ĐỨC HỒNG Y TỔNG TRƯỞNG BỘ CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG PHÊ BÌNH CÁC BẠO LỰC CHỐNG CÁC TÍN HỮU KITÔ BÊN AI CẬP

ĐỨC HỒNG Y TỔNG TRƯỞNG BỘ CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG PHÊ BÌNH CÁC BẠO LỰC CHỐNG CÁC TÍN HỮU KITÔ BÊN AI CẬP

VATICAN: Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông Phương, đã mạnh mẽ phản đối các vụ bạo lực chống lại các tín hữu Kitô bên Ai Cập, và mời gọi cầu nguyện cho các anh chị em này đang là nạn nhân của những bạo lực không thể chấp nhận được.

Đức Hồng Y đã đưa ra lời phản đối và kêu gọi trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng ngày 20-8-2013. Đức Hồng Y nói qua đối thoại và hòa giải có thể tìm ra giải pháp cho tình trạng kinh khủng tại Ai Cập hiện nay. Tất cả các vụ cướp bóc và tàn phá các nhà thờ Kitô do các nhóm hồi cuồng tín chủ mưu đều là các vi phạm trầm trọng chống lại thiểu số Kitô giáo. Sự tái sinh của đất nước Ai Cập phải được thực hiện trong sự tôn trọng bản vị con người, tất cả mọi tôn giáo và quyền tự do tôn giáo. Tôn giáo và niềm tin không thể biến thành chiến tranh và bạo lực được. Người ta sẽ không thể nào dùng sức mạnh, bạo lực hay khủng bố phá hoại hoặc quyền lực quân đội để giải quyết các vấn đề nền tảng của lòng tin.

Đức Hồng Y Sandri cũng bầy tỏ tình liên đới và gửi lời chào thăm huynh đệ tới Đức Thượng Phụ Tawadros II của Giáo Hội chính thống Ai Cập và Đức Thượng phụ Naguib của Giáo Hội công giáo Copte (RG 19-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP CHÚC MỪNG DÂN NƯỚC HUNGARI

ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP CHÚC MỪNG DÂN NƯỚC HUNGARI

VATICAN: Nhân lễ thánh vương Stefano của nước Hungari ngày 20-8 Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp chúc mừng tới tổng thống Janos Aeder, và ngài cầu mong cho dân nước Hungari duy trì được gia tài tinh thần cao qúy do thánh vương để lại.

Ngày 20-8 năm 1083 vua Stefano, người thành lập và là vị vua đầu tiên của Nước Hungari, đã được Đức Giáo Hoàng Gregorio VII tôn phong hiển thánh. Đây cũng là ngày thánh Stefano lên ngôi và là ngày di dời xác thánh nhân về Budapest. Thánh tích quan trọng nhất là xương cánh tay của thánh vương được rước kiệu trọng thể ngày 20 tháng 8 hàng năm. Trong thời đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, thánh tích đã bị mất tích, và sau nhiều thế kỷ được tìm thấy tại Ragusa, và đem về Hungari nhờ sự can thiệp của hoàng hậu Terexa, rồi sau đó được giữ trong Vương cung thánh đường thánh Stefano trong thủ đô Budapest. Cuộc rước kiệu năm nay 2013 đã do Đức Hồng Y Péter Erdoe Tổng Giám Mục Esztergom Budapest, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hungari, chủ sự (SD 20-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

CÁC GIÁM MỤC BOLIVIA PHẢN ĐỐI DỰ LUẬT CHO PHÉP PHÁ THAI

CÁC GIÁM MỤC BOLIVIA PHẢN ĐỐI DỰ LUẬT CHO PHÉP PHÁ THAI

LA PAZ: Hội Đồng Giám Mục Bolivia vừa trao một tài liệu cho Tòa Bảo Hiến nước này, trong đó, các Giám Mục cương quyết nói không với dự luật cho phép phá thai và yêu cầu thăng tiến quyền sống.

Tài liệu của Hội Đồng Giám Mục Bolivia được công bố trong tư cách thiện chí, để góp ý kiến về các khía cạnh luật pháp giúp Tòa Bảo Hiến quyết định về đề nghị của bà nghị sĩ Patricia Mancilla yêu cầu tòa tuyên bố 13 điều khoản trong bộ luật dân sự là bất hợp hiến để có thể cho phép tự do phá thai. Tài liệu của Hội Đồng Giám Mục Bolivia khẳng định rằng ”không có lý do thực tiễn nào chứng minh tính chất bất hợp hiến của các điều khoản nói trên, trong khi có nhiều quy chế quốc gia cũng như quốc tế quyết tâm bảo vệ mọi sự sống. Quyền sống là quyền của tất cả mọi người, không trừ ai, ngay từ khi mới thụ thai trong lòng mẹ. Chính vì thế, theo quan niệm chính trị xã hội, y khoa và khoa học, văn hóa, gia đình, luật pháp, cũng như dưới ánh sáng Đức Tin công giáo, không có một lý do nào có thể biện minh cho việc sát hại một người, nhất là khi đây là một người yếu đuối không thể tự vệ. Chính vì thế, Giáo Hội Công Giáo luôn quyết tâm thực thi ơn gọi thánh thiêng của mình là thăng tiến sự sống con người và chấp nhận bảo vệ toàn vẹn quyền được sống. (SD 17-08-2013)

Mai Anh – Vatican Radio

CÁC GIÁM MỤC ẤN ĐỘ KÊU GỌI ĐẨY MẠNH SỨ ĐIỆP CÔNG LÝ XÃ HỘI TẠI ẤN VÀ NÓI KHÔNG VỚI CUỘC CHẠY ĐUA VŨ TRANG

CÁC GIÁM MỤC ẤN ĐỘ KÊU GỌI ĐẨY MẠNH SỨ ĐIỆP CÔNG LÝ XÃ HỘI TẠI ẤN VÀ NÓI KHÔNG VỚI CUỘC CHẠY ĐUA VŨ TRANG

NEW DELHI: Trong sứ điệp gửi cho tín hữu toàn nước nhân ”Ngày cho Công lý” 18-8-2013, Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ mời gọi đẩy mạnh sứ điệp công lý xã hội, khước từ chạy đua vũ trang, và tái đào sâu thông điệp Hòa Bình dưới thế của Đức Gioan XXIII nhân kỷ niện 50 năm ban hành.

Trong sứ điệp, Ủy ban Công lý, hòa bình và phát triển của Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ mời gọi tín hữu Ấn hãy hướng mọi hoạt động của họ theo các giá trị căn bản được nêu lên trong thông điếp Hòa Bình dưới thế, đó là chân lý, công lý, tình yêu và tự do. Sứ điệp viết: Thông điệp Hòa Bình dưới thế đề cao một linh đạo mới và một nền văn hóa hòa bình, khởi đầu từ việc nhìn nhận phẩm giá con người và từ sự tôn trọng tất cả các quyền con người trong mọi quan hệ nhân bản. Nguyên tắc này cần được khẩn cấp áp dụng trong các môi trường xã hội Ấn Độ, cùng với đối thoại như phương thế giải quyết mọi tranh chấp.

Tài liệu của Hội Đồng Giám Mục Ấn còn nhắc lại nhiều đoạn trong thông điệp kêu gọi tài giảm vũ khí và khẳng định rằng: Những đường hướng vừa nói có ý nghĩa đặc biệt trong thực tại Ấn Độ ngày nay. Ấn Độ hiện là quốc gia nhập cảng nhiều vũ khí nhất thế giới và là một trong số 24 nước không ký vào thỏa ước Liên Hiệp Quốc về tài giảm vũ khí quốc tế dạo tháng 4 năm 2013.

Đây là lần thứ 30 ngày cho nền công lý được cử hành tại Ấn Độ, thường là vào Chúa Nhật sau lễ quốc khánh của Ấn 15 tháng 8. Ngày này nhắm mục đích thức khơi dậy ý thức của mọi người và của các cơ cấu trước các thực tại xã hội và đáp trả các đòi hỏi công lý. (FIDES 19-08-2013)

Mai Anh – Vatican Radio

NGÀY GIÁO LÝ VIÊN CỦA GIÁO HỘI BRAZIL

NGÀY GIÁO LÝ VIÊN CỦA GIÁO HỘI BRAZIL

BRASÍLIA: Chúa nhật 25-8-2013, Giáo Hội Brazil sẽ cử hành Ngày Giáo Lý viên trong mọi giáo phận toàn nưởc. Mục đích là để ghi ơn và khích lệ các giáo lý viên đã có công rất lớn trong việc xây dựng và củng cố Giáo Hội.

