10 sự kiện Mùa Vọng

10 sự kiện Mùa Vọng

Khắp nơi trên thế giới bắt đầu vang lên các bài hát Giáng sinh và mọi người sẵn sáng nói về mùa Giáng sinh – nhưng chưa phải lễ Giáng sinh. Mùa Vọng là mùa chuẩn bị cho lễ Giáng sinh.

Vậy mùa Vọng là gì và tại sao lại quan trọng? Mùa vọng là thời gian chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Giêsu đến. Mùa Vọng có chủ đề hầu như là sám hối (quasi-penitential theme), và điều này có thể là “thuốc giải độc” mạnh đối với việc bảo vệ quyền lợi của đất nước và thời gian của chúng ta.

Đây là 10 sự kiện quan trọng về mùa Vọng:

1. Việc “chuẩn bị lễ Giáng sinh” được tìm thấy trong sách ghi chép về Công nghị Saragossa (Synod of Saragossa), ở Tây ban nha năm 380 (sau CN). Công hội này tuyên bố các Kitô hữu đã rửa tội nên có mặt ở nhà thờ từ 17/12 đến 25/12, 8 ngày trước lễ Giáng sinh – không là mùa Vọng trọn vẹn nhưng là một sự khởi đầu.

2. Thánh Caesarius thành Arles (502-542) được coi là người có những bài giảng đầu tiên về mùa Vọng.

3. Công hội Macon ở Gaul (ngày nay là Pháp) năm 581 (sau CN) là nhân chứng hùng hồn về những gì chúng ta có thể gọi là mùa Vọng. Công hội này nói rằng các quy tắc phụng vụ đối với mùa Chay được duy trì từ 11/11 tới 24/12 (khoảng 40 ngày). Việc nối kết giữa mùa Vọng và mùa Chay phản ánh lý do tại sao màu tím sám hối lại phổ biến đối với cả mùa Vọng và mùa Chay.

4. Chúng ta cũng có bài giảng của Thánh GH Gregôriô Cả (590-604) về Chúa nhật thứ II mùa Vọng.

5. Thế kỷ thứ VII, mùa Vọng được cử hành ở Tây ban nha với 5 Chúa nhật! Sách bí tích Gelasia (Gelasian Sacramentary) cũng đưa ra phụng vụ đúng đối với “năm Chúa nhật mùa Vọng”.

6. Các Giáo hội Đông phương bắt đầu cử hành mùa Vọng từ thế kỷ thứ VIII như thời gian ăn chay nghiêm nhặt và kiêng khem – việc thực hành vẫn phổ biến trong Chính thống giáo Đông phương (Eastern Orthodoxy). Việc thực hành này cũgn phản ánh tính tương tự với mùa Chay. Một cách ngẫu nhiên, màu đỏ là màu phụng vụ phổ biến nhất đối với mùa Vọng trong các Giáo hội Đông phương.

7. Thánh GH Gregoriô VII (1073-85) đã giảm số Chúa nhật mùa Vọng từ 5 xuống còn 4 như hiện nay.

8. Chúa nhật thứ III mùa Vọng được gọi là Chúa nhật vui mừng (Gaudete Sunday) và được đánh dấu bằng lễ phục hồng và treo màn. Gaudete nghĩa là vui mừng vì Chúa nhật thứ III là đi được nửa chặng đường mùa Vọng. Việc này hợp với lễ phục hồng được dùng vào Chúa nhật thứ IV mùa Chay (Laetare Sunday), cũng đi được nửa chặng đường mùa Chay.

9. Vòng hoa mùa Vọng, xuất hiện trong nhiều gia đình Công giáo, đó là một cách sáng tạo mới. Nó được bắt nguồn từ một thói quen của người Đức hối thế kỷ thứ XIX, nguồn gốc từ những người theo thuyết Luti (Lutheranism). Việc thực hành này mau chóng được người Công giáo Bavaria theo và phát triển ra khắp thế giới.

10. Phụng vụ mùa Vọng đề cập lần đến thứ hai của Đức Kitô trong khi vẫn nhớ lần đến thứ nhất của Đức Kitô trong lễ Giáng sinh. Như vậy, mùa Vọng được cử hành hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử qua Đức Giêsu Kitô. Mùa Vọng là bước ngoặt của lịch sử Kitô giáo.

Tôi hy vọng sẽ hữu ích cho bạn. Hãy gởi thông điệp này cho bạn bè và gia đình, đồng thời tận hưởng mùa Vọng thánh thiện. Chúc mọi người sống mùa Vọng hạnh phúc và thánh thiện để xứng đáng đón nhận Hồng ân của Chúa Hài Đồng.

TAYLOR  MARSHALL

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Canterbury Tales)

Mùa Vọng – mùa của những khao khát

 Mùa Vọng – mùa của những khao khát


 

Đối với người Công giáo, Mùa Vọng là khởi điểm cho một Năm Phụng vụ mới, khởi đầu lại cho chúng ta một hành trình mới của đời người. Đồng thời, cũng là dịp mỗi người nhìn lại đời sống Kitô hữu của mình trong năm qua, để có những thay đổi và cũng cố về đức Tin – Cậy – Mến trên bước đường làm con Chúa trong Năm Phụng vụ mới.

Đối với mọi người đây là tháng cuối cùng của một năm, kết thúc những hoạt động trong một năm và có những định hướng cho năm mới, cho nên ai cũng luôn ấm ủ hy vọng lớn về những điều tốt đẹp, khao khát những điều may mắn trong những ngày còn lại của năm cũ này. Để bước vào năm mới với một động lực mạnh mẽ trong niềm vui của sự hào hứng.

Những người làm ăn kinh tế thì họ hy vọng những điều may mắn tốt đẹp cho công việc làm ăn để khởi đầu một năm mới với nhiều thuận lợi. Những học sinh, sinh viên thì hy vọng những bài kiểm tra, những môn thi cuối kỳ của học kỳ thứ nhất đạt kế quả tốt đẹp, để bước vào kỳ học mới với động lực mạnh mẽ và cố gắng hơn… Nhưng đặc biệt hơn, đối với người Kitô hữu, họ đang có một hy vọng lớn lao, khao khát đích thực đó là mong đợi Con Thiên Chúa giáng trần – Hài Nhi Giêsu. Người đến trần gian, mặc lấy thân phận con người, chuộc tội cho chúng ta để chúng ta được sống trong ân nghĩa làm con Thiên Chúa.

Những ngày này, chúng ta đang sống sự trông mong, đợi chờ con Thiên Chúa xuống thế làm người. Vậy, chúng ta hy vọng gì, khao khát gì nơi Con Thiên Chúa khi Người đến?

Khao khát sự thật, công lý và hòa bình

Hơn lúc nào hết, Con người ngày nay đang sống trong nhiều nỗi bất an, vô lương tâm và đầy rẫy gian dối. Vì những mối lợi cá nhân, vì đồng tiền đã khiến con người lừa đảo lẫn nhau, gian manh với cả anh em mình. Con người “dẫm đạp” lên nhau để sống, lừa lọc trong làm ăn hòng vun vén thật nhiều tiền của. Vì mối lợi của một tổ chức, cơ quan, con người ta có thể bịt miệng những ai dám nói lên sự thật, đè nén và đối xử bất công những ai dám đi ngược lại sự gian dối, ác tâm của họ. Ngay bên cuộc sống, trong xã hội chúng ta, đang thiếu tôn trọng nhân quyền và nhân phẩm của con người. Đạo đức đang xuống cấp một cách trầm trọng, các tệ nạn chém giết, cước bóc, hiếp dâm, phá thai, đánh nhau… nhan nhản trên các tờ báo hằng ngày.

Có vẻ xã hội đang được thu nhỏ dưới bốn câu thơ sau: “Nhân phẩm từ đây giảm giá rồi, chỉ còn lương thực tăng giá thôi, lương tâm bán rẻ hơn lương thực, chân lý – chân giò một giá thôi!”. Cho nên con người hôm nay luôn cảm thấy lo lắng về cuộc sống, bất an về tinh thần. Từ đó họ luôn khao khát sự thật, mong cho chân lý được hiển trị để cuộc sống có hòa bình đích thực. Nhưng có lẽ điều họ đang mãi kiếm tìm chính là điều mang đến cho họ sự bất an. Sự thật mà họ đang chứng minh là sự thật giả tạo. Chân lý họ đang bám víu là cái lý “không có chân”! Bởi tất cả những điều con người đang kiếm tìm thiếu vắng Thiên Chúa vì “chính Ngài là con đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6).

Khao khát tình yêu

Một thế giới “thượng vàng hạ cám” đã làm lệch đi rất nhiều những giá trị cuộc sống. Một thế giới xem ra những nghĩa cử yêu thương thật hiếm hoi. Con người ngày nay đang dần trở nên vô cảm với nhau. Tình yêu, tình thương đã được công nghiệp hóa? Lối sống ích kỷ, thờ ơ đang ngày một ăn sâu vào mỗi chúng ta. Con người ngày nay đang thiếu thốn những tình cảm chân thành, thiếu tình thương đích thực. Trái lại, họ đang trao cho nhau nhưng thứ tình cảm vì lợi lộc, đến với nhau bằng thứ tình thương lợi dụng, và dùng tình yêu như một thứ mua bán nhằm đạt được điều mình muốn. Quả vậy, thế giới hôm nay đang bị băng hoại tình người, thiếu vắng tình thương và đang trở nên vô tâm, vô cảm với nhau. Thiết nghĩ, nguyên nhân sâu xa dẫn đến điều đó là cuộc sống của họ đang loại trừ Thiên Chúa nên vắng bóng tình yêu. Vì thánh Gioan đã khẳng định “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8).

Khao khát ơn cứu độ

Chính thánh Gioan Tẩy giả đã khẳng định: “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3, 6). Chúa giáng sinh làm người để cứu độ chúng ta, chuộc mọi tội lỗi của con người để chúng ta được sống trong ân nghĩa làm con cái Chúa. Những trái lại, đã hơn 2000 năm Con Thiên Chúa giáng trần nhưng nhiều người vẫn chứa thấy ơn cứu độ. Không đâu xa, ở Việt Nam, đã gần 500 năm từ ngày Tin Mừng được gieo vãi trên mảnh đất này, nhưng số người được rửa tội chỉ vào khoảng 1/10 dân số. Đó là con số rửa tội, còn con số “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” thì không ai thống kê được! Chúa đã ban cho con người sự tự do để họ chọn lựa, tự do kiếm tìm điều tốt nhất cho mình, nhưng họ lại chỉ lo tích trữ cho mình nhiều tiền bạc, tìm địa vị chức quyền, đam mê những thú vui trần thế… Vì thế, sự tự do đã dần đưa họ đến sự mất tự do, xa dần ơn cứu độ và dẫn đến sự diệt vong. Cho nên, con người vẫn luôn đi tìm và khao khát ơn cứu độ nhưng vẫn không tìm được vì họ đã không chọn “phần tốt nhất” cho mình, đó chính là “ơn cứu độ của Thiên Chúa” chúng ta.

Khi cuộc sống còn vắng bóng sự thật, thiếu thốn tình yêu, xa rời chân lý thì làm sao con người thấy được ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành tặng cho mình? Thiên Chúa đã ban cho con người Người Con duy nhất của mình là Đức Giêsu. Chúng ta đang mong đợi, đang khao khát Người Con đến để chúng ta được sống trong yêu thương, được hòa bình đích thực và được hưởng ơn cứu độ. Nhưng thử hỏi chúng ta đã làm gì khi Ngài đến?

Đã bao dịp Giáng ginh trôi qua, đã bao lần “nửa đêm khấn hứa”, không ít lần “quỳ bên hang sâu” nhưng chúng ta đã làm gì, đã sống như thế nào để cho những khao khát đó phần nào trở thành hiện thực? Hay chúng ta mong đợi Chúa đến chỉ là để được vui chơi, được ngắm những cảnh đẹp Noel lung linh, huyền ảo, hay xem đó là cơ hội để chúng ta tâm sự, tỏ tình cùng ai, hoặc là dịp để mở tiệc, liên hoan rầm rộ…

Hy vọng trong thời gian đợi chờ Chúa đến, mỗi chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa của yêu thương, để sưởi ấm cho những ai đang cô đơn, thất vọng vì thiếu vắng tình thương, sự cảm thông và nâng đỡ của anh em. Giữa một thế giới đang bán rẻ lương tri, chúng ta biết sống tôn trọng lẫn nhau, biết sống cho tình người cao quý, loại bỏ những của cải vật chất tầm thường. Giữa một xã hội mà chân lý bị vùi giập, chúng ta dám sống cho sự thật, làm chứng cho chân lý cho dẫu có bị nghi kỵ, hiểu lầm và kết án bất công. Chúng ta hãy sống theo gương Hài nhi Giêsu, làm chứng cho sự thật, dám yêu đến hy sinh cả mạng sống, dám sống hết mình vì mọi người, và dám trở nên mọi sự cho mọi người để cho sự thật được tôn trọng, công lý được hiển trị, tình thương được lan tỏa và cho mọi người “thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Ước mong trong Năm Đức Tin này, cách riêng trong Mùa Vọng này, với những khao khát còn đó, chúng ta hãy sống chứng nhân Tin Mừng giữa cuộc sống này để đón chờ Chúa đến và cho những khao khát và hy vọng chân chính trở thành hiện thực. Nhờ đó, chúng ta có một ngày Lễ Giáng Sinh vui vẻ, ý nghĩa, an lành và một Mùa Giáng Sinh chứa chan ân sủng của Hài Nhi Giêsu.

J.B. Lê Đình Nam Đạo Binh Đức Mẹ

Giáng Sinh là lễ của Con Thiên Chúa đến đem an bình, sự sống và niềm vui cho con người.

Giáng Sinh là lễ của Con Thiên Chúa đến đem an bình, sự sống và niềm vui cho con người.

Thánh Gioan Tẩy Gỉa mời gọi chúng ta lắng nghe, tiếp nhận Lời Chúa và sống nòng cốt thế nào để lễ Giáng Sinh không chỉ như là một lễ bề ngoài, mà là lễ của Con Thiên Chúa đến để đem an bình, sự sống và niềm vui đích thật cho con người.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 9 tháng 12-2012. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, Trong Mùa Vọng phung vụ đặc biệt nêu bật
hai gương mặt chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến: đó là Đức Trinh Nữ Maria và thánh Gioan Tẩy Giả. Hôm nay thánh Luca giới thiệu với chúng ta Gioan Tẩy Giả, và giới thiệu người với các sắc thái khác với các Thánh sử khác. “Tất cả bốn Phúc Âm đặt để gương mặt của Gioan Tẩy Giả vào đầu sinh họat của Đức Giêsu và giới thiệu ông như là vị tiền hô. Thánh Luca đã để vào đàng sau việc nối liền hai gương mặt ấy và sứ mệnh của các vị… Trong việc thụ thai và sinh ra, Đức Giêsu và Gioan đã được đặt trong tương quan với nhau” (Thời thơ ấu của Chúa Giêsu, 23). Việc sắp xếp này giúp hiểu rằng Gioan, như là con của ông Dakharia và bà Êlidabét, cả hai đều thuộc gia đình tư tế, không chỉ là vị ngôn sứ cuối cùng, mà cũng diễn tả toàn chức tư tế của Cựu Ước, và vì thế chuẩn bị con người cho việc phụng tự tinh thần của Tân Ước, được Chúa Giêsu khai mào (x. ibid, 27-28). Ngoài ra, thánh Luca đánh đổ mọi kiểu đọc huyền thoại, mà người ta thường làm đối với các Phúc Âm, và đặt để cuộc sống của vị Tẩy Giả vào trong lỊch sử khi viết: “Vào năm thứ mười lăm thời hoàng đế Tibêrio, trong khi Ponzio Pilatô làm tổng trấn… dười thời các thượng tế Anna và Caipha” (Lc 3,1-2). Bên trong khung cảnh lịch sử này được đặt để biến cố vĩ đại đích thực, là việc sinh ra của Chúa Kitô, mà các người thời đó đã không nhận ra. Đối với Thiên Chúa, các kẻ lớn lao của lịch sử làm khung cho các người bé nhỏ.

Đức Thánh Cha nói về thánh Gioan Tẩy Giả như sau:

Thánh Gioan Tẩy Giả tự định nghĩa mình như là “tiếng kêu trong sa mạc: Hãy dọn đường cho Chúa, hãy uốn thẳng các lối đi của Người” (Lc 3,4). Tiếng loan báo lời, nhưng trong trường hợp này, Lời của Thiên Chúa đi trước, trong nghĩa chính nó xuống trên Gioan, con của Dakharia, trong sa mạc (x. Lc 3,2). Như thế, ông có một vai trò lớn, nhưng luôn luôn để phục vụ Chúa Kitô. Thánh Agostino chú giải rằng: “Gioan là tiếng. Nhưng về Chúa trái lại người ta nói: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1). Gioan là tiếng nói qua đi, Chúa Kitô là Lời vĩnh cửu đã có từ ban đầu. Nếu lấy đi lời khỏi tiếng, thì còn lại cái gì? Một tiếng mơ hồ. Tiếng không lời đánh động thính giác, nhưng không xây dựng con tim” (Diễn văn 293,3; PL 38,1328). Chúng ta có bổn phận lắng nghe tiếng nói ấy để dành chỗ trong con tim cho Chúa Giêsu và đón tiếp Người là Lời cứu rỗi chúng ta. Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy chuẩn bị để nhìn thấy, với con mắt đức tin, ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Hang Đá nghèo hèn Bếtlêhem (x. Lc 3,6). Trong xã hội tiêu thụ, trong đó người ta thử tìm niềm vui trong các sự vật, vị Tẩy Giả dạy cho chúng ta biết sống một cách nòng cốt, để Giáng Sinh không chỉ là một lễ bề ngoài, nhưng như lễ của Con Thiên Chúa đến để đem tới cho nhân loại an bình, sự sống và niềm vui đích thực.

Chúng ta hãy phó thác con đường đến gặp Chúa của chúng ta cho sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ Maria, Đức Nữ Trinh của Mùa Vọng, để sẵn sàng đón tiếp trong tim và trong toàn cuộc sống Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Bằng tiếng Pháp ngài mời gọi mọi người quảng đại tiếp đón các anh chị em di dân phải bỏ quê hương vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có chiến tranh và nghèo đói, và phải sống trong cảnh tạm bợ, ít được hiểu biết. Ước chi họ được tiếp đón với tình liên đới huynh đệ, được trợ giúp trong các nhu cầu của họ và có cuộc sống xứng đáng.

Bằng tiếng Anh ngài nói trong Phúc Âm hôm nay thánh Gioan Tẩy Giả nhắc cho chúng ta biết sự cần thiết của việc sám hối và thanh tẩy để dọn đường cho Chúa và chờ đợi Người đến trong vinh quang.

Trong tiếng Đức ngài nói qua lời thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi hoán cải và hòa giải với Chúa, chúng ta cũng được kêu mời đón nhận ơn tha thứ trong bí tích Hòa Giải, qua đó Thiên Chúa tha tội cho chúng ta, chữa lành các thương tích và làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp.

Chào các tín hữu Ba Lan ngài ghi nhận rằng ngày nay, tuy được mời gọi, nhưng có nhiều người không tin. Trong Năm Đức Tin này, cũng như thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta được kêu mời là các sứ giả Tin Mừng và là chứng nhân trung thành của Chúa Kitô.

Sau cùng Đức Thánh Cha chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tươi vui an bình.

Linh Tiến Khải – Vietvatican

 

 

LẠY MẸ MARIA, KHÔNG HỀ VƯỚNG MẮC TỘI LỖI, XIN CẦU CHO CHÚNG CON ĐANG CHẠY ĐẾN CÙNG MẸ!

LẠY MẸ MARIA, KHÔNG HỀ VƯỚNG MẮC TỘI LỖI, XIN CẦU CHO CHÚNG CON ĐANG CHẠY ĐẾN CÙNG MẸ!



… Câu chuyện cuộc đời cánh hoa bé nhỏ của Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA. Cô thiếu nữ Ý có tên Margherita. Margherita là đứa con ngoan thảo của Đức Mẹ. Cô là thành viên Hội Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cô tận hiến toàn thân cho Đức Mẹ. Trọn ngày sống của cô thuộc về Đức Mẹ MARIA.

Chỉ có điều đáng nói và cũng là lý do gây bối rối không ít trong tâm hồn thơ trắng và nơi lương tâm bén nhạy của cô gái. Margherita tự suy xét và tự đặt lại vấn đề tình yêu chân thật đối với Hiền Mẫu Thiên Quốc. Margherita tự hỏi:
– Làm sao mình có thể tuyên bố yêu mến Đức Mẹ khi mình không ưa thích lần hạt Mân Côi, lời Kinh rất đẹp lòng Đức Mẹ?

Thật thế, Margherita không tài nào đọc trọn tràng kinh Mân Côi. Cô cũng không thể hiểu được tại sao các tín hữu Công Giáo lại yêu thích lần chuỗi Mân Côi. Margherita không thích lần hạt nên cũng không để yên người khác lần hạt. Cô gái tìm cách phá rối các buổi lần hạt Mân Côi chung.

Thế nhưng, Margherita không bỏ qua ngày nào mà không đọc ít nhất 10 kinh Mân Côi. Margherita thường phân chia 50 kinh Mân Côi thành nhiều lần, khi thì 10 kinh, lúc khác lại 5 kinh. Lúc khác nữa cũng chỉ có 5 kinh. Tràng chuỗi Mân Côi phải góp nhặt nhiều lần mới trọn 50 kinh.

Một ngày, với sự đồng ý của Cha Linh Hướng, Margherita quyết định làm tuần tĩnh tâm nơi Cộng Đoàn các Nữ Tử Đức MARIA. Cô gái thật yêu thích bầu khí thinh lặng. Chỉ điều duy nhất khiến cô khó chịu. Đó là các nữ tu lần hạt Mân Côi liên miên. Ngoài việc lần hạt chung nơi nhà nguyện, Các Chị còn đọc kinh Mân Côi trong lúc làm việc. Một ngày từ sáng đến tối, các nữ tu đọc không biết bao nhiêu là tràng kinh Mâm Côi. ”Làm sao mà các Chị lại có thể đọc kinh Mân Côi nhiều đến thế?” Cô gái ngạc nhiên thắc mắc tự hỏi.

Một ngày rồi hai ngày qua, Margherita bắt đầu bị cuốn hút vào lời kinh Mân Côi. Margherita cố gắng lần trọn tràng chuỗi Mân Côi. Rồi lại lần nhiều tràng chuỗi 50 trong cùng một ngày. Hẳn cố gắng của cô làm vui lòng Đức Mẹ nên Đức Mẹ đã ban cho thiếu nữ một phúc lành.

Một hôm Margherita gặp chị Maria Vittoria người Phi Châu đang sung sướng nô đùa với các bông tuyết trắng tinh ngoài trời. Margherita cất tiếng hỏi:
– Bộ chị thích tuyết lắm hả? Chị đến từ một xứ nóng, vậy thì tuyết không làm chị bị lạnh run sao?

Chị nữ tu dịu dàng đáp:
– Nếu tuyết trắng cũng nóng y như mặt trời xứ Phi Châu, thì đâu còn công phúc gì nữa khi vui chơi cùng tuyết?

Câu trả lời của chị Maria Vittoria như gieo luồng sáng mới trong tâm trí cô thiếu nữ.

Bước vào nhà, Margherita gặp chị Maria Giuseppina, người Hòa-Lan, đang ôm một chồng sách. Cô gái đi theo chị nữ tu vào thư viện lấy sách rồi cất tiếng hỏi:
– Chị à, làm sao chị có thể học và đọc được tất cả các sách này? Tiếng Ý là ngôn ngữ rất khó đối với chị, và chị mới đến đây có vài tháng?

Chị nữ tu Hòa-Lan âu yếm nhìn Margherita và đáp:
– Em à, nếu mọi cái đều dễ dãi trơn tru thì chúng ta đâu có dịp thu góp bó hoa hồng làm quà hy sinh dâng lên Hiền Mầu Thiên Quốc dấu ái của chúng ta?

Câu nói của chị Maria Giuseppina như nốt nhạc cuối kết thúc bản nhạc mà Đức Mẹ MARIA muốn âu yếm trao tặng đứa con ngoan thảo Margherita.

Cô gái hiểu rằng khi lần hạt Mân Côi chúng ta không tìm kiếm trước tiên nỗi dịu ngọt cùng niềm an ủi cho chính mình, nhưng là tìm kiếm niềm vui cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Các lời kinh Mân Côi càng đòi hỏi hy sinh càng làm đẹp lòng Đức Mẹ!

… Câu chuyện xảy ra ngày 10-3-1615 khi Linh Mục Olgivie – vị thừa sai vĩ đại – bước lên đoạn đầu đài. Cha bị hành quyết tại Glasgow vì tội dám rao giảng Tin Mừng của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Lúc lên tới nơi, Cha âu yếm nhìn đám đông đang có mặt. Cha muốn gởi lại di vật thân yêu cuối cùng của cuộc đời truyền giáo. Đó là Tràng Chuỗi Mân Côi.

Tràng Hạt Mân Côi cũng là chứng tích cho Đức Tin Công Giáo tinh tuyền của Cha. Cha lấy Tràng Chuỗi Mân Côi rồi mạnh tay ném thẳng vào đám đông. Tràng Chuỗi rơi nhằm một người trẻ Hung-Gia-Lợi theo hệ phái Tin Lành Calvin, lâu nay vẫn ghét cay ghét đắng vật thánh này.

Chàng thanh niên cảm thấy sững sờ. Khi đôi tay chàng chạm đến Tràng Chuỗi Mân Côi lòng chàng xúc động mạnh. Sau đó chàng tìm hiểu giáo lý và xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo thánh thiện duy nhất và tông truyền. Quả thật, Tràng Hạt Mân Côi có sức mạnh thiêng liêng hoán cải tất cả những ai được diễm phúc chạm đến nó.

… Kinh cầu cùng Đức Mẹ MARIA

Lạy Mẹ MARIA, Trinh Nữ Vô Nhiễm, THIÊN CHÚA đã nhìn Mẹ: Ngài cúi xuống trên Nữ Tỳ khiêm hạ của Ngài và chúng con chúc tụng Mẹ thật diễm phúc.
Mẹ nhìn Đức Chúa GIÊSU với niềm âu yếm vì Mẹ là Mẹ Ngài. Dưới chân thánh giá, Chúa nhìn Mẹ để trối giao toàn thể nhân loại.
Tại Lộ Đức, Mẹ đã nhìn Chị Bernadette với tư cách là một con người.
Xin Mẹ nhìn chúng con đây với bao nỗi khốn cùng, những tiếng kêu than cùng bao niềm hy vọng.
Xin Mẹ nhìn thế giới đang bị xâu xé và tìm kiếm tương lai.
Xin Mẹ nhìn Hội Thánh mà Mẹ chứng kiến ngày sinh ra vào Lễ Hiện Xuống và đang cần Linh Mục để chu toàn sứ mệnh.
Xin Mẹ ban cho chúng con cái nhìn thơ trẻ, một ánh nhìn trong sáng, minh bạch như nước nguồn để chiêm ngắm Con Mẹ.
Xin Mẹ ban cho chúng con chính ánh nhìn của Mẹ hầu cho đôi mắt chúng con không bao giờ nhắm lại không nhìn tha nhân.
Xin Mẹ ban cho chúng con biết tự nhìn chúng con và giúp chúng con luôn luôn sống đúng tư cách Kitô-hữu và sống trung thành với Phúc Âm.

”Lạy Mẹ MARIA, không hề vướng mắc tội lỗi, xin cầu cho chúng con đang chạy đến cùng Mẹ” (O Marie conçue sans péché, priez pour nous qui avons recours à Vous).

(”Il Settimanale di Padre Pio”, n.21, 18-5-2003, trang 16+15)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI VÌ ĐẶC ÂN CỦA THIÊN CHÚA

ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI VÌ ĐẶC ÂN CỦA THIÊN CHÚA



VATICAN: Trưa 8 tháng 12-2012 lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đọc kinh Truyền Tin với hàng ngàn tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài nói: Nhờ đặc ân của Thiên Chúa Đức Mẹ không mắc tội tổ tông truyền. Nơi Mẹ, nhân loại và lịch sử rộng mở cho Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã tìm thấy nơi Mẹ sự lắng nghe, tiếp nhận, đáp trả và tiếng “có” sẵn sàng công tác hoàn toàn, cho phép Ngôi Lời nhập thể và đến ở giữa chúng ta. Mẹ Maria đại diện cho dân Israel mới, mà Thánh Kinh Cựu Ưóc miêu tả với biểu tượng hiền thê. Trong thư gửi tín hữu Êphêxô thánh Phaolô nói về hôn nhân và khẳng định rằng: “ Chúa Kitô đã yêu Giáo Hội và hiến mình cho Giáo Hội để làm cho Giáo Hội trở thành thánh thiện, bằng cách thanh tẩy Giáo Hội bằng nước và lời hằng sống, để giới thiệu với chính Người Giáo Hội hoàn toàn vinh quang, không tì ố, không vết nhăn hoặc bất cứ khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5,25-27).

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Các Giáo Phụ đã khai triển hình ảnh này và giáo thuyết của Mẹ Vô Nhiễm đã nảy sinh, trưóc hết quy chiếu về Giáo Hội đồng trinh – me và sau đó quy chiếu về Mẹ Maria. Vì thế giáo phụ Efrem ngưới Siri mới viết một cách thi vị như sau: “Như chính các thân xác đã phạm tội và chết và, đất mẹ của chúng, bị chúc dữ (x, St 3,17-19), thì nhờ thân xác này là Giáo Hội không thể hủy hoại, đất của nó đã được chúc lành ngay từ đầu. Đất đó là thân xác Đức Maria, đền thờ trong đó một hạt giống đã được đặt vào” (Diatesaron 4,15: SC 121,102).

Ánh sáng dãi tỏa từ gương mặt của Đức Maria giúp chúng ta hiểu ý nghĩa đích thật của tội tổ tông. Thật vâỵ, nơi Mẹ Maria sống và hoạt động một cách tràn đầy tương quan với Thiên Chúa mà tội lỗi đã bẻ gẫy. Nơi Mẹ không có sự đối nghịch nào giữa Thiên Chúa và con người Mẹ, mà có sự hiệp thông tràn đầy mạnh mẽ. Có một tiếng “có” hai chiều của Thiên Chúa đối với Mẹ và của Mẹ đối với Thiên Chúa. Mẹ Maria khỏi tội lỗi vì Mẹ hoàn toàn là của Thiên Chúa, hoàn toàn thuộc về Người. Mẹ tràn đầy Thánh Sủng và Tinh Yêu của Thiên Chúa.

Kết luận, giáo lý vế sự Vô Nhiễm Thai của Mẹ Maria diễn tả sư chắc chắn của niềm tin rằng các lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện: rằng giao ước của Người không thất bại, nhưng đã sinh ra một gốc rễ thánh thiện, từ đó nảy mầm Qủa Phúc của toàn vũ trụ, là Đức Giêsu Đấng Cứu Thế. Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội chứng minh cho thấy rằng Thánh Sủng có khả năng dấy lên một câu trả lời, rằng sự trung thành của Thiên Chúa biết sinh ra một đức tin đích thực và tốt lành.

** Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã bày tỏ tình liên đới với các anh chị em nạn nhân bão lụt tại Philippines. Ngài cầu nguyện cho các nạn nhân, cho gia đình họ và các người phải di tản. ĐTC cầu mong đức tin và tình bác ái huynh đệ là sức mạnh giúp đối phó với thử thách khó khăn này.

Vào bốn giờ chiều, theo một thói quen đã có từ nhiều thập niên qua, Đức Thánh Cha đã đến quảng trường Tây Ban Nha để kình viếng tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm và dâng hoa cho Đức Mẹ. Ngỏ lời trong dịp này ngài nói việc sùng kính Đức Mẹ hiệp nhất mọi người, đặc biệt trong Năm Đức Tin này.

Biến cố Thiên Chúa nhập thể làm người và cuộc gặp gỡ của sứ thần với Trinh Nữ Vô Nhiễm đã xảy ra trong sự thinh lặng hoàn toàn. Điều thật sự quan trọng thường đi qua trong thầm lặng, không ai trông thấy và nhận ra. Và sự trầm lắng đó phong phú hơn nhịp điệu ồn ào của các thành phố của chúng ta ngày nay. Khuynh hưóng hiếu động khiến cho chúng ta không có khả năng dừng lại, yên tĩnh, lắng nghe sự thinh lặng, trong đó Thiên Chúa cho nghe được tiếng nói kín đáo của Người. Trong ngày truyền tin Đức Maria hoàn toàn cầm trí và rộng mở cho việc lắng nghe Thiên Chúa. Nơi Mẹ không có gì ngăn che, cản trở và xa cách với Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa cuộc sống vô nhiễm nguyên tội của Mẹ.

Con tim của Mẹ ở trong tim Thiên Chúa một cách toàn vẹn, không phân cách, không có bóng dáng sự ích kỷ, nhưng hoàn toàn đồng điệu vỏi Thiên Chúa.

Nơi đây, Mẹ Vô Nhiễm nhắc cho chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa nói với chúng ta trong thinh lặng. Để nhận ra chương trình của Người đối với cuộc sống cá nhân và xã hội, cần phải xuống một mức sâu xa hơn nữa, nơi các sức mạnh luân lý và tinh thần hoạt động, chứ không phải các sức mạnh kinh tế chính trị. Mẹ mời chúng ta xuông đó để đồng điệu với hoạt động của Thiên Chúa.

Điều thứ hai Đức Mẹ Vô Nhiễm nói với chúng ta: đó là ơn cứu rỗi không phải là công trình của con người, khoa học, kỹ thuật và ý thức hệ, nhưng đến từ Ơn Thánh. Ơn Thánh có nghĩa là Tinh Yêu trong sự tinh tuyền và xinh đẹp của nó, là chính Thiên Chúa như được Thanh Kinh kể trong lích sử cứu rỗi và thánh toàn nơi Đức Giêsu Kitô.

Mẹ Maria được gọi là Đấng “đầy ơn phước”. Căn cưóc này của Mẹ nhắc cho chúng ta nhớ tới quyền tối thượng của Thiên Chúa trong cuộc sông chúng ta và trong lich sử thế giới. Nó nhắc chúng ta nhớ rằng quyền năng tinh yêu của Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ và có thể lấp đầy các trống rỗng, mà sự ích kỷ gây ra trong lịch sử của con người, của các gia đình, các quốc gia và của thế giới. Các trống rỗng ấy có thể trở thành các hoả ngục, nơi cuộc sống con người bị kéo xuống thấp và sự hư vô, mất đi ý nghĩa và ánh sáng. Các phương thuốc gỉa mà thế giớí đề để lấp đầy các trống rỗng ấy – biểu tượng là ma túy – thật ra chỉ đào rộng thêm hố sâu. Chỉ có tình yêu chứa đựng sự trong sạch của Ơn Thánh mới có thể cứu con người khỏi sư sa ngã này, tình yêu của Thiên Chúa biến đổi và canh tân, trao ban dưỡng khí mới, khí trọng lành và năng lực mới cho các lá phổi bị nhiễm độc. Mẹ Maria nói với chúng ta rằng cho dù con người có rơi xuống sâu tới đâu đi nữa nó cũng không bao giờ quá sâu đối với Thiên Chúa là Đấng đã xuống các vực sâu. Cho dù trái tim con người có sai lạc tới dsâu đi nữa, Thiên Chúa “vẫn luôn luôn lớn lao hơn trái tim của chúng ta” (1 Ga 3,20).Hơi thở dịu dàng của Thánh Sủng có thể đánh tan các đám mây đen tối nhất, và cả trong các tinh trạng vô nhân nhất nó cũng có thể khiến cho cuộc sống lại xinh đẹp và phong phú.

Điểm thứ ba Mẹ Maria Vô Nhiễm nói với chúng ta đó là niềm vui đích thật tỏa lan trong con tim khỏi tội lỗi. Tội lỗi đem theo trong chính nó một nỗi buồn tiêu cực khiến cho con người tự khép kín trong chính mình.

Ơn Thánh đem lại niềm vui thật, niềm vui không tùy thuộc nơi sự chiếm hữu vật chất, mà đâm rễ trong nơi sâu thẳm của con người, mà không có gì và không ai có thể lấy mất được. Kitô giáo, một cách nòng cốt, là một “tin mừng”, “tin vui”.

Kitô giáo loan báo chiến thắng của Ơn Thánh trên tội lỗi, của sự sống trên cái chết. Nếu nó bao gồm các khước từ, một kỷ luật của tâm trí và hành động là bởi vì nơi con người có gốc rễ độc hại của ích kỷ gây đau đớn cho chính mình và cho người khác. Vì thế cần phài học biết nói không với ích kỷ và nói có với tình yêu đích thật. Niềm vui của Mẹ Maria tràn đầy, bởi vì trong tim Mẹ không có bóng dáng tội lỗi. Niềm vui ấy trùng hợp với sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống của Mẹ… Trong Mùa Vọng này xin Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội dậy cho chúng ta biết lắng nghe tiếng Thiên Chúa nói trong thinh lặng và tiếp nhận Ơn Thánh của Chúa, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và mọi ích kỷ, để hưởng nếm niêm vui đích thật. Xin Mẹ Maria đầy ơn phúc cầu cho chúng ta (SD 8-12-2012)

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha chống thành kiến bài tôn giáo

Đức Thánh Cha chống thành kiến bài tôn giáo

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 chống lại thành kiến cho rằng các tôn giáo độc thần tự chúng gây ra bạo lực.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 7 tháng 12-2012, dành cho 32 thành viên của Ủy ban Thần học quốc tế, dưới sự hướng dẫn của Đức TGM Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nhắc đến một vấn đề đang được Ủy ban thần học quốc tế bàn đến, đó là cảm thức đức tin (sensus fidei). Công đồng chung Vatican 2 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố này và nói rằng ”toàn thể dân Chúa tham gia vào chức năng ngôn sứ của Chúa Kitô.. Hiến chế ”Ánh sáng muôn dân” (n.12) dạy rằng ”Toàn thể các tín hữu, nhờ được Đấng Thánh xức dầu (Xc 1 Ga 2,20.27), không thể sai lầm trong khi tin, và biểu lộ đặc tính này qua cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi mà từ các GM cho đến tín hữu giáo dân rốt hết đều biểu lộ sự đồng thuận về những vấn đề đức tin và luân lý”. Hồng ân cảm thức đức tin này.. là một tiêu chuẩn để phân định xem một chân lý có thể thuộc về kho tàng sinh động của truyền thống tông đồ hay không. Cảm thức đức tin có một giá trị đề nghị (propositivo) vì Chúa Thánh Linh không ngừng nói với và hướng dẫn các Giáo Hội đến chân lý toàn vẹn”.

Từ tiền đề trên đây, ĐTC cảnh giác chống lại những cảm thức đức tin giả tạo và nói rằng:

”Ngày nay điều đặc biệt quan trọng là xác định những tiêu chuẩn giúp phân định cảm thức đức tin chân chính với những cảm thức giả tạo. Thực vậy, cảm thức đức tin không phải là một thứ dư luận quần chúng trong Giáo Hội; không thể nại đến cảm thức đức tin để phản đối các giáo huấn của Huấn Quyền Hội Thánh, vì cảm thức đức tin chỉ có thể phát triển một cách chân thực nơi tín hữu theo mức độ tín hữu ấy hoàn toàn tham gia vào đời sống Giáo Hội, và điều này đòi tín hữu phải gắn với với Giáo Huấn của Hội Thánh trong tinh thần trách nhiệm”.

ĐTC nói thêm rằng ”Chính cảm thức siêu nhiên về đức tin của các tín hữu khiến họ mạnh mẽ phản ứng chống lại thành kiến theo đó các tôn giáo, đặc biệt là các tôn giáo độc thần, tự nội tại có mang theo bạo lực, nhất là vì các tôn giáo này tự nhận mình có chân lý phổ quát. Một số người cho rằng chỉ có ”sự đa thần về các giá trị” (Politeismo dei valori) mới bảo đảm được sự bao dung và an bình trong dân chúng, và phù hợp với tinh thần của một xã hội dân chủ đa nguyên”.

ĐTC cũng giải thích rằng ”Nếu trong lịch sử đã và đang có những hình thức bạo lực được thực hiện nhân danh Thiên Chúa, điều này không thể qui gán cho các tôn giáo độc thần, nhưng là do những nguyên nhân lịch sử, chủ yếu là do những sai lầm của con người. Đúng hơn, chính sự quên lãng Thiên Chúa làm cho các xã hội con người bị chìm đắm trong một thứ chủ thuyết duy tương đối, chắc chắn sinh ra bạo lực. Khi người ta không để cho mọi người tham chiếu một chân lý khách quan, thì đối thoại trở thành điều không thể thực hiện được, và bạo lực, công khai hoặc ngấm ngầm, trở thành qui luật cho các quan hệ giữa con người với nhau” (SD 7-12-2012)

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Bí thư riêng của Đức Thánh Cha trở thành Tổng Giám Mục

Bí thư riêng của Đức Thánh Cha trở thành Tổng Giám Mục



VATICAN. ĐTC đã bổ nhiệm vị bí thư riêng của ngài, Đức Ông Georg Gaenswein, làm Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, đồng thời thăng làm TGM hiệu tòa Urbisaglia.

Đức Ông Gaenswein người Đức, kế nhiệm Đức TGM James Harvey, người Mỹ, mới được thăng Hồng Y và làm Giám quản Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành.

Đức tân TGM Gaenswein năm nay 56 tuổi, thuộc Tổng giáo phận Freiburg, thụ phong linh mục năm 1984, và đậu tiến sĩ giáo luật năm 1993 tại Đại Học Ludwig Maximilians ở Munich.

Sau 2 năm làm thẩm phán tại tòa án giáo phận Freiburg, năm 1995, ngài bắt đầu phục vụ tại Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, và năm sau (1996) chuyển sang Bộ giáo lý Đức tin, sau đó làm bí thư riêng của ĐHY Tổng trưởng Joseph Ratzinger.

Sau khi ĐHY trở thành Giáo hoàng, Đức Ông Gaenswein cũng trở thành bí thư riêng của ngài.
Đức TGM Gaenswein biết 5 sinh ngữ: Đức, Ý, latinh, Pháp, Anh và Tây Ban Nha. Có thể ngài sẽ được ĐTC truyền chức GM vào ngày lễ Chúa Hiển Linh, 6-1 tới đây.

Trong nhiệm vụ Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, Đức TGM Georg Gaenswein sẽ sắp xếp các buổi tiếp kiến của ĐTC.
Giới báo chí nhận xét rằng Tòa Thánh không thông báo ai sẽ là bí thư riêng của ĐTC thay Đức TGM Gaenswein, nên Đức TGM sẽ tiếp tục giúp ngài cùng với Đức Ông Alfred Xuereb người Malta. (SD 7-12-2012)

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

 

Thiên Chúa mời gọi chúng ta đem chương trình tình yêu cứu độ của Người vào lòng thế giới

Thiên Chúa mời gọi chúng ta đem chương trình tình yêu cứu độ của Người vào lòng thế giới



Thiên Chúa mời gọi chúng ta đem chương trình tình yêu cứu độ của Người vào lòng thế giới. Mùa vọng đặt để chúng ta trước mầu nhiệm sáng láng biến cố Con Thiên Chúa đến, trước dự định tốt lành, thương xót và tình yêu, qua đó Người muốn lôi kéo chúng ta đến với Người để sống trong sự hiệp thông trọn vẹn của niềm vui và sự an bình với Người.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với gần 7.000 ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 5 tháng 12-2012.

Trong bài huấn dụ ngài đã giải thích ý nghĩa bài thánh ca mở đầu thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêxô, chúc tụng chương trình tình yêu xót thương của Thiên Chúa đối với con người. Thánh Phaolô dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng này từ tận đáy con tim, bởi vì thánh nhân nhìn vào hành động của Thiên Chúa trong lịch sử đạt tột đỉnh với sự nhập thể, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu; và thánh nhân chiêm ngưỡng việc Thiên Chúa Cha đã chọn lựa chúng ta từ thuở tạo dựng thế giới, cho chúng ta trở thành nghĩa tử của Người, trong Người Con duy nhất của Người là Đức Giêsu Kitô (x. Rm 8,14 tt; Gl 4,4 tt.) Ngay từ đời đời chúng ta đã hiện hữu trong trí của Thiên Chúa, trong một chương trình, mà Thiên Chúa Cha đã giữ gìn trong chính Người và đã quyết định thực hiện và mạc khải khi đến thời viên mãn (x. Ep 1,10). Như thế thánh Phaolô làm cho chúng ta hiểu rằng toàn thụ tạo, và đặc biệt người nam và người nữ, không phải là hoa trái ngẫu nhiên, nhưng trả lời cho một dự án tốt lành trong lý lẽ vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng tạo thành thế giới với quyến năng tạo dựng và cứu độ của Lời Người. Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:

Khẳng định đầu tiên này nhắc cho chúng ta biết rằng ơn gọi của chúng ta không chỉ đơn thuần là sống trong thế giới, được tháp nhập vào một lịch sử, cũng không phải chỉ là các thụ tạo của Thiên Chúa; nó là cái gì cao cả hơn: đó là được Thiên Chúa tuyển chọn, trước cả khi tạo thành vũ trụ, trong Đức Giêsu Kitô Con của Người. Trong Người chúng ta hiện hữu từ luôn mãi. Thiên Chúa chiêm ngưỡng chúng ta trong Đức Kitô, như nghĩa tử. Chương trình tốt lành của Thiên Chúa, mà thánh Tông Đồ cũng định tính như là ”chương trình tình yêu” (Ep 1,5), được định nghĩa là ”mầu nhiệm” ý muốn cửa Thiên Chúa (c. 9), đã bị dấu ẩn, nhưng giờ đây được biểu lộ nơi Con Người và công trính của Đức Kitô. Sáng kiến của Thiên Chúa đi trước mọi đáp trả của con người: đó là một ơn nhưng không của tình yêu của Thiên Chúa bao bọc và biến đổi chúng ta.

Mục đích cuối cùng, trọng tâm của chương trình mầu nhiệm này là ”dẫn đưa mọi sự tới với Đức Kitô là thủ lãnh duy nhất” (c. 10). Trong các kiểu nói này chúng ta tìm thấy một trong các công thức chính yếu của Tân Ước, giúp hiểu chương trình cứu độ của Thiên Chúa, giúp hiểu dự án tình yêu của Người đối với nhân loại, một công thức mà thánh Ireneo thành Lyon chọn như trung tâm nền Kitô học của người: “thâu tóm” toàn thực tại trong Đức Kitô. Đây là công thức Đức Giáo Hoàng Pio X đã dùng để thánh hiến thế giới cho Thánh Tâm Chúa Giêsu: ”tái lập mọi sự trong Chúa Kitô”, là kiểu nói của thánh Phaolô và cũng là khẩu hiệu của Đức Pio X. Nhưng Đức Thánh Cha minh xác thêm như sau:

Tuy nhiên, một cách chính xác hơn, thánh Tông Đồ nói tới việc thâu tóm vũ trụ nơi Đức Kitô, và điều này có nghĩa là trong chương trình của việc tạo dựng cao cả và của lịch sử, Chúa Kitô đứng lên như trung tâm toàn lộ trình của thế giới, như trục đỡ nâng tất cả, lôi kéo toàn thực tại tới với Người, để thắng vượt sự phân tán và hạn chế và dẫn đưa tất cả tới sự viên mãn như Thiên Chúa đã muốn (x. Ep 1,33).

Chương trình tốt lành này đã không ở trong sự thinh lặng của Thiên Chúa, ở trên trời cao, mà Người đã làm cho nó được biết tới, khi bước vào trong tương quan với con người, mà Thiên Chúa tự mạc khải cho. Người đã không chỉ thông truyền đơn thuần một mớ sự thật, mà tự thông truyền chính Người cho chúng ta, cho tới chỗ nhập thể làm người. Công Đồng Chung Vaticăng II đã khẳng định trong Hiến chế về Mạc Khải như sau: ”Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết bí tích Thánh Ý Ngài. Nhờ đó loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa” (s.2). Thiên Chúa vém mở chương trình tình yêu cao cả của Người bằng cách bước vào trong tương quan với con người, tới gần nó cho tới chỗ trở thành một người.

”Thiên Chúa vô hình trong chương trình tình yêu cao cả của Người nói với con người như bạn hữu (x. Xh 33,11; Ga 15,14-15) và sống giữa họ (x. Br 3,38), để mời goi họ và chấp nhận họ vào sự hiệp thông với Người” (ibidem). Chỉ với trí thông minh và các khả năng của mình con người đã không thể đạt sự mạc khải sáng láng như vậy của tình yêu Thiên Chúa; chính Thiên Chúa đã mở cửa Trời và cúi xuống hướng dẫn con người trong vực thẳm tình yêu của Người.

Thánh Phaolô còn viết cho tín hữu giáo đoàn Côrintô như sau: ”Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9-10). Và trong một trang chú giải nối tiếng đầu thư gửi tín hữu Êphêxô thánh Gioan Kim Khẩu mời gọi nếm hưởng vẻ đẹp của ”chương trình lòng lành” ấy của Thiên Chúa đã được mạc khải nơi Chúa Kitô, với các lời sau đây: ”Bạn thiếu cái gì? Bạn đã trở thành bất tử, bạn đã trở thành tự do, bạn đã trở thành con, bạn đã trở thành công chính, bạn đã trở thành em, bạn đã trở thành người đồng thừa tự, với Chúa Kitô bạn cai trị, với Chúa Kitô bạn được vinh hiển. Mọi sự đã được ban cho chúng ta, và như đã viết, làm sao Thiên Chúa lại sẽ không ban mọi sự cho chúng ta với Người?” (Rm 8,32. Của lễ đầu mùa của bạn (x. 1 Cr 15,20.23) được các thiên thần trang điểm… vậy bạn thiếu cái gì?” (PG 62,11).

Sự hiệp thông trong Chúa Kitô bởi Chúa Thánh Thần, được Thiên Chúa cống hiến cho tất cả mọi người với ánh sáng của sự Mạc Khải, không phải là cái gì được chồng lên trên nhân tính của chúng ta, mà là sự thành toàn các khát vọng sâu thẳm nhất, ước muốn vô tận và tràn đầy nằm sâu trong con người, và mở nó ra cho một niềm hạnh phúc không phải tạm thời và có giới hạn, nhưng vĩnh cửu. Nói về việc Thiên Chúa tự mạc khải và nói với chúng ta qua Thánh Kinh để dẫn chúng ta tới với Người thánh Bonaventura thành Bagnoregio khẳng định: ”Thánh Kinh là… cuốn sách trong đó chúng ta sẽ thấy, sẽ yêu và tất cả các ước muốn của chúng ta sẽ được thực hiện” (Breviloquium, Prol.; Opera Omnia V,201 s.). Ngoài ra, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn nhắc nhở rằng: ”sự Mạc Khải đặt để vào trong lịch sử một điểm tham chiếu mà con người không thể tách rời được, nếu muốn đi tới chỗ chiêm ngưỡng mầu nhiệm cuộc sống của mình; nhưng đàng khác sự hiểu biết này lại liên tục quy chiếu về mầu nhiệm của Thiên Chúa, mà trí tuệ không thể làm cạn kiệt, mà chỉ có thể tiếp nhận trong đức tin” (Enc. Fides et ratio, 14).

Trong viễn tượng đó Đức Thánh Cha định nghĩa đức tin như sau:

Nó là câu trả lời của con người cho sự Mạc Khải của Thiên Chúa, là Đấng tự làm cho mình được hiểu biết, là Đấng biểu lộ chương trình lòng lành của Người đối với nhân loại. Để dùng một kiểu nói của thánh Agostino, tin là để cho mình bị nắm bắt bởi Chân Lý là Thiên Chúa, một Chân Lý là Tình Yêu. Vì thế thánh Phaolô nhấn mạnh sự vâng lời của đức tin đối với Thiên Chúa, là Đấng đã vén mở mầu nhiệm của Người (Rm 16,26; x. 1,5; 2 Cr 10,5-6). Sự vâng lời của đức tin, như Công Đồng Chung Vaticăng II nói, là thái độ qua đó con người phó thác toàn thân cho Thiên Chúa bằng cách tự do dâng lên Thiên Chúa mặc khải sự quy phục hoàn toàn của lý trí và ý chí” (Dei Verbum, 5).

Tất cả những điều này đưa tới một sự thay đổi nền tảng và toàn diện kiểu tương quan với toàn thực tại; đây là một sự ”hoán cải” đích thực, một sự ”thay đổi tâm thức”, bởi vì Thiên Chúa, Đấng đã tự mặc khải nơi Đức Kitô và đã cho chúng ta biết chương trình tình yêu cứu độ của Người, nắm bắt chúng ta, lôi kéo chúng ta tới với Người, trở thành ý nghĩa nâng đỡ cuộc sống, đá tảng trên đó nó có thể tìm thấy sự ổn định. Trong Thánh Kinh Cựu Ước chúng ta tìm thấy một kiểu nói súc tích về đức tin, mà Thiên Chúa đã tín thác cho ngôn sứ Isaia để ông thông truyền cho Achaz, vua Giuđa. Thiên Chúa khẳng định rằng: ”Nếu các ngươi không tin, nghĩa là nếu các ngươi không trung thành với Thiên Chúa, các ngươi sẽ không đứng vững” (Is 7,9b).

Như thế có một mối dây giữa ”ở” và ”hiểu” diễn tả đúng đức tin là một tiếp nhận trong cuộc sống quan điểm của Thiên Chúa về thực tại, để cho Thiên Chúa hướng dẫn với Lời Người và các Bí Tích trong việc hiểu điều gì chúng ta phải làm, con đường nào chúng ta phải đi. Nhưng đồng thời chính là hiểu theo Thiên Chúa, theo ý muốn của Người, nhìn với đôi mắt của Người, là Đấng khiến cho cuộc sống được vững vàng, là Đấng cho phép chúng ta ”đứng vững”, không ngã.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Chào giới trẻ, các anh chị em đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha nói Mùa Vọng mới bắt đầu trong các ngày này nhận được ánh sáng từ gương sống rạng ngời của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm. Xin Mẹ thúc đẩy các bạn trẻ trên con đường tin nơi Chúa Kitô. Xin Mẹ nâng đỡ các anh chị em đau yếu canh tân niềm hy vọng. Và xin Mẹ hướng dẫn các đôi tân hôn trong việc xây dựng gia đình.

Sau cùng ngài cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vietvatican

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn nghệ sĩ các gánh xiệc

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn nghệ sĩ các gánh xiệc

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 khuyến khích các nghệ sĩ trong các gánh xiệc làm chứng về những giá trị và đức tính của nghề nghiệp, và nhất là đào sâu quan hệ với Chúa Kitô và trao tặng tha nhân tình bạn với Chúa.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 1 tháng 12-2012, dành cho 7 ngàn nghệ sĩ thuộc nhiều gánh xiệc tại 13 nước Âu Châu và cả Hoa Kỳ, tham dự cuộc hành hương Roma do Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và lưu động tổ chức nhân dịp Năm Đức Tin.

90 phút trước khi ĐTC đến Đại thính đường Phaolô 6, các nghệ sĩ đã có mặt và trình diễn nhiều màn nghệ thuật. Và khi ngài đến đây, ĐHY Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động đã đại diện mọi người chào mừng cũng như trình bày với ĐTC hoàn cảnh sống của các nghệ sĩ gánh xiệc. 3 đại diện của họ cũng trình bày chứng từ.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC ca ngợi hoạt động của dân xiệc, qua ngôn ngữ nghệ thuật đặc biệt, sự giải trí vui tươi và qua âm nhạc, họ khơi dậy những tâm tình thanh thản, vui tươi và hòa hợp cho tha nhân. ĐTC nói: ”Đi từ các đặc tính ấy và lối sống của mình, anh chị em được mời gọi làm chứng về những giá trị vốn thuộc về truyền thống của anh chị em, đó là lòng yêu mến gia đình, sự quan tâm ân cần đối với những người nhỏ bé, chú ý tới những người tật quyền, săn sóc bệnh nhân, đề cao giá trị của ngưới gia và gia sản kinh nghiệm của họ”.

ĐTC cũng nhắc đến ”những hy sinh, từ bỏ, kiên nhẫn, tinh thần trách nhiệm, lòng can đảm và quảng đại của những người làm nghề xiệc, những đức tính này xã hội ngày nay nhiều khi không biết quí chuộng, nhưng chúng đã góp phần hình thành bao nhiêu thế hệ trong đại gia đình của anh chị em.”

ĐTC đề cập đến những khó khăn của các tín hữu làm nghề xiệc trong việc sống đạo vì không ở một nơi nhất định, không thuộc về một cộng đồng giáo xứ một cách bền vững, cũng như không dễ dàng tham gia việc học giáo lý và phụng vụ. Ngài nói:

”Tôi cầu mong anh chị em có thể tìm thấy nơi những cộng đoàn giáo xứ nơi anh chị em dừng lại những người sẵn sàng gặp gỡ, đón tiếp và giúp đỡ anh chị em về những nhu cầu thiêng liêng. Anh chị em cũng đừng quên rằng gia đình là con đường đầu tiên để thông truyền đức tin, là Giáo Hội tại gia, được mời gọi làm cho tha nhân biết Chúa Giêsu và Tin Mừng của Chúa, cũng như giáo dục theo luật của Chúa.

ĐTC nhắc lại cho các nghệ sĩ các gánh xiệc điều ngài đã nói vào đầu triều đại giáo hoàng hồi năm 2005: ”Không có gì đẹp hơn là được Tin Mừng, được Chúa Kitô gặp gỡ và thu hút. Không có gì đẹp hơn là được biết Chúa và thông truyền cho tha nhân tình bạn với Chúa.. Chỉ trong tình bạn ấy mới thực sự nảy nở những tiềm năng lớn lao của thân phận con người. Chỉ trong tình bạn ấy chúng ta mới cảm nghiệm điều đẹp đẽ và điều giải thoát” (SD 1-12-2012)

G. Trần Đức Anh OP
 

Công bố thư bổ nhiệm ĐHY đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tại Đại hội FABC tại Xuân Lộc, Việt Nam

Công bố thư bổ nhiệm ĐHY đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tại Đại hội FABC tại Xuân Lộc, Việt Nam

VATICAN. Hôm 1 tháng 12-2012, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố thành phần Phái đoàn Tòa Thánh tham dự Đại Hội kỳ 10 của Liên HĐGM Á châu sẽ tiến hành từ ngày 11 đến 16-12 tới đây tại Xuân Lộc, Việt Nam, và thư bổ nhiệm ĐHY Đặc Sứ.

Phái đoàn Tòa Thánh do ĐHY Đặc Sứ Gaudencio Rosales, nguyên TGM giáo phận Manila, thủ đô Philippines, hướng dẫn và có 2 vị tháp tùng là Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, Phụ trách Đài Chân Lý Á châu với trụ sở tại Quezon City, Philippines, và LM Antonio Maralit, cha sở giáo xứ thánh Phanxicô đệ Salê, thuộc Tổng giáo phận Lipa, cũng tại Philippines.

Ngoài ra, thư ĐTC bổ nhiệm ĐHY Rosales làm đặc sứ của ngài cũng được công bố với nội dung như sau:

Mến gửi Hiền Đệ Đáng Kính Hồng Y Rosales Gaudencio,

nguyên TGM chính tòa Manila

Đề tài tái truyền giảng Tin Mừng mà Chúng Tôi muốn đề nghị với mọi tín hữu Kitô là điểm rất đặc thù trong triều đại Giáo Hoàng của Chúng Tôi và mang lại cơ hội đặc biệt cho toàn thể Giáo Hội để cứu xét cách thức chu toàn sứ mạng của mình một cách tốt đẹp hơn. Và Chúng Tôi nhận thấy các Giám Mục trên toàn thế giới đã bắt đầu làm mọi sự để kiện toàn việc loan truyền Tin Mừng và Chúng Tôi tháp tùng các hoạt động ấy bằng lời cầu nguyện.

Vì thế, với tâm tình hân hoan và biết ơn, Chúng Tôi được biết trong tháng 11 tới đây tại Việt Nam có đại hội kỳ 10 của Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu, một tổ chức được thành lập cách đây 40 năm, trong Đại Hội đó các vị Chủ Chăn sẽ bàn về ”việc rao giảng Tin Mừng, hội nhập văn hóa, đối thoại tại Á châu”, cứu xét hành trình thiêng liêng của các dân tộc thuộc đại lục này đưới các khía cạnh khác nhau.

Vì đây là một biến cố rất quan trọng, nên các Hiền Đệ đáng kính của Chúng Tôi, Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, TGM giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh, và Hồng Y Osvald Gracias, TGM Bombay và cũng là Tổng thư ký Liên HĐGM Á châu, đã tha thiết thỉnh cầu Chúng Tôi bổ nhiệm một Hồng Y trổi vượt đến tham dự Đại Hội ấy và trình bày những huấn dụ thiêng liêng. Rất vui lòng chấp nhận những lời thỉnh cầu ấy, Chúng Tôi nghĩ đến Hiền Đệ là người con rất nổi bật của Philippines, vốn quan tâm theo dõi các vấn đề của Á châu. Và với thư này, Chúng Tôi bổ nhiệm Hiền Đệ làm Đặc Sứ của Chúng Tôi tại Đại hội kỳ 10 của Liên HĐGM Á châu, sẽ tiến hành từ ngày 11 đến 16 tháng 12 tới đây tại Trung Tâm Mục Vụ của Giáo phận Xuân Lộc và sẽ kết thúc trọng thể tại Nhà thờ chính tòa Tổng giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh.

Trong tư cách là đại diện của Chúng Tôi, Hiền Đệ hãy bày tỏ lòng thương mến của chúng tôi đối với các vị Chủ Chăn và các tín hữu quí mến của Á Châu, nhắn nhủ mọi người hãy chuyên cần hơn trong việc noi gương Chúa Kitô: bởi vì cần chứng tỏ bằng những năng lực và lòng hăng say mới mẻ lòng yêu mến đặc biệt đối với Chúa Kitô, Giáo Hội và Tin Mừng, và với đức tin nồng nhiệt, phổ biến nền văn hóa nhân bản và chuyên cần theo đuổi cuộc đối thoại giữa các dân tộc. Hiền Đệ Đáng Kính, Chúng Tôi sẽ tháp tùng Hiền Đệ bằng lời cầu nguyện trong khi Hiền Đệ thi hành sứ mạng. Sau cùng Chúng Tôi vui lòng ban Phép Lành Tòa Thánh cho Hiền Đệ như dấu chỉ lòng từ ái của Chúng Tôi đối với Hiền Đệ và bảo chứng các thiên ân, Phép Lành này Hiền Đệ chuyển lại cho mọi người tham dự Đại Hội.

Từ Điện Vatican ngày 24 tháng 10 năm 2012, Năm Thứ 8 triều đại Giáo Hoàng của Chúng Tôi.

ký tên: Biển Đức 16 Giáo Hoàng

G. Trần Đức Anh OP chuyển ý
 

Đức Thánh Cha phê bình những trào lưu làm biến thái các quyền con người

Đức Thánh Cha phê bình những trào lưu làm biến thái các quyền con người

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 phê bình những trào lưu hạ giá con người và làm biến thái các quyền con người.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 3 tháng 12-2012, dành cho 40 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh công lý và hòa bình đang tiến hành tại Roma từ ngày 3 đến 5-12-2012 này dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Peter Turkson, người Ghana.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC đề cao giáo huấn xã hội của Hội Thánh như là một điều thuộc về sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội và vì thế cũng cần phải coi trọng đạo lý này đối với công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng. Ngài nói: ”Khi đón nhận Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người trong đời sống bản thân, và cả trong các quan hệ xã hội, chúng ta trở thành những người mang một nhân sinh quan cũng như quan niệm về phẩm giá, tự do, đặc tính liên chủ thể của con người, được ghi đậm với chiều kích siêu việt theo chiều ngang cũng như chiều dọc… Nền tảng và ý nghĩa của các quyền lợi của con người cũng tùy thuộc một nền nhân loại học toàn diện.”

ĐTC giải thích rằng, trong viễn tượng đó, ”các quyền lợi và nghĩa vụ của con người không phải chỉ có một nền tảng duy nhất là ý thức xã hội của các dân tộc, nhưng trước tiên chúng tùy thuộc luật luân lý tự nhiên, được Thiên Chúa ghi khắc trong lương tâm mỗi người, vì thế xét cho cùng, chúng tùy thuộc sự thật về con người và về xã hội”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cũng nhận xét rằng tuy việc bảo vệ các quyền con người đã đạt được những tiến bộ lớn trong thời đại ngày nay, nhưng nền văn hóa hiện thời, chịu ảnh hưởng của cá nhân chủ nghĩa duy lợi ích và một thứ chủ thuyết duy kinh tế do các chuyên gia điều khiển; chúng có xu hướng làm giảm giá trị con người. Con người được quan niệm như một hữu thể ”lỏng” (fluido), không có thực chất trường kỳ. Tuy con người chìm đắm trong một mạng vô biên các quan hệ và thông tin, nhưng điều nghịch lý là con người ngày nay là một hữu thể bị cô lập, lẻ loi, vì dửng dưng đối với quan hệ cấu thành hữu thể người, vốn là căn cội của mọi quan hệ khác, quan hệ cấu thành ấy là quan hệ với Thiên Chúa. Con người ngày nay chủ yếu chỉ được xét dưới khía cạnh sinh học hoặc như một ”tư bản nhân sự”, một ”nguồn lực” trong một hệ thống sản xuất và tài chánh đứng trên nó.”

Trong chiều hướng đó, ĐTC tố giác rằng ”Một đàng ngừơi ta tiếp tục tuyên xưng phẩm giá con người, nhưng đàng khác, các ý thức hệ mới – như ý thức hệ duy lạc thú và ích kỷ về các quyền tính dục và quyền sinh sản, hoặc ý thức hệ của một chủ thuyết duy tư bản tài chánh luật rừng, đè nặng trên chính trị và làm biến thái cơ cấu kinh tế thực sự. Chúng góp phần coi công nhân viên và lao công của họ như những thiện ích hạng nhỏ, và làm băng hoại những nền tảng tự nhiên của xã hội như gia đình”.

Sau cùng, ĐTC cổ võ lập trường đã được Đức chân phước Giáo Hoàng Gioan 23 đề ra, đề nghị thành lập một thẩm quyền quốc tế trong lãnh vực kinh tế, kiến tạo một cộng đồng thế giới, với một thẩm quyền tương ứng, được hướng dẫn nhờ tình thương yêu đối với công ích của gia đình nhân loại”.

Vấn đề này cũng là chủ đề khóa họp hiện nay của Hội Đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Trong số các tham dự viên có có 6 HY, 6 GM và 8 giáo dân thành viên của Hội đồng.

Trong ngày họp đầu tiên các tham dự viên đã nghe Đức Cha Mario Toso, dòng Don Bosco, tường trình về hoạt động của Hội đồng trong thời gian qua.

Trong những ngày kế tiếp, các tham dự viên đặc biệt bàn về đề tài quyền bính chính trị và quyền tài phán hoàn cầu trong viễn tượng kinh tế. Đây là điều các vị Giáo Hoàng gần đây vẫn cổ võ (SD 3-12-2012)

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican
 

Sự Hiện Diện Của Đức Thánh Cha Trên Twitter

Sự Hiện Diện Của Đức Thánh Cha Trên Twitter

VATICAN. Vào sáng 3 tháng 12, tại Hội trường Gioan Phaolo II đã diễn ra một cuộc họp báo để minh hoạ cho sự hiện diện của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trên Twitter. Trong buổi họp báo này có sự hiện diện của Đức Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, Đức Giám Mục Paul Tighe, thư ký của hội đồng này, Linh Mục Federico Lombardi, Dòng Tên, Giám Đốc Văn Phòng Truyền Thông Tòa Thánh, Radio Vatican và Trung Tâm Truyền Hình Vatican, và ông Gian Maria Vian, giám đốc Nhật Báo L’Osservatore Romano của Vatican.

Sự hiện diện của Đức Thánh Cha trên Twitter là một sự diễn tả cụ thể về sự xác tín của Giáo hội vào lĩnh vực kỹ thuật số. Điều này là dễ hiểu vì Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã nhiều lần phản tỉnh về tầm quan trọng của không gian văn hóa mới này. Trong sứ điệp nhân ngày Thế Giới Truyền Thông năm 2009, ĐTC đã nói về sự cần thiết của việc truyền giảng Tin Mừng trong thế giới kỹ thuật số đồng thời ngài mời gọi các bạn trẻ hãy giới thiệu vào môi trường văn hóa mới này, văn hóa truyền thông và kỹ thuật thông tin những giá trị mà chúng ta có thể xây dựng đời sống mình trên đó.

Năm 2010, trong sứ điệp của mình, ngài mời gọi các linh mục hãy xem xét những khả thể trong việc chia sẻ Lời Chúa thông qua các phương tiện truyền thông mới. Ngài nói: “Những phương tiện truyền thông hiện đại cung cấp cho họ những khả năng mục vụ vươn xa và mới mẻ luôn mãi, khích lệ họ trở thành hiện thân của sứ mạng phổ quát của Giáo Hội, để xây dựng tình bằng hữu đích thực bao la, và làm chứng rằng: trong thế giới hôm nay, một cuộc sống mới đã nảy sinh nhờ việc lắng nghe Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng là Chúa Con muôn thuở đã đến giữa chúng ta để cứu độ chúng ta.”

Trong sứ điệp năm 2011, ngài khẳng định rằng: “Trang web đóng góp vào sự phát triển của những hình thức mới mẻ và phức tạp hơn của nhận thức trí tuệ và tâm linh, của xác tín chia sẻ. Ngay cả trong phạm vi này, chúng ta được mời gọi loan báo đức tin của chúng ta rằng Chúa Kitô là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ con người và lịch sử. Đấng mà trong Ngài mọi sự tìm thấy sự thành toàn của mình (x. Êph 1, 10).” Trong Sứ điệp năm nay, Đức Thánh Cha thậm chí còn nói rõ ràng hơn: “Phải chú ý đến nhiều loại trang web, các ứng dụng và mạng xã hội khác nhau có thể giúp con người ngày nay biết sống suy tư và đặt những câu hỏi đích thực, nhưng cũng giúp họ tìm được những không gian thinh lặng, các dịp để cầu nguyện, suy niệm hay chia sẻ Lời Chúa. Với tính chất của những tin nhắn ngắn gọn, thường không dài hơn một câu Thánh Kinh, người ta có thể diễn tả những tư tưởng sâu sắc, miễn là đừng bỏ bê việc chăm sóc đời sống nội tâm mình.

Sự hiện diện của ĐTC trên Twitter có thể được xem như là sự khởi đầu của sự hiện diện của Giáo hội trên hình thức truyền thông mới này. Giáo hội đã hiện diện rất đa dạng trên các mạng truyền thông xã hội. Từ các hình thức ban đầu như các trang mạng chính thức của các tổ chức và các cộng đoàn đến các trang cá nhân như blog, các blog của các giáo xứ, các trang cá nhân của các tín hữu. Sự hiện diện của Đức Thánh Cha trên Twitter là một sự xác nhận về những nỗ lực của Giáo hội để đảm bảo Tin Mừng của Chúa Giê-su và giáo huấn của Giáo hội được thấm nhuần nơi các diễn đàn trao đổi và đối thoại diễn ra rất phong phú trên các mạng truyền thông. Sự hiện diện của ngài được xem như là một khích lệ lớn dành cho toàn thể các tổ chức Giáo hội cũng như cộng đoàn dân Chúa lưu tâm để phát triển một khuôn mặt (profile) thích hợp cho chính họ và những xác tín của họ trong thế giới kỹ thuật số. Tweets của Đức Thánh Cha luôn sẵn sàng đón nhận những chia sẻ và thảo luận của những người tin cũng như không tin. Hy vọng những thông điệp ngắn của Đức Thánh Cha, và cả những thông điệp đầy đủ hơn có thể tìm thấy trên mạng, sẽ gợi hứng cho những con người đến từ các quốc gia, ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Đáp lại, những vấn nạn này giúp cho các Giáo hội và các tín hữu địa phương, những người ở vị trí rất thuận lợi có thể trả lời, và quan trọng hơn là để họ có thể gần gũi với những con người nêu lên vấn nạn. Tuy nhiên, giữa sự phức tạp và đa dạng của thế giới truyền thông, nhiều người thấy chính mình phải đối diện với những câu hỏi tối hậu về sự hiện hữu của con người: Tôi là ai? Tôi có thể biết gì? Tôi nên làm gì? Tôi hy vọng gì? Thật quan trọng để đón nhận những con người nêu lên những vấn nạn như thế và mở ra một khả thể cho một cuộc đối thoại sâu sắc” (Sứ điệp ngày thế giới truyền thông, 2012).

Thách đố cho giáo hội trong lĩnh vực truyền thông là làm sao để thiết lập một mạng lưới và một sự hiện diện mang tính chất dẫn dụ có thể dấn thân một cách hiệu quả vào các cuộc thảo luận, tranh luận và đối thoại vốn diễn ra thuận lợi hơn nhờ truyền thông xã hội và mang tính chất trực tiếp, cá nhân và tức thời, những cách thế trả lời vốn không dễ đạt được bởi các tổ chức tập trung. Hơn nữa, một mạng lưới xã hội và một cấu trúc mang tính dẫn dụ như thế cũng phản ánh một chân lý về Giáo hội, Giáo hội là một cộng đoàn của các cộng đoàn, vừa mang tính hoàn vũ nhưng cũng mang đậm tính chất địa phương. Sự hiện diện của Đức Thánh Cha trên Twitter sẽ tượng trưng cho tiếng nói của ngài như là một tiếng nói hiệp nhất và là tiếng nói của vị lãnh đạo của Giáo hội. Tuy nhiên, sự hiện diện này cũng được xem như một lời mời gọi mạnh mẽ dành cho mọi tín hữu diễn tả “tiếng nói” của chính mình, và cùng với những người tín hữu khác và những người bạn khác chia sẻ niềm hy vọng của Tin Mừng. Vì Tin Mừng chính là tiếng nói của tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người.

Ngoài việc dấn thân trực tiếp với những chấn vấn, những cuộc thảo luận và các cuộc tranh luận, Giáo hội cũng nhận ra tầm quan trọng của các mạng truyền thông mới như là một môi trường cho phép truyền giảng các chân lý mà Thiên Chúa đã thông truyền cho Giáo hội của Ngài. Nó cũng là môi trường thuận lợi để lắng nghe người khác, học biết về các mối quan tâm và bận tâm của họ, đồng thời hiểu họ là ai và trao ban cho họ điều mà họ đang tìm kiếm. “Khi những thông điệp và thông tin quá phong phú, thinh lặng trở nên điều thiết yếu nếu chúng ta muốn nhận ra điều gì là quan trọng giữa những điều không quan trọng và thứ yếu. Sự phản tỉnh sâu xa giúp chúng ta khám phá ra những mối liên hệ giữa các sự kiện mà mới thoạt nhìn dường như không có liên hệ gì với nhau, nhờ đó chúng ta có thể làm những lượng giá và phân tích các sứ điệp”( Sứ điệp năm 2012).

Chính vì lý do này mà Đức Thánh Cha đã quyết định hiện diện trên kênh Twitter với những câu hỏi và những câu trả lời chính thức. Sự kiện này cũng cho thấy mối quan tâm sâu xa của Giáo hội dành cho việc lắng nghe tiếng nói, các cuộc đối thoại và những khuynh hướng của thời đại. Vì đây chính là nơi diễn tả mối bận tâm và hy vọng của con người thời đại một cách bộc phát và mạnh mẽ nhất.

RadioVatican
Nguyễn Minh Triệu sj

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến Học Viện Công Giáo Anh quốc ở Roma

Đức Thánh Cha tiếp kiến Học Viện Công Giáo Anh quốc ở Roma

ROMA. Sáng 3 tháng 12-2012, ĐTC đã tiếp kiến 70 LM và chủng sinh, giáo sư và sinh viên thuộc Học viện Công Giáo Anh quốc ở Rom. Ngài khích lệ các linh mục sinh viên trường này hăng say đáp ứng khát vọng thiêng liên của dân chúng.

Hiện diện trong buổi tiếp kiến có một số GM Anh quốc, đứng đầu là ĐHY Cormac Murphy-O'Connor nguyên TGM Westinster, và Đức Cha Vincent Nichols, đương kim TGM giáo phận này.

ĐTC đặc biệt nhắc đến quá khứ oai hùng của học viện Công Giáo Anh quốc ở Roma, trong hơn 4 thế kỷ qua kể từ khi được thành lập hồi năm 1576. 44 cựu sinh viên của trường này đã chịu tử đạo trong thời ly giáo tại Anh, trong đó 41 vị đã được phong thánh hoặc chân phước. Nếu tính từ khi Học viện này là một nhà đón tiếp các khách hành hương người Anh tại Roma thì có từ 650 năm nay.

ĐTC nói với các chủng sinh và linh mục Anh quốc rằng: ”Khi tôi viếng thăm Anh quốc, tôi thấy rằng có một sự đói khát tinh thần rất mạnh nơi dân chúng. Các con hãy mang lại cho họ lương thực đến từ sự nhận biết, yêu mến và phụng sự Chúa Kitô. Hãy nói với họ về sự thật của Tin Mừng với tình yêu thương. Hãy cống hiến cho họ nước hằng sống của đức tin Kitô và chỉ cho họ thấy bánh sự sống, để sự đói khát của họ được thỏa mãn. Nhất là hãy để cho ánh sáng của Chúa Kitô chiếu tỏa qua các con bằng cách sống một đời sống thánh thiện, theo vết của nhiều vị đại thánh của Anh quốc và miền Wales, những người nam nữ thánh thiện đã làm chứng cho tình yêu Chúa Kitô, đến độ hy sinh mạng sống mình” (SD 3-12-2012)

G. Trần Đức Anh OP

 

LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU CHÚA GIỮA LÒNG THẾ GIỚI

LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU CHÚA GIỮA LÒNG THẾ GIỚI

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu trưa Chúa nhật 2 tháng -12-2012, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa và sống tình yêu thương của Ngài giữa một thế giới đầy xáo trộn và bị bao phủ bởi thái độ dửng dưng và chủ nghĩa vật chất.

Trong bầu khí thiêng liêng của Chúa Nhật I Mùa Vọng, hàng ngàn tín hữu hành hương tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài giải thích về ý nghĩa của Mùa Vọng, đó là một thái độ sẵn sàng chờ Chúa đến. Ngoài ra, ngài cũng diễn giải về ý nghĩa bài Tin Mừng Chúa nhật I Mùa vọng hôm qua. ĐTC nói:

Anh chị em thân mến!

Hôm nay Giáo Hội chính thức bước vào một Năm Phụng Vụ mới, một hành trình mới được làm giầu liên tục với Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II. Mùa đầu tiên của Năm Phụng Vụ chính là Mùa Vọng. Theo Nghi Lễ Rôma, Mùa Vọng kéo dài suốt 04 tuần trước Lễ Chúa Giáng Sinh, là mầu nhiệm Nhập Thể Con Thiên Chúa làm người. Từ ngữ “vọng” (Advent) có nghĩa là “đang đến” hoặc “hiện diện”. Trong thế giới thời cổ, tiếng “Advent” dùng để chỉ về cuộc kinh lý của vị vua hoặc vị hoàng đế đến một tỉnh, hoặc vùng nào đó trong vương quốc của mình.

Trong ngôn ngữ Kitô giáo, từ “Advent” đề cập đến việc Chúa đến, và sự hiện diện của Ngài giữa lòng thế giới. Đó là một mầu nhiệm bao trùm toàn thể vũ trụ và lịch sử, mà cũng là một mầu nhiệm với hai khoảnh khắc nổi bật được biết đến, đó là cuộc giáng trần lần thứ nhất và cuộc quang lâm, nghĩa là cuộc ngự đến lần thứ hai của Chúa Giê-su. Cuộc ngự đến lần thứ nhất đích thực nói đến Mầu Nhiệm Nhập Thể, cuộc ngự đến lần thứ hai chính là cuộc trở lại trong vinh quang vào thời thế mạc. Hai khoảnh khắc này cách biệt nhau theo trật tự thời gian mà giữa chúng cách nhau bao lâu thì chúng ta không được biết. Tự nơi thẳm sâu hai khoảnh khắc ấy chạm vào nhau, bởi lẽ với cuộc tử nạn và phục sinh, Chúa Giê-su đã thực thi cuộc biến đổi ấy cho con người, và cho vũ trụ này. Cuộc biến đổi ấy chính là cùng đích tối hậu của tạo vật. Nhưng trước khi đạt đến điểm chung cuộc ấy, thì cần hoàn tất việc Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Đức Ki-tô (x. 1 Cr 15, 25 ; Tv 110, 1). Kế hoạch cứu độ này của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn hành động, đòi hỏi sự dấn thân vô vị lợi và sự cộng tác của con người cách liên tục. Ví như vị hôn thê của Chiên Thiên Chúa, Đấng đã bị đóng đinh và đã sống lại (x. Kh 21, 9), Giáo Hội đang sống trong nỗi nhớ Chúa và trong niềm mong chờ cuộc trở lại của Ngài, một cuộc mong chờ với niềm hy vọng tỉnh thức và hoạt động.

Tiếp theo, khi diễn giải về Lời Chúa được đọc trong Chúa Nhật I Mùa Vọng, Ngài nhắc nhở các tín hữu thái độ cần phải có trong Mùa Vọng. Ngài nói:Lời Chúa hôm nay vạch ra cho chúng ta thái độ cần phải có để sẵn sàng đón chờ Chúa đến. Trong Tin Mừng Luca, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, …Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn" (Lc 21,34.36). Do đó, hãy sống tiết độ và hãy cầu nguyện luôn! Thánh Phaolô tông đồ cũng ước mong cho “tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết” để “anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách” (xem 1Tx 3,12-13). Dẫu sống trong một thế giới với nhiều biến động, hay giữa những sa mạc của sự dửng dưng và chủ nghĩa vật chất, các Ki-tô hữu được mời gọi để lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa và làm chứng cho Ngài ngang qua đời sống của mình, như một thành phố xin đẹp sừng sững trên một ngọn núi cao. Như ngôn sứ Giê-rê-mi-a công bố: “Trong những ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Giê-ru-sa-lem sẽ an cư lạc nghiệp. Ðây là tên người ta sẽ đặt cho thành: "Ðức Chúa là-sự-công-chính-của-chúng-ta!" (Gr 33,16). Cộng đoàn các Ki-tô hữu là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, của sự công bình vốn đã hiện diện trong dòng lịch sử dù chưa được nhận ra một cách trọn vẹn, và vì thế luôn mong chờ, cầu khẩn, tìm kiếm với lòng kiên nhẫn và can đảm.
Đức Trinh Nữ Maria chính là mẫu gương trọn hảo về việc sống tinh thần Mùa Vọng. Mẹ đã lắng nghe lời Thiên Chúa, với một khao khát sâu thẳm thực thi thánh ý Ngài và Mẹ cũng phục vụ tha nhân trong vui tươi.

Sau bài Angelus, Đức Thánh Cha cũng gửi lời thăm hỏi đến các thành phần tham dự, ngài nói:

Anh chị em thân mến!

Hôm nay, tại Kotta ở Ấn Độ, chúng ta vui mừng vì có thêm một vị Chân phước mới, anh Devasahayam Pillai, một tín hữu đã sống vào thế kỷ 18 và đã chịu tử đạo. Chúng ta cùng chia vui với Giáo hội Ấn Độ và cầu nguyện cùng vị tân chân phước này, xin ngài gìn giữ các Ki-tô hữu tại đất nước rộng lớn này.

Gửi lời đến Ngày Quốc Tế người khuyết tật diễn ra vào ngày hôm nay, ngài nói: Mỗi người, bất chấp những giới hạn về thể lý và tâm lý vẫn mang nơi mình một giá trị không thể thay thế. Tôi khích lệ các cộng đoàn Giáo hội hãy đón nhận những anh chị em này. Đồng thời tôi ước mong những nhà làm luật và các chính phủ hãy bảo vệ những anh chị em này và giúp họ tham dự một cách trọn vẹn vào đời sống cộng đồng.

Cuối cùng, trong tiếng Anh, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng cầu nguyện. “Tôi đặc biệt gửi lời chúc mừng đến những người dân ở vùng Kottar đang mừng lễ phong chân phước cho anh Devasahayam Pillai hôm nay. Đời sống chứng tá của anh về Đức Ki-tô là một mẫu gương sống động nhắc nhớ chúng ta về thái độ tỉnh thức chờ Chúa, một thái độ được nhắc đến trong thánh lễ Chúa Nhật I Mùa Vọng hôm nay. Ước mong thời gian thánh này sẽ giúp chúng ta gắn bó với Đức Kitô nhiều hơn.

Nguyện xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

Nguyễn Minh Triệu sj

 

 

 

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều I khai mạc Mùa Vọng

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều I khai mạc Mùa Vọng

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các sinh viên đại học làm chứng cho các bạn đồng môn về sự gần gũi của Thiên Chúa với con người.

Đó là nội dung bài giảng của ĐTC trong buổi hát kinh chiều I Chúa nhật thứ I mùa Vọng lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ bẩy 1 tháng 12-2012 tại Đền thờ Thánh Phêrô với 9 ngàn sinh viên các đại học đạo và đời ở Roma, cùng với nhiều tín hữu nhân dịp khai mạc niên học mới.

Hiện diện tại buổi hát kinh cũng có ĐHY Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo Zenon Grocholewski và ĐHY Vallini Giám quản Roma, 20 HY và nhiều GM khác cũng như Bộ trưởng nghiên cứu và đại học của Italia cùng với các giáo sư viện trưởng.

Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, ĐTC quảng diễn về lòng trung tín của Thiên Chúa với Dân Chúa, mặc dù dân này nhiều lần bất trung. ”Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi sự trở về của con người trong tự do và chú ý đến phẩm giá cũng như những mong đợi sâu xa nhất của họ. Thiên Chúa không khép mình trên Trời Cao, nhưng Ngài cúi xuống, quan tâm đến những thăng trầm của con người. Đó là một mầu nhiệm lớn lao, vượt lên trên mọi mong đợi của con người.”

Trong bối cảnh đó, ĐTC nói: ”Các bạn được tháp nhập vào một cộng đoàn đại học đông đảo ở Roma, trong đó có thể tiến bước trong kinh nguyện, trong việc nghiên cứu, đối chiếu và trong việc làm chứng cho Tin Mừng. Đó là một hồng ân quí giá cho đời sống các bạn; các bạn hãy biết coi điều đó như một dấu chỉ lòng trung tín của Thiên Chúa, Đấng ban cho các bạn những cơ hội để làm cho cuộc sống của các bạn phù hợp với cuộc sống của Chúa Kitô để cho mình được Chúa thánh hóa cho đến mức độ thiện toàn (Xc 1 Ts 5,23).

Sau kinh chiều, ảnh Đức Mẹ là Tòa Đấng Khôn Ngoan đã được đại diện các sinh viên Roma trao cho phái đoàn các sinh viên thuộc thành phố Belo Horizonte, bên Brazil, để chuẩn bị Ngày Quốc Tế giới trẻ sẽ tiến hành từ ngày 23 đến 28 tháng 7 năm 2013 tại thành phố Rio de Janeiro. (SD 1-12-2012)

G. Trần Đức Anh OP
– Vietvatican

Đức Thánh Cha tiếp kiến 6 tân Hồng Y và thân nhân

Đức Thánh Cha tiếp kiến 6 tân Hồng Y và thân nhân

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 tái kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho các tân Hồng Y và ngài cũng mời gọi các tân Hồng y cầu nguyện và trợ giúp ngài.

ĐTC đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 26 tháng 11-2012 dành cho 6 tân Hồng Y, thân nhân, tín hữu của các vị. Tổng cộng khoảng 2 ngàn người tại Đại thính đường Phaolô 6 ở Nội thành Vatican.

Ngài khẳng định rằng ”Hồng y đoàn có nguồn gốc gắn liền với hàng giáo sĩ xưa kia của Giáo Hội Roma, có nhiệm vụ bầu người kế vị Thánh Phêrô và cố vấn cho Người trong những vấn đề quan trọng. Dù thi hành nhiệm vụ trong giáo triều Roma hay trong sứ vụ tại các Giáo Hội địa phương trên thế giới, các HY đều được kêu gọi đặc biệt chia sẻ với ĐGH mối quan tâm đối với Giáo Hội hoàn vũ. Màu áo đỏ của các vị theo truyền thống vẫn được coi như dấu chỉ sự quyết tâm của các HY bảo vệ đoàn chiên của Chúa Kitô kể cả đến độ đổ màu đào… Tôi tin rằng các HY sẽ được anh chị em cầu nguyện và hỗ trợ trong lúc các vị cùng với ĐGH thăng tiến khắp nơi trên thế giới sự thánh thiện, tình hiệp thông và an bình của Giáo Hội”.

Trong lời chào bằng tiếng Pháp dành cho các tín hữu Công Giáo Liban tháp tùng ĐHY Thượng Phụ Boutros Rai, ĐTC cho biết qua việc trao phẩm tước Hồng y cho Đức Thượng Phụ ngài muốn đặc biệt khích lệ cuộc sốg nvà sự hiện diện của các tín hữu Kitô tại Trung Đông, nơi mà họ phải được sống đức tin một cách tự do, và một lần nữa, tôi cũng tha thiết kêu gọi hòa bình cho vùng Trung Đông. Giáo Hội khuyến khích mọi nỗ lực để kiến tạo hòa bình trên thế giới và tại Trung Đông, một nền hòa bình chỉ thực sự hữu hiệu nếu dựa trên sự tôn trọng chân thành đối với tha nhân.”

Sau cùng, với các tân HY, ĐTC nói: ”Trong khi lập lại những lời cầu chúc nồng nhiệt nhất với mỗi người anh em, tôi tín thác nơi lời cầu nguyện nâng đỡ cũng như sự trợ giúp quí giá của anh em. Anh em hãy tín thác và can đảm tiếp tục sứ mạng thiêng liêng và tông đồ của anh em, trong khi chăm chú ngắm nhìn Chúa Kitô, và củng cố tình yêu của anh em đối với Giáo Hội của Chúa”.

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC đã bắt tay 6 vị Hồng y với cùng với thân nhân ruột thịt gần nhất, mỗi vị được 4 hoặc 5 người. (SD 26-11-2012)

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Cha Bề trên Tổng quyền dòng Phanxicô, Tân Chủ tịch Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam

Cha Bề trên Tổng quyền dòng Phanxicô, Tân Chủ tịch Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam

ROMA. Cha José Rodriguéz Carballo, Bề trên tổng quyền dòng Phanxicô (OFM), đã được bầu làm tân Chủ tịch Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam, kế nhiệm cha Pascual Chávez Villanueva, Bề trên tổng quyền dòng Don Bosco.

Cha Rodriguéz Carballo đã được bầu lên trong đại hội bán niên thứ 80 của Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam, nhóm tại Roma từ ngày 21 đến 23 tháng 11 vừa qua. Hiệp hội này có trụ sở pháp lý ở Vatican và qui tụ các Bề trên Tổng Quyền của gần 200 dòng thành viên.

Cha Rodriguéz năm nay 59 tuổi (1953), sinh trưởng tại miền Galizia Tây Ban Nha, từ 9 năm nay là Bề trên Tổng quyền dòng Anh em Hèn Mọn Phanxicô.

Lên tiếng sau khi đắc cử, Cha Rodriguéz nhận định rằng đời sống thánh hiến ngày nay phải theo đuổi các mục tiêu: để cho mình được rao giảng Tin Mừng để có thể loan báo Tin Mừng cho tha nhân, tìm kiếm Thiên Chúa trên hết mọi sự, đứng về phía người nghèo, nghiêm túc để ý đến những thách đố đang nảy sinh từ môi sinh học, bảo vệ cac quyền con người, công lý và hòa bình.

Khóa họp thứ 80 vừa qua của Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng Nam đã bàn về Thượng HĐGM thế giới mới kết thúc, với lời kêu gọi tha thiết các tu sĩ dấn thân tăng cường tình hiệp thông và canh tân chứng tá Kitô.
ĐHY João Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ các dòng tu, đã chủ sự thánh lễ trong ngày họp đầu tiên với các Bề trên và đã mời gọi các vị làm sao để gia tăng tình hiệp thông với nhau và trong Giáo Hội.

Trong những ngày họp, các bề trên cũng bàn về cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh, và ảnh hưởng của chúng trên hoạt động của các dòng tu (Oss. Rom 24.11.2012)

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ với 6 tân Hồng Y

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ với 6 tân Hồng Y

VATICAN. Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ đồng tế với 6 tân Hồng Y mới được ngài tấn phong và mời gọi các vị dành ưu tiên cho Thiên Chúa và Nước Chúa trước những lợi lộc trần thế.

Thánh lễ mừng kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ diễn ra lúc 9.30 sáng chúa nhật 25 tháng 11-2012 tại Đền Thờ Thánh Phêrô trước sự hiện diện của 8 ngàn người, trong đó có 50 HY và 40 GM, cùng với 4 phái đoàn chính thức từ Liban, Philippines, Nigeria và Ấn độ, nhiều vị đại sứ, thân nhân, tín hữu thuộc hai Giáo Hội Công Giáo Đông phương: Maronite Liban và Siro Malankara Ấn độ cũng như từ các giáo phận của các tân Hồng Y.

18 thầy giúp lễ là các đại chủng sinh trường Truyền giáo và đặc biệt trong số các phó tế, cũng có một thầy người Việt là Giuse Nguyễn Công Khương thuộc giáo phận Thanh Hóa.

Đảm nhận phần thánh ca trong buổi lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có ca đoàn Mẹ Giáo Hội (Mater Ecclesiae) gồm 80 ca viên, và Ca đoàn Học Viện Giáo Hoàng về thánh nhạc gồm 50 ca viên.

Sau khi ĐTC xông hương bàn thờ và an tọa, ĐHY James Michael Harvey người Mỹ, tân giám quản Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, đã đại diện các Hồng y mới cám ơn ĐTC đã bổ nhiệm các vị làm Hồng y. Ngài cũng đặc biệt cám ơn Ngài vì các hoạt động giáo huấn, từ những nghiên cứu thần học trước đây cho đến các huấn dụ gần đây. ĐHY Harvey kết luận với quyết tâm cùng với ĐGH tham gia vào công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng: ”Khi đón nhận từ tay ĐTC vinh dự của tước vị Hồng Y, chúng con quyết tâm trở thành những người kiên trì thực hiện công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng trong tinh thần trách nhiệm, với sự nâng đỡ của ơn thánh Chúa”.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng sau bài Tin Mừng, ĐTC nói:

”Lễ trọng kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ kết thúc năm phụng vụ được phong phú thêm qua sự đón nhận vào Hồng y đoàn 6 thành viên mới. Theo truyền thống, tôi đã mời các vị đồng tế thánh lễ với tôi sáng hôm nay. Tôi xin gửi đến mỗi vị lời chào thân ái nhất và cám ơn ĐHY James Michael Harvey vì những lời chào mừng nhân danh tất cả.
Tiếp đến, ĐTC đã dựa vào các bài đọc của ngày lễ để giải thích ý nghĩa vương quyền của Chúa Kitô. Ngài nói: ”Khi trả lời câu chất vấn của quan Philatô ”Ông có phải là vua người Do thái không?” (Ga 18,33), Chúa Giêsu minh định bản chất Vương quốc và chính sứ mạng cứu thế của Người, không phải là quyền lực trần thế, nhưng là tình yêu thương phục vụ. Chúa khẳng định rằng không được lẫn lộn nước của Ngừơi với bất kỳ vương quốc chính trị nào. ”Nước của tôi không thuộc về thế gian này.. không thuộc trần thế” (v.36).

ĐTC nói: ”Rõ ràng là Chúa Giêsu không có một tham vọng chính trị nào. Sau khi Chúa hóa bánh ra nhiều, dân chúng phấn khởi vì phép lạ, muốn tôn Người làm vua, để lật độ quyền lực của người La Mã và thiết lập một vương quốc chính trị mới, sẽ được coi như Nước Thiên Chúa hằng được mong chờ. Nhưng Chúa Giêsu biết rằng Nước Thiên Chúa hoàn toàn khác hẳn, không dựa trên võ khí và bạo lực. Và chính việc hóa bánh ra nhiều, một đàng trở thành dấu chỉ sứ mạng cứu thế của Ngừơi, nhưng đàng khác là một lằn ranh trong hoạt động của Người: từ lúc đó, hành trình hướng về Thập Giá ngày càng trở nên rõ ràng hơn; tại đó trong cử chỉ yêu thương tột cùng, Nước Thiên Chúa, nước hứa, sẽ chiếu sáng rạng ngời. Nhưng đám đông dân chúng không hiểu, họ thất vọng, và Chúa Giêsu rút lên núi một mình để cầu nguyện (Xc Ga 6,1-15). Trong trình thuật về cuộc khổ nạn, chúng ta cũng thấy các môn đệ, tuy cùng chia sẻ cuộc sống với Chúa Giêsu và lắng nghe lời Người, nhưng họ nghĩ đến một vương quốc chính trị, được thiết lập nhờ võ lực. Trong vườn Giệtsimani, Phêrô đã rút gươm khỏi vỏ và bắt đầu chiến đấu, nhưng Chúa Giêsu đã chặn ông lại (Xc Ga 18,10-11). Người không muốn được bảo vệ bằng võ khí, nhưng muốn chu toàn thánh ý Chúa Cha cho đến cùng và thiết lập vương quốc của Người, không phải bằng võ khí và bạo lực, nhưng bằng vẻ yếu đuối của tình thương trao ban sự sống. Nước Thiên Chúa là nước hoàn toàn khác với các nước trần thế.

“Chính vì thế, đứng trước một người không phương thế tự vệ, yếu ớt, bị hạ nhục, như Chúa Giêsu, một người quyền lực như quan Philatô cũng ngạc nhiên; ngạc nhiên vì ông nghe nói về một nước, về những người phục vụ. Và ông đặt câu hỏi mà ông thấy có vẻ là nghịch lý: ”Vậy ông là vua sao?” Một người ở trong hoàn cảnh như thế là vua thuộc loại nào? Nhưng Chúa Giêsu trả lời khẳng định: ”Quan nói đúng: tôi là vua. Vì thế, tôi đã sinh ra và đến trần thế; để làm chứng cho sự thật. Ai bởi sự thật thì nghe tiếng tôi” (18,37). Chúa Giêsu nói về vua, về vương quốc, nhưng Người không nói đến sự thống trị, nhưng là sự thật. Quan Philatô không hiểu: có thể có quyền lực lực nào mà không đạt được với những phương thế của con người? một quyền lực không theo tiêu chuẩn thống trị và sức mạnh? Chúa Giêsu đã đến để mạc khải và mang đến một vương quyền mới, vương quyền của Thiên Chúa; Người đến để làm chứng về sự thật của một vị Thiên Chúa là tình thương (Xc 1 Ga 4,8.16) và Người muốn thiết lập một nước công chính, tình thương và an bình (Xc Kinh Tiền Tụng). Ai cởi mở đối với tình thương, thì lắng nghe chứng từ ấy và đón nhận trong niềm tin, để vào Nước Thiên Chúa”.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nhắc đến thị kiến của Ngôn Sứ Daniel nói về một nhân vật huyền bí giữa trời và đất, ngự đến trong đám mây và được trao ban quyền bính, vinh quang và vương quốc (7,13-14). ”Đó là những lời nói về một vị vua thống trị từ biển này tới biển khác, cho đến tận bờ cõi trái đất với một quyền bính tuyệt đối, không bao giờ bị hủy diệt. Thị kiến này của Ngôn Sứ, thị kiến cứu thế, sáng tỏ và được thể hiện trong Chúa Kitô: Quyền bính của Đức Messia chân chính, quyền bính không bao giờ tàn lụi và không bao giờ bị hủy diệt, không phải quyền bính của các vương quốc trần thế phát sinh rồi suy sụp, nhưng là vương quốc sự thật và tình thương.

Sau cùng, trong bài đọc thứ hai, tác giả sách Khải quyền quả quyết cả chúng ta cũng được tham dự vào vương quyền của Chúa Kitô.. Nhờ sự hy sinh của Người, Chúa Giêsu mở đường cho chúng ta đi vào một quan hệ sâu xa với Thiên Chúa: trong Người, chúng ta trở thành dưỡng tử đích thực, như thế, chúng ta được tham dự vào vương quyền của Chúa trên thế giới. Vì vậy, là môn đệ của Chúa Giêsu có nghĩa là không để cho mình bị thu hút vì các tiêu chuẩn trần thế về quyền lực, nhưng vào thế giới ánh sáng của sự thật và tình thương của Thiên Chúa.
ĐTC nói tiếp:

”Tác giả sách Khải Huyền mở rộng cái nhìn về sự tái lâm của Chúa Giêsu để xét sử và thiết lập vĩnh viễn Nước Chúa, và nhắc nhở chúng ta rằng sự hoán cải, như lời đáp lại ơn thánh của Chúa, chính là điều kiện để thiết lập Nước Chúa (Xc 1,7). Đó là một lời mời gọi mạnh mẽ gửi đến tất cả và từng người: luôn trở về cùng Nước Thiên Chúa, chủ quyền của Thiên Chúa, Sự Thật, trong đời sống chúng ta. Chúng ta khẩn cầu hằng ngày trong kinh Lạy Chúa với câu ”Nước Cha trị đến”, có nghĩa là thưa với Chúa Giêsu: Lạy Chúa, xin làm cho chúng con thuộc về Chúa, xin Chúa sống trong chúng con, xin Chúa tập hợp nhân loại đang bị phân tán và đau khổ để trong Chúa tất cả đều được tùng phục Chúa Cha của lòng từ bi và tình thương.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Hỡi các anh em hồng y quí mến, tôi đặc biệt nghĩ đến các tân hồng y mới được tấn phong hôm qua, anh em được ủy thác trách vụ cam go này, đó là làm chứng về Nước Thiên Chúa, làm chứng cho sự thật. Điều này có nghĩa là luôn dành ưu tiên cho Thiên Chúa và thánh ý Chúa trước những lợi lộc trần thế và quyền lực của nó. Anh em hãy noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã biểu lộ vinh quang của Người trước quan Philato, trong tình trạng tủi nhục như Phúc âm mô tả: Chúa đã biểu lộ vinh quang của Người là yêu thương đến tột cùng, hiến mạng sống cho những người mình yêu. Đó là mạc khải về Nước Chúa Giêsu. Và vì thế, chúng ta hãy đồng tâm hiệp ý cầu nguyện: ”Adveniat regnum tuum”, xin cho Nước Chúa được hiển trị. Amen

Trong phần rước lễ, 120 linh mục phân phát Mình Thánh Chúa các tín hữu, và chính ĐTC cũng cho hàng chục người được rước Mình Thánh Chúa.

Thánh lễ kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ và kết thúc lúc 11 giờ rưỡi. Sau đó, đúng 12 giờ trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để đọc kinh truyền tin với lối 30 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời nắng thu.

Kinh Truyền tin

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC cũng giải thích về ý nghĩa lễ Chúa Kitô Vua và khẳng định rằng ”Nước Chúa Kitô được ủy thác cho Giáo Hội là mầm mống và khởi đầu của nước này. Giáo Hội có nghĩa vụ loan báo và phổ biến Nước Chúa Kitô nơi mọi dân nước, với sức mạnh của Thánh Linh. Vào cuối thời gian đã định, Chúa sẽ giao nộp cho Chúa Cha Nước Chúa và giới thiệu với Ngài tất cả những ai đã sống theo giới luật tình thương.
Các bạn thân mến, tất cả chúng ta được mời gọi nối tiếp hoạt động cứu độ của Thiên Chúa qua sự trở về cùng Tin Mừng, quyết liệt theo vị Vua không đến để được hầu hạ nhưng để phục vụ và làm chứng cho sự thật (Xc Mc 10,45; Ga 18,37). Trong viễn tượng này tôi mời gọi mọi tín hữu hãy cầu nguyện cho 6 Hồng y mới mà tôi đã bổ nhiệm hôm qua, xin Chúa Thánh Linh củng cố các vị trong đức tin và đức mến, ban cho họ được tràn đầy hồng ân Chúa, để họ sống trách nhiệm mới như một sự tận tụy hơn nữa đối với Chúa Kitô và Nước Chúa…”

”Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp tất cả chúng ta sống thời gian hiện tại trong niềm mong chờ Chúa tái lâm, tha thiết cầu xin Chúa: ”Xin cho Nước Chúa được hiển trị”, và chu toàn những công việc ánh sáng làm cho chúng ta ngày càng gần Trời Cao hơn, với ý thức rằng trong những thăng trầm trao đảo của lịch sử, Thiên Chúa tiếp tục xây dựng Nước Tình Thương của Người.

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nhắc đến lễ phong chân phước thứ bẩy 24 tháng 11-2012. Ngài nói:
”Hôm qua, tại Macas, bên Ecuador, đã có lễ phong chân phước cho chị Maria Troncatti, nữ tu dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, sinh tại Val Camonica. Chị làm y tá trong thời thế chiến thứ I, rồi đi Ecuador, tại đây chị hoàn toàn xả thân phục vụ dân chúng trong vùng rừng núi, rao giảng Tin Mừng và thăng tiến con người. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì chứng nhân quảng đại này của Ngài!”

Ngài cũng loan báo: chiều thứ bẩy, 1 tháng 12 tới đây, các sinh viên đại học Roma sẽ hành hương tại Mộ Thánh Phêrô nhân dịp Năm Đức Tin. Tôi sẽ chủ sự Kinh Chiều I Chúa nhật thứ I Mùa Vọng cho họ”.

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO Từ 11-19 đến 11-25-2012

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Từ 11-19 đến 11-25-2012

Trích từ Xuân Bích VN

 

Tân Sứ Thần Toà Thánh được thán phục ở Ái Nhĩ Lan.

Nhà lãnh đạo Bờ Biển Ngà viếng thăm Đức Thánh Cha.

Tổng thống nước Benin thăm viếng Đức Thánh Cha.

Tổng thống Haiti viếng thăm Vatican.

Sự chấp thuận an-tử đã làm tăng sự nghi ngờ bất tín của các bệnh nhân với nghề y.

-Tổng GP Boston tái cơ cấu các giáo xứ trong lẩn cắt xén thứ hai.

Các tập sự viên mục vụ tang chế thổ lộ những kinh nghiệm đầu tiên của họ.

Khánh thành trung tâm phục hồi vận động thần kinh cho các trẻ khuyết tật.

-Đông đúc dân Pháp xuống đường phản đối dự luật hôn nhân đồng tính.

Tuyên bố chung Công Giáo – Chính Thống giáo về tầm quan trọng ngày Chúa Nhật.

LM bị vạ tuyệt thông Roy Bourgeois chính thức bị khai trừ khỏi Dòng Marynoll.

-Gia đình là chủng viện đầu tiên.

BỔ NHIỆM MỚI.

-Thông báo nội bộ Vatican nhắm đẩy mạnh căn tính linh mục.

Toà phúc thẩm Pakistan huỷ bỏ vụ kiện báng bổ với Rhimsha Masih.

Tín đồ Anh giáo khủng hoảng sau cú ‘sốc” bỏ phiếu “chống” các Nữ GM.

Tân chủ tịch [phong trào] Diễu Hành Vì Sự Sống dự tính gia tăng kêu gọi giới trẻ.

Với các GM Bắc Phi, “vùng nầy đang vượt qua chuyển tiếp phức tạp và đau đớn”.

Ả Rập Xê-ut : Thiết lập một hệ thống điện tử để giám sát nữ giới.

 ( Xin xem chi tiết . . . .TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO từ 11-19 đến 11-25-2012 )

VỊ VUA CHẤP NHẬN CHẾT, ĐỂ CON DÂN ĐƯỢC SỐNG

VỊ VUA CHẤP NHẬN CHẾT, ĐỂ CON DÂN ĐƯỢC SỐNG

Nói đến Vua, người ta nghĩ ngay đến quyền lực, đến sự thống trị. Có những người được tôn lên làm vua  theo kiểu cha truyền con nối “Con vua lại được làm vua”. Cũng có người do công trạng, được dân tín nhiệm. Lại cũng có người tự xưng mình là vua.  Nhưng trong lịch sử, cũng không thiếu những kẻ cướp ngôi vua dành quyền cai trị đất nước bằng cách bất chính hoặc bằng muôn hình vạn trạng quỷ kế trên trường chính trị. Có thể có những điểm khác biệt về cách làm vua, cách cai trị dân nước… nhưng có một điểm chung là không có triều đại nào, chế độ nào “muôn năm” cả.

Thử nhìn lại lịch sử thế giới, có thể thấy, ở nước nào cũng thế, hết triều đại này đến triều đại khác, hết chế độ nầy, đến chế độ khác, không có triều đại nào, không có chế độ nào bền vững- vì triều đại nào, chế độ nào, cũng đầy dẫy những bất toàn ngay ở giai đoạn đầu và có khi thối nát ở giai đoạn cuối. Ai cũng muốn cho triều đại, cho chế độ của mình “muôn năm”, nhưng đó chỉ là một ảo vọng! Hai từ muôn năm bỗng đồng nghĩa với vài chục năm trong khi cơn khát khao, nỗi thèm thuồng quyền lực vẫn còn cháy rực trong lòng. Vì thế, triều đại nào, chế độ nào cũng muốn củng cố quyền lực của mình bằng đủ mọi cách có thể, kể cả những cách vô luân thường, vô đạo lý, vô kỷ luật… không sợ mất lòng dân, chỉ sợ mất quyền cai trị, không sợ dân chết, chỉ sợ mình chết. Và khi đã đến lúc ngọn đèn sắp tắt, thì không ngại gì mà nó không phực lên để chứng tỏ cái sinh khí cuối cùng trong thân thể rệu rã của nó.

Khác với những vị vua ở trần thế, hôm nay, chúng ta Suy Tôn Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, “Người là vua trên hết các Vua, Người là Chúa trên hết các Chúa”, vì người thống trị cả vũ hoàn không phải chỉ dựa vào quyền lực toàn năng của Thiên Chúa Tạo Thành, nhưng còn nhờ Lòng Thương Xót vô cùng của Thiên Chúa Cứu Chuộc.

Ngài vâng lời Thiên Chúa Cha để đến trần gian cho trần gian được yêu thương, được cứu rỗi, được giải thoát khỏi sự chết muôn đời, được đoàn tụ trong vương quốc của Ngài đến muôn đời. Ngài được suy tôn là Vua, Ngài làm Vua, không giống cách làm vua của những vua chúa, hay những nhà cầm quyền thế gian, nhưng cách làm Vua của Ngài là “vâng lời cho đến chết” như Thánh Phaolô xác quyết:  “Chúa Kitô vì chúng ta đã vâng lời cho đến chết, và chết trên Thập Giá. Vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên muôn danh hiệu” (Phil 2, 8-9).

Câu chuyện Tin Mừng thánh Gioan hôm nay kể việc Chúa Giêsu có trát của Philato đòi. Chắc chắn có quân lính áp giải, có dùi cui, có súng ống gậy gộc, nhưng không thấy thánh Gioan nói đến việc Chúa Giêsu bị bịt miệng, nên Ngài đã đứng trước vành móng ngựa và khẳng khái xác nhận: “Vâng, quan nói đúng, Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian nầy là để làm chứng cho sự thật. Ai yêu chuộng sự thật thì nghe Tôi.” (Ga 18,37)

Vâng, đó là thân phận và trách nhiệm của  Con Một Thiên Chúa đầy quyền năng và đầy lòng thương xót đến để  khởi đầu một Triều Đại của Thiên Chúa giữa dân Ngài, triều đại của Chân Lý: Có Thiên Chúa uy quyền và đầy lòng xót thương.  Con Thiên Chúa không đàn áp, bóc lộc dân Ngài, nhưng Ngài để dân đàn áp bóc lộc Ngài như cối chày giã nát những hạt thóc, rồi xay nghiền hạt gạo thành bột thành bánh thơm ngon. Ngài cũng không lừa đảo, cũng không quy hoạch chiếm đoạt đất đai tài sản, nhưng Ngài để dân Ngài chiếm đoạt Ngài làm gia sản muôn đời. Ngài nhường  lầu vàng gác tía, biệt thự nguy nga có then cài cổng khóa cho dân Ngài, còn  Ngài “không có nơi gối đầu qua đêm” (Lc 9,58). Ngài không bắt bớ bỏ tù dân Ngài, nhưng ngài chịu bắt bớ, chịu bỏ tù cho dân Ngài được  tự do! Và cuối cùng, Ngài không muốn cho dân Ngài phải chết để Ngài được sống, nhưng Ngài đã chết cho dân Ngài được sống, và sống muôn đời. Ngài là vị vua yêu thương và phục vụ dân đến cùng. Ngài chết cho con dân của Ngài được sống.

Đã có biết bao thể chế cũng biết tận dụng đường lối yêu thương và phục vụ “chết cho dân được sống” của Chúa Giêsu vào đường lối cai trị của mình, bằng khẩu hiệu “đầy tớ của nhân dân”, nhưng đó là khẩu hiệu mỵ dân, vì họ nói mà không làm. Họ không sống trong tinh thần sự thật. Họ còn giả vờ không biết sự thật, vì sự thật không đem lại lợi ích phàm tục nào cho họ. Câu hỏi  “sự thật là chi?” (Ga 18,38) , chẳng khác nghĩa với câu “sự thật có ích gì?”, “Thiên Chúa có ích gì?”.

Thiết tưởng, các Kitô Hữu Công Giáo Việt Nam, đặc biệt là những người đang sống trong GH tại địa phương, họ là những người được Thiên Chúa yêu thương cách riêng, như dân riêng của Chúa giữa lòng Châu Á, được sống trong một đất nước gần như là luôn luôn phải tử đạo, từ khi hạt giống đức tin được gieo trồng cho đến nay. Họ đã đọc những trang sử oai hùng của Giáo Hội thời các vua chúa quan quyền bức bách đạo, và họ cũng  đang nghe tận tai những khẩu hiệu gian dối, phĩnh lừa, họ chứng kiến tận mắt thời đại của những người vô thần cai trị đất nước. Họ có đủ chứng từ đối chiếu cách làm vua và cách cai trị của Vua thế gian và Vua Giêsu Kitô để xác nhận được Vua nào là Vua Muôn Đời, chế độ nào là muôn năm. Vì thế, không có một thế lực nào có thể lay chuyển niềm tin của họ, nếu  không phải là một thế lực “sống, học tập và làm việc theo gương Đức Giêsu Kitô, Vua vĩ đại”.

“Vâng, quan nói đúng, Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian nầy là để làm chứng cho sự thật. Ai yêu chuộng sự thật thì nghe Tôi.” (Ga 18,37)

Năm Đức Tin sẽ là một cơ hội ngàn vàng để Dân Chúa, một lần nữa, sẽ khẳng định Vua Đích Thực, Vua Muôn Đời của chúng ta là ai. Chắc chắn và mãi mãi là Vua Giêsu Kitô, Người đã đến “là để làm chứng cho sự thật”. “Sự Thật” vô cùng cao quí ấy là sự thật “có Thiên Chúa”.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là tấm gương anh dũng soi chiếu cho dân Chúa tại Việt Nam về việc làm chứng cho sự thật. Vì nếu không tin nhận Thiên Chúa, không tin nhận Đức Giêsu là Vua Muôn Đời trong Nước Vinh Quang muôn đời của Ngài, thì đã chẳng có ai dám liều mình hy sinh mạng sống cách oan uổng.  Hơn nữa, tình yêu Chúa Kitô thúc bách các Ngài cùng Chúa Kitô  nói với những người không tin Thiên Chúa rằng “nước tôi không thuộc về thế gian này”.

Mừng lễ Chúa Kitô Vua, noi gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam Tôn Vinh Chúa Giêsu là Vua,  mọi thành phần trong giáo hội sẽ làm chứng cho sự thật:

– dứt khoát nói không với cơn cám dỗ đàn áp bóc lộc lẫn nhau, nhưng bảo bọc che chở cho nhau trong tình huynh đệ, trong chân lý;

– dứt khoát nói không với chia rẽ, tỵ hiềm, bôi nhọ để yêu thương, chân thành, hiệp nhất;

– dứt khoát nói nói không với đồng lõa, nói không với thỏa hiệp cùng gian tà để quyết tâm sống ngay chính theo đường sự thật của Chúa Giêsu;

– dứt khoát nói không với tất cả những gì chống lại Thiên Chúa, chống lại công lý, sự thật, để quyết tâm sống đời sống của Thiên Chúa giữa một xã hội “không tin có Thiên Chúa” hay là chưa muốn tin một Đấng Thiêng Liêng hằng có đời đời.

Một vài nơi vẫn có lệ mời các cấp chính quyền tham dự lễ Đặt Viên Đá, lễ Giáng Sinh, lễ mở tay…. Ước gì họ được mời tham dự một thánh lễ Mừng Trọng Thể Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, để họ được biết cách làm vua, cách cai trị của một Vị Vua trên hết các Vua, một vị Vua Muôn Đời:  “Vị vua chấp nhận chết để con dân được sống”.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ, Vua của lòng con, Chúa đã chấp nhận cái chết để con dân được sống. Chúng con suy tôn Chúa là Vua Muôn đời. Xin cho chúng con cũng biết chấp nhận  hy sinh mỗi ngày để làm chứng cho Nước Thiên Chúa giữa trần gian, và nhất là trên quê hương thân yêu của chúng con. A men.

PM. Cao Huy Hoàng