Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các bạn trẻ Taizé

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các bạn trẻ Taizé

\Taize

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi các bạn trẻ Kitô Âu Châu góp phần giúp đại lục này vượt thắng những lúc khó khăn.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp do Đức TGM Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh ĐTC gửi tới 30 ngàn bạn trẻ Kitô Âu Châu, gồm Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành và Anh giáo, đang tham dự cuộc gặp gỡ lần thứ 36 do Tu viện Đại kết Taizé tổ chức tại Thành phố Strasbourg bên Pháp, từ ngày 28-12 đến 1-1 tới đây.

Đức TGM Parolin cho biết: ĐTC bày tỏ sự gần gũi với các bạn trẻ và nhắc lại kỷ niệm cuộc gặp gỡ của họ tại Roma hồi cuối năm ngoái. Ngài nhận định rằng: ”Miền Alsace và Ortenau đón tiếp cuộc gặp gỡ của các bạn năm nay, tuy đã trải qua những cuộc xung đột xâu xé, nhưng được biến thành biểu tượng hy vọng vì đã đón nhận nơi sinh của gia đình Âu Châu. Thật là một biểu tượng ý nghĩa vì cuộc gặp gỡ năm nay diễn ra đồng thời tại hai nước khác nhau, Pháp và Đức. Âu Châu đang cần sự dấn thân, lòng can đảm và đức tin của các bạn để vượt thắng những lúc khó khăn vẫn còn mạnh mẽ.”

ĐTC khẳng định rằng: ”Sứ mạng mà các bạn ấn định cho mình trong toàn năm 2014 là tìm kiếm sự hiệp thông hữu hình giữa tất cả những người yêu mến Chúa Kitô. Các bạn ý thức sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô là một chướng ngại lớn ngăn cản sứ mạng được ủy thác cho Giáo Hội; sứ điệp Kitô sẽ đáng tín nhiệm hơn nếu các Kitô hữu khắc phục được những chia rẽ.”

ĐTC cũng cho biết ngài chia sẻ xác tín của các bạn trẻ theo đó có thể học được lẫn nhau rất nhiều điều, xét vì những thực liên kết chúng ta với nhau thì nhiều hơn.

Sau cùng, ĐTC chúc lành cho các bạn trẻ, các vị mục tử cũng như tất cả các gia đình đón thiếp họ. Ngài cầu mong rằng nhờ chứng tá của mình, các bạn trẻ có thể phổ biến tinh thần hòa bình và hòa giải theo tinh thần Phúc Âm nơi những người đồng thời”.

Cuộc gặp gỡ tại Strasbourg nằm trong khuôn khổ ”cuộc lữ hành tin tưởng” do Cộng đoàn Taizé linh hoạt vào dịp cuối năm, và năm nay có chủ đề là “tìm kiếm hiệp thông hữu hình giữa tất cả những người yêu mến Chúa Kitô”.
Trong số các bạn trẻ tham dự, có 4.500 người Ba Lan, 1.400 người Ý, 1.200 người Croát, và 1 ngàn người Bạch Nga, cùng với đông đảo các bạn trẻ người Pháp thuộc vùng Alsace, cũng như các bạn trẻ người Đức thuộc miền Ortenau.

Khi đến Strasbourg, các bạn trẻ nhận được lá thư của thầy Alois, Tu viện trưởng Taizé trong đó có 4 mệnh đề cho năm 2014, đó là: ”Những người yêu mến Chúa Kitô trên toàn trái đất họp thành một đại cộng đồng bằng hữu. Họ có một đóng góp cần trao tặng để chữa lành những vết thương của nhân loại: không hề muốn áp đặt, họ có thể tạo điều kiện cho sự hoàn cầu hóa tình liên đới, không loại trừ dân tộc nào, hoặc một ai”.

Các bạn trẻ được đón tiếp trong các gia đình và các giáo xứ Công Giáo cũng như Tin Lành trong vùng. Mỗi sáng họ tụ họp tại hơn 200 xứ đạo ở hai bên sông Rhin, Pháp và Đức, để cầu nguyện và chia sẻ. Ban chiều hai ngày 29 và 30-12, chương trình cuộc gặp gỡ có khoảng 20 đề tài các bạn trẻ có thể chọn để tham dự, ví dụ: ”cuộc khủng hoảng, nạn thất nghiệp, công ăn việc làm bấp bênh.. phải chăng cần phát minh một kiểu mẫu kinh tế mới?”; hoặc ”Công lý và nhân quyền; những suy tư cá nhân về thách đố làm tín hữu Kitô”; ”Đối thoại đại kết: để sống chung yên hàn hay để cho mình được biến đổi nhờ gặp gỡ?”; ”Chúng ta có cần Giáo Hội hay không? Suy tư Kinh Thánh và sự hiệp thông trong Chúa Kitô”; ”Âu châu; miền đất di dân tuyệt hảo: làm thế nào để sống chung với nhau?”

Trong cuộc gặp gỡ, các bạn trẻ tụ họp nhau ban trưa và ban tối để cầu nguyện chung. Các buổi cầu nguyện này diễn ra đồng thời tại 3 nơi là các hội trường tại Wacken, tức là khu vực triển lãm của thành Strasbourg; thứ hai tại Nhà thờ chính tòa của Công Giáo tại Strasbourg và nhà thờ Thánh Phaolô của Tin Lành. Các bài suy niệm do thầy Alois trình bày với các bạn trẻ. (SD 28-12-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

GIA ĐÌNH CẦU NGUYỆN CHUNG VỚI NHAU THÌ SỐNG HIỆP NHẤT VỚI NHAU

GIA ĐÌNH CẦU NGUYỆN CHUNG VỚI NHAU THÌ SỐNG HIỆP NHẤT VỚI NHAU

Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa đã giáng sinh trong một gia đình cụ thể, có cha có mẹ là thánh Giuse và Mẹ Maria. Vì thế, trong bầu khí vui tươi của lễ Giáng Sinh, chúng ta có thể cùng nhau chia sẻ về đời sống gia đình. Mầu nhiệm Giáng Sinh sẽ giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn về thực tại gia đình. Mầu nhiệm Giáng Sinh làm cho gia đình Thánh Gia trở thành mẫu gương cho các gia đình trên thế giới. Các bài đọc lễ Thánh Gia đều hướng về một chủ đề chung là mô tả hoàn cảnh sống của một gia đình có Chúa hiện diện và liên kết mọi thành phần lại với nhau.

Trước hết, bài đọc I sách Huấn Ca, nhắc lại bổn phận thảo hiếu của con cái đối với cha mẹ, vì Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái và củng cố quyền lợi của người mẹ trên người con. Vai trò và trách nhiệm của cha mẹ trên con cái là do ý muốn của Thiên Chúa và dựa trên ý muốn của Ngài. Bài đọc II trích từ Côlôsê ghi lại các lời khuyên của thánh Phaolô cho các thành phần trong gia đình: “Hãy đối xử với nhau theo qui luật của đức bác ái”, vì tình yêu tự nhiên giữa các thành phần trong gia đình không đủ. Tình yêu tự nhiên đó được triển nở thành tình thương bác ái, một tình thương đã được tình yêu của Thiên Chúa thanh luyện cũng cố, và tình thương bác ái đó được thể hiện trong những hành động cụ thể chứ không dừng lại ở lời nói suông qua môi miệng. Những lời khuyên này có thể được ta xem như là một hiến chương xây dựng hạnh phúc gia đình. Nếu chúng ta thực hiện được những điều này thì quả thật gia đình chúng ta sẽ được hạnh phúc biết bao.

Tâm tình bác ái của gia đình là sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn của mỗi thành phần trong gia đình, đó là sự liên kết mọi thành phần trong gia đình lại với nhau như là cầu chúc của thánh Phaolô trong thơ gửi tín hữu Côlôsê: “Nguyện cho bình an của Chúa làm chủ trong lòng anh em. Nguyện cho Lời Chúa cư ngụ dồi dào trong lòng anh em”. Để thực hiện điều này, chúng ta hãy đặc biệt lưu ý đến hai việc đạo đức sau đây:

1) Việc đọc kinh chung với nhau trong gia đình.

2) Việc gia đình đọc Lời Chúa chung với nhau.

Gia đình cầu nguyện chung với nhau thì sống hiệp nhất với nhau. Gia đình Thánh gia Nagiarét được diễm phúc hơn mọi gia đình khác, vì có chính Chúa Giêsu hiện diện giữa các ngài. Nhưng nếu xét cho cùng thì cũng không phải là chuyện dễ dàng hơn, vì Chúa hiện diện trong gia đình Thánh gia với một hình thức hạ mình sâu thẳm nhất, qua hình thức của một con trẻ yếu đuối như bao trẻ thơ khác để cho mẹ Maria và thánh Giuse chăm sóc. Cần phải có đức tin sâu xa và vững mạnh lắm thì Đức Maria và thánh Giuse mới có thể chu toàn trọn vẹn vai trò của mình.

Việc cụ thể thứ hai là việc đọc Lời Chúa trong gia đình. Chúng ta hãy lấy mẫu gương gia đình Thánh Gia Nagiarét như một khởi đầu cho một sinh hoạt mới trong gia đình, và kể từ nay về sau, mỗi gia đình hãy chăm chỉ thực hiện việc đọc Lời Chúa trong gia đình: “Nguyện cho Lời Chúa cư ngụ dồi dào trong anh em”. Mỗi gia đình Kitô cần có một quyển Kinh Thánh để có thể đọc Lời Chúa hằng ngày chung với nhau, và nếu không hằng ngày được thì ít ra là mỗi tuần một lần. Phải giữ mức độ thường xuyên đều đặn, không nên để tùy hứng.

Sau cùng một khía cạnh khác được nói lên trong bài Tin mừng hôm nay, đó là thử thách mà gia đình Nagiarét gặp phải, đó cũng là thử thách mà mọi gia đình kitô chúng ta ngày nay cũng có thể gặp phải. Sự hiện diện của Chúa không mang lại đặc quyền đặc lợi cho gia đình, mà ngược lại có thể làm cho Đức Maria và thánh Giuse bị phiền phức nữa là khác, vì cảnh sống nghèo nàn bị lãng quên vẫn như cũ, nhưng Đức Maria và thánh Giuse đã vượt qua được thử thách với đức tin vững vàng, khiêm tốn chấp nhận dù không hiểu việc Chúa làm. Đó là mẫu gương cho tất cả mọi gia đình Kitô giáo hôm nay.

Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm tin và phát triển đức tin của mỗi người chúng ta, ban cho gia đình chúng ta được ơn hiệp nhất với nhau, sống yêu thương nhau, nâng đỡ nhau để chu toàn ơn gọi của mình.

Asia Verita Radio

GƯƠNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

GƯƠNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

Ngày lễ Thánh Gia là ngày lễ của các gia đình. Để làm khuôn mẫu cho các gia đình, ta tưởng Giáo Hội sẽ đưa ra hình ảnh một gia đình đầm ấm, vợ chồng con cái sum họp quanh bàn ăn, quanh chiếc ti vi. Hoặc chí ít cũng là cảnh thánh Giuse làm thợ mộc với sự giúp đỡ của Chúa Giêsu. Bên cạnh là Đức Maria đang ngồi khâu vá hoặc nấu nướng. Nhưng không, Giáo Hội mời gọi ta chiêm ngắm cảnh Thánh Gia chạy trốn bạo vương Hêrôđê giữa đêm hôm khuya khoắt.

Thánh Gia đã biết đến những hiểm nguy đe dọa hạnh phúc gia đình. Nhưng các Ngài đã biết cách gìn giữ gia đình bình an qua cơn dông tố. Các bài sách thánh đặc biệt bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho ta những bí quyết mà Thánh Gia sử dụng để giữ được hạnh phúc gia đình.

Bí quyết thứ nhất đó là vâng nghe Lời Chúa. Thánh Giuse vâng lệnh Chúa truyền một cách mau mắn và tuyệt đối. Dù lệnh truyền ban ra giữa đêm khuya, Ngài thức giấc thi hành tức khắc. Dù lệnh truyền rất khó khăn Ngài vẫn mau mắn vâng lời. Đức Maria và Chúa Giêsu cũng có một thái độ vâng phục tuyệt đối như thế. Thánh ý Thiên Chúa luôn luôn là mệnh lệnh tuyệt đối. Lời Chúa dạy luôn luôn là kim chỉ nam. Thiên Chúa chính là người điều khiển gia đình các Ngài. Vì thế, dù gặp nhiều gian nan thử thách, gia đình các Ngài vẫn giữ được hạnh phúc.

Bí quyết thứ hai đó là coi con cái là vốn quý nhất. Con cái là vốn quý nhất nên các Ngài đã đem hết sức lực ra bảo vệ. Khi có những nguy cơ đe dọa, các Ngài đem con cái chạy trốn tránh xa. Vì con cái là vốn quý nhất, nên các Ngài sẵn sàng hy sinh tất cả: thời giờ, nhà cửa, tài sản, nghề nghiệp và công việc làm ăn, mong đem con cái đến nơi an toàn. Vì con cái là vốn quý nhất, nên các Ngài không ngần ngại nâng niu phục vụ. Hình ảnh thánh Giuse đi bộ dắt lừa cho Chúa Giêsu và Đức Maria là hình ảnh của một người chủ gia đình hết lòng nâng niu phục vụ vợ con. Vì con cái là vốn quý nhất, nên các Đức Maria đã dõi theo con đến cùng, nhẫn nhục đứng bên thập giá chia sớt đau khổ với con.

Bí quyết thứ ba đó là con cái luôn hiếu thảo với cha mẹ. Chúa Giêsu là một người con hiếu thảo. Tin Mừng tóm tắt cuộc sống thơ ấu của Người bằng một câu ngắn gọn: “Sau đó Người đi xuống cùng với cha mẹ trở về Nadarét và hằng vâng phục các Ngài” (Lc 2,51). Sự hiếu thảo của Chúa Giêsu được thấy trong tiệc cưới Cana. Khi đám cưới thiếu rượu, Đức Maria xin Người giúp. Tuy chưa đến thời điểm, nhưng Chúa Giêsu vẫn làm phép lạ cho nước biến thành rượu để giúp đám cưới theo yêu cầu của Mẹ. Cảm động hơn hết là giây phút cuối đời, khi bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu vẫn quan tâm đến Mẹ nên đã gửi gấm nhờ thánh Gioan, môn đệ yêu quý, chăm sóc Mẹ.

Ngày nay, nhiều gia đình đang trong tình trạng báo động. Từ thời mở cửa, gia đình Việt Nam đã biến chuyển mãnh liệt theo chiều hướng nguy hiểm. Số cặp vợ chồng ly dị tăng nhanh một cách đáng sợ. Con cái không còn vâng lời cha mẹ như xưa. Theo đà tiến triển kinh tế, nhiều gia đình trở nên giàu có hơn, nhưng con cái lại bỏ bê học hành, lao vào con đường ăn chơi, vướng vào tệ nạn xã hội, làm cho cha mẹ buồn lòng, gia đình tan nát.

Để bảo vệ gia đình trước làn sóng văn minh vật chất, hưởng thụ và cá nhân chủ nghĩa, ta hãy học hỏi mẫu gương Thánh Gia.

Trước hết, cha mẹ phải coi con cái là vốn quý nhất Chúa ban cho gia đình. Vốn này cần được quan tâm chăm sóc không phải chỉ bằng tiền bạc, phương tiện vật chất mà quan trọng hơn, bằng tình thương, sự săn sóc, dạy dỗ uốn nắn ngay từ khi còn thơ, sự hiểu biết, cảm thông khi đến tuổi trưởng thành. Dù thành công trong xã hội mà con cái hư hỏng thì vẫn là thất bại cả cuộc đời. Vì thế, phải bảo vệ con cái khỏi các bạo vương Hêrôđê thời đại. Đó là sách báo phim ảnh xấu. Đó là bạn bè xấu. Đó là tệ nạn xì ke ma túy. Nếu cần phải đem con cái trốn chạy khỏi nanh vuốt của bạo vương, tìm nơi an toàn để cho con cái sinh sống, ăn học và giữ được đạo đức.

Đáp lại, con cái phải có lòng hiếu thảo với cha mẹ. Hiếu thảo vừa là một đức tính của người có lương tri vừa là một thái độ khôn ngoan của người khiêm tốn. Có lương tri và có sự khôn ngoan, người trẻ mới tiến xa và trở nên hữu ích cho xã hội.

Sau cùng, cả gia đình phải sống theo Lời Chúa dạy. Lời Chúa là nền tảng của gia đình. Sống theo Lời Chúa là xây dựng gia đình trên nền đá vững chắc. Gia đình sống theo Lời Chúa sẽ vững vàng qua mọi bão lốc thời đại.

Gia đình Công Giáo sống theo Lời Chúa không những giữ được hạnh phúc cho gia đình mà còn đóng góp vào việc xây dựng xã hội trong hoàn cảnh đạo đức đang xuống cấp hiện nay.

Lạy Thánh Gia, xin giúp gia đình chúng con sống theo gương lành của các Ngài. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Đâu là những nguy cơ đang đe dọa hạnh phúc gia đình hiện nay?
2) Thế nào là một gia đình gương mẫu?
3) Gia đình bạn quyết tâm làm gì trong tuần này để noi gương Thánh Gia?

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Suy niệm Lễ Thánh Gia

Suy niệm Lễ Thánh Gia

Trong bầu khí Giáng Sinh, hôm nay chúng ta được mời gọi để chiêm ngắm một gia đình của Thiên Chúa ở giữa nhân loại. Ngài đã đến thế gian, đã sống như một con người, trong một gia đình để nêu gương cho chúng ta. Khi chiêm ngắm gia đình Nagiaret, chúng ta nhận ra rằng điều làm cho gia đình này trở nên linh thánh chính là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa gia đình.

Trước hết, chiêm ngắm hình ảnh thánh Giuse, người cha trong gia đình, ta nhận ra Ngài quả là một người công chính đích thực, nghĩa là người chọn Chúa làm gia nghiệp của đời mình. Đáp lại tiếng gọi của Chúa, Thánh Giuse hiến trọn cuộc đời mình để thi hành thánh ý Thiên Chúa. Ngài mau mắn đáp lại ý muốn của Thiên Chúa mọi lúc mọi nơi. Trong cương vị là người cha, người cũng dạy cho Đức Giêsu biết vâng phục Thiên Chúa. Khi đến ngày như luật định, Chúa Giêsu chịu phép cắt bì. Mẹ Maria thì chu toàn nghi lễ thanh tẩy. Còn thánh Giuse thì nộp tiền chuộc theo như lề luật đã qui định. Và hơn thế nữa, thánh Giuse cùng với Mẹ Maria hàng năm vẫn dẫn Chúa Giêsu lên đền thờ. Đặc biệt là năm Chúa mười hai tuổi, lứa tuổi chưa bị lề luật đòi buộc. Như vậy, có lẽ những bài học quan trọng nhất mà Đức Giêsu học được chính là từ ngôi trường của Giuse, một người công chính.

Thứ đến, với tư cách là một người Mẹ, Đức Maria cũng dành trọn cuộc đời của mình để vuông tròn thánh ý Thiên Chúa. Cuộc sống của mẹ được dệt nên bởi những giai điệu của tiếng xin vâng. Mẹ xin vâng để đón nhận con Thiên Chúa vào lòng, Mẹ xin vâng để chấp nhận những đau khổ và khó khăn trong cuộc sống, và cuối cùng là tiếng xin vâng khó khăn và đau đớn bên thập giá. Với tư cách là một người mẹ và một người bạn, Mẹ cũng gặp nhiều khó khăn và thách đố trong đời sống gia đình. Nhưng niềm tin và sự phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa đã giúp Mẹ vượt qua tất cả. Như trong bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rằng, dù mẹ không hiểu điều Chúa Giêsu nói, nhưng mẹ không giận dỗi và đòi một lời giải thích, trái lại, Mẹ thinh lặng và suy đi nghĩ lại trong lòng. Chính thái độ này giúp mẹ luôn nhận ra thánh ý Chúa và vuông tròn thánh ý Ngài.

Còn Đức Giêsu mời gọi ta đi vào một chiều kích mới mẻ hơn giữa Thiên Chúa và con người. Chịu ảnh hưởng bởi đời sống thiêng liêng của Đức Maria và Thánh Giuse, có lẽ, ngay từ tấm bé, Đức Giêsu đã được dạy dỗ để sống theo lề luật, tuân giữ những tập tục của người Do thái. Ngài cũng học để cầu nguyện, và trong đời sống cầu nguyện Đức Giêsu đã cảm nhận được sự hiện diện của một người Cha trên trời. Một người mà Ngài âu yếm gọi là Cha. Cũng như Mẹ Maria, Ngài hiểu rằng mình cũng có một sứ mạng, đó chính là chu toàn thánh ý Cha. Trong những lúc khó khăn và thách đố của kiếp người, Ngài cũng có một nơi nương tựa, đó là tình yêu trung tín của Cha.

Vâng, sự hiện diện của Chúa trong gia đình là yếu tố căn bản để liên kết mọi thành phần trong gia đình. Nhờ tình yêu Thiên Chúa, tình yêu phàm trần của con người được thánh hóa, và được thấm nhuần chiều kích thiêng liêng. Hơn nữa, sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình đem lại một niềm hy vọng vững chắc cho mỗi thành viên. Trước những thách đố đầy dẫy nảy sinh trong đời sống gia đình, niềm hy vọng vào tình yêu Thiên Chúa chính là chỗ dựa vững chắc nhất để mọi thành viên trong gia đình cùng nhau đối diện và vượt qua.

Một thống kê cho thấy, tại Mỹ cũng như tại hầu hết các nước thế giới, gia đình Do thái là gia đình trong đó mức phạm pháp của vị thành niên được coi là thấp nhất. Nhưng đâu là chìa khoá giải thích sự kiện này? Thưa chính là niềm tin. Các trẻ em Do thái luôn nhìn vào người cha như một đại diện của Chúa, người cha chúc lành cho con cái.

Như vậy, thánh gia trở nên gương mẫu sống động cho các gia đình trong mọi thời đại vì sự hiện của Thiên Chúa trong gia đình này. Ngày nay người ta thường gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ và đó có lẽ là một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng về đời sống gia đình. Chúng ta cùng cầu nguyện với gia đình Thánh Gia, xin các Ngài thương nâng đỡ các gia đình trong thời đại ngày hôm nay, để gia đình là mái ấm thực sự cho mọi thành viên.

Nguyễn Minh Triệu

TÔI CHẲNG BAO GIỜ ÐƯỢC BỐ TÔI ÔM HÔN CẢ!

TÔI CHẲNG BAO GIỜ ÐƯỢC BỐ TÔI ÔM HÔN CẢ!

Chủ đề: Chúng ta phải biểu lộ tình thương đối với nhau cả trong lời nói lẫn việc làm

Cách đây ít lâu, tạp chí Readers Digest có làm một cuộc “thăm dò gia đình”, gồm 12 câu hỏi đặt ra cho các bậc cha mẹ. Tôi chỉ muốn đọc ra đây 3 trong số 12 câu hỏi ấy.

Câu thứ nhất: “Nếu trên truyền hình chiếu cảnh một cậu bé khoảng mười mấy tuổi vừa ôm hôn bố mẹ chúc ngủ ngon, thì liệu con cái bạn có cho như thế là chuyện bình thường không?” Bạn sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào?

Và đây câu hỏi thứ hai: “Giả như bạn và chồng (hoặc vợ) của bạn đang cùng đọc sách trong một căn phòng, thì liệu con cái bạn sẽ có cùng đến ngồi trong căn phòng ấy không?”

Và cuối cùng, đây là câu hỏi thứ ba: “Có bao giờ con cái bạn kể cho bạn rằng chúng mong ước tạo được một mái gia đình giống như gia đình bạn khi chúng bước vào cuộc sống lứa đôi không?”

Ðiều đập ngay vào mắt chúng ta là cả 3 câu hỏi trên đều liên quan đến mọi gia đình ở một cấp độ nền tảng nhất của đời sống gia đình tức là cấp độ tình yêu thương. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn cấp độ này.

Một trong những câu hỏi bông đùa thú vị nhất của Bob Hope liên quan đến tình yêu ông dành cho Bing Crosby, và cũng không có điều gì mà Crosby lại không muốn làm cho tôi. Nhưng đó mới là điều gây ra rắc rối. Chúng tôi đã tiêu phí đi cả cuộc đời mình mà chả làm gì cho nhau hết.

Chủ ý của Hope rất hay. Chúng ta thường có khuynh hướng lơ là biểu lộ tình thương đối với nhau. Khi dừng lại suy nghĩ chúng ta sẽ ngạc nhiên thấy hiếm khi chúng ta biểu lộ tình yêu đối với nhau trong lời nói hoặc trong một thái độ cụ thể nào đó. Chẳng hạn lần sau cùng mà bạn nói với một người nào đó trong gia đình bạn qua một cuộc nói chuyện hoặc trong một lá thư, là bạn yêu quí người ấy, lần ấy cách đây bao lâu rồi?

Sự lơ là biểu lộ tình yêu, bằng lời nói hay cử chỉ rõ ràng, đặc biệt đối với đám người trẻ, sẽ có thể gây ra những hậu quả thảm hại. Hơn bất cứ ai khác, những người trẻ khát khao biết rằng họ đang được yêu mến. Họ cần nhìn thấy, cần cảm nếm được điều đó.

Trong quyển sách nhan đề Bố Tôi, Con Trai Tôi (My Father, My Son). Bác sĩ Lee Salk đã mô tả cuộc phỏng vấn đầy cảm động dành cho Mark Chapman, tên sát nhân đã bị khép tội giết John Lennon trong ban nhạc Beatles. Giữa cuộc phỏng vấn, Chapman kể lại: “Tôi không hề nghĩ rằng tôi dã từng được ba tôi ôm hôn. Ông ấy chẳng bao giờ nói với tôi rằng ông ấy thương tôi… Tôi cần cảm nhận được tình yêu và sự nâng đỡ, thế mà tôi chẳng bao giờ có được những thứ ấy”. Chapman mô tả cách thức anh sẽ cư xử với con anh nếu như anh có một đứa con trai. Ðiều ấy quả thật là bi đát vì có lẽ Chapman chẳng bao giờ được ra khỏi tù để tạo lập được mái gia đình riêng cho mình. Chapman nói: “Tôi sẽ ôm con tôi và hôn hít nó… và làm như thế là để cho nó biết rằng… nó có thể tin cậy tôi và đến với tôi… và tôi sẽ nói cho nó rằng tôi yêu thương nó”.

Bác sĩ Salk kết thúc quyển sách trên với lời khuyên sau đây gởi đến các bậc làm cha và các cậu con trai. Và lời khuyên này cũng nên áp dụng cho các bậc cha mẹ và các cô con gaí: “Ðừng e ngại biểu lộ xúc cảm của bạn, đừng ngại nói với Bố mình hoặc con trai mình là mình yêu mến và quan tâm đến người ấy. Ðừng ngại ôm cổ hôn hít bố mình hoặc con trai mình. Ðừng chờ cho đến lúc ngồi cạnh giường chết mới nhận ra là mình đã lầm lẫn, thiếu sót“.

Cách đây ít lâu, Ann Landers có nhận được một lá thư của một bà mẹ hỏi rằng đến tuổi nào thì một ông Bố và cậu con trai thôi ôm hôn nhau và thôi nói với nhau câu nói “Bố yêu con” hoặc “Con yêu bố”. Ann Landers liền trả lời cho bà mẹ ấy một chữ gọn lỏn “Never”. (Không bao giờ)

Sau đó ít lâu, Ann Landers lại nhận được một lá thư khác của một ông bố nọ. Ông ta nói rằng câu trả lời gọn lỏn trên, cho lá thư bà mẹ kia đã làm cho ông cảm động chảy nước mắt. Ông cắt nghĩa lý do như sau: “Cách đây vài tuần, lần đầu tiên tôi ôm hôn đứa con trai và nói với nó rằng tôi yêu nó. Nhưng khốn nạn thay, nó không biết được điều ấy vì nó đã chết mất rồi. Nó đã dùng súng tự sát trước đó rồi!”. Người bố này tiếp tục viết: “Niềm hối hận lớn lao nhất trong đời tôi là tôi đã ngại ngùng trong việc biểu lộ âu yếm đối với nhau thì xem ra nhu nhược quá!… Tôi sẽ chẳng bao giờ nguôi ngoai được nỗi ngu dốt khờ khạo này”.

Ðiều gì đúng nơi mối tương giao giữa bố và con trai thì cũng đúng y như thế đối với tương giao giữa tất cả con cái trong cùng một gia đình với nhau.

Khó có thể hiểu được rằng Chúa Giêsu Người đã từng khóc bên mộ người bạn Ngài là Lazarô, lại không bao giờ ôm hôn mẹ mình và nói với mẹ: “Mẹ ơi, con yêu Mẹ”.

Và khó có thể hiểu được rằng Chúa Giêsu, Người từng kể lại câu chuyện hai bố con ôm nhau trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, lại không từng ôm thánh Giuse và nói: “Bố ơi, con thương bố”.

Các bài Thánh Kinh trong lễ mừng kính Thánh Gia hôm nay nêu ra một câu hỏi cực kỳ quan trọng: “Chúng ta với tư cách làm cha, làm mẹ, làm con trai, con gái, chúng ta đã góp phần vào việc biểu lộ yêu thương trong gia đình riêng của chúng ta như thế nào?”

Hãy nhớ lại những câu hỏi trong “cuộc thăm dò về gia đình”. Nếu trên truyền hình chiếu cảnh một cậu bé khoảng mười mấy tuổi vừa ôm hôn bố mẹ vừa nói lời chúc ngủ ngon thì liệu con cái bạn có cho rằng điều này là chuyện bình thường không?. Nếu câu trả lời của chúng ta là không thì các bài đọc Kinh Thánh hôm nay có thể chứa đựng một sứ điệp quan trọng gởi cho chúng ta đấy.

Ðể kết thúc, chúng ta khẩn nguyện suy tư về chủ đề tình yêu trích từ thư thứ nhất của thánh Gioan. Xin vui lòng yên lặng hiệp ý cầu nguyện cùng tôi:

Các con hãy xem Chúa Cha đã yêu mến chúng ta dường nào! Tình yêu của Ngài to tát quá đến nỗi chúng ta được gọi là con Thiên Chúa — và qủa thực, chúng ta là thế đấy… Hỡi các con của ta, tình yêu của chúng ta đừng chỉ dừng lại ở nơi lời nói mà phải là một tình yêu đích thực biểu lộ ra bằng hành động” (1 Ga 3: 1-18).

Cha Mark Link SJ

GIA ĐÌNH THÁNH: CHÚA GIÊSU, MẸ MARIA VÀ THÁNH GIUSE

GIA ĐÌNH THÁNH: CHÚA GIÊSU, MẸ MARIA VÀ THÁNH GIUSE

Khi nói về gia đình của Chúa Giêsu, chúng ta hiểu ngay Thiên Chúa đã không muốn Con Một của Ngài đi một con đường nào khác, nhưng Ngài đã chọn cho Con của Ngài một gia đình để sinh ra: Chúa Giêsu có Cha là thánh Giuse và có Mẹ là Đức Trinh Nữ Maria. Bởi đó, gia đình mang một ý nghĩa thật quan trọng, thật tuyệt vời. Chính Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích hôn phối.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình là một Giáo hội thu nhỏ trong đó mọi thành phần sống chung cùng nhau, đùm bọc, yêu thương, giúp nhau thăng tiến. Gia đình cũng là cái nôi để con người được ấp ủ, nâng đỡ, được giáo dục để lớn trong tình yêu thương của cha của mẹ của anh chị em.Gia đình Công giáo cũng là trường học đầu tiên để con người được biết Chúa.Hôm nay, mừng lễ Thánh Gia, chúng ta thử nhìn vào Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse để xác tín hơn, yêu mến hơn Ba Đấng, một gia đình tuyệt đối gương mẫu, hoàn toàn thánh thiện và đầy quyền thế. Xét về phương diện Thiên Chúa, Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côlôsê đã viết : “Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là Trưởng tử giữa các thọ sinh, vì trong Ngài mọi vật đã được tác thành… Và Ngài đã giải hòa cả vạn vật nhờ Ngài và cho Ngài, đã ban lại bình an nhờ Máu Thánh của Ngài đổ ra nơi thập giá, cho mọi vật trên trời dưới đất”. Chính vì thế, Chúa Giêsu là Đấng ngự bên hữu Đức Chúa Cha để cầu bầu cho chúng ta. Ngài đến để chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10). Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ nhân loại,Mẹ Hội Thánh và Mẹ của mỗi người chúng ta. Mẹ đã được Thiên Chúa tuyển chọn để góp tay vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.Mẹ Maria luôn luôn dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Thánh Giuse trước mặt Thiên Chúa thật có công lớn lao, đã có công bảo vệ Đức Mẹ, nuôi dưỡng Chúa Giêsu để Ngài được lớn lên trong tình yêu thương đầm ấm của gia đình. Chính nơi làng Nagiarét, Chúa Giêsu được thánh Giuse và Đức Mẹ yêu thương đùm bọc. Chúa được Mẹ Maria dạy nói, tập đi. Ngài cũng phải học hòa nhập với những người dân làng. Ngài cũng phải nhờ Mẹ Cha dạy cầu nguyện và cư xử theo truyền thống của cha ông. Tại gia đình Nagiarét,và nơi làng Nagiarét, Chúa Giêsu đã tiếp thu, học hỏi và sống hòa nhập để chu toàn sứ vụ nhập thể làm người…

Gia đình Nagiarét là gia đình lý tưởng cho mọi gia đình. Bởi vì, Thiên Chúa đã chọn cho Con Một yêu dấu của Ngài một gia đình. Ba Đấng đều cao cả,lớn lao nhưng tất cả đều khiêm nhượng, đều hòa thuận, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau vì cả Ba Đấng đều làm theo ý Thiên Chúa.

Gia đình Nagiarét là một gia đình quên mình để nghĩ đến người khác.Đó là một gia đình yêu thương, bác ái tuyệt vời. Thánh Giuse luôn chuyên cần lao động để nuôi sống gia đình. Mẹ Maria chăm lo việc nội trợ, còn Chúa Giêsu luôn hiếu thảo đối với cha mẹ và sẵn sàng giúp đỡ cha mẹ trong mọi công việc hằng ngày.

Nơi gia đình Nagiarét, Ba Đấng đã cho chúng ta thấy được giá trị của lao động. Các Ngài cho chúng ta hiểu được lao động có ý nghĩa cao sâu là cứu rỗi. Nơi gia đình Nagiarét, Chúa Giêsu luôn làm theo ý Thiên Chúa, nên những vất vả, mồ hôi đổ ra, tất cả đều mang ý nghĩa cứu độ.

Vâng, như các mục đồng, chúng ta hãy mau mắn đi về Bêlem để tìm gặp Ba Đấng : “Các mục đồng hối hả ra đi.Tới nơi, họ gặp thấy bà Maria cùng với ông Giuse. Và gặp thấy Hài Nhi đặt trong máng cỏ” (Lc 2, 16).

Xin mượn lời Bénedicte Ducatel để kết bài suy niệm này : “Gia đình Nadaret là một mô hình gia đình của sự thánh thiện, lễ Thánh Gia mời gọi chúng ta hiểu rằng Ngôi Lời Nhập Thể đến trong một thế giới hiện hữu.Gia đình chúng ta là một hội thánh nhỏ, những niềm vui, nỗi buồn, sự đau khổ hay niềm hy vọng, chính là những gì Thiên Chúa muốn mạc khải trong chúng ta… Đó là những điều bình thường trong cuộc sống của chúng tôi mà chúng ta sẽ nhận ra, hãy noi gương Thánh Gia, hãy để Thiên Chúa đến và ở giữa chúng ta”.

Lạy Thánh Gia xin giúp mọi gia đình Công giáo luôn noi gương bắt chước Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse để làm cho gia đình được hạnh phúc. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:
1. Gia đình thánh nêu gương gì cho chúng ta?
2. Tại sao Thiên Chúa lại chọn cho Chúa Gie6su được sinh ra trong một gia đình?

LM Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

GIA ĐÌNH

GIA ĐÌNH

Chúa Giêsu đã hạ sinh trong môi trường đời sống gia đình. Gia đình Thánh bao gồm có Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse. Thánh Giuse là người công chính đã chu toàn bổn phận của người cha nuôi. Ngài luôn mau mắn thực hành ý Chúa qua các cuộc báo mộng của thiên thần: “Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người.” (Mt 2,13). Giuse không quản ngại đường xa, đêm tối, chỉ một lòng trung kiên bảo vệ an toàn cho Chúa Hài Nhi. Ông thi hành ngay lập tức khi được lệnh trốn sang Aicập: “Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Aicập đang lúc ban đêm.” (Mt 2,14). Và khi cả gia đình được trở về quê quán: “Ông liền trỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel.” (Mt 2,21). Tình yêu đáp trả tình yêu. Thánh Giuse có một tâm hồn thánh thiện, một trái tim rộng mở và một tình yêu vô điều kiện. Ngài đã nêu gương sáng trong vai trò làm cha và làm chồng. Thánh Giuse khiêm hạ, thế mà sau gần 2 thiên niên kỷ, năm 2014, Uỷ ban Phụng vụ mới ban hành việc đọc thêm tên Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ, trong các Kinh nguyện Thánh Thể.

Gia đình là tổ ấm yêu thương. Gia đình lý tưởng bao gồm cha, mẹ và con cái chung sống với nhau cách thuận hoà. Mỗi thành viên trong gia đình có trách nhiệm chu toàn bổn phận của mình. Tác giả sách Huấn Ca đã khuyên dạy: “Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời.” (Hc 3,5). Gia đình là một đơn vị căn bản trong đời sống cộng đồng xã hội. Gia đình là nơi ươm mầm hạt giống tâm linh và là cái nôi vào đời. Chúng ta có thể quan sát một tổ chim ẩn dấu trên cành cây. Chúng ta có thể quan sát, để chuẩn bị một tổ ấm, chim cha và chim mẹ đã dùng sức lao động và sự cần cù của mình tha từng cọng rác về bện tổ uyên ương. Khi hoàn thành ổ ấm, đôi chim đã quanh quyện bên nhau để cùng chăm sóc, bảo vệ và đỡ nâng. Sau khi liên hợp đẻ trứng, đôi chim thay phiên nhau canh chừng và ấp ủ trứng cho tới khi trứng nở con. Chim con được nuôi dưỡng và bảo vệ một cách cẩn thận trong ổ ấm cho tới khi đủ lông đủ cánh mới tập ra ràng. Cặp chim mẹ cha lo tập tành và hướng dẫn chim con từng bước, giúp chúng hoà nhịp vào cuộc sống. Thật tuyệt vời!

Từ đầu hết, Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam, có nữ. Nam nữ kết hợp với nhau nên vợ, nên chồng làm thành một gia đình. Những trang đầu của sách Sáng Thế đã ghi nhận sự mạc khải về sự kết hợp nhiệm mầu: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt.” (St 2,24). Vợ chồng kết hợp nên một trong yêu thương. Mục đích của đời sống hôn nhân gia đình là yêu thương và sinh sản con cái. Con cái lưu truyền dòng giống và nối tiếp sự sống. Có một sự gắn bó linh thiêng dòng máu giữa cha mẹ và con cái. Con cái là do sự kết hợp tình yêu và thân xác của mẹ cha. Cha mẹ yêu thương con cái và con cái thảo kính cha mẹ: “Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ.” (Hc 3,6). Niềm vui trong đời sống gia đình là sự hòa hợp hỗ tương, có cho và có nhận. Sự sống giữa cha mẹ và con cái là một sợi chỉ xuyên suốt gắn bó trực hệ. Con cái có bổn phận đáp ân trả nghĩa và hiếu thảo: “Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi.” (Hc 3,14-15).

Trong đời sống vợ chồng, tình yêu là chìa khóa. Tình yêu là cái không thể mua và không thể bán. Tình yêu chỉ có thể trao tặng một cách tự do và vô vị lợi. Thiếu tình yêu, đời sống gia đình sẽ trở thành như cái lồng chim. Người ta ví đời sống hôn nhân gia đình giống cái lồng chim sơn son thết vàng tuyệt đẹp. Những con chim sống bên trong muốn bay ra ngoài, trong khi những con bên ngoài muốn bay vào. Bởi đó hôn nhân hấp dẫn cứ tiếp diễn không ngừng, hết đời này sang đời khác. Có những cuộc sống hôn nhân thất bại như chim nhốt lồng, nhưng chúng ta cũng phải chân nhận rằng có rất nhiều cuộc sống hôn nhân rất hạnh phúc. Họ biết thông cảm tha thứ và yêu thương nâng đỡ lẫn nhau. Thánh Phaolô khuyên: “Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện.” (Cl 3,14). Yêu thương thì chín bỏ làm mười. Trong cuộc đôi co tranh luận, hãy nhớ rằng thắng được chồng hay thắng được vợ, thì vẫn thua thắng chính mình.

Mỗi cuộc hôn nhân gia đình là một cuộc lữ hành tình yêu. Cuộc sống nào cũng có lúc vui lúc buồn, lúc thành công khi thất bại, lúc mạnh khoẻ khi ốm đau và thăng trầm năm chìm bảy nổi. Đời sống con người rập khuôn với sự chuyển động của thiên nhiên. Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông biến đổi không ngừng. Thiên nhiên vạn vần có ngày thanh bình êm ả và có ngày giông gió ồn ào. Sinh hoạt đời sống vợ chồng con cái trong gia đình cũng luôn hấp dẫn và lo âu, vì luôn có những sự cố xảy đến. Mỗi ngày sống là một ngày hoàn toàn mới. Kinh nghiệm của đời sống hôn nhân cũng đòi hỏi vợ chồng phát huy thích thời. Không có khi nào trễ, nếu vợ chồng muốn bắt đầu đổi mới cách sống hôm nay. Khó có thể lấy một cặp gia đình nào đó để làm gương mẫu chung, vì mọi người đều bất toàn. Người ta nói rằng ở trong chăn mới biết chăn có rận. Đừng xét đoán ai cả, vì đôi khi chúng ta nhìn thế mà không phải thế. Đừng suy bụng ta ra bụng người mà bị bé cái lầm.

Thánh Phaolô khuyên dạy cả vợ lẫn chồng: “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép.” (Cl 3,18). Phục tùng trong Chúa như Giáo Hội phục tùng Chúa Giêsu, là đầu của Nhiệm Thể. Lời khuyên này không dễ thực hiện trong hoàn cảnh văn hóa hiện tại, vì người phụ nữ có quyền bình đẳng và quyền tự do. Nhưng Phaolô dạy thêm: “Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó.” (Cl 3,19). Đức yêu thương là cốt lõi. Khi đã yêu thương thật lòng thì mọi sự dễ dàng cảm thông. Trong đời sống, vợ chồng có thể tự vấn đo lường mức độ tình yêu qua sự trao đổi kinh nghiệm sống. Nếu hằng ngày vợ chồng cứ luôn gây gỗ, to tiếng, giận hờn, nói lời chì chiết, bắt bẻ và hay gây sự, xin hãy ý tứ vì có lẽ tình yêu đang bước vào mùa Thu của cuộc sống gia đình.

Thánh Phaolô đã khuyên dạy người chồng và vợ, ngài cũng không quên nhắc nhở những người con trong nhiệm vụ phải vâng lời cha mẹ như chính Chúa Giêsu đã vâng phục cha mẹ của Ngài: “Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa.” (Cl 3,20). Có qua có lại mới toại lòng nhau. Con cái thảo hiếu và cha mẹ nêu gương sáng cho con bắt chước. Đừng dạy một đàng, làm một nẻo, con cái sẽ không kính phục. Cha mẹ có bổn phận giáo dục và yêu thương con cái: “Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt.” (Cl 3,21). Sự hài hoà trong cách cư xử sẽ tạo một bầu khí gia đình yên vui đầm ấm. Biết rằng không có ai hoàn hảo, nhưng mỗi người cố gắng hãm bớt cái tôi ích kỷ, để sống hoà đồng trong mối tương giao. Chúng ta cùng học với gia đình Thánh Gia Thất, hãy nhìn xem Giuse là người thợ mộc đơn thành, Đức Maria thôn nữ dịu hiền sống chung với Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, các Ngài đã tự chu toàn bổn phận mình một cách tuyệt vời trong đời sống gia đình.

Lạy Chúa, đời sống gia đình của chúng con có biết bao niềm vui, nỗi buồn và những khó khăn chồng chất. Xin cho chúng con biết nhận ra giá trị đích thực của tình yêu gia đình. Chúng con sẽ cố gắng hoàn thành tốt vai trò của mình để xây dựng một mái ấm gia đình trong yêu thương, vui vẻ và hạnh phúc.

LM Giuse Trần Việt Hùng

Đức Thánh Cha Phanxicô dùng bữa trưa với vị tiền nhiệm

Đức Thánh Cha Phanxicô dùng bữa trưa với vị tiền nhiệm

VATICAN. Trưa 27-12-2013, ĐTC Phanxicô đã mời vị tiền nhiệm Biển Đức 16 dùng bữa trưa với ngài tại Nhà Trọ Santa Marta nơi ngài cư ngụ.

Trong cuộc viếng thăm hôm 23-12 trước đó tại nhà Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 để chúc mừng nhân dịp lễ Giáng Sinh, ĐTC Phanxicô đã mời vị tiền nhiệm đến dùng bữa với ngài trong những ngày lễ này.

Tham dự bữa ăn trưa thứ năm vừa qua cũng có các vị bí thư riêng của hai Đức đương kim và cựu Giáo Hoàng, cùng với Đức TGM Dominique Mamberti, ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Ông Bryan Wells, Phó Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có mặt tại Vatican trong những ngày lễ này.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2014

Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2014

Kính thưa quý vị thính giả, như chúng tôi đã đưa tin, ngày 12-12 vừa qua, Đức Thánh Cha đã công bố sứ điệp đầu tiên của ngài về ngày hòa bình thế giới 1-1-2014, với chủ đề “Tình huynh đệ, nền tảng và con đường dẫn tới hòa bình”.

Sứ điệp này của Đức Thánh Cha bao gồm 10 số, trong đó Ngài bàn đến nhiều khía cạnh của cuộc sống, mà tâm điểm là tình huynh đệ. Ngài đã dựa vào câu chuyện của ông Cain và Aben trong sách Sáng Thế để nhận định rằng tình huynh đệ là ơn gọi và cũng là khao khát cháy bỏng của mọi con người. Nhưng con người đã vì những ích kỷ của mình mà phản bội lại ơn gọi này khi nỡ ra tay sát hại đồng loại, gây ra biết bao tai ương cho nhau. Ngài cũng trích dẫn một số Thông Điệp của các vị tiền nhiệm để gợi nhắc lại ý nghĩa của chữ “hòa bình”. Để có thể có được bình an, nhất thiết, con người không thể xem nhau như người đối nghịch nhưng như những anh chị em thân cận để quan tâm và chăm sóc. Ngài còn cho biết, con người cũng sẽ không thể có được tình huynh đệ thực sự nếu không quy chiếu đến một tình Phụ tử chung là tình yêu của Thiên Chúa.

Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quý vị toàn văn sứ điệp này của ngài:

1. Trong Sứ Điệp đầu tiên của tôi nhân ngày Hòa Bình Thế Giới, tôi xin gửi đến từng người, các cá nhân và mọi dân tộc, lời cầu chúc mong cho mọi người có được một cuộc sống đầy tràn niềm vui và an bình. Ngay nơi tâm điểm của từng người nam nữ đều có một khao khát sống một cuộc sống tròn đầy, trong đó bao hàm một khát vọng không thể kiềm chế về tình huynh đệ vốn là điều lôi kéo chúng ta đến mối hiệp thông với người khác và cho phép chúng ta nhìn đến họ không phải như những kẻ thù hay đối nghịch, như là những người anh chị em được đón nhận và được ôm ấp.

Tình huynh đệ là một chiều kích căn cốt của con người vì chúng ta là những hữu thể có tương quan. Một ý thức sống động về tương quan này sẽ giúp chúng ta nhìn nhận và đối xử với người khác như là anh chị em thực sự của mình; không có tình huynh đệ, chúng ta không thể xây dựng một xã hội công bằng và một nền hòa bình kéo dài và bền vững. Chúng ta nên nhớ rằng tình huynh đệ được học cách chung trước hết nơi gia đình, mà trên hết nhờ vào vai trò trách nhiệm và bổ túc của từng thành viên, cách riêng là của các bậc cha mẹ. Gia đình là nguồn mạch của tất cả các tình huynh đệ, và như thế nó là nền tảng và là con đường chính yếu dẫn tới hòa bình, vì ơn gọi của gia đình là lan tỏa tình yêu của nó ra thế giới chung quanh.

Số lượng các mối liên hệ đan xen và truyền thông không ngừng gia tăng trên thế giới ngày nay làm cho chúng ta ý thức cách mạnh mẽ về sự hiệp nhất và vận mệnh chung của các quốc gia trên trái đất. Trong những năng động của lịch sử cũng như trong sự đa dạng của các nhóm thiểu số, các xã hội và các nền văn hóa, chúng ta thấy được hạt mầm của lời mời gọi làm nên một cộng đồng gồm những anh chị em, những người đón nhận và chăm sóc cho nhau. Nhưng tiếng gọi này vẫn còn thường xuyên bị chối từ và làm ngơ trong một thế giới bị đánh dấu bởi một “sự lạnh nhạt mang tính toàn cầu”, vốn làm cho chúng ta khó cảm nhận được những nỗi đau khổ của người khác và chỉ đóng khung trong chính mình.

Tại nhiều vùng miền trên thế giới, dường như vẫn còn vô số những sự xúc phạm nặng nề chống lại các quyền cơ bản của con người, đặc biệt là quyền được sống và quyền tự do tôn giáo. Hiện tượng đáng buồn nhất là chuyện buôn người, trong đó cuộc sống và nỗi tuyệt vọng của người khác bị đem đi kiếm lời một cách không thương tiếc, là một ví dụ mạnh tiếng nhất về việc này. Những cuộc xung đột võ trang kéo dài bớt minh nhiên hơn nhưng không hề bớt đi sự tàn độc trong các lãnh vực kinh tế và tài chính bằng những phương tiện có thể gây ra sự hủy hoại cho sự sống, gia đình và việc kinh doanh.

Việc toàn cầu hóa, như Đức Biển Đức 16 đã nói, làm cho chúng ta gần nhau hơn, nhưng thực tế nó đã không giúp chúng ta trở thành anh chị em của nhau. Bên cạnh đó, những tình cảnh bất bình đẳng, nghèo đói, bất công là những dấu chỉ, không chỉ phản ánh việc không có một tình huynh đệ sâu sắc, nhưng còn nói lên sự thiếu vắng của một nền văn hóa liên đới. Các ý thức hệ mới, được đặc tính hóa bởi chủ nghĩa cá nhân lan tràn, chủ nghĩa quy kỷ và chủ nghĩa tiêu thụ của cải vật chất đã làm suy yếu đi các mối dây xã hội, cổ xúy cho tư tưởng “loại trừ” vốn dẫn đến việc khinh thường và bỏ mặc những người yếu thế nhất và những ai bị xem là “vô dụng”. Cứ theo lối ấy, việc con người đồng hiện hữu với nhau càng dẫn đến chuyện chỉ đơn thuần là do ut des [có qua có lại], đầy tính thực dụng và ích kỷ.

Đồng thời, dường như rất rõ là các hệ thống đạo đức đương đại không có khả năng sinh ra những mối dây huynh đệ chân thực vì tình huynh đệ mà không quy chiếu đến một vị Cha chung như là nền tảng tối hậu của nó thì không thể kéo dài lâu được. Một tình huynh đệ thực sự giữa con người giả định và đòi hỏi có một tình Phụ Tử siêu việt. Dựa trên việc nhận biết tình phụ tử này, tình huynh đệ của con người mới được củng cố: mỗi người trở nên một “người thân cận” chăm sóc cho người khác.

“Em ngươi đâu? (St 4:9)

2. Để hiểu được đầy đủ hơn ơn gọi huynh đệ giữa con người với nhau, để có thể nhận ra rõ ràng hơn những ngăn trở còn đó trong việc thực thi và xác định những cách thế để vượt qua chúng, điều quan trọng hàng đầu là phải để kế hoạch của Thiên Chúa hướng dẫn mình, vốn được trình bày cách hiển nhiên trong Kinh Thánh.

Theo trình thuật sách sáng thế, tất cả các dân tộc đều xuất phát từ tổ tiên chung là Adam và Eva, cặp đôi được Thiên Chúa dựng nên giống Người và theo hình ảnh của Người (x. St 1:26), cũng là người đã sinh ra Cain và Abel. Nơi câu chuyện của gia đình đầu tiên này, chúng ta thấy những nguồn gốc của xã hội và sự tiến hóa của các tương quan giữa các cá nhân và dân tộc.

Abel là người chăn súc vật, Cain là nông dân. Căn tính sâu sắc và ơn gọi của họ là anh em với nhau, dù có những sự khác biệt trong hành vi và văn hóa của họ, trong cách thức họ có mối tương quan với Thiên Chúa và với các thụ tạo. Việc Cain giết Abel đã là một bằng chứng đau buồn cho việc Cain loại bỏ cách triệt để ơn gọi là anh em giữa họ. Câu chuyện của họ (x. St 4:1-16) mang đến những nhiệm vụ khó khăn mà tất cả mọi người nam nữ được mời gọi sống như người một nhà, mỗi người chăm lo cho nhau. Cain, kẻ đã không chấp nhận được sự ưu ái của Thiên Chúa dành cho Abel khi ông này dâng lên Chúa con vật tốt nhất trong đàn – “Đức Chúa đoái nhìn đến Aben và lễ vật của ông, nhưng Cain và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn” (St 4:4-5), đã giết Abel vì ganh tị. Theo đó, ông cũng không chịu xem Abel là anh em mình, từ chối có tương quan tích cực với ông, và từ chối sống trước mặt Chúa, chối bỏ trách nhiệm quan tâm và bảo vệ người khác. Khi hỏi ông “em ngươi đâu?”, Thiên Chúa muốn ông phải suy nghĩ về những gì ông đã làm. Ông trả lời: “Con không biết. Con có phải là người canh giữ em con đâu?” (St 4:9). Rồi, sách Sáng Thế kể lại cho chúng ta: “Ông Cain đi xa khuất mặt Đức Chúa” (St 4:16).

Chúng ta cần phải tự vấn chính mình đâu là những nguyên do chính dẫn Cain tới việc không đếm xỉa tới mối dây huynh đệ và đồng thời, là mối dây hiệp thông vốn nối kết ông với người anh em Abel. Chính Thiên Chúa đã kết án và quở trách sự thông đồng của Cain với sự dữ: “Tội lỗi đang nằm phục ở cửa” (St 4:7). Nhưng Cain từ chối chống lại sự dữ, thay vào đó, ông vẫn quyết định đưa tay lên “chống lại em mình là Abel” (St 4:8), ông khinh thường kế hoạch của Thiên Chúa. Như thế, ông đã phá hỏng ơn gọi nguyên thủy là con cái Thiên Chúa và sống với nhau trong tình anh em.

Câu chuyện của Cain và Abel dạy chúng ta rằng chúng ta có một ơn gọi cố hữu trở thành anh chị em của nhau, nhưng chúng ta cũng có khả năng phản bội lại ơn gọi ấy. Điều này được phản ánh trong những hành vi ích kỷ hàng ngày của chúng ta, vốn nằm ngay nơi tâm điểm của các cuộc chiến tranh và những bất công: nhiều người đã chết dưới bàn tay của anh chị em mình, những người đã không nhìn nhận họ như là những hữu thể được dựng nên cho một mối dây hỗ tương, cho sự hiệp thông và trao ban chính mình.

“Còn tất cả anh em đều là anh em của nhau” (Mt 23:8)

3. Câu hỏi tự nhiên bộc lên: liệu mọi người trên thế giới này có bao giờ đáp lại cách trọn vẹn khao khát một tình huynh đệ mà Thiên Chúa đã đặt trong họ chưa? Họ đã nỗ lực bằng sức của mình để vượt qua những lạnh nhạt, chủ nghĩa ích kỷ và căm ghét, và để đón nhận những khác biệt chính đáng làm nên cá tính của anh chị em mình chưa?

Diễn giải lại những lời nói của Đức Giêsu, chúng ta có thể tóm tắt lại câu trả lời mà Người đã đưa ra: “Vì anh em chỉ có một Cha trên trời, là Thiên Chúa, nên tất cả các con là anh chị em của nhau” (x. Mt 23:8-9). Căn bản của tình huynh đệ được tìm thấy nơi tình phụ tử của Thiên Chúa. Chúng ta không nói về một tình phụ tử theo giống loài, xa xăm và chẳng có tác dụng gì về mặt lịch sử nhưng đúng hơn là một tình yêu cá vị cụ thể đặc biệt và ngoại thường của Thiên Chúa dành cho mỗi người nam và nữ (x. Mt 6:25-30). Thế nên, đó là một tình phụ tử làm phát sinh ra tình huynh đệ, vì tình yêu của Thiên Chúa, khi được đón nhận, sẽ trở thành phương tiện có sức mạnh mẽ nhất làm biển đối sự hiện hữu và tương quan với người khác, giúp con người mở ra với sự liên đới và sự sẻ chia tích cực.

Cách đặc biệt, tình huynh đệ giữa con người với nhau được tái tạo lại trongnơi Đức Giêsu Kitô qua cái chết và sự phục sinh của Người. Thánh giá là “quy điểm” tuyệt đối của nền tảng tình huynh đệ mà con người không thể tự mình làm phát sinh ra. Đức Giêsu Kitô, Đấng đã mặc lấy xác phàm để cứu độ con người, yêu mến Chúa Cha đến nỗi chết trên cây thập giá (x. Pl 2:8), đã qua cái chết của Người mà làm cho chúng ta trở thành một nhân loại mới, trong sự hiệp thông trọn trẹn với thánh ý Thiên Chúa, với kế hoạch của Người, vốn bao hàm một sự hiện thực trọn vẹn ơn gọi của chúng ta là anh chị em với nhau.

Ngay từ đầu, Đức Giêsu đã mang lấy kế hoạch của Cha, chân nhận tính ưu tiên của nó trên mọi thứ khác. Nhưng Đức Kitô, qua việc hiến mình cho đến chết vì tình yêu dành cho Cha, đã trở nên một nguyên lý mớidứt khoát dành cho tất cả chúng ta; chúng ta được mời gọi để nhìn nhận nhau như là anh chị em trong Người, vì chúng ta đều là con cái của cùng một Cha. Chính Người là giao ước mới; nơi con người của Người, chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa và với anh chị em mình. Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá cũng mang đến cái kết cho sự chia rẽ giữa các dân tộc, giữa dân của Giao Ước và dân ngoại, những người bị tước mất niềm hy vọng vì cho đến giây phút ấy, họ bị xem không phải là một phần của Lời Hứa. Như chúng ta đọc thấy trong Thư gửi tín hữu Êphêxô, Đức Giêsu Kitô là Đấng đã giao hòa tất cả mọi người trong Người. Người sự bình an, vì Người đã làm cho hai dân tộc thành một, phá vỡ đi bức tường ngăn cách chia rẽ họ, chính là sự thù nghịch giữa họ. Người đã sáng tạo nơi Người một dân duy nhất, một con người mới duy nhất, một nhân loại mới duy nhất (x. Ep 2:14-16).

Những ai đón nhận cuộc đời của Đức Kitô và sống trong Người thì cũng nhìn nhận Thiên Chúa là Cha và trao dâng chính mình hoàn toàn cho Người, yêu Người trên hết mọi sự. Người nào đã được hòa giải thì nhìn thấy nơi Thiên Chúa hình ảnh vị Cha chung của tất cả và kết quả là, người ấy được thúc đẩy đến việc sống một cuộc sống huynh đệ mở ra với tất cả. Trong Đức Kitô, người khác được đón nhận và được yêu thương như một người con của Thiên Chúa, như anh chị em, chứ không phải như một người lạ, càng không phải như người đối nghịch hay thậm chí là kẻ thù. Trong gia đình của Thiên Chúa, nơi tất cả đều là con cái của cùng một Cha, và vì họ được đính vào Đức Kitô, những người con trong Người Con, không hề có “những cuộc sống bị bỏ đi”. Tất cả mọi người cùng vui hưởng một phẩm giá ngang bằng và bất khả xâm phạm. Tất cả mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương. Tất cả mọi người đều được cứu chuộc bởi Bửu Huyết của Đức Kitô, Đấng đã chết trên cây Thập Giá và phục sinh cho tất cả. Đó là lý do giải thích vì sao không ai có thể dửng dưng trước số phận của anh chị em mình.

Tình huynh đệ, nền tảng và con đường dẫn tới hòa bình.

4. Như những gì vừa được nói, thật dễ dàng để nhận ra rằng tình huynh đệ là nền tảng và là con đường dẫn tới hòa bình. Những thông điệp xã hội mà các Vị Tiền Nhiệm của tôi đã viết có thể rất hữu ích trong vấn đề này. Lấy từ các định nghĩa thế nào là hòa bình trong các Thông điệp Populorum Progressio của Đức Phaolô VI và Sollicitudo Rei Socialis của Đức Gioan Phaolô II thiết nghĩ cũng đã đủ rồi. Trong Thông Điệp thứ nhất, chúng ta thấy rằng sự phát triển trọn vẹn của các dân tộc là cái tên mới của chữ hòa bình. Trong Thông Điệp thứ hai, chúng ta kết luận rằng hòa bình là một opus solidaritatis [hoa trái của tình liên đới].

Đức Phaolô VI đã nói rằng không chỉ các cá nhân nhưng là các quốc gia cũng phải gặp gỡ nhau trong tinh thần huynh đệ. Ngài nói: “Trong tình bằng hữu và sự hiểu biết hỗ tương này, trong mối hiệp thông thánh này, chúng ta cũng phải … làm việc cùng nhau để xây dựng một tương lai chung của toàn nhân loại”. Một mặt, nhiệm vụ này thuộc về những người có ưu thế nhất. Những nghĩa vụ của họ được bám rễ trong tình huynh đệ vừa mang tính siêu nhiên và vừa mang tính con người, và được diễn tả theo ba cách: nghĩa vụ liên đới vốn đòi hỏi những quốc gia giàu hơn trợ giúp cho những quốc gia kém phát triển hơn; nghĩa vụ công bằng xã hội vốn đòi hỏi việc tái cấu lại các tương quan giữa các dân tộc mạnh hơn và yếu hơn để nhắm tới sự công bằng lớn hơn; và nghĩa vụ bác ái phổ quát vốn đòi hỏi sự xây dựng một thế giới nhân văn hơn cho tất cả, một thế giới mà trong đó mỗi nước đều có cái gì đó để cho đi và nhận lãnh, mà không có chuyện nước này gây cản trở cho sự phát triển của người khác.

Nếu chúng ta xem hòa bình như là opus solidaritatis, chúng ta không thể không thừa nhận rằng tình huynh đệ là nền tảng cốt yếu của nó. Hòa bình như Đức Gioan Phaolô II đã nói, là một điều tốt lành không thể chia cắt. Hoặc là nó tốt cho tất cả hoặc là chẳng tốt cho ai. Nó có thể thực sự được đạt tới và vui hưởng, như là điều cao cả nhất của cuộc sống và là một sự phát triển nhân văn hơn và có thể đạt được, chỉ khi tất cả mọi người đều được sự liên đới hướng dẫn như “một quyết định chắc chắn và bền bỉ trong việc dấn thân của mỗi người dành cho công ích”. Điều đó không có nghĩa là được hướng dẫn bởi một “khát vọng lợi ích” hay một “khát khao quyền lực”. Điều cần thiết là sẵn sàng “quên mình” vì lợi ích của người khác hơn là khai thác họ, và “phục vụ họ” thay vì áp bức họ vì lợi ích của riêng chúng ta. […]“Cái khác này – dù là một con người, dân tộc hay quốc gia – không được xem như chỉ một thứ công cụ nào đó, có khả năng làm việc và sức mạnh thể lý để bị khai thác với bất cứ giá nào, và rồi vứt bỏ đi khi không còn hữu ích nữa, nhưng phải được nhìn nhận là “người thân cận” của tôi, một “sự trợ giúp” của tôi.”

Tình liên đới Kitô giáo giả định rằng người thân cận của chúng ta được yêu mến không chỉ như “một con người với những quyền lợi riêng của họ và một sự ngang bằng nền tảng với người khác, nhưng như là một hình ảnh sống động của Thiên Chúa Cha, được bửu huyết của Đức Giêsu Kitô cứu chuộc và được đặt dưới tác động miên viễn của Thánh Thần”, như người anh chị em. Như Đức Gioan Phaolô II đã lưu ý: “Ở điểm này, một ý thức về tình phụ tử chung của Thiên Chúa, tình huynh đệ của tất cả trong Đức Kitô – ‘con trong Người Con’ – và sự hiện diện và hành vi trao ban sự sống của Thánh Thần, sẽ mang đến cho thế giới quan của chúng ta một tiêu chí mới để giải thích nó”, để thay đổi nó.

Tình huynh đệ, một điều kiện tiên quyết trong cuộc chiến chống lại nghèo đói.

5. Trong Thông Điệp Caritas in Veritate, Vị Tiền Nhiệm của tôi đã nhắc nhở thế giới việc thiếu đi tình huynh đệ giữa các dân tộc và giữa con người với nhau là một nguyên nhân quan trọng cho cái nghèo như thế nào. Trong nhiều xã hội, chúng ta đang trải nghiệm một cái nghèo tương quan sâu sắc như kết quả của việc thiếu đi những mối tương quan cộng đồng và gia đình bền chặt. Chúng ta bận tâm nhiều về sự gia tăng của những kiểu khốn khổ khác nhau, việc loại trừ ra bên lề xã hội, của việc cô lập và các hình thức lệ thuộc bệnh hoạn khác. Kiểu nghèo này chỉ có thể được vượt qua nhờ việc tái khám phá và đánh giá các mối tương quan huynh đệ nơi tâm điểm của các gia đình và cộng đồng, qua việc chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn và những thành công vốn là một phần của cuộc sống con người.

Hơn nữa, nếu một mặt chúng ta đang thấy sự suy giảm trong cái nghèo tuyệt đối, thì đằng khác chúng ta không thể không thừa nhận rằng có một sự gia tăng nghiêm trọng trong cái nghèo tương đối, đó là những trường hợp bất bình đẳng giữa các dân tộc và nhóm người sống với nhau trên những vùng lãnh thổ nào đó hay trong một bối cảnh văn hóa-lịch sử xác định nào đó. Theo nghĩa này, thật cần thiết biết bao khi có những chính sách hiệu quả để thăng tiến nguyên tắc huynh đệ, đảm bảo cho con người – vốn bình đẳng về nhân phẩm và các quyền cơ bản – có được “nguồn vốn”, các dịch vụ, nguồn giáo dục, chăm sóc sức khỏe và kỹ thuật để mỗi người có thể có được cơ hội diễn tả và nhận ra dự phóng cuộc đời của họ và phát triển trọn vẹn như một con người.

Người ta cũng thấy nhu cầu cần có những chính sách giúp làm nhẹ bớt sự bất quân bình thái quá giữa các nguồn thu. Chúng ta không được quên rằng giáo huấn của Giáo Hội trên cái gọi là thế chấp xã hội, cho rằng “là hợp pháp, như Thánh Tôma Aquinô nói và thật sự cần thiết khi con người có quyền sở hữu tài sản”, trong mức độ liên quan đến việc sử dụng, “họ sở hữu chúng không chỉ như của riêng nhưng còn như của chung, theo nghĩa là không chỉ riêng mình họ nhưng cả người khác cũng được hưởng lợi từ tài sản”.

Cuối cùng, cũng có một hình thức khác giúp thăng tiến tình huynh đệ – và vì thế loại trừ nghèo đói – vốn phải nằm ở nền tảng của tất cả những hình thức khác. Đó là việc bức mình ra của những ai chọn sống một lối sống chín chắn và căn bản, những người nỗ lực trải nghiệm mối hiệp thông huynh đệ với những người khác bằng việc chia sẻ của cải của mình. Đây là yếu tố nền tảng của việc bước theo Đức Giêsu Kitô và trở thành một Kitô hữu thực thụ. Đó không chỉ là trường hợp của những người sống đời thánh hiến tuyên khấn khó nghèo, nhưng còn là của nhiều gia đình và các công dân có trách nhiệm, những người đã xác quyết tin nhận rằng chính mối tương quan huynh đệ của họ với những người chung quanh mới làm nên điều tốt đẹp quý giá nhất của họ.

Tái khám phá tình huynh đệ trong môi trường kinh tế

6. Những cuộc khủng hoảng lớn về kinh tế và tài chính hiện nay – vốn bắt nguồn từ việc con người càng ngày càng xa Thiên Chúa và xa nhau, thể hiện một phần trong việc theo đuổi tham vọng của cải vật chất, mặt khác là việc làm kiệt quệ các tương quan cộng đồng và tương quan liên vị – đã đẩy con người đến chỗ tìm kiếm thỏa mãn, hạnh phúc và an toàn trong việc tiêu thụ và thu nhập cao hơn so với nguyên lý của nền kinh tế lành mạnh. Vào năm 1979, Đức Gioan Phaolô II đã gợi nhắc đến “một mối nguy có thể nhận thấy thực sự là trong khi sự thống trị của con người trên thế giới vật chất đang đạt được những thuận lợi đáng kể, thì con người cũng đánh mất đi những kết nối cần thiết trong việc thống trị và trong nhiều cách thế khác nhau, con người để nhân tính của mình bị lệ thuộc vào thế giới và chính mình trở nên lệ thuộc vào những lươn lẹo theo nhiều cách – thậm chí những lươn lẹo này thường không được nghiệm thấy cách trực tiếp – thông qua toàn bộ cơ cấu đời sống cộng đồng, qua hệ thống sản xuất và qua áp lực từ các phương tiện truyền thông xã hội.”

Một chuỗi nối tiếp nhau các khủng hoảng kinh tế có thể mang đến các cơ hội tái suy nghĩ về những kiểu mẫu phát triển kinh tế của chúng ta và một sự thay đổi trong các nếp sống. Những khủng hoảng ngày nay, thậm chí là với những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống con người, cũng có thể cung cấp cho chúng ta một cơ hội tốt để tái khám phá lại các nhân đức khôn ngoan, can đảm, công bằng, tiết độ. Những nhân đức này có thể giúp chúng ta vượt qua những giây phút khó khăn và phục hồi lại những mối dây huynh đệ nối kết chúng ta lại với nhau, với một sự tin tưởng sâu thẳm rằng nhân loại cần và có thể đạt được cái gì đấy lớn hơn là tối đa hóa lợi ích cá nhân mình. Trên hết, những nhân đức này rất cần thiết để xây dựng và bảo tồn một xã hội phù hợp với phẩm giá con người.

nh huynh đệ dập tắt chiến tranh

7. Trong năm qua, rất nhiều anh chị em của chúng ta đang phải tiếp tục chịu đựng những kinh nghiệm hủy hoại của chiến tranh, vốn đã tạo ra những vết thương nặng nề và sâu thẳm gây tổn hại đến tình huynh đệ.

Rất nhiều trong số đó là những cuộc xung đột diễn ra ngay giữa những lạnh lùng nói chung. Đối với những ai sống trong những vùng đất, nơi xảy ra những vụ khủng bố và phá hủy với những loại vũ khí, tôi bảm bảo rằng cá nhân tôi và toàn Giáo Hội luôn ở gần bên các bạn, vì sứ mạng của Giáo Hội là mang tình yêu của Đức Kitô đến cho những nạn nhân không có sức kháng cự của những cuộc chiến tranh qua lời cầu nguyện xin ơn bình an, và việc phục vụ dành cho những ai bị thương, người đói, người tị nạn, người bị trục xuất và tất cả những ai đang sống trong sợ hãi. Giáo Hội cũng lên tiếng xin các nhà lãnh đạo hãy nghe tiếng khóc than đau đớn của những nỗi khốn khổ và mau kết thúc mọi hình thức căm hờn, lạm dụng và xâm phạm các quyền căn bản của con người.

Vì lý do này, tôi mạnh mẽ thỉnh cầu những ai đang gieo rắc bạo lực và cái chết bằng sức mạnh vũ trang: đừng nhìn thấy nơi con người ngày nay chỉ như một kẻ thù cần phải gây chiến, nhưng hãy nhìn nhận họ như những anh chị em của mình và hãy rút tay lại! Hãy từ bỏ các hình thức vũ khí và đi ra gặp gỡ người khác trong đối thoại, tha thứ và hòa giải, để có thể tái dựng xây hòa bình, niềm tin và hy vọng chung quanh các bạn! “Từ quan điểm này, rõ ràng là, đối với mọi dân tộc trên thế giới, những cuộc xung đột vũ trang luôn luôn là một sự phủ nhận có cân nhắc sự hòa hợp quốc tế, và tạo ra những chia rẽ sâu sắc và những vết thương sâu thẳm mà phải nhiều năm sau mới chữa lành được. Chiến tranh là một sự chối từ cụ thể công cuộc theo đuổi những mục tiêu xã hội và kinh tế to lớn mà cộng đồng quốc tế đã tự mình thiết định”.

Tuy nhiên, trong khi một lượng lớn các võ khí đang lưu hành ở hiện tại, thì người ta có thể viện nhiều cớ mới để phát động những cuộc chiến tranh. Vì thế, tôi xin mượn lời thỉnh nguyện của các vị tiền nhiệm của tôi, mong các bạn hãy hạn chế các loại võ khí tiêu diệt hàng hoạt và giải giáp các bên tham chiến, bắt đầu với việc giải giáp các loại vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không quên nhìn nhận rằng các thỏa thuận quốc tế và luật quốc gia – dù đã đủ và rất lý tưởng – tự bản thân chưa đủ để bảo vệ nhân loại khỏi nguy cơ xung đột võ khí. Một sự hoán cải của con tim là rất cần thiết vốn cho phép mỗi người nhận ra nơi người khác một người anh chị em của mình để chăm sóc và cùng làm việc với nhau để xây dựng một cuộc sống tròn đầy hơn cho tất cả mọi người. Đây chính là tinh thần đã giúp soi sáng cho nhiều sáng kiến trong xã hội dân sự, bao gồm cả các tổ chức tôn giáo, để thăng tiến hòa bình. Tôi tỏ bày niềm hy vọng của mình rằng những dấn thân hằng ngày của tất cả mọi người sẽ tiếp tục sinh hoa kết trái và sẽ có một sự ứng dụng hiệu quả trong luật pháp quốc tế về quyền được hưởng hòa bình như một quyền cơ bản của con người và là một điều kiện tiên quyết cần thiết cho các quyền khác.

Tham nhũng và tội phạm có tổ chức đe dọa tình huynh đệ

8. Biên cương của tình huynh đệ cũng phải kể tới nhu cầu đạt đến sự tròn đầy của mỗi người. Những tham vọng chính đáng của con người, đặc biệt là của những người trẻ, không được bị ngăn trở hay phản đối, và cũng không được để hy vọng hiện thực hóa chúng của con người bị đánh mất đi. Tuy nhiên, tham vọng không được lầm lẫn với lạm dụng quyền lực. Trái lại, con người phải cạnh tranh với nhau trong một sự tôn trọng lẫn nhau (x. Rm 12:10). Khi gặp những bất đồng, vốn là điều không thể tránh được trong cuộc sống, chúng ta phải luôn nhớ rằng chúng ta là anh chị em của nhau và vì thế, chúng ta phải dạy bảo nhau không được xem người thân cận như kẻ thù hay như một kẻ đối nghịch cần phải bị loại trừ.

Tình huynh đệ tạo ra hòa bình xã hội vì nó kiến tạo một sự quân bình giữa tự do và công lý, giữa trách nhiệm cá nhân và sự liên đới, giữa thiện ích của các cá nhân và thiện ích chung. Và vì thế, một cộng đồng chính trị phải hành xử sao cho minh bạch và trách nhiệm vì tất cả những điều này. Các công dân phải cảm thấy chính mình được các thẩm quyền công đại diện trong sự tôn trọng tự do của họ. Tuy nhiên, thường thì các lợi ích phe phái cứ làm chia rẽ các công dân với các cơ chế, làm méo mó tương quan này, gây ra một bầu khí xung đột kéo dài.

Một tinh thần huynh đệ chân thực sẽ vượt qua được những ích kỷ cá nhân vốn là cái xung khắc với khả năng sống trong tự do và hòa hợp với nhau của con người. Về mặt xã hội, dù được thể hiện dưới những hình thức tham nhũng, hay rộng rãi hơn ngày nay trong việc hình thành những tổ chức tội phạm, kiểu ích kỷ ấy đã phát triển từ những nhóm nhỏ đến các nhóm có tổ chức ở phạm vi toàn cầu. Những nhóm này đã làm lũng đoạn nền pháp lý và công bình, tấn công vào ngay tâm điểm của phẩm giá con người. Những tổ chức này chống lại Thiên Chúa cách nặng nề, chúng gây tổn thương cho người khác và làm hại đến công trình tạo dựng, càng nguy hại hơn khi nó mang sắc thái tôn giáo.

Tôi cũng nghĩ đến những thảm kịch đau lòng của việc nghiện ngập, trục lợi với một sự xem thường luật luân lý và pháp luật nhà nước. Tôi nghĩ đến việc tàn phá các tài nguyên thiên nhiên và vấn đề ô nhiễm đang diễn ra và việc bóc lột sức lao động. Tôi cũng nghĩ đến việc buôn bán tiền tệ bất hợp pháp và đầu cơ tài chánh, vốn gây ra những hậu quả không tốt và tai hại cho toàn bộ các hệ thống xã hội và kinh tế, đẩy hàng triệu người đến chỗ nghèo túng. Tôi nghĩ đến chuyện mại dâm, một nghề làm giàu từ các nạn nhân vô tội, đặc biệt là người trẻ, cướp đi tương lai của họ. Tôi nghĩ đến những kinh tởm của việc buôn người, tội phạm và lạm dụng chống lại những người yếu thế, tình trạng nô lệ vẫn còn đang tồn tại ở một số vùng trên thế giới; tình trạng thường xuyên bị bỏ quên của những người tị nạn, vốn là nạn nhân của những thao túng phi pháp đáng hỗ thẹn. Như Đức Gioan XXIII có viết: “Một xã hội đặt nền trên các tương quan quyền lực thì chẳng có gì gọi là nhân văn. Thay vì tìm cách giúp con người lớn lên và hoàn thiện, xã hội ấy chỉ cổ võ những áp bức và giới hạn tự do của con người”. Tuy nhiên, con người có thể thay đổi; họ không bao giờ được thất vọng trong việc có thể thay đổi cuộc sống của mình. Tôi mong ước đây là một thông điệp hy vọng và tin tưởng cho tất cả mọi người, kể cả những ai đã thực hiện những tội ác nặng nề, vì Thiên Chúa không muốn tội nhân phải chết nhưng muốn người ấy hoán cải và được sống (x. Ez 18:23)

Trong bối cảnh rộng lớn các mối tương quan xã hội con người, khi chúng ta nhìn thấy tội ác và hình phạt, chúng ta không thể không nghĩ đến những điều kiện phi nhân trong nhiều nhà tù, nơi mà những ai bị giam cầm thường bị giáng xuống tình trạng thấp hơn con người với một sự vi phạm nhân phẩm và ý muốn và khát khao phục hồi của họ bị làm hao mòn. Giáo Hội hoạt động rất nhiều trong những môi trường này, phần lớn là trong thinh lặng. Tôi ủng hộ và khuyến khích mỗi người hãy làm hơn nữa, với một niềm hy vọng rằng những nỗ lực được thực thi trong lĩnh vực này của rất nhiều các thiện nam tín nữ ngày càng được nâng đỡ, cách công bằng và chân thành, bởi các thẩm quyền dân sự.

Tình huynh đệ giúp bảo tồn và nuôi dưỡng thiên nhiên

9. Gia đình nhân loại đã nhận được từ Tạo Hóa một món quà chung: thiên nhiên. Cái nhìn Kitô hữu về tạo dựng bao hàm một cái nhìn tích cực về tính hợp pháp của những can thiệp vào thiên nhiên khi những can thiệp ấy nhằm hưởng lợi từ chúng và được thực thi một cách có trách nhiệm, nghĩa là, qua việc thừa nhận những “quy luật văn phạm” được ghi khắc trong thiên nhiên và sử dụng cách khôn ngoan các nguồn tài nguyên nhằm ích chung, tôn trọng nét đẹp, cùng đích tính và hữu dụng tính của mỗi sinh vật và vị trí của chúng trong hệ sinh thái. Tắt một lời, thiên nhiên nằm trong sự định đoạt của chúng ta và chúng ta được mời gọi để quản lý chúng một cách có trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng ta thường bị những tham vọng và sự ngạo mạn của việc chiếm hữu, sở hữu, lươn lẹo và khai thác lôi kéo; chúng ta không bảo tồn thiên nhiên; cũng không coi trọng nó hay xem nó như một món quà quý báu mà chúng ta phải chăm sóc và sử dụng để phục vụ anh chị em mình, kể cả các thế hệ tương lai.

Cách đặt biệt, lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất hàng đầu với thiên hướng chủ yếu là cải tạo và bảo vệ các nguồn tài nguyên để nuôi sống con người. Thế nên, tình trạng nghèo nói liên tục trên thế giới thúc đẩy tôi đến việc chia sẻ với các bạn câu hỏi này: Chúng ta đang sử dụng các tài nguyên của trái đất như thế nào? Các xã hội đương đại cũng nên suy nghĩ về thứ bậc những ưu tiên mà việc sản xuất hướng đến. Đích thực là nghĩa vụ cấp bách khi ta sử dụng các nguồn tài nguyên của trái đất sao cho mọi người đều được thoát khỏi cái nghèo. Những sáng kiến và các giải pháp có thể nghĩ ra thì rất nhiều, nhưng lại không giới hạn vào việc tăng gia sản xuất. Ai cũng biết việc sản xuất hiện tại là đủ, nhưng lại có hàng triệu người tiếp tục chịu đau khổ và chết đói, và đây là một đáng ô nhục thực sự. Thế nên, chúng ta cần tìm ra cách thức giúp nhiều người có thể thụ hưởng được những lợi ích từ những hoa quả của trái đất, không chỉ là tránh khoảng cách càng ngày càng lớn giữa những người có nhiều và những người phải cố gắng hài lòng với những mảnh vụn, nhưng trên hết vì đó là vấn đề của công bình, bình đẳng và tôn trọng mỗi người. Theo đó, tôi xin gợi nhắc mọi người về mục tiêu phổ quát cần thiết về tài sản vốn là một trong những nguyên tắc nền tảng của giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Tôn trọng nguyên tắc này là điều kiện thiết yếu để dễ dàng mang đến cho người khác một cách hiệu quả và công bằng những sản phẩm thiếu yếu và quan trọng mà mỗi người đều cần và có quyền thụ hưởng.

Kết luận

10. Tình huynh đệ cần được khám phá, được yêu mến, được trải nghiệm, được loan báo và làm chứng. Nhưng chỉ có tình yêu, được trao ban như một tặng phẩm từ Thiên Chúa, mới có thể giúp chúng ta đón nhận và trải nghiệm tình huynh đệ cách tròn đầy.

Chủ nghĩa hiện thực cần thiết của các nền chính trị và kinh tế không thể bị giản lược thành một kiểu cơ cấu kỹ thuật, mất đi các lý tưởng và bỏ qua chiều kích siêu việt của con người. Khi con người không mở ra với Thiên Chúa, thì từng hành vi của con người cũng sẽ bị kiệt quệ và nhân vị sẽ bị giản lược thành đối tượng để có thể bị khai thác. Chỉ khi chính trị và kinh tế mở ra để đi vào trong không gian rộng mở được đảm bảo bởi Đấng yêu mến từng người một thì chúng mới có thể đạt được một cấu trúc trật tự đặt nền tảng trên một tinh thần bác ái huynh đệ chân thực và trở nên khí cụ hữu hiệu cho sự phát triển và hòa bình trọn vẹn của con người.

Những người Kitô hữu chúng ta tin rằng trong Giáo Hội, chúng ta là những chi thể của cùng một thân thể duy nhất, tất cả chúng ta cần đến nhau, vì mỗi người chúng ta được trao ban cho một đặc ân tùy theo thước đo ân sủng của Đức Kitô và vì công ích (x. Ep 4:7,25; 1 Cor 12:7). Đức Kitô đã đến trong thế giới này để mang đến cho chúng ta ơn sủng từ trời, nghĩa là, khả năng thông dự vào sự sống của Người. Điều này đòi buộc chúng ta phải đan quyện một khung các tương quan huynh đệ, đánh dấu bằng sự hỗ tương, sự tha thứ và hoàn toàn hiến thân mình, theo như chiều rộng và chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người trong Đấng đã nhờ cái chết và sự phục sinh lôi kéo chúng ta đến với Người: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em. Người ta sẽ biết anh em là môn đệ Thầy nếu anh em yêu thương nhau” (Ga 13:34-35). Đây chính là tin vui đòi hỏi từng người chúng ta thực hiện một bước tiến nữa, thực hành liên lỉ sự cảm thông, lắng nghe những nỗi đau khổ và hy vọng của nười khác, thậm chí là những ai ở xa chúng ta nhất và bước đi trên con đường tình yêu ấy, một tình yêu sẽ giúp ta biết phải trao ban thế nào và dùng chính mình cách tự do vì lợi ích của anh chị em mình.

Đức Kitô đã ôm trọn lấy toàn thể nhân loại và không muốn ai bị lạc mất. “Vì Thiên Chúa đã sai Con của mình đế thế gian, không phải để kết án thế gian, nhưng là để thế gian được cứu độ nhờ Người (Ga 3:17). Người đã làm điều đó mà không cưỡng bức hay ép buộc ai mở cho Người cánh cửa của con tim và tâm trí. “Người lớn nhất trong các con phải trở thành người nhỏ nhất và người đứng đầu phải là người phục vụ” – Đức Giêsu Kitô nói – “Ta ở giữa các con như người phục vụ” (Lc 22:26-27). Vì thế, mỗi hành vi được trở nên cao quý nhờ thái độ phục vụ những người khác, đặc biệt là những người ở xa và ít được biết đến. Phục vụ là linh hồn của tình huynh đệ xây dựng hòa bình.

Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ Đức Giêsu, giúp chúng ta hiểu và sống mọi ngàytình huynh đệ vốn bắt nguồn từ thánh tâm con Mẹ, để chúng ta có thể mang bình an đến cho mọi người trên trái đất yêu dấu này của chúng ta.

Từ Vatican, 8.12.2013

(chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ)

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho các tín hữu Kitô bị kỳ thị và bách hại

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho các tín hữu Kitô bị kỳ thị và bách hại

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin lễ thánh Stephano tử đạo trưa hôm qua, 26-12, ĐTC mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các Kitô hữu đang bị bách hại hoặc kỳ thị trên thế giới.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, với sự tham dự của khoảng 10 ngàn tín hữu, ĐTC xác quyết lễ kính thánh Stephano tử đạo rất phù hợp với bầu không khí vui tươi của lễ Giáng Sinh

Huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến,

Phụng vụ kéo dài Đại Lễ Giáng Sinh trong 8 ngày: một thời gian vui mừng cho toàn thể dân Chúa! Và trong ngày thứ hai của tuần bát nhật này, trong niềm vui của lễ Giáng Sinh có lễ thánh Stephano, vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội. Sách Tông đồ công vụ trình bày thánh nhân cho chúng ta như một người ”đầy lòng tin và Thánh Thần” (6,5), được chọn cùng với 6 người khác để phục vụ các bà góa và người nghèo trong cộng đồng tiên khởi ở Jerusalem. Và Sách cũng kể lại cho chúng ta cuộc tử đạo của ngài: sau một bài diễn văn nẩy lửa khiến cho các thành viên Thượng Hội đồng Do thái thịnh nộ, thánh Stephano bị lôi ra ngoài thành và bị ném đá. Thánh Stephano đã chết như Chúa Giêsu, xin tha thứ cho những kẻ giết ngài (7,55-60.)

Trong bầu không khí vui tươi của lễ Giáng Sinh, việc tưởng niệm này có thể là không thích hợp. Thực vậy, lễ Giáng Sinh là lễ sự sống và đổ tràn trong tâm hồn chúng ta những tâm tình thanh thản và an bình; tại sao lại làm xáo trộn sức thu hút của lễ Giáng Sinh bằng cách nhắc nhớ bạo lực dữ dằn như thế? Trong thực tế, dưới nhãn giới đức tin, lễ thánh Stephano hoàn toàn hòa hợp với ý nghĩa sâu xa của lễ Giáng Sinh. Thực vậy, trong cuộc tử đạo, bạo lực bị tình thương chiến thắng, sự chết bị sự sống đánh bại. Giáo Hội coi sự hy sinh của các vị tử đạo là sự sinh ra của các ngài trong nước trời. Vì thế, hôm nay chúng ta cử hành sinh nhật của thánh Stephano, xuất phát một cách sâu xa từ sinh nhật của Chúa Kitô. Chúa Giêsu biến đổi cái chết của những ngừơi yêu mến Ngài thành binh minh của đời sống mới!”.

Trong cuộc tử đạo của thánh Stephano tái diễn cùng một cuộc đụng độ giữa sự thiện và sự ác, giữa oán thù và tha thứ, giữa sự dịu dàng và bạo lực, với tột đỉnh nơi Thập Giá của Chúa Kitô. Việc tưởng niệm vị tử đạo đầu tiên ngày sau lễ Giáng Sinh đánh tan hình ảnh sai lầm về lễ này, một hình ảnh hoang đường và vô vị, không hề có trong Phúc Âm! Phụng vụ đưa chúng ta trở lại ý nghĩa chân chính của sự nhập thể, gắn liền Bethlehem với đồi Canvê, và nhắc nhớ cho chúng ta rằng ơn cứu của Chúa bao hàm cuộc chiến đấu chống tội lỗi, đi qua cửa hẹp của Thập Giá. Đó là con đường Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta một cách rõ ràng như Tin Mừng hôm nay làm chứng: ”Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22).

”Vì thế, ngày hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho các tín hữu Kitô đang bị kỳ thị vì làm chứng cho Chúa Kitô và Tin Mừng. Chúng ta hãy gần gũi những anh chị em, như thánh Stephano, đang bị tố cáo bất công và trở thành đối tượng cho bạo lực đủ loại. Điều này đặc biệt xảy ra tại những nơi mà tự do tôn giáo chưa được bảo đảm hoặc không được thực thi hoàn toàn. Nhưng nó cũng xảy ra tại những quốc gia và môi trường tuy bảo đảm tự do và các quyền con người trên giấy tờ, nhưng trong thực tế các tín hữu, nhất là các Kitô hữu bị hạn chế và kỳ thị. Con số các tín hữu Kitô ngày nay bị bách hại còn đông hơn những thời kỳ đầu của Giáo Hội. Đối với tín hữu Kitô, điều này không lạ gì vì Chúa Giêsu đã báo trước sự kiện đó như cơ hội thuận tiện để làm chứng tá. Nhưng về mặt dân sự, cần phải tố giác bất công và loại trừ nó”.

Đến đây, ĐTC mời gọi các tín hữu cùng với ngài cầu nguyện trong thinh lặng cho các Kitô hữu bị bách hại. Rồi cùng mọi người, ngài đọc kinh Kính Mừng, trước khi nói tiếp:

”Xin Mẹ Maria Nữ Vương các Thánh Tử Đạo giúp chúng ta sống lễ Giáng Sinh với niềm tin yêu nồng nhiệt chiếu tỏa rạng nơi trong thánh Stephano và tất cả các vị tử đạo của Giáo Hội”.

Sau phép lành, ĐTC đã chào thăm các gia đình, các nhóm giáo xứ và hội đoàn cũng như cá nhân tín hữu đến từ Roma, Italia và các nơi trên thế giới. Ngài nói: ”Ước gì trong những ngày này, việc dừng lại nơi hang đá máng cỏ để chiêm ngắm Mẹ Maria, và Thánh Giuse cạnh Chúa Hài Đồng, có thể khơi dậy nơi mọi người quyết tâm quảng đại yêu thương nhau, để giữa lòng các gia đình và cộng đoàn khác nhau, mọi người được sống bầu không khí cảm thông và huynh đệ, giúp ích rất nhiều cho công ích”. (SD 26-12-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban Phép lành toàn xá Urbi et Orbi cho thành Roma và toàn thế giới

Buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban Phép lành toàn xá Urbi et Orbi cho thành Roma và toàn thế giới

Hòa bình đích thực không phải là một sự quân bình giữa các lực lượng đối nghịch nhau. Nó không phải là một ”mặt ngoài đẹp”, nhưng đàng sau có các đối kháng và chia rẽ. Hòa bình là một dấn thân của tất cả mọi ngày khởi đầu từ ơn của Thiên Chúa, từ ơn thánh Người ban cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô, nhưng cần được tiếp tục.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 130,000 tín hữu và du khàch hành hương tham dự buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban Phép lành toàn xá Urbi et Orbi cho thành Roma và toàn thế giới tại quảng trường Thánh Phêrô trưa ngày lễ Giáng Sinh 25-12-2013.

Lúc 11 giờ 15 ban quân nhạc và đại diện các lực lượng binh chủng Italia đã được xe cảnh sát dẫn đường diễn hành từ Lâu Đài Thiên Thần tiến theo dọc đại lộ Hòa Giải để vào quảng trường Thánh Phêrô dàn hàng chào danh dự trước thềm đền thờ. Lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã xuất hiện trên bao lơn chính giữa đền thờ Thánh Phêrô. Hai ban nhạc của Đội cận vệ Thụy sĩ và Cảnh sát Italia đã trình tấu Quốc thiều Vaticăng và Quốc thiều Italia.

Mở đầu sứ điệp Đức Thánh Cha nói: ”Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Anh chị em Roma và thế giới thân mến, xin chào và chúc mừng lễ Giáng Sinh anh chi em! Tôi lấy lại làm của tôi tiếng hát của các thiên thần hiện ra với các mục đồng tại Bếtlehem trong đêm Chúa Giêsu sinh ra. Một tiếng hát hiệp nhất trời và đất, hướng lên trời lời chúc tụng và vinh danh, và hướng xuống đất lời cầu chúc hòa bình cho loài người. Tôi mời gọi tất cả mọi người hiệp nhất với tiếng hát này: tiếng hát đó là để cho mọi người nam nữ vọng thức trong đêm, hy vọng vào một thế giới tốt lành hơn, lo lắng cho các người khác bằng cách khiêm tốn chu toàn bổn phận của mình. Rồi Đức Thánh Cha nêu bật điểm đầu tiên của sứ điệp như sau.

Vinh danh Thiên Chúa. Đó là điều trước hết lễ Giáng Sinh mời gọi chúng ta: làm vinh danh Thiên Chúa, bởi vì Người nhân lành, trung thành và thương xót. Trong ngày này tôi cầu chúc tất cả mọi người nhận biết gương mặt thật của Thiên Chúa, là Cha đã ban Đức Giêsu cho chúng ta. Tôi cầu chúc tất cả cảm nhận được rằng Thiên Chúa gần gũi, sống trước sự hiện diện của Người, yêu mến Người và thờ lậy Người. Và từng người trong chúng ta có thể làm vinh danh Thiên Chúa nhất là với cuộc sống, một cuộc sống tiêu hao vì tình yêi đối với Người và với các anh chị em khác.

Bình an cho loài người. Hòa bình đích thực không phải là một sự quân bình giữa các lực lượng đối nghịch nhau. Nó không phải là một ”mặt ngoài đẹp”, nhưng đàng sau có các chống đối và chia rẽ. Hòa bình là một dấn thân của tất cả mọi ngày khởi đầu từ ơn của Thiên Chúa, từ ơn thánh Người ban cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô, cần được tiếp tục sống.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã duyệt qua các tình trạng khốn khổ buồn thương của cuộc sống con người, trước hết là thảm cảnh của các trẻ em. Ngài nói:

Khi nhìn Hài Nhi trong máng cỏ, Hài Nhi của hòa bình, chúng ta nghĩ tới các trẻ em nạn nhân yếu đuối nhất của chiến tranh, nhưng chúng ta cũng nghĩ đến những người già cả, các phụ nữ bị ngược đãi, các bệnh nhân… Chiến tranh bẻ gẫy và đả thương biết bao nhiêu cuộc sống!

Trong các thời gian qua xung khắc tại Siria đã bẻ gẫy qúa nhiều cuộc sống khi gieo thù ghét và báo oán. Chúng ta hãy tiếp tục cầu xin Chúa để Người tránh cho dân tộc Siria yêu qúy các khổ đau mới, và cho các phe lâm chiến biết chấm dứt mọi bạo lực, và bảo đảm cho các trợ giúp nhân đạo tới được với người dân. Chúng ta đã thấy lời cầu nguyện quyền năng chừng nào! Và tôi hài lòng thấy rằng ngày hôm nay cả tín hữu của các tôn giáo khác cũng hiệp ý với lời khẩn nài của chúng ta cho hòa bình tại Siria. Chúng ta đừng bao giờ mất can đảm cầu nguyện! Can đảm nói: Lậy Chúa, xin ban bình an của Chúa cho dân nước Siria và cho toàn thế giới.

Xin ban hòa bình cho Cộng Hòa Trung Phi thường bị lãng quên. Nhưng lậy Chúa, Chúa không quên ai hết! Và Chúa cũng muốn đem bình an đến cho trái đất này, bị xâu xé bởi vòng xoáy bạo lực và bần cùng, nơi có biết bao người không có nhà ở, nước uống và thực phẩm, không có cái tối thiểu để sống. Xin tạo thuận tiện cho sự hòa hơp tại Nam Sudan, nơi các căng thẳng hiện nay đã gây ra nhiều nạn nhân khác nhau và đe dọa sự chung sống hòa bình của quốc gia trẻ trung này.

Tiếp tục sứ điệp Đức Thánh Cha đã cầu xin Chúa Giêsu Hoàng Tử Hòa Bình như sau:

Lạy Chúa là Hoàng Tử Hòa Bình, xin hãy hoán cải con tim của những kẻ bạo lực ở khắp nơi, để họ buông vũ khí và bắt đầu con đường đối thoại. Xin hãy nhìn đến nước Nigeria, bi xâu xé bởi các tấn kích liên tục không tha cho cả những người vô tội và không được bênh đỡ. Xin hãy chúc lành cho Trái Đất mà Chúa Đã chọn để đến trần gian, và xin làm cho các cuộc thương thuyết hòa bình giữa người Israel và người Palestin đạt kết qủa mỹ mãn. Xin hãy chữa lành các vết thương của dân nước Irak, còn bị đả thương bởi các vụ khủng bố thường xuyên.

Lạy Chúa của sự sống, xin che chở những người bị bách hai vì danh Chúa. Xin ban hy vọng và ủi an cho các người di cư và tị nạn, đặc biệt trong vùng Sừng Phi châu và miền đông cộng hòa Congo. Xin cho các người di cư để tìm một cuộc sống xứng đáng hơn được tiếp đón và trợ giúp. Ước gì các thảm cảnh như thảm cảnh mà chúng con đã chứng kiến trong năm nay với nhiều người chết tại đảo Lampedusa, đừng bao giờ xảy ra nữa!

Ôi, hỡi Hài Nhi Bếtlehem, xin đánh động con tim của những người liên lụy trong việc buôn bán người, để họ ý thức được sự trầm trọng của tội phạm này chống lại nhân loại. Xin hãy hướng mắt nhìn biết bao nhiêu trẻ em bị bắt cóc, bị thương và bị giết trong các cuộc xung đột vũ trang, và các trẻ em bị biến thành các chiến binh, bị cướp mất tuổi thơ của chúng.

Lạy Chúa trời đất, xin hãy nhìn hành tinh này của chúng con, mà sự gian tham và thèm khát của con người thường khai thác bóc lột một cách không phân biệt. Xin hãy trợ giúp và che chở các nạn nhân của các tai ương thiên nhiên, nhất là dân tộc Philippines yêu qúy, bị bão lụt tàn phá mới đây.

Anh chị em thân mến, trong thế giới này, trong nhân loại này hôm nay Đấng Cứu Thế là Chúa Kitô đã giáng sinh. Chúng ta hãy dừng lại trước Hài Nhi Bếtlêhem. Hãy để cho con tim chúng ta rung cảm, hãy để cho nó sưởi ấm bởi sự dịu hiền của Thiên Chúa. Chúng ta cần các vuốt ve của Người. Thiên Chúa cao cả trong tình yêu, xin dâng lên Người lời chúc tụng và tôn vinh muốn đời! Thiên Chúa là hòa bình: chúng ta hãy xin Người giúp chúng ta xây dựng hòa bình mỗi ngày, trong cuộc sống, trong các gia đình, thành thị và quốc gia của chúng ta, và trên toàn thế giới. Chúng ta hãy để cho lòng lành của Thiên Chúa đánh động chúng ta.

Đức Hồng Y Jean Louis Tauran Trưởng đẳng Phó tế đã loan báo cho tín tín hữu biết Đức Thánh sắp ban Phép lành toàn xá cho thành phố Roma và toàn thế giới theo các nghi thức được ấn định. Đức Hồng Y xin mọi người cầu nguyện cho Đức Thánh Cha được Chúa cho sống lâu và khỏe mạnh và ban cho Giáo Hội và thế giới được hiệp nhất và bình an.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc công thức ban Phép lành toàn xá Urbi et Orbi như sau:

Xin các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô mà chúng ta tín thác nơi sức mạnh và quyền năng, bầu cử cho chúng ta bên Thiên Chúa Amen. Vì lời cầu xin và các công nghiệp của Đức Maria diễm phúc luôn luôn đồng trinh, Tổng lãnh thiên thần Micae, thánh Gioan Baotixita, các Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và toàn thể các Thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em và tha mọi tội lỗi cho anh chị em, xin Chúa Giêsu Kitô dẫn đưa anh chị em vào cuộc sống vĩnh cửu Amen. Xin Thiên Chúa toàn năng và thương xót ban cho anh chị em ân xá, ơn tha mọi tội lỗi của anh chị em, một thời gian sám hối tinh tuyền và phong phú, một con tim luôn ăn năn và một sự hoán cải cuộc sống, ơn thánh, sự khuyên bảo của Chúa Thánh Thần và sự kiên trì liên tục trong các việc lành Amen. Và xin phước lành của Thiên Chúa toàn năng, Cha Con và Thánh Thần xuống trên anh chị em và ở cùng anh chị em luôn mãi Amen.

Sau phép lành Đức Thánh Cha đã chúc mừng lễ mọi người như sau: Với các anh chị em thân mến, từ khắp nơi trên thế giới tề tựu về đây tại quảng trường này và với tất cả những ai nối kết qua các phương tiện truyền thông, tôi xin gửi tới anh chị em lời chúc mừng lễ Giáng Sinh. Trong ngày được soi sáng bởi niềm hy vọng phúc âm tới từ hang đá khiêm hạ Bethlehem, tôi nài xin ơn tươi vui và hòa bình cho tất cả mọi người: cho các trẻ em, người già, giới trẻ và các gia đình, cho các người nghèo và người bị gạt bỏ ra bên lề xã hội. Xin Chúa Giêsu giáng sinh vì chúng ta an ủi những ai bị thử thách bởi tật bệnh và khổ đau; xin Người nâng đỡ những ai hy sinh phục vụ các anh chị em cần được trợ giúp nhất. Chúc anh chị em lễ Giáng Sinh tốt lành!

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh Lễ vọng Giáng Sinh đầu tiên

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh Lễ vọng Giáng Sinh đầu tiên

Pope Francis fisrt Vigil Christmas mass

VATICAN. Lúc 9 giờ rưỡi tối ngày 24-12-2013, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ vọng Giáng Sinh đầu tiên tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Đồng tế với ĐTC có 30 Hồng Y, 40 TGM và Giám Mục, 250 linh mục, trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường. Đây là lần đầu tiên các linh mục cũng được đồng tế với ĐTC trong lễ vọng Giáng Sinh. Phần thánh ca trong buổi lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có ca đoàn Mẹ Giáo Hội gồm 80 ca viên, và Ca đoàn Ba Lan trong y phục truyền thống, đảm trách.

Đầu thánh lễ, ĐTC đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính.

Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.

Cạnh máng cỏ ở trước Bàn thờ Tuyên Xưng đức tin, có một ngai nhỏ trên đó có đặt một sách Tin Mừng, để nói lên rằng trong biến cố vĩ đại của đêm Giáng Sinh: Lời của Thiên Chúa đã làm người.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn lời ngôn sứ Isaia (9,1) trong bài đọc thứ I: ”Dân tộc bước đi trong tối tăm, đã nhìn thấy luồng sáng lớn”. Ngài nói:

1. ”Lời ngôn sứ này không bao giờ ngừng làm cho chúng ta cảm động, nhất là khi chúng ta nghe lời này trong Phụng vụ đêm giáng sinh. Đây không phải chỉ là một sự kiện cảm xúc, tình cảm; lời này làm chúng ta cảm động vì nói lên thực tại sâu xa: chúng ta là ai; chúng ta là dân tộc đang lữ hành, trong và ngoài chúng ta đang có tối tăm và ánh sáng. Và trong đêm này, trong khi tinh thần tối tăm đang vây bủa thế giới, có sự tái diễn biến cố luôn làm cho chúng ta ngỡ ngàng, ngạc nhiên: dân tộc đang lữ hành nhìn thấy một luồng sáng lớn. Một ánh sáng làm cho chúng ta suy tư về mầu nhiệm này: mầu nhiệm bước đi và nhìn thấy.

Bước đi. Động từ này làm cho chúng ta nghĩ đến dòng lịch sử, nghĩ đến hành trình dài là lịch sử cứu độ, bắt đầu từ Abraham, tổ phụ chúng ta trong đức tin, người mà một hôm Chúa đã gọi lên đường, ra khỏi xứ sở của ông để đi tới vùng đất mà Ngài sẽ chỉ cho ông. Từ đó, căn tính tín hữu của chúng ta là căn tính của người lữ hành hướng về đất hứa. Lịch sử này luôn được Chúa tháp tùng! Ngài luôn trung tín với giao ước và những lời Ngài hứa. ”Thiên Chúa là ánh sáng và nơi Ngài không hề có tối tăm nào” (1 Ga 1,5). Trái lại, nơi dân Chúa, có những lúc ánh sáng và lúc tăm tối xen kẽ nhau, trung thành và bất trung, vâng phục và nổi loạn, những lúc dân Chúa như người lữ hành, nhưng cũng có lúc đó là dân lầm lạc.

ĐTC nhận xét rằng ”Cả trong lịch sử bản thân mỗi người cũng có những lúc rạng ngời và tối tăm xen kẽ nhau, ánh sáng và bóng tối. Nếu chúng ta yêu mến Chúa và anh em, chúng ta bước đi trong ánh sáng, nhưng nếu tâm hồn chúng ta khép kín, tìm kiếm tư lợi, thì lúc đó bóng tối phủ xuống trong và quanh chúng ta. Như thánh Gioan đã viết: ”Ai ghét anh em mình, thì ở trong tối tăm, bước đi trong tăm tối và không biết mình đi âu, vì bóng tối làm mắt hắn mù tối” (1 Ga 2,11).

2. ”Trong đêm giáng sinh này, lời loan báo của thánh Tông đồ như một luồng sáng chói: ”Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện, mang ơn cứu độ cho mọi người” (Tt 2,11). Ân sủng xuất hiện trong thế giới là Chúa Giêsu, sinh bởi Đức Nữ Trinh Maria, là người thật và Thiên Chúa thật. Chúa đến trong lịch sử chúng ta, chia sẻ hành trình của chúng ta. Người đến để giải thoát chúng ta khỏi bóng đêm và ban cho chúng ta ánh sáng. Nơi Người, ân sủng, lòng từ bi, sự dịu dàng của Chúa Cha xuất hiện: Chúa Giêsu là Tình Thương nhập thể. Người không phải chỉ là một tôn sư hiền triết, không phải là một lý tưởng mà chúng ta hướng tới và chúng ta biết mình xa xăm vô tận đối với Người, Người là ý nghĩa cuộc sống và lịch sử, Người đã 'cắm lều' giữa chúng ta. 3. Các mục tử là những người đầu tiên đã thấy căn ”lều” ấy, đã đón nhận tin Chúa Giêsu sinh ra. Họ là những người đầu tiên vì họ thuộc vào số những người rốt cùng, những người bị gạt ra ngoài lề. Họ là những người đầu tiên vì đã canh thức trong đêm, canh giữ đoàn vật. Cùng với họ, chúng ta hãy dừng lại trước Chúa Hài Đồng, dừng lại trong thinh lặng. Cùng với họ, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu, cùng với họ chúng ta hãy để cho lời chúc tụng lòng trung tín của Chúa trào dâng từ thẳm sâu con tim của chúng ta: Lạy Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, chúng con chúc tụng Chúa, Chúa đã hạ mình xuống vì chúng con. Chúa là Đấng vô biên, nhưng đã trở nên bé nhỏ; Chúa giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo túng: Chúa toàn năng, nhưng đã trở nên yếu ớt”.

”Trong đêm này, chúng ta chia sẻ niềm vui Tin Mừng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta, yêu chúng ta đến độ đã ban Con của Ngài như người anh của chúng ta, như ánh sáng trong đêm đen của chúng ta. Chúa lập lại với chúng ta: ”Các con đừng sợ” (Lc 2,10). Và tôi cũng lập lại với anh chị em: Anh chị em đừng sợ! Cha chúng ta là Đấng kiên nhẫn, yêu thương chúng ta, Ngài ban cho chúng ta Chúa Giêsu để hướng dẫn chúng ta trong hành trình hướng về đất hứa. Ngài là ánh sáng chiếu soi rạng ngời trong đêm tối. Ngài là an bình của chúng ta. Amen”

Cuối thánh lễ, ĐTC đã bồng tượng Chúa Hài Đồng Giêsu đi rước tới hang đá tại nhà nguyện rửa tội trong Đền thờ Thánh Phêrô. Tại đây 10 em bé từ 6 đến 10 tuổi, đại diện cho 5 châu, đặt hoa trước tượng Chúa Hài Đồng. (SD 24-12-2013)

G. Trần Đức Anh OP  – Vatican Radio

BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO NGƯỜI LÒNG NGAY

BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO NGƯỜI LÒNG NGAY

Suy niệm lễ Giáng Sinh  năm A

+Tiên tri Isaia đã loan báo về ngày Con Thiên Chúa Giáng Sinh:

“Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết” (Is 9, 2)

Sự sáng chứa chan ấy không là ánh sáng của những ngôi sao hay tinh tú, không là ánh sáng của mặt trời hay mặt trăng, càng không là ánh sáng của điện đèn, nhưng là Ánh sáng của Con Thiên Chúa làm người. Làm người như một hài nhi nhưng là “Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình”. Làm người trong nghèo hèn nhưng là “sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Đavít, và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời”. (Is 9, 6-7)

+Còn đây là giáo huấn của  Thánh Phaolô cho ngày mừng Con Thiên Chúa Giáng Sinh: “Ân sủng của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Đấng Cứu Độ chúng ta.

Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện. ( Tt 2, 11-14)

+Hai ý tưởng trên rất trùng khớp với Tin Mừng theo Thánh Luca:

“Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta. Người là Đức Kitô, Chúa chúng ta. (Lc 2,11)

“Vinh Danh Thiên Chúa Trên Trời

Bình An Dưới Thế Cho Người Lòng Ngay” (Lc 2, 14) 

Như vậy, khi liên kết cả ba bài đọc, có thể kết luận: sứ điệp Giáng Sinh qua lời Chúa gửi đến chúng ta hôm nay là: bước đi trong ánh sáng, để nhận được ân sủng và bình an, nhờ lòng thiện tâm, nhờ ý ngay lành. 

Không ít người đã từng đặt vấn đề rằng tại sao Chúa Giêsu đã giáng sinh, Đấng Cứu Thế đã ra đời, Vua Hòa Bình đã xuất hiện, Ánh sáng Thiên Chúa đã chiếu soi cả  hơn hai ngàn năm nay mà trần gian vẫn còn u tối trong chiến tranh đày đọa, khổ đau chất chồng, bất công tràn lút, tham nhũng đàn áp nhiễu loạn khắp nơi nơi! Vẫn còn chiến tranh giữa các dân nước, chiến tranh giữa các ý thức hệ, chiến tranh ngoài xã hội, trong gia đình, chiến tranh giữa những người tự cho mình là trí thức và xem thương người khác hiểu biết kém cỏi, chiến tranh trong tâm hồn. Vẫn còn những bất công: nơi này ăn cướp đất, nơi kia bán đất công ăn chia. Vẫn còn những hư đốn: chỗ này hút chích chơi bời dâm đãng, chỗ kia ngoi ngóp vật vờ chờ chết, người đốt chồng, kẻ đâm vợ, người tạt a-xít tình địch, kẻ phá thai. Nơi đâu cũng gieo vãi những bất an, xáo trộn làm thành một thế giới luôn trong tình trạng hỗn mang!

Đáng tiếc hơn nữa, tình trạng hỗn mang, không chỉ là chuyện bên ngoài thế giới trần tục hoặc vô thần hoặc hiện sinh, mà còn là chuyện trong lòng những người mang danh là Kitô hữu – hơn thế nữa, đôi khi Kitô hữu ấy còn là trí thức công giáo, là cây đa cây đề của nền thần học công giáo, là những tiến sĩ, bác sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhà kinh tế công giáo, là những bậc chức sắc cao niên vị vọng công giáo đáng kính. Vâng, nhưng vẫn còn những chuyện hỗn mang, những bất an do lòng cao ngạo thách thức hơn thua đủ vì chưa thoát ra khỏi cái “tôi” pháo đài chủ quan. Những Kitô hữu vẫn chưa có bình an bởi chưa có lòng ngay, chưa có thiện tâm, chưa có ý ngay lành, nhưng luôn còn đầy ác ý.

Trong đêm Con Chúa Giáng Sinh, lời chúc lành của ca đoàn các Thiên Thần: “Bình an dưới thế cho người lòng ngay” vẫn còn âm vang cho đến tận thế, vẫn còn hát trên môi miệng của bao người, và có thể nói, vẫn còn là khát vọng vô biên của tất cả những người thành tâm đi tìm bình an, hạnh phúc.

Thánh Phaolô nhắc nhở: “Người dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này”.

Hãy nhìn vào lòng mình trong đêm rất thánh. Hãy đặt mình trước ánh sáng chí thánh chí thiện của Thiên Chúa để nhờ ánh sáng Chúa soi cho thấy lòng mình còn đầy những ác ý, còn ngổn ngang những gian tà trong tư tưởng, lời nói, trong việc làm; còn hỗn độn những dục vọng cao ngạo hơn người chỉ lo bới lông tìm vết, hoặc đưa tay, đưa bút móc cái xà trong mắt anh em. Người không tin có Thiên Chúa cũng làm như vậy. Người chống lại Thiên Chúa cũng làm như vậy. Đến chúng ta, những người mang danh là Kitô hữu cũng làm như vậy được sao? Đến bao giờ sự Bình An của Chúa Giáng Sinh mới thực sự ngự trị trong tâm hồn?

Lắng tâm tư trong niềm yêu mến Chúa Giáng sinh, chắc chắn bạn và tôi sẽ nghe rõ khao khát của Chúa Giêsu Hài Nhi khiêm nhượng: Hãy tránh xa cái trí thức của ma quỷ dẫn tới sự bất an cho mình và cho người. Hãy từ bỏ cái vốn học của những người thờ Chúa ngoài môi miệng khởi đầu cho những hỗn độn trong nhà, ngoài cửa. Hãy học bài học hiền lành và khiêm nhượng trong lòng của Đấng Cứu Thế.

Trong những ngày này, mọi người đang Mừng Chúa Giáng Sinh, bên ngoài trang trí hoa đèn lộng lẫy, bên trong chuẩn bị cho một lòng thiện tâm, một ý ngay lành để đón nhận bình an của Chúa. Nhưng, không thiếu những vô tình hoặc cố ý lầm lẫn cái chính cái phụ, hoặc chỉ lo bên ngoài mà thiếu tấm lòng ngay lành. Chẳng hạn, thay vì “MỪNG CHÚA GIÁNG SINH”, tôi thấy có nơi đặt trước nhà thờ một tấm bảng to đùng với hàng chữ được trang trí khá tốn kém “MỪNG LỄ GIÁNG SINH”, như người trần gian vẫn đang mừng một lễ hội. Chuyện chữ nghĩa đôi khi chúng ta không ý tứ, nhưng đối với những người “không có lòng ngay” thì họ luôn có chủ tâm. Chuyện “Tốt Đời, Đẹp Đạo” chẳng hạn. Sao không là “Tốt Đạo, Đẹp Đời”?.

Cũng vậy, lại thấy có nơi câu tung hô của các Thiên Thần bị cắt xén, nhưng cũng hoành tráng to tát và cả điện đèn trưng bày thật sáng trưng, nổi bật giữa phố đông người: “VINH DANH THIÊN CHÚA TRÊN TRỜI – BÌNH AN CHO NGƯỜI DƯỚI THẾ”. Sao không là “bình an người lành dưới thế”? Người không ngay lành cũng được bình an sao? Họa chăng khi họ có lòng sám hối nhìn ra ánh sáng của Chúa Cứu Thế mà đổi từ gian ác ra ngay lành! Trong một đất nước có thể nói là kém tự do tôn giáo nhất, thì việc “Mừng Lễ Giáng Sinh” của những người không tin, hoặc chống lại Thiên Chúa với ý đồ hoành tráng như vậy ắt phải là để quảng bá cho thế giới biết rằng đất nước ấy có tự do. Có gì cho Vinh Danh Chúa?

Hồng ân của Chúa Giáng Sinh là “bình an cho người có lòng ngay”, có thành tâm thiện chí, không chỉ là lòng thành tâm với ơn cứu độ cho chính mình mà còn cho những con người cần được Chúa cứu độ. Bình an của người này ắt có ảnh hưởng lớn lao với người kia. Cũng thế, có ác ý hay bất an của người kia hẳn có một hệ lụy không kém nguy hiểm với người này. Thế giới này chỉ thực sự có bình an khi mỗi người, mỗi nhà tìm được nguồn bình an đích thực của Chúa ban thưởng cho khi có ý ngay lành. Vì vậy, mỗi người cũng nhận lấy cho mình trách nhiệm liên đới về việc xây dựng mối tương quan bình an trong nhà, ngoài phố và nhất là trong Giáo Hội thánh thiện của Chúa.

Nguyện xin Chúa Giêsu Giáng Sinh cất khỏi lòng trí chúng con những ý tưởng ám muội, những dục vọng cao ngạo nhưng thấp hèn, và xin lấp đầy lòng trí chúng con đức khiêm nhượng, ý ngay lành, để chúng con xứng đáng đón nhận ơn Bình An Giáng Sinh của Chúa. A men.

PM. Cao Huy Hoàng, 22-12-2011

Trùng tu Vương cung thánh đường Giáng Sinh ở Bethlehem

Trùng tu Vương cung thánh đường Giáng Sinh ở Bethlehem

BETHLEHEM. Vương cung thánh đường Giáng Sinh ở Bethlehem đang được tu bổ mái và các cửa kính màu.

Năm nay, khi đến thánh đường này, tín hữu hành hương và du khách sẽ thấy nhà thờ này có gì khác lạ: với những dàn ráo được bố trí để tu bổ lại mái và các cửa kính mầu. Đây là công trình tu bổ đầu tiên từ 200 năm nay được thực hiện cho nhà thờ quan trọng này, để đối phó với những vấn đề cấp thiết nhất và đã được khởi sự từ tháng 9 năm 2013. Vương cung thánh đường Giáng Sinh đã có từ 1,700 năm nay, được xây tại chính nơi Chúa Giêsu sinh ra. Mỗi năm có tới 2 triệu rưỡi tín hữu hành hương đến kính viếng thánh đường này.

Ngày 29 tháng 6 năm 2012, Đền thờ Chúa Giáng sinh đã được tổ chức Unesco của LHQ ghi vào danh sách gia sản của thế giới. Quyết định của Unesco bị Israel phản đối. Đây là đền đài đầu tiên ở lãnh thổ của Palestine được coi là gia sản của thế giới, và trong tư cách này, Đền thờ Giáng Sinh có thể được hưởng tài trợ quốc tế. Cùng với Vương cung thánh đường Đức Mẹ truyền tin ở Nazareth và Đền thờ Mộ Thánh ở Jerusalem, Đền thờ Giáng Sinh là một trong những đối tượng chính và không thể thiếu được trong các cuộc hành hương tại Thánh Địa.

Trước đó, vào năm 2008, một tổ chức tên là ”World Monuments Fund” (Quỹ các đền đài thế giới), chuyên bảo tồn các di tích lịch sử, đã ghi thánh đường Chúa Giáng Sinh vào danh sách 100 đền đài của thế giới bị nguy cơ hư hỏng, và một tổ hợp các chuyên gia người Ý đã duyệt xét thánh đường để thiết lập danh sách những sửa chữa cấp thiết nhất.

Ông Ziad al-Bandak Said, Cố vấn của tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, về Kitô giáo vụ, cho biết ”chính quyền địa phương tài trợ phần lớn công việc tu bổ, với 1 triệu mỹ kim, trong khi 800 ngàn mỹ kim khác đến từ các tư nhân. 3 triệu mỹ kim khác đến từ các nước Âu châu như Pháp, Vatican, Hungari, Nga và Hy Lạp. Hiệp định về việc tu bổ đã được ký kết giữa đại diện của 3 Giáo Hội Kitô coi sóc thánh đường. Đại diện cho Công Giáo là Cha Pierbattista Pizzaballa, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa. Hiện diện trong buổi ký kết cũng có thủ tướng Rami Hamdallah của Palestine, Đức TGM Giuseppe Lazzarotto, Khâm sứ Tòa Thánh tại Jerusalem, và Đức Cha William Shomali, GM Phụ tá của Đức Thượng Phụ Fouad Twal, cùng một số quan chức đạo đời khác.

Ngoài những khó khăn trong việc bảo trì thánh đường này, việc tu bổ còn phải để ý đến những quan hệ tế nhị giữa 3 hệ phái Kitô có nơi thờ phượng riêng trong nhà thờ, đó là Giáo Hội Công Giáo la tinh, Giáo Hội Chính Thống Hy lạp, và Giáo Hội Arméni Tông truyền. 3 Giáo Hội quản lý thánh đường Giáng Sinh theo một qui luật có từ thế kỷ 19 quen gọi là ”Status Quo” về việc sở hữu và sử dụng thánh đường.

Giai đoạn thứ nhất trong công trình tu bổ kéo dài 1 năm và được ủy thác cho công ty của gia tộc Piacenti ở thành phố Prato, trung Italia, chuyên tu bổ các di tích đền đài lịch sử. Trước tiên, hãng này sửa chữa hàng trăm xà gỗ của mái nhà thờ, từng xà một. Ông Giammarco Piacenti đương kim chủ tịch công ty này cho biết: ”Mái Đền thờ Giáng Sinh đã được các thợ mộc người Venezia, thuộc miền đông bắc Italia, tu bổ tốt đẹp hồi năm 1478, tức là cách đây đã 535 năm. Dự án tu bổ của chúng tôi tìm cách duy trì đại đa số những phần nguyên thủy, bao nhiêu có thể, và chúng tôi chỉ thay thế những xà không còn sử dụng được nữa”.

Ngoài mái và các cửa sổ của Thánh Đường, trong tương lai các phần khác cũng cần được sửa chữa như mặt tiền nhà thờ, quét vôi ở bên trong nhà thờ, tu bổ các tranh khảm trên tường, sơn sửa và tu bổ các công trình khác bằng gỗ. Nếu có đủ tài chánh thì chương trình trùng tu sẽ kết thúc trong 5 năm. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng việc tu bổ hiện nay không bao gồm các nơi được các tín hữu hành hương chiếu cố nhiều nhất, đó là Hang đá Giáng Sinh, theo tương truyền chính tại nơi đó, Chúa Giêsu đã sinh ra.

Giám đốc công trình tu bổ tại chỗ là Ông Marcello Piacenti, 53 tuổi. Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ truyền đi ngày 11-12-2013, ông nói: ”Giúp sửa lại mái Nhà Thờ Giáng Sinh giống như chạm đến phần khởi đầu của lịch sử Kitô giáo. Tôi không phải là một người sùng đạo, nhưng thi hành công việc tu bổ tại thánh đường này làm cho tôi rất cảm động. Tôi đã từng trùng tu nhiều nhà thờ cổ kính trên thế giới, nhưng khi tôi đến đây, tôi biết mình đang đi tới trung tâm của mọi sự”.

Ông Marcello Piacenti cho biết trước khi bắt đầu công trình này đã trải qua 5 năm kế hoạch hóa và nghiên cứu.

Còn kỹ sư Imand Nasser, đại diện kỹ thuật thuộc Ủy ban quốc gia Palestine đặc trách trùng tu Nhà Thờ Giáng sinh, cho biết việc tu bổ mái nhà thờ bằng chì và các xà bằng gỗ cũng như 38 cửa sổ mầu của thánh đường này là giai đoạn đầu của một công trình to lớn. Cách đây 2 năm, phí tổn ước lượng là 15 triệu mỹ kim, không kể những phí tổn điều hành việc xây cất. Việc tu bổ được thực hiện qua nhiều giai đoạn, khi kiếm được tiền. Ưu tiên dành cho việc sửa mái. Giai đoạn đầu tiên này còn thiếu 2 triệu 700 ngàn mỹ kim.

Tuy các vị hữu trách về công trình tu bổ tránh gây phiền toái cho các du khách, các tín hữu hành hương và chính nhà thờ, nhưng những ai viếng thăm thánh đường Chúa Giáng Sinh vào dịp này vẫn thấy các dàn ráo bằng kim loại trong và ngoài nhà thờ, và các gỗ bọc quanh các cột bằng cẩm thạch ở bên trong thánh đường.
Công ty Piacenti đã chở các dàn ráo bằng kim loại từ Italia đến đây cho công việc sửa chữa. Làm việc trong giai đoạn này có 10 người Ý và 5 công nhân người Palestine. Trong thời gian qua, các công nhân đã tháo gỡ các khung gỗ của các cửa sổ kính màu có từ 50 năm nay. Một số khung đã có những lỗ đạn bắn vào đây trong thời kỳ cách mạng Intifada khi các chiến binh Palestine chạy vào nhà thờ và bị các binh sĩ Israel bao vây. Các khung cửa sổ này sẽ được thay thế bằng gỗ trắc bá, và những kiếng đặc biệt chặn các tia tử ngoại sẽ được dùng cho các cửa sổ này để bảo vệ các bức bích họa và tranh khảm bên trong thánh đường.

Ông Piacenti cho biết các cửa sổ hiện nay của Đền thờ Giáng Sinh được làm bằng máy và không phải bằng vật liệu tốt. Một số gỗ đã bị mục. Sau khi thợ sửa chữa các xà bằng gỗ có từ thế kỷ 15, một mái mới bằng chì sẽ thay thế mái chì hiện thời vì nhiều chỗ đã bị hư hại, khiến cho nước mưa đổ xuống, làm hư hại các xà gỗ, cũng như tạo nên những vũng nước ở nền nhà thờ, đe dọa nền cổ kính của thánh đường.

Một trong những điều quan trọng mà các thợ chuyên môn phải để ý là làm sao bảo vệ 5 tranh khảm có từ thời đạo binh thánh giá ở trên tường gần mái nhà thờ, che các bức tranh này bằng loại vải bông đặc biệt để tránh các mảnh của bức tranh này khỏi bị rơi hoặc bị hư hại vì công việc sửa chữa các xà nhà và mái. Tuy các thợ cũng sẽ sửa chữa phần nào các miếng nhỏ của các tranh khảm này, nhưng việc tu bổ toàn bộ các bức tranh sẽ được thực hiện trong các giai đoạn sau này.
Trong cuộc phỏng vấn, Ông Piacenti cho biết trước khi đến đây, ông đã được báo trước về quan hệ căng thẳng giữa các đan sĩ người Arméni, Chính Thống Hy Lạp và Phanxicô tại thánh đường này về vấn đề chủ quyền đền thờ, tuy nhiên, ông ngạc nhiên về những quan hệ thân tình mà ông chứng kiến giữa các đan sĩ thuộc các hệ phái Kitô với nhau. Ông nói: ”Đối với tôi, không có vấn đề gì với các đan sĩ, họ rất hiếu kỳ về công việc chúng tôi đang làm và họ xin tôi giải thích. Họ rất hài lòng về công việc”.

Hầu hết công việc tu bổ được thực hiện vào ban chiều và ban đêm, để tránh làm xáo trộn nhịp sinh hoạt của thánh đường, và các công nhân cũng được biết thêm về cuộc sống ban đêm ở thánh đường. Chẳng hạn “Các đan sĩ Chính Thông đến thắp đèn cho thánh lễ, các tu sĩ Phanxicô tu tập để chuẩn bị dầu thánh. Ít có người có thể chứng kiến những hoạt động đó, vì cuộc sống ban đêm của thánh đường vẫn tiếp tục, dù là 3, 4, hay 5 giờ sáng”. (CNS 11-12-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Giáng Sinh là ngày lễ của niềm hy vọng, sự công bằng và tình huynh đệ

Giáng Sinh là ngày lễ của niềm hy vọng, sự công bằng và tình huynh đệ

Ước gì mỗi gia đình có một căn nhà để ở. Ước chi quyền này và các quyền nền tảng khác đối với sự sống được bảo vệ, mà không dùng bạo lực. Ước chi Giáng Sinh sắp tởi là một ngày lễ của niềm hy vọng, sự công bằng và tình huynh đệ cho tất cả mọi người.

Kính thưa qúy vị, thưa các bạn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời cầu chúc trên đây trong buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng hôm qua. Chúa Nhật hôm qua cũng được gọi là Chúa Nhật của Chúa Hài Đồng, vì các trẻ em Roma có thói quen đem tượng Chúa Hài Đồng đến để cho Đức Thánh Cha làm phép, rồi đặt vào trong máng cỏ ở nhà.

Trước đó trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã đề cao gương mặt của thánh Giuse và nói: Phúc Âm kể lại các sự kiện xảy ra trước biến cố Chúa Giêsu giáng sinh, và thánh sử Mátthêu trình bầy chúng từ quan điểm của thánh Giuse, người chồng đã được hứa của Trinh Nữ Maria. Giuse và Maria sống tại Nagiarét và chưa ở chung với nhau, bởi vì cuộc hôn nhân chưa hoàn tất. Giữa lúc đó, thì Đức Maria mang thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần, sau khi nghe Sứ thần truyền tin. Khi ông Giuse nhận ra sự kiện đó, thì ngạc nhiên. Phúc âm không giải thích đâu là các tư tưởng của người nhưng nói cho chúng ta biết điều nòng cốt: thánh nhân tìm thi hành ý muốn của Thiên Chúa và sẵn sàng chấp nhận một sự từ bỏ triệt để nhất. Thay vì tự bảo vệ và làm cho các quyền của mình thắng thế, thánh Giuse lựa chọn một giải pháp diễn tả một sự hy sinh vĩ đại đối với người. Phúc Âm viết: ”Vì là người công chính và không muốn tố giác bà, ông nghĩ tới việc bỏ bà cách kín đáo” ” (Mt 1,19). Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Câu ngắn gọn này tóm tắt một thảm cảnh nội tâm đích thật, nếu chúng ta nghĩ tới tình yêu thương mà thánh Giuse đã có đối với Đức Maria! Nhưng cả trong một trạng huống như vậy nữa thánh nhân cũng cố ý thực thi ý muốn của Thiên Chúa, và quyết định, chăc chắn với nỗi đớn đau lớn, từ giã Đức Maria trong bí mật. Cần phải suy gẫm về các lời này, để hiểu đâu đã là thử thách mà thánh Giuse đã phải chịu đựng trong các ngày trước khi Chúa Giêsu sinh ra. Một thử thách giống như sự hy sinh của tổ phụ Abraham, khi Thiên Chúa xin ông người con là Igiaác (St 22): khước từ điều qúy báu nhất, người được yếu thương nhất.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Nhưng như trong trường hợp của tổ phụ Abraham, Chúa can thiệp: Người đã thấy niềm tin Người tìm kiếm, và mở ra một con đường khác, một con đường của tình yêu và hạnh phúc. Chúa nói: ”Hỡi Giuse, đừng sợ đón Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng của Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20).

Bài Phúc Âm này cho chúng ta thấy tất cả tâm hồn cao cả của thánh Giuse. Người đang theo đuổi một chương trình cuộc sống tốt đẹp, nhưng Thiên Chúa đã dành cho người một dự án khác, một sứ mệnh cao cả hơn. Đức Thánh Cha định nghĩa thánh nhân như sau:

Thánh Giuse là một người đã luôn luôn lắng nghe tiếng Chúa, vô cùng nhậy cảm đối với ý muốn bí mật của Chúa, một người chú ý tới các sứ điệp đến từ nơi sâu thẳm của con tim và từ trời cao. Người đã không lì lợm theo đuổi dự án đời mình, không cho phép thù hận đầu độc tâm hồn, nhưng đã sẵn sàng đặt mình dưới sự mới mẻ được giới thiệu với thánh nhân một cách kinh ngạc. Và như thế thánh nhân là người tốt lành, không thù ghét và không để cho thù hận đầu độc tâm hồn. Có biết bao lần chán ghét, không thiện cản, thù hận đầu độc linh hồn chúng ta! Và điều này gây ra sự ác. Nhưng thánh Giuse là một gương mẫu, người không cho phép điều đó xảy ra. Và như vậy thánh nhân lại còn trở thành tự do và cao cả hơn nữa. Khi tự chấp nhận theo chương trình của Thiên Chúa, thánh Giuse tìm lại chính mình một cách tràn đầy, vượt qúa chính mình. Sự tự do khước từ những gì là của mình, khước từ chiếm hữu đời mình, và sự hoàn toàn sẵn sàng nội tậm đối với ý muốn của Thiên Chúa, mời gọi chúng ta và chỉ đường cho chúng ta.

Vì vậy chúng ta hãy chuẩn bị cử hành lễ Giáng Sinh, bằng cách chiêm ngưỡng Đức Maria và thánh Giuse: Đức Maria, người phụ nữ tràn đầy ơn phước, đã có can đảm tín thác hoàn toàn nơi Lời của Thiên Chúa; thánh Giuse, người trung thành và công chính, đã thích tin nơi Chúa thay vì lắng nghe các tiếng nói của nghi ngờ và kiêu căng của con người. Với các ngài chúng ta hãy cùng nhau tiến bước về Bếtlehem.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đoc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau kinh truyền Tin, chỉ một băng rôn tín hữu cầm ở quảng trường, Đức Thánh Cha nói: Tôi đọc thấy hàng chữ lớn viết ”Người nghèo không chờ đợi được”. Thật là đẹp! Điều này khiến tôi nghĩ tới Chúa Giêsu đã sinh hạ trong một chuồng bò, chứ không phải trong môt căn nhà. Sau đó Người đã phải trốn sang Ai cập để cứu mạng sống, rồi trở về nhà mình tại Nagiarét. Và hôm nay khi đọc hàng chữ này, tôi nghĩ tới biết bao nhiệu gia đình không có nhà ở, vì đã mất nhà hay vì biết bao nhiêu lý do khác. Gia đình và nhà ở đi liền với nhau. Thật rất khó khăn đưa một gia đình tiến tới mà không ở trong một căn nhà. Trong các ngày lễ Giáng Sinh này tội mời gọi tất cả mọi người: các cá nhân, các cơ cấu xã hội và các chính quyền, làm tất cả những gì có thể để cho mỗi gia đình có thể có một căn nhà ở.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã chào mọi người hiện diện, các đoàn thể, giáo xứ, các gia đình, xứ đạo, đặc biệt là các tham dự viên cuộc chạy đua từ Alessandria tới Roma để làm chứng cho dấn thân thăng tiến hòa bình tại Somalia bên Phi châu. Đối với các tín hữu Italia tụ tập tại quảng trường để bầy tỏ dấn thân xã hội Đức Thánh Cha cầu chúc họ góp phần xây dựng, bằng cách khước từ xung đột và bạo lực, nhưng luôn theo con đường đối thoại. Ngài chúc mọi người một lễ Giáng Sinh của niềm hy vọng, sự công bằng và tình huynh đệ.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Nghệ sĩ Việt Dzũng (Gioakim Nguyễn Ngọc Hùng Dũng) đã qua đời

Nghệ sĩ Việt Dzũng (Gioakim Nguyễn Ngọc Hùng Dũng) đã qua đời

VIỆT DZŨNG 1958-2013

Một nhà hoạt động nhân quyền, người đã cống hiến cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ tại Việt Nam

Thanh Phong/Viễn Đông

WESTMINSTER, Nam California – Trong tiếng khóc nức nở, xướng ngôn viên Minh Phượng của Radio Bolsa nói với Viễn Đông, “Anh Việt Dzũng mất rồi anh ơi, ảnh mất hồi 10 giờ 35 phút sáng nay (20-12-2013 ) tại bệnh viện Fountain Valley, mất vì bệnh tim.”

 

 

Tin ca nhạc sĩ Việt Dzũng qua đời đã nhanh chóng được truyền đi khắp nơi với sự ngạc nhiên và bàng hoàng, vì mới đây, trong buổi văn nghệ do Viet Love Foundation tổ chức để giúp nạn nhân bão Haiyan, nhiều người và riêng cá nhân chúng tôi còn gặp, bắt tay chào anh khi anh đứng phía sau sân khấu. Nghệ sĩ Việt Dzũng mất đi, không những cộng đồng người Việt Quốc Gia mất một tiếng nói chống cộng mạnh mẽ, xướng ngôn viên Minh Phượng và Radio Bolsa mất một người đồng hành hết sức tích cực và ăn ý, anh em Thương Phế Binh, Cô Nhi, Quả Phụ VNCH, những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền trong nước mất đi một người hỗ trợ tích cực, lúc nào cũng dùng khả năng và phương tiện của mình chống bạo quyền cộng sản Việt Nam, đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ Và Nhân Quyền; lo vận động bà con khắp nơi giúp đỡ Thương Binh,Cô Nhi Quả phụ và những người già cả yếu đuối, các em mồ côi, tật nguyền tại quê nhà.

Nghệ sĩ Việt Dzũng tên thật là Nguyễn Ngọc Hùng Dũng, sinh năm 1958 tại Saigon, cựu học sinh Lasan Talberd. Năm 1975 vượt biên đến Singapore sau đó xin đoàn tụ cùng gia đình vào năm 1976. Những năm đầu tại Hoa Kỳ, Việt Dzũng đã sáng tác và đoạt giải Iowa Grand Ole Opry, và sau đó hợp tác với một số nhạc sĩ Mỹ ra băng nhạc bằng Anh ngữ “Children of the Ocean.”

Đối với nhiều người Việt hải ngoại khi phải rời bỏ quê hương, vượt biển ra nước ngoài trong cuối thạp niên 1970 và đầu thập niên 1980, họ đã không khỏi nhỏ lệ mỗi khi nghe bản nhạc “Một Chút Quà Cho Quê Hương” do Việt Dzũng sáng tác và bản nhạc “Saigon Vĩnh Biệt” viết chung với Nhạc sĩ Nam Lộc. Anh cũng là tác giả những nhạc phẩm được nhiều người yêu thích như Tình Ca Cho Nguyễn Thị Saigon – Lời Kinh Đêm hay Một Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa, Bên Đời Hiu Quạnh và rất nhiều ca khúc khác, tổng cộng có đến hơn 450 bài. Việt Dzũng thường hát chung với ca sĩ Nguyệt Ánh những nhạc phẩm đấu tranh.

Việt Dzũng đã từng làm chủ bút nguyệt san Nhân Chứng ở Nam California và ra đĩa nhạc với tên Trung tâm Việt Productions. Sau một thời gian làm phóng viên và xướng ngôn viên cho đài Little Saigon Radio, năm 1996 Việt Dzũng lập đài phát thanh Radio Bolsa, cùng với Minh Phượng, hai chị em luôn truyền tải đến đồng hương những tin tức nóng bỏng về thời sự và các sinh hoạt cộng đồng.
Năm 2010 Nghị Sĩ Tiểu Bang Lou Correa đã trao tặng ca nhạc sĩ Việt Dzũng giải thưởng “Community Heroes” vì thành tích đóng góp tích cực cho cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại.

Anh đã vĩnh biệt cộng đồng và những người thân vào lúc 10 giờ 35 phút sáng thứ Sáu 20-12-2013 tại Fountain Valley Hospital, để lại bao tiếc thương cho mọi người.
 

Bà Loretta Sanchez chia buồn

Ngay sau khi nghe tin buồn, vào chiều thứ Sáu nữ Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez (CA-46) đã gửi lời chia buồn trước sự ra đi vĩnh viễn của MC Việt Dzũng.

Văn thư từ văn phòng của Dân Biểu đã viết như sau:

“Hôm nay chúng ta vừa mất đi ông Việt Dzũng, người đã cống hiến hơn 30 năm phục vụ cho cộng đồng Quận Cam và cộng đồng người Việt hải ngoại. Ông được mọi người biết đến và ngưỡng mộ như một nhạc sĩ, ca sĩ, nhà từ thiện, người tổ chức các sự kiện cộng đồng, nhà báo, MC, và là người dẫn chương trình của Radio Bolsa. Cá nhân tôi biết đến ông như một nhà hoạt động nhân quyền, người đã cống hiến cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ tại Việt Nam.”

“Tôi xin gởi lời phân ưu, lời cầu nguyện và sự cảm thông sâu sắc nhất của tôi đến gia đình ông Việt Dũng và những người ngưỡng mộ anh. Tưởng niệm ông.”

Cho đến tối thứ Sáu, gia đình chưa thông báo chương trình trang lễ dành cho Việt Dzũng, người đã để lại một mất mát lớn trong cộng đồng người Việt hải ngoại.

Trích Viễn Đông daily

 

———————————————————-

 

Việt Dzũng: Một nghệ sĩ tài năng vượt bực

Duy-Khiêm

LTS: Trước sự ra đi đột ngột của nghệ sĩ Việt Dzũng, chúng tôi xin mạn phép tác giả và đăng lại một bài viết của Duy-Khiêm được phổ biến trên nhiều trang mạng trong mấy năm gần đây. Bài viết này đã ghi chép lại khá đầy đủ tiểu sử, con người và những thành quả mà ông đã mang đến cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại.

Suốt hơn ba mươi năm nay, Việt Dzũng là một cái tên quen thuộc với hầu hết mọi người Việt đang sinh sống ở hải ngoại, kể cả rất nhiều người dân trong nước cũng biết đến tên anh Nghệ sĩ Việt Dzũng.

Nhưng cho tới nay vẫn chưa có ai viết cho thật đầy đủ về người nghệ sĩ đa tài này và những đóng góp to lớn của anh trên nhiều lãnh vực khác nhau, nhứt là trong địa hạt ca nhạc và truyền thông đại chúng. Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên là đề tài cho các tờ báo trong nước tấn công từ hơn hai chục năm nay, với những lời vu cáo, mạ lỵ nhằm dìm anh xuống đáy vực sâu. Nhưng người nghệ sĩ và chiến sĩ tranh đấu cho nhân quyền này vẫn mạnh dạn vượt qua tất cả những khổ nạn chập chùng, oan khiên chất ngất và càng ngày anh càng được nhiều người yêu mến anh thêm.

Cũng chính biến cố 30 tháng tư năm 1975 cùng với sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam đã đưa Việt Dzũng rời xa quê hương mà cho đến nay chưa một lần nào anh đặt chân trở lại. Cùng với 36 người chen chúc nhau trên một chiếc tàu nhỏ bé, mong manh, Việt Dzũng và bà ngoại của anh đã vĩnh viễn rời xa gia đình và đất nước Việt nam. Sau 22 ngày trên biển khi không còn thức ăn, nước uống, cũng như phải chứng kiến biết bao nhiêu cảnh đau thương trên biển cả, tàu của họ mới cập được bến Singapore. Nhưng liền sau đó, tất cả lại bị chuyển qua một chiếc tàu khác và thẳng đường tới trại tị nạn Subic ở Phi Luật Tân. Chính những kinh nghiệm sống trên đường vượt biển tìm tự do này đã khiến cho anh sáng tác rất thành công các ca khúc để đời sau này, mà tiêu biểu nhất vẫn là “Lời Kinh Đêm” với những câu ca:… “Thuyền trôi xa … về đâu ai biết? Thuyền có về … ghé bến tự do? Trời cao xanh … hay trời oan nghiệt? Trời có buồn … hay trời vẫn làm ngơ ?… Người buông xuôi về nơi đáy nước, Người có mộng một nấm mồ xanh? Biển ngây ngô hay biển man rợ Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ?”

Chưa đầy 17 tuổi mà đã rời xa mái ấm gia đình, bỏ lại sau lưng tất cả những người thân yêu, bè bạn, mái trường yêu dấu với những sinh hoạt vui tươi của tuổi học trò. Chắc chắn là có những khoảnh khắc anh Nguyễn Ngọc Hùng Dzũng chợt nhớ lại quãng đời niên thiếu ngập tràn kỷ niệm của mình, đã bỏ lại sau lưng tận bên kia bờ Thái Bình Dương.

Từ nhỏ anh đã là một học sinh xuất sắc của trường Lasalle Tabert ở Sài Gòn, cũng như anh trai và đứa em trai kế của anh. Người chị lớn của anh thì đang du học bên Nhật Bản về ngành giáo dục. Ba của anh là bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảy, cựu Dân Biểu của nền đệ nhị cộng hòa Việt Nam và cũng là Thiếu Tá Y sĩ trưởng Bộ Tổng Tham Mưu và Sư đoàn 5 QLVNCH. Mẹ của anh là giáo sư trường nữ trung học Gia Long ở Sài Gòn. Việt Dzũng đã yêu thích âm nhạc từ khi còn rất trẻ và được các sư huynh ở trường Lasalle Tabert chỉ dạy rất tận tình. Trong lúc gia đình mong cho anh sau này trở thành Bác sĩ để nối nghiệp cha, thì Việt Dzũng lại đam mê ca hát, văn nghệ. Anh thường cùng các bạn học trình diễn ca nhạc ở những buổi văn nghệ liên trường. Việt Dzũng đã từng chiếm giải nhất ở cuộc thi văn nghệ của trường Tabert và đại diện trường đi tham dự các buổi hát ủy lạo chiến sĩ VNCH, cũng như tham dự vào những đại hội nhạc trẻ khắp nơi bên cạnh những tên tuổi nổi danh thời bấy giờ như Trường Kỳ, Nam Lộc, Jo Marcel, Tùng Giang, Đức Huy, Elvis Phương.v.v…. Đó là khoảng thời gian từ năm 1971 cho tới tháng tư năm 1975.

Giờ đây (tháng 6-1975), tại trại tạm cư Subic, chàng thanh niên trẻ Việt Dzũng tạm quên đi những kỷ niệm thật đẹp ở quê nhà mà bắt tay ngay vào đời sống mới. Với số vốn Anh ngữ học được ở trung học và tính tình hoạt bát, Việt Dzũng liền tham gia hoạt động trong ban tổ chức và điều hành trại, đón tiếp và giúp đỡ nhiều chuyến tàu tị nạn lần lượt cặp bến Subic cho đến khi trại này đóng cửa. Rời trại tị nạn này, Việt Dzũng cùng bà ngoại được đưa sang đảo Guam, rồi chuyển sang trại Ft. Chaffee ở tiểu bang Arkansas.

Trong thời gian này Việt Dzũng hoạt động không ngừng nghỉ, từ việc đón tiếp đồng bào tị nạn mới tới, sinh hoạt trong hội Hồng Thập Tự, hội USCC, cộng tác với tờ báo của trại, chương trình phát thanh của trại, làm thông dịch viên giúp đỡ rất nhiều người chung quanh. Ở lại trại gần đến ngày cuối cùng trước khi trại đóng cửa, anh được Đức Cha Bernard Law, Giám Mục địa phận Springfield, Missouri, bảo trợ và gởi đến tạm trú trong một gia đình người Mỹ. Năm 1976, Việt Dzũng tiếp tục học lớp 11 ở trường trung học St. Agnes, Missouri và tự trau dồi thêm về âm nhạc theo như sở thích và đam mê từ nhỏ của anh. Tại đây, anh bắt đầu sinh hoạt ca hát với các anh chị em thuộc cộng đồng Việt Nam. Anh cũng từng xuất hiện trên đài truyền hình KOZK21 ở Springfield. Một năm sau (1977), Việt Dzũng được đoàn tụ với gia đình ở Wood River, tiểu bang Nebraska. Năm đó anh tốt nghiệp trung học tại trường Wood River.

Năm 1978, Việt Dzũng chính thức bước vào lãnh vực âm nhạc khi cùng một người bạn học chung trường tên là Vernon Larsen lập ban song ca để hát theo lối du ca (troubrador) của Mỹ, tên “Firebirds” (Chim Lửa). Đôi song ca này chuyên hát nhạc đồng quê của Hoa Kỳ (American country music). Việt Dzũng sử dụng tây ban cầm và cùng người bạn Mỹ đi trình diễn khắp nơi ở vùng Trung Mỹ, kể cả các club nhạc của dân địa phương. Nhiều người Mỹ đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy một thanh niên Á châu hát nhạc đồng quê rất thành thạo, trôi chảy nên đã dành cho anh thật nhiều thiện cảm.

Cũng năm 1978 này, Việt Dzũng đoạt giải nhất về sáng tác nhạc country music tại cuộc thi Iowa Grand Old Opry. Thật ngạc nhiên khi anh là người Việt Nam đầu tiên, mà cũng là người Á châu đầu tiên chiếm giải nhất về bộ môn sáng tác country music với bài hát hoàn toàn bằng Anh ngữ. Ngay sau đó, một hãng dĩa về country music đã mời anh cộng tác để thực hiện một Album nhạc đồng quê, nhưng anh đã từ chối vì muốn tiếp tục học ở Đại học theo ý muốn của song thân. Cũng trong năm này, Việt Dzũng bắt đầu sáng tác nhạc Việt với bài hát đầu tiên là “Sau Ba Năm Tỵ Nạn Tại Hoa Kỳ,” viết về thân phận người dân xa xứ với những đau đớn chia lìa. Bài hát thứ hai là “Một Chút Quà Cho Quê Hương” đã trở thành một ca khúc lẫy lừng nhất của Việt Dzũng, được mọi người yêu thích cho đến tận hôm nay.

Đó là thời gian người Việt tỵ nạn bắt đầu gửi quà về cho thân nhân ở quê nhà, chia sẻ những khổ đau chất ngất, đọa đày dưới chế độ mới như những lời ca sau đây “Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay à Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đày. Gởi về cho chị hộp diêm nhóm lửa Chị đốt cuộc đời trong hoang lạnh mù sương Gởi về cho mẹ dăm gói trà xanh Mẹ pha hộ con nước mắt đã khô cằn ….Con gởi về cho cha một manh áo trắng Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình …”

Nhớ lại những ngày đầu tiên làm quen với sinh hoạt văn nghệ của người Việt tha hương, khi Việt Dzũng theo người chú họ về San Antonio, Texas thăm gia đình người bạn nhân dịp tết Nguyên Đán 1979. Tại Hội Chợ Tết nơi đây, anh đã lên sân khấu, ôm đàn guitar trình bày hai ca khúc mà anh vừa sáng tác. Hát xong, nhìn xuống khán giả thì mọi người đã đầm đìa nước mắt và túa ra ôm ấy anh khi anh rời sân khấu. Việt Dzũng đã chinh phục bà con đồng hương nơi đây kể từ lúc này.

Năm sau 1980, Việt Dzũng trình diễn tại một đại nhạc hội ở Omaha, Nebraska với Sĩ Phú và Mai Lệ Huyền. Sau đó anh đã hát với Khánh Ly, Hoàng Oanh, Trung Chỉnh ở Denver, Colorado những bài hát do anh sáng tác. Ngay lúc đó, Khánh Ly đã chọn ba bài hát của anh là: “Lời Kinh Đêm, Mời Em Về, Một Chút Quà Cho Quê Hương” đem về California thâu vào băng nhạc “Một Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa” (nhà văn Mai Thảo viết lời giới thiệu). Ba bài hát này đã là những bài hát nằm lòng của hàng triệu người Việt nhiều năm sau đó (kể cả ở trong nước).
Năm 1980, là năm mà số người Việt bỏ nước ra đi cao nhất, Việt Dzũng đã cho ra mắt băng nhạc đầu tay “Kinh Tỵ Nạn” do Trung Tâm Nhã Nhạc tại Houston, Texas thực hiện. Ngay tuần lễ đầu băng nhạc này đã được đón nhận nhiệt liệt từ California đến tận Canada, số bán sau đó đã lên đến cả trăm ngàn ấn bản. Lúc đó, Việt Dzũng đã quyết định chính thức di chuyển qua California sinh sống và sinh hoạt văn nghệ để có thể phát triển tài năng của anh nhiều hơn. Đầu tiên, anh được nhạc sĩ Ngọc Chánh mời hát cho đại nhạc hội ở Orange County và tiếp tục lưu diễn khắp nơi. Anh cũng đã hoàn thành băng nhạc thứ nhì tên là “Lưu Vong Khúc” vào giai đoạn này.

Trước đó, vào năm 1978 anh đã gặp ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh tại Đại Hội Thanh Niên Cách Mạng Việt tại thủ đô Washington D.C. và hai người liền kết nghĩa chị em. Cả hai cùng sáng tác chung một đường lối và họ đã kết hợp thành một đôi song ca trình diễn khắp nơi trên thế giới, chỉ trừ các nước cộng sản mà thôi. Tại Mỹ, họ đã lưu diễn hầu hết 50 tiểu bang, kể cả những tiểu bang có rất ít người Việt sinh sống. Tại Á châu, họ đã hát ở Nhật hơn ba lần, hát cho các phái đoàn ngoại giao, tòa tổng lãnh sự, sứ quán Mỹ ở nhiều nước như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân, v.và Nhưng chuyến lưu diễn ở Âu Châu của Việt Dzũng và Nguyệt Ánh phải coi là một chuyến lưu diễn lịch sử.

Đã có hàng ngàn người Việt từ khắp nơi đón xe lửa đến gần địa điểm trình diễn, cắm trại nằm chờ trước hai ba ngày khai mạc để gặp hai thần tượng của họ. Ở Úc Châu khán giả cũng nhiệt liệt đón chào Việt Dzũng và Nguyệt Ánh. Họ đã đi hết những thành phố có người Việt cư trú kể cả những nơi hẻo lánh như Perth và Darwin. Đã có nhiều bài báo và cả hai cuốn sách xuất bản ở Úc được viết ra để ca tụng cho lý tưởng đấu tranh chống cộng và ước mơ ngày về quang phục quê hương của đôi nghệ sĩ này. Ngay lúc đó, chính quyền Cộng Sản Việt Nam liền lên án Việt Dzũng và Nguyệt Ánh là hai kẻ phản động số một, tuyệt đối cấm phổ biến tất cả các nhạc phẩm của họ trong nước.

Trong một phiên tòa sau đó, CSVN đã kết án tử hình khiếm diện hai nghệ sĩ này. Ngày 1 tháng Tư năm 1985, hai nghệ sĩ này đã kết hợp với những ca nhạc sĩ khác để thành lập Phong Trào Hưng Ca Việt Nam, dùng âm nhạc làm vũ khí đấu tranh chống lại kẻ thù. Cho đến nay, Phong Trào Hưng Ca Việt Nam vẫn còn hoạt động đều đặn với những tên tuổi khác như Huỳnh Lương Thiện, Trương Sĩ Lương, Xuân Nghĩa, Tuấn Minh, Tuyết Mai, Lưu Xuân Bảo v.v…

Trong suốt thời gian hơn 25 năm này, Việt Dzũng vẫn tiếp tục có những hoạt động đều đặn, liên tục và bền bỉ để tranh đấu cho người tị nạn Việt Nam. Từ những buổi văn nghệ gây quỹ cho các con tàu với người vượt biển như Cape D'Anamur, chương trình SOS Boat People, vận động chống lại chương trình cưỡng bách hồi hương người tị nạn, tranh đấu với quốc tế tại Genève, Thụy Sĩ, tại Liên Hiệp Quốc…. Có thể nói, bất cứ nơi nào có người tị nạn Việt Nam là có bước chân Việt Dzũng mang tiếng đàn, tiếng hát của anh để binh vực cho họ, sưởi ấm tấm lòng của họ, mang niềm tin yêu và hy vọng cho họ vượt qua những khổ cực, đau buồn và mất mát trên đường vượt biên. Anh đã có mặt hầu hết các trại tị nạn ở vùng Đông Nam Á để thăm viếng, ủy lạo đồng bào, giúp đỡ trẻ em không thân nhân và hàng ngàn công tác xã hội khác mà không hề biết mệt.

Cũng trong năm 1985 này, Việt Dzũng đã cho ra đời một băng nhạc hoàn toàn bằng Anh ngữ “Children of the Ocean”. Đây cũng là album nhạc đầu tiên của người Việt hải ngoại bằng tiếng Anh. Các tờ báo Orange County Register, Los Angeles Times, Washington Post đều có những bài viết khen ngợi cuốn băng này. Riêng tờ Austin-American- Stateman đã gọi Việt Dzũng là “người nghệ sĩ nổi tiếng nhất của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, và là một tấm gương sáng giá, chứng tỏ là người tỵ nạn có thể hội nhập vào đời sống mới, trong khi vẫn giữ được nguồn gốc của quê hương mình.”

Về truyền thông, Việt Dzũng đã mở ra một cánh cửa khác để cho thấy một tài năng thiên phú và đa dạng ở anh. Sau một thời gian dài làm báo, tháng 7 năm 1993 Việt Dzũng được mời làm xướng ngôn viên chính cho chương trình phát thanh tiếng Việt đầu tiên ở Nam California, phát thanh 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày là đài Little Saigon.

Cũng cần nhắc lại là trước đó các đài phát thanh đều làm chương trình theo kiểu ngày xưa, nghĩa là thâu thanh trước đàng hoàng, kỹ càng từng tiết mục và tới giờ là cho phát thanh lên. Nhưng lần đầu tiên, Việt Dzũng đã tạo ra một phong cách mới: anh đưa ra những chương trình trực tiếp chuyện trò cùng thính giả (talk back) trong buổi phát thanh. Nên không khí rất vui nhộn và hào hứng, náo nhiệt vô cùng. Sau này các đài phát thanh ở Mỹ và ngay cả ở bên Việt Nam cũng bắt chước theo lối này. Kể cả các đài BBC, VOA phát thanh về Á Châu, cũng thay đổi cách làm việc như cho xướng ngôn viên được phép đùa giỡn với thính giả chớ không đọc tin một cách nghiêm trang như ngày xưa.

Ngoài việc phổ biến tin tức, âm nhạc, thể thao cuối tuần, giải trí cuối tuần, tin tức Hollywood… Việt Dzũng còn thực hiện chương trình đặc biệt nhất là chương trình “Tâm tình với nghệ sĩ” được rất nhiều thính giả ưa thích. Chương trình này lúc đầu phát từ 11 đến 12 giờ trưa hàng ngày trên làn sóng 96.7 FM của đài KWIZ. Sau đó mỗi tuần phát hai ngày thứ hai và thứ tư. Trong vòng hơn hai năm, mà Việt Dzũng đã phỏng vấn trên 350 nghệ sĩ. Từ những ca sĩ nổi tiếng như Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Chế Linh, Lệ thu, Ý Lan, Vũ Khanh … cho đến những ca sĩ mới xuất hiện ở hải ngoại sau này như Mạnh Đình, Dạ Nhật Yến, Thanh Trúc, Phi Nhung à Những nghệ sĩ đến từ các tiểu bang xa cũng được mời phỏng vấn như Hà Thanh, Từ Công Phụng, Trường Kỳ, Châu Hà, Văn Phụng .v.vàTrong tất cả các chương trình phỏng vấn này, nóng bỏng nhất và đặc biệt nhất phải nói là chương trình phỏng vấn nữ ca sĩ Ngọc Lan. Vì từ trước tới nay, Ngọc Lan không nhận lời cho ai phỏng vấn cả (vào thời điểm đó), chỉ có một lần cô trả lời trên đài VOA; và Việt Dzũng là người duy nhất phỏng vấn được Ngọc Lan vào tháng 10 năm 1994.
Bốn năm sau(1996), Việt Dzũng cùng các bạn đứng ra thành lập một chương trình phát thanh độc lập, đó là đài Radio Bolsa, phát thanh trên ba làn sóng khác nhau ở Nam California, Bắc California và Houston, Texas. Hiện nay (2006), Radio Bolsa đang phát sóng trên 106.3 FM, 1190 AM (Nam California) và 1430 AM (San Jose) với Việt Dzũng và Minh Phượng là hai xướng ngôn viên chủ lực cùng với các xướng ngôn viên khác như Nguyễn Phú, Uyên Thy, Mai Trang…

Việt Dzũng đã tạo sự gần gũi, thân mật giữa xướng ngôn viên với thính giả từ trẻ đến già, ở nhà cũng như đang lái xe đi làm với những chương trình đa dạng và phong phú hàng ngày. Dĩ nhiên là với kỹ thuật phát thanh digital, mọi người trên khắp thế giới cũng có thể nghe được các chương trình phát thanh này trên mạng thông tin toàn cầu bất cứ lúc nào.

Tuy công việc hàng ngày của anh thật bận rộn như vậy, nhưng ngoài thời gian làm việc ở đài phát thanh, Việt Dzũng còn chứng tỏ là anh có khả năng làm báo rất thành công. Kể từ năm 1980, anh đã cộng tác với tờ Người Việt (trang song ngữ Tuổi Trẻ). Sau đó anh về làm Tổng Thư Ký cho tờ Nhân Chứng năm 1982. Tờ Tay Phải (của Du Tử Lê) năm 1983. Về Houston làm Tổng Thư ký cho tờ Việt Nam Thương Mại năm 1988. Trở lại California làm thư ký cho tờ Sài Gòn Nhỏ một thời gian và sau đó cộng tác với tờ tuần báo Diễm từ năm 1990. Năm 1992 trở thành Thơ ký tòa soạn cho tờ nguyệt san Hồn Việt cho đến bây giờ. Việt Dzũng cũng là cộng tác viên của nhiều cơ quan truyền thông khắp nước Mỹ như tờ Phố Nhỏ (Washington DC), Thế Giới Mới (Dallas, PL), Phương Đông (Seattle, WA), Mõ Magazine (San Jose, Sacramento, San Francisco & Oakland), Làng Văn (Canada), Nhân Quyền (Úc), Tin Điển (Đức) v.v….
Hầu như lúc nào Việt Dzũng cũng có những dự tính và dự án trước mặt, nhưng không làm sao có đầy đủ thời giờ để lo cho xuể. Chỉ nói riêng về mặt sáng tác âm nhạc thì cho đến nay Việt Dzũng đã sáng tác hơn 450 bài hát về đủ mọi thể loại. Những bài hát về tỵ nạn đã được phổ biến rộng rãi trong hai tập nhạc “Kinh Tỵ Nạn (1980) và “Lưu Vong Khúc” (1982). Những bài hát này được viết ra như một thôi thúc về những điều phải nói ra trong những năm lạc lõng của đời lưu vong nơi xứ người. Sau đó là các ca khúc đấu tranh, quang phục quê hương. Nhưng nhiều nhất vẫn là tình ca, sáng tác rất nhiều nhưng chưa phổ biến hết. Những bản tình ca nổi tiếng của Việt Dzũng có thể kể ra như Bài Tango Cuối Cùng, Thung Lũng Chim Bay, Khóc Ru Đời Trinh Nữ, Bên Đời Hiu Quạnh, Có Những Cuộc Tình Không Là Trăm Năm, Và Em Hãy Nói Yêu Anh, Tình Như Cây Cà-Rem…

Năm 1990, Việt Dzũng thành lập riêng cho mình Trung Tâm Việt Productions, chuyên sản xuất các CD nhạc với tiếng hát của anh và bằng hữu như các CD: Ru Em Sông Núi Đợi Chờ, Thánh Ca Vào Đời, Hùng Ca Quật Khởi, Quê Hương Và Em, Mình Ơi Đưa Em Về Quê Hương, Thắp Lửa Yêu Thương, Lên Đường, Bên Em Đang Có Ta, Tuổi Trẻ Về Nguồn, Hát Cho Tự Do, Thắp Lửa Tự Do, Trái Tim Ở Lại, Anh Vẫn Còn Thương, Vuốt Mặt, Bên Bờ Đại Dương… Sau hai mươi năm hoạt động không ngừng nghỉ trên mọi lãnh vực và được nổi danh khắp nơi, được hàng triệu người ái mộ (nhứt là giới trẻ ở hải ngoại), nhưng cũng có lúc Việt Dzũng cảm thấy rất cô đơn. Anh đã từng bày tỏ cảm nghĩ của riêng anh trong một lần phỏng vấn năm 1995 với nhà báo Trường Kỳ như sau: “Nhìn vào đời sống nghệ sĩ, ai cũng cũng chỉ thấy những rực rỡ của ánh đèn sân khấu, của những tràng pháo tay và của những rộn rịp âm thanh. Đời sống của nghệ sĩ không phải chỉ có vậy. Còn có những giọt nước mắt âm thầm mỗi đêm, những đắng cay tủi nhục và những cám dỗ chập chùng đi kèm.

“Cá nhân Việt Dzũng không bao giờ muốn trở thành ca sĩ. Chỉ muốn làm một nhạc sĩ ghi lại những nỗi suy tư của một đời người, và những rung động mà mình bất chợt tìm thấy. Vì thế, nên khi nghe một ca khúc, khi thưởng thức một nhạc phẩm nào, hãy nghe bằng sự rung động của chính tâm hồn mình. Bạn sẽ thấy người nhạc sĩ đó đang mang trái tim của họ trải rộng cho bạn nhìn, như một tấm tranh vẽ.

“Có thể bạn sẽ bắt kịp những nét chấm phá trong tranh. Có thể bạn chỉ ơ hờ lướt mắt qua rồi thôi. Nhưng dù gì đi nữa, mỗi ca khúc hay mỗi bức tranh vẫn là một hiện diện trong đời sống. Và hãy cảm ơn sự hiện diện đó, vì nếu không cuộc đời sẽ chỉ là những vô nghĩa kéo dài.” (Việt Dzũng trong “Tuyển Tập Nghệ Sĩ”, 1995).

Thực ra, nỗi cô đơn ấy cũng chỉ thoáng qua mà thôi. Những dự án, kế hoạch vẫn được anh theo đuổi càng lúc càng nhiều, choáng ngộp. Việt Dzũng tâm sự là anh mong cho một ngày dài thêm 48 tiếng đồng hồ, thay vì chỉ có 24 giờ để anh có thể hoàn thành bao nhiêu công việc đang vây bủa lấy anh. Ngày tháng vẫn trôi nhanh, trôi nhanh. Những hoạt động của anh gần đây thì nhiều vô số kể. Chỉ nói riêng về sinh hoạt với Phong Trào Hưng Ca Việt Nam thôi, thì những lần công tác nổi bật nhất là:

Phát động chiến dịch “Tưởng Niệm 50 năm Hiệp Định Genève (1954-2004)”, biểu tình trước trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Genève (Thụy Sĩ) ngày 3-4-2004.

Đại nhạc hội Cứu Trợ Nạn Nhân Bão Lụt Katrina tổ chức ở Houston (17-9-2005), sau chương trình “Chén Gạo Tình Thương” do Phong Trào Hưng ca phát động từ ngày 9.9.2005.

Đại nhạc hội “Đêm Tình Thương” phối hợp với cộng đồng người Việt ở Dallas Fortworth va Trung Tâm ca nhạc Asia (tháng 9-2005).

Chương trình văn Nghệ gầy quỹ cứu trợ nạn nhân cơn bão Katrina tổ chức ở Wichita.

Những chương trình Đại Nhạc Hội gây quỹ giúp Thương Phế Binh VNCH ở khắp nơi.

Trong những chương trình gây quỹ từ thiện và văn nghệ đấu tranh đó, Việt Dzũng đã đến với đồng hương bằng cung cách rất bình dị thân thương. Luôn luôn có những bạn trẻ vây quanh, tíu tít thăm hỏi, chụp hình chung với anh. Có những bà mẹ già vẫy tay gọi anh lại gần chỉ để được nắm tay anh, nói vài ba câu thăm hỏi với niềm rưng rưng cảm xúc.

Nhưng tài năng đặc biệt nhất và nổi bật của anh là kể từ năm 1996 khi anh cộng tác với Trung Tâm Ca Nhạc Asia để làm MC hướng dẫn các chương trình video và đại nhạc hội trực tiếp thu hình. Anh cũng cộng tác với đài truyền hình SBTN trong việc soạn và đọc tin tức hàng ngày, cùng nhiều tiết mục khác cho chương trình phát hình liên tục 24 giờ mỗi ngày. Trước đó anh cũng đã từng nhiều lần làm MC cho các buổi đại nhạc hội, các buổi biểu tình, những lần gây quỹ từ thiện à Riêng ở các chương trình của Trung Tâm Asia thì anh đã hợp tác viết thuyết minh và giới thiệu cho các chủ đề, các tài năng mới trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Vì từ lâu nay Trung Tâm Asia là một trong hai trung tâm hàng đầu về ca nhạc ở hải ngoại được tiếng là luôn luôn có nhiều sáng kiến mới lạ và nâng đỡ cho những tài năng trẻ tuổi trong lãnh vực ca hát.
Rất nhiều chương trình Video của Asia có các chủ đề đầy tình người, không nhằm mục đích thương mại, nhưng rất thành công như “Người Lính,” “Những Tình Khúc Thời Chinh Chiến,” “Tình Ca Anh Bằng.” Vài năm gần đây lại có những chương trình Asia video thật giá trị như “Âm Nhạc Vòng Quanh Thế Giới” (phát hành 27/2/2004), “Tiếng Hát Trái Tim” (thu hình 20/3/2004), “Mùa Hè Rực Rỡ 2005” (thu hình 22/7/2005). Nhưng đặc biệt nhất là video “Hành Trình Tìm Tự Do”(phát hành 24/6/2005), khán giả đã thực sự xúc động khi thấy Việt Dzũng trở lại các đảo tị nạn ở Đông Nam Á để làm phóng sự video, gợi nhớ cảnh vượt biển của những thuyền nhân tỵ nạn liều chết ra đi tìm tự do ngày xưa.

Cũng chính những chương trình video này, khi được chuyển về Việt Nam cùng với các DVD khác như “Cuộc Đổi Đời Bi Thảm, Triệu Đóa Hồng Cho Người Phụ Nữ VN, Cuộc Khổ Nạn của Người VN (Dạ Lan), và gần đây là Asia 50 “Vinh Danh Nhật Trường” và Asia 51 “Nhạc Vàng, Tình Khúc Sau Cuộc Chiến” à đã khiến nhà cầm quyền Việt Nam vô cùng tức tối, khi nhìn thấy Việt Dzũng vẫn tiếp tục xuất hiện trong vai trò làm MC. Nên vào ngày 18/9/2006 tờ báo Công An Thành Phố HCM đã bắt đầu đăng hai bài viết với đủ thứ ngôn từ hạ cấp nhằm mạ lỵ, phỉ báng và bôi nhọ cá nhân Việt Dzũng thật nặng nề. Có thể nói lần này là lần anh bị những người Cộng Sản VN “đánh” nặng nhứt từ trước đến nay. Nhưng cũng chính những bài báo này đã khiến cho mọi người càng thấy rõ bộ mặt nham hiểm, quỷ quyệt của Cộng Sản VN như thế nào và cũng làm cho nhiều người thông cảm, yêu mến và chia sẻ nhưng oan khiên, thống khổ của người nghệ sĩ này nhiều hơn.

Với tất cả những mũi tên tẩm thuốc độc bắn thẳng vào anh, Việt Dzũng chỉ im lìm, không lên tiếng biện minh hay viết bài đính chính. Anh vẫn âm thầm tiếp tục thực hiện những dự án và càng hăng say hoạt động, cống hiến tài năng của mình cho đồng hương như anh đã làm suốt hơn ba mươi năm nay. Lúc nào cũng vậy, anh vẫn luôn luôn là một đứa con cưng của tổ quốc và quê hương Việt Nam. Anh vẫn tiếp tục con đường tranh đấu cho nhân quyền và quang phục quê hương trong niềm tin rằng chế độ Cộng sản sẽ cáo chung trong một tương lai rất gần. (dk)

Trích từ Viễn Đông daily

THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

EMMANUEL: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thiên Chúa ở cùng chúng ta: Ước muốn ấy đã có tự thuở Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và con người. Ước muốn tốt lành, thánh thiện. Ước muốn vui sống bình an với loài thụ tạo. Ước muốn ấy mang vẻ toàn bích của quyền năng Thiên Chúa, mang nét độc đáo thánh thiện của lòng Thiên Chúa yêu thương vô biên. Ước muốn ấy đã thành hiện thực ngay trong ngày Thiên Chúa sáng tạo: Đấng Tạo Hóa đùa vui với loài thụ tạo vì loài thụ tạo nào cũng mang căn tính tốt lành của Thiên Chúa.

Đến nay, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” là một nền hòa bình chí thánh mà chúng ta không thể hình dung theo trí tưởng tượng của con người nhưng phải cảm nếm được bằng đức tin soi dẫn dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Bởi lẽ, lòng con người đã trở nên mê muội từ khi con người quay lưng lại với Thiên Chúa, không chấp nhận ở cùng Thiên Chúa nữa. Toàn cảnh Hòa Bình đã sụp đổ. Thiên Chúa ở cùng chúng ta mà chúng ta không chấp nhận ở cùng Thiên Chúa.

 “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14).

Tiên tri Isaia đã loan báo về việc một Đấng Emmanuel mặc lấy xác phàm, được sinh ra bởi một nữ trinh nữ trong số những nữ lưu trần thế. Đấng Emmanuel thực hiện ước muốn của Thiên Chúa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thánh Phaolô gọi Đấng Emmanuel là “Tin Mừng, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. (Rm 1, 3).

Một bước xuống thật dài, thật xa từ trời xuống đất, để đất trời không còn cách xa, một bên Trời là niềm thương, một bên Đất là nỗi mong đợi. Đấng Emmanuel đã đến. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thực hiện việc tốt lành ấy, còn con người thì bó tay, vì đang sống trong tình trạng tội lỗi vô phương cứu chữa. Nhưng để được thực hiện, Thiên Chúa muốn con người cộng tác vào chương trình của Người để chứng tỏ cho con người biết rằng, Người luôn tôn trọng quyền tự do của con người, và để con người dùng tự do ấy mà định liệu cho ơn cứu rỗi của mình: chấp nhận cho “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” để “chúng ta được ở cùng Thiên Chúa”.

Thiên Chúa đã hỏi ý kiến Mẹ Maria về việc này. Mẹ đã xin vâng và xin hãy thành sự trong Mẹ những điều Người ước muốn. Thiên Chúa cũng bàn bạc với Giuse về việc có chấp nhận chung sống với Mẹ Maria, đồng nghĩa với việc phải chấp nhận cả thai nhi trong lòng Mẹ. “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” ( Mt 18,20-21). Giuse đã hiểu được ý muốn của Thiên Chúa và cũng đã chấp nhận để Thiên Chúa ở cùng và ở cùng Thiên Chúa. “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su”. (Mt 18,24-25).

 Lời Chúa hôm nay cũng đang hỏi ý kiến mỗi chúng ta có chấp nhận cho “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” không.

Chấp nhận Thiên Chúa ở cùng chúng ta

  • là chấp nhận để Thiên Chúa Giáng Sinh trong lòng mình, ở cùng cuộc đời mình.
  • là chấp nhận cho Thiên Chúa làm mới lại trong chúng ta những gì đã tang thương đổ nát do tội nguyên tổ, do tội lỗi chúng ta
  • là chấp nhận để Thiên Chúa tác động trong hành trình cuộc đời của mình, hành trình tiến về Địa Đàng Mới là cuộc chung sống hòa bình viên mãn trong Nước của Thiên Chúa.
  • là chấp nhận một cuộc sống mới: sống theo tinh thần của Chúa Giêsu Kitô, sống chung và sẻ chia với người nghèo khổ, không tẩy chay người tội lỗi nhưng mời gọi họ trở về, can đảm làm chứng cho sự thật, cho công lý…..
  • là chấp nhận để Thiên Chúa ban hồng ân cao trọng: Hồng Ân Cứu Rỗi.
  • là vui mừng vì ơn cao trọng “Chúng ta ở cùng Thiên Chúa”

 Nếu ngày ấy Thiên Chúa hỏi ý kiến Mẹ Maria qua các sứ thần, bàn bạc với Giuse trong giấc mộng, thì ngày hôm nay, Thiên Chúa lại hỏi ý kiến và bàn bạc với mỗi chúng ta qua chính Tin Mừng của Chúa Giêsu. Hơn hai ngàn năm rồi, Lời Chúa vẫn mời gọi chúng ta “ở cùng Thiên Chúa”, để được cứu rỗi, vẫn mời gọi chúng ta sống theo tinh thần của Tin Mừng để được ở cùng Thiên Chúa.

Là những tín hữu công giáo của Thiên Chúa, chúng ta không thể sống như những người “không chấp nhận Thiên Chúa ở cùng”. Họ không chấp nhận để Thiên Chúa tác động trong lịch sử đời mình, và chính vì vậy họ cũng không muốn để Thiên Chúa tác động trong lịch sử đời ai, trong lịch sử đất nước nào.

Ngược lại, mỗi tín hữu phải là một nhân chứng anh dũng cho Tin Mừng Giáng Sinh, Tin Mừng Cứu Rỗi. Vậy trước tiên tín hữu phải là một nơi xứng đáng để Thiên Chúa Giáng Sinh, để Thiên Chúa Ngự Trị- mỗi tín hữu phải Ở Cùng Thiên Chúa một cách sinh động nhất, cụ thể nhất: Sống Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.

Thiết tưởng, “Sống Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô” không còn là một lý thuyết suông của những tín hữu trong một xã hội vô thần, thực dụng, duy vật đầy thách đố này, nhưng phải là kim chỉ nam cho mọi thành phần dân Chúa để có một Giáo hội sống động qua chứng tá vui mừng, hy vọng, tràn đầy sức sống, không khiếp sợ nhưng anh dũng vì “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” và “chúng ta ở cùng Thiên Chúa”.

 Lạy Chúa Giêsu Giáng Sinh, xin hãy giáng sinh trong lòng con, trong nhà con, trong Giáo xứ, Giáo phận con, trong đất nước con, để tất cả chúng con được ở cùng Thiên Chúa. A men.

 PM. Cao Huy Hoàng

Chúa Cứu Thế giáng sinh

Chúa Cứu Thế giáng sinh

Chúa nhật IV Mùa vọng hướng tâm trí chúng ta đến thật gần mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, mầu nhiệm mà mỗi người con của Giáo Hội được mời gọi đón nhận với tâm hồn được chuẩn bị kỹ lưỡng trong suốt bốn tuần Mùa vọng. Tất cả ba bài đọc trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đều hướng về sự kiện căn bản này: “Con Thiên Chúa Nhập Thể và sinh ra bởi Người Nữ Đồng Trinh, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần”, theo như lời hứa của Thiên Chúa trong lịch sử dân Chúa.

Bài tường thuật biến cố Con Thiên Chúa Giáng Sinh nơi Phúc Âm thánh Luca sẽ được dùng trong Thánh Lễ Giáng Sinh vào Chúa nhật IV Mùa vọng, Giáo Hội nhắc đến biến cố căn bản qua bài tường thuật của Phúc Âm thánh Mátthêu (x. Mt 1,18-24). Dĩ nhiên, tác giả Phúc Âm theo thánh Mátthêu không tường thuật biến cố Nhập Thể và Giáng Sinh của Con Thiên Chúa trong cùng một cách thức như Phúc Âm thánh Luca. Tác giả Phúc Âm thánh Mátthêu nhắc đến biến cố trong vai trò của thánh Giuse, thánh nhân được mạc khải cho biết mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, tức Con Thiên Chúa được sinh ra trong cung lòng Đồng Trinh của Mẹ Maria, do quyền phép của Chúa Thánh Thần. Thánh Giuse được mạc khải cho biết và đồng thời mời gọi Ngài tích cực tham dự vào chương trình đó, là người cha nuôi của Con Thiên Chúa, là Đấng bảo vệ cho Mẹ Maria và Chúa Giêsu.

Qua đó, Thánh Giuse được mạc khải cho biết nguồn gốc thần linh của Đấng được Mẹ Maria cưu mang. Trong mạc khải đó, Thánh Giuse được nhắc lại cho biết lời tiên tri được loan báo trong dân Israel và được ghi chép lại trong sách Isaia nơi chương VII mà bài đọc I Chúa nhật IV Mùa vọng đã nhắc lại, đó là lời tiên tri được loan báo gần 8 thế kỷ trước khi biến cố thực sự xảy ra. Là một người Công Chính như thánh Giuse, chắc chắn Ngài đã đọc Kinh Thánh Cựu Ước và biết về lời tiên tri này như bao thành phần tốt của dân Israel thời đó. Tuy nhiên, khi biến cố thực sự xảy đến trước mắt mình và có liên quan đến chính mình, thì thánh Giuse có phản ứng đầu tiên là không chấp nhận, như Phúc Âm thánh Mátthêu ghi lại như sau: “Thánh Giuse định tâm lìa bỏ Maria cách kín đáo”. Luật Do Thái phạt nặng nề một người phụ nữ đã đính hôn mà đi ngoại tình với kẻ khác. Giuse có thể đi tố cáo Mẹ Maria, vì khi thấy Bạn mình chưa về chung sống mà đã mang thai. Phúc Âm không nói gì, nhưng người ta có thể hiểu là Maria có thể đã kể cho Giuse biết biến cố thiên thần truyền tin và việc mang thai là do quyền phép Chúa Thánh Thần như lời thiên thần loan báo, nhưng có thể thánh Giuse không hiểu, không tin hoặc tin lời Maria nói nhưng lại cảm thấy mình không xứng đáng, không muốn tham dự vào chương trình cao cả của Thiên Chúa, vì thế mà Ngài định tâm rút lui.

Thánh Giuse có thể tố cáo Maria dựa trên luật Israel lúc đó, nhưng ông không làm như vậy, Ông muốn trốn đi, vì việc này có thể được mọi người xung quanh hiểu như là một hành động bỏ trốn trách nhiệm làm cha, và trên bình diện siêu nhiên thì có thể được hiểu như là việc chối từ cộng tác với chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa đã muốn cho Giuse một cơ hội, nên đã sai sứ thần đến xác nhận cho Giuse biết là: “Đừng ngại nhận Maria về làm Bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần”, và thiên thần mạc khải thêm về thân thế của Đấng Cứu Thế đang được cưu mang trong cung lòng Mẹ Maria và mời gọi Giuse cộng tác và Ngài sẽ đặt tên cho Con Trẻ là Giêsu. Việc đặt tên cho con là quyền của người cha, như vậy khi mời gọi Giuse đặt tên cho Con Trẻ không do chính máu huyết của mình, có nghĩa là mời gọi Giuse chấp nhận quyền hay đúng hơn sứ mạng làm cha của Con Trẻ trên bình diện pháp lý.

Thánh Giuse có thể từ chối, nhưng Ngài đã không từ chối mà vâng phục lời thiên thần truyền, Ngài chu toàn vai trò Thiên Chúa muốn trong việc cứu rỗi. Khi Mẹ Maria sinh Con Trẻ thì Giuse đặt tên Con Trẻ là Giêsu. Ngoài mẫu gương hành động của Giuse, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nơi bài đọc II nhắc chúng ta nhớ đến một mẫu gương hành động trước mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, đó là mẫu gương của thánh Phaolô tông đồ, một khi chấp nhận mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, thì con người không thể nào có thái độ dửng dưng được nữa, nhưng phải để cho Con Thiên Chúa Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô chiếm lấy, biến mình trở thành môn đệ, thành người cộng tác với Chúa để mang ơn cứu độ đến cho mọi người, mọi dân tộc.

Mùa Giáng Sinh sắp đến, mầu nhiệm của Con Thiên Chúa làm người được người đồ đệ suy niệm bắt chước, nhưng không dừng lại hưởng niềm vui cứu rỗi nơi mình, nhưng cần để cho ơn Chúa chiếm lấy nơi mình và dấn thân mang ơn cứu rỗi đến cho mọi người. Chúng ta cầu chúc cho mọi người được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha. Amen.

Veritas Radio

THÁNH GIUSE, MẪU GƯƠNG MÙA VỌNG

THÁNH GIUSE, MẪU GƯƠNG MÙA VỌNG

Tin Mừng Luca kể chuyện truyền tin cho Đức Mẹ.Tin Mừng Matthêu tường thuật câu chuyện truyền tin cho Thánh Giuse. Thánh nhân được mạc khải cho biết mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập Thể trong cung lòng Đồng Trinh của Mẹ Maria, do quyền phép của Chúa Thánh Thần. Ngài được mời gọi tích cực tham dự vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Giuse đã sống lời “Xin Vâng” trọn cuộc đời.

Ngày Sứ thần Gabriel truyền tin, sau khi Đức Maria nói lời “Xin Vâng”, Con Thiên Chúa đã làm người trong cung lòng của Mẹ. Biết tin chị họ Êlisabeth có thai, Mẹ đã mau mắn lên đường đến viếng thăm và giúp đỡ suốt 3 tháng.

Trong thời gian này, Giuse ở nhà lo lắng chuẩn bị cho ngày thành hôn sắp tới. Thật bất ngờ, khi trở về Maria có dấu hiệu mang thai. Tâm hồn Giuse hoang mang bối rối khi bà con lối xóm xầm xì to nhỏ: Maria có thai. Làm sao tin nổi đó là sự thật? Maria một thiếu nữ nết na đức hạnh kia mà! Dù cố biện minh cho Maria, nhưng Giuse không khỏi xao xuyến. Làm sao đây, khi mà Maria cũng không thể tự biện hộ cho mình là bào thai này do quyền phép của Thiên Chúa chứ không phải người phàm! Giuse có thể tin được không? Phần Maria vẫn thinh lặng suy niệm trong lòng.

Về phần Giuse, chiếu theo luật có thể truy tố Maria trước pháp luật.Là người công chính, dù ghi nhận ít nhiều dấu hiệu chuyển biến nơi Đức Maria, Giuse cũng chẳng dám nghi ngờ mà chỉ một thoáng băn khoăn, để rồi định chọn cho mình giải pháp âm thầm rút lui. “Đào vi thượng sách” là giải pháp an toàn nhất. “Trong lúc định tâm như thế, thì Thiên Thần hiện đến với ông trong giấc mơ” và nói rõ về ý định của Thiên Chúa chọn Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Thiên Thần trấn an Giuse: ” Chớ ngại nhận Maria làm bạn, vì Con bà đang cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông sẽ gọi tên con trẻ là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội” (Mt 1,20-21). Sứ thần nhắc cho Giuse lời tiên tri Isaia (bài đọc 1). Là người Công Chính, Giuse đã đọc Kinh Thánh Cựu Ước và biết về sấm ngôn này. Lời Thiên Thần khai mở đã trút được gánh nặng đang đè trên tâm hồn Giuse bấy lâu. Chính lúc này, được tỏ nguồn cơn, Giuse đã tiếp nhận ý Chúa và tiếp đón Đức Maria về nhà mình bằng một tình yêu trong sáng, mà người trần mắt thịt dẫu có bản lĩnh cách mấy cũng khó mà dám xâm mình mạo hiểm (Mt 1,24).

Thánh Giuse luôn lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa. Ngài trở nên Thánh Cả và là mẫu gương cho mọi tín hữu.

1. Mẫu gương công chính

Tổ phụ Abraham nài xin với Thiên Chúa: “Thưa Chúa, nếu tìm thấy trong thành có 50 người công chính thì với 50 người chính chính ấy Chúa có tha cho cả thành không ?”. Giavê Thiên Chúa đã chấp thuận điều kiện Abraham đặt ra. Abraham đã kỳ kèo bớt dần bớt dần xuống con số 10 người công chính, Giavê cũng chấp nhận (x.St 18,16-33). Chờ đợi đến giai đoạn sau này, Abraham mới vui mừng vì hiểu được rằng chỉ với một người công chính duy nhất chính hiệu thì Thiên Chúa cũng ban ơn tha thứ cho cả nhân loại (x.Ga 8,56). Người công chính là người lôi kéo ân lộc trời cao cho nhân trần, là người trung gian hòa giải đất với trời, là người thể hiện tình yêu nhưng không của Thiên Chúa và là người nối kết mối dây giao hòa giữa nhân loại với Đấng tác thành mọi sự mọi loài.

“Giuse là người công chính”. Nơi Thánh Giuse, “sự công chính nội tâm” trùng với “tình yêu”. Tình yêu dâng hiến luôn hướng về người khác, sẵn sàng hy sinh để làm người mình yêu có giá trị hơn và được hạnh phúc hơn. Chấp nhận chịu thiệt thòi để người yêu được hưởng lợi, chấp nhận đau khổ để người mình yêu hạnh phúc. Sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho người mình yêu khi có lầm lỗi. Giuse đã yêu Maria bằng tình yêu dâng hiến như thế.

Giuse luôn mở lòng lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện. Thiên thần giải thích cho Giuse biết: “Người sinh bởi Đức Maria là do Chúa Thánh Thần“, theo lời ngôn sứ phán xưa: “Này đây: Trinh nữ sẽ thụ thai”, và Giuse sẵn sàng tiếp nhận những ý định của Chúa, những ý định vượt quá những giới hạn của loài người.

Giuse như là một con người đích thực sống đức tin. Đức tin liên kết với sự công chính và cầu nguyện, đó là thái độ phù hợp để gặp Đấng Emmanuel. Tin có nghĩa là sống trong lịch sử mở lòng đón nhận sáng kiến của Thiên Chúa, đón nhận sức mạnh sáng tạo của lời Người.

2. Mẫu gương luôn vâng theo thánh ý Chúa

Thánh Giuse là người công chính như Kinh Thánh đã khen tặng. Trong suốt cuộc đời, Giuse hằng luôn vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa (x. Mt 1,18-25; 2,13-23; Lc 2,1-7.22).

Thánh ý Chúa được Sứ thần truyền đạt đến cho thánh Giuse, vừa xoá tan mọi nghi ngờ đang dằn vặt ngài vừa mạc khải cho ngài về lai lịch và sứ mạng của thai nhi đang được cưu mang. Đó là Đấng Thánh vì được thụ thai do quyền năng của Thiên Chúa. Đó cũng là Đấng sẽ giải phóng dân tộc của ngài khỏi ách đô hộ của ngoại bang. Sứ thần xác nhận “Maria mang thai do Chúa Thánh Thần” và bảo ông đừng rút lui mà hãy đưa Maria về với mình, bởi Chúa đã giao cho ông một sứ mạng. Giuse sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa muốn để hoàn tất chương trình của Người. Dự tính muốn ra đi âm thầm không phải chỉ do sự tôn trọng luật pháp hay tôn trọng danh dự Maria thúc đẩy, nhưng còn có cái gì sâu xa hơn nữa. Có thể ví với thái độ của những người đối diện với một mầu nhiệm cao cả: họ thụt lại vì kính sợ, tựa như ông Môsê đã cởi dép khi tiến gần bụi gai đang cháy rực (St 3,5), tựa như Isaia thất kinh khi diện kiến Thiên Chúa cực thánh(Is 6,5), tựa như Simon sau khi chứng kiến mẻ cá lạ lùng (Lc 5,8). Giuse đựoc biết là Maria “có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”, vì thế ông không dám chiếm hữu người con không phải là của mình. Vì thế ông toan tính rút lui. Để cũng cố thêm cho sự giải thích vừa rồi, cha Ignace de La Potterie nhận xét rằng cần phải xét lại các bản dịch cổ truyền. Thay vì “ông Giuse là người công chính không muốn tố giác bà”, cần phải dịch là “ông Giuse là người công chính không muốn tiết lộ ‘mầu nhiệm’, quyết định rời bỏ bà cách kín đáo”. Động từ deigmatisai (ít được sử dụng trong tiếng Hy lạp) tự nó chỉ có nghĩa là thông báo, nói cho biết, đưa ra ánh sáng), và tuỳ theo mạch văn mà thay đổi ý nghĩa: có thể là “tố cáo, tố giác” (điều xấu), “bày tỏ, tiết lộ” (điều tốt). Ông Giuse đựơc bà Maria tâm sự về sự cưu mang do quyền năng Thánh Thần, và ông không dám tiết lộ mầu nhiệm này. (x.Lm Phan tấn Thành, Thánh Giuse trong cuộc đời Chúa Kitô và Hội thánh).

Như một khí cụ ngoan ngoãn trong tay người sử dụng, thánh Giuse đã được Thiên Chúa “chọn mặt gởi vàng”, chọn làm người bảo trợ Đấng Thiên Sai. Ngài cùng với Đức Maria thực hiện mọi quyết định của Thiên Chúa, dầu có phải trải qua biết bao thử thách gian nan cả vật chất lẫn tinh thần.

Người Công Chính Giuse suốt cuộc đời luôn luôn thức tỉnh trước thánh ý Thiên Chúa, thức tỉnh ngay cả trong giấc ngủ.

– Ở Bêlem: “Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi!’ Ông Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập.” (Mt 2,13-14) .

– Ở Aicập: “Sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Aicập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi. ”Ông liền chỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen” (Mt 2,19-21).

– Ở Giuđê: “Vì nghe biết Áckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông Giuse sợ, không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét” (Mt 2, 22-23) .

Giuse luôn thao thức lắng nghe tiếng Thiên Chúa, và khi nghe được rồi thì đáp lại không chần chừ, dù cho phải trả giá.

Một câu ngạn ngữ của người Nigêria nói rằng: Hãy lắng nghe và bạn sẽ nghe đựoc những bước chân của các con kiến. Chúng ta được mời gọi để lắng nghe những bước chân âm thầm của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.

Thánh Giuse là mẫu gương sống tâm tình đạo đức Mùa Vọng. Học với Thánh Giuse, bài học lắng nghe và thi hành Lời Chúa, trong tinh thần khiêm tốn, vâng phục, tin tưởng và phó thác, chúng ta sẽ trở nên người công chính Tân Ước như thánh nhân.

LM Giuse Nguyễn Hữu An