CUỘC CHIẾN TRIỀN MIÊN

CUỘC CHIẾN TRIỀN MIÊN

Hậu quả của tội nguyên tổ thật là khủng khiếp! Satan thật giả dối, gian ngoa, quỷ quyệt! Con người khi đã chấp nhận theo sự hướng dẫn của Satan thì chắc hẳn phải đi vào chỗ chết, chết ngàn thu. Đáng buồn thay, cái chết ngàn thu ấy được Satan phát họa bằng một sự sống đầy tham vọng, giàu sang phú quí, đầy dư khoái lạc ở đời này.

Nếu Chúa Giê-su không xuống thế gian này để dùng Lời Ngài và chính cái chết của Ngài mà cứu con người được sống, thì con người vẫn mãi mãi chìm trong cái chết kinh hoàng ấy, trong cái vỏ bọc của một sự sống tưởng như là tuyệt vời!

Rõ ràng là Chúa Giê-su đã đến và khởi xướng một cuộc chiến tranh triền miên trong cõi đất này, cuộc chiến giữa Sự Sống Vĩnh Cửu và Sự Chết Ngàn Thu.

Trong khi Chúa Giê-su, Sự Sống Vĩnh Cửu, muốn cho tất cả con người được sống không chỉ đời này, mà còn đời sau nữa, và đời đời trong Nước Thiên Chúa, thì Sa-tan ‘Sự Chết Ngàn Thu’ lại lôi kéo con người ta về phía chỉ sống sung túc khoái lạc ở đời này, không cần có đời sau, đời đời. Càng nhiều người quên đi, hoặc không cần có đời sau, thì Satan càng mãn nguyện, vì chúng luôn là chống lại Thiên Chúa.

“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ”.

Chính Lời Ngài đã mở lòng trí con người phân biệt Thiện, ác; sống, chết; thật, giả… và cũng chính Lời Người là sự Thiện, Sự Thật, Sự Sống làm cho cái ác, cái chết, cái giả dối phải hổ người bẽ mặt.

Cuộc chiến ấy, trước tiên ngay trong lòng mỗi người, và từng giây phút, từng ngày. Con người phải tự chia rẽ chính mình. Cũng trong một con người mà cái thiện cái ác, cái thật cái giả vẫn cùng nhau canh cánh. Bao lâu hãy còn sống đây, trên cõi đất này, thì dù là người có học cao, học rộng, có chức, có quyền, có nhiều đời nhiều năm theo đạo, sống đạo…, có ai dám vỗ ngực xưng tên rằng mình đang hoàn toàn thuộc về sự thiện, sự thật, sự sống đời đời.

Thăm viếng và giúp đỡ cụ Gia-cô-bê trong những ngày cụ lâm bịnh nặng, chúng tôi nghe rõ lời tâm sự của cụ với từng đứa con lúc riêng tư ngồi bên cha, chăm sóc cho cha, cũng chỉ một nội dung: “Hành trình Đức Tin là một cuộc chiến triền miên nghe con. Nhớ là: ma quỷ sàng con như sàng gạo. Ma quỷ rất ác độc nhưng cũng rất dễ thương, rất hung dữ nhưng cũng rất hiền lành, rất thô lỗ cộc cằn nhưng cũng rất ngọt ngào, nịnh nọt… Không cảnh giác, con rất dễ thua cuộc đó. Con phải chiến thắng. Nhưng phải nhờ đến tình yêu và sức mạnh của Chúa Giê-su mới chiến thắng được con à”.

Thiết nghĩ cụ đang nói đến cuộc chiến triền miên trong mỗi con người. Tôi vẫn tâm đắc nhất là câu kết của cụ: “Con phải chiến thắng. Nhưng phải nhờ đến tình yêu và sức mạnh của Chúa Giê-su mới chiến thắng được con à”.

Tôi có cảm giác đây là cả một kinh nghiệm chiến trường của cụ, khi cụ dùng hai từ “tình yêu và sức mạnh” của Chúa Giê-su.

Tình yêu ấy được Chúa Giê-su đề cập trong đoạn đầu Tin Mừng hôm nay: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!”.

Ngọn Lửa của Thiên Chúa Cha được Chúa Giê-su mang đến cho trần gian, là lửa của Thánh Thần Chân Lý, lửa của Thánh Thần Tình Yêu: “Ai yêu mến sự Thật, thì nghe tiếng tôi”. “Ai sống trong Tình Yêu là thực sống trong Chúa”.

Như vậy, phàm ai không yêu mến sự thật thì không nghe tiếng Chúa Giê-su, thì chống đối Chúa Giê-su. Từ đó, trong thế giới loài người xảy ra sự phân rẽ giữa những người theo Chúa và người không chấp nhận theo Chúa, theo giáo lý của Chúa, theo con đường của Chúa. Cũng vậy, ai không sống trong Tình Yêu đích thực của Thiên Chúa thì chống lại Thiên Chúa. Không phải là một sự phân chia rõ ràng, một cuộc chiến triền miên đấy sao. Cụ thể hơn, ngay chính trong lòng mỗi người, mỗi người luôn phải ra sức chiến đấu để được sống đời đời, thì hẳn nhiên phải sẵn sàng tuyên chiến với cái giả trá điêu ngoa, với cái ác tiềm ẩn trong lòng, do ma quỷ điều khiển. Không ai có thể ỡm ờ, lấp lững giữa thiện ác, giữa Thiên Chúa, và ma quỷ. Phải dứt khoát với điều Ác để đón nhận cái Thiện của Thiên Chúa.

Ghi nhận cảm nghiệm về một hành trình Đức Tin đã đi qua của một cụ già, thiết tưởng mỗi người chúng ta phải ngộ ra chúng ta đang là những người lính anh dũng trong cuộc chiến tranh triền miên và hơn thế nữa, phải chiến thắng để bảo vệ Đức Tin, làm chứng cho Sự Thật, cho Sự Sống đời đời. Và chỉ trong Giê-su, chúng ta mới chiến thắng trong cuộc chiến triền miên ở cõi đất này, để chúng ta dành lấy một nền hòa bình là chính sự bình an tâm hồn khi hãy còn sống và chiếm hữu một chỗ trong Nước Thiên Chúa, Nước Hòa Bình.

Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đốt lên trong lòng chúng con ngọn lửa tình yêu, chân lý. Xin chính Ngài trở nên sức mạnh của mỗi chúng con trong cuộc chiến triền miên gian khó này. A men.

PM. Cao Huy Hoàng, 16-8-2013

NGỌN LỬA TÌNH YÊU

NGỌN LỬA TÌNH YÊU

Nghe ngọn lửa bùng cháy, ai cũng cảm thấy sợ sệt bởi vì lửa cháy bừng có thể thiêu rụi nhà cửa, ruộng vườn v.v… Nếu con người không ngăn chặn ngọn lửa kịp thời. Đọc Tin Mừng, chúng ta nhiều khi cũng cảm thấy lo âu, đặc biệt là đoạn Phúc Âm của thánh Luca hôm nay với những lời nguyền rủa của Chúa Giêsu: “Thầy đã đến để ném lửa vào mặt đất và Thầy ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”. Nghe những lời này của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ đâm ra sợ sệt, lo âu. Nhưng chúng ta phải thay đổi tư duy và hiểu rõ hơn ý của Chúa Giêsu muốn nói.

Trong đoạn Tin Mừng này, trước hết chúng ta phải hiểu chữ lửa theo ý Chúa. Lửa ở đây, giống như Việt Nam chúng ta có câu ca dao: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Lửa là đức tin, là đau khổ. Đức tin có được trui luyện, có được củng cố, thanh luyện, đức tin mới trở nên vững vàng vì “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Chúa Giêsu cũng nói: “Thầy phải chịu một phép rửa và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất”. Phép rửa trong bài Tin Mừng có nghĩa là đau khổ. Điều này nói đến cuộc khổ hình của Chúa Giêsu trên Thập giá. Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu đau khổ là con đường, là cách thức Chúa Giêsu đã chọn để cứu độ chúng ta, do đó, chúng ta cũng phải đi theo con đường của Chúa: “Tôi tớ không lớn hơn Thầy…”. Đây là cách thức duy nhất Chúa đã chọn để làm gương cho mọi người chúng ta.

Ý nghĩa khác nữa trong bài Phúc Âm của thánh Luca: “Chúa báo trước cho những ai tin theo Ngài là vì đức tin, vì theo đạo, vì theo Ngài, họ có thể bị chính những người thân yêu của mình khinh chê, ghen ghét, ruồng bỏ v.v… Đọc Sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta nhận thấy rất rõ cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã gặp khốn khó khi ở trong một gia đình có một hay hai người quyết định tin theo Chúa thì họ liền bị những người thân trong gia đình ngăn cản, ghen ghét, khó chịu, ruồng bỏ v.v… Còn trên bình diện rộng lớn hơn, lịch sử của đạo đã cho hay có nhiều Vị Thánh Tử Đạo đã bị Vua Chúa Quan Quyền ruồng rẫy, bắt bớ, giam cầm và kết án tử hình.

Lịch sử Hội Thánh cho thấy, đức tin rất cần thiết cho mọi người để người môn đệ Chúa có thể bền vững tới cùng. Lửa mà Chúa nói đến ở đây cho chúng ta hiểu về thứ lửa thiêng liêng mà Chúa thắp sáng trong tâm hồn chúng ta, nếu chúng ta biết đón nhận, lửa này sẽ gây nên trong chúng ta những hiệu quả tốt nhờ đó chúng ta luôn biết cảm tạ Chúa vì tất cả đều là hồng ân Chúa ban, rồi chúng ta luôn tìm Chúa, luôn hướng về Ngài, luôn nhìn lên cao để trái tim chúng ta đốt cháy ngọn lửa yêu mến Chúa. Sau đó, chúng ta luôn khao khát nói về Chúa bởi trái của chúng ta đầy ắp Chúa, thắp sáng cho mọi người thấy Chúa. Chính vì thế, dù đang sống nơi trần gian với những khó khăn thử thách, với những cám dỗ của ma quỷ bủa vây, giăng mắc, chúng ta vẫn luôn tin tưởng, phó thác vào Chúa.

Sống nơi gian trần, chúng ta đang bước từng bước trong cuộc lữ hành trần thế, chúng ta đã chọn Chúa, đã đến, xem, ở lại và đi theo Chúa trong Hội Thánh, dưới mái nhà tình thương là Đạo Công Giáo mà Chúa thiết lập. Và sự chọn lựa đi theo Chúa, sống cho Chúa, phục vụ anh em là nếp sống, tư duy và hành động của chúng ta… Nên, mọi thứ khác như tiền tài, vật chất, của cải, danh vọng phải là thứ yếu đối với chúng ta. Mọi thử thách, chông gai, đau khổ, thử thách gian nan không làm chùn bước chúng ta và không làm lung lay hành động tốt, tư duy chân chính của chúng ta. Chúng ta chọn Chúa hay chọn tiền tài, danh vọng. Đây là những vấn nạn đòi chúng ta nghiêm túc trả lời và giải đáp.

Thánh Augustinô viết: “Tốt đẹp biết bao vì Thiên Chúa là ngọn lửa bùng cháy làm cho chúng ta biết yêu mến Người”. Ngọn lửa của Chúa là ngọn lửa tình yêu, ngọn lửa của Chúa Thánh Thần đến để biến đổi con người của các tông đồ. Ngọn lửa ấy phải được chiếu tỏa rộng khắp nơi mỗi người và trên khắp cùng thế giới này.

Cha Vincent Cabanac đã nói: “…Chúng ta cũng có thể đốt cháy lên tình yêu vì Chúa và vì tha nhân, như ngọn nến cháy sáng đảm bảo sự sống đang tồn tại, và chiếu sáng vào nơi tối tăm hay một con tim rực cháy thúc đẩy chúng ta trao ban tất cả. Bằng những lời nói khiến cho người nghe ngạc nhiên, Chúa Giêsu không trở thành mối đe dọa, nhưng lời nói của Người làm cho đời sống của chúng ta nên thanh sạch bằng cách mạc khải cho chúng ta điều cần thiết này”.

Lạy Chúa Giêsu, xin đốt lên trong chúng con ngọn lửa tình yêu của Chúa. Xin Chúa Thánh Thần hãy đến để biến đổi tâm hồn cứng cỏi của chúng chúng con bằng chính lửa yêu mến Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1. Phép rửa ở đây có nghĩa là gì?

2. Lửa theo Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng này là gì?

3. Đạo Công Giáo là Đạo gì?

4. Lời nói của Chúa Giêsu trong đoạn Phúc Âm hôm nay có ý gì?

5. Đi theo Chúa chúng ta phải theo con đường nào?

LM. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

HỘI ĐỒNG ĐẠI KẾT CÁC GIÁO HỘI KITÔ KÊU GỌI HÒA BÌNH CHO AI CẬP

HỘI ĐỒNG ĐẠI KẾT CÁC GIÁO HỘI KITÔ KÊU GỌI HÒA BÌNH CHO AI CẬP

GENÈVE: Hôm 16-8-2013, mục sư Olav Fykse Tveit, Tổng thư ký Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô, có trụ sở tại Genève bên Thụy sĩ, đã kêu gọi cầu nguyện cho việc chữa lành, công lý và hòa bình cho nhân dân Ai Cập.

Lời kêu gọi của Mục sư tiếp theo lời kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra trong buổi đọc Kinh Truyền Tin sau thánh lễ cử hành cho hàng ngàn tín hữu và du khách hành hương tại Castel Gandolfo sáng ngày 15-8-2013. Thông cáo của Hội Đồng các Giáo Hội Kitô khẳng định rằng các vụ bạo động xảy ra tại Ai Cập, làm cho hàng trăm người chết và hàng chục nhà thờ và cơ sở của các Kitô hữu bị đốt phá, đã khiến cho các Giáo Hội Kitô rất đau buồn. Vì thế chúng tôi kêu gọi mọi phía chấm dứt ngay các bạo lực này. Dân nước Ai cập đang phải trải qua một giai đoạn lịch sử khó khăn kể từ các diễn tiến chính trị năm 2011. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác nhau người dân ai Cập đã chứng minh cho thấy họ tin vào một xã hội đa tôn giáo và đa văn hóa, nơi mọi phía có thể nắm tay nhau đương đầu với các thách đố và chung xây một tương lại tốt đẹp hơn. Mục sư Tveit hy vọng rằng những gì đang xảy ra bên Ai Cập không bị giải thích là một xung xột giữa các Kitô hữu và các tín hữu hồi. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ủi an và chữa lành các vết thương và đồng hành với nhân dân Ai Cập trên con đường công lý và hòa bình.

Các tin tức nhận được cho biết trong ngày 14-8-2013 các vụ đụng độ giữa các lực lượng an ninh và các đoàn người biểu tình ủng hộ ông Morsi và đảng các Anh em hồi giáo đã khiến cho 200 người bị chết trong đó cũng có nhiều cảnh sát. Số người chết trong ngày 15-8-2013 trên toàn nước Ai Cập đã lên tới 638 người.

Các người biểu tình và thành viên của đảng Anh em hồi giáo cũng đã đốt một dinh thự của chính quyền gần thủ đô Cairo, và đã có 17 nhà thờ Kitô bị cướp bóc và đốt phá. Tại Suez nhà thờ dòng Chúa Chiên Lành, trường học và nhà thương kế cận bị cướp phá. Tại miền băc Minya nhà thờ công giáo Copte Mar Guirgis bị đốt phá cùng với nhà thờ thánh Marcô của các cha dòng Tên và tu viện của các nữ tu dòng thánh Giuse. Ở mạn bắc Beni Souef trên sông Nil tu viện Đức Mẹ Vô Nhiễm của dòng Phanxicô cũng bị đốt phá. Trong khi ở miền trung Ai Cập tại Asyut nhà thờ thánh nữ Têrêxa của các cha dòng Phanxicô và tu viện của các nữ tu Phanxicô cũng bị đốt.

Trong thủ đô Cairo các kẻ tấn công đã ném đá và tấn công cửa nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Fatima. Tổng cộng có tới 25 vụ tấn công khác nhau chống lại các nhà thờ chính thống và Tin Lành. Trong số các Kitô hữu bị giết đặc biệt có bé gái Jessica Boulos, 10 tuổi bị một người vũ trang bắn chết tuần vừa qua trên đường từ lớp học Thánh Kinh ở nhà thờ tin lành Cairo về nhà.

Bà Nina Shea, giám đốc Trung tâm bảo vệ tự do tôn giáo của Học viện Hudson Washington DC, đã viết một bài trên báo điện tử và than phiền về thái độ dửng dưng của Hòa Kỳ đối với thảm cảnh của các Kitô hữu Ai Cập, bị đảng các Anh em hồi giáo và các nhóm ủng hộ ông Morsi biến thành con dê đền tội (SD, CNA 15-9-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

NGÀY TRẺ EM CÔNG GIÁO TOÀN QUỐC MADAGASCAR

NGÀY TRẺ EM CÔNG GIÁO TOÀN QUỐC MADAGASCAR

ANTANANARIVO: Hôm 13-8-2013 Ngày trẻ em công giáo toàn quốc lần đầu tiên đã kết thúc tại thủ đô Antananarivo của Madagascar. Tham dự ngày sinh hoạt này có 2,000 trẻ em tuổi từ 6 đến 14 thuộc 20 giáo xứ toàn nước.

Ngày này đã do Ủy ban Giám Mục tông đồ giáo dân tổ chức. Trong bốn ngày các em đã lắng nghe các bài giáo lý do các Giám Mục trình bày liên quan tới đề tài gặp gỡ gồm ba phần: trẻ em và đức tin, trẻ em và việc thế giới hóa, trẻ em và các quyền của trẻ em theo giáo huấn của Hội Thánh. Ngoài các sinh hoạt thiêng liêng các em cũng đã tham dự các hoạt động và trao đổi văn hóa.

Thánh lễ kết thúc đã do Đức Cha Jean Claude Randrianarisoa, Chủ tịch Ủy ban tông đồ giáo dân, chủ sự. Cùng đồng tế có Đức Cha Odon Marie Arsène Razanakolona, Tổng Giám Mục Antananarivo, Đức Cha Fidelis Rakotonarivo, Giám Mục Ambrositra, và Đức Cha Roger Victor, Giám Mục Mahajanga. Giảng trong thánh lễ Đức Cha Victor đã nhắc cho các em biết rằng gia đình là trường học đức tin đầu tiên nơi Chúa Kitô. Đức Cha đã mời gọi các bậc cha mẹ giáo dục con cái trong tình yêu, sự tha thứ và hòa giải.

Thánh lễ đã kết thúc với lời mời gọi các em trở thành các tông đồ tí hon đối với các bạn đồng trang lứa (SD 13-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

CỘNG ĐOÀN THÁNH EGIDIO VÀ CARITAS ROMA PHỐI HỢP CHƯƠNG TRÌNH YÊU THƯƠNG LIÊN ĐỚI MÙA HÈ

CỘNG ĐOÀN THÁNH EGIDIO VÀ CARITAS ROMA PHỐI HỢP CHƯƠNG TRÌNH YÊU THƯƠNG LIÊN ĐỚI MÙA HÈ

ROMA: Cũng như mọi năm trong mấy ngày giữa tháng 8 cộng đồng thánh Egidio và Caritas Roma đã tổ chức các bữa ăn và cuộc họp mặt liên đới cho người nghèo, người già, những người vô gia cư và thân nhân tại nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố.

Ngoài các trung tâm cung cấp các bữa ăn như vẫn có, trong mùa hè còn thêm chương trình ”các bữa ăn tối lưu động” tại các nhà ga xe lửa, ở trung tâm thành phố và các vùng ngoại ô. Các sinh hoạt này được đảm trách bởi hàng trăm bạn trẻ thiện nguyện về Roma làm việc bác ái trong mùa hè, cộng tác với cộng đồng thánh Egidio để tỏ tình yêu thương liên đới săn sóc phục vụ người nghèo, theo gương Chúa Giêsu.

Trong tất cả mọi khu phố Roma đều có sự hiện diện và tình liên đới của cộng đồng thánh Egidio với các người già cô đơn tại tư gia cũng như trong các viện dưỡng lão, mà các thành viên thánh Egidio thăm viếng trong suốt năm. Đặc biệt có chương trình ”Hoan hô các cụ già” được tổ chức trong các khu phố Trastevere, Testaccio và Esquilino, cho các cụ già trên 75 tuổi.

Trong các ngày 14 đến 16 tháng 8 có hơn 2,000 người tham dự gồm các người nghèo lang thang trên đường phố, người di cư, các bạn bè của cộng đoàn và các người trẻ thiện nguyện đến từ khắp nơi trong nước Italia. Ngoài các bữa ăn trưa ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời 15-8 còn có các buổi chiều ăn dưa hấu và trái cây. Mục đích của các sinh hoạt này là đem lại một chút săn sóc yêu thương và tình bạn đối với những người bị lãng quên trong xã hội, đặc biệt trong mùa hè.

Tổ chức Caritas Roma thì phát động chiến dịch ”Có người đi nghỉ hè có người phải ở nhà” trong suốt tháng 8 để liên đới với người nghèo. Trưa ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời 250 thiện nguyện viên đã phục vụ tại

các trung tâm phân phát thực phẩm, các nhà trọ, các gia đình để phân phát hơn 1.800 phần ăn, đón tiếp 600 người trọ đêm và 400 người khác, đặc biệt là các người già. Họ đã có thể tham dự một ngày giải trí và nghỉ ngơi tại bãi biển Ostia. Trong khi các chương trình mừng lễ được tổ chức tại các trung tâm phân phát thực phẩm thường lệ, đặc biệt là trung tâm ”Gioan Phaolô II” ở đồi Oppio, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập. Trung tâm này đã khai mở ngày mùng 15 tháng 8 năm 1983 và đã được Đức Gioan Phaolô II đến thăm năm 1992 và Đức Biển Đức XVI thăm năm 2006 (SD 14-8-2013).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

GIÁO HỘI PHILIPPINES THƯỜNG XUYÊN THIẾU LINH MỤC

GIÁO HỘI PHILIPPINES THƯỜNG XUYÊN THIẾU LINH MỤC

MANILA: Giáo Hội Philippines thường xuyên thiếu các Linh Mục và các nhà thờ. Mặc dù số tân Linh Mục có gia tăng trong năm 2012, nhưng việc phân phối không theo kịp đà tiến của dân số trong nước.

Đức Cha Oscar Cruz, Tổng giám mục về hưu của giáo phận Lingayen Dagupan, đã cho biết như trên. Theo niên giám của Giáo Hội công giáo Philippines số dân trong nước năm 2012-2013 đã lên tới 76 triệu. Trong khi số linh mục từ 8,605 vị trong niên khóa 2010-2011 tăng lên 9,040 vị trong niên khóa 2012-2013. Nhưng số linh mục vẫn không đủ để đáp ứng các nhu cầu mục vụ và việc phân chia không đồng đều, khiến cho mỗi linh mục phải trông coi hàng ngàn giáo dân. Đức Cha Cruz cho biết trong qúa khứ đã có lần mỗi Linh Mục phải trông coi tới 27,000 giáo dân. Và nếu mọi giáo dân đều đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật, thì không đủ nhà thờ để tiếp đón họ. Chẳng hạn hồi năm 2009 trong tổng giáo phận Lingayen Dagupan có 1,2 triệu tín hữu công giáo, nhưng chỉ có 50 nhà thờ (SD 13-8-2013)

Linh Tiến Khải -Vatican Radio

ĐỨC THÁNH CHA ĐÓNG GÓP 100 NGÀN EUROS CHO CHIẾN DỊCH QUYÊN GÓP GIÚP NGƯỜI NGHÈO TẠI ARGENTINA

ĐỨC THÁNH CHA ĐÓNG GÓP 100 NGÀN EUROS CHO CHIẾN DỊCH QUYÊN GÓP GIÚP NGƯỜI NGHÈO TẠI ARGENTINA

VATICAN: Đức Thánh Cha Phanxicô đã đóng góp 100,000 Euros cho chiến dịch lạc quyên giúp người nghèo ”Người có nhiều hơn giúp kẻ có ít hơn” vào ngày mùng 8 tháng 9 tới đây tại Argentina.

Trong sứ điệp do Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký ngày mùng 8-8-2013 gửi tín hữu Argentinaa trong địp này, Đức Thánh Cha thân ái gửi lời chào tất cả mọi tín hữu công giáo Argentina tham gia chiến dịch liên đới, do Hội Đồng Giám Mục Argentina phát động. Ngài khích lệ tất cả những ai dấn thân trong nỗ lực Kitô liên đới được gợi hứng bởi niềm tin nơi Thiên Chúa, là Đấng đã ban cho chúng ta mọi sự. Đức Thánh Cha nhắn nhủ tín hữu ngày càng trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô hơn, bằng cách vun trồng tình bạn với Chúa qua lời cầu nguyện và việc cử hành các Bí tích, để có các sức mạnh cần thiết phục vụ các người cần trợ giúp, đặc biệt là người nghèo.

Số tiền nói trên đã được trích từ qũy của Đức Thánh Cha quen gọi là ”Đồng xu của thánh Phêrô”, do tín hữu toàn thế giới đóng góp để tiếp tay Đức Thánh Cha trong việc trợ giúp các nạn nhân thiên tai, đói khát và các tai ương khác.

Năm 2012 cuộc lạc quyên bên Argentina thu được 2.9 triệu Mỹ kim. Số tiền này đã được dùng để tài trợ nhiều dự án và sáng kiến trong các giáo phận nghèo nhất Argentina (SD 8-8-2013 CNA 15-8-2013).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Thánh lễ và buổi đọc kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha cử hành tại Castel Gandolfo

Thánh lễ và buổi đọc kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha cử hành tại Castel Gandolfo

Lúc 10 giờ rưỡi sáng thứ năm 15-8-2013 lễ trọng kính Đức Mẹ hồn xác lên Trời, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ và buổi đọc Kinh Truyền Tin cho tín hữu Castel Gandolfo, các thành phố lân cận và du khách hành hương.

Castel Gandolfo nằm bên bờ hồ Albano, là thành phố nhỏ có khoảng 5,000 dân cư, nơi có dinh thự nghỉ màt mùa hè của Đức Giáo Hoàng. Trong mùa hè các Đức Giáo Hoàng vẫn đến dinh thự này nghỉ mấy tháng và chỉ trở về Dinh Tông Tòa tại Roma vào đầu tháng 9. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khuyên Đức Phanxicô đi nghỉ hè ở đây. Còn Đức Phanxicô thì lại khuyên Đức Biển Đức XVI đi nghỉ hè ở Castel Gandolfo. Cuối cùng không có vị nào đi cả. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn duy trì truyền thống của các vị tiền nhiệm đến cử hành thánh lễ cho tín hữu thành phố ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Ngay từ 7 giờ sáng hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương đã tụ tập tại quảng trường Tự do, trước dinh nghỉ mát. Trong khi chờ đợi tham dự thánh lễ họ đã hát thánh ca và lần hạt kính Đức Mẹ. Một khán đài nhỏ rất đơn sơ đã được dựng ngay trước cửa vào dinh nghỉ mát.

Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có ba Hồng Y và Giám Mục trong đó có Đức Giám Mục giáo phận Albano, và 10 linh mục, gồm cả linh mục Pietro Diletti, cha sở giáo xứ thánh Toma thành Villanova Castel Gandolfo. Ca đoàn của giáo xứ đã đảm trách phần thánh ca. Các kinh Thương xót, Vinh Danh, Thánh Thánh Thánh và Lậy Chiên Thiên Chúa đã được hát bằng tiếng Latinh.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã khai triển ý nghĩa các bài đọc và tóm gọn trong ba từ chìa khóa thần học: chiến đấu, phục sinh và hy vọng. Mở đầu bài giảng ngài nói:

Vào cuối Hiến chế về Giáo Hội, Công Đồng Chung Vaticăng II đã để lại cho chúng ta một suy niệm rất đẹp về Đức Maria Rất Thánh. Tôi chỉ nhắc lại các kiểu diễn tả quy chiếu về mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay. Thứ nhất là ”Đức Trinh Nữ vô nhiễm, được giữ gìn tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ” LG 59). Thế rồi vào cuối chương còn có một kiểu nói khác nữa: ”Ngày nay Mẹ Thiên Chúa đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo hội phải hoàn thành đời sau; cũng thế dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến, Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành” (LG 68).

Quảng diễn thị kiến cuộc chiến đấu giữa người phụ nữ và con rồng trong bái đọc thứ nhất trích từ sách Khải Huyền, Đức Thánh Cha nói: gương mặt của người phụ nữ diễn tả Giáo Hội, một đàng vinh hiển, chiến thắng, đàng khác vẫn còn khổ đau. Đức Thánh Cha giải thích:

Thật ra Giáo Hội cũng thế: nếu từ Trời nó đã được kết hiệp với vinh quang của Chúa mình, thì trong lịch sử nó liên tục sống các thử thách và các thách đố của cuộc xung đột giữa Thiên Chúa và kẻ dữ, kẻ thù từ luôn mãi. Và trong cuộc chiến mà các môn đệ Chúa Giêsu phải đương đầu, Đức Maria không bỏ chúng ta một mình; Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội luôn luôn ở với chúng ta. Cả khi Mẹ Maria, trong một nghĩa nào đó, chia sẻ điều kiện hai mặt này với chúng ta. Dĩ nhiên Mẹ đã bước vào trong vinh quang của Trời một lần cho luôn mãi. Nhưng điều này không có nghĩa là Mẹ ở xa, tách biệt khỏi chúng ta; trái lại Đức Maria đồng hành với chúng ta, chiến đấu với chúng ta, nâng đỡ các Kitô hữu trong cuộc chiến chống lại các lực lượng của sự dữ. Lời cầu với Mẹ Maria, đặc biệt là Kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi, mà tôi không biết anh chị em có lần hạt kính Đức Mẹ mỗi ngày không vậy? Có chắc thế không? Kinh Mân Côi cũng có chiều kích ”chiến đấu” này, một lời kinh nâng đỡ trận chiến chống lại kẻ dữ và các đồng bọn của nó.

Bước sang bài đọc thứ hai trích từ thư thứ I thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô nói về sự phục sinh, Đức Thánh Cha nói: là Kitô hữu có nghĩa là tin rằng Chúa Kitô đã sống lại tự cõi chết. Ngài giải thích thêm:

Tất cả đức tin của chúng ta dựa trên sự thật nền tảng này: nó không phải là một tư tưởng mà là một biến cố. Cả mầu nhiệm Đức Maria hồn xác lên trời cũng được viết tất cả trong sự Phuc Sinh của Chúa Kitô. Nhân tính của Mẹ đã được ”lôi kéo” bởi Con Mẹ trong việc đi qua cái chết. Chúa Giêsu đã bước vào trong cuộc sống vĩnh cửu một lần cho luôn mãi, với tất cả nhân tính của Người, nhân tính mà Người đã nhận lấy từ Mẹ Maria; như thế Mẹ là Đấng đã theo Chúa một cách trung thành trong suốt cuộc sống, đã theo Người với con tim, đã cùng với Người bước vào trong cuộc sống vĩnh cửu, mà chúng ta gọi là Trời, Thiên Đàng, Nhà Cha.

Cả Mẹ Maria cũng đã biết tới sự tử đạo của thập giá: cuộc Khổ Nạn của Con Mẹ. Mẹ đã sống nó cho tới tận cùng thẳm linh hồn. Mẹ đã hoàn toàn hiệp nhất với Người trong cái chết, và vì thế Mẹ đã nhận được ơn phục sinh. Chúa Kitô là hoa trái đầu mùa của những kẻ sống lại, và Mẹ Maria là của đầu mùa của những người được cứu rỗi, ”người đầu tiên giữa những người của Chúa Kitô”.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: bài Phúc Âm gợi lên cho chúng ta niềm hy vọng. Hy vọng là nhân đức của người tin nơi sự Sống lại của Chúa Kitô, nơi chiến thắng cảu Tình Yêu, trong khi sống kinh nghiệm xung khắc, cuộc chiến đấu thường ngày giữa sự sống và cái chết, giữa sự thiện và sự dữ. Bài Thánh thi Magnificat là thánh thi của niềm hy vọng, là thánh thi của Dân Thiên Chúa bước đi trong lịch sử. Áp dụng vào cuộc sống các thành phần dân Chúa Đức Thánh Cha nói:

Đó là bài thánh ca của biết bao nhiêu vị thánh nam nữ, một số vị nổi tiếng, các vị khác, rất nhiều vị khác vô danh, nhưng được Thiên Chúa biết rõ: các bà mẹ, các người cha, các giáo lý viên, các thừa sai, các linh mục, nữ tu, người trẻ và cả các trẻ em nữa, là những người đã đương đầu với cuộc chiến đấu của sự sống đem theo trong tim niềm hy vọng của những người bé nhỏ và khiêm tốn. ”Linh hồn tôi chúc tụng Chúa”, ngày hôm nay Giáo Hội ở khắp nơi trên thế giới cũng hát lên như thế. Bài thánh thi này đặc biệt sâu đậm nơi đâu ngày nay Thân Mình Chúa Kitô phải chịu Khổ nạn. Và Mẹ Maria ở đó gần các cộng đoàn này, gần các anh chị em này, Mẹ bước đi với họ, đau khổ với họ và cùng họ hát lên bài Magnificat của niềm hy vọng.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng như sau: anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy hiệp ý với tất cả con tim với bài thánh thi của sự kiên nhẫn và chiến thắng, chiến đấu và niềm vui, kết hiệp Giáo Hội chiến thắng với Giáo Hội lữ hành, kết hiệp đất với Trời, lịch sử với vĩnh cửu.

Trong phần lời nguyện giáo dân tín hữu đã xin Mẹ hồn xác lên Trời bầu cử và đồng hành với Giáo Hội trong công tác rao truyền Tin Mừng và thánh hóa nhân loại; cầu cho Đức Thánh Cha Phanxicô được khỏe mạnh và nhiều ơn để hướng dẫn Giáo Hội; cho các Kitô hữu gặt hái nhiều hoa trái trong Năm Đức Tin; cho giới lãnh đạo biết chăm lo cho thiện ích của mọi người; cho công lý và hòa bình và tình bác ái huynh đệ ngự trị trong con tim của mọi người.

Vào cuối lễ trước khi đọc kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã xông hương tượng Đức Mẹ. Ngỏ lời với mọi người Đức Thánh Cha nói con đường về Trời của Mẹ Maria đã bắt đầu từ tiếng ”xin vâng” tại Nagiarét, trả lời cho Sứ Thần từ trời đến báo cho Mẹ biết ý muốn của Thiên Chúa. Và thật ra đúng như thế. Mỗi một tiếng ”xin vâng” với Thiên Chúa là môt bước tiến về Trời, về cuộc sống vĩnh cửu. Bởi vì đó là điều Chúa muốn: Ngài muốn rằng tất cả mọi con cái Ngài có được sự sống dồi dào. Thiên Chúa muốn tất cả mọi người ở với Ngài trong nhà Ngài!

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại kỷ niệm 25 năm Đức Chân phước Gioan Phaolô II ban hành Tông thư ”Mulieris dignitatem” đề cao phẩm giá và ơn gọi của nữ giới. Tài liệu này có rất nhiều điểm đáng được lấy lại và khai triển. Ở nền tảng của tất cả những điều đó là gương mặt của Mẹ Maria, vì Tông thư đã được ban hành trong Năm Thánh Mẫu. Chúng ta hãy lấy lại lời cầu ở cuối Tông thư để khi suy niệm mầu nhiệm kinh thánh về nữ giới, được cô đọng nơi Mẹ Maria, tất cả mọi phụ nữ tìm thấy chính mình và ơn gọi tràn đầy của mình, và toàn Giáo Hội đào sâu và hiểu biết hơn vai trò quan trọng và vĩ đại của nữ giới.

Đức Thánh Cha đã không quên cám ơn tín hữu Castel Gandolfo cũng như các đoàn hành hương trong đó có đoàn hành hương Argentina.

Rồi ngài cất kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Người Bắc Hàn đầu tiên đang được cứu xét phong chân phước

Người Bắc Hàn đầu tiên đang được cứu xét phong chân phước

Văn phòng quốc vụ khanh Tòa Thánh công bố những phần điều chỉnh trong Niên Giám Tòa Thánh hai lần một tháng. Cuốn niêm giám phát hành ngày 1-7 vừa qua có một mẩu tin gây tò mò về một trong những quốc gia bí mật nhất trên thế giới là Bắc Hàn, quốc gia thường xuyên trở thành tin tức chính trên báo đài quốc tế vì đe dọa dùng vũ khí hạt nhân.

Mẩu tin đó nói cuối cùng Tòa Thánh cũng đang công nhận giáo phận Bình Nhưỡng trống tòa, sau khi Đức Giám mục Francis Borgia Hong Yong-ho qua đời. Ngài sinh ngày 12-10-1906, chịu chức linh mục ngày 25-5-1933, được Đức Piô XII bổ nhiệm làm đại diện tông tòa ngày 24-3-1944 và được tấn phong giám mục vào ngày 29-6 sau đó.

Nhưng tin đó không nói một vị giám chức qua đời ở tuổi đáng kính trên 106, vốn là một kỷ lục, mà là trong cuốn sách không còn cái tên Hong nữa, người được gọi là đấng bản quyền của Bình Nhưỡng và được nêu rõ là “mất tích” trong nhiều thập niên.

Thật ra, Đức cha Hong nằm trong số 166 giáo sĩ bị giết hoặc bị bắt cóc trong lúc diễn ra các cuộc bắt đạo khủng khiếp ở Bắc Hàn vào cuối thập niên 1940 khi chính quyền cộng sản của Kim Il-sung ra đời.

Do đó trong hơn 60 năm người ta không biết thêm gì về ngài, nhưng Tòa Thánh không hề quên ngài, và luôn nhớ tên ngài.

Không chỉ thế. Vào ngày 10-3-1962, Đức Gioan XXIII quyết định nâng hạt đại diện tông tòa Bình Nhưỡng lên hàng giáo phận, và bổ nhiệm Đức ông “mất tích” Hong làm giám mục tiên khởi.

Tòa Thánh kiên trì giữ tước hiệu giám mục “mất tích” trong nhiều thập niên, như Đức Hồng y Nicholas Cheong Jinsuk, hiện nay là giám mục danh dự của Seoul giải thích cách đây nhiều năm, đây là “cách Tòa Thánh kỷ niệm biến cố Giáo hội ở Triều Tiên đã trải qua và bây giờ vẫn còn”.

Nhưng quyết định công nhận Đức cha Hong đã chết được công bố trong năm nay không có nghĩa là “biến cố” này của Giáo hội Triều Tiên được xem là đã khép lại. Có động cơ khác. Nó liên quan đến việc các giám mục Triều Tiên yêu cầu bộ phong thánh công bố “không có ngăn trở gì” khi mở án phong chân phước cho Đức cha Hong và 80 bạn tử đạo của ngài. Và dĩ nhiên không có ai có thể là ứng viên được tôn phong thánh nếu chưa chết.

Nguồn: La Chiesa/EspressoOnline.net

UCANEWS

ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH TRÊN THẾ GIỚI VÀ CHO CÁC NẠN NHÂN BẠO LỰC BÊN AI CẬP

ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH TRÊN THẾ GIỚI VÀ CHO CÁC NẠN NHÂN BẠO LỰC BÊN AI CẬP

CASTEL GANDOLFO: Lúc 10 giờ rưỡi sáng 15-8-2013 lễ trọng kính Đức Mẹ hồn xác lên Trời, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ và buổi đọc kinh Truyền Tin cho tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường Tự do, trước dinh nghỉ mát. Ngài đã kêu gọi cầu nguyện cho hòa binh trên toàn thế giới và cho tất cả các nạn nhân, gia đình họ, và các người bị thương cũng như những ai phải đau khổ bên Ai Cập.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trước khi đọc Kinh Truyền Tin với dân chúng tại Castel Gandolfo trưa 15-8-2013. Ngài nói: chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình đối thoại, hòa giải tại vùng đất thân yêu này và trên toàn thế giới. Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình, cầu cho chúng con. Tất cả chúng ta hãy nói: Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình cầu cho chúng con.

Tín hữu Castel Gandolfo và các thành phố lân cận cũng như du khách hành hương đã đứng chật cứng quảng trường nhỏ, con đường chính và các đường phố chung quanh. Ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha cha Pietro Diletti cha sở họ đạo Thánh Toma thành Villanova, đã nhân danh các tín hữu nhiệt liệt cám ơn Đức Thánh Cha về sự hiện diện của ngài trong ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời. Cha cho biết giáo xứ đã theo dõi các sinh hoạt của Đức Thánh Cha trong Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio de Janeiro và lắng nghe các giáo huấn của ngài. Đáp lại lời kêu mời của Đức Thánh Cha giáo xứ cũng đã đề ra chương trình mục vụ đồng hành với giới trẻ. Giáo lý của Đức Thánh Cha là giáo lý giải thoát và giáo xứ cảm thấy phải đáp lại lời kêu mời của Đức Thánh Cha ”ra khơi” với lòng can đảm và liều lĩnh, và bắt chước tổ phụ Abraham từ bỏ tất cả mọi an ninh giả tạo và rộng mở cho các điều mới mẻ và tương lai của Thiên Chúa (SD 15-8-2013).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP CHÚC MỪNG 50 NĂM THÀNH LẬP GIÁO PHẬN CONCEPCION BÊN ARGENTINA

ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP CHÚC MỪNG 50 NĂM THÀNH LẬP GIÁO PHẬN CONCEPCION BÊN ARGENTINA

VATICAN: Ngày 14-8-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp chúc mừng 50 năm thành lập giáo phận Concepcion bên Argentina, ngài khích lệ tín hữu sống đạo hăng say sốt mến và luôn rộng mở con tim cho Chúa và tha nhân.

Trong sứ điệp gửi Đức Cha Armando José Maria Rossi, Đức Thánh Cha nhắc lại kỷ niệm khi còn là Hồng Y ngài đã đến giảng tĩnh tâm cho các linh mục giáo phận Concepcion. Trong 50 năm qua tín hữu giáo phận đã bước đi trên con đường là môn đệ thừa sai của Chúa để toàn giáo phận có được sự sống dồi dào. Bước đi, làm môn đệ và loan báo Tin Mừng” đó là chương trình sống đúng đắn của mọi kitô hữu. Đức Thánh Cha nói ngài sợ các Kitô hữu yên lặng. Rốt cuộc họ trở thành nước tù. Ngài cũng sợ các Kitô hữu tin rằng họ biết hết mọi sự, tự đủ cho chính mình, mà không nhận ra rằng từ từ họ đóng kín con tim đối với Chúa, và rốt cuộc chỉ tập trung nơi chính mình. Họ là các ”Kitô hữu với chính mình và cho chính mình”.

Nhưng Kitô kữu phải là người gặp gỡ Chúa Giêsu, trông thấy sự kinh ngạc tuyệt vời của cuộc gặp gỡ dẫn đưa tới chỗ tìm kiếm Chúa trong lời cầu nguyện và trong việc đọc Phúc Âm. Và bước tiếp theo chỉ có thể là loan báo Chúa, vì họ cảm thấy cần phải thờ lậy và hiểu biết Chúa. Như vậy loan báo có nghĩa là thừa sai, đem tên của Chúa Giêsu, các giáo huấn và những gì Chúa đã làm tới cho các anh chị em khác. Kitô hữu là người không đứng một chỗ, mà ra khỏi chính mình để phổ biến lời Chúa trên thế giới.

Đức Thánh Cha phó thác tín hữu toàn giáo phận Concepcion cho Đức Trinh Nữ, để như Mẹ, họ ra khỏi chính mình để thờ lậy và loan báo Chúa Giêsu Kitô cho mọi người (SD 14-8-2013).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỀN THÁNH ĐỨC BÀ YAGMA BÊN BURKINA FASO ĐƯỢC NÂNG LÊN HÀNG TIỂU VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG

ĐỀN THÁNH ĐỨC BÀ YAGMA BÊN BURKINA FASO ĐƯỢC NÂNG LÊN HÀNG TIỂU VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG

YAGMA: Ngày 15-8-2013 lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời đền thánh Đức Bà Yagma bên Burkina Faso đã được nâng lên hàng Tiểu vương cung thánh đường.

Đề tài mừng lễ năm nay 2013 tại Yagma là ”Cùng Mẹ Maria, mẫu gương của đức tin, chúng ta chúc tụng Thiên Chúa vì đã nâng người hèn mọn lên”. Cha Narcisse Guigma, giám đốc đền thánh, cho biết biến cố này ghi dấu một bước tiến uy tín cho đền thánh trong lịch sử Giáo Hội Burkina Faso.

Đền thánh Đức Mẹ Yagma được xây trên một ngọn đồi có hang đá giống hang đá Đức Mẹ Lộ đức. Viên đá đầu tiên được làm phép năm 1978. Nhưng việc xây cất đã chỉ đươc khởi đầu năm 1991 sau chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Gioan Phaolô II hồi năm 1990. Năm 1998 Hội Đồng Giám Mục Burkina-Niger đã tuyên bố đền thánh Đức Bà Yagma là đền thánh quốc gia. Công trình xây cất đã kéo dài 22 năm và phí tổn là 1 triệu quan Thụy sĩ, 85% do tín hữu địa phương đóng góp. Đền thánh nào có 2,200 chỗ ngồi. Hàng năm vào tháng hai đều có cuộc hành hương lôi cuốn cả tín hữu các nước láng giềng nữa (SD 14-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI ĐEM LẠI HÒA BÌNH CHO HÀN QUỐC

LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI ĐEM LẠI HÒA BÌNH CHO HÀN QUỐC

SEOUL: Trong sứ điệp gửi tín hữu toàn tổng giáo phận Đức Cha Andrew Yeon Soo Jung khích lệ mọi người dấn thân cầu nguyện, hoạt động cho hòa bình hòa giải và thống nhất hai miền Nam Bắc Hàn, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ hồn xác lên Trời.

Tại Nam Hàn ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời được mừng rất trọng thể vì cũng là dịp kỷ niệm ngày kết thúc sự thống trị của đế quốc Nhật Bản và Đệ Nhị Thế Chiến. Tín hữu công giáo Đại Hàn coi sự giải phóng đó như là ơn của Đức Mẹ ban nên cử hành lễ rất trọng thể.

Trong sứ điệp được đọc trong thánh lễ ngày 15-8-2013 tại mọi nhà thờ giáo phận, ĐTổng Giám Mục Seoul khẳng định rằng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là biến cố rất quan trọng và đặc biệt ý nghĩa, vì nó xác nhận niềm hy vọng vào cuộc sống tương lai của chúng ta, Khi mừng lễ Đức Mẹ chúng ta cũng phải dấn thân cho nền hòa bình đích thực của toàn nhân loại. Chúa Giêsu đã ban bình an của Ngài cho các môn đệ. Là tín hữu Kitô chúng ta cũng phải là những người sống và theo đuổi hòa bình. Trong Thông điệp ”Hòa bình dưới thế” Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII nêu bật rằng: ”Hòa bình dưới thế, điều mà con người đã mong mỏi và kiếm tìm qua mọi thời đại, sẽ không bao giờ có thể được thiết lập và bảo đảm, ngoại trừ bởi việc tuân giữ trật tự do Thiên Chúa thiết lập trong sự thật, công lý, bác ái và tự do”. Thánh Phaolô cũng khẳng định ”Chúa Kitô là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do thái và dân ngoại, thành một: Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2,14). Hòa bình thực sự bắt đầu khi con người tái lập tình yêu và sự thật trong nhau; nó bắt đầu khi chúng ta thực thi sự thật và công lý.

Tiếp tục sứ điệp ĐTổng Giám Mục Seoul duyệt xét tình hình Hàn quốc 60 năm sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, nhưng đất nước vẫn chia đôi và Nam Bắc Hàn vẫn xung khắc với nhau. Việc hòa giải hai miền Nam Bắc Hàn không chỉ là chuyện nội bộ, mà còn liên quan tới nền hòa bình thế giới nữa. Vì thế chúng ta phải loại bỏ qúa khứ không may mắn và nhắm tới tương lai tươi sáng của hy vọng. Sự chia rẽ Nam Bắc đã khiến cho qúa nhiều người chết và biết bao nhiêu gia đình bị phân tán. Không có lời lẽ nào có thể diễn tả được nỗi âu lo không biết gia đình mình còn sống hay chết.

Đức Tổng Giám Mục Seoul thỉnh cầu chính quyền bắt đầu giải quyết các vấn đề cấp thiết này để cuối cùng tiến tới hòa giải: cho tin tức chính xác liên quan tới các người còn sống của các gia đình phân cách Nam Bắc Hàn, phối hợp các cuộc gặp gỡ của các gia đình đó. Đức Cha cũng cầu mong hai chính quyền có các đường lối chính trị trợ giúp nhân đạo và đối thoại giữa hai bên. Riêng đối với tín hữu Kitô bổn phận đầu tiên là cầu nguyện tha thiết vì nó giúp rộng mở tâm trí và là dụng cụ hòa bình, loại bỏ chia rẽ và thù hận. Khi việc tôn trọng sự thật và tự do được thực thi, thì ngày hòa giải và hòa bình sẽ đến mau hơn (ASIANEWS 13-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THÁNH CHA CHỦ SỰ THÁNH LỄ VÀ BUỔI ĐỌC KINH TRUYỀN TIN TẠI CASTEL GANDOLFO

ĐỨC THÁNH CHA CHỦ SỰ THÁNH LỄ VÀ BUỔI ĐỌC KINH TRUYỀN TIN TẠI CASTEL GANDOLFO

CASTEL GANDOLFO: Lúc 10 giờ sáng 15-8-2013, lễ trọng Đức Mẹ hồn xác lên trời, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự thánh lễ và buổi đọc kinh Truyền Tin cho tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường Tự Do trước dinh nghỉ mát Castel Gandolfo.

Trước khi dâng thánh lễ Đức Thánh Cha viếng thăm đan viện các nữ tu Clarít ở Albano. Đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha viếng thăm đan viện này. Lần đầu là vào ngày 14-7-2013.

Đan viện được công chúa Catarina Savelli cho xây năm 1631, và được Đức Giám Mục Albano giao cho nữ tu Francesca Farnese điều khiển. Năm 1797 và 1873 đan viện bị giải tán vì các vụ tấn công và tình hình chiến tranh bất an. Các nữ tu phải hồi tục, nhưng các chị vẫn tiếp tục sống với nhau và duy trì đan viện. Năm 1929 với thỏa hiệp Laterano, đan viện được Tòa Thánh chuộc lại. Năm 1944 trong thời đệ nhị thế chiến xã xảy ra hai vụ bỏ bom khiến cho 18 nữ tu bị thiệt mạng. Các chị còn sống sót phải dời về trú ngụ tại một đan viện ở Roma.

Nhưng tháng 10 cùng năm các chị lại trở về đan viện ở Albano. Chính trong thời gian khó khăn này nổi bật có chị Chiara Damato, qua đời năm 1948 vì bệnh lao phổi. Năm 1999 xác của chị còn nguyên ven không rữa nát được đưa về nhà nguyện bên trong của tu viện. Hiện nay đang có án phong chân phước cho vị tôi tớ Chúa.

Các nữ tu Clarít sống đời chiêm niệm và đặc biệt cầu nguyện cho các Giáo Hoàng. Đan viện đã được Đức Phaolô VI viếng thăm năm 1971, Đức Gioan Phaolô II viếng thăm năm 1979 và Đức Biển Đức XVI viếng thăm năm 2007 (SD 14-8-2013).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

THỂ THAO LÀ ƠN CỦA THIÊN CHÚA VÀ LÀ PHƯƠNG CÁCH THÔNG TRUYỀN NHÂN BẢN

THỂ THAO LÀ ƠN CỦA THIÊN CHÚA VÀ LÀ PHƯƠNG CÁCH THÔNG TRUYỀN NHÂN BẢN

VATICAN: Trong buổi tiếp hai đội banh Italia và Argentina sáng 13-8-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các cầu thủ bóng đá ý thức được trách nhiệm xã hội của họ, vì cung cách sống của họ là điểm quy chiếu cho giới trẻ.

Ngỏ lời với các cầu thủ của hai đội banh bằng tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha Đức Thánh Cha đề cao trách nhiệm xã hội lớn lao của họ. Sự kiện họ nổi tiếng khiến cho dân chúng theo dõi họ trong sân chơi cũng như khi ở ngoài sân chơi. Bóng đá hấp dẫn vì có ba yếu tố: vẻ đẹp, sự nhưng không và tình đồng đội. Không có chỗ cho chủ nghĩ cá nhân, nhưng tất cả đều được phối hợp cho đội banh. Cả ba yếu tố đó được tóm gọn trong từ ”yêu thích”.

Tuy thể thao cần được tổ chức trên bình diện quốc gia, quốc tế và chuyên nghiệp, nhưng nó không được bỏ rơi ơn gọi ban đầu của nó là ”mộ điệu”. Khi một nhà thể thao, tuy chuyên nghiệp, nhưng vun trồng chiều kích ”yêu thích”, thì họ sinh ích cho xã hội, họ xây dựng thiện ích chung, bằt đầu từ các giá trị của sự nhưng không, tình đồng đội và vẻ đẹp.

Tiếp tục suy tư về thể thao Đức Thánh Cha nói điều này đưa tới chỗ nghĩ rằng trước khi là các nhà vô địch, các bạn phải là người, là con người nhân bản với các đức tính và các khuyết điểm, với con tim và tư tưởng, các khát vọng và các vấn đề của mình. Và khi đó, tuy có là các nhân vật, các bạn sẽ luôn luôn là người, trong thể thao và trong cuộc sống. Là người, nhưng là người đem theo sự nhân bản.

Quay sang các người lãnh đạo Đức Thánh Cha nói thể thao đích thật quan trọng. Như vài bộ môn khác, bóng đá đã trở thành một kỹ nghệ làm ăn lớn, nhưng phải làm sao để nó đừng đánh mất đi tính cách thể thao của nó. Việc thăng tiến thái độ ”yêu thích” giúp loại bỏ một cách vĩnh viễn nguy cơ kỳ thị. Khi các đội banh đi theo con đường này, thì sân vận động được phong phú về tính nhân bản; bạo lực biến mất, và người ta lại thấy các gia đình trên các hàng ghế sân vận động.

Riêng với các ông bầu và các cầu thủ đội banh Argentina Đức Thánh Cha xin họ sống thể thao như là một ơn của Thiên Chúa, một cơ may phát huy các tài năng cũng như trách nhiệm của họ. Vì cung cách hành xử của họ, trong sân đấu cũng như ở ngoài, trong cuộc sống, họ là một điểm tham chiếu, một gương mẫu… Thiện ích mà họ làm được gây ấn tượng. Với cung cách hành xử, với các trận đấu, với các giá trị của họ, các cầu thủ đem lại thiện ích. Người ta nhìn vào họ. Vì thế phải lợi dụng nó để gieo vãi sự thiện. Các cầu thủ là mẫu gương trong sự thiện cũng như trong sự dữ. Do đó cần ý thức được điều này và nêu gương liêm chính, tôn trọng và vị tha. Các cầu thủ túc cầu cũng là những tác nhân của hòa bình xã hội. Đức Thánh Cha nói: Tôi tin tưởng nơi tất cả thiện ích, mà các bạn có thể làm cho giới trẻ. Tôi cầu xin để các bạn có thể thăng tiến ơn gọi cao qúy này của thể thao. Xin Chúa chúc lành cho các bạn và xin Đức Mẹ gìn giữ các bạn. Tôi cũng xin các bạn cầu nguyện cho tôi, để trong ”sân”, trong đó Thiên Chúa đã đặt để tôi, tôi có thể chơi một trận liêm chính và can đảm cho thiện ích của tất cả chúng ta.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã làm phép một cây ô liu, biểu tượng cho hòa bình trên toàn thế giới. Nó được trồng tượng trưng tại sân thế vận Roma, và sau mùa hè sẽ được trồng trong vườn Vatican. Đức Thánh Cha đã bắt tay từng cầu thủ một và nói chuyện với họ.

Trước đó ông Giancarlo Abete, chủ tịch Liên hiệp túc cầu Italia, đã nhân danh 1.5 triệu thành viên của hơn 15,000 hiệp hội và 70,000 đội banh chuyên nghiệp và không chuyện nghiệp, bao gồm cả các học sinh, cùng với các trọng tài và nhân viên kỹ thuật, đã ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha và cảm ơn sự ưu ái ngài dành cho hai đội banh và giới túc cầu. Ông nói ngoài tính cách bình dân ngoại thường, bóng đá còn là một chứng tá dấn thân dân sự và xã hội, một túc cầu lành mạnh và trong sạch, giúp phát huy tình liên đới, việc hội nhập xã hội không phân biệt, và bảo vệ các giá trị luân lý đạo đức chống lại mọi bạo lực và bất hợp pháp. Đó cũng là dấn thân của Liên hiệp túc cầu Italia trong nỗ lực thăng tiến con người, tái khẳng định phẩm giá và sự tôn trọng con người (SD 13-8-2013).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP NHÂN DỊP MỪNG 200 NĂM NHÀ THỜ CHÍNH TÒA THÀNH PHỐ MEXICO

ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP NHÂN DỊP MỪNG 200 NĂM NHÀ THỜ CHÍNH TÒA THÀNH PHỐ MEXICO

VATICAN: Ngày 15-8-2013 nhân kỷ niệm 200 năm nhà thờ chính tòa thành phố Mexico, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp chúc mừng tới Đức Hồng Y Norberto Rivera Carrera, Tổng Giám Mục sở tại. Ngài cầu mong đây là cơ may giúp tín hữu hoán cải, và là một kích thích tinh thần để họ tươi vui lãnh trách nhiệm là môn đệ thừa sai của Chúa.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng từ Thánh Thể chúng ta nhận được sức mạnh để làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu trong mọi môi trường cuộc sống, đặc biệt là trong các môi trường bị thiệt thòi nhất. Chúng ta cũng phải chấp nhận thách đố nhìn tương lai với niềm hy vọng cần được vui trồng mỗi ngày. Ước chi đừng ai cướp mất đi niềm hy vọng! Đức Thánh Cha cầu mong Lời Chúa vang lên trong nhà thờ chính tòa đâm rễ sâu nơi con tim trẻ em và người trẻ, là cánh cửa rộng mở cho niềm vui và lòng hăng say. Cần phải cống hiến cho các trẻ em và người trẻ điều qúy báu nhất chúng ta có là Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, và là Người Bạn không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Và đây là nhiệm vụ của các bậc phu huynh phải giáo dục con em họ theo tinh thần Kitô, với sự trợ giúp của lời cầu nguyện. Sau cùng Đức Thánh Cha phó thác cho Đức Mẹ Guadalupe toàn dân nước Mêhicô (SD 12-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA CHO TUẦN LỄ GIA ĐÌNH TẠI BRASIL

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA CHO TUẦN LỄ GIA ĐÌNH TẠI BRASIL

VATICAN: Nhân tuần lễ gia đình toàn quốc Brasil khai diễn ngày 11 tháng 8-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp khích lệ các bậc cha mẹ thông truyền đức tin cho con cái bằng lời nói việc làm và gương sáng, nhất là biết tôn trọng sự sống trong mọi giai đoạn và hình thái của nó.

Nhắc tới đề tài của Tuần lễ gia đình là ”Thông truyền và giáo dục đức tin Kitô trong gia đình”, Đức Thánh Cha khuyến khích các phụ huynh cộng tác với Thiên Chúa trong sứ mệnh cao qúy và đòi hỏi nhưng quan trọng này, vì nó bảo đảm cho một tương lai tốt đẹp. Để được như thế các người làm cha mẹ phải thực hành các thói quen của đức tin trong gia đình, và đồng hành với sự trưởng thành của con cái. Cần vun trồng nơi con cái ý thức luôn luôn bảo vệ sự sống còn trong lòng mẹ, vì đó là ơn Thiên Chúa ban và là bảo đảm của tương lai nhân loại. Ngoài ra cũng cần phải săn sóc người già yếu, đặc biệt là các ông bà nội ngoại, là ký ức sống động của sự khôn ngoan. Đức Thánh Cha cầu mong các gia đình Brasil rao truyền vẻ đẹp của tình yêu được nâng đỡ bởi ơn thánh của Thiên Chúa (SD 12-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

GIÁO HỘI VENEZUELA CẦU NGUYỆN CHO CÁC NẠN NHÂN CỦA BẤT CÔNG

GIÁO HỘI VENEZUELA CẦU NGUYỆN CHO CÁC NẠN NHÂN CỦA BẤT CÔNG

LA GRITA: Trong tuần qua 200 ngàn tín hữu Venezuela đã tham dự thánh lễ tại đền thánh Chúa Kitô La Grita, và cầu nguyện cho các nạn nhân của bất công xã hội, trong đó các công nhân bị trả lương quá thấp.

Thánh lễ đã do Đức Cha Mario del Valle Moronta Rodriguez, Giám Mục giáo phận San Christobal de Venezuela, chủ sự ngày mùng 6-8-2013, nhân lễ Chúa Kitô de La Grita, bổn mạng Venezuela từ 403 năm nay. Cùng đồng tế thánh lễ có hai Giám Mục về hưu và hơn 30 Linh Mục.

Giảng trong thánh lễ Đức Cha Moronta đã mạmh mẽ phê bình những người đầu cơ tích trữ thực phẩm và xăng nhớt, đặc biệt trong vùng biên giới này, khiến cho cuộc sống của người dân vốn đã nghèo lại càng khốn khổ thêm. La Grita là thành phố gần biến giới với Colombia. Đức Cha Moronta cũng tố cáo nạn phá thai và cho vay ăn lời cắt cổ, thịnh hành trong xã hội Venezuela.

Ngoài các nạn nhân của bất công xã hội và giới nhân công bị bóc lột với đồng lương rẻ mạt, Đức Cha Moronta cũng cầu nguyện cho những người liên lụy với nạn buôn bán và nghiện ngập ma túy, cũng như các nạn nhân của kỹ nghệ mại dâm, của nạn bắt cóc và ám sát, và cho tất cả những ai đang phải gánh chịu mọi thứ khổ đau.

Lễ Chúa Kitô de la Grita là lễ hội bình dân nổi tiếng nhất tại Venezuela. 200 ngàn tín hữu hiện diện sau đó đã tham sự cuộc rước kiệu dài 5 cây số, đi qua các đường phố La Grita và trở lại quảng trường trước vương cung thánh đường. Một bức hình của Chúa Kitô de la Grita cũng được tín hữu rước qua các đường phố trong các thành phố chính khác toàn nước Venezuela (FIDES 7-8-2013)

Linh Tiến Khải -Vatican Radio

THẤT NGHIỆP LÀM HẠI PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

THẤT NGHIỆP LÀM HẠI PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

WASHINGTON: Nhân ngày lễ Lao Động Hoa Kỳ ngày 2 tháng 9-2013 Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã công bố sứ điệp khẳng định sự cần thiết của công ăn việc làm, vì không có công ăn việc làm, thì con người cũng không có phẩm giá.

Sứ điệp mang chữ ký của Đức Cha Stephen Blaire, Chủ tịch ủy ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, có đoạn viết: Việc làm là một yếu tố nền tảng đối với phẩm giá của một người… Nó trao ban cho họ khả năng nuôi nấng chính mình, gia đình mình và góp phần vào sự phát triển của quốc gia. Tuy nhiên, có hàng triệu người bị khước từ phẩm giá đó vì họ thất nghiệp, vì có it việc làm, vì đồng lương bất công, vì các lạm dụng và khai thác bóc lột”. Nền kinh tế không tạo ra một số công ăn việc làm thích hợp để các công nhân có thể nuôi sống gia đình họ. Đức Cha Blaire ghi nhận rằng hiện nay tại Hoa Kỳ có hơn 4 triệu người thất nghiệp. Sự kiện giảm cung cầu khiến cho lương của nhân công cũng bị hạ thấp, làm gia tăng cảnh nghèo túng. Đức Cha Blaire tự hỏi làm sao trong xã hội lại có cảnh xa hoa bên cạnh cảnh bần cùng. Lấy lại tư tưởng thông điệp ”Bác ái trong Chân lý” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, các Giám Mục Hoa Kỳ khẳng định rằng: Phẩm giá con người và các đòi buộc của công bằng, nhất là ngày nay, đòi hỏi rằng các lựa chọn kinh tế không làm gia tăng một cách qúa đáng và không thể chấp nhận được trên bình diện luân lý, các cách biệt giầu nghèo và tiếp tục theo đuổi mục tiêu ưu tiên là cung cấp công ăn việc làm cho tất cả mọi người. Các nghiệp đoàn lao động phải bảo vệ quyền lợi của giới công nhân và vai trò của họ trong xã hội. Trong khi các hãng xưởng kỹ nghệ phải tôn trọng phẩm giá của lao công và đặt để con người trước các lợi nhuận (SD 8-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN 2 ĐỘI BÓNG ĐÁ Á-CĂN-ĐÌNH VÀ Ý

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN 2 ĐỘI BÓNG ĐÁ Á-CĂN-ĐÌNH VÀ Ý

Tiếp kiến hai động bóng Argentian và Ý ở Vatican hôm 13/8/2013, tức hôm trước diễn ra trận đấu giao hữu giữa hai đội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh « trách nhiệm xã hội » của các cầu thủ vốn không được quên « ơn gọi đầu tiên của mình : trở nên người say mê ».

Bóng đá không được đánh mất « đặc tính thể thao » của nó cho dầu nó đã trở nên « một cuộc kinh doanh lớn », Đức Thánh Cha cảnh giác như thế trước 200 người hiện diện tại Thính đường Clémentine.

« Các tuyển thủ thân mến, các bạn rất nổi tiếng : người ta chạy theo các bạn rất nhiều, không chỉ khi các bạn ở trên sân cỏ nhưng còn cả bên ngoài sân cỏ nữa. Đó là một trách nhiệm xã hội ! », Đức Thánh Cha đã khẳng định như thế với các tuyển thủ đang hiện diện. Theo ngài, một trận cầu thành công cần có « vẻ đẹp », « tính nhưng không » và « tình bằng hữu », ba yếu tố vốn có thể được tóm tắt trong một thuật ngữ thể thao mà không bao giờ được bỏ đi : người say mê (amateur/dilettante).

Theo Đức Thánh Cha, « chiều kích chuyên nghiệp » của thể thao không được làm cho vận động viên quên đi « ơn gọi đầu tiên của mình : trở nên người say mê ». Đức Thánh Cha nói tiếp : « Khi một vận động viên thể thao, bao gồm cả chuyên nghiệp, trao dồi chiều kích « say mê » này, thì người ấy đang làm ích cho xã hội, người ấy đang xây dựng công ích từ những giá trị những không, tình bằng hữu, vẻ đẹp ». « Không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân ».

Trong diễn văn của mình, Đức Thánh Cha cũng đã nhắc nhở các vận động viên rằng trước khi là « những nhà vô địch », họ đã là « những con người », với « những phẩm chất » và « những khiếm khuyết » của mình. « Cho dầu các bạn là những nhân vật có tiếng tăm, thì các bạn hãy luôn là những con người, trong thể thao cũng như trong cuộc sống, (…) những người mang nhân tính ».

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đặc biệt nói với các huấn luyện viên, mời gọi họ làm việc để cho bóng đá không mất đi « đặc tính thể thao » cho dầu nó đã trở nên « một cuộc kinh doanh lớn ». Ngài cũng kêu mời loại bỏ « cách dứt khoát mối nguy phân biệt kỳ thị » trong thế giới bóng đá và bạo lực biến mất khỏi các vận động trường.

Trước đó, ông chủ tịch liên đoàn bóng đá Ý, Giancarlo Abete, và người đồng nhiệm Julio Grondona của Argentina, đã khẳng định rằng giáo huấn của Đức Phanxicô giúp đạt tới một « nền bóng đá lành mạnh và trong sạch, trong đó các chủ đề về sự liên đới của con người, về sự hội nhập xã hội không phân biệt kỳ thị, việc bảo vệ các giá trị đạo đức và cuộc đấu tranh chống lại mọi hình thức bạo lực và tính phi pháp » đã được đặt lên trước.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã chào từng cầu thủ bóng đá Ý và Á Căn Đình, trong đó có Lionel Messi, Balotelli, thủ thành Buffon. Trong khi các cầu thủ Ý xếp hàng một để chào Đức Thánh Cha, thì các cầu thủ Argentina thì không như thế. Trước sự lộn xộn vui vẻ này, Đức Thánh Cha đã mỉm cười thổ lộ rằng : « Ở Vatican, người ta nói rằng tôi không có kỷ luật, bây giờ các bạn hiểu tại sao ».

Đức Thánh Cha đã nhận được nhiều áo, giày, banh. Một đại diện của câu lạc bộ San Lorenzo của Argentina đã trao cho Đức Thánh Cha một thẻ mới ủng hộ viên chính thức của đội. Từ khi lên làm Giáo hoàng, Đức Thánh Cha vẫn còn đều đặn theo dõi câu lạc bộ của mình và đóng tiền đóng góp của mình.

Tối 14/8, hai đội bóng sẽ đối đầu trên sân vận động Olympic Rôma trong trận giao hữu chào mừng Đức Thánh Cha. Nhân dịp này một cây ô-liu được Đức Thánh Cha tặng sẽ được trồng cách biểu tượng, tưởng nhớ đến cử chỉ tương tự mà ĐHY Bergoglio đã thực hiện ở Buenos Aires trên quảng trường Mayo. Tiếp đến, cây ô-liu này sẽ được trồng trong vườn Vatican.

Tý Linh (Xuân Bích VN)