Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Diễn Đàn kinh tế thế giới ở Davos

Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Diễn Đàn kinh tế thế giới ở Davos

DAVOS. ĐTC Phanxicô kêu gọi giới doanh nhân thế giới quan tâm tới phẩm giá con người, đặt kinh tế phục vụ công ích, chấm dứt tình trạng nhiều người bị gạt ra ngoài lề xã hội, chiến đấu chống nghèo đói và quan tâm đến người tị nạn.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp gửi Diễn Đàn kinh tế thế giới lần thứ 44 đang tiến hành tại Davos, Thụy Sĩ, cho tới ngày 25-1 tới đây, với sự tham dự của 2,500 người, trong đó có 40 vị quốc trưởng và thủ tướng chính phủ, ông Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon, chủ tịch Ngân hàng trung ương Âu châu Mario Draghi. Ngoài ra cũng có nhiều đại diện của các tôn giáo và các tổ chức phi chính phủ (Ong). Về phía Công Giáo có ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, ĐHY Luis Tagle, TGM Manila, ĐHY John Onayekan, TGM Abuja, Nigeria, Đức TGM giáo phận Dublin, Diarmuid Martin.

Dưới đây là bản dịch toàn văn sứ điệp của ĐTC, được ĐHY Turkson tuyên đọc chiều ngày 21-1-2014.

Kính gửi Giáo Sư Klaus Schwab

Chủ tịch điều hành Diễn Đàn Kinh Tế thế giới

Tôi rất biết ơn vì Giáo Sư đã mời tôi lên tiếng tại cuộc gặp gỡ thường niên của Diễn Đàn Kinh Tế thế giới, tiến hành như thường lệ tại Davos-Klosters vào cuối tháng này. Tin tưởng rằng cuộc gặp gỡ này sẽ mang lại cơ hội để suy tư sâu xa hơn về những nguyên nhân cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới trong những năm gần đây, tôi muốn cống hiến vài suy tư với hy vọng có thể làm cho cuộc thảo luận tại Diễn Đàn thêm phong phú và góp phần hữu ích vào công việc quan trọng của Diễn Đàn.

Thời đại chúng ta có những thay đổi đáng kể và những tiến bộ đầy ý nghĩa trong các lãnh vực khác nhau với những hệ luận quan trọng đối với đời sống của nhân loại. Thực vậy, ”chúng ta phải ca ngợi những biện pháp đã được đề ra để cải tiến an sinh của dân chúng trong các lãnh vực như săn sóc sức khỏe, giáo dục và truyền thông” (Niềm vui Phúc Âm, 52), không kể nhiều lãnh vực hoạt động khác của nhân loại, và chúng ta phải nhìn nhận vai trò cơ bản của các hoạt động kinh doanh tân thời trong việc tạo nên những thay đổi ấy, bằng cách kích thích và phát triển tiềm năng bao la của trí tuệ con người. Tuy nhiên, những thành công đã đạt được, cho dù đã giảm bớt nghèo đói cho nhiều người, nhưng chúng thường dẫn đến tình trạng gạt bỏ nhiều người hơn ra ngoài xã hội. Thực vậy, đa số dân chúng thời nay vẫn còn phải chịu tình trạng bất an hằng ngày, nhiều khi với những hậu quả bi thảm.

Trong bối cảnh cuộc gặp gỡ của quí vị, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của các lãnh vực chính trị và kinh tế khác nhau trong việc thăng tiến một lối tiếp cận bao gồm, để ý đến phẩm giá của mỗi người và công ích. Tôi muốn nói đến một quan tâm cần phải có khi đề ra mỗi quyết định về chính trị và kinh tế, nhưng nhiều khi quan tâm ấy chỉ là một suy nghĩ mà thôi. Những người làm việc trong các lãnh vực này có một trách nhiệm rõ ràng đối với tha nhân, đặc biệt là những người mong manh, yếu thế nhất và dễ bị thương tổn. Thật là điều không thể chấp nhận được sự kiện mỗi ngày có hàng ngàn người tiếp tục chết vì đói, mặc dù có đủ số lượng thực phẩm và nhiều khi lương thực ấy bị phung phí. Cũng thế, chúng ta không thể không xúc động vì nhiều người tị nạn đang tìm kiếm những điều kiện tối thiểu để sống xứng đáng, chẳng những họ không được tiếp đón, nhưng nhiều khi bị chết đau thương trên đường di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác. Tôi biết những lời này thật là mạnh, và bi thảm, nhưng những lời này đều tìm cách khẳng định và thách thức khả năng của đại hội này làm sao kiến tạo được một sự khác biệt. Thực vậy, những người đã chứng tỏ khả năng của họ trong việc đổi mới và cải tiến cuộc sống của nhiều người qua tài năng và nghề nghiệp chuyên môn của họ có thể góp phần thêm bằng cách dùng những năng khiếu của họ để phục vụ những người vẫn còn sống trong nghèo khổ lầm than.

Vì thế, điều đang cần bây giờ là một sự ý thức mới mẻ, sâu xa và bao quát về trách nhiệm của tất cả mọi người. ”Doanh nghiệp là một ơn gọi, một ơn gọi cao quí, với điều kiện những người dấn thân trong doanh nghiệp thấy mình được thách thức vì một ý nghĩa lớn lao hơn trong cuộc sống” (Niềm Vui Phúc Âm, 203). Những người nam nữ ấy có thể phục vụ công ích một cách hữu hiệu hơn và làm cho các tài nguyên của thế giới này có thể được nhiều người sử dụng hơn. Tuy nhiên, sự gia tăng bình đẳng đòi phải một cái gì rộng lớn hơn là sự tăng trưởng kinh tế, tuy rằng nó giả thiết phải có sự tăng trưởng kinh tế. Trước tiên nó đòi ”phải có một nhân sinh quan siêu việt” (Biển Đức 16, Bác ái trong chân lý, 11), vì ”nếu không có viễn tượng về sự sống đời đời, thì những tiến bộ của con người trong thế giới này sẽ bị thiếu sinh khí (ibid.). Nó cũng đòi phải có những quyết định, những cơ cấu và tiến trình nhắm tiến tới sự phân phối quân bình hơn của cải, kiến tạo những nguồn mạch công ăn việc làm, và thăng tiến toàn diện cho người nghèo, không phải chỉ giới hạn vào vấn đề an sinh mà thôi.

Tôi xác tín rằng từ thái độ cởi mở như thế đối với siêu việt, một tâm thức mới về chính trị và kinh doanh có thể thành hình, một tâm thức có khả năng hướng dẫn mọi hoạt động kinh tế và tài chánh trong viễn tượng một lối tiếp cận hợp luân lý đạo đức, thực sự là nhân bản. Cộng đồng doanh nhân thế giới có thể cậy dựa nơi nhiều người nam nữ có đời sống lương thiện và thanh liêm cao độ, công việc của họ được gợi hứng và hướng dẫn nhờ những lý tưởng cao cả như sự trong sạch, quảng đại và quan tâm đối với sự phát triển đích thực của gia đình nhân loại. Tôi kêu gọi quí vị tận dụng những tiềm năng lớn lao này về mặt nhân bản và luân lý và đương đầu với thách đố này một cách quyết liệt và nhìn xa trông rộng. Tôi biết trong mỗi bối cảnh đều phải có những đòi hỏi về khoa học và chuyên nghiệp, nhưng tôi xin quí vị đảm bảo sao nhân loại được sự giàu sang phục vụ chứ không bị giàu sang cai trị.

Ông Chủ tịch và các bạn thân mến,

Tôi hy vọng rằng quí vị có thể nhìn thấy trong những lời vắn tắt này một dấu chỉ mối quan tâm mục vụ của tôi và như một đóng góp xây dựng để giúp cho hoạt động của quí vị trở nên cao thượng và nhiều thành quả hơn. Tôi tái cầu chúc cho cuộc gặp gỡ này được thành công, trong lúc tôi cầu xin Chúa chúc lành cho quí vị và các tham dự viên diễn Đàn, cũng như cho gia đình và hoạt động của quí vị.

Vatican ngày 17 tháng giêng năm 2014

Phanxicô
,


G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha viếng thăm Giáo Xứ Thánh Tâm của Dòng Don Bosco, Roma

Đức Thánh Cha viếng thăm Giáo Xứ Thánh Tâm của Dòng Don Bosco, Roma

ROMA. Mặc dù trời mưa, hàng ngàn tín hữu đã nồng nhiệt đón tiếp ĐTC Phanxicô khi ngài đến viếng giáo xứ Thánh Tâm, do thánh Gioan Bosco thành lập cạnh Nhà Ga Trung ương Termini ở Roma chiều chúa nhật 19-1-2014.

Cuộc viếng thăm kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ. Khi đến nơi vào lúc quá 4 giờ chiều, ĐTC đã gặp các giáo dân ở khuôn viên giáo xứ rồi trong một phòng, ngài gặp khoảng 60 người vô gia cư. Tiếp đến, trong một phòng khác, ngài gặp khoảng 100 người tị nạn, trong đó có một số người trẻ tị nạn đến Italia và đã trú ngụ tại đảo Lampedusa, cực nam Italia. Tham dự cuộc gặp gỡ cũng có đại diện của những người thiện nguyện trong xứ đạo. Rồi ĐTC gặp các trẻ em được rửa tội trong năm cùng với cha mẹ các em, các đôi vợ chồng mới cưới và các gia đình trẻ.

Ngài đã giải tội cho 5 người, trước khi bắt đầu cử hành thánh lễ vào khoảng 6 giờ chiều. Trong bài giảng, ĐTC đã quảng diễn lời thánh Gioan Tẩy giả làm chứng về Chúa Giêsu, là ”Chiên Thiên Chúa Đấng gánh tội trần gian” và ngài mời gọi các tín hữu hãy tín thác nơi Chúa Giêsu, Đấng không bao giờ làm cho chúng ta thất vọng: như chiên con trong sự yếu đuối, trong sự dịu dàng và yêu thương, Chúa đã đến để cất mọi tội lỗi của trần thế. Chúa Giêsu tha thứ tất cả, Chúa nhổ bỏ mọi tội lỗi.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng ”Niềm tín thác nơi Chúa chính là chìa khóa thành công trong đời”.

Sau thánh lễ, ĐTC còn chào thăm các bệnh nhân và gặp cộng đoàn các cha dòng Don Bosco tại đây, trước khi gặp các bạn trẻ.

Trong các cuộc gặp gỡ, ĐTC đã cám ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của giáo xứ và nói: ”Giữa anh chị em, tôi cảm thấy sự nồng nhiệt trong sự tiếp đón, như đang ở trong gia đình, như đang ở trong nhà mình. Xin cám ơn anh chị em..!”

Giáo xứ Thánh Tâm, ngay từ khi thành lập hồi năm 1879 vẫn được ủy thác cho các cha dòng Don Bosco coi sóc. Đây là xứ đạo thứ 4 ở Roma được ĐTC Phanxicô viếng thăm. Tuy chỉ có hơn 2 ngàn giáo dân, giáo xứ hoạt động rất tích cực trong việc mục vụ giới trẻ, và giúp đỡ những người vô gia cư cũng như người tị nạn. Cha sở Valerio Baresi SDB nói với đài Vatican:

”Trong vòng một năm, chúng tôi đón tiếp và tiếp xúc với hơn 300 người tị nạn, họ đến giáo xứ để tham gia những hoạt động khác nhau như các lớp học tiếng Ý và có thể theo học để lấy bằng trung học, lớp tập lái xe, tin học, cách tìm việc làm trên Internet, v.v. (RG 19-1-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

“Năm châu Âu chống nạn phung phí thực phẩm”

“Năm châu Âu chống nạn phung phí thực phẩm”

Phỏng vấn Linh Mục Roberto D'Avanzo, giám đốc Caritas thánh Ambrosiana tổng giáo phận Milano bắc Italia

Năm 2014 là ”Năm châu Âu chống nạn phung phí thực phẩm”. Năm này có mục đích gây ý thức cho các dân tộc âu châu sống trong các xã hội giầu có tân tiến thừa bứa ý thức hơn đối với việc mua và dùng thực phẩm.

Khi tìm hiểu hệ thống thị trường sản xuất, di chuyển, đóng gói và tung vào thị trường tiêu thụ tại các nước Tây Âu tân tiến, người ta nhận ra một số luật lệ thương mại phải gọi là ”tàn ác”. Thứ nhất là luật giữ giá thị trường. Để giữ giá trên thị trường tiêu thụ các nông dân rất thường bị bắt buộc phải hủy bỏ số lượng rau trái sản xuất thặng dư. Điển hình như nông dân trên đảo Sicilia nam Italia, là nơi có các đồn điền trồng cam quít rất phong phú. Từ bao thập niên qua chính sách giữ giá thị trường tiêu thụ bắt buộc họ phải hủy bỏ hàng núi cam quít, bằng cách dùng xe ủi đất nghiền nát số cam quít sản xuất thặng dư để làm phân bón. Nông dân phải thường xuyên sống cảnh thấy mồ hôi nước mắt của họ bị các luật lệ của thị trường khinh thường vứt bỏ.

Thế rồi nếu theo đõi lộ trình của các nông sản từ lúc được gặt hái, chuyên chở tới các nhà máy sản xuất thực phẩm để được lựa chọn, rửa sạch, đóng thùng, đóng bịch, di chuyển vv… cho tới lúc được bầy bán trong các siêu thị, người ta mới nhận ra số thực phẩm bị lựa lọc và loại trừ vứt bỏ nhiều chừng nào. Tất cả rau trái bị dập, bị nát hay trầy trụa, dù chỉ là một tí hầu như đều bị loại bỏ. Vì tâm thức của khách hàng bỏ tiền ra mua, đòi hỏi mọi thứ đều phải nguyên vẹn, xinh đẹp, tươi mát, bắt mắt, nên tất cả những sản phẩm nào không đáp ứng các yêu sách đó đều bị loại bỏ và phế thải.

Trong tiến trình chuyên chở các sản phẩm đã được chuẩn bị sẵn sàng để phân phối trong hàng trăm ngàn siêu thị, thường cũng xảy ra sự hư hại: các thùng sản phẩm bị rơi, bị méo, bị rách vv… sẽ được loại bỏ một lần nữa.

Bên cạnh đó nghệ thuật quảng cáo bầy hàng ngày càng tinh vi, khiến cho các siêu thị ngày càng trở nên hấp dẫn đối với khách hàng tiêu thụ. Các chuyên viên quảng cáo, trưng bày đều là những người đã được huấn luyện có bài bản và rất sành tâm lý của khách hàng, nên cách trưng bầy trong các siêu thị, các màu sắc loại hàng cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng, và cứ lâu lâu kiểu trưng bầy và sắp xếp lại được thay đổi sao cho ngày càng hấp dẫn hơn.

Ngoài hàng ngàn mặt hàng mà khách tiêu thụ tha hồ lựa chọn theo sở thích, yếu tố tâm lý thị hiếu, mầu sắc, mời mọc kích thích thú mua sắm của khách hàng, đến độ họ thường mua nhiều hàng hóa và thực phẩm hơn mức cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Đó là chưa kể tới ”chiêu hạ giá” sản phẩm vào rất nhiều dịp khác nhau lại càng kích thích sở thích mua sắm của người tiêu thụ hơn nữa.

Trong số các sản phẩm và thực phẩm mỗi gia đinh mua về hàng tuần hay mỗi mười ngày, rất thường khi có nhiều thứ không cần thiết hay không hợp sở thích của mọi thành phần trong gia đình. Sau một thời gian để trong tủ lạnh hay chất đống đâu đó chúng đều bị vứt vào thùng rác, trong đó thường xuyên có nhiều thực phẩm như bánh, rau và trái cây. Chúng ta cứ nghĩ tới các thủ đô lớn đông người với hàng triệu hay hàng chục triệu dân cư trên thế giới, mỗi ngày có biết bao tấn thực phẩm còn tốt nguyên bị vứt vào thùng rác. Điển hình như Roma, một thủ đô có 4 triệu người. Mỗi ngày số bánh mì còn tốt nguyên nhưng là bánh cũ và ỉu bị vứt đi lên tới hàng tấn. Cứ thế mà nhân lên với số hàng trăm ngàn thành phố lớn nhỏ tại Âu châu và hàng triệu thành phố trên toàn thế giới, chúng ta có thể tưởng tượng được số thực phẩm phung phí nhiều chừng nào.

Hồi tháng 6 năm 2013 đề cập tới tệ nạn người dân các nước giầu tây âu phung phí thực phẩm Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: ”Thực phẩm mà người ta vứt đi giống như thể thực phẩm bị ăn trộm từ bàn của người nghèo, của người đói”.

Theo tổ chức Lương Nông Quốc Tế FAO, có trụ sở tại Roma, một phần ba tổng số thực phẩm trên thế giới bị phung phí, tức tổng cộng lên tới 1,3 tỷ tấn hàng năm. Trong năm 2013 tính đổ đồng mỗi một người dân âu châu đã vửt đi 180 kí thực phẩm. Trong buổi tiếp kiến chung thứ tư hàng tuần ngày mùng 5 tháng 6 năm 2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích rằng ”nền văn hóa gạt bỏ đã khiến cho chúng ta trở thành vô cảm đối với các phung phí thực phẩm. Nó lại càng đáng phiền trách hơn nữa, khi tại khắp nơi trên thế giới rất tiếc có nhiều người và nhiều gia đình phải khổ đau vì đói và thiếu dinh dưỡng.” Trong video sứ điệp gửi cho chiến dịch ”Một gia đình nhân loại, thực phẩm cho mọi người” do Caritas quốc tế phát động, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở lại với đề tài này và nhắc cho mọi người biết rằng các hành động thường ngày của từng người trong chúng ta có ảnh hưởng trên cuộc sống của những người sống gần hay xa chúng ta đang phải chịu đói khổ trên chính thân xác họ”.

Sau đậy chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bải phỏng vấn Linh Mục Roberto D'Avanzo, giám đốc Caritas thánh Ambrosiana về Năm châu Âu chống nạn phung phí thực phẩm.

Hỏi: Thưa cha, tại sao lại xảy ra tình trạng ngược đời như thế: người dân các nước âu châu giầu có thì vứt bỏ và phung phí thực phẩm, trong khi có hàng tỷ người trên thế giới lại đói khát, thiếu ăn và không đủ đinh dưỡng?

Đáp: Lý do là ở chính giữa có guồng máy ác độc, vì thế nhân loại cứ luôn luôn phải lắc lư giữa các thời điểm khó khăn hơn bị ghi dấu bởi các thiếu thốn, trong đó khi gặp các tình trạng khó khăn người ta học biết bằng lòng với cái ít ỏi và biết đánh giá cao sự ít ỏi đó, và những thời gian trong đó người ta hoàn toàn quên những gì đã bỏ lại sau lưng và các điều kiện sống của đa số các dân tộc trên thế giới, bằng cách thích ứng với các kiểu sống ghi dấu bởi các thái quá, bởi sự phung phí và không có khả năng chia sẻ. Thời gian khủng hoảng hiện nay, mà chúng ta đang trải qua cũng có thể trở thành ích lợi nếu nó giúp chúng ta thảo luận kiểu sống và tương quan của chúng ta với các tài nguyên của cải mà thiên nhiên cống hiến cho chúng ta.

Hỏi: Tại sao ngày nay người ta lại vẫn phung phí thực phẩm như vậy, có các lý do nào không thưa cha?

Đáp: Chắc chắn việc phung phí thực phẩm ngày nay liên quan tới các hệ thống sản xuất và tiêu thụ của các nước giầu, của các nước khá giả hơn. Một cách mâu thuẫn chúng ta cũng nhận thấy điều đó liên quan tới các thứ bệnh do thực phẩm gây ra. Vì thế một trong những chiến dịch đã được phát động tại các nước kỹ nghệ giầu nói trên đó là chiến dịch chống lại bệnh mập phì, là bệnh có nhiều trẻ em và người lớn mắc phải ngày nay. Như vậy, một đàng chúng ta bệnh tật vì cuộc sống phong phú giầu có của mình, đàng khác chúng ta lại rơi vào tình trạng tuyệt đối tiêu cực là bệnh khước từ hoàn toàn thực phẩm, khiến cho biết bao nhiêu thanh thiếu niên phải thiệt mạng.

Hỏi: Tổ chức Caritas Ambrosiana tham gia và tái đề nghị với Caritas quốc tế việc phát động chiến dịch ”Một gia đình, thực phẩm cho mọi người”. Trong sư điệp video Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ mọi người biết ”ý thức hơn đối với các lựa chọn thực phẩm”. Đâu là các sáng kiến trực tiếp mà Caritas Ambrogiana đang làm, thưa Cha?

Đáp: Tiền đề đối với chúng tôi đó là chiến dịch này của tổ chức Caritas Quốc Tế là một dịp ngoại thường giúp toàn cộng đoàn kitô chuẩn bị cho biến cố cuộc Triển Lãm Âu Châu diễn ra tại Milano này vào năm 2015. Nhưng nhất là nó là dịp đóng góp suy tư cho một loạt các sáng kiến nảy sinh, cả một cách rất là tự phát trong các năm này. Trong các giáo xứ đã phát triển ý tưởng thành lập các kho dự trữ thực phẩm, như là kết qủa các cuộc quyên góp định kỳ trong giáo xứ, hay kết qủa của các thỏa hiệp với siêu thị của khu vực có các thực phẩm dư thừa, hay các sản phẩm vì các lý do tầm thường chẳng hạn như việc đóng gói không hoàn hảo nên không thể bán được nữa, nhưng vẫn hoàn toàn còn tốt. Óc tưởng tượng của tình bác ái của các nhân viên của chúng tôi đã huy động cả một mạng lưới phân phối. Ngoài ra, trên bình diện giáo phận, chúng tôi cũng đang huy động ý tưởng thành lập một số các điểm chiến lược trong giáo phận Milano, tức các nơi để tích chứa các thực phẩm loại này, rồi phân phát cho người nghèo. Hay chúng tôi cũng đang tiến tới một chương trình rất hay đẹp đã được thực hiện tại Roma và các vùng ngoại ô Roma từ mấy năm nay. Đó là siêu thị thực phẩm, nơi các người nghèo có thể đến ”mua thực phẩm” mà không phải trả tiền. Họ chỉ cần tiếp xúc với các trung tâm lắng nghe và nhận thẻ để có thể tới nhận các thực phẩm này tại siêu thị bác ái. Đó là các sáng kiến nhằm giảm thiểu việc phung phí thực phẩm, và làm nảy sinh ra một tình liên đới đối với những ai phải vất vả đối phó với vần đề thực phẩm để sống. Thế nhưng chúng tôi cũng muốn thảo luận một chút về mô thức kinh tế và mô thức thị trường, mà các nước kỹ nghệ giầu đang theo đuổi. Chúng ta không được chỉ bằng lòng với việc khai thác các dư thừa, cả khi mục đích của nó là điều tốt đi nữa. Chúng ta muốn cùng nhau phát triển một suy tư, để trong một cách thức nào đó chúng ta đặt ra các tiền đề giúp thay đổi hệ thống sản xuất, thay đổi kiểu khai thác các tài nguyên thực phẩm của địa cầu, và với kết qủa là làm nảy sinh ra nhiều công bằng hơn, để trành cảnh ”kẻ ăn không hết, người lần không ra.”

(RG 1-1-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Kinh Truyền Tin Với Đức Giáo Hoàng: Sống Như Người Môn Đệ Của Con Chiên Thiên Chúa

Kinh Truyền Tin Với Đức Giáo Hoàng: Sống Như Người Môn Đệ Của Con Chiên Thiên Chúa

VATICAN, Trong bài chia sẻ trước khi đọc kinh Truyền Tin diễn ra vào lúc 12h tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, Đức Thánh Cha đã chia sẻ về hình ảnh “Con Chiên” mà Gioan Baotixita đã dùng khi giới thiệu về Đức Giêsu cho người khác.

Ngài nói: “Trong Chúa Nhật thứ 2 mùa Thường Niên hôm nay, đoạn Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta cảnh tượng gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Gioan Baotixita, tại sông Giordan. Thánh Sử Gioan, người đã kể lại cho chúng ta câu chuyện này là chứng nhân tận mắt. Trước khi trở thành môn đệ của Đức Giêsu, thánh nhân là môn đệ của Gioan Baotixita, cùng với anh mình là Giacobe, với Simon và Anre, tất cả đều là người Galilea, là ngư phủ. Gioan Baotixita thấy Đức Giêsu tiến tới giữa đám đông thì nhận biết Người là sứ giả của Thiên Chúa, nên đã nói về Người rằng: "Đây là Chiên thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian!" (Ga 1,29)”.

Đức Thánh Cha cũng chia sẻ rằng Đức Giêsu đến là để cứu con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và Người đã làm điều đó bằng tình yêu, một tình yêu hiền lành, sẵn sàng mang lấy tất cả những nỗi thống khổ của chúng ta để cứu thoát chúng ta.

Ngài nói: “…Đức Giêsu đến trong trần gian này với một sứ mạng đặc biệt: giải phóng con người khỏi sự kềm kẹp của tội lỗi. Bằng cách nào? Bằng tình yêu thương. Không có cách nào khác để chiến thắng sự dữ và tội lỗi ngoại trừ tình yêu thúc đẩy người ta đến chỗ trao ban sự sống mình cho người khác. Trong lời chứng của Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu có những dấu tích của Người Tôi Tớ Chúa, " người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta" (Is 53,4), và chết trên cây thập giá. Người đích thực là con chiên vượt qua, bị nhận chìm trong dòng sông tội lỗi của chúng ta để thanh tẩy chúng ta.”

“Gioan Baotixita nhìn thấy trước mặt mình một người đàn ông xếp hàng với những tội nhân để xin chịu phép rửa dù người ấy không cần, một người mà Thiên Chúa đã sai đến thế gian như một con chiên hiến tế. Trong Tân Ước, thuật ngữ "con chiên" được sử dụng nhiều lần và luôn ám chỉ đến Đức Giêsu. Hình ảnh con chiên này có thể khiến chúng ta ngạc nhiên; quả vậy, một con vật không phải là biểu tượng cho sức mạnh và sự cường tráng lại mang trên vai mình những gánh nặng nề. Một lượng lớn sự xấu bị xóa bỏ và bị mang đi bởi một loài yếu đuối và mỏng manh, biểu tượng của sự vâng phục, hiền lành và tình yêu bất lực, cùng với sự hiến tế chính mình Ngài. Con chiên không thống trị nhưng rất hiền lành, không gây hấn nhưng yêu hòa bình, không nhe nanh vuốt trước bất cứ đối tượng nào tấn công nó, nhưng luôn chịu đựng và phục tùng.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha gợi lên trong lòng mọi người một câu hỏi: “Là người môn đệ của Đức Giêsu, chiên thiên Chúa có nghĩa là gì đối với Giáo Hội, đối với chúng ta ngày hôm nay?”.

Và ngài đã trả lời rằng: “Có nghĩa là lấy hiền từ đối lại cái ác, lấy tình yêu thay thế sức mạnh, lấy khiêm nhường bù lại kiêu hãnh, lấy phục vụ đối lại cao danh. Là những người môn đệ của Con Chiên có nghĩa là không sống như một "thành trì bị vây hãm", nhưng như một thành phố đặt trên núi cao, mở ra, đón nhận và liên đới. Nó có nghĩa là không được có thái độ đóng lại, nhưng mang Tin Mừng đến cho tất cả, làm chứng bằng cuộc sống của chúng ta rằng bước theo Đức Giêsu giúp chúng ta tự do hơn và hoan lạc hơn”.

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc nhớ các tín hữu rằng Chúa Nhật này là ngày Quốc Tế Di Dân và Tị Nạn. Cách đây mấy tháng, Đức Thánh Cha đã cho công bố một sứ điệp của ngài về ngày này với chủ đề ““Những Người Di Dân và Tị Nạn: Hướng Đến Một Thế Giới Tốt Đẹp hơn”. Ngài khuyên mọi người đừng bao giờ đánh mất đi niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn và chúc mọi người, đặc biệt là những ai đang số trong tình cảnh di dân – tị nan, được sống trong hòa bình nơi các quốc gia mà các bạn được đón tiếp, được bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các bạn.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã cùng các tín hữu hành hương dâng lên Đức Mẹ lời Kinh Kính mừng để cầu nguyện cho những người tị nạn và di dân đang sống trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và khó khăn.: Kính Mừng Maria…

Cuối cùng, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến tất cả các tín hữu đến từ các giáo xứ ở Ý và các nơi khác trên thế giới, cũng như các đoàn hội và các nhóm.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến 8 ngàn nhân viên Đài Rai

Đức Thánh Cha tiếp kiến 8 ngàn nhân viên Đài Rai

VATICAN. ĐTC Phanxicô đề cao sự nghiệp thông tin, xây dựng văn hóa của Đài Phát thanh và truyền hình RAI của Italia, đồng thời ngài cũng nhắc nhở về trách nhiệm luân lý của các nhân viên của đài này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 18-1-2014, dành cho 8 ngàn người gồm ban giám đốc, các ký giả, các nghệ sĩ và nhân viên của Đài Rai, nhân dịp kỷ niệm 90 năm buổi phát thanh đầu tiên và 60 năm các chương trình đầu tiên của đài này.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC cũng đề cao sự cộng tác của Đài Rai với các cơ quan truyền thông của Tòa Thánh như Đài phát thanh Vatican và Trung tâm truyền hình Vatican. Nhờ sự cộng tác này nhân dân Italia đã có thể theo dõi các sinh hoạt ngoại thường và bình thường của Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo.

ĐTC nhận xét rằng Đài Rai, với nhiều sáng kiến khác, đã là chứng nhân của tiến trình thay đổi của xã hội Italia, trong những biến đổi mau lẹ và đã góp phần đặc biệt vào sự thống nhất ngôn ngữ và văn hóa Italia.

ĐTC nhắc nhở rằng tưởng niệm một quá khứ đầy những chinh phục như thế nhắc nhở chúng ta tái ý thức về những trách nhiệm đối với hiện tại và tương lai. Ngài nói: ”Tôi muốn nhắc nhở cho tất cả anh chị em, những người hiện diện tại đây và những người không thể tham dự cuộc gặp gỡ này, rằng nghề của anh chị em, ngoài tính chất thông tin, còn có tính chất huấn luyện, một dịch vụ công cộng, nghĩa là phục vụ cho công ích.. Trách nhiệm ấy của những người đảm nhận dịch vụ công cộng không thể từ nhiệm vì bất kỳ lý do nào. Xét cho cùng, chất lượng luân lý đạo đức của truyền thông là thành quả của những lương tâm quan tâm tôn trọng con người, tôn trọng những người là đối tượng thông tin cũng như những người đón nhận thông tin ấy. Tránh loan tin không đúng sự thật, mạ lỵ và vu khống người khác. Mỗi người trong vai trò và trách nhiệm của mình, được kêu gọi cảnh giác để giữ cho mức độ luân lý đạo đức về thông tin luôn được ở cao độ”.

Trước khi được ĐTC tiếp kiến, ban giám đốc và nhân viên đài Rai đã tham dự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô do vị Giám quản thánh đường là ĐHY Angelo Comastri cử hành (SD 18-1-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Cái chết của những người di cư trong sa mạc Sahara

Cái chết của những người di cư trong sa mạc Sahara

Phỏng vấn Linh Mục Moussie Zerai, giám đốc tổ chức Habeshia cộng tác phát triển.

Trong sứ điệp Giáng Sinh trưa ngày 25 tháng 12 vừa qua Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập tới nhiều điểm nóng trên thế giới, trong đó có thảm cảnh của người di cư tị nạn và tệ nạn buôn người. Đức thánh Cha đã cầu nguyện với Chúa Hài Nhi như sau: ”Lạy Chúa của sự sống… xin ban hy vọng và an ủi cho các người di cư tị nạn, đặc biệt trong vùng Sừng Phi châu và miền đông Cộng hòa Congo. Xin cho các người di cư tìm một cuộc sống xứng đáng hơn được tiếp đón và trợ giúp. Ước gì các thảm cảnh như thảm cảnh mà chúng con đã chứng kiến trong năm nay với nhiều người chết tại đảo Lampedusa, đừng bao giờ xảy ra nữa! Ôi Hài Nhi Bếtlêhem, xin đánh động con tim của những người liên lụy trong việc buôn bán người, để họ ý thức được sự trầm trọng của tội phạm này chống lại nhân loại.”

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung với hơn 100,000 tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật lễ Thánh Gia Nazareth ngày 28 tháng 12 Đức Thánh Cha lại tái lên tiếng về thảm cảnh của những người di cư tị nạn. Đề cập đến sự kiện Chúa Giêsu đã cùng cha mẹ phải trốn sang Ai Cập sống kiếp tị nạn đầy âu lo, bấp bênh và khó khăn, Đức Thánh Cha nói: ”Rất tiếc ngày nay cũng có hàng triệu gia đình phải sống trong thực tại buồn thương này. Hầu như moi ngày truyền hình và báo chì đều đưa tin các người di cư trốn chạy đói khát, chiến tranh và các hiểm nguy trầm trọng khác để tìm an ninh và một cuộc sống xứng đáng hơn cho mình và cho gia đình mình. Trong các vùng đất xa xôi ấy, cả khi có tìm được công văn việc làm, các người tị nạn và di cư không luôn luôn gặp được sự tiếp đón đích thật, lòng tôn trọng và đánh giá cao các giá trị họ đem theo. Các chờ mong hợp pháp của họ thường gặp các tình trạng phức tạp và các khó khăn xem ra không thể vượt thắng nổi. Khi nhìn vào Thánh Gia Nagiarét phải bó buộc tị nạn, chúng ta nghĩ tới thảm cảnh của các người di cư tị nạn, nạn nhân của sự khước từ và khai thác bóc lột”.