Đề cập đến tầm quan trọng đặc biệt của giáo lý viên, các Giám Mục Brazil tự hỏi: Giáo Hội chúng ta sẽ ra sao nếu thiếu vắng các giáo lý viên hiện diện đông đảo tại cả những vùng ngoại ô hay xa xôi hẻo lánh. Ngày Giáo lý viên trong Năm Đức Tin mang một âm hưởng rất đặc biệt, vì đươc cử hành chỉ vài tuần lễ sau Ngày quốc tế giới trẻ tại Rio De Janeiro, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong sứ điệp công bố nhân ngày giáo lý viên, Đức Cha Jacinto Bergmann, Tổng Giám Mục giáo phận Pelotas, kiêm chủ tịch ủy ban linh hoạt Kinh Thánh giáo lý, nhấn mạnh rằng ”chúng ta không thể không nhớ lại những gì xảy ra cách đây mới một tháng. Tiến trình Kinh Thánh – giáo lý, mà Ngày quốc tế giới trẻ khởi động, thu hút bao nhiêu Giám Mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, nhất là người trẻ, quây quần chung quanh Đức Thánh Cha Phanxicô như là một giáo lý viên với những cử chỉ và lời nói rất đơn giản, nhưng đã đánh động tâm lòng chúng ta như một cách thức truyền giáo mới, hướng thẳng đến con tim của người trẻ và của tất cả mọi người, đem lại niềm vui, sự can đảm và hy vọng. Đây chính là sụ đúc kết hoàn hảo nhất của chương trình giáo lý dựa trên kinh nghiệm sống, trên Thánh Kinh và cộng đoàn như đã được khẳng định trong tài liệu về giáo lý tân cải các Giám Mục Brazil ban hành cách đây 30 năm. (OSS.ROM. 19-08-2013)

Mai Anh – Vatican Radio

Nạn mang thai mướn tại Ấn Độ

Nạn mang thai mướn tại Ấn Độ

Trong các tuần qua báo chí thế giới đã phanh phui ra một thảm cảnh nô lệ mới trong xã hội ngày nay: đó là thảm cảnh phụ nữ Ấn nghèo tại Mumbai và New Dehli được trả tiền để mang thai mướn cho những cặp vợ chồng Tây Âu muốn có con mà không thể có con, vì nhiều lý do khác nhau. Trứng đã thụ thai được trồng vào tử cung của các bà mẹ mang thai mướn.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Washington Post bà Koomal Kapoor, 24 tuổi sống trong một xóm nghèo ngoại ô thủ độ New Dehli, cho biết chị đã sinh đôi hai đứa con rất đẹp, da trắng tóc đen, và đã nhận được 8.000 mỹ kim tiền mang thai mướn từ một cặp vợ chồng Tây phương, có học vấn cao và công ăn việc làm chắc chắn tuyệt đối muốn có con. Chị Koomal Kapoor cho biết chị đã nhận mang thai mướn để có tiền bảo đảm tương lai cho đứa con gái của chị. Chị làm thuê trong một hãng may quần áo mỗi tháng chỉ có 54 mỹ kim tiền lương, còn chồng chị làm nghề hốt rắc mỗi tháng được 85 mỹ kim. Trong suốt thời gian mang thai người ta lập đi lập lại với chị rằng bào thai ấy không phải là con chị, mà là con của người khác. Mặc dù vậy, giây phút khó khăn nhất vẫn là lúc phải giao đứa bé chị đã nuôi nấng trong suốt thời gian mang thai cho người khác. Khi các bào thai không hội đủ tiêu chuẩn, nghĩa là không lành mạnh, đa số các phụ nữ mang thai mướn đã phải quyết định phá thai.

Việc mua bán trẻ sơ sinh bị coi là một tội phạm bị trừng phạt trong mọi quốc gia trên thế giới. Nhưng hiện nay các hình thức thương mại này được tổ chức một cách rất tinh vi và được giới thiệu một cách dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên, trong bản chất chúng thuộc thị trường quốc tế rộng lớn và mang lại các lợi nhuận rất lớn, gồm từ việc cho thụ thai trong lồng kính trong tất cả các hình thức khác nhau của nó: với trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng muốn có con, hay chỉ có một nửa tức chỉ có trứng của người vợ hay tinh trùng của người cha, hoặc phôi thai hoàn toàn của người khác được bán sẵn, rồi sau đó được trồng vào tử cung của phụ nữ mang thai mướn, cho tới khi đứa con chào đời.

Mang thai mướn đã là một dịch vụ thương mại rất cổ xưa trong lịch sử loài người, trong đó chỉ có những người nghèo là nạn nhân phải nhường thân thể và đứa con mình sinh ra cho những người giầu, để thỏa mãn ước muốn có con của những kẻ có tiền. Tuy nhiên, với các kỹ thuật tối tân ngày nay phôi thai được cấy vào tử cung của người phụ nữ mang thai mướn là con của một cặp vợ chồng lấy nhau hơp hợp pháp, hay chỉ chung sống với nhau. Nhưng càng ngày càng có nhiều trường hợp chỉ có một người nam hay nữ hoặc một cặp đồng phái muốn có con. Và trong trường hợp đó thì các tương quan sinh học giữa phôi thai và người sinh ra nó hoàn toàn vô danh và không chắc chắn.

Riêng đối với các cặp đồng phái nam, thì tử cung đi mướn và mua các trứng đã thụ tinh hầu như là phương thế duy nhất để có con với vài đóng góp di truyền riêng. Chính vì thế việc hợp thức hóa hôn nhân của các người đồng phái sẽ khiến cho dịch vụ thụ thai trong ống nghiệm và mang thai mướn lại ngày càng thịnh hành và lan tràn hơn nữa.

Để ý thức được tầm nghiêm trọng rộng lớn của tệ nạn mang thai mướn này trên bình diện tâm sinh vật thể lý và luân lý đạo đức xã hội, cần phải đọc bản tường trình tựa đề ”Làm mẹ thay thế. Luân lý đạo đức hay thương mại” của tổ chức phi chính phủ có tên gọi là ”Trung tâm nghiên cứu xã hội New Dehli”. Tổ chức này chuyên nghiên cứu về các điều kiện sống của phụ nữ Ấn Độ. Bản tường trình cống hiến cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về số phận của các phụ nữ Ấn nghèo, và vén mở cho thấy các tin tức và sự thật kinh khủng của tệ nạn này.

Bản tường trình nói trên là kết quả các cuộc phỏng vấn khoảng 100 bà mẹ mang thai mướn, tất cả người Ấn Độ, và 50 cặp vợ chồng Tây âu, đã liên lụy trong dịch vụ này tại các trung tâm và nhà thương ở Mumbai và New Dehli, từ nay trở đi đã nổi tiếng là các thủ đô của dịch vụ thương mại quốc tế cho mướn tử cung.

Với việc chuyển tài chánh, đứa con sinh ra từ bà mẹ mang thai mướn trở thành một ”món hàng có thể bán”, mà không chú ý gì đến các quyền của các phụ nữ mang thai mướn và các trẻ em sẽ sinh ra. Dịch vụ mang thai mướn này trầm trọng tới độ báo động Hội đồng nghiên cứu y khoa của Ấn Độ, là tổ chức của chính quyền năm 2005 đã phải đề ra một đường hướng chỉ dẫn. Nhưng cho tới nay vẫn chưa có luật để điều phối hiện tượng này và nó đã trở thành một phong trào thu hút các cặp muốn có con trên toàn thế giới.

Ngoài ra từ năm 2012 các người ngoại quốc không còn có thể mướn mang thai tại Ấn Độ với giấy phép nhập cảnh du lịch nữa. Nhưng cần phải có giấy chứng nhận của một bác sĩ, và để có giấy này họ phải cống hiến vài bảo đảm tối thiểu, chẳng hạn như việc mang thai mướn phải được chấp nhận bởi chính quyền của các cặp vợ chồng muốn có con, hay thỏa thuận giữa hai bên phải được ký kết một cách chính thức. Mặc dù có các phòng ngừa tối thiểu như thế, tình hình được miêu tả trong bản tường trình gây kinh hoàng, và cũng thật là không ngoa, khi dùng từ ”nô lệ”.

Kỹ nghệ mang thai mướn bên Ấn Độ hàng năm thu lời tới 2 tỷ mỹ kim với hàng ngàn nhà thương không hợp pháp. Và dĩ nhiên là không ai có thể biết đã có bao nhiêu trẻ em sinh ra từ các cuộc mang thai mướn này. Giá biểu cho mỗi vụ mang thai mướn xê dịch từ 10.000 đến 35.000 mỹ kim: tính ra thì vẫn rất rẻ so với giá từ 59.000 cho tới 80.000 mỹ kim cho cùng các tiến trình mang thai mướn bên Hoa Kỳ. Nhưng nói tới việc lựa chọn các bà mẹ mang thai mướn cho các phụ nữ khác là một dối trá tàn ác. Thật ra các phụ nữ nhận mang thai mướn này là các phụ nữ nghèo, và mù chữ hay bán mù chữ, với các công việc làm bấp bênh được trả lương quá thấp, và không có cơ hội tiến thân nào trong xã hội Ấn. Họ chấp nhận mang thai mướn chỉ để có tiền, và họ được sự hỗ trợ của chồng, vì ông cũng cần tiền để trả nợ, hay để bảo đảm cho việc giáo dục các con cái của họ. Các phụ nữ được phỏng vấn tuổi từ 26 đến 30, phải mắn con, nghĩa là đã có các con. Luật cấm sử dụng các trứng thụ tinh riêng của họ cho dịch vụ mang thai mướn. Như thế các phụ nữ này bị bắt buộc phải ký hợp đồng tuyệt đối theo các kỹ thuật thụ thai trong ống nghiệm để có con, và phải từ bỏ chúng ngay sau khi cho chúng chào đời.

Đa số các phụ nữ mang thai mướn tại Ấn Độ được tuyển lựa bởi các người trung gian đã từng mang thai mướn. Hợp đồng được ký nhận giữa đôi vợ chồng muốn có con, người phụ nữ nhận mang thai mướn và người chồng của bà ta, nhưng không có chữ ký của nhân viên nhà thương lo cho dich vụ này hầu tránh các vụ kiện tụng tranh chấp pháp lý. Bình thường nó được ký vào tháng thứ 4 trở đi, khi cặp vợ chồng muốn có con biết chắc chắn bào thai sẽ chào đời và lành mạnh, không có các bất bình thường. Và trong trường hợp bào thai tàn tật, thì người mẹ mang thai mướn bị bắt buộc phải phá thai, mà không được hỏi ý kiến, nếu cặp vợ chồng muốn có con quyết định như thế. Trái lại, nếu khi sinh ra mà đứa bé tàn tật, thì khi đó các nhà thương hay các người trung gian có bổn phận phải tìm một giải pháp. Đôi khi hợp đồng cũng bao gồm cả phái tính của đứa trẻ sẽ sinh ra nữa.

Nếu vào địa chỉ trên mạng ”newlifeIndia.com” người ta có thể thấy tin tức chi tiết liên quan tới kỹ nghệ mang thai mướn này, với ”giá cả trọn gói” khác nhau tùy theo nguồn gốc các phôi thai. Trứng đã thụ tinh Ấn độ rẻ hơn trứng đã thụ tinh gốc Caucase. Chỉ cần trả thêm 10.000 mỹ kim nữa thì sẽ có đứa con da trắng, tóc hoe. Các gói giá mang thai mướn cũng bao gồm cả trường hợp hai bà mẹ mang thai cùng một lúc, rồi tùy ý các cặp muốn có con lựa chọn. Chi phí trả thành 4 đợt: đợt đầu 400 mỹ kim cho việc lựa chọn phụ nữ mang thai mướn bao gồm cả tiền chuyên chở; đợt hai trước khi thụ tinh trong ống nghiệm, đợt ba là khi đã mang thai, và đợt bốn là sau khi sinh. Tổng cộng tất cả là 28.550 mỹ kim, nếu đứa trẻ chào đời; trong trường hợp hai đứa thì được giảm giá chỉ mất 42.200 mỹ kim. Ngoài ra còn có các chi phí ngoại lệ: trường hợp sinh đôi thì thêm 1.000 mỹ kim, chỉ có một phôi thai thì 500 mỹ kim. Trường hợp mất tử cung được bồi thường 1.500 mỹ kim, trường hợp đứa trẻ sinh sớm thì cũng có giá tương đương với thời gian đứa bé sống trong lồng kính vv…

Sự kiện chỉ ký hợp đồng khi bào thai đã lớn khiến cho các phụ nữ mang thai mướn hoàn toàn tùy thuộc nơi các nhà thương, xét vì hầu như không có phụ nữ mang thai mướn hay chồng của họ biết đọc biết viết để hiểu các điều lệ của dịch vụ này. Chẳng hạn các chỉ dẫn hạn chế tối đa là ba lần thụ thai trong ống nghiệm cho mỗi lần mang thai mướn. Tử cung cho mướn phải được chuẩn bị đón nhận các phôi thai, nhưng vì là những người mù chữ các phụ nữ mang thai mướn thường không biết các nhà thương làm gì với họ và thân thể họ. Bản tường trình của Trung tâm nghiên cứu xã hội New Dehli cho biết hợp đồng chỉ được giải thích bằng miệng bởi các nhân viên hay bởi các bác sĩ nhà thương, và chỉ có ít phụ nữ mang thai mướn nhận được một bản của hợp đồng, mà họ không hay biết các điều khoản. Trong trường hợp phá thai tự nhiên hay được trợ giúp, các phụ nữ mang thai mướn không luôn luôn được trả tiền, cũng như trong trường hợp sinh đôi. Cũng có thể xảy ra là một cặp vợ chồng muốn có con mướn hai ba phụ nữ mang thai một lúc để được thành công một cách chắc chắn hơn. Nếu tất cả đều mang thai, thì chính họ được quyết định để cho họ sinh con hết hay không. Cũng có thể lựa chọn giải pháp rẻ hơn: trả tiền cho hai phụ nữ mang thai mướn cùng một lần thì rẻ hơn là phải trả trước sau một cách riêng rẽ. Tóm lại, trong kỹ nghệ mang thai mướn cũng giống như trong việc chuyển ngân thương mại, khách hàng có quyền đưa ra các điều kiện trước khi được phục vụ. Việc mang thai mướn là một dịch vụ với mọi hiệu qủa của nó, cũng như đứa bé là một sản phẩm với mọi hiệu qủa của nó.

Số tiền mà các phụ nữ cho mượn tử cung nhận được hoàn toàn là trong sự kín đáo của các nhà thương, thường chỉ bằng 1 hay 2% tổng số tiền các cặp vợ chồng muốn có con trả cho dịch vụ mang thai mướn này. Nói chung các nhà thương và các người trung gian thường không khích lệ các liên lạc giữa các bà mẹ nhận mang thai mướn và các cặp vợ chồng muốn có con, vì muốn tránh các hợp đồng kinh tế trực tiếp gây thiệt thòi cho tổ chức.

Trong thời gian mang thai các bà me mang thai mướn sống trong các ”nơi ẩn kín” là các nhà có người canh gác để họ khỏi trốn đi, để bảo đảm chế độ ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng cho họ, và kiểm soát các điều kiện vệ sinh và y tế tránh các bệnh truyền nhiễm đến từ chồng của họ.

Trong các buổi phỏng vấn các bà mẹ mang thai mướn luôn luôn có sự hiện diện của các nhân viên nhà thương. Và trong đa số các trường hợp đứa bé sinh ra bị lấy đi ngay, và thường khi người ta cũng không nói cho người mang thai mướn biết đứa con đó là con trai hay con gái.

Đây qủa thật là một chế độ thực dân sinh sản, mà Tây phương già nua nhưng giầu có đã quen một cách bình thản, nhân danh các ”quyền dân sự mới”.

(Avvenire 6-8-2013) Viết theo Assunta Morresi

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

CÁC GIÁM MỤC BENIN KÊU GỌI ĐỐI THOẠI TRONG ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP QUỐC GIA

CÁC GIÁM MỤC BENIN KÊU GỌI ĐỐI THOẠI TRONG ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP QUỐC GIA

COTONOU: Trong một sứ điệp gửi các tín hữu và mọi người thiện chí, các Giám Mục Benin khẩn thiết kêu gọi đối thoại, hòa bình và tin tưởng lẫn nhau hầu thăng tiến cuộc sống chung trong nước.

Trong sứ điệp, công bố hôm 16-8-2013, Hội Đồng Giám Mục Benin đặc biệt nói đến đề nghị tu chỉnh hiến pháp quốc gia được đương kim tổng thống Yayi Boni ủng hộ. Đề nghị này đang được thảo luận sôi nổi và có chủ đích củng cố quyền hành của tổng thống và của tòa Bảo Hiến. Các Giám Mục Benin viết: Giáo Hội không có một giải pháp kỹ thuật hay chính trị nào, nhưng Giáo Hội có bổn phận luân lý phải nhắc nhớ rằng trong một thể chế dân chủ, không có cuộc canh tân nào gây ra những căng thẳng và đối nghịch lại có thể thăng tiến các tầng lớp nhân dân. Xã hội Benin hiện nay có đa số dân chúng sống trong nghèo khổ, chỉ có một thiểu số nhỏ nhoi là giàu có hoang phí, người trẻ thất nghiệp gia tăng và bao nhiêu người bị tố cáo là âm mưu chống tổng thống. Chính vì thế, Giáo Hội kêu gọi xây dựng cuộc sống chung cho nước nhà trong tinh thần phục vụ công ích. Các vấn đề của quốc gia không thể được thông cảm và giải quyết bởi một nhóm hay một đảng phái chính trị mà thôi, nhưng phải có sự cộng tác và liên đới của tất cả mọi tầng lớp dân chúng, trong nỗ lực xây dựng dựa trên sự thật, sự công chính và thẳng thắn, đồng thời tôn trọng mọi thoả ước đã đạt được. Cuối cùng, các Giám Mục Benin đã gợi lại chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Biển Đức XVI tại Benin hồi tháng 11 năm 2011, trong đó, ngài mời gọi tất cả mọi giới hữu trách chính trị và kinh tế tại Phi Châu cũng như khắp nơi trên thế giới đừng dập tắt hy vọng của dân tộc mình. Đừng cắt đứt tương lai dân nước bằng cách hủy hoại thực tại ngày nay. (SD 170813)

Mai Anh – Vatican Radio

GIÁO HỘI NICARAGUA CỬ HÀNH TUẦN LỄ BÁC ÁI

GIÁO HỘI NICARAGUA CỬ HÀNH TUẦN LỄ BÁC ÁI

MANAGUA: Từ ngày 18 đến 25 tháng 8 năm 2013, Giáo Hội công giáo Nicaragua cử hành tuần lễ bác ái với khẩu hiệu: ”Bác ái là một vuốt ve của Giáo Hội dành cho dân Chúa”.

Trong một suy tư công bố nhân tuần lễ bác ái, Đức Cha Sócrates René Sándigo Jirón, Giám Mục Giáo Phận Juigalpa, chủ tịch Caritas Nicaragua, nhấn mạnh: Bác ái không thể là một cử chỉ đôi khi mới có, nhưng phải là một thái độ sống thường xuyên. Tín hữu phải suy tư sâu xa hơn về nạn nghèo đói hoành hành trong nước, và truy lùng gốc rễ của hiện tượng này. Tuần lễ bác ái năm nay nằm trong khuôn khổ Năm Đức Tin, vì thế, Đức Cha đặt trọn hy vọng vào con tim quảng đại của các tín hữu, để Giáo Hội có thể tiếp tục vuốt ve những người nghèo đói trong xã hội Nicaragua.

Vào ngày 22-8-2013, sẽ có một cuộc lạc quyên trong toàn nước. 40% số tiền quyên góp sẽ được dùng để bảo trợ các chương trình bác ái của các giáo xứ và 40% khác dành cho các giáo phận trong nước, nhất là trong lãnh vực kinh tế, y tế, dinh dưỡng và giáo dục. Tại Niưaragua nạn nghéo túng khiến cho số trẻ em bỏ học và phải lao động để kiếm sống gia tăng (CSD 19-8-2013)

Mai Anh – Vatican Radio

ĐỨC GIÁM MỤC LUXOR ĐAU BUỒN VÌ DÂN CHÚNG THIẾU THỰC PHẨM

ĐỨC GIÁM MỤC LUXOR ĐAU BUỒN VÌ DÂN CHÚNG THIẾU THỰC PHẨM

LUXOR: Đức Cha Youhannes Zakaria, Giám Mục giáo phận công giáo copte Luxor bên Ai Cập, rất đau buồn, vì phải chứng kiến cảnh dân chúng thiếu thực phẩm, mà không thể làm gì để trợ giúp họ.

Đức Cha Zakaria đã cho biết tình hình tại Luxor cũng căng thẳng tuy không bằng Minya, Assiut hay thủ đô Cairo. Mọi hàng quán đều đóng cửa cả người giầu cũng không thể mua thực phẩm, và dân chúng Kitô cũng như hồi giáo đều sợ không dám ra ngoài vì không có an ninh. Chính Đức Cha cũng bị cô lập trong tòa Giám Mục. Sau khi bị đuổi khỏi các đường phố trung tâm Luxor, các người hồi biểu tình phò ông Morsi đã kéo nhau tới Tòa giám mục và la hét: ”Kitô hữu phải chết”. May mà cảnh sát đã tới kịp thời để cứu Đức Cha. Ngày 16-8-2013 Đức Cha cũng đã bị các người hồi biểu tình tấn công.
Vì lý do an ninh Đức Cha đã bãi bỏ các chương trình cử hành lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời ngày 22 tháng 8. Mọi nhà đều đóng kín và từ 20 ngày nay Đức Cha cũng chỉ quanh quẩn trong Tòa Giám Mục. Các lực lượng an ninh khuyên Đức Cha không nên ra ngoài. Theo Đức Cha lý do khiến cho các nhóm hồi phò ông Morsi tấn công các Kitô hữu vì họ cho rằng tín hữu Kitô là nguyên do của vụ quân đội truất phế ông. Đức Cha công nhận là trong số những người tham dự biểu tình cũng có các Kitô hữu, nhưng trên toàn nước đã có hơn 30 triệu người biểu tình chống chính sách hồi giáo hóa Ai Cập và các bất lực của chính quyền Morsi đã không làm được gì sau một năm cầm quyền. Đức Cha Zakaria cũng cho biết đã có hơn 80 nhà thờ và trường học Kitô bị đốt phá. Tại Ai Cập, từ Alessandria cho tới Assuan Giáo Hội công giáo điều khiển 200 trường học, nơi các trẻ em hồi và Kitô học chung với nhau. Theo Đức Cha chỉ có đối thoại và tôn trọng nhau mới giúp dân nước Ai Cập ra khỏi tình trạng thê thảm này (FIDES 20-8-2013)


Linh Tiến Khải – Vatican Radio

TÌNH HÌNH TRUNG PHI VẪN THÊ THẢM

TÌNH HÌNH TRUNG PHI VẪN THÊ THẢM

BANGUI: Linh Mục Anastasio Roggero, dòng Cát Minh cho biết tình hình chính trị xã hội tại Trung Phi vẫn căng thẳng, và trong thủ đô Bangui vẫn xảy ra các vụ tra tấn trả thù, khiến cho nhiều người chết.

Cha Roggero đã làm việc truyền giáo tại Trung Phi từ 40 năm qua, cuộc đảo chánh cách đây 10 năm đã khiến cho nhiều ngưới chết và nay lực lượng du kích quân Seleka nắm quyền đang trả thủ.

Trong tuyên ngôn công bố những ngày vừa qua Hồi Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã khẳng định rằng cuộc khủng hoảng tại Trung Phi đang là một đe dọa nghiêm trọng cho toàn vùng, vì thế Hội đồng đang cứu xét các khá thể giúp ổn định tình hình Trung Phi. Theo cha Roggero đàng sau cuộc khủng hoảng của Trung Phi có bàn tay của các tổ chức buôn kim cương và khai thác dầu hỏa. Nhưng Trung Phi chỉ là một quồc gia có tên trên bản đồ địa lý. Còn trong thực tế từ ngày độc lập cách đây 50 năm, đất nước này đã không bao giờ có khả năng dùng tiền của mình để xây một trường học hay một nhà thương. Dân nghèo Trung Phi không phản ứng. Nhưng họ không thể chỉ chờ đợi các trợ giúp từ người khác. Rất không may cho Trung Phi là giờ đây các giới chức chính trị lại theo các người đã chiến thắng.

