XIN CHÚA CỨ LÀM CHO TÔI NHƯ LỜI SỨ THẦN NÓI

XIN CHÚA CỨ LÀM CHO TÔI NHƯ LỜI SỨ THẦN NÓI

Mọi tín hữu Công Giáo đều tha thiết với kinh Kính Mừng, được chúng ta đọc hằng ngày  để lần chuổi Mân Côi. Phần đầu của kinh Kính Mừng được tạo ra bằng cách tháp ghép lời chào mừng của sứ thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Mẹ Maria:

– ” Mừng vui lên , hởi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà ” ( Lc 1, 28)

và lời chúc tụng của bà  Elisabeth, khi Đức Mẹ Maria đến thăm bà:

– ” Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” ( Lc 1, 42).

Đoạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay tường thuật lại cho chúng ta biến cố vừa kể, biến cố  Đức Mẹ Maria đến viếng thăm người chị họ là bà Elisabeth, khi Đức Mẹ vừa được thiên sứ truyền tin Mẹ sẽ mang thai Chúa Giêsu.

Để nói lên  tính cách long trọng của biến cố Chúa Giêsu đến trong cung lòng Mẹ Maria, để nhập thể làm người, Thánh Luca diễn tả các chi tiết về thời điểm  liên quan đến biến cố, như Ngài đã làm đối với ơn gọi và sứ mạng của Thánh Gioan Tẩy Giả, mà chúng ta đã có dịp suy niệm cách đây hai Chúa Nhật. Để diễn tả biến cố truyền tin cho Đức Mẹ, Thánh Luca ghi lại thời điểm và nơi chốn:

– ” Khi bà Elisabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilea, gọi là Nazareth, gặp một Trinh Nữ đã hứa hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua David, Trinh nữ ấy tên là Maria” ( Lc 1, 26-27).

Và để diễn tả bối cảnh bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, Đức Mẹ đến viêng thăm người chị  bà con Elisabeth, Thánh Luca ghi lại:

– ” Hồi ấy bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuda. Bà vào nhà ông Zaccaria chào hỏi bà Elisabeth” ( Lc 1, 39-40).

Theo bước chân của Mẹ Maria, chúng ta cũng đến chào bà Elisabeth và nghe được phản ứng của bà:

– ” Bà Elisabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy mừng, bà được tràn đầy Chúa Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: Em được phúc hơn mọi người nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” ( Lc 1, 41-43).

Chúng ta tự hỏi làm sao chỉ qua một lời chào hỏi đơn sơ của Mẹ Maria, bà Elisabeth đã cảm nhận được chúc phúc và tràn đầy Chúa Thánh Thần. Câu trả lời có lẽ chúng ta tìm được  ở đoạn Phúc Âm trước đó, khi thiên sứ  Gabriel truyền tin cho Mẹ Maria. Với câu nói của  Đức Mẹ:

– ” Vâng , tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38),

Mẹ Maria được Thiên Chúa  ở với Mẹ, Mẹ được tràn đầy ơn Thiên Chúa và quyền năng Thiên Chúa che chở Mẹ:

– ” Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà…” ( Lc 1, 35).

Hiểu được trạng thái đầy ân sủng của Mẹ Maria, chúng ta hiểu được tại sao bà Elisabeth cảm nhận được Chúa chúc phúc qua lời chào của Mẹ và Thánh Gioan cũng vui sướng nhảy mừng trong bụng mẹ. Cách hành xử của Mẹ Maria cho chúng ta mẫu gương để suy niệm.

A – Trước hết vừa khi được thiên sứ báo tin Mẹ sẽ thụ thai Chúa Giêsu, tràn đầyân sủng của Thiên Chúa, “và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”, như vừa kể, Mẹ Maria liền

– ” vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuda “

để thăm người chị bà con Elisabeth, vì sứ thần đã báo cho Mẹ:

– ” Bà hãy xem bà Elisabeth, người họ hàng với bà, tuy tuổi đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai ” ( Lc 1, 36).

Mẹ Maria đến thăm người chị bà con để được tận mắt chứng kiến những gì ân sủng Thiên Chúa đang thực hiện nơi bà Elisabeth. Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng phải  biết nhìn ân sủng Chúa ban cho nơi người khác, nơi anh chị em chúng ta để cảm tạ và cùng với họ cảm tạ những kỳ công mà Thiên Chúa không ngừng ban xuống cho anh chị em nhân loại chúng ta.

Kế đến thái độ ” vội vã lên đường ” của Mẹ Maria cũng là mẫu gương cho chúng ta suy niệm. Mỗi người Kitô hữu chúng ta được ơn gọi biết Chúa, sống trong ân sủng của Chúa, được sống thân tình với Chúa Giêsu trong Thánh Thể và được hiểu biết Chúa qua lời Người giảng dạy.

Tất cả những điều đó, cuộc sống Ki Tô hữu của chúng ta, là những nén bạc Chúa giao cho. Chúng ta không nên ” điềm nhiên toạ thị”, dững dưng, sống như không có một người nào khác trong xã hội, đem nén bạc chôn giấu như người đầy tớ bất trung, mà là làm cho nén bạc sinh lợi ( Lc 19, 12-27)

Nói cách khác, mỗi người Ki Tô hữu, mỗi cuộc sống Ki Tô hữu là một ơn gọi truyền giáo, chúng ta đã nhận được ngay từ lúc chúng ta nhận phép Rửa Tội. Hãy biết ” vội vã lên đường “,  đem Tin Mừng ơn cứu rỗi của Chúa Giêsu đến cho anh em, làm cho anh em cũng được ” tràn đầy Chúa Thánh Thần” như Đức Mẹ đã làm cho bà Elisabeth. Tư cách đó của Mẹ Maria một lần nữa được thể hiện rõ rệt trong lời nguyện Magnificat, Mẹ dâng lên để cảm tạ Chúa, trong chiều hướng hướng thượng để tỏ lòng biết ơn:

– ” Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi. Phận tỳ nữ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay muôn đời sẽ ngợi khen tôi diễm phúc” ( Lc 1, 47-48).

Nhưng đồng thời Mẹ Maria cũng báo cho mọi người biết phúc đức mà Thiên Chúa ban cho Mẹ, do tình thương bao la đại lượng của Người. Người ban nhưng không cho Mẹ cũng như ơn cứu rỗi Người đem đến nhưng không cho chúng ta, để tất cả chúng ta cùng Mẹ Maria cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa:

– ” Phận tỳ nữ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới ” ( Lc 1, 48).

Mỗi người chúng ta được Chúa gọi trở thành Ki Tô hữu một cách nhưng không, chúng ta hãy bắt chước Mẹ Maria biết khiêm tốn cảm tạ Chúa và trở thành ngôn sứ, đem ân sủng đó cho tất cả anh em.

B – Kế đến Mẹ Maria là mẫu gương cho cuộc sống đức tin.

Sau một vài câu nói nghi ngờ, trước sự xuất hiện bất thần của thiên sứ Gabriel, Mẹ Maria cúi đầu vâng phục, tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào ý muốn của Thiên Chúa:

– ” Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời thiên sứ nói ” ( Lc 1, 38).

Mẹ Maria tin cậy và phó  thác hoàn toàn con người của mình vào bàn tay quyền năng và tình Cha con của Thiên Chúa, để Ngài xử dụng Mẹ trong chương trình của Ngài. Lòng tin đó không phải là sự  cuồng tín mù quáng, mà là tin vào lời của Chúa hứa như những gì Người đã làm trong Cựu  Ước và được thiên sứ lập lại:

– ” Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” ( Lc 1, 37).

Chính lòng tin cậy, phó thác và  cộng tác của con người mới làm cho ý muốn và  quyền năng của Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử  của chúng ta, lịch sử của từng người một cũng như lịch sử của xã hội nhân loại. Một vị thánh tiến sĩ Giáo Hội, Thánh Toma dAquino đã nói:

– ” Thiên Chúa sinh ra chúng ta không cần có chúng ta, nhưng Thiên Chúa không thể cứu chúng ta, nếu không có chúng ta “.

Muốn chúng ta được cứu rỗi và  đem ơn cứu rỗi đó đến cho anh em, Thiên Chúa cần có chúng ta.

Mẹ Maria được Thiên Chúa chúc phúc, có Thiên Chúa ở với Mẹ như  lời thiên sứ Gabriel chào mừng:

– ” Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” ( Lc 1, 28).

Nhưng phúc đức của Mẹ không những vì Thiên Chúa dành cho Mẹ nhiều ân sủng, so với các phụ nữ khác , mà vì Mẹ biết tin cậy, phó thác và cộng tác tích cực với ý muốn của Thiên Chúa:

– ” Vâng , tôi đây tỳ nữ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời thiên sứ nói “.

Và ” vội vã lên đường ” đem  Tin Mừng và hồng ân của Chúa đến cho anh em. Đó là cách hành xử chứng tá  đức tin của Mẹ Maria. Cách hành xử đó làm cho Mẹ  còn trổi vượt hơn, phúc đức hơn  cả những đặc ân Thiên Chúa dành cho Mẹ từ lúc đầu. Đó là những gì Chúa Giêsu sẽ xác nhận sau nầy, khi một phụ nữ nghe lời giảng khôn ngoan của Ngài, lên tiếng ngợi khen Mẹ Ngài:

– ” Khi Chúa Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một phụ nữ lên tiếng thưa với Người: Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm “. – ” Đúng hơn phải nói rằng, Chúa Giêsu đáp lại, phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” ( Lc 11, 27-28).

Và đó là những gì Giáo Hội dạy chúng ta một cách ngắn gọn trong những lời  đầu của Kinh Tin Kính bằng La Ngữ:

– “Credo in Unum Deum Patrem Omnipotentem” (Con tin cậy và phó thác vào: Credo in…) một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng…

Ước gì mỗi lần đọc Kinh Tin Kính, chúng ta nhớ đến gương tin cậy và phó thác đi liền với sự nỗ lực cộng tác  của Mẹ Maria.

Nguyễn Học Tập

Comments are closed.