Như đã biết, ngày mùng 3 tháng 10 năm 2013 một chiếc tầu chở người di cư tị nạn có lẽ khởi hành từ Libya, đã bị đắm rồi bị cháy ngoài khơi cách đảo Lampedusa 6 hải lý, khiến cho 363 người chết. Tai nạn này đã gây chấn động dư luận tại Italia và trong các nước Âu châu trước thảm cảnh của người di cư tị nạn. Kể từ khi có ”cuộc cách mạng hoa nhài” tại các nước Bắc Phi, số người di cư tị nạn tăng vọt, khiến cho Lampedusa rơi vào tình trạng khủng hoảng, vì không có đủ các cơ cấu hạ tầng để tiếp đón hàng chục ngàn người tìm cặp bến tại đây.

Ngoài cảnh di cư ti nạn bằng đường biển, cũng còn có thảm cảnh của những người di cư ti nạn bằng đường bộ, trước khi tiếp tục chặng hai bằng tầu. Hồi tháng 11 năm 2013 đã có gần 100 người di cư bị chết vì đói khát trong sa mạc Sahara bên Niger, đa số là phụ nữ và trẻ em, trong khi họ tìm cách vượt biên giới trên hai chiếc xe camion, để đến Algeria, rồi từ đó sang Âu châu. Ngoài ra trong các năm qua còn có cảnh người di cư tị nạn Phi châu bị các tổ chức buôn người bắt giữ làm con tin và đòi tiền chuộc trong bán đảo Sinai.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bải phỏng vấn Linh Mục Moussie Zerai, giám đốc tổ chức Habeshia cộng tác phát triển, về cái chết của những người di cư trong sa mạc Sahara nói trên.

Hỏi: Thưa Cha Zerai, cha nghĩ gì về thảm cảnh của những người di cư tị nạn bị chết trong sa mạc Sahara bên Niger, như báo chí đã loan tin hồi tháng 11 năm 2013?

Đáp: Đây là một hiện tượng gắn liền với hiện tượng xảy ra trong vùng Địa Trung Hải, và với các vụ đắm tầu trong thời gian qua. Người ta ít nói đến chúng, nhưng rất thường xảy ra là có hàng chục người chết trong vùng biên giới giữa hai nước Sudan và Libya, Ciad hay Niger. Nhưng rất tiếc là không có ai kể lại các biến cố thê thảm này.

Hỏi: Vả lại đây là các thi thể được tìm thấy trong tình trạng đã rữa nát, vì vậy ngoài thảm cảnh cái chết của họ, trong trường hợp này còn có tình trạng hoàn toàn bỏ mặc không chú ý gì đến và không tôn trọng các nạn nhân khốn khổ này nữa, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Rất tiếc là đúng như vậy, vì thường khi họ bị các tổ chức buôn người bỏ rơi. Cả trong qúa khứ, ít nhất là dưới chế độ của ông Gheddafi, chính các binh sĩ Libya đã đưa người di cư tị nạn rồi bỏ rơi họ tại vùng biện giới giữa hai nước, và các người di cư tị nạn này chết đói chết khát. Người sống mà người ta còn không tôn trọng, huống chi là người đã chết rồi, ai mà tôn trọng họ. Rất tiếc sự thật là như thế.

Hỏi: Đó là các cuộc ”du hành tuyệt vọng” đàng sau nó có các tổ chức tội phạm với các cơ cấu rất tinh vi tỉ mỉ và rộng rãi. Chúng tôi cũng còn biết có các tổ chức buôn người đến nhận người di cư trong các trại tị nạn, bắt họ trả các số tiền rất lớn, và hứa là sẽ đưa họ tới các nước Âu châu, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Vâng đúng thế. Các tổ chức này thường có được sự đồng lõa của các binh sĩ và các chính quyền địa phương, bởi vì di chuyển các nhóm người động như vậy là điều không thể làm được, nếu đã không có sự sắp đặt trước với các binh sĩ và các chính quyền kiểm soát sự di chuyển của người dân. Thế nhưng nhờ hối lộ nên các tổ chức này vượt qua được mọi chướng ngại, và các kẻ buôn người này sống trên da thịt của các nạn nhân đáng thương đó.

Hỏi: Một lần nữa thảm cảnh của những người di cư tị nạn lại khiến cho người ta nói đển một sự cộng tác quốc tế trong việc tránh cái chết cho họ. Nhưng nói đến một hánh lang nhân đạo có đủ không, theo cái nhìn của cha?

Đáp: Các hành lang nhân đạo cũng không đủ đâu, cần phải làm việc trên nhiều mặt khác nhau. Trước hết là dấn thân của cộng đồng quốc tế: đó là giải quyết các lý do thúc đẩy những người này bỏ quê hương xứ sở ra đi. Nhưng cũng có giải pháp tam thời là tìm ra các đường lối hợp pháp để tiếp nhận các người di cư này và cung cấp cho họ sự che chở thực sư mà họ đang cần có. Chẳng hạn mở cửa các tòa đại sứ để thu nhận đơn xin di cư tị nạn của họ. Có các chương trình tái hội nhập, có các dụng cụ khác nhau giúp di chuyển hợp pháp người có đơn xin từ các trại tị nạn tới các nước nhận che chở họ.

Hỏi: Thưa cha Zerai, thường thì từ phía các nước Âu châu người ta áp dụng chính sách hạn chế, nhưng cũng cần như cha nói tập trung trên các lý do gây ra các làn sóng di cư ti nạn này. Chúng ta hãy nghĩ tới Somalia nơi có nội chiến từ 20 năm nay. Đó là các quang cảnh khủng hoảng rất trềm trọng, có đúng thế không?

Đáp: Đúng thế. Nâng cao các hàng rào cản là điều vô ích. Cả trong các ngày này người ta cũng đã nói tới các biện pháp củng cố việc canh phòng các biên giới: điều này có nghĩa là gì, chúng ta củng cố các vụ đẩy lui người di cư tị nạn hay sao? Như thế chúng ta khiến cho các người này có nguy cơ chết trong sa mạc, bởi vì các nước tìm ngăn chặn các làn sóng di cư tị nạn dùng phương tiện hèn hạ bỏ rơi các anh chị em này dọc biên giới trong sa mạc. Đây là điều không thể chấp nhận được. Như vậy nếu pháo đài Âu châu hoàn toàn đóng cửa biên giới đối với việc vi phạm kiểu này, thì chính Âu châu sau cùng sẽ trở thành đồng lõa của các vi phạm ấy. Không thể làm như thế.

Như vậy hành động không chỉ là dựng cao các rào cản là đủ, mà phải làm việc và trước hết là để dập tắt các chiến tranh tại nhiều nước khác nhau. Qúy vị đã nói tới Somalia với cuộc nội chiến kéo dài từ 20 năm qua… Bên Eritrea từ 20 năm qua có chế độ độc tài tự biện minh cho sự hiện hữu của mình bằng một cuộc chiến không bao giờ đánh. Có một cuộc xung đột đã không được giải quyết từ 13 năm nay trong vùng biên giới giữa Etiopia và Eritrea. Chiến tranh bên Syria cũng thế, càng kéo dài chiến tranh loai này, thì lại càng có nhiều người di cư tị nạn thôi.

(RG 1-11-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

CHIÊN THIÊN CHÚA

CHIÊN THIÊN CHÚA

Trong sách Samuel quyển hai, tiên tri Nathan có kể cho Vua Ðavit nghe câu chuyện sau: Hai người nọ là công dân trong cùng một thành phố. Một người thì giàu có và thế lực, người kia thì nghèo xơ, cô thân cô thế. Gã giàu nọ có một đàn chiên đông đến nỗi gã đếm không xuể, đang khi anh nghèo nọ chỉ có một chú chiên chỏ xíu.

Tuy nhiên, những đứa con của anh nghèo nọ rất thương con chiên ấy và chơi đùa với nó suốt ngày. Chúng mang nó đến cả bàn ăn và chia cho nó phần thức ân ít ỏi của mình. Nathan kể rằng lũ trẻ còn dạy cho con chiên uống nước trong tách nữa và chú chiên ta thật chả khác nào một thành viên trong gia đình.

Một ngày nọ, anh chàng giàu phải tiếp đãi một vị khách quan trọng đến thăm hắn. Hắn chẳng muốn giết bất cứ con chiên nào của mình để đãi khách cả. Vì thế hắn truyền cho đám tôi tớ chạy qua nhà anh chàng nghèo nọ, bắt con chiên của anh ta đem giết để đãi khách.

Câu chuyện gây xúc động về sự độc ác của gã giàu nọ đó là một trong những hình ảnh của Gioan Tẩy Giả mường tượng trong tâm trí khi ngài đưa ngón tay xương xẩu chỉ vào Chúa Giêsu và nói với các đệ tử của mình: “Ðó là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1: 29).

Câu chuyện của Nathan về con chiên cưng của anh chàng nghèo nọ chắn chắn thích hợp để áp dụng vào trường hợp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng rất được yêu thương. Và Ngài cũng bị đám người độc ác giết chết cách tàn bạo. Tuy nhiên, trong tâm trí thánh Gioan có một hình ảnh khác khi ngài đưa ngón tay chỉ vào Chúa Giêsu và nói: “Ðó là Chiên Thiên Chúa”. Hình ảnh đó là hình ảnh những con chiên bị sát tế mỗi ngày trong đền thờ. Thiên Chúa đã phán với Moisê trong sách Xuất Hành như sau: “Suốt thời gian sắp tới, mỗi ngày các ngươi hãy hiến tế trên bàn thờ hai con chiên tuổi được một năm, một con hiến tế vào buổi sáng, con kia vào buổi chiều.” (Xh 29: 38-39)

Việc hy tế trong đền thánh được thi hành từ năm này qua năm khác, ngay cả trong thời kỳ rất đói kém, là thời thực phẩm rất hiếm hoi và nhiều người dân bị chết đói. Khi chỉ vào Chúa Giêsu và nói: “Kia là Chiên Thiên Chúa, Ðấng xoá tội trần gian”, Gioan đang hình dung trong trí mình những con chiên hy tế được dâng lên mỗi sáng, mỗi đêm trong đền thờ để xoá tội cho dân. Thực ra, Gioan đang nói với các đệ tử mình: “Mỗi ngày chúng ta dâng chiên trong đền thờ vì tội lỗi chúng ta, nhưng chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu chúng ta khỏi những tội lỗi này“.

Trước Gioan Tẩy Giả rất lâu, các tiên tri đã nói về người tôi tớ kỳ nhiệm của Chúa một ngày kia sẽ chịu đau khổ và chết như một con chiên… Isaia đã mô tả cái chết đau thương của người tôi tớ này trong chương 53: 7-8 như sau: “Người đã bị đối xử tàn tệ, nhưng vẫn khiêm tốn chịu đựng, như một con chiên sắp bị đưa tới lò sát sinh, Người không hề thốt ra một lời. Người bị bắt, bị tuyên án và bị dẫn tới chỗ chết… Người đã phải chết vì tội lỗi chúng ta“.

Những lời của tiên tri Giêrêmia cũng rất phù hợp với con người Chúa Giêsu. Trong chương 11 câu 19, Giêrêmia viết: “Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều độc ác chống lại tôi“.

Vì thế tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” gợi lên hai hình ảnh sống động. Thứ nhất là hình ảnh của tình yêu và lòng trìu mến như chúng ta đã thấy trong câu chuyện của Nathan kể về gã giàu có và anh chàng nghèo nọ. Thứ hai là hình ảnh sự đau đớn và hy sinh như chúng ta thấy trong việc sát tế chiên trong đền thờ và trong trường hợp người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, Chiên Thiên Chúa còn gợi lên một hình ảnh sau cùng. Chúng ta tìm thấy hình ảnh này trong sách Khải Huyền. Tác giả này áp dụng cho Chúa Giêsu tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” không dưới hai mươi tám lần. Tác giả vẫn giữ lại những ghi chú về tình yêu, sự trìu mến cùng nỗi đau khổ và hy sinh, nhưng còn thêm vào đó những ghi chú về vinh quang và khải hoàn nữa.

Một ví dụ rất hay về điểm này nằm nơi chương 5 của sách trong đó tác giả mô tả thị kíên của mình về con chiên ngự ở trên ngai. Con chiên được muôn dân vây quanh hát ca khen ngợi bằng bài hát sau: “Ngài đã bị giết và nhờ cái chết hy tế của Ngài, Ngài đã mua chuộc họ về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi bộ lạc, mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia và mọi chủng tộc. Ngài đã biến họ thành vương quốc tư tế để phụng sự Thiên Chúa chúng ta” (Kh 5: 9-10)

Bấy giờ các thiên sứ cùng hợp với đám người vây quanh ngai. Tác giả sách Khải Huyền viết tiếp: “Tôi lại ngước nhìn và nghe tiếng các thiên thần, số thiên thần lên tới hàng ngàn triệu! Họ đứng chung quanh ngai và hát to lên: “Con Chiên bị giết đáng được lãnh nhận… Danh dự, vinh quang và tán tụng!… Tán tụng và danh dự, vinh quang và quyền năng đều thuộc về Ngài muôn đời muôn kiếp” (Kh 5: 11-13) và tất cả mọi người đứng quanh ngai hô to: “Amen”.

Tóm lại, tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” gợi lên ba hình ảnh sống động: hình ảnh thứ nhất về lòng trìu mến và tình yêu đối với con chiên, hình ảnh thứ hai về nỗi khổ đau và hy sinh mà con chiên gánh chịu, hình ảnh thứ ba là vinh quang và tán tụng dành cho con chiên.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Chúa Giêsu có rất nhiều tước hiệu như “Ánh sáng trần gian”, “Mục tử nhân lành”, “Bánh hằng sống”… mà chỉ có tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” là tước hiệu duy nhất được dùng trong Thánh lễ. Chẳng hạn, ngay trước khi rước lễ, chúng ta thường hợp ca bài “Lạy Chiên Thiên Chúa”. Giây phút rất đặc biệt ấy trong Thánh lễ tiên báo giây phút chung cục của thời gian, khi tất cả muôn dân hiệp cùng các thiên sứ hát lên khúc hát này dâng lên Chúa Giêsu, là Chiên vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Ngài đã bị giết, và nhờ cái chết hy tế của Ngài, Ngài đã chuộc về cho Chúa muôn người thuộc mọi bộ lạc, mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia, và mọi chủng tộc. Người đã biến họ thành các vương quốc tư tế để phụng sự Thiên Chúa chúng ta… Con Chiên bị giết đáng được lãnh nhận… danh dự, vinh quang và tán tụng!… Tán tụng và danh dự, vinh quang và quyền năng đều thuộc về Ngài muôn đời muôn kiếp! Amen“.

Cha Mark Link, SJ

Thấy, Biết rồi Làm Chứng

Thấy, Biết rồi Làm Chứng

Trong cuộc sống, chúng ta quen nhiều người, nhưng biết thì ít hơn.

Gioan cũng thế, trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, hai lần ông khẳng định: “Tôi đã không biết Người” (Ga.1,31-33). Cho đến khi làm phép rửa cho Đức Giêsu, Gioan thú nhận mình vẫn chưa “biết” Ngài.

Dù Đức Giêsu là bà con họ hàng của ông (Lc.1,36), dù ông đã có một số thông tin về Ngài, và dù ông biết Ngài cao trọng hơn mình (Mt.3,14), nhưng cái biết ấy, ông vẫn chưa coi là biết thật sự.

Được Thiên Chúa mách bảo, ông kiên nhẫn đợi chờ. Làm phép rửa trong nước là cách giúp ông khám phá ra Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần. Ai được Thần Khí ngự xuống và ở lại, Người ấy là “Đấng Thiên Chúa Tuyển Chọn”. Gioan đã thấy Thần Khí ở lại trên Đức Giêsu lúc Ngài được ông làm phép rửa. Bây giờ ông mới có thể nói: ông đã biết Đức Giêsu. Ông đã “biết” sau khi ông đã “thấy”.

Nếu biết là đi vào một mầu nhiệm, thì mầu nhiệm ấy cứ vẫy gọi người ta tiến sâu hơn. Càng tiến sâu, cái biết càng được thanh luyện. Gioan đã thấy, đã biết, đã làm chứng cho Đức Giêsu. Làm chứng cho Đức Giêsu khiến ông trở nên tay trắng. Ông vui khi giới thiệu Đức Giêsu cho môn đệ của mình. Ông mừng khi thấy dân chúng tuốn đến với Ngài (Ga.3,26). Ông sung sướng khi trở nên lu mờ đi để Ngài được nổi bật lên (Ga.3,30).

Từ cái biết nhờ thấy, Gioan đã trở nên người làm chứng cho Đức Giêsu. Hành trình chứng nhân của Gioan cũng là của bạn và tôi hôm nay: “thấy, biết rồi làm chứng”.

Biết một người là chuyện khó. Biết Đức Giêsu còn khó hơn. Tôi chẳng thể nào múc cạn được con người Giêsu, Đấng đã là đích điểm giao hòa giữa trời và đất; Đấng là tạo hóa nhưng lại hòa đồng với tạo vật, và cũng là Đấng đã liên kết giữa thần linh thánh thiện và con người tội lỗi.

