CON NGƯỜI TRƯỚC CÁM DỖ CỦA BA THÙ

CON NGƯỜI TRƯỚC CÁM DỖ CỦA BA THÙ

Cũng bởi vì cám dỗ là “Khêu gợi lòng ham muốn đến mức làm cho sa ngã” (từ nguyên), nên nói đến cám dỗ là nói đến những vuốt ve nhẹ nhàng, những mời mọc hấp dẫn, cùng với những phong toả ngọt ngào, khó lòng từ chối, vượt thoát. Con người đứng trước những cám dỗ của ba thù, thường thì khó lòng cưỡng nổi, bị khuất phục là cái chắc. Chỉ cần một kẻ thù là Xa-tan cám dỗ cũng đã thấy khó lòng chống đỡ nổi, huống hồ tới ba kẻ thù cùng lúc tấn công thì làm sao tránh khỏi sa chước cám dỗ? Nhưng 3 kẻ thù đó là ai mà ghê gớm vậy? Đó chính là: 1- Dục vọng của bản thân; 2- Hấp lực của thế gian; 3- Cạm bẫy của Xa-tan. Nói con người đứng trước ba thù vây hãm cũng chẳng khác gì một thành trì bị “thù trong – giặc ngoài” hãm hại, chỉ còn nước bó tay chờ chết.

Đó là nói về con người trần thế, nhưng vấn đề đặt ra hôm nay là tại sao Đức Giê-su là Thiên Chúa mà còn bị ma quỷ cám dỗ không chỉ một lần mà tới 2 lần: Bài Tin Mừng hôm nay (CN.I/MC-A – Mt 4, 1-11) trình thuật trước khi khai mạc sứ vụ, Đức Giê-su vào hoang địa ăn chay 40 đêm ngày và chịu để ma quỷ cám dỗ. Sau đó, trước khi chính thức bước vào cuộc thương khó, Người lại bị cám dỗ tại vườn Ghết-sê-ma-ni, đến độ phải kêu lên với Chúa Cha: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con.” (Mc 14, 36).

Cứ xét chuyện Đức Giê-su bị cám dỗ sẽ thấy ma quỷ rất sành tâm lý, chúng không chỉ cám dỗ về vật chất mà còn cả về tinh thần nữa: Về vật chất, chúng đem miếng ăn, sự vinh hoa phú quý trần thế làm mồi nhử; về mặt tinh thần, chúng đánh ngay vào tính tự cao tự đại của con người, lấy quyền lực siêu phàm làm mồi nhử. Với Đức Giê-su Ki-tô thì chuyện ma quỷ cám dỗ chỉ là chuyện nhỏ (bằng chứng là khi chúng đi quá lố, Đức Giê-su ngay lập tức đã đuổi thẳng: “Xa-tan kia, xéo đi!” – Mt 4, 10); nhưng sở dĩ Chúa chịu để ma quỷ cám dỗ, cũng là có ý muốn làm gương để răn dạy mọi người hãy cảnh giác trước mưu mô thâm độc của ba thù. Nói ma quỷ rất sành tâm lý, vậy tại sao chúng thất bại? Chuyện cũng dễ hiểu, ma quỷ dù biết Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật (bản tính Thiên Chúa), nhưng trước mắt chúng là một chàng thanh niên Giê-su bằng xương bằng thịt (bản tính loài người) như mọi người bình thường khác, vì thế chúng đem chính những thứ mà con người trần tục thường mê đắm để làm mồi cám dỗ, hầu có thể hạ gục Người.

Trước hết, chúng biết Đức Giê-su vào hoang địa ăn chay 40 đêm ngày, chắc chắn Người phải đói bụng, vậy thì miếng ăn lúc này là mồi nhử hữu hiệu nhất, bởi chính đây mới là kẻ thù đáng sợ nhất của con người trần thế: Đó là kẻ thù từ bên trong (tự thân chủ thể) – là “thù trong” chớ không phải “giặc ngoài” – kẻ thù đến từ bên ngoài (khách thể). Tuy nhiên, có một điều rất đáng lưu ý là ma quỷ không đưa bánh thật ra, mà lại đưa một hòn đá rồi bảo Đức Giê-su hoá phép cho hòn đá ấy biến thành bánh mà ăn. Cái quỷ quyệt của ma quỷ chính ở điểm này, bởi với một con người bình thường thì chúng chỉ cần đưa ra miếng bánh, nhưng đây lại là Thiên Chúa đầy quyền năng, vì thế chúng nhắm vào tâm lý kiêu ngạo, hiếu thắng, muốn chứng tỏ mình của con người, để kích động Chúa. Và nếu vì đói bụng, hoặc cũng có thể do bản tính loài người hay kiêu căng tự phụ, Chúa làm phép lạ biến đá thành bánh để ăn, thì Chúa đã mắc mưu thâm độc của chúng. Nói cách khác, nếu làm theo ý ma quỷ thì Chúa đã bị khuất phục, bị sai khiến theo ý chúng. Nhưng chúng đã thất bại, bởi đối tượng chúng cám dỗ không chỉ là một chàng thanh niên Giê-su Na-da-ret bình thường, mà còn là Con Một Thiên Chúa được sai đến để chế ngự tội lỗi, cứu độ nhân loại.

Không đánh vào cái bụng đói của Chúa được, chúng xoay qua mặt tâm linh, đó là tính kiêu ngạo. Nếu là một con người bình thường, khi biết chắc là mình có nhảy xuống từ nóc Đền Thờ cao chót vót cũng sẽ được “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng” (Mt 4, 6), chắc chắn họ sẽ nhảy xuống liền, và như thế sẽ được hoan hô ca tụng tận mây xanh. Lòng kiêu căng tự phụ được ve vuốt, đối với con người thì còn gì hơn thế nữa? Ngay từ Nguyên tổ của loài người, chuyện này cũng đã xảy ra: Khi rắn (ma quỷ) xúi bà E-va ăn trái cấm, bà còn e ngại vì nhớ Lời Đức Chúa: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết”, thì ngay lập tức “Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” (St 2, 4-5). Ấy thế là Nguyên tổ phạm tội, loài người bị tội lỗi thống trị. Loài người là vậy đó, nhưng với Đức Giê-su thì vì Người là Thiên Chúa, nên Người quở mắng liền: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” Sau 2 lần thất bại, ma quỷ lại xoay qua mặt phú quý vinh hoa là mồi nhử hấp dẫn nhất đối với con người. Chỉ cần quy phục, quỳ lạy chúng, sẽ được tất cả. Lần này thì Chúa đuổi thẳng: “Xa-tan kia, xéo đi! ” và ma quỷ thất bại hoàn toàn, bỏ đi một nước.

Quả thật, giặc từ bên ngoài đánh chiếm thành trì, còn có thể thấy rõ kẻ thù, may ra còn hy vọng chiến đấu; nhưng nếu đó là kẻ thù từ bên trong thì chúng đã đồng hóa với “cái tôi” trở thành vô hình vô ảnh; vậy thì làm sao chống đỡ cho nổi? Nói như vậy thì phải chăng con người luôn bị ma quỷ cám dỗ và đành thúc thủ trước những mưu mô quỷ quyệt của chúng sao? Xin thưa, nếu anh chỉ sống theo xác thịt, chiều theo thị hiếu vật chất, thì bảo đảm anh thua là cái chắc, nhưng anh còn một vũ khí rất lợi hại để có thế chống lại được ba thù, có thế chiến thắng được những cơn cám dỗ. Câu “Muốn thắng người, phải thắng được mình trước” (tục ngữ) có thể viết thành “Muốn thắng chước cám dỗ của ma quỷ, phải thắng được mình trước”. Mà cái vũ khi lợi hại để có thể thắng được mình (nhiên hậu mới nói đến thắng được cám dỗ), đó chính là: CẦU NGUYỆN.

Không tự tin quá đáng (sẽ thành tự kiêu), cũng không tự ti, mà hãy dốc lòng tin cậy vào Thiên Chúa, bởi “Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất (là A-đam) sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị” (Rm 5, 17). “Được sống và được thống trị”, ấy chẳng phải là chiến thắng đó sao? Vậy thì tại sao lại không thể làm như lời dạy của Thánh Gia-cô-bê Tông đồ: “Anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca. Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát” (Gc 5, 13-16).

Vâng, để “Được sống và được thống trị”, xin cùng dâng lời cầu nguyện: Ôi ! Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, chính nhờ sống theo Thần Khí hướng dẫn vào trong hoang địa ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày, mà Chúa đã được đầy sức mạnh chiến thắng được cơn cám dỗ quỷ quyệt của ma quỷ. Để có thể chống chọi được với những mời mọc hấp dẫn, những cám dỗ ngọt ngào của xác thịt, của ma quỷ, cúi xin Chúa thương giúp chúng con thực hành theo lời Thánh Phê-rô: “Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định. Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em. Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” (1Pr 5, 6-9). Ôi lạy Chúa, con tín thác nơi Ngài. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD

 

Comments are closed.