Sống trọn ơn gọi làm người

Sống trọn ơn gọi làm người

Một hiện tượng đáng lo ngại cho Giáo Hội tại Áo bên Âu Châu, đó là sự kiện con số những người tuyên bố rút tên khỏi Giáo Hội Công giáo ngày càng gia tăng. Dĩ nhiên về nghĩa vụ, rút tên ra khỏi Giáo Hội có nghĩa là mỗi năm không còn phải đóng thuế tôn giáo nữa. Về quyền lợi, người tuyên bố rút tên ra khỏi Giáo Hội cũng sẽ tự rút phép thông công, nghĩa là chấm dứt mọi tham gia vào cac bí tích và đời sống của Giáo Hội. Nói cách khác, rút tên ra khỏi Giáo Hội cũng đồng nghĩa chối bỏ mọi cam kết khi chịu Phép Rửa Tội.

Nói chung, thế giới phương tây vốn được mệnh danh là Kitô giáo, hiện nay đã trở thành một vùng truyền giáo mới. Thật thế, trong những nước có con số người theo Kitô giáo, phép rửa thường chỉ còn là một nghi thức xã hội không hơn không kém. Người ta chỉ có lý khi nói rằng, suốt một đời nhiều người Tây Phương chỉ đến nhà thờ có ba lần, lần đầu khi chịu phép rửa để gia nhập vào một xã hội vốn được mệnh danh là Kitô giáo. Lần thứ hai để cử hành Hôn Phối cho long trọng. Lần thứ ba cũng là để cử hành tang lễ cho long trọng.

Khi Giáo Hội chỉ được mời để có mặt ba lần như thế trong cả một đời người, thì quả thật người ta chỉ mang danh hiệu Kitô nhưng không sống trọn những cam kết của phép rửa. Hôm nay kỷ niệm Chúa Giêsu chịu phép rửa, Giáo Hội muốn mời gọi các Kitô hữu hãy đào sâu và ý thức về những cam kết khi chịu phép rửa tội. Trái với lối sống đạo cả đời đến nhà thờ chỉ có ba lần của người Tây Phương, các tín hữu Kitô Việt Nam chúng ta lại tập trung đời sống đạo vào nhà thờ. Trái với những nhà thờ hầu như trống rỗng tại Tây phương, các nhà thờ Việt Nam chúng ta hầu như lúc nào cũng đông nghẹt người. Tuy nhiên, biết đâu những đám đông chật ních trong các nhà thờ ấy lại không là những con người có lối sống hoàn toàn xa lạ, hay ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội và Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Biết đâu đám đông sốt sắng cầu kinh ra rả trong nhà thờ ấy lại chẳng là những con người không hề biết đến thế nào là công bình, là bác ái, là tình liên đới, là quảng đại, sợ chia sẻ lòng cảm thông và sợ tha thứ. Nói tắt một lời, nếu chúng ta chưa sống cho ra người thì sự hiện diện đông đảo trong nhà thờ, những lời cầu kinh ra rả, hay những cuộc biểu dương long trọng chưa hẳn đã là thể hiện đích thực của lòng tin.

Khi đến nhận phép rửa của Gioan tại sông Giordan, nghĩa là khi đến dìm mình trong dòng nước, Chúa Giêsu đã muốn thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể, Ngài muốn sống trọn thân phận con người mà thành phần tất yếu là cái chết. Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu muốn nói lên sự vâng phục trọn vẹn với Chúa Cha, Ngài đón nhận cái chết như thể hiện tận cùng của tình yêu.

Sống như một con người như Chúa Giêsu đã từng sống, chính là sống yêu thương và yêu thương đến độ sẵn sàng thí ban mạng sống mình. Đức Chúa Cha đã gọi Đức Chúa Giêsu là Người Con chí ái đẹp lòng Ngài mọi đàng, bởi vì Chúa Giêsu đã sống trọn ơn gọi làm người của Ngài. Đây chính là ý nghĩa của phép rửa mà Chúa Giêsu đã thiết lập và ủy thác cho Giáo Hội qua phép rửa ấy. Người tín hữu Kitô được mời gọi để sống trọn thân phận làm người như chính Chúa Giêsu đã từng sống. Thật thế, chỉ trong Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy được thập giá và ơn gọi cao cả của con người. Chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới thấy được thế nào là sống cho ra người. Chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới hiểu thế nào là sống yêu thương.

Thập giá vừa là biểu hiện cái chết của Chúa Giêsu, vừa là dấu chứng tình yêu của Ngài. Với phép rửa chúng ta được ghi dấu Thánh Giá trên người, chúng ta làm dấu Thánh Giá mỗi ngày và biết bao nhiêu lần trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta treo Thánh Giá khắp mọi nơi, chúng ta đeo Thánh Giá trên người, và ước gì Thánh Giá ấy không chỉ là thứ trang sức trên ngực, trên cổ hay trên tai của chúng ta, mà phải là một nhắc nhở về tình yêu của Đấng đã yêu thương chúng ta đến độ thí ban mạng sống của Ngài cho chúng ta. Ước gì Thánh Giá luôn là động lực thúc đẩy chúng ta ngày càng sống cho ra người hơn.

Nguyện xin các thánh Tử Đạo Việt Nam, những người đã thà chết hơn là bước qua Thánh Giá để chối bỏ Chúa Giêsu, nay nguyện giúp cho chúng ta để chúng ta được luôn luôn trung thành với đức tin, thể hiện đức tin ấy bằng cuộc sống chứng tá, đó là giá trị của Tin Mừng.

Veritas Radio

BÍ TÍCH RỬA TỘI

BÍ TÍCH RỬA TỘI

Vào giữa thập niên 1800 bệnh dịch cùi bùng nổ khắp các đảo Hạ Uy Di.
Vào lúc đó y học vẫn còn trong thời kỳ sơ khai, hậu quả là nhà cầm quyền không cách chi có thể chữa được căn bệnh truyền nhiễm này.

Để ngăn chặn sự lây lan họ phải thi hành một điều dù họ không thích, nhưng phải làm.

Họ thiết lập một trung tâm người cùi trên hòn đảo Molokai xa xôi. Diễn tả về tình trạng do sự kiện này tạo nên, Robert Ellsburg viết:

Người Hạ Uy Di… đau khổ vì căn bệnh này bị bắt đi ra khỏi gia đình và cộng đoàn và gửi tới đảo này…

Có thể nói bệnh nhân bị quăng vào sóng biển và để họ tự bơi vào bờ, tìm chỗ tạm trú trong các hang hoặc căn lều bẩn thỉu và bám víu lấy sự sống mà họ có thể.

Một linh mục trẻ tuổi người Bỉ, Cha Damien, thật bàng hoàng khi biết về số phận của các nạn nhân đáng thương này. Do đó, cha đã tình nguyện đến Molokai để giúp đỡ họ.

Khi đến đảo, người tổ chức họ thành một cộng đồng. Sau đó người dựng một nhà thờ và bắt đầu giúp đỡ họ theo bất cứ phương cách nào có thể.

Khi thi hành điều này, người hoàn toàn đồng hoá với họ.

Người làm việc với họ, đi lại với họ, và ăn uống với họ. Người trở nên giống họ về mọi phương cách – để chia sẻ căn bệnh thảm thương của họ.

Sau năm năm chăm sóc người cùi, Cha Damien cũng bị nhiễm căn bệnh đáng sợ này.

Người tiếp tục chăm sóc họ thêm bốn năm nữa, trước khi căn bệnh này lấy đi sự sống của cha vào năm 1889. Gần một trăm năm sau, vào năm 1995, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong chân phước cho người, chuẩn bị để tuyên xưng là thánh.

Câu chuyện cảm động của Cha Damien thích hợp với ngày lễ hôm nay, lễ Đức Giêsu chịu Thanh Tẩy.

Để thấy sự thích hợp đó, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc nhớ lại điều dân chúng thường hỏi: “Tại sao Đức Giêsu lại xin được thanh tẩy?”

Nói cho cùng, Thánh Phaolô nói, “Phép rửa của Gioan là cho những người xa lánh tội lỗi.” CVTĐ 19:4

Nếu Đức Giêsu không có tội, tại sao Người lại xin chịu phép rửa? Ông Gioan cũng tự hỏi như thế. Khi Đức Giêsu xin được thanh tẩy, ngay lập tức ông Gioan từ chối, nói rằng:

Lẽ ra tôi phải được Ngài thanh tẩy, nhưng Ngài lại đến với tôi.” … Đức Giêsu trả lời ông, “Bây giờ hãy để xảy ra như vậy. Vì chúng ta phải thi hành những gì Thiên Chúa đòi hỏi theo phương cách này.”

Chính tại đây sự thanh tẩy của Đức Giêsu có liên hệ đến câu chuyện của Cha Damien.

Cha Damien đến đảo Molokai không phải vì bị bệnh cùi. Người đến đây chỉ vì muốn giúp đỡ người cùi bằng mọi phương cách có thể.

Và để giúp đỡ họ bằng mọi phương cách có thể, người đã chọn đồng hoá với họ theo mọi phương cách người có thể.

Người ăn uống với họ, làm việc với họ, cầu nguyện với họ, và người chịu đau khổ với họ.

Theo một cách tương tự, Đức Giêsu đến thế gian không bởi vì Người là một tội nhân. Người đến để giúp các tội nhân theo mọi phương cách mà Người có thể.

Và vì thế Người đồng hoá với họ theo mọi phương cách có thể – ngoại trừ tội lỗi. Đức Giêsu sống với họ, cầu nguyện với họ, ăn uống với họ, và ngay cả tự để mình chịu cám dỗ giống như họ.

Do đó, thật tự nhiên khi Đức Giêsu nới rộng sự đồng hoá với con người bằng cách chịu thanh tẩy như họ.

Giống như Cha Damien, Đức Giêsu đồng hoá với loài người đến độ hy sinh mạng sống mình vì họ.

Điều này đưa chúng ta đến với bí tích rửa tội của chính chúng ta. Qua bí tích đó, chúng ta được tháp nhập vào Thân Thể Đức Kitô. Qua đó, chúng ta trở nên các chi thể của thân thể Đức Kitô và chia sẻ sứ vụ cứu chuộc thế gian của Người.

Nói cách khác, qua bí tích rửa tội, chúng ta được mời gọi hãy sử dụng các khả năng độc đáo Chúa ban để hoạt động với Đức Kitô trong việc cứu chuộc nhân loại.

Và như vậy, bí tích rửa tội là bước đầu tiên trong hành trình lớn lên trong Đức Kitô và học cách sử dụng khả năng của mình để làm việc với Người trong sự cứu độ – cũng như Cha Đamien đã sử dụng tài năng của mình cho mục đích này.

Điều này nêu lên một câu hỏi quan trọng. Chúng ta lớn lên trong Đức Kitô như thế nào? Chúng ta phải chuẩn bị chính minh như thế nào để chia sẻ công việc cứu độ của Người?

Thánh Phaolô trả lời câu hỏi này trong Thư gửi tín hữu Côlótsê:

Vì anh chị em đã chấp nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa, hãy sống hiệp nhất với Người.

Hãy bám rễ sâu vào Người, xây dựng cuộc đời anh chị em trên Người… Vậy, anh chị em hãy mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, và nhẫn nại. Col 2:6-7; 3:12-14

Nói cách khác, chúng ta thi hành điều này bằng cách bắt chước Đức Kitô.

Chúng ta cố gắng đối xử từ bi với người khác, như Đức Kitô đã đối xử với chúng ta.

Chúng ta cố gắng đối xử nhẫn nại với người khác, như Đức Kitô đã đối xử với chúng ta.

Nói tóm, chúng ta cố noi gương Đức Kitô là Người đã ban sức cho chúng ta để giúp thi hành điều này bằng cách chia sẻ chính sự sống thánh thiêng của Người cho chúng ta trong bí tích rửa tội.

Hãy kết thúc với một lời nguyện, xin Chúa Giêsu giúp chúng ta sống bí tích rửa tội của mình, như Người đã sống:

Xin cánh tay Chúa Giêsu hãy nâng con lên khi ngã quỵ.
Xin tiếng nói của Chúa Giêsu hãy dẫn đưa chúng con về nhà khi lạc lối.
Xin máu Chúa Giêsu rửa chúng con sạch khi chúng con hoen ố.
Xin thân thể Chúa Giêsu nuôi dưỡng chúng con khi chúng con đói khát.
Xin thánh tâm Chúa Giêsu giúp chúng con kết hợp với Ngài,
vì tâm hồn của chúng con được dựng nên cho Ngài,
và nó sẽ không an nghỉ cho đến khi an nghỉ trong Ngài.

Cha Mark Link, SJ

CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Thực tế, thời thơ ấu của Chúa Giêsu đã chấm dứt.Lễ Giáng Sinh và Mùa Giáng Sinh cũng đã lui vào dĩ vãng. Bây giờ là thời rao giảng công khai của Chúa Giêsu. Bởi vì, khi được 30 tuổi, Chúa Giêsu đã rời khỏi Quê hương của mình là Nazareth để đi khắp nơi công bố Nước Trời và kết nạp các môn đệ, các tông đồ.Hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu xuất hiện trước công chúng trong tư thế sẵn sàng khởi đầu sứ vụ Thiên Chúa Cha đã trao cho Ngài…

Các bài đọc ngày lễ hôm nay đều giới thiệu với chúng ta rằng Chúa Giêsu là Người được Thiên Chúa Cha yêu dấu. Bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia cho biết Chúa Giêsu là Người được tuyển chọn, nâng đỡ, an ủi, quý mến. Bài đọc hai, thánh Phêrô làm chứng Thiên Chúa Cha luôn ở với Ngài. Hai bài đọc này, nhằm cho chúng ta hiểu sâu xa hơn về Đức Kitô, Đấng được Thiên Chúa Cha từ trời gọi là “Này là Con Ta yêu dấu, Cha hài lòng về Con”.

Đọc các bài đọc này, chúng ta càng lấy làm bỡ ngỡ, ngạc nhiên về việc Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha ca tụng khen ngợi, thế mà khi khai mạc sứ vụ công khai, Ngài đã xếp hàng cùng với tội nhân để xin ông Gioan Baotixita làm phép rửa cho ở sông Jordan. Như thế phải chăng Chúa Giêsu cũng là tội nhân sao? Thưa không phải bởi vì đã có lần Chúa Giêsu tuyên bố rằng “Ai trong các ông có thể bắt lỗi tôi vì tội gì?”. Chúa Giêsu là Đấng xóa tội trần gian, Ngài là Đấng đã gánh lấy tội lỗi của thế gian như có lần Gioan Tẩy Giả đã chỉ vào Chúa Giêsu và nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”. Chúa Giêsu xóa tội trần gian bằng cách gánh lấy tội con người, gánh lấy tội trần gian. Ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ. Ngài khai mạc sứ vụ công khai bằng cử chỉ loan báo: “Thời giờ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần, hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Chính các môn đệ lúc đó cũng chưa hiểu được ý Chúa. Họ nghĩ rằng theo Thầy Giêsu khi Thầy lên làm Vua thì các môn đệ sẽ được chia chác nhau ngôi vị, chỗ đứng trong nội các của Chúa Giêsu. Do đó, mới có việc hai con của ông Giêbêđê cùng đi với mẹ tỏ ước vọng muốn một người ngồi bên tả, một người ngồi bên hữu trong Vương Quốc của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã cho các Ông hiểu rõ quan điểm và ý hướng của Chúa. Các con có uống được chén của Cha sắp uống không, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả là thuộc quyền của Cha… Chén ở đây là chén thống khổ, sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Chén hay cuộc thông khổ không chỉ là nước thanh tẩy trong sông Giorđăng và do bàn tay của Gioan Tẩy Giả mà bằng chính máu của Chúa Giêsu đổ ra trên Thập Giá. Chúa Giêsu làm gương cho nhân loại bằng việc chịu phép rửa thống hối ở sông Giorđăng. Đây là hình bóng của nhân loại được thanh tẩy trong máu của chúa Giêsu đổ ra trên Thập Giá, và sự phục sinh của Ngài và để con người đã được tái sinh sẽ trở thành con của Thiên Chúa. Câu chuyện của Nicôđêmô trong đêm tối tới gặp Chúa Giêsu nói lên điều đó. Con người phải được tái sinh nghĩa là trở nên con người mới, được dìm trong máu của Chúa Giêsu đã đổ ra để cứu chuộc con người và được phục sinh với Ngài…

Đọc lại Tin Mừng chúng ta nhận ra điều này Chúa Giêsu chính là sự sống, do đó, phép rửa hay thanh tẩy không chỉ còn là nghi lễ mà đã trở thành cuộc sống mới cho nhân loại, cho con người, cho mọi người. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, tội lỗi và ma quỷ. Phép rửa không chỉ còn là một nghi thức để gia nhập Giáo Hội, làm con Thiên Chúa một cách máy móc, nhưng phép rửa đã là một cuộc tái sinh, một cuộc sống mới, một sự đẩy lùi tội lỗi trường kỳ ra khỏi thế gian để rồi cuộc sống của người Kito hữu luôn là cuộc sống mới trong sự tái sinh bằng máu, sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu.

Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa chúng ta nhớ tới bí tích rửa tội chúng ta đã lãnh nhận ngày chúng ta được rửa tội. Qua phép rửa chúng ta được trở nên Con của Thiên Chúa và Con của Giáo Hội.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Đức Kitô chịu phép rửa tại sông Gio-đăn và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Ngươi là Con chí ái. Xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa (Lời nguyện Nhập lễ lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1. Phép rửa của Gioan Tẩy Giả là phép rửa gì?

2. Phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa gì?

3. Sự khác biệt giữa phép rửa của Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu?

4. Tái sinh theo nghĩa Kinh Thánh?

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

SỨ VỤ MỚI

SỨ VỤ MỚI

Sự kiện Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là gạch nối giữa giai đoạn quan trọng: sống ẩn dật và rao giảng công khai. Sau 30 năm sống âm thầm với gia đình tại Nadarét, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa cũng là gạch nối giữa hai mùa: Giáng sinh và Thường niên. Giáo Hội đã cùng sống với Chúa Giêsu qua các biến cố Giáng Sinh và Hiển Linh. Hôm nay Chúa nhật I thường niên, Giáo Hội sẽ cùng đồng hành với Người qua các biến cố của đời rao giảng.

1. Chúa Giêsu chịu Phép Rửa

Khởi đầu cuộc sống công khai, lúc đã 30 tuổi, tức là đã trưởng thành trọn vẹn như người Á Đông vẫn quan niệm “tam thập nhi lập”, Chúa Giêsu tìm đến sông Giođan để xin Gioan Tẩy Giả cử hành phép rửa cho mình. Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” ( Mc 1,5) và chịu “ phép rửa sám hối để đước ơn tha tội” (Mc 1,4) lại có Chúa Giêsu. Người là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối ? Người là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài ” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy? Đây là động thái gây kinh ngạc cho con người thời nay, vì khó hiểu: Đấng không có tội lại đi nhận phép rửa làm gì? Nhưng người ta cũng sớm hiểu ra rằng: phép rửa của Gioan Tẩy Giả chỉ là nghi thức mang tính tẩy trần, nếu có giá trị thì chỉ theo quy định của lề luật thôi, còn chưa có hiệu quả đích thực tôn giáo. Chính Gioan Tẩy Giả đã minh định: “Tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và trong lửa”. Khi Chúa Giêsu nhận phép rửa này, ngoài việc “nhập thế đến cùng”, khiêm tốn xếp hàng đứng chung với các tội nhân đợi chờ đến phiên, Người còn hữu ý qua động thái có một không hai đó, công khai khởi đầu cuộc sống mới: cuộc rao giảng Tin Mừng cho mọi người.

Tất cả các tiên trưng trong Cựu Ước đều được thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Để “chu toàn thánh ý Thiên Chúa“(Mt 3,15), Chúa Giêsu tự nguyện chịu phép rửa của thánh Gioan, dành cho những người tội lỗi. Cử chỉ này cho thấy Chúa Giêsu đã đi vào mầu nhiệm “tự hạ” (Pl 2,7). Chúa Thánh Thần xưa kia đã bay là là trên mặt nước trong cuộc sáng tạo thứ nhất, nay ngự xuống trên Đức Kitô như khúc nhạc dạo đầu của bản giao hưởng sáng tạo mới, và Chúa Cha giới thiệu Chúa Giêsu là “Con Chí Ái” của Ngài (Mt 3,16-17).

Trong cuộc Vượt Qua, Đức Kitô đã khơi nguồn Bí Tích Rửa Tội cho mọi người. Người nói về cuộc tử nạn sẽ phải chịu tại Giêrusalem như “một Phép Rửa” Người phải lãnh nhận (x. Mc 10,38; Lc 12,50). Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Người bị đâm thâu trên thập giá (Ga 19,34) tiên trưng cho Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thánh Thể là những bí tích ban sự sống mới (x.1Ga 5,6-8); từ giây phút ấy, chúng ta có thể “sinh ra nhờ nước và Thánh Thần” để được vào Nước Thiên Chúa (Ga 3,5).

Bí Tích Rửa Tội là cánh cửa phân chia tách bạch đời sống, một đàng là khép lại quá khứ của bóng tối, tội lỗi, chết chóc, và đàng khác là mở ra tương lai của ánh sáng, thánh ân, sự sống. Bí Tích Rửa Tội cần thiết cho ơn cứu rỗi, nên bí tích này cũng là khởi đầu cho một sự hiện diện mới: từ kẻ ngoại đạo trở thành người đã tòng giáo; từ một lương dân trở nên tín hữu; từ kẻ xa lạ trở thành người nhà của Thiên Chúa. Quả là một hồng ân vô cùng lớn lao cho những ai đón nhận trong lòng tin.

2. Ân Sủng của Bí Tích Rửa Tội

Khi ban Bí Tích Rửa Tội, Thừa tác viên Giáo Hội đổ nước trên đầu thụ nhân và đọc công thức “Cha rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Đơn giản trong cung cách cử hành, nhưng hiệu quả ơn thánh lại phong phú bội phần. Bằng những hình ảnh do Thánh Kinh gợi ý, người ta trở thành thành viên trong Dân Chúa Cha, chi thể trong Thân Mình Chúa Kitô và viên đá sống động kiến tạo Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Con người mới chính là con cái Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa hằng sống.

Bí Tích Rửa Tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và mọi bí tích khác. Nhờ bí tích này chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, thành chi thể của Đức Kitô, được gia nhập và tham dự sứ mạng của Hội Thánh (GLCG 1213).

Bí Tích Rửa Tội tha thứ nguyên tội, mọi tội cá nhân và các hình phạt do tội. Bí Tích Rửa tội cho tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hoá, nhờ ơn công chính hoá giúp tháp nhập vào Đức Kitô và Hội Thánh. Bí tích này cho tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô và tạo nền tảng cho sự hiệp thông với tất cả các Kitô hữu. Bí tích này trao ban các nhân đức đối thần và các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận bí tích Rửa tội thuộc về Đức Kitô luôn mãi: họ được đóng ấn không thể xóa được của Đức Kitô (GLCG 263).

Như vậy, có hai hiệu quả chính yếu của Bí Tích Rửa Tội là thanh luyện tội lỗi và tái sinh trong Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,38; Gl 3,5).

a. Được tha thứ tội lỗi

Nhờ Bí Tích Rửa Tội, mọi tội lỗi đều được tha : nguyên tội, mọi tội riêng cũng như mọi hình phạt do tội (x. DS 1316). Những người đã được tái sinh sẽ được vào Nước Thiên Chúa và không còn gì ngăn cản họ, dù là tội Ađam, tội riêng của họ, những hậu quả của tội, kể cả hậu quả trầm trọng nhất là xa lìa Thiên Chúa.

Tuy nhiên, người đã được rửa tội còn phải chịu một số hậu quả tạm thời của tội như : đau khổ, bệnh tật, chết chóc hay những bất toàn trong cuộc sống như tính tình yếu đuối… và một sự hướng chiều về tội mà Truyền Thống quen gọi là vật dục hay nói bóng bẩy là “cái nôi của tội”. “Thiên Chúa để vật dục lại cho chúng ta chiến đấu. Vật dục không có khả năng làm hại những ai không đồng tình mà còn can đảm chống lại nó nhờ ân sủng của Đức Kitô. Hơn nữa, “không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ” (2 Tm 2,5) (x. CĐ Trentô: DS 1515).

b. “Trở nên thụ tạo mới”

Bí Tích Rửa Tội không chỉ rửa sạch mọi tội lỗi, mà còn làm cho người tân tòng trở nên “một thụ tạo mới” (2 Cr 5,17), thành nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Gl 4,5-7), “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4), thành chi thể Đức Kitô (x.1Cr 6,15; 12,27) và đồng thừa tự với Người (Rm 8,17), thành đền thờ Chúa Thánh Thần (x.1Cr 6,19).

Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ban cho người được rửa tội ơn thánh hóa, ơn công chính hóa để người đó :

– Có khả năng tin tưởng, trông cậy và yêu mến Người nhờ các nhân đức đối thần.

– Có thể sống và hành động dưới tác động của Chúa Thánh Thần nhờ các hồng ân.

– Ngày càng hoàn thiện hơn nhờ các nhân đức luân lý.

Toàn bộ đời sống siêu nhiên của người Kitô hữu đều bắt nguồn từ Bí Tích Rửa Tội.

Bí Tích Rửa Tội làm cho chúng ta thành chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô, “bởi thế, chúng ta là phần thân thể của nhau” (Ep 4,25). Bí Tích Rửa Tội tháp nhập chúng ta vào Hội Thánh. Dân Thiên Chúa của Giao Ước Mới phát sinh từ giếng rửa tội. Dân này vượt trên mọi ranh giới tự nhiên hay nhân trần, quốc gia, văn hóa, chủng tộc và giới tính. “Tất cả chúng ta đều đã chịu Phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1 Cr 12,13).

Những người đã được rửa tội trở nên “những viên đá sống động… để xây nên ngôi đền thờ của Thánh Thần, xây dựng hàng tư tế thánh” (1 Pr 2,5). Nhờ Bí Tích Rửa Tội ,họ tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô, vào sứ mạng ngôn sứ và vương đế của Người: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo tế tự, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công vĩ đại của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối vào nơi đầy ánh sáng dịu huyền” (2 Pr 2,9).

Bí Tích Rửa Tội cho các tín hữu tham dự vào chức tư tế cộng đồng của Dân Chúa.Người đã được rửa tội trở thành phần tử của Hội Thánh, họ “không còn thuộc về mình, nhưng thuộc về Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta” (1Cr 6,19). Do đó, họ được mời gọi để phục tùng nhau (x.Ep 5,21;1Cr 16,15-16) và phục vụ nhau (x.Ga 13,12-15) trong tình hiệp thông của Hội Thánh. Họ được mời gọi vâng lời và phục tùng các vị lãnh đạo của Hội Thánh (x.Dt 13,17) với lòng kính trọng và quý mến (x.1Tx 5,12-13). Bí Tích Rửa Tội đã trao cho người lãnh nhận những trách nhiệm và bổn phận, đồng thời cũng cho họ được hưởng những quyền lợi trong lòng Hội Thánh: được lãnh nhận các bí tích, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được Hội Thánh nâng đỡ bằng các trợ giúp thiêng liêng. (x.LG 37).

3. Đón nhận một sứ vụ mới

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan là lúc Tân – Cựu ước giao duyên, là lễ bàn giao giữa hai niên đại cũ và mới mà Chúa Giêsu và Gioan là đại biểu. Gioan, ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước gặp gỡ trao đổi bàn giao với Đức Kitô,vị ngôn sứ của thời kỳ mới.Nơi cuộc gặp gỡ lịch sử này,Thiên Chúa đã xuất hiện và chứng nhận. Lúc ấy các tầng trời mở ra, Thánh Thần đáp xuống như chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha tuyên phán: Con là Con Ta yêu dấu. Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ hiện vào chính lúc lịch sử của hai niên đại mới và cũ chuyển giao.Từ nay Chúa Giêsu sẽ lên đường vào sứ vụ mới với cuộc sống công khai, chính thức rao giảng Tin Mừng và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân chúng. Lời Người nói là Lời chân lý khai quang tâm hồn, dẫn người người về đường ngay nẻo chính Nước Trời, và việc Người làm là việc giải thoát đem lại ơn cứu rỗi, đưa toàn thể nhân loại vào trong tình nghĩa thiết ngàn đời với Thiên Chúa tình thương. Chúa Giêsu khai mở kỷ nguyên cứu rỗi.

Thánh Phaolô gọi Bí Tích Rửa Tội là tắm trong Chúa Thánh Thần, để được tái sinh và đổi mới (x. Tt 3,5). Được tái sinh làm con Thiên Chúa, những người đã được rửa tội có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Hội Thánh (x.LG 10), tham dự vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của Dân Thiên Chúa (x.LG 17; AG 7,23).

Thánh Giúttinô gọi Bí Tích Rửa Tội là ơn soi sáng, vì những người được đạo lý giáo huấn thì tâm trí được soi sáng. Người chịu phép rửa, vì đón nhận Ngôi Lời là “ánh sáng đích thực chiếu soi mọi người” (Ga 1,9), nên sau khi “đã được soi sáng” (Dt 10,32), họ trở thành “con cái sự sáng” (1 Tx 5,5) và là “ánh sáng” (Ep 5,8).

“Bí Tích Rửa Tội là hồng ân cao đẹp nhất và kỳ diệu nhất trong các hồng ân của Thiên Chúa…Chúng ta gọi là hồng ân, ân sủng, xức dầu, soi sáng, mặc lấy sự bất tử, tắm để tái sinh, ấn tín và tất cả những gì quý giá nhất. Là hồng ân, vì được ban cho những người trắng tay. Là ân sủng, vì được ban cho cả những người có lỗi. Dìm xuống,vì tội lỗi bị nhận chìm trong nước. Xức dầu, vì có tính cách linh thiêng và vương giả (như những người được xức dầu). Soi sáng, vì đó là ánh sáng chói lọi. Mặc, vì che đi nỗi tủi nhục của chúng ta. Tắm, vì làm cho chúng ta sạch. Ấn tín, vì gìn giữ chúng ta và là dấu chỉ về quyền tối cao của Thiên Chúa” (Thánh Ghêg-riô Nadien, Bài giảng 40,3-4).

Nhờ Bí Tích Rửa Tội, trong tư cách là “Kitô hữu thuộc về Chúa Kitô”, chúng ta được nhắc nhớ về sứ mạng phải làm triển nở sự sống của Chúa Kitô nơi mình và nơi những người lân cận bằng lòng tin và bằng tình yêu chân thành và trung tín.

Trong tư cách “Kitô hữu hướng về Chúa Kitô”, chúng ta cũng được hun đúc để luôn biết sống bằng niềm hy vọng và bằng lời kinh phó thác, nhất là trong lúc gặp thử thách gian truân.

Trong tư cách “Kitô hữu tìm về Chúa Kitô”, chúng ta còn biết sẵn sàng thanh tẩy đời sống qua việc sám hối hòa giải để đón nhận lòng thương xót của Chúa một cách dồi dào hơn.

Trong phép lần hạt Năm Sự Sáng, gẫm thứ nhất, chúng ta vẫn đọc: “Thứ nhất thì ngắm, Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa”. Theo gương Mẹ Maria, chúng ta xin được sống gắn bó với Chúa Giêsu mật thiết hơn, để xứng đáng là những người con yêu dấu của Thiên Chúa.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Phép rửa

Phép rửa

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa khởi đầu mùa Phụng vụ của Chúa Nhật I Thường Niên. Chúa Giêsu bắt đầu khai mạc sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cứu độ. Thánh Gioan Tẩy Giả đã tiến dẫn Chúa Giêsu cho đại chúng. Các biến cố lớn nhỏ đều có vai trò quan trọng trong lịch sử ơn cứu độ. Tiên tri Isaia đã tiên báo về Ngài: Đây là lời Chúa phán: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân.” (Is 42,1).

Tất cả mọi sự đều qui về Chúa Giêsu Kitô là nguồn ơn cứu độ. Toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước là sự thể hiện một giao ước giữa Thiên Chúa và loài người. Thiên Chúa trung thành giữ lời đã hứa với các tổ phụ của chúng ta. Cho dù lòng con người có đổi thay, phản bội hay chối từ. Thiên Chúa vẫn giữ trọn lời đã hứa: “Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân.” (Is 42,6).

Chúa Giêsu đã giáng thế làm người. Qua thời gian năm tháng, Chúa Giêsu đã được sinh ra tại Belem, rồi tránh xa kẻ lùng bắt nên trốn sang nước Ai Cập và âm thầm trở về làng quê Nazareth sống cuộc đời dân dã lao động. Khi tới tuổi trưởng thành, tam thập như lập, Chúa Giêsu công khai xuất hiện rao giảng tin vui cho mọi người. Chúa Giêsu đã đến với Gioan Tẩy Giả để lãnh nhận phép rửa sám hối. Chúa Giêsu đã hạ mình xuống tận đáy lòng sông để rồi từ đó, Chúa cất nhắc mọi người lên cùng Chúa: Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. “Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người.” (Mt 3,16). Thánh Matthêu ghi lại sự kiện: “Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta.” (Mt 3,17).

Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta cùng nhau ôn lại giáo lý về Bí tích Rửa Tội. Bí tích Rửa Tội còn được gọi là Bí tích Thánh Tẩy. Bí tích làm cho ta được sinh vào đời sống mới trong Chúa Kitô. Theo ý muốn của Chúa, Bí tích Thánh Tẩy cần thiết để được ơn cứu độ. Hoa trái của Bí tích là tha tội nguyên tổ và mọi tội riêng đã phạm để sinh vào đời sống mới. Nhờ đó, con người trở thành dưỡng tử của Chúa Cha, làm chi thể của Chúa Kitô và là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận Bí tích Rửa Tội được gia nhập vào Hội Thánh Chúa Kitô và được tham dự vào chức Tư Tế của Người (x. GLCG, số 1279). Bí tích Rửa Tội in vào linh hồn dấu ấn thiêng thiêng không thể xoá nhoà. Mỗi người chỉ lãnh nhận Bí tích Rửa Tội một lần trong đời. Nghi thức Rửa Tội gồm có: bày tỏ sự đồng ý của ứng viên, Phụng vụ Lời Chúa, kinh cầu các Thánh, lời nguyện trừ tà và xức dầu dự tòng (OS), làm phép nước, hứa từ bỏ tà thần và tuyên xưng đức tin, nghi lễ rửa tội, xức dầu thánh (SC), trao áo trắng, trao nến sáng, cầu nguyện và phép lành.

Từ rất xa xưa, Hội Thánh đã có truyền thống ban Bí tích Rửa Tội cho các trẻ sơ sinh. Các trẻ sơ sinh được thanh tẩy trong đức tin của Hội Thánh và gia nhập đời sống Kitô giáo đạt tới tự do đích thực. Thừa tác viên của Bí tích Rửa Tội là các giám mục, linh mục, thầy sáu và trong trường hợp khẩn cấp, mọi tín hữu đều có quyền và có bổn phận rửa tội. Ngay cả người không trong đạo Công giáo cũng có quyền, nếu được cắt đặt trong trường hợp khẩn cấp (thí dụ: các y tá ở bệnh viện), miễn là làm theo đúng nghi thức và ý của Giáo Hội. Bình thường, Bí tích Rửa Tội được cử hành trong nhà thờ hay nhà nguyện của giáo xứ. Sau khi cử hành Bí tích Rửa Tội, cần phải ghi vào sổ bộ một cách rõ ràng tên của thừa tác viên, cha mẹ đỡ đầu và các nhân chứng.

Bí tích Rửa Tội cần thiết cho được rỗi linh hồn, nhưng chúng ta nhận biết lòng thương xót của Chúa mở rộng cho mọi người, dù chưa lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, họ cũng có thể được phần với Chúa, thí dụ: Kẻ trộm bị đóng đinh cùng Chúa Giêsu, anh ta thưa: Ông Giêsu ơi, khi vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi. Chúa nói: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.” (Lc 23,42-43). Hoặc câu truyện ông Giakêu, Chúa Giêsu nói: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham.” (Lc 19,9). Vậy những người không lãnh nhận Bí tích Rửa Tội cũng có thể được ơn cứu độ là những người chết vì đức tin, tất cả những người tuy không biết Hội Thánh nhưng do ân sủng thúc đẩy mà chân thành tìm kiếm Chúa và nỗ lực chu toàn thánh ý Người (x. GLCG, số 1281).

Một vài cách thực hành mục vụ, ai cũng có thể rửa tội cho các thai nhi hay các trẻ em trong những trường hợp khẩn cấp. Những người lớn tuổi muốn được rửa tội để gia nhập đạo thánh Chúa cần có thời gian chuẩn bị học hỏi và tuyên xưng đức tin. Các ứng viên phải bày tỏ ý muốn được rửa tội, được hướng dẫn về sự thật của niềm tin và những bó buộc của đời sống Kitô hữu. Họ phải trải qua thời kỳ thanh luyện, chứng tỏ sự đổi mới và tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa và Hội Thánh. Trong trường hợp nguy tử, những người này có thể lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, nếu họ có một sự hiểu biết về những nguyên lý sự thật của đức tin, bày tỏ ý muốn được lãnh nhận Bí tích và hứa tuân giữ các giới luật và điều răn của đạo Công giáo (x. GLCG, số 865).

Với các thừa tác viên ngoại thường: Xin đừng rửa tội cho một người đã trưởng thành, trừ khi họ thật sự yêu cầu hay thỉnh nguyện (request) được rửa tội. Đừng rửa tội cho một người lớn trong khi họ bị hôn mê (unconscious). Đừng rửa tội cho một người mà họ đã được rửa tội trong một Hội Thánh khác. Nếu chúng ta chỉ là thừa tác viên (giáo dân), cần nhớ rằng không nên rửa tội cho một người đã trưởng thành, nếu có các linh mục và phó tế có thể sẵn sàng hiện diện. Nếu các linh mục và phó tế chối từ rửa tội cho một người, thừa tác viên cũng đừng tự ý rửa tội cho họ. Nếu linh mục và phó tế chỉ dẫn rằng không nên rửa tội cho họ vì không cần thiết, các thừa tác viên giáo dân không nên rửa tội. Nghi lễ của Bí tích Rửa Tội là lấy nước lã đổ trên đầu kẻ lãnh Bí tích Rửa Tội, vừa đổ vừa đọc rằng: (Tên)… cha (tôi) rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Trong trường hợp khẩn cấp, sau khi rửa tội tại nhà thương, các thừa tác viên phải bá cáo đầy đủ chi tiết cho văn phòng để ghi vào sổ lưu và bá cáo cho giáo xứ thuộc quyền để ghi tên vào Sổ bộ rửa tội.

Bí tích Rửa Tội do Chúa Giêsu đã lập để sinh ta lại làm con Chúa và con Hội Thánh. Chính Chúa Kitô là Đấng ban phát mọi ân sủng cứu độ. Sách Tông đồ Công vụ đã tuyên xưng: “Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài.” (Cv 10,36). Chúng ta không dựa vào danh nào khác ngoài Danh Chúa Giêsu Kitô. Ngài là trưởng tử của mọi loài có uy quyền trên tất cả vạn vật: “Chúa Giêsu thành Nazareth. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.” (Cv 10,38). Chúa Giêsu là nguồn ban sự sống và là sự sống lại. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được sinh lại bởi nước và Chúa Thánh Thần. Chúng ta cùng được thông dự vào sự sống đời đời với Đức Kitô.

Lạy Chúa, Chúa đã bước xuống dòng sông Giođan để thánh hóa nguồn nước trong lành. Chúa đã lập Bí tích Thanh Tẩy để tẩy sạch tâm hồn chúng con khỏi vết nhơ tội khiên. Xin cho chúng con biết gìn giữ tâm hồn tinh sạch như chiếc áo trắng tinh tuyền của ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Chúng con sẽ cùng được chung hưởng hạnh phúc với Chúa trong cõi sống trường sinh.

LM. Giuse Trần Việt Hùng

Đức Thánh Cha Phanxicô: Tin tưởng dẫn đến hy vọng

Đức Thánh Cha Phanxicô: Tin tưởng dẫn đến hy vọng

WHĐ (10.01.2014) – “Trong Giáo hội có nhiều Kitô hữu hoang mang, họ không tin rằng đức tin sẽ chiến thắng”. Đó là ý tưởng được Đức Thánh Cha khai triển trong bài giảng Thánh lễ cử hành tại nhà nguyện của Nhà khách Santa Martha sáng nay thứ Sáu, 10-01. “Có nhiều Kitô hữu chỉ có niềm cậy trông nhạt nhoà, không có sức mạnh, một niềm cậy trông yếu ớt, có nhiều Kitô hữu không có sức mạnh và lòng can đảm tin tưởng vào Chúa”.

Đức Thánh Cha thẳng thắn: “Tôi không ngại nói ra điều đó. Cầu nguyện –nhiệt kế của đời sống Giáo hội– đã xuống thấp: tôi thấy ít có khả năng thờ phượng Chúa, đơn giản vì khi tuyên xưng đức tin, chúng ta không tin chắc, hoặc chỉ tin một nửa. Người có đức tin thì phó thác nơi Thiên Chúa. Nhưng nếu người ấy không sống đức tin này trong chiến thắng, thì họ sẽ hoang mang và thế gian sẽ thắng, ông hoàng của thế gian, tức là ma quỷ, sẽ chiến thắng”. Và Đức Thánh Cha trích lời Thánh tông đồ Phaolô: “Vào lúc khó khăn trong đời ngài, thánh nhân đã nói: ‘Tôi biết tôi tin vào ai’. Thật vậy, ngài đã tin vào Chúa Giêsu”.

“Phải tin tưởng, bởi tin tưởng dẫn chúng ta đến hy vọng. Nếu việc tuyên xưng đức tin dẫn chúng ta đến thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa, thì tin tưởng nơi Thiên Chúa sẽ dẫn chúng ta đến một thái độ hy vọng”. Đức Thánh Cha giải thích: “Tuyên xưng đức tin đòi hỏi chúng ta phải tin không phải chỉ một phần hoặc một nửa, nhưng toàn vẹn đức tin, đức tin được truyền lại cho chúng ta: toàn vẹn đức tin! Nhưng làm sao biết được tôi tuyên xưng đức tin cách mạnh mẽ? Ai tuyên xưng đức tin cách mạnh mẽ, toàn vẹn đức tin, thì người ấy có thể thờ phượng Thiên Chúa”. Đức Thánh Cha nói thêm rằng thái độ đầu tiên phải có là tuyên xưng đức tin và bảo vệ đức tin; sau đó là tin tưởng vào Thiên Chúa.

(Vatican Radio)

 Thái Hoà  (Trích từ HĐGMVN)

Tổng tu nghị Dòng Đạo Binh Chúa Kitô

Tổng tu nghị Dòng Đạo Binh Chúa Kitô

WHĐ (10.01.2014) – Ngày thứ Năm 09-01-2014 tại Roma, Đức hồng y Velasio De Paolis, Đặc sứ của Đức Thánh Cha cho Dòng Đạo Binh Chúa Kitô đã cử hành Thánh lễ khai mạc Tổng tu nghị ngoại lệ của Dòng này. Trước đó các linh mục trong kinh sĩ đoàn đã tham dự tuần tĩnh tâm chín ngày để cầu nguyện cho Tổng tu nghị. Sau ba năm rưỡi cải tổ kể từ khi được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Đặc sứ giáo hoàng để quản trị Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, Đức hồng y De Paolis đã triệu tập Tổng tu nghị để bầu ban lãnh đạo mới và phê chuẩn bản hiến pháp mới của Dòng.

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức hồng y nói đây không phải là một công việc kỹ thuật và Tu nghị phải giúp mỗi người kiểm điểm đời sống, cam kết canh tân đời sống thiêng liêng của cá nhân và cộng đoàn.

Hiến pháp mới vì thế không được giới hạn vào một bộ luật và các kỷ luật nhưng phải diễn tả một ơn gọi, một lý tưởng và một tầm nhìn chung, một con đường nên thánh chung.

Sau đó, ngài nhắc lại rằng nhiệm vụ trước hết của các người lãnh đạo mới là bảo vệ và phát triển đặc sủng của Dòng, họ phải hướng dẫn Dòng trong tinh thần Phúc Âm và trung thành với lề luật của Giáo hội. Hiến pháp mới dành sự quan tâm đặc biệt đến Tu nghị này, nhưng vẫn không quên quá khứ đau thương.

Tiếp theo, Đức hồng y De Paolis nói về việc chuẩn bị Tu nghị đổi mới, mời gọi các tu sĩ đặt hy vọng nơi Chúa, Đấng đã gìn giữ ơn gọi của họ và đã chuẩn bị họ cho một một triển vọng mới. Nhắc lại sự nâng đỡ của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI và của Đức giáo hoàng Phanxicô hiện nay trong giai đoạn đen tối của Hội Dòng, Đức hồng y bày tỏ sự tin tưởng vào tinh thần đổi mới và trung thành với Chúa của các chiến binh Chúa Kitô: “Anh em đã đau khổ nhiều, đã nếm trải nỗi tủi hổ bị tố cáo, bị nghi ngờ, bị công luận phán xét, cả trong lòng Giáo hội. Anh em đã biết đón nhận thử thách với lòng yêu mến ơn gọi, yêu mến Giáo hội và cộng đoàn. Thử thách ấy thanh tẩy anh em và củng cố anh em vì anh em đã cảm nghiệm ân sủng và tình yêu của Chúa, Đấng đã kêu gọi anh em dự phần vào mầu nhiệm thập giá và cứu chuộc. Anh em đã chia sẻ nỗi đau khổ của các nạn nhân của một số thành viên của Đạo binh và đã chỉ chọn con đường Phúc Âm để chuộc lại điều ác. Anh em đã không trốn chạy, không loại bỏ và không lên án người khác. Anh em đã đi theo con đường tham gia và liên đới, đó là con đường tình yêu đi vào tội lỗi và đau khổ để cứu chuộc chúng từ bên trong”.

(VIS, 09-01-2014)

 Minh Đức

Trích từ HĐGMVN

Bí tích Rửa Tội biến chúng ta thành những người mang niềm hy vọng

Bí tích Rửa Tội biến chúng ta thành những người mang niềm hy vọng

Bí tích Rửa tội tháp nhập chúng ta vào Chúa Kitô và Giáo Hội như các chi thể. Nó khiến cho chúng ta được đồng hình dạng với Chúa Kitô, trở thành những người đem theo niềm hy vọng và là chứng nhân cho sự hiện diện và tình yêu của Chúa mỗi ngày trong suốt cuộc đời.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 20,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung lần đầu tiên của năm 2014 tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 8 tháng 1-2014.

Bên cạnh các đoàn hành hương Bắc Mỹ và Âu châu, có các đoàn hành hương đến từ chậu Mỹ Latinh như Argentina, Bolivia, Venezuela, Mêhicô và Haiti. Xa hơn nữa là các nhóm đến từ Australia.

Trùng với lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa Giáo Hội mừng kính vào Chúa Nhật tới đây, trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã bắt đầu trình bầy loạt bài giáo lý về các bí tích, bắt đầu là bí tích Rửa Tội. Đức Thánh Cha định nghĩa ”bí tích Rựa Tội như sau:

Rửa Tội là bí tích trên đó được xây dựng chính đức tin của chúng ta, và nó tháp nhập chúng ta vào Chúa Kitô và Giáo Hội như các chi thể sống động. Cùng với bí tích Thánh Thể và Thêm Sức nó làm thành việc ”khai tâm kitô” làm thành biến cố bí tích duy nhất lớn lao khiến cho chúng ta đồng hình dạng với Chúa Kitô, và biến chúng ta trở thành một dấu chỉ sống động sự hiện diện của và tình yêu của Người.

Có thể nảy sinh trong chúng ta một câu hỏi: mà có thực sự cần bí tích Rửa tội để sống như tín hữu kitô và theo Chúa Giêsu hay không? Nói cho cùng, nó lại không phải là một nghi thức đơn sơ, một cử chỉ hình thức của Giáo Hội để đặt tên cho đứa bé hay sao? Liên quan tới điều này thật là soi sáng điều thánh Phaolộ viết trong chương 6 thư gửi giáo đoàn Roma: ”Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4). Và Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Như vậy, bí tích Rửa Tội không phải là một hình thức! Nó là một hành động đụng chạm tới trong sâu thẳm cuộc sống chúng ta. Một đứa bé được rửa tội và một đứa bé không được rửa tội không như nhau. Một người được rửa tội và một người không được rửa tội không giống nhau. Với bí tích Rửa Tội chúng ta được dìm trong suối nguồn bất tận của sự sống là cái chết của Chúa Giêsu, hành động tình yêu vĩ đại nhất của toàn lịch sử; và nhờ tình yêu đó chúng ta có thể sống một cuộc đời mới, không ở trong quyền lực của sự dữ, tội lỗi và cái chết nữa, nhưng sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và các anh em khác.

Nhiều người trong chúng ta không hề nhớ chút gì về việc cử hành Bí Tích này, và đó là điều đương nhiên, khi chúng ta được rửa tội ít lâu sau khi sinh. Tại quảng trường này tôi đã hỏi hai ba lần: ai trong anh chị em biết mình được rửa tội ngày nào, hãy giơ tay lên. Ai biết, ít, ít người biết. Nhưng thật là quan trọng biết ngày chúng ta đã được dìm vào trong dòng suối cứu độ của Chúa Giêsu. Tôi xin phép khuyên anh chị em. Nhưng hơn là một lời khuyên hôm nay nó là một bài tập. Hôm nay khi về nhà anh chị em hãy tìm, hãy hỏi ngày chịu phép Rửa Tội của mình, và như thế anh chị em sẽ biết ngày xinh đẹp ấy. Anh chi em có làm bài tập này không? Tín hữu trả lời ”Dạ có” nhưng yếu ớt. Đức Thánh Cha nói: Tôi không cảm thấy sự hăng hái. Anh chị em có làm bài tập không? Tín hữu trả lời to hơn ”Dạ có”. Có, phải không? Như thế để biết một ngày hạnh phúc, ngày rửa tội của chúng ta.

Nguy cơ đó là việc đánh mất đi ý thức điều mà Chúa đã làm nơi chúng ta, ký ức ơn mà chúng ta đã nhận lãnh. Khi đó rốt cuộc chúng ta chỉ coi nó như là một biến cố xảy ra trong qúa khứ – và cũng không do ý muốn của chúng ta, mà của cha mẹ chúng ta – vì thế nó không ảnh hưởng gì trong hiện tại. Cần phải thức tỉnh ký ức bí tích Rửa Tội của chúng ta: thức tỉnh ký ức Rửa Tội. Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Chúng ta được mời gọi Sống Bí Tích Rửa Tội của mình mỗi ngày, như một thực tại thời sự trong cuộc sống. Nếu chúng ta thành công theo Chúa Giêsu và ở lại trong Giáo Hội, cho dù có các hạn hẹp, giòn mỏng và tội lỗi của chúng ta, đó chính là nhờ Bí Tích trong đó chúng ta đã trở thành các thụ tao mới và chúng ta đã được mặc lấy Chúa Kitô. Thật thế, chính nhờ sức mạnh của Bí tích Rửa Tội mà chúng ta được giải thoát khỏi tội tổ tông và được tháp nhập vào trong tương quan của Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha; chúng ta trở thành những người mang một niềm hy vọng mới, bởi vì bí tích Rửa Tội ban cho chúng ta niềm hy vọng mới: niềm hy vọng bươc đi trên con đường cứu độ, suốt đời. Và niềm hy vọng này không gì và không ai có thể dập tắt được, bởi vì niềm hy vọng không gây thất vọng. Xin anh chị em nhớ điều đó, nó thật đấy. Niềm hy vọng trong Chúa không bao giờ gây thất vọng. Nhờ bí tích Rửa tội chúng ta có khả năng tha thứ và yêu thương cả những người xúc phạm đến chúng ta và làm điều dữ cho chúng ta nữa; chúng ta thành công trong việc nhận ra nơi những người rốt hết và nơi những người nghèo gương mặt của Chúa đến viếng thăm và sống gần chúng ta. Và Bí tích Rửa Tội giúp chúng ta nhận ra nơi gương mặt của những người khốn khó, khổ đau, cả người bên cạnh chúng ta, gương mặt của Chúa Giêsu. Chính là nhờ sức mạnh của bí tích Rửa Tội.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Còn một yếu tố quan trọng nữa. Tôi xin hỏi anh chị em: một ngừơi có thể tự rửa tội cho mình không? Tín hữu trả lời ”Thưa không”. Đức Thánh Cha nói: Tôi không nghe. Tín hữu trả lời to hơn ”Dạ thưa không”. Không thể rửa tội: không ai có thể tự rửa tội cho mình! Không ai. Chúng ta có thể xin, ước ao điều đó, nhưng chúng ta luôn luôn cần một ai đó ban Bí tích này cho chúng ta nhân danh Chúa. Bởi vì bí tích Rửa Tội là một ơn được ban cho chúng ta trong một bối cảnh của sự chăm lo và chia sẻ huynh đệ.

Trong lịch sử đã luôn luôn như thế: một người rửa tội cho một người khác, người khác, người khác… nó là môt dây xích. Một dây xích ơn thánh. Nhưng tôi không thể rửa tội cho mình: tôi phải xin một người khác ban bí tích Rửa Tội. Đó là một hành động huynh đệ, một hành động sinh con cái cho Giáo Hội. Trong việc cử hành nó chúng ta có thể nhận ra các đường nét tinh tuyền nhất của Giáo Hội, như một bà mẹ tiếp tục sinh ra các người con mới trong Chúa Kitô, trong sự phong phú của Chúa Thánh Thần.

Như thế, chúng ta hãy thành tâm xin Chúa cho chúng ta có thể luôn ngày càng cảm nghiệm hơn trong cuộc sống thường ngày ơn thánh mà chúng ta đã nhận lãnh với bí tích Rửa Tội. Khi gặp gỡ nhau, các anh chị em của chúng ta có thể gặp gỡ các người con thật của Thiên Chúa, các anh chị em đích thật của Chúa Kitô, các chi thể đích thật của Giáo Hội. Và xin anh chị em đừng quên làm bài tập hôm nay nhé: đó là tìm, hỏi ngày rửa tội của mình. Như tôi biết ngày sinh của tôi, cũng phải biết ngày rửa tội của tôi như vây, vì đó là một ngày lễ.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu và cầu chúc mọi người những ngày hành hương tươi vui và năm mới nhiều ơn lành của Chúa. Ngài đặc biệt ca ngợi và cám ơn một số nghệ sĩ của đoàn xiệc Golden Liana Orfei đã trình diễn giúp vui mọi người trong buổi tiếp kiến đầu năm mới. Đức Thánh Cha cũng đã chào, vuốt ve và an ủi hàng trăm bệnh nhân ngồi trên các xe lăn.

Chào các bạn trẻ Đức Thánh Cha nói trong các ngày sau lể Hiển Linh chúng ta tiếp tục suy niệm về sự biểu lộ của Chúa Giêsu cho tất cả mọi dân tộc. Giáo Hội mời gọi giới trẻ trở thành các chứng nhân hăng say của Chúa Kitô giữa các bạn trẻ đồng trang lứa. Giáo Hội cũng kêu mời các anh chị em bệnh tật phổ biến ánh sáng của Chúa Kitô với sự kiên nhẫn, và Giáo Hội thúc đẩy các cặp vợ chồng mới cưới là dấu chỉ sự hiện diện canh tân của Chúa với tình yêu trung thành của họ.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phé lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Năm mới sẽ vẫn cũ, nếu không có não trạng mới Năm mới sẽ vẫn cũ, nếu không có não trạng mới

Năm mới sẽ vẫn cũ, nếu không có não trạng mới Năm mới sẽ vẫn cũ, nếu không có não trạng mới

Năm 2013 nhiều tai ương đã khép lại và mở cửa cho năm 2014. Để chào mừng năm mới các đài phát thanh truyền hình tổng kết năm cũ và đồng thanh kết luận rằng tình hình thế giới năm 2013 đã có qúa nhiều điểm tiêu cực, trong đó có 17 cuộc chiến vẫn tiếp diễn, sự thất bại của mùa xuân A Rập, tình trạng khủng hoảng kinh tế tài chánh kéo dài tại các nước Âu châu, tình hình căng thẳng tại Biển Đông và Hoa Đông, nạn khủng bố chống lại đường lối chính trị đàn áp của chính quyền Matscơva vv…

Thật thế, kể từ khi cuộc ”cách mạng hòa nhài” bùng nổ tại Tunisia và lan sang các nước A rập Bắc Phi cũng như nhiều nước vùng Trung Đông, đã không có nút thắt nào trong vùng được tháo cởi. Tình hình chính trị tại các nước như Tunisia, Libia, Ai Cập vẫn bất ổn và căng thẳng, khiến cho ước mơ dân chủ bị khựng lại. Tại Siria trái lại nó đã khiến cho cuộc nội chiến bùng nổ và kéo dài từ ba năm qua làm cho hơn 160 ngàn người thiệt mạng, hơn 4 triệu người phải di cư tị nạn chiến tranh, và cả một quốc gia phồn thịnh bị tàn phá tan hoang. Sở dĩ chiến tranh Siria vẫn kéo dài vì Nga, Trung Quốc và Iran ủng hộ và bán khí giới cho ông Assad, trong khi Hoa Kỳ và các nước Âu châu ủng hộ và cung cấp khí giới cho các lực lượng đối lập. Sau bao nhiêu lời kêu gọi, Liện Hiệp Quốc vẫn không thành công trong việc mở ra một hành lang nhân đạo trợ giúp người tị nạn. Toàn vùng Trung Đông biến thành bãi chiến giữa hai hệ phái Hồi giáo Sciít và Sunnít tranh giành quyền bính, tàn sát lẫn nhau không thương tiếc, khiến cho các tôn giáo thiểu số khác cũng bị vạ lây, trong đó có hàng trăm ngàn tín hữu kitô.

Riêng tại Thánh Địa mọi nỗ lực hòa bình đều thất bại, vì chính quyền Israel vẫn tiếp tục chính sách ăn cướp đất, thành lập các làng mới trên đất của người Palestine, còn người Palestine, đặc biệt là lực lượng Hamas, vẫn không thừa nhận Israel và từ bỏ ý định tiêu diệt người Do thái.

Sự kiện Phi châu trở thành ”chợ trời khí giới”, nơi Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, nhiều nước A Rập và các nước Âu châu thi nhau bán khí giới cũ nhiều hơn mới, để đổi lấy mọi thứ quặng mỏ và nguyên liệu khiến cho các cuộc nội chiến kèo dài hết năm này sang năm khác tại các nước như: Nam Sudan, Etiopia, Eritrea, Somalia, Trung Phi, Cộng hàa Congo và Nam Phi.

Bên Âu châu cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh kéo dài từ năm 2008 tới nay khiến cho các quốc gia kỹ nghệ tân tiến lâm vào tình trạng kiệt quệ lê lết, với số nợ công ngập đầu và nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng, đặc biệt nơi giới trẻ tạo ra tình trạng mất chất xám và các bất ổn chính trị xã hội. Điển hình như tại Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia, là nơi các đảng phải chính trị bị phân hóa, mất hướng, thi đua đánh phá, chỉ trích nhau, không nghĩ gì đến công ích và cuộc sống khó khăn của người dân. Ngoại trừ Đức có nền kinh tế vững vàng ổn định nhất, các nước khác kể cả Pháp cũng vất vả ì ạch vì cuộc khủng hoảng.

Bên kia bờ Đại Tây Dương Hoa Kỳ xem ra đang mất dần uy tín trên chính trường quốc tế, đặc biệt sau vụ tổ chức gián điệp Mỹ theo dõi kiểm soát giới lãnh đạo các nước Âu châu và nhiều nước khác gây phẫn nộ tột bực. Trong khi tại Nga các tổ chức khủng bố xem ra muốn ăn thua đủ với tổng thống Vladimir Putin, và cảnh báo chính sách đàn áp mà chính quyền Matscơva đã theo đuổi trong hơn mười năm qua. Hai vụ khủng bố tự sát tại Volvograd, một tại nhà ga xe lửa ngày 29 thang 12, một trên xe điện ngầm ngày 30 tháng 12 vừa qua làm cho 31 người chết và 62 người bị thương, đã khiến cho thành phố này ở trong tình trạng báo động tối đa. Chuyên gia Sakorianskaya cho rằng các vụ khủng bố này là hậu qủa của một cuộc xung đột đã kéo dài hơn mười năm qua. Thay vì tìm cách giải quyết, thì chính quyền Matscơva lại dùng vũ lực để đè bẹp. Thật thế, kể từ khi ông Putin trở lại nắm quyền năm 2012, mọi giải pháp theo hướng hòa giải và hội nhập, cũng như phục hồi quyền lợi cho những người nổi dậy đo ông Dimitri Medvedev khởi xướng, đều bị hủy bỏ. Thay vào đó là làn sóng đàn áp, đặc biệt tại Daguestan. Tuy tổng thống Putin liên tục tăng ngân sách cho tình báo và lực lượng an ninh, và đầu tư 40 tỷ Euros cho thế vận hội mùa đông tại Solchi, nhưng người ta vẫn lo sợ cho tình hình an ninh của thế vận hội sẽ diễn ra vào đầu tháng 2 tới đây.

Bước sang Á châu, thái độ của nhà nước cộng sản Trung Quốc ngạo mạn ngang ngược ”ngồi xổm trên công pháp quốc tế”, vẽ bản đồ lưỡi bò tuyên bố biển Đông là của mình, và cấm mọi nước bay trên vùng biển Hoa Đông, có đảo Senkaku của Nhật Bẩn, đã tạo ra căng thẳng trong toàn vùng. Nhờ công nghệ của ba nước Đức, Anh và Pháp trang bị máy móc cho các tầu chiến, máy bay và radar, Trung Quốc hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai sau Hoa Kỳ và có thị trường quận sự tăng nhanh nhất thế giới, liên tục dương oai dọa nạt các nước vùng Đông Nam Á và thách thức hải quân Hoa Kỳ và đồng minh tại châu Á. Trong khi các nhà thầu quốc phòng trên thế giới bao gồm cả các công tây Âu châu đã không thể cưỡng lại các dịch vụ làm ăn hấp dẫn có lời lớn với Trung Quốc.

Thế mới biết cho tới khi nào ”não trạng duy lợi nhuận và quyền lực” vẫn còn thống trị tâm trí con người và chỉ huy các sinh hoạt của mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, thì năm mới sẽ vẫn cũ, và chắc chắn sẽ không đem lại hòa bình, hạnh phúc và thịnh vượng cho các dân tộc nghèo và chậm tiến trên thế giới.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Cầu cho các kitô hữu thuộc nhiều Giáo Hội khác nhau được hiệp nhất

Cầu cho các kitô hữu thuộc nhiều Giáo Hội khác nhau được hiệp nhất

Cách đây năm mươi năm Công Đồng Chung Vatican II đã lấy việc tìm về hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô thuộc mọi Giáo Hội và cộng đoàn khác nhau như trung tâm cuộc sống và công trình của Giáo Hội. Đối với lịch sử dài hơn hai ngàn năm của Kitô giáo, thời gian nửa thế kỷ không là bao, nhưng các cuộc đối thoại song phương giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo hội Kitô khác như Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo, Luther, đã đem lại những kết qủa khích lệ. Tuy nhiên, sức nặng của qúa khứ với các hệ lụy chính trị, kinh tế, xã hội đã khiến cho con đường đại kết gặp nhiều chướng ngại và bị trì trệ. Chính vì thế trong tháng Giêng năm 2014 Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hiệp ý cầu xin cho các tín hữu kitô thuộc các Giáo Hội khác nhau có thể tiến tới sự hiệp nhất mà Chúa Kitô đã mong muốn.

Thât thế, trong bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu đã tha thiết dâng lên Thiên Chúa Cha lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các kitô hữu, khi nói: ”Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cùng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,20-21). Lịch sử dài của Kitô giáo đã cho thấy những ý kiến và lập trường khác biệt nhau ngay từ thời các Tông Đồ. Điển hình là vụ tranh luận liên quan tới phép cắt bì. Có những người thuộc phái Pharisêu theo Kitô giáo chủ trương bắt buộc các người ngoại giáo theo Kitô giáo giữ phép cắt bì, các luật lệ và thói tục của của người Do thái, trong khi thánh Phaolô cho rằng chỉ có đức tin và ơn Thánh Thần mới là điều cần thiết. Cuộc tranh luận này đã khiến cho các Tông Đồ nhóm Công Đồng đầu tiên trong lịch sử năm 49 tại Giêrusalem để thảo luận và giải quyết vấn đề.

Sau này sẽ có nhiều cuộc tranh luận khác nữa và các khuynh hướng lạc giáo liên quan tới nhân tính và thiên tính của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng Giáo Hội đã duy trì được sự hiệp nhất cho tới năm 1054 khi hai Giáo Hội Đông Tây ra vạ tuyệt thông cho nhau, khiến cho Giáo Hội bị chia rẽ thành Công Giáo và Chính Thống. Tiếp đến vào thế kỷ XVI có phong trào cải cách Tin Lành với Martin Luther bên Đức, Calvin bên Thụy sĩ, rồi tới Anh Giáo với vua Enrico VIII. Các tương quan chính trị tôn giáo chằng chéo với nhau dẫn tới cả chiến tranh giữa Công Giáo và Tin Lành trong 30 năm trời, gieo chết chóc thương đau cho dân chúng nhiều nước Âu châu. Trong các thế kỷ tiếp theo nảy sinh ra hàng ngàn cộng đoàn kitô khác nhau, đặc biệt là bên Hoa Kỳ khiến cho Kitô giáo chia thành gần 9.000 Giáo Hội và cộng đoàn đủ loại, trong có có hàng ngàn các tổ chức lợi dụng anh nghĩa giáo phái cho các mục đích không dính líu gì tới Kitô giáo.

Trong Sắc Lệnh về Hiệp Nhất, Giáo Hội mời gọi mọi tín hữu công giáo biết nhận ra các dấu chỉ thời đại và tích cực tham gia vào hoạt động đại kết. Qua Thông Điệp ”Để chúng nên một” Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rằng đại kết là bổn phận và trách nhiệm của toàn thể Giáo Hội, của tất cả mọi người đã được rửa tội. Do đó việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu kitô không chỉ là dấn thân trong tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất, nhưng phải là một phần của lời cầu nguyện mỗi ngày trong cuộc sống của kitô hữu, đặc biệt khi các kitô hữu nhóm họp gặp gỡ và làm viêc chung cho chiến thắng của Chúa Kitô trên tất cả những gì là tôi lỗi, sự dữ, bất công, vi phạm phẩm giá con người.

Trong buổi gặp gỡ tín hữu ngày thứ tư 18 tháng Giêng năm 2012, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhắc cho mọi người biết rằng từ khi phong trào đại kết nảy sinh cách đây hơn một thế kỷ, các kitô hữu đã ý thức được rằng sự thiếu hiệp nhất giữa họ với nhau ngăn cản việc loan báo Tin Mừng hữu hiệu, vì nó khiến cho tính cách đáng tin cậy của họ gặp nguy hiểm. Làm sao các kitô hữu có thể cống hiến một chứng tá có sức thuyết phục, nếu họ sống chia rẽ. Chắc chắn liên quan tới các chân lý nền tảng của đức tin những gì hiệp hiệp nhất các kitô hữu thì nhiều hơn những gì chia rẽ họ. Nhưng các phân rẽ vẫn còn tồn tại liên quan tới các vấn đề thực hành và luân lý đạo đức, dấy lên sự lẫn lộn và làm suy yếu khả năng thông truyền Lời cứu độ của Chúa Kitô. Việc thiếu hiệp nhất giữa các kitô hữu là một thách đố lớn đối với công tác tái rao truyền Tin Mừng. Nó đã có thể phong phú hơn, nếu tất cả mọi kitô hữu cùng loan báo chân lý Tin Mừng của Chúa Giêsu và cống hiến một câu trả lời cho cơn khát tinh thần của thời đại chúng ta. Chỉ có Chúa Kitô mới có thể biến đổi và khiến cho chúng ta từ những người yếu đuối và lưỡng lự trở thành những người mạnh mẽ và can đảm thực thi sự thiên. Chỉ có Ngài mới cứu chúng ta khỏi các hậu qủa tiêu cực của các chia rẽ.

Trong các năm qua công cuộc đối thoại đại kết xem ra dậm chân tại chỗ, mệt mỏi, không còn hăng say và tiến triển như lúc ban đầu. Nhiều khó khăn và cản trở mới xuất hiện liên quan tới việc truyền chức Linh Mục và tấn phong Giám Mục cho phụ nữ, gây nứt rạn trầm trọng giữa các Giáo Hội Anh giáo và tạo thêm chướng ngại cho cuộc đối thoại giữa Công Giáo, Chính Thống và Anh Giáo. Con đường đại kết xem ra còn dài và còn rất nhiều chướng ngại phải vượt thắng.

Chính vì thế trong tháng Giêng năm 2014 chúng ta hãy hết lòng hiệp ý với Đức Thánh Cha và các anh chị em công giáo khác trên toàn thế giới tha thiết cầu xin cho các tín hữu kitô thuộc các Giáo Hội khác nhau có thể tiến tới sự hiệp nhất mà Chúa Kitô đã mong muốn.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha Phanxicô bài trừ xu hướng tìm thăng quan tiến chức trong Giáo Hội

Đức Thánh Cha Phanxicô bài trừ xu hướng tìm thăng quan tiến chức trong Giáo Hội

VATICAN. Mạng thông tin trực tuyến ”Vatican Insider” đưa tin: thêm một biện pháp mới của ĐTC nhắm bài trừ xu hướng tìm kiếm ”thăng quan tiến chức” trong Giáo Hội.

Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã gửi thư cho các tòa Sứ Thần và Khâm Sứ Tòa Thánh trên toàn thế giới để yêu cầu thông báo cho tất cả các GM tại quốc gia liên hệ về quyết định của ĐTC bãi bỏ việc trao tặng tước hiệu Đức Ông (Monsignore) cấp III (”tuyên úy của ĐTC” – (Cappelano di Sua Santità) cho các linh mục triều dưới 65 tuổi. Hai tước hiệu ”Đức Ông” cấp 2 (Prelato di Sua Santità) và cấp 1 (Protonotario apostolico) từ nay bị bãi bỏ. Các tước hiệu này vốn không được cấp cho các linh mục đan sĩ hoặc tu sĩ dòng.

Đức TGM Antonio Mennini, Sứ Thần Tòa Thánh tại Anh quốc, đã gửi thư cho tất cả các GM tại nước này để thông báo quyết định trên đây của ĐTC, tuy nhiên quyết định này không có tính chất hồi tố, nghĩa là ai đã có tước ”Đức ông” rồi thì không bị mất vì quyết định mới của ĐTC.

Mạng Vatican Insider nhận định rằng khi đưa ra quyết định trên đây, ĐTC Phanxicô lấy hứng từ các cuộc cải tổ do ĐGH Phaolô 6 đưa ra hồi năm 1968 theo tinh thần Công đồng Vatican 2. Trước đó có 14 cấp ”Đức Ông”. ĐGH Phaolô 6 quyết định giảm xuống còn 3 cấp: cấp I: Công chứng viên tông tòa (Protonotario Apostolico), cấp II: Giám chức danh dự của ĐTC (Prelato d'onore di Sua Santità) và cấp III: tuyên úy của ĐTC (Cappellano di Sua Santità). 3 tước hiệu này được ĐGH ban theo đề nghị của Giám Mục địa phương, cho những linh mục thi hành một dịch vụ quí giá đối với Giáo Hội. Tuy nhiên nhiều GM có xu hướng dùng tước hiệu này để thưởng công cho những linh mục trung thành với mình. Cũng có nơi Đức Giám Mục xin tước hiệu này cho những linh mục có nhiều đóng góp nào đó cho giáo phận. Nay với quyết định của ĐGH Phanxicô, sự việc thay đổi (Vatican Insider 5-1-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha kêu gọi noi gương Ba Đạo Sĩ Phương Đông

Đức Thánh Cha kêu gọi noi gương Ba Đạo Sĩ Phương Đông

VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu hãy noi gương các Đạo Sĩ, hướng thượng, đừng hài lòng với cuộc sống tầm thường.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong bài giảng lễ Chúa Hiển Linh sáng 6-1-2014, tại Đền thờ Thánh Phêrô. Đây cũng là ngày lễ nghỉ tại Italia.

Đồng tế với ĐTC có khoảng 24 Hồng Y và hơn 20 GM thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh, và hàng chục linh mục, trước sự tham dự của 8 ngàn tín hữu. Phần giúp lễ do các chủng sinh thuộc trường Truyền giáo đảm trách, đặc biệt một trong hai thầy Phó Tế giúp ĐTC là Thầy Giuse Trần Văn Đồng, thuộc giáo phận Vinh.

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn về thái độ của các Đạo sĩ Phương Đông ”trung thành theo ánh sáng tràn ngập nội tâm các ngài và đã gặp Chúa. Hành trình này của các Đạo sĩ Phương Đông tượng trưng vận mệnh của mỗi người: đời sống chúng ta là một hành trình, được soi sáng nhờ ánh sáng soi đường, để tìm được chân lý và tình yêu sung mãn, mà các Kitô hữu chúng ta nhận ra nơi Chúa Giêsu, là Ánh sáng thế gian. Và mỗi người, như các Đạo Sĩ, có 2 ”cuốn sách” lớn từ đó họ rút ra những dấu hiệu để hướng dẫn mình trong cuộc lữ hành: cuốn sách thiên nhiên do Thiên Chúa sáng tạo và cuốn Kinh Thánh. Điều quan trọn glà chú ý, tỉnh thức, lắng nghe Chúa nói với chúng ta. Như Thánh Vịnh, khi nói về Luật Chúa, đã khẳng định: ”Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 9,05). Đặc biệt lắng nghe Tin Mừng, đọc, suy gẫm và biến Tin Mừng thành lương thực thiêng liêng giúp chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu hằng sống, cảm nghiệm chính Ngài và tình thương của Ngài”.

ĐTC cũng ca ngợi các Đạo Sĩ đã tinh khôn, vượt thắng lúc nguy hiểm tối tăm nơi dinh vua Hêrôđê, đã biết tránh thoát được sự lê liệt của đêm tối trần gian, và tìm lại được con đường dẫn đến Bethlehem.

Ngài mời gọi các tín hữu hãy noi gương các Đạo Sĩ hướng mắt nhìn ngôi sao và bước theo những ước muốn cao thượng trong tâm hồn. ĐTC nói: ”các Đạo Sĩ dạy chúng ta đừng hài lòng với một cuộc sống tầm thường, ”những chắp vá nhỏ bé”, nhưng luôn để cho mình được chân, thiện, mỹ, thu hút, để Thiên Chúa lôi kéo, Ngài là Đấng tuyệt đối cao cả trong tất cả những điều ấy! Các Đạo Sĩ dạy chúng ta đừng để mình bị những vẻ bề ngoài lừa đảo, những gì là cao cả, khôn ngoan, và hùng mạnh đối với thế gian. Chúng ta đừng hài lòng với cái vẻ bề ngoài, cần đi xa hơn nữa, tiến về Bethlehem, nơi mà trong căn nhà đơn sơ ở ngoại ô, giữa một người mẹ và người cha đầy tin yêu, chiếu tỏa rạng người Mặt Trời xuất hiện từ trên cao, là Vua Vũ Trụ. Noi gương các Đạo Sĩ, với những ánh sáng bé nhỏ của chúng ta, chúng ta tìm kiếm Đấng là Ánh Sáng”.

Kinh Truyền Tin

Thánh lễ kết thúc lúc quá 11 giờ rưỡi. Sau đó, lúc 12 giờ, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với 60 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô, dưới bầu trời nắng đẹp.

Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC nhấn mạnh rằng lễ Hiển Linh làm nổi bật sự cởi mở đại đồng của ơn cứu độ do Chúa Giêsu mang lại. Phụng vụ ngày lễ hôm nay tung hô: ”Lạy Chúa, mọi dân tộc trên trái đất sẽ tôn thờ Chúa”.. Chúa Giêsu là epifania, là sự biểu hiện tình thương của Thiên Chúa. Giáo Hội ở trong sự chuyển động của Thiên Chúa tiến về thế giới: niềm vui của Giáo Hội là Tin Mừng, là phản ảnh ánh sáng của Chúa Kitô. Giáo Hội là dân tộc gồm những người đã cảm thấy sự thu hút của Chúa và mang trong mình sự thu hút ấy, trong con tim và trong cuộc sống. ”Tôi muốn nói với những người cảm thấy xa lìa Thiên CHúa và Giáo Hội, những người sợ hãi và dửng dưng rằng: Chúa cũng kêu gọi bạn hãy trở nên thành phần của dân ngài và Ngài làm điều ấy trong niềm tôn trọng và yêu thương!”

Sau cùng, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy cầu xin Chúa ban cho toàn thể Giáo hội niềm vui loan báo Tin Mừng, vì ”Giáo hội được Chúa Kitô sai đi để bày tỏ và thông truyền tình thương của Thiên chúa cho mọi dân tộc”.

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC đã ngỏ lời chúc mừng các Giáo Hội Đông Phương mừng lễ Giáng sinh vào ngày 7-1-2014. Ngài nói: ”Ước gì an bình mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua sự giáng sinh của Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, củng cố tất cả mọi người trong đức tin, cậy, mến, và mang an ủi cho các cộng đoàn Kitô đang chịu thử thách”. (SD 6-1-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha loan báo sẽ hành hương Thánh Địa

Đức Thánh Cha loan báo sẽ hành hương Thánh Địa

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 5-1-2014, ĐTC Phanxicô chính thức loan báo ngài sẽ hành hương 3 ngày tại Thánh Địa từ 24 đến 26-5 tới đây, nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ lịch sử tại Jerusalem giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople, Athenagoras.

Ban sáng chúa nhật, trời mưa tầm tã, nhưng may mắn vào ban trưa, trời tạnh, hơn 50 ngàn tín hữu đã đến tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin cùng với ĐTC Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Huấn dụ của ĐTC trưc khi đọc kinh

”Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

”Phụng vụ chúa nhật hôm nay tái đề nghị với chúng ta, qua Lời Tựa Tin Mừng theo thánh Gioan, ý nghĩa sâu xa nhất của biến cố Chúa Giêsu giáng sinh. Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người và đã ”cắm lều”, nơi ở của Ngài giữa loài người. Thánh Sử Tin Mừng viết: ”Ngôi Lời đã làm người và đến ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Trong những lời này, không bao giờ ngừng làm cho chúng ta ngạc nhiên, có toàn thể Kitô giáo! Thiên Chúa đã trở nên người hữu tử, dòn mỏng như chúng ta, đã chia sẻ thân phận làm người của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, Ngài đi vào lịch sử chúng ta, hoàn toàn trở thành Thiên Chúa-ở-cùng chúng ta!

Vì thế, sự giáng sinh của Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã muốn kết hiệp với mỗi người nam nữ, mỗi người chúng ta, để thông ban cho chúng ta sự sống và niềm vui của Ngài.

”Vì thế, lễ Giáng Sinh tỏ cho chúng ta tình thương bao la của Thiên Chúa đối với nhân loại. Từ đó cũng nảy sinh lòng nhiệt thành, niềm hy vọng của các Kitô hữu chúng ta, trong sự nghèo hèn của mình, chúng ta biết mình được Thiên Chúa yêu mến, viếng thăm và tháp tùng; và chúng ta nhìn thế giới và lịch sử như một nơi trong đó chúng ta đồng hành với Thiên Chúa và giữa chúng ta hướng về trời mới và đất mới. Với sự giáng sinh của Chúa Giêsu, không những một thế giới mới được khai sinh, nhưng cả một thế giới cũng có thể luôn được đổi mới. Thiên Chúa luôn luôn hiện diện để khơi dậy những người mới, thanh tẩy thế giới khỏi tội lỗi vốn làm cho nó già nua và hư hỏng. Vì thế, dù lịch sử nhân loại và lịch sử bản thân của mỗi người chúng ta có thể gặp những khó khăn và yếu đuối, nhưng niềm tin nơi sự nhập thể nói với chúng ta rằng Thiên Chúa liên đới với con người và lịch sử loài người. Sự gần gũi này của Thiên Chúa với con người, với mỗi người, là một hồng ân không bao giờ tàn lụi! Đây là Tin Mừng của lễ Giáng Sinh: ánh sáng của Thiên Chúa làm tràn đầy tâm hồn của Đức Trinh Nữ Maria và thánh Giuse, hướng dẫn bước chân của các mục tử và đạo sĩ, ngày nay cũng chiếu sáng cho chúng ta.

Trong mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, cũng có một khía cạnh gắn liền với tự do của con người, tự do của mỗi người chúng ta. Thực vậy, Ngôi Lời Thiên Chúa đã cắm lều giữa chúng ta là những người tội lỗi và cần lòng từ bi. Và tất cả chúng ta lẽ ra phải mau mắn lãnh nhận ơn thánh mà Chúa trao tặng chúng ta. Nhưng trái lại, Tin Mừng theo thánh Gioan viết tiếp, ”các gia nhân của Ngài không đón nhận Ngài” (v.11). Cả chúng ta đã bao nhiêu lần từ chối Chúa, chúng ta thích ở lại trong cái khung kín của những lỗi lầm chúng ta và trong lo âu do tội lỗi của chúng ta gây ra. Nhưng Chúa Giêsu không ngừng trao tặng bản thân và ơn thánh cứu độ của Ngài cho chúng ta! Đó là một sứ điệp cứu độ, cổ kính và luôn mới mẻ. Và chúng ta được mời gọi hân hoan làm chứng về sứ điệp Tin Mừng sự sống và ánh sáng, hy vọng và yêu thương này.

Xin Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ dịu dàng của chúng ta, luôn nâng đỡ chúng ta, để chúng ta tiếp tục trung thành với ơn gọi Kitô và có thể thực hiện những ước muốn công lý và hòa bình, mà chúng ta mang trong tâm hồn vào đầu năm mới này.

Loan báo và chào thăm

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nói với mọi người:

”Trong bầu không khi vui mừng, đặc điểm của mùa giáng sinh này, tôi muốn loan báo rằng từ ngày 24 đến 26-5 tới đây, nếu Chúa muốn, tôi sẽ thực hiện cuộc hành hương tại Thánh Địa. Mục đích chính là tưởng niệm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ĐGH Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Athenagoras, diễn ra cách đây vào ngày 5-1 như hôm nay, cách đây đúng 50 năm. Có 3 giai đoạn của cuộc hành hương này là: Amman, Bethlehem và Jerusalem. Tại Đền thờ Mộ Thánh chúng tôi sẽ cử hành cuộc gặp gỡ đại kết với tất cả đại diện của các Giáo Hội Kitô ở Jerusalem, cùng với Đức Thượng Phụ Bartolomeo thành Constantinople. Ngay từ bây giờ tôi xin anh chị em cầu nguyện cho cuộc hành hương này, một cuộc hành hương cầu nguyện.

”Trong những tuần qua, tôi đã nhận được từ các nơi trên thế giới bao nhiêu sứ điệp chúc mừng nhân lễ Giáng Sinh và Năm Mới. Vì không thể nào trả lời tất cả mọi người được, nên tôi muốn chân thành cám ơn trước tiên là các em bé, những hình vẽ rất đẹp của các em, những người trẻ và người già, các gia đình, các cộng đoàn giáo xứ và dòng tu, các hội đoàn và phong trào cũng như các nhóm khác nhau đã muốn bày tỏ với tôi lòng quí mến và sự gần gũi. Tôi xin tất cả mọi người tiếp tục cầu nguyện cho tôi và công việc phục vụ của tôi dành cho Giáo Hội. Tôi rất cần. Cám ơn anh chị em.

”Và giờ đây tôi thân ái chào thăm anh chị em, là những tín hữu hành hương hiện diện nơi đây, đặc biệt là hiệp hội các nhà giáo Công Giáo Italia: tôi khuyến khích anh chị em trong công tác giáo dục của anh chị em, rất là quan trọng!

ĐTC cũng nêu đích danh một số nhóm và giáo phận của các tín hữu hành hương, đặc biết cá nhóm ở thành Crema và Mantova chuyên săn sóc những người khuyết tật. Ngài cũng chào một nhóm đông đảo các thủy thủ người Brazil. Với tất cả mọi người, ngài cầu chúc một chúa nhật tốt đẹp và bữa ăn trưa ngon.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ánh sáng từ Bêlem

Ánh sáng từ Bêlem

Lễ HIển linh có thể gọi là lễ ánh sáng. Từ ngàn xưa Isaia đã loan báo ánh sáng của Chúa sẽ chiếu tỏa: “Đứng lên, bừng sáng lên, Giêrusalem hỡi, vì ánh sáng của ngươi đến rồi.Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi”.

Bài Tin mừng cho thấy lời tiên tri đã ứng nghiệm. Ngôi sao xuất hiện trên bầu trời soi lối. Ba Vua từ phương đông đã tiến về Belem như Isaia đã báo trước: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước”.

Ánh sáng đó chính từ Thiên Chúa phát ra: “Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi”.

Chúa Giêsu đã chiếu lên làn ánh sáng nào để Ba Vua nhận biết và tuân phục Người? Ba loại lễ vật nói lên ba làn ánh sáng Chúa Giêsu chiếu tỏa.

1. Chúa Giêsu chiếu tỏa làn ánh sáng hi vọng. Ba Vua dâng vàng để tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa lại tự hạ làm loài người. Làm một em bé nhỏ sơ sinh, nghèo hèn. Con người cao ngạo muốn làm Thiên Chúa nến đã gieo bóng tối lầm lạc. Khi muốn làm Thiên Chúa, con người trở thành nô lệ cho cao vọng của mình. Khi phủ nhận Thiên Chúa con người lâm vào bế tắc. Khi loại bỏ Thiên Chúa, thế giới không có tương lai. Đó là một bóng tối tuyệt vọng dầy đặc. Để phá tan bóng tối đó, Thiên Chúa làm người chiếu lên ánh sáng hi vọng. Vì khi Thiên Chúa tự hạ làm người thân phận con người thay đổi. Phẩm giá được nâng cao. Được yêu thương kính trọng. Và có một tương lai tươi sáng.

2. Chúa Giêsu chiếu tỏa làn ánh sáng hạnh phúc. Ba Vua dâng trầm hương để tôn vinh chức vụ tư tế của Chúa. Chúa Giêsu là tư tế muôn đời. Người không dâng một lễ vật nào đó. Người dâng chính thân mình làm của lễ. Bêlem nghĩa là “nhà bánh”. Sinh trong “nhà bánh”, Chúa Giêsu trở thành tấm bánh nuôi sống con người. Nằm trong máng cỏ, Chúa Giêsu trở thành của ăn của uống nuôi đàn chiên. Thế giới chìm trong bóng tối áp bức. Cá lớn nuốt cá bé. Người mạnh hiếp người yếu. Người ta làm giầu trên người nghèo. Người ta chiếm đoạt của người nghèo. Người ta xây hạnh phúc trên khổ đau của người khác. Khi tự hiến thân mình, Chúa Giêsu chiếu lên ánh sáng hạnh phúc phá tan bóng tối đau khổ. Người chịu nghèo khổ để ta được giầu có. Người trở thành bé nhỏ để ta được tôn vinh. Người chịu đau khổ để ta được hạnh phúc.

3. Chúa Giêsu chiếu tỏa làn ánh sáng sự sống. Ba Vua dâng mộc dược để ướp xác Chúa. Đó là tôn vinh Chúa chịu chết cho nhân loại. Nhân loại chìm trong bóng tối chết chóc. Chiến tranh, hận thù, hưởng thụ đã làm tiêu hao bao sinh mạng. Người ta giết người khác để được sống. Giết người để được tự do hưởng thụ. Giết người để bảo vệ địa vị quyền lợi. Đó là thứ bóng tối hủy diệt thế giới. Khi chịu chết cho nhân loại, Chúa Giêsu chiếu lên ánh sáng sự sống phá tan bóng tối chết chóc đang vây phủ thế giới. Chúa chịu chết để xây dựng hòa bình. Chúa chịu chết để nhân loại được sống.

Đó là những làn ánh sáng cứu độ thế giới. Là giải pháp cho một thế giới đang bế tắc. Là ánh sáng cho một nhân loại đang đi trong tăm tối. Là hi vọng cho những ai tuyệt vọng. Là hạnh phúc cho những người đau khổ. Là sự sống hứa hẹn tương lai.

Ngày hôm nay thế giới vẫn chìm trong bóng tối. Vẫn còn những bóng tối lầm lạc, bóng tối áp bức bất công, bóng tối chiến tranh hận thù. Thế giới đang mong chờ những làn ánh sáng từ hang đá Bêlem tiếp tục chiếu tỏa.

Không lạ gì khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã được tạp chí Time bầu làm nhân vật của năm 2013. Và mới 9 tháng trong cương vị Giáo hoàng, ngài đã đem đến niềm vui tươi phấn khởi cho Giáo hội và cho mọi người. Số người đi lễ trên thế giới tăng lên 20%. Số người tín nhiệm và yêu mến Giáo hội là 85%. Vì Đức Thánh Cha cũng đang tỏa sáng.

Noi gương Chúa Giêsu, ngài đã chiếu lên làn ánh sáng hi vọng khi  tự hạ mình xuống. Không xưng mình là Giáo hoàng, nhưng ngài tự xưng mình là Giám mục Rôma. Không ở trong dinh Tông Tòa, nhưng ở trong nhà khách Thánh Mácta. Không để cho người khác khiêng vác, nhưng ngài tự tay mang hành lý.

Ngài đã chiếu lên làn ánh sáng hạnh phúc khi tự hiến thân mình. Dành thời giờ tiếp đón mọi người, đặc biệt những người nghèo khổ bệnh tật. Ngài đi thăm người tị nạn, thăm trại tù, rửa chân cho tù nhân. Ngài sẵn lòng gọi điện thoại thăm hỏi và an ủi những người đau khổ, bất hạnh.

Ngài đã chiếu lên làn ánh sáng sự sống. Chống lại quyết định của tổng thống Obama khi  khi cầu nguyện và cổ võ cho hòa bình tại Syria. Lên án các chế độ chính trị kinh tế lấy tiền bạc làm trung tâm bóc lột người nghèo.

Ta hãy noi gương Chúa Giêsu, cùng với Đức Thánh Cha: sống hạ mình, sống tự hiến và sống hi sinh quên mình, để góp phần chiếu tỏa ánh sáng của Chúa.  Đó chính là sống tích cực tinh thần Tân Phúc-âm-hóa.

Lạy Chúa Giêsu là ánh sáng trần gian. Xin cho con luôn đi trong ánh sáng của Chúa. Amen.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Đức Thánh Cha cho duyệt lại qui luật về tương quan giữa các Giám Mục và dòng tu

Đức Thánh Cha cho duyệt lại qui luật về tương quan giữa các Giám Mục và dòng tu

VATICAN. ĐTC Phanxicô đã truyền duyệt lại qui luật về tương quan giữa các dòng tu và giám mục địa phương để thăng tiến sự quí chuộng hơn đối với đoàn sủng của mỗi dòng.

Các qui luật vừa nói ở trong văn kiện tựa đề ”Mutuae relationes”, (Những quan hệ hỗ tương), do Bộ các dòng tu ban hành ngày 14-5-1978. Văn kiện khẳng định rằng các dòng tu là thành phần của Giáo Hội địa phương, tuy các dòng có tổ chức nội bộ riêng và có quyền tự trị, nhưng không bao giờ được coi là độc lập với Giáo Hội địa phương.

ĐTC thông báo quyết định trên đây trong cuộc gặp gỡ 120 Bề trên Tổng quyền các dòng nam ngày 29-11 năm 2013, và văn bản cuộc nói chuyện này đã được tạp chí ”La Civiltà Cattolica” (Văn Minh Công Giáo), đăng tải ngày 3-1-2014 ở Roma. Ngài nói với các Bề trên rằng: ”Văn kiện 'tương quan hỗ tương' hồi đó là hữu ích, nhưng nay đã lỗi thời rồi. Các đoàn sủng của các dòng tu khác nhau cần được tôn trọng và thăng tiến, vì các dòng là những thực tại cần thiết trong các giáo phận”.

Trước khi được bầu làm Giáo Hoàng hồi tháng 3 năm 2013, ĐTC Phanxicô là TGM giáo phận Buenos Aires, và trước đó ngài là Giám tỉnh dòng Tên tại Argentina. Ngài nói với các Bề trên trong cuộc gặp gỡ rằng: ”Do kinh nghiệm, tôi biết những vấn đề có thể nảy sinh giữa một Giám Mục và các cộng đồng dòng tu. Ví dụ, nếu một hôm, một dòng quyết định rút khỏi công việc vì thiếu nhân sự, GM thường cảm thấy mình bất ngờ ”bị một củ khoai nóng trong tay!”. Tôi cũng biết rằng các GM không luôn luôn biết rõ những đoàn sủng và công việc của các tu sĩ. Các GM chúng tôi cần hiểu rằng những người thánh hiến không phải là những công chức, nhưng là những món quà làm cho giáo phận được phong phú”.

ĐTC cũng nhận định rằng: ”Sự can dự của các cộng đoàn dòng tu trong giáo phận là điều quan trọng. Cần phải duy trì sự đối thoại giữa GM và các tu sĩ, để các GM đừng coi các tu sĩ như những dụng cụ hữu ích chỉ vì các GM thiếu hiểu biết về các đoàn sủng của các tu sĩ”.

Trong cuộc gặp gỡ ngày 29-11-2013, ĐTC cũng yêu cầu các Bề trên Tổng quyền các dòng nam hãy hoàn thành văn kiện đang được soạn thảo về các tu huynh không linh mục. Ngài nhìn nhận có cuộc khủng hoảng ơn gọi nơi các tu huynh, nhưng xác tín rằng các tu huynh vẫn có một vai trò trong đời sống tu trì.

Bài báo dài 15 trang của cha Antonio Spadaro, Chủ nhiệm báo ”Văn Minh Công Giáo”, đã trưng dẫn rất nhiều nhận định của ĐTC Phanxicô tại cuộc gặp gỡ dài 3 tiếng đồng hồ về các vấn đề khác nhau, trong đó ngài không muốn đọc một bài diễn văn dọn sẵn, nhưng muốn đó là một cuộc nói chuyện thẳng thắn và tự do, ngài trả lời các câu hỏi do các Bề trên nêu lên.

ĐTC nhìn nhận các dòng tu tăng trưởng tại Á Phi, nhưng ngài cũng nói đến những thách đố đối với công việc loan báo Tin Mừng tại các đại lúc đó, kể cả việc thích ứng đúng đắn giáo huấn Công Giáo vào các nền văn hóa địa phương; ngài cảnh giác chống những toan tính bóc lột các xã hội nghèo như một nguồn cung cấp ơn gọi.

ĐGH cho biết: các GM Philippines đã than phiền về một số dòng tu đang thực hiện một thứ ”buôn tập sinh” tại đất nước của các vị. Ngài nói: ”Chúng ta cần cảnh giác trước những tình trạng như vậy”.

Về vấn đề đào tạo, ĐTC nói rằng ”các vị giám tập và giám học phải tỏ ra nhạy cảm đối với các nhu cầu của tập sinh và tu sinh, khuyến khích họ đối thoại chân thành và thẳng thắn với các vị đào tạo. Huấn luyện là một nghệ thuật chứ không phải là một công việc của công an, cảnh sát. Chúng ta phải huấn luyện tâm hồn của họ, chẳng vậy chúng ta sẽ tạo nên những quái vật nhỏ và những quái vật này sẽ nhào nặn dân Chúa. Điều này làm cho tôi thực sự nổi da gà! Chỉ cần nghĩ đến những tu sĩ có tâm hồn ”chua như giấm”: họ không được tạo nên để phục vụ dân. Xét cho cùng, chúng ta không được đào tạo những nhân viên hành chánh, giám đốc, nhưng đào tạo các linh mục, tu huynh, những người đồng hành”.

ĐTC Phanxicô không quên ca ngợi những cố gắng của ĐGH Biển Đức 16 trong việc ngăn chặn nạn giáo sĩ, tu sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn lọc các ứng viên vào đời sống tu trì, để loại bỏ những người với những lầm lỗi không thể chữa trị được. Ngài nói: ”Tất cả chúng ta đều là người tội lỗi, nhưng không phải tất cả chúng ta đều là những người ung thối hư hỏng. Người tội lỗi được chấp nhận, nhưng không thể chấp nhận những người ung thối, hư hỏng”. (CNS 3-1-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra

Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra

Các bài đọc của lễ Hiển Linh đều hướng về một chủ đề chính: “Chúa Kitô là ánh sáng chiếu soi muôn dân”. Nơi bài đọc I được trích từ sách tiên tri Isaia: “Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra” (Is 60,1-6).

Đó là lời tiên tri Isaia loan báo về tương lai huy hoàng của Giêrusalem. Giêrusalem có được như vậy, được trở thành trung tâm của muôn dân đổ dồn về đó là vì nhờ Giêrusalem có Thiên Chúa hiện diện ở giữa. Không có Thiên Chúa hiện diện thì Giêrusalem vẫn chỉ như bao thành khác. Ánh sáng mà Giêrusalem nhận được từ Chúa đã chiếu soi muôn người, ánh sáng đó lôi kéo tất cả mọi người, không trừ một ai đến với Chúa. Giêrusalem ngày xưa là hình ảnh của Giáo Hội, vì Giáo Hội là nơi qui tụ tất cả mọi dân tộc.

Lời tiên tri Isaia loan báo về tương lai huy hoàng cho Giêrusalem được ứng nghiệm trong biến cố các vua từ Phương Đông tìm đến Vua dân Do Thái mới sinh đã được thánh sử Luca ghi lại (x.Lc 2,1-12).

Gặp được Chúa Giêsu và thờ lạy Ngài, đó là mục đích cuối cùng của đời người chúng ta, và đó cũng là trung tâm của bài Tin Mừng Lễ Hiển Linh hôm nay. Các mục tiêu cuối cùng trên, chúng ta thấy có những nhân vật nổi bật như vua Hêrôđê, các trưởng tế và luật sĩ tại Giêrusalem, các đạo sĩ từ Phương Đông. Mỗi một người trong hoàn cảnh riêng của họ đều được Chúa mạc khải cho, được Chúa mời gọi đến với Ngài bằng những con đường khác nhau. Các đạo sĩ nhờ ngôi sao sáng của thiên nhiên trong vũ trụ, một kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa. Các trưởng tế và luật sĩ thì qua con đường mạc khải của Kinh Thánh, qua lời dạy của các tiên tri mà họ biết nằm lòng. Vua Hêrôđê thì qua chứng tá của những kẻ qua con đường gặp Chúa, qua chứng tá của các đạo sĩ và các trưởng tế, luật sĩ tại Giêrusalem. Nhưng rồi chỉ có các đạo sĩ là đi đến cùng con đường, là gặp được Chúa Giêsu và thờ lạy Ngài.

Chúa ban cho mỗi người, cho mọi người con đường để gặp Ngài, nhưng chỉ có những ai thành tâm thiện chí và can đảm đi đến cùng, đi trọn con đường thì mới thành công trong việc gặp gỡ được Chúa.

Trong ngày Lễ Ba Vua hay Lễ Hiển Linh hôm nay, chúng ta trước nhất vui mừng vì thấy rõ hành động Thiên Chúa không dành riêng ân sủng của Ngài cho một nhóm người nào, nhưng Ngài kêu gọi tất cả mọi người đến với Ngài, đồng thời chúng ta cần tự vấn chính mình về thái độ trước Chúa Kitô, chúng ta đã thực sự gặp Chúa và tôn thờ Ngài hay chúng ta cũng có thái độ giống như vua Hêrôđê xem Chúa như là kẻ thù, như là người cản trở sự thành đạt của mình, vì đó mà hành động ngấm ngầm chống lại Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con được bắt chước thái độ của các đạo sĩ ngày xưa muốn ra đi khỏi nơi an toàn tự nhiên của mình để gặp Chúa và tôn thờ Chúa tại nơi mà Chúa muốn dùng để mạc khải cho chúng con về Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con được gặp Chúa và tôn thờ Chúa là Đấng cứu rỗi duy nhất đời con. Amen.

Veritas Radio

VỊ TỔNG THỐNG NHẢY MÚA

VỊ TỔNG THỐNG NHẢY MÚA

Một ngày nóng bức tháng bảy năm 1969 trên boong tàu một chiếc hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương, các thuỷ thủ đang đưa ống dòm tìm kiếm trong vùng bầu trời phía trên chíêc mẫu hạm. Bỗng nhiên họ kêu lên. Có ba chiếc dù màu cam và trắng nở xoè ra trên bầu trời xanh thẳm, đong đưa phía dưới là vật giống như một trái banh. Ðó chính là đầu chiếc phi thuyền Apollo 11. Vài phút sau, chiếc phi thuyền đâm sâu vào dòng nước ấm áp của Thái Bình Dương. Nước biển tung toé lên đánh dấu sự kết thúc thành công của chuyến du hành mang ba người lên mặt trăng.

Khi các phi hành gia mỉm cười trồi lên từ chiếc phi thuyền nhỏ, Tổng Thống Nixon nhảy tung tăng trên boong chiếc mẫu hạm. Ông đã bay nửa vòng trái đất đến đây để chứng kiến giây phút làm nên lịch sử này. Tổng thống nói rằng vệt nước tung toé của chiếc phi thuyền đã đánh dấu sự kết thúc tuần lễ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại kể từ cuộc tạo dựng.

Trong những tháng đầy phấn khích sau đó, ba phi hành gia đã thực hiện chuyến du lịch thiện chí vòng quanh thế giới. Họ đã thăm viếng 23 quốc gia trong vòng 45 ngày. Phi hành gia Ed Aldrin nói rằng: “Một trong những thời gian phấn khích nhất” của chuyến đi là cuộc thăm viếng Vatican. Các phi hành gia đặc bịêt xúc động khi nhận được những quà tặng khác thường của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI. Ed Aldrin viết trong quyển sách của mình tựa đề: Return to Earth (trở lại trái đất) như sau:

Ðức Thánh Cha mở lớp vải gói ba bức tượng ba nhà đạo sĩ làm bằng sứ tuyệt đẹp. Ngài nói rằng ba vị đạo sĩ đã đến được với Chúa Giêsu Hài Ðồng là nhờ nhìn lên những vì sao, còn chúng tôi đã đạt đến đích của mình cũng là nhờ nhìn xem các vị sao như vậy”.

Khi chiêm ngắm các bức tượng bằng sứ tượng trưng cho ba nhà thông thái, ba phi hành gia liền nghĩ ngay đến câu chuyện họ đọc được trong bài Phúc âm hôm nay. Và chắc chắn, giống như chúng ta, họ cũng suy nghĩ về ý nghĩa sâu xa hơn ẩn giấu trong câu chuyện này.

Dĩ nhiên tất cả các học sinh đều biết được ý nghĩa câu chuyện này rồi. Ðây là việc Chúa Giêsu tự biểu lộ mình ra cho dân ngoại. Cho thế giới ngoài Do Thái Giáo. Chính vì thế, chúng ta gọi lễ này là lễ “Hiển Linh” (Epiphany). Từ ngữ Hiển Linh có nghĩa là “Thiên Chúa biểu lộ ra”.

Bởi vì Hiển Linh mừng kính việc Chúa Giêsu tự biểu lộ mình cho thế giới dân ngoại, nên một số quốc gia mừng lễ này còn trọng thể hơn lễ Giáng Sinh. Thực thế, Lễ Hiển Linh là lễ Giáng Sinh dành cho dân ngoại.

Ba nhà thông thái hay ba chiêm tinh gia từ phương Ðông đến ấy đã nhìn Chúa Giêsu thế nào? Họ nghĩ gì về Hài Nhi được hạ sinh trong trường hợp đặc biệt như thế?

Thánh Mathêu hình như cũng mang trong tâm trí câu hỏi khi ngài liệt kê những tặng vật mà các vị thông thái này dâng lên Chúa Giêsu. Thánh Matthêu viết: “Khi bước vào nhà và nhìn thấy hài nhi cùng Ðức Maria Mẹ Ngài, họ liền quỳ gối xuống tôn thờ Hài Nhi đoạn mang các tặng vật ra gồm vàng, nhũ hương và mộc dược dâng lên Ngài”.

Người xưa thường coi vàng là vua của mọi thứ kim loại. Vì thế, vàng là tặng vật lý tưởng cho một vị vua. Vì thế các Kitô hữu cắt nghĩa tặng vật vàng tượng trưng cho vương quyền của Chúa Giêsu. Về vương quyền của Chúa Giêsu, Thánh Phaolô có viết trong thư gởi tín hữu Ephêsô như sau: “Chúa Cha đã Phục Sinh Ðức Kitô từ cõi chết và đặt Ðức Kitô bên hữu Ngài trên Thiên Quốc. Ðức Kitô cai trị trên vạn vật… Thiên Chúa đã đặt mọi sự dưới chân Ðức Kitô”. (Ep 1: 20- 22)

Từ đó, chúng ta đề cập đến tặng vật thứ hai là nhũ hương. Người xưa thường dùng nhũ hương trong việc thờ phụng. Hương và khói bay lên trời biểu tượng những lời ca tụng và cầu nguyện dâng lên các thần linh. Các Kitô hữu cắt nghĩa tặng vật nhũ hương tượng trưng cho thiên tính của Ðức Giêsu. Khi nói về thiên tính Chúa Giêsu; thư gởi tín hữu Do Thái đã diễn tả như sau: “Chúa Giêsu phản chiếu sự chói lọi vinh quang của Thiên Chúa và là hình bóng bản thể của Thiên Chúa. Ngài lấy lời quyền phép của mình để nâng đỡ vạn vật” (Dt 1:3)

Ðiều này dẫn chúng ta đến tặng vật cuối cùng là mộc dược. Người xưa thường dùng mộc dược để ướp xác người chết trước khi an táng. Hãy nhớ lại các phụ nữ đã từng đem mộc dược đến mộ Chúa Giêsu. Vì chết là thân phận của con người, nên các Kitô hữu thường cắt nghĩa mộc dược tượng trưng cho nhân tính Chúa Giêsu. Bàn về nhân tính Chúa Giêsu, Thánh Phaolô đã viết trong thư gởi tín hữu Philipphê như sau: “Chúa Giêsu dù luôn mang bản tính Thiên Chúa, nhưng Ngài đã trở nên… như một con người… Ngài hạ mình vâng phục đến nỗi chịu chết chết trên Thập Giá” (Pl 2: 6-8)

Hơn mười lăm thế kỷ trước, Thánh Peter Chrysologus đã nói về lễ hôm nay như sau: “Ngày hôm nay, các vị đạo sĩ đã ngạc nhiên sâu sa trước điều họ chiêm ngắm: đó là trời ở trên đất, đất ở trong trời, con người trong Thượng Ðế, Thượng Ðế trong con người, Ðấng mà cả vũ trụ không thể chứa nổi giờ đang đựơc bó gọn trong một thân xác bé xíu. Khi ngắm nhìn họ đã tin và không hề thắc mắc, vì những tặng vật đầy tính tượng trưng của họ đã làm chứng điều ấy. Nhũ hương để tặng Thiên Chúa, vàng để tặng Vua và mộc dược để tặng cho một người sẽ phải chết.

Nói một cách thực tế, tất cả điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta hiện đang có mặt trong giáo đường nay?

Nó có nghĩa như sau:

Chúng ta phải tiếp tục những gì Chúa Giêsu đã khởi sự khi Ngài còn ở dương thế. Nếu mọi dân tộc nhận biết được sứ điệp của Chúa Giêsu thì đó là nhờ chính nổ lực của chúng ta. Chúng ta phải chia sẻ với họ “tin mừng” là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã mang lấy nhục thể và đã sống giữa chúng ta. Chúng ta phải chia xẻ cho họ “tin mừng” là Chúa Giêsu đã đi vào lịch sử, không chỉ cho riêng dân Do Thái mà là cho tất cả mọi người. Chúng ta phải chia xẻ với họ “tin mừng” là Chúa Giêsu đã đến khánh thành vương quốc Thiên Chúa. Ngài đến để thiết lập nên một trật tự thế giới mới. Một trật tự trong đó sẽ không còn khổ đau phiền muộn, một trật tự trong đó kẻ túng thiếu sẽ tìm được bạn bè thân thương thay vì chỉ tìm thấy những kẻ xa lạ trong đêm tối.