Để biết Đức Giêsu, ta cần thấy Ngài tỏ mình ra. Nhưng không phải ta sẽ thấy một thị kiến huy hoàng long trọng. Không hẳn Ngài sẽ xuất hiện trong sức mạnh quyền năng. Ngài vẫn tỏ mình xuyên qua những việc xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, qua những con người đơn sơ ta vẫn gặp. Ta cần tập nhìn thấy Ngài tiềm ẩn sau lớp vỏ bọc xù xì của thực tế đời thường.

Cần thường xuyên làm mới lại “cái biết” về Đức Giêsu để mối tương quan của ta với Ngài mỗi ngày trở nên thâm trầm hơn, thân mật hơn. Nếu biết là thấy, là có kinh nghiệm riêng tư, là hiệp thông, là gặp gỡ, là chia sẻ chính cuộc đời của Ngài, là để “ta sống trong Ngài và Ngài sống trong ta”, thì cái biết đó phải là nỗ lực của cả một đời người Kitô.

Và lúc này đây, mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy dành ra đôi ba phút ngắn ngủi để đi vào lòng mình; để tìm gặp khuôn mặt Giêsu: Ngài đang ở đâu, ở chỗ nào trong cuộc sống của tôi? Tôi phải làm gì để nhận ra Ngài, bắt gặp Ngài đang sống bên tôi trong cuộc đời tạm bợ này?

Gioan đã giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian.”(Ga.1,29). Còn bạn và tôi, chúng ta sẽ giới thiệu Đức Giêsu như thế nào cho những người xung quanh ta hôm nay?

Lạy Chúa Giêsu!

Xin cho con thấy Chúa thật lớn lao, để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ vô nghĩa.

Xin cho con cảm nhận tình Chúa thật bao la sâu thẳm, để con luôn được sống trong tình yêu thương sâu thẳm bao la ấy.

Xin cho con biết Chúa thật nhân từ và bao dung, để mỗi khi con vấp ngã trên đường đời, con luôn biết chỗi dậy và trở về cùng Chúa.

Giêsu ơi! Xin Ngài hãy đến và cư ngụ trong lòng con luôn mãi, để không còn là con nữa, mà là chính Ngài đang sống trong con. Amen.

Veritas Radio

         Đây Chiên Thiên Chúa

Trong Thánh Lễ, ta đọc Chiên Thiên Chúa nhiều lần. Có lẽ ít người hiểu được ý nghĩa của cụm từ “Chiên Thiên Chúa”. Nhưng khi Gioan Baotixita giới thiệu Chúa Giêsu cho dân Do Thái: “Đây là Chiên Thiên Chúa” thì người Do Thái hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ.

Trong Kinh Thánh, chiên được dùng làm biểu tượng cho những người hiền lành, đạo đức. Trong dụ ngôn về ngày phán xét, Chúa đã tách chiên ra khỏi dê. Chiên ở bên phải, dê ở bên trái.

Thế nhưng chiên còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Hằng năm, vào Lễ Vượt Qua của người Do Thái, mỗi gia đình có tục lệ ăn thịt một con chiên. Phải lựa con chiên non dưới một năm tuổi, tốt đẹp, không tì vết. Người Do Thái ăn thịt Chiên Vượt Qua, không phải để mừng mùa đông đã qua và mùa xuân vừa mới khởi đầu. Nhưng là để kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập.

Lễ Vượt Qua được cử hành vào đầu mùa xuân. Người Do Thái nhớ đến con chiên. Con chiên đã chết cho họ được sống. Máu chiên đã đưa họ ra khỏi mùa đông tăm tối, tiến vào mùa xuân tươi sáng. Máu chiên đã giúp giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ về miền Đất Hứa, sống trong tự do.

Chúa Giêsu đã chịu tử hình vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Bữa tiệc ly chính là tiệc Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu ăn với các môn đệ. Chịu chết vào dịp Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu chính là con chiên của Thiên Chúa bị sát tế để cứu nhân loại.

Chúa Giêsu là con chiên hiền lành, không hé môi khi bị đem đi xén lông. Người khiêm nhường gánh lấy tội lỗi nhân loại.

Bản tiếng Việt dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Từ ngữ “xóa” là một cách nói văn hoa nhẹ nhàng, nhưng không lột hết ý nghĩa của nguyên ngữ. Tiếng Hy Lạp dùng từ ‘airein’, tiếng La tinh dùng từ ‘tollit’ có nghĩa là nhận lấy vào mình, gánh lấy, vác lấy. Có lẽ nên dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng ‘gánh’ lấy tội nhân loại thì đúng hơn. Xóa là đứng ngoài cuộc. Đức Giêsu không đứng ngoài cuộc. Người đã nhập cuộc, gánh lấy thân phận con người, và nhất là gánh lấy tội lỗi của con người. Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan rửa tội. Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò với họ, ăn uống đồng bàn với họ. Nhưng nhất là chính vì gánh lấy tội nhân loại mà Người phải chịu chết giữa hai tội phạm, đồng số phận với họ, đồng bản án với họ, như những người trộm cướp.

Người gánh lấy tội của ta để ta được tha thứ. Người hạ mình xuống để ta được nâng lên. Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có. Người làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa. Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ. Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang. Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do. Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống.

Người tín hữu thường được gọi là “Con chiên của Chúa”. Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại ‘chiên’ trong ngày phán xét. Được đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Được vào hưởng vinh quang trong nước Chúa.

Nhưng danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong. Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Ước mong những con chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn đi vào con đường hiền lành khiêm nhường. Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và ước mong đoàn chiên gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ.

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội con, xin thương xót con.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) “Chiên Thiên Chúa” gợi lên những ý tưởng nào nơi bạn?

2) Là ‘con chiên của Chúa’ bạn phải sống thế nào cho xứng đáng danh hiệu ấy?

3) Thánh Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu với tất cả ý nghĩa sâu xa của danh hiệu “Chiên Thiên Chúa”. Hôm nay, nếu phải giới thiệu Chúa Giêsu cho người chung quanh, bạn sẽ dùng danh hiệu nào?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

 

Đây Chiên Thiên Chúa…

Đây Chiên Thiên Chúa…

Trong những ngày này, ngang qua Lời Chúa trong các bài Tin Mừng, Giáo Hội tiếp tục trình bày cho chúng ta chân dung của thánh Gioan Tẩy Giả, như là chứng nhân của Đức Kitô, Đấng là Sự Sống và Ánh Sáng.

Xin Chúa cũng khơi dậy nơi chúng ta lòng ước ao trở thành chứng nhân của Đức Kitô, bằng cách đón nhận sự sống mỗi ngày của chúng ta từ Ngôi Lời, và sống sự sống của chúng ta như là ánh sáng, thay vì như là bóng tối. Bởi vì Ngôi Lời là Sự Sống và ở nơi Người Sự Sống là Ánh Sáng.

Trả lời cho câu hỏi về căn tính “ông là ai?”, thánh Gioan tuyên bố thẳng thắn, mình không phải là Đấng Kitô. Nhưng điều phải làm cho chúng ta ngạc nhiên, đó là ông cũng không tự cho mình là Elia hay là một ngôn sứ:

Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không? ” Ông nói: “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? ” Ông đáp: “Không”.

Trong khi đó, Đức Giêsu sẽ nói về ông như là vị ngôn sứ lớn nhất và như chính ngôn sứ Elia trở lại: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả… Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Êlia, người phải đến (Mt 11, 11-15 và 17, 10-13). Nhưng về phần thánh Gioan, ngài chỉ tự nhận mình như là tiếng hô hoàn toàn hướng về Đức Chúa: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói”. Xin cho chúng ta có lòng ước ao có được tâm tình khiêm tốn này của thánh Gioan:

Như thánh Gioan đã trở thành điều mà lời ngôn sứ Isaia đã loan báo. Cũng vậy, chúng ta được mời gọi để cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm nơi cuộc đời của mình. Xin cho Lời Chúa mà chúng ta đọc, lời nguyện Thánh Vịnh mà chúng ta hát dâng lên Chúa hàng ngày cũng được ứng nghiệm, được thực hiện nơi cuộc đời và trong mỗi ngày sống của chúng ta.

Như thánh Gioan, chúng ta được mời gọi sống sự sống của mình, sống thời gian Chúa ban, sống đời mình và ơn gọi của mình như một lời mời gọi, không phải mời gọi qui về mình, nhưng là qui về Đức Kitô.

Như thánh Gioan, chúng ta cũng tự mình không thể biết Đức Kitô, nhưng đó là ơn huệ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thực vậy, thánh nhân nhấn mạnh:

Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước”,“Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”.

Như thế, sự hiểu biết Đức Kitô của thánh Gioan hoàn toàn là ơn huệ: của chính Thiên Chúa Chúa Cha, vì Người đã thúc đẩy thánh Gioan đi tìm kiếm Đức Kitô; của Chúa Thánh Thần, vì dấu chỉ để nhận biết Đức Kitô, là sự hiện diện của Thần Khí; và cuối cùng là của chính Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa đến tỏ mình ra cho thánh Gioan:

Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”.

Cũng vậy, lời chứng của chúng ta về Đức Kitô, cũng hoàn toàn đến từ kinh nghiệm được đích thân gặp gỡ Đức Kitô và giới thiệu Người cho mọi người, như thánh Gioan sẽ giới thiệu Đức Kitô cho hai môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”.

“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Lời tuyên xưng này chất chứa cả một mầu nhiệm cứu độ và vì thế, trở thành bất hủ, vì được tuyên xưng tới bốn lần trong mỗi Thánh Lễ: sau khi chúng bình an, cộng đoàn phụng vụ đọc hay hát: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian…” (3 lần); tiếp đến, linh mục chủ tế dâng cao Mình Thánh trên chén (hoặc dĩa) thánh, long trọng công bố: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…”.

Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Con Chiên vô tội, nhưng lại mang vào mình mọi tội lỗi của từng người và loài người chúng ta, như Người Tôi Tớ Đau Khổ, để ban cho chúng ta sự vô tội của Ngài.

Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Con Chiên vô tội bị sát tế, để bày tỏ sự tín thác tuyệt đối vào đức công chính và sự sống mạnh hơn sự chết nơi Thiên Chúa, và để trở thành đường đi và sự sống cho chúng ta.

Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Con Chiên hiền lành, diễn tả khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa: Thiên Chúa là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi.

Như thánh Gioan, xin cho chúng ta cũng khao khát gặp gỡ, hiểu biết và yêu mến Đức Kitô, để có thể nói cho mọi người, ngang qua chính đời sống hằng ngày của chúng ta: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”.

LM Giuse Nguyễn văn Lộc

Chiên Thiên Chúa

Chiên Thiên Chúa

Chúng ta vừa kết thúc Phụng vụ Mùa Giáng Sinh. Những trang trí hoa đèn của mùa Noel đã được tháo gỡ và hạ xuống. Bầu khí khu thánh đường trở lại vẻ lặng lẽ và bình thường trong khí trời tuyết lạnh. Giờ đây chúng ta bắt đầu tiếp tục suy gẫm về sứ mệnh công khai của Chúa Giêsu. Chúng ta được Thánh Gioan Tiền Hô giới thiệu: “Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: ‘Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian.’” (Ga 1,29). Khai mở một triều đại mới của Nước Trời. Chúa Giêsu đã hiện diện đồng hành với Dân Người. Chúng ta cần học hiểu về ý nghĩa thần học của con chiên. Chúa Giêsu được ví như cửa chuồng chiên, người chăn chiên tốt lành và chủ chiên. Chủ chiên đi trước và đàn chiên bước theo sau. Trong Cựu Ước hình ảnh quen thuộc của những con chiên tinh tuyền bị hiến tế, con chiên gánh tội, con chiên hiền lành bị xén lông và bị giết để lấy máu chiên đuợc bôi trên cửa, rảy trên dân chúng và thịt chiên nướng làm của ăn.

Tiên tri Isaia đã tiên báo nhiều điều về Đấng sẽ ban ơn cứu độ. Ngài là ánh sáng và nguồn qui tụ mọi con dân về một mối: Người đã phán: “Làm tôi tớ Ta chẳng có là bao, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của Ta tràn lan khắp địa cầu.” (Is 49,6). Khoảng 600 năm trước Chúa Giêsu, Isaia đã có những thị kiến ngưỡng vọng về một tương lai huy hoàng. Thiên Chúa sẽ quy tụ mọi con cái đang tản mác khắp nơi về một nguồn sống. Ơn cứu độ sẽ lan tràn khắp chốn và vinh quang của Thiên Chúa sẽ được chiếu toả khắp mọi nơi: Chúa đã phán cùng tôi: “Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta được vinh danh nơi ngươi.” (Is 49,3).

Gioan Tẩy Giả là vị tiên tri sau cùng nối kết giữa Cựu Ước và Tân ước. Chương trình cứu độ được thể hiện qua dòng dõi của một Dân tộc mà Chúa đã chọn. Trải qua thời gian, cho dù dân chúng có ngỗ nghịch, ương ngạnh và từ bỏ Chúa, Thiên Chúa vẫn tín trung giữ lời đã giao ước với các cha ông. Gioan được sai đến như vị tiên hô để chứng dám và giới thiệu cho toàn dân về Đấng Cứu Thế: Và Gioan đã làm chứng: “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài.” (Ga 1,32). Gioan đã chu toàn sứ mệnh tiền hô và chuẩn bị lòng dân đón Chúa. Ông đã được nhìn xem tận mắt và chứng kiến Đấng đến sau ông và ông không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Ngài.

Gioan kêu gọi mọi người hãy chuẩn bị đường lối của Chúa cho ngay thẳng. Có nhiều người đã chạy đến với Gioan xin lãnh nhận phép rửa sám hối. Một số người thật lòng sám hối ăn năn và sửa đổi đời sống. Cũng có những vị tai mắt trong dân thuộc nhóm Biệt phái và Xađốc chạy đến với Gioan xin nhận phép rửa, nhưng Gioan đã đọc được tâm tư của họ, ông nói với họ: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” (Mt 3,7). Gioan đã mạnh mẽ rao giảng sự thật giúp mọi người chuẩn bị đón nhận Nước Trời. Ông không vị nể người quyền thế, nhưng dám đối diện thách thức các vị chức sắc trong xã hội và tôn giáo. Gioan đã vạch rõ con đường nội tâm phải sửa đổi cho ngay thẳng và chân thành.

Có một vị giảng thuyết ngoài đường phố đặt một thùng xà phòng ở một góc đường có đông người qua lại. Ông ta can đảm rao giảng về Chúa và sự cần thiết có Chúa trong đời sống, nhưng người qua kẻ lại chỉ đáp lại với thái độ thờ ơ, lãnh đạm. Đột nhiên, ông thay đổi cách thế rao giảng. Kìa có một viên chức trong văn phòng biệt thự đi ra ngoài để ăn trưa, vị giảng thuyết nhìm chằm chằm vào mắt ông và đưa ngón tay chỉ thẳng vào mặt ông và la lớn: Có tội. Rồi ông giữ im lặng vài giây, chọn từ khác ‘nạn nhân’ để cố gắng kéo sự chú ý của vị khách. Ông đưa cánh tay phải lên và chỉ ngay mặt và la to: Tội phạm. Sự đáp trả rất ngoạn mục, khi mới khởi đầu ra rao giảng, sự đáp trả chỉ là một sự khinh rẻ và cười nhạo hay chỉ là vô tư. Tuy nhiên, bây giờ, sự trả lời là một sự khuấy động nội tâm và viên chức văn phòng thực sự bắt đầu cảm thấy có điều lỗi. Có vẻ như là vị giảng thuyết đang đụng chạm tận cửa nhà và hình như người ta nghĩ vị giảng thuyết biết những sự thầm kín của họ.

Tuy thời gian không dài nhưng ông Gioan Tẩy Giả đã hoàn thành được sứ mệnh của người dọn đường. Ông đã xác tín một điều mà muôn dân đợi trông: “Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa.” (Ga 1,34). Ngày nay chúng ta có cơ hội học biết về toàn thể lịch sử ơn cứu độ. Chúng ta có một bức tranh diễn tiến qua từng giai đoạn đón chờ của Dân Thánh. Chúng ta học biết một cách rõ ràng hơn về cách thế Thiên Chúa đã dẫn dắt lịch sử. Chúng ta biết rằng dân Dothái thuở xưa đã phải lần bước trong đêm tối của đức tin với niềm hy vọng. Ngày nay có rất nhiều người Dothái vẫn còn trong tâm tình chờ đợi. Những lời tiên báo, những dấu chỉ và sự xuất hiện của Ngôi Lời đã đến cách đây cả hai thiên niên kỷ. Đôi khi chúng ta tự hỏi: Tại sao nhiều người Dothái trong thời đó đã không nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng xoá tội trần gian? Vì Chúa Giêsu đã ẩn mình xuống thế làm người như chúng ta.

