Chúa Nhật 4, QN năm C

Chúa Nhật 4, QN năm C

Kính thưa qúi ông bà anh chị em, hàng ngày chúng ta hay nói với nhau: “Người đó giỏi thật, họ biết đủ mọi điều”. Khi nói thế là hàm ý ta khâm phục họ và chớ gì ta cũng  có được những hiểu biết tài giỏi như họ. Phải chăng, con người dù có sự hiểu biết đến đâu thì nó cũng có một giới hạn của nó; còn đối với Thiên Chúa thì cái biết của Ngài là cái biết vô cùng và sâu thẳm. Chính vì thế mà trong bài đọc 1 của Chúa Nhật tuần 4 năm C này cho ta thấy, Thiên Chúa biết tiên tri Giêrêmia thế nào? Ta thử xem: “Trước khi tạo thành ngươi trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi.” (Gr 1,5). Thiên Chúa biết Giêrêmia là như thế, và Ngài muốn dùng tiên tri làm công việc của Ngài, cho dẫu ông rất sợ hãi sứ mệnh Chúa giao, nên ông nói: “Ôi! lạy Đức Chúa, con đây còn trẻ qúa, con không biết ăn nói” (Gr 1,6).

     Quả thật lạ lùng, trong lịch sử cứu độ, phần lớn ai cũng sợ Chúa gọi và giao cho một sứ mạng nào đó; phải chăng vì con người quá thấp hèn tội lỗi trước mặt Chúa, trong khi sứ mạng Chúa đòi hỏi thật lớn lao và đầy khó khăn. Đúng vậy, nhưng một khi Thiên Chúa đã giao cho ai công việc gì thì Người ban cho họ một khả năng để thi hành sứ mạng, như trường hợp của  Môisê, ông đưa ra lý do với Chúa là ông nói ngọng. Đavit, người chăn chiên. Isaia sợ mà kêu lên rằng: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế”. … rồi đến các Tông Đồ là những người chài lưới quê mùa… Và mãi mãi Thiên Chúa có cách của Ngài trong việc chọn lựa, nhưng tất cả những người được gọi đều có mẫu số chung là: họ cần một sự đáp trả  và bước theo đường Ngài chỉ dạy.

     Xưa kia, Chúa đã quả quyết với Giêrêmia đừng sợ người đời cho dẫu họ là ai đi chăng nữa, vì: “Chính Ta  làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ: từ các vua Giu-đa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ. Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được ngươi, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.” (Gr1,18-19). Quả thật, là người ngôn sứ của Chúa thì không thể nào nói khác những lời của Chúa được. Vai trò của ngôn sứ thì không thể tránh khỏi những hệ lụy đau thương đến bản thân như: bị chống đối, bỏ rơi, loại trừ, hay bị giết chết. Giêrêmia cũng suýt chết vì nói sứ điệp cho dân. Phao lô cũng bị ném đá chết giấc, và hầu hết các ngôn sứ đều chịu cảnh đau khổ liên lụy đến bản thân.
 
     Và hơn ai hết vị ngôn sứ cao cả nhất là Đức Kitô mà qua bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy những người chống đối không ai xa lạ, mà là người quê hương của Ngài, họ đã lôi Ngài ra khỏi  thành, dẫn lên triền núi và để xô Ngài xuống vực thẳm.
 
     Đến đây ta thử đặt vấn đề, tại sao lại như vậy? Tại sứ điệp của Chúa dở hay tại con người không chấp nhận chân lý sự thật? Chắc chắn là tại con người; vì con người thường thích nghe những điều dễ dãi, tâng bốc, con người muốn vẽ cho mình một con đường luân lý, giữ đạo theo ý của mình, cho nên khi có một lời mời gọi khác, một kiểu sống khác đi ngược lại với những cái xấu và đòi hỏi họ phải từ bỏ. Điều này như Chúa Giêsu đã từng đề ghị qua lời giảng dạy của Ngài, thì người ta không chấp nhận. Và xem ra, càng nói thẳng, nói thật bao nhiêu thì càng bị người ta phản ứng mạnh mẽ bấy nhiêu, có khi dẫn đến cái chết, như vụ án của Chúa Giêsu cho ta thấy rất rõ.
 
     Ngày hôm nay hơn bao giờ hết, Thiên Chúa vẫn không ngừng mời gọi những môn đệ của Chúa hãy rao giảng và sống những lời Chúa truyền dạy, hãy nói thẳng, nói thật “Có thì nói có, không thì nói không, thêm lời đặt điều là bởi ma qủi”. Như vậy người ngôn sứ cần phải rao giảng lời của Chúa, cho dẫu có gặp khó khăn đến mấy đi chăng nữa, thì vẫn rao giảng, miễn làm sao đem lại lợi ích cho người khác. Thiên Chúa luôn mời gọi mọi người mở lòng đón nhận sứ điệp của Chúa qua những con người mà Chúa đã trao sứ vụ cho họ.
 
     Trên hết mọi sự, để mọi việc đều tốt lành và hữu ích thì, chi bằng mỗi người hãy thực hiện lời của Thánh Phaolo truyền dạy trong bài đọc 2, đó là phải yêu mếnĐức Mến là điều hết sức quan trọng, bởi vậy mà thánh nhân quảng diễn một loạt hoa quả của đức mến như sau: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”. Trên đây thánh Phaolô liệt kê cho chúng ta một loạt những gì mà đức mến đòi hỏi và cần phải có nơi mỗi người; vì nếu không có đức mến thì như thánh nhân quả quyết. Dù tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần, hay được ơn nói tiên tri, biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lý lẽ cao siêu, hay chuyển núi dời non, hoặc bán hết gia tài đem bố thí, hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến thì chẳng ích gì cho tôi.
 
     Nghe  những điều trên đây ta phải run sợ, bởi nhiều khi ta làm được chút đạo đức hay giúp đỡ được điều gì đó thì vênh vang. Hay nhiều khi chỉ một chút bất bình, một lỗi nhỏ người ta xúc phạm đến mình… mà ta không bỏ qua, không tha thứ được thì qủa thật chiếu theo lời của thánh Phaolo, thì ta ăn nói sao đây khi đến trình diện với Chúa. Cho nên qua lời của thánh Phaolo hôm nay là tiêu chuẩn cho ta biết được ai là người đạo đức thánh thiện thực sự, thì cứ xem qua cách cư xử với người khác. Đó là chuẩn mực của sự đạo đức hay thánh thiện; chứ đừng căn cứ qua sự đọc kinh nhiều, giữ luật lệ nghiêm ngặt; vì có ai giữ luật bằng những người Biệt Phái, Pharisêu, thế mà hạng người đó lại bị Chúa lên án nặng nề nhiều lần như: “ Khốn thay cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và Pharisêu…” ( Mt 23,13-32). Vấn đề giữ đạo bằng hình thức luật lệ qua kinh kệ thì, Chúa Giêsu đã chẳng nói thế này sao: “Không phải những ai nói với Ta:  Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào nước trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời” (Mt 7,21).
 
     Vậy, ngày hôm nay mỗi người chúng ta đang bước theo Chúa, ta hãy kéo Chúa vào lòng chúng ta, chứ đừng kéo Chúa ra khỏi lòng ta để đưa Chúa lên triền núi và xô Ngài xuống vực thẳm như dân quê hương của Ngài xưa kia. Xin Mẹ Maria, thánh cả Giuse và muôn vàn thần thánh trên trời cầu bầu cho chúng con, để chúng con luôn lắng nghe và thực hành lời của Chúa. Amen.

Linh mục Phaolo Cao Thế Bình, SDD

Comments are closed.