Vatican yêu cầu có đại diện thường trực tại Việt Nam

Vatican yêu cầu có đại diện thường trực tại Việt Nam

Tòa Thánh thúc giục chính phủ Việt Nam cho phép bổ nhiệm đại diện ngoại giao tại Việt Nam “càng sớm càng tốt” trong vòng đàm phán chính thức mới nhất tại Rôma hồi tuần trước.

Trong cuộc họp diễn ra tại Vatican từ ngày 13-14/6, chính phủ Việt Nam kêu gọi Giáo hội Công giáo “tích cực tham gia vào quá trình phát triển kinh tế xã hội và xây dựng đất nước”.

Ủy ban cấp cao song phương giữa Việt Nam và Tòa Thánh được thành lập năm 2009 đã nhóm họp ba lần trong những năm gần đây.

Hoạt động của ủy ban đã dẫn đến việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm đại diện không thường trú của Vatican tại Việt Nam. Ngài trở thành người đại diện Đức Thánh cha đầu tiên tại Việt Nam kể từ khi đất nước thống nhất vào năm 1975.

Đức cha Girelli hiện sống ở Singapore. Việt Nam hứa tạo điều kiện cho ngài viếng thăm đất nước “nhằm giúp ngài thực hiện sứ vụ hiệu quả hơn”, theo thông cáo chung phát hành sau cuộc họp tại Rôma.

Đặt đại sứ quán Vatican lâu dài tại Việt Nam sẽ mang lại “lợi ích cho tất cả các bên liên quan”, Vatican lưu ý.

Trong cuộc họp dài hai ngày, phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh những nỗ lực “thực hiện đúng và không ngừng cải thiện” các chính sách nhắm “tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng” của Việt Nam.

Hồi cuối tháng 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bắt đầu xem lại khuôn khổ pháp lý quy định tôn giáo tại Việt Nam.

Một số chức sắc tôn giáo “lợi dụng” quyền tự do của Việt Nam để “chống đối đảng Cộng sản và nhà nước, và làm chậm quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam”, ông cảnh báo, theo hãng thông tấn nhà nước VNA.

Trong lúc Việt Nam bận xem xét sửa đổi hiến pháp, Giáo hội Công giáo đã trình đề xuất riêng và nghi ngờ dự thảo cho rằng đảng Cộng sản là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”, và lấy chủ Mác – Lênin là nền tảng ý thức hệ của đảng.

Một bản sửa đổi hiến pháp mang tính thách thức tương tự của 72 nhà trí thức hàng đầu được hàng ngàn người ký tên cũng được một số giám mục Việt Nam tán thành trong đó có Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp của Vinh, chủ tịch ủy ban “Công lý và hòa bình” của Việt Nam.

Theo thông cáo cuối cùng, trong cuộc họp tuần trước Việt Nam và Tòa Thánh “thừa nhận Giáo hội dạy ‘sống Phúc âm trong lòng dân tộc’ và ‘sống tốt đạo đẹp đời’”.

Ngoài ra, Vatican còn xác nhận Giáo hội Công giáo muốn “góp phần, theo cách riêng của mình, vào lợi ích chung của xã hội, chuyển tải và thực hành các giáo huấn kiên định của các Đức Thánh cha về vấn đề này”.

Hai nước còn công nhận sự tiến bộ đạt được trong những năm gần đây, đặc biệt là về việc tổ chức cuộc họp của Liên Hội đồng Giám mục Á châu hồi tháng 12-2012.

Cuộc họp diễn ra trong bầu khí “thành thật, cởi mở, và tôn trọng lẫn nhau”, theo bản thông cáo cuối cùng.

Phái đoàn Vatican do Đức ông Antoine Camilleri, trợ lý ngoại trưởng Vatican dẫn đầu, trong khi phía Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu.

Alessandro Speciale từ thành Phố Vatican, Việt Nam

UCANEWS

Comments are closed.