Đức Thánh Cha chào mừng Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô

Đức Thánh Cha chào mừng Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô

VATICAN. ĐTC Phanxicô chào mừng Đại hội kỳ 10 của Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô nhóm tại Hàn Quốc và tái bày tỏ quyết tâm của Giáo Hội Công Giáo cộng tác với Hội đồng này.

3 ngàn vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô không Công Giáo tham dự Đại hội nhóm 7 năm một lần của Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, khai diễn ngày 30-10-2013 tại Phủ Sơn (Busan), là thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc, sau thủ đô Hán Thành.

Sứ điệp được ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô tuyên đọc trong buổi khai mạc đại hội. Ngài nhắc đến chủ đề Đại Hội lần này là ”Lạy Thiên Chúa của sự sống, xin dẫn chúng con đến công lý và hòa bình” và nhận định rằng ”Chủ đề này trước tiên là một lời khẩn nguyện dâng lên Chúa Ba Ngôi.. Hễ khi nào hồng ân sự sống được quí chuộng, thì công lý và hòa bình trổi vượt, Nước Chúa hiện diện và quyền năng tối thượng của Chúa đang hoạt động.. Vì thế, tôi tin tưởng rằng Đại hội này sẽ giúp củng cố quyết tâm của mọi Kitô hữu gia tăng cầu nguyện và cộng tác trong việc phụng sự Tin Mừng và thiện ích toàn diện của gia đình nhân lại. Thế giới hoàn cầu hóa trong đó chúng ta đang sống đòi chúng ta làm chứng tá chung về phẩm giá Chúa ban cho mỗi người, và thăng tiến hữu hiệu những điều kiện văn hóa, xã hội và luật pháp, giúp mỗi người và các cộng đoàn tăng trưởng trong tự do, và nâng đỡ sứ mạng của gia đình như nền tảng của xã hội, củng cố một nền giáo dục lành mạnh và toàn diện cho giới trẻ, bảo đảm cho mọi người được tự do tôn giáo không bị cản trở”.

ĐTC cũng khẳng định rằng: ”Trong niềm trung thành với Tin Mừng và đáp lại nhu cầu cấp thiết của thời nay, chúng ta được kêu gọi tìm đến với những người đang ở ngoài rìa các xã hội chúng ta và chứng tỏ tình liên đới đặc biệt với những anh chị em chúng ta dễ bị tổn thương nhất: những người nghèo, người tàn tật, hài nhi chưa sinh ra và bệnh nhân, người di dân và tị nạn, người già và người trẻ thiếu công ăn việc làm”.

Sau cùng ĐTC cho biết ngài cầu nguyện để Đại hội của Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô góp phần mang lại một đà tiến mới cho sức sinh động và quan điểm cho mọi người dấn thân cho chính nghĩa hiệp nhất các tín hữu Kitô, trong niềm trung thành với ý muốn của Chúa cho Giáo Hội của Ngài, cởi mở đối với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh.

Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô là một tổ chức qui tụ 345 Giáo Hội thành viên gồm Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo và các Giáo Hội Kitô không Công Giáo khác. Giáo Hội Công Giáo không phải là thành viên, nhưng cũng gửi khoảng 25 đại biểu quan sát viên đến dự, trong đó có các chức sắc của Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, Liên HĐGM Á châu và một số tổ chức Công Giáo khác.

Trong 9 ngày nhóm họp, cho đến 8-11 tới đây, Đại hội duyệt lại công việc của Hội đồng đại kết, xác định các chính sách tổng quát, công bố các tuyên ngôn và bầu Ủy ban trung ương của Hội đồng đại kết. (SD 30-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Sự hiệp thông của các thánh

Sự hiệp thông của các thánh

Sự hiệp thông của các thánh nảy sinh từ sự hiệp thông với Thiên Chúa và niềm tin nơi Chúa Kitô. Nó nối kết giữa các tín hữu còn lữ hành trên trần gian này với các tín hữu đang được thanh luyện trong Luyện ngục và các thánh trên Thiên Đàng trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 100,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiến kiến chung sáng thứ tư 30 tháng 10-2013 tại quảng trường thánh Phêrô. Đã có hàng chục ngàn tín hữu phải đứng ngoài quảng trường Pio XII và đường Hòa Giải. Trong số hàng trăm đoàn hành hương hiện diện cũng có hai nhóm Việt Nam đến từ Đức và Hoa Kỳ. Đặc biệt có phái đoàn các nhóm tôn giáo Iraq do Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn hướng dẫn, đang tham sự khóa họp tại Roma.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý ”sự hiệp thông của các thánh”, là một thực tại rất đẹp của đức tin. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng kiểu nói này diễn tả hai thực tại: sự hiệp thông giữa các điều thánh thiện, và sự hiệp thông giữa các người thánh thiện (s. 948). Ý nghĩa thứ hai này là một trong những sự thật trao ban an ủi nhất trong đức tin của chúng ta, bởi vì nó nhắc nhở cho chúng ta biết rằng chúng ta không cô đơn, nhưng có một sự hiệp thông sự sống giữa tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô. Đó là một sự hiệp thông nảy sinh từ lòng tin. Thật thế, từ ”các thánh” quy chiếu về những người tin nơi Chúa Giêsu và được tháp nhập vào Người trong Giáo Hội qua bí tích Rửa Tội. Vì thế các kitô hữu tiên khởi cũng đã được gọi là ”các thánh” (x. Cv 9,13.32.41; Rm 8,27; 1 Cr 6,1).

Phúc âm thánh Gioan chứng thực rằng trước cuộc Khổ Nạn, Đức Giêsu đã cầu xin Thiên Chúa Cha cho sự hiệp thông giữa các môn đệ, với các lời này: ”Để tất cả chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ước gì chúng cũng ở trong chúng ta, để thế giới tin rằng Cha đã sai Con” (Gv 17,21). Đức Thánh Cha giải thích sự hiệp thông trong Giáo Hội như sau:

Giáo hội, trong sự thật sâu thẳm nhất của nó, là hiệp thông với Thiên Chúa, sự hiệp thông của tình yêu với Chúa Kitô và với Thiên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, kéo dài trong sự hiệp thông huynh đệ. Tương quan này giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa Cha là ”khuôn mẫu” của sự gắn bó giữa các kitô hữu chúng ta: nếu chúng ta được tháp nhập một cách thân tình vào ”khuôn mẫu” này, vào lò lửa tình yêu nồng cháy là Thiên Chúa Ba Ngôi, thì khi đó chúng ta có thể thực sự trở thành một con tim một linh hồn giữa chúng ta, bởi vì tình yêu của Thiên Chúa thiêu rụi các ích kỷ, đốt cháy các thành kiến và các chia rẽ bên trong và bên ngoài của chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa cũng thiêu rụi cả các tội lỗi của chúng ta nữa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Nếu có sự đâm rễ trong suối nguồn Tình Yêu là Thiên Chúa, thì khi đó người ta cũng kiểm thực được sự vận hành hỗ tương: từ các anh chị em tới Thiên Chúa. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Kinh nghiệm của sự hiệp thông huynh đệ dẫn đưa tôi tới sự hiệp thông với Thiên Chúa. Hiệp nhất với nhau dẫn đưa chúng ta tới sự hiệp nhất với Thiên Chúa, dẫn đưa chúng ta tới mối dây này với Thiên Chúa là Cha chúng ta. Và đây là khía cạnh thứ hai trong sự hiệp thông của các thánh mà tôi muốn nhần mạnh: đức tin của chúng ta cần sự nâng đỡ của những người khác, đặc biệt trong những lúc gặp khó khăn. Nếu chúng ta hiệp nhất, thì đức tin trở thành mạnh mẽ. Thật là đẹp biết bao nâng đỡ nhau trong cuộc mạo hiểm tuyệt vời của đức tin! Tôi nói điều này bởi vì khuynh hướng khép kín trong riêng tư đã ảnh hưởng trên cả lãnh vực tôn giáo nữa, đến độ nhiều khi thật là vất vả xin sự trợ giúp tinh thần của nhưng người chia sẻ linh nghiệm kitô với chúng ta. Ai trong chúng ta lại đã không sống kinh nghiệm bất an, lạc lõng và cả nghi ngờ trên con đường lòng tin? Chúng ta tất cả đều đã sống kinh nghiệm này, cả tôi nữa: nó là phần của con đường đức tin, là phần của cuộc sống. Tất cả những điều này không được khiến cho

chúng ta ngạc nhiên, bởi vì chúng ta là người, bị ghi dấu bởi sự mỏng giòn và các hạn hẹp. Tuy nhiên, trong những lúc khó khăn ấy cần phải tín thác nơi sự trợ giúp của Thiên Chúa, qua lời cầu nguyện con thảo, và đồng thời thật là quan trọng tìm ra lòng can đảm và sự khiêm tốn rộng mở chính mình cho người khác, để xin trợ giúp, để xin người khác giúp chúng ta một tay. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã làm điều này và chúng ta đã thành công ra khỏi vấn đề và tìm thấy Thiên Chúa một lần nữa. Trong sự hiệp thông này hiệp thông có nghĩa là hiệp nhất chung.

Đề cập tới khía cạnh thứ ba trong sự hiệp thông của các thánh Đức Thánh Cha khẳng định rằng sự hiệp thông của các thánh đi xa hơn cuộc sống trần gian này, vượt xa hơn cái chết và kéo dài luôn mãi. Nó là một sự hiệp nhất tinh thần nảy sinh từ bí tích Rửa Tội không bị bẻ gẫy bởi cái chết, nhưng nhờ Chúa Kitô phục sinh, nó được chỉ định tìm thấy sự viên mãn trong cuộc sống vĩnh cửu. Có một mối dây sâu xa và không thể chia lìa giữa những người còn lữ hành trên trần gian này và những người đã vượt qua ngưỡng cửa của cái chết để bước vào nơi vĩnh cửu. Tất cả những người đã được rửa tội trên trần gian này, các linh hồn trong Luyện Ngục và tất cả các thánh đã ở trên Thiên Đàng làm thành một gia đình duy nhất. Sự hiệp thông này giữa đất và trời được thực hiện một cách đặc biệt trong lời cầu nguyện bầu cử.

Anh chị em thân mến, chúng ta có vẻ đẹp này. Đó là một thực tại của chúng ta tất cả, khiến cho chúng ta là anh chị em với nhau. Thực tại này đồng hành với chúng ta trên con đường cuộc sống và khiến cho chúng ta tìm thấy nó một lần nữa trên trời. Chúng ta hãy bước đi trên con đường này với sự tin tưởng và niềm vui. Một kitô hữu phải vui tươi, với niềm vui có biết bao nhiêu anh chị em được rửa tội cùng đi với mình. Được nâng đỡ bởi các anh chị em bước đi trên cùng con đường này để về trời. Và với sự trợ giùp của các anh chị em đang ở trên trời và cầu xin Chúa Giêsu cho chúng ta chúng ta hãy tiến lên trên con đường này trong tươi vui!

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau hiện diện tại quảng trường: các phái đoàn hành hương của nhiều giáo phận Pháp, do các Giám Mục hướng dẫn như tổng giáo phận Paris và Rennes. Các phái đoàn đến từ Philippines, Việt Nam và Đông Timor. Các phái đoàn đến từ Châu Mỹ Latinh như Argentina, El Salvador, Mehicô và Brasil. Đức Thánh Cha đã khuyến khích mọi người để cho tình yêu của Thiên Chúa nung nấu để thay đổi bộ mặt của gia đình, xứ đạo và thế giới.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết rằng thứ sáu tới đây là lễ các Thánh. Ước chi chứng tá của các ngài củng cố nơi người trẻ xác tín Thiên Chúa đồng hành với họ trên đường đời; nâng đỡ các anh chị em đau yếu bằng cách làm vơi nhẹ khổ đau của họ; và trợ giúp các cặp vợ chồng mới cưới trong nỗ lực xây dựng gia đình trên niềm tin nơi Thiên Chúa.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phèp lành tòa thánh Đức Thành Cha ban cho mọi người.

Cũng như mọi lần đã có hàng chục trẻ em được Đức Thánh Cha hôn. Đức Thánh Cha đã xuống xe díp và chào một nhóm hàng trăm trẻ em giúp lễ thuộc mọi chủng tộc khác nhau. Một chú bé đã xin chữ ký của Đức Thánh Cha và vui sướng reo hò sau khi có được chữ ký của ngài. Trước khi Đức Thánh Cha lên tới khán đài đã có một phái đoàn của một thành phố mặc sắc phục thời Trung Cổ rất đẹp với cờ quạt và trống nghiêng mình chào Đức Thánh Cha trông rất ngoạn mục. Trong khi chào tín hữu đứng hai bên khán đài, có một chú bé đã tặng Đức Thánh Cha cái mũ ca lốt trắng. Ngài nhận chiếc mũ mới và lấy chiếc mũ cũ của ngài đội lên đầu chú bé. Đức Thánh Cha cũng đã dừng lại rất lâu để ôm hôn, chúc lành và an ủi các bệnh nhân ngồi trên xe lăn.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Chính sách ngoại giao của Tòa Thánh Vatican trong 50 năm qua

Chính sách ngoại giao của Tòa Thánh Vatican trong 50 năm qua

Phỏng vấn Đức Hồng Y Achille Silvestrini, nguyên Tổng Trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương

Ngày 25 tháng 10-2013 Đức Hồng Y Achille Silvestrini tròn 90 tuổi. Nhân dịp này Đức Hồng Y, nguyên Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, đã dành cho phóng viên Filippo Rizzi của nhật báo Tương Lai, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Đồng Giám Mục Italia, một bài phỏng vấn liên quan tới Công Đồng Chung Vatican II và đường lối ngoại giao của Tòa Thánh Vatican.

Đức Hồng Y Achille Silvestrini sinh năm 1923, thụ phong linh mục năm 1946. Sau khi đậu tiến sĩ Lưỡng Luật tại đại học Laterano, cha Silvestrini theo học Trường Ngoại Giao Tòa Thánh, và năm 1953 bắt đầu làm việc trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đặc trách các nước vùng Đông Nam Á. Từ năm 1958 Đức Ông Silvestrini là thư ký của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Domenico Tardini, và Đức Hồng Y Amleto Giovanni Cicongani cho tới năm 1969.

Như là người đặc trách các tương quan với các tổ chức quốc tế, Đức Ông Silvestrini đã là cộng sự viên của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Toà Thánh Agostino Casaroli, và trợ giúp người trong việc thực hiện chính sách cởi mở và đối thoại với các nước cộng sản Đông Âu. Đức Ông đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế như: hội nghị Helsinki về an ninh và cộng tác Âu châu năm 1975, các cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị này tại Genève năm 1973, hội nghị Belgrad để kiểm thực việc áp dụng. Đức Ông cũng đã hướng dẫn phái đoàn Tòa Thánh tham dự phiên họp của Liên Hiệp Quốc về việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích dân sự năm 1971; hội nghị về thỏa hiệp không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1975.

