Một số bổ nhiệm của Đức Thánh Cha tại Tòa Thánh

Một số bổ nhiệm của Đức Thánh Cha tại Tòa Thánh

VATICAN. Hôm 21-9-2013, ĐTC đã tiến hành một số bổ nhiệm tại Tòa Thánh, đặc biệt là bộ Giáo Sĩ và tòa ân giải tối cao.

Ngài nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của ĐHY Manuel Monteiro de Castro người Bồ đào nha, chánh tòa ân giáo tối cao, và bổ vị kế nhiệm là ĐHY Mauro Piacenza, cho đến nay là Tổng trưởng Bộ giáo sĩ.

ĐTC bổ nhiệm Đức TGM Beniamino Stella, cho đến này là Giám đốc trường ngoại giao Tòa Thánh, làm tân Tổng trưởng Bộ giáo sĩ, đồng thời quyết định để Đức TGM Celso Morga Iruzubieta tiếp tục làm Tổng thư ký của Bộ này, và cử thêm Đức Cha Jorge Carlos Patrón Wong, người Mêhicô, cho đến nay là GM giáo phận Papantla, làm Tổng TGM đặc trách chủng viện thuộc Bộ giáo sĩ.

ĐTC bổ nhiệm Đức TGM Nikola Eterovic, người Croát, cho đến nay là Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới làm tân Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Liên bang Đức. Đức TGM Lorenzo Baldisseri, cho đến nay là Tổng thư ký Bộ giám mục, nay làm Giám đốc trường ngoại giao Tòa Thánh.

Ngoài ra, ĐTC quyết định: ĐHY Fernando Filoni và Đức TGM Savio Hàn Đại Huy tiếp tục làm Tổng trưởng và Tổng thư ký Bộ truyền giáo. Đức TGM Protase Rugambwa người Tanzania, tiếp tục làm Đồng Tổng thư ký Bộ này, đặc trách các Hội Giáo Hoàng truyền giáo.

Đức TGM Gerhard Mueller, và Đức TGM Luis Franciso Ladaria Ferrer dòng Tên, tiếp tục làm Tổng trưởng và Tổng thư ký Bộ giáo lý đức tin, đồng thời ngài bổ nhiệm Đức TGM Augustin Di Noia, dòng Đa Minh, làm Đồng Tổng thư ký của bộ này. Cho đến nay Đức TGM Di Noia là Phó Chủ tịch Ủy Ban Ecclesia Dei, Giáo Hội của Thiên Chúa, đặc trách các tín hữu Công Giáo thủ cựu.

ĐTC tái khẳng định các vị cố vấn và thành viên của các Bộ nói trên. Ngài cũng bổ nhiệm Đức Ông Giampiero Gloder, Tham tán Sứ Thần tại Phủ Quốc Vụ khanh làm TGM tân Giám Đốc trường ngoại giao Tòa Thánh. (SD 21-9-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Khôn ngoan đích thực

Khôn ngoan đích thực

Có người khôn “lỏi”. Có người khôn mà không “ngoan”, khôn mà không được người khác thương. Có người ngây thơ như thể là dại, nhưng lại được nhiều người thương. “Ai khôn thời dại, ai dại thời khôn”. Sự khôn ngoan đích thực hệ tại đâu?

Khôn theo kiểu thế gian

Người quản lý trong dụ ngôn Đức Yêsu kể, thật là khôn theo kiểu thế gian. Anh ta toan tính và cư xử rất khéo và có lợi cho anh ta. Anh ta được lợi ngay trước mắt, sẽ được người ta đón tiếp một khoảng thời gian nào đó; nếu tiếp tục để tồn tại, anh ta phải toan tính làm những điều không lương thiện tương tự, để có thể sống mà không cần phải làm việc. Nhưng, anh ta có thật sự hạnh phúc không? Một người lương thiện có thể coi anh ta là người bạn chân thành không? Nếu tất cả mọi người đều lợi dụng lẫn nhau, và khi không còn lợi cho mình nữa, thì chấm dứt mọi tương quan. Nếu cuộc sống chỉ là vậy, có chi là hạnh phúc!

“Còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết gạo hết ông tôi”. Những người khôn kiểu này, người Việt Nam mình gọi là khôn lỏi, khôn mà không ngoan, khôn mà dại. Có nhiều người trong cuộc sống, vẫn chọn và hành xử theo kiểu khôn ngoan này. Họ vẫn chọn tiền bạc, mua bán đổi chác trong mọi chuyện, kể cả tình yêu. Có nhiều bậc cha mẹ vô tình hay hữu ý vẫn khuyến khích con mình khôn ngoan theo kiểu “dại” như vậy.

Khôn ngoan đích thực

Người khôn ngoan đích thực, phải là người thấy được điều lợi không phải ngay lúc này, nhưng còn cả ở tương lai xa nữa. Thứ ba vừa qua khủng bố đã xảy ra ở New York làm chết trên dưới năm ngàn người. Sống trong một nước văn minh, con người làm chủ những luật lệ thiên nhiên, biết thời tiết nắng mưa, nóng lạnh gần như chính xác, thấy được những biến chuyển của những cấu trúc và thiết bị nhân tạo. Con người gần như cảm thấy an toàn, làm chủ tất cả. Biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001, làm con người run sợ. Cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Con người run sợ trước sự dữ con người làm cho nhau. Sự khôn ngoan đích thực hệ tại đâu? Được gì nếu cái chết xảy đến ngay cả khi mình giầu sang quý phái nổi tiếng? Ở trên ngôi nhà cao, nổi tiếng, vẫn là điều làm người ta vinh dự; lúc tai nạn xảy ra, toà nhà nổi tiếng đó trở thành mối hoạ, sống trên đó lại là cái hại khủng khiếp.

Khôn chết, dại chết, biết cũng chết. Sự khôn ngoan đích thực không phải chỉ toan tính cho ở đời này. Nếu chết là hết, toan tính ở đời này là đủ; nhưng chết không phải là hết, mà là khởi đầu một đời sống mới vĩnh cửu, mà nếu không chuẩn bị cho cuộc sống đó, mà chỉ lo cuộc sống đời này, thì quả là dại. Khôn ngoan đích thực, là sống theo luật yêu thương của Đức Yêsu trong cuộc sống thường ngày. Khôn ngoan đích thực, làm con người sống hạnh phúc trong đời sống mai hậu và ngay trong cuộc sống này.

Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ

Thiên Chúa là Đấng muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thiên Chúa muốn mọi người nhận biết Ngài yêu thương con người, để khi nhận biết Ngài yêu thương con người, con người được tự do và hạnh phúc. Thiên Chúa không muốn sự dữ, không muốn con người đau khổ.

Đau khổ và sự dữ do con người gây ra cho nhau. Biến cố cướp máy bay và cố tình gây ra thật nhiều cái chết, làm nhiều người đau khổ. Và sự dữ này kéo theo sự dữ khác, chẳng hạn muốn báo thù, muốn hủy diệt sự dữ bằng sự dữ khác.

Khôn ngoan đích thực, là chính thái độ sống yêu thương mà Đức Yêsu đã dạy con người bằng chính cuộc sống của Ngài. Sự khôn ngoan đích thực không phải là bài học lý thuyết con người có thể học được trong vài phút, nhưng là chính cuộc sống của mỗi người. Trên thập giá, Đức Yêsu cầu nguyện: “xin Cha tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết”. Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá, kiên nhẫn chịu đựng những bất công người ta gây ra cho con mẹ. Cách sống của Đức Yêsu và Đức Mẹ, là cách sống làm con người sống bình an hạnh phúc. Sự dữ kéo theo sự dữ, làm con người luôn sống trong bất bình an. Tha thứ, cầu nguyện cho người ghét mình, làm con người được bình an tận trong lòng, và giúp kẻ làm ác có cơ hội thống hối. Đức Yêsu và những môn đệ của Ngài đã không lấy ác báo ác, nhưng lấy tình thương đáp trả sự dữ. Đây là cách hành xử của những người tuyệt vời. Khôn ngoan đích thực được thể hiện trong cuộc sống với những hành vi cụ thể cho dù nhỏ bé.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Điều gì làm cho bạn khổ nhất? Tại sao vậy?
2. Con người có thể sống hạnh phúc không? Khi nào?
3. Đức Yêsu và Đức Mẹ có hạnh phúc ở đời này không? Xin trình bày quan điểm của bạn cho người khác!

Lm. Phạm Thanh Liêm

 

 

NGƯỜI QUẢN LÝ KHÔN NGOAN VÀ TRUNG THÀNH

NGƯỜI QUẢN LÝ KHÔN NGOAN VÀ TRUNG THÀNH

Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Trước khi đi, Phùng Nguyên hỏi: “Ngài có muốn mua gì không?”. Mạnh Thường Quân trả lời: “Ngươi xem thứ gì nhà chưa có thì mua”. Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”. Rồi chẳng tính vốn lời, đem văn tự ra đốt sạch. Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân: “Nhà ngài không thiếu gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm mua ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài”. Về sau Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đấy nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên: “Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước”.

Nghe chuyện này, có lẽ mọi người đều đồng ý với Mạnh Thường Quân rằng Phùng Nguyên thực là người quản lý trung thành và khôn ngoan. Trung thành vì ông đã biết cách làm lợi cho chủ. Khôn ngoan vì ông biết nhìn xa trông rộng, đầu tư vào những chương trình có ích lợi lâu dài. Nhờ sự khôn ngoan của Phùng Nguyên, Mạnh Thường Quân đã vượt qua được những khó khăn gian khổ.

Người quản lý trong bài Phúc Âm hôm nay khôn ngoan nhưng không trung thành. Khôn ngoan nhanh nhẹn, trong một thời gian ngắn đã tìm ra phương thế chuẩn bị cho tương lai. Nhưng ông ta đã không trung thành vì ông đã phung phí, làm hại tài sản của chủ.

Khi khen người quản lý này khôn khéo, Chúa Giêsu không khen ngợi tính gian giảo, thiếu trung thực của ông. Người chỉ khen ngợi sự thông minh nhạy bén của ông. Người ước mong con cái sự sáng cũng biết thông minh nhạy bén trong việc tìm kiếm Nước Trời.

Quả thực chúng ta là những người quản lý của Chúa. Tất cả những gì ta có đều là của Chúa. Sự sống, sức khỏe, tài năng, tiền bạc… đều không phải của ta. Ta chỉ quản lý chúng.

Hai đức tính quý ở người quản lý là trung thành và khôn ngoan.

Người quản lý trung thành gìn giữ nguyên vẹn tài sản của chủ. Không phung phí, không làm mất mát hao hụt. Người quản lý khôn ngoan sẽ tìm cách sinh lợi cho chủ, làm cho tài sản ngày càng gia tăng. Tiền bạc có thể sinh lợi ở ba góc độ khác nhau.

Mức độ bình thường nhất là: tiền đẻ ra tiền. Dùng tiền gởi ngân hàng để lấy tiền lời. Dùng tiền đầu tư vào công việc thương mại, kinh doanh để kiếm được nhiều tiền hơn nữa.

Mức độ thứ hai cao hơn là: dùng tiền đầu tư vào chất xám, vào giáo dục, vào nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước đầu tư rất nhiều vào giáo dục. Vì thế họ đã đào tạo được một đội ngũ trí thức đông đảo có kiến thức, có khoa học kỹ thuật. Nhờ thế, không những họ làm cho đất nước giàu mạnh mau chóng, mà còn nâng cuộc sống nhân dân lên cao hơn, giàu có sung túc về của cải vật chất và nhất là cao đẹp vì có văn hóa, đạo đức.

Mức độ thứ ba, cũng là mức độ cao nhất là: dùng tiền mua hạnh phúc vĩnh cửu. Biến tiền của hay hư nát ở đời này thành gia sản vĩnh viễn ở trên trời. Để làm được việc này, ta phải vượt qua sự khôn ngoan, nhạy bén đầy tính toán của người đời để đạt tới sự khôn ngoan nhạy bén đầy quảng đại theo tinh thần Phúc Âm.

Tạo lập gia sản trên trời khác với tạo lập gia sản nơi trần gian.

Gia sản nơi trần gian được tạo lập bằng tích lũy. Gia sản trên trời được tạo lập bằng cho đi. Để tích lũy tài sản nơi trần gian, ta phải tiện tặt, chắt bóp, nghĩ đến lợi nhuận của bản thân hơn đến người khác. Để tích lũy gia sản trên trời, ta phải rộng rãi, hào phóng nghĩ đến người khác hơn bản thân mình. Càng cho đi ở đời này, ta càng giàu có ở trên trời. Người nghèo là Chúa Giêsu hóa trang. Khi ta giúp đỡ người nghèo là ta chuyển tiền về thiên quốc. Qua trung gian người nghèo, đồng tiền trần gian hay hư nát sẽ biến thành tài sản vĩnh cửu trên trời.

Chúng ta là con cái sự sáng. Hãy biết sống theo con đường sự sáng của Phúc Âm. Hãy xin Chúa ban cho ta sự khôn ngoan của Phúc Âm. Hãy rèn luyện cho ta có sự nhạy bén đối với những thực tại vĩnh cửu trên trời. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. Bạn nghĩ gì về câu này?
2) Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được. Bạn đã coi thường chủ nào và đã yêu mến chủ nào hơn?
3) Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Bạn hiểu câu này thế nào? Bạn đã thực hành chưa?
4) Làm sao để trở thành người quản lý trung thành và khôn ngoan của Chúa?

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

NẾU ĐỒNG TIỀN BIẾT NÓI

NẾU ĐỒNG TIỀN BIẾT NÓI

Có người chia sẻ với tôi: Nếu đồng tiền biết nói, nó sẽ vui mừng tố cáo tôi, tố cáo bạn vì chúng ta đã sử dụng nó để  phạm những tội gian ác. Cả những phương tiện ta có, nếu nó biết nói, nó cũng sẽ là vật chứng tố cáo chúng ta, vì chúng ta đã sử dụng nó như phương tiện phạm tội, phương tiện gây án: án phạt ngàn đời.

Nghĩ lại cũng thật thấm thía. Tội nghiệp cho con người có trí khôn mà chịu làm nô lệ cho những đồng tiền vô tri vô giác, nô lệ cho những phương tiện hoàn toàn vật chất, lại còn bị nó làm chứng tố cáo những tội tày trời! Đã vậy, còn suy tôn tiền bạc, vật chất lên ngôi thành một chủ nghĩa, chẳng khác nào con người đang la lên rằng: “mừng quá, tôi được làm nô lệ”.

Nếu đồng tiền  biết nói… Vâng, thiết tưởng cũng đúng với thực trạng xã hội hôm nay. Một lần, anh em thân hữu chúng tôi họp mặt tại Nha Trang và chia sẻ chuyện đời thường của nhau, có câu hỏi được đặt ra: “vợ, chồng, con cái của bạn bắt đầu “hư” từ khi nào?”.

Những câu trả lời thật xót ruột:

-“Từ khi ảnh mua chiếc xe con, đi sớm về muộn, có khi vài ba ngày không về, đến lúc về, trong xe, mùi nước hoa còn nồng sặc….”,

-“Từ khi cô ta quyết định mua thêm một căn nhà ở Vũng Tàu, một cảnh hai quê, tuần cô ở Vũng Tàu, tuần cô ở Sài Gòn, sau đó, cô bảo tôi ký giấy ly hôn…”,

-“Từ lúc sắm điện thoại di động, sắm xe tay ga cho con, rồi những cuộc liên lạc, hẹn hò, đi không thưa, về chẳng trình…đến khi trình, thì trình rằng con đã có bầu ba tháng ”

-“Từ lúc nhà em bán được lô đất “sốt” ở Bình Dương, giàu lên, phung phí, phần ảnh ảnh xài, phần em em xài, ảnh kiếm thêm được bà nữa, thì em dại gì chứ”.

-“Từ khi mua cho con cái vi tính, rồi nối mạng nữa chứ…nó ngồi trên máy cả đêm, tưởng học hành, hóa ra xem phim tầm phào”.

-“Từ lúc em buôn bán khá hơn tí, có đồng ra đồng vào đồng cất để, ảnh thong thả bia rượu nhiều hơn, có luôn cả chuyện bia ôm rượu ẵm, đến lúc xơ gan mới chịu nằm một chỗ”.

– “Từ khi em nhận chức Giám Đốc…”

…….

Và còn biết bao nhiêu nguyên nhân khác, tựu chung, cũng vì sử dụng tiền bạc của cải phương tiện vào những mục đích không có lợi ích gì cho đời này và cả đời sau nữa: vừa mất nhân phẩm vừa mất linh hồn.

 Lời Chúa Giêsu hôm nay cảnh cáo sự dại dột của con người khi sử dụng tiền bạc của cải vật chất làm băng hoại đời sống con người hôm nay và mai sau. Và Chúa muốn mượn hình ảnh người quản lý để gửi đến cho tôi, cho bạn một thông điệp quan trọng: mỗi người là một người quản lý của Thiên Chúa, người quản lý phải khôn ngoan biết làm lợi cho Thiên Chúa, người quản lý phải biết tích lũy cho mai sau.

Những người không muốn biết Thiên Chúa thì họ cho rằng thân xác, trí khôn, của cải, phương tiện họ có, là của họ làm ra. Họ làm chủ tất cả. Họ muốn sử dụng sao là quyền của họ. Họ thật lầm tưởng: tưởng họ làm ra và tưởng họ có quyền, hóa ra, họ không giữ được gì cho mình cả, kể cả thân xác, và hóa ra, họ đang làm nô lệ cho thân xác, cho tiền bạc, cho những phương tiện.

Đối với con cái của Thiên Chúa, thì những gì chúng ta sở hữu trong cuộc đời đều là của Chúa ban cho. Và mỗi người chỉ là người quản lý. Có người quản lý một thân xác vạm vỡ khỏe mạnh, hay duyên dáng yêu kiều, nhưng cũng có người quản lý một thân xác yếu đuối, hay xấu xí thua người… Có người quản lý một gia tài kếch xù, nhưng cũng có người lại quản lý mấy đồng tiền lẻ.

Và dù quản lý ít hay nhiều cũng phải làm lợi cho Thiên Chúa. Làm lợi cho Thiên Chúa là biết dùng của cải thế gian mà làm cho Thiên Chúa được vinh danh, mà làm cho Nước Chúa trị đến, và làm cho ý Chúa được thể hiện khắp nơi. Cụ  thể hơn, nếu như người quản lý bất trung kia còn biết khôn ngoan mà tích lũy cho mình để phòng cho những ngày điêu linh sắp tới, thì con cái Chúa càng phải biết khôn ngoan mà tích lũy cho mình một gia sản cho đời sau. Bằng không, thì thật là uổng phí, là dại dột.

 Mỗi người phải được ơn cứu rỗi, mỗi người phải được sống lại ở đời sau, là chương trình của Thiên Chúa. Và vì thế, biết dùng của cải đời nầy mà lo cho phần rỗi đời đời của mình và của mọi người, chính là làm sáng danh Thiên Chúa, làm Nước Chúa Trị đến, làm cho ý Chúa thể hiện vậy.

-Nếu đồng tiền biết nói, hẳn nó sẽ chê cười chúng ta, loài người có trí khôn giống hình ảnh Thiên Chúa mà phải làm nô lệ cho một đồng tiền, một tờ bạc vô tri vô giác.

-Nếu đồng tiền biết hát, hẳn nó sẽ hát bài ca chiến thắng rằng chủ nghĩa duy vật đã lên ngôi và đồng tiền trở nên sức mạnh vô song đưa con người của Thiên Chúa xuống vực thẳm

Không thể như thế được, kế hoạch của ma quỷ đang luồn lách vào trí khôn của con người để phá hoại chương  trình cứu rỗi của Thiên Chúa  từ việc tham lam mỗi đồng tiền lẻ đến những xấp bạc tỉ, rồi dương dương tự đắc ngủ ngon trên đống vàng tưởng như là hạnh phúc. Một sự lầm tưởng đáng sợ, nếu không nói là gây tai họa khủng khiếp cho con người ở đời này và đời sau.

Phải làm thế nào để nếu đồng tiền biết nói, hẳn nó sẽ phải chắp tay bái quỳ chào thua chúng ta vì nó đã không sai khiến được chúng ta, và ngược lại, nó phải hoan hô tán thưởng vì chúng ta sử dụng nó vào mục đích hoàn thiện nhân phẩm, xây dựng công ích, sẻ chia yêu thương, và nhất là bảo đảm được phần rỗi đời đời: không sử dụng đồng tiền làm phương tiện phạm tội, gây án.

 Lạy Chúa Giêsu, ơn cứu rỗi là cùng đích cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con là người quản lý của Chúa, biết sử dụng mọi sự Chúa ban để hoàn thiện nhân phẩm con cái Chúa bằng đời sống bác ái yêu thương, để làm sáng danh Thiên Chúa, để Nước Chúa trị đến và Ý Chúa thể hiện khắp nơi, và cuối cùng là để chúng con được hân hoan vào Nước Trời với Chúa. A men.

PM. CAO HUY HOÀNG

ĐÓ LÀ MỘT CÂU CHUYỆN HAY

ĐÓ LÀ MỘT CÂU CHUYỆN HAY

“Người ta chăm chỉ làm việc để được phần thưởng đời này dù chỉ kéo dài có vài năm hơn là vì phần thưởng vĩnh viễn ở thiên đường”

Vài năm trước đây, một linh mục giảng tĩnh tâm cho những tù nhân trong một nhà tù cấp liên bang ở miền Nam Hoa Kỳ. Một trong những bài nói chuyện đề cập đến giáo huấn của Chúa Giêsu về sự trả thù. Chúa Giêsu nói:

Anh chị em thường nghe nói, ‘Mắt đền mắt, răng đền răng’. Nhưng tôi nói cho anh chị em biết: đừng trả thù ai đó làm hại anh chị em. Nếu có ai vả anh chị em má bên phải, hãy để hắn vả luôn má bên kia.” Mt 5:38-39

Để chứng tỏ điều nói trên, vị linh mục kể câu chuyện của ông Jackie Robinson, người cầu thủ da đen đầu tiên chơi trong các đội banh lớn của Hoa Kỳ.

Khi ông bầu Branch Rickey ký giao kèo đưa Jackie vào đội Dodger vào năm 1945, ông nói với Jackie, “Anh sẽ phải chịu đựng tất cả mọi sự mà chúng ném vào mặt anh, và đừng bao giờ đánh lại.”

Ông Rickey nói đúng. Ở ngoài sân banh, Jackie bị những cú ném banh dữ dội bất ngờ vào sau lưng, và các đội đối phương cũng như khán giả chửi bới, chế nhạo anh. Lúc nghỉ ngơi, anh cũng bị tống ra khỏi khách sạn và nhà hàng ăn trong khi cả đội ăn uống ngủ nghỉ.

Dù bị đối xử tệ hại, anh vẫn cố giữ vẻ bình thản. Anh đã đưa má bên kia cho người ta đánh. Và ông bầu Branch Rickey cũng không khá gì hơn, ông bị dân chúng chửi rủa vì đã ký giao kèo với anh Jackie.

Vị linh mục chấm dứt câu chuyện bằng một câu hỏi:

“Các bạn nghĩ ngày nay, các cầu thủ da đen sẽ ra sao nếu anh Jackie Robinson và ông Branch Rickey không đưa má bên kia cho đối phương?”

Sau bài giảng, một tù nhân đến nói với vị linh mục:

“Thưa cha đó là một câu chuyện hay. Nhưng tại sao cha không kể toàn bộ câu chuyện? Sao cha không cho biết lý do mà ông Rickey và anh Robinson đã không trả thù? Họ không phải vì tình yêu Thiên Chúa. Đó là vì họ yêu đồng tiền.

“Ông Rickey đã đưa má bên kia vì ông giao kèo với những cầu thủ da đen xuất sắc nhất nước và nếu anh Jackie thành công, ông sẽ được một số tiền kếch sù.

“Và anh Jackie đưa má bên kia vì nếu anh thành công, anh cũng sẽ có rất nhiều tiền.”

Vị linh mục thầm nghĩ: “Nếu anh bạn tù này đúng thì bài giảng của mình như trôi theo giòng nước.”

Nhưng vị linh mục nghĩ lại: “Nhưng mà, nếu anh bạn tù này đúng, thì câu chuyện của mình đã đưa ra một điểm quan trọng hơn nữa.”

Đó cũng là điểm mà Chúa Giêsu nói trong bài phúc âm hôm nay. Chúa nói:

Người của thế gian thì lanh lợi trong việc xử lý vấn đề hơn những người của sự sáng gấp bội.

Hay nói một cách đơn giản:

“Người đời làm việc chăm chỉ để được phần thưởng trần gian dù chỉ được một vài năm hơn là các Kitô Hữu làm việc để được phần thưởng đời đời của nước trời.”

Nói cách khác, nếu anh bạn tù nói đúng thì chỉ vì tiền mà ông Rickey và anh Robinson sẵn sàng đưa má cho người khác hơn là bạn và tôi sẵn sàng tha thứ cho người khác vì Thiên Chúa.

Một vài năm trước đây, một tờ báo cộng sản Pháp đã đưa ra nhận xét sau đối với Kitô Hữu Pháp:

“Phúc Âm của các bạn là một vũ khí mạnh mẽ gấp bội so với triết thuyết Mácxít. Nhưng, trên đường trường chúng tôi sẽ đánh bại các bạn …

“Làm sao người ta có thể tin vào Phúc Âm nếu các bạn từ chối đưa Phúc Âm vào đời sống, nếu các bạn không muốn hy sinh thời giờ và tiền bạc cho Tin Mừng? Làm sao người ta có thể tin vào Phúc Âm nếu bạn không muốn động đến ngón tay vì Tin Mừng?”

Lời nhận xét trên thật thấm thía với mỗi người chúng ta. Vì quả thật có nhiều trường hợp như vậy.

Và điều này đưa chúng ta trở về với điểm mà Chúa Giêsu muốn nói trong bài phúc âm hôm nay:

Người đời thì sẵn sàng hy sinh để được phần thưởng trần thế hơn là Kitô Hữu hy sinh để được phần thưởng thiên đường.

Người cộng sản sẵn sàng hy sinh để loan truyền chủ thuyết cộng sản hơn là Kitô Hữu muốn hy sinh để truyền đạo.

Điều này nêu lên một câu hỏi.

Tại sao người đời sẵn sàng hy sinh để được phần thưởng trần gian hơn là Kitô Hữu để được phần thưởng thiên đường?

Tại sao chúng ta sẵn sàng đối xử với người xa lạ một cách tử tế chỉ vì lợi lộc tiền bạc hơn là với gia đình, thân nhân để được phần thưởng thiên đường?

Dĩ nhiên, chúng ta không thể trả lời câu hỏi ấy một cách tổng quát. Không có câu trả lời chung.

Đó là câu trả lời riêng tư. Mỗi một người chúng ta phải tự trả lời câu hỏi ấy.

Và điểm chính của bài phúc âm hôm nay là:

Chúng ta có phải là người Kitô Hữu mà Chúa Giêsu muốn nói đến?

Chúng ta có ít hy sinh để được phần thưởng thiên đường hơn là để được phần thưởng trần gian?

Chúng ta có ít hy sinh để loan truyền Tin Mừng hơn là để được tiến thân trong xã hội?

Nếu thật như vậy thì chúng ta hãy sốt sắng dâng lên Chúa lời cầu nguyện sau:

Lạy Chúa, xin hay mở tai chúng con để lắng nghe lời Người ngay cả khi chúng con không muốn nghe, vì lời Chúa thách đố chúng con hơn cả những gì chúng con muốn.

Lạy Chúa, xin hãy mở trí chúng con để hiểu lời Chúa ngay cả khi chúng con không muốn nghĩ đến, vì lời Chúa làm chúng con bối rối hơn điều chúng con muốn.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con thực hành lời Chúa ngay cả khi chúng con không muốn sống lời ấy, vì điều đó có nghĩa chúng con phải thay đổi những gì mà chúng con không muốn.

Và sau cùng, lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận biết rằng Chúa không bao giờ yêu cầu chúng con thi hành điều gì mà Chúa không ban ơn cho chúng con thật dồi dào ngoài sự mơ ước. Chúa không bao giờ thiếu sự độ lượng.

Cha Mark Link, S.J.

NGƯỜI QUẢN LÝ BẤT LƯƠNG

NGƯỜI QUẢN LÝ BẤT LƯƠNG

Đọc Tin Mừng Chúa Giêsu, chúng ta luôn bị cuốn hút bởi những câu chuyện dạy dỗ rất thâm thúy, nhưng lại đầy tính nhân văn của các dụ ngôn. Có những câu chuyện thật dí dóm, bất ngờ và đầy thú vị. Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để giáo huấn nhân loại, dạy dỗ chúng ta. Do đó, những bài học Chúa Giêsu đem ra để giới thiệu Nước Trời, những ví dụ, những câu chuyện thực tế xảy ra trong xã hội Do Thái xưa, thời Chúa Giêsu, vẫn là những bài học tồn tại mãi mãi, khiến con người học hoài, tìm hoài. Bài Tin Mừng hôm nay là dụ ngôn người quản gia bất lương.

Ngôn sứ Amos đã chứng kiến cảnh những người chỉ ham tiền, bon chen vật chất, tranh dành địa vị, đàn áp, bóc lột kẻ nghèo. Ngôn sứ đã lên tiếng cảnh tỉnh họ. Ngài đã viết: “Giavê đã lấy kiêu uy Giacóp mà thề rằng Ta sẽ không bao giờ quên những việc làm của chúng…” (Am 8,7…). Thiên Chúa là Cha tình thương, Ngài luôn quan tâm, xót thương những người nghèo, nhưng cũng không ghét, bỏ rơi những người giầu có thiện chí, biết chia sẻ, cảm thông.

Bài Tin Mừng của thánh Luca có thể nói được là dụ ngôn về ơn cứu rỗi của người giàu. Người giàu phải làm gì để có thể vào được Nước Thiên Chúa. Chúng ta còn nhớ đến đoạn Tin Mừng nói về người thanh niên giàu có, anh này đã làm tất cả mọi sự tốt đẹp như giữ các luật lệ của Chúa từ khi còn tấm bé, nhưng khi Chúa đề nghị anh ta hãy về bán hết cả tài sản anh đang có, rồi đem phân chia cho người nghèo khó… Anh giàu này đã không làm được việc đó. Người giàu nếu cứ bo bo, giữ của, bo bo như Người giàu và Lazarô thì chắc chắn họ sẽ không vào được Nước Thiên Chúa. Chính vì thế, Chúa đòi hỏi con người phải biết chia sẻ, phải biết quan tâm đến người khác.

Người quản lý trong đoạn Tin Mừng hôm nay là người quản lý khôn ranh, ranh mãnh, biết tiên liệu, trước khi biết mình bị bãi chức, anh đã gọi các con nợ của chủ đến và bớt cho các con nợ tùy sự định đoạt khôn ngoan của anh ta. Anh ta đã dùng tài sản của chủ nợ để làm lợi nghĩa là để thêm bạn cho chính mình.Chúa khen anh ta đã hành động khôn khéo theo cách ranh mãnh của người đời. Quả thực, Chúa không khuyên chúng ta hành động như người quản gia bất lương này. Chúa dạy chúng ta phải bắt chước con cái sự sáng biết lợi dụng vật chất để thêm bạn cho mình.Dụ ngôn muốn dạy chúng ta rằng chúng ta phải biết chia sẻ, biết giúp đỡ người nghèo, để rồi khi chúng ta trở vể cát bụi, họ sẽ cầu nguyện lại chúng ta.

Đàng khác dụ ngôn cũng dạy chúng ta: giầu của cải vật chất mà không biết chia sẻ, quan tâm đến người nghèo, chỉ biết tích trữ của cải, bo bo giữ tiền không biết tìm kiếm của cải thiêng liêng, nghĩa là sự sống vĩnh cửu thì cuộc đời cũng chẳng có ích lợi gì.

Ở đời, của cải rất cần thiết, rất quan trọng nhưng nó chỉ tạm bợ, chỉ mau qua.Nó chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Nếu coi của cải, tiền tài là mục đích, có một đồng lại muốn có hai đồng và cứ muốn liên tục tích lũy, quên đi tất cả mọi sự, quên đi mục đích chính là sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu.

Do đó, Chúa căn dặn mọi người, dặn dò con người: “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ, và hoặc nó ghét chủ này mà mến chủ kia, hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.

Bài học Chúa Giêsu dạy nhân loại, dạy con người thật quá rõ ràng: “Người giàu có đích thực là người biết chia sẻ, biết quan tâm đến người nghèo, biết tích trữ của cải thiêng liêng: “dòi bọ, mối mọt không đục khoét được”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con khi theo Chúa, luôn biết trung thành với sứ mạng Chúa trao phó. Xin Chúa cho chúng con luôn biết chia sẻ, vì khi cho đi là khi lãnh nhận… Xin cho chúng con luôn biết quan tâm đến những người nghèo, người đau khổ và những người bị bỏ rơi, tất bạt. Xin Chúa ban cho chúng con luôn sẵn sàng phục vụ người nghèo và những người bị ruồng bỏ. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1. Mục đích của người Kitô hữu là gì?
2. Tiền của, vật chất có phải là cứu cánh của con người không?
3. Phải làm gì để vào được Nước Thiên Chúa?
4. Người khôn ngoan là người thế nào?

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Đức Thánh Cha tố giác mâu thuẫn trong y khoa

Đức Thánh Cha tố giác mâu thuẫn trong y khoa

VATICAN. ĐTC Phanxicô tố giác những xu hướng mâu thuẫn trong y khoa ngày nay và kêu gọi các bác sĩ sản khoa dấn thân bênh vực sự sống.

Ngài đưa ra lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 20-9-2013, dành cho 100 bác sĩ sản khoa tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 10 về Công Giáo và việc săn sóc người mẹ do Liên hiệp quốc tế các hiệp hội bác sĩ Công Giáo tổ chức.

ĐTC nhận xét rằng ”trong nghề y khoa hiện nay, một đàng có sự hăng say tìm kiếm những tiến bộ trong việc trị bệnh, nhưng đàng khác người ta thấy có nguy cơ bác sĩ đánh mất căn tính của mình là người phục vụ sự sống, và nhiều khi không tôn trọng chính sự sống.. Người ta cũng thấy tình trạng mâu thuẫn này qua hiện tượng: trong khi người ta gán cho con người những quyền mới, nhiều khi chỉ là quyền giả tạo, thì họ lại không luôn bảo vệ sự sống như giá trị đầu tiên và là quyền tiên quyết của mỗi người. Mục tiêu tối hậu của hoạt động y khoa vẫn luôn là bảo vệ sự thăng tiến sự sống”.

Trong bối cảnh mâu thuẫn ấy, ĐTC nói: ”Giáo Hội kêu gọi lương tâm của mọi người chuyên nghiệp và thiện nguyện trong y khoa, đặc biệt là các bác sĩ sản khoa, hãy cộng tác vào việc sinh sản những sự sống mới. Não trạng duy lợi ích hiện nay, thứ văn hóa ”xài rồi bỏ”, đang nô lệ hóa tâm trí nhiều người, đang tạo nên một thiệt hại lớn: nó đòi phải loại bỏ con người, nhất là những người yếu thế về mặt thể lý và xã hội. Câu trả lời của chúng ta cho não trạng này là quyết liệt, không chút do dự, trong việc bênh vực sự sống. Quyền đầu tiên của con người là quyền sống.”

Cũng trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến các bác sĩ Công Giáo, ĐTC kêu gọi họ hãy sống và hoạt động phù hợp với ơn gọi Kitô; tiếp đến, đối với nền văn hóa ngày nay, hãy góp phần giúp người khác nhận ra chiều kích siêu việt, dấu vết công trình sáng tạo của Thiên Chúa trong sự sống con người, ngay từ lúc đầu tiên sau khi được hoài thai. Sự dấn thân tái truyền giảng Tin Mừng như thế nhiều khi đòi tín hữu phải đi ngược dòng, trả giá bằng chính con ngừơi của mình. Chúa đang hy vọng nơi anh chị em để phổ biến Tin Mừng sự sống”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Các bạn bác sĩ thân mến, là những người được kêu gọi săn sóc sự sống con người trong giai đoạn đầu tiên, xin các bạn hãy nhắc nhở cho tất cả mọi người, bằng việc làm và lời nói, rằng sự sống luôn luôn là thánh thiêng trong mọi giai đoạn và mọi lứa tuổi và luôn luôn có chất lượng. Đây không phải là một xác tín đức tin, nhưng còn là của lý trí và khoa học! Không có sự sống con người nào thánh thiêng hơn sự sống khác, cũng như không có một sự sống con người nào có ý nghĩa hơn về phẩm chất hơn sự sống khác. Uy tín của một hệ thống y tế không phải chỉ được đo lường bằng hiệu năng, nhưng nhất là bằng sự quan tâm và yêu thương đối với con người, sự sống của họ luôn có tính chất thánh thiêng và bất khả xâm phạm” (SD 20-9-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

 

Đức Thánh Cha trả lời phỏng vấn

Đức Thánh Cha trả lời phỏng vấn

ROMA. Hôm 19-9-2013, bán nguyệt san Civiltà Cattolica, Văn Minh Kitô của dòng Tên Italia, đã công bố cuộc phỏng vấn ĐTC Phanxicô, dài 29 trang, nói về thân thế, cá tính, và lập trường của ngài về nhiều vấn đề của Giáo Hội.

Cuộc phỏng vấn được ĐTC dành cho Cha Antonio Spadano S.J, giám đốc tạp chí Văn Minh Công Giáo, vào 3 ngày 19, 23 và 29-8-2013, tổng cộng dài 6 tiếng đồng hồ, được dịch ra phổ biến đồng thời trên 16 tạp chí của dòng Tên bằng những thứ tiếng chính như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Croát, Hungari, Thụy Điển, Slovak v.v.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐTC Phanxicô nói về nguy cơ quá nhấn mạnh đến giáo huấn Công Giáo về đạo đức tính dục và y khoa; lý do ngài chọn đường lối cai quản và tham vấn trong Giáo Hội, gia đình, vị thế phụ nữ trong Giáo Hội, giáo triều Roma, và đâu là những ưu tiên hàng đầu đối với Giáo Hội ngày nay.

Cha Spadano cho biết ĐTC đã đích thân duyệt lại văn bản cuộc phỏng vấn đề chấp thuận cho công bố, trong đó có đoạn ngài nói: ”Chúng ta không thể chỉ nhấn mạnh đén những vấn đề liên quan đến phá thai, hôn nhân đồng phái, và sử dụng các phương pháp ngừa thai”.

ĐTC cũng tiết lộ là đã bị phê bình vì không đề cập đến những đề tài đó, nhưng ngài nói: ”Không cần lúc nào cũng phải nói về những vấn đề ấy. Các giáo huấn tín lý và luân lý của Giáo Hội không phải tất cả đều tương đương với nhau.. Sứ vụ mục vụ của Giáo Hội không thể bị ám ảnh với việc thông truyền một mớ các đạo lý liên tục áp đặt.. Việc rao giảng như truyền giáo nhấn mạnh tới những gì là thiết yếu, những điều cần thiết. Chúng ta phải tìm ra một sự quân bình mới, chẳng vậy cả tòa nhà luân lý của Giáo Hội sẽ bị sụp đổ như một căn nhà bằng giấy, và sẽ đánh mất sự tươi mát và hương thơm của Tin Mừng”.

ĐTC xác tín rằng ”Đề nghị về Tin Mừng phải đơn sơ, sâu xa và chiếu tỏa rạng ngời hơn. Những hệ luận luân lý phải đi từ mệnh đề ấy”. Ngài cũng tái khẳng định một trong những đề tài chính, đó là cần có lòng từ bi hơn là xét đoán, khi đề cập đến tội lỗi.. Điều mà Giáo Hội ngày nay cần hơn cả đó là khả năng chữa lành những vết thương, sưởi ấm tâm hồn các tín hữu. Giáo Hội cần gần gũi với con người”.

Theo ĐGH Phanxicô, ”đôi khi Giáo Hội đã khép kín mình trong những chuyện nhỏ nhặt, những qui luật hẹp hòi. Điều quan trọng nhất là lời công bố đầu tiên: Chúa Giêsu Kitô đã cứu bạn”.

Trong chiều hướng đó, ngài nói: ”Tòa giải tội không phải là một phòng tra tấn, nhưng là nơi mà lòng từ bi của Chúa thúc đẩy chúng ta hành động tốt đẹp hơn.. Những người luôn tìm kiếm những giải pháp kỷ luật, những người mong ước một sự an ninh thái quá về đạo lý, những người ngoan cố nỗ lực phục hồi một quá khứ không còn nữa, chính là những người có một cái nhìn bất động và hướng nội về sự vật”.

ĐTC cũng đề cập đến đường lối cai quản của ngài và nói: ”Nhiều người nghĩ rằng những thay đổi và cải tổ có thể diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta luôn cần có thời gian để đặt nền tảng cho một sự thay đổi thực sự và hữu hiệu. Đó chính là thời gian phân định. Nhưng đôi khi sự phân định thúc đẩy chúng ta phải làm ngay điều mà trước đó bạn nghĩa là phải làm về sau. Và đó cũng là điều xảy ra cho tôi trong những tháng qua”.

Riêng về việc cải tổ tại Vatican, ĐTC nghĩ rằng cần phải tản quyền về các Giáo Hội địa phương nhiều hơn. ”Một số cơ quan Tòa Thánh có nguy cơ trở thành một cơ quan kiểm duyệt. Thật là đáng ngạc nhiên khi thấy những đơn tố cáo về sự thiếu đạo lý chân chính từ các nơi được gửi về Roma. Tôi nghĩ những trường hợp ấy phải được các HĐGM địa phương điều tra và họ có thể được Tòa Thánh trợ giúp trong việc này. Những trường hợp như thế được xử lý ở địa phương thì tốt hơn. Các cơ quan Tòa Thánh là những ngừơi trung gian chứ không phải là những người điều hành” (CNS 19-9-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Giáo phận Vinh tiếp tục tìm hiểu sự thật ở Mỹ Yên

Giáo phận Vinh tiếp tục tìm hiểu sự thật ở Mỹ Yên

Gia Minh, biên tập viên RFA

Trước những cáo buộc từ phía Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, cơ quan truyền thông của tỉnh này cũng như của trung ương đối với vụ việc tại giáo xứ Mỹ Yên, linh mục đoàn giáo phận Vinh tiếp tục lên tiếng để chứng minh những cáo buộc từ phía chính quyền và truyền thông Nhà nước là không đúng sự thật.

Người đứng đầu linh mục đoàn cũng như toàn giáo phận Vinh, Đức giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp, cho biết về điều đó trong cuộc nói chuyện với biên tập viên Gia Minh của Đài Á Châu Tự Do vào sáng ngày 17 tháng 9 như sau:

Đức giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp: Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện, tiếp tục đưa những thông tin về phía những người dân bị đàn áp. Và càng ngày chúng ta thấy sự dàn dựng của nhà nước và sự bóp méo sự thật càng ngày càng lộ ra. Có lẽ chính quyền đã chuẩn bị trước: đưa cả quân đội, đưa cả cảnh sát rồi bộ đội, cơ động đến để gài bẫy người dân; rồi cũng thuê người để ném đá và chụp ảnh những người được thuê ném đá đó để đưa lên. Bây giờ càng ngày, càng nhiều ngày hơn chúng tôi đứng từ phía nạn nhân thì có những thông tin rõ hơn.

Và tôi cũng rất ngạc nhiên bức thư của ông Thái Văn Hằng gửi cho Tổng giám mục Nguyễn Văn Nhơn- chủ tịch Hội đồng Giám mục, rồi sau đó gửi cho tất cả các linh mục thuộc giáo phận Vinh lặp lại quan điểm đó- quan điểm của báo đài Nghệ An cũng như của VTV1 đã đăng tải. Chúng tôi rất ngạc nhiên! Chính vì vậy hôm qua, các linh mục giáo phận Vinh đã họp để đọc lại bản đó và sẽ công bố một bản trả lời nói lên quan điểm của chúng tôi về những nhận định và rồi sẽ có những thông tin khác nữa để dần dần cho thấy sự thật ở đâu, sự thật như thế nào.

Cuộc chiều ngày 4 tháng 9, chuyện đó chúng tôi hoàn toàn bất ngờ, chúng tôi không dàn dựng chuyện đó. Bà con thân nhân của ông Khởi cũng như ông Hải, họ tin một cách ngây thơ lời hứa hẹn của ông chủ tịch xã, và quan chức của huyện mà họ đến. Họ đến hai bàn tay không, không chuẩn bị gì; trong khi phía Nhà nước đưa lính ở trên núi, coi như dàn binh bố trận. Có thông tin nghi giáo dân Vinh làm một cuộc khởi loạn hay gì đó, Nhà nước mới làm dữ dội như vậy.

Phía bà con có một số người đưa máy hình ra chụp, nhưng những ai đưa máy hình ra chụp thì bị đánh tàn tệ, lấy cả máy hình; nhiều khi trả lại không còn phim trong đó nữa. Thành ra chúng tôi không có số hình như bên kia dàn dựng; nhưng dần dần cũng qui tụ lại một số hình.

Có ai mà mấy chục dân đến mà đưa cả gần ngàn công an, bộ đội, cơ động đến. Đó là sự dàn binh bố trận

Gia Minh: Truyền thông Nhà nước và ông Thái Văn Hằng, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cho rằng các chức sắc, ngay cả đức giám mục, chức việc của giáo xứ Mỹ Yên bị kích động bởi những người mà họ nói là thế lực phản động trong và ngoài nước, Đức Giám Mục nghĩ sao và trình bày thế nào với công luận?

Đức giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp: Điều có thể nói lại một lần nữa là dàn dựng và vu khống một cách trắng trợn. Nhưng cũng may hôm nay chúng ta đang ở trong thời đại toàn cầu hóa, trong thời đại thông tin không như mấy thập niên trước đây thành ra dư luận thấy rõ hơn và càng ngày càng thấy rõ hơn sự dàn cảnh. Điều gì cũng có hai mặt cả: nếu dùng vũ lực có thể thắng nhưng rồi nhiều khi có thể chết vì chính vũ lực đó. Gian dối có thể đưa lại thành quả lúc đầu, nhưng trong chiều dài lịch sử ai dùng vũ lực và gian dối phản lại. Chúng tôi vẫn tin tưởng như vậy.

Gia Minh: Thưa Đức giám mục, trong một trả lời phỏng vấn của Đài RFA hồi tuần trước, đức giám mục có nói rằng qua hành xử của chính quyền tỉnh Nghệ An thì cánh cửa đối thoại bị đóng sập lại. Đối thoại là con đường mà giáo hội theo đuổi lâu nay, vậy không lẽ sắp đến đây con đường đối thoại không thể khai thông được?

 

Đức giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp: Chúng tôi vẫn sẵn sàng chủ trương của Giáo hội là chủ trương đối thoại. Đó cũng là chủ trương của nhân loại hôm nay dù rằng các nước nhiều khi phải dùng biện pháp quân sự; nhưng đó là biện pháp ngắn hạn. Riêng chúng tôi từ phía nạn nhân, chúng tôi không có chủ trương, mà đây Nhà nước ‘bày binh bố trận’, Nhà nước đánh dân, Nhà nước lừa dân. Chúng tôi đứng về phía những người bị nạn, luôn luôn chúng tôi chủ trương đối thoại; nhưng để đối thoại thì đòi hỏi phải đối thoại một cách chân thành thẳng thắn giữa những người nói thật với những người không lươn lẹo. Chúng tôi vẫn chờ đợi những hành động chân thành hơn, khả tín hơn để rồi tiếp tục đối thoại.

Gia Minh: Ông Thái Văn Hằng trong trả lời truyền thông trong nước có trích dẫn phát biểu của Giáo hoàng Bê nê đíc tô thức 16 và Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam trước đây ‘Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc’ ( ý nói giáo dân Mỹ Yên vừa qua không hoàn thành bổn phận công dân); theo Đức Giám mục họ có theo đúng tinh thần của những điều ấy không?

Đức giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp: Họ trích dẫn bản văn theo cách nhìn của họ; thử hỏi rằng họ có tạo cơ hội để cho người Công giáo đồng thời cũng là người công dân không. Thật sự ra Nhà cầm quyền có tôn trọng những Bản Công ước quốc tế như Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền cũng như những bản tuyên ngôn về vấn đề chính trị mà Nhà cầm quyền đã ký hay không! Có lẽ người đòi hỏi cũng nên đặt tay lên trán để suy nghĩ và có lẽ càng ngày chúng ta càng hiểu rõ hơn. Tôi thấy Đức Giê Su đã nói ‘sự thật sẽ giải phóng các con’. Hiện tại chưa thể làm sáng tỏ hết nhưng vẫn tiếp tục làm sáng tỏ điều đó.

Gia Minh: Chân thành cám ơn Đức Giám mục tiếp tục dành cho Đài cuộc nói chuyện hôm nay.

Đức Thánh Cha tiếp kiến 120 Giám Mục mới

Đức Thánh Cha tiếp kiến 120 Giám Mục mới

VATICAN. ĐTC Phanxicô nhắn nhủ các GM quảng đại tiếp đón mọi người, đồng hành với và trong đoàn chiên của mình như người phục vụ.

Đây là nội dung bài huấn dụ của ngài trong buổi tiếp kiến 120 GM mới, trong số này có 26 GM thuộc Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương và phần còn lại thuộc Bộ Giám Mục. Các vị vừa kết thúc khóa bồi dưỡng tại Roma do các vị lãnh đạo nhiều cơ quan trung ương Tòa Thánh hướng dẫn.

ĐTC khai triển 3 điểm thiết yếu trong việc chăm sóc đoàn chiên, đó là quảng đại đón tiếp, đồng hành với đoàn chiên và ở lại với đoàn chiên.

Ngài nói: ”Anh em hãy có con tim rộng mở đến độ biết đón tiếp tất cả mọi người nam nữ anh em gặp trong ngày.. Ngay từ bây giờ anh em hãy tự hỏi: “Những người đến gõ cửa nhà tôi, họ thấy thế nào? Họ có thấy cánh cửa mở rộng qua lòng từ nhận, thái độ sẵn sàng của tôi hay không? Họ có cảm nhận tình phụ tử của Thiên Chúa và hiểu Giáo Hội là một người mẹ tốt lành luôn đón tiếp và yêu thương hay không?”

ĐTC nhắn nhủ các GM hãy đồng hành với và trong đoàn chiên, chia sẻ vui mừng và hy vọng, khó khăn và đau khổ của họ, như người anh, người bạn và nhất là như người cha, có khả năng lắng nghe, cảm thông, giúp đỡ và hướng dẫn. Ngài đặc biệt khích lệ các GM yêu thương các LM của mình: ”Thời gian mà GM trải qua với các LM của mình không bao giờ là thời giờ bị mất đi. Anh em hãy tiếp các LM khi họ xin, đừng để bao giờ để cho cú điện thoại của LM không được trả lời, hãy luôn gần gũi và tiếp xúc với các LM của mình”.

ĐTC khuyến khích các GM sống giữa đoàn chiên: ”Chính dân chúng muốn thấy GM đồng hành với mình, gần gũi với họ. Anh em đừng khép kín, hãy xuống giữa các tín hữu của anh em, cả trong những khu ngoại biên trong giáo phận anh em và mọi biên cương của cuộc sống.”

Tiếp đến GM phải có tinh thần phục vụ đoàn chiên, trong thái độ khiêm tốn, sống khổ hạnh và chú ý tới điều thiết yếu. Các mục tử chúng ta không phải là những người có ”tâm lý như những ông hoàng”, những người tham vọng, đang làm GM giáo phận này mà lại mong ước, chờ đợi một giáo phận đẹp hơn, quan trọng hoặc giầu hơn. Anh em hãy chú ý đừng rơi vào thái độ tìm kiếm sự thăng quan tiến chức! Không phải bằng lời nói nhưng nhất là bằng chứng tá cụ thể của cuộc sống, chúng tá là thầy dạy và là nhà giáo dục dân.

Sau cùng, ĐTC nhắc nhở các GM hãy ở lại với đoàn chiên: ở lại trong giáo phận và ở lại ”trong giáo phận này”, không tìm cách thay đổi hoặc thăng chức. Ngài nói: ”Ta không thể thực sự biết đoàn chiên của mình trong tư cách là mục tử, không thể đi đằng trước, ở giữa và đi sau đoàn chiên, chăm sóc họ bằng giáo huấn, ban các bí tích và chứng tá cuộc sống, nếu không ở lại trong giáo phận… Luật xưa kia buộc các LM ở lại trong giáo phận không phải là điều lỗi thời”

ĐTC cũng nói rằng: Tôi xin anh em hãy ở lại với dân.. Hãy tránh gương mù là ”những GM phi trường!”.
Trong số các vị hiện diện, cũng có các GM Siria. ĐTC tái kêu gọi mọi người hãy cầu nguyện cho hòa bình tại nước này cũng như tại Trung Đông và trên thế giới (SD 19-9-2013)

G. Trần Đức Anh OP- Vatican Radio

Mẹ Giáo Hội giúp chúng ta sống trưởng thành và hạnh phúc

Mẹ Giáo Hội giúp chúng ta sống trưởng thành và hạnh phúc

Mẹ Giáo Hội luôn yêu thương, chăm sóc, sửa dạy, giúp chúng ta sống tốt lành trưởng thành, và chỉ muốn chúng ta hạnh phúc, chứ không bao giờ dậy điếu xấu.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 100 ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 18-9-2013 tại quảng trường thánh Phêrô. Trong số các đoàn hành hương cũng có hai nhóm đến từ Mỹ và một số đến từ Việt Nam, đặc biệt có phái đoàn liên bộ Ban tôn giáo vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha tiếp tục khai triển đề tài Giáo Hội là Mẹ. Đức Thánh Cha nói ngài trở lại với hình ảnh này vì ngài rất thích nó và xem ra nó không chỉ nói cho chúng ta biết Giáo Hội là gì, mà cũng cho biết Giáo Hội càng ngày càng phải có gương mặt của một bà mẹ, bằng cách nhìn vào mẹ chúng ta, tất cả những gì bà làm, sống và khổ đau vì con cái. Thế bà mẹ làm gì? Bà dậy các con bước đi trong cuộc sống, bước đi tốt đẹp, bà biết hướng dẫn con cái, luôn tìm chỉ cho chúng con đường đúng đắn trong cuộc sống để lớn lên và trưởng thành. Và bà làm điều đó với sư hiện dịu, lòng thương mến, tình yêu, cả khi tìm uốn nắn con đường của chúng ta bởi chúng ta đi lệch một ít hay đi theo các con đường dẫn tới hố sâu. Một bà mẹ biết điều gì quan trọng để đứa con bước đi tốt trong cuộc sống, điều mà nó đã không học được trong sách vở, nhưng học được từ con tim. Áp dụng vào trường hợp Mẹ Giáo Hội Đức Thánh Cha nói:

Giáo Hội làm cùng điều đó: hướng dẫn cuộc sống chúng ta, cho chúng ta các giáo huấn giúp bước đi tốt đẹp. Chúng ta hãy nghĩ tới Mười Điều Răn: chúng chỉ cho chúng ta con đường phải đi giúp trưởng thành, để có các điểm chắc chắn trong cung cách hành xử. Và chúng là hoa trái của sự dịu hiền, của chính tình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta các giới răn ấy. Anh chị em có thể nói với tội: Nhưng chúng là các giới răn! Chúng là một toàn bộ tiếng ”không”, không cái này, không cái kia! Tôi muốn mời anh chị em đọc lại các giới răn ấy – có lẽ anh chị em đã quên một ít rồi – rồi suy nghĩ chúng một cách tích cực. Anh chị em sẽ thấy chúng liên quan tới cung cách hành xử của chúng ta đối với Thiên Chúa, với chình mình và với tha nhân, y như điều mà một bà mẹ dậy để sống tốt. Các giới răn ấy mời gọi chúng ta đừng làm ra các thần tượng vật chất khiến cho chúng ta trở thành nô lệ, nhớ tới Thiên Chúa, tôn trọng cha mẹ, sống liêm chính, kính trọng người khác… Anh chị em hãy thử nhìn chúng như vậy và coi chúng như là các lời, các giáo huấn mà bà mẹ dạy chúng ta để tiến bước tốt đẹp trong cuộc sống. Một bà mẹ không bao giờ dậy điếu xấu, bà cbỉ mnuốn hạnh phúc của con cái thôi. Giáo Hội cũng làm như vậy.

Điểm thứ hai: khi một đứa con lớn lên, trở thành người lớn, nó theo con đường của mình, lãnh các trách nhiệm của mình, bước đi với đôi chân của mình, làm điều nó muốn và đôi khi cũng xảy ra là nó đi trệch đường, xảy ra vài tai nạn. Trong mọi hoà cảnh bà mẹ luôn luôn kiên nhẫn tiếp tục đồng hành với con cái. Điều thúc đẩy bà là sức mạnh của tình yêu thương; một bá mẹ biết theo dõi với sự kín đáo, với lòng hiền dịu con đường của các con, và cả khi chúng lầm lạc, bà luôn luôn tìm cách hiểu chúng, ở gần chúng để giúp đỡ chúng. Chúng ta nói rằng một bà mẹ biết ”chường mặt ra” vì các con, nghĩa là được thúc đẩy luôn luôn bênh vực chúng. Tôi nghĩ tới các bà mẹ đau khổ vì con cái bị tù tội hay ở trong các hoàn cảnh khó khăn: các bà không hỏi xem chúng có lỗi hay không, các bà tiếp tục yêu thương chúng và thường chịu các nhục nhã, nhưng không sơ hãi và không ngừng tận hiến chính mình.

Giáo Hội cũng thế, là một bà mẹ thương xót, hiểu biết, và luôn tìm trợ giúp, khích lệ, cả trước các người con đã sai lầm, hay sai lầm và không bao giờ đóng cửa nhà lại với con; bà không phản đoán nhưng cống hiến sự tha thứ của Thiên Chúa, cống hiến tình yêu của Người mời gọi trở lại đường ngay, cả với các đứa con đã bị rơi xuống hố sâu, Mẹ Giáo Hội không sợ hãi bước vào trong đêm tối để trao ban hy vọng.

Tư tưởng cuối cùng. Một bà mẹ cũng biết xin, gõ vào mọi cảnh cửa vì con cái của mình, với tình yêu thương, mà không tính toán. Và tôi nghĩ tới sự kiện các bà mẹ cũng biết gõ cửa, nhất lá gõ cửa con tim của Thiên Chúa. Các bà mẹ cầu nguyện cho con cái của mình biết bao nhiêu, đặc biệt là các người con yếu đuối nhất, các người con cần đến lời cầu nguyện nhất, cho những người con đã đi theo các con đường nguy hiểm hay sai lầm. Mới đây tội đã cử hành thánh lễ tại nhà thờ thánh Agostino ở Roma này, nơi có cất giữ thánh tích của thánh nữ Monica thân mẫu người. Biết bao nhiêu lời cầu mà người mẹ thánh thiện này đã dâng lên Thiên Chúa cho con mình, và bà đã nhỏ biết bao nhiêu nước mắt! Và Đức Thánh Cha khích lệ các bà mẹ như sau:

Tôi nghĩ tới chị em, hỡi các bà mẹ thân mến: chị em đã cầu nguyện cho con cái của mình biết bao nhiêu, không mệt mỏi! Hãy tiếp tục cầu nguyện và phó thác con cái cho Thiên Chúa. Người có con tim vĩ đại!

Nhưng Giáo Hội cũng làm như thế: Giáo Hội đặt để trong tay Chúa với lời cầu nguyện, mọi hoàn cảnh của con cái mình. Chúng ta hãy tin tưởng nơi sức mạnh của lời cầu nguyện của Mẹ Giáo Hội: Chúa không vô cảm. Người luôn biết làm cho chúng ta kinh ngạc, khi chúng ta không chờ đợi điều đó. Mẹ Giáo Hội biết đều ấy!

Đó là vài tư tưởng mà tôi đã muốn nói lên với anh chị em hôm nay: Chúng ta hãy trông thấy nơi Giáo Hội một bà mẹ tốt lành, chỉ đường cuộc sống cho chúng ta đi, luôn luôn biết kiên nhẫn, thương xót, thông cảm và biết đặt để chúng ta trong bàn tay của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm hiện diện tại quảng trưởng, trong có phải đoàn liên bộ Ban tôn giáo vụ của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các tín hữu đến từ Bắc Mỹ và Tây Âu, các tín hữu đến từ Ấn độ Colombia, Venezuela, Argentina và Mexico. Đức Thánh Cha cũng chào đặc biệt một nhóm các Giám Mục đền từ Thánh Địa, Syria, Giordania Iraq, Lebanon, Somalia và các nước vùng Vịnh.

Trong số các nhóm Italia ngài chào các đoàn hành hương hai giáo phận Prato, và Montepulciani Chiusi Pienza, do các Giám Mục hướng dẫn; cũng như tín hữu các giáo phận Vigevano, Messina và Oppido Palmi.
Chào các nam tu sĩ Cát Minh và các nữ tu Thừa sai nhập thể đang tóm tổng tu nghị tại Roma Đức Thánh Cha khích lệ các tu sĩ hăng say canh tân công tác truyền giáo đặc biệt trong các vùng ngoại ô cuộc sống. Với giới trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới ngài cầu chúc tình bạn với Chúa Giêsu là suối nguồn hy vọng và lý do linh hứng cho mọi lựa chọn của họ.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành tóa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ NGÀY THỨ BA: SUY NGHĨ VỀ MẸ GIÁO HỘI

ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ NGÀY THỨ BA: SUY NGHĨ VỀ MẸ GIÁO HỘI

Giáo Hội có sự can đảm của một người đàn bà bảo vệ những đứa con của mình, để đem chúng đến với Phu Quân của bà. Đây là một trong những điểm tập chú các nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô theo sau các bài đọc trong thánh lễ sáng Thứ ba tại nhà nguyện của Nhà Thánh Matta ở Vatican. Đức Thánh Cha cũng suy nghĩ về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và bà góa thành Na-im, khi nói rằng chính Giáo Hội, trong lịch sử, đang đi tìm kiếm Chúa của mình.

Chúa Giêsu có, “khả năng chịu đau khổ với chúng ta, để được gần với những đau khổ của chúng ta và làm cho những đau khổ đó trở nên của chính Ngài,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói, ngài bắt đầu những suy nghĩ của mình với cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và bà góa thành Na-im, Tin Mừng của ngày Thứ ba kể lại về chuyện đó. Ngài đã chỉ ra rằng Chúa Giêsu “đã chạnh lòng thương” bà góa nầy, là người bây giờ đã mất đứa con trai của mình. Ngài nói tiếp, Chúa Giêsu “đã biết một người đàn bà góa bụa nghĩa là gì vào lúc đó”, và lưu ý rằng Chúa có một tình thương đặc biệt dành cho những góa phụ, Ngài chăm sóc cho họ”. Sau đó ngài nói, đọc đoạn Tin Mừng nầy rằng người đàn bà góa là “một biểu tượng của Giáo Hội, bởi vì Giáo Hội là góa phụ theo một nghĩa nào đó”.

“Chàng Rể đã đi khỏi và nàng bước đi trong lịch sử, hy vọng tìm được Chàng, để gặp được Chàng – và cô ta sẽ là Cô dâu thật sự của Chàng. Trong khi chờ đợi, nàng – Giáo Hội – đơn độc! Chúa thì không thấy đâu cả. Cô ấy có một chiều kích nhất định nào đó của sự góa bụa… Và điều đó khiến tôi nghĩ về sự góa bụa của Giáo Hội. Giáo Hội can đảm nầy, nàng bảo vệ những đứa con của mình, như bà góa đi đến vị thẩm phán tham ô để [đòi quyền lợi của mình] và cuối cùng đã chiến thắng. Mẹ Giáo Hội chúng ta rất can đảm! Giáo Hội có sự can đảm của một người đàn bà biết rằng những đứa con là của chính mình, và phải bảo vệ chúng và đem chúng đến gặp Phu Quân của mình”.

Đức Thánh Cha suy nghĩ về một vài khuôn mặt của các bà góa trong Kinh Thánh, đặc biệt là bà góa Maccabê dũng cảm với bảy người con chịu tử đạo vì không tử bỏ Thiên Chúa. Ngài nhấn mạnh, Kinh Thánh nói người đàn bà nầy đã nói với con mình “bằng ngôn ngữ địa phương, bằng thứ ngôn ngữ đầu tiên của họ”, và, ngài lưu ý, Mẹ Giáo Hội của chúng ta nói với chúng ta bằng phương ngữ, bằng “cái ngôn ngữ chính thống đó, mà chúng ta tất cả đều hiểu, ngôn ngữ của giáo lý”, nó “cho chúng ta sức mạnh để đi tới trong cuộc chiến chống lại sự dữ nầy”:

“Chiều kích góa bụa nầy của Giáo Hội, đang lữ hành qua lịch sử, khi hy vọng được gặp, được tìm thấy Người Chồng của mình… Mẹ Giáo Hội của chúng ta là như thế! Bà là một Giáo Hội mà, khi bà trung thành, biết khóc như thế nào. Khi Giáo Hội không khóc thì có cái gì đó không đúng. Giáo Hội khóc cho con cái của mình, và cầu nguyện! Một Giáo Hội đi về phía trước và nuôi dạy con cái mình, cho chúng sức mạnh và cùng đồng hành với chúng cho đến giờ giã biệt sau hết để trao chúng trong đôi tay của Phu Quân của mình. Đây là Mẹ Giáo Hội của chúng ta! Tôi nhìn thấy Giáo Hội trong bà góa đang khóc nầy. Và Chúa nói gì với Giáo Hội? “Đừng khóc. Ta ở với nàng, Ta sẽ cưới nàng, Ta sẽ đợi nàng ở đàng kia, trong đám cưới, lễ cưới của Con Chiên. Đừng khóc nữa: đứa con trai nầy của bà đã chết, nay sống lại”.

Ngài nói tiếp, và đây “là cuộc đối thoại của Chúa với Giáo Hội”. Bà bảo vệ những đứa con, nhưng khi bà thấy những đứa con đã chết, bà khóc, và Chúa nói với bà: ‘Ta ở với nàng và con trai nàng ở với Ta’”. Đức Thánh Cha nói thêm, như Chúa Giêsu bảo đứa trẻ ở thành Na-im đứng dậy khỏi quan tài, nhiều lần Ngài cũng nói với chúng ta hãy chỗi dậy, “khi chúng ta chết vì tội lỗi và chúng ta cầu xin ơn tha thứ”. Và sau đó Chúa Giêsu làm gì “khi Ngài tha thứ cho chúng ta, khi Ngài cho chúng ta trở lại với sự sống của mình?” Ngài trả chúng ta về với mẹ của chúng ta:

“Sự hòa giải của chúng ta với Chúa kết thúc trong sự đối thoại ‘Bạn, tôi và vị linh mục ban cho tôi sự tha thứ’; nó kết thúc khi ngài phục hồi chúng ta cho mẹ của chúng ta. Ở đó đem lại sự giao hòa, bởi vì không có con đường sống, không có sự tha thứ, không có sự hòa giải bên ngoài Mẹ Giáo Hội. Như vậy, khi nhìn vào bà góa tội nghiệp nầy thì tất cả những điều nầy đến với tôi cách ngẫu nhiên nào đó –Nhưng tôi nhìn thấy trong bà góa nầy biểu tượng của sự góa bụa của Giáo Hội, người đang trên hành trình tìm kiếm Vị Hôn Phu của mình. Tôi bị thôi thúc phải cầu xin Chúa ban cho ơn được luôn tin tưởng vào “người mẹ” đang bảo vệ chúng ta, dạy dỗ chúng ta, giúp chúng ta lớn lên và dạy chúng ta nói tiếng phương ngữ.”

XT (theo Radio Vatican) – Xuân Bích VN

Đức Thánh Cha gặp gỡ các linh mục Roma

Đức Thánh Cha gặp gỡ các linh mục Roma

ROMA. Trong cuộc gặp gỡ các LM đang làm việc mục vụ trong giáo phận Roma, ĐTC Phanxicô, trong tư cách là GM giáo phận này, nhắc nhở các vị rằng ”sự thánh thiện mạnh mẽ hơn những gương mù gương xấu”.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong hơn 2 tiếng đồng hồ sáng thứ hai, 16-9-2013 qua tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano, cũng là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma. Phần đầu, ĐTC trả lời một thư mà ngài nhận được trước đó vài ngày từ một cha sở cao niên, kể lại những vất vả và cơ cực như một mục tử. Ngài nói: ”Lá thư này thật hay và tôi cảm động. Lá thư thật đơn sơ, và vị LM đã trưởng thành, chia sẻ với tôi một trong những cảm tưởng của cha, đó là sự mệt mỏi”.

ĐTC bày tỏ cảm thông với cha sở ấy và nói: kinh nghiệm này là điều không thể tránh được trong cuộc đời linh mục. Khi một LM tiếp xúc với dân, thì sẽ mệt mỏi. Nhưng khi một linh mục không tiếp tục với dân của mình thì cũng mệt mỏi, nhưng đây là một sự mệt mỏi không tốt, và để ngủ thì linh mục ấy cần uống thuốc ngủ.. Dân chúng có rất nhiều nhu cầu, nhưng đó là nhu cầu về Thiên Chúa, làm cho chúng ta thực sự mệt mỏi, nhưng đây là sự mệt mỏi không cần thuốc ngủ để ngủ”.

Trong phần thứ hai, ĐTC trả lời những câu hỏi do 5 LM nêu lên. Họ hỏi ngài về những thách đố mục vụ cụ thể. Cũng như trong nhiều trường hợp khác, ngài khuyến khích các LM làm cho thánh đường và giáo xứ của mình có đặc tính hiếu khách hơn, chọn những giờ thích hợp hơn cho các lớp dự bị hôn nhân.

ĐTC cũng kể lại kinh nghiệm về sự quyên tiền và nói: ”Một linh mục, không phải từ giáo phận tôi, nhưng từ một giáo phận khác, kể lại với tôi: Con không buộc giáo dân phải trả tiền, kể cả việc xin lễ. Con đặt một thùng tiền tại đó và họ bỏ bao nhiêu thì bỏ. Vậy mà con quyền được gần gấp đôi số tiền con quyên trước đây”.

ĐTC cũng nhắn nhủ các LM hãy luôn giữ cho ký ức về thời kỳ đầu trong ơn gọi của mình được luôn sống động, ơn gọi nảy sinh từ lòng yêu mến Chúa Giêsu, ký ức ấy chính là liều thuốc chống lại tinh thần thế tục”.

Ngài cũng trấn an các LM Roma rằng ”Giáo Hội tiếp tục sản xuất các vị thánh, một số vị được nhiều người biết đến như Chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta, nhiều người khác ít được nói đến. ĐTC nhắc đến gương của một phụ nữ Tây Ban Nha mới đây đã viết thư cho ngài trên miếng giấy là khăn ăn, kể lại cố gắng của bà làm việc như một nhân viên vệ sinh tại Phi trường Buenos Aires để nâng đỡ đứa con trai nghiệm ma túy. Tôi dám nói rằng Giáo Hội chưa bao giờ tốt đẹp như ngày nay, mặc dù có những gương mù về giáo sĩ lạm dụng tính dục. Tôi chắc chắn rằng Giáo Hội sẽ không sụp đổ. Sự thánh thiện mạnh hơn những vụ xì căng đan” (CNS 16-9-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Kỷ niệm sáu tháng Đức Jorge Bergoglio làm Giám Mục Roma kiêm Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ

Kỷ niệm sáu tháng Đức Jorge Bergoglio làm Giám Mục Roma kiêm Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ

Sáu tháng đã trôi qua kể từ khi Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, Tổng Giám Mục Buenos Aires, Argentina, được bầu làm Giáo Hoàng. Sáu tháng dầy đặc được ghi dấu bởi các quyết định mạnh mẽ, trước hết là việc quyết định ở lại trong nhà trọ Thánh Marta chứ không vào ở một mình trong Dinh Tông Tòa. Tại nhà nguyện thánh Marta mỗi sáng Đức Thánh Cha dâng Thánh Lễ và giảng giải Lời Chúa, qua đó ngài đã đề cập tới hấu hết tất cả các vấn đề của Giáo Hội và xã hội trên thế giới: tôn thờ thần giả, gian tham hối lộ, ham mê tiền bạc, giầu sang, chức tước và quyền lực, kiêu căng hống hách, gian dối, bất công, giả hình, ngồi lê mách lẻo, nói xấu nói hành, bêu xấu, chỉ trích dèm pha vv… Nhưng Đức Thánh Cha cũng trình bầy nhiều điểm thần học và nhấn mạnh tình yêu và lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa là Cha, sự tha thứ, hòa giải, hòa bình, tình liên đới, huynh đệ, chia sẻ, thái độ tiếp đón, cởi mở, gặp gỡ, đối thoại, ra khỏi chính mình, từ bỏ mọi ích kỷ, đem Chúa Kitô đến với tất cả mọi người đặc biệt tại những vùng ngoại ô của cuộc sống.

Ngài cũng thường làm như thế trong bài huấn dụ của các buổi tiếp kiến chung hay khi đọc Kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật với dân chúng. Chẳng hạn trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mùng 8 tháng 9 vừa qua Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ lên án ”chiến tranh thương mại”. Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng trực tiếp vạch trần tệ nạn chế tạo buôn bán vũ khí và gây chiến tranh khắp nơi để kiếm lời.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng muốn gặp mặt tất cả các nhân viên của Tòa Thánh, vì thế mỗi sáng có một số các linh mục được đồng tế, và tu sĩ giáo dân được tham sự thánh lễ Đức Thánh Cha cử hành trong nhà nguyện thánh Marta. Sau thánh lễ ngài ra qùy hàng ghế sau cùng để cám ơn, rồi ra đứng trước nhà nguyện bắt tay chào từng người một, rất đơn sơ, thân tình. Nghe nói tới Việt Nam, ngài luôn thêm ”Giáo Hội tử đạo”.

Chẳng hạn sáng thứ sáu 13 tháng 9 vừa qua trong số các linh mục đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có cha Phanxicô Lý Văn Ca, thuộc tổng giáo phận Perth, nam Australia. Cha đem theo một vali ảnh tượng qùa cho trẻ em trường hoc giáo xứ của cha để xin Đức Thánh Cha làm phép. Sau khi tặng Đức Thánh Cha hình cha chụp với các em, cha nói con có tượng ảnh kỷ niệm xin Đức Thánh Cha làm phép. Đức Thánh Cha ở hỏi đâu. Và ngài giơ tay ra hiệu cho người đến sau dừng lại đó, để ngài quay qua làm phép vali ảnh tượng cho cha và ôm hôn cha, khiến cha rất cảm động.

Thế rồi Đức Thánh Cha Phanxicô còn có chương trình cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh, bằng cách thành lập Hội đồng gồm 8 Hồng Y năm châu để xem xét các vấn đề của Giáo Hội. Và ngài tiếp tục theo gót Đức Thánh Cha Biển Đức XVI muốn cho Cơ quan giáo vụ, gọi nôm na là nhà băng Vaticăng, có được sự trong sáng tài chánh liên quan tới các sinh hoạt kinh tế.

Thật ra, trong sáu tháng qua Đức Thánh Cha Phanxicô đã đem lại rất nhiều điều mới mẻ cho Giáo Hội, qua cung cách sống và hành xử của ngài. Ngay từ lúc xuất hiện trên bao lơn chính giữa Đền thờ thánh Phêrô để ngỏ lời với tín hữu tụ tập tại quảng trường, ngài đã chào tín hữu một cách đơn sơ bình thường như mọi người thường chào nhau, và ngài chỉ tự xưng là Giám Mục Roma chứ không tự gọi mình là Giáo Hoàng, Giáo Chủ Công Giáo hoàn vũ. Ngài cũng không đeo dây Stola các Giáo Hoàng vẫn thường đeo, và từ đó đến nay vẫn đi đôi giầy đen cũ của ngài chứ không mang giầy đỏ. Sau đó ngài còn điện thoại về Argentina cho ông thợ đóng giầy để cám ơn ông vằ dặn ông sửa đôi giày cũ cho ngài. Trong thánh lễ đồng tế với Hồng Y Đoàn, ngài thay thế chiếc ngai mạ vàng các Giáo Hoàng thường dùng bằng chiếc ghế gỗ đơn sơ, và đứng giảng Lời Chúa như một cha sở, chứ không ngồi như các Giáo Hoàng thường làm. Sau đó ngài đứng trước bàn thờ bắt tay các Hồng Y và nhận sự vâng phục của các vị, chứ cũng không ngôi trên ngai, để các Hồng Y tới qùy trước mặt. Tới phiên Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hôn nhẫn Đức Hồng Y, qua đó ngài hôn toàn thể Giáo Hội công giáo Việt Nam. Đức Thánh Cha cũng đã làm như thế đối với Đức Hồng Y Giám Mục Hồng Kông, đại diện cho Giáo Hội Trung Quốc bị bắt bớ vì Chúa Giêsu Kitô. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng từ chối đi xe Mercedes các Giáo Hoàng thường đi, và leo lên xe bus cùng về nhà trọ thánh Marta với các Hồng Y. Và từ đó tởi nay mỗi khi di chuyển ngài vẫn dùng một chiếc xe nhỏ đơn sơ màu xanh đậm, mà không có cận vệ. Ngài cũng từ chối dùng xe díp bọc kính chắn đạn mà Đức Gioan Phaolô II và Đức Biển Đức XVI vẫn dùng để di chuyển trong các chuyến công du. Ngay sáng hôm sau ngày được bầu làm Giáo Hoàng ngài đã đến Đền thờ Đức Bà Cả dâng hoa cho ”Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma”, để phó thác Giáo Hội và nhiệm vụ Giám Mục Roma, Người Kế Vị Thánh Phêrô cho Đức Mẹ. Sau đó ngài ghé nhà trọ Phaolô VI để lấy hành lý, trả tiền phòng và cám ơn các nhân viên phục vụ tại đây.

Chính sự đơn sơ, thân tình, hồn nhiên, không kiểu càch, và nhất là tình yêu thương chân thành ngài dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là các trẻ em, giới trẻ, người tàn tật, già cả và các bệnh nhân, đã thu hút tín hữu khắp nơi tuốn về Roma tham dự các buổi tiếp kiến chung hàng tuần, khiến cho mỗi một buổi tiếp kiến thành một lễ hội, với một trăm ngàn người tham dự, đôi khi nhiều hơn nữa, khiến tín hữu phải đứng ngoài quảng trường Pio XII và có lần cho tới gần nửa đại lộ Hòa Giải.

Từ 6 giờ sáng các tín hữu đã bắt đầu xếp hàng để các nhân viên an ninh kiểm soát rồi vào trong các khu vực khác nhau dành cho tín hữu tham dự buổi tiếp kiến. Trong khi chờ đợi họ thường ca hát hay đọc kinh. Các nhóm bạn trẻ thì thỉnh thoảng lại cùng nhau vừa vỗ tay theo nhịp vừa gọi tên Đức Thánh Cha. Càng ngày các nhóm hành hương hương càng dùng mũ và khăn quàng cổ cùng mầu để dễ nhận ra nhau trong biển người ấy.

Và không nói thì qúy vị và các bạn cũng biết trong mỗi một buổi tiếp kiến thứ tư hàng tuần đều xảy ra các cảnh rất cảm động. Giờ tiếp kiến chính thức bắt đầu lúc 10 giờ rưỡi sáng, nhưng xe jeep mui trần chở Đức thánh Cha bao giờ cũng ra quảng trường trước 45 phút để ngài chào tín hữu. Hàng chục em bé được các bà mẹ thi nhau đưa cho các cận vệ bế lên để cho Đức Thánh Cha hôn, vuốt ve và chúc lành cho chúng. Nhiều em ôm cổ hôn Đức Giáo Hoàng và nắm chặt lấy áo ngài không muốn rời nữa. Nhưng cũng có em nhát sợ khóc, đươc Đức Thánh Cha hôn và vuốt má an ủi.

Thỉnh thoảng ngài nhận ra trong đám đông tín hữu tham dự buổi tiếp kiến mấy cụ già thuộc tổng giáo phận Buenos Aires của ngài, Đức Thánh cha Phanxicô xin tài xế dừng xe, ngài xuống bắt tay ôm hôn họ và nói chuyến hỏi han họ. Một lần có một chú bé chạy tới leo lên xe jeep ôm hôn ngài. Không biết cậu bé nói gì với ngài, Đức Thanh Cha đứng dậy nhường ghế của ngài cho cậu ngồi thử, và đứng mỉm cười nhìn cậu bé thích thú vì được ngồi ghế của Đức Giáo Hoàng trên xe jeep.

Đôi khi có một nhóm các trẻ em mới rước lễ lần đầu mặc áo trắng réo gọi, Đức Thánh Cha cũng bảo dừng xe lại rồi ngài xuống chào, nói chuyện và chúc lành cho các em.

Chào tín hữu xong, khi lên tới khán đài, Đức Thánh Cha Phanxicô bao giờ cũng bắt tay chào các Đức Ông và linh mục thuộc Phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh, có nhiệm vụ giới thiệu các nhóm hành hương, tóm tắt ý nghĩa bài huấn dụ và lời chào của Đức thánh Cha bằng các thứ tiếng khác nhau. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha cũng thường đưa ra các câu hỏi và đối thoại với các tín hữu, người trẻ và trẻ em. Thứ tư 11 tháng 9 vừa qua, ngài trình bầy bài giáo lý về hình ảnh Giáo Hội là mẹ. Ngài đã hỏi có ai nhớ ngày được Mẹ Giáo Hội sinh ra trong đức tin, tức ngày rửa tội thì giơ tay lên. Thấy có qúa ít người giơ tay Đức Thánh Cha nói bây giờ tôi ra bài tập cho anh chị em làm ở nhà đây. Hôm nay về nhà xin anh chị em hãy tìm ngày rửa tội của mình để ghi nhớ và mừng kỷ niệm. Và trước khi kết thúc bài huấn dụ ngài còn dặn tín hữu: ”Nhớ không được quên làm bài tập đấy nhé!”

Sau khi ban phép lành tòa thánh cho mọi người Đức Phanxicô còn đứng lâu chào các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, và quan khách. Rồi ngài bắt tay chào và nói chuyên với tín hữu đứng hàng đầu hai bên khán đài và chúc lành cho họ. Tín hữu tặng ngài đủ thứ. Các em bé thì tặng Đức Thánh Cha mấy bức tranh chúng vẽ hay một bông hoa. Tới phiên các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha chào và nói chuyện với từng người một. Có người đã bắt đầu có thai thì xin ngài chúc lành cho thai nhi, để nó lớn lên và sinh ra khỏe manh. Đức Thánh Cha chúc mừng, để tay lên bụng bà mẹ và chúc lành cho đứa bé. Kể từ khi có một cặp vợ chồng mới cưới tặng Đức Thánh Cha cái mũ calốt mầu trắng, ngài đội mũ mới lên đầu và tặng lại họ mũ của ngài, thì hầu như trong các buổi tiếp kiến sau đó, lần nào cũng có người tặng mũ cho Đức Thánh Cha, có khi ba chiếc trong một buổi tiếp kiến.

Thứ tư 11 tháng 9 vừa qua lại có thêm kiểu mới là tín hữu tặng áo thun và tặng khăn quàng cổ cho Đức Thánh Cha bằng cách từ xa ném vào xe díp của ngài. Và đôi khi Đức Thánh Cha cũng nhanh tay bắt lấy được. Nhất là khi có các cầu thủ bóng đá tham dự buổi tiếp kiến, như đội banh của Roma hay San Lorenzo của Argentina là đội banh được Đức Thánh Cha ủng hộ, hoặc các đội banh khác, bao giờ họ cũng tặng áo cho Đức Thánh Cha với chữ ký của họ. Và Đức Thánh Cha vui vẻ nhận hết.

Nhưng có một trong những cảnh cảm động trong các buổi tiếp kiến đó là khi Đức Thánh Cha tới bắt tay, chào, hỏi han, an ủi và ôm hôn các người tàn tật, ngồi trên xe lăn. Có nhiều trẻ em, người trẻ và cụ gìa tay co quắp hay run rẩy, nhưng cũng dùng hết sức để ôm Đức Thánh Cha. Vì các anh chị em đau yếu tàn tật ngồi trên xe lăn dọc bờ tường của lối vào Vatican, nên đây là cảnh kết thúc buổi tiếp kiến, có khi kéo dài gần nửa giờ. Đức Thánh Cha luôn luôn yêu thương kiên nhẫn lắng nghe họ kể lể các nỗi khổ đau và các vấn đề của họ. Và hình ảnh của người mục tử nhân lành ấy bao giờ cũng là hình ảnh kết thúc các buổi lễ hội diễn ra tại quảng trường thánh Phêrô mỗi ngày thứ tư hàng tuần.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Giáo dân Orange mừng tiến triển phong Thánh cố Hồng Y Nguyễn văn Thuận

Giáo dân Orange mừng tiến triển phong Thánh cố Hồng Y Nguyễn văn Thuận

SANTA ANA (NV) – Khoảng 500 giáo dân gốc Việt cùng dự thánh lễ giỗ và mừng hồ sơ chân phước Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã được đóng để chuyển sang giai đoan tiếp theo. Hội trường của Trung Tâm Công Giáo Việt Nam tại Santa Ana không còn một chỗ trống trước 9 giờ sáng Thứ Bảy, 14 Tháng Chín, giờ bắt đầu thánh lễ.
 

 

Buổi lễ do GM Mai Thanh Lương và sáu vị linh mục đồng tế. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Thánh lễ do Giám Mục Mai Thanh Lương, giám mục phụ tá Giáo Phận Orange, chủ tế cùng sáu vị linh mục. Hai nghĩa tử của Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là Linh Mục Nguyễn Đăng Đệ ở Tustin và Linh Mục Nguyễn Lợi ở Washington, DC, cùng có mặt để cử hành nghi thức phụng vụ.

Buổi lễ thêm phần cung kính với nghi thức dâng hương trong tiếng trống chiêng vang đều, đậm nét văn hoá Việt, và với đội ngự lâm quân theo nghi thức Công Giáo cho các lễ đặc biệt quan trọng.

Hồng Y Nguyễn Văn Thuận được cử vào chức vụ tổng giám mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn, lãnh đạo giáo hội Việt Nam trong giai đoạn khó khăn nhất năm 1975.  Điều ngài làm thế giới nể phục chính là ý chí và đức tin vững vàng trong 13 năm bị tù Cộng Sản. Năm1994, tại Roma, Ý, Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là giáo sĩ Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm vào chức vụ phó chủ tịch, và sau đó là chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hoà Bình.

Thay vì linh mục nghĩa tử của Hồng Y Thuận sẽ giảng thuyết bài giảng chính, Giám Mục Mai Thanh Lương giữ vai trò này. Ông nhắc lại những kỷ niệm có được với Cố Hồng Y Thuận và gửi đến người tham dự thông điệp từ Giám Mục giáo phận Kevin Vann đến cộng đồng Việt  Nam đang cầu nguyện cho vị cố hồng y. Giám Mục Lương gặp Hồng y Thuận khoảng thời gian hồng y đã ra tù Cộng Sản, làm việc tại Vatican.
 

 

Một số vị đại diện cộng đoàn giáo dân Việt Nam thắp hương cầu nguyện. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Trước giờ lễ, ban đại diện cộng đoàn cho chiếu lên màn hình lớn các thước phim quay từ Roma về quá trình phong thánh Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Giáo dân gốc Việt tại Quận Cam có thể thấy được không khí của đồng hương mình vào Tháng Bảy khi nhận được tin hồ sơ chân phước kết thúc và chuẩn bị chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Các vị trong ban đại diện cộng đồng mặc áo dài truyền thống, phụ nữ lẫn đàn ông. Trống bên phải, chiêng bên trái, và giữa là bàn thờ có bức chân dung lớn của Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Những nén nhang trầm được cung nghiêm thắp lên. Phó chủ tịch ban chấp hành Cộng Đoàn Giáo Dân Việt Nam Giáo Phận Orange gửi lời chào mừng đến tất cả người tham dự.

Các giám mục và linh mục tiến vào cung thánh trong khi đội ngự lâm quân Thuỵ Sĩ xếp thành hai hàng hai bên. Giọng hát, tiếng đàn của dàn đồng ca khoảng 30 người cất lên, chính thức bắt đầu buổi lễ tưởng nhớ  Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.

Mở đầu cho bài giảng hôm đó, Giám Mục Mai Thanh Lương nhắc đến việc vị chủ chăn của giáo phận Orange đã từng đọc hai cuốn sách do Hồng Y Thuận viết. “Không chỉ giáo dân Việt Nam, linh đạo của Đức Hồng Y được loan truyền ra các sắc dân khác.” Giám Mục Lương nói. Pháp, Anh, hay Ý là một số ngôn ngữ mà sách của  Hồng Y Thuận đã được chuyển ngữ.

“Thánh thiện, đơn sơ, khiêm nhường, và sùng kính Đức Mẹ La Vang,” là những ấn tượng mà Giám Mục Lương có về Hồng Y Thuận sau 10 ngày tập huấn tại Roma. Ông cũng kể rằng vị cố hồng y từng mong giáo hội Việt Nam sẽ phát triển và đề cao người nghèo, phụ nữ nhiều hơn.

“Ngài chỉ muốn phục vụ người cùi, nhưng sau đó bị Cộng Sản lừa cho ra khỏi Việt Nam và không được phép về nữa.” Giám Mục Lương nhắc lại lý do cố hồng y từ chức vụ tổng giám mục coi sóc giáo phận lớn nhất Việt Nam lại không thể sống tại quê hương mình mà phải đến Vatican ở đến ngày qua đời.

“Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là người duy nhất trong cương vị tại  Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hoà Bình đứng ra yêu cầu các nước giàu xoá nợ cho nước nghèo. Cho đến lúc bấy giờ, vẫn chưa có Đức Cha nào làm được điều này. Có lẽ vì tinh thần và đời sống thánh thiện, đơn sơ mà ngài nhanh chóng được trao cho chức vụ Hồng Y.”

Nhắc đến quãng thời gian 13 năm Hồng Y Thuận ở tù Cộng Sản từ 1975 đến 1988, ông nói: “Ngài đã dạy lại tiếng Latin cho người công an cai tù và cảm hoá anh ta theo đạo Công Giáo. Đó là một phép lạ.” Giám mục Lương cũng đề cập đến chiếc thánh giá làm bằng dây kẽm mà Hồng Y Thuận tự làm và đeo theo bên mình đến cuối đời.

Về việc chính quyền Việt Nam gây khó dễ quá trình phong thánh của Hồng Y Thuận, Giám mục Lương nói: “Họ phản đối công khai. Không cho cấp khán chiếu cho người công an kia đi làm chứng để phong thánh. Điều này cũng như thái độ đàn áp của họ đối với giáo dân giáo phận Vinh. Chúng ta hãy hợp tâm cầu nguyện. 'Không có gì là Thiên Chúa không làm được.'”

Bài giảng của ông kết thúc trong tràng pháo tay lớn của hàng trăm người tham dự.

Thánh lễ tưởng niệm tiếp tục với các nghi thức dâng lễ, cầu kinh khác của thánh lễ Công Giáo.

Ông Trọng Nguyễn, cư dân Garden Grove, thành viên của hội Liên Minh Thánh Tâm và giúp điều phối phía ngoài buổi lễ, chia sẻ: “Đây là một trong các sự kiện quan trọng của cộng đoàn giáo dân Việt Nam. Chúng ta đến đây để ca ngợi sự hy sinh và can đảm của Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.” Ông cũng so sánh vị hồng y với các thánh tử đạo năm xưa, hy sinh vì niềm tin tôn giáo trong sự áp bức của chính quyền.

Anh Tony Phạm, cư dân Santa Ana: cho biết: “Hồi nhỏ tôi chỉ biết chút ít về cha Thuận, nhưng sau này thì được nghe danh ngài nhiều hơn. Hôm nay tôi đến để được nghe giảng huấn về các nhân đức của ngài.”

Cả hai vị giáo dân trên cùng có cảm nghĩ chung của rất nhiều giáo dân gốc Việt rằng: “Việc Toà Thánh phong thánh Hồng Y Thuận sẽ là niềm tự hào chung của người Việt Nam.”

Sau thủ tục tuyên phong chân phước, Toà Thánh Vatican sẽ xét đến việc phong Á Thánh, và sau đó là phong Thánh. Nếu Hồng Y Thuận được phong thánh, ông sẽ là người Việt Nam đầu tiên được phong thánh mà không phải là thánh tử đạo.

Thiên An/Người Việt

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Chúa Nhật 15 tháng 9-2013

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Chúa Nhật 15 tháng 9-2013

VATICAN. Tuy trời mưa, đã có hơn 50 ngàn tín hữu đến dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Phanxicô trưa Chúa Nhật 15-9-2013. Ngài đề cao lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa.

Trong bài huấn dụ ngắn, ngài đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Luca chúa nhật thứ 24 thường niên năm C nói về lòng từ bi và tha thứ của Thiên Chúa. ĐTC nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong phụng vụ hôm nay có đọc chương 15 của Tin Mừng theo thánh Luca, chứa đựng 3 dụ ngôn về lòng từ bi thương xót: dụ ngôn con chiên lạc, dụ ngôn đồng tiền bị mất và dụ ngôn dài nhất trong các dụ ngôn, tiêu biểu của thánh Luca, là dụ ngôn người cha và hai người con, người con ”hoang đàng”, và người con tưởng mình là công chính, tưởng mình là thánh. Cả 3 dụ ngôn đều nói về niềm vui của Thiên Chúa: nhưng đâu là niềm vui của Thiên Chúa? Thưa đó là tha thứ, niềm vui của Thiên Chúa là tha thứ! Đó là niềm vui của một mục tử tìm lại được con chiên của mình; niềm vui của một phụ nữ tìm lại được đồng tiền của mình; là niềm vui của một người cha đón nhận lại nơi nhà mình đứa con bị mất, như đã chết và nay được sống lại. Đó là tất cả Tin Mừng, là trọn Kitô giáo! Nhưng anh chị em hãy chú ý, đây không phải là tình cảm, là thái độ ”xuề xòa, cái gì cũng chấp nhận”! Trái lại, lòng từ bi là một sức mạnh thực sự có thể cứu vớt con người và thế giới khỏi bệnh ”ung thư” là tội lỗi, là sự ác luân lý và tinh thần. Chỉ có tình thương mới lấp đầy sự trống rỗng, những vực thẳm tiêu cực mà sự ác khơi lên trong các tâm hồn và trong lịch sử. Chỉ có tình yêu mới có thể làm điều này, đây là niềm vui của Thiên Chúa.

”Chúa Giêsu là tất cả từ bi, là tất cả tình thương: Ngài là Thiên Chúa làm người. Mỗi người chúng ta là con chiên lạc, là đồng tiền bị mất; mỗi người chúng ta là đứa con đã làm hư hỏng tự do của mình khi đi theo những thần tượng giả dối, ảo ảnh hạnh phúc, và đánh mất tất cả. Nhưng Thiên Chúa không quên chúng ta, Ngài là người Cha không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Là người Cha kiên nhẫn, luôn chờ đợi chúng ta! Chúa tôn trọng tự do của chúng ta, nhưng Ngài vẫn luôn trung tín, và khi chúng ta trở về cùng Chúa, Ngài đón tiếp chúng ta như những người con trong nhà Ngài, vì Ngài không bao giờ ngừng chờ đợi chúng ta trong tình yêu thương, dù là một giây phút. Con tim của Thiên Chúa mừng rỡ vì mỗi người con trở về. Ngài mở tiệc vì vui mừng! Thiên Chúa có niềm vui này, khi một trong những người tội lỗi như chúng ta đến với Ngài và xin tha thứ.

Vậy đâu là nguy hiểm? Nguy hiểm là chúng ta tự coi mình là người công chính và xét đoán người khác. Chúng ta xét đoán cả Thiên Chúa, vì chúng ta nghĩ rằng Ngài phải trừng phạt những kẻ tội lỗi, lên án tử cho họ, thay vì tha thứ. Và thế là chúng ta có nguy cơ bị ở ngoài nhà Cha! Như người con cả trong dụ ngôn, thay vì hài lòng vì đứa em trở về, anh ta giận dữ với cha vì đã đón tiếp đứa con ấy và mở tiệc ăn mừng. Nếu trong tâm hồn chúng ta không có lòng từ bi, không có niềm vui tha thứ, thì chúng ta không hiệp thông với Thiên Chúa, cho dù chúng ta tuân giữ mọi giới luật, vì chính tình thương cứu thoát, chứ không phải chỉ thực hành các giới luật. Chính lòng mến Chúa yêu người là sự chu toàn mọi giới răn. Đây chính là tình thương của Thiên Chúa, và niềm vui của Ngài: đó là sự tha thứ.

Nếu chúng ta sống theo luật ”mắt đền mắt, răng đền răng”, thì chúng ta không ra khỏi cái vòng sự ác. Ma quỷ là kẻ tinh ranh, hắn đánh lừa làm cho chúng ta tưởng rằng sự công chính phàm nhân của chúng ta có thể cứu thoát chúng ta và thế giới. Trong thực tế, chỉ có sự công chính của Thiên Chúa mới có thể cứu thoát chúng ta! Và sự công chính của Thiên Chúa được biểu lộ trong Thập Giá: Thập Giá là sự phán xét của Thiên Chúa trên tất cả chúng ta và trên thế giới này. Nhưng Thiên Chúa phán xét chúng ta như thế nào? Thưa bằng cách ban sự sống cho chúng ta! Đó là hành vi công chính tột đỉnh đã đánh bại quỷ vương của thế gian này một lần cho tất cả; và hành vi công chính tột đỉnh ấy cũng chính là lòng từ bi. Chúa Giêsu kêu gọi tất cả chúng ta hãy theo con đường ấy: ”Các con hãy có lòng từ bi như Cha các con trên trời là Đấng từ bi” (Lc 6,36).

Đến đây, ĐTC mời gọi tất cả mọi người, trong thinh lặng, hãy nghĩ đến người mà mình không có quan hệ tốt, những người mà chúng ta giận dữ họ, chúng ta không yêu thương họ. Chúng ta hãy nghĩ đến người ấy và trong thinh lặng, trong lúc này đây, cầu nguyện cho họ, và chúng ta trở nên từ bi đối với họ. Rồi ngài mời gọi mọi người: Giờ đâu chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria là Mẹ Từ Bi.

Lễ phong chân phước Brochero

Sau phép lành, ĐTC đã nhắc đến lễ phong Chân Phước hôm thứ bẩy 14 tháng 9 vừa qua và nói rằng:

”Anh chị em thân mến, hôm qua, tại Argentina, đã có lễ phong chân phước cho cha José Gabriel Brochero, linh mục thuộc giáo phận Córdoba, sinh năm 1840 và qua đời năm 1914. Được tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy, cha đã hoàn toàn hiến thân cho đoàn chiên, để mang mọi người vào Nước Thiên Chúa, với lòng từ bi vô biên và lòng nhiệt thành đối với các linh hồn. Cha ở với dân, tìm cách mang bao nhiêu người đi tham dự các cuộc linh thao. Sau cùng cha bị mù và phong cùi, nhưng đầy an vui, niềm vui của một mục tử tốt lành.

Bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC nói thêm rằng: ”Tôi muốn chia sẻ niềm vui của Giáo hội tại Argentina vì lễ phong chân phước cho vị mục tử gương mẫu này, Cha cưỡi lừa dong ruỗi không biết mệt mỏi trên những con đường khô cằn trong xứ đạo của cha, đi từng nhà tìm kiếm những người được ủy thác cho cha, để mang họ về với Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Kitô, nhờ lời chuyển cầu của vị tân Chân phước, gia tăng con số các linh mục, biết theo gương cha Brochero, hiến thân phục vụ công cuộc rao giảng Tin Mừng, quì gối trước Đấng chịu đóng đanh, để làm chứng cho các nơi về lòng yêu thương và từ bi của Thiên Chúa.

ĐTC cũng nhắc đến Tuần Lễ xã hội của các tín hữu Công Giáo Italia kết thúc hôm qua (15-9) tại thành Torino về chủ đề ”Gia đình, hy vọng và tương lai của xã hội Italia”. Tham dự Tuần lễ này có 1,300 đại biểu đến từ các nơi ở Italia. Ngài nói:

”Tôi chào thăm tất cả các tham dự viên và vui mừng vì sự dấn thân rất lớn trong Giáo Hội tại Italia cùng với các gia đình và cho các gia đình, và là một khích lệ lớn cho cả các tổc hức và toàn nước nửa. Hãy can đảm lên, hãy tiến bước trên con đường này.

Sau cùng ĐTC đã chào thăm tất cả các tín hữu hành hương hiện diện: các gia đình, các nhóm thuộc các xứ đạo, các bạn trẻ.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thư của Đức Thánh Cha về lễ phong chân phước Brochero

Thư của Đức Thánh Cha về lễ phong chân phước Brochero

Cha Brochero

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các LM và tín hữu noi gương tân chân phước José Gabriel Brochero ra khỏi chính mình, tìm đến các ”ngoại ô” của cuộc sống, gặp gỡ và nói với tha nhân về Chúa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong thư gửi các tín hữu Công Giáo Argentina nhân dịp lễ Phong Chân Phước sáng thứ bẩy 14-9-2013 cho cha Brochero. Thánh lễ do ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đại diện ĐTC chủ sự, tại làng Villa Cura Brochero, có gần 5 ngàn 100 dân cư, thuộc tỉnh Córdoba, Argentina.

Trong thư gửi đến Đức Cha José Maria Arancedo, TGM Santa Fe, Chủ tịch HĐGM Argentina, và được công bố trong buổi lễ, ĐTC gợi lại tấm gương của Chân Phước Brocero như mục tử nhiệt thành, tận tụy tìm đến và săn sóc đoàn chiên, kể cả tại nhưng gia cư hẻo lánh trên lãnh thổ giáo xứ rộng 200 cây số vuông. Cha đặt công việc mục vụ trên việc cầu nguyện. Vừa khi đến giáo xứ, cha đã bắt đầu mang các tín hữu nam nữ đến Córdoba để tham dự cuộc tính tâm với các cha dòng Tên.

ĐTC đề cao tầm quan trọng và tính chất thời sự của lễ phong chân phước cho cha Brochero và viết: Cha là một người tiên phong trong việc đi tới các khu ngoại ô về địa lý và của cuộc sống để mang đến cho mọi người tình thương, lòng từ bi của Thiên Chúa. Cha không ngồi yên trong văn phòng nhà xứ, nhưng cười lừa, lặn lội tìm đến với dân chúng. Ngày nay Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ của Ngài trở thành những thừa sai, những người rao giảng đức tin… Cha Brochero là một con người bình thường, mảnh khảnh, nhưng đã biết cách ra khỏi cái tôi và lòng ích kỷ hẹp hòi, khắc phục bản thân. Cha đã nghe tiếng gọi của Chúa, đã chọn lựa hy vọng để làm việc cho Nước Chúa, cho công ích mà phẩm giá vô biên của mỗi người đáng được hưởng như con Thiên Chúa, và cha đã trung thành đến cùng, tiếp tục cầu nguyện và cử hành thánh lễ, dù bị mù vì bệnh phong cùi”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Ngày hôm nay, anh chị em hãy để cho cha Brochero cưỡi lừa với tất cả hành trang của cha vào trong căn nhà tâm hồn của anh chị em, mời gọi anh chị em cầu nguyện và gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ và đi ra bên ngoài, tìm kiếm người anh em mình, động chạm đến mình Chúa Kitô đang chịu đau khổ và cần tình thương của Thiên Chúa. Chỉ như thế chúng ta mới có thể nếm hưởng niềm vui mà Cha Brochero đã cảm nghiệm, nếm hưởng trước niềm vui trên trời”.

Cha Brochero (1840-1914) sinh năm 1840, gia nhập chủng viện năm 16 tuổi và thụ phong linh mục năm 1826 khi được 26 tuổi. Cha nổi bật về lòng bác ái giúp đỡ các bệnh nhân và những người sắp chết, nhất là trong trận dịch tả tàn phá thành Cordoba năm 1867. Cha góp phần phát triển quê hương về mặt kinh tế và xã hội, cũng như kiến thiết các thành đường, nhà nguyện, trường học và mở đường xuyên qua miền núi. Cha Brochero rong ruổi mọi nơi trong giáo phận, mang Lời Chúa cho dân chúng.

Vào cuối đời, cha bị mù và điếc, vì bệnh phong cùi, và những lời cuối cùng của cha là: ”Giờ đây tôi hoàn toàn sẵn sàng để du hành”. Cha qua đời năm 1914, thọ 74 tuổi. (SD 14-9-2013)

G. Trần Đức Anh OP– Vatican Radio
 

Thương xót

Thương xót

Có câu chuyện kể rằng, một ngày nọ Abraham mời một lữ hành vào lều của ông dùng một bữa cơm, sau khi đọc kinh chúc tụng trước khi ăn, người khách này bắt đầu chửi rủa Thiên Chúa, ông nói rằng, ông không thể chịu nổi khi nghe gọi tên Thiên Chúa. Phẫn nộ trước thái độ đó Abraham đuổi ngay kẻ phạm thượng ra khỏi lều. Tối đến, khi Abraham cầu nguyện Chúa nói với ông: “Abraham, người kia đã chửi rủa Ta từ 50 năm nay và Ta vẫn cứ ban cho ông ta lương thực hằng ngày. Còn ngươi, ngươi không thể nào cho ông ta chỉ một bữa cơm sao?”.

Tin Mừng theo thánh Luca của Chúa nhật hôm nay vốn được mệnh danh là Tin Mừng về “Lòng thương xót của Thiên Chúa”. Và quả thực như vậy, bài Tin Mừng khá dài nhưng thật cảm động, Chúa Giêsu không chỉ đưa ra một mà tới ba dụ ngôn để phá đổ thái độ hống hách đạo đức giả của những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư. Nhưng quan trọng hơn hết là Ngài bày tỏ lòng nhân hậu đầy lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.

Dụ ngôn đầu tiên, Thiên Chúa như người mục tử nhân lành quyết tâm đi tìm cho bằng được con chiên bị lạc, dù chỉ là một trong số một trăm. Khi tìm được rồi, ông vui mừng vác chiên trên vai, về đến nhà ông mời bà con hàng xóm đến chung vui.

Dụ ngôn thứ hai, Thiên Chúa như người phụ nữ mất một đồng bạc, có lẽ giá trị của nó chỉ bằng tiền lương của một ngày công lúc bấy giờ. Nó không lớn đối với nhiều người trong chúng ta, nhưng nó quan trọng đối với người phụ nữ. Bà đã thắp đèn quét nhà moi móc tìm kiếm cho bằng được, khi tìm được rồi bà mời bạn bè hàng xóm đến chung vui.

Trong cả hai dụ ngôn này, thái độ vui mừng của người mục tử và của người phụ nữ có lẽ trong thời buổi thị trường kinh tế chúng ta thấy thật phi lý, nhưng nó lại là lôgích của tình yêu trong cuộc sống và là bản chất yêu thương của Thiên Chúa. Rõ ràng giá trị của con chiên bị lạc hay đồng bạc bị mất không đặt trong sự so sánh cái này với cái khác, cũng không đặt trong tỉ lệ phần trăm hay phần mười, nhưng giá trị của chính nó trong tương quan của người tìm kiếm, trong lòng thương xót và trong ơn cứu độ của Thiên Chúa. Đó là sự vui mừng của Nước Trời khi có một tội nhân ăn năn sám hối.

Điều này càng nổi bật hơn trong dụ ngôn thứ ba người cha nhân hậu. Người cha không những đã bày tỏ lòng thương yêu đối với người con thứ, đứa con đã đòi chia gia tài, rồi sau khi ra đi đã ăn tiêu hoang phí, khi trở về lúc nó còn đàng xa người cha đã nhận ra và lập tức chạy đến ôm chầm lấy, hôn lấy hôn để. Ông còn cho mở tiệc ăn mừng, vì điều quan trọng đối với ông là đứa con đã trở về. Đứa con của ông đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Người cha còn bày tỏ lòng nhân hậu với người con cả, đứa con hằng ngày vẫn ở bên cha mà hình như tâm hồn của nó đã đi hoang từ lâu. Nó kể công, nó phân bì, nó ghen tị rồi tức tối giận dỗi, nó muốn cắt đứt tình nghĩa huynh đệ không chấp nhận cho đứa em trở về và nó cũng đang cắt đứt luôn tình nghĩa phụ tử không chịu vào nhà, vì trong lòng của nó chưa bao giờ có tình thương. Sự chuyên cần trong công việc hằng ngày của nó xem ra vì thói quen hoặc vì bổn phận hơn là vì một mối tình. Nhưng người cha vẫn nhân hậu đầy yêu thương năn nỉ: “Này con, hằng ngày con vẫn ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con”.

Thiên Chúa, Ngài đã kiếm tìm chúng ta trước khi chúng ta tìm kiếm Ngài. Ngài chờ đón chúng ta trước khi chúng ta trở về, và Ngài đã yêu thương chúng ta khi chúng ta vẫn còn là tội nhân. Trong lòng thương xót của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta đã trở nên viên ngọc quí mà Ngài là thương gia bán tất cả gia tài đang có để chuộc lấy viên ngọc quí là chúng ta. Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người thế. Người còn tự hạ sống vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.

Thiên Chúa vẫn luôn luôn là Thiên Chúa nhân hậu và hay thương xót. Ngài không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập, không đánh dập tắt tim đèn còn khói. Ngài vẫn kiên trì, vẫn chờ đợi chúng ta những người con yếu đuối, tội lỗi ăn năn sám hối trở về với Ngài. Thiên Chúa là mục tử nhân lành như thế đó; Thiên Chúa là người cha nhân hậu như thế đó, và Thiên Chúa đã tìm kiếm chúng ta như thế đó. Xin cho mỗi người chúng ta biết ăn năn sám hối để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa.

Veritas Radio

Hãy chia vui với tôi

Hãy chia vui với tôi

Khi nói đến “Con chiên lạc”, có thể bạn, tôi, chúng ta nghĩ ngay đến một số thành phần không mấy tốt đẹp, không mấy đàng hoàng trong Hội Thánh. Có người nghĩ ngay đến những người rối vợ, rối chồng công khai, hoặc nghĩ đến ả giang hồ ở cuối xóm, tên du thử du thực lang thang chè chén tối ngày ở đầu phố. Người khác lại nghĩ đến cụ già đôi ba vợ kia đã đến lúc sắp hết hơi rồi mà chưa chịu xưng tội rước lễ, hoặc nghĩ đến bao người nay ăn nên làm ra rồi, khá giả rồi, ở nhà thoải mái, bỗng trở nên cao ngạo, ươn lười, nguội lạnh với nhà thờ nhà thánh…

Nghĩ như thế là do bởi lòng kiêu ngạo xúi giục tự nhận mình là thánh thiện hơn bao nhiêu người khác và gắn cho mình con mắt, cõi lòng đầy thành kiến xấu xa về tha nhân.

Nghĩ như thế, thì thiết tưởng chính mình là… con chiên lạc trước tiên. Lạc mà không biết mình lạc. Còn lầm lạc hơn nữa, khi tỏ ra bất bình với một số người nhiệt thành trong Hội Thánh Chúa, mặc lấy tấm lòng nhân hậu của Chúa, luôn nghiêng về phía những người đau khổ, tội lỗi, thấp kém.

Nghĩ như thế thì có khác gì người Pharisêu đã từng suy nghĩ và lẩm bẩm về việc Chúa Giêsu làm trong Tin Mừng hôm nay: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.”

Cả hai dụ ngôn “Con chiên lạc” và “Đồng bạc bị đánh mất” được Chúa nói cho cả hai đối tượng: người Pharisêu và người thu thuế, kẻ tội lỗi.

Đối với người Pharisêu, hai dụ ngôn ấy là một lời cảnh tỉnh trực diện để họ phải nhận ra rằng chính họ mới là “con chiên lạc”, là “đồng bạc bị đánh mất”. Lạc vì họ đang sống kiêu căng, sống thiếu tình khoan dung, yêu thương; lạc vì họ không muốn hiểu đường lối của Chúa, vì không muốn mặc lấy tình thương của Chúa trong con tim mình… Bài học dành cho người Pharisêu là đừng lầm tưởng mình đạo đức, nếu không mặc lấy đức khiêm cung và lòng nhân hậu mà đối xử với tha nhân. Họ cần có cái nhìn mới mẻ hơn đối với người tội lỗi, cái nhìn của Thiên Chúa, cái nhìn của lòng thương xót xoáy vào sâu thẳm hơn, để cảm thông hơn vì bao nỗi bất hạnh, không phải cái nhìn nông cạn bề ngoài để rồi sinh ra ganh tỵ, xét đoán…

Còn đối với người tội lỗi, cả hai dụ ngôn là Lời rất vui mừng cho họ, vì:

– Lời mặc khải cho họ biết một Thiên Chúa vô cùng khiêm cung, và yêu thương. Lòng thương xót, khoan dung, nhân hậu của Ngài luôn luôn lớn hơn tội lỗi, thân phận của họ.

– Lời xoá tan nỗi ám ảnh bị khinh bỉ, phân biệt, có khi còn bị trừng phạt dã man cho đến chết vì luật xua đuổi khỏi cộng đồng, luật ném đá…

– Lời khơi dậy cho họ một niềm hy vọng, mở ra cho họ một con đường sống và nhất là tái lập cho họ một tương quan quí giá đối với Thiên Chúa, tái lập cho họ một nhân vị xứng đáng là con cái Thiên Chúa.

– Và cũng qua hai dụ ngôn, cả người Pharisêu và người tội lỗi có thể nhận ra một điều kỳ diệu là Thiên Chúa luôn đi bước trước đối với những tội nhân.

Đề cập đến bước trước, tôi nhớ câu chuyện về Đức Tin đơn sơ của cụ Biên ở phía sau nhà tôi. Cụ luôn là người khôi hài vui vẻ. Đến lúc gần chết cũng còn vui vẻ. Năm 1979, trong cơn hấp hối, khi nghe một anh Legio giữ kẻ liệt cầm sách mục lục đọc kinh cho cụ, đọc sai chỗ nào, cụ đập nhẹ bàn tay, bảo: “Đọc lại, đọc lại, đọc sai làm sao Chúa hiểu.” Đêm cuối cùng, cụ chỉ cho mọi người biết là cụ đang chết từ dưới chân lên đến giữa lưng rồi. Rồi cụ nói: “Còn nói được mấy câu nữa thôi, cho tôi nói với Chúa. Chúa đã lỡ bước xuống đời rồi, thì còn ngại ngần gì mà không bước tới đây đưa con về với Chúa. Chúa ơi, con tin.” Rạng sáng hôm ấy, cụ đã về với Chúa.

“Chúa đã lỡ bước xuống, thì còn ngại ngần gì mà không bước tới.” Câu nói đơn sơ mà cho thấy cả một xác tín. Hôm nay, nghe lại dụ ngôn “Con chiên lạc”, mới ngộ ra là không chỉ Chúa chẳng ngần ngại gì mà không bước tới, mà còn dám bước trước, và bước kiên trì nữa: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?”

Vâng đó là một bước trước, và kiên trì “đi tìm cho kỳ được”. Quả là kỳ diệu! Nếu trước đây chưa ai dám tiếp xúc với những người thu thuế tội lỗi, vì sợ nhơ bẩn con người, thanh danh của mình, thì Chúa Giêsu đã bước một bước trước đến với họ.

Hai dụ ngôn hôm nay còn vén màn một chi tiết độc đáo của tình thương Thiên Chúa, đó chính Người đích thân đi tìm con chiên lạc, gọi đích danh, tha thứ vô điều kiện, âu yếm ẵm trong vòng tay, vui mừng vác chiên lên vai, mở tiệc tưng bừng. Thiên Chúa mời mọi người đến chia vui vì “trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”.

Người ta mở tiệc ăn mừng những dịp cưới hỏi, tân gia, sinh nhật, thi đỗ, thoát nạn… Trong đời tôi, lại được tham dự một bữa tiệc lạ thường. Chuyện là thế này: Giáo xứ tôi có một người tên là T. được rửa tội năm 1972 tại Thủ Đức khi anh lập gia đình với chị N. Anh kể với các anh chị Legio, anh đã giữ đạo sốt sắng hơn 7 năm. Đến năm 1979, anh sa đà đủ món ăn chơi trên trần gian này. Chị N. bỏ anh đi. Anh càng lún sâu vào con đường tội lỗi. Bỏ lễ, bỏ các Bí tích. Năm 1996, anh em Legio thăm và khuyên bảo anh xưng tội, anh nói: “Nhiều quá, làm sao xưng cho hết! Chúa không thể tha một lúc nhiều như vậy đâu!” Sau hơn 3 năm, cha sở và các anh chị Legio kiên trì cầu nguyện cho anh, năm 1999, anh quyết định đi xưng tội. Cha sở F.X. Lê Quang Diễn đã yêu thương lắng nghe anh nói chuyện toà ngoài với ngài hết một buổi sáng và thêm nửa buổi chiều. Chiều hôm đó, anh xưng tội. Ngày hôm sau, anh mở tiệc mừng. Có khoảng 3 bàn tiệc. Anh nói mấy câu trước khi vào tiệc: “Con cảm ơn cha, cảm ơn mọi người, xin CHIA VUI VỚI CON, và xin CHIA VUI VỚI CHÚA.” Từ đó, anh đổi mới hoàn toàn, thật sốt sắng với Chúa và dễ thương với mọi người. Anh đã qua đời năm 2008. Linh hồn Phaolô.

Mọi người bất ngờ về câu nói của anh: “Xin CHIA VUI VỚI CON, và xin CHIA VUI VỚI CHÚA.” Thiết tưởng, anh không chỉ cảm nghiệm được niềm vui của mình là được trở về, mà với Đức Tin, anh còn dám cảm nghiệm được “niềm vui của Chúa’, của Chúa Chiên, người đã bỏ chín mươi chín con chiên tốt lành kia trong ràn, mà đi tìm anh, con chiên lạc.

Cảm nghiệm được niềm vui của Chúa phải là người đang sống thông hiệp mật thiết với Chúa lắm, như hai người tình đang kết hợp toàn tâm toàn ý với nhau, và dĩ nhiên, niềm vui không của riêng chỉ một người. Suy tư ấy có thể là suy tư cách rất con người, rất chủ quan thôi. Nhưng rõ ràng, thử hỏi ai trong chúng ta, những người vỗ ngực xưng tên mình là đạo đức, đã có bao giờ có được cái cảm nghiệm “chia vui với Chúa” cách trọn vẹn, nếu không đặt trọn niềm tin vào lòng thương xót của Chúa, nếu không mặc lấy tình thương xót ấy mà xót thương bao kẻ tội lỗi, khốn cùng.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con Đức Tin vào lòng thương xót của Chúa để biết mình là con chiên lạc được Chúa tìm về, và mặc lấy tình thương ấy mà cộng tác với Chúa, chia vui với Chúa khi có người anh em tìm được hạnh phúc được Chúa thứ tha. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng

THIÊN CHÚA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

THIÊN CHÚA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

Bài Phúc Âm vừa nghe là một trong những trang đẹp nhất của Tin Mừng. Có thể gọi đó là Tin Mừng của Tin Mừng. Vì chương 15 Phúc Âm Luca này được coi như bản tóm tắt tất cả Phúc Âm. Tin Mừng đó là Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót. Lòng thương xót của Thiên Chúa thực vô biên, dài, rộng, cao, sâu khôn lường, ta không thể nào hiểu thấu. Những bài sách thánh hôm nay hé mở cho ta mấy nét của lòng thương xót vô biên đó.

1. Nét thứ nhất của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa là: sự tha thứ

Tình yêu đích thực không được đo bằng đam mê nồng cháy. Bởi những đam mê nồng cháy mau qua như một cơn bão lốc. Bão lốc qua đi chỉ để lại đổ vỡ điêu tàn.

Tình yêu đích thực không được đo bằng hy sinh tận cùng. Người ta có thể hy sinh mạng sống vì của cải, danh vọng. Hy sinh như thế có thể chỉ vì bản thân mình chứ không phải vì người khác.

Tình yêu đích thực được đo bằng sự tha thứ. Chỉ có yêu thực lòng, yêu tha thiết mới có thể tha thứ. Khi yêu người ta dám cho đi tất cả. Nhưng ít có ai cho đi sự tha thứ. Chính tha thứ mở cho ta cánh cửa dẫn vào thâm cung nhiệm mầu của tình yêu.

Tha thứ là đặc tính của tình yêu Thiên Chúa. ta hãy đọc lại lịch sử dân Israel. Biết bao lần dân chúng phản bội, chống lại Thiên Chúa. Nhưng Chúa vẫn nhân từ tha thứ. Khi Môsê cầu nguyện trên núi, dân Do Thái đã phản bội, gom góp vàng bạc đúc tượng bò mà thờ. Chúa nổi giận muốn phạt họ. Nhưng khi Môsê nài xin Chúa, Chúa đã nguôi giận mà tha thứ cho dân.

Phaolô ghét đạo Chúa, đi tìm bắt những người theo Chúa. Nhưng Chúa đã thương hoán cải ông. Hơn nữa, Chúa còn chọn ông làm Tông đồ cho Chúa.

Người con bỏ nhà ra đi, phung phí hết tiền của cha, nhưng người cha già vẫn yêu thương chờ đời, tha thứ hết khi nó trở về.

Sự tha thứ của Thiên Chúa đối với con người, nhất là người tội lỗi thực là vô biên. Sự tha thứ ây minh chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với con người lớn lao biết chừng nào.

2. Nét thứ hai của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đó là: sự đi tìm.

Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ, nhưng Người không chỉ ngồi đó chờ kẻ có tội trở về xin lỗi rồi mới thứ tha. Không, chính Thiên Chúa chủ động, có sáng kiến đi tìm con người. Đó là nét độc đáo trong tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa.

Chính Chúa đi tìm Phaolô khi ông đang trên đường lầm lạc, có sáng kiến làm ông té ngựa để đưa ông trở lại với Chúa. Chính Chúa là người chăn chiên đi tìm con chiên bị lạc. Là người ra ngõ tìm đứa con bỏ nhà đi hoang. Cuộc đi tìm không phải dễ dàng. Người chăn chiên phải băng đồi vượt sông, luồn lách qua gai góc, dẫm đạp sỏi đá, chịu đựng nắng mưa, bất chấp thú dữ rình rập. Người phụ nữ phải thắp đèn soi vào mọi ngóc ngách trong nhà, lùa chổi vào những khe nứt nhỏ bé, kiên nhẫn moi móc tìm kiếm niềm hy vọng mong manh. Người cha phải vượt qua những thành kiến xã hội, lòng tự ái bị thương tổn, trái tim đau đớn vì yêu thương.

Đi tìm là yêu thương. Còn hơn thế, đi tìm là đã tha thứ. Quả thật Chúa đã yêu thương ta trước. Người yêu thương ta trước khi ta biết Người. Người tha thứ cho ta trước khi ta xin lỗi. Người đi tìm ta trước khi ta trở về.

3. Nét thứ ba của lòn thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đó là: Thiên Chúa yêu thương từng người, dù rất bé nhỏ.

Trong đời sống xã hội, những người bé nhỏ nghèo hèn thường bị bỏ quên: sống cô đơn, chết cô độc, chìm vào quên lãng. Nhưng trong trái tim Thiên Chúa, mỗi người đều chiếm một vị trí quan trọng. Mỗi người đều là duy nhất độc đáo, không thể thay thế được đối với Thiên Chúa. Càng bé nhỏ nghèo hèn lại càng chiếm vị trí quan trọng trong tình yêu Thiên Chúa.

Một con chiên lạc có gì so với 99 con chiên còn lại. Giữ 99 con còn lại vừ nhàn nhã lại vừa có lợi. Đi tìm một con đi lạc vừa mệt nhọc lại vừa thiệt thòi. Nhưng trong tình yêu làm gì có tình toán thiệt hơn. Một con chiên nhỏ bé lạc loài đã chiếm hết trái tim của người mục tử nhân từ. Bao lâu chưa tìm được con chiên nhỏ bé gầy gò, lạc bầy ấy, lòng người mục tử ấy vẫn còn khắc khoải lo âu.

Đứa con bỏ nhà ra đi, xài phí hết gia sản cha mẹ làm sao sánh được với đứa con trai ngoan ngoãn ở nhà, biết chăm lo công việc, luôn hiếu thảo phụng dưỡng mẹ cha. Ấy vậy mà người cha ăn không ngon, ngủ không yên, tắt tiếng cười, mắt mờ lệ, bao lâu đứa con hư hỏng chưa trở về.

Thật kỳ diệu tình thương của Thiên Chúa. chính vì những tâm hồn bé nhỏ, tội lỗi, yếu đuối ấy mà Thiên Chúa đã sai Con Một Người xuống trần gian như lời Chúa Giêsu nói: “Những người bệnh mới cần đến thầy thuốc”.

Thực là vô biên lòng thương xót của Thiên Chúa. lòng thương xót ấy lớn hơn cả trái tim của ta. Ơn lành của Thiên Chúa lớn hơn cả tội lỗi của ta. Sự tha thứ của Thiên Chúa lớn hơn cả trí tưởng tượng của ta. Tất cả chúng ta hãy đến với Người. Hãy mang theo những yếu đuối lầm lỡ của ta. Hãy cho Người xem vết thương từ lâu gặm nhấm trái tim ta. Hãy tâm sự nỗi buồn vô vọng của ta. Thiên Chúa Cha chúng ta Đấng giaù lòng thương xót. Không có tội lỗi nào Người không tha thứ,không có vết thương nào Người không chữa lành. Không có nỗi buồn nào Người không an ủi.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Kể ra vài nét của lòng thương xót của Chúa.
2. Tại sao tha thứ là dấu chỉ rõ nhất của tình yêu?
3. Cảm nhận được tình yêu và đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. bạn có coi điều này là hệ trọng nhất trong đời không?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt