BẤY GIỜ THIÊN HẠ SẼ THẤY CON NGƯỜI ĐẦY QUYỀN NĂNG VÀ VINH QUANG NGỰ ĐẾN TRONG ĐÁM MÂY

BẤY GIỜ THIÊN HẠ SẼ THẤY CON NGƯỜI ĐẦY QUYỀN NĂNG VÀ VINH QUANG NGỰ ĐẾN TRONG ĐÁM MÂY

CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B (18/11/2012)
 [Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.28; Mc 13,24-32]

Đoạn Phúc Âm hôm nay (Mc 13, 24-32) là phần cuối cùng chương 13 Phúc Âm Thánh Máccô. Đây là bài diễn giải duy nhứt và dài nhứt về ngày cánh chung trong Phúc Âm Thánh Máccô, để nói về tầm quan trọng của thực trạng cuối cùng mà mỗi con người chúng ta sẽ gặp phải, trong cánh tay bảo bọc bênh vực và đón tiếp tưởng thưởng của Chúa Kitô.

Nói một cách tổng quá, chúng ta có thể chia chương 13  Phúc Âm Thánh Máccô thành:

   – phần dẫn nhập (Mc 13, 1-4),
   – phần các bài giảng dạy và giải thích (Mc 13, 5-36),
   – phần kết luận (Mc 13, 37).

Đi vào các chi tiết liên kết với nhau hơn, chúng ta biết rằng một vài chủ đề được lập đi lập lại, theo thói quen diễn tả của Thánh Kinh, theo hình thức vòng đồng tâm, chớ không liệt kê theo thứ tự thẳng hàng các yếu tố nối tiếp nhau, như cách viết bài hay diễn văn của chúng ta đương thời.

Như vậy trong diễn từ của chương 13, sau phần dẫn nhập (Mc 13, 1-4 ) chúng ta có thể thấy được các yếu tố hướng dẫn và cấu trúc tư tưởng như sau:

   – các nỗi buồn rầu thất vọng, tiên báo cho biết và cảnh cáo hãy thận trọng, những kẻ giả  hình lường gạt, chiến tranh và đàn áp (Mc 13, 5-23),
   – Con Người ngự đến được tiên báo trước bởi các dấu hiệu trên trời (Mc 13, 24-37),
   – thời điểm: báo tin và loan báo bằng dụ ngôn (Mc 13, 28-36).

Qua thể thức cấu trúc vùa kể, chúng ta thấy  được yếu tố nổi bậc nhứt là biến cố  ngự đến của Con Người vào thời điểm tận cùng của dòng lịch sử. Và với cái nhìn duyệt qua vừa kể chương 13, chúng ta thấy được đoạn Phúc Âm hôm nay được trích ra từ phần kết thúc của bài thuyết giảng về ngày cánh chung. Và riêng nội dung của đoạn Phúc Âm hôm nay, chúng ta có được ba phần:

   – biến cố Con Người ngự đến, được diễn tả như là trung tâm điểm của đoạn Phúc Âm muốn đề cập (Mc 13, 24-27),
   – phần kế đến là cách giải thích để làm sáng tỏ hơn biến cố  đó bằng dụ ngôn, để người đọc ý thức  được các dấu chỉ thời đại (Mc 13, 28-29),
   – xác nhận giá trị các lời được Chúa Giêsu phán ra, nhưng không ai biết được thời  điểm đó là lúc nào, ngay cả Con Người cũng không thể xác định được (Mc 13, 30-32).

1 – Biến cố Con Người ngự đến: niềm hy vọng trong sáng và cuộc chiến thắng khải hoàn của Chúa Ki Tô (Mc 13, 24-27).
 
Sau khi đã lấy lại lời tiên báo trong Thánh Kinh về  ngày tận cùng của Giêrusalem trước đó (Mc 13, 14-23) , tượng trưng cho thế giới băng hoại , đoạn Phúc  Âm cho biết những kẻ được chọn sẽ được nhìn thấy dung nhan khải hoàn của Chúa Kitô: "Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người quyền năng và vinh quang ngự trên đám mây mà đến" (Mc 13, 26).

Đây là điều mới lạ được chuẩn bị cho những kẻ biết chiến đấu vì đức tin, chống lại các lời khuyến dụ mê hoặc của tiên tri giả, vẫn biết bền vững trung thành gắn liền vào lời Chúa Kitô, chịu đau khổ vì Phúc Âm và vì chính Người: "Người ta sẽ nộp anh em cho các hội đồng và các hội đường; anh em sẽ bị đánh đòn; anh em sẽ phải ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ biết" (Mc 13, 9).

Và sau những thử thách bất hạnh đó vì Chúa Kitô: "Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời" (Mc 13, 27). Như vậy, bài thuyết giảng về ngày cánh chung được làm cho trở thành thời điểm hội ngộ dịu dàng, hân hoan, đầy an ủi, thời điểm cho những kẻ được chọn, sau nhưng cơn thử thách, áp bức, được thông hiệp và sống thân tình với Chúa Kitô, "…và Người sẽ tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương trời về".

Việc tựu hợp về với Chúa Kitô quang vinh có  mục đích làm cho vinh quang của Người  là  cuộc chiến thắng vĩnh viễn. Thời cánh chung, tức là  lúc Chúa Kitô vinh quang đến lần cuối cùng được hiểu như là thời điểm tuởng thưởng hân hoan cho một cuộc đời đã phải hy sinh vì Người và bởi đó được chính Người tưởng thưởng xứng đáng cho. Mặc dầu không nói rõ ra, văn mạch cũng cho chúng ta hiểu được đó là cuộc sống bất diệt, sống trên Thiên Đàng với Người. Nếu để ý, chúng ta thấy các động từ diễn tả các động tác tiến bước thêm lên: những kẻ được tuyển chọn " sẽ thấy " Con Người "ngự đến", và Người "sẽ tập hợp lại" những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương trời về.

Như vậy, mục đích của biến cố Chúa Kitô trở lại vào ngày cánh chung là để quy tựu lại những kẻ thuộc về Người. Thánh Phaolô, cũng trong bối cảnh tương tợ, còn thêm: "Rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như vậy, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi" (1 Th 4, 17).

Về cuộc phán xét và về hình phạt hoả  ngục, đoạn Phúc Âm không đề cập tới. Bài giảng trong đoạn Phúc Âm hôm nay không đưa đến nhãn quang cuối cùng là cuộc phán xét, mà là đến lời hứa đầy khích lệ cho những kẻ được chọn. Các ngôn từ của sách Khải Huyền, thường diễn tả hình ảnh đen tối và thảm đạm, bị  biến mất đi, thay vào đó là không gian cho các lời Phúc Âm, tin vui mừng hân hoan cho mọi người. Trong hoàn cảnh mit mờ đen tối của dòng lịch sử con người, Chúa Kitô hiện ra sáng chói để quy tựu những kẻ được chọn và để lại cho mọi người những lời bất diệt, hướng dẫn chúng ta đến cuộc sống bất diệt và hạnh phúc viên mãn bên Người.

2 – Dụ ngôn để nhận biết các dấu chỉ thời đại.

Bởi vì biến cố Chúa Kitô đến là  thời điểm kết thúc dòng lịch sử, thời gian đã hết và khởi đầu thời điểm vô tận, nên con người cần phải khôn ngoan, biết sống và thực hiện, tác động chuẩn bị cho mình sẵn sàng, biết chờ đợi một cách thoả đáng. Sự khôn ngoan phải có, đó chính là nhận ra được các dấu chỉ tiên báo của thời cánh chung: "Anh  em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh và đâm chồi nẩy lôc, thì anh em biết mùa hè đã gần" (Mc 13, 28).
 
Ngoài ra lời chỉ dẫn đó, Chúa Giêsu không đưa ra cẩu trả lời nào khác cho các môn đệ, nếu không là câu dặn dò hãy tỉnh táo, chờ đợi: "Thầy bảo thật anh em: thế hệ nầy sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu" (Mc 13, 30-31). Bài dụ ngôn ngắn ngủi về cây vả mời gọi hãy sáng suốt, thức tỉnh nhận ra qua các dấu chỉ thời đại: mầm mống của thời cánh chung đã bắt đầu, như dân chúng Palestina, qua lá xanh và việc đâm chồi nẩy lộc, khi thấy cây vả bắt đầu đâm ra các lá rộng lớn, nhận thức rằng mùa hè đã đến gần, vì đó là lúc tháng ba tháng tư.

3 – Ngày cánh chung và  giá trị các lời giảng dạy của Chúa Giêsu.

Bài giảng về ngày cánh chung làm nổi bậc giá trị các lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Bởi đó cần phải tin tưởng, vâng phục và phó thác vào những gì Người giảng dạy cho, và chỉ vào lời giảng dạy của Người: "Trời đất sẽ đi qua, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu" (Mc 13, 31).

Chỉ có thể dựa vào lời giảng dạy của Chúa, cộng đồng Kitô hữu mới có  thể chạm trán lại được các biến cố nhiều khi thảm đạm có thể xảy ra và đẩy lùi các tiên tri giả buôn bán lời lẽ giả tạo vô giá trị của họ: "Bấy giờ nếu có ai bảo anh em: ! Kìa, Đấng Ki Tô ở đó ! Anh em đừng có tin! Thật vậy, sẽ có những ki tô giả và tiên tri giả xuất hiện, làm những dấu lạ và những việc phi thường, để lừa gạt những người đã được tuyển chọn, nếu có thể. Phần anh em, hãy coi chừng: Thầy đã báo trước tất cả cho anh em" (Mc 13, 21-23).
 
Khuynh hướng đi tìm những lời nói khác dễ nghe hơn, êm tai hơn, thích hợp với khuynh hướng tự nhiên hơn, chiều theo khuynh hướng không xứng đáng với phẩm giá con người hơn, lúc nào cũng có. Nhưng đó là những khuynh hướng làm cho con người bại hoại, lạc lối, không sao đạt được cùng đích  mà Chúa Giêsu muốn định hướng cho chúng ta, các môn đệ Người.

Cách ăn ở và tác  động của người tín hữu Chúa Kitô cũng phải là  cách hành xử khôn ngoan, chống lại khuynh hướng xác nhận thời giờ chính xác nói lúc nào Chúa Ki Tô  sẽ trở lại lần sau cùng và ngày tận thế  sắp đến, như bao nhiêu nhà chiêm tinh, xem tay, gieo quẻ, tiên đoán tình yêu không thiếu cả trong thời đại chúng ta.

Chống lại với các lối suy luận thuyết lý vẩn vơ, chúng ta có thể xác quyết rằng thời cánh chung sẽ đến, cũng có thể gần  đến, nhưng lúc nào, ngày nào giờ nào,không ai biết, ngay cả các thiên sứ và Chúa Con cũng không biết: điều đó chỉ dành riêng cho Chúa Cha quyết định. "Còn về ngày hay giờ, thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Con Người cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi" (Mc 13, 32).

Tư tưởng vừa kể, chúng ta có  thể gặp được trong các bản văn của các tiên tri: "Sẽ chỉ có một ngày độc nhất  – duy một mình Thiên Chúa biết mà thôi – không còn phần biệt ngày với đêm, ngay lúc hoàng hôn vẫn có ánh sáng" (Dc 14, 7).

   – Do thái giáo (4 Esd 4, 52 ),

   – Kitô giáo: "Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm" (1 Tx 5, 1-2); "Anh em hay biết điều nầy: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trôm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để cho nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến" (Mt 24, 43-44); "Người đáp: Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần, khi Người ngự xuống trên anh em" (Cv 1, 7-8); "Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như  kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu hủy" (2 Pr 3, 10). "Vậy hãy nhớ lại: ngươi đã lãnh nhận và nghe lời Chúa thế nào; hãy tuân giữ và hối cải! Vậy, nếu ngươi không tỉnh thức, thì Ta sẽ đến như kẻ trộm, ngươi chẳng biét giờ nào Ta sẽ đến bắt chợt ngươi" (Ap 3, 3 ).

Những điều vừa kể được đặt nền tảng trên sự kiện là chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng trọng tài điều khiển các chuyển biến trong dòng lịch sử nhân loại. Câu nói "còn về ngày hay giờ thì không ai biết được,…, Con Người cũng không, chỉ có Chúa Cha biêt mà thôi" (Mc 13, 32), không phải Chúa Giêsu nói lên để chối bỏ thiên tính của Người, nhưng chỉ để xác nhận, Người là Con Thiên Chúa, Người vâng phục Chúa Cha, Đấng có mọi quyền tối thượng trên tất cả. Cử chỉ đó cũng được Chúa Giêsu đề cập đến khi trả lời cho hai anh em Giacôbê và Gioan về việc sắp xếp thứ bậc, Chúa Giêsu cũng đã đề cập  phớt qua: "Chén Thầy sắp uống, anh em sẽ uống; phép rửa thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai, thì người ấy mới được" (Mc 10, 39-40). Và Chúa Giêsu đã xác nhận rõ  ràng hơn trong câu trả lời cho người giàu có: "Chúa Giêsu đáp: "Sao anh gọi tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành hết, trừ một mình Thiên Chúa" (Mc 10, 18).

Chừng nào thời điểm cánh chung đến?

Người tín hữu Chúa Kitô sống không có gì phải lo lắng ngày nào giờ nào, bởi lẽ từ ngày nhận Phép Rửa, mỗi tín hữu là thành phần của Giáo Hội (cfr. Lumen Gentium, n. 2), là phần Thân Thể Chúa Kitô, đang sống hội nhập, tham dự vào đời sống Chúa Ba Ngôi, bởi đó Phép Rửa Kitô giáo là Phép Rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi, tháp ghép chúng ta vào đời sống Chúa Ba Ngôi: "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần…" (Mt 28, 19).

Nhờ Phép Rửa, người tín hữu Chúa Kitô đang sống với Chúa Ba Ngôi 24 tiếng trên 24, sống trong tình Cha con với Người, thì không có  gì phải lo lắng không biết lúc nào "ba- mẹ đi chợ về". Đúng hơn, đó là lúc con cái hân hoan, chạy ra mở cửa, đón cha má đem bánh kẹo về cho. Bởi lẽ lúc nào chúng ta cũng là con Thiên Chúa: "Lạy Cha chúng con ở trên trời …" (Mt 6, 9).

Ngoài Kitô giáo, không có một tôn giáo nào cho con người một địa vị và niềm hân hoan như vậy đối với vị thần mà mình tôn thờ. Vị thần của Kitô giáo không phải là vị thần sấm sét, lúc ẩn lúc hiện, đầy uy quyền và thẳng tay trừng trị trên các đỉnh núi cao ngất trời. Thiên Chúa của Kitô giáo là Cha chúng ta và chúng ta là con cái Người, có quyền gọi Người bằng Cha và tin tưởng, phó thác, buông xả con người chúng ta vào cánh tay thương yêu nhân ái Cha con của Người. "Lạy Cha chúng con ở trên trời …",

Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng quên gọi Thiên Chúa và cầu nguyện với Người như vậy.
 
Nguyễn Học Tập

Comments are closed.