Cha Roggero hiện đang hoat động cho dự án lớn tại Bangui: trồng 20 mẫu rừng và 110 mẫu dầu cọ, nhưng cha không trông thấy tương lai nào cho đất nước Trung Phi. Là quản lý của dòng từ năm 1975 tới nay cha cho biết đã chưa thấy chính quyền đưa ra dự án phát triển nào cả, 95% dân chúng trong các làng mạc sống như cách đây 2,000 năm. Trong khi Trung Phi là một đất nước tuyệt vời, nó đã có thể là một thiên đàng dưới đất, vì có rừng, có mưa, có đảo, và không bị các tai ương thiên nhiên. Trung Phi có hết mọi sự nhưng không tiến lên được (RG 18-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

TỔ CHỨC CARITAS ANH QUỐC PHÁT ĐỘNG DIỄN ĐÀN CÔNG LÝ TỘI PHẠM

TỔ CHỨC CARITAS ANH QUỐC PHÁT ĐỘNG DIỄN ĐÀN CÔNG LÝ TỘI PHẠM

LONDON: Phân bộ xã hội của tổ chức Caritas Anh quốc vừa đề ra một Diễn Đàn cho nền công lý tội phạm, với chủ đích cung cấp tiếng nói cho các nạn nhân, nhưng đồng thời cho cả các tù nhân và thân nhân gia đình của họ nữa.

Cơ quan này sẽ chính thức ra mắt ngày 10 tháng 9-2013 tại nhà thờ chính tòa Thánh Giorgio ở Southwark, London, thủ đô Anh quốc. Đức Cha Richard Moth, đặc trách mục vụ nhà tù, sẽ thuyết trình tại buổi giới thiệu, cùng với đại diện của các tổ chức thiện nguyện làm việc với các tù nhân, với gia đình nạn nhân và một số người tù. Diễn Đàn sẽ bao gồm cả mọi người hoạt động trong môi trường này, nhưng với sự chú ý đặc biệt dành cho lãnh vực công lý và cho các phụ nữ nạn nhân bạo hành. Tổ chức Caritas nói: Mọi tín hữu công giáo phải nghĩ đến công lý tội phạm như nguyên do gây ra bất ổn xã hội, nhìn nhận rằng Giáo Hội không những cống hiến cho mọi người giáo huấn luân lý đạo đức và xã hội, nhưng còn sở hữu kinh nghiệm cụ thể trong lãnh vực này nữa. (SD 17-08-2013)

Mai Anh – Vatican Radio

58 NHÀ THỜ BỊ TÀN PHÁ VÀ THIÊU HỦY BÊN AI CẬP

58 NHÀ THỜ BỊ TÀN PHÁ VÀ THIÊU HỦY BÊN AI CẬP

church-burning

CAIRO: Linh Mục Rafic Greich, phát ngôn viên của các Giám Mục công giáo Ai Cập, cho biết các vụ bạo động trong các ngày qua đã khiến cho 58 nhà thờ Kitô bị tàn phá và thiêu hủy.

Trong số đó có 14 nhà thờ công giáo, số còn lại thuộc các Giáo Hội chính thống Copte, chính thống Hy lạp, tin lành và anh giáo. Các vụ tấn công đã xảy ra mỗi nơi một ít trong toàn nước Ai Cập, nhất là trong các giáo phân Al Minya và Assiut, bởi vì đó là hai trung tâm của các lực lượng hồi cuồng tín chủ trương thánh chiến và là những người có trách nhiệm đối với các vụ tấn công nói trên. Tuy nhiên, cha Greich cũng cho biết các tín hữu hồi sống gần các nhà thờ Kitô đã giúp các tu sĩ nam nữ Kitô dập tắt các đám cháy. Cha nhấn mạnh rằng đây không phải là một cuộc chiến giữa các tín hữu hồi và tín hữu Kitô. Nó không phải là một cuộc nội chiến, nhưng là một cuộc chiến chống lại nạn khủng bố phá hoại. Và đa số dân Ai Cập chống lại nạn khủng bố phá hoại và khuynh hướng tôn giáo cuồng tín (FIDES 19-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

NHỜ NGƯỜI MẸ QUÝ TRỌNG SỰ SỐNG, HAI ANH EM SINH ĐÔI NAY TRỞ THÀNH LINH MỤC

NHỜ NGƯỜI MẸ QUÝ TRỌNG SỰ SỐNG, HAI ANH EM SINH ĐÔI NAY TRỞ THÀNH LINH MỤC

Fr_Paulo_and_Fr_Felipe_Lizama_Cha Paulo and Cha Felipe Lizama là hai anh em sinh đôi và là linh mục tại Chí Lợi. (Photo courtesy of Fr. Lizama.)

Santiago, Chile, 16-8-2013 (CNA / EWTN News) -. Hai anh em sinh đôi ở Chilê nói rằng quyết tâm của người mẹ trong việc bảo vệ họ khỏi bị nạo phá bất chấp lời khuyên của bác sĩ đã giúp nuôi dưỡng ơn gọi làm linh mục cuả họ.

“Làm sao mà tôi có thể không bảo vệ Thiên Chúa của sự sống được?” Cha Paulo Lizama nói. “Sự kiện này củng cố ơn gọi của tôi và đem lại cho nó một sức sống cụ thể, và do đó, tôi đã có thể trao tặng chính đời sống của mình cho điều mà tôi tin tưởng.”

Ngài nói với CNA (Hãng Tin Công Giáo) “Tôi xác tín những gì mà tôi tin tưởng, cái mà tôi là và điều mà tôi nói, cách rõ ràng nhờ ân sủng của Thiên Chúa”.

Cha Paulo và người anh sinh đôi giống hệt nhau của mình, Cha Felipe, chào đời năm 1984 tại thị trấn  Lagunillas de Casablanca, Chilê.

Trước khi phát hiện ra mình có thai, mẹ của họ, bà Rosa Silva, trong công việc trợ giúp y tế đã thường tiếp xúc với tia X quang. Do đó, sau khi xác nhận việc mang thai, bác sĩ đã tiến hành siêu âm và nói với bà rằng ông đã nhìn thấy “một cái gì đó kỳ lạ” trong hình ảnh.

Ông nói với bà ấy :”Đứa bé có ba cánh tay và chân của nó bị vướng mắc. Nó cũng có hai cái đầu “,

Mặc dù phá thai vì những lý do “trị liệu” là hợp pháp vào thời điểm đó ở Chile và các bác sĩ nói với bà rằng cuộc sống của bà đang gặp nguy hiểm, Rosa phản đối ý tưởng ấy và nói rằng bà sẽ chấp nhận bất cứ điều gì Thiên Chúa gửi đến cho bà.

Cha Filipe nói:”Chúa đã làm việc và tạo dựng một cái thai sinh đôi. Tôi không biết liệu các bác sĩ đã sai lầm hoặc điều gì khác”.

“Tôi luôn nghĩ rằng với tình cảm đặc biệt và sự dịu dàng trong trái tim mà mẹ tôi đã trao tặng cuộc sống của mình cho tôi, cho chúng tôi,” Cha Paolo nói thêm.

Hai anh em được sinh ra vào ngày 10 tháng 9 năm 1984. Felipe được sinh ra đầu tiên, và khi nhau thai không tách ra, các bác sĩ đã đề nghị nạo tử cung của cô. Thế nhưng bà Silva từ chối, nói rằng bà cảm thấy có thêm một đứa con nữa sắp chào đời. Paulo được sinh ra 17 phút sau đó.

Cha Paolo nói: “Chi tiết cuối cùng này rất quan trọng đối với tôi. Các bác sĩ đưa dụng cụ để trục loại nhau thai bởi vì nó không xuất ra. Mẹ tôi biết rằng tôi đang ở đó. Tôi chậm trễ, nhưng tôi đã ra đời”. Nếu các bác sĩ nạo tử cung của mẹ mình, có thể ngài đã “bị tổn thương trầm trọng. ”

Cặp song sinh đã biết về hoàn cảnh chào đời của mình khi họ đang học trong năm thứ sáu của hệ đào tạo chủng viện.

“Đó chắc chắn là sự khôn ngoan và tình yêu của mẹ tôi khi đã để cho chúng tôi được biết một biến cố tuyệt vời như vậy vào đúng thời điểm”, Cha Paulo cho biết trong khi ngài vẫn luôn nghĩ rằng ơn gọi linh mục của ngài đã đến vào thời niên thiếu, sau đó ngài nhận ra rằng Thiên Chúa đã làm việc trong cuộc đời của mình ngay từ thuở ban đầu, nhờ tiếng “xin vâng” của mẹ mình.

Mặc dù họ lớn lên trong một gia đình Công giáo, anh em nhà Lizama đã mất đức tin và không tham dự Thánh Lễ nữa. Tuy nhiên, việc ly thân và ly dị của cha mẹ dẫn họ trở lại với Giáo Hội, và họ đã lãnh nhận bí tích Thêm Sức.

Vào thời điểm đó, cha Paulo cho biết, ngài mất sự tin tưởng vào niềm tin của mình nhưng bị thu hút bởi Phép Thánh Thể, các bài hát Gregoria, và sự cầu nguyện trong thinh lặng tôn kính.

Cha Felipe cho biết ngài đã được lôi kéo về với Thiên Chúa qua một linh mục, Cha Reinaldo Osorio, người sau này sẽ trở thành giám đốc đào tạo của mình tại chủng viện.

Ngài nhớ lại: “Chúa đã gọi tôi. Tôi nhận ra rằng chính trong Thiên Chúa và trong những công việc của Ngài mà tôi được hạnh phúc, không còn nghi ngờ gì nữa: Tôi muốn trở thành một linh mục.”

Mặc dù sống gần gũi, nhưng hai anh em đã không nói với nhau về ơn gọi của mình.

Cha Paulo nói: “Tôi không biết ai đã cảm nhận ơn gọi trước. Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa đã làm những việc đúng cách để bảo vệ sự tự do đáp trả của chúng tôi.”

Tháng 3 năm 2003, cả hai anh em đều vào chủng viện. Trong khi thoạt tiên quả là khó khăn cho gia đình khi phải chấp nhận quyết định của hai anh em, người mẹ đã nói với họ sau năm đầu tiên ở chủng viện rằng bà rất bình an khi nhận ra rằng họ được hạnh phúc.

Cặp song sinh đã được thụ phong linh mục vào ngày 28-4-2012, và cử hành Thánh Lễ mở tay của họ tại Đền Đức Mẹ Khoan Nhân ở Lagunillas.

Bây giờ, một năm sau khi được thụ phong, cha Felipe phục vụ tại giáo xứ Thánh Martinô thành Tours ở Quillota, và cha Paulo phục vụ tại giáo xứ Đức Maria Lên Trời ở Achupallas.

Cha Felipe nói: “Thiên Chúa đã không xử tệ với chúng tôi. Ngài muốn chúng tôi được hạnh phúc, chức linh mục là một ơn gọi tuyệt vời và làm cho chúng tôi hoàn toàn hạnh phúc.”

Cha Paulo nói thêm, đi theo Chúa Giêsu thì không dễ dàng nhưng thật tuyệt vời.

Ngài giải thích: “Chúa Giêsu, Giáo Hội và thế giới cần chúng tôi. Nhưng không phải là bất kỳ người trẻ nào: mà chỉ những người trẻ được nâng đỡ bởi sự thật của Thiên Chúa, để cho chính cuộc sống của họ truyền đạt sự sống, nụ cười của họ chuyển tải niềm hy vọng, khuôn mặt của họ truyền đạt đức tin và hành động của họ truyền đạt tình yêu.”

 XT (theo CNA) – Trích từ Xuân Bích VN

ĐỨC THÁNH CHA GỬI THƯ CÁM ƠN ĐỨC HỒNG Y ORANI JOÃO TEMPESTA TỔNG GIÁM MỤC RIO DE JANEIRO

ĐỨC THÁNH CHA GỬI THƯ CÁM ƠN ĐỨC HỒNG Y ORANI JOÃO TEMPESTA TỔNG GIÁM MỤC RIO DE JANEIRO

VATICAN: Ngày 2 tháng 8-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thư cho Đức Hồng Y Orani João Tempesta, Tổng Giám Mục Rio de Janeiro, để cám ơn sự tiếp đón nồng nhiệt mà tín hữu tổng giáo phận và nhân dân Brasil đã dành cho ngài trong dịp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ vừa qua.

Đức Thánh Cha xin Đức Hồng Y chuyển lời cám ơn của ngài tới Hội Đồng Giám Mục, các Giám Mục Phụ tá, cũng như các thành viên Ủy ban tổ chức Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Rio, các thiện nguyện viên và các ân nhân. Sự thành công của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sẽ đi vào lịch sử của thành phố tuyệt vời này và của Giáo Hôi Brasil.

Đức Thánh Cha cũng xin Đức Hồng Y chuyển lời chào thăm và cám ơn của ngài tới các nhân viên và các bệnh nhân nhà thương thánh Phanxicô thành Assisi, dân chúng khu xóm nghèo Varginha cũng như dân chúng sống tại khu phố Copacabana, vì sự tiếp đón nồng nhiệt đã dành cho ngài và về những hy sinh không nhỏ của họ nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Rio. Ngài cũng không quên cám ơn dân chúng vùng Guaritiba đã bỏ ra rất nhều công sức để chuẩn bị Cánh đồng Đức tin, nhưng rất tiếc là điều kiện thời tiết đã không cho phép cử hành thánh lễ kết thúc tại đó. Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi của ngài với từng gia đình trong toàn vùng. Ngài phó thác cho Đức Mẹ Aparecida tất cả các tâm tình này, và khẩn nài Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy ơn thánh trên công việc thừa tác của Đức Hồng Y, các Linh Mục và mọi thành phần giáo dân nam nữ của toàn tổng giáo phận Rio de Janerio thân yêu và Đức Thánh Cha gửi phép lành tòa thánh tới mọi người (SD 19-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THÁNH CHA KHÍCH LỆ CÁC THỪA SAI LOAN BÁO CHÚA KITÔ TRONG CÁC VÙNG NGOẠI Ô

ĐỨC THÁNH CHA KHÍCH LỆ CÁC THỪA SAI LOAN BÁO CHÚA KITÔ TRONG CÁC VÙNG NGOẠI Ô

CATAMARCA: Trong sứ điệp gửi các thừa sai tham dự Đại hội truyền giáo toàn quốc lần thứ IV tại Catamarca, nước Argentina, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ các thừa sai loan báo Chúa Kitô trong các vùng ngoại ô cuộc sống.

Hơn 1,000 thừa sai đến từ khắp nơi trong nước Argentina đã tham dự đại hội trong các ngày 17-19 tháng 8 năm 2013. Thánh lễ khai mac đại hội đã do Đức Cha Luis Urbanc, Giám Mục Catamarca chủ sự. Cùng đồng tế có nhiều Giám Mục trong đó có Đức Cha Vicente Bokalic, Giám Mục phụ tá Buenos Aires Chủ tịch Ủy ban truyền giáo của Hội Đồng Giám Mục Argentina, và Đức Cha Jorge Lozano Giám Mục Gualeguaychú, Chủ tịch Ủy ban mục vụ xã hội, Linh Mục Mario De Sanzi Dante, Giám đốc Hiệp hội truyền giáo Argentina và Linh Mục Carlos Robledo, Giám đốc văn phòng truyền giáo Catamarca.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho các thừa sai ơn sức mạnh và lòng can đảm để hoạt động không sợ hãi và không bị cám dỗ sống một cuộc sống dễ dãi. Đức Thánh Cha hứa gần gũi các vị trong Thánh Lễ và lời cầu nguyện.

Đại hội này có mục đích chuẩn bị cho Đại hội truyền giáo Mỹ châu La tinh lần thứ IV sẽ khai diễn vào tháng 11 năm 2013 tại Caracaibo bên Venezuela (FIDES 19-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC VIỆN PHỤ TỔNG QUYỀN DÒNG BIỂN ĐỨC KÊU GỌI TÔN TRỌNG SỰ NHẬY CẢM CỦA NGƯỜI DÂN BẮC HÀN

ĐỨC VIỆN PHỤ TỔNG QUYỀN DÒNG BIỂN ĐỨC KÊU GỌI TÔN TRỌNG SỰ NHẬY CẢM CỦA NGƯỜI DÂN BẮC HÀN

ROMA: Đức Viện Phụ tổng quyền dòng Biển Đức Nokter Wolf kêu gọi tôn trọng sự nhậy cảm của người dân Bắc Hàn. Cha coi thỏa hiệp giữa hai chính quyền Pyongyang và Seoul liên quan tới việc mở lại khu kỹ nghệ Kaesong, là dấu chỉ sự bớt căng thẳng giữa hai miền Nam Bắc Hàn.

Khu kỹ nghệ Kaesong nằm trên đất Bắc Hàn cung cấp công ăn việc làm cho 53.000 công nhân Bắc Hàn, và hằng năm thu vào 90 triệu mỹ kim cho Bắc Hàn. Hồi tháng 4 năm nay chính quyền Bắc Hàn đã đơn phương quyết định đóng cửa nó. Đức viện phụ Wolf vừa mới từ Bắc Hàn trở về Roma, sau khi viếng thăm nhà thương do dòng xây cất tại Bắc Hàn. Nhà thương này có 100 giường đã gần như hoàn thành, bao gồm cả một khu vực sản khoa và trở thành nhà thương của toàn vùng. Theo Đức viện phụ người dân Bắc Hàn muốn được tôn trọng ngang hàng với các quốc gia khác, chứ không chịu các áp đặt và cách đối xử của thế giới Tây phương coi Bắc Hàn là một quốc gia nhỏ bé vô nghĩa. Cha Bề trên tổng quyền dòng Biển Đức cho biết khó mà có tin tức từ Bắc Hàn. Cha đã phải vào Bắc Hàn qua ngã đông bắc Trung Quốc, chứ không qua ngã thủ đô Pyongyang. Hiệm nay cũng có nhiều công trình đầu tư tại Bắc Hàn, nhưng luôn luôn với sự dè dặt và cũng có các vấn đề với nhà nước (RG 15-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

NGƯỜI DALÍT KITÔ CŨNG PHẢI ĐƯỢC ĐỐI XỬ NHƯ NGƯỜI DALÍT ẤN GIÁO ĐẠO SIKH VÀ PHẬT GIÁO

NGƯỜI DALÍT KITÔ CŨNG PHẢI ĐƯỢC ĐỐI XỬ NHƯ NGƯỜI DALÍT ẤN GIÁO ĐẠO SIKH VÀ PHẬT GIÁO

MUMBAI: Trong bức thư gửi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ngày mùng 9 tháng 8-2013, bà Jayalalitha, thống đốc bang Tamil Nadu, khẳng định rằng người cùng đinh Dalit Kitô cũng phải được đối xử ngang hàng với các người cùng đinh dalít Ấn giáo, đạo Sikh và Phật giáo.

Trong cùng ngày tại thủ đô New Dehli, các cộng đoàn Kitô và Hồi giáo cũng cử hành ”Ngày đen tối” trước nhà thờ Thánh Tâm, tưởng niệm ngày 10 tháng 7 năm 1950 khi quốc hội Ấn chấp nhận Hiến pháp liên quan tới các giai tầng xã hội kỳ thị tín hữu Kitô và tín hữu hồi. Khoản luật 3 của Hiến pháp Ấn chỉ thừa nhận các quyền kinh tế, giáo dục và xã hội cho người đalít theo Ấn giáo. Sau này năm 1956 và 1990 nó mới được nới rộng ra cho các người đalít Phật giáo và đạo Sikh, nhưng vẫn loại trừ người dalít Kitô và Hồi giáo.

Trong thư bà Jayalalitha nêu bật rằng các căng thẳng xã hội phát xuất từ sự bất bình đẳng này trong xã hội. Và tình trạng này đã ngày càng tồi tệ khiến cho cảm tưởng bị tha hóa gia tăng giữa các cộng đoàn thiểu số. Bà thống đốc bang Tamil Nadu thuộc giai tầng các Brahmin, tức các tư tế, là giai tầng xã hội cao nhất tại Ấn.

Theo các nghiên cứu hơn 4,500 năm trước đây dân chúng miền bắc và miền nam Ấn độ bắt đầu trộn lẫn với nhau, nhưng sự trộn lẫn này đã ngưng cách đây khoảng 2,000 năm, và từ đó sự phân chia giai cấp xã hội bắt đầu. Sau khi Ấn độ được độc lập năm 1947 và Hiến pháp được soạn thảo, việc phân chia giai tầng xã hội mất đi các ý nghĩa xưa của nó. Tuy nhiên, giới cùng đinh Dalit vẫn bị coi như là những người ”không thể đụng chạm đến”, và thuộc giai tầng xã hội thấp nhất chỉ được phép làm những công việc thấp hèn (ASIANEWS 13-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THÁNH CHA CÁM ƠN ĐỨC HỒNG Y CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BRASIL VỀ CHUYẾN VIẾNG THĂM ĐỀN THÁNH ĐỨC MẸ APARECIDA

ĐỨC THÁNH CHA CÁM ƠN ĐỨC HỒNG Y CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BRASIL VỀ CHUYẾN VIẾNG THĂM ĐỀN THÁNH ĐỨC MẸ APARECIDA

VATICAN: Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết thư cho Đức Hồng Y Raymundo Damasceno Assis, Tổng Giám Mục Aparecida kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Brasil, để bầy tỏ lòng biết ơn đối với sự tiếp đón nồng hậu dành cho ngài trong chuyến hành hương tại đây nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Rio de Janeiro hồi hạ tuần tháng 7 năm 2013.

Trong sứ điệp đề ngày mùng 2 tháng 8-2013 Đức Thánh Cha nói ngài giữ gìn trong tâm trí các hình ảnh của buổi cử hành sâu đậm tại đền thánh Đức Mẹ Aparecida. Đó cũng đã là dịp sống lại các kỷ niệm của hội nghị lần thứ V của Liên Hội Đồng Giám Muc châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi. Sau khi bầy tỏ lòng yêu mến và sùng mộ đối với Đức Bà Aparecida Đức Thánh Cha xin Đức Hồng Y chuyển lời cám ơn của ngài tới các Giám Mục Brasil cũng như các linh mục và phong trào của Giáo Hội đã lo lắng và nỗ lực tổ chức Ngày Quốc Tế Tế Trẻ rất trôi chảy tốt đẹp. Đức Thánh Cha cầu mong rằng các hạt giống đã gieo vãi nở hoa cho một mùa xuân mới của Giáo Hội và quốc gia Brasil yêu dấu. Ngài xin Đức Mẹ Aparecida bầu cử cho Giáo Hội và dân nước Brasil (SD 17-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP CHO ĐẠI HỘI CÁC DÂN TỘC RIMINI LẦN THỨ 34

ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP CHO ĐẠI HỘI CÁC DÂN TỘC RIMINI LẦN THỨ 34

VATICAN: Trong sứ điệp gửi đại hội các dân tộc lần thứ 34 tại Rimini trung Italia, Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các tham dự viên tìm ra các phương thức mới để rao truyền Tin Mừng trong thế giới ngày càng tục hóa hiện nay.

Sứ điệp mang chữ ký của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, gửi Đức Cha Francesco Lambiasi, Giám Mục Rimini. Nhắc lại đề tài của đại hội là ”Con người sự cấp thiết” Đức Thánh Cha Phanxicô lập lại khẳng định của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: ”Con người là con đường của Giáo Hội”. Con người luôn là một mầu nhiệm không thể bị giản lược vào bất cứ hình ảnh nào mà xã hội và quyền bính tìm áp đặt cho nó. Con người là mầu nhiệm của tự do và ơn thánh, của sự nghèo nàn và cao cả. Con người là con đường của Giáo Hội, bởi vì đó là con đường mà chính Thiên Chúa đã đi qua… Chúa Giêsu Kitô là con người chính của Giáo Hội, nhưng bởi vì Ngài cũng là con đường dẫn đến từng người, nên con người trở thành ”con đường đầu tiên và nền tảng của Giáo Hội” (x. Redemtor hominis, 1314).

Khi khẳng định ”Ta là cửa” (Ga 10,7) Chúa Giêsu muốn nói rằng Ngài là cánh cửa dẫn tới mọi người và mọi sự. Không qua Chúa Kitô, không tập trung nơi Ngài cái nhìn của tâm trí, chúng ta sẽ không hiểu gì về mầu nhiệm con người. Khi hiểu mầu nhiệm về con người, chúng ta bị bó buộc thay đổi các tiêu chuẩn phán đoán và hành động. Thế giới cũng chú ý tới con người. Nhưng quyền bính kinh tế, chính trị, truyền thông cần tới con người để trường tồn và phô trương, nhưng chúng thường tìm lèo lái các đám đông, dẫn vào các ao ước, và xóa bỏ những gì qúy báu nhất mà con người có là tương quan với Thiên Chúa. Quyền bính sợ hãi con người đối thoại với Thiên Chúa, bởi vì cuộc đối thoại ấy khiến cho con người tự do và không thể đồng hóa được.

Và đây chính là sự cấp thiết mà đại hội tình bạn giữa các dân tộc nêu lên: đó là trả con người lại cho chính nó, cho phẩm gia rất cao qúy của nó, cho sự duy nhất và qúy trọng của mọi sự sống con người từ lức thụ thai cho tới khi chết tự nhiên. Cần phải tái duyệt xét sự thánh thiêng của con người, và mạnh mẽ nêu bật rằng chỉ trong tương quan với Thiên Chúa, nghĩa là trong việc khám phá ra và gắn bó với ơn gọi của mình, con người mới có thể đạt tầm mức đích thật của nó. Giáo Hội, mà Chúa Kitô đã trao phó cho Lời Ngài và các Bí Tích, giữ gìn niềm hy vọng lớn nhất và khả thể đích thật nhất của việc hiện thực đối với con người, ở bất cứ vĩ tuyến và thời đại nào. Trách nhiệm này lớn lao chừng nào, và chúng ta không được giữ kho tàng đó cho riêng mình, mà phải chia sẻ với các anh chị em khác… Noi gương Chúa Giêsu chúng ta hãy ra đi gặp gỡ con người thời đại chúng ta, trẻ em người già, người thông thái, người vô học, giới trẻ và các gia đình. Hãy đi tìm gặp họ và gần gũi với từng người, không phải chỉ trong các nhà thờ và các xứ đạo, nhưng chúng ta hãy mang mùi hương tình yêu của Chúa Kitô vào trong mọi môi trường (x. 2 Cr 2,15). Trong các trường học, các đại học, các nơi làm việc, các nhà thương, nhà tù, và cả trong các quảng trường, trên đường phố, tại các trung tâm thể thao thể dục, trong các hàng quán nơi có người lui tới. Chúng ta đừng hà tiện trong việc cho đi điều chúng ta đã nhận được mà không có công nghiệp nào! Chúng ta đừng sợ loan báo Chúa Kitô trong các dịp thuân tiện cũng như không thuận tiện (x. 2 Tm 4,2) với sự tôn trọng và thẳng thắn.

Nhiệm vụ của Giáo Hội và của mọi Kitô hữu là phục vụ con người bằng cách đi tìm nó trong các ngõ ngách xã hội và tinh thần kín ẩn nhất. Và lòng trung thành của Giáo Hội với Chúa Kitô là điều kiện sự đáng tin cậy của Giáo Hội trong sứ mệnh này… (SD 18-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Theo Chúa Giêsu là luôn nhìn lên Chúa và đi theo Người, cho dù có phải trả giá mắc mỏ.

Theo Chúa Giêsu là luôn nhìn lên Chúa và đi theo Người, cho dù có phải trả giá mắc mỏ.

Theo Chúa Giêsu là luôn nhìn lên Chúa và đi theo Người, cho dù có phải trả giá mắc mỏ. Sức mạnh đích thật của kitô hữu là sức mạnh của sự thật và tình yêu thương, bao gồm việc từ chối mọi bạo lực. Đức tin và bạo lực không tương hợp với nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 18-8-2013.

Mở đầu bài huấn đụ Đức Thánh Cha nói: Trong phụng vụ hôm nay chúng ta nghe các lời này của thư gửi tín hữu Do thái: ”Chúng ta hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,1-2). Đây là một kiểu diễn tả, mà chúng ta phải đặc biệt nhấn mạnh trong năm Đức Tin này. Áp dụng vào cuộc sống tín hữu Đức Thánh Cha nói:

Cả chúng ta nữa trong suốt năm nay, chúng ta cũng hãy hướng nhìn lên Chúa Giêsu, bởi vì đức tin đến tư Người, là tiếng ”xin vâng” của chúng ta trong tương quan con thảo với Thiên Chúa; chính Người là Đấng trung gian duy nhất của tương quan ấy giữa chúng ta với Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên Trời. Đức Giêsu là Con, và chúng ta là con trong Người.

Nhưng Lời Chúa trong Chúa Nhật này cũng chứa đựng một lời nói của Đức Giêsu khiến cho chúng ta bị khủng hoảng, và nó phải được giải thích, nếu không nó có thể gây ra các hiểu lầm. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ”Các con tưởng rằng Thầy đến để ban bình an cho trái đất sao? Không, Thầy bảo cho các con biết, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12,51). Điều nay có nghĩa là gì? Và Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Nó có nghĩa là đức tin không phải là một cái gì để trang hoàng, trang sức; không phải là trang hoàng cuộc sống với một chút tôn giáo, hay như chiếc bánh với một chút kem sữa. Không! Đức tin bao gồm việc lựa chọn Thiên Chúa như là tiêu chuẩn nền tảng của cuộc sống, và Thiên Chúa không phải là trống không, không trung lập, Thiên Chúa luôn luôn tích cực, Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu thì tích cực. Sau khi Chúa Giêsu đến trần gian, không còn có thể làm như thể chúng ta không biết Thiên Chúa. Như thể Người là một điều trừu tượng, trống rỗng, quy chiếu thuần túy danh từ, không, Thiên Chúa có một gương mặt cụ thể, có một tên gọi: Thiên Chúa là lòng thương xót. Thiên Chúa là sự trung thành, là sự sống tự trao ban cho tất cả chúng ta. Chính vì vậy Chúa Giêsu nói Thầy đến để đem chia rẽ, không phải Chúa Giêsu muốn chia rẽ con người với nhau, trái lại, Chúa Giêsu là niềm an bình của chúng ta, là sự hòa giải của chúng ta. Nhưng niềm an bình ấy không phải là sự an bình của các nấm mồ, không phải sự trung lập, Chúa Giêsu không đem đến sự trung lập; sự bình an này không phải là một giàn xếp bằng mọị giá. Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa đích thực của việc theo Chúa như sau:

Theo Chúa Giêsu bao gồm việc khước từ sự dữ, ích kỷ và lựa chọn sự thiện, chân lý, công bằng, cả khi nó đòi buộc hy sinh và từ bỏ các lợi lộc. Và chính điều này chia rẽ; chúng ta biết, nó chia rẽ cả những tương quan chặt chẽ nhất. Nhưng hãy chú ý: không phải Chúa Giêsu chia rẽ đâu! Người đưa ra tiêu chuẩn: sống cho chính mình, hay sống cho Thiên Chúa và cho tha nhân; làm cho mình được hầu hạ hay hầu hạ; vâng lời cái tôi của mình hay vâng lời Thiên Chúa. Đó, Chúa Giêsu ”là dấu chỉ sự mẫu thuẫn” là trong nghĩa đó (Lc 2,34).

Như vậy, lời này của Tin Mừng không cho phép sử dụng sức mạnh để phổ biến đức tin. Trái lại: sức mạnh của kitô hữu là sức mạnh của chân lý và của tình yêu, bao gồm tư bỏ mọi bạo lực. Đức tin và bạo lực không tương hợp với nhau. Trái lại, đức tin và sự mạnh mẽ đi đôi với nhau. Tín hữu kitô không bạo lực, nhưng mạnh mẽ. Và với sức mạnh nào? Sức mạnh của sư hiền dịu, sức mạnh của sự hiền dịu, sức mạnh của tình yêu thương.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, cả giữa các người bà con của Chúa Giêsu cũng có vài người cho tới điểm nào đó đã không chia sẻ kiểu sống và giảng dậy của Người; Tin Mừng nói với chúng ta như thế (x. Mc 3,20-21). Nhưng Mẹ Người đã luôn luôn trung thành theo Người, dán chặt cài nhìn trên trái tim Chúa Giêsu, Con Đấng Tối Cao, và trên mầu nhiệm của Người. Và sau cùng, nhờ đức tin của Mẹ Maria, các người bà con của Chúa Giêsu đã bước vào làm thành phần của cộng đoàn kitô tiên khởi (x. Cv 1,14). Chúng ta cũng hãy xin Mẹ Maria trợ giúp chúng ta biết gắn chặt cái nhìn nơi Chúa Giêsu, và theo Người, cho dù có phải trả giá mắc mỏ.

Anh chị em hãy nhớ: theo Chúa Giêsu không phải là trung lập, theo Chúa Giêsu có nghĩa là để cho mình bị liên lụy,, bởi vì đức tin không phải là một đồ trang sức, mà là sức mạnh của linh hồn!

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã xin mọi người cùng ngài cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ đắm phà bên Philippines, cũng như cho gia đình và thân nhân của họ đang phải chịu đau đớn biết bao nhiêu. Ngài cũng nói chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình bên Ai Cập. Xin anh chị em tất cả cùng nói: ”Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương hòa bình, xin cầu cho chúng con! Tất cả mọi người: ”Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương hòa bình, xin cầu cho chúng con!

Đức Thánh Cha đã chào tất cả mọi người hiện diện đặc biệt là nhóm dân ca vũ Ba La đến từ Edmonton bên Canada và nhóm bạn trẻ Brambilla gần Bergamo. Khi nghe họ reo hò Đức thánh Cha nói: ”Cha thấy các con. Cha thấy các con rõ lắm! Rồi ngài nói tiếp: tôi chúc lành cho ngọn đuốc mà các bạn trẻ sẽ đi bộ đem từ Roma về tới nhà họ. Sau cùng ngài đã chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành và bữa trưa ngon miệng.

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio