VIỆC LÀM CỦA ĐỨC TIN LÀ ĐỨC ÁI

 VIỆC LÀM CỦA ĐỨC TIN LÀ ĐỨC ÁI

Trong Do-thái giáo có tất cả 613 điều luật. Học thuộc những điều luật này đã là khó, nói chi đến việc cắt nghĩa cho chính xác và tuân thủ vẹn toàn. Vì thế trong đầu óc một tín hữu Do-thái giáo luôn thấp thoáng câu hỏi: Luật nào là quan trọng nhất? Không có dân tộc nào say mê luật như dân tộc Do-thái. Người Do-thái đặt ra đủ các thứ luật. Họ giữ luật cặn kẽ chi li. Họ học luật ngay từ khi còn nhỏ. Họ đeo cả lề luật trên trán, trên tay. Nhưng vì quá say mê luật nên họ bị luẩn quẩn trong một mớ bòng bong, không còn biết giữ luật thế nào cho đúng, không còn biết đâu là luật quan trọng đâu là luật bình thường. Ðạo Do-thái dựa trên 10 điều răn. Trải qua các thế hệ, họ chú giải thêm thành 613 luật. Trong đó có 248 luật khuyên làm và 365 luật cấm làm. Họ không đồng ý với nhau về điều luật nào trọng nhất, nên trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, có một luật sĩ đã đến hỏi Chúa Giêsu: "Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?". Người đáp: "Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn giới răn thứ hai: Hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi" (Mc 12,30-31). Giới răn thứ nhất trích trong sách Ðệ Nhị luật 6, 5. Giới răn thứ hai rút trong sách Thứ luật 19,18. Như vậy Chúa Giê-su đã nâng luật yêu người ngang với luật mến Chúa. Người đã kết hợp thành một luật duy nhất: "Mến Chúa yêu người".

1. Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.

Thiên Chúa là chủ tể trời đất. Ngài dựng nên muôn loài muôn vật. Ngài là nguồn mạch sự sống và là cùng đích của muôn loài muôn vật.

Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả con cái.

Vì thế ta phải yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Thiên Chúa là quan trọng nhất của con người.

Còn chúng ta, điều gì quan trọng nhất?

Có người cho đó là tiền: có tiền mua tiên cũng được. Mọi người đều cần tiền. Đồng tiền ảnh hưởng trên mọi sinh hoạt, chi phối mọi sinh hoạt, thậm chí còn là mục đích của mọi sinh hoạt. Điều quan trọng hơn cả là làm sao kiếm được nhiều tiền, càng nhiều càng tốt. Tiền bạc là thước đo sự thành công ở đời.

Có người cho đó là địa vị: làm thế nào để có chỗ đứng trong xã hội, được người khác kính trọng, phục tùng.

Người khác cho đó là tình yêu: chỉ có tình yêu mới làm cho người ta hạnh phúc. Đối với đôi nam nữ đang yêu thì tình yêu là quan trọng nhất.

Nhiều người cho đó là học vấn: đối với học sinh hay sinh viên, đỗ đạt là quan trọng nhất.

Đối với phần đông những người trưởng thành, thì điều quan trọng là vợ con, là gia đình, là nghề nghiệp, là nơi ăn chốn ở.

Thực tế ở đời có rất nhiều điều quan trọng, tuỳ ở hoàn cảnh và tuỳ ở từng người. Nhưng nếu điều gì cũng quan trọng nhất thì cuối cùng chẳng có gì là nhất cả, mọi sự đều tương đối. Mọi sự đều tương đối, nhưng mọi sự đều quan trọng, kể cả niềm tin tôn giáo, kể cả Chúa. Đó là não trạng của con người thời nay, là cám dỗ của thời đại.

Người tin Chúa và theo Chúa, cũng có người nghĩ như vậy: tiền quan trọng, mà Chúa cũng quan trọng. Có những người khá hơn, trên lý thuyết vẫn cho Chúa là quan trọng nhất, nhưng trong thực tế có những lúc tiền bạc, tình yêu và thành công ở đời cũng quan trọng như Chúa.

Nhiều người nghĩ rằng ở thế gian này không có gì là duy nhất, kể cả những điều loài người thường cho là cao quý như là chân thiện mỹ chẳng hạn. Có những điều đối với người này là chân lý, đối với người kia lại là sai lầm; đối với người này là tốt, đối người kia là không; đối với một số người là đẹp, đối với những người khác là xấu. Không có gì tuyệt đối ở trần gian. Cám dỗ tương đối hoá mọi sự là cám dỗ lớn nhất của thời đại chúng ta. Cám dỗ này rất nguy hiểm. Dễ sa ngã vì con người không muốn bị ràng buộc và hướng chiều về hưởng thụ.

Thế gian không có gì là duy nhất, không có gì là tuyệt đối.

Thiên Chúa là Siêu Việt, là Vĩnh Hằng. Mọi sự đều qua đi. Chỉ có Chúa mới là quan trọng nhất, chỉ có Chúa mới là Tuyệt Đối. Do đó chúng ta được mời gọi yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực của mình.

Chúa Giê-su đã lập lại lời kêu gọi đó, khi trả lời cho người thông luật muốn hỏi trong các giới răn điều nào quan trọng nhất. Yêu mến Thiên Chúa là điều quan trọng nhất.

2. Yêu tha nhân như chính mình.

Thiên Chúa là Đấng vô hình vô ảnh ta không thấy được. Ta nói yêu mến Thiên Chúa, điều đó khó mà kiểm chứng được. Nên Thiên Chúa đã ràng buộc điều răn mến Chúa vào điều răn yêu người. Yêu Chúa thì phải yêu tha nhân. Yêu tha nhân là bằng chứng yêu mến Chúa. Còn hơn thế nữa, yêu tha nhân chính là yêu Chúa. Vì Chúa đã tự đồng hóa với con người, với những người bé nhỏ nhất trong xã hội. Điều này chính Chúa Giê-su đã công khai minh định: “Ta bảo thật, mỗi lần các ngươi giúp đỡ một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Thành ra hai giới răn chỉ là một. Đó chỉ là hai khía cạnh của cùng một giới răn.Thánh Gio-an quả quyết: "Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là một kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Ðấng mà họ không thấy" (1Ga 4,20); “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn ở trong bóng tối” (1 Ga 2, 9 ).

Đối với Chúa Giê-su, tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật.

Lề luật của Chúa thật nhẹ nhàng vì lề luật chính là tình yêu. Nếu yêu mến Chúa và yêu mến anh em, ta sẽ thấy việc giữ luật không còn gì khó khăn nữa. Tình yêu sẽ làm cho ta cảm nếm sự ngọt ngào trong việc tuân giữ lề luật.

Lề luật của Chúa cô đọng trong một thái độ là yêu mến. Giữ luật mà quên yêu mến có thể dẫn đến óc nệ luật.Giữ luật phải trở nên phương thế để bày tỏ tình yêu. Vì "Yêu mến là chu toàn lề luật" (Rm 13,10).

3. Việc làm của Đức tin là Đức ái.

Thánh Gia-cô-bê nói một câu bất hủ: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). “Việc làm” mà Thánh Tông Đồ nói đến là thực hành bác ái. Thánh Phao-lô ca ngợi đức mến: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13,1).

Đức tin và Đức mến liên hệ mật thiết với nhau.

Trong Tông thư “Cánh Cửa Đức Tin”, Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI viết: Năm Đức Tin cũng sẽ là cơ hội thuận tiện để tăng cường chứng tá bác ái. Thánh Phaolô nhắc nhở: "Vì vậy giờ đây còn lại ba điều là đức tin, đức cậy và đức mến. Nhưng lớn hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13). Và Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ, với những lời càng mạnh hơn nữa, luôn thúc đẩy các tín hữu Kitô, quả quyết rằng: "Hỡi anh chị em, nếu một người nói mình có đức tin mà lại không có việc làm thì ích gì? Đức tin ấy có thể cứu họ được không? Nếu một người anh em, chị em, không có y phục và lương thực hằng ngày và một người trong anh chị em nói: "Hãy đi bình an, hãy sưởi ấm và ăn no" nhưng lại không cho họ những gì cần thiết cho thân thể họ, thì hỏi có ích gì? Đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm đi kèm, thì tự nó là đức tin chết. Trái lại một người có thể nói: "Anh có đức tin và tôi có việc làm; hãy tỏ cho tôi đức tin không có việc làm của anh, và tôi, qua việc làm tôi chứng tỏ cho anh đức tin của tôi" (Gc 2,14-18).

Đức tin không có đức mến thì không mang lại thành quả và đức mến không có đức tin thì sẽ là một tình cảm luôn tùy thuộc sự nghi ngờ. Đức tin và đức mến cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình. Có nhiều Ki-tô hữu yêu thương tận tụy dành cuộc đời phục vụ những người lẻ loi, bị gạt ra ngoài lề hoặc bị loại trừ, coi họ như những người đầu tiên cần đi tới và như người quan trọng nhất cần được nâng đỡ, vì chính nơi người ấy có phản ánh khuôn mặt của Chúa Ki-tô. Nhờ đức tin, chúng ta có thể nhận ra tôn nhan Chúa phục sinh nơi những người đang xin tình thương của chúng ta. "Tất cả những gì các con đã làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con đã làm cho Thầy" (Mt 25,40): những lời này là một lời cảnh giác không nên quên, và là một lời mời gọi trường kỳ hãy đáp trả tình yêu mà Chúa đã chăm sóc chúng ta. Đó là đức tin giúp nhận ra Chúa Ki-tô và chính tình yêu Chúa thúc đẩy cứu giúp Chúa mỗi khi Ngài trở thành người thân cận của chúng ta trong cuộc sống. Được đức tin nâng đỡ, chúng ta hy vọng hướng nhìn sự dấn thân của chúng ta trong thế giới, trong khi chờ đợi "trời mới đất mới, trong đó có công lý cư ngụ" (2 Pr 3,13 ; x. Kh 21,1 – Porta Fidei, Số 14).

Thư Mục Vụ Năm Đức Tin HĐGMVN nói về mối liên hệ đức tin và đức mến: Cách riêng, trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, đức tin của người Công giáo cần được thể hiện qua việc thực thi bác ái. Đức Tin và Đức Mến cần đến nhau và hỗ trợ cho nhau: “Chính đức Tin giúp chúng ta nhận ra Chúa Ki-tô và chính tình yêu Chúa thôi thúc chúng ta chạy đến phục vụ Chúa mỗi khi Người trở thành người thân cận của chúng ta trên nẻo đường cuộc sống”. Được Lời Chúa soi sáng và tình yêu Chúa thấm nhập trong suy nghĩ cũng như hành động, chúng ta sẽ trở nên những chứng tá đáng tin trong xã hội ngày nay (Số 7).

Năm Đức Tin sống Đức Ái, chúng ta cùng chung tay với Chúa Giê-su thực hiện Năm Hồng Ân của Thiên Chúa (x. Lc 4,19).

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Comments are closed.