TUY BỊ BÁCH HẠI NHƯNG KITÔ HỮU MIỀN BẮC NIGERIA VẪN CAN ĐẢM SỐNG ĐẠO

TUY BỊ BÁCH HẠI NHƯNG KITÔ HỮU MIỀN BẮC NIGERIA VẪN  CAN ĐẢM SỐNG ĐẠO

MAIDUGURI: Đức Cha Oliver Dashe Doeme, Giám Mục Maiduguri bắc Nigeria, đã ca ngợi lòng can đảm kiên trung sống đạo của các Kitô hữu, mặc dù họ bị phong trào hồi giáo cuồng tín Boko Haram thường xuyên bách hại.

Đức Cha đã cho Tổ chức trợ giúp các Giáo Hội đau khổ biết như trên hôm mùng 2 tháng 8-2013. Đức Cha nói ngay cả hôm sau ngày xảy ra các cuộc tấn kích, đặt bom, tín hữu vẫn đi tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích đông đảo mà không chùn bước. Đức Giám Mục Maiduguri cũng mạnh mẽ tố cáo nạn gian tham hối lộ lan tràn trong quốc gia dầu hỏa giầu có này. Nhưng các lợi nhuận đến từ dầu hỏa đã không được đầu tư cho việc thăng tiến giáo dục, y tế và an sinh xã hội cho dân. Theo Đức Cha Doeme để chiến thắng lực lượng hồi cuồng tín Boko Haram, cần phải triệt hạ nạn gian tham hối lộ, vì Boko Haram là sản phẩm của tệ nạn này tại Nigeria. Một trong các thách đố lớn đối với Giáo Hội tại miền bắc Nigeria nơi có bách hại là việc tái thiết các nhà thờ và cơ sở đã bị đốt phá, săn sóc các trẻ em mồ côi và phụ nữ góa bụa của các tín hữu đã bị lực lượng Boko Haram sát hại.

Tin mới nhất cho biết Sheikh Abubakar Shekau, lãnh tụ phong trào Boko Haram đã bị thương trong một trận nổ súng giữa các thành phần của phong trào ngày mùng 4 tháng 8 vừa qua, đã bị truất phế và thay thế bởi ông Abu Zamira Mohammed. Tân lãnh tụ là người đang thương lượng với chính phủ Nigeria để chấm dứt cảnh bạo lực tại Nigeria.

Ngày 26-6-2013 tổ chức Boko Haram đã tuyên bố ngưng chiến. Chính quyền Nigeria sẵn sàng chấp nhận cuộc ngưng chiến như tổ chức Boko Haram yêu cầu và ân xá cho các du kích quân, với điều kiện là lãnh tụ Abubakar Shekau công khai từ chối bạo lực. Nhưng nay người ta được biết là đã xảy ra nội loạn trong phong trào, lãnh tụ Shekau bị bắn qùe chân và bị truất phế. Trong một thông cáo lực lượng Boko Haram chối bỏ mọi dính líu tới vụ tấn công trường học tại Yobe ngày mùng 6 tháng 7-2013 khiến cho 41 học sinh và một giáo viên thiệt mạng. Phong trào hồi cuồng tín Boko Haram chủ trương hồi giáo hóa Nigeria bằng bạo lực và liên tục bách hại các Kitô hữu khiến cho hàng ngàn người chết trong mấy năm qua (SD 2-8-2013; FIDES 3-8-2013)

Linh Tiến Khải -Vatican Radio

CÔNG BỐ SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2013

CÔNG BỐ SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2013

VATICAN: Trong sứ điệp gửi Ngày Thế Giới Truyềm Giáo lần thứ 87 công bố ngày 6 tháng 8-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ mọi thành phần Dân Chúa hăng say rao truyền Chúa Giêsu Kitô qua chứng tá cuộc sống thường ngày.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha khẳng định rằng đức tin là ơn qúy báu Thiên Chúa ban cho tín hữu giúp mở rộng tâm trí để họ có thể hiểu biết và yêu thương và rao truyền tình thương của Chúa cho tha nhân. Khi chỉ giữ Tin Mừng cho chính mình, thì tín hữu trở thành cô lập, cằn cỗi và bệnh hoạn. Năm Đức Tin kỷ niệm 50 năm Công Đồng Chung Vaticăng II phải kích thích toàn Giáo Hội canh tân ý thức sự hiện diện và sứ mệnh của mình giữa lòng thế giới và các dân nước, và gia tăng nhiệm vụ truyền giáo. Truyền giáo không phải là áp đặt, nhưng là đề nghị Chúa Kitô và sự thật Tin Mừng với các anh chị em chưa biết Chúa, trong thái độ tôn trọng và tinh thần đối thoại rộng mở.

Trong một thời đại, trong đó con người di chuyển và truyền thông dễ dàng với các thay đổi có thể khiến cho nhiều Kitô hữu xa rời Giáo Hội và lơ là với đức tin, việc tái rao truyền Tin Mừng trở thành cấp thiết. Ngoài ra cuộc khủng hoảng toàn cầu liên quan tới nhiều lãnh vực cuộc sống: từ kinh tế tài chánh, tới an ninh thực phẩm, môi trường, ý nghĩa cuộc sống và các giá trị nền tảng, càng khiến cho việc loan báo Tin Mừng hy vọng, tươi vui, hòa giải và hiệp thông cần thiết hơn nữa. Và đó là sứ mệnh của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha cũng đặc biệt cám ơn các thừa sai nam nữ, các linh mục hồng ân đức tin, các tu sĩ và giáo dân nam nữ truyền giáo đang dấn thân chu toàn sứ mệnh của Giáo Hội. Ngài khích lệ các bạn trẻ đáp lại tiếng Chúa gọi làm thừa sai, tươi vui đem Tin Mừng cứu độ tới cho mọi người. Đức Thánh Cha cũng đặc biệt nhớ tới các Kitô hữu bị bách hại vì đức tin tại nhiều nơi trên thế giới, nhưng vẫn kiên trung làm chứng cho Chúa Kitô và sống Tin Mừng của Người. Ngài cầu mong Năm Đức Tin giúp tín hữu củng cố tương quan thân tình với Chúa Kitô để làm chứng cho Chúa một cách hữu hiệu và xác tín hơn (SD 6-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP VIDEO CHO TÍN HỮU BUENOS AIRES NHÂN LỄ THÁNH CAYETANO

ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP VIDEO CHO TÍN HỮU BUENOS AIRES NHÂN LỄ THÁNH CAYETANO

VATICAN: Nhân ngày lễ thánh Cayetano bổn mạng ”Bánh và Việc làm” tại Argentina mùng 7 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxico đã gửi cho tín hữu hành hương đền thánh nhân một Video sứ điệp, khích lệ họ ra đi gặp gỡ những người cần được trợ giúp nhất.

Lập lại đề tài cuộc hành hương năm nay là ”Cùng Chúa Giêsu và thánh Cayetano chúng ta hãy đi gặp gỡ các anh chị em túng thiếu nhất”, Đức Thánh Cha nói năm nay ngài cùng tín hữu hành hương trong tinh thần. Ơn gọi của Kitô hữu là noi gương Chúa Giêsu ra đi tìm gặp những người cần được giúp đỡ nhất trong vật chất cũng như trong tinh thần, theo kiểu của Chúa Giêsu tức là sờ vào người họ. Thường khi chúng ta làm phúc bố thí ném cho người nghèo một đồng bạc rồi đi, nhưng không nhìn vào mắt họ, lại càng không nói chuyện để biết các nỗi khốn khổ của họ, và nắm tay họ để an ủi cảm thông. Chúng ta cần phải xây dựng, tạo ra và vun xới một nền văn hóa của sự gặp gỡ, và phải luôn nghĩ rằng có ai đó khốn khổ và cần được trợ giúp hơn chúng ta.

Đức Thánh Cha cám ơn tín hữu đã lắng nghe ngài và xin họ gặp gỡ nhau và đi tìm gặp các người cần được trợ giúp nhất cùng với Chúa Giêsu và thánh Cayetano. Vì khi gặp gỡ ai nghèo túng hơn, thì con tim chúng ta sẽ lớn lên, lớn lên và lớn lên mãi. Bởi vì sự gặp gỡ nhân khả năng yêu thương lên nhiều lần. Đức Thánh Cha ban phép lành cho mọi người và ngài xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Thánh Cayetano da Thiene là con của một gia đình thượng lưu, sinh năm 1480 tại Vicenza. Sau khi học triết học và thần học ngài lấy tiến sĩ luật dân sự và giáo luật, rồi làm linh mục. Cha Cayetano đã tận hiến toàn cuộc đời cho người nghèo và qua đời ngày mùng 7 tháng 8 năm 1547, được phong thánh năm 1671 và là vị thánh bình dân nhất bên Argentina. Sau cuộc khủng hoảng năm 1929 thánh nhân trở thành Bổn Mạng của Bánh và việc làm.

Đền thánh Cayetano nằm trong một khu phố ngoại ô Buenos Aires. Tín hữu làm tuần cửu nhật để kính thánh nhân, và đúng ngày mùng 7 tháng 8 họ xếp hàng hành hương đến kính viếng bức tượng nhỏ của thánh nhân đặt trong tủ kính. Suốt ngày từ sáng sớm đoàn người xếp hàng dọc theo 15 con đường của khu phố, và có khi phải đợi 10 giờ mới tới lượt mình. Cứ mỗi giờ trong đền thánh đều có Thánh lễ. Thánh lễ chính được Đức Tổng Giám Mục Benos Aires cử hành lúc 11 giờ. Khi còn là Tổng Giám Mục, năm nào Đức Hồng Y Bergoglio cũng chủ sự thánh lễ cho giáo dân, và sau thánh lễ ngài trà trộn vào dân chúng để nói chuyện với họ và lắng nghe họ (SD 6-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

ĐỨC HỒNG Y PETER TURKSON KÊU GỌI CỘNG TÁC TRONG LIÊN ĐỚI ĐỂ XÂY DỰNG HÒA BÌNH

ĐỨC HỒNG Y PETER TURKSON KÊU GỌI CỘNG TÁC TRONG LIÊN ĐỚI ĐỂ XÂY DỰNG HÒA BÌNH

HIROSHIMA: Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình kêu gọi đừng ngã qụy trước thù hận, nhưng phản ứng một cách tích cực, cộng tác trong liên đới để xây dựng hòa bình.

Đức Hồng Y Turkson đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử tại đài tưởng niệm Hiroshima sáng mùng 6-8-2013. Phát biểu trong buổi lễ Đức Hồng Y nói trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima đã là một vết thương kinh hoàng gây ra cho gia đình nhân loại. Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người cho sự sống, tự do và hạnh phúc. Nhưng ”chiến tranh hoa trái tội lỗi của con người và hậu qủa của sự dữ” đã tàn phá chương trình ấy. Những lời Đức Gioan Phaolô II đã nói tại đây năm 1981 cũng vang vọng trong các lời của Đức Hồng Y Jorge Bergoglio nói năm 2010: ”Việc chiếm hữu các khí giới hạt nhân có thể gây ra sự hủy diệt của nhân loại, bởi vì khi con người trở thành kiêu căng, thì nó tạo ra các quái vật sau cùng vượt thoát khỏi bàn tay nó”. Đức Hồng Y Turkson nói tiếp: Nhưng thay vì trốn tránh trước các vấn đề hiện tại, chúng ta hãy cùng nhau can đảm đương đầu với các tình hình xã hội và các cơ cấu tạo ra các bất công và tranh chấp, bởi vì hòa bình đích thực là việc bao gồm và hội nhập xã hội cho tất cả mọi người. Và Đức Hồng Y lập lại lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong chuyến viếng thăm khu xóm ổ chuột Varginha tại Rio de Janeiro ngày 25-7-2013 rằng: ”Sẽ không có cố gắng giảng hòa nào lâu bền, sẽ không có hòa hợp và hạnh phúc cho một xã hội làm ngơ, gạt bỏ ra bên lề và bỏ rơi một phần của chính mình trong vùng ngoại ô”.

Mgày 6-8 năm 1945 Hoa Kỳ đã thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima và ngày mùng 9 tháng 8 quả bom thứ hai xuống Nagasaki khiến cho 300.000 người chết tại chỗ và hàng trăm ngàn người chết vì thương tích và bệnh tật do nhiễm phóng xạ nguyên tử. Đức Hồng Y Turkson đang viếng thăm Nhật Bản và tham dự các chương trình ”Mười ngày cho hòa bình” do Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản phát động (RG 6-8-2013).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC HỒNG Y JOSE FRANCISCO ROBLES ORTEGA CHO ĐIỀU TRA PHÉP LẠ THÁNH THỂ TẠI GUADALAJARA

ĐỨC HỒNG Y JOSE FRANCISCO ROBLES ORTEGA CHO ĐIỀU TRA PHÉP LẠ THÁNH THỂ TẠI GUADALAJARA

THÀNH PHỐ MEXICO: Đức Hồng Y Jose Francisco Robles Ortega, Tổng Giám Mục Guadalajara, đã bắt đầu cho điều tra phép lạ Thánh Thể xảy ra tại nhà thờ Thánh Maria Mẹ Giáo Hội ngày 24-7-2013.

Đức Ông Ramiro Valdes Sanchez Cha chính giáo phận Guadalajara đã cho biết như trên hôm mùng 2 tháng 8 vừa qua. Cha Jose Dolores Castellanos Gudino, cha sở giáo xứ Thánh Maria Mẹ Giáo Hội kể rằng ngày 24-7-2013 trong khi qùy cầu nguyện cha nghe có tiếng nói trong đầu: ”Con hãy đánh chuông để cho mọi người đến. Cha sẽ đổ phước lành xuống trên những ai hiện diện trong suốt ngày này. Con hãy mang Nhà Tạm nhỏ để chầu Thánh Thể riêng lên bàn thờ giáo xứ, và đặt một mặt nhật lớn bên cạnh Nhà Tạm nhỏ ấy. Đừng mở cửa Nhà Tạm cho tới ba giờ chiều, đừng mở trước. Ta sẽ làm một phép lạ trong Thánh Thể. Phép lạ sẽ xảy ra sẽ được gọi là ”Phép lạ Thánh Thể trong sự nhập thể của tình yêu cùng với Mẹ chúng ta và Đức Bà”. Con hãy sao lại tấm hình mà Cha sẽ cho con bây giờ và cho các người khác xem”.

Cha sở Gudino kể tiếp: tiếng nói đó giục tôi chia sẻ điều này với các anh em linh mục để giúp họ hoán cải và Người sẽ ban cho mọi tâm hồn tràn đầy phước lành. Sau khi nghe tiếng nói đó, tôi chỉ có thể thưa: ” Lậy Chúa của con, con là tôi tớ Chúa, xin cho ý Chúa được thể hiện”. Cha Gudino kể tiếp: Với dân chúng tụ họp nhau trong nhà thờ lúc 3 giờ chiều, tôi tới gần Nhà Tạm và mở ra để lấy Mình Thánh Chúa thì trông thấy Mình Thánh Chúa đầy máu.”

Cha Gudino cũng cho biết tiếng nói bảo cha thành lập một nhà nguyện chầu Thánh Thể, và cho phép mọi giảo nghiệm khoa học cần thiết để xác nhận phép lạ. Đức Ông Sanchez cho biết các mẫu lấy từ Mình Thánh Chúa có máu đã được gửi về Guadalajara để nghiên cứu. Trước hết là phải có ba nhân chứng, sau đó một toán chuyên viên sẽ nghiên cứu xem hiện tượng có thể giải thích một cách tự nhiên và khoa học hay không.

Trong khi chờ đợi, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Guadaljara đã ra lệnh cất giữ Mình Thánh Chúa có máu ở nơi an toàn trong Nhà Tạm và không trưng bầy cho tín hữu kính viếng.

Giáo Hội vẫn thận trọng trước khi tuyên bố đó là phép lạ không thể giải thích được theo các lý lẽ tự nhiên hay trên bình diện khoa học (CNA 2-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

CẦN LOAN BÁO TIN MỪNG BẰNG CHỨNG TÁ CUỘC SỐNG

CẦN LOAN BÁO TIN MỪNG BẰNG CHỨNG TÁ CUỘC SỐNG

FRIBOURG: Trong sứ điệp gửi tín hữu toàn nước nhân lễ quốc khánh mùng 1 tháng 8-2013, Hội Đồng Giám Mục Thụy sĩ mời gọi mọi người loan báo Tin Mừng bằng chứng tá cuộc sống cụ thể của mình, vì các giá trị Tin Mừng giúp thăng tiến một xã hội tốt đẹp hơn.

Sứ điệp mang chữ ký của Đức Cha Charles Morerod, Giám Mục Lausanne, Genève và Fribourg, nhận định rằng nếu Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa yêu thương con người, thì họ cũng được mời gọi yêu thương con người như Thiên Chúa. Cho dù trên bình diện cá nhân và cộng đoàn cách sống của các Kitô hữu Thụy Sĩ không luôn luôn ở độ cao của Tin Mừng, cuộc sống thường ngày của các tín hữu tiếp tục nhào nặn thế giới. Mỗi một cử chỉ được linh hứng bởi Tin Mừng, có ý thức hay không ý thức, đều gây âm hưởng trên cuộc sống công cộng. Đó là xác tín của đa số dân Thụy sĩ theo kết quả của cuộc khảo cứu mới đây, mặc dù không phải tất cả mọi người Thụy sĩ đều coi hình ảnh tích cực của tôn giáo như điểm tham chiếu cho xã hội. Nhưng cung cách sống đức tin thiếu dấn thân của Kitô hữu gây thiệt hại cho tính cách đáng tin cậy của Giáo Hội. Đã không thiếu Kitô hữu góp phần vào việc khai sinh ra chủ thuyết cộng sản, vì đã lơ là không giáo dục đức tin của mình hay vì bị lừa dối bởi việc trình bầy lý thuyết cộng sản, hoặc vì các thiếu sót trong cuộc sống tôn giáo luân lý xã hội của mình. Do đó họ che dấu thay vì biểu lộ gương mặt thật của Thiên Chúa và của tôn giáo.

Tiếp tục sứ điệp các Giám Mục Thụy Sĩ khẳng định rằng vì con người là bản vị có cuộc sống tinh thần và xã hội, nên nó chỉ thực sự hạnh phúc khi đáp ứng đầy đủ các nhu cầu tinh thần. Chính các chiều kích tinh thần ấy đã giúp nhiều Kitô hữu chống lại các chủ thuyết duy vật cộng sản và đức quốc xã. Kitô giáo và thiện ích chung của quốc gia đòi buộc mỗi người phải biết thắng vượt ích kỷ và sống yêu thương quảng đại, cũng như thừa nhận vai trò quan trọng của yếu tố tôn giáo trong cuộc sống thế giới. Sự kiện 20% tổng số dân Thụy sĩ là người nước ngoài rất gắn bó với tôn giáo, là một cơ may giúp thăng tiến cuộc đối thoại và xây dựng một sống xã hội quân bình tại Thụy Sĩ, trong đó các giá trị tôn giáo và tinh thần có chỗ đứng của chúng (SD 2-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ÔNG KEN HACKETT, TÂN ĐẠI SỨ HOA KỲ CẠNH TÒA THÁNH

ÔNG KEN HACKETT, TÂN ĐẠI SỨ HOA KỲ CẠNH TÒA THÁNH

ROMA: Ông Ken Hackett, nguyên giám đốc tổ chức Cứu trợ công giáo, đã được chỉ định làm tân đại sứ Hoa Kỳ thứ mười cạnh Tòa Thánh, thay thế ông Miguel H. Dias đã bỏ chức vụ hồi tháng 11 năm 2012 để trở thành giáo sư môn Đức tin và văn hóa tại đại học Dayton.

Sau gần một năm không có đại sứ, Thượng nghị viện Hoa Kỳ đã chấp thuận và ngày 14-7-2013 tổng thống Barack Obama đã bổ nhiệm ông Ken Hackett làm đại sứ Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh. Trong thông cáo công bố ngày 2-8-2013, bà Carolyn Woo, tân giam đốc tổ chức cứu trợ công giáo Hoa Kỳ, khẳng định rằng tổ chức sẽ cộng tác chặt chẽ với ông tân đại sứ trong dấn thân cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và Tòa Thánh thăng tiến công ích, hòa bình và công lý trên thế giới.

Ông Hackett đã từng làm việc với các lực lượng bảo hòa tại Ghana trong các năm 1969-1971. Sau đó ông làm giám đốc tổ chức cứu trợ công giáo Hoa Kỳ trong 40 năm. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Nguyệt san công giáo của tổng giáo phận Baltimore, ông cho biết giữa chính quyền của tổng thống Obama và Tòa Thánh có các ưu tiên khác biệt, nhưng ông sẽ tìm các cơ may để củng cố sự cộng tác giữa hai bên. Một trong các lãnh vực của sự đồng thuận đó là sự kiện Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rất nhiều đến nạn nghèo đói và bất công trên thế giới hiện nay, cũng như các thách đố xã hội khác, trong đó có nạn buôn người và tình trạng ô nhiễm môi sinh.

Tân đại sứ Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh dự kiến sẽ sang Roma vào cuối tháng 8 năm 2013 (CNA 5-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC HỒNG Y TURKSON VIẾNG THĂM NHẬT BẢN ĐỂ TƯỞNG NIỆM CÁC NẠN NHÂN BOM NGUYÊN TỬ Ở HIROSHIMA VÀ NAGASAKI

ĐỨC HỒNG Y TURKSON VIẾNG THĂM NHẬT BẢN ĐỂ TƯỞNG NIỆM CÁC NẠN NHÂN BOM NGUYÊN TỬ Ở HIROSHIMA VÀ NAGASAKI

HIROSHIMA: Từ mùng 5 đến mùng 9 tháng 8 năm 2013, Đức Hồng Y Peter Turkson, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình viếng thăm Nhật Bản để tham dự các lễ nghi tưởng niệm các nạn nhân của hai quả bom nguyên tử đầu tiên thả xuống Hiroshima và Nagasaki hồi năm 1945. Đặc biệt chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y cũng được lồng trong khuôn khổ sáng kiến ”10 ngày cho hòa bình.”

Sáng kiến này do Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản đề ra, trong 10 ngày từ mùng 6 đến 15-8-2013.

Chương trình chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Turkson thật dày đặc: thứ hai 5-8, Đức Hồng Y chủ sự buổi lễ cầu cho hòa bình tại nhà thờ chính tòa Hiroshima. Thứ ba 6-8, Đức Hồng Y dự một cuộc gặp gỡ liên tôn công giáo, phật giáo, thần đạo và tin lành, và sẽ thuyết trình về công cuộc cộng tác trong nỗ lực xây dựng hòa bình. Thứ tư 7-8, Đức Hồng Y đến Nagasaki dự bữa tiệc khoản đãi của Trung tâm đối thoại liên tôn về hòa bình thế giới. Hôm sau đó, trong khuôn khổ nghi lễ tưởng niệm liên tôn tại công viên Ground Zero, Đức Hồng Y sẽ đọc lời cầu cho tất cả các nạn nhân bom nguyên tử, đặc biệt cho những người còn đang mang bao đau khổ trên mình. Ngày 9-8, Đức Hồng Y sẽ chủ sự thánh lễ trọng thể tại nhà thờ chính tòa Nagasaki cầu cho hòa bình thế giới.

Trong thông cáo công bố chương trình chuyến viếng thăm Nhật Bản, Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hồi tháng 2 năm 1981, khi viếng thăm Nagasaki. Ngài mời gọi các chính quyền, mọi công dân thế giới và nhất là người trẻ hãy quyết định ”Không bao giờ dung thứ hay chấp nhận chiến tranh như phương thế giải quyết các tranh chấp và hãy cùng nhau chung sức đắp xây một tương lai mới của tình huynh đệ và liên đới”.

Dạo tháng 6 năm 2013, khi công bố sáng kiến 10 ngày cho hòa bình, Đức Cha Peter Takeo Okada, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản, đã nêu bật tầm quan trọng của tông huấn Hòa bình dưới thế, do Đức Gioan 23 ban hành cách đây đúng 50 năm, và đề cao nội dung của tông huấn về quyền và bổn phận của con người, về thẩm quyền quốc gia và công ích chung, cùng với những vấn đề quốc tế như công lý, liên đới và phát triển kinh tế vv… (CSD 2-8-2013)

Mai Anh – Vatican Radio

GIÁO HỘI CHILÊ KHAI MẠC THÁNG LIÊN ĐỚI, THEO GƯƠNG THÁNH ALBERTO HURTADO

GIÁO HỘI CHILÊ KHAI MẠC THÁNG LIÊN ĐỚI, THEO GƯƠNG THÁNH ALBERTO HURTADO

SANTIAGO DE CHILÊ: Hôm 1 tháng 8-2013, Giáo Hội Công Giáo Chilê đã phát động Tháng liên đới với khẩu hiệu ”Khi giúp đỡ tha nhân vác thánh giá, con tim bạn sẽ biết lắng nghe trở lại”.

Chiến dịch Tháng liên đới được phát động trong tất cả mọi giáo phận Chilê, để theo gương thánh Alberto Hurtado, giúp đỡ người nghèo khổ yếu đuối bị bỏ rơi. Hằng năm, Giáo Hội Chilê tưởng nhớ cha Hurtado, dòng Tên, vị thánh đầu tiên người bản xứ, qua đời ngày 18 tháng 8-1952, bằng nhiều sáng kiến nhằm giúp đỡ những thành phần nghèo khó yếu đuối nhất xã hội. Trong số các sáng kiến này có Hội chợ liên đới khai mạc hôm 3 tháng 8-2013 tại Santiago, Ngày toàn quốc liên đới 18 tháng 8-2013, với thánh lễ tưởng nhớ ngày cha Hurtado qua đời, và các Tuần lễ xã hội cử hành trong khuôn khổ giáo phận để suy tư về các vấn đề xã hội lớn ngày nay, và để tìm ra các phương thế thăng tiến toàn bộ cuộc sống con người dựa trên giáo huấn xã hội của Hội Thánh. Và cuối cùng, là chuyến hành hương liên đới ngày 24-8-2013 trên các đường phố Santiago de Chilê để tuyên xưng giá trị tình liên đới được biểu lộ qua gương mặt thánh Hurtado. (CSD 2-8-2013)

Mai Anh – Vatican Radio

LỄ TOÀN XÁ TẠI ASSISI

LỄ TOÀN XÁ TẠI ASSISI

ASSISI: Ngày mùng 2 tháng 8-2013 hàng chục ngàn tín hữu đã đến nhà nguyện Porziuncola tại Assisi tham dự thánh lễ do Đức Cha Domenico Sorrentino, Giám Mục sở tại chủ sự, để lãnh ơn toàn xá trong ngày lễ tha thứ mùng 2 tháng 8.

Ngày toàn xá này đã được Đức Giáo Hoàng ban cho thánh Phanxicô năm 1216, với mục đích giúp tín hữu sống kinh nghiệm lòng xót thương của Thiên Chúa, là Đấng tha thứ hết mọi tội lỗi cho họ, ban cho họ sức mạnh, lòng can đảm và sự kiên trì để dấn thân trên con đường nên thánh. Thánh Phanxicô thường nói ”Tôi muốn gửi anh chị em tất cả lên Thiên Đàng”. Đức Cha Sorentino nói ngày nay hơn bao giờ hết con người cần đền lòng thương xót dịu hiền của Chúa và sự gần gũi của Người. Đậy là lý do thúc đẩy tín hữu lũ lượt tuốn về Assisi để lãnh ơn toàn xá. Kinh nghiệm được tha thứ này cũng giúp thay đổi các tương quan với tha nhân. Mỗi khi chúng ta phạm tội, con tim của cúng ta trở thành chai cứng hơn một chút; và vì trái tim cứng cỏi nên chúng ta khó sống kinh nghiện tha thứ và không tha thứ cho nhau. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rất nhiều đến lòng thương xót và tình yêu thương dịu hiền của Thiên Chúa, và ngài khuyến khích chúng ta đừng sợ hãi sự dịu hiền của Thiên Chúa cũng như sống dịu hiền với nhau. Lễ ơn toàn xá năm nay có sắc thái đặc biệt, vì cũng là dịp chuẩn bị cử hành lễ của thánh Phanxicộ ngày mùng 4 tháng 10 tới đây với sự hiện diện của Đức Thánh Cha (RG 2-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

CÁC THỪA SAI COMBONI TẠI KENYA CỐ GẮNG PHỤC HỒI NHỮNG KẺ SỐNG BÊN LỀ XÃ HỘI

CÁC THỪA SAI COMBONI TẠI KENYA CỐ GẮNG PHỤC HỒI NHỮNG KẺ SỐNG BÊN LỀ XÃ HỘI

VATICAN: Các thừa sai Comboni tại Kibìko, cách thủ đô Nairobi của Kenya vài cây số, đang nỗ lực phục hồi và tái hội nhập vào xã hội những kẻ đang phải sống bên lề xã hội, nhất là tại khu xóm ổ chuột Korogocho.

Chương trình tái phục hồi người nghiện ngập này có khẩu hiệu là ”Chúng tôi muốn sống”. Theo cha Stefano Giudici, thừa sai dòng Comboni, từ khu xóm ổ chuột Korogocho, nhiều thanh thiếu niên và người lớn tìm đến Kibìko xin giúp đỡ. Trong số này, rất nhiều người nghiện ngập rượu chè hay ma túy, không phải là rượu bia bình thường, nhưng là những thứ tổng hợp pha chế hóa học, đem lại những hậu quả đáng kinh hoàng trên thể xác người dùng chỉ sau một thời gian ngắn. Nhiều người tìm đến xóm Korogocho chỉ để dùng rượu hay ma túy, mặc dù Kenya cấm bán rượu. Tại Kibìko, các thừa sai cùng các nhân viên trợ tá xã hội cố gắng mời những người nghiện đến một trung tâm phục hồi theo một khóa chữa trị khởi đầu, thường là một buổi chiều. Khi thấy người nghiện tỏ ý quan tâm, muốn đổi đời, thì sẽ bắt đầu giai đoạn 2, kéo dài 3 hay 4 tháng tùy trường hợp, giúp người nghiện ra khỏi tình trạng nghiện ngập của mình. Giai đoạn 3 là hậu chữa trị, theo dõi những người đã được chữa lành, và phòng ngừa để họ đừng rơi vào bẫy sập lần nữa. Trong số các nhân viên trợ tá xã hội đang làm việc tại Kibìko hiện nay, có một người được xem là thành quả của chương trình phục hồi này vì đã đi qua tất cả ba giai đoạn kể trên. Chương trình tái phục hồi này cũng là một phần của công cuộc truyền giáo, đem lại cho người nghèo ở khu xóm ổ chuột Korogocho tin vui là Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương con người cho dù con người đã từng lầm lỗi. (RG 30-07-2013)

Mai Anh – Vatican Radio

TỔNG GIÁO PHẬN CORRIENTES TỔ CHỨC HỘI NGHỊ VỀ ĐỀ TÀI CHÍNH TRỊ VÀ CÔNG ÍCH

TỔNG GIÁO PHẬN CORRIENTES TỔ CHỨC HỘI NGHỊ VỀ ĐỀ TÀI CHÍNH TRỊ VÀ CÔNG ÍCH

CORRIENTES: Ngày 3 tháng 8-2013 Ủy ban Công Lý và Hòa Bình của tổng giáo phận Corrientes bên Argentina đã tổ chức Hội nghị về đề tài: ”Suy tư trở lại nền chính trị cho một xã hội hướng tới công ích”.

Trong thông cáo công bố ngày mùng 1 tháng 8-2013 Ủy ban Công Lý và Hòa Bình cho biết hôi nghị nhắm mục đích chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 200 năm ”ý nghĩa chính trị và sự cần thiết tham gia hoạt động chính trị từ bỏ phiếu cho tới việc tranh đấu cho đảng phái”, sẽ được cử hành vào năm 2016.

Hội nghị đặc biệt hướng tới người trẻ để giúp họ nói lên các cảm nghĩ và ý kiến của họ trong ý hướng xây dựng một xã hội yêu thương huynh đệ vô biên giới, theo tinh thần của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Hội nghị lấy lại khẳng định của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1972 làm khẩu hiểu: ”Nếu bạn muốn hòa bình, hãy hoạt động cho công lý”. Bên cạnh đó là lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói với xã hội Brasil: ”Chúng ta có trách nhiệm đối với việc đào tạo các thế hệ mới, và giúp họ có khả năng trong lãnh vực kinh tế và chính trị, và kiên vững trong các giá trị luân lý”. Tương lai đòi buộc phải tái phục hồi chính trị, là một trong các hình thức cao qúy nhất của tình bác ái.

Đức Cha Andrés Stanovnjk, Tổng Giám Mục Corrientes, đã tổng kết thành quả của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ vừa qua. Trong khi các người trẻ lãnh đạo các đảng phái chính trị tham gia một cuộc hội luận bàn tròn, để trình bầy các kinh nghiệm riêng cũng như nêu bật các thách đố, khó khăn và vẽ ra chân dung của hàng lãnh đạo chính trị mà đất nước Argentina đang cần phải có (SD 1-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

BÀ TỔNG THỐNG BRASIL KÝ LUẬT CHO PHÉP PHÁ THAI

BÀ TỔNG THỐNG BRASIL KÝ LUẬT CHO PHÉP PHÁ THAI

RIO DE JANEIRO: Ngày mùng 1 tháng 8-2013 bà tổng thống Brasil Dilma Roussef, đã ký luật cho phép phá thai, bốn ngày sau chuyên viêng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Luật mới cho phép phụ nữ bị hãm hiếp dùng “viên thuốc sáng hôm sau” trong vòng 72 giờ sau khi biến cố xảy ra. Bà Eleonora Menicucci, Chánh văn phòng thư ký chính trị về phụ nữ, biện minh cho luật mới và nói rằng nó sẽ có hiệu qủa tích cực vì giúp ngăn ngừa phá thai nơi các phụ nữ bị hãm hiếp, và giảm thiểu chấn thương nơi các nạn nhân. Trong khi ông Gilberto Carvalho, cố vấn của bà tổng thống Dilma thì nói rằng luật mới cống hiến trợ giúp nhân đạo cho các phụ nữ.

Hồi cuối tháng 7 năm 2013, hai mươi tổ chức bảo vệ sự sống tại châu Mỹ Latinh đã ra thông cáo kêu gọi nhân dân Brasil đừng thất vọng và làm tất cả những gì có thể làm được để ngăn ngừa luật mới. Trong các năm qua các tổ chức phò phá thai hoạt động rất mạnh để phổ biến viên thuốc phá thai này và cung cấp các cố vấn qua mạng hay qua điện thoại di động.

Ám chỉ luật cho phép phá thai sẽ được bà tổng thống ký nhận, ngày 26-7-2013, ông Carlos Polo, giám đốc học viện nghiên cứu dân số Brasil tuyên bố rằng: ”Bàn tay sẽ bắt tay Đức Giáo Hoàng không được ký nhận luật cho phép giết trẻ em chưa sinh ra”. Trong buổi dậy giáo lý cho giới trẻ tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ cùng ngày, Đức Cha Celso Antonio Marchiori, Giám Mục giáo phận Apucarana Brasil, cảnh báo tín hữu trước luật phá thai trong nước. Và Đức Cha Juan Antonio Reig Pla Giám Mục giáo phận Alacala de Henares bên Tây Ban Nha, hiện diện trong buổi giảng giáo lý cho người trẻ, cũng tuyên bố: ”Chúng ta cần phải báo động chống lại sự đe dọa của nền văn hóa chết chóc này” (CNA 2-8-2013).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Sự giầu có đích thực là tình yêu của Thiên Chúa được chia sẻ cho tha nhân

Sự giầu có đích thực là tình yêu của Thiên Chúa được chia sẻ cho tha nhân

Sư giầu có đích thực là tình yêu của Thiên Chúa được chia sẻ với các enh chị em khác. Ai sống kinh nghiệm này thì không sợ cái chết và nhận được niềm an bình của con tim.

Kính thưa qúy vị, thưa các bạn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với 40 ngàn tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật hôm qua.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nhắc tới Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại rio de Janeiro và nói:

Chúa Nhật vừa qua tôi đã ở bên Rio de Janeiro, để kết thúc Thánh Lễ và Ngày Quốc TẾ Giới Trẻ. tôi nghĩ chúng ta tẤt cả phải cùng nhau cảm tạ Chúa vì ơn lớn lao là biến có này đối với dân nước Brasil, đối với châu Mỹ Latinh và toàn thế giới. Đó đã là một chặng mới trong cuộc hành hương của người trẻ qua các đại lục với Thập Giá Chúa Kitô. Chúng ta không được quên rằng các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ không phải là ”các buổi đốt pháo bông”, các lúc hứng khởi cho chính nó; các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là các chặng của một lộ trình dài, bắt đầu từ năm 1985, do sáng kiếncủa Đức Giao Hoàng Gioan Phaolô II. Người đã tín thác cho giới trẻ Thập Giá và nói: Các con hãy ra đi, và cha sẽ đến với các con! Đã xảy ra như thế, và cuộc hành hương của người trẻ đã tiếp tục với Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, và cảm tạ Thiên Chúa tôi cũng đã có thể sống chặng đường tuyệt vời này bên Brasil. Để mọi người đừng hiểu lầm Đức Thánh Cha nhắc nhở như sau:

Chúng ta hãy luôn luôn nhớ rằng người trẻ không theo Đức Giáo Hoàng, họ theo Chúa Giêsu Kitô, bằng cách vác Thập Giá của Người. Và Đức Giáo Hoàng hướng dẫn họ và đồng hành với họ trên con đường đức tin và đức cậy. Vì thế tôi cảm ơn tất cạ mọi người trẻ đã tham dự, cả với các hy sinh lớn. Và tôi cũng cảm tạ Chúa vì các cuộc gặp gỡ mà tôi đã có với các Chủ Chăn và nhân dân của quốc gia to lớn là nước Brasil, cũng như các giới chức chính quyền và các người thiện nguyện. Xin Chúa thưởng công cho tất cả những người đã lám việc cho lễ Hội đức tin vĩ đại này. Tôi cũng muốn nêu bật lời cám ơn của tôi. Xin cám ơn anh chị em Brasil. Người Brasil giỏi lắm, một dân tộc có con tim vĩ đại. Tôi không quên sự tiếp đón nồng hậu, các lời chào, cái nhìn và biết bao nhiêu tươi vui; một dân tộc quảng đại. Tôi xin Chúa chúc lành thật nhiều cho dân tộc Brasil.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Tôi muốn xin anh chị em cùng tôi cầu nguyện cho ý chỉ này: để cho các người trẻ đã tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ có thể diễn tả kinh nghiệm này trong con đường cuộc sống thường ngày của họ, trong các thái độ hành xử mỗi ngày, và để họ có thể diễn tả nó ra trong các lựa chọn quan trọng của đời sống, bằng cách đáp trả lời kêu mời riêng rẽ của Chúa.

Đề cập tới bài đọc thứ nhất trong phụng vụ trích từ sách Giảng Viên, Đức Thánh Cha nói các lời của ông Qohelet khiêu khích chúng ta: ”Phù vân của các phu vân… tất cả là phù vân” (1,2). Người trẻ đặc biệt nhậy cảm đối với sự trống rỗng ý nghĩa và các giá trị thường vây quanh họ. Và rất tiếc họ phải trả giá cho các hậu qủa của nó. Nhưng việc gặp gỡ Chúa Giêsu thì không như thế. Đưc Thánh Cha giải thích:

Trái lại, việc gặp gỡ Chúa Giêsu hàng sống, trong đại gia đình của Người là Giáo Hội, làm cho con tim tràn đầy niềm vui, bởi vì nó làm tràn đầy con tim sự sống đích thực, một thiện ích sâu xa, không qua đi và không hư nát: chúng ta đã trông thấy trên gương mặt của các bạn trẻ tại Rio. Nhưng kinh nghiệm này phải đương đầu với sự phù vân thường ngày, thuốc độc của sự trống rỗng len lỏi vào trong các xã hội chúng ta dựa trên lợi nhuận và chiến hữu của cải, gây thất vọng cho người trẻ với chủ thuyết tiêu thụ. Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nhắc nhở cho chúng ta biết cái vô lý của việc cậy dựa trên của cải. Người giầu nói với chính mình: ”Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm rồi. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Nhưng Thiên Chúa nói với ông: ”Đồ ngốc! nội đêm nay, mgười ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ thuộc về ai?” (x. Lc 12,19-20). Sư giầu có đích thực là tình yêu của Thiên Chúa được chia sẻ với các enh chị em khác. Tình yêu đến từ Thiên Chúa và khiến cho chúngta chia sẻ nó giữa chúng ta và giúp đỡ nhau.

Ai sống kinh nghiệm này thì không sợ cái chết và nhận được niềm an bình của con tim. Chúng ta hãy tín thác ý chỉ muốn nhận lãnh tình yêu của Thiên Chúa và chia sẻ nó với tha nhân cho lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm tín hữu khác nhau. Ngài cám ơn tín hữu vì trời mùa hè Roma nóng gần 40 độ mà họ vẫn đến tham dự buổi đọc kinh chung với ngài đông đảo. Đức Thánh Cha nói: hôm nay tại quảng trường này cũng có đông đảo người trẻ: xem ra nó là Rio de Janeiro!

Ngài đặc biệt chào tất cả các cha sở và các linh mục trên toàn thế giới, bởi vì mùng 4-8 hôm qua là lễ thánh Gioan Maria Vianney, Bổn Mạng của các cha sở. Đức Thánh Cha nói: Anh em thân mến, chúng ta hãy hiệp nhất trong lời cầu nguyện và trong tình bác ái mục vụ. Nhắc đến ngày mùng 5 tháng 8 la lễ Đức Bà xuống tuyết Đức Thánh Cha nói: Ngày mai người Roma chúng tôi nhớ Mẹ chúng tôi, là ”Ơn cứu rỗi của dân thành Roma”, chúng ta hãy xin Mẹ giữ gìn chúng ta. Rồi ngài mời nọi người cũng ngài đọc một kinh Kính Mừng và cùng ngài vỗ tay chào và hoan hô Đức Mẹ.

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại ngày lễ Chúa Hiển Dung mùng 6 tháng 8 cũng là ngày kỷ niệm Đức Giáo Hoàng Phaolô VI qua đời vào ban chiều cách đây 35 năm.

Sau cùng ngài chúc tất cả mọi người một này Chúa Nhật tươi vui và tháng 8 tốt lành.

Linh Tiến Khải Vatican Radio

CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG GIÚP THAY ĐỔI XÃ HỘI

CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG GIÚP THAY ĐỔI XÃ HỘI

QUITO: Đức Tổng Giám Mục Claudo Celli, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền Thông, nêu bật tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông, vì chúng giúp thay đổi xã hội, phát huy một nền văn hóa gặp gỡ, tố cáo các bất công và thăng tiến việc phổ biến sự thật.

Đức Cha Celli đã khẳng định như trên trong hội nghị của hiệp hội các nhà truyền thông công giáo nhóm tại Quito thủ đô Ecuador trong các ngày 1-3 tháng 8 năm 2013.

Mục đích của hội nghị là duyệt xét các chỉ dẫn mới cho sinh hoạt của hiệp hội trong các năm 2013-2017. Đức Cha Celli nói với các tham dự viên: Đức Thánh Cha Phanxicô thường khích lệ chúng ta ”thăng tiến một nền văn minh gặp gỡ với tha nhân, khởi hành từ đức tin nảy sinh từ sự gặp gỡ với Chúa Giêsu”. Ngày nay trong nhiều bối cảnh địa lý việc truyền thông gặp nhiếu khó khăn, nhất là tại những nơi có các luật lệ mưu sát quyền tự do diễn tả, tự do tư tưởng và tự do báo chí. Lập trường của các Kitô hữu luôn luôn là tìm kiếm tất cả mọi phương thức hợp pháp để tố cáo các tình trạng bất công và thăng tiến việc phổ biến sự thật. Bởi vì nói lên sự thật về con người dưới ánh sáng của Lời Chúa là một trong các sứ mệnh của giới truyền thông công giáo tại châu Mỹ Latinh. Tiếp đến Đức Tổng Giám Mục Celli mời gọi các nhà báo công giáo thông truyền Chúa Kitô cho những vùng ngoại ô của cuộc sống, vì cần phải thăng tiến việc truyền giáo mới như một tiến trình làm người toàn vẹn, bằng cách phục hồi phẩm giá là con cái của Thiên Chúa và tìm ra các phương thức truyền thông mới để thăng tiến phát triển. Sau cùng Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Truyền Thông cảnh báo hai cám dỗ của con người thời nay: đó là thụt lùi vì sợ hãi sự tự do phát xuất từ Chúa Thánh Thần, và một loại chủ trương tiến bộ non trẻ sẵn sàng theo các giá trị xu thời do nền văn hóa thống trị đề nghị. Trái lại, Kitô hữu cần phải theo luật lệ của Chúa Thánh Thần dẫn tới chỗ biết phân định và thi hành thánh ý Thiên Chúa.

Sau sùng Đức Tổng Giám Mục Celli cầu mong giới truyền thông công giáo châu Mỹ Latinh là các chứng nhân đích thực của Chúa Kitô Phục Sinh (SD 1-8-2013)

Linh Tiến Khải

NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ ĐÃ TẠO HIỆU QUẢ TÍCH CỰC TẠI BRASIL

NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ ĐÃ TẠO HIỆU QUẢ TÍCH CỰC TẠI BRASIL

RIO DE JANEIRO: Đức Hồng Y Orani Tempesta, Tổng Giám Mục Rio de Janeiro, cho biết Ngày Quốc Tế Giới Trẻ đã tạo ra hiệu qủa tích cực trên Brasil, không phải chỉ trên bình diện kinh tế, mà cả chứng tá Kitô nữa.

Đức Hồng Y đã đưa ra nhận định trên đây trong buổi họp báo ngày 30-7-2013 để cám ơn hơn 60,000 người thiện nguyện, các gia đình mở cửa tiếp đón người trẻ và ban tổ chức Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Rio 2013. Đức Hồng Y nói sự thành công đã có được là nhờ sự trợ giúp của Chúa, mặc dù thời tiết đã khiến phải thay đổi các chương trình dự kiến. Tuy có biến cố thay đổi Giáo Hoàng, nhưng chúng ta đã có được Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tuyệt vời, và đã không hề xảy ra biến cố bạo lực hay tội phạm nào. Những dấu chỉ tích cực mà chúng ta đã trông thấy nơi hơn 3 triệu người trẻ tham dự phải được tiếp tục. Và chúng ta muốn rằng các bạn trẻ phải là các tác nhân của một thế giới mới.

Đức Hồng Y cũng cho các nhà báo biết là các bạn trẻ đến từ 175 quốc gia trên thế giới tuổi từ 19 đến 34, trong đó 55% là nữ giới và 45% là nam giới. Bộ du lịch cho biết người trẻ đã tiêu 1.8 tỷ reales trong các ngày sống tại Rio. Trong số hơn 3 triệu người hiện diện tại Rio có 664 Giám Mục và 7,815 Linh Mục. Các bài giáo lý đã do 250 Hồng Y và Giám Mục đặc trách tại 264 địa điểm khác nhau bằng 25 ngôn ngữ.

Vẫn liên quan tới Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, kiêm Chủ tịch Ủy ban Tòa Thành đặc trách châu Mỹ Latinh, hy vọng ảnh hưởng của nó giúp canh tân Giáo Hội công giáo toàn châu Mỹ Latinh. Nó sẽ đem lại hoa trái trong việc rao truyèn Tin Mừng cũng như trong cuộc sống xã hội, tình huynh đệ, công lý và các lãnh vực khác nữa. Châu Mỹ Latinh đang sống thời diểm nòng cốt lịch sử của mình để trở thành tác nhân của Tin Mừng tại châu Mỹ Latinh cũng như trên toàn thế giới. Việc bầu Đức Bergoglio làm Giáo Hoàng là một hồng ân Chúa ban cho Giáo Hội, vì ngài là Giáo Hoàng của người nghèo. Đức Hồng Y Ouellet đang tham dự phiên họp của Ủy ban châu Mỹ Latinh tại Rio.

Về phần mình Đức Cha Bruno Forte, Tổng Giám Mục Chieti, là người đã tháp tùng phái đoàn giới trẻ tổng giáo phận đi Rio, cho biết người trẻ đã bị ấn tượng mạnh trước sự tươi vui của người dân các khu xóm ổ chuột nghèo nàn.

Giáo Hội Brasil là một Giáo Hội rất đẹp, sống động và trẻ trung. Đức Giáo Hoàng Phanxicô là người có khả năng nói với con tim của người trẻ vì ba lý do: ngài là vị chủ chăn sống trung thực với chính mình trong lời nói việc làm; ngài rất tin tưởng nơi giới trẻ và làm cho họ hiểu rằng Chúa Kitô tin tưởng nơi họ; và ngài gây ý thức trách nhiệm nơi họ. Ngài biết thông truyền các nôi dung rất đẹp của Tin Mừng, trong một cách thức tuyệt đối thực sự và xác tín đối với người trẻ. Ngài không vuốt ve và tìm cách làm hài lòng giới trẻ bằng mọi cách. Ngài chỉ cho họ thấy ngài yêu họ và khi người trẻ cảm thấy được yêu thì bạn có thể xin họ tất cả (CNA 31-7-2913; RG 1-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

CUỘC GẶP GỠ

CUỘC GẶP GỠ

Chủ đề: “Điều quan trọng trong đời không phải những gì chúng ta kiếm được, nhưng con người mà chúng ta trở thành”.

Nhiều năm trước đây, một nhà hàng ăn ở Chicago có tấm trải bàn độc đáo trên mỗi bàn ăn. Và nếu bạn muốn, người hầu bàn sẽ vui vẻ tặng bạn tấm trải bàn này để đem về nhà, đóng khung và treo trên tường.

Trên tấm trải bàn ấy có ghi lại một câu chuyện như sau:

“Vào năm 1923, một cuộc họp quan trọng đã xảy ra tại khách sạn Edwater Beach ở Chicago. Tham dự cuộc họp này là các nhân vật sau đây:

“Chủ tịch công ty sắt thép lớn nhất, chủ tịch công ty sản xuất đồ tiêu dùng lớn nhất, chủ tịch công ty dầu khí lớn nhất, chủ tịch thị trường trao đổi chứng khoán Nữu Ước, chủ tịch Ngân Hàng Tài Sản Quốc Tế, người dự trữ lúa mạch lớn nhất, người có nhiều chứng khoán nhất ở Wall Street, người đại tư bản độc quyền lớn nhất thế giới, và một bộ trưởng của chính phủ Harding.”

Thật là một danh sách của những người nổi tiếng. Tuy nhiên, 25 năm sau, chín nhà đại tư bản này đã ra sao?

Theo câu chuyện được in trên tấm trải bàn, chủ tịch công ty sắt thép lớn nhất là Charles Schwab đã từ trần trong sự phá sản; chủ tịch công ty sản xuất đồ tiêu dùng lớn nhất là Samuel Insull khi chết không có một đồng xu dính túi; chủ tịch công ty dầu khí lớn nhất là Howard Hobson trở nên điên dại; chủ tịch thị trường chứng khoán Nữu Ước là Richard Whitney vừa mới ra khỏi tù; chủ tịch ngân hàng là Leon Fraser thì tự tử; người dự trữ lúa mạch lớn nhất là Arthur Cutten chết trong sự nghèo nàn; người có nhiều chứng khoán nhất ở Wall Street là Jesse Livermore thì tự tử; người đại tư bản độc quyền lớn nhất thế giới là Ivar Kruegar cũng tự tử; và ông bộ trưởng của chính phủ Harding là Abert Fall vừa mới được ân xá mãn hạn tù để có thể về chết ở nhà!

Câu chuyện này nhấn mạnh đến vài điểm đằng sau bài Phúc Âm hôm nay. Và đó là điểm gì? Điểm đó được tóm lược trong dụ ngôn của Chúa Giêsu về người phú hộ dại khờ.

Trái với ý nghĩ của nhiều người, trong dụ ngôn này Chúa Giêsu không đả phá việc tìm kiếm của cải. Người không đả phá các công ty.

Điều Chúa Giêsu đả phá là ý tưởng điên rồ của một số người khi coi tài sản vật chất quan trọng hơn tài sản tinh thần.

Một vài năm trước đây, một nhà truyền giáo ở Phi Châu cho biết người dân ở đây có thói quen mai táng người chết mà cởi bỏ hết y phục.

Một trong những mục đích của thói quen này là để nhấn mạnh đến sự kiện: chúng ta từ bỏ thế giới này cũng y như khi chúng ta đi vào thế giới ấy.

Đó cũng chính là điểm Thánh Phaolô viết trong Thư I gửi cho Timôtê, “Cái gì chúng ta đem vào thế giới này? Chẳng có gì. Cái gì chúng ta đem ra khỏi thế giới này? Cũng chẳng có gì!” 1 Tim. 6:7

Và đây cũng là điểm mà Chúa Giêsu muốn nói trong dụ ngôn người phú hộ dại khờ. Người nói với chúng ta rằng khi chúng ta chết điều đáng kể không phải là tài sản chúng ta kiếm được khi còn sống, nhưng là con người mà chúng ta trở thành trong hành trình cuộc đời.

Chúa Giêsu nói rằng điều ưu tiên trong đời sống phải là trở nên một con người đích thực, chứ không phải tìm kiếm tài sản.

Một cách cụ thể, chúng ta đã vi phạm điều ưu tiên mà Chúa Giêsu muốn nói đến khi chúng ta tìm kiếm của cải mà trở nên thiếu thành thật, khi chúng ta có được quyền thế mà trở nên tàn nhẫn độc ác, khi chúng ta được nổi tiếng trong cộng đồng mà quên đi chính gia đình mình.

Nói tóm lại, chúng ta đã vi phạm điều ưu tiên mà Chúa Giêsu nói đến khi chúng ta có được của cải chóng qua ở thế gian này mà đánh mất của cải vĩnh cửu ở đời sau.

Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại các ưu tiên trong đời sống. Hãy nghĩ như thế này.

Nếu có ai hỏi con bạn, “Ưu tiên hàng đầu của bố con trong đời sống là gì?” thì con bạn sẽ trả lời thế nào?

Liệu cháu sẽ nói, “Ô dễ quá. Ưu tiên hàng đầu của bố cháu là gia đình!” Hoặc cháu sẽ nói, “Ưu tiên hàng đầu của bố cháu là công việc làm ăn!”

Hoặc nếu có ai hỏi cô con gái bạn, “Ưu tiên hàng đầu của mẹ con trong đời sống là gì?” thì con bạn sẽ trả lời thế nào?

Liệu cháu sẽ nói, “Ô dễ quá. Ưu tiên hàng đầu của mẹ cháu là gia đình!” Hoặc cháu sẽ nói, “Cháu cũng không biết rõ nhưng chắc chắn không phải là gia đình!”

Hoặc nếu có ai hỏi cha bạn: ưu tiên của bạn là gì, thì cha bạn sẽ trả lời sao?

Liệu ông có trả lời như một người cha nọ đã nói, “Thật khó thú nhận, nhưng tôi phải nói là nó chỉ biết đến mình. Nó chẳng thích gì cả trừ khi điều đó có lợi cho nó.”

Nhiều năm trước đây, vào một buổi sáng nọ ông Alfred Nobel mở tờ nhật báo ra và thấy bài cáo phó của mình ở trong đó. Một phóng viên người Pháp đã cẩu thả loan tin ông từ trần thay vì em của ông.

Ông Alfred thật bàng hoàng. Vì lần đầu tiên trong đời, ông nhìn về chính mình dưới con mắt của người khác. Ông thấy chính mình như một “ông vua thuốc nổ” đã dùng toàn thể cuộc đời để chế tạo vũ khí sát hại và tiêu diệt.

Sáng hôm ấy, ông Nobel quyết tâm thay đổi hình ảnh người ta nhìn về ông. Sự quyết tâm của ông đã đưa đến kết quả là các giải thường Nobel hằng năm trong các lãnh vực vật lý, hóa học, y học, văn chương và hòa bình.

Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta hãy thi hành giống như ông Alfred Nobel. Nó mời gọi chúng ta hãy tưởng tượng đọc bài cáo phó của mình. Nó mời gọi chúng ta nhìn về chính mình dưới con mắt của người khác. Nó mời gọi chúng ta nhìn về con người thực sự của mình. Nó mời gọi chúng ta nhìn về chính mình như Thiên Chúa nhìn chúng ta.

Hoặc, theo ngôn ngữ trong dụ ngôn của bài Phúc Âm hôm nay, nếu chúng ta phải ra trước mặt Thiên Chúa tối nay để báo cáo về cuộc đời trần thế này, thì liệu Thiên Chúa có nói với chúng ta như Người đã nói với ông phú hộ kia:

Sao con dại thế! Nếu đêm nay con phải từ giã cuộc đời này thì ai sẽ hưởng tất cả những gì con cất giữ cho mình?

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện:

Lạy Chúa, Chúa đã nói với các môn đệ, “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì?” Xin Chúa giúp chúng con luôn ghi nhớ những lời ấy. Xin giúp chúng con nhìn ra con người đích thực của chúng con.

Nhất là xin giúp chúng con nhận ra điều đáng kể khi chúng con từ giã cõi đời này, không phải những gì chúng con kiếm được, nhưng là con người mà chúng con phải trở thành trong hành trình cuộc đời.

Cha Mark Link, S.J.

Nguy hại của việc tham lam của cải

Nguy hại của việc tham lam của cải

Bài Phúc âm hôm nay tựu trung có thể nhắc chúng ta nhớ lại một điểm quan trọng, đó là người đồ đệ của Chúa cần phải xây dựng đời sống của mình trên chính Chúa, chứ không phải trên những của cải lợi ích vật chất. Lời xin của một người vô danh, một người trong đám đông đến nghe Chúa Giêsu giảng: “Xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Lời xin này xem ra là một yêu cầu hết sức hợp lý từ quan điểm của người đến xin Chúa Giêsu.

Theo thói quen trong xã hội Do thái thời Chúa Giêsu, những vị thông luật, những biệt phái lãnh đạo dân chúng thường có vai trò như những thẩm phán của xã hội của chúng ta ngày nay. Họ giúp dân chúng giải quyết những tranh tụng hàng ngày. Vả lại, Chúa Giêsu cũng rao giảng Tin Mừng của công bằng, tình thương, bác ái. Vì thế, người đến xin Chúa: “Xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Để nhìn về Chúa Giêsu như là một người có uy tín, một vị trọng tài uy tín có thể giúp anh giải quyết vấn đề với người anh trong gia đình, anh có quyền nghĩ như thế và đòi như thế. Vì Chúa Giêsu giảng dạy sự khôn ngoan, giảng dạy lẽ phải và sự công bằng. Nhưng chúng ta hơi ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu từ chối lời yêu cầu của anh: “Ai đặt tôi làm trọng tài xét xử những việc này” Nhưng thật ra đây không phải là lời từ chối, nhưng những gì Chúa Giêsu kể tiếp về dụ ngôn cho chúng ta thấy là Chúa Giêsu giúp anh hay giúp mỗi người chúng ta giải quyết những vấn đề vật chất của mình.

Chúa Giêsu kể tiếp dụ ngôn về người giàu có chỉ biết xây dựng đời mình trên của cải vật chất mà quên đi mối liên hệ sâu xa hơn với Chúa, mối liên hệ của cuộc sống đời này và hạnh phúc đời sau. Chúa Giêsu nhắc lại một sự thật căn bản là đời sống con người không phải chỉ giới hạn trên trần gian này mà thôi, và cũng không phải chỉ được xây dựng trên của cải vật chất.

Nếu quả thật đời sống con người chỉ có trần gian này mà thôi thì nếp sống của chúng ta có thể sẽ phải như là nếp sống mà một nhà hiền triết Hy Lạp đã nói: “Cà phê đi em, hãy hưởng thụ cho đã rồi thôi”. Nhưng không phải chỉ có thế, đời sống con người trên trần gian này là một giai đoạn của một cuộc sống mãi mãi trong Chúa. Đây là sự thật căn bản mà Chúa Giêsu muốn nhắc lại cho tất cả mọi người cũng như cho người đến xin Chúa giải quyết một trường hợp cụ thể trong cuộc sống hàng ngày là chia gia tài cho tôi.

Đặt cuộc sống con người trong viễn tượng đời đời mà mỗi người chúng ta cần thực hiện điều này luôn luôn trong mọi giây phút. Chúng ta cần đặt cuộc sống của mình trong viễn tượng đời đời, để rồi từ đó chúng ta mới có thể nhận được sự soi sáng mà dễ dàng giải quyết những xung đột nhỏ nhoi, những tranh chấp, ganh tị, thù hận làm mất sự bình an trong tâm hồn.

Chúng ta hãy xác tín rằng, Phúc âm Chúa đòi buộc ta sống công bằng, chia sẻ và yêu thương. Nhưng đòi buộc này không phải là chỉ đòi buộc những việc cụ thể bên ngoài mà thôi, mà đòi buộc ăn sâu vào trong lương tâm mỗi người chúng ta. Phúc âm Chúa không phải chỉ là trọng tài để giải quyết những xung đột của nhau, nhưng là giúp cho mọi người sống trọn giới luật yêu thương.

Áp dụng vào trường hợp của Giáo Hội hôm nay, chúng ta cũng có thể nói Giáo Hội trong thời đại chúng ta đang sống cũng bị thách thức như Chúa Giêsu ngày xưa. Có những người muốn Giáo Hội dấn thân thật cụ thể vào trong một đảng phái chính trị, bênh vực lập trường của đảng phái chính trị nào đó, trình bày những giải đáp kỹ thuật cụ thể cho những vấn đề được đặt ra trong xã hội.

Đôi khi đây cũng là những cám dỗ cho những người đồ đệ của Chúa, cho mỗi người chúng ta. Nhưng ơn gọi và sứ mạng của Giáo Hội là một cái gì sâu xa hơn, ăn sâu vào trong lương tâm của mỗi người. Giáo Hội được mời gọi rao giảng, nhắc nhở cho mỗi người sống về sự thật căn bản mà Chúa đã mạc khải. Đời sống con người không hạn hẹp trên trần gian này, nhưng là một mở rộng hướng về cõi đời đời và được tiếp tục trong cõi đời đời.

Giáo Hội được mời gọi đề nghị và bảo vệ một tinh thần, tinh thần Phúc âm và tinh thần này tác động sâu xa nơi từng lương tâm con người. Giáo Hội mà mỗi người chúng ta không nên để mình bị ràng buộc bởi những chế độ, bởi những lợi ích của phe nhóm. Chúng ta không đến với Chúa để xin Chúa bảo anh tôi chia gia tài cho tôi. Mặc dù đây là một yêu cầu hết sức hợp lý, nhưng chúng ta hãy đến với Chúa để Chúa soi sáng cho mỗi người chúng ta được nhận thức rằng, đời sống con người của chúng ta trên trần gian này là một chuẩn bị để đi về trời, để bước vào cõi đời với Chúa.

Trong viễn tượng, mỗi người chúng ta được mời gọi sử dụng những của cải, những tài năng Chúa ban cho để phục vụ cho anh chị em và xây dựng một xã hội tốt đẹp. Và cũng trong viễn tượng này mà mỗi người chúng ta được mời gọi giải quyết những xung đột nhỏ nhoi, những tranh chấp, những ganh tị, những thù hận làm mất đi sự bình an trong tâm hồn.

Một khi đã đặt cuộc đời mình trong cuộc sống đời đời, trong viễn tượng cuộc sống đời đời; một khi đã đặt cuộc sống mình trên nền tảng là Chúa Giêsu thì chúng ta sẽ biết giải quyết dễ dàng những xung đột hằng ngày xảy ra trong cuộc sống. Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta được trưởng thành trong đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh tin kính.

Veritas Radio

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

Từ khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới ít chú ý đến chính trị. Mọi nỗ lực đều tập trung vào phát triển kinh tế. Xưa kia, nước mạnh dùng sức mạnh quân sự để áp chế những nước yếu. Ngày nay những nước giàu dùng sức mạnh kinh tế để chèn ép những nước nghèo. Kinh tế trở thành một sức mạnh. Tiền bạc trở thành một vũ khí lợi hại. Chính vì thế ai cũng mong làm ăn phát đạt để trở nên giàu có. Thế mà Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay dường như đi ngược chiều với xã hội. Phải chăng Chúa chống lại sự phát triển, sự sung túc thịnh vượng của xã hội?

Nếu đọc kỹ Lời Chúa và quan sát đời sống của Chúa Giêsu, ta sẽ thấy.

1) Chúa Giêsu xuống trần gian không nhằm giải quyết vấn đề kinh tế

Khi người thanh niên đến xin Người phân xử vụ chia gia tài, Người đã trả lời: “Ai đặt ta làm quan án cho các ngươi?” Người đến không phải để giải quyết các vấn đề kinh tế. Việc phân chia tài sản là việc giữa con người với nhau.

Sau khi chứng kiến phép lạ bánh hoá ra nhiều, dân chúng muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua. Nhưng Người đã lánh đi nơi khác. Người muốn cho con người thoát ra khỏi lãnh vực vật chất trong cuộc sống.

2) Chúa Giêsu muốn nâng cao chất lượng cuộc sống

Tuy không quan tâm đến vấn đề kinh tế, nhưng Chúa Giêsu không chống lại việc làm giàu, tích lũy của cải. Người chỉ muốn cho việc tích lũy của cải có một ý nghĩa.

Khi nói với đám đông: “Anh em phải coi chừng, phải tránh xa mọi thứ tham lam, vì dẫu có dư giả thì mạng sống con người cũng không nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”, Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu: đời sống đâu chỉ gói gọn trong vấn đề cơm, áo, gạo, tiền. Đời sống còn là cái gì cao hơn thế, đẹp hơn thế.

Triết học phân chia con người ra hai phạm trù: “avoir” (có) và “être” (là). Tôi có gì thuộc phạm vi khối lượng. Tôi là gì thuộc phạm vi chất lượng. Những gì tôi có như của cải, quần áo, chỉ là những gì ở ngoài, không làm thành giá trị con người. Những gì tôi là mới tạo thành bản thân tôi, gắn bó thân thiết với tôi, tạo thành giá trị đời tôi.

Khối lượng không quí hơn chất lượng. Đừng lầm tưởng rằng ý nghĩa cuộc đời sẽ tăng theo khối lượng của cải. Chúa Giêsu muốn đời nghèo khổ, không của cải, nhưng không phải vì thế mà cuộc sống của Người không có giá trị. Giuđa chết khi túi đầy tiền bạc, nhưng không phải vì thế mà ông có giá trị hơn người khác.

Truyện kể: xưa có nhà hiền triết sống rất đơn sơ. Ông không cần quần áo, nhà cửa. Nhà của ông là một chiếc thùng phuy. Một hôm, vị hoàng đế đến thăm hỏi xem ông có cần gì không. Ông trả lời: “Tôi chỉ cần nhà vua đứng tránh ra, kẻo che mất ánh mặt trời của tôi”. Trong hai người ấy, ai cao quý hơn, ai đáng kính trọng hơn?

Chất lượng cuộc sống làm con người sống nên người hơn, cao quý hơn, sung mãn nhân cách hơn. Của cải chỉ có ý nghĩa khi giúp con người đạt được chất lượng cuộc sống. Của cải chỉ là phương tiện. Đừng biến phương tiện thành mục đích.

3) Chúa Giêsu mở tầm nhìn vô biên

Ông phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay đã coi của cải là mục đích. Có được của cải rồi, ông không còn biết làm gì hơn là hưởng thụ. Tầm nhìn của ông quá hạn hẹp. Chỉ biết có vật chất. Chỉ nhìn thấy đời này. Lời Chúa phán: “Hỡi đồ ngốc! Nội đêm nay người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sửa đó sẽ về tay ai” đã mở tầm nhìn ra vô biên. Người ta đâu sống mãi mà hưởng thụ. Khi chết thì của cải dù nhiều cũng tan theo mây khói.

Nhưng chưa hết, chết rồi người ta còn phải ra trước toà Chúa mà chịu phán xét. Chúa không đánh con người theo khối lượng những gì họ có, nhưng đánh giá theo chất lượng của đời sống. Theo cách đánh giá của Chúa, những gì ta thu tích cho bản thân sẽ hết, sẽ qua đi. Nhưng những gì ta cho đi sẽ tồn tại.

Lời Chúa hôm nay dạy ta đừng hạ thấp đời sống con người trong một tầm nhìn hạn hẹp vào việc thu tích của cải cho riêng mình. Nhưng hay nâng cao cuộc sống, mở rộng tầm nhìn để biết tích trữ những kho tàng nơi Thiên Chúa, kho tàng ấy sẽ không bao giờ mất được.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Tiền bạc cần thiết cho cuộc sống, nhưng tiền bạc cũng nguy hiểm. Theo bạn đâu là những nguy hiểm do tiền bạc?
2- Tham nhũng, hối lộ đang trở thành phổ biến, người tín hữu phải có thái độ nào đối với tiền bạc?
3- Bạn nghĩ gì về Lời Chúa: “Hãy dùng tiền của phi nghĩa mà mua lấy bạn hữu trên trời”?
4- Tiền bạc có phải là tất cả? Hay đời sống con người còn cần nhiều thứ khác cao quý hơn?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

THAM THÌ THÂM

THAM THÌ THÂM

Truyện cổ “Tham thì thâm” kể rằng: Có một phú hộ cỡ bự, một hôm kêu đầy tớ đến bảo: “Ta sẽ cho ngươi ruộng đất của ta như lòng mong mỏi của ngươi. Vậy sáng mai lúc mặt trời mọc, ngươi sẽ chạy khoanh vùng cho tới khi mặt trời lặn. Ngươi chạy khoanh được bao nhiêu thì bấy nhiêu ruộng đất sẽ thuộc về ngươi. Nhớ điều này: Nếu ngươi trở về khởi điểm sau khi mặt trời lặn, ngươi sẽ chẳng được gì, dù một tấc đất”. Người đầy tớ sung sướng vô cùng nghĩ bụng: “Chỉ trong vòng ngày mai thôi, với sức khoẻ thế này, ta sẽ có trong tay bao nhiêu ruộng đất và trở thành ông chủ chẳng kém gì ông chủ hiện thời”. Ngày hôm sau, khi mặt trời vừa ló dạng, anh ta đã cắm đầu cắm cổ chạy, chạy không kịp thở, chạy không biết mệt. Đến đúng ngọ, thay vì phải chạy vòng trở về, nhưng nhìn đồng ruộng xanh tươi bạt ngàn trước mắt, anh ta còn muốn có thêm ruộng đất nên vẫn cắm cúi chạy tới miết. Cho đến khi trời xế chiều, anh ta mới giật mình chạy vòng trở về khởi điểm. Nhưng thấy đường còn xa, tên đầy tớ lo sợ không về kịp lúc mặt trời lặn, nên càng gắng sức “vắt giò lên cổ” chạy nhanh hơn, trong khi thân thể đã mỏi mệt rã rời. Về tới nơi thì mặt trời cũng vừa lặn, nhưng tên đầy tớ kiệt sức, ngã gục và chết ngay dưới chân chủ. Chủ vẫn giữ lời hứa, nhưng anh đầy tớ giờ đây chỉ cần “ba tấc đất gửi nắm xương tàn” đã là quá đủ. Thế đấy! Tham giàu đến thiệt mạng! Quả đúng là “tham thì thâm”!

Không sai, “Tham thì thâm cổ nhân dạy thế,/ Lấy chuyện gà ra để răn đời./ Đem câu bịa đặt kể chơi,/ Một hôm gà nọ đẻ rơi trứng vàng./ Chủ ngỡ có bảo tàng trong bụng,/ Mổ phăng ra chắc cũng mau giàu./ Nào ngờ có cóc gì đâu,/ Gà thường cũng vậy khác nhau chút nào./ Chủ biết dại kêu gào tiếc của,/ Làm gương soi cho đứa tham tâm,/ Rõ thật là ‘bé cái lầm’,/ Được mười lại muốn ngay trăm ngay nghìn./ Trơ ra hết nhẵn ngồi nhìn.” (“Gà đẻ trứng vàng” – Thơ ngụ ngôn La Fontaine). Phải, tham thì thâm, nhưng khốn nỗi gà mà đẻ ra trứng vàng thì ai chẳng ham. Chàng đầy tớ trong truyện cổ “Tham thì thâm”, người chủ nuôi con gà “đẻ trứng vàng” thật chẳng khác chàng phú hộ trong dụ ngôn “Người phú hộ tham lam” sau đây:

Trong bài Tin Mừng CN XVIII/TN-C (Lc 12, 13-21), Thánh sử Lu-ca trình thuật câu chuyện có một người trong đám đông đi theo Đức Ki-tô, nói với Người: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Sau đó Người kể một dụ ngôn về người phú hộ lo thu tích của cải. Nếu nói về lòng tham thì chàng phú hộ này cũng chẳng khác gì chàng đầy tớ trong truyện cổ “Tham thì thâm”. Nhưng chàng phú hộ may mắn hơn anh đầy tớ nhiều, vì còn được Thiên Chúa nhắc nhở: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12, 20-21). Và đây chính là dịp cho anh chàng phú hộ mở mắt. Thật đúng là “Giấc nam kha khéo bất bình, Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.” (“Cung Oán Ngâm Khúc” – Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều).

Anh chàng phú hộ trong dụ ngôn có được dịp mở mắt, “bừng con mắt dậy” để “thấy mình tay không”, ngộ ra được cuộc sống trăm năm với biết bao của cải vật chất cũng chỉ là “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1, 2). Còn chàng đầy tớ, tiếc thay, lại tắt thở vào đúng thời điểm thu tích của cải! Anh không còn dịp để “bừng con mắt dậy”, nhưng sang thế giới bên kia anh cũng chỉ có “tay không” mà thôi. Giàu có đến như vua Ngô mà khi trở về bụi đất cũng chẳng mang được gì, huống hồ! (“Vua Ngô ba mươi sáu cái tàn vàng, Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì” – ca dao VN). Nguyễn Gia Thiều thật chí lý, quả thật con người trên đời nếu có dịp “bừng con mắt dậy” mới thấy của cải cũng chỉ là “phù phiếm” (浮泛), “phù vân” (浮 雲), nhan sắc cũng chỉ là “phù dung” (浮 容) sớm nở tối tàn, danh tiếng cũng chỉ là “phù danh” (浮 名), danh hờ, danh hão. Và cuộc đời rốt lại cũng chỉ là “phù sinh” (浮生) mà thôi. Vâng, cuộc “phù thế nhân sinh” (浮 世人 生) ba vạn sáu ngàn ngày chẳng qua cũng chỉ như một “giấc mộng kê vàng” (đặt một nồi cháo kê, ngủ thiếp đi và chìm trong một giấc mộng trải qua một đời lên xe xuống ngựa, công hầu khanh tướng; đến lúc giật mình tỉnh giấc, nồi kê vẫn chưa chín). Vậy đó! “Trăm năm nào nghĩa gì đâu, Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì!” (Nguyễn Gia Thiều) cũng là phải thôi!

Người tín hữu hàng ngày cầu nguyện “Xin cho chúng con lương thực hàng ngày” với mục đích “ăn để mà sống chớ không sống để mà ăn”, thì chẳng có gì đáng nói, bởi “anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở ra cho”. Nhưng khốn nỗi, tâm lý chung của con người có 1 lại đòi 2, có 2 lại đòi 3, đòi 4, chưa có ăn thì chỉ cầu cho có bữa ăn, đến lúc có bữa ăn rồi thì lại muốn có “bữa ăn, bữa để” (tục ngữ VN), rồi thì thu tích đầy hết kho lẫm vẫn chưa thoả mãn, lại muốn xây thêm kho lẫm thật hoành tráng, nguy nga, để chứa cho vừa lòng tham. Mà lòng tham con người vốn dĩ không có đáy, biết thế nào cho vừa, biết làm sao cho đủ, cho đầy. Như vậy thì phải chăng đã tít mắt vì cái bả vinh hoa, mà quên mất “bóng câu cửa sổ”, “cuộc đời ngắn chẳng tày gang”? “Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân!” (Gv 1, 23). Nên chi, cần phải có một khoảnh khắc nào đó “bừng con mắt dậy”, mà lắng nghe trong thẳm sâu tiềm thức Lời nhắc nhở “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.” (Lc 16, 13).

Vâng, mà muốn có được khoảnh khắc “bừng con mắt dậy” ấy, thì cần phải biết sử dụng cái vũ khí sắc bén nhất, đắc lực nhất, đó là “cầu nguyện”. Cầu nguyện xin ơn soi sáng để ý thức được “Nguyên lý của đời sống mới: kết hợp với Đức Ki-tô phục sinh” như lời Thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-lô-sê: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3, 1-4).

Chỉ tới khi ấy, chỉ tới khi thấm thía được tất cả chỉ là “phù vân”, là “phù dung”, là “phù thế”, “phù sinh”, anh mới không còn lo sợ “thấy mình tay không” nữa, vì anh đã chiếm hữu được kho tàng không bao giờ hư nát, kho tàng vĩnh cửu: Nước Trời. Được coi là bạn của Người nghèo đến độ “không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20), người Ki-tô hữu đừng bao giờ “tham phú phụ bần” (ham giàu chê nghèo), mà cần phải tỉnh thức mở mắt ra “nhìn linh thị” (Ds 24, 16) trong cầu nguyện, lắng nghe Lời Thầy Chí Thánh, hy vọng có dịp “bừng con mắt dậy” trước khi bước tới “một nấm cỏ khâu xanh rì”. Còn nếu có tham giàu, thì hãy lo thu tích của cải Nước Trời mà “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12, 21). Ước được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.