GIỚI LUẬT CĂN BẢN

 GIỚI LUẬT CĂN BẢN

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM B (04/11/2012)
 [Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34]

Bản chất con người vốn dĩ là thích yêu hơn bị ghét, và nếu có yêu thì chỉ thích yêu mình hơn cả. Còn oái oăm hơn nữa là khi thù ghét người khác thì lại không muốn người ta thù ghét mình. Nếu không vì thế, các bậc thánh hiền đã không mất công truyền dạy “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (己 所 不 欲 勿 施 於 人: Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác – Khổng Tử); “Ái nhân như ái thân” (身 : Yêu người như yêu mình – Nho giáo). Thiên Chúa thì còn hơn thế nữa, tình yêu Người dành cho nhân loại đã lên tới tuyệt đỉnh: Vì tình yêu, Người đã dựng nên loài người có nam có nữ; cũng vì tình yêu, Người đã ban cả Con Một làm giá chuộc muôn người. Và chính Con Một Thiên Chúa – Đức Giê-su Ki-tô – luôn luôn day: "Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó" (Mt 7, 12); "Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15,12); "Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13, 15).

Quả  nhiên tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người là vô  cùng vô tận. Ngay khi dựng nên vũ trụ, Đấng Sáng Tạo đã  vì tình yêu bao la (tình bác ái) mà dựng nên con người theo hình ảnh Người, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất (St 1, 28). Tuy vậy nhưng Thiên Chúa vẫn không quên con người là vật thụ tạo, để tồn tại và phát triển thì vẫn rất cần đến một thứ tình yêu giới tính (tình ái), và vì thế nên "Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người". Và rồi Thiên Chúa phán với con người có nam có nữ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất" (St 1, 27-28).  

Trong Thông điệp "Thiên Chúa là Tình Yêu", ĐGH Biển Đức XVI đã lý giải rất rõ ràng về Tình Yêu Thiên Chúa. Luận điểm của ĐGH đã đi từ Cựu Ước tới Tân Ước theo "nhãn quan tôn giáo" (thần học – triết lý siêu nhiên) để nhận định và lý giải Tình Yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Tuy nhiên, ngài vẫn không quên "nhãn quan triết học" (triết lý nhân sinh), khi ngài viết: "Chiều kích triết học đáng nêu ra trong hình ảnh Thánh Kinh này, và tầm quan trọng từ quan điểm lịch sử các tôn giáo, là một mặt chúng ta thấy mình đứng trước một hình ảnh rất siêu hình của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối và là nguồn mạch của mọi loài; nhưng mặt khác, chủ tể tác tạo hoàn vũ này – Logos, Đấng Thượng trí – lại đồng thời là một người biết yêu với tất cả đam mê của một tình yêu thật sự. "Eros" (ái tình: 愛 情) vì thế đã nên tột cùng cao quý, nhưng đồng thời thuần khiết đến độ nên một với "agape" (bác ái: 博愛)." (Tđ "Thiên Chúa là Tình Yêu", số 19).

Thời Cựu Ước, Luật Mô-sê đuợc ban bố cho dân thi hành có tới 613 điều (trong đó có 365 điều xấu cấm làm và 248 điều tốt dạy phải làm). Tuy nhiên, giới luật của Thiên Chúa được ghi trên bia đá và trao cho ngôn sứ Mô-sê trên núi Si-nai (Xh 20, 1-21) chỉ có 10 điều, trong đó bao gồm 3 điều về yêu mến Thiên Chúa và 7 điều còn lại là yêu thương đồng loại. Như vậy, rút gọn lại, chỉ còn 2 điều cơ bản: Mến Chúa + yêu người. Và để tìm ra 2 giới luật căn bản này thì lại thấy ở 2 sách khác nhau trong Cựu Ước: Điều răn đầu trong sách Đệ nhị luật: "Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng, hết dạ, hết sức anh (em)" (Đnl 6, 5); điều răn sau trong sách Lê-vi:“Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19, 18). Đến thời Tân Ước thì chính Đức Giê-su Ki-tô – hiện thân của Thiên Chúa Tình Yêu – nối kết lại thành một giới răn quan trọng nhất: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó" (Mc 12, 29-31).

Tuy rằng Đức Ki-tô vẫn nói đó là 2 điều răn, nhưng thực chất giới răn này chỉ có một nội dung duy nhất là "Tình Yêu" được thể hiện bằng 2 chiều kích: Mến Chúa + yêu người. Hai chiều kích đó vừa là tiền đề vừa là kết quả của nhau, đan quyện vào nhau, không thể tách rời. Thật vậy, không thể yêu Thiên Chúa cách đích thực mà không yêu tha nhân, và ngược lại, không thể yêu tha nhân mà lại không yêu Thiên Chúa được. Vì thế ngay sau Lời dạy của Đức Ki-tô, thì chính kẻ đã thắc mắc – một kinh sư – cũng phải thốt lên: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ." (Mc 12, 32-33); và được Thầy Chí Thánh chúc  phúc: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!" (Mc 12, 34).

Thánh Gio-an đã xác quyết: "Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1Ga 4, 20). Và thánh Phao-lô cũng đã viết: "Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gl 5, 14); "Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Ki-tô" (Gl 6,2). Ấy là chưa kể chính Đức Ki-tô trong lời dạy về ngày cánh chung cũng khẳng định: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25, 40). Muốn yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và sức lực, thì phải yêu tha nhân như yêu chính mình. Và chỉ có yêu tha nhân như yêu chính bản thân mình mới là thực sự yêu mến Thiên Chúa.

Ôi! Lạy Chúa! Chúa đã dựng nên con, đã ban cho con một tấm lòng, một trí khôn biết phân biệt thiện ác, biết yêu và ghét, và nhất là đã ban cho con sự tự do tuyệt đối, để con có thể tự quyết định cuộc đời của mình bằng cách lựa chọn một con đường. Con đã sai lầm trong lựa chọn để chỉ biết yêu mình trên hết, co mình vào cái vỏ ốc “ích kỷ” đến độ có thể “hại nhân” (“ích kỷ hại nhân”: lợi mình hại người). Cúi xin Chúa đoái thương, ban cho con một tâm hồn quảng đại, một tấm lòng bao dung độ lượng; xin cho con biết yêu người như yêu chính mình, biết coi tất cả mọi người (kể cả những người thù ghét con) đều là anh em một nhà (“tứ hải giai huynh đệ”), cùng con một Cha trên trời. Ôi! “Lạy Chúa từ nhân. Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người … Lạy Chúa! Xin hãy dạy con tìm yêu mến người hơn được người mến yêu, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết…” (Kinh hoà bình – TCCĐ). Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.

Comments are closed.