Năm Đức Tin: Trách nhiệm ngôn sứ của người tông đồ và của tín hữu giáo dân

Năm Đức Tin: Trách nhiệm ngôn sứ của người tông đồ và của tín hữu giáo dân

Thánh Lễ khai mạc Năm Đức Tin sẽ  được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI long trọng cử hành  tại Rôma  ngày 11-10 tới đây. Năm Đức Tin được mở ra nhân kỷ niêm 50 năm sau Công đồng Vatican II kết thúc, và cũng kỷ niệm 20 năm ngày công bố Sách Giáo lý mới của Giáo hội Công giáo, đồng thời cũng là dịp Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới (Synod of Bishops) họp phiên kháng đại lần thứ 13.

Đây là thời điểm thích hợp để toàn thể Giáo Hội nhìn lại đời sống đức tin của mình dựa trên nền tảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô, Đấng đã đến trần gian làm Con Người để rao giảng Tin Mừng, và  hy sinh “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 20,28).

Nghĩa là mọi người trong Giáo Hội – Hàng Giáo phẩm, Giáo sĩ, Tu sĩ và Giáo dân – đều được mời gọi để canh tân, củng cố và sống niềm tin của mình vào Chúa Kitô cách hữu hiệu hơn nữa để ứng phó với những thách đố của thời đại tục hoá (vulgarism) tôn thờ khoái lạc (hedonism) vô thần (atheism) và phi luân (amoralism), là những đặc trưng của “văn hoá sự chết” đang lan tràn ở khắp nơi trên thế giới ngày nay để lôi cuốn biết bao người vào hố diệt vong. Diệt vong vì  không có niêm tin vào một Quyên Lực, hay một Đấng Tối Cao mà người tín hữu chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa, Đấng dựng nên và thưởng phạt  con người về những việc mình làm trong cuộc sống trên đời này. Vì không có niềm tin này, nên người ta tự do sống thác loan, làm những sự dữ và tội ác không sao tả cho xiết được… Thực trạng này phải là mới ưu tư hàng đầu của những ai muốn sống niềm tin có Thiên Chúa cực tốt cực lành, đã sai Con Một là Chúa Kitô đến trần gian vì “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4).

Nhưng muốn được cứu độ và nhận biết chân lý thì phải thực sự và thực tâm tin Chúa Kitô và thể hiện niềm tin ấy cách cụ thể  bằng thực hành hay sống theo Tin Mừng Cứu Độ của Ngài.

Thật vậy, Phức Âm Sự Sống hay Tin Mừng Cứu Độ mà Chúa Kitô đã rao giảng và trả giá bằng chính mạng sống của Ngài trên thập giá cách nay trên 2.000 năm, cho đến nay vẫn còn xa lạ  đối với  đa số người trên trái đất này, vì  hiện còn  trên 5 tỷ người chưa biết Chúa Kitô và đang còn ở ngoài Giáo hội Công giáo là phương tiện hữu hiệu nhất để chuyên chở ơn cứu độ của Chúa Kitô đến cho mọi dân mọi nước trên khắp địa cầu cho đến ngày mãn thời gian.

Vì thế, sứ mang Phúc Âm hoá thế giới vẫn là trọng trách và là mối ưu tư hàng đầu của Giáo Hội. Và để thi hành sứ mang này cách hiệu quả hơn, Giáo Hội cần nhìn lại chính mình để xem Tin Mừng của Chúa Kitô đã thấm sâu vào tim óc của mình đến đâu cũng như đã biến đổi chính mình ra sao, trước khi tiếp tục sứ mạng Phúc Âm hoá người khác, tức mời gọi thêm nhiều người nữa đón nhận và tin Chúa Kitô là Đấng cứu chuộc duy nhất của nhân loại.

Đó là lý do Giáo Hội mở Năm Đức Tin để toàn thể Giáo Hội được dịp kiểm điểm đời sống đức tin của mình trước khi quảng bá đức tin ấy cho những người chưa nhận được Tin Mừng này.

Ngày 22-9 vừa qua, nhân tiếp kiến một số đông tân Giám mục ở Roma, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã lưu ý các tân Giám mục về sứ mệnh Phúc Âm hoá:

“Công cuộc Phúc Âm hoá quả thực không phải là công việc của các chuyên gia mà là của toàn thể dân Chúa trong Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của các chủ chăn. Mỗi thành viên của tập thể tín hữu ở trong và cùng với cộng đồng Giáo Hội phải cảm thấy mình có trách nhiêm công bố và làm nhân chứng cho Tin Mừng” (Evangelization, indeed, is not a work of specialists, but of the entire people of God under the guidance of theirs Pastors. Every member of the faithful, in and with the ecclesial community must feel responsible  for proclaiming  and witnessing to  the Gospel; – L’Osservatore Romano, September 26,2012, p. 5).

Đây chính là sứ mệnh mà Chúa Kitô đã trao phó cho các Tông đồ trước tiên và cho toàn thể Giáo Hội ngày nay trước khi Ngài về Trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án” (Mc 16,16).

Như thế, loan báo Tin Mừng hay Phúc Âm hoá thế giới phải là sứ mênh quan trọng nhất của Giáo Hội nhận lãnh từ chính Chúa Kitô sau khi Ngài hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại  của Thiên Chúa qua khổ hình thập giá, chết, sống lại và lên Trời.

Nhưng muốn cho công cuộc Phúc Âm hoá được kết quả mong muốn thì người công bố phải là người chứng tá cho Tin Mừng  mình loan truyền cho người khác, như Đức Thánh Cha đã nhắc nhở các tân Giám mục trên đây. Nghĩa là chính mình phải sống Tin Mừng ấy cách đích thực và sâu đậm thì mới có sức thuyết phục người khác tin điều mình rao giảng cho họ.

I. Trách nhiệm ngôn sứ và nhân chứng của người tông đồ

Thật vậy, người tông đồ xưa và nay là người được Chúa kêu goi cách riêng đi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng. Thế giới xưa và đặc biệt ngày nay đã và đang thách đố niềm tin Kitô giáo và những ai rao giảng Tin Mừng của Chúa với thực trạng của “văn hoá sự chết” chối bỏ Thiên Chúa và mọi giáo lý của Người để quyến rũ con người vào đường hư mất đời đời.

Vì thế cho nên “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16) như Thánh Phaolô đã nhắc nhở chính mình và những ai được ơn gọi đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô, là linh dược để chữa lành mọi bệnh tật của linh hồn và bảo đảm hy vọng được sống hạnh phúc với Chúa trên Nước Trời mai sau.

Nói khác đi, để đối kháng với mọi thách đố của “văn hoá sự chết” chỉ có Phúc Âm sự sống của Chúa Kitô mới có sức hoá giải mọi độc hại của các tà thuyết vô thần, tôn thờ tiền bạc và của cải vật chất, chuộng khoái lạc vô luân vô đạo, dửng dưng trước sự đau khổ, nghèo đói của người khác. Đó là bộ mặt của thế gian trống vắng niềm tin, và nhuộm đầy màu sắc của sự dữ sự gian ác, sự ô uế, sự bất công và thiếu tình người.

Nhưng cho được thuyết phục người khác nghe và tin Chúa Kitô, người tông đồ phải là người chứng tá trung thực của Tin Mừng mình rao giảng.

Cụ thế, nếu người tông đồ cũng ham mê tiền của và hư danh trần thế, để vận động hay mua chuộc ai  hầu được tiến cử vào các chức vụ lãnh đạo trong Giáo Hội hoàn vũ hay địa phương – hoặc  tệ hại hơn nữa – làm tay sai cho thế quyền để mưu lợi ích cá nhân, thì chắc chắn sẽ không thể giảng sự khó nghèo của Phúc Âm và thuyết phục được ai sống tinh thần khó nghèo này và khiêm tốn phục vụ theo gương Chúa Kitô, Người đã sống lang thang, khó nghèo đến nỗi “không có nơi tựa đầu, trong khi con chồn có hang, chim trời có tổ” (Mt 8,21).
 
Như vậy, nếu dính bén vào của cải trần thê,và chạy theo danh vọng hư hèn thì đã khinh chê tinh thần khó nghèo của chính Chúa Kitô.

Mặt khác, để nói lên sự khinh chê về những ham muốn danh vọng hư hão trên đời này và cũng để trả lời các môn đệ đến hỏi Chúa xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời, Chúa Giêsu đã nói với họ: “Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18,4).
 
Đó chính là gương phục vụ sáng chói mà Chúa Giêsu đã nêu cao khi Ngài cúi mình rửa chân cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly sau hết trước khi Ngài bị trao nộp và tử nạn trên thập giá để đền tội thay nhân loại và cứu chuộc cho muôn người khỏi chết đời đời vì tội.

Như thế, sống đức tin cho có chiều sâu và có sức thuyết phục người khác trong Năm Đức Tin này cũng đòi hỏi cách riêng người tông đồ lớn nhỏ ngày nay phải nhìn lại đời sống đức tin của chính mình, xem mình có thực sự sống cốt lõi của Tin Mừng hay chưa – và đặc biệt – đã thực sự sống tinh thần khó nghèo của Chúa Kitô, “Đấng vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên khó nghèo vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có” (2 Cr 8,9)?

Nếu người tông đồ mà không là mẫu mục đức tin, đức cậy, đức mến, kèm với tinh thần phục vụ khiêm tốn và khó nghèo theo gương Chúa Kitô, thì làm sao có thể thuyết phục được ai nghe mình giảng dạy về những nhân đức này nữa? Chúa nói: “Ai có tai nghe thì nghe” (Mt 13,43 Mc 4,23; Lc 8,8).

II. Trách nhiệm ngôn sứ và chứng tá của người tín hữu giáo dân

Không phải chỉ người tông đồ mới có trách nhiệm rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng.

Ngược lại, qua Bí tích Rửa Tội, người giáo dân cũng tham dự vào 3 chức Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Chúa Kitô nhưng với thể thức khác với Hàng Giáo phẩm, Giáo sĩ và Tu sĩ.

Cụ thể , Hàng Giáo sĩ và Tu sĩ thừa tác (Ministerial clergy and religious) như các giám mục và linh mục dòng và triều thi hành chức năng tư tế bằng việc tế lễ trên bàn thờ, tức là dâng lại Hy tế thập giá của Chúa Kitô, giảng Phúc Âm và cử hành các bí tích trong nhà thờ nhân danh Chúa (in persona Christi).

Người tín hữu giáo dân, ngược lại, dâng chính đời sống của mình với mọi vui buồn, sướng khổ để hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Kitô trên thập giá xưa và cách bí nhiệm ngày nay trên bàn thờ mỗi khi Thánh lễ Tạ ơn (Eucharist) được cử hành để cảm tạ Chúa Cha và xin ơn tha tội cho chúng ta cùng thể thức và mục đích của Hy tế Chúa Kitô dâng lần đầu tiên trên thập giá.

Cũng vậy, người tín hữu giáo dân thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình bằng chính đời sống của mình trước mặt người đời để “họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Nghĩa là trong khi những người không có niềm tin vào Chúa Kitô và đang làm những sự xấu sự dữ như giết người, giết thai nhi, thay vợ đổi chồng, dâm ô trác táng, gian manh, trộm cắp, cờ bạc, căm thù, chia rẽ, coi nhẹ lương tâm để lường gạt, bóc lột người khác… thì người có niềm tin nơi Chúa phải sống niềm tin ấy cách cụ thể và sống động để nêu cao những giá trị của niềm tin là tôn trọng sự sống, tôn trọng công bình, lương thiện, thực thi bác ái, yêu thương, tha thứ, “như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa giữa một thế hệ gian tà sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15) theo lời dạy của Thánh Phaolô Tông Đồ.

Thật vậy, sống trong thời đại của “văn hoá sự chết”, đức tin của người tín hữu Chúa Kitô đang bị thách đố nặng nề bởi những kẻ không có niềm tin nào, nên chỉ còn biết chay theo những quyến rũ của tiền bạc và danh vọng hư hão, coi nhẹ luân thường, đạo lý để làm những sự độc ác như giết người không gớm tay, lường đảo, gian manh, pha chế chất độc vào thực phẩm để làm hại sức khoẻ của dân chúng; trồng cây thuốc phiện, cần sa, ma tuý; mở sòng bạc, nhà điếm, buôn bán phụ nữ và trẻ em cho kỹ nghệ mãi dâm, ấu dâm vô cùng khốn nạn và tội lỗi.

Nếu người tín hữu Chúa Kitô mà cũng tham gia vào những việc tội lỗi nói trên, thì đã tự đánh mất niềm tin của mình và đã thoả hiệp với thế gian vô đạo cách rõ nét nhất. Và như thế thì thay vì làm nhân chứng cho Chúa Kitô trước mặt người đời, người tín hữu sẽ trở thánh phản chứng (anti-witness) bằng chính đời sống của mình trước mặt người khác khi không dám sống niềm tin của mình phản ánh trung thực Tin Mừng của sự sống, sự công bình, đức bác ái, tình thương tha nhân, lòng yêu mến sự trong sạch thánh thiện là những đặc trưng và đòi hỏi của Tin Mừng Cứu Độ, tức Phúc Âm Sự Sống đối nghịch hoàn toàn với “văn hoá sự chết” của thế giới tục hoá ngày nay.

Mặt khác, khi người tín hữu Chúa Kitô tích cực hoạt động để bảo vệ cho sự sống, bảo vệ và nêu cao những giá trị của luân lý Kitô giáo về hôn nhân, về gia đình, về sự chung thuỷ của vợ chồng trong hôn nhân, về công bình xã hội, về tôn trọng quyền sống của con người… thì đã góp phần tích cực vào việc mở mang Nước Chúa là Vương quốc của sự bình an, công bình, yêu thương và thánh thiện.

Đó là trách nhiệm ngôn sứ và nhân chứng của người giáo dân trong Giáo Hội. Công đồng Vatican II đã đặc biệt nói đến trách nhiệm này trong Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng Muôn dân – LG):

“Vì thế, giáo dân làm tông đồ là thông phần vào chính sứ mệnh của Giáo Hội. Mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ qua việc nhận lãnh Phép Rửa và Thêm Sức,…Nhưng giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động trong những nơi và hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian” (x. LG, 33).

Nói khác đi, mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội đều có trách nhiệm rao giảng Lời Chúa và làm nhân chứng cho Chúa để đem ánh sáng Chúa Kitô vào nơi tối tăm ô uế vì ham chuộng khoái lạc, dâm ô, nhảy nhót mất nết, đem công bình vào nơi bóc lột và bất công, đem yêu thương vào nơi oán thù, đem bình an vào nơi đang sôi sục lửa chiến tranh và khủng bố.

Tóm lại, Năm Đức Tin là thời cơ thuận lợi cho mọi người trong Giáo Hội kiểm điểm đời sống đức tin của mình để canh tân và đào sâu thêm đức tin vào Chúa Kitô trong 2 chiều kích đi loan truyền và làm nhân chứng cho Tin Mừng Cứu Độ để mời gọi thêm nhiều người nữa tin và yêu mến Chúa Kitô để được cứu độ và được vinh phúc “thông phần bản tính Thiên Chúa sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian này” (1 Pr 1,4).

Lm. Fx. Ngô Tôn Huấn

Đức Thánh Cha kỷ niệm 50 năm Công Đồng chung Vatican 2

Đức Thánh Cha kỷ niệm 50 năm Công Đồng chung Vatican 2

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến 40 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 10-10-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã nhắc nhớ và đề cao đặc tính thời sự của Công Đồng như địa bàn hướng dẫn hành trình của Giáo Hội ngày nay.

ĐTC nói: ”Đức Chân phước Gioan Phaolô 2, trước ngưỡng cửa Ngàn Năm Thứ Ba đã viết: ”Tôi cảm thấy hơn bao giờ hết nghĩa vụ phải coi Công Đồng như một đại ân phúc mà Giáo Hội được hưởng trong thế kỷ 20: trong Công Đồng chúng ta được một địa bàn chắc chắn để định hướng trên hành trình trong thế kỷ đang mở ra” (Tông thư Novo millennio ineunte, 57). Tôi nghĩ rằng hình ảnh này thật là hùng hồn. Chúng ta cần trở về với các văn kiện Công Đồng Vatican 2 và giải thoát chúng khỏi bao nhiêu ấn phẩm nhiều khi thay vì làm cho chúng ta được biết các văn kiện Công Đồng thì lại che khuất chúng. Cả ngày nay, các văn kiện Công Đồng Vatican 2 vẫn là một hải bàn giúp con thuyền Giáo Hội hải hành trong biển khơi, giữa những bão tố hoặc khi sóng yên biển lặng, để tiến hành chắc chắn và tới đích.

ĐTC cũng kể lại kinh nghiệm bản thân của ngài về Công Đồng và nói rằng:

”Tôi còn nhớ rõ thời kỳ ấy: tôi là một giáo sư trẻ về thần học cơ bản tại Đại học Bonn, và chính ĐHY Frings, TGM giáo phận Koeln đã mang tôi theo về Roma, như thần học gia cố vấn của Người; đối với tôi Người là một điểm tham chiếu về mặt nhân bản cũng như về mặt linh mục; rồi sau đó tôi cũng được bổ nhiệm làm chuyên gia Công Đồng. Đó thực là một kinh nghiệm có một không hai đối với tôi: sau tất cả những nhiệt thành và phấn khởi trong thời kỳ chuẩn bị, tôi đã có thể thấy một Giáo Hội sinh động – hầu như 3 ngàn Nghị Phụ Công Đồng từ các nơi trên thế giới, nhóm họp dưới sự hướng dẫn của Người Kế Vị Thánh Phêrô Tông Đồ – các vị đặt mình nơi trường học của Chúa Thánh Linh, là động cơ đích thực của Công Đồng. Thật là họa hiếm trong lịch sử Giáo Hội, người ta hầu như có thể động chạm một cách cụ thể hoàn vũ tính của Giáo Hội trong một thời điểm thành tựu quan trọng của sứ mạng mang Tin Mừng trong mọi thời đại và đến tận bờ cõi trái đất. Trong những ngày này, nếu xem lại những hình ảnh của ngày lễ khai mạc Công Đồng, qua truyền hình hoặc các phương tiện truyền thông khác, anh chị em cũng có thể nhận thấy niềm vui, hy vọng và sự khích lệ mà sự tham dự biến cố ánh sáng ấy mang lại cho tất cả chúng ta, ánh sáng ấy còn chiếu tỏa cho đến ngày nay.

ĐTC cũng nhắc lại sự kiện: trong lịch sử Giáo Hội, các Công đồng thường được triệu tập để xác định những yếu tố cơ bản của đức tin, nhất là để sửa chữa những sai lầm. Nhưng nếu nhìn lại Công Đồng chung Vatican 2, chúng ta thấy lúc ấy trong hành trình của Giáo Hội không có những sai lầm đức tin cần sửa chữa hoặc lên án, cũng chẳng có vấn đề đặc thù về đạo lý hoặc kỷ luật cần làm sáng tỏ. Vì thế, chúng ta có thể hiểu được sự kinh ngạc của một nhóm nhỏ các HY hiện diện trong phòng hội của Đan viện Biển Đức Phaolô ngoại thành ngày 25-1-1959, khi Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23 loan báo triệu tập công nghị giáo phận Roma và Công đồng chung toàn Giáo Hội.

Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến những vấn đề của thời đại mà Công Đồng Vatican 2 đã tìm cách giải quyết: ví dụ làm sao nói về đức tin một cách mới mẻ, quyết liệt hơn vì thế giới đang biến chuyển mau lẹ; làm sao xác định một cách mới mẻ tương quan giữa Giáo Hội và thời đại tân tiến, giữa Kitô giáo và một số yếu tố thiết yếu của tư tưởng hiện đại, không phải để chiều theo các tư tưởng đó, nhưng để trình bày cho thế giới này đang có xu hướng xa lìa Thiên Chúa, những đòi đỏi của Tin Mừng trong tất cả sự cao cả và tinh tuyền của sứ điệp ấy…

ĐTC nói: ”Chúng ta thấy thời đại chúng ta đang sống ngày nay tiếp tục chịu tình trạng quên lãng và tỏ ra điếc đối với Thiên Chúa. Vì thế tôi thiết nghĩ chúng ta phải học bài học đơn sơ và cơ bản nhất của Công Đồng, nghĩa là nòng cốt của Kitô giáo hệ tại niềm tin nơi Thiên Chúa là Tình Yêu Ba Ngôi, và hệ tại cuộc gặp gỡ – bản thân và cộng đoàn – với Chúa Kitô, Đấng dìu dắt và hướng dẫn cuộc sống: tất cả những điều khác theo sau điều cơ bản ấy. Điều quan trọng ngày nay, cũng như trong ước muốn của các Nghị Phụ Công Đồng, là làm sao để con tái thấy rõ Thiên Chúa đang hiện diện, đang nhìn chúng ta và trả lời chúng ta. Trái lại, khi thiếu niềm tin nơi Thiên Chúa, thì cả điều thiết yếu cũng sụp đổ, vì con ngừơi đánh mất phẩm giá sâu xa của mình, chính phẩm giá ấy làm cho nhân tính của con người trở nên cao cả và chống lại được mọi chủ trương thu hẹp con người. Công Đồng nhắc nhở chúng ta rằng, Giáo Hội trong tất cả các phần tử của mình, có nghĩa vụ, có một mệnh lệnh phải thông truyền lời yêu thương của Thiên Chúa Đấng Cứu Độ, để lời mời gọi của Thiên Chúa được lắng nghe và đón nhận, chính lời mời gọi ấy chứa đựng hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta.“

ĐTC nói thêm rằng: khi nhìn dưới ánh sáng ấy sự phong phú chứa đựng trong các văn kiện Công Đồng Vatican 2, tôi chỉ muốn nhắc đến 4 Hiến Chế, như 4 phương hướng chính của địa bàn có thể hướng dẫn chúng ta. Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium chỉ cho chúng ta thấy trong Giáo Hội ngay từ đầu có sự thờ lại, có Thiên chúa, có sự trung tâm của mầu nhiệm sự hiện diện của Chúa Kitô. Và Giáo Hội, thân mình của Chúa Kitô và là dân tộc lữ hành trong thời gian, có nghĩa vụ cơ bản là tôn vinh Thiên Chúa, như Hiến chế tín lý Ánh sáng muôn dân, Lumen gentium, diễn ta. Văn kiện thứ 3 mà tôi muốn nhắc đến là Hiến chế về mạc khải Dei Verbum: Lời sinh động của Thiên Chúa triệu tập Giáo Hội và làm cho Giáo Hội được sinh động suốt trong hành trình lịch sử của mình. Và cách thức Giáo Hội mang cho toàn thế giới ánh sáng mà Giáo Hội đã nhận lãnh từ Thiên Chúa để Ngài được tôn vinh, đó chính là đề tại chính yếu của Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, Vui Mừng và hy vọng.

Sau cùng, ĐTC nói: “Công Đồng Vatican hai là một lời kêu gọi mạnh mẽ gửi đến chung ta: mỗi ngày hãy tái khám phá vẻ đẹp của đức tin chúng ta, biết đức tin ấy một cách sâu xa để có quan hệ nồng nhiệt hơn với Chúa, sống trọn ơn gọi Kitô của chúng ta.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau bài huấn giáo dài bằng tiếng Ý, như thường lệ ĐTC đã tóm tắt bằng các sinh ngữ chính và chào thăm phái đoàn các tín hữu được giới thiệu lên ngài.

