Chúa Nhật 5 thường niên năm C

Chúa Nhật 5 thường niên năm C

Kính thưa qúi ông bà anh chị em, nếu ta để ý khi người ta tán dương, chúc tụng hay cám ơn ai, thì họ biểu lộ bằng sự lặp đi lặp lại một điệp từ nào đó; chẳng hạn: “Hoan hô Đức Thánh Cha, hoan hô Đức Thánh Cha, hoan hô Đức Thánh Cha” hay “Cám ơn, cám ơn và xin cám ơn”. Thế thì, qua bài đọc 1 của Chúa Nhật thứ 5 năm C này, ta thấy lời tung hô của các thiên thần đối với Thiên Chúa: “Thánh, Thánh, Thánh”. Lời tung hô oai hùng mạnh mẽ đến nỗi nền nhà rung chuyển và nhà cửa đều đầy khói. Với các thiên thần mà còn phải tung hô Thiên Chúa như vậy thì huống hồ là con người thì phải tung hô Thiên Chúa hơn nữa biết bao.

     Con người đại diện cho toàn thể muôn loài muôn vật trong vũ trụ để cất tiếng tung hô: Thánh Thánh Thánh, đây là những lời tán dương, chúc tụng, ngợi khen dâng lên Đấng chí Thánh chí tôn uy nghi cao cả.  Đứng trước sự uy nghi thánh thiện như thế con người thấy mình dơ bẩn và phải chết đi được vì nỗi sợ hãi, như lời tiên tri Isaia đã thốt lên: “Vô phúc cho tôi ! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi dơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp” (Is 6,5). Tiên tri ý thức được con người yếu đuối tội lỗi, dơ bẩn nên cần được thanh tẩy bằng quyền năng của Thiên Chúa. Với hình ảnh mà Tiên tri Isaia được Thần Sốt Mến gắp cục than đỏ từ bàn thờ tới đặt nơi miệng tiên tri để tẩy rửa, thánh hóa và thiêu đốt, lúc đó tiên tri mới dám thưa: “Này con đây, xin hãy sai con”.

     Ngày hôm nay, hơn bao giờ hết, mỗi người chúng ta phải ý thức được sự thánh thiêng của Thiên Chúa và sự phàm tục dơ bẩn của con người; Ý thức được Thiên Chúa quyền năng thánh thiện để ta có thái độ phủ phục suy tôn, biết nói lên lời tạ ơn Chúa là một hồng ân của tôi, chứ không phải là việc bị ép buộc hay miễn cưỡng. Ý thức được tình trạng con người tội lỗi của mình cần được ngọn lửa mến yêu của Thiên Chúa thiêu đốt, và thánh hoá, như Thiên Chúa đã thánh hoá môi miệng tiên tri Isaia xưa, có như thế chúng ta mới dám mở miệng ca khen, chúc tụng Thiên Chúa, như lời Kinh Tiền Tụng thứ 4, linh mục đọc: “Được tạ ơn Chúa là một hồng ân, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ”.
 
     Vậy thì, thưa qúi ông bà anh chị em, mỗi khi chúng ta đọc kinh, cầu nguyện, mỗi khi chúng ta tới nhà thờ dâng thánh lễ, đó không phải là một niềm vui, hạnh phúc và vinh dự cho chúng ta đó hay sao; bởi vì không ai đứng vững trước nhan Thánh Chúa, và cũng không ai xứng đáng mở miệng ra để cao rao Danh Thánh Chúa; nhưng Ngài cho phép chúng ta, chúng ta mới tới trước thánh nhan, mở miệng ra để chúc tụng ca khen danh Chúa, mà  chúng ta không bị tiêu diệt. Nếu như ngày xưa tiên tri Isaia đã trông thấy Thiên Chúa các đạo binh, để rồi tiên tri phải thốt lên: “Vô phúc cho tôi, tôi chết mất vì miệng lưỡi tôi dơ bẩn” thì ngày hôm nay, qua con mắt đức tin chúng ta không những nhìn thấy Chúa qua thánh lễ, rồi lại được đứng vững trước nhan Thánh của Chúa để dâng lời ca khen, chúc tụng Chúa, và còn hơn thế nữa là, ta còn được đụng chạm đến một sự cực Thánh vô cùng, đó là Mình Thánh Chúa khi chúng ta rước lễ, thế mà chúng ta vẫn không bị tiêu hủy; trong khi chúng ta còn nhơ bẩn bởi biết bao tội lỗi; cho nên ta lại càng phải tạ ơn Chúa bao ngàn lần hơn nữa, vì Thiên Chúa đích thân đến với chúng ta qua Đức Giêsu.
 
     Chúa Giêsu đến để rao giảng nước Thiên Chúa và ban bố mọi ơn lành. Ngài đã từng giảng dạy dân chúng trong các hội đường, ở núi đồi hay dọc theo bờ biển, như bài Tin Mừng của thánh Luca thuật lại trong Chúa Nhật thứ 5 năm C này. Vì dân chúng đông đúc chen lấn nhau, nên Ngài đã phải mượn chiếc thuyền đánh cá của ông Simon, dùng thuyền làm diễn đàn để giảng dạy, rồi cũng từ chiếc thuyền đó, đã diễn phép lạ qua mẻ lưới bắt được nhiều cá mà những người rành nghề chài lưới không thể tưởng nổi; vì mẻ lưới hoàn toàn ngược lại với những tính toán của những con người đầy kinh nghiệm trong nghề chài lưới. Họ thức trắng đêm mà chẳng bắt được con cá nào. Quả thật, họ đã giặt lưới trong sự chán chường mệt mỏi, nản chí vì thất bại; thế mà khi nghe Chúa Giêsu bảo đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá. Lẽ ra trong bối cảnh này, con người dễ phản ứng ngược lại, thế mà ở đây, ông Simon đã mau mắn đáp trả, trước hết qua sự kể lại công việc bắt cá đêm qua, vất vả khó nhọc thâu đêm: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả.” Với câu trả lời này hàm chứa ẩn ý mà không nói ra là: “Chúng tôi đây là những tay sành nghề chài lưới, còn ông đâu phải là nghề biển mà lại bảo chúng tôi thả lưới giờ này, thật là nực cười”. Ở đây, ông Simon không bảo thủ với sự lão luyện nghề chài lưới của mình, trái lại, ông đã vứt bỏ tất cả và ngoan ngoãn thưa: “Vâng lời Thầy, tôi xin thả lưới”. Nghĩa là: vì con tin Thầy, con sẽ làm theo lời Thầy chỉ dạy. Chính vì sự vâng lời tuyệt vời của ông Simon, nên phép lạ liền xẩy ra, mẻ cá chưa từng thấy bao giờ; một mẻ lưới mà cả hai chiếc thuyền chở đầy đến nỗi gần chìm.
 
     Thấy sự việc như thế khiến ông Simon sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi !” Với khoảng khắc, Simon nhận ra con người Giêsu đang ở trước mặt ông là ai? Đồng thời, ông  nhận ra tình trạng con người của ông. Đây là một sự nhìn nhận tuyệt vời của sự gặp gỡ đích thực, hay nói cách khác, đây là một cuộc gặp gỡ nhảy vọt, đổi nghề. Sự gặp gỡ của Simon ở đây không phải chỉ gặp gỡ một con người bằng xương bằng thịt như bao người khác, một con người có tên là Giêsu, quê ở Nazarét, và hơn thế nữa, con người này chính là Con Thiên Chúa. Cho nên, lúc này đây, mọi suy nghĩ và hành động của Phêrô đều biến đổi bởi một sự mến phục suy tôn, và cảm thấy mình không xứng đáng được gần Chúa, nên ông xin Đức Giêsu hãy xa ra ông; “Lạy Thầy, xin hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi !”
 
     Nhận ra sự bé bỏng, thấp hèn tội lỗi của mình, nên Simon hoàn toàn tín thác vào Chúa, qua việc: “Vâng lời Thầy, con xin thả lưới” nên chi phép lạ mẻ cá lạ lùng. Tiếp theo là lời mời gọi của Chúa đến với Simon: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” Với lời mời gọi thuộc về Chúa hoàn toàn để Chúa thực hiện trên con người mỏng giòn, yếu đuối tội lỗi này, trở nên cột trụ vững vàng của Giáo Hội, qua sự đổ máu ra chết vì Thầy mình, nhưng Phêrô cảm thấy dù chết vì Thầy Giêsu, mình cũng không xứng đáng, nên chi Simon Phêrô xin được chết bằng cách đóng đinh ngược đầu.
 
     Với con người của Thánh Phêrô, là một mẫu gương cho mọi người sống vâng nghe tuân phục, vì biết bao lần ta sống không biết vâng nghe và chẳng tuân phục. Biết bao lần ta cậy dựa vào tài năng, thành công hay kinh nghiệm nào đó của chúng ta. Biết bao lần ta bực bội, và muốn buông xuôi tất cả khi ta vất vả lao nhọc mà không có hy vọng gì; thì hôm nay, qua gương của Thánh Phêrô: “vâng lời Thầy, con xin thả lưới”. Cho dẫu, nhiều khi việc làm của chúng ta xem ra vất vả qua những công việc bình thường, như việc đánh bắt cá của Phêrô xưa. Cho dẫu, nhiều khi ta thất vọng trong công việc, hay qua những người này người kia, nhưng khi ta biết thưa xin vâng và để cho Chúa điều khiển đời ta thì mọi sự sẽ xoay chiều, mọi sự sẽ trở thành niềm vui,  bình an và hạnh phúc.
 
     Lạy Chúa, ngày hôm nay biết bao sự chán chường mệt mỏi bởi công ăn việc làm, bởi gia đình, bởi bệnh tật, bởi cảnh bất công, bởi sự dữ, quyền lực của sa tan… Đứng trước bao điều đó làm cho chúng con dễ chán nản, thất vọng, có khi muốn buông xuôi tất cả. Xin cho chúng con luôn xác tín vào quyền năng của Chúa sẽ giúp chúng con giải quyết được tất cả mọi hoàn cảnh, miễn là chúng con biết tin tưởng, phó thác hoàn toàn trong tay Chúa. Noi gương thánh Phêrô xưa đã thưa với Chúa: “Vâng lời Thầy, con xin thả lưới” thì hôm nay, mỗi người chúng con dù ở trong hoàn cảnh nào cũng cần thưa với Chúa: “Vì lời Thầy, con xin làm”. Xin Mẹ Maria, thánh cả Giuse và toàn thể các thánh cầu thay nguyện giúp cho chúng con.  Amen.
 
Linh mục Phaolo Cao Thế Bình SDD.

Comments are closed.