Chính quyền Ai Cập muốn hồi giáo hóa đất nước

Chính quyền Ai Cập muốn hồi giáo hóa đất nước

Phỏng vấn Cha Samir Khalil Samir, dòng Tên

Từ hơn 3 tuần qua Ai Cập lại rơi vào tình hình căng thẳng với các cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ của hằng trăm ngàn người tại quảng trường Tahrir và nhiều nơi khác trong thủ đô Cairo, cũng như trong nhiều thành phố lớn toàn nước. Các cuộc biểu tình đã do các nhóm đối lập tổ chức.

Nhưng lần này tình hình căng thẳng hơn vì các đoàn biều tình gồm hai nhóm chống và phò tổng thống Mohamed Morsi. Lý do là vì ngày 22 tháng 11-2012 tổng thống tân cử Mohamed Morsi đã ban hành sắc lệnh, tự cho mình các quyền hành hầu như vô giới hạn, và quyết định trưng cầu dân ý tân Hiến Pháp lấy Luật Sharia làm nền tảng. Ông El Baradei lãnh tụ đảng đối lập định nghĩa các quyết định của tống thống Morsi là một cuộc đảo chánh chống lai nền dân chủ và phản bội các ước vọng của nhân dân Ai Cập.

Các đoàn người biểu tình đã yêu cầu tổng thống thu hồi sắc lệnh và sửa đổi văn bản Hiến Pháp, trước khi cho trưng cầu dân ý, dự trù vào ngày 15 tháng 12. Các đoàn biểu tình phát xuất từ 4 vùng thủ đô và họ đã tràn tới trước dinh tổng thống. Bầu khí đã căng thẩng đến độ tổng thống Morsi đã phải rời khỏi dinh qua một ngõ bí mật. Các vụ đụng độ giữa hai phe chống và phò đã khiến cho hàng chục người chết và hằng trăm người bị thương. Sau cùng tổng thống Morsi đã phải nhượng bộ thu hồi sắc lệnh, nhưng vẫn duy trì cuộc trưng cầu dân ý với văn bản tân Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Samir Khalil Samir, dòng Tên, và giáo sư Claudio Lo Jacono, giám đốc nguyệt san Đông Phương tân tiến, về mưu toan của chính quyền Ai Cập muốn áp đặt luật Sharia trên toàn nước.

Hỏi: Thưa cha Samir, mục đích chính quyền của tổng thống Morsi nhắm tới là biến luật Sharia của Hồi giáo trở thành nền tảng các luật lệ của Ai Cập. Cha nghĩ sao về vấn đề này? Đáp: Đây đã luôn luôn là dự án của đảng ”Các anh em hồi giáo”, của nhóm Salafít và tất cả khuynh hướng hồi. Nó khá mạnh tại Ai Cập; đàng khác nó được trợ giúp tài chánh, và trong một số trường hợp cả trợ giúp quân sự, bởi các nước A rập giầu, đặc biệt là A Rập Sauđi và Qatar. Dự án này là điều không thể chấp nhận được, không chỉ từ phía các người không hồi giáo, nghĩa là các Kitô hữu và một vài nhóm thiểu số khác, mà cũng còn từ phía một số đông các tín hữu hồi muốn phân biệt niềm tin nói với con người rằng một điều là sự dữ thì không được phép làm, với xã hội chính trị nói rằng một điều sẽ bị trừng phạt.

Hỏi: Luật Sharia đã nảy sinh trong bối cảnh nào thưa cha? Đáp: Luật Hồi giáo Sharia đã được thiết lập trong nhiều hình thái khác nhau, ít nhất là trong bốn trường phải Sunnít và một trường phái Sciít trong các thế kỷ thứ IX-X, dựa trên vài câu trong Kinh Coran, nhưng không luôn luôn đúng như vậy. Tôi xin đơn cử một thí dụ rõ ràng và nghiêm trọng nhất. Luật Sharia nói: người bỏ đạo phải bị giết: ai đã là tín hữu hồi mà bỏ Hồi giáo để theo một tôn giáo khác hay để trở thành người vô thần và tuyên bố mình là như vậy, thì phải bị giết. Và tôi thách bất cứ ai tìm ra được trong Kinh Coran một câu nói như vậy. Câu này không hề có trong Kinh Coran. Và vì thế, một cách rất chính đáng, cả các tín hữu hồi nữa cũng rất thường khước từ luật Sharia, bởi vì nó không tương ứng với nền văn hóa hiện nay của người Hồi, mà tương ứng với nền văn minh thời Trung Cổ, trong đó luật Sharia đã được soạn thảo mà không tương ứng với mạc khải của Hồi giáo.

Hỏi: Trong hiện tình của đất nước Ai Cập ngày nay, cha đọc hiểu quyết định thừa nhận các nguyên tắc của luật Sharia như thế nào? Đáp: Điều đã được làm hiện nay là một mưu mẹo. Họ đang lạm dụng sự kiện Quốc hội tạm thời có đa số dân biểu là người hồi để bỏ phiếu. Và chính vì thế mà sự kiện tổng thống Morsi tự cho mình có mọi quyền hành là điều không thể chấp nhận được. Bây giờ kể cả thẩm phán đoàn cũng không thể kết án ông ta. Và tất cả tình hình này đều không thể chấp nhận đựơc, vì tự nó là bất hợp pháp.

Hỏi: Khoản này của Hiến Pháp quy chiếu các nguyên tắc của luật Sharia. Từ quan niệm pháp lý xem ra nó là bước đầu tiên. Thế thì người ta muốn đi tới đâu thưa cha? Đáp: Người ta muốn đi tới chỗ áp dụng tất cả các chi tiết của luật hồi giáo, chứ không phải chỉ áp dụng các nguyên tắc của nó mà thôi. Các nguyên tắc là các hướng dẫn tổng quát. Họ muốn nói một cách cụ thể rằng: chặt tay ai làm điều này, xử tử ai làm điều kia vv… Thi hành tất cả mọi chi tiết của luật Sharia là bước thứ hai. Nhưng một khi đã bỏ phiếu bước thứ nhất, thì bước thứ hai có nguy cơ sẽ tới. Nhưng vấn đề là ở đâu? Đó là sự kiện luật Hồi giáo trái nghịch với tư tưởng hiện nay của người Hồi trong một nước như Ai Cập. Như đã thấy cách đây ít ngày, dân chúng đã biểu tình rất mạnh mẽ với hàng ngàn người trẻ nói rằng chính quyến đã phản bội cuộc cách mạng tháng giêng năm 2011.

Hỏi: Người ta thấy rất nhiều tín hữu kitô và hồi giáo hiệp nhất với nhau trong việc bảo vệ các quyền con người, có đúng vậy không thưa cha?

Đáp: Đúng thế. Các kitô hữu tranh đấu cho điều đó, không phải chỉ vì họ là kitô hữu và đối với họ điều này bất công, mà bởi vì đó là một bất công chống lại nhân loại, một cách đặc biệt chống lại nữ giới, chống lại tất cả các nhóm thiểu số, chống lại những ngưới vô thần, những người đồng tính sẽ phải vào tù.

Đây là một quyết định của những người hồi cuồng tín muốn áp đặt trên các tín hữu hồi, trên các tín hữu kitô và những người khác một quan niệm tôn giáo không phải là quan niệm của tất cả mọi người hồi. Họ muốn áp đặt một thứ đạo Hồi thời Trung Cổ. Và đây là một nguy hiểm rất lớn đối với xã hội Ai Cập và nó có thể trở thành một nguy hiểm rất lớn đối với các xã hội hồi khác.

*** Sau đây là một số nhận định của giáo sư Claudio Lo Jacono, giám đốc nguyệt san ”Đông phương tân tiến” Hỏi: Thưa giáo sư, giáo sư nghĩ gì về Hiến Pháp mà tổng thống Morsi muốn cho trưng cầu dân ý trong hai ngày khác nhau?

Đáp: Có sự gia tăng việc quy chiếu luật Sharia, bao gồm các điều luật của Kinh Coran và các điều luật của truyền thống quy chiếu trước nhất về Mahomed cũng như vài người sau ông. Việc quy chiếu này đã có trong Hiến pháp Ai Cập ngay từ thời tổng thống Mubarak, nghĩa là của một Ai Cập đời hơn là Ai Cập mà chúng ta thấy hiện nay với chiến thắng của các Anh em hồi giáo và của tổng thống Morsi. Việc gia tăng chắc chắn là sẽ có, nhưng cần phải xem luật Sharia sẽ được áp dụng trong các lãnh vực nào, bởi vì chúng ta có thể tưởng tượng những điều kinh khủng như ném đá người phạm tội ngoại tình hay bỏ đạo, nhưng cũng có thể nghĩ tới một loạt các điều lệ hữu lý hơn trong luật Sharia, tương ứng một chút với các tâm tình của công lý đại đồng. Luật Sharia và kinh Coran cũng nói tới các điều rất cao thượng.

Hỏi: Có sự xa cách lớn giữa đường lối chính trị tiến hành với sắc lệnh của tổng thống Morsi và văn bản của Hiến pháp và cảm thức của người dân, có đúng thế không thưa ông? Đáp: Chắc chắn rồi, nếu điều này vô hiệu hóa một loạt các chinh phục mà Ai Cập đã thực hiện được trong qúa khứ, ngay từ thời tổng thống Sadat. Thí dụ như đối với điều kiện của nữ giới đã có một luật lệ rất là tiến bộ đối với hầu như toàn phần còn lại của thế giới hồi giáo. Như vậy nếu người ta lại đặt vấn đề đối với một vài giá trị mà chúng ta định nghĩa là văn minh, thì nó sẽ chỉ khơi dậy một phản ứng mạnh mẽ từ mọi phía tại Ai Cập, tuy là hồi giáo nhưng không còn thừa nhận các giá trị qúa khích của thứ Hồi giáo chính trị, như thứ Hồi giáo của đảng các Anh em Hồi giáo nữa.

Hỏi: Thưa giáo sư, ở đây chúng ta nói tới nữ giới, nhưng mà nó cũng liên quan tới các nhóm thiếu số nữa chứ… Đáp: Vâng, tất cả những điều này cũng liên quan tới các nhóm thiếu số. Chẳng hạn như các tín hữu chính thống Copte. Thiểu số chỉ là một kiểu nói, bởi vì đã không bao giờ có kiểm kê, vì người ta sợ vén mở cho thấy đâu là các sức mạnh của Giáo Hội Copte Ai Cập. Người ta nói rằng Giáo Hội này có hơn 10 triệu tín hữu. Nó đã không bao giờ là một thiểu số trong việc tranh luận cũng như trong vai trò chính trị tại Ai Cập. Cần nhớ rằng từ thời Mehmet ‘Ali là một người hồi, đã luôn luôn có các nhân vật kitô trong guồng máy chính quyền: phó tổng thống rồi các thủ tướng. Chính cuộc cách mạng năm 1919 là một trong những cuộc cách mạng cao qúy nhất của lịch sử Ai Cập, đã trông thấy các tín hữu hồi và các tín hữu kitô cùng cộng tác với nhau. Trong một nghĩa nào đó người ta cũng thấy như thế trong ”Mùa xuân” Ai Cập: nghĩa là có các dấu hiệu của công việc chung phải làm với nhau.

Hỏi: Dầu sao đi nữa thì việc bỏ phiếu Hiến pháp cũng là điều quan trọng, vì có một sự trống rỗng trong lúc này tại Ai Cập liên quan tới Hiến pháp. Có phải thế không thưa giáo sư? Đáp: Vâng. Một Quốc hội đã bị giải tán, một Quốc hội khác còn tiến tới một chút và sẽ phải lấp đầy khoảng trống này trong một cách thế nào đó. Trong lúc này đây thì Quốc hội lập hiến đang nắm giữ một vai trò mà tất cả những người đã biểu tình chống ông Mubarack đã dấn thân cho nó. Đây là một Hiến pháp mới, trong một quốc gia đang trải qua một thời kỳ chuyển tiếp dài. Và sự chuyển tiếp này sẽ không kết thúc với việc tái tổ chức các cơ cấu hiến pháp với một Hiến pháp mới có hình thức ”hơi hồi giáo hơn một chút”.

Cần phải xem cái ”hơi hồi giáo hơn một chút” đó có đụng chạm tới các giá trị không thể tách rời được khỏi nền văn minh đại đồng, chứ không phải chỉ là một phần của thế giới. Chẳng hạn như các giá trị liên quan tới sự bình đẳng giữa các phái tính trên bình diện pháp lý chính trị. Ai Cập hiện đang ở trong một giai đoạn không ổn định, một giai đoạn biến đổi. Nó có thể đi tới chỗ tốt đẹp hơn, nhưng cũng có thể đi tới chỗ đồi tệ hơn. Nhưng chỉ có thời gian mới có thể cho biết được nó sẽ như thế nào mà thôi.

Linh Tiến Khải – Vietvatican  

Comments are closed.