Đặc biệt lần đầu tiên tiếng Arập xuất hiện tại buổi tiếp kiến chung của ĐTC. Một giám chức đã tóm tắt bài huấn dụ của ngài bằng tiếng Arập, trước khi Ngài chào thăm các tín hữu bằng ngôn ngữ này: ”Giáo Hoàng cầu nguyện cho tất cả những người nói tiếng Arập. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.!”

Sau cùng bằng tiếng Ý, sau khi nhắc đến các phái đoàn như Hiệp hội các gia đình tiếp đón, các tham dự viên hội nghị do Đài phát thanh Maria tổ chức, các phó tế vĩnh viễn của Tổng giáo phận Milano, bắc Italía, ĐTC không quên chào các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ngài mời gọi họ nghĩ đến Mẹ Maria, kêu cầu Mẹ trong tháng 10 này như Nữ Vương Mân Côi. Hỡi những người trẻ, các con hãy nhìn lên Mẹ .. và sẵn sàng lập lại lời thưa xin vâng, đáp lại dự phóng tình thương của Chúa dành cho mỗi người các con. Và hỡi anh chị em bệnh nhân quí mến, anh chị em hãy chia sẽ với Mẹ Maria những đau khổ của anh chị em, dâng những đau khổ ấy như hồng ân cứu độ cho các anh chị em khác. Và hỡi các đôi tân hôn, hãy kiên trì với Mẹ Maria trongkinh nguyện, như các Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly và gia đình của anh chị em sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện an ủi của Chúa Thánh Linh.”

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Phiên họp thứ I của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13

Phiên họp thứ I của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13

VATICAN. Sau thánh lễ khai mạc trọng thể chúa nhật vừa qua tại Quảng trường Thánh Phêrô, sáng 8 tháng 10-2012, lối 260 nghị phụ Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 đã nhóm phiên khoáng đại đầu tiên trước sự hiện diện của ĐTC.
Công nghị GM thế giới có chủ đề là: ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin”.

ĐHY Gioan Thang Hán, GM giáo phận Hong Kong, một trong 3 HY Chủ tịch thừa ủy, đã chủ tọa phiên họp.
Tại Hội Trường ở nội thành Vatican, cũng có 46 dự thính viên, các đại biểu Giáo Hội Kitô Anh em, và các chuyên gia, 45 chuyên viên, cùng với một số đại diện báo chí.

Suy niệm của ĐTC
Sau kinh giờ 3 khởi sự lúc 9 giờ, ĐTC đã trình bày một bài suy tư ứng khẩu về việc rao giảng Tin Mừng đi từ bài đọc ngắn và thánh thi của giờ kinh, qua đó ngài nhấn mạnh rằng rao giảng Tin Mừng là có một ngọn lửa của Thiên Chúa trong tâm hồn và can đảm thắp lên ngọn lửa ấy trong thế giới. Chúng ta là người truyền giảng Tin Mừng nếu chúng ta ý thức trong con tìm rằng chính Thiên Chúa hoạt động trong Giáo Hội và nếu ta có một lòng say mê nồng nhiệt muốn thông truyền Chúa Kitô cho thế giới.

ĐTC nhận xét rằng có một câu hỏi lớn trong tâm hồn rất nhiều người: ”Thiên Chúa là ai? Ngài có liên hệ gì với nhân loại? Nhiều người ngước mắt lên trời, họ không thấy gì và tiếp tục tự hỏi: đàng sau sự thinh lặng của vũ trụ, đàng sau những đám mây của lịch sử, có Thiên Chúa hay không? Và nếu có Thiên CHúa, thì Ngài có biết chúng ta hay không, Ngài có liên hệ gì với chúng ta? Vị Thiên Chúa ấy có tốt lành và thực tại sự thiện có quyền năng gì trong thế giới hay không? Câu hỏi này ngày nay rất thời sự cũng như xưa kia. Bao nhiêu người tự hỏi: Thiên Chúa là một giả thuyết hay không? Ngài có phải là thực tại không? Tại sao Chúa không lên tiếng? ”Tin Mừng có nghĩa là Thiên Chúa đã phá vỡ im lặng của Ngài: Thiên Chúa đã nói, Thiên Chúa hiện hữu (…), Thiên Chúa biết chúng ta, Ngài đã đi vào lịch sử. Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là Thiên Chúa tỏ cho chúng ta thấy Ngài yêu thương chúng ta, chịu đau khổ với chúng ta đến độ chịu chết và sống lại”.

ĐTC nói: ”Đó chính là câu trả lời của Giáo Hội cho vấn nạn lớn” và ngài đưa ra câu hỏi thứ hai, một câu hỏi sinh tử đối với các nghị phụ: ”Thiên Chúa đã nói, đã thực sự phá vỡ im lặng lớn, đã tỏ mình ra. Nhưng làm sao chúng ta có thể đưa thực tại ấy tới con người ngày nay để trở thành ơn cứu độ?”.

ĐTC nói đến 3 yếu tố chính, trước tiên là cầu nguyện. ”Các Tông Đồ không thành lập Giáo Hội bằng cách đề ra một hiến pháp, nhưng các vị tụ họp nhau cầu nguyện trong lúc chờ đợi Chúa Thánh Linh hiện xuống. Chúng ta không thể tạo ra Giáo Hội, chúng ta chỉ có thể làm cho người ta biết điều mà chính Chúa đã làm. Giáo Hội không bắt đầu bằng công việc của chúng ta, nhưng bằng việc làm và lời nói của Thiên Chúa (..) .Chỉ Thiên Chúa mới có thể sáng tạo Giáo Hội của Ngài. Nếu Thiên Chúa không hành động, thì những việc chúng ta làm chỉ là của chúng ta, và không đủ. Chỉ Thiên Chúa mới có thể làm chứng rằng chính Ngài đang nói và đã nói”.

Vì thế – ĐTC nhận xét – không phải là một hình thức nếu mỗi Thượng HĐGM bắt đầu bằng kinh nguyện, nhưng là một sự chứng tỏ điều này: chính Thiên Chúa là người đưa ra sáng kiến, điều mà chúng ta có thể khẩn cầu và Giáo Hội chỉ có thể cộng tác với Thiên Chúa.

Yếu tố thứ hai là ”confessio”, sự công khai tuyên xưng đức tin của mình. ĐTC giải thích rằng cử chỉ này không phải chỉ nói lên niềm tin nơi Chúa Kitô mà thôi:

“Từ confessio này, trong tiếng la tinh của Kitô giáo, đã thay thế từ Professio, hàm chứa một yếu tố làm chứng nhân trước các thẩm quyền thù nghịch với đức tin (..). Đây chính là điều bảo đảm sự đáng tin: confessio không phải là bất kỳ điều gì người ta có thể bỏ qua. Nó hàm chứa thái độ sẵn sàng hiến mạng sống mình, chấp nhận khổ nạn.

Nhưng thái độ confessio cũng có một bộ áo làm cho nó hữu hình. Đó là yếu tố thứ ba, tức là ”caritas”, bác ái, yêu thương, nghĩa là sức mạnh lớn nhất phải nung nấu trong tâm hồn Kitô hữu, một ngọn lửa từ đó ta kín múc sức mạnh để làm cho chung quang được Tin Mừng thiêu đốt. ĐTC nói: ”Chúng ta phải có một niềm say mê, được tăng trưởng nhờ đức tin, biến thành một ngọn lửa đức ái (..). Kitô hữu không thể sống nguội lạnh (..). Đức tin phải trở thành một ngọn lửa tình yêu trong chúng ta: ngọn lửa thực sự nung nấu con người tôi, trở thành sự say mê của tôi và qua đó tôi cũng làm cho tha nhân trở nên nồng nhiệt. Đó chính là bản chất của công cuộc rao giảng Tin Mừng”.

Lời chào của ĐHY Thang Hán

Tiếp lời ĐTC, ĐHY Thang Hán đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn Ngài. ĐHY cũng nói:

”Cách đây 50 năm Công đồng chung Vatican 2 đã khuyến khích chúng ta thả lưới (Lc 5,4). Ngày nay, cũng vậy, chúng ta phải lấy cộng đồng Kitô đầu tiên (Cv 2,42-47) làm gương mẫu cho chúng ta trong việc truyền giảng Tin Mừng. Các phần tử của cộng đoàn ấy có 3 đức tin mà chúng ta có thể mô tả bằng 3 từ Hy lạp là: didaché, koinonia và diakonia. Didaché có nghĩa là đạo lý, đây không phải chỉ là một lý thuyết, nhưng đúng hơn là một cuộc gặp gỡ bản chân với Chúa Giêsu Kitô nhập thể, chịu đóng đanh và sống lại. Koinonia có nghĩa là hiệp thông ở nhiều cấp độ: trước tiên là với Thiên Chúa, rồi với tất cả các phần tử của Giáo Hội, rồi với con người trên toàn thế giới, đặc biệt là với những người nghèo. Diakonia có nghĩa là phục vụ, vì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta đừng để được phục vụ nhưng là phục vụ, đến hộ hiến toàn thân, việc phục vụ đưa tới thập giá (Xc Mt 20,28). 3 đức tin này đã được minh họa ở Hong Kong, Macao và Hoa Lục.

Tại Hong Kong, trước khi thành này được sáp nhập vào Trung Quốc năm 1997, nhiều gia đình đã gặp khủng hoảng vì sợ sống dưới chế độ cộng sản. Từ ”khủng hoảng” trong tiếng Hoa được định nghĩa bằng hai chữ ”nguy hiểm” và ”cơ may”. Vì lý do đó, đứng trước khủng hoảng vì bất bênh, cả những tín hữu Công Giáo không hành đạo cũng trở về lòng Giáo Hội để được nâng đỡ về đàng thiêng liêng. Và nhiều tín hữu đã tham dự các lớp giáo lý, các lớp học Kinh Thánh và thần học để đào sâu đức tin và trở thành những người rao giảng Tin Mừng. Ngày nay, giáo phận chúng con có hơn 1 ngàn giáo lý viên thiện nguyện được huấn luyện kỹ lưỡng. Năm nay hơn 3 ngàn người lớn đã được rửa tội vào áp lễ Phục Sinh.

Macao, giáo phận giáp giới với chúng con, cũng có cùng những công tác như thế và đã thấy con số những người rửa tội gia tăng trong những năm gần đây.

Tại Hoa Lục, một cha sở miền quê đã chia sẻ với con kinh nghiệm truyền giáo của cha ấy. Sau khi cầu nguyện nhiều, cha đã quyết định phân các giáo dân thành hai nhóm với nhiệm vụ khác nhau. Cha đã yêu cầu những người mới chịu phép rửa mời gọi các bạn hữu và thân nhân không Công Giáo học giáo lý, và những người Công Giáo đã lâu thì cha sở xin họ dạy giáo lý cho các dự tòng. Trong khi họ dạy, thì cha sở sốt sắng cầu nguyện tại nhà thờ. Và thế là giáo xứ đã có thêm hơn 1 ngàn người được chịu phép rửa mỗi năm.

Trong số 3 đặc tính – đạo lý, hiệp thông và phục vụ – mà chúng ta thấy ví dụ trong Giáo Hội sơ khai, và phản ánh trong các chứng tá mà chúng ta vừa nói đây, con thấy đạo lý là quan trọng nhất, vì Thiên Chúa hoạt động qua chúng ta như những chứng nhân của ngài. Ngày nay, khi chúng ta đương đầu với nền văn hóa duy vật của thế giới và với vấn đề nhiều người Công Giáo xa lìa Giáo Hội, chúng ta phải là những chứng nhân nhiệt thành về đức tin của chúng ta. Ngoài ra, chúng ta phải được biệt quan tâm đến người trẻ, như ĐTC thường nhắc nhở chúng ta: ”Ước gì người trẻ trở thành những người rao giảng Tin Mừng cho người trẻ”. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa thật là gây ngạc nhiên. Con chắc chắn rằng, với lòng tin, cậy, mến, sứ mạng rao giảng Tin Mừng của chúng ta sẽ được thành công.

ờng trình của Đức TGM Eterovic
Sau lời chào mừng của ĐHY Thang Hán, Đức TGM Nikola Eterovic Tổng thư ký Thượng HĐGM, đã tường trình công cuộc chuẩn bị Thượng HĐGM kỳ thứ 13 hiện nay. Nhưng trước đó, Đức TGM cám ơn ĐTC và nói rằng:

”Con muốn cảm tạ ĐTC, nhất là vì đã triệu tập công nghị GM hiện nay, là Thượng HĐGM thứ 5 trong 8 năm triều đại Giáo Hoàng của ngài. Con số nhiều như thế thật là rất ý nghĩa vì biểu lộ lòng quí chuộng của ĐTC đối với Thượng HĐGM vốn diễn tả tốt đẹp tình hiệp thông giữa các GM thành viên của Giám mục đó, và sự hiệp nhất với ĐTC là thủ lãnh của cộng đoàn ấy. Thực vậy, dưới sự hướng dẫn không ngoan của ĐTC, đã diễn ra hai Thượng HĐGM thế giới về bí tích Thánh Thể và về Lời Chúa, hồi năm 2005 và 2008, cũng như hai Thượng HĐGM đặc biệt về Phi châu năm 2009 và về Trung Đông năm 2010.

Tiếp đến, Đức TGM Eterovic đã chào 262 nghị phụ đến từ 5 châu: 50 vị từ Phi châu, 63 từ Mỹ châu, 39 từ Á châu, 103 từ Âu Châu và 7 vị từ Úc châu. Các vị đại diện cho 13 Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản, 114 HĐGM và Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền các dòng nam.

Đức TGM nói thêm rằng: ”Con cũng chào các vị thủ lãnh các cơ quan trung ương Tòa Thánh, những người cộng tác thân tín nhất của ĐTC Biển Đức 16. Phần lớn các vị tham dự Công nghị GM này, tức là 172 vị trên tổng số 182, là do các HĐGM bầu lên, 10 vị do Hiệp Hội các Bề trên tổng quyền dòng nam, 3 vị do các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản chỉ định; 37 vị tham dự do chức vụ, 40 vị do ĐTC bổ nhiệm.

Tổng cộng trong số các nghị phụ 6 Thượng Phụ, 49 Hồng Y, 3 TGM trưởng trong đó 1 vị là Hồng Y thuộc các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, 71 TGM, 120 GM và 14 LM. Về chức vụ của các nghị phụ, có 10 vị thủ lãnh các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản, 32 vị Chủ tịch HĐGM, 26 vị thủ lãnh các cơ quan trung ương Tòa Thánh, 211 vị GM chính tòa của các giáo phận và 11 GM Phụ tá. Trong Thượng HĐGM này, chúng ta cũng sẽ được dịp chào 3 vị được ĐTC mời đặc biệt.

Đức TGM Eterovic cũng chào 45 chuyên gia và 49 vị dự thính viên, được chọn trong số bao nhiêu chuyên gia và những người dấn thân trong việc rao giảng Tin Mừng và thăng tiến con người, với ý thức rằng chứng tá bản chân của các vị các các cộng đoàn liên hệ sẽ làm cho công việc của Thượng HĐGM này thêm phong phú.

Tiếp tục bài tường trình bằng tiếng la tinh, Đức TGM Tổng thư ký Thượng HĐGM gợi lại công cuộc chuẩn bị cho công nghị GM thế giới hiện nay, từ sau khi kết thúc Thượng HĐGM thế giới hồi năm 2008 với cuộc tham khảo ý kiến các nghị phụ về đề tài cho khóa họp này.

Ngày 24-10-2010, trong thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để bế mạc Thượng HĐGM Trung Đông, ĐTC đã thông báo chủ đề của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 là: ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô”

Tiếp theo đó việc chuẩn bị tài liệu đề Lineamenta kèm theo bản câu hỏi đã được hoàn tất rồi gửi đến các Giáo Hội địa phương và các cơ quan khác từ ngày 4-3-2011 để tham khảo ý kiến. Tỷ số trả lời sau đó rất cao, lên tới 90,5% chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan được hỏi ý kiến. Thực vậy trong số 13 Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản, có 11 Giáo Hội trả lời; trong số 26 cơ quan trung ương Tòa Thánh có 25 cơ quan trả lời, ngoài ra có bản trả lời của Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền các dòng nam. Trong số 114 HĐGM trên thế giới có 93 Hội đồng trả lời. Xét về đại lục, Úc châu trả lời 100%, Mỹ châu 95,8%, Á châu 88,8%, Âu Châu 81,25% và Phi châu thấp nhất với 66,6%.

Dựa vào các bản trả lời đó, Hội đồng của Thượng HĐGM đã soạn tài liệu làm việc làm căn bản cho các cuộc thảo luận của Công nghị và công bố ngày 19-6 năm 2012.

Việc phổ biến tài liệu làm việc đã giúp nhiều người biết chương trình nghị sự của Thượng HĐGM kỳ thứ 13, những khí cạnh tích cực trong các hoạt động của các Giáo Hội địa phương, cũng như những điểm cần được suy tư và đào sâu hơn.

Cũng trong bài tường trình, Đức TGM Eterovic đã nói về việc cập nhật cuốn chỉ nam dành cho các nghị phụ Tượng HĐGM.

Theo tài liệu này, như trong các công nghị GM gần đây, mỗi nghị phụ được quyền phát biểu 5 phút. Bản văn của các vị soạn thảo có thể dài hơn và nộp cho Văn phòng Tổng thư ký. Ngoài ra các vị cũng cần soạn một bản tóm để công bố cho công chúng.

Các Đại biểu các Giáo Hội anh em cũng như các dự thính viên nam nữ được phát biểu 4 phút. Xét vì con số đông, các vị cũng có thể nộp văn bản phát biểu dài cho Văn phòng Tổng thư ký để có thể được cứu xét. Văn phòng sẽ làm hết sức để các vị dự thính viên có thể lên tiếng trong các khóa họp toàn thể của Công nghị GM, hoặc riêng rẽ hoặc chung thành nhóm.

ĐHY Tng tường trình viên Donald Wuerl
Bài tường trình dài của Đức TGM Eterovic đã kết thúc lúc 10 giờ rưỡi. Mọi người được nửa giờ giải lao, trước khi tái nhóm vào lúc 11 giờ để nghe ĐHY Donald Wuerl, TGM giáo phận Washington, Hoa Kỳ, Tổng tường trình viên của Thượng HĐGM, trình bày những vấn đề và hướng đi của Công nghị GM này.
ĐHY Tổng tường trình viên nhận xét rằng Tài liệu Làm Việc đã phác họa phần lớn cuộc thảo luận của Công nghị GM này. Ở đây ngài chỉ nêu bật một số điểm:

– Chúng ta công bố Ai và điều gì – Lời Chúa
– Những tài nguyên gần đây để giúp chúng ta thi hành sứ mạng
– Những hoàn cảnh đặc biệt thời nay làm cho Thượng HĐGM này trở nên cần thiết
– Những yếu tố của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng
– một số nguyên tắc thần học của việc tái truyền giảng Tin Mừng
– các đức tính của những người tái truyền giảng tin Mừng
– và sau cùng những đoàn sủng của Giáo Hội ngày nay trợ giúp trong nghĩa vụ tái truyền giảng Tin Mừng.
ĐHY Wuerl đã rút ngắn bài tường trình của ngài và kết thúc lúc 12 giờ trưa. ĐTC và các nghị phụ đã đọc kinh Truyền Tin trước khi giải tán.

Trong phiên khoáng đại thứ 2 chiều hôm qua, 5 nghị phụ đại diện cho 5 châu đã trình bày tổng quát về hiện tình công cuộc tái truyền giảng tại 5 châu. Mỗi vị nói trong vòng 10 phút. Sau đó, từ lúc 6 đến 7 giờ, là phần thảo luận tự do, mỗi nghị phụ được quyền lên tiếng, nhưng không quá 3 phút.

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

CÓ CHÚA TRONG ĐỜI NHAU

CÓ CHÚA TRONG ĐỜI NHAU

Chuyện tình yêu đôi lứa ngày mới xây mơ dệt mộng biết bao là sắc màu xinh đẹp. Những hẹn hò trước lễ thành hôn, những nũng nịu hồn nhiên, những chiều chuộng rất nhân từ, những cho nhau không hề giữ lại, không hề tiếc nuối…tưởng như là hạnh phúc! Đôi tim hồng rạng rỡ. Mạch sống căng tràn sức xuân. Tưởng như thế là thời gian chuẩn bị đã xong, đã đủ. Rồi cuối cùng, quyết định đến với nhau nên nghĩa vợ chồng. Hôn nhân tự nhiên đẹp theo một khuôn định tự nhiên của Đấng Tạo Hóa, mà đôi khi con người không khám phá ra nổi. Đã vậy, còn mơ hồ định nghĩa tình yêu như một chuyện tự nhiên mà không cần đến sự can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa. Vì thế, chuyện đến với nhau và để bỏ nhau cũng  bỗng dưng cho là chuyện tự nhiên bình thường.

Ki-tô hữu Công Giáo khi bước vào đời sống hôn nhân cũng không thiếu những ước mơ hạnh phúc lãng mạn của thuở ban đầu yêu nhau say đắm. Nhưng hẳn phải khác hơn người không tin Thiên Chúa ở nhiều điểm:

-thứ nhất là tin mọi biến cố trong đời đều có sự can thiệp của Thiên Chúa,

-thứ hai là phải học hiểu thấu đáo về ý nghĩa của Hôn Nhân Công Giáo, đặc biệt là ý nghĩa Đơn Hôn và Vĩnh Hôn: một vợ một chồng và suốt đời trung tín. Bởi Chúa Giê-su đã nâng hôn nhân tự nhiên lên hàng Bí Tích khi Ngài nói rõ: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly”.

-Và thứ ba: phải sống niềm tin ấy trong đời hôn nhân bằng sự chung thủy sâu xa và chân thành.

Thiên Chúa đã Liên Kết:

Khi chuẩn bị bước vào hôn nhân, Kitô Hữu  hẳn phải biết kết hiệp với Chúa và xin ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn để tình yêu đôi lứa được thánh hóa nên tình yêu vợ chồng trong cuộc hôn nhân thánh thiện. Nhờ ơn Bí tích, đôi vợ chồng dần dần khám phá ra những chiều kích kỳ diệu mới mẻ trong hôn nhân.

Có người chưa hiểu thấu ý Chúa khi mới thành hôn, nhưng qua thời gian, họ đã ngộ ra:“Ngày ấy tôi tưởng tôi chọn em. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu: Chúa đã can thiệp vào con người, vào ý muốn tôi, không phải tự sức riêng tôi. Và tôi cảm tạ Chúa vì tôi đã lấy em, không phải người khác. Nếu là một người khác, chắc gì họ đã chịu đựng được tôi cho đến hôm nay”. Và ngược lại, người vợ cũng phải hiểu được thấu đáo điều đó và đừng đứng núi này mà trông núi nọ.

