Chúa Nhật 2 Mùa Chay

Chúa Nhật 2 Mùa Chay

Kính thưa qúi ông bà anh chị em, tình yêu cần được  biểu lộ ra bên ngoài bằng một hành động nào đó; càng yêu nhiều bao nhiêu, người ta càng tìm đủ mọi cách để cho người mình yêu được sung sướng hạnh phúc bấy nhiêu. Yêu là đi bước trước và có những sáng kiến đẹp đẽ dành cho người mình yêu. Đó phải chăng là tư tưởng của bài đọc 1 sách Sáng Thế mà chúng ta nghe trong Chúa Nhật tuần thứ hai mùa chay năm C.

     Thiên Chúa hứa với tổ phụ Áp-ra-ham, ông sẽ có một miêu duệ, con cháu đông vô số kể và có được miền đất chảy sữa và mật. Lời hứa của Chúa được kèm theo một giao ước với lễ vật mà Thiên Chúa chỉ cho Áp-ra-ham làm. Giao ước thường là hai bên đưa ra những điều kiện và sau khi đã thỏa thuận thì cả hai bên phải tuân giữ; thế mà, ta thấy trong giao ước này sáng kiến là do Chúa đưa ra và chỉ có phía bên Thiên Chúa thực hiện giao ước: phía bên Thiên Chúa là lời hứa với tổ phụ Apraham với một miêu duệ con cháu và đất đai để cư ngụ, còn bên phía Áp-ra-ham không phải tuân giữ các điều khoản nào trong giao ước. Ôi ! Quả thật, một tình yêu bao la bao giờ cũng gánh lấy tất cả mọi khó khăn khổ cực thiệt thòi về phần mình để cho người mình yêu được mọi sự nhẹ nhàng vui sướng hạnh phúc.

     Thánh Phaolo trong bài đọc 2, ngài luôn mong ước cho mọi người có được đời sống tốt đẹp của Thiên Chúa, nên chi thánh nhân mời gọi mọi người noi gương bắt chước cuộc sống của ngài; vì thánh Phaolô luôn sống theo lời dạy của Đức Ki-tô. Để rồi thánh Phaolo đã phải ứa lệ quặn đau khi nhìn thấy nhiều người đã sống tương phản với lời Tin Mừng, vì chúa của họ là cái bụng, nghĩa là họ chỉ có biết việc ăn uống và những danh vọng ở trần gian này mà thôi.
 
     Qua bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ 2 mùa chay này, cho ta thấy cảnh uy nghi sáng láng của việc Chúa biến hình, hay nói cách khác, Chúa tỏ ra cho ba môn đệ một chút về Thiên Tính của Chúa, đến nỗi Phêrô phải thốt lên: “Lạy thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisê và một cho Êlia” (Lc, 9,33 ).
 
     Mục đích Chúa biến hình cho ba môn đệ xem thấy để làm gì? Để biểu diễn phô trương chăng? Không phải. Thế thì để làm gì, nếu không phải vì yêu thương các môn đệ, nên không muốn các ông té ngã thất vọng khi thấy Chúa Giêsu chịu khổ hình và chịu chết thảm thương. Sự biến hình này là biểu lộ một chút Thiên Tính nằm trong nhân tính của Chúa Giêsu, để nói cho các môn đệ rằng, dù sau này người ta có làm gì đi chăng nữa qua con người của Chúa Kitô, nhưng họ không thể làm gì được trên Thiên Tính của Ngài, cho dù bất cứ  quyền lực nào, và ngay cả cái chết cũng không làm được gì Ngài. Vậy các con hãy yên tâm và tin tưởng tuyệt đối vào Thầy để đi cho trọn con đường Thầy đi và các con cũng sẽ đi con đường như thế.
 
     Tuy là thế, nhưng với bản tính mỏng dòn yếu đuối của con người bao giờ cũng lo sợ trước bao đau khổ bởi cái đói khổ, bệnh tật hay sự bắt bớ, đòn vọt, tù đày và nhất là cái chết. Sao lại sợ như thế nếu không phải là sợ cái chết đời đời đó sao, chết là cắt đứt tất cả với những người thân quen cùng với mọi cảnh vật. Đó là lý do phải sợ, nhưng với nguyên lý mà Chúa Giêsu đã mang lại cho tất cả mọi ngưòi là: qua đau khổ mới đến vinh quang, có chết đi mới được phục sinh vinh hiển, điều này thuộc chiều kích Thần tính của Thiên Chúa.
 