Chiên Thiên Chúa đã xuất hiện và đã làm rất nhiều phép lạ để tỏ bày uy quyền trên mọi thụ tạo. Có rất nhiều người đã được ơn chữa bệnh, được ăn bánh, cá và được nhìn xem những dấu chỉ lạ thường, nhưng họ vẫn không tin. Từ dòng dõi này qua dòng dõi kia, họ vẫn còn trong tâm tình chờ đợi khao khát ơn cứu độ. Thánh Gioan Tẩy Giả đã đọc được những tâm tình của những nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó. Các thượng tế nắm chặt truyền thống và trung thành với Giáo Ước cũ. Nhưng lạ thay, các nhà chiêm tinh ngoại giáo đã nhìn thấy dấu chỉ và tìm đến cung đình để hỏi vua Hêrôđê về Vua của Dân Dothái. Vua Hêrôđê đã tụ họp các thượng tế và kinh sư cẩn thận tìm hiểu lời tiên báo của các ngôn sứ nói về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế: “Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, người đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì người là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời.” (Mt 2,6).

Chúa Giêsu Kitô đã đến và rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Trong thời gian ngắn ngủi, Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi lời do miệng các tiên tri đã phán dạy. Ngài đã hiến thân mình như con chiên hiền lành bị đem đi giết. Chính Ngài đã hiến dâng mình để cứu độ và giải thoát con người khỏi tội lỗi, sự tối tăm và sự dữ. Ngài đã chiến thắng tử thần, đã sống lại từ cõi chết và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Danh thánh của Ngài được truyền rao qua mọi thế hệ. Thư của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi cho giáo đoàn Corintô đã trình bày: “Kính chào Hội Thánh Chúa ở Côrintô, những người được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi nên thánh, làm một với tất cả mọi người khắp nơi đang kêu cầu thánh danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (1 Cr 1,2). Chỉ có Chúa Giêsu là Đấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa và là Đấng Cứu Độ trần gian.

Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng: Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian xin thương xót chúng con. Chúa Chiên Lành đã yêu thương ẵm vác trên vai những con chiên bị thương tích và đưa dẫn chiên lạc lối trở về. Xin cho chúng con biết dõi theo lối bước của Chúa đến đồng cỏ xanh tươi, có nguồn suối mát và chúng con sẽ được nghỉ ngơi an bình.

LM. Giuse Trần Việt Hùng

Ai thương xót ta, nếu ta không biết thương xót chính mình?

Ai thương xót ta, nếu ta không biết thương xót chính mình?

Ngày 15 tháng Giêng vừa qua hàng chục nước ân nhân của Syria đã kết thúc cuộc họp tại Kuweit. Cuộc họp đã chỉ thành công một nửa, vì đã không đạt được số tiền cần có để cứu trợ Siria. Ông Ban Ki-Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã tỏ vẻ thất vọng, khi thông báo số tiền các nước này đã đóng góp chỉ được 2 tỷ 400 triệu mỹ kim, tức ít hơn một phần ba ngân khoản dự trù có được. Liên Hiệp Quốc cũng mạnh mẽ tố cáo các vụ tàn sát tập thể do các lực lượng thánh chiến chủ mưu, trong đó có nhóm ”Nhà nước Hồi giáo Irak” và ”Mặt trời mọc” gắn liền với tổ chức khủng bố Al Qaeda. Trên bình diện ngoại giao trong hai ngày 16 và 17 tháng Giêng đại diện của các chính quyền Nga, Iran và Siria đã gặp nhau tại thủ đô Matscơva. Trước các khó khăn mà việc cứu trợ nhân đạo phải đối phó trong lúc này Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria, đã tha thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế lắng nghe tiếng gào thét tuyệt vọng của người dân Siria đang ngã qụy trong cơn lốc bạo lực, và mau chóng làm tất cả những gì có thể để cứu sống dân chúng. Điều cấp thiết nhất hiện nay là giúp đạt được một cuộc ngưng bắn để có thể chuyển đồ cứu trợ tới cho các nạn nhân, đặc biệt trong các tỉnh miền đông và cả các vùng chung quanh thủ đô Damasco.

Người ta không biết hội nghị Genève II khai diễn vào ngày 22 tháng Giêng này với sự tham dự của các phe lâm chiến và đại diện của các nước có liên lụy trong cuộc nội chiến có đem lại một giải pháp hòa bình cho Siria hay không. Các lực lượng cách mạng đối lập nhất quyết đòi tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi, trong khi chính quyền Damasco vẫn luôn luôn coi các lực lượng nổi dậy là các nhóm khủng bố phá hoại. Và ước nguyện của tổng thổng Bashar al-Assad là ”được chết trên quê hương của mình”. Nhưng đó chỉ là kiểu nói hoa mỹ nhằm che dấu tham vọng duy trì quyền lực bằng mọi cách, kể cả với giá máu của hàng trăm ngàn người dân và một đất nước đổ nát tan hoang, sau bao nhiêu thập niên hy sinh cố gắng xây dựng để đạt được sự phồn thịnh như cho tới cách đây hơn ba năm.

Vấn đề đó là cả hai phe đều dựa vào sự ủng hộ của các nước ngoài sẵn sàng cung cấp khí giới cho họ tàn sát lẫn nhau. Như đã biết, chính quyền của tổng thống Bashar al-Assad được Nga, Trung Quốc và Iran cung cấp khí giới, trong khi Hoa Kỳ, Âu châu và vài quốc gia A Rập cung cấp khí giới cho các lực lượng cách mạng. Từ nhiều thập niên qua số vũ khí Nga bán cho Syria lên tới hơn 2 tỷ mỹ kim mỗi năm. Nhưng Syria cũng mua khí giới của vài nước Âu châu và nhờ kỹ thuật các nước này cung cấp đã chế ra các vũ khí hóa học, hiện nay đã bị tịch thu và sẽ bị hủy bỏ. Siria trở thành chợ trời vũ khí: đó là một trong các lý do khiến cho chiến tranh nước này kéo dài, khó chấm dứt.

Đây cũng là một sự thật sống sượng, mà các phương tiện truyền thông quốc tế thường tránh né, ít khi dám thẳng thắn đề cập tới, hay phân tích hoặc mạnh dạn tố cáo: đó là ”chiến tranh thương mại” làm giầu cho các quốc gia có kỹ nghệ chế tạo và buôn bán vũ khí.” Đứng đầu là Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, rồi đến các nước Âu châu, trong đó Anh, Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha chiếm vị thế ưu tiên. Tiếp đến cho tới vài thập niên gần đây lại có thêm các nước có nền kinh tế đang lên như Ấn Độ, Brasil và Nam Phi. Rồi còn có cả các nước A Rập và nhiều nước Phi châu như Ai Cập, A Rập Sauđi, Camerun vv… Như thế chiến tranh là một lợi nhuận, đem lại các số tiền lời khổng lồ hàng trăm tỷ mỹ kim hằng năm, nên việc ”tạo ra thị trường tiêu thụ vũ khí” cũng là một khâu khác của kỹ nghệ chế tạo và buôn bán vũ khí trên thế giới.

Tuy nhiên, ngày nay người ta không còn có thể chỉ quy tội cho các cường quốc, hay các nước tây âu hoặc đông âu, chế tạo buôn bán vũ khí nữa, mà trách nhiệm cũng tùy thuộc rất nhiều nơi hàng lãnh đạo của các nước nghèo đang trên đường phát triển. Sự kiện giới lãnh đạo các nước nghèo dành rất nhiều ngân khoản cho việc mua và trang bị vũ khí cho quân đội là một sự thật qúa hiển nhiên, không thể che dấu và chối cãi được nữa.

Điển hình như tình hình vùng Đông Nam Á hiện nay. Trung Quốc ”xấc xược” coi Biển Đông là của mình và uy hiếp các nước nhỏ trong vùng, chỉ vì muốn ăn cướp tài nguyên, hải sản và mỏ dầu hỏa khổng lồ nằm bên dưới thềm lục địa của Việt Nam và các nước vùng Đông Nam Á. Nhưng các động thái khiêu khích, đe dọa, trấn áp và xâm lăng của Trung Quốc khiến cho các nước toàn vùng ở trong trình trạng căng thẳng báo động, và làm cho các chính quyền thi đua nhau mua vũ khí của Hoa Kỳ, Nga, Âu châu và Ấn Độ. Kể cả chính quyền cộng sản Việt Nam, một đàng thì đã ký thỏa hiệp ngầm bán nước cho Trung Quốc từ lâu, nhằm biến Việt Nam trở thành một tình của Tầu, đàng khác lại ”giả vờ đóng kịch hốt hoảng” ký thỏa hiệp mua khí giới của Hoa Kỳ và Ấn Độ gọi là ”để đương đầu với họa mất nước”. Trong khi đó nhà nước cộng sản Việt Nam lại không hề dám mở miệng lên tiếng phản đối các hành động xấm lăng của Trung Quốc cướp đất, cướp biển, cưởp hải sản và quặng mỏ của Việt Nam, giết ngư dân, để cho người Tầu tha hồ tự do sang Việt Nam thành lập nhiều thành phố làng mạc buôn bán và thống trị thị trường sản xuất trong nước, nhưng lại thẳng tay đàn áp sinh viên học sinh, các nhà tranh đấu cho dân chủ và những người yêu nước biểu tình phản đối chính sách xâm lăng của Trung Quốc.

Như thế, cũng như trường hợp của Siria, nếu chính quyền và các lực lượng của một quốc gia mà không biết thương xót dất nước và dân tộc mình để cố gắng tìm ra giải pháp hòa bình, tránh cho quốc qia khỏi bị diệt vong, thì ai là người có thể thương xót và làm nhiệm vụ này thay cho họ đây? Ai thương xót ta, nếu ta không biết thương xót chính mình?

Linh Tiến Khải
– Vatican Radio

Vị linh mục thúc giục mọi người theo con đường cải cách hòa bình

Vị linh mục thúc giục mọi người theo con đường cải cách hòa bình

Vị linh mục dòng Tên hướng dẫn người biểu tình cầu nguyện giữa lúc chiến dịch đóng cửa Bangkok tiếp diễn

Vị linh mục thúc giục mọi người theo con đường cải cách hòa bình thumbnail

Linh mục Vichai Phoktavi và người biểu tình ở trung tâm Bangkok

Một vị linh mục thúc giục người biểu tình chống chính phủ ở Bangkok tìm kiếm công lý và cải cách thông qua các phương thức hòa bình sau một đêm xảy ra bạo lực lác đác trong thủ đô Thái Lan.

Linh mục dòng Tên Vichai Phoktavi hướng dẫn hàng ngàn người biểu tình tại trung tâm Bangkok cầu nguyện cho hòa bình và công lý tại Thái Lan hôm thứ Tư.

“Tôi nghĩ chính trị và chính phủ tại Thái Lan cần được cải cách, chúng ta cần loại trừ tham nhũng và cần có sự tham gia của người dân nhiều hơn”, ngài phát biểu với ucanews.com.

Cha Vichai cho biết những người tổ chức biểu tình đã đến gặp ngài hôm thứ Ba xin hướng dẫn một nghi thức cầu nguyện liên tôn giáo mở đầu ngày thứ ba liên tiếp biểu tình diễn ra trên khắp thành phố, được những người tổ chức gọi là “Đóng cửa Bangkok”. Ngài hướng dẫn giờ cầu nguyện sau khi một thầy tế Hồi giáo dâng lời cầu nguyện tương tự cho hòa bình và công lý, cha Vichai kể lại.

Các lãnh đạo tôn giáo kêu gọi hòa bình sau khi có tin báo hàng loạt vụ bạo động xảy ra trên khắp thành phố vào tối thứ Ba. Hai người bị bắn, một thiết bị gây nổ được ném vào nhà của lãnh đạo đảng thuộc phe đối lập chính, một xe buýt bị đốt và cảnh sát bị tấn công trong nhiều vụ khác nhau, các nhà chức trách cho biết.

Vụ nã súng xảy ra gần giao lộ Pathum Wan của thành phố, gần nơi diễn ra nghi thức cầu nguyện hôm thứ Tư.

Cha Vichai, cựu giám đốc Ủy ban Công lý hòa bình Công giáo, nói ngài nhắc nhở đám đông trong một thành phố vẫn còn tổn thương vì các vụ bạo loạn gây chết người năm 2010 rằng phi bạo lực là cách tốt nhất để họ đạt mục đích.

“Tôi không tham gia chính trị và tôi không đến đây để theo bên nào cả. Tôi có mặt ở đây để giúp củng cố xã hội Thái Lan và để đẩy mạnh công lý, hòa bình và đạo đức nơi người dân Thái Lan và chính trị Thái Lan”, ngài nói.

Người biểu tình tìm cách truất phế chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và thành lập một chính quyền được chỉ định để tiến hành cải cách chính trị trước khi tổ chức các cuộc bầu cử mới. Họ và phe đối lập chính là đảng Dân chủ từ chối tham gia các cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào ngày 2-2 nếu không thực hiện cải cách.

Các cuộc biểu tình hiện nay liên quan đến vụ phong tỏa nhiều đường phố và giao lộ chính tại trung tâm Bangkok. Trong khi các cơ quan và trường học bị đóng cửa và các trung tâm mua sắm lớn đóng cửa sớm, những người tổ chức không đạt được mục đích làm tê liệt thành phố. Tại nhiều nơi biểu tình, những người tổ chức đã mở đường cho xe cộ đi qua.

Các cuộc biểu tình này diễn ra ban đầu là do dự luật ân xá cho phép nhà tỷ phú anh trai của bà Yingluck là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trở về nước mà không phải đi tù, không được thông qua.

Ông Thaksin sống lưu vong ở nước ngoài để tránh ngồi tù vì tội tham nhũng. Ông được nhiều người ở miền bắc Thái Lan ủng hộ, nhưng lại bị nhiều người ở miền nam và tầng lớp trung lưu ở Bangkok chửi rủa.

Stephen Steele từ Bangkok, Thái Lan

Trích từ UCANEWS VN

 

 

Đức Thánh Cha tố giác những tư tế hư hỏng

Đức Thánh Cha tố giác những tư tế hư hỏng

VATICAN. Đức Thánh Cha tái lên tiếng tố giác những tư tế hư hỏng, thay vì trao bánh sự sống cho dân thánh của Chúa, thì lại cho những lương thực có thuốc độc!

ĐTC đưa ra nhận định trên đây trong bài giảng thánh lễ lúc 7 giờ sáng ngày 16-1-2014 tại nguyện đường nhà trọ thánh Marta ở Vatican. Chú giải bài đọc thứ I trong ngày và thánh vịnh đáp ca, kể lại sự thất trận của quân Israel trước quân Philistin, ĐTC nhận xét rằng dân Chúa thời ấy đã bỏ Chúa. Lúc ấy Lời Chúa ”khan hiếm”, Tư tế Elia già nua thì ”nguội lạnh” và các con cái của ông thì ”hư hỏng, làm dân chúng kinh hoàng và hành hạ họ”. Để chiến đấu chống quân Philistin, dân Israel dùng ”hòm bia giao ước” như một vật ma thuật, một điều bên ngoài. Và thế là họ bị thất trận, hòm bia giao ước bị địch quân chiếm. Không có niềm tin đích thực nơi Thiên Chúa, nơi sự hiện diện thực sự của Ngài trong cuộc sống.”

ĐTC nói: ”Đoạn Kinh Thánh này làm cho chúng ta suy nghĩ xem quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, với Lời Chúa như thế nào: phải chăng đó chỉ là một quan hệ hình thức, hời hợt, một quan hệ xa lạ? Lời Chúa có đi vào, có thay đổi tâm hồn chúng ta hay không, có quyền năng hay không? Nhưng tầm hồn lại khép kín đối với Lời Chúa. Điều này làm chúng ta nghĩ đến bao nhiêu thất bại trong Giáo Hội, bao nhiêu chiến bại của Dân Chúa chỉ vì họ không cảm thấy Chúa, không tìm Chúa, không để cho Chúa tìm họ! Và rồi sau khi thảm trạng xảy ra, người ta cầu nguyện: Lạy Chúa, làm sao điều ấy xảy ra được? Chúa đã làm cho chúng con bị các lân bang coi rẻ… Chúa biến chúng con thành sự nhạo cười của những dân quanh chúng con”.

Đề cập đến những gương mù, những xì căng đan trong Giáo Hội, ĐTC đặt câu hỏi: ”Chúng ta có xấu hổ không? Có bao nhiêu gương mù mà tôi không muốn nêu riêng rẽ ở đây, nhưng tất cả chúng ta đều biết, chúng ta biết chúng ở đâu. Những xì căng đan mà một số người đã bắt phải trả bao nhiêu tiền.. Thật là một ô nhục cho Giáo Hội. Chúng ta xấu hổ vì những xì căng đan, những chiến bại của các linh mục, giám mục, giáo dân? Lời Chúa trong những xì căng đan ấy thật là hiếm hoi!. Họ không có quan hệ với Thiên Chúa! Họ có một địa vị trong Giáo Hội, một địa vị quyền lực, và thoải mái. Nhưng lời Chúa thì họ không có. Họ biện minh: ”Nhưng tôi có huy chương mà! Tôi có mang thánh giá mà!.. Đúng vậy, cũng như những người Israel xưa kia mang hòm bia giao ước vậy! Nhưng mà họ không có quan hệ sinh động với Thiên Chúa và với Lời Chúa!

ĐTC nói: ”Tôi nghĩ đến Lời Chúa Giêsu nói về những kẻ gây gương mù gương xấu.. và nơi đây xì căng đan đã xảy ra: tất cả sự sa đọa của dân Chúa, cho đến sự yếu nhược, sự hư hỏng của các tư tế”.

Và ĐTC kết luận bài giảng, nghĩ đến Dân Chúa: ”Tội nghiệp dân! Tội nghiệp dân! Chúng ta không cho họ bánh sự sống để ăn; chúng ta không cho họ chân lý! Thậm chí chúng ta cho họ ăn bánh bị nhiễm độc, bao nhiêu lần! .. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta đừng bao giờ đên Lời Chúa, Lời hằng sống, xin cho Lời Chúa đi vào tâm hồn chúng ta và không bao giờ quên dân thánh trung thành của Chúa, đang xin chúng ta bánh mạnh mẽ!” (SD 16-1-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Bí tích Rửa Tội biến tín hữu trở thành chi thể của Giáo Hội Thân Mình của Chúa Kitô, môn đệ và thừa sai

Bí tích Rửa Tội biến tín hữu trở thành chi thể của Giáo Hội Thân Mình của Chúa Kitô, môn đệ và thừa sai

Bí tích Rửa Tội tháp nhập chúng ta vào Chúa Kitô, làm cho chúng ta trở thành chi thể của Giáo Hội và biến chúng ta trở thành môn đệ và thừa sai loan báo Tin Mừng bằng lời nói và việc làm, mỗi người theo cương vị của mình.

Đức Thánh Cha đã nói như trên với hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 15-1-2014.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy đề tài giáo lý hiệu qủa quan trọng của bí tích Rửa Tội: đó là làm cho chúng ta trở thành các chi thể của Thân Mình Chúa Kitô và Dân Thiên Chúa. Thánh Toma thành Aquino khẳng định rằng ai lãnh nhận bí tích Rửa tội thì được gia nhập vào Chúa Kitô như chính chi thể của Người và được gia nhập cộng đoàn tín hữu (Summa Theologiae, III, q.69, art.5 q.70, art.1). Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ:

Theo học trường của Công Đồng Chung Vaticăng II ngày nay chúng ta nói rằng bí tích Rửa Tội làm cho chúng ta vào trong Dân Chúa, trở thành các chi thể của một dân tộc tiến bước lữ hành trong lịch sử.

Thật thế, như người ta thông truyền sự sống từ thế hệ này sang thế hệ khác, cũng thế từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua giếng rửa tội người ta thông truyền ơn thánh, và với ơn thánh Dân Chúa bước đi trong thời gian, như một dòng sông tưới gội trái đất và phổ biến phước lành của Thiên Chúa trong thế giới. Từ khi Chúa Giêsu nói điều này, mà chúng ta đã nghe từ Phúc Âm, các môn đệ đã ra đi rửa tội, và từ thời đó cho tới nay có một dây xích trong việc thông truyền đức tin qua bí tích Rửa Tội, và mỗi người trong chúng ta là một móc của dây xích đó, một bước luôn tiến tới như một dòng sông tưới gội. Ơn thánh của Thiên Chúa là như thế, và đức tin của chúng ta là như thế, mà chúng ta phải thông truyền cho con cái, thông truyền cho các trẻ em, để khi chúng lớn lên chúng cũng có thể thông truyền cho con cái chúng. Bí tích Rửa Tội là như thế. Tại sao vậy? Bởi vì bí tích Rửa Tội làm cho chúng ta bước vào dân này của Thiên Chúa, là dân thông truyền đức tin. Đây là điều rất quan trọng. Một dân của Thiên Chúa bước đi và thông truyền đức tin.

Nhờ bí tích Rửa Tội chúng ta trở thành môn đệ thừa sai, được mời gọi đem Tin Mừng vào trong thế giới (Evangelium gaudium, 120). Mỗi người trong chúng ta, dù có nhiệm vụ nào trong Giáo Hội và có mức độ đào tạo đức tin ra sao, cũng là chủ thể tích cực của việc rao truyền Tin Mừng… Việc tái truyền giảng Tin Mừng đòi hỏi một phong trào tác nhân mới của từng người đã được rửa tội” (ibid). Dân Chúa là một Dân môn đệ, bởi vì lãnh nhận đức tin, và là thừa sai, bởi vì thông truyền đức tin. Đó là điều mà bí tích Rửa Tội làm nơi chúng ta: nó khiến cho chúng ta nhận được ơn thánh. Và đức tin thông truyền đức tin.

Trong Giáo Hội chúng ta tất cả là các thừa sai, mỗi người trong cương vị của mà Chúa đã trao phó cho. Tất cả mọi người: người nhỏ nhất cũng là thừa sai, và người xem ra lớn hơn là môn đệ. Nhưng mà có người nói rằng: ”Thưa cha, các Giám Mục không phải là các môn đệ, các Giám Mục biết mọi sự; Đức Giáo Hoàng biết mọi sự, ngài không phải là môn đệ”. Nhưng mà cả các Giám Mục và Giáo Hoàng cũng phải là các môn đệ, bởi vì nếu các vị không là môn đệ, thì các vị không làm tốt, không thể là thừa sai được, không thể thông truyền đức tin. Hiểu chưa? Anh chị em đã hiểu điều này chưa? Nó rất quan trọng. Chúng ta tất cả đều là môn đệ và thừa sai.

Có một dây không thể tháo cởi được giữa chiều kích thần bí và chiều kích truyền giáo của ơn gọi kitô, cả hai đều đâm rễ sâu trong bí tích Rửa Tội. ”Khi nhận lãnh đức tin và bí tích Rửa Tội, kitô hữu chúng ta lãnh nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần, là Đấng dẫn đưa tới chỗ tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và gọi Thiên Chúa là ”Abba” Cha. Mọi người nam nữ đã được rửa tội đều được mời gọi sống và thông truyền sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, bởi vì truyền giáo là một lời mời gọi tham dự vào sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa (Tài liệu Aparecida, 157). Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh trên sự hiệp thông này như sau:

Không ai được cứu rỗi một mình. Đây là điều quan trọng. Không ai được cứu rỗi một mình. Chúng ta là cộng đoàn các tín hữu và trong cộng đoàn chúng ta sống kinh nghiệm vẻ đẹp chia sẻ kinh nghiệm của một tình yêu đi trước tất cả chúng ta, nhưng đồng thời xin chúng ta trở thành ”các con kênh” ơn thánh cho nhau, cho dù chúng ta có các hạn hẹp và tội lỗi. Chiều kích cộng đoàn không chỉ là một ”cái khung”, một trang điểm chung quanh, mà là phần toàn vẹn của cuộc sống kitô, của chứng tá và việc loan báo Tin Mừng. Đức tin kitô nảy sinh và sống trong Giáo Hội, và trong bí tích Rửa Tội, các gia đình và các giáo xứ cử hành việc sát nhập vào một chi thể mới vào Chúa Kitô và vào thân mình Người là Giáo Hội (ibid., 175b).

Liên quan tới tầm quan trọng của bí tích Rửa Tội đối với Dân Chúa, cộng đoàn kitô bên Nhật Bản thật nêu gương sáng, khi họ bị bách hại vào đầu thế kỷ XVII. Đã có nhiều vị tử đạo, các giáo sĩ bị trục xuất và hàng ngàn tín hữu bị giết. Không có linh mục nào ở lại bên Nhật Bản: tất cả đều bị trục xuất hết. Khi đó cộng đoàn rút lui vào sự lén lút, bằng cách duy trì đức tin và lời cầu nguyện trong trốn tránh. Khi một trẻ em sinh ra thì cha hay mẹ rửa tội cho chúng. Khi vào khoảng hai thế kỷ rưỡi sau đó – 250 năm sau – các thừa sai trở lại Nhật Bản, hàng ngàn kitô hữu đã ra sống công khai và Giáo Hội đã có thể tái nở hoa. Họ đã sống sót nhờ ơn thánh của bí tích Rửa Tội.

Và đây là điều cao cả đúng không? Dân Chúa thông truyền đức tin, rửa tội cho các con cái của mình và tiến tới. Và họ đã duy trì được một tinh thần cộng đoàn mạnh mẽ, dù trong bí mật, bởi vì bí tích Rửa Tội đã làm cho họ tất cả trở thành một thân mình duy nhất của Chúa Kitô: họ đã bị cô lập và lẩn tránh, nhưng đã luôn luôn là các chi thể của Giáo Hội. Chúng ta có thể học hỏi từ lịch sử ấy.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu hiện diện, đặc biệt các đoàn hành hương đến từ các nước châu Mỹ Latinh như Argentina, Uruguay, Mexico và Brasil. Chào các tín hữu nói tiếng Á rập, Đức Thánh Cha khích lệ họ noi gương các kitô hữu Nhật Bản. Ngài nói: các khó khăn và bách hại, khi được sống với niềm tin tưởng và hy vọng, chúng thanh tẩy và củng cố đức tin. Anh chị em hãy là các chứng nhân của Chúa Kitô và Tin Mừng của Người, hãy là các người con đích thật của Giáo Hội và luôn sẵn sàng trao ban lý lẽ cho niềm hy vọng của anh chị em với tình yêu thương và lòng tôn trọng.

Đức Thánh Cha cũng chào đoàn hành hương giáo phận Civitavecchia Tarquinia do Đức Cha Luigi Marrucci hướng dẫn. Ban nhạc của giáo phận đã liên tục cử hành nhiều bản nhạc vui. Ngài cũng chào tín hữu và đông đảo sinh viên học sinh giáo phận Caserta.

Hôm thứ tư 15-1-2014 Đức Thánh Cha cũng dành nhiều giờ để chào thăm vuốt ve, an ủi hàng trăm bệnh nhân ngồi trên xe lăn. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nói Chúa Nhật vừa qua chúng ta đã cử hành lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa. Nó là dịp thuận tiện giúp chúng ta suy tư trở lại việc thuộc về Chúa Kitô trong niềm tin nơi Giáo Hội. Ngài khuyên các bạn trẻ hàng ngày biết tái khám phá ra ơn thánh đến từ bí tích Rửa Tội.

Đức Thánh Cha khích lệ các bệnh nhân kín múc nơi bí tích Rửa Tội sự ủi an cho các đau khổ của họ. Và ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới biết diễn tả các ơn của bí tích Rửa Tội trong các dấn thân trên con đường cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Quốc vụ khanh Tòa Thánh hội kiến với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Quốc vụ khanh Tòa Thánh hội kiến với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

VATICAN. Sáng ngày 14-1-2014, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức TGM Pietro Parolin, đã có một cuộc hội kiến tại Vatican với ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Ngoại trưởng Kerry đang thực hiện một cuộc viếng thăm tại các nước để cỗ võ một hiệp định hòa bình giữa Israel và Palestine, cũng như thành quả của Hội nghị Genève 2 về hòa bình tại Siria sẽ tiến hành từ ngày 22-1-2014.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết: Sáng ngày 14-1-2014, ngoại trưởng Mỹ Kerry đã đến thăm Vatican và gặp Đức TGM Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Cuộc gặp gỡ rất quan trọng và cũng bao quát, vì kéo dài 1 giờ 40 phút. Tham dự cuộc gặp gỡ có đại sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh, và 3 quan chức Bộ ngoại giao Mỹ. Về phía Tòa Thánh, cũng có Đức TGM ngoại trưởng Mamberti và hai chức sắc khác của Tòa Thánh đặc trách về các vấn đề được bàn tới.

Cuộc gặp gỡ có nhiều thành quả và rất phong phú về nội dung. Các đề tài chính được bàn tới dĩ nhiên là các vấn đề Trung Đông, đặc biệt là tình hình Syria, đứng trước Hội nghị hòa bình tại Genève trong tháng giêng này. Dĩ nhiên những quan tâm và mong ước của Tòa Thánh đã được trình bày, những điều này cũng đã được diễn tả trong diễn văn của ĐTC trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh hôm 13-1-2014: Tòa Thánh mong muốn có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột và nỗ lực cứu trợ nhân đạo cho dân chúng đã bị thử thách nhiều. Rồi cuộc thương thuyết giữa Israel và Palestine cũng được đề cập đến, dĩ nhiên Tòa Thánh khích lệ sự tiếp tục và hy vọng cuộc thương thuyết được thành quả tốt.

Cả Phi châu cũng là đối tượng các cuộc thảo luận. Chúng ta biết tình trạng Sudan trở nên thê thảm trong thời gian gần đây: Tòa Thánh mong ước rằng sự trung gian hiện nay để hai phe thỏa thuận với nhau có thể đạt tới thành quả tốt.

Trong cuộc thảo luận, Tòa Thánh cũng đề cập đến đề tài Hoa Kỳ: cùng với các GM Mỹ, Tòa Thánh bày tỏ lo âu về những vấn đề liên quan đến những qui luật cải tổ y tế trong tương quan với tự do tôn giáo, sự phản kháng của lương tâm. Kế hoạch của tổng thống Mỹ chống nạn nghèo và cải tiến tình trạng của các tầng lớp nghèo nhất trong dân chúng cũng được bàn đến.

Cha Lombardi nói thêm rằng: ”Bầu không khí tích cực; cuộc gặp gỡ có tính chất xây dựng, quan trọng, và chính thời gian dài của cuộc thảo luận biểu lộ ý nghĩa quan trọng của nó”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

Đức Thánh Cha tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến các vị đại sứ và đại diện của 180 nước và tổ chức có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, ĐTC Phanxicô đã kêu gọi bảo vệ gia đình, liên đới chấm dứt xung đột, bảo vệ các thai nhi và trẻ em.

Lúc gần 11 giờ sáng 13-1-2014, ĐTC Phanxicô đã nối tiếp truyền thống lâu đời của Tòa Thánh, tiếp kiến đoàn ngoại giao gồm đại diện của 180 quốc gia có quan hệ trên cấp đại sứ cùng với đại diện của chính quyền Palestine, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới.

Buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cũng là dịp để ĐTC kiểm điểm tình hình thế giới đồng thời bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề thời sự.

Sau lời chào mở đầu của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Đại Sứ Jean-Claude Michel của Tiểu vương quốc Monaco, ĐTC đã lên tiếng chào thăm tất cả các vị đại sứ và cám ơn vị niên trưởng ngoại giao đoàn, ngài đặc biệt nhắc đến và chào mừng các vị đại sứ mới đến trình thư ủy nhiệm. ĐTC nói:

Bênh vực gia đình, ngưi già và người trẻ

Trong sứ điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế giới nói về tình huynh đệ như nền tảng và là con đường hòa bình, tôi đã nhận xét rằng ”tình huynh đệ thường bắt đầu được học từ trong gia đình” (Sứ điệp 8-12-2013, 1), gia đình, ”do ơn gọi của mình, phải làm cho thế giới được lây nhiễm tình thương của mình” (ibid.) và góp phần làm cho tinh thần phục vụ và chia sẻ xây dựng hòa bình được tăng trưởng (Xc ibid. 10). Hang đá máng cỏ kể lại cho chúng ta điều ấy, nơi mà chúng ta thấy Thánh Gia Thất không đơn độc và lẻ loi đối với thế giới, nhưng có các mục tử và các đạo sĩ quây quần chung quanh, nghĩa là một cộng đồng cởi mở, trong đó có chỗ cho tất cả mọi người, giàu cũng như nghèo, người gần cũng như người xa. Và như thế chúng ta hiểu những lời của Vị Tiền Nhiệm quí mến của tôi, Đức Biển Đức 16, đã nhấn mạnh rằng ”một từ vựng gia đình là một từ vựng hòa bình” (Biển Đức 16, Sứ điệp nhân Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 41, 8-12-2007, 3).

Rất tiếc là điều ấy không thường xảy ra. vì con số các gia đình chia rẽ và bị xâu xé gia tăng, không những vì trong thế giới ngày nay, người ta thường thấy ý thức cảm thức mình thuộc về gia đình bị suy yếu, nhưng còn vì những điều kiện khó khăn trong đó nhiều gia đình đang phải chịu, đến độ họ thiếu cả những thương tiện sinh sống nữa. Vì thế, ta thấy cần có những chính sách thích hợp để nâng đỡ, trợ giúp và củng cố gia đình.

Ngoài ra, cũng xảy ra là những người già bị coi như một gánh nặng, trong khi những người trẻ không thấy trước mặt những viễn tượng chắc chắn cho cuộc sống của mình. Thực ra, người già và người trẻ là niềm hy vọng của nhân loại. Người già mang lại kinh nghiệm khôn ngoan, người trẻ mở cho chúng ta tương lai, ngăn cản chúng ta đừng khép kín vào mình (Xc Tông Huấn Evangelii gaudium, 108). Một điều khôn ngoan là không gạt những người già ra bên lề đời sống xã hội để duy trì ký ức sinh động của một dân tộc. Cũng vậy, nên đầu tư vào người trẻ, với những sáng kiến thích hợp giúp họ tìm được công ăn việc làm và thành lập gia đình. Đừng dập tắt lòng phấn khởi hăng say của họ! Tôi vẫn còn nhớ rõ kinh nghiệm về Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 28 ở Rio de Janeiro. Tôi đã gặp được bao nhiêu người trẻ hài lòng! Bao nhiêu hy vọng và mong đợi nơi ánh mắt và kinh nguyện của họ! Bao nhiêu niềm khát sống và ước muốn cởi mở đối với tha nhân! Sự khép kín và cô lập luôn tạo nên bầu không khí ngột ngạt và nặng nề, trước sau gì cũng gây nên buồn sầu và làm ngộp thở. Trái lại cần có một sự dấn thân chung của tất cả mọi người để thăng tiến một nền văn hóa gặp gỡ, vì chỉ những người có khả năng đi gặp tha nhân mới có thể mang lại thành quả, kiến tạo những mối giây hiệp thông, chiếu tỏa vui mừng, xây dựng hòa bình.

