Khóa hội học về Tòa Trong

Khóa hội học về Tòa Trong

Phỏng vấn Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa Ân Giải của Tòa Thánh

Trong các ngày 24 đến 28-3-2014 Khóa hội học về Tòa Trong được tổ chức tại Roma với sự tham dự của 500 người, gồm các linh mục và đại chủng sinh sắp được thụ phong linh mục. Khóa học do Tòa Ân Giải của Tòa thánh tổ chức nhằm mục đích giúp các tham dự viên đào sâu Bí tích Hòa Giải. Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa Ân Giải đã khai mạc khóa hội học.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y dành cho phóng viên Roberto Piermarini của đài Vaticăng, về khóa học này.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Piacenza, Giáo Hội hay nói về sự hoán cải và lòng thương xót, và mời gọi tín hữu trở về với Chúa. Đây là đề tài được ưa thích của việc giảng dậy trong Mùa Chay. Làm thế nào để thực hiện điều đó?

Đáp: Giáo Hội không chỉ loan báo sự hoán cải và ơn tha thứ, nhưng đồng thời cũng là dấu chỉ của tất cả những điều này nữa, dấu chỉ đem lại sự hòa giải với Thiên Chúa và với các anh chị em khác. Như vậy chắc chắn nó là một dấu chỉ của hòa bình hữu hiệu trong thế giới. Việc cử hành Bí tích Hòa Giải được lồng khung trong toàn cuộc sống của Giáo Hội, nhất là trong tương quan với mầu nhiệm vượt qua được cử hành trong Bí tích Thánh Thể, và tôi nói rằng một cách chắc chắn khi quy chiếu Bí tích Rửa Tội được sống thực, Bí tích Thêm Sức và các đòi buộc của giới răn bác ái, của tình yêu thương. Nó luôn luôn là một cử hành tươi vui, cử hành tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng trao ban chính mình, bằng cách phá hủy tội lỗi của chúng ta, khi chúng ta sẵn sàng thừa nhận nó với lòng khiêm nhường.

Hỏi: Bí tích Sám Hối có ảnh hưởng nào trong cuộc sống xã hội không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Nó hướng tới sự hòa giải trọn vẹn theo cái luận lý của ”Kinh Lậy Cha”, của Hiến Chương Tám Mối Phúc thật, và của giới răn yêu thương. Nó là một con đường thanh tẩy các tội lỗi, và cũng là một lộ trình hướng tới chỗ trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô. Con đường sám hối này ngày nay vô cùng quan trọng, cũng như nó đã luôn luôn quan trọng trong quá khứ, nó như là nền tảng giúp xây dựng một xã hội sống sự hiệp thông. Cả khi trong kiểu đọc hiểu các chuyện xảy ra trong thế giới này, như các tin tức thường ngày và các tình trạng xã hội phơi bầy trước mắt chúng ta, phải luôn luôn chú ý tới tội tổ tông. Và đó là ảnh hưởng. Việc không muốn chú ý tới sự kiện con người có một bản chất bị thương tích, hướng về sự dữ, gây ra các lầm lạc nghiêm trọng trong lãnh vực giáo dục, trong lãnh vực chính trị vv…

Hỏi: Có phải xưng cả các tội nhẹ, khi lãnh Bí tích Giải Tội không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Khi bước vào trong cái năng động tin mừng của sự tha thứ, thì tầm quan trọng của việc xưng thú cả các tội nhẹ và các bất toàn nữa trở thành điều dễ hiểu. Tại sao vậy? Bởi vì nó làm nảy sinh ra một quyết định tiến tới trong việc noi gương Chúa Kitô, trong việc bước đi theo con đường của Thần Khí, và với ước muốn thực sự biến đổi cuộc đời mình trong việc diễn tả lòng thương xót của Chúa đối với người khác. Trong cách thế này người ta bước vào trong sự tương đồng với các tâm tình của Chúa Kitô, là Đấng duy nhất đã đền tội lỗi cho chúng ta”, như thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Roma, và như thánh Gioan nói trong thư thứ I (Rm 3,25; 1 Ga 2,1-2). Như vậy, chắc chắn là phải xưng thú các tội trọng, các bất toàn và tất cả các tội khác nữa.

Hỏi: Vậy thì việc xưng tội phải như thế nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Việc xưng tội phải rõ ràng, đơn sơ, và xưng trọn vẹn các tội lỗi của mình. Việc hoán cải như là sự trở về với các chương trình của Thiên Chúa Cha, bao gồm sự hối lỗi chân thành, và đây là một đặc thái khác của Bí tích Giải Tội, và vì thế việc cáo tội phải rõ ràng và sẵn sàng đền bù lại cung cách sống của mình. Như thế người ta lại hướng cuộc sống của mình trên con đường tới với Thiên Chúa và tới với tha nhân. Trước Chúa Kitô phục sinh hiện diện trong Bí tích và trong một cách thế nào đó cũng hiện diện nơi vị thừa tác, hối nhân xưng thú các tội lỗi của mình, bầy tỏ sự hối lỗi, và dấn thân sống tương xứng với ơn thánh của Thiên Chúa để có thể sửa mình. Ơn thánh của Bí tích Hoà Giải là ơn tha thứ tới tận gốc rễ của tội đã phạm sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, và nó chữa lành các bất toàn và các lệch lạc, bằng cách trao ban cho tín hữu sức mạnh hoán cải thực sự.

Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các linh mục có lòng thương xót. Điều này có nghĩa là gì thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Thật là điều quan trọng việc linh mục giải tội biết tiếp đón hối nhân. Và việc tiếp rước xa là lời cầu nguyện và việc đền tội mà linh mục phải làm cho tất cả những ai tới xưng tội. Thế rồi cần phải ”ở trong tòa giải tội” nữa, hay phải hiện diện tại tòa giải tội trong các giờ giấc phù hợp với tín hữu, và với con tim nồng cháy tình hiền phụ. Trong khi xưng tội sự trợ giúp hướng tới chỗ giúp tín hữu hiểu biết mình đích thực, dưới ánh sáng của đức tin để có thái độ hối lỗi và dốc quyết hoán cải thường xuyên, sâu thẳm để vượt thắng sự đáp trả không đủ đối với tình yêu thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Bác ái mục vụ thúc đẩy vị linh mục giải tội phải hết sức sẵn sàng trong việc tiếp đón các con chiên bị thương tích, còn hơn thế nữa phải đi tới gặp gỡ chúng để dẫn chúng về ràn chiên. Đức Thánh Cha Phanxicô thường hay dùng một kiểu nói gợi hình trong việc trình bày Giáo Hội như là ”một bệnh xá chiến trường”. Kiểu nói rõ ràng này đã gặp may mắn. Vì thế khi dùng cùng một kiểu diễn tả này có thể nói rằng việc xưng tôi giống như khu vực cấp cứu của bệnh xá đó. Vị giải tội là mục tử, là cha, là thầy dậy, là người giáo dục, là thẩm phán đầy lòng thương xót, là bác sĩ phải trợ giúp người bị thương hồi phục hoàn toàn sức khỏe của họ.

Hỏi: Như vậy phải cung cấp cho linh mục giải tội việc đào tạo nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Cần phải cung cấp cho linh mục giải tội một sự đào tạo cẩn thận để thi hành chức thừa tác một cách hữu hiệu. Phải có một sự nhậy cảm tinh thần và mục vụ, một việc chuẩn bị thần học, luân lý, và sư phạm thực sự nghiêm chỉnh hầu có thể hiểu điều hối nhân sống. Vì thế cần hiểu biết hối nhân sống ở đâu, trong khung cảnh xã hội bao quanh họ như thế nào, bối cảnh gia đình họ ra sao… Tất cả những điều đó phải là thành phần không chỉ của việc đào tạo đầu tiên, mà cũng là phần thường hằng của hàng giáo sĩ nữa. Khóa học Tòa Trong mà chúng tôi tổ chức trong những ngày này là một đóng góp bé nhỏ cho việc đào tạo các linh mục giải tội tốt.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, khi nói tới bí tích Hòa Giải người ta cũng nói tới niềm vui nữa. Niềm vui trong nghĩa nào vậy?

Đáp: Vâng, Bí tích Hoà Giải là một ơn rất lớn, cũng là một ơn đối với các linh mục chúng tôi, mặc dù được mời gọi thi hành chức thừa tác này, nhưng chúng tôi cũng có các thiếu sót cần được xin tha thứ, vì thế chúng tôi cũng là các hối nhân và đồng thời là người giải tội. Niềm vui tha thứ và niền vui được tha thứ đi đôi với nhau. Vì vậy trong lãnh vực này tôi cầu chúc tất cả mọi người: các linh mục giải tội cũng như các hối nhân có thể sống kinh nghiệm niềm vui tinh tuyền này. Và đó cũng là lời chúc mừng lễ Phục Sinh của tôi.

Hỏi: Xin Đức Hồng Y cho thính giả biết chi tiết chương trình của khóa học này.

Đáp: Tòa Ân Giải của Tòa Thánh đã tổ chức khóa học về Tòa Trong này từ 25 năm nay rồi để phục vụ các tân linh mục mới thụ phong cũng như các đại chủng sinh sắp làm linh mục. Khóa học được tổ chức tại trụ sở Tòa Ân Giải quảng trường Cancelleria số 1 trong các ngày 24 tới 28 tháng 3. Các tham dự viên ghi danh được khoảng 500, thuộc nhiều châu lục khác nhau. Sau bài thuyết trình khai mạc của Đức Hồng Y Chánh Tòa Ân Giải về đề tài ”Canh tân cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô” (Niềm Vui Phúc âm, 3), sẽ có các bài thuyết trình của Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phụng Tự, và các Đức Ông và chuyên viên thuộc bộ Phụng Tự và Tòa Ân Giải về các Bí tích và các đề tài liên hệ. Theo sau các bài thuyết trình là các cuộc thảo luận. Chương trình diễn ra vào ban chiều từ 15:30 giờ trở đi. Trưa ngày thứ sáu 28-3 lúc 12 giờ có buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha dành cho các tham dự viên, cho tất cả các cha giải tội bình thường và ngoại thường của bốn vương cung thánh đường giáo hoàng tại Roma.

Chiều thứ sáu lúc 16:30 giờ sẽ có lễ nghi sám hối do Đức Thánh Cha chủ sự tại Đền thờ thánh Phêrô, trong đó Đức Thánh Cha sẽ giải tội cho vài người hiện diện. Các vị bề trên của Tòa Ân Giải cũng như các cha giải tội bình thường và ngoại thường khoảng 60 vị cũng sẽ ban bí tích Hòa Giải cho những người hiện diện. Nhân dịp này Hội Đồng Tòa Thánh Tái truyền giảng Tin Mừng cũng thăng tiến việc xưng tội, gọi là ”24 giờ cho Chúa. Sự tha thứ của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn tội lỗi”. Vào lúc 20.00 tối các nhà thờ thánh nữ Anê in Agone, Thánh Maria Trastevere, nhà thờ các Dấu Tích Rất Thánh sẽ mở cửa suốt đêm cho tín hữu xưng tội. Thứ bẩy 29 tháng 3 nhà thờ thánh nữ Anê in Agone sẽ mở cửa và các linh mục sẽ giải tội từ lúc 10 giờ sáng cho tới 16.00 chiều. Và vào lúc 17 giờ chiều Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch hội đồng, sẽ chủ sự thánh lễ kết thúc tạ ơn tại nhà thờ Chúa Thánh Thần in Sassia.

Các sáng kiến tương tự cũng được làm trong nhiều giáo phận và giáo xứ Italia và trên thế giới nhằm góp phần vào việc tái truyền giảng Tin Mừng.

(RG 23-3-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Comments are closed.