CARITAS IRAN VÀ CARITAS QUỐC TẾ CỨU TRỢ CÁC NẠN NHÂN ĐỘNG ĐẤT

CARITAS IRAN VÀ CARITAS QUỐC TẾ CỨU TRỢ CÁC NẠN NHÂN ĐỘNG ĐẤT

TEHERAN: Cùng với sự trợ giúp của nhiều Caritas khác, Caritas Iran đang nỗ lực cứu trợ các nạn nhận động đất và gia đình họ, bằng cách gửi các phẩm vật cấp thiết nhất.

Trận động đất xảy ra ngày 11 tháng 8 vừa qua đã phá hủy 80% nhà cửa của các làng Ardebil, Meskhinshahr, Ahar, Varzeghan, khiến cho hàng trăm người chết và bị thương và vài ngàn gia đình không còn nhà ở. Tuy vùng động đất cách thủ đô Teheran 600 cây số, Caritas Iran đã lập tức tiếp xủc với các giới chức chính quyền địa phương để gửi các phẩm vật cứu trợ cấp thiết nhất như lương thực, chăn mền, thuốc men và các dụng cụ cần thiết cho cuộc sống thường ngày.

Chính quyền đã huy động các máy bay trực thăng và hàng chục xe cứu thương tới vùng động đất. Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng ngày 12 tháng 8-2012 ông Paolo Beccegato, đặc trách Caritas quốc tế, cho biết tình hình xem ra rất nghiêm trọng vì Tabriz lá một thành phố lớn đông đân, nên chắc chắn cần phải thiết lập nhiều trại tị nạn. Có 110 làng chung quanh bị thiệt hại, vài làng bị tàn phá bình địa vì nhà cửa xây cất đơn sơ. Số phụ nữ và trẻ em bị chết và bị thương rất nhiều. Tình hình càng nguy hiểm hơn vì đất tiếp tục rung và công tác cứu trợ sẽ phải kéo dài, nhất là khi mùa đông đến. Vì phải thường xuyên can thiệp, nên Caritas Iran đã có nhiều kinh nghiệm trợ giúp. Hồi năm 2003 trận động đất tại Bam đã khiến cho 30.000 người chết và hàng chục ngàn người phải tị nạn. Từ đó đến nay Caritas vẫn tiếp tục trợ giúp dân chúng và đã tái thiết 4 trường học tại Bam (RG 12-8-2012; SD 13-8-2012)

Linh Tiến Khải

HƠN 100 TỔ CHỨC KITÔ TÂY BAN NHA VÀ QUỐC TẾ BIỂU TÌNH CHỐNG PHÁ THAI

HƠN 100 TỔ CHỨC KITÔ TÂY BAN NHA VÀ QUỐC TẾ BIỂU TÌNH CHỐNG PHÁ THAI

MADRID: Vào ngày 7 tháng 10 tới đây hơn 100 tổ chức Tây Ban Nha và quốc tế sẽ tham dự ngày tuần hành quốc tế tại thủ đô Madrid và 60 thành phố Tây Ban Nha để yêu cầu chính quyền hủy bỏ luật phá thai và thay thế vào đó bằng luật ”phá thai Zero”.

Cuộc tuần hành có đề tài là ”Cho quyền sống, phá thai Zero” và sẽ trùng hợp với Ngày quốc tế chống án tử hình. Các phái đoàn quốc tế sẽ cùng tuần hành song song với các tổ chức bảo vệ sự sống khác trong 60 thành phố toàn nước Tây Ban Nha. Ông Gádor Joya, chủ tịch tổ chức ”Quyền sống” cho biết các phái đoàn bảo vệ sự sống đến từ các nước Âu châu, Hoa Kỳ, Châu Mỹ Latinh, Nga và Australia. Mọi phong trào đều xác tín rằng việc hủy bỏ luật phá thai là điều nòng cốt đối với quyền sống của con người là quyền đại đồng phải được tôn trọng trong tất cả mọi xã hội. Song song với việc đòi Quốc hội hủy bỏ luật phá thai tổ chức ”Quyền sống” Tây Ban Nha sẽ đệ trình danh sách 1 triệu chữ ký ủng hộ luật ”Phá thai Zero” như là luật mới bảo vệ quyền sống, thừa nhận và ủng hộ chức làm mẹ của nữ giới (ACI 10-8-2012)

Linh Tiến Khải

SỰ RỘNG MỞ CHO VẺ ĐẸP CỦA THIÊN CHÚA TRỞ THÀNH TÌNH YÊU ĐỐI VỚI THA NHÂN

SỰ RỘNG MỞ CHO VẺ ĐẸP CỦA THIÊN CHÚA TRỞ THÀNH TÌNH YÊU ĐỐI VỚI THA NHÂN

CASTEL GANDOLFO: Chiều ngày 11 tháng 8-2012 nhân kỷ niệm 90 năm hoạt động, Caritas giáo phận Regensburg đã tổ chức một buổi hòa nhạc trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo.

Ngỏ lời cám ơn ban nhạc Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khẳng định rằng việc rộng mở cho vẻ đẹp của Thiên Chúa giúp chúng ta rộng mở cho tình yêu đối với tha nhân. Đó đã là thái độ sống của thánh nữ Clara, là người đã nhận được ánh sáng của Thiên Chúa và đem nó vào trong thế giới. Đó cũng là thái độ của các nhạc sĩ dấn thân cho sự thiện và việc trợ giúp các người thiếu thốn, khởi hành từ kinh nghiệm về vẻ đep của âm nhạc dẫn đưa người nhạc sĩ tới với Sự Thiện là Thiên Chúa. Qua họ Thiên Chúa chảy vào thế giới, và giống như thánh nữ Clara, con người trở thành trong sáng phản ánh sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa.

Buổi hòa nhạc do Caritas Regensburg tổ chức có tựa đề ”Vinh danh Thiên Chúa và vì niềm vui của con người”. Các bản nhạc của Monteversi, Homilius Pachelbel và Beethoven đã do nhạc sĩ đại vĩ cầm Thomas Beckman trình tấu với sự phụ họa phong cầm của phu nhân là bà Hayoko Matsushita, và danh ca Yuko Kasahara cùng với ca đoàn Cantico Regensburg do bà Edeltraud Aple điều khiển. Nhạc sĩ Beckmann cũng là người sáng lập tổ chức trợ giúp các người vô gia cư.

Trong lời cám ơn Đức Thánh Cha nói các nhạc sĩ và ca đoàn đã cống hiến cho mọi người một liên khúc gồm các bài ca và bài nhạc diễn tả môi trường thiêng liêng, trong nội tâm con người rộng mở cho tất cả những gì là chân thiện mỹ. Và người ta hiểu tại sao nhạc lại thường đệm cho lời cầu nguyện làm vang lên các ý nghĩa và cảm xúc trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Rộng mở cho vẻ đẹp đến từ Đấng Tạo Hóa chiến thắng sự lạnh lẽo trong chúng ta và rộng mở con tim của chúng ta (RG 12-8-2012)

Linh Tiến Khải

TÒA THÁNH VÀ CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ HÃNH DIỆN VỀ CÁC ĐÓNG GÓP CỦA CÁC DÒNG NỮ HOA KỲ

TÒA THÁNH VÀ CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ HÃNH DIỆN VỀ CÁC ĐÓNG GÓP CỦA CÁC DÒNG NỮ HOA KỲ

SEATTLE: Tòa Thánh và các Giám Mục Mỹ rất hãnh diện về phần đóng góp lịch sử và liên tục của các nữ tu Hoa Kỳ qua các dấn thân xã hội, mục vụ, tinh thần, trợ giúp y tế và giáo dục công giáo, cũng như đến với người nghèo trong nhiều lãnh vực khác.

Đức Cha Peter Sartain, Tổng Giám Mục Seattle, đại điện Bộ Giáo Lý Đức Tin đối thoại với Liên hiệp các dòng nữ Hoa Kỳ, đã khẳng định như trên, sau khi Liên hiệp kết thúc đại hội thường niên tại Saint Louis hôm 11 tháng 8-2012.

Đức Cha Sartain nhấn mạnh rằng các nữ tu Hoa Kỳ đem lại các ơn duy nhất cho các dòng của mình nói riêng và cho Giáo Hội nói chung. Sự duy nhất ấy cũng bao gồm sự nhạy cảm đối với nỗi khổ đau và nghèo túng bên Châu Mỹ Latinh và trong các thành phố của Hoa Kỳ. Các nữ tu đã đem lại sự đóng góp lâu dài cho thiện ích của đất nước chúng ta và còn tiếp tục làm điều ấy ngày nay. Vì thế các chị đáng được chúng ta qúy trọng, ủng hộ, cám ơn và nhớ tới trong lời cầu nguyện. Đức Cha Sartain cam đoan sẽ làm việc với các nữ tu để giải quyết các vấn đề đã được bộ Giáo Lý Đức Tin nêu lên, trong bầu khí cầu nguyện và đối thoại tôn trọng. Cần phải làm việc với nhau để giải tỏa mọi hiểu lầm, mà không gây thiệt hại cho giáo huấn của Giáo Hội và vai trò quan trọng của Liên hiệp các dòng nữ Hoa Kỳ. Đức Cha nóng lòng chờ đợi tiếp tục các cuộc thảo luận để cộng tác thăng tiến đời thánh hiến tại Hoa Kỳ.

Trong thông cáo công bố sau đại hội triệu tập tại Saint Louis, đại biểu các dòng nữ cho biết đã thảo luận nhiều vấn đề trong đó có việc lượng định bản tường trình do Bộ Giáo Lý Đức Tin soạn. Ngoài ra các nữ tu cũng thảo luận về làn sóng di cư vào Hoa Kỳ hợp pháp và bất hợp pháp, sự hiện diện của các công nhân nước ngoài, và vấn đề đoàn tụ gia đình họ. Các nữ tu cũng khẳng định cần tiếp tục cuộc đối thoại thẳng thắn và xây dựng với các vị đại diện Bộ Giáo Lý Đức Tin liên quan tới các vấn đề tế nhị loại luân lý đạo đức, nhất là với Đức Tổng Giám Mục Peter Sartain. Các đại biểu cũng nêu bật tầm quan trọng của các giá trị nẩy sinh từ Công Đồng Chung Vaticăng II liên quan tới các lãnh vực thần học, giáo hội học và các hình thức của đời thánh hiến.

Trong bài phát biểu kết thúc đại hội, nữ tu Pat Farrell, Chủ tịch Liên hiệp các dòng nữ Hoa Kỳ, đã đề nghị 6 điều giúp đương đầu với các thách đố của thế giới ngày nay: đó là chiêm niệm, khả năng có một tiếng nói ngôn sứ, liên đới với người di cư, sống cộng đoàn, không bạo lực, và khả năng sống niềm hy vọng tươi vui.

Trong đại hội các nữ tu cũng kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ cải tổ hoàn toàn vấn đề di cư, thông qua luật đoàn tụ gia đình. Ngoài ra đại hội cũng nhắc tới tệ nạn buôn người và sự cần thiết phải loại trừ tệ nạn này (RG 12-8-2012)

Linh Tiến Khải
 

LẦN ĐẦU TIÊN THÁNH LỄ TRÊN NÚI TABOR ĐƯỢC TRỰC TIẾP TRUYỀN HÌNH

LẦN ĐẦU TIÊN THÁNH LỄ TRÊN NÚI TABOR ĐƯỢC TRỰC TIẾP TRUYỀN HÌNH

TABOR: Ngày mùng 6-8-2012 lễ Chúa Hiển Dung, thánh lễ do cha Pierbattista Pizzaballa, Bề trên tỉnh dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa chủ sự, đã được vài đài truyền công giáo trình chiếu trực tiếp lần đầu tiên trong lịch sử.

Giảng trong thánh lễ linh mục Zaher Abboud nói: lên núi Tabor có nghĩa là biết nhìn mọi lo lắng và thánh giá trong cuộc sống thường ngày với đôi con mắt của Thiên Chúa. Trong thánh lễ mọi người đã cầu nguyện cho tình hình khó khăn bên Siria. Sau thánh lễ tín hữu đã đi rước kiệu xuống núi. Chiều hôm trước đã có buổi canh thức cầu nguyện có sự tham dự của nhiều tín hữu đang hành hương bên Thánh Địa (SD 8-8-2012)

Linh Tiến Khải

GIÁO HỘI NHẬT BẢN CỬ HÀNH MƯỜI NGÀY CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH

GIÁO HỘI NHẬT BẢN CỬ HÀNH MƯỜI NGÀY CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH

OSAKA: Trong sứ điệp gửi tín hữu và nhân dân toàn nước nhân tuần cầu nguyện cho hòa bình, các Giám Mục Nhật Bản khẳng định rằng hòa bình là yêu thương và tôn trọng sự sống con người.

Hằng năm Giáo Hội Nhật Bản cử hành tuần cầu nguyện cho hòa bình từ mùng 6 đến 15 tháng 8. Nó đã bắt nguồn từ chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Gioan Phaolô II hồi năm 1981. Trong địp này từ Hiroshima và Nagasaki Đức Gioan Phaolô II đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình trên thế giới.

Từ đó đến nay hằng năm trong mười ngày tín hữu Nhật Bản cử hành tuần cầu nguyện cho hòa bình, tưởng niệm các nạn nhân chết vì bom nguyên tử tại hai thành phố Hiroshima và Nagasaki và ngày kết thúc đệ nhị thế chiến.

Sứ điệp mang chữ ký của Đức Cha Leo Ikenaga, Tổng Giám Mục Osaka, kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản, có đoạn viết: ”Con đường hòa bình không là gì khác hơn là con đường yêu thương và tôn trọng sự sống. Trận động đất lớn ngày 11 tháng 3-2011 và tai ương nguyên tử sau đó đã tàn phá đất nước. Tôi hy vọng rằng việc tái thiết các vùng bị nạn sớm được thực hiện. Sau tai ương xảy ra tại Fukushima, như là các Giám Mục, chúng tôi đã yêu cầu lập tức hủy bỏ các chương trình năng lượng hạt nhân. Các hậu qủa liên quan tới plutonium không hoạt động và lò nguyên tử bị nổ vẫn chưa được giải quyết, thế mà chính quyền lại đã quyết định tái khởi động trung tâm hạt nhân Oi. Chúng tôi tin rằng đây là một sai lầm lớn. Tuy nhiên, con đường dẫn đến hòa bình khác xa với các điều này. Một cách chính xác nó là con đường yêu thương và tôn trọng sự sống. Vì thế chúng ta cố gắng tái kêu gọi hủy bỏ các chương trình hạt nhận ngay tức khắc, và tạo dựng một xã hội, trong đó con người che chở sự sống và tìm kiếm hòa bình” (ASIANEWS 8-8-2010)

Linh Tiến Khải

HỘI ĐỒNG ĐẠI KẾT CÁC GIÁO HỘI KITÔ MYANMAR KÊU GỌI HÒA GIẢI VÀ HÒA BÌNH

HỘI ĐỒNG ĐẠI KẾT CÁC GIÁO HỘI KITÔ MYANMAR KÊU GỌI HÒA GIẢI VÀ HÒA BÌNH

YANGOON: Trong đại hội triệu tập tại thủ đô Yangoon ngày 9-8-2012 Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô Myanmar đã mạnh mẽ kêu gọi hòa giải và hòa bình trong nước.


Đại hội có đề tài là ”Hòa bình, an ninh và hòa giải tại Myanmar” và được bảo trợ bởi Ủy ban ngoại vụ của Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, Hiệp Hội Kitô Á châu và Hội đồng các giáo hội Myanmar. Tham dự đại hội có giới lãnh đạo các tôn giáo Myanmar và bà San Suu Kyi, giải Nobel Hòa Bình 1991.


Ngỏ lời trong đại hội bà San Suu Kyi khẳng định rằng việc chấp nhận sâu thẳm tha nhân và ý chí rộng mở cho sự hiệp nhất trong đa dạng để bảo vệ các giá trị của hòa giải, hòa bình và an ninh trong mỗi xã hội và cộng đoàn, là điều không thể thiếu. Cần phải vượt qua các ranh giới của thù hận và ghen tương. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể nghĩ tới hòa giải và hòa bình. Một khi đạt được hòa giải thì sẽ có hòa bình và an ninh sẽ được bảo đảm. Một xã hội không đạt được hòa giải sẽ không có hòa bình.


Trong đại hội các tham dự viên đã nhấn mạnh nhiều lần sự cần thiết phải phát triển các chiến thuật mới để xây dựng hòa bình tại Myanmar bằng cách tránh các thù hận và báo oán. Bà San Suu Kyi nói để có một xã hội công bằng hơn cần phải loại trừ hận thù và báo oán. Hận thù là cảm xúc nguy hiểm nhất của con người. Những người không tin tưởng nơi chính mình. thì tìm khuyết điểm nơi ngươi khác và sống thù hận. Nhưng như thế là họ tàn phá hòa bình và hòa hợp trong cộng đoàn và trong quốc gia. Vì vậy chúng ta phải vượt các ranh giới của thù ghét và ghen tương (Os. Rom SD 9-8-2012)


Linh Tiến Khải

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC PHILIPPINES TRỢ GIÚP CÁC NẠN NHÂN BÃO LỤT

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC PHILIPPINES TRỢ GIÚP CÁC NẠN NHÂN BÃO LỤT

MANILA: Qua Ủy ban Công Lý Hòa Bình và phát triển xã hội các Giám Mục Philippines đã đóng góp 850.000 pesos, tương đương với 16.000 Euro, để cứu trợ các nạn nhân bão lụt ”Gener” ập trên thủ đô Manila và nhiều vùng khác hồi cuối tháng 7 vừa qua.


Trận bão lụt đã khiến cho hàng chục người bị chết, nhiều người mất tích và hàng ngàn người phải bỏ nhà cửa lánh nạn. Linh Mục Edu Gatinguez, thư ký ủy ban Công Lý và Hòa Bình, cho biết 250.000 pesos được gửi tới cho tổng giáo phận San Fernando, 100.000 cho giáo phận Antipolo, 150.000 cho giáo phận Iba, 100.000 cho giáo phận Alaminos và 100.000 cho giáo phận San Pablo. Số tiền này được trích từ qũy quyên góp Mùa Chay hằng năm, do Caritas địa phương phát động. Nhưng cần có thêm nhiều ngân khoản khác nữa, vì thế Đức Cha Broderick Pabillo, Chủ tịch Ủy ban Công Lý Hòa Bình và phát triển xã hội, đã kêu gọi các Giám Mục toàn nước trợ giúp thêm, bởi vì trận bão Gener chỉ là trận bão thứ bẩy trong số hai mươi trận bão, mà các chuyên viên khí quyển cho biết sẽ đổ ập trên Philipines (SD 10-8-2012)


Linh Tiến Khải

ĐỨC GIÁM MỤC VÀ 130 LINH MỤC ZAMBIA YÊU CẦU CHÍNH QUYỀN THU HỒI LỆNH TRỤC XUẤT LINH MỤC VIATEUR, NGƯỜI RWANDA

ĐỨC GIÁM MỤC VÀ 130 LINH MỤC ZAMBIA YÊU CẦU CHÍNH QUYỀN THU HỒI LỆNH TRỤC XUẤT LINH MỤC VIATEUR, NGƯỜI RWANDA

LUSAKA: Đức Cha George Cosmas Zumaire Lungu, Giám Mục Chipata và 130 Linh Mục Zambia đã mạnh mẽ phản đối chính quyền nước này bắt giữ và trục xuất Linh Mục Viateur Banyangandora, gốc Rwanda, mà không có lý do chính đáng và không cho biết tin tức gì của cha.

Trong một thư mục vụ gửi giáo dân được đọc trong toàn giáo phận Chipata Chúa Nhật 12 tháng 8-2012, Đức Cha Lungu gọi việc bắt cha Viateur ngày 30 tháng 7 vừa qua là một vụ bắt cóc. Đức Cha cho biết cha Viateur đã gọi điện thoại báo cho Đức Cha biết ngài bị cảnh sát bắt nhưng không biết vì tội gì. Đức Cha đã đến và chỉ có thể gặp cha trong chốc lát. Sau đó cha Viateur đã bị dẫn về Lusaka mà không được liên lạc với ai. Trong khi đó Đức Cha Lungu đã tìm mọi cách để có tin tức của cha mà không được. Chỉ vào ngày mùng 2-8-2012 Đức Cha mới nghe tin cha Viateur bị trục xuất về Rwanda.

Cha Viateur đã là một thanh niên ti nạn Rwanda, nhưng được chịu chức linh mục trong giáo phận Chipata năm 2004 và là người rất tốt lành. Theo Đức Cha Lungu, cha Viateur đã bị nhà nước Zambia trục xuất chỉ vì trong một bài giảng thánh lễ Chúa Nhật trước đó cha đã than phiền về giá bông gòn qúa thấp khiến cho cuộc sống của người dân thêm khốn khổ, nhưng đã không hề chỉ trích chính quyền.

Trong một thông cáo công bố sau đại hội linh mục toàn quốc kết thúc hôm mùng 9 tháng 8-2012 130 linh mục giáo phận đã yêu cầu chính quyền Zambia thu hồi lệnh trục xuất cha Viateur.

Thông cáo có đoạn viết: ”Nhiều người trong chúng tôi đã học, sống, và làm việc chung với cha Viateur. Cha là một linh mục rất tốt lành, trọn vẹn và là con người của hòa binh”. Các Linh Mục đã không hài lòng về các lời giải thích mơ hồ của chính quyền Zambia. Vì thế các vị xin chính quyền Lusaka giải thích một cách rõ ràng các lý do trục xuất. Ngoài ra các vị cũng yêu cầu chính quyền cộng tác với Giáo Hội và can đảm đương đầu với các vấn đề đích thật của đất nước gắn liền với cuộc sống của dân nghèo như giá bắp và bông gòn qúa thấp, khiến cho các nông dân không sống nổi.

130 linh mục cũng xin tín hữu giáo phận Chipata hòa hoãn bình tĩnh và cầu nguyện trong các ngày này trong khi chờ đợi cha Viateur có thể trở lại với họ (FIDES 7.9-8-2012)

Linh Tiến Khải

ĐẠI CHỦNG VIỆN THẦN HỌC THÁNH PHAOLÔ KHARTUM RỜI VỀ JUBA

ĐẠI CHỦNG VIỆN THẦN HỌC THÁNH PHAOLÔ KHARTUM RỜI VỀ JUBA

JUBA: Đức Cha Paolino Lukudu Loro, Tổng Giám Mục Juba Nam Sudan, cho biết Tòa Thánh đã cho phép rời đại chủng viện thần học Khartum về Munuki Juba thuộc nước Nam Sudan.


Đức Cha Lukudu đặc trách các đại chủng viện của Hội Đồng Giám Mục Bắc và Nam Sudan. Trong các tuần qua Đức Cha Lukudu Loro đã cùng với Đức Hồng Y Gabriel Zubeir Wako, Tổng Giám Mục Khartum, và Đức Cha Erkolano Lodu Tombe đã về Roma tiếp xúc với Tòa Thánh để thu xếp việc rời đại chủng viện thần học Khartum về Juba.


Đại chủng viện triết học tạm đóng cửa hai năm. Vì thế các Giám Mục phải lo liệu cho các chủng sinh của mình. Vào đầu năm nay Tòa Thánh đã cử Đức Cha Kihara Kariuki, Giám Mục Marsabit bên Kenya sang Sudan để theo dõi tình hình các đại chủng viện Juba và Khartum. Đại chủng viện thánh Phaolô trở lại chỗ cũ là Munuki trong giáo phận Juba. Đại chủng viện đã bị rời về Khartum trong thập niên 1980 vì cuộc nội chiến (FIDES 10-8-2012)

Linh Tiến Khải

Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống làm no thỏa cái đói tinh thần con người

Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống làm no thỏa cái đói tinh thần con người

Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống, là Lời của Thiên Chúa nhập thể làm người làm no thỏa cái đói khát của linh hồn con người một cách vĩnh viễn.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định với các tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tuc giải thích ý nghĩa diễn văn của Chúa Giêsu về bắnh hằnh sống như ghi trong chương 6 Phúc Âm thánh Gioan. Tuần trước ngài đã suy nghĩ về lời Chúa Giêsu mời gọi những người được Ngài cho ăn bánh no nê nỗ lực kiềm tìm lương thực tồn tại cho sự sống đời đời. Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu muốn giúp họ hiểu ý nghĩa sâu xa cảu phép lạ Người đã làm: khi thỏa mãn một cách lạ lùng cái đói thể lý của họ, Người chuẩn bị họ đón nhận lời loan báo Người là bánh từ trời xuống (x. Ga 6,41) thỏa mãn một cách vĩnh viễn. Cả dân Do thái trong lộ trình dài trong sa mạc cũng đã sống kinh nghiệm bánh từ trời xuống, là bánh manna dưỡng nuôi họ cho tơi khi vào đất hứa. Giờ đây Chúa Giêsu nói về chính Người như bánh từ trời xuống, có khả năng duy trì sự sống không phải chỉ trong một lúc hay một đoạn đường, mà luôn mãi. Người là lương thực ban sự sống vĩnh cửu, bởi vi Người lá Con Một Thiên Chúa, ở trong lòng Thiên Chúa Cha, đến để trao ban cho con người sự sống tràn đầy, để đưa con người vào trong chính sự sống của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Trong tư tưởng do thái, rõ ràng bánh thật từ trời nuôi sống Israel đã là Lề Luật, lời của Thiên Chúa. Dân Israel đã thừa nhận một cách rõ ràng rằng Torah là ơn nền tảng và lâu dài của ông Môshê; và yếu tố nền tảng phân biệt họ với các dân tộc khác là ở nơi việc thừa nhận ý muốn của Thiên Chúa, là con đường đúng đắn của sự sống. Giờ đây Chúa Giêsu tự biểu lộ ra như bánh từ trời, qua đó con người có thể làm cho ý muốn của Thiên Chúa trở thành lương thực của mình, lương thực định hướng và nâng đỡ cuộc sống.

Nghi ngờ thiên tính của Chúa Giêsu, như người Do thái của đoạn Phúc Âm hôm nay đã làm, có nghĩa là chống lại công trình của Thiên Chúa. Thật thế, người Do thái khẳng định rằng: đó là con ông Giuse! Chúng ta biết cha mẹ ông ấy (Ga 6,42). Họ không đi qúa các nguồn gốc trần gian ,và vì thế họ khước từ tiếp nhận Chúa Giêsu như Lời nhập thể của Thiên Chúa. Trong lời chú giải Phúc Âm thánh Gioan Thánh Agustino khẳng định như sau: ”Họ xa bánh của trời và không có khả năng cảm thấy đói bánh ấy. Họ đã có miệng của con tim đau yếu… Thật thế, bánh này đòi buộc cái đói của con người nội tâm” (Omelie su Vangelo di Giovanni, 26,1). Và Đức Thánh Cha đưa ra vấn nạn sau đây

Chúng ta phải tự hỏi xem chúng ta có thật sự cảm thấy cái đói này không, cái đói Lời Chúa, cái đói hiểu biết ý nghĩa thật của cuộc sống. Chỉ có ai được Thiên Chúa Cha lôi cuốn, chỉ có ai lắng nghe Người và để cho Người dậy dỗ, mới có thể tin nơi Chúa Giêsu, găp gỡ Người và nuôi dưỡng mình bởi Người, và như thế tìm ra sự sống thật, tìm ra con đường sự sống, công lý, sự thật và tình yêu. Thánh Agostino viết thêm: ”Chúa khẳng định Người là bánh từ trời xuống, bằng cách khích lệ chúng ta tin nơi Người. Thật ra, ăn bánh hằng sống có nghĩa là tin nơi Chúa. Ăn bánh hằng sống có nghĩa là tin nơi Chúa, và ai tin thì ăn. Trong một cách vô hình họ được no thỏa, cũng như trong một cách vô hình họ tái sinh vào một cuôc sống sâu xa hơn, đích thật hơn; họ tái sinh từ bên trong, trong nơi sâu thẳm của họ, và họ trở nên một con người mới (ibidem).

Khi khẩn cầu Đức Maria rất thánh, chúng ta hãy xin Mẹ hướng dẫn chúng ta tới gặp Chúa Giêsu, để cho tình bạn của chúng ta với Người ngày càng sâu đậm hơn. Chúng ta hãy xin Mẹ dẫn chúng ta vào trong sự hiệp thông tình yêu tràn đầy với Con Mẹ, bánh hằng sống từ trời xuống; như thế để chúng ta được Người canh tân trong nơi sâu thẳm của cuộc sống.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã bầy tỏ tình liên đới với các nạn nhân bão lụt trầm trọng tại Á châu, đặc biệt là hai nước Philippines và Cộng hòa nhân dân Trung quốc, cũng như dân chúng bị động đất trong vùng tây bắc nước Iran. Các biến cố này đã khiến cho nhiều người bị chết, bị thương và hàng ngàn người không nhà cửa, cũng như đã gây ra các thiệt hại rất lớn. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người như sau:

Tôi mời gọi anh chị em hiệp ý với tôi cầu nguyện cho những người đã mất mạng sống và cho tất cả những người bị thử thách bởi các tai ương như vậy. Ước chi các anh chi em này không thiếu tình liên đới và trợ giúp của chúng ta.

Chào các tín hữu bằng tiếng Pháp Đức Thánh Cha nói: Khi ăn với đức tin, bánh Thánh Thể biến đổi cuộc sống chúng ta và thúc đẩy chúng ta chia sẻ với các anh chị em đói bánh vật chất và tinh thần, và nhất là đói tình yêu thương và niềm hy vọng.

Bằng tiếng Anh ngài nhắc nhở tín hữu trong mùa hè này hãy cùng với toàn gia đình đáp lại lời Chúa Giêsu kêu mời, tích cực tham dự Hiến tế Thánh Thể và có các cử chỉ bác ái quảng đại vơi tha nhân.

Bằng tiếng Đức Đức Thánh Cha đặc biệt chào các bạn trẻ đang tham dự trại hè tại Ostia cách Roma 30 cậy số. Ngài khẳng định rằng chúng ta lớn lên, khi để cho mình được dẫn đưa bởi Thiên Chúa và tin nơi Chúa Giêsu Kitô con của Người là bánh hằng sống.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui an bình.

Linh Tiến Khải

BÁNH BỞI TRỜI

BÁNH BỞI TRỜI
 
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN NĂM B (12/08/2012)
[1 V 19,4-8; Ep 4,30 – 5,2; Ga 6,41-51]

Cuộc đời tiên tri Êlia là một cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường. Một mình người phải chiến đấu chống lại cả một dân tộc bỏ đạo do hoàng hậu Dêdaben cầm đầu. Người khiển trách dân chúng vì họ đã nghe theo hoàng hậu mà bỏ Chúa. Người thách thức 400 sư sãi của thần Baan trong một cuộc dâng của lễ cầu mưa. Người đã chiến thắng. Nhưng chính vì chiến thắng. Người bị hoàng hậu săn đuổi, phải chạy trốn vào sa mạc. Hôm nay, đói khát đến lả người, vị tiên tri dũng mãnh rồi cũng cảm thấy mệt mỏi rã rời. Người mất hết sức lực thể chất lẫn tinh thần. Chẳng thiết sống, người xin Chúa cất người ra khỏi thế gian phiền nhiễu đầy bất trắc. Người mất hết sức phấn đấu. Người chỉ muốn an nghỉ trong Chúa. Nhưng Chúa sai thiên thần đem bánh cho người. Ăn được bánh bởi trời, tiên tri mới đủ sức vượt qua sa mạc, sau cùng đi tới núi của Thiên Chúa.

Tương tự như thế, đời sống ta cũng là một chuyến đi về nhà Thiên Chúa. Để đến với Thiên Chúa, ta phải vượt qua sa mạc cuộc đời đầy chông gai cạm bẫy. Đường đi rất xa và rất khó khăn. Những chiến đấu có thể sẽ khiến ta mệt mỏi rã rời. Ta sẽ chẳng đủ sức đi trọn con đường nếu không được nâng đỡ, an ủi. Để giúp ta đủ sức chiến đấu và đi trọn con đường khó khăn thử thách tiến về nhà Cha. Thiên Chúa đầy tình yêu thương đã ban cho ta tấm bánh bởi trời. Tấm bánh bởi trời mà Chúa Cha ban cho ta chính là Đức Giêsu Kitô, người Con duy nhất của Người. Món quà của Chúa Cha ban được thực hiện dưới hai hình thức: Lời Chúa và Phép Thánh Thể.
 
Đức Giêsu Kitô là Lời Ban Sự Sốngcủa Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa là Lời Ban Sự Sống. Chính Đức Giêsu đã khẳng định điều này khi Người trả lời ma quỉ cám dỗ: “Người ta sống không nguyên bởi bánh. Nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Thật vậy, chính Lời Chúa làm cho sự sống xuất hiện. Nhờ Lời quyền năng của Thiên Chúa, vũ trụ được tạo thành. Lời Chúa là lẽ sống của Đức Giêsu, nên trọn đời Người luôn đi tìm thực hiện thánh ý Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy”. Xưa kia, Thiên Chúa nói qua trung gian các tổ phụ và các tiên tri. Nay, Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa trực tiếp nói với nhân loại. Lời Người ban sự sống cho Ladarô, cho con trai bà góa thành Naim. Lời Người tha thứ tội lỗi cho Mađalêna, cho người phụ nữ ngoại tình, cho Giakêu. Lời Người hoán cải người phụ nữ xứ Samaria. Người đưa tất cả những người tội lỗi trở về con đường sự sống. Lời Người đã giúp cho bao thế hệ tìm thấy lẽ sống. Lời Người ban cho họ một sự sống mới, tươi trẻ, phong phú, dồi dào hơn. Chính vì thế, thánh Phêrô đã lên tiếng tuyên xưng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai. Chỉ Thầy mới có những Lời ban sự sống đời đời”.
 
Ban Lời hằng sống chưa đủ với tình yêu thương của Người, Đức Giêsu còn ban cho ta chính bản thân Người trong bí tích Thánh Thể. Thật là một tình yêu sâu xa tha thiết. Khi nuôi dưỡng ta bằng chính thịt máu Người, Đức Giêsu không những muốn kết hiệp mật thiết với ta trong từng thớ thịt, từng dòng máu, mà Người còn muốn ban cho ta sự sống đời đời. Bí tích Thánh Thể là lương thực thần linh. Lương thực thần linh ban sự sống thần linh. Qua bí tích Thánh thể, sự sống thần linh dần dần thấm nhập bản thân ta. Đây là một tiến trình thần hóa chầm chậm. Ta trở nên một thân thể với Đức Giêsu. Ta sống cùng sự sống của Người, sự sống đời đời trong hạnh phúc của Thiên Chúa.

Thánh lễ chính là bữa tiệc trong đó Thiên Chúa dọn ra hai bàn tiệc. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai bàn tiệc cũng đều là chính Đức Giêsu. Trong thánh lễ, ta nghe lời Chúa dạy dỗ ta. Lời Chúa chỉ cho ta con đường ngay thẳng, con đường hạnh phúc, con đường đưa ta về với Chúa. Thánh Thể Chúa ban sức mạnh giúp ta đủ sức đương đầu với những khó khăn thử thách của cuộc đời.
 
Bởi thế, khi tham dự thánh lễ, ta cần lưu ý lắng nghe Lời Chúa. Chúa muốn nói riêng với từng người. Hãy lắng nghe để tìm ra điều Chúa muốn nhắn gửi. Hãy lắng nghe để tìm ra lẽ sống. Hãy lắng nghe để biết con đường phải đi. Lời Chúa là con đường đưa tới sự thật và sự sống.
 
Hãy rước lễ một cách kính cẩn sốt sắng. Phép Thánh Thể chính là một quà tặng của tình yêu Thiên Chúa. Hãy hưởng nếm sự ngọt ngào được kề cận Thiên Chúa. Hãy múc lấy nơi Thánh thể nguồn sức mạnh để thắng vượt những thử thách trong cuộc đời. Hãy để Thánh Thể uốn nắn, biến đổi ta để ta ngày càng nên giống Người hơn. Hãy nếm cảm hương vị thiên đàng ngay khi còn tại thế.
 
Lạy Chúa là Cha vô cùng yêu thương, con cảm tạ Cha đã ban cho con chính Con Một yêu quý của Cha làm bánh trường sinh nuôi dưỡng và đưa chúng con vào sự sống đời đời.

 

Ngô Quang Kiệt

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ( 06 đến 12 tháng 08-2012)

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ( 06 đến 12 tháng 08-2012)

Trích từ Xuân Bích Việt Nam

Vị hồng y với một bí mật.

Đám cưới theo chủ nghĩa nhân văn nay nhiều hơn đám cưới Công giáo ở Scotland.

Thông điệp của Đức Thánh Cha ủng hộ cuộc hội họp liên tôn ở Nhật Bản.

-Giáo phận Ý hành động chống lại vị giáo phẩm ly giáo

Đức Thánh Cha Biển-Đức tố cáo những đe doạ chưa từng có đối với tự do của Giáo Hội.

Vatican công bố lịch [ Năm Thánh Đức Tin] chính thức.

-Học thuyết xã hội của Giáo Hội đối với sự phát triển của cộng đồng Asean,

Vận động viên người Tây Ban Nha sẽ vào chủng viện sau Olympics 2012.

Đảng Cánh Tả phản ứng về lời cầu nguyện cho nước Pháp.

Vị TGM nói tờ báo đem Đạo Công Giáo ra làm trò cười.

ĐGM giáo phận Aleppo lo sợ cuộc di cư Kitô giáo.

Hội nghị LCWR bắt đầu. Đại diện Vatican được nói sự tham dự « sẽ không có ích ».

Nếu hôn nhân đồng tinh được hợp pháp hóa, tại sao [không hợp pháp hoá luôn] đa thê, loạn luân ?

Úc : Chó rước lễ tại Lễ của Inclusive Catholics (Tín hữu Công giáo vì sự canh tân).

Gia đình Công giáo ở Pakistan bị đe doạ giết chết.

PBS đưa tin về Giáo Xứ Giáo Hạt Tòng Nhân Anh Giáo ở Maryland.

Vatican từ chối đại sứ Bulgary, tác giả những bài viết có nội dung đồi trụy.

“Chỉ số Tín Ngưỡng Toàn Cầu”: Ghana có tín ngưỡng nhất;Trung Quốc vô thần nhất.

Tín hữu “hầm trú” Trung Quốc tổ chức trại hè giáo dục đạo.

Thủ lĩnh Hồi giáo Anh : Hồi giáo sẽ thống trị Mỹ.

Đức TGM Bangkok làm tân điều tiết viên các GM trong phong trào Focolari.

  (Xem chi tiết . . . .   TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO (06 đến 12 tháng 8-2012))

GIÁO PHẬN KILWA KASENGA BÊN CONGO TỐ CÁO NẠN KHAI THÁC GỖ BẤT HỢP PHÁP

GIÁO PHẬN KILWA KASENGA BÊN CONGO TỐ CÁO NẠN KHAI THÁC GỖ BẤT HỢP PHÁP

KINSHASA: Giáo phận Kilwa Kasenga nước Cộng hòa dân chủ Congo đã mạnh mẽ tố cáo nạn khai thác gỗ bất hợp pháp, gây thiệt hại cho cuộc sống của người dân và cho tài nguyên của đất nước.

Trong thông cáo công bố ngày 4 tháng 8-2012 giới chức giáo phận công giáo cho biết gỗ trong vùng Kasomeno, cách Lubumbashi 140 cây số về mạn bắc, đang bị khai thác một cách vô trât tự. Mỗi ngày đều có ít nhất 4 chiếc xe vận tải chở đầy gỗ qúy, nhất là loại ”umukula” qúy hiếm bán cho Trung Quốc, qua ngã Dar es Salam của Tanzania. Có những vùng rừng mất cây hiện nay trống trơn, đe dọa môi sinh của dân chúng địa phương. Nhóm người Trung Quốc khai thác gỗ bất hợp pháp này được sự yểm trợ của vòng bà con thân thuộc của tổng thống. Giới chức giáo phận Kilwa Kasenga yêu cầu các cơ quan kiểm lâm gửi nhân viên tới để chặn đứng nạn cướp bóc tài nguyên quốc gia này.

Từ nhiều năm qua Trung Quốc đã mua 9 triệu mẫu đất của Cộng hòa dân chủ Congo để trồng ngũ cốc, với giá rẻ mạt 1.000 mỹ kim một mẫu. Cùng với việc mua đất đai và xây dựng hệ thống thương mại và mua quặng mỏ của các nước Phi châu, Trung Quốc còn đưa người sang các nước Phi châu, để giải quyết nạn khan hiếm phụ nữ trong nước (FIDES 4-8-2012)

Linh Tiến Khải

TUẦN HÒA BÌNH BÊN COLOMBIA

TUẦN HÒA BÌNH BÊN COLOMBIA

BOGOTÀ: Hôm 9 tháng 8-2012 Giáo Hội Colombia phát động tuần hòa bình nhằm mục đích thăng tiến dấn thân tạo dựng hòa bình để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến đã kéo dài nhiều thập niên qua.

Tuần hòa bình có đề tài là “Chúng ta hãy đồng ý hòa bình và xây dựng các tương quan” và sẽ kéo dài cho tới ngày 16 tháng 8-2012.

Chương trình của tuần hòa bình được văn phòng mục vụ xã hội quốc gia và Mạng lưới sáng kiến hòa bình toàn quốc giới thiệu với giới báo chí. Bên cạnh mục đích xậy dựng hòa bình toàn diện, còn có việc bồi thường cho các nạn nhân. Chính vì thế văn phòng mục vụ xã hội đã thêm khẩu hiệu ”Sửa chữa và đền bù cho các nạn nhân, một lộ trình cho nền hòa bình lâu dài”.

Tuần hòa bình là một trong nhiều sáng kiến Giáo Hội Colombia đã phát động trong hơn thập niên qua, nhằm hòa giải mọi thành phần quốc gia bị xâu xé vì cuộc nội chiến và các bạo lực do các tổ chưc buốn bán ma túy và tội phạm cũng như các phiến quân và quân đội đã gây ra cho người dân Colombia. Tuần hòa bình đã được phát động lần đầu tiên hồi năm 1994 và trong các năm qua đã trở thành nơi gặp gỡ của nhiều tổ chức, phong trào và hiệp hội dân sự và tôn giáo nhằm thăng tiến hòa giải, đối thoại và công bằng xã hội. Năm nay cũng có hàng chục đại học, các tổ chức, các trung tâm văn hóa và các cơ cấu xã hội tham dự (SD 6-8-2012)

Linh Tiến Khải

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC TIỆP KHẮC YÊU CẦU CHÍNH QUYỀN GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ NHÀ Ở CHO DÂN

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC TIỆP KHẮC YÊU CẦU CHÍNH QUYỀN GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ NHÀ Ở CHO DÂN

PRAGUE: Trong các ngày vừa qua Ủy ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Tiệp Khắc đã yêu cầu nhà nước nỗ lực giải quyết vấn đề nhà ở cho dân, và chú ý đến tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay.

Trong thông cáo mang chữ ký của Đức Cha Václav Malý, Chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa Bình, các Giám Mục nêu bật rằng ”nhà ở đã luôn luôn là một trong những quyền và nhu cầu nòng cốt của mọi người. Vì thế mọi xã hội tân tiến đều có bổn phận cung cấp nhà ở cho dân, đặc biệt là cho những người yếu đuối, tàn tật và già nua. Và chính quyền cũng phải cho họ có thời gian thích đáng để hòa hợp các điều kiện sống với các khả năng tài chánh, làm sao để họ không cảm thấy bị rơi vào trong một tình trạng tuyệt vọng, và có thể duy trì phẩm giá là người của họ”.

Các Giám Mục Tchèques ghi nhận rằng tình hình kinh tế khó khăn đã khiến cho số người làm đơn xin trợ cấp xã hội gia tăng. Tiến trình tự do hóa luật thuê nhà tại Cộng hòa Tiệp Khắc  đã chỉ bắt đầu hồi năm 2007, tức là qúa trễ, khi các căn hộ cho thuê theo luật quân bình đã bị 1,7 triệu người chiếm hữu. Các Giám Mục yêu cầu chính quyền thành lập một hệ thống trợ giúp của nhà nước trong việc giao nhà cho thuê theo luật quân bình. Việc đóng góp tài chánh sẽ đựơc dự trù cho một thời gian chuyển tiếp cho từng gia đình gặp khó khăn. Nhưng nó sẽ giảm dần với chủ ý bắt các người được thụ hưởng cố gắng giải quyết tình trạng của họ, với sự trợ giúp ban đầu của chính quyền trung ương và địa phương. Các Giám Mục Tiệp Khắc cũng yêu cầu chính quyền chú ý tới các hệ lụy và các khó khăn, mà các gia đình gặp phải trong việc chuyển dời tới một chỗ ở rẻ hơn. Nó liên quan tới công ăn việc làm, các tương quan liên bản vị và môi trường sống, mà họ đã xây dựng trong bao nhiêu năm trời. Thay đổi hoặc rời xa cũng có nghĩa là cắt chặt cuộc sống của họ.

Tuy không khởi hành từ giả thiết nhà nước có bổn phận phải cung cấp công ăn việc làm và nhà ở cho mọi công dân, cũng như ý thức về các chi phí phải trả cho các nhà thầu và lợi nhuận của họ, nhưng trong ý thức là kitô hữu các Giám Mục Tiệp Khắc khẳng định rằng quyền có nhà ở thuộc các nhu cầu nền tảng của cuộc sống con người (SD 9-8-2012)

Linh Tiến Khải

GIÁO HỘI ẤN ĐỘ DẤN THÂN CHỐNG TỆ NẠN LOẠI TRỪ CÁC BÀO THAI NỮ

GIÁO HỘI ẤN ĐỘ DẤN THÂN CHỐNG TỆ NẠN LOẠI TRỪ CÁC BÀO THAI NỮ

NEW DEHLI: Giáo Hội Ấn Độ gia tăng dấn thân chống tệ nạn loại bỏ các bào thai nữ, và tái khẳng định đây là một tội mà chính quyền phải trừng phạt.

Nữ tu Helen Saldanha, thư ký văn phòng đặc trách các vấn đề nữ giới của Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ, cho biết từ nhiều thập niên qua Giáo Hội đã cố gắng chống lại tệ nạn loại bỏ các bào thai nữ, và Giáo Hội được chính quyền của một vài tiểu bang ủng hộ. Xã hội Ấn Độ theo chế độ phụ hệ và có tâm thức trọng nam khinh nữ. Não trạng này phát xuất từ các quan niệm văn hóa và tôn giáo dành đặc quyền cho nam giới, và khinh rẻ nữ giới như trong nhiều xã hội phụ hệ tại Á châu. Con gái luôn bị người Ấn coi là một gánh nặng kinh tế cho gia đình. Ngày nay cới các kỹ thuật y khoa tân tiến người ta có thể biết bào thai là nam hay là nữ. Do đó việc giết các bào thai nữ lại càng gia tăng. Theo chị Helen việc trừng phạt tội giết bào thai nữ sẽ góp phần thay đổi não trạng của người dân Ấn thích có con trai hơn con gái. Việc thích con trai hơn con gái là một bệnh, đang tạo ra sự mất quân bình trong xã hội Ấn. Các thống kê trẻ em dưới 5 tuổi cho biết hồi năm 2001 cứ 1000 trẻ nam, thì chỉ có 927 trẻ nữ. Năm ngoái 2011 số trẻ nữ giảm xuống chỉ còn 800 so với 1000 trẻ nam.

Bác sĩ Ruchika Dewan Singh thuộc Hiệp Hội sức khoẻ công giáo Ấn Độ cho biết mặc dù từ năm 1994 có luật cấm các thử nghiệm xác định phái tính và lựa chọn các bào thai, nhưng trong rất nhiều tầng lớp xã hội Ấn tâm thức loại bỏ các bào thai nữ vẫn được chấp nhận. Ngoài ra tại Ấn Độ còn có tệ nạn ”giết người vì của hồi môn”. Tại Ấn Độ mỗi năm có hàng ngàn phụ nữ bị giết, vì không trả được tiền hồi môn, mà cha mẹ hai bên đã ”thỏa thuận” với nhau. Linh Mục Tomi Thomas, giám đốc văn phòng đặc trách các vấn đề nữ giới của Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ cho biết vấn đề trước hết có nguồn gốc văn hóa. Để cải tiến tình hình Văn phòng của Hội Đồng Giám Mục thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo cho các nhân viên y tế và các cặp vợ chồng để thuyết phục họ đừng giết các bào thai nữ.

Tệ nạn giết các bào thai nữ tại Ấn độ cũng như Trung Quốc và một số nước Á châu đang đe dọa thế quân bình dân số trên thế giới cũng bị phân bộ đặc trách các vấn đề kinh tế xã hội của Liên Hiệp Quốc và Văn phòng kiểm kê dân số của Trung tâm quốc tế báo động. Hai tổ chức này tố cáo hai nước Ấn Độ và Trung Quốc đứng đầu thế giới liên quan tới tệ nạn hủy hoại các bào thai nữ (SD 8-8-2012)

Linh Tiến Khải

Hiện tình chính trị xã hội và tôn giáo tại Nigeria

Hiện tình chính trị xã hội và tôn giáo tại Nigeria

Phỏng vấn Đức Cha Matthew Hassan Kukah, Giám Mục Sokoto

Ngày 6 tháng 8-2012 một toán người vũ trang đã đột nhập nhà thờ của cộng đoàn ”Cuộc sống Thánh kinh sâu xa hơn” tại Otite, bang Kogi, và bắn loạn xạ vào tín hữu đang tụ tập nhau cầu nguyên, khiến cho 15 phụ nữ và 10 đàn ông bị chết.

Đã không có nhóm nào nhận là tác giả cuộc thảm sát, nhưng đây là kiểu tổ chức Boko Haram khủng bố các tín hữu kitô trong các năm qua. Trong buổi phỏng vấn dành cho chương trình tiếng Anh đài Vaticăng sau đó Đức Cha Ignatius A. Kaigama Tổng Giám Mục Jos, đã mạnh mẽ lên án các nhóm hồi cuồng tín và gọi vụ tấn công là ”vô hồi giáo”. Ngài nói rằng điều quan trọng là các kitô hữu và tín hữu hồi thường sống chung trong hòa bình với nhau. Đức Cha Kaigama cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để chấm dứt các hành động bạo lực này.

Hai mươi bốn giờ sau đó các toán võ trang lại tấn công đền thờ hồi giáo chính tại Okene trong cùng bang Kogi, khiến cho bốn người bị thiệt mạng, kể cả hai lính canh gác đền thờ. Đức Cha John Olorunfemi Onaiyekan, Tổng Giám Mục Jos, đã mạnh mẽ lên án vụ khủng bố này và nói rằng mọi người cần biết rõ đây là hành động của các nhóm tội phạm, mà người dân Nigeria chúng ta tất cả, tín hữu kitô cũng như tín hữu hồi, phải cùng nhau đối phó.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Matthew HassanKukah, Giám Mục Sokoto, về hiện tình chính trị xã hội và tôn giáo tại Nigeria.

Hỏi: Thưa Đc Cha, xin Đức Cha giúp thính giả hiểu bối cảnh Nigeria hơn mt chút, vưt ngoài nhưng gì mà giới truyền thông tường thuật.

Đáp: Có nhiếu người thích có các câu trả lời nhanh để hiểu bối cảnh và giải thích tình hình tại Nigeria. Sau khi Nigeria được độc lập quân đội đã nắm quyền, không để cho các chính trị gia cai trị và thành lập nền dân chủ trong nước. Một vấn đề lớn khác nữa của Nigeria là các mỏ dầu hỏa, tạo ra các xung khắc giữa những người muốn kiểm soát các tài nguyên này và tạo lợi nhuận cho họ.

Hỏi: Giới báo chí thường trình bầy tình hình Nigeria như là một cuộc xung đt tôn giáo. Đức Cha có ý kiến gì không?

Đáp: Đây là điều quan trọng cần phải hiểu rõ: các vấn đề của Nigeria, trên hết là bạo lực kinh hoàng, không dính dáng gì tới tôn giáo. Vấn đề ở đây là việc quản trị yếu kém các tài nguyên của quốc gia, và sự bất lực của chính quyền trong việc kiểm soát tình hình. Mỗi một cuộc khủng hoảng tại Nigeria đều bị gắn liền với các tôn giáo, nhưng chúng tôi đã không bao giờ có cuộc khủng hoảng tôn giáo hay bất cứ cuộc khủng hoảng nào khiến cho tín hữu kitô và tín hữu hồi đánh nhau vì lý do tôn giáo. Lý do thật nằm đàng sau cuộc khủng hoảng này là lý do chính trị và kinh tế. Vì thế trình bầy các vấn đề ngày nay như là cuộc xung đột tôn giáo là không đúng.

Hỏi: Vậy thì tình trạng bạo lực này đã bắt đầu khi nào? Và cái gì đã khiến cho nó bùng nổ, thưa Đức Cha?

Đáp: Thật là một sai lầm, khi nghĩ rắng đây là một cái gì đã chỉ bắt đầu từ vài năm nay. Điều chúng ta đang chứng kiến là việc biểu lộ sự thối nát của đất nước Nigeria. Trước khi có phong trào Boko Haram thì chúng tôi đã có một hiện tượng tương tự trong vùng Niger Delta. Và trước đó nữa thì chúng tôi đã chịu cùng cảnh bạo lực trong vùng Tây Nam và cảnh này đã theo chúng tôi trong suốt hai mươi năm qua. Có đúng thật là kiểu bạo lực và bối cảnh thay đổi. Nói cho cùng, chúng tôi đã sống dưới chế độ quân phiệt trong thời gian rất lâu, và hậu qủa là chúng tôi phải sống trong bạo lực cùng với lịch sử của nạn gian tham hối lộ tại Nigeria. Và theo tôi nghĩ nếu sự việc không thay đổi và nếu chính quyền và các cơ cấu dân sự tiếp tục với việc quản lý sai trái các tài nguyên quốc gia, thì ho sẽ không có quyền bính luân lý để trừng phạt các tay tội phạm. Bạn có thể chấm dứt tình trạng này hôm nay và ngày mai, nhưng nó sẽ lại xuất hiện tại một nơi khác. Như thế sau cùng sự khác biệt sẽ chỉ là vấn đề thời gian và địa lý thôi.

Hỏi: Thưa Đức Cha, lực lượng Boko Haram xem ra là một yếu tố mới nguy hiểm cho cuộc sống của Nigeria. Đức cha nghĩ gì về hiện tượng này?

Đáp: Boko Haram là một hiện tượng mới và ngoại lai. Nó không dính dáng gì tới tôn giáo, tới tín hữu kitô và tín hữu Hồi. Sự kiện nó tấn công các nhà thờ với bạo lực ngoại thường khiến cho giới truyền thông kết luận rằng nó chống lại các kitô hữu, nhưng điều này không đúng. Vì nó cũng giết cả phụ nữ và trẻ em hồi nữa. Nó gồm những tay tội phạm tấn công các nhà thớ, các trung tâm truyền thông, các trạm cảnh sát, chợ búa. Chúng không phân biệt gì hết… Chính quyền phải kiểm soát và chặn đứng bạo lực của tổ chức này. Chúng tôi cần sự can thiệp mạnh mẽ để chặn đứng các tay khủng bố phá hoại này.

Không chối cãi là tổ chức Boko Haram đã quảng cáo như thế và đang dùng ngôn ngữ tôn giáo. Nhưng chỉ dùng từ ngữ tôn giáo không khiến cho tính cách tội phạm của nó trở thành tôn giáo trong bất cứ nghĩa nào. Thật ra, chúng đã tấn công các giới lãnh đạo hồi và các cơ cấu hồi và sát hại hàng ngàn người hồi, nhiều hơn là sát hại các kitô hữu rất nhiều, nếu chúng ta có thể dùng kiểu nói này. Trong đa số các trường hợp khi các nhà thờ bị tấn công, thì cũng có nhiều người hồi và thường dân bị chết. Điều quan trọng đối với chúng ta là hiểu rằng khuynh hướng tôn giáo cực đoan, cho dù là ở trong Kitô giáo hay Hồi giáo, đều gây ra các nạn nhân trong chính mình, trước khi lan ra ngoài.

Hỏi: Hành động bạo lực này có tạo ra chia rẽ trong xã hội hay không. Nó có tạo ra ước muốn báo thù nhau hay không thưa Đức Cha?

Đáp: Điều tạo ra chia rẽ đó là phản ứng chậm chạp và sự bất lực của các cơ quan an ninh trong việc kết thúc các điều tra và đưa các thủ phạm ra tòa. Đây là điều tạo ra cảm tưởng bất lực và dẫn đưa người dân tới một nền văn hóa tự vệ như một lựa chọn. Nếu chính quyền hành động một cách cương quyết, thì người ta sẽ học được bài học chứ.

Hỏi: Có ai được lợi nhuận từ cuộc khủng hoảng này không thưa Đức Cha?

Đáp: Tuyệt đối là có rồi. Các kẻ đỡ đầu ở địa phương và các kẻ lèo lái tiến trình đang thu được các món tiền kếch xù từ hải ngoại và vài nước A rập. Thật là điều quan trọng, khi nhấn mạnh rằng ngày từ thập niên 1960 người Hồi A rập đã tài trợ cho các nỗ lực của người Hồi lôi kéo người khác theo đạo dưới dự án Dawah. Đại tá Gheddafi đã là một nhà tài trợ lớn và nuôi ảo tưởng rằng trong một cách thế nào đó Nigeria là điểm chiến thuật tốt nhất cho việc củng cố sự thống trị của Hồi giáo tại Phi châu.

Trên bình diện của các cơ quan an ninh tại Nigeria họ ”béo mập” là nhờ đó. Đây đã là trường hợp ngay từ thời có cuôc khủng hoảng Niger Delta, nó đã được giải quyết với một đống tiền. Chỉ nội trong các năm đó không thôi chính quyền liên bang bỏ ra ngân khoản 3.000 tỷ naira cho an ninh. Số tiền này bằng ngân sách quốc gia cách đây hai năm. Vâng, như thế cuộc khủng hoảng này trở thành ”vé ăn”, và nó thật nguy hiểm cho chúng tôi.

Hỏi: Thế thưa Đc Cha, có đưng ra nào không và đó là cái gì?

Đáp: Đôi khi, lối ra không phải là sự lựa chọn tốt nhất, nếu các lựa chọn không được cân nhắc kỹ lưỡng. Trong ngắn hạn, tôi nghĩ chính quyền liên bang phải bỏ rơi tư tưởng về một giải pháp quân đội, bằng cách bắt đầu triệt thoái binh sĩ khỏi các đường phố. Giới chính trị phải được khích lệ tìm ra một giải pháp cho điều rõ ràng là vấn đề chính trị, chứ không phải là vấn đề tôn giáo. Các vị lãnh đạo cộng đoàn không nhất thiết phải là các vị lãnh đạo tôn giáo, họ phải được khích lệ lãnh lấy trách nhiệm của mình, bằng cách đưa ra các sáng kiến làm cho các cộng đoàn xích lại gần nhau.

Nếu điều này xảy ra, thì có thể xây dựng sự tin tưởng của dân chúng, bởi vì sẽ không bao giờ là một giải pháp quân đội, khi sự hiện diện của họ chỉ vinh danh bạo lực. Từ từ họ trở thành một đạo binh xâm lăng và ảnh hưởng của họ sẽ dần dần tàn lụi. Sau cùng, chính quyền liên bang phải bắt tay vào việc phục hồi và tái thiết các dinh thự bị tàn phá. Điều này sẽ tạo ra sự tin tưởng và giảm thiểu các cảm tưởng bị tước đoạt và nỗi cay đắng chất chứa trong lòng người dân.

Hỏi: Cuộc sống thường ngày trong giáo phận của Đức Cha và cuộc sống của các tín hữu ra sao trong bối cảnh bạo lực này?

Đáp: Xem ra là điều lạ, nhưng giáo phận Sokoto rất là yên tĩnh. Đã không có tai nạn nào xảy ra cho chúng tôi. Tôi đã khích lệ dân chúng tỉnh thức đề phòng, nhưng chúng tôi đã quyết định không thay đổi lối sống, không thay đổi thời biểu thánh lễ và các buổi cầu nguyện vì sợ hãi. Tôi đã nói với tín hữu rằng từ sợ hãi không có trong từ vựng của bất cứ kitô hữu nào. Và như thế chúng tôi đã tiếp tục các bổn phận và cuộc sống của chúng tôi.

Hỏi: Đức Cha có cảm thấy sự sống của Đức Cha lâm nguy không?

Đáp: Tôi đã không bao giờ có cảm tưởng sợ hãi, bởi vì tôi tin rằng mỗi ngày hay bất cứ chỗ nào cũng đều là ngày hay là chỗ tốt để chết cả. Không có phần đất nào của thế giới này là cô lập với các đe dọa chống lại sự sống. Đối với chúng tôi ở đây có thể là bạo lực của tổ chức Boko Haram, nhưng vài nơi khác tại Hoa Kỳ là bão tố, đối với vài phần khác nữa trên thế giới có thể là nạn sóng thần Tsunami vv… Như thế, cuộc sống của chúng ta là ở trong tay Thiên Chúa, chứ không phải trong sự an ninh của loài người.

Hỏi: Đc Cha Kaigama đã tố cáo sự vắng bóng của nhà nước trong tình hình này, việc thiếu sự che chở của quân đi đối với dân chúng và các làng mạc bị tấn công một cách có hệ thống bởi các nhóm bạo lực. Đc Cha có đồng ý như thế không?

Đáp: Vâng Đức Cha Kaigama có lý, nhưng như tôi đã nói, có lẽ trong một vài tình trạng có qúa nhiều sự hiện diện của nhà nước với các dụng cụ bạo lực của nó. Điều này khiến cho dân chúng lo lắng, nhưng nói chung thì Đức Cha Kaigama có lý.

Hỏi: Theo Đức Cha thì ai là người có trách nhiệm thật sự đối với tình hình hiện nay của Nigeria?

Đáp: Nếu tôi hay ai đó mà biết được điều này, thì chúng tôi đã không ở đây.

(SD 1-8-2012)

Linh Tiến Khai

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC RWANDA NHÓM HỌP ĐỂ CHUẨN BỊ VIỆC CỬ HÀNH NĂM ĐỨC TIN

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC RWANDA NHÓM HỌP ĐỂ CHUẨN BỊ VIỆC CỬ HÀNH NĂM ĐỨC TIN

KIGALI: Hôm mùng 7 tháng 8-2012 Ban thường vụ của Hội Đồng Giám Mục Rwanda đã nhóm họp tại thủ đô Kigali để thảo luận về việc cử hành Năm Đức Tin sẽ khai mạc ngày 11 tháng 10 tới đây, nhân kỷ niệm 50 năm khai mở Công Đồng Chung Vatican II.

Trong cuôc họp, do Đức Cha Smaragde Mbonyintege, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Rwanda chủ sự, các Giám Mục cũng soạn chương trình nghị sự cho phiên khoáng đại sắp diễn ra trong các ngày 28-31 tháng 8 này. Trong địp đó các Giám Mục sẽ tổng kết các thành qủa cũng như vạch ra chương trình cho các đại chủng viện, gặp gỡ các đại diện của Học viện nghiên cứu đối thoại và hòa bình, và tiếp đón một vài đại biểu của tổ chức bác ái Hoa Kỳ đến từ Baltimore. Các Giám Mục cũng thảo luận chương trình chuẩn bị cho Diễn đàn giới trẻ quốc tế do cộng đoàn đại kết Taizé tổ chức tại Kigali trong các ngày 14-18 tháng 11 năm nay.

Ngoài ra, Ban thường vụ Hội Đồng Giám Mục Rwanda cũng duyệt xét lời mời tham dự Đại hội Liên Hội Đồng Giám Mục Trung Phi sẽ diễn ra tại Bukavu trong các ngày 17-19 tháng 9 tới này. Sau cùng là lắng nghe tường trình của Caritas Rwanda trong công tác trợ giúp người tỵ nạn Congo ở Kigeme và lên chương trình cho chuyến viếng thăm người tị nạn của Ủy ban mục vụ cho người tị nạn (SD 9-8-2012)

Linh Tiến Khải

RỜI TÒA GIÁM QUẢN TÔNG TÒA KUWAIT VỀ BAHRAIN

RỜI TÒA GIÁM QUẢN TÔNG TÒA KUWAIT VỀ BAHRAIN

BAHRAIN: Hôm 10 tháng 8-2012, Đức Cha Camillo Ballin, Giám quản tông tòa miền bắc A Rập, cho biết đã rời trụ sở từ Kuwait về Bahrain, để có thể tới với các kitô hữu toàn vùng dễ dàng hơn.

Giám quản tông tòa miền bắc A Rập bao gồm bốn nước Kuwait, Bahrain, Qatar, Arập Sauđi và có 2 triệu tín hữu công giáo, hầu hết là những người di cư. Lý do thứ nhất là vì Bahrain ở trung tâm, từ đó dễ dàng đến với các tín hữu hơn. Lý do thứ hai vì Bahrain là quốc gia dễ ra vào hơn cho các cuộc họp các linh mục, các giáo lý viên và thủ lãnh giáo dân.

Đức Cha Ballin cho biết vùng giám quản tông tòa của ngài rộng gấp bốn lần Italia, tương đương với 4 lần nước Việt Nam. Các tín hữu đến từ các nước Philippines, Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanka. Tại Kuwait, số tín hữu công giáo được khoảng 350.000 người; tại Qatar cũng thế; tại Bahrain có khoảng 100 đến 140 ngàn; và tại A rập Sauđi có 1,5 triệu.

Thách đố lớn nhất là sự khác biệt quốc tịch, ngôn ngữ và văn hóa. Thánh lễ trong nhà thờ chính tòa Kuwait được cử hành bằng 12 thứ tiếng khác nhau và theo 5 lễ nghi khác nhau là latinh, Malabar, Malankara, Marônít, và Copte. Chính việc phối hợp các sinh hoạt phụng vụ bằng 12 thứ tiếng khác nhau theo 5 lễ nghi đôi khi gây ra các căng thẳng. Nhưng vấn đề chính trong toàn vùng là các nơi phụng tự đều chật hẹp. Điều này cũng tạo các khó khăn giữa các nhóm. Còn một thách đố khác nữa đó là làm sao khiến cho các cộng đoàn khác nhau này làm thành một Giáo Hội công giáo, chứ không phải nhiều Giáo Hội công giáo. Nhưng Đức Cha cho biết có tin vui: đó là chính quyền Bahrain mới cho Giáo Hội một miếng đất rộng 9 ngàn mét vuông để xây một nhà thờ mới. Trong thủ đô đã có một nhà thờ, nhưng chỉ chứa được 1.000 người. Theo Đức Cha Ballin, đây là dấu chỉ của một sự rộng mở tích cực, có thể nêu gương cho các nước khác (RG 10-8-2010)

Linh Tiến Khải