Ðó là “Tin Mừng” mà chúng ta phải mang đến cho thế gian… Ðó là sứ điệp thực tế của Lễ Hiển Linh. Ðó là sứ điệp mời gọi mỗi Kitô hữu chúng ta dấn thân vào hành động.

Chúng ta hãy kết thúc với những lời do một Kitô hữu vô danh viết ra để tóm tắt sứ điệp thực tế của Lễ Hiển Linh bằng một hình ảnh tuyệt đẹp như sau:

Khi khúc hát các vị thiên sứ lặng yên,
khi sao trời lịm tắt,
Khi vua chúa, hoàng tử trở về nhà,
Khi mục đồng cùng bầy gia súc về đến chuồng,
thì việc Gíang Sinh bắt đầu khởi sự:
là cho kẻ đói ăn
Thả kẻ tù tội
Dựng xây các dân tộc
Mang hoà bình đến giữa mọi người
và reo ca bằng tâm hồn mình
“.

Cha Mark Link S.J.

Ánh sao đạo đức

Ánh sao đạo đức

Hôm nay, Ba Vua trên đường tìm đến thờ lạy Chúa Cứu Thế Giáng Sinh. Ba Vua là những người phương xa, không có đạo. Các Ngài tìm đến Chúa theo ánh sáng của ngôi sao lạ. Theo ngôi sao, các Ngài đến được Giêrusalem và được nghe giải nghĩa Thánh Kinh. Theo ngôi sao đưa đường dẫn lối các Ngài đã gặp được Chúa. Ánh sao đã chiếu sáng bầu trời đen tối, giúp các Ngài nhận định được hướng đi. Lời Thánh Kinh là một ánh sao chiếu soi tâm hồn giúp họ sáng lên niềm tin. Nhưng chính Đức Giêsu mới là ngôi sao mai dẫn họ đi vào một con đường mới, con đường chói ngời ngọn lửa đức mến.

Ngày nay có nhiều người đang tìm kiếm Chúa. Nhiều người muốn biết Chúa để theo Chúa. Nhưng họ không biết đường biết hướng. Cũng như Ba Vua, họ cần có những ánh sao soi đường dẫn lối.

Tìm đâu ra ngôi sao xưa đã soi đường cho Ba Vua? Ngày nay, Chúa không dùng ngôi sao xuất hiện trên trời, nhưng muốn mỗi người chúng ta trở thành một vì sao soi dẫn mọi người đến với Chúa.

Là ngôi sao có nghĩa là phải có ánh sáng. Ngôi sao chỉ chiếu sáng khi chính bản thân nó có ánh sáng. Người Kitô hữu chỉ chiếu sáng khi chính cuộc sống của họ mang ánh sáng, phản chiếu ánh sáng nhận tự nơi Thiên Chúa.

Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng hy vọng. Niềm hy vọng vào ơn cứu độ của Chúa giúp ta vừng bước trên đường lý tưởng. Niềm hy vọng vào một trời mới đất mới cho ta thêm sức mạnh góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Niềm hy vọng vào hạnh phúc thiên đàng giúp ta đánh gía đúng mức của cải vật chất đời này. Hy vọng là ánh sáng làm tươi đẹp con người và cuộc đời.

Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng tin yêu. Tin yêu Chúa và tin yêu người. Tin yêu để xây dựng một cuộc sống chan hoà tình người. Tin yêu đẻ tha thứ hoà giải. Tin yêu để vượt qua mọi bóng tối thù hận, chia rẽ, bất hoà. Tin yêu là làn ánh sáng ấm áp làm cho thế giới trở nên gần gũi, con người trở nên thân thiện, cuộc đời trở thành đáng yêu đáng mến.

Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng công bình, bác ái. Niềm hy vọng, niềm tin yêu được chứng minh bằng đời sống công bình, bác ái. Tin Chúa được biểu lộ qua sự công bình trong đời sống. Yêu Chúa được thể hiện qua tình bác ái với tha nhân.

Tất cả những làn ánh sáng nói trên góp lại thành ánh sáng đạo đức. Đắm chìm vào vật chất sẽ khiến con người rơi vào bóng tối tuyệt vọng, không lối thoát. Nghi ngờ con người sẽ khiến cuộc đời chìm vào bóng tối cô đơn. Thiếu công bình bác ái sẽ phủ lên thế giới mới một bóng tối phi nhân, tàn nhẫn. Chỉ có ánh sáng đạo đức mới đủ sức phá tan những bóng tối ấy. Chỉ có ánh sáng đạo đức mới làm cho thế giới thành vui tươi hạnh phúc.

Thế giới đang mong chờ ánh sao dẫn đường. Chúa đang mời gọi chúng ta trở thành một ngôi sao chiếu lên làn ánh sáng đạo đức. Chính qua làn ánh sáng ấy, mọi người sẽ nhận biết và yêu mến Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp con sống xứng đáng là người con của Chúa sự sáng. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Bạn nghĩ gì về cuộc tìm kiếm của Ba Vua? Bạn có kiên trì tìm Chúa như Ba Vua không?
2. Bạn nghĩ gì về bổn phận làm chứng cho Chúa? Bạn có mong ước trở thành ngôi sao dẫn đưa mọi người đến với Chúa không?
3. Đâu là những ánh sáng người Kitô hữu phải có để dẫn người khác tới Chúa? Trong năm mới này, bạn sẽ làm gì để làm chứng cho Chúa?

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

NGÔI SAO DẪN ĐƯỜNG

NGÔI SAO DẪN ĐƯỜNG

Trên YouTube, có gần 2 tỉ lượt vào xem ca khúc “Gangnam Style” của ca sỹ Psy, người Hàn Quốc. Với điệu nhảy phi ngựa và giai điệu vui nhộn, Psy trở nên nổi tiếng khắp nơi trên thế giới.Tên thật của anh ta là Park Jae-Sang (Psy), anh được yêu mến với tư cách là rapper đa tính cách với nhiều video và lối diễn độc đáo. Nhờ ca khúc “Gangnam Style” mà Psy được bộ văn hóa Hàn Quốc trao tặng huân chương Okgwan vì anh đã đưa văn hóa Hàn giới thiệu đến với bạn bè quốc tế. Psy trở thành ngôi sao âm nhạc thế giới và là thần tượng của giới trẻ.

Trong đời sống xã hội hôm nay, có rất nhiều ngôi sao trên bầu trời nghệ thuật, đủ mọi lãnh vực. Ngôi sao nhạc rock, ngôi sao điện ảnh, ngôi sao bóng đá… đủ các loại sao!

Cách đây hơn 2000 năm, Thiên Chúa tỏ mình cho muôn dân qua sự dẫn dắt của một ngôi sao lạ: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem miền Giuđê thời Vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem và hỏi: Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2,1-2). Các nhà chiêm tinh Đông phương nhìn thấy ngôi sao xuất hiện và lên đường tìm kiếm. Họ đã tìm ra Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ hang lừa. Đó chính là vị Cứu tinh mà Israel từ lâu mong đợi. Vị Cứu tinh chào đời tại Bêlem như lời Ngôn sứ Mikha đã loan báo “Phần ngươi, hỡi Bêlem Epratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị lãnh tụ chăn dắt dân Israel” (Mk 5,1). Các nhà chiêm tinh vui mừng tôn kính dâng lễ vật bái thờ Người.

Ngôi sao xuất hiện ở phương Đông được ông Bilơam tiên báo: “Một Vì Sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel” (Ds 24,17). Các nhà chiêm tinh đến từ vùng đất phương Đông, quê hương của Bilơam. Ngôi sao họ nhìn thấy vốn là dấu hiệu chỉ vương quyền. Ngôi sao nhắc lại lời sấm chúc phúc của Bilơam thuở xưa nói về triều đại Đavít và về chính Đấng Mêsia.

Một ngôi sao lạ ở phương Đông xuất hiện trên bầu trời đầy sao.Các nhà chiêm tinh nhận ra ngôi sao lạ. Họ tin rằng có một vị vua mới sinh ra ở đất Do thái. Họ lập tức khởi hành, lên đường tìm kiếm. Con đường đi của họ dẫn qua sa mạc, bụi bặm, nóng bức và giá lạnh. Ðó là một con đường đầy chông gai khó khăn, vất vả và nguy hiểm. Họ luôn nhìn lên ngôi sao dẫn đường và tiến bước. Khi đến thủ đô Giêrusalem, các nhà chiêm tinh dò hỏi tông tích của vị tân vuơng. Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối liền triệu tập các thượng tế và kinh sư lại hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Vua phái các vị ấy đi và dặn: “xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi để tôi cùng đến bái lạy Người”. Họ ra đi “Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại”. Họ mừng rỡ vô cùng. Họ gặp Hài Nhi, liền sấp mình bái lạy, với lòng thành họ dâng tiến lễ vật vàng, nhũ hương và mộc dược.

Câu chuyện Phúc âm tuyệt đẹp. Ba nhà chiêm tinh đi tìm Đấng Cứu Thế theo ánh sao lạ. Nếu Thiên Chúa đã dùng cột mây lửa để dẫn dân Do thái đi trong hoang địa về Đất hứa thì Người cũng có thể dùng ngôi sao lạ để dẫn đường cho các nhà chiêm tinh đến Bêlem để gặp Đấng Cứu Tinh.

Nhưng sự thật vô cùng trớ trêu là khi vị Cứu tinh xuất hiện sau bao thế kỷ chờ đợi thì dân Do thái lại thờ ơ lãnh đạm. Các thượng tế, các kinh sư có thái độ dửng dưng thụ động. Họ rành rẽ Kinh Thánh và biết rõ nơi sinh của Đấng Cứu Thế nhưng họ chẳng cất bước đến Bêlem. Còn Hêrôđê thì hốt hoảng bối rối, sợ ngai vàng bị lung lay nên tìm cách loại trừ với mưu mô cạm bẫy.

Tấn bi kịch cuộc đời Hài Nhi bắt đầu, bị người đồng hương từ khước, bị tẩy chay, bị giết chết. Chỉ có các nhà chiêm tinh hăng hái lên đường lao vào cuộc phiêu lưu tìm kiếm. Họ đã làm tất cả miễn sao gặp được Đấng Cứu Tinh. Cho dù Đấng ấy chẳng uy nghi ngự trong lâu đài điện ngọc nhưng họ vẫn vui mừng đón nhận, xin được bái kiến và dâng lễ vật quý giá với cả tấm lòng thành.

Phụng vụ đọc câu chuyện tuyệt đẹp này trong ngày Lễ Hiển Linh “Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại”. Các nhà chiêm tinh là dân ngoại, họ đại diện cho mọi dân tộc, họ khao khát tìm kiếm ơn cứu độ. Sau này Chúa Giêsu đã xác định: “từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng tổ phụ Abraham, Isaac, Giacop trong nước trời” (Mt 8,11).

Các thượng tế và các kinh sư thông hiểu Thánh Kinh, họ giảng giải thật hay cho Hêrôđê, nhưng chỉ là lý thuyết. Họ tìm Đấng Cứu Thế trong sách vở nhưng không nhận ra Người trong thực tế vì Người không phù hợp với những quan điểm cố định của họ. Những người chuyên nghiên cứu sách vở đầy sự uyên bác thông thái, nếu không lên đường, không thao thức tìm kiếm thì chẳng bao giờ gặp được Thiên Chúa.Trái lại, những tâm hồn đơn sơ, khó nghèo như các mục đồng, hay cởi mở và khao khát chân lý như các nhà chiêm tinh lại được diễm phúc gặp gỡ Người vì họ đã dám mạo hiểm lên đường tìm kiếm, bước đi theo các dấu chỉ.

Thiên Chúa vẫn luôn tỏ mình ra cho nhân loại qua những dấu chỉ tự nhiên của trời đất, qua từng biến cố lịch sử, qua Lời Người trong Thánh Kinh, qua sự hiện diện của Dân Chúa là Giáo Hội, qua các bí tích. Muốn gặp được Thiên Chúa, nhất thiết phải nổ lực tìm kiếm. Cho dầu có những thử thách, cam go, những hiểm nguy cạm bẫy, vẫn luôn kiên trì trong đức tin, bền đổ trong lòng mến.

Hôm nay, không có ngôi sao Đông phương nào xuất hiện trên bầu trời để soi đường cho chúng ta đi tìm Chúa. Chúng ta có một ánh sáng khác rực rỡ hơn giúp tìm gặp Người. Đó là ánh sáng của Lời Chúa: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”. Bước đi trong ánh sáng Lời Chúa, chúng ta sẽ trở nên ngôi sao dẫn đường cho nhiều người tìm đến Thiên Chúa. Thánh Phaolô mời gọi : “Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15).

Tại sao các Kitô hữu được gọi là các vì sao ? Thánh Gioan giải thích : “Thiên Chúa chưa ai thấy bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta” (1Ga 4,12). Nói cách khác, Thiên Chúa của chúng ta là một vị “Thiên Chúa ẩn mình”, nhưng Người muốn tỏ mình ra cho người ta thấy qua cách sống yêu thương của chúng ta. Nói cách khác nữa, khi chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,18). Cho nên cách sống yêu thương của người Kitô hữu làm cho người ta nhìn thấy và nhận biết được Thiên Chúa tình yêu. Chính vì thế mà thánh Phaolô đã so sánh thế gian như vòm trời tăm tối, và khuyến khích các Kitô hữu hãy sống yêu thương để có thể thành những vì sao chiếu sáng trên vòm trời ấy.

Thời nay, Mẹ Têrêxa Calcutta với tấm lòng yêu thương bao lao là một vì sao chiếu sáng trên vòm trời. Chúa muốn chúng ta là ánh sáng chiếu tỏa cho mọi người chung quanh: “Các con là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14). Kitô hữu trở nên ánh sao tình yêu, ánh sao tha thứ, ánh sao hy vọng, ánh sao công bình, ánh sao bác ái, ánh sao đạo đức, góp phần dẫn đường cho người khác đến với Chúa.

Ngôi sao Đông phương dẫn các nhà chiêm tinh đến gặp Chúa Hài Nhi rồi tiến dâng lễ vật. Chúng ta nhờ ánh sáng Lời Chúa soi dẫn trên hành trình cuộc đời. Lời Chúa là ánh sao chiếu soi tâm hồn giúp chúng ta sáng lên niềm tin. “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa” (Lc,11,28), Chúa Giêsu chỉ cho thấy sự cao cả đích thực của Đức Maria, như thế mở ra cho mỗi người chúng ta khả năng sống mối phúc phát sinh từ Lời được lắng nghe và đem ra thực hành (x.Verbum Domini, số 124).

Chính Chúa Giêsu là ngôi sao mai dẫn chúng ta đi vào một con đường mới, con đường chói ngời ngọn lửa đức mến. Người Kitô hữu tiếp nhận ánh sáng từ Chúa Giêsu để chiếu lên làn ánh sáng hy vọng, ánh sáng tin yêu, ánh sáng công bình bác ái. Những chứng tá đức tin cậy mến, những gương sáng đời sống gia đình, những nỗ lực thực thi các giá trị Phúc Âm chính là những ánh sao cụ thể soi đường truyền giáo.

LM Giuse Nguyễn Hữu An