Đức Giáo hoàng bán đấu giá chiếc mô tô hiệu Harley Davidson để hỗ trợ người vô gia cư

Đức Giáo hoàng bán đấu giá chiếc mô tô hiệu Harley Davidson để hỗ trợ người vô gia cư

Harley Davison Motorcycle

EMTY (20/10/2013, CNA) – Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng chiếc mô tô hiệu Harley Davidson, sẽ được bán đấu giá, để quyên tiền cho một lưu xá và nhà bếp phục vụ bữa ăn cho người vô gia cư ở Roma.
 
“Đó là một món quà quý giá mà một lần nữa làm cho chúng tôi hạnh phúc vì cảm nhận được sự gần gũi của vị giám mục dành cho người nghèo của Giáo hội Rôma. Chúng tôi vô cùng biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô về điều này”, Đức ông Enrico Feroci, Giám đốc Caritas Roma, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 12-10.

Việc bán chiếc mô tô là để tài trợ cho việc trùng tu Lưu xá Don Luigi di Liegro của Caritas và nhà bếp phục vụ bữa ăn tại Ga Termini của Roma. Hai dự án này đã hoạt động từ năm 1987 nhằm làm dịu bớt sự đau khổ của khoảng 1,000 người mỗi ngày, theo Caritas Roma.

Đức ông Feroci thay mặt cho những người sẽ được hưởng lợi từ “hành động niềm nở và liên đới này” cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức ông cam đoan với Đức Giáo hoàng rằng người nghèo sẽ tiếp tục cầu nguyện cho “công việc quý giá mà ngài đang làm trong vườn nho của Chúa”.

Công ty Mô tô Harley Davidson đã tặng 2 chiếc mô tô và một chiếc áo khoác đi xe cho Giáo hoàng Phanxicô hồi tháng 6, khi Thành phố Roma tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 110 loại mô tô biểu tượng Mỹ. Vào ngày 16-6 vừa qua, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng đã chúc lành cho khoảng 800 tay đua và cuộc đua xe của họ.

ĐGH Phanxicô đã khuyến khích các giáo sĩ và tu sĩ thể hiện sự khiêm tốn trong việc lựa chọn phương tiện di chuyển của mình. Hồi tháng 7, ngài nói với một nhóm chủng sinh và tập sinh rằng ngài cảm thấy đau lòng khi thấy một linh mục hay một nữ tu dùng một chiếc xe hơi đời mới.

“Và, nếu bạn muốn có xe đẹp, hãy nghĩ đến biết bao trẻ em đang chết đói”, ngài nói, thúc giục họ lựa chọn phương tiện di chuyển đơn giản hơn.

Khi còn là Hồng Y ở Argentina, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nổi tiếng với việc dùng phương tiện giao thông công cộng.

Hồi tháng 9 vừa qua, Đức Giáo hoàng đã nhận quà tặng từ một linh mục người Ý là chiếc xe hơi Renault 4 đã qua sử dụng với số 186,000 dặm (300,000 km) ghi trên đồng hồ.

 
Nguồn : Mai Trang – Emty

Đức Thánh Cha giải thích tại sao cầu nguyện liên lỷ

Đức Thánh Cha giải thích tại sao cầu nguyện liên lỷ

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 20 tháng 10-2013 tới 80 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã giải thích ý nghĩa lời Chúa Giêsu dạy phải luôn kiên trì cầu nguyện.

Các tín hữu đã đứng đầy Quảng trường thánh Phêrô dưới bầu trời mùa thu, tràn ra tới quảng trường Piô 12 bên ngoài và con đường Hòa Giải. Họ mang nhiều cờ xí và biểu ngữ nói lên nguyên quán và Hội đoàn, phong trào của họ.

Bài huấn dụ

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã diện giải bài Tin Mừng chúa nhật 29 thường niên năm C và nói về ý nghĩa việc Chúa dạy phải luôn luôn kiên trì cầu nguyện. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu thuật lại một dụ ngôn về sự cần thiết phải luôn luôn cầu nguyện, không bao giờ mệt mỏi. Vai chính ở đây là một bà góa, nhờ nài nỉ với một quan tòa bất lương, nên đã làm cho ông thi hành công lý cho bà. Và Chúa Giêsu kết luận: nếu bà góa đã thuyết phục được quan tòa ấy, thì chẳng lẽ Thiên Chúa lại không lắng nghe chúng ta, nếu chúng ta kiên trì cầu xin ngài hay sao? Kiểu nói của Chúa Giêsu thật mạnh mẽ: ”Và Thiên Chúa lại chẳng thi hành công lý cho những người Ngài chọn, ngày đêm kêu lên Ngài hay sao?” (Lc 18,7).

”Ngày đêm kêu lên” cùng Thiên Chúa! Hình ảnh này về kinh nguyện gây ấn tượng mạnh cho chúng ta. Nhưng chúng ta tự hỏi: tại sao Thiên Chúa lại muốn như thế? Chúa chẳng biết những nhu cầu của chúng ta hay sao? Nài nỉ với Thiên Chúa có ý nghĩa gì?

Đó là một câu hỏi hay, làm cho chúng ta đào sâu một khía cạnh rất quan trọng của đức tin: Thiên Chúa mời gọi chúng ta cầu nguyện kiên trì không phải vì Chúa không biết chúng ta cần điều gì hoặc vì Ngài không nghe chúng ta. Trái lại, Chúa luôn lắng nghe và biết tất cả chúng ta, với lòng yêu thương. Trong hành trình hằng ngày của chúng ta, đặc biệt là giữa những khó khăn, trong cuộc chiến đấu chống lại sự ác bên trong và bên ngoài chúng ta, Chúa ở cạnh chúng ta; chúng ta chiến đấu có Ngài ở cạnh và võ khí của chúng ta chính là lời cầu nguyện, làm cho chúng ta cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, lòng từ bi và ơn phù trợ của Chúa. Nhưng cuộc chiến chống sự ác thật là cam go và lâu dài, đòi phải kiên nhẫn và bền chí – như ông Môisê, phải giơ hai cánh tay lên để làm cho dân của ông chiến thắng (Xc Xh 17,8-13). Sự thực là thế: đó là một cuộc chiến đấu cần phải thi hành mỗi ngày; Thiên Chúa là đồng minh của chúng ta, niềm tin nơi Ngài là sức mạnh của chúng ta, và kinh nguyện là sự biểu lộ đức tin. Vì thế Chúa Giêsu đảm bảo chiến thắng cho chúng ta, nhưng Ngài hỏi: ”Khi trở lại, Con Người có còn thấy niềm tin trên mặt đất này không?” (Lc 18,8). Nếu đức tin tắt lịm, thì kinh nguyện cũng chấm dứt và chúng ta bước đi trong tối tăm, chúng ta sẽ lạc lối trên đường đời.

Vậy chúng ta hãy học nơi bà góa trong Phúc Âm cách cầu nguyện luôn mãi, không bao giờ mệt mỏi. Nhưng không phải để thuyết phục Chúa bằng lời nói! Ngài biết rõ hơn những gì chúng ta đang cần! Đúng hơn kinh nguyện kiên trì là sự biểu lộ niềm tin nơi một Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta cùng Ngài chiến đấu mọi ngày, mọi lúc, để chiến thắng sự ác bằng sự thiện.

Chào thăm và nhắc nhở

Sau phép lành, ĐTC nhắc nhở các tín hữu rằng:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là Ngày Thế Giới truyền giáo. Đâu là sứ mạng của Giáo Hội? Thưa là phổ biến trên thế giới ngọn lửa đức tin mà Chúa Giêsu đã thắp lên trên thế giới: niềm tin nơi Thiên Chúa là Cha, là Tình Thương, là Lòng Từ Bi. Phương pháp truyền giáo của Kitô giáo không phải là chiêu dụ tín đồ, nhưng là chia sẻ ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn. Tôi cám ơn tất cả những người, bằng kinh nguyện và trợ giúp cụ thể, đang nâng đỡ công cuộc truyền giáo, đặc biệt là hỗ trợ mối quan tâm của GM Roma để loan truyền Tin Mừng. Trong ngày này, chúng ta gần gũi tất cả các thừa sai nam nữ đang làm việc rất nhiều mà không gây ồn ào, và hiến mạng sống. Như bà Afra Martinelli, 78 tuổi, người Italia, đã làm việc bao nhiêu năm ở Nigeria; cách đây vài ngày bà đã bị cướp sát hại; tất cả mọi người đã khóc thương bà, Kitô hữu cũng như tín hữu Hồi giáo. Bà đã loan báo tin mừng bằng đời sống, bằng việc làm mà bà thực hiện, một trung tâm giáo dục; qua đó bà đã phổ biến ngọn lửa đức tin, đã thực hiện một cuộc chiến tốt đẹp! ĐTC mời gọi mọi người hiện diện vỗ tay chào tưởng niệm bà Martinelli.

ĐTC nói tiếp: ”Tôi cũng nghĩ đến Stefano Sándor, được tôn phong chân phước hôm qua 19-10-2013, tại Budapest. Thầy là một trợ sĩ dòng Salésien, gương mẫu trong việc phục vụ giới trẻ, tại nơi sinh hoạt và cầu nguyện, và trong việc huấn nghệ. Khi chế độ cộng sản đóng cửa tất cả các cơ sở Công Giáo, thầy can đảm đương đầu với cuộc bách hại đạo, và bị giết lúc 39 tuổi đời. Chúng ta hiệp ý với gia đình dòng Salésien và Giáo Hội tại Hungari để cảm tạ Thiên Chúa.

”Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với dân chúng Philippines mới bị động đất nặng, và mời gọi anh chị em cầu nguyện cho quốc dân quí mến này, mới đây đã chịu các thiên tai khác.

Tôi thân ái chào thăm tất cả các tín hữu hành hương hiện diện, bắt đầu là các thanh thiếu niên đã tham dự cuộc tuần hành ”100 mét chạy đua và đức tin” do Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa tổ chức. Cám ơn các bạn, vì đã nhắc nhở chúng tôi rằng tín hữu là một vận động viên tinh thần.

Có 5 ngàn người tham dự cuộc chạy đua này trên đường Hòa giải. Trong số các tham dự viên có cả lực sĩ người Anh, Jason Gardener, đã từng được huy chương vàng trong thế vận Olympic ở Athènes hồi năm 2004.

ĐTC cũng chào thăm các tín hữu thuộc tổng giáo phận Bologna và Cesena-Sarsina ở Italia do ĐHY Caffara và Đức GM Ragettieri hướng dẫn, cũng như các tín hữu khác đến từ Argentina và Venezuela. Ngài cũng đặc biệt gửi lời chào thăm các bà mẹ người Argentina vì chúa nhật này là lễ các bà mẹ tại Argentina.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

THÁNH LỄ BẾ MẠC ĐẠI HỘI – THÁNH MẪU LA VANG LAS VEGAS 2013

THÁNH LỄ BẾ MẠC ĐẠI HỘI
THÁNH MẪU LA VANG LAS VEGAS 2013

“Về Bên Mẹ Tạ Ơn Chúa” Chúa Nhật 20/10”

SONY DSC


“Cuộc gặp gỡ nào thì cũng có lúc phải chia tay, cuộc vui nào thì cũng có lúc phải chấm dứt”, câu nói trong bài giảng thánh lễ Bế Mạc năm ngoái (2012) của Đức Cha Vũ Văn Thiên như vẫn còn lảng vảng trong tâm trí tôi. Thật đúng như vậy, ba ngày Đại Hội qua thật mau, mọi người đều cảm nhận sự ngọt ngào và tràn đầy ân huệ khi đến với Mẹ La Vang để được tắm gội trong ơn thánh ba ngày Đại Hội. Chúng ta còn cảm nhận sự liên đới trong tình đồng hương, tình gia đình Giáo Hội và tình bằng hữu đã quen lâu hay mới quen khi mới chỉ gặp gỡ nhau trong ba ngày Đại Hội đã vội chia tay với địa chỉ, số phone hay email của nhau để lại có hy vọng gặp gỡ nhau vào những dịp hội ngộ, tao phùng bên Mẹ La Vang.

Mới 8:00 a.m. giáo dân đã tụ họp quanh Linh Đài như lời mời gọi hôm qua của hai MC. Cha Quang và thầy Hưởng để cùng tham dự thánh lễ Bế Mạc Đại Hội do Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh chủ tế và thuyết giảng, đông đảo quí linh mục đồng tế. Đúng 9:30 a.m. một hồi chiêng trống nổi lên linh thiêng để bắt đầu thánh lễ, ca đoàn cất lời ca nhập lễ: “Chung Lời Cảm Tạ” của nhạc sĩ Nguyễn Duy: “Trong hân hoan chúng con về đây, mang tin yêu mơ ước nồng say, cùng hợp tiếng ca tạ ơn Chúa lời thiết tha”. Nằm trong chủ đề Đại Hội năm nay: “Về Bên Mẹ Tạ Ơn Chúa” nên những lời ca, tiếng hát hay dâng lời cầu nguyện đều hàm chứa lời cảm tạ Hồng Ân Thiên Chúa tuôn đổ qua Mẹ La Vang để có thành quả hôm nay qua 10 năm Thánh hiến.

Đại Hội Thánh Mẫu La Vang Las Vegas kỳ VICourtesy Photo Reporter William Nguyen

Trong bài giảng thánh lễ Bế Mạc, Đức Cha Oanh chia sẻ: “Chúng ta đang sống trong năm Đức Tin và chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc, cùng Mẹ Maria chúng ta hãy lên đường đi loan báo Tin Mừng như lời Thánh Phaolô, thư gửi cho ông Timôthê: ‘Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện’(TM 3:14-4,2). Sau lời dặn dò chí thân, chí thiết, hãy sống những lời học hỏi từ nhỏ, lời của Thiên Chúa. Ngài nhắc lại các lời của Chúa phán: ‘Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em’, ‘Anh em ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.’”

Đến đây ngài kể câu chuyện truyền giáo của Người Dân Tộc là hình ảnh cụ thể mà ngài mục kích, họ nghe radio nói về Đấng Christ và họ đi bộ hàng bao cây số tìm đến linh mục để học hỏi biết về Đấng Christ. Khi về họ loan truyền cho nhau và bị cấm đoán, bắt giữ. Nhưng cả buôn Dân Tộc xúm lại tương trợ và cuối cùng họ cùng quay về với Chúa. Hay việc hôm nay tôi nghe biết như một thói quen tốt đẹp là tr ước khi ra về kết thúc thánh lễ Bế Mạc, mỗi người tự động xếp lại ghế mình ngồi, không để rác rơi rớt, vì không muốn làm phiền người khác, hoặc góp phần một chút với bao người hy sinh đến đây giúp tổ chức Đại Hội.

Chúng ta hãy loan báo Tin Mừng bằng lời cầu nguyện, bằng gương sang và lời rao giảng. Đó là mệnh lệnh truyền của Thiên Chúa để chúng ta thể hiện một đại gia đình nơi có Chúa Giêsu Kitô, Ngài luôn yêu thương chúng ta. Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt vời, Mẹ sẽ giúp chúng ta, vì Mẹ đã ra đi loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy noi gương Mẹ, hãy ra đi như Mẹ, hãy lên đường cùng Mẹ khởi đầu cuộc hành trình mới. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng, xin Mẹ Maria hướng dẫn phụ giúp chúng ta….

Sau thánh lễ là phép lành của Đức Thánh Cha Phanxicô ban cho tất cả những ai tham dự Đại Hội Thánh Mẫu La Vang tại Đền Thánh Mẹ La Vang Las Vegas trong ba ngày 18,19,20 tháng 10 năm 2013. Phép lành này do Đức Cha Hoàng Đức Oanh đại diện và là chủ sự đọc, ban phép lành cho mọi khách hành Hương đến tham dự Đại Hội với Mẹ La Vang tại Linh Địa Mẹ tại Las Vegas.

Sau đó là nghi thức bế mạc, anh Đại Diện JB. Trần Xuân Huân lên cám ơn sự hiện diện của quí Đức Cha, quí linh mục và quí tu sĩ nam nữ cùng quí ân, thân nhân và khách hành hương khắp nơi đã vì lòng yêu mến Chúa, sùng kính Mẹ La Vang và mến thương Cộng Đoàn sum họp về đây để cùng chung vai tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu La Vang Kỳ VI. Anh mong mỏi Đại Hội năm tới cũng sẽ gặp lại những khuôn mặt thân thương hôm nay. Anh kính chúc quí Đức Cha, quí cha và quí tu sĩ thượng lộ bình an và mang theo về tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa qua Mẹ La Vang chuyển cầu. Dứt lời cám ơn của anh Đại Diện, hàng ngàn bong bóng nước được phun lên quanh tháp chuông Đền Thánh. Năm nay để tri ân những người có công khai phá buổi ban đầu Đền Thánh, nên cha Giám Đốc và anh Đại Diện mời những người này lên trên Linh Đài, mỗi người được phát một con chim bồ câu để thả lên như ý nói nhờ những người đi trước khai phá để những người đến sau được thừa hưởng tiện nghi thanh bình an lạc của Đền Thánh Mẹ và hướng về quê hương cầu nguyện cho đất nước được tự do tôn giáo, nhân quyền và độc lập dân tộc. Có tất cả 30 chim câu, Đức Cha Oanh, cha Sáng Lập, cha Giám Đốc mỗi người thả một con, số còn lại dành cho những người có công khai phá buổi ban đầu. Chim thả bay lên và lượn vòng quanh Đền Thánh như không muốn dời xa trong tiếng vỗ tay của mọi người. Sau đó cha Quang gửi lời cám ơn đến quí Đức Cha, linh mục, tu sĩ nam nữ, các đoàn thể, mọi ân thân nhân và các gian hàng đã góp phần v ào việc tổ chức Đại Hội. Ngài lưu ý mọi người hướng nhìn về Linh Đài để ngài giới thiệu logo Đại Hội năm tới: “Cùng Mẹ Sống Ánh Sáng Đức Tin” sẽ diễn ra trong 3 ngày 24,25,26 tháng 10, 2014. Ban kỹ thuật cuốn logo cũ và logo mới từ từ hiện ra qua tiếng vỗ tay reo hò của khách hành hương.

Kết lễ, ca đoàn hát bài: “Mẹ Ở Con Về” của nhạc sĩ Khang Phong, bài ca réo rắt, gieo nhiều nhớ thương với Mẹ La Vang đối với khách hành hương, khiến nhiều người rưng rưng ngấn lệ: “Mẹ ở con về, Mẹ La Vang ơi, Mẹ ở con về, lòng con thương nhớ…Mẹ ở con về, nhớ thương trăm bề, Mẹ nghỉ con đi!”. Lời ca làm chùn bước bao khách hành hương lưỡng lự nửa ở nửa về trong luyến nhớ.

Từng chiếc xe bus nối đuôi nhau đậu dài trước cổng Đền Thánh, từ từ đón khách hành Hương ra đi với lời từ giã cùng những cánh tay vẫy chào trong luyến nhớ, mong hẹn ngày tái ngộ./.

Bế Mạc Đại Hội Thánh Mẫu La Vang Las Vegas tháng 10/2013
Phan Văn SỹTrích từ Thánh Mẫu La Vang Las Vegas

ĐẠI HỘI THÁNH MẪU LA VANG LAS VEGAS KỲ VI, 2013

ĐẠI HỘI THÁNH MẪU LA VANG LAS VEGAS KỲ VI, 2013

“Về Bên Mẹ Tạ Ơn Chúa: 18-19-20/10”

khai-mac-dai-hoi-thanh-mau-la-vang-las-vegas-ky-vi
Mặc dù trời đã vào Thu, nhưng ánh nắng vẫn còn chói chang chiếu dọi quanh khuôn viên Đền Thánh, trên không trung tiếng loa vang vọng lời hát của bài ca:,“Lạy Đức Mẹ La Vang” của nhạc sĩ Hoàng Vũ phát ra từ những chiếc loa được bắt quanh khuôn viên Đền Thánh như lời mời gọi, cuốn hút con cái Mẹ từ bốn phương trời về tụ họp bên Mẹ trong Đại Hội La Vang để “Tạ Ơn Chúa”, để sùng kính Mẹ, để nài nỉ Mẹ, cầu xin Mẹ chuyển cầu: “Lạy Đức Mẹ La Vang, con vui mừng cầu xin Đức Mẹ, Mẹ chính niềm cậy trông, niềm hy vọng sự sống chúng con, Mẹ chính là trạng sư, là Nữ Vương Mẫu Thân của con…Thánh Maria! Xin Thương nhậm lời!…” Lời ca réo rắt, khoan nhặt như lời thỉnh cầu của muôn khách hành hương hội tụ về đây để khấn cầu xin Mẹ.

Mới 3:00 p.m. ngày Thứ Sáu 18-10-2013, các em trong Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể với đồng phục chỉnh tề, quần xanh áo trắng với chiếc khăn quàng đỏ biểu thị cho sự nhiệt thành hăng say của tuổi trẻ, thiếu nhi Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tay các em cầm lá cờ xanh trắng biểu tượng màu áo của Mẹ hay mặc khi hiện ra với con cái khắp nơi, đang đứng thành hai hàng dọc từ cổng chào dẫn vào khuôn viên Đền Thánh và Linh Đài Mẹ, bên hai hàng thảm đỏ như một cách trang trọng đón chào quí quan khách thập phương: Quí Đức Cha, quí cha, quí tu sĩ nam nữ, và giáo dân từ bốn phương đổ về. Từ ngoài cổng bước vào có các khách quí đang tiến vào: Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám Mục Giáo Phận Kontum từ Việt Nam bay qua từ hôm qua, Đức Cha Joseph A. Pepe, Giám Mục Địa Phận Las Vegas, cha Tổng Quản Bob Stoekig, cha Tổng Quản George Mockel, cha Sáng Lập Giuse Nguyễn Đức Trọng cùng quí cha: Phêrô Chu Quang Minh, Martinô Nguyễn Bá Thông, Joachim Lê Quang Hiền, Phaolô Phạm quốc Cường, Phêrô Hoàng Văn Thi, Vincentê Nguyễn quang Thế, tổng cộng khoảng 28 linh mục và một số đông đảo tu sĩ nam nữ, cùng các Hội Đoàn bạn và giáo dân từ khắp nơi đổ về tham dự Đại Hội.

Những chuyến xe bus cứ thay nhau đổ khách hành Hương xuống đến với Mẹ từ mọi nẻo đường, mỗi xe chuyên chở khoảng 50 người trở lên, dừng ngay trước cổng Đền Thánh Mẹ, hết chuyến này đến chuyến khác thật tấp nập, thật nhộn nhịp, được các anh em trong ban Trật Tự, Tiếp Tân đón tiếp, hướng dẫn đi vào Đền Thánh. Trong khuôn viên Đền Thánh cảnh tấp nập, chào hỏi, hàn huyên lẫn nhau sau một năm gặp lại những người thân quen. Tất cả nói lên khung cảnh nhộn nhịp, vui vẻ, tưng bừng của ngày Đại Hội Thánh Mẫu La Vang 2013 qua chủ đề: “Về Bên Mẹ Tạ Ơn Chúa” , như câu thơ của cha Sáng Lập đã lưu lại còn trong ký ức mọi người khó quên mà ngài đã sáng tác từ năm 2008:
“Phồn hoa nung nấu mỏi mòn,”
“Mẹ vào Sa Mạc huy hoàng ánh sao.”
“Yêu thương, âu yếm, ngọt nào,”
“Bên bờ giếng mật dạt dào ngất ngây!”

Theo rừng cờ vẫy chào của các em Thiếu Nhi Thánh Thể trong Ban Tiếp Rước, các quan khách, các Hội Đoàn và khách hành Hương đang tấp nập bước vào khuôn viên Đền Thánh, những Hội Đoàn năm xưa đã từng đến tham dự, năm nay cũng có mặt đầy đủ như:
– Hội Cao Niên Giáo Xứ Việt Nam tại Orange County do ông Lương Văn Thanh hướng dẫn,
– Hội Cao Niên Công Giáo Việt Nam tại San Diego do cha Tuyên Úy Hoàng Việt dẫn đầu,
– Gia Đình Phúc Ấn do bà Nguyễn Thị Xuân hướng dẫn,
– Hội Các Bà Mẹ Công Giáo Vùng Vịnh San Francisco do bà Loan hướng dẫn,
– Đoàn Liên Minh Thánh Tâm do ông Nguyễn Đức Thắng hướng dẫn,
– Hội Bảo Trợ Nữ Tu Orange Cali,
– Hội Tông Đồ Cầu Nguyện San Diego,
– Knight of Columbus,
– Saint Elizabeth Church – San Jose, CA,
– Hồng Minh Travel and Cargo – San Jose, CA,
– Hội Ái Hữu Hải Phòng, cùng nhiều đoàn thể mới tham dự năm nay…

Các ca đoàn đến hỗ trợ với Ca Đoàn Mẹ La Vang gồm có:
– Ca Đoàn Têrêsa Ontario,
– Ca Đoàn Việt Linh – Giáo Xứ Saint Columban,
– Ca Đoàn Thánh Đức và nhiều anh chị em thuộc nhiều ca đoàn của các giáo xứ trên Hoa Kỳ.

Trong sự linh thánh của không khí Đại Hội năm nay, vì là năm của Đại Hội kỷ niệm 10 năm Thánh Hiến Đền Thánh nên cha Quang đã khéo léo design logo hình biểu tượng cho Đại hội mang nhiều ý nghĩa và thật mới lạ. Khách hành Hương từ ngoài bước vào không khỏi bị hấp dẫn bởi bao nét nghệ thuật, mỹ thuật từ 14 Chặng Đàng Thánh Giá, các Tượng Đài Đức Mẹ Sầu Bi, Tượng Đài Thánh Cả Giuse, nổi bật trong những kỳ công ấy là cỗ xe hoa rất mỹ thuật được các anh chị có tay nghề trang trí, chuẩn bị cả mấy tháng nay: Các anh Hùng, Đài, Thái và đặc biệt trang trí về hoa, không ai qua khỏi nghệ thuật phối trí hoa cắm hoa trên xe hoa của Mẹ bằng chị Thy. Cái nghệ thuật chị trang trí như nét thanh tú, duyên dáng của chị khi cắm hoa và tạo đường nét linh hoạt trên xe hoa. Khi chị cắm hoa, chị luôn cầu nguyện, im lặng làm việc không nói chuyện với ai, như để hết tâm trí sáng tạo vào xe hoa cho Mẹ.

Nhìn vào logo biểu tượng của Đại Hội năm nay, mọi người đều cảm thấy khâm phục lối diễn tả gợi hình của tác giả: Mẹ là con đường vững chắc được trải thảm đỏ trong vinh quang để đến với Chúa. Đến với Chúa là trung tâm điểm cuộc đời, vì hình con đường dẫn chạy thẳng đến trung tâm Thập Giá Chúa Kitô, như vậy đến với Mẹ không sợ ba thù và thật vững chắc trong bước đi, vì được bước trên thảm đỏ vinh quang đến với Chúa là Cha chí nhân. Từ trên trung tâm điểm Thánh Giá của xe hoa, ban kỹ thuật làm một dòng nước chảy xuống, hơi nước tỏa bay lên cao như biểu tượng nguồn Thánh Ân dồi dào Chúa tuôn đổ xuống cho con cái Mẹ qua 10 năm Thánh Hiến. Một đường viền xanh da trời vòng theo đường trải thảm đỏ mang ý nghĩa Đại Hội năm nay: “Tạ Ơn Chúa” qua Mẹ dẫn lối, Cộng Đoàn Mẹ La Vang đã cùng Mẹ đồng hành đi trọn 10 năm kể từ ngày Thánh Hiến Đền Thánh. Tác giả (Cha Quang) đã dùng màu xanh hiền hòa, hy vọng trùng với màu áo của Mẹ để nói lên Cộng Đoàn luôn hy vọng bước tới trong thanh bình vì có Mẹ dẫn dìu từ bước khởi đầu đến nay và mãi mãi. Màu áo phía trong của Mẹ và Chúa Con là một màu lam vàng nhạt pha trộn, nói lên sự hài hòa màu sắc và cành trúc của áo Mẹ tượng trưng Mẹ luôn ôm ấp đàn con Việt Nam tha Hương, vì cây trúc là biểu tượng cho người quân tử, trung chính Việt Nam. Màu của nền Cây Thánh Giá phía sau nói lên Thánh Giá vinh quang của Chúa luôn bên Mẹ, nên chúng ta phải: “Về Bên Mẹ Tạ Ơn Chúa” vì những ơn lạ, những kỳ công Chúa đã tuôn đổ xuống cho Cộng Đoàn qua Mẹ La Vang.

Nhìn logo với màu sắc và đường nét, hình ảnh diễn tả hài hòa, màu sắc tao nhã đã diễn tả đầy đủ ý nghĩa tuyệt vời của chủ đề Đại Hội năm nay mà cha Quang, một tâm hồn nghệ sĩ đã vì yêu mến Mẹ, phụng thờ Chúa, nghĩ về quê Hương Việt Nam mà ngài đã vẽ ra từ tháng 9/2012 để chuẩn bị cho Đại Hội năm nay. Áo và khăn đội đầu của Mẹ trên logo là hình ảnh lễ phục hội của người đàn bà quí phái Việt Nam, là vương miện của Mẫu Vương Việt Nam. Thêm vào đó nhờ cách trang trí, cắm hoa, chạy đèn của các anh Đài, Hùng, chị Thy đã làm cho xe hoa Mẹ La Vang đẹp rực rỡ hẳn lên.

Đúng 4:30 p.m., giờ chầu thánh thể thật nghiêm trang trong thánh đường do Hội Cao Niên Giáo Xứ Việt Nam Orange County do linh mục Vincenté Nguyễn Quang Thế hướng dẫn. Giờ chầu mở đầu cho Đại Hội vì theo tâm niệm của cha Quang, Đền Thánh Mẹ luôn đặt Chúa làm Trung Tâm điểm mọi sinh hoạt. Phải tôn thờ Chúa trước, sau đó những việc tiếp theo, Ngài sẽ chúc lành, do đó Đại Hội Mẹ luôn khởi đầu bằng việc thờ kính Chúa qua giờ chầu đền tạ đầu tiên.

5:30 p.m. Thánh lễ khai mạc tại Linh Đài do Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh chủ tế và thuyết giảng. Trong bài giảng, ngài nhấn mạnh đến chủ đề: “Về Bên Mẹ Tạ Ơn Chúa”: “Mẹ Maria là tấm gương tuyệt vời để chúng ta noi theo Mẹ sống đức tin vững chắc. Chúng ta đang sống trong năm đức tin, tôi xin nêu ba điểm quan trọng:

1- Một đức tin: Tin vào một Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Nếu người là Cha của chúng ta thì mọi ngời sẽ là anh em với nhau.
2- Một Giới Luật: Phải yêu thương anh chị em bằng một tình yêu như Chúa đã yêu thương chúng ta “Thầy để lại cho anh em một giới răn mới là anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
3- Hãy đi loan báo tin mừng cho muôn dân. Chúng ta hãy nói và sống bằng tình yêu thương.

Ngài kết luận xin Chúa thêm lòng tin cho chúng con để chúng con thể hiện tình yêu trong yêu thương phục vụ và chia sẻ với anh em.
Sau thánh lễ là phút nghỉ ngơi, ăn tối, Đền Thánh Mẹ La Vang khoản đãi các bữa ăn “Free” cho mọi khách hành Hương xa gần do các anh em trong Ban Ẩm Thực hy sinh nấu phục vụ trong ba ngày Đại Hội, các anh: Bằng, Sánh, Chiến, Nghiệp, Hòa và gần 30 người hy sinh phụ bếp giúp chuẩn bị thức ăn do chị Lê Tuyết Mai làm Trưởng Toán. Sau giờ cơm tối, mọi người vây quanh Linh Đài để cùng thưởng thức đêm văn nghệ tuyệt vời qua chủ đề: “Về Bên Mẹ Tạ Ơn Chúa” với các ca sĩ của trung tâm Asia yểm trợ như: Ca sĩ Mai Thanh Vân, ca sĩ Lê Quốc Tuấn, ca sĩ Tâm Phương Anh, ca sĩ Nhật Lâm, ca sĩ Cát Lynh, ca sĩ Hồng Diễm, cùng Đoàn Văn Nghệ và ca sĩ La Vang. Buổi văn nghệ thật hào hứng và được nhiều người nồng nhiệt ca ngợi. Tuy nhiên thì giờ có hạn, nhiều ca sĩ không thể trình diễn thêm bài nữa theo yêu cầu. Chấm dứt ngày Khai Mạc Đại Hội với tiết mục xổ số hào hứng, và hẹn tái ngộ ngày Mai với cuộc rước kiệu trọng thể sùng kính Mẹ La Vang.

Đại Hội La Vang tháng 10/2013
Phan Văn Sỹ
– Trích từ Thánh Mẫu La Vang Las Vegas

ĐẠI HỘI THÁNH MẪU LA VANG LAS VEGAS 2013

 ĐẠI HỘI THÁNH MẪU LA VANG LAS VEGAS 2013

“Về Bên Mẹ Tạ Ơn Chúa”
Thứ Bảy 19/10, Ngày Thứ Hai Của Đại Hội.

19oct013

Đến hẹn lại lên theo lời mời gọi của hai MC: cha Quang và thầy Hưởng, mới tờ mờ sáng, trời còn ôm cuộn cái lạnh của mùa Thu tháng 10, nhiệt độ khoảng 65 F, giáo dân đã tuôn đổ về Đền Thánh sau một đêm nghỉ ngơi tại các khách sạn quanh Đền Thánh hay tại các Casino đã có giá ủng hộ cho khách hành Hương về tham dự Đại Hội theo yêu cầu của Ban Tổ Chức Đại Hội đã thương lượng trước với các cơ sở này.

7:00 a.m. Khởi đầu giờ chầu Thánh Thể tại thánh đường La Vang Las Vegas do cha Phêrô Chu Quang Minh, Sáng Lập Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình kiêm Phó Tổng Linh Hướng Đạo Binh Hồn Nhỏ Việt Nam Hải Ngoại hướng dẫn. Các anh chị em trong CTTTHN/GĐ và Hội Hồn Nhỏ đã tề tựu cùng khách hành Hương trong thánh đường. Chủ đề cho buổi chầu hôm nay là: “Bí Tích Tình Yêu”. Thật thế, Bí Tích Thánh Thể là tình yêu Chúa đã hiến tặng cho nhân loại để nuôi sống con cái Ngài nơi trần thế đang dong duổi trên đường hướng về quê vĩnh cửu. Phần chia sẻ Phúc Âm, cha Minh đã chia sẻ đoạn Lời Chúa theo thánh Gioan “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau…” (Gioan 13:33-35). Sau giờ chầu thật trang nghiêm, thật sốt sắng để phạt tạ Chúa về những lỗi phạm, những thiếu xót, để dâng lên Chúa một ngày mới thứ hai của Đại Hội, và để cảm tạ Chúa qua một ngày Đại Hội an lành và một đêm nghỉ ngơi bình yên.

8:00 a.m. Thánh lễ cầu nguyện cho bệnh nhân và chữa lành cho khánh hành hương tham dự Đại Hội tại Linh Đài do linh mục Joachim Lê Quang Hiền chủ tế, cha Phêrô Hoàng Văn Thi thuyết giảng sau phần Lời Chúa, trong bài giảng thánh lễ chữa lành, cha Thi kể câu chuyện cổ tích vui giữa ông phú hộ và thằng Bờm. Phú hộ giàu có nhưng luôn sống trong tâm trạng bất an, còn thằng Bờm nghèo nhưng luôn sống an vui, niềm vui đơn sơ giản dị, chất phát. Đối với nó chỉ có nắm xôi, cái quạt mo là nó có niềm vui “Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười!”. Có nắm xôi Bờm cười sung sướng, hãnh diện, nụ cười đầy đủ tròn trịa, không muốn tiền bạc nhiều nó chi phối đời sống đơn sơ bình dị của nó. Vì thế của cải thường ám ảnh lòng trí con người.

Là người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi chịu đau khổ, chịu vác Thánh Giá như Chúa đã đi trước, đã vác Thánh Giá. Đời sống con người theo triết thuyết Khổng Giáo xa xưa được chi phối bởi: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Biết như vậy, có người vui long nhận đau khổ, có người gặp đau khổ thì than trách. Tất cả chúng ta đến đây đều đi bao dặm đường để được xin ơn chữa lành bệnh tật cùng bao nguyện ước khác muốn dâng lên Mẹ để Mẹ chuyển cầu xin Chúa chữa lành. Nếu được như ý thì tốt đẹp, nếu không được ta có biết đó là thánh ý Chúa không? Ta phải hiểu ý Chúa theo ba ý:
1- Yes, được vì ý con đẹp lòng Ta, Chúa ban ơn.
2- No, không được vì điều con xin, không lợi ích cho linh hồn con.
3- Not Yet, chưa được, Ta nghĩ con chưa sẵn sang đón nhận con ta.
Chúa luôn sẵn sang đáp trả lời ước nguyện xin của chúng ta. Cái quan trọng là chúng ta có nhận ra những ơn ấy không? Nếu chúng ta không nhạy bén, không nhận ra, nhiều khi Chúa muốn để chúng ta gặp khó khan để chúng ta nhận ra thánh ý Ngài, đối với Ngài: “Với Chúa không có gì là không có thể”. Mt 8:14-17 “Người đã gánh lấy các bệnh tật của chúng ta, và đã mang lấy những nỗi đau thương của chúng ta”…
Sau lời chia sẻ của cha Thi, giáo dân lần lượt sắp hàng lên Linh Đài để được vị chủ tế và các linh mục đồng tế xức dầu chữa lành. Tiếp theo sau thánh lễ là cuộc xổ số hào hứng trước khi nghỉ giải lao để giáo dân vào các hội trường hầu chuẩn bị nghe thuyết giảng.

9:15 a.m. Cha Martino Nguyễn Bá Thông qua đề tài: “Tạ Ơn Chúa Trong Đau Khổ”, cha Thông có lối giảng thuyết dí dỏm, linh hoạt, vui tươi nhưng rất thực tế và thật đánh động tâm hồn mọi người nên số giáo dân tham dự rất đông, chật ních cả hội trưởng, cha Thông cho xem vài bức hình minh họa để nói lên lời khuyên răn con cái đối với cha mẹ là đầu mối của những xung đột trong gia đình, minh họa số một: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”; minh họa số hai: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ cũng là đi tu”.

a. Cha mẹ đối với con cái: Ngài nói đến Phúc Âm thuật lại việc Chúa Giêsu cùng cha mẹ lên đền thờ theo luật người Do Thái: Mười hai tuổi ở Do Thái thời đó được coi như trưởng thành, tự mình dâng của lễ. Vì trưởng thành nên Chúa ngồi nói chuyện với các nhà Luật Sĩ. Khi Thánh Giuse và Đức Mẹ tìm thấy Chúa, Mẹ Maria trách khéo, thì Chúa nói: “Đây là công việc của con phải làm”, muốn nói lên sự tự do của con cái khi đến tuổi trưởng thành vì vậy:
1- Cha mẹ cần tôn trọng con cái.
2- Cha mẹ phải biết lắng nghe.
3- Thăm hỏi việc yêu thương, hòa nhã, nói xây dựng trước mặt không quát mắng tra hỏi hằn học.
4- Đừng so sánh con mình với con hang xóm làm chúng mất tự tin.
5- Kiên nhẫn với con cái như gương Mẹ Maria, đừng chửi phủ đầu.
6- Tạo tình thương cho con thấy không cần nói.
7- Tập cầu nguyện với con cái trong gia đình.

b. Con cái đối với cha mẹ:
1- Chấp nhận lắng nghe lời bố mẹ khuyên.
2- Đặt mình vào cái chân của bố mẹ, có nghĩa là hy sinh, tự thu mình bé nhỏ như luôn cần đến cha mẹ.
3- Tạo niềm tin nơi bố mẹ, tránh nói dối.
4- Phải có giờ cho cha mẹ thay cho giờ chơi games hay nhắn tin trên điện thoại.
5- Tạo niềm vui cho cha mẹ ở tuổi già.
Vậy đừng sợ sự thật, đừng sợ sửa chữa, ngã bao nhiêu lần cũng cố đứng dậy như Chúa vác Thánh Giá té xuống, Ngài đứng dậy hay nhờ ông Simon vác đỡ Thánh Giá. Hãy cầu nguyện, nhờ Chúa biến đổi, và chỉ có Chúa mới thay đổi được ta. Vì Người có quyền tạo dựng, thì Người cũng có quyền thay đổi. Hãy dâng cho Chúa để xin Chúa thay đổi chúng ta hầu gia đình chúng ta thành gia đình noi gương Thánh Gia Thất. Và nhất là luôn tạ ơn Chúa dù gặp hoàn cảnh nào, vì hoàn cảnh nào đưa đến cũng không ngoài thánh ý Chúa muốn tạo điều kiện để có lợi ích cho sự sống linh hồn chúng ta.

10:45 a.m. Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám Mục Địa Phận Kontum tiếp tục chia sẻ đề tài: “Cùng Mẹ Tạ Ơn Chúa”, ngài nói về những biến cố cuộc đời xảy đến cho chúng ta như biến cố 54, biến cố 75 sợ mà chạy qua Mỹ và các nước khác, sợ mà chạy vào Nam. Chính nhờ những khó khăn như cái dằm đâm vào như để nhắc nhở cho chúng ta phải đi đúng đường chúa muốn ta đi. Nhìn ra mới thấy sự kỳ diệu của việc Chúa làm. Nay những nơi này vùng Dân Tộc, 20 năm về trước chỉ có 5 hay 7 người theo đạo, nay lên đến 4 hay 5 ngàn người theo đạo.
Nhiều khi có những điều mình xin không được như ý thì ngã lòng, không đến sinh hoạt với cộng đoàn.

Chúng ta đang sống trong năm đức tin, sứ mạng của chúng ta là được sai đi và phải cố gắng giữ 3 điều.
1- Một đức tin.
2- Một giới luật.
3- Một lệnh truyền
Sau đề tài do Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh chia sẻ, mọi người nghỉ ngơi ăn trưa, để chiều tiếp tục tham dự thêm những đề tài lợi ích cho đời sống đạo hầu làm hành trang cho mỗi người khi quay về với nếp sống gia đình hầu tiếp nối đời sống đức tin thêm trọn hảo.

01:15 p.m. Cha Martino Nguyễn Bá Thông, tuy đã mang hết tâm huyết để chia sẻ đề tài: “Tạ Ơn Chúa Trong Đau Khổ”, nhưng được nhiều người yêu cầu và muốn được nghe cha thuyết giảng thêm nên ngài lại hy sinh tiếp tục trình bày thêm đề tài: “Tạ Ơn Chúa Trong Đời Sống Đạo”. Những ý chính qua phần thuyết trình đề tài của cha Thông: Tình dục và tiền bạc trong đời sống hôn nhân rất quan trọng, nó ảnh hưởng rất nhiều đến hạnh phúc gia đình.

Ít tiền hay nhiều tiền đều dễ gây sứt mẻ đời sống gia đình nếu chúng ta không biết tính toán chi tiêu hợp lý.

Về tình dục cần biết hòa hợp, trao đổi, nói chuyện. tình dục rất quan trọng trong đời sống hôn nhân, và xác thịt luôn là một phần của đời sống hôn nhân…đời sống đích thực là trở nên một như lời Chúa phán…đời sống vợ chồng cần luôn có Chúa. Cần cầu nguyện chung – thì hạnh phúc gia đình được bền vững.

03:00 p.m. là giờ: “Tạ Ơn Lòng Chúa Thương Xót” do cha Phaolô Phạm Quang Cường chủ sự và hướng dẫn, kèm theo là ban phát ơn Hòa Giải. Tất cả các linh mục đã ngồi vây quanh khuôn viên bên 14 Chặng Đàng Thánh Giá để cùng ban Phép Hòa Giải cho mọi giáo dân hành Hương xa gần về tham dự Đại Hội.

Sau giây phút Hòa Giải, nghỉ ngơi, ăn tối, mọi người sẵn sàng cho giờ văn nghệ để tâm hồn được thoải mái sau những giờ phút căng thẳng ngồi nghe những đề tài liên tiếp từ sáng đến giờ. Buổi văn nghệ hôm nay mang nhiều nét đặc biệt đi theo nội dung của chủ đề: “Về Bên Mẹ Tạ Ơn Chúa” để nói lên lòng cảm tạ tình thương vô biên của Chúa qua Mẹ La Vang chuyển cầu để Cộng Đoàn có ngày hôm nay được thừa hưởng ngôi Đền Thánh khang trang, hầu có thể đón tiếp đông đảo con cái Mẹ từ khắp nơi về tham dự Đại Hội. Do đó buổi văn nghệ lấy chủ đề: “Tạ Ơn Chúa 10 Năm Thánh Hiến Đền Thánh”. Trong chương trình văn nghệ có những ca khúc như: Hợp ca “Khúc Cảm Tạ” do chị Tuyền phụ trách, hay “Bên Dòng Thời Gian”, nói lên những giai đoạn từ ngày khởi đầu xây dựng và phát triển Đền Thánh, Thánh Hiến và nối tiếp đến nay. Bài ca: “Trong Tình Yêu” do chị Thủy Phạm dàn dựng nói lên qua tình yêu Chúa và chỉ có tình yêu Chúa mới vượt thắng ba thù và cùng nhau siết chặt vòng tay cùng xây dựng Cộng Đoàn Mẹ La Vang. Sau đó hai bài vũ “Here I Am Lord” do 8 em trong Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể do Sơ Quyên đạo diễn và 8 em khác cũng trong Đoàn TNTT do Sơ Ngọc đạo diễn qua vũ khúc: “Tạ Ơn Chúa Với Mẹ”, nhìn các em vũ mọi người thật vui với lối diễn xuất ngây thơ nhưng chân thật của các em. Kết thúc buổi văn nghệ, Lm. ca sĩ Đồng Minh Quang song ca với ca sĩ Liêu Trinh bài; “Bao La Tình Chúa” để ngợi khen bao kỳ công Chúa đã ban xuống cho Cộng Đoàn Mẹ La vang và khách hành Hương trong mười năm qua.

7:30 p.m. Rước kiệu trọng thể kính Đức Mẹ La Vang. Đường rước kiệu của các Hội Đoàn và giáo dân tham dự năm nay đi đông hơn, sắp hàng rộng hơn và đường kiệu kéo dài hơn, lời ca thắm thiết sau những chục kinh Mân Côi vang rộng hơn xa hơn trên không trung để dâng lời chúc tụng ngợi khen Mẹ, cảm tạ Mẹ La Vang trong Tháng Mân Côi vì những ơn huệ Mẹ đã luôn luôn tuôn đổ xuống cho mọi giáo hữu về đây hành Hương kính viếng Mẹ. Mấy câu thơ nồng thắm của một giáo dân vẫn còn vang vọng ở Linh Địa La Vang Las Vegas đã đi vào ký ức mọi người đến tham dự Đại Hội:

“Lòng kính Mẹ, hay muốn cầu xin Mẹ,
Con tìm về với Đại Hội La Vang.…
“Sa Mạc Tình Yêu!” như áng mây chiều,
Che bớt nắng cho đời con …bão lửa!” (TBT).

Kiệu hoa năm nay thật rực rỡ với ánh đèn, với khói bay lên nghi ngút và luồng nước chảy từ Thập Giá Tình Yêu đổ xuống quanh xe hoa như luồng thác ân sủng Mẹ tuôn xuống qua Chúa. Mọi người trầm trồ khen ngợi công trình kiệu hoa năm nay do các anh Hùng, Đài, Thái và kỹ thuật phối trí, trang trí hoa, cây cảnh của chị Thy thật tuyệt vời, thật nghệ thuật, đã trang trí đúng ý của Lm. Nghệ sĩ Đồng Minh Quang phác họa ra logo hình cho xe hoa Đại Hội năm nay qua chủ đề: “Về Bên Mẹ Tạ Ơn Chúa”. Cám ơn những hy sinh đóng góp thật công phu của các tay nghề đã liên tục làm việc trong mấy tháng trời nay để có một xe hoa thật tuyệt vời khó có xe hoa nào sánh nổi.

Sau buổi rước kiệu trọng thể, sốt sắng, trang nghiêm và linh thánh là thánh lễ do Đức Cha Joseph A. Pepe, Giám Mục Giáo Phận Las Vegas chủ tế, cha Tổng Quản Bob Stoeckig thuyết giảng sau phần Phúc Âm, ngài nói: “Tôi rất hân hạnh được đến tham dự Đại Hội Thánh Mẫu La Vang kỷ niệm 10 năm tạ ơn ngày Thánh Hiến. Cộng Đoàn Mẹ La Vang đây đã đóng góp rất nhiều trong việc phát huy và duy trì đời sống đạo trong Giáo Phận Las Vegas, mặc dù bên cuộc sống bận rộn, nhiều những biến cố, thử thách khó khăn. Chúng ta cần luôn cảm tạ chúa dù qua bao nhiêu biến cố. Biết ơn là điều phải đạo đối với người thụ ơn. Thói thường người biết ơn thì ít, vô ơn thì nhiều.

Chúng ta học hỏi lòng biết ơn của Chúa Giêsu như là một bài ca cảm tạ vì bất cứ biến cố nào Chúa Giêsu cũng nhớ cảm tạ Đức Chúa Cha. Nguyện xin Chúa chúc lành cho mọi người. Xin Đức Mẹ Maria chuyển lời để chúng con luôn biết tạ ơn Chúa và những ai làm ơn cho chúng ta…”

Sau thánh lễ, kết thúc ngày thứ hai của Đại Hội trong an bình và linh thánh. MC. cha Quang và thầy Hưởng chào hẹn gặp mọi người vào ngày mai trong thánh lễ bế mạc, ngài mời gọi và nhắc nhở mọi người đừng quên hiện diện trong thánh lễ bế mạc để nhận lãnh phép lành toàn xá của Đức Thánh Cha Phanxicô và hy vọng nhận lãnh lô độc đắc của vé xổ số cuối cùng.

Đại Hội Thánh Mẫu La Vang Las Vegas Tháng 10/2013

Joseph Phan văn Sỹ – Trích từ Thánh Mẫu La Vang Las Vegas

“Cầu nguyện là vấn đề đức tin, chứ không phải cảm giác”

“Cầu nguyện là vấn đề đức tin, chứ không phải cảm giác”

Có một bà mẹ gọi điện thoại cho cha xứ. Bà ấy mới thuyết phục được cô con gái đi tĩnh tâm và bà rất phấn khởi.

Trong cuộc đàm thoại, bà nói với cha xứ, “Con ao ước đứa con gái của con có một đức tin sâu đậm-giống như đức tin của con ngày xưa khi bằng tuổi cháu.”

Cha xứ trả lời quả thật là cô ấy có một đức tin sâu đậm. Có lẽ bây giờ bà không còn cảm thấy đức tin như ngày xưa, nhưng đó là vì bà đã trưởng thành và thăng tiến trong một chiều hướng mới.

Ông Keith Miller có cùng một nhận định quan trọng này trong cuốn The Taste of New Wine (Vị Rượu Mới).

Ông cho biết ông cảm thấy buồn khi không còn cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong khi cầu nguyện.

Rồi một ngày kia, bỗng dưng ông nhận ra sự sai lầm khi muốn cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa khi cầu nguyện. Nếu đó là lý do để ông cầu nguyện thì ông đã biến sự cầu nguyện thành một loại nuông chiều chính mình. Ông viết:

Tôi nhận ra rằng hầu hết cuộc đời tôi chỉ là một người duy cảm tâm linh, chỉ muốn cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong khi cầu nguyện, và tôi buồn khi không được…

Bởi đó tôi cố gắng cầu nguyện, dù có cảm thấy hay không, và rồi lần đầu tiên trong đời tôi thấy rằng chúng ta có thể sống dựa vào đức tin đơn thuần.

Hơn thế nữa, tôi thấy rằng chính sự cầu nguyện này lại giúp tôi cảm được sự hiện diện của Chúa nhiều hơn về sau.

Ông Keith không chỉ khám phá sự sai lầm khi luôn luôn muốn cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong khi cầu nguyện; ông còn học được điều quan trọng.

Ông biết một chân lý lớn lao về tâm linh rằng “ơn sủng nhờ sự cầu nguyện” thường xảy đến ngoài thời gian cầu nguyện.

Nói cách khác, có thể chúng ta chẳng cảm thấy gì trong khi cầu nguyện. Nhưng trên thực tế, một điều gì đó quan trọng và mỹ miều đang xảy ra.

Chúng ta đang vun trồng các hạt giống mà nó cần thời gian để nẩy mầm, để lớn lên và sinh hoa kết quả-sau này, bên ngoài thời gian cầu nguyện.

Và điều đó đã đưa chúng ta lại với nhau trong ngôi thánh đường này. Chắc chắn là có những lần chúng ta ao ước có được loại đức tin mạnh mẽ như của cô gái trung học trong câu chuyện mở đầu.

Có thể chúng ta từng bỏ cầu nguyện, vì chúng ta cảm thấy điều đó không giúp gì cho chúng ta.

Bởi đó, bài Phúc Âm hôm nay có một ý nghĩa đặc biệt cho chúng ta. Nó nói chúng ta phải kiên trì trong sự cầu nguyện, như bà goá trong dụ ngôn đã làm.

Và lý do chúng ta cần kiên trì là chính lý do mà chúng ta đã đề cập đến. Thiên Chúa làm sâu đậm thêm đức tin của chúng ta, đưa đức tin ấy ra ngoài mức độ cảm giác để đến mức độ đức tin.

Do đó, điều tệ hại mà chúng ta có thể vấp phạm là không kiên trì trong sự cầu nguyện, vì nó sẽ hủy hoại cả một tiến trình mà Thiên Chúa đã khởi đầu và đang tiến hành trong chúng ta.

Điều đó dẫn đến câu chuyện mà tôi muốn dùng để kết thúc. Câu chuyện này tóm lược những điều mà chúng ta vừa nói.

Một nhóm các thương gia ở Chicago từng gặp nhau để cầu nguyện suy niệm trong ba năm, và họ thường gặp nhau hàng tuần để hỗ trợ nhau và chia sẻ kết quả của sự cầu nguyện. Một hôm kia, có người nói:

Tôi phải chia sẻ với tất cả các bạn một điều quan trọng. Cách đây ba năm khi chúng ta bắt đầu, tôi nghĩ rằng chỉ sau khoảng một hai năm gì đó, mình trở nên một tay lão luyện về suy niệm. Nhưng sự thật lại trái ngược. Bây giờ tôi còn tệ hơn khi mới bắt đầu.

Một sự im lặng nặng nề. Rồi một người khác lên tiếng:

Anh Bob ơi, tôi rất vui khi thấy anh nói lên điều đó, vì tôi cũng rất giống anh. Bây giờ tôi thấy thật khó để suy niệm hơn khi mới khởi đầu. Có những lúc tôi thấy thật khô khan và trống rỗng. Nếu không vì nhóm này, có lẽ tôi không còn kiên trì được.”

Nghe đến đó, một người tên là Joe Cramblit lên tiếng:

Tôi sinh trưởng ở Wisconsin. Để tôi kể cho các anh nghe mùa bắp ở đó như thế nào. Tôi nghĩ nó có liên hệ đến tình trạng cầu nguyện của chúng ta.

“Sau khi hạt bắt được vùi xuống đất, điều đầu tiên chúng tôi làm là xin cho mưa xuống-thật nhiều mưa. Khi mưa xuống, bắp mới mọc lên. Đó là một cảnh tượng thật đẹp đến độ bạn chỉ muốn chạy ra ngoài cánh đồng và nhẩy múa.

“Sau đó chúng tôi làm một điều kỳ lạ-rất kỳ lạ, thực sự là kỳ cục! Chúng tôi cầu xin cho có quãng thời gian nắng gắt, thật khô cằn, để ép buộc rễ cái phải chui xuống đất tìm nước.

“Nếu quá nhiều nước, rễ bắp mọc ngang trên mặt đất và rễ cái không chui xuống đất tìm nước. Và như vậy, mùa màng sẽ kém vì khi mùa khô đến cây bắp không biết tìm đâu ra nước.

“Đây là điều tôi muốn nói. Thiên Chúa cũng thi hành điều tương tự với chúng ta trong sự cầu nguyện. Lúc đầu Thiên Chúa giúp chúng ta phấn khởi, thích thú trong sự suy niệm. Sau đó Thiên Chúa ban cho chúng ta giai đoạn khô khan với mục đích là buộc chúng ta phải đi sâu vào mức độ đức tin. Nếu điều này không xảy ra, chúng ta sẽ không sinh nhiều kết quả.

Không một ai trong nhóm có thể quên được sự giải thích đó.

Một người đại diện cho nhóm lên tiếng, “Tôi từng là người Công Giáo trong 50 năm và không ai giải thích sự quan trọng của đời sống tâm linh cho tôi cả.”

Chúng ta hãy kết thúc bằng việc suy niệm lời Chúa qua lời cầu sau:

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì những câu chuyện đầy phấn khởi của bà mẹ có đứa con gái tuổi trung học, của ông Keith Miller, và của người thương gia có cái nhìn sáng suốt về đời sống tâm linh mà nó phải phát triển, lớn lên và trưởng thành.

Xin Chúa giúp chúng con mở rộng tâm hồn để đón nhận hơn Chúa Thánh Thần, để chúng con kiên trì trong sự cầu nguyện, trưởng thành về tâm linh, và sinh kết quả.

Cha Mark Link

Cầu nguyện

Cầu nguyện

Đây là một dụ ngôn dễ hiểu. Chúa Giêsu đưa ra hai tình ảnh trái ngược. Một bên là bà goá nghèo khổ, bé nhỏ, không có tiếng nói trong xã hội. Một bên là ông quan toà bất nhân, chẳng sợ trời mà cũng chẳng nể người. Thật là một hoàn cảnh tuyệt vọng cho người phụ nữ không có tiếng nói. Nhưng nhờ kiên trì, bà đã đạt được ý nguyện. Chúa kể dụ ngôn này với mục đích: dạy các môn đệ hãy noi gương bà goá, cầu nguyện luôn không được nản chí. Bà goá nêu gương cầu nguyện cho ta ở 4 thái độ sau:

1. Thái độ khiêm nhường. Người đàn bà này rất khiêm nhường vì bà tự biết mình bé nhỏ nghèo hèn. Bị người ta ức hiếp mà chẳng thể tự bảo vệ. Không có sức khoẻ để chống lại người ác. Không người bênh vực chống lại bất công. Không có cả tiền bạc để mua lấy sự bình an. Bà mất tất cả. Chẳng còn gì. Chẳng có gì. Nói gương bà, khi cầu nguyện ta phải rất khiêm nhường. Khiêm nhường vì biết mình nghèo nàn yếu đuối, biết mình chỉ là thân phận tro bụi. Khiêm nhường biết mình đã cùng đường, không còn nơi nương tựa. Khiêm nhường biết mình bất tài bất lực không thể thoát khỏi hoàn cảnh bi đát này.

2. Thái độ phó thác. Bà goá này không còn nơi nương tựa. Chỉ còn trông cậy vào ông quan toà như lối thoát duy nhất. Bà đặt niềm tin vào ông quan toà. Đó là niềm hy vọng duy nhất và cuối cùng. Bà bám víu lấy ông quan toà. Bà phó thác vận mạng trong tay ông quan toà. Sự sống của bà ở nơi ông quan toà. Cũng thế, khi ta cầu nguyện, hãy hoàn toàn phó thác vận mệnh cho Chúa. Chúa là lối thoát duy nhất. Chỉ có Chúa mới có thể cứu giúp ta. Hơn nữa Chúa là người Cha toàn năng và giầu lòng thương xót. Ta là đứa con bé nhỏ, yếu ớt. Hãy đặt vận mệnh ta trong tay Chúa. Hãy tin tưởng Chúa sẽ sắp xếp cho ta những gì tốt đẹp nhất.

3. Thái độ kiên trì. Chỉ còn một con đường duy nhất để sống, nên bà kiên trì theo đuổi cho đến cùng. Thất bại không làm bà nản lòng. Bị hất hủi không làm bà bỏ cuộc. Niềm tin của bà thật lớn lao. Sự kiên trì của bà thật bền bỉ. Bà đã đi đến cùng và bà đã thành công. Cũng thế, khi cầu nguyện ta hãy kiên trì. Kiên trì chứng tỏ sự phó thác trong tay Chúa. Kiên trì chứng tỏ ta hoàn toàn yếu hèn chỉ biết trông cậy vào Chúa. Kiên trì chứng tỏ lòng ta yêu mến Chúa tha thiết. Chắc chắn Chúa sẽ dủ lòng thương ta.

4. Thái độ khao khát. Bà khao khát vì đó là con đường sống duy nhất. Bà khao khát được sống. Bà không ngồi đó chờ đợi. Nhưng làm hết cách, hết sức mình để đạt được khao khát đó. Bà không chán nản an nghỉ. Nhưng bà làm việc liên lỉ cho ước nguyện của mình. Cũng thế, khi cầu nguyện ta phải có lòng khao khát cháy bỏng. Lòng khao khát đó được biểu lộ trong hành động. Ta không ngồi chờ, nhưng đứng lên, ra đi và bắt tay hành động. Không lùi bước trước khó khăn, nhưng tìm hết cách để đạt được ước nguyện. Lòng khao khát chứng tỏ ta tha thiết với lời cầu nguyện. Lòng khao khát cùng với nỗ lực phấn đấu sẽ được Chúa thương chấp nhận.

Chiêm ngắm tấm gương của bà goá, ta nhận thấy rất nhiều khi ta chưa cầu nguyện cho đủ. Chưa thực hiện sự khiêm nhường nhận biết sự thực về mình. Chưa hoàn toàn phó thác vận mệnh trong tay Chúa. Chưa biết kiên trì đủ. Và nhất là chưa tha thiết tới mức ta tích cực làm hết sức mình cho nguyện ước đó. Hôm nay với bài học của Chúa, ta sẽ biết cầu nguyện hơn. Khi biết cầu nguyện hơn, chắc chắn lời cầu nguyện của ta sẽ đẹp lòng Chúa và đem lại nhiều lợi ích cho linh hồn ta hơn.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Kể ra những thái độ của bà goá mà ta cần noi theo khi cầu nguyện.
2. Đối với bạn Chúa là gì? Có phải là nguồn hy vọng duy nhất? Hay chỉ là một chỗ cậy nhờ như những chỗ khác?
3. Bạn có phấn đấu làm việc cho ước nguyện của mình không? Hay bạn chỉ ngồi chờ Thiên Chúa ban tặng?
4. Trong 4 thái độ cần có, bạn thiếu thái độ nào nhất?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

CHÚA GIÊSU DẠY CẦU NGUYỆN

CHÚA GIÊSU DẠY CẦU NGUYỆN

Theo tục lệ của người Do thái, Chúa Giêsu cầu nguyện một ngày 3 lần: buổi sáng khi mặt trời mọc, buổi chiều vào lúc cử hành hy tế trong đền thờ Giêrusalem (3giờ chiều) và ban tối khi màn đêm buông xuống. Trước và sau bữa ăn còn có những lời kinh tạ ơn. Các giờ cầu nguyện đó là thói quen hàng ngày của bất cứ người Do thái đạo đức nào. Nhưng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu còn có một cái gì đó vượt cao hơn mô hình truyền thống Do thái.

1. Chúa Giêsu cầu nguyện

Các sách Tin Mừng cho thấy, Chúa Giêsu cầu nguyện vào những giây phút quan trọng nhất trong cuộc đời của Người. Khi chịu Phép Rửa và nhận lãnh sứ mạng Chúa Cha giao phó (Lc 3,21); đêm trước khi chọn các môn đệ (Lc 6,12); trước khi biến hình (Lc 9,28); trước khi chữa bệnh cho nhiều người (Ga Lc 5,16); trước khi đặt ra cho các môn đệ câu hỏi quan trọng: người ta bảo Thầy là ai?; khi dạy các môn đệ cầu nguyện (Lc 11,1-2); khi các môn đệ đi truyền giáo lần đầu tiên trở về; trước khi chịu thương khó (Lc 22,34-46); trong bữa Tiệc Ly; đêm thương khó; trên Thánh giá (Lc 23,34.46)… Lời cầu nguyện đã nuôi sống tất cả sứ mạng của Người.

Các Tông đồ đã nhiều lần thấy Thầy cầu nguyện. Có lẽ khi Thầy cầu nguyện có một cái gì đó thật đẹp, thật huyền bí và cũng thật lôi cuốn tỏa ra từ nơi con người Thầy.

Vào một buổi sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu đã ra khỏi nhà ông Phêrô để tìm một nơi thanh vắng mà cầu nguyện (Mc 1,35). Chúa Giêsu phấn khởi trong Thánh Thần, Ngài ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Con ngợi khen Cha là Chúa trời đất, vì Cha đã mạc khải cho những kẻ bé mọn những điều mà Cha giấu không cho những bậc khôn ngoan và trí thức biết” (Lc 10,21).

Chúa Giêsu ngước mắt lên trời tâm sự với Chúa Cha rằng: “Con cảm tạ Cha vì Cha đã nghe lời con cầu xin. Vâng, con biết rằng lúc nào Cha cũng vẫn nghe lời con xin. Sở dĩ con nói thế là để những người đang đứng bên con đây tin rằng Cha đã sai con” (Ga 11,41-41). Đặc biệt là trong phòng Tiệc Ly, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời để cầu nguyện với Chúa Cha. Tâm sự ngỏ với Cha rất nhiều lời tha thiết (Ga 17).

Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu quỳ gối và cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu đựoc thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con, xin chỉ thực hiện ý của Cha” (Lc 22,42).

Lúc hấp hối trên Thánh giá, Chúa Giêsu cầu nguyện gởi lên Cha ba lời tâm sự tha thiết: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm; Lạy Cha, sao Cha bỏ con?; Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.

Chiêm ngắm Chúa Giêsu cầu nguyện, ta có thể hiểu rằng:

– Tư thế cầu nguyện rất linh động: có thể quỳ, có thể đứng, có thể ngồi… Ánh mắt ngước lên trời cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Cha trong cõi vô biên, hoặc nhắm mắt lại để cho hồn xoáy vào vô biên ấy.

– Nội dung cầu nguyện là ngỏ bày tâm tình của mình cho Chúa Cha. Tâm tình có khi là ngợi khen, chúc tụng, cảm tạ, có khi là thống hối, cầu xin. Luôn luôn kết thúc bằng hai ý nguyện: xin đừng theo ý con mà là theo ý Cha và con xin phó thác hồn con trong tay Cha.

– Nơi chốn cầu nguyện có thể là một nơi thanh vắng (Lc 5,16), trên núi (Lc 6,12;9,28), mà cũng có thể là nơi chỗ đông người (Ga 12,28).

– Thời gian cầu nguyện là bất cứ lúc nào, nhưng tốt nhất là sáng sớm tinh mơ hay lúc đêm về.

– Đỉnh cao của cầu nguyện chính là “xin đừng theo ý con mà theo ý Cha”.

2. Chúa Giêsu dạy cầu nguyện

Chúa Giêsu dạy phải cầu nguyện như Người hằng cầu nguyện (Lc 6,12); cầu nguyện cho các địch thù (Lc 6,28; Mt 5,34); kiên trì và tin tưởng cầu nguyện (Lc 11,5-8.9-13; Mt 7,7-11); cầu nguyện với lòng khiêm tốn để nhận ơn tha thứ (Lc18,9-14); vững tâm cầu nguyện đón chờ ngày Chúa đến (Lc 21,36); cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ (Lc 22,40.46)… Khi các môn đệ xin Người dạy cách cầu nguyện, Người dạy họ cầu nguyện với kinh Lạy Cha (Lc 11,2-4; Mt 6,9-13). Chúa Giêsu mang theo cả nhân loại trong lời cầu nguyện của mình. Người nói chuyện với Chúa Cha, bàn bạc với Chúa Cha về những việc Người làm cho công cuộc cứu độ nhân loại.

Tin mừng Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu dạy về sự cần thiết và hiệu nghiệm của lời cầu xin. Phải cầu nguyện liên lỉ, đừng bao giờ nhàm chán, đừng ngã lòng. Chúa dùng Dụ ngôn minh hoạ, ông quan toà bất lương gặp bà goá kêu nài.

Bà góa cô thân cô thế nhưng lại kiên trì cương quyết, bà tin chắc cứ kêu nài, cứ van xin, thế nào quan tòa cũng chịu xét xử. Quan tòa là người chẳng sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng cũng chịu thua bà góa. Ông minh xử cho bà goá không phải vì yêu thương, chẳng phải vì trách nhiệm mà là vì sợ bị quấy rầy. Một quan tòa vô đạo, bất công mà còn xét xử cho người van xin thì huống là Thiên Chúa, Đấng công minh chính trực, thưởng phạt công bằng, Đấng giàu lòng xót thương, luôn bênh đỡ những kẻ bé mọn kêu cầu Ngài!

Khi nói dụ ngôn này, Chúa Giêsu không có ý nói phải cầu xin thật dai dẳng thì mới được Thiên Chúa nhậm lời, nhưng Người muốn chúng ta tin tưởng vào hiệu lực của lời cầu xin, bởi vì “Có người cha nào, khi con mình xin cái bánh mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7,9-11).

3. Sự cần thiết của đời sống cầu nguyện

Sống lời Chúa Giêsu dạy, Thánh Phaolô khuyên các tín hữu cầu nguyện liên tục, không ngừng, ngày đêm. Ngài nói lên sự cần thiết của cầu nguyện bằng những lời tâm tình mời gọi: “Hãy chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12); “Anh em hãy bền đỗ cầu nguyện, tỉnh thức cầu nguyện và tạ ơn” (Co 14,2), “Đừng ngớt cầu nguyện” (1Thes 5,7; Rm 8,26-27).

Cầu nguyện là một vấn đề cần thiết, tối quan trọng, là một vấn đề sinh tử. Thánh Gioan Kim Khẩu so sánh sự cần thiết của lời cầu nguyện với chuyện cá trong nước. Bao lâu cá ở trong nước, nó vẫn sống, hoạt động và tăng trưởng, nhưng nếu cá bị bắt ra ngoài, chắc chắn nó sẽ chết. Cũng vậy, con người muốn sống siêu nhiên cần phải cầu nguyện, nếu không cầu nguyện họ sẽ mất ơn Chúa giúp, rồi dần dà họ sẽ mất sự sống siêu việt không khác nào cá phải chết vì không có nước.

Thánh Bênađô cũng đã so sánh sự hô hấp cần thiết cho con người như thế nào, thì lời cầu nguyện cũng cần thiết cho con người như vậy. Đối với linh hồn, cầu nguyện cần thiết cũng như hô hấp cần cho cơ thể con người. Nếu con người hô hấp khó khăn thì thân xác sẽ thành tiều tuỵ, và nếu hô hấp đình chỉ thì con người sẽ chết. Cũng thế, khi ta ít cầu nguyện, linh hồn biến thành bạc nhược, và khi ta không cầu nguyện tí nào, linh hồn ta sẽ chết đi trước mặt Chúa.

Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn, là sự sống, là sức mạnh của người Kitô hữu. Một đức tin không có cầu nguyện thì chỉ là một niềm tin vô ngã, vật chất.

Cầu nguyện là lẽ sống. Lời cầu nguyện có một tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc sống. Lời cầu nguyện chỉ thực sự có giá trị và sức mạnh khi phát xuất từ một đức tin có chất lượng và sống động.

4. Đỉnh cao cầu nguyện

Phần đông người tín hữu chúng ta ít khi biết cầu nguyện trong thinh lặng. Hễ cầu nguyện là chỉ biết đọc kinh. Đọc kinh ở nhà thờ, đọc kinh ở nhà. Có khi đọc kinh nhiều mà cầu nguyện chẳng bao nhiêu. Nhưng phút giây thinh lặng là những phút giây quan trọng để lắng nghe Chúa nói. Đỉnh cao của cầu nguyện là thinh lặng kính thờ Chúa.

Cầu nguyện không phải là vấn đề của kiến thức hay kỹ thuật. Cầu nguyện luôn đi đôi với đức tin và lòng mến. Vì thế phải cầu nguyện trong Thánh Thần (Rm 8,1), đơn sơ (Lc 18,15-17), khiếm tốn (Lc 18,14), trong thầm kín (Mt 6,6).

Khi cầu nguyện tâm trí được nâng lên cùng Thiên Chúa hầu suy tôn, tán tụng, cảm mến, tạ tội, xin ơn. Trình độ cầu nguyện cao nhất là : xin đừng theo ý con mà theo ý Cha.

Trong một thế giới ồn ào náo động như hiện nay, một thế giới bị ô nhiễm về môi sinh và bị ô nhiễm về tinh thần, người Kitô hữu phải là chứng nhân cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện vì muốn nên giống Chúa Giêsu, Đấng hằng cầu nguyện liên lỉ với Cha và dạy chúng ta cách thức cầu nguyện.

Lạy Chúa Giêsu, chiêm ngắm Chúa cầu nguyện, lắng nghe Chúa dạy cầu nguyện, chúng con nhận thấy đời sống cầu nguyện thật cần thiết cho đời tâm linh. Xin cho chúng con luôn yêu mến đời sống cầu nguyện; xin cho chúng con xác tín rằng, tự sức riêng, chúng con không làm được gì cả, nhưng với ơn Chúa, chúng con làm được nhiều điều tốt lành trong cuộc sống hàng ngày. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Kiên nhẫn cầu nguyện

Kiên nhẫn cầu nguyện

Người có tôn giáo luôn gắn liền với cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở, là sự sống của người tín hữu. Vậy cầu nguyện là gì?

Cầu nguyện theo thánh Augstinô là thưa chuyện với Chúa, như một người con hiếu thảo thưa chuyện với cha mẹ, hoặc như hai người bạn chân tình tâm sự với nhau.

Vâng, nếu hiểu cầu nguyện là một cuộc tâm sự, là một cuộc trò chuyện, thì quả thực cầu nguyện là một điều rất dễ dàng và dành cho mọi người, chứ không phải chỉ dành riêng cho các linh mục, tu sĩ hay những người trí thức.

Mỗi người trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về những lần trò chuyện, trao đổi tâm sự với người khác. Vậy chúng ta đã thường hay nói những gì?

Tôi xin thưa:

– Nếu là bè bạn thân thích, chúng ta có thể nói tới mọi sự: sự vui cũng như sự buồn, sự trong nhà cũng như sự ngoài ngõ, sự quan trọng cũng như sự tầm phào. Nói chung nếu là bạn bè chúng ta có rất nhiều điều để tâm sự với nhau, để kể cho nhau…

Khi đến với Chúa, chúng ta cũng có thể trình bày về những niềm vui, những nỗi buồn, những đắng cay và những băn khoăn lo lắng chúng ta đã gặp phải. Và chắc chắn khi niềm vui được chia sẻ, thì niềm vui sẽ được nhân rộng hơn lên. Nỗi buồn được chia sẻ, nỗi buồn sẽ vơi đi. Chính những lời kinh xuất phát từ giữa lòng cuộc đời, từ những biến cố xảy ra hằng ngày, sẽ dễ làm cho chúng ta cầm trí và tránh đi thói quen máy móc chiếu lệ trong cầu nguyện.

Tuy nhiên, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện trong kiên trì và tín thác. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi những ai kêu cầu Người, nhất là những người thấp hèn, bé nhỏ, miễn là biết đặt niềm tin tưởng vào Chúa.

Thánh nữ Monica đã luôn cầu xin Chúa cho đứa con hoang đàng của mình là Augustinô. Hằng ngày bà khóc lóc, ăn chay và hãm mình. Một hôm quá thất vọng, bà đã đến hỏi ý kiến thánh Ambrôsiô và thánh giám mục đã trả lời:

– Bà hãy yên trí, đứa con của biết bao nhiêu nước mắt sẽ không thể nào hư mất.

Mười tám năm đằng đẵng, sau cùng Augustinô mới trở lại.

– Như vậy, cầu nguyện là một việc rất dễ dàng mà bất cứ ai cũng đều có thể và phải làm được. Nhưng cầu nguyện không phải là chúng ta đòi Thiên Chúa làm theo ý chúng ta mà là để xin được theo ý Chúa với một lòng tin tưởng cậy trông tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Đức Hồng Y Jaime Sin, Tổng giám mục Manila, Phi Luật Tân, thường trích dẫn bài thơ của một tác giả vô danh trong các bài giảng của Ngài. Bài thơ ấy như sau:

Tôi đã xin Chúa cất khỏi sự kiêu hãnh của tôi và Chúa trả lời: “Không”. Ngài nói rằng không phải Ngài là người cất khỏi mà chính tôi mới là người phấn đấu để vượt thắng nó.

Tôi đã xin Chúa làm cho đứa con tàn tật của tôi được lành lặn và Chúa trả lời: “Không”. Ngài nói rằng tinh thần mới lành lặn, còn thể xác chỉ là tạm bợ.

Tôi đã xin Chúa ban cho tôi sự kiên nhẫn và Chúa đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng kiên nhẫn là hoa trái của thử thách. Ngài không ban cho tôi trái ấy mà để tôi tự tìm lấy.

Tôi đã xin Chúa ban cho tôi được hạnh phúc và Chúa đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng Ngài ban ân phúc cho tôi, còn hạnh phúc hay không là tùy tôi.

Tôi đã xin Chúa gia tăng tinh thần cho tôi và Chúa đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng tôi phải tự lớn lên, nhưng Ngài sẽ cắt tỉa để tôi mang nhiều hoa trái.

Tôi đã xin Chúa đừng để tôi đau khổ và Ngài đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng đau khổ là cho tôi được xa cách với những vướng bận trần gian và mang tôi đến gần Ngài.

Tôi đã hỏi: “Liệu Ngài có yêu tôi không” và Ngài đã trả lời rằng: “Có”. Ngài nói rằng Ngài đã ban cho tôi Người Con Một, Đấng đã chết vì tôi và một ngày nào đó, tôi sẽ được lên Thiên đàng vì tôi đã tin.

Tôi đã xin Chúa giúp tôi yêu mến tha nhân như Ngài yêu thương tôi và Chúa nói: “Cuối cùng con đã xin đúng điều ta chờ đợi”.

Nguyện xin Chúa ban thêm lòng tin để chúng ta luôn kiên nhẫn trong lời cầu nguyện và tín thác vào sự quan phòng của Chúa. Amen.

Lm. Jos. Tạ duy Tuyền

CẦU NGUYỆN VỚI TẤT CẢ TÂM HỒN

CẦU NGUYỆN VỚI TẤT CẢ TÂM HỒN

Suốt cuộc đời của Chúa Giêsu là lời cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện không ngừng.Chúa Giêsu bao giờ cũng cầunguyện khi ở riêng một nơi vắng vẻ, khi làm một việc gì, khi chọn các tông đồ, khi làm phép lạ. Chúa Giêsu đã nhiều lần dạy dỗ các môn đệ cầu nguyện, đặc biệt Chúa đã dạy các môn đệ kinh Lạy Cha. Do đó, Chúa nhật hôm nay Chúa cũng mời gọi chúng ta cầu nguyện với tất cả tấm lòng chân thành…

Tin Mừng thánh Luca hôm nay cho chúng ta thấy bộ mặt của vị thẩm phán sừng xỏ: “Tại thành nọ, có vị thẩm phán kia, Thiên Chúa thì chẳng kính sợ, mà người ta thì cũng chẳng kính nể…” (Lc 18, 2), một Ông Thẩm Phán ngồi trên tòa cao không phải để xét xử một cách công lý, nhân đạo, nhưng là để kiếm tiền bỏ đầy túi, làm giầu cho bản thân mình và làm giầu cho gia đình của mình. Câu chuyện thuật lại cách dí dỏm, có một bà góa tiền bạc chẳng có, của cải thì không, bà thuộc loại bần cố nông, nhưng bà lại bạo miệng. Bà không có quà cáp, không có tiền đút lót nhưng vì bà bạo phổi, bạo miệng, nên cuối cùng Ông Thấm phán cũng phải xiêu lòng giải quyết, chúng ta nghe Ông Thẩm Phán nói : “Cho dẫu Thiên Chúa, mình không sợ, mà người ta mình cũng chẳng kiêng nể, thì ít ra bởi mụ góa này cứ rầy quấy mình, mình cũng sẽ xử quách cho nó, kẻo nó cứ đến hoài làm bương đầu bương óc mình” (Lc 18, 4). Chúng ta cũng đọc thấy dụ ngôn người bạn quấy rầy lúc đêm khuya của thánh Luca. Hai dụ ngôn này cũng gợi lên cùng một ý. Chúa Giêsu đưa dụ ngôn như một lời gợi ý, một thể văn gợi ý mà thôi. Dụ ngôn cho thấy vị Thẩm Phán bất lương còn biết hành động để cầu an, để giải quyết cho xong những người cứ lải nhải, quấy rầy, Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn biết xót thương, chạnh lòng tha thứ cho những kẻ kêu xin Ngài. Thiên Chúa quả thực luôn lắng tai nghe lời chúng ta cầu khẩn, van xin Ngài đêm ngày. Lời cầu khẩn van nài của những kẻ kêu cứu Chúa với tấm lòng thành, luôn được Chúa lắng nghe. Có những chúng ta cầu nguyện nhưng không thấy Chúa nhận lời, Chúa bắt chúng ta chờ đợi, không phải vì Chúa khước từ, chối từ lời khẩn nguyện, van xin của chúng ta, nhưng Ngài muốn chúng ta kiên nhẫn, thanh lọc tư tưởng của chúng ta. Bởi vì, Chúa nói với chúng ta phải cầu nguyện luôn đừng nản chán, đừng thất vọng v.v… Lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta phải liên lỉ, cầu nguyện không ngừng, tất cả cuộc đời chúng ta phải là lời cầu nguyện như Chúa Giêsu. Chúng ta phải ý thức rằng việc cầu nguyện của chúng ta nhằm nối dài hành vi sáng tạo của Thiên Chúa, hành vi cứu chuộc của Chúa Giêsu, nhằm thực hiện những chương trình của Thiên Chúa trên thế giới, trên con người v.v… Chính vì thế, mọi việc, mọi tư tưởng, ý nghĩ của chúng ta phải biến thành những việc linh thánh. Đây là ý nghĩa việc cầu nguyện sâu xa của thời đại chúng ta hôm nay. Nhờ hiểu như thế,nhờ cách cầu nguyện này, chúng ta hiểu được lời của Chúa : “Phải cầu nguyện luôn, cầu nguyện không ngừng”.

Chúa luôn muốn con người kết hiệp với Chúa, Ngài luômn muốn chúng ta dâng lời cầu nguyện lỉ lỉ bởi vì lúc thức dậy chúng ta dâng mình cho Chúa, xin Chúa chúc lành cho một ngày mới, rồi suốt một ngày với bao công việc, với bao nhọc nhằn, lao động trí óc, lao động chân tay, chúng ta dâng những công việc ấy cho Chúa như một lời cầu nguyện. Tối về chúng ta dâng cho Chúa giấc ngủ như một lời cầu nguyện kéo dài và xin Chúa cho chúng một giấc ngủ bình an, tha thứ những lỗi lầm để ngày hôm sau chúng ta sống tốt hơn, sống đẹp hơn… Thực hiện được điều đó là chúng ta biến đời chúng ta thành lời cầu nguyện không ngừng. Cầu nguyện phải là lẽ sống của mỗi người chúng ta…

Chúa đã nói : “Ai xin sẽ được.Ai tìm sẽ gặp. Ai gõ sẽ mở”. Chúng ta phải khẩn khoản cầu xin, phải cầu nguyện mãi mãi. Chúa Giêsu trong đoạn Tin mừng này đã kết thúc dụ ngôn bằng một lời thật bí ẩn, một lời huyền diệu : “Khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất này nữa chăng?”. Có một điều thật an ủi, Chúa nói rằng ai bền đỗ, kiên nhẫn, bền bỉ cầu nguyện sẽ giữ được đức tin của mình.

Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho công việc truyền giáo. Chúng ta hãy nhớ lời Chúa : “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Chúng ta hãy xin Chúa sai nhiều thợ gặt đến gặt lúa trong các cánh đồng…Đây là bổn phận loan báo Tin mừng của mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn yêu thương chúng con, yêu thương mọi người bằng một tình yêu nhưng không : “Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình” (Ga 15, 13). Xin ban thêm lòng tin cho chúng con, xin giúp chúng con luôn biết siêng năng cầu nguyện để cuộc đời của chúng con luôn là lời cầu không ngừng, cảm tạ tri ân Thiên Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1. Vị Thẩm Phán trong đoạn Tin Mừng hôm nay là người thế nào ?
2. Bà góa là người thế nào ?
3. Tại sao lại phải cầu nguyện ?
4. Chúa khuyên chúng ta phải cầu nguyện làm sao ?

LM Giuse Nguyễn Hưng Lợi  (DCCT)

Đức Thánh Cha ca ngợi Ủy ban Giám Mục phụng vụ Anh Ngữ (ICEL)

Đức Thánh Cha ca ngợi Ủy ban Giám Mục phụng vụ Anh Ngữ (ICEL)

VATICAN. ĐTC Phanxicô ca ngợi công trình và nhiệt liệt cám ơn Ủy ban Quốc Tế về Anh ngữ trong phụng vụ, gọi tắt là ICEL (International Commission on English in the Liturgy), đã góp phần vào đời sống cầu nguyện của các tín hữu và củng cố sự hiệp nhất của Giáo Hội.

Ủy ban ICEL được thành lập cách đây 50 năm và qui tụ đại diện của 11 HĐGM nói tiếng Anh (Úc, Canada, Anh Quốc, Ấn độ, Ailen, New Zealand, Pakistan, Philippines, Scotland, Nam Phi và Hoa Kỳ). Để đánh dấu biến cố này, Ủy ban đang nhóm họp tại Roma trong những ngày này và sáng 18-10-2013, 25 GM thành viên và chuyên gia của Ủy ban đã được ĐTC tiếp kiến.

Ngài ghi nhận rằng trong 50 năm qua, công việc của Ủy ban ICEL không phải chỉ dịch các văn bản phụng vụ ra tiếng Anh, nhưng còn góp phần vào sự tiến bộ trong việc học hỏi, hiểu và hấp thụ truyền thống bí tích của Giáo Hội. Công việc của Ủy ban đã giúp các tín hữu tham gia phụng vụ một cách ý thức, tích cực và sốt sắng, như Công đồng chung Vatican 2 đã yêu cầu.

ĐTC nói: ”Thành quả công việc của anh chị em thật là hữu ích, giúp vô số các tín hữu Công Giáo cầu nguyện và góp phần vào sự hiểu biết đức tin, thực thi chức linh mục chung của các tín hữu và canh tân năng động truyền giáo của Hội Thánh. Tất cả đều là những đề tài chủ yếu trong giáo huấn của Công Đồng”. Trong thực tế, như Đức Chân Phước Gioan Phaolô 2 đã nhấn mạnh, ”Đối với nhiều người, sứ điệp của Công đồng chung Vatican 2 được lãnh hội trước tiên nhờ cuộc cải tổ phụng vụ” (Tông thư Vigesimus quintus annus, n.12) (SD 18-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha chào mừng Hội nghị tái truyền giảng Tin Mừng ở Philippines

Đức Thánh Cha chào mừng Hội nghị tái truyền giảng Tin Mừng ở Philippines

VATICAN. ĐTC gửi sứ điệp chào mừng và cầu chúc thành công cho Hội nghị về tái truyền giảng Tin Mừng do Tổng giáo phận Manila, Philippines, tổ chức từ ngày 16 đến 18-10-2013, nhân dịp gần kết thúc Năm Đức Tin.

Hội nghị diễn ra tại Đại học thánh Tôma ở Manila với sự tham dự của khoảng 5 ngàn đại biểu, gồm GM, LM, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo dân, không những từ các nơi ở Philippines, nhưng còn từ nhiều nước khác như Đài Loan, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Myanmar. Hội nghị đặc biệt để ý tới những thách đố do trào lưu tân tiến hóa tạo nên.

Trong sứ điệp Video, ĐTC gọi Hội nghị đầu tiên tại Philippines về tái loan báo Tin Mừng là một món quà quí giá cho Năm Đức Tin và ngài nói: ”Tôi hy vọng với Hội nghị này, anh chị em một lần nữa có thể biết sự hiện diện yêu thương của Chúa Giêsu trong đời sống của mình, yêu mến Giáo Hội hơn nữa và thông truyền Tin Mừng cho tất cả mọi người, với lòng khiêm tốn và vui tươi. Anh chị em đừng mệt mỏi trong việc mang lòng từ bi của Chúa Cha cho những người nghèo, các bệnh nhân, những người bị bỏ ơi, các bạn trẻ và gia đình. Hãy làm cho thé giới chính trị, xí nghiệp, văn hóa, khoa học kỹ thuật và truyền thông xã hội được biết Chúa Giêsu. Hãy để Chúa Thánh Linh đổi mới mọi thụ tạo và mang công lý và hòa bình đến Philippines cũng như đại lục Á châu bao la, vốn gần gũi với tâm hồn tôi”.

Hội nghị được khai mạc hôm thứ tư 16-10-2013, với bài thuyết trình của ĐHY Luis Antonio Tagle, nói về ”Chiều kích truyền giáo trong việc loan báo Tin Mừng”. Trong hội nghị có nhiều sinh hoạt: từ các bài huấn giáo dấn, các cuộc thảo luận bàn tròn và chia sẻ. Thánh lễ bế mạc Hội nghị hôm qua (18-10) đã do Đức TGM Giuseppe Pinto, Sứ Thần Tòa Thánh tại Philippines, chủ sự (SD 18-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Giám mục Đức có ‘lối sống xa hoa’ bị triệu về Rôma

Giám mục Đức có ‘lối sống xa hoa’ bị triệu về Rôma

Erik Kirschbaum cho Reuters FaithWorld

Một giám mục Công giáo người Đức bị chỉ trích chi tiêu xa hoa vào biệt thự sang trọng và bị cáo buộc nói dối trước tòa vừa bay sang Rôma để gặp các viên chức Tòa Thánh và có thể cả Đức Giáo hoàng Phanxicô để quyết định xem ngài có nên tại vị nữa không.

Giám mục Đức có ‘lối sống xa hoa’ bị triệu về Rôma thumbnail

 

Hôm Chủ nhật một phát ngôn viên xác nhận rằng Đức Giám mục Franz-Peter Tebartz-van Elst của giáo phận Limburg đã đi xa nhưng không nói ngài đi khi nào và trong bao lâu. Ông từ chối bình luận các bản tin báo chí nói rằng vị giám chức đã đi máy bay của một hãng giá rẻ.

Đức cha Tebartz-van Elst vừa gây ra một cuộc khủng hoảng trong Giáo hội Đức vì đã xây một biệt thự sang trọng và khu phức hợp văn phòng tại thời điểm mà đức tân giáo hoàng đang nhấn mạnh đến sự khiêm nhường và phục vụ người khó nghèo.

“Đức cha đã làm rõ rằng bất kỳ quyết định nào về sự phục vụ của ngài với tư cách là một giám mục đều nằm trong tay Đức Thánh cha” – thông cáo giáo phận nói hôm thứ Bảy.

“Vị giám mục đau buồn trước sự gia tăng của cuộc thảo luận hiện nay. Ngài nhận thấy và lấy làm tiếc rằng nhiều tín hữu đang chịu đau khổ do tình hình hiện nay”, theo thông cáo.

Đức cha Tebartz-van Elst, người có phong cách baroque khá giống với mô hình bảo thủ của Công giáo La Mã mà vị cựu Giáo hoàng Biển Đức XVI vạch ra, cũng bị cáo buộc nói dối trước tòa về một chuyến bay hạng nhất đến thăm các chương trình giảm nghèo ở Ấn Độ.

Nguồn: Reuters FaithWorld. Trích từ UCANEWS VietNam

Vatican kêu gọi đừng quá vội vàng cải cách

Vatican kêu gọi đừng quá vội vàng cải cách

Eric J. Lyman cho Religion News Service

Giáo phận Freiburg tỏ ý sẵn sàng cho người Công giáo ly hôn rước lễ.

Đức Thánh cha Phanxicô trở thành tin tức chính của báo đài trên toàn thế giới khi đưa ra những lời bình luận mang tư tưởng cải cách về nhiều vấn đề từ việc Giáo hội bị “ám ảnh” những vấn đề gây chia rẽ như phá thai và đồng tính đến vai trò của phụ nữ trong ban lãnh đạo Giáo hội.

Nhưng hôm thứ ba, 8-10, Vatican cảnh báo các Giáo hội địa phương không nên đi trước Đức Thánh cha và tự ý thực hiện quá trình cải cách này.

Giáo phận Freiburg ở Đức gần đây đã dự tính cải cách và nói người Công giáo ly hôn và tái hôn có thể rước lễ nếu họ “đang cố gắng sống theo đức tin”.

Linh mục người phát ngôn chính của Vatican Federico Lombardi cảnh báo quan điểm của giáo phận này không phải là quan điểm được Giáo hội chấp thuận, và vấn đề này sẽ được xem xét vào năm sau trong phiên họp đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục tại Vatican, sẽ diễn ra từ ngày 5-19/10/2014.

Đây sẽ là thượng hội đồng bất thường thứ ba, một cuộc họp được tổ chức thêm ngoài các cuộc họp thông thường của Vatican, kể từ khi Đức Thánh cha Phaolô VI phục hồi việc làm này cách đây gần 50 năm.

“Khi người dân hay các văn phòng địa phương đề xuất các giải pháp mục vụ đặc biệt, sẽ có khả năng gây nhầm lẫn”, cha Lombardi nói.

Nguồn: Religion News Service – UCANEWS VietNam

Đức Thánh Cha giải thích ”Giáo Hội tông truyền”

Đức Thánh Cha giải thích ”Giáo Hội tông truyền”

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 80 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 16-10-2013, ĐTC Phanxicô đã giải thích ý nghĩa ”Giáo hội tông truyền” và nhắn nhủ các tín hữu cầu nguyện và loan báo Tin Mừng.

Như thường lệ, ĐTC đã đi ra Quảng trường Thánh Phêrô hơn nửa giờ trước khi bắt đầu buổi tiếp kiến, để chào thăm các tín hữu dọc theo các lối đi. Cạnh lễ đài có 2 HY và 20 GM tham dự buổi tiếp kiến.

Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha

”Khi chúng ta đọc kinh Tin Kính, chúng ta nói: ”Tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền”. Tôi không biết có bao giờ anh chị em suy nghĩ về ý nghĩa của thành ngữ ”Giáo Hội là tông truyền” hay không. Có lẽ vài lần, khi đến Roma, anh chị em đã nghĩ đến tầm quan trọng của thánh Phêrô và Phaolô là những người đã hiến mạng sống để mang đến và làm chứng cho Tin Mừng.

Tuyên xưng rằng Giáo Hội là tông truyền có nghĩa là nhấn mạnh mối liên hệ cấu thành của Giáo Hội với các Tông Đồ, với nhóm nhỏ 12 người mà một hôm Chúa Giêsu đã kêu gọi, ngài gọi đích danh, để họ ở lại với Ngài và để sai họ đi rao giảng (Xc Mc 3,13-19). Thực vậy, ”Tông đồ” là một từ Hy Lạp có nghĩa là ”được sai đi”, ”được phái đi”.

Tông đồ là một người được sai đi, được gửi đi để làm cái gì đó. Đó là một lời mạnh mẽ và các Tông đồ đã được Chúa Giêsu tuyển chọn, được kêu gọi và sai đi, để tiếp tục công việc của Chúa, nghĩa là: cầu nguyện, đó là công việc đầu tiên của một tông đồ. Thứ hai là loan báo Tin Mừng. Đây là điều quan trọng, vì khi nghĩ đến các tông đồ, chúng ta nghĩ các vị chỉ đi loan báo Tin Mừng, làm bao nhiêu công việc.. Nhưng trong thời kỳ đầu tiên của Giáo Hội, đã có một vấn đề, vì các tông đồ làm bao nhiêu là việc, không xuể. Vì thế các vị đã chọn các phó tế để có thể có giờ cầu nguyện và loan báo Lời Chúa. Và khi chúng ta nghĩ đến những người kế vị các tông đồ là các Giám Mục, cả Giáo Hoàng cũng là giám mục, chúng ta phải tự hỏi xem người kế vị Tông đồ này có cầu nguyện hay không, rồi loan báo Tin Mừng. Vì thế, Giáo Hội là tông truyền. Và tất cả chúng ta nếu muốn là tông đồ, thì chúng ta cũng phải tự hỏi: tôi có cầu nguyện cho sự cứu độ thế giới và loan báo Tin Mừng hay không?. Đó là Giáo Hội tông truyền. Đó là một liên hệ cấu thành mà chúng ta đang có với các tông đồ.

Đi từ điều đó, tôi muốn nhấn mạnh vắn tắt 3 ý nghĩa của từ ”tông truyền” được áp dụng cho Giáo Hội.

1. Giáo Hội là tông truyền vì được xây dựng trên lời rao giảng và kinh nguyện của các Tông Đồ, trên quyền bính được chính Chúa Kitô ban cho các vị. Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Kitô thành Ephêsô: ”Anh chị em là đồng bào của các thánh và người thân thích của Thiên Chúa, được xây dựng trên nền tảng các tông đồ và ngôn sứ, có đá góc là chính Chúa Giêsu Kitô” (2, 19-20); nghĩa là thánh nhân ví các tín hữu Kitô với những viên đá sống động họp thành tòa nhà là Giáo Hội, và tòa này này được xây dựng trên các Tông Đồ – như những cây cột- và viên đá nâng đỡ tất cả chính là Chúa Giêsu. Nếu không có Chúa Giêsu thì không thể có Giáo Hội. Chúa Giêsu chính là nền tảng của Giáo Hội. Các tông đồ đã sống với Chúa Giêsu, đã lắng nghe lời Ngài, đã chia sẻ cuộc sống, nhất là các vị là chứng nhân về cái chết và sự sống lại của Chúa. Đức tin của chúng ta, Giáo Hội mà Chúa Kitô mong muốn, không dựa trên một ý tưởng, một triết lý, nhưng trên chính Chúa Kitô. Và Giáo Hội giống như một cây, qua các thế kỷ lớn lên, phát triển và mang lại nhiều hoa trái, nhưng các rễ của cây được ăn sâu trong Chúa và kinh nghiệm cơ bản về Chúa Kitô mà các Tông đồ được chọn và sai đi có được, được truyền đến tận chúng ta: từ chiếc cây bé nhỏ cho đến ngày nay. Đó là Giáo Hội cho toàn thế giới.

2. Nhưng chúng ta tự hỏi: làm sao chúng ta có thể liên kết với chứng tá ấy, làm sao chứng từ của các tông đồ, những gì các vị đã sống với Chúa Giêsu, những gì các vị đã nghe được từ Chúa, có thể được truyền đến chúng ta? Đây chính là ý nghĩa thứ của từ ”đặc tính tông đồ”. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo quả quyết rằng Giáo Hội là tông truyền vì Giáo Hội ”gìn giữ và thông truyền” nhờ sự trợ giúp của Thánh Linh ở trong Giáo Hội, giáo huấn, kho tàng tốt đẹp, những lời lành mạnh đã được các Tông Đồ nghe” (n.857). Giáo Hội bảo tồn qua các thế kỷ kho tàng quí giá là Kinh Thánh, đạo lý, các bí tích, sứ vụ của các Mục Tử, nhờ đó chúng ta có thể trung thành với Chúa Kitô và tham gia vào chính đời sống của Chúa. Giống như một giòng sông chảy qua lịch sử, phát triển, tưới gội, nhưng nước chảy trong sông vẫn luôn là nước xuất phát từ nguồn mạch, từ chính Chúa Kitô: Ngài là Đấng Phục Sinh, là Đấng Hằng Sống, và những lời của Ngài không qua đi vì chính Chúa không qua đi, Ngài hằng sống, Ngài ở giữa chúng ta ở đây. Ngài nghe chúng ta khi chúng ta nói với Ngài, Ngài ở trong tâm hồn chúng ta: Chúa Giêsu đang ở với chúng ta! Đó là vẻ đẹp của Giáo Hội: Chúa Giêsu Kitô hiện diện giữa chúng ta. Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng hồng ân mà Chúa Kitô ban cho chúng ta quan trọng dường nào, hồng ân Giáo Hội? Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng làm sao mà Giáo Hội, trong hành trình dài qua các thế kỷ, mặc dù có những khó khăn, những vấn đề và yếu đuối, tội lỗi, vẫn thông truyền cho chúng ta sứ điệp đích thực của Chúa Kitô? Chúng ta có an tâm về sự kiện này là điều mà chúng ta tin thực sự điều mà Chúa Kitô đã thông truyền cho chúng ta hay không?

3. Tư tưởng sau cùng: Giáo Hội là tông truyền vì được sai đi để mang Tin Mừng cho toàn thế giới. Trong hành trình lịch sử, Giáo Hội tiếp tục sứ mạng mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho các Tông Đồ: ”Vậy các con hãy đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho các con. Và này đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Đó là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta làm. Tôi nhấn mạnh khía cạnh về đặc tính truyền giáo này, vì Chúa Kitô sai tất cả mọi người hãy đi gặp gỡ tha nhân, Ngài gửi chúng ta đi, yêu cầu chúng ta hãy chuyển động để mang niềm vui Phúc Âm! Một lần nữa chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có phải là truyền giáo bằng lời nói và nhất là bằng đời sống Kitô của chúng ta hay không? Hay chúng ta khép mình trong tâm hồn và trong nhà thờ và chúng ta là Kitô hữu phòng thánh? Kitô hữu hữu danh nhưng sống như dân ngoại? Đây không phải là lời trách cứ, cả tôi cũng tự nhủ mình như vậy: tôi là Kitô như thế nào? có phải bằng chứng tá hay không?

Giáo Hội có căn cội nơi giáo huấn của các Tông đồ, là những chứng nhân chân thực của Chúa Kitô, nhưng Giáo Hội nhìn về tương lai, ý thức mạnh mẽ mình được sai đi, là thừa sai. Một Giáo Hội khép kín vào trong mình và trong quá khứ, hoặc một Giáo Hội chỉ tuân giữ những qui luật nhỏ bé vì thói quen, thì phản bội chính căn tính của mình. Như thế, chúng ta tái khám phá vẻ đẹp và trách nhiệm là một Giáo Hội tông truyền! Anh chị em có nhớ không: Giáo hội là Tông Truyền vì chúng ta cầu nguyện, như một nghĩa vụ thứ I, và vì chúng ta loan báo Tin Mừng chằng cuộc sống cũng như bằng lời nói.

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý trên đây, các giám chức tại Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt ý chính bài huấn giáo của ĐTC, cũng như dịch những lời chào của ngài từ tiếng Ý sang các ngôn ngữ chính.

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt chào thăm các tín hữu đến từ đảo La Reunion xa xăm, tận miền cực nam của Phi châu và ca đoàn ”Son qui” từ Bỉ và đông đảo người trẻ.

Với các tín hữu nói tiếng Anh, ngài nhắc đến những người đến từ các nước như Anh, Ecosse, Đan Mạch, Na Uy, Israel, Australia, Trung Quốc, Hoa kỳ và Canada. Ngài đặc biệt chào thăm Phái đoàn của Học Viện quốc phòng của Khối Nato.

Với các nhóm tín hữu nói tiếng Arập, ĐTC nhắc đến các tín hữu đến từ Irak và Giordani. Ngài mời gọi họ càu nguyện để Giáo Hội là ngọn lửa cháy nồng dẫn đưa mọi người đến cùng Chúa Kitô là Đường, Sự thật và Sự Sống.
Khi chào các tín hữu nói tiếng Ba Lan, ĐTC nói: ”Hôm nay tại thành phố Katowice có một biến cố quan trọng về văn hóa và tôn giáo: một cuộc trình diễn thánh về đời sống và linh đạo của thánh Phanxicô, với sự tham dự của hàng trăm nghệ sĩ và hàng ngàn khán giả. Tôi cầu chúc cho ban tổ chức và các tham dự viên để cuộc gặp gỡ nghệ thuật này với Vị Thánh Nghèo thành Assisi khơi lên trong tâm hồn mọi người lòng yêu mến Thiên Chúa Đấng tạo Hóa, lòng tôn trọng thiên nhiên và có lòng bác ái hữu hiệu đối với những người đang cần trợ giúp về tinh thần và vật chất.

”Tôi phó thác tất cả anh chị em hiện diện nơi đây và những người thân yêu của anh chị em cho sự chuyển cầu nơi thiên quốc của Chân Phước Gioan Phaolô 2 nhân ngày kỷ niệm 35 năm Người được bầu lên Ngai Tòa Thánh Phêrô, và tôi chân thành chúc lành cho anh chị em.

Sau cùng, với các tín hữu nói tiếng Ý, ĐTC nồng nhiệt chào thăm các nhân viên của nhiều đại sứ quán cạnh Tòa Thánh và cám ơn vì công việc quí giá mà họ thực hiện. Tiếp đến là các đại biểu của Phong trào quốc tế Thế giới thứ tư, nhân dịp áp ngày Khước Từ lầm than, và trong ngày Thế giới về lương thực do LHQ đề xướng.”

ĐTC cũng đặc biệt nghĩ đến các bạn trẻ, các bệnh nhân và các cặp tân hôn. Ngài nói: ”Hôm nay chúng ta kính nhớ thánh nữ Margarita Maria Alacoque. Các bạn trẻ thân mến, ước gì lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu dạy các bạn, đặc biệt các bạn trẻ thuộc Học Viện Salesien Borgo di Roma và Học Viện thánh ở Salermo, hãy yêu mến như Chúa; làm cho anh chị em bệnh nhân quí mến trở nên mạnh mẽ can đảm trong khi vác thánh giá đau khổ với lòng kiên nhẫn, và sau cùng ước gì lòng sùng kính Thánh Tâm là trợ lực cho các đôi tân hôn quí mến trong việc xây dựng gia đình của các con trong sự trung thành và tận tụy.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Lương Thực

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Lương Thực

ROMA. ĐTC Phanxicô kêu gọi tăng cường giáo dục về tình liên đới, phá đổ những bức tường ích kỷ, thay đổi lối sống và bài trừ nạn phung phí lương thực, trong nỗ lực xóa bỏ nạn đói trên thế giới.

Trên đây là nội dung sứ điệp của ĐTC được công bố hôm 16-10-2013, tại trụ sở Tổ chức Lương Nông Quốc tế, gọi tắt là Fao, ở Roma, nhân ngày Lương Thực tế giới, năm nay được cử hành với chủ đề ”Những người lành mạnh tùy thuộc các hệ thống lương thực lành mạnh”. Sứ điệp bằng tiếng Tây Ban Nha của ĐTC được Đức Cha Luigi Travaglino, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại tổ chức FAO, tuyên đọc.

Trong Sứ điệp, ĐTC khẳng định rằng ”thật là một gương mù vì còn nạn đói và suy dinh dưỡng trên thế giới. Vấn đề ở đây không phải chỉ đáp ứng tình trạng khẩn cấp trước mắt, nhưng là cùng nhau, ở mọi cấp độ, đương đầu với một vấn đề đang đặt câu hỏi cho lương tâm bản thân và xã hội của chúng ta, để đạt tới một giải pháp chính đáng và lâu bền… Một điều nghịch lý đó là trong một thời đại mà sự hoàn cầu hóa cho biết những tình trạng thiếu thốn trên thế giới và gia tăng những trao đổi cũng như những quan hệ giữa con người với nhau, thì dường như người ta càng có xu hướng cá nhân chủ nghĩa, khép kín vào mình, đưa tới một thái độ dửng dưng trên bình diện bản thân, tổ chức và quốc gia, đối với những người đang chết vì đói hoặc chịu đau khổ vì suy dinh dưỡng, như thể đó là một sự kiện không thể tránh được”.

Trong bối cảnh trên đây, ĐTC kêu gọi gia tăng giáo dục về tình liên đới, tái khám phá giá trị và ý nghĩa của từ này, một từ gây khó chịu và thường bị người ta gạt bỏ, trong những chọn lựa chính trị, kinh tế và tài chánh.
Mặt khác, ĐTC đặc biệt tố giác hiện tượng phung phí lương thực trên thế giới. Các con số do tổ chức Fao công bố cho thấy khoảng 1 phần 3 lương thực được sản xuất trên thế giới không được sử dụng vì bị thất thoát hoặc phung phí. Số lượng thực phẩm này đủ để giảm bớt đáng kể số người đói.

ĐTC nhận xét rằng sự phung phí lương thực chỉ là một trrong những hậu quả của nền văn hóa loại bỏ, thường khiến cho người ta hy sinh con người cho những thần tượng của lợi lộc và tiêu thụ.

Sau cùng, ĐTC kêu gọi đặt con người và phẩm giá của con người thực sự ở vị trí trung tâm. Điều này phải được bắt đầu từ ngay trong gia đình: trong cộng đồng giáo dục đầu tiên này, ta có thể học cách chăm sóc tha nhân, thiện ích của người khác, yêu mến sự hòa hợp của thiên nhiên, vui hưởng và chia sẻ hoa trái của thiên nhiên, tạo điều kiện cho sự tiêu thụ hợp, quân bình và dài hạn. Cần nâng đỡ và bảo vệ gia đình để gia đình giáo dục con em về tình liên đới và thái độ tôn trọng. Đó là một bước tiến quyết định để tiến về một xã hội công bằng và nhân bản hơn (SD 16-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP  – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cám ơn ĐHY Bertone và chào Đức TGM Parolin

Đức Thánh Cha cám ơn ĐHY Bertone và chào Đức TGM Parolin

VATICAN. Hôm 15 tháng 10-2013, ĐHY Tarcisio Bertone, đã chấm dứt nhiệm vụ Quốc vụ khanh Tòa Thánh kéo dài trong 7 năm qua.

Nhiệm vụ này được ĐTC ủy thác cho vị tân Quốc vụ khanh là Đức TGM Parolin. Tuy nhiên, Đức TGM không có mặt trong buổi bàn giao vì đang chịu một cuộc giải phẫu và sẽ chính thức nhận nhiệm vụ trong vài tuần lễ tới đây sau khi bình phục như chính ĐTC loan báo trong buổi gặp gỡ chung các chức sắc và nhân viên Phủ Quốc Vụ Khanh tại Thư viện của cơ qua này.

Đức TGM Pietro Parolin được ĐTC tuyên bố bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh hôm 31-8-2013. Ngài sinh trưởng tại tỉnh Vicenza, bắc Italia, năm nay 58 tuổi, phục vụ trong ngành ngoại giao Tòa Thánh từ năm 1986. Ngài từng làm thứ trưởng ngoại giao từ cuối năm 2002, và trong 4 năm qua, ngài làm TGM Sứ Thần Tòa Thánh tại Venezuela.
Lên tiếng trong cuộc gặp gỡ sáng 15-10, ĐTC nói: ”Chúng ta họp nhau để cám ơn ĐHY Tarcisio Bertone, hôm nay giã từ nhiệm vụ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và để chào mừng Đức TGM Parolin, nhưng đây là một cuộc chào mừng ”khiếm diện” vì Đức TGM sẽ nhận nhiệm vụ mới trong vài tuần nữa, so với ngày hôm nay, vì ngài phải chịu một cuộc giải phẫu nhỏ.

”Trong lúc này đây có một tâm tình biết ơn tôi muốn chia sẻ với tất cả anh chị em. ĐHY Tarcisio quí mến, tôi nghĩ là tôi cũng giải thích tư tưởng của vị tiền nhiệm quí mến của tôi Biển Đức 16 khi nồng nhiệt cám ơn ĐHY vì công việc đã thi hành trong những năm này. Nơi ĐHY tôi thấy trước tiên là một người con của Don Bosco. Tất cả chúng ta đều được ghi đậm tiểu sử của Thánh Nhân.”

ĐTC nhắc lại quá trình phục vụ của ĐHY Bertone, trước tiên trong ngành giáo dục, rồi trong sứ vụ GM giáo phận, trong công việc tại giáo triều Roma, cho đến nhiệm vụ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, theo ơn gọi LM dòng Salésien. Ngài cũng đề cao lòng yêu mến của ĐHY như một tu sĩ Salésien đối với Giáo Hội, đặc biệt là với Người Kế Vị Thánh Phêrô, lòng trung thành vô điều kiện với thánh Phêrô, đối với ĐGH Biển Đức 16 và đối với tôi trong những tháng qua.

Ám chỉ tới những đau khổ, những chỉ trích phê bình mà ĐHY Bertone phải chịu, ĐTC nói thêm rằng:

”Sau cùng tôi cũng muốn cám ơn ĐHY vì lòng can đảm và kiên nhẫn mà ĐHY đã đương đầu với những chống đối và nghịch cảnh. Rất nhiều nghịch cảnh. Trong số những giấc mơ được Don Bosco kể lại cho những người trẻ của Ngài có giấc mơ hoa hồng. ĐHY có nhớ chăng? Thánh Bosco thấy một giàn đầy hoa hồng và bắt đầu đi vào trong đó, có nhiều đệ tử theo sau. Nhưng dần dần càng đi vào trong, cùng với những hoa hồng trên giàn có những gai rất nhọn làm bị thương và đau đớn. Ai nhìn từ bên ngoài thì chỉ thấy hoa hồng, trong khi Don Bosco và các môn đệ đi bên trong cảm thấy gai nhọn: nhiều người nản chí, nhưng Đức Mẹ nhắn nhủ tất cả hãy kiên trì và sau cùng thánh Bosco tìm lại được các con của Người trong một vườn rất đẹp. Giấc mơ muốn trình bày vất vả của nhà giáo dục, nhưng tôi nghĩ cũng có thể áp dụng cho bất kỳ sứ vụ trách nhiệm nào trong Giáo Hội. ĐHY Bertone thân mến, trong lúc này, tôi muốn nghĩ rằng tuy có những gai nhọn, nhưng Đức Mẹ Phù Hộ chắc chắn không đã để cho ĐHY thiếu ơn phù trợ của Mẹ và sẽ không để bị thiếu trong tương lai.”

ĐTC cũng chúc mừng Đức TGM tân quốc vụ khanh khiếm diện. Ngài nói: ”Đức TGM Parolin biết rất rõ gia đình Phủ Quốc Vụ Khanh vì đã làm việc tại đây bao nhiêu năm trời với lòng hăng say và tài khéo, với khả năng đối thoại và với lòng nhân từ vốn là đặc tính của ngài. Theo một nghĩa nào đó, đây là một cuộc trở về nhà đối với Đức TGM”.
Sau cùng, ĐTC cám ơn tất cả các nhân viên Phủ Quốc vụ khanh: ”cám ơn anh chị em vì việc phục vụ hằng ngày mà anh chị em chu toàn, nhiều khi dưới hình thức âm thầm và vô danh; đó thực là điều quí giá đối với sứ vụ của tôi. Tôi mời gọi tất cả anh chị em cầu nguyện cho tôi – tôi rất cần…

Sứ điệp gửi ĐHY Bertone

Ngoài bài diễn văn trên đây, ĐTC cũng trao cho ĐHY Bertone một sứ điệp bằng văn thư với một nội dung tương tự:

”Tôi cám ơn ĐHY nhân danh Đức Biển Đức 16 quí mến, Người đã gọi ĐHY từ Genova trở về Roma và ủy thác nhiệm vụ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ngày 15-9 năm 2006 và làm HY Nhiếp chính của Giáo Hội Roma. 7 năm làm việc khẩn trương, trong tinh thần quảng đại và phục vụ. Cả tôi cũng sự cộng tác khéo léo của ĐHY cho đến hôm nay”.

ĐTC đặc biệt đề cao ĐHY Bertone về sự trung thành với tinh thần của Thánh Bosco, tinh thần dòng Salesien mà ĐHY vẫn bảo tồn và chứng tỏ tuy bận rộn với bao nhiêu công việc trợ giúp Người Kế vị Thánh Phêrô. Với tinh thần tháo vát và lòng yêu mến đối với ĐGH, vốn là đặc tính của các con cái thánh Gioan Bosco, ĐHY đã luôn chu toàn nghĩa vụ hướng dẫn trong các quan hệ của Tòa Thánh với quốc tế. Đồng thời ĐHY đã không nề quản điều gì để mang giáo huấn và phép lành của ĐGH đến mọi nơi. Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu đã luôn ở gần và trợ giúp ĐHY trong sứ vụ quí báu này”.

Lời ĐHY Bertone

Về phần ĐHY Bertone, trong lời kết thúc sứ vụ, đã phác họa những điểm tích cực nổi bật trong 7 năm ở cạnh ĐGH Biển Đức rồi đến ĐTC Phanxicô. Những đề tài quan trọng đã được đề cập đến như tương quan giữa đức tin và lý trí, giữa luật pháp và luật tự nhiên, những bài diễn văn quan trọng của Đức Nguyên Giáo Hoàng tại quốc hội Đức, Quốc hội Anh, cũng như tại Học viện Bernardin ở Paris, về cao căn tính Kitô chung với các anh chị em thuộc các Giáo Hội và Cộng đoàn Kitô khác, canh tân đối thoại thần học với các anh em Do thái, v.v.

ĐHY Bertone cũng nhắc đến những dự án mục vụ lớn dưới thời Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 như năm thánh Phaolô, năm Linh Mục và năm Đức Tin sắp kết thúc. Ngài cho biết Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã đau khổ sâu đậm vì sự ác làm tủi hổ khuôn mặt Giáo Hội và vì thế đã đề ra luật mới để quyết liệt bài trừ hiện tượng ô nhục nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục. Sau cùng, ĐHY Bertone cho biết ngài nhìn thấy nơi ĐGH Phanxicô ngày nay không phải một cuộc cách mạng cho bằng một sự tiếp nối ĐGH Biển Đức 16, tuy có những dấu nhấn và sắc thái riêng của đời sống bản thân. Ví dụ Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Maria và Rio de Janeiro.

ĐHY nói với ĐTC: ”Sự lắng nghe, dịu hiền, từ bi và tín thác là những thực tại tuyệt với mà con đã đích thân cảm nguyện trong nhiều cuộc nói chuyện, các cử chỉ và những cú điện thoại, và trong các công tác được Ủy thác cho con. Con xin cám ơn ĐTC Phanxicô vì lòng từ ái của ngài”.

ĐHY Bertone sẽ tròn 79 tuổi vào tháng 12 tới đây và tiếp tục giữ nhiệm vụ HY nhiếp chính trong trường hợp Tòa Thánh trống tòa. (SD 15-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tái truyền giảng Tin Mừng theo Đức Thánh Cha Phanxicô

Tái truyền giảng Tin Mừng theo Đức Thánh Cha Phanxicô

VATICAN. ĐTC Phanxicô đề cao giá trị ưu tiên của việc làm chứng tá, đi gặp gỡ tha nhân và đề ra dự án mục vụ qui trọng tâm vào điều thiết yếu, trong cuộc cuộc tái truyền giảng Tin Mừng.

Trên đây là 3 điểm chính được ngài trình bày trong buổi tiếp kiến sáng 14 tháng 10-2013, dành 50 HY, GM, LM và giáo dân tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng dưới sự hướng dẫn của Đức TGM chủ tịch Rino Fisichella.

Về điểm thứ I, ĐTC nhận định rằng ”thời nay người ta thường thấy thái độ dửng dưng đối với đức tin mà họ cho là không còn quan trọng trong đời sống con người. Tái truyền giảng Tin Mừng, hay cũng gọi là tân Phúc Âm Hóa, có nghĩa là thức tỉnh nơi tâm trí con người thời nay đời sống đức tin. Đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, nhưng điều quan trọng là các tín hữu Kitô chúng ta chứng tỏ mình sống đức tin một cách cụ thể, qua tình thương, sự hòa thuận, vui tươi, đau khổ, vì chứng tá ấy gợi lên những câu hỏi như vào thời kỳ đầu của Giáo Hội: tại sao họ sống như thế? điều gì thúc đẩy họ? Đó là những câu hỏi dẫn tới trọng tâm của việc rao giảng Tin Mừng là làm chứng về đức tin và đức mến. Điều chúng ta cần làm, nhất là ngày nay, đó là trở nên những chứng nhân đáng tin cậy bằng cuộc sống và bằng lời nói, làm cho Tin Mừng trở nên hữu hình, khơi dậy sự thu hút đối với Chúa Giêsu Kitô, và vẻ đẹp của Thiên Chúa.”

ĐTC cũng nhắc nhở các tín hữu Kitô cần cởi bỏ những gì là vô ích và tai hại, những thứ an ninh trần tục làm cho Giáo Hội trở nên nặng nề. Các Kitô hữu cũng cần làm cho lòng từ bi và sự dịu dàng của Thiên Chúa trở nên hữu hình.

Về điểm thứ hai, ĐTC nhấn mạnh sự cần thiết phải đi gặp tha nhân. Tái truyền giảng Tin Mừng là một phong trào được đổi mới, đi tới những người đã xa lìa đức tin và ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. ..

Ngài nói: ”Không ai bị loại trừ khỏi niềm hy vọng sự sống và khỏi tình thương của Thiên Chúa. Giáo Hội được sai đi để khơi dậy khắp nơi niềm hy vọng ấy, nhất là tại những nơi niềm hy vọng này bị bóp nghẹt vì hoàn cảnh sống khó khăn và nhiều khi vô nhân đạo.”

Yếu tố sau cùng là cần có một sự án mục vụ gợi lại những điều thiết yếu, nghĩa là qui trọng tâm vào Chúa Giêsu. ĐTC nhấn mạnh rằng: ”xả thân vào bao nhiêu việc phụ thuộc và thừa thãi là điều vô ích, cần phải qui trọng tâm vào thực tại cơ bản là gặp gỡ Chúa Kitô, với lòng từ bi, tình thương của Chúa, và yêu thương anh chị em mình như chính Chúa đã yêu thương chúng ta…”

”Chúng ta có thể tự hỏi: đâu là công việc mục vụ trong giáo phận và giáo xứ của chúng ta? Nó có là điều điều thiết yếu trở nên hữu hình hay không? Những kinh nghiệm và đặc tính khác nhau có đồng hành trong sự hòa hợp mà Chúa Thánh Linh ban hay không? Hay là việc mục vụ của chúng ta bị phân tán, rời rạc, và rốt cục mỗi người tự lo cho mình? (SD 14-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thánh lễ và nghi thức phó thác cho Đức Mẹ Fatima do Đức Thánh Cha cử hành

Thánh lễ và nghi thức phó thác cho Đức Mẹ Fatima do Đức Thánh Cha cử hành

Our Lady Fatima at Rome

VATICAN. 200 ngàn tín hữu đã tham dự thánh lễ ĐTC Phanxicô cử hành sáng ngày 13 tháng 10-2013 với nghi thức phó thác cho Đức Mẹ Fatima vào cuối thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Lúc 8 giờ sáng, Tượng Đức Mẹ Fatima nguyên bản đã được trực thăng của không lực Italia chở từ Đền Thánh Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa (Divino Amore) từ ngoại ô Roma, nơi diễn ra buổi canh thức suốt đêm, về Vatican, và sau đó được rước ra Quảng trường Thánh Phêrô, trong khi chờ đợi thánh lễ ĐTC cử hành từ lúc 10 giờ rưỡi. Giống như chiều thứ bẩy hôm trước, Tượng Đức Mẹ đã được rước qua các lối đi để các tín hữu chào kính.

