Kiên nhẫn cầu nguyện

Kiên nhẫn cầu nguyện

Người có tôn giáo luôn gắn liền với cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở, là sự sống của người tín hữu. Vậy cầu nguyện là gì?

Cầu nguyện theo thánh Augstinô là thưa chuyện với Chúa, như một người con hiếu thảo thưa chuyện với cha mẹ, hoặc như hai người bạn chân tình tâm sự với nhau.

Vâng, nếu hiểu cầu nguyện là một cuộc tâm sự, là một cuộc trò chuyện, thì quả thực cầu nguyện là một điều rất dễ dàng và dành cho mọi người, chứ không phải chỉ dành riêng cho các linh mục, tu sĩ hay những người trí thức.

Mỗi người trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về những lần trò chuyện, trao đổi tâm sự với người khác. Vậy chúng ta đã thường hay nói những gì?

Tôi xin thưa:

– Nếu là bè bạn thân thích, chúng ta có thể nói tới mọi sự: sự vui cũng như sự buồn, sự trong nhà cũng như sự ngoài ngõ, sự quan trọng cũng như sự tầm phào. Nói chung nếu là bạn bè chúng ta có rất nhiều điều để tâm sự với nhau, để kể cho nhau…

Khi đến với Chúa, chúng ta cũng có thể trình bày về những niềm vui, những nỗi buồn, những đắng cay và những băn khoăn lo lắng chúng ta đã gặp phải. Và chắc chắn khi niềm vui được chia sẻ, thì niềm vui sẽ được nhân rộng hơn lên. Nỗi buồn được chia sẻ, nỗi buồn sẽ vơi đi. Chính những lời kinh xuất phát từ giữa lòng cuộc đời, từ những biến cố xảy ra hằng ngày, sẽ dễ làm cho chúng ta cầm trí và tránh đi thói quen máy móc chiếu lệ trong cầu nguyện.

Tuy nhiên, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện trong kiên trì và tín thác. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi những ai kêu cầu Người, nhất là những người thấp hèn, bé nhỏ, miễn là biết đặt niềm tin tưởng vào Chúa.

Thánh nữ Monica đã luôn cầu xin Chúa cho đứa con hoang đàng của mình là Augustinô. Hằng ngày bà khóc lóc, ăn chay và hãm mình. Một hôm quá thất vọng, bà đã đến hỏi ý kiến thánh Ambrôsiô và thánh giám mục đã trả lời:

– Bà hãy yên trí, đứa con của biết bao nhiêu nước mắt sẽ không thể nào hư mất.

Mười tám năm đằng đẵng, sau cùng Augustinô mới trở lại.

– Như vậy, cầu nguyện là một việc rất dễ dàng mà bất cứ ai cũng đều có thể và phải làm được. Nhưng cầu nguyện không phải là chúng ta đòi Thiên Chúa làm theo ý chúng ta mà là để xin được theo ý Chúa với một lòng tin tưởng cậy trông tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Đức Hồng Y Jaime Sin, Tổng giám mục Manila, Phi Luật Tân, thường trích dẫn bài thơ của một tác giả vô danh trong các bài giảng của Ngài. Bài thơ ấy như sau:

Tôi đã xin Chúa cất khỏi sự kiêu hãnh của tôi và Chúa trả lời: “Không”. Ngài nói rằng không phải Ngài là người cất khỏi mà chính tôi mới là người phấn đấu để vượt thắng nó.

Tôi đã xin Chúa làm cho đứa con tàn tật của tôi được lành lặn và Chúa trả lời: “Không”. Ngài nói rằng tinh thần mới lành lặn, còn thể xác chỉ là tạm bợ.

Tôi đã xin Chúa ban cho tôi sự kiên nhẫn và Chúa đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng kiên nhẫn là hoa trái của thử thách. Ngài không ban cho tôi trái ấy mà để tôi tự tìm lấy.

Tôi đã xin Chúa ban cho tôi được hạnh phúc và Chúa đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng Ngài ban ân phúc cho tôi, còn hạnh phúc hay không là tùy tôi.

Tôi đã xin Chúa gia tăng tinh thần cho tôi và Chúa đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng tôi phải tự lớn lên, nhưng Ngài sẽ cắt tỉa để tôi mang nhiều hoa trái.

Tôi đã xin Chúa đừng để tôi đau khổ và Ngài đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng đau khổ là cho tôi được xa cách với những vướng bận trần gian và mang tôi đến gần Ngài.

Tôi đã hỏi: “Liệu Ngài có yêu tôi không” và Ngài đã trả lời rằng: “Có”. Ngài nói rằng Ngài đã ban cho tôi Người Con Một, Đấng đã chết vì tôi và một ngày nào đó, tôi sẽ được lên Thiên đàng vì tôi đã tin.

Tôi đã xin Chúa giúp tôi yêu mến tha nhân như Ngài yêu thương tôi và Chúa nói: “Cuối cùng con đã xin đúng điều ta chờ đợi”.

Nguyện xin Chúa ban thêm lòng tin để chúng ta luôn kiên nhẫn trong lời cầu nguyện và tín thác vào sự quan phòng của Chúa. Amen.

Lm. Jos. Tạ duy Tuyền

CẦU NGUYỆN VỚI TẤT CẢ TÂM HỒN

CẦU NGUYỆN VỚI TẤT CẢ TÂM HỒN

Suốt cuộc đời của Chúa Giêsu là lời cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện không ngừng.Chúa Giêsu bao giờ cũng cầunguyện khi ở riêng một nơi vắng vẻ, khi làm một việc gì, khi chọn các tông đồ, khi làm phép lạ. Chúa Giêsu đã nhiều lần dạy dỗ các môn đệ cầu nguyện, đặc biệt Chúa đã dạy các môn đệ kinh Lạy Cha. Do đó, Chúa nhật hôm nay Chúa cũng mời gọi chúng ta cầu nguyện với tất cả tấm lòng chân thành…

Tin Mừng thánh Luca hôm nay cho chúng ta thấy bộ mặt của vị thẩm phán sừng xỏ: “Tại thành nọ, có vị thẩm phán kia, Thiên Chúa thì chẳng kính sợ, mà người ta thì cũng chẳng kính nể…” (Lc 18, 2), một Ông Thẩm Phán ngồi trên tòa cao không phải để xét xử một cách công lý, nhân đạo, nhưng là để kiếm tiền bỏ đầy túi, làm giầu cho bản thân mình và làm giầu cho gia đình của mình. Câu chuyện thuật lại cách dí dỏm, có một bà góa tiền bạc chẳng có, của cải thì không, bà thuộc loại bần cố nông, nhưng bà lại bạo miệng. Bà không có quà cáp, không có tiền đút lót nhưng vì bà bạo phổi, bạo miệng, nên cuối cùng Ông Thấm phán cũng phải xiêu lòng giải quyết, chúng ta nghe Ông Thẩm Phán nói : “Cho dẫu Thiên Chúa, mình không sợ, mà người ta mình cũng chẳng kiêng nể, thì ít ra bởi mụ góa này cứ rầy quấy mình, mình cũng sẽ xử quách cho nó, kẻo nó cứ đến hoài làm bương đầu bương óc mình” (Lc 18, 4). Chúng ta cũng đọc thấy dụ ngôn người bạn quấy rầy lúc đêm khuya của thánh Luca. Hai dụ ngôn này cũng gợi lên cùng một ý. Chúa Giêsu đưa dụ ngôn như một lời gợi ý, một thể văn gợi ý mà thôi. Dụ ngôn cho thấy vị Thẩm Phán bất lương còn biết hành động để cầu an, để giải quyết cho xong những người cứ lải nhải, quấy rầy, Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn biết xót thương, chạnh lòng tha thứ cho những kẻ kêu xin Ngài. Thiên Chúa quả thực luôn lắng tai nghe lời chúng ta cầu khẩn, van xin Ngài đêm ngày. Lời cầu khẩn van nài của những kẻ kêu cứu Chúa với tấm lòng thành, luôn được Chúa lắng nghe. Có những chúng ta cầu nguyện nhưng không thấy Chúa nhận lời, Chúa bắt chúng ta chờ đợi, không phải vì Chúa khước từ, chối từ lời khẩn nguyện, van xin của chúng ta, nhưng Ngài muốn chúng ta kiên nhẫn, thanh lọc tư tưởng của chúng ta. Bởi vì, Chúa nói với chúng ta phải cầu nguyện luôn đừng nản chán, đừng thất vọng v.v… Lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta phải liên lỉ, cầu nguyện không ngừng, tất cả cuộc đời chúng ta phải là lời cầu nguyện như Chúa Giêsu. Chúng ta phải ý thức rằng việc cầu nguyện của chúng ta nhằm nối dài hành vi sáng tạo của Thiên Chúa, hành vi cứu chuộc của Chúa Giêsu, nhằm thực hiện những chương trình của Thiên Chúa trên thế giới, trên con người v.v… Chính vì thế, mọi việc, mọi tư tưởng, ý nghĩ của chúng ta phải biến thành những việc linh thánh. Đây là ý nghĩa việc cầu nguyện sâu xa của thời đại chúng ta hôm nay. Nhờ hiểu như thế,nhờ cách cầu nguyện này, chúng ta hiểu được lời của Chúa : “Phải cầu nguyện luôn, cầu nguyện không ngừng”.

Chúa luôn muốn con người kết hiệp với Chúa, Ngài luômn muốn chúng ta dâng lời cầu nguyện lỉ lỉ bởi vì lúc thức dậy chúng ta dâng mình cho Chúa, xin Chúa chúc lành cho một ngày mới, rồi suốt một ngày với bao công việc, với bao nhọc nhằn, lao động trí óc, lao động chân tay, chúng ta dâng những công việc ấy cho Chúa như một lời cầu nguyện. Tối về chúng ta dâng cho Chúa giấc ngủ như một lời cầu nguyện kéo dài và xin Chúa cho chúng một giấc ngủ bình an, tha thứ những lỗi lầm để ngày hôm sau chúng ta sống tốt hơn, sống đẹp hơn… Thực hiện được điều đó là chúng ta biến đời chúng ta thành lời cầu nguyện không ngừng. Cầu nguyện phải là lẽ sống của mỗi người chúng ta…

Chúa đã nói : “Ai xin sẽ được.Ai tìm sẽ gặp. Ai gõ sẽ mở”. Chúng ta phải khẩn khoản cầu xin, phải cầu nguyện mãi mãi. Chúa Giêsu trong đoạn Tin mừng này đã kết thúc dụ ngôn bằng một lời thật bí ẩn, một lời huyền diệu : “Khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất này nữa chăng?”. Có một điều thật an ủi, Chúa nói rằng ai bền đỗ, kiên nhẫn, bền bỉ cầu nguyện sẽ giữ được đức tin của mình.

Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho công việc truyền giáo. Chúng ta hãy nhớ lời Chúa : “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Chúng ta hãy xin Chúa sai nhiều thợ gặt đến gặt lúa trong các cánh đồng…Đây là bổn phận loan báo Tin mừng của mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn yêu thương chúng con, yêu thương mọi người bằng một tình yêu nhưng không : “Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình” (Ga 15, 13). Xin ban thêm lòng tin cho chúng con, xin giúp chúng con luôn biết siêng năng cầu nguyện để cuộc đời của chúng con luôn là lời cầu không ngừng, cảm tạ tri ân Thiên Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1. Vị Thẩm Phán trong đoạn Tin Mừng hôm nay là người thế nào ?
2. Bà góa là người thế nào ?
3. Tại sao lại phải cầu nguyện ?
4. Chúa khuyên chúng ta phải cầu nguyện làm sao ?

LM Giuse Nguyễn Hưng Lợi  (DCCT)

Đức Thánh Cha ca ngợi Ủy ban Giám Mục phụng vụ Anh Ngữ (ICEL)

Đức Thánh Cha ca ngợi Ủy ban Giám Mục phụng vụ Anh Ngữ (ICEL)

VATICAN. ĐTC Phanxicô ca ngợi công trình và nhiệt liệt cám ơn Ủy ban Quốc Tế về Anh ngữ trong phụng vụ, gọi tắt là ICEL (International Commission on English in the Liturgy), đã góp phần vào đời sống cầu nguyện của các tín hữu và củng cố sự hiệp nhất của Giáo Hội.

Ủy ban ICEL được thành lập cách đây 50 năm và qui tụ đại diện của 11 HĐGM nói tiếng Anh (Úc, Canada, Anh Quốc, Ấn độ, Ailen, New Zealand, Pakistan, Philippines, Scotland, Nam Phi và Hoa Kỳ). Để đánh dấu biến cố này, Ủy ban đang nhóm họp tại Roma trong những ngày này và sáng 18-10-2013, 25 GM thành viên và chuyên gia của Ủy ban đã được ĐTC tiếp kiến.

Ngài ghi nhận rằng trong 50 năm qua, công việc của Ủy ban ICEL không phải chỉ dịch các văn bản phụng vụ ra tiếng Anh, nhưng còn góp phần vào sự tiến bộ trong việc học hỏi, hiểu và hấp thụ truyền thống bí tích của Giáo Hội. Công việc của Ủy ban đã giúp các tín hữu tham gia phụng vụ một cách ý thức, tích cực và sốt sắng, như Công đồng chung Vatican 2 đã yêu cầu.

ĐTC nói: ”Thành quả công việc của anh chị em thật là hữu ích, giúp vô số các tín hữu Công Giáo cầu nguyện và góp phần vào sự hiểu biết đức tin, thực thi chức linh mục chung của các tín hữu và canh tân năng động truyền giáo của Hội Thánh. Tất cả đều là những đề tài chủ yếu trong giáo huấn của Công Đồng”. Trong thực tế, như Đức Chân Phước Gioan Phaolô 2 đã nhấn mạnh, ”Đối với nhiều người, sứ điệp của Công đồng chung Vatican 2 được lãnh hội trước tiên nhờ cuộc cải tổ phụng vụ” (Tông thư Vigesimus quintus annus, n.12) (SD 18-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha chào mừng Hội nghị tái truyền giảng Tin Mừng ở Philippines

Đức Thánh Cha chào mừng Hội nghị tái truyền giảng Tin Mừng ở Philippines

VATICAN. ĐTC gửi sứ điệp chào mừng và cầu chúc thành công cho Hội nghị về tái truyền giảng Tin Mừng do Tổng giáo phận Manila, Philippines, tổ chức từ ngày 16 đến 18-10-2013, nhân dịp gần kết thúc Năm Đức Tin.

Hội nghị diễn ra tại Đại học thánh Tôma ở Manila với sự tham dự của khoảng 5 ngàn đại biểu, gồm GM, LM, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo dân, không những từ các nơi ở Philippines, nhưng còn từ nhiều nước khác như Đài Loan, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Myanmar. Hội nghị đặc biệt để ý tới những thách đố do trào lưu tân tiến hóa tạo nên.

Trong sứ điệp Video, ĐTC gọi Hội nghị đầu tiên tại Philippines về tái loan báo Tin Mừng là một món quà quí giá cho Năm Đức Tin và ngài nói: ”Tôi hy vọng với Hội nghị này, anh chị em một lần nữa có thể biết sự hiện diện yêu thương của Chúa Giêsu trong đời sống của mình, yêu mến Giáo Hội hơn nữa và thông truyền Tin Mừng cho tất cả mọi người, với lòng khiêm tốn và vui tươi. Anh chị em đừng mệt mỏi trong việc mang lòng từ bi của Chúa Cha cho những người nghèo, các bệnh nhân, những người bị bỏ ơi, các bạn trẻ và gia đình. Hãy làm cho thé giới chính trị, xí nghiệp, văn hóa, khoa học kỹ thuật và truyền thông xã hội được biết Chúa Giêsu. Hãy để Chúa Thánh Linh đổi mới mọi thụ tạo và mang công lý và hòa bình đến Philippines cũng như đại lục Á châu bao la, vốn gần gũi với tâm hồn tôi”.

Hội nghị được khai mạc hôm thứ tư 16-10-2013, với bài thuyết trình của ĐHY Luis Antonio Tagle, nói về ”Chiều kích truyền giáo trong việc loan báo Tin Mừng”. Trong hội nghị có nhiều sinh hoạt: từ các bài huấn giáo dấn, các cuộc thảo luận bàn tròn và chia sẻ. Thánh lễ bế mạc Hội nghị hôm qua (18-10) đã do Đức TGM Giuseppe Pinto, Sứ Thần Tòa Thánh tại Philippines, chủ sự (SD 18-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Giám mục Đức có ‘lối sống xa hoa’ bị triệu về Rôma

Giám mục Đức có ‘lối sống xa hoa’ bị triệu về Rôma

Erik Kirschbaum cho Reuters FaithWorld

Một giám mục Công giáo người Đức bị chỉ trích chi tiêu xa hoa vào biệt thự sang trọng và bị cáo buộc nói dối trước tòa vừa bay sang Rôma để gặp các viên chức Tòa Thánh và có thể cả Đức Giáo hoàng Phanxicô để quyết định xem ngài có nên tại vị nữa không.

Giám mục Đức có ‘lối sống xa hoa’ bị triệu về Rôma thumbnail

 

Hôm Chủ nhật một phát ngôn viên xác nhận rằng Đức Giám mục Franz-Peter Tebartz-van Elst của giáo phận Limburg đã đi xa nhưng không nói ngài đi khi nào và trong bao lâu. Ông từ chối bình luận các bản tin báo chí nói rằng vị giám chức đã đi máy bay của một hãng giá rẻ.

Đức cha Tebartz-van Elst vừa gây ra một cuộc khủng hoảng trong Giáo hội Đức vì đã xây một biệt thự sang trọng và khu phức hợp văn phòng tại thời điểm mà đức tân giáo hoàng đang nhấn mạnh đến sự khiêm nhường và phục vụ người khó nghèo.

“Đức cha đã làm rõ rằng bất kỳ quyết định nào về sự phục vụ của ngài với tư cách là một giám mục đều nằm trong tay Đức Thánh cha” – thông cáo giáo phận nói hôm thứ Bảy.

“Vị giám mục đau buồn trước sự gia tăng của cuộc thảo luận hiện nay. Ngài nhận thấy và lấy làm tiếc rằng nhiều tín hữu đang chịu đau khổ do tình hình hiện nay”, theo thông cáo.

Đức cha Tebartz-van Elst, người có phong cách baroque khá giống với mô hình bảo thủ của Công giáo La Mã mà vị cựu Giáo hoàng Biển Đức XVI vạch ra, cũng bị cáo buộc nói dối trước tòa về một chuyến bay hạng nhất đến thăm các chương trình giảm nghèo ở Ấn Độ.

Nguồn: Reuters FaithWorld. Trích từ UCANEWS VietNam

Vatican kêu gọi đừng quá vội vàng cải cách

Vatican kêu gọi đừng quá vội vàng cải cách

Eric J. Lyman cho Religion News Service

Giáo phận Freiburg tỏ ý sẵn sàng cho người Công giáo ly hôn rước lễ.

Đức Thánh cha Phanxicô trở thành tin tức chính của báo đài trên toàn thế giới khi đưa ra những lời bình luận mang tư tưởng cải cách về nhiều vấn đề từ việc Giáo hội bị “ám ảnh” những vấn đề gây chia rẽ như phá thai và đồng tính đến vai trò của phụ nữ trong ban lãnh đạo Giáo hội.

Nhưng hôm thứ ba, 8-10, Vatican cảnh báo các Giáo hội địa phương không nên đi trước Đức Thánh cha và tự ý thực hiện quá trình cải cách này.

Giáo phận Freiburg ở Đức gần đây đã dự tính cải cách và nói người Công giáo ly hôn và tái hôn có thể rước lễ nếu họ “đang cố gắng sống theo đức tin”.

Linh mục người phát ngôn chính của Vatican Federico Lombardi cảnh báo quan điểm của giáo phận này không phải là quan điểm được Giáo hội chấp thuận, và vấn đề này sẽ được xem xét vào năm sau trong phiên họp đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục tại Vatican, sẽ diễn ra từ ngày 5-19/10/2014.

Đây sẽ là thượng hội đồng bất thường thứ ba, một cuộc họp được tổ chức thêm ngoài các cuộc họp thông thường của Vatican, kể từ khi Đức Thánh cha Phaolô VI phục hồi việc làm này cách đây gần 50 năm.

“Khi người dân hay các văn phòng địa phương đề xuất các giải pháp mục vụ đặc biệt, sẽ có khả năng gây nhầm lẫn”, cha Lombardi nói.

Nguồn: Religion News Service – UCANEWS VietNam

Đức Thánh Cha giải thích ”Giáo Hội tông truyền”

Đức Thánh Cha giải thích ”Giáo Hội tông truyền”

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 80 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 16-10-2013, ĐTC Phanxicô đã giải thích ý nghĩa ”Giáo hội tông truyền” và nhắn nhủ các tín hữu cầu nguyện và loan báo Tin Mừng.

Như thường lệ, ĐTC đã đi ra Quảng trường Thánh Phêrô hơn nửa giờ trước khi bắt đầu buổi tiếp kiến, để chào thăm các tín hữu dọc theo các lối đi. Cạnh lễ đài có 2 HY và 20 GM tham dự buổi tiếp kiến.

Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha

”Khi chúng ta đọc kinh Tin Kính, chúng ta nói: ”Tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền”. Tôi không biết có bao giờ anh chị em suy nghĩ về ý nghĩa của thành ngữ ”Giáo Hội là tông truyền” hay không. Có lẽ vài lần, khi đến Roma, anh chị em đã nghĩ đến tầm quan trọng của thánh Phêrô và Phaolô là những người đã hiến mạng sống để mang đến và làm chứng cho Tin Mừng.

Tuyên xưng rằng Giáo Hội là tông truyền có nghĩa là nhấn mạnh mối liên hệ cấu thành của Giáo Hội với các Tông Đồ, với nhóm nhỏ 12 người mà một hôm Chúa Giêsu đã kêu gọi, ngài gọi đích danh, để họ ở lại với Ngài và để sai họ đi rao giảng (Xc Mc 3,13-19). Thực vậy, ”Tông đồ” là một từ Hy Lạp có nghĩa là ”được sai đi”, ”được phái đi”.

Tông đồ là một người được sai đi, được gửi đi để làm cái gì đó. Đó là một lời mạnh mẽ và các Tông đồ đã được Chúa Giêsu tuyển chọn, được kêu gọi và sai đi, để tiếp tục công việc của Chúa, nghĩa là: cầu nguyện, đó là công việc đầu tiên của một tông đồ. Thứ hai là loan báo Tin Mừng. Đây là điều quan trọng, vì khi nghĩ đến các tông đồ, chúng ta nghĩ các vị chỉ đi loan báo Tin Mừng, làm bao nhiêu công việc.. Nhưng trong thời kỳ đầu tiên của Giáo Hội, đã có một vấn đề, vì các tông đồ làm bao nhiêu là việc, không xuể. Vì thế các vị đã chọn các phó tế để có thể có giờ cầu nguyện và loan báo Lời Chúa. Và khi chúng ta nghĩ đến những người kế vị các tông đồ là các Giám Mục, cả Giáo Hoàng cũng là giám mục, chúng ta phải tự hỏi xem người kế vị Tông đồ này có cầu nguyện hay không, rồi loan báo Tin Mừng. Vì thế, Giáo Hội là tông truyền. Và tất cả chúng ta nếu muốn là tông đồ, thì chúng ta cũng phải tự hỏi: tôi có cầu nguyện cho sự cứu độ thế giới và loan báo Tin Mừng hay không?. Đó là Giáo Hội tông truyền. Đó là một liên hệ cấu thành mà chúng ta đang có với các tông đồ.

Đi từ điều đó, tôi muốn nhấn mạnh vắn tắt 3 ý nghĩa của từ ”tông truyền” được áp dụng cho Giáo Hội.

1. Giáo Hội là tông truyền vì được xây dựng trên lời rao giảng và kinh nguyện của các Tông Đồ, trên quyền bính được chính Chúa Kitô ban cho các vị. Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Kitô thành Ephêsô: ”Anh chị em là đồng bào của các thánh và người thân thích của Thiên Chúa, được xây dựng trên nền tảng các tông đồ và ngôn sứ, có đá góc là chính Chúa Giêsu Kitô” (2, 19-20); nghĩa là thánh nhân ví các tín hữu Kitô với những viên đá sống động họp thành tòa nhà là Giáo Hội, và tòa này này được xây dựng trên các Tông Đồ – như những cây cột- và viên đá nâng đỡ tất cả chính là Chúa Giêsu. Nếu không có Chúa Giêsu thì không thể có Giáo Hội. Chúa Giêsu chính là nền tảng của Giáo Hội. Các tông đồ đã sống với Chúa Giêsu, đã lắng nghe lời Ngài, đã chia sẻ cuộc sống, nhất là các vị là chứng nhân về cái chết và sự sống lại của Chúa. Đức tin của chúng ta, Giáo Hội mà Chúa Kitô mong muốn, không dựa trên một ý tưởng, một triết lý, nhưng trên chính Chúa Kitô. Và Giáo Hội giống như một cây, qua các thế kỷ lớn lên, phát triển và mang lại nhiều hoa trái, nhưng các rễ của cây được ăn sâu trong Chúa và kinh nghiệm cơ bản về Chúa Kitô mà các Tông đồ được chọn và sai đi có được, được truyền đến tận chúng ta: từ chiếc cây bé nhỏ cho đến ngày nay. Đó là Giáo Hội cho toàn thế giới.

2. Nhưng chúng ta tự hỏi: làm sao chúng ta có thể liên kết với chứng tá ấy, làm sao chứng từ của các tông đồ, những gì các vị đã sống với Chúa Giêsu, những gì các vị đã nghe được từ Chúa, có thể được truyền đến chúng ta? Đây chính là ý nghĩa thứ của từ ”đặc tính tông đồ”. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo quả quyết rằng Giáo Hội là tông truyền vì Giáo Hội ”gìn giữ và thông truyền” nhờ sự trợ giúp của Thánh Linh ở trong Giáo Hội, giáo huấn, kho tàng tốt đẹp, những lời lành mạnh đã được các Tông Đồ nghe” (n.857). Giáo Hội bảo tồn qua các thế kỷ kho tàng quí giá là Kinh Thánh, đạo lý, các bí tích, sứ vụ của các Mục Tử, nhờ đó chúng ta có thể trung thành với Chúa Kitô và tham gia vào chính đời sống của Chúa. Giống như một giòng sông chảy qua lịch sử, phát triển, tưới gội, nhưng nước chảy trong sông vẫn luôn là nước xuất phát từ nguồn mạch, từ chính Chúa Kitô: Ngài là Đấng Phục Sinh, là Đấng Hằng Sống, và những lời của Ngài không qua đi vì chính Chúa không qua đi, Ngài hằng sống, Ngài ở giữa chúng ta ở đây. Ngài nghe chúng ta khi chúng ta nói với Ngài, Ngài ở trong tâm hồn chúng ta: Chúa Giêsu đang ở với chúng ta! Đó là vẻ đẹp của Giáo Hội: Chúa Giêsu Kitô hiện diện giữa chúng ta. Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng hồng ân mà Chúa Kitô ban cho chúng ta quan trọng dường nào, hồng ân Giáo Hội? Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng làm sao mà Giáo Hội, trong hành trình dài qua các thế kỷ, mặc dù có những khó khăn, những vấn đề và yếu đuối, tội lỗi, vẫn thông truyền cho chúng ta sứ điệp đích thực của Chúa Kitô? Chúng ta có an tâm về sự kiện này là điều mà chúng ta tin thực sự điều mà Chúa Kitô đã thông truyền cho chúng ta hay không?

3. Tư tưởng sau cùng: Giáo Hội là tông truyền vì được sai đi để mang Tin Mừng cho toàn thế giới. Trong hành trình lịch sử, Giáo Hội tiếp tục sứ mạng mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho các Tông Đồ: ”Vậy các con hãy đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho các con. Và này đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Đó là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta làm. Tôi nhấn mạnh khía cạnh về đặc tính truyền giáo này, vì Chúa Kitô sai tất cả mọi người hãy đi gặp gỡ tha nhân, Ngài gửi chúng ta đi, yêu cầu chúng ta hãy chuyển động để mang niềm vui Phúc Âm! Một lần nữa chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có phải là truyền giáo bằng lời nói và nhất là bằng đời sống Kitô của chúng ta hay không? Hay chúng ta khép mình trong tâm hồn và trong nhà thờ và chúng ta là Kitô hữu phòng thánh? Kitô hữu hữu danh nhưng sống như dân ngoại? Đây không phải là lời trách cứ, cả tôi cũng tự nhủ mình như vậy: tôi là Kitô như thế nào? có phải bằng chứng tá hay không?

Giáo Hội có căn cội nơi giáo huấn của các Tông đồ, là những chứng nhân chân thực của Chúa Kitô, nhưng Giáo Hội nhìn về tương lai, ý thức mạnh mẽ mình được sai đi, là thừa sai. Một Giáo Hội khép kín vào trong mình và trong quá khứ, hoặc một Giáo Hội chỉ tuân giữ những qui luật nhỏ bé vì thói quen, thì phản bội chính căn tính của mình. Như thế, chúng ta tái khám phá vẻ đẹp và trách nhiệm là một Giáo Hội tông truyền! Anh chị em có nhớ không: Giáo hội là Tông Truyền vì chúng ta cầu nguyện, như một nghĩa vụ thứ I, và vì chúng ta loan báo Tin Mừng chằng cuộc sống cũng như bằng lời nói.

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý trên đây, các giám chức tại Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt ý chính bài huấn giáo của ĐTC, cũng như dịch những lời chào của ngài từ tiếng Ý sang các ngôn ngữ chính.

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt chào thăm các tín hữu đến từ đảo La Reunion xa xăm, tận miền cực nam của Phi châu và ca đoàn ”Son qui” từ Bỉ và đông đảo người trẻ.

Với các tín hữu nói tiếng Anh, ngài nhắc đến những người đến từ các nước như Anh, Ecosse, Đan Mạch, Na Uy, Israel, Australia, Trung Quốc, Hoa kỳ và Canada. Ngài đặc biệt chào thăm Phái đoàn của Học Viện quốc phòng của Khối Nato.

Với các nhóm tín hữu nói tiếng Arập, ĐTC nhắc đến các tín hữu đến từ Irak và Giordani. Ngài mời gọi họ càu nguyện để Giáo Hội là ngọn lửa cháy nồng dẫn đưa mọi người đến cùng Chúa Kitô là Đường, Sự thật và Sự Sống.
Khi chào các tín hữu nói tiếng Ba Lan, ĐTC nói: ”Hôm nay tại thành phố Katowice có một biến cố quan trọng về văn hóa và tôn giáo: một cuộc trình diễn thánh về đời sống và linh đạo của thánh Phanxicô, với sự tham dự của hàng trăm nghệ sĩ và hàng ngàn khán giả. Tôi cầu chúc cho ban tổ chức và các tham dự viên để cuộc gặp gỡ nghệ thuật này với Vị Thánh Nghèo thành Assisi khơi lên trong tâm hồn mọi người lòng yêu mến Thiên Chúa Đấng tạo Hóa, lòng tôn trọng thiên nhiên và có lòng bác ái hữu hiệu đối với những người đang cần trợ giúp về tinh thần và vật chất.

”Tôi phó thác tất cả anh chị em hiện diện nơi đây và những người thân yêu của anh chị em cho sự chuyển cầu nơi thiên quốc của Chân Phước Gioan Phaolô 2 nhân ngày kỷ niệm 35 năm Người được bầu lên Ngai Tòa Thánh Phêrô, và tôi chân thành chúc lành cho anh chị em.

Sau cùng, với các tín hữu nói tiếng Ý, ĐTC nồng nhiệt chào thăm các nhân viên của nhiều đại sứ quán cạnh Tòa Thánh và cám ơn vì công việc quí giá mà họ thực hiện. Tiếp đến là các đại biểu của Phong trào quốc tế Thế giới thứ tư, nhân dịp áp ngày Khước Từ lầm than, và trong ngày Thế giới về lương thực do LHQ đề xướng.”

ĐTC cũng đặc biệt nghĩ đến các bạn trẻ, các bệnh nhân và các cặp tân hôn. Ngài nói: ”Hôm nay chúng ta kính nhớ thánh nữ Margarita Maria Alacoque. Các bạn trẻ thân mến, ước gì lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu dạy các bạn, đặc biệt các bạn trẻ thuộc Học Viện Salesien Borgo di Roma và Học Viện thánh ở Salermo, hãy yêu mến như Chúa; làm cho anh chị em bệnh nhân quí mến trở nên mạnh mẽ can đảm trong khi vác thánh giá đau khổ với lòng kiên nhẫn, và sau cùng ước gì lòng sùng kính Thánh Tâm là trợ lực cho các đôi tân hôn quí mến trong việc xây dựng gia đình của các con trong sự trung thành và tận tụy.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Lương Thực

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Lương Thực

ROMA. ĐTC Phanxicô kêu gọi tăng cường giáo dục về tình liên đới, phá đổ những bức tường ích kỷ, thay đổi lối sống và bài trừ nạn phung phí lương thực, trong nỗ lực xóa bỏ nạn đói trên thế giới.

Trên đây là nội dung sứ điệp của ĐTC được công bố hôm 16-10-2013, tại trụ sở Tổ chức Lương Nông Quốc tế, gọi tắt là Fao, ở Roma, nhân ngày Lương Thực tế giới, năm nay được cử hành với chủ đề ”Những người lành mạnh tùy thuộc các hệ thống lương thực lành mạnh”. Sứ điệp bằng tiếng Tây Ban Nha của ĐTC được Đức Cha Luigi Travaglino, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại tổ chức FAO, tuyên đọc.

Trong Sứ điệp, ĐTC khẳng định rằng ”thật là một gương mù vì còn nạn đói và suy dinh dưỡng trên thế giới. Vấn đề ở đây không phải chỉ đáp ứng tình trạng khẩn cấp trước mắt, nhưng là cùng nhau, ở mọi cấp độ, đương đầu với một vấn đề đang đặt câu hỏi cho lương tâm bản thân và xã hội của chúng ta, để đạt tới một giải pháp chính đáng và lâu bền… Một điều nghịch lý đó là trong một thời đại mà sự hoàn cầu hóa cho biết những tình trạng thiếu thốn trên thế giới và gia tăng những trao đổi cũng như những quan hệ giữa con người với nhau, thì dường như người ta càng có xu hướng cá nhân chủ nghĩa, khép kín vào mình, đưa tới một thái độ dửng dưng trên bình diện bản thân, tổ chức và quốc gia, đối với những người đang chết vì đói hoặc chịu đau khổ vì suy dinh dưỡng, như thể đó là một sự kiện không thể tránh được”.

Trong bối cảnh trên đây, ĐTC kêu gọi gia tăng giáo dục về tình liên đới, tái khám phá giá trị và ý nghĩa của từ này, một từ gây khó chịu và thường bị người ta gạt bỏ, trong những chọn lựa chính trị, kinh tế và tài chánh.
Mặt khác, ĐTC đặc biệt tố giác hiện tượng phung phí lương thực trên thế giới. Các con số do tổ chức Fao công bố cho thấy khoảng 1 phần 3 lương thực được sản xuất trên thế giới không được sử dụng vì bị thất thoát hoặc phung phí. Số lượng thực phẩm này đủ để giảm bớt đáng kể số người đói.

ĐTC nhận xét rằng sự phung phí lương thực chỉ là một trrong những hậu quả của nền văn hóa loại bỏ, thường khiến cho người ta hy sinh con người cho những thần tượng của lợi lộc và tiêu thụ.

Sau cùng, ĐTC kêu gọi đặt con người và phẩm giá của con người thực sự ở vị trí trung tâm. Điều này phải được bắt đầu từ ngay trong gia đình: trong cộng đồng giáo dục đầu tiên này, ta có thể học cách chăm sóc tha nhân, thiện ích của người khác, yêu mến sự hòa hợp của thiên nhiên, vui hưởng và chia sẻ hoa trái của thiên nhiên, tạo điều kiện cho sự tiêu thụ hợp, quân bình và dài hạn. Cần nâng đỡ và bảo vệ gia đình để gia đình giáo dục con em về tình liên đới và thái độ tôn trọng. Đó là một bước tiến quyết định để tiến về một xã hội công bằng và nhân bản hơn (SD 16-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP  – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cám ơn ĐHY Bertone và chào Đức TGM Parolin

Đức Thánh Cha cám ơn ĐHY Bertone và chào Đức TGM Parolin

VATICAN. Hôm 15 tháng 10-2013, ĐHY Tarcisio Bertone, đã chấm dứt nhiệm vụ Quốc vụ khanh Tòa Thánh kéo dài trong 7 năm qua.

Nhiệm vụ này được ĐTC ủy thác cho vị tân Quốc vụ khanh là Đức TGM Parolin. Tuy nhiên, Đức TGM không có mặt trong buổi bàn giao vì đang chịu một cuộc giải phẫu và sẽ chính thức nhận nhiệm vụ trong vài tuần lễ tới đây sau khi bình phục như chính ĐTC loan báo trong buổi gặp gỡ chung các chức sắc và nhân viên Phủ Quốc Vụ Khanh tại Thư viện của cơ qua này.

Đức TGM Pietro Parolin được ĐTC tuyên bố bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh hôm 31-8-2013. Ngài sinh trưởng tại tỉnh Vicenza, bắc Italia, năm nay 58 tuổi, phục vụ trong ngành ngoại giao Tòa Thánh từ năm 1986. Ngài từng làm thứ trưởng ngoại giao từ cuối năm 2002, và trong 4 năm qua, ngài làm TGM Sứ Thần Tòa Thánh tại Venezuela.
Lên tiếng trong cuộc gặp gỡ sáng 15-10, ĐTC nói: ”Chúng ta họp nhau để cám ơn ĐHY Tarcisio Bertone, hôm nay giã từ nhiệm vụ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và để chào mừng Đức TGM Parolin, nhưng đây là một cuộc chào mừng ”khiếm diện” vì Đức TGM sẽ nhận nhiệm vụ mới trong vài tuần nữa, so với ngày hôm nay, vì ngài phải chịu một cuộc giải phẫu nhỏ.

”Trong lúc này đây có một tâm tình biết ơn tôi muốn chia sẻ với tất cả anh chị em. ĐHY Tarcisio quí mến, tôi nghĩ là tôi cũng giải thích tư tưởng của vị tiền nhiệm quí mến của tôi Biển Đức 16 khi nồng nhiệt cám ơn ĐHY vì công việc đã thi hành trong những năm này. Nơi ĐHY tôi thấy trước tiên là một người con của Don Bosco. Tất cả chúng ta đều được ghi đậm tiểu sử của Thánh Nhân.”

ĐTC nhắc lại quá trình phục vụ của ĐHY Bertone, trước tiên trong ngành giáo dục, rồi trong sứ vụ GM giáo phận, trong công việc tại giáo triều Roma, cho đến nhiệm vụ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, theo ơn gọi LM dòng Salésien. Ngài cũng đề cao lòng yêu mến của ĐHY như một tu sĩ Salésien đối với Giáo Hội, đặc biệt là với Người Kế Vị Thánh Phêrô, lòng trung thành vô điều kiện với thánh Phêrô, đối với ĐGH Biển Đức 16 và đối với tôi trong những tháng qua.

Ám chỉ tới những đau khổ, những chỉ trích phê bình mà ĐHY Bertone phải chịu, ĐTC nói thêm rằng:

”Sau cùng tôi cũng muốn cám ơn ĐHY vì lòng can đảm và kiên nhẫn mà ĐHY đã đương đầu với những chống đối và nghịch cảnh. Rất nhiều nghịch cảnh. Trong số những giấc mơ được Don Bosco kể lại cho những người trẻ của Ngài có giấc mơ hoa hồng. ĐHY có nhớ chăng? Thánh Bosco thấy một giàn đầy hoa hồng và bắt đầu đi vào trong đó, có nhiều đệ tử theo sau. Nhưng dần dần càng đi vào trong, cùng với những hoa hồng trên giàn có những gai rất nhọn làm bị thương và đau đớn. Ai nhìn từ bên ngoài thì chỉ thấy hoa hồng, trong khi Don Bosco và các môn đệ đi bên trong cảm thấy gai nhọn: nhiều người nản chí, nhưng Đức Mẹ nhắn nhủ tất cả hãy kiên trì và sau cùng thánh Bosco tìm lại được các con của Người trong một vườn rất đẹp. Giấc mơ muốn trình bày vất vả của nhà giáo dục, nhưng tôi nghĩ cũng có thể áp dụng cho bất kỳ sứ vụ trách nhiệm nào trong Giáo Hội. ĐHY Bertone thân mến, trong lúc này, tôi muốn nghĩ rằng tuy có những gai nhọn, nhưng Đức Mẹ Phù Hộ chắc chắn không đã để cho ĐHY thiếu ơn phù trợ của Mẹ và sẽ không để bị thiếu trong tương lai.”

ĐTC cũng chúc mừng Đức TGM tân quốc vụ khanh khiếm diện. Ngài nói: ”Đức TGM Parolin biết rất rõ gia đình Phủ Quốc Vụ Khanh vì đã làm việc tại đây bao nhiêu năm trời với lòng hăng say và tài khéo, với khả năng đối thoại và với lòng nhân từ vốn là đặc tính của ngài. Theo một nghĩa nào đó, đây là một cuộc trở về nhà đối với Đức TGM”.
Sau cùng, ĐTC cám ơn tất cả các nhân viên Phủ Quốc vụ khanh: ”cám ơn anh chị em vì việc phục vụ hằng ngày mà anh chị em chu toàn, nhiều khi dưới hình thức âm thầm và vô danh; đó thực là điều quí giá đối với sứ vụ của tôi. Tôi mời gọi tất cả anh chị em cầu nguyện cho tôi – tôi rất cần…

Sứ điệp gửi ĐHY Bertone

Ngoài bài diễn văn trên đây, ĐTC cũng trao cho ĐHY Bertone một sứ điệp bằng văn thư với một nội dung tương tự:

”Tôi cám ơn ĐHY nhân danh Đức Biển Đức 16 quí mến, Người đã gọi ĐHY từ Genova trở về Roma và ủy thác nhiệm vụ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ngày 15-9 năm 2006 và làm HY Nhiếp chính của Giáo Hội Roma. 7 năm làm việc khẩn trương, trong tinh thần quảng đại và phục vụ. Cả tôi cũng sự cộng tác khéo léo của ĐHY cho đến hôm nay”.

ĐTC đặc biệt đề cao ĐHY Bertone về sự trung thành với tinh thần của Thánh Bosco, tinh thần dòng Salesien mà ĐHY vẫn bảo tồn và chứng tỏ tuy bận rộn với bao nhiêu công việc trợ giúp Người Kế vị Thánh Phêrô. Với tinh thần tháo vát và lòng yêu mến đối với ĐGH, vốn là đặc tính của các con cái thánh Gioan Bosco, ĐHY đã luôn chu toàn nghĩa vụ hướng dẫn trong các quan hệ của Tòa Thánh với quốc tế. Đồng thời ĐHY đã không nề quản điều gì để mang giáo huấn và phép lành của ĐGH đến mọi nơi. Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu đã luôn ở gần và trợ giúp ĐHY trong sứ vụ quí báu này”.

Lời ĐHY Bertone

Về phần ĐHY Bertone, trong lời kết thúc sứ vụ, đã phác họa những điểm tích cực nổi bật trong 7 năm ở cạnh ĐGH Biển Đức rồi đến ĐTC Phanxicô. Những đề tài quan trọng đã được đề cập đến như tương quan giữa đức tin và lý trí, giữa luật pháp và luật tự nhiên, những bài diễn văn quan trọng của Đức Nguyên Giáo Hoàng tại quốc hội Đức, Quốc hội Anh, cũng như tại Học viện Bernardin ở Paris, về cao căn tính Kitô chung với các anh chị em thuộc các Giáo Hội và Cộng đoàn Kitô khác, canh tân đối thoại thần học với các anh em Do thái, v.v.

ĐHY Bertone cũng nhắc đến những dự án mục vụ lớn dưới thời Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 như năm thánh Phaolô, năm Linh Mục và năm Đức Tin sắp kết thúc. Ngài cho biết Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã đau khổ sâu đậm vì sự ác làm tủi hổ khuôn mặt Giáo Hội và vì thế đã đề ra luật mới để quyết liệt bài trừ hiện tượng ô nhục nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục. Sau cùng, ĐHY Bertone cho biết ngài nhìn thấy nơi ĐGH Phanxicô ngày nay không phải một cuộc cách mạng cho bằng một sự tiếp nối ĐGH Biển Đức 16, tuy có những dấu nhấn và sắc thái riêng của đời sống bản thân. Ví dụ Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Maria và Rio de Janeiro.

ĐHY nói với ĐTC: ”Sự lắng nghe, dịu hiền, từ bi và tín thác là những thực tại tuyệt với mà con đã đích thân cảm nguyện trong nhiều cuộc nói chuyện, các cử chỉ và những cú điện thoại, và trong các công tác được Ủy thác cho con. Con xin cám ơn ĐTC Phanxicô vì lòng từ ái của ngài”.

ĐHY Bertone sẽ tròn 79 tuổi vào tháng 12 tới đây và tiếp tục giữ nhiệm vụ HY nhiếp chính trong trường hợp Tòa Thánh trống tòa. (SD 15-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tái truyền giảng Tin Mừng theo Đức Thánh Cha Phanxicô

Tái truyền giảng Tin Mừng theo Đức Thánh Cha Phanxicô

VATICAN. ĐTC Phanxicô đề cao giá trị ưu tiên của việc làm chứng tá, đi gặp gỡ tha nhân và đề ra dự án mục vụ qui trọng tâm vào điều thiết yếu, trong cuộc cuộc tái truyền giảng Tin Mừng.

Trên đây là 3 điểm chính được ngài trình bày trong buổi tiếp kiến sáng 14 tháng 10-2013, dành 50 HY, GM, LM và giáo dân tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng dưới sự hướng dẫn của Đức TGM chủ tịch Rino Fisichella.

Về điểm thứ I, ĐTC nhận định rằng ”thời nay người ta thường thấy thái độ dửng dưng đối với đức tin mà họ cho là không còn quan trọng trong đời sống con người. Tái truyền giảng Tin Mừng, hay cũng gọi là tân Phúc Âm Hóa, có nghĩa là thức tỉnh nơi tâm trí con người thời nay đời sống đức tin. Đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, nhưng điều quan trọng là các tín hữu Kitô chúng ta chứng tỏ mình sống đức tin một cách cụ thể, qua tình thương, sự hòa thuận, vui tươi, đau khổ, vì chứng tá ấy gợi lên những câu hỏi như vào thời kỳ đầu của Giáo Hội: tại sao họ sống như thế? điều gì thúc đẩy họ? Đó là những câu hỏi dẫn tới trọng tâm của việc rao giảng Tin Mừng là làm chứng về đức tin và đức mến. Điều chúng ta cần làm, nhất là ngày nay, đó là trở nên những chứng nhân đáng tin cậy bằng cuộc sống và bằng lời nói, làm cho Tin Mừng trở nên hữu hình, khơi dậy sự thu hút đối với Chúa Giêsu Kitô, và vẻ đẹp của Thiên Chúa.”

ĐTC cũng nhắc nhở các tín hữu Kitô cần cởi bỏ những gì là vô ích và tai hại, những thứ an ninh trần tục làm cho Giáo Hội trở nên nặng nề. Các Kitô hữu cũng cần làm cho lòng từ bi và sự dịu dàng của Thiên Chúa trở nên hữu hình.

Về điểm thứ hai, ĐTC nhấn mạnh sự cần thiết phải đi gặp tha nhân. Tái truyền giảng Tin Mừng là một phong trào được đổi mới, đi tới những người đã xa lìa đức tin và ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. ..

Ngài nói: ”Không ai bị loại trừ khỏi niềm hy vọng sự sống và khỏi tình thương của Thiên Chúa. Giáo Hội được sai đi để khơi dậy khắp nơi niềm hy vọng ấy, nhất là tại những nơi niềm hy vọng này bị bóp nghẹt vì hoàn cảnh sống khó khăn và nhiều khi vô nhân đạo.”

Yếu tố sau cùng là cần có một sự án mục vụ gợi lại những điều thiết yếu, nghĩa là qui trọng tâm vào Chúa Giêsu. ĐTC nhấn mạnh rằng: ”xả thân vào bao nhiêu việc phụ thuộc và thừa thãi là điều vô ích, cần phải qui trọng tâm vào thực tại cơ bản là gặp gỡ Chúa Kitô, với lòng từ bi, tình thương của Chúa, và yêu thương anh chị em mình như chính Chúa đã yêu thương chúng ta…”

”Chúng ta có thể tự hỏi: đâu là công việc mục vụ trong giáo phận và giáo xứ của chúng ta? Nó có là điều điều thiết yếu trở nên hữu hình hay không? Những kinh nghiệm và đặc tính khác nhau có đồng hành trong sự hòa hợp mà Chúa Thánh Linh ban hay không? Hay là việc mục vụ của chúng ta bị phân tán, rời rạc, và rốt cục mỗi người tự lo cho mình? (SD 14-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thánh lễ và nghi thức phó thác cho Đức Mẹ Fatima do Đức Thánh Cha cử hành

Thánh lễ và nghi thức phó thác cho Đức Mẹ Fatima do Đức Thánh Cha cử hành

Our Lady Fatima at Rome

VATICAN. 200 ngàn tín hữu đã tham dự thánh lễ ĐTC Phanxicô cử hành sáng ngày 13 tháng 10-2013 với nghi thức phó thác cho Đức Mẹ Fatima vào cuối thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Lúc 8 giờ sáng, Tượng Đức Mẹ Fatima nguyên bản đã được trực thăng của không lực Italia chở từ Đền Thánh Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa (Divino Amore) từ ngoại ô Roma, nơi diễn ra buổi canh thức suốt đêm, về Vatican, và sau đó được rước ra Quảng trường Thánh Phêrô, trong khi chờ đợi thánh lễ ĐTC cử hành từ lúc 10 giờ rưỡi. Giống như chiều thứ bẩy hôm trước, Tượng Đức Mẹ đã được rước qua các lối đi để các tín hữu chào kính.

Thánh lễ sáng hôm qua là cao điểm trong hai Ngày Thánh Mẫu được tổ chức tại Roma trong khuôn khổ Năm Đức tin. Các tín hữu hiện diện tại Quảng trường, tràn ra đến gần cuối đường Hòa Giải, trong số này có 48 phái đoàn chính thức đại diện các Hội đoàn Thánh Mẫu tại 48 nước trên thế giới, kể cả một số nước ở xa như Australia, Ấn độ, Argentina, Nhật Bản, Hoa Kỳ và nhiều nước Nam Mỹ. Đồng tế với ĐTC có hơn 1 ngàn LM và một số GM trong áo lễ màu xanh lá cây.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng Thánh Lễ, dựa vào các bài đọc của chúa nhật thứ 28 thường niên năm C, ĐTC nêu bật tấm gương của Mẹ Maria để cho Chúa làm kinh ngạc, trung thành với Chúa và xác tín Chúa là sức mạnh của chúng ta. Ngài nói:

”Hãy hát mừng Chúa một bài ca mới, vì Ngài đã thực hiện những việc diệu kỳ” (Tv 97,1).

Ngày hôm nay chúng ta đứng trước một trong những điều kỳ diệu của Chúa: đó là Đức Maria! Một thụ tạo khiêm hạ và yếu đuối như chúng ta, được chọn để làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng Tạo Hóa.

Chính khi nhìn Mẹ Maria, dưới ánh sáng các bài đọc chúng ta đã nghe, tôi muốn cùng với anh chị em suy tư về 3 thực tại: Thiên Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên, Thiên Chúa yêu cầu chúng ta trung thành, Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta.

1. Thứ I: Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên. Sự tích Naaman, tư lệnh quân đội của vua Aram, thật là đặc biệt; để được khỏi bệnh phong cùi, ông ngỏ lời với vị Ngôn Sứ của Thiên Chúa là Eliseo, nhưng Người không làm những nghi thức ma thuật, cũng chẳng yêu cầu ông tướng những điều ngoại thường, nhưng chỉ tín thác với Thiên Chúa và dìm mình trong nước sông; nhưng không phải là những sông cả của thành Damasco, mà là dòng sông Giordan bé nhỏ. Đó là một lời yêu cầu làm cho tướng Naaman ngỡ ngàng, kinh ngạc; phải chăng Thiên Chúa có thể là vị yêu cầu những chuyện đơn giản như vậy sao? Ông muốn trở lui, nhưng rồi ông cũng đi dìm mình trong sông Giordan và tức thì ông được lành mạnh. Ta thấy Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên; chính trong sự nghèo hèn, yếu đuối, khiêm hạ mà Chúa tỏ mình ra và ban cho chúng ta tình yêu cứu độ của Ngài, chữa lành và ban sức mạnh cho chúng ta. Chúa chỉ yêu cầu chúng ta ngheo lời và tín thác nơi Ngài.

Đó là kinh nghiệm của Đức Trinh Nữ Maria: trước lời loan báo của Thiên Thần, Trinh Nữ không giấu sự ngạc nhiên. Đó là sự ngỡ ngàng khi thấy rằng Thiên Chúa, để làm người, đã chọn một thiếu nữ tầm thường ở Nazareth, không sống trong các dinh thự của những người quyền thế và giàu sang, không thi hành những công trình ngoại thường, nhưng cởi mở đối với Thiên Chúa, biết tín thác nơi Ngài, cho dù không hiểu tất cả: ”Này tôi là tôi tớ Chúa: xin xảy đến cho tôi theo lời Sứ Thần” (Lc 1,38). Đó là câu trả lời của Người. Thiên Chúa luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên, Ngài phá vỡ những khung nền của chúng ta, làm cho những dự phóng của chúng ta bị khủng hoảng, và Chúa nói với chúng ta: con hãy tín thác nơi Cha, đừng sợ, hãy để cho con được ngạc nhiên, hãy ra khỏi chính mình và theo Cha!

Hôm nay tất cả chúng ta cũng hãy tự hỏi xem mình có sợ điều mà Thiên Chúa có thể yêu cầu chúng ta hoặc điều mà chúng ta xin Chúa hay không. Tôi có để cho Chúa làm cho ngạc nhiên, như Chúa đã làm với Mẹ Maria hay không, hoặc tôi khép kín mình trong những điều an toàn của tôi, an toàn vật chất, an toàn trí thức, an toàn ý thức hệ, an toàn các dự phóng của tôi? Tôi có để cho Chúa thực sự đi vào trong cuộc sống của tôi hay không? Tôi trả lời Chúa như thế nào?

2. Trong đoạn thư thánh Phaolô chúng ta đã nghe, thánh Tông Đồ ngỏ lời với môn đệ Timôthêo và nói rằng: ”con hãy nhớ Chúa Giêsu Kitô, nếu chúng ta kiên trì với Ngài, chúng ta sẽ được cùng Ngài hiển trị” (Xc 2 Tm 2,8-13). Và đây là điểm thứ hai: hãy luôn nhớ đến Chúa Kitô, kiên trì trong đức tin: Thiên Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên bằng tình thương của Ngài, nhưng Chúa yêu cầu chúng ta hãy trung thành theo Ngài. Chúng ta có thể ”không trung thành”, nhưng Chúa thì không, Chúa là Đấng Trung Thành, và Ngài yêu cầu chúng ta hãy trung thành như vậy. Chúng ta hãy nghĩ đến bao nhiêu lần chúng ta hăng hái phấn khởi vì một điều gì, vì một sáng kiến, một sự dấn thân nào đó, nhưng rồi, trước những vấn đề đầu tiên xảy ra, chúng ta tháo lui. Và rất tiếc là điều này cũng xảy ra trong những chọn lựa cơ bản như hôn phối. Người ta khó kiên trì bền chí, khó trung thành với những quyết định đã đề ra, với những cam kết đã quyết tâm. Nói ”xin vâng”, ”đồng ý' thì dễ, nhưng rồi người ta không lập lại được quyết tâm đồng thuận như vậy.

Mẹ Maria đã thưa ”xin vâng” với Thiên Chúa, một lời ”xin vâng” đã đảo lộn cuộc sống khiêm hạ của Mẹ ở Nazareth, nhưng không phải là lời thưa 'xin vâng' duy nhất, nhưng đó là lời đầu tiên trong bao nhiêu lời thưa 'xin vâng' được xướng lên trong tâm hồn những lúc vui tươi, cũng nhưng trong những lúc đau khổ, bao nhiêu lời thưa ”xin vâng đạt tới đột đỉnh trong lời “xin vâng' dưới cây Thập Giá. Hôm nay, ở đây có bao nhiêu bà mẹ; chị em hãy nghĩ đến lòng trungthành của Mẹ Maria với Thiên Chúa tới mức độ nào: khi thấy Con duy nhất của Mẹ trên Thập Giá. Mẹ là phụ nữ trung thành, đứng đó, lòng tan nát, nhưng trung thành và can đảm.

Tôi có phải là một Kitô hữu tùy lúc hay là một Kitô hữu luôn luôn? Nền văn hóa tạm bợ, tương đối, cũng lẻn vào cuộc sống đức tin. Thiên Chúa yêu cầu chúng ta trung thành với Ngài, mỗi ngày, trong những hoạt động thường nhật và Ngài thêm rằng cả khi chúng ta không trung thành với Chúa, Chúa vẫn luôn trung thành, và với lòng từ bi, Ngài không ngừng giơ tay cho chúng ta để nâng chúng ta dậy, khuyến khích chúng ta hãy tiếp tục hành trình, trở về cùng Ngài và thưa với Ngài về sự yếu đuối để Ngài ban sức mạnh cho chúng ta.

3. Điểm sau cùng: Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta. Tôi nghĩ đến 10 người phong cùi trong Phúc Âm được Chúa Giêsu chữa lành: họ đến gặp Ngài, dừng lại từ xa xa và kêu lên: ”Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng con!” (Lc 17,13). Họ là những người bệnh, đang cần được thương yêu, được sức mạnh và tìm kiếm người chữa trị họ. Và Chúa Giêsu đáp lại, giải thoát tất cả khỏi bệnh tật của họ. Nhưng thật là điều ngạc nhiên khi thấy chỉ có một người trở lại để lớn tiếng chúc tụng Thiên Chúa và cảm tạ Chúa. Chính Chúa Giêsu nhận xét điều đó: 10 người đã kêu lớn tiếng để được chữa lành và chỉ có một người trở lại để kêu lớn tiếng cảm tạ Thiên Chúa và nhìn nhận rằng Chúa là sức mạnh của chúng ta. Biết cảm tạ, chúc tụng vì những gì Chúa làm cho chúng ta.

”Chúng ta hãy nhìn Mẹ Maria: sau khi được truyền tin, cử chỉ đầu tiên Mẹ thực hiện là cử chỉ bác ái đối với bà chị họ cao niên Elisabeth; và những lời đầu tiên Mẹ nói lên là: ”Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”, bài ca chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa, không những vì điều Chúa đã làm nơi Mẹ, nhưng vì hoạt động của Chúa trong toàn thể lịch sử cứu độ. Tất cả là hồng ân; Nếu chúng ta có thể hiểu tất cả là hồng ân của Chúa, thì tâm hồn chúng ta sẽ được hạnh phúc dường nào! Tất cả là hồng ân.

Chúa chính là sức mạnh của chúng ta! Cảm tạ thật là điều dễ dàng, nhưng cũng rất khó khăn! Bao nhiêu lần chúng ta nói cám ơn trong gia đình? Đó là một trong những lời chủ yếu của cuộc sống chung. ”Xin phép”, ”xin lỗi”, ”cám ơn”: nếu trong một gia đình, có 3 lời ấy được người ta nói lên, thì gia đình tiếp tục tiến bước. Bao nhiêu lần chúng ta nói cám ơn người giúp đỡ chúng ta, người ở gần chúng ta, tháp tùng chúng ta trong cuộc sống. Nhiều khi chúng ta coi đó là điều dĩ nhiên! Và điều này cũng xảy ra đối với Thiên Chúa.

”Tiếp tục Thánh Lễ, chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng ta để cho mình được Thiên Chúa làm ngạc nhiên, không kháng cự, trung thành với Chúa hằng ngày, chúc tụng và cảm tạ Chúa vì Ngài là sức mạnh của chúng ta.

Nghi thức phó thác

Cuối thánh lễ, Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, cũng là trưởng ban tổ chức đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC.

Rồi ĐTC tiến đến trước Tượng Đức Mẹ Fatima và đọc kinh phó thác:

”Lạy Đức Trinh Nữ Fatima diễm phúc, với lòng biết ơn được đổi mới vì sự hiện diện từ mẫu của Mẹ, chúng con hợp tiếng với tất cả mọi thế hệ đã chúc tụng Mẹ là người diễm phúc.

Nơi Mẹ chúng con ngợi khen những công trình bao la của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ mệt mỏi, từ bi cúi mình trên nhân loại sầu muộn vì sự ác và tổn thương vì tội lỗi, để chữa lành và cứu vớt loài người!

Xin Mẹ vui lòng đón nhận hành động phó thác mà hôm nay, với lòng tin tưởng chúng con thực hiện trước ảnh tượng này của Mẹ mà chúng con rất quí mến.

Chúng con chắc chắn rằng mỗi người chúng con đều quí giá trước mắt Mẹ và không điều gì trong tâm hồn chúng con xa lạ đối với Mẹ. Chúng con để cái nhìn rất dịu dàng của Mẹ đi tới chúng con và đón nhận sự âu yếm an ủi qua nụ cười của Mẹ.

Xin Mẹ giữ gìn cuộc sống của chúng con trong vòng tay của Mẹ: xin chúc phúc và củng cố mọi ước muốn làm điều thiện; xin khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin, nâng đỡ và soi sáng đức cậy, khích động và linh hoạt đức ái; xin Mẹ hướng dẫn tất cả chúng con trên con đường thánh thiện.

Xin dạy chúng con tình yêu thương của Mẹ ưu tiên dành cho những người bé nhỏ nghèo hèn, những người bị loại trừ và đau khổ, các tội nhân và những người có tâm hồn lạc hướng, xin tập họp tất cả dưới sự che chở của Mẹ và giao phó tất cả cho Con Yêu Dấu của Mẹ là Chúa Giêsu của chúng con. Amen

Sau kinh phó thác ĐTC xông hương trước tượng Đức Mẹ. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, ĐTC đã nhắc mọi người về phong chân phước chúa nhật hôm qua 13-10, tại thành Tarragona, Tây Ban Nha cho khoảng 500 vị tử đạo trong thời nội chiến, thập niên 1930. Ngài nói: ”Chúng ta hãy chúc tụng Chúa vì những chứng nhân can đảm của Ngài và nhờ lời chuyển cầu của các vị, chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát thế giới khỏi mọi bạo lực”.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người, ĐTC còn bắt tay chào thăm rất nhiều người, các phái đoàn chính thức, đông đảo các LM, trước khi đi xe jeep màu trắng mui trần tiến qua các lối đi và đến tận gần cuối đường Hòa Giải để chào thăm các tín hữu.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM Đại Hội Lần Thứ XII

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM Đại Hội Lần Thứ XII

B i ê n  B ả n
 
1. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã họp Đại hội lần thứ XII từ chiều thứ Hai ngày 07/10/2013 đến trưa thứ Sáu ngày 11/10/2013, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng giáo phận Thành phố HCM
 
2. Về tham dự Đại hội có sự hiện diện đông đủ các vị chủ chăn của 26 giáo phận: Đức Hồng Y, các Đức Tổng giám mục, các giám mục và linh mục giám quản giáo phận Vĩnh Long.
 
3. Hội Đồng Giám Mục vui mừng chào đón Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam; đồng thời chúc mừng Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, giám mục giáo phận Mỹ Tho, vừa được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng giám mục Phó Tổng giáo phận Thành phố HCM; chúc mừng Đức tân giám mục chính tòa giáo phận Bùi Chu; vui mừng và chào đón các thành viên mới của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đó là Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, tân giám mục phụ tá giáo phận Vinh, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, tân giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa.
 
4. Hội Đồng Giám Mục lắng nghe những sinh hoạt phong phú trong Năm Đức Tin được diễn ra ở nhiều lãnh vực.
 
5. Đại hội tiếp tục trao đổi về dự án kiến thiết Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang.
 
6. Hội Đồng Giám Mục dành nhiều thời gian soạn thảo Thư Chung với những định hướng mục vụ cụ thể cho những năm sắp tới.
 
7. Đại hội đã bầu ra Ban Thường vụ và Chủ tịch của các Ủy Ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2016.
 
Ban Thường vụ gồm có:
 
Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc
 
Phó Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng
 
Tổng thư ký: Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt
 
Phó Tổng thư ký: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm
 
 
 
Các Ủy Ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gồm có:
 
1/ Ủy Ban Giáo lý đức tin
 
Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Năng
 
2/ Ủy Ban Kinh Thánh
 
Chủ tịch: Đức cha Giuse Võ Đức Minh
 
3/ Ủy Ban Phụng tự
 
Chủ tịch: Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ
 
4/ Ủy Ban Nghệ thuật thánh
 
Chủ tịch: Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi
 
5/ Ủy Ban Thánh nhạc
 
Chủ tịch: Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
 
6/ Ủy Ban Loan báo Tin mừng
 
Chủ tịch: Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long
 
7/ Ủy Ban Giáo sĩ-Chủng sinh
 
 Chủ tịch: Đức cha Antôn Vũ Huy Chương
 
8/ Ủy Ban Tu sĩ
 
Chủ tịch: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ
 
9/ Ủy Ban Giáo dân
 
Chủ tịch: Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu
 
10/ Ủy Ban Truyền thông xã hội
 
Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước
 
11/ Ủy Ban Giáo dục công giáo
 
Chủ tịch: Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo
 
12/ Ủy Ban Mục vụ giới trẻ
 
Chủ tịch: Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên
 
13/ Ủy Ban Văn hóa
 
Chủ tịch: Đức cha Giuse Vũ Duy Thống
 
14/ Ủy Ban Công lý-Hòa bình
 
Chủ tịch: Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp
 
15/ Ủy Ban Mục vụ Gia đình
 
Chủ tịch: Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri
 
16/ Ủy Ban Bác ái xã hội- Caritas
 
 Chủ tịch: Đức cha Tôma Aquinô Vũ Đình Hiệu
 
17/ Ủy Ban Mục vụ di dân
 
Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh.
 
8. Đại hội cũng trao đổi về một số vấn đề khác như tình trạng các dòng tu chưa rõ nguồn gốc, vai trò linh mục chánh văn phòng của văn phòng Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục, việc xướng tên thánh Giuse trong các Kinh Nguyện Thánh Thể.
 
9. Đại hội bế mạc trong niềm vui cùng với Tổng giáo phận Thành phố HCM mừng kỷ niệm 150 năm thành lập Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn.
 
Trung Tâm Mục Vụ TGP.TP. HCM ngày 11/10/2013
 
Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
 
(Đã ký)
 
+ Cosma Hoàng Văn Đạt
 
Giám mục giáo phận Bắc Ninh
 
 
Hội đồng Giám mục Việt Nam

Chiêm Ngắm Mẹ Maria

Chiêm Ngắm Mẹ Maria

Truyền thống dân tộc Việt Nam chúng ta luôn đề cao hình ảnh những người mẹ vất vả một nắng hai sương lo cho đàn con cơm ngon áo ấm. Chẳng ai trong chúng ta có thể không xốn xang trong lòng khi nghĩ đến mẹ mình, một thời mang nặng đẻ đau, một đời hy sinh trong âm thầm lặng lẽ cho mình. Trên phương diện đức tin, chúng ta cũng có một người mẹ như vậy. Từ xưa đến nay, Mẹ không bao giờ bỏ rơi con cái mình. Hôm nay, trong tháng Mân Côi này, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm Mẹ khi Mẹ còn tại thế, qua lược thuật của các sách Tin Mừng, ngỏ hầu chúng ta có thể noi gương Mẹ, sống xứng đáng là con cái Mẹ và Cha trên trời.

Cũng như bao thiếu nữ khác, Mẹ ôm ấp cho mình những mộng ước tương lai. Trời đã xe duyên cho Maria với chàng trai trẻ Giuse, hứa hẹn một gia đình, tuy nghèo nhưng hạnh phúc. Nhưng Thiên Chúa đã chen vào kế hoạch ấy, khiến cho cuộc đời cô thiếu nữ thôn quê ấy như được mở sang trang. Ngày Thiên Sứ truyền tin, cả vũ trụ và muôn loài thụ tạo trong trời đất đợi chờ lời đáp của Mẹ. Hai tiếng “Xin Vâng” đơn sơ ấy của Maria không phải chỉ liên can giữa Mẹ và Chúa, nhưng là với tất cả mọi sự, vì nó quyết định cho việc công trình cứu độ của Thiên Chúa có được thực thi hay không. Nhưng lời đáp ấy cũng mở đầu cho một hàng loạt những tiếng “Xin Vâng” khác trong cuộc đời Mẹ, có khi đau khổ đến vô cùng. Sở dĩ Mẹ có thể nói được lời “Xin Vâng” liên lỉ, ấy là nhờ niềm tin của Mẹ vào Chúa luôn kiên vững không lay.

Thiên sứ nói với Mẹ rằng Mẹ sẽ cưu mang Con Chúa Trời. Một vinh dự vô cùng lo lớn! Nhưng rồi suốt mấy mươi năm làm mẹ Giê-su, Mẹ có được hưởng chút vinh quang nào đâu. Mẹ làm mẹ của một Thiên Chúa tự hạ và khó nghèo, Mẹ gắn chặt cuộc đời mình với vị Thiên Chúa ấy, nên đời Mẹ cũng luôn là một hành trình đi xuống và khiêm nhu. Có ai ngờ Chúa lại muốn hạ sinh khi đang lữ hành trên đường, nơi chuồng súc vật hôi tanh, ngoài trời đông lạnh lẽo. Vinh dự gì đâu chuyện một người phụ nữ lâm bồn trong hoàn cảnh bị xua đuổi ra ngoài đường, chứ không phải nơi nệm êm chăn ấm, có người hầu hạ chăm nom. Có ai ngờ Con Thiên Chúa quyền uy đến thế, lại cúi mình trước bạo quyền Herode, chấp nhập tị nạn sang Ai Cập. Mẹ cũng chịu cùng số phận như Con. Giữa đêm khuya lạnh lẽo, thân người phụ nữ vừa mới sinh con, còn yếu ớt, đã phải vội vã cất bước ra đi.

Ngày truyền tin, Thiên Sứ nói với Mẹ rằng người mà Mẹ cưu mang sẽ là một đấng anh hùng, sẽ ra tay cứu con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Nhưng đợi chờ mãi, 10 năm, 20 năm, 30 năm, tóc Mẹ có lẽ cũng đã pha sương, nhưng chẳng thấy nơi con trai của mình dấu hiệu gì của một đấng quân vương, ra tay giải phóng. Bỗng có ngày, con mình nghe được tiếng gọi của Cha, rong ruổi khắp thôn này xứ nọ, truyền rao chân lý Tin Mừng, Mẹ vẫn an vui với cuộc sống lẻ loi một mình nơi làng nhỏ. Giuse lúc ấy có lẽ đã qua đời, Giêsu cũng bỏ Mẹ lên đường thực thi sứ mạng. Mẹ cô đơn nơi góc nhà quạnh vắng. Yêu con lắm, nhưng Mẹ biết Mẹ không nên làm điều gì níu kéo bước chân con. Mẹ lại trở về trong lặng thinh và cầu nguyện. Mẹ tiếp tục thưa tiếng “Xin Vâng”

Rồi ngày kia, Mẹ như đau buốt con tim, ngàn lưỡi gươm như xé nát lòng Mẹ khi chứng khiến cảnh người con dấu yêu bị xử tử như một tên tội đồ. Trên đồi cao u ám, trước mặt Mẹ đây, không còn là một thân hình cường tráng, mạnh khỏe và đáng yêu như ngày nào, nhưng là một thân xác tả tơi vì dặm trường sương gió ba năm dong dủi trên đường, vì những đòn roi vô tâm, bội phản, vì những sỉ nhục của ganh ghét bạo quyền. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau của một người mẹ chứng kiến cảnh con yêu của mình bị giết chết nhưng không thể làm được gì? Đây là Đấng Cứu Thế ư? Đây là Con Thiên Chúa sao? Đây là Đấng dựng nên muôn loài, Đấng thống trị muôn dân, Đấng trỗi vượt trên các tầng trời sao? Trong giờ phút ấy, Mẹ mới hiểu được thế nào là xin vâng, Mẹ mới thấu được đâu là cái giá phải trả khi thưa tiếng Xin Vâng. Chính tại giây phút đau đớn nhất này, Mẹ đã sống hai chữ Xin Vâng trọn vẹn nhất.

Giờ đây, Mẹ được Chúa thưởng công vì những hy sinh Mẹ đã chịu. Mẹ đã sống Xin Vâng trọn vẹn với Chúa thì Chúa đã không từ chối điều gì nơi Mẹ. Chúng ta hãy xin Mẹ giúp chúng ta, biết noi gương Mẹ, dám đối diện với từng nghịch cảnh trong cuộc sống, với một niềm tín thác mạnh mẽ vào Thiên Chúa toàn năng.

Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ

 

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự buổi cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự buổi cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima

our-lady-of-fatima1

VATICAN. Gần 100 ngàn tín hữu đã tham dự buổi cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima do ĐTC Phanxicô chủ sự tại Quảng trường Thánh Phêrô chiều ngày thứ bẩy 12 tháng 10-2013.

Buổi cầu nguyện diễn ra trong khuôn khổ Ngày Thánh Mẫu trong Năm Đức Tin, với cao điểm là Thánh Lễ và nghi thức ĐTC tái thánh hiến thế giới cho Trái Tim Đức Mẹ sáng chúa nhật 13 tháng 10-2013, kỷ niệm đúng 96 năm Đức Mẹ hiện ra lần cuối cùng tại Fatima.

Sự hiện diện của nguyên bản tưng Đức Mẹ Fatima

Theo lời yêu cầu của ĐTC, nguyên bản Tượng Đức Mẹ được đưa ra khỏi Đền Thánh Fatima và đưa về Roma. Đây là biến cố rất họa hiếm. Lần trước đây là vào dịp Đại Năm Thánh 2000, khi Chân phước Gioan Phaolô 2 cử hành nghi thức phó thác thế giới và Giáo Hội cho Đức Mẹ, ngày 8 tháng 10-2000 tại Quảng trường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của 1,500 GM thế giới. Trong triều thiên của Tượng, có gắn viên đạn do ĐTC Gioan Phaolô 2 tặng, viên đạn mà tên Ali Agca đã bắn vào ngài trong cuộc mưu sát ngày 13 tháng 5-1981.

Tượng Đức Mẹ Fatima được chở tới Phi trường Fiumicino ở Roma chiều 12 tháng 10-2013. Từ đây lúc 1 giờ rưỡi, Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng đã đón rước và tháp tùng về Vatican trên một máy bay trực thăng tối tân của không đoàn 15 thuộc không lực Italia. Chặng dừng đầu tiên của tượng diễn ra tại nhà nguyện trong nhà của Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 để ngài cầu nguyện một lát, trước khi được rước đến Nhà Trọ Thánh Marta và được ĐTC Phanxicô trực tiếp chào kính.

Lúc gần 4 giờ chiều, tượng Đức Mẹ Fatima được long trọng rước ra Quảng trường thánh Phêrô. Dẫn đường là Đức TGM Fisichella và Tượng được 4 Vệ Binh Thụy Sĩ và Hiến Binh Vatican tháp tùng. Các tín hữu đã tụ tập tại đây từ hàng giờ trước đó. Họ đứng tràn ra tới giữa đường Hòa Giải. Hiện diện cạnh lễ đài có hơn 30 HY và Giám Mục.

Tượng Đức Mẹ được rước qua các khu vực khác nhau ở Quảng trường để các tín hữu chào kính. Họ vẫy khăn tay màu trắng khi Tượng Đức Mẹ đi qua, theo thói quen ở Fatima, trong khi ca đoàn hát bài Ave Maria.

Cầu nguyện

Lúc gần 5 giờ chiều, ĐTC Phanxicô tiến vào Quảng trường. Trong lời chào mừng, Đức TGM Fisichella đã giới thiệu hơn 800 hội đoàn Thánh Mẫu được các GM hoặc LM tuyên úy tháp tùng đến tham dự buổi cầu nguyện.

Tiếp đến là nghi thức đón rước Tượng Đức Mẹ từ cây tháp bút giữa Quảng trường tiến lên lễ đài, giữa tiếng hát của mọi người ca bài Ave Maria theo cung điệu của Đền Thánh Fatima. ĐTC hôn kính tượng Đức Mẹ trước khi tượng được đặt trên ngai. Ngài dâng kính Đức Mẹ xâu chuỗi Mân Côi quí giá.

Buổi cầu nguyện được đặt đầu và tiến hành theo ”con đường của Mẹ” gồm 7 chặng: Mẹ Maria chí thánh đón nhận trong đức tin lời tiên tri của cụ già Simeon; Mẹ Maria trốn sang Ai Cập để cứu Chúa Giêsu; Mẹ Maria tìm Chúa Giêsu ở lại Đền thờ Jerusalem; Mẹ Maria gặp Chúa Giêsu trên đường dẫn đến đồi Canvê; Mẹ Maria hiện diện trong cuộc đóng đanh và cái chết của Chúa Giêsu; Mẹ Maria đón nhận xác Chúa Giêsu từ trên thập giá; và sau cùng là Mẹ Maria đặt xác Chúa Giêsu trong mộ và chờ đợi Chúa sống lại.

Mỗi chặng có một bài đọc ngắn trích từ các Sách Tin Mừng, tiếp đến mỗi người cầu nguyện trong thinh lặng, rồi ca đoàn và cộng đoàn hát một đoạn kinh cầu, rồi một kinh Kính Mừng.

Huấn giáo của Đức Thánh Cha

Sau chặng thứ bẩy, ĐTC đã trình bày một bài huấn giáo về Đức Mẹ. Ngài mở đầu, nói với mọi người rằng: ”Tất cả chúng ta ở đây, trong cuộc gặp gỡ Năm Đức Tin, qui hướng về Đức Maria, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội, Mẹ chúng ta. Tượng Đức Mẹ đến từ Fatima giúp chúng ta cảm thấy sự hiện diện của Mẹ giữa chúng ta. Mẹ Maria luôn mang chúng ta đến cùng Chúa Giêsu. Mẹ là một phụ nữ đức tin, một tín hữu chân thực. Đức tin của Mẹ Maria thế nào?”
ĐTC lần lượt trình bày 3 yếu tố trong Đức tin của Mẹ Maria:

Trưc tiên, đức tin của Mẹ tháo gỡ cái nút thắt của tội lỗi (Xc LG 56).. Điều mà bà Eva đã thắt lại bằng sự thiếu tin tưởng, thì Mẹ Maria tháo gỡ bằng niềm tin của Mẹ.

Yếu tố thứ hai: Mẹ Maria trao tặng xác thể cho Chúa Giêsu, như Công đồng chung Vatican 2 đã dạy: ”Do niềm tin và lòng vâng phục, Mẹ Maria đã sinh chính Con của Chúa Cha trên trần thế, mà không biết người nam, nhưng dưới bóng của Chúa Thánh Linh” (LG 63). Mẹ Maria đã chịu thai Chúa Giêsu trong đức tin rồi trong xác thể.

Yếu tố thứ ba: Đức tin của Mẹ Maria như mt con đường. Mẹ Maria đi trước chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin, Mẹ tháp tùng và nâng đỡ chúng ta. Đức tin của Mẹ Maria là một con đường theo nghĩa trọn cuộc sống của Mẹ là bước theo Con của Mẹ: Chính Chúa là đường, chính Chúa là hành trình. Tiến bước trong đức tin, bước tiến trong cuộc lữ hành thiêng liêng ấy chính là đức tin, và không là gì khác hơn là bước theo Chúa Giêsu, lắng nghe và để cho Lời Chúa hướng dẫn; nhìn như Chúa cư xử và đặt chân chúng ta theo vết chân của Chúa, có cùng những tâm tình và thái độ của Chúa: khiêm tốn, từ bi, gần gũi, nhưng quyết liệt từ khước thái độ giả hình, sống hai mặt, tôn thờ thần tượng.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng: ”Con đường của Chúa Giêsu chính là con đường yêu thương trung tín đến cùng, cho đến độ hy sinh mạng sống, đó là con đường thập giá. Vì thế, hành trình đức tin tiến qua thập giá và Mẹ Maria đã hiểu điều đó ngay từ đầu, khi vua Hêrôđê muốn giết Chúa Giêsu mới sinh. Nhưng rồi thập giá ấy đã trở nên sâu đậm hơn, khi Chúa Giêsu bị phủ nhận: khi ấy đức tin của Mẹ Maria phải đương đầu với sự thiếu cảm thông và khinh rẻ; khi đến ”giờ” của Chúa Giêsu, giờ khổ nạn, lúc ấy đức tin của Mẹ Maria trở thành ánh lửa trong đêm tối. Trong đêm thứ bẩy Tuần Thánh, Mẹ Maria đã canh thức. Ánh lửa của Mẹ bé nhỏ nhưng sáng tỏ, đã được thắp lên cho đến bình minh của cuộc Phục Sinh; và khi Mẹ nghe nói ngôi mộ của Chúa Con trống rỗng, trong tim mẹ tỏa lan niềm vui đức tin, niềm tin kitô nơi sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Đó chính là tột đỉnh hành trình đức tin của Mẹ Maria và toàn thể Giáo Hội.

Và ĐTC đặt câu hỏi: Đức tin của chúng ta thế nào? Như Mẹ Maria, chúng ta có giữ cho đức tin được cháy sáng trong những lúc khó khăn, trong tăm tối hay không? Tôi có niềm vui đức tin hay không?”

Buổi cầu nguyện kết thúc với Kinh Lạy Cha, và Phép lành của ĐTC, rồi Bài Ca Salve Regina, Lạy Nữ Vương Thiên Đàng.

Kinh Mân Côi và canh thức

Sau buổi cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô, Tượng Đức Mẹ Fatima được trực thăng của không lực Italia chở đến Đền Thánh Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa, cách trung tâm Roma hơn 10 cây số. tại đây có buổi đọc kinh Mân Côi được nối qua truyền hình với một số Trung tâm Thánh Mẫu tại 10 nước trên thế giới, trong đó có Lộ Đức, Nazareth, Lujan (Argentina), Guadalupe (Mêhicô), Nairobi (Kenya), Banneux (Bỉ), Czestochowa (Ba Lan), Đền Thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm (Washington, USA), Akia (Nhật Bản) và Vailankani (Ấn Độ), Aparecida (Brazil).

Sau đó là buổi canh thức cầu nguyện với sự tham dự của các tín hữu hành hương thuộc giáo phận Roma, cho đến bình minh. Rồi trực thăng lại chở Thánh Tượng Đức Mẹ về Vatican. Tại đây từ lúc 9 giờ rước, Tượng Đức Mẹ lại được rước qua các khu vực ở Quảng trường trước khi ĐTC bắt đầu cử hành thánh lễ và nghi thức Phó Thác thế giới cho Đức Mẹ. Có 1 ngàn LM được đồng tế với ĐTC.

Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, và cũng là trưởng ban tổ chức Ngày Thánh Mẫu này cho biết có hơn 150 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ đặc biệt sáng chúa nhật 13-10-2013, với ĐTC. Phần lớn các tín hữu đến từ Italia, nhưng cũng có các đoàn đại biểu đến từ 48 nước có đăng ký chính thức, trong số này có cả những nước xa xăm như Australia, Ấn độ, Argentina, Nhật Bản, Hoa Kỳ và nhiều nước Nam Mỹ. (SD 12-10-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

 

Đức tin của con đã cứu con

Đức tin của con đã cứu con

Có câu chuyện kể rằng, một hôm Chúa sai hai thiên thần xuống trần gian đi làm nhiệm vụ, đúng hẹn hai thiên thần trở về, một vị đeo cái giỏ nặng trĩu, thấy vị kia đeo cái giỏ nhẹ tênh, hầu như không có gì bèn nói: Chúa sai tôi xuống trần gian thâu tất cả những lời cầu xin, nhưng nhiều quá nên cái giỏ của tôi rất nặng. Còn ngài, ngài đã làm gì mà sao cái giỏ của ngài nhẹ quá vậy? Vị kia trả lời: Tôi xuống trần gian để thu tất cả những lời tạ ơn, nhưng chẳng có bao nhiêu.

Câu chuyện phần nào nói lên một thực tế của con người và giúp chúng ta hiểu được bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe đọc, thì ra người ta hầu như biết cầu xin hơn là biết đón nhận và tạ ơn. Thánh Luca thuật lại sự kiện có mười người phong cùi đến gặp Chúa Giêsu và khẩn khoản cầu xin Chúa thương xót, Chúa đã chữa lành bệnh cho họ, nhưng chỉ có một người quay lại để tạ ơn Chúa. Người quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa lại là một người ngoại, vậy thì chẳng lẽ những người kia không được lành bệnh sao?

Đọc bài Tin Mừng này tôi nhớ lại một sự kiện tôi đã gặp mà tôi nhớ rất rõ, đó là trưa ngày mùng 3 tháng 11 năm 1995 tại một nhà thờ của Dòng Đaminh, có một phụ nữ ôm một bó hoa tươi đang phân vân đi đi lại lại trước các tượng thánh Đaminh, thánh Vinh sơn Liêm và thánh Martinô trong khuôn viên nhà thờ. Tôi tiến lại gần và hỏi hình như bà muốn đặt hoa trước vị thánh nào đó phải không? Bà thú nhận bà là người ngoại đạo, bà làm việc này theo yêu cầu của đứa con trai của bà. Nhưng thật đáng tiếc, bà không biết đâu là thánh Martinô, rồi bà tiếp tục tâm sự: gia đình bà đều ngoại giáo, cách đó nhiều năm đứa con trai của bà học lớp 9, theo các bạn bè Công giáo đến khấn xin thánh Martinô cho học hành tốt đẹp và tất cả chúng đã đạt được như ý. Kể từ đó, hàng năm vào ngày 3/11 lễ thánh Martinô nó vẫn mang bông đến tạ ơn thánh nhân, nhưng bởi vì năm nay nó đi xa, nó vẫn nhớ việc này và nhờ bà làm giúp cho nó.

Một người ngoại đạo họ không biết Chúa, không đón nhận Phép Rửa, không cùng tuyên xưng đức tin với chúng ta nhưng họ đã nhận ra nguồn hạnh phúc thật của sự sống. Họ ý thức rất rõ và xác tín những gì họ đã đón nhận. Họ hiểu ra rằng tất cả cuộc đời của họ đều là hồng ân. Họ chưa bao giờ tuyên xưng đức tin, nhưng họ đã luôn sống và thể hiện đức tin: “Lòng tin của ngươi đã cứu ngươi”. Có thể nói, người biết tạ ơn đó là người có thái độ biết cầu xin và biết đón nhận, hay là người có thái độ tạ ơn Thiên Chúa, đó là người có đức tin.

Mỗi người chúng ta khi cầu nguyện, chúng ta thường hay nhắm đến cầu xin và luôn luôn cầu xin cho chúng ta, cho nên chúng ta đã quên mất rằng, tạ ơn là một trong những yếu tố quan trọng trong đời sống cầu nguyện. Cùng với chúc tụng, sám hối, chúng ta cầu nguyện hình như là để cầu xin Thiên Chúa thực hiện theo ý của chúng ta hơn là để chúng ta nhận ra thánh ý Chúa và thực hành ý Ngài.

Chính thái độ đó mà chúng ta cứ quay quắt trong ý định riêng tư và dằn vặt trong tính toán nên không thể nào nhận ra được hồng ân cao cả đầy yêu thương của Thiên Chúa đang thực hiện trong cuộc đời của mình. Nếu chúng ta ý thức một chút, chúng ta sẽ nhận ra cuộc đời của chúng ta là cả một cuộc đời đầy những hồng ân. Vì vậy, chúng ta phải chúc tụng, tạ ơn cả cuộc đời và cả một cuộc đời của chúng ta phải là một cuộc đời tạ ơn liên lỉ.

Xin cho mỗi người chúng ta vững mạnh trong đức tin để nhận ra trên thế giới này Thiên Chúa vẫn đang sống, vẫn đang hành động, đang ở với chúng ta, để chúng ta chúc tụng và tạ ơn. Giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng đức tin và xin cho mỗi người chúng ta cũng sống trọn vẹn đức tin để chúng ta chúc tụng, tạ ơn Chúa.

Veritas Radio

BIẾT ƠN

BIẾT ƠN

“Sự biết ơn phải chân thành và được thành tâm bày tỏ”

Bà Dorothy Day là một người trở lại Công Giáo khi đã lớn tuổi. Cuộc đời bà đáng được Hollywood dựng thành phim. Khi bà từ trần năm 84 tuổi, tờ New York Time đã không do dự gọi bà là người có ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử Công Giáo Hoa Kỳ.

Sau cái chết của bà, đã có một phong trào vận động để phong thánh cho bà, nhất là vì những gì bà đã làm cho người nghèo và người tuyệt vọng ở Nữu Ước.

Cách đây không lâu, tờ America đã phỏng vấn bà Eileen Egan, một người bạn thân của bà Dorothy. Một trong những câu hỏi mà người phóng viên đặt ra với bà Eileen là “Điều gì đặc biệt nhất khi bà nghĩ đến bà Dorothy?”

Không chút do dự, bà Eileen đáp, “Đó là tinh thần biết ơn.” Và bà đã đưa ra một thí dụ.

Vào một ngày trời lạnh, cả hai đang ở trên xà lan. Bà Dorothy chỉ mặc chiếc áo khoác mỏng. May mắn, bà có mang theo tờ báo nên bà lấy quấn quanh người bên dưới áo khoác. Khi làm như vậy, bà mỉm cười và nói, “Tôi cám ơn những người vô gia cư đã dạy tôi cách này để giữ người cho ấm.”

Bà Eileen nói thêm, “Bất cứ ở đâu, bà Dorothy đều tìm lấy lý do nào đó để cảm tạ. Thí dụ, có lần bà nói, tôi biết ơn Chúa Giêsu đã đến sống trên mặt đất này đến độ đôi khi tôi cảm thấy muốn quỳ xuống hôn đất, chỉ vì chân của Chúa đã chạm đến nó.”

Trên mộ bia của bà Dorothy ở Staten Island, hai chữ đi liền với tên của bà là: Deo Gratias, đó là “Tạ ơn Chúa.” Chính bà đã yêu cầu khắc dòng chữ này.

Câu chuyện của bà Dorothy đã dẫn chúng ta đến câu chuyện của mười người phong hủi trong bài Phúc Âm hôm nay vì câu chuyện của bà nhấn mạnh đến hai điểm quan trọng về sự biết ơn.

Thứ nhất, nó phải chân thành. Thứ hai, nó phải được thành tâm bày tỏ. Thái độ biết ơn người vô gia cư vì đã dạy bà cách giữ người cho ấm, và bà biết ơn Chúa Giêsu vì đã xuống thế làm người, cả hai đều chân thành và được thành tâm bày tỏ.

Trong Phúc Âm hôm nay sự biết ơn của chín người phong hủi không trở lại cám ơn có lẽ thành tâm. Chúng ta không biết.

Nhưng chúng ta biết chỉ có một người trở lại bày tỏ sự biết ơn trong một phương cách chân thành. Ông ta phủ phục dưới chân Chúa Giêsu.

Một lớp học sinh trung học đang chuẩn bị thảo luận về bài Phúc Âm hôm nay. Để bắt đầu, thầy giáo yêu cầu họ trả lời trên giấy hai câu hỏi sau:

Thứ nhất, đã bao lâu bạn chưa cám ơn cha mẹ vì điều gì đó?

Thứ hai, bạn cám ơn các ngài vì điều gì?

Tôi muốn chia sẻ với các bạn hai câu trả lời của hai học sinh. Câu trả lời thứ nhất viết:

Lần sau cùng tôi nhớ đã cám ơn cha mẹ vào khoảng một tuần trước đây.Tôi cám ơn mẹ tôi đã giúp tôi làm bài tập. Tôi nhớ là bà đã tốn vài giờ đồng hồ. Một tuần sau khi tôi đã nộp bài, bà còn đem về nhà các tài liệu liên quan đến đề bài và nói, “Những cái này cốt để cho con biết thêm.”

Câu trả lời của học sinh thứ hai như sau:

Tôi nhớ lần sau cùng cám ơn cha mẹ thì cách đây vài tuần. Tôi sửa soạn đi chơi tối thứ Bẩy và để cha tôi ở nhà một mình, vì mẹ tôi đã từ trần hồi mùa hè qua. Trước khi rời nhà, tôi đến với ông và đặt tay lên vai ông một cách thân mật. Tôi không nói gì, nhưng tôi biết ông hiểu là tôi cám ơn ông vì đã cho phép tôi đi chơi.

Tôi không biết các bạn nghĩ sao, nhưng tôi thấy hai câu trả lời này thật cảm động.

Cả hai trường hợp, sự biết ơn của các học sinh thật chân thành. Và trong cả hai trường hợp, sự biết ơn được bầy tỏ trong một phương cách nồng hậu và thành tâm.

Điều đó đưa chúng ta đến việc cử hành Thánh Lễ hôm nay.

Các câu chuyện của bà Dorothy Day, của các học sinh, và mười người phong hủi đã mời gọi chúng ta kiểm điểm lại thái độ biết ơn của chúng ta và cách bày tỏ sự biết ơn ấy.

Thí dụ, có một chi tiết đáng kể trong câu chuyện Phúc Âm khiến chúng ta phải để ý. Đó là nhận xét của Chúa Giêsu về người phong hủi trở lại cám ơn lại là người Samaritan.

Qua chi tiết này, Chúa Giêsu muốn nói chín người kia là Do Thái. Có thể nói, họ là người đồng hương của Chúa. Bạn mong đợi họ tỏ lòng biết ơn nhau, nhưng họ đã không làm như vậy.

Điều này cũng thường đúng với chúng ta. Khi cần phải biết ơn gia đình, chúng ta thường cho đó là hành động đương nhiên khỏi phải nói lên. Và, thật không may, chúng ta cũng thường hành động như vậy khi đối với Thiên Chúa.

Có người nói khi coi sự biết ơn là đương nhiên–không bày tỏ ra bên ngoài–thì cũng giống như chúng ta nháy mắt ra hiệu cho nhau trong bóng tối. Bạn biết khi bạn nháy mắt với họ, nhưng họ không thấy điều đó.

Và vì thế, khi chúng ta trở về với bàn thờ, có lẽ chúng ta cần dành thời giờ để cảm tạ Thiên Chúa vì đã sai Con của Người xuống trần gian.

Và chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn qua việc cử hành Thánh Lễ một cách sốt sắng, một cách thành tâm.

Chúng ta hãy kết thúc bài giảng hôm nay với lời của ngôn sứ Isaia:

Hãy cảm tạ Thiên Chúa!…
Hãy nói với mọi dân tộc về những điều Người đã thực hiện.
Hãy nói với họ Người thật vĩ đại dường bao!
Hãy hát lên ca tụng Thiên Chúa vì những việc trọng đại Người đã thực hiện
.” Is 12:4-5

Cha Mark Link

Thể hiện của tự do thực sự

Thể hiện của tự do thực sự

Trong suốt nhiều thế kỷ, người Do thái đã phải còng lưng dưới sức nặng của lao động khổ sai bên Ai Cập. Dưới sự lãnh đạo của Môsê, Thiên Chúa đã giải phóng họ và đưa họ vào vùng đất tự do. Để đánh dấu cuộc giải phóng khỏi các thứ khổ sai đó, Thiên Chúa đã thiết lập một ngày trong tuần như ngày Hưu Lễ. Đó là lý do tại sao người Do thái đã trân trọng tuân giữ ngày Hưu lễ. Nó chính là biểu trưng của tự do, bởi vì thời nô lệ, bẩy ngày trên bẩy ngày, người Do thái không thể có được một ngày nghỉ ngơi. Như vậy, nghỉ ngơi là dấu chỉ của tự do, và đó là ý nghĩa nguyên thủy của ngày Hưu lễ.

Thế nhưng, dần dà qua dòng thời gian các nhà thần học Do thái đã thay đổi ý nghĩa ấy của ngày Hưu lễ: thay vì là biểu tượng của tự do, họ đã biến ngày Hưu lễ thành một gánh nặng đầy đọa và trói buộc con người; họ đã kéo dài ngày Hưu lễ thành một bản kê khai tỉ mỉ những gì không được phép làm trong ngày Hưu lễ và như vậy dấu chỉ của tự do giờ đây chỉ còn là một hình thức nô lệ mới đối với người Do thái: thay vì là dấu chỉ của tự do đưa con người vào gặp gỡ với Thiên Chúa, ngày Hưu lễ đã trở thành một gánh nặng chồng chất trên vai con người, nhất là làm cho con người xa cách Thiên Chúa.

Đó cũng là tình trạng của lề luật nói chung thời Chúa Giêsu. Luật lệ không còn là vì con người, nghĩa là giải phóng con người, mà trở thành gánh nặng đè bẹp con người và tách lìa con người khỏi Thiên Chúa; con người chú tâm thi hành lề luật hơn là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Thái độ của 9 người phong cùi người Do thái trong Tin Mừng hôm nay phản ánh tâm thức chung của người Do thái thời đó. Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi, trong đó chỉ có một người Samari không phải tuân hành luật Do thái. Theo đúng đòi hỏi của lề luật, Chúa Giêsu đã yêu cầu 9 người Do thái đến trình diện các tư tế để được xác nhận là đã khỏi bệnh, riêng người Samari không phải tuân giữ điều đó, nhưng đây lại là người duy nhất trở lại cám ơn Chúa Giêsu và ngợi khen Thiên Chúa.

Câu truyện trên cho chúng ta thấy luật lệ đã cản trở con người đến gặp gỡ Chúa Giêsu và cảm tạ Thiên Chúa. Người Samari vì không bị chi phối bởi lề luật, nên đã được tự do để nói lên tình cảm chân thật của mình, người này gần với tôn giáo đích thực bởi vì ông có tự do hơn. Thiên Chúa thi ân một cách nhưng không thì con người cũng phải đáp trả một cách tự do. Một tương quan như thế không thể có được trong một xã hội lề luật, trong đó con người chỉ biết tính toán theo thứ công bình hoán đổi. Người Do thái vốn quen thuộc với tâm thức ấy, họ tính toán chi ly về công đức của mình, họ lượng giá phần thưởng dựa trên công nghiệp của mình. Chúa Giêsu đã đánh đổ một quan niệm như thế về tương quan giữa con người và Thiên Chúa: ơn cứu rỗi mà Ngài loan báo và thực hiện là ơn cứu rỗi nhưng không, đến độ con người chỉ được cứu độ nhờ lòng tin vào lòng từ bi của Thiên Chúa, đến độ những kẻ tội lỗi là những người đầu tiên được vào Nước Chúa.

Ngày nay, có lẽ nhiều người chúng ta cũng giống như 9 người phong cùi Do thái trong Tin Mừng hôm nay. Họ đã bị lề luật giam hãm trong Đền thờ để không còn có thể nói lên lời tạ ơn đối với Đấng đã thi ân cho mình; họ xem lề luật trọng hơn điều thiết yếu của niềm tin là lòng biết ơn và niềm tín thác. Cũng như họ, có lẽ chúng ta đã tỏ ra trung thành một cách chi ly với luật Hội Thánh, nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn còn tự hỏi: Tôi phải đọc bao nhiêu kinh? Tôi phải lần bao nhiêu chuỗi? Tôi phải ăn chay bao nhiêu lần? Tôi phải bố thí cho bao nhiêu người nghèo khó? Tính toán như thế là quên rằng Thiên Chúa như Chúa Giêsu mạc khải là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài ban ơn cho chúng ta hơn cả những gì chúng ta chờ đợi và tính toán. Một Thiên Chúa như thế, con người không thể có một tâm tình nào xứng hợp hơn là lòng tri ân, niềm tín thác. Đó là sự thể hiện của một tâm hồn tự do đích thực, nhờ đó con người có thể vượt qua bốn bức tường nhà thờ để không ngừng gặp gỡ Chúa trong cuộc sống mỗi ngày.

Asia Veritas Radio

Đón nhận ơn cứu độ

Đón nhận ơn cứu độ

Chúa Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem để chịu khổ hình, hoàn thành việc cứu độ. Chính lúc đi ngang qua Samaria, nhất là qua việc cứu chữa mười bệnh nhân phong, Chúa cho thấy một vài đặc điểm của ơn cứu độ.

Ơn cứu độ là phổ quát.

Chúa muốn cứu độ hết mọi người không loại trừ ai. Nên Chúa đi qua Samaria. Samaria là vùng đất cấm kỵ đối với người Do Thái. Đó là vùng đất ngoại đạo. Đó là vùng đất ô uế. Người Do Thái và người Samaria không giao thiệp với nhau. Nhưng Chúa đã vượt qua ranh giới cấm kỵ đó. Chúa muốn đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Tại Samaria Chúa còn gặp gỡ mười người phong cùi. Lại một cấm kỵ nữa. Người phong cùi vốn bị coi là hạng người tội lỗi, ô uế. Ai gặp họ đều trở nên ô uế. Họ bị loại trừ ra khỏi đời sống xã hội. Tại Samaria, những người phong cùi là những người ở tầng lớp cuối cùng của xã hội. Chúa đem ơn cứu độ cho mọi người, kể cả những người bị khinh miệt nhất, bị quên lãng nhất, bị hất hủi nhất. Ơn cứu độ Chúa ban cho tất cả mọi người. Trước mặt Chúa mọi người đều bình đẳng.

Ơn cứu độ là nhưng không.

Không ai dám nghĩ đến việc mời Chúa xuống trần gian. Không ai có công trạng gì khiến Chúa phải xuống trần gian để tưởng thưởng hay để đền đáp. Chúa xuống trần gian hoàn toàn do lòng nhân từ yêu thương của Chúa. Cũng thế, người Samaria hoàn toàn bất ngờ khi Chúa đến miền đất của họ. Những người phong cùi lại càng không bao giờ dám mơ tưởng tới. Bản thân họ đã bị lên án, bị loại trừ rồi. Ngay việc gặp một người bình thường đã không được phép, huống chi là gặp gỡ Chúa. Nhưng Chúa đã đến gặp gỡ họ, ban ơn cứu chữa họ. Hoàn toàn nhưng không. Họ chẳng có công gì. Họ chẳng có quyền đòi hỏi gì. Họ chỉ có nỗi đau khổ tột cùng. Chính nỗi đau khổ đó đã khơi dậy lòng yêu thương của Chúa. Vì Chúa là tình yêu thương.

Ơn cứu độ phải được đón nhận với niềm tin.

Tuy ơn cứu độ được ban rộng rãi và nhưng không, nhưng để đón nhận đòi phải có niềm tin. Những người phong cùi hôm nay đã bày tỏ niềm tin qua hai thái độ. Thái độ thứ nhất là đồng thanh lớn tiếng kêu cầu danh Chúa Giêsu: “Lạy Thày Giêsu, xin cứu chúng tôi”. Danh Thánh Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa cứu. Từ cùng tận nỗi đau khổ, những người phong cùi đã kêu van bằng tất cả tấm lòng tha thiết và với niềm tin vững chắc. Chỉ có Chúa mới thương xót họ. Chỉ có Chúa mới đủ quyền năng cứu chữa họ. Thái độ thứ hai là đi trình diện với thày tư tế. Chúa không chữa họ ngay nhưng bảo họ đi trình diện với thày tư tế. Dù chưa được khỏi, nhưng họ vẫn tin tưởng lên đường. Đang khi đi đường thì họ được khỏi. Đức tin đã chữa họ.

Ơn cứu độ phải được đón nhận với niềm vui.

Đây là niềm vui trong mối tương giao giữa Thiên Chúa với con người. Cốt lõi của ơn cứu độ là thiết lập mối tương giao, cho con người được trở nên con cái Thiên Chúa, đồng hưởng hạnh phúc với Chúa. Đó là cội rễ của niềm vui, niềm hạnh phúc. Chín người bệnh không trở lại chỉ có niềm vui được khỏi bệnh, nhưng không có niềm vui trong mối tương giao với Thiên Chúa. Họ có đức tin cầu xin nhưng thiếu đức tin gặp gỡ với Thiên Chúa. Niềm vui được khỏi bệnh rồi cũng sẽ nhạt phai. Chỉ có một người trở lại tạ ơn. Anh trở lại vì mối tương giao. Anh nhận biết nguồn gốc niềm vui của mình. Anh sụp lạy Chúa vì biết nguồn gốc hiện hữu của mình. Anh đã tìm thấy nguồn cội ý nghĩa đời mình. Niềm vui của anh sẽ còn mãi mãi. Đời anh sẽ là một đời tạ ơn không ngừng.

Lạy Chúa, xin cho con biết tìm đến gặp gỡ Chúa để tạ ơn Chúa. Chính niềm vui tạ ơn này đem đến cho con hạnh phúc suốt đời con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Vì sao Chúa ban ơn cứu độ cho ta và ta phải đón nhận với thái độ thế nào?
2) Đức tin cầu xin và đức tin gặp gỡ Chúa khác nhau thế nào? Bạn đã tiến đến đâu trong đời sống đức tin?
3) Có những miền đất, những con người nào mà bạn coi là cấm kỵ khiến bạn chưa dám tiếp cận không? Với gương Chúa Giêsu hôm nay, bạn sẽ làm gì?
4) Biết ơn rất cần trong đời sống tự nhiên. Bạn có biết ơn trong đời sống siêu nhiên không?

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

ƠN NGƯỜI, ƠN ĐỜI

ƠN NGƯỜI, ƠN ĐỜI

Nhờ ơn người, nhờ ơn đời

Có vẻ như chữ “nhơn” do chữ “nhờ ơn” mà thành. Là người, ai cũng nhờ ơn:

– ơn Cha Mẹ sinh thành dưỡng dục trong suốt một cuộc đời lam lũ nghèo khó;

– ơn giáo hội qua các bí tích để tôi được gọi là Thiên Chúa là Cha, và tôi là nghĩa tử của Ngài;

– ơn Thầy cô miệt mài hun đúc tôi từ chữ đến nghĩa, từ học đến hành;

– ơn người thân- bà con, anh em- thương yêu đùm bọc nâng niu giúp đỡ;

– ơn người dưng nước lã cho tôi nghĩa tình quê hương, nhân loại;

– ơn người đạo đức mỗi ngày cầu nguyện hy sinh cho mọi người, trong đó có tôi, được bình an;

– ơn người lành cho tôi bao bài học phải giữ;

– ơn kẻ dữ cho tôi bao bài học phải tránh;

– ơn người trung tín, ơn người phản bội, ơn người yêu, ơn người ghét, ơn người dối trá, ơn người thành thật, ơn người có đạo, ơn người vô thần, ơn người cho vay, ơn người đòi nợ, ơn người mắng nhiếc sỉ nhục, ơn người an ủi cảm thông, ơn ốm đau bệnh tật, ơn tai nạn bất ngờ, kể cả sự chết…

Làm sao kể hết những ơn lộc mà tôi đã nhận được qua những con người, những biến cố. Vì thế, có thể nói, mỗi người quanh tôi, gần tôi, xa tôi, người biết tôi, chưa biết tôi,  người ở Texas, người ở Cali, người ở tận châu Phi, có người ở Sài gòn, có người Hà Nội…có người giàu có, cũng có người  nghèo khó… tất cả đều là ân nhân của tôi một cách nào đó.

Mỗi người trở nên một phần trong cuộc sống của nhau, không thể thiếu.

 Mỗi biến cố cũng vậy, dù tốt hay xấu, dù có lợi hay không có lợi, tôi cũng nhận được một ơn đặc biệt. “Thất bại là mẹ thành công”. Chẳng hạn, nếu không có một cái nhìn mới mẻ dưới ánh sáng đức tin, thì tôi không thể chấp nhận sự thua thiệt, cảnh tang thương hay thất bại là một ân huệ. Và đợi đến lúc tôi cảm nghiệm được rằng: tôi đã nhờ ơn đau khổ mà thành nhơn, thì tôi không còn đủ thời gian để xin lỗi những đau khổ vì đã nặng lời trách móc.

Vì thế, tôi muốn xác tín rằng: mỗi con người đang là cánh tay của Thiên Chúa nối dài để thi ân; mỗi biến cố là công cụ, là phương cách Chúa đã dùng  để ban ơn cho  tôi, cho mọi người.

Quả thật đời sống con người cần có nhau để tô đẹp cho nhau và cho cuộc đời, như có người nói:

“Nói với lá rằng hoa chưa đẹp nhất,

nếu không chen vào giữa lá nhung xanh,

nói với anh rằng em chưa đẹp nhất,

nếu không chen vào giữa trái tim anh”.

Hoa đẹp nhờ có lá, tôi đẹp nhờ có người xấu. Tôi biết tôi giàu nhờ có người nghèo quanh tôi. Tôi biết tôi mạnh khỏe nhờ có người đau yếu…

Hãy mở lòng ra để đón nhận nhau, chấp nhận nhờ ơn nhau, như một người cần có trái tim để sống.

Bác Trần Duy Nhiên trong thư gửi các cháu mổ tim có đoạn “một trái tim bị mổ, ngàn trái tim mở ra.  Ngàn trái tim mở ra,  vì có Một Trái Tim đã mở toang ra vì yêu nhân loại”.

Vâng, sống trong cuộc sống là sống với, sống vì, sống cho người khác sống. Tôi có thể cảm nhận trái tim tôi đập được là nhờ trái tim của nhiều người khác.Vâng, tất cả chúng ta đang “nhờ ơn” mà thành “nhơn”.

Nguồn ơn ấy, chính là sự quan phòng tuyệt vời của Thiên Chúa tình yêu.

Biết ơn 

Biết mình cần “nhờ ơn” người khác là một điều đã khó; biết ơn người khác lại là một điều khó hơn. Để biết ơn, phải cảm nhận được ơn mình đã nhận. Và đối với tín hữu của Chúa, để cảm nhận được ân huệ của Thiên Chúa qua các biến cố, qua tha nhân, nhất thiết người thọ ơn phải có lòng khiêm tốn sâu xa và một đức tin chân thành mà sâu sắc.

Tướng Naaman trong sách các vua 5,14-17 quả thật đã có một niềm tin khiêm tốn sâu thẳm, nên mới có được một niềm xác tín vững chắc để nghe lời của Tiên tri Elise mà đi dìm mình bảy lần trong sông Giodan Cũng vậy, mười người phung hủi trong Tin Mừng Lc 17,11-14 có niềm tin khiêm tốn sâu thẳm, nghe lời Đức Giêsu mà đi trình diện các tư tế.

Cả một đất nước Aram không có con sông nào sạch sao và chắc gì sông Giodan sạch bằng? Hoặc có thầy thuốc nào bảo chỉ cần đi trình diện với ông nầy ông kia thì sẽ được khỏi bệnh?

Quả là một điều lý trí không thể chấp nhận được. Nhưng điều lý trí không chấp nhận được ấy lại là đức tin.

Như vậy sự khiêm tốn ở đây chính là bằng lòng hy sinh lý trí, hy sinh cái suy luận theo tài năng hiểu biết của mình, để đón nhận điều sẽ xảy ra với lòng tin tưởng tuyệt đối. Việc chấp nhận dìm mình trong song Giodan của Naaman cũng như chuyện chấp nhận thực hiện điều trái ý, chấp nhận điều chẳng lành trong cuộc đời, không dễ dàng tí nào đối với người không có đức tin.

 Việc chấp nhận đến với Giodan còn mang một ý nghĩa khác,  là chấp nhận đến với Đất Nước của Thiên Chúa, đến với Giáo Hội.

Cũng vậy, “đi trình diện với các tư tế” trong trình thuật Luca 17,11-19  cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận đến với những người của Thiên Chúa, trong Giáo Hội.  Và khi đến, phải khiêm tốn và xác tín rằng, tôi đến là tôi sẽ được nhận ơn.

“Trong khi đi trình diện với các tư tế, họ đã được sạch phung hủi”. Điểm nầy, tôi liên tưởng đến người có lòng khao khát được sạch những vết phung hủi của tâm hồn do tội lỗi, trên đường đi đến tòa cáo giải với lòng khiêm tốn và đức tin, thiết nghĩ, họ đã được sạch tội rồi nếu họ chết khi chưa kịp xưng thú các tội.

Chấp nhận dìm mình trong dòng sông Giodan  hay đến với Đức Giêsu để nhận được ơn sự sống đòi hỏi một đức tin cao nhất, như Thánh Phaolô xác quyết: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta cùng kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2Tm 2,11-12)

 Rất tiếc, rất tiếc, vẫn còn có nhiều người luôn tuyên bố: “Từ nhỏ đến giờ tôi chẳng nhờ ơn ai cả, tôi tự lập mà nên”. Có người không chấp nhận nhờ vả vì sỉ diện, một cách tránh né do lòng kiêu ngạo. Vậy, không chấp nhận nhờ ơn thì làm gì nói đến chuyện biết ơn.

Ngay cả đối với sự hiện hữu tốt đẹp của chính mình trên trần gian, có người theo chủ nghĩa duy vật vô thần không đủ khiêm tốn để chấp nhận đó là một ơn huệ, còn to tiếng phủ nhận; và cho là một việc tự nhiên do chuyện giải trí của cha mẹ mà có! Thế thì làm gì có lòng biết ơn ai! Rồi từ đó, kéo theo một thế hệ con cháu vô ơn với trời đất, với tổ tiên, với nòi giống. Cái chủ nghĩa duy vật dạy cho họ cuộc sống con người bắt đầu từ con vật, sống và lớn lên như con vật, rồi chết đi như con vật.

Và khái niệm đó đóng khung lý trí của họ mà họ xem như một chân lý. Họ không thể khiêm tốn hy sinh cái lý trí què quặt ấy để đón nhận ánh sáng của đức tin. Họ không chấp nhận dìm mình trong dòng sông cứu rỗi mà người của Thiên Chúa giới thiệu. Họ cố tình không biết những ơn cao trọng mà dòng sông cứu rỗi mang lại. Chẳng trách gì mà họ không những không khiêm tốn đến với Chúa Giêsu mà còn không muốn ai đến với Ngài.

Rất tiếc hơn nữa, những con cái của Chúa cũng không thiếu những con người vô ơn như vậy. Khi cuộc sống vất vả, đau yếu, bệnh tật, nghèo túng thì sốt sằng tìm đến Chúa để kêu la cầu cứu; đến khi có của ăn của để, nhà cao cửa rộng, phương tiện  tiện nghi đầy đủ thì xem tất cả những gì mình có là do sức mình, rồi tỏ ra bất cần đến Thiên Chúa nữa, bất cần đến ơn cao trọng hơn cả là ơn cứu rỗi, tự gieo mình vào một cuộc sống mỗi ngày thêm sa đọa. Chúa Giêsu nói: “không phải cả mười người đều được sạch cả sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”(Lc.17,17-18)

Với tôi, bài học của tướng Naaman và mười người phung hủi, cho thấy sự cần thiết của lòng khiêm tốn, của một đức tin vững chắc để đón nhận và biết ơn Thiên Chúa đang tràn lan trong đời mình qua mọi người và qua mọi biến cố.

Hãy khiêm tốn đến với dòng sông Bí tích, dòng sông Giodan ngày xưa, và dòng sông của Đức Giêsu hôm nay, trong dó có dòng sông của bí tích hòa giải với xác tín chính Chúa Giêsu cũng đang nói với ta “Đức tin con đã chữa con” mọi thứ bệnh trầm kha nhất của tâm hồn. Và rồi,  hãy thể hiện lòng biết ơn cách cụ thể qua việc đền đáp công ơn của Người.

Đền ơn 

 Đối với người Việt Nam, có thể nói  có lòng biết ơn là đã đủ sống với đạo làm người, vì có những ơn Trời ban mà con người không bao giờ đáp đền cho cân xứng.

Với chúng ta, sống tâm tình biết ơn, thiết nghĩ, là chưa đủ. Phải thiết thực đáp đền ơn Chúa bằng việc thờ phượng tôn vinh Thiên Chúa cho xứng đáng. Biết việc đền ơn không phải là lễ vật như “món quà” của Naaman dâng cho Thiên Chúa qua Elise. Naaman đã chọn cách đền ơn bằng việc “chở một ít đất ở Giodan về mà lập bàn thờ Thiên Chúa trên đất ấy”.(2V 5,15-17). Cũng như người Samari “thấy mình được khỏi, liền quay trở lại mà lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn” (Lc 17,15-16).

Như vậy, đáp đền ơn Thiên Chúa là tôn vinh Thiên Chúa bằng cách:

sống trọn tình con thảo trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa quan phòng, tin tưởng vào Chúa Giêsu và Giáo Hội của Ngài: “hãy trình diện với các tư tế”.

Về điểm nầy, tôi không đồng tình với quan điểm “Giêsu-Yes”, “Giáo Hội- No”. Vì như thế là chúng ta tự mâu thuẫn với đức tin của mình. Chúng ta đã nhận muôn ơn Chúa qua Giáo Hội. Phủ nhận Giáo hội cũng chính là phủ nhận đức tin vào Thiên Chúa. Ta vẫn tuyên tín “ tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” kia mà. Hãy tin tưởng vào Giáo Hội của Chúa. Không vì một vài phần tử bội tín hoặc phá phách trong giáo hội mà ta phủ nhận sự thánh thiện của Giáo Hội, rồi trở thành người vô ơn một cách oan uổng. Hãy tin tưởng Giáo Hội.

sống và trở nên nguồn sống cho tha nhân – nguồn sống ấy có thể là một nụ cười, một niềm vui, một chia sẻ như làm cánh tay nối dài của Thiên Chúa. Ta vẫn thường nhận ơn của một người và không bao giờ đáp trả nổi, nhưng ta lại thi ân cho người khác như một nghĩa cử đền đáp  cho người mình đã nhận. Hãy sống chứng nhân tôn vinh thờ phượng Chúa bằng đức bác ái.

Để kết

Tôi có nghe các em mổ tim nhờ Hội Bác ái Phanxicô hỗ trợ- sau khi mổ tim thành công, hát mấy câu trọn vẹn ba ý nghĩa: nhờ ơn, biết ơn và đền ơn, như sau:

“Em có một trái tim nhưng là trái tim của nhiều người

Em sống nhờ trái tim, nhờ tình yêu thương người mọi nơi

Em suốt đời biết ơn người cho em sự sống nầy

Sẽ sống và sẻ chia tình yêu thương cho muôn người.”

 Lạy Chúa xin cho chúng con lòng khiêm tốn và đức tin vững chắc, để đón nhận tất cả là hồng ân Chúa.  Và xin cho chúng con biết sẻ chia sự sống cho tha nhân. A men.

 PM. Cao Huy Hoàng

LÒNG BIẾT ƠN

LÒNG BIẾT ƠN

Đọc Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, tôi cảm thấy thật buồn về thái độ vô ơn của chín người được ơn. Trong số mười người phong hủi được Chúa Giêsu chữa lành, chỉ có một người quay trở lại để tạ ơn. Mười người được ơn, chỉ có một người biết ơn. Tỷ lệ một phần mười. Một tỷ lệ quá thấp. Như vậy, kẻ vô ơn thì thật nhiều, còn người biết ơn có lẽ thật ít. Người biết ơn ấy lại là người ngoại đạo.

Chúa Giêsu hỏi người ngoại giáo: “Không phải tất cả mười người đều được lành sạch cả sao ? còn chín người kia đâu ? không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này ?”. Chúa Giêsu buồn không phải vì bị phụ ơn mà vì trong số mười người chỉ có một người hiểu biết tình trạng thiêng liêng của mình trước mặt Thiên Chúa.

Trong cuốn sách “Nói với chính mình” Đức Cha Bùi Tuần có viết: Tôi rất thích chó vì chó biết ơn. Dầu chỉ nhận được một cục xương, chó cũng tỏ vẻ biết ơn. Chủ đi đâu về, chó cũng vẫy đuôi mừng rỡ. Trong khi đó, con người vô ơn lại là chuyện bình thường.

Chuyện phiếm 7 “Hai chữ cám ơn”, Gã Siêu xót xa: Một tác giả nào đó đã viết : Một sự kiện làm chúng ta phải ngạc nhiên không ít, đó là một số người Việt Nam từ nước ngoài trở về thăm quê hương đã đưa ra nhận xét như sau. Dầu có cố gắng che dấu đến đâu cái tông tích Việt kiều của mình, họ vẫn cứ bị lộ ra. Và oái oăm thay, cái tông tích ấy được thể hiện không phải qua cách mua sắm tiêu xài, hay là phục sức, mà gắn liền với một chi tiết rất tầm thường. Người ta nhận ra họ bởi vì họ là những người luôn miệng nói lên hai tiếng “cám ơn”. Nếu quả thực hai tiếng cám ơn đã trở thành quí hiếm trên môi miệng người Việt Nam hiện nay, thì phải chăng đó là một lời báo động đáng lo ngại. Đó có thể là dấu chỉ của sự khô cạn tình người trong xã hội Việt Nam chúng ta. Khi ơn nghĩa đã bị chối bỏ, thì dĩ nhiên sự ràng buộc về tình người cũng trở thành mong manh. Và khi tình người bị chối bỏ, thì nhiều lãnh vực khác cũng sẽ bị lung lay và sụp đổ.

Sở dĩ như vậy là vì những người Việt Nam sống ở nước ngoài tiếp xúc thường xuyên với người phương tây, nên cũng lây nhiễm phần nào nét đẹp văn hóa của họ. Đúng thế, những tiếng vốn được người phương tây xử dụng nhiều nhất là “xin lỗi” và “cám ơn”. Dân Pháp thì luôn miệng nói “pardon” và “merci”. Còn dân Ăng lê thì động một tí là “sorry” và “thank you”. Thói quen tốt đẹp này có được là do sự giáo dục từ trong gia đình. Có người đã tổng kết được mười mấy chữ quan trọng trong việc giáo dục trẻ em ở phương tây, đó là cám ơn, chào ông bà, xin lỗi, phiền ông bà, tạm biệt, xin mời…Trong đó đứng đầu là hai tiếng “cám ơn”, Như vậy, họ đã dạy cho con em biết cảm động, không được thờ ơ nhìn sự giúp đỡ và làm ơn của người khác.Từ đó, gã suy ra rằng lòng biết ơn và tình yêu mến luôn đi song song và tỷ lệ thuận với nhau . Lòng biết ơn sẽ sinh ra tình yêu mến và tình yêu mến lại sinh ra lòng biết ơn.(dunglac.org).

Tác giả Nguyễn Văn Tuấn, trong bài “Văn hóa cám ơn” viết chua chát: Cám ơn và xin lỗi đôi khi trở thành một đề tài xã hội. Khoảng 2 năm trước đây, viết trên báo Tuổi Trẻ, một người Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam “phàn nàn” rằng người Việt Nam ít nói xin lỗi. Tiếp theo đó là một thư khác của bạn đọc người Việt chỉ ra rằng chẳng những ít nói xin lỗi, mà người Việt còn ít nói cám ơn. Điều này có vẻ mâu thuẫn với truyền thống đạo lý của người Việt, vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, ghi ơn tiền nhân. Nhưng có lẽ trong cuộc sống bề bộn của thời thực dụng kinh tế, không ít người Việt, trong đó có cả những quan chức, quên nói lời cám ơn. Và, sự thiếu sót này có thể ảnh hưởng đến quốc thể và gây ấn tượng không đẹp ở người nước ngoài về người Việt. Câu chuyện mà tôi sắp kể sau đây còn cho thấy hình như trong một số quan chức, thể hiện sự tri ân vẫn còn khá khó khăn. Anh là một kỹ sư người Đức, do cơ duyên nào đó, lấy vợ Việt Nam và quê vợ ở một làng nghèo thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có lẽ để làm một nghĩa cử đẹp cho quê vợ, anh về Đức quyên tiền, và đem số tiền đó về quê vợ xây một bệnh xá cho người dân nghèo. Người dân trong làng ai cũng nhớ anh ta trực tiếp chỉ huy việc xây dựng, rất quan tâm đến chất lượng đến nổi cẩn thận gõ từng viên gạch để đánh giá xem thật hay dỏm. Kết quả là một bệnh xá khang trang và có chất lượng cao. Đến ngày khai mạc, các quan chức trong làng đua nhau cám ơn Đảng và Nhà nước, nhưng không có đến một lời cám ơn chàng rể người Đức dù anh có mặt trong buổi lễ khánh thành bệnh xá. (saigonecho.com).

Vô ơn chẳng làm cho người ban ơn thiệt thòi mà chỉ làm cho tâm hồn kẻ chịu ơn thêm chật hẹp. Đúng như John Hery Jowett đã viết: “Sống vô ơn là một cuộc đời trống vắng tình yêu và không cảm xúc. Có hy vọng mà không có tri ân là sự thiếu hụt của một nhận thức tinh tế. Lòng tin mà thiếu niềm tri ân là một lòng tin không có nghị lực. Tất cả những nhân đức bị tách biệt khỏi lòng biết ơn đều trở nên tàn tật khập khiễng trên con đường thiêng liêng”.

Văn hóa cám ơn được thể hiện trong xã hội văn minh. Mọi người luôn nói cám ơn mỗi khi được người khác giúp đỡ, dù chỉ là nhỏ bé thôi. Hai tiếng cám ơn làm ấm lòng người nghe. Hai tiếng cám ơn làm tăng thêm giá trị của người nói. Người biết nói tiếng cám ơn được đánh giá là người văn hoá, văn minh.

Chúa Giêsu xem trọng lòng biết ơn cũng là vì ích lợi của kẻ được ơn mà thôi. Người Samari trở lại tạ ơn Chúa đã ban cho anh ơn phần xác. Chúa lại ban thêm cho anh ơn phần hồn nữa: “Ðứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh“. Như thế, cám ơn lại là cơ hội để nhận được thêm ơn.

Sống trên đời này mọi người cần biết ơn nhau. Biết ơn là thái độ cần thiết cần phải có đối với người ban ơn. Trong cuộc sống, tiếng “cám ơn”, “xin lỗi” luôn có sẵn trên môi miệng những người có giáo dục, lịch sự, lễ độ. Lòng biết ơn, tiếng cám ơn phát xuất từ tấm lòng chân thành luôn làm vui lòng mọi người. Chính lòng biết ơn Thiên Chúa, biết ơn cha mẹ là nền tảng cho mọi thứ biết ơn khác.

Có hai thứ chịu ơn: vật chất và tinh thần.

Vật chất thì có thể tính bằng con số, đo lường bằng mức độ như một cây vàng, một ngàn đồng, một sào đất… Tất cả những thứ ấy đều có thể trả được.

Chịu ơn về tinh thần thì khó định nghĩa rõ ràng để trả ơn. Khi một người thất vọng, chán chường, cô đơn, đau khổ, bệnh tật… nếu có được một chút lửa ấm tình thương nâng đỡ sẻ chia giúp cho người đó ra khỏi đêm tối, tìm lại ánh sáng, niềm vui, bình an, hy vọng, thì lòng biết ơn đó là mãi mãi.Kẻ nghĩ rằng trả ơn là xong, không cần biết ơn nữa, đó là một tâm hồn nghèo nàn.

Thật là dễ nếu cảm ơn những điều tốt đẹp. Nhưng cuộc sống bao giờ cũng tạo cơ hội mới cho mọi người cảm ơn cả những thứ chưa hoàn hảo nữa. Suy nghĩ luôn có thể chuyển tiêu cực thành tích cực. Nếu bạn biết cách biết ơn những thứ rắc rối của bạn thì chúng có thể giúp ích nhiều cho bạn!

Bạn thân mến.

Hãy cảm ơn vì bạn chưa có tất cả những thứ bạn muốn. Vì nếu bạn có rồi thì bạn còn có gì để trông chờ và hy vọng nữa đâu.

Hãy cảm ơn vì còn nhiều điều bạn chưa biết. Vì nếu bạn biết hết rồi thì bạn chẳng còn gì để học hỏi nữa sao?

Hãy cảm ơn những lúc khó khăn. Vì nếu không có một lúc khó khăn thì liệu bạn có trưởng thành được không?

Hãy cảm ơn vì bạn còn có những nhược điểm. Vì nếu không còn nhược điểm gì thì bạn sẽ chẳng còn cơ hội để tiến bộ, để cải thiện bản thân.

Hãy cảm ơn những thử thách. Vì nếu không có thử thách nào thì liệu cái gì có thể xây dựng nên sức mạnh và cá tính của bạn?

Hãy cảm ơn những lỗi lầm bạn đã có. Vì nếu bạn không có lỗi lầm gì thì cái gì sẽ dạy cho bạn những bài học đáng giá như thế đây?

Hãy cảm ơn những khi bạn mệt mỏi. Vì nếu bạn không khi nào mệt mỏi tức là bạn không làm việc gì hay sao?

Suốt cuộc đời, bạn và tôi đều mang ơn rất nhiều. Cám ơn về tất cả, tri ân về tất cả. Bắt đầu mầm sống trong lòng mẹ, nơi ngôi nhà ấm cúng, thầm kín đầu tiên đó, tôi được mẹ lấy máu thịt nuôi dưỡng lớn dần từng ngày.Từ ngày đó tôi đã chịu ơn rồi. Tôi vào đời với tiếng khóc như biểu tượng sự yếu đuối và cần đến mọi người. Rồi tôi lớn lên nhờ dòng sữa mẹ, nhờ hơi ấm, nhờ những bàn tay nuôi nấng dẫn dắt. Công cha, nghĩa mẹ, thầy cô giáo dục. Vào đời, tôi cần tình yêu, cần tình bạn, cần thông cảm. Cuộc đời được dệt nên bằng những ơn nghĩa nối tiếp nhau. Sự sống là ân ban cao cả nhất, thiêng liêng nhất mà tôi được đón nhận từ Thiên Chúa. Ngài tạo thành tôi và còn ban Con Một của Ngài chịu chết thập giá để cứu chuộc và ban cho tôi Sự Sống Mới.

Nói đến trả ơn, chỉ có thể trả ơn người, chứ không bao giờ trả ơn Chúa được. Hôm nay tôi nghèo, có người giúp tôi. Thời gian sau, có thể khá hơn tôi có dịp trả ơn. Nhưng với Chúa thì bao giờ tôi cũng nghèo, cũng túng thiếu. Chúa chẳng cần gì để tôi có thể trả ơn, vì mọi sự đều đến từ Chúa. Tôi chỉ có thể biết ơn Ngài bằng thái độ yêu quý những gì Ngài ban tặng. Tặng vật lớn nhất là sự sống và lời mời gọi làm con của Ngài. Bởi đó phải yêu quý sự sống của mình, yêu bản thân mình, yêu con người và yêu cuộc đời. Ghét bỏ chính mình, không yêu người là sự vô ơn đối với người ban tặng. Mọi sự đều đến từ Thiên Chúa. Ngài sắp xếp hoà điệu để con người tham gia vào chương trình đón nhận ân sủng Ngài trao tặng. Những gì tôi đón nhận từ tha nhân cũng là ơn Chúa, nên lòng biết ơn đối với tha nhân cũng chính là lòng biết ơn đối với Chúa.

Mỗi sáng khi vừa thứa dậy, tâm tình đầu tiên là tôi Tạ Ơn Chúa, dâng một ngày mới cho Chúa. Cùng cộng đoàn hiệp dâng Thánh Lễ chung lời Tạ Ơn Chúa, một ngày mới tràn đầy bình an và ơn thánh.

Tạ ơn để đón nhận thêm ơn lành cho cuộc sống, lời Kinh Tiền Tụng số IV trong Sách Lễ Rôma: “Thật ra, Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Chúa lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời“.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sống tâm tình biết ơn, biết ơn Chúa, biết ơn người để cuộc đời chúng con là bài ca tri ân tình thương của Chúa. Amen.

LM Giuse Nguyễn hữu An