Nếu cần thì có những hình ảnh tàn phá và chết chóc chúng ta đã thấy trong năm vừa qua, xác định điều đó. Bao nhiều đau thương, bao nhiêu tuyệt vọng vì sự khép kín vào mình, sự khép kín ấy dần dần mặc một khuôn mặt ghen tương, ích kỷ, cạnh tranh, khao khát quyền lực và tiền bạc! Đôi khi dường như những thực tại ấy nhắm trở thành sự thống trị. Trái lại, Lễ Giáng Sinh đổ tràn nơi các tín hữu Kitô chúng tôi xác tín rằng lời nói cuối cùng và chung kết thuộc về Vị Vua Hòa Bình, Đấng đã biến ”gươm thành lưỡi cày và biến giáo thành lưỡi liềm” (Xc Is 2,4) và biến ích kỷ thành sự hiến thân và biến oán thù thành tha thứ.

Tình hình khó khăn tại Siria

”Và tôi muốn nhìn năm mới với niềm tín thác ấy. Vì thế, tôi không ngừng hy vọng cuộc chiến tại Siria rốt cuộc được chấm dứt. Mối quan tâm đối với dân tộc yêu quí này và ước muốn làm cho bạo lực khỏi trở nên trầm trọng hơn đã khiến tôi tuyên bố một ngày ăn chay và cầu nguyện hồi tháng 9 năm ngoái. Qua quí vị, tôi chân thành cám ơn những vị nơi đất nước của quí vị, Chính Quyền cũng như những người thiện chí hưởng ứng và tham gia sáng kiến ấy. Nay cần có một ý chí chính trị chung được đổi mới để chấm dứt cuộc xung đột. Trong viễn tượng ấy, tôi cầu mong Hội nghị Genève 2, được triệu tập vào ngày 22 tháng 1 sắp tới, đánh dấu khởi đầu hành trình bình định hóa vốn được mong muốn. Đồng thời một điều không thể thiếu được, đó là sự tôn trọng hoàn toàn đối với công pháp nhân đạo. Không thể chấp nhận để cho những thường dân vô tội, nhất là các trẻ em, bị tổn thương. Ngoài ra, tôi khuyến khích tất cả mọi người hãy bênh đỡ và bảo đảm bao nhiêu có thể sự trợ giúp cần thiết và cấp thiết cho phần lớn dân chúng. Tôi không quên những cố gắng đáng ca ngợi của những quốc gia, nhất là Liban và Giordani, đã quảng đại đón tiếp đông đảo người tị nạn Siria trên lãnh thổ của mình.

Trung Đông

Cũng liên quan đến Trung Đông, tôi lo âu nhận thấy những căng thẳng đang đè nặng trên vùng này bằng nhiều cách. Tôi đặc biệt lo lắng nhìn thấy những khó khăn kéo dài tại Liban, tại đây một bầu không khí cộng tác mới mẻ giữa các thẩm quyền khác nhau trong xã hội dân sự và các lực lượng chính trị là điều cần thiết hơn bao giờ hết để tránh cho những đố kỵ trở nên trầm trọng hơn và có thể làm thương tổn sự ổn định của đất nước. Tôi cũng nghĩ đến Ai Cập đang cần tìm lại sự hòa hợp xã hội, và Irak đang gặp khó khăn trong việc đạt tới hòa bình và sự ổn định mong ước. Đồng thời tôi hài lòng khi thấy có những tiến độ đáng kể trong cuộc đối thoại giữa Iran và nhóm ”5 cộng 1” về vấn đề hạt nhân.

Khắp nơi con đường tốt nhất để giải quyết những vấn đề bỏ ngỏ phải là con đường ngoại giao đối thoại. Và con đường chính đã được ĐGH Biển Đức 15 chỉ dẫn một cách sáng suốt khi ngài mời gọi các vị hữu trách của các nước Âu Châu hãy làm cho “sức mạnh tinh thần của luật pháp trổi vượt trên sức mạnh vật chất của võ khí” để chấm dứt thảm trạng chiến tranh vô ích” (Xc Biển Đức 15, thư gửi các vị Thủ lãnh các dân tộc đang giao chiến [1-81017] AAS 9, [1917], 421-423), là thế chiến thứ I, mà năm nay là năm kỷ niệm 100 năm. Cần ”can đảm di xa hơn bề mặt xung đột” (Tông huấn Evangelii gaudium, 228), coi tha nhân trong phẩm giá sâu xa nhất của họ, để sự đoàn kết vượt thắng xung đột và ”có thể phát triển một tình hiệp thông trong sự khác biệt” (Ibid.). Theo nghĩa đó, thật là một điều tích cực việc mở lại các cuộc thương thuyết giữa Israel và Palestine và tôi cầu mong các phe quyết liệt đưa ra những quyết định can đảm, với sự hỗ trợ của cộng đoàn quốc tế, để tìm ra một giải pháp công chính và lâu bên cho cuộc xung đột mà sự chấm dứt ngày càng trở thành cần thiết và khẩn cấp. Một điều không ngừng gây lo âu là làn sóng xuất cư của các tín hữu Kitô ra khỏi Trung Đông và Bắc Phi. Họ muốn tiếp tục được là thành phần của toàn bộ xã hội, chính trị và văn hóa của các nước mà họ đã góp phần xây dựng, và họ muốn góp phần vào công ích của xã hội nơi họ muốn được hoàn toàn hội nhập vào, như những người xây dựng hòa bình và hòa giải.

Phi Châu

”Tại những nơi khác ở Phi Châu, các tín hữu Kitô được kêu gọi làm chứng về tình thương và lòng từ bi của Thiên Chúa. Không bao giờ được ngưng làm điều thiện kể cả khi điều này thật kham go và khi ta phải chịu những hành động bất bao dung, thậm chí cả khi mình bị bách hại thực sự.

”Tại những vùng rộng lớn ở Nigeria bạo lực không chấm dứt và bao nhiêu máu người vô tội tiếp tục bị đổ ra. Nhất là tôi nghĩ đến Cộng hòa Trung Phi, nơi mà dân chúng đang chịu đau khổ vì những căng thẳng mà đát nước trải qua và chúng đã gieo rắc nhiều tàn phá và chết chóc. Tôi hứa sẽ cầu nguyện cho các nạn nhân và đông đảo những người tản cư phải sống trong những tình trạng thiếu thốn, tôi cầu mong cộng đồng quốc tế quan tâm góp phần chấm dứt bạo lực, tái lập chế độ pháp quyền và bảo đảm cho các viện trợ nhân đạo được đưa tới những miền hẻo lánh nhất của đất nước. Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo sẽ tiếp tục cam kết sự hiện diện và cộng tác, quảng đại nỗ lực trợ giúp bao nhiêu có thể cho dân chúng, và nhất là để tái tạo bầu không khí hòa giải và hòa bình giữa mọi thành phần trong xã hội. Hòa giải và hòa bình là những ưu tiên cơ bản tại những nơi khác ở Phi châu. Tôi đặc biệt muốn nói đến Mali, nơi người ta ghi nhận có sự tái lập các cơ cấu dân chủ của đất nước, cũng như tôi nghĩ đến Nam Sudan, nơi mà sự bất ổn về chính trị trong thời gian qua đã làm cho nhiều người chết và tình trạng nhân đạo tái ở trong tình trạng trầm trọng.

Á châu

Tòa Thánh rất chú ý theo dõi cả những biến cố ở Á châu, nơi mà Giáo Hội muốn chia sẻ những vui mừng và mong đợi của mọi dân tộc của đại lục rộng lớn và cao quí này. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Hàn Quốc, tôi muốn cầu xin Chúa ban ơn hòa giải tại bán đảo này, với mong ước rằng vì thiện ích của toàn thể dân tộc Hàn quốc, các phe liên hệ không ngừng tìm kiếm những điểm gặp gỡ và những giải pháp khả thể. Thực vậy, Á châu có một lịch sử sống chung lâu dài giữa các thành phần dân sự, chủng tộc và tôn giáo. Cần khuyến khích sự tôn trọng nhau, nhất là đứng trước một số dấu hiệu đáng lo âu về sự suy yếu của nó, đặc biệt là thái độ ngày càng khép kín, dựa vào lý do tôn giáo có xu hướng làm cho các tín hữu Kitô không còn được tự do và gây nguy hiểm cho sự sống chung trong xã hội với nhau. Trái lại Tòa Thánh rất hy vọng khi nhìn thấy những dấu hiệu cởi mở đến từ những nước có truyền thống lớn về tôn giáo và văn hóa, mà Tòa Thánh muốn cộng tác với họ để xây dựng công ích.

Nạn đói

Ngoài ra, hòa bình cũng bị tổn thương vì bất kỳ sự phủ nhận nào đối với phẩm giá con người, trước hết là tình trạng không được dinh dưỡng đầy đủ. Không khuôn mặt nào của những người bị đói được làm cho chúng ta dửng dưng, nhất là các trẻ em, nếu chúng ta nghĩ đến bao nhiêu lương thực bị phung phí mỗi ngày tại nhiều nơi trên thế giới, theo điều mà tôi nhiều lần định nghĩa là nền văn hóa loại bỏ. Rất tiếc là đối tượng bị loại bỏ không phải chỉ là lương thực hoặc những của cải dư thừa, nhưng là chính con người, họ bị loại bỏ như thể họ là những đồ vật không cần thiết. Ví dụ điều gây kinh hoàng khi nghĩa đến có những trẻ em không bao giờ được chào đời, nạn nhân của nạn phá thai hoặc những trẻ em bị sử dụng như những binh sĩ, bị hãm hiếp hoặc bị giết trong các cuộc xung đột võ trang hoặc trở thành hàng hóa trong hình thức kinh khủng là nạn nô lệ tân thời, là nạn buôn người, nó là một tội ác chống lại nhân loại.

Thảm trạng người tị nạn và di dân

Chúng ta không thể lãnh đạm trước thảm trạng của nhiều người buộc lòng phải chảy trốn nạn hạn hán hoặc bạo lực, nạn cường quyền, nhất là tại Vùng Sừng ở Phi châu và tại miền Đại Hồ. Nhiều người trong số họ đang sống như người tị nạn hoặc tản cư trong những trại trong đó họ không còn được coi như con người, nhưng như những con số vô danh. Những người khác, hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơm, thực hiện một cuộc xuất hành bấp bệnh, và nhiều khi họ gặp nạn bi thảm. Tôi đặc biệt nghĩ đến nhiều người di dân từ Trung Phi tìm đường sang Mỹ, nhưng nhất là những người từ Phi châu oặc Trung Đông tìm nơi tị nạn ở Âu Châu.

Và trong ký ức tôi vẫn còn sống động cuộc viếng thăm ngắn của tôi tại đảo Lampedusa hồi tháng 7 năm ngoái để cầu nguyện cho nhiều người đắm tàu trong Địa Trung Hải. Rất tiếc là có một sự dửng dưng của nhiều người trước những thảm trạng như vậy, đó là dấu hiệu thê thảm về sự đánh mất cảm thức trách nhiệm huynh đệ (Bài giảng thánh lễ tại Lampedusa 8-7-2013), vốn là nền tảng của mỗi xã hội dân sự. Nhưng trong hoàn cảnh ấy tôi đã có thể nhận thấy sự đón tiếp và tận tụy của bao nhiêu người. Tôi cầu chúc cho nhân dân Italia mà tôi quí mến, cũng như do căn cội chung liên kết chúng ta với nhau, biết canh tân sự dấn thân liên đới đáng ca ngợi đối với những người yếu thế và vô phương tự vệ, và với nỗ lực chân thành và cùng nhau của các công dân và tổ chức, vượt thắng những khó khăn hiện nay, tìm lại được bầu không khí sáng tạo xây dựng về xã hội vốn là đặc tính lâu đời của mình.

Bảo vệ môi sinh

Sau cùng, tôi muốn đề cập đến một vết thương khác gây ra cho hòa bình nảy sinh từ sự khai thác ham hố các tài nguyên môi sinh. Tuy rằng thiên nhiên tùy thuộc sự sử dụng của chúng ta (sứ điệp Ngày Thế Giới về hòa bình lần thứ 47 (8-12-2013), nhưng quá nhiều khi chúng ta không tôn trọng và quí chuộng như một hồng ân nhưng không cần phải chăm sóc và dành để phục vụ anh chị em kể cả những thế hệ trẻ” (Ibd.). Cũng vậy trong trường hợp này cần kêu gọi trách nhiệm của mỗi người để, với tinh thần huynh đệ, chúng ta theo đuổi những chính sách tôn trọng trái đất của chúng ta, và là nhà của mỗi người. Tôi nhớ châm ngôn bình dân nói rằng: ”Thiên Chúa luôn tha thứ, chúng ta đôi khi tha thứ, nhưng thiên nhiên, công trình tạo dựng, không bao giờ tha thứ khi nó bị ngược đãi!”. Đàng khác, chúng ta có trước mắt những hậu quả tàn hại của một số thiên tai gần đây. Đặc biệt tôi muốn nhắc nhớ một lần nữa đông đảo các nạn nhân và sự tàn phá trầm trọng tại Philippines và tại một số nước Đông Nam Á do cuồng phong Haiyan gây ra.

Sau cùng, ĐTC nói đến hoạt động của Giáo Hội tại các nơi trên thế giới, qua các LM, các thừa sai và tín hữu giáo dân, với tinh thần tận tụy đang xả thân trong nhiều hoạt động giáo dục, y tế và từ thiện để phục vụ người nghèo, các bệnh nhân, những cô nhi và những người cần được giúp đỡ an ủi. Từ sự quan tâm yêu thương ấy (Tông huấn Evangelii gaudium, 199), Giáo Hội cộng tác với tất cả các tổ chức quan tâm đến thiện ích của mỗi người cũng như công ích.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Bí tích Rửa Tội vạch ra con đường đức tin và tình bác ái

Bí tích Rửa Tội vạch ra con đường đức tin và tình bác ái

Cuộc sống có mùi vị biết bao, khi chúng ta để cho tình yêu của Thiên Chúa tràn ngập, để biết chia sẻ và lo lắng cho nỗi khốn khó và khổ đau của người anh em. Đó là con đường dấn thân của đức tin và tình bác ái, mà bí tích Rửa Tội vạch ra cho từng người trong chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 12-1-2014, Chúa Nhật lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa.

Ngài đã loan báo danh sách 19 Tân Hồng Y sẽ được vinh thăng trong Công Nghị ngày 22 tháng 2 tới đây. Trong số 19 Tân Hồng Y thuộc 15 nước khác nhau có 8 vị người âu châu gồm 5 vị người Ý, 1 vị Đức, 1 vi Anh quốc và 1 vị Tây Ban Nha; 3 vị thuộc Bắc và Trung Mỹ là Canada, Nicaragua, Haiti và Antille; 3 vị Nam Mỹ thuộc các nước Chile, Brasil và Argentina; 2 vị Phi châu thuộc Côte d'Ivoire và Burkina Faso; và 2 vị Á châu là Nam Hàn và Philippines.

Đứng đầu 4 Tân Hồng Y thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh. Trong số 3 Hồng không cử tri có Đức Hồng Y Capovilla, nguyên thư ký của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII và là vị cao niên nhất 96 tuổi, trong khi vị trẻ nhất là Đức Tân Hồng Y Langlois 55 tuổi.

Trước đó lúc 9 giờ rưỡi Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ ban bí tích Rửa Tội cho 32 trẻ em trong nhà nguyện Sistina gồm 18 bé gái và 14 bé trai, con của các giáo dân nhân viên Tòa Thánh. Tham dự thánh lễ có cha mẹ và thân nhân của các em.

Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có các Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Konrad Krajewski, đặc trách các hoạt động từ thiện của Đức Thánh Cha, Giampietro Gloder, Giám Đốc Trường ngoại giao cảu Toà Thánh, Fernando Vergez. Tổng thư ký Phủ Thống Đốc Tòa Thánh.

Sau lời chào đầu lễ Đức Thánh Cha nói: ”Mở đầu buổi cử hành này tôi xin hỏi cha mẹ và các người đỡ đầu các em với các câu hỏi của lễ nghi Rửa Tội. Anh chị em đặt tên cho con là gì?” Các người cha đã từng người nói lên tên con của mình. Tiếp đến Đức Thánh Cha hỏi: ”Anh chị em xin gì nơi Giáo Hội của Thiên Chúa?” Mọi người thưa bí tích Rửa Tội. Đức Thánh Cha nói: ”Các cha mẹ thân mến, khi xin bí tích Rửa Tội cho con cai anh chị em, anh chị em dấn thân giáo dục chúng trong đức tin, để với việc tuân giữ các giới răn chúng học yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, như Chúa Kitô đã dậy chúng ta. Anh chị em có ý thức được trách nhiệm này không?” Các cha mẹ thưa có. Đức Thánh Cha hỏi các cha mẹ đỡ đầu: ”Và anh chị em là các cha mẹ đỡ đầu, anh chị có sẵn sàng giúp các cha mẹ trong nhiệm vụ quan trọng như vậy không?” Các cha mẹ đỡ đau thưa có. Đức Thánh nói: ”Các trẻ em thân mến, với niềm vui lớn Giáo Hội của Thiên Chúa tiếp nhận các con. Nhân danh Ngài cha vẽ dấu thánh giá cho các con. Và sau tôi, các cha mẹ và các cha mẹ đỡ đầu cũng sẽ vẽ dấu của Chúa Kitô Cứu Thế trên con cái anh chị em.”

Các em được cha mẹ và người đỡ đầu bế lên để Đức Thánh Cha vẽ dấu thánh giá trên trán chúng. Đức Thánh Cha nắm tay và vuốt má các em và chúc mừng các cha mẹ.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu không cần phải lãnh phép rửa, nhưng các thần học gia đầu tiên nói rằng với phép rửa Chúa Giêsu đã thánh hóa tất cả mọi nước để có quyền ban bí tích Rửa Thế rồi trước khi về Trời Chúa Giêsu đã truyền cho chúng ta đi rửa tội khắp thế giới. Và từ ngày đó cho đến nay nó đã là một sợi xích liên tục: người ta rửa tội cho con, cho cháu, cho chắt… Và ngày nay sợi xích ấy vẫn tiếp tục. Các trẻ em này là một móc của dây xích ấy. Anh chị em là những người có con trai hay con gái rửa tội. Dây xích lòng tin ấy sẽ tiếp tục với chúng, khi chúng có con có cháu trong một ít năm nữa. Điều này có nghĩa anh chị em là những người thông truyền đức tin, có nhiệm vụ thông truyền đức tin cho con cái và giáo dục chúng trong đức tin. Đó là gia tài đẹp nhất mà anh chị em sẽ để lại cho chúng. Hãy nghĩ tới điều này. Hãy luôn nghĩ tới việc làm sao thông truyền đức tin cho các em. Hôm nay ca đoan hát, nhưng mà ca đoàn đẹp nhất là ca đoàn các em bé ồn ào. Một vài em sẽ khóc vì không thoải mái, hay vì các em đói. Các bà mẹ hãy cho con ăn. Cứ tự nhiên vì các em là ”tác nhân chính” ở đây.

Sau đó là phần lời nguyện giáo dân cầu cho Đức Thánh Cha và các chủ chăn của dân Chúa. Xin Chúa làm cho việc giảng dậy Tin Mừng của các vị được hiệu qủa trong con tim của những người chưa biết Chúa Giêsu Kitô. Cầu cho các gia đình là các Giáo Hội nhỏ. Xin chúa làm sống lại ơn bí tích hôn nhân và cho các gia đình có khá năng giáo dục con cái. Xin cho các trẻ em hôm nay lãnh bí tích Rửa Tội xin chúa giúp các em bước đi trong cuộc sống mới và làm chứng sự thật cho thế giới. Xin Chúa cho các trẻ em đau khổ vì bị ngược đãi, vì đói khát và bệnh tật. Xn Chúa làm cho có nhiều người cúi xuống trên các em với tình bác aí và niềm hy vọng kiên trì. Cầu cho mọi người hiện diện xin Chúa làm cho họ ý thức được sự hiện diện trung thành của Thiên Chúa là thẩm phán công bằng, là Cha thương xót và là Đấng gin giữ các con cái Ngài với quyền năng vô địch của tình yêu Ngài.

Mọi người đã hát kinh cầu các Thánh xin các ngài bầu cử cho các em. Tiếp đến là nghi thức trừ qủy và xức dầu cho các em. Hai Tổng Giám Mục đã cùng với Đức Thánh Cha xức dầu cho các em. Rồi tới nghi thức Rửa Tội với phần làm phép nước, hứa từ bỏ Satan, tuyên xưng Đức Tin và nghi thức Rửa tội. Đức Thánh Cha đã gọi tên từng em và đổ nước nửa tội cho các em. Tiếp đến là nghi thức xức dầu thánh trên đầu các em, trao áo trắng và nến Phục Sinh là ngọn lửa đức tin mà các cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu phải giúp cháy sáng luôn mãi trong cuộc sống các em. Cuối cùng là nghi thức ”Effata” Đức Thánh Cha và hai vị đồng tế dùng ngón cái đụng vào hai tai và môi của từng em một, xin Chúa Giêsu là Đấng đã khiến cho người điếc nghe được người câm nói được làm cho các em mau lắng nghe lời Người, tuyên xưng đức tin của các em và chúc tụng vinh danh Thiên Chúa Cha.

Lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ dinh Tông Tòa để đọc Kinh Truyền tin với dân chúng. Trong bài huấn dụ ngài nhắc tới lẽ nghi ban bí tích rửa tội cho 32 em bé trước đó và nói: Mỗi trẻ em sinh ra là một ơn của niềm vui và hy vọng, và mỗi trẻ em được rửa tội là một sự kỳ diệu của đức tin và một lễ cho gia đình của Thiên Chúa.

Nhắc tới Phúc Âm kể lại biến cố Trời mở ra, khi Chúa Giêsu nhận phép rửa thống hối từ tay thánh Gioan Tẩy Giả trong nước sông Jordan, Đức Thánh Cha nói điều này ứng nghiệm các lời tiên tri. Thật thế, phụng vụ mùa Vọng khiến cho chúng ta lập đi lập lại lời cầu: ”Phải chi Chúa xé trời mà xuống với chúng con!” (Is 63,19). Nếu trời đóng kín, thì chân trời cuộc sống trần gian của chúng ta tăm tối, không hy vọng. Trái lại, khi cử hành lễ Giáng Sinh, đức tin một lần nữa trao ban cho chúng ta sự chắc chắn trời xé ra khi Chúa Giêsu đến. Và trong ngày Chúa Kitô lãnh phép rửa chúng ta còn chiêm ngưỡng trời mở ra. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Việc biểu lộ của Con Thiên chúa trên trần gian ghi dấu lúc khởi đầu thời gian thương xót, sau khi tội đã đóng kín trời, bằng cách dựng lên hàng rào ngăn cách con người với Đấng Tạo Hóa. Với biến cố Chúa Giêsu giáng sinh trời mở ra! Trong Đức Kitô Thiên Chúa ban cho chúng ta sự bảo đảm của một tình yêu không thể phá hủy. Như vậy, từ khi Ngôi Lời nhập thể làm người có thể thấy trời mở ra. Điều này đã có thể đối với các mục đồng Bếtlêhem, các nhà Đạo Sĩ Phương Đông, thánh Gioan Tẫy Giả, các Tông Đồ của Cháu Giêsu, thánh Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên là người đã kêu lên:”Tôi chiêm ngưỡng trời mở ra!” (Cv 7,56). Và nó cũng có thể đối với từng người trong chúng ta, nếu chúng ta để cho tình yêu của Thiên Chúa xâm chiếm chúng ta, tình yêu được Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta lần đầu tiên trong bí tích Rửa Tội.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Khi Chúa Giêsu nhận phép rửa thống hối từ Gioan Tẩy Giả, bằng cách liên đới với dân sám hối, Người là Đấng vô tội và không cần hoán cải – Thiên Chúa Cha đã cho nghe tiếng của Người phán từ trời: ”Này là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người” c. 17). Đức Giêsu nhận sự phê chuẩn của Thiên Chúa Cha trên Trời, là Đấng đã gửi Người đến để chia sẻ điều kiện sống và sự nghèo khó của chúng ta. Chia sẻ là phương thế yêu thương đích thật. Chúa Giêsu không xa cách chúng ta, Người coi chúng ta như em và chia sẻ với chúng ta. Và như thế Người khiến cho chúng ta trở thành Con của Thiên Chúa Cha với Người. Đó là mạc khải và là suối nguồn tình yêu đích thật. Xem ra thời đại chúng ta lại không cần đến một bổ túc của sự chia sẻ huynh đệ và tình yêu hay sao? Xem ra tất cả chúng ta lại không cần một bổ túc của tình bác ái hay sao? Không phải tình bác ái bằng lòng với sự trợ giúp tạm thời, không lôi cuốn, không liên lụy, nhưng một tình bác ái chia sẻ, lo lắng cho nỗi khốn khó và khổ đau của người anh em. Cuộc sống có mùi vị biết bao, khi chúng ta để cho tình yêu của Thiên Chúa tràn ngập! Chúng ta hãy xin Đức Thánh Trinh Nữ trợ giúp chúng ta với sự bầu cử của Mẹ trong dấn thân theo Chúa Kitô trên con đường đức tin và tình bác ái, là con đường đã được bí tích Rửa Tội vạch ra.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinih Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã chào tín hữu hiện diện tại quảng trường đặc biệt các cha mẹ có con được rửa tội sáng hôm qua cũng như các cha mẹ đang chuẩn bị cho con cái họ lãnh bí tích Rửa Tội.


Linh Tiến Khải – vatican Radio

 

Đức Thánh Cha cám ơn các ân nhân giúp học bổng cho sinh viên Chính Thống

Đức Thánh Cha cám ơn các ân nhân giúp học bổng cho sinh viên Chính Thống

VATICAN. Sáng 11-1-2014, ĐTC đã tiếp kiến Ủy ban Công Giáo cộng tác văn hóa với các Giáo Hội Chính Thống và Giáo Hội Chính Thống Đông Phương. Ngài cám ơn các ân nhân đã hỗ trợ để Ủy ban này cấp học bổng cho các chủng sinh, tu sinh Chính Thống.

Ủy ban này được ĐGH Phaolô 6 thành lập các đây 50 năm nhắm thăng tiến con đường hòa giải và canh tân tình huynh đệ giữa các Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống, được đánh dấu bằng cuộc gặp gỡ lịch sử cách đây 50 năm giữa Đức Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Chính Thống Athenagoras.

Ủy ban thuộc Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các Giáo Hội Kitô và có nhiệm vụ cứu xét và cấp học bổng cho các chủng sinh, tu sinh thuộc các Giáo Hội Chính Thống và Chính Thống Đông phương, theo học tại các Đại Học và Học Viện Giáo Hoàng ở Roma, đồng thời hỗ trợ các dự án đại kết.

Trong số 60 người hiện diện trong buổi tiếp kiến, ngoài ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, còn có Đức Cha Johan Bonny, GM giáo phận Anvers bên Bỉ, là Chủ tịch Ủy ban, các thành viên, ân nhân và nhiều sinh viên Chính Thống được Ủy ban giúp đỡ.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC đã nhắc lại lai lịch của Ủy ban và cám ơn các ân nhân đã và đang nâng đỡ hoạt động của Ủy ban này. Ngài nói: ”Nếu không có sự đóng góp quí giá của anh chị em, thì hoạt động của Ủy ban Cộng tác giữa Công Giáo và Chính Thống không thể có được. Vì thế, tôi khuyến khích anh chị em tiếpo tục hoạt động anh chị em đang thực hiện”.

Với các sinh viên Chính Thống giáo, ĐTC nói rằng ”Sự hiện diện của các bạn giữa chúng tôi thật là quan trọng cho cuộc đối thoại giữa các Giáo Hội ngày nay và nhất là ngày mai… Tôi cầu chúc mỗi người trong các bạn có thể có một kinh nghiệm vui tươi về Giáo Hội và thành Roma, làm cho các bạn được phong phú về mặt tinh thần và văn hóa, và các bạn không cảm thấy như là khách, trái lại như những người anh em giữa anh chị em với nhau. Tôi cũng chắc chắn rằng với sự hiện diện của anh chị em nơi chúng tôi, anh chị em cũng là một sự phong phú cho cộng đoàn học hành nghiên cứu mà các bạn theo học”.

Giáo Hội Chính Thống là những Giáo Hội ly khai với Công Giáo hồi thế kỷ 11 và hiện có 16 Giáo Hội, đứng đầu là Chính Thống Constantinople, trong khi các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, cũng được gọi là Giáo Hội Đông Phương cổ, ly khai với Công Giáo sau Công đồng Calcedonia năm 451, như Giáo Hội Chính Thống Copte Ai Cập, Siriac, Arméni, Etiopia, v.v.. (SD 11-1-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha phê bình linh mục kinh tài, linh mục phô trương

Đức Thánh Cha phê bình linh mục kinh tài, linh mục phô trương

VATICAN. ĐTC Phanxicô phê bình những LM kinh tài, phô trương không có quan hệ chân thực với Chúa Giêsu.

Ngài đưa ra lời cảnh giác trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng 11-1-2014, tại nguyện đường Nhà Trọ thánh Martha ở nội thành Vatican. Đồng tế với ĐTC có ĐHY Angelo Bagnasco, TGM Genova, chủ tịch HĐGM Italia, và một nhóm LM thuộc quyền, trước sự tham dự của một số giáo dân.

Trong bài giảng, ĐTC diễn giải bài đọc thư nhứ I của thánh Gioan Tông Đồ và nói về quan hệ của linh mục với Chúa Giêsu. Ngài nói: ”Linh mục chân chính là người được Thiên Chúa xức dầu để phục vụ Dân Chúa, LM có quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu: khi thiếu quan hệ này, thì LM trở thành người không còn được xức dầu nữa, thành người thờ ngẫu tượng, thờ thần là cái tôi của mình.”

ĐTC cũng nhận xét rằng khi tiếng thăm của Chúa Giêsu gia tăng nơi dân chúng, thì Chúa rút lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện. Điều này chính là viên đá để so sánh, để kiểm chứng các LM chúng ta xem chúng ta có đi tìm Chúa Giêsu hay không? đâu là chỗ của Chúa Giêsu Kitô trong đời linh mục của tôi? Phải chăng đó là một quan hệ giữa trò và Thầy, giữa em với anh, giữa một người nghèo hèn với Thiên Chúa, hay chỉ là một quan hệ hời hợt.. không đến từ con tim?”

ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Những linh mục không còn được xức dầu nữa, LM giải dầu (unto), thì họ gây hại dường nào cho Giáo Hội! Những linh mục như thế đặt sức mạnh của họ nơi những điều hời hợt, trong sự háo danh… Bao nhiêu lần ta đau lòng khi nghe nói: Kìa, đó là một linh mục huênh hoang, một linh mục không có quan hệ với Chúa Giêsu! Một linh mục đã đánh mất sự xức dầu”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Các linh mục chúng ta có nhiều khuyết điểm, tất chúng ta là người tội lỗi. Nhưng nếu chúng ta đến cùng Chúa Giêsu Kitô, nếu chúng ta tìm Chúa trong kinh nguyện – kinh nguyện chuyển cầu, kinh nguyện thờ lạy – thì chúng ta là linh mục tốt, mặc dù chúng ta là người tội lỗi. Nhưng nếu chúng ta xa Chúa Giêsu, chúng ta phải tìm bù trừ tình trạng này bằng những thái độ .. phàm tục khác. Và như thế có những thứ linh mục áp-phe, linh mục doanh nhân.. Nhưng linh mục thờ lạy Chúa Giêsu, linh mục nói với Chúa Giêsu Kitô, linh mục tìm Chúa và để cho Chúa tìm kiếm: đó chính là trung tâm đời sống chúng ta. Nếu không được như thế, thì chúng ta mất hết! Chúng sẽ nói gì với dân chúng?”

”Ước gì quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô, quan hệ của những người được xức dầu với dân Chúa, ngày càng tăng trưởng nơi các linh mục chúng ta”

”Thật là đẹp khi thấy những linh mục hiến mang sống mình như linh mục, và dân chúng nói về các linh mục ấy: ”Cha này, cha kia khó tính, nhưng đó là một linh mục! Dân chúng 'đánh hơi' giỏi lắm! Trái lại, khi dân thấy các linh mục thờ thần tượng, những linh mục thay vì có Chúa Giêsu, thì lại có những thần tượng nhỏ, tôn thờ cái thần tôi của mình, thấy các linh mục như thế, dân chúng nói: ”thật là một kẻ tội nghiệp!”.

Và ĐTC kết luận rằng: “Điều cứu chúng ta khỏi những sự trần tục, khỏi sự thờ thần tượng khiến chúng ta bị ”giải dầu”, điều giữ chúng ta trong tình trạng được xức dầu, chính là quan hệ với Chúa Giêsu Kitô. Và ngày hôm nay, anh em đến đây đồng tế với tôi, tôi cầu chúc anh em điều này: Anh em hãy đánh mất mọi sự trong cuộc sống, nhưng đừng bao giờ đánh mất quan hệ này với Chúa Giêsu Kitô! Đó chính là chiến thắng của chúng ta. Với điều đó, anh em hãy tiến bước!” (SD 11-1-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio