TẤM GƯƠNG

 TẤM GƯƠNG

Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn (Mc 9, 42).
 
Nhìn thấy người con trai chạc 7-8 tuổi chân bước khệnh khạng, hai tay thì múa may, quay cuồng, người cha lớn tiếng quát:
 
– Con học cái thói đi đứng đó ở đâu vậy? Quay sang người vợ, người cha nói tiếp:
– Sao em không để ý dạy con. Cứ đà này, lớn lên nó trở thành thói quen thì sao? Người vợ lặng thinh! Bỗng cậu con trai lên tiếng:
– Ba ơi! Con bắt chước ba đó, vì con thấy chiều nào ba cũng về nhà với kiểu đi đó, trông rất oai, mẹ thì xếp re! Người cha bỗng giật mình, vì mỗi buổi chiều, sau khi chén chú, chén anh với bạn bè, anh đi về nhà với dáng điệu của một người no men rượu!!!
 
Với một xã hội suy đồi về đạo đức như  hiện nay, thì những gương mù, gương xấu, những cái gây nên cớ vấp phạm cho bản thân và cho người khác ngày càng có chiều hướng gia tăng và biến tướng, ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống nhân bản của giới trẻ, ấu nhi từ môi trường đời thường cho đến nhà đạo. Tất cả đều khởi đi từ con người cho tới những công nghệ giải trí, thiết bị hỗ trợ cho công việc, học tập, giải trí như báo chí, phim ảnh, truyền hình, internet, điện thoại di động….
 
Những cái cớ vấp phạm ngoài đời:
– Hiện tượng chè chén say sưa, cờ bạc, số đề, cá độ bóng đá, đá gà, nghiện và mua bán ma tý, mại dâm… lan tràn từ thị thành cho tới thôn quê, từ những tụ điểm cao cấp cho tới môi trường học đường, hè phố…
– Nạn phá thai, quảng bá việc phá thai, thiết lập những cơ sở phá thai chính quy cũng như lén lút tràn lan.
– Cách ăn mặc “thiếu vải” của giới nữ trẻ tuổi nhan nhản ngoài đường phố và ngay cả những nơi thờ tự.
– Nạn quay cóp, học thế, mua bán bằng cấp… biến tướng và lan tràn.
– Tình trạng đua xe, cướp của, giết người ngày càng táo tợn và tinh vi.
 
Trong nhà đạo thì:
 
– Thờ ơ, biếng nhác tham dự thánh lễ Chúa nhật, lễ kính, lễ trọng, lơ là thực hiện giờ kinh sớm tối trong gia đình.
– Cách ăn mặc thiếu tôn trọng, trang nghiêm khi đi tham dự thánh lễ và các giờ đạo đức.
– Sử dụng điện thoại di động một cách vô tư khi tham dự thánh lễ, các giờ đạo đức học giáo lý, hội họp…
– Nói chuyện riêng, cãi vã nhau trong và sau khi tham dự các nghi thức phung tự..
– Hiện tượng bè phái, tranh dành chức quyền trong hội đoàn, cộng đoàn.
– Tham dự thánh lễ dưới gốc cây, ngoài đường phố…
 
Với bản tính luôn yếu đuối, mỏng dòn của ta khi mang lấy kiếp nhân sinh thì những cái cớ gây vấp phạm trên dễ lôi kéo ta vào quỹ đạo của nó, quỹ đạo mà satan luôn mời gọi ta bằng những lời hoa mỹ, những dễ dãi…. Người cha trong câu chuyện trên, là một điển hình. Sau những lời tâng bốc của bè bạn đại loại: “kỳ này tăng đô zữ nghen, nào là không ai chơi đẹp như ông…!”, sau những cú chạm ly và những tiếng hò zô..zô..zô, những tiếng cười sảng khoái. Để rồi sau những cuộc vui đó, khi trở về nhà anh lại trở thành tấm gương, thành cái cớ vấp phạm cho chính con đẻ của mình qua hình thức bắt chước từ giọng nói, dáng đi….
 
Lời Chúa trong phụng vụ thánh lễ hôm nay qua môi miệng của Đức Giêsu: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9, 42), như một lời cảnh báo, lời nhắc nhở và như những mũi tên xoáy vào tim ta, làm ta phải giật mình nhìn lại đời sống của mình từ mái ấm gia đình, cho đến môi trường xã hội, Giáo hội. Đặc biệt khi ta mang trong mình danh hiệu Kitô hữu, đang mang trong đời sống trọng trách loan báo Tin Mừng, vì trong từng ngày sống ta đã từng gây nên cớ vấp phạm cho anh em mình bằng lời nói, hành động.
 
Giữa một xã hội đầy những cớ làm ta vấp ngã từ đời lẫn đạo, thì Lời Chúa hôm nay cũng chỉ cho ta những phương cách để tránh khỏi mắc sai lầm: “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt nó đi, thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn còn đủ hai tay mà phải vào hỏa ngục….Nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi, thà mất một chân mà được vào cõi sống, con hơn đủ cả hai chân mà phải xuống hỏa ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà còn một con mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hỏa ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9, 43-47).
 
