LƯƠNG THỰC SIÊU NHIÊN

 LƯƠNG THỰC SIÊU NHIÊN

Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 6, 51-58) trình thuật tiếp “Diễn từ trong hội đường Ca-phac-na-um” của Đức Giê-su Ki-tô (Ga 6, 21-66). Mặc dù đám người Do thái xầm xì với nhau: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói “Tôi từ trời xuống?” (Ga 6, 42); nhưng Đức Ki-tô vẫn tiếp tục bài giảng về Bánh Trường Sinh. Người khẳng định: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”; khiến đám người Do thái lại càng thắc mắc: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Cứ kể ra với trí khôn loài người thì điều Đức Ki-tô nói là thậm vô lý. Nếu nói rằng Man-na là bánh từ trời xuống do Thiên Chúa ban tặng thì còn có thể hiểu được, bởi thực sự Man-na từ trời đổ xuống như mưa trước mắt mọi người. Tuy nhiên, giờ đây Đức Ki-tô lại nói chính Người là bánh hằng sống từ trời xuống, rồi còn khẳng định “bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”; thì làm sao nghe lọt tai, nhất là loài người vẫn tự cho mình là “người” chứ không phải là “thú vật” mà có thể ăn thịt đồng loại.
 
Cái động lực cơ bản khiến đám người Do thái cho Lời dạy của Đức Ki-tô là vô lý, chính là lòng tin. Bởi họ không tin “ông Giê-su con bác thợ mộc Giu-se” là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, nên mới xầm xì “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Nếu họ hiểu và tin rằng Đức Giê-su là Thiên Chúa thì vấn đề sẽ sáng tỏ ngay: Vời quyền năng vô hạn của Thiên Chúa thì mọi điều “không thể” đều trở nên “có thể”. Dựng nên cả vũ trụ và con người còn được, thì sá gì một chuyện nhỏ nhặt đó. Không hẳn chỉ có đám người Do thái thời đó cho Lời dạy của Đức Ki-tô là thậm vô lý, mà ngay ở cái thế kỷ XXI này cũng không thiếu những kẻ nghe xong liền chẹp mịêng: “Ôi dào! Chuyện không tưởng!” Họ cứ hiểu Lời dạy của Đấng Cứu Độ theo nghĩa đen và theo quy ước của loài người, bởi cho đến hiện nay đâu có một chứng tích nào cho thấy thật sự các Tông đồ tiên khởi và các tín hữu đã trực tiếp ăn thịt và uống máu của Đức Ki-tô. Vấn đề đặt ra ở đây là họ không hiểu “nghĩa ẩn dụ” của Lời Chúa, như trong Tông huấn “Lời Chúa” (I, 27) đã dạy: “Về phương diện này, người ta có thể nhắc tới 2 câu thơ trung cổ diễn tả mối tương quan giữa các nghĩa khác nhau của Sách Thánh: "Littera gesta docet, quid credas allegoria,/ Moralis quid agas, quo tendas anagogia" (Chữ đen nói tới việc làm; ẩn dụ nói về đức tin;/ Luân lý nói tới hành động; loại suy nói về số phận ta)”.
 
Đúng như vậy, Đức Ki-tô luôn dùng dụ ngôn trong khi giảng dạy. Người muốn cụ thể hoá ý nghĩa thiêng liêng thần bí ra bằng những hình ảnh sự vật trong thiên nhiên hay con người trong xã hội. Trước đó, Người đã dùng hình ảnh thực vật hay khoáng vật và nếu có dùng tới động vật thì chỉ là động vật cấp thấp như súc vật hay động vật hoang dã. Lần này thì Người dùng tới động vật cao cấp là con người, và hơn thế nữa còn là con người siêu đẳng vì ngoài bản tính loài người còn có cả một bản tình siêu việt là bản tính Thiên Chúa nữa. Vì thế, phải hiểu Thịt và Máu Đức Giê-su là của ăn tâm linh bổ dưỡng linh hồn. Thức ăn tâm linh thì chủ yếu phải ăn bằng tâm linh, chớ không phải bằng thể xác. Điều quan trọng để được bổ dưỡng tâm linh là phải gặp gỡ được Đức Giê-su và nhận được sức mạnh từ nơi Người. Việc gặp gỡ Người ở đây cũng cần được hiểu là gặp gỡ bằng tâm linh chứ không phải bằng thể chất.
 
Nói đến gặp nhau thường thì người ta hay nói đến cái “duyên”, nghĩa là phải có một sự đồng cảm hay một sự cộng hưởng tư tưởng nào đó làm “duyên cớ” hội ngộ (Vd: Tư tưởng lớn gặp nhau). Tất nhiên ở đây không nói đến chuyện gặp nhau bằng thể xác kiểu như “Gặp nhau tay bắt mặt mừng” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Dầu và nước không thể hòa tan với nhau được, vì hóa tính của hai chất không giống nhau. Hai chất phải có những hóa tính căn bản giống nhau mới hòa tan với nhau được. Cũng vậy, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8), nên muốn gặp hay kết hiệp với Người thì chính mình cũng phải có tình yêu. Một người có tính ích kỷ, lãnh đạm với mọi người, hay có tính ganh tị, ghen ghét thì khó mà gặp được Chúa, dẫu họ có rước lễ cả chục lần một ngày. Vâng, “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8); “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta… Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” (1Ga 4,12…16). Quả thực, không tình yêu thì đừng nói đến chuyện gặp gỡ Thiên Chúa.
 
Hoá cho nên “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối. Vì thế, anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa.” (Ep 5, 15-17). Muốn hiểu được ý Chúa thì phải làm sao gặp gỡ Chúa, mà muốn gặp gỡ Chúa thì phải “ sống như người khôn ngoan”. Những tư tưởng trong Bài Đọc II  hôm nay đã nhắc nhở người Ki-tô hữu phải biết “sống khôn ngoan theo Thánh ý Chúa”, phải biết chăm lo đến đời sống thiêng liêng, phải biết nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng bằng phương cách cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, ca tụng ngợi khen Thiên Chúa, và nhất là phải biết  dự Tiệc Thánh Thể, rước Mình và Máu Thánh Chúa. Phải luôn luôn tâm niệm rằng việc ăn Mình và uống Máu Chúa hằng ngày không bao giờ là những hành động biểu diễn bên ngoài hoặc những việc làm vô thức theo thói quen hay vì sĩ dịên. Ý Chúa dạy không phải và không thể là trực tiếp ăn Thịt và uống Máu Chúa, cũng như không phải và không thể là cứ vô tư ăn bánh và uống rượu đã truyền phép mà không biết dọn dẹp sạch sẽ ngôi đền Thánh Linh, sẵn sàng “Mở hồn ra với Chúa, mở tim ra với đời”. Việc ăn Mình và uống Máu Chúa chỉ thực sự đem lại hiệu quả tốt đẹp, đem lại cuộc sống vĩnh cửu mai sau, khi linh hồn của chúng ta thực sự được Chúa đến ngự và trái tim của chúng ta thực sự mở ra với anh em. Lương thực siêu nhiên phải được ăn bằng hành động siêu nhiên là thế.
 
Ôi! Lạy Chúa! Con đã “ăn Mình, uống Máu Thánh Chúa” suốt bao nhiêu năm trường, nhưng dường như đời sống tâm linh của con chẳng tăng trưởng bao nhiêu. Xin cho con biết đặt lại vấn đề một cách nghiêm chỉnh: Thịt Máu Chúa là lương thực tâm linh, tại sao con ăn uống Máu Thịt ấy hằng ngày, hằng tuần, mà tâm linh con vẫn hèn yếu, bạc nhược? Xin ban Thần Khí soi sáng và dạy bảo con cách thức “ăn Mình, uống Máu Thánh Chúa” cho đúng với ý mà Chúa hằng mong muốn con thực hiện. Ôi! Lạy Chúa! “Tâm tư con hoan lạc được rước Mình Máu Thánh. Tâm tư con vinh hạnh được diện kiến Thánh Tâm. Biết nói chi cho cân tình Chúa thương muôn vàn. Biết đáp chi cho cân tình Chúa thương rộng ban.” (“Mình Máu Thánh” – Thu Lâm – TCCĐ). Amen.
 
JM. Lam Thy ĐVD

Trích từ Đạo Binh Đức Mẹ

Comments are closed.