Sự ràng buộc của Hôn Nhân Công Giáo, của Bí tích hệ tại ở việc Thiên Chúa muốn thi thố tình thương của Ngài qua việc kết hiệp ấy. Đã có không ít người tuyên bố: “Nếu cho phép tôi chọn lần thứ hai, tôi sẽ không chọn anh ấy nữa. Nhưng vì chỉ được chọn có một lần và muôn đời không đổi, nên tôi mới hiểu ra tôi “phải làm thế nào” “phải cộng tác với ơn Chúa thế nào” để người ấy chính là người tuyệt vời nhất của đời tôi, và để tôi nhìn nhận”.

Con người vẫn là loài kiêu ngạo trên đời, và cả trong tình yêu cũng không thiếu cốt cách kiêu ngạo ấy. Không biết thế nào là tình yêu mà vẫn cho rằng mình yêu người ta nhất, và vì yêu ngạo, không nhận ra tình yêu của người khác dành cho mình. Sự ngu đần về tình yêu không phải nơi người ngu chữ ít học, mà là nơi người ngu vì coi cái tôi của mình to lớn hơn cả trời cả đất.

Vậy thì, việc “tôi phải làm thế nào”, “phải cộng tác thế nào” ấy là tôi phải học bài tình yêu hiền lành và khiêm nhượng. Chỉ khi tôi hiền lành và khiêm nhượng, thì:

-một là tôi mới thấy người ấy đáng yêu,

-hai là mới có sức làm cho người ấy thay đổi con người từ đáng ghét đến đáng yêu,

-và ba là, mới chứng minh cho người ấy rằng tôi yêu người ấy.

Công việc của người tin, hiểu điều “Thiên Chúa đã liên kết” là cộng tác với ơn Chúa làm cho điều đã liên kết trở nên thành toàn, bền vững.

 “Không được phân ly”

Vậy, khi xác nhận được điều “Thiên Chúa đã liên kết”, hẳn phải giữ điều Chúa dạy “không được phân ly”.

Có thể nói các trường hợp ly dị đều bắt nguồn từ chỗ không những chối bỏ việc “Thiên Chúa liên kết” mà còn cho rằng việc liên kết với nhau là do chính mình. Vì thế họ nghĩ đơn giản rằng đã yêu nhau được thì cũng có quyền bỏ nhau khi không còn yêu nhau nữa. Đó là cách yêu và cách bỏ của những người không tin có Thiên Chúa. Những người Công Giáo thời nay cũng bắt chước như vậy. Họ cũng đang chối bỏ Thiên Chúa.

Người Do Thái ngày xưa có hai chủ trương: một là không sống với nhau được nữa thì cứ ly dị, hai là nếu người vợ ngoại tình thì người chồng được ly dị. Nhưng Chúa Giê-su đã khẳng định “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly”.

Thời nay, nạn ly dị tràn lan. Ai dám đổ thừa cho người không tin Thiên Chúa làm gương xấu cho người tin Thiên Chúa, nhưng thiết tưởng các Ki-tô hữu phải tự đấm ngực mình về tội bất trung với người bạn đời, cũng đồng nghĩa với tội bất trung với Thiên Chúa. Ly dị thì chỉ có hai người mà hậu quả của ly dị thì ảnh hưởng tới không biết bao nhiêu người! Trước hết là con cái mồ côi cha mẹ khi cha mẹ hãy còn sống, rồi đến những chuyện tình lần thứ hai, thứ ba, thứ năm thứ bảy của người đã ly dị, kể cả chuyện tái hôn bất hợp pháp, lần này sang lần nọ. Cuộc sống không phút bình yên cho ai cả!

May mắn thay, khi đã ly dị, còn có người biết sám hối và ngộ ra mình đã thưa nhau ra tòa vì nhiều lý do vặt vãnh, nhưng còn nhiều lý do sâu xa hơn:

-Ngày chưa cưới nhau thì “Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con lấy được người con yêu”. Cưới được rồi, chẳng thấy có phút kinh nguyện mà thưa với Chúa ‘Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con yêu được người con đã lấy”.

-Nhớ xưa, khi còn là con nít, được nhận nhiều hơn cho đi. Nay lớn rồi, phải cho đi nhiều hơn nhận lại, mới chứng minh được là  mình đã trưởng thành, đã lớn. Lòng ích kỷ của mình chỉ thích nhận hơn là cho đi.

Hai người lấy nhau nên vợ thành chồng không còn là con nít với nhau nữa. Họ cùng là người lớn. Nhưng trong tình yêu, bỗng dưng cả hai sẽ có khi là con nít để nhận, là người lớn để trao. Lẽ công bằng trao và nhận. Con nít của lòng đơn sơ khiêm nhượng, và người lớn của lòng quảng đại bao dung.

-Sách Talmud Do Thái có đoạn : “Xin đừng làm phụ nữ khóc, vì Thượng Đế đang đếm từng giọt lệ của nàng. Hãy nhớ, nàng không đi ra từ đôi chân hay từ cái đầu của chàng. Nàng đã đi ra từ cạnh sườn của Chàng. Bởi thế, nàng được bình an dưới cánh tay ấp ủ của chàng và nàng hạnh phúc gối lên ngực chàng bên trái tim nồng ấm”.

À thì ra, tình yêu của chúng tôi đã thiếu sự “tôn trọng nhau suốt đời” như lời đã hứa.

Và còn bao nhiêu lý do sâu xa nữa…, nhưng một lý do cốt lõi của nạn ly dị vẫn là: Từ chối sự hiện của Chúa trong đời mình và trong đời nhau.

 Lạy Chúa, chỉ vì chúng con không mời Chúa đến và ở lại trong lòng chúng con, trong nhà chúng con, nên gia đình chúng con trở nên một địa ngục trần gian quá kinh khủng. Từ nay, xin cho chúng con biết giữ Chúa ở trong lòng mỗi chúng con, trong nhà chúng con, để sự hiện diện của Chúa kiện toàn hạnh phúc hôn nhân và hạnh phúc trong mái ấm gia đình của chúng con. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng, 05 tháng 10-2012

Thánh Faustina Tông đồ lòng Chúa thương xót

Thánh Faustina Tông đồ lòng Chúa thương xót

Chị Helen Kowalska sinh ngày 25 tháng 08-1905 tại Glogowiec gần Lodz, nước Ba Lan. Chị là con thứ 3 trong một gia đình Công Giáo gồm 10 người con.

Chị xuất thân từ một gia đình nghèo, lao động vất vả về nghề nông. Vì hoàn cảnh gia đình, chị phải nghỉ học khi chưa hết lớp 3 để phụ giúp cha mẹ trong việc trông coi đàn gia súc của gia đình. Khi lên 15 tuổi, chị xin đi tu thì bị cha mẹ từ chối. Năm 20 tuổi, chị mới được vào tu trong dòng “Các Chị Em Đức Mẹ Từ Bi”, và được đổi tên là nữ tu Maria Faustina Kowalska. Vì chị thiếu khả năng, cũng không có trình độ học vấn, nên chỉ được nhận vào tu với tư cách là một “Trợ Sĩ”, nhưng cũng được mặc áo dòng và khấn ba lời khấn. Trong nhà dòng, chị thường làm những công việc rất hèn hạ như làm bếp, làm vườn hoặc giữ cổng…

Một trợ sĩ vô danh, không tài năng, không học vấn như chị thì không ai nghĩ rằng chị có thể làm nên chuyện đáng nói. Nhưng Thiên Chúa lại có cái nhìn khác, Ngài yêu thích những tâm hồn khiêm hạ, bé nhỏ và tỏ cho họ những bí nhiệm của Trời cao. Chúa nói với chị : “Ta chọn con, vì con là người kém cỏi, và thiếu khả năng nhất. Nhưng qua đó, kế hoạch của Ta sẽ được hoàn tất”

Chúa Giêsu đã dùng chị Faustina làm Tông Đò truyền bá Lòng Thương Xót Chúa. Cho nên chẳng bao lâu, Chúa đã giúp cho chị hiểu được một cách sâu sắc các mầu nhiệm trong đạo, khiến cha linh hướng của chị hết sức bỡ ngỡ, kinh ngạc. Khi nói chuyện với chị, Ngài thấy khả năng thảo luận của chị về những vấn đề này đã đạt tới trình độ của một nhà thần học thông thái, uyên bác. Đọc nhật ký của chị, chúng ta thấy có lần chị cầu nguyện với Chúa : “Lạy Chúa, Lòng Nhân Từ của Chúa đã khuyến khích con thưa chuyện với Chúa. Lời Chúa đã dọi ánh sáng vào tâm hồn con, làm con mỗi ngày một hiểu Chúa cách sâu sắc hơn”

Cha linh hướng ra lệnh cho chị ghi lại trong nhật ký những mặc khải của Chúa và Đức Mẹ. Nhưng cầm bút viết lại là một trở ngại lớn cho chị. Chị tâm sự điều này với Chúa : “Lạy Chúa, Chúa biết khả năng viêt lách của con thật tệ hại. Vả lại, con cũng không có đến một cây bút để viết nữa. Con phải cố gắng đến khổ sở để dùng nét chữ nguệch ngoạc mà ráp từng từ lại với nhau…”

Một người với khả năng như thế, nhưng lại được Thiên Chúa dùng làm thư ký cho Người, thật là kỳ diệu : “Hỡi thư ký của mầu nhiệm sâu thẳm nhất của Ta, nhiệm vụ của con là viết ra mọi điều Ta mặc khải cho con về Lòng Thương Xót của Ta. Hãy viết về mầu nhiệm cao cả nhất của Ta. Nhiệm vụ trọn đời con là khuyến khích các linh hồn tin tưởng nơi Ta”.

“Hỡi thư ký nhỏ của Lòng Thương Xót, hãy viết. Sau này, những ai đọc cuốn nhật ký này sẽ hiểu về Ta và đặt tin tưởng nơi Ta. Hãy viết rằng : “Lòng Rộng Lượng của Ta dành cho người tội lỗi, nhiều hơn cho người công chính. Ta bỏ Trời xuống thế là vì người tội lỗi. Máu châu báu của Ta đổ ra cũng là cho họ”.

Vâng lời cha linh hướng, và được sự khuyến khích của Chúa và Đức Mẹ, chị đã viết cho tới khi lìa trần được khoảng 600 trang đánh máy. Điều lạ là từ đầu cho tới khi hoàn tất, người ta thấy hầu như không có chỗ nào bị sửa chữa, hay viết sai lỗi chính tả.

Ngoài công tác làm thư ký, chị còn được Chúa trao cho sứ vụ làm tông đồ của Lòng Thương Xót. Ngày 04-07-1937 chị ghi lại trong nhật ký : “Hôm nay lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong khi tham dự Thánh Lễ, tôi được Chúa cho hiểu hơn về Thánh Tâm Chúa, và về ngọn lửa tình yêu đang bùng cháy nơi Trái Tim Người dành cho chúng ta cũng như hiểu được làm sao Chúa là biển cả Thương Xót”. Rồi tôi nghe thấy tiếng Chúa phán : “Hỡi tông đồ của Lòng Thương Xót Ta, hãy loan báo cho toàn thể nhân loại về Lòng Thương Xót vô bờ của Ta. Đừng nản lòng về những khó khăn con gặp phải khi cổ võ Lòng Thương Xót của Ta. Những đau khổ gây nên bởi những khó khăn này rất cần thiết, vì nó sẽ giúp Thánh hoá con, cũng như đó là dấu chứng cho biết, đây là công việc của Ta. Hỡi con ! hãy chuyên cần viết lên từng câu Ta đã nói với con về Lòng Thương Xót của Ta, bởi vì nhờ đó mà rất nhiều linh hồn sẽ được ơn ích vì biết chạy đến với Ta.”

Chị Faustina bị bệnh lao phổi hoành hành như Chúa đã báo trước, nhưng chị đã vui vẻ chấp nhận. Chị qua đời ngày 05 tháng 10-1938.

Chị đã được Đức Gioan Phaolô II suy tôn chân phước ngày 18 tháng 04-1993 và tuyên thánh ngày 30 tháng 04-2000 nhân dịp Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa.

Trong bài giảng lễ suy tôn Hiển Thánh cho chị, Đức Gioan Phaolô II nói : “Nữ tu Faustina là quà tặng mà Thiên Chúa ban Cho thời đại Chúng ta…”. “Nhân loại sẽ không tìm thấy được sự bình an cho đến khi hết lòng quay về Lòng Thương Xót Chúa” (Nhật ký trang 132).

Và ngài kết thúc bài giảng hướng về chị Faustina như sau : “Thưa chị Faustina, một quà tặng mà Thiên Chúa ban cho thời đại chúng tôi, một quà tặng từ đất nước Ba Lan cho toàn thể Hội Thánh, xin cho chúng tôi biết được chiều sâu của Lòng Thương Xót Chúa ; Xin cho chúng tôi có một kinh nghiệm sống động và làm chứng về Lòng Thương Xót ấy cho anh chị em chúng tôi. Ước gì sứ điệp về ánh sáng và niềm hy vọng của chị lan toả khắp thế giới, bằng cách thúc đẩy người tội lỗi hoán cải, xoá bỏ mọi tranh chấp, hận thù cùng dẫn đưa mọi cá nhân, và quốc gia đến việc thực thi tình huynh đệ. Hôm nay, khi cùng chị hướng nhìn lên khuôn mặt của Đức Kito sống lại, ước gì chúng tôi lấy làm của mình lời cầu nguyện tin tưởng phó thác của chị và nói lên với niềm hy vọng vững vàng : “Lạy Chúa Giêsu Con Tín Thác Vào Chúa”

 

Sưu tầm

Nguồn: GX ĐaMinh

400 người tham dự Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 13

400 người tham dự Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 13

VATICAN. Tổng cộng có 400 người tham dự Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 sẽ tiến hành từ chúa nhật 7 tháng 10 đến 28 tháng 10 tới đây về chủ đề ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô”.

Trong cuộc họp báo sáng ngày 5 tháng 10-2012, Đức TGM Nikola Eterovic, người Croát, Tổng thư ký Thượng HĐGM, cho biết trong số 400 người vừa nói có 262 nghị phụ, con số đông đảo chưa từng có trong lịch sử các Thượng HĐGM. Trong số này có 103 vị từ Âu Châu, 63 từ Mỹ châu, 50 từ Phi châu, 39 từ Á châu và 7 vị từ Úc châu. Có 182 nghị phụ do các HĐGM và Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam bầu lên và được ĐTC phê chuẩn. HĐGM Việt Nam có hai GM đại biểu tham dự là Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, GM Phát Diệm, và Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, GM Phan thiết.

Xét về thứ bậc các nghị phụ có 6 Thượng Phụ, 49 Hồng Y, 3 TGM trưởng của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, 71 TGM, 120 GM và 14 LM.

ĐTC là Chủ tịch của Thượng HĐGM; ngài đã bổ nhiệm 3 vị Hồng y theo lượt thay ngài để chủ tọa các khóa họp, đó là ĐHY Gioan Thang Hán, GM Hongkong, ĐHY Francisco Robles Ortega, TGM Guadalajara bên Mêhicô, và ĐHY Laurent Monsengwo Pasinya, TGM Kinshasa, thuộc Cộng hòa dân chủ Congo.

Vị Tổng tường trình viên của Công nghị này là ĐHY Donald Wuerl, TGM Washington, Hoa Kỳ, và vị Tổng thư ký đặc biệt của Công nghị GM này là Đức Cha Pierre-Marie Carré, TGM giáo phận Montpellier bên Pháp.
Tham dự công nghị còn có 45 chuyên gia và 49 dự thính viên nam nữ. Các chuyên gia gồm các LM, nữ tu và giáo dân, hầu hết là các giáo sư đến từ năm châu, có nhiệm vụ trợ giúp ĐHY Tổng tường trình viên và Đức TGM Tổng thư ký đặc biệt của Công nghị Giám Mục này.

Các dự thính viên có quyền phát biểu nhưng không có quyền bỏ phiếu trong Thượng HĐGM. Trong số các vị có Ông Carl Anderson, người Mỹ, thủ lãnh Hội Hiệp sĩ Colombo, nhiều Bề trên Tổng quyền các dòng tu như dòng các Sư huynh La San, dòng nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta, dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu, dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, chị Maria Voce, Chủ tịch Phong trào Focolare, Tổ Ấm, v.v..

Có các Đại biểu Anh em, đại diện cho 15 Giáo Hội và Cộng đoàn Giáo Hội chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, trong số này đặc biệt có Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ Chính Thống Constantinople kiêm Giáo chủ danh dự chung của toàn Chính Thống giáo, và Đức TGM Rowan Williams, của Giáo phận Canterbury, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo. Hai vị sẽ dự thánh lễ ĐTC chủ sự ngày 11-10 tới đây để khai mạc Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm khai mạc công đồng. Riêng Đức giáo chủ Anh giáo cũng sẽ lên tiếng tại Công nghị.

Sau cùng có 3 vị được mời đặc biệt, đó là thầy Alois, Tu viện trưởng tu viện đại kết Taizé bênPháp, Mục sư Lamar Vest, Chủ tịch Hội Kinh Thánh Hoa Kỳ, và Ông Werner Arber, Giáo sư môn vi sinh học tại Trung tâm Sinh học thuộc đại học Bâle, Thụy Sĩ kiêm Chủ tịch Hàn lâm viện khoa học của Tòa Thánh.

Cũng có 32 LM trợ giúp các nghị phụ và 30 thông dịch viên. Tổng cộng có 400 người dự Thượng HĐGM thế giới thứ 13.

Đức TGM Eterovic cũng nói rằng trong 3 tuần họp, Thượng HĐGM sẽ có 23 phiên khoảng đại và 8 phiên họp nhóm. Ngay trong cuộc họp đầu tiên, các nghị phụ sẽ được phân thành 12 nhóm nhỏ tùy theo ngôn ngữ chính của Công nghị GM này. Các vị sẽ họp để chọn điều hợp viên và tường trình viên của nhóm liên hệ.
Về phương pháp, Đức TGM cho biết mỗi nghị phụ được phát biểu 5 phút trong phiên họp khoáng đại, và trong các phiên họp ban chiều từ 6 đến 7 giờ, mỗi vị không được nói quá 3 phút. Các dự thính viên và đại biểu anh em không được nói quá 4 phút.

G. Trần Đức Anh OP

 

 

Chia s?        

 

Đức Thánh Cha phó thác Năm Đức Tin và Thượng HĐGM 13 cho Đức Mẹ Loreto

Đức Thánh Cha phó thác Năm Đức Tin và Thượng HĐGM 13 cho Đức Mẹ Loreto

LORETO. Theo gương vị Tiền Nhiệm, Chân Phước Gioan 23, hôm 4 tháng 10-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã đến hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Loreto, và phó thác cho Mẹ Thiên Chúa 2 biến cố lớn sắp đến của Giáo Hội: Năm Đức Tin và Thượng HĐGM thế giới thứ 13 về việc tái truyền giảng Tin Mừng.

Cách đây 50 năm, ngày 4 tháng 10-1962, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23 hành hương tại Loreto, 1 tuần lễ trước khi long trọng khai mạc Công đồng chung Vatican 2.

Loreto có nhà Đức Mẹ ở trongg Vương cung thánh đường rộng lớn với những bức tường bằng đá cảm thách, được xây dưới thời ĐGH Giulio II (1503-1513).

Đến Đền Thánh, ĐTC đã kính viếng Mình Thánh Chúa và Nhà Đức Mẹ, và lúc 11 giờ, ngài chủ sự thánh lễ tại Quảng trường bên ngoài trước sự hiện diện của lối 5 ngàn tín hữu ngồi chật trọn khu vực, cùng với nhiều GM và LM tu sĩ. 5 ngàn người khác đứng tại khu vực lân cận để tham dự thánh lễ và chào đón ĐTC.
Trong số các vị đồng tế với ĐTC trong thánh lễ có ĐHY Bertone Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức TGM Salvatore Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng và Đức TGM Nikola Eterovic, Tổng thư ký Thượng HĐGM và các GM miền Marche, trung Italia.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, sau khi nhắc đến cuộc viếng thăm 50 năm về trước của Đức Gioan 23 tại Loreto, ĐTC nói: ”tôi cũng muốn đến hành hương tại đây để phó thác cho Mẹ Thiên Chúa hai sáng kiến quan trọng của Giáo Hội là: Năm Đức Tin sẽ bắt đầu trong vòng 1 tuần lễ, ngày 11-10, kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2, và Thượng HĐGM thế giới, mà tôi triệu tập trong tháng 10 này về đề tài: ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô”.

ĐTC đã diễn giải về ý nghĩa Nhà Đức Mẹ, trong quan hệ với mầu nhiệm nhập thể, và ngài khẳng định rằng:
”Đức Chân phước Gioan 23, cách đây 50 năm, tại Loreto này, đã mời gọi chiêm ngắm mầu nhiệm ấy, ”suy tư về sự nối kết giữa trời và đất, là mục tiêu của sự Nhập thể và Cứu chuộc”, và Đức Chân Phước nói tiếp rằng chính Công Đồng cũng có mục đích là ngày càng chiếu tỏa ánh sáng phúc lợi của sự Nhập Thể và Cứu Chuộc của Chúa Kitô trong tất cả mọi hình thức của đời sống xã hội (Xc AAS 54 [1962], 724).

”Đó là lời mời gọi vẫn còn vang dội mạnh mẽ ngày nay. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay không những về kinh tế, nhưng cả các lãnh vực khác nhau của xã hội, sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa nói với chúng ta: con người quan trọng dường nào đối với Thiên Chúa và Thiên Chúa quan trọng dường nào đối với con người. Nếu không có Thiên Chúa, con người rốt cục sẽ để cho sự ích kỷ của mình lướt thắng tình liên đới và tình yêu, những sự vật chất trổi vượt trên các giá trị, chiếm hữu trổi hơn và hiện hữu. Cần trở về với Thiên Chúa để con người tái trở thành con người. Với Thiên Chúa, cả trong những lúc khó khăn, và khủng hoảng, sẽ không thiếu mất chân trời hy vọng: sự Nhập Thể nói với chúng ta rằng chúng ta không bao giờ lẻ loi. Thiên Chúa đã đi vào nhân tính của chúng ta và đang tháp tùng chúng ta”.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nói rằng: ”Khi chiêm ngắm Mẹ Maria, chúng ta phải tự hỏi xem chúng ta có muốn cởi mở đối với Chúa hay không, chúng ta có muốn dâng hiến cuộc sống chúng ta cho Ngài để trở thành một nơi ở cho Ngài hay không; hay là chúng ta sợ sự hiện diện của Chúa có thể là một giới hạn tự do của chúng ta, phải chăng chúng ta muốn dành cho mình một phần đời sống chúng ta, để nó chỉ thuộc về chúng ta mà thôi? Nhưng chính Thiên Chúa là Đấng giải thoát tự do của chúng ta, giải thoát nói khỏi sự co cụm vào mình, khỏi sự khát khao quyền lực, chiếm hữu, thống trị, và làm cho tự do ấy có khả năng cởi mở đối với chiều kích làm cho nó được sung mãn trọn nghĩa: đó là chiều kích hiến thân, yêu thương, phục vụ và chia sẻ.

”Đức tin làm cho chúng ta cư ngụ, ở lại, nhưng cũng làm cho chúng ta tiến bước trên nẻo đường đời. Về vấn đề này, Nhà Thánh ở Loreto cũng chứa đựng một giáo huấn quan trọng. Như chúng ta biết, Nhà này được đặt trên một con đường. Một điều có vẻ là lạ thường: theo quan điểm của chúng ta, nhà và con đường dường như loại trừ nhau. Trong thực tế, chính trong khía cạnh đặc biệt này có chứa đựng một sứ điệp đặc thù của Nhà Thánh này. Đây không phải là một nhà riêng, không thuộc về một người hay một gia đình, nhưng là một nơi cư ngụ mở rộng cho tất cả mọi người, có thể nói là ở trên con đường của tất cả chúng ta. Như thế, tại Loreto này, chúng ta thấy một căn nhà làm cho chúng ta lưu lại, cư ngụ, và đồng thời làm cho chúng ta tiến bước, nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta là những người lữ hành, chúng ta phải luôn tiến bước hướng về một nơi cư ngụ khác, hướng về căn nhà vĩnh cửu, về Thành Thánh, là nơi ở của Thiên Chúa với nhân loại được cứu chuộc (Xc Kh 21,3).

Và ĐTC kết luận rằng:
”Anh chị em thân mến, trong cuộc hành hương này theo vết Đức Chân Phước Gioan 23, Chúa Quan Phòng cho diễn ra vào đúng ngày kỷ niệm thánh Phanxicô Assisi, là ”Tin Mừng sống động” đích thực, tôi muốn phó thác cho Mẹ Chí Thánh của Thiên Chúa tất cả những khó khăn mà thế giới chúng ta đang trải qua trong việc tìm kiếm sự thanh thản và an bình, những vấn đề của bao nhiêu gia đình đang lo âu hướng nhìn về tương lai, những ước muốn của người trẻ cởi mở đối với cuộc sống, những đau khổ của những người đang chờ đợi những cử chỉ và những chọn lựa liên đới và yêu thương. Tôi cũng muốn phó thác cho Mẹ Thiên Chúa thời điểm ân phúc đặc biệt này đối với Giáo Hội, đang mở ra trước chúng ta.

Lạy Mẹ đã thưa xin vâng, đã lắng nghe Chúa Giêsu, xin Mẹ nói với chúng con về Chúa, xin kể cho chúng con hành trình của Mẹ để theo Chúa trên con đường đức tin, xin giúp chúng con loan truyền Chúa để mỗi người có thể đón nhận Chúa và trở thành nơi ở của Thiên Chúa. Amen!

Thánh lễ kết thúc lúc quá 12 giờ 15 phút. ĐTC đã dùng bữa và gặp gỡ các tu sĩ, nghỉ ngơi, và ban chiều vào lúc 5 giờ, ngài đáp trực thăng trở về Roma.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha đề cao phụng vụ trong đời sống tín hữu

Đức Thánh Cha đề cao phụng vụ trong đời sống tín hữu

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung sáng ngày 3 tháng 10-2012 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời gọi các tín hữu tham gia phụng vụ và đặt phụng vụ ở nơi trung tâm đời sống của mình.

Hiện diện tại Quảng trường có hơn 40 ngàn tín hữu hành hương, dưới bầu trời nắng thu. Đây là buổi tiếp kiến đầu tiên sau khi ngài kết thúc 3 tháng hè lưu ngụ tại dinh thự Castel Gandolfo và trở về Vatican. Số tín hữu lần này chiếm quá nửa quảng trường và đông đảo nhất kể từ nhiều tháng nay. Đông nhất là 5 ngàn tín hữu thuộc tổng giáo phận Salerno nam Italia về Roma hành hương.

Huấn dụ

Trong bài huấn dụ, ĐTC tiếp tục bàn về một trong những nguồn mạch ưu tiên của kinh nguyện Kitô giáo là phụng vụ thánh, mà ngài đã bắt đầu đề cập đến trong bài tuần trước. Ngài nói:

”Hôm nay tôi muốn chúng ta tự hỏi: trong đời sống của tôi, tôi có dành một chỗ đầy đủ cho việc cầu nguyện hay không, và nhất là kinh nguyện, đặc biệt là Thánh Lễ, có chỗ đứng nào trong quan hệ của tôi với Thiên Chúa, cũng như sự tham gia vào kinh nguyện chung của Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội?”

Khi trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải nhớ rằng kinh nguyện là quan hệ sinh động của con cái Thiên Chúa với Cha vô cùng nhân hậu của họ, với Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô và với Chúa Thánh Linh (Xc Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo n.2565). Vì thế, đời sống cầu nguyện hệ tại luôn luôn sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa và ý thức về điều ấy, khi sống quan hệ với Thiên Chúa cũng như ta sống những quan hệ thông thường trong cuộc sống chúng ta, những quan hệ với những người thân yêu nhất trong gia đình, các bạn hữu chân thực; đúng hơn, quan hệ với Thiên Chúa là quan hệ mang lại ánh sáng cho mọi quan hệ khác của chúng ta. Cuộc sống hiệp thông như thế với Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi là điều có thể, vì nhờ phép Rửa Tội, chúng ta được tháp nhập vào Chúa Kitô, chúng ta bắt đầu trở nên một với Ngài (Xc Rm 6,5).

”Thực vậy, chỉ trong Chúa Kitô, chúng ta mới có thể đối thoại với Thiên Chúa Cha, chẳng vậy, sẽ không thể được, và trong niềm hiệp thông với Chúa Con, chúng ta cũng có thể nói như Ngài: ”Abbà, Lạy Cha”; trong niềm hiệp thông với Chúa Kitô, chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa như Cha đích thực (Mt 11,27). Vì thế, kinh nguyện Kitô giáo hệ tại nhìn lên Chúa Kitô một cách liên lỷ và luôn luôn mới mẻ, nói với Ngài, thinh lặng ở với Ngài, lắng nghe Ngài, hành động và chịu đau khổ với Ngài. Kitô hữu tái khám phá căn tính đích thực của mình trong Chúa Kitô, ”là trưởng tử trong mọi loài thụ tạo”, nơi Ngài mọi sự hiện hữu (Xc Cl 1,15ss). Khi đồng hóa với Chúa, trở nên một với Ngài, tôi tái khám phá căn tính bản thân của tôi, căn tính là của người con đích thực nhìn Thiên Chúa như Người Cha đầy tình yêu thương.

ĐTC nhắc nhở rằng: ”Chúng ta đừng quên: chúng ta khám phá Chúa Kitô, nhận biết Ngài như một Ngôi Vị sống động, ở trong Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Mình của Chúa. Tính chất xác thể này có thể được hiểu từ những lời Kinh Thánh về người nam và người nữ: cả hai trở nên một thân thể (Xc St 2,24; Ep 5,30ss; 1 Cr 6,16ss). Mối liên hệ không thể tách rời giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, qua sức mạnh liên kết của tình yêu, không hề hủy bỏ nhân vị của mỗi người, trái lại thăng hoa, làm cho chúng được hiệp nhất sâu xa hơn. Tìm ra căn tính của mình trong Chúa Ktiô có nghĩa là đạt tới một sự hiệp thông với Ngài, một sự hiệp thông không hủy diệt tôi, nhưng nâng tôi lên một phẩm giá cao cả hơn, phẩm giá làm con Thiên Chúa trong Chúa Kitô (…). Cầu nguyện có nghĩa là nâng mình lên cao cùng Thiên Chúa, nhờ một sự từ từ biến đổi một cách cần thiết chính con người của chúng ta.

”Như thế khi tham gia phụng vụ, chúng ta nhận ngôn ngữ của Mẹ Giáo Hội làm ngôn ngữ của chúng ta, học cách nói trong Giáo Hội và cho Giáo Hội. Dĩ nhiên, như đã nói, điều này diễn ra từ từ, từng chút một. Tôi phải dần dần dìm mình trong những lời của Giáo Hội, với kinh nguyện của tôi, cuộc sống, những đau khổ, vui mừng và tư tưởng của tôi. Đó là một hành trình biến đổi chúng ta.

”Tôi thiết nghĩ những suy tư này giúp chúng ta trả lời câu hỏi chúng ta đã nêu lên ở đầu bài này: tôi học cách cầu nguyện thế nao, làm sao tôi tăng trưởng trong kinh nguyện của tôi? Khi nhìn khuôn mẫu mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta là Kinh Lạy Cha, chúng ta thấy lời cầu tiên là 'Lạy Cha” và lời thứ hai là ”chúng con”. Vì thế, câu trả lời thật rõ ràng: Tôi học cách cầu nguyện, tôi nuôi dưỡng kinh nguyện của tôi, bằng cách ngỏ lời với Thiên Chúa như người Cha, và bằng cách cầu nguyện với người khác, cầu nguyện với Giáo Hội. chấp nhận ơn lời nói của Giáo Hội, những lời dần dần trở thành quen thuộc với tôi và đầy ý nghĩa. Cuộc đối thoại mà Thiên Chúa thiết lập với mỗi người chúng ta, và chúng ta với Ngài, trong kinh nguyện, luôn bao gồm một giới từ là ”với”; ta không thể cầu khẩn Thiên Chúa theo thể thức ”cá nhân chủ nghĩa”. Trong kinh nguyện phụng vụ, nhất là Thánh Lễ, và được phụng vụ huấn luyện – trong mỗi kinh nguyện, chúng ta không chỉ nói như những người riêng rẽ, nhưng chúng ta kết hiệp với toàn thể Giáo Hội đang cầu nguyện. Và chúng ta phải biến đổi cái tôi của mình bằng cách đi vào ”chúng tôi”. (..)

Tiếp tục bài huấn dụ trong buổi tiếp kiến chung sáng hôm qua (3-10) ĐTC nhắc nhở các tín hữu: ”Phụng vụ, việc phụng tự, không bao giờ chỉ là sinh hoạt của một cộng đoàn riêng rẽ, ở trong không gian và thời gian. Điều quan trọng là mỗi Kitô hữu cảm thấy và thực sự được tháp nhập vào cộng đồng Giáo Hội, điều này mang lại một nền tảng và nơi nương náu cho bản thân tôi, trong Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội.

”Về điểm này, chúng ta phải để ý và chấp nhận nguyên tắc nhập thể của Thiên Chúa: Ngài trở nên gần gũi, hiện diện với chúng ta khi đi vào lịch sử và bản tính con người, trở nên một người trong chúng ta. Sự hiện diện này tiếp tục trong Giáo Hội là Thân Mình của Chúa. Vì thế, phụng vụ không phải là một việc tưởng niệm những biến cố quá khứ, nhưng là sự hiện diện sinh động Mầu nhiệm vượt qua của Chua Kitô vượt lên trên và liên kết thời gian với không gian. Nếu trong khi cử hành không trổi vượt vị thế trung tâm của Chúa Kitô thì chúng ta sẽ không có phụng vụ Kitô giáo, hoàn toàn tùy thuộc Chúa và được nâng đỡ nhờ sự hiện diện sáng tạo của Ngài. ..

”Không phải cá nhân tín hữu – LM hoặc tín hữu – hay một nhóm cử hành phụng vụ, nhưng trước tiên phụng vụ là hoạt động của Thiên Chúa qua Giáo Hội, một Giáo Hội có lịch sử, truyền thống phong phú và có tinh thần sáng tạo… Cả trong phụng vụ của một cộng đoàn bé nhỏ nhất thì vẫn luôn có toàn thể Giáo Hội hiện diện. Vì thế, không có những người ”xa lạ, người ngoại quốc” trong cộng đoàn phụng vụ. Trong mỗi buổi cử hành phụng vụ, toàn thể Giáo Hội, trời và đất, Thiên Chúa và loài người, đều cùng nhau tham dự. Phụng vụ Kitô giáo, cả khi được cử hành trong một nơi, một không gian cụ thể, thì do đặc tính Công Giáo, đều xuất phát từ tất cả và dẫn đến toàn thể, hiệp nhất với ĐGH, các GM, các tín hữu trong mọi thời đại và mọi nơi.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Các bạn thân mến, Giáo Hội trở nên hữu hình bằng nhiều cách: qua các hoạt động từ thiện, trong các dự án truyền giáo, trong việc tông đồ bản thân mà mỗi tín hữu Kitô phải thực hiện trong môi trường của mình. Nhưng nơi mà Giáo Hội tự cảm nghiệm hoàn toàn như Giáo Hội chính là phụng vụ. Phụng vụ là hành vi trong đó chúng ta tin rằng thiên Chúa đi vào thực tại của chúng ta và chúng ta có thể gặp gỡ ngài, động chạm đến ngài. Phụng vụ là hành vi trong đó chúng ta tiếp xúc với Thiên Chúa. Ngài đến với chúng ta và chúng ta được Ngài soi sáng.. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày học cách sống phụng vụ thánh, nhất là việc cử hành Thánh Lễ, cầu nguyện kết hiệp với cộng đồng Giáo Hội, hướng cái nhìn không phải về bản thân mình, nhưng về Thiên Chúa, cảm thấy mình là thành phần của Giáo Hội sinh động ở mọi nơi và mọi thời.

Chào thăm

Sau bài giáo lý trên đây bằng tiếng Ý, các vị giám chức của Tòa Thánh đã xướng danh các phái đoàn để giới thiệu với ĐTC và mọi người, bắt đầu là các nhóm nói tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha, Ba Lan, Hungari, Croatia, Sloveni và các thứ tiếng khác.

Sau khi tóm tắt bài huấn dụ, ĐTC cũng đặc biệt chào thăm một số phái đoàn như các tín hữu đến từ giáo phận Nancy và Saint-Dié bên Pháp và Tân Calédonie. Khi nói bằng tiếng Anh, ĐTC chào thăm hơn 40 chủng sinh trường Bắc Mỹ ở Roma, sẽ được thụ phong phó tế thứ năm 4 tháng 10-2012. Họ được hơn 900 thân nhân và bạn hữu tháp tùng trong buổi tiếp kiến Ngài cũng nhắc đến ca đoàn 60 thiếu nhi Saint Hallvard từ Oslo Na Uy. Các em mặc đồng phục màu đỏ đã hát tặng ĐTC và mọi người bài ca ngắn trước đó.

ĐTC chào một phái đoàn LM và tín hữu thuộc giáo đoàn Công Giáo Ba Lan ở Đức về Roma hành hương tạ ơn Chúa vì triều đại Giáo Hoàng và lễ Phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô 2.

Ngoài ra, ĐTC cũng nhắc đến 60 LM từ nhiều quốc gia đang theo học tại Giáo Hoàng Học viện thánh Phaolô thuộc Bộ truyền giáo, trong đó có nhiều người Việt Nam. Ngài nói: ”Trong khi gửi đến các con những lời cầu chúc tốt đẹp nhất cho việc học của các con, Cha cam đoan sẽ đặc biệt nhớ đến các con trong kinh nguyện”.

G. Trần Đức Anh OP – VietVatican
 

 

Vụ xử người cựu hầu cận của ĐTC sẽ kết thúc thứ bẩy 6 tháng 10-2012

Vụ xử người cựu hầu cận của ĐTC sẽ kết thúc thứ bẩy 6 tháng 10-2012

VATICAN. Hôm 3 tháng 10-2012, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết thứ bẩy tới đây, 6 tháng 10, tòa án tại Vatican sẽ công bố phán quyết về Ông Paolo Gabriele, cựu hầu cận của ĐTC, bị cáo về tội ăn trộm các tài liệu mật của Tòa Thánh.

Theo cha Lombardi, trong phiên xử sáng thứ bẩy, Ủy viên công tố cũng gọi là chưởng tín, sẽ buộc tội bị can, sau đó luật sư biện hộ sẽ trả lời. Cả bị can cũng có thể lên tiếng lần chót. Rồi 3 thẩm phán sẽ lui vào phòng riêng để thảo luận, trước khi công bố án lệnh. Người ta chưa rõ việc công bố này sẽ diễn ra vào giờ nào.

Trong phiên tòa ngày 2 tháng 10, tòa đã nghe những lời cung khai của chính bị can Gabriele. Ông tuyên bố mình vô tội, mặc dù đã sao chụp lén và lấy trộm khoảng hơn 1 ngàn tài liệu liên quan đến ĐGH, Tòa Thánh và Giáo Hội. Ông nhìn nhận là đã phản bội lòng tín nhiệm của ĐTC.

Tòa cũng đã nghe lời chứng của Đức Ông Gaenswein, bí thư của ĐTC, và của 3 người khác.

Sáng 3 tháng 10-2012, trong phiên xử thứ 3 dài 75 phút, tòa đã nghe những lời cung khai của 4 hiến binh Vatican đã tham gia vụ khám xét nhà của bị can ngày 23 tháng 5-2012. Các Hiến binh này được phe biện hộ đề nghị tên.
Một hiến binh cho biết trong số những tài liệu tịch thu được tại nhà ông Gabriele có cả những tài liệu viết tay của ĐTC. Các tài liệu liên quan đến Tòa Thánh (thư từ giữa các HY, GM và ĐGH), được bị can xếp vào những hộp nhỏ cùng với hàng ngàn tài liệu khác về cơ quan mật vụ, bè tam điểm, Silvio Berlusconi cựu thủ tướng Italia, Kitô giáo, Yoga, nhóm P2, Phật Giáo, v.v.

Theo chứng từ của các hiến binh, trong số các tài liệu tịch thu tại nhà ông Gabriele, có khoảng hơn 1 ngàn tài liệu liên quan đến cuộc điều tra, nghĩa là các nguyên bản và bản sao chụp các văn kiện do ĐTC ký hoặc do các HY hay nhà chính trị gửi cho ngài, và cả một số văn kiện có ghi chữ ”Tối mật” (rivervatissimi) vì có hàng chữ ”tiêu hủy” (distruggere). Các tài liệu đó được xếp lẫn lộn với các tài liệu khác không liên quan gì đến cuộc điều tra.

Trong số những vật liệu tịch thu trong nhà bị can có 1 máy vi tính, 2, hoặc 3 máy vi tính xách tay, và nhiều USB dùng cho máy vi tính, hai đĩa cứng, thẻ nhớ, một Playstation và 1 iPad.

Tổng cộng số tài liệu và vật liệu tịch thu từ nhà ông Gabriele là 82 thùng carton (50-60 centimet X 50 centimet) và hai vali bằng da màu đen, hai phong bì lớn màu vàng.

Cuộc lục soát kéo dài từ ban sáng đến trước nửa đêm. Trước đó, ông Gabriele, gia đình và luật sư của ông đã được thông báo. Vì cuộc lục soát kéo dài, Ông Domenico Gianni, Chỉ huy trưởng Hiến binh Vatican, đã ra lệnh khám thật mau lẹ trong các phòng các con của bị can để bớt gây thiệt hại cho chúng và để chúng có thể đi ngủ.

G. Trần Đức Anh OP

Thánh Phanxicô Assisis (1181-1226)

Thánh Phanxicô Assisis (1181-1226)

Lễ kính ngày 04 tháng 10

Thánh Phanxicô sinh tại Assisis, miền Umbria, năm 1181. Ông Phêrô Bernadone là một thương gia giầu có, lúc sinh ra thánh nhân, ông đang ở Pháp, nên đã đặt tên cho Ngài theo tên quốc gia này. Thời thơ ấu, thánh nhân chịu ảnh hưởng nhiều bởi người mẹ nhiệt thành và khả ái. Ngài tỏ ra vui vẻ, mạo hiểm, quảng đại và bình dân. Dầu được chuẩn bị để theo nghề buôn bán như cha, Ngài vẫn thường mơ ước trở thành hiệp sĩ.

Năm 1201, Phanxicô tham gia cuộc chiến ở Perugia và bị bắt tù một năm. Kinh nghiệm đau xót này cùng với cơn bệnh ngặt nghèo là khởi đầu cuộc trở lại của Ngài. Dầu vậy, năm 1205, Ngài vẫn còn tham dự vào cuộc viễn chinh tại Apulia. Trong một giấc mơ, Phanxicô được Chúa Kitô mở lời kêu gọi phục vụ Người. Ngài trở về và hiến mình chăm sóc các bệnh nhân. Ngày 16 tháng 4 năm 1206, Phanxicô lại nghe tiếng Chúa Kitô kêu gọi Ngài tái thiết đền thờ thánh Damianô. Luôn mau mắn và tận tâm, Phanxicô đã từ bỏ đời sống cũ và chấp nhận sống như một ẩn sĩ. Khi bị cha bỏ tù, rồi dẫn đến đức giám mục như một đứa con bất phục, thánh nhân đã từ khước mọi quyền lợi lẫn của cải, cả đến áo quần đang mặc nữa.

Hai năm sau, có lẽ vào ngày 24 tháng 2 năm 1209, Ngài nghe đọc đoạn Tin Mừng Mt 10,9 và thấy mình được ơn gọi đi rao giảng sự thống hối. Đây là giây phút quyết liệt. Thánh nhân cởi bỏ tu phục ẩn sĩ, mặc áo vải thô, thắt giây lưng và bắt đầu rao giảng Chúa Kitô. Có hai người bạn đi theo, Ngài cho họ một bản luật gồm ba câu thánh kinh Mt 20,21; 10,9 và Lc 9,23. Khi con số môn sinh lên tới 11, Ngài viết cho họ một bản luật vắn (bản Primitiva, nay đã thất lạc), và dân họ tới Roma để được Đức Giáo hoàng phê chuẩn.

Đức Giáo Hoàng Innocentê III, sau phút ngập ngừng, đã nhận ra nơi người giáo dân ngay thật và nhiệt tình này một tông đồ chân chính, và ban lời chuẩn nhận (tháng 6 năm 1210). Nhóm huynh đệ trở về Assisi. Họ sống trong những chiếc chòi ở Rivetortô. Gần Porziuncola và rao giảng sư thống hối trên khắp nước Ý. Đầy đơn sơ, họ làm đủ mọi việc và sống bằng nghề ăn xin. Chính sự đơn sơ như thiên thần của Phanxicô mà họ coi là hiền huynh và hiền mẫu, là gương sống hứơng dẫn họ trên đường thiêng liêng. Chưa có một tổ chức nào cả, với phép của Phanxicô, họ đi khắp nơi, như các anh em thống hối nghèo miền Assisis.

Năm 1212, Phanxicô khích lệ Clara, một thiếu nữ danh giá trong thành phố, thiết lập nhóm chị em sống đời nghèo khó và cầu nguyện ở nhà thờ thánh Damianô. Họ đã trở thành các bà nghèo khó và ngày nay gọi là các nữ tu Clara.

Không bao giờ Phanxicô muốn lập một "Hội dòng". Ngài chỉ muốn theo Chúa Kitô trong các sách Tin Mừng một cách hoàn toàn đến từng chữ viết. Dầu vậy, nhóm huynh đệ đã theo một hình thức tu dòng nào đó. Họ đọc kinh nhật tụng, ngủ và ăn chung như các tu sĩ. Khi nhóm huynh đệ đã tăng số cách lạ lùng, mau chóng, Phanxicô phải ủy quyền cho các người lãnh đạo mà Ngài gọi là "Hiền mẫu" hay là "tôi tớ" của các nhóm. Hàng năm các anh em họp nhau một lần tại Porziuncola.

Năm 1216, Phanxicô tham dự đám táng Đ. G.H Innocentê III và được Đức Honoriô IV ban ân xá cho thánh đường Perziuncola. Năm sau, Ngài được cảm tình của đức Hồng y Ugôlinô, là đấng sẽ trung tín bảo trợ Ngài mãivề sau.

Năm 1219. Nhóm huynh đệ tăng số đông đảo và phải chia thành nhiều tỉnh dòng. Cánh đồng truyền giáo đầu tiên của nhóm vượt qua rặng núi Alpes.

Chính Phanxicô, bất chấp những cân nhắc khôn ngoan, đã bỏ nước Ý để tham gia thập tự quân và đã đến gặp Sultan. Trong khi Ngài vắng mặt, nhóm huynh đệ gồm nhiều học viên mới, có học thức và thuộc hàng giáo sĩ, họ như con thuyền không lái và rơi vào cuộc khủng hoảng. Vấn đề chỉ giải quyết xong khi kêu mời Phanxicô trở về, nhờ tài khéo léo của Đức hồng y Ugôlinô, và nhóm phải chọn một khuôn mẫu thông thường của đời sống tu trì.

Trước sức ép liên tục, bây giờ Phanxicô phải viết một bản luật chi tiết hơn (bản Regula Prima) dầu vậy, bản luật này vẫn còn quá đơn sơ và đòi hỏi các người lãnh đạo mới của cộng đoàn về đàng thiêng liêng. Sau khi sửa lại, bản luật mới này được đức giáo hoàng Honoriô III chấp nhận năm 1223 (bản Rehula Secunda hay Bullata nay vẫn còn được xử dụng) Trong khi đó, Phanxicô trở nên yếu đau và lo âu. Ngài trao quyền quản trị nhóm huynh đệ cho người đại diện. Từ năm 1221, anh Elia đầy bí nhiệm đảm nhận chức vụ.

Chính Phanxicô lại lui vào trong núi. Ngày 14 tháng 9 năm 1224, sau một thời sống ẩn dật, Ngài đã được Chúa Kitô in dấu. Từ đây, bệnh tình Ngài tăng thêm và trở nên mù lòa hầu như hoàn toàn. Ngài được bốn anh em trung tín mang đi đây đó. Có lẽ vào năm 1224, Ngài đã viết "bài ca mặt trời". Năm 1226, Ngài viết chúc thư (testament) long trọng nhấn mạnh đòi buộc sống nghèo khó tuyệt đối, vâng lời luật dòng đến từng chữ viết và từ khước mọi đặc ân.

Ngày 02 tháng 10 năm 1226, sau khi viếng thăm Clara cùng các nữ tu và chúc lành cho thành Assisi, Ngài từ trần tại Porziuncola. Hai năm sau Ngài được bạn cũ là Ugôlinô bấy giờ là ĐGH grêgoriô IX tôn phong lên hàng hiển thánh. Năm 1228, xác Ngài được dời về mai táng tại đại giáo đường do anh Elia xây cất.
 

Trích từ Hạnh tích Các Thánh

Thánh Phanxicô sinh tại Assisi, miền Umbria, năm 1181. Ông Phêrô Bernadone là một thương gia giầu có, lúc sinh ra thánh nhân, ông đang ở Pháp, nên đã đặt tên cho Ngài theo tên quốc gia này. Thời thơ ấu, thánh nhân chịu ảnh hưởng nhiều bởi người mẹ nhiệt thành và khả ái. Ngài tỏ ra vui vẻ, mạo hiểm, quảng đại và bình dân. Dầu được chuẩn bị để theo nghề buôn bán như cha, Ngài vẫn thường mơ ước trở thành hiệp sĩ. Năm 1201, Phanxicô tham gia cuộc chiến ở Perugia và bị bắt tù một năm. Kinh nghiệm đau xót này cùng với cơn bệnh ngặt nghèo là khởi đầu cuộc trở lại của Ngài. Dầu vậy, năm 1205, Ngài vẫn còn tham dự vào cuộc viễn chinh tại Apulia. Trong một giấc mơ, Phanxicô được Chúa Kitô mở lời kêu gọi phục vụ Người. Ngài trở về và hiến mình chăm sóc các bệnh nhân. Ngày 16 tháng 4 năm 1206, Phanxicô lại nghe tiếng Chúa Kitô kêu gọi Ngài tái thiết đền thờ thánh Damianô. Luôn mau mắn và tận tâm, Phanxicô đã từ bỏ đời sống cũ và chấp nhận sống như một ẩn sĩ. Khi bị cha bỏ tù, rồi dẫn đến đức giám mục như một đứa con bất phục, thánh nhân đã từ khước mọi quyền lợi lẫn của cải, cả đến áo quần đang mặc nữa. Hai năm sau, có lẽ vào ngày 24 tháng 2 năm 1209, Ngài nghe đọc đoạn Tin Mừng Mt 10,9 và thấy mình được ơn gọi đi rao giảng sự thống hối. Đây là giây phút quyết liệt. Thánh nhân cởi bỏ tu phục ẩn sĩ, mặc áo vải thô, thắt giây lưng và bắt đầu rao giảng Chúa Kitô. Có hai người bạn đi theo, Ngài cho họ một bản luật gồm ba câu thánh kinh Mt 20,21; 10,9 và Lc 9,23. Khi con số môn sinh lên tới 11, Ngài viết cho họ một bản luật vắn (bản Primitiva, nay đã thất lạc), và dân họ tới Roma để được Đức Giáo hoàng phê chuẩn. Đức giáo hoàng Innocentê III, sau phút ngập ngừng, đã nhận ra nơi người giáo dân ngay thật và nhiệt tình này một tông đồ chân chính, và ban lời chuẩn nhận (tháng 6 năm 1210). Nhóm huynh đệ trở về Assisi. Họ sống trong những chiếc chòi ở Rivetortô. Gần Porziuncola và rao giảng sư thống hối trên khắp nước Ý. Đầy đơn sơ, họ làm đủ mọi việc và sống bằng nghề ăn xin. Chính sự đơn sơ như thiên thần của Phanxicô mà họ coi là hiền huynh và hiền mẫu, là gương sống hứơng dẫn họ trên đường thiêng liêng. Chưa có một tổ chức nào cả, với phép của Phanxicô, họ đi khắp nơi, như các anh em thống hối nghèo miền Assisi. Năm 1212, Phanxicô khích lệ Clara, một thiếu nữ danh giá trong thành phố, thiết lập nhóm chị em sống đời nghèo khó và cầu nguyện ở nhà thờ thánh Damianô. Họ đã trở thành các bà nghèo khó và ngày nay gọi là các nữ tu Clara. Không bao giờ Phanxicô muốn lập một "Hội dòng". Ngài chỉ muốn theo Chúa Kitô trong các sách Tin Mừng một cách hoàn toàn đến từng chữ viết. Dầu vậy, nhóm huynh đệ đã theo một hình thức tu dòng nào đó. Họ đọc kinh nhật tụng, ngủ và ăn chung như các tu sĩ. Khi nhóm huynh đệ đã tăng số cách lạ lùng, mau chóng, Phanxicô phải ủy quyền cho các người lãnh đạo mà Ngài gọi là "Hiền mẫu" hay là "tôi tớ" của các nhóm. Hàng năm các anh em họp nhau một lần tại Porziuncola. Năm 1216, Phanxicô tham dự đám táng Đ. G.H Innocentê III và được Đức Honoriô IV ban ân xá cho thánh đường Perziuncola. Năm sau, Ngài được cảm tình của đức Hồng y Ugôlinô, là đấng sẽ trung tín bảo trợ Ngài mãivề sau. Năm 1219. Nhóm huynh đệ tăng số đông đảo và phải chia thành nhiều tỉnh dòng. Cánh đồng truyền giáo đầu tiên của nhóm vượt qua rặng núi Alpes. Chính Phanxicô, bất chấp những cân nhắc khôn ngoan, đã bỏ nước Ý để tham gia thập tự quân và đã đến gặp Sultan. Trong khi Ngài vắng mặt, nhóm huynh đệ gồm nhiều học viên mới, có học thức và thuộc hàng giáo sĩ, họ như con thuyền không lái và rơi vào cuộc khủng hoảng. Vấn đề chỉ giải quyết xong khi kêu mời Phanxicô trở về, nhờ tài khéo léo của Đức hồng y Ugôlinô, và nhóm phải chọn một khuôn mẫu thông thường của đời sống tu trì. Trước sức ép liên tục, bây giờ Phanxicô phải viết một bản luật chi tiết hơn (bản Regula Prima) dầu vậy, bản luật này vẫn còn quá đơn sơ và đòi hỏi các người lãnh đạo mới của cộng đoàn về đàng thiêng liêng. Sau khi sửa lại, bản luật mới này được đức giáo hoàng Honoriô III chấp nhận năm 1223 (bản Rehula Secunda hay Bullata nay vẫn còn được xử dụng) Trong khi đó, Phanxicô trở nên yếu đau và lo âu. Ngài trao quyền quản trị nhóm huynh đệ cho người đại diện. Từ năm 1221, anh Elia đầy bí nhiệm đảm nhận chức vụ. Chính Phanxicô lại lui vào trong núi. Ngày 14 tháng 9 năm 1224, sau một thời sống ẩn dật, Ngài đã được Chúa Kitô in dấu. Từ đây, bệnh tình Ngài tăng thêm và trở nên mù lòa hầu như hoàn toàn. Ngài được bốn anh em trung tín mang đi đây đó. Có lẽ vào năm 1224, Ngài đã viết "bài ca mặt trời". Năm 1226, Ngài viết chúc thư (testament) long trọng nhấn mạnh đòi buộc sống nghèo khó tuyệt đối, vâng lời luật dòng đến từng chữ viết và từ khước mọi đặc ân. Ngày 02 tháng 10 năm 1226, sau khi viếng thăm Clara cùng các nữ tu và chúc lành cho thành Assisi, Ngài từ trần tại Porziuncola. Hai năm sau Ngài được bạn cũ là Ugôlinô bấy giờ là ĐGH grêgoriô IX tôn phong lên hàng hiển thánh. Năm 1228, xác Ngài được dời về mai táng tại đại giáo đường do anh Elia xây cất.

 

 

Trích dẫn từ: http://giesulove.net/diendan/hanh-tich-cac-thanh/2161-thanh-phanxico-assisi-1181-1226-a.html

Thánh Phanxicô sinh tại Assisi, miền Umbria, năm 1181. Ông Phêrô Bernadone là một thương gia giầu có, lúc sinh ra thánh nhân, ông đang ở Pháp, nên đã đặt tên cho Ngài theo tên quốc gia này. Thời thơ ấu, thánh nhân chịu ảnh hưởng nhiều bởi người mẹ nhiệt thành và khả ái. Ngài tỏ ra vui vẻ, mạo hiểm, quảng đại và bình dân. Dầu được chuẩn bị để theo nghề buôn bán như cha, Ngài vẫn thường mơ ước trở thành hiệp sĩ. Năm 1201, Phanxicô tham gia cuộc chiến ở Perugia và bị bắt tù một năm. Kinh nghiệm đau xót này cùng với cơn bệnh ngặt nghèo là khởi đầu cuộc trở lại của Ngài. Dầu vậy, năm 1205, Ngài vẫn còn tham dự vào cuộc viễn chinh tại Apulia. Trong một giấc mơ, Phanxicô được Chúa Kitô mở lời kêu gọi phục vụ Người. Ngài trở về và hiến mình chăm sóc các bệnh nhân. Ngày 16 tháng 4 năm 1206, Phanxicô lại nghe tiếng Chúa Kitô kêu gọi Ngài tái thiết đền thờ thánh Damianô. Luôn mau mắn và tận tâm, Phanxicô đã từ bỏ đời sống cũ và chấp nhận sống như một ẩn sĩ. Khi bị cha bỏ tù, rồi dẫn đến đức giám mục như một đứa con bất phục, thánh nhân đã từ khước mọi quyền lợi lẫn của cải, cả đến áo quần đang mặc nữa. Hai năm sau, có lẽ vào ngày 24 tháng 2 năm 1209, Ngài nghe đọc đoạn Tin Mừng Mt 10,9 và thấy mình được ơn gọi đi rao giảng sự thống hối. Đây là giây phút quyết liệt. Thánh nhân cởi bỏ tu phục ẩn sĩ, mặc áo vải thô, thắt giây lưng và bắt đầu rao giảng Chúa Kitô. Có hai người bạn đi theo, Ngài cho họ một bản luật gồm ba câu thánh kinh Mt 20,21; 10,9 và Lc 9,23. Khi con số môn sinh lên tới 11, Ngài viết cho họ một bản luật vắn (bản Primitiva, nay đã thất lạc), và dân họ tới Roma để được Đức Giáo hoàng phê chuẩn. Đức giáo hoàng Innocentê III, sau phút ngập ngừng, đã nhận ra nơi người giáo dân ngay thật và nhiệt tình này một tông đồ chân chính, và ban lời chuẩn nhận (tháng 6 năm 1210). Nhóm huynh đệ trở về Assisi. Họ sống trong những chiếc chòi ở Rivetortô. Gần Porziuncola và rao giảng sư thống hối trên khắp nước Ý. Đầy đơn sơ, họ làm đủ mọi việc và sống bằng nghề ăn xin. Chính sự đơn sơ như thiên thần của Phanxicô mà họ coi là hiền huynh và hiền mẫu, là gương sống hứơng dẫn họ trên đường thiêng liêng. Chưa có một tổ chức nào cả, với phép của Phanxicô, họ đi khắp nơi, như các anh em thống hối nghèo miền Assisi. Năm 1212, Phanxicô khích lệ Clara, một thiếu nữ danh giá trong thành phố, thiết lập nhóm chị em sống đời nghèo khó và cầu nguyện ở nhà thờ thánh Damianô. Họ đã trở thành các bà nghèo khó và ngày nay gọi là các nữ tu Clara. Không bao giờ Phanxicô muốn lập một "Hội dòng". Ngài chỉ muốn theo Chúa Kitô trong các sách Tin Mừng một cách hoàn toàn đến từng chữ viết. Dầu vậy, nhóm huynh đệ đã theo một hình thức tu dòng nào đó. Họ đọc kinh nhật tụng, ngủ và ăn chung như các tu sĩ. Khi nhóm huynh đệ đã tăng số cách lạ lùng, mau chóng, Phanxicô phải ủy quyền cho các người lãnh đạo mà Ngài gọi là "Hiền mẫu" hay là "tôi tớ" của các nhóm. Hàng năm các anh em họp nhau một lần tại Porziuncola. Năm 1216, Phanxicô tham dự đám táng Đ. G.H Innocentê III và được Đức Honoriô IV ban ân xá cho thánh đường Perziuncola. Năm sau, Ngài được cảm tình của đức Hồng y Ugôlinô, là đấng sẽ trung tín bảo trợ Ngài mãivề sau. Năm 1219. Nhóm huynh đệ tăng số đông đảo và phải chia thành nhiều tỉnh dòng. Cánh đồng truyền giáo đầu tiên của nhóm vượt qua rặng núi Alpes. Chính Phanxicô, bất chấp những cân nhắc khôn ngoan, đã bỏ nước Ý để tham gia thập tự quân và đã đến gặp Sultan. Trong khi Ngài vắng mặt, nhóm huynh đệ gồm nhiều học viên mới, có học thức và thuộc hàng giáo sĩ, họ như con thuyền không lái và rơi vào cuộc khủng hoảng. Vấn đề chỉ giải quyết xong khi kêu mời Phanxicô trở về, nhờ tài khéo léo của Đức hồng y Ugôlinô, và nhóm phải chọn một khuôn mẫu thông thường của đời sống tu trì. Trước sức ép liên tục, bây giờ Phanxicô phải viết một bản luật chi tiết hơn (bản Regula Prima) dầu vậy, bản luật này vẫn còn quá đơn sơ và đòi hỏi các người lãnh đạo mới của cộng đoàn về đàng thiêng liêng. Sau khi sửa lại, bản luật mới này được đức giáo hoàng Honoriô III chấp nhận năm 1223 (bản Rehula Secunda hay Bullata nay vẫn còn được xử dụng) Trong khi đó, Phanxicô trở nên yếu đau và lo âu. Ngài trao quyền quản trị nhóm huynh đệ cho người đại diện. Từ năm 1221, anh Elia đầy bí nhiệm đảm nhận chức vụ. Chính Phanxicô lại lui vào trong núi. Ngày 14 tháng 9 năm 1224, sau một thời sống ẩn dật, Ngài đã được Chúa Kitô in dấu. Từ đây, bệnh tình Ngài tăng thêm và trở nên mù lòa hầu như hoàn toàn. Ngài được bốn anh em trung tín mang đi đây đó. Có lẽ vào năm 1224, Ngài đã viết "bài ca mặt trời". Năm 1226, Ngài viết chúc thư (testament) long trọng nhấn mạnh đòi buộc sống nghèo khó tuyệt đối, vâng lời luật dòng đến từng chữ viết và từ khước mọi đặc ân. Ngày 02 tháng 10 năm 1226, sau khi viếng thăm Clara cùng các nữ tu và chúc lành cho thành Assisi, Ngài từ trần tại Porziuncola. Hai năm sau Ngài được bạn cũ là Ugôlinô bấy giờ là ĐGH grêgoriô IX tôn phong lên hàng hiển thánh. Năm 1228, xác Ngài được dời về mai táng tại đại giáo đường do anh Elia xây cất.

 

 

Trích dẫn từ: http://giesulove.net/diendan/hanh-tich-cac-thanh/2161-thanh-phanxico-assisi-1181-1226-a.html

 

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 30 tháng 9-2012

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 30 tháng 9-2012

CASTEL GANDOLFO. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin cuối cùng của mùa hè năm nay, chúa nhật 30 tháng 9-2012, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy vui mừng vì những điều thiện người khác thực hiện, kể cả ở ngoài Giáo Hội.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin lúc 12 giờ trưa với hàng ngàn tín hữu tụ tập tại khuôn viên dinh thự Castel Gandolfo ĐTC đã giải thích về bài Tin Mừng chúa nhật thứ 26 thường niên năm B (Mc 9,39-41) và rút ra những hệ luận thực hành cho cuộc sống của tín hữu. Ngài nói:

Anh chị em thân mến,
”Tin Mừng chúa nhật hôm nay trình bày một trong những giai thoại trong cuộc đời Chúa Kitô, tuy có thể nói là chỉ được nhắc qua mà thôi, nhưng chứa đựng một ý nghĩa sâu xa (cf Mc 9,38-42). Đó là sự kiện một người kia, tuy không phải là môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng đã trừ quỉ nhân danh Ngài. Tông đồ Gioan, vốn là người trẻ trung và hăng say, muốn ngăn cản người ấy, nhưng Chúa Giêsu không cho làm như vậy, và nhân cơ hội ấy, Người dạy các môn đệ rằng Thiên Chúa có thể làm những điều tốt lành, thậm chí cả những điều lạ lùng ở bên ngoài nhóm môn đệ của Ngài, và người ta có thể cộng tác với chính nghĩa Nước Trời bằng nhiều cách khác nhau, kể cả việc trao tặng một ly nước cho một nhà truyền giáo” (c.41). Về điểm này, Thánh Augustino đã viết: ”Cũng như trong Giáo Hội ta có thể tìm thấy những gì không phải là Công Giáo, thì ngoài Giáo Hội Công Giáo, ta cũng có thể tìm thấy cái gì đó là Công Giáo” (Agostino, Sul battesimo contro donatisti: PL 43, VII, 39,77). Vì thế, các phần tử của Giáo Hội không được cảm thấy ghen tương, nhưng phải vui mừng nếu có ai ở ngoài cộng đoàn làm điều thiện nhân danh Chúa Kitô, miễn là họ làm điều ấy với ý hướng ngay chính và với lòng tôn trọng. Cả bên trong Giáo Hội, đôi khi cũng xảy ra là người ta thấy khó đề cao giá trị và quí chuộng, trong một tinh thần hiệp thông sâu xa, những điều tốt lành khác do các thực tại xã hội khác thực hiện. Trái lại tất cả chúng ta phải luôn luôn có khả năng chúc tụng Chúa vì tinh thần sáng tạo vô biên qua đó Chúa hoạt động trong Giáo Hội và trong thế giới”.
ĐTC nói thêm rằng:

”Trong Phụng vụ hôm nay cũng vang dội lời lên án của thánh Giacôbê Tông Đồ chống lại những người giàu bất lương, tin tưởng nơi của cải tích trữ nhờ sự lạm quyền” (Gc Gc 5,1-6). Về vấn đề này, Cesario thành Arles đã khẳng định như sau trong một bài giảng của Người: ”Sự giàu sang không gây thiệt hại cho người tốt lành, vì họ cho đi với lòng từ bi, cũng như sự giàu sang không thể giúp ích kẻ xấu, vì họ tham lam giữ lại của cải hoặc phung phí nó” (Sermoni 35,4). Những lời của thánh Giacôbê Tông đồ, trong khi cảnh giác chống lại sự ham hố của cải vật chất, chính là một lời mạnh mẽ kêu gọi hãy sử dụng của cải ấy trong viễn tượng liên đới và nhắm công ích, luôn luôn thực thi sự liêm chính và luân lý ở mọi cấp độ”.
Và ĐTC kết luận rằng: ”Các bạn thân mến, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria chí thánh, chúng ta hãy cầu xin để chúng ta có thể vui mừng vì mỗi cử chỉ và sáng kiến tốt lành, không ghen tị hoặc ghen tương, và biết sử dụng khôn ngoan những của cải trần thế trong sự liên tục tìm kiếm những của cải vĩnh cửu”.

Kêu gọi hòa bình cho Congo và chào thăm

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình cho nước Congo Kinshasa, quốc gia Phi châu với đa số dân theo Công Giáo, rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhưng từ lâu ở trong tình trạng bấp bênh về mặt chính trị và chủng tộc. Trong thời gian gần đây LHQ đã tố cáo nước Ruanda láng giềng ủng hộ các nhóm du kích quân trong nội địa Congo. ĐTC nói:

”Anh chị em thân mến, tôi thân ái và lo lắng theo dõi những biến cố của dân chúng ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo, trong những ngày này họ là đối tượng quan tâm của một hội nghị cấp cao tại LHQ. Tôi đặc biệt gần gũi những người tị nạn, các phụ nữ và trẻ em, đang chịu đau khổ, bạo lực và những cơ cực trầm trọng vì những cuộc xung đột võ trang kéo dài. Tôi cầu xin Chúa, để người ta tìm được những con đường ôn hòa đối thoại và bảo vệ bao nhiêu người vô tội, và để hòa bình dựa trên công lý sớm được vãn hồi càng sớm càng tốt, và tái lập sự sống chung huynh đệ nơi dân chúng đã bị thử thách quá nhiều, cũng như nơi toàn vùng.”

Tiếp đến, ĐTC đã chào thăm các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng. Bằng tiếng Pháp, ngài nhắc đến mùa tựu trường tại các đại học và nói: ”Tôi khuyến khích các giáo sư và những nhà giáo dục trong sứ mạng cao cả của họ phục vụ giới trẻ. Ước gì họ có thể mang lại cho các sinh viên sự thích thú học hỏi để có một nghề và có chỗ đứng trong xã hội. Đại học có thể là nơi trong đó người ta sống tình huynh đệ. Một nơi mà Thiên Chúa không thể vắng bóng. Tôi mời gọi những người lớn hãy giáo dục trong mọi hoàn cảnh những người trẻ nhất biết quí chuộng nhau, quan tâm đến tha nhân và tìm kiếm Thiên Chúa. Ước gì Chúa Giêsu là vị hướng đạo chúng ta trên con đường yêu thương tha nhân và cầu nguyện! Tôi cầu chúc tất cả một cuộc tựu trường tốt đẹp!

Với các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC nhắc nhở rằng Thần Trí của Thiên Chúa tạo dựng sự sống và làm cho sự thiện được tăng trưởng. Ngài cũng hoạt động tại nơi mà nhiều khi chúng ta không ngờ đến. Trong Bí tích rửa tội và thêm sức, chúng ta lãnh nhận Thánh Linh, Đấng làm cho chúng ta có khả năng làm điều thiện và tránh sự ác. Chúng ta đừng để cho ơn ấy bị lu mờ vì tội lỗi và sự lơ là. Nếu chúng ta đón nhận ánh sáng, thì chúng ta có thể trở nên dụng cụ của Chúa Thánh Linh và cộng tác để sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa biến đổi thế giới. Xin Chúa Thánh Linh hướng dẫn chúng ta trên mọi nẻo đường chúng ta đi”.

Bằng tiếng Ý, ĐTC đặc biệt tái chào thăm Hội đồng giáo xứ Castel Gandolfo và thông báo việc ngài trở về Vatican vào thứ hai hôm nay. Ngài xin họ chuyển lời chào đến toàn thể cộng đoàn giáo xứ. ĐTC không quên cầu chúc cho chiến dịch đại phúc mới của Giáo Phận Roma bắt đầu trong tuần này tại vùng Ostia. Ngài cầu nguyện cho thời điểm làm chứng tá mạnh mẽ và rao giảng này được tốt đẹp.

G. Trần Đức Anh OP

 

 

LỜI CẢNH BÁO

 LỜI CẢNH BÁO

“Này đây, hỡi những người giàu có, các ngươi hãy than khóc kêu la, vì các tai hoạ sắp giáng xuống trên các ngươi. Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi cơn thịnh nộ trong ngày sau hết. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi” (Gc 5,1-6).

Phát biểu trong giờ chia sẻ Lời Chúa, các anh gia trưởng bàn bạc:

– “Thư Thánh Giacôbê hôm nay có câu mở đầu nghe rợn cả người! Chắc mình không dám ước mơ giàu có đâu. Xin Chúa cho hằng ngày dùng đủ là mừng rồi”.

– “Anh em mình ở đây có ai giàu có gì đâu. Nhưng tôi thì nghĩ mình không nên nói vậy. Đâu phải ai giàu có cũng gặp tai họa đâu. Tai hoạ nhãn tiền thấy toàn người nghèo. Chị Ba Ốm làm nghề hái dừa, nuôi chồng bệnh hoạn và 3 đứa con nhỏ, mới té từ trên cây dừa 13 mét, tiêu cột sống cỏ, tiêu cột sống lưng, nát bét cái xương chậu, BV. Chợ Rẫy trả về rồi! Nằm một chỗ.

– “Không phải vậy. Chỉ có con mắt đức tin mới nhìn ra cái tai hoạ đời này là hồng phúc cho đời sau. Tôi không nghĩ rằng tai hoạ là sự trừng phạt của Thiên Chúa. Nhưng là sự thanh luyện đức tin chúng ta”.

– “Đúng rồi, Thánh Giacôbê cảnh cáo những ông lớn không biết thương dân chỉ lo tận hưởng khoái lạc, cảnh cáo những người giàu có toa rập với quyền lực sát hại người công chính”.

– “Như vậy thì đoạn thư này không dính dáng gì tới chúng ta sao?”

– “Có chứ, chính chúng ta, những gia trưởng, những người làm cha mẹ trong gia đình bao lâu chưa sống công chính, chưa làm gương sáng cho con cái về đời sống đạo đức, thì bấy lâu chúng ta cũng còn phải được cảnh cáo về một “cơn thịnh nộ trong ngày sau hết”.

Dừng lại phần chia sẻ, anh trưởng nhóm mời mọi người nghe Đoạn Tin Mừng. Đoạn Tin Mừng đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề (x. Mc 9, 37-42.44.46-47)

Phần thưởng dành cho người biết sống tinh thần bác ái vì Chúa

“Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Chúa Giêsu không nói chuyện  giàu nghèo, nhưng Chúa hứa chắc cho ai vì Chúa Giêsu mà sống đời công chính. Đời sống công chính ấy là đời sống chan hoà yêu thương nhau, bắt đầu từ sự quan tâm đến nhau, thao thức trăn trở cùng nhau, và cuối cùng là chia sẻ cho nhau chính sự sống của mình để người khác được sống. Thánh Giacôbê cảnh cáo những người giàu có không biết sẻ chia, nhưng lại ích kỷ để tân hưởng khoái lạc riêng cho mình. Họ sẽ bị trả lẽ trước mặt Thiên Chúa trong ngày sau hết.

Phần phạt dành cho những người làm gương xấu

Có ai nói trẻ nhỏ làm gương xấu cho người lớn đâu. Khi nói đến làm gương xấu, ắt phải hiểu ngày “người lớn làm gương xấu cho trẻ nhỏ”. Và phần phạt cho kẻ làm gương xấu nghe mới rợn người làm sao: “Kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn”. Liên kết từ ý tưởng phần thưởng Chúa hứa ban, thì thiết tưởng, một gương xấu tối tệ nhất và cũng là thứ tội lỗi tồi tệ nhất mà Chúa muốn nói đến là đời sống ích kỷ, hẹp hòi, không quan tâm đến ai, đời sống vô cảm trước nỗi bất hạnh của con người. Tất cả các thứ tội trong bảy mối tội đầu đều chống lại đường lối yêu thương của Thiên Chúa, chống lại lòng quảng đại bao dung của Thiên Chúa. Kiêu ngạo vì tôn vinh mình, không khiêm nhường nổi để tôn vinh người. Hà tiện vì chỉ lo cho mình, không rộng rãi để bận tâm tới ai. Mê dâm dục cũng chỉ vì tìm khoái lạc cho mình. Mê ăn uống vì chỉ vì quá chú trọng tới mình mà quên đi niềm vui kiêng bớt, chia sẻ. Ganh tị, ghen ghét, vì không muốn ai hơn mình. Làm biếng việc Thờ Phượng Đức Chúa Trời, bởi vì tưởng cuộc sống mình là muôn thuở!

Như thế, bao lâu con người còn chỉ bận tâm lo lắng cho mình mà không nghĩ đến ai, thì có thể xem như là đã gây một gương xấu kinh khủng không? Thiết nghĩ là như vậy.

Chiến đấu quyết liệt với dịp tội, để tránh gây gương xấu

Mỗi lần tôi nghĩ đến “cái tôi” của tôi, là một lần đứng trước một dịp tội. Tôi càng làm ông lớn trong nhà, trong xã hội, trong Giáo Hội, thì “cái tôi” của tôi càng to. Cái tôi càng to, càng khó dứt bỏ. Tôi không thể đổ thừa cho tay tôi, cho chân tôi, không thể đổ thừa lỗ tai, con mắt hay một phần thân thể của tôi làm tôi sinh tội. Nhưng chắc chắn tội đã sinh ra từ sự đồng thuận của lòng tôi, vì tôi chỉ nghĩ đến tôi.

Chúa Giêsu thật có lý khi bảo: “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt…”. Vì quả thật, tay chân hay phần thân thể tôi chỉ là dịp tội, mà nếu tôi có thể làm chủ được nó, thì hẳn nó phải nghe lệnh của tôi mà làm điều công chính. Ngược lại, nếu tôi không làm chủ được nó, hẳn nó sẽ sai khiến tôi, và hẳn nhiên là sẽ sai khiến tôi làm điều bất chính.

Lạy Chúa, Chúa đã phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”.

Xin cho chúng con kết hiệp mật thiết với Chúa, nên bạn hữu chí thiết của Chúa, để tư tưởng trong lòng con là tư tưởng của Chúa, mắt nhìn của chúng con là mắt nhìn của Chúa…, thân thể của chúng con là thân thể của Chúa, cuộc sống con là hoạ ảnh của Tình Yêu Chúa trong hành trình Đức Tin của chúng con giữa cuộc đời. Amen.

PM Cao Huy Hoàng

Thánh Gioan Thành Avila

Thánh Gioan Thành Avila

Chúa Nhật 7 tháng 10 tới đây, trong khuôn khổ Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13, ĐTC sẽ tôn phong hai vị thánh tiến sĩ mới của Giáo Hội: đó là thánh Gioan Avila người Tây ban nha, và thánh nữ Ildegarda di Bingen, người Đức. Sau đây chúng tôi xin gửi đến quý vị vài nét nổi bật trong cuộc sống và linh đạo của thánh Gioan Avila. Ngài sẽ là vị Tiến sĩ thứ 34 của Giáo hội. ĐTC Biển Đức XVI bày tỏ hy vọng rằng "lời nói và gương sáng của vị mục tử xuất sắc này sẽ soi sáng cho tất cả các linh mục, và cho những người mong đến ngày truyền chức linh mục của họ".

Thánh Gioan thành Avila sinh ra ở Campo, Ciudad Real, năm 1500, trong một gia đình khá giả, và Ngài được giáo dục trong đức tin Kitô giáo. Sau khi hoàn tất chương trình luật tại đại học Salamanca trong vòng 4 năm, ngài dự tính sẽ sống một cuộc đời ẩn dật. Tuy nhiên, nghe theo khuyên của một Tu sĩ Dòng Phanxicô, chàng thanh niên này tiếp tục đăng ký vào trường đại học Alcala để học triết học và thần học. Một trong những giáo sư của ngài là thần học gia nổi tiếng Dòng Đa Minh, Domingo de Soto. Trong thời gian học, thân phụ và thân mẫu của ngài đã được Chúa gọi về, và cả hai được mai táng trong một giáo xứ trong địa phương, nơi sau này ngài đã dâng thánh lễ mở tay vào năm 1526. Trong thánh lễ này, thánh nhân đã bán tất cả tài sản của gia đình và phân phát cho người nghèo.

Sau khi chịu chức linh mục, ngài đi đến Seville để chuẩn bị đi truyền giáo ở Châu Mỹ. Trong lúc chờ khởi hành, vị tân linh mục này dấn thân vào việc dạy giáo lý và rao giảng. Quá ấn tượng về ngài, Cha Fernando Contreras đã thúc giục vị tổng Giám mục Seville giữ Gioan lại Tây Ban Nha. Vâng phục đấng bản quyền, Gioan Avila đã bắt đầu dấn thân vào sứ mạng ở miền Nam Tây Ban Nha.

Thành công đến dường như ngay lập tức, nhiều người đã đến và nghe ngài giảng. Nhưng không may, chính sự thành công này dẫn đến những mối ghen tương và hiểu lầm, và Gioan Avila đã bị kết án lạc giáo vào năm 1531. Ngài đã bị tuyên án bởi toà án Truy tà và phải ở tù một năm. Có thể đối với nhiều người đó là một tai hoạ, còn đối với thánh nhân thì đó là một ân phúc của Thiên Chúa. Ngài nói rằng chính thời gian ở trong tù, ngài đã học được nhiều hơn tất cả những gì mà ngài đã học được trước đây. Trong tù, ngài đã viết tác phẩm Audi, filia, một tác phẩm giúp hướng dẫn về đời sống thiêng liêng, Tác phẩm này được viết cho một người phụ nữ trẻ tuổi đang sống đời thánh hiến dưới sự hướng dẫn của ngài. Cũng chính trong tù, Gioan đã nghiên cứu về thư Phaolo và sau này, một linh mục thánh thiện đã nghe ngài giảng đã thốt lên: “Tôi đã nghe Phaolô giải thích về Phaolô.” Sau khi được thả và được minh oan, ngài dấn thân vào sứ mạng rao giảng ở Cordoba vào năm 1535. Ngài là người đã ảnh hưởng nhiều đến các vị thánh như Gioan Thiên Chúa, Phanxico Borgia… Ngài thường được gọi là “thầy dạy”, một tước hiệu mang ý nghĩa học thuật, nhưng với Gioan Avila, khi sử dụng tước hiệu này, người ta thường nhấn mạnh đến chiều kích ơn gọi linh mục, nghĩa là thầy dạy, người dẫn dắt và hướng dẫn các linh hồn.

Gioan Avila mất vào ngày 10 tháng 5 năm 1569, hợp với mong ước của ngài, thánh nhân đã được chôn cất trong nhà thờ Dòng tên tại Montilla. Ngài được phong chân phước vào ngày 15-9-1894 và được tôn phong làm bổn mạng các linh mục giáo phận tại Tây Ban Nha vào ngày 2-7-1946 và được ĐTC Phaolo VI phong thánh vào 31-5-1970.

Là một linh mục giáo phận, nhưng Gioan Avila lại có một đời sống thánh thiện trỗi vượt, mang âm hưởng của một vị ẩn sĩ. Đối với thánh nhân, cầu nguyện là chiều kích quan trọng nhất trong đời sống của mình. Cầu nguyện là một sự đáp trả chính yếu của niềm tin. Chúng ta nhận ra điều này qua nhiều lá thư ngài viết. Khi nhận được những lá thư liên quan đến những vấn đề về thiêng liêng, ngài không vội trả lời ngay không phải vì quá bận rộn hay vì một sự bất cẩn nào đó, đúng hơn ngài cần thời gian để cầu nguyện. Chỉ sau khi đã cầu nguyện và suy xét cẩn thận, ngài mới viết thư trả lời và thường kèm theo đó là một lời xin lỗi vì sự chậm trễ của mình. Đời sống cầu nguyện của ngài không tách khỏi đời sống thường ngày, cầu nguyện luôn dẫn đến hành động và biến đổi.

Là một linh mục giáo phận nhưng thánh nhân lại hết sức yêu mến và sống triệt để tinh thần của 3 lời khuyên phúc âm. Chính sự ôm ấp và yêu mến đời sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục cho phép thánh nhân giúp đỡ và có mối tương giao với nhiều tu sĩ. Chính vì việc trở nên giống Đức ki-tô đã giúp trổ sinh hoa trái nơi những người mà ngài phục vụ. Đời sống của ngài không gì khác là một sự phản ánh tình yêu thương và khao khát dành cho Đức ki-tô bị đóng đinh. Ngài ôm ấp các lời khuyên phúc âm trong một thời đại mà hầu hết các linh mục giáo phận đang làm điều ngược lại.

Thật vậy, theo truyền thống ở TBN, trong thời đại của ngài, một vị tân linh mục sẽ mở một bữa tiệc, mời bạn bè và những người thân của mình đến tham dự. Thay vì làm theo truyền thống, Gioan đã đi ra các đường phố, chọn lấy 12 người nghèo, rửa chân cho họ và xem họ như những vị khách quý. Tình yêu của ngài đối với đời sống nghèo cũng được thể hiện trong đời sống thường ngày. Ngài thường từ chối ở lại các khách sạn hay những nơi ở sang trọng. Thánh nhân nhận thấy nghèo khó là một điều rất cần thiết đối với đời sống linh mục. Đức khiết tịnh được ngài gìn giữ một cách chắc chắn ngang qua tình yêu mạnh mẽ dành cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, thánh nhân cũng không bao giờ thiếu đi sự thận trọng cần thiết. Ngài chưa bao giờ gặp gỡ một phụ nữ ở một nơi riêng tư. Đời sống của ngài cũng được ghi dấu mạnh mẽ về sự vâng phục. Ngài đã vâng phục vị linh mục dòng Phanxico để trở nên một người phục vụ Chúa thay vì trở nên một ẩn sĩ như ước muốn ban đầu. Sau khi chịu chức, dù khao khát truyền giáo, nhưng ngài dã vâng phục giám mục để ở lại TBN, nơi có nhiều điều để làm. Thái độ đáp trả không một chút đắn đo thể hiện một sự quy phục mạnh mẽ mà Ngài dành cho Thiên Chúa, một sự tin tưởng tuyệt đối với Chúa Quan Phòng. Như vậy, chính việc giữ đời sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục mà đời sống của Gioan Avila được gắn chặt với thập giá của Chúa Kitô. Chính sự thánh hiến liên lỉ này đã gìn giữ đức tin của ngài và làm cho nó trổ sinh hoa trái.

Thánh Gioan Avila cũng được nhắc đến như là một người có những đóng góp quan trọng trong việc đổi mới đời sống của các linh mục. Thánh nhân đã liên kết chức vụ tư tế với bí tích Thánh Thể và xem sự thánh thiện như là một phẩm chất trỗi vượt của một vị linh muc, người đóng vai trò là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Ngang qua chức vụ tư tế, “bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô, Chúa chúng ta.” Ngài khẳng định rằng không có một sức mạnh nào trên thế gian có thể mạnh hơn sức mạnh của các linh mục, vì “họ có sức mạnh của chính Thiên Chúa”. Vì các linh mục phải là người có phẩm giá trổi vượt như là vị trung gian giữa Thiên Chúa và con người nên ngài phải trở nên thánh thiện. Đức Ki-tô là trung gian duy nhất và là Vị Thượng Tế Tối Cao, nhưng các linh mục cũng được chia sẻ chức vụ này trong Đức Ki-tô và trên bàn thờ, Linh mục là đại diện của Đức Ki-tô khi ngài dâng chính mình lên Chúa Cha. Vì thế, linh mục phải là người kết hợp thân mật với Thiên Chúa và phải trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Ngoài ra, chức vụ tư tế cũng là món quà Thiên Chúa trao ban cho Giáo Hội, và không ai có thể lãnh chức vụ này ngoại trừ những người được Thiên Chúa kêu gọi, được Giáo hội phê chuẩn ngang qua vị Giám mục bản quyền.

Thánh Gioan Avila cũng là một người có lòng nhiệt thành và có những đóng góp lớn lao trong việc cải cách Giáo hội. Ngài cho rằng để có thể cải cách Giáo hội, mỗi người phải hoán cải đời sống của mình. Mỗi người trong chức vụ của mình phải hoán cải đời sống không ngừng. Các Giám mục nên đưa những đề tài thảo luận vào đời sống thực tiễn. Thánh nhân mời gọi các Giám mục xem xét đời sống của chính mình và những thái độ nền tảng của họ khi thực thi nhiệm vụ và thái độ mà họ có đối với các linh mục. Họ phải đảm bảo rằng thái độ của họ phải xứng hợp với thái độ của Đức Ki-tô, Đấng mà họ là đại diện. Để có thể thực thi điều đó, các Giám mục phải đồng hành với các linh mục và lấy tình yêu phụ tử mà đối xử với các ngài. Ngài mời gọi các giám mục hãy trở thành những người tôi tớ trong khi đối xử với các linh mục, chứ không như những ông chủ với những người tôi tớ. Nếu các GM khởi đi từ thái độ này, con đường phía trước sẽ trở nên sáng lạng và đó chính là con đường của Đức Ki-tô, Đấng là lớn nhất nhưng đã tự ý trở nên rốt hết.

Để thực hiện một sự đổi mới nới hàng giáo phẩm, thánh Gioan Avila cho rằng các giám mục cần thực thi hai điều: thứ nhất, không chấp nhận những người không phù hợp vào ơn gọi linh mục và thứ hai, phải đổi mới chương trình huấn luyện quá nghèo nàn dành cho các ứng viên linh mục.

Thật vậy, nguyên nhân chính làm hủy hoại hàng giáo phẩm chính là việc một số người ước muốn chọn lựa ơn gọi này vì những tham vọng hết sức trần thế. Do đó, trước hết, thánh nhân đề nghị các linh mục phải cẩn trọng trong việc tuyển lựa các ứng viên. Thánh nhân nhấn mạnh rằng các ứng viên không phù hợp không thể được nhận dưới bất kỳ điều kiện nào.

Phẩm chất qua trọng nhất của ứng sinh phải là khả năng trí thức và thiêng liêng. Thánh nhân nói rằng các ứng sinh phải có khả năng để đạt được những kết quả tốt nhất trong việc học, nhưng điều đó cũng không bỏ qua khía cạnh đồng hành cá nhân, nghĩa là tùy theo khả năng của từng người mà giúp họ dấn thân trọn vẹn vào việc đào luyện tri thức. Khả năng tri thức rất quan trọng nhưng khả năng về thiêng liêng còn quan trọng hơn. Kế đến, thánh nhân đề nghị các giám mục cần phải thiết lập các chương trình huấn luyện và giáo dục chặt chẽ. Chương tình huấn luyện dành cho các linh mục theo khuôn mẫu của ngài đã ảnh hưởng sâu sắc đến quyết định của Công đồng Trento về đào tạo các linh mục. Chương trình này có ba thành tố chính: Đời sống cộng đoàn, huấn luyện sâu xa thần học và các giáo thuyết, và việc học chuyên môn. Nhiều điểm mà Gioan Avila đã đề nghị trong công đồng Trentô và những bài viết khác của ngài về chức vụ tư tế đã trở nên một phần quan trọng trong đời sống của Giáo hội. Chúng ta mang ơn ngài vì những những đóng góp của ngài cho Công Đồng Trentô, nhưng rõ ràng những tiếng nói của ngài vẫn còn âm vang trong Giáo Hội khi Giáo Hội đang thực hiện một tiến trình đổi mới trong chức vụ tư tế hậu công đồng Vaticano II.

Nhiều người nghĩ rằng việc đọc về hạnh các thánh giống như đọc những câu chuyện cổ tích hay thần thoại vì nó không thể áp dụng vào đời sống thực tiễn. Với họ, những điều mà các vị thánh làm quá phi thường và vượt sức con người. Chỉ có những người được đặc ân mới có thể sống như vậy. Nếu nghĩ như vậy thì sẽ không đúng với trường hợp của thánh Gioan Avila. Thánh Gioan Avila không được phong Tiến Sĩ Hội Thánh vì những việc thực hành đạo đức của ngài như việc đánh tội, ăn chay lâu ngày…Ngài chỉ là một linh mục, sống và thi hành sứ mạng của mình với một tình yêu lớn lao dành cho Đức Ki-tô và cho con người. Đời sống của ngài được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện và tình yêu dành cho Đức Ki-tô. Chính tình yêu này đã làm sống động toàn bộ đời sống của Ngài: cầu nguyện, giảng dạy, hướng dẫn thiêng liêng, và sống những gì mình giảng dạy. Chính tình yêu dành cho Đức Ki-tô và con người đã thúc đẩy ngài dấn thân vào sứ mạng cải cách hàng giáo sĩ. Chân phước Gioan Phaolo II đã nói về thánh nhân rằng: “Thánh Gioan Avila đã làm việc một cách can đảm để các linh mục có thể đáp lại với những dự án đổi mới đầy tham vọng của thời đại với một đời sống nội tâm sâu xa, một nền tảng huấn luyện trí thức vững chắc và một sự trung tín không bao giờ cạn đối với Giáo hội và một khao khát liên lỉ mang Đức Ki-tô đến cho người khác. Trong thời đại mà giáo hội đang bị suy sụp bởi Phong trào cải cách thì Gioan Avila đã dấn thân phục vụ Giáo hội không biết mệt mỏi.”

Augustine Nguyễn Minh Triệu S.J

Tài liệu:

1. La Figura Del Maestro San Giovanni D'avila
2. The Eminent Doctrine of St. John of Avila: A Most Dynamic Priesthood

3. Saint John of Avila and the Reform of the Priesthood

Đức Thánh Cha kêu gọi các bác sĩ chống lạm dụng y khoa trong thể thao

Đức Thánh Cha kêu gọi các bác sĩ chống lạm dụng y khoa trong thể thao

CASTEL GANDOLFO. ĐTC Biển Đức 16 khích lệ các bác sĩ thể thao không những phục vụ các vận động viên về phương diện chuyên môn, nhưng còn góp phần thăng tiến luân lý, tinh thần và văn hóa trong ngành thể thao.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 27 tháng 9-2012, dành cho 120 bác sĩ, đến từ 117 nước 5 châu, tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 32 về y khoa thể thao (FIMS), nhóm lần đầu tiên tại Roma trong những ngày này.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhìn nhận tầm quan trọng và sự thu hút của các cuộc tranh tài thể thao, đồng thời ngài nhắc đến sự thành công, danh tiếng, huy chương và sự theo đuổi tiền bạc đôi khi trở thành động lực chủ yếu, hoặc độc nhất, của các cuộc tranh tài thể thao. Nhiều khi thái độ muốn thắng giải với bất kỳ giá nào đã thay thế tinh thần đích thực của thể thao và đưa tới những lạm dụng hoặc sự dụng sai trái các phương tiện mà y khoa tân thời mang lại”.

ĐTC nói: “Trong tư cách là các bác sĩ thể thao, các bạn cũng ý thức về cám dỗ đó và tôi biết các bạn cũng thảo luận về vấn đề quan trọng này trong Hội nghị này”.

ĐTC cũng nhắc đến lời thánh Phaolô Tông đồ trong thư thứ I Corintô (9,25) trong đó Người nhắn nhủ các tín hữu hãy tập luyện trong đời sống thiêng liêng. Thánh nhân nói: ”mỗi vận động viên tập luyện tự chế trong mọi sự. Họ làm như thế để nhận được một vòng hoa chiến thắng mau qua, còn chúng ta nhận được vòng hoa không hư nát”. Các bạn thân mến, đó là lý do tại sao tôi khuyến khích các bạn tiếp tục nhớ đến phẩm giá của những người mà các bạn phục vụ qua hoạt động y khoa của các bạn. Như thế, các bạn sẽ trở thành những người không những chữa lành thể lý và giúp đạt những thành quả tuyệt hảo về thể thao, nhưng còn giúp phục hồi về luân lý, tinh thần và văn hóa nữa” (SD 27-9-2012)

G. Trần Đức Anh OP– Vietvatican

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử

 

Sinh nhật thứ 100 của thi sĩ Công giáo Hàn Mạc Tử gắn kết các nhà thơ Công giáo trên toàn quốc và mở ra tương lai hứa hẹn cho nền thơ văn Công giáo Việt Nam.

Khoảng 60 tham dự viên, phần lớn là các nhà thơ đến từ 12 giáo phận trong nước và nước ngoài, đã tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ Hàn Mạc Tử 22/9/1912-22/9/2012 tại Chủng viện Quy Nhơn ở thành phố Quy Nhơn hôm 21-22/9.

Sự kiện này do Câu lạc bộ Sáng tác thơ văn Công giáo đồng xanh thơ Quy Nhơn tổ chức.

“Sự kiện này là cơ hội cho các nhà thơ Công giáo Việt Nam gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm sáng tác thơ ca Công giáo với nhau.

Đây là lần đầu tiên các nhà thơ quy tụ lại với nhau vì rất nhiều người chưa một lần gặp nhau” – linh mục Gioan Phêrô Võ Tá Khánh, trưởng ban tổ chức, cho biết.

Ngoài việc hàn huyên tâm sự, ngâm thơ và hát những bài hát được phổ nhạc từ thơ của Hàn Mạc Tử, các tham dự viên còn hành hương về lại những căn nhà, lối xóm mà cố thi sĩ tài hoa đã sống và qua đời ở đất Quy Nhơn như nhà số 20 Khải Định nay là đường Lê Lợi, xóm Tấn, xóm Động, xóm Bàu, Ghềnh Ráng và trại phong Quy Hòa.

Cụ Trương Hồ, 82 tuổi, kể lại những kỷ niệm hồi nhỏ cụ nhìn thấy cố thi sĩ trong thời gian cố thi sĩ lánh bệnh tại nhà bà con ở xóm Bàu, Gò Bồi. Cụ và bọn trẻ ngày ấy bỏ đọc kinh tối để kéo nhau đi xem “ông phung” vì tò mò, sau này lớn lên cụ hiểu căn bệnh này là gì và đã xin lỗi cố thi sĩ và người thân về sự dại dột của tuổi thơ.

Trong đoàn có chị Nguyễn Hoàn Mỹ Lộc là ái nữ của tác giả Nguyễn Bá Tín, gọi nhà thơ Hàn Mạc Tử bằng bác, và chị Hoàng Kim Mỹ Phượng gọi nhà thơ bằng ông, là cháu ngoại người chị thứ ba của Hàn Mạc Tử là bà Như Nghĩa.

Đoàn hành hương cũng ghé thăm Gò Thị, mộ Thánh Anrê Kim Thông, nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu, đền Vĩnh Thạnh kính Thánh giám mục Stêphanô Thể và đài kỷ niệm Nước Mặn, cái nôi của chữ Quốc ngữ.

Cha Khánh cho biết Ban mục vụ văn hóa và truyền thông giáo phận Quy Nhơn đã phát động Giải viết văn đường trường mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng được rao giảng tại Quy Nhơn (1618-2018).

Cuộc thi, nhằm đào tạo cho Giáo hội những cây bút văn xuôi, giới hạn vào hai thể loại truyện ngắn và kịch bản.

Mừng 100 năm ngày sinh của Hàn Mạc Tử, Cha Khánh cũng phát hành bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo (bốn tập), tập hợp những bài thơ của 140 tác giả Công giáo và của Hàn Mạc Tử.

Hiện nay chỉ còn 106 tác giả còn sống.

Ngài nói bộ sưu tập được giới thiệu rộng rãi cho mọi người, nhất là người ngoài Công giáo và những ai quan tâm đến thơ ca Việt Nam như là cách chuyển tải các giá trị Tin Mừng cho họ qua thơ ca.

Ngài dự định sẽ tiếp tục sưu tập thơ ca của những tác giả Công giáo khác trong thời gian tới để phát hành nhằm gìn giữ kho tàng thơ ca Công giáo Việt Nam.

Tiểu sử Hàn Mạc Tử:

Hàn Mạc Tử tên thật Phanxicô Assisi Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912 tại giáo xứ Tam Tòa, tỉnh Quảng Bình.

Ông học tiểu học ở Quảng Ngãi 1924-1926 trước khi vào Quy Nhơn cùng mẹ, ông học trung học ở Huế năm 1928-1930 và lãnh Bí tích thêm sức tại nhà thờ Quy Nhơn (nay là tòa giám mục Quy Nhơn) năm 1933.

Sau khi vào Sài Gòn làm báo năm 1934, ông in tập Gái Quê năm 1936 và về Quy Nhơn chữa bệnh. Ông hoàn thành tập Thơ Điên năm 1938, và năm sau, sáng tác Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội.

Ông qua đời ngày 11-11-1940 tại Quy Hòa.

UCANVIETNAM

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa nhật 23-9-2012

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa nhật 23 tháng 9-2012

CASTEL GANDOLFO. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng ngàn tín hữu hành hương trưa chúa nhật 23 tháng 9-2012 tại Castel Gandolfo, ĐTC Biển Đức 16 đã kêu gọi các tín hữu luôn chống lại sự kiêu ngạo và thanh tẩy, trở về cùng Thiên Chúa.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài giải thích về bài Tin Mừng chúa nhật thứ 25 thường niên năm B và đặt đoạn này trong bối cảnh các đoạn Tin Mừng theo thánh Marco qua đó, trong cuộc hành trình cuối cùng lên thành Jerusalem, Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của ngài, và nhắn nhủ các môn đệ hãy có thái độ khiêm tốn, loại bỏ thái độ kiêu ngạo lo tìm chỗ nhất.. ĐTC nói:

Anh chị em thân mến,
Trong hành trình của chúng ta với Tin Mừng theo thánh Marco, chúa nhật tuần trước chúng ta đã đi vào phần hai, tức là hành trình cuối cùng của Chúa Giêsu hướng về thành Jerusalem và tiến đến tột đỉnh sứ mạng của Ngài. Sau khi thánh Phêrô, nhân danh các môn đệ khác, tuyên xưng niềm tin nơi Chúa, nhìn nhận Ngài là Đức Kitô (Xc Mc 8,29), Chúa Giêsu bắt đầu nói công khai về những gì sau cùng sẽ xảy ra cho Ngài. Thánh sử Tin Mừng lần lượt thuật lại 3 lời tiên báo về cái chết và sự sống lại của Chúa ở chương 8,9 và 10: qua những lời đó, Chúa Giêsu loan báo ngày càng rõ ràng vận mệnh đang chờ đợi Ngài và sự cần thiết nội tại của những điều ấy. Đoạn Tin Mừng chúa nhật hôm nay chứa đựng lời loan báo thứ hai. Chúa Giêsu nói: ”Con Người – một kiểu nói Ngài dùng để chỉ chính Ngài – sẽ bị giao nộp trong tay loài người và họ sẽ giết Người; nhưng một khi bị giết, Người sẽ sống lại sau 3 ngày” (Mc 9,31). Nhưng các môn đệ ”không hiểu những lời ấy và họ sợ không dám hỏi Ngài” (v.32).

Thực vậy, khi đọc phần trình thuật này của thánh Marco, người ta thấy rõ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ có một sự cách biệt nội tâm sâu xa; có thể nói là cả hai ở những tần số khác nhau, vì thế các bài diễn văn của Thầy không được các môn đệ hiểu hoặc chỉ được hiểu một cách hời hợt. Thánh Phêrô Tông Đồ, ngay sau khi biểu lộ niềm tin nơi Chúa Giêsu, đã dám trách cứ Chúa vì Người đã loan báo sẽ bị phủ nhận và giết chết. Sau lời loan báo thứ hai về cuộc khổ nạn, các môn đệ bắt đầu thảo luận xem ai là người lớn nhất trong số họ (Xc Mc 9,34) và sau lần loan báo thứ ba, Giacôbê và Gioan đã xin Chúa Giêsu cho được ngồi bên tả và bên hữu Ngài, khi Ngài ở trong vinh quang (Xc Mc 10,35-40). Nhưng cũng có những dấu hiệu khác cho thấy sự xa cách này: chẳng hạn, các môn đệ không chữa lành được một cậu bé bị bệnh động kinh, sau đó Chúa chữa cậu bé bằng sức mạnh của lời cầu nguyện (Xc Mc 9,14-29); hoặc khi các trẻ em được giới thiệu với Chúa Giêsu, các môn đệ đã khiển trách các em, trái lại Chúa Giêsu thịnh nộ, cho các em được ở lại, và khẳng định rằng chỉ có ai giống như các trẻ em, thì mới được vào Nước Thiên Chúa (Xc Mc 10,13-16).

ĐTC đặt câu hỏi: ”Tất cả những điều ấy nói gì với chúng ta? Những sự kiện ấy nhắc nhớ cho chúng ta rằng tiêu chuẩn hành động của Thiên Chúa luôn khác với tiêu chuẩn của chúng ta, như chính Thiên Chúa đã biểu lộ qua miệng ngôn sứ Isaia: ”Tư tưởng của Ta không phải như tư tưởng của các ngươi, con đường của các ngươi không phải là con đường của Ta” (Is 55,8). Vì thế, việc theo Chúa luôn đòi con người phải có sự hoán cải sâu xa, một sự thay đổi lối suy nghĩ và sống, đòi phải mở rộng con tim lắng nghe để được soi sáng và biến đổi trong nội tâm. Một điểm then chốt trong đó Thiên Chúa và con người khác biệt nhau, chính là sự kiêu ngạo: nơi Thiên Chúa không có sự kiêu ngạo, vì Ngài là sự sung mãn trọn vẹn và tất cả đều hướng và sự yêu thương và ban sự sống; trái lại nơi con người chúng ta, kiêu ngạo ăn rễ sâu và vì thế chúng ta phải luôn cảnh giác và thanh tẩy. Tuy là bé nhỏ, nhưng chúng ta lại khao khát được coi là cao cả, được chiếm chỗ nhất, trong khi Thiên Chúa không do dự hạ mình xuống, trở nên người rốt cùng.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúng ta hãy tín thác cầu khẩn Mẹ Maria, Mẹ là Đấng hoàn toàn sống hợp với Thiên Chúa, xin Mẹ dạy chúng ta trung thành theo Chúa Giêsu trên con đường yêu thương và khiêm tốn.

Sau khi ban phép lành cho mọi người, bằng tiếng Ý, ĐTC nhắc đến lễ phong chân phước cho cha Louis Brisson tại thành phố Troyes bên Pháp hôm thứ bẩy 22-9 vừa qua. Ngài nói: ”Cha Brisson sống vào thế kỷ 19, sáng lập hai dòng các nữ tu và nam tu Hiến sinh thánh Phanxicô đệ Salê. Tôi vui mừng hiệp ý cảm tạ Chúa với cộng đoàn giáo phận Troyes và tất cả các con cái thiêng liêng, nam và nữ, của vị Tân Chân Phước”.

Và như thường lệ ĐTC đã chào thăm các tín hữu hành hương bằng các thứ tiếng và đưa ra những lời nhắn nhủ ngắn. Bằng tiếng Pháp, ngài nói: ”Các tín hữu hành hương nói tiếng Pháp quí mến, tôi chân thành cám ơn anh chị em đã tháp tùng bằng lời cầu nguyện sự thành công tốt đẹp của Tông du của tôi tại Liban, và mở rộng đến toàn vùng Trung Đông. Xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho các tín hữu Kitô ở Trung Đông, cho hòa bình và cuộc đối thoại thanh thản giữa các tôn giáo. Hôm qua, tôi đã hiệp ý trong tinh thần với niềm vui của các tín hữu giáo phận Troyes, tập họp để tham dự lễ phong chân phước cho cha Louis Brisson, vị sáng lập dòng các hiến sinh, nam và nữ, của thánh Phanxicô đệ Salê. Ước gì tấm gương của vị chân phước mới soi sáng cuộc sống của anh chị em! Người đã nói: ”Tôi cần Thiên Chúa, đó là một sự đói khát dày vò tôi”. Giống như cha Brisson, anh chị em hãy học đói khát Thiên Chúa và không ngừng chạy đến cùng Chúa với niềm tín thác”.

ĐTC vui mừng chào đón các nữ tu từ nhiều quốc gia đến Học viện thừa sai Mẹ Giáo Hội (Mater Ecclesiae) ở Castel Gandolfo để theo học, trong đó có một số nữ tu Việt Nam. Ngài cầu chúc cho các chị được một năm huấn luyện và đời sống cộng đoàn trong thanh thản và được nhiều thành quả.

ĐTC cũng thân ái chào thăm các thành viên Liên đoàn toàn quốc các nông dân trực canh ở Italia, gọi là Coldiretti. Ngài nói: ”Các bạn thân mến, tôi đánh giá cao sự dấn thân của các bạn trong việc bảo tồn thiên nhiên và cám ơn anh chị em vì các món quà.”
Các nông dân này đã mang tặng ĐTC một số nông phẩm được sản xuất hợp với môi sinh, như khoai tím, cà tím, táo xám, cà chua, nho, v.v.

G. Trần Đức Anh OP
 

 

NGƯỜI LÀM LỚN

NGƯỜI LÀM LỚN

Trong xã hội loài người, ít ai chọn cái cực khổ, bần hàn, thấp kém. Người ta lo tranh giành cái sung sướng, lợi lộc, vinh hoa. Ai lại thèm khát chức quyền là vì mưu cầu lợi ích quốc gia ? Ai lại ra công tìm cho mình một chiếc ghế ông lớn vì mong muốn làm cho đất nước giàu mạnh ? Ai lại dùng đủ mọi xảo thuật gian tà tranh giành một địa vị quan trọng vì nghĩ đến chuyện ấm no hạnh phúc của toàn dân ?

Con số những người lãnh đạo đất nước giữ được lòng công chính may ra đếm được trên đầu ngón tay. Bởi vì, quyền lực và tài sản công của đất nước luôn cám dỗ đức công chính của người lãnh đạo. Điều đó càng hiển nhiên hơn trong những xã hội không muốn biết đến Thiên Chúa và Đức Công Chính của Người. Đức Công Chính của Thiên Chúa vẫn còn réo gọi trong lương tâm họ, nhưng họ không muốn nghe theo, vì nghe theo Đức Công Chính thì đành bỏ mất cơ hội kiếm chác – bất hợp pháp cách nào cũng làm cho thành hợp pháp !

Chuyện này không phải mới hôm nay, mà đã từ ngàn xa xưa trước, không chỉ ở đất nước này, mà là khắp nơi. Bất kỳ ai làm người cũng đều bị Satan cám dỗ thèm khát quyền lực, thèm khát bả vinh hoa phú quí. Nếu không chiến thắng nổi cơn cám dỗ ấy, có nghĩa là phải quy phục Satan, biến thành kẻ gian ác và làm theo lệnh của nó: chống lại, bức bách, hãm hại người công chính. Bởi vậy, sách Khôn Ngoan viết rằng: “Những kẻ gian ác nói: “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật” (Kn 2, 12 ).

Từ xưa đến nay, chuyện thanh trừng nhau giành chỗ ông lớn ngay trong một đảng phái chính trị không phải là hiếm hoi, nhưng lại là chuyện thường ngày như chuyện xử nhau của bọn giang hồ, dao búa, hoặc của những kẻ vô học, hoặc của những tên có chữ mà không có nghĩa ! Chuyện hãm hại nhau trên thương trường cũng nhan nhãn đến mức giết người không gớm tay. Tất cả đều bắt nguồn từ tham vọng bảo vệ và phát triển cái vốn liếng bất lương mà ma quỷ đã ban cho. Chuyện thanh trừng nhau bỗng rộ lên từ bí mật đến công khai vào những lúc tranh sáng tranh tối, lúc một mất một còn của một chính thể. Thật đáng quí, đáng kính nể những người có lương tâm ngay thẳng, có tiếng nói thật thà, có ước nguyện đả phá cái bất công và xây dựng sự công chính ngay trong những guồng máy gian tà. Họ bị trù dập, cách chức hoặc bi hãm hại, bị ám sát vì lẽ công chính. Họ là người công chính, chung số phận với Chúa Giê-su như sách khôn khoan đã nói: “Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó” (Kn 2, 19 – 20).

Từ chuyện làm lớn trong xã hội, đến chuyện làm lớn trong làng xóm, trong gia đình cũng không khác là bao. Ai làm ông thôn, ông xóm, ai có tiền hơn, giàu có hơn, là có quyền thế hơn, “miệng có gang có thép” hơn, được nể nả hơn và có thể xem người khác chẳng ra gì. Vợ chồng tranh nhau quyền làm chủ gia đình. Ai làm ra kinh tế thì mặc nhiên có quyền bính hơn, coi thường lấn lướt người kia. Cả con cái, đến lúc ổn định cuộc sống rồi, khấm khá rồi, nên ông kia, nên bà nọ rồi, nhìn cha mẹ già như một gánh nặng, một món nợ đời. Ai phục vụ ai ?

Có vẻ như người ta đang đánh mất dần ý nghĩa “Phục Vụ” nhau, mất dần “Đức Công Chính” trong cuộc sống hôm nay, từ trong gia đình đến xã hội, thậm chí cả trong các sinh hoạt của Giáo Hội !

Chúa Giêsu đến trong xã hội loài người để tái lập một nền Công Chính của Nước Thiên Chúa bằng việc Thiên Chúa nêu gương phục vụ cho con người, để con người biết phục vụ nhau cách trân trọng nhất.

Trong trang Tin Mừng hôm nay, các môn đệ, những người gần gũi nhất với Chúa Giêsu cũng không hiểu ý định yêu thương, khiêm tốn phục vụ, sống vì hạnh phúc tha nhân của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Những tưởng, theo ông Giêsu tài phép này chắc chắn cũng sẽ tìm được một chỗ đứng, một vị trí trên hàng chóp đỉnh quyền lực và danh vọng của đất nước Do Thái. Bởi vậy mới có chuyện họ tranh luận với nhau xem ai cao trọng hơn ai, ai làm lớn hơn ai, ai sẽ vào bộ chính trị, ai giữ bộ tài chính, ai nắm ngoại thương… Nhưng không ngờ Chúa Giêsu cảnh tỉnh họ hãy bỏ ngay cái ý tưởng ám muội của loài người ấy đi, vì đối với Thiên Chúa thì: “Ai muốn làm lớn nhất, hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (Mc 9, 35).

Chúa Giêsu đã dạy như thế và đã sống trọn cuộc đời như thế. Người đời, dùng chân lý này làm chiêu bài lừa bịp với khẩu hiệu rằng: “Lãnh đạo là đầy tớ nhân dân”, “Cán bộ là đầy tớ nhân dân”. Nói như thế, nhưng chẳng bao giờ làm như thế. Ai đầy tớ ai ? Ai phục vụ ai ?

Còn chúng ta thì sao ?

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” hẳn phải là kim chỉ nam cho tất cả mọi tín hữu trong đời sống Đức Tin và đời sống Giáo Hội, là kim chỉ nam cho mọi thành phần trong Giáo Hội. Trong chuyến viếng thăm Liban ngày 16-9-2012 vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêdictô 16 nói: “Một đòi hỏi khẩn thiết đối với Giáo Hội là phục vụ và, đối với các tín hữu Kitô, là phải trở thành những người phục vụ đích thực theo hình ảnh Chúa Giêsu. Phục vụ là một yếu tố nền tảng trong căn tính các môn đệ của Chúa Kitô (Xc Ga 13,15-17)

Những con người bị cho là cùng đinh, thấp bé nhất dưới cái nhìn xã hội không thể cũng bị xem là cùng đinh thấp bé nhất dưới cái nhìn của Giáo Hội. Giáo Hội của Chúa Kitô nhìn loài người, nhìn vạn vật với con mắt Chúa Kitô. Bao lâu trong Giáo Hội chúng ta, kẻ bề trên bề dưới, nhìn nhau với con mắt xác thịt loài người, con mắt cao, con mắt thấp, thì bấy lâu, chưa thực sự là Giáo Hội Chúa Kitô. Tiếng nói của Dân Chúa chưa hẳn là tiếng nói của những người đại diện Dân Chúa, nếu những người đại diện ấy chưa muốn lắng nghe, chưa ghi nhận tiếng nói của những kẻ cùng đinh, thấp bé nhất, ít học nhất trong Giáo Hội để quan tâm đáp ứng.

Là Tín Hữu Chúa Giêsu, là môn đệ Chúa Giêsu hẳn phải là người chung số phận với Chúa Giêsu: số phận của người công chính, số phận của những đầy tớ phục vụ anh em, số phận những người nhẫn nai chịu nhục mạ, chịu kết án, chịu đóng đinh và chịu chết vì sự Công Chính của Nước Thiên Chúa. Như vậy, số phận của Kitô hữu đã đành rành: được sinh ra, sống yêu thương phục vụ mọi người, làm chứng cho Đức Công Chính của Thiên Chúa, cùng chết với Đức Kitô, cùng sống lại với Người.

Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần gìn giữ chúng ta đừng bị vướng vào bẫy của Satan, để rồi tranh nhau cao thấp mà quên việc chính của chúng ta ở đời là phục vụ cách trân trọng nhất. Đừng vì muốn làm ông lớn mà “ganh tị và cãi vã, sinh ra hỗn độn và đủ thứ tệ đoan”, nhưng hãy làm người phục vụ như Chúa Giêsu đã yêu thương khiêm tốn phục vụ. Thánh Giacôbê nói, đó là “sự khôn ngoan từ Trời xuống, trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình” (Gc 3, 16 – 4, 3).

Lạy Chúa, xin cho Lời Ngài thức tỉnh những ai đang tranh giành quyền lực biết theo gương Ngài mà phục vụ nhân loại các chân thành. Xin cho mọi người trong Giáo Hội biết phục vụ nhau cách trân trọng nhất, nhất là đối với những người thấp bé cùng đinh. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng

 

Cuốn sách thứ ba của Đức Thánh Cha sẽ xuất bản trước Giáng Sinh

Cuốn sách thứ ba của Đức Thánh Cha sẽ xuất bản trước Giáng Sinh

VATICAN. Cuốn thứ 3 và là cuốn cuối cùng trong bộ sách của ĐTC Biển Đức 16 về Đức Giêsu Thành Nazareth sẽ được xuất bản trước lễ Giáng Sinh tới đây.

Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết hôm 21-9-2012, Nhà Xuất Bản Vatican và Nhà Xuất Bản Rizzoli của Italia đã ký hợp đồng về việc xuất bản cuốn sách của ĐTC Biển Đức 16 về thời thơ ấu của Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng.

Nhà Xuất bản Vatican ủy thác cho nhà xuất bản Rizzoli việc bán tác quyền tác phẩm này trên toàn thế giới.

Tại Italia, cuốn thứ 3 này sẽ được bán tại tất cả các hiệu sách trước lễ Giáng Sinh và mang tên hai nhà xuất bản Vatican và Rizzoli.

Cùng với ấn bản tiếng Ý, Ấn bản tiếng Đức sẽ được nhà Herder xuất bản, đây là nhà xuất đã từng ấn hành từ trước đến nay các sách của ĐHY Joseph Ratzinger.

Ấn bản các tiếng khác đang được tiến hành. Tựa đề chung kết cuốn sách thứ 3 trong bộ sách của ĐTC chưa được công bố.

Cuốn thứ I Bộ sách 3 cuốn của ĐTC: Đức Giêsu thành Nazareth: từ lúc chịu phép rửa tại sông Giordan đến biến cố hiển dung” được ấn hành vào năm 2007; cuốn thứ hai hồi năm 2011 với tựa đề ”Đức Giêsu thành Nazareth. Từ lúc vào thành Jerusalem cho đến khi sống lại” (SD 21-9-2012).


G. Trần Đức Anh OP

Lễ Giỗ Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận tại trung tâm Công Giáo Santa Ana, California

Lễ Giỗ Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận tại trung tâm Công Giáo Santa Ana, California

Santa Ana (Bình Sa)- – Vào lúc 6 giờ chiều Thứ Sáu ngày 14 tháng 9 năm 2012 tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, GP. Orange tọa lạc tại số 1538 Century Blvd, Santa Ana CA.92703. Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange và Cardinal Nguyen Van Thuan Foundation đã tổ chức lễ giỗ lần thứ 10 Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, lễ giỗ do Đức Giám Mục Đa Minh Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange chủ tế thánh lễ và thuyết giảng cùng10 vị Linh mục và 2 thầy Phó Tế đồng tế với Đức Giám Mục. Hơn 500 giáo dân, trong đó có Ban Chấp Hành Cộng Đồng và Ban Chấp Hành 15 Cộng đoàn Công giáo VN tại GP. Orange với một số nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá LA.

Trước khi Thánh lễ bắt đầu, nhà văn Quyên Di, một người rất thân cận với Đức cố Hồng Y  lên chia sẻ về "Linh Đạo Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, một Linh Đạo "Vui Mừng và Hy Vọng – Nhân Ái và Tha Thứ". GS. Quyên Di cũng nhắc lại một số nét đặc biệt về cuộc sống giản dị của Đức cố Hồng Y, mặc dù khi đang đảm nhận vai trò quan trọng trong Giáo triều Roma (Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý Hòa Bình), Ngài vẫn sống đơn sơ, khi cần, tự tay nấu ăn đãi khách và luôn luôn phó thác vào Thiên Chúa và Mẹ Maria La Vang. Gia sản Linh đạo của ngài thể hiện mẫu gương hoàn hảo: "Tín thác – Phục vụ – Yêu thương – Vị tha" Trong một hành trình không ngơi nghỉ đó là "Đường Hy Vọng".

Lễ giỗ lần thứ 10 Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận.

Sau lời chia sẻ của GS. Quyên Di, ông Nguyễn Văn Nghi lên hướng dẫn Giờ Khấn Đức Mẹ La Vang qua tâm tình của ĐHY. Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận. Tiếp theo, Ban tế lễ lên dâng hương trước bàn thờ có đặt di ảnh Đức cố Hồng Y.

Ông Nguyễn Hoàng Vinh   thay mặt Ban Tổ Chức nói lời mở đầu trước khi Đức Giám Mục và Linh Mục đoàn tiến lên bàn thờ: "Đức HY Phanxico Nguyễn Văn Thuận Ngài được Chúa gọi về; nhìn vào  đời sống của Ngài, Ngài  như một hạt lúa mà Thiên Chúa đã gieo vào lòng đất để rồi chịu biết bao mưa nắng dập vùi, chịu sức mạnh những cơn lốc vật vã, rét buốt thấu da, Ngài đã trải qua những vất vả khó khăn nhất trong đời để rồi như hạt lúa cũ mục nát đi, mặc lấy đời sống mới của cây lúa để rồi trổ sinh muôn vàn bông hạt khác tươi mới, đẹp đẽ…

Tưởng nhớ công ơn Ngài, trong Thánh lễ này, chúng ta hãy noi gương Ngài, biết chấp nhận tất cả,biết tha thứ tất cả, biết yêu mến tất cả. Tất cả mọi sự và mọi người đang ở trong đời, dù gây nên đau khổ cho ta đều là món quà Chúa gửi ban. Tất cả đều là hồng ân của Chúa. Trong tâm tình yêu mến Đức Hồng Y Phanxico, chúng ta hiệp lòng cùng Đức Giám Mục và quý Linh Mục dâng thánh lễ, xin Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta hãy sống cuộc sống thánh thiện và yêu thương, tha thứ theo gương Đức Cố Hồng Y."

Lễ giỗ lần thứ 10 Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận.

Trong bài giảng, Đức Giám Mục Mai Thanh Lương nói: "Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội vũ hoàn mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Kito. Như tôi nói trong đầu lễ, đây không phải là sự tình cờ mà là sự an bài của Thiên Chúa, tại vì cuộc sống của Đức Hồng Y là tin tưởng Thánh Giá Chúa Kitô. Thánh Phaolo Tông Đồ trong thư thứ nhất gửi cho tín hữu Corinto có rất nhiều đoạn nói về Thánh Giá. Nhưng tôi xin trích một vài câu rất là ý nghĩa và rất phù hợp với đời sống của Đức Hồng Y. Thánh nhân nói "Người Roma tìm dấu lạ, người Hy Lạp tìm sự khôn ngoan còn chúng tôi tìm Chúa Kito đóng đinh trên Thập Giá. Ngài là quyền năng và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Câu nói đó, thưa qúy ông bà anh chị em có thể áp dụng từng chữ một vào cuộc sống của Đức Cố Hồng Y. Hôm nay chúng ta dâng thánh lễ với Ngài, và nhất là cầu nguyện cho việc phong Á Thánh của Ngài sớm được thực hiện…" Sau đó, Đức GM. Mai Thanh Lương kể lại một số câu chuyện xẩy ra giữa ngài và đức cố Hồng Y tại Roma cũng như tại Hoa Kỳ cho thấy con người hết sức đặc biệt, thánh thiện, hồn nhiên và luôn hy vọng. Đức GM cũng nhắc đến cuốn "Đường Hy Vọng" do Đức cố Hồng Y viết và Ngài ao ước tương lai mọi giáo dân được nhận "Free" Sau cùng ông Nguyễn Văn Liêm, Chủ Tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam lên cám ơn Đức Giám Mục, quý Linh Mục, Phó Tế, nam nữ tu sĩ, ca đoàn cùng tòan thể tín hữu đã đến tham dự lễ giỗ cho Đức cố Hồng Y. Sau thánh lễ, ông mời mọi người đến dự buổi tiệc gây quỹ tại nhà hàng Seafood Palace ở 6731 Westminster Blvd, Westminster,  yểm trợ việc phong Chân Phước cho đức Cố Hồng Y.

Đức cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận sinh ngày 17.4.1928 tại Phủ Cam, Huế. Gia nhập Tiểu Chủng viện An Ninh tại Quảng Trị năm 1940. Thụ phong Linh Mục ngày 11.6.1953. Tiến sĩ Giáo Luật, Giám Đốc Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện, Huế, Tổng Đại diện GP. Huế năm 1964. Ngày 24.6.1964 được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục tiên khởi GP. Nha Trang với khẩu hiệu "Vui Mừng và Hy Vọng". Ngày 23.4.1975 được cử làm Tổng Giám Mục Phó với quyền kế vị Tổng GP. Saigon. Ngày 15.8.1975 bị  nhà cầm quyền CS bắt đi tù biệt giam 13 năm không bản án. Năm 1991 xin qua Roma chữa bệnh. Bị Cộng sản VN từ chối không cho trở về nước. Ngày 24.11.1994 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II cử làm Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý Hòa Bình. Ngày 24.6.1998 được cử làm Chủ Tịch Ủy Ban này. Ngày 21.2.2001 nhận mũ Hồng Y do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo Đệ II trao. Năm 2002 lâm trọng bệnh và qua đời ngày 16.9.2002 tại Roma. Ngày 16.9.2007 được Giáo Hội tôn phong lên hàng "Tôi Tớ Chúa" và ngày 22.10.2010 Roma khởi sự Án Phong Chân Phước cho đức cố Hồng Y Phanxico Nguyễn Văn Thuận.

Nguồn: Việt Báo

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Beirut, Liban

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Beirut, Liban

BEIRUT. Trong thánh lễ trước hàng trăm ngàn tín hữu sáng chúa nhật 16 tháng 9-2012 tại thủ đô Beirut, ĐTC đã kêu gọi quốc tế, nhất là các nước Arập giúp tìm một giải pháp hòa bình cho chiến cuộc tại Siria.

Khi vực hành lễ gọi là Waterfront, bờ biển, tọa lạc giữa bến tàu du lịch và trung tâm thành phố Beirut. Cũng tại nơi đây, Đức Chân Phước Gioan Phaolô 2 đã cử hành thánh lễ cho hàng trăm ngàn tín hữu vào ngày 11-5 cách đây 15 năm. Tại đây có bố trí nhiều màn hình khổng lồ để các tín hữu có thể tham dự thánh lễ, dù ở xa lễ đài.

Đến nơi vào lúc 10 giờ, ĐTC đã được ông đô trưởng Beirut đón tiếp và trao tặng ngài chía khóa thành phố. Ngài dùng xe bọc kính tiến qua các lối đi để chào thăm hàng trăm ngàn tín hữu hiện diện. Số người được ước lượng từ 400 đến 500 ngàn người, mặc dù thoạt đầu ban tổ chức chỉ hy vọng có khoảng 75 ngàn người đến dự lễ.
Tại đây cũng có tổng thống Michel Sleiman và Phu nhân, cùng với nhiều vị lãnh đạo trong chính quyền. Nhiều phái đoàn tín hữu từ các nước Trung Đông cũng đến đây tham dự thánh lễ cùng với các vị chủ chăn liên hệ dưới bầu trời nắng. Cha Shamir Khalil Shamir dòng Tên, nhận định rằng đây là buổi lễ đông đảo chưa từng có tại Liban.
Đồng tế với ĐTC có 300 GM Trung Đông và hàng trăm LM trong áo chùng thâm với giây stola màu trắng ngồi trước lễ đài.

Đầu thánh lễ, Đức Thượng Phụ Béchara Rai, Giáo Chủ Công Giáo Maronit, đã đại diện mọi người chào mừng và gọi cuộc viếng thăm của ĐTC là một biến cố diễn ra dưới dấu hiệu hòa bình, một nền hòa bình mà mọi người mong ước, nhất là tại Trung Đông này. Đức Thượng Phụ cũng gọi Thượng HĐGM Trung Đông với Tông Huấn sau đó dẫn đưa Giáo Hội tại đây vào một ”Mùa xuân tinh thần của Kitô giáo”, như báo trước và chuẩn bị cho Mùa xuân Arập mà mọi người mong ước.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng kể lại việc Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: Người ta bảo Thầy là ai? và thánh Phêrô đã tuyên xưng ”Thầy là Đức Kitô”. Và Chúa loan báo trước việc ngài sẽ chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại. Chúa đã khiển tránh Phêrô vì đã chống lại ý định này của Chúa. ĐTC cũng mời gọi toàn thể Giáo hội và từng tín hữu hãy dấn thân phục vụ hòa bình và hòa giải. Ngài nói:

”Bước theo Chúa Giêsu là vác thập giá của mình để tháp tùng Chúa trên con đường của Ngài, một con đường cam go, không phải là con đường của quyền lực hoặc vinh quang trần thế, nhưng là con đường nhất thiết dẫn tới sự từ bỏ bản thân, mất mạng sống mình vì Chúa Kitô và Tin Mừng, để cứu mạng sống ấy. Vì chúng ta được cam kết rằng con đường ấy dẫn đến sự phục sinh, đến sự sống đích thực và chung kết với Thiên Chúa. Quyết định tháp tùng Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã trở nên người Tôi Tớ của người, đòi phải sống ngày càng thân mật hơn với Ngài, chăm chú lắng nghe Lời Ngài để kín múc sự soi sáng cho các hành động của chúng ta. Khi tuyên bố Năm Đức Tin sẽ bắt đầu vào ngày 11-10 tới đây, tôi đã muốn rằng mỗi tín hữu có thể dấn thân một cách mới mẻ trên con đường hoán cải tâm hồn. Vì thế, trọn năm Đức Tin, tôi nồng nhiệt khuyến khích anh chị em hãy đào sâu suy tư về đức tin để làm cho đức tin có ý thức hơn để củng cố lòng gắn bó của anh chị em với Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người”.
Anh chị em thân mến, con đường mà Chúa Giêsu muốn dẫn chúng ta đi là con đường hy vọng cho tất cả mọi người. Vinh quang của Chúa Kitô được tỏ hiện chính vào lúc mà, trong nhân tính, Ngài tỏ ra yếu đuối nhất, đặc biệt là khi nhập thể và trên thập giá. Chính qua đó Thiên Chúa biểu lộ tình thương của ngài, khi trở nên người tôi tớ, khi hiến thân cho chúng ta. Đó chẳng phải là một mầu nhiệm lạ thường, nhiều khi khó chấp nhận sao? Chính thánh Phêrô cũng chỉ hiểu được điều đó về sau.

Dấn thân cho công lý và hòa bình

ĐTC cũng nhắc đến bài đọc thứ hai trích từ thư thánh Giacôbê, theo đó việc theo Chúa Giêsu đòi phải có những hành động cụ thể ”vì qua các hành vi tôi chứng tỏ cho bạn đức tin của tôi” (Gc 2,18). Từ đó ĐTC khẳng định rằng:
”Một đòi hỏi khẩn thiết đối với Giáo Hội là phục vụ và, đối với các tín hữu Kitô, là phải trở thành những người phục vụ đích thực theo hình ảnh Chúa Giêsu. Phục vụ là một yếu tố nền tảng trong căn tính các môn đệ của Chúa Kitô (Xc Ga 13,15-17). Ơn gọi của Giáo Hội và của Kitô hữu là phục vụ, như chính Chúa đã làm, một cách nhưng không và cho tất cả mọi người, không phân biệt ai. Vì thế, phục vụ công lý và hòa bình, trong một thế giới không ngừng gia tăng chết chóc và tàn phá, là một điều cấp thiết để dấn thân cho một xã hội huynh đệ hơn, để kiến tạo tình hiệp thông!

”Anh chị em thân mến, tôi đặc biệt cầu xin Chúa ban cho vùng Trung Đông những người phục vụ hòa bình và hòa giải để tất cả mọi người có thể sống an bình và trong phẩm giá. Đó là một chứng tá thiết yếu mà các tín hữu Kitô phải làm ở đây, trong sự cộng tác với tất cả mọi người thiện chí. Tôi kêu gọi tất cả anh chị em hãy hoạt động cho hòa bình. Mỗi người theo cấp độ và tại nơi mình đang sống.

”Việc phục vụ cũng phải ở trọng tâm đời sống của chính cộng đoàn Kitô. Mọi thừa tác vụ, mọi trách vụ trong Giáo Hội, trước tiên là phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình! Chính tinh thần ấy phải linh hoạt mọi tín hữu đối với nhau, nhất là qua sự dấn thân thực sự nâng đỡ những người nghèo nhất, những người bị gạt ra ngoài lề, những người đau khổ, để phẩm giá bất khả nhượng của mỗi người được bảo tồn”.

”Anh chị em là những người đang chịu đau khổ trong thân xác hoặc trong tâm hồn, sự đau khổ của anh chị em không phải là vô ích! Chúa Kitô người tôi tớ đã trở nên gần gũi mọi người đau khổ. Người hiện diện cạnh anh chị em. Ước gì anh chị em tìm được trên đường những người anh em, chị em, biểu lộ cụ thể sự hiện diện yêu thương của Chúa, không thể bỏ rơi anh chị em! Anh chị em hãy tràn đầy hy vọng vì Chúa Kitô!
”Và tất cả anh chị em là những người đến dự thánh lễ này, hãy cố gắng ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Đấng đã trở nên người tôi tớ của mọi người để thế giới được sống. Xin Thiên Chúa chúc lành cho Liban, chúc lành cho tất cả mọi dân tộc tại vùng Trung Đông yêu quí và ban cho miền này được ơn an bình của Chúa.

Phần lời nguyện giáo dân được xướng lên bằng nhiều thứ tiếng: Pháp, Arập, Anh, Arméni và Hy lạp, cầu cho ĐTC, cho các tín hữu, các nhu cầu của Giáo Hội, nhất là công lý, hòa bình và sự hòa giải.

Trao Tông Huấn

Cuối thánh lễ, Đức TGM Nikola Eterovic, Tổng thư ký Thượng HĐGM, đã cảm ơn ĐTC và xin ngài trao Tông Huấn cho các vị Thượng Phụ Công Giáo Đông Phương, cùng với các vị Chủ tịch HĐGM Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, Chủ tịch HĐGM Bắc Phi, và hàng chục đại diện giáo dân nam nữ.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC cám ơn tất cả các nghị phụ đã góp phần vào Thượng HĐGM Trung Đông với chủ đề ”Giáo Hội Công Giáo tại Trung Đông: hiệp thông và chứng tá. Đông đảo những người trở thành tín hữu đồng tâm hiệp ý với nhau” (Cv 4,32). Ngài nói:

”Với việc trao Tông Huấn này, bắt đầu công việc học hỏi và hấp thụ của tất cả mọi người giữ vai chính trong Giáo Hội, các vị mục tử, những người thánh hiến và giáo dân, để mỗi người tìm được niềm vui mới mẻ theo đuổi sứ mạng của mình, được khích lệ và củng cố để thi hành sứ điệp hiệp thông và chứng tá, theo những khía cạnh khác nhau: nhân bản, đạo lý, Giáo Hội, linh đạo và mục vụ được trình bày trong Tông Huấn này. Tôi cầu chúc Tông Huấn là cuốn chỉ nam để tiến bước trên những nẻo đường đa dạng và phức tạp mà Chúa Kitô đã đi trước anh chị em.”

ĐTC cũng cầu chúc cho Giáo Hội tại Trung Đông tiến bước theo cha ông của mình trong đức tin, những người đã mở ra con đường của nhân loại đáp lại mạc khải của Thiên Chúa qua sự kiên trì và trung thành của các ngài. Ngài mời gọi Giáo Hội tại đây tìm được trong sự khác biệt huy hoàng của các thánh đã tươi nở tại đây những tấm gương và những vị chuyển cầu, soi sáng cho Giáo Hội địa phương đáp lại tiếng gọi của Chúa tiến bước về Jerusalem thiên quốc, nơi Chúa sẽ lau sạch mọi nước mắt của chúng ta (Kh 21,4).

Kinh Truyền Tin và kêu gọi hòa bình cho Siria

Sau khi trao bản Tông Huấn cho các vị Đại diện hàng giáo phẩm và giáo dân, ĐTC đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin, dâng lên Đức Mẹ Liban vốn được cả các tín hữu Kitô và Hồi giáo tôn kính. Ngài nói:

”Chúng ta hãy cầu xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta với Chúa Con, đặc biệt là cho dân chúng tại Siria và các nước láng giềng đang cầu khẩn ơn hòa bình. Anh chị em biết rõ thảm trạng xung đột và bạo lực đang gây ra bao nhiêu đau khổ. Đáng tiếc thay tiếng súng đạn vẫn tiếp tục, cũng như tiếng kêu của các góa phụ và cô nhi! Bạo lực và oán thù xâm chiếm cuộc sống, và các phụ nữ, trẻ em là những nạn nhân đầu tiên. Tại sao bao nhiêu kinh hoàng như thế? Tại sao bao nhiêu chết chóc như vậy? Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế! Tôi kêu gọi các nước Arập, trong tư cách là các nước anh em, hãy đề nghị những giải pháp có thể thi hành được, tôn trọng phẩm giá của mỗi người, các quyền và tôn giáo của họ! Ai muốn kiến tạo hòa bình thì phải ngưng coi tha nhân như một sự ác phải loại trừ. Thật không dễ coi người khác như một người cần tôn trọng và yêu thương, nhưng phải làm như thế nếu ta muốn kiến tạo hòa bình, nếu muốn tình huynh đệ (Xc 1 Ga 2,10-11; a Pr 3,8-12). Xin Chúa ban cho đất nước của anh chị em, cho Siria và Trung Đông hồng ân an bình của các tâm hồn, cho tiếng súng đạn im bặt và chấm dứt mọi bạo lực! Ước gì con người hiểu rằng mọi người là anh chị em với nhau! Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, hiểu những lo âu và nhu cầu của chúng ta. Cùng với các vị Thượng Phụ và GM hiện diện, tôi đặt Trung Đông dưới sự bảo vệ từ mẫu (Xc Prop.44). Với ơn phù trợ của Chúa, ước gì chúng ta có thể hăng say làm việc cho sự thiết lập hòa bình cần thiết cho một cuộc sống hòa hợp giữa anh chị em với nhau, bất luận họ thuộc gốc gác và theo xác tín tôn giáo nào.
Thánh lễ kết thúc lúc qua 12 giờ trưa, giờ địa phương, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Harissa cách đó 30 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

G. Trần Đức Anh OP