Đọc qua những lời răn dạy của Đức Giêsu, một ý nghĩ chợt lóe lên trong tâm trí: “Có lẽ trên Thiên Đàng rất nhiều người bị cụt tay, cụt chân và mù một mắt chăng?”, vì có một lần người thủ lãnh gọi Đức Giêsu: “Thưa Thầy nhân lành….Đức Giêsu phán với ông: Sao ông nói tôi là nhân lành? Không ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Lc 18, 18-19). Nếu hiểu, cách nghĩ và giải thích Lời Chúa theo mặt chữ như thế, chắc không ai dám đọc Lời Chúa và nhất là không ai dám bước theo Chúa, theo đạo Công Giáo! 
 
Ngạn ngữ có câu: “Nhân vô  thập toàn”. Vì thế, đã là con người, ai mà không vấp ngã. Vấp ngã vì ngoại cảnh, vấp ngã vì tính tự kiêu, tự đại; vấp ngã vì tính ích kỷ, lười biếng; vấp ngã vì tính tham lam, đam mê…Từ vấp ngã ta trở thành cái cớ, trở thành người nên gương mù, gương xấu cho chính mình và cho nhau.
 
Hôm nay và ngay thời đại này, Đức Giêsu dùng ngôn ngữ một cách mạnh mẽ, dứt khoát trước là để nhắc nhở ta ý thức hơn nữa về căn tính Kitô hữu của mình, nhắc nhở ta hãy tránh xa những điều gây nên dịp tội cho ta, kế đến là giúp và bảo vệ ta khỏi những cái cớ làm ta vấp ngã. Qua sự vấp ngã ta thực hiện những điều trái ngược với Tin Mừng và trở nên cớ vấp ngã cho anh em mình
 
Để tránh xa dịp tội, tránh xa những điều làm ta vấp ngã và trở thành cớ vấp ngã cho anh em không phải là dễ! Ngay trong kinh “Lạy Cha” có câu: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, lời kinh chính Đức Giêsu truyền dạy. Ấy thế mà nhiều người lấy lời kinh “Lạy Cha” ra bỡn cợt khi đọc: “Xin cứ để chúng con sa chước cám dỗ!!!”. Sự bỡn cợt lời kinh “Lạy Cha” nói lên cái yếu đuối của con người nhân loại trước những cám dỗ của thời đại hôm nay, thời đại mà người ta quảng bá, tôn sùng chủ nghĩa “hưởng thụ”, chủ nghĩa “thành công”.
 
Lời cảnh báo của thánh Giacôbê  qua thư ngài gửi cho những người giàu có, hưởng thụ  thời Giáo Hội sơ khai, cũng là lời cảnh tỉnh ta giữa thời đại hôm nay: “Này đây, hỡi các người giàu có, các người hãy than khóc kêu la về những tai họa ắp đổ xuống trên đầu các người….. Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thỏa mãn trong ngày sát hại” (Gc 5,1- 5).
 
Sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tôi, ta được Thiên Chúa ban tặng cho ta, cuộc sống của ta ánh sáng của Ngài. Ánh sáng đó tựa như tấm gương phản chiếu tình yêu và sự thánh thiện tuyệt hảo của Thiên Chúa ngang qua Đức Kitô. Ước mong của Đức Kitô là ta hãy gìn giữ tấm gương đó và ngày càng làm cho tấm gương sáng hơn, ngõ hầu đưa ánh sáng của Ngài lan tỏa tới để cho mọi người, mọi nơi. Khó đấy! Như những con cá lội ngược dòng khi ta gìn giữ tấm gương, khi ta lắng nghe, tuân giữ và thực hành lời dạy bảo, nhắc nhở và mời gọi của Đức Giêsu. Còn đó lời động viên của Đức Giêsu: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19, 26). Đức Giêsu còn nhấn mạnh: “Không có Thầy, anh em không thể làm được gì” (Ga 15, 5).
 
Vì thế, để giúp ta tránh xa những cớ làm ta vấp ngã và biến ta thành cớ vấp ngã cho anh em mình. Thiết tưởng chỉ có một điều duy nhất, đó là ta năng đến với Đức Giêsu nơi bí tích Thánh Thể, tiếp cận sức mạnh và ơn soi sáng từ Lời của Ngài nơi Kinh Thánh và ta cũng không thể nào quên tấm gương và sự trợ giúp của Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi. “Kẻ đến với Ta, Ta không loại ra ngoài” (Ga 6, 37). Đây là lời hứa của Đức Giêsu, Ngài vẫn luôn chờ đợi ta trong nhà tạm nơi các ngơi thánh đưòng để tăng sức mạnh, thánh hóa và giúp ta sống như lòng Ngài ước mong.
 
Lạy Chúa Giêsu! Xin thương xót con vì trong cuộc sông con đã nhiều lần vấp ngã và nên gương xấu cho anh em con. Xin Chúa tha thứ và thánh hóa con để con sống xứng đáng là con Chúa hơn. Amen.

Antôn Lương văn Liêm

Comments are closed.