DẸP BỎ THIÊN CHÚA KHÔNG GIÚP CON NGƯỜI SỐNG TỐT ĐẸP HƠN

DẸP BỎ THIÊN CHÚA KHÔNG GIÚP CON NGƯỜI SỐNG TỐT ĐẸP HƠN

CHATSWOOD: Dẹp bỏ Thiên Chúa không khiến cho xã hội được tốt đẹp hơn. Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, đã nói như trên trong đại hội “Loan báo 2010” tổ chức tại Chatswood bên Australia.

Thuyết trình về đề tài ”Tái truyền giảng Tin Mừng là gì” tại đại hội Đức Cha Fisichella nhấn mạnh rằng: ”Con người ngày nay gặp khủng hoảng, vì nó đã quên đi điều nòng cốt: đó là nhu cầu về Thiên Chúa, nằm sâu trong tâm hồn. Không phải khi bắt buộc ước muốn về Thiên Chúa phải im lặng, con người có thể đạt được sự tự lập của mình. Con người gặp khủng hoảng, nhưng không phải bằng cách gạt bỏ Kitô giáo ra ngoài lề, mà có thể có một xã hội tốt lành hơn. Ai muốn tự do sống như thể là Thiên chúa không hiện hữu, có thể làm điều đó, nhưng phải biết mình sẽ gặp cái gì. Con người ngày nay đề cao sự độc lập và trách nhiệm cá nhân đối với kiểu sống của mình, nhưng không phải loại bỏ Thiên Chúa khỏi cuộc sống mà thế giới này tốt lành hơn.

Các tín hữu công giáo sẽ không bao giờ chấp nhận bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, và sẽ tiếp tục đem Tin Mừng của Chúa Giêsu đến cho thế giới. Nhưng họ không loan báo với thái độ kiêu căng ngạo mạn, hay với mặc cảm tự tôn coi mình hơn người khác, mà với sự hiền dịu, tôn trọng và lương tâm ngay thẳng. Công tác tái truyền giảng Tin Mừng của mọi thành phần Giáo Hội: các chủ chăn, các linh mục tu sĩ và giáo dân nam nữ là ở đó. Nó không khác với nội dung sứ điệp cứu rỗi trong qúa khứ, nhưng khác trong phương cách chuyển tải Tin Mừng, với các hình thức mới, ngôn ngữ mới, khả năng thích ứng mới, và nhất là qua chứng tá sống động, cụ thể trong cuộc sống thường ngày. Không phải các chiến thuật có thể cứu thoát chúng ta và Kitô giáo, nhưng là một đức tin được tái suy tư và sống một cách mới mẻ, qua đó Chúa Kitô và Thiên Chúa hằng sống bước vào lòng thế giới.

Dựa trên Lời Chúa và noi gương Chúa Giêsu Kitô, kitô hữu dành ưu tiên cho tất cả những gì mà thế giới khước từ vì coi đó là vô ích và không hữu hiệu: người đau yếu, người hấp hối, người bị gạt bỏ bên lề cuộc sống, người tàn tật và tất cả những gì thế gian coi là không có hy vọng và khônig có tương lai. Và đó là chứng tá sống động của Tin Mừng (SD 9-8-2012)

Linh Tiến Khải

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC KAIGAMA TỐ CÁO CÁC NHÓM HỒI CUỒNG TÍN TẠI NIGERIA

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC KAIGAMA TỐ CÁO CÁC NHÓM HỒI CUỒNG TÍN TẠI NIGERIA

ABUJA: Đức Cha John Olorunfemi Onaiyekan, Tổng Giám Mục Abuja, và Đức Cha Ignatius A. Kaigama, Tổng Giám Mục giáo phận Jos bên Nigeria, đã mạnh mẽ lên án các vụ sát hại các tín hữu kitô và hồi giáo tại Nigeria những ngày vừa qua.

Như đã biết ngày 6 tháng 8-2012 một toán người vũ trang đã đột nhập nhà thờ của cộng đoàn ”Cuộc sống thánh kinh sâu xa hơn” tại Otite bang Kogi, và bắn vào tín hữu đang cầu nguyện, khiến cho 15 phụ nữ và 10 đàn ông bị chết.

Hai mươi bốn giờ sau đó, các toán võ trang lại tấn công đền thờ hồi giáo tại Okene trong cùng bang Kogi, khiến cho 4 người thiệt mạng kể cả hai binh sĩ canh đền thờ.

Đức Tổng Giám Mục Abuja nói rằng tổ chức Boko Haram là một đe dọa cho tất cả mọi người dân Nigeria, và đây không phải là lần đầu tiên họ tấn công đền thờ hồi giáo. Nhưng các cuộc tấn kích trước đây không tàn bạo bằng các vụ tấn công các nhà thờ kitô. Mọi người phải ý thức rằng mình đang đứng trước một nhóm tội phạm, mà tất cả mọi người dân Nigeria, kitô cũng như hồi giáo, phải cùng nhau đối phó. Okene là một cộng đoàn có đại da số dân theo Hồi giáo, kitô hữu chỉ là một thiểu số rất bé nhỏ. Nhưng cộng đoàn này là một trong các thí dụ cho thấy kitô hữu và tín hữu hồi sống chung với nhau. Vì thế không thể chia rẽ họ đựơc. Tuy không có các thống kê chính xác, nhưng các tín hữu Hồi nạn nhân của lực lượng Boko Haram nhiều hơn các tín hữu Kitô.

Tổ chức Boko Haram gieo rắc chết chóc và bạo lực tại miền bắc Nigeria, là vùng có đại đa số dân theo Hồi giáo. Họ tấn công chợ búa, các đồn bót cảnh sát, các tòa báo. Đức Cha Onaiyekan cho biết các tay khủng bố Boko Haram tấn công các nhà thờ và khẳng định rằng họ muốn đuổi các kitô hữu đi nơi khác, nhưng họ không đại diện cho Hồi giáo Nigeria.

Đức Tổng Giám Mục Kaigama của giáo phận Jos cũng lên án các vụ sát hại nói trên và khẳng định rằng tại Nigeria tín hữu Kitô và Hồi giáo vẫn sống hòa bình với nhau. Đức Cha cho biết có các lực lương nước ngoài đứng đàng sau các vụ tấn công và sát hại này (CNA 7-8-2012; FIDES 8-8-2012)

Linh Tiến Khải

GIÁO HỘI AUSTRALIA KÊU GỌI CHÍNH QUYỀN THÔNG QUA LUẬT CẢI TỔ VIỆC CHƠI CỜ BẠC

GIÁO HỘI AUSTRALIA KÊU GỌI CHÍNH QUYỀN THÔNG QUA LUẬT CẢI TỔ VIỆC CHƠI CỜ BẠC

SYDNEY: Trong những ngày qua Giáo Hội công giáo Australia đã yêu cầu chính quyền nước này mau chóng thông qua luật cải tổ việc chơi cờ bạc để ngăn chặn các thiệt hại xảy ra cho các gia đình và cộng đoàn xã hội.

Ông Bernard Boerma, đặc trách Ủy ban trợ cấp xã hội của tổng giáo phận Sydney, đã cho biết như trên. Theo ông chính quyền không được lơ là với luật cải tổ này. Luật bắt buộc các người chơi cờ bạc qua máy video phải khai trước mình có thể đánh cá bao nhiêu, trong khi các máy đánh bạc phải được điều chỉnh lại và hạn chế số tiền chơi là 120 úc kim trong một giờ thay vì 1.200 một giờ như hiện nay.

Trong thông cáo công bố ngày 7 tháng 8-2012 ông Boerma mạnh mẽ ủng hộ các hạn chế này và khẳng định rằng luật mà quốc hội đang thảo luận là một bước tiến trong việc đương đầu với tệ nạn cờ bạc đang tàn phá xã hội Australia.

Do đó Giáo Hội cầu mong có sự phòng ngừa theo kiểu của chương trình GAINS nghĩa là gây ý thức về việc cờ bạc, can thiệp và nâng đỡ, do Ủy ban trợ cấp xã hội của tổng giáo phận Sydney phát động hồi tháng 8 vừa qua cùng với các tổ chức công giáo khác. Dự án này kéo dài năm năm và nhắm mục đích nhận diện các người mắc bệnh chơi cờ bạc trên máy để cùng với gia đình họ giúp họ liên lạc với các cơ quan yểm trợ, hầu có thể thoát ra khỏi đường hầm đen tổi của máu mê cơ bạc. Chương trình GAINS nói trên chỉ là một phần đóng góp cho việc cải tổ nghiêm ngặt chống nạn cờ bạc. ộng Boerma nói: Thật là điều không thể chấp nhân được, khi có tới 40% những tay đánh bạc trên máy video mắc bệnh cờ bạc, và mất tới 1.200 Úc kim chỉ trong vòng một giờ (SD 7-8-2012)

Linh Tiến Khải

Lời cầu nguyện giúp đương đầu với những lúc khó khăn nhất

Lời cầu nguyện giúp đương đầu với những lúc khó khăn nhất

Cần cầu nguyện với thân xác và tâm hồn đớc vào trong ánh sáng rạng ngời sự hiên diện của Thiên Chúa. Vì lời cầu nguyện và tương quan cá nhân vi Thiên Chúa giúp chúng ta đương đầu với cả những lúc khó khăn nhất trong cuộc sống.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với các tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 8 tháng 8-2012 trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nhắc tới gương mặt của thánh Đaminh mà Giáo Hội mừng nhớ hôm qua. Thánh Đaminh Guzman là linh mục sáng lập dòng các Anh em thuyết giáo gọi là các tu sĩ Đaminh. Trong một bài giáo lý trước đây Đức Thánh Cha đã trình bày vai trò quan trọng của thánh nhân trong việc canh tân Giáo Hội thời người. Hôm qua ngài đã đề cập tới đời sống cầu nguyện của thánh Đaminh. Đức Thánh Cha nói:

Thánh Đaminh đã là con người của cầu nguyện. Say mê Thiên Chúa, người đã không có khát vọng nào khác hơn là sự cứu rỗi các linh hồ, đặc biệt các linh hồn đã rơi vào lưới của lạc giáo. Là người noi gương Chúa Kitô, thánh nhân nhập thể một cách triệt để ba lời khấn phúc âm, kết hiệp chứng tá cuộc sống khó nghèo với việc rao giảng Lời Chúa. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, người tiến tới trên con đường trọn lành kitô. Trong mọi lúc lời cầu nguyện đã là sức mạnh ngày càng canh tân và khiến cho các công tác tông đồ của người được phong phú.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:
Chân phước Giordano thành Sassonia (+1237) người kế vị thánh Đaminh cai quản dòng Đaminh đã viết về thánh nhân như sau: ”Ban ngày, không ai tỏ ra lịch thiệp hơn người, và ngược lại ban đêm không ai kiên trì trong việc canh thức cầu nguyện như người. Ban ngày người dành cho tha nhân, nhưng ban đêm người dành cho Thiên Chúa” (P. Filippini, S. Domenico visto dai suoi comtemporanei, Bologna 1982, tr. 133). Nơi thánh Đaminh chúng ta có thể trông thấy mẫu gương việc hội nhập hài hòa giữa việc chiêm niệm các mầu nhiệm của Thiên Chúa và hoạt động tông đồ. Theo các chứng tá của những người sống gần thánh nhân nhất, ”thánh nhân luôn luôn nói chuyện với Thiên Chúa hay nói về Thiên Chúa”. Nhận xét này ám chỉ sự hiệp thông sâu xa của thánh nhân với Thiên Chúa, và đồng thời ám chỉ sự dấn thân liên lỉ dẫn đưa người khác tới sự hiệp thông ấy. Tuy đã không để lại các bút tích về lời cầu nguyện, truyền thống đaminh đã thu thập và truyền lại kinh nghiệm sống động của người trong tác phẩm tựa đề ”Chín kiểu cầu nguyện của thánh Đaminh”. Được sáng tác giữa các năm 1260-1288 bởi một tu sĩ Đaminh, nó giúp chúng ta hiểu một chút về cuộc sống nội tâm của thánh nhân.

Mỗi một kiểu cầu nguyện, luôn luôn trước mặt Chúa Giêsu Chịu Đóng Đanh, diễn tả một thái độ của thân xác và tinh thần, được thấm nhập một cách thân tình chúng trợ giúp sự cầm trí và lòng sốt mến. Đức Thánh Cha giải thích chín kiểu cầu nguyện của thánh Đaminh như sau:

Bẩy kiểu đầu tiên theo một đường nét đi lên, như các bước đi của một con đường hướng tới sự hiệp thông thân tình với Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Đaminh đứng cúi đầu cầu nguyện để diễn tả sự khiêm tốn, nằm dài dưới đất để xin ơn tha thứ các tội lỗi, qùy hãm mình để tham dự vào các khổ đau của Chúa, đôi tay giang ra nhìn lên Chúa Chịu Đóng Đinh để chiêm niệm Tình Yêu Tột Đỉnh, hướng nhìn về trời để cảm thấy bị lôi cuốn vào trong thế giới của Thiên Chúa.

Hai kiểu cuối cùng, trái lại, tương đương với hai thói quen đạo đức mà thánh nhân thường sống. Trước hết là suy niệm riêng trong đó lời cầu nguyện chiếm hữu đựơc một chiều kích thân tình, sốt mến và thanh bình hơn nữa.

Sau khi đọc Kinh Thần Vụ và sau khi dâng Thánh Lễ, thánh Đaminh kéo dài việc nói chuyện với Thiên Chúa, không giới hạn thời gian. Người ngồi yên tịnh, cầm trí trong thái độ lắng nghe, đọc một cuốn sách hay chăm chú nhìn lên Chúa Chịu Đóng Đanh. Người đã sống những lúc tương quan này với Thiên Chúa một cách sâu đậm như thế, và cả bên ngoài người ta cũng có thể nhận ra các phản ứng tươi vui hay tiếng khóc của người. Các chứng nhân kể lại rằng có lần ngưới xuất thần với gương mặt biến hình, nhưng ngay sau đó lại khiêm tốn trở về với các sinh hoạt thường ngày, được bồi dưỡng bởi sức mạnh đến từ Trên Cao. Thế rồi lời cầu nguyện trong các chuyến du hành từ tu viện này sang tu viện khác; người đọc Kinh Sáng, Kinh Giờ Ba, Kinh Chiều với các anh em khác, và khi đi qua các thung lũng và núi đồi người chiêm ngắm vẻ đẹp của tạo vật. Khi đó từ trái tim người vọt lên một bài ca chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa vì biết bao ơn lành, nhất là vì sự tuyệt diệu lớn lao nhất là ơn cứu độ do công trình của Chúa Kitô.

Các bạn thân mến, thánh Đaminh nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng nguồn gốc chứng tá đức tin – mà mỗi kitô hữu phải làm trong gia đình, trong công ăn việc làm, trong dấn thân xã hội và cả trong những lúc nghỉ ngơi nữa – là nơi lời cầu nguyện, nơi sự tiếp xúc cá nhân với Thiên Chúa. Chỉ có sự tiếp xúc thực sự với Thiên Chúa trao ban cho chúng ta sự mạnh mẽ sống sâu đậm mỗi biến cố, đặc biết trong những lúc khổ đau nhất.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: vị thánh này cũng nhắc nhớ cho chúng ta biết tầm quan trọng của các thái độ bề ngoài trong lúc cầu nguyện. Qùy gối, đứng trước mặt Chúa, chăm chú nhìn Chúa Chịu Đóng Đinh, dừng lại cầm trí trong thinh lặng, không phải là phụ thuộc, nhưng chúng giúp chúng ta đặt mình với tất cả con người vào trong tương quan với Thiên Chúa. Tôi muốn nhắc nhở một lần nữa sự cần thiết cho cuộc sống tinh thần của chúng ta, đó là hằng ngày phải tìm ra những lúc để cầu nguyện trong yên lặng. Chúng ta phải lấy cho mình thời giờ ấy đặc biệt trong mùa hè, có một chút thời giờ để nói chuyện với Thiên Chúa. Đó sẽ là một kiểu giúp những ai ở gần bước vào trong ánh sáng rạng ngời sự hiện diện của Thiên Chúa, đem lại an bình và tình yêu mà chúng ta cần có.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Trong tiếng Pháp ngài khuyến khích tín hữu noi gương thánh Đaminh trở thành những người say mê Thiên Chúa, noi gương Chúa Kitô, để trở thành những con người của lời cầu nguyện, nhựa sống cho các hành động và chứng tá của chúng ta.

Trong tiếng Anh ngài nhắn nhủ tín hữu biết noi gương thánh Đaminh hòa hợp lời cầu nguyện với các sinh hoạt hằng ngày, và tươi vui làm chứng cho Chúa.

Bằng tiếng Đức ngài nói khi cầu nguyện thân xác cũng cần có các thái độ cầm trí và môi trường thinh lặng chung quanh giúp bước vào tương quan với Thiên Chúa.

Bằng tiếng Tây Ban Nha ngài nhắc cho tín hữu biết rằng nguồn gốc của mọi chứng tá là lời cầu nguyện và tương quan liên lỉ với Chúa trao ban sức mạnh cho tín hữu.

Bằng tiếng Ba Lan Đức Thánh Cha khuyên tín hữu bắt chước thánh Đaminh năng nói chuyện với Chúa qua lời cầu nguyện liên lỉ, vì nó giúp tín hữu trưởng thành trong tinh thần.

Cháo các tín hữu Slovac Đức Thánh Cha xin ánh sáng Lời Chúa soi chiếu mọi bước đường cuộc sống của họ.

Chào các tín hữu nói tiếng Ý ngài cám ơn sự hiện diện của họ và cầu chúc họ được tràn đầy các ơn của Chúa Thánh Thần để canh tân nhiệt huyết tông đồ và lòng sốt mến.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

CÁC GIÁM MỤC PHÁP MỜI GỌI TÍN HỮU CẦU NGUYỆN CHO TƯƠNG LAI ĐẤT NƯỚC VÀ CÔNG ÍCH

CÁC GIÁM MỤC PHÁP MỜI GỌI TÍN HỮU CẦU NGUYỆN CHO TƯƠNG LAI ĐẤT NƯỚC VÀ CÔNG ÍCH

PARIS: Các Giám Mục Pháp mời gọi tín hữu toàn nước cầu nguyên cho giới lãnh đạo chính trị xã hội ý thức về thiện ích của xã hội và can đảm nghe theo tiếng lương tâm.

Đức Cha Bernard Podvin, phát ngôn viên Hội Đồng Giám Mục Pháp đã cho biết như trên. Vào ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời 15 tháng 8-2012 trong mọi nhà thờ toàn nước đều có thánh lễ cầu cho giới lãnh đạo chính trị xã hội được ơn khôn ngoan, và can đảm có các lựa chọn cần thiết vì công ích, để người dân có một cuôc sống tốt đẹp hơn cũng như thăng tiến giới trẻ qua các gia đình lành mạnh và trung thành. Các Giám Mục Pháp cũng xin tín hữu cầu nguyện cho các gia đình nhận được trợ giúp xã hội, và cho dấn thân giữa chồng vợ với nhau và với con cái họ là dấu chỉ của tình yêu thương trung thành. Sau cùng là cầu nguyện cho các trẻ em và giới trẻ thôi là đối tượng của các ước muốn và xung khắc giữa người lớn với nhau, nhưng được hưởng nếm tình yêu của cha mẹ chúng.

Các Giám Mục Pháp đã phát động chiến dich cầu nguyên trên đây sau khi thủ tướng Pháp ông Jean Marc Ayrault loan báo chính quyền xã hội sẽ chấp thuận hôn nhân của các người đồng phái và cho phép họ nhận con nuôi, như tổng thống Hollande đã hứa trong các cuộc tranh cử (CNA 7-8-2010).

Vẫn tin nưc Pháp. Trong các ngày 15 đến 26 tháng 8 đại nhạc hội mùa hè lần thứ tư sẽ diễn ra tại Pháp về đề tài tái truyền giảng Tin Mừng, nhất là của các người trẻ từ 16 đến 35 tuổi. Đại nhạc hội gồm ba phần: các ngày 15-17 dành cho việc cầu nguyện và sống kinh nghiệm tinh thần. Trong các ngày từ 18 đến 23 có chương trình loan báo Tin Mừng trên các đường phố và bãi biển toản nước, cũng như các buổi canh thức cầu nguyện và sinh hoạt ca nhạc.

Giai đoạn ba diễn ra tại khu phố Montmartre trong thủ đô Paris trong các ngày 24-26 tháng 8 với sự tham dự của tất cả mọi bạn trẻ. Lời cầu nguyện cộng đoàn có hình thức chúc tụng ngợi khen đem lại niềm vui, sự tự do, suy niệm, sám hối và tiếp xúc với Thiên Chúa. Việc rao truyền Tin Mừng đòi hỏi sự chân thành, khả năng trao ban và thừa nhận các hạn hẹp của mình.

Đại nhạc hội mùa hè đã nảy sinh hồi năm 2008 do sáng kiến của vài giáo dân trẻ. Loan báo là một phong trào ngày càng lớn mạnh và lôi cuốn dân chúng và các thành phố. Năm 2011 nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Madrid một đại nhac hội văn hóa cũng đã được tổ chức, với sự tham dự của 10 bạn trẻ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Các bạn trẻ sống trong ”Nhà loan báo” được thành lập trong dịp này. Từ đó đến nay đã có nhiều ”Nhà loan báo khác” được thành hình. Chúng là nơi các bạn trẻ gặp gỡ hàng tuần để cầu nguyện, thảo luận và chia sẻ công trình của Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày (SD 7-8-2012)

Linh Tiến Khải

CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ LIÊN ĐỚI VỚI CỘNG ĐOÀN SIKH WISCONSIN

CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ LIÊN ĐỚI VỚI CỘNG ĐOÀN SIKH WISCONSIN

OAX CREEK: Đức Cha Denis Madden, Giám Mục phụ tá Baltimore, chủ tịch Ủy ban đại kết của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã tỏ tình liên đới với các nạn nhân cộng đoàn Sikh Oax Creek, Wisconsin, trong vụ thảm sát ngày mùng 6 tháng 8-2012.

Hôm mùng 6 tháng 8-2012 một người đã đột nhập đền của cộng đoàn Sikh ở Oax Creek, Wisconsin, và nổ súng vào tín hữu đang cầu nguyện, khiến cho 6 người chết và 3 người bị thương nặng.

Trong sứ điệp gửi tới cộng đoàn Sikh Đức Cha Madden viết: ”Trong lúc đớn đau này tín hữu công giáo chúng tôi cùng than khóc với các anh chị em Sikh. Chúng tôi chia sẻ tình thân hữu chân thành với anh chị em, cũng như tình yêu của Thiên Chúa và niềm tin nơi sự sống chung hòa bình nối kết chúng ta. Nhưng các tai ương như thế này thật là đau đớn và khó hiểu. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đứng về phía cộng đoàn Sikh, và khước từ bạo lực, nhất là khi nó phát xuất từ sự bất khoan nhượng tôn giáo. Điều khiến cho chúng tôi đau buồn hơn đó là hành động kinh khủng ấy xảy ra bên trong một nơi thờ tự và chính trong lúc cộng đoàn họp nhau cầu nguyện. Hôm nay chúng tôi đặc biệt nghĩ tới những người đã mất thân nhân bạn bè trong trong tai ương này” (SD 7-8-2012).

Linh Tiến Khải

CÁC BÁCH HẠI KHÔNG THỂ NGĂN CHẶN KITÔ HỮU LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA

CÁC BÁCH HẠI KHÔNG THỂ NGĂN CHẶN KITÔ HỮU LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA

VATICAN: Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình khẳng định rằng các tấn kích và bắt bớ chống lại các kitô hữu sẽ không ngăn cản được việc làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa.

Đức Hồng Y đã đưa ra lời khẳng định trên đây trong bài phỏng vấn dành cho báo Quan Sát Viên Roma số ra ngày mùng 7 tháng 8-2012, nhân xảy ra các vụ khủng bố sát hại tín hữu Kitô bên Nigeria. Đức Hồng Y cho biết có nhiều nhóm chính trị lèo lái và lạm dụng tôn giáo cho các mục tiêu và lợi lộc chính trị của họ.

Bên cạnh các bạo lực thể lý còn có các bạo lực tâm lý với các hậu qủa không kém trầm trọng. Và điều này xảy ra cả trong các nước tây âu, nơi các dấu chỉ tôn giáo bị coi là lỗi thời, và các lập trường của Giáo Hội bị coi là phản tân tiến. Nhưng vấn đề không phải là tân tiến hay không tân tiến, mà là tuân theo ý muốn của Thiên Chúa.

Quyền tự do tôn giáo là quyền căn bản của tất cả mọi người. Vì thế mọi tôn giáo phải cảm thấy được tự do. Cũng như đối với quyền tự do lương tâm, mỗi người phải được thừa nhận có tất cả các quyền lợi và tất cả các bổn phận điều hành cuộc sống chung. Vì thế mọi người đều phải được tự do sống niềm tin của mình. Việc khẳng định tự do tôn giáo riêng của mình không được dẫn tới chỗ khước từ tự do tôn giáo của người khác, và nhất là không thể khiêu động bách hại tôn giáo. Đây chỉ đơn sơ là việc chấp nhận cho người khác điều được chấp nhận cho chính chúng ta. Kitô giáo cống hiến cho mọi người quan niệm luân lý đạo đức của mình, giúp sống tình liên đới và sự nhưng không. Phải hiểu rằng tình huynh đệ giữa con người với nhau là một thực tại cần thực hành. Nó thuộc bản chất của con người, mà không có gì có thể hủy bỏ được. Hành động trong lãnh vực kinh tế tài chánh chỉ nhắm lợi nhuận mà không coi con người có ý nghĩa gì, là điều sai trái. Giáo Hội có quyền và có bổn phận phải lên tiếng và Giáo Hội có nhiều điều để nói với con người và các cơ cấu xã hội ngày nay (SD 7-8-2012).

Linh Tiến Khải
 

5.000 TÍN HỮU VÀ 700 BINH SĨ THUỘC NHIỀU NƯỚC HÀNH HƯƠNG ĐI BỘ TỚI ĐỀN THÁNH ĐỨC MẸ JASNA GORA

5,000 TÍN HỮU VÀ 700 BINH SĨ THUỘC NHIỀU NƯỚC HÀNH HƯƠNG ĐI BỘ TỚI ĐỀN THÁNH ĐỨC MẸ JASNA GORA

 

VARSAVA: Ngày mùng 5 tháng 8-2012 bốn nhóm tín hữu Ba Lan gồm 5,000 người đã cùng 700 binh sĩ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau bắt đầu cuộc hành hương đi bộ đến đền thánh Đức Bà Jasna Gora.

Trong số các binh sĩ có 50 người Đức, 30 người Ucraine, 24 người Lituani và 6 ngưới Lettoni. Họ đã lên đường sau thánh lễ do Đức Cha Jozef Guzdek, Giám Mục Tổng tuyên úy quân đội, chủ sự. Khẩu hiệu cuộc hành hương là ”Hãy cho chứng tá”. Đức Giám Mục phụ tá quân đội Richard Spencer, người Mỹ sẽ nhập đoàn hành hương với họ trên đường đi bộ tới Jasna Gora. Khi tới Czestochowa họ sẽ nhập đoàn với các nhóm binh sĩ biên phòng và nhà đoan.

Đức Cha Guzdek cầu mong rằng cho dù nói các ngôn ngữ khác nhau, các binh sĩ có thể khám phá ra rằng họ thuộc cùng một gia đình đại đồng là Giáo Hội. Trong số các ý chỉ của cuộc hành hương cũng có ý chỉ cho hòa bình trên thế giới (SD 6-8-2012)

Linh Tiến Khải

ĐỨC THÁNH CHA KHÍCH LỆ HỘI HIỆP SĨ COLOMBO HOA KỲ TIẾP TỤC DẤN THÂN BẢO VỆ QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO

ĐỨC THÁNH CHA KHÍCH LỆ HỘI HIỆP SĨ COLOMBO HOA KỲ TIẾP TỤC DẤN THÂN BẢO VỆ QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO

VATICAN: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khích lệ Hội Hiệp sĩ Colombo Hoa Kỳ tiếp tục dấn thân bảo vệ công lý và quyền tự do tôn giáo của mọi tín hữu, đặc biệt trước các đe dọa mới trong xã hội tục hóa ngày nay.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong sứ điệp, do Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký, gửi ông Carl Albert Anderson, Hiệp sĩ tối cao, nhân hội nghị tối cao lần thứ 130 diễn ra trong các ngày 7-9 tháng 8 này tại Anaheim trong tiểu bang California.

Nhắc tới đề tài của hội nghị năm nay là ”Loan báo tự do qua toàn xứ”, Đức Thánh Cha nói nó gợi lại các lý tưởng kinh thánh lớn lao về tự do và công lý, làm thành nền tảng của Hoa Kỳ, cũng như trách nhiệm của mỗi thế hệ mới phải duy trì, bảo vệ và thăng tiến các lý tưởng ấy trong cuộc sống của mình. Trong một thời gian có các nỗ lực định nghĩa trở lại và thu hẹp việc thực thi quyền tự do tôn giáo, Hội hiệp sĩ Colombo đã không mỏi mệt làm việc để giúp cộng đoàn công giáo nhận ra và trả lời cho các đe dọa nghiêm trọng chưa từng có chống lại sự tự do của Giáo Hội và chứng tá luân lý công cộng. Khi bảo vệ quyền của tín hữu mọi tôn giáo, như là công dân và như là các cơ cấu của họ, làm việc một cách có trách nhiệm để hình thành một xã hội dân chủ trước linh hứng bởi các niềm tin, giá trị và ước vọng sâu thẳm nhất của họ, Hội Hiệp sĩ Colombo đã biểu dương các nguyên tắc tôn giáo và yêu nước cao qúy gợi hứng cho việc thành lập nó.

Đức Thánh Cha viết tiếp trong sứ điệp: Các thách đố hiện nay nhắc nhớ cho biết tầm quan trọng của giáo dân công giáo đối với sự tiến triển sứ mệnh của Giáo Hội trong bối cảnh xã hội thay đổi ngày nay. Như là một hiệp hội huynh đệ giúp nhau sống trung thành với Hội Thánh, hội Hiệp sĩ Colombo đi tiên phong trong công tác tông đồ giáo dân tân tiến ngày nay.

Như các Giám Mục Mỹ đã nhấn mạnh hồi đầu năm nay, các đòi hỏi của việc truyền giáo mới và bảo vệ tự do của Giáo Hội cần có các giáo dân được đào tạo cẩn thận, có óc phê bình bén nhạy đối với nền văn hóa thống trị và có lòng can đảm đối đầu với chủ trương tục hóa, muốn loại bỏ sự tham dự của Giáo Hội vào trong cuộc thảo luận các vấn đề định đoạt cho tương lai của xã hội Hoa Kỳ.

Đức Thánh Cha ca ngợi và khích lệ các chương trình đào tạo giáo lý và tu đức của hội. Năm Đức Tin sắp khai mở nhằm mục đích giúp đào sâu ý thức trách nhiệm và sứ mệnh của toàn dân Chúa. Đức Thánh Cha cầu mong nó cũng là năm các hiệp sĩ canh tân tinh thần tông đồ của mình.

Ngài cũng cám ơn họ về bó hoa thiêng liêng dâng tặng ngài nhân kỷ niệm 35 năm Giám Mục, và cầu chúc hội nghị đem lại các kết quả phong phú (SD 6-8-2012)

Linh Tiến Khải
 

CÁC GIÁM MỤC PHILIPPINES PHẢN ĐỐI LUẬT SỨC KHỎE SINH SẢN CỦA CHÍNH QUYỀN MANILA

CÁC GIÁM MỤC PHILIPPINES PHẢN ĐỐI LUẬT SỨC KHỎE SINH SẢN CỦA CHÍNH QUYỀN MANILA

MANILA: Các Giám mục Philippines đã mạnh mẽ phê bình luật ”sức khỏe sinh sản” được Quốc Hội Philippines bắt đầu thảo luận ngày mùng 6 tháng 8-2012, và coi đây là một điều thê thảm và tai họa cho đất nước.

Theo chương trình luật này chỉ được bắt đầu thảo luận ngày mừng 7 tháng 8-2012, nhưng các dân biểu phò tổng thống Benigno Aquino III đã gây áp lực để bắt đầu trước một ngày. Linh Mục Melvin Castro, chủ tịch ủy ban gia đình của Hội Đồng Giám Mục Philippines, phê bình thái độ trên đây của Quốc Hội là ”phản dân chủ”. Cha cũng phê bình tổng thống Aquino là ”cứng lòng”, không biết lắng nghe ý kiến của những người chống lại luật nói trên. Luật này tìm cách giảm việc sinh sản nơi dân nghèo và coi tuổi thích hợp cho việc giáo dục tính dục và sức khỏe sinh sản là từ lớp năm cho tới hết chương trình trung học.

Một vài Giám Mục Phi cho rằng luật này được các nước Tây âu ủng hộ. Đức Cha Ramon Arguelles, Giám Mục Lipa, tố cáo các quyền lực nước ngoài ”tàn sát dân nghèo và những người tin nơi Thiên Chúa. Đây là dấu chỉ của chủ trương đế quốc và những giới chức địa phương ủng hộ nó là các kẻ phản bội”. Đức Cha Arturo M. Bastes thì cho rằng luật này sẽ làm chậm trễ chương trình phát triển, vì nó nhắm giảm dân số bằng cách phòng ngừa không để cho trẻ em sinh ra. Nhưng như thế là phổ biến một nền văn hóa chết chóc và tối tăm của tội lỗi, trong khi đất nước cần thấy dân chúng lớn lên và tiến triển.

Một luật sư trên đảo Sarmar cho biết quận lỵ của ông bị đe dọa không được trơ giúp, nếu không ủng hộ luật mới này. Trong buổi cầu nguyện ngày 4 tháng 8 vừa qua Đức Tổng Giám Mục Angel N. Lagdameo, nguyên chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi, hy vọng các dân biểu Quốc hội dành nhiều thời giờ hơn để thảo luận và sẽ nhận ra các thiếu sót của nó đối với công ích. Vì thế cả hai phe chống và thuận phải chú ý tới thiện ích của toàn dân (CNA 7-8-2012)

Linh Tiến Khải

THÁNH TÍCH DON BOSCO VIẾNG THĂM ANGOLA

THÁNH TÍCH DON BOSCO VIẾNG THĂM ANGOLA

LUANĐA: Hôm mùng 1 tháng 8-2012 hòm đựng xương thánh Don Bosco đã được rước từ Zimbabwe sang Uganda và được trưng bầy cho tín hữu kính viếng cho tới ngày 16 tháng 8-2012.

Xương Thánh Don Bosco đã được đặt trong nhà thờ giáo xứ thánh Phaolô của thủ đô Luanda. Đức Cha Garbiel Mbilingi, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Angola và Sao Tomé, đã chủ sự thánh lễ cho tín hữu. Tiếp đến thánh tích đã được rước tới khu phố Palanca để tín hữu và người trẻ kính viếng trong buổi canh thức. Sau đó thánh tích sẽ được đặt tại Học viện cao học triết học và sư phạm Don Bosco.

Trung tâm giới trẻ giáo phận Viana sẽ tiếp rước thánh tích và trưng bày cho tín hữu kính viếng cho đến ngày 18 tháng 8-2012, sau đó thánh tích sẽ được rước qua Madagascar.

Chương trình thánh tích Don Bosco viếng thăm năm châu, trong các nước có các tu sĩ Saledien hoạt động, đã bắt đầu hồi tháng 4 năm 2009 và sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng giêng năm 2014. Năm 2015 là dịp mừng kỷ niệm 200 năm cha Thánh Don Bosco sinh ra. Cho tới nay hòm đựng xương Thánh Don Bosco đã viếng thăm châu Mỹ Latinh, Á châu, Đại dương châu và Phi châu. Từ tháng 9 tới tháng 11 tới đây sẽ đến lượt các nước Tây Âu, trong khi năm 2013 dành cho các nước Bắc Âu và cuối năm 2013 đầu năm 2014 thánh tích sẽ trở về Italia. Hòm đựng xương thánh Don Bosco dài 2,5 mét cao 1,3 mét nặng 500 kí lô đựng tượng của thánh nhân với khẩu hiệu: ”Lạy Chúa, xin cho con các linh hồn và hãy lấy đi mọi sự còn lại” (SD 3-8-2012).

Linh Tiến Khải

ĐỨC TÂN SỨ THẦN TÒA THÁNH THÁI LAN VÀ CAMPUCHIA

ĐỨC TÂN SỨ THẦN TÒA THÁNH THÁI LAN VÀ CAMPUCHIA

VATICAN: Ngày mùng 4-8-2012 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chỉ định Đức Tổng Giám Mục Paul Tschang In-Nam làm tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Thái Lan và Campuchia, kiêm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Myanmar và Lào.

Cho tới nay Đức Tổng Giám Mục Paul Tschang In-Nam là Sứ Thần Tòa Thánh tại Uganda bên Phi châu (SD 4-8-2012).

Linh Tiến Khải

Tìm kiếm và tin vào Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống

Tìm kiếm và tin vào Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống

Hãy tìm kiếm Chúa Giêsu, hãy gia tăng tương quan của chúng ta với Người và củng cố đức tin của chúng ta nơi Đấng là ”bánh sự sống”, Đấng làm tràn đầy ước mong chân lý và tình yêu của chúng ta. Đức Thành Cha đã nhằn nhủ tín hữu như trên trong buổi độc kinh Truyền Tin tại sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo trưa Chúa Nhật 5 tháng 8-2012.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích bài Tin Mừng, trích từ chương 6 Phúc âm thánh Gioan, kể lại biến cố Chúa Giêsu giảng dạy về bánh hằng sống trong hội đường làng Capharnaum, sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng đi theo nghe Người giảng dạy. Dân chúng đã tìm cách tôn Người làm vua, nhưng Chúa Giêsu đã rút lui trước hết là lên núi với Thiên Chúa Cha, rồi về làng Capharnaum. Khi không thấy Người, họ lên thuyền sang bờ hồ bên kia và sau cùng đã tìm thấy Người. Nhưng Chúa Giêsu biết rõ lý do của sự hăng hái ấy trong việc theo Người và Người nói rõ lên điều đó: các ngươi tìm Ta không phải vì đã trông thấy các dấu lạ gây "ấn tượng" cho con tim, nhưng bởi vì đã được ăn bánh no nê”. Đức Thánh Cha giải thích ý tưởng của Chúa Giêsu như sau:

Chúa Giêsu muốn giúp người ta đi xa hơn việc thỏa mãn tức khắc các nhu cầu vật chất, dù chúng quan trọng. Người muốn mở ra một chân trời của sự hiện hữu, không phải chỉ đơn thuần là chân trời của các lo lắng thường ngày cho việc ăn, mặc và chức tước. Chúa Giêsu nói tới một lương thực không hư nát, quan trọng, cần phải tìm kiếm và tiếp nhận. Người khẳng định: ”Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ngươi” (Ga 6,27).

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Đám đông không hiểu, họ tin rằng Chúa Giêsu đòi họ tuân giữ các điều luật để có thể tiếp tục có phép lạ, nên hỏi Người: ”Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” (c. 28). Câu trả lời của Chúa Giêsu rõ ràng: ”Việc Thiên Chúa muốn cho các ngươi làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (c.29). Trung tâm cuộc sống, điều trao ban ý nghĩa và hy vọng vững vàng cho con đường thường khó khăn của cuộc sống là niềm tin nơi Đức Giêsu, là việc gặp gỡ Chúa Kitô. Cả chúng ta nữa chúng ta cũng hỏi: ”Chúng con phải làm gì để có sự sống đời đời?” Và Chúa Giêsu nói: ”Hãy tin vào Ta”. Đức tin là điều nền tảng. Ở đây không phải là theo một ý tưởng, một dự án, mà là gặp gỡ Chúa Giêsu như một Người sống động, để cho mình hoàn toàn bị Người và Tin Mừng của Người lôi cuốn. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta không đừng lại ở chân trời thuần túy nhân loại, nhưng mở rộng cho chân trời của Thiên Chúa, chân trời của niềm tin. Người chỉ đòi hỏi một công việc duy nhất: tiếp nhận chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là ”tin nơi Đấng Thiên Chúa đã sai đến” (c. 29). Ông Môshê đã cho dân Israel bánh manna, bánh từ trời, qua đó chính Thiên Chúa đã nuôi dân Người. Đức Thánh Cha minh xác điểm mày như sau:

Chúa Giêsu không cho đi cái gì, nhưng cho đi chính Người: chính Người là bánh thật, từ trời xuống”, chính Người là Lời hằng sống của Thiên Chúa Cha. Khi gặp gỡ Người là chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống.

”Chúng tôi phải làm gì để thực hiện các công việc của Thiên Chúa? (c. 28) dận chúng hỏi và sẵn sàng hành động, để cho phép lạ hóa bánh ra nhiều tiếp tục. Nhưng Chúa Giêsu, bánh thật của sự sống thỏa mãn cái đói ý nghĩa, đói sự thật của chúng ta, mà không thể ”có được” với việc làm của con người, chỉ đến với chúng ta như là ơn tình yêu thương của Thiên Chúa, như là công việc của Thiên Chúa, cần cầu xin và tiếp nhận.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: ”Các bạn thân mến, trong các ngày đầy bận rộn và vấn đề, cũng như trong các ngày nghỉ ngơi giản xã này, Chúa mời gọi chúng ta đừng quên rằng: nếu cần phải lo lắng cho bánh vật chất và củng cố sức lực, thì lại càng nền tảng hơn làm cho tương quan của chúng ta với Người gia tăng, củng cố đức tin của chúng ta nơi Đấng là ”bánh sự sống”, Đấng làm tràn đầy ước mong chân lý và tình yêu của chúng ta. Xin Đức Trinh Nữ Maria, mà hôm nay chúng ta kính nhớ lễ thánh hiến Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Roma, nâng đỡ chúng ta trên con đường lòng tin.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyển Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người,

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

Trong tiếng Pháp ngài xin Mẹ Maria giúp tín hữu biết tiếp nhận ơn thánh của Thiên Chúa, và để cho mình được biến đổi, như các Tông Đồ trong ngày Hiển Dung đươc biến đổi bởi gương mặt rạng ngời của Chúa Kitô phục sinh.

Trong tiếng Đức Đức Thánh Cha đã đăc biệt chào các trẻ em giúp lễ của giáo phận Augsburg, nam Đức. Ngài nhắn nhủ tín hữu tín thác nơi Chúa Giêsu, trở thành một cộng đoàn với Chúa Kitô, rồi giãi tỏa ánh sáng tình yêu của Chúa cho tha nhân.

Trong tiếng Ba Lan Đức Thánh Cha cầu mong các tín hữu, trong lúc kính viếng các nhà thờ nhà nguyện, biết dừng lại thờ lậy và chúc tụng Chúa Kitô là bánh hằng sống trao ban ý nghĩa cho cuộc đời con người.

Bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha đã chào các nhóm giáo xứ, gia đình và người trẻ, đặc biệt là nhóm hướng đạo sinh giáo xứ Đức Maria rất thánh hằng cứu giúp tỉnh Palermo, trên đảo Sicilia, nam Italia. Ngài chúc tất cả một ngày Chúa Nhật và một tuần tuơi vui.

Linh Tiến Khải

TỔ CHỨC UNICEF TRỢ GIÚP 185 NGÀN TRẺ EM SYRIA

TỔ CHỨC UNICEF TRỢ GIÚP 185 NGÀN TRẺ EM SYRIA

ROMA: Mặc dù chiến tranh leo thang tại Syria tổ chức Nhi Đồng Thế giới viết tắt là UNICEF vẫn tiếp tục trợ giúp 185 ngàn trẻ em trong các trại tiếp cư Jordan, Lebanon, Thổ Nhỉ Kỳ và Irak.

Trong thông cáo công bố ngày 3 tháng 8-2012 tổ chức UNICEF cho biết từ tháng hai năm nay đã cùng với các tổ chức nhân đạo khác trợ giúp 250 ngàn người dân Syria tị nạn, trong đó có 185 ngàn trẻ em và người trẻ.

Chỉ nội trong tháng 7 vừa qua UNICEF và các tổ chức bảo vệ trẻ em đã gửi đồ cứu trợ tới 94 ngàn người tị nạn, trong đó có 90% là trẻ em. Đã có 27 ngàn trẻ em được học hành hay theo các lớp bổ túc cũng như được trợ giúp tâm lý với các sinh hoạt xã hội và giải trí. Ngoài ra có 63 ngàn người tị nạn được trợ giúp mọi vật dụng cần thiết như lương thực, thuốc men, vệ sinh, chăn mền, dụng cụ nấu nướng vv… Ông Giacomo Guerra, giám đốc UNICEF phân bộ Italia kêu gọi mọi người tiếp tay với tổ chức để trợ giúp con số các trẻ em Syria tị nạn ngày càng đông (SD 3-8-2012).

Linh Tiến Khải

CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ TIẾP TỰC PHẢN ĐỐI LUẬT SỨC KHỎE CỦA CHÍNH QUYỀN

CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ TIẾP TỰC PHẢN ĐỐI LUẬT SỨC KHỎE CỦA CHÍNH QUYỀN

WASHINGTON: Các Giám Mục Hoa Kỳ tiếp tục phản đối luật mới về sức khỏe của chính quyền Mỹ, bắt đầu có hiệu lực từ ngày mùng 1 tháng 8-2012, đòi buộc các cơ quan cho việc phải cung cấp cả thuốc phá thai và các cuộc giải phẫu làm tuyệt đường sinh sản cho các nhân viên của mình.

Trong vòng một năm các cơ cấu và tổ chức tôn giáo không bị bó buôc phải thi hành luật này, để có giờ tìm ra một sự trung gian thích hợp.

Theo chính quyền đây là chính sách tạo thuận lợi cho các nữ nhân viên được săn sóc và phòng ngừa trong lãnh vực sức khỏe, nhưng thực ra theo các Giám Mục công giáo, nó khiến cho người ta phá thai và làm tuyệt đường sinh sản một cách dễ dàng hơn.

Đức Cha Timothy Michael Dolan, Tổng Giám Mục New York, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã ra thông cáo nhấn mạnh rằng ”chính quyền đang nói rằng chúng ta có một năm để tìm ra cách thức vi phạm lương tâm của mình”.

Luật y tế mới của chính quyền Hoa Kỳ đã gây ra rất nhiều tranh luận trong thời gian qua. Giám đốc tổ chức ”Lý do lương tâm”, một tổ chức phi chính phủ tranh đấu cho việc tôn trọng tự do tôn giáo, tuyên bố rằng: ”Nhiều người cho việc đứng trước một sự lựa chọn không thể tưởng tượng nổi: hoặc là từ chối các xác tín luân lý và tôn giáo của mình, hay là trả số tiền phạt rất lớn”. Còn ông Matt Smith, chủ tịch Trạng sư đoàn công giáo, một tổ chức khuyến khích tín hữu công giáo trung thánh với giáo huấn của Giáo Hội, qua dấn thân xã hội và chính trị, thì nói: ”Ngày mùng 1 tháng 8 sẽ được ghi nhớ như ngày, trong đó sự tự do qúy báu nhất của chúng ta là tự do tôn giáo, đã bị vứt bỏ. Chính quyền sẽ không bao giờ có thể sửa chữa lại các vấn đề lương tâm họ đã tạo ra cho người dân cho tới khi nào chấm dứt các luật lệ đó”.

Trong số các cơ cấu bị liên lụy cũng có các đại học, vì các chương trình bảo hiểm liên quan tới các sinh viên. Vài đại học như Đại học Đức Bà và Đại học công giáo Hoa Kỳ đang tìm cách sử dụng các phương tiện pháp lý chống lại quyết định này của chính quyền Mỹ.

Trong các ngày vừa qua một tòa án trong tiểu bang Colorado đã thiết định rằng một hãng xưởng do một gia đình điều hành, trong trường hợp liên quan tới các xác tín công giáo, thì không thể bị bắt buộc vi phạm các xác tín luân lý và tôn giáo của họ liên quan tới các chương trình bảo hiểm tư cho các nhân viên của mình. Chính hãng Hercules Industries đã kiện ra tòa chống lại các chỉ thị mới của chính quyền Mỹ.

Ông Andy Newland, phó giám đốc hãng Hercules Industries nói rằng ”các luật nới của chính quyền xem ra ”trái nghịch với ý tưởng về một nước Hoa Kỳ như là quốc gia được tạo dựng cho tự do tôn giáo” (SD 1-8-2012)

Linh Tiến Khải

ĐỨC THÁNH CHA KHÍCH LỆ CÁC VỊ LÃNH ĐẠO TÔN GIÁO DẤN THÂN CHO HÒA BÌNH

ĐỨC THÁNH CHA KHÍCH LỆ CÁC VỊ LÃNH ĐẠO TÔN GIÁO DẤN THÂN CHO HÒA BÌNH

VATICAN: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khích lệ các vị lãnh đạo tôn giáo dấn thân cho hòa bình, vì nó rất quan trọng trong xã hội ngày nay.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời khích lệ trên trong sứ điệp, do Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký, gửi Đức Tăng thống Kojun Handa, nhân kỷ niệm 25 năm cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện tại Hieizan, trên núi Hiei gần thành phố Kyoto bên Nhật Bản, nơi có một tu viện Phật giáo Tendai. Sứ điệp đã được tuyên đọc bởi Đức Tổng Giám Mục Pier Luigi Celata, nguyên Tổng thư ký Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, hiện đang viếng thăm Nhật Bản.

Đức Thánh Cha gửi lời chào mừng tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo hiện diện tại Hieizan trong tinh thần cuộc gặp gỡ lịch sử do Đức chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II triệu tập tại Assisi năm 1986. Ngài viết: Nhờ qúy vị cuộc họp thượng đỉnh tại núi Hiei đã trở thành một biến cố lớn hàng năm góp phần hữu hiệu vào cuộc đối thoại giữa các người có các xác tín khác nhau.

Đức Thánh Cha tin tưởng rằng các công việc của các vị lãnh đạo tôn giáo và hội nghị triệu tập để nghiên cứu các câu trả lời cho các tai ương thiên nhiên sẽ đem lại một tình liên đới lớn hơn và sự trợ giúp lẫn nhau. Theo viễn tượng kitô, tình yêu trao ban cho những người đau khổ là một phản ánh lòng bác ái của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương thế gian tới nỗi gửi Con Một mình là Đức Giêsu Kitô đến trần gian. Tiếp đến Đức Thánh Cha đã nhắc tới trận động đất sóng thần Tsunami hồi năm 2011 đã gây ra biết bao nhiêu tàn phá trong miền đông bắc Nhật Bản. Nhưng thật là khích lệ khi thấy vai trò hữu hiệu của các vị lãnh đạo tôn giáo trong việc cống hiến niềm hy vọng và yểm trợ, cố vấn và ủi an cho tất cả những người khổ đau. Tuy nhiên tai ương này cũng cho thấy các người có các xác tín khác nhau có thể cộng tác với nhau cho thiện ích của nhân loại (RG 3-8-2012)

Linh Tiến Khải

GIÁO DỤC CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH CHO NGƯỜI TRẺ KITÔ VÀ HỒI GIÁO

GIÁO DỤC CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH CHO NGƯỜI TRẺ KITÔ VÀ HỒI GIÁO

VATICAN: Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, đã gửi sứ điệp chia vui với các tín hữu Hồi nhân kết thúc tháng chay tịnh Ramadan. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục công lý và hòa bình cho người trẻ Kitô và Hồi giáo.

Đức Hồng Y chia vui với anh chị em hồi giáo về thời gian chay tịnh, thực thi các việc đạo đức, và đào sâu thái độ vâng phục Thiên Chúa. Đức Hồng Y xác tín rằng nhiệm vụ giáo dục được trao phó cho toàn xã hội, nhưng trước hết và một cách đặc biệt là cho các bậc cha mẹ, và cùng với họ là các gia đình, học đường và các đại học, cũng như các giới hữu trách của cuộc sống tôn giáo, văn hóa, xã hội kinh tế và thế giới truyền thông. Giáo dục trẻ em và người trẻ là giúp chúng khám phá ra và phát triển các khả năng mà Thiên Chúa Tạo Hóa đã giao cho chúng để thiết lập các tương quan trách nhiệm giữa con người với nhau, Đó là một sứ mệnh cao đẹp, nhưng cũng khó khăn. Chính vì thế cần có các người giáo dục biết sống và làm chứng cho các giá trị ấy một cách xác tín… Công lý được xác định trước hết bởi căn tính của bản vị con người trong sự toàn vẹn của nó. Thiện ích chung chỉ có thể có được trong tình liên đới và yêu thương huynh đệ. Đối với các tín hữu, công lý đích thật được sống trong tình bạn với Thiên Chúa giúp con người đào sâu các tương quan với chính mình, với tha nhân và toàn thụ tạo. Họ tuyên xưng rằng công lý bắt nguồn từ sự kiện tất cả mọi người đều đã được Thiên Chúa tạo dựng nên và được mời gọi làm thành một đại gia đình duy nhất. Một quan niệm như thế tôn trọng lý trí, rộng mở cho siêu việt và cho phép phối hợp các quyền và các bổn phận một cách hài hòa…

Trong một thế giới nhiều biến động như thế giới ngày nay, việc giáo dục người trẻ sống hòa bình là điều cấp thiết nhất. Để có thể dấn thân một cách thích hợp, phải hiểu rằng hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh, cũng không phải là thế quân bình giữa các lực lượng đối nghịch, mà là một ơn của Thiên Chúa, đồng thời là nỗ lực của con người cần không ngừng xây dựng. Đức Hồng Y Tauran cầu mong giới trẻ kitô và hồi giáo đọc sứ điệp này và luôn vun trồng chân lý và sự tự do, để là những người loan báo công lý, hòa bình và xây dựng nền văn hóa tôn trọng các quyền và phẩm giá của tất cả mọi người (RG 3-8-2012)

Linh Tiến Khải

ĂN ĐỂ SỐNG…ĐỜI ĐỜI

ĂN ĐỂ SỐNG…ĐỜI ĐỜI

Suy niệm Tin Mừng CN 18 TN B Ga 6, 24-35

 Người không tin vào quyền năng Thiên Chúa, không hiểu biết về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa vẫn thường nhìn người theo đạo Công Giáo với cái nhìn rất con người: theo đạo gạo, theo đạo vợ, theo đạo thời cơ, theo đạo trợ cấp, thậm chí theo đạo để được chôn cất đàng hoàng.

Họ không hiểu rằng Đức Tin vào Thiên Chúa là một ơn huệ nhưng không, và tuyệt đối, Đức Tin càng không phải là sáng kiến, hay thành quả của lý trí, của trình độ, của trí thức, của học vị. Họ đang “suy bụng ta ra bụng người” chăng? Vì giả sử theo đạo mà được Chúa ban cho quyền bính, cho chức vụ, cho lương bỗng, cho gạo cho tiền, thì hết thảy họ cũng đã bỏ mọi thứ mà theo Đạo của Chúa cả rồi. Họ lầm tưởng  người công giáo cũng giống như họ là bảo vệ, tôn vinh, sùng kính một đảng phái, một chế độ, một lãnh tụ thế gian vì sợ mất chén cơm, một chỗ đứng, một chỗ ở, một bống lộc để sinh tồn sao?

Hai ngàn năm sau Thiên Chúa Giáng Sinh rồi, mà con người ta vẫn còn chưa nhận ra chân giá trị vĩnh cửu của Con Thiên Chúa làm người. Và cũng chưa nhận ra giá trị tạm thời của của cải vật chất chóng vánh. Họ nghĩ mình chỉ có một sự sống và một lần sống là sự sống ở đời này mà thôi và không thể chấp nhận có một sự sống đời sau trong Thiên Chúa. Bởi thế, ai cũng quá chú trọng đến cái ăn phần xác, tranh thủ hưởng thụ ở đời này, tranh thủ quyền lợi thế gian, và nhất là sống cho thỏa mãn cái phần xác kẻo chết đi mà tiếc nuối.

Cụ thể nhất là trường phái Lôkayata, trường phái triết học duy vật và vô thần triệt để nhất ở Ấn Độ cổ phủ nhận kiếp trước, kiếp sau và đề cao cuộc sống con người nơi trần thế. Họ tuyên bố: “Hãy để cho những kẻ ngu ngốc ngồi nhấm nháp hương vị của kiếp trước, kiếp sau, của thiên đường, địa ngục…còn chúng ta những người duy vật thì chỉ có một cuộc đời thực trên trần thế này, đời người chỉ sống có một lần, nên con người cần phải tận hưởng cuộc sống nơi trần thế, không có gì phải kiêng cữ, kẻo mai sau chết đi lại luyến tiếc không được tận hưởng hương vị cuộc đời”.  (theo TS.Trần Hồng Lưu).

Chuyện ngày xưa là như vậy. Ấn Độ thưở xưa là như vậy. Thế mà ngày nay ở Việt Nam cũng như vậy. Ngày xưa “ăn no mặc ấm”, ngày nay “ăn ngon mặc đẹp”. Và hơn thế nữa, chăm sóc sức khỏe thể lý cho mình đang trở nên cao trào khi điều kiện kinh tế vật chất có phần nào khấm khá hơn trước. Bởi vậy mới có đủ loại quảng cáo rằng: “Cần ăn gì để sống khỏe?” “Cần ăn gì trong khi mang thai?” “Cần ăn gì để trường thọ?” Thậm chí còn có cả cao trào không chỉ sống khỏe mà còn phải đẹp đẽ, sung mãn, cường tráng, nên lại có các loại tiếp thị không cần trơn mắt cũng thấy: “Ăn gì đẹp da?”? “Cần ăn gì để có sức yêu”….  “Ăn gì sung độ, cường tráng, dẻo dai”.

Có cả trăm ngàn loại thuốc thực phẩm chức năng giúp con người ta hôm nay phòng chống chữa bệnh và kiện toàn sinh lực. Cùng với trăm ngàn loại thuốc, trăm ngàn cách thẩm mỹ khác làm cho con người ta đẹp ra, trẻ ra, sống lâu, trường thọ. Hẳn là, thỉnh thoảng lại thấy trong hộp mail của bạn, của tôi bản tin rằng người Trung Quốc ăn cả thai nhi con người, mà người ta gọi là “hàng nàm cao cấp”, để không chỉ khỏe mà còn cường tráng lâu bền trong các sinh hoạt tình dục.

Quả thật, cái ăn nó quan trọng dường nào cho sự sinh tồn của mỗi con người trên trần gian.

“Sống không để ăn, nhưng ăn để sống”. Con người đang khai thác triệt để ý nghĩa này cho cuộc sinh tồn của chính mình. Và cuối cùng là  không phải “ăn để mà sống” nhưng là “Ăn, kẻo chết không ăn được”.

Tôi chợt nhớ câu chuyện: “Có một quán phở kia mới khai trương. Dưới bảng hiệu, có kèm theo câu quảng cáo ý nghĩa: “Nếu bạn không sống để ăn, thì hãy ăn cho tôi và người khác được sống”.

Chưa nói đến cái ăn của Kitô Hữu Công Giáo, thì cái “Ăn cho người khác sống”, thiêt tưởng cũng đã vượt lên cái bình thường và mang một ý nghĩa đẹp.

Cha mẹ phải cố gắng ăn và khỏe để lo cho con cái. Con cái phải cố gắng ăn để khỏe vì khỏe là niềm vui của cha mẹ, là đỡ cho cha mẹ một nỗi lo. Con cái phải giữ gìn sức khỏe, phải biết bảo trọng, để cha mẹ được yên lòng. Người bạn đời phải cố gắng tối đa để khỏe, thêm niềm vui, thêm hạnh phúc cho gia đình, bớt nỗi sầu bệnh hoạn, bớt tốn kém tiền bạc, bớt mất ngủ hầu quạt hầu ru.

Cách “ăn để người khác sống” – sống ở đời này, cũng là một nét văn hóa đẹp, mang đậm nét văn hóa Kitô Giáo: Ăn vì lòng Bác Ái.

Nhưng điều thiết yếu hơn cả  vẫn là sứ điệp Tin Mừng hôm nay hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”

“Của ăn tồn tại muôn đời” là chính Thịt Máu Chúa Giêsu ban cho những kẻ TIN. TIN là công việc tiên khởi và quyết định cho việc ăn chính Thịt Máu Chúa Giêsu để có sự sống đời đời.

Trong khi thiên hạ tìm kiếm cái ăn hay hư nát cho thỏa mãn cuộc sống hay hư nát ở phàm trần, thì người Công Giáo lại đi tìm cái ăn cho được sự sống đời đời. Tưởng như là dở hơi hay ngu ngốc, nhưng thật ra, các Kitô Hữu Công Giáo đang tìm cho mình một cuộc sống chắc chắn nhất, lâu bền mất, mà chỉ có Đức Tin Công Giáo mới có thể thấu hiểu.

Mỗi người chúng ta nhìn lại, ngày ấy, trong Bí Tích Rửa tội mà chúng ta đã lãnh nhận, và cũng như mới đây, những Tạ Phong Tần, Mary Huỳnh Thục Vy, Maria Nguyễn Hoàng Vi và Mônica Trịnh Kim Tiến lãnh nhận, người được rửa tội được hỏi: “Con đến xin gì cùng Hội Thánh”. Người lãnh nhận Bí Tích Rửa tội thưa: “Thưa con xin Đức Tin”. “Đức tin mang lại điều gì cho con?” “Thưa Đức Tin mang lại cho con sự sống đời đời”.

Chính vì “Sự Sống Đời Đời”, mà người ta theo Đạo Chúa. Nghĩa là, người ta TIN Chúa có thể ban cho họ sự sống đời đời sau sự sống này.

Đức tin ấy được củng cố kiên cố nhờ yêu mến và ước ao rước lấy Mình Máu Chúa Giêsu, mà chính Ngài xác nhận: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.

Đức tin ấy trở thành “sự sống đời đời” cho mỗi tín hữu, khi xác tín rằng trong con người hay hư nát, có con người không hề hư nát, có cuộc sống phục sinh.

Và nhờ Đức Tin ấy, các Kitô Hữu Công Giáo sẽ không ngại hy sinh gian khó, không ngại áp bức hay tù đày, không ngại cùm gông hay xiềng xích để làm chứng cho thiên hạ rằng: Có Một Cuộc Sống Đời Sau, và muốn chiếm hữu cuộc sống ấy thì hãy sám hối ngay, hãy cải tà qui chánh, hãy tôn trọng sự sống con người, hãy sống theo sự thật, công lý, nhân ái, bình an….

Họ đã và đang sống nhờ sức sống của Thánh Thể Chúa Giêsu Kitô. Họ sống sự sống đời đời trong thân xác hay hư nát.

 Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con yêu mến Thánh Thể Chúa hơn muôn ngàn thực tại trần gian. Và nhờ Thánh Thể Chúa, xin cho chúng con đủ sức chiến đấu cho cuộc chiến chính nghĩa của Thiên Chúa trên trái đất nầy, nơi quê hương trần gian này. A men

 PM. Cao Huy Hoàng, 2-8-2012

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ( 30 tháng 07 đến 05 tháng 08 -2012)

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ( 30 tháng 07 đến 05 tháng 08 -2012)

Trích từ Xuân Bích VN

Đức Thánh Cha gặp các Hồng Y trong việc điều tra vụ Vatileaks.

-Nước Mỹ bên bờ vực đối đầu về tự do tôn giáo.

Các Giám Mục Malta nói thẳng chống lại Thụ tinh ống nghiệm (nhân tạo)

Hội thảo về Giáo dục Giới Trẻ trong Công Lý và Hoà Bình.

Đức Thánh Cha tôn phong Vị Thánh Người Mỹ bản xứ đầu tiên.

TGM Slovenia đã có hai đứa con.

Bổ nhiệm mới:

-Có nên xác định là Kitô hữu hay tín hữu Công giáo?

-Liên Hoan Giới Trẻ Công Giáo Úc lần đầu.

Tân TT Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin : Thuyết tương đối dẫn tới “không chấp nhận Thiên Chúa”

Sử gia nói những vụ bê bối huỷ hoại chứng từ Công giáo ở Hoa Kỳ.

Đề nghị một viện trưởng lâm thời cho đại học “nổi loạn” Pêru.

Việt-Nam sẽ là quốc gia Châu Á đầu tiên cho phép hôn nhân đồng tính?

Caritas giúp dân Sri Lanka bị chuyển đi quay về nhà sau 6 năm.

Một phim tài liệu về cuộc đời ĐHY Lustiger.

Bách hại tôn giáo bắt đầu. Đích nhắm là các sinh viên cao đẳng.

Giáo sư Công giáo thúc giục các khách sạn xoá sách báo phim ảnh khiêu dâm.

Các giáo sĩ Úc làm giảm nhiệt tình chương trình đem các linh mục từ nước ngoài.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã hoàn thành tập 3 “Chúa Giêsu Thành  Nazaret”.

Khảo cổ liên quan đến Kinh Thánh.

  ( Xem tiếp . . .TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO 07-30 to 08-05-2012 )

CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ YÊU CẦU CHÍNH QUYỀN NHANH CHÓNG ĐOÀN TỤ CON CÁI CÁC NGƯỜI DI CƯ

CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ YÊU CẦU CHÍNH QUYỀN NHANH CHÓNG ĐOÀN TỤ CON CÁI CÁC NGƯỜI DI CƯ

WASHINGTON: Các Giám Mục Hoa Kỳ đã ủng hộ 130 tổ chức nhân quyền yêu cầu chính phủ Mỹ nhanh chóng cho phép các con cái của những người di cư được đoàn tụ với cha mẹ chúng.

Trong một thư gửi Quốc hội Hoa Kỳ đề ngày 23 tháng 7-2012 các Giám Mục khẳng định rằng luật trợ giúp các gia đình bị phân rẽ có vai trò quan trọng, vì bảo đảm cho các trẻ em bị chia lìa khỏi cha mẹ chúng có cơ may được đoàn tụ. Và các vị khích lệ chính quyền mau chóng áp dụng luật này để cho các gia đình di cư được đoàn tụ với nhau.

Cùng ký tên trong thư có 130 tổ chức tôn giáo và xã hội dân sự, ủng hộ luật đoàn tụ gia đình 2012. Tất cả đều khẳng định rằng đây là bước đầu tiên có ý nghĩa giúp thắng vượt nhiều hàng rào ngăn cản việc đoàn tụ gia đình các người di cư. Các thống kê cho thấy các hoạt động khiến cho luật di cư có hiệụ lực đang xé nát các gia đình, nhiều khi một cách vĩnh viễn. Các bản tường trình của phân bộ an ninh quốc gia cho biết trong sáu tháng đầu năm 2011 đã có 46.000 cha mẹ có con cái có quốc tịch Mỹ bị gạt ra khỏi Hoa Kỳ. Thêm vào đó có 5.100 trẻ em thường xuyên trong danh sách của hệ thống trợ giúp trẻ em, vì cha mẹ các em bị tù hay bị trục xuất. Các thủ tục tiến hành cho việc đoàn tụ thường gặp phiền toái vì không có các liên lạc giữa hệ thống trợ giúp trẻ em và hệ thống di cư. Vì thế khi Quốc hội ủng hộ luật trợ giúp các gia đình bị phân rẽ, là giúp bảo đảm rằng các chính sách di cư có hiệu lực không để cho các trẻ em bị tách rời khỏi cha mẹ và các thành phần khác trong gia đình một cách thường xuyên và không cần thiết (CNA 30-7-2012)

Linh Tiến Khải