TỔ CHỨC MONEYVAL BỎ PHIẾU TÍCH CỰC CHO TÒA THÁNH VATICAN

TỔ CHỨC MONEYVAL BỎ PHIẾU TÍCH CỰC CHO TÒA THÁNH VATICAN

Đức Ông Ettore Balestrero

VATICAN: Trong cuộc họp báo sáng hôm 18 tháng 7-2012 Đức Ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh, cho biết cơ quan Moneyval đã bỏ phiếu tích cực cho Tòa Thánh Vaticăng trong cuộc chiến chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Bình luận về bản tường trình của cơ quan Moneyval, Đức Ông Balestrero nói: Các nỗ lực của Tòa Thánh được coi là phù hợp một cách rộng rãi trong 9 trên 16 điểm chính chống lại nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố. Có tất cả 45 khuyến cáo: 22 khuyến cáo được bật đèn xanh, còn 23 khuyến cáo chưa được phù hợp. Đặc biệt có 7 lãnh vực tiêu chuẩn mà Tòa Thánh cố ý dấn thân để đạt mức độ quốc tế. Như thế, nói chung Tòa Thánh hài lòng về những gì đã đạt được, và ý thức rằng còn nhiều điều phải làm. Bản tường trình của cơ quan Moneyval không là điểm chấm dứt, nhưng là một hòn đá ghi dấu lộ trình đã bắt đầu để hòa hợp dấn thân luân lý với sự tuyệt diệu kỹ thuật. Lộ trình này đã khởi đầu hồi cuối năm 2010 với luật 127 liên quan tới chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, và đã bắt đầu có hiệu lực hồi tháng 4 năm 2011; và tháng hai cùng năm đã có lời yêu cầu cơ quan Moneyval lượng định nỗ lực của Tòa Thánh.

Đức ông Balestrero nói: ”Đó đã là các tháng làm việc và tập việc bận rộn. Một lộ trình dài trong một thời gian khá ngắn giúp thăng tiến Tòa Thánh trong các khía cạnh đáng chú ý như: rửa tiền, các biện pháp tịch thu, các luật về sự kín đáo, thu góp tài liệu, trợ giúp tư pháp song phương, hình luật về tài trợ khủng bố, cộng tác quốc tế, chấp thuận Thỏa Hiệp của Liên Hiệp Quốc liên quan tới vấn đề này. Cơ quan Moneyval đặc biệt yêu cầu củng cố nền tảng pháp lý đối với việc canh chừng, và than phiền về sự thiếu rõ ràng liên quan tới vai trò, các trách nhiệm, thẩm quyền, các quyền và sự độc lập của thẩm quyền thông tin tài chánh hoạt động từ tháng 6 năm 2011 trong nhiệm vụ kiểm soát của mình”

(RG 18-7-2012)

Linh Tiến Khải

ĐỨC THƯỢNG PHỤ GREGORIO III LAHAM KÊU GỌI ĐỐI THOẠI VÀ HÒA GIẢI

ĐỨC THƯỢNG PHỤ GREGORIO III LAHAM KÊU GỌI ĐỐI THOẠI VÀ HÒA GIẢI

DAMASCO: Đức Gregorio III Laham Thượng Phụ Giáo Hội Hy lạp Melkít Siria đã tái mạnh mẽ kêu gọi chấm dứt nội chiến, đối thoại và hòa giải.

Lời kêu gọi của Đức Thượng Phụ đã được gửi tới hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền Giáo nhận định về hiện tình Siria như sau: Các nguy cơ lớn nhất hiện nay tại Siria là tình trạng hỗn loạn, thiếu an ninh, và du nhập khí giới tràn lan từ mọi phía. Bạo lực làm nảy sinh bạo lực gây chết chóc cho người dân Siria không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, và khuynh hướng chính trị. Các kitô hữu phải sống trong cùng hoàn cảnh như mọi người khác và là các thành phần yếu đuối, dễ bị tổn thương nhất vì nạn khai thác bóc lột, tống tiền, bắt cóc và lạm dụng. Mặc dù vậy không xảy ra xung khắc giữa tín hữu kitô và tín hữu hồi, cũng không có các bách hại chống lại các kitô hữu.

Trong số các yếu tố tiêu cực Đức Thượng Phụ cho biết có sự can thiệp của các thành phần nước ngoài gồm A rập hay tây phương đem khí giới, tiền bạc vào Siria, cũng như loan các tin tức một chiều. Sự can thiệp này gây thiệt hại cho phe đối lập cũng như cho sự hiệp nhất quốc gia, và làm suy yếu tiếng nói của sự hòa hoãn.

Liên quan tới thái độ và lập trường của các Giáo Hội Kitô, Đức Thượng Phụ Laham cho biết các Giáo Hội Công Giáo cũng như các tôn giáo khác đã lên tiếng yêu cầu chính quyền đưa ra các cải tổ, tôn trọng tự do, dân chủ, chống lại nạn gian tham hối lộ, thăng tiến phát triển và tự do ngôn luận. Ngày nay chúng tôi yêu cầu chính quyền chấm dứt vòng giết chóc và tàn phá luẩn quẩn, đặc biệt đối với các thường dân vô tội thuộc mọi tôn giáo đang trở thành nạn nhân của bạo lực và gặp rất nhiều khó khăn. Giáo Hội công giáo đã luôn luôn có thái độ rộng mở, nhưng không ủng hộ bất cứ phe phái nào, mà chỉ kêu gọi thăng tiến thiện ích chung cho mọi người dân.

Đức Thượng Phụ Laham cũng phản bác lời vu khống giới lãnh đạo Giáo Hội là phò chính quyền của tổng thống Al Assad và khẳng định rằng các chủ chăn đã có thái độ trong sáng, khách quan, trung thành với nhiệm vụ của mình và sống sát với các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân. Các vị khước từ bạo lực, thăng tiến đối thoại, hòa giải và lo lắng cho dân chúng.

Đức Thượng phụ tỏ ra tin tưởng nơi các sáng kiến của xã hội dân sự trong nỗ lực củng cố các mối dây nối kết mọi người dân Siria. Các kitô hữu cũng cầu nguyện cho phong trào Mussalaha, bao gồm đại diện của mọi Giáo Hội, thành công trong việc tái tạo sự hiệp nhất giữa mọi người dân Siria mà cuộc chiến đã phá hủy cho tới nay. Phong trào này có thể đặt nền móng cho các giải pháp hữu hiệu giúp thoát khỏi cuộc xung khắc thê thảm hiện nay. Đức Thượng Phụ Laham cũng hy vọng chuyến thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại Libăng góp phần trợ giúp đất nước Siria chấm dứt xung khắc và tái nở hoa hòa bình.

Đây cũng là lập trường của Đức Cha Giuseppe Nazzaro, Giám quản tông tòa Aleppo. Đức Cha cho rằng phong trào Massalaha đáng được ủng hộ, vì bắt nguồn từ dưới thấp và là con đường thứ ba giúp giải quyết cuộc xung đột hiện nay. Phong trào bao gồm giới lãnh đạo tôn giáo và dân sự yêu nước và có khả năng.

Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Damasco cho biết dân chúng tại Damasco rất lo âu, không dám ra đường. Ngài đã thỉnh cầu cộng đoàn quốc tế nỗ lực trợ giúp Siria ra khỏi tình trạng hỏa ngục này.

(ZENIT 17-7-2012; FIDES 17-7-2012)

Linh Tiến Khải
 

Quan hệ giữa Tòa Thánh và Israel theo hai vị Đại sứ liên hệ

Quan hệ giữa Tòa Thánh và Israel theo hai vị Đại sứ liên hệ

VATICAN. Đại sứ mãn nhiệm của Israel cạnh Tòa Thánh lạc quan về viễn tượng ký kết hiệp định với Tòa Thánh trong khi Đức Sứ Thần Tòa Thánh ở Israel tỏ ra dè dặt hơn.

Trong những ngày vừa qua, Đức TGM Antonio Franco, 75 tuổi, đã mãn nhiệm vụ 7 năm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel kiêm Khâm Sứ Tòa Thánh tại các lãnh thổ của người Palestine. Cũng vậy, Đại Sứ Israel cạnh Tòa Thánh, ông Mordechay Lewy, 64 tuổi (1948) cũng mãn nhiệm vụ sau 4 năm rưỡi ở Roma. Ông gia nhập ngành ngoại giao của Israel từ năm 1975, đã từng phục vụ tại các sứ quán ở Bonn và Berlin bên Đức, Stocholm Thụy Điển, rồi làm Đại sứ tại Thái Lan trong 4 năm, trước khi làm cố vấn cho tòa thị chính Jerusalem về các cộng đồng tôn giáo, rồi được bổ làm Đại sứ Israel cạnh Tòa Thánh hồi năm 2008.

Nhân dịp mãn nhiệm, hai vị đã dành cho giới báo chí các cuộc phỏng vấn về hiện tình quan hệ giữa Tòa Thánh và Israel, những bước thăng trầm trong thời gian qua, và viễn tượng tương lai, đặc biệt là vấn đề ký kết một hiệp định giữa Israel và Tòa Thánh về vấn đề thuế khóa và tài chánh của Giáo Hội Công Giáo tại Israel, một cuộc thương thuyết dài dẵng từ 13 năm qua, chiếu theo hiệp định cơ bản đã được ký kết trước đó giữa hai bên.
Hôm 12-6-2012, Ủy ban làm việc thường trực song phương giữa Tòa Thánh và Israel đã nhóm khóa họp toàn thể tại dinh Tông Tòa ở Vatican. Phái đoàn Tòa Thánh do Đức Ông Đức ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh làm trưởng đoàn, và Phái đoàn Israel do Ông Danny Ayalong, thứ trưởng ngoại giao làm trưởng đoàn. Mỗi phái đoàn có khoảng 9, 10 người.

Thông cáo chung kết cho biết ”trong bầu không khí suy tư và xây dựng, Ủy ban đã ghi nhận những tiến bộ đáng kể tiến tới việc ký kết hiệp định về vấn đề thuế khóa và tài chánh của Giáo hội Công Giáo ở Thánh Địa. Cả hai bên đồng ý về những bước cần thực hiện trong tương lai và ấn định khóa họp toàn thể lần tới sẽ vào ngày 6-12 năm nay tại trụ sở Bộ ngoại giao Israel.

Viễn tượng ký hiệp định
Trong cuộc phỏng vấn hôm 11-7-2012 dành cho giới báo chí cạnh Tòa Thánh, Đại sứ Lewy cho biết hiệp định vừa nói có thể được ký kết trong khóa họp toàn thể ngày 6 tháng 12-2012 của Ủy ban song phương Israel và Tòa Thánh. Ông nói: ”Tôi rất tin tưởng về việc có thể kết thúc sớm hiệp định này và tôi không phải là người duy nhất nói điều đó, mà cả các nguồn của Vatican nữa. Những tiến bộ đã xảy ra gần đây. Các điểm chưa được giải quyết liên hệ chủ yếu tới các khía cạnh pháp lý chứ không phải là vật chất và cũng không phải là thiết yếu”.
Tuy nhiên, Đức TGM Sứ thần Tòa Thánh, Antonio Franco, tỏ ra dè dặt hơn ông đại sứ. Trong cuộc phỏng vấn bằng giây nói từ Jerusalem, ngài cho biết vẫn còn có nhiều điểm còn tồn đọng và hai bên, Israel và Tòa Thánh, chưa đạt tới một quan điểm chung. Đức TGM nói:

”Vì thế, tôi không nghĩ rằng Hiệp định có thể ký trước tháng 12 năm nay. Hơn kém chúng tôi đồng ý về nội dung cơ bản của Hiệp định, nhưng một số vấn đề còn chia rẽ giữa hai bên, không kể thời gian cần thiết để dịch từ tiếng Anh sang tiếng Do thái, việc dịch này chắc chắn cũng phải mất một thời gian. Rồi cũng phải đợi các nhà ngoại giao mới được bổ nhiệm và nhận chức. Về phần tôi, tôi sẽ ở lại Thánh Địa một thời gian nữa để theo dõi hồ sơ này. Các nơi thánh vẫn là một trong những điểm tế nhị nhất, nhất là Nhà Tiệc Ly. Điều chắc chắn là, trái với những gì người ta có thể đọc thấy trên báo chí, Tòa Thánh tuyệt đối không từ bỏ việc yêu cầu Israel trả lại Nhà Tiệc Ly, nơi đây là tu viện đầu tiên của dòng Phanxicô ở Jerusalem”.

Một số nhận định của Đại sứ Mordechay Lewy
Trong cuộc phỏng vấn, Đại sứ Mordechay Lewy cho biết Nhà Nước Israel đã quyết định cấp thị thực cho những người có hộ chiếu ngoại giao của Tòa Thánh mà không cần có sự kiểm soát hoặc thẩm vấn thêm. Theo Ông, biện pháp như thế đối với Tòa Thánh là ”một trường hợp duy nhất” nghĩa là không một ai, nếu không sinh ra trong một nước mà họ mang hộ chiếu, có thể được hưởng sự dễ dàng hành chánh như vậy, dù người mang hộ chiếu ngoại giao Tòa Thánh đến từ một nước thù địch của Israel như Syrie chẳng hạn.

Đại sứ Lewy cũng trả lời giới báo chí về vấn đề những người thuộc huynh đoàn thánh Piô 10 có thể tái hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo, ông tỏ ra tin tưởng về lập trường của Tòa Thánh về quan hệ với thế giới Do thái và đồng thời cũng chào mừng việc ĐTC mới đây đã Đức TGM Augustine Di Noia, dòng Đa Minh người Mỹ, làm Phó Chủ Tịch Ủy ban Tòa Thánh Ecclesia Dei, Giáo Hội của Thiên Chúa, về các tín hữu Công Giáo thủ cựu. Ông Đại Sứ nhận xét rằng khi bổ nhiệm, Tòa Thánh nhắc đến những quan hệ chặt chẽ với các tổ chức Do thái, và đây là là điều thật đúng.

Theo thông lệ, ĐTC vẫn tiếp các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh trước khi họ rời nhiệm sở. Đại sứ Mordechay Lewy đã được ĐTC tiếp kiến như vậy khi ông đến từ giã. nhân dịp này Ngài đã hỏi ông về tình hình cuộc thương thuyết trong Ủy ban làm việc song phương giữa Tòa Thánh và Israel.

Ông nói với giới báo chí: ”Quan hệ ngoại giao cũng được thực hiện nhất là qua những cử chỉ đầy ý nghĩa. Và cử chỉ ý nghĩa nhất của ĐGH Biển Đức 16 là giải tỏa lời cáo buộc người Do thái đã gây ra cái chết cho Đức Kitô trong lịch sử Đức Giêsu thành Nazareth, bộ sách mà ĐGH đã viết. Ngay sau đó, thủ tướng Bibi Natanyahu đã muốn mừng ĐGH với một cây ôliu, một biểu hiểu quan trọng của tình bạn.

Đại Sứ Lewy cũng nhắc lại nhiều biến cố thăng trầm trong quan hệ giữa Do thái và Công Giáo. Ông nhận xét rằng sự hòa giải lịch sử giữa hai tôn giáo, Công Giáo và Do thái, là một tiến trình dài, đang tiến hành và có những lúc đầy ý nghĩa như cuộc viếng thăm của ĐGH Biển Đức 16 tại Israel năm 2009, cuộc viếng thăm của ngài tại Hội đường Do thái ở Roma năm 2010, ít lâu sau khi Tòa Thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của ĐGH Piô 12, những tiến bộ trong lãnh vực thuế khóa trong cuộc thương thuyết về hiệp định, sự đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực ngoại giao cho các nhà ngoại giao của Vatican, nhưng nhất là ĐGH đã tháo bỏ trách nhiệm của người Do thái về việc đóng đinh Đức Kitô. ĐGH Ratzinger đã chứng tỏ tình bạn đối với người Do thái”.

Đại Sứ Lewy cũng nhắc đến những vấn đề đã gây ra tranh luận hoặc những lúc căng thẳng thực sự giữa hai tôn giáo dưới thời Đức Biển Đức 16, nhưng ông nhắc lại các biến cố đó với giọng hòa dịu. Ví dụ về việc tái du nhập trong sách lễ la tinh kinh nguyện ngày thứ sáu tuần thánh cầu cho người Do thái tuy có sửa đổi. Đại sứ nói: ”Chúng tôi không được can thiệp vào kinh nguyện của Công Giáo và Công Giáo cũng không được can thiệp vào kinh nguyện của chúng tôi vì trong cả hai đều có những điểm tranh luận. Ngoài ra, tôi không dùng từ bài Do thái nhiều quá vì đã bị lạm phát.”

Nhận định của Đức TGM Franco
Về phần Đức TGM Antonio Franco, nhìn lại thời gian 7 năm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, ngài nói: ”Thời kỳ ấy đã có những lúc đau thương, như cuộc hành quân ”Chì cứng” của Israel tại miền Gaza hồi mùa đông năm 2009, nhưng cũng có những lúc rất khẩn trương với những biến cố như cuộc viếng thăm của ĐTC Biển Đức 16 tại Thánh Địa, đó là một cuộc viếng viếng thăm được chuẩn bị với nhiều khó khăn.

Đức Sứ Thần Tòa Thánh nhắc đến những lúc dễ dàng và những lúc khó khăn trong công việc của ngài về phương diện thực hành và về mặt hành chánh, trong việc Nhà Nước Israel cấp thị thực nhập cảnh và cư trú cho các nhân viên của Giáo Hội Công Giáo, có những lúc rất dễ nhưng cũng có lúc khó khăn. Đàng khác, từ 10 năm nay, tức là từ năm 2002, các nhân viên của Giáo Hội Công Giáo không còn được bảo hiểm xã hội ở Israel nữa.

Đức TGM nói: ”Chúng tôi cũng gặp khó khăn về các trường Công Giáo tại Israel, các trường này được Nhà Nước Israel trợ giúp, nhưng cũng phải trả rất nhiều thuế và phí tổn, vì thế học phí trở nên quá đắt đỏ đối với các tín hữu Kitô địa phương. Do đó, chúng tôi phải hoạt động để các học sinh có thể kiếm được học bổng.

Một vấn đề khác cũng được đề cập tới trong cuộc phỏng vấn, đó là: trong thời gian qua, Viện bảo tàng Yad Vashem ở Jerusalem về cuộc diệt chủng Do thái đã thay đổi ghi chú về vai trò của ĐGH Piô 12 (1939-1958) trong thời thế chiến thứ 2: ghi chú trước đây kịch liệt phê bình ngài vì đã không lên tiếng công khai bênh vực người Do thái. Nhưng ghi chú vừa được sửa đổi, và có phán đoán tương đối nhẹ nhàng hơn. Dầu vậy, việc thay đổi ghi chú này cũng gây ra tranh luận, chẳng hạn Rabbi trưởng của Cộng đoàn Do thái ở Roma cho rằng Viện Yad Vashem đã chịu sức ép của Vatican để thay đổi như vậy, một sự thay đổi ghi chú không nên làm. Về vấn đề này, Đức Sứ Thần Tòa Thánh nói:

”Chúng tôi có một cái nhìn về hoạt động của Tòa Thánh trong thời thế chiến thứ 2 không phải là cái nhìn được trình bày trên bảng ghi chú trước đây ở viện Tad Vashem, và quan điểm của Tòa Thánh cũng không tương ứng với ghi chú hiện nay tại Viện này, tuy rằng sự thay đổi như thế là một bước tiến đầu tiên dẫn đến một sự đối thoại thanh thản hơn về vấn đề này, và để có một sự hiểu biết bao quát hơn.

Ngay từ khi khánh thành viện Yad Vashem với bảng ghi chú về vai trò của Đức Piô 12, Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đã bày tỏ sự bất đồng ý kiến, nhất là về phương diện lịch sử thời kỳ ấy. Từ sau đó, sự cộng tác được gia tăng. Ít lâu trước cuộc viếng thăm của ĐGH Biển Đức 16 tại Thánh Địa hồi tháng 3 năm 2009, đã diễn ra tại Viện Yad Vashem một khóa hội thảo làm việc với sự tham dự của các sử gia, trong đó có nhiều người bênh vực quan điểm của Tòa Thánh. Đó là một lúc quan trọng. Dần dần, ý thức về sự thay đổi chín mùi, mà không liên hệ tới bất kỳ sức ép nào về phía Tòa Thánh.”

G. Trần Đức Anh OP (Vietvatican)

Công bố chủ đề Ngày Hòa Bình Thế giới lần thứ 46: 1-1-2013

Công bố chủ đề Ngày Hòa Bình Thế giới lần thứ 46: 1-1-2013

VATICAN. Hôm 16 tháng 7-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã cho công bố chủ đề Ngày Hòa bình thế giới lần thứ 46 sẽ được cử hành vào ngày 1 tháng 1-2013 là: ”Phúc cho những người xây dựng hòa bình”.

Trong thông cáo giải thích về đề tài này, Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình cho biết ”Sứ điệp thường niên của ĐTC, trong bối cảnh phức tạp hiện nay, nhắm khích lệ tất cả mọi người cảm thấy có trách nhiệm đối với việc xây dựng hòa bình”.

Vì thế, Sứ điệp sẽ bao gồm ý niệm đầy đủ và đa diện về hòa bình, đi từ con người: hòa bình nội tâm và hòa bình bên ngoài, để rồi nêu bật sự cấp thiết về mặt nhân loại học, bản chất và ảnh hưởng của chủ thuyết hư vô, và các quyền căn bản của con người, trước tiên là tự do lương tâm, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.

Ngoài ra, Sứ điệp sẽ trình bày một suy tư dưới khía cạnh luân lý đạo đức về một số biện pháp đang được áp dụng trên thế giới để chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh, sự cấp thiết về giáo dục, cuộc khủng hoảng các cơ chế và chính trị, trong nhiều trường hợp, đây cũng là cuộc khủng hoảng đáng lo âu về nền dân chủ.

Sứ điệp cũng nhắc đến kỷ niệm 50 năm Công đồng chung Vatican 2 và Thông điệp ”Pacem in terris” (Hòa bình dưới thế) của Đức Gioan 23, theo đó điều tối thượng vẫn là phẩm giá và tự do của con người, để xây dựng một xã hội phục vụ mỗi người, không kỳ thị một ai, và nhắm tới công ích vốn là nền tảng của công lý và hòa bình đích thực.

”Phúc cho những người xây dựng hòa bình” sẽ là Sứ điệp thứ 8 của ĐTC Biển Đức 16 nhân Ngày Hòa bình thế giới. Các Sứ điệp trước đây của ngài lần lượt mang tựa đề: ”Hòa bình trong sự thật” (2006), ”Nhân vị, con tim của hòa bình” (2007), ”Gia đình nhân loại, cộng đồng hòa bình” (2008), ”Bài trừ nghèo đói, xây dựng hòa bình” (2010), ”Nếu bạn muốn vun trồng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên” (2010), ”Tự do tôn giáo, con đường hòa bình” (2011); ”Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình” (2012).

G. Trần Đức Anh OP
 

 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 450 năm cải tổ dòng Cát Minh

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 450 năm cải tổ dòng Cát Minh

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 ca ngợi tính chất thời sự của việc cải tổ dòng Cát Minh và mời gọi các tín hữu noi gương thánh nữ Teresa Avila canh tân đời sống nội tâm.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp gửi đến Đức Cha Jesús García Burillo, GM giáo phận Avila, Tây Ban Nha, công bố hôm 16 tháng 7-2012, nhân dịp kỷ niệm 450 năm thành lập Đan viện thánh Giuse tại giáo phận này và bắt đầu công trình của thánh nữ Têrêsa Avila cải tổ dòng Cát Minh. Biến cố này sẽ được kỷ niệm vào ngày 24 tháng 8 tới đây.

ĐTC chia vui với toàn thể gia đình dòng Cát Minh Nhặt Phép (OCD), giáo phận Avila, cộng đồng Dân Chúa tại Tây Ban Nha, cũng như tất cả những người tìm thấy nơi linh đạo Têrêsa một ánh sáng chắc chắn để khám phá rằng Chúa Giêsu mang lại cho con người một sự đổi mới đích thực cho cuộc sống, nhân dịp kỷ niệm vui mừng này. ĐTC ngài nhắc lại những điểm nổi bật trong linh đạo và giáo huấn của thánh nữ Têrêsa Avila. Qua việc cổ võ trở lại với tu luật nhiệm nhặt nguyên thủy, từ bỏ tu luật lỏng lẻo, thánh nữ muốn tạo điều kiện cho một cuộc sống giúp gặp gỡ bản thân với Chúa. Thánh Têrêsa ”rao giảng Tin Mừng không chút nguội lạnh, nhưng với một lòng nhiệt thành không bị tàn lụi, với những phương pháp tích cực.. Thánh nữ thi hành điều đó trong một thời đại mà các giá trị tinh thần bị xuống thấp”.

ĐTC nhắc đến xác tín của thánh Têrêsa, theo đó, để thi hành được những điều trên đây, ”cần phải ở trong cô tịch và chiêm ngắm Chúa trong nội tâm của mình, và đừng trở nên xa lạ đối với vị khách tốt lành dường ấy” (Camino de perfección 28,2). Đan viện thánh Giuse được thành lập với mục đích giúp các con cái của thánh nữ có được những điều kiện tốt đẹp nhất để tìm được Thiên Chúa và thiết lập một quan hệ thân tình sâu xa với Chúa”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Ngày nay cũng như hồi thế kỷ 16, và giữa những biến đổi mau lẹ, điều cần thiết là kinh nguyện tín thác phải là linh hồn của công tác tông đồ, để sứ điệp cứu độ của Chúa Giêsu Kitô được vang dội thật rõ ràng và đầy sức sinh động. Điều cấp thiết là Lời sự sống phải âm vang trong các tâm hồn một cách hài hòa và có sức thu hút”.

Trong chiều hướng trên đây, ĐTC khuyến khích các tín hữu canh tâm tâm hồn qua việc nguyện gẫm, qui hướng về sự chiêm niệm nhân tính cực thánh của Chúa Kitô như con đường duy nhất để tìm thấy vinh quang Thiên Chúa (Xc Libro de la Vida 22,1; Las Moradas 6,7).

ĐTC khẳng định rằng chúng ta cũng phải mong ước sao cho kinh nguyện liên lỷ thăng tiến một nền văn hóa ưu tiên về việc mục vụ ơn gọi, đề cao vẻ đẹp của đời thánh hiến, như một kho tàng của Giáo Hội, như một dòng ơn thánh, trong chiều kích hoạt động cũng như chiêm niệm. (SD 16-7-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Giáo Hội rao giảng chân lý Lời Chúa chứ không rao giảng những gì các kẻ quyền thế muốn nghe

Giáo Hội rao giảng chân lý Lời Chúa chứ không rao giảng những gì các kẻ quyền thế muốn nghe

Cũng giống như các ngôn sứ xưa kia Giáo Hội rao giảng chân lý Lời Chúa, chứ không rao giảng những gì các kẻ quyền thế muốn nghe.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong bài giảng thánh lễ cử hành tại quảng trường trước nhà thờ chính tòa giáo phận Frascati sáng Chúa Nhật 15-7-2012.

Đức Thánh Cha đã có hai sinh hoạt: ban sáng lúc 9 giờ rưỡi Đức Thanh Cha đã viếng thăm giáo phận Frascati, một thành phố mhỏ gần Castel Gandolfo, nơi Đức Thánh Cha đang nghỉ hè, và chủ sự thánh lễ cho tín hữu thành phố này. Frascati cũng là giáo phận hiệu tòa của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Tiếp đến ngài đã về Castel Gandolfo để đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu.

Giảng trong thánh lễ tại Frascati Đức Thánh Cha đã quang diễn các bài đọc phụng vụ Chúa Nhật thứ XV năm B thường niên và nói: Phúc Âm cho thấy sáng kiến của Chúa Giêsu sai Mười Hai Tông Đò đi rao giảng Tin Mừng. Từ ”apostoli” Tông Đồ có nghĩa là ”được sai đi”. Thật là điều rất quan trọng ngay từ đầu Chúa Giêsu đã lôi cuốn Mười Hai Tộng Đồ vào hoạt động truyền giáo: nó như một loại thực tập cho các trách nhiệm lớn lao chờ đợi các vị sau này. Đức Thánh Cha giải thích sự kiện này như sau:

Sự kiện Chúa Giêsu mời gọi vài môn đệ trực tiếp cộng tác vào sứ mệnh của Người, biểu lộ một khía cạnh tình yêu của Chúa: Chúa không chê sự trợ giúp của các người khác đối với công trình của Người. Người biết rõ các hạn hẹp, các yếu đuối của họ nhưng không khinh rẻ họ, trái lại còn ban cho họ phẩm giá là những người được Chúa sai đi. Người sai họ ra đi cứ hai người một, và đưa ra các chỉ thị. Thứ nhất là tinh thần không dính bén tới tiền bạc và các tiện nghi vật chất. Rồi Người cũng báo cho họ biết họ sẽ không luôn luôn được tiếp đón, một đôi khi bị khước từ và cũng có thể bị bách hại. Nhưng các vị phải luôn luôn nói nhân danh Chúa Giêsu và rao giảng Nước Thiên Chúa mà không lo chuyện thành công.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói bài độc thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Amos cũng cho thấy các người được Thiên Chúa sai đi thường không được tiếp đón một cách tốt đẹp. Ngôn sứ Amos đã mạnh mẽ rao giảng chống lại các bất

công, nhất là tố cáo các áp bức của các vua và các kỳ mục, là những đàn áp xúc phạm đến Thiên Chúa và khiến cho các hành vi phụng tự của họ trở thành vô ích. Vì thế ngôn sứ Amos bị tư tế Amasia đuổi khỏi vương quốc Israel. Nhưng dù được tiếp đón hay khước từ, ngôn sứ cứ tiếp tục thi hành nhiệm vụ ngôn sứ và rao giảng điều Thiên Chúa phán chứ không rao giảng những gì con người muốn nghe. Và điều này tiếp tục là sứ mệnh của Giáo Hội: không rao giảng điều các kẻ quyền thế muốn nghe. Tiêu chuẩn của các tộng đồ là sự thật và công lý, cả khi nó có chống lại các tán đồng của con người và quyền bính trần gian.

Cử chỉ rũ bụi chân diễn tả sự không dính bén luân lý và vật chất: như thể để nói rằng chúng tôi đã loan báo nhưng các bạn đã từ chối, và chúng tôi không muốn gì cho các bạn cả. Và sau cùng với việc rao giảng là lệnh truyền cho các tông đồ chữa lành bệnh tật, theo gương Chúa Giêsu để biểu lộ lòng lành của Người với các cử chỉ bác ái, phục vụ và sự tận hiến.

Bài đọc thứ hai cho thấy sự phong phú của sứ mệnh các Tông Đồ. Kinh nghiệm của Mười Hai Tông Đồ tại Galilea diễn tả trước một sứ mệnh rộng rãi hơn xảy ra sau khi Chúa Kitô phục sinh, và một việc rao giảng phong phú hơn giúp ý thức được chương trình cứu rỗi lớn lao của Thiên Chúa, là Đấng luôn luôn chuẩn bị dài trong thời gian.

Nhắc đến dấn thân mục vụ của giáo phận Frascati là đào tạo các người đào tạo Đức Thánh Cha nói: đó là điều Chúa Giêsu đã làm với các môn đệ Người: Chúa dậy dỗ họ, chuẩn bị họ, cả với việc thực tập truyền giáo để họ có thể lãnh các trách nhiệm trong Giáo Hội. Sau hai ngàn năm, dấn thân đào tạo ấy vẫn được Giáo Hội tiếp tục. Đức Thánh Cha giải thích nhiệm vụ này trong khung cảnh cuộc sống của kitô hữu như sau:

Trong cộng đoàn kitô đây luôn luôn là việc phục vụ đầu tiên mà các người có trách nhiệm cống hiến: bắt đầu từ cha me, chu toàn sứ mệnh giáo dục con cái trong gia đình; các cha sở, đặc trách việc đào tạo trong cộng đoàn, tất cả các linh mục hoạt động trong các lãnh vực khác nhau, tất cả các anh chị em giáo dân dấn thân trong công tác giáo dục, các thành viên các hiệp hội và phong trào dấn thân trong các lãnh vực xã hội dân sự. Họ là cánh tay nối dài của linh mục là người không thể tới với tất cả mọi môi trường và đỡ nâng mọi nhọc mệt. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm và đồng trách nhiệm. Chúa mời gọi tất cả mọi người bằng cách ban phát các ơn khác nhau cho các nhiêm vụ khác nhau trong Giáo Hội. Người mời gọi làm linh mục, sống đời thánh hiến, sống hôn nhân và dấn như giáo dân trong Giáo Hội và trong xã hội. Điều quan trọng là các ơn ấy được tiếp đón đặc biệt từ phía các người trẻ. Cần phải biết lắng nghe, tiếp nhận và đáp trả lời Chúa mời gọi. Ước gì chúng ta cảm thấy niềm vui đáp trả lại tiếng gọi của Thiên Chúa với tất cả chính mình và dấn thân sống sự đồng trinh cũng như hôn nhân.

Ngay tại Frascati này chúng ta cũng cần được tái rao giảng Tin Mừng. Vì thế tôi đề nghị anh chị em sống sâu đậm Năm Đức Tin sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới đây, nhân kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Chung Vatican II.

Sau Thánh Lễ Đức Thánh Cha đã về Castel Gandolfo để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với 2.000 tín hữu và du khánh hành hương trong đó có mấy chục tín hữu Việt Nam. Đức Thánh Cha xin lỗi mọi người vì đã trễ giờ một chút, lý do là ngài đã cầu nguyện dài hơn với các tín hữu tại Frascati. Ngài nói trong bài huấn dụ:

Hôm này chúng ta đang ở trong ngày 15 tháng 7 và lịch phụng vụ kính nhớ thánh Bonaventura thành Bagnoregio, dòng Phanxicô, Tiến sĩ Giáo Hội, người kế vị thánh Phanxicô thành Assisi hường dẫn dòng Anh Em Hèn Mọn. Bonaventura đã viết tiểu sử chính thức đầu tiên về thánh Phanxicô và vào cuối đời cũng là Giám Mục giáo phận Albano này. Thánh nhân viết trong một bức thư rằng: ”Tôi xưng thú trước mặt Thiện Chúa rằng lý do khiến cho tôi đã yếu mến cuộc sống của thành Phanxicô nhất, đó là cuộc sống của người giống thời ban đầu và sự lớn mạnh của Giáo Hội” (Epistula de tribus quaestionibus, in Opere di San Bonaventura. Introduzione generale, Roma 1990,tr. 29). Các lời này trực tiếp hướng chúng ta tới Phúc Âm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu sai Mười Hai Tông Đồ đi truyền giáo lần đầu tiên và Người dặn các ông ngoài một cây gậy đừng mang theo: bánh, bị, tiền giắt lưng, nhưng mang dép và đừng mang hai áo” (Mc 6,7-9). Sau khi hoán cải thánh Phanxicô thành Assisi đã thi hành từng chữ của Phúc Âm và trở thành chứng nhân rất trung thành của Chúa Giêsu, kết hiệp một cách đặc biệt với Chúa trong mầu nhiệm Thập Giá và được biến đổi thành môt ”Kitô khác”.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Toàn cuộc sống của thánh Bonaventura cũng như thần học của người có trọng tâm linh hứng là Chúa Giêsu Kitô. Đó là điều chúng ta tìm thầy trong bài đọc thứ hai của thánh lễ hôm nay: bài thánh thi nổi tiếng trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Ephêxô. ”Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc, cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1,2). Thánh Phaolô cho thấy chương trình phúc lành đã được thực hiện trong bốn đoạn bắt đầu với từ ”Trong Người” ám chỉ Chúa Giêsu Kitô. ”Trong Người” Thiên Chúa Cha đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ tru; ”Trong Người” chúng ta đã được ơn cứu chuộc nhờ máu của Người; ”Trong Người” chúng ta đã trở thành thừa tự được tiền định ngợi khen vinh quang Người; ”Trong Người” những ai tin vào Tin Mừng nhận được dấu ấn của Chúa Thánh Thần. Bài thánh ca này chứa đựng thị kiến lịch sử mà thánh Bonaventua đã góp phần phổ biến trong Giáo Hội: toàn lịch sử có trung tâm điểm là Chúa Kitô, Đấng bảo đảm cho mọi thời đai sự mới mẻ và canh tân. Trong Chúa Kitô Thiên Chúa đã nói và đã cho mọi sự. Mà bởi vì Người là kho tàng vô tận, Chúa Thánh Thần không bao giờ thôi vén mở và thời sự hóa mầu nhiệm của Người. Do đó, công trình của Chúa Kitô và của Giáo Hội không thụt lùi nhưng tiến triển.

Chúng ta hãy khẩn nài Rất Thánh Maria mà ngày mai chúng ta cử hành như là Trinh Nữ Camelô, để mẹ trợ giúp chúng ta như thánh Phanxicô và thánh Bonaventura, quảng đại đáp trả lại lời mời gọi của Chúa để loan báo Tin Mừng cứu độ của Người bằng lời nói và trước hết bằng cuộc sống.

Trước khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Syrie tái kêu gọi cộng đồng quốc tế

Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Syrie tái kêu gọi cộng đồng quốc tế

DAMASCO. Đức TGM Maria Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Syrie, tái kêu gọi cộng đồng quốc tế mau lẹ giúp Syrie ra khỏi ”cạm bẫy hỏa ngục hiện nay”.
Đức TGM Zenari kêu gọi các nước thuộc Hội đồng bảo an LHQ, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, cũng như Liên minh các nước Arập gạt bỏ những chia rẽ và làm việc một cách cụ thể để chấm dứt các cuộc tàn sát tại Syrie làm cho hơn 14 ngàn người chết trong 16 tháng qua.

Đức Sứ Thần Tòa Thánh trở lại Syrie sau 3 tuần ở nước ngoài và ngài thấy tình hình trở nên đồi tệ hơn rất nhiều. Hôm 13 tháng 7-2012, đã có 200 người vô tội tại Tremseh thuộc tỉnh Hama bị sát hại. Quân đội chính phủ và phiến quân đổ lỗi cho nhau về vụ này, giống như xã xảy ra tại Houla và tại Al-Qubayr trước đây.

Đức TGM Zenari nhấn mạnh rằng ”tình trạng ngày càng thêm trầm trọng. Sau khi trở về đây, tôi thấy tình trạng bất an gia tăng, người ta không còn có thể tự do di chuyên, và liên tục có những cuộc đụng độ, bắt cóc, tại những vùng trước đây ở dưới sự kiểm soát của chính phủ”.

Hôm 13 tháng 7-2012, tại Hội đồng bảo an LHQ, Trung Quốc và Nga tái dùng quyền phủ quyết chống lại nghị quyết áp đặt những biện pháp trừng phạt mới chống chính phủ Syrie. 2 cường quốc Nga và Trung Quốc tố cáo Tây Phương muốn áp dụng phương thức đã dùng với Lybie, sử dụng các nghị quyết của LHQ để khởi động cuộc xung đột võ trang trong vùng. (Asia News 13 tháng 7-2012)
Mặt khác, các tu sĩ dòng Phanxicô hiện diện tại Syrie cũng lên tiếng kêu gọi đối thoại và hạ khí giới.

Cha Romualdo Fernandez O.F.M, Giám đốc Trung Tâm đại kết Tabbaleh ở thủ đô Damasco, kiêm Giám đốc Đền thánh Thánh Phaolô trở lại, tuyên bố với hãng tin Fides của Bộ truyền giáo rằng ”Syrie đang cần đối thoại chứ không phải võ khí.. Con đường chính yếu để ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay là con đường đối thoại giữa các phe liên hệ. Chúng tôi kêu gọi tất cả hãy ngồi quanh bàn để khởi sự cuộc thương thuyết hầu chấm dứt bạo lực, chết chóc và tàn phá đang làm đất nước đẫm máu từ lâu”.

Về cuộc thảm sát mới đây tại Hama, Cha Fernandez nói rằng ”đó thực là một thảm trạng, các tin tức hỗn độn và trái ngược nhau, và sự thật chính là nạn nhân đầu tiên.. Nếu các cường quốc tiếp tục cung cấp võ khí và tài trợ cho các phe lâm chiến, thì chiến tranh sẽ tiếp tục và con số các nạn nhân gia tăng. Đó không phải là con đường dẫn đến hòa bình: hòa bình chỉ tiến qua con đường đối thoại”.

Cha Fernandez cũng khẳng định rằng: ”Trong tư cách là tín hữu Kitô, chúng tôi cởi mở đối với mọi người anh em, thuộc bất kỳ tôn giáo nào.. Trong tư cách là các tu sĩ Phanxicô, chúng tôi ở cạnh dân chúng đang chịu đau khổ, các tín hữu Kitô cũng như Hồi giáo, và chúng tôi sẽ không bao giờ rời bỏ đất nước này. Chúng tôi sẽ ở lại Syrie để phục vụ Tin Mừng. Chúng tôi đã ở đây trong quá khứ, đang ở đây trong hiện tại và sẽ ở lại trong tương lai, trong thời bình cũng như thời chiến, trong thời đen tối cũng như thời trong sáng, với xác tín CHúa muốn chúng tôi ở đây và Ngài sẽ chu cấp những điều cần thiết cho chúng tôi” (Apic 13-7-2012)
G. Trần Đức Anh OP

HÀNH TRANG NGƯỜI MÔN ĐỆ

HÀNH TRANG NGƯỜI MÔN ĐỆ

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

 

Ai đi xa cũng phải chuẩn bị hành trang. Chuyến đi càng xa thì hành trang càng nhiều. Chuyến đi càng quan trọng thì hành trang càng phải chọn lựa, tính toán. Hôm nay Đức Giêsu sai các môn đệ đi một chuyến quan trọng: tiếp nối sứ mạng của Người đem Tin Mừng đến khắp các làng mạc xa xôi. Để chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng này, Đức Giêsu đã giúp các môn đệ sắp xếp hành trang. Sau khi đã loại bỏ những loại hành trang cồng kềnh không cần thiết, có hại cho nhiệm vụ, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ những hành trang thực sự cần thiết và hữu ích cho sứ vụ Tông đồ.

Hành trang của người môn đệ là sự gắn bó mật thiết với Đức Giêsu.

Các môn đệ chỉ được sai đi sau khi đã có một thời gian sống bên cạnh Người. Thời gian sống bên Đức Giêsu cần thiết để các môn đệ hiểu biết, cảm thông và nhất là yêu mến, gắn bó mật thiết với Người. Đây chính là hành trang quan trọng nhất. Người được sai đi phải gắn bó mật thiết với Đấng đã sai mình. Sự gắn bó mật thiết là nguồn mạch, bảo đảm tính trung thực, là chìa khoá thành công của sứ vụ. Đức Giêsu đã nêu gương về điểm này khi luôn gắn bó mật thiết với Đức Chúa Cha, Đấng đã sai Người. Sự gắn bó ấy giúp Người hoàn toàn kết hiệp với Đức Chúa Cha, trở nên một lòng một ý với Đức Chúa Cha, luôn cầu nguyện, luôn từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha. Chính vì thế, sứ vụ của Người đã thành công tốt đẹp.

Hành trang của người môn đệ là tâm hồn đơn sơ phó thác.

Khi chỉ thị cho các môn đệ: “không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo”, Đức Giêsu muốn các ông sống trong cảnh nghèo khó để hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa. Tiền của, tiện nghi vật chất dễ tạo ra một thứ an tâm giả tạo, dẫn con người đến chỗ tự mãn, tự kiêu, tự phụ cho rằng mọi thành công là nhờ tài sức riêng mình. Vì thế, dễ tha hoá, làm theo ý mình hơn là làm theo ý Chúa, sắp đặt chương trình cho Chúa hơn là tìm thực hiện chương trình của Chúa. Nghèo khó sẽ giúp người môn đệ ý thức sự nghèo nàn thiếu thốn, sự yếu ớt của mình, ý thức đó sẽ giúp người môn đệ biết khiêm nhường, tin tưởng phó thác cho Chúa. Tôi chỉ là hư vô, là cát bụi. Mọi thành công đều của Chúa, nhờ Chúa. Những thành công do tài sức con người sẽ mau tàn. Chỉ có công trình của Chúa mới bền vững. Vì thế đơn sơ phó thác là một hành trang rất cần thiết cho người môn đệ. Không mang theo gì của loài người, chỉ mang theo niềm tin yêu phó thác vào Thiên Chúa, đó chính là mang theo tất cả.

Hành trang của người môn đệ là tình liên đới.

Đức Giêsu không sai các môn đệ đi riêng lẻ, nhưng sai từng hai người một. Người biết khả năng con người yếu kém, cần có tập thể nâng đỡ mới hoàn thành sứ mạng. Lời chứng của một cá nhân chưa đủ sức thuyết phục. Cần có sự đồng tâm nhất trí của một tập thể lời chứng mới thực sự đáng tin. Hơn nữa, Đức Giêsu không sai các môn đệ đi làm việc với giấy tờ hay đất đai, nhưng sai các ngài đến với con người. Các ngài phải sống giữa mọi người, nhờ mọi người giúp đỡ, chia sẻ cuộc sống với họ. Phải liên đới với con người. Tình liên đới không những cần thiết để giúp các ngài làm việc tông đồ một cách hữu hiệu. Chính qua tình liên đới mà Tin Mừng dễ dàng được đón nhận.

Hành trang của người môn đệ là trái tim biết cảm thương.

Đức Giêsu sai các môn đệ đến với những người đau yếu bệnh tật, hoang đàng tội lỗi, bị quỷ ma hành hạ. Tức là đến với những người kém may mắn ở đời. Những người nghèo hèn yếu đuối. Những người bị xã hội bỏ quên. Để đến với những người anh em bé nhỏ, người môn đệ phải có trái tim biết cảm thương. Các ngài phải mang trái tim của Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông bơ vơ tất tưởi, túng thiếu, đói khát. Phải sẵn sàng băng rừng vượt suối đi tìm một con chiên lạc. Phải mở rộng vòng tay đón nhận đứa con hoang đàng trở về. Phải sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi thật lòng hối cải ăn năn.

Mỗi người chúng ta đều là môn đệ của Chúa. Khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội và Thêm sức, Chúa sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng của Người. Tôi thấy anh chị em ở Giáo xứ Cửa Nam rất tích cực trong việc tông đồ. Nhưng có lẽ anh chị em vẫn băn khoăn, không biết làm sao để việc tông đồ có kết quả tốt đẹp. Hôm nay, Đức Giêsu cho ta biết, muốn việc tông đồ có kết quả, ta phải gắn bó mật thiết với Chúa, phó thác mọi sự cho Chúa, đồng thời phải có tình liên đới và nhất là phải biết cảm thương anh chị em đồng loại. Một tay nắm lấy tay Chúa, một tay nắm lấy tay anh em. Một tình yêu anh chị em trong tình yêu mến Chúa. Liên kết mọi người trong tình yêu mến. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ của ta sẽ đi đúng đường hướng của Chúa. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ sẽ có kết quả tốt đẹp.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Chúa sai bạn đi làm tông đồ cho Chúa, bạn có cảm thấy điều đó không?

2- Mỗi khi đi làm việc tông đồ, bạn thường chuẩn bị những loại hành trang nào, những hành trang của bạn quan tâm có giống những hành trang Chúa chuẩn bị cho các môn đệ không?

3- Theo bạn, đâu là phương thế hữu hiệu nhất làm cho những người chung quanh nhận biết Chúa?

4- Đâu là những hành trang cần thiết của người môn đệ của Chúa?

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO (09-15 tháng 07/2012)

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

(09-15 tháng 07/2012)

Trích từ Xuân Bích VN

2.600 chú giúp lễ đến Roma vào tháng 8.

Nhiều quốc gia không biết đến các cam kết về tự do tôn giáo.

Nhà vật Lý Đài Quan Sát Vatican suy tư về khám phá “Hạt của Chúa”.

Đa số các HĐGM đã có các nguyên tắc chỉ đạo về lạm dụng tình dục.

Người quan sát Vatican thấy Đức Thánh Cha chuẩn bị có những thay đổi trong ban lãnh đạo Giáo triều La Mã.

ĐGM Tomasi : Thái độ thù nghịch đối với các Kitô hữu gia tăng.

-Thượng Hải có một tân Giám Mục dũng cảm.

Anh hùng Công Giáo người Ba Lan thời Đệ Nhị Thế Chiến được tôn vinh.

Cống hiến của đại học Công giáo Congo cho việc đào tạo.

Đức TGM Đài Bắc ước mong có thêm nhiều phó tế vĩnh viễn phục vụ Giáo Hội.

Bổ nhiệm mới.

Đức Thánh Cha thăm trung tâm Ad Gentes của Dòng Ngôi Lời.

Thần học Công giáo phải tìm thấy một câu trả lời trong chính nguồn mạch của nó.

-ĐHY Burke than trách sự kháng cự tự sắc Summorum Pontificum.

SSPX hội nghị giữa căng thẳng về nỗ lực hoà giải với Vatican.

Đại hội truyền giáo III : một biến cố có tầm quan trọng quốc gia (Ba Tây).

Đâu là giải pháp cho những tình trạng rối loạn của Vatican?

Các linh mục chống đối bị ngăn không được du hành.

-Phong trào Linh mục thợ đang hồi sinh?

Cựu nữ sinh muốn đóng cửa trường học do Dòng Đạo Binh Chúa Kitô.

Sử gia Giáo sử hàng đầu cảnh báo về cuộc ly giáo Công giáo.

-Uỷ Ban Công Giáo – Hồi Giáo.

Linh mục Hoa Kỳ bị treo chén vì hứng tác các lời nguyện.

Sẽ sớm phong Chân Phước cho hai Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô I?

Nối lại tình hữu nghị giữa chế độ Chavez và các Giám Mục Venezuela?

Đại Hội Liên Phi Các Tín Hữu Công Giáo

 

  (Xem thêm chi tiết . . . .      TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO 09 đến 15 tháng 7 2012)

 

HÒA BÌNH CÔNG LÝ ĐÃ GIAO DUYÊN (THA THỨ)

HÒA BÌNH CÔNG LÝ ĐÃ GIAO DUYÊN (THA THỨ)

”Tha Thứ không được nhắc đến nhiều cũng không xuất hiện bao nhiêu trong ngôn ngữ thông thường. Trong khi đó thì Tha Thứ thật là trọng yếu cho đời sống xã hội như không khí cần cho hơi thở. Không có Tha Thứ thì một nhóm người sẽ rơi vào vòng khốn cùng của trả thù của báo oán giống như một cơn dịch tễ đích thật! Thế nhưng, nguyên sự kiện nhắc đến Tha Thứ cũng đủ khơi lên nhiều phản ứng, chẳng hạn như thắc mắc:
– Có thể nào tha thứ hết được không?

Đối với nhiều người đương thời thì Tha Thứ là dấu hiệu của ngây-ngô, của yếu-nhược hoặc là thiếu công lý! Ngoài ra, đối với số đông thì Tha Thứ thuộc về lãnh vực riêng tư, bởi lẽ không có vấn đề Tha Thứ nơi tòa án, tại sở cảnh sát! Nó cũng không hề được nhắc đến trong luật lệ. Ngay cả khi có người nghĩ rằng cần phải tha thứ đi nữa, thì Tha Thứ vẫn là hành động ngoại thường thuộc về những bậc vĩ nhân, những vị anh hùng như Đức Chúa GIÊSU KITÔ – Đấng Cứu Thế -, ông Mahatma Gandhi (1869-1948) hoặc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II! Còn đại đa số thì vẫn cho rằng Tha Thứ là chuyện không thể làm được, nhất là khi chính chúng ta hoặc những người thân yêu của chúng ta phải hứng chịu bao hành động khủng bố, bao cư xử bất công! Vậy phải làm sao đây?

Trước hết, xin xóa bỏ những hiểu lầm không đúng với Tha Thứ.

Tha Thứ không phải là quên đi. Như thế tôi có thể tha thứ mà vẫn không quên sự dữ tôi từng hứng chịu. Ngoài ra trí nhớ của tôi cũng hoạt động không ngừng. Nó thường khơi lên những chuyện tôi tưởng mình đã quên rồi. Thêm vào đó lương tri nói với tôi rằng nào có hề hấn gì khi tha thứ cho chuyện đã quên rồi, vì như thế, nó đâu còn nữa mà tha với thứ?!

Tha Thứ cũng không phải là phủ nhận điều xúc phạm đã hứng chịu. Cũng không phải là chối bỏ hoặc không nhìn nhận một lầm lỗi. Chẳng hạn như khi nói: ”Không sao hết! Không có gì trầm trọng! Đừng nghĩ đến nó nữa!” Nói như thế thì không làm nổi bật lộ trình của Tha Thứ.

Không có Tha Thứ nếu không có sự thật. Tình huynh đệ không xóa bỏ sự thật huynh đệ. Thánh Vịnh 85 câu 11 nói: ”Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên”.

Tha Thứ cũng không từ khước các quyền lợi của nó. Tha Thứ thật chỉ diễn ra trong công lý. Thánh Vịnh 85 câu 12 nói: ”Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao”. Tình yêu không thế chỗ cho công lý. Công lý tìm cách trả lại quyền cho kẻ bị lường gạt bị lừa dối trong mối quan hệ giữa người với người. Nhưng Tha Thứ thuộc về một trật tự khác. Tha Thứ chính là Tình Yêu!

Như vậy, Tha Thứ vừa là cố gắng của con người vừa là hồng ân đến từ THIÊN CHÚA. Đó là một tiến trình đòi hỏi thời gian và đòi hỏi con người đi từng bước một trên một lộ trình cần nhiều cố gắng, cần nhiều hăng say và nhiệt tình. Nếu các trả-đũa các phục-thù là một loại ”boomerang – là một thứ khí giới hình lưỡi liềm để phóng đi xa, nếu không trúng đích lại trở về chỗ cũ – thì Tha Thứ cho phép thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của oán-thù của bạo-lực!

Tha Thứ luôn luôn là điều rất khó, vì thế, mọi người đều biết rằng, để có thể Tha Thứ, không nên khép kín trong nỗi cô đơn với vết thương. Cần phải gặp gỡ một người đáng tin cậy như Linh Mục, các nhà phân tâm hoặc những ai có nhiệm vụ lắng nghe để giải bày tâm sự để than thở về nỗi niềm đau đớn. Vết thương được chữa lành sẽ giúp dễ dàng hơn tiến đến Tha Thứ.

Ước gì mỗi tín hữu Công Giáo có thể tiến bước trên con đường Tha Thứ, bắt đầu bằng việc van xin THIÊN CHÚA ban cho chúng ta ơn có thể tha thứ cho chính chúng ta!

… Chứng từ của Cha Laurent Lair, Tổng Đại Diện giáo phận Bayeux và Lisieux (Bắc Pháp).

… Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Chúa GIÊSU mà hỏi rằng: ”Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đc Chúa GIÊSU đáp: ”Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” .. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ”Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lưt ngươi, ngươi không phi thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên Trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mátthêu 18,21-22 / 32-35).

(”Église de Bayeux & Lisieux”, bimensuel diocésain, No 286, 22 Février 2012, trang 3)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Đức Thánh Cha ca ngợi sáng kiến dùng âm nhạc phục vụ hòa bình

Đức Thánh Cha ca ngợi sáng kiến dùng âm nhạc phục vụ hòa bình

CASTELGANDOLFO. ĐTC Biển Đức 16 ca ngợi sáng kiến của Nhạc trưởng Damiel Barenboim dùng âm nhạc để phục vụ hòa bình và sự hòa hợp giữa các dân nước.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong lời cám ơn vào cuối buổi hòa nhạc chiều ngày 11-7-2012, nhân lễ kính thánh Biển Đức, tại dinh thự Castel Gandolfo, với sự tham dự của Tổng thống Italia, Ông Giorgio Napoletano, và phu nhân, 5 HY và lối 200 khách mời. Ban nhạc đã hòa tấu hợp ca số 6 Fa trưởng và số 5 Do thứ của Ludwig von Beethoven.

Buổi hòa nhạc do Nhạc trưởng Daniel Baremboim đảm trách. Ông là người Argentina gốc Do thái. Hồi năm 1999 ông thành lập và điều khiển ban nhạc ”Divan Đông Tây” gồm nhiều nhạc sĩ người Israel, Palestine, Siri, Giordani, Ai Cập, Liban, Irak, Thổ nhĩ kỳ và Tây Ban Nha. Ban nhạc lưu diễn tại nhiều nước Âu Châu với mục đích thăng tiến đối thoại liên tôn và liên văn hóa.

ĐTC nói: ”Anh chị em có thể tưởng tượng tôi vui mừng dường nào khi tiếp đón một ban nhạc như ban nhạc này, được khai sinh từ xác tín, hay đúng hơn từ kinh nghiệm theo đó âm nhạc liên kết con người với nhau, vượt lên trên mọi chia rẽ; vì âm nhạc là sự hòa hợp những khác biệt.. Từ nhiều âm khác nhau của các nhạc khi đó thể nảy sinh một hợp thanh. Nhưng điều này không xảy ra một cách huyền bí hoặc tự động! Nó chỉ xảy ra nhờ sự dấn thân của nhạc trưởng và của mỗi nhạc sĩ. Một sự dấn thân kiên nhẫn, vất vả, đòi thời gian và hy sinh, trong nỗ lực lắng nghe lẫn nhau, tránh thái độ coi mình là nhân vật chính và dành ưu tiên cho sự thành công của tập thể”.

Và ĐTC kết luận rằng: Sứ điệp mà tôi rút ra ở đây là: để đạt tới hòa bình, cần phải dấn thân, gạt bỏ bạo lực và võ khí, dấn thân với sự hoàn cải bản thân và cộng đoàn, với đối thoại, kiên nhẫn tìm kiếm những thỏa thuận có thể” (SD 11-7-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Người cựu giúp việc của ĐTC tiếp tục bị tạm giam

Người cựu giúp việc của ĐTC tiếp tục bị tạm giam

VATICAN. Người cựu giúp việc của ĐTC, Ông Paolo Gabriele, tiếp tục bị tạm giam thêm vài ngày nữa.
Ông Gabriele bị hiến binh Vatican bắt để điều tra về tội lấy cắp và tàng trữ bất hợp pháp các thư từ tài liệu mật từ căn hộ của ĐTC. Ngày 12 tháng 7-2012 là hạn chót 50 ngày tạm giam. Theo luật của Vatican, việc tam giam này có thể kéo dài thêm 50 ngày nữa.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí cạnh Tòa Thánh trưa ngày 12 tháng 7-2012, Cha Lombardi SJ, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết thẩm phán điều tra, ông Piero Antonio Bonnet, đã quyết định gia hạn thời gian tạm giam bị can thêm vài ngày vì ”ông còn phải thu thập một vài chứng từ nữa”. Tiếp đến ”sẽ có các cuộc hỏi cung chính thức.. Tất cả những điều này sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày kể từ hôm nay, 11 tháng 7-2012”.

Vì thế, cha Lombardi nói, trong tuần tới đây và đầu tuần lễ kế tiệp, “thẩm phán điều tra sẽ kết thúc giai đoạn thu thập thông tin cũng như các cuộc thẩm vấn ông Gabriele, và sẽ quyết định về việc tạm giam đương sự”.
Cha Lombardi bác bỏ tin của một số báo chí cho rằng Ông Gabriele lâm vào một tình trạng tâm lý đáng lo âu và nói rằng: ”Tôi có những yếu tố thông tin trấn an hơn: Luật sư bênh vực Gabriele là ông Carlo Fusco cho biết thân chủ của ông vẫn thanh thản, kín múc an ủi từ kinh nguyện, ở trong một tình trạng sức khỏe yên hàn, không đáng lo ngại”.

LM Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong tiến trình điều tra, thẩm phán của Vatican không hề yêu cầu nhà chức trách tư pháp Italia điều tra dùm về người nào. Cho đến nay người duy nhất bị điều tra vẫn là ông Paolo Gabriele.

Sau cùng, cha Lombardi thông báo: Ủy ban 3 Hồng y điều tra về những vụ thất thoát tài liệu tại Vatican do ĐHY Julian Herranz làm chủ tịch, dự kiến sẽ kết thúc công việc trong tuần này và chuẩn bị phúc trình đầu tiên để đệ lên ĐTC trong tuần tới đây. (Tổng hợp 12 tháng-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Thông cáo của Tòa Sứ Thần tại Slovak về vụ ĐTC bãi chức 1 TGM

Thông cáo của Tòa Sứ Thần tại Slovak về vụ ĐTC bãi chức 1 TGM

BRATISLAVA. Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Bratislava, thủ đô Cộng hòa Slovak, kêu gọi các tín hữu chấp nhận quyết định của ĐTC trong tinh thần đức tin về việc bãi chức vị TGM giáo phận Trnava.

Ngày 2 tháng7-2012, Đức TGM giáo phận Trnava, Robert Bezák, CSsR, 52 tuổi, đã ĐTC bãi chức, sau 3 năm cai quản giáo phận này. Sau đó có nhiều nhóm tín hữu biểu tình chống đối và đòi Tòa Thánh phải cho biết lý do tại sao. Chúa nhật 8 tháng 7-2012, lối 100 người biểu tình trước nhà thờ chính tòa Trnava kêu gọi tẩy chay các thánh lễ tại đây. Nhiều nhóm khác thu tập chữ ký hoặc tổ chức canh thức cầu nguyện để phản đối. Một buổi hòa nhạc dự kiến tối ngày 10 tháng 7-2012 với sự tham dự của nhiều nhân vật để liên đới với vị GM bị bãi chức.

LM Jozef Kovacik, Phát ngôn viên HĐGM Slovak, bác bỏ những yêu cầu đòi được biết lý do tại sao Đức Cha Bézak bị bãi chức. Cha nói: ”Thật là sai lầm khi nghĩ rằng người ta có quyền đòi được biết tất cả những thông tin. ĐGH không phải trả lời cho người nào về những quyết định của ngài. Đàng khác, các yêu cầu cần được gửi về Vatican cho đến khi bổ nhiệm một vị TGM mới.

Trong bối cảnh đó, hôm 9 tháng 7-2012, Tòa Sứ Thần đã nhân danh Tòa Thánh, ra thông cáo để làm sáng tỏ một số tin tức sai lầm được báo chí phổ biến sau việc thu hồi trách nhiệm mục vụ của Đức TGM Robert Bezák. Theo thông cáo, ”Dựa trên nhiều tin tức về tình trạng mục vụ của tổng giáo phận Trnava do các LM và giáo dân trực tiếp gửi về Tòa Thánh, ĐHY Quốc vụ khanh đã cho phép Bộ giáo sĩ mở cuộc thanh tra tông tòa tại Trnava với mục đích kiểm chứng những lời than phiền”.

Cuộc thanh tra đã được thực hiện từ ngày 22 tháng 1 đến 1 tháng 2-2012, dưới sự hướng dẫn của Đức Cha Jan Baxan, GM giáo phận Litomerice thuộc cộng hòa Tiệp, và kết quả được gửi về Bộ giáo sĩ để các vị có thẩm quyền cứu xét. Tiếp theo đó, Bộ Giám Mục đã thông báo cho Đức Cha Bezák về những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến con người và hoạt động mục vụ của Đức Cha, đồng thời yêu cầu Đức Cha cứu xét những vấn đề được nêu lên và giải thích lập trường. ĐTC, sau khi suy tư kỹ lưỡng, đã quyết định yêu cầu Đức Cha Bezák từ chức TGM giáo phận Trnava. Sau khi vị này từ chối, ĐTC đã quyết định thu hồi trách vụ mục vụ của Đức Cha, và cho công bố quyết định ngày ngày 2 tháng 7 vừa qua.

Thông cáo của Tòa Sứ Thần cho biết ”Tòa Thánh rất lấy làm tiếc vì Đức Cha Bezák đã công bố trước quyết định của ĐTC và vi phạm ”bí mật Giáo Hoàng”. Tòa Sứ Thần mời gọi các tín hữu tại Slovak hãy thành tâm chấp nhận quyết định của ĐTC trong tinh thần đức tin và cầu mong rằng sự hiệp nhất của Giáo Hội tại Slovak có thể được củng cố” (SD 10-7-2012)

G. Trần Đức Anh OP

SỐNG THEO NHỊP ĐIỆU PHỤNG VỤ CÁC GIỜ KINH

SỐNG THEO NHỊP ĐIỆU PHỤNG VỤ CÁC GIỜ KINH

Mẹ Marianne Zuercher chào đời năm 1945 tại Thurgovie và hiện là Viện Mẫu đan viện Xitô Maigrauge ở thành phố Fribourg bên nước Thụy Sỹ.

Trước đó, sau khi đậu cử nhân khoa kinh tế, Chị Marianne dạy học tại trường thương mại ở Bourguillon rồi làm hiệu trưởng trường này. Chị thuộc về dòng Các Nữ Tu Baldegg. Nhưng rồi Chị nghe tiếng Chúa gọi vào đời sống đan tu nên gia nhập đan viện Xitô Maigrauge vào năm 1985. Chị tuyên khấn trọng thể 4 lời khấn vào năm 1990. Trong vòng 20 năm, Chị là quản lý của cộng đoàn. Ngày 06-13-2011 Chị được bầu làm Viện Mẫu thứ 54 của đan viện Xitô Maigrauge. Xin nhường lời cho Mẹ Marianne nói về linh đạo đan tu.

Là nữ đan sĩ Xitô, một ngày sống của tôi trôi qua với phụng vụ, đọc và suy gẫm Lời Chúa và cuộc sống cộng đoàn. Phụng Vụ của chúng tôi rất thanh đạm và đơn giản. Thánh Lễ mỗi ngày là trung tâm và là suối nguồn cuộc sống kết hiệp với THIÊN CHÚA. 7 lần trong ngày, chúng tôi cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Thời khóa biểu của tôi được quy định bởi thời gian đọc Kinh Thần Vụ. Thánh Biển-Đức xin chúng tôi dành ưu tiên cho Công Trình của THIÊN CHÚA. Điều này cống hiến một hệ thức khác liên quan tới thời gian. Thật vậy, chính linh đạo đan tu đào luyện nơi tôi mối quan hệ thân tình với THIÊN CHÚA và với toàn thể đại gia đình nhân loại, điều mà tôi không tìm thấy nơi nào khác. ”Chúc Tụng, Thờ Lạy, Khẩn Cầu” trở thành vấn đề sinh tử đối với tôi. Tôi thích nhất là buổi đọc Kinh Mai vào lúc 4 giờ sáng. Đây là buổi canh thức dâng lên THIÊN CHÚA nhân danh toàn thể nhân loại. Mùa phụng vụ ghi dấu thời gian theo dòng một năm. Tôi đợi chờ mỗi Mùa Phụng Vụ với niềm vui và nỗi ước ao chen lẫn một chút lo âu tự hỏi:
– THIÊN CHÚA rồi đây sẽ đưa mình đi tới nơi đâu?

Đọc và suy gẫm Lời Chúa – La lectio divina – là thời gian quan trọng trong một ngày sống của tôi. Việc đọc Lời Chúa chậm rãi, nghiền ngẫm giúp tôi có thể sống và đọc sốt sắng Kinh Thần Vụ. Nó cũng giúp tôi học cách yêu mến cuộc sống cộng đoàn trong trọn nét đẹp và thách thức của nó hầu có thể yêu thương tất cả Các Chị Em tôi. Trong Thánh Vịnh, tôi luôn luôn bị thôi-miên bởi cặp từ ”Tình Yêu và Sự Thật”. Và tôi đã chọn cặp từ này làm khẩu hiệu viện mẫu của tôi.

Nếu có ai hỏi: ”Chốn nào và nhân vật nào gợi hứng” thì tôi xin trả lời. Chính tại Maigrauge mà THIÊN CHÚA gọi tôi và cũng chính nơi đây tôi đáp lại Tiếng Chúa. Nhưng trước khi đến đây, có một nơi khác. Khi du hành đến Bourgogne tôi được hồng phúc viếng Citeaux. Khi đặt chân đến đây tôi có cảm tưởng mình bước đi trên đất thánh ngay cả khi nó không có gì là đạo đức cũng chả có gì là mỹ thuật. Một niềm kính trọng sâu xa xâm chiếm tâm hồn tôi và làm cho tôi khám phá ra sự hiện diện của Các Cha Xitô. Hôm nay thì tôi có thể quả quyết rằng Thánh Bernard thành Clairvaux (1090-1153) đã trở thành Cha Thiêng Liêng của tôi. Tôi được ơn liên kết sâu xa vào đạo lý và các tác phẩm của người. Đặc biệt là các bài giảng quanh năm và bài giảng về Sách Diễm Ca đã thực sự dưỡng nuôi cuộc sống thiêng liêng và là niềm vui bao la cho cuộc đời nội tâm của tôi. Chính thánh Bernard dạy tôi yêu mến Lời Chúa, bởi vì, các tác phẩm của người được dệt nên bởi Kinh Thánh.

Nếu có ai hỏi: ”Nơi đâu và làm thế nào nuôi dưỡng cuộc sống thiêng liêng” thì tôi xin trả lời. Trong nhà thờ tuyệt đẹp của chúng tôi. Chính nét giản dị của ngôi nhà thờ giúp tôi không ngừng đi vào cái chính yếu. Thánh Lễ mỗi ngày là nguồn sinh lực cho tôi. Tôi cũng yêu mến các hành lang nội cấm nối liền nơi chúng tôi sống và làm việc cũng như nơi an nghỉ của Các Chị Em đi trước chúng tôi. Và thiên nhiên nữa. Tôi nhìn thiên nhiên và lắng nghe thiên nhiên. Trong khung cảnh sống hạn hẹp như chúng tôi thì chúng tôi thường chú ý đến những thay đổi nhỏ nhặt nhất liên quan đến màu sắc và ánh sáng. Theo sát sự thay đổi các mùa trong vùng Sarine thật là niềm vui sâu xa đối với tôi. Mỗi năm một lần vào mùa đông tôi đến sống tại Đan Viện các Nữ Tu Kín Cát-Minh ở Pâquier. Cuộc sống cô tịch và những buổi đi bộ trên tuyết khiến tôi hồi sinh và gieo vào lòng tôi tâm tình tri ân cảm tạ THIÊN CHÚA là Cha Nhân Lành.

… ”Trời xanh tường thuật vinh quang THIÊN CHÚA, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông đip loan đi tới chân trời góc biển. Chúa căng lu cho thái dương ti đó, thái dương xuất hiện như tân lang rời khỏi loan phòng, và vui sưng lên đưng như tráng sĩ. Từ chân trời này, thái dương xuất hiện, rồi chuyển vần mãi đến chân trời kia, chẳng có chi tránh khỏi ánh dương nồng” (Thánh Vịnh 19(18) 2-7).

(”Évangile et Mission” bimensuel officiel de l'église catholique des diocèses de Lausanne, Genève et Fribourg . Bâle . Abbaye de Saint-Maurice, 05 . 21 Mars 2012, trang 200-201)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
 

 

Tòa Thánh lên tiếng về vụ truyền chức Giám Mục bất hợp pháp tại Trung Quốc

Tòa Thánh lên tiếng về vụ truyền chức Giám Mục bất hợp pháp tại Trung Quốc

VATICAN. Tòa Thánh loan báo: LM Giuse Nhạc Phúc Sanh bị vạ tuyệt thông tức khắc vì chịu chức GM hôm 6 tháng 7-2012 không có sự ủy nhiệm của ĐTC, đồng thời Tòa Thánh kêu gọi Nhà Nước Trung Quốc đừng có những hành động trái ngược tinh thần đối thoại.

Trong thông cáo công bố ngày 10 tháng 7-2012, Tòa Thánh cho biết:

1. LM Nhạc Phúc Sanh chịu chức GM bất hợp pháp ngày 6 tháng 7-2012 tại Cáp Nhĩ Tân (Harbin, tỉnh Hắc Long Giang) nên bị vạ tuyệt thông tức khắc theo giáo luật số 1382. Vì thế Tòa Thánh không nhìn nhận vị này là GM của miền giám quản Tông tòa Cáp nhĩ tân, và vị này không có quyền bính để cai quản các linh mục và cộng đoàn Công giáo tại tỉnh Hắc Long Giang.

LM Nhạc Phúc Sanh đã được thông báo từ lâu là không thể được Tòa Thánh phê chuẩn như ứng viên Giám Mục và nhiều lần cha đã được yêu cầu đừng chấp nhận việc truyền chức GM không có sự ủy nhiệm của ĐGH.
2. Các GM khác tham dự cuộc truyền chức bất hợp pháp này cũng bị hình phạt như giáo luật trù định, họ phải tường trình Tòa Thánh về sự tham dự của họ tại buổi lễ tôn giáo này.

3. Tòa Thánh ca ngợi các LM, tu sĩ và giáo dân đã cầu nguyện và ăn chay để cầu cho LM Nhạc Phúc Sanh được tỉnh ngộ, cho sự thánh thiện của các GM và cho sự hiệp nhất của Giáo Hội tại Trung Quốc, đặc biệt tại miền giám quản Tông tòa Cáp Nhĩ tân.

4. Tất cả các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc, các chủ chăn, linh mục, tu sĩ và giáo dân được mời gọi bênh vực và bảo tồn những gì thuộc về đạo lý và truyền thống của Giáo Hội. Cả trong những khó khăn hiện nay họ tín thác hướng nhìn về tương lai, được nâng đỡ nhờ xác tín rằng Giáo hội được thiết lập trên đá tảng Phêrô và các Đấng kế vị.
5. Tin tưởng nơi ước muốn thực sự của Nhà Nước Trung quốc về việc đối thoại với Tòa Thánh, Tòa Thánh cầu mong chính quyền Trung Quốc đừng tạo điều kiện cho những hành vi trái ngược với sự đối thoại như thế. Cả các tín hữu Công Giáo Trung Quốc cùng chờ đợi những cử chỉ cụ thể theo chiều hướng đó, nhất là tránh những buổi cử hành và truyền chức GM bất hợp pháp không có sự ủy nhiệm của ĐGH, tạo ra chia rẽ và đau khổ cho cộng đoàn Công Giáo tại Trung Quốc và Giáo hội hoàn vũ.

Sau cùng thông cáo của Tòa thánh nói rằng thật là điều đáng quí chuộng và khích lệ việc truyền chức GM cho Cha Tadeo Mã Đại Thanh, GM phụ tá giáo phận Thượng Hải hôm 7-7-2012. Sự hiện diện của 1 GM không thông hiệp với ĐTC tại buổi lễ này là điều không thích hợp và chứng tỏ sự thiếu tế nhị đối với một cuộc truyền chức GM hợp pháp.

Trong buổi truyền chức và nói, Đức Cha Mã Đại Thanh tuyên bố từ bỏ mọi hoạt động với Hội Công Giáo yêu nước để chăm lo mục vụ cho Giáo Hội.
Tin tức của các báo nói rằng sau vụ này, Nhà Nước bắt Đức Cha phải đi tĩnh dưỡng ở chủng viện.

Vụ truyền chức GM bất hợp pháp tại Cáp Nhĩ Tân

Theo hãng tin Công Giáo Á Châu, lễ truyền chức GM bất hợp pháp cho LM Nhạc Phúc Sanh do GM Johan Phòng Hưng Diêu (Fang Xinyao), GM Lâm Nghi (Linyi) tỉnh Sơn Đông, chủ phong. Vị này là Chủ tịch Hội Công giáo yêu nước Trung Quốc. Các GM khác đồng tế là Bùi Quân Dân (Pei Junmin), GM Liêu Ninh, Mạnh Khánh Lộc (Meng Qinglu), GM Hô Hòa Hạo Đặc (Hohhot) (Nội Mông Cổ), Vương Nhân Lôi (Wang Renlei), GM Từ Châu tỉnh Giang Tô, và Dương Vĩnh Cường (Yang Yongqiang), GM Chu Thôn (Zhoucun, tỉnh Sơn Đông). Các GM này đều là những người đã được Tòa Thánh phê chuẩn. Người ta không rõ các vị này tự nguyện tham dự hoặc bị cưỡng bách, như trong các vụ truyền chức bất hợp pháp trước đây.
Tham dự buổi lễ có khoảng 40 LM và 1 ngàn giáo dân. (SD 10 tháng 7-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha viếng thăm Tổng tu nghị của Dòng Ngôi Lời

Đức Thánh Cha viếng thăm Tổng tu nghị của Dòng Ngôi Lời

NEMI. Sáng ngày 9 tháng 7-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã đến chào thăm tổng tu nghị của Dòng Ngôi Lời tại trung tâm Ad Gentes ở làng Nemi.

Làng này nằm bên bờ hồ Nemi, cách dinh thự mùa hè của ĐTC tại Castel Gandolfo chừng 15 phút xe hơi. Khi còn là LM Joseph Ratzinger, 38 tuổi, chuyên gia thần học của Công đồng chung Vatican 2, ngài đã cư ngụ tại đây để tham dự các phiên họp của Ủy ban Công đồng về truyền giáo, từ ngày 29 tháng 3 đến 3 tháng 4-1965, để góp phần soạn dự thảo sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng về truyền giáo. Sắc lệnh này được Công đồng thông qua ngày 7 tháng 12-1965 với 2.393 phiếu thuận và chỉ có 5 phiếu chống.

Cha Bề trên Tổng quyền dòng Ngôi Lời đã mời ĐTC đến viếng thăm, với kỷ niệm ấy và nhân dịp Tổng tu nghị thứ 17 của dòng nhóm tại đây từ ngày 17 tháng 6-2012 với chủ đề ”Từ mọi quốc gia, dân tộc và ngôn ngữ: chia sẻ đời sống liên văn hóa và sứ mạng”.

Đến nơi vào lúc 11 giờ 45, ĐTC đã được cha Heinz Kulueke, người Đức, Bề trên Tổng quyền vừa đắc cử, và Cha Antonio Pernia, người Philippines, Bề trên Tổng quyền sắp mãn nhiệm, cùng với 150 tham dự viên Tổng tu nghị của dòng Ngôi Lời nồng nhiệt đón tiếp.

ĐTC vào Nhà Nguyện của Trung Tâm, quì cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa, và sau lời chào mừng của Cha Pernia Bề trên Tổng quyền ngài ngỏ lời với mọi người hiện diện, cám ơn dòng Ngôi Lời vì cho ngài cơ hội sống lại kỷ niệm thật đẹp, có lẽ đẹp nhất trong thời Công đồng cách đây 47 năm:

Diễn văn ứng khẩu của ĐTC:

”Tôi chân thành biết ơn vì được cơ hội, sau 47 năm, nhìn lại căn nhà này ở Nemi. Tôi đã có một kỷ niệm rất đẹp về nhà này, có lẽ là kỷ niệm đẹp nhất trong toàn Công đồng. Hồi đó tôi cư ngụ ở trung tâm Roma, tại Học viện Santa Maria dell'Anima, với tất cả những tiếng ồn ào: tất cả những điều ấy cũng đẹp! Nhưng ở đây, giữa cảnh trí xanh tươi, được hưởng thiên nhiên tươi mát và không khí trong lành, tự nó là một điều tươi đẹp rồi. Tiếp đến tại đây, hồi đó có sự hiện diện của bao nhiêu nhà thần học lớn, với trách vụ rất quan trọng và đẹp đẽ là chuẩn bị một sắc lệnh về truyền giáo.

”Tôi nhớ đến trước tiên là cha Tổng quyền dòng Ngôi Lời hồi đó là cha Schuette, người đã chịu đau khổ tại Trung Quốc, đã bị lên án, rồi trục xuất. Ngài đầy năng động truyền giáo, cảm thấy cần phải mang lại một đà tiến mới cho tinh thần truyền giáo. Và có tôi, là một nhà thần học chẳng có gì là quan trọng, rất trẻ, tôi không hiểu sao mình lại được mời. Nhưng đó cũng là một hồng ân lớn cho tôi.”

”Rồi có cả Cha Fulton Sheen, làm cho chúng tôi say mê ban tối với các diễn văn của ngài, có cha Congar và các chuyên gia lớn về truyền giáo học ở đại học Louvain. Đối với tôi thực là một sự phong phú tinh thần, một món quà lớn. Đó là một sắc lệnh không gặp nhiều tranh biện lớn. Có cuộc tranh biện mà tôi thực sự không hiểu, giữa trường phái Louvain và trường phái Muenster: mục đích chính của truyền giáo là thiết lập Giáo hội (Implantatio Ecclesiae) hay là loan báo Tin Mừng? Nhưng tất cả đều đồng qui trong một năng động duy nhất là cần phải mang ánh sáng Lời Chúa, ánh sáng tình thương của Thiên Chúa vào trần thế và mang lại một niềm vui mới cho sự loan báo ấy.”
”Và thế là trong những ngày ấy đã nảy sinh một sắc lệnh rất đẹp và rất tốt, hầu như được tất cả các nghị phụ đồng thanh chấp nhận, và đối với tôi đó cũng là một bổ túc rất tốt cho Hiến chế Lumen gentium, vì trong đó chúng ta tìm thấy một nền Giáo hội học Chúa Ba Ngôi, khởi hành từ ý tưởng cổ điển là ”bonum diffusivum sui”, điều thiện thì tự nhiên tỏa lan ra: điều tốt lành không thể ở lại nơi chính mình, nhưng thông truyền ra. Và điều này đã xuất hiện trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, giữa lòng Thiên Chúa, và lan tỏa trong lịch sử cứu độ và trong sự cần thiết của chúng ta trao ban cho người khác điều chúng ta đã nhận lãnh.

”Và thế là với những kỷ niệm ấy, tôi thường nghĩ đến những ngày ở Nemi, những ngày đó, như tôi đã nói, là thành phần thiết yếu trong kinh nghiệm của tôi về Công đồng. Và tôi vui mừng được thấy Dòng của anh em triển nở, cha Tổng quyền đã nói là có 6 ngàn tu sĩ tại bao nhiêu nước. Hiển nhiên năng động truyền giáo đang sống động và chỉ sống động nếu có niềm vui Tin Mừng, nếu chúng ta ở trong kinh nghiệm về sự thiện hảo đến từ Thiên Chúa và phải, muốn, thông truyền ra. Cám ơn anh em về sức sinh động của anh em. Tôi cầu chúc cho Tổng tu nghị này được mọi phúc lành của CHúa, nhiều linh hứng: ước gì chính những năng lực soi sáng của Chúa Thánh Linh đã tháp tùng chúng ta trong những ngày ấy tái hiện diện giữa anh em và giúp anh em tìm được con đường cho Hội dòng của anh em, cho sứ mạng truyền giảng Tin Mừng cho dân ngoại trong những năm tới đây. Xin cám ơn tất cả anh em, xin Chúa chúc lành cho anh em. Xin anh em cầu nguyện cho tôi cũng như tôi cầu nguyện cho anh em. Cám ơn”.

Cuộc viếng thăm, với tư cách riêng, của ĐTC tại Trung Tâm Ad Gentes kéo dài nửa tiếng và kết thúc với Phép lành của ngài, trước khi trở về Castel Gandolfo.

Dòng Ngôi lời do thánh Arnold Janssen sáng lập năm 1875 tại làng Steyl bên Hòa Lan và hiện có 6015 tu sĩ, trong đó hàng trăm tu sĩ thuộc tỉnh dòng Việt Nam và nhiều người Việt khác thuộc các tỉnh dòng ở Mỹ và nước khác. (SD 9-7-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Phái đoàn Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc bênh vực tự do tôn giáo

Phái đoàn Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc bênh vực tự do tôn giáo

GENÈVE. Phái đoàn Tòa Thánh tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Genève đã mạnh mẽ bênh vực quyền tự do tôn giáo.

Phái đoàn Tòa thánh do Đức TGM Silvano Tomasi làm trưởng đoàn, đã dự khóa họp thứ 20 của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhóm tại Genève, Thụy Sĩ, từ ngày 7-6 đến 6-7-2012. Trong bài tham luận ngày 3-7-2012 về tự do tôn giáo, Đức TGM Tomasi đã khẳng định như sau:

”Trong sự quan tâm sâu xa, Phái đoàn Tòa Thánh lưu ý về hố chia cách sâu rộng giữa sự quyết tâm và những nguyên tắc được cộng đồng quốc tế tuyên bố về tự do tôn giáo, tự do lương tâm, tín ngưỡng, và quyền tự do hội họp, với việc áp dụng các nhân quyền căn bản này trong thực tế. Việc sử dụng bom và những cuộc tấn công tàn bạo gần đây chống lại các nơi thờ phượng và các cộng đồng tín hữu Kitô đang cầu nguyện, đã giết hại hàng trăm người vô tội tại nhiều quốc gia. Tình trạng các tội ác này kéo dài và lan sang nhiều quốc gia, sự hỗ trợ về nhân sự và tài lực dành cho các tội ác đó do các nhóm cực đoan cung cấp, mục tiêu của họ là làm xáo trộn cuộc sống chung hòa bình trong sự tôn trọng và cộng tác với nhau, đó là những lý do phải thúc đẩy cac giới hữu trách mau lẹ có một câu trả lời hữu hiệu hơn về sự ý thức của quần chúng cũng như về hoạt động phòng ngừa.

Xung đột tôn giáo là một nguy hiểm cho sự phát triển xã hội, chính trị và kinh tế. Xung đột tôn giáo trong một xã hội bị cực đoan hóa sẽ phá vỡ những quan hệ cần thiết cho đời sống xã hội và cho thương mại được triển nở. Nó tạo ra bạo lực, tước đoạt của dân chúng nquyền cơ bản nhất trong mọi quyền, đó là quyền sống. Nó gieo rắc những mầm mống nghi kỵ và cay đắng có thể truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Xung đột tại nước này có thể lan sang nước khác và gây khó khăn nghiêm trọng tại các quốc gia khác.

Cũng vậy, sự bắt đi mất tích, bắt giữ, giam cầm, dọa giết và kỳ thị chống lại những người trở lại đạo và những người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số, hay thuộc những cộng đoàn tín ngưỡng, là điều thường xảy ra trên thế giới. Những vụ tấn công tàn bạo, những lời tuyên bố và cả những sách giáo khoa xúi giục bạo động và giết hại những phần tử của các tôn giáo và các nhóm tôn giáo ít người là những điều rất thường được báo chí loan tin. Những đe dọa tự do tôn giáo như thế là điều làm thương tổn sâu xa cho phẩm giá con người. Sự giới hạn việc thực thi quyền tự do tôn giáo sẽ đe đọa căn tính cá nhân, lương tâm, những chọn lựa cơ bản trong cuộc sống và cản trở việc thi hành các quyền khác của con người”.
ĐGH Biển Đức 16 đã bày tỏ mối quan tâm trầm trọng của ngài về những tình trạng gây xáo trộn như thế tại nhiều nơi trên thế giới như kết quả làm cho ”người ta không thể tuyên xưng tôn giáo của mình một cách tự do, ngoại trừ trường hợp chấp nhận rủi ro cho sinh mạng và tài sản của mình. Tại những vùng khác, chúng ta thấy những hình thức tinh vi tối tân hơn với những thành kiến và thái độ đố kỵ đối với các tín hữu và các biểu tượng tôn giáo” (Sứ điệp Hòa bình thế giới năm 2011, n.4). Các Kitô hữu là nhóm tôn giáo bị bách hại nhiều nhất.

Đức TGM Tomasi nói tiếp:

”Tính chất bao trùm của tự do tôn giáo đòi hỏi một sự bảo vệ đồng đều và hữu hiệu dưới luật pháp, mà không kỳ thị một người nào, nhưng đặc biệt nhất là cho các phần tử của các nhóm thiểu số hoặc những người dễ bị tổn thương vì những thành kiến hoặc kỳ thị vì nhiều lý do. Vì thế, Tuyên Ngôn và Chương trình hành động tại Vienne đã khẳng định rằng ”.. Những người thuộc về các nhóm dân thiểu số có quyền được hưởng văn hóa riêng của họ, được tuyên xưng và thực hành tôn giáo của họ.. nơi riêng tư cũng như nơi công cộng, một cách tự do và không phải chịu sự xen mình hoặc hình thức kỳ thị nào” (Part I, art 19).

Nhiều văn kiện quốc tế khác về nhân quyền, các nghị quyết của Đại hội đồng và Hội đồng nhân quyền đều khẳng định rõ ràng rằng ”mỗi ngừơi có quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo hoặc tín ngưỡng”. Tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình qua giáo huấn, thực hành, thờ phượng và giữ đạo cũng được bảo đảm. ”Thật là điều không thể tưởng tượng được khi các tín hữu phải hủy bỏ một phần của họ, – tín ngưỡng của họ – để trở thành những công dân tích cực. Không bao giờ cần phải chối bỏ Thiên Chúa để được hưởng các quyền của mình”.
Các lý tưởng tự do tôn giáo – trong việc phụng tự, thực hành và diễn tả – được qui định trong các hiến pháp của hầu hết các nước dân chủ trên thế giới. Hơn nữa, tự do này, một quyền có nhiều khía cạnh, có liên hệ tới quyền sống và tự do, trong số các quyền khác.

Phù hợp với Hiệp Ước quốc tế về các dân quyền và chính quyền, Phái đoàn Tòa Thánh nhìn nhận rằng các Nhà Nước có nghĩa vụ đề ra và nâng đỡ các cơ cấu hạ tầng và những điều kiện thuận lợi để tạo điều kiện dễ dàng cho sự phát triển các cộng đoàn tôn giáo và các phần tử của các cộng đoàn ấy một cách tự do và không bị kỳ thị. Như thế quyền tự do tôn giáo không phải chỉ là một quyền cá nhân nhưng cũng trở thành một quyền tập thể cho các cộng đoàn tôn giáo”. Về vấn đề này có quyền của các cộng đoàn ấy được tự quản trị theo các quy luật riêng của mình, quyền phụng tự công khai, quyền được giáo huấn cảc phần tử của mình trong việc thực hành tín ngưỡng; quyền được tuyển chọn, huấn luyện, bổ nhiệm và thuyên chuyển các thừa tác viên tinh thần của mình; quyền kiến thiết các cơ sở dùng vào việc tôn giáo, quyền thủ đắc và sử dụng ngân khoản hoặc tài sản; quyền giảng dạy và làm chứng về tín ngưỡng của mình một cách công khai, bằng lời nói cũng như bằng chữ viết, và quyền được hội họp, thiết lập các tổ chức giáo dục, văn hóa, từ thiện và xã hội, theo các lý do liên hệ.

Đức TGM Silvano Tomasi cũng nói rằng: ”Phái đoàn Tòa Thánh nhìn nhận liên hệ giữa sự ổn định xã hội và việc công nhận các quyền con người. Do bối cảnh bất ổn về kinh tế và xã hội tại các nước trên thế giới, điều thiết yếu là mọi nhân quyền, và đặc biệt hơn cả là quyền tự do tôn giáo phải được bảo vệ. Các Nhà Nước phải khích lệ thành lập các hệ thống nhắm sự thăng tiến sự cảm thông lẫn nhau, cổ võ đối thoại liên tôn và tăng cường việc bảo vệ các nhóm tôn giáo bằng những bảo đảm thích hợp và hữu hiệu về tự do tôn giáo, qua việc sử dụng các hệ thống pháp lý làm trung gian tương ứng và thích hợp, và nếu cần, thì điều chỉnh lại.

Theo quan điểm phái đoàn chúng tôi, quyền tự do tôn giáo không thể bị thu hẹp vào tự do phụng tự. Bao gồm trong quyền tự do này cũng có cả quyền được rao giảng, giáo dục, đón nhận các tín đồ mới, góp phần vào các cuộc thảo luận chính trị cũng như tham gia các hoạt động công cộng. Điều quan trọng nhất là phải duy trì và bảo vệ quyền tự do lương tâm. Các tín hữu không thể bị chính quyền bó buộc chọn lựa giữa sự tuân theo các chính sách hoặc luật lệ của chính phủ và sự trung thành với giáo huấn tôn giáo và tín ngưỡng của mình. Một điều cũng quan trọng, đó là tôn trọng quyền của các bậc cha mẹ gửi con cái họ đến những trường học phản ánh tín ngưỡng của họ. Những hệ thống cưỡng bách giáo dục, bắt mọi người theo cùng một khuôn mẫu, có thể là một sự trực tiếp tấn công các quyền lợi và nghĩa vụ của các cha mẹ trong việc đảm bảo nền huấn luyện tôn giáo và luân lý đạo đức cho con cái họ. Đồng thời tất cả các hệ thống giáo dục phải thăng tiến sự tôn trọng và bảo vệ dân chúng, không nuôi thành kiến nào đối với tín ngưỡng và việc thực hành tín ngưỡng của họ.

Thưa bà chủ tịch, Phái đoàn Tòa Thánh muốn kết luận bài tham luận này bằng câu trưng dẫn Tuyên ngôn Vienne, kêu gọi ”tất cả các chính phủ hãy đề ra những biện pháp thích hợp, đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế của mình và chiếu theo hệ thống pháp luật liên hệ để chống lại nạn bất bao dung và bạo lực dựa trên tôn giáo hoặc tín ngưỡng…, và cũng chống lại những hành động kỳ thị phụ nữ, xúc phạm đến các nơi tôn giáo, nhìn nhận rằng mỗi người có quyền được tự do tư tưởng, lương tâm, ngôn luận và tôn giáo. Hội nghị tại Vienne cũng mời gọi mọi Nhà Nước hãy thực hành các điều khoản của Tuyên ngôn về việc loại trừ mọi hình thức bất bao dung và kỳ thị tín ngưỡng hoặc tôn giáo” (Part II, art. 22).

Sau cùng, chúng tôi khuyến khích mỗi quốc gia đảm bảo, bảo vệ và thăng tiến quyền hợp pháp của dân chúng được có, thực hành và biểu lộ tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình một cách tự do và không phải chịu một sự cưỡng bách và bạo lực nào, và không phải luôn sống trong lo sợ trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công chống tôn giáo hủy hoại các nhân quyền cơ bản”.

G. Trần Đức Anh OP chuyển ý

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha tại Castel Gandolfo: 08 tháng 7-2012

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha tại Castel Gandolfo: ngày 8 tháng 7-2012

CASTEL GANDOLFO. Trưa Chúa nhật 8 tháng 7-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên trong mùa hè này tại Castel Gandolfo, dinh thự mùa hè của ngài cách Roma lối 30 cây số.

ĐTC đến cư ngụ tại đây từ ngày thứ ba, 3 tháng 7-2012 và lưu lại đây tới cuối tháng 9. Từ quảng trường bên ngoài dinh thự, cũng có hàng trăm tín hữu tham dự buộc đọc kinh qua loa phóng thanh.

Trong số hàng ngàn người hiện diện trong khuôn viên tại buổi đọc kinh, cũng có đại diện chính quyền địa phương, và đông đảo tín hữu hành hương đến nhiều nước.

Đúng 12 giờ trưa, ĐTC xuất hiện tại bao lơn của dinh thự giữa tiếng reo hò vui mừng của mọi người. Khi ngài vừa nói: ”Anh chị em thân mến!” thì ca đoàn các thiếu nhi từ giáo phận Dresden ở miền Đông Đức đã đồng ca một bài ca ngắn để chào mừng ngài. ĐTC lắng nghe và nhiệt liệt cám ơn các thiếu nhi ca viên. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng của ngày chúa nhật 14 thường niên và nói:

”Tôi muốn dừng lại một lát về đoạn Tin Mừng chúa nhật hôm nay, một đoạn từ đó người ta rút ra câu nói thời danh ”không ai là tiên tri nơi quê hương của mình”, nghĩa là không có tiên tri nào được đón nhận nơi những người đã nhìn thấy tiên tri ấy lớn lên (Xc Mc 6,4). Thực vậy, sau khi Chúa Giêsu, – lúc ấy khoảng 30 tuổi-, từ giã Nazareth và đi giảng đạo và chữa bệnh ở nơi khác trong một thời gian, ngài trở về làng cũ và bắt đầu giảng dạy trong Hội đường. Những người đồng hương của ngài ”ngỡ ngàng” vì sự khôn ngoan, và vì họ biết ngài là ”con của bà Maria”, là người thợ mộc đã sống giữa họ, nên thay vì tin nhận và đón tiếp ngài, họ lại xấu hổ vì ngài (Xc Mc 6, 2-3). Sự kiện này dễ hiểu vì sự quen thuộc trên bình diện con người làm cho người ta khó đi xa hơn và cởi mở đối với chiều kích thần linh (…). Chúa Giêsu giống như một thí dụ điển hình về kinh nghiệm của các tiên tri của Israel, các vị bị coi rẻ nơi quê hương, và Chúa đồng hóa với các vị ấy. Do sự khép kín tinh thần như thế, Chúa Giêsu không thể thực hiện tại Nazareth ”một phép lạ nào, nhưng ngài chỉ đặt tay trên vài bệnh nhân và chữa lành họ” (Mc 6,5). Thực vậy, các phép lạ của Chúa Kitô không phải là một sự biểu dương quyền năng, nhưng là những dấu chỉ tình thương của Thiên chúa, được thể hiện tại nơi mà tình thương ấy gặp được niềm tin của con người. Origène đã viết: ”Cũng như có một sự thu hút tự nhiên từ phía một số người này đối với người khác, như sự thu hút của nam châm đối với sắt.. niềm tin cũng thực hiện một sự thu hút như thế đối với quyền năng của Chúa” (Chú giải Tin Mừng theo thánh Mathêu 10,19).

Vì vậy, như người ta nói, Chúa Giêsu có vẻ coi sự ngược đãi mà ngài gặp ở Nazareth là có lý. Nhưng thực ra, vào cuối trình thuật, chúng ta thấy một nhận xét ngược lại. Thánh sử Phúc âm viết rằng Chúa Giêsu ”ngỡ ngàng về sự cứng lòng tin của họ” (Mc 6,6). Sự kinh ngạc của Chúa Giêsu tương ứng với sự ngỡ ngàng của những người đồng hương. Cả Chúa, theo một nghĩa nào đó, cũng lấy làm điều đau buồn! Mặc dù ngài biết không tiên tri nào được đón nhận nơi quê hương mình, nhưng sự khép kín tâm hồn của những người đồng hương đối với ngài thật là tăm tối, không thể hiểu nổi: làm sao mà họ không nhận ra ánh sáng chân lý như thế? Tại sao họ không cởi mở đối với lòng từ nhân của Thiên Chúa là Đấng muốn chia sẻ nhân tính của chúng ta? Thực tế, con người của Đức Giêsu thành Nazareth phản ánh Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa cư ngụ trọn vẹn. Và trong khi chúng ta luôn luôn tìm kiếm những dấu chỉ khác, những phép lạ khác, chúng ta không nhận ra rằng Dấu Chỉ đích thực chính là Ngài, là Thiên Chúa làm người, chính Ngài là phép lạ lớn nhất của vụ trụ: toàn thể tình thương của Thiên Chúa được cô đọng trong một con tim nhân trần, trong khuôn mặt của một người.

”Người đã hiểu được đích thực thực tại này chính là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ có phúc vì đã tin (Xc Lc 1,45). Mẹ Maria không lấy làm đau buồn vì Con của Mẹ: sự kinh ngạc của Mẹ đối với Chúa tràn đầy niềm tin, đầy tình thương và vui mừng, khi Mẹ thấy Người nhân trần dường ấy và đồng thời thần linh dường nào. Nơi Mẹ, là Mẹ chúng ta trong đức tin, chúng ta hãy học cách nhận ra trong nhân tính của Chúa Kitô mạc khải hoàn hảo về Thiên Chúa.”

Chào thăm các tín hữu

Sau khi ban phép lành, như thường lệ, ĐTC chào thăm các tín hữu hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Trước tiên Ngài chào cộng đoàn Castel Gandolfo ở địa phương và cầu chúc mọi gia đình được một thời gian nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe thể lý và tình thần. ĐTC cũng nói:

Tôi thân ái chào thăm các nữ tu dòng thánh Elisabeth đến từ nhiều nước đang tham dự cuộc gặp gỡ đặc biệt 10 năm sau khi khấn trọn đời. Chị em thân mến, xin Chúa canh tân chị em sâu rộng trong tình thương của Ngài. Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nhắc đến cách riêng các nữ tu dòng Thờ Lạy Thánh Thể đến từ Sénégal và Congo ở Phi châu, các bạn trẻ dưới sự chăm sóc của Văn phòng tuyên úy vùng Vịnh Saint-Tropez ở miền nam Pháp. Ngài nói: ”Trong mùa hè này, các con đừng quên Chúa, hãy nghĩ đến việc cầu nguyện và tham dự thánh lễ Chúa nhật! Ước gì Mẹ Maria là mẫu gương của những tâm hồn lắng nghe, tháp tùng các con trên những nẻo đường trần thế!”
Bằng tiếng Anh, ĐTC chào thăm các LM đang tham dự khóa huấn luyện dành cho các vị đào tạo ở chủng viện do Giáo Hoàng học viện Nữ Vương các Tông Đồ tổ chức. Ngài nói: ”Trong Tin mừng chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta sống với một tâm hồn cởi mở và đơn sơ, được đức tin chân thực nuôi dưỡng, thì chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta và tuân theo thánh ý Chúa.”
Bằng tiếng Đức, ĐTC tái cám ơn các thiếu nhi thuộc ca đoàn giáo phận Dresden vì bài ca thật hay. Ngài cũng nhắc lại sự tích Chúa Giêsu không được đón nhận tại quê hương. Dân chúng không sẵn sàng nhìn nhận Chúa là Đức Kitô. Nơi chúng ta cũng có nguy cơ khi chúng ta nói rằng: ”Chúng tôi là Kitô hữu, chúng tôi đã biết mọi sự và không còn quan tâm gì đến Chúa là ai nữa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, xin Chúa cất khỏi chúng ta thái độ khép kín trong tâm hồn như thế và chúng ta hãy lợi dụng thời kỳ nghỉ hè này, ở lại lâu sâu hơn trong Chúa Kitô, đón nhận sự chỉ đường của Ngài cho cuộc sống chúng ta và xác tín về quyền năng thần linh của Chúa.

Sau cùng, bằng tiếng Ba Lan, ĐTC gửi lời chào thăm những người tham dự cuộc hành hương của gia đình Đài phát thanh Maria, tụ tập tại Đền thánh Đức Mẹ Jasna Gora, Czestochowa, để cầu nguyện cho tổ quốc, cho các gia đình, cho tự do ngôn luận. Ngài cũng nhắc đến buổi cầu nguyện liên tôn cho hòa bình cử hành lúc 21 giờ chúa nhật 8-7-2012 tại trại tập trung Majdanek, Ba Lan, gần thành phố Lublin. Buổi cầu nguyện do Hội Ngàn Năm mới tổ chức, một Hội do HĐGM Ba Lan thành lập cách đây 12 năm để tưởng niệm triều đại Giáo Hoàng của Đức Chân Phước Gioan Phaolô 2 bằng cách phổ biến giáo huấn của Người và giúp những người trẻ muốn học hành nhưng không có phương tiện tài chánh.

G. Trần Đức Anh OP

KHÔNG AI LÀ TIÊN TRI NƠI QUÊ HƯƠNG MÌNH

KHÔNG AI LÀ TIÊN TRI NƠI QUÊ HƯƠNG MÌNH

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM B (07/08/2012)
[Ed 2,2-5; 2 Cr 12,7-10; Mc 6,1-6]

 

Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay của thánh Mác-cô thuật lại cho chúng ta cách đối xử của các người đồng hương Chúa Giê-su đối với Ngài, khi họ biết Ngài trổi vượt hơn họ. Cách đối xử đó đã được Chúa Giê-su tóm lược trong một câu ngắn gọn và chua chát: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi" (Mc 6, 4).
 
Quê hương của Chúa Giê-su, ai trong chúng ta cũng biết. Đó là làng Na-da-rét, vùng Ga-li-lê-a, nơi Người ra đi, nhận phép rửa của thánh Gio-an Tẩy Giả để bắt đầu cuộc đời công khai của Ngài: "Hồi ấy Chúa Giê-su từ Na-da-rét, miền Ga-li-lê-a đến và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan" (Mc 1, 9).
 
Sau khi nhận phép rửa, Chúa Giê-su ra đi giảng dạy ở nhiều miền khác của Do-thái, khởi đầu từ Ga-li-lê-a. Ở mọi nơi, Người giảng dạy, làm nhiều phép lạ chữa bệnh tật, trừ quỷ và làm cho con người nhẹ bớt đi những bất hạnh của họ. Nơi đâu Ngài cũng được mọi người tiếp đón, tin nghe, thán phục và ngưỡng mộ trí khôn ngoan và quyền năng Con Thiên Chúa của Ngài. Nhiều người đi theo Ngài ngày đêm và Ngài đã chọn mười hai Môn Đệ thân tín với Ngài, trong số những người đó. Đó là những gì thánh Mác-cô thuật lại cho chúng ta trong suốt những chương đầu của Phúc Âm (x. Mc 1, 5).
 
Chính thánh Mác-cô đã tuyên xưng đức tin và lòng ngưỡng mộ của Ngài đối với Chúa Giê-su ngay ở những dòng đầu tiên của Phúc Âm: "Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Ki Tô, Con Thiên Chúa" (Mc 1, 1). Nhưng rồi, cuộc đời Chúa Giê-su không phải là không có sóng gió và chướng ngại vật. Sóng gió và chướng ngại vật đó bắt đầu từ chương 6 trở đi, xảy ra tại chính quê hương thân yêu của Ngài, do chính những người đồng hương và cũng có thể chính bà con của Ngài tạo nên: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình thôi" (Mc 6, 4).
 
Một câu nói chua chát, xác nhận thực tại lắm lúc phũ phàng. Trở lại thăm quê hương, sau bao nhiêu ngày lặn lội giảng dạy khắp nơi. Người bắt đầu loan báo sứ mạng của Ngài cho bà con và đồng hương trong hội đường: "Đến ngày sa-bát, Người giảng dạy trong hội đường. Nhiều người rất đổi ngạc nhiên" (Mc 6, 2). Nhưng rồi những ngạc nhiên đó, thay gì biến thành thán phục và tin tưởng vào lời lẽ khôn ngoan và quyền năng thần linh liên hệ đến sứ mạng mà Chúa Giê-su muốn đem đến, bà con và những người đồng hương của Ngài lại dựa vào tiền kiến và cũng có lẽ bị thúc đẩy bởi ganh tỵ, họ lại giữ thái độ đóng kín, không chấp nhận: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta khôn ngoan như vậy nghĩa là sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ mộc, con bà Ma-ri-a và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-suê, Giu-đa và Si-mon sao? Anh chị em của ông ta không phải là bà con hàng xóm với chúng ta sao?" (Mc 6, 2-3). 
 
Ý nghĩa của câu Phúc Âm vừa trích dẫn không có ý nghĩa gì hơn là câu hỏi về căn nguyên (identité) của Chúa Giê-su: Chúa Giê-su là ai? Đọc Phúc Âm thánh Mác-cô, nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy thánh nhân lập lại câu hỏi trên nhiều lần qua suốt Phúc Âm của ngài. Và mỗi lần nêu lên câu hỏi là mỗi lần ngài đưa ra dẫn chứng để làm câu trả lời. Nói cách khác, mục đích của thánh Mác-cô viết Phúc Âm là để trả lời cho đức tin mà ngài đã viết ngay ở dòng đầu: "Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Ki Tô, Con Thiên Chúa" (Mc 1, 1).
 
Và sau đây là những câu hỏi thánh Mác-cô lập đi lập lại để nhắc lại ý nghĩa và chứng minh tiếp theo với những đoạn Phúc Âm liên hệ: "Mọi người đều ngạc nhiên đến đổi họ bàn tán nhau: Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mi mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh" (Mc 1, 27).
 
   – "Sao ông nầy lại dám nói như vậy? Ông ta phạm thượng. Ai có quyền tha tội ngoài một mình Thiên Chúa?" (Mc 2, 7).
   – "Các ông hoảng sợ và nói với nhau: Vậy người nầy là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?" (Mc 4, 41).
   – "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai cho ông quyền làm các điều ấy?" (Mc 11, 28).
   – "Vị thượng tế lại hỏi Người: Ông có phải là Đấng Ki Tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?" (Mc 14, 61).
   – " Phi-la-tô hỏi Người: Ông là vua Do-thái sao? Người trả lời: Đúng như Ngài nói đó" (Mc 15, 2).
 
Trở lại câu bàn tán về căn nguyên của Chúa Giê-su được các người đồng hương của Ngài nêu ra. Thật ra, khi họ đưa ra các thành kiến mà họ biết về Ngài: Ngài là "bác thợ mộc, con bà Ma-ri-a", "anh em với các ông Gia-cô-bê, Gio-suê, Giu-đa và Si-mon", anh em của Ngài là "hàng xóm với chúng ta", họ đưa ra không phải để có một câu giải đáp, mà để làm chiêu bài cho việc cố chấp không tin của họ. Đó có lẽ cũng là thái độ thông thường chúng ta thường gặp trong cuộc sống. Rất thường chúng ta gặp được một số người không ít, không có khả năng phân biệt giữa "chủ thể" (persona) và "chủ đề" (doctrina).
 
Dường như thể "chủ thể" (persona) là "bác thợ mộc, anh em của Gia-cô-bê, Gio-suê, Giu-đa và Si-mon là hàng xóm với chúng ta", là người tầm thường, thì "chủ đề"  (doctrina), tức là lý tưởng, chủ trương, đường lối, suy tư của người đó cũng không ra gì. Lý luận đó làm cho những người đồng hương của Chúa Giê-su trở thành mù quáng và chai đá trước những sự thật hiển nhiên mà chính họ cũng không thể chối cãi: "Nhiều người rất đỗi ngạc nhiên. Họ hỏi: bởi đâu mà ông ta làm được như thế? Ông ta khôn ngoan như vậy, nghĩa là sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?"  (Mc 6,2).
 
Thái độ cố chấp chai đá đó khiến họ đóng chặt tâm hồn, mà đáng lý ra họ phải rộng mở để tiếp đón ơn cứu rỗi của Chúa Giê-su đem đến. Không chấp nhận Chúa Giêsu là không chấp nhận ơn cứu rổi Người đem đến cho: "Chúa Giê-su đáp: Ta là đàng, là sự thật và là sự sống" (Ga 14, 6). Sự cố chấp chai đá đó đã làm cho chính Chúa Giê-su cũng phải ngạc nhiên: "Người lấy làm lạ vì họ không tin" (Mc 6, 6). Với tất cả thân tình trở về thăm quê hương, nhưng đứng trước thái độ cố chấp chai đá của các người đồng hương, Chúa Giê-su cũng chịu bó tay: "Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó" (Mc 6, 5).
 
Tại sao đứng trước lòng cứng tin của các người đồng hương, Chúa Giêsu "không thể làm được phép lạ nào tại đó?" Phép lạ có thể thắp lên một ánh lửa hay là một minh chứng để củng cố đức tin, nhưng phép lạ không sinh ra đức tin. Đức tin phát xuất tự trong tâm hồn, là sự rộng mở của tâm hồn để đón nhận chân lý được Chúa  mạc khải cho. Hiểu được như vậy, chúng ta hiểu được tại sao Chúa Giê-su cấm các Môn Đệ được Chúa Giê-su cho chứng kiến biến cố Ngài biến đổi hình dạng ra sáng láng trên núi, thuật lại cho người khác: "Đang khi Thầy trò từ trên núi xuống, Chúa Giê-su truyền cho các ông rằng: Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy" (Mt 17, 9).
 
Ngài không muốn cho đức tin các ông và nhiều người khác bị chóa mắt bởi hình ảnh chói lọi của biến cố tỏ mình ra sáng láng trên núi, mà phải là một đức tin đâm rễ sâu trong tâm hồn qua thử thách tử nạn và sự sống lại của Ngài. Cũng chính vì vậy, trước khi làm phép lạ cho La-da-rô sống lại, Ngài đòi buộc chị Mác-ta phải tin. Không có đức tin, phép lạ có thể được coi như những trò ảo thuật: "Chúa Giêsu liền phán: Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy dù đã chết cũng được sống lại. Chị có tin thế không? Cô Mác-ta đáp: Thưa Thầy có. Con tin Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian" (Ga 11, 25-27).
 
Càng rõ hơn nữa, đức tin không thể dựa vào phép lạ hay kiểm chứng để tin, mà là sự rộng mở của tâm hồn để đón nhận lời Chúa và ơn Chúa (fides ex auditu), khi Chúa Giê-su dạy bảo thánh Tô-ma: "Chúa Giê-su bảo: Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay cho những người không thấy mà tin" (Ga 20, 28). Tin vào lời Người giảng dạy. Thái độ cố chấp và chối bỏ của các người đồng hương Chúa Giê-su, dựa vào những hiểu biết và tiền kiến (préjugés) nhân loại dạy cho chúng ta một bài học.
 
– Với thiên kiến cố ý chối bỏ sự thật và tiền kiến chỉ tin vào kiến thức hiểu biết nhân loại của mình, chúng ta không bao giờ có thể đi đến đức tin. Họ nghĩ rằng họ đã biết về Chúa Giê-su, về nghề nghiệp của Ngài (bác thợ mộc), về gia phả, họ hàng của Ngài (con bà Ma-ri-a, anh em của ông Gia-cô-bê, Gio-suê, Giu-đa và Si-mon, anh chị em là hàng xóm với chúng ta), là biết hết về Ngài. Thái độ cố chấp và ỷ lại tự cao đó không bao giờ cho chúng ta đạt đến đức tin. Kiến thức nhân loại và lương tâm ngay chính là những khởi điểm và số vốn quan trọng trên con đường đi tìm chân lý. Bởi lẽ đức tin không phải là thái độ mù quáng, không lý luận. Thiên Chúa ban cho chúng ta trí khôn ngoan là để chúng ta dùng trí khôn tìm đến Ngài, hiểu biết Ngài và từ đó biết ơn và yêu mến Ngài, Đấng đã dựng nên chúng ta.
 
– Tuy nhiên, đức tin là tin vào Thiên Chúa vô hạn và những chân lý Ngài mạc khải vượt quá khả năng hiểu biết của chúng ta,  không thể  quy tóm vào những gì chỉ có thể chứng minh được, lý luận được. Chúng ta khởi hành bằng lý trí và những số vốn kiến thức nhân loại của chúng ta, nhưng đến một đoạn đường nào đó, cuộc hành trình đức tin vượt quá khả năng của lý trí. Thái độ còn lại phải có là lăng xả, phó thác vào sự khôn ngoan vô tận và tình thương bao la của Chúa, như đứa trẻ lăn xả vào lòng mẹ, như đôi nam nữ yêu nhau phó thác cho nhau. Đức tin không phải là tin Thiên Chúa có hay không, mà là tin cậy và ủy thác vào Thiên Chúa.
 
Đó là ý nghĩa sâu xa của Kinh Tin Kính bằng La Ngữ chúng ta thường đọc trong thánh Lễ: "Credo in Unum Deum Patrem Omnipotentem": Tôi tin kính (và phó thác cả con người con vào tay) một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng. Đức tin là tin bằng cả lý trí và trái tim của chúng ta.
 
Nguyễn Học Tập  (ĐBĐM)

NHỮNG CON MẮT THỊT

NHỮNG CON MẮT THỊT

Suy Niệm Lời Chúa CN 14 TN B. (Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6)

Cuốn sách của Thiên Chúa đang mở ra. Cuốn sách ghi Lời Chân Lý. Cuốn sách mà Tiên tri Ezêkiel đã thị kiến với Lời rằng: “Chính ta đã sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân đang phản nghịch chống lại Ta, chúng cũng như cha ông  đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. Những đứa con mặt dày, mặt dạn, lòng chai dạ đá, chính ta sai ngươi đến với chúng"”(Ed 2,3-4).

Cuốn sách ấy tiên báo về chính  Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, và trang Tin Mừng hôm nay, qua tường thuật của Thánh Marcô, quả thực đã ứng nghiệm, không sai. Con người đồng thời, đồng hương của Chúa Giêsu không thể nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa, và tỏ ra “mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá” trước những lời rao giảng của Ngài. Họ không biết được, và cũng không chịu mở lòng ra để biết được Ngài là Đấng Thiên sai. Họ chỉ muốn nhìn thấy cái trước mắt là thân thế sự nghiệp quá sơ sài của Ngài để rồi trách cứ một cách ngạo mạn:  “Ông ta không phải là bác thợ mộc, con bà Maria và là anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simon sao?  Chị em của ông không phải là bà con lối xóm của chúng ta sao?” (Mc 6,3).

Những con mắt thịt hai ngàn năm trước

Thì ra, từ ngàn năm trước, người ta đã có thói quen thẩm định tư cách một con người bằng cách nhìn vào thế, thân, ngân, lý! “Nhất thế, nhì thân, tam ngân, tứ lý”. Họ chỉ nhìn con người bằng con mắt con người, và con người ấy chỉ được trọng vọng khi đáp ứng được cái yêu cầu rất con người vật chất hữu hạn của họ.

Chúa Giêsu đã về thăm quê hương và giảng trong hội đường. Theo cách trình  bày của Thánh Marco, thì không phải những người quê hương của Chúa không nhận thấy sự khôn ngoan nổi trội của một con người mang tên Giêsu! “Ông ta được khôn ngoan như thế nghĩa là làm sao?” (Mc 6,2). Họ có thấy, và thấy quá rõ ràng đấy chứ, nhưng họ không muốn chấp nhận nghe và tin vào lời giảng của Ngài, một là vì lòng ganh tỵ và hai là vì chẳng mang lại lợi lộc gì trước mắt có thể nhai nuốt được.

Vì ganh tỵ,  lời giảng dạy của một con bác thợ mộc, hay chính người cũng là thợ mộc với nghề cha truyền con nối suốt ba mươi năm trời kia, thì có gì phải đáng nể phục. Con thợ mộc lại giảng trong hội đường lại là chuyện dở hơi hơn nữa! 

Vì lợi lộc trần gian, cho nên, dẫu cho ông Giêsu nghèo khó kia có nói lời vàng lời ngọc thì giá trị cũng không bằng  lời của người có vàng có ngọc khoe trước mắt họ, ban tặng cho họ.

Thánh kinh gọi họ là “mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá” quả là chính xác, vì họ đã không mở lòng ra để thay đổi một não trạng xưa cũ của con người: Não trạng duy vật, lấy vật chất làm cái gốc con người, dựa vào vật chất mà thẩm định giá trị con người. Cùng một xuất xứ địa lý, cùng một cảnh ngộ cơ cực, không thể có ai xuất chúng hơn mình! Và nếu có, cũng không cần phải công nhận làm gì cho mệt xác nếu không có lợi lộc gì cho mình.

Họ không muốn mở con mắt linh hồn ra mà nhìn thấy cái “thế” của Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, chính là Con của Thiên Chúa và cái “thân” của Ngài là “chính Ngài là Thiên Chúa”. Họ càng không thể thấy cái “ngân” của Ngài là kho tàng sự sống vĩnh cửu không mối mọt, không nhàu nát, không hoen gỉ, và đời đời không hề mất nhưng luôn tồn tại. Họ không muốn nghe cái “lý” của Ngài là chân lý thường hằng bất biến đem lại sự sống và hạnh phúc đời đời! Họ “mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá” vì họ muốn nhìn thấy tận mắt cái hạnh phúc duy vật chất có thể ăn tươi nuốt sống được. Họ đang “đốt căn nhà muôn năm để luộc cho mình một quả trứng ăn liền”. Lòng họ không mở ra. Lòng họ đầy ích kỷ! Đúng như lời Thánh Nicôlas nhận định “Người ích kỷ có thể đốt nhà bạn để luộc cho mình một quả trứng”.

Những con mắt thịt hai ngàn năm sau

Đã hơn  hai ngàn năm Thiên Chúa Giáng Sinh làm người, con người vẫn luôn tự hào vì những thành quả văn minh tiến bộ tột bực, nhưng vẫn còn một điều chưa hề tiến bộ, chưa hề thay đổi: lòng ích kỷ vẫn còn tồn tại nơi một số con người, nếu không dám nói là toàn thể.

Lòng ích kỷ phát sinh từ lòng kiêu ngạo! Kiêu ngạo và ích kỷ đẻ ra trăm ngàn thứ tệ hại khác: ganh tị, đàn áp, chà đạp, bất chấp luân thường đạo lý, tẩy chay lẽ phải, thanh trừng chân lý… tất cả để phục vụ cho cái lợi lộc riêng mình, cho cái “trứng luộc ăn liền” của mình.

Có muôn vàn  thành tựu lớn lao của khoa học, chính trị, xã hội, nhưng  để phục vụ cho một cõi lòng hẹp hòi nhỏ bé tí teo thế sao! Có những văn minh rất đáng phục, nhưng lại là văn minh đưa dẫn con người vào chỗ tự hủy diệt thế sao? Số phận của Tin Mừng, qua các thời đại luôn phải đối mặt với sự tẩy chay của lòng người ích kỷ.  Số phận của các ngôn sứ vẫn luôn bị sự thanh trừng tàn sát vì lòng người không muốn ai can thiệp vào cái hủ riêng mình!  Cái hủ “trứng luộc ăn liền” chứa đầy những thèm khát hưởng thụ và tìm mọi phương thế để hưởng thụ!

Nghịch lý trầm kha này đã cho thấy rõ  chân tướng âm mưu của Satan quỉ dữ, luôn đối lập với Thiên Chúa, đối lập với Tin Mừng. Do đó, hai ngàn năm sau ngày Tin Mừng Giáng Thế, những con mắt thịt trần gian vẫn luôn trong tư thế tẩy chay Tin Mừng chỉ vì một lẽ: Tin Mừng đòi đổi mới. Mà đổi mới là bất lợi. Đổi mới là phải đổi lòng ích kỷ thành quảng đại, đổi lòng chai dạ đá hóa ra mềm mại, đổi mặt dày mặt dạn của satan nên khuôn mặt đầy yêu thương của Thiên Chúa… Đổi mới là phải kiến tạo một thế giới của Thiên Chúa, kiến tạo một cộng đồng nhân loại theo tinh thần Tin Mừng, phải tái lập quan hệ với sự sống vĩnh cửu thay cho sự sống tạm bợ ở đời nầy… Không chấp nhận đổi mới, đồng nghĩa với việc giữ nguyên“mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá” , mà “đốt sự sống đời đời để luộc cho mình một quả trứng ăn liền, khoái khẩu”

Những con mắt thịt ở trong nhà mình

Về với thực tế quanh ta, với hơn 80 triệu con người thân thương gần gũi nhất, cùng dòng máu, cùng màu da, cùng trải qua bao cuộc thăng trầm để bảo tồn nòi giống Tiên Rồng hùng anh Dũng Lạc, để nhìn lại hành trình của Tin Mừng Chúa Giêsu Cứu Thế. Số phận của Tin Mừng, của các Ngôn Sứ cũng không khác gì số phận Đức Giêsu ngày ấy. Nhưng niềm tự hào chân chính vẫn trào dâng trong chúng ta vì máu Các Thánh Tử đạo đã trổ sinh muôn ngàn hạt giống Đức Tin trên mảnh đất nầy.

Tuy nhiên, nếu Tin Mừng ở đâu cũng phải chung số phận chịu tẩy chay, chịu thanh trừng, thì ở nhà mình, ở đất nước mình chắc hẳn càng không tránh khỏi. “Thế, thân, ngân, lý” của Tin Mừng và các ngôn sứ Việt Nam chẳng khác gì “thế, thân, ngân, lý” của Chúa Giêsu Kitô ngày ấy- cũng đã bị lòng ích kỷ, tính kiêu ngạo, “mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá” tẩy chay tới mức triệt để. Một phần mười dân số chấp nhận Tin Mừng và chấp nhận đổi mới chưa đủ làm chứng rằng Chúa Giêsu không bị thanh trừng!  Lòng con người đang đóng kín, không muốn cho ánh sáng chân lý lọt vào, sợ đổi mới, vì họ đang có một hạnh phúc ảo. Hơn nữa, họ vẫn đang tìm mọi cách để kéo dài hạnh phúc ảo ấy đến muôn năm! Cái hạnh phúc tức thời của lòng ích kỷ. Là Cha là Mẹ, có lẽ không ai dám “khôn ba năm dại một giờ”“đốt nhà mình để luộc quả trứng ăn liền cho tương lai  cháu con lâm cảnh màn trời chiếu đất”. Cũng vậy, càng không thể liều lĩnh “đốt sự sống đời đời để luộc cho mình một quả trứng ăn liền, khoái khẩu” ở đời nầy vậy!

Để Tin Mừng được đón nhận trên quê hương, có người nghĩ rằng: chứng nhân tại một đất nước thắm máu các thánh tử đạo mà không chấp nhận tử vì đạo thì quả thật là vô lý! Nhưng cách tử-vì-đạo-cách-có-lợi cho mình và cho Giáo Hội nhất,  chắc chắn phải nhờ ơn Chúa Thánh Thần, phải theo sự hướng dẫn của Giáo Hội, để sống tốt cuộc sống Tin Mừng. Trong đó, có cả việc cần thiết phải nói cho những kẻ đốt nhà mình hoặc nhà người khác rằng: quê hương vĩnh cửu của chúng ta không phải ở mảnh đất nầy, ở trần gian nầy, nhưng là ở một Thiên Quốc vĩnh cửu. Anh có thể ăn một quá trứng luộc chính bằng cả giang san nầy đi nữa, thì anh có sống đời đời chăng? Có hạnh phúc đời đời chăng? Đừng cứng lòng, nhưng hãy tin! “Hãy sám hối và tin và Tin Mừng”

Nguyện xin hướng dẫn của Thánh Phaolô Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” giúp chúng con kiên trì, kiên vững theo bước chân khiêm tốn nghèo hèn của Chúa Giêsu – nhưng rất mạnh mẽ, để đem hạnh phúc thật cho nhân loại..  Và cùng xác tín với Thánh Phaolô rằng: “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”  (2Cr 12,9-10)

PM. Cao Huy Hoàng