Khi bạn có con tim khép kín, thì không thể nghe tiếng Chúa. .. Trái lại người Samaritano, kẻ tội lỗi, đã có tâm hồn mở rộng, tâm hồn nhân bản.. ông để cho Chúa viết lên cuộc sống: Ông đã thay đổi tất cả tối hôm đó, vì Chúa đã dẫn ông đến gần người bị thương đó nằm bên vệ đường..

”Tôi tự hỏi, và tôi cũng hỏi anh chị em: chúng ta có để cho Thiên Chúa viết lên cuộc sống chúng ta hay chúng ta muốn tự mình viết ra cuộc sống ấy? Chúng ta có ngoan ngoãn đối với Lời Chúa hay không?.. Bạn có khả năng tìm thấy Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày hay không hoặc những ý tưởng của bạn là những điều nâng đỡ bạn, và không để cho sự ngạc nhiên của Chúa nói với bạn?

”3 người đã trốn chạy khỏi Thiên Chúa và một người khác ở trong tình trạng bất hợp lệ, nhưng lại có khả năng lắng nghe, cởi mở tâm hồn và không chạy trốn.. Tôi chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều thấy rằng người Samaritano, kẻ tội lỗi, không chạy trốn khỏi Chúa. Xin Chúa ban cho chúng ta được nghe tiếng Chúa, Đấng nói với chúng ta: Con hãy đi và làm như vậy!” (SD 7-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Kinh Truyền Tin với Đức Giáo Hoàng tại Quảng Trường Thánh Phêrô

Kinh Truyền Tin với Đức Giáo Hoàng tại Quảng Trường Thánh Phêrô

Chúa Nhật, ngày 6 tháng 10-2013, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các tín hữu hành hương diễn ra vào lúc 12h (giờ Rôma) tại quảng trường thánh Phero diễn ra trong một bầu khí thật nồng ấm. Chưa đến giờ, nhưng các tín hữu từ khắp nơi đã tụ về quảng trường, để chờ diện kiến và nghe những lời giáo huấn của ngài, cũng như cùng ngài cầu nguyện và nhận phép lành từ ngài.

Đúng 12h, từ cánh cửa sổ, vẫn như thường lệ, ngài lớn tiếng chào các khách hành hương.

“Anh chị em thân mến,
Trước hết, tôi muốn dâng lợi tạ ơn Thiên Chúa vì ngày tôi đã trải qua ở Assisi, mới hôm qua thôi. Các bạn biết là đây là lần đầu tiên tôi đến Assisi và đó là một hồng ân to lớn khi làm chuyến hành hương nhân ngày lễ kính Thánh Phanxicô”. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến toàn thể người dân Assisi vì dự đón tiếp nồng hậu: cảm ơn tất cả.

Sau đó, ngài bắt đầu với nội dung đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay:

“Hôm nay, đoạn Tin Mừng bắt đầu với câu: “Khi ấy, các tông đồ nói với Chúa Giê su: “Xin hãy gia tăng niềm tin cho chúng con! (Lc 17: 5-6). Tôi nghĩ chúng ta có thể lấy câu này thành lời cầu xin của mình, đặc biệt là trong năm đức tin này. Chúng ta cũng giống như các tong đồ, nói với Chúa Giê su: “Xin hãy gia tăng niềm tin cho chúng con.” Vâng, lạy Chúa, đức tin của chúng con nhỏ bé, đức tin của chúng con yếu ớt, mỏng dòn nhưng con dâng lên Chúa đức tin ấy như nó là, vì Ngài sẽ làm cho nó lớn lên. Chúng ta hãy cùng lặp lại với nhau: Lạy Chúa, xin gia tăng niềm tin cho chúng con!

Và Chúa đã trả lời thế nào? Ngài nói: “ Nếu các con có đức tin lớn bằng hạt cải, các con có thể bảo cây dâu này ‘hãy nhổ rễ và xuống biển mà nằm’, nó cũng sẽ vâng lời các con (c 6).” Hạt cải rất nhỏ bé, nhưng Đức Giê su nói rằng nếu các con có đức tin nhỏ như thế thôi, nhưng chân thực, thành thực, thì cũng có thể làm những điều không thể đối với con người, những điều không thể nghĩ tới. Và đó là sự thật! Tất cả chúng ta biết rằng những con người đơn sơ, khiêm tốn nhưng có một đức tin mạnh mẽ thì có thể dời núi chuyển non! Hãy nghĩ đến, ví dụ như, những người cha người mẹ, những người phải đối mặt với những khó khăn rất nặng nề hay những bệnh nhân nào đó, có khi đang rất nặng, nhưng vẫn mang đến cho những ai đến thăm sự thanh thản bình an. Những người đó, nhờ đức tin của họ, đã không tự hào về những gì mình làm, nhưng, như Đức Giê-su nói trong đoạn Tin Mừng, họ nói: “Chúng con chỉ là những người tôi tớ. Chúng con chỉ làm những điều phải làm” (Lc 17,10)” Bao nhiêu người trong chúng ta có được đức tin mạnh mẽ như thế, làm được những điều như thế.

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến ý hướng của tháng 10, tháng cầu nguyện cho việc truyền giáo và tháng kính Đức Mẹ Mân Côi. Ngài khuyên mọi người hãy cầu nguyện vì chỉ có cầu nguyện, ta mới có thể có được sức mạnh để đối diện với những thử thách, để có đức tin vững mạnh.

“Trong tháng 10 này, tháng dành riêng cách đặc biệt cho việc truyền giáo, chúng ta hãy nhớ đến các nhà truyền giáo, cả nam lẫn nữ, những người để có thể mang Tin Mừng đến cho ngườ khác, họ đã phải vượt qua những khó khăn đủ loại, đã thực sự trao ban sự sống, như thánh Phaolo nói với Timotheo: “con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, và cho cha nữa, là tù nhân của Người, nhưng con hãy đồng lao cộng tác với cha vì Tin Mừng, nhờ quyền năng của Thiên Chúa. (2 Tm 1:8) Điều này tác động đến tất cả chúng ta rằng: mỗi người trong chúng ta, trong đời sống hằng ngày của chúng ta, có thể làm chứng cho Chúa, với sức mạnh của Thiên Chúa, sức mạnh của niềm tin. Đức tin của chúng ta nhỏ bé nhưng mạnh mẽ: với sức mạnh đó chúng ta làm chứng cho Đức Giêsu Kitô, là những người Kitô hữu bằng đời sống, bằng chứng ta của chúng ta.

Và làm thế nào để chúng ta có được sức mạnh ấy? Chúng ta có được sức mạnh ấy từ Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện là hơi thở của đức tin: trong một sự gắn kết với lòng tin tưởng, tình yêu, và cả đối thoại vốn là điều không thể thiếu, và lời cầu nguyện là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Tháng 10 cũng là tháng Mân Côi, và trong Chúa Nhật đầu tiên này, vẫn có truyền thống đọc kinh cầu Đức Mẹ Pompei, Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh Mân Côi. Chúng ta cũng hiệp ý với nhau trong bầu khí thiêng liêng để cùng cử hành hành vi đức tin này với Mẹ chúng ta, và nhận lãnh từ tay Mẹ tràng hoa Mân Côi: đó là trường cầu nguyện, trường đức tin!”

Sau Kinh Truyền Tin

Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói về việc phong chân phước cho một chủng sinh ở Modena và gửi lời chào đến tất cả các khách hành hương, các nhóm đoàn đã đến đây. Và Ngài ban phép lành cho tất cả.

Anh chị em thân mến,

Hôm qua, ở Modena, có lễ phong chân phước cho Rolando Rivi, một chủng sinh của vùng đất này, Emilia, người đã bị giết vào năm 1945 khi mới 14 tuổi, do người ta đã thù ghét đức tin của anh, cho rằng anh phạm lỗi khi mặc áo dòng trong thời gian người ta có xu hướng bài giáo sĩ. Vị chủng sinh này đã cất cao giọng nói kết án những cuộc tàn sát nhân danh Chúa ngay sau thời chiến. Nhưng đức tin vào Đức Giê su của anh đã vượt qua tinh thần thế gian! Chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa vì vị tử đạo trẻ tuổi này, một chứng nhân anh dũng cho Tin Mừng. Và có bao nhiêu bạn trẻ 14 tuổi dám noi gương này. Một người trẻ dũng cảm, biết nơi nào cần, nhận thấy được tình yêu Giesu trong con tim và traoban sự sống cho Ngài, một mẫu gương tuyệt vời cho giới trẻ. Tôi muốn gợi nhớ lại cho tất cả các bạn, những người đã mất mạng ở Lampedusa thứ 5 tuần trước, những người nam nữ, trẻ em… Hãy để con tim của chúng ta than khác. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng.

Một cách nồng nhiệt, tôi gửi lời chào đến tất cả các khách hành hương, đặc biệt là các gia đình và nhóm giáo xứ. Tôi xin gửi lời chào đến các tín hữu của thành phố Mede, Poggo Rusco, các bạn trẻ ở Zambana và Caserta.

Tôi cũng có một suy nghĩ đặc biệt dành cho cộng đoàn Peruvian ở Roma, đã có cuộc diễu hành ảnh thánh của Senor de los Milagros. Từ đây tôi thấy hình ảnh đó, giữa quảng trường, tôi cũng chào đón các tín hữu từ Chile và nhóm Burgerwache Mengen của Giáo Phận Rottenburg – Stuttgart, Đức.

Tôi xin gửi lời chào đến nhóm các phụ nữ đến từ Gubbio, gọi là “Via Francigena Francescana”; những lãnh đạo của Cộng đoàn Thánh Egidio trong một số nước ở Châu Á. Họ thật tuyệt vời, những người trong cộng đoàn Egidio; những người hiến máu của tổ chức ASFA ở Verona và những người của tổ chức AVIS ở Carpinone; Hội đồng quốc gia AGESCI, nhóm hưu của bệnh viện thánh Anna, ở Como, Học Viện Canossiano ở Brescia và Hiệp Hội Mission Effatà.”

Xin cầu chúc cho mọi người một ngày Chúa Nhật an lành.

Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ – Vatican Radio

Mẹ Mân Côi, Mẹ Hòa Bình

Mẹ Mân Côi, Mẹ Hòa Bình

Ngày 21 tháng 9 vừa qua, Cao ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đã long trọng vinh danh Nữ Tu Công Giáo Angelique Namaika và trao tặng cho chị giải thưởng Nansen. Đây là giải thưởng cao quý của Cao ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc để tôn vinh những người làm việc với những người tỵ nạn. Chị Angelique Namaika đã giúp thay đổi cuộc sống của hơn 2,000 phụ nữ và các bé gái đã bị buộc phải rời nhà của họ sau khi bị nhóm Quân đội Kháng chiến của Allah lạm dụng trong những năm dài địa ngục của họ.(x. Vietcatholic 30.9.2013).
 
Ngày 7 tháng 10, Giáo hội suy tôn một phụ nữ diễm phúc nhất trần gian, đó chính là Đức Mẹ Mân Côi. Với tâm tình sùng mộ, mọi tín hữu suy tôn Mẹ Maria là Nữ Vương Ban Sự Bình An. Suốt tháng Mân Côi, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ một cách đặc biệt. Lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ trong thời gian này mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi. Kinh Mân Côi là lời kinh hòa bình. Bằng chuỗi Mân Côi, Hội Thánh cầu nguyện cho hòa bình thế giới, mỗi người cầu xin bình an cho gia đình cho tâm hồn mình.
 
Lễ Đức Mẹ Mân Côi được ĐGH Piô  V thiết lập để ghi nhớ chiến thắng của Hải quân Kitô giáo với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại trận Lepanto ngày 7 tháng 10-1571. Chiến thắng là nhờ các tín hữu lần Chuỗi Mân Côi dâng kính Đức Mẹ ở Rôma vào ngày giao chiến. Một phép lạ của Đức Mẹ trong Tháng Mân Côi. ĐGH Leo XIII  đã thiết lập Tháng Mười là tháng Mân Côi vào ngày 1 tháng 9-1883 và đã công bố con số kỷ lục là 11 Tông thư về Chuỗi Mân Côi trong triều đại Giáo hoàng của ngài.
 
Ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, suy tôn Mẹ là Nữ Vương Ban Sự Bình An với 3 lý do.
 

1. Lý do thứ nhất

Mẹ đã đóng góp cả cuộc  đời mình cùng với Chúa Giêsu mà giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Kinh Mân Côi, xét về phương diện mầu nhiệm suy gẫm, là kinh về Chúa Giêsu. Nhưng xét về nội dung thành phần của chuỗi hạt, tức là từng kinh Kính Mừng, thì đó là kinh về Đức Maria. Mẹ kết hợp cuộc đời mình với Chúa Giêsu qua 20 ngắm: Vui, Sáng, Thương, Mừng. Vui là vui với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm nhập thể; Sáng cũng là sáng với Chúa Giêsu qua mọi nẻo lối rao giảng Tin Mừng; Thương là thương cùng với Chúa Giêsu trên đường Thánh giá; và Mừng còn là mừng cùng với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm phục sinh. Mỗi ngắm như thế là mỗi phần đời khác nhau, nhưng liên kết cả 20 ngắm lại sẽ thấy cuộc đời của Đức Mẹ gắn bó với đời của Chúa Giêsu không rời nửa bước. Con đi đâu thì Mẹ theo đi đó: Con xuống thế làm người chuộc tội nhân loại, thì Mẹ cũng hiệp công với Con của mình từ đêm giáng sinh cho đến chiều tử nạn mà bước đi trên đường giải phóng nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi. Con của Mẹ là Chúa Giêsu được xưng tụng là Hoàng Tử Hòa Bình, đến chuộc tội nhân loại, giao hòa con người với Chúa Cha, thì Mẹ vì sự gắn bó, hợp tác, hiệp công với Con của mình trong suốt hành trình như thế cũng đã trở nên Nữ Vương Hòa Bình cho toàn thế giới. Nếu Eva xưa đã để lại thảm họa, thì với Mẹ Maria cách riêng trong kinh Mân Côi, cách riêng hơn nữa trong lời kinh Ave Maria, nền hòa bình viên mãn của trời đã chính thức mở ra. Vì vậy, Đức Mẹ trong kinh Mân Côi, hay Đức Mẹ Mân Côi cũng chính là Nữ Vương Hòa Bình.
 

2. Lý do thứ hai

Vì Mẹ cũng hỗ trợ con người trong công cuộc xây dựng hòa bình với nhau.

Vào thế kỷ XIII, bè rối Albigeois nổi lên ở miền Nam nước Pháp. Với Chuỗi Mân côi do Đức Mẹ truyền dạy, chỉ trong một thời gian ngắn, thánh Đaminh đã cảm hóa được 150,000 người theo bè rối trở về cùng Giáo Hội.

Thế kỷ XVI, ảnh hưởng của Tin lành mạnh mẽ  và đe dọa toàn cõi Âu Châu. Dân thành Luxembourg vẫn trung thành với Giáo Hội. Hôm ấy toàn thể  dân phố được mời tới nhà thờ để nghe giảng thuyết. Khi vị mục sư bước lên tòa giảng, một người giáo dân xướng kinh và tất cả nhà thờ đều lần hạt to tiếng cho đến lúc vị mục sư phải bước xuống tòa giảng và ra khỏi nhà thờ. Nhờ kinh Mân Côi, dân thành Luxembourg giữ vững niềm tin và trung thành với Giáo Hội.

Năm 1511, lịch sử được chứng kiến một thành quả  vĩ đại của Kinh Mân Côi mang lại. Chính biến cố  lịch sử này là nguồn gốc lễ kính Thánh Mẫu Mân Côi. Khi ấy quân Hồi xâm lăng Âu Châu, tàn phá  những nơi họ đi qua, tiêu diệt dân Công giáo. Cùng với việc triệu tập đạo quân thánh giá từ hai nước Ý và Tây Ban Nha, Đức Giáo hoàng Piô V kêu gọi mọi người siêng năng lần chuỗi Mân Côi.

Cuộc chiến quá chênh lệch đã diễn ra tại vịnh Lepante, nhưng với quân số ít  ỏi và khí giới thô sơ, người Công giáo đã thắng trận vẻ vang trước đoàn quân Hồi giáo đông đảo và trang bị hùng hậu. Từ Roma, Đức Giáo hoàng nghe tin chiến thắng và nói với các vị trong giáo triều hãy tạ ơn Chúa. Hôm đó là ngày 07 tháng 10. Đức Giáo hoàng đã thiết lập lễ Mân Côi để tạ ơn Đức Mẹ và ghi nhớ cuộc chiến thắng lịch sử này.

Trước năm 1917, Bồ Đào Nha ở  vào một tình trạng suy thoái một cách trầm trọng về  phương diện tôn giáo. Gần hai thế kỷ, óc bè phái đã gây nên những chia rẽ và những cuộc nội chiến. Giáo Hội bị bách hại bởi những kẻ theo nhóm tam điểm. Nhà thờ bị phá hủy, các linh mục và tu sĩ bị bắt bớ, khắp nơi người ta tổ chức những đoàn hội chống lại Giáo Hội. Thế nhưng kể từ năm 1917, năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Bồ Đào Nha đã đi vào một khúc quanh mới của lịch sử. Người ta tổ chức những đoàn hội chuyên lo lần hạt Mân Côi để xin Mẹ chấm dứt những xáo trộn và ban mọi ơn lành xuống cho đất nước. Bồ Đào Nha đã xứng đáng với tước hiệu quê hương của kinh Mân Côi.

Lịch sử còn ghi lại nhiều thành quả kỳ diệu khác nữa của Kinh Mân Côi. Chẳng hạn Kinh Mân côi đã mang lại chiến thắng tại Vienna ngày 12 tháng 9 năm1683, hay đã chấm dứt bệnh dịch tại Milan…

Chuỗi Mân Côi chính là một phương thế hòa bình hữu hiệu của mỗi tín hữu. Khi hiện ra tại Lộ Đức hay tại Fatima, Đức Mẹ đều kêu gọi chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Ở đâu kinh Mân Côi được ưa chuộng, ở đó tước hiệu hòa bình đi liền với danh xưng của Mẹ cũng được mộ mến. Ở đâu kinh Mân Côi được cổ võ thì ở đó cũng vang lên lời cầu nguyện tha thiết: “Nữ Vương ban sự bình an, cầu cho chúng con”. Xét về cấu trúc của kinh Mân Côi phần sau của mỗi ngắm chúng ta quen đọc “ta hãy xin cho được” ơn này ơn khác, hoặc phần sau của chính kinh Kính Mừng với câu “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…”, chúng ta cũng thấy cả một dự phóng, cả một chương trình, cả một lời kinh dâng lên Mẹ Mân Côi mong hòa bình nội tâm, làm tiền đề cho cách cư xử giao hòa của con người với Thiên Chúa cũng như cách đối xử hòa bình giữa con người với nhau. Đằng nào cũng thế, giúp đỡ con người dập tắt chiến tranh năm xưa (lý do của lễ Mân Côi) hay là nâng đỡ con người xây dựng hòa bình hôm nay, Đức Mẹ Mân Côi trong lòng Giáo Hội chính là tượng đài Nữ Vương Hòa Bình.
 

3. Lý do thứ ba

Vì Mẹ còn khuyên tất cả mọi tín hữu siêng năng lần hạt và coi chuỗi kinh Mân Côi như là phương tiện hun đúc hòa bình. Ngày 13 tháng 10 năm 1917 tại Fatima, Đức Mẹ đã hiện ra và ban sứ điệp: cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt, tôn sùng trái tim Mẹ. Đây chính là lộ trình nên Thánh bao gồm ba bước tiếp theo nhau. Chuỗi Mân Côi được đặt như một nhịp cầu giữa một bờ là tội lỗi nhân loại và bờ bên kia chính là ơn thánh hóa của Thiên Chúa. Cũng như việc lần hạt chuyên cần là một phương tiện hiệu quả giúp chúng ta đạt được hòa bình. Chính trong ý nghĩa này, kinh Mân Côi phải được gọi là Kinh của hòa bình. Bao giờ cũng thế, trong nghệ thuật công giáo, Đức Mẹ không đứng một mình, luôn luôn có Chúa Giêsu hiện diện, hoặc trong những thế kỷ gần đây tại Lộ Đức, cũng như tại Fatima, Đức Mẹ hiện diện với chuỗi Mân Côi. Nếu có ai hỏi tôi: Đức Mẹ có lần hạt không? Chắc chắn tôi sẽ đưa ra lời khẳng định: Có. Không chỉ vì Đức Mẹ đã lần chuỗi chung với ba trẻ ở Fatima hoặc với cô Bernadette ở Lộ Đức, mà còn ngay trong mầu nhiệm của chuỗi kinh Mân Côi đã có sự hiện diện của Đức Mẹ rồi. Có nghĩa là Mẹ cùng lần hạt với chúng ta và hơn nữa Mẹ kêu gọi chúng ta lần hạt. Cá nhân lần hạt Mân Côi, cá nhân vui sống thảnh thơi an bình; gia đình lần chuỗi Mân Côi, gia đình hạnh phúc một đời an vui.

Giáo hội tôn vinh Đức Mẹ Mân Côi là Nữ Vương Hòa Bình. Chuỗi Mân Côi là  chuỗi kinh của nền hòa bình. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận khuyên nhủ: “Chuỗi Mân Côi là giây ràng buộc con với Mẹ, là cuốn phim kỷ niệm con đường hy vọng của Mẹ: âu yếm như Bêlem, khắc khoải như Ai Cập, trầm lặng như Nazareth, lao động như xưởng mộc, sốt sắng như đền thờ, cảm động lúc Chúa giảng, đau khổ bên thánh giá, vui mầng lúc phục sinh, tông đồ bên thánh Gioan. Tóm tắt lại, Chúa sống trong Mẹ, Mẹ trong Chúa, hai cuộc đời chỉ là một. Đừng bỏ chuỗi Mân Côi Mẹ đã trao và nhắn nhủ con sống như Mẹ, với Mẹ, nhờ Mẹ, trong Mẹ” (Đường Hy vọng số 922); “Ai mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán” (Đường Hy vọng số 947).
 
Lạy Mẹ Mân Côi, Nữ Vương Hòa Bình, xin giúp chúng con siêng năng lần hạt Mân Côi. Nhờ đó, chúng con có thể cộng tác với Mẹ trong công cuộc xây dựng nền hòa bình thế giới và đem ơn cứu độ cho muôn dân. Amen.

 
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An