Thánh lễ sáng hôm qua là cao điểm trong hai Ngày Thánh Mẫu được tổ chức tại Roma trong khuôn khổ Năm Đức tin. Các tín hữu hiện diện tại Quảng trường, tràn ra đến gần cuối đường Hòa Giải, trong số này có 48 phái đoàn chính thức đại diện các Hội đoàn Thánh Mẫu tại 48 nước trên thế giới, kể cả một số nước ở xa như Australia, Ấn độ, Argentina, Nhật Bản, Hoa Kỳ và nhiều nước Nam Mỹ. Đồng tế với ĐTC có hơn 1 ngàn LM và một số GM trong áo lễ màu xanh lá cây.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng Thánh Lễ, dựa vào các bài đọc của chúa nhật thứ 28 thường niên năm C, ĐTC nêu bật tấm gương của Mẹ Maria để cho Chúa làm kinh ngạc, trung thành với Chúa và xác tín Chúa là sức mạnh của chúng ta. Ngài nói:

”Hãy hát mừng Chúa một bài ca mới, vì Ngài đã thực hiện những việc diệu kỳ” (Tv 97,1).

Ngày hôm nay chúng ta đứng trước một trong những điều kỳ diệu của Chúa: đó là Đức Maria! Một thụ tạo khiêm hạ và yếu đuối như chúng ta, được chọn để làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng Tạo Hóa.

Chính khi nhìn Mẹ Maria, dưới ánh sáng các bài đọc chúng ta đã nghe, tôi muốn cùng với anh chị em suy tư về 3 thực tại: Thiên Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên, Thiên Chúa yêu cầu chúng ta trung thành, Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta.

1. Thứ I: Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên. Sự tích Naaman, tư lệnh quân đội của vua Aram, thật là đặc biệt; để được khỏi bệnh phong cùi, ông ngỏ lời với vị Ngôn Sứ của Thiên Chúa là Eliseo, nhưng Người không làm những nghi thức ma thuật, cũng chẳng yêu cầu ông tướng những điều ngoại thường, nhưng chỉ tín thác với Thiên Chúa và dìm mình trong nước sông; nhưng không phải là những sông cả của thành Damasco, mà là dòng sông Giordan bé nhỏ. Đó là một lời yêu cầu làm cho tướng Naaman ngỡ ngàng, kinh ngạc; phải chăng Thiên Chúa có thể là vị yêu cầu những chuyện đơn giản như vậy sao? Ông muốn trở lui, nhưng rồi ông cũng đi dìm mình trong sông Giordan và tức thì ông được lành mạnh. Ta thấy Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên; chính trong sự nghèo hèn, yếu đuối, khiêm hạ mà Chúa tỏ mình ra và ban cho chúng ta tình yêu cứu độ của Ngài, chữa lành và ban sức mạnh cho chúng ta. Chúa chỉ yêu cầu chúng ta ngheo lời và tín thác nơi Ngài.

Đó là kinh nghiệm của Đức Trinh Nữ Maria: trước lời loan báo của Thiên Thần, Trinh Nữ không giấu sự ngạc nhiên. Đó là sự ngỡ ngàng khi thấy rằng Thiên Chúa, để làm người, đã chọn một thiếu nữ tầm thường ở Nazareth, không sống trong các dinh thự của những người quyền thế và giàu sang, không thi hành những công trình ngoại thường, nhưng cởi mở đối với Thiên Chúa, biết tín thác nơi Ngài, cho dù không hiểu tất cả: ”Này tôi là tôi tớ Chúa: xin xảy đến cho tôi theo lời Sứ Thần” (Lc 1,38). Đó là câu trả lời của Người. Thiên Chúa luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên, Ngài phá vỡ những khung nền của chúng ta, làm cho những dự phóng của chúng ta bị khủng hoảng, và Chúa nói với chúng ta: con hãy tín thác nơi Cha, đừng sợ, hãy để cho con được ngạc nhiên, hãy ra khỏi chính mình và theo Cha!

Hôm nay tất cả chúng ta cũng hãy tự hỏi xem mình có sợ điều mà Thiên Chúa có thể yêu cầu chúng ta hoặc điều mà chúng ta xin Chúa hay không. Tôi có để cho Chúa làm cho ngạc nhiên, như Chúa đã làm với Mẹ Maria hay không, hoặc tôi khép kín mình trong những điều an toàn của tôi, an toàn vật chất, an toàn trí thức, an toàn ý thức hệ, an toàn các dự phóng của tôi? Tôi có để cho Chúa thực sự đi vào trong cuộc sống của tôi hay không? Tôi trả lời Chúa như thế nào?

2. Trong đoạn thư thánh Phaolô chúng ta đã nghe, thánh Tông Đồ ngỏ lời với môn đệ Timôthêo và nói rằng: ”con hãy nhớ Chúa Giêsu Kitô, nếu chúng ta kiên trì với Ngài, chúng ta sẽ được cùng Ngài hiển trị” (Xc 2 Tm 2,8-13). Và đây là điểm thứ hai: hãy luôn nhớ đến Chúa Kitô, kiên trì trong đức tin: Thiên Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên bằng tình thương của Ngài, nhưng Chúa yêu cầu chúng ta hãy trung thành theo Ngài. Chúng ta có thể ”không trung thành”, nhưng Chúa thì không, Chúa là Đấng Trung Thành, và Ngài yêu cầu chúng ta hãy trung thành như vậy. Chúng ta hãy nghĩ đến bao nhiêu lần chúng ta hăng hái phấn khởi vì một điều gì, vì một sáng kiến, một sự dấn thân nào đó, nhưng rồi, trước những vấn đề đầu tiên xảy ra, chúng ta tháo lui. Và rất tiếc là điều này cũng xảy ra trong những chọn lựa cơ bản như hôn phối. Người ta khó kiên trì bền chí, khó trung thành với những quyết định đã đề ra, với những cam kết đã quyết tâm. Nói ”xin vâng”, ”đồng ý' thì dễ, nhưng rồi người ta không lập lại được quyết tâm đồng thuận như vậy.

Mẹ Maria đã thưa ”xin vâng” với Thiên Chúa, một lời ”xin vâng” đã đảo lộn cuộc sống khiêm hạ của Mẹ ở Nazareth, nhưng không phải là lời thưa 'xin vâng' duy nhất, nhưng đó là lời đầu tiên trong bao nhiêu lời thưa 'xin vâng' được xướng lên trong tâm hồn những lúc vui tươi, cũng nhưng trong những lúc đau khổ, bao nhiêu lời thưa ”xin vâng đạt tới đột đỉnh trong lời “xin vâng' dưới cây Thập Giá. Hôm nay, ở đây có bao nhiêu bà mẹ; chị em hãy nghĩ đến lòng trungthành của Mẹ Maria với Thiên Chúa tới mức độ nào: khi thấy Con duy nhất của Mẹ trên Thập Giá. Mẹ là phụ nữ trung thành, đứng đó, lòng tan nát, nhưng trung thành và can đảm.

Tôi có phải là một Kitô hữu tùy lúc hay là một Kitô hữu luôn luôn? Nền văn hóa tạm bợ, tương đối, cũng lẻn vào cuộc sống đức tin. Thiên Chúa yêu cầu chúng ta trung thành với Ngài, mỗi ngày, trong những hoạt động thường nhật và Ngài thêm rằng cả khi chúng ta không trung thành với Chúa, Chúa vẫn luôn trung thành, và với lòng từ bi, Ngài không ngừng giơ tay cho chúng ta để nâng chúng ta dậy, khuyến khích chúng ta hãy tiếp tục hành trình, trở về cùng Ngài và thưa với Ngài về sự yếu đuối để Ngài ban sức mạnh cho chúng ta.

3. Điểm sau cùng: Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta. Tôi nghĩ đến 10 người phong cùi trong Phúc Âm được Chúa Giêsu chữa lành: họ đến gặp Ngài, dừng lại từ xa xa và kêu lên: ”Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng con!” (Lc 17,13). Họ là những người bệnh, đang cần được thương yêu, được sức mạnh và tìm kiếm người chữa trị họ. Và Chúa Giêsu đáp lại, giải thoát tất cả khỏi bệnh tật của họ. Nhưng thật là điều ngạc nhiên khi thấy chỉ có một người trở lại để lớn tiếng chúc tụng Thiên Chúa và cảm tạ Chúa. Chính Chúa Giêsu nhận xét điều đó: 10 người đã kêu lớn tiếng để được chữa lành và chỉ có một người trở lại để kêu lớn tiếng cảm tạ Thiên Chúa và nhìn nhận rằng Chúa là sức mạnh của chúng ta. Biết cảm tạ, chúc tụng vì những gì Chúa làm cho chúng ta.

”Chúng ta hãy nhìn Mẹ Maria: sau khi được truyền tin, cử chỉ đầu tiên Mẹ thực hiện là cử chỉ bác ái đối với bà chị họ cao niên Elisabeth; và những lời đầu tiên Mẹ nói lên là: ”Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”, bài ca chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa, không những vì điều Chúa đã làm nơi Mẹ, nhưng vì hoạt động của Chúa trong toàn thể lịch sử cứu độ. Tất cả là hồng ân; Nếu chúng ta có thể hiểu tất cả là hồng ân của Chúa, thì tâm hồn chúng ta sẽ được hạnh phúc dường nào! Tất cả là hồng ân.

Chúa chính là sức mạnh của chúng ta! Cảm tạ thật là điều dễ dàng, nhưng cũng rất khó khăn! Bao nhiêu lần chúng ta nói cám ơn trong gia đình? Đó là một trong những lời chủ yếu của cuộc sống chung. ”Xin phép”, ”xin lỗi”, ”cám ơn”: nếu trong một gia đình, có 3 lời ấy được người ta nói lên, thì gia đình tiếp tục tiến bước. Bao nhiêu lần chúng ta nói cám ơn người giúp đỡ chúng ta, người ở gần chúng ta, tháp tùng chúng ta trong cuộc sống. Nhiều khi chúng ta coi đó là điều dĩ nhiên! Và điều này cũng xảy ra đối với Thiên Chúa.

”Tiếp tục Thánh Lễ, chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng ta để cho mình được Thiên Chúa làm ngạc nhiên, không kháng cự, trung thành với Chúa hằng ngày, chúc tụng và cảm tạ Chúa vì Ngài là sức mạnh của chúng ta.

Nghi thức phó thác

Cuối thánh lễ, Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, cũng là trưởng ban tổ chức đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC.

Rồi ĐTC tiến đến trước Tượng Đức Mẹ Fatima và đọc kinh phó thác:

”Lạy Đức Trinh Nữ Fatima diễm phúc, với lòng biết ơn được đổi mới vì sự hiện diện từ mẫu của Mẹ, chúng con hợp tiếng với tất cả mọi thế hệ đã chúc tụng Mẹ là người diễm phúc.

Nơi Mẹ chúng con ngợi khen những công trình bao la của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ mệt mỏi, từ bi cúi mình trên nhân loại sầu muộn vì sự ác và tổn thương vì tội lỗi, để chữa lành và cứu vớt loài người!

Xin Mẹ vui lòng đón nhận hành động phó thác mà hôm nay, với lòng tin tưởng chúng con thực hiện trước ảnh tượng này của Mẹ mà chúng con rất quí mến.

Chúng con chắc chắn rằng mỗi người chúng con đều quí giá trước mắt Mẹ và không điều gì trong tâm hồn chúng con xa lạ đối với Mẹ. Chúng con để cái nhìn rất dịu dàng của Mẹ đi tới chúng con và đón nhận sự âu yếm an ủi qua nụ cười của Mẹ.

Xin Mẹ giữ gìn cuộc sống của chúng con trong vòng tay của Mẹ: xin chúc phúc và củng cố mọi ước muốn làm điều thiện; xin khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin, nâng đỡ và soi sáng đức cậy, khích động và linh hoạt đức ái; xin Mẹ hướng dẫn tất cả chúng con trên con đường thánh thiện.

Xin dạy chúng con tình yêu thương của Mẹ ưu tiên dành cho những người bé nhỏ nghèo hèn, những người bị loại trừ và đau khổ, các tội nhân và những người có tâm hồn lạc hướng, xin tập họp tất cả dưới sự che chở của Mẹ và giao phó tất cả cho Con Yêu Dấu của Mẹ là Chúa Giêsu của chúng con. Amen

Sau kinh phó thác ĐTC xông hương trước tượng Đức Mẹ. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, ĐTC đã nhắc mọi người về phong chân phước chúa nhật hôm qua 13-10, tại thành Tarragona, Tây Ban Nha cho khoảng 500 vị tử đạo trong thời nội chiến, thập niên 1930. Ngài nói: ”Chúng ta hãy chúc tụng Chúa vì những chứng nhân can đảm của Ngài và nhờ lời chuyển cầu của các vị, chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát thế giới khỏi mọi bạo lực”.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người, ĐTC còn bắt tay chào thăm rất nhiều người, các phái đoàn chính thức, đông đảo các LM, trước khi đi xe jeep màu trắng mui trần tiến qua các lối đi và đến tận gần cuối đường Hòa Giải để chào thăm các tín hữu.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM Đại Hội Lần Thứ XII

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM Đại Hội Lần Thứ XII

B i ê n  B ả n
 
1. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã họp Đại hội lần thứ XII từ chiều thứ Hai ngày 07/10/2013 đến trưa thứ Sáu ngày 11/10/2013, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng giáo phận Thành phố HCM
 
2. Về tham dự Đại hội có sự hiện diện đông đủ các vị chủ chăn của 26 giáo phận: Đức Hồng Y, các Đức Tổng giám mục, các giám mục và linh mục giám quản giáo phận Vĩnh Long.
 
3. Hội Đồng Giám Mục vui mừng chào đón Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam; đồng thời chúc mừng Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, giám mục giáo phận Mỹ Tho, vừa được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng giám mục Phó Tổng giáo phận Thành phố HCM; chúc mừng Đức tân giám mục chính tòa giáo phận Bùi Chu; vui mừng và chào đón các thành viên mới của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đó là Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, tân giám mục phụ tá giáo phận Vinh, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, tân giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa.
 
4. Hội Đồng Giám Mục lắng nghe những sinh hoạt phong phú trong Năm Đức Tin được diễn ra ở nhiều lãnh vực.
 
5. Đại hội tiếp tục trao đổi về dự án kiến thiết Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang.
 
6. Hội Đồng Giám Mục dành nhiều thời gian soạn thảo Thư Chung với những định hướng mục vụ cụ thể cho những năm sắp tới.
 
7. Đại hội đã bầu ra Ban Thường vụ và Chủ tịch của các Ủy Ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2016.
 
Ban Thường vụ gồm có:
 
Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc
 
Phó Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng
 
Tổng thư ký: Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt
 
Phó Tổng thư ký: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm
 
 
 
Các Ủy Ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gồm có:
 
1/ Ủy Ban Giáo lý đức tin
 
Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Năng
 
2/ Ủy Ban Kinh Thánh
 
Chủ tịch: Đức cha Giuse Võ Đức Minh
 
3/ Ủy Ban Phụng tự
 
Chủ tịch: Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ
 
4/ Ủy Ban Nghệ thuật thánh
 
Chủ tịch: Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi
 
5/ Ủy Ban Thánh nhạc
 
Chủ tịch: Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
 
6/ Ủy Ban Loan báo Tin mừng
 
Chủ tịch: Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long
 
7/ Ủy Ban Giáo sĩ-Chủng sinh
 
 Chủ tịch: Đức cha Antôn Vũ Huy Chương
 
8/ Ủy Ban Tu sĩ
 
Chủ tịch: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ
 
9/ Ủy Ban Giáo dân
 
Chủ tịch: Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu
 
10/ Ủy Ban Truyền thông xã hội
 
Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước
 
11/ Ủy Ban Giáo dục công giáo
 
Chủ tịch: Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo
 
12/ Ủy Ban Mục vụ giới trẻ
 
Chủ tịch: Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên
 
13/ Ủy Ban Văn hóa
 
Chủ tịch: Đức cha Giuse Vũ Duy Thống
 
14/ Ủy Ban Công lý-Hòa bình
 
Chủ tịch: Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp
 
15/ Ủy Ban Mục vụ Gia đình
 
Chủ tịch: Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri
 
16/ Ủy Ban Bác ái xã hội- Caritas
 
 Chủ tịch: Đức cha Tôma Aquinô Vũ Đình Hiệu
 
17/ Ủy Ban Mục vụ di dân
 
Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh.
 
8. Đại hội cũng trao đổi về một số vấn đề khác như tình trạng các dòng tu chưa rõ nguồn gốc, vai trò linh mục chánh văn phòng của văn phòng Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục, việc xướng tên thánh Giuse trong các Kinh Nguyện Thánh Thể.
 
9. Đại hội bế mạc trong niềm vui cùng với Tổng giáo phận Thành phố HCM mừng kỷ niệm 150 năm thành lập Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn.
 
Trung Tâm Mục Vụ TGP.TP. HCM ngày 11/10/2013
 
Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
 
(Đã ký)
 
+ Cosma Hoàng Văn Đạt
 
Giám mục giáo phận Bắc Ninh
 
 
Hội đồng Giám mục Việt Nam