NHÂN CHỨNG

NHÂN CHỨNG

Chủ đề: Thiên Chúa là Chúa của mọi người, yêu thương mọi người. (Mt 15,22)

Rebecca Manley Pippert viết một câu chuyện hay và hứng khởi về một người thanh niên khác thường.

Bill đang trong năm cuối đại học. Anh thông minh, một người tín hữu Kitô mới, và có chút khác biệt với các sinh viên khác. Suốt bốn năm, tủ quần áo của anh chỉ có một chiếc áo thung T-shirt, quần jean, và không có giầy.

Bên kia đường, đối diện với trường là một nhà thờ cổ kính, giáo dân tham dự là những người ăn mặc chỉnh tề.

Một ngày Chúa Nhật kia, Bill đi vào cửa chính. Nghi thức đã bắt đầu; Bill chậm rãi bước vào lối đi ở giữa để tìm một chỗ trống.

Khi anh bước gần đến hàng đầu, hiển nhiên là không còn chỗ trống. Do đó Bill ngồi bệt xuống sàn ngay đằng trước bục giảng.

Đây là điều chỉ có thể chấp nhận trong một phòng ngủ đại học, nhưng thật khó trong một nhà thờ cổ kính. Bạn có thể cảm thấy người ta nhìn anh chăm chăm. Ngay cả vị mục sư cũng ngừng giảng, không biết phải nói gì hay làm gì.

Ngay lúc đó, một trưởng lão khoảng tám mươi tuổi – trong bộ vét cáo cạnh và ông chống gậy – ông từ cuối nhà thờ bước đến chỗ anh Bill ngồi trên sàn.

Mọi cặp mắt đổ dồn về ông trưởng lão. Chiếc gậy của ông gõ nhịp theo từng bước chân. Ông là một người đạo đức, tóc bạc, trang nghiêm, lịch thiệp, được mọi người tôn trọng. Làm thế nào một người lớn tuổi và chững chạc như ông lại có thể hiểu được một sinh viên như Bill?

Khi trưởng lão này đến chỗ Bill ngồi, mọi người như nín thở. Điều ông sắp làm là một việc không béo bở gì, nhưng phải được thi hành. Ngay cả mục sư cũng ngừng giảng cho đến khi trưởng lão này chấm dứt công việc.

Nhìn xuống Bill, ông trưởng lão thả cây gậy rơi xuống sàn. Sau đó, thật khó khăn, ông ngồi xuống bên cạnh Bill. Ông muốn anh cảm thấy được chào đón và không chỉ thờ phượng một mình.

Khi mục sư lấy được bình tĩnh, ông nói với giáo đoàn với một giọng đầy xúc động.

“Điều mà tôi chuẩn bị để giảng cho anh chị em, anh chị em sẽ không bao giờ nhớ. Nhưng điều mà anh chị em đã thấy, anh chị em sẽ không bao giờ quên.” (Theo “Out of the Saltshakers” của Rebecca Manley Pippert).

Câu chuyện này thật thích hợp với bài Phúc Âm hôm nay, trong đó Chúa Giêsu nói:

Không ai đốt đèn rồi rồi lấy thùng úp lại, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời.

Một số người nói rõ rằng có ba động lực giải thích tại sao người ta làm điều tốt – tỉ như trưởng lão này đã làm: niềm vui, sự thiết thực, hay tình yêu thuần túy. Chúng ta hãy nhìn đến từng điểm: trước hết, niềm vui.

Trong Christmas Carol, Charles Dickens diễn tả cách Ebenezer Scrooge đáp ứng với dân chúng sau khi ông hoán cải. Dickens nói:

Ông ta đi nhà thờ… và âu yếm vỗ đầu các trẻ em và nói chuyện với những người ăn xin… và thấy rằng mọi thứ đều đem lại cho ông niềm vui. Ông chưa bao giờ mơ tưởng… rằng có điều gì… có thể đem cho ông hạnh phúc nhiều như vậy.

Chúng ta cũng cảm thấy như vậy khi tình nguyện làm việc trong cộng đoàn, trong nơi phát đồ ăn, hay trong những trung tâm hưu dưỡng.

Và như thế động lực đầu tiên khiến người ta làm điều tốt là vì họ cảm thấy sung sướng. Nó đem cho họ niềm vui.

Động lực thứ hai tại sao người ta thi hành điều tốt là vì sự thiết thực. Tôi nhớ Lyndon Johnson có lần nói, “Hãy yêu thương kẻ thù, vì một ngày kia quý vị sẽ cần đến họ như những người bạn.” Hiển nhiên đó là một động lực thiết thực.

Một thí dụ sẽ minh họa thêm nữa. Martin Niemoller là một mục sư Lu-tê-rân. Khi Đức Quốc Xã nắm quyền, lúc đầu, ông do dự không dám lên tiếng. Khi ông lên tiếng, ông bị bắt và bị cầm tù. Ông nói trong một phát biểu nổi tiếng mà sau này được viết trong Hồ Sơ Quốc Hội Hoa Kỳ:

Khi Đức Quốc Xã đến diệt người cộng sản, tôi đã không lên tiếng vì tôi không phải là một người cộng sản. Khi họ đến giết người Do Thái, tôi đã không lên tiếng bởi vì tôi không phải là một người Do Thái… Sau đó họ đến để giết người Công Giáo, và tôi đã không lên tiếng bởi vì tôi là một người Tin Lành. Sau cùng họ đến để giết tôi… và vào lúc ấy, không còn ai để lên tiếng thay cho tôi.”

Như thế lý do thứ hai để làm điều tốt thì thiết thực: Nếu tôi muốn người khác giúp tôi, tôi phải giúp họ.

Điều này đưa chúng ta đến lý do sau cùng: tình yêu thuần túy: là lý do mà vị trưởng lão đó đã ngồi bệt trên sàn với anh sinh viên. Có lẽ ông không tìm niềm vui trong công việc đó, cũng chẳng có gì nhiều để Bill làm lại cho ông. Ông làm điều đó chỉ vì nó đúng. Ông muốn anh Bill cảm thấy được chào đón và được đối xử một cách thương mến.

Ông Phil Donahue có một nhận xét thích thú về việc thi hành điều tốt. Ông nhận xét rằng người ta tự ý thi hành điều tốt thường sau ba giai đoạn.

Thứ nhất, có giai đoạn vui thích. Đó là khi người ta nói, “Tôi thích làm điều này. Tại sao tôi đã đợi khá lâu mà không bắt tay vào?” Kế đến, đó là giai đoạn không khoan dung. Đó là khi họ nói, “Người nào không tham dự vào, người ấy không thực sự là một Kitô Hữu.”

Sau cùng, có giai đoạn thực tế. Đó là khi họ bỗng dưng nhận ra rằng sự tham dự của họ chỉ tạo được một vết nhỏ trong những khó khăn của thế giới. Tại giai đoạn này, các thánh được phát sinh.

Như thế điều khích lệ dân chúng làm điều tốt lành thì theo một khuôn khổ giống như điều Donahue đã nói về sự quyết tâm.

Trước hết, đó là vui thích. Nó làm chúng ta cảm thấy sung sướng. Thứ hai, đó là tính thiết thực. Nếu chúng ta giúp người khác, họ sẽ giúp chúng ta. Sau cùng, đó là vì tình yêu thuần túy. Đó là lý do tại sao vị trưởng lão đã giúp anh Bill.

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu được cho là của Thánh Y Nhã.

Lạy Chúa, xin hãy dậy con trở nên độ lượng.

Hãy dạy con
phục vụ Chúa vì Ngài đáng được như vậy;
biết cho đi mà không tính toán;
chiến đấu mà không để ý đến các thương tích;
lao nhọc mà không tìm sự nghỉ ngơi;
làm việc mà không tìm phần thưởng,
Ngoại trừ được biết rằng con đang thi hành thánh ý Chúa.

LM. Mark Link, SJ

Comments are closed.