58 NHÀ THỜ BỊ TÀN PHÁ VÀ THIÊU HỦY BÊN AI CẬP

58 NHÀ THỜ BỊ TÀN PHÁ VÀ THIÊU HỦY BÊN AI CẬP

church-burning

CAIRO: Linh Mục Rafic Greich, phát ngôn viên của các Giám Mục công giáo Ai Cập, cho biết các vụ bạo động trong các ngày qua đã khiến cho 58 nhà thờ Kitô bị tàn phá và thiêu hủy.

Trong số đó có 14 nhà thờ công giáo, số còn lại thuộc các Giáo Hội chính thống Copte, chính thống Hy lạp, tin lành và anh giáo. Các vụ tấn công đã xảy ra mỗi nơi một ít trong toàn nước Ai Cập, nhất là trong các giáo phân Al Minya và Assiut, bởi vì đó là hai trung tâm của các lực lượng hồi cuồng tín chủ trương thánh chiến và là những người có trách nhiệm đối với các vụ tấn công nói trên. Tuy nhiên, cha Greich cũng cho biết các tín hữu hồi sống gần các nhà thờ Kitô đã giúp các tu sĩ nam nữ Kitô dập tắt các đám cháy. Cha nhấn mạnh rằng đây không phải là một cuộc chiến giữa các tín hữu hồi và tín hữu Kitô. Nó không phải là một cuộc nội chiến, nhưng là một cuộc chiến chống lại nạn khủng bố phá hoại. Và đa số dân Ai Cập chống lại nạn khủng bố phá hoại và khuynh hướng tôn giáo cuồng tín (FIDES 19-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

NHỜ NGƯỜI MẸ QUÝ TRỌNG SỰ SỐNG, HAI ANH EM SINH ĐÔI NAY TRỞ THÀNH LINH MỤC

NHỜ NGƯỜI MẸ QUÝ TRỌNG SỰ SỐNG, HAI ANH EM SINH ĐÔI NAY TRỞ THÀNH LINH MỤC

Fr_Paulo_and_Fr_Felipe_Lizama_Cha Paulo and Cha Felipe Lizama là hai anh em sinh đôi và là linh mục tại Chí Lợi. (Photo courtesy of Fr. Lizama.)

Santiago, Chile, 16-8-2013 (CNA / EWTN News) -. Hai anh em sinh đôi ở Chilê nói rằng quyết tâm của người mẹ trong việc bảo vệ họ khỏi bị nạo phá bất chấp lời khuyên của bác sĩ đã giúp nuôi dưỡng ơn gọi làm linh mục cuả họ.

“Làm sao mà tôi có thể không bảo vệ Thiên Chúa của sự sống được?” Cha Paulo Lizama nói. “Sự kiện này củng cố ơn gọi của tôi và đem lại cho nó một sức sống cụ thể, và do đó, tôi đã có thể trao tặng chính đời sống của mình cho điều mà tôi tin tưởng.”

Ngài nói với CNA (Hãng Tin Công Giáo) “Tôi xác tín những gì mà tôi tin tưởng, cái mà tôi là và điều mà tôi nói, cách rõ ràng nhờ ân sủng của Thiên Chúa”.

Cha Paulo và người anh sinh đôi giống hệt nhau của mình, Cha Felipe, chào đời năm 1984 tại thị trấn  Lagunillas de Casablanca, Chilê.

Trước khi phát hiện ra mình có thai, mẹ của họ, bà Rosa Silva, trong công việc trợ giúp y tế đã thường tiếp xúc với tia X quang. Do đó, sau khi xác nhận việc mang thai, bác sĩ đã tiến hành siêu âm và nói với bà rằng ông đã nhìn thấy “một cái gì đó kỳ lạ” trong hình ảnh.

Ông nói với bà ấy :”Đứa bé có ba cánh tay và chân của nó bị vướng mắc. Nó cũng có hai cái đầu “,

Mặc dù phá thai vì những lý do “trị liệu” là hợp pháp vào thời điểm đó ở Chile và các bác sĩ nói với bà rằng cuộc sống của bà đang gặp nguy hiểm, Rosa phản đối ý tưởng ấy và nói rằng bà sẽ chấp nhận bất cứ điều gì Thiên Chúa gửi đến cho bà.

Cha Filipe nói:”Chúa đã làm việc và tạo dựng một cái thai sinh đôi. Tôi không biết liệu các bác sĩ đã sai lầm hoặc điều gì khác”.

“Tôi luôn nghĩ rằng với tình cảm đặc biệt và sự dịu dàng trong trái tim mà mẹ tôi đã trao tặng cuộc sống của mình cho tôi, cho chúng tôi,” Cha Paolo nói thêm.

Hai anh em được sinh ra vào ngày 10 tháng 9 năm 1984. Felipe được sinh ra đầu tiên, và khi nhau thai không tách ra, các bác sĩ đã đề nghị nạo tử cung của cô. Thế nhưng bà Silva từ chối, nói rằng bà cảm thấy có thêm một đứa con nữa sắp chào đời. Paulo được sinh ra 17 phút sau đó.

Cha Paolo nói: “Chi tiết cuối cùng này rất quan trọng đối với tôi. Các bác sĩ đưa dụng cụ để trục loại nhau thai bởi vì nó không xuất ra. Mẹ tôi biết rằng tôi đang ở đó. Tôi chậm trễ, nhưng tôi đã ra đời”. Nếu các bác sĩ nạo tử cung của mẹ mình, có thể ngài đã “bị tổn thương trầm trọng. ”

Cặp song sinh đã biết về hoàn cảnh chào đời của mình khi họ đang học trong năm thứ sáu của hệ đào tạo chủng viện.

“Đó chắc chắn là sự khôn ngoan và tình yêu của mẹ tôi khi đã để cho chúng tôi được biết một biến cố tuyệt vời như vậy vào đúng thời điểm”, Cha Paulo cho biết trong khi ngài vẫn luôn nghĩ rằng ơn gọi linh mục của ngài đã đến vào thời niên thiếu, sau đó ngài nhận ra rằng Thiên Chúa đã làm việc trong cuộc đời của mình ngay từ thuở ban đầu, nhờ tiếng “xin vâng” của mẹ mình.

Mặc dù họ lớn lên trong một gia đình Công giáo, anh em nhà Lizama đã mất đức tin và không tham dự Thánh Lễ nữa. Tuy nhiên, việc ly thân và ly dị của cha mẹ dẫn họ trở lại với Giáo Hội, và họ đã lãnh nhận bí tích Thêm Sức.

Vào thời điểm đó, cha Paulo cho biết, ngài mất sự tin tưởng vào niềm tin của mình nhưng bị thu hút bởi Phép Thánh Thể, các bài hát Gregoria, và sự cầu nguyện trong thinh lặng tôn kính.

Cha Felipe cho biết ngài đã được lôi kéo về với Thiên Chúa qua một linh mục, Cha Reinaldo Osorio, người sau này sẽ trở thành giám đốc đào tạo của mình tại chủng viện.

Ngài nhớ lại: “Chúa đã gọi tôi. Tôi nhận ra rằng chính trong Thiên Chúa và trong những công việc của Ngài mà tôi được hạnh phúc, không còn nghi ngờ gì nữa: Tôi muốn trở thành một linh mục.”

Mặc dù sống gần gũi, nhưng hai anh em đã không nói với nhau về ơn gọi của mình.

Cha Paulo nói: “Tôi không biết ai đã cảm nhận ơn gọi trước. Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa đã làm những việc đúng cách để bảo vệ sự tự do đáp trả của chúng tôi.”

Tháng 3 năm 2003, cả hai anh em đều vào chủng viện. Trong khi thoạt tiên quả là khó khăn cho gia đình khi phải chấp nhận quyết định của hai anh em, người mẹ đã nói với họ sau năm đầu tiên ở chủng viện rằng bà rất bình an khi nhận ra rằng họ được hạnh phúc.

Cặp song sinh đã được thụ phong linh mục vào ngày 28-4-2012, và cử hành Thánh Lễ mở tay của họ tại Đền Đức Mẹ Khoan Nhân ở Lagunillas.

Bây giờ, một năm sau khi được thụ phong, cha Felipe phục vụ tại giáo xứ Thánh Martinô thành Tours ở Quillota, và cha Paulo phục vụ tại giáo xứ Đức Maria Lên Trời ở Achupallas.

Cha Felipe nói: “Thiên Chúa đã không xử tệ với chúng tôi. Ngài muốn chúng tôi được hạnh phúc, chức linh mục là một ơn gọi tuyệt vời và làm cho chúng tôi hoàn toàn hạnh phúc.”

Cha Paulo nói thêm, đi theo Chúa Giêsu thì không dễ dàng nhưng thật tuyệt vời.

Ngài giải thích: “Chúa Giêsu, Giáo Hội và thế giới cần chúng tôi. Nhưng không phải là bất kỳ người trẻ nào: mà chỉ những người trẻ được nâng đỡ bởi sự thật của Thiên Chúa, để cho chính cuộc sống của họ truyền đạt sự sống, nụ cười của họ chuyển tải niềm hy vọng, khuôn mặt của họ truyền đạt đức tin và hành động của họ truyền đạt tình yêu.”

 XT (theo CNA) – Trích từ Xuân Bích VN

ĐỨC THÁNH CHA GỬI THƯ CÁM ƠN ĐỨC HỒNG Y ORANI JOÃO TEMPESTA TỔNG GIÁM MỤC RIO DE JANEIRO

ĐỨC THÁNH CHA GỬI THƯ CÁM ƠN ĐỨC HỒNG Y ORANI JOÃO TEMPESTA TỔNG GIÁM MỤC RIO DE JANEIRO

VATICAN: Ngày 2 tháng 8-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thư cho Đức Hồng Y Orani João Tempesta, Tổng Giám Mục Rio de Janeiro, để cám ơn sự tiếp đón nồng nhiệt mà tín hữu tổng giáo phận và nhân dân Brasil đã dành cho ngài trong dịp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ vừa qua.

Đức Thánh Cha xin Đức Hồng Y chuyển lời cám ơn của ngài tới Hội Đồng Giám Mục, các Giám Mục Phụ tá, cũng như các thành viên Ủy ban tổ chức Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Rio, các thiện nguyện viên và các ân nhân. Sự thành công của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sẽ đi vào lịch sử của thành phố tuyệt vời này và của Giáo Hôi Brasil.

Đức Thánh Cha cũng xin Đức Hồng Y chuyển lời chào thăm và cám ơn của ngài tới các nhân viên và các bệnh nhân nhà thương thánh Phanxicô thành Assisi, dân chúng khu xóm nghèo Varginha cũng như dân chúng sống tại khu phố Copacabana, vì sự tiếp đón nồng nhiệt đã dành cho ngài và về những hy sinh không nhỏ của họ nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Rio. Ngài cũng không quên cám ơn dân chúng vùng Guaritiba đã bỏ ra rất nhều công sức để chuẩn bị Cánh đồng Đức tin, nhưng rất tiếc là điều kiện thời tiết đã không cho phép cử hành thánh lễ kết thúc tại đó. Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi của ngài với từng gia đình trong toàn vùng. Ngài phó thác cho Đức Mẹ Aparecida tất cả các tâm tình này, và khẩn nài Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy ơn thánh trên công việc thừa tác của Đức Hồng Y, các Linh Mục và mọi thành phần giáo dân nam nữ của toàn tổng giáo phận Rio de Janerio thân yêu và Đức Thánh Cha gửi phép lành tòa thánh tới mọi người (SD 19-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THÁNH CHA KHÍCH LỆ CÁC THỪA SAI LOAN BÁO CHÚA KITÔ TRONG CÁC VÙNG NGOẠI Ô

ĐỨC THÁNH CHA KHÍCH LỆ CÁC THỪA SAI LOAN BÁO CHÚA KITÔ TRONG CÁC VÙNG NGOẠI Ô

CATAMARCA: Trong sứ điệp gửi các thừa sai tham dự Đại hội truyền giáo toàn quốc lần thứ IV tại Catamarca, nước Argentina, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ các thừa sai loan báo Chúa Kitô trong các vùng ngoại ô cuộc sống.

Hơn 1,000 thừa sai đến từ khắp nơi trong nước Argentina đã tham dự đại hội trong các ngày 17-19 tháng 8 năm 2013. Thánh lễ khai mac đại hội đã do Đức Cha Luis Urbanc, Giám Mục Catamarca chủ sự. Cùng đồng tế có nhiều Giám Mục trong đó có Đức Cha Vicente Bokalic, Giám Mục phụ tá Buenos Aires Chủ tịch Ủy ban truyền giáo của Hội Đồng Giám Mục Argentina, và Đức Cha Jorge Lozano Giám Mục Gualeguaychú, Chủ tịch Ủy ban mục vụ xã hội, Linh Mục Mario De Sanzi Dante, Giám đốc Hiệp hội truyền giáo Argentina và Linh Mục Carlos Robledo, Giám đốc văn phòng truyền giáo Catamarca.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho các thừa sai ơn sức mạnh và lòng can đảm để hoạt động không sợ hãi và không bị cám dỗ sống một cuộc sống dễ dãi. Đức Thánh Cha hứa gần gũi các vị trong Thánh Lễ và lời cầu nguyện.

Đại hội này có mục đích chuẩn bị cho Đại hội truyền giáo Mỹ châu La tinh lần thứ IV sẽ khai diễn vào tháng 11 năm 2013 tại Caracaibo bên Venezuela (FIDES 19-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC VIỆN PHỤ TỔNG QUYỀN DÒNG BIỂN ĐỨC KÊU GỌI TÔN TRỌNG SỰ NHẬY CẢM CỦA NGƯỜI DÂN BẮC HÀN

ĐỨC VIỆN PHỤ TỔNG QUYỀN DÒNG BIỂN ĐỨC KÊU GỌI TÔN TRỌNG SỰ NHẬY CẢM CỦA NGƯỜI DÂN BẮC HÀN

ROMA: Đức Viện Phụ tổng quyền dòng Biển Đức Nokter Wolf kêu gọi tôn trọng sự nhậy cảm của người dân Bắc Hàn. Cha coi thỏa hiệp giữa hai chính quyền Pyongyang và Seoul liên quan tới việc mở lại khu kỹ nghệ Kaesong, là dấu chỉ sự bớt căng thẳng giữa hai miền Nam Bắc Hàn.

Khu kỹ nghệ Kaesong nằm trên đất Bắc Hàn cung cấp công ăn việc làm cho 53.000 công nhân Bắc Hàn, và hằng năm thu vào 90 triệu mỹ kim cho Bắc Hàn. Hồi tháng 4 năm nay chính quyền Bắc Hàn đã đơn phương quyết định đóng cửa nó. Đức viện phụ Wolf vừa mới từ Bắc Hàn trở về Roma, sau khi viếng thăm nhà thương do dòng xây cất tại Bắc Hàn. Nhà thương này có 100 giường đã gần như hoàn thành, bao gồm cả một khu vực sản khoa và trở thành nhà thương của toàn vùng. Theo Đức viện phụ người dân Bắc Hàn muốn được tôn trọng ngang hàng với các quốc gia khác, chứ không chịu các áp đặt và cách đối xử của thế giới Tây phương coi Bắc Hàn là một quốc gia nhỏ bé vô nghĩa. Cha Bề trên tổng quyền dòng Biển Đức cho biết khó mà có tin tức từ Bắc Hàn. Cha đã phải vào Bắc Hàn qua ngã đông bắc Trung Quốc, chứ không qua ngã thủ đô Pyongyang. Hiệm nay cũng có nhiều công trình đầu tư tại Bắc Hàn, nhưng luôn luôn với sự dè dặt và cũng có các vấn đề với nhà nước (RG 15-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

NGƯỜI DALÍT KITÔ CŨNG PHẢI ĐƯỢC ĐỐI XỬ NHƯ NGƯỜI DALÍT ẤN GIÁO ĐẠO SIKH VÀ PHẬT GIÁO

NGƯỜI DALÍT KITÔ CŨNG PHẢI ĐƯỢC ĐỐI XỬ NHƯ NGƯỜI DALÍT ẤN GIÁO ĐẠO SIKH VÀ PHẬT GIÁO

MUMBAI: Trong bức thư gửi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ngày mùng 9 tháng 8-2013, bà Jayalalitha, thống đốc bang Tamil Nadu, khẳng định rằng người cùng đinh Dalit Kitô cũng phải được đối xử ngang hàng với các người cùng đinh dalít Ấn giáo, đạo Sikh và Phật giáo.

Trong cùng ngày tại thủ đô New Dehli, các cộng đoàn Kitô và Hồi giáo cũng cử hành ”Ngày đen tối” trước nhà thờ Thánh Tâm, tưởng niệm ngày 10 tháng 7 năm 1950 khi quốc hội Ấn chấp nhận Hiến pháp liên quan tới các giai tầng xã hội kỳ thị tín hữu Kitô và tín hữu hồi. Khoản luật 3 của Hiến pháp Ấn chỉ thừa nhận các quyền kinh tế, giáo dục và xã hội cho người đalít theo Ấn giáo. Sau này năm 1956 và 1990 nó mới được nới rộng ra cho các người đalít Phật giáo và đạo Sikh, nhưng vẫn loại trừ người dalít Kitô và Hồi giáo.

Trong thư bà Jayalalitha nêu bật rằng các căng thẳng xã hội phát xuất từ sự bất bình đẳng này trong xã hội. Và tình trạng này đã ngày càng tồi tệ khiến cho cảm tưởng bị tha hóa gia tăng giữa các cộng đoàn thiểu số. Bà thống đốc bang Tamil Nadu thuộc giai tầng các Brahmin, tức các tư tế, là giai tầng xã hội cao nhất tại Ấn.

Theo các nghiên cứu hơn 4,500 năm trước đây dân chúng miền bắc và miền nam Ấn độ bắt đầu trộn lẫn với nhau, nhưng sự trộn lẫn này đã ngưng cách đây khoảng 2,000 năm, và từ đó sự phân chia giai cấp xã hội bắt đầu. Sau khi Ấn độ được độc lập năm 1947 và Hiến pháp được soạn thảo, việc phân chia giai tầng xã hội mất đi các ý nghĩa xưa của nó. Tuy nhiên, giới cùng đinh Dalit vẫn bị coi như là những người ”không thể đụng chạm đến”, và thuộc giai tầng xã hội thấp nhất chỉ được phép làm những công việc thấp hèn (ASIANEWS 13-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THÁNH CHA CÁM ƠN ĐỨC HỒNG Y CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BRASIL VỀ CHUYẾN VIẾNG THĂM ĐỀN THÁNH ĐỨC MẸ APARECIDA

ĐỨC THÁNH CHA CÁM ƠN ĐỨC HỒNG Y CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BRASIL VỀ CHUYẾN VIẾNG THĂM ĐỀN THÁNH ĐỨC MẸ APARECIDA

VATICAN: Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết thư cho Đức Hồng Y Raymundo Damasceno Assis, Tổng Giám Mục Aparecida kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Brasil, để bầy tỏ lòng biết ơn đối với sự tiếp đón nồng hậu dành cho ngài trong chuyến hành hương tại đây nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Rio de Janeiro hồi hạ tuần tháng 7 năm 2013.

Trong sứ điệp đề ngày mùng 2 tháng 8-2013 Đức Thánh Cha nói ngài giữ gìn trong tâm trí các hình ảnh của buổi cử hành sâu đậm tại đền thánh Đức Mẹ Aparecida. Đó cũng đã là dịp sống lại các kỷ niệm của hội nghị lần thứ V của Liên Hội Đồng Giám Muc châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi. Sau khi bầy tỏ lòng yêu mến và sùng mộ đối với Đức Bà Aparecida Đức Thánh Cha xin Đức Hồng Y chuyển lời cám ơn của ngài tới các Giám Mục Brasil cũng như các linh mục và phong trào của Giáo Hội đã lo lắng và nỗ lực tổ chức Ngày Quốc Tế Tế Trẻ rất trôi chảy tốt đẹp. Đức Thánh Cha cầu mong rằng các hạt giống đã gieo vãi nở hoa cho một mùa xuân mới của Giáo Hội và quốc gia Brasil yêu dấu. Ngài xin Đức Mẹ Aparecida bầu cử cho Giáo Hội và dân nước Brasil (SD 17-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP CHO ĐẠI HỘI CÁC DÂN TỘC RIMINI LẦN THỨ 34

ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP CHO ĐẠI HỘI CÁC DÂN TỘC RIMINI LẦN THỨ 34

VATICAN: Trong sứ điệp gửi đại hội các dân tộc lần thứ 34 tại Rimini trung Italia, Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các tham dự viên tìm ra các phương thức mới để rao truyền Tin Mừng trong thế giới ngày càng tục hóa hiện nay.

Sứ điệp mang chữ ký của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, gửi Đức Cha Francesco Lambiasi, Giám Mục Rimini. Nhắc lại đề tài của đại hội là ”Con người sự cấp thiết” Đức Thánh Cha Phanxicô lập lại khẳng định của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: ”Con người là con đường của Giáo Hội”. Con người luôn là một mầu nhiệm không thể bị giản lược vào bất cứ hình ảnh nào mà xã hội và quyền bính tìm áp đặt cho nó. Con người là mầu nhiệm của tự do và ơn thánh, của sự nghèo nàn và cao cả. Con người là con đường của Giáo Hội, bởi vì đó là con đường mà chính Thiên Chúa đã đi qua… Chúa Giêsu Kitô là con người chính của Giáo Hội, nhưng bởi vì Ngài cũng là con đường dẫn đến từng người, nên con người trở thành ”con đường đầu tiên và nền tảng của Giáo Hội” (x. Redemtor hominis, 1314).

Khi khẳng định ”Ta là cửa” (Ga 10,7) Chúa Giêsu muốn nói rằng Ngài là cánh cửa dẫn tới mọi người và mọi sự. Không qua Chúa Kitô, không tập trung nơi Ngài cái nhìn của tâm trí, chúng ta sẽ không hiểu gì về mầu nhiệm con người. Khi hiểu mầu nhiệm về con người, chúng ta bị bó buộc thay đổi các tiêu chuẩn phán đoán và hành động. Thế giới cũng chú ý tới con người. Nhưng quyền bính kinh tế, chính trị, truyền thông cần tới con người để trường tồn và phô trương, nhưng chúng thường tìm lèo lái các đám đông, dẫn vào các ao ước, và xóa bỏ những gì qúy báu nhất mà con người có là tương quan với Thiên Chúa. Quyền bính sợ hãi con người đối thoại với Thiên Chúa, bởi vì cuộc đối thoại ấy khiến cho con người tự do và không thể đồng hóa được.

Và đây chính là sự cấp thiết mà đại hội tình bạn giữa các dân tộc nêu lên: đó là trả con người lại cho chính nó, cho phẩm gia rất cao qúy của nó, cho sự duy nhất và qúy trọng của mọi sự sống con người từ lức thụ thai cho tới khi chết tự nhiên. Cần phải tái duyệt xét sự thánh thiêng của con người, và mạnh mẽ nêu bật rằng chỉ trong tương quan với Thiên Chúa, nghĩa là trong việc khám phá ra và gắn bó với ơn gọi của mình, con người mới có thể đạt tầm mức đích thật của nó. Giáo Hội, mà Chúa Kitô đã trao phó cho Lời Ngài và các Bí Tích, giữ gìn niềm hy vọng lớn nhất và khả thể đích thật nhất của việc hiện thực đối với con người, ở bất cứ vĩ tuyến và thời đại nào. Trách nhiệm này lớn lao chừng nào, và chúng ta không được giữ kho tàng đó cho riêng mình, mà phải chia sẻ với các anh chị em khác… Noi gương Chúa Giêsu chúng ta hãy ra đi gặp gỡ con người thời đại chúng ta, trẻ em người già, người thông thái, người vô học, giới trẻ và các gia đình. Hãy đi tìm gặp họ và gần gũi với từng người, không phải chỉ trong các nhà thờ và các xứ đạo, nhưng chúng ta hãy mang mùi hương tình yêu của Chúa Kitô vào trong mọi môi trường (x. 2 Cr 2,15). Trong các trường học, các đại học, các nơi làm việc, các nhà thương, nhà tù, và cả trong các quảng trường, trên đường phố, tại các trung tâm thể thao thể dục, trong các hàng quán nơi có người lui tới. Chúng ta đừng hà tiện trong việc cho đi điều chúng ta đã nhận được mà không có công nghiệp nào! Chúng ta đừng sợ loan báo Chúa Kitô trong các dịp thuân tiện cũng như không thuận tiện (x. 2 Tm 4,2) với sự tôn trọng và thẳng thắn.

Nhiệm vụ của Giáo Hội và của mọi Kitô hữu là phục vụ con người bằng cách đi tìm nó trong các ngõ ngách xã hội và tinh thần kín ẩn nhất. Và lòng trung thành của Giáo Hội với Chúa Kitô là điều kiện sự đáng tin cậy của Giáo Hội trong sứ mệnh này… (SD 18-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Theo Chúa Giêsu là luôn nhìn lên Chúa và đi theo Người, cho dù có phải trả giá mắc mỏ.

Theo Chúa Giêsu là luôn nhìn lên Chúa và đi theo Người, cho dù có phải trả giá mắc mỏ.

Theo Chúa Giêsu là luôn nhìn lên Chúa và đi theo Người, cho dù có phải trả giá mắc mỏ. Sức mạnh đích thật của kitô hữu là sức mạnh của sự thật và tình yêu thương, bao gồm việc từ chối mọi bạo lực. Đức tin và bạo lực không tương hợp với nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 18-8-2013.

Mở đầu bài huấn đụ Đức Thánh Cha nói: Trong phụng vụ hôm nay chúng ta nghe các lời này của thư gửi tín hữu Do thái: ”Chúng ta hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,1-2). Đây là một kiểu diễn tả, mà chúng ta phải đặc biệt nhấn mạnh trong năm Đức Tin này. Áp dụng vào cuộc sống tín hữu Đức Thánh Cha nói:

Cả chúng ta nữa trong suốt năm nay, chúng ta cũng hãy hướng nhìn lên Chúa Giêsu, bởi vì đức tin đến tư Người, là tiếng ”xin vâng” của chúng ta trong tương quan con thảo với Thiên Chúa; chính Người là Đấng trung gian duy nhất của tương quan ấy giữa chúng ta với Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên Trời. Đức Giêsu là Con, và chúng ta là con trong Người.

Nhưng Lời Chúa trong Chúa Nhật này cũng chứa đựng một lời nói của Đức Giêsu khiến cho chúng ta bị khủng hoảng, và nó phải được giải thích, nếu không nó có thể gây ra các hiểu lầm. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ”Các con tưởng rằng Thầy đến để ban bình an cho trái đất sao? Không, Thầy bảo cho các con biết, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12,51). Điều nay có nghĩa là gì? Và Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Nó có nghĩa là đức tin không phải là một cái gì để trang hoàng, trang sức; không phải là trang hoàng cuộc sống với một chút tôn giáo, hay như chiếc bánh với một chút kem sữa. Không! Đức tin bao gồm việc lựa chọn Thiên Chúa như là tiêu chuẩn nền tảng của cuộc sống, và Thiên Chúa không phải là trống không, không trung lập, Thiên Chúa luôn luôn tích cực, Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu thì tích cực. Sau khi Chúa Giêsu đến trần gian, không còn có thể làm như thể chúng ta không biết Thiên Chúa. Như thể Người là một điều trừu tượng, trống rỗng, quy chiếu thuần túy danh từ, không, Thiên Chúa có một gương mặt cụ thể, có một tên gọi: Thiên Chúa là lòng thương xót. Thiên Chúa là sự trung thành, là sự sống tự trao ban cho tất cả chúng ta. Chính vì vậy Chúa Giêsu nói Thầy đến để đem chia rẽ, không phải Chúa Giêsu muốn chia rẽ con người với nhau, trái lại, Chúa Giêsu là niềm an bình của chúng ta, là sự hòa giải của chúng ta. Nhưng niềm an bình ấy không phải là sự an bình của các nấm mồ, không phải sự trung lập, Chúa Giêsu không đem đến sự trung lập; sự bình an này không phải là một giàn xếp bằng mọị giá. Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa đích thực của việc theo Chúa như sau:

Theo Chúa Giêsu bao gồm việc khước từ sự dữ, ích kỷ và lựa chọn sự thiện, chân lý, công bằng, cả khi nó đòi buộc hy sinh và từ bỏ các lợi lộc. Và chính điều này chia rẽ; chúng ta biết, nó chia rẽ cả những tương quan chặt chẽ nhất. Nhưng hãy chú ý: không phải Chúa Giêsu chia rẽ đâu! Người đưa ra tiêu chuẩn: sống cho chính mình, hay sống cho Thiên Chúa và cho tha nhân; làm cho mình được hầu hạ hay hầu hạ; vâng lời cái tôi của mình hay vâng lời Thiên Chúa. Đó, Chúa Giêsu ”là dấu chỉ sự mẫu thuẫn” là trong nghĩa đó (Lc 2,34).

Như vậy, lời này của Tin Mừng không cho phép sử dụng sức mạnh để phổ biến đức tin. Trái lại: sức mạnh của kitô hữu là sức mạnh của chân lý và của tình yêu, bao gồm tư bỏ mọi bạo lực. Đức tin và bạo lực không tương hợp với nhau. Trái lại, đức tin và sự mạnh mẽ đi đôi với nhau. Tín hữu kitô không bạo lực, nhưng mạnh mẽ. Và với sức mạnh nào? Sức mạnh của sư hiền dịu, sức mạnh của sự hiền dịu, sức mạnh của tình yêu thương.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, cả giữa các người bà con của Chúa Giêsu cũng có vài người cho tới điểm nào đó đã không chia sẻ kiểu sống và giảng dậy của Người; Tin Mừng nói với chúng ta như thế (x. Mc 3,20-21). Nhưng Mẹ Người đã luôn luôn trung thành theo Người, dán chặt cài nhìn trên trái tim Chúa Giêsu, Con Đấng Tối Cao, và trên mầu nhiệm của Người. Và sau cùng, nhờ đức tin của Mẹ Maria, các người bà con của Chúa Giêsu đã bước vào làm thành phần của cộng đoàn kitô tiên khởi (x. Cv 1,14). Chúng ta cũng hãy xin Mẹ Maria trợ giúp chúng ta biết gắn chặt cái nhìn nơi Chúa Giêsu, và theo Người, cho dù có phải trả giá mắc mỏ.

Anh chị em hãy nhớ: theo Chúa Giêsu không phải là trung lập, theo Chúa Giêsu có nghĩa là để cho mình bị liên lụy,, bởi vì đức tin không phải là một đồ trang sức, mà là sức mạnh của linh hồn!

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã xin mọi người cùng ngài cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ đắm phà bên Philippines, cũng như cho gia đình và thân nhân của họ đang phải chịu đau đớn biết bao nhiêu. Ngài cũng nói chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình bên Ai Cập. Xin anh chị em tất cả cùng nói: ”Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương hòa bình, xin cầu cho chúng con! Tất cả mọi người: ”Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương hòa bình, xin cầu cho chúng con!

Đức Thánh Cha đã chào tất cả mọi người hiện diện đặc biệt là nhóm dân ca vũ Ba La đến từ Edmonton bên Canada và nhóm bạn trẻ Brambilla gần Bergamo. Khi nghe họ reo hò Đức thánh Cha nói: ”Cha thấy các con. Cha thấy các con rõ lắm! Rồi ngài nói tiếp: tôi chúc lành cho ngọn đuốc mà các bạn trẻ sẽ đi bộ đem từ Roma về tới nhà họ. Sau cùng ngài đã chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành và bữa trưa ngon miệng.

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

KITÔ HỮU VÀ CẢ TÍN HỮU HỒI AI CẬP BIẾT ƠN LỜI KÊU GỌI HÒA BÌNH CỦA ĐỨC THÁNH CHA

KITÔ HỮU VÀ CẢ TÍN HỮU HỒI AI CẬP BIẾT ƠN LỜI KÊU GỌI HÒA BÌNH CỦA ĐỨC THÁNH CHA

CAIRO: Cha Rafiq Reiche, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Ai Cập, cho biết lời Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình và đối thoại giữa mọi thành phần xã hội Ai Cập đã được công bố trên mọi nhật báo và địa chỉ liên mạng.

Các Kitô hữu và cả tín hữu Hồi đã rất vui mừng biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô về lời kêu gọi nói trên, nhất là các lời cầu nguyện của ngài và của Giáo Hội hoàn vũ cho các nạn nhân của bạo lực và gia đình họ. Cha cho biết đã có nhiều cuộc biểu tình của các Anh em hồi giáo yêu cầu tái lập quyền của tổng thống Morsi. Đã có 40 nhà thờ, trong đó có 10 nhà thờ của Giáo Hội công giáo và 30 nhà thờ của các Giáo Hội chính thống, tin lành và chính thống Hy lạp bị cướp bóc và đốt phá, vài nhà thờ bị đốt phá bình địa. Theo cha thật khó mà tái tạo hòa giải, bởi vì đảng Các anh em hồi giáo và các lực lượng hồi giáo khác không tìm kiếm một giải pháp chính trị. Đại đa số dân muốn có một quốc gia Ai Cập hòa bình, trong khi một nhóm thiểu số đang phổ biến bạo lực và khủng bố cho tới các làng mạc xa xôi hẻo lánh trong vùng Thượng Ai Cập.

Trong một cuộc điện đàm với tổ chức Trợ Giúp các Giáo Hội Đau Khổ, Đức Cha Kyrillos William Samaan, Giám Mục giáo phận Copte công giáo Assiut, cho biết sự kiện ông Ayman Al-Zawahiri, lãnh tụ Al Qaeda vu khống các Kitô hữu đã cùng quân đội âm mưu lật đổ tổng thống Morsi, đã khiến cho nhiều cơ sở Kitô bị tấn công. Bên cạnh đó các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và các đoàn biểu tình phò tổng thống Morsi làm cho nhiều người chết và bị thương, đã khiến cho các lực lượng hồi giận dữ trả thù trên các Kitô hữu.

Danh sách các nhà thờ và tu viện của các Giáo Hội Kitô bị tấn công, cướp phá và thiêu rụi ngày 14-8 dài thêm. Chỉ nội trong giáo phận Assiut đã có khoảng 30 nhà thờ bị tấn công khiến Assiut là giáo phận phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất. Các tín hữu hồi cũng đã tấn công tu viện Chúa Chiên Lành, nhiều hàng quán Kitô và thư viện của Hiệp Hội Thánh Kinh tin lành. Tuy nhiên, cũng có nhiều tín hữu hồi đứng ra bênh vực các Kitô hữu, và họ diễn tả gương mặt thật của xã hội Ai Cập, trong đó tín hữu hồi đa số và Kitô hữu thiểu số chung sống hiệp nhất với nhau. Đức Cha cũng cho biết tình hình của Kitô hữu đã khả quan hơn sau khi tổng thống Morsi bị quân đội bãi nhiệm. Đức Cha rất tiếc là các Anh em hồi giáo đã không tiếp nhận lời quân đội mời gọi hòa giải, vì họ tiếp tục mong muốn một nhà nước hồi giáo. Nhưng đó là điều mà đa số dân Ai Cập không muốn. Đức Cha hy vọng các Giáo Hội Kitô Ai Cập có thể tiếp tục cộng tác và góp phần vào tiến trình dân chủ hóa đất nước (SD RG 16-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

TUẦN LỄ TOÀN QUỐC CHO NGƯỜI DI CƯ VÀ TỊ NẠN TẠI AUSTRALIA

TUẦN LỄ TOÀN QUỐC CHO NGƯỜI DI CƯ VÀ TỊ NẠN TẠI AUSTRALIA

SYDNEY: Trong sứ điệp gửi cho Tuần lễ toàn quốc cho người di cư và tị nạn 19-25 tháng 8 năm 2013, các Giám Mục Australia khẳng định rằng người di cư và tị nạn diễn tả một vấn đề luân lý đạo đức, chứ không phải là vấn đề kinh tế.

Tuần lễ toàn quốc cho người di cư và tị nạn năm nay có chủ đề do Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chọn là ”Di cư: cuộc hành hương của đức tin và niềm hy vọng”. Sứ điệp của các Giám Mục Australia có đoạn viết: ”Cộng đoàn công giáo có bổn phận thảo luận về vấn đề của người di cư và tị nạn. Nó không phải là vấn đề kinh tế hay gắn liền với nền an ninh quốc gia, mà là vấn đề luân lý đạo đức, liên quan tới hạnh phúc và các quyền bất khả xâm phạm của con người. Sự tôn trọng đối với người di cư tị nạn bao gồm các trách nhiệm nặng nề. Chính vì thế các cá nhân, các giáo xứ và tất cả mọi tổ chức công giáo đều phải đưa ra các chương trình gây ý thức và bênh vực quyền của người di cư tị nạn. Cần phải có các giải pháp hữu hiệu từ phía chính quyền địa phương cũng như toàn quốc để đáp ứng các nhu cầu tôn giáo của người di cư tị nạn, bởi vì nó là yếu tố nền tảng trong cuộc sống của từng người. Các Giám Mục ghi nhận rằng nhiều người di cư tị nạn là tín hữu công giáo thuộc các cộng đoàn sinh động trẻ trung, và có người đã từng là giáo lý viên. Vì thế giờ đây cần làm sao để họ có thể chia sẻ với các tín hữu khác sự phong phú đức tin của họ.

Duyệt xét nhiều lý do đã khiến cho họ phải di cư tị nạn như chiến tranh, nghèo đói, thất nghiệp, tai ương dịch tễ, bách hại đàn áp các Giám Mục Australia đã đề nghị hai giải pháp. Thứ nhất là sự cộng tác giữa các chính quyền quốc gia gốc của người di cư tị nạn và chính quyền các nước tiếp đón họ. Nhưng sự cộng tác này chỉ có thể được, nếu phẩm giá con người với các quyền bất khả nhượng của nó được coi như giá trị ưu tiên không thể thương lượng tại quê hương họ cũng như tại các nước họ đi tới. Đồng thời quyền nền tảng xin tị nạn phải được chấp nhận cho những ai lo sợ cho mạng sống của họ, và không được bỏ tù họ. Giải pháp thứ hai do Hội Đồng Giám Mục Australia đề ra là câu hỏi mà mỗi người phải đặt ra cho chính mình: ”Tôi có thể làm gì cho người di cư tị nạn?” Khi đó chúng ta sẽ đặt mình trong hoàn cảnh của họ và hiểu biết các khó khăn, các hy vọng của họ và có thể trợ giúp họ hữu hiệu hơn. Suy tư về di cư tị nạn như một cuộc lữ hành có nghĩa là ý thức rằng các anh chị em này đã bỏ quê hương nhà cửa của họ với đức tin và niềm hy vọng. Trong Năm Đức Tin này cần phải cầu nguyện để đức tin và niềm hy vọng linh hứng các cộng đoàn công giáo sống hiệp nhất và hiệp thông với người di cư tị nạn (SD 16-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

CÁC GIÁM MỤC NIGER KÊU GỌI BẢO VỆ THIÊN NHIÊN

CÁC GIÁM MỤC NIGER KÊU GỌI BẢO VỆ THIÊN NHIÊN

NIAMEY: Nhân kết thúc tháng chay tịnh Ramadan, các Giám Mục Niger đã gửi sứ điệp cho các tín hữu Hồi và mời gọi tín hữu của mọi tôn giáo bảo vệ thụ tạo và thăng tiến môi sinh.

Các Giám Mục viết trong sứ điệp: ”Tín hữu hồi giáo, Kitô và tín hữu mọi tôn giáo khác, chúng ta tất cả đều có bổn phận làm việc như là tôi tớ của Đấng Toàn Năng, Chúa của đất trời, để bảo vệ thụ tạo, là một ơn quảng đại tuyệt vời Thiên Chúa ban để làm cho chúng ta hạnh phúc. Lễ kết thúc tháng chay tịnh Ramadan được cử hành giữa mùa đông, khi nhiều người dân Niger đang nỗ lực làm việc trong các cánh đồng và tin tưởng nơi một mùa gặt phong phú và quảng đại. Xin Thiên Chúa ban cho mọi gia đình hoa trái của công việc làm vất vả, và ban cho chúng ta mưa thuận gió hòa.”

Tiếp tục sứ điệp các Giám Mục Niger khẳng định rằng: ”Thiên Chúa kêu mời chúng ta cộng tác chặt chẽ với thụ tạo, bằng cách tôn trọng thiên nhiên, che chở nó khỏi những người tàn phá xấu xa, không chú ý tới gì khác ngoài lợi nhuận ích kỷ. Chúng tôi chào mừng mọi sáng kiến giúp che chở thụ tạo khỏi bàn tay tàn phá của con người, và chúng tôi khích lệ tất cả các nỗ lực gây ý thức cho các thế hệ mới đối với việc bảo vệ môi sinh”. Các Giám Mục Niger kết luận sứ điệp như sau: ”Chúng ta hãy cùng nhau canh tân tình bạn và sự thiện cảm giữa chúng ta, chúng tôi hết lòng cầu chúc anh chị em một ngày lễ hạnh phúc. Xin Thiên Chúa của Lòng Thương Xót ban cho từng người trong anh chi em hòa bình của con tim” (FIDES 8-8-2013).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

GIÁO HỘI ẤN ĐỘ CỬ HÀNH NGÀY CHÚA NHẬT CÔNG LÝ

GIÁO HỘI ẤN ĐỘ CỬ HÀNH NGÀY CHÚA NHẬT CÔNG LÝ

NEW DEHLI: Nhân kỷ niệm 50 năm Đức Chận phước Giáo Hoàng Gioan XXIII công bố thông điệp ”Hòa bình dưới thế”, Ủy ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ đã phát động Ngày Chúa Nhật Công Lý, mừng vào Chúa Nhật sau lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời năm nay 2013 là 18-8, cũng là ngày độc lập của Ấn Độ.

Đức Cha Yvon Ambroise, Chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa Bình, cho biết mục đích ngày Chúa Nhật Công Lý là mời gọi tín hữu suy tư về một trật tự thế giới mới, dựa trên các cột trụ sự thật, công lý, tình yêu thương và sự tự do; và lấy hứng từ nền văn hóa hòa bình mà Thông điệp mời gọi thực thi. Đơn thuốc hòa bình mà thông điệp cống hiến cho chúng ta rất đơn sơ: đó là thừa nhận phẩm giá con người, tôn trong các quyền của mỗi người trong tất cả mọi tương quan với nhau, đối thoại như dụng cụ giải quyết các xung khắc, lo lắng đối với các vụ tàn sát và tàn phá do chiến tranh gây ra. Thông điệp cũng yêu cầu chấm dứt nạn thi đua vũ trang. Và lời mời gọi này cũng hướng tới Ấn Độ, vì Ấn Độ là một trong các nước nhập cảng nhiều khí giới nhất, và là một trong 24 nước đã không ký vào Thỏa hiệp về việc hạn chế buôn bán vũ khí, do Liên Hiệp Quốc đề ra. Cho đến nay thỏa hiệp này đã được 70 nước ký nhận. Nó đòi buộc sự trong sáng trong việc mua bán vũ khí, và từ chối bán vũ khí cho các nước có nguy cơ chiến tranh.

Nhắc lại sự kiện Hội Đồng Giám Mục Ấn đã thành lập Ngày Chúa Nhật Công Lý hồi năm 1983, Đức Cha Ambrose cho biết mục đích là gây thức cho các cá nhân và tổ chức xã hội bổn phận thăng tiến công lý xã hội. Con đường duy nhất dẫn tới hòa bình là sống công bằng và tha thứ, khước từ bạo lực và báo oán. Chỉ có tình yêu thương mới có sức mạnh biến đổi xã hội.

Các Giám Mục Ấn cũng bầy tỏ âu lo đối với tình trạng xã hội Ấn hiện nay, trong đó chính trị và kinh tế loại trừ người nghèo, không thăng tiến môi sinh, coi con người như các chủ thể tiêu thụ, và vi phạm các quyền con người. Chính vì thế Chúa Nhật Công Lý là lời mời gọi mọi thành phần và tổ chức xã hội dấn thân thăng tiến việc thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ các quyền con người. Các Giám Mục cũng xin các linh mục giảng về công lý và các quyền con người trong các thánh lễ (SD 16-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Giám Mục Tôma Nguyễn Văn Tân về Nhà Cha

 Đức Giám Mục Tôma Nguyễn Văn Tân Giáo Phận Vĩnh Long về Nhà Cha

Duc cha Toma Nguyen Van Tan

Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân (Giám mục Chánh tòa Giáo phận Vĩnh Long) đã qua đời đột ngột vào lúc 21h00 tối ngày 17/08/2013, do bị đột quị, hưởng thọ 73 tuổi.

Ngài sinh ngày 27/12/1940 tại Đại Phước, Càng Long tỉnh Trà vinh thuộc họ đạo Bãi Xan, Giáo phận Vĩnh Long.

Ngài được thụ phong Linh mục ngày 21/12/1969 tại Nhà thờ Chánh tòa Vĩnh Long ở tuổi 29.

Sáng ngày 10/05/2000, Tòa Thánh Vatican loan báo quyết định của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám mục phó Giáo phận Vĩnh Long. Ngài được Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu tấn phong Giám mục tại Vĩnh Long ngày 15/08/2000 cùng 2 vị phụ phong là Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn và Đức Cha Raphael Nguyễn Văn Diệp.

Ngài chọn khẩu hiệu Giám mục là "Ambulate in Dilectione" (nghĩa là: "Hành trình trong Đức Ái").

Ngày 03/07/2001 ngài kế vị theo Giáo Luật và trở thành Giám mục Chánh tòa Giáo phận Vĩnh Long.

Cũng trong sáng ngày 17/08/2013, Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, SDB (Giám mục Chánh tòa Giáo phận Bùi Chu) cũng qua đời vì bị nhồi máu cơ tim.

Như vậy là trong một ngày 17/08/2013 có đến 2 vị Giám mục Chánh tòa đương chức của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đã được Chúa gọi về.

Xin anh chị Legio, trong niềm tin tưởng vào Đức Kitô Phục Sinh, hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Đức Cha Tôma.

Trích từ HĐGMVN

ĐỨC CHA GIUSE HOÀNG VĂN TIỆM, GIÁM MỤC BÙI CHU QUA ĐỜI

ĐỨC CHA GIUSE HOÀNG VĂN TIỆM, GIÁM MỤC BÙI CHU QUA ĐỜI

Đức Cha Hoàng văn Tiệm 1

BÙI CHU: Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, tu sĩ dòng Salesien, Giám Mục Bùi Chu, đã qua đời vì bị nhồi máu cơ tim sáng thứ bảy ngày 17-8-2013, thọ 75 tuổi.

Tin trên cũng đã được Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam gửi cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và bộ Truyền Giáo. Đức Tổng Giám Mục Girelli cho biết thánh lễ an táng Đức Cố Giám Mục Hoàng Văn Tiệm sẽ được cử hành vào lúc 8 giờ rưỡi sáng ngày thứ tư 21 tháng 8 tại nhà thờ chính tòa Bùi Chu.

Đức Cha Hoàng Văn Tiệm sinh năm 1938 tại Hải Sơn, Hải Hậu, Nam Định. Ngài theo học tại Tiểu Chủng Viện Bùi Chu, gia nhập dòng Don Bosco, và vào nhà tập năm 1960, sau đó theo học Triết và Thần học tại Học viện Salesien ở Cremisan bên Italia và Bếtlehem bên Israel, rồi được thụ phong Linh Mục năm 1973. Sau khi về nước ngài làm giáo sư Thần học luân lý tại Học viện Don Bosco Đà Lạt, rồi làm chánh xứ Thanh Bình trong 20 năm. Năm 1995 ngài trở lại làm giáo sư Thần học luân lý tại đại chủng viện Hà Nội. Năm 2001 ngài được Đức Gioan Phaolô II chỉ định làm Giám Mục Bùi Chu.

Giáo phận Bùi Chu hiện có hơn 380 ngàn giáo dân, chiếm hơn 28% trên tổng số hơn 1.3 triệu dân.

Toàn ban Việt Ngữ xin chân thành phân ưu với Đức Cha Phó Tôma Vũ Đình Hiệu và toàn đại gia đình giáo phận Bùi Chu.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THÁNH CHA CHIA BUỒN VỚI GIA ĐÌNH CÁC NẠN NHÂN VỤ ĐẮM PHÀ TẠI CẢNG CEBU BÊN PHILIPPINES

ĐỨC THÁNH CHA CHIA BUỒN VỚI GIA ĐÌNH CÁC NẠN NHÂN VỤ ĐẮM PHÀ TẠI CẢNG CEBU BÊN PHILIPPINES

VATICAN: Đức Thánh Cha Phanxicô bầy tỏ đau buồn trước tin đắm phà ngoài cảng Cebu bên Philippines khiến cho hơn 200 người bị mất tích. Ngài gần gũi gia đình các nạn nhân và phó thác cho lòng thương xót Chúa những người đã qua đời.

Trong điện tín, do Đức Hồng Y Tarcisio Bertone ký gửi Đức Cha Jose Palma Tổng Giám Mục Cebu, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban ơn can đảm và an ủi gia đình các nạn nhân. Tai nạn đã xảy ra đêm 16-8-2013 khi chiếc phà đụng vào một chiếc tầu chở hàng đang vào cảng. Trên phà có 841 người, nhưng đã chỉ có 600 người sống sót.

Philippines là quốc gia có tới 7,000 đảo, và phương tiện di chuyển thông dụng nhất là phà. Trong quá khứ cũng đã xảy ra nhiều vụ đắm phà. Trầm trọng nhất là vụ đắm phà năm 1987 ngoài khơi Manila khiến cho 4,300 người thiệt mạng (RG 17-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

“Ta muốn lửa ấy cháy lên”

“Ta muốn lửa ấy cháy lên”

Bài Phúc âm Chúa nhật hôm nay là một trong những đoạn khó nhất, vì Chúa Giêsu đã sử dụng những từ ngữ mà xem ra có một ý nghĩa khác với ý nghĩa chúng ta thường hiểu. Lửa, Phép Rửa, sự chia rẽ và Chúa xác nhận đây là sứ mạng không thể bỏ qua được của Ngài khi xuống trần gian: “Thầy đến để mang lửa xuống thế gian và Thầy thật ao ước biết chừng nào cho lửa ấy cháy lên. Thầy còn một Phép Rửa phải chịu, anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình, không phải thế đâu nhưng là đến đem sự chia rẽ”.

Thật là những quả quyết khó hiểu nếu không phải do chính chúa nói ra, và nếu chúng ta có quyền thay đổi Lời Chúa thì có lẽ chúng ta đành bỏ đi những lời khó hiểu này rồi. Chúa Giêsu nói đến lửa nào đây? Ngài nhắc đến phép rửa sắp phải chịu, Phép rửa nào đây? Con người khao khát hòa bình, nhưng Chúa lại nói sứ mạng của Ngài mang đến sự chia rẽ, vậy sự chia rẽ nào đây?

Trong vài phút chia sẻ này chúng ta không thể thực hiện một công việc bác họ chú giải, nhưng chỉ cố gắng nhìn tổng quát những Lời Chúa muốn nói với chúng ta. Lửa trong ngôn ngữ Kinh Thánh Cựu ước chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Môisen được Thiên Chúa Toàn Năng hiện ra nơi bụi gai dưới hình thức lửa bốc cháy. Lửa này có sức mạnh biến đổi, thanh luyện con người để hình ảnh của Thiên Chúa được chiếu sáng rõ ràng hơn nơi chính mình.

Sức mạnh cứu rỗi của Chúa Giêsu trên trần gian này không khác gì hơn là làm cho Thiên Chúa được hiện diện trong cuộc sống con người, là biến đổi và thanh tẩy con người khỏi vết nhơ tội lỗi, để con người được tỏa chiếu sáng hơn hình ảnh của Thiên Chúa: “Thầy đến để mang lửa” hay đúng hơn “để gieo lửa”. Hành động gieo lửa nổi lên một sự tích cực nhiều hơn là từ ngữ “mang”. Chúa Giêsu không chỉ mang xuống mà Ngài còn ra sức tận dụng hết sức mình, tận dụng hết khả năng của Ngài để gieo rắc lửa đó xuống trần gian giữa những gian nan thử thách, chống đối không tin của con người. Sứ mạng này Chúa phải chu toàn, không thể nào tránh né được.

Chúng ta còn nhớ vào khởi đầu sứ mạng rao giảng Tin Mừng, ma quỉ đã đến cám dỗ Chúa hãy quì xuống tôn thờ ma quỉ để rồi mọi vinh quang, mọi vương quốc trên trần gian này được trao cho Chúa. Nhưng Chúa Giêsu đã mạnh mẽ không để cho ma quỉ làm Ngài lạc hướng, vì mục đích đời Ngài chỉ làm cho con người tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi. Sứ mạng của Chúa lúc nào cũng phải là làm cho Thiên Chúa được nhìn nhận, được tôn thờ và được tôn vinh nơi con người, dù phải trả giá thật đắt là phải hy sinh chính mạng sống mình trên thập giá.

Cái chết của Chúa, cuộc thương khó của Ngài, đó là Phép Rửa mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Thầy còn một Phép Rửa phải chịu”. Chúng ta nhớ trên đường lên Giêrusalem để thực hiện cuộc vượt qua trong đau thương, hai môn đệ Giacôbê và Gioan nhờ mẹ mình đến xin Chúa Giêsu cho được ngồi bên tả, bên hữu Chúa và Chúa Giêsu đã có phản ứng như sau: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống hay chịu được Phép Rửa Thầy sắp chịu hay không? Chén Thầy uống các con cũng sẽ uống và Phép Rửa Thầy chịu các con cũng sẽ chịu”.

Rõ ràng, Chúa Giêsu nói đến cuộc thương khó của Người qua từ ngữ “Phép Rửa”. Chúa Giêsu phải đi vào cuộc thương khó, phải thực hiện cuộc hy sinh trên thập giá để có thể gieo lửa tình yêu Thiên Chúa xuống trần gian, nhất là gieo tình yêu đó vào trong tâm hồn con người. Đây không phải là sứ mạng dễ dàng, một sứ mạng đòi hỏi nhiều hy sinh, một sứ mạng đòi Chúa phải hy sinh chính mạng sống mình và đổ máu mình ra trên thập giá và Ngài mời gọi các môn đệ hãy đi qua, đi ngang con đường này.

Trong một ngôn ngữ dễ hiểu hơn, Ngài đã mời gọi: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác lấy thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Ai không vác lấy thập giá mà theo Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta”. Thật là những lời vừa mời gọi, vừa cảnh tỉnh mà chúng ta không thể nào lơ là bỏ qua được.

Cuộc đời theo Chúa, đón nhận lửa Chúa gieo xuống và lãnh nhận Phép Rửa Chúa chịu. Cuộc đời theo Chúa này là một cuộc đời đầy hy sinh từ bỏ, chấp nhận tách rời ra khỏi những gì cản trở ta trở nên giống Chúa và đây là sự chia rẽ mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Theo Chúa, sống trung thành với Lời Chúa, lãnh nhận lửa tình yêu của Chúa trong tâm hồn và chấp nhận hy sinh như Chúa đã hy sinh trên thập giá, chấp nhận chịu Phép Rửa của Chúa. Theo Chúa như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ được bình an thật Chúa ban cho, nhưng đồng thời chúng ta cũng bị chia rẽ, bị tách rời ra khỏi kẻ khác, nhất là khi những kẻ khác đó a dua hoạt động cho ma quỉ chống lại chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa.

Người đồ đệ của Chúa không thể nào đi con đường khác con đường mà Chúa đã đi qua, và sứ mạng mà Chúa muốn cho mọi người đồ đệ thực hiện cũng là sứ mạng gieo lửa xuống trần gian qua cuộc đời chịu đóng đinh với Chúa, chịu Phép Rửa của Chúa. Thử hỏi chúng ta có sẵn sàng chưa? Chúng ta có đủ can đảm chưa? Và chúng ta muốn theo Chúa, chúng ta xin được theo Chúa trọn đời nhưng chúng ta có biết rõ điều chúng ta xin hay không?

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta được trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến, cho mỗi người chúng ta được sẵn sàng hơn để đón nhận lửa Thiên Chúa đến trong tâm hồn và để cho lửa đó đốt cháy những tật xấu nơi con người chúng ta. Xin Chúa cho mỗi ngày chúng ta được trở nên giống Chúa hơn, cho chúng ta được sẵn sàng chịu phép rửa của Chúa, chấp nhận hy sinh, chấp nhận từ bỏ, chấp nhận chia rẽ, tách rời khỏi những gì cản trở ta theo Chúa. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua Kinh Tin Kính.

Veritas Radio

Ánh sáng và bóng tối

Ánh sáng và bóng tối

Một đạo sĩ Ấn Độ hỏi các đệ tử: “Này các con, các con có biết khi nào đêm tàn và ngày xuất hiện không?”. Các môn đệ thi nhau trả lời. Có người hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện là khi mà nhìn một đoàn vật từ xa người ta có thể phân biệt được con nào là con bò, con nào là con trâu không?”. Thày lắc đầu: “Không phải”. Một đệ tử khác lại hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui, là khi từ xa nhìn vào vườn cây người ta có thể phân biệt cây nào là cây xoài, cây nào là cây mít không?”. Thày vẫn lắc đầu. Không đệ tử nào trả lời được câu hỏi. Lúc đó, đạo sĩ mới từ từ nói: “Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nhìn vào mặt nhau, người ta nhận ra nhau là anh em”.

Thật kỳ lạ. Chúng ta đã biết nhiều loại ánh sáng như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, ánh sáng đèn điện, đèn pin, ánh sáng đèn dầu, đèn cầy. Cả những ánh sáng tinh vi như tia hồng ngoại, tia X. Tất cả chỉ soi sáng cho thấy sự vật như nó là. Không có ánh sáng nào soi vào mặt một người xa lạ có thể biến người đó thành anh em mình cả. Thứ ánh sáng ấy ở đâu?

Mẹ Têrêxa có thể trả lời câu hỏi này. Một hôm, Mẹ ghé thăm một người đàn ông tội nghiệp. Ông sống trong một túp lều tồi tàn, lụp xụp. Bên trong lều là cả một bãi rác mênh mông. Mùng mền, chăn chiếu, quần áo hỗn độn, rách nát và hôi hám. Nhà cửa, đồ đạc phủ một lớp bụi dầy. Thế mà ông lão tự giam mình trong đống rác ấy. Ông ghét bỏ mọi người nên không lui tới với ai. Ông sống cô độc. Mẹ Têrêxa và các chị vào chào ông. Ông làm thinh không đáp. Thấy căn lều hỗn độn, bụi bặm, các chị xin phép ông dọn dẹp, ông không trả lời. Mặc kệ! Các chị cứ bắt tay vào dọn dẹp, xếp đặt, lau chùi. Thấy trong góc lều có một cây đèn, mẹ Têrêxa lấy ra lau chùi. Chùi sạch lớp bụi, mẹ kêu lên: “Ồ, cây đèn đẹp quá!”. Ông lão bỗng lên tiếng: “Đó là cây đèn tôi tặng vợ tôi nhân dịp đám cưới”. – Ông không thắp đèn lên sao?”. – Không, từ khi vợ tôi qua đời, tôi không bao giờ thắp đèn”. – Thế ông có muốn chúng tôi tới thăm ông mỗi ngày và thắp đèn cho ông không?”. Thấy các nữ tu tử tế, ông đồng ý. Từ đó, mỗi chiều các chị đều ghé thăm, truyện trò và thắp đèn cho ông. Dần dà, ông trở nên vui vẻ yêu đời. Ông nói chuyện cởi mở với các nữ tu. Ông đi lại thăm viếng hàng xóm. Mọi người đến với ông. Căn lều hiu quạnh trở lại ấm áp. Trước kia, căn lều tăm tối không phải vì ông không thắp đèn, nhưng vì ngọn lửa trong trái tim ông lịm tắt. Nay căn lều sáng lên niềm vui không phải vì ánh sáng ngọn đèn dầu, nhưng vì ánh sáng trong trái tim ông bừng lên. Trước kia ông thù oán, xa lánh mọi người vì ánh lửa trong trái tim tàn lụi. Nay nhờ các nữ tu nhen nhúm, ngọn lửa trong trái tim ông bừng lên và ông cảm thấy tha thiết yêu mến mọi người và mọi người cũng tha thiết yêu mến ông.

Thứ ánh sáng kỳ diệu ấy phát xuất từ trái tim. Ánh sáng ấy ta thấy thấp thoáng khắp các trang sách Tin Mừng. Khi người xứ Samaria nhân hậu cúi xuống băng bó vết thương cho người bị nạn, ánh sáng bừng lên. Hai người xa lạ nhìn vào mặt nhau và nhận ra nhau là anh em.

Chúa Giêsu mang ánh sáng này xuống trần gian. Và Người ước mong cho ngọn lửa yêu thương cháy bừng lên soi sáng cho thế giới: “Thày đã đến ném lửa vào trái đất, và Thày những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”. Lời ước mong thật tha thiết nhưng có pha lẫn ngậm ngùi. Phải chi lửa ấy đã bùng lên có nghĩa là lửa ấy chưa bùng lên cao, chưa lan ra xa.

Thật vậy, nhìn vào tình hình thế giới, chiến tranh không lúc nào ngơi. Thế kỷ 20 đã biết đến hai cuộc thế chiến với biết bao thiệt hại về người về của và nhất là về tình đoàn kết. Trong thập niên 80, chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông-Tây chấm dứt, người ta tưởng rằng giấc mơ hoà bình thế là đã thành sự thật. Nhưng không, chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Rwanda, Kosovo, ở Trung Đông… ánh sáng vẫn chưa soi tới những vùng chiến tranh. Bóng tối hận thù vẫn còn vây phủ. Những người anh em vẫn còn chém giết nhau.

Nhìn vào bản thân mình, ta thấy trong ta cũng còn nhiều vùng mà ánh sáng Tin Mừng chưa soi dọi tới. Trong lòng ta vẫn còn những ngõ ngách chứa đầy bóng tối ghen ghét, hận thù. Nên ta nhìn ra chung quanh mà ít gặp được anh em mình.

Lời Chúa hôm nay tha thiết kêu gọi ta. Hãy khơi cho ngọn lửa yêu thương bừng sáng lên. Hãy đẩy lùi bóng tối chiến tranh, chia rẽ, hận thù. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận và ban phát yêu thương, xoá đi những nhỏ nhen, ích kỷ. Để mọi người nhìn nhau là anh em thực sự. Bấy giờ đêm mới tàn và ngày mới bắt đầu. Bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng, ánh sáng rực rỡ phát xuất từ những trái tim chan hoà yêu thương.

Lạy Chúa, xin hãy nhóm lên trong trái tim con ngọn lửa yêu thương của Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Bạn đang sống trong ánh sáng hay bóng tối?

2) Bạn có muốn góp phần đem ánh sáng của Chúa đi gieo rắc khắp nơi không?

3) Bạn bắt đầu chiếu sáng bằng cách nào?

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

NGỌN LỬA TÌNH YÊU (2)

NGỌN LỬA TÌNH YÊU (2)

Chúa Giêsu nói với các môn đệ về sứ mạng của Ngài là: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy cháy bùng lên!”.

Lửa ấy là gì?

Trong Kinh Thánh, từ “lửa” được đề cập 480 lần. Lửa mang nghĩa biểu tượng thánh thiêng chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa tỏ mình ra cho ông Môsê giữa bụi gai cháy rực cháy (x. Xh 3,2). Thiên Chúa lập giao ước dưới chân núi Sinai (x. Đnl 1,33; 4,11-12.36; 5,4.22). Lửa là hình ảnh Thiên Chúa hướng dẫn dân Do thái trong sa mạc (x. Xh 13,21).

Trong Tân Ước, lửa là hình ảnh của Chúa Thánh Thần khi Người ngự xuống trên các Tông đồ dưới dạng hình lưỡi lửa vào ngày Lễ Ngũ Tuần (x. Cv 3,2). Lửa là sức mạnh của Thánh Linh, khi các Tông đồ nhận được Chúa Thánh Thần, các ông đã trở nên con người hoàn toàn mới: Can đảm ra đi rao giảng Tin Mừng (x. Cv 1,8), làm chứng, hy sinh vì Tin Mừng và vì tình yêu của Đức Kitô Phục Sinh. Lửa chính là tình yêu nồng cháy của Đức Giêsu (x. Lc 12,49).

Lửa còn tượng trưng cho sự thanh luyện, thiêu huỷ và phán xét. Đó là ngọn lửa từ trời xuống thiêu huỷ thành Sôđôma và Gômôra (x. St 19,24), mưa lửa từ trời xuống như một phần của sự phán xét trong ngày tận cùng của thế giới (x. Lc 17,29); hay là lửa soi sáng trong Ngày của Thiên Chúa (x. 1 Cr 3,13; Mt 3,11-12).

Theo các nhà chú giải Kinh thánh, lửa ấy chính là: Chân lý, là Tin Mừng, là Thần Khí và là Tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn cho “lửa” đó được bùng lên, nghĩa là muốn cho mọi người trên khắp thế giới được nhận biết Chân lý và Tình yêu của Thiên Chúa.

Dùng hình ảnh lửa, Chúa Giêsu có ý nói đến nội dung và đặc điểm sứ mạng của mình. Lửa bừng cháy và tỏa sức nóng, lửa đem lại ánh sáng xua tan bóng tối, thiêu đốt thành tro, nung nấu tan chảy và làm cho biến đổi.

Bằng ẩn dụ lửa, Chúa Giêsu gợi lên nội dung sứ mạng của mình là mang ánh sáng chân lý từ trời cao ném vào mặt đất, để soi sáng con đường cứu nhân loại thoát khỏi bóng tối nô lệ tội lỗi, đồng thời thiêu hủy sự dữ và thanh luyện con người nên tinh tuyền.

Khởi đầu sứ vụ, trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ ràng về lửa được Ngài ném vào thế gian. Đó là lửa của những mối phúc (x.Mt 5,3-12; Lc 6,20-26), đặc biệt lửa của những phép lạ, lòng khoan dung tha thứ tội lỗi và của trái tim nhân từ cảm hóa kẻ lầm lạc.

Người môn đệ cũng phải tiếp tục mang lửa của Chúa Giêsu vào trần gian bằng cách loan báo và làm chứng từ chính cuộc sống bừng lửa của mình. Lửa của những mối phúc thật. Lửa của sự sống phục sinh. Lửa đã tỏa sáng và thanh luyện những người bước theo Chúa Giêsu.

“Thầy ước mong ngọn lửa ấy bùng lên!”. Đó là tâm nguyện của Chúa Giêsu và cũng là trách nhiệm của mỗi người tín hữu chúng ta.

Tại một khu phố cổ Ấn Độ, trên đường cũng như trong nhà thường không có đèn. Giữa những khu phố như thế, thỉnh thoảng người ta thấy mọc lên một ngôi đền An giáo. Dĩ nhiên, trong những ngôi đền như thế, ánh sáng cũng không được đốt lên thường xuyên. Từ trên nóc đền thờ cũng như dọc theo bốn bức tường, họ treo những chiếc lồng đèn. Khoảng trống trong những chiếc lồng đèn ấy vừa vặn để cho vào một chiếc đèn dầu.

Bình thường ngôi đền thờ vắng lạnh vì tăm tối. Nhưng cứ mỗi sáng sớm, khi các tín hữu dùng đèn dầu soi đường để đi qua các khu phố đến đền thờ cầu nguyện, họ cũng mang chính những ngọn đèn ấy và đặt vào trong những chiếc lồng đèn trong nhà thờ. Thành ra, khi mỗi tín hữu đặt ngọn đèn của mình vào trong các lồng đèn, ngôi đền thờ bỗng sáng rực lên một cách lạ kỳ.

Thế giới này được ví như một ngôi đền thờ rộng lớn, mỗi tín hữu phải đặt vào đó ngọn lửa tình yêu, để thế giới này bừng sáng lên tình anh em một nhà.

Chúa Giêsu đã đem ngọn lửa tình yêu thắp sáng trong tâm hồn chúng ta.Trách nhiệm mỗi người là thắp sáng ngọn lửa ấy bằng đời sống chứng nhân.

Mahatma Gandhi, vị thánh của Ấn Độ đã nhận định rất sâu sắc về ngọn lửa tình yêu này như sau: “Một vật cứng rắn đến đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa tình yêu. Nếu vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa không đủ mạnh”.

Thông điệp mới của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với tựa đề “Ánh sáng đức tin” muốn nói truyền thống của Hội thánh, cho thấy hồng ân lớn lao do Chúa Giêsu mang đến, được trình bày trong Tin mừng thánh Gioan: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12, 46). Cả thánh Phaolô cũng diễn tả tương tự như sau: “Xưa Thiên Chúa đã phán: ‘Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm’, Ngài cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi” (2Cr 4, 6).

“Ai tin, sẽ thấy” vì ánh sáng đức tin xuất phát từ Thiên Chúa và vì nó có khả năng chiếu rọi mọi khía cạnh trong cuộc hiện sinh của con người, nên nó diễn tiến không những từ quá khứ, từ ký ức về cuộc đời Chúa Giêsu, mà còn từ tương lai khi nó mở ra nhiều chân trời rộng lớn.

Một vài trích dẫn sau đây từ Thông điệp “Ánh sáng đức tin” cho thấy Chúa Giêsu là nguồn ánh sáng, ai tin vào Người sẽ sống trong ánh sáng của Sự Thật và Tình Yêu.

“Ánh sáng đức tin có một đặc tính khác thường, vì có thể soi sáng toàn thể hiện hữu của nhân sinh. Bởi có một năng lực như thế, nguồn cội của ánh sáng đức tin không thể phát xuất từ chính chúng ta, mà phải đến từ một Nguồn nguyên thủy nhất, xét cho cùng, là đến từ chính Thiên Chúa. Đức tin nảy sinh trong cuộc gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, Đấng kêu gọi chúng ta và mạc khải Tình yêu của Ngài cho chúng ta, một tình yêu đi bước trước chúng ta và làm nền tảng cho ta đứng vững và xây dựng cuộc sống mình”.

“Các tác giả Phúc âm đã đặt giờ Chúa chịu treo trên Thánh Giá như là chóp đỉnh của cái nhìn đức tin, vì trong giờ ấy chiếu tỏa rực rỡ chiều cao và chiều rộng của Tình yêu Thiên Chúa. Thánh Gioan đưa ra lời chứng long trọng của ngài khi ngài cùng với Đức Mẹ, Mẹ của Đức Giêsu chiêm ngắm Đấng Bị Đâm Thâu (x. Ga 19, 37): “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19, 35). Chính khi chiêm ngắm Đức Giêsu chịu chết mà đức tin của chúng ta được củng cố và có được một ánh sáng chói lọi, chính khi nó mạc khải cho chúng ta như một niềm tin vào Tình yêu không lay chuyển của Người dành cho chúng ta, một tình yêu có thể đi vào cái chết để cứu độ chúng ta. Tình yêu này, vốn không tự miễn chước sự chết để bộc lộ Người yêu thương ta dường nào, là một tình yêu có thể tin được. Tình yêu ấy bộc lộ ra trong toàn thể thắng vượt mọi nghi ngờ và cho phép ta đặt hoàn toàn tin cậy vào Đức Kitô.

“Nếu như tình yêu cần đến sự thật, thì sự thật cũng cần đến tình yêu. Tình yêu và sự thật không thể tách biệt nhau. Không có tình yêu, sự thật trở thành lạnh lùng, phi ngã vị, áp bức trên đời sống cụ thể của con người. Sự thật mà chúng ta tìm kiếm, sự thật đem lại ý nghĩa cho những bước đường ta đi, sự thật ấy sẽ soi chiếu chúng ta khi ta được tình yêu chạm đến. Ai yêu thương sẽ hiểu rằng tình yêu là kinh nghiệm sự thật, rằng chính tình yêu mở mắt chúng ta ra để nhìn thấy toàn thể thực tại một cách mới mẻ, trong khi kết hiệp với người mình yêu”.

“Đức Chân phước Gioan Phaolô II, trong thông điệp Fides et Ratio, đã cho thấy đức tin và lý trí củng cố cho nhau như thế nào. Khi ta có ánh sáng viên mãn của tình yêu của Đức Giêsu, chúng ta khám phá ra rằng trong mỗi tình yêu của ta đã có mặt một tia của ánh sáng ấy rồi và chúng ta hiểu đâu là cùng đích của nó”.

“Ánh sáng của đức tin vào Chúa Giêsu cũng soi sáng hành trình của tất cả những ai tìm kiếm Thiên Chúa, và góp phần mình cho Kitô giáo trong cuộc đối thoại với các tín đồ của các tôn giáo khác”.

“Người tin thì hoàn toàn dấn thân sống đức tin mình tuyên xưng. Đức Maria nhờ kết hợp với Chúa Giêsu, sống sát với những gì mà chúng ta tin”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta nhìn lên Đức Maria, “mẫu mực hoàn hảo” của Đức Tin, Đấng, vì là Mẹ Chúa Giêsu, đã tượng thai “đức tin và niềm vui”.

Lạy Chúa Giêsu, xin đốt lên trong chúng con ngọn lửa từ trái tim yêu thương của Chúa, để chúng con soi sáng những ai còn ngồi trong tăm tối, sưởi ấm những ai đang lạnh lùng, thanh luyện những cõi lòng chai đá, để khắp nơi trên trái đất này tràn đầy ánh lửa tình yêu Chúa. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

TÔI CÓ NÊN QUỲ GỐI?

TÔI CÓ NÊN QUỲ GỐI?

Sự tận tụy với Chúa Giêsu, đôi khi đưa chúng ta vào vị thế đối nghịch với những người chúng ta yêu mến

Một khoảng thời gian trước đây, nhà bỉnh bút Arthur Jones của tờ National Catholic Reporter đã chia sẻ với độc giả một giây phút quan trọng xảy ra trong cuộc đời ông trước đây (March 28, 1986). Điều này xảy ra khi ông được chọn vào Không Lực Hoàng Gia và thấy mình ở trong một trại lính với 30 người khác.

Vào đêm đầu tiên ông có một quyết đinh lớn. Ông thường quỳ gối cầu nguyện. Bây giờ ông có nên tiếp tục quỳ gối như thế khi ở trong quân ngũ không? Ông suy nghĩ đôi chút và tự nhủ: “Tại sao tôi phải thay đổi chỉ vì người ta đang nhìn? Có phải tôi bắt đầu cuộc đời xa nhà của tôi bằng cách để cho người khác ra lệnh cho tôi những gì phải làm và không nên làm?” Ông quyết định quỳ cầu nguyện.

Vào lúc ông chấm dứt, ông biết mọi người đều để ý đến ông. Và khi ông làm dấu thánh giá, ông biết rằng mọi người đều biết ông là một người Công Giáo.

Thì ra ông là người Công Giáo duy nhất trong trại lính. Tuy nhiên, ông quỳ gối cầu nguyện hàng đêm.

Ông nói rằng mười phút quỳ cầu nguyện đó thường đưa đến những cuộc tranh luận kéo dài hàng giờ đồng hồ.

Vào ngày cuối cùng trong trại lính, có người nói với ông, “Ông là một Kitô Hữu tốt lành nhất mà tôi chưa bao giờ gặp.”

Ông trả lời, “Có thể tôi là người Kitô Hữu công khai nhất mà bạn chưa từng gặp, nhưng tôi không nghĩ tôi là người tốt lành nhất. Dù vậy, tôi cảm ơn bạn về câu nói của bạn.”

Câu chuyện này minh họa một trong những điểm của bài phúc âm hôm nay. Sự tận tụy với Đức Giêsu Kitô có nghĩa giữ vững lập trường ở những điều nào đó. Và, nhiều khi, lập trường đó đưa chúng ta vào vị thế đối nghịch với người khác.

Nhưng chính sự đối nghịch này giúp chúng ta có thể trở nên một loại nhân chứng mà Chúa Giêsu nói trong Bài Giảng Trên Núi. Người nói:

“Các con là ánh sáng cho toàn thể thế gian. Một thành xây trên núi thì không thể giấu được. Ông ai đốt đèn và đặt nó dưới đáy thùng; nhưng họ đặt nó trên giá, để chiếu sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của các con phải chiếu tỏa trước mọi người, như vậy họ sẽ thấy những việc tốt lành con làm và ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt. 5:14-16).

Nhiều khi, sự tận tụy của chúng ta với Chúa Giêsu sẽ khiến chúng ta bị bách hại, như ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc một hôm nay.

Nhiều khi nó sẽ khiến chúng ta phải cố gắng tranh đấu, như Thánh Phaolô nhận xét trong bài đọc hai.

Nhiều khi nó khiến chúng ta chống đối với ngay cả những người trong gia đình, như Chúa Giêsu cảnh giác trong bài phúc âm hôm nay.

Đây là một trong những lý do tại sao người La Mã xưa đã ghét bỏ Kitô Giáo đến thế. Nó đã tách biệt gia đình họ.

Một khi đứa con trở nên một Kitô Hữu, họ không còn có thể cùng với người khác thờ phượng tà thần.

Họ không có thể cùng với người khác cổ vũ hai người nô lệ giết nhau ở đấu trường.

Họ không còn có thể cùng với người khác khuyên em gái mình hãy để bé sơ sinh tật nguyền chết dần mòn thay vì để nói lớn lên và tàn tật.

Họ không còn có thể cùng với bạn bè tham dự các cuộc vui chơi trụy lạc và vô luân là đặc điểm của xã hội Rôma thời bấy giờ.

Hàng ngày, người Kitô Hữu ở Rôma phải quyết định là họ có nên yêu thương bà con thân thuộc hơn là yêu mến Chúa Kitô không.

Và thường thường điều này khiến họ ở vào tình trạng đối nghịch với gia đình mình.

Một thí dụ cho sự đối nghịch như thế xảy ra trong vở kịch Fiddler on the Roof. Câu chuyện xảy ra ở Nga vào năm 1905. Vở kịch tập trung vào một người tên là Tevye, người cha của một gia đình Do Thái nghèo. Tevye có năm cô con gái và không có con trai.

Cô gái lớn lấy một thợ may là người không được chọn cho cô theo truyền thống “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Sau khi vật lộn với lương tâm của mình, ông Tevye phải chấp nhận hôn nhân này.

Cô con gái kế kết hôn với một sinh viên, là người đã đạp đổ nhiều truyền thống của Do Thái Giáo. Lại một lần nữa phải vật lộn với lương tâm, ông Tevye cũng phải chấp nhận hôn nhân này.

Sau cùng, cô con gái thứ ba, Chava, kết hôn với một người không phải Do Thái, một quân nhân Nga còn trẻ. Khi bà Golde, vợ ông Tevye, báo tin này, ông nói, “Với chúng ta, con Chava đã chết! Chúng ta phải quên nó đi.”

Bà Golde biến dạng sau hậu trường, và ông Tevye bắt đầu cất tiếng ca bài được gọi là “Chavaleh”. Trong đó ông tâm sự với Thiên Chúa. Ông không hiểu tại sao Chava lại làm điều mà cô đã làm.

Vào lúc đó, Chava xuất hiện và bắt đầu nài nỉ ông Tevye chấp nhận cô và chồng cô. Ông Tevye ngước mắt lên trời và nói: “Làm thế nào con có thể chấp nhận chúng? Có thể nào con từ chối mọi điều con tin? Đằng khác, có thể nào con từ chối chính đứa con của con?… [Nhưng nếu con từ chối mọi điều con tin tưởng…] nếu con cố bẻ cong như thế, con sẽ gẫy… Không, Chava.”

Khi Chúa Giêsu mời người ta theo Người, Chúa biết điều mà Người yêu cầu nơi họ. Với một số người, điều đó có nghĩa phải thi hành điều mà cô Chava đã làm. Có nghĩa từ bỏ cha mẹ, và gia đình.

Nói cách khác, lời hứa với Chúa Giêsu thì phải ở vị thế ưu tiên trên mọi thứ khác, ngay cả lời hứa với gia đình mình.

Và đây là thông điệp của các bài đọc hôm nay. Đó là một thông điệp mà nó quan trọng trong ngày nay cũng như vào thời của Chúa Giêsu. Lời hứa của Kitô Hữu với Chúa Giêsu và Chúa Cha phải giữ ưu tiên trên mọi thứ khác. Lời hứa của Kitô Hữu đối với sự sáng và sự thật thì không thể tương nhượng bất cứ cách nào.

“Các con là ánh sáng cho toàn thể thế gian. Một thành xây trên núi thì không thể giấu được. Ông ai đốt đèn và đặt nó dưới đáy thùng; nhưng họ đặt nó trên giá, để chiếu sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của các con phải chiếu tỏa trước mọi người, như vậy họ sẽ thấy những việc tốt lành con làm và ngợi khen Cha các con ở trên trời” Mt. 5:14-16

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự can đảm để đi theo Chúa, dù rằng điều đó khiến chúng con phải tranh đấu, như Thánh Phaolô viết trong bài đọc hai hôm nay.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự can đảm để đi theo Chúa, dù rằng điều đó khiến chúng con bị bách hại, như ngôn sứ Giêrêmia đã bị trong bài đọc một hôm nay.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự can đảm để đi theo Chúa, dù rằng, đôi khi điều đó đưa chúng con vào thế đối nghịch với gia đình, như Đức Giêsu đã cảnh giác chúng con trong bài phúc âm hôm nay.

Lm. Mark Link, S.J.