Năm 1979 Đức Ông Silvestrini được chỉ định làm Thư ký phân bộ liên lạc với các nước của Tòa Thánh và được nâng lên hàng Tổng Giám Mục. Năm 1983 Đức Tổng Giám Mục Silvestrini đại diện Tòa Thánh tham dự Hội nghị an ninh và cộng tác Âu châu lần thứ ba tại Madrid. Ngài cũng là trưởng phái đoàn Tòa Thánh tham dự cuộc họp tái duyệt xét các Thỏa hiệp Laterano với chính phủ Italia năm 1984; cũng như tham dự các cuộc họp liên quan tới việc giải quyết cuộc tranh chấp quần đảo Falklands giữa Anh Quốc và Argentina, và cuộc cách mạng tại Nicaragua. Năm 1988 Đức Gioan Phaolô II vinh thăng Đức Cha Silvestrini làm Hồng Y. Sau đó ngài được chỉ định làm Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, cho tới khi về hưu năm 1999.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, 50 năm đã trôi qua kể từ khi Đức Gioan XXIII triệu tập Công Đồng Chung Vatican II ngày 11 tháng 10 năm 1962. Đức Hồng Y nghĩ gì về thời điểm này?

Đáp: Tôi tin rằng cần phải tái khởi hành từ Công Đồng Chung Vatican II, từ tất cả những gì chưa trở thành thực tại và cần được thi hành. Cùng với người bạn thân của tôi là Đức cố Hồng Y Carlo Maria Martini, trong các năm qua, biết bao lần chúng tôi thường tự vấn liên quan tới sự cấp thiết phải tìm ra một thứ ngôn ngữ mới để nói với nhân loại ngày nay, một cách đặc biệt với các thế hệ trẻ, và đưa ra các câu trả lời thích đáng cho xã hội tân tiến hiện nay. Thách đố chờ đợi Giáo Hội là ra khỏi các môi trường chật hẹp của các phòng thánh, trong một nghĩa nào đó là ”tự giải trừ giáo sĩ” cả với giáo dân nữa và sống Tin Mừng một cách đích thực. Tôi cho rằng Âu châu không còn có thể ghi dấu các biên giới của giáo hội học nữa. Một thí dụ? Việc bầu Đức Bergoglio làm Giáo Hoàng đã không chỉ có nghĩa của sự mới mẻ: người Kế vị thánh Phêrô đến từ một nước xa xôi. Cung cách là Giám Mục Roma không chỉ gợi ý việc tái phục hồi tính cách hoàn vũ trong sứ mệnh của Giáo Hội Công Giáo, mà cũng mời gọi tất cả mọi kitô hữu canh tân ngôn ngữ loan báo đức tin, như chúng ta đã thấy trong nền thần học cho đến nay. Việc bầu Đức Bergoglio, là người gắn bó với huấn quyền của Đức Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, có lẽ thúc giục chúng ta lấy lại các đề tài đã từng là trọng tâm của các cuộc thảo luận thời Công Đồng; tái khám phá ra bằng cách tiếp thu các bài học của những ngôn sứ như Lercaro và Dossetti, và vài ưu tiên làm thành căn tính của Giáo Hội, dấu ấn của Cộng Đồng Chung Vatican II như việc lựa chọn bênh vực người nghèo, theo đuổi hòa bình giữa các dân tộc và đối thoại với những người ở xa và những người không tin. Trong nền tảng, đó là việc thời sự hóa Công Đồng, trong các ý hướng của Đức Gioan XXIII. Nó đã và vẫn là một nhiệm vụ còn rộng mở ngày nay: khiến cho Tin Mừng đến với con tim của tất cả mọi người.

Hỏi: Đức Hồng Y có các kỷ niệm đặc biệt nào về các năm giao động thời Công Đồng Chung Vatican II hay không?

Đáp: Đó đã là các năm hoạt động rất mạnh mẽ, cho phép tôi, như là người soạn thảo các công văn của Tòa thánh thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh, học hỏi từ Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh thời đó là Đức Hồng Y Domenico Tardini, không chỉ liên quan tới tầm quan trọng của ngành ngoại giao, mà cả việc lắng nghe các tác nhân đối thoại nữa, trong thái độ dành ưu tiên cho tình bác ái. Tôi cũng không thể quên được việc chấp nhận vĩnh viễn tài liệu về tự do tôn giáo Dignitatis Humanae đã quan trọng thế nào đối với Đức Ông Pietro Pavan. Tôi thường nghĩ tới sự cay đắng và tiếng khóc của cha Pavan, khi người ta báo cho cha biết là tài liệu chắc sẽ không được chấp thuận. Nhưng trái lại ngày 21 tháng 9 năm 1965 tài liệu đã được các Nghị Phụ chấp thuận. Và thế là tiếng khóc của cha bất thình lình biến thành niềm vui.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, có rất ít người biết rằng bài phỏng vấn đầu tiên mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đồng ý cho nhà báo Alberto Cavallari của nhật báo ”Người đưa tin chiều” thực hiện, đã do trung gian của Đức Hồng Y. Đức Hồng Y có thể giải thích cho biết cuộc gặp gỡ này đã xảy ra như thế nào không?

Đáp: Tôi nhớ rằng nhà báo Alberto Cavallari đã được Đức Ông Pasquale Macchi, thư ký của Đức Phaolô VI, giới thiệu với tôi. Hồi đó ông ta đang làm một cuộc tìm hiểu sinh hoạt của nhiều cơ quan trung ương Tòa Thánh, và viết cuốn sách nổi tiếng tựa đề ”Vaticăng thay đổi”. Chính trong bối cảnh ấy đã nảy sinh ra một cuộc nói chuyện giữa ông Cavallari và Đức Phaolô VI, vị Giáo Hoàng vĩ đại người vùng Brescia. Tôi nhớ rằng ông Alfio Russo, Giám đốc nhật báo ”Người đưa tin chiều” đã gửi ông Cavallari tới Roma để theo dõi Công Đồng Chung Vaticăng II, để tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra trong Giáo Hội. Tôi tin rằng từ đó đã nảy sinh ra cuộc điều tra của ông ta, đạt tột đỉnh với bài phỏng vấn Đức Phaolô VI, trước khi Đức Phaolô VI viếng thăm Liên Hiệp Quốc và đọc diễn văn tại đây. Đây cũng là cuộc phỏng vấn đầu tiên, mà một vị Giáo Hoàng dành cho giới báo chí kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Và nhà báo Alberto Cavallari đã viết lại một mạch bài phỏng vấn trong một quán giải khát ở đại lộ Hòa Giải. Ông Cavallari sau này đã trở thành bạn thân của tôi.

Hỏi: Trong các năm làm việc Đức Hồng Y đã gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng, từ việc ký các thỏa hiệp quan trọng, nhưng nhất là một cuộc sống như nhân viên ngoại giao của Tòa Thánh và như là một mục tử. Đức Hồng Y có các kỷ niệm nào trong các năm đó, và khi nào thì đã xảy ra sự tan giá băng giữa Liên Bang Xô Viết và Tòa Thánh Vatican?

Đáp: Chính Công Đồng Chung Vaticăng II và thông điệp ”Hòa Bình dưới thế” trong các năm đó đã giúp thay đổi bầu khí với Liên Xô và mở ra các cuộc đối thoại. Dĩ nhiên là một gương mặt đặc sủng và trí thức tinh tế như Agostino Casaroli, Hồng Y tương lai, đã là một trong các kiến trúc sư của cuộc tan giá băng này. Nó đã đươc hướng dẫn bởi chính sách từng bước nhỏ. nhưng cũng được hướng dẫn bởi niềm hy vọng của những điều có thể làm được, như chính sách cởi mở đối với Đông Âu gọi là ”Ostpolitik”. Tôi nghĩ tới sự cẩn trọng của người như chuyến đi năm 1963 từ Vienne sang Buudapest, hay sự cẩn trọng và kiên nhẫn của người trong các hoàn cảnh khó khăn. Nếu chúng ta muốn nhận ra ý nghĩa của nền ngoại giao của Tòa Thánh Vaticăng, thì phải tìm nó trong chính các năm này. Nếu không có chúng, thì đã không có biến cố ngày mùng 6 tháng 10 năm 1978, khi Đức Karol Wojtila được bầu làm Giáo Hoàng lấy tên hiệu là Gioan Phaolô II. Trong đặc sủng của Đức Karol Wojtila, sự hiệp nhất tinh thần của Âu châu được báo trước. Ngài có đức tin và sức mạnh của vị ngôn sứ. Thân thể của người và các cử chỉ của người cùng với các lời nói hiệp nhất một cách bất thình lình điều đã bị gạt bỏ với yêu sách của ý thức hệ. Dĩ nhiên còn có môt kinh nghiệm quan trọng khác nữa trong đời tôi. Đó là khi tôi thuộc phái đoàn Tòa Thánh ký Thỏa hiệp năm 1984, và trong dịp đó tôi đã kinh nghiệm được sự tuyệt tác của ngành ngoại giao, được xây dựng trong các năm trước đó.

Hỏi: Đức Hồng Y có muốn nhắn gửi sứ điệp nào cho các người trẻ và cho Giáo Hội tương lai hay không?

Đáp: Tôi tin rằng, như tôi đã nói, sứ điệp là lấy lại những gì chưa được thực hiện do Công Đồng Chung Vatican II đề ra. Đã có rất nhiều điều bị Đức Phaolô VI bỏ dở. Chúng vẫn còn đó. Nhưng không phải chỉ có thế mà thôi. Một trong các thách đố rộng mở cho nền văn hóa ngày nay, có lẽ có thể là thách đố đem nền thần học vào trong các khả năng của giáo dân để tạo thuận tiện cho một việc nghiên cứu được dưỡng nuôi bởi sự đối chiếu các khác biệt. Thế rồi tôi cũng tin rằng thật là quan trọng biết tiếp nhận các dấu chỉ thời đại và niềm hy vọng, mà ngày nay các Giáo Hội trẻ của Á chậu và châu Mỹ Latinh biết khơi dậy. Có lẽ từ đó cũng có thể tái sinh và tái khẳng định trong đại lục Tây Âu già nua và mệt mỏi của chúng ta tương lai của Kitô giáo. Như tôi đã nói cách đây nhiều năm, khi được một nhà báo hỏi, thật là đẹp nếu một ngày kia Ngày Quốc Tế Giới Trẻ được cử hành bên Trung Quốc. Đây là môt giấc mơ mà chúng ta hy vọng trở thành thực tại.

(Avvenire 25-10-2013)

Linh Tiến Khải

 

Ngày 31 tháng10: Hội tưởng niệm nạn nhân cộng sản trao huy chương tự do cho cha Nguyễn Văn Lý

Ngày 31 tháng10: Hội tưởng niệm nạn nhân cộng sản trao huy chương tự do cho cha Nguyễn Văn Lý

VRNs (27.10.2013) – Washington DC, USA – Thứ Năm 31 tháng 10, 2013 lúc 11 giờ sang, Hội Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản (Victims of Communism Memorial Foundation) vinh danh và trao huy chương “Truman-Reagan Medal of Freedom” năm 2013 cho Linh Mục Nguyễn Văn Lý. Buổi lễ trao huy chương sẽ được tổ chức tại Hạ Viện Hoa Kỳ (Rayburn Building-Room 2200).

Người cháu lớn nhất của Lm Nguyễn Văn Lý tại Hoa Kỳ là anh Nguyễn Văn Dũng sẽ đại diện Lm Lý để tiếp nhận huy chương.

Đây là một giải thưởng danh giá được mang tên hai vị tổng thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là Truman và Reagan. Trước đây vào năm 2007, một người Việt Nam khác là anh hùng Trần Văn Bá cũng được trao huy chương này.

Cha Tađêô Nguyễn Văn Lý sinh ngày 15 tháng 5 năm 1946, tại làng Ba Bình, Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh, Quảng Trị, là một linh mục Công giáo thuộc Tổng giáo phận Huế. Ngài là  một nhân vật bất đồng chính kiến ở Việt Nam, đã nhiều lần bị giới cầm quyền bắt giam. Năm 2007, ngài bị Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế xét xử công khai với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Khoản 1, Điều 88 – Bộ luật hình sự của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Năm 1963, ngài được cha Nguyễn Như Tự bảo trợ và giới thiệu vào tu học tại Tiểu Chủng viện Hoàn Thiện (Huế). Năm 1966, ông vào học tại Đại chủng viện Xuân Bích Huế. Tháng 4 năm 1974, ông được Tổng giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền truyền chức Linh mục tại Nhà thờ chính tòa Phủ Cam (Huế). Cha Tađêô Nguyễn Văn Lý gia nhập Hội Thừa Sai do Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền sáng lập với mục đích hoạt động truyền giáo ở những vùng dân cư nghèo khó và được giao việc phụ trách cộng đoàn Thừa Sai tại Gò Vấp, Gia Định. Năm 1975, cha Lý trở về Huế làm thư ký cho Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền.

Tháng 11 năm 1994, cha Lý đã ra “Tuyên ngôn 10 điểm về vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam”. Ngày 26 tháng 2 năm 2001, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ra quyết định quản chế hành chính 2 năm đối với cha Nguyễn Văn Lý tại xã Phú An vì lý do “sử dụng tòa giảng để kích động giáo dân chống phá chính quyền”.

Ngày 19 tháng 10 năm 2001, toà án nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xét xử và tuyên án cha Nguyễn Văn Lý 15 năm tù giam, 5 năm quản chế tại địa phương nơi cư trú về hai tội “phá hoại chính sách đoàn kết” và “không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc quản chế hành chính” (Điều 87 và 269 Bộ Luật Hình sự). Cha Lý sau đó bị đưa về giam tại Ba Sao (Nam Hà). Ngày 26 tháng 6 năm 2004, cha Lý được trao Giải Shalom khiếm diện tại Đại học Công giáo Eichstätt-Ingolstadt (Đức). Tháng 2 năm 2005, cha Lý được giảm án và được đặc xá. Ngày 8 tháng 4 năm 2006, cha Lý đã thành lập “Khối 8406″, cùng với một số người biên soạn nhiều tài liệu có nội dung chống lại chính quyền và kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2007. Ngày 22 tháng 8 năm 2006, cha Lý đã cùng ký tên vào bản công bố của “Khối 8406″ về “Tiến trình dân chủ hoá Việt Nam”.Ngày 8 tháng 9 năm 2006, Linh mục Lý đã công bố “Tuyên Bố nhân dịp đảng Thăng Tiến Việt Nam công bố tự thành lập tại Việt Nam ngày 08 tháng 09 năm 2006″.

Ngay ngày hôm sau, ​Thứ Sáu 1 tháng 11, 2013, ​Cộng đồng Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn cũng tổ chức một dạ tiệc da vũ để quý đồng hương cùng chung vui và hãnh diện với Lm Nguyễn Văn Lý xứng đáng nhận lãnh huy chương cao quý này.

PV. VRNs

Bùng nổ phim lấy chủ đề Kinh Thánh ở Hollywood

Bùng nổ phim lấy chủ đề Kinh Thánh ở Hollywood

Sarah Pulliam Bailey cho Religion News Service

Bùng nổ phim lấy chủ đề Kinh Thánh ở Hollywood thumbnail

Một cảnh trong bộ phim “Son of God” (Ảnh: Lightworkers Media)

Các xưởng phim và nhà làm phim đang tái khám phá một chủ đề cổ điển làm tài liệu nguồn cho các phim theo xu thế chủ đạo sắp tới đó là Kinh Thánh.

Gần 10 năm sau sự thành công của bộ phim bom tấn của Mel Gibson “Cuộc khổ nạn của Đức Kitô”, thu được 611.9 triệu Mỹ kim trên toàn thế giới, các xưởng phim đang dựa vào Kinh Thánh để tìm tài liệu hay.

Các phim sắp tới bao gồm:

* LD Entertainment đang tài trợ tài chính cho bộ phim “Resurrection” (“sự Phục sinh”), loạt sự kiện diễn ra ngay sau khi Chúa Giêsu chịu chết, được điều hành bởi “Hatfields & McCoys” đạo diễn Kevin Reynolds.

* Paramount sẽ phát hành bộ phim “Noah”, phóng tác trị giá 125 triệu Mỹ kim có Russell Crowe đóng vai chính vào năm 2014.

* 20th Century Fox đang thực hiện bộ phim “Exodus”, diễn viên chính Christian Bale đóng vai Môisê.

* Warner Bros có phim lấy đề tài về Môisê mang tựa đề “Gods And Kings”, do Steven Spielberg làm đạo diễn.

* Warner Bros. cũng đang thực hiện một bộ phim về Phôngxiô Philatô, được biết có sự góp mặt của Brad Pitt.

* Sony đang dàn dựng bộ phim “The Redemption of Cain” của Will Smith, bộ phim nói về sự kình địch giữa hai anh em Cain và Abel.

* Lionsgate đang thực hiện bộ phim “Mary Mother of Christ”, “cuốn phim mô tả những sự việc xảy ra trước phim ‘Cuộc khổ nạn của Đức Kitô’” có Ben Kingsley tham gia.

Song song với loạt phim lấy chủ đề Kinh Thánh sắp tới này, các nhà sản xuất đến từ chương trình truyền hình “The Bible” của kênh History thông báo rằng phóng tác phim “Son of God” sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào tháng Hai với hãng 20th Century Fox.

Cặp đôi Mark Burnett và diễn viên chính trong phim “Touched by an Angel” Roma Downey nói kết hợp Hollywood với Kinh Thánh có thể khó khăn.

“Nó không chỉ là một câu chuyện. Sẽ phải trả giá nếu không đi đúng hướng và không thể tìm được người cố vấn thích hợp”, Burnett, người sản xuất bộ phim “The Voice” và “Survivor”, nói.

Khi trình bày với một nhóm trẻ em, đôi này cho biết họ được nhắc nhớ một câu: “Xin đừng làm cho nó nhàm chán”.

“Có ý định tốt vẫn chưa đủ. Nó phải được trình bày một cách phù hợp với khán giả đương thời”, Downey, người đóng vai Mẹ Chúa Giêsu trong phim bộ này, nói.

Nguồn: Religion News Service

Trích từ UCANEWS VN

Giáo hội Hoa Kỳ kỷ niệm ngày Chúa Nhật của chức Linh mục vào ngày 27 tháng 10

Giáo Hội Hoa Kỳ tổ chức ngày “Chúa nhật dành cho Chức Linh mục” vào ngày 27 tháng 10 để kỷ niệm 10 năm thành lập ngày truyền thống này.

Washington, D.C., (Zenit.org)

Hội đồng Quốc tế Serra Hoa Kỳ sẽ tổ chức lễ kỷ niệm hàng năm dành cho các Linh mục vào Chúa nhật (Priesthood Sunday) cuối tuần này, 27 tháng 10. Vào ngày đó, các giáo xứ Công giáo ở Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho các linh mục của họ bằng lời cầu nguyện, dâng Thánh lễ và đối thoại.

Chúa nhật cuối cùng của tháng Mười được chỉ định như Chúa nhật của chức Linh mục, một ngày lễ kỷ niệm chức linh mục được những người lãnh đạo giáo dân của giáo xứ tổ chức với sự phối hợp của Hội đồng Quốc tế Serra của Hoa Kỳ.

Chúa nhật của chức Linh mục được thành lập vào năm 2003 là một cách giúp các cộng đồng Kitô giáo bày tỏ sự đánh giá cao đối với các linh mục đã phục vụ họ, ngay cả khi các phương tiện truyền thông thường quan tâm đến những mặt tiêu cực của chức Linh mục.

Một ngày lễ kỷ niệm như vậy được thành lập có liên quan đến việc số lượng các linh mục ở Mỹ đang giảm sút đáng kể. Chỉ có khoảng 4.000 linh mục trong tổng số 19.000 giáo xứ ở đất nước này. Hiện nay, nhiều Linh mục phải phục vụ hai hay nhiều giáo xứ.

Giáo dân của mỗi giáo xứ, trường học hoặc các sứ vụ khác được yêu cầu phát huy sáng kiến theo cách riêng biệt của họ để đánh dấu ngày tôn vinh cả chức Linh mục lẫn các Linh mục của họ. Cử hành Phụng vụ đặc biệt, dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các linh mục trong ngày Chúa nhật của Chức Linh mục, và khuyến khích mở một cuộc đối thoại giữa các Linh mục và giáo dân.

Sr. Sen Trắng chuyển ngữ

150 ngàn tín hữu tham dự Thánh Lễ Đức Thánh Cha cử hành với các gia đình

150 ngàn tín hữu tham dự Thánh Lễ Đức Thánh Cha cử hành với các gia đình

VATICAN. Sáng chúa nhật 27 tháng 10-2013, 150 ngàn tín hữu đã tham dự Thánh Lễ ĐTC Phanxicô cử hành với các gia đình đến từ 75 nước trên thế giới, kết thúc tốt đẹp cuộc hành hương của cac gia đình tại Roma trong Năm Đức Tin.

Tối thứ bẩy trước đó, 26 tháng 10-2013, các gia đình này đã gặp gỡ với ĐTC, chia sẻ chứng từ và tuyên xưng đức tin, cũng tại quảng trường thánh Phêrô. Trong số các tín hữu có nhiều người thuộc các phong trào Công giáo Tiến hành, canh tân trong Thánh Linh, Con đường tân dự tòng, v.v. Đồng tế với ĐTC có hơn 60 Hồng Y và Giám Mục, cùng với 500 Linh Mục.

Bài giảng Thánh Lễ

Trong bài giảng Thánh Lễ, ĐTC đã dựa vào các bài đọc để rút ra những bài học thực tế cho đời sống gia đình, đó là gia đình cầu nguyện, gia đình bảo tồn đức tin và gia đình sống niềm vui. Ngài nói:

”Các bài đọc chúa nhật hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về một vài đặc tính cơ bản của gia đình Kitô.

1. Thứ I: gia đình cầu nguyện. Đoạn sách Tin Mừng làm nổi bật hai cách thức cầu nguyện, một cách sai lầm như người biệt phái – và một cách đúng đắn là cách của người thu thuế. Người biệt phái là hiện thân của một thái độ không biểu lộ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vì những ơn lành và lòng từ bi của Ngài, nhưng đúng hơn tỏ ra tự mãn. Người biệt phải cảm thấy mình là người công chính, thấy mình hoàn hảo, và hãnh diện đoán xét người khác từ trên bệ cao của mình. Trái lại, người thu thuế không nói nhiều lời. Kinh nguyện của ông là một sự điều độ khiêm tốn, ý thức về sự bất xứng và tình trạng lầm than của mình: người ấy nhìn nhìn nhận mình cần ơn tha thứ và lòng từ bi của Thiên Chúa.

Kinh nguyện của người thu thuế là kinh nguyện của người nghèo, và là kinh nguyện làm hài lòng Thiên Chúa, như bài đọc thứ I đã nói, kinh nguyện ấy ”bay tới mây trời” (Hc 35,20), trong khi kinh nguyện của người biệt phái nặng nề vì những kiêu căng thừa thãi.

Hỡi các gia đình thân mến, dưới ánh sáng Lời Chúa, tôi muốn hỏi anh chị em: thỉnh thoảng anh chị em có cầu nguyện trong gia đình không? Tôi biết một số gia đình có cầu nguyện chung. Nhưng cũng có nhiều người nói với tôi: mà làm sao cầu nguyện chung? Vì dường như kinh nguyện là chuyện cá nhân, vả lại chả bao giờ có lúc thuận thiện, yên tĩnh.. Đúng thế, nhưng vấn đề ở đây là khiêm tốn, nhìn nhận rằng chúng ta cần Thiên Chúa, giống như người biệt phái! và cần có sự đơn sơ! Cùng nhau đọc kinh ”Lạy Cha” quanh bàn ăn, ta có thể làm được. Và cầu nguyện chung với kinh Mân Côi trong gia đình, đó là điều thật đẹp và mang lại bao nhiêu sức mạnh! Và cầu nguyện cho nhau! Chồng cầu cho vợ, vợ cầu cho chồng, cả hai cầu cho con cái, và con cái cầu cho cha mẹ, ông bà. Cầu nguyện cho nhau, đó là cầu nguyện trong gia đình, và điều làm cho gia đình mạnh mẽ chính là lời cầu nguyện.

2. Bài đọc thứ hai gợi cho chúng ta một điểm khác nữa: gia đình gìn giữ đức tin. Thánh Phaolô Tông Đồ, vào cuối đời, đã làm một bản kết toán cơ bản: ”Tôi đã bảo tồn đức tin” (2 Tm 4,7). Nhưng làm sao bảo tồn đức tin? Không phải trong một tủ sắt! Không phải chôn vùi đức tin dưới đất, như người đầy tớ lười biếng. Thánh Phaolô so sánh cuộc sống của ngài với một cuộc trận chiến và một cuộc chạy đua. Ngài đã bảo tồn đức tin vì ngài không phải chỉ thu hẹp vào việc bảo vệ đức tin, nhưng loan báo, chiếu tỏa và đưa đức tin đi xa. Ngài quyết liệt chống lại những người muốn bảo tồn, ”tẩm liệm” đóng khung sứ điệp của Chúa Kitô trong biên cương Palestine. Vì thế, thánh nhân đã thực hiện những chọn lựa can đảm, đi tới những lãnh thổ đố kỵ, để cho mình bị những người xa xăm, những nền văn hóa khác, khiêu khích, ngài đã rao giảng một cách thẳng thắn không sợ hãi. Thánh Phaolô đã bảo tồn đức tin vì, như ngài đã nhận lãnh, đã trao ban, đẩy mình tới những vùng ngoại biên, không bám vào những vị trí tự vệ.
Ở đây chúng ta cũng có thể tự hỏi: chúng ta có thể giữ gìn đức tin như thế nào? Phải chăng chúng ta giữ đức tin cho mình, trong gia đình chúng ta, như một tư sản, hay chúng ta biết chia sẻ đức tin bằng chứng tá, bằng sự tiếp đón, cởi mở đối với tha nhân? Tất cả chúng ta biết rằng các gia đình, nhất là những gia đình trẻ, thường ”chạy”, quá nhiều công việc; nhưng đôi khi anh chị em có nghĩ rằng sự chạy đi vậy có thể cũng là một cuộc chạy đua đức tin? Các gia đình Kitô là những gia đình thừa sai, trong đời sống hằng ngày, làm những công việc hằng ngày, đặt muối và men đức tin trong mọi sự!

3. Một khía cạnh chúng ta rút được từ Lời Chúa, đó là gia đình sống niềm vui. Trong thánh vịnh đáp ca có thành ngữ này: ”Những người nghèo hãy lắng nghe và vui mừng” (33/34,3). Trọn thánh vịnh này là một bài ca chúc tụng Chúa là nguồn mạch vui mừng và an bình. Đâu là lý do để vui mừng? Thưa đó là: Chúa ở gần, Ngài lắng nghe tiếng kêu của những người khiêm hạ và giải thoát họ khỏi sự ác. Thánh Phaolô cũng viết: ”Anh chị em hãy luôn vui tươi.. Chúa đang ở gần!” (Pl 4,4-5). Hôm nay tôi muốn hỏi mỗi người trong anh chị em, như một bài tập cần làm: ở nhà có niềm vui không? Niềm vui trong gia đình bạn như thế nào? Mỗi người hãy tự trả lời!

Hỡi các gia đình thân mến, anh chị em biết rõ điều này: niềm vui chân thực mà ta nếm hưởng trong gia đình không phải là một cái gì hời hợt, không đến từ sự vật, từ những hoàn cảnh thuận tiện.. Niềm vui chân thực đến từ một sự hòa hợp sâu xa giữa con ngừơi, mà mọi người đều cảm thấy trong tâm hồn, nâng đỡ nhau trên con đường đời. Nhưng ở căn cội tâm tình vui mừng sâu xa ấy có sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình, có tình thương đón tiếp, của Ngài, tình yêu từ bi, tôn trọng mọi người. Và nhất là một tình yêu kiên nhẫn: kiên nhẫn là một đức tính của Thiên Chúa và Chúa dạy rằng trong gia đình phải có tình yêu kiên nhẫn như thế, mỗi người đối với nhau. Chỉ mình Thiên Chúa biết kiến tạo sự hòa hợp giữa những khác biệt. Nếu thiếu tình thương của Thiên Chúa, thì cả gia đình cũng mất đi sự hòa hợp, và thái độ duy cá nhân chủ nghĩa sẽ trổi vượt, và niềm vui bị tắt lịm. Trái lại, gia đình nào sống niềm vui đức tin thì tự nhiên cũng thông truyền, là muối đất và là ánh sáng thế gian, là men cho xã hội.
Và ĐTC kết luận rằng:

Hỡi các gia đình thân mến, anh chị em hãy luôn sống với niềm tin và với tinh thần đơn sơ, như Thánh Gia Nazareth. Ước gì niềm vui và an bình của Chúa luôn ở cùng anh chị em!

Kinh nguyện dâng lên Thánh Giá Thất

Cuối thánh lễ, Đức TGM Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC..

Tiếp đó, ĐTC tiến đến trước ảnh Thánh Gia và đọc kinh cầu nguyện với Thánh Gia Thất:
Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse, hôm nay chúng con muốn nhìn lên Thánh Gia Thất Nazareth với lòng ngưỡng mộ và tín thác; nơi Thánh Gia, chúng con chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sự hiệp thông trong tình yêu chân thực; chúng con phó thác cho các Ngài tất cả các gia đình chúng con, để những kỳ công của ân thánh được đổi mới trong họ.

Lạy Thánh Gia Nazareth, là trường dạy Thánh Tin Mừng đầy sức thu hút: xin dạy chúng con noi gương nhân đức của các Ngài nhờ một kỷ luật tinh thần khôn ngoan, xin ban cho chúng con cái nhìn trong sáng biết nhận ra công trình của Chúa Quan Phòng trong những thực tại hằng ngày của cuộc sống.

Lạy Thánh Gia Nazareth, đã trung thành gìn giữ mầu nhiệm cứu độ, xin làm tái sinh nơi chúng con lòng quí mến sự thinh lặng, xin làm cho gia đình chúng con thành Nhà Tiệc Ly cầu nguyện và biến thành những Giáo Hội tại gia nhỏ bé, xin canh tân ước muốn nên thánh, nâng đỡ những vất vả cao thượng của lao công, giáo dục, lắng nghe, cảm thông lẫn nhau và tha thứ.
Lạy Thánh Gia Nazareth, xin khơi dậy trong xã hội chúng con ý thức về tính chất thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình, là thiện ích vô giá và không thể thay thế được. Ước gì mỗi gia đình trở thành nhà ở niềm nở tốt lành và an bình cho các trẻ em và người già, cho người bệnh và cô đơn, cho người nghèo túng.

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, cùng với các ngài chúng con tín thác cầu nguyện, và hân hoan phó thác nơi các ngài.

Trước khi đọc kinh truyền tin kết thúc, ĐTC còn ngỏ lời chào và cám ơn tất cả các tín hữu hành hương, đặc biệt là các gia đình đến từ bao nhiêu quốc gia!

Ngài cũng chào thăm các GM và tín hữu từ nước Guinea Equatoriale bên Phi châu đến Roma này nhân dịp trao đổi văn kiện phê chuẩn hiệp định với Tòa Thánh. Xin Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm nguyên tội bảo vệ quốc dân yêu quí của anh chị em, và giúp anh chị em tiến triển trên con đường hòa hợp và công lý.

ĐTC mời các tín hữu, qua kinh Truyền Tin, cầu xin Mẹ Maria bảo vệ các gia đình trên toàn thế giới, đặc biệt là các gia đình đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn nhiều hơn.

Ngài và các tín hữu 3 lần lập lại lời khẩn nguyện: Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương các gia đình, xin cầu cho chúng con.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha gặp gỡ các gia đình Công Giáo thế giới

Đức Thánh Cha gặp gỡ các gia đình Công Giáo thế giới

VATICAN. Chiều thứ bẩy 26 tháng 10-2013, ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ hàng trăm ngàn tín hữu tham gia cuộc hành hương của các gia đình tại Roma nhân dịp Năm Đức Tin.

Cuộc gặp gỡ do Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân tổ chức với chủ đề ”Hỡi gia đình, hãy sống niềm vui đức tin”.
Từ 2 giờ chiều, Quảng trường Thánh Phêrô đã được mở ra để đón tiếp các gia đình với con cháu, từ 75 nước tựu về. Trong 2 tiếng rưỡi đồng hồ tiếp đó, họ đã tham gia buổi sinh hoạt, cầu nguyện, ca hát, và với phần trình bày chứng từ của nhiều gia đình, cả những cặp bị khủng hoảng và tan vỡ, nhưng đã cố gắng vượt thắng những tình trạng đau thương này.

Như trường hợp ông bà Daniele và Sabrina del Brusco ở Roma với hai con 12 và 9 tuổi. Sau 7 năm hôn phối, họ lâm vào trình trạng khủng hoảng. Daniele không muốn ở với Sabrina nữa. Sabrina nhờ bạn bè, cha mẹ, thân nhân giúp đỡ nhưng không thành công. Sau đó, Daniele được mời đi gặp một LM. Ông không muốn đi vì nghĩ rằng LM là người độc thân thì làm sao hiểu được những vấn đề của cuộc sống vợ chồng.

Nhưng rồi Daniele cũng đi gặp vị LM. Cha đã nói về một Thiên Chúa tình thương, một vị Thiên Chúa gần gũi con người, và mời gọi Daniele hãy tín thác vào Chúa, và để cho Chúa hành động. Và dần dần nơi Daniele đã có một sự thay đổi sâu xa. Ông khởi sự với Sabrina một hành trình mới trong đời sống hôn nhân: họ để cho Chúa Giêsu đi vào trung tâm cuộc sống của họ. Họ tái khám phá tình yêu đối với nhau, chấp nhận và tha thứ cho nhau.

Daniele nói: ”Chúng tôi hiểu rằng hôn phối của chúng tôi là một hồng ân vô biên; ơn thánh của bí tích hôn phối canh tân chúng tôi mỗi ngày và đôi vợ chồng không bao giờ lẻ loi, vì Chúa đồng hành với chúng ta”.

Dưới sự hướng dẫn của hoạt náo viên, rất nhiều gia đình đã dùng điện thoại di động gửi một tín hiệu ngắn SMS 1 Euro để trợ giúp các gia đình đang gặp khó khăn ở Siria, qua trung gian của Caritas Italia.

Lúc gần 5 giờ rưỡi, ĐTC Phanxicô từ bên trong Đền thờ Thánh Phêrô, cầm tay một em bé, tiến ra lễ đài ở thềm Đền Thờ giữa tiếng vỗ tay chào mừng của các tín hữu, mọi người vẫy bong bóng mầu hân hoan.. ĐTC đã bắt tay chào thăm các cha mẹ và ông bà đứng gần ngài trên lễ đài. Cạnh lễ đài là bức ảnh Chúa Giêsu được song thân dâng vào Đền Thờ của Chúa và gặp gỡ ông Simeon và bà Anna.

Bé Francesca đã đại diện mọi người chào ĐTC, trước khi Đức TGM Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, giới thiệu các thành phần gia đình tham dự cuộc gặp gỡ. Ngài không quên gửi lời chào thăm các gia đình đang gặp khó khăn tại nhiều nơi ở Siria.

Cuộc gặp gỡ tiến hành với những màn diễn xiệc, âm nhạc, chứng tá của các cặp sắp kết hôn, những đôi vợ chồng trẻ, những gia đình đông con. Đặc biệt có chứng từ của một gia đình Siria tị nạn, đã trải qua cảnh đau thương của chiến tranh, gia đình bị phân tán; chứng từ của gia đình ra đi truyền giáo, của các ông bà.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Trong bài huấn dụ, ĐTC chia sẻ niềm vui và bày tỏ cảm thông với bao nhiêu gia đình gặp khó khăn, nghèo khổ và chiến tranh, và cả những bạn trẻ muốn kết hôn giữa hàng ngàn khó khăn. Ngài đặc biệt diễn giải về đề tài cuộc gặp gỡ ”Hỡi gia đình, hãy sống niềm vui đức tin!”. Làm sao có thể sống niềm vui đức tin ngày nay trong gia đình?

ĐTC nói:
1. Có một câu của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Mathêu, Đấng đến gặp gỡ chúng ta: ”Hỡi tất cả những ai mệt mỏi và bị áp bức, hãy đến cùng Thầy, và Thầy sẽ bổ sức cho các con” (Mt 11,28). Cuộc sống thường vất vả. Làm việc cơ cực; tìm kiếm công ăn việc làm thật vất vả. Nhưng điều đè nặng nhất trong cuộc sống là sự thiếu tình thương. Thật là nặng nề khi không nhận được một nụ cười, không được đón nhận. Một số thinh lặng, nhiều khi trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, giữa anh chị em với nhau, cũng thật là nặng nề. Không có tình yêu thương thì vất vả trở nên nặng nề hơn. Tôi nghĩ đến những người già cô độc, những gia đình cơ cực vì không được giúp đỡ để săn sóc những mgười trong gia đình cần được sự chú ý đặc biệt và chăm sóc. Chúa Giêsu nói:”Hãy đến cùng Thầy, hỡi tất cả những ai vất vả và bị đè nén”!

Hỡi các gia đình thân mến, Chúa biết những cơ cực của anh chị em, những gánh nặng trong cuộc sống chúng ta. Nhưng Ngài cũng biết ước muốn sâu xa của chúng ta mong tìm được niềm vui được bồi dưỡng! Anh chị em có nhớ chăng? Chúa Giêsu đã nói: ”Ước gì niềm vui của các con hôm nay được tràn đầy” (Ga 15,11). Ngài đã nói điều đó với các tông đồ và hôm nay Ngài lập lại điều đó với chúng ta. Vì vậy đây là điều đầu tiên mà tối hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em, và đó là một câu của Chúa Giêsu: ”Hãy đến cùng Thầy, hỡi các gia đình trên toàn thế giới, và Thầy sẽ bồi dưỡng cho các con, để niềm vui của các con được tràn đầy”.

2. Câu thứ hai tôi rút từ sách nghi thức hôn phối. Người kết hôn trong bí tích, nói: ”Anh (em) hứa trung thành với em (anh) mãi mãi, khi vui mừng cũng như khi đau khổ, khi khỏe mạnh cũng như lúc bệnh tật, yêu thương, tôn trọng em (anh) mọi ngày trong đời em (anh).” Đôi tân hôn, trong lúc đó, không biết đâu sẽ là niềm vui và đau khổ đang chờ đợi họ. Họ ra đi, như Abraham, cùng nhau lên đường. Đó là hôn phối! Ra đi và đồng hành với nhau, tay trong tay, tín thác vào bàn tay to lớn của Chúa.

Với niềm tín thác đó nơi sự trung tín của Thiên Chúa, họ đương đầu với mọi sự, không sợ hãi, họ biết những vấn đề và nguy hiểm của cuộc sống. Nhưng họ không sợ đảm nhận trách nhiệm của mình, trước mặt Chúa và xã hội. Không chạy trốn, không tự cô lập, không từ bỏ sứ mạng thành lập một gia đình và sinh ra những người con trên trần thế. Nhưng hôm nay có người nói, thưa cha, khó quá… Đúng vậy, thật là khó. Vì thế cần có ơn của Bí tích! Các bí tích không phải để trang điểm cho cuộc sống; bí tích hôn phối không phải là một lễ nghi đẹp! Các tín hữu Kitô kết hôn trong bí tích vì họ ý thức mình cần bí tích này! Họ cần bí tích để hiệp nhất với nhau và để chu toàn sứ mạng làm cha làm mẹ. ”Khi vui tươi cũng như đau khổ, khi khỏe mạnh cũng như khi bệnh tật”. Và trong hôn phối, họ cầu nguyện với nhau và với cộng đoàn. Tại sao? Phải chăng vì người ta quen làm như thế? Không phải vậy, họ làm vì họ cần, vì hành trình dài mà họ phải cùng nhau tiến bước, họ cần ơn phù trợ của Chúa Giêsu, để cùng nhau tiến bước trong tin tưởng, để đón nhận nhau mỗi ngày, và tha thứ nhau hằng ngày!

Trong cuộc sống, gia đình cảm nghiệm bao nhiêu lúc tươi đẹp: nghỉ ngơi, ăn chung với nhau, ra công viên hoặc ra đồng quê, viếng thăm ông bà, thăm một người bệnh… Nhưng nếu thiếu tình yêu, thì thiếu niềm vui, thiếu buổi lễ, và Chúa Giêsu luôn ban tình yêu cho chúng ta: chính Ngài là nguồn mạch vô tận, và hiến thân cho chúng ta trong Thánh Thể. Tại đó Chúa ban cho chúng ta Lời Ngài, và Bánh sự sống để niềm vui của chúng ta được tràn đầy.

3. Ở đây trước mặt chúng ta bức ảnh Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh. Đó là một bức ảnh thật đẹp và quan trọng. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng bức ảnh và để cho ảnh này giúp đỡ. Như tất cả anh chị em, cả những nhân vật chính trong cảnh tượng của ảnh này cũng có hành trình của mình: Mẹ Maria và Thánh Giuse lên đường lữ hành, tiến về Jerusalem, tuân theo Luật của Chúa; cả cụ già Simeon và nữ ngôn sứ Anna, rất cao tuổi, cũng đến Đền thờ vì được Thánh Linh thúc đẩy. Cảnh tượng cho chúng ta thấy sự gặp gỡ giữa ba thế hệ: Ông Simeon ẵm Chúa Giêsu, nơi Ngài ông nhận ra là Đấng Messia, và bà Anna được mô tả trong cử chỉ chúc tụng Thiên Chúa và loan báo ơn cứu độ cho những ai đang mong đợi sự cứu chuộc Israel. Hai cụ già này tượng trưng niềm tin như ký ức. Mẹ Maria và Thánh Giuse là Gia đình được thánh hóa nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu, là sự viên mãn mọi lời hứa. Mỗi gia đình, như thánh gia Nazareth, được tháp nhập vào lịch sử của một dân tộc và không thể hiện hữu mà không có các thế hệ trước đó. Và ĐTC kết luận rằng: ”Hỡi các gia đình thân mến, anh chị em cũng là thành phần của dân Thiên Chúa. Hãy vui mừng tiến bước cùng với dân tộc này. Hãy luôn kết hiệp với Chúa Giêsu và mang Chúa đến cho tất cả mọi người qua chứng tá của anh chị em. Tôi cám ơn anh chị em đã đến đây. Cùng nhau chúng ta đón nhận lời thánh Phêrô, lời này mang cho chúng ta sức mạnh và sẽ mang cho chúng ta sức mạnh trong những lúc khó khăn: ”Lạy Chúa, chúng con biết theo ai bây giờ? Chúa có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68). Với ơn thánh của Chúa Kitô, anh chị em hãy sống niềm vui đức tin! Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, tháp tùng anh chị em”.

Sau bài huấn dụ của ĐTC, cuộc gặp gỡ với các gia đình được tiếp nối với phần tuyên xưng đức tin và kết thúc với phép lành của ngài.

Sáng chúa nhật hôm nay, 27-10-2013, các gia đình sẽ tham dự thánh lễ với ĐTC cũng tại Quảng trường thánh Phêrô. Hội đồng Tòa Thánh về gia đình cho biết có khoảng 150 ngàn người tham dự thánh lễ này (SD 26-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

RÔMA NHẮC LẠI GIÁO THUYẾT VỀ NGƯỜI LY DỊ TÁI HÔN

RÔMA NHẮC LẠI GIÁO THUYẾT VỀ NGƯỜI LY DỊ TÁI HÔN

Trong một bài viết được đăng trên nhật báo Osservatore Romano ngày 22/10/2013, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã loại trừ khả năng cho người ly dị tái hôn lãnh nhận các bí tích.

Đối với những ai nghi ngờ về tính liên tục giáo thuyết giữa Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô, Đức cha Gerhard Ludwig Müller, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, vừa có một lời cải chính mạnh mẽ. Và điều này trong một lãnh vực cực kỳ nhạy cảm : cuộc tranh luận về tính bất khả phân ly của hôn nhân và việc mục vụ dành cho người ly dị tái hôn. Trong bài viết được đăng trên trang nhất của nhật báo Osservatore Romano, Đức Cha đã trả lời cách rõ ràng cho những ai đang cổ xúy việc dễ dàng cho người ly dị tái hôn rước lễ.

Việc rước lễ không thể ban cho họ

Trong bài viết có tựa đề « Sức mạnh của ân sủng », Đức cha Müller đã phát biểu rất rõ ràng : « Việc chấp nhận cho rước lễ không thể được ban cho họ ». Còn về lòng thương xót, lập luận thường được nêu lên, bao gồm cả bởi Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Rio trở về, để biện hộ cho sự tiến triển của thực hành này, Đức Cha viết : « Đó là một lập trường  thiếu sót về mặt thần học bí tích, bởi vì toàn thể trật tự bí tích là một công trình của lòng thương xót (…). Xuyên qua việc kêu gọi sai lầm về lòng thương xót, người ta có nguy cơ tầm thường hóa hình ảnh của Thiên Chúa ». Đức Cha cũng loại bỏ khả năng Giáo Hội Công Giáo chấp thuận một thực hành của các Giáo Hội Chính Thống, theo đó các đôi bạn Kitô hữu ly dị, sau một thời gian sám hối, có thể ký kết một hôn nhân thứ hai. « Thực hành này không thể dung hòa với ý muốn của Thiên Chúa, như đã được diễn đạt cách rõ ràng bằng những lời của Chúa Giêsu về tính bất khả phân ly của hôn nhân, và điều đó biểu lộ một vấn đề đại kết vốn không được đánh giá thấp ».

Tuy nhiên, Đức Cha Tổng Trưởng nhìn nhận sự khó khăn gắn liền với vấn đề này, nhất là đối với não trạng hiện đại khó hiểu đối với đòi hỏi của Giáo Hội về hôn nhân. Ngài nói : « Não trạng hiện đại đối lập nhiều với lối hiểu của người Kitô hữu về hôn nhân, nhất là đối với tính bất khả phân ly hay việc mở ra cho sự sống ». Đức Cha cũng ghi nhận sự hoài nghi của các bạn trẻ đối với quyết định sống chung trọn đời. Tuy nhiên, ngài nói, hôn nhân không thể được phán đoán chỉ theo « những tiêu chí trần tục và thực dụng ». « Ai suy nghĩ theo ‘tinh thần thế gian’ (1Cr 2,12) thì không thể hiểu đặc tính bí tích của hôn nhân. « Mối ưu tư dành cho người ly dị tái hôn chắc chắn không thể bị giảm thiểu thành vấn đề lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. (…) Vẫn còn có những cách thức khác để bước vào hiệp thông với Thiên Chúa ».

« Tính bất khả phân ly tuyệt đối chỉ có giá trị đối với các hôn nhân nằm trong khuôn khổ của niềm tin vào Chúa Kitô »

Cánh cửa duy nhất được mở ra, đó chính là  cánh cửa mà Đức Ratzinger đã mở vào thời ngài, đặc biệt vào tháng 4/1999, trong phần dẫn vào tổng hợp về mục vụ hôn nhân. Lúc đó, ngài tuyên bố rằng « tính bất khả phân ly tuyệt đối chỉ có giá trị đối với các cuộc hôn nhân nằm trong khuôn khổ niềm tin vào Chúa Kitô ». Từ đó sự cởi mở này, được Đức Cha Tổng Trưởng lấy lại : « Làm sáng tỏ một vài điều kiện phải được tuân giữ để một hôn nhân bất khả phân ly tồn tại theo ý nghĩa được Chúa Giêsu gán cho nó ». Vào năm 1999, ĐHY Ratzinger đã viết : « Ta sẽ phải soi sáng vấn đề : Có phải thực sự mọi hôn nhân giữa hai người chịu phép rửa là « ipso facto » (tức khắc) một hôn nhân bí tích hay không ? » Nói cách khác, chính dưới khía cạnh đức tin mà cầ phải phán đoán tính hữu hiệu của một hôn nhân.

Tý Linh ( Xuân Bích VN)

Theo La Croix

Đức Thánh Cha trao tặng giải thưởng Ratzinger 2013 về thần học

Đức Thánh Cha trao tặng giải thưởng Ratzinger 2013 về thần học

VATICAN. Trong buổi trao tặng giải thưởng Ratzinger về thần học sáng 26-10-2013, ĐTC Phanxicô cám ơn Đức nguyên Giáo Hoàng về món quà dành cho Giáo Hội là bộ sách ”Đức Giêsu thành Nazareth”.

Giải thưởng Ratzinger về thần học năm nay (2013) đưc ĐTC trao cho một mục sư Anh giáo và 1 giáo dân giáo sư thần học ngưi Đức giúp ấn hành toàn bộ các tác phẩm của Joseph Ratzinger – ĐGH Bin Đức 16.

Mục Sư Anh giáo Richard Burridge, giáo sư tân ước tại Đại học King ở Luân đôn và là ngưi không Công Giáo đu tiên được nhận giải này. Tiếp đến là ông Christian Schaller, Phó Giám đốc Học viện Biển Đức 16 tại thành phố Regensburg bên Đc, là cơ quan ấn hành các ấn bản phê bình các tác phẩm của ĐGH Bin Đức 16.

Giải thưởng Ratzinger có kèm theo một ngân khoản 50 ngàn Euro rút từ số tiền do tác quyền các sách của ĐGH Bin Đức mang lại.

Lên tiếng trong buổi trao tặng giải thưng, ĐTC tái bày tỏ lòng quý mến nồng nhiệt của ngài đối với vị tiền nhiệm và kể lại rằng: ”Tôi còn nhớ khi cuốn đầu tiên trong bộ sách 'Đc Giêsu thành Nazareth' được xuất bản, một số ngưi đã nói với tôi: thế nghĩa là gì? Một Giáo Hoàng không viết sách thầnhọc, nhưng viết thông điệp!.. Chắc chắn ĐGH Bin Đc đã đặt vấn đ đó, nhưng trong trường hợp ấy cũng như luôn luôn, Ngài theo tiếng nói của Chúa trong lương tâm được soi sáng.”

ĐTC nói thêm rằng:

”Với các sách ấy, ĐGH Bin Đức không thực thi huấn quyền theo nghĩa riêng, và không thực hiện một nghiên cứu khoa học. Nhưng Ngài trao tặng cho Giáo Hội và tất cả mọi ngưi điều mà quí giá nhất đối với Ngài, đó là kiến thức của Ngài về Chúa Giêsu, thành quả của bao nhiêu năm nghiên cứu, cầu nguyện, đối chiếu thần học, và Ngài trình bày kiến thức ấy dưới hình thức dễ hiểu nhất”.

ĐTC nhìn nhận rằng rất nhiều ngưi đã nuôi dưng đức tin nhờ các sách của ĐGH Bin Đức về Đc Giêsu thành Nazareth, đã đào sâu hoặc lần đầu tiên đến cùng Chúa Kitô như mt ngưi trưởng thành, liên kết những đòi hỏi của lý trí và việc tìm kiếm nhan thánh CHúa. Đồng thời, ĐGH Bin Đc 16 đã kích thích một vận hội mới nghiên cứu học hỏi về các Tin Mừng giữa lịch sử và Kitô học”.

Sau cùng ĐTC chúc mng hai người trúng giải Ratzinger năm nay, Mc Sư giáo sư Richard Burridge và giáo sư Christian Schaller (SD 26-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Tòa Thánh về gia đình

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Tòa Thánh về gia đình

VATICAN. Sáng ngày 25-10-2013, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến 150 tham dự viên khóa họp toàn thể thứ 21 của Hội đồng Tòa Thánh về gia đình. Ngài đề cao ơn gọi, chức năng của gia đình, đặc biệt kêu gọi quan tâm đến trẻ em và người già.

ĐTC nhấn mạnh đến 2 điểm: trước tiên, gia đình là một cộng đoàn sự sống có cuộc sống tự lập. Gia đình gồm những người yêu thương, đối thoại, hy sinh cho nhau và bênh vực sự sống, nhất là những sự sống mong manh và yếu đối nhất. Gia đình chính là động cơ của thế giới và lịch sử… Trong gia đình mỗi người ý thức về phẩm giá của mình, và nếu được giáo dục theo tinh thần Kitô, họ sẽ nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, nhất là những người yếu đau và bị gạt ra ngoài lề.

Thứ hai: ”gia đình được xây dựng trên hôn nhân.. Có thể nói hôn nhân là bí tích đầu tiên của con người, trong đó con người khám phá bản thân, tự hiểu biết về mình trong tương quan với tha nhân và trong tương quan với tình thương mà họ có khả năng trao ban và nhận lãnh… Trong hôn nhân người ta hiến thân hoàn toàn, không tính toán hay dè dặt, chia sẻ tất cả, trao ban và từ bỏ, tín thác nơi Chúa Quan Phòng.”

Sau cùng, ĐTC nhấn mạnh cách riêng đến hai giai đoạn của đời sống gia đình là tuổi thơ và tuổi già. Ngài cảnh giác rằng: ”Một xã hội bỏ rơi trẻ em và gạt bỏ người già thì cắt đứt căn cội của mình và làm cho tương lai của mình đen tối. Mỗi lần một trẻ em bị bỏ rơi và một người già bị gạt bỏ, thì không những người ta thi hành một hành vi bất công, nhưng còn xác nhận sự thất bại của xã hội ấy. Chăm chóc trẻ em và người già chính là một chọn lựa văn minh”.

Hội đồng Tòa Thánh về gia đình đã nhóm họp từ ngày 23 đến 25-10, trong đó ngoài một số HY và GM còn có điều đôi vợ chồng thành viên. Khóa họp này được tiếp nối với cuộc hành hương của các gia đình thế giới trong Năm Đức Tin ở Roma: các gia đình sẽ gặp ĐTC chiều thứ bẩy 26-10-2013 và tham dự thánh lễ với ngài sáng chúa nhật 27-10-2013 (SD 25-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kêu gọi Do thái cùng bênh vực các tôn giáo thiểu số

Đức Thánh Cha kêu gọi Do thái cùng bênh vực các tôn giáo thiểu số

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 24-10-2013 dành cho phái đoàn của Trung Tâm Do thái Simon Wiesenthal, ĐTC Phanxicô cổ võ nỗ lực chung bài trừ mọi cuộc bách hại các nhóm thiểu số tôn giáo cũng như chủng tộc.

Trung tâm Simon Wiesenthal là một tổ chức Do thái quốc tế bênh vực các quyền con người. Trụ sở chính của cơ quan này đặt tại thành phố Los Angeles Hoa Kỳ, và chi nhánh tại 7 thành phố khác, trong đó có Paris, Buenos Aires và Jerusalem.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC tái khẳng định lập trường của Công Giáo bài trừ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc, bất bao dung và các chủ trương bài Do thái. Ngài nói thêm rằng: ”Vấn đề bất bao dung phải được đương đầu một cách toàn diện: nơi nào có một thiểu số bị bách hại và gạt ra ngoài lề vì những xác tín tôn giáo hoặc chủng tộc, thì thiện ích của toàn thể xã hội bị lâm nguy và tất cả chúng ta phải cảm thấy có liên hệ. Tôi đặc biệt đau buồn khi nghĩ đến những đau khổ, tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội và những cuộc bách hại mà nhiều Kitô hữu đang phải chịu ở nhiều nước trên thế giới. Chúng ta hãy hiệp sức với nhau để cổ võ một nền văn hóa gặp gỡ, tôn trọng, cảm thông và tha thứ cho nhau”.

Trong ý hướng đó, ĐTC đề cao tầm quan trọng của việc giáo dục và nói: ”Giáo dục ở đây không phải chỉ là thông truyền kiến thức, nhưng là chuyển giao một chứng tá đã sống thực, điều này giả thiết phải thiết lập một sự hiệp thông trong cuộc sống, mội ”giao ước” với các thế hệ trẻ, luôn luôn cởi mở đối với chân lý.”

Về điểm này, ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Chúng ta phải thông truyền không những kiến thức về lịch sử cuộc đối thoại giữa Do thái và Công Giáo, về những khó khăn đã trải qua và về những tiến bộ đã đạt được trong những thập niên gần đây, nhưng nhất là chúng ta phải có khả năng thông truyền sự say mê gặp gỡ và hiểu biết về tha nhân, cổ võ sự can dự tích cực và trách nhiệm của giới trẻ chúng ta. Trong lãnh vực này, sự dấn thân chung để phục vụ xã hội và những thành phần yếu thế nhất có một tầm quan trọng rất lớn” (SD 24-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

MÓN QUÀ THIÊN CHÚA QUÝ NHẤT

MÓN QUÀ THIÊN CHÚA QUÝ NHẤT

Chủ đề: “Sự ăn năn hối lỗi không chỉ đau buồn muốn chừa bỏ hành động xấu xa, nhưng còn ao ước thay đổi được những sai trái đã phạm.”

Có một câu chuyện cổ được phổ biến trong dân gian từ thời trung cổ. Câu chuyện về một phụ nữ từ trần khi còn trẻ và ra trước tòa phán xét. Cuộc đời bà khi ở trần thế thật bê bối.

Khi đến cổng thiên đường, bà được bảo là chỉ được vào thiên đường với một điều kiện. Đó là bà phải trở lại trần thế và đem về một món quà mà Thiên Chúa coi là giá trị nhất.

Người phụ nữ trẻ trở về trần thế và suy nghĩ về món quà mà Thiên Chúa quý giá nhất.

Ngày kia bà thấy một thanh niên vừa chết vì đức tin. Bà nghĩ, “A phải rồi, chắc đây là món quà Thiên Chúa quý nhất: đó là máu của một người chết vì đức tin.”

Bởi thế bà hứng lấy một giọt máu của người thanh niên và đem về thiên đường. Nhưng khi trình diện máu ấy, bà được bảo là còn có món quà mà Thiên Chúa quý hơn máu người tử đạo.

Do đó bà trở về trần thế và suy nghĩ về món quà mà Thiên Chúa còn quý hơn máu của người chết vì đức tin.

Sau đó bà gặp một nhà truyền giáo già nua rao giảng lời Chúa cho người nghèo. “A, đúng rồi!” bà nghĩ “đây là món quà Thiên Chúa quý nhất: đó là mồ hôi từ trán của người dành trọn cuộc đời để rao giảng tin mừng cho người nghèo.”

Nhưng khi bà trình diện món quà ấy, bà lại được bảo là còn có món quà mà Thiên Chúa quý hơn giọt mồ hôi của nhà truyền giáo.

Do đó bà lại trở về trần gian và suy nghĩ về món quà mà Thiên Chúa quý hơn giọt mồ hôi của người dành trọn cuộc đời để dạy bảo dân chúng về Chúa Giêsu.

Và cứ như thế bà trở lại thiên đường với các món quà quý giá. Nhưng lần nào bà cũng được bảo là còn có món quà mà Thiên Chúa quý nhất.

Sau cùng, một ngày kia, khi sắp sửa bỏ cuộc vì chán nản thì bà gặp một đứa trẻ đang nô đùa gần bồn phun nước. Khuôn mặt của nó thật xinh xắn và ngây thơ.

Ngay lúc đó, một người cưỡi ngựa đi đến. Ông ta xuống ngựa để đến uống nước ở bồn. Khi nhìn thấy đứa trẻ, ông nhớ lại thời thơ ấu thật hồn nhiên ngây thơ của ông.

Sau đó ông nhìn vào hồ nước và thấy khuôn mặt của ông được phản chiếu trong đó. Nó thật xấu xa và cằn cỗi. Khi ông sững sờ nhìn vào khuôn mặt mình trong nước, bỗng dưng ông nhận thấy ông đã sai lầm phí phạm một cuộc đời mà Chúa đã ban cho ông.

Lúc đó giọt nước mắt thống hối dâng trào trên mắt và lăn dài trên gò má nhăn nheo rồi rơi xuống hồ nước.

Người phụ nữ vội hứng lấy giọt nước mắt ấy và đưa về thiên đường. Khi bà trình diện món qùa ấy, các thiên thần và các thánh đều vui mừng. Thật vậy, đây là món quà mà Thiên Chúa quý hơn tất cả món quà khác: đó là giọt nước mắt của người tội lỗi thống hối.

Câu chuyện này thật thích hợp với bài Phúc Âm hôm nay. Vì lời cầu nguyện mà Thiên Chúa coi có giá trị nhất là lời cầu nguyện của người tội lỗi thống hối.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu còn nói:

“thiên đường sẽ vui hơn khi một người tội lỗi ăn năn sám hối hơn là chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn.” (Luca 15:7)

Hối lối được định nghĩa là đau buồn đến độ chấm dứt những hành động sái quấy.

Nhưng hối lối còn hơn thế nữa. Nó không chỉ đau buồn đủ để chấm dứt những hành động sái quấy nhưng còn đau buồn đến độ ước muốn sửa sai những lầm lỗi mà chúng ta đã phạm trong quá khứ.

Một câu chuyện sau của ông James Colaianni giúp chúng ta thấy rõ điều này.

Một đứa bé đến thăm bà nội. Bà hỏi nó thích ăn gì nhất. Nó trả lời, “bánh bột chiên.” Sau đó nó cho biết thêm là khi ở nhà nó chỉ được ăn có ba cái mà thôi. Rồi nó hỏi, “Vậy con ăn thiệt nhiều được không nội?”

Bà nội gật đầu, “được.”

Sau khi đứa bé ăn gần mười cái bánh bột chiên, bà nhận ra sự khó chịu trên khuôn mặt của nó. Bà hỏi, “Sao vậy? Con không muốn ăn thêm nữa sao!”

“Không,” đứa bé trả lời, “Con không muốn ăn nữa. Cả mấy cái ăn rồi con cũng muốn ói ra!”

Đó là một tâm trạng tốt–khó chịu nhưng tốt. Lý do nó tốt là vì đó là tâm trạng hối lỗi.

Hối lỗi không chỉ đau buồn đến độ muốn từ bỏ, nhưng còn là đau buồn đến độ ước muốn đừng thi hành những gì mà chúng ta đã làm.

Đây là loại thống hối mà câu chuyện cổ muốn đề cập đến. Đây là loại thống hối mà Chúa Giêsu đề cập đến trong Phúc Âm hôm nay.

Nhiều năm trước đây, có một vở kịch trình diễn ở Broadway về một thanh niên bỏ học, đi bụi đời và rơi vào đường cần sa ma tuý.

Trong một cảnh không thể quên được của vở kịch, người thanh niên này nhìn lên trời và đau đớn vì tuyệt vọng, anh thốt lên:

“Tôi ao ước chừng nào, phải chi cuộc đời tôi là một cuốn sách để tôi có thể xé bỏ những trang giấy đầy những sai lầm vấp phạm.”

Cám ơn Chúa Giêsu, cuộc đời thì giống như một cuốn sách. Và cám ơn Chúa Giêsu, chúng ta có thể xé bỏ những trang giấy mà chúng ta đã sai lầm.

Trong tình yêu của Người, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta bí tích Hòa Giải. Qua bí tích này, chúng ta có thể xé bỏ những phần của cuộc đời mà chúng ta đã sai lầm lỗi phạm.

Đây là ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay. Đây là tin mừng mà chúng ta cử hành trong Thánh Lễ hôm nay.

Đó là tin mừng vì món quà mà Thiên Chúa quý giá nhất là giọt nước mắt của người tội lỗi thống hối.

Cha Mark Link, SJ

 

Người thu thuế ra về được khỏi tội

Người thu thuế ra về được khỏi tội

Tác giả tập sách nổi tiếng có tựa đề: “Nơi Thiên Chúa khóc”. Do kinh nghiệm sống đức tin của một cộng đồng Kitô hữu bị bách hại tại Đông Âu trước đây, kể lại kinh nghiệm cảm động nhất của mình trong việc cầu nguyện như sau:

Tôi cùng với một số người Đức bị đưa đi đày xa quê hương từ giữa thế chiến thứ hai. Tất cả đều là người Công giáo và cùng lao động tại một nông trường. Nơi ấy không có nhà thờ cũng chẳng có linh mục, nhưng chúng tôi được tụ họp mỗi chiều Chúa Nhật tại một nghĩa địa cũ để cầu nguyện chung với nhau. Khi biết cách đó 1,000 km có linh mục, anh chị em Kitô bèn quyết định hàng tháng góp chung nhau ít tiền để mua vé xe cho một bà già đi về nơi ấy, để đem Mình Thánh đến cho cộng đoàn. Thế rồi, từ đó mỗi buổi chiều Chúa Nhật, cộng đoàn gặp nhau trong nghĩa địa với tâm hồn hân hoan vui sướng, vì biết rằng có Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện với mình. Chúng tôi sốt sắng cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa. Những ai yếu liệt đều được trao cho của ăn đàng quí giá trước khi qua đời. Nhờ vậy, trong suốt mấy chục năm trời, cộng đoàn Kitô hữu chúng tôi vẫn sống niềm tin kiên vững, đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu thương bác ái huynh đệ.

Tác giả của tập sách nói trên được sang sống bên thế giới tự do và cho biết chính mình là người điều khiển cộng đoàn Kitô hữu vào mỗi buổi chiều Chúa Nhật tại nghĩa địa như đã kể trong tập sách. Sống trong xã hội tự do, nhưng tâm hồn tác giả lúc nào cũng hướng về cộng đoàn huynh đệ vây quanh Chúa Giêsu Thánh Thể để cầu nguyện và nâng đỡ nhau.

Anh chị em thân mến!

Lời cầu nguyện thật lúc nào cũng là lời cầu nguyện của tình yêu thương và tha thứ, lời cầu nguyện liên kết mọi người với nhau, lời cầu nguyện của sự xây dựng cộng đoàn. Thật là khác với những lời cầu nguyện của những người Pharisiêu như được mô tả trong bài Tin Mừng hôm nay.

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta liền nhớ đến những lời nhắn nhủ sau đây của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong tập sách “Đường Hy Vọng”:

Dù con có tử đạo, nộp mình chịu thiêu, dù con có làm tông đồ, giảng dạy các thứ tiếng của nhân loại và thiên thần, dù con có hoạt động từ thiện, đem hết cả tài sản phân phát cho người nghèo khó mà con không có lòng mến thì cũng như không. Việc con làm không quan hệ, cách con làm mới quan hệ.

Người biệt phái cầu nguyện đứng thẳng, chi tiết này nói lên tinh thần tự kiêu, ỉ lại trước nhan Thiên Chúa, và nội dung lời cầu nguyện của ông chỉ là những lời khoe khoang với Chúa và gây chia rẽ: “Con không phải như người thu thuế, tôi lỗi kia, con không giống như những kẻ khác: tham lam, bất công, ngoại tình…” Đó là những lời kết tội anh em, lỗi đức ái, không có chút gì tích cực xây dựng cộng đoàn và tôn vinh lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ngược lại, người thu thuế đã ý thức được thân phận tội lỗi của mình, nên khiêm tốn cúi mình xin Chúa thương xót, hướng dẫn mình trở về với tình thương của Chúa, trở về với anh em mà mình đã xúc phạm.

Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách “Đường Hy Vọng” đã nhắn nhủ chúng ta về việc cầu nguyện như sau: Khi hai hay ba người hiệp nhau cầu nguyện thì có Chúa ở giữa họ. Lời Chúa Giêsu đã được ứng nghiệm, đặc biệt nơi nhiều cộng đoàn cầu nguyện. Họ sống xa linh mục từng ngàn cây số mà vẫn hướng dẫn nhau cầu nguyện cách kiên trì giữa những gian nan thử thách và cô đơn. Dầu miệng con không nói ra, Chúa đã hiểu thấu lòng con. Con hãy noi gương người đàn bà bị băng huyết động đến gấu áo Chúa được nhận lời ngay. Con tội lỗi không dám ra trước mắt Chúa, nhưng lời Hội Thánh khiến con vững tâm: “Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con”.

Vậy, tất cả sự thương khó của Chúa Giêsu và công nghiệp của Đức Mẹ và các thánh không đủ để bao bọc lời cầu nguyện nhỏ bé của con sao? Trong cuộc đời Chúa Giêsu, hình như Chúa yêu thương cách riêng những kẻ khiêm nhượng và Ngài quên hết tội lỗi của họ, không bao giờ nhắc lại: “Phêrô, Madalena, Simon phong cùi, Giakêu… Chúa đã tự đến nhà họ và đành chịu tiếng làm bạn với quân thu thuế và người tội lỗi”.

Quyền năng nơi Thiên Chúa phục vụ qua lòng nhân từ của Ngài. Quyền năng của một người Cha nhân từ đủ sức thanh tẩy và đổi mới cuộc đời tội lỗi, nếu chúng ta khiêm tốn để cho ơn Chúa được tự do tác động.

Lạy Chúa, như người thu thuế kia, con thành tâm kêu xin Chúa, xin Chúa thương xót con, hãy tha thứ mọi tội lỗi con và dẫn đưa con về với tình yêu: Yêu Chúa và yêu anh em như Chúa đã yêu. Amen.

Radio Veritas

Xin thương xót con

Xin thương xót con

Hai người cùng lên đền thờ cầu nguyện. Nhưng kết quả thật bất ngờ. Người mà ai cũng kính trọng thì lại không được nhận lời. Người mà ai cũng khinh miệt thì lại được Chúa nhận lời và được công chính hóa. Qua dụ ngôn này, Chúa cho thấy lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa phải là lời cầu nguyện khiêm nhường.

Khiêm nhường không tự mãn

Người biệt phái tự mãn vì những việc tốt mình làm được. Làm được việc tốt thật đáng khen. Nhưng cần phải nhận biết nguồn gốc việc tốt của mình. Biết nguồn gốc việc tốt phải khởi đi từ nhận biết nguồn gốc bản thân mình. Tôi có mặt ở đời là ơn Chúa ban. Tôi thừa hưởng một sức khỏe, một gia đình, một nền giáo dục, một nề nếp đạo đức, đó là ơn Chúa ban. Vì thế tôi làm được việc tốt cũng là ơn lành Chúa ban. Nếu tôi rơi vào một hoàn cảnh xấu, tôi có làm được việc tốt không? Rất khó. Vì thế đừng tự mãn khi làm được việc tốt.

Khiêm nhường không khinh người

Người khiêm nhường nhận biết thân phận mình sẽ không dám khinh người. Tôi làm được việc tốt vì tôi có hoàn cảnh tốt. Người kia làm việc xấu vì họ không có hoàn cảnh tốt như tôi. Vì thế không nên khinh người. Hơn nữa, trong tinh thần bác ái huynh đệ, thấy người hèn kém tôi càng phải yêu thương, nâng đỡ. Thấy người tội lỗi yếu đuối tôi càng phải tế nhị kính trọng. Chúa Giêsu vẫn làm gương trân trọng người tội lỗi như đối với người phụ nữ ngoại tình, đối với Giakêu và cả đối với Giuđa nữa.

Khiêm nhường nhận biết thân phận tội lỗi

Con người đâu có ai hoàn hảo. Huống hồ có những nết xấu đeo đẳng ta mãi không thể dứt ra được. Ta đã ngã đi ngã lại nhiều lần. Biết bao quyết tâm. Biết bao ơn Chúa. Biết bao lời cầu nguyện. Nhưng “một cái dằm” cứ nằm mãi trong thịt khiến ta đau nhức khôn nguôi. Ta không thể nào thoát khỏi tội lỗi. Vì thế tâm tình xứng hợp là khiêm nhường nhận biết thân phận tội lỗi của mình. Khiêm nhường nhận trước mặt Chúa. Khiêm nhường nhận trước mặt anh em. Đó là thái độ trung thực và đúng đắn.

Khiêm nhường xin Chúa ban ơn cứu độ

Vì không thể tự mình thoát khỏi tội lỗi, không thể đạt tới ơn cứu độ, nên ta cần ơn Chúa. Không thể tự giải thoát, nên ta cần Chúa giải thoát ta khỏi ách nô lệ tội lỗi. Thân phận ta thật khốn cùng. Sức lực ta thật yếu đuối. Nên lời cầu nguyện đúng nhất là: “Lạy Chúa, xin thương xót con”. Tương truyền đó là lời cầu nguyện liên lỉ suốt đời của thánh Phêrô, vị Tông đồ trưởng, vị Giáo Hoàng tiên khởi.

Với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con”, ta nhận biết mình không thể sống công chính tự sức riêng, nhưng chỉ được “công chính hóa” nhờ ơn Chúa. Với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con”, ta nhận biết ta được ơn Chúa không phải vì ta xứng đáng nhưng vì được Chúa thương yêu. Với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con”, ta nhận biết rằng lời cầu nguyện khiêm nhường là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa.

“Lạy Chúa, xin thương xót con”

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Tôi có hay tự mãn vì mình sống tốt hơn người khác không? Thái độ này có đúng không?

2) Tôi có hay khinh miệt, lên án người khác không? Thái độ này có đúng không?

3) Tại sao tôi phải khiêm nhường khi cầu nguyện?

4) Tôi có một nết xấu thường phạm. Tôi đã xưng tội nhiều lần và quyết tâm chừa cải. Nhưng chứng nào tật ấy. Bạn có cảm nghiệm được điều này nơi bản thân không?


ĐTGM Ngô Quang Kệt

CÚI MÌNH XUỐNG

CÚI MÌNH XUỐNG

Dụ ngôn người Biệt phái và Thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện cho thấy sự tương phản giữa hai thái độ của con người trước tình yêu thương bao la của Thiên Chúa.

Người Biệt phái là nhân vật được xã hội đương thời kính trọng, vì thuộc thành phần nhiệt tâm giữ luật, thực thi đức ái hơn nguời khác. Người thu thuế, kẻ bị xã hội mạt sát, khinh chê.

Hai mẫu người đối lập cùng bước vào Đền thờ và làm cùng một công việc là cầu nguyện. Tại đây, sự tương phản giữa hai con người trở nên rõ nét khi tâm tính và thái độ sâu kín được bộc bạch trước nhan Thiên Chúa.

Người Biệt phái ung dung tự tại, đứng thẳng cầu nguyện : Lạy Thiên Chúa, con cảm tạ Chúa vì con không giống các người khác, không tham lam, không bất công, không ngoại tình hay như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng một phần mười thu nhập của con. Người Biệt phái đang báo cáo thành tích. Ông nói điều ông đã làm và những gì ông làm thì không chê vào đâu được: không gian tham, không chiếm đoạt, không rối vợ rối chồng, không đam mê tội lỗi, thậm chí về phần đạo đức bác ái, ông còn làm quá điều luật dạy.Thường người ta chỉ ăn chay một ngày trong năm vào dịp lễ Sám hối, đàng này ông ăn chay hai ngày trong tuần. Luật buộc các nông dân nộp một phần mười sản phẩm cho việc phụng tự, ông lại nộp thuế thập phân tất cả thu nhập của ông. Đây là lời cầu nguyện mà nhiều người Do thái thời ấy mơ ước. Không thấy ông xin gì cho bản thân. Lời cầu nguyện chỉ là lời tạ ơn. Điều đáng tiếc là lời cầu nguyện của ông đầy nét tự hào, tự mãn và khinh bỉ tha nhân : Vì tôi không như bao người khác, tôi không như tên thu thuế kia. Rõ ràng người Biệt phái tốt lành quảng đại nhưng lại tự phụ khoe khoang, khinh người. Đây là biểu tượng cho hạng người hay chúc tụng, tôn thờ bản thân mình. Thật đúng, kiêu căng đứng trước trong danh sách bảy mối tội đầu.

Người thu thuế đến thú tội, anh ý thức mình là tội nhân nên run rẩy xấu hổ, đầu cúi xuống chẳng dám ngước lên. Anh đã nghe thấy lời cầu nguyện của người Pharisiêu (hay như tên thu thuế kia), nên anh thấy khỏi cần cáo tội mình. Anh chỉ còn đặt mình trước nhan Thiên Chúa một cách trung thực và khẩn khoản nài xin : Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Điều anh khao khát là được Thiên Chúa tha thứ và được làm hoà với anh em. Anh chỉ đứng xa xa vì thấy mình bất xứng. Lời cầu hết lòng khiêm tốn đó có sức an ủi anh ngọt ngào biết bao. Anh cảm thấy đầy niềm tin tưởng vào lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa, vì anh biết rằng : dù tội lỗi như Aaron đúc bò vàng cho toàn dân thờ, dù thủ đoạn như vua Đavít đã cướp vợ giết chồng người khác nhưng họ đã hết lòng ăn năn sám hối và Thiên Chúa đã sẵn lòng tha thứ; dẫu rằng cả toàn dân bỏ Chúa và bị bắt lưu đày Babylon, lại bị thủ tướng Aman ra tay diệt trừ nhưng trong cơn cùng khốn như thế, hoàng hậu Ette cùng toàn dân đã biết ăn năn sám hối tội lỗi, Thiên Chúa đã ra tay giải thoát họ; hay tội lỗi như dân ngoại Ninivê, Thiên Chúa còn thương, bắt buộc Ngôn sứ Giona đến rao giảng cho họ biết cải tà qui chính, Thiên Chúa liền tha thứ cho họ khi họ sám hối chân thành. Thấy tất cả những sự kiện lịch sử thống hối đó, người thu thuế càng thêm tin tưởng vào lòng thương xót khoan dung cùa Thiên Chúa, anh càng đấm ngực hết lòng ăn năn.

Đức Giêsu kết luận: Người thu thuế trở nên công chính còn người biệt phái thì không được… Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.

Người thu thuế ra về và được tha hết mọi tội, tâm hồn thành trắng trong.

Người biệt phái ra về tội lỗi vẫn cứ còn đó.Cái tôi nặng quá nên còn phải gánh thêm sức nặng của tội lỗi nữa, thật đáng thương cho đời một người quá tự kiêu tự mãn.

Tội lỗi hay hành động xấu không làm người ta mất sự công chính cho bằng tính tự mãn thói kiêu căng. Người thu thuế đã thật sự phạm nhiều tội lỗi nên đã làm mất đi sự công chính, nhưng hành động khiêm tốn biết nhìn nhận mình tội lỗi và hết lòng thống hối nên được công chính trước Thiên Chúa.

Khiêm nhường có khả năng biến tội lỗi thành thánh thiện, bất chính thành công chính.Trái lại, kiêu ngạo tự mãn có thể biết điều tốt thành điều xấu.

Khiêm nhường, tự hạ, quên mình luôn được coi là nền tảng của sự thánh thiện, là gốc rễ của các nhân đức. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I đã nói : Trên thiên đàng không thiếu bọn thu thuế và gái điếm, nhưng không có kẻ kiêu ngạo. Dưới hoả ngục có cả Hồng Y, Giám mục nhưng không có người khiêm nhường.

Khiêm nhường bao nhiêu cũng không đủ, chỉ một chút kiêu ngạo cũng quá nhiều. Đừng vì mình đạo đức mà khép kín trong tự mãn, cũng đừng vì mình tội lỗi mà khép kín trong tuyệt vọng. Ơn Chúa chỉ đến với người biết mở tâm hồn ra để đón nhận. Tội lỗi hay công đức đều có thể làm ta khép lại hay mở ra. Điều quan trọng là thấy mình luôn luôn cần Chúa.

Sự triển nở trong đời sống thiêng liêng nằm chỗ là ta trở nên nhỏ lại, là nhường bước để cho Chúa xâm chiếm và chi phối trọn vẹn đời ta. Càng lớn lên trong Chúa, ta càng cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng mình cần đến Chúa ngày một hơn.

Một Đấng Thánh vĩ đại như Phaolô mà đã tự nhận mình là kẻ thấp hèn nhất (1Cor 15,9); một ngôi sao chói lọi trong công việc bác ái từ thiện như Thánh Vincent Phaolô mà cũng đã tự gọi mình là người thấp hèn nhất trần gian thì huống là chúng ta! Người tự cao tự đại không thể cầu nguyện được. Cửa thiên đàng hẹp và thấp, chỉ quì xuống mới vào được mà thôi. Thiên Chúa luôn chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng luôn ban ơn cho kẻ khiêm nhường (x. Gc 4,6; 1Pr 5,5).

Tại Đền Thờ Thánh Phêrô có một bức tượng Chúa Chịu Nạn do Thorvaldsen(1770-1844)nhà điêu khắc Đan Mạch nổi tiếng thực hiện. Ngày kia, một du khách đến viếng bức tượng, ông ta nhìn mãi rồi lắc đầu nói : tôi nghe đồn bức tượng này nổi tiếng là đẹp lắm nhưng tôi chẳng thấy có gì đẹp cả. Một người quỳ sau lưng ông nói : Ông phải quì gối xuống mới thấy đẹp. Ông du khách liền quì gối. Bây giờ ông mới khám phá ra vẻ đẹp lôi cuốn của bức tượng Chúa Chịu Nạn. Muốn gặp gỡ Chúa, muốn đón nhận lòng thương xót của Người, con người cần quì gối với tâm tình khiêm tốn.

Đức Cha Fulton J. Sheen viết trong cuốn “Người Galilê vĩnh cửu”: Chúa Giêsu không sinh ra ở giữa trời, nơi người ta có thể đứng thẳng, nhưng Ngài giáng sinh trong hang đá, nơi người ta phải cúi mình để đi vào. Đó là một cử chỉ khiêm nhường. Một số người quá tự mãn không hạ mình sẽ không thấy được niềm vui bên trong hang đá. Các mục đồng và các đạo sĩ đủ đơn sơ để nghiêng mình xuống. Khi làm như thế, họ thấy mình không ở trong một cái hang, nhưng ở trong một thế giới khác. Tại đó, một người nữ diễm lệ, đầu đội mặt trời, chân đạp mặt trăng, và cánh tay ẵm Hài Nhi, Đấng dùng những ngón tay bé nhỏ của mình nâng đỡ trái đất, nơi chúng ta đang sống. Và khi các mục đồng và các đạo sĩ quỳ gối, tôi tự hỏi : không biết những người thông thái ghen với những người đơn sơ, hay những người đơn sơ ghen với những người thông thái ? Tôi hướng tới xác tín rằng : các đạo sĩ ghen với các mục đồng, bởi vì con đường của các mục đồng ngắn hơn, họ tìm thấy sự khôn ngoan là chính Thiên Chúa mau hơn.

Tin Mừng hôm nay đề cao lời cầu nguyện khiêm nhường của người thu thuế, không nhìn sang người khác, không so sánh mình với kẻ khác, nhưng nhìn vào chính mình và so sánh mình với mẫu gương của Chúa, qua đó anh đã khám phá ra những khuyết điểm bản thân rồi khiêm tốn chấp nhận. “Lạy Chúa ! Xin thương xót con”. Lời cầu nguyện của người thu thuế thật đơn giản. Ý thức được thân phận yếu hèn tội lỗi của mình, anh hoàn toàn cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa. Đó là lời cầu nguyện của người ở trong sự thật và được sự thật giải thoát khỏi tội lỗi. Lời cầu nguyện khiêm nhường là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa. Sách huấn ca dạy: “ Lời cầu nguyện của người khiêm tốn xuyên thấu các tầng mây” (Hc 35,17). Sách giáo lý cũng dạy: “Khiêm tốn là thái độ căn bản phải có để đón nhận ơn cầu nguyện” (GLCG số 1559).

Lạy Chúa Giêsu, chúng con có là gì mà chẳng do Chúa thương ban. Xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận mình thiếu sót lỗi lầm để luôn được Chúa xót thương tha thứ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống một cuộc đời rất khiêm nhường, đầy tinh thần tự hủy và vị tha tới tận cùng, xin cho chúng con biết sống quên mình, tự hạ, yêu thương và hòa đồng với tất cả mọi người chung quanh con. Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

TỰ TÔN

TỰ TÔN

Bài Tin Mừng hôm nay (CN XXX/TN-C) trình thuật dụ ngôn “Người Pha-ri-sêu và người thu thuế”. Hai người cùng lên Đền Thờ cầu nguyện. Lên Đền Thờ khẩn cầu, tạ ơn, xin ơn là một việc tốt, nhưng ở đây hai người có hai thái độ trái ngược nhau. Người Pha-ri-sêu không thành thật cầu nguyện mà là tự khoe khoang, kể công, kể phúc. Ông cầu nguyện nhưng thực ra ông đang liệt kê một bảng thành tích: Ông đã giữ luật, đã không dám làm những điều lề luật cấm. Những điều được phép làm, ông còn làm nhiều hơn. Còn người thu thuế, tuy rằng ông tội lỗi thật vì đã từng phạm nhiều tội ác, nhưng ông đã hối hận và thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình. Ông không dám nói nhiều, mà chỉ một câu ngắn gọn bộc lộ hết tấm lòng chân thành của mình: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18, 13).

Cũng đã có nhiều bài chia sẻ cho rằng người Pha-ri-sêu đã sống và làm những việc tốt lành và ông đến Đền Thờ là để cảm ơn Thiên Chúa chớ không phải để khoe khoang thành tích (lý do là ông đã chỉ “nói thầm” với Thiên Chúa, chớ không nói to cho mọi người cùng nghe). Vấn đề đặt ra ở đây không phải là nói nhỏ hay nói to, mà là nói những gì với mục đích ra sao. Hơn ai hết, người Pha-ri-sêu đã biết Thiên Chúa thấu hiểu tất cả những gì thầm kín nhất của con người, không cần nói ra thì Người đã hiểu tận căn nội dung và mục đích người đến cầu nguyện. Những việc làm tốt đẹp ấy của người Pha-ri-sêu nếu thật sự phát xuất từ tình yêu, thì ông ta đã chẳng cần phải mở dầu bằng câu “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18, 11). Và sau đó là một loạt những thành tích để chứng mình ông ta là người công chính chớ không “tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia”. Đúng là thái độ của một kẻ kiêu ngạo, tự tôn, háo thắng, coi khinh người khác.

Người Pha-ri-sêu tưởng rằng ông ta có thể cậy vào việc giữ lề luật và những việc đạo đức của mình để tự hào là công chính trước mặt Thiên Chúa. Thực ra, sự công chính không đến từ việc làm hay việc tuân giữ lề luật, mà đến từ việc tin vào ân sủng của Thiên Chúa và sống phù hợp với niềm tin ấy. Do đó, càng cậy vào việc giữ luật và những việc mình làm để tự hào về sự công chính của mình thì càng trở nên bất chính trước mặt Thiên Chúa. Thánh Phao-lô đã khẳng định: “Trước nhan Chúa, không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy“ (Rm 3, 20). Những “dân nội” It-ra-en chỉ chuyên đi “tìm một luật làm cho họ nên công chính thì lại không đạt tới Luật đó. Tại sao thế? Tại vì họ không tìm cách nên công chính nhờ đức tin, nhưng nhờ việc làm.” (Rm 9, 31-32). Trong khi đó thì đã có biết bao nhiêu tấm gương “các dân ngoại không tìm cách để được nên công chính, thì được nên công chính, mà được nên công chính là nhờ đức tin” (Rm 9, 30), mà người thu thuế trong bài Tin Mừng hôm nay là một ví dụ điển hình.

Nói đến đức tin thì không thể quên được đức mến. Thật vậy, “chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5, 6). Nếu “mến Chúa” mà không “yêu người” thì chưa thể gọi được là đã đặt hết lòng tin vào Thiên Chúa Tình Yêu. Thánh Phao-lô trong Thư gửi tín hữu Cô-rin-tô đã nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1Cr 13, 3).  Thật vậy, với những việc làm tốt đẹp, nhưng được làm với sự vô cảm, làm theo thói quen, theo truyền thống, hoặc làm để khoe mẽ “ra vẻ ta đây”, mà không làm vì lòng “mến Chúa, yêu người”, thì cũng kể như không. Lời khuyên phù hợp nhất trong trường hợp này là đừng bao giờ tự hào về sự thánh thiện hay những việc làm tốt đẹp của mình, vì “Người nào không dựa vào việc làm nhưng tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính, thì lòng tin sẽ làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính” (Rm 4, 5).

Ấy cũng chỉ vì “một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc 18, 9), nên Đức Ki-tô mới kể dụ ngôn “Người Pha-ri-sêu và người thu thuế”. Người thẳng thắn kết luận: “Tôi nói cho các ông biết: người này (người thu thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (người Pha-ri-sêu) thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18, 14). Như vậy là đã rõ, chỉ những người khiêm nhu tự hạ mới có hy vọng được “no đầy ơn phúc”; còn kẻ tự tôn tất sẽ bị hạ bệ, dẹp tan (“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1, 51-52).

Lời khuyên chí tình vẫn mãi mãi là “Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9, 35). Hãy thẳng thắn nhìn lại chính con người của mình, không kiêu căng tự phụ, nhưng cũng không tự ti thái quá về tội lỗi của mình. Với con người trần thế đã “bị tội lỗi thồng trị” kể từ khi Nguyên tổ sa ngã, thì không ai tránh khỏi tội lỗi, và trước mặt Thiên Chúa, “không ai là người công chính, dẫu một người cũng không” (Rm 3,10). Tuy nhiên, không vì thế mà Thiên Chúa ghét bỏ, trái lại Người càng thương nhiều hơn và tìm mọi cách cứu vớt con người khỏi vòng tội lỗi. Điều hiển nhiên không cần bàn cãi vì thực tế đã chứng minh: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5:20). Duy chỉ có điều con người có biết nhìn lại mình một cách chân thực để thấy được tội lỗi đã mắc phạm, đồng thời có thực lòng ăn năn hối cải về những sai lầm thiếu sót của mình hay không, mà thôi.

Người tín hữu hôm nay hãy “xoay cái nhìn ra khỏi ‘cái tôi’ của mình”, ngõ hầu được “tái sinh bởi nước và Thánh Linh”, và “tái khẳng định quyết tâm vững vàng đáp ứng hoạt động của Ơn Thánh để làm môn đệ của Chúa” (Sđ Mùa Chay 2011, số 2), kiên quyết không bao giờ kiêu căng hợm hĩnh, chỉ biết “tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” như anh chàng Pha-ri-sêu trong dụ ngôn. Đồng thời, hãy noi gương người thu thuế trong khi cầu nguyện thì thân thưa với Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”, và trong cuộc sống đời thường hãy để “đức tin hành động nhờ đức ái”. Ước  được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: Mẹ Maria là mẫu gương cho Giáo Hội

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: Mẹ Maria là mẫu gương cho Giáo Hội

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung hơn 80 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 23-10-2013, ĐTC Phanxicô diễn giải về đề tài: Mẹ Maria mẫu gương của Giáo Hội, và ngài nhắn nhủ các tín hữu noi gương tin tưởng của Mẹ Maria giữa những khó khăn, gương yêu thương nhưng không như Mẹ, đối xử với nhau như anh chị em, và sống kết hiệp với Chúa Giêsu.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em
”Tiếp tục bài giáo lý về Giáo Hội, hôm nay tôi muốn nhìn lên Đức Mẹ Maria như hình ảnh và mẫu gương của Giáo Hội. Tôi lấy lại một kiểu nói của Công Đồng chung Vatican 2. Hiến Chế Lumen gentium, Ánh sáng muốn dân, khẳng định: ”Như thánh Ambrosio đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là hình ảnh của Giáo Hội về đức tin, đức mến và sự kết hiệp hoàn hảo với Chúa Kitô” (n.63)

1. Chúng ta đi từ khía cạnh thứ nhất: Mẹ Maria như mẫu gương đức tin. Theo nghĩa nào Mẹ Maria là mẫu gương đức tin của Giáo Hội? Chúng ta hãy nghĩ xem Đức Trinh Nữ Maria là ai: là một thiếu nữ Do thái, hết lòng mong đợi ơn cứu chuộc dân tộc của mình. Nhưng trong tâm hồn người thiếu nữ Israel ấy có một bí mật mà chính Mẹ chưa biết: theo ý định tình thương của Thiên Chúa, Mẹ được tiền định trở thành Mẹ Đấng Cứu Chuộc. Trong lúc Truyền Tin, Sứ thần của Thiên Chúa gọi Mẹ là ”Người đầy ơn phúc” và tỏ lộ cho Mẹ dự án ấy. Mẹ Maria thưa ”xin vâng” và từ lúc ấy đức tin của Mẹ Maria nhận được ánh sáng mới: đức tin tập trung vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhận lấy xác thể từ Mẹ và nơi Chúa, mọi lời hứa của toàn thể lịch sử cứu độ được viên mãn. Đức tin của Mẹ Maria là sự viên mãn niềm tin của Israel, nơi Mẹ có tập trung trọn con đường của dân tộc trong đức tin, mong đợi ơn cứu chuộc, và theo nghĩa đó Mẹ là mẫu gương đức tin của Giáo Hội, có trọng tâm là Chúa Kitô, Đấng là hiện tình thương vô biên của Thiên Chúa.

ĐTC đặt câu hỏi:
”Và Mẹ Maria đã sống niềm tin ấy như thế nào? Thưa Mẹ đã sống niềm tin ấy trong sự đơn sơ giữa hàng ngàn công việc bận rộn hằng ngày của mỗi bà mẹ, như chăm lo lương thực, quần áo, chăm sóc nhà cửa… Chính cuộc sống bình thường của Đức Mẹ là môi trường diễn ra quan hệ đặc thù và một cuộc đối thoại sâu xa giữa Mẹ và Thiên Chúa, giữa Mẹ và Chúa Con. Lời ”xin vâng” của Mẹ Maria, vốn đã hoàn hảo ngay từ đầu, tăng trưởng cho đến giờ thập giá. Tại đó tình mẫu tử của Mẹ càng mở rộng, ấp ủ mỗi người chúng ta, đời sống chúng ta, để hướng dẫn chúng ta đến cùng Chúa Con. Mẹ Maria luôn sống chìm đắm trong mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, như người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Chúa, suy gẫm mọi sự trong tâm hồn dưới ánh sáng của Thánh Linh, để hiểu và thực hành trọn thánh ý Thiên Chúa.

”Chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có để cho mình được đức tin của Đức Maria, Mẹ chúng ta, soi sáng hay không? Hay là chúng ta nghĩ Mẹ xa xăm và quá khác biệt với chúng ta? Trong những lúc khó khăn, thử thách, đen tối, chúng ta có nhìn lên Mẹ như mẫu gương tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng luôn luôn mong muốn và chỉ muốn điều thiện cho chúng ta mà thôi?

2. Bước sang điểm thứ hai: Mẹ Maria là mẫu gương đức mến. Mẹ Maria là mẫu gương sống động về đức mến như thế nào cho Giáo Hội? Chúng ta hãy nghĩ đến thái độ sẵn sàng của Mẹ đối với bà chị họ Elisabeth. Khi viếng thăm bà, Đức Trinh Nữ Maria không những chỉ mang đến một sự trợ giúp vật chất, nhưng còn mang Chúa Giêsu, đang sống trong lòng Mẹ. Mang Chúa Giêsu đến nhà ấy có nghĩa là mang niềm vui, niềm vui trọn vẹn. Bà Elisabeth và ông Zaccaria vui mừng vì có thai, một điều dường như không thể xảy ra được ở tuổi già của họ, nhưng chính thiếu nữ Maria đã mang cho ông bà niềm vui tràn đầy, niềm vui đến từ Chúa Giêsu và từ Chúa Thánh Linh và biểu lộ trong tình bác ái nhưng không, trong sự chia sẻ, tương trợ, cảm thông lẫn nhau.

Đức Mẹ cũng muốn mang đến cho tất cả chúng ta, hồng ân cao cả là Chúa Giêsu, và cùng với Ngài Mẹ mang tình thương, an bình và niềm vui của Mẹ. Giáo Hội cũng vậy: giống như Mẹ Maria. Giáo Hội không phải là một cửa tiệm, một cơ quan từ thiện, không phải là một tổ chức phi chính phủ, Giáo Hội được sai đi mang Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Giáo Hội không mang chính mình, nhưng mang Chúa Giêsu. Và Giáo Hội phải như Mẹ Maria, khi Mẹ đi viếng bà chị họ Elisabeth. Mẹ mang gì? Thưa mang Chúa Giêsu. Đây là điểm trung tâm của Giáo Hội:mang Chúa Giêsu. Giả sử Giáo Hội khôn gmang Chúa Giêsu nữa, thì đó là một Giáo Hội chết!

Còn chúng ta thì sao? Đâu là tình thương mà chúng ta mang đến cho tha nhân? Đó có phải là tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng chia sẻ, tha thứ, tháp tùng, hay là một thứ tình yêu bị hóa loãng? Khi người ta làm loãng rượu, thì nó giống như nước? Phải chăng tình yêu chúng ta giống như thế, hoặc tình yêu lúc mạng lúc yếu theo thiện cảm, tìm kiếm sự đáp trả? Một tình yêu vụ lợi. Nhưng thử hỏi: Chúa Giêsu có muốn tình yêu vụ lợi hay không? Tình yêu phải là một tình yêu nhưng không, như tình yêu của Chúa. Đâu là những quan hệ trong các giáo xứ, các cộng đoàn của chúng ta? Chúng ta có đối xử với nhau như anh chị em hay không? Hay là chúng ta đoán xét, nói xấu nhau, mỗi người chỉ chăm lo ”mảnh vườn riêng” của mình?
3. Và tôi nói vắn tắt về khía cạnh cuối cùng: Mẹ Maria là mẫu gương sự kết hiệp với Chúa Kitô. Đời sống của Đức Trinh Nữ rất thánh là đời sống của một phụ nữ trong dân của Ngài; cầu nguyện, làm việc, đi đến Hội đường.. Nhưng mỗi hành động luôn được thi hành trong sự kết hiệp hoàn hảo với Chúa Giêsu. Sự kết hiệp này đạt tới tột đỉnh trên đồi Canvê: tại đây Mẹ Maria kết hiệp với Con trong cuộc tử đạo nội tậm, và trong sự dâng hiến cuộc sống cho Chúa Cha để cứu độ nhân loại. Đức Mẹ đã đón nhận sự đau khổ của Con làm của mình và cùng với Chúa Con đã chấp nhận thánh ý Chúa Cha, trong sự vâng phục mang lại hoa trái, mang lại chiến thắng đích thực trên sự ác và sự chết.

Thực tại mà Mẹ Maria dạy chúng rất là đẹp: luôn sống kết hiệp với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tự hỏi: phải chăng chúng ta chỉ nhớ đến Chúa Giêsu khi có điều gì không ổn và chúng ta cần một cái gì đó, hoặc chúng ta có một tương quan liên lỷ, một tình bạn sâu xa, cả khi phải theo Chúa trên con đường thập giá?

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân thánh, sức mạnh của Ngài để trong cuộc sống chúng ta và trong đời sống của mỗi cộng đoàn Giáo Hội có phản ánh mẫu gương của Đức Maria, Mẹ Giáo Hội.

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý trên đây, các giám chức và LM tại Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt ý chính bài huấn giáo của ĐTC, cũng như dịch những lời chào của ngài từ tiếng Ý sang các ngôn ngữ chính.

Chào các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nhắc đến các tín hữu thuộc giáo phận Angoulême do Đức Cha Dagens hướng dẫn, và nhiều nhóm giáo xứ, người trẻ, đến từ Pháp, Thụy Sĩ và Bỉ.

Ngỏ lời với các tín hữu nói tiếng Anh, đến từ Anh quốc, Ailen, Đan Mạch, Na Uy, và từ nhiều nước Á châu như Ấn độ, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, ĐTC đặc biệt nhắc đến một nhóm liên quốc hội liên đảng tại Anh quốc về Tòa Thánh.

Khi chào đông đảo các tín hữu hành hương đến từ nước Đức, ĐTC nói đến các đoàn từ Đan Mạch và nhiều giáo phận Đức về Roma hành hương nhân dịp kỷ niệm 25 năm phong chân phước Niels Stensen, dưới sự hướng dẫn của ĐHY Meisner TGM giáo phận Koeln.

Với các tín hữu Ba Lan, ĐTC mời gọi họ trong tháng 10 này cầu nguyện cách riêng cho hòa bình trên thế giới, và sự phục hồi các giá trị Tin Mừng.

Sau cùng, khi chào các phái đoàn bằng tiếng Ý, ĐTC nhắn nhủ rằng tháng 10 nhắc nhớ chúng ta về sự dấn thân của mỗi người trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Ngài nói: ”Các bạn trẻ thân mến, đặc biệt các chủng sinh ở Verona, và những người trẻ từ giáo phận Manfredonia-Vieste- San Giovanni Rotondo miền nam Italia, các con hãy trở thành những chứng nhân can đảm của đức tin Kitô. Và hỡi anh chị em bệnh nhân thân mến,hãy dâng thánh giá hằng ngày của anh chị em để cầu cho sự hoán cải những người xa lìa ánh sáng Tin Mừng; và sau cùng, hỡi các đôi tân hôn, anh chị em hãy trở thành những người loan báo tình thương của Chúa Kitô, đi từ gia đình của anh chị em.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến 200 vị tuyên úy nhà tù Italia

Đức Thánh Cha tiếp kiến 200 vị tuyên úy nhà tù Italia

VATICAN. ĐTC Phanxicô bày tỏ quan tâm đặc biệt với các tù nhân và khích lệ các vị tuyên úy nhà tù chu toàn công tác khó khăn, làm cho Thiên Chúa hiện diện trong các nhà tù.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 23-10-2013 dành cho 200 vị tuyên úy nhà tù toàn nước Italia.

ĐTC nhắn nhủ các vị hãy chứng tỏ cho các tù nhân, bằng cử chỉ, bằng lời nói và con tim, để họ thấy rằng Chúa không ở bên ngoài phòng giam của họ, Chúa ở bên trong nhà tù và Chúa ở trong tâm hồn họ. ”Ngày nay Chúa cũng là một tù nhân, tù nhân vì lòng ích kỷ của chúng ta, vì những chế độ, hệ thống, bao nhiêu bất công của chúng ta, vì trừng phạt những kẻ yếu nhất thì dễ, nhưng ”những con cá lớn” vì vẫn nhởn nhơ bơi lội trong nước.
ĐTC cũng kể lại những lần ngài nhận được thư của các tù nhân ở Buenos Aires, và viếng thăm họ; họ cũng viết cho ngài ở Vatican này, và thỉnh thoảng, đặc biệt là chúa nhật, ngài gọi điện thoại nói chuyện với họ.

ĐTC nói thêm rằng: ”Tôi cầu nguyện cho anh em, là những vị tuyên úy nhà tù, cho sứ vụ của anh em, nhiều khi không dễ dàng và đòi nhiều cố gắng, và rất quan trọng vì công việc này diễn tả một trong những việc từ bi, làm cho sự hiện diện của Chúa trở nên hữu hình trong nhà tù. Anh em là dấu chỉ sự gần gũi của CHúa Kitô với những người anh em khác đang cần hy vọng. Mới đây, anh em đã nói về một nền công lý hòa giải, và nền công lý hy vọng. cánh cửa mở rộng. Đó không phải là một ảo tưởng, và có thể làm được. Nhưng không dễ dàng, vì những yếu đuối của chúng ta ở mọi nơi, có ma quỷ, có những cám dỗ ở mọi nơi, nhưng chúng ta cần luôn làm thử. (SD 23-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

 

Tân Đại Sứ Hoa Kỳ tại Vatican nhậm chức

Tân Đại Sứ Hoa Kỳ tại Vatican nhậm chức

Kenneth_F_Hackett_United_States_Ambassador_to_the_Holy_See_CNA_US_Catholic_News_10_21_13

Rome 10-21-2013– Đại Sứ Hoa Kỳ tại tòa Thánh Vatican được bổ nhiệm gần đây đã trình ủy nhiệm thư lên Đức Thánh Cha Phanxicô trong một buổi họp trước đó vào một buổi sáng để chánh thức bắt đầu nhiệm vụ đại sứ của mình.

" Tòa thánh Vatican và Đức Thánh Cha có ảnh hưởng đến các sự kiện thế giới theo một cách tích cực thông qua sự kêu gọi của đức tin và họ sẽ tiếp tục là đối tác quan trọng trong sự hợp tác trong tương lai, " Đại sứ Mỹ Kenneth F. Hackett tuyên bố trong một một cuộc họp báo ngày 21 tháng 10 năm 2013.

Hackett đã được đề cử vào tháng sáu vừa qua bởi Tổng thống Barack Obama, là đại sứ thứ 10 đến Vatican , và đã được sự chấp thuận của Thượng viện Mỹ trong một  buổi họp tối vào ngày 1 tháng tám vừa qua.

Ông sẽ thay thế cho Ông Miguel H. Diaz , người đã rời chức vụ ngoại giao vào tháng 11 năm 2012 để trở về làm giáo sư đại học Dayton, Ohio về môn đức tin và văn hóa.

Nói về nhiệm vụ mới của mình, Hackett lưu ý rằng " Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry đã cả hai nhấn mạnh sự cần thiết phải tham gia với các nhà lãnh đạo tôn giáo và các cộng đồng tôn giáo trong quá trình chính sách để giải quyết các vấn đề toàn cầu quan trọng , " Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là một cộng tác viên chặt chẻ trong các quyết định .

Hackett có rất nhiều kinh nghiệm của mình trong công tác cứu trợ , đã phục vụ trong Peace Corps ở Ghana từ năm 1968 cho đến năm 1971, sau đó cống hiến 40 năm làm việc với Catholic Relief Services, 18 năm làm chủ tịch và giám đốc điều hành của tổ chức.

Tham chiếu nhiệm vụ của mình trong công ty, Hackett nhấn mạnh rằng " Trong thời gian tôi ở CRS , tôi đã có niềm vui của cá nhân được tham gia vào những nỗ lực để giảm bớt một số các điều kiện Đức Thánh Cha Phanxicô luôn nói về – . Nghèo , người tị nạn , di cư "

Phương pháp tiếp cận và nhấn mạnh những vấn đề của " nghèo đói và bất công ", cũng như của Đức Giáo Hoàng " nhiều vấn đề xã hội , " đã là một khu vực nơi ông thấy một sự kết hợp rất nhiều , đại sứ được mời cuộc phỏng vấn ngày 2 tháng 8 với Tạp chí Công giáo trên phê duyệt đề cử của mình.

" Tôi tin rằng có nhiều điều chúng ta có thể tiếp tục làm việc với nhau để tiếp tục hướng tới việc thúc đẩy nhân phẩm. "

Trong buổi điều trần ngày 2 tháng 7 tại thượng viện quan hệ đối ngoại (Senate Foreign Relations), Hackett cũng tranh đấu việc nạn buôn bán người và vận động môi trường giữa các lợi ích chung khác .

Thái Trọng phỏng dịch