Số phận của chúng ta là hưởng hạnh phúc vinh quang trên Trời như Mẹ Maria

Số phận của chúng ta là hưởng hạnh phúc vinh quang trên Trời như Mẹ Maria

Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời cho chúng ta biết số phận của chúng ta là đưc hưởng hạnh phúc vinh quang trên Trời như Mẹ.

Đức Thánh cha đã khẳng định như trên với tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo trưa 15 tháng 8-2012.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, trong giữa tháng 8 Giáo Hội bên Đông Phương và bên Tây Phương cử hành lễ Trọng hồn xác lên trời của Đức Maria Rất Thánh. Trong Giáo Hội Công Giáo, như đã biết, tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời đã do Đức đáng kính Pio XII công bố trong Năm Thánh 1950. Tuy nhiên, việc cử hành mầu nhiệm này của Đức Maria đâm rễ sâu trong đức tin và trong phụng tự của các thế kỷ đầu của Giáo Hội, vì lòng sùng kính sâu xa đối với Mẹ Thiên Chúa đã phát triển từ từ trong Cộng đoàn kitô.

Ngay từ cuối thế kỷ thứ IV và đầu thế kỷ thứ V chúng ta đã có các chứng tá của nhiều tác gỉa khẳng định rằng Đức Maria ở trong vinh quang của Thiên Chúa Cha với tất cả hồn xác như thế nào, nhưng chính trong thế kỷ thứ VI tại Giêrusalem lễ Mẹ Thiên Chúa, Theotòkos đã được củng cố với Công Đồng Chung Êphêxô năm 431, mới thay đổi diện mạo và trở thành lễ Đức Maria ngủ, vượt qua, qua đời, hồn xác lên trời, nghĩa là trở thành việc cử hành lúc trong đó Đức Maria ra khỏi trần gian này, được vinh hiển trong linh hồn và trong thân xác trên Trời, trong Thiên Chúa.

Để hiểu lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời chúng ta phải nhìn vào lễ Phục Sinh, là mầu nhiệm vĩ đại của lịch sử cứu rỗi, ghi dấu sự vượt qua của Chúa Giêsu vào trong vinh quang của Thiên Chúa Cha, qua cuộc khổ nạn, cái chết, và sự phục sinh. Đức Maria là Đấng đã sinh ra Con Thiên Chúa trong thịt xác, là thụ tạo được tháp nhập nhất vào mầu nhiệm đó, được cứu rỗi ngay từ lúc đầu tiên của cuộc sống, và được kết hiệp một cách hoàn toàn đặc biệt vào cuộc khổ nạn và vinh quang của Con Mẹ. Đức Thánh Cha giải thích lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời như sau:

Việc hồn xác lên trời của Đức Maria vì thế là mầu nhiệm của sự Phục Sinh của Chúa Kitô được thực hiện tràn đầy nơi Mẹ. Mẹ được kết hiệp một cách mật thiết với Con phục sinh của Mẹ, Đấng chiến thắng tội lỗi và cái chết, và hoàn toàn đồng hình dạng với Người. Nhưng việc hồn xác lên trời là một thực tại cũng liên quan tới chúng ta, bởi vì nó chỉ cho chúng ta thấy một cách rạng ngời số phận của chúng ta, số phận của nhân loại và của lịch sử. Thật thế, nơi Đức Maria chúng ta chiêm ngưỡng thực tại vinh quang mà mỗi người trong chúng ta và toàn thể Giáo Hội được mời gọi lãnh nhận.

Đoạn Phúc Âm của thánh sử Luca, mà chúng ta đọc trong phụng vụ lễ Trọng hôm nay, cho chúng ta thấy lộ trình mà Đức Maria thành Nagiarét đã đi để ở trong vinh quang của Thiên Chúa. Đó là trình thuật Đức Maria viếng thăm bà Elidabét (x. Lc 1,39-56), trong đó Đức Mẹ được tuyên bố là có phúc trong mọi phụ nữ và có phúc vì đã tin nơi việc thành toàn các lời đã được Chúa nói với Mẹ. Và trong bài thánh ca Magnificat, mà Mẹ hát dâng lên Thiên Chúa với niềm vui, đức tin sâu xa của Mẹ tỏa ra trong sáng. Mẹ tự đặt mình giữa những ”người nghèo” và những ”người nghèo” thì không tín thác nơi sức riêng của mình, mà tín thác nơi Thiên Chúa. Họ dành chỗ cho hành động của Thiên Chúa có khả năng làm những điều trọng đại trong sự yếu đuối của họ. Nếu lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời mở rộng chúng ta cho tương lai chờ đón chúng ta, thì nó cũng mời gọi chúng ta mạnh mẽ tín thác hơn vào Thiên Chúa, đi theo Lời Người, tìm kiếm và thi hành ý Người mọi ngày: đó là con đường khiến cho chúng ta ”có phúc” trong cuộc lữ hành trần thế và mở cửa Trời cho chúng ta.

Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, Công Đồng Chung Vatican II khẳng định rằng: ”Sau khi hồn xác về trời vai trò của Đức Maria trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Mẹ vẫn luôn tiếp tục cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời. Với tình hiền mẫu Mẹ chăm sóc những anh em của Con Mẹ đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời” (LG 62). Chúng ta hãy cầu khẩn Đức Thánh Trinh Nữ, xin Mẹ là ngôi sao dẫn đường cho chúng ta bước tới gặp gỡ Con Mẹ để đạt vinh quang Nước Trời.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã chào và chúc mừng lễ các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Bằng tiếng Pháp ngài nói theo chân Mẹ Maria và hiệp nhất với các tín hữu hành hương hiện diện trong các trung tâm thánh mẫu đó đây trên thế giới, chúng ta hãy nói lên trở lại với Chúa sự kinh ngạc và niềm vui của chúng ta, vì tất cả những gì Người không ngừng thực hiện trong chúng ta, trong Giáo Hội và trên thế giới.

Bằng tiếng Anh ngài nói: ước chi gương sống và lời cầu nguyện của Mẹ Maria Nữ Vương Nước Trời, gợi hứng và nâng đỡ chúng ta trên con đường hành hương đức tin, để chúng ta được vui mừng với Mẹ trong vinh quang phục sinh và việc hiện thực tràn đầy các lời hứa của Con Mẹ.

Bằng tiếng Đức Đức Thánh Cha nói: lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời ban cho chúng ta niềm hy vọng và sự tin tưởng. Quê trời không phải là một cái gì xa vời hay một thực tại hoàn toàn không thể biết được. Chúng ta có một Bà Mẹ trên đó, và cùng Chúa Giêsu Con Mẹ, Mẹ chờ đợi chúng ta và bầu cử cho chúng ta để chúng ta tìm ra con đường về Trời.

Trong tiếng Tây Ban Nha Đức Thánh Cha nói: nơi Đức Mẹ hồn xác lên trời chúng ta trông thấy sự sống tràn đầy đã được thực hiện và chúng ta tất cả đều được kêu mời lãnh nhận cuộc sống đó.

Trong tiếng Ba Lan Đức Thánh Cha nói ngài nhớ tới tất cả các tín hữu đang hành hương đến đền thánh Đức Bà Jasna Gora. Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời nhắc nhở cho chúng ta biết rằng đích điểm con đường dương thế của chúng ta là quê trời. Chúng ta hãy học nơi Mẹ lòng tín thác cho Thiên Chúa, việc chu toàn thánh ý Chúa và phục vụ tha nhân. Xin Mẹ dẫn chúng ta tới với Chúa Giêsu Con Mẹ, và hòa giải chúng ta với Người, phó thác và dâng hiến chúng ta cho Người.

Trong tiếng Ý Đức Thánh Cha đã chào các bạn trẻ đến từ Nagarole Rocca, Bagnolo, Pradello, và Pozzo ở Verona, và các tín hữu Novi tỉnh Modena cùng với Đức Giám Mục sở tại Đức Cha Francesco Cavina, và tất cả những người đang ở trong các vùng bị động đất.

Tưởng cũng nên nhắc rằng lúc 8 giờ sáng ngày 15 tháng 8-2012 Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ cho tín hữu trong nhà thờ giáo xứ Castel Gandolfo. Giảng trong thánh lễ ngài đã quảng diễn ý nghĩa trình thuật Đức Mẹ đi thăm bà Êlidabét, đem niềm vui cứu độ đến cho Gioan Tẩy Giả đang nằm trong bụng mẹ, và cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa đã làm cho Mẹ bao việc lạ lùng. Đức Thánh Cha nêu bật rằng ngay từ các thế kỷ đầu tín hữu đã tin rằng thân xác Đức Mẹ không phải hư nát, nhưng được đưa lên trời vinh hiển. Mẹ là Hòm Bia Thánh sống động nơi Con Thiên Chúa ngự trị. Mẹ đươc kết hiệp với Thiên Chúa một cách mật thiết hoàn toàn tới độ có con tim lớn lao đến nỗi toàn thụ tạo có thể bước vào trong đó. Các bảng tạ ơn trên toàn thế giới chứng minh cho điều này.

Tuy đã về trời nhưng Mẹ Maria luôn gần gũi và trợ giúp chúng ta. Trong Thiên Chúa có chỗ cho con người, và Mẹ Maria kết hiệp chặt chẽ với Thiên Chúa nên cũng có con tim bao la như con tim của Thiên Chúa. Mẹ cho chúng ta thấy nơi con người cũng có chỗ cho Thiên Chúa. Càng biết dành chỗ cho cho Thiên Chúa bao nhiêu, con người càng thực hiện được cuộc sống của mình và hạnh phúc bấy nhiêu. Càng xa rời Thiên Chúa bao nhiêu, thế giới này càng trở thành tồi tệ bấy nhiêu.

Linh Tiến Khải

Lên Trời với Mẹ

Lên Trời  với Mẹ

PM.  Cao Huy Hoàng

Chúa không muốn Mẹ Maria chịu cảnh hư nát trong mồ, vì Mẹ đã sinh hạ Con Cha yêu quí là Đấng ban sự sống cho mọi loài. Mẹ Maria được Chúa đưa về trời.

Mẹ Maria được Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác minh quyết rằng Mẹ Maria Vô Nhiễm Tội Truyền. Thân xác Mẹ đúng là thân xác của Evà mới, Evà của kỷ nguyên mới, của trời mới, đất mới, của bà Mẹ tinh tuyền, bà Mẹ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Thân xác Mẹ xứng đáng là thân xác Ái Nữ của Thiên Chúa Cha, thân xác Hiền Mẫu Ngôi Chúa Con, và mãi xứng đáng là cung ngà điện ngọc của Chúa Thánh Thần. Nơi Mẹ, Ba Ngôi Thiên Chúa cùng ngự trị.

Quả thật, ý định do lòng thương xót của Thiên Chúa Cha được thực hiện bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, và Ngôi Chúa Con đã nhập thể trong cung lòng Maria trinh nữ và ra đời làm người. Mẹ Maria đã cưu mang và sinh ra Đấng Cứu Thế cho nhân loại, và qua Chúa Giêsu Cứu Thế, con người được ơn phục hồi quyền làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Việc ấy, đồng nghĩa với việc Mẹ Maria cũng đã sinh ra cho Thiên Chúa muôn ngàn con cái mới của Thiên Chúa trong triều đại Con của Mẹ, trong đó có mỗi chúng ta.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng thân xác của người Mẹ đã thai con trong tội là Evà của chương trình sáng tạo ban đầu, người đã bằng lòng làm nô lệ cho ma quỷ, chịu sự khống chế của nó để cả loài người đều phải sống trong thân xác hay hư nát, trong đó cũng lại có mỗi chúng ta. Hơn thế nữa, tâm trí chúng ta cũng bị ảnh hưởng tồi tệ đến nỗi luôn nghiêng chiều về những thực tại hay hư nát mà quên rằng chúng ta đã được cứu thoát nhờ Con Thiên Chúa, qua Mẹ Maria, Mẹ của Người.

Vì vậy, để được thoát khỏi cảnh hư nát trong mồ và xác loài người chúng ta được sống lại trong Nước Thiên Chúa, hẳn chúng ta phải biết chiến thắng những dục vọng hư hèn và luôn sống trong ơn nghĩa tử của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Ki-tô bằng cách noi gương các nhân đức của Mẹ và nhờ ơn Mẹ cầu bầu.

Mẹ lên trời cho chúng ta hình ảnh tương lai một Giáo Hội Chúa Kitô viên mãn trong Nước Thiên Chúa.

Nơi Mẹ về, không phải là một địa chỉ không gian cụ thể hay mơ hồ theo trí tưởng tượng của mỗi chúng ta, nhưng là một sự đoàn viên hoàn hảo trong gia đình của Thiên Chúa. Nơi gia đình ấy, có sự sống vĩnh cửu, có tình yêu tinh tuyền và hạnh phúc bất diệt. Mẹ là thụ tạo đầu tiên của Thiên Chúa đưa về nơi ấy cả hồn lẫn xác để củng cố cho mỗi tín hữu về một địa chỉ thường hằng của Thiên Chúa mà cũng là địa chỉ của mỗi người tin Chúa Kitô, con Mẹ.

Tín điều xác loài người sẽ sống lại mà chịu phán xét, kẻ lành lên Thiên đàng, kẻ dữ xuống hỏa ngục… cho ta biết thân xác của chúng ta sẽ được sống lại để chịu phán xét; và có được sống lại đời đời trong Nước Thiên Chúa không là tùy vào việc lành việc dữ mà ta đã thực hiện trên đường lữ hành dương thế.

Mẹ Maria lên trời cả hồn lẫn xác là hình ảnh tương lai của những kẻ lành trong Hội Thánh Chúa. Cuộc sống con người chỉ được viên mãn thực sự khi được sống trong sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Cuộc sống ấy đã bắt đầu ngay ở trần gian nầy. Cuộc sống trần gian của Mẹ Maria trở nên mẫu gương của mỗi chúng ta để chúng ta có được cuộc sống Thiên Quốc.

Để được về trời cùng Mẹ

Chúa cho Mẹ về trời, đồng nghĩa với việc Chúa cho chúng ta một cơ hội suy gẫm và bắt chước các nhân đức của Mẹ, để chúng ta cũng được về trời như Mẹ.

Cũng là loài thụ tạo, Mẹ luôn gần gũi với thân phận loài người chúng ta. Và chúng ta có quyền tin tưởng Mẹ Maria luôn cảm thông với chúng ta và luôn là niềm an ủi, niềm hy vọng cho chúng ta trên cuộc lữ hành trần thế.

Noi gương sống của Mẹ và sống với Mẹ Maria, mỗi người nên tâm đắc một nhân đức của Mẹ. Và khi tâm đắc, hãy noi gương Mẹ sống với nhân đức ấy, ắt sẽ đạt được các nhân đức khác cách lạ lùng, nhất là những người nữ, những người đã chọn Mẹ Maria làm bổn mạng.

Có nhiều người đã tâm đắc lời “xin vâng” của Mẹ Maria và họ quyết tâm noi gương Đức Mẹ mà xây dựng đức khiêm nhường trong lòng. Và khi học được đức khiêm nhường của mẹ, họ cũng tỏa ngát hương thơm của đức khiết tịnh, rồi đức yêu người… Họ đang âm thầm làm việc với tư cách là Mẹ trong các gia đình công giáo. Tưởng là không đáng kể, nhưng thật ra, họ đang làm đảo lộn cả thế giới bằng chính cuộc sống xin vâng khiêm nhường và yêu người của họ, bắt đầu từ chính gia đình họ. Mẹ Maria cũng đang âm thầm giúp đỡ họ chu toàn vai trò của người sinh ra cho Thiên Chúa những con người và sinh ra cho Thiên Chúa những tín hữu đạo đức. Họ là những bà mẹ công giáo đạo đức theo khuôn mẫu của Mẹ Thánh Maria.

Tôi muốn đề cập đến chi tiết nầy, vì lễ Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời, có thể nói là lễ bổn mạng của hầu hết các chị em phụ nữ trên thế giới. Tuy nhiên, cũng không thiếu những người nam thành tâm chạy đến với Mẹ ở Tàpao, ở Lavang, Trà Kiệu… hay ít là với Mẹ ở ngay giáo xứ mình. Họ xin Mẹ điều gì, nếu trước tiên không phải là xin noi gương sống của Mẹ để đẹp lòng Mẹ trước, và Mẹ sẽ nghe lời họ khấn xin mà chuyển cầu lên Thiên Chúa. Nhiều người vẫn được Mẹ ban ơn cách này cách khác, nhưng qua các ơn đã được, thiết tưởng phải nghiệm cho ra một ơn trọng là ơn bắt chước các nhân đức của Mẹ mà về trời với Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, Chúa không muốn Mẹ chịu cảnh hư nát trong mồ, vì Mẹ đã sinh hạ Con Cha yêu quí là Đấng ban sự sống cho mọi loài. Vì thế Mẹ được Thiên Chúa đưa về trời, là khởi đầu, là hình ảnh của Hội Thánh viên mãn, là niềm an ủi và hy vọng tràn trề cho dân thánh trong cuộc lữ hành trần thế. Xin cho chúng con biết noi gương các nhân đức Mẹ mà sống với Chúa Giêsu con Mẹ, sống với Giáo Hội của Ngài, với niềm hy vọng sẽ được về trời hưởng tình yêu và hạnh phúc bất diệt trong Nước Thiên Chúa.

Đền tạ Trái Tim Đức Mẹ:Cầu nguyện cho tự do tôn giáo, nhân quyền

Đền tạ Trái Tim Đức Mẹ:Cầu nguyện cho tự do tôn giáo, nhân quyền

 

Quốc Hương/Viễn Đông

Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange hiệp thông với Giáo Hội Hoàn Vũ trong tháng Đức Mẹ Mân Côi Mừng Kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

  (Xin xem tiếp . . . Đền tạ Trái Tim Đức Mẹ – Cầu nguyện cho tự do tôn giáo, nhân quyền )

TÒA THÁNH CÔNG BỐ KẾT QUẢ CUỘC ĐIỀU TRA VỀ VỤ ĐÁNH CẮP TÀI LIỆU MẬT

TÒA THÁNH CÔNG BỐ KẾT QUẢ CUỘC ĐIỀU TRA VỀ VỤ ĐÁNH CẮP TÀI LIỆU MẬT

VATICAN: Ngày 13 tháng 8-2012 Tòa Thánh đã cho công bố kết quả cuộc điều tra và phán quyết về vụ đánh cắp tài liệu mật của Dinh Tông Tòa. Theo đó thủ phạm là ông Paolo Gabriele, nguyên quản gia của Đức Thánh Cha, và người đồng lõa là ông Claudio Sciarpeletti sẽ bị tòa án thành phố quốc gia Vatican xét xử.

Phán quyết trên đây đã do thẩm phán Piero Antonio Bonnet đưa ra theo lời yêu cầu cầu của ông Nicola Picardi có nhiệm vụ thăng tiến công lý trong quốc gia thành Vatican.

Trong cuộc họp lần đầu tiên giữa các cộng sự viên gần gũi Đức Thánh Cha nhất do Đức Ông Georg Ganswein chủ tọa, ông Paolo Gabriele đã chối tất cả mọi sự. Nhưng sau đó ông thú nhận là đã đánh cắp tài liệu mật của Đức Thánh Cha, và cung cấp chất liệu cho nhà báo Gianluigi Nuzzi để ông này in sách, mà không nhận tiền hay bất cứ ơn huệ nào. Ông Gabriele viện cớ là Đức Thánh Cha không được thông tin tức trung thực liên quan tới sự dữ và sự thối nát mà ông nhận thấy trong Giáo Hội, nên ông chắc chắn rằng một cú sốc truyền thông sẽ là điều lành mạnh đem Giáo Hội trở về đường ngay. Ông còn cho mình là được Chúa Thánh Thần ”linh hứng”.

Trong các lần lục soát căn hộ của ông, người ta không chỉ tìm thấy nhiều tài liệu mật, mà cả một ngân phiếu 100,000 mỹ kim do Đại Học công giáo Thánh Antonio thành Guadalupe dâng tặng Đức Giáo Hoàng, một hạt vàng tặng cho ngài, và một bản dịch tác phẩm Eneide do ông Annibal Caro phối trí và in tại Venezia năm 1581 cũng tặng Đức Thánh Cha.

Ông Garbiele đã được hai chuyên viên phân tâm thử nghiệm. Tuy đưa ra các nhận xét không thống nhất nhưng hai chuyên viên khẳng định rằng ông Garbiele có đầu óc rất tỉnh táo và biết việc ông làm. Ông Garbiele hiện bị quản thúc tại gia và chờ ngày ra tòa.

Người thứ hai dính líu trong vụ này là ông Claudio Sciarpelletti, 48 tuổi, nhân viên Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, bị bắt ngày 25 tháng 5-2012 nhưng sau đó được trả tự do tạm với một số điều kiện. Ông Claudio đã nhiều lần tiếp xúc với ông Gabriele, và trong hộc bàn lám việc của ông có một phong bì lớn chứa các tài liệu do nhà báo Nuzzi công bố. Ông sẽ bị xét xử về tội đồng lõa.

Trong cuộc họp báo ngày 13 tháng 8-2012 Linh Mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, khẳng định rằng Tòa Thánh muốn tất cả mọi chuyện được trong sáng, rõ ràng và tôn trọng vai trò, tính cách chuyên nghiệp và độc lập của Thẩm phán đoàn quốc gia thành Vaticăng. Đó cũng là ý muốn của Đức Thánh Cha. Việc công bố một tài liêu dài, chi tiết và rộng rãi, ngoại trừ tên một số nhân vật cần được bảo vệ, là một hành động can đảm và cho tới nay là ngoại thường trong các thói quen của Tòa Thánh Vatican. Đây mới chỉ là kết thúc phần thứ nhất của cuộc điều tra. Còn có các sự kiện và yếu tố cần phải được phân tích và đào sâu thêm nữa. Vì thế tiến trình có thể trở thành rộng rãi hơn liên quan tới cả các nhân vật khác, qua các lời thỉnh cầu quốc tế.

Tất cả các chuyện còn lại cần phải chờ trong tương lai gần, khi tòa án tái mở cửa vào tháng 9 này (SD 13-8-2012; RG 13.14-8-2012)

Linh Tiến Khải

 

Chuyến viếng thăm Libăng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Chuyến viếng thăm Libăng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Phỏng vấn Linh Mục Marwan Tabet, người tổng phối hợp chuyến viếng thăm Libăng ca Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Trong các ngày từ 14 đến 16 tháng 9 tới đây Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ viếng thăm Libăng để trao Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt cho vùng Trung Đông cho các Giám Mục toàn vùng.

Libăng rộng hơn 10,400 cây số vuông có 4 triệu dân, 60% theo Hồi giáo, hơn 35% theo Kitô giáo. Kể từ khi có cuộc nội chiến tại Siria láng giềng, nước Libăng đã tiếp đón gần 50,000 người tị nạn Syria.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị bài phỏng vấn Linh Mục Marwan Tabet, Tổng phối hợp viên chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha.

Hỏi: Thưa cha, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sắp viếng thăm Libăng, nhưng cũng có nghĩa là viếng thăm toàn vùng Trung Đông. Tình hình Libăng và trong vùng hiện nay ra sao?

Đáp: Mọi người đang chờ đợi Đức Thánh Cha, đặc biệt là giới trẻ. Họ bị cám dỗ rời quê hương, vì bị tước đoạt bởi mấy thập niên căng thẳng, chiến tranh và đôi khi cả bách hại nữa. Họ đang chờ đợi để xem Đức Thánh Cha sẽ nói với họ những gì, và quan trọng hơn nữa là quan điểm của người đối với tương lai của các Giáo Hội vùng Trung Đông, như đã được đề ra trong Tông huấn hậu thượng Hội Đồng Giám Mục cho vùng Trung Đông.

Truyền thống và sự khác biệt của các Giáo Hội Đông Phương, đặc biệt trong vùng Trung Đông, rất là gò bó và phức tạp. Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục vùng Trung Đông, một trong các hiệu quả nòng cốt được nhận ra đó là sự cần thiết của việc hiệp thông lớn hơn giữa các Giáo Hội công giáo hiện diện trong vùng cũng như của toàn cộng đoàn Kitô. Có một hậu qủa khác nữa đó là việc dấn thân đối thoại với các tôn giáo khác, trước hết là đối với các anh em Hồi và anh em Do thái, để nhấn mạnh và duy trì sức sinh động sự hiện diện của các Kitô hữu tại đây.

Giáo Hội tại Libăng rất khác biệt trong nghĩa nó thuộc Giáo Hội công giáo nhưng lại bao gồm bốn tên gọi là Marônít, Melkít, Công giáo Siri và công giáo Armeni. Và bốn hình thức này làm thành sự hiện diện rất quan trọng trong nguồn gốc, trên bình diện chính trị, xã hội và văn hóa.

Hỏi: Với sự khác biệt như vậy việc tìm ra sự hiệp nhất và phối hợp giữa các lễ nghi khác nhau chắc là khó biết bao, có phải thế không thưa cha?

Đáp: Sống trong môi trường của chúng tôi với các hậu quả của nó, như là các Giáo Hội công giáo, chúng tôi đã học biết phải cùng nhau phối hợp như thế nào, và biết ai đi trước, ai đi sau, khi nào và ra sao. Đồng thời tôi cũng phải nói là bình diện phối hợp với các Giáo Hội không công giáo cũng tiến triển trong nhiều giáo phận, nơi có sự sống chung giữa các cộng đoàn công giáo, chính thống và tin lành. Họ đã học sống chung với nhau, cả khi nhiều cộng đoàn này chưa ngồi lại với nhau được trên bình diện quốc tế.

Hỏi: Thật thế, vì kêu gọi hiệp thông đã là một trong các đ tài được thảo luận trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về các Giáo Hội trong vùng Trung Đông. Chuyến viếng thăm mục vụ tại Libăng vào tháng 9 tới đây có giúp kích thích cng đoàn Kitô không? Và các Giáo Hi đã làm việc với nhau như thế nào để chuẩn bị tiếp đón Đức Thánh Cha?

Đáp: Giáo Hội công giáo đã thành lập một ủy ban gồm đại diện của mọi Giáo Hội khác để hoạch định chương trình. Chuyến viếng thăm đã được tổ chức chung với các nhân viên của Tòa Thánh Vaticăng, để Đức Thánh Cha có thể viếng thăm Tòa thượng Phụ của bốn lễ nghi. Tại mỗi Tòa Thượng Phụ đều có thánh lễ và các biến cố sẽ diễn ra trong thủ đô Beirut, tại quảng trường lớn nhất trong trung tâm thành phố. Việc phân chia các sinh hoạt tại bốn tòa Thượng Phụ cho thấy sự phối hợp là điều có thật và ở trên mức độ cao. Đồng thời Đức Thánh Cha cũng gặp gỡ các giới chức của các Giáo Hội không công giáo cũng như hội kiến với các vị lãnh đạo Hồi giáo. Mọi người tại Libăng đều đang sẵn sàng tiếp đón Đức Thánh Cha và chờ đợi để lắng nghe ngài nói với họ ngài cảm thấy thế nào. Chúng tôi có thể nói tất cả Kitô hữu trong vùng không nghĩ rằng họ là công giáo hay chính thống hay tin lành, nhưng họ đều cảm thấy ở chung với nhau trong một thuyền và có cùng các ưu tư như nhau. Kitô giáo có sống còn trong vùng đất này của thế giới hay không? Các Kitô hữu có thực sự ở lại đây hay không? Họ có thực sự được coi là phần của chất liệu vùng này hay không? Có các lực lượng hay các nhóm quốc tế đang thực sự hoạt động để đuổi các tín hữu Kitô ra khỏi đây hay giảm thiểu họ và biến họ trở thành một sự hiện diện không tên.

Đức Thánh Cha đến viếng thăm Libăng là để nói với các Kitô hữu vùng Trung Đông rằng Giáo Hội Roma ở với họ, Tòa Thánh ở với họ và đang làm việc với các lực lượng quốc tế để cho biết rằng Trung Đông không có Kitô hữu thì sẽ không phải là Đông phương nữa. Đồng thời là làm việc với các anh em Hồi để nói với họ rằng phần đóng góp của các Kitô hữu không gây thiệt hại gì cho niềm tin của Hồi giáo.

Hỏi: Chúng ta không thể không biết đến sự kiện các căng thng gia tăng trong vùng, cách riêng trong bối cảnh của Siria, cũng ảnh hưng đối với các cộng đoàn Kitô ti đây…

Đáp: Tôi tin tưởng rằng trên bình diện của Giáo Hội bên Tây Phương và hàng lãnh đạo của nó, họ đang làm những gì có thể, vì họ biết rất rõ và được thông tin tức rất tường tận về tình hình của các tín hữu Kitô trong vùng Trung Đông. Vấn đề chỉ bị quên đối với các chính trị gia. Mặc dù Tây Phương có đa số dân theo Kitô giáo, nhưng các nhà chính trị bận rộn với các vấn đề nội bộ kinh tế của họ. Trước hết tôi xin kêu gọi Kitô hữu Tây phương và dân chúng Tây âu cố gắng hiểu tình hình bên Trung Đông. Giới chính trị bên Trung Đông không hoạt động như trong kiểu của thế giới Tây phương. Các phạm trù như dân chủ, khoan nhượng, chấp nhận tha nhân, tự do ngôn luận, nhân quyền không được áp dụng trong cùng một cách thức. Vì thế cho nên hiểu tôn giáo ảnh hưởng trên các giá tri này như thế nào và các giá trị này mang hiệu quả tôn giáo thế nào là điều quan trọng.

Hỏi: Thưa cha, cha có nghĩ rằng ý thức yếu kém về đức tin của thế giới Tây Phương cũng góp phần vào sự kiện này hay không?

Đáp: Vâng, chắc chắn là có rồi.

Hỏi: Chẳng bao lâu nữa là tới ngày Đc Thành Cha sang thăm Libăng. Việc chuẩn bị đã tới đâu rồi, và bầu khí tại Libăng ra sao?

Đáp: 80% chuyến viếng thăm đã được chuẩn bị xong. Chương trình đã sẵn sàng, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm những đâu và có các biến cố gì. Tiến sĩ Gasbarri Alberto người chuyên phối hợp các chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha và Đức Ông Guido Marini, trưởng ban nghi lễ phụng vụ của Đức Thánh Cha cũng đã đến viếng thăm chúng tôi để sắp xếp chương trình …

Hỏi: Vậy làm thế nào để hòa hợp các lễ nghi khác nhau của các Giáo Hội Đông phương trong các buổi cử hành phụng vụ thưa cha?

Đáp: Mọi sự sẽ được thực hiện một cách toàn vẹn. Thánh lễ tại Beirut sẽ được cử hành với sự tham dự của 7 ca đoàn, mỗi ca đoàn sẽ hát thánh ca theo lễ nghi riêng của mình. Và tất cả mọi ca đoàn sẽ cùng hát với ca đoàn ấy. Có một ca đoàn bao gồm các ca viên Maronít, Melkít, Armeni và Siri, tất cả khoảng 300 người. Sách lễ được dùng là sách lễ Maronít, hát theo lễ nghi Bisantin, và điệp ca Alleluia sẽ được hát trong tiếng Armeni vv… Chúng tôi để cho Đức Ông Marini sắp xếp tất cả các chuyện này và mọi chuyện đã được chuẩn bị một cách toàn vẹn kể cả việc in ấn.

Hỏi: Thưa cha như vậy là phụng vụ sẽ phản ánh bức khảm đá mầu các truyền thống cổ xưa nhất trong Giáo Hội, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Nhưng thánh lễ sẽ được cử hành theo lễ nghi Latinh. Còn mọi chuyện khác quả thật là một bức khảm đá mầu của lễ nghi đông phương. Lễ nghi sẽ rất đẹp. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho buổi gặp gỡ của giới trẻ. Sẽ có khoảng 20.000 bạn trẻ tham dự buổi gặp gỡ với Đức Thánh Cha tại tòa Thượng Phụ Maronít ở Bkerké. Chúng tôi đã quyết định không mời giới chức chính trị nào cả. Và người trẻ sẽ được đối thoại trực tiếp với Đức Thánh Cha. Đây sẽ là biến cố rất hứng khởi cho giới trẻ. Chúng tôi cũng phát động 15 ngày cầu nguyện trong toàn vùng Trung Đông. Các lời nguyện sẽ được đọc trong tất cả mọi nhà thờ của Libăng và toàn vùng Trung Đông. Thế rồi 9 ngày trước khi Đức Thánh Cha tới Libăng, chúng tôi sẽ làm tuần cửu nhật và lần hạt Mân Côi năm sự Vui trong mọi giáo xứ toàn vùng Trung Đông; và mọi gia đình đều đồt nến trong nhà trong suốt tuần cửu nhật. Nó biểu tượng cho ánh sáng chiếu soi toàn vùng Trung Đông.

(SD 19-7-2012)

Linh Tiến Khải  (Vietvatican)

CARITAS IRAN VÀ CARITAS QUỐC TẾ CỨU TRỢ CÁC NẠN NHÂN ĐỘNG ĐẤT

CARITAS IRAN VÀ CARITAS QUỐC TẾ CỨU TRỢ CÁC NẠN NHÂN ĐỘNG ĐẤT

TEHERAN: Cùng với sự trợ giúp của nhiều Caritas khác, Caritas Iran đang nỗ lực cứu trợ các nạn nhận động đất và gia đình họ, bằng cách gửi các phẩm vật cấp thiết nhất.

Trận động đất xảy ra ngày 11 tháng 8 vừa qua đã phá hủy 80% nhà cửa của các làng Ardebil, Meskhinshahr, Ahar, Varzeghan, khiến cho hàng trăm người chết và bị thương và vài ngàn gia đình không còn nhà ở. Tuy vùng động đất cách thủ đô Teheran 600 cây số, Caritas Iran đã lập tức tiếp xủc với các giới chức chính quyền địa phương để gửi các phẩm vật cứu trợ cấp thiết nhất như lương thực, chăn mền, thuốc men và các dụng cụ cần thiết cho cuộc sống thường ngày.

Chính quyền đã huy động các máy bay trực thăng và hàng chục xe cứu thương tới vùng động đất. Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng ngày 12 tháng 8-2012 ông Paolo Beccegato, đặc trách Caritas quốc tế, cho biết tình hình xem ra rất nghiêm trọng vì Tabriz lá một thành phố lớn đông đân, nên chắc chắn cần phải thiết lập nhiều trại tị nạn. Có 110 làng chung quanh bị thiệt hại, vài làng bị tàn phá bình địa vì nhà cửa xây cất đơn sơ. Số phụ nữ và trẻ em bị chết và bị thương rất nhiều. Tình hình càng nguy hiểm hơn vì đất tiếp tục rung và công tác cứu trợ sẽ phải kéo dài, nhất là khi mùa đông đến. Vì phải thường xuyên can thiệp, nên Caritas Iran đã có nhiều kinh nghiệm trợ giúp. Hồi năm 2003 trận động đất tại Bam đã khiến cho 30.000 người chết và hàng chục ngàn người phải tị nạn. Từ đó đến nay Caritas vẫn tiếp tục trợ giúp dân chúng và đã tái thiết 4 trường học tại Bam (RG 12-8-2012; SD 13-8-2012)

Linh Tiến Khải

HƠN 100 TỔ CHỨC KITÔ TÂY BAN NHA VÀ QUỐC TẾ BIỂU TÌNH CHỐNG PHÁ THAI

HƠN 100 TỔ CHỨC KITÔ TÂY BAN NHA VÀ QUỐC TẾ BIỂU TÌNH CHỐNG PHÁ THAI

MADRID: Vào ngày 7 tháng 10 tới đây hơn 100 tổ chức Tây Ban Nha và quốc tế sẽ tham dự ngày tuần hành quốc tế tại thủ đô Madrid và 60 thành phố Tây Ban Nha để yêu cầu chính quyền hủy bỏ luật phá thai và thay thế vào đó bằng luật ”phá thai Zero”.

Cuộc tuần hành có đề tài là ”Cho quyền sống, phá thai Zero” và sẽ trùng hợp với Ngày quốc tế chống án tử hình. Các phái đoàn quốc tế sẽ cùng tuần hành song song với các tổ chức bảo vệ sự sống khác trong 60 thành phố toàn nước Tây Ban Nha. Ông Gádor Joya, chủ tịch tổ chức ”Quyền sống” cho biết các phái đoàn bảo vệ sự sống đến từ các nước Âu châu, Hoa Kỳ, Châu Mỹ Latinh, Nga và Australia. Mọi phong trào đều xác tín rằng việc hủy bỏ luật phá thai là điều nòng cốt đối với quyền sống của con người là quyền đại đồng phải được tôn trọng trong tất cả mọi xã hội. Song song với việc đòi Quốc hội hủy bỏ luật phá thai tổ chức ”Quyền sống” Tây Ban Nha sẽ đệ trình danh sách 1 triệu chữ ký ủng hộ luật ”Phá thai Zero” như là luật mới bảo vệ quyền sống, thừa nhận và ủng hộ chức làm mẹ của nữ giới (ACI 10-8-2012)

Linh Tiến Khải

SỰ RỘNG MỞ CHO VẺ ĐẸP CỦA THIÊN CHÚA TRỞ THÀNH TÌNH YÊU ĐỐI VỚI THA NHÂN

SỰ RỘNG MỞ CHO VẺ ĐẸP CỦA THIÊN CHÚA TRỞ THÀNH TÌNH YÊU ĐỐI VỚI THA NHÂN

CASTEL GANDOLFO: Chiều ngày 11 tháng 8-2012 nhân kỷ niệm 90 năm hoạt động, Caritas giáo phận Regensburg đã tổ chức một buổi hòa nhạc trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo.

Ngỏ lời cám ơn ban nhạc Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khẳng định rằng việc rộng mở cho vẻ đẹp của Thiên Chúa giúp chúng ta rộng mở cho tình yêu đối với tha nhân. Đó đã là thái độ sống của thánh nữ Clara, là người đã nhận được ánh sáng của Thiên Chúa và đem nó vào trong thế giới. Đó cũng là thái độ của các nhạc sĩ dấn thân cho sự thiện và việc trợ giúp các người thiếu thốn, khởi hành từ kinh nghiệm về vẻ đep của âm nhạc dẫn đưa người nhạc sĩ tới với Sự Thiện là Thiên Chúa. Qua họ Thiên Chúa chảy vào thế giới, và giống như thánh nữ Clara, con người trở thành trong sáng phản ánh sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa.

Buổi hòa nhạc do Caritas Regensburg tổ chức có tựa đề ”Vinh danh Thiên Chúa và vì niềm vui của con người”. Các bản nhạc của Monteversi, Homilius Pachelbel và Beethoven đã do nhạc sĩ đại vĩ cầm Thomas Beckman trình tấu với sự phụ họa phong cầm của phu nhân là bà Hayoko Matsushita, và danh ca Yuko Kasahara cùng với ca đoàn Cantico Regensburg do bà Edeltraud Aple điều khiển. Nhạc sĩ Beckmann cũng là người sáng lập tổ chức trợ giúp các người vô gia cư.

Trong lời cám ơn Đức Thánh Cha nói các nhạc sĩ và ca đoàn đã cống hiến cho mọi người một liên khúc gồm các bài ca và bài nhạc diễn tả môi trường thiêng liêng, trong nội tâm con người rộng mở cho tất cả những gì là chân thiện mỹ. Và người ta hiểu tại sao nhạc lại thường đệm cho lời cầu nguyện làm vang lên các ý nghĩa và cảm xúc trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Rộng mở cho vẻ đẹp đến từ Đấng Tạo Hóa chiến thắng sự lạnh lẽo trong chúng ta và rộng mở con tim của chúng ta (RG 12-8-2012)

Linh Tiến Khải

TÒA THÁNH VÀ CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ HÃNH DIỆN VỀ CÁC ĐÓNG GÓP CỦA CÁC DÒNG NỮ HOA KỲ

TÒA THÁNH VÀ CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ HÃNH DIỆN VỀ CÁC ĐÓNG GÓP CỦA CÁC DÒNG NỮ HOA KỲ

SEATTLE: Tòa Thánh và các Giám Mục Mỹ rất hãnh diện về phần đóng góp lịch sử và liên tục của các nữ tu Hoa Kỳ qua các dấn thân xã hội, mục vụ, tinh thần, trợ giúp y tế và giáo dục công giáo, cũng như đến với người nghèo trong nhiều lãnh vực khác.

Đức Cha Peter Sartain, Tổng Giám Mục Seattle, đại điện Bộ Giáo Lý Đức Tin đối thoại với Liên hiệp các dòng nữ Hoa Kỳ, đã khẳng định như trên, sau khi Liên hiệp kết thúc đại hội thường niên tại Saint Louis hôm 11 tháng 8-2012.

Đức Cha Sartain nhấn mạnh rằng các nữ tu Hoa Kỳ đem lại các ơn duy nhất cho các dòng của mình nói riêng và cho Giáo Hội nói chung. Sự duy nhất ấy cũng bao gồm sự nhạy cảm đối với nỗi khổ đau và nghèo túng bên Châu Mỹ Latinh và trong các thành phố của Hoa Kỳ. Các nữ tu đã đem lại sự đóng góp lâu dài cho thiện ích của đất nước chúng ta và còn tiếp tục làm điều ấy ngày nay. Vì thế các chị đáng được chúng ta qúy trọng, ủng hộ, cám ơn và nhớ tới trong lời cầu nguyện. Đức Cha Sartain cam đoan sẽ làm việc với các nữ tu để giải quyết các vấn đề đã được bộ Giáo Lý Đức Tin nêu lên, trong bầu khí cầu nguyện và đối thoại tôn trọng. Cần phải làm việc với nhau để giải tỏa mọi hiểu lầm, mà không gây thiệt hại cho giáo huấn của Giáo Hội và vai trò quan trọng của Liên hiệp các dòng nữ Hoa Kỳ. Đức Cha nóng lòng chờ đợi tiếp tục các cuộc thảo luận để cộng tác thăng tiến đời thánh hiến tại Hoa Kỳ.

Trong thông cáo công bố sau đại hội triệu tập tại Saint Louis, đại biểu các dòng nữ cho biết đã thảo luận nhiều vấn đề trong đó có việc lượng định bản tường trình do Bộ Giáo Lý Đức Tin soạn. Ngoài ra các nữ tu cũng thảo luận về làn sóng di cư vào Hoa Kỳ hợp pháp và bất hợp pháp, sự hiện diện của các công nhân nước ngoài, và vấn đề đoàn tụ gia đình họ. Các nữ tu cũng khẳng định cần tiếp tục cuộc đối thoại thẳng thắn và xây dựng với các vị đại diện Bộ Giáo Lý Đức Tin liên quan tới các vấn đề tế nhị loại luân lý đạo đức, nhất là với Đức Tổng Giám Mục Peter Sartain. Các đại biểu cũng nêu bật tầm quan trọng của các giá trị nẩy sinh từ Công Đồng Chung Vaticăng II liên quan tới các lãnh vực thần học, giáo hội học và các hình thức của đời thánh hiến.

Trong bài phát biểu kết thúc đại hội, nữ tu Pat Farrell, Chủ tịch Liên hiệp các dòng nữ Hoa Kỳ, đã đề nghị 6 điều giúp đương đầu với các thách đố của thế giới ngày nay: đó là chiêm niệm, khả năng có một tiếng nói ngôn sứ, liên đới với người di cư, sống cộng đoàn, không bạo lực, và khả năng sống niềm hy vọng tươi vui.

Trong đại hội các nữ tu cũng kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ cải tổ hoàn toàn vấn đề di cư, thông qua luật đoàn tụ gia đình. Ngoài ra đại hội cũng nhắc tới tệ nạn buôn người và sự cần thiết phải loại trừ tệ nạn này (RG 12-8-2012)

Linh Tiến Khải
 

LẦN ĐẦU TIÊN THÁNH LỄ TRÊN NÚI TABOR ĐƯỢC TRỰC TIẾP TRUYỀN HÌNH

LẦN ĐẦU TIÊN THÁNH LỄ TRÊN NÚI TABOR ĐƯỢC TRỰC TIẾP TRUYỀN HÌNH

TABOR: Ngày mùng 6-8-2012 lễ Chúa Hiển Dung, thánh lễ do cha Pierbattista Pizzaballa, Bề trên tỉnh dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa chủ sự, đã được vài đài truyền công giáo trình chiếu trực tiếp lần đầu tiên trong lịch sử.

Giảng trong thánh lễ linh mục Zaher Abboud nói: lên núi Tabor có nghĩa là biết nhìn mọi lo lắng và thánh giá trong cuộc sống thường ngày với đôi con mắt của Thiên Chúa. Trong thánh lễ mọi người đã cầu nguyện cho tình hình khó khăn bên Siria. Sau thánh lễ tín hữu đã đi rước kiệu xuống núi. Chiều hôm trước đã có buổi canh thức cầu nguyện có sự tham dự của nhiều tín hữu đang hành hương bên Thánh Địa (SD 8-8-2012)

Linh Tiến Khải

GIÁO HỘI NHẬT BẢN CỬ HÀNH MƯỜI NGÀY CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH

GIÁO HỘI NHẬT BẢN CỬ HÀNH MƯỜI NGÀY CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH

OSAKA: Trong sứ điệp gửi tín hữu và nhân dân toàn nước nhân tuần cầu nguyện cho hòa bình, các Giám Mục Nhật Bản khẳng định rằng hòa bình là yêu thương và tôn trọng sự sống con người.

Hằng năm Giáo Hội Nhật Bản cử hành tuần cầu nguyện cho hòa bình từ mùng 6 đến 15 tháng 8. Nó đã bắt nguồn từ chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Gioan Phaolô II hồi năm 1981. Trong địp này từ Hiroshima và Nagasaki Đức Gioan Phaolô II đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình trên thế giới.

Từ đó đến nay hằng năm trong mười ngày tín hữu Nhật Bản cử hành tuần cầu nguyện cho hòa bình, tưởng niệm các nạn nhân chết vì bom nguyên tử tại hai thành phố Hiroshima và Nagasaki và ngày kết thúc đệ nhị thế chiến.

Sứ điệp mang chữ ký của Đức Cha Leo Ikenaga, Tổng Giám Mục Osaka, kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản, có đoạn viết: ”Con đường hòa bình không là gì khác hơn là con đường yêu thương và tôn trọng sự sống. Trận động đất lớn ngày 11 tháng 3-2011 và tai ương nguyên tử sau đó đã tàn phá đất nước. Tôi hy vọng rằng việc tái thiết các vùng bị nạn sớm được thực hiện. Sau tai ương xảy ra tại Fukushima, như là các Giám Mục, chúng tôi đã yêu cầu lập tức hủy bỏ các chương trình năng lượng hạt nhân. Các hậu qủa liên quan tới plutonium không hoạt động và lò nguyên tử bị nổ vẫn chưa được giải quyết, thế mà chính quyền lại đã quyết định tái khởi động trung tâm hạt nhân Oi. Chúng tôi tin rằng đây là một sai lầm lớn. Tuy nhiên, con đường dẫn đến hòa bình khác xa với các điều này. Một cách chính xác nó là con đường yêu thương và tôn trọng sự sống. Vì thế chúng ta cố gắng tái kêu gọi hủy bỏ các chương trình hạt nhận ngay tức khắc, và tạo dựng một xã hội, trong đó con người che chở sự sống và tìm kiếm hòa bình” (ASIANEWS 8-8-2010)

Linh Tiến Khải

HỘI ĐỒNG ĐẠI KẾT CÁC GIÁO HỘI KITÔ MYANMAR KÊU GỌI HÒA GIẢI VÀ HÒA BÌNH

HỘI ĐỒNG ĐẠI KẾT CÁC GIÁO HỘI KITÔ MYANMAR KÊU GỌI HÒA GIẢI VÀ HÒA BÌNH

YANGOON: Trong đại hội triệu tập tại thủ đô Yangoon ngày 9-8-2012 Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô Myanmar đã mạnh mẽ kêu gọi hòa giải và hòa bình trong nước.


Đại hội có đề tài là ”Hòa bình, an ninh và hòa giải tại Myanmar” và được bảo trợ bởi Ủy ban ngoại vụ của Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, Hiệp Hội Kitô Á châu và Hội đồng các giáo hội Myanmar. Tham dự đại hội có giới lãnh đạo các tôn giáo Myanmar và bà San Suu Kyi, giải Nobel Hòa Bình 1991.


Ngỏ lời trong đại hội bà San Suu Kyi khẳng định rằng việc chấp nhận sâu thẳm tha nhân và ý chí rộng mở cho sự hiệp nhất trong đa dạng để bảo vệ các giá trị của hòa giải, hòa bình và an ninh trong mỗi xã hội và cộng đoàn, là điều không thể thiếu. Cần phải vượt qua các ranh giới của thù hận và ghen tương. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể nghĩ tới hòa giải và hòa bình. Một khi đạt được hòa giải thì sẽ có hòa bình và an ninh sẽ được bảo đảm. Một xã hội không đạt được hòa giải sẽ không có hòa bình.


Trong đại hội các tham dự viên đã nhấn mạnh nhiều lần sự cần thiết phải phát triển các chiến thuật mới để xây dựng hòa bình tại Myanmar bằng cách tránh các thù hận và báo oán. Bà San Suu Kyi nói để có một xã hội công bằng hơn cần phải loại trừ hận thù và báo oán. Hận thù là cảm xúc nguy hiểm nhất của con người. Những người không tin tưởng nơi chính mình. thì tìm khuyết điểm nơi ngươi khác và sống thù hận. Nhưng như thế là họ tàn phá hòa bình và hòa hợp trong cộng đoàn và trong quốc gia. Vì vậy chúng ta phải vượt các ranh giới của thù ghét và ghen tương (Os. Rom SD 9-8-2012)


Linh Tiến Khải

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC PHILIPPINES TRỢ GIÚP CÁC NẠN NHÂN BÃO LỤT

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC PHILIPPINES TRỢ GIÚP CÁC NẠN NHÂN BÃO LỤT

MANILA: Qua Ủy ban Công Lý Hòa Bình và phát triển xã hội các Giám Mục Philippines đã đóng góp 850.000 pesos, tương đương với 16.000 Euro, để cứu trợ các nạn nhân bão lụt ”Gener” ập trên thủ đô Manila và nhiều vùng khác hồi cuối tháng 7 vừa qua.


Trận bão lụt đã khiến cho hàng chục người bị chết, nhiều người mất tích và hàng ngàn người phải bỏ nhà cửa lánh nạn. Linh Mục Edu Gatinguez, thư ký ủy ban Công Lý và Hòa Bình, cho biết 250.000 pesos được gửi tới cho tổng giáo phận San Fernando, 100.000 cho giáo phận Antipolo, 150.000 cho giáo phận Iba, 100.000 cho giáo phận Alaminos và 100.000 cho giáo phận San Pablo. Số tiền này được trích từ qũy quyên góp Mùa Chay hằng năm, do Caritas địa phương phát động. Nhưng cần có thêm nhiều ngân khoản khác nữa, vì thế Đức Cha Broderick Pabillo, Chủ tịch Ủy ban Công Lý Hòa Bình và phát triển xã hội, đã kêu gọi các Giám Mục toàn nước trợ giúp thêm, bởi vì trận bão Gener chỉ là trận bão thứ bẩy trong số hai mươi trận bão, mà các chuyên viên khí quyển cho biết sẽ đổ ập trên Philipines (SD 10-8-2012)


Linh Tiến Khải

ĐỨC GIÁM MỤC VÀ 130 LINH MỤC ZAMBIA YÊU CẦU CHÍNH QUYỀN THU HỒI LỆNH TRỤC XUẤT LINH MỤC VIATEUR, NGƯỜI RWANDA

ĐỨC GIÁM MỤC VÀ 130 LINH MỤC ZAMBIA YÊU CẦU CHÍNH QUYỀN THU HỒI LỆNH TRỤC XUẤT LINH MỤC VIATEUR, NGƯỜI RWANDA

LUSAKA: Đức Cha George Cosmas Zumaire Lungu, Giám Mục Chipata và 130 Linh Mục Zambia đã mạnh mẽ phản đối chính quyền nước này bắt giữ và trục xuất Linh Mục Viateur Banyangandora, gốc Rwanda, mà không có lý do chính đáng và không cho biết tin tức gì của cha.

Trong một thư mục vụ gửi giáo dân được đọc trong toàn giáo phận Chipata Chúa Nhật 12 tháng 8-2012, Đức Cha Lungu gọi việc bắt cha Viateur ngày 30 tháng 7 vừa qua là một vụ bắt cóc. Đức Cha cho biết cha Viateur đã gọi điện thoại báo cho Đức Cha biết ngài bị cảnh sát bắt nhưng không biết vì tội gì. Đức Cha đã đến và chỉ có thể gặp cha trong chốc lát. Sau đó cha Viateur đã bị dẫn về Lusaka mà không được liên lạc với ai. Trong khi đó Đức Cha Lungu đã tìm mọi cách để có tin tức của cha mà không được. Chỉ vào ngày mùng 2-8-2012 Đức Cha mới nghe tin cha Viateur bị trục xuất về Rwanda.

Cha Viateur đã là một thanh niên ti nạn Rwanda, nhưng được chịu chức linh mục trong giáo phận Chipata năm 2004 và là người rất tốt lành. Theo Đức Cha Lungu, cha Viateur đã bị nhà nước Zambia trục xuất chỉ vì trong một bài giảng thánh lễ Chúa Nhật trước đó cha đã than phiền về giá bông gòn qúa thấp khiến cho cuộc sống của người dân thêm khốn khổ, nhưng đã không hề chỉ trích chính quyền.

Trong một thông cáo công bố sau đại hội linh mục toàn quốc kết thúc hôm mùng 9 tháng 8-2012 130 linh mục giáo phận đã yêu cầu chính quyền Zambia thu hồi lệnh trục xuất cha Viateur.

Thông cáo có đoạn viết: ”Nhiều người trong chúng tôi đã học, sống, và làm việc chung với cha Viateur. Cha là một linh mục rất tốt lành, trọn vẹn và là con người của hòa binh”. Các Linh Mục đã không hài lòng về các lời giải thích mơ hồ của chính quyền Zambia. Vì thế các vị xin chính quyền Lusaka giải thích một cách rõ ràng các lý do trục xuất. Ngoài ra các vị cũng yêu cầu chính quyền cộng tác với Giáo Hội và can đảm đương đầu với các vấn đề đích thật của đất nước gắn liền với cuộc sống của dân nghèo như giá bắp và bông gòn qúa thấp, khiến cho các nông dân không sống nổi.

130 linh mục cũng xin tín hữu giáo phận Chipata hòa hoãn bình tĩnh và cầu nguyện trong các ngày này trong khi chờ đợi cha Viateur có thể trở lại với họ (FIDES 7.9-8-2012)

Linh Tiến Khải

ĐẠI CHỦNG VIỆN THẦN HỌC THÁNH PHAOLÔ KHARTUM RỜI VỀ JUBA

ĐẠI CHỦNG VIỆN THẦN HỌC THÁNH PHAOLÔ KHARTUM RỜI VỀ JUBA

JUBA: Đức Cha Paolino Lukudu Loro, Tổng Giám Mục Juba Nam Sudan, cho biết Tòa Thánh đã cho phép rời đại chủng viện thần học Khartum về Munuki Juba thuộc nước Nam Sudan.


Đức Cha Lukudu đặc trách các đại chủng viện của Hội Đồng Giám Mục Bắc và Nam Sudan. Trong các tuần qua Đức Cha Lukudu Loro đã cùng với Đức Hồng Y Gabriel Zubeir Wako, Tổng Giám Mục Khartum, và Đức Cha Erkolano Lodu Tombe đã về Roma tiếp xúc với Tòa Thánh để thu xếp việc rời đại chủng viện thần học Khartum về Juba.


Đại chủng viện triết học tạm đóng cửa hai năm. Vì thế các Giám Mục phải lo liệu cho các chủng sinh của mình. Vào đầu năm nay Tòa Thánh đã cử Đức Cha Kihara Kariuki, Giám Mục Marsabit bên Kenya sang Sudan để theo dõi tình hình các đại chủng viện Juba và Khartum. Đại chủng viện thánh Phaolô trở lại chỗ cũ là Munuki trong giáo phận Juba. Đại chủng viện đã bị rời về Khartum trong thập niên 1980 vì cuộc nội chiến (FIDES 10-8-2012)

Linh Tiến Khải

Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống làm no thỏa cái đói tinh thần con người

Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống làm no thỏa cái đói tinh thần con người

Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống, là Lời của Thiên Chúa nhập thể làm người làm no thỏa cái đói khát của linh hồn con người một cách vĩnh viễn.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định với các tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tuc giải thích ý nghĩa diễn văn của Chúa Giêsu về bắnh hằnh sống như ghi trong chương 6 Phúc Âm thánh Gioan. Tuần trước ngài đã suy nghĩ về lời Chúa Giêsu mời gọi những người được Ngài cho ăn bánh no nê nỗ lực kiềm tìm lương thực tồn tại cho sự sống đời đời. Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu muốn giúp họ hiểu ý nghĩa sâu xa cảu phép lạ Người đã làm: khi thỏa mãn một cách lạ lùng cái đói thể lý của họ, Người chuẩn bị họ đón nhận lời loan báo Người là bánh từ trời xuống (x. Ga 6,41) thỏa mãn một cách vĩnh viễn. Cả dân Do thái trong lộ trình dài trong sa mạc cũng đã sống kinh nghiệm bánh từ trời xuống, là bánh manna dưỡng nuôi họ cho tơi khi vào đất hứa. Giờ đây Chúa Giêsu nói về chính Người như bánh từ trời xuống, có khả năng duy trì sự sống không phải chỉ trong một lúc hay một đoạn đường, mà luôn mãi. Người là lương thực ban sự sống vĩnh cửu, bởi vi Người lá Con Một Thiên Chúa, ở trong lòng Thiên Chúa Cha, đến để trao ban cho con người sự sống tràn đầy, để đưa con người vào trong chính sự sống của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Trong tư tưởng do thái, rõ ràng bánh thật từ trời nuôi sống Israel đã là Lề Luật, lời của Thiên Chúa. Dân Israel đã thừa nhận một cách rõ ràng rằng Torah là ơn nền tảng và lâu dài của ông Môshê; và yếu tố nền tảng phân biệt họ với các dân tộc khác là ở nơi việc thừa nhận ý muốn của Thiên Chúa, là con đường đúng đắn của sự sống. Giờ đây Chúa Giêsu tự biểu lộ ra như bánh từ trời, qua đó con người có thể làm cho ý muốn của Thiên Chúa trở thành lương thực của mình, lương thực định hướng và nâng đỡ cuộc sống.

Nghi ngờ thiên tính của Chúa Giêsu, như người Do thái của đoạn Phúc Âm hôm nay đã làm, có nghĩa là chống lại công trình của Thiên Chúa. Thật thế, người Do thái khẳng định rằng: đó là con ông Giuse! Chúng ta biết cha mẹ ông ấy (Ga 6,42). Họ không đi qúa các nguồn gốc trần gian ,và vì thế họ khước từ tiếp nhận Chúa Giêsu như Lời nhập thể của Thiên Chúa. Trong lời chú giải Phúc Âm thánh Gioan Thánh Agustino khẳng định như sau: ”Họ xa bánh của trời và không có khả năng cảm thấy đói bánh ấy. Họ đã có miệng của con tim đau yếu… Thật thế, bánh này đòi buộc cái đói của con người nội tâm” (Omelie su Vangelo di Giovanni, 26,1). Và Đức Thánh Cha đưa ra vấn nạn sau đây

Chúng ta phải tự hỏi xem chúng ta có thật sự cảm thấy cái đói này không, cái đói Lời Chúa, cái đói hiểu biết ý nghĩa thật của cuộc sống. Chỉ có ai được Thiên Chúa Cha lôi cuốn, chỉ có ai lắng nghe Người và để cho Người dậy dỗ, mới có thể tin nơi Chúa Giêsu, găp gỡ Người và nuôi dưỡng mình bởi Người, và như thế tìm ra sự sống thật, tìm ra con đường sự sống, công lý, sự thật và tình yêu. Thánh Agostino viết thêm: ”Chúa khẳng định Người là bánh từ trời xuống, bằng cách khích lệ chúng ta tin nơi Người. Thật ra, ăn bánh hằng sống có nghĩa là tin nơi Chúa. Ăn bánh hằng sống có nghĩa là tin nơi Chúa, và ai tin thì ăn. Trong một cách vô hình họ được no thỏa, cũng như trong một cách vô hình họ tái sinh vào một cuôc sống sâu xa hơn, đích thật hơn; họ tái sinh từ bên trong, trong nơi sâu thẳm của họ, và họ trở nên một con người mới (ibidem).

Khi khẩn cầu Đức Maria rất thánh, chúng ta hãy xin Mẹ hướng dẫn chúng ta tới gặp Chúa Giêsu, để cho tình bạn của chúng ta với Người ngày càng sâu đậm hơn. Chúng ta hãy xin Mẹ dẫn chúng ta vào trong sự hiệp thông tình yêu tràn đầy với Con Mẹ, bánh hằng sống từ trời xuống; như thế để chúng ta được Người canh tân trong nơi sâu thẳm của cuộc sống.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã bầy tỏ tình liên đới với các nạn nhân bão lụt trầm trọng tại Á châu, đặc biệt là hai nước Philippines và Cộng hòa nhân dân Trung quốc, cũng như dân chúng bị động đất trong vùng tây bắc nước Iran. Các biến cố này đã khiến cho nhiều người bị chết, bị thương và hàng ngàn người không nhà cửa, cũng như đã gây ra các thiệt hại rất lớn. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người như sau:

Tôi mời gọi anh chị em hiệp ý với tôi cầu nguyện cho những người đã mất mạng sống và cho tất cả những người bị thử thách bởi các tai ương như vậy. Ước chi các anh chi em này không thiếu tình liên đới và trợ giúp của chúng ta.

Chào các tín hữu bằng tiếng Pháp Đức Thánh Cha nói: Khi ăn với đức tin, bánh Thánh Thể biến đổi cuộc sống chúng ta và thúc đẩy chúng ta chia sẻ với các anh chị em đói bánh vật chất và tinh thần, và nhất là đói tình yêu thương và niềm hy vọng.

Bằng tiếng Anh ngài nhắc nhở tín hữu trong mùa hè này hãy cùng với toàn gia đình đáp lại lời Chúa Giêsu kêu mời, tích cực tham dự Hiến tế Thánh Thể và có các cử chỉ bác ái quảng đại vơi tha nhân.

Bằng tiếng Đức Đức Thánh Cha đặc biệt chào các bạn trẻ đang tham dự trại hè tại Ostia cách Roma 30 cậy số. Ngài khẳng định rằng chúng ta lớn lên, khi để cho mình được dẫn đưa bởi Thiên Chúa và tin nơi Chúa Giêsu Kitô con của Người là bánh hằng sống.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui an bình.

Linh Tiến Khải

BÁNH BỞI TRỜI

BÁNH BỞI TRỜI
 
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN NĂM B (12/08/2012)
[1 V 19,4-8; Ep 4,30 – 5,2; Ga 6,41-51]

Cuộc đời tiên tri Êlia là một cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường. Một mình người phải chiến đấu chống lại cả một dân tộc bỏ đạo do hoàng hậu Dêdaben cầm đầu. Người khiển trách dân chúng vì họ đã nghe theo hoàng hậu mà bỏ Chúa. Người thách thức 400 sư sãi của thần Baan trong một cuộc dâng của lễ cầu mưa. Người đã chiến thắng. Nhưng chính vì chiến thắng. Người bị hoàng hậu săn đuổi, phải chạy trốn vào sa mạc. Hôm nay, đói khát đến lả người, vị tiên tri dũng mãnh rồi cũng cảm thấy mệt mỏi rã rời. Người mất hết sức lực thể chất lẫn tinh thần. Chẳng thiết sống, người xin Chúa cất người ra khỏi thế gian phiền nhiễu đầy bất trắc. Người mất hết sức phấn đấu. Người chỉ muốn an nghỉ trong Chúa. Nhưng Chúa sai thiên thần đem bánh cho người. Ăn được bánh bởi trời, tiên tri mới đủ sức vượt qua sa mạc, sau cùng đi tới núi của Thiên Chúa.

Tương tự như thế, đời sống ta cũng là một chuyến đi về nhà Thiên Chúa. Để đến với Thiên Chúa, ta phải vượt qua sa mạc cuộc đời đầy chông gai cạm bẫy. Đường đi rất xa và rất khó khăn. Những chiến đấu có thể sẽ khiến ta mệt mỏi rã rời. Ta sẽ chẳng đủ sức đi trọn con đường nếu không được nâng đỡ, an ủi. Để giúp ta đủ sức chiến đấu và đi trọn con đường khó khăn thử thách tiến về nhà Cha. Thiên Chúa đầy tình yêu thương đã ban cho ta tấm bánh bởi trời. Tấm bánh bởi trời mà Chúa Cha ban cho ta chính là Đức Giêsu Kitô, người Con duy nhất của Người. Món quà của Chúa Cha ban được thực hiện dưới hai hình thức: Lời Chúa và Phép Thánh Thể.
 
Đức Giêsu Kitô là Lời Ban Sự Sốngcủa Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa là Lời Ban Sự Sống. Chính Đức Giêsu đã khẳng định điều này khi Người trả lời ma quỉ cám dỗ: “Người ta sống không nguyên bởi bánh. Nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Thật vậy, chính Lời Chúa làm cho sự sống xuất hiện. Nhờ Lời quyền năng của Thiên Chúa, vũ trụ được tạo thành. Lời Chúa là lẽ sống của Đức Giêsu, nên trọn đời Người luôn đi tìm thực hiện thánh ý Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy”. Xưa kia, Thiên Chúa nói qua trung gian các tổ phụ và các tiên tri. Nay, Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa trực tiếp nói với nhân loại. Lời Người ban sự sống cho Ladarô, cho con trai bà góa thành Naim. Lời Người tha thứ tội lỗi cho Mađalêna, cho người phụ nữ ngoại tình, cho Giakêu. Lời Người hoán cải người phụ nữ xứ Samaria. Người đưa tất cả những người tội lỗi trở về con đường sự sống. Lời Người đã giúp cho bao thế hệ tìm thấy lẽ sống. Lời Người ban cho họ một sự sống mới, tươi trẻ, phong phú, dồi dào hơn. Chính vì thế, thánh Phêrô đã lên tiếng tuyên xưng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai. Chỉ Thầy mới có những Lời ban sự sống đời đời”.
 
Ban Lời hằng sống chưa đủ với tình yêu thương của Người, Đức Giêsu còn ban cho ta chính bản thân Người trong bí tích Thánh Thể. Thật là một tình yêu sâu xa tha thiết. Khi nuôi dưỡng ta bằng chính thịt máu Người, Đức Giêsu không những muốn kết hiệp mật thiết với ta trong từng thớ thịt, từng dòng máu, mà Người còn muốn ban cho ta sự sống đời đời. Bí tích Thánh Thể là lương thực thần linh. Lương thực thần linh ban sự sống thần linh. Qua bí tích Thánh thể, sự sống thần linh dần dần thấm nhập bản thân ta. Đây là một tiến trình thần hóa chầm chậm. Ta trở nên một thân thể với Đức Giêsu. Ta sống cùng sự sống của Người, sự sống đời đời trong hạnh phúc của Thiên Chúa.

Thánh lễ chính là bữa tiệc trong đó Thiên Chúa dọn ra hai bàn tiệc. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai bàn tiệc cũng đều là chính Đức Giêsu. Trong thánh lễ, ta nghe lời Chúa dạy dỗ ta. Lời Chúa chỉ cho ta con đường ngay thẳng, con đường hạnh phúc, con đường đưa ta về với Chúa. Thánh Thể Chúa ban sức mạnh giúp ta đủ sức đương đầu với những khó khăn thử thách của cuộc đời.
 
Bởi thế, khi tham dự thánh lễ, ta cần lưu ý lắng nghe Lời Chúa. Chúa muốn nói riêng với từng người. Hãy lắng nghe để tìm ra điều Chúa muốn nhắn gửi. Hãy lắng nghe để tìm ra lẽ sống. Hãy lắng nghe để biết con đường phải đi. Lời Chúa là con đường đưa tới sự thật và sự sống.
 
Hãy rước lễ một cách kính cẩn sốt sắng. Phép Thánh Thể chính là một quà tặng của tình yêu Thiên Chúa. Hãy hưởng nếm sự ngọt ngào được kề cận Thiên Chúa. Hãy múc lấy nơi Thánh thể nguồn sức mạnh để thắng vượt những thử thách trong cuộc đời. Hãy để Thánh Thể uốn nắn, biến đổi ta để ta ngày càng nên giống Người hơn. Hãy nếm cảm hương vị thiên đàng ngay khi còn tại thế.
 
Lạy Chúa là Cha vô cùng yêu thương, con cảm tạ Cha đã ban cho con chính Con Một yêu quý của Cha làm bánh trường sinh nuôi dưỡng và đưa chúng con vào sự sống đời đời.

 

Ngô Quang Kiệt

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ( 06 đến 12 tháng 08-2012)

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ( 06 đến 12 tháng 08-2012)

Trích từ Xuân Bích Việt Nam

Vị hồng y với một bí mật.

Đám cưới theo chủ nghĩa nhân văn nay nhiều hơn đám cưới Công giáo ở Scotland.

Thông điệp của Đức Thánh Cha ủng hộ cuộc hội họp liên tôn ở Nhật Bản.

-Giáo phận Ý hành động chống lại vị giáo phẩm ly giáo

Đức Thánh Cha Biển-Đức tố cáo những đe doạ chưa từng có đối với tự do của Giáo Hội.

Vatican công bố lịch [ Năm Thánh Đức Tin] chính thức.

-Học thuyết xã hội của Giáo Hội đối với sự phát triển của cộng đồng Asean,

Vận động viên người Tây Ban Nha sẽ vào chủng viện sau Olympics 2012.

Đảng Cánh Tả phản ứng về lời cầu nguyện cho nước Pháp.

Vị TGM nói tờ báo đem Đạo Công Giáo ra làm trò cười.

ĐGM giáo phận Aleppo lo sợ cuộc di cư Kitô giáo.

Hội nghị LCWR bắt đầu. Đại diện Vatican được nói sự tham dự « sẽ không có ích ».

Nếu hôn nhân đồng tinh được hợp pháp hóa, tại sao [không hợp pháp hoá luôn] đa thê, loạn luân ?

Úc : Chó rước lễ tại Lễ của Inclusive Catholics (Tín hữu Công giáo vì sự canh tân).

Gia đình Công giáo ở Pakistan bị đe doạ giết chết.

PBS đưa tin về Giáo Xứ Giáo Hạt Tòng Nhân Anh Giáo ở Maryland.

Vatican từ chối đại sứ Bulgary, tác giả những bài viết có nội dung đồi trụy.

“Chỉ số Tín Ngưỡng Toàn Cầu”: Ghana có tín ngưỡng nhất;Trung Quốc vô thần nhất.

Tín hữu “hầm trú” Trung Quốc tổ chức trại hè giáo dục đạo.

Thủ lĩnh Hồi giáo Anh : Hồi giáo sẽ thống trị Mỹ.

Đức TGM Bangkok làm tân điều tiết viên các GM trong phong trào Focolari.

  (Xem chi tiết . . . .   TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO (06 đến 12 tháng 8-2012))

GIÁO PHẬN KILWA KASENGA BÊN CONGO TỐ CÁO NẠN KHAI THÁC GỖ BẤT HỢP PHÁP

GIÁO PHẬN KILWA KASENGA BÊN CONGO TỐ CÁO NẠN KHAI THÁC GỖ BẤT HỢP PHÁP

KINSHASA: Giáo phận Kilwa Kasenga nước Cộng hòa dân chủ Congo đã mạnh mẽ tố cáo nạn khai thác gỗ bất hợp pháp, gây thiệt hại cho cuộc sống của người dân và cho tài nguyên của đất nước.

Trong thông cáo công bố ngày 4 tháng 8-2012 giới chức giáo phận công giáo cho biết gỗ trong vùng Kasomeno, cách Lubumbashi 140 cây số về mạn bắc, đang bị khai thác một cách vô trât tự. Mỗi ngày đều có ít nhất 4 chiếc xe vận tải chở đầy gỗ qúy, nhất là loại ”umukula” qúy hiếm bán cho Trung Quốc, qua ngã Dar es Salam của Tanzania. Có những vùng rừng mất cây hiện nay trống trơn, đe dọa môi sinh của dân chúng địa phương. Nhóm người Trung Quốc khai thác gỗ bất hợp pháp này được sự yểm trợ của vòng bà con thân thuộc của tổng thống. Giới chức giáo phận Kilwa Kasenga yêu cầu các cơ quan kiểm lâm gửi nhân viên tới để chặn đứng nạn cướp bóc tài nguyên quốc gia này.

Từ nhiều năm qua Trung Quốc đã mua 9 triệu mẫu đất của Cộng hòa dân chủ Congo để trồng ngũ cốc, với giá rẻ mạt 1.000 mỹ kim một mẫu. Cùng với việc mua đất đai và xây dựng hệ thống thương mại và mua quặng mỏ của các nước Phi châu, Trung Quốc còn đưa người sang các nước Phi châu, để giải quyết nạn khan hiếm phụ nữ trong nước (FIDES 4-8-2012)

Linh Tiến Khải

TUẦN HÒA BÌNH BÊN COLOMBIA

TUẦN HÒA BÌNH BÊN COLOMBIA

BOGOTÀ: Hôm 9 tháng 8-2012 Giáo Hội Colombia phát động tuần hòa bình nhằm mục đích thăng tiến dấn thân tạo dựng hòa bình để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến đã kéo dài nhiều thập niên qua.

Tuần hòa bình có đề tài là “Chúng ta hãy đồng ý hòa bình và xây dựng các tương quan” và sẽ kéo dài cho tới ngày 16 tháng 8-2012.

Chương trình của tuần hòa bình được văn phòng mục vụ xã hội quốc gia và Mạng lưới sáng kiến hòa bình toàn quốc giới thiệu với giới báo chí. Bên cạnh mục đích xậy dựng hòa bình toàn diện, còn có việc bồi thường cho các nạn nhân. Chính vì thế văn phòng mục vụ xã hội đã thêm khẩu hiệu ”Sửa chữa và đền bù cho các nạn nhân, một lộ trình cho nền hòa bình lâu dài”.

Tuần hòa bình là một trong nhiều sáng kiến Giáo Hội Colombia đã phát động trong hơn thập niên qua, nhằm hòa giải mọi thành phần quốc gia bị xâu xé vì cuộc nội chiến và các bạo lực do các tổ chưc buốn bán ma túy và tội phạm cũng như các phiến quân và quân đội đã gây ra cho người dân Colombia. Tuần hòa bình đã được phát động lần đầu tiên hồi năm 1994 và trong các năm qua đã trở thành nơi gặp gỡ của nhiều tổ chức, phong trào và hiệp hội dân sự và tôn giáo nhằm thăng tiến hòa giải, đối thoại và công bằng xã hội. Năm nay cũng có hàng chục đại học, các tổ chức, các trung tâm văn hóa và các cơ cấu xã hội tham dự (SD 6-8-2012)

Linh Tiến Khải