Nhận diện Đức Kitô

Nhận diện Đức Kitô

Đức Kitô là ai? Đó là câu hỏi sẽ còn làm nhiều người thuộc nhiều thế hệ băn khoăn thắc mắc. Có rất ít người, kể cả những môn đệ thân tín, dù đã quyết tâm theo Người, thực sự hiểu Người cho đúng.

“Mesiah” trong tiếng Do thái và “Kitô” trong tiếng Hi lạp có nghĩa là Đấng Được Xức Dầu. Là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Là Đấng dân Do Thái mong đợi. Nhưng Đấng Kitô thực sự như thế nào, sẽ sống như thế nào và sẽ làm gì thì vẫn còn trong vòng mơ hồ. Tuy nhiên đa số người Do Thái ước mơ Đấng Kitô đến để khởi đầu một thời kỳ mới, đưa nước Do Thái lên vị trí bá chủ thế giới. Người sẽ trở thành vị Chúa Tể thống trị khắp địa cầu.

Chính vì thế, hôm nay Chúa Giêsu muốn các môn đệ hiểu Người cho đúng. Thọat tiên Chúa hỏi các ông về luồng dư luận. Nhất là sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Quả nhiên mọi người đều công nhận Chúa Giêsu là một tiên tri vĩ đại. Nhưng chưa có ai dám quả quyết Người là Đấng Kitô. Chúa hỏi thêm về ý kiến của các môn đệ thân tín. Phêrô đại diện anh em tuyên xưng: “Thày là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu hài lòng về lời tuyên xưng ấy. Tuy nhiên khi tuyên xưng, Phêrô vẫn chưa thật sự hiểu Đấng Kitô có nghĩa là gì. Có lẽ ông còn chịu ảnh hưởng của đám đông nghĩ đến một Đấng Kitô oai nghi, vinh quang và quyền lực. Vì thế Chúa Giêsu đã phải giải thích cho các môn đệ hiểu biết con đường của Người.

Trước hết, Chúa Giêsu “nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai”. Không được nói cho họ biết Người là Đấng Kitô. Vì họ chưa hiểu Đấng Kitô là gì. Họ có thể tôn vinh Người lên làm vua. Như họ đã muốn làm thế sau khi Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Như thế là sai đường lối của Chúa. Và có thể làm hỏng kế họach của Chúa.

Sau đó Chúa bày tỏ cho các môn đệ biết con đường thực sự mà Đấng Kitô phải đi là con đường đau khổ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”. Đó là con đường tủi nhục. Con đường khổ nạn. Con đường chết chóc. Nhưng sau tủi nhục sẽ đến vinh quang. Sau khổ nạn sẽ là hạnh phúc. Sau chết chóc là phục sinh. Đó không phải là con đường vinh quang trần thế, nhưng là con đường nhỏ hẹp thiêng liêng. Nhưng đó chính là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực.

Rồi Chúa nói với các môn đệ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Muốn theo chân Chúa, các môn đệ không thể đi con đường nào khác con đường của Chúa. Phải đi vào con đường hẹp để dẫn đến Nước Trời. Đi vào con đường đau khổ để đến vinh quang. Vượt qua cái chết để đến sự sống.

Bây giờ ta đã hiểu Đấng Kitô thực sự là gì. Bây giờ ta đã hiểu con đường của Đấng Kitô phải đi là con đường nào. Và ta cũng đã hiểu muốn theo Chúa ta phải đi vào con đường nào. Nhận diện Đấng Kitô đã khó. Đi vào con đường của Người còn khó hơn. Ta hãy xin Chúa ban cho ta được sức mạnh để đi theo con đường Chúa đã đi. Chính con đường đó dẫn ta đến hạnh phúc đích thực.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Tại sao Chúa cấm các môn đệ tiết lộ Người là Đấng Kitô?
2- Con đường Đấng Kitô phải đi là con đường nào?
3- Các môn đệ Chúa phải đi con đường nào?
4- Qua bài Tin Mừng hôm nay, tôi nghĩ thế nào về con đường Hội Thánh phải đi? Phô trương hay khiêm nhường? Quyền lực hay bé nhỏ?
5- Tôi có quyết tâm đi vào con đường Chúa đã chỉ cho tôi không?

ĐTGM NGÔ QUANG KIỆT

CÂU HỎI HƠN HAI NGÀN NĂM

CÂU HỎI HƠN HAI NGÀN NĂM

Chúa Giêsu và các môn đệ đi qua miền đất dân ngoại, đến địa hạt thành Cêsarê Philiphê, một thành phố được quận vương Philiphê chỉnh trang để tôn vinh Hoàng đế Cêsarê. Trên chóp đỉnh của một khối đá đứng sừng sững, một ngôi đền nguy nga bằng cẩm thạch trắng thờ Hoàng Đế La Mã được coi là một kỳ công trong vùng.Một số nhà chú giải cho rằng, cảnh tượng vĩ đại đó đã gợi ý khi Chúa tuyên bố Giáo hội của Ngài sẽ được xây trên nền tảng Phêrô vững chắc như một bàn thạch. Tuy nhiên, ý tưởng ấy đã có từ khi Chúa quyết định đổi tên Simon thành Kêpha hay Phêrô, nghĩa là Đá trong cuộc gặp gỡ đầu tiên (Ga 1,42).

Theo thói quen trước khi quyết định những điều quan trọng, Chúa Giêsu vừa đến nơi liền đi vào một chỗ thanh vắng, một mình cầu nguyện với Chúa Cha. Các Tông đồ chờ Thầy ở ngoại ô thị trấn. Họ nghiệm rằng, mỗi khi Thầy xa họ và trở về là có diễn tiến mới.Thầy trò lại đi về phía những làng nhỏ. Dọc đường Ngài hỏi các ông : Người ta nói Thầy là ai ? Các ông đáp lại : có người nói Thầy là Gioan Tẩy Giả. Một số nói là Êlia, một số khác cho là một trong các tiên tri thời xưa như Giêrêmia. Nhưng Chúa nhấn mạnh : Còn các con, các con nói Thầy là ai ? Phêrô lên tiếng : Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.

Bài Tin Mừng cho thấy, có ba mức độ nhận biết về Chúa Giêsu.

– Dân chúng nhận thấy Chúa Giêsu là một tiên tri như Gioan Tẩy Giả, như Êlia hay một tiên tri nào đó. Tiên tri là sứ giả của Thiên Chúa nên thường có quyền làm được vài phép lạ như chữa bệnh, cứu đói… Dân chúng đến với tiên tri chủ yếu để xin ơn này ơn khác. Họ nghĩ Chúa Giêsu là một tiên tri, nên họ đến với Ngài để xin chữa bệnh, trừ quỷ, cứu đói, cho kẻ chết sống lại. Họ đến với Chúa Giêsu vì lợi ích, để cầu lợi cầu phúc. Cho nên họ không thể nhận ra Ngài là Đấng Kitô.

– Các môn đệ nhận biết về Chúa Giêsu. Khi Chúa hỏi: “Các con bảo Thầy là ai ? Phêrô đại diện các môn đệ thưa: “Thầy là Đức Kitô”. Đức Kitô là Đấng được xức dầu. Tại hội đường Nazarét, Chúa Giêsu đã xác nhận: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo khó” (Lc 4,18 ; Is 11. 61,1-2 ; 1V 19,16). Chúa Kitô được tấn phong làm tiên tri, làm vua và thượng tế đời đời.

Người Do thái chỉ muốn Đức Kitô làm vua như Môisen, như Đavít. Như Môisen, Đức Kitô sẽ giải thoát họ khỏi nô lệ đế quốc La mã. Như Đavít, Đức Kitô sẽ chiến thắng muôn dân, làm cho nước Do thái trở nên hùng cường, cai trị khắp địa cầu, thịnh vượng hơn thời vua Salomon. Cho nên, Đức Kitô được tôn vinh là Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa hùng mạnh, Cha muôn thuở, Hoàng tử hòa bình, danh Ngài siêu việt, sự việc Ngài đã lừng vang trên toàn cõi đất, Ngài là Đấng Thánh của Israel và nước Ngài tồn tại đến vô cùng tận (Tv 11 ; 12).

Theo truyền thống tiền nhân, các môn đệ cũng quan niệm về một Đức Kitô vinh quang như thế. Vì vậy, khi thấy Chúa Giêsu lên Giêrusalem, bà mẹ của Gioan và Giacôbê đến xin cho hai con trai: “Một ngồi bên hữu, một ngồi bên tả trong nước Người”. Còn Phêrô, khi nghe Thầy báo sẽ phải bị bắt, bị giết, ông đã kéo Ngài ra và can ngăn Ngài đừng dại dột thế. Chúa Giêsu đã trách mắng Phêrô: “Satan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của Anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 22-23).

– Mức độ thứ ba chính là cao điểm của toàn thể Kinh Thánh và mầu nhiệm cứu độ nơi Thập Giá và Phục Sinh. Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Con người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại”. Đó là sứ mệnh chính yếu của Đức Kitô: tự nguyện chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại tội lỗi. Người đến không phải để thiết lập nước vinh quang trần gian mà thiết lập nước trời vinh phúc vĩnh cửu. Người đến trần gian không dạy đường lối vào trần gian hư nát, nhưng dạy đường lối vào Nước Trời muôn thuở. Người đến trần gian chỉ để hy sinh phục vụ như một tôi tớ hiền lành, khiêm tốn để chứng tỏ tận cùng của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, để con người nhận biết “Thiên Chúa đã yêu thương thế nhân đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian được sống và được sống dồi dào” (Ga 3, 16-18 ; 15, 13).Con đường đó chứng tỏ một tình yêu cho đến cùng, chứng minh Đức Kitô là Thiên Chúa thật, là Đấng Cứu độ trần gian. Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ phải tin và đi vào con đường đó: “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai hiến dâng mạng sống mình vì Tôi và vì Tin mừng, thì sẽ được mạng sống ấy”.

Suy niệm trang Tin Mừng này, Thánh Gioan Kim Khẩu viết : khi Chúa hỏi về dư luận quần chúng, mọi Tông đồ đều trả lời. Khi Chúa hỏi cảm nghĩ của các ông, Phêrô một mình lên tiếng trước các bạn. Không phải do xác thịt nhưng nhờ Chúa Cha mạc khải nên Phêrô nhận biết Thầy Giêsu là Đức Kitô ở tầm mức cao nhất. Phêrô nhận ra trong Giêsu “con người” có một Giêsu “Thiên Chúa ”. Phêrô nhận ra trong nhân tính bình thường như mọi người của Chúa Giêsu có một thần tình cao vượt rất riêng của vị Thiên Chúa làm người. Vì thế, Phêrô được Chúa khen tặng và tín nhiệm trao quyền tối thượng : “Phêrô, con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và cửa địa ngục sẽ không thắng được”. Ba hình ảnh cụ thể mô tả quyền tối thượng của Phêrô trong Giáo Hội. Đó là, Phêrô được trao chìa khóa Nước Trời, Phêrô được quyền tháo gỡ, cầm buộc và cửa địa ngục sẽ không thắng được.

Tuyên tín Chúa Giêsu là ai tức là xác định đường mình đi. Phêrô đã tuyên tín trên đường hành trình với Chúa. “Các con nói Thầy là ai?” Chúa không hỏi các môn đệ câu ấy trong lúc nghĩ ngơi mà lúc đi đường. Những ngày ở Giêrusalem, ở Galilê, ở Nazareth, người ta nói về Đức Giêsu, người ta xem Ngài làm phép lạ, họ gọi Ngài là Êlia, là Gioan Tẩy Giả, là một tiên tri nào đó. Không ai biết Ngài là Đức Kitô. Để biết Ngài, phải sống và hành trình với Ngài và cùng đi với Ngài trên mọi nẻo lối trần thế.

Chúa Giêsu là ai ? Câu hỏi là cửa ngõ dẫn tới đời sống đức tin. Câu hỏi ấy luôn chờ lời đáp trả dứt khoát cho một vận mệnh đời đời. Phêrô đã khám phá ra thần tính trong nhân tính của Chúa Giêsu. Phaolô trên đường Đamat, bị té ngựa do ánh sáng từ trời, đã hốt hoảng kêu lên : “Ngài là ai?” và có lời đáp bất ngờ : “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,5), Phaolô khám phá ra nhân tính trong thần tính của Đấng đã gọi ngài.

Chúa Giêsu là tâm điểm đức tin của chúng ta, bởi lẽ “dưới bầu trời này, không có Danh nào khác”, ngoài Danh Giêsu “được ban cho loài người để nhờ đó chúng ta được cứu độ” (Cv 4,12). Nếu ai đó hỏi rằng điều gì làm nên một Kitô hữu, thì câu trả lời là: đó là người tin rằng Đức Giêsu Nadarét là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Niềm tin đó là đá nền, trên đó Hội Thánh được xây dựng (GLCG số 424). Tin vào Chúa Giêsu Kitô có nghĩa là yêu mến Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực. Yêu mến Ngài như chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa (Đnl 6,4-5). Điều độc đáo và đặc biệt của niềm tin Kitô giáo là tin rằng Đức Giêsu, một con người được sinh ra dưới thời hoàng đế Cêsarê Augustô và chết trên thập giá dưới thời hoàng đế Tibêriô, người ấy chính là Thiên Chúa, là Con hằng hữu của Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật và là người thật. Đó là mầu nhiệm khôn dò của đức tin Kitô giáo “Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,11).

Chỉ trong ánh sáng này chúng ta mới hiểu được tại sao tin vào Đức Kitô cũng có nghĩa là bước theo Ngài, và bước theo Chúa là đòi hỏi quan trọng hơn mọi cam kết khác trong đời. Làm sao một con người thuần túy mà có thể nói: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy; ai yêu con trai con gái hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10,37)? Đòi hỏi ấy chỉ có thể đến từ Đấng là chính Thiên Chúa. Làm sao một con người mà có thể nói: “Tất cả những ai nhìn nhận Thầy trước mặt người đời thì Con Người cũng sẽ nhìn nhận họ trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa” (Lc 12,8)? Điều đó lại chẳng có nghĩa rằng ơn cứu độ vĩnh cửu tùy thuộc vào thái độ của người ta đối với Chúa Giêsu sao?

Nếu chỉ nơi Chúa Giêsu mới có ơn cứu độ, nếu chỉ có Ngài mới là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” thì liệu có ai có thể được cứu độ mà không cần đến Chúa Giêsu? Nếu như thế, biết bao người chưa hề nghe đến Danh Chúa Giêsu, không có cơ hội để nhận biết và yêu mến Ngài thì sao ( GLCG số 846-847)? Chính Chúa Giêsu đã trả lời cho câu hỏi này: đến giờ phán xét, Con Người sẽ tỏ cho thấy tất cả những hành động yêu thương chân chính dành cho tha nhân “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm…”, tất cả những hành động yêu thương ấy đều là cho chính Chúa: “Điều gì các ngươi đã làm cho người anh em bé mọn nhất, là làm cho chính Ta” (Mt 25; GLCG số 1038).

Sau lời tuyên xưng đức tin, Phêrô đã được biến đổi và trở nên khác với Simon ngày trước. Phaolô sau lần ngã ngựa cũng không còn sống như Saolô lúc trước được nữa. Cả hai ngài đã trở nên cột trụ xây dựng Hội Thánh và cả hai đã đánh đổi mạng sống như để tuyên tín cho muôn đời rằng: Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, đó là đức tin của chúng tôi, đó là đức tin của Hội Thánh và chúng tôi hãnh diện tuyên xưng đức tin ấy.

Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14), bất cứ ai được tình yêu này chiếm hữu, bất cứ ai kinh nghiệm về sự hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và quyền năng phục sinh của Ngài, thì người ấy sẽ cảm thấy nỗi ước mong loan báo về Ngài, rao giảng Tin Mừng của Ngài, và dẫn mọi người đến niềm tin vào Chúa Giêsu (GLCG số 429).

Chúa Giêsu là ai? Câu hỏi ấy, Phêrô và Phaolô đã trả lời bằng lời chân thành tuyên xưng, bằng đời nhiệt thành rao giảng và bằng cái chết trung thành minh chứng.

Chúa Giêsu là ai? Câu hỏi đã hơn hai ngàn năm cũng là câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay. Trả lời là sống niềm tin yêu hy vọng nơi thần tính và nhân tính của Đức Giêsu Kitô. Ngài là Thiên Chúa để chúng ta tôn thờ kính yêu thao thức tìm kiếm gặp gỡ gắn bó. Ngài ở trong Bí Tích, Phụng Vụ, Thánh Kinh, Thánh Thể cho ta tìm hiểu lãnh nhận. Ngài hiện diện nơi anh chị chung quanh để gọi ta tôn trọng thương mến quan tâm chia sẻ cảm thông liên đới trách nhiệm. Ngài hôm qua hôm nay và mãi mãi “là Thiên Chúa thật và là người thật”.

Kitô hữu là người tin vào Đức Kitô, yêu mến Ngài, bước theo Ngài. Và hơn nữa, “Anh em không còn là nô lệ nhưng là con” (Gal 4,7). Nhờ Chúa Giêsu, với Ngài và trong Ngài, chúng ta trở nên những “con cái của Thiên Chúa” (1Cor 6,18).

LM Giuse Nguyễn hữu An

HAI CÂU HỎI

HAI CÂU HỎI

“Đức Giêsu là ai trong sự liên hệ với chúng ta?

Chúng ta là ai trong sự liên hệ với Đức Giêsu?”

Một cậu bé 15 tuổi và người cha đang lái xe ngang qua một phi trường nhỏ trong một tỉnh lẻ ở Ohio. Bỗng dưng có một chiếc máy bay bị trục trặc, bay xà mặt đất rồi xoay tròn và đâm đầu xuống phi đạo.

Câu bé la lên, “Bố ơi, dừng xe lại!” Một vài phút sau cậu bé lôi người phi công ra khỏi máy bay. Đó là thanh niên 20 tuổi đang học lái máy bay, đang thực tập cất lên và đáp xuống. Thanh niên này đã chết trong tay cậu bé.

Khi về đến nhà, cậu đến ôm bà mẹ và khóc, “Mẹ ơi, anh ấy là bạn con! Hắn mới 20 tuổi!” Tối hôm đó, cậu quá bàng hoàng đến độ không muốn ăn. Cậu vào phòng, đóng cửa lại và nằm thừ trên giường.

Cậu đang làm việc bán thời gian tại một tiệm thuốc. Mỗi đồng kiếm được cậu dành dụm để học lái máy bay. Cậu nhất định có được bằng lái khi 16 tuổi.

Cha mẹ cậu tự hỏi không biết tai nạn thảm khốc ấy ảnh hưởng thế nào đến con trai của họ. Liệu nó có bỏ học lái không, hay vẫn tiếp tục? Họ để cho cậu tự quyết định.

Hai ngày sau, bà mẹ đem vào phòng cậu một ít bánh mới nướng. Trên mặt tủ quần áo bà thấy có cuốn nhật ký còn mở. Đó là cuốn nhật ký mà cậu đã gìn giữ từ khi còn nhỏ. Ngang qua đầu trang giấy có hàng chữ lớn, “Đặc Tính của Đức Giêsu.” Bên dưới là một chuỗi các đức tính:

“Đức Giêsu thì không phạm tội; Người khiêm tốn; Người thương kẻ nghèo; Người không ích kỷ; Người gần với Thiên Chúa…”

Bà mẹ thấy rằng trong những giây phút khó quyết định, cậu đã quay về với Đức Giêsu để xin sự hướng dẫn.

Sau đó bà quay sang cậu con trai và nói, “Con quyết định gì về việc học lái máy bay?”

Cậu nhìn vào mắt mẹ và nói, “Mẹ ơi, con hy vọng là bố mẹ sẽ hiểu cho con, nhưng với sự trợ giúp của Thiên Chúa, con phải tiếp tục học bay.”

Cậu trai đó bây giờ là ông Neil Armstrong. Và vào ngày 20-7-1969, ông là người đầu tiên đặt chân trên mặt trăng.

Rất ít người khi xem biến cố lịch sử đó trên truyền hình đã không biết rằng một trong những lý do giúp ông Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng là Đức Giêsu. Họ không biết rằng chính nhờ Đức Giêsu mà ông đã có được sức mạnh cũng như sự hướng dẫn để thi hành một quyết định quan trọng thời niên thiếu mà giờ đây giúp ông thành công đi trên mặt trăng.

Tôi thích câu truyện này vì nó trả lời cho câu hỏi của Đức Giêsu trong bài phúc âm hôm nay-”Các con nói Thầy là ai?”–trong một kiểu cách trả lời mà chúng ta ít thường được nghe.

Cậu Neil Armstrong đã không trả lời câu hỏi ấy bằng cách nói với Đức Giêsu rằng, “Ngài là Con Thiên Chúa,” hoặc “Ngài là Đấng Mêsia,” hoặc “Ngài là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa.” Cậu đã trả lời câu hỏi ấy một cách đơn giản hơn. Cậu nói: “Ngài là một người không phạm tội. Ngài là một người luôn nghĩ đến người khác. Ngài là người thường quan tâm. Ngài là một người gần với Thiên Chúa.”

Nói cách khác, với câu hỏi “Con nói Thầy là ai?” cậu Neil Armstrong không trả lời theo thần học. Cậu đã trả lời theo cảm nghĩ riêng tư. Cậu nhìn đến tâm hồn mình và diễn tả điều cậu cảm nghiệm được về Đức Giêsu trong cuộc đời mình.

Mỗi người chúng ta cũng phải làm giống như vậy. Chúng ta phải trả lời câu hỏi của Đức Giêsu-”Con nói Thầy là ai?”- bởi nhìn vào tâm hồn chúng ta và diễn tả cảm nghiệm sống động hằng ngày của chúng ta đối với Đức Giêsu.

Và cảm nghiệm đó thật khác biệt với mỗi người chúng ta.

Vì đối với một số người, Đức Giêsu là một người mà chúng ta có thể quay về để xin được dẫn dắt khi chúng ta hoang mang. Với những người khác, Đức Giêsu là người mà chúng ta có thể quay về để xin sức mạnh trong những lúc bị thử thách. Còn với những người khác nữa, Đức Giêsu là người hiểu chúng ta, ngay cả khi chúng ta không hiểu chính mình.

Và điều này đưa chúng ta đến phần thứ hai của bài phúc âm hôm nay.

Nếu phần đầu của bài phúc âm là câu hỏi “Chúng ta cảm thấy Đức Giêsu như thế nào?” thì phần thứ hai đề ra câu hỏi “Đức Giêsu cảm thấy chúng ta như thế nào?”

Nếu ai muốn đến với tôi, họ phải… vác thập giá hàng ngày và theo tôi.”

Những lời này của Đức Giêsu thách đố chúng ta phải tự hỏi mình, “Đức Giêsu cảm thấy chúng ta như thế nào? Ngài có cảm thấy chúng ta là các môn đệ của Ngài hay không?”

Nói cách khác, chúng ta có vác thập giá hàng ngày của mình và theo Chúa không? Hay nói cách khác nữa-cách thực tế hơn-chúng ta có bắt chước Đức Giêsu trong cuộc sống hằng ngày không?

Chúng ta có sống vì người khác như Đức Giêsu đã sống vì chúng ta hay không?

Chúng ta có phải là những người mà người khác có thể quay về để tìm được sức mạnh khi họ bị thử thách hay không?

Chúng ta có phải là những người mà người khác có thể quay về để được hướng dẫn khi họ hoang mang hay không?

Chúng ta có phải là những người mà người khác có thể quay về để được giúp đỡ khi cần thiết hay không?

Chúng ta có phải là loại người như vậy đối với các phần tử trong chính gia đình của chúng ta hay không?

Nói tóm lại, bài phúc âm hôm nay đưa cho chúng ta hai câu hỏi quan trọng.

Câu thứ nhất là: Chúng ta cảm thấy Đức Giêsu như thế nào? Chúng ta có cảm được Người như Neil Armstrong cảm nghiệm: Người đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của chúng ta không? Hay Đức Giêsu chỉ là ai đó mà chúng ta chỉ nghĩ đến khoảng một giờ đồng hồ trong ngày Chúa Nhật và các ngày khác thì quên hết?

Câu hỏi thứ hai lại càng quan trọng hơn: Đức Giêsu cảm thấy chúng ta như thế nào?

Người có thấy chúng ta là các môn đệ của Người không? Hay Người chỉ thấy chúng ta hâm mộ Người mà thôi?

Chúng ta có phải là người bắt chước Đức Giêsu không? Hay chúng ta chỉ là người khâm phục Chúa mà thôi? Chúng ta có vác thập giá và theo Chúa hàng ngày không? Hay chúng ta chỉ ngồi bên vệ đường và hoan hô Người khi Người vác thập giá một mình?

Đây là hai câu hỏi quan trọng mà phúc âm đề ra cho mỗi người chúng ta hôm nay: Đức Giêsu là ai trong cuộc đời chúng ta? Chúng ta là ai trong cuộc đời Chúa Giêsu?

Không ai có thể trả lời câu hỏi này thay cho chúng ta. Chúng ta phải tự mình trả lời.

Hãy kết thúc với lời nguyện mà đã được sáng tác bởi một Kitô Hữu vô danh cách đây gần 1,500 năm.

“Lạy Chúa!
Xin hãy là lửa sáng trước mặt con.
Xin hãy là ngôi sao dẫn đường cho con.
Xin hãy là con đường bằng phẳng dẫn đắt con.
Xin hãy là mục tử nhân hậu theo con.
Xin hãy là tất cả những điều ấy hôm nay-tối nay-và mãi mãi.”

 Cha Mark Link, SJ

Đức Thánh Cha tiếp kiến 148 vị Đại Diện Tòa Thánh

Đức Thánh Cha tiếp kiến 148 vị Đại Diện Tòa Thánh

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến các vị Sứ thần và Khâm Sứ Tòa Thánh sáng 21 tháng 6-2013, ĐTC Phanxicô đặc biệt nhắc nhở các vị hãy sống như những mục tử và quan tâm tuyển chọn các ứng viên xứng đáng để được bổ nhiệm làm Giám Mục.

148 vị TGM Sứ thần và Khâm Sứ Tòa Thánh từ các nơi trên thế giới tựu về Roma để tham dự Ngày của các vị Sứ Thần trong khuôn khổ Năm Đức Tin tiến hành trong hai ngày 21 và 22 tháng 6-2013. Đây là lần thứ 2 các vị họp mặt tại Roma sau lần gặp gỡ hồi năm thánh 2000.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC chân thành cám ơn sự phục vụ của các vị Sứ Thần Tòa Thánh, nhiều khi trong những hoàn cảnh khó khăn, sống trong tình trạng như những người du mục, thường phải thay đổi nhiệm sở, phải hy sinh, từ bỏ nhiều liên hệ bạn hữu, luôn bắt đầu lại, luôn phải thích ứng với những hoàn cảnh của Giáo Hội và đất nước mình được gửi gửi tới.

ĐTC đặc biệt đề cập đến một nhiệm vụ quan trọng của các vị Sứ Thần Tòa Thánh là điều tra để làm danh sách các ứng viên Giám Mục. Ngài nói: ”Trong công tác tế nhị này, anh em hãy chú ý làm sao để chọn các ứng viên là những vị mục tử gần gũi dân chúng, là những người cha và người anh, hiền từ, kiên nhẫn và từ bi; yêu mến thanh bần, thanh bần nội tâm như một sự tự do vì Chúa và thanh bần bên ngoài như sự đơn sơ và khổ hạnh; các ứng viên ấy không phải là người có tâm lý như những ”ông hoàng”. Anh em hãy chú ý để các ứng viên đó không phải là kẻ có tham vọng, là những người không tìm kiếm chức Giám Mục, là hôn phụ của một giáo phận, không luôn luôn tìm kiếm một giáo phận khác. Họ phải là người có khả năng ”canh chừng” đoàn chiên được ủy thác cho mình, nghĩa là quan tâm tới tất cả những gì duy trì sự hiệp nhất của đoàn chiên, tỉnh thức đối với đoàn chiến, chú ý đến những nguy hiểm đe dọa chiên, làm sao để có hy vọng, mặt trời và ánh sáng trong các tâm hồn; với tình tình yêu thương và kiên nhẫn hỗ trợ các dự phóng mà Thiên Chúa thực hiện nơi dân Ngài”.

Cũng trong huấn từ mà ĐTC cho biết là xuất phát tự thâm tâm ngài, ngài nhắc nhở các vị Sứ Thần Tòa Thánh hãy là những vị mục tử và nói rằng:

”Đây là điều không bao giờ chúng ta được quên! Các vị đại diện Tòa Thánh quí mến, anh em là sự hiện diện của Chúa Kitô, sự hiện diện tư tế, sự hiện diện mục tử. Tuy anh em không giảng dạy cho một phần dân Chúa được ủy thác cho anh em, không điều khiển một Giáo Hội địa phương, nhưng anh em là mục tử phục vụ Giáo Hội với vai trò khích lệ, như những thừa tác viên hiệp thông, với nhiệm vụ nhiều khi không dễ dàng, đó là nhiệm vụ nhắc nhở. Anh em hãy luôn làm tất cả những điều đó với tình yêu mến sâu xa! Cả trong những quan hệ với chính quyền dân sự và các đồng nghiệp, anh em là những vị mục tử: luôn tìm kiếm thiện ích của mọi người, của Giáo Hội và của mỗi người”.

Gặp gỡ và cầu nguyện

Sau buổi tiếp kiến của ĐTC vào ban sáng, chiều 21 tháng 6-2013, từ lúc 4 giờ rưỡi đến gần 6 giờ chiều, các vị Sứ Thần Tòa Thánh đã tụ tập tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, chầu Mình Thánh Chúa và cử hành kinh chiều, do ĐHY James Michael Harvey, Giám quản đền thờ này chủ sự, với bài suy nhiệm do ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa đảm trách.

Tiếp đó, các vị đã dừng lại tại Bàn thờ chính của đền thờ bên dưới có mộ Thánh Phaolô và và viếng thăm khu khai quật tại đây. Sau cùng, lúc 8 giờ rưỡi tối, các vị Sứ Thần Tòa Thánh đã dùng bữa tối với ĐTC.

Nhân cuộc gặp gỡ, ĐTC đã tặng cho mỗi vị một thánh giá GM bằng bạc, dài 10 centimeter và ngang 7 centimeter, nặng 85 grams do hai nghệ nhân Claudio và Piero Savi thực hiện riêng cho dịp này.

Lúc 9 giờ sáng thứ bẩy 22 tháng 6-2013, các vị Sứ Thần Tòa Thánh đồng tế thánh lễ với ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tại nhà nguyện cung nguyện trong Đền thờ Thánh Phêrô.

Tiếp đến lúc 10 giờ 45, tại Hội trường mới của Thượng HĐGM các vị nguyện kinh giờ Ba, rồi gặp gỡ làm việc với các vị lãnh đạo Phủ Quốc vụ khanh gồm ĐHY Bertone, và hai vị TGM Phụ tá Quốc Vụ Khanh Angelo Becciu và Đức TGM ngoại trưởng của Tòa Thánh Dominique Mamberti.

Ban trưa các vị dùng bữa tại Nhà Trọ thánh Marta và lúc 5 giờ rưỡi chiều có buổi hòa nhạc tại Đại thính đường Phaolô 6.

Trong số các vị Sứ Thần Tòa Thánh, cũng có một người Việt là Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt, hiện là Sứ thần tại Costa Rica, sau khi đã làm Sứ Thần tại Togo, Benin, rồi Cộng hòa Tchad và Trung Phi (SD 21-6-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kêu gọi các nước giàu giữ lời hứa

Đức Thánh Cha kêu gọi các nước giàu giữ lời hứa

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 20 tháng 6-2013 dành cho 400 tham dự viên khóa họp thứ 38 của tổ chức Lương nông quốc tế, ĐTC Phanxicô kêu gọi các nước giàu đừng viện cớ khủng hoảng kinh tế để không giữa lời hứa trợ giúp dân nghèo.

Tổ chức Lương nông quốc tế, gọi tắt là FAO, có trụ sở ở Roma, và buổi tiếp kiến đã diễn ra tại sảnh đường Clementina trong dinh tông tòa.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC ghi nhận có nhiều sáng kiến và những giải pháp khả thể để giải quyết tình trạng khó khăn về lương thực trên thế giới. Ngài nói: ”Tôi biết rằng mức sản xuất lương thực hiện nay trên thế giới đủ cho dân chúng, nhưng vẫn có hằng triệu người đang chịu đau khổ và chết vì đói: đây thực là một gương mù. Cần phải tìm ra những phương thức để tất cả mọi người có thể được hưởng hoa màu ruộng đất, không những để tránh tình trạng hố chia cách ngày càng sâu rộng giữa người có nhiều và những người phải hài lòng với những vụn bánh, nhưng nhất là vì đòi hỏi của đức công bằng và nghĩa vụ phải tôn trọng mỗi người”.

”Tất cả chúng ta ở đây đều chia sẻ ý tưởng chúng ta có thể và phải làm cái gì hơn nữa để mang lại nghị lực cho hoạt động quốc tế bênh vực người nghèo, không phải chỉ được linh hoạt bằng thiện chí, hoặc tệ hơn nữa bằng những lời hứa thường không được thi hành. Người ta cũng không thể tiếp tục viện cớ tình trạng khủng chung trên thế giới để tránh né nghĩa vụ. Cuộc khủng hoàng này người ta không thể hoàn toàn ra khỏi, bao lâu không cứu xét những hoàn cảnh và điều kiện sinh sống của con người, qua nhân vị và phẩm giá của họ”.

ĐTC cũng cảnh giác rằng: ”Nhân vị và phẩm giá con người có nguy cơ trở thành trừu tượng, đứng trước những vấn đề như việc sử dụng bạo lực, chiến tranh, thiếu dinh dưỡng, tình trạng bị gạt ra ngoài lề, nạn vi phạm những quyền tự do căn bản, hoặc nạn đầu cơ tài chánh, là tệ nạn trong lúc này đây đang ảnh hưởng trên giá cả lương thực, coi lương thực như mọi thứ hàng hóa khác, mà quên rằng mục tiêu đầu tiên của nó là nuôi sống con người”.
ĐTC nhấn mạnh thêm rằng: ”Cần chống lại những lợi lộc kinh tế thiển cận và lý lẽ quyền lực của một thiểu số, loại bỏ đa số dân chúng thế giới và gây ra nghèo đói, gạt ra ngoài lề, với những hậu quả làm băng hoại xã hội. Ngoài ra cần bài trừ nạn tham ô hối lộ, tạo nên đặc ân cho một số người đồng thời gây ra bất công cho nhiều người”.

Sau cùng, ĐTC nhắc đến tấm gương người Samaritano nhân lành, cử chỉ của ông cứu giúp người bị thương không phải là một hành vi làm phúc bố thí, nhưng là trở nên một với người mà ông cứu giúp, chia sẻ số phận của ngừơi bị thương. ĐTC nhận định rằng tinh thần ấy cũng phải hướng dẫn công trình cải tổ các tổ chức quốc tế, trong đó có tổ chức FAO. ”Cần vượt thắng thái độ dửng dưng hoặc nhìn sang phía khác, nhưng cần cấp thiết để ý đến những nhu cầu cấp bách hiện nay, với niềm tín thác rằng trong tương lai những kết quả của hoạt động có thể được chín mùi”. (SD 20-6-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

LỜI CẦU NGUYỆN, ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ MA THUẬT

"LỜI CẦU NGUYỆN, ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ MA THUẬT"

« Việc cầu nguyện không phải là một điều ma thuật, ta không làm ma thuật với việc cầu nguyện », Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố như thế trong bài giảng lễ hôm thứ Năm 20.6.2013 nói về Kinh Lạy Cha. « Chúa Giêsu cho chúng ta một lời khuyên để cầu nguyện : đừng phí lời, đừng ồn ào, tiếng ồn của sự trần tục, tiếng ồn của hư danh và Ngài đã giúp cho hiểu rằng cầu nguyện không phải là một điều ma thuật, ta không làm ma thuật với việc cầu nguyện ».

« Nhưng phải chăng tôi đang cầu nguyện ? cầu xin Thiên Chúa toàn năng ? quá xa vời. « Tôi không cảm thấy Ngài. Chúa Giêsu cũng không cảm thấy Ngài. Tôi đang cầu xin ai ? Thiên Chúa vũ trụ ? hơi thông thường, vào thời đại này, phải không ? Phương thức phiếm thần này vốn xảy đến với nền văn hóa này… bạn, bạn phải cầu xin Chúa Cha ! Đó là một lời mạnh mẽ « Cha ». Bạn phải câu xin Đấng đã sinh ra bạn, Đấng đã ban sự sống cho bạn, cho bạn. Không phải cho mọi người : cho mọi người, đó là quá vô danh ».

Một lần nữa Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ta không thể cầu nguyện khi có kẻ thù trong tâm hồn mình . Và ngài thêm : « Lạy Cha, tôi không thể nói « Lạy Cha », điều đó không thể đối với tôi ». « Tôi không thể nói « Chúng con », bởi vì người nọ người kia đã làm điều này điều kia cho tôi. Và vì thế điều đó là không thể được ». « Họ phải kết thúc trong hỏa ngục, phải không ? Họ không phải là bạn của tôi ». « Quả thật, điều đó không dễ dàng ». « Nhưng Chúa Giêsu đã hứa ban Thánh Thần cho chúng ta : chính Ngài dạy dỗ chúng ta, từ bên trong, từ tâm hồn, làm thế nào thưa « Lạy Cha » và làm thế nào nói « Chúng con ».

Tý Linh (Xuân Bích VN)

Theo Radio Vatican

100 NGÀY SAU KHI ĐƯỢC CHỌN, ĐỨC PHANXICÔ ĐÃ THỰC HIỆN MỘT CUỘC CÁCH MẠNG NHẸ NHÀNG

100 NGÀY SAU KHI ĐƯỢC CHỌN, ĐỨC PHANXICÔ ĐÃ THỰC HIỆN MỘT CUỘC CÁCH MẠNG NHẸ NHÀNG

Từ những ngày đầu tiên, Đức Phanxicô đã có nhiều cử chỉ đặc biệt : trả tiền ở nhà tiếp khách, đi xe buýt với các Hồng y, gọi điện thoại cho bạn bè trước… Từ chối những dấu mà nhiều người cho là thuộc quyền lực giáo hoàng… Tại Nhà Thánh Mát-ta, ngay cả mùa hè, ngài chia sẻ đời sống chung với các vị khách và tham vấn các Hồng y của Giáo triều, các giám mục dừng chân, các tu sĩ. Ngài cũng quan tâm đến các lính gác người Thụy Sĩ…

Các bài giảng thường ngày ở Nhà Thánh Mát-ta, đó là khuôn mặt của một Giáo Hội đang được vẽ nên

Trong các bài giảng thưởng ngày ở  Nhà Thánh Mát-ta, các buổi đọc Kinh Truyền Tin, các buổi tiếp kiến chung và riêng, chình khuôn mặt của một Giáo Hội đang được vẽ nên. « Thừa sai » hướng đến « các vùng ngoại vi », nghèo và quan tâm đến người nghèo, không phải « tổ chức phi chính phủ », không « quan liêu », không « hải quan mục vụ », không phải « người trông trẻ », không phải « tinh hoa », Giáo Hội theo Đức Phanxicô là dấu chỉ của sự mâu thuẫn « urbi et orbi » (thành Rôma và thế giới). Giáo Hội lên án « nền độc tài của các thị trường và lợi nhuận », những hình thức « nô lệ » hiện đại, « chủ nghĩa tiêu thụ », kêu gọi một « nền sinh thái nhân bản ». Giáo Hội chống lại mọi sự nghèo đói, thể hiện lòng trắc ẩn và lòng thương xót. Thay vì dầu hôi, Giáo Hội ở giữa « hương thơm của đoàn chiên ». Tuy nhiên, cũng có thắc mắc : những bài giảng tại Nhà Thánh Mát-ta là những lời của Huấn quyền hay là cá nhân ?

Dù sao người ta cũng ghi nhận « một làn gió mới trên Vatican » từ khi ngài lên ngôi mục tử hoàn vũ.

 

Tý Linh (Xuân Bích VN)

Theo La Croix

Giáo Hội là Thân Mình Chúa Kitô, trong đó mọi chi thể hiệp nhất với nhau nhờ sức mạnh của tình yêu thương

Giáo Hội là Thân Mình Chúa Kitô, trong đó mọi chi thể hiệp nhất với nhau nhờ sức mạnh của tình yêu thương

Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa giúp chúng ta là chi thể của Thân Mình Giáo Hội luôn hiệp nhất với Chúa Kitô một sách sâu đậm; hãy xin Thiên Chúa giúp chúng ta không làm cho Thần Mình của Giáo Hội đau khỗ vì các xung đột, chia rẽ và ích kỷ của chúng ta; giúp chúng ta là các chi thể sống động được gắn liền với nhau bởi một sức mạnh duy nhất, sức mạnh của tình yêu thương mà Chúa Thánh Thần đổ vào lòng chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ gần 100,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần 19-6-2013. Ngay từ lúc 6 giờ sáng đã có các đoàn hành hương đứng xếp hàng để chờ qua các trạm kiểm soát và vào quảng trưởng thánh Phêrô. Lúc 9 giờ 45 xe jeep trắng chở Đức Thánh Cha tiến ra quảng trường giữa tiếng vỗ tay reo hò liên tục đặc biệt là của các trẻ em và người trẻ. Có mấy người tàn tật “bắt cóc” được Đức Thánh Cha ngay khi xe vừa ra khỏi cổng. Ngài đã xuống ôm hôn một cụ già. Khi xe đi giữa các lối đi của quảng trường, Đức Thánh Cha phải vất vả quay phía trái rồi lại quay qua phía phải, vì tín hữu gào to lên: ”Xin Đức Thánh Cha quay qua phía chúng con”. Và không cần phải nói thì qúy vị cũng biết rằng các bà mẹ có con nhỏ đứng gần lối đi đưa con họ cho các cận vệ để họ bế các em lên cho Đức Thánh Cha hôn và xoa đầu chúng. Lần nào trước và sau khi tiếp kiến Đức Thánh Cha cũng mất 1 tiếng rưỡi đồng hồ để chào tín hữu. Vì thế tuy phải đứng chờ dưới trời mùa hè Roma nóng hơn 30 độ cả mấy giờ đồng hồ, mọi người vẫn vui vẻ, reo hò, và có điều rất lạ là đã không có ai bị xỉu. Mỗi một buổi tiếp kiến giống như một ngày lễ hội.

Sáng thứ tư 19-6-2013 trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô như Công Đồng Chung Vaticăng II khẳng định (LG 7). Đức Thánh Cha nói: Hình ảnh thân mình giúp chúng ta hiểu mối dây nối kết chặt chẽ này giữa Giáo Hội và Chúa Kitô, mà thánh Phaolô đã khai triển một cách đặc biệt trong chương 12 thư thứ I gửi tín hữu Corintô. Đức Thánh Cha định nghĩa Giáo Hội như sau:

Giáo Hội không phải là một hiệp hội cứu trợ, văn hóa hay chính trị, mà là một thân thể sống động, tiến bước và hành động trong dòng lịch sử. Và thân mình đó có một thủ lãnh là Đức Giêsu, Đấng hướng dẫn, dưỡng nuôi và đỡ nâng thân mình. Đây là một điểm mà tôi muốn nêu bật: nếu ta tách rời đầu khỏi phần còn lại của thân thể, thì toàn con người không thể sống sót được. Trong Giáo Hội cũng thế: chúng ta phải luôn luôn gắn bó một cách sâu đậm với Chúa Giêsu. Nhưng không phải chỉ có thế: cũng như trong một thân thể, điều quan trọng là nhựa sống phải đi qua để thân thể sống, cũng thế chúng ta phải cho phép Chúa Giêsu hoạt động trong chúng ta, để cho Lời của Người hướng dẫn chúng ta, để cho sự hiện diện của Người trong Bí tích Thánh Thể dưỡng nuôi chúng ta, linh hoạt chúng ta, để cho tình yêu của Người ban sức mạnh cho chúng ta, cho tình yêu của chúng ta đối với tha nhân. Và phải luôn luôn, luôn luôn, luôn luôn như vậy! Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hiệp nhất với Chúa Giêsu, hãy tín thác nơi Người, hãy dịnh hướng cuộc sống của chúng ta theo Tin Mừng của Người, chúng ta hãy đưỡng nuôi mình với lời cầu nguyện mỗi ngày, với việc lắng nghe Lời Chúa, với việc tham dự vào các Bí Tích.

Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh trên đường đến thành Damasco đã giúp thánh Phaolô hiểu được sự hiệp nhất sâu đậm giữa các tín hữu kitô với Chúa Kitô. Saulô, sau này sẽ được gọi là Phaolô, là một trong các nhà rao truyền Tin Mừng vĩ đại nhất. Nhưng trước đó Saulô đã là một người bách hại các kitô hữu, nhưng trong khi Saulô đến thành Damasco, thì bất thình lình một ánh sáng bao phủ ông, Ông té xuống đất và nghe một tiếng nói với ông: ”Saulô, Saulô, tại sao ngươi bách hai Ta?” Ông hỏi: ”Lạy Chúa Ngài là ai?” và tiếng nói đó trả lời: ”Ta là Giêsu mà ngươi bách hại” (Cv 9,3-5). Khi Chúa Giêsu lên trời Người đã không để chúng ta mồ côi, nhưng với ơn Thánh Thần sự hiệp nhất với Người để lại còn trở thành sâu đậm hơn nữa. Công Đồng Chung Vatican II khẳng định rằng ”khi thông truyền Thần Khí của Người, Chúa Giêsu thành lập một cách thần bí như thân mình Người các anh em Người, được mời gọi từ mọi dân tộc” (LG, 7)

Khía cạnh thứ hai cúa Giáo Hội đó là Giáo Hội như Thân Mình của Chúa Kitô. Thánh Phaolô khẳng định rằng như các chi thể của thân thể con người, tuy khác nhau và nhiều, nhưng chúng làm thành một thân thể duy nhất. Như vậy tất cả chúng ta đã được rửa tội qua cùng một Thần Khí trong một thân mình duy nhất (x. 1 Cr 12,12-13). Đức Thánh Gia giải thích điểm này như sau:

Như vậy trong Giáo Hội có một sự khác biệt, một sự khác nhau về bổn phận và nhiệm vụ; không có sự đồng nhất bằng phẳng, nhưng có sự phong phú các ơn mà Chúa Thánh Thần phân phát. Tuy nhiên có sự hiệp thông và hiệp nhất: tất cả đều có tương quan với các người khác và tất cả đều đồng quy về việc làm thành một thân thể sống động duy nhất, gắn liền với Chúa Kitô một cách sâu xa. Chúng ta hãy nhớ rõ điều này: là thành phần của Giáo Hội có nghĩa là kết hiệp với Chúa Kitô và nhận được từ Người sự sống thiên linh khiến cho chúng ta sống như kitô hữu, có nghĩa là hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng và các Giám Muc, là các dụng cụ của sự hiệp nhất và hiệp thông, và cũng có nghĩa là học hỏi và thắng vượt các khuynh hướng cá nhân và các chia rẽ, hiểu biết nhau nhiều hơn, hòa hợp các khác biệt và các phong phú của từng người; tắt một lời là yêu mến Thiên Chúa và những người sống gần chúng ta, trong gia đình, trong giáo xứ, trong các hội đoàn. Để có thể sống được thân mình và các chi thể phải hiệp nhất. Sự hiệp nhất lớn hơn các xung khắc, luôn luôn. Các xung đột nếu không được giải quyết tốt, tách rời chúng ta khỏi chính mình, tách rời chúng ta khỏi Thiên Chúa. Sự dụng độ có thể giúp chúng ta lớn lên, nhưng cũng có thể chia rẽ chúng ta. Chúng ta đừng đi trên con đường của các chia rẽ, của các đấu tranh giữa chúng ta, đừng! Tất cả hiệp nhất, tất cả hiệp nhất với các khác biệt của chúng ta, nhưng mà hiệp nhất, luôn luôn hiệp nhất. Hiệp nhất là con đường của Chúa Giêsu!

Sự hiệp nhất cao hơn các xung khắc. Sự hiệp nhất là một ơn mà chúng ta phải xin với Chúa, để Người giải thoát chúng ta khỏi các cám dỗ chia rẽ, các chiến đấu giữa chúng ta và các ích kỷ, bép xép mách lẻo. Các bép xép gây ra biết bao nhiêu đau đớn! Biết bao nhiêu đau đớn phải không? Biết bao sư dữ! Đừng bao giờ bép xé về người khác: đừng bao giờ. Các chia rẽ giữa các kitô hữu, việc tách riêng ra và các lợi nhuận thấp hèn gây ra biết bao nhiêu thiệt hại cho Giáo Hội! Các chia rẽ giữa chúng ta, và cả các chia rẽ giữa các cộng đoàn, kitô hữu tin lành, kitô hữu chính thống, kitô hữu công giáo… mà tại sao lại chia rẽ? Chúng ta phải tìm đem lại sự hiệp nhất.

Rồi Đức Thánh Cha kể cho mọi người nghe một chuyện. Ngài nói: hôm nay trước khi ra khỏi nhà, với một mục sư tin lành chúng tôi đã cầu nguyện chung với nhau khoảng 40 phút, nửa giờ, bằng cách tìm sự hiệp nhất. Chúng ta phải cầu nguyện chung với nhau giữa chúng ta là tín hữu công giáo, nhưng cả với các kitô hữu khác nữa, cầu nguyện để Chúa ban cho chúng ta sự hiệp nhất: sự hiệp nhất giữa chúng ta! Nhưng mà làm sao chúng ta có thể có sự hiệp nhất giữa các tín hữu kitô, nếu chúng ta không có khả năng hiệp nhất giữa tín hữu công giáo chúng ta, trong gia đình – có biết bao gia đình chống đối và chia rẽ nhau? Anh chị em hãy tìm sự hiệp nhất, và là sự hiệp nhất mà Giáo Hội làm, và sự hiệp nhất đến từ Chúa Giêsu Kitô. Chính Người gửi Thánh Thần đến cho chúng ta để tạo sự hiệp nhất.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy xin Thiên Chúa giúp chúng ta là chi thể của Thân Mình Giáo Hội luôn hiệp nhất với Chúa Kitô một sách sâu đậm; hãy xin Thiên Chúa giúp chúng ta không làm cho Thần Mình của Giáo Hội đau khỗ vì các xung đột, chia rẽ và ích kỷ của chúng ta; giúp chúng ta là các chi thể sống động được gắn liền với nhau bởi một sức mạnh duy nhất, sức mạnh của tình yêu thương mà Chúa Thánh Thần đổ vào lòng chúng ta.

Trong phần chào các tín hữu Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặc hiệt chào các phái đoàn hành hương đến từ các nước Phi châu như: Nam Phi, Papua Tân Guinea; và từ Á châu như các nước: Ấn Độ, Indonesia và Pakistan; cũng như các nước đến đến từ các nước châu Mỹ Latinh chẳng hạn như Argentina, Costa Rica, Honduras, Mexico, Cộng hàa Domninicana, và Brasil. Đức thánh Cha cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Ai Cập, Lebanese và Iraq.

Ngài cũng chào các tín hữu Italia thuộc các giáo xứ, hội đoàn, các nhóm và các tổ chức khác nhau, đặc biệt là các đoàn hành hương của các giáo phậm Pozzuoli, Lecce, Velletri Segni, Alessandria, Osimo, và Albano cùng với các Giám Mục và Tổng Giám Mục dẫn đầu. Ngài cầu chúc tất cả những ngày viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm các nơi thánh được nhiều ơn thánh và ích lợi thiêng liêng, giúp củng cố đức tin và sống trung thành với ơn gọi kitô. Đức Thánh Cha cũng xin mọi người cầu nguyện cho ngài và cho sứ vụ phụng sự của ngài.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Sau buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha đã đứng bắt tay chào các Giám Mục và tín hữu đứng hai bên khán đài cũng như các cặp vợ chồng mới cưới. Khi xe jeep đi ngang qua các người tàn tật ngồi trên ghế lăn ngài đã xuống xe đến bắt tay chào, ôm hôn, nói chuyện với họ và an ủi họ.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Giáo Hội là Thân Mình Chúa Kitô, trong đó mọi chi thể hiệp nhất với nhau nhờ sức mạnh của tình yêu thương

Giáo Hội là Thân Mình Chúa Kitô, trong đó mọi chi thể hiệp nhất với nhau nhờ sức mạnh của tình yêu thương

Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa giúp chúng ta là chi thể của Thân Mình Giáo Hội luôn hiệp nhất với Chúa Kitô một sách sâu đậm; hãy xin Thiên Chúa giúp chúng ta không làm cho Thần Mình của Giáo Hội đau khỗ vì các xung đột, chia rẽ và ích kỷ của chúng ta; giúp chúng ta là các chi thể sống động được gắn liền với nhau bởi một sức mạnh duy nhất, sức mạnh của tình yêu thương mà Chúa Thánh Thần đổ vào lòng chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ gần 100,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần 19-6-2013. Ngay từ lúc 6 giờ sáng đã có các đoàn hành hương đứng xếp hàng để chờ qua các trạm kiểm soát và vào quảng trưởng thánh Phêrô. Lúc 9 giờ 45 xe díp trắng chở Đức Thánh Cha tiến ra quảng trường giữa tiếng vỗ tay reo hò liên tục đặc biệt là của các trẻ em và người trẻ. Có mấy người tàn tật “bắt cóc” được Đức Thánh Cha ngay khi xe vừa ra khỏi cổng. Ngài đã xuống ôm hôn một cụ già. Khi xe đi giữa các lối đi của quảng trường, Đức Thánh Cha phải vất vả quay phía trái rồi lại quay qua phía phải, vì tín hữu gào to lên: ”Xin Đức Thánh Cha quay qua phía chúng con”. Và không cần phải nói thì qúy vị cũng biết rằng các bà mẹ có con nhỏ đứng gần lối đi đưa con họ cho các cận vệ để họ bế các em lên cho Đức Thánh Cha hôn và xoa đầu chúng. Lần nào trước và sau khi tiếp kiến Đức Thánh Cha cũng mất 1 tiếng rưỡi đồng hồ để chào tín hữu. Vì thế tuy phải đứng chờ dưới trời mùa hè Roma nóng hơn 30 độ cả mấy giờ đồng hồ, mọi người vẫn vui vẻ, reo hò, và có điều rất lạ là đã không có ai bị xỉu. Mỗi một buổi tiếp kiến giống như một ngày lễ hội.

Sáng thứ tư 19-6-2013 trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô như Công Đồng Chung Vaticăng II khẳng định (LG 7). Đức Thánh Cha nói: Hình ảnh thân mình giúp chúng ta hiểu mối dây nối kết chặt chẽ này giữa Giáo Hội và Chúa Kitô, mà thánh Phaolô đã khai triển một cách đặc biệt trong chương 12 thư thứ I gửi tín hữu Corintô. Đức Thánh Cha định nghĩa Giáo Hội như sau:

Giáo Hội không phải là một hiệp hội cứu trợ, văn hóa hay chính trị, mà là một thân thể sống động, tiến bước và hành động trong dòng lịch sử. Và thân mình đó có một thủ lãnh là Đức Giêsu, Đấng hướng dẫn, dưỡng nuôi và đỡ nâng thân mình. Đây là một điểm mà tôi muốn nêu bật: nếu ta tách rời đầu khỏi phần còn lại của thân thể, thì toàn con người không thể sống sót được. Trong Giáo Hội cũng thế: chúng ta phải luôn luôn gắn bó một cách sâu đậm với Chúa Giêsu. Nhưng không phải chỉ có thế: cũng như trong một thân thể, điều quan trọng là nhựa sống phải đi qua để thân thể sống, cũng thế chúng ta phải cho phép Chúa Giêsu hoạt động trong chúng ta, để cho Lời của Người hướng dẫn chúng ta, để cho sự hiện diện của Người trong Bí tích Thánh Thể dưỡng nuôi chúng ta, linh hoạt chúng ta, để cho tình yêu của Người ban sức mạnh cho chúng ta, cho tình yêu của chúng ta đối với tha nhân. Và phải luôn luôn, luôn luôn, luôn luôn như vậy! Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hiệp nhất với Chúa Giêsu, hãy tín thác nơi Người, hãy dịnh hướng cuộc sống của chúng ta theo Tin Mừng của Người, chúng ta hãy đưỡng nuôi mình với lời cầu nguyện mỗi ngày, với việc lắng nghe Lời Chúa, với việc tham dự vào các Bí Tích.

Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh trên đường đến thành Damasco đã giúp thánh Phaolô hiểu được sự hiệp nhất sâu đậm giữa các tín hữu kitô với Chúa Kitô. Saulô, sau này sẽ được gọi là Phaolô, là một trong các nhà rao truyền Tin Mừng vĩ đại nhất. Nhưng trước đó Saulô đã là một người bách hại các kitô hữu, nhưng trong khi Saulô đến thành Damasco, thì bất thình lình một ánh sáng bao phủ ông, Ông té xuống đất và nghe một tiếng nói với ông: ”Saulô, Saulô, tại sao ngươi bách hai Ta?” Ông hỏi: ”Lạy Chúa Ngài là ai?” và tiếng nói đó trả lời: ”Ta là Giêsu mà ngươi bách hại” (Cv 9,3-5). Khi Chúa Giêsu lên trời Người đã không để chúng ta mồ côi, nhưng với ơn Thánh Thần sự hiệp nhất với Người để lại còn trở thành sâu đậm hơn nữa. Công Đồng Chung Vaticăng II khẳng định rằng ”khi thông truyền Thần Khí của Người, Chúa Giêsu thành lập một cách thần bí như thân mình Người các anh em Người, được mời gọi từ mọi dân tộc” (LG, 7)

Khía cạnh thứ hai cúa Giáo Hội đó là Giáo Hội như Thân Mình của Chúa Kitô. Thánh Phaolô khẳng định rằng như các chi thể của thân thể con người, tuy khác nhau và nhiều, nhưng chúng làm thành một thân thể duy nhất. Như vậy tất cả chúng ta đã được rửa tội qua cùng một Thần Khí trong một thân mình duy nhất (x. 1 Cr 12,12-13). Đức Thánh Gia giải thích điểm này như sau:

Như vậy trong Giáo Hội có một sự khác biệt, một sự khác nhau về bổn phận và nhiệm vụ; không có sự đồng nhất bằng phẳng, nhưng có sự phong phú các ơn mà Chúa Thánh Thần phân phát. Tuy nhiên có sự hiệp thông và hiệp nhất: tất cả đều có tương quan với các người khác và tất cả đều đồng quy về việc làm thành một thân thể sống động duy nhất, gắn liền với Chúa Kitô một cách sâu xa. Chúng ta hãy nhớ rõ điều này: là thành phần của Giáo Hội có nghĩa là kết hiệp với Chúa Kitô và nhận được từ Người sự sống thiên linh khiến cho chúng ta sống như kitô hữu, có nghĩa là hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng và các Giám Muc, là các dụng cụ của sự hiệp nhất và hiệp thông, và cũng có nghĩa là học hỏi và thắng vượt các khuynh hướng cá nhân và các chia rẽ, hiểu biết nhau nhiều hơn, hòa hợp các khác biệt và các phong phú của từng người; tắt một lời là yêu mến Thiên Chúa và những người sống gần chúng ta, trong gia đình, trong giáo xứ, trong các hội đoàn. Để có thể sống được thân mình và các chi thể phải hiệp nhất. Sự hiệp nhất lớn hơn các xung khắc, luôn luôn. Các xung đột nếu không được giải quyết tốt, tách rời chúng ta khỏi chính mình, tách rời chúng ta khỏi Thiên Chúa. Sự dụng độ có thể giúp chúng ta lớn lên, nhưng cũng có thể chia rẽ chúng ta. Chúng ta đừng đi trên con đường của các chia rẽ, của các đấu tranh giữa chúng ta, đừng! Tất cả hiệp nhất, tất cả hiệp nhất với các khác biệt của chúng ta, nhưng mà hiệp nhất, luôn luôn hiệp nhất. Hiệp nhất là con đường của Chúa Giêsu!

Sự hiệp nhất cao hơn các xung khắc. Sự hiệp nhất là một ơn mà chúng ta phải xin với Chúa, để Người giải thoát chúng ta khỏi các cám dỗ chia rẽ, các chiến đấu giữa chúng ta và các ích kỷ, bép xép mách lẻo. Các bép xép gây ra biết bao nhiêu đau đớn! Biết bao nhiêu đau đớn phải không? Biết bao sư dữ! Đừng bao giờ bép xé về người khác: đừng bao giờ. Các chia rẽ giữa các kitô hữu, việc tách riêng ra và các lợi nhuận thấp hèn gây ra biết bao nhiêu thiệt hại cho Giáo Hội! Các chia rẽ giữa chúng ta, và cả các chia rẽ giữa các cộng đoàn, kitô hữu tin lành, kitô hữu chính thống, kitô hữu công giáo… mà tại sao lại chia rẽ? Chúng ta phải tìm đem lại sự hiệp nhất.

Rồi Đức Thánh Cha kể cho mọi người nghe một chuyện. Ngài nói: hôm nay trước khi ra khỏi nhà, với một mục sư tin lành chúng tôi đã cầu nguyện chung với nhau khoảng 40 phút, nửa giờ, bằng cách tìm sự hiệp nhất. Chúng ta phải cầu nguyện chung với nhau giữa chúng ta là tín hữu công giáo, nhưng cả với các kitô hữu khác nữa, cầu nguyện để Chúa ban cho chúng ta sự hiệp nhất: sự hiệp nhất giữa chúng ta! Nhưng mà làm sao chúng ta có thể có sự hiệp nhất giữa các tín hữu kitô, nếu chúng ta không có khả năng hiệp nhất giữa tín hữu công giáo chúng ta, trong gia đình – có biết bao gia đình chống đối và chia rẽ nhau? Anh chị em hãy tìm sự hiệp nhất, và là sự hiệp nhất mà Giáo Hội làm, và sự hiệp nhất đến từ Chúa Giêsu Kitô. Chính Người gửi Thánh Thần đến cho chúng ta để tạo sự hiệp nhất.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy xin Thiên Chúa giúp chúng ta là chi thể của Thân Mình Giáo Hội luôn hiệp nhất với Chúa Kitô một sách sâu đậm; hãy xin Thiên Chúa giúp chúng ta không làm cho Thần Mình của Giáo Hội đau khỗ vì các xung đột, chia rẽ và ích kỷ của chúng ta; giúp chúng ta là các chi thể sống động được gắn liền với nhau bởi một sức mạnh duy nhất, sức mạnh của tình yêu thương mà Chúa Thánh Thần đổ vào lòng chúng ta.

Trong phần chào các tín hữu Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặc hiệt chào các phái đoàn hành hương đến từ các nước Phi châu như: Nam Phi, Papua Tân Guinea; và từ Á châu như các nước: Ấn Độ, Indonesia và Pakistan; cũng như các nước đến đến từ các nước châu Mỹ Latinh chẳng hạn như Argentina, Costa Rica, Honduras, Mêhicô, Cộng hàa Domninicana, và Brasil. Đức thánh Cha cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Ai Cập, Libăng và Irak.

Ngài cũng chào các tín hữu Italia thuộc các giáo xứ, hội đoàn, các nhóm và các tổ chức khác nhau, đặc biệt là các đoàn hành hương của các giáo phậm Pozzuoli, Lecce, Velletri Segni, Alessandria, Osimo, và Albano cùng với các Giám Mục và Tổng Giám Mục dẫn đầu. Ngài cầu chúc tất cả những ngày viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm các nơi thánh được nhiều ơn thánh và ích lợi thiêng liêng, giúp củng cố đức tin và sống trung thành với ơn gọi kitô. Đức Thánh Cha cũng xin mọi người cầu nguyện cho ngài và cho sứ vụ phụng sự của ngài.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Sau buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha đã đứng bắt tay chào các Giám Mục và tín hữu đứng hai bên khán đài cũng như các cặp vợ chồng mới cưới. Khi xe díp đi ngang qua các người tàn tật ngồi trên ghế lăn ngài đã xuống xe đến bắt tay chào, ôm hôn, nói chuyện với họ và an ủi họ.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Bộ Phụng Tự qui định thêm tên Thánh Giuse vào Kinh Nguyện Thánh Thể

Bộ Phụng Tự qui định thêm tên Thánh Giuse vào Kinh Nguyện Thánh Thể

VATICAN. Hôm 19-6-2013, Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích đã công bố sắc lệnh qui định từ nay tên thánh Giuse được ghi thêm vào kinh nguyện Thánh Thể (Kinh Tạ Ơn) thứ II, thứ III và thứ IV.

Trong sắc lệnh ký ngày 1 tháng 5-2013, ĐHY Antonio Canizares Lloreva Tổng trưởng, và Đức TGM Arthur Roche, Tổng thư ký, thông báo: ĐTC Phanxicô đã củng cố quyết định đã được ĐGH Biển Đức 16 đề ra trước đó về việc ghi thêm tên Thánh Giuse một cách trường kỳ trong các Kinh nguyện Thánh Thể dùng trong hầu hết các thánh lễ bằng tiếng latinh. Sắc lệnh cho biết ĐGH Biển Đức 16 đã nhận được những lời thỉnh cầu của nhiều tín hữu Công Giáo ở các nơi trên thế giới và đã phê chuẩn việc ghi thêm sau tên của Đức Maria câu ”cùng với Thánh Giuse, bạn Đức Trinh Nữ”.

Một chức sắc của Bộ Phụng Tự nói với hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ hôm 18-6-2013 rằng các HĐGM có thể xác định ngày bắt đầu thi hành việc thay đổi trên đây nếu thấy việc xác định này là cần, nhưng vì đây chỉ là thêm vài chữ, nên các LM có thể bắt đầu áp dụng ngay.

Trong phần đầu, Sắc Lệnh nhắc đến vai trò của Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ và mô tả thánh nhân là ”mẫu gương về lòng khiêm tốn quảng đại mà Kitô giáo đề cao đến độ cao cả, và một chứng nhân về những nhân đức thông thường, nhân bản và đơn sơ, cần thiết để con người trở nên môn đệ nhân đức và chân chính của Chúa Kitô”.

Kèm theo sắc lệnh, Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích cũng cung cấp cho các GM trên thế giới những từ chính xác được thêm vào trong các kinh nguyện Thánh Thể II, III và IV bằng tiếng la tinh, Anh, Tây Ban Nha, Ý, Bồ đào nha, Pháp, Đức và Ba Lan.

Sắc lệnh cũng nhắc lại rằng ”Trong Giáo Hội Công Giáo, các tín hữu vẫn luôn biểu lộ một cách liên tục lòng sùng mộ nhiệt thành đối với Thánh Giuse, tôn kính một cách trọng thể và liên tục việc tưởng niệm Hôn Phu rất thanh khiết của Mẹ Thiên Chúa và thánh nhân là Bổn Mạng của toàn thể Giáo Hội, đến độ trong Công đồng chung Vatican 2, Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan 23 đã quyết định ghi thêm tên Thánh Nhân trong Lễ Quy Roma rất cổ kính”.

Hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ nhận xét rằng ĐTC Biển Đức 16 có tên thánh là Giuse. Đức Đương kim Giáo Hoàng Phanxicô cũng có lòng sùng mộ đặc biệt đối với thánh nhân. Trong huy hiệu Giáo Hoàng của ngài, có bông hoa biểu tượng thánh Giuse, và ngài đã chọn lễ thánh Giuse 19-3 làm lễ khai mạc sứ vụ của ngài.

”Trong bài giảng, ĐTC Phanxicô nói rằng: ”Thánh Giuse xuất hiện như một người mạnh mẽ và can đảm, một người cần cù làm việc, nhưng trong tâm hồn Ngài chúng ta thấy sự dịu dàng, đây không phải là nhân đức của người yếu, nhưng đúng hơn là dấu hiệu sức mạnh tinh thần và khả năng quan tâm, cảm thương, chân thành cởi mở đối với tha nhân và yêu thương” (SD, CNS 18,19-6-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kêu gọi liên đới và giúp đỡ các gia đình tị nạn

Đức Thánh Cha kêu gọi liên đới và giúp đỡ các gia đình tị nạn

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi liên đới, đón nhận và giúp đỡ các gia đình tị nạn, đồng thời dấn thân đón nhận và làm chứng về Tin Mừng Sự Sống. Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng 19-6-2013, tại Quảng trường thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Ngày mai là Ngày Thế Giới về người tị nạn. Năm nay chúng ta được mời gọi đặc biệt xét đến tình trạng các gia đình tị nạn, nhiều khi phải vội vã rời bỏ gia cư và quê hương, đánh mất mọi sản nghiệp và an ninh để trốn chạy bạo lực, bách hại hoặc những vụ kỳ thị trầm trọng vì lý do tuyên xưng tôn giáo, hoặc thuộc về một nhóm chủng tộc, hay vì chính kiến.

”Ngoài những nguy hiểm gặp phải trong hành trình, nhiều khi các gia đình tị nạn ấy còn bị nguy cơ phân rẽ, và tại những nước tiếp cư, họ phải đối đầu với những nền văn hóa và xã hội khác biệt. Chúng ta không thể thiếu nhạy cảm đối với những gia đình ấy và tất cả những anh chị em tị nạn: chúng ta được kêu gọi giúp đỡ họ, cởi mở cảm thông và đón tiếp họ.

”Ước gì trên toàn thế giới không thiếu những người và tổ chức giúp đỡ những người tị nạn: nơi khuôn mặt họ có in khuôn mặt của Chúa Kitô!

Mặt khác, ĐTC cũng lên tiếng kêu gọi bệnh vực sự sống và nói rằng:

”Chúa nhật vừa qua, trong Năm Đức Tin, chúng ta đã cử hành Thiên Chúa là Sự Sống và là nguồn mạch sự sống, Chúa Kitô Đấng ban cho chúng ta sự sống thần linh, Chúa Thánh Linh giữ gìn chúng ta trong quan hệ sinh tử của những người con đích thực của Thiên Chúa. Một lần nữa tôi muốn mời gọi tất cả mọi người hãy đón nhận và làm chứng về Tin Mừng sự sống, thăng tiến và bảo vệ sự sống trong mọi chiều kích và mọi giai đoạn. Kitô hữu là người ”ủng hộ sự sống”, là người thưa ”xin vâng” đối với Thiên Chúa, là Đấng Hằng Sống” (SD 19-6-2013)

G. Trần Đức Anh OP  – Vatican Radio

Đức Thánh Cha khai mạc Hội nghị Giáo phận Roma

Đức Thánh Cha khai mạc Hội nghị Giáo phận Roma

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu giáo phận Roma hãy làm chứng về niềm hy vọng bằng cuộc sống chứng tá vui tươi, không sợ hãi, ra khỏi chính mình để tìm đến với tha nhân, nơi những người đang chịu đau khổ.

ĐTC đã đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong bài giáo lý về chủ đề ”Tôi không hổ thẹn về Tin Mừng”, tại buổi khai mạc Hội nghị thường niên của Giáo phận Roma, tiến hành tại Đại thính đường Phaolô 6 ở nội thành Roma, lúc 7 giờ chiều ngày 17-6-2013, trước sự hiện diện của 10 ngàn người, gồm ĐHY giám quản Agostino Vallini, 7 GM phụ tá, đông đảo các LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân dấn thân. Hàng ngàn người đứng ở các hành lang và sân bên ngoài, theo dõi buổi khai mạc qua các màn hình, vì bên trong Thính đường không đủ chỗ.

Lên tiếng sau bài Sách Thánh, ĐTC đã quảng diễn đoạn thư theo thánh Phaolô, xác quyết các tín hữu Kitô không còn sống dưới lề luật, nhưng dưới ơn thánh. Ngài cũng nhận xét rằng ”giữa bao đau khổ, bao nhiêu vấn đề ở Roma này, có bao nhiêu người sống mà không hy vọng; trong thinh lặng chúng ta hãy nghĩ đến những người ấy, những người đang chìm trong buổi thảm sâu đậm, họ tìm cách thoát khỏi thảm cảnh đó với ảo tưởng tìm được hạnh phúc trong men rượu, trong ma túy, trong cờ bạc, trong quyền lực của tiền bạc, trong tình dục tháo thứ..”

ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Chúng ta phải trao tặng hy vọng bằng niềm vui của chúng ta, với nụ cười và nhất là bằng chứng tá. Làm chứng tá đòi phải kiên nhẫn và can đảm, hai nhân đức của thánh Phaolô và của mọi Kitô hữu, nhờ đó, chúng ta ra ngoài, gặp gỡ dân chúng. Chúng ta hãy ra khỏi chính mình, khỏi các cộn gđoàn của mình để đi đến nơi có những người nam nữ đang sống, đang làm việc và chịu đau khổ, và loan báo cho họ lòng từ bi của Chúa Cha, Đấng đã tự mạc khải cho loài người trong Đức Giêsu thành Nazareth, loan báo cho họ ân phúc Chúa đã trao tặng chúng ta”.

ĐTC không quên cảnh giác rằng: ”Có một kẻ thù khác có thể chống lại việc rao giảng Tin Mừng, đó là sự thất vọng, là sự buồn sầu mà ma quỷ gieo vào trong tâm hồn chúng ta: đây chính là một cuộc chiến đấu thiêng liêng, một cuộc tử đạo của mọi Kitô hữu, và chúng ta cần phải được chuẩn bị cho cuộc chiến đấu này, không chút sợ hãi”.

Buổi khai mạc Hội nghị kéo dài 2 tiếng đồng hồ, với phần cầu nguyện, suy niệm, các bài đọc sách thánh, với sự phụ họa của âm thanh và ánh sáng, cũng như các bài thánh ca do Ca đoàn giáo phận Roma đảm trách”.

Hội nghị của giáo phận Roma được tiếp nối lúc 7 giờ rưỡi chiều 18-6-2013 tại Đền thờ thánh Gioan Laterano với bài thuyết trình của Đứ Cha Franco Giulio Brambilla, GM giáo phận Novara, về đề tài ”Sự dấn thân của cộng đồng Giáo Hội đối với trách nhiệm của các tín hữu Kitô loan báo Chúa Kitô”. Tiếp theo đó ĐHY Giám quản Vallini trình bày về ”những đường hướng mục vụ”. Hội nghĩ sẽ kế thúc vào thứ tư 19-6-2013, tại các giáo xứ hoặc các giáo hạt (RG 18-6-2013).


G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

DÁM CHO THẤY NHỮNG YẾU ĐUỐI CỦA MÌNH

DÁM CHO THẤY NHỮNG YẾU ĐUỐI CỦA MÌNH

Kitô hữu không thể “loan báo Chúa Giêsu-Kitô cứu độ” nếu “tự sâu xa họ không cảm nhận Ngài”, nếu họ che giấu những yếu đuối của mình, nếu họ không nhìn nhận mình tội lỗi “cách cụ thể”, vì lý do này hay lý do kia.

Đó là tuyên bố của Đức Phanxicô trong bài giảng lễ ngày 14.6.2013, tại nhà nguyện thánh Mátta, trước sự hiện diện của các nhân viên của Bộ Giáo Sĩ.

Trích dẫn thánh Phaolô trong bài đọc I (2Cr 4, 7-15), Đức Thánh Cha đã so sánh các Kitô hữu với “những bình gốm vô giá trị” đang sống “cuộc đối thoại cứu độ” với “sức mạnh của Chúa Giêsu cứu độ”.

Cuộc đối thoại này phải được thực hiên theo khuôn mẫu được thánh Phaolô đưa ra: “Nhiều lần [thánh Phaolô] đã nói, như một điệp khúc, về tội lỗi của mình: “Tôi đã từng là người bách hại Hội Thánh…Tôi đã bách hại…”…Ngài cảm thấy mình là tội nhân.”

Nói cách khác, “mỗi khi thánh Phaolô nói về lý lịch của mình…thì ngài cũng nói đến những ‘yếu đuối’ của ngài, những tội lỗi của ngài. Trái lại, người ta “luôn có cám dỗ về lý lịch, và che giấu đôi chút những ‘yếu đuối’ của mình để người ta không  thấy chúng rõ quá”.

Khuôn mẫu của thánh Phaolô cũng có giá trị “đối với các linh mục”: những ai “chỉ khoe khoang về lý lịch của mình…” thì cuối cùng sẽ “tự dối mình” vì ta không thể “loan báo Chúa Giêsu Kitô cứu độ” nếu “tự sâu xa ta không cảm nhận Ngài”.

Nó hệ tại “trở nên khiêm hạ, nhưng là một sự khiêm hạ thực sự, với danh xưng và tên họ: :Tôi là kẻ có tội về điều này, điều này và điều này”. Như thánh Phaolô làm”. Vấn đề không phải là trình bày mình dưới một hình ảnh sai lạc, “ngây thơ”.

Sự khiêm hạ của người Kitô hữu phải “cụ thể”: “Tôi là một bình gốm vô giá trị về điều này, điều này và điều này”.

“Kho tàng” duy nhất mà người Kitô hữu có thể khoe khoang là “ Chúa Giêsu cứu độ, thập giá của Chúa Giêsu-Kitô”. Và nó được kèm theo bằng việc “xưng thú tội lỗi” vì chỉ như thế mà “cuộc đối thoại là Kitô và Công giáo, cụ thể”.

Cũng thế, “ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô là cụ thể”: “Chúa Giêsu Kitô không cứu độ với một ý tưởng, với một chương trình trí thức. Ngài cứu độ bằng thân xác của Ngài, với sự cụ thể của thân xác. Ngài đã tự hạ và đã làm người, ngài đã làm người cho đến cùng”.

Tý Linh (Xuân Bích VN)

Theo ZENIT

Cây ma túy Cannabis chẳng những không chữa lành, mà còn hại cho sức khỏe

Cây ma túy Cannabis chẳng những không chữa lành, mà còn hại cho sức khỏe

Một số nhận định của ông Giovanni Serpelloni, giám đốc phân bộ chính trị chống ma túy Italia

Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ hiện nay, càng ngày người trẻ càng bị cám dỗ dùng các chất ma túy khác nhau rất có hại cho sức khỏe. Bên cạnh các loại ma túy mạnh như bạch phiến và các loại ma túy hóa học, có cây Cannabis, mà một vài chính trị gia chủ trương cho tự do sử dụng.

Trong một tường trình mới đây ”Đài quan sát ma túy và người nghiện ma túy Âu châu” cho biết hiện nay số người trẻ dùng Heroine giảm bớt, nhưng thay vào đó là các loại ma túy hóa học rẻ hơn, nhưng cũng rất nguy hại cho não bộ và cơ thể con người. So sánh với qúa khứ số lượng người dùng “metamfetamina” cũng như khả năng và kỹ thuật sản suất chất ma túy này đã gia tăng rất nhiều. Nhu cầu ma túy tổng hơp tại Âu châu được đáp ứng phần lớn bởi các phòng thí nghiệm hiện hữu bên trong lục địa Âu châu, đặc biệt là tại các nước Hòa Lan, Bỉ, Ba Lan và Lituania. Trái lại, nói chung thị trường Heroine Âu châu không quan trọng, và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nắm giữ vai trò trung tâm trong việc buôn bán ma túy. Loại ma túy thường được sử dụng nhiều nhất là Cocain, nhập vào Âu châu qua hai ngõ chính là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Nhưng hiện nay có thêm các lộ trình mới: lượng Cocain được cất giấu trong các thùng chở hàng hóa ngày càng nhiều hơn. Mới đây các lực lượng cảnh sát đã khám phá ra và tịch thu nhiều kiện hàng tại Biển Đen và Biển Đông Baltic. Để tránh bị bắt các tổ chức buôn bán ma túy dùng các kỹ thuật hóa học tinh vi để bọc chất Cocain bằng các loại hàng được phép nhập cảng như quần áo, và các sản phẩm bằng nhựa.

Ông Rob Wainwright, giám đốc cảnh sát Âu châu Europol, cho biết Anh quốc, Hòa Lan, Bỉ và bắc Pháp thuộc vùng địa lý có vấn đề nhất, vì thu hút nhiều làn sóng các sản phẩm bất hợp pháp. Và một vài tổ chức trong số các tổ chức tội phạm ý nghĩa nhất chỉ huy các đường dây du nhập này. Bà Cecilia Malmstroem, Ủy viên nội vụ Âu châu, cho biết Ủy ban Âu châu đề nghị cấm bán loại ma túy tổng hợp 4 MA trong toàn Âu châu. Loại 4 MA đã bị cấm tại 10 nước: Áo. đảo Chypre, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hungarie, Ailen, Anh quốc, Lituania và Hòa Lan, vì người ta nghi nó đã gây ra 21 trường hợp tử vong trong năm 2010-2011. Bà cho rằng việc kiểm soát và đóng các biên giới không đủ để ngăn chặn ma túy du nhập, nhưng cần phải có hoạt động trao đổi tin tức giữa các lực lượng cảnh sát toàn Âu châu nữa.

Theo các thống kê mới nhất hiện nay năm 2011 có 12.65% học sinh sinh viên trong lứa tuổi 15-19 dùng Cannabis, và năm 2012 có 12.94%, tức gia tăng 0.29%. Số người trẻ dùng Heroin giảm 0.06% và số người trẻ dùng Cocain giảm 0.11%, trong khi số người trẻ dùng các chất kích thích gia tăng 0.07%, và số người trẻ dùng các chất gây ra ảo giác giảm 0,16%.

Thị trường Âu châu hiện có tới 12 triệu người dùng Cannabis tuổi từ 15 tới 64, trong đó có 5 triệu người trẻ dưới 24 tuổi. Italia là quốc gia tiêu thụ 14% tổng lượng Cannabis lưu hành trong Âu châu. Âu châu cũng là đại lục tiêu thụ 30% tổng lượng Hashish lưu hành trên thế giới.

Ông Wolfgang Goetz, giám đốc ”Trung tâm Âu châu đặc trách các người nghiện ma túy” cho biết Âu châu là vùng ngày càng sản xuất nhiều loại ma túy tổng hợp và Cannabis. Khuynh hướng sản xuất ma túy bất hợp pháp cũng ngày càng lan tràn trong những vùng ít bị nghi ngờ. Hiện tượng này gia tăng bất an ninh cho cuộc sống cộng đồng. Ông Goetz cũng nói rằng số người nghiện ma túy ngày càng gia tăng tự nó là một báo động đáng cho giới chức hữu trách chính trị phải lưu tâm. Bởi vì đối với nhiều người dân Âu châu, đặc biệt là giới trẻ, việc dùng ma túy không phải là chuyện ”thỉnh thoảng” mới xảy ra nữa, mà là chuyện xảy ra mỗi ngày.

Việc nghiện ngập ma túy được khích lệ bởi việc nảy sinh ra các tổ chức ”grow shop” ”quán lớn lên” thịnh hành hồi bán thập niên 1990 tại Bắc Mỹ và Âu châu. Tại Âu châu tổ chức này đã hiện diện trong 15 nước và nó nấp sau việc buôn bán các sản phẩm, mà không phải trả lời cho việc sử dụng chúng.

Ngoài phong trào tự trồng cây ma túy, còn có các hoạt động của các tổ chức tội phạm cấu kết vớí nhau trong dịch vụ buôn bán Cocain và nhựa Cannabis. Phi châu ngày càng trở thành vùng chuyển vận và phân phối ma túy, trong khi các tổ chức tội phạm nắm vai trò quan trọng trong các nước Tây Bắc Âu châu.

Riêng tại Italia phong trào tự trồng cây Cannabis ngày càng lan rộng và các chính quyền miền theo nhau cho phép sử dụng nó. Hai miền mới nhất là Marche và Emilia Romagna. Nhưng các luật do các chính quyền vùng miền đưa ra đi ngược lại với luật quốc gia bảo vệ sức khỏe của người dân. Ngoài các vùng Liguria, Emiglia Romagna và Marche, hồi tháng 5 năm 2012 chính quyền vùng Toscana cũng đã ra luật cho phép sử dụng Cannabis, và vào tháng 9 cùng năm tới phiên vùng Veneto. Các luật này nói chung đều giống nhau. Chúng cho phép sử dụng Cannabis trong lãnh vực ung thư và thần kinh não bộ, cũng như trên các bệnh nhân cuối đời và các bênh nhân bị đa xơ cứng. Các loại thuốc chế bằng Cannabis này phải được nhập cảng và có giấy phép nghiêm ngặt của các nhà thương. Một trong những thuốc chế bằng Cannabis nổi tiếng là Bedrocan của Hòa Lan. Tiếp đến là Sativex, dễ dùng vì như dưởi dạng thuốc xịt.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Tương Lai, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Đồng Giám Mục Italia, bác sĩ Antonio Poselli, chuyên viên bệnh ưng thư cho biết các nghiên cứu quốc tế cho thấy các kết qủa của Cannabis rất yếu kém và gây thất vọng, chứ không có hiệu quả nhiều như người ta tưởng nghĩ hay thổi phồng. Việc dùng các loại thuốc giảm đau có chất á phiện trở thành dễ dàng hơn vì có luật số 38 ban hành năm 2010 cho phép. Chúng là các loại thuốc giảm đau hữu ích nhất, dễ sử dụng nhất và các bệnh nhân có thể chịu được, không phải chỉ nơi các bệnh nhân cuối đời mà cả các bệnh nhân có các triệu chứng đau đớn nói chung nữa. Chính bác sĩ đã chưa gặp trường hợp nào các bệnh nhân yêu cầu dùng Cannabis hay các loại thuốc chế từ Cannabis để chữa trị cho họ. Việc chính quyền nhiều vùng khác nhau tại Italia cho phép sử dụng Cannabis có tính cách ý thức hệ và xấu xa, vì sử dụng sự đau đớn của các bênh nhân như lý cớ cho các sử dụng khác. Thực ra các loại thuốc chế từ Cannabis mắc hơn là dùng morphin để giảm đau. Theo bác sĩ việc trồng cây Cannabis dùng để dệt vải canapa là một loại sợi môi sinh thảo mộc có các khả năng cao thì có lợi hơn là dùng nó để làm thuốc giảm đau.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Giovanni Serpelloni, giám đốc phân bộ chính trị chống ma túy Italia, về các nguy hại của cây ma túy Cannabis.

Hỏi: Thưa ông Serpelloni, bà Lucia Spiri, 31 tuổi, thuộc Câu lạc bộ ”Cannabis Social Club” là tổ chức thăng tiến việc trồng tập thể cây Cannabis để chữa bệnh tại Racaele trong tỉnh Salento, đã tuyên bố rằng: từ khi bà dùng Cannabis bà đã loại bỏ hoàn toàn các loại thuốc chống bệnh đa xơ cứng, mà bà đã bị từ 13 năm nay. Lời tuyên bố này có đáng tin cậy không? Vì thật là đáng kinh tởm khi lừa dối các bệnh nhân đa xơ cứng liên quan tới việc dùng cây ma túy Cannabis để chữa bệnh cho họ hay không?

Đáp: Cần phải minh giải một cách rất rõ ràng cho mọi người liên hệ biết rằng ngày nay kết qủa nhận thấy trên các thuốc được bào chế dựa trên chất THC, là một trong các hoạt chất của Cannabis, chỉ là một hiệu qủa triệu chứng trên các co giật và các đau đớn bắp thịt, và vì thế chúng không chữa bệnh.

Hỏi: Chúng không tạo ra các phản ứng phụ hay sao thưa ông?

Đáp: Còn hơn thế nữa là đàng khác. Có rất nhiều phản ứng phụ trong lãnh vực tâm thần. Ngoài sự kiện này điều không thể chấp nhận được bởi y khoa tân tiến ngày nay đó là mỗi bệnh nhân có thể tự sản xuất ”thuốc” tại nhà, mà không có sự kiểm soát nào liên quan tới loại cây họ trồng và phần trăm của nguyên tắc tác động, phẩm chất của các sản phẩm được dùng cho con người và đặc biệt được dùng như là thuốc, số lượng tự dùng chỉ do bệnh nhân tự quyết định cho chính mình. Đó là chưa kể tới tình trạng tùy thuộc nó.

Hỏi: Như vậy có nghĩa là có rất nhiều nguy hiểm, thế mà lại không có hiển nhiên khoa học nào hay sao, thưa ông?

Đáp: Có một nghiên cứu hàng dọc trên 500 bệnh nhân được thực hiện bởi Trường thuốc Plymouth bên Anh quốc, và đã được trình bầy trong các tháng qua tại Brighton. Các kết qủa cho thấy không có bằng chứng nào yểm trợ cho luận thuyết cho rằng cây Cannabis tác động trên việc chặn đứng tiến trình của bệnh, xem ra thì chất THC chỉ làm giảm đau đớn và giảm các co thắt cơ bắp, nhưng nó không chữa lành bệnh xơ cứng. Cuộc nghiên cứu nói trên liên quan tới nhiều người Anh bị bệnh đa xơ cứng, và những bệnh nhân này đã dùng các viên thuốc chứa chất THC trong thời gian 3 năm. Các kết qủa cho thấy các bệnh nhân dã dùng thuốc THC không tiến triển tốt hơn trong việc trị bệnh đa xơ cứng, so sánh với các bệnh nhân đã dùng các viên thuốc loại placebo, là loại thuốc không có tác dụng, vô hại, mà hiệu qủa chỉ là do sự gợi ý tâm lý của người bệnh.

Hỏi: Thế mà tại sao các người yểm trợ cây Cannabis lại cứ kiên trì cho rằng nó giúp chữa trị?

Đáp: Có vài tổ chức hướng tới chỗ hợp thức hóa, đôi khi không đúng đắn, các sản phẩm khoa học đem lại các kết qủa tích cực trong việc thử nghiệm các loại thuốc với mục đích là giúp gây nhận thức và thăng tiến ý niệm vô hại của việc dùng cây Cannabis và các khả năng dược của nó để chữa các bệnh rất trầm trọng. Mặc dù đồng ý với việc đào sâu các khía cạnh trị liệu này với các nghiên cứu khoa học và các cuộc tìm tòi có kiểm soát, việc trồng cây Cannabis tại nhà và việc dùng nó trong việc tự trị liệu các bệnh khác nhau là điều không thể chấp nhận được. Cũng không thể chấp nhận việc miêu tả cậy Cannabis như là một chất tích cực, hữu ích và đem lại sức khỏe, cả đối với việc dùng nó như là tự ý và giải trí, mà quên đi các tai hại nó gây ra cho cơ thể con người, đặc biệt là cho não bộ của người trẻ.

(Avvenire 1.2-2-2013)

Linh Tiến Khải – VR

Thiên Chúa Hằng Sống là Đấng thương xót, luôn luôn tha thứ và tái ban sự sống cho con người

 Hằng Sống là Đấng thương xót, luôn luôn tha thứ và tái ban sự sống cho con người

Thiên Chúa Hằng Sống là Đấng thương xót, luôn luôn tha thứ và tái ban sự sống cho con người Nhưng rất thường khi con người không chọn sự sống, không chọn Tin Mừng sự sống, mà để cho mình bị hướng dẫn bới các ý thức hệ và luân lý ngăn cản sự sống, không dung tha sự sống, bởi vì chúng bị chỉ huy bởi sự ích kỷ, lợi nhuận, bổng lộc, quyền bính, thú vui, chứ không phải bởi tình yêu thương, việc kiếm tìm thiện ích của người khác.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với gần 100,000 tín hữu tham dự thánh lễ Ngày Sự Sồng, đo ngài cử hành sáng Chúa Nhật 16-6-2013, nhân Ngày Tin Mừng Sự Sống trong Năm Đức Tin, tại quảng trường thánh Phêrô.

Tham dự thánh lễ có phái đoàn của Phong trào thăng tiến sự sống đền từ nhiều nước trên thế giới, cũng như hàng ngàn thành viên Hiệp hội Môtô đến từ khắp nơi trên thế giới, nhân đại hội kỷ niệm 110 năm hiên diện của loại môtô Harley-Davidson, diễn ra tại Roma trong các ngày 13-16-6. Hiệp hội đã tặng Đức Thánh Cha hai chiếc mô tô kiểu rất đẹp. Vào dịp cuối tuần 30,000 thành viên Hiệp hội cũng đã diễn hành qua các đại lộ chính của Roma. Từ lúc lúc 6 giờ sáng Chúa Nhật các thành viên đã tụ tập về quảng trường và để xe dọc đại lộ Hòa Giải trước quảng trường thánh Phêrô và trên tất cả mọi đường phố chung quanh quảng trường. Hiếm có dịp thấy hàng ngàn chiếc môtô cũ mới đủ loại như vây.

Lúc trước 10 giờ xe díp đã chở Đức Thánh Cha đi qua các lối giữa quảng trường để ngài chào tín hữu.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Zygmunt Zimowski, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Y tế, vài Giám Mục và 200 Linh Mục. Đoàn giúp lễ gồm 15 thầy thuộc Đại chủng viện truyền giáo dòng Máu Cực Thánh Chúa. Các bài sách Thánh đã được đọc bằng tiếng Pháp và tiếng Anh. Phúc Âm đã được công bố bằng tiếng Ý. Đảm trách phần thánh ca trong thánh lễ là Ca đoàn Sistina và ca đoàn Mater Ecclesiae.

Giảng trong thánh lễ cử hành ngày Tin Mừng Sự sống Đức Thánh Cha giải thích mục đích như sau:

Với việc cử hành này, trong Năm Đức Tin, chúng ta muốn cám ơn Chúa về ơn sự sống, trong tất cả mọi biểu lộ của nó, đồng thời chúng ta muốn loan báo Tin Mừng Sự Sống. Tiếp đến Đức Thánh Cha đã quảng diễn các bài đọc Chúa Nhật thường niên thứ XI năm C trong ba điểm suy tư: Thứ nhất Thánh Kinh mặc khải cho biết Thiên Chúa Hằng Sống, Thiên Chúa là Sự Sống và suối nguồn sự sống; thứ hai Chúa Giêsu Kitô trao ban sự sống và Chúa Thánh Thần duy trì chúng ta trong sự sống. Và thứ ba đi theo con đường của Thiên Chúa dẫn đưa tới sự sống, trong khi đi theo các thần tượng dẫn đưa tới cái chết.

Bài đọc thứ nhất trích tư sách Samuel II kể lại chuyện vua Đavít phạm tội ngoại tình với vợ của Uria người Híttít, một binh sĩ trong quân đội của hoàng gia. Để lấp liếm tội lỗi vua ra lênh đặt Uria ở hàng tiền tuyến cho ông bị giết chết. Thánh Kinh cho chúng ta thấy thảm cảnh nhân loại trong tất cả cái thực tế của nó: sự lành sự dữ, các đam mê, tội lỗi và các hậu qủa của nó. Khi con người muốn tự khẳng định chính mình, khép kín trong sự ích kỷ và tự đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa, thì kết cục là nó gieo rắc cái chết. Tội ngoại tình của vua Đavít là một thí dụ. Ích kỷ dẫn đưa tới dối trá, qua đó người ta tự lừa dối chính mình và lừa dối tha nhân. Nhưng không thể lừa được Thiên Chúa, và chúng ta đã nghe lời ngôn sứ Nathan nói với nhà vua: ”Hoàng thượng đã làm điều ác trước mặt Thiên Chúa (2 Sm 12,9). Nhà vua bị đặt trước các việc làm gây chết chóc của mình; thật thế điều vua đã làm là công việc của chết chóc chứ không phải của sự sống. Vua hiểu ra và xin lỗi: ”Tôi đã phạm tội chống lại Chúa”; và Thiên Chúa nhân từ muốn sự sống và luôn tha thứ cho chúng ta, Người tha thứ và tái ban sự sống cho vua. Ngôn sứ nói: Chúa đã cất tội của hoàng thượng: hoàng thượng sẽ không chết”.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói chúng ta thường coi Thiên Chúa như là một vị thẩm phán nghiêm khắc, như là một người hạn chế sự tự do sống của chúng ta. Nhưng toàn Thánh Kinh nhắc nhở cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống, là Đấng trao ban sự sống và chỉ cho chúng ta con đường sự sống toàn vẹn. Sách Sáng Thế nói rằng Thiên Chúa nhào nặn nên con người với bụi đất, rồi thổi một hơi thở sự sống vào mũi nó và con người trở thành một sinh linh (St 2,7). Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống; nhờ hơi thở của Người mà con người có sự sống, và hơi thở của Thiên Chúa đỡ nâng con đường cuộc sống trần gian của nó. Khi kệu gọi ông Môshê Thiên Chúa tự giới thiếu với ông như là Thiên Chúa của Abraham, Igiaác và Giacóp, như là Thiên Chúa của kẻ sống. Và khi gửi Moshê tới với Pharaô để giải phóng dân Người, Thiên Chúa vén mở cho ông tện gọi của Người: ”Ta là Đấng tự hữu”, Thiên Chúa Đấng làm cho mình hiện diện trong lịch sử, Người giải thoát khỏi cảnh nộ lệ, khỏi cái chết và đem sự sống đến cho dân, bởi vì Người là Đấng Hằng Sống. Mười Điều Răn là một con đường mà Thiên Chúa chỉ cho chúng ta để có một cuộc sống thật sự tự do, một sự sống tràn đầy. Chúng không phải là một bài ca nói ”không”: ngươi không được làm cai này, không được làm cái nọ…, mà là bài ca nói ”có” với Thiên Chúa, với Tình Yêu, với sự sống. Các bạn thân mến, cuộc sống của chúng ta chỉ tràn đầy trong Thiên Chúa. Chỉ có Người là Đấng Hằng Sống!

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha giải thích thái độ của Chúa Giêsu đến đùng bữa tại nhà một người Pharisêu, và để cho một phu nữ tội lỗi đến gần gậy vấp phạm cho mọi người hiện diện. Người lại còn tha tội cho bà và nói: ”Các tội của chị đã được tha vì chị đã yêu nhiều. Trái lại, ai yêu ít thì được tha ít” (Lc 7,47). Đức Thánh Cha quảng diễn điểm này như sau:

Chúa Giêsu là sự nhập thể của Thiên Chúa Hằng Sống, Đấng đem sự sống đến, trước biết bao nhiêu công việc của sự chết, tội lỗi, ích kỷ, sự khép kín trong chính mình. Chúa Giêsu tiếp đón, yêu thương, nâng dậy, khích lệ, tha thứ và trao ban trở lại sức mạnh để bước đi, Người tái trao ban sự sống. Trong toàn Tin Mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu, với các cử chỉ và lời nói của Người, Người đem sự sống của Thiên Chúa đến và biến đổi con người. Đó là kinh nghiệm của người đàn bà đã xức dầu thơm nơi chân Chúa. Chị cảm thấy được hiểu, được yêu mến và đáp trả với một cử chỉ yêu thương, để cho lòng xót thương của Thiên Chúa đụng chạm tới mình và được ơn tha thứ để bắt đầu một cuộc sống mới. Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống thương xót. Anh chi em có đồng ý vậy không? Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống là Đấng thương xót! Nào tất cả hãy cùng nói: ” Thiên Chơúa Đấng Hằng Sống thương xót. Xin lặp lại một lần nữa: Thiên Chúa Đấng Hằng Sống thương xót!.

Đó cũng đã là kinh nghiệm của thánh Phaolô như kể trong bài đọc thứ hai. Thánh nhân nói: ” Cuộc sống này mà tôi sống trong thân xác, tôi sống trong niềm tin nơi Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2,20). Cuộc sống đó chính là cuộc sống của Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần, ơn của Chúa Kitô phục sinh, dẫn đưa chúng ta vào cuộc sống như là con cái của Thiên Chúa, như là con cái trong Người Con. Nhưng chúng ta có để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn không?

Kitô hữu là một người tinh thần, điều này không có nghĩa là họ sống ”trên mây trên gió”, sống ngoài thực tại như thể là một bóng ma, không! Kitô hữu là một người suy tư và hành xử trong cuộc sống thường ngày theo Thiên Chúa, là một người để cho cuộc đời mình được linh hoạt và dưỡng nuôi bởi Chúa Thánh Thần để nó đầy tràn, như là con cái thật. Ai để cho Chúa Thánh Thần hướng đẫn là người thực tế, biết đo lường và lượng định gía trị thực tại, và cũng là người phong phú: cuộc sống của họ sinh ra sự sống chung quanh họ.

Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống, là Đấng Thương Xót. Chúa Giêsu đem sự sống của Thiên Chúa đến cho chúng ta, Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta vào sự sống đó và duy trì chúng ta trong tương quan sinh động là con cái Thiên Chúa. Nhưng con người không muốn thế. Đức Thánh Cha nhận xét như sau:

Nhưng rất thường khi, chúng ta biết điều này do kinh nhghiệm, con người không chọn lựa sự sống, không chọn lựa Tin Mừng sự sống, mà để cho mình bị hướng dẫn bởi các ý thức hệ và luận lý ngăn cản sự sống, không dung tha sự sống, bởi vì chúng bị chỉ huy bởi sự ích kỷ, lợi nhuận, bổng lộc, quyền bính, thú vui, chứ không phải bởi tình yêu thương và việc kiếm tìm thiện ích của người khác. Đó là ảo tưởng thường xuyên muốn xây dựng kinh thành của con người mà không có Thiên Chúa, không có sự sống và tình yêu của Thiên chúa, một tháp Babel mới; đó là nghĩ rằng việc khước từ Thiên Chúa, Sứ Điệp của Chúa Kitô và Tin Nừng sự sống, đem đến sự tự do và việc hiện thực tràn đầy con người. Hậu qủa là các thần tượng mau qua của con người thay thế Thiên Chúa, chúng cống hiến sự say choáng của một lúc tự do, nhưng sau cùng chúng đem tới các nô lệ mới và cái chết. Sự khôn ngoan của tác giả thánh vịnh nói: ”Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời” (Tv 19,9). Chúng ta hãy luôn nhớ điều đó: Chúa là Đấng Hằng Sống, Người thương xót. Chúa là Đấng Hằng Sống, Người thương xót.

Anh chị em thân mến chúng ta hãy nhìn lên Thiên Chúa như Thiên Chúa của sự sống, chúng ta hãy nhìn vào lề luật của Người, vào sứ điệp Tin Mừng như con đường của sư tự do và sự sống. Thiên Chúa Hằng Sống giải phóng chúng ta! Chúng ta hãy nói có với tình yêu chứ không với với ích kỷ, chúng ta hãy nói có với sự sống chứ không với cái chết, chúng ta hãy nói có với sự tự do chứ không với nô lệ của biết bao nhiêu thần tượng thời đại. Tắt một lời, chúng ta hãy nói vâng với Thiên Chúa là tình yêu, sự sống và tự do, và không bao giờ gây thất vọng (x. 1 Ga 4,8). Chỉ có niềm tin nơi Thiên Chúa Hằng Sống cứu rỗi chúng ta.
Lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng: Hoa, Tây Ban Nha, Nga, Đức và Đại Hàn. Trong phần hiệp lễ 150 Linh Muc đã giúp Đức Thánh Cha phân phát Mình Thánh Chúa cho tín hữu.

Vào cuối thánh lễ Đức Hồng Y Zimowski đã thay mặt mọi người đặc biệt là các thánh viên Phong trao Bảo vệ sự sống cám ơn Đức Thánh Cha.

Trước khi đọc kinh truyền tin và ban phép lành cuối lễ Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người hướng về Đức Mẹ và phó thác cho sự chở che hiền mầu của Mẹ mọi sự sống, cách riêng sự sống yếu duối, vô phương tự vệ và bị đe dọa nhất.

Ngài cũng nhắc rằng thứ bảy vừa qua Giáo Hội tại Carpi Italia đã có một tân chân phước: đó là Odoardo Focherini, nhà báo cha của 7 người con, và là người đã cứu nhiều người Do thái, nhưng bị bắt và chết trong trại tập trung Đức quốc xã tại Hersbruck năm 1944 lúc với 37 tuổi, bị thù ghét vì đức tin. Đức Thánh Cha cảm tạ Chúa vì chứng nhân Tin Mừng Sự Sống này.

Ngài cũng cám ơn tất cả mọi tín hữu, đặc biệt các gia đình đã trực tiếp hoạt động bảo vệ sự sống con người, cũng như các thành viên liên hiệp mô tô Harley Davidson và Hội Môtô của cảnh sát Italia.

Rồi ngài đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

Tình yêu cứu độ

Tình yêu cứu độ

Bữa tiệc hôm nay diễn ra trong một khung cảnh đầy mâu thuẫn. Một bên là căn nhà sang trọng của thủ lĩnh biệt phái, một bên là Chúa Giêsu ăn mặc đơn sơ trong bộ quần áo của dân nghèo. Một bên là ông Simon người được coi là đạo cao đức trọng, một bên là người phụ nữ bị coi là đại tội nhân. Một bên là mâm cao cỗ đầy, mọi người vui tươi ănuống, một bên là người phụ nữ quì mọp sát đất, không dám ngẩng mặt lên, gục đầu khóc lóc. Chính trong khung cảnh đầy mâu thuẫn, trái ngược ấy, Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu thương bao la của Người.

Đó là tình yêu bao dung chấp nhận mọi người. Chúa chấp nhận ông Simon dù Chúa không ưa lối sống của ông và của những người biệt phái, vì họ tự tôn cho rằng mình đạo đức mà khinh miệt những người khác. Hơn nữa, lối sống đạo của họ chỉ là hình thức giả dối bề ngoài. Thế nhưng Chúa vẫn chấp nhận ông, chấp nhận lời mời của ông, đến dự tiệc với ông, ngồi đồng bàn với ông, chia sẻ món ăn và câu chuyện với ông. Không chỉ chấp nhận ông Simon, Chúa còn chấp nhận người phụ nữ bị coi là tội lỗi công khai. Chị vào nhà trong ánh mắt khinh thị của mọi người. Nhưng Chúa vẫn điềm nhiên để chị khóc ướt chân mình. Chúa đã để chị hôn chân mình. Chúa đã để chị lấy tóc lau chân mình. Chúa đã để chị xức dầu tràn đầy trên chân mình. Còn hơn thế nữa, Chúa lên tiếng công khai bênh vực chị. Nếu Chúa công khai bày tỏ thịnh tình với ông Simon khi đến nhà ông dự tiệc thì Chúa cũng công khai bày tỏ thịnh tình với người phụ nữ khi lên tiếng bênh vực chị. Chúa chấp nhận tất cả mọi người.

Đó là tình yêu bao dung tha thứ mọi tội lỗi. Thái độ của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ tội lỗi là thái độ bao dung tha thứ. Chúa để cho chị vào nhà. Hơn thế nữa, Chúa để cho chị gục đầu vào chân Chúa, khóc ướt chân Chúa, lấy tóc lau chân Chúa và xức dầu thơm lên chân Chúa. Chị làm điều ấy ở nơi kín đáo còn đỡ gây chống đối, đằng này chị làm điều ấy công khai trước mắt mọi người, mà lại là những người ghen ghét, chống đối và kết án chị. Aùnh mắt và thái độ của những người chung quanh, đặc biệt là của ông Simon không lọt ngoài tầm mắt Chúa. Nhưng Chúa vẫn để chị làm những gì biểu lộ lòng thống hối, lòng yêu mến của Chị. Sau đó Chúa còn công khai lên tiếng ca ngợi tình yêu và niềm tin của Chị và công khai tha thứ cho chị.

Đó là tình yêu bao dung hoán cải. Chúa không ưa thói hợm hĩnh, giả hình của người biệt phái. Nhưng Chúa vẫn tìm cách hoán cải họ. Vì thế hôm nay Chúa nhận lời đến nhà ông Simon dự tiệc. Thấy thái độ của ông đối với người phụ nữ và những ý nghĩ thầm kín của ông phê phán Chúa, Chúa không để ông trong lầm lạc, nhưng đã lên tiếng giải thích cho ông hiểu những điều then chốt trong đời sống đạo và những gì có giá trị thực sự trước mặt Chúa. Chúa phải tốn công giải thích cặn kẽ vì Chúa yêu thương ông, muốn ông hiểu và hoán cải tâm hồn.

Đó là tình yêu ban ơn cứu độ. Tất cả những gì Chúa làm là mong đem ơn cứu độ cho loài người, cho tất cả mọi người không loại trừ một ai. Chúa muốn cứu độ cả ông Simon là người tưởng lầm mình đạo đức nhưng chỉ là đạo đức bên ngoài. Chúa muốn cứu độ cả người phụ nữ bị mang tiếng tội lỗi, bị mọi người khinh miệt, loại trừ. Tình yêu của Chúa không phải là thứ cảm tính nhất thời, đem đến an ủi nhất thời. Đó là tình yêu đem đến ơn cứu độ, đem đến hạnh phúc thực sự và vĩnh cửu cho con người.

Lạy Chúa, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Lạy Chúa, xin cứu độ con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Bạn có thường xét đoán và khinh miệt, loại trừ người khác như ông Simon biệt phái không?
2- Bạn có thái độ khiêm nhường thống hối, tha thiết yêu mến như người phụ nữ tội lỗi không?
3- Chúa Giêsu nêu gương gì cho bạn trong cách đối xử với mọi người, người tội lỗi cũng như người tự xưng mình công chính?
4- Khi yêu thương người khác, bạn có dẫn người khác đến ơn cứu độ không?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Hãy sám hối ăn năn

Hãy sám hối ăn năn

Trong tiểu thuyết “Giường đàn bà” đã kể lại những cuộc tình bị đồng tiền làm hoen ố. Tình yêu chỉ là một món hàng mà người có tiền hay không có tiền đều dùng nó để mua bán trao đổi. Câu chuyện xoay quanh các nhân vật: Mạch – một phóng viên trẻ, đang học đại học, là nhân tình của một tổng biên tập giàu có và đa tình – người trả tiền nhà và đóng học phí cho cô.

Sau khi tan vỡ mong ước được làm mẹ do người tình một mực đòi cô phá thai, cuộc sống tinh thần của Mạch bị đảo lộn. Cô quyết định trả thù người tình bằng cách cặp với Bob – một nhà văn nghèo đang tìm kiếm vốn tài trợ cho bộ phim mà anh chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết của mình.

Tình yêu khó khăn giữa Mạch và Bob vừa nhen nhóm đã bị những giá trị vật chất trong cuộc sống lấn lướt và dập tắt. Bob phải ngủ với bà Thẩm Xán – một chủ doanh nghiệp giàu sang để hòng moi tiền đầu tư làm phim. Mạch bị sự giàu sang và phong trần của giám đốc đẹp trai Trần Tả – chồng của Thẩm Xán – quyến rũ. Bob chấp nhận cầm tiền của Trần Tả để bỏ rơi Mạch. Mạch bị Thẩm Xán đánh ghen tới trụy thai…

Tiểu thuyết hé lộ một phần sự thật về cuộc sống tàn nhẫn ở các thành phố lớn, hiện đại – nơi giá trị vật chất chiến thắng giá trị đạo đức và con người không vượt qua nổi chính mình. Đồng tiền trôi nổi cũng kéo theo phận người nổi trôi đầy sóng gió nghi nan. Con người lao vào vòng xoáy của vật chất đến vong thân chính mình. Con người đã quên mất mục đích sống của mình nên cũng đánh mất phẩm giá làm người của mình.

Nhân loại hôm nay dường như người ta chỉ cần tiền và bằng mọi cách kiếm ra tiền. Vì tiền mà người ta bỏ ra ngoài tất cả những giá trị đạo đức, tình yêu, lòng chung thuỷ…; Cuộc sống nếu đề cao đồng tiền lên trên mọi thứ luân lý, đạo đức thì đó là một xã hội suy đồi, nơi đó con người khó mà có những giây phút hạnh phúc đích thực, mà chỉ là những hạnh phúc giả tạo, mong manh dễ tan vỡ mà thôi.

Điều đáng tiếc cho xã hội hội hôm nay là người ta mất ý thức về tội. Người ta đề cao tự do đến nỗi luôn làm theo ý mình mà gạt bỏ lề lật của Chúa hay những luân thường đạo lý. Người ta luôn dùng mục đích để biện minh cho phương tiện, cho dù đó là phương tiện xấu xa, đê tiện. Có biết bao cô gái trẻ bán thân vì lý do để lấy tiền trang trải cho gia đình, hay cho việc học bản thân. Có biết bao người ngoại tình vì để đền ơn cho kẻ giúp đỡ thi ân. Có biết bao người phá thai vì đông con, vì nghèo đói…; Có phải vì nghèo đói để rồi mình có thể làm tất cả mọi chuyện cho dù đó là những chuyện phi nhân thất đức hay không? Có phải vì tiền mà mình có thể loại bỏ luân thường đạo lý hay không? Cuộc sống nếu không còn những giá trị đạo đức sẽ là một bể khổ đối với con người. Vì con người luôn phải đối đầu với biết bao con người xấu, với biết bao tệ nạn xấu. Xã hội loài người sẽ hỗn loạn nếu con người đặt vật chất lên trên mọi giá trị tinh thần. Nếu con người đề cao vật chất thì người ta sẽ dễ dàng chà đạp lên nhau chỉ vì một chút vật chất tầm thường mau qua.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có một tấm lòng sám hối chân thành như Đa-vít, hay như người phụ nữ tội lỗi đã khóc dưới chân Chúa và lấy tóc mà lau chân Chúa. Họ đều là những con người có quá khứ tội lỗi. Họ đều mang thân phận yếu đuối của con người. Họ đã phạm tội nhưng họ đã biết trỗi dậy. Cuộc đời họ đã ngụp lặn trong biết bao đam mê lầm lạc nhưng lương tâm luôn làm họ cắn rứt. Họ đã từng chọn những phù phiếm trần gian hơn là những giá trị đạo đức. Thế nhưng, họ không có bình an tâm hồn khi sống xa luật Chúa để lao vào những chuyện phi nhân thất đức. Họ đã trở về với lòng sám hối chân thành. Đa-vít đã mặc áo nhặm để sám hối ăn năn. Người phụ nữ đã quyết tâm đập bể bình ngọc như phá bỏ những hào nhoáng, phù phiếm mau qua. Họ đã nhận ra giá trị đích thực của con người là biết làm chủ chính mình, biết giữ được phẩm giá làm người của mình. Một con người có lý trí để biết đâu là thiện là ác, có ý chi để hướng dẫn hành vi mình đi theo lẽ phải. Giá trị của con người là biết làm chủ bản thân để sống đúng với phẩm giá làm người, với luân thường đạo lý. Nếu con người không còn khả năng làm chủ bản thân để đi theo lề luật thì con người đâu hơn loài vật. Nếu con người sống chỉ biết tranh giành nhau danh lợi thú trần gian thì con người đang tự đầy đoạ mình trong khổ ải trần gian.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết chọn Chúa hơn là những vinh hoa phú quý trần gian. Ước gì mỗi người chúng ta biết lắng nghe tiếng nói sự thật như Đa-vít để thật lòng ăn năn trở về với Chúa. Nguyện xin Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót xin giúp sức để chúng ta can đảm sám hối và canh tân đời sống mỗi ngày một tốt hơn. Amen.

LM JOS Tạ Duy Tuyền

THA THỨ

THA THỨ

Thỉnh thoảng bạn đọc thấy một câu chuyện khiến bạn tự nhủ, “Đó là câu chuyện mà Chúa Giêsu thường nói đến.” Nó thật nồng ấm và đơn giản đến độ một đứa trẻ cũng có thể hiểu được và nhớ mãi.

Trong cuốn Jesus Make Me Laugh, tác giả David Redding cũng có một câu chuyện tương tự.

David sống trong một nông trại hẻo lánh. Người bạn duy nhất của cậu là con chó Teddy.

Con Teddy thường chờ David về nhà sau khi tan học. Nó ngủ bên cạnh cậu. Khi David huýt gió, Teddy chạy ngay đến dù nó đang ăn. Và rồi Thế Chiến II xảy đến.

David phải xa nhà vào hải quân. Anh không biết phải từ giã con Teddy như thế nào. Anh nói, “Làm thế nào bạn có thể giải thích cho một người thân yêu là bạn phải từ giã họ?”

Sau cùng, giây phút chia ly phải xảy đến. Con Teddy biết David phải xa nhà, nhưng nó không biết bao lâu và tại sao phải như vậy.

Ngày dần trôi, từ tuần sang tháng, từ tháng sang năm. Sau cùng, chiến tranh chấm dứt và David được tự do về nhà.

Chặng xe buýt cuối cùng để David dừng chân thì cách nhà đến 14 dặm. Lúc ấy khoảng nửa đêm và trời đen như mực khi anh rảo bước.

Gần bốn tiếng đồng hồ sau, anh còn cách nhà chừng nửa dặm. Bỗng dưng con Teddy cất tiếng sủa như khi có ai đó đến gần nông trại.

Và rồi anh David huýt gió. Có tiếng kêu ăng ẳng mừng rỡ. Một vài phút sau, con Teddy đã nhẩy vào lòng anh.

David kết thúc câu chuyện bằng nhận xét rằng, khi con Teddy mừng đón anh về nhà, giây phút không thể quên được đó đã nhắc nhở anh về Thiên Chúa. Nếu một con thú như Teddy có thể yêu mến và chào đón anh trở về dù bao năm xa cách, thì lẽ nào Thiên Chúa lại không hành động giống như vậy?

Câu chuyện của con chó Teddy đặc biệt thích hợp với các bài đọc hôm nay.

Nó cho thấy loại tha thứ mà Thiên Chúa đã ban cho Vua David trong bài đọc một.

Nó cho thấy loại tha thứ mà Chúa Giêsu đã ban cho người phụ nữ tội lỗi trong bài Phúc Âm hôm nay.

Nó cho thấy loại tha thứ mà Chúa Giêsu hành xử trong suốt cuộc đời của Người.

Chúa tha thứ cho người đàn ông bị bại liệt. Chúa tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình. Chúa tha thứ cho tên trộm lành. Chúa tha thứ cho những lý hình tra tấn hành hạ Người.

Những gì Chúa Giêsu sống trong cuộc đời ở trần thế, Người cũng muốn các môn đệ thi hành.

Tha thứ cho những người lỗi phạm đến chúng ta là tâm điểm của rất nhiều dụ ngôn.

Thí dụ, đó là chủ đề của dụ ngôn người mục tử đi tìm con chiên lạc.

Đó là chủ đề của dụ ngôn bà goá đánh mất một đồng bạc và gắng sức đi tìm.

Đó là chủ đề của dụ ngôn người cha nhân hậu đón mừng người con hoang đàng trở về.

Mỗi một dụ ngôn này nói lên cùng một điểm. Cha trên trời thì luôn tha thứ. Bởi đó, chúng ta, là con cái Người, cũng phải biết tha thứ.

Chúng ta cũng không được giới hạn sự tha thứ. Chúa Giêsu nói với ông Phêrô là chúng ta phải tha thứ không chỉ bảy lần, nhưng “bảy mươi lần bảy.” Mt 18:22

Nhưng tha thứ cho người khác không có nghĩa bỏ qua sự công bằng.

Bà Marcia Hootman và Patt Perkin đã nói rõ điểm này trong cuốn sách của họ, How to Forgive Your Ex-Husband (Làm thế nào để tha thứ cho người chồng cũ).

Họ kể ra trường hợp của ĐGH Gioan Phaolô II. Người đã vào nhà tù ở Ý để tha thứ cho Mehmet Ali Agca, tên hung thủ muốn sát hại đức giáo hoàng. “Nhưng,” các bà ấy viết, “bạn có để ý là đức giáo hoàng không xin cho Agca được tại ngoại đâu?”

Tướng James Oglethorpe của Anh có rất nhiều đức tính cao thượng, nhưng ông thú nhận là ông thấy bứt rứt khi phải tha thứ cho người sái quấy với ông.

Người ta nói rằng, ông đã từng nói với John Wesley rằng “Tôi không bao giờ tha thứ.” Và rồi Wesley nói với ông, “Vậy thì thưa ngài, tôi hy vọng là ngài không bao giờ phạm tội.”

Wesley nhắc nhở tướng Oglethorpe về điều Chúa Giêsu đã cảnh cáo: “Nếu anh em không tha thứ cho nhau, thì Cha anh em cũng sẽ không tha thứ cho anh em khi làm điều sái quấy.” Mt. 6:15

Không nơi đâu chúng ta thấy sự tha thứ thật rõ ràng như trong kinh Lậy Cha.

Trong kinh đó, chúng ta xin Cha trên trời “tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Nhận xét về lời cầu xin này, thần học gia Tô Cách Lan là William Barclay nói:

Thật là một ý nghĩ đáng sợ khi người ta xin Thiên Chúa đừng tha thứ cho họ. Tuy nhiên, đó chính là điều mà một người không tha thứ hành động khi họ đọc kinh này.

Để giải thích điều này, Barclay đã đưa ra trường hợp của Robert Louis Stevenson, tác giả cuốn Treasure Island .

Ngày kia, khi đang đọc kinh Lạy Cha với gia đình, Stevenson bước ra khỏi phòng. Vợ ông đi theo, tưởng rằng ông bị đau yếu.

Khi gặp chồng, bà hỏi, “|Anh đau hay sao vậy?” Ông nói, “Không, hôm nay anh không xứng đáng để đọc kinh Lạy Cha.”

Chúng ta hãy kết thúc với tư tưởng của thi sĩ George Herbert:

Ai không thể tha thứ cho người khác thì đã làm đứt cây cầu mà họ phải đi qua nếu muốn đến thiên đường; vì bất cứ ai cũng cần được sự tha thứ.

Cha Mark Link, SJ

Thỉnh thoảng bạn đọc thấy một câu chuyện khiến bạn tự nhủ, “Đó là câu chuyện mà Chúa Giêsu thường nói đến.” Nó thật nồng ấm và đơn giản đến độ một đứa trẻ cũng có thể hiểu được và nhớ mãi.

Trong cuốn Jesus Make Me Laugh, tác giả David Redding cũng có một câu chuyện tương tự.

David sống trong một nông trại hẻo lánh. Người bạn duy nhất của cậu là con chó Teddy.

Con Teddy thường chờ David về nhà sau khi tan học. Nó ngủ bên cạnh cậu. Khi David huýt gió, Teddy chạy ngay đến dù nó đang ăn. Và rồi Thế Chiến II xảy đến.

David phải xa nhà vào hải quân. Anh không biết phải từ giã con Teddy như thế nào. Anh nói, “Làm thế nào bạn có thể giải thích cho một người thân yêu là bạn phải từ giã họ?”

Sau cùng, giây phút chia ly phải xảy đến. Con Teddy biết David phải xa nhà, nhưng nó không biết bao lâu và tại sao phải như vậy.

Ngày dần trôi, từ tuần sang tháng, từ tháng sang năm. Sau cùng, chiến tranh chấm dứt và David được tự do về nhà.

Chặng xe buýt cuối cùng để David dừng chân thì cách nhà đến 14 dặm. Lúc ấy khoảng nửa đêm và trời đen như mực khi anh rảo bước.

Gần bốn tiếng đồng hồ sau, anh còn cách nhà chừng nửa dặm. Bỗng dưng con Teddy cất tiếng sủa như khi có ai đó đến gần nông trại.

Và rồi anh David huýt gió. Có tiếng kêu ăng ẳng mừng rỡ. Một vài phút sau, con Teddy đã nhẩy vào lòng anh.

David kết thúc câu chuyện bằng nhận xét rằng, khi con Teddy mừng đón anh về nhà, giây phút không thể quên được đó đã nhắc nhở anh về Thiên Chúa. Nếu một con thú như Teddy có thể yêu mến và chào đón anh trở về dù bao năm xa cách, thì lẽ nào Thiên Chúa lại không hành động giống như vậy?

Câu chuyện của con chó Teddy đặc biệt thích hợp với các bài đọc hôm nay.

Nó cho thấy loại tha thứ mà Thiên Chúa đã ban cho Vua David trong bài đọc một.

Nó cho thấy loại tha thứ mà Chúa Giêsu đã ban cho người phụ nữ tội lỗi trong bài Phúc Âm hôm nay.

Nó cho thấy loại tha thứ mà Chúa Giêsu hành xử trong suốt cuộc đời của Người.

Chúa tha thứ cho người đàn ông bị bại liệt. Chúa tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình. Chúa tha thứ cho tên trộm lành. Chúa tha thứ cho những lý hình tra tấn hành hạ Người.

Những gì Chúa Giêsu sống trong cuộc đời ở trần thế, Người cũng muốn các môn đệ thi hành.

Tha thứ cho những người lỗi phạm đến chúng ta là tâm điểm của rất nhiều dụ ngôn.

Thí dụ, đó là chủ đề của dụ ngôn người mục tử đi tìm con chiên lạc.

Đó là chủ đề của dụ ngôn bà goá đánh mất một đồng bạc và gắng sức đi tìm.

Đó là chủ đề của dụ ngôn người cha nhân hậu đón mừng người con hoang đàng trở về.

Mỗi một dụ ngôn này nói lên cùng một điểm. Cha trên trời thì luôn tha thứ. Bởi đó, chúng ta, là con cái Người, cũng phải biết tha thứ.

Chúng ta cũng không được giới hạn sự tha thứ. Chúa Giêsu nói với ông Phêrô là chúng ta phải tha thứ không chỉ bảy lần, nhưng “bảy mươi lần bảy.” Mt 18:22

Nhưng tha thứ cho người khác không có nghĩa bỏ qua sự công bằng.

Bà Marcia Hootman và Patt Perkin đã nói rõ điểm này trong cuốn sách của họ, How to Forgive Your Ex-Husband (Làm thế nào để tha thứ cho người chồng cũ).

Họ kể ra trường hợp của ĐGH Gioan Phaolô II. Người đã vào nhà tù ở Ý để tha thứ cho Mehmet Ali Agca, tên hung thủ muốn sát hại đức giáo hoàng. “Nhưng,” các bà ấy viết, “bạn có để ý là đức giáo hoàng không xin cho Agca được tại ngoại đâu?”

Tướng James Oglethorpe của Anh có rất nhiều đức tính cao thượng, nhưng ông thú nhận là ông thấy bứt rứt khi phải tha thứ cho người sái quấy với ông.

Người ta nói rằng, ông đã từng nói với John Wesley rằng “Tôi không bao giờ tha thứ.” Và rồi Wesley nói với ông, “Vậy thì thưa ngài, tôi hy vọng là ngài không bao giờ phạm tội.”

Wesley nhắc nhở tướng Oglethorpe về điều Chúa Giêsu đã cảnh cáo: “Nếu anh em không tha thứ cho nhau, thì Cha anh em cũng sẽ không tha thứ cho anh em khi làm điều sái quấy.” Mt. 6:15

Không nơi đâu chúng ta thấy sự tha thứ thật rõ ràng như trong kinh Lậy Cha.

Trong kinh đó, chúng ta xin Cha trên trời “tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Nhận xét về lời cầu xin này, thần học gia Tô Cách Lan là William Barclay nói:

Thật là một ý nghĩ đáng sợ khi người ta xin Thiên Chúa đừng tha thứ cho họ. Tuy nhiên, đó chính là điều mà một người không tha thứ hành động khi họ đọc kinh này.

Để giải thích điều này, Barclay đã đưa ra trường hợp của Robert Louis Stevenson, tác giả cuốn Treasure Island .

Ngày kia, khi đang đọc kinh Lậy Cha với gia đình, Stevenson bước ra khỏi phòng. Vợ ông đi theo, tưởng rằng ông bị đau yếu.

Khi gặp chồng, bà hỏi, “|Anh đau hay sao vậy?” Ông nói, “Không, hôm nay anh không xứng đáng để đọc kinh Lậy Cha.”

Chúng ta hãy kết thúc với tư tưởng của thi sĩ George Herbert:

Ai không thể tha thứ cho người khác thì đã làm đứt cây cầu mà họ phải đi qua nếu muốn đến thiên đường; vì bất cứ ai cũng cần được sự tha thứ.

– See more at: http://www.lamhong.org/2013/06/12/chu-giai-va-chia-se-tin-mung-chua-nhat-xi-tn-nam-c/#CN11C_15

Thỉnh thoảng bạn đọc thấy một câu chuyện khiến bạn tự nhủ, “Đó là câu chuyện mà Chúa Giêsu thường nói đến.” Nó thật nồng ấm và đơn giản đến độ một đứa trẻ cũng có thể hiểu được và nhớ mãi.

Trong cuốn Jesus Make Me Laugh, tác giả David Redding cũng có một câu chuyện tương tự.

David sống trong một nông trại hẻo lánh. Người bạn duy nhất của cậu là con chó Teddy.

Con Teddy thường chờ David về nhà sau khi tan học. Nó ngủ bên cạnh cậu. Khi David huýt gió, Teddy chạy ngay đến dù nó đang ăn. Và rồi Thế Chiến II xảy đến.

David phải xa nhà vào hải quân. Anh không biết phải từ giã con Teddy như thế nào. Anh nói, “Làm thế nào bạn có thể giải thích cho một người thân yêu là bạn phải từ giã họ?”

Sau cùng, giây phút chia ly phải xảy đến. Con Teddy biết David phải xa nhà, nhưng nó không biết bao lâu và tại sao phải như vậy.

Ngày dần trôi, từ tuần sang tháng, từ tháng sang năm. Sau cùng, chiến tranh chấm dứt và David được tự do về nhà.

Chặng xe buýt cuối cùng để David dừng chân thì cách nhà đến 14 dặm. Lúc ấy khoảng nửa đêm và trời đen như mực khi anh rảo bước.

Gần bốn tiếng đồng hồ sau, anh còn cách nhà chừng nửa dặm. Bỗng dưng con Teddy cất tiếng sủa như khi có ai đó đến gần nông trại.

Và rồi anh David huýt gió. Có tiếng kêu ăng ẳng mừng rỡ. Một vài phút sau, con Teddy đã nhẩy vào lòng anh.

David kết thúc câu chuyện bằng nhận xét rằng, khi con Teddy mừng đón anh về nhà, giây phút không thể quên được đó đã nhắc nhở anh về Thiên Chúa. Nếu một con thú như Teddy có thể yêu mến và chào đón anh trở về dù bao năm xa cách, thì lẽ nào Thiên Chúa lại không hành động giống như vậy?

Câu chuyện của con chó Teddy đặc biệt thích hợp với các bài đọc hôm nay.

Nó cho thấy loại tha thứ mà Thiên Chúa đã ban cho Vua David trong bài đọc một.

Nó cho thấy loại tha thứ mà Chúa Giêsu đã ban cho người phụ nữ tội lỗi trong bài Phúc Âm hôm nay.

Nó cho thấy loại tha thứ mà Chúa Giêsu hành xử trong suốt cuộc đời của Người.

Chúa tha thứ cho người đàn ông bị bại liệt. Chúa tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình. Chúa tha thứ cho tên trộm lành. Chúa tha thứ cho những lý hình tra tấn hành hạ Người.

Những gì Chúa Giêsu sống trong cuộc đời ở trần thế, Người cũng muốn các môn đệ thi hành.

Tha thứ cho những người lỗi phạm đến chúng ta là tâm điểm của rất nhiều dụ ngôn.

Thí dụ, đó là chủ đề của dụ ngôn người mục tử đi tìm con chiên lạc.

Đó là chủ đề của dụ ngôn bà goá đánh mất một đồng bạc và gắng sức đi tìm.

Đó là chủ đề của dụ ngôn người cha nhân hậu đón mừng người con hoang đàng trở về.

Mỗi một dụ ngôn này nói lên cùng một điểm. Cha trên trời thì luôn tha thứ. Bởi đó, chúng ta, là con cái Người, cũng phải biết tha thứ.

Chúng ta cũng không được giới hạn sự tha thứ. Chúa Giêsu nói với ông Phêrô là chúng ta phải tha thứ không chỉ bảy lần, nhưng “bảy mươi lần bảy.” Mt 18:22

Nhưng tha thứ cho người khác không có nghĩa bỏ qua sự công bằng.

Bà Marcia Hootman và Patt Perkin đã nói rõ điểm này trong cuốn sách của họ, How to Forgive Your Ex-Husband (Làm thế nào để tha thứ cho người chồng cũ).

Họ kể ra trường hợp của ĐGH Gioan Phaolô II. Người đã vào nhà tù ở Ý để tha thứ cho Mehmet Ali Agca, tên hung thủ muốn sát hại đức giáo hoàng. “Nhưng,” các bà ấy viết, “bạn có để ý là đức giáo hoàng không xin cho Agca được tại ngoại đâu?”

Tướng James Oglethorpe của Anh có rất nhiều đức tính cao thượng, nhưng ông thú nhận là ông thấy bứt rứt khi phải tha thứ cho người sái quấy với ông.

Người ta nói rằng, ông đã từng nói với John Wesley rằng “Tôi không bao giờ tha thứ.” Và rồi Wesley nói với ông, “Vậy thì thưa ngài, tôi hy vọng là ngài không bao giờ phạm tội.”

Wesley nhắc nhở tướng Oglethorpe về điều Chúa Giêsu đã cảnh cáo: “Nếu anh em không tha thứ cho nhau, thì Cha anh em cũng sẽ không tha thứ cho anh em khi làm điều sái quấy.” Mt. 6:15

Không nơi đâu chúng ta thấy sự tha thứ thật rõ ràng như trong kinh Lậy Cha.

Trong kinh đó, chúng ta xin Cha trên trời “tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Nhận xét về lời cầu xin này, thần học gia Tô Cách Lan là William Barclay nói:

Thật là một ý nghĩ đáng sợ khi người ta xin Thiên Chúa đừng tha thứ cho họ. Tuy nhiên, đó chính là điều mà một người không tha thứ hành động khi họ đọc kinh này.

Để giải thích điều này, Barclay đã đưa ra trường hợp của Robert Louis Stevenson, tác giả cuốn Treasure Island .

Ngày kia, khi đang đọc kinh Lậy Cha với gia đình, Stevenson bước ra khỏi phòng. Vợ ông đi theo, tưởng rằng ông bị đau yếu.

Khi gặp chồng, bà hỏi, “|Anh đau hay sao vậy?” Ông nói, “Không, hôm nay anh không xứng đáng để đọc kinh Lậy Cha.”

Chúng ta hãy kết thúc với tư tưởng của thi sĩ George Herbert:

Ai không thể tha thứ cho người khác thì đã làm đứt cây cầu mà họ phải đi qua nếu muốn đến thiên đường; vì bất cứ ai cũng cần được sự tha thứ.

– See more at: http://www.lamhong.org/2013/06/12/chu-giai-va-chia-se-tin-mung-chua-nhat-xi-tn-nam-c/#CN11C_15

Bắc Hàn có khoảng 10,000 người Công giáo bí mật

Bắc Hàn có khoảng 10,000 người Công giáo bí mật

“Chúng ta nghi ngờ sau một thời gian dài bắt bớ mà vẫn còn khoảng 10,000 người nhớ đến đức tin Công giáo trong lòng. Nhưng tôi thấy khó tin có một Giáo hội bí mật có tổ chức ở Bắc Hàn”, linh mục Lee Eun-hyung, tổng thư ký “Ủy ban Hòa giải người Triều Tiên” của Công giáo, nói trong một cuộc phỏng vấn với Aid to the Church in Need (quỹ hỗ trợ công tác mục vụ ở những nơi người Công giáo bị ngược đãi).

Trong cuộc phỏng vấn, cha Eun-hyung miêu tả cảnh sống bi thảm của người dân Bắc Hàn và nói về các chuyến đi của ngài, chuyến cuối cùng là chuyến thăm thủ đô Bắc Hàn vào năm 2011. “Trong mỗi chuyến đi, tôi dâng lễ tại nhà thờ Công giáo “Jangchung”, lấy tên theo tên quận trong thành phố này, và có tín hữu Bắc Hàn tham dự. Thế nhưng, các nhà chức trách Bắc Hàn nói với tôi rằng nghiêm cấm tôi và những người làm việc với tôi tiếp xúc riêng với công dân nước này”. Cha Eun-hyung giải thích nhà thờ Jangchung có một không hai vì giáo dân của nhà thờ do một giáo dân cử hành phụng vụ Lời Chúa hướng dẫn vào mỗi Chủ nhật”. Điều này hẳn là đúng vì “theo tôi biết, hiện nay không có linh mục nào sống ở Bắc Hàn”, ngài nói.

Khi được hỏi còn bao nhiêu người Công giáo ở Bắc Hàn, cha Eun-hyung trả lời: “Khó nói lắm. Chính quyền Bắc Hàn nói với chúng tôi rằng có 3,000 người Công giáo trong nước này. Nhưng chúng tôi không biết con số này có đúng không, hay làm sao họ có được con số đó”. Lần cuối cùng có được con số thống kê chính xác là vào năm 1945, khi Triều Tiên bị chia thành hai miền Nam, Bắc. “Theo tài liệu trước đây cho thấy có khoảng 50.000 người Công giáo sống ở miền bắc trước khi đất nước bị phân chia. Công tác thừa sai hoạt động rất mạnh xuất phát từ đây. Chẳng hạn, mẹ của nhà độc tài Kim Il-sung (1948-1994) xuất thân từ một gia đình Tin lành rất sùng đạo”, vị linh mục kể. Vào lúc đó cũng có nhiều nhà thờ Kitô giáo, nhưng hầu như tất cả – ngoại trừ nhà thờ Jangchung – đã bị phá hủy trong cuộc chiến 1950-1953 hay được dùng vào các mục đích khác dưới chế độ này.

Ngày nay, Bắc Hàn là một trong những nước đứng đầu về tước đoạt quyền tự do tôn giáo,  nhưng mặc dù xảy ra bách hại tôn giáo trong nhiều năm qua, cha Eun-hyung tin rằng “vẫn còn khoảng 10,000 người còn nhớ đức tin Công giáo trong lòng”. Điều này có thể được xác nhận qua các lời chứng của một số người tị nạn Bắc Hàn, họ kể những phụ nữ lớn tuổi ngồi thành vòng tròn đếm hạt đậu và thì thầm như thể là họ đang lần hạt vậy. Nhưng vị linh mục khẳng định không chắc có một Giáo hội bí mật tồn tại ở Bắc Hàn, mặc dù một số người nói có một Giáo hội gần biên giới với Trung Quốc.

“Khi bước qua đường biên giới bằng xe tải, tôi thấy như mình đang đi trong một cỗ máy thời gian. Tôi cảm thấy như trở lại từ 40- 50 năm về trước … ngoài vấn đề lớn về lương thực, Bắc Hàn còn rất thiếu nhiên liệu”, cha Eun-hyung nhận xét. “Vì thế nhiều người Bắc Hàn lên núi chặt cây làm củi đốt. Do đó núi ở Bắc Hàn đang ngày càng trở thành đồi trọc, dẫn tới gia tăng các trận thiên tai như lũ lụt và lở đất, gây tổn hại về nông nghiệp và càng làm cho vấn đề lương thực trầm trọng hơn. Để người dân không phải ngồi trong trời lạnh, chúng tôi mở các hoạt động mùa đông vào năm 2007 và cho đến nay chúng tôi đã dùng xe tải đưa được 300,000 bánh than đá đến gần vùng Kaesong, cách đường ranh giới quân sự một vài cây số”, ngài cho biết. Ngài kể thêm mặc dù “tiếp xúc riêng với cư dân Bắc Hàn bị nghiêm cấm”, nhân viên tình nguyện cuối cùng cũng nói chuyện được với người dân địa phương và lắng nghe những vấn đề của họ.

Nhưng hồi tháng 5-2010, “chính quyền tại Seoul đình chỉ công tác cứu trợ Bắc Hàn. Vào lúc này, những nỗ lực cứu trợ Bắc Hàn của chúng tôi phải tạm hoãn. Ngay khi hết vụ khủng hoảng này, chúng tôi sẽ đợi cho đến khi chính sách về Bắc Hàn ở Hàn Quốc thay đổi so với chính sách của chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak (năm 2008 đến tháng 2-2013)”, vị linh mục nói. Ủy ban Hòa giải người Triều Tiên liên tục nhận được yêu cầu trợ giúp thông qua Hội Công giáo Joseon, tổ chức duy nhất được chế độ Kim Jong-uk công nhận. Và nhà thờ Jangchung cần nâng cấp gấp.

Sau nhiều tháng căng thẳng, gần đây Bắc Triều Tiên tỏ ý muốn nối lại đàn phán với Seoul. Cha Eun-hyung tin rằng đối thoại giữa hai miền Triều Tiên là giải pháp duy nhất. Các vụ căng thẳng này khiến cho cuộc sống của người dân Bắc Hàn khổ hơn, và kinh tế của Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng. “Để thoát khỏi cảnh ác mộng này, Hàn Quốc và Bắc Hàn cần đối thoại và thỏa thuận, cộng tác và giao lưu”, cha Eun-hyung kết luận.

Nguồn: Vatican Insider/La Stampa

UCANEWS

Đức Thánh Cha tiếp kiến Đức Giáo Chủ Liên hiệp Anh giáo

Đức Thánh Cha tiếp kiến Đức Giáo Chủ Liên hiệp Anh giáo

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 14 tháng 6-2013, dành cho Đức TGM Justin Welby, Giáo chủ liên hiệp Anh giáo, ĐTC Phanxicô cổ võ sự cộng tác giữa hai Giáo Hội trong việc thăng tiến các giá trị Kitô và hòa bình.

Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ĐTC Phanxicô và Đức Giáo Chủ Welby. Tháp tùng Đức TGM có phu nhân và đoàn tùy tùng. Ngoài ra, hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có Đức Cha Vincent Nichols, TGM Công Giáo của giáo phận Westminster, cũng là Chủ tịch HĐGM Anh quốc.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc đến những quan hệ giữa Anh giáo và Công Giáo, đặc biệt trong thập niên gần đây với hành trình xích lại gần nhau và trong tinh thần huynh đệ, cũng như công cuộc đối thoại thần học qua Ủy ban quốc tế. Ngài cũng cám ơn nỗ lực chân thành của Giáo Hội Anh giáo tại Anh quốc đã tỏ ra thông cảm đối với những lý do khiến Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 thiết lập Giáo hạt tòng nhân để đón nhận các tín hữu Anh giáo xin gia nhập Công Giáo và vẫn giữ nguyên truyền thống phụng vụ của Anh giáo.

ĐTC nói: ”Tôi chắc chắn rằng kiện này cũng giúp thế giới Công Giáo biết rõ hơn và quí chuộng những truyền thống linh đạo, phụng vụ và mục vụ thuộc gia sản của Anh giáo”.

”Ngoài ra, qua việc cầu nguyện, sự dấn thân tiến bước trên con đường tiến về hiệp nhất được canh tân hằng ngày, và có thể được biểu lộ trong sự cộng tác với nhau thuộc nhiều lãnh vực của cuộc sống. Trong số này, đặc biệt có chứng tá về sự tham chiếu Thiên Chúa và thăng tiến các giá trị Kitô, đứng trước một xã hội nhiều khi đặt lại vấn đề cả những nền tảng của sự sống chung, như sự tôn trọng đặc tính thánh thiêng của sự sống con người, hoặc sự ổn định vững chắc của định chế gia đình dựa trên hôn nhân”.

ĐTC cũng nhắc đến sự dấn thân hoạt động để có công bằng xã hội nhiều hơn, một chế độ kinh tế phục vụ con người và công ích. Ngài nói: ”Trong các nghĩa vụ của chúng ta với tư cách là chứng nhân tình yêu của Chúa Kitô, có nghĩa vụ phải lên tiếng thay cho những người nghèo, để họ không bị bỏ mặc cho những luật lệ kinh tế nhiều khi chỉ coi con người là người tiêu thụ”.

ĐTC đề cập đến và ca ngợi sự kiện Đức Giáo chủ Welby của Anh giáo đã cùng với Đức TGM Vincent Nichols can thiệp với chính phủ Anh để tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Siria, bảo đảm an ninh cho toàn dân, kể cả những nhóm dân thiểu số, trong đó có các cộgn đoàn Kitô địa phương. Các tín hữu Kitô chúng ta mang hòa bình và ân phúc như một kho tàng để trao tặng thế giới, nhưng những món quà này chỉ mang lại thành quả nếu các tín hữu Kitô sống và hoạt động với nhau trong sự hàp hợp. Như thế sẽ dễ góp phần xây dựng những quan hệ tôn trọng và sống chung hòa bình với những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác và cả những người không tín ngưỡng”. (SD 14-6-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio