TÌNH YÊU ĐỔI MỚI MỌI SỰ

 TÌNH YÊU ĐỔI MỚI MỌI SỰ

Điều răn trọng nhất trong thời Cựu Ước là “Kính mến Chúa trên hết mọi sự, yêu thương người như mình ta vậy”.

Tôi muốn hiểu hai từ điều răn ấy là Hiến Pháp của Thiên Chúa, của Nước Thiên Chúa, của Hội Thánh và của mỗi tín hữu.

Chúa Giê-su đã bổ  sung phần 2 trong bản hiến pháp quan trọng ấy mà Người gọi là “Điều Răn Mới” đó là “Các con hãy yêu nhau như Thầy đã yêu”.  Tình yêu của Thiên Chúa được tỏ bày nơi Chúa Giê-su và tình yêu ấy trở nên tiêu chuẩn số một để xác nhận một tình yêu đích thực cho chúng ta.

– Tình yêu ấy bắt nguồn từ lòng khiêm nhượng của Thiên Chúa. Buổi khai giảng một lớp Giáo Lý Khai Tâm, cô giáo lý  viên nói: “Học Giáo Lý là học về Thiên Chúa. Vậy có em nào biết Thiên Chúa là ai không?” Một em nhanh nhảu giơ tay xin trả lời. “Thưa cô, bà nội em kể Thiên Chúa là một vị thần rất lớn, rất cao, rất có quyền, thấy con người đau khổ, nên thương con người quá, bỏ trời xuống đất, làm một em bé…” Cô bất ngờ, hỏi bâng quơ: “Bà nội em già chưa ? Làm nghề gì?” – “Thưa cô, bà nội em năm nay 75 tuổi rồi. Ngày xưa bán bánh canh, giờ già rồi ở nhà quét sân và đọc kinh thôi ạ!”

Tôi mừng thầm về cách bà nội giới thiệu Thiên Chúa cho cháu: một Thiên Chúa khiêm nhượng. Thiên Chúa quyền năng, cao cả, thượng trí vô cùng sao có thể yêu được con người phàm hèn tội lỗi hay hư mất. Chỉ có khiêm nhượng mới nhìn thấy, lắng nghe, thấu hiểu và bỏ cả trời cao mà xuống đất thấp để chạm vào nỗi đau của con người.

– Tình yêu vì  hạnh phúc của người mình yêu: Thiên Chúa là chủ muôn loài muôn vật sao có thể thèm khát chi loài người vốn giống dòng mỏng manh kia lại hay kiêu căng phản bội ? Có ích lợi gì cho Ngài đâu! Vâng, rõ ràng Thiên Chúa yêu con người, Ngài không mong được thêm gì cho Ngài. Vậy mà, Chúa Giêsu đã làm tất cả những gì có thể cho con người được hạnh phúc đời này và đời sau. Môt tình yêu bất vụ lợi.

– Tình yêu cho đi, tình yêu phục vụ: Một Thiên Chúa mà muôn loài muôn vật phải phủ phục tôn thờ, sao có thể hóa thân thành một con người Giêsu quỳ xuống mà rửa chân cho các Tông Đổ. Ngày ấy, bất ngờ, hẳn là chân các ông thật nhơ nhớp (Không như bây giờ, tên các vị được rửa chân Thứ Năm Tuần Thánh đã được báo trước, và chuẩn bị chà rửa chân cho cực kỳ sạch sẽ). Ngài còn rửa cả chân cho Giuđa. Lòng khiêm nhường của Thiên Chúa mở đường cho Tình Yêu của Ngài là phục vụ, nhất là những người thấp bé, kể cả những người phản bội.

– Tình yêu tự hủy, dâng hiến: Thiên Chúa Cha đứt ruột khi nhìn con mình tan nát tấm thân. Chúa Giêsu chấp nhận đau thương và sẵn lòng chết vì yêu con người, một cái chết kinh khủng nhất, đúng như Người đã nói: “Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của Người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13). Thân xác và linh hồn một Thiên-Chúa-làm-người ấy đã trở nên lễ hiến dâng đẹp lòng Thiên Chúa Cha, để Chúa Cha tha thứ cho nhân loại.

– Tình yêu đổi mới mọi sự: Sự sống lại của Chúa Giêsu, mở  ra một trời mới, đất mới, một tương lai mới, một hạnh phúc mới cho những ai tin và sống như Người đã dạy, yêu như Người đã yêu. Đó là Sự  Sống vĩnh cửu trong Ba Ngôi Thiên Chúa mà Thánh Gioan đã thị kiến: “Tôi là Gioan đã thấy trời mới và đất mới… Thiên Chúa ở với loài người… Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ… Và Đấng ngự trên ngai vàng đã phán rằng: “Này đây, Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21, 1 – 5a).

– Hãy yêu như  Thầy đã yêu: Người Công Giáo chúng tôi tin Chúa Giêsu vì Ngài đã yêu nhân loại hết lòng, trong đó có  chúng tôi. Tình Yêu của Ngài là tiêu chuẩn để chúng tôi yêu nhau, và cũng là tiêu chuẩn để chúng tôi đặt niềm tin nơi Ngài. “Kính mến Chúa trên hết mọi sự, và yêu người như Chúa đã yêu” là Hiến Pháp mới của Nước Thiên Chúa, của Hội Thánh, của mỗi gia đình, của mỗi người.

Lời Chúa cũng đang mời gọi mọi dân nước, mọi người hãy yêu theo tiêu chuẩn Tình Yêu Chúa Giêsu: một tình yêu khiêm tốn, dâng hiến, tự hủy, phục vụ, vì hạnh phúc đời này và đời sau. Không ai có thể tin được người không có tình yêu, càng không tin được người có tình yêu vụ lợi.

Hội Thánh của Chúa Kitô bền vững muôn năm muôn đời vì Hội Thánh yêu thương như Giêsu yêu, sống bằng tình yêu thương, một tình yêu đích thực. Vì thế, ai sống trong Hội Thánh mà không sống yêu thương như Chúa yêu là kẻ phá hoại Hội Thánh, không kể thành phần nào. Chức vụ càng cao trong Hội Thánh mà không phản chiếu được tình yêu Thiên Chúa cho mọi người, cho trần gian, thì tội phá hoại Hội Thánh càng nặng hơn.

Chủ nghĩa nào, đảng phái nào cũng ước muốn muôn năm, nhưng rồi tan tành sụp đổ khi hãy còn quá non trẻ, là bởi vì, hoặc chủ nghĩa ấy, đảng phái ấy, không có tình yêu đích thực cho dân, vì dân, hoặc có một thứ tình yêu giả dối, bịp bợm, gian ác, vơ vét. Cần phải chỉnh đốn điều gì để được tồn tại muôn năm? Chẳng phải là nhắm đến chuyện phát triển mọi mặt bằng một nền tảng là tình yêu đích thực? Ngược lại, sẽ là suy sụp tàn lụi  nếu như cứ tiếp tục cái thế độc quyền cai trị vô cảm và tham lam, vụ lợi của mình?

Gia đình nào cũng ước mong trăm năm hạnh phúc, nhưng thời nay, tình yêu trong hôn nhân gia đình thành ra cũ rích, nhàm chán, lạnh nhạt, có nguy cơ đổ nát, là vì người ta chưa yêu nhau theo tiêu chuẩn của Tình Yêu Giêsu. Ai cũng phải khiêm tốn làm cho “tình yêu bất vụ lợi, tình yêu tự hạ, tự hủy, dâng hiến” sống lại thật trong lòng mình. Mà muốn cho Tình Yêu đúng nghĩa ấy sống lại, hẳn là phải “hỏa táng” cái thứ tình yêu vụ lợi vị kỷ kia đi!

Tình yêu đôi lứa, tuổi trẻ đang bị ảnh hưởng cách yêu vụ lợi của người lớn nên cứ sa đà vào xu hướng ích kỷ cách điên cuồng, dẫn đến bao nhiêu “vụ án cuồng yêu gây chấn động dư luận”

Những rối loạn bên trong, những vụ án bên ngoài ấy, đang nói với chúng ta về cách định nghĩa tình yêu ngược lại với cách định nghĩa của Chúa Giêsu: “Hãy yêu như Thầy đã yêu”. Hiện tình ấy cũng thôi thúc những người còn lương tâm hãy chỉnh đốn chính cách sống yêu của mình cho đúng cách.
 
Lạy Chúa, chúng con nguyện xin cho Hội Thánh Chúa “yêu như Chúa Yêu”, nên chứng tá cho xã hội loài người về một Tình Yêu đích thực. Xin ánh sáng Tình Yêu Chúa chiếu dọi lương tâm con người để con người biết đón nhận “điều răn mới” của Chúa mà thực thi trong xã hội loài người hôm nay. Chúng con tin cung cách “Yêu như Chúa đã yêu” sẽ đổi mới mọi sự nên tốt lành trong thế giới hôm nay. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng

TÔN VINH TÌNH YÊU

TÔN VINH TÌNH YÊU

Bài Tin Mừng hôm nay (CN.V/PS – Ga 13, 31-33a.34-35) trình thuật việc Đức Giê-su nói lời cáo biệt với các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Tự nhiên có một thắc mắc: “Đáng lẽ giờ phút này là giờ phút Con Người phải chịu nhục mạ, phỉ báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá cho đến chết (Mt 20, 17-19; Lc 18, 31-33); nhưng tại sao Người lại nói “Giờ đây, Con Người được tôn vinh”? Câu trả lời cũng hiển nhiên như sự thật đã diễn ra: Nếu xét theo trình tự thời gian thì đúng là câu này phải được Đức Giê-su phát biểu sau khi Người Phục Sinh. Nhưng tất cả đã được Chúa Cha an bài từ trước vô cùng (xc “Bài ca Người Tôi Trung” – Is 52, 13-15; 53,1-12) và được chính Đức Ki-tô khẳng định: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất. Quả vậy, Người sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, nhục mạ, khạc nhổ. Sau khi đánh đòn, họ sẽ giết Người, và ngày thứ ba Người sẽ sống lại.” (Lc 18, 31-33). Vì thế, từ “Giờ đây” ở đây diễn tả biến cố tương lai như một thực thể hiện tại, nghĩa là sự tôn vinh của Đức Giê-su chưa hoàn tất, mà lại được coi như đã xảy ra; xem như sự khổ nạn, sự chết và sống lại của Người đã được hoàn thành. Và có lẽ cũng vì thế nên Giáo Hội mới xếp bài Tin Mừng đó vào Chúa nhật V Phục Sinh.

Khi Giu-đa It-ca-ri-ốt đi khỏi, một bầu khí ấm cúng, thân mật và thật cảm động bao bọc Chúa Giê-su và các Tông đồ. Bầu khí ly biệt thật là thích hợp để Đức Giê-su tâm sự với các Tông đồ về một điều vô cùng quan trọng và cần thiết, đó là Tình yêu (“Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người… Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” – Ga 13, 31-35). Như vậy, bài Tin Mừng hôm nay gồm có hai điểm chính: Đức Ki-tô tôn vinh Tình Yêu và Người truyền cho các môn đệ sống với nhau trong Tình Yêu.

a) Tôn vinh Tình Yêu: Đức Giê-su nhìn giây phút “giờ đây” Người sắp hiến mạng sống mình vì bạn hữu là thời điểm Người được tôn vinh. Cả cuộc đời trần thế 33 năm của Đức Giê-su đã chứng tỏ cho nhân loại biết Thiên Chúa yêu thương họ đến chừng nào (“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” – Ga 3, 16-17). Cái chết và phục sinh của Đức Giê-su là dấu chỉ chiến thắng vinh quang của Tình Yêu Thiên Chúa và cũng là thời điểm Tình Yêu Nhập Thể được tôn vinh. Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa vâng lệnh Chúa Cha xuống thế mặc xác phàm, hiến mạng sống cho người mình yêu là nhân loại, nên có thể nói Đức Ki-tô là hiện thân của Thiên Chúa Tình Yêu (Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, số 12). Vì thế, khi Đức Vua Tình Yêu Giê-su được tôn vinh, thì Thiên Chúa là chính Tình Yêu nên cũng phải được tôn vinh. Đó là nguyên lý tất yếu.

b) Thể hiện Tình Yêu: Lệnh truyền của Đức Giê-su là “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Nói đến Tình yêu là nói đến nguyên nhân và kết quả. Thiên Chúa Tình Yêu là nguyên nhân phát sinh ơn Cứu Độ, thì kết quả là loài người được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết đời đời. Tình yêu Đức Giê-su Thiên Chúa dạy các môn đệ tất nhiên phải là tình yêu sinh hiệu quả. Hiệu quả cụ thể được nói đến ở đây là: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy”. Thật thế, khi chúng ta sống yêu thương khiến những người chung quanh nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa, thì đó chính là cách chúng ta làm cho tình yêu của Thiên Chúa được tôn vinh. Một cách cụ thể thì đó là lời tha thiết mời gọi các môn đệ và mọi tín hữu hãy noi gương Người-hiện-thân-của-Tình-Yêu-Thiên-Chúa, thể hiện cách cụ thể Tình Yêu bằng những chứng tá bác ái trong cuộc sống đời thường. Vâng, chính những “Hoạt động bác ái của Hội Thánh như là một cách thể hiện tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi” (Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, số 19).

Như vậy là đã rõ tại sao trong lịch Phụng Vụ, Giáo Hội lại xếp vào Chúa nhật V Phục Sinh bài Tin mửng nói về những lời cáo biệt của Đức Giê-su trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Cuộc khổ nạn, sự chết và sống lại của Đức Vua Tình Yêu Giê-su Ki-tô chính là đỉnh điểm Tình Yêu Thiên Chúa. Nói cách khác thì đó chính là công cuộc hiện thực hoá Lời Chúa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” (Lc 10, 27).

Bài học về tình yêu hôm nay Đức Giê-su giúp các tín hữu khám phá tình yêu qua những khía cạnh thật mới mẻ, sống động và cụ thể. Vâng, “Chúa Ki-tô đã chết và đã sống lại một lần cho tất cả và cho mỗi người, nhưng sức mạnh sự sống lại của Ngài, sự vượt qua từ tình trạng nô lệ sự ác đến tự do của điều thiện, phải được thể hiện trong mọi thời đại, trong mọi không gian cụ thể của cuộc sống chúng ta, trong đời sống mỗi ngày của chúng ta.” (ĐTC Phan-xi-cô I – “Sứ điệp Phục Sinh 2013”). Rõ ràng Đức Ki-tô dạy chúng ta biết tôn vinh Tình Yêu Thiên Chúa nơi chính Con Người và nơi những “người thân cận” trên khắp thế giới, không phân biệt màu da hay sắc tộc. Sống yêu thương là cách tốt nhất để ngợi khen tôn vinh Thiên Chúa. Và đã gọi là sống yêu thương, tức là phải thể hiện ra bằng cả tâm hồn và hành động, vì “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10, 8).

Tuy nhiên, “Ngày nay con người vẫn còn phải tiến qua bao nhiêu sa mạc! Nhất là sa mạc trong nội tâm con người, khi họ thiếu lòng mến Chúa yêu người, khi họ không ý thức mình là người gìn giữ tất cả những gì Đấng Tạo Hóa đã và đang ban cho chúng ta. Nhưng lòng từ bi Chúa có thể làm cho đất khô cằn nhất nở hoa, có thể tái ban sự sống cho những bộ xương khô (Xc Ez 37, 1-14)” (ĐTC Phan-xi-cô I – “Sứ điệp Phục Sinh 2013”). Quả thật, Tình yêu chỉ thực sự được tôn vinh khi người Ki-tô hữu sống trọn hảo điều răn trọng nhất: MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI.

Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa ban Thần Khí Tình Yêu cho chúng con, để chúng con biết đem tình yêu vào cuộc sống. Chính tình yêu sẽ làm cho mọi công việc và hoạt động của chúng con – tuy tầm thường – nhưng vẫn chiếu toả trước mặt thiên hạ, để người ta nhận ra sự hiện diện của Chúa qua con người thấp hèn và bé mọn của chúng con. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.

Tình Yêu, Điều Răn Mới

Tình Yêu, Điều Răn Mới

Tháng 3 năm 1930, Lm Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp về nhận họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm cha sở, ngài quan hệ, giúp đỡ, thành lập nhiều họ đạo vùng phụ cận như: Bà Ðốc, Cam Bô, An Hải, Ðầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Ðồng Gò, Rạch Rắn.

Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, bà con dân chúng di tản, Cha Bề Trên điạ phận Phêrô Trần Minh Ký ở Bạc Liêu và cả người Pháp cũng gọi ngài lánh mặt, khi nào tình hình yên ổn thì trở về họ đạo, nhưng ngài trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết.”

Ngày 12-3-1946, ngài bị bắt cùng với trên 70 người giáo dân tại họ Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt chung với bổn đạo tại lẫm luá của ông giáo Sự ở Cây Dừa. Do sự tranh chấp giữa các giáo phái, vì bênh vực quyền lợi của giáo dân, ngài đã chết thay thế cho những người bị bắt chung.

Ngài mất trong khi thi hành nhiệm vụ chủ chăn. Xác ngài được vớt lên từ một cái ao của ông giáo Sự, với vết chém sau ót ngang mang tai và thân xác trần trụi như Chúa Giêsu trên thập giá.

Thi hài ngài được chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Ðến năm 1969, hài cốt ngài được di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nhiệm sở của ngài thi hành chức vụ chủ chăn trong 16 năm. Ngôi nhà mồ của ngài hiện nay, được trùng tu và khánh thành ngày 4-6-1989. Ngài là Cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy. (Lm Nguyển Ngọc Tỏ, Tiểu sử Lm Fx Trương Bửu Diệp)

Trích thuật Tin Mừng thánh Gioan hôm nay loan báo Chúa Giêsu ban cho các môn đệ một Điểu Răn Mới.” Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Gioan 13, 34 -35). Điểm quan trọng nhất là“anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”

Trong Kinh Thánh tiếng Hy Lạp có tất cả bốn chữ để diễn tả tình yêu: eros là tình yêu trai gái; philio là tình yêu giữa bạn bè; storge, tình yêu giữa anh chị em trong gia đình; và agape, là tình yêu trọn vẹn và vô điều kiện.

Tình Yêu agape được Chúa Giêsu đề cập đến khi hỏi ông Phêrô: “Này anh Simon con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?“ (Ga 21, 15). Như vậy Tình Yêu agape trọn vẹn siêu việt trong Điều Răn Mới phải rất đặc biệt.

Yêu một chiều

Tình yêu thông thường như eros, philio, storge thì luôn luôn đòi hỏi hai chiều, âm hưởng giữa hai đối tượng. Có qua có lại mới toại lòng nhau. Có đáp ứng lại với nhau, mới phát sinh tình cảm yêu thương. Nhưng Tình Yêu agape trái lại, chỉ duy nhất một chiều, không cần điều kiện vì, do hay nếu, không mong chờ đền đáp, dù rất mong muốn.

Vì là một chiều, Tình Yêu agape mới có thể vươn xa, ra khỏi bản ngã, cái tôi đáng ghét, ra bên ngoài mối thân thích, họ hàng, bạn bè quen thuộc, đến với kẻ xa lạ, thậm chỉ đến với cả địch thù, chống báng, đối đầu, bất cộng đái thiên.

“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Lc 6, 27-28)

Không những yêu thương kẻ thù, mà còn chúc lành và cầu nguyện cho kẻ thù nữa. Hoặc cho vay, mà chẳng mong đển trả, khác chi cho không biếu không, nói tắt là Tình Yêu agape trao tặng vô điều kiện.

“Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Ðấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.” (Lc 6, 35)

Yêu là chết đi

Nếu không dẹp đi những cản trở vị kỷ, thì không thể chân thành yêu thương người khác được. Những toan tính vụ lợi cá nhân ngăn chận bước chân thân tình đến với tha nhân. Lòng tự phụ, kiêu căng, sĩ diện, so đo, đố kỵ, tham lam, ác độc, chỉ hoàn toàn phủ nhận, hạ bệ, chà đạp tha nhân, thay vì đón tiếp vào vòng tay nhân ái. Do vậy, cần chết đi cách sống cũ ích kỷ, bất nhân, từ tâm tưởng, lời nói và hành động, nếu muốn yêu thương theo Chúa Giêsu.

“Những ai thuộc về Đức Kitô thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê.” (Gl 5, 24)

Cha Phanxicô Xaviê Trưởng Bửu Diệp đã mạnh dạn ra đi theo Chúa, gắn bó với sứ vụ mục tử nhân lành, sẵn sàng hiến dâng mạng sống cho Tình Yêu agape trọn vẹn viên mãn.

Yêu là sống cho

Chết đi những thói hư tật xấu, những đam mê phù phiếm, những ham muốn xác thịt, để Tình Yêu agape có thể phục vụ tha nhân trong sự khiêm hạ và thân tình. Như thế Tình Yêu agape sống cho tha nhân, cũng như sống cho Chúa, chứ không còn ràng buộc vào sống cho mình, mưu cầu hạnh phúc bản thân.

“Chúng ta có sống là sống theo Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy dù sống dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.” (Rm 14, 8)

Với Tình Yêu agape trọn vẹn của Chúa, sống cho tha nhân trong tinh thần khiêm tốn, biết quên mình phục vụ, như Chúa từng khiêm hạ, quỳ xuống rửa chân các môn đệ.

“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2, 20) Thánh Phaolô đã xác tín mạnh mẽ như thế trong Thư gửi tín hữu Galat.

Các thánh càng già thì quả tim họ càng trẻ. (Đường Hy Vọng, 177)

Đừng để tháng ngày làm quả tim già nua. Hãy yêu thương với một tình yêu mãnh liệt, mới mẻ, trong trắng hơn: Tình yêu Chúa đổ vào quả tim con. (Đường Hy Vọng, 178)

Lạy Chúa Giêsu, xưa Người đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, xin cho con noi gương Chúa, biết khiêm hạ, bỏ mình và phục vụ trong Tình Yêu dâng hiến trọn vẹn.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp con nuôi dưỡng Tình Yêu agape trọn vẹn của Chúa, để con biết tha thứ, quên hết hằn thù, chúc phúc và cầu nguyện cho những người ám hại con. Amen.

AM Trần Bình An

Chương trình của Đức Thánh Cha Phanxicô

Chương trình của Đức Thánh Cha Phanxicô

VATICAN. Trong năm nay, 2013, ĐTC Phanxicô chỉ thực hiện 1 cuộc viếng thăm duy nhất tại nước ngoài, đó là tại Brazil nhân ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 28, tiếng hành tại Rio de Janeiro từ ngày 23 đến 28-7-2013.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết như trên trong cuộc gặp gỡ giới báo chí hôm 25-4-2013. Cha không loại trừ sự kiện trước cuối năm nay, ĐTC Phanxicô có thể công bố thông điệp đầu tiên của ngài, và cha Lombardi nhắc lại rằng ĐGH Biển Đức 16 đã chuẩn bị tài liệu về đề tài đức tin.

Cũng trong cuộc họp báo, LM Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh cho biết Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 sẽ từ Castal Gandolfo dọn về Đan viện Mẹ Giáo Hội ở nội thành Vatican trong khoảng từ cuối tháng 4 và những ngày đầu tháng 5 này. Trong khi đó, ĐGH Phanxicô tiếp tục cư ngụ tại Nhà trọ Thánh Marta. Hiện thời dường như ĐTC không muốn thay đổi nơi ở, cho dù đây không phải là một quyết định chung kết.

Trong những ngày qua, tiến sĩ Alberto Gasbarri, đặc trách chuẩn bị các chuyến viếng thăm của ĐTC tại nước ngoài, cũng là giám đốc hành chánh của Đài Vatican, đã đến Rio de Janeiro, để xác định những chi tiết trong cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô.

Cha Lombardi nói: “Chương trình sẽ theo sự nhạy cảm của ĐGH”. Sự hiện diện của ngài được xác nhận trong lễ nghi tiếp đó, đàng Thánh giá, buổi canh thức và thánh lễ bế mạc sáng chúa nhật 28-7 tại Cánh đồng đức tin ở khu vực Guaratiba (SD 25-4-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ngày phán xét thúc đẩy chúng ta sống giây phút hiện tại tốt lành và bác ái hơn

Ngày phán xét thúc đẩy chúng ta sống giây phút hiện tại tốt lành và bác ái hơn

Ngày phán xét không làm cho chúng ta sợ hãi, nhưng thúc đẩy chúng ta sống giây phút hiện tại tốt lành hơn, biết nhận ra Chúa nơi các anh chị em nghèo túng và yêu thương trợ giúp họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 100,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 24-5-2013. Trong số các đoàn hành hương hiện diện và được ngồi hai bên khán đài có phái đoàn 55 tín hữu Việt Nam, do Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn hướng dẫn. Đức Thánh Cha đã chào phái đoàn như sau:

Tôi thân ái chào các khách hành hương Việt Nam của tổng giáo phận thành phố Sàigòn, dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn.

Trong hài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý ngày Chúa Giêsu Kitô quang lâm, như viết trong Kinh Tin Kinh: ”Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Đức thánh Cha nói: Lịch sử loài người đã bắt đầu với việc tạo dựng người nam và người nữ giống hình ảnh của Thiên Chúa, và kết thúc với việc phán xét sau hết của Chúa Kitô. Thường khi chúng ta quên hai cực này của lịch sử, và nhất là niềm tin vào việc trở lại của Chúa Kitô và ngày phán xét sau hết đôi khi không rõ ràng và vững vàng trong tim của các kitô hữu. Trong cuộc sống công khai Chúa Giêsu đã thường dừng lại trên thực tại này của lần trở lại sau cùng.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã suy tư về ba dụ ngôn giúp mình giải ý nghĩa của tín lý này: đó là dụ ngôn 10 trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể, dụ ngôn các nén bạc và văn bản nói về ngày phán xét sau hết. Cả ba văn bản đều thuộc diễn văn của Chúa Giêsu về ngày tận thế trong Phúc Âm thánh Mátthêu.

Với việc Lên Trời Con Thiên Chúa đã đem nhân tính của chúng ta mà Người đã nhận lấy lên gần Thiên Chúa Cha, và muốn kéo tất cả chúng ta đến với Người, muốn kêu gọi toàn thế giới được đón nhận trong vòng tay rộng mở của Thiên Chúa, để khi lịch sử kết thúc, toàn thực tại được giao cho Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, có ”thời gian tức khắc” giữa biến cố Chúa Kitô đến lần đầu và lần cuối, là thời gian chúng ta đang sống. Dụ ngôn mười trinh nữ nằm trong bối cảnh của ”thời gian tức khắc” này (x. Mt 25,1-13).

Đây là mười trinh nữ đang chờ Chàng Rể tới, nhưng chàng đến chậm và các cô thiếp ngủ. Khi nghe báo Chàng Rể đang tới, tất cả các cô chuẩn bị tiếp đón Chàng, nhưng trong khi các cô khôn ngoan có dầu để châm cho đèn, thì các cô khờ dại bị tắt đèn vì không có dầu; và trong khi họ tìm cách đến với Chàng Rể thì các trinh nữ khờ dại thấy cửa vào phòng tiệc cưới đã đóng. Họ kiên trì gõ cửa nhưng đã qúa muộn, Chàng Rể trả lời: Ta không biết các ngươi. Chàng Rể là Chúa, và thời gian chờ đợi Người tới là thời gian Chúa cho chúng ta, cho tất cả chúng ta, với sự thương xót và lòng kiên nhẫn, trước ngày Chúa đến lần sau hết; đó là một thời gian tỉnh thức, thời gian trong đó chúng ta phải giữ cho đèn của đức tin, đức cậy và đức mến được cháy sáng, trong đó chúng ta phải giữ cho con tim rộng mở cho sự thiện, cho vẻ đẹp và cho tình bác ái; đó là thời gian sống theo Thiên Chúa, bởi vì chúng ta không biết ngày giờ cuộc trở lại của Chúa Kitô. Đức Thánh Cha giải thích giáo huấn của dụ ngôn như sau:

Điều đòi hỏi chúng ta là chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này, được chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ đẹp, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu; nó có nghĩa là biết trông thấy các dấu chỉ sự hiện diện của Chúa, giữ cho đức tin của chúng ta được sống động, với lời cầu nguyện, với các Bí tích, tỉnh thức để đừng ngủ, để đừng quên Chúa. Cuộc sống của các kitô hữu ngủ là một cuộc sống buồn sầu, không phải là một cuộc sống hạnh phúc. Kitô hữu phải là người hạnh phúc, với niềm vui của Chúa Giêsu. Chúng ta đừng ngủ!

Dụ ngôn thứ hai là dụ ngôn các nén bạc, khiến chúng ta suy tư về tương quan giữa việc chúng ta dùng các ơn nhận được từ Thiên Chúa như thế nào và việc trở lại của Người, trong đó Người sẽ hỏi chúng ta đã dùng các ơn ấy ra sao (x. Mt 25,14-30). Chúng ta biết rõ dụ ngôn: trước khi đi xa, ông chủ trao cho mỗi đầy tớ vài nén bạc, để chúng được sử dụng trong lúc ông vắng nhà. Ông giao cho người thứ nhất năm nén, người thứ hai hai nén và ngươi thứ ba một nén. Trong thời gian ông đi vắng hai người dầu tiên làm cho các nén bạc sinh lợi, trong khi người thứ ba thích chôn nén bạc của mình và trả lại nguyên vẹn cho chủ. Khi chủ về ông xét xử công việc của họ: ông khen ngợi hai người đầu, trong khi người thứ ba bị đuổi ra ngoài trong tối tăm vì anh ta đã dấu nén bạc vì sợ hãi, và khép kín trong chính mình. Một kitô hữu khép kín trong chính mình, chôn dấu tất cả nhữmg gì Chúa đã ban cho không là một kitô hữu. Đó là một kitô hữu không cám ơn Chúa về tất cả những gì Chúa đã ban cho họ. Đức Thánh Cha giải thích giáo huấn của dụ ngôn như sau:

Điều này nói với chúng ta rằng sự chờ đợi Chúa trở lại là thời gian của hành động – chúng ta đang sống trong thời gian hành động – thời gian, trong đó sinh hoa trái các ơn Chúa ban cho chúng ta, không phải cho chính chúng ta, nhưng là cho Chúa, cho Giáo Hội, cho những người khác, là thời gian trong đó luôn tìm cách gia tăng sự thiện trong thế giới. Và một cách đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng ngày nay, điều quan trọng là không khép kín trong chính mình, bằng cách chôn dấu nén bạc, các phong phú tinh thần, trí tuệ, vật chất của mình, tất cả những gì mà Chúa đã ban cho chúng ta, nhưng phải mở ra, liên đới, chú ý tới người khác. Trong quảng trưởng tôi trông thấy nhiều người trẻ, có đúng thế không? Có nhiều người trẻ phải không? Người trẻ ở đâu rồi? Với các con là những người còn đang ở lúc khởi đầu của con đường cuộc sống cha xin hỏi: Các con đã nghĩ tới các nén bạc Thiên Chúa đã ban cho các con chưa? Các con đã nghĩ có thể dùng chúng để phục vụ tha nhân chưa? Đừng chôn dấu các nẻn bạc! Hãy đánh cá chúng trên các lý tưởng lớn, các lý tưởng rộng mở con tim, các lý tưởng phụng sự khiến cho các nén bạc của các con phong phú. Cuộc sống không được ban cho để chúng ta khư khư giữ nó cho chính mình, mà được ban để chúng ta cho đi. Các người trẻ thân mến, hãy có một tâm hồn cao thượng! Đừng sợ hãi mơ tưởng các điều vĩ đại!

Sau cùng là một lời liên quan tới sự phán xét sau hết, trong đó được miêu tả lần đến thứ hai của Chúa, khi Người sẽ phán xét tất cả mọi người kẻ sống và người chết (x. Mt 25,31-46). Hình ảnh được thánh sử dùng là hình ảnh của người mục tử tách chiên khỏi dê. Bên phải được đặt những người đã hành động theo ý muốn của Thiên Chúa, cứu giúp tha nhân đói khát, khách lạ, trần truồng, yếu đau, bị cầm tù – tôi đã nói ”khách lạ”: tôi nghĩ tới tất cả các người nước ngoài ở trong giáo phận Roma này, chúng ta phải làm gì cho họ? – trong khi đi về bên trái là những kẻ đã không cứu giúp tha nhân. Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa sự phân cách này như sau:

Điều này nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ bị Thiên Chúa phán xử theo tình bác ái, theo cách chúng ta sẽ yêu thương các anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người yếu đuối và cần được giúp đỡ. Chắc chắn chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng chúng ta được biện minh, chúng ta được cứu rỗi nhờ ơn thánh, vì một hành động của tình yêu thương nhưng không của Thiên Chúa, là Đấng luôn luôn đi trước chúng ta; một mình chúng ta không thể làm được gì. Đức tin trước hết là một ơn mà chúng ta đã nhận được. Nhưng để mang hoa trái ơn thánh Chúa luôn luôn đòi hỏi chúng ta rộng mở cho Người, câu trả lời tự do và cụ thể của chúng ta. Chúa Kitô đến để đem lại cho chúng ta lòng thương xót của Thiên Chúa là Đấng cứu thoát. Chúng ta được yêu cầu tín thác nơi Người, đáp trả lại ơn tình yêu của Người với một cuộc sống tốt lành, gồm các hành động được linh hoạt bởi đức tin và tình yêu thương.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến nhìn vào sự phán xét sau hết không bao giờ làm chúng ta sợ hãi; đúng hơn nó thúc đẩy chúng ta sống hiện tại tốt lành hơn. Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta thời gian này với lòng thương xót và sự kiên nhẫn, để chúng ta học nhận biết Người mỗi ngày nơi các anh chị em nghèo túng và bé nhỏ, để chúng ta làm việc thiện và tỉnh thức trong lời cầu nguyện và trong tình yêu thương. Ước chi vào cuối cuộc đời mình và khi lịch sử kết thúc Chúa có thể thừa nhận chúng ta như các đầy tớ tốt lành và trung tín của Người.

Đức Thánh Cha đã đặc biệt chào người trẻ và khuyến khích họ tận dụng mọi khả năng và tài khéo Chúa ban để xây dựng Nước Chúa, Giáo Hội rất cần đến họ. Sau cùng ngài cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha mừng lễ thánh Giorgio bổn mạng

Đức Thánh Cha mừng lễ thánh Giorgio bổn mạng

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi toàn thể Giáo Hội can đảm loan báo Tin Mừng, dù gặp phải những bách hại và khó khăn.

Trên đây là ý chính bài giảng ứng khẩu của ĐTC trong thánh lễ lúc 10 giờ sáng 23 tháng 4-2013, nhân lễ thánh Giorgio bổn mạng của ngài.

Đồng tế thánh lễ với ĐTC tại Nhà nguyện Paolina trong dinh Tông Tòa có hơn 45 Hồng Y cư ngụ tại Roma, và một số chức sắc thuộc Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Đầu thánh lễ, ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn, đã đại diện các Hồng Y chúc mừng lễ bổn mạng ĐTC và nhắc lại vài nét nổi bật trong cuộc đời của thánh Giorgio: Người đã từ bỏ chức vụ sĩ quan cấp cao trong quân đội của hoàng đế Roma, để trở thành chiến binh của Chúa Kitô. Thánh nhân cởi bỏ binh giáp để mặc lấy áo giáp đức tin và đức ái. ĐHY Sodano cầu chúc ĐTC được hồng ân sức mạnh Kitô mà Chúa Thánh Linh phú cho các vị tử đạo trong mọi thời đại. Chính hồng ân sức mạnh Thánh Linh đổ tràn tâm hồn viên sĩ quan trẻ Giorgio của quân đội Roma, đã giúp thánh nhân đương đầu với mọi khó khăn trong việc từ bỏ binh nghiệp để trở nên môn đệ Chúa Kitô, phân phát tài sản của mình cho người nghèo. ĐHY niên trưởng nói thêm rằng: ”Cùng với ĐTC, chúng con cũng cầu xin ơn sức mạnh Kitô cho những người đang còn chịu đau khổ vì đức tin, như thời thánh Giorgio. Như cách đây mấy ngày, ĐTC đã nhắc nhở chúng con rằng thời kỳ của các vị tử đạo vẫn chưa chấm dứt!”.

Trong bài giảng, dựa vào các bài đọc, ĐTC ghi nhận một số điểm: trước tiên là chính lúc Giáo Hội bị bách hại, thì cũng là lúc bùng lên công trình truyền giáo của Giáo Hội: các tín hữu Kitô bị bách hại như thế đã đi tới tận miền Fenicia, đảo Cipro, và Antiokia, để công bố Lời Chúa. Họ mang trong mình lòng nhiệt thành tông đồ và nhờ đó đức tin được phổ biến. Và khi đến Antiokia, các tín hữu ấy đã bắt đầu nói với cả những người Hy Lạp. Chính Thánh Linh đã giúp họ có sáng kiến nói với cả những người Hy Lạp, đã thúc đẩy họ đi xa hơn nữa!

ĐTC cũng nhận xét rằng: Tại Jerusalem bấy giờ, có những người nghe tin về điều ấy, thì cảm thấy căng thẳng, và họ đã gửi Barnaba đến ”thanh tra tông tòa”; với một chút tinh thần khôi hài, chúng ta có thể nói cuộc thanh tra tông tòa của Barnaba ấy là khởi điểm thần học của Bộ giáo lý đức tin! Nhưng thánh Barnaba đến nơi đã thấy mọi sự tốt đẹp. Giáo Hội trở thành một người Mẹ có nhiều người con, người Mẹ cho chúng ta đức tin, mang cho chúng ta căn tính. Căn tính Kitô chính là sự thuộc về Giáo Hội.

Về điểm này, ĐTC Phanxicô phê bình lập luận của những người cho rằng mình muốn sống với Chúa Giêsu chứ không muốn sống với Giáo Hội; thật là một điều tách biệt vô lý khi muốn theo Chúa Giêsu ngoài Giáo Hội, yêu Chúa Giêsu mà không có Giáo Hội”. Chính Giáo Hội là Mẹ ban Chúa Giêsu cho chúng ta, trao tặng chúng ta căn tính: căn tính này không phải chỉ là một ấn tích, nhưng là sự thuộc về Giáo Hội”.

ĐTC cảnh giác thái độ chiều theo hoặc thỏa hiệp với thế gian, tìm an ủi nơi trần thế mà không ý thức về những bách hại và khó khăn. Ngài nói: ”Nếu chúng ta muốn tiến bước một chút trên con đường trần thế, thương thảo với thế gian – như những người Macabêu xưa kia bị cám dỗ muốn thực hiện, thì chúng ta sẽ không bao giờ được sự an ủi của Chúa. Và nếu chúng ta chỉ tìm an ủi, thì đó chỉ là một sự an ủi hời hợt, chứ không phải là ơn an ủi của Chúa, chỉ là một sự an ủi của phàm nhân. Giáo Hội luôn tiến bước giữa Thập Giá và sự Phục Sinh, giữa bách hại và sự an ủi của Chúa. Đó chính là hành trình của Giáo Hội: ai tiến trên con đường này thì không ai lầm”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta được lòng nhiệt thành tông đồ, thúc đẩy chúng ta tiến bước, như anh em với nhau! Hãy tiến bước, mang theo danh Chúa Giêsu giữa lòng Hội Thánh là Mẹ chúng ta, và như thánh Ignatio đã nói, Giáo Hội ”có phẩm trật và Công Giáo” (SD 23-4-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Cuộc chiến đấu chống hôn nhân đồng phái tại Pháp

Cuộc chiến đấu chống hôn nhân đồng phái tại Pháp

Phỏng vấn ông Antoine Renard, Chủ tịch Liên minh các hiệp hội gia đình công giáo Pháp

Trong các ngày qua tình hình tại Pháp sôi động với các cuộc biểu tình chống dự luật hôn nhân đồng phái, liên tục diễn ra trong nhiều thành phố khắp nước. Ngày Chúa Nhật 21 tháng 4-2013 đã có 230,000 người biểu tình trong thủ đô Paris. Sau khi thách thức thái độ châm biến của giới truyền thông phò dự luật hôn nhân đồng phái của chính quyền đảng xã hội, các lực lượng biểu tình thuộc nhiều hiệp hội và giai tầng xã hội khác nhau nhất quyết ”ăn thua đủ” với tổng thống François Hollande. Theo kết qủa của một cuộc thăm dò dư luận mới đây đàng sau phong trào ”Biểu tình cho tất cả” có 55% tổng số dân Pháp không chấp nhận luật cho phép hôn nhân đồng phái và quyền nhận con nuôi.

Từ mấy tháng qua uy tín của tổng thống Hollande và của đảng xã hội đã ”xuống dốc không phanh” vì các vụ tai tiếng gian tham hối lộ và bất lực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh cũng như nạn thất nghiệp trong nước khiến cho người dân Pháp vô cùng bất mãn. Dân chúng cho rằng chính quyền mất thời giờ cho hôn nhân đồng phải và quyền nhận nuôi con của họ là những chuyện ”trời ơi đất hỡi”, mà không muốn nghiêm chỉnh lo cho các vấn đề cấp bách hơn nhiều đối với hạnh phúc của đa số dân như công ăn việc làm và tình trạng kinh tế suy thoái, đang khiến cho cuộc sống của dân chúng vô cùng khốn đốn.

Trong các cuộc biểu tình tuần qua ban đầu tại Nantes, là quê sinh của thủ tướng Jean Marc Ayrault, và sau đó tại Versailles và Paris, các người biểu tình đã hô to các khẩu hiệu sống sượng như: ”Hollande phát xít, độc tài xã hội”. Tại Paris và nhiều thành phố khác đã xảy ra các vụ tấn kích tập thể ngoạn mục của các nhóm thanh niên chống hôn nhân đồng phái gọi là ”Hommen”. Chúng chứng minh cho thấy đây là các nhóm có tổ chức chặt chẽ và có các hành động cương quyết bất ngờ. Họ đeo các mặt nạ trắng có vẽ các giọt lệ, khóc cho tình trạng luân lý xã hội suy đồi, hay biểu tượng bị bịt miệng, mình trần với các hàng chữ mầu đen và các biểu tượng của phong trào chủ hòa và các khẩu hiệu bênh vực ”quyền của các trẻ em”. Các nhóm Hommen mặc quần Jean nhiều mầu từ đỏ tới xanh, và thường hành động theo nhóm từ 20 tới 80 người. Họ chiếm các quảng trường hay các trực đại lộ, dùng khói mầu và xích chân tay vào các đài kỷ niệm, hát quốc ca Pháp và hô các khẩu hiệu chống hôn nhân đồng phái, bảo vệ gia đình truyến thống, và quyền của các trẻ em được giáo dục bởi cha mẹ. Hành động táo bạo nhất là ngày 15-4-2013 một nhóm khoảng 30 người đã xích tay nhau chặn đường Rivoli gần quảng trường Vendôme nơi có bộ Tư Pháp, và ngăn chặn lưu thông trong giờ cao điểm nhất.

Ngày 16 tháng 4-2013 Phong trào ”Biểu tình cho mọi người” kêu gọi dân chúng tiếp tục phản đối, liên tục vào mỗi buổi chiều cho tới tối mịt, nhưng trong ôn hòa, bất bạo động. Năm dân biểu thuộc đảng tân Golíst đối lập đã không thể vào bàn giấy nằm cạnh trụ sở quốc hội, vì hàng rào đầy đặc cảnh sát bị dân chúng bao vây bên ngoài. Môt trong các dân biểu là ông Damien Meslot đã tố cáo việc huy động lực lượng an ninh qúa đông đảo không tương xứng với thái độ hòa hoãn của các đoàn người biểu tình. Tuy kêu gọi dân chúng bình tĩnh, nhưng phong trào đã không tha thứ cho chính quyền vụ bắt giữ 200 người biểu tình trong các ngày qua, đôi khi chỉ vì họ mang huy hiệu của phong trào. Ngoài ra, phong trào đã mạnh mẽ tố cáo vài nhân viên cảnh sát không mang huy hiệu trà trộn vào đám đông, cố ý gây ra các hành động bạo lực để có cớ bắt các người biểu tình. Tổ chức bảo vệ các trẻ em Pháp báo động rằng ”nền dân chủ tại Pháp đang lâm nguy” vì các hành động đàn áp của chính quyền đảng xã hội. Chiều ngày 17 tháng 4-2013 Quốc hội đã bắt đầu thảo luận dự luật hôn nhân đồng phái. Phe đối lập có ý đưa ra 700 khoản tu chính, nhưng chính quyền áp đặt việc thảo luận nội trong 25 giờ đồng hồ. Lý do vì tổng thống Hollande muốn quốc hội bỏ phiều thông qua dự luật vào ngày 23 tháng 4-2013. Và đa số dân biểu xã hội theo lập trường này. Tuy nhiên, bầu khí xã hội tại Pháp càng lúc càng căng thẳng, đến độ nguyên thủ tướng Jean Pierre Raffarin đã báo động trên đài phát thanh là nước Pháp đang có nguy cơ sống lại bầu khí xã hội nổi loạn hồi tháng 5 năm 1968. Ông nói: ”Chúng ta hãy nhìn rõ một sự đe đọa hỗn loạn trong nước. Nếu sự giận đữ của các nghiệp đoàn đạt tột đỉnh cộng với sự giận dữ của phía xã hội, thì chúng ta sẽ ở trong một tình trạng mong manh rất lớn”. Sự kiện nghiêm trọng đó là dự luật hôn nhân đồng phái trái nghịch với Luật dân sự và hai thỏa hiệp quốc tế mà chính nước Pháp đã ký nhận. Dân biểu Hervé Mariton hứa là phe tân Golist sẽ tổ chức trưng cầu dân ý.

Do sáng kiến của thủ tướng Ayrault một phái đoàn của Phong trào Biểu tình cho mọi người đã được Bộ trưởng nội vụ Manuel Valls tiếp kiến. Nhưng chính quyền đảng xã hội không muốn thay đổi lập trường.

Hồi mùa hè năm 2012 Giáo Hội công giáo Pháp đã phát động ”Ngày toàn nước cầu nguyện”, và đã mạnh mẽ gây ý thức cho toàn dân trước các hậu qủa trầm trọng đe dọa gia đình và xã hội do dự luật này gây ra. Việc khước từ sự khác biệt như kiểu nhân bản nhận diện, và đặc biệt là sự khước từ phái tính khác nhau sẽ gây ra các hệ lụy trầm trọng trong cuộc sống gia đình, trong nền giáo dục và trong cuộc sống xã hội. Ngoài ra, sự kiện chính quyền đã tìm mọi cách để tránh né các cuộc thảo luận công cộng, cả trong tiến trình của quốc hội nữa, là bằng chứng cho thấy ý đồ đen tối của chính quyền đảng xã hội muốn tàn phá gia đình, là tế bào nền tảng của mọi xã hội lành mạnh.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị bài phỏng vấn ông Antoine Renard, Chủ tịch Liên minh các hiệp hội gia đình công giáo Pháp, kiêm phát ngôn viên phong trào ”Biểu tình cho mọi người”, về cuộc đấu tranh chống hôn nhân đồng phái tại Pháp hiện nay.

Hỏi: Thưa ông, ông và phong trào ”Biểu tình cho mọi người” có còn chờ đợi gì nơi chính qyuền và tổng thống Hollande nữa không?

Đáp: Tôi không còn chờ đợi gì nữa từ chính quyền, nhưng trái lại từ tổng thống thì tôi chờ đợi, vì ông có trách nhiệm luân lý và chính trị phải bảo đảm cho các cơ cấu, và từ các cơ cấu ấy giờ đây chúng tôi chờ đợi một bằng chứng của sự sáng suốt đối với dự luật hôn nhân đống phái và quyền nhận con nuôi.

Hỏi: Liên minh các hiệp hội gia đình công giáo Pháp đang sống giai đoan căng thẳng hiện nay ra sao?

Đáp: Người ta có cảm tưởng là đã thành công trong việc tạo ra được một biến cố đã chờ đợi từ lâu: đó là một phần ngày càng gia tăng trong dân chúng đã nói lên tiếng nói của họ, không phải để bênh vực các lợi lộc cá nhân, nhưng là để bênh vực các nguyên tắc, bênh vực xã hội và bênh vực tương lai của gia đình. Có sự hài lòng và niềm hy vọng lớn, nhưng cũng có sự giận dữ và một sự tước đoạt thực sự khi thấy chính quyền không muốn lắng nghe tiếng nói của chúng tôi.

Hỏi: Vậy bầu khí bên trong phong trào ”Biểu tình cho mọi người” hiện nay như thế nào, thưa ông?

Đáp: Trong khu tổng hành dinh của phong trào thì tâm tình nổi bật là sư thanh thản và cương quyết. Chúng tôi muốn tiếp tục tranh đấu trong sự hợp pháp hoàn toàn, vì ý thức rằng sức mạnh của phong trào là chính ở nơi thái độ bất bạo động và không hiếu chiến, tôn trọng và có khả năng lắng nghe.

Hỏi: Thưa ông Renard, có người nhắc tới các nguy cơ của khuynh hướng qúa khích có thể xảy ra, riêng ông thì ông nghĩ sao?

Đáp: Tôi tin rằng nguy cơ là từ phía chính quyền, và đây là điều rất gây âu lo và bận tâm. Chứ nguy cơ không có từ phía phong trào ”Biểu tình cho mọi người”, cả khi dĩ nhiên nếu không được lắng nghe, thì chúng tôi sẽ lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa. Thế rồi đúng thật là có nhiều người trẻ đã dấn thân một cách tự phát trong phong trào lớn này, và họ là các thành phần dấn thân nhất. Họ có nguy cơ nghe theo các người lãnh đạo đang lên nhưng ít được linh hứng, nhưng trong phong trào ”Biểu tình cho mọi người” không có những người như thế. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi bình tĩnh.

Hỏi: Thế thì bên ngoài phong trào có nguy cơ bị lệch hướng hay không?

Đáp: Vâng, có, và đây là một nguy cơ thực, nhưng tôi xác tín rằng có vài nhóm sẽ không được dân chúng ủng hộ. Vả lại chính quyền có lỗi trong việc khiêu khích loại phản ứng như thế, với thái độ qúa khích của mình. Có các cá nhân riêng rẽ có thể ”bị cháy cánh”, nhưng tôi không tin là họ được người ta đi theo. Thế rồi từ phía chính quyền thật là vô trách nhiệm chiếu đèn trên các hiện tượng ngoài lề, cả khi đó là trò chơi cũ rích của quyền bính.

Hỏi: Ông có tin rằng đã có việc sử dụng không cân xứng các phương tiện cảnh sát và lực lượng an ninh để chống lại phong trào biểu tình cho mọi người hay không?

Đáp: Vâng, đó là điều rõ ràng là như thế. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng cả giới truyền thông cũng đã trở thành đồng lõa một cách kinh khủng của một chiến dịch nói xấu, xuyên tạc hoàn toàn bất công đối với chúng tôi.

Hỏi: Ông có cho rằng các tín hữu công giáo là một thành phần đáng kể, và hơn thế nữa họ chiếm đa số trong phong trào này hay không?

Đáp: Vâng, tôi tin là như thế. Và đó là bằng chứng cho thấy rằng, mặc dù việc thực hành đạo có sút giảm, nhưng tại Pháp vẫn còn có một nền văn hóa Kitô sâu xa đang tỉnh dậy.

(Avvenire 16.18-4-2013)

Linh Tiến KhảiVatican Radio

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố phúc trình thường niên về nhân quyền VN

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố phúc trình thường niên về nhân quyền VN

RFA 20.04.2013

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chiều hôm qua cho công bố phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo phúc trình của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ thì tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm qua xấu đi. Cơ quan chức năng hạn chế quyền tự do bày tỏ ý kiến, thông qua những qui định luật pháp mơ hồ về an ninh quốc gia để bỏ tù những người bất đồng chính kiến, sách nhiễu những người hoạt động và gia đình của họ. Tất cả những việc làm đó của cơ quan chức năng Việt Nam bất chấp yêu cầu tinh thần pháp trị.

Chính quyền Việt Nam tiếp tục hạn chế các quyền chính trị của công dân, đặc biệt quyền thay đổi chính phủ. Rồi giới hạn thêm nữa những quyền tư riêng và quyền bày tỏ ý kiến; trong đó có các cơ quan truyền thông, quyền tập họp, lập hội và quyền đi lại.

Những quyền như thế trên mạng cũng bị hạn chế. Chính quyền tiếp tục có can dự vào những vụ tấn công nhắm đến những trang chủ phê phán. Chính quyền tiếp tục theo dõi, xử phạt, bắt giữ và kết án những bloggers bất đồng chính kiến; gồm luật sư Lê Quốc Quân, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Anh BaSG Phan Thanh Hải, Đinh Đăng Định và nhiều người khác.

Quyền tự do tôn giáo tiếp tục là đối tượng bị diễn giải và bảo vệ không đồng nhất gây nên những vấn đề không dứt, đặc biệt ở cấp tỉnh và cấp địa phương xã phường. Chính quyền giới hạn quyền tự do lập hội của công nhân bằng cách không cho thành lập công đoàn độc lập, cũng như không thực thi hiệu quả các điều kiện làm việc an toàn cho họ.

TA ĐÃ YÊU CON BẰNG MỐI TÌNH MUÔN THƯỞ!

TA ĐÃ YÊU CON BẰNG MỐI TÌNH MUÔN THƯỞ!

… Câu chuyện ơn gọi tu dòng của con có thể so sánh với dụ ngôn Vị Mục Tử nhân lành để chín mươi chín (99) con chiên ngoài đồng hoang để đi tìm cho kỳ được một (1) con chiên bị mất (Luca 15,4). Con chiên lạc mất này chính là con!

Con là trưởng nữ trong gia đình Công Giáo có 5 người con. Ngay từ thơ bé Đức Mẹ MARIA đã canh giữ con cũng như gia đình con. Thân mẫu con rất chú trọng việc giáo dục con cái. Đặc biệt mẹ con để ý cách riêng đến con và em gái con. Cho dầu song thân không thường xuyên lãnh nhận các bí tích, các ngài vẫn biết thông truyền cho con cái các nguyên tắc thánh thiêng nòng cốt và bất khả xâm phạm.

Như con vừa nói, Đức Mẹ MARIA canh giữ con ngay từ thời thơ bé. Thật thế, năm 12 tuổi con theo học nơi trường các nữ tu Salésien, núp bóng thánh Gioan Bosco (1815-1888) và thánh Phanxicô đệ Sales (1567-1622). Tuy nhiên, dầu lớn lên trong bầu khí đạo đức con vẫn thích sống như bao thiếu nữ đồng lứa tuổi. Con ham chơi, yêu đời và chạy theo các bóng hình giả-trá phù-du của thế gian. Từ năm 15 đến 20 tuổi là khoảng thời gian trôi-nổi đẩy-đưa nhất của quãng đời thanh xuân. Con líu-lo nhí-nhảnh với bạn bè. Con có tất cả những gì con ưa thích. Cha mẹ con không hề để con thiếu thốn bất cứ thứ gì: ăn mặc hợp thời trang, dư giả tiền của, tự do học hành và đi đây đi đó. Con cũng có sắc đẹp kha-khá nên thường được người đời tấm-tắc ngợi khen.

Nói tóm lại, con nắm trong tay mọi ước mơ trần thế, vậy mà nội tâm con vẫn bất ổn không vui. Vào những lúc ngồi thinh lặng suy tư một mình, con hướng tâm hồn lên với Chúa. Con tin nơi THIÊN CHÚA, nhưng không bao giờ nghĩ rằng THIÊN CHÚA có thể can dự vào cuộc đời con. Do đó, mặc dầu lớn lên cạnh các nữ tu, nếu thỉnh thoảng trong con có lảng-vảng tư tưởng đi tu liền bị con tức khắc gạt ngang! Con nhất quyết không muốn trở thành nữ tu!

Thời gian tuần tự trôi qua trong cuộc sống bình thường. Cho đến một ngày Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA trực tiếp can thiệp. Mẹ siết chặt con vào lòng Mẹ và đưa con đến với Đức Chúa GIÊSU. Hôm ấy là 30-4-2001. Đó là ngày các nữ tu Phan-Sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm đi vào cuộc đời con và làm đảo lộn tất cả. Câu chuyện diễn tiến như sau.

Hôm ấy thân mẫu con nhất quyết đưa hai chị em con đến nhà Dì con để tham dự buổi họp mặt cầu nguyện chung. Cũng có sự hiện diện của các nữ tu Phan-Sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm. Thoạt trông thấy Các Chị còn trẻ và đoan trang trong chiếc áo dòng màu xanh-xám nhẹ, không hiểu sao lòng con bỗng xúc động bồi hồi. Con thắc mắc tự hỏi tại sao? Tại sao ư? Con không biết nữa! Chỉ biết rằng kể từ ngày đáng ghi nhớ ấy, con không bao giờ quên những nét mặt tươi vui xuân trẻ trong trắng ấy! Và kể từ sau lần gặp gỡ đầu tiên này, hai chị em con rất thích tham dự các buổi họp mặt cầu nguyện chung như thế.

Riêng con, vẫn còn những tâm tình ngỗn-ngang trái ngược nhau. Một đàng con lo lắng tự hỏi: ”Phải chăng mình có ơn gọi tu dòng?” Đàng khác, mỗi khi tư tưởng đi tu xuất hiện, con cương quyết đẩy xa, y như thể đó là tư tưởng kéo theo chuyện không lành! Con khẳng khái từ chối. Con cương quyết khẳng định: ”Không! Không thể được!” Thế nhưng cùng lúc ấy, tiếng Đức Chúa GIÊSU gọi mời trong con mỗi ngày một rõ ràng hơn, một mãnh liệt thúc bách hơn. Con gần như không thể nào chống cự lại được. Còn đang phân vân không biết phải xử sự ra sao thì một sự kiện khác xảy ra làm rung chuyển cuộc đời con.

Đó là chuyện em gái con. Hai chị em con thương nhau đậm đà thắm thiết. Chúng con luôn khắng khít và hòa hợp trong mối dây ràng buộc tinh thần. Bỗng chốc, em con quyết định từ bỏ tất cả để gia nhập dòng các Nữ Tu Phan Sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm. Giờ đây chỉ còn lại mình con đơn độc nơi gia đình. Tình huống thật éo le. Một bên tiếng Chúa gọi con thúc bách ra đi. Bên kia gia đình con còn đang đau đớn vì cuộc ra đi của em gái con. Con không nỡ gây thêm một vết thương nữa trong trái tim còn ”nưng-mủ” của Ba Má con.

Thêm vào đó vẫn còn có sự kiện trái nghịch diễn tiến trong nội tâm con. Một đàng em gái con đã vào tu nơi Cộng Đoàn Các Nữ Phan-Sinh Vô Nhiễm, đàng khác con vẫn tiếp tục có những tâm tình chống đối mỗi khi nghĩ về các nữ tu hoặc tư tưởng muốn chọn nếp sống tu trì. Chỉ có điều hơi khác là bây giờ con nghĩ rằng em con và con được Đức Chúa GIÊSU yêu dấu cách riêng. Ngoài ra Đức Mẹ MARIA vẫn tiếp tục canh giữ cuộc đời con. Đức Mẹ ban thêm sức mạnh để con sẵn sàng từ bỏ thế gian và gia đình.

Hai năm trôi qua kể từ ngày em gái con đi tu. Gia đình con giờ đây đã đủ sức tiếp nhận một tin mới khác. Con nhớ rõ hôm ấy là ngày 23-9, ngày lễ kính Cha thánh Pio thành Pietrelcina (1887-1968), con trịnh trọng báo cho gia đình biết quyết định chọn nếp sống tu dòng. Mọi người ngỡ ngàng đau đớn. Nhưng tất cả cúi đầu chấp nhận thánh ý THIÊN CHÚA. Rồi đến ngày 4-10, lễ kính thánh Phanxicô thành Assisi (1182-1226), Ba Má con lập lại cử chỉ dâng hiến đứa con gái thứ hai cho THIÊN CHÚA. Ba Má con can đảm để con tự do từ giã thế gian đi theo tiếng gọi của Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng là Chủ Tể mọi chân-thiện-mỹ.

Giờ đây con là nữ tu Phan-Sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm. Con ước ao trở thành chiếc bánh bé nhỏ của đau thương và của tình yêu trong bàn tay dấu ái của Đức Mẹ MARIA Vô Nhiễm để góp phần cứu rỗi các linh hồn.

(Chứng từ của Dì Phước Maria Catarina, người Ý).

… Từ xa THIÊN CHÚA đã hiện ra với tôi và phán: ”Ta đã yêu con bằng mối tình muôn thưở, nên Ta vẫn dành cho con lòng xót thương. Ta sẽ lại xây con lên và con sẽ được xây lại, hỡi trinh nữ Israel. Con sẽ lại nên xinh đẹp; với những chiếc trống cơm, con sẽ xuất hiện giữa đám nhảy múa tưng bừng. Con sẽ trồng nho lại trên núi đồi Samari; những kẻ trồng cây sẽ trồng cây và được hưởng hoa lợi. Vì có ngày trên núi Ép-ra-im người canh gác sẽ hô lớn: ”Đứng lên nào, chúng ta lên Sion, đến cùng THIÊN CHÚA chúng ta!” (Giêrêmia 31,3-6).

(”Immacolata Mia”, n.10, Dicembre/2006 + n.1 Gennaio/2007, trang 14-15)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi: Đức Thánh Cha Phanxicô Phong Chức Linh Mục Cho 10 Thầy Phó Tế

Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi: Đức Thánh Cha Phanxicô Phong Chức Linh Mục Cho 10 Thầy Phó Tế

VATICAN. Vào lúc 9h30 sáng ngày Chúa Nhật Thứ Tư Phục Sinh, cũng là Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 50, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ phong chức linh mục cho 10 thầy phó tế, trong đó có 2 thầy người Ấn độ, một thầy người Argentina, một thầy người Croatia và 6 thầy còn lại là người Ý.
Đồng tế với ĐTC có ĐHY Giám quản Agostino Vallini, các Giám mục, và các bề trên liên quan đến các tiến chức.

Nghi thức truyền chức bắt đầu sau bài Phúc Âm. Thầy Phó Tế được ủy nhiệm lần lượt điểm danh 10 tiến chức và ĐHY Giám quản xin ĐTC truyền chức linh mục cho các thầy.
Sau nghi thức giới thiệu, ĐTC đã diễn giảng ý nghĩa của việc phong chức linh mục và nhiệm vụ của các linh mục trong việc xây dựng Giáo hội là Hiền Thê của Chúa Kitô. Sau đây là lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha đến toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

“Anh em biết rõ rằng Đức Giêsu là tư tế Tối Cao Duy nhất của Tân ước, nhưng nơi Ngài tất cả dân thánh của Thiên Chúa được trở thành dân tư tế. Dầu vậy, trong số các môn đệ của mình, Đức Giêsu muốn chọn đặc biệt một số người, để ngang qua việc thực thi một cách công khai chức vụ tư tế trong Giáo hội vì lợi ích của con người, họ sẽ tiếp tục sứ mạng của Ngài như là thầy, tư tế và mục tử.
Thực vậy, Đức Giêsu đã được Chúa Cha sai đi như thế nào, thì đến lượt mình, Ngài cũng sai vào thế giới trước hết là các tông đồ, rồi đến các giám mục và các cộng sự của họ, và cuối cùng là những cộng tác viên, các linh mục – những người nối kết với các giám mục trong chức vụ tư tế – để phục vụ dân Chúa như vậy.
Sau khi phản tỉnh và cầu nguyện đầy đủ, giờ đây chúng ta hiện diện nơi đây để phong chức linh mục cho những người anh em của mình để nhờ việc phục vụ Đức Kitô, là Thầy, Tư tế và Mục tử, họ sẽ lao tác và xây dựng Thân Thể Chúa Kitô là Giáo hội nơi dân Thiên Chúa và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.
Họ sẽ trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Tư tế Tối cao và đời đời, nghĩa là họ sẽ được thánh hiến để trở thành các tư tế đích thực của Tân Ước và qua tước hiệu này, họ sẽ được nối kết với các giám mục của họ trong chức vụ tư tế. Họ sẽ là những nhà truyền giảng Tin Mừng, mục tử Dân Thiên Chúa và chủ sự các nghi lễ phụng vụ, đặc biệt là trong việc của hành sự hiến tế của Thiên Chúa.”

Kế đến Đức Thánh Cha nhắc nhở các tiến chức sứ mạng của mình, là Mục tử của Dân Thiên Chúa. Ngài nói:

“Anh em sẽ được phong chức linh mục, anh em hãy nhớ rằng ngang qua việc thực thi thừa tác vụ về Giáo thuyết thánh, anh em được dự phần vào sức mạng của Đức Kitô, là Thầy Duy nhất. Hãy phân phát cho mọi người Lời Chúa mà chính anh em đã lãnh nhận trong niềm vui. Hãy nhớ đến cha mẹ, ông bà, các giáo lý viên, những người đã trao cho anh em lời Chúa, đức tin.. món quà Đức tin. Chính các vị ấy đã thông chuyển cho anh em món quà đức tin. Hãy đọc và năng suy niệm Lời Chúa, hãy tin những gì mình đã đọc, dạy những gì mình tin, và sống những gì mình dạy. Hãy nhớ rằng, Lời Chúa không phải là tài sản của anh em: là Lời của Thiên Chúa. Và Giáo hội là người bảo vệ Lời Chúa.

Vì thế, anh em hãy nuôi dưỡng Dân Chúa bằng giáo thuyết của mình, hãy nuôi dưỡng và trao cho các tín hữu niềm vui bằng hương thơm đời sống của anh em, để với lời và gương mẫu, anh em có thể xây ngôi nhà của Thiên Chúa, là Giáo hội. Anh em hãy tiếp tục những hành động thánh hiến của Đức Kitô. Nhờ vào thừa tác vụ của anh em, sự thánh hiến thiêng liêng của các tín hữu trở nên hoàn thiện. Vì qua bàn tay anh em, nhân danh toàn thể Giáo hội, sự thánh hiến của các tín hữu sẽ được kết hợp với sự thánh hiến của Đức Kitô, được dâng lên bàn thờ khi cử hành các Mầu Nhiệm Thánh. Hãy nhớ điều anh em sẽ làm. Bắt chước điều anh em cử hành, để nhờ vào việc dự phần vào mầu nhiệm cái chết và phục sinh của Thiên Chúa, anh em mang lấy nơi chi thể mình cái chết của Đức Giêsu và bước đi với Ngài trong đời sống mới.
Với Bí tích rửa tội, anh em hãy giúp những người tân tòng gia nhập vào Dân Thiên Chúa. Nhờ bí tích Hòa giải, anh em hãy tha thứ tội lỗi nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội: Hôm nay, tôi mời gọi anh em, nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội, xin anh em đừng bao giờ mệt mỏi thương xót. Với dầu thánh, anh em hãy xoa dịu nổi đau của những người bệnh và người già: đừng ngại bày tỏ sự thắm thiết-dịu dàng đối với những người già. Ngang qua các cử hành phụng vụ thánh và việc tham dự các giờ kinh nguyện khác nhau trong ngày, anh em hãy trở thành tiếng nói của Dân Thiên Chúa và toàn thể con người.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tiến chức rằng:

“Cuối cùng, bằng việc dự phần vào mầu nhiệm của Chúa Kitô, là Đầu và Mục Tử, trong sự hiệp thông con thảo với giáo mục của mình, anh em hãy nỗ lực để giúp các tín hữu hiệp nhất với nhau trong một gia đình duy nhất, để dẫn họ đến với Thiên Chúa là Cha, nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Hãy luôn giữ trước mắt anh em mẫu gương của vị Mục Tử Tốt Lành, Đấng đã tới không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ, và Đấng đến để cứu những gì đã hư mất.”

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Thánh lễ kết thúc lúc 11h45, vào đúng 12h trưa, ĐTC Phanxicô đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới trời nắng đẹp. Nhắn nhủ với các tín hữu và khách hành hường, Đức Thánh Cha đã quãng diễn về ý nghĩa của lời Chúa trong ngày lễ Chúa Nhật thứ Tư Phục sinh. Ngài nói:

Anh chị em thân mến!
Hôm nay là Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh. Ngày Chúa Nhật này được đặc trưng bởi bài Phúc Âm nói về Vị Mục Tử Nhân Lành – trong chương X của Tin Mừng Gio-an – bài Phúc Âm này được đọc hằng năm. Đoạn Tin Mừng của ngày hôm nay trình bày lại cho chúng ta những lời của Chúa Giê-su:
"Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi;
tôi biết chúng và chúng theo tôi.
Tôi ban cho chúng sự sống đời đời;
không bao giờ chúng phải diệt vong
và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.
Cha tôi, Ðấng đã ban chúng cho tôi,
thì lớn hơn tất cả,
và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.
Tôi và Chúa Cha là một" (Ga 10, 27-30)

Bốn câu này hàm chứa tất cả sứ điệp của Chúa Giêsu: Ngài mời gọi chúng ta hãy thông dự vào trong mối tương quan của Ngài với Chúa Cha, và đây chính là sự sống đời đời.

Chúa Giêsu muốn thiết lập với các bạn hữu của Ngài một mối tương quan, phản ánh mối tương quan của chính Ngài đã có với Chúa Cha: một mối tương quan phụ thuộc lẫn nhau trong niềm tín thác trọn vẹn và tình hiệp thông thắm thiết. Để diễn tả mối tương quan sâu đậm này, trình thuật Tin Mừng về mối tương quan tình bằng hữu của Chúa Giê-su đã dùng đến hình ảnh người mục tử với chiên của mình: người mục tử gọi chúng và chúng nhận ra tiếng của anh, chiên nghe tiếng gọi của chủ và theo chủ. Dụ ngôn này thật đẹp biết bao! Mầu nhiệm của tiếng gọi có tính gợi ý: ngay từ khi còn ở trong lòng mẹ, chúng ta học biết nhận ra tiếng của mẹ và tiếng của cha; từ một cung điệu của lời được cất lên, chúng ta cảm nhận được sự yêu thương hay khinh miệt, yêu mến hay lạnh nhạt. Tiếng của Chúa Giêsu là độc nhất! Nếu chúng ta học để nhận ra được tiếng ấy, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta trên nẻo đường sự sống, một con đường băng qua vực thẳm của sự chết!

Tiếp đến Đức Thánh Cha khích lệ các bạn trẻ lắng nghe lời mời gọi của Đức Giêsu và bước theo Ngài một cách gần gũi hơn. Ngài nói:

Mà Chúa Giê-su nói và ám chỉ đến các con chiên của mình: "Cha của tôi, Đấng đã trao chúng cho tôi…" (Ga 10,29). Đây là điều rất quan trọng, là một mầu nhiệm sâu xa, chẳng dễ hiểu chút nào: nếu như tôi cảm được sự hấp dẫn từ Chúa Giêsu, nếu như tiếng của Ngài sưởi ấm trái tim tôi, thì đó chính là ơn sủng từ Chúa Cha, Đấng đã đặt trong trí tim tôi khao khát tình yêu, chân lý, sự sống, và cái đẹp… và Đức Giêsu là tất cả những điều ấy trong sự trọn đầy!
Điều này giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm của ơn gọi, cách riêng là mầu nhiệm của tiếng gọi bước theo một sự thánh hiến đặc biệt. Đôi khi Đức Giêsu gọi chúng ta, mời chúng ta bước theo Ngài, nhưng có lẽ điều đó xảy ra mà chúng ta lại không nhận ra đó chính là Ngài, đúng như nó đã từng xảy ra với trẻ Samuel. Hôm nay, tại quảng trường này, có rất nhiều bạn trẻ. Cha muốn hỏi các con: có lúc nào đó các con cảm được tiếng của Đức Chúa, qua một ước muốn, một niềm thổn thức, mời gọi các con bước theo Ngài một cách gần gũi hơn không? Các con có muốn trở thành người tông đồ của Chúa Giê-su không?

Người trẻ cần đặt ước muốn ấy vào cuộc chơi cho những lý tưởng cao đẹp. Hãy hỏi Chúa Giêsu điều Ngài muốn và hãy can đảm lên! Trước và sau mỗi ơn gọi làm linh mục hoặc ơn gọi đời sống thánh hiến, vẫn luôn có những lời cầu nguyện mạnh mẽ và quyết liệt của một người nào đó, chẳng hạn như lời cầu của ông bà nội ngoại, của cha mẹ, của cộng đoàn… Quả thực Chúa Giê-su đã nói: "Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt – chính là Chúa Cha – sai thợ ra gặt lúa về!" (Mt 9,38). Ơn gọi được nảy sinh trong lời cầu nguyện và bởi lời cầu nguyện; và chỉ trong lời cầu nguyện mà thôi, những ơn gọi ấy mới được gìn giữ và trổ sinh hoa trái. Cha cũng muốn nhấn mạnh rằng hôm nay là "Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi". Chúng ta hãy cầu nguyện cách đặc biệt cho các tân Linh Mục của Giáo Phận Rô-ma, là những người đã có niềm vui của việc thụ phong sáng nay. Và chúng ta hãy khẩn nài sự cầu bầu của Đức Maria, là Đức Mẹ của tiếng "Vâng". Mẹ đã học để biết nhận ra tiếng của Chúa Giêsu kể từ lúc Mẹ cưu mang Ngài trong bụng. Xin Đức Maria giúp chúng ta nhận ra tiếng của Giêsu tốt hơn và bước theo Ngài, để tiến bước trên con đường của sự sống!

Sau kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, ĐTC đã ban phép lành cho mọi người hiện diện tại quảng trường.

Sau đó ĐTC đã bày tỏ sự gần gũi đối với những gì đang diễn ra ở Venezuela, và Ngài hứa sẽ đồng hành với người dân nước này với tình yêu và lời cầu nguyện. Ngài hy vọng và mời gọi mọi người dân, đặc biệt là các chính trị gia và những người ra quyết định, hãy khước từ mọi hình thức bạo lực, và thiết lập cuộc đối thoại dựa trên chân lý và tôn trọng nhau trong nỗ lực tìm kiếm thiện ích chung cho đất nước. Ngài cũng yêu cầu các tín hữu cầu nguyện và lao tác cho sự hòa giải và hòa bình.
Kế đến, ĐTC cũng mời gọi mọi nhớ đến các nạn nhân đang bị ảnh hưởng bởi động đất ở Trung quốc. Ngài mời gọi mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân và những người phải gánh chịu đau khổ vì thiên tai này.

Nguyễn Minh Triệu SJ – Vatican Radio

Bể Bầu Tâm Sự – Ba Vui & Ba Buồn Ở Giáo Xứ

  Bể Bầu Tâm Sự – Ba Vui & Ba Buồn Ở Giáo Xứ

Trong ngày Chúa Nhật Linh Mục Priesthood Sunday 2012 vừa qua, tôi nhận được khá nhiều những thiệp chúc mừng từ anh chị em giáo dân, từ các thầy cô và các em học sinh thuộc trường Thánh Tôma Thiện.  Trong số đó có một tấm thiệp của một người trong giáo xứ hỏi tôi như thế này:  “Đi tu sướng hay khổ vậy cha?  Con thắc mắc là bởi vì lúc nào con cũng thấy cha cười rất tươi!”  Từ hôm đó đến nay, tôi chưa có cơ hội trả lời, hôm nay nhân ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành (Good Shepherd  Sunday), tôi xin trả lời cho người đã nêu lên thắc mắc và cũng là một dịp để “bể bầu tâm sự” cùng với quý cụ quý ông bà và anh chị em thuộc giáo xứ thánh Giuse, nơi tôi đã có duyên về đây phục vụ suốt gần 6 năm qua.

Giống như tất cả mọi người, giống như mọi ơn gọi khác, và theo quy luật tự nhiên, tôi cũng có lúc buồn, lúc vui, lúc up lúc down, lúc sốt sắng, lúc khô khan, có lúc cười và cũng có lúc khóc… Chứ chả có khi nào vui hoài hay buồn mãi cả!  Và dĩ nhiên tôi cũng chẳng khi nào sốt sắng và thánh thiện suốt bốn mùa: Xuân – Hạ – Thu – Đông như có người tưởng!  Nhân vô thập toàn mà lại!

Đi tu sướng hay khổ?”  Dĩ nhiên câu trả lời của tôi sẽ là:  Ai bảo đi tu là khổ, đi tu sướng lắm chứ!” Nếu khổ thì tôi đâu còn trong đời tu trì cho đến hôm nay nữa!  Nhưng tôi xin mở một ngoặc đơn nhỏ ở đây!  Và xin thưa với anh chị em là sướng hay khổ là tự nơi mình mà thôi!  Nếu tôi và anh chị em bằng lòng với những gì Chúa đã và đang ban cho chúng ta, và chúng ta cố gắng tin tưởng phó thác vào Ngài trong mọi nơi, và trong mọi lúc, thì dù là đi tu hay lập gia đình, hoặc sống độc than “chỉ có mình ên” thì chúng ta là những người sung sướng, còn ngược lại, nếu chúng ta chỉ đứng núi này trông núi nọ, không bao giờ bằng lòng với những ơn huệ của Chúa ban cho ta và tệ hơn nữa chẳng biết trông cậy và phó thác nơi Ngài, thì cuộc sống của chúng ta sẽ chỉ thấy Khờ ô khô hỏi khổ” mà thôi!
 
Nhân ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, tôi xin chia sẻ ba niềm vui lớn (large size) và ba cái khổ cỡ trung (medium size) mà tôi cảm nghiệm được trong những năm qua tại giáo xứ thánh Giuse này.
 
Đây là ba niềm vui lớn mà tôi cảm nhận được trong khi phục vụ quý ông bà và anh chị em:
  1. VUI NHẤT:  Số  người  đến  tham  dự thánh lễ trong những ngày thường (weekdays)  có chiều  hướng  gia  tăng, mỗi ngày đông hơn.  Từ con số 10-15 người  vào  năm  2007,  cho  đến  nay trung bình có khoảng 60-150 người đến tham dự các thánh lễ ngày thường, nhất là vào các thánh lễ vào tối thứ năm và tối thứ sáu hàng tuần.  Thứ năm và thứ sáu  đầu  tháng  thì còn  đông  hơn  nữa, nhất là trong mùa hè.  Điểm đáng chú ý là số người đến tham dự thánh lễ gồm đủ mọi giới, có già, có trẻ, có nam có nữ, có thanh thiếu niên, có những gia đình cả chồng vợ, con cái cùng đi với nhau rất đều đặn, và có cả những người đi làm  vất vả cả ngày  rồi nhưng  vẫn tranh  thủ  đến  tham  dự  thánh  lễ mỗi ngày.
  2. VUI NHÌ:  Từ ngày về giáo xứ này cho đến nay, tôi chưa lần nào phải lo nghĩ, phiền não hay lo lắng gì về vấn đề tiền bạc! Bà con trong và ngoài giáo xứ rất ư là quảng đại và rộng rãi đóng  góp  tài năng,  công  sức và của cải vật chất cho giáo xứ, và cho giáo phận. Nhờ vào sự rộng rãi và quảng đại của bà con cô bác mà tất cả mọi công việc lớn nhỏ đều đã diễn ra một cách bình an và thuận lợi!  Từ quỹ Đức Giám Mục cho đến quỹ bác ái mùa chay, cho đến quỹ xây dựng ngôi tân thánh đường … bà con  đã và đang  vui vẻ đóng  góp  cũng  như cộng tác rất tích cực với tôi trong những năm qua.
  3. VUI BA:  Tôi nhận được sự cộng tác rất tích cực từ mọi giới, các cụ, các ông, các bà, các chú bác, dì cô, các anh chị, các em thanh thiếu niên, các cháu thiếu nhi … Nhất là trong khi điều  hành  & theo  dõi công  trình  xây  dựng ngôi  thánh  đường,  quý  vị  trong  Ban  Xây Dựng, trong Hội Đồng Tài Chánh, trong Ban Thường Vụ, trong Hội Đồng Mục Vụ, và rất nhiều quý ân nhân, rất nhiều nhân tài đã phụ giúp và nâng đỡ tôi cả về mặt chuyên môn, về mặt tinh thần lẫn về mặt vật chất.  Có những vị ân nhân ở xa lắc xa lơ, chả có trách nhiệm hay  bổn  phận  gì với giáo  xứ này, nhưng vẫn quảng đại đóng góp cho ngôi tân thánh đường, và con số đóng góp của họ không phải là nhỏ.  Có những vị dâng cúng cả vài chục ngàn cho ngôi tân thánh đường chứ không phải là vài trăm.
Và đây là ba cái buồn medium size của tôi! Hơi buồn thôi chứ chưa đến nỗi buồn đến chết được đâu nhé!    
  1. BUỒN NHẤT:  Trong các giờ chầu Thánh Thể  vào  các  sáng  Chúa  Nhật,  chưa  có nhiều  người  hưởng  ứng  & tham  gia  cho lắm, hình như cứ hễ đến phiên hội đoàn của mình  phụ  trách  Giờ  Chầu  thì mình  mới tham dự, còn không phải đến phiên thì … xin miễn.  Mỗi chiều Chúa Nhật, từ 2-4 giờ chiều, tôi cố ý đặt Mình Thánh để quý vị phụ  huynh,  những  người  bận  rộn  đi làm trong tuần có cơ hội đến viếng Chúa và kín múc sức mạnh từ nơi Ngài qua Giờ Chầu Thánh Thể, nhưng tôi quan sát chỉ thấy có một số rất ít quý vị phụ huynh tham dự, quanh đi quẩn lại chỉ thấy một số thầy cô, các em trong Nhóm Thomas teens và các em học sinh mà thôi! 
  2. BUỒN NHÌ:  Tôi cầu nguyện mỗi ngày, trong mỗi thánh lễ, cầu suốt trong gần sáu năm trời nay mà chưa thấy có bạn trẻ nào dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì cả!  Kể cả việc mời gọi bà con tham gia Hội Bảo Trợ Ơn Gọi Nhà Chúa, để cầu nguyện và giúp đỡ cho nhà dòng của tôi trong việc đào tạo và huấn luyện chủng sinh & tu sĩ, để sau này giáo xứ thánh Giuse  có linh  mục  cử hành  các  bí tích,  nhưng  chả  thấy  có nhiều người hưởng ứng.  Đơn phát ra thì nhiều, nhưng nhận lại… chẳng có bao nhiêu !
  3. BUỒN BA:  Tôi vẫn còn nghe nói, trong các buổi hội họp, tiệc tùng, đọc kinh, khi ngồi lại với nhau, vẫn còn có người cứ hay đem người này kẻ nọ ra để làm đề tài chê bai, chỉ trích, dèm pha, nói hành nói xấu nhau, và có những khi đem cả các Giám Mục, các linh mục ở tận bên Việt Nam, và ở Grand Prairie này (tức là tôi!) đem lên bàn mổ, để mổ xẻ và phân tích từng li từng tí!  Tôi sợ chết oan lắm vì tôi biết rất rõ những người này chưa hề học ở trường thuốc nào ở Việt Nam cũng như ở Mỹ, và cũng chẳng có lai-xần, lai xiếc gì về mổ xẻ cả!  Ớn!    !
Hôm nay là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, xin anh chị em cầu nguyện và xin anh chị em giúp tôi ba việc nhỏ này:
  1. Tranh thủ, thu xếp để đến tham dự các giờ Chầu Thánh Thể, mỗi người cố gắng dành cho Chúa mỗi tuần 1 giờ đồng hồ. Anh chị em  sẽ thấy rất nhiều những ơn ích mà Chúa ban cho mình & gia đình anh chị em qua việc siêng năng đến tham dự những Giờ Chầu Thánh Thể.
  2. Xin quý cụ, quý ông bà và quý phụ huynh  ráng động  viên, khuyến khích con cháu của mình suy nghĩ về ơn gọi tu trì, và cầu nguyện cho chúng, để chúng lắng nghe và can đảm đáp lại lời mời gọi của Chúa. Những khi các dòng tu tổ chức các buổi Tìm Hiểu Ơn Gọi, thì xin anh chị em chở các em tới, hay mua vé máy  bay  cho  các  em  đi tham  dự. Và xin anh chị em ghi danh tham gia vào Hội Bảo Trợ Ơn Gọi của Tu Đoàn  Nhà  Chúa  hay  của  các dòng  tu  khác,  để  cầu  nguyện  và giúp  đỡ  cho  việc  đào  tạo,  huấn luyện chủng sinh cũng như tu sĩ.
  3. Xin  đừng  phê  bình  hay  chỉ trích, hoặc mổ xẻ các Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ… Chúng tôi vốn đã là những con người yếu đuối, khiếm khuyết, và xấu xa, anh chị em nói xấu chúng tôi thì chúng tôi chỉ xấu thêm  chứ chẳng  đẹp hơn được  tí nào cả, vì thế cho nên xin dủ lòng thương  xót,  vui lòng  STOP  đừng nói  xấu  hay  phê  bình  chúng  tôi nữa! Tội nghiệp!  Và nếu anh chị em có điều gì bất mãn hay không vừa ý trong cách hành xử hay trong cách làm việc của tôi, xin anh chị em  cứ mạnh  dạn  vào  gặp  để trao đổi và đối thoại  trực  tiếp  với  tôi, cho tôi có cơ hội để giải thích, để phân trần, như vậy mới gọi là công bằng, còn nếu chỉ ra ngoài nói xấu tôi, thông  tin kiểu  một  chiều  như vậy thì thật chẳng công bằng với tôi một chút nào cả.
Khi tâm sự với anh chị em những niềm vui và nỗi buồn trên, tôi chỉ mong ước anh chị em nhận ra hai điều này:
  • Thứ nhất:  Anh chị em đã và sẽ còn đóng những vai trò rất quan trọng trong việc giúp cho giáo xứ chúng ta được thăng tiến về mọi phương diện.  Và xin cho tôi nói nhỏ một tí: “Không có sự cộng tác và không có sự hỗ trợ của anh chị em thì Chúa cũng … chịu thua luôn chứ đừng nói gì đến cái thằng … tôi này!”
  • Thứ hai: Sự cộng tác, sự nâng đỡ và những lời cầu nguyện của anh chị em dành cho tôi qua việc tích cực đóng góp về tài năng, về của cải vật chất, và qua những lời kinh cầu cho các linh mục trong các Giờ Chầu Thánh Thể vào mỗi thứ năm hàng tuần là những nhân tố giúp cho tôi sống vui, sống lạc quan và tự tin hơn trong vai trò của một linh mục chánh xứ.
Chân thành cám ơn anh chị em, xin cám ơn từng người, cám ơn quý ông, quý bà, quý anh quý chị, từng gia đình, từ trẻ tới già, từ nhỏ tới lớn, từ người mới tới người cũ trong giáo xứ Thánh Giuse đã giúp tôi có được những niềm vui to lớn, và những nỗi buồn nho nhỏ trong những năm qua.
 
Xin  Thiên Chúa là Cha toàn năng gìn giữ và chúc lành cho anh chị em luôn mãi.  Amen!

Lm. Ansgar Phạm Tĩnh, SDD

Vị Chủ Chăn Nhân Lành

Vị Chủ Chăn Nhân Lành

Chúa Nhật thứ tư Phục Sinh là Chúa Nhật Chúa Chăn Chiên Lành, ngày cầu nguyện cho các ơn gọi linh mục, tu sĩ nam nữ. Bài Phúc Âm nhắc chúng ta nhớ lại mối tương quan giữa Chúa Giêsu và mỗi tín hữu. Chúa Giêsu là Đấng chăn chiên tốt lành, là Đấng bảo vệ đoàn chiên, là nền tảng, là mẫu mực cho mọi vị chủ chăn tương lai được Ngài trao quyền chăn dắt đoàn chiên.

Cuốn phim về cuộc đời ông Bach Adams, trình bày cho chúng ta thấy một phần nhân cách phi thường, khác thường đến độ bị kẻ khác xét như một người điên. Đó là nhân cách của ông Bach Adams: ông khám phá ra chiều kích nhân bản tương quan giữa người với người trong việc chữa trị bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ bình phục mau chóng hơn khi mối tương quan giữa bác sĩ và đương sự được tốt đẹp. Thái độ của ông Bach Adams rất khác biệt với thái độ cứng nhắc, vô tâm, vô tình của bác sĩ tâm thần không màng nghe người bệnh. Thái độ của ông Bach Adams bị thử thách khi người mang ơn những trợ giúp nhân đạo của ông không những không biết ơn mà còn hành động tàn bạo giết chết người yêu của ông. Adams cảm thấy sự hy sinh của mình bị xúc phạm, bị lợi dụng và muốn bỏ cuộc. Tác giả cuốn phim cho chúng ta thấy rằng chỉ khi nào Adams chấp nhận hy sinh, cho đi tất cả, thực sự cho đi tất cả, thì ông mới trung thành được với sứ mạng. Đây có thể nói là một cách sống thí mạng cho kẻ khác, cách sống của vị chủ chăn chiên hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

Lòng quảng đại suông không bị thử thách, không quảng đại hy sinh, không phải thí mạng cho kẻ khác thì chưa phải là lòng quảng đại của vị chăn chiên nhân lành. Ngày ơn thiên triệu, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã từng mời gọi các bạn trẻ hãy quảng đại đáp lại lời mời gọi theo Chúa, đây không phải là thứ lòng quảng đại lãng mạn, quá lý tưởng, không được thể hiện ra bên ngoài bằng hành động hy sinh cụ thể. Và do đó sẽ không kiên trung kéo dài lâu, gặp khó khăn sẽ dễ dàng nản lòng. Hy sinh là định luật để được trưởng thành và vững mạnh.

Một ngày kia, Chúa Giêsu đã hiện ra cho thánh Giêrônimô và hỏi: – Này Giêrônimô, hôm nay con có gì để dâng cho Ta không?

Thánh Giêrônimô đáp: – Con dâng cho Chúa tất cả những bộ sách con đã viết và nhất là bộ Kinh Thánh con vừa mới dịch xong.

Chúa Giêsu mỉm cười chấp nhận nhưng chưa hoàn toàn thỏa mãn, Ngài hỏi thêm: – Con còn có gì nữa để dâng cho Ta không?

Thánh Giêrônimô không chút do dự trả lời: – Con dâng cho Chúa tất cả những hy sinh, khổ cực con gặp thường ngày từ trước tới giờ. Con dâng cho Chúa trọn cả cuộc đời tu trì của con đây.

Chúa Giêsu chấp nhận nhưng vẫn chưa mãn nguyện, Ngài lại hỏi lần thứ ba: – Con còn có gì để dâng cho Ta nữa không?

Lần này, thánh Giêrônimô tỏ vẻ phân vân và nhỏ nhẹ thưa cùng Chúa: – Thì con đã dâng cho Chúa tất cả rồi, còn gì tốt đẹp nữa đâu mà con có thể dâng cho Chúa được.

Chúa Giêsu nhìn Giêrônimô với đôi mắt nhân từ, tràn đầy yêu thương và phán: – Giêrônimô, tại sao con không dâng cho Ta những tội lỗi, những tật xấu của con? Con giữ nó làm gì? Ta đã xuống thế, chịu chết trên thập giá là để đền tội lỗi con mà.

Thánh Giêrônimô dâng cho Chúa tất cả, kể cả những tội lỗi của mình.

Câu chuyện này phần nào diễn tả tất cả tâm hồn tràn đầy yêu thương của Chúa đối với mỗi người chúng ta. Ngài biết rõ chúng ta như chủ chăn biết rõ từng con chiên. Ngài đến với mỗi người chúng ta và đặt ra cùng một câu hỏi: “Con có gì dâng cho Ta hôm nay không?”, ngoài những gì tốt đẹp nhất mà sức hèn con người có thể thực hiện để dâng cho Chúa, chúng ta còn được Chúa âu yếm mời gọi đừng sợ, hãy dâng cho Chúa cả những tội lỗi của mình. Chúa yêu thương chúng ta, thật khác với mọi lãnh tụ trần gian, chỉ muốn thuộc hạ dâng cho mình điều tốt. Chúa Giêsu, Đấng chăn chiên nhân lành, vì Chúa là Chúa, nên muốn chúng ta dâng cho Ngài những điều tốt lẫn những điều xấu, vì Ngài có đủ quyền năng để biến đổi những điều xấu, thanh tẩy những tội lỗi chúng ta nếu chúng ta muốn.

Hình ảnh vị chủ chăn nhân lành nhắc nhở chúng ta nhớ lại tình thương yêu, bảo vệ và hướng dẫn của Chúa. Hãy dâng cho Chúa tất cả, kể cả những tội lỗi của chúng ta. “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta. Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta”. Chúng ta hãy đến dâng cho Chúa tất cả cuộc sống của mình, tất cả những điều tốt đẹp, kể cả những điều xấu, những tội lỗi để cho ân sủng Chúa thanh tẩy mỗi người chúng ta mỗi ngày được nên tốt đẹp hơn.

Radio Veritas

Chiên nghe theo Chủ Chăn

Chiên nghe theo Chủ Chăn

Theo một tư liệu mới được tìm thấy, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nhà soạn nhạc người Anh nổi tiếng Gustav Holst (1874-1934) thường chơi kèn trombone, khi từ London trở về nhà ở Cheltenham. Lúc đó Holst đang là sinh viên của Trường Âm nhạc Hoàng gia Anh và do quá nghèo, không có tiền mua vé tàu hỏa, nên phải đi bộ về nhà. Ông thường tập kèn mỗi khi đi qua cánh đồng. vì nghĩ rằng nơi đó vắng vẻ, không làm phiền tới ai.

Có lần Holst mải mê “biểu diễn” trên một quả đồi ở Cotswold trong vài tiếng và bị một nông dân tìm tới mắng mỏ, rằng tiếng kèn “như còi tàu hỏa” đã làm con cừu của ông ta đẻ non. (Internet)

Cừu, hay chiên (Ovis aries) là một trong những loài gia súc được con người thuần hóa sớm nhất để lấy lông, thịt, sữa, mỡ và da. Đàn cừu trên thế giới hiện nay là trên 1 tỷ con. Cừu là loại dễ tính, có thể ăn các loại cỏ khô cằn , ưa khí hậu khô , không chịu ẩm ướt.

Bài Tin Mừng thánh Gioan hôm nay chỉ gói gọn trong ba câu thật ngắn ngủi, súc tích, sâu sắc và thấm thía. Chúa Giêsu là Mục tử chăm sóc đàn chiên dân Chúa.

Vốn hiền lành, dịu dàng, nên chiên hay bị thú dữ đe dọa, nhất là chó sói hung bạo. Vì vậy, thính giác loài chiên rất phát triển để củng cố bản năng sinh tồn. Do đó, con chiên có thể nghe được nhiều cách khác nhau.

Con chiên nghe mùi

Hương vị đặc trưng của đoàn chiên giúp con chiên dễ nhận ra nhau. Đồng thời cũng dễ dàng nhận ra chủ chăn thân thương, gần gũi qua mùi cố hữu đó. Dĩ nhiên chủ chăn phải thực sự sống cùng, sống với và sống cho đoàn chiên, thì mới nồng nàn đượm mùi chiên. Huấn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các linh mục tại Đền Thờ Thánh Phêrô, hôm Lễ Dầu, Thứ Năm Tuần Thánh 28/3/2013, cũng nhấn mạnh: “Cha mời gọi các con điều này: Các con hãy là những người chăn chiên có mùi của chiên!”

Mùi chiên của người mục tử nhân lành tỏa ra từ thái độ, lời nói, hành động chan chứa tình cảm trìu mến. Phong cách, suy tưởng, tình cảm và quan điểm của chủ chăn đều bộc lộ trực tiếp, hay gián tiếp mỗi khi gần gũi đàn chiên. Nếu là kẻ chăn thuê thì chỉ tanh tưởi mùi bạc, ngầy ngậy bơ sữa bổng lộc chức tước. Nếu là kẻ chăn giả mạo thì nồng nặc tà khí man trá, lạnh lẽo, lưu manh. Con chiên tuy hiền lành, nhưng rất bén nhạy đánh hơi xem mùi thân thuộc, hay lạ, dễ dàng tìm ra chủ chăn chính đáng nhân lành hay kẻ chăn thuê, hoặc giả mạo.

Chúa Giêsu còn ân cần nhắc nhở, cảnh báo: “Người làm thuê, vì không phải là mục tử, vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, không thiết gì đến chiên.” (Ga 10, 12-13)

Con chiên nghe thấy

Không chỉ nghe mùi, con chiên còn nghe thấy chủ chăn âu yếm gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên theo sau, vì chúng đã nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ. (Ga 10, 3-5) Như thế, con chiên còn nhận biết chủ chăn qua nếp ứng xử, qua sự chăm sóc tận tụy, vì chủ chăn biết rõ tên tuổi, cá tính, sức khỏe, nhu cầu và tâm trạng từng con chiên.

Chứng kiến sự tận tâm, hy sinh, con chiên mới gắn bó, yêu thương chủ chăn. Mà không nỡ đi theo người lạ, kẻ gian hay người làm thuê. Nếu con chiên lỡ ham vui, đi hoang lạc bầy, thì chủ chăn nhân lành cũng vẫn bỏ 99 con chiên ở lại, để đi tìm cho bằng được một con chiên bị lạc.

Vì thuộc về chủ chăn nhân lành, con chiên cảm nhận được sự ưu ái cụ thể, như xua đuổi sói dữ, băng bó, chữa lành thương tích, ôm ấp vác lên vai, dẫn dắt về tận chuồng trại nghỉ ngơi, dưỡng sức.

Con chiên nghe tiếng

Không chỉ ban ngày, mà ngay đêm khuya thanh vắng, con chiên vẫn văng vẳng nghe tiếng chủ chăn tâm tình, dỗ dành, vuốt ve, an ủi, căn dặn, dạy dỗ. Thậm chí còn hy sinh vì đoàn chiên. “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 14-15).

Đắm mình trong suy tư, cầu nguyện, con chiên có thể nghe tiếng Chủ Chăn nhân lành qua Lời Chúa, qua Thánh Kinh, và các dấu chỉ chung quanh. Đây chính là động thái tích cực của con chiên để hiểu và nghe theo Chủ Chăn. Một sự hợp tác cần thiết phải có, để con chiên nghe được tiếng chủ chăn bảo vệ, hướng dẫn đến dồng cỏ xanh non, suối mát dịu ngọt.

Con chiên luôn cần tỉnh thức đế lắng nghe Chủ Chăn gọi. Như xưa kia ngôn sứ Samuen đang ngủ, nghe tiếng gọi của Thiên Chúa ba lần, nhưng đã không nhận ra, cho đến khi được thầy tư tế Êli hướng dẫn (I Sm 3:1-10).

Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.

Người đưa tôi tời dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.

Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính,

vì danh dự của Người. Lạy Chúa,

dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.

Côn trượng Người bảo vệ, con vững dạ an tâm (Tv 23)

Lạy Chúa, chúng con xin Chúa chúc lành đặc biệt cho các vị lãnh đạo của Giáo Hội Chúa. Xin giúp chúng con bỏ qua những lỗi lầm của họ để nhận ra con người thực của họ: là các dấu chỉ sống động về sự hiện diện của Chúa giữa chúng con. (Lm. Mark Link, SJ)

Lạy Mẹ Maria, xin cho con luôn nhớ Mục Tử Nhân Lành đã hy sinh chịu chết vì đoàn chiên. Xin Mẹ cho con nhận ra tình thương cao cả và nhắc nhủ con luôn sống xứng đáng với tư cách con chiên của Người.

AM Trần Bình An

CHÚA CHIÊN NHÂN LÀNH

CHÚA CHIÊN NHÂN LÀNH

Nói đến chiên cừu là nói đến những động vật dễ thương, gần gũi với con người, đặc biệt là dân Do-thái. Ngoài những thứ chúng cung ứng cho tiện nghi sinh sống của con người (như sữa, lông, da, thịt), còn một điều ít có con vật nào có được là chiên còn được dùng trong những dịp lễ lạc của đời sống tâm linh (sát tế, tế thần, lễ vật toàn thiêu). Cũng vì thế nên hình ảnh con chiên thường được dùng để nói về những con người tin vào Thiên Chúa, được Người chăn dắt tận tình (“Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” – Is 40, 11; “CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” – Tv 23, 1-4).

Không chỉ những tín hữu là con chiên của Thiên Chúa, mà chính Đức Giê-su Ki-tô – Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật – khi vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người, chịu sát tế để cứu chuộc nhân loại, thi Người cũng là một Con Chiên – Chiên Thiên Chúa – như lời khẳng định của Thánh Gio-an Tẩy Giả: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” (Ga 1, 29). Như vậy, Thiên Chúa đã thương yêu con cái của mình, coi chúng như đoàn chiên ngoan ngoãn dễ thương, nên mới ban Con Một xuống thế để chăn dắt đoàn chiên đó (“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” – Ga 10, 11).

Khi nói đến vấn đề chăn nuôi súc vật (mục vụ: 牧 務 ), thường có 2 dạng: có thể người chăn nuôi (mục tử: 牧 子) ấy là chủ thực sự của đàn súc vật, và cũng có thể là người làm thuê (do người chủ mướn trông coi đàn súc vật). Cũng có những người làm thuê tận tuỵ với công việc bằng một tình cảm thương yêu, chăm sóc đàn súc vật mà mình trông coi mướn như là của chính mình, hơn là vì đồng lương, tiền công mà chủ trả cho hàng tháng, hàng năm. Tuy nhiên, số này rất hiếm, đa số những người làm thuê thường chỉ làm vịêc cho tương xứng với tiền công, như một sự trao đổi sòng phẳng (một bên bỏ ra tiền của, một bên bỏ ra công sức). Vì thế những người làm thuê không thể sánh với chủ nhân của đàn súc vật đó. Người chủ chăn không chỉ vì những lợi ích vật chất do đàn súc vật mang lại, nhất là khi đàn súc vật đó lại là những con chiên đẹp đẽ, ngoan hiền, dễ thương, thì người chủ còn coi đàn chiên như những đứa con em máu mủ của mình. Nói khác đi, người chủ chăn (chúa chiên) không chỉ vì nhu cầu vật chất, mà còn coi đó là bổn phận, và hơn thế nữa là trách nhiệm của mình (lo lắng thực phẩm, săn sóc bệnh tật, thậm chi còn sẵn sàng bênh vực, che chở chúng trước những nanh vuốt kẻ thù như sói lang ác hiểm).

Bài Tin Mừng hôm nay (CN IV/PS-C – Ga 10, 27-30) trình thuật câu chuyện một đám người Do thái cố tình dồn Đức Giê-su vào một thế kẹt để họ dễ dàng lên án Người. Lúc đầu chỉ là câu hỏi như kiểu nêu thắc mắc đòi được giải đáp (“Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” – Ga 10, 24). Cũng vì trước đó khi nghe Đức Giê-su nói “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10, 14-15), thì đám người Do-thái này đã nói: “Ông ấy bị quỷ ám và điên khùng rồi! Nghe ông ấy làm gì?” (Ga 10, 20); nên Đức Giê-su quá hiểu mục đích của đám người này không phải muốn được giải toả thắc mắc để họ có thể tin vào Đức Giê-su chính thực là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật; mà họ chỉ muốn nhân cơ hội kết án Người là phạm thượng, rồi ném đá Người (Ga 10, 31-33). Vì thế, khi trả lời họ, Đức Ki-tô đã nhấn mạnh: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.” (Ga 10, 25-26).

Sau khi xác định đám người “cơ hội” Do thái không thuộc đoàn chiên của mình, Đức Giê-su lại tiếp tục nói về đoàn chiên mà Người thương mến: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.” (Ga 10, 27-30). Người đã lấy hình ảnh rất dễ thương của đàn chiên để chỉ những môn đệ và những kẻ tin theo Lời Người; đồng thời Người cũng xác định chính Người là Đấng chăm lo chăn dắt đàn chiên đó – Người chính là vị Chúa Chiên nhân lành.

Hiểu sâu vào vấn đề, thì vị Mục Tử nhân lành ấy được Chúa Cha sai đi chăn dắt con người về đường linh thiêng, nên còn gọi là linh mục, và chính Đức Ki-tô là Linh Mục Thượng Phẩm, Linh Mục Duy Nhất như Tông huấn Ki-tô Hữu Giáo Dân (Ch. I, số 14) đã viết: “Thánh Augustinô viết: ‘Cũng như chúng ta tất cả được gọi là Kitô-hữu (Christiani) vì đã được xức dầu (Chrisma) một cách thiêng liêng, do đó tất cả được gọi là linh mục, bởi vì chúng ta là thành phần thân thể của Linh Mục Duy Nhất’ (De Civitate Dei – XX, 10).” Về lý thuyết thì tất cả mọi Ki-tô hữu đều là linh mục (tư tế cộng đồng), nhưng thực tế để có thể điều hành hoạt động của Giáo Hội thì lại rất cần có hàng ngũ những người trực tiếp thừa kế (tư tế thừa tác) sứ vụ của Linh Mục Duy Nhất Giê-su Ki-tô, thông qua Ơn Thiên Triệu – Bí tích Truyền Chức (“Danh từ “hàng Linh Mục” đươc chọn với mục đích để chỉ định toàn thể hàng ngũ Linh Mục. Chúa Giê-su đã cho toàn thể Dân Chúa tham dự vào chức linh mục của Người nhưng Người còn muốn thiết lập những “thừa tác viên” của Người, những người này nhờ bí tích Truyền Chức được quyền dâng thánh lễ, quyền tha tội và thực hành chức vụ linh mục nhân danh Chúa Ki-tô” – Sắc lệnh “Chức vụ và đời sống các linh mục”, số 2).

Hai chức vụ tư tế đó quan hệ khăng khít với nhau, chức vụ này vừa là tiền đề vừa là kết quả của chức vụ kia và ngược lại. Lý do cũng dễ hiểu: không thể có những phần tử lãnh nhận chức vụ tư tế thừa tác nếu không có hàng ngũ tư tế cộng đồng, ngược lai hàng ngũ tư tế cộng đồng muốn không bị khủng hoảng để đi đến tan rã, cũng rất cần thiết phải có người trông coi, chăm sóc, đó là những tư tế thừa tác. Nói cụ thể hơn, không có Giáo dân (đoàn chiên của Chúa) thì không thể có Linh mục, mà không có Linh mục thì đoàn chiên sẽ bị xẻ đàn tan nghé ngay. Tư tế cộng đồng (Giáo dân) hay tư tế thừa tác (Linh mục) thì cũng đều là con người, mà nói về con người thì “nhân vô thập toàn”, không một cá nhân nào được thập phần hoàn hảo, có ưu điểm thì cũng có khuyết điểm, đó cũng là lẽ tất nhiên.

Trong đoàn chiên của Chúa có rất nhiều những con chiên ngoan hiền dễ thương, biết vâng nghe lời chủ, thì cũng không thiếu những con chiên lạc đàn, chạy theo bầy sói dữ, thậm chí còn quay lại chống trả và giết hại cả chủ chăn (mục tử). Cũng vậy, trong hàng ngũ mục tử – những thừa tác viên kế nghịêp Mục tử nhân lành Giê-su Ki-tô – có rất nhiều những mục tử xứng đáng với vai trò và trách vụ của mình đã được chính Đức Ki-tô trao phó trong bữa Tiệc Ly (“Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự toà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en.” – Lc 22, 29-30); nhưng cũng vẫn còn những mục tử bất trung, phạm những lỗi lầm nghiêm trọng, như “Thư của ĐTC Biển Đức XVI gởi các linh mục nhằm thiết lập năm linh mục” ngày 16/6/2009, viết : “Bất hạnh thay, cũng tồn tại những hoàn cảnh, không bao giờ lấy làm tiếc đủ, mà chính Giáo Hội phải chịu vì sự bất trung của một số thừa tác viên của mình. Và đối với thế giới, đó là một cái cớ gương mù và khước từ.” (xin coi thêm “Thư đề ngày 20/3/2010 của ĐTC Biển Đức XVI gửi Giáo Hội Ai-len” v/v một số linh mục xâm phạm tình dục trẻ em).

Nói chung thì hàng ngũ mục tử cũng như hàng ngũ con chiên đều không thoát khỏi cảnh có những mục tử xấu, những con chiên ghẻ làm “gương mù và khước từ” ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta không quá lạc quan để cho rằng đoàn chiên của Chúa cũng như những vị mục tử thừa kế sứ vụ của Đức Giê-su Ki-tô, tất cả đều tốt lành, hoàn hảo; nhưng đồng thời cũng không quá bi quan để cho rằng tất cả đều xấu. Vâng, “Trong những trường hợp như thế, những gì có thể là ích lợi cho Giáo Hội, đó không chỉ là nhận ra đầy đủ những yếu đuối của các thừa tác viên của mình, nhưng còn là một ý thức mới mẻ và phấn khởi về sự cao cả của ân huệ của Thiên Chúa, được cụ thể hóa nơi những hình ảnh sáng ngời của những mục tử quảng đại, những tu sĩ rực cháy tình yêu đối với Thiên Chúa và các linh hồn, những vị linh hướng sáng suốt và kiên nhẫn.” (ĐTC Biển Đức XVI – “Thư thiết lập Năm Linh Muc 2009”).

Bài Tin Mừng CN tuần trước (CN.III/PS-C) trình thuật về phép lạ “Mẻ cá lớn” có một chi tiết rất đáng lưu ý, đó là: Sau phép lạ, Đức Giê-su hỏi thánh Phê-rô ba lần liền “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ba lần chỉ với một câu hỏi, khi nghe Phê-rô trả lời câu đầu tiên thì Đức Giê-su nói “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy” (Ga 21, 15). Điều này cho thấy Đức Ki-tô muốn thánh Phê-rô với tư cách mục tử hãy chăm sóc đàn chiên con. Nếu đã có “chiên con” (giáo dân). thì tất nhiên phải có “chiên mẹ” (linh mục), nên hai lần sau, Đức Giê-su chỉ nói ngắn gọn: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” (Ga 21, 17). Lần này thì Đức Ki-tô muốn thánh Phê-rô trông coi cả đoàn chiên (trong đó có chiên mẹ và chiên con), tức là trông coi cả Giáo Hội như Người Mục Tử Nhân Lành đã làm (“Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” – Is 40, 11).

Có lẽ vì trong ràn chiên Giáo Hội có cả chiên mẹ (linh mục) và chiên con (giáo dân) nên giáo dân Việt Nam thường dùng tiếng “cha” để gọi các linh mục; mặc dù Chúa dạy không được gọi ai bằng cha hay bằng thầy, vì chỉ có một người Cha duy nhất ở trên trời, và chỉ có một người Thầy duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô (Mt 23, 8-10). Với tiếng cha thân thương dành cho các linh mục như vậy, giáo dân VN luôn mong mỏi các linh mục hãy coi đoàn chiên như con cái, đồng thời hãy coi mình có bổn phận và trách nhiệm của bậc cha mẹ, mà chăm sóc, bảo vệ đoàn chiên. Tuy nhiên, từ cái ưu điểm ấy, cũng nảy sinh những hạn chế. Đó là giáo dân vì gọi linh mục là cha, nên mang một mặc cảm tự ti, luôn e dè – thậm chí sợ sệt – mà không dám gần gũi, cộng tác, sẻ chia trong sứ vụ chung; đồng thời về phía linh mục, cũng có một số tự cao, tự đại coi mình là “cha thiên hạ”, không thèm lắng nghe ý kiến từ giáo dân, thậm chí còn coi mình là nhân vật “bất khả xâm phạm, bất khả thay thế” nữa. Số người ấy (từ cả hai phía giáo dân và linh mục) tuy không nhiều, nhưng không phải là không có.

Ý thức được vấn đề như vậy, người Ki-tô hữu hãy cầu xin cho mọi thành phần của Giáo Hội sống đúng và sống trọn vẹn vai trò của mình: Ai được chọn làm mục tử thì luôn luôn phải là người mục tử tốt lành theo gương Mục Tử Nhân Lành Giê-su Ki-tô; còn đoàn chiên con phải luôn biết đoàn kết thương yêu nhau, cùng nghe theo tiếng nói đích thực của vị Mục Tử Nhân Lành Giê-su thông qua các mục tử trong ràn chiên Giáo Hội, để ai nấy đều “được sống và sống dồi dào” Tình Yêu của Chiên-Sát-Tế-Giêsu-Kitô, ngõ hầu đổi mới cuộc đời, “giải thoát nó khỏi bóng tối và sự dữ” như lời dạy của ĐTC Phan-xi-cô I trong bài Giáo Lý thứ hai về Năm Đức Tin (ngày 10/4/2013): “Là một Ki-tô hữu không chỉ là tuân giữ các giới răn, nhưng có nghĩa là sống trong Đức Ki-tô, suy nghĩ như Người, hành động như Người, yêu như Người; có nghĩa là để Người làm chủ cuộc đời chúng ta và thay đổi nó, biến đổi nó, để giải thoát nó khỏi bóng tối sự dữ và tội lỗi.” Ước được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD

KHIÊM NHƯỜNG KHÔNG PHẢI LÀ NHÂN ĐỨC CỦA KẺ YẾU

KHIÊM NHƯỜNG KHÔNG PHẢI LÀ NHÂN ĐỨC CỦA KẺ YẾU

Khiêm nhường không phải là nhân đức của kẻ yếu, ĐHY Jorge Mario Bergoglio, trong một cuốn sách mới xuất bản bằng tiếng Ý, đã giải thích như thế. Cuốn sách này là một bài ca ngợi nhân đức khiêm nhường, nhân đức vốn đã đánh động dân chúng kể từ lời tuyên bố Habemus Papam (Chúng ta có Giáo hoàng), khi ngài xin dân Chúa đang tụ tập ở quảng trường thánh Phêrô cầu nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho Ngài.

Tác phẩm có tựa đề “Đức khiêm nhường, con đường đi đến Thiên Chúa”. Tác phẩm lấy lại một bài phát biểu của ngài vào năm 2005 khi ngài là Hồng y Tổng giám mục giáo phận Buenos Aires. Đức Hồng y Bergoglio cảm hứng từ một chú giải của Dorothée de Gaza, một Giáo phụ vào thế kỷ thứ VI.

Trong cuốn sách này, đức khiêm nhường được trình bày “không phải như một nhân đức dành cho kẻ yếu”, nhưng như là “con đường khả thể duy nhất để sống hiệp thông với tha nhân và gần với Thiên Chúa”.

Một hành trình vốn đòi hỏi cả chặng đường dài của cuộc sống: nó không hệ tại “một tình cảm bẩm sinh”, nhưng là một nỗ lực liên lỉ, được xây dựng trên việc kiểm điểm lương tâm để được thiết lập trong một thái độ phục vụ chứ không trịnh thượng.

Đó là những gì mà Đức Phanxicô biểu lộ từ đầu triều đại Giáo hoàng của ngài: tầm quan trọng của việc “trở nên người phục vụ, thay vì được phục vụ”.

Tý Linh (Theo Zenit)

Xuân Bích VN

Cha Lombardi (SJ) được trao tặng giải thưởng “Nhà Truyền thông của năm”

Cha Lombardi (SJ) được trao tặng giải thưởng “Nhà Truyền thông của năm”

Father Federico Lombardi

Đức Ông Federico Lombardi

Công ty phục vụ tài chánh quốc tế của Đức Allianz Group, đại diện cho hơn 70 quốc gia và có hơn 78 triệu khách hàng khắp thế giới, đã trao giải thưởng “Nhà truyền thông của năm” cho Cha Federico Lombardi (SJ) Giám Đốc Văn phòng Báo chí truyền thông của Tòa Thánh) .

Giải thưởng được trao vào buổi sáng trong buổi họp của các giám đốc cùng ngành truyền thông, mỗi năm họp một lần tại một thủ đô tại Âu Châu để  phân tích các chủ đề và những chiến lược gắn liền với thế giới của ngành truyền thông với sự giúp đỡ của các chuyên gia trong cùng lãnh vực.

Trong số các lý do cho giải thưởng năm nay, công ty Allianz nhấn mạnh rằng “đại diện cho mấu chốt để thấu hiểu và truyền đạt của Tòa Thánh với sự chọn lọc và kinh nghiệm, mà chính ông là người lãnh đạo. “ Bài văn của lễ phát giải thêm rằng Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh lúc nào cũng luôn luôn “ ở tư thế phục vụ thông tin, từ cả hai bộ mặt của một sự việc dù tốt hay ngược lại”.
 

Phỏng dịch từ Vatican Radio

ĐTC Phanxicô gọi điện cho thợ đóng giày ở Argentina để nhờ sửa giày

ĐTC Phanxicô gọi điện cho thợ đóng giày ở Argentina để nhờ sửa giày

(VATICAN CITY) – ĐTC Phanxicô, người nhanh chóng được biết đến với tính cách mộc mạc, sẽ tiếp tục dùng đôi giày đen giản dị của ngài và đã gọi điện cho thợ đóng giày của ngài từ quê nhà Buenos Aires, Argentina, để nhờ sửa giày cho ngài.

Suốt 40 năm, người thợ đóng giày 81 tuổi Calos Samaria đã cung cấp giày từ cửa hàng của ông ở ngoại ô thủ đô của Argentina cho Đức Hồng y Jorge, trước khi ngài được bầu làm Giáo hoàng.

“Xin chào ông Samaria, Bergoglio đây”, cuộc trò chuyện qua điện thoại bắt đầu.

“Nhưng đây là ai vậy?” – người thợ đóng giày phản ứng với sự ngạc nhiện.

“Ông Samaria, Phanxicô đây, Đức Giáo hoàng đây mà!” – Đức Thánh Cha trả lời.

Theo chương trình Đài Phát thanh Brazil, Đức Thánh Cha nói với ông Samaria: “Không đóng giày đỏ nhé, đóng giày đen bình thường như mọi khi thôi.”

Ông Samaira cho biết giày mà ĐTC Phanxicô mang “đơn giản và làm bằng da thuộc màu đen, với mũi giày mềm và không trang trí”.

“Ngài không muốn đi giày mới, tôi chỉ sửa những đôi giày cũ cho ngài”, ông Samaria nói.

Tuy nhiên, ông cho biết thêm là ông có ý định “đóng một đôi giày mới cho ngài, nhưng đơn giản thôi, vì ngài nói tháng 5 này ngài có thể đi thăm viếng”.

Jos. Tú Nạc, NMS

Đức Thánh cha bày tỏ đau buồn khi xảy ra động đất

Đức Thánh cha bày tỏ đau buồn khi xảy ra động đất

Đức Thánh cha Phanxicô nói ngài 'bên cạnh người dân Iran và Pakistan

Trong cuộc gặp gỡ chung hàng tuần tại quảng trường Thánh Phêrô hôm thứ Tư, đức Thánh cha Phanxicô bày tỏ tình liên đới "với người dân Iran và Pakistan" sau khi xảy ra động đất mạnh tại khu vực biên giới giữa hai nước.

Trận động đất có cường độ 7,8 Richter chiều thứ Ba là trận động đất thứ hai xảy ra trong vùng này trong nhiều tuần qua.

Đức Giáo hoàng người Argentina nói bằng tiếng Ý trước khoảng 50.000 người rằng ngài "hết sức đau buồn" khi nghe tin xảy ra "động đất lớn ảnh hưởng đến rất nhiều người dân ở Iran và Pakistan, gây thương vong, đau khổ và tàn phá".

Đức Phanxicô nói ngài sẽ cầu nguyện cho "tất cả nạn nhân và cho tất cả những người đau khổ", và bày tỏ "tình liên đới với người dân Iran và Pakistan".

Đức Thánh cha còn kêu gọi trợ giúp cho những người bị ảnh hưởng động đất.

Các nhà địa chấn học nói đây là trận động đất mạnh nhất ở Iran trong hơn 50 năm qua, mặc dù chưa có nhiều chi tiết về mức độ thiệt hại.

Hãng thông tấn Fars của Iran cho biết các thành phố Khash và Saravan, cách tâm chấn chưa đến 150 km, không bị thiệt hại gì nghiêm trọng.

Bên kia biên giới Pakistan, các nhà chức trách thông báo có tới 34 người bị thiệt mạng và khoảng 80 người khác bị thương trong huyện Mashkel thuộc tỉnh Balochistan.

Sau cuộc gặp gỡ hôm thứ Tư, đức Phanxicô còn hội kiến đại sứ Arập tại Ý, Saleh Mohammad Al-Ghamdi.

Ông thay mặt Vua Arập Abdullah bin Abdulaziz Al-Saud chuyển thông điệp riêng đến đức Thánh cha.

Trong bài phát biểu tại quảng trường, đức Phanxicô nói Chúa Giêsu là "luật sư bào chữa" của chúng ta trước mặt Chúa, và "Ngài luôn cầu bầu cho chúng ta".

"Thật vui khi nghe điều này. Ngài bảo vệ chúng ta chống lại sự xảo quyệt của ma quỷ, Ngài cứu giúp chúng ta, chống lại tội lỗi. Anh chị em thân mến, chúng ta có vị luật sư này, chúng ta không phải e ngại khi đến cầu xin Ngài, đến nhờ ngài xua tan nỗi sợ hãi, cầu xin ngài ban phúc và thương xót", ngài nói thêm.

Alessandro Speciale từ thành phố Vatican

Bộ Giáo lý Đức tin gặp Hội đồng Lãnh đạo các Nữ tu Hoa kỳ

Bộ Giáo lý Đức tin gặp Hội đồng Lãnh đạo các Nữ tu Hoa kỳ

WHĐ (16.04.2013) – Hôm  15-04, các vị lãnh đạo của Bộ Giáo lý Đức tin đã gặp Chủ tịch đoàn Hội đồng lãnh đạo các Nữ tu Hoa kỳ (LCWR). Tham gia cuộc gặp gỡ này còn có Đức Tổng giám mục James Peter Sartain, Tổng giám mục Seattle, Washington, Hoa Kỳ, và là vị Đặc ủy của Tòa Thánh phụ trách thẩm định phương diện giáo thuyết đối với LCWR. Thông cáo của Bộ Giáo lý Đức tin cho biết như trên.
 
Vì đây là lần đầu gặp gỡ Chủ tịch đoàn LCWR, Đức Tổng giám mục Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin Gerhard Ludwig Müller, bày tỏ lòng biết ơn đối với những đóng góp to lớn của các nữ tu đối với Giáo hội tại Hoa Kỳ, như đã thấy tại nhiều trường học, bệnh viện, và các tổ chức trợ giúp người nghèo được các Dòng tu thành lập và điều hành trong nhiều năm qua.
 
Sau đó Đức Tổng giám mục Bộ trưởng nhấn mạnh đến giáo huấn của Công đồng Vatican II về nhiệm vụ quan trọng của các tu sĩ trong việc thúc đẩy một quan điểm về sự hiệp thông trong Giáo hội dựa trên niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô và giáo huấn của Hội Thánh, như đã được trung thành truyền dạy qua các thời đại dưới sự hướng dẫn của Huấn quyền. Ngài cũng nhấn mạnh rằng một Hội đồng Bề trên Thượng cấp như LCWR, hiện diện là để thúc đẩy những nỗ lực chung giữa các Hội Dòng thành viên cũng như cộng tác với Hội đồng Giám mục sở tại và các giám mục. Vì thế, Hội đồng ấy được thành lập theo hướng dẫn của Tòa Thánh và luôn ở dưới sự hướng dẫn của Tòa Thánh.
 
Cuối cùng, Đức Tổng giám mục Müller đã thông báo cho Ban lãnh đạo LCWR rằng mới đây ngài đã thảo luận với Đức giáo hoàng Phanxicô về Bản thẩm định giáo thuyết, và Đức giáo hoàng đã tái xác nhận các đánh giá của Bản thẩm định và chương trình cải cách Hội đồng Bề trên Thượng cấp này.
 
Thông cáo của Bộ kết luận, Tòa Thánh thành thật mong muốn cuộc gặp gỡ này sẽ giúp thúc đẩy các nữ tu nêu cao chứng từ toàn vẹn, dựa trên nền tảng đức tin và tình yêu Kitô giáo vững vàng, để gìn giữ và tăng cường đức tin và tình yêu ấy, hầu làm phong phú Giáo hội và xã hội cho các thế hệ mai sau.
 
(Theo VIS, 15-04-2013)

Minh Đức

Chúa Kitô phục sinh luôn hướng dẫn nâng đỡ và bầu cử cho chúng ta

Chúa Kitô phục sinh luôn hướng dẫn nâng đỡ và bầu cử cho chúng ta

Chúng ta không bao giờ cô đơn vì Chúa Kitô tử nạn và phục sinh luôn ở với chúng ta. Người luôn hướng dẫn, nâng đỡ và bầu cử cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh cuộc sống và giúp chúng ta đem quyền bính tình yêu của Người đến cho thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 80,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 17 tháng 4-2013 tại quảng trường thánh Phêrô. Bên cạnh hàng trăm đoàn hành hương đến từ Bắc Mỹ và Âu châu, đặc biệt là từ nhiều giáo phận Italia có các Giám Mục Anh quốc và vùng Galles. Cũng có các nhóm hành hương Á châu đến từ Ấn Độ, Singapore, Sri Lanka và Philippines. Trong khi từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Argentina, Panama, Venezuela và Mêhicô. Đến từ xa nhất là đoàn hành hương Australia.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý lấy từ Kinh Tin Kính: Chúa Giêsu ”đã lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha”. Dùng trình thuật của thánh sử Luca Đức Thánh Cha nói: Cuộc sống dương thế của Đức Giêsu đạt tột đỉnh với biến cố Lên Trời, nghĩa là khi Người từ trần gian này về với Thiên Chúa Cha và được nâng lên bên hữu Người. Phúc Âm thánh Luca kể như sau: ”Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên Trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9,51). Đức Thánh Cha giải thích:

Khi Người ”lên” Thành Thánh, nơi sẽ thành toàn cuộc ”xuất hành” của Người khỏi đời này, Chúa Giêsu đã trông thấy đích điểm là Trời, nhưng Người biết rõ là con đường đem Người trở về với vinh quang của Thiên Chúa Cha, đi qua Thập Giá, đi qua sự vâng phục chương trình tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Giáo Lý Giáo hội Công Giáo khẳng định rằng ”việc nâng cao lên trên thập giá có nghĩa và loan báo việc nâng cao của việc lên trời” (s. 661). Cả chúng ta nữa cũng phải biết rõ rằng trong cuộc sống kitô của mình việc bước vào trong vinh quang của Thiên Chúa đòi hỏi hy sinh, đôi khi đòi hỏi thay đổi các chương trình của chúng ta. Việc lên trời của Chúa Giêsu xảy ra một cách cụ thể trên Núi Cây Dầu, gần nơi Chúa đã rút lui vào để cầu nguyện trước cuộc khổ nạn, để sống trong sự kết hiệp xâu xa với Thiên Chúa Cha: một lần nữa chúng ta thấy rằng lời cầu nguyện ban cho chúng ta ơn thánh giúp sống trung thành với chương trình của Thiên Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Vào cuối Phúc Âm thánh sử Luca kể lại biến cố Lên Trời một cách rất ngắn gọn. Chúa Giêsu dẫn các môn đệ ra ngoài về phía Bêtania và Người giơ tay chúc lành cho các ông. Trong khi chúc lành cho họ, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên Trời. Bấy giờ các ông bái lậy Người, rồi trở lại Giêrusalem lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24,50-53). Đức Thánh Cha ghi nhận hai yếu tố của trình thuật và nói:

Trước hết, trong khi lên Trời Chúa Giêsu thành toàn cử chỉ chúc lành của linh mục và chắc chắn các môn đệ diễn tả đức tin của mình với cử chỉ phủ phục, qùy gối và cúi đầu. Đây là một điểm quan trọng đầu tiên: Chúa Giêsu là Linh Mục duy nhất và đời đời với cuộc khổ nạn của mình đã đi qua cái chết và mồ chôn, đã phục sinh và lên Trời; Người ở bên Thiên Chúa Cha, nơi Người luôn mãi cầu bầu cho chúng ta (x. Dt 9,24). Như thánh Gioan khẳng định trong thư thứ I: Người là trạng sư của chúng ta. Thật là đẹp biết bao khi nghe điều này! Khi một người bị thẩm phán mời hay phải ra tòa, điều đầu tiân phải làm là tìm một trạng sư để bênh vực mình. Chúng ta có một trạng sư luôn luôn bênh vực chúng ta, Người bênh vực chúng ta khỏi các sách nhiễu của qủy dữ, Người bênh vực chúng ta khỏi chính chúng ta, khỏi các tội lỗi của chúng ta. Anh chị em rất thân mến, chúng ta có trạng sự đó: chúng ta đừng sợ hãi đến với Người và xin lỗi, xin phước lành, xin lòng thương xót! Người luôn luôn tha thứ cho chúng ta. Người là trạng sư của chúng ta: Người luôn luôn bênh vực chúng ta. Chúng ta đừng quên điều đó.

Như thế việc Chúa Giêsu lên Trời làm cho chúng ta biết thực tại trao ban an ủi đối với con đường đời ta: trong Chúa Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật, nhân loại đã được đem lên gần Thiên Chúa; Người đã mở lối cho chúng ta; Người giống như người dẫn đầu toán leo núi, đã lên tới đỉnh và kéo chúng ta lên, bằng cách dẫn đưa chúng ta tới với Thiên Chúa. Nếu chúng ta tín thác cuộc sống chúng ta cho Người, nếu chúng ta để cho Người hướng dẫn chúng ta thì đúng thật là chúng ta ở trong các bàn tay chắc chắn.

Có một yếu tố thứ hai: thánh sử Luca kể rằng các Tông Đồ, sau khi đã nhìn thấy Chúa Giêsu lên Trời, họ trở lại Giêrusalem ”với niềm vui lớn”. Điều này xem ra hơi lạ. Nói chung, khi chúng ta chia tay các người thân trong gia đình hay bạn hữu, để ra đi vĩnh viễn và nhất là vì cái chết, có sự buồn sầu tự nhiên, bởi vì chúng ta sẽ không trông thấy mặt họ nữa, chúng ta sẽ không lắng nghe được tiếng của họ nữa, chúng ta sẽ không còn có thể hưởng nếm sự trìu mến và sự hiện diện của họ nữa. Trái lại thánh sử nêu bật niềm vui sâu xa của các Tông Đồ. Tại sao vây? Chính bởi vì với cái nhìn của đức tin các vị hiểu rằng, cho dù khuất mắt họ, Chúa Giêsu vẫn luôn luôn ở với họ, Người không bỏ họ và trong vinh quang của Thiên Chúa Cha, Người nâng đỡ, hướng dẫn và bầu cử cho họ.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Ở đầu sách Công Vụ các Tông Đồ, thánh sử Luca cũng kể lại việc lên Trời để nhấn mạnh rằng biến cố này giống như vòng xích nối liền cuộc sống dương thế của Chúa Giêsu với cuộc sống của Giáo Hội. Ở đây thánh Luca cũng nêu bật áng mây che phủ Chúa Giêsu khỏi cái nhìn của các môn đệ, còn đứng đó để chiêm ngưỡng Chúa Kitô lên trời về với Thiên Chúa Cha (x. Cv 1,9-10), Khi đó có hai người mặc áo trắng can thiệp mời các vị đừng ở yên bất động nhìn trời, nhưng hãy dưỡng nuôi cuộc sống mình và làm chứng cho sự chắc chắn rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại trong cùng một cách thức mà các ông đã thấy Người lên trời (x. Cv 1,10-11). Đức Thánh Cha giải thích lời các thiên thần mời đoàn môn đệ như sau:

Đó là lời mời gọi ra đi từ việc chiêm ngưỡng quyền là Chúa của Đức Giêsu, để có từ Người sức mạnh đem Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng vào trong cuộc sống thường ngày: chiêm ngắm và hành động, cầu nguyện và làm việc, như thánh Biển Đức dậy, cả hai việc đều cần thiết cho cuộc sống kitô của chúng ta.

Anh chị em thân mến, biến cố lên Trời không ám chỉ sự vắng mặt của Chúa Giêsu, mà nói với chúng ta rằng Người sống giữa chúng ta một cách mới mẻ; Người không còn ở trong một chỗ chính xác của thế giới như trước khi lên trời nữa. Giờ đây Người ở trong quyền là Chúa của Thiên Chúa, hiên diện trong mọi nơi mọi lúc, gần gũi từng người trong chúng ta. Trong cuộc sống chúng ta không bao giờ cô đơn: có Chúa chịu đóng đanh và phục sinh hướng dẫn chúng ta. Và với chúng ta có biết bao nhiêu anh chị em hằng ngày trong thinh lặng và kín ẩn, trong cuộc sống gia đình và làm việc, trong các vấn đề và các khó khăn của họ, trong những nỗi vui buồn và hy vọng của họ, họ sống đức tin mỗi ngày và cùng với chúng ta đem quyền là Chúa của tình yêu Thiên Chúa đến cho thế giới.

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương hiện diện và chúc mọi người có những ngày viếng thăm Roma tươi vui và bổ ích. Với đông đảo các bạn trẻ ngài xin Chúa phục sinh đổ tràn đầy tình yêu của Người trong trái tim họ để họ sẵn sàng hăng say theo Chúa. Đức Thánh Cha xin Chúa nâng đỡ các anh chị em đau yếu để họ chấp nhận gánh nặng của khổ đau với tâm hồn thanh thản. Ngài xin Chúa hướng dẫn các cặp vợ chồng mới cưới để gia đình họ lớn lên trong sự thánh thiện bằng cách noi gương sống của Thánh Gia.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau đó Đức Thánh Cha đã đứng chào các Giám Mục và một số quan khách. Rồi ngài đi sang hai bên để bắt tay chào, nói chuyện và lắng nghe các tín hữu, cũng như hôn và thoa đầu các trẻ em, trong khi các bạn trẻ thì không ngừng gọi tên Đức Thánh Cha. Cũng có người tặng Đức Thánh Cha chiếc áo của đội bóng đâ Argentina.

Khi xe díp chở ngài xuống khỏi thềm đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha bảo tài xế dừng xe để ngài xuống bắt tay chào các người tàn tật ngồi trên các xe lăn. Ngài hỏi thăm, an ủi và chúc lành cho họ. Có một em bé mù ban đầu không chịu để cho Đức Thánh Cha hôn nhưng sau đó quàng tay ôm cổ Đức Thánh Cha và không muốn rời ngài nữa. Ngài cũng đã ôm hôn nhiều người tàn tật khiến cho giới trẻ lại càng gọi tên Đức Thánh Cha to hơn.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio