PHÉP RỬA (LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA)

PHÉP RỬA (LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA)

Trong vòng vài tuần lễ vừa qua, Giáo Hội cử hành nhiều Lễ Mừng. Mùa Vọng mời gọi chúng ta sám hối và chuẩn bị tâm hồn đón Chúa giáng trần. Mùa Giáng Sinh đã qua. Chúa đã tỏ mình ra cho các mục đồng nơi máng cỏ. Rồi các nhà Đạo Sĩ từ phương xa đã đến tôn kính, bái thờ và dâng lễ vật cho Chúa Hài Nhi. Giáo Hội kết thúc Mùa Giáng Sinh với Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa bởi ông Gioan Tẩy Giả tại sông Giôđan. Nguồn gốc lễ này vào những thế kỷ đầu được cử hành đồng thời với Lễ Hiển Linh. Khi Chúa Giêsu bắt đầu công khai ra giảng đạo và chính thức thi hành sứ mệnh cứu độ, Chúa đã nhập hàng với đoàn dân để nhận phép rửa của Gioan. Phép rửa của Gioan không xóa tội lỗi nhưng là một nghi thức sám hối. Phép rửa là dấu chỉ một sự hối lỗi quay đầu. Biết mình là một bước khởi đầu tu thân. Chúa Giêsu hòa nhập giữa đám đông trong tình liên đới thân phận để từ đó dẫn dắt mọi người ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi.

Thiên Chúa đã dùng miệng tiên tri Isaia để loan báo cho toàn dân: “Ta là Thiên Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước (Is 42, 6). Isaia truyền đạt một sứ mệnh được ẩn tàng nơi Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài là ánh sáng tỏa chiếu trong đêm tối và soi dọi đường nẻo công chính. Isaia đã giới thiệu Ngài cho toàn dân qua Bài ca Thứ Nhất nói về Người Tôi Trung hiền lành và tín trung: Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý (Is 42, 3). Những lời tiên báo này từ từ được tỏ hiện một cách rõ ràng nơi một con người. Người Tôi Trung chính là Chúa Giêsu Kitô sẽ hoàn tất mọi việc để ứng nghiệm các lời tiên tri công bố về Ngài.

Nhìn lại, Giáng Sinh tại quê nhà Việt Nam rất vui, hầu như mọi người cả Lương lẫn Giáo đều nao nức tham dự ngày Sinh Nhật Chúa. Mọi giáo dân tuôn về các Nhà Thờ hân hoan tham dự Lễ Vọng Giáng Sinh và Lễ Giáng Sinh. Trong khi tại các xứ đạo đa văn hóa ở nước ngoài, Mùa Vọng nhiều người chuẩn bị khá rộn ràng để đón mừng Lễ Chúa Giáng Sinh, nhưng chính ngày Lễ Mừng, số người tham dự xem ra rất khiêm tốn. Nhìn chung thấy rằng người ta dành nhiều thời gian cho các sinh hoạt khác như đi mua sắm, tiệc tùng, thưởng ngắm phố chợ và rong chơi. Một số nhóm dân tộc thuộc truyền thống của Nam Mỹ không chú tâm nhiều vào ngày lễ Giáng Sinh, nhưng tâm tình hướng đến việc cử hành Lễ Hiển Linh. Chúng ta biết Chúa đến ban bình an và niềm vui ơn cứu độ cho nhân loại. Niềm vui được lan tỏa khắp nơi tới mọi tâm hồn. Chúng ta không thể giới hạn niềm hoan lạc trong một khoảng thời khắc hay nơi chốn nào. Mỗi người sẽ nhận lãnh niềm vui an lạc trong những hoàn cảnh khác nhau suốt Mùa Giáng Sinh. Điều quan trọng là mỗi người hãy mở lòng đón nhận ơn cứu độ của Chúa.

Con người sống trong thế giới này có quá nhiều khác biệt về niềm tin, tín ngưỡng, văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống dân tộc và ý thức hệ. Chúng ta không cần phải tranh cãi hay biện luận về cách thế Chúa giáng sinh, nhưng hãy sống tinh thần của Đấng đã hóa thân làm người. Hãy ngắm nhìn những tượng Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ với hai bàn tay giơ lên. Hình ảnh thật đẹp! Chúa muốn mở rộng bàn tay đón nhận các tâm hồn về với Chúa. Một tâm tình khác, Chúa Hài Nhi cũng giống như các trẻ thơ khác là muốn được ẵm bế. Chúa giơ tay muốn được Mẹ ẵm vào lòng. Chúa hạ sinh như một bé thơ để cùng chia sẻ sự yếu ớt, khó nghèo, khiêm hạ và mời gọi yêu thương đáp trả. Chúa muốn chúng ta ẵm Chúa như ôm ấp những kẻ bé mọn, cô đơn, mồ côi, tàn tật, khổ đau, nghèo đói và bất hạnh. Chính Chúa Giêsu đã khuyên dạy: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”(Mt 25, 45).

Khoảng năm 30 tuổi, ông Gioan xuất hiện công khai kêu gọi mọi người hãy chuẩn bị tâm hồn đón Chúa. Nhiều người chạy đến với Gioan và xin vấn kế: Chúng tôi phải làm gì bây giờ? Gioan đã chỉ dạy họ thay đổi cách sống và thực hành phép rửa sám hối. Bấy giờ chưa có người nào nhận biết Chúa Giêsu là ai? Ông Gioan thi hành sứ vụ của mình là vị tiền hô của Chúa. Ông không tìm vinh quang cho riêng mình, nhưng tập trung chuẩn bị tâm hồn mọi người đón Đấng cứu tinh. Ông Gioan trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa (Lc 3, 16). Chính Chúa Giêsu đã nhập đoàn với dân người đến với Gioan xin nhận phép rửa.

Thánh Luca giới thiệu về sứ vụ của Chúa Kitô sau phép rửa sám hối. Sự tác động rất quan trọng của Ba Ngôi Thiên Chúa trong biến cố này. Ngôi Cha chứng dám qua Lời từ trời cao, Ngôi Thánh Thần thánh hóa và Ngôi Con thi hành sứ vụ. Thánh sử Luca viết: Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con (Lc 3, 21-22). Đấng Cứu Thế đã đến và mang thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Sau khi nhận phép rửa bởi ông Gioan, Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ mệnh rao giảng về Nước Trời.

Chúa Giêsu đã dùng các dụ ngôn và nhiều cách thế đơn sơ để mặc khải về chân lý Nước Trời. Lời của Chúa là lời hằng sống có uy quyền biến đổi tâm can của con người. Ngài mở cửa đón nhận mọi tâm hồn và không loại trừ một dòng dõi dân tộc nào. Thánh Luca đã diễn tả trong sách Tông Đồ Công Vụ: Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận (Tđcv 10, 35). Cửa Nước Trời đã được mở ra cho những ai có thiện tâm tìm kiếm. Giáo Hội tiếp nhận mọi thành phần đa dạng của tất cả các nền văn hóa, tín ngưỡng và chủng tộc. Qui tụ mọi người chung trong một niềm tin vào Chúa Kitô và một niềm hy vọng ngày sau sẽ được chung hưởng sự sống muôn đời.

Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa cũng nhắc nhớ đến Phép Rửa Tội của mỗi người chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã rửa sạch tâm hồn chúng ta trong nước và Thánh Thần. Chúng ta được trở nên thụ tạo mới và được trở thành con cái của Thiên Chúa. Hạt giống niềm tin được gieo vào lòng, việc xức dầu thánh đã in ghi dấu ấn trong tâm hồn, áo trắng tinh sạch được phủ trùm và ánh sáng của Chúa Kitô được gởi gắm cho những vị đỡ đầu chăm nom. Chúng ta nên ghi nhớ ngày đã được sinh lại làm con Chúa và con Hội Thánh qua Bí tích Rửa Tội. Chúng ta đã được tháp nhập vào nhiệm thể Chúa Kitô. Ngài là đầu và chúng ta là chi thể của Ngài. Liên kết với Chúa Kitô, mỗi người có bổn phận làm cho hạt giống của sự sống đời đời nẩy sinh hoa trái ngay trong cuộc sống này.

Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã bước xuống và cúi đầu nhận phép rửa của thánh Gioan, xin cho chúng con biết khiêm hạ nhận thân phận tội lỗi yếu hèn, để xin ơn sám hối. Sám hối là biết mình. Biết mình là khởi đầu bước tiến tới sự trọn lành.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York.

(Is 42, 1-4.6-7; Tđcv 10, 34-38; Lc 3, 15-16.21-22).

Đức Thánh Cha bắt đầu chu kỳ mới tiếp kiến các Giám Mục thế giới

Đức Thánh Cha bắt đầu chu kỳ mới tiếp kiến các Giám Mục thế giới

VATICAN. Hôm 10 tháng 1-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã bắt đầu chu kỳ mới, tiếp kiến các GM thế giới về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Mở đầu chu kỳ này là các GM thuộc giáo miền Lazio ở Italia, gồm 17 giáo phận và 3 Đan viện biệt hạt. Được ĐTC tiếp kiến sáng thứ hai 10 tháng 1-2013 là ĐHY Agostino Vallini Giám quản Roma, Đức TGM phụ tá Giám quản, và 5 GM phụ tá khác. ĐTC sẽ tiếp kiến các GM Lazio cho đến cuối tháng 5 năm nay.

Hồi cuối tháng 9 năm 2012, ĐTC đã kết thúc chu kỳ kéo dài 7 năm 4 tháng, tiếp kiến tất cả các GM giáo phận trên thế giới, gồm hơn 2.600 giáo phận và chuẩn giáo phận. Trong nhiều trường hợp, cả các GM Phụ tá cũng được ĐTC tiếp kiến chung với các GM chính tòa.

Thoạt đầu, ĐTC tiếp kiến riêng mỗi GM 15 phút, nhưng trước số lượng quá lớn các GM, dần dần ngài đã đổi phương pháp và tiếp kiến chung khoảng 10 GM mỗi lần và thảo luận, trao đổi với các vị trong vòng 45 phút hoặc một tiếng. Nhiều GM tỏ ra thích hình thái này hơn.

Giáo miền Lazio có thành Roma rộng 17,207 cây số vuông với dân số hơn 5 triệu 806 ngàn người, trong số này có hơn 600 ngàn người nhập cư hợp pháp. (SD 10-1-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Tòa đại sứ Mỹ quan ngại trước việc VN kết án tù các thanh niên Công giáo

Tòa đại sứ Mỹ quan ngại trước việc VN kết án tù các thanh niên Công giáo

Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ra thông cáo chỉ trích Việt Nam về việc kết án nặng nề 14 bloggers tín đồ Dòng Chúa Cứu Thế trong phiên tòa tại Nghệ An.

                                          

Picture – AFP Các thanh niên Công giáo và Tin lành tại phiên xử ở Toà án nhân dân thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An ngày 09 tháng 1 năm 2013.

Thông cáo tỏ ý rất phiền lòng trước sự kiện này, khi những người tín đồ chỉ thực hiện quyền tự do bày tỏ ý kiến mà đã bị án giam tù nặng nề vì tội “lật đổ chính quyền” theo điều 79 bộ luật hình sự.

Tòa đại sứ Mỹ tuyên cáo rằng những bản án này cùng với sự giam giữ blogger và luật gia về nhân quyền Lê Quốc Quân và việc y án các blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, là một phần trong chiều hướng xâm phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Thông cáo kêu gọi Việt Nam trả tự do lập tức cho những người vừa được nói tới, đồng thời chỉ trích hành động của chính phủ đối với những cá nhân này đã không phù hợp với trách vụ của Việt Nam đối với Công ước quốc tế về quyền dân sự, quyền chính trị, cũng như Bản tuyên ngôn nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Quốc tế chí trích

Trước đó, ngay sau khi tòa Nghệ an tuyên án tù với 14 người hoạt động cho tự do nhân quyền, Tổ chức Ân xá quốc tế và Human Rights Watch cũng đả kích hành vi độc đoán phi pháp của Hà Nội và đòi trả tự do lập tức cho các nạn nhân cùng nhiều người dân chủ bị bắt trước đó.

Tổ chức Theo dõi nhân quyền Human Rights Watch lên án vụ án này đánh dấu sự leo thang quyết liệt của chính quyền trong cuộc tấn công những người chỉ trích chính quyền. Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam lập tức hủy án và trả tự do cho tất cả 14 người bất đồng chính kiến cùng với Tiến sĩ Lê Quốc Quân bị bắt hồi cuối tháng 12.

Bản tuyên bố nói rõ 14 người bị kết án vì đã dự khóa huấn luyện của đảng Việt Tân ở Bangkok. 11 người trong số này bị buộc tội làm đảng viên Việt Tân, 3 người bị kết tội tham gia tích cực vào Việt Tân. Human Rights Watch lên án Việt Nam dựa vào ngôn ngữ pháp lý mơ hồ của điều 79 bô luật hình sự về tội “lật đổ chính quyền” để bỏ tù những người chỉ thực thi nhân quyền căn bản. Cảnh sát bố trí dày đặc ở tòa án còn bắt giữ một số blogger muốn đến dự phiên tòa.

Trình bày những hoạt động của 14 người tranh đấu vừa kể, Human Rights Watch còn kêu gọi Việt Nam trả tự do cho Luật sư Lê Quốc Quân, người bị bắt vào thời gian chỉ 9 ngày sau khi viết và phổ biến bài xã luận “Hiến pháp hay hợp đồng điện nước?”

Cùng lúc với Human Rights Watch, Tổ chức Ân xá quốc tế cũng ra tuyên bố đòi hỏi Việt Nam trả tự do lập tức cho 13 người bị án tù giam trong vụ án vừa nói, cùng với TS luật Cù Huy Hà Vũ.

Tổng cộng hơn 80 năm tù

Mười ba nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam hôm nay bị tòa án nhân dân Nghệ An phán quyết từ 2 đến 10 năm tù trở lên vì tội cấu kết với một đảng phái chính trị ở Hoa Kỳ trong âm mưu lật đổ chính phủ.

Ba người bị kêu án 13 năm tù giam cộng 5 năm quản chế là các ông Paulus Lê Văn Sơn, Hồ Đức Hòa, Đăng Xuân Diệu.

Tiếp đó, các ông Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị 8 năm tù cộng 5 năm quản chế, Nguyễn Văn Duyệt 6 năm cộng 4 năm, Thái Văn Dung, Nông Hùng Anh 5 năm cộng 3 năm,  Nguyễn Đình Cương, Trần Minh Nhật 4 năm cộng 3 năm,  Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Văn Oai, Hồ Văn Oanh, Đặng Ngọc Minh 3 năm tù giam cộng 2 năm quản chế. Một người lãnh án treo là Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc.

Pakistan dựng thánh giá trên vùng đất xảy ra bạo lực tôn giáo

Pakistan dựng thánh giá trên vùng đất xảy ra bạo lực tôn giáo

Thánh giá tượng trưng cho sự bền vững của Kitô giáo
 

Thánh Giá Calvary

 Cây thánh giá cao nhất Pakistan được khánh thành vào những ngày nghỉ lễ, vốn được các lãnh đạo Giáo hội gọi là dấu chỉ vững bền trước các bách hại.

Đài tưởng niệm Calvary (Yaadgar-e-Calvary) là cây thánh giá bằng xi măng cao 18 mét, là biểu tượng tôn giáo cao nhất của Kitô giáo trong quốc gia Hồi giáo này, theo các kênh tin tức địa phương.

“Thánh giá mới cho thấy không có gì có thể khiến chúng tôi từ bỏ đức tin” – Major Iftikhar Zahid, mục sư của nhà thờ Salvation Army trong vùng, phát biểu.

Công trình khánh thành vào đêm Giáng sinh, được xây dựng trong 10 tháng và chi phí mất hơn 975.000 rupi (10.000 Mỹ kim), do Haroon Gill, thương gia bất động sản ở Karachi, tài trợ.

“Tôi hy vọng đài tưởng niệm sẽ là nguồn cảm hứng cho các công trình tương tự ở các địa phương có Kitô giáo khác”, ông nói.

Ông Gill là một trong hàng ngàn Kitô hữu ở Shanti Nagar, một làng ở Punjab, có gia đình bị các băng nhóm Hồi giáo tấn công vào năm 1997 sau vụ mạo phạm kinh Qu’ran.

Sau đó chính quyền xây dựng lại 785 ngôi nhà và cả bốn nhà thờ đã bị phá hủy trước đó, nhưng dân làng vẫn kỷ niệm ngày bị tấn công này hàng năm và một số dấu tích vẫn còn đó.

“Vụ tấn công đó không được đề cập đến trong bản vàng của Đài tưởng niệm Calvary, tấm bản ghi lại lịch sử của làng. Đó là một sự kiện đen tối, đáng lẽ không hề xảy ra” – mục sư Zahid nhận xét.

Phóng viên ucanews.com từ Shanti Nagar, Pakistan

Thiên Chúa nhập thể tự ban mình cho nhân loại với sự nhưng không và tình yêu thương

Thiên Chúa nhập thể tự ban mình cho nhân loại với sự nhưng không và tình yêu thương

Mầu nhiệm Nhập Thể cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã không cho cái gì, nhưng là cho chính mình trong Người Con Duy Nhất với sự nhưng không và tình yêu thương. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên với mấy ngàn tín hữu tham dự buổi tiếp kiến thứ hai của năm 2013 trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 9 tháng 1-2013.

Vì đang là mùa Giáng Sinh nên trong bài huấn dụ ngài đã tiếp tục khai triển ý nghĩa mầu nhiệm Ngôi Lời Con Thiên Chúa nhập thể làm người.

Trong mùa này khi tham dự các lễ nghi phụng vụ chúng ta thường nghe vang lên nhiều lần từ ”nhập thể” diễn tả thực tại chúng ta cử hành trong lễ Giáng Sinh: đó là Con Thiên Chúa đã làm người, như chúng ta đọc trong kinh Tin Kính. Từ chính yếu này đối với đức tin kitô có nghĩa là gì? Nó bắt nguồn từ tiếng La tinh ”incarnatio”. Và Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa từ ”nhập thể” như sau:

Ở đây từ ”thịt xác”, theo sử dụng của tiếng Do thái, ám chỉ con người trong sự toàn vẹn của nó, tất cả con người, nhưng chính dưới khía cạnh của sự tàn tạ, của tính chất tạm thời, của sự nghèo nàn và hữu hạn của nó. Điều này để nói với chúng ta rằng ơn cứu độ do Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Giêsu thành Nagiarét đem đến, liên quan tới con người trong thực tại cụ thể và trong bất cứ tình trạng sống nào của nó.

Thiên Chúa đã nhận lấy điều kiện là người để chữa lành nó khỏi tất cả những gì chia rẽ nó với Người, để cho phép chúng ta gọi Người, trong Người Con Duy Nhất, với tên gọi ”Abba, Cha” và thật sự chúng ta là con cái của Người. Thánh Ireneo khẳng định rằng: ”Đó là lý do, bởi đó Ngôi Lời đã làm người, và Con Thiên Chúa, Con của con người: để cho con người, khi bước vào sự hiệp thông với Ngôi Lời và như thế nhận được ơn là con Thiên Chúa, trở thành con Thiên Chúa” (Adversus haereses 3,19,1; PG 7,939; x. SGLGHCG, 460).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha ghi nhận rằng sự kiện ”Ngôi Lời nhập thể” đã trở thành một thực tại quen thuộc, khiến cho chúng ta không còn ý thức được sự cao cả mà nó diễn tả nữa. Thật thế, trong mùa Giáng Sinh thường khi người ta chú ý nhiều tới các khía cạnh bề ngoài, các ”màu mè” của ngày lễ hơn là trọng tâm sự mới mẻ kitô vĩ đại mà chúng ta cử hành: một cái gì không thể tưởng được, mà chỉ có Thiên Chúa có thể làm và chúng ta chỉ có thể bước vào đó với lòng tin. Ngôi Lời, Ngôi Lời là Thiên Chúa (x. Ga 1,1) mà nhờ Người mọi sự đều được tạo thánh (x. 1,3), và Người đã đồng hành với loài người trong lịch sử với ánh sáng của Người (x. 1,4-5; 1,9) trở thành thịt xác và ở giữa chúng ta, trở thành một người như chúng ta (X. 1,14). Công Đồng Chung Vaticăng II khẳng định rằng: ”Con Thiên Chúa… đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí tuệ con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng qủa tim con người. Sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, ngoại trừ tội lỗi” (GS 22). Vì thế thật là điều quan trọng tái chiếm được sự kinh ngạc trước mầu nhiệm, để cho chúng ta được bao bọc bởi sự vĩ đại của biến cố: Thiên Chúa đã rong ruổi các nẻo đường của chúng ta như là người, bước vào trong thời gian của con người để thông truyền cho chúng ta chính sự sống của Người (x. Ga 1,14). Và Người đã làm điều đó với ánh quang của một vì vua, chế ngự thế giới với quyền lực của Người, nhưng với sự khiêm tốn của một trẻ thơ.

Điểm thứ hai Đức Thánh Cha suy tư trong bài huấn dụ là thói quen tặng qùa trong dịp Giáng Sinh. Đôi khi nó là một cử chỉ làm vì tập tục, nhưng nói chung nó diễn tả sự trìu mến, và là dấu chỉ của tình yêu và sự qúy mến. Trong lời nguyện lễ rạng đông Giáng Sinh chúng ta đọc: ”Lậy Cha, xin nhận lấy của lễ chúng con dâng trong đêm ánh sáng này, và nhờ sự trao đổi mầu nhiệm của các ơn này xin biến đổi chúng con trong Chúa Kitô Con Chúa, là Đấng đã nâng con người lên bên Chúa trong vinh quang”. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Tư tưởng ban tặng này là trung tậm của phụng vụ và nhắc nhở lương tâm chúng ta ơn nguyên thủy của lễ Giáng Sinh: trong đêm thánh này Thiên Chúa làm người đã muốn tự ban tặng mình cho loài người, đã tự ban mình cho chúng ta; Người đã nhận lấy nhân tính của chúng ta để ban cho chúng ta thiên tính của Người. Đó là ơn vĩ đại. Cả trong việc tặng quà của chúng ta qùa đắt giá hay ít giá không quan trọng; ai không thành công trong việc cho đi một ít chính mình, thì luôn luôn cho ít. Còn hơn thế nữa, đôi khi người ta tìm thay thế trái tim và sự dấn thân cho đi chính mình, bằng tiền bạc với các sự vật vật chất. Mầu nhiệm Nhập Thể đang chỉ cho thấy rằng Thiên Chúa đã không làm như vậy: Người đã không cho cái gì, nhưng là cho chính mình trong Người Con Duy Nhất. Ở đây chúng ta tìm thấy mô thức việc cho đi của chúng ta, để cho các tương quan của chúng ta, đặc biệt là các tương quan quan trọng nhất, được hướng dẫn bởi sự nhưng không và tình yêu thương.

Điểm suy tư thứ ba là sự kiện nhập thể của Thiên Chúa làm người cho thấy cái thực tế chưa từng có của tình yêu Thiên Chúa. Thật vậy, hành động của Thiên Chúa không hạn chế nơi các lời nói, còn hơn thế nữa chúng ta có thể nói rằng Người không hài lòng với việc nói, mà còn đắm mình trong lịch sử của chúng ta và lãnh nhận trên mình sự mệt nhọc và cái nặng nề của cuộc sống con người. Con Thiên Chúa đã thực sự làm người, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, trong một thời gian và nơi chốn xác định, tại Bếtlêhem trong triều đại của hoàng đế Augusto, dưới thời tổng trấn Quirino (x. Lc 2,1-12).

Người đã lớn lên trong một gia đình, đã có các bạn hữu, đã thành lập một nhóm các môn đệ, đã dậy dỗ các Tông Đồ để tiếp tục sứ mệnh của Người, đã kết thúc chặng đường dương thế trên thập giá. Kiểu hành động này của Thiên Chúa mạnh mẽ khích lệ chúng ta tự vấn về sự thực tế đức tin của chúng ta. Nó không được hạn chế ở lãnh vực tình cảm, các xúc động, mà phải bước vào trong cái cụ thể của cuộc sống, nghĩa là phải đụng chạm tới cuộc sống thường ngày của chúng ta và hướng dẫn nó một cách cụ thể. Thiên Chúa đã không chỉ dừng lại ở lời nói, nhưng đã chỉ cho chúng ta sống thế nào, bằng cách chia sẻ chính kinh nghiệm của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

Sách giáo lý của Đức Giáo Hoàng Pio X hỏi: ”Để sống theo Thiên Chúa chúng ta phải làm gì?”, và trả lời: ”Để sống theo Thiên Chúa chúng ta phải tin các chân lý được Người mạc khải, và giữ các giới răn với sự trợ giúp của ơn thánh Người, có được qua các bí tích và việc cầu nguyện”. Đức tin có một khía cạnh nền tảng không chỉ liên quan tới trí tuệ và con tim, mà liên quan tới toàn cuộc sống chúng ta.

Điểm thứ tư trong suy tư của Đức Thánh Cha liên quan tới khắng định của thánh Gioan: Từ nguyên thủy Ngôi Lời đã ở gần Thiên Chúa và nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành (Ga 1,1-3). Thánh sử rõ ràng ám chỉ trình thuật tạo dựng trong các chương đầu sách Sáng Thế và đọc lại chúng dưới ánh sáng của Chúa Kitô. Đây là một tiêu chuẩn nền tảng trong việc đọc Thánh Kinh: Cưụ Ước và Tân Ước luôn luôn được đọc chung với nhau, và từ Tân Ước mở ra ý nghĩa sâu xa hơn của cả Cựu Ước. Chính Ngôi Lời luôn luôn hiện hữu gần Thiên Chúa, và chính Người là Thiên Chúa, và nhờ Người và cho Người mà tất cả được tạo thành (x. Cl 1,16-17) đã làm người: Thiên Chúa vĩnh cửu và vô biên đã dìm mình trong cái hữu hạn của con người, trong thụ tạo của Người, để tái dẫn đưa con người và toàn thụ tạo tới với Người. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định rằng: ”Việc tạo dựng thứ nhất tìm thấy ý nghĩa và tột đỉnh của nó trong việc tạo dựng mới nơi Chúa Kitô, mà ánh quang vượt ánh quang của việc tạo dựng đầu tiên” (s. 349).

Các Giáo Phụ đã để Đức Giêsu và Ađam cạnh nhau đến độ định nghĩa Người là ”Adam thứ hai” hay Ađam vĩnh viễn, hình ảnh toàn hảo của Thiên Chúa. Với việc nhập thể của Con Thiên Chúa, xảy ra một cuộc tạo dựng mới, trả lời hoàn toàn cho câu hỏi ”Ai là con người”. Chỉ nơi Đức Giêsu chương trình của Thiên Chúa đối với con người mới biểu lộ tràn đầy: Người là con người vĩnh viễn theo Thiên Chúa. Công Đồng Chung Vaticăng II đã mạnh mẽ nêu bật điều này: ”Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể… Bởi vì Chúa Kitô, Ađam mới, biểu lộ con người cho con người một cách tràn đầy và vén mở cho nó ơn gọi rất cao vời của nó” (GS 22; SGLGHCG, 359). Nơi Hài Nhi Con Thiên Chúa được chiêm ngắm trong lễ Giáng Sinh chúng ta có thể nhận biết gương mặt thật của con người; và chỉ khi chúng ta rộng mở cho hoạt động của ơn thánh Chúa và tìm theo Người mỗi ngày chúng ta mới thực hiện được chương trình của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu băng nhiều thứ tiếng khác nhau. Chào các bạn trẻ người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới ngài nhắc cho mọi người biết rằng Chúa Nhât tới đây là lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Đây là dịp thuận tiện giúp suy tư trở lại việc thuộc về Chúa Kitô trong đức tin của Giáo Hội. Đức Thánh Cha khuyên các bạn trẻ tái khám phá ra mọi ngày ơn thánh đến từ bí tích Rửa Tội. Ngài khích lệ các bệnh nhân kín múc sức mạnh từ bí tích ấy trong những lúc khổ đau, không được an ủi. Và ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới biết diễn tả dấn thân của bí tích Rửa tội trong cuộc sống gia đình.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải  

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới các bệnh nhân 2013

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới các bệnh nhân 2013

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các tín hữu tăng cường các hoạt động bác ái trong các cộng đoàn Giáo Hội nhân dịp Năm Đức Tin.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Sứ điệp công bố hôm 8 tháng 1-2012, nhân dịp Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 21 sẽ được cử hành trọng thể tại Đền thánh Đức Mẹ Altoetting ở miền nam nước Đức vào ngày 11 tháng 2 tới đây, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, với chủ đề là câu nói của Chúa Giêsu sau khi kể dụ ngôn người Samaritano nhân lành ”Anh cũng hãy đi và làm như vậy” (Lc 10, 37).

Sau đây là bản dịch Sứ điệp của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến!

1. Ngày 11 tháng 2-2013 lễ Đức Mẹ Lộ Đức, Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 21 sẽ được cử hành trọng thể tại Đền thánh Đức Mẹ Altoetting. Ngày này đối với các bệnh nhân và các nhân viên y tế, các tín hữu Kitô và mọi người thiện chí là ”thời điểm ưu tiên để cầu nguyện, chia sẻ, dâng đau khổ để mưu ích cho Giáo Hội và nhắc nhở tất cả mọi người cần nhận ra nơi khuôn mặt của người anh em đau yếu của mình Thánh Nhan Chúa Kitô, Đấng cứu độ nhân loại qua đau khổ, chịu chết và sống lại” (Gioan Phaolô 2, Thư thành lập Ngày Quốc Tế các bệnh nhân, 13 tháng 5-1992,3). Trong hoàn cảnh này, tôi đặc biệt cảm thấy gần gũi mỗi người trong anh chị em, các bệnh nhân quí mến, là những người đang sống một thời điểm thử thách khó khăn, tại các nhà từ thiện, dưỡng đường hoặc tại gia, vì bệnh bật và đau khổ. Ước gì những lời trấn an này của các Nghị Phụ Công đồng chung Vatican 2 cũng được gửi đến tất cả anh chị em: ”Anh chị em không bị bỏ rơi, cũng chẳng phải là vô dụng: anh chị em được Chúa Kitô kêu gọi, anh chị em là hình ảnh trong sáng của Chúa” (Sứ điệp gửi người nghèo, các bệnh nhân và người đau khổ).

2. Để tháp tùng anh chị em trong cuộc hành hương thiêng liêng từ Lộ Đức, là địa điểm và là biểu tượng hy vọng và ân phúc, dẫn chúng ta đến Đền thánh Altoetting, tôi muốn đề nghị anh chị em suy tư về hình ảnh biểu tượng người Samaritano Nhân Lành (Xc Lc 10,25-37). Dụ ngôn Phúc Âm được thánh Luca thuật lại được tháp nhập vào trong một loạt những hình ảnh và trình thuật rút từ đời sống thường nhật, qua đó Chúa Giêsu muốn giúp ta hiểu tình thương sâu đậm của Thiên Chúa đối với mỗi người, đặc biệt khi họ ở trong bệnh tật và đau khổ. Nhưng đồng thời, qua lời kết luận dụ ngôn người Samaritano Nhân Lành, ”Anh hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37), Chúa chỉ rõ đâu là thái độ mà mỗi môn đệ của Chúa phải có đối với tha nhân, nhất là những người cần được chăm sóc. Vấn đề ở đây là kín múc, từ tình thương vô biên của Thiên Chúa, qua một quan hệ nồng nhiệt với Chúa trong kinh nguyện, sức mạnh để sống hằng ngày sự quan tâm cụ thể như người Samaritano Nhân Lành, đối với những ai bị thương tích trong thân xác và tinh thần, những người đang kêu cứu, và cả những người vô danh và thiếu thốn phương tiện. Điều này được áp dụng không những cho các nhân viên mục vụ và y tế, nhưng cho tất cả mọi người, kể cả bệnh nhân, họ có thể sống tình trạng của mình trong viễn tượng đức tin. ”Không phải tránh né đau khổ, trốn chạy trước đau khổ, chữa lành con người, nhưng là khả năng chấp nhập sầu muộn và trưởng thành trong đó, tìm được ý nghĩa nhờ sự kết hiệp với Chúa Kitô, Đấng đã chịu đau khổ với tình thương vô biên” (Thông điệp Spe salvi, 37).

3. Nhiều Giáo Phụ đã nhìn thấy chính Chúa Giêsu nơi hình ảnh người Samaritano Nhân Lành, và các vị nhìn thấy nơi người bị cướp đả thương, Adam, Nhân loại bị hư mất và bị thương vì tội lỗi của mình (Xc Origne, Bài giảng về Tin Mừng Luca XXXIV, 1-9; Ambrogio, Chú giải Tin Mừng thánh Luca, 71-84; Augustino, Bài giảng 171). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng làm cho tình thương của Chúa Cha hiện diện, tình thương trung tín, vĩnh cửu, không có hàng rào cũng chẳng có biên cương. Nhưng Chúa Giêsu cũng là Đấng ”tự cởi bỏ chiếc áo thần linh của Ngài”, hạ mình xuống từ thân phận thần linh, để mặc lấy hình người (Pl 2,6-8), và đến gần đau khổ của con người, đến độ xuống ngục, như chúng ta đọc trong kinh Tin Mính, và mang lại hy vọng và ánh sáng. Ngài không coi sự đồng hàng với Thiên Chúa, địa vị là Thiên Chúa của Ngài như một kho báu riêng (Xc Pl 2,6), nhưng cúi mình xuống, đầy lòng từ bi, trên vực thẳm đau khổ của con người, để đổ dầu an ủi và rượu hy vọng.

4. ”Năm Đức Tin chúng ta đang sống là một cơ hội thuận tiện để tăng cường việc phục vụ bác ái trong các cộng đoàn Giáo Hội của chúng ta, để mỗi người trở thành người Samaritano Nhân Lành đối với tha nhân, đối với những người đang ở cạnh chúng ta. Về vấn đề này, tôi muốn nhắc đến một số nhân vật giữa vô số các vị trong lịch sử Giáo Hội, đã giúp đỡ những người bệnh tật yếu đau, đề cao giá trị của đau khổ trên bình diện nhân bản và thiêng liêng, để trở thành mẫu gương và khích lệ. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Nhan Thánh, ”chuyên gia và khoa học tình yêu” (Gioan Phaolô 2, Tông thư ”Ngàn Năm mới đang đến”, 42), đã biết sống ”trong sự kết hiệp sâu xa với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu” căn bệnh ”đưa thánh nữ đến cái chết qua đau khổ lớn lao” (Buổi tiếp kiến chung, 6-4-2011). Đấng Đáng Kính LM Luigi Novarese, mà nhiều người ngày nay vẫn còn giữ kỷ niệm sống động, khi thi hành sứ vụ, đã đặc biệt cảm thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho và với các bệnh nhân và những người đau khổ, mà Cha thường tháp tùng đến các trung tâm Thánh Mẫu, nhất là tới Hang Đá Lộ Đức. Được đức bác ái đối với tha nhân thúc đẩy, Ông Raoul Follereau dâng hiến trọn cuộc đời để săn sóc những người bị bệnh phong cùi (Hansen) cho đến tận những vùng xa xăm hẻo lánh nhất trên trái đất, Ông cũng cổ võ Ngày Thế giới chống bệnh phong cùi. Chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta luôn bắt đầu mỗi ngày bằng cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu trong Thánh Thể, trước khi ra đường, với xâu chuỗi Mân Côi trong tay, để gặp gỡ và phụng sự Chúa trong những người đau khổ, nhất là nơi những người ”không được mong muốn, không được yêu thương, chăm sóc”. Thánh nữ Anna Schaeffer làng Mindelstetten bên Đức, cũng biết kết hiệp một cách gương mẫu những đau khổ của chị với khổ đau của Chúa Kitô: ”Cái giường đau khổ trở thành … căn phòng tu viện và đau khổ trở thành công tác phục vụ truyền giáo của chị.. Được củng cố nhờ Rước lễ hằng ngày, chị trở thành một dụng cụ chuyển cầu không biết mệt mỏi trong kinh nguyện và phản ánh tình thương của Thiên Chúa đối với nhiều người tìm kiếm lời khuyên của chị” (Bài giảng lễ phong thánh, 21-10-2012). Trong Phúc âm nổi bật hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria, Người đã theo Chúa Con chịu đau khổ cho đến hy tế tột cùng trên đồi Golgota. Mẹ không bao giờ mất niềm hy vọng nơi chiến thắng của Thiên Chúa trên sự ác, đau khổ và sự chết, và Mẹ biết đón nhận với cùng một vòng tay tin yêu Con Thiên Chúa sinh ra nơi hang đá Bethlehem và chết trên thập giá. Niềm tín thác mạnh mẽ của Mẹ nơi quyền năng của Thiên Chúa được chiếu sáng nhờ sự sống lại của Cháu Kitô, Đấng ban hy vọng cho những ai ở trong đau khổ và canh tân niềm xác tín về sự gần gũi và an ủi của Chúa.

5. Sau cùng, tôi muốn nghĩ đến, với lòng biết ơn nồng nhiệt và khích lệ, tất cả các tổ chức y tế Công Giáo và xã hội dân sự, các giáo phận, cộng đoàn Kitô, các gia đình dòng tu dấn thân trong việc mục vụ y tế, tôi nghĩ đến các hiệp hội các nhân viên y tế và thiện nguyện. Ước gì tất cả đều gia tăng ý thức rằng ”khi quảng đại và yêu thương tiếp đón mỗi sự sống con người, nhất là những người yếu thế và bệnh tật, Giáo Hội ngày nay đang sống một thời điểm căn bản trong sứ vụ của mình” (Gioan Phaolô 2, Tông Huấn hậu Thượng Hội đồng Giám Mục ”Người Tín hữu giáo dân”, 38).

Tôi phó thác Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 21 cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ Maria Ân Phúc chí thánh được tôn kính tại Altoetting, xin Mẹ luôn tháp tùng nhân loại đau khổ, đang tìm kiếm sự thoa dịu và niềm hy vọng vững chắc, xin Mẹ trợ giúp tất cả những người can dự vào công việc tông đồ từ bi để họ trở thành những người Samaritano Nhân Lành cho anh chị em mình đang chịu thử thách vì bệnh tật và đau khổ, đồng thời tôi vui lòng ban Phép Lành Tòa Thánh”

Vatican ngày 2 tháng 1 năm 2013

Biển Đức 16, Giáo Hoàng

Trong thời gian qua, ĐTC cũng đã bổ nhiệm Đức TGM Zygmund Zimowski, người Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, làm Đặc Sứ của ngài đến chủ sự Ngày Thế Giới các bệnh nhân tới đây tại Trung tâm Thánh Mẫu Altoetting ở miền nam Đức. Đền thánh này được thành lập hồi cuối thể kỷ 15, sau khi một em bé 3 tuổi chết đuối được Đức Mẹ hồi sinh vào năm 1489.

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Tòa Tổng giám mục Hà Nội phản đối việc phá tu viện xây bệnh viện

Tòa Tổng giám mục Hà Nội phản đối việc phá tu viện xây bệnh viện

Đất đai và tu viện thuộc sở hữu hợp pháp của Giáo hội
January 7, 2013

Tòa Tổng giám mục Hà Nội phản đối việc phá tu viện xây bệnh viện thumbnail

Tu viện kín Camêlô bị chính quyền phá dỡ để xây bệnh viện

Linh mục Anphongsô Phạm Hùng, thư ký Tòa Tổng giám mục Hà Nội, vừa ra thông báo số 3 phản đối việc Sở Y tế Hà Nội tiếp tục phá dỡ Tu viện kín Camêlô để xây bệnh viện.

Thông báo đề ngày 3-1 đăng trên website của tổng giáo phận Hà Nội (http://tgphanoi.org) nói rằng “Tòa Tổng giám mục phản đối mạnh mẽ việc phá dỡ trái phép Tu viện kín Camêlô và xây dựng công trình tại đây”. Tu viện tọa lạc ở số 72 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Lý do mà Tòa Giám mục phản đối là do “Nhà nước có đủ phương tiện và đất đai để nâng cấp hay xây bệnh viện mới”. Hơn nữa, theo phía Giáo hội thì Tu viện Camêlô không phải là nơi duy nhất mà Sở Y tế Hà Nội có thể nâng cấp bệnh viện.

“Tu Viện kín Camêlô là nơi thánh thiêng và lịch sử đối với người Công giáo với những dấu tích hiển nhiên: Tu viện, Nhà thờ với Thánh giá. Tu viện này đã được thành lập từ cuối thế kỷ 19 và là nơi Thánh nữ Têrêxa đã ước mong và dự định đến tu trì tại đây như một nhà truyền giáo bằng cầu nguyện” – văn bản viết.

Chính vì thế, “Tu viện kín Camêlô cần phải được sử dụng vào mục đích thờ phượng”.

Hiện tại, cha Hùng nói rằng giáo dân xứ Đa Minh đang không có nhà thờ vì Nhà nước đang sử dụng nhà thờ của họ trong khu lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngài cho biết Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã gửi đơn khiếu nại khẩn cấp lần thứ năm đến Thủ tướng và các cấp chính quyền sau khi “Sở Y tế Hà Nội lại tiếp tục phá dỡ Tu viện và tiến hành công trình xây dựng Nhà điều trị Nội khoa tại đây hôm 3-1”.

Trước đó, sau nhiều lần khiếu nại, Nhà nước nói rằng khu đất trên đã được phía Giáo hội giao cho họ quản lý và “nhà nước đã bố trí cho Sở Y tế sử dụng làm bệnh viện đa khoa Xanh Pôn”.

Tuy nhiên, thông báo của Tòa Tổng giám mục khẳng định đất đai và Tu viện kín Camêlô là “thuộc sở hữu hợp pháp của Tòa Tổng giám mục Hà Nội”.

“Tòa Tổng giám mục Hà Nội khẳng định chưa bao giờ ‘bàn giao’ hay ‘cống hiến’ cho Nhà nước bất cứ một trong 95 cơ sở của mình trong TP. Hà Nội mà nhà nước đang sử dụng”.

Nhưng thực tế, Nhà nước đang sử dụng 95 cơ sở của Tổng Giáo phận Hà Nội. Trong đó, có 4 bệnh viện Nhà nước đang sử dụng là cơ sở của Giáo hội: Bệnh viện Xanh Pôn (bệnh viện của Dòng Phaolô); Bệnh viện Đống Đa (Tu viện Thái Hà); Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba (Tu viện của Dòng Phaolô) và Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Trung ương (Đại chủng viện Hà Nội).

Thông báo còn mời gọi tất cả thành phần dân Chúa “cầu nguyện để quyền lợi chính đáng của Giáo hội được tôn trọng, vụ việc nhà đất Tu viện kín mau chóng được giải quyết thỏa đáng trong sự thật, đối thoại, ôn hòa và tôn trọng lẫn nhau để công bằng, dân chủ và văn minh”.

UCANEWS Vietnam

Đức Thánh Cha tiếp kiến đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh

Đức Thánh Cha tiếp kiến đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh sáng ngày 7 tháng 1-2013, ĐTC đã kiểm điểm tình hình thế giới, kêu gọi chấm dứt xung đột tại nhiều nước, bênh vực quyền sống của con người và chống phá thai.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến trong dinh Tông Tòa có đại diện của 179 quốc gia có quan hệ trên cấp đại sứ cùng với đại diện của chính quyền Palestine, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới. Buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cũng là dịp để ĐTC kiểm điểm tình hình thế giới đồng thời bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề thời sự.

Sau lời chào mở đầu của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Ông Alejandro Lalladares Lanza, Đại sứ nước Honduras, Phó niên trưởng là Đại Sứ Jean-Claude Michel của Tiểu vương quốc Monaco, đã nói đến những biến cố nổi bật trong năm 2012, những cuộc xung đột quốc tế, chiến tranh huynh đệ tương tàn ở Trung Đông và Phi châu, cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có, các thiên tai, động đất, lụt lội, cuồng phong, làm cho hàng triệu người lâm cảnh nghèo đói và tuyệt vọng.

Diễn văn ca Đức Thánh Cha ĐTC lên tiếng chào thăm và gửi lời cầu chúc nồng nhiệt đến các vị Đại Sứ, chính quyền và nhân dân các nước mà các vị đại diện. Ngài cũng nói đến mối quan tâm của Giáo Hội Công Giáo đối với mọi dân tộc, và nhắc đến lòng quí mến đối với Đức TGM Ambrose Madtha, người Ấn độ, Sứ thần Tòa thánh tại Ivory Coast, tử nạn lưu thông cách đây 1 tháng, cùng với người tài xế tháp tùng.

Căn cội những vấn đề của thế giới

Đức Thánh Cha nói:

Quý Ông Bà Đại Sứ, ”Tin Mừng theo thánh Luca kể lại rằng, trong đêm Giáng Sinh, những người chăn đoàn vật nghe tiếng ca đoàn thiên thần tôn vinh Thiên Chúa và khẩn cầu hòa bình cho nhân loại. Thánh Sử Tin Mừng cũng nhấn mạnh liên hệ chặt chẽ giữa Thiên Chúa và ước muốn nồng nhiệt của con người thuộc mọi thời đại mong được biết chân lý, thực thi công lý và sống trong hòa bình (Xc Gioan 23, Pacem in terris: AAS 55 [1963], 257). Ngày nay, nhiều khi người ta bị thúc đẩy nghĩ rằng chân lý, công lý và hòa bình là những ảo tưởng và chúng loại trừ lẫn nhau. Biết chân lý dường như là điều không thể có được và những nỗ lực khẳng định chân lý dường như thường dẫn tới bạo lực. Đàng khác, theo một quan niệm đang thịnh hành ngày nay, sự dấn thân cho hòa bình chỉ hệ tại tìm kiếm một thỏa hiệp bảo đảm sự sống chung giữa các dân tộc hoặc giữa các công dân trong một quốc gia. Trái lại, theo nhãn giới Kitô, có một liên hệ thâm sâu giữa sự tôn vinh Thiên Chúa và hòa bình của con người trên mặt đất, đến độ hòa bình không phải chỉ là kết quả của nỗ lực phàm nhân, nhưng còn được tham gia vào chính tình thương của Thiên Chúa. Và chính sự quên lãng Thiên Chúa, chứ không phải sự tôn vinh Thiên Chúa, là điều gây ra bạo lực. Thực vậy, khi người ta không còn tham chiếu một chân lý khách quan và siêu việt nữa, thì làm sao có thể thực hiện một cuộc đối thoại chân chính? Trong trường hợp đó, làm sao người ta có thể tránh cho bạo lực, công khai hoặc ngấm ngầm, khỏi trở thành một qui luật sau cùng cho các quan hệ của con người với nhau? Trong thực tế, nếu không có sự cởi mở siêu việt, thì con người dễ trở thành mồi cho chủ thuyết duy tương đối, và do đó, con người khó có thể hành động theo công lý và dấn thân cho hòa bình.

”Ngoài những biểu hiện về sự quên lãng Thiên Chúa, người ta có thể kể thêm những biểu hiện do sự không biết đến tôn nhan đích thực của Thiên Chúa, sự kiện ấy là nguyên do gây ra trào lưu cuồng tín tai hại về tôn giáo, trào lưu này trong năm 2012 vừa qua cũng gây ra những nạn nhân tại một số nước, có đại diện ở đây. Như tôi đã nói, đó là một sự ngụy tạo tôn giáo; thực ra tôn giáo nhắm hòa giải con người với Thiên Chúa, soi sáng và thanh tẩy lương tâm và cho thấy rõ mỗi người là hình ảnh của Đấng Tạo Hóa.

”Vì thế, nếu sự tôn vinh Thiên Chúa và hòa bình trên trái đất có liên hệ mật thiết với nhau, thì hiển nhiên là hòa bình là hồng ân của Thiên chúa đồng thời là trách vụ của con người, vì hòa bình đòi câu trả lời tự do và có ý thức của con người. Vì lý do đó, tôi đã muốn đặt tựa đề cho Sứ điệp thường niên về Ngày Hòa bình thế giới là ”Phúc cho những người xây dựng hòa bình”. Các chính quyền dân sự và chính trị là những người đầu tiên có trọng trách hoạt động cho hòa bình. Họ là những người đầu tiên được mời gọi giải quyết nhiều cuộc xung đột tiếp tục làm cho nhân loại đẫm máu, bắt đầu từ Miền được ưu tiên trong kế hoạch của Thiên Chúa, tức là vùng Trung Đông.

Tình hình Siria và Trung Đông ”Trước tiên tôi nghĩ đến Siria, bị sâu xé vì những cuộc thảm sát không ngừng và là nơi diễn ra những đau khổ kinh khủng cho các thường dân. Tôi lập lại lời kêu gọi hãy hạ khí giới và thực thi một cuộc đối thoại xây dựng càng sớm càng tốt, hầu chấm dứt một cuộc chiến tranh trong đó sẽ không có người thắng, mà chỉ có kẻ bại; nếu kéo dài, nó chỉ để lại một cánh đồng hoang tàn. Thưa quý vị Đại Sứ, xin cho phép tôi yêu cầu quí vị tiếp tục gây ý thức nơi chính quyền của quý vị, để cấp thiết cung cấp trợ giúp tối cần thiết hầu đương đầu với tình trạng trầm trọng về nhân đạo.

”Tiếp đến, tôi đặc biệt quan tâm hướng nhìn về Thánh Địa. Sau khi Palestine được nhìn nhận như một Quốc gia Quan sát viên không thành viên của LHQ, tôi lập lại mong ước rằng, nhờ sự hỗ trợ của Cộng đồng quốc tế, người Israel và Palestine dấn thân sống chung hòa bình trong khuôn khổ hai quốc gia có chủ quyền, trong đó sự tôn trọng công lý và những khát vọng hợp pháp của hai dân tộc được bảo tồn và bảo đảm. Thành Jerusalem trở thành điều được biểu lộ qua danh xưng của thành này! Là thành hòa bình chứ không phải là thành chia rẽ; trở thành lời tiên tri về Vương quốc của Thiên Chúa chứ không phải là một sứ điệp về sự bất ổn và chống đối nhau! Nghĩ đến dân tộc Irak yêu quí, tôi cầu chúc cho dân tộc này tiến bước trên con đường hòa giải, để đạt tới sự ổn định đang mong ước.

Tại Liban, nơi mà tôi đã gặp gỡ các thực tại cấu thành khác nhau hồi tháng 9 năm qua, ước gì các truyền thống tôn giáo đa diện được mọi người vun trồng như một sự phong phú đích thực cho đất nước, cũng như cho toàn vùng, và các tín hữu Kitô cống hiến một chứng tá hữu hiệu cho việc kiến tạo một tương lai hòa bình với tất cả mọi người thiện chí!

Tình hình Phi châu

”Tại Bắc Phi cũng vậy, sự cộng tác của mọi thành phần xã hội là điều ưu tiên, và mỗi người phải được bảo đảm quyền công dân trọn vẹn, được tự do công khai tuyên xưng tôn giáo của mình và có thể góp phần vào công ích. Tôi cam đoan với mọi người dân Ai Cập sự gần gũi và lời cầu nguyện của tôi, trong thời kỳ đang có những cơ chế mới được thiết lập.

Hướng nhìn về Phi châu nam sa mạc Sahara, tôi khuyến kích những cố gắng kiến tạo hòa bình, nhất là tại những nơi đang có những vết thương chiến tranh mang mở toang và tại những vùng đang chịu những hậu quả trầm trọng về mặt nhân đạo. Tôi đặc biệt nghĩ đến Vùng Sừng của Phi châu cũng như miền đông Cộng hòa dân chủ Congo, nơi mà bạo lực đang được khơi dậy, bó buộc nhiều người phải bỏ nhà cửa, gia đình và khuôn khổ cuộc sống của họ.

Đồng thời tôi không thể không nói đến những đe dọa khác đang xuất hiện ở chân trời. Theo những khoảng cách đều đặn, Nigeria là nơi diễn ra những cuộc khủng bố tạo nên các nạn nhân, nhất là nơi các tín hữu Kitô đang tụ hợp nhau để cầu nguyện, như thể oán ghét muốn biến các đền thờ cầu nguyện và an bình thành những trung tâm sợ hãi và chia rẽ. Tôi cảm thấy rất đau buồn khi hay tin, chính trong những ngày chúng ta mừng lễ Giáng Sinh, các tín hữu Kitô đã bị sát hại một cách dã man. Nước Mali cũng bị bạo lực sâu xé và đang phải chịu một cuộc khủng hoảng sâu đậm về cơ chế và xã hội, cần phải khơi dậy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Tại Cộng hòa Trung Phi, tôi mong ước rằng các cuộc thương thuyết đã được loan báo cho những ngày tới đây đưa tới sự ổn định và tránh cho dân chúng khỏi phải tái trải qua những kinh hoàng của nội chiến.

Bảo vệ phẩm giá con người

”Sự xây dựng hòa bình luôn tiến hành qua việc bảo vệ con người và những quyền cơ bản của con người. Nghĩa vụ này, tuy nó bị đe dọa những những thể thức và cường độ khác nhau, đang đặt câu hỏi cho mọi quốc gia và phải liên tục được soi sáng nhờ phẩm giá siêu việt của con người và những nguyên tắc được khi trong bản tính con người. Trong số những nguyên tắc ấy đứng hàng đầu có sự tôn trọng sự sống con người trong mọi giai đoạn. Về vấn đề này, tôi vui mừng vì một Nghị Quyết của Nghị Viện của Hội đồng Âu Châu, hồi tháng giêng năm qua, đã yêu cầu cấm việc làm cho chết êm dịu, được hiểu như một sự cố tình giết một người đang ở trong tình trạng lệ thuộc, bằng hành động hoặc bằng sự bỏ sót.

Đồng thời tôi đau buồn nhận thấy rằng tại nhiều nước khác nhau, cả những nước có truyền thống Kitô giáo, người ta vận động để du nhập hoặc nới rộng những luật bãi bỏ sự trừng phạt hoặc cho tự do phá thai. Phá thai trực tiếp, – tức là nhắm phá thai như một mục tiêu hoặc như một phương tiện, – là điều trái với luật luân lý một cách trầm trọng. Khi khẳng định như thế, Giáo Hội Công Giáo không thiếu sự cảm thông và từ ái, kể cả đối với bà mẹ. Đúng hơn, vấn đề ở đây là cảnh giác sao cho luật pháp không làm biến thái một cách bất công sự quân bình giữa quyền sống của người mẹ và quyền của đứa con được sinh ra, cả hai quyền đều thuộc về hai người một cách đồng đều. Trong lãnh lực này, một điều cũng gây lo âu đó là phán quyết gần đây của Tòa án Liên Mỹ châu về nhân quyền, liên quan đến việc thụ thai trong ống nghiệm, định nghĩa lại một cách độc đoán về lúc thụ thai và làm suy yếu việc bảo vệ sự sống trước khi sinh ra.

Tây Phương mơ hồ về các quyền con người

”Đáng tiếc thay, tại Tây phương, người ta cũng thấy nhiều mơ hồ về ý nghĩa các quyền con người và nghĩa vụ đi kèm. Các quyền thường được lẫn lộn với những biểu thị thái quá về sự tự quyết của con người, con người tự tham chiếu mình, và không còn cởi mở đối với cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và với tha nhân; con người co cụm vào mình khi chỉ tìm cách thỏa mãn những nhu cầu riêng của mình. Trái lại, để có đặc tính chân chính, sự bảo vệ các quyền con người phải cứu xét con người trong sự toàn diện theo chiều kích cá nhân và cộng đoàn.

”Tiếp tục cuộc suy tư của chúng ta, cũng nên nhấn mạnh việc giáo dục cũng là một con đường ưu tiên khác để xây dựng hòa bình. Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh hiện nay là điều dạy chúng ta về vấn đề ấy. Cuộc khủng hoảng xảy ra vì lợi lộc quá nhiều khi được tuyệt đối hóa, gây thiệt hại cho lao công, và người ta phiêu lưu vô độ trên những con đường kinh tế tài chánh, thay vì trên những con đường kinh tế thực sự. Vì thế, cần tìm lại ý nghĩa của lao công và lợi tức tương ứng. Để đạt tới mục đích ấy, nên giáo dục chống lại những cám dỗ của lợi lộc riêng tư và ngắn hạn, để qui hướng nhiều hơn về công ích. Ngoài ra, cần cấp thiết huấn luyện các nhà lãnh đạo, những người sẽ điều khiển các tổ chức công cộng quốc gia và quốc tế trong tương lai (Xc Sứ điệp Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 46, 8-12-2012, n.6). Liên hiệp Âu Châu cũng cần những đại diện sáng suốt và có khả năng, để thực hiện những chọn lựa khó khăn, cần thiết để chấn chỉnh nền kinh tế của mình và đặt những nền tảng vững chắc cho sự phát triển của mình. Nếu đứng một mình, một số nước có lẽ sẽ tiến bước nhanh hơn, nhưng cùng nhau, tất cả chắc chắn sẽ đi xa hơn! Nếu chỉ số khác biệt giữa các hối xuất tài chánh là một mối lo, thì những khác biệt trong sự tăng trưởng giữa nột số nhỏ ngày càng giầu thêm, và một đa số ngày càng nghèo thêm, sẽ gây ra hoang mang. Nói tắt một lời, vấn đề ở đây là không cam chịu ”với tình trạng suy yếu (spread) về an sinh xã hội”, trong lúc người ta chiến đấu về tài chánh.

Đầu tư trong lãnh vực giáo dục tại những nước đang trên đường phát triển ở Phi châu, Á châu và Mỹ châu la tinh có nghĩa là giúp các nước ấy khắc phục nghèo đói và bệnh tật, cũng như thực hiện những hệ thống luật pháp công bằng, tôn trọng phẩm giá con người. Điều chắc chắn là để thực thi công lý, những kiểu mẫu tốt về kinh tế vẫn chưa đủ, cho dù chúng cần thiết. Công lý chỉ được thực thi nếu có những người công chính! Vì thế, kiến tạo hòa bình có nghĩa là giáo dục cá nhân bài trừ tham nhũng, nạn phạm pháp, nạn sản xuất và buôn bán ma túy, cũng như tránh những chia rẽ căng thẳng có nguy cơ làm cho xã hội kiệt lực, cản trở sự phát triển và sống chung hòa bình.

Bênh vực tự do tôn giáo

”Tiếp tục cuộc nói chuyện của chúng ta hôm nay, tôi muốn nói thêm rằng hòa bình xã hội cũng bị lâm nguy do một số vi phạm tự do tôn giáo. Đôi khi đây là sự gạt bỏ tôn giáo ra ngoài lề đời sống xã hội; trong một số trường hợp khác, đó là thái độ bất bao dung hoặc bạo hành chống lại con người, các biểu tượng xác định căn tính tôn giáo và các tổ chức tôn giáo. Cũng xảy ra tình trạng này là các tín hữu, đặc biệt là các Kitô hữu, bị cấm cản không được góp phần cho công ích qua các tổ chức giáo dục và từ thiện của họ. Để bảo vệ hữu hiệu việc thực thi tự do tôn giáo, điều thiết yếu là tôn trọng quyền phản kháng lương tâm. Biên cương này của tự do liên hệ tới những nguyên tắc rất quan trọng, có tính chất luân lý đạo đức và tôn giáo, được ăn rễ sâu nơi phẩm giá của chính con người. Những nguyên tắc ấy giống như ”những bức tường nâng đỡ toàn thể xã hội muốn thực sự có tính chất tự do và dân chủ. Vì thế, cấm sự phản kháng lương tâm về mặt các nhân và tổ chức, nhân danh tự do và sự đa nguyên, sẽ mở đường cho những cánh cửa bất bao dung và cưỡng bách mọi người phải đồng đều nhau.

”Ngoài ra, trong một thế giới có những giới hạn ngày càng mở rộng hơn, xây dựng hòa bình bằng đối thoại không phải là một chọn lựa, nhưng là điều cần thiết! Trong viễn tượng ấy, Tuyên Ngôn chung giữa vị Chủ tịch HĐGM Ba Lan và Đức Thượng Phụ Mascơva, được ký kết hồi tháng 8 năm ngoái, là một dấu chỉ mãnh mẽ do các tín hữu nêu ra để tạo điều kiện dễ dàng cho những quan hệ giữa dân tộc Nga và dân tộc Ba Lan. Tôi cũng muốn nhắc đến hiệp định hòa bình mới ký kết tại Philippines và nhấn mạnh vai trò của đối thoại giữa các tôn giáo để có sự sống chung hòa bình trong vùng Mindanao.

Và ĐTC kết luận rằng:

Quý vị Đại Sứ, ”Vào cuối thông điệp Hòa bình dưới thế, sẽ được mừng kỷ niệm 50 năm trong năm nay, Vị Tiền Nhiệm của tôi, Đức Chân Phước Gioan 23, đã nhắc lại rằng hòa bình chỉ là ”một danh từ trống rỗng ý nghĩa” nếu nó không được lòng bác ái linh hoạt và kiện toàn (AAS 55 [1963], 303). Như thế, lòng bác ái ở trọng tâm hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh, và trước tiên ở trọng tâm mối quân tâm của Người Kế Vị Thánh Phêrô và của toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Đức bác ái không thay thế cho công lý bị phủ nhận, nhưng đàng khác, công lý không thay thế cho đức bác ái bị phủ nhận. Giáo Hội thực hành hằng ngày đức bác ái trong các tổ chức từ thiện, với những nhà thương và bệnh xá, cũng như các tổ chức giáo dục, tron gđó có các viện cô nhi, trường học, học viện, đại học cũng như qua sự trợ giúp dành cho dân chúng gặp khó khăn, nhất là trong và sau các cuộc xung đột. Nhân danh bác ái, Giáo Hội muốn gần gũi tất cả những người đau khổ vì thiên tai. Tôi nghĩ đến các nạn nhân bị lụt tại Đông Nam, và cuồng phong xảy ra ở bờ biển phía đông của Hoa Kỳ. Tôi cũng nghĩ đến những người bị động đất dữ dội tàn phá một số miền ở bắc Italia. Như quý vị biết, tôi đã muốn đích thân đến những nơi ấy và tôi đã có thể nhận thấy ước muốn nồng nhiệt của dân chúng mong tái thiết những gì đã bị phá hủy. Trong thời điểm này của lịch sử Italia, tôi cầu mong rằng kinh thần kiên trì và sự dấn thân chung linh hoạt toàn thể quốc dân Italia yêu quí….”

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Sứ điệp video của Đức Thánh Cha gửi Giáo Hội tại Campuchia

Sứ điệp video của Đức Thánh Cha gửi Giáo Hội tại Campuchia

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 gửi Sứ điệp Video chào thăm và khích lệ mọi thành phần dân Chúa tại Campuchia, nhân dịp Hội nghị kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2.

Trong sứ điệp công bố sáng hôm 7 tháng 1-2012 tại thủ đô Phnom Penh, ĐTC nói:

“Anh chị em thân mến ở Campuchia!

”Thật là một niềm vui lớn cho tôi được đến với anh chị em qua kinh nguyện và qua tâm hồn, và có thể gửi đến anh chị em lời chào thăm nồng nhiệt của tôi giữa lúc anh chị em tụ họp nhau quanh các mục tử của mình để cử hành 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican và và kỷ niệm 20 năm Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Tôi cầu mong rằng bản dịch các văn kiện Công đồng và Sách Giáo Lý ra tiếng Campuchia mà anh chị em nhận được trong dịp này, giúp anh chị em hiểu rõ hơn Giáo huấn của Giáo Hội và tăng trưởng trong đức tin”.

Trong Năm Đức Tin này, tôi mời gọi anh chị em luôn hướng nhìn về Chúa Giêsu Kitô, là nguồn gốc và đích điểm đức tin của chúng ta (Xc Dt 12,2) và tái khẳng định rằng Ngài là Tin Mừng cho thế giới ngày nay. Chính nơi Ngài mà các mẫu gương đức tin đã đánh dấu lịch sử chúng ta, tìm được ánh sáng trọn vẹn. Cũng vậy, khi nhớ đến thời kỳ xáo trộn xô đẩy đất nước anh chị em vào bóng tối, tôi muốn nhấn mạnh rằng đức tin, lòng can đảm và kiên trì của cá vị mục tử cũng như bao nhiêu anh chị em Kitô của anh chị em, trong đó có nhiều người đã chết, là một chứng tá cao cả dành cho chân lý Tin Mừng. Và chứng tá ấy đã trở thành một sức mạnh tinh thần khôn lường để tái thiết cộng đồng Giáo Hội tại đất nước anh chị em. Ngày nay đông đảo các dự tòng và những cuộc rửa tội cho người lớn chứng tỏ sức sinh động của anh chị em và là một dấu hiệu tốt đẹp về sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa nơi anh chị em”.

Cũng trong sứ điệp, ĐTC khẳng định rằng: ”Anh chị em thân mến, theo bước thánh Phaolô tông đồ, tôi nhắn nhủ anh chị em ”hãy duy trì tình đoàn kết trong Thánh Linh nhờ mối giây an bình” (Ep 4,3). Hãy chắc chắn về lời cầu nguyện của những người anh chị em đã đổ máu đào trong đồng ruộng! Hãy trở thành men trong bột xã hội của anh chị em, làm chứng về tình bác ái của Chúa Kitô đối với tất cả mọi người, bằng cách kiến tạo những quan hệ huynh đệ với mọi thành phần của các truyền thống tôn giáo khác, và tiến bước trên con đường công lý và từ bi. ”Các bạn trẻ thân mến, là những người đã được rửa tội trong những năm gần đây, các bạn đừng quên rằng Giáo Hội là gia đình của các bạn; Giáo Hội hy vọng nơi các bạn để làm chứng về Sự Sống và Tình thương mà các bạn đã khám phá trong Chúa Giêsu. Tôi cầu nguyện cho các bạn và mời gọi các bạn hãy trở thành những môn đệ quảng đại của Chúa Kitô.

”Và hỡi các linh mục và chủng sinh Campuchia, anh em là dấu chỉ hạt giống của Giáo Hội đang được kiến thiết. Cuộc sống dâng hiến và kinh nguyện của anh em là nguồn mạch hy vọng, và cũng là một lời mời gọi cho những người trẻ khác hãy dâng hiến cuộc sống như những linh mục theo con tim của Thiên Chúa.

”Hỡi các thừa sai, tu sĩ nam nữ, giáo dân thánh hiến đến từ năm châu, anh chị em là dấu chỉ tươi đẹp về tình hiệp thông Giáo Hội quanh các vị mục tử của anh chị em để tình huynh đê của anh chị em, trong những đoàn sủng khác nhau, dẫn đưa nhiều người mà anh chị em phục vụ và nồng nhiệt yêu mến đến gặp chúa Giêsu Kitô. ”Và hỡi tất cả anh chị em đang tìm kiếm Thiên Chúa, xin anh chị em hãy kiên trì và tin chắc rằng Chúa Kitô yêu thương và trao tặng an bình của Ngài cho anh chị em!

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em rất thân mến, là những mục tử và tín hữu ở Campuchia, xin Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ Mekong, trong sự khiêm tốn và trung thành của Mẹ đối với thánh ý Chúa, soi sáng cho anh chị em suốt trong Năm Đức Tin này. Hãy chắc chắn rằng tôi mang anh chị em trong kinh nguyện và tôi rất vui lòng gửi đến tất cả anh chị em phép lành Tòa Thánh quí mến của tôi!”

Hội nghị về ”Công đồng chung Vatican 2 và Giáo Hội” diễn ra tại Phnom Penh, thủ đô Campuchia, từ 5 đến 7 tháng 1-2013 với sự tham dự của hơn 400 người.

Hội nghị được tổ chức nhân dịp Năm Đức Tin. Đức Cha Olivier Schmitthauesler thuộc Hội thừa sai Paris, Đại diện Tông tòa giáo phận Phnom Penh, cho biết mục đích Hội nghị này là để ”cử hành và suy tư về các văn kiện Công đồng chung Vatican 2, kín múc từ đó sức mạnh và sự đào sâu mới mẻ để tiếp tục xây dựng Giáo Hội tại Campuchia”. Trong dịp này, các bản dịch văn kiện công đồng và Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo bằng tiếng Khmer cũng được giới thiệu cho công chung.

Hội nghị được khai mạc với cuộc triển lãm về Công đồng, một buổi cầu nguyện, tiếp theo đó là bài thuyết trình của Đức Cha Schmitthauesler về đề tài ”Giáo Hội”.

Chúa nhật 6 tháng 1-2013, có các cuộc hội luận nhóm về 8 lãnh vực khác nhau: cầu nguyện, loan báo Tin Mừng, đối thoại liên tôn, ơn gọi, các phương tiện truyền thông xã hội, phục vụ người nghèo, giáo dục nói chung và giáo dục về đức tin, sự dấn thân của Giáo Hội trong xã hội. Ngày hội nghị kết thúc với một buổi hòa nhạc do các cộng đoàn trong giáo phận trình bày.

Thứ hai, 7 tháng 1, có phần tường trình kết quả các cuộc Hội luận, và trình chiếu sứ điệp Video của ĐTC, và lúc 10 giờ rưỡi có thánh lễ kết thúc hội nghị, với phần phân phát các bản dịch tài liệu Công đồng và Sách giáo lý Công Giáo. (SD 7-1-2013)

G. Trần Đức Anh OP

Phải can đảm và khiêm nhường trước các tín điều bất khoan nhượng của chủ thuyết bất khả ngộ

Phải can đảm và khiêm nhường trước các tín điều bất khoan nhượng của chủ thuyết bất khả ngộ

Các Giám Mục phải là những người quan tâm hướng về Thiên Chúa để có thể quan tâm tới con người. Phải phải can đảm và khiêm nhường trước các tín điều bất khoan nhượng của chủ thuyết bất khả ngộ thống trị thế giới ngày nay.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khích lệ các tân Giám Mục như trên trong bải giảng thánh lễ truyền chức cử hành tại đền thờ thánh Phêrô trong khung cảnh lễ Hiển Linh 6 tháng 1-2013.

Bốn Tân Tổng Giám Mục được truyền chức là Đức Cha Georg Ganswein, 56 tuổi, Bí thư riêng của Đức Thánh Cha, được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng. Trong chức vụ mới Đức Cha sẽ đặc trách về các buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha và chuẩn bị các chuyến viếng thăm của ngài ở Italia. Ba vị Tổng Giám Mục còn lại là Đức Cha Vincenzo Zani, người Italia, Tổng thư ký Bộ giáo dục công giáo, Đức Cha Fortunatus Nwachukwu, người Nigeria, tân Sứ Thần Tòa thánh tại Nicaragua, và Đức Cha Nicolas Thévénin, người Pháp, Sứ Thần Tòa Thánh.

Hai vị phụ phong trong buổi lễ là Đức Hồng Y Tarcicsio Bertone, Quốc vụ Khanh Tòa thánh và Đức Hồng Y Zenon Grocholewski, Tổng trưởng Bộ giáo dục công giáo.

Tham dự thánh lễ có gần 100 vị gồm các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, cùng với các linh mục, tu sĩ nam nữ, thân nhân bạn bè của các tiến chức, ngoại giao đoàn canh Tòa Thánh và 10.000 tín hữu và du khách hành hương.

Sau Phúc Âm Phó tế đã hát lời loan báo Phục Sinh. Tiếp đến cộng đoàn đã hát kinh Cầu Xin Chúa Thánh Thần, rồi Đức Hồng Y Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng Bộ Giám Muc giới thiệu các tiến chức với Đức Thánh Cha.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa của biến cố Hiển Linh và mời gọi các tiến chức noi gương ba nhà Đạo sĩ phương đông. Hiển Linh là sự biểu lộ lòng lành và tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Dưới sự hướng dẫn của ngôi sao các Đạo sĩ đã tìm ra con đường tới Bếtlêhem; nhưng đối với Giáo Hội đó chỉ là bước khởi đầu của một cuộc rước vĩ đại dọc dài lịch sử. Các Đạo sĩ đến từ Phương Đông đại diện cho thế giới các dân tộc, Giáo Hội của các người không do thái, qua các thế kỷ tiến bước về với Con Trẻ ở Bếtlêhem, phủ phục và thờ lậy Con Thiên Chúa. Thật ra ngay từ đầu lịch sử Giáo Hội, con người đến từ mọi nơi thuộc mọi lục địa, mọi nền văn hóa và các kiểu suy nghĩ và cách sống khác nhau đã và đang tiến bước về với Chúa Kitô.

Các Đạo sĩ là những người bị thúc đẩy bởi sự âu lo kiếm tìm Thiên Chúa và ơn cứu rỗi của thế giới, nên không hài lòng với địa vị và của cải họ có, mà muốn biết làm sao để là người, và biết sự thật về chính con người, về Thiên Chúa và thế giới. Họ là những người kiếm tìm Thiên Chúa.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã khuyến khích các tân chức noi gương ba nhà Đạo sĩ phương đông và định nghĩa Giám Muc như sau:

Nhất là vị Giám Mục phải là người quan tâm hướng về Thiên Chúa, bởi vì chỉ như thế Giám Mục mới thực sự quan tâm tới con người. Chúng ta cũng có thể nói ngược lại: một Giám Mục phải là một người có con tim chú ý tới con người, bị đánh động bởi các chuyện của con người. Giám Mục phải là một người sống cho người khác. Nhưng ngài chỉ thực sự được như vậy, nếu là một người bị Thiên Chúa chinh phục. Nếu đối với ngài, sự lo lắng đối với Thiên Chúa trở thành một sự lo lắng đối với con người là thụ tạo của Chúa. Giám Mục phải là người đi trước và chỉ đường cho con người tiến tới đức tin, đức cậy và đức mến. Như là người hành hương của Thiên Chúa Giám Mục phải là con người cầu nguyện và sống trong sự tiếp xúc nội tâm liên lỉ với Thiên Chúa.

Giám Mục là người được mời gọi có can đảm và sự khiêm tốn của đức tin như các nhà Đạo sĩ, chắc hẳn đã bị nhạo cười vì được hướng dẫn bởi một ngôi sao họ du hành về nơi vô định. Xem ra họ đáng nực cười, nhưng bởi vì các vị đã được Thiên Chúa đánh động trong nội tâm, nên đối với họ việc tìm kiếm chân lý quan trọng hơn sự chế nhạo của thế giới, bề ngoài xem ra thông minh. Cũng thế vị Giám Mục ngày nay sẽ thường xung khắc với sự thông minh thống trị của những người bám víu vào cái xem ra chắc chắn. Ai sống và loan báo đức tin của Giáo Hội, trong nhiều điểm không phù hợp với các ý kiến thống trị của thời đại chúng ta ngày nay. Và Đức Thánh Cha giải thích lý do các xung khắc đó như sau: Chủ thuyết bất khả ngộ đang thống trị rộng rãi ngày nay có các tín điều của nó, và nó rất bất khoan nhượng đối với tất cả những gì đặt nó trong vấn nạn và cật vấn các tiêu chuẩn của nó. Vì thế can đảm chống lại các hướng dẫn thống trị là điều đặc biệt cấp bách đối với một Giám Mục này nay. Do đó Giám Mục phải là người can đảm. Sự can đảm ấy không hệ tại việc đánh trả với bạo lực, trong tính hiếu chiến, nhưng là để cho mình bị đánh và đương đầu với các tiêu chuẩn của các ý kiến thống trị. Can đảm ở lại một cách vững vàng với chân lý là điều được đòi hỏi nơi nhưng người Chúa gửi đi như chiên con giữa sói. Ai kính sự Chúa, thì khộng sợ hãi gì hết” sách Huấn Ca nói vậy (Hc 34,16). Lòng kính sợ Chúa giải thoát khỏi sự sợ hãi loài người. Nó khiến được tự do”.

Cũng như đã xảy ra cho các Tông Đồ, cũng thế các Giám Mục là những người kế vị các Tông Đồ phải chờ đợi bị đánh đập nhiều lần, một cách tân tiến, nếu không ngừng loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô một cách dễ nghe và dễ hiểu. Dĩ nhiên, các Giám Mục không được mời gọi khiệu khích, trái lại phải kêu mời mọi người bước vào trong niềm vui của chân lý, bằng cách chỉ đường như các ngôi sao lóng lánh trên bầu trời lich sử. Sự ưng thuận của các ý kiến thống trị không phải là tiêu chuẩn phải vâng phục. Tiêu chuẩn là chính Chúa. Nếu chúng ta bảo vệ lý lẽ của Chúa, thì nhờ Người, chúng ta sẽ luôn luôn chinh phục được các người mới cho con đường Tin Mừng. Nhưng một cách không thể tránh né được, chúng ta sẽ bị đánh bởi những người sống trái nghịch với Tin Mừng, và khi đó chúng ta sẽ biết ơn vì được coi là xứng đáng thông phần vào cuộc Khổ Nạn của Chủa Kitô.

Sau khi các tiến chức đã thề hứa trung thành với các nhiệm vụ Giám Mục của mình cho tới chết, cộng đoàn đã hát kinh cầu các Thánh xin các vị bầu cử cho các tiến chức nằm phủ phục trước bàn thờ. Tiếp đến hai vị phụ phong, các Hồng Y và các Tổng Giám Mục đặt tay trên đầu các tiến chức. Các Phó tế cầm sách Phúc Âm mở trền đầu các tiến chức, trong khi Đức Thánh Cha đọc công thức truyền chức. Rồi từng vị tiến lên để được Đức Thánh Cha xức dầu thánh hiến, trao sách Phúc Âm, đeo nhẫn, nhận mũ và gậy Giám Mục. Sau đó càc Tân Tổng Giám Mục trao hôn bình an với Đức Thánh Cha, các Hồng Y, và các Tổng Giám Mục, và nhận lời chúc mừng của các vị.

Vì thánh lễ kéo dài nên Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin trễ 15 phút. Ngài đã xin lỗi mọi người vị sự chậm trễ này. Đức Thánh Cha đã gửi lời cầu chúc bình an, và đặc biệt chúc mừng các Giáo Hội Đông Phương mừng lễ Giáng Sinh ngày mùng 7 tháng Giêng theo lịch Giuliano. Ngài cũng nhắc tới Ngày Thánh Nhi cử hành tại Italia hôm qua và cám ơn các thiếu nhi đã dấn thân loan báo Tin Mừng và trợ giúp các trẻ em nghèo. Đức Thánh Cha xin các em đem tình yêu Chúa đến cho mọi người. Ngài cũng đặc biệt chào mừng hiệp hội Các Gia đinh Tự Do Âu châu tổ chức cuộc diễn hành lịch sử dân ca vũ, năm nay theo các truyến thống của vùng Arezzo trung Italia. Hàng chục đoàn người mặc các sắc phục địa phương với cờ quạt hộ tống ba vua cỡi ngựa, đã bắt đau diễn hành lúc 10 giờ trên đại lộ Hòa Giải đế tiến về quảng trường thánh Phêrô tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha.

Trong bài huấn dụ ngắn Đức Thánh Cha nói tuy có hơi khác nhau nhưng lễ Hiển Linh mà Giáo Hội Latinh Roma mừng hôm qua, và lễ Giáng Sinh mà các Giáo Hội Đônb phương mừng ngày mùng 7 tháng Giếng, đều nêu bật rằng Hài Nhi sinh trong hang đá Bếtlehem là ánh sáng thế gian, dẫn lối cho mọi dân tộc. Trên bình diện đức tin thì một đàng trong lễ Giáng Sinh chúng ta thấy ở trước Đức Giêsu có đức tin của Mẹ Maria, của thánh Giuse và các mục đồng. Hôm nay trong lể Hiển Linh có đức tin của các Đạo sĩ đến từ Phương Đông để thờ lậy vua Do thái. Ngài nói:

Đức Trinh Nữ Maria cùng với chồng mình diễn tả ”nhánh” của Israel, ”số sót” đã đươc các tiên tri loan báo, từ đó Đấng Cứu Thế xuất thân. Trái lại các Đạo sĩ diễn tả các dân tộc, và chúng ta cũng có thể nói các nền văn hóa, và các tôn giáo đang tiến bước về với Thiên Chúa, trong sự kiếm tìm vương quốc hòa bình, công bằng, chân lý và tự do của Người. Nhân tố đức tin của dân Israel là dân đã nhận biết và tin nơi Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải cho các Tổ Phụ và trong con đường lịch sử, đã được biểu hiện nơi Đức Maria, ”Con gái Sion”. Vào thời viên mãn đức tin ấy đã thành toàn nơi Mẹ là ”người có phúc vì đã tin”; và nơi Mẹ Ngôi Lời đã nhập thể, Thiên Chúa đã xuất hiện” trong thế giới. Đức tin của Mẹ trở thành mẫu gương đức tin của Giáo Hội, Dân của Giáo Ước mới, một dân đại đồng ngay từ đầu. Nó có thể được để bên cạnh đức tin của tổ phụ Abraham: nó là sự khởi đầu của cùng một lời hứa của cùng một chương trình bất biến của Thiên Chúa, giờ đây được thành toàn nơi Đức Giêsu Kitô. Ánh sáng của Chúa Kitô trong sáng và mạnh mẽ khiến cho có thể hiểu được ngôn ngữ của vũ trụ cũng như ngôn ngữ của Thánh Kinh, và như thế tất cả những ai, như ba nhà Đạo sĩ, rộng mở cho chân lý có thể nhận biết nó và đạt tới việc chiêm ngưỡng Đấng Cứu Độ thế giới.

Sau đó Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vietvatican

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO Từ 12-31-2012 đến 01-06-2013

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Từ 12-31-2012 đến 01-06-2013

Trích từ XBVN

Linh mục ở Gp Boston được bổ nhiệm làm công tố viên về lạm dụng tình dục.Thúc giục tín hữu Công Giáo Ái Nhĩ Lan lên tiếng nhân danh quyền được sống.Cuộc trưng cầu dân ý và Hiến pháp ở Ai Cập là một sự sỉ nhục cho đạo Hồi.Thỉnh nguyện thư trên phạm vi Châu Âu để bảo vệ quyền được sống.Đền thờ xây năm 750 trước CN được tìm thấy ở Israel. –Hãy là chứng nhân cho sự hiệp nhất Kitô giáo.12 linh mục, các nhà hoạt động mục vụ khác bị giết năm 2012. –HĐGM Hoa Kỳ và Cơ Quan Cứu trợ Công Giáo và tu chính viện trợ nước ngoài.Những người phản đối chiếm văn phòng Sứ thần Toà Thánh ở Paris. –Những công việc từ thiện cá nhân của Đức Thánh Cha.Giáo phận Westminster chấm dứt ‘các thánh lễ Soho’.Kế hoạch làm việc bận rộn năm 2013 của Đức Thánh Cha.BỔ NHIỆM MỚI.Hàng ngàn giáo dân đón chào thánh tích Thánh Nữ Têrêxa.2.3 triệu người tham dự các buổi triều yết và các nghi lễ năm 2012.Hồng Y Vatican viết về vai trò những bà mẹ các linh mục.Cải tổ bộ luật hình sự có nghĩa là Tập Cận Bình phải thả các GM và LM bị tù. (Xem chi tiết . . .Tuần tin Công giáo từ 12-31-2012 đến 01-06-2013 )

LỄ HIỂN LINH

LỄ HIỂN LINH

Kính thưa qúi ông bà anh chị em, hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ Chúa Hiển Linh.  Hiển linh là gì, nếu không phải là Chúa tỏ mình ra cho muôn dân biết Ngài là Đấng Mê-si-a  mà các ngôn sứ, tiên tri đã loan báo từ ngàn xưa, nay đã ra đời ở Bêlem qua Hài Nhi Giêsu. Các mục đồng tìm đến ngợi khen chúc tụng, và các nhà đạo sĩ Phương Đông cũng tìm về triều bái và dâng lễ vật, mà hôm nay ta mừng lễ cũng gọi là lễ Ba Vua.

 Bài đọc 1, sách tiên tri Isaia cho ta thấy hình ảnh vinh quang chiếu tỏa từ Giêrusalem, trong khi các dân tộc còn sống trong u tối. Giêrusalem không phải tự nó chiếu sáng nhưng là nhờ vinh quang củaThiên Chúa, bởi đó mà các dân tộc dập dìu kép tới, nguồn phú túc và lạc đà cũng tuôn về.  Với viễn tượng mà Isaia nhìn Giêrusalem toả sáng, chắc chắn tiên báo về thời Đấng cứu Thế. Phải, thời Đấng Mê-si-a đã đến và thời đó sẽ viên mãn như lời Chúa Giêsu nói:  Rồi đây người Phương Đông, Phương Tây sẽ tuôn đến, trong khi con cái trong nhà bị loại ra ngoài, ám chỉ ngày quang lâm, lời tiên tri được thực hiện hoàn toàn. Nhưng hiện nay đã khởi sự nơi Hài Nhi Giêsu mà hôm nay ngôi sao dẫn đường ba vua đã dừng lại ở Bêlem nơi Hài Nhi Giêsu sinh ra. Giêrusalem bừng sáng, chính nơi đây ba nhà đạo sĩ tìm đến thờ lạy.

Giáo Hội ngày nay là hình ảnh Giêrusalem đang bừng sáng để muôn dân nhận ra và tìm về.  Mỗi một cộng đoàn, giáo xứ, gia đình, hay mỗi một cá nhân là một Giáo Hội được thu nhỏ.  Giê-ru-sa-lem xưa bừng sáng, thì nay qua mỗi người chúng ta cũng phải bừng sáng bởi ngày chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội.  Mỗi tín hữu được trao cây nến thắp sáng để chiếu dọi vào thế giới u tối.  Khi chúng ta lãnh nhận ba chức năng:  ngôn sứ- tư tế và vương đế; nghĩa là: rao giảng, tế tự và cai quản.  Cho nên, hôm nay, chúng ta là những hình ảnh tiếp nối các nhà đạo sĩ đến thờ lạy Ngôi Hai, để ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa chiếu dọi vào lòng trí chúng ta, giúp chúng ta thêm đức tin, đức cậy và lòng mến, có như thế chúng ta mới đem Tin Mừng yêu thương đến với mọi người; mọi người ở đây, trước hết là mỗi thành phần trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, dòng tu, mỗi người phải hiển linh cho nhau, nghĩa là phải sống làm sao, nói thế nào để cho khuôn mặt nhân từ của Chúa ra qua cử chỉ, lời nói đối với mọi người chung quanh.

Tin Mừng, tin vui mà Chúa muốn cho chúng ta mang đi loan báo, cho mọi người là một Tin Mừng sống động khởi đi từ Hài Nhi bé bỏng, nhưng lại là Vua muôn vua, Vua của sự bình an.  Chính vì sự nghịch lý này mà xưa cũng như nay đã không biết bao nhiêu người không chấp nhận đã đành mà còn xua đuổi, loại trừ Chúa ra khỏi cuộc đời của mình và còn hung bạo hơn nữa là muốn không cho Thiên Chúa hiện hữu trên mặt đất này, cũng chỉ vì sự kiêu căng ngạo mạn, muốn mình làm chúa để quyết định vận mệnh của thế giới nhân loại.  Lại nữa, vì sự ích kỷ của con người sợ ảnh hưởng tới địa vị, sợ mất quyền lợi này, quyền lợi kia, hay nói khác đi, khi người ta sợ đụng chạm đến quyền lợi,  sự phiền phức cho cuộc sống của mình; như trường hợp vua Hêrôđê sợ mất ngôi vua của ông nên ông đã có những âm mưu nham hiểm để triệt hại Hài Nhi Giê-su không được nên ông giết tất cả các trẻ em ở Giê-ru-sa-lem và các vùng phụ cận cho chắc ăn.

Hình ảnh một Hêrôđê xưa thật đáng sợ, nhưng ngày nay biết bao nhiêu Hêrôđê còn đáng sợ hơn nhiều; bởi vì, Hêrôđê xưa chỉ giết những đứa trẻ không phải là máu mủ ruột thịt của ông, thế mà ngày nay biết bao người mẹ đang tay giết chết ngay chính con của mình.  Rồi bạo chúa Hêrôđê hôm nay là những người tiếp tay cho những bà mẹ phá thai.  Hêrôđê ngày nay là những kẻ dùng đồng tiền để đẩy bao nhiêu trẻ thơ vô tội vào con đường huỷ hoại cuộc đời.  Ôi ngày nay Hêrôđê bạo chúa đang ẩn núp dưới mọi hình thức.

Phúc cho những ai thành tâm thiện chí, những tâm hồn khiêm tốn, bé nhỏ để đón nhận mầu nhiệm giáng sinh. Mẹ Maria, thánh Giuse, các mục đồng, ba nhà đạo sĩ, đó là những người có phúc, đó là những người sẽ được dự phần vinh phúc trong nước Chúa.

Ước gì lễ hiển linh hôm nay mời gọi mỗi người trở thành sự Hiển Linh của Chúa trong môi trường chúng ta sống; nghĩa là để cơ hội cho Chúa sinh ra và lớn lên trong lòng mình, đó phải chăng là sự Hiển Linh của Chúa đang được thể hiện qua chúng ta.  Amen.

Linh mục Phaolo Cao Thế Bình SDD

CHÚNG TÔI ĐẾN ĐỂ THỜ LẠY NGƯỜI

CHÚNG TÔI ĐẾN ĐỂ THỜ LẠY NGƯỜI

Cuộc kính viếng Chúa Hài Nhi của Ba Vua trong đoạn Phúc Âm  Thánh Mátthêu hôm nay (x. Mt 2, 1-12)  được cấu trúc bằng bốn đoạn văn:

– Câu văn khởi đầu để xác định vị trí và thời điểm: “Khi Chúa Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđêa, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh phương Đông đến Giêrusalem” (Mt 2, 1); – Cuộc hành trình dừng lại  ở Giêrusalem để hỏi thêm tin tức (x .Mt 2, 2-8); – Tiếp tục cuộc hành trình đến Bêlem và được diện kiến Chúa Hài Nhi (x. Mt 2, 9-11); – Và câu văn kết thúc: “Sau đó các ông được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình” (Mt 2, 12).

Trong cả hai đoạn văn tường thuật lại cuộc hành trình đến Giêrusalem và tiếp tục từ Giêrusalem đến Bêlem, chúng ta có  hai yếu tố đáng chú ý và suy ngẫm: ngôi sao và cuộc bái lạy:

– “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện, bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người ” (Mt 2, 2). – “Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người ” (Mt 2, 10-11).

Dựa vào hai yếu tố  nổi bậc đó của hai đoạn văn, chúng ta có thể  suy niệm ý nghĩa của biến cố ba Nhà Chiêm Tinh ( hay Ba Vua) đến thờ lạy Chúa Hài Nhi.

a. “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện”.

Theo các xác tín từ ngàn xưa, mỗi người chúng ta đều có số mệnh hay có vì sao hộ mệnh. Khi mỗi người sinh ra có một vì  sao mọc lên và lặn đi, khi chúng ta mất. Trong văn chương thời cỗ, nhất là Cựu Ước, các biến cố vừa kể trên không gian có liên hệ đến lúc một vị vua hay một vị hoàng đế sinh ra. Có lẽ khi viết những dòng Phúc Âm vừa kể, Thánh Mátthêu liên tưởng đến những gì được báo trong Cựu Ước, liên quan đến dân Do Thái: “Tôi thấy nó (ngôi sao), nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên;một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng nổi dậy từ Israel, sẽ đập vào màng tang Môáp, đánh vở sọ tất cả con cái Sét và chiếm Êđom, cả Syria cũng bị chiếm nữa, Israel sẽ biểu dương sức mạnh” (Num 24, 17-18).

Đó là lời của nhà tướng số Balaam, một người ngoại đạo, được vua Môáp mời đến xem vận mạng và chúc dữ cho Israel, nhưng thay vì chúc dữ, nhà tướng số lại thốt lên những lời chúc phúc của Thiên Chúa, tiên báo tương lai huy hoàng cho Israel. Những lời tuyên bố vừa kể của Balaam, thời Thánh Mátthêu được dân chúng lưu truyền, chuyền miệng nhau như là những lời tiên báo Đáng Cứu Thế mà Israel đang mong đợi sẽ đến.

Hiểu như vậy, ngôi sao được Thánh Mátthêu đề cập là dấu hiệu tuyên bố cho dân chúng biết Hài Nhi mới sinh ở Bethlem là Đấng Cứu Thế của Israel. Và cũng chính vì đó mà ba Nhà Chiêm Tinh xác tín rằng Hài Nhi mới sinh là “Đức Vua dân Do Thái: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh , hiện ở đâu?… ” (Mt 2, 2). Người là Đấng được Thiên Chúa sai đến để đem lại hoà bình và giải thoát, mà thế lực của cường quyền không thể kềm kẹp nổi. Nhưng rồi dù có điềm lạ  trên trời tiên báo và hướng dẫn, các Nhà Chiêm Tinh cũng chưa đến được với Chúa  Hài Nhi.

Thánh Mátthêu không cho chúng ta biết các Nhà Chiêm Tinh đến Giêrusalem là do ánh sao hướng dẫn hay do sự chỉ dẫn và mời mọc của vua Hêrôđê. Điều đó cho thấy Thánh Mátthêu viết Phúc Âm nhằm phổ biến sứ điệp tôn giáo và thần học hơn là liệt kê chi tiết lịch sử chính xác của đoạn văn tường thuật. Mục đích của Thánh Mátthêu là  nói cho chúng ta biết các Nhà Chiêm Tinh là những vị thông thái, biết giải thích các hiện tượng trên trời, biết cắt nghĩa ý nghĩa trong tạo vật, cho chúng ta thấy sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nói cách khác, các Vị có hiểu biết và sống theo đạo tự nhiên: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người ” (Mt 2, 2).

Nhưng mặc dầu hiểu biết, tin và theo đạo tự nhiên, các Vị chỉ  có thể đến được gần Chúa Hài Nhi, nhưng chưa đến được tận nơi Ngài. Để biết tường tận nơi Chúa Hài Nhi, để biết tường tận Thiên Chúa, chúng ta phải nhờ chính sự mạc khải của Người, mạc khải qua Thánh Kinh, qua các ngôn sứ và nhứt là chính Ngài mạc khải Ngài cho chúng ta, chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa, mạc khải chính Thiên Chúa cho chúng ta. Đó là ý nghĩa tại sao Thánh Mátthêu kể lại các Nhà Chiêm Tinh phải dừng lại ở Giêrusalem hỏi thêm tin tức và được các kinh sư và thượng tế nhờ Thánh Kinh giải thích cho: “Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki Tô sinh ra ở đâu. Họ trả lời: Tại Bêlem, miền Giuđêa, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: Phần ngươi hởi Bêlem, miền đất Giuđêa, ngươi đâu phải là thành phố nhỏ nhất của Giuđêa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời ” (Mt 2, 3-6).

Theo cách suy nghĩ đó, chúng ta có  thể nghĩ rằng Thánh Mátthêu dựa theo truyền thống biết được Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem và từ  đó Ngài sắp đặt lại tường thuật thành cuộc hành trình của các Nhà Chiêm Tinh, có đặc tính thần học của bài tường thuật.

Bài đọc sách tiên tri Isaia cho thấy vương quyền của Thiên Chúa trên nhân loại được thể hiện trên thành phố (Giêrusalem) và trên dân chúng:

Chư dân sẽ kéo về ánh sáng của ngươi (của thành Giêrusalem),      vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.      Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập họp kéo đến với ngươi…      Vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả,      Của cải muôn dân sẽ tràn đến với ngươi ” (Is 60, 3-5).

Trong khi đó thì Thánh Vịnh 72 không chú ý đến quyền năng của Thiên Chúa thể hiện trên thành phố (Giêrusalem) cho bằng qua vai trò của  vị vua dân Do Thái:

Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho Tân Vương,     trao công lý Ngài vào tay Thái  Tử,     để Tân Vương xét dân Ngài theo công lý,     và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.     Núi  đem lại cảnh hòa bình trăm họ,     đồi rước về nền công lý vạn dân” (Tv 72, 1-3).

Và vị Tân Vương đó là  vua Do Thái, trước nhan Người mọi vua dân nước phủ  phục:

Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,      muôn dân nước thảy  đều phụng sự ” (Tv 72, 11).

Khi viết đoạn Phúc  Âm hôm nay, tường thuật lại việc các Nhà Chiêm Tinh đến bái lạy Chúa Hài Nhi, một người Do Thái có nhiều kinh nghiệm về Thánh Kinh như Thánh Matthêu, chắc chắn phải  có liên tưởng đến hai đoạn sách tiên tri Isaia và Thánh Vịnh vừa kể. Các Nhà Chiêm Tinh là những nhà thông thái đến từ dân ngoại. Việc nhận biết và thờ lạy Hài Nhi Giêsu, “Yhwh” (Yahvé)  “Chúa của dân Do Thái, cho thấy uy quyền của Chúa đã được cả nhân loại chấp nhận, Do Thái hay dân ngoại cũng vậy: “Đức vua Do Thái mới sinh ở đâu? Chúng tôi thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người… Họ vào nhà thấy Hài Nhi và thân mẫu là bà Maria, liền sắp mình thờ lạy Người ” (Mt 2, 2.11).

Đức vua Do Thái ” được các Nhà Chiêm Tinh, đến từ các dân ngoại nhận biết và thờ lạy, còn dân Do Thái thì không. Đó là những gì Thánh Mátthêu kể tiếp trong Phúc Âm Ngài: “Nghe tin ấy vua Hêrôđê bối rối và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao…” (Mt 2,3). “Bối rối và xôn xao” bởi vì cả vua và dân chúng không muốn tiếp nhận Hài Nhi Giêsu là vua họ. Vua Hêrôđê tìm cách để giết Người, đó là những gì thiên sứ báo cho các Nhà Chiêm Tinh: “Sau đó họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Erode nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình ” (Mt 2, 12). Cũng như sẽ báo cho Thánh Giuse phải đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập: “Nầy ông, dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đó ” (Mt 2, 13). Chúng ta không biết tình trạng lúc đó căng thẳng như thế nào, giữa thái độ bất thân thiện hay thù địch của Hêrôđê và dân chúng Do Thái đối với Chúa Giêsu và giáo lý của Ngài: “Nghe tin ấy vua Hêrôđê bối rối và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao”, và cử chỉ  thân thiện tiếp nhận đối với Ki Tô giáo của dân ngoại, được biểu hiệu bởi ba Nhà Chiêm Tinh.

Nói cách khác, viết lên những dòng trên, Thánh Mátthêu thuật lại cho chúng ta thái độ không chấp nhận của dân Do Thái và cử chỉ tiếp đón “ …liền sắp mình thờ lạy Người ”, của Cộng Đoàn Ki Tô hữu lúc đó, được diễn tả qua hình ảnh ba Nhà Chiêm Tinh. Chắc chắn những dòng Phúc Âm vừa kể, Thánh Mátthêu viết cho người Do Thái, bởi vì Ngài cũng là người Do Thái, để nói lên cho họ gương nhận biết “liền sắp mình thờ lạy Người” của dân ngoại “mới  trở lại ” hay của các Cộng Đồng Ki Tô Hữu tiên khởi.

Thái độ bất thân thiện và không chấp nhận Ki Tô giáo của người Do Thái lúc đó cũng được Thánh Phaolô đề cập đến trong thư gởi các tín hữu Êphêsô, nói đến việc tham dự của dân ngoại vào lời hứa và gia tài của dân được chọn: “Mầu nhiệm đó là: trong Đức Giêsu Ki Tô và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3,6).

Qua những điều vừa suy niệm, chúng ta thấy chương trình cứu rỗi của Chúa không ai có thể tiên đoán được và  được thực hiện vượt lên trên những gì các ngôn sứ đã tiên báo: dân Do Thái là trung gian cần thiết để hướng dẫn và chuyển đạt thánh ý Chúa, nhưng vai trò đó của dân được chọn đã được biến cố Nhập Thể của Chúa Giêsu thay thế: “Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân chúng lại, hỏi cho biết Đấng Ki Tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: Tại Bethlem, vì trong sách các ngôn sứ có chép rằng: Phần ngươi, hởi Bêlem, miền đất Giuđêa, ngươi đâu phải là thành phố nhỏ nhất của Giuđêa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân ta sẽ ra đời ” (Mt 2, 4-6).

Thái độ từ chối của những người Do Thái, nhất là các kinh sư và phái Pharisêu và thái độ mở rộng cửa lòng đón rước Chúa của những người nghèo khỗ, “quân tội lỗi” và “bọn thu thuế”, chúng ta sẽ còn gặp lại trong Phúc Âm Thánh Mátthêu ở những chương tới:

– “Bỏ nơi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi ở trạm: Người bảo ông: “Anh hãy theo Ta! Ông đứng dậy và đi theo Người ” (Mt 9, 9). – “Khi Chúa Giêsu dùng bửa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tôi lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?…Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi ” (Mt 9, 10-11.13b).

Viết những dòng của Phúc Âm hôm nay, thuật lại chuyến đi tìm Chúa Hài Nhi của ba Nhà Chiêm Tinh, chắc chắn Thánh Mátthêu  đang chứng kiến những hiện trạng  trước mắt, hiện tượng của nhiều người  Do Thái không chấp nhận Chúa Giêsu và những người từ dân ngoại đến tìm kíếm Người, như đã nói.

Hình ảnh của ba Nhà  Chiêm Tinh từ phương Đông là hình ảnh của những ai tìm kiếm Chúa, nhận thức được giới hạn của khả năng con người, bản tính hèn mọn và thấp hèn của con người, nhu cầu con người phải có được Thiên Chúa để lấp đầy khát vọng hạnh phúc của mình, khát vọng, mà Chúa đặt vào tâm khảm mỗi người, khi Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài:

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,     Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,          Thiên Chúa sáng tạo con người có nam, có nữ ” (Gn 1, 27).

“…sáng tạo con người theo hình ảnh mình”, Thiên Chúa đã đặt trong tâm khảm con người, bất cứ ai, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, cũng có trí khôn ngoan và lòng ao ước tự do, hạnh phúc vô hạn, mà chỉ có Chúa mới thoả mãn được nỗi khao khát đó, bởi vì Người đã tiền định cho con người phải tham dự vào chính bản tính thần linh của Thiên Chúa”, mới thoả mãn được các khát vọng hướng về tuyệt đối của mình: “Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy (của Chúa Giêsu), Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất qúy báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian ” (2 Pr 1, 4 ).

* Cử chỉ  của ba Nhà Chiêm Tinh khiêm nhường, biết được giới hạn bản tính con người của mình và nhìn nhận Hài Nhi mới sinh là “vua dân Do Thái”, đến để bái lạy Người, * khác với thái  độ mù quáng của những ai tự mãn, bất cần thần thánh, xem mình trưởng thượng và khinh khi người khác như người Pharisêu: “Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: không tham lam, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18, 11-12).

Hay vì sợ nếu chấp nhận tôn giáo, đón tiếp Thiên Chúa và giáo lý  của Ngài sẽ bị mất đi ảnh hưởng và  quyền lực, lợi lộc như vua Hêrôđê: “Nghe tin ấy vua Hêrôđê bối rối và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao” (Mt 2, 3). Hình ảnh ba Nhà Chiêm Tinh lên đường đi tìm Chúa Hài Nhi, theo ánh sao chỉ  đường là hình ảnh ngoạn mục của những ai nghe theo tiếng gọi và sự chỉ dẫn của con người thoát ra khỏi khuôn thước  hạn hẹp của quan niệm loài người, ra đi theo tiếng gọi của lương tâm đi tìm Đấng Tối Cao.

Ra đi để tìm kiếm, chứng tỏ con người đó ý thức được những bất toàn, giới hạn của mình, đi tìm những gì mình chưa có, ý thức được những thiếu thốn, giới hạn và bất  hạnh của mình trong cuộc sống, để tìm đến hạnh phúc đích thực và bất diệt, đi tìm chính Thiên Chúa nguồn gốc phát xuất của chính mình và nguồn hạnh phúc bất diệt mà mình khao khát  đạt đến.

Ý thức được bản thể giới hạn, thấp hèn và bất hạnh của mình, nếu không có Thiên Chúa, là khởi đầu cho con đường đi đến hạnh phúc viên mãn, mà Chúa Giêsu đã dạy trong Tám Mối Phước Thật: “Phước cho ai có tâm hồn khó nghèo, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3).

Nói cách khác, con người tự mãn, từ chối Thiên Chúa, sống bất cần thần thánh, mù quáng tự mãn với quyền lực, sắc đẹp, tiền tài của trần gian, là con người tự trấn áp bản tính ước ao tôn giáo trong lương tâm của mình, phủi tai để ra bên ngoài câu hỏi ngàn đời mà hể ai là người, con nguời sống theo ảnh hưởng của ý thức hệ vô thần, nói một cách ngắn gọn, một lúc nào đó trong cuộc sống cũng sẽ tự hỏi: “Tôi từ đâu đến, tại sao tôi đang sống và rồi sẽ đi đâu sau cái chết?”.

Con người trấn áp tiếng gọi tôn giáo của mình, tiếng gọi mà Thiên Chúa đã đặt trong mỗi tâm hồn khi chúng ta sinh ra (x. Gn 1, 27), là con người đê tiện hoá phẩm giá  cao cả con người của mình; biến cuộc sống của con người ngang hàng với cuộc sống của thú vật, lối sống của bọn vô thần, coi mình và anh em đồng bào mình ngang hàng với súc vật, chỉ biết tìm kiếm đồ vật và điều kiện vật chất để thoả mãn cuộc sống vật lý và sinh lý bẩm sinh của mình.

Không ai là người, sống thành thật với lương tâm con người của mình, có thể  che giấu được nỗi khát vọng hạnh phúc vô tận của mình, bởi lẽ đó là khát vọng tự bản tính mà Thiên Chúa đã đặt vào tâm khảm chúng ta (x. Gn 1, 27).

Nguyễn Học Tập

SUY NIỆM LỄ CHÚA HIỂN LINH

SUY NIỆM LỄ CHÚA HIỂN LINH

“Tôi đã đợi như ngày tôi đã đợi,”

“Vẫn ngậm ngùi tình về như buổi ngậm tình đi”

(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Mt 2: 1-12

 Ngày tôi đợi, vẫn ngậm tình về cả vào lúc đạo sĩ ở các nơi tìm đến như trình thuật nay đã kể. Trình thuật nay thánh Matthêu kể về danh nhân/đạo sĩ nước ngoài tìm gặp Đức Chúa, rất Hài nhi. Các ông không đến cùng một lúc với mục đồng trong vùng. Và, theo các tranh vẽ và máng cỏ do người thời sau diễn tả, không thấy vị nào quỳ bái giống như ai. Sự việc các ngài ghé viếng Hài nhi thánh cũng chẳng là điều để ta bàn cãi. Nhưng, vấn đề đặt ra, là: các ngài đã cảm nghiệm gì khi đến gặp? Phải chăng là cảm xúc và kinh nghiệm về một quan hệ?

Đúng thế. Cảm nghiệm căn bản về đời người là cảm nghiệm về quan hệ thân thương giữa người với người. Đó là nền tảng đích thực của mọi hiểu biết vẫn cho ta nghị lực để xử trí. Là, quay hướng về người nào đó mình đã biết yêu thương. Là, ngước mắt nhìn thẳng vào diện mạo của người đó vẫn muốn biết về nhiều thứ, về người, và về ngôn ngữ cùng mọi chi tiết.

Đây cũng là cung cách mà các bậc cha mẹ vẫn ngắm nhìn con trẻ bé nhỏ hoặc trẻ sơ sinh đang đắm mình trong giấc ngủ. Đây, là ánh nhìn của người trợ tá vẫn hướng về người bệnh đang bị cơn bệnh ngặt nghèo cất đi niềm vui thích rời sự sống. Đấy, còn là đường lối mà người đương yêu nhìn bằng ánh mắt mà tình yêu đánh thức cả hai người.

Ánh mắt ấy, đã phá vỡ chu kỳ của mọi thói tật. Ánh mắt nhìn thẳng vào diện mạo không gì có thể che đậy và cũng chẳng có gì để bắt chụp. Ánh nhìn, là thứ gì đó vượt quá đặc thù khiến ta có thể định nghĩa. Là, thứ gì và người nào đó vẫn gần bên. Là, mục tiêu của ước vọng. Là, đối tượng của sự hiền dịu. Là, tên gọi của sự sống có lời mời gọi mọi người hãy nhận biết. Trong khoảnh khắc đầy ân sủng, bề mặt ngoài dù đổ vỡ vẫn muốn sự sống của ta đi xuyên suốt vào với sự thật, rất trổi bật.

Khoảnh khắc ấy không ở lại lâu hơn. Bởi, nó là thời khắc đặc biệt, luôn chiếu toả ánh sáng rất lung linh. Nó có được ý nghĩa là để ta ra như thế. Và, trẻ bé sơ sinh cũng được yêu thương và sống được là nhờ vào ánh mắt của mẹ cha, là những vị vẫn làm việc và cam chịu đau khổ để con mình được lớn lên, có bạn bè nối kết với nhau trong hoàn cảnh riêng tư như họ vẫn kiên quyết thực hiện.

Ta sống sót, là bởi đã thấy ai đó có thể thay đổi con đường sống của ta. Ta không thể nào dính liền vào với khoảnh khắc nào đó dù nó có tốt đẹp đến mấy đi nữa. Bởi, khoảnh khắc đó không dừng lại một chỗ nhưng vẫn đổi thay hết mọi sự. Qua ánh sáng nó chiếu rọi, ta đọc được tất cả những gì xẩy đến với ta, biết được nền giáo dục ta hấp thụ. Biết được cả những ước ao và sự kiện mình từng thất bại hoặc hành tựu.

Nhờ ánh nhìn này, ta biết được tên tuổi của người khác. Bởi, đó không chỉ là tiếng khóc hoặc khoảnh khắc có cảm xúc lắng đọng về Đạo. Nhưng là ánh sáng; là sự khôn ngoan gồm đủ nội dung ở trong đó, có cả nội dung kết quả, chính là ta.

Ở nơi ánh nhìn này, luôn có khác biệt giữa sự việc ‘nhìn vào người nào’ và cảm giác như có người đang nhìn mình. Ta thường có cảm giác ấy khi chiêm ngắm nhìn tác phẩm nghệ thuật, lại thấy chân dung ta chiêm ngắm, lại cũng đang nhìn ta, đi vào hồn ta. Khi ngắm nhìn, ta đâu hãi sợ, dù ánh nhìn ấy đang đối diện nhìn vào ta khiến ta mất mát, để lạc mất nguyên nhân tạo ao ước. Chính đó là lý do cắt nghĩa tại sao khi nhìn sự vật, ta lại lẩn tránh ánh nhìn bằng cách quay lại nhìn bằng mắt.

Lại cũng có người khám phá ra Đức Kitô theo kiểu cách giống hệt thế. Họ vẫn cứ nhìn như thể đang kiếm tìm Đấng Cứu Độ đến độ không biết được rằng chính Chúa vẫn nhìn họ mà họ không thấy. Nhưng sau đó, họ mới hiểu và mới “thấy”.

Mừng Hiển Linh, ta vẫn nghe quen truyện kể về ba đạo sĩ cũng đã rơi vào tình huống tương tự một trò ảo thuật khi các ngài tìm đến với Bêlem nhưng không thấy Hài nhi đâu cả, mà chỉ gặp Đấng Thánh Hiền, là bậc thầy. Các đạo sĩ cũng không thấy trẻ bé nào sinh hạ tại Bêlem, mà chỉ thấy như chính mình được sinh ra ở nơi đó. Bởi, chính khi ấy các ngài mới phát giác ra được mình là ai. Chính vì thế, nên truyện kể nói rất ít về quá trình lý lịch của các ngài. Bởi, lai lịch thuộc lai thời của các ngài mới chính là vấn đề. Và, sự sống đích thực của các ngài khi ấy mới khởi sự.

Chả thế mà, các ngài đã phải tìm con đường khác mà về lại. Bởi, các ngài đã thấy được điều gì đó nơi hài nhi Giêsu, điều mà không ngôn ngữ nào diễn tả được. “Điều gì đó”, cũng chẳng bao giờ rời bỏ các ngài. Chẳng nói hoặc kể lại điều gì cho Hêrôđê nghe. Bởi, cũng chẳng có điều gì khiến các ngài có thể kể lại cho bất cứ ai. Bởi, các ngài đang ở vào tình trạng hiệp thông liên kết, rất đặc biệt.

Đó, mới là ý nghĩa đích thực ở truyện kể, nơi đây. Sự thật ấy, đã từ nơi chốn nào đó rất khác lạ nay đáp xuống ở nơi ta. Ta biết là điều đó cũng rất đúng, nên không có gì phải bàn cãi. Ta không nắm bắt được nó; nhưng nó lại nắm bắt được ta và biến hoá ta ra như thế. Tất cả chỉ tập trung vào mỗi chữ ‘tin’. Tiếng La tinh, cụm từ ‘Credo’ xuất tự tiếng Phạn có nghĩa là “cho đi” con tim và nghị lực sống động vẫn cứ trông chờ một hồi đáp rất hỗ tương. Đây là hành xử của niềm tin vẫn hàm ngụ rằng: ai đó sẽ tin vào ta; hoặc hơn nữa, đã tin tưởng vào nơi ta. Ta đặt nơi đó tất cả mọi ước vọng, mọi xảo thuật như người này đặt nơi người khác; như, ta đặt tin tưởng vào mối bận tâm của người nào đó, rất hiện thực.

Tận phần sâu thẳm của chính mình, con người vẫn cần đến niềm tin tưởng như thế. Mỗi người và mọi người vẫn cần liên hệ với thực tại hệt như vậy. Và ở đây, ta lại có cảm xúc về liên hệ đó. Có làm thế, ta mới hài lòng và thấy an toàn nên đã nhảy chồm trong phấn chấn khiến mình không còn lo ngại về bất cứ lằn ranh hạn chế hoặc ý nghĩa được diễn tả ở trong truyện. Truyện các đạo sĩ ghé viếng Bêlem đã dạy ta bài học hay điều gì đó, ở đây. Khi các đạo sĩ nhìn thấy Chúa, là họ thấy được điều gì đó. Là, các ngài biết chính là Đấng “đó”. Đấng mà mọi người gọi là ‘Đức Chúa’. Truyền thống về Đấng “đó” không bao giờ ngừng kể. Bởi ở thời nào cũng thế, truyện kể về các Đạo sĩ bao giờ cũng nói về các vị đã từng biết Đức Giêsu là Đấng “đó”. Các ngài chẳng khi nào có khả năng dùng ngôn ngữ diễn tả được kinh nghiệm đó cho đúng cách. Cuối cùng, điều đó cũng không cần thiết.

Đạo sĩ không là người Do thái chính thống. cũng chẳng là Do thái một chút nào. Ngược giòng lịch sử, người biết đến Đức Giêsu là ‘Đấng đó’ đều không phải là người Công giáo chính thống. Nhưng cuối cùng, điều đó cũng không thành vấn đề. Chỉ một vấn đề là ‘Đấng đó’ biết chúng ta. ‘Đấng đó’ đã biết hết. Và bao lâu ta biết được những điều này, thì đây là lễ Hiển Linh cho ta. Và, của ta.

Cảm nghiệm rõ điều này, ta hãy ngâm lại lời thơ trên, để hát rằng:

   “Tôi vẫn đợi như ngày tôi đã đợi.

Vẫn ngậm tình về như buổi ngậm tình đi’

(Nghĩa là tôi ấp úng chuyện yêu người,

Cỏ khô như những lời thú tội”

(Nguyễn Tát Nhiên- Tình Một Hai Năm)

Ấp úng chuyện yêu người, như đạo sĩ từng có cảm nghiệm từ ngày gặp Chúa là Hài nhi nhỏ bé. Có ấp úng, cũng đừng hát ‘Tình Một Hai Năm’. Bởi, đã thấy được Chúa rồi, ai cũng hát: “vẫn ngậm tình về như buổi ngậm tình đi” như vẫn đợi. Đợi, Chúa tỏ hiện với mọi người, rất Hiển Linh.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh Mai Tá lược dịch

DÂN SỐ CÔNG GIÁO GIA TĂNG TRÊN THẾ GIỚI

DÂN SỐ CÔNG GIÁO GIA TĂNG TRÊN THẾ GIỚI

Theo một bản báo cáo thống kê của hãng thông tấn Fides, bất châp cuộc khủng hoảng dân số và cuộc khủng hoảng ơn gọi ở Châu Âu, Giáo Hội Công Giáo vẫn phát triển trên toàn thế giới, với sự gia tăng đáng kể ở Châu Á và Châu Phi. Người Công giáo đã mang lại nhiều đóng góp cho xã hội.

Bản báo cáo của Fides lấy lại các con số được công bố trong cuốn « Niên giám thống kê của Giáo Hội » (được cập nhật cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2011) và liên quan đến các thành phần của Giáo Hội, các cơ cấu mục vụ của Giáo Hội, các hoạt động trong lãnh vực y tế, trợ giúp và giáo dục.

Số người Công giáo trên thế giới

Cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2010, dân số thế giới tăng hơn 6.8 tỉ người, trong đó số người Công giáo chiếm khoảng 1.2 tỉ, tức tăng 15 triệu người so với năm trước.

Sự gia tăng số người Công giáo này liên quan đến tất cả các châu lục. Cụ thể, Châu Phi tăng 6,140,000 người, Châu Mỹ Latinh tăng 3,986,000 người và Châu Á tăng 3,801,000 người ; tiếp đến là Châu Âu tăng 894,000 người và Châu Đại Dương tăng 185,000 người.

Người Công giáo chiếm 17.46% dân số thế giới. Tăng nhiều trong bốn châu lục : Châu Phi tăng 0. 21% ; Châu Mỹ Latinh tăng 0.07 % ; Châu Á tăng 0.06% ; Châu Đại Dương 0.03% ; đang khi đó so với dân số ở Châu Âu, phần trăm người Công giáo giảm 0.01%.

Số linh mục và chủng sinh tăng

Tổng số các linh mục đã gia tăng từ 1,643 người so với năm 2009, đạt tới con số 412,236. Đang khi Châu Âu giảm 905 linh mục, thì ở Châu Phi con số linh mục tăng 761, Châu Mỹ Latinh tăng 40, Châu Á tăng 1,695 và Châu Đại Dương tăng 52 vị.

Số các đại chủng sinh, giáo phận và dòng tu, đang gia tăng (118,990 người), tăng thêm 1,012 ứng viên linh mục. Con số đặc biệt gia tăng ở Châu Phi (tăng 752), Châu Á (tăng 513), Châu Mỹ Latinh (tăng 29), đang khi đó con số ở Châu Âu giảm đi (-282) và không thay đổi gì ở Châu Đại Dương.

Số tiểu chủng sinh, giáo phận và dòng tu, nói chung là giảm đi, lên đến 102,308. Gia tăng ở Châu Phi (+213) và ở Châu Á (+ 400), đang khi giảm ở Châu Mỹ Latinh (- 1,033), ở Châu Âu (-1,206) và ở Châu Đại Dương (- 57).

Các Giám mục tăng thêm một chút

Tổng số các Giám mục trên thế giới đã tăng 39 vị, trong tổng số 5,104 vị. Các Giám mục giáo phận tăng, nhưng các Giam mục tu sĩ giảm. Có 3,871 Giám mục giáo phận (tăng 43 vị so với năm trước) và 1,233 Giám mục tu sĩ (giảm 4 vị).

Các nam tu sĩ tăng, nữ tu sĩ không

Các nam tu sĩ không linh mục tăng 436 người, trong tổng số 54,665 người, ở Châu Phi (+254), Châu Á (+411), Châu Âu (+17) và Châu Đại Dương (+15). Họ chỉ giảm đi ở Châu Mỹ Latinh (-261). Số các nữ tu giảm nhiều (-7,436). Nhưng tổng số các nữ tu (721,935) vẫn cao hơn tổng số các nam tu sĩ. Đặc biệt ở Châu Phi tăng 1,395 và Châu Á tăng 3,047, đang khi con số nữ tu giảm ở Châu Mỹ Latinh (-3,178), ở Châu ÂU (-8,461) và ở Châu Đại Dương (-239).

Phó tế vĩnh viễn tăng mạnh

Các Phó tế vĩnh viễn trên thế giới đã gia tăng 1,409 người, trong tổng số lên đến 39,564. Ở Châu Mỹ Latinh tăng 859 và Châu Âu tăng 496 người, tiếp đến là Châu Á 58 vị và Châu Đại Dương 1 vị. Châu Phi giảm 5 vị.

Các nhà thừa sai giáo dân và các giáo lý viên

Có 335,502 nhà truyền giáo trên thế giới, tăng chừng 15,276 người, phân phối ở Châu Phi (+1,135 người), Châu Âu (+ 5,077) và Châu Đại Dương (+393). Châu Phi giảm 29.405 và Châu Á giảm 10,133 người.

Nhiều trường học Công giáo

Trong lãnh vực giáo dục, Giáo Hội có một gia sản đồ sộ, giáo dục và đào tạo hơn 61 triệu sinh viên.

Số trường mẫu giáo lên tới 70,544 trong tổng số 6,478,627 học sinh ; số các trường tiểu học lên tới 92,847 trong tổng số 31,151,170 học sinh ; các trường trung học lên tới 43,591 trong tổng số 17,793,559 học sinh. Có 2,304,171 học sinh của các trường cao đẳng và 3,338,455 sinh viên đại học.

Rất nhiều trung tâm y tế

Công việc cứu tế, từ thiện và săn sóc y tế được thực hiện bởi các trường, dòng tu Công giáo trên thế giới là rất nhiều. Số các bệnh viện lên tới 5.305, tập trung nhiều nhất ở Châu Mỹ Latinh (5.762) ; Châu Phi (5.312) và Châu Á (3.884) ; 547 trại phong cùi, chủ yếu ở Châu Á (285) và Châu Phi (198) ; 17,223 ngôi nhà cho người già, bệnh kinh niên và khuyết tật, đa số ở Châu Âu (8,021) và Châu Mỹ Latinh (5,650) ; 9,882 trại mồ côi ; 11,379 vườn trẻ ; 15,327 trung tâm tư vấn hôn nhân, chủ yếu ở Châu Mỹ Latinh (6.472) ; 34.331 trung tâm giáo dục hay cải tạo xã hội và 9,391 tổ chức các loại khác, đa số ở Châu Mỹ Latinh (3,546) và Châu Âu (3,159).

Tý Linh (XBVN) Theo ZENIT

Hãy luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa, cả khi phải đương đầu với các khó khăn cam go nhất

Hãy luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa, cả khi phải đương đầu với các khó khăn cam go nhất

Cả khi phải đương đầu với các khó khăn cam go nhất, chúng ta phải luôn luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa, bằng cách canh tân niềm tin nơi sự hiện diện và hoạt động của Người trong lịch sử, như Đức Maria. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khích lệ gàn 8,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 2 tháng 1-2013. Trong số hàng trăm nhóm hiện diện có phái đoàn 50 tín hữu Việt Nam thuộc cộng đoàn Bergen bên Na Uy do cha tuyên úy Bùi Đức Tiến hướng dẫn. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, một lần nữa với ánh sáng của Người, Chúa Giáng Sinh soi chiếu các bóng tối thường bao phủ thế giới và con tim của chúng ta, bằng cách đem lại hy vọng và niềm vui. Ánh sáng đó đến từ đâu? Từ hang đá Bếtlêhem, nơi các mục đồng tìm thấy ”Đức Maria, Ông Giuse và Con Trẻ nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Trước Thánh Gia nảy sinh ra một vấn nạn sâu xa hơn: làm sao Con Trẻ bé bỏng yếu đuối ấy lại có thể đem đến một sự mới mẻ triệt để như vậy trong thế giới để thay đổi dòng lịch sử được? Có lẽ lại không có điều gì nhiệm mầu trong nguồn gốc của Người vượt xa hơn hang đá đó sao?

Vấn nạn liên quan tới nguồn gốc của Đức Giêsu luôn luôn lại nổi lên. Chính quan Ponzio Philato cũng đã hỏi trong vụ xử án: ”Ông từ đâu mà đến?” (Ga 19,9). Thật ra, đây là một nguồn gốc rất rõ ràng. Trong Phúc Âm thánh Gioan, khi Chúa khẳng định: ”Tôi là bánh từ trời xuống”, thì người Do thái phản ứng lẩm bẩm rằng: ”Người đó lại không phải là Giêsu, con Ông Giuse sao? Chúng ta lại không biết cha mẹ Ông sao? Làm sao Ông ta lại có thể nói: ”Tôi từ trời mà xuống” được? (Ga 6,42). Và sau này dân thành Giêrusalem mạnh mẽ chống lại tính cách cứu thế của Đức Giêsu, khi khẳng định rằng họ biết rõ ”Người từ đâu, trái lại Đức Kitô khi Người đến, thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu” ( Ga 7,27). Chính Chúa Giêsu ghi nhận yêu sách của họ biết nguồn gốc của Người là không thích hợp, và cống hiến một định hướng giúp biết Người từ đâu mà đến: ”Tôi không tự mình mà đến, nhưng Đấng đã sai Tôi là Đấng chân thật, và các ông không biết Người” (Ga 7,28). Chắc chắn rồi, Đức Giêsu người gốc thành Nagiarét, đã sinh ra tại Bếtlêhem, nhưng nguồn gốc thật của Người là ở đâu? Đức Thánh Cha trả lời như sau:

Trong bốn Phúc Âm nổi lên rõ ràng câu trả lời cho vấn nạn Đức Giêsu tới từ đâu: nguồn gốc đích thật của Người là Thiên Chúa Cha; Người hoàn toàn đến từ Thiên Chúa Cha, nhưng trong một cách thế khác với bất cứ ngôn sứ hay người được Thiên Chúa sai đi trước Người. Nguồn gốc từ mầu nhiệm này của Thiên Chúa mà không ai biết, được chứa đựng trong các trình thuật thời thơ ấu trong Phúc Âm của hai thánh sử Mátthêu và Luca, mà chúng ta đang đọc trong mùa Giáng Sinh này. Sứ thần Gabriel loan báo:”Thánh Thần sẽ ngự xuống trên tôn nương, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ bao trùm bóng Người trên tôn nương. Vì thế Đấng sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Chúng ta lập lại các lời này mỗi khi chúng ta đọc Kinh Tin Kính tuyên xưng đức tin: ”Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria”. Và khi đọc lời này, chúng ta cúi đầu, bởi vì bức màn che dấu Thiên Chúa được mở ra, và mầu nhiệm khôn dò và không thể đạt đến được đụng chạm tới chúng ta: Thiên Chúa trở thành Đấng Emmanuel ”Thiên Chúa ở cùng chúng tôi”. Khi chúng ta nghe các Thánh lễ được các nhạc sĩ vĩ đại của thánh nhạc sáng tác, chẳng hạn như của Mozart, chúng ta nhận ra ngay họ dừng lại cách đặc biệt trên câu này, như muốn tìm cách diễn tả với ngôn ngữ đại đồng của âm nhạc, điều mà các lời nói không thể diễn tả được: đó là mầu nhiệm vĩ đại của Thiên Chúa nhập thể làm người.

Khi chú ý xem xét câu này, chúng ta tìm thấy có bốn chủ thể hành động. Và Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Được nhắc tới một cách rõ ràng là Chúa Thánh Thần và Đức Maria, nhưng được hiểu ngầm ”Người”, nghĩa là Người Con đã nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ. Trong kinh Tin Kinh Đức Giêsu được định nghĩa với các kiểu gọi khác khau: ”Chúa… Đức Kitô con duy nhất của Thiên Chúa… Thiên Chúa bởi Thiên Chúa… Ánh sáng bởi Ánh Sáng… Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật… đồng bản thể với Đức Chúa Cha” (Kinh Tin Kính niceno-costantinopolitano). Khi đó chúng ta thấy ”Người” quy chiếu về một bản vị khác, là Thiên Chúa Cha. Chủ thể thứ nhất của câu này như vậy là Thiên Chúa Cha, cùng với Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa duy nhất.

Khẳng định của Kinh Tin Kính không liên quan tới Thiên Chúa vĩnh cửu cho bằng nói về một hành động có Ba Ngôi Thiên Chúa tham dự, và nó được thực hiện ”từ Đức Trinh Nữ Maria”.

Không có Mẹ thì việc Thiên Chúa bước vào lịch sử nhân loại sẽ không đạt đích, sẽ không xảy ra điều là trung tâm việc tuyên xưng đức tin của chúng ta: đó là Thiên Chúa là một vì Thiên Chúa ở với chúng ta. Như thế Đức Maria thuộc đức tin không thể chối bỏ của chúng ta nơi Thiên Chúa, là Đấng hành động và bước vào lịch sử. Mẹ đặt để toàn con người mình trong thế sẵn sàng, ”chấp thuận” trở thành nơi ở của Thiên Chúa.

Đôi khi cả trên lộ trình và trong cuộc sống đức tin chúng ta cũng có thể nhận ra sự nghèo nàn và không thích hợp của chúng ta trước chứng tá cần cống hiến cho thế giới. Nhưng Thiên Chúa đã chọn một phụ nữ khiêm hạ, trong một làng không được biết đến, tại một trong những tỉnh xa xôi nhất của đế quốc Roma. Cả giữa các khó khăn cam go nhất phải đương đầu, chúng ta phải luôn luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa, bằng cách canh tân niềm tin nơi sự hiện diện và hoat động của Người trong lịch sử, như Đức Maria.

Không có gì là không thể đối với Thiên Chúa! Với Người cuộc sống chúng ta luôn tiến bước trên đất vững chắc, và rộng mở cho một tương lai vững vàng.

Khi tuyên xưng trong kinh Tin Kính ”bởi phép Chúa Thánh Thần Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria” chúng ta khẳng định rằng Chúa Thánh Thần, như là sức mạnh của Thiên Chúa Tối Cao, đã cho thụ thai Con Thiên Chúa một cách nhiệm mầu nơi Đức Trinh Nữ Maria. Thánh sử Luca kể lại các lời của tổng lãnh thiên thần Gabriel: ”Thánh Thần sẽ ngự xuống trên tôn nương, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ bao trùm tôn nương với bóng của Người” (Lc 1,35). Có hai quy chiếu đều hiển nhiên: thứ nhất là việc tạo dựng. Chúng ta đọc thấy trong sách Sáng Thế rằng: ”Thần khí Chúa bay là là trên nước” (St 1,2); đó là Thần Khí tạo dựng trao ban sự sống cho tất cả mọi sự và con người. Điều xảy ra nơi Đức Maria, qua hoạt động của chính Thần Khí của Thiên Chúa, là một việc tạo dựng mới: Thiên Chúa, Đấng đã gọi sự sống từ hư không, với việc Nhập Thể, ban sự sống cho một khởi đầu mới của nhân loại.

Các Giáo phụ nhiều lần nói về Chúa Kitô như là Adam mới, để nhấn mạnh sự khởi đầu của một cuộc tạo dựng mới từ việc sinh ra của Con Thiên Chúa trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Điều này khiến chúng ta suy tư về việc làm sao đức tin cũng đưa vào trong chúng ta một sự mới mẻ mạnh mẽ tới độ làm sinh ra lần thứ hai. Thật thế, vào lúc khởi đầu việc là Kitô hữu có bí tích Rửa Tội làm cho chúng ta tái sinh như con cái của Thiên Chúa, cho chúng ta tham dự vào tương quan là con mà Đức Giêsu có với Thiên Chúa Cha. Chúng ta được rửa tội là thể thụ động, vì không có ai có khả năng tự mình trở thanh con: đó là một ơn được ban một cách nhưng không. Thánh Phaolô nhắc tới chức làm nghĩa tử của kitô hữu trong một đoạn chính của thư gửi tín hữu Roma khi viết: ”Tất cả những ai được Thần Khí của Thiên Chúa hướng dẫn đều là con cái Thiên Chúa. Và anh em đã không lãnh nhận một thần trí nô lệ để rơi vào sợ hãi, nhưng đã nhận được Thần Khí khiến cho anh em trở thành nghĩa tử, nhờ đó chúng ta kêu lên ”Abba, Cha ơi”. Chính Thần Khí, cùng với thần trí chúng ta, chứng thực rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14-16). Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Chỉ khi chúng ta rộng mở cho hoạt động của Thiên Chúa, như Đức Maria, chỉ khi chúng ta tín thác cuộc sống chúng ta cho Chúa như một người bạn mà chúng ta tin cậy hoàn toàn, thì tất cả thay đổi, cuộc sống của chúng ta chiếm hữu đươc một ý nghĩa mới và một gương mặt mới: gương mặt con cái của một Người Cha yêu thương chúng ta và không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Điểm sau cùng Đức Thánh Cha nhắc tới trong lời sứ thần truyền tin ”Quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ bao trùm tôn nương với bóng của Người”: đó là đám mây thánh, trong lộ trình sa mạc, dừng trên Lều Hội Ngộ, trên hòm bia giao ước, mà dân Israel đem theo, và nó ám chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa (x. Xh 40,34-38). Đức Maria là lều thánh mới, hòm bia mới của giao ước: với tiếng ”xin vâng” với các lời của tổng lãnh thiên thần, Thiên Chúa nhận một nơi ở trong thế giới này, Đấng mà vũ trụ không chứa nổi, lại ở trong cung lòng một trinh nữ…

Đức Giêsu là Con duy nhất của Thiên Chúa Cha. Chúng ta đang đứng trước một mầu nhiệm cao cả và đảo lộn, mà chúng ta cử hành trong mùa Giáng Sinh: Con Thiên Chúa, bởi công trình của Chúa Thánh Thần, đã nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Đó là một lời loan báo luôn mới mẻ vang lên và đem theo niềm hy vọng và niềm vui cho con tim, bởi vì nó cho chúng ta sự chắc chắn rằng cả thường khi chúng ta cảm thấy yếu đuối, nghèo nàn, bất lực trước các khó khăn và sự dữ của thế giới này, quyền năng của Thiên Chúa luôn hoạt động và làm những việc lạ lùng chính trong sự yếu đuối. Ơn thánh của Người là sức mạnh của chúng ta (x. 2 Cr 12,9-10).

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc mọi người một năm mới khang an thịnh vượng. Sau cùng ngài cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vietvatican  

Năm mới sẽ tốt lành, nếu chúng ta tiếp nhận và sống tình yêu của Thiên Chúa

Năm mới sẽ tốt lành, nếu chúng ta tiếp nhận và sống tình yêu của Thiên Chúa

Năm mới sẽ tốt lành, nếu chúng ta tiếp nhận, sống tình yêu của Thiên Chúa, để cho thánh nhan Chúa soi chiếu cuộc đời chúng ta và nỗ lực xây dựng hòa bình.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên trong buổi đọc kinh Truyền Tin và trong bài giảng thánh lễ kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Ngày Hòa Bình Thế Giới 1 tháng 1-2013.

Lúc 9.30 sáng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chủ sự thánh lễ trong đền thờ thánh Phêrô, và lúc 12 giờ trưa ngài đã đọc Kinh Truyền Tin chung với hàng chục ngàn tín hữu tại quảng trường, trong đó có 40,000 bạn trẻ đang tham dự cuộc gặp gỡ của các bạn trẻ Âu châu do cộng đoàn đại kết Taizé tổ chức tại Roma. Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình. Tham dự thánh lễ có hàng chục Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh và 10,000 tín hữu. Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã nhắc đến Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay với đề tài ”Phúc cho người xây dựng hoa bình” và nói:

Mặc dù rất tiếc là thế giới còn bị ghi dấu bởi các ngọn lửa căng thẳng và chống đối, gây ra bởi các bất bình đẳng gia tăng giữa người giầu và người ghèo, bởi cái thắng thế của một não trạng ích kỷ và duy chủ nghĩa cá nhân, được diễn tả ra bởi một chủ thuyết tư bản tài chánh không luật lệ, ngoài ra cón có các hình thái khủng bố phá hoại và tội phạm, nhưng tôi xác tín rằng nhiều công tác hòa bình, mà thế giới có được một cách phong phú, chứng minh cho ơn gọi hòa bình bẩm sinh của nhận loại. Nơi mỗi một người ước mong hòa bình là khát vọng nền tảng, và trong một cách thế nào đó, nó trùng hợp với ước mong có một cuộc sống tràn đầy, hạnh phúc và được hiện thực một cách tốt đẹp. Con người được tạo dựng cho hòa bình là ơn của Thiên Chúa… Phúc thật về người xây dựng hòa bình nói rằng hòa bình là ơn cứu thế và đồng thời cũng là công trình của con người… Đó là hòa bình với Thiên Chúa, trong việc sống theo ý muốn của Người. Đó là sự an bình nội tâm với chính mình, và an bình bên ngoài với tha nhân và với toàn thụ tạo” (Messaggio 2,3). Phải, hòa bình là thiện ích tuyệt diệu cần nài xin như ơn của Thiên Chúa, đồng thời cũng cần phải xây dựng bằng mọi cố gắng.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói các bài đọc phụng vụ chứa đựng câu trả lời cho hòa bình, khi đề nghị tín hữu chiêm ngưỡng sự an bình nội tâm của Đức Maria. Dù phải đối đầu với biết bao nhiêu biến cố không thể thấy trước: không phải chỉ có chuyện sắp sinh con, mà trước đó là chuyến du hành mệt nhọc từ Nagiarét tới Bếtlêhem, việc không tìm ra chỗ trong nhà trọ, phải tìm một nơi tạm trú qua đêm, rồi tiếng hát của các thiên thần và sự viếng thăm của các mục đồng. Trong tất cả mọi chuyện đó, Đức Maria không hồn chồn âu lo, nhưng duyệt xét trong thinh lặng tất cả những gì xảy ra, gìn giữ chúng trong ký ức và trong tâm trí, suy tư với sự thanh thản và trầm tĩnh.

Bài đọc thứ nhất sách Dân Số cho chúng ta thấy hòa bình là ơn của Thiên Chúa và nó được gắn liền với ánh sáng rạng ngời của gương mặt Thiên Chúa, theo lời chúc lành mà xưa kia các tư tế ban cho dân Israel trong các buổi cử hành phụng vụ. Công thức như ghi trong sách Dân Số lập lại thánh danh Thiên Chúa ba lần: ”Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Ds 6,24-26).

Đối với Thánh Kinh, chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa là hạnh phúc tuyệt đỉnh… Từ sự chiêm ngưỡng gương mặt của Thiên Chúa nảy sinh ra niềm vui, an ninh và hòa bình. Chiêm ngưỡng gương mặt Chúa có nghĩa là biết Người một cách cụ thể chừng nào có thể trong cuộc sống này, qua Chúa Giêsu Kitô, nơi Thiên Chúa đã tự mạc khải ra. Hưởng nếm ánh quang rạng người gương mặt của Thiên Chúa có nghĩa là bước vào trong mầu nhiệm của Thánh Danh Người được Đức Giêsu biểu lộ cho chúng ta, hiểu biết một chút về cuộc sống thân tình và ý muốn của Người, để chúng ta có thể sống theo chương trình tình yêu của Người đối với nhân loại.

Đó là điều thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi tín hiữu Galát, khi nói về Thần Khí kêu lên ”Abba, Cha ơi” trong sâu thẳm con tim của chúng ta. Đó là tiếng kêu vọt lên từ sự chiêm ngưỡng gương mặt thật của Thiên Chúa, từ việc mạc khải mầu nhiệm Thánh Danh Người. Chúa Giêsu đã khẳng định: ”Con đã biểu lộ danh Cha cho loài người” (Ga 17,6). Con Thiên Chúa nhập thể đã làm cho chúng ta biết Thiên Chúa Cha, đã làm cho chúng ta nhận thức được trong gương mặt hữu hình của Người gương mặt vô hình của Thiên Chúa Cha, qua ơn Thánh Thần được đổ tràn đầy trong lòng chúng ta. Người đã làm cho chúng ta biết rằng trong Người chúng ta cũng là con cái của Thiên Chúa. Và Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng như sau:

Anh em thân mến, đó là nền tảng sự bình an của chúng ta: việc chắc chắn chiêm ngưỡng nơi Đức Giêsu Kitô gương mặt rạng người của Thiên Chúa Cha, là con cái trong Người Con, và như thế có được trên con đường cuộc sống chính sự chắc chắn, mà đứa con cảm thấy trong cánh tay của một người Cha tốt lành và toàn năng…. Không có gì có thể lấy mất đi niềm an bình ấy của tín hữu, kể cả các khó khăn và khổ đau của cuộc cuộc sống. Thật thế, các khổ đau, các thử thách và tối tăm không làm hao mòn, nhưng gia tăng niềm hy vọng, một niềm hy vọng không gây thất vọng, bởi vì ”tình yệu của Thiên Chúa đã được đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta” (Rm 5,5).

Các lời nguyện đã được đọc trong các thứ tiếng: Bồ Đào Nha, A rập, Swahili, Pháp và Ba Lan cầu cho Đức Thánh Cha, cho hàng lãnh đạo chính trị xã hội, cho gia đình, cho các quốc gia khổ đau vì chiến tranh để tự do và phẩm giá con người được tôn trọng, cho tín hữu biết làm chứng cho Chúa và loan báo Nước Thiên Chúa.

Có 50 linh mục đã giúp Đức Thánh Cha phân phát mình thánh Chúa cho tín hữu. Lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã ra cửa sổ phòng làm việc để đọc kinh Truyền Tin với tín hữu. Ngài chúc mừng năm mới mọi người như sau:

Anh chị em thân mến, xin chúc mừng năm mới tất cả mọi người. Trong ngày đầu năm 2013 này tôi muốn chuyển đến từng người nam nữ trên thế giới phước lành của Thiên Chúa. Tôi làm điều này với công thức cổ xưa trong Sách Thánh: ” Xin Chúa chúc lành cho bạn, và gìn giữ bạn, Xin Chúa làm cho gương mặt Người rạng ngời trên bạn và ban ân sủng cho bạn. Xin Chúa quay mặt nhìn bạn và ban cho bạn sự bình an” (Ds 6,24-26).

Như ánh sáng và sức nóng mặt trời là một phước lành đối với trái đất, cũng thế, ánh sáng của Thiên Chúa là một phước lành đối với nhân loại, khi Người khiến cho gương mặt Người chiếu sáng trên loài người. Và điều này đã xảy ra với biến cố Đức Giêsu Kitô sinh ra. Thiên Chúa đã khiến cho gương mặt Người rạng người cho chúng ta: ban đầu một cách rất khiêm tốn và dấu ẩn – tại Bếtlêhem đã chỉ có Mẹ Maria, thánh Giuse và vài mục đồng là chứng nhân của sự mạc khải ấy – nhưng từ từ như mặt trời từ rạng đông đạt chín ngọ, ánh áng Chúa Kitô lớn lên và lan tran khắp nơi. Trong cuộc sống dương thế ngắn ngủi của Người, Đức Giêsu thành Nagiarét đã làm cho gương mặt của Thiên Chúa rạng ngời tại Thánh Địa; và rồi qua Giáo Hội được Thần Khí Người linh hoạt, Người đã làm cho Tin Mừng lan ra cho tất cả mọi người: ”Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,14). Đó là tiếng hát của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh, và đó là tiếng hát của các kitô hữu dưới mọi bầu trời; một tiếng hát từ con tim và môi miệng bước sang các cử chỉ cụ thể, trong các hành động của tình yêu, xây dựng đối thoại, thông cảm và hòa giải.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Vì thế tám ngày sau lễ Giáng Sinh, khi cũng như Đức Trinh Nữ Mẹ Maria cho thế giới thấy Hài Nhi Giêsu, Hoàng Tử Hòa Bình, Giáo Hội cử hành Ngày Hòa Bình Thế Giới. Phải, Hài Nhi đó là Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể, đã đem đến cho con người một sự an bình mà thế giới không thể cho (x. Ga 14,27). Sứ mệnh của Người là triệt hạ ”bức tường của thù nghịch” (x. Ep 2,14). Và trên bờ hồ Galilea, khi Người công bố các Phúc Thật của Người, thì trong đó cũng có mối ”phúc cho những người xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Ai là những người xậy dựng hòa bình? Đó là tất cả những người, ngày qua ngày, tìm chiến thắng sự dữ vởi sự thiện, với sức mạnh của chân lý, với các vũ khí của lời cầu nguyện và sự tha thứ, với các việc làm của lòng thương xót vật chất và tinh thần. Các người xây dựng hòa bình đông biết bao, nhưng họ không gây ồn ào. Như men trong bột, họ làm cho nhân loại lớn lên theo chương trình của Thiên Chúa.

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin đầu tiên này của năm mới, chúng ta hãy xin Đức Maria Rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa, chúc lành cho chúng ta như một bà mẹ chúc lành cho con cái phải du hành. Một năm mới cũng giống như một cuộc du hành: với ánh sáng và ơn thánh Chúa nó có thể là một con đường hòa bình cho mỗi người và mỗi gia đình, cho mỗi quốc gia và toàn thế giới.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh đầu năm cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha lập lại lời chúc mọi người một năm mới an lành. Ngài nói: nó có thể và sẽ là một năm tốt đẹp thực sự, nếu chúng ta tiếp nhận trong chúng ta và giữa chúng ta tình yêu Chúa Kitô đã ban cho chúng ta. Đức Thánh Cha chúc mừng năm mới tổng thống, các giới chức chính quyền và toàn dân Italia. Ngài cũng chào các bạn trẻ tham dự cuộc gặp gỡ của giới Âu châu do cộng đoàn đại kết Taizé tổ chứ. Và ngài tỏ tình liên đới với các sáng kiến khác nhau như cuộc tuần hành trong Ngày Hòa Bình Thế Giới tại Roma, do cộng đoàn thánh Egidio tổ chức, và phong trào Tình Yêu Gia Đinh đã tổ chức đêm canh thức cầu nguyện cuối năm tại quảng trường thánh Phêrô. Các đoàn người tham dự cuộc tuần hành hòa bình đã đem theo nhiều biểu ngữ, với tến các nước có chiến tranh, và họ đã thả hàng trăm qủa bóng mầu xanh da trời như dấu chỉ hòa bình cho năm 2013 này.

Linh Tiến Khải – Vietvatican

Suy Niệm Phúc Âm Lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa – MẸ LUÔN GHI NHỚ và SUY NIỆM TRONG LÒNG (Lc 2:16-21)

Suy Niệm Phúc Âm Lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa – MẸ LUÔN GHI NHỚ và SUY NIỆM TRONG LÒNG (Lc 2:16-21)

Tại trụ sở Toà Nhà Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York (Hoa Kỳ), có một căn phòng rộng rãi thoáng mát, không bàn thờ, tranh ảnh, không tài liệu máy móc, hoàn toàn trống trãi, gọi là Phòng Hồi Tâm, Cầu Nguyện. Các vị đại sứ cũng như phái đoàn ngoại giao của các nước, có thể tự do ra vào tìm phút thinh lặng trong phòng ấy, giúp thư giãn đầu óc, để trí lòng nhẹ nhõm thanh thoát mênh mang.

Bởi lẽ, bình thường trong các phiên họp thảo luận quốc tế, nhiều vấn đề nổi cộm khắp thế giới dễ tạo ra những cuộc tranh cãi gay go, đưa đến nhiều nghị quyết chung kết. Chính trong thời điểm căng thẳng đó, các đặc sứ ngoại giao cần tìm lại trong mình chút bình an, suy đi nghĩ lại trong lòng điều mình đang thao thức, hầu nhận định khôn ngoan sáng suốt thêm.

Trong các Buổi Họp Mặt đồng hương Việt Nam nơi xứ người, một chi tiết trong chương trình khai mạc không thể nào thiếu sót là nghi thức chào cờ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà. Luôn luôn sau đó, là Phút Tưởng Niệm Các Anh Hùng Chiến Sĩ đã hy sinh xương máu mình, chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Trong khoảnh khắc linh thiêng ấy, mọi con dân đất Việt đều cúi đầu mặc niệm, thinh lặng tưởng nhớ công lao của tiền nhân, nguyện ghi sâu ân đức, quyết một lòng tiếp bước cha anh, sống xứng đáng con Rồng cháu Tiên, duy trì nòi giống Lạc Hồng.

Tưởng Niệm, Ghi Nhớ và Suy Đi Nghĩ Lại trong lòng, đều là những thái độ thiết thực trong cuộc sống. Ngày đầu Xuân mới, con cháu sum họp bên bàn thờ tổ tiên, ghi đậm Công Cha, Nghĩa Mẹ, Ơn Thầy.  Ngày khai mào của một Năm Dương Lịch mới, đi dâng lễ đầu năm Tạ Ơn Chúa, suy đi nghĩ lại những Hồng Ân Chúa đã ban cho ta vô vàn suốt một năm đã qua: thiết tưởng là tâm tình đáng khích lệ biết bao.

Đức Mẹ Maria, được sứ thần Gabriel chúc tụng là Đấng “đầy ơn phúc”(Lc 1:28). Cuộc đời trần thế của Mẹ luôn “có Chúa ở cùng”. Biết bao đặc ân Chúa toả sáng trên trinh nữ Maria.  Thế nên, Mẹ không ngừng suy đi nghĩ lại trong lòng muôn ngàn lần về tình thương Chúa đã tặng ban cách riêng cho Mẹ. Năm Mới 2012 đã đến, ta hãy cùng Đức Mẹ “tưởng nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” về những điều Chúa đã thi ân, đã thực hiện trong cuộc sống mình.

A. Những khoảnh khắc “ghi nhớ và suy niệm” trong cuộc đời Đức Mẹ.

Dựa theo Thánh Truyền, ta được biết: Mẹ Maria hoàn tất cuộc đời dương thế khi đã 72 tuổi.  Suốt những tháng năm dài trong cuộc lữ hành đức Tin ấy, Mẹ liên lỷ nhận thức Chúa hằng ở bên mình, thường xuyên “ghi nhờ và suy niệm trong lòng” từng phút giây:

  • Dâng mình trong đền thờ từ thuở thơ ấu, Mẹ “ghi nhớ và suy niệm” khi thực tập cầu nguyện, khi nghe các Thầy Tư Tế đền thờ dạy dỗ, khi phụ giúp từng công việc trong Nhà Chúa.
  • Trước lời sứ thần Gabriel loan báo Mẹ sẽ cưu mang Con Chúa giáng trần, Maria “ghi nhớ và suy niệm” mãi lời Xin Vâng chấp nhận thánh ý Chúa.
  • Khi đi thăm bà chị họ Isave, Mẹ “ghi nhớ và suy niệm” lời kinh Magnificat: Chúa hằng đoái thương các tỳ nữ thấp hèn của Người.
  • Cùng với Giuse lên đường về Bêlem khai kiểm tra dân số, Mẹ “ghi nhớ và suy niệm” những thiếu thốn mà Đấng Cứu Tinh phải chịu khi giáng sinh làm người giữa thế trần.
  • Chợt thấy các mục đồng và ba đạo sĩ đến thờ lạy Chúa Hài Nhi, Mẹ “ghi nhớ và suy niệm” mọi kỷ niệm ấy, mọi câu chuyện mà nhóm người chăn chiên thuật lại.
  • Suốt ba ngày tìm kiếm, Mẹ thấy lại Chúa Giêsu ngồi giữa các bậc thầy Do Thái, Maria “ghi nhớ và suy niệm” về sự kiện Con Chúa phải lo việc bổn phận ở nhà Cha Ngài.
  • Nơi tiệc cưới Cana, Mẹ kín đáo “ghi nhớ và suy niệm” giờ của Con Chúa đến, âm thầm nhắc nhở người giúp việc gắng làm theo ý Chúa Giêsu dạy bảo.
  • Ba năm truyền giảng Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, Mẹ theo Chúa trên từng cây số. Đôi khi muốn tìm gặp phút riêng tư với Chúa (Mc 3:31), Mẹ “ghi nhớ và suy niệm’ từng lời Chúa rao giảng.
  • Trên đường thập tự, Đức Maria đau đớn nhìn Con vác thánh giá, lòng Mẹ đau xót “ghi nhớ và suy niệm” từng chặng đường của Chúa phải đi qua.
  • Nơi đỉnh đồi Calvê, dưới chân Thập Tự nhìn Chúa chịu đóng đinh, Mẹ “ghi nhớ và suy niệm” những đau đớn mà Chúa đã phải hứng nhận, hy sinh chuộc tội, đền thay cho loài người.
  • Ôm xác Chúa Giêsu đem táng vào huyệt đá mới, Mẹ “ghi nhớ và suy niệm” lời Simêon nói khi xưa “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”.
  • Sau khi Chúa Giêsu về trời, Mẹ âm thầm hiệp thông với các tông đồ cầu nguyện trong nhà tiệc ly, “ghi nhớ và suy niệm” những điều Chúa đã báo trước, chờ đợi Ơn Thánh Linh kiện toàn.

Nhìn chung, từng biến cố xảy đến trong đời, Đức Mẹ hoàn toàn “lắng nghe và vâng theo ý Chúa” luôn.

B. “Ghi nhớ và suy niệm”: thái độ cần thiết trong cuộc sống.

Sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 9:1-19) thuật lại: đang khi hăng say bách hại kitô hữu ở thành phố Đamas, Saolô đã bị ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ, khiến ông ngã ngựa. Saolô chợt nghe tiếng Chúa cho biết việc làm sai trái của ông. Suốt ba ngày mù mắt, không ăn không uống, ông “ghi nhớ và suy niệm”:

  • những lầm lỗi quá khứ của mình, khi đồng loã trong vụ ném đá Stêphanô (Cv 7:58), khi lùng bắt doạ giết các môn đệ Chúa.
  • những đau khổ mà ông sẽ phải chịu vì danh Chúa (Cv 9:16) khi đi rao giảng Tin Mừng.

Saolô vẫn can đảm chấp nhận, quyết tâm làm theo Thánh Ý Chúa, sẵn sàng là vị “tông đồ dân ngoại” .

  1. Hàng năm, vào Mùa Vọng và Mùa Chay, các giáo xứ có thói quen mở Tuần Đại Phúc, giúp giáo dân sống Đạo sốt sắng, nghe giảng, học hỏi về Mầu Nhiệm Nhập Thể và Mầu Nhiệm Cứu Chuộc “ghi nhớ và suy niệm” tình yêu thương mà Con Thiên Chúa đã hy sinh vì phần rỗi nhân loại.
  1. Các tu sĩ, chủng sinh trước khi Khấn Dòng hay Nhận Thánh Chức, thường trải qua một Tuần Tĩnh Tâm, nghe hướng dẫn và hồi tâm, “ghi nhớ và suy niệm” về hồng ân mà mình sắp được Chúa trao ban, về lời khấn Dòng mà mình sắp thề hứa.
  1. Chàng sinh viên, sau bao năm dùi mài kinh sử trên ghế nhà trường, nay dừng lại dành thời gian trong góc thư viện, nghiên cứu sách vở, “ghi nhớ và suy niệm” trong thầm lặng những kiến thức đã học hỏi, để tổng kết tư liệu chuẩn bị trình luận án tốt nghiệp.
  1. Đôi vợ chồng già sau bao năm sống đời Hôn Nhân con đàn, cháu đống; nay con cái đề nghị cha mẹ mừng Lễ Kim Khánh Thành Hôn, kỷ niệm 50 năm nhận bí tích Hôn Phối. Trước bàn thờ Chúa, khi nghĩ lại lời thề hôn nhân năm xưa, hai ông bà “ghi nhớ và suy niệm” trong lòng bao kỷ niệm khó quên của thời gian đầu sống chung lập nghiệp, tạ ơn Chúa muôn ngàn đời Ngài vẫn trọn tình thương nâng đỡ họ.

Thế mới hiểu: cuộc sống nên ý vị nhờ những lần take a time “ghi nhớ và suy niệm” chuyện đã qua, từ đó rút kinh nghiệm và chuẩn bị hướng đi mới vững vàng hơn.

C. Nhận biết Thánh Ý Chúa nhờ “ghi nhớ và suy niệm” thường xuyên.

Trong bối cảnh Con Chúa giáng sinh, ắt hẳn đã một lúc nào đó, Đức Maria cũng hay tự thắc mắc:

  • Sao phải về Bêlem bấp bênh xa lạ, sinh hạ Đấng Cứu Thế, mà không ở lại Nazareth ổn định hơn?
  • Về nơi đó, không còn chỗ trọ, phải ghé máng có hôi tanh, trong khi nhà có đủ mà lại nằm đất?
  • Sinh con hẩm hiu nghèo túng, sao có người biết tin ( mục đồng, ba đạo sĩ ) mà tìm đến?

Với cái nhìn thô thiển ấy, rất có thể Maria “ghi nhớ và suy niệm” liên miên, đoạn từ từ nhận biết bàn tay quan phòng tốt đẹp của Chúa vẫn ở bên cuộc sống mình. Nhìn vào Kinh Thánh, ta còn thấy:

–   Môisen tin có Chúa ở cùng, nên ông lãnh đạo dân Israel vượt qua Biển Đỏ thành công.

–   David tin có Chúa ở cùng, nên trở thành Vị Vua tốt lành, cai trị Dân Chúa lâu năm.

–   Samson tin có Chúa ở cùng, nên ông có sức mạnh vô song, dẹp tan quân thù Philitinh.

–   Giuse tin có Chúa ở cùng, nên Ngài đã chu toàn vai trò dưỡng phụ Chúa Giêsu tốt đẹp.

Bình thường, trong “ghi nhớ và suy niệm”, ta cần:

+  Chú tâm lắng nghe tiếng Chúa.

+  Thực thi điều Ngài mời gọi.

+  Trung thành trọn hảo sứ vụ Chúa đã trao ban.

Để “ghi nhớ và suy niệm” thành công, ta phải:

–   Tách rời mọi sinh hoạt đang có, để ru mình vào phút hồi tâm.

–   Nâng hồn hướng thượng lên cao, nắm bắt ý tưởng.

–   Quan tâm trong hiện tại và thực hiện trong tương lai.

D. Lời Nguyện kết thúc.

Lạy Chúa!!! Ngày đầu Năm Mới, xin hướng tâm hồn con lên với Chúa, giúp con luôn “ghi nhớ và suy niệm”về Ngài  trong mọi lúc, sẵn sàng hành động theo Thánh Ý Chúa luôn.  AMEN.

Fr. Dominic Dieu Tran, SDD

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều và Te Deum cuối năm 2012

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều và Te Deum cuối năm 2012

VATICAN. Lúc 5 giờ 10 chiều 31 tháng 12-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự buổi hát kinh chiều I lễ trọng kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và kinh Te Deum Tạ Ơn Chúa, nhân dịp kết thúc năm dương lịch. Ngài mời gọi các tín hữu giữ vững niềm hy vọng trước những khó khăn.

Hiện diện tại Đền thờ Thánh Phêrô còn có hơn 20 HY, đặc biệt là ĐHY Agostino Vallini, Giám Quản Roma, các GM phụ tá và lối 20 GM khác, đông đảo các cha sở và lối 8 tín hữu cùng với Ông Đô Trưởng và chính quyền miền Lazio và thành phố Roma.

Bài giảng của ĐTC Trong bài giảng, ĐTC mời gọi các tín hữu ý thức về những điều thiện vẫn hiện hữu trên thế giới và dâng lời cảm tạ Thiên Chúa. Ngài nói:

”Thực vậy, trong kinh Te Deum, có chứa đựng một sự khôn ngoan sâu xa, sự khôn ngoan làm chúng ta nói rằng, dầu sao đi nữa, có điều thiện trong thế giới, và điều thiện này sẽ chiến thắng nhờ ơn Thiên Chúa, Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, nhập thể, chịu chết và sống lại. Hẳn thực, đôi khi thật khó lãnh hội thực tại sâu xa này, vì sự ác gây ồn ào hơn sự thiện. Một vụ giết người tàn ác, bạo hành lan tràn, những bất công trầm trọng thường được báo chí nói đến như tin tức, trong khi những cử chỉ yêu thương, phục vụ, những vất vả cơ cực chịu đựng hằng ngày trong niềm trung thành và kiên nhẫn, thường bị đặt trong bóng tối, không được nói đến. Cũng vì lý do đó, chúng ta không thể chỉ dừng lại nơi những tin tức, nếu chúng ta muốn hiểu thế giới và cuộc sống; chúng ta phải có khả năng dừng lại trong thinh lặng, mặc niệm, suy tư trầm lặng và kéo dài. Qua đó tâm hồn chúng ta có thể được chữa lành khỏi những vết thương không thể tránh được những vết thương của đời sống thường nhật, có thể đi sâu vào các sự kiện xảy ra trong cuộc sống chúng ta và thế giới, và đạt tới sự khôn ngoan, giúp chúng ta lượng định sự việc với cái nhìn mới. Nhất là khi hồi niệm trong lương tâm, nơi Chúa nói với chúng ta, chúng ta học cách nhìn trong sự thật những hành động của mình, cả sự ác hiện diện trong và quanh chúng ta, để bắt đầu một hành trình hoán cải làm cho chúng ta khôn ngoan và tốt lành hơn, có khả năng hơn trong việc thực thi liên đới và hiệp thông, thắng sự ác bằng sự thiện. Kitô hữu là người hy vọng, cả khi và nhất là đứng trước tăm tối thường xảy ra trên thế giới, tăm tối ấy không tùy thuộc dự án của Thiên Chúa, nhưng là do những chọn lựa sai lầm của con người, vì Kitô hữu biết rằng sức mạnh của đức tin có thể chuyển núi dời non (Xc Mt 17,20): Chúa có thể chiếu sáng cả những tối tăm dầy đặc nhất”.

ĐTC cũng nhắc đến Năm Đức Tin và sứ mạng truyền giảng Tin Mừng cho mọi người, đặc biệt cho các thế hệ trẻ, giúp họ thỏa mãn khát vọng chân lý mà mỗi người mang trong tâm hồn, nhưng khát vọng này thường bị lu mờ vì bao nhiêu sự việc trong cuộc sống. ”Sự dấn thân tông đồ này càng cần thiết giữa lúc đức tin có nguy cơ bị lù mờ trong bối cảnh văn hóa cản trở không đi sâu hơn vào cuộc sống con người và dần dần vắng bóng khỏi xã hội”. ĐTC nói về nhu cầu truyền giảng Tin Mừng tại Roma, trước sự gia tăng con số các tín đồ khác, và những khó khăn mà nhiều cộng đoàn giáo xứ gặp phải trong việc đến gần giới trẻ, sự lan tràn lối sống cá nhân chủ nghĩa và duy tương đối về luân lý. Đàng khác cũng có nhiều người tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của mình và tìm một niềm hy vọng vững chắc.

Với ý hướng trên đây, ĐTC mời gọi các tín hữu, nhất là các bậc phụ huynh, hãy sống phù hợp với niềm tin để có thể trở thành môn đệ và chứng nhân đáng tin cậy của Chúa Kitô. Ngài khuyến khích tăng cường việc mục vụ gia đình, tổ chức các nhóm liên gia trong đó các tín hữu lắng nghe Lời Chúa, chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống đảo, giúp củng cố ý thức mình thuộc về cộng đoàn XX và tăng trưởng trong tình bạn với Chúa”.

Cuối kinh chiều, có nghi thức đặt Mình Thánh Chúa và hát kinh Te Deum tạ ơn Thiên Chúa. Sau đó, ĐTC đã ra quảng trường thánh Phêrô viếng thăm và cầu nguyện hang đá khổng lồ tại đây.

Ngoài ra lúc 10 giờ rưỡi tối hôm 31 tháng 12-2012, đã có buổi canh thức tại Quảng trường thánh Phêrô để cầu nguyện cho sự hiệp nhất và hòa bình trong các gia đình và giữa các dân nước. Đây là lần thứ 10, Phong trào tình yêu gia đình tổ chức và cổ võ buổi canh thức thuộc loại này. (SD 31-12-2012)

G. Trần Đức Anh OP- Vietvatican

TRUNG GIAN (ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA)

TRUNG GIAN (ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA)

Ds 6, 22-27; Gal 4, 4-7; Lc 2, 16-21).

Ngày đầu năm, mọi dân nước rộn rã hân hoan đón chào một sự khởi đầu mới. Chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Chúa cho một năm qua với nhiều ân sủng và những niềm vui, nỗi buồn. Nhìn lại năm cũ để tính toán sổ sách cuộc đời và hướng tới năm mới để dự phóng những chương trình và mơ ước cho tương lai. Ôn cố tri tân. Đối với con người đang lữ hành, thời gian là hồng ân có quá khứ, hiện tại và tương lai. Thêm một năm, mỗi người già thêm một tuổi. Khi nhìn lên bàn thờ tổ tiên trong các gia đình Việt Nam, tôi suy gẫm về những hình ảnh của cha ông. Có nhiều hình ảnh ông bà tổ, ông bà nội ngoại hay cha mẹ rất trẻ, có vị chỉ sống được 20 xuân xanh đã qua đời. Trên bàn thờ con cháu vẫn luôn nhang đèn và tôn kính mến yêu. Có những người con, người cháu già cả 70, 80 tuổi vẫn cúi đầu vái lậy. Qua đời khi còn trẻ hay già không quan trọng, kẻ bề trên vẫn luôn là những vị tiền bối. Tổ tiên, ông bà và cha mẹ luôn được tôn kính mến yêu.

Hôm nay Giáo Hội Công Giáo mừng kính lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Thánh Phaolô tuyên xưng một người đàn bà đã hạ sinh Con Chúa: Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật (Gal 4, 4). Người đàn bà chính là Đức Maria. Maria được Thiên Chúa tuyển chọn trong muôn vàn phụ nữ để cưu mang Con Chúa. Qua lời xin vâng, trinh nữ Maria đã thụ thai và sinh hạ Con Thiên Chúa. Dựa vào Kinh Thánh mạc khải, truyền thống, suy tư thần học và tâm tình con thảo, Giáo Hội đã tuyên tín: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa quá nhiệm mầu và cao cả. Đức Maria không tự mình nhận tước hiệu này, nhưng Maria chỉ nhận là nữ tỳ của Chúa và là tôi tớ xin vâng như lời thiên thần truyền. Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa được các Công Đồng, các thánh Giáo Phụ và toàn thể Giáo Hội cùng tin nhận. Vì Đức Mẹ là mẹ của Chúa Giêsu và là đầu nhiệm thể. Chúa Kitô là đầu và chúng ta là chi thể. Khi Maria đi thăm viếng người chị họ Isave, bà qúa vui mừng đã thốt lên lời ca ngợi rằng bởi đâu tôi được mẹ của Chúa tôi đến viếng thăm.

Là Mẹ của con Thiên Chúa nhưng Đức Maria sống rất khiêm tốn và âm thầm. Mẹ Maria đã sinh ra Chúa Giêsu con người toàn vẹn với hai bản tính Thiên Chúa và loài người. Con Chúa đã được dưỡng nuôi bằng chính máu thịt của mẹ. Đời Mẹ sống trong niềm tin yêu và hy vọng. Maria sống lặng lẽ trong cầu nguyện và chiêm ngắm những biến cố xảy ra trong đời. Thánh Luca viết vắn gọn: Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2, 19). Có Chúa ở cùng là một niềm vui hoan lạc. Mẹ có Chúa Giêsu hiện diện ngay bên để chia sẻ cuộc sống gia đình.Cuộc sống của Maria cũng giống như cuộc đời của các phụ nữ khác. Hằng ngày cũng lao động để lo miếng cơm manh áo nuôi sống gia đình. Mẹ an vui chu toàn bổn phận của người vợ và người mẹ trong gia đình.

Đức Maria cũng trải qua mọi ngày với những công việc bình thường như các bà mẹ trong gia đình. Mỗi việc làm với ý thức và tình yêu sẽ trở thành việc vĩ đại. Vĩ đại không phải vì to lớn nhưng vĩ đại vì tâm của con người vĩ đại. Mẹ làm tất cả vì con và cho con. Không có cung lòng nào có phúc hơn cung lòng của mẹ. Mẹ được diễm phúc ở bên cạnh Con Chúa cho tới khi Chúa hoàn tất sứ mệnh. Mẹ được chăm lo, săn sóc và yêu thương Con Chúa hết mình. Mẹ chung vui và xẻ buồn cùng Con trên mọi nẻo đường. Mẹ cũng lo buồn và sầu héo khi Con Chúa bị người đời khinh dể, xua đuổi, chối từ và tẩy chay. Mẹ luôn đồng hành với Con trong mọi bước đường, ngay cả khi Con bị bắt, bị vác thánh giá ngã gục trên đường lên núi sọ. Mẹ đứng dưới chân thập giá nhìn Con hấp hối và trút hơi thở cuối cùng. Có ai đứng đó để chia sẻ nỗi đớn đau và tan nát tâm can như mẹ. Mẹ xứng đáng lãnh nhận tất cả mọi tước hiệu ca khen của Giáo Hội.

Giáo Hội đã dâng kính Mẹ nhiều tước hiệu cao cả. Đức Mẹ là Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội. Mẹ là Hòm bia Thiên Chúa và là cửa thiên đàng. Mẹ là Nữ Vương các thiên thần và các thánh. Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông và được hồn xác lên trời. Đức Mẹ bầu chữa kẻ có tội và yên ủi kẻ âu lo. Có Mẹ, chúng ta sẽ tìm được sự bình yên và an lạc. Chúng ta dễ dàng đến với Mẹ để tâm sự và cầu nguyện. Đôi khi có những người thắc mắc rằng tại sao Giáo Hội đặt vị trí của Đức Maria cao quá vậy? Giáo Hội còn lưu giữ hình ảnh, bút tích, phép lạ và những việc lạ lùng Đức Maria đã thực hiện qua suốt sự thăng trầm của lịch sử. Đã nhiều lần Đức Mẹ hiện ra để an ủi, khuyên dạy và kêu gọi sám hối. Mẹ là trung gian chuyển cầu ơn Chúa cho chúng ta. Tất cả mọi sự đều được qui về Chúa Giêsu Kitô, Con của Mẹ.

Mẹ Maria không chỉ là hình ảnh cô thôn nữ trẻ trung hay bà mẹ sầu bi, mà là hình ảnh Mẹ hiển sáng. Mẹ Maria đã già hơn 2 ngàn tuổi. Mẹ đã hiện diện trước khi Giáo Hội được thành hình. Mẹ đã sinh ra Chúa Cứu Thế và Mẹ đồng công cùng Con Chúa trong sứ mệnh Cứu Độ. Chúa Giêsu lập Giáo Hội và đã chọn các tông đồ để tiếp tục sứ mệnh. Mẹ Maria đã hiện diện với các tông đồ trên mọi nẻo đường. Đức Maria can đảm đứng dưới chân thập giá đón nhận lời trăn trối sau cùng của Con. Mẹ đã ở lại an ủi các tông đồ trong những lúc cô đơn, sợ hãi và buồn sầu nhất. Cùng với Chúa Giêsu phục sinh, Mẹ đã qui tụ các tông đồ và cầu nguyện chờ đón ơn Chúa Thánh Thần. Vậy, Đức Maria xứng đáng lãnh nhận mọi tước hiệu của Giáo Hội dâng kính. Trải qua hơn hai ngàn năm từ dòng dõi này qua dòng dõi kia vẫn tiếp tục truyền bá niềm tin và lòng sùng kính mến yêu Mẹ. Giáo Hội vẫn đang trong cuộc lữ hành trên trần thế không thể vắng bóng Mẹ. Thiên Chúa đã chọn gọi Mẹ Maria như là máng chuyển ơn lành cho mọi chúng sinh.

Mẹ rợp bóng mát trên đàn con. Nơi đâu Mẹ xuất hiện, nơi đó qui tụ cả hằng triệu con tim. Những địa danh thánh được Mẹ thăm viếng đã trở thành những trung tâm hành hương của con cái mẹ. Một số nơi Mẹ đã hiện đến như ở Guadalupe (1531), Paris (1830), Rome (1842), la Salette (1846), Lourdes (1858), Fatima (1917), Bonneux (1933), Syracuse (1953) và nhiều nơi khác nữa. Mỗi miền dân tộc đã có những sự sùng kính danh thánh riêng của Mẹ như Đức Mẹ Lavang, Đức Mẹ Altargracia, Đức Mẹ Providencia, Đức Mẹ African, Đức Mẹ Perpetual Help (Hằng Cứu Giúp)…Những hình ảnh Mẹ gần gũi thân thương với dáng vẻ, khuôn mặt, mầu da và áo quần trang sức đã mời gọi các tín hữu đến gần bên Mẹ hơn.

Mỗi khi chúng ta đọc kinh Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn hơn mọi người nữ, chúng ta tôn vinh Mẹ vì ân sủng Chúa ban. Mẹ là ánh sao dẫn đường chúng ta đến với Chúa. Tất cả những ai chạy đến cầu xin cùng Mẹ sẽ không bị thất vọng. Lạy Chúa, chúng con có Chúa và có Mẹ.Chúng con có mái ấm gia đình là Giáo Hội. Đức Maria là Mẹ Giáo Hội. Giáo Hội sinh chúng ta ra làm con cái Thiên Chúa. Chúng con bước đi trong tự do của con cái Thiên Chúa.Thánh Phaolô dậy: Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa (Gal 4, 7).

 Xin cho chúng con cùng được chia phần gia nghiệp trong Nước Chúa. Chúng ta cùng nguyện rằng: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Lm Giuse Trần Việt Hùng Bronx, New York