     Vậy thì trong mỗi một người đều có hai chiều kích; chiều kích về con người thuần túy, xác đất- vật hèn, nhưng cũng chính trong con người này đang ẩn tàng con người thần tính, tức là sự sống siêu nhiên, đây mới là sự sống bất diệt mà không một sự gì thuộc trần thế này dập tắt được. Điều này, Chúa Giêsu đã chẳng nói thế này sao: “Các con đừng sợ kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn. Các con hãy sợ Đấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục” (Mt 10,28).
 
     Biết là thế, nhưng khi đối diện với thực tế, ta phải cần một sức mạnh của Chúa tác động trong ta. Mười hai môn đệ được Chúa huấn luyện, trong đó có ba môn đệ thân tín được Chúa cho chứng kiến sự biến hình của Chúa, thế nhưng sau này khi đối diện với cuộc khổ nạn của Chúa thì các ông cũng bỏ chạy hết; thậm chí lại còn chối Chúa nữa mới đau chứ. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là sự hoán cải trở lại. Nhưng làm sao hoán cải trở lại được nếu không có sự tác động của Chúa. Phêrô nhờ cái nhìn trìu mến của Chúa, Gioan, Giacôbê và tất cả các Tông Đồ đều được tình yêu của Chúa lôi kéo, cảm hoá và hun đúc, nhất là sau sự phục sinh của Chúa thì tất cả đã được biến đổi; biến đổi như thể Chúa đã từng biến đổi trên núi cho các ông thấy, thì giờ đây các ông cũng biến đổi từ con người nhút nhát trở nên con người mạnh mẽ không một chút sợ hãi bất cứ một quyền lực nào, và cũng chẳng ai ngăn cản được sự xác tín vào Thầy Chí Thánh Giêsu đã chết theo bản tính con người, nhưng đã phục sinh vinh hiển theo bản tính Thiên Chúa. Với sự xác tín này mà tất cả cũng đã chịu mọi cực hình đau khổ, đổ máu ra để giống phần nào Người đã yêu mình và đã chết cho mình. Với một sự xác tín và chết như vậy thì phần thưởng phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu cũng cho các tông đồ và bất cứ ai có một niềm tin tưởng và sống theo lời dạy của Ngài thì cũng được tháp nhập vào sự phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu như vậy.
 
     Bây giờ đến lượt chúng ta ngày hôm nay thì sao?  Cái nghịch lý của những người theo Chúa là phải trải qua đau khổ rồi mới đến vinh quang. Đau khổ ở đây phải hiểu theo nghĩa thiêng liêng, nghĩa là đau khổ để tôi luyện, thánh hóa bản thân hay để đem lại lợi ích cho người khác. Chúa Giêsu chịu đau khổ hầu mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Người cha, người mẹ, chịu đau khổ để mang lại cho con cái miếng cơm, manh áo, việc học hành. Người chồng người vợ hy sinh, đau khổ vì để cho tình yêu được lên ngôi, gia đình được hạnh phúc.
 
     Kính thưa qúi ông bà anh chị em, thật là thích hợp cho chúng ta trong mùa chay, khi chiêm ngắm Đức Giêsu, con người luôn cầu nguyện. Và chính nhờ sự cầu nguyện như thế mà Chúa Giêsu luôn vâng theo ý Chúa Cha, để chu toàn sứ mệnh mà Chúa Cha đã trao phó, mà tột đỉnh là cuộc khổ nạn, để qua cuộc khổ nạn mới có sự phục sinh vinh hiển. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy năng cầu nguyện, nhất là trong mùa chay này. Cầu nguyện để ta được nối kết với Chúa. Cầu nguyện để ta biết rõ mình là người yếu đuối tội lỗi để ăn năn sám hối, hầu cho ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ cho ta, để ta trở nên con người đầy ân sủng duyên dáng trước mặt Chúa.
 
     Hôm nay khi chiêm ngắm việc Chúa Giêsu biến đổi dung nhan sáng láng, Chúa cũng muốn mỗi người chúng ta cũng phải biến đổi từ con người xấu xa, tội lỗi trở thành con người tốt đẹp, lành thánh. Với sự biến đổi như thế chắc chắn chúng ta sẽ có đời sống tốt đẹp như cảnh Chúa biến hình vậy, và khi ta có được đời sống như thế thì ta đang hưởng được cảnh thiên đàng ngay tại thế đẹp đẽ rực rỡ như cảnh núi Taborê xưa vậy. Amen.

Linh mục Phaolo Cao Thế Bình, SDD

Comments are closed.