Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật III Mùa Chay C – SÁM HỐI, ĐỀN TỘI, KHÓC LÓC, THAN VAN (Lc 13:1-9)

 Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật III Mùa Chay C – SÁM HỐI, ĐỀN TỘI, KHÓC LÓC, THAN VAN (Lc 13:1-9)

Louis IX là một Hoàng Đế thánh thiện, một bậc thánh hiền nỗi tiếng của nước Pháp vào đầu thế kỷ XIII. Sinh ra trong nhung lụa, nhưng cuộc sống của nhà Vua hoàn toàn giản dị và khiêm tốn. Ngay từ nhỏ, mẹ Ngài là Hoàng Hậu Blanche đã dặn dò nhà Vua kỹ lưỡng:“Hỡi con, con rõ biết mẹ yêu con nhiều. Mẹ nghĩ rằng thà con chết dưới chân mẹ còn hơn thấy con phạm tội trọng mất lòng Chúa”. Từ lúc ấy cho đến khi Louis được 12 tuổi, năm Vua Cha qua đời, bà không ngừng ảnh hưởng và nắm vai trò trọng yếu trong việc giáo dục đạo đức cho con yêu.

Suốt cuộc đời mình, Louis IX luôn nhớ lại: Ngài chỉ phạm hai tội đáng kể. Thuở ấu thơ, Ngài có ăn cắp mấy xu lẻ của một chiến binh Pháp. Tuổi thiếu niên, Ngài có lỡ miệng nói câu tục tĩu khó nghe. Louis đã làm nhiều sự hãm mình để đền bù hai tội nặng ghê gớm ấy. Là hoàng tử yêu qúy của Vua Cha, Louis không ngừng thay Cha rộng tay vui vẻ giúp đỡ kẻ khác. Lên ngai Vua kế nghiệp Cha lúc 21 tuổi, Louis luôn xếp thời gian rãnh rỗi việc triều chính để dâng lễ Misa và đọc kinh nguyện Phụng Vụ mỗi ngày. 

Thói quen khi cầu nguyện, nhà Vua thường qùy trên đất cứng hơn là trên thảm nhung lụa. Ngài ăn chay mỗi tuần hai ngày, suốt đêm nằm ngủ trên giường lót tấm ván, không muốn ngon giấc trên nệm êm chăn ấm. Vua lại ghi danh gia nhập Hội Dòng Ba Phanxicô, quyết sống đời bình dân khắc kỷ. Đến tuổi về già, Ngài rời bỏ cung điện hoàng gia, vào tu trong một đan viện, sống đời phục vụ bên công tác quét dọn, rửa chén. Thời đó, nạn dịch hạch bộc phát lan rộng trong miền, Nhà Vua xin phép Bề Trên cho ra ngoài chăm sóc các bệnh nhân
 
Nào ngờ bệnh dịch lây nhiễm, thân xác Ngài phải sốt nóng, đau đớn triền miên. Nhà Vua chấp nhận chịu đựng, không rên la kêu trách. Tại sao thế? Ngài muốn bị trừng phạt ở đời này để đền tội hơn là phải đối diện án công thẳng đời sau. Vài giờ trước khi chết, nhà Vua đã thì thầm cầu nguyện: “Lạy Chúa! Con sắp bước vào nhà Chúa, để thờ phượng nơi đền thánh Chúa và cao rao chúc tụng danh thánh Ngài”.
 
Chỉ với hai tội nặng lúc thiếu thời, mà Vua Louis IX đã quyết tâm sám hối, sống giản dị đền tội đến suốt đời. Sám Hối là trở về, trở về với Chúa là Đấng từ bi nhân ái, chậm bất bình và giàu khoan dung (Tv 102:8).
  • Thánh Augustinô đã sám hối, tự thú tội lỗi mình và tìm lại niềm tin với Chúa.
  • Thánh Maria Mađalêna cũng sám hối, qùy bên chân Chúa, khóc lóc hối tiếc cho lỗi lầm đã phạm.
  • Thánh Charles de Foucauld tự sám hối, ẩn mình nơi sa mạc đền tội, tìm gặp Thiên Chúa tình yêu
Lời Chúa hôm nay mời gọi ta: “Nếu các ngươi không chịu sám hối, thì các ngươi sẽ chết hết y như thế”  (Lc 13:5). Mùa Chay, mùa hồng ân thiêng thánh, mùa tìm về với Chúa trong sám hối, đền tội và ăn năn.  Kitô hữu tự đấm ngực mình, nhỏ giọt “nước mắt của tình yêu khóc một Niềm Tin”, đồng thời rơi giọt lệ “nước mắt của niềm tin khóc một Tình Yêu” (ĐGM Gioan Baotixita Bùi Tuần).
 
A. Sám Hối: nước mắt của tình yêu khóc Một Niềm Tin.
 
Bình thường, hành vi sám hối thường được thể hiện qua nhiều cử chỉ khác nhau: mặt mày âu sầu ủ rủ, vung tay tự đấm ngực thình thịch, lòng buồn im lặng không nói, nước mắt tuôn trào lai láng…
  • Thí dụ: + Hiệp sĩ đạo Nhật Bản tự mổ bụng phạt mình, đền bù sai trái, tỏ dấu hiệu trung trực.
    + Đứa trẻ qùy gối gục đầu bên Mẹ khóc to, khi biết mình sai lỗi rõ ràng. Qua những cử chỉ ấy, người phạm lỗi tỏ sự ray rứt, hối hận xót xa đau đớn…mà hành vi phổ thông nhất là giọt nước mắt khóc lóc than van xấu hổ. 

Thực tế, không hẳn giọt lệ nào rơi trên gò má đều là giọt nước mắt sám hối. Vì quanh ta xưa nay, đã có:
  • giọt “nước mắt cá sấu”: khóc để mà khóc, cho xong một vấn đề.
  • giọt nước mắt “khóc mướn”: nhà hiếu trả tiền thuê phường kèn khóc người quá cố thay mình.
Nhìn tổng quát, ta có thể phân biệt nhiều ý nghĩa khác nhau từ những giọt nước mắt của muôn người.
  • nước mắt đau khổ, vì:
    o   chiến tranh loạn lạc: nước mất, nhà tan, người thân chết tức tưởi…
    o   bệnh tật nan y: đớn đau kéo dài, bác sĩ bó tay, vô phương cứu chữa…
    o   thiên tai bất ngờ: lụt lội Katrina, hoả hoạn cháy rừng, bão tuyết lạnh lùng..
  • nước mắt ly biệt, vì:
    o   chị lập gia đình, theo chồng về xứ lạ.
    o   cha mẹ lià trần, đàn con thơ ở lại trên đời lâm cảnh mồ côi.
  • nước mắt thương hận, tiếc nuối, vì:
    o   tình duyên trắc trở: không hạp tuổi, không môn đăng hộ đối, hận tình đen bạc…
    o   cơ hội đã mất, không tìm gặp được nữa.
  • nước mắt niềm vui, vì:
    o   đạt thành quả tốt đẹp: vận động viên chiếm huy chương vàng, tài tử được giải Oscar…
    o   đoàn tụ hợp hoan: vợ chồng xa nhau lâu năm, hai miền Nam Bắc thống nhất….
  • nước mắt run sợ, uất nghẹn, hãi hùng, vì:
    o   những thảm cảnh trước mặt: tai nạn giao thông xác người tan nát, xác chết trôi sông…
    o   sửa soạn đối diện án chết: ăn không ngon, ngủ chẳng yên, chân lê bước nặng nề, tay dựa vào giám thị trại giam dìu đến cọc xử bắn và trói tay, bịt mắt…
Qua nhiều trang Kinh Thánh, ta đã đọc và đã biết:
  • giọt nước mắt đau khổ của bà Rachel thương khóc các hài nhi Bêlem bị chết oan, của phụ nữ ngoại giáo Ca-na-an than van năn nỉ Chúa cứu giúp con gái bà khỏi bị qủy ám (Mt 15:21-28).
  • giọt nước mắt ly biệt của người chị Matta thương tiếc cậu em Lazarô đã qua đời (Ga 11:33).
  • giọt nước mắt thương xót của Chúa Giêsu than khóc thành Giêrusalem (Lc 19:41) sẽ bị sụp đổ vì không nhận biết Thiên Chúa.
  • giọt nước mắt vui tươi của bà goá thành Naim khi con trai yêu qúy sống lại (Lc 7:11-17), của người cha nhân từ khi thấy đứa con ngang tàng tự đàng xa đang trở về với mình (Lc 15:20).
  • giọt nước mắt não nề đau xót của Mẹ Maria khi ôm xác Chúa được tháo xuống từ trên thập giá.
Đó chính là những giọt nước mắt của tình yêu thương, luôn chan chứa một Niềm Tin kiên vững, “tuân vâng Thánh Ý Chúa”.
 
B. Sám Hối: nước mắt của niềm tin khóc Một Tình Yêu.
 
Con người nhân vô thập toàn, dễ sai phạm lỗi lầm vì yếu đuối, không ai dám cho mình là hoàn hảo.  Có danh nhân đã nói: “Mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân còn có một tương lai”.  Biết chỗi dậy, tự mình đứng lên và ngẩng cao linh hồn sám hối: như thế xứng bậc quân tử, kẻ anh hùng.
  • người thu thuế Giakêu ray rứt cho snhững việc làm quá đáng của mình, đã sám hối bằng sự rộng rãi bố thí và đền bù mọi thiệt hại mình gây ra (Lc 19:8).
  • chị phụ nữ tội lỗi vào nhà biệt phái Simôn (Lc 7:38), đã đến gần bên Chúa rơi giọt nước mắt sám hối, tưới ướt chân Người, đoạn lấy tóc mình mà lau.
  • người “tông đồ của các tông đồ” Maria Mađalêna, trót một thời vui chơi tội lỗi xa xưa, đã sớm thức tỉnh sám hối, tìm lại bên Chúa cho niềm tin thánh thiện dâng cao.
  • vị Giáo Hoàng đầu tiên, Phêrô, đã nhẫn tâm chối Thầy ba lần trong đêm Chúa thụ án. Tiếng gà gáy gợi nhớ, khiến ông can đảm sám hối, khóc than cho bản năng yếu ớt của mình, quyết về lại Giêrusalem để “cùng sống và chết như Thầy dấu yêu”.
  • thầy biệt phái nhiệt thành Saolô đã sám hối sau một cú ngã ngựa ở Damas, lặng lẽ vào nơi cô tịch, xấu hổ những sai lầm quá khứ, đoan hứa từ nay “Đức Kitô sẽ luôn sống trong tôi”(Gl 2:20).
  • chàng thanh niên ngông cuồng Augustinô “bao tháng ngày lần mò trong đêm tối”, chợt sám hối khi nghe thánh Phaolô lay động (Rm 13:14), được “Chúa thương đưa về sống trong niềm vui”.
Có thể nói: những giọt nước mắt của họ là những giòng lệ thống hối ăn năn. Nước mắt của một niềm tin mãnh liệt, khóc cho một Lòng Mến tưởng rằng đã hết: nào ngờ bừng cháy lại khi hội ngộ với Đấng là Thiên Chúa của tình yêu thương.
 
Chính thánh Augustinô sau khi trở lại cùng Chúa, đã mạnh dạn tự thú: “Người sám hối thật là người nhìn quá khứ bằng đôi mắt đẫm lệ và nhìn tương lai với một trái tim nồng cháy”.
 
C. Sám Hối: thái độ cần thiết để tiếp tục được lớn lên trong Ơn Thánh.
 
Đức Giêsu Kitô đã chết trên thập giá vì tội con người. Mỗi lần phạm tội trọng, ta như đóng thêm một đinh sắt đâm thâu vào tay chân Chúa. Giọt nước mắt của Ngài tiếp tục tuôn rơi, vì:
  • sự chai lì cứng lòng, vô thức về tội lỗi của ta: liên tục xem thường Luật Chúa, Luật Giáo Hội.
  • sự khô khan đạo lý, thờ ơ sống Đạo đêm ngày của ta: ít gặp gỡ Chúa, nhớ Chúa thường xuyên.
  • sự chủ tâm xé bỏ giao ước của ta với Chúa: lời thề Hôn Phối, lời cam kết của tu sĩ, linh mục…
Chúa không quên nhắc ta: “nếu các ngươi không chịu sám hối, các ngươi sẽ chết hết y như thế”.
 
Theo lời Chúa mời gọi: “Hãy sám hối vì nước Trời đã gần đến”.
Theo lời Giáo Hội khuyên bảo: “Hãy sám hối trở về với Chúa trong Chay Tịnh, Nước Mắt và Thi Ân”.
  • Cả thành Xơ-đôm tội lỗi, không ai công chính ngoài gia đình ông Lót, nên bị hủy diệt (St 19).
  • Dân thành Ninivê, nghe lời Giona mà sám hối, ăn chay, mặc áo thô, ngồi trên tro bụi (Gn 3:5).
  • Người phú hộ vô đạo và ích kỷ, lúc sống không thi ân cho anh nghèo Lazarô, khi chết, có sám hối phút cuối, cũng đã muộn rồi (Lc 16:24.30).
  • Tên gian phi quậy phá treo trên thập giá, biết sám hối nhận thực hành vi sai trái của mình và mong Chúa thương xót cứu vớt. Anh đã được Ngài thưởng phúc Thiên Đàng (Lc 23:41-43).
D. Lời Nguyện kết thúc.
 
Lạy Chúa Giêsu!   Sám hối là bước đầu tiên để con tìm gặp lại Chúa, mong được tha thứ và chữa lành.  Xin giúp con biết Khóc cho tội lỗi mình trong ăn năn thống hối, mau mắn lãnh nhận hồng ân Xá Giải của Chúa trong Mùa Chay Thánh này.  AMEN.

Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.

Comments are closed.