Đức Gioan Phaolo I có thể được phong chân phước trong vòng 3, 4 năm

Đức Gioan Phaolo I có thể được phong chân phước trong vòng 3, 4 năm

ROMA. Đức Gioan Phaolô I, vị giáo hoàng 33 ngày, có thể được phong chân phước trong vòng 3 hoặc 4 năm tới đây.

Trên đây là lời tuyên bố của cha Giorgio Lise, Phó Thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô I, với Đài truyền hình Công Giáo TV2000 ở Italia hôm 26 tháng 8-2012.

Năm nay là kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của Đức Cố Giáo Hoàng (1912-2012), tục danh là Albino Luciani và ngày 26 tháng 8-2012 là kỷ niệm 34 năm ngài được bầu làm Giáo Hoàng (26 tháng 8-1978). Ngài qua đời đột ngột ngày 28-9-1978.
Cha Lise cũng loan báo: ngày 17-10 sắp tới, tập hồ sơ đúc kết, gọi là Positio, về cuộc sống, hoạt động và chứng tá của Đức Gioan Phaolô I sẽ được hoàn thành. Sau đó 9 chuyên gia của Bộ Phong thánh sẽ cứu xét để cho ý kiến, rồi Hội đồng Hồng Y của Bộ Phong Thánh sẽ nhóm họp để quyết định xem vị Tôi Tớ Chúa có thực hành các nhân đức đến mức độ anh hùng hay không.

Nếu các nhân đức này được xác nhận, thì án phong còn cần phải có một phép lạ được chứng thực. Cha Giorgio Lise cho biết hồ sơ về vấn đề này cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng; đó là vụ khỏi bệnh lạ lùng của một nhân viên ngân hàng ở thành phố Altamura, nam Italia. Ông bị ung thư bao tử và đã cầu xin ĐGH Gioan Phaolo I cứu giúp và đã được lành bệnh sau đó.

Án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolo I đã được khởi sự hồi tháng 11 năm 2003 tại giáo phận nguyên quán của ngài, Belluno-Feltre thuộc miền Veneto, đông bắc Italia. Giai đoạn điều tra ở cấp giáo phận được hoàn thành hồi tháng 11-2006 và toàn bộ hồ sơ được gửi về Bộ Phong Thánh ở Roma để tiếp tục cứu xét.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I sinh ngày 17 tháng 10-1912 tại Canale di Agordo thuộc vùng núi Dolomiti. Ngài làm Giám mục giáo phận Vittorio Veneto từ 1958 đến 1969, rồi làm Thượng Phụ (TGM) giáo phận Venezia, trước khi được bầu làm Giáo Hoàng kế nhiệm Đức Phaolô 6. Tuy triều đại của ngài ngắn ngủi, chỉ có 33 ngày, nhưng ngài đã thu phục được thiện cảm của dân chúng, và được gọi là ”Vị Giáo Hoàng tươi cười” (KNA 26-8-2012)

G. Trần Đức Anh OP
 

 

Tòa Tổng Giám Mục Aleppo bên Syria bị cướp phá

Tòa Tổng Giám Mục Aleppo bên Syria bị cướp phá

ALEPPO. Tòa TGM giáo phận Aleppo của Giáo Hội Công Giáo Melkite ở miền bắc Syria đã bị những cướp phá.

Hãng tin Fides của Bộ truyền giáo truyền đi hôm 27 tháng 8-2012 cho biết Đức TGM Jean Clément Jeanbart và vài linh mục đã rời tòa TGM và tị nạn tại tu viện của dòng Phanxicô ở thành Aleppo, để tránh các cuộc giao tranh. Vụ này đã xảy ra hôm thứ năm 23 tháng 8-2012 và hiện nay Đức TGM đang ở Liban và chuẩn bị đi Pháp.

Hãng Fides trích thuật nguồn tin ở địa phương cho biết thủ phạm vụ tấn công là những nhóm chưa được xác định, họ muốn khơi lên một cuộc chiến tranh tôn giáo và kéo dân Syria vào cuộc xung đột hiện nay.

Trong những tháng qua, tòa GM của Giáo Hội Công Giáo Maronit cũng đã bị hư hại vì cuộc chiến giữa quân đội chính phủ và phiến quân.

Theo tin của các cha dòng Phanxicô và của Cha George Abu Khazen, Quyền Đại diện Tông Tòa Công Giáo la tinh ở Aleppo, hồi cuối tuần qua, một đại diện của Đức TGM Jeanbart đã ghé qua tòa TGM và thấy các cửa bị phá toang và thiếu nhiều vật dụng như các máy vi tính. Cả bảo tàng viện Bizantine tên là ”Maarrat Nahman” cũng bị đột nhập và nhiều đồ vật triển lãm cũng với các ảnh đạo vẽ trên gỗ bị hư hại.

Aleppo là thủ đô kinh tế của Siria. Tổng giáo phận Công Giáo Melkite tại đây có 18 ngàn tín hữu.

Hãng tin Fides trích thuật nguồn tin ở Aleppo cho biết do sự can thiệp của các nhóm Hồi giáo thánh chiến ở Syria, người ta thấy có một toan tính xách động oán thù và xung đột phe phái tại đây. Người ta cũng ghi nhận sự hiện diện ngày càng gia tăng của các dân quân Hồi giáo Wahabite và Salafite đến từ Tchétchénie, Pakistan, Liban, Afganistan, Tunisie, Arập Sauđi và Libia. Các nhóm này chỉ theo đuổi mục tiêu là tạo nên sự hỗn độn, tàn phá, những hành vi tàn ác và làm tê liệt đời sống xã hội. Các thường dân Siria là nạn nhân, nhưng họ không để mình rơi vào những cạm bẫy ấy. (KNA 27-8-2012)

G. Trần Đức Anh OP
 

 

Tấm Khăn Liệm Thánh thành Torino (3/3)

Tấm Khăn Liệm Thánh thành Torino (3/3)

Phỏng vấn giáo sư Bruno Barberis

Vào hạ tuần tháng 5 năm nay giáo sư Bruno Barberis, chuyên viên nghiên cứu Tấm khăn liệm thành Torino, đã thuyết trình các bài cuối cùng trong chương trình khóa học lấy bằng chuyên môn về khoa nghiên cứu Tấm Khăn Liệm, do đại học giáo hoàng Nữ Vương các Tông Đồ ở Roma tổ chức.

Giáo sư Barberis đã bắt đầu nghiên cứu Tấm Khăn Liệm thành Torino năm 1975, và từ năm 1977 giáo sư là thành viên ”Huynh đoàn Tấm Khăn Liệm Rất Thánh thành Torino” và của ”Trung tâm quốc tế Khoa Tấm Khăn Liệm học”, là cơ quan tổ chức các cuộc nghiên cứu và tìm hiểu Tấm Khăm Liệm. Giáo sư là tác giả của hơn 20 cuốn sách và hơn 150 bài viết về Tấm Khăn Liệm trên bình diện khoa hoc cũng như trên bình diện phổ biến kiến thức đại đồng. Các bài nghiên cứu này được đăng trên các tạp chí khoa học và nhật báo Italia và quốc tế. Giáo sư cũng đã chủ tọa 2.000 buổi diễn thuyết về Tấm Khăn Liệm tại Itaia cũng như tại hải ngoại.

Tấm Khăn Liệm thành Torino dài 4 mét 41, rộng 1 mét 13, dầy khoảng 34 milimét, và nặng khoảng 2 kí 450 gram, được khâu trên một tấm khăn đệm khác. Năm 1898 Tấm Khăn Liệm được chụp hình lần đầu tiên, và trên bản âm người ta nhận ra hình một người đàn ông cao lớn, có râu tóc dài, mang các dấu vết của các ngược đãi và tra tấn, phù hợp với các trình thuật cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu thành Nagiarét. Đầu tóc râu trán và mặt bê bết máu, sống nũi bị đánh gẫy, tay chân bị đóng đanh, vết đinh đóng trên cổ tay phải và trên chân rất rõ. Toàn thân mình chằng chịt các vết roi đánh. Truyền thống kitô coi đó là tấm khăn đã được dùng liệm xác Đức Giêsu chiều ngày thứ Sáu Tuần Thánh.

Từ ”Sindone” phát xuất từ tiếng Hy Lạp ”sindon” là vải gai tốt. Nhưng từ này đã trở thành đồng nghĩa với khăn liệm xác Đức Giêsu. Tấm Khăn Liện đã được trưng bầy cho tín hữu kính viếng trong các năm 1978, 1998, 2000 và 2010 từ ngày 10 tháng 4 cho tới 23 tháng 5.

Lịch sử các Giáo Hội Đông Phương có nhắc tới tấm khăn ”Mandylion” có hình của Chúa Cứu Thế, hay ”Hình của tỉnh Edessa” vì ít nhất từ năm 544 nó được giữ tại Edessa, ngày nay là thành phố Urfa bên Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng vào năm 994 khi người Hồi đánh chiếm Edessa, các kitô hữu Bisantin chuyển tấm khăn có hình mặt Chúa Giêsu về Constantinopoli, và tấm khăn được giữ tại đây cho tới năm 1204, khi thàmh phố này bị Thập tự quân cướp phá và lấy đi rất nhiều thánh tích. Từ đó Tấm khăn Mandylion mất dấu vết.

Tài liệu lịch sử thuộc thế kỷ thứ X, do “Gregorio tổng Phó tế và là tường trình viên của Giáo Hội Constantinopoli” viết, kể lại biến cố tấm khăn Mandylion được mang tới Constantinopoli năm 944. Trong đó có nói tới ”các giọt máu rỉ ra từ cạnh sườn Chúa” (Cod. Vat. Gr. 511. fogli 143-150 v). Như thế, trên tấm khăn Mandylion không chỉ có hình mặt Chúa, mà còn có hình của toàn thân thể với vết máu chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu nữa.

Tài liệu thứ hai cũng thuộc thế kỷ thứ X thuộc Codex Vossianus latinus (Q 69) hiện được giữ trong thư viện của đại học Rijksunivedriteit tỉnh Leiden bên Hòa Lan, kể lại câu chuyện thuộc thế kỷ thứ VIII, phát xuất từ truyền thống Siriac, được địch ra tiếng Latinh bởi Ngự y trưởng thành Smirna, nói rõ rằng tấm khăn Mandylion không chỉ có hình mặt, mà có hình của toàn thân mình Chúa Kitô nữa. Các nguồn tại liêu cổ xưa nói tới tấm khăn ”tetradyplon” là gấp 4 hai lần, tức 8 lần, chỉ để cho thấy Mặt của Chúa Kitô mà thôi. Nhiều học giả cho rằng đó chính là Tấm Khăn Liệm Thánh thành Torino.

Vào thế kỷ thứ XIV không biết từ đâu Tấm Khăm Liệm lọt vào tay Hiệp Sĩ Geoffroy de Charny (1305-1356) và vợ là Jeanne de Vergy. Ngày 20 tháng 6 năm 1353 ông tặng Tấm Khăn Liệm cho các Kinh sĩ Lirey, và Tấm Khăn Liệm được trưng bầy lần đầu tiên năm 1357. Năm 1415 Marguerite de Charny, con cháu của Hiệp Sĩ Geoffroy đòi lại Tấm Khăn Liệm, rồi năm 1453 bán hay nhường cho các Quận Công nhà Savoia. Từ đó Tấm Khăn Liệm được giữ tại Chambéry. Ngày 4-12-1532 nhà nguyện thánh của Tấm Khăm Liệm Thánh bị cháy, khiến cho Tấm Khăn Liệm bị hư hại nhiều chỗ, vì lửa cháy nóng khiến cho chì của hòm đựng nhỏ xuống Khăn Thánh. Năm 1578 Tấm Khăn Liệm được mang về Torino, bắc Italia, theo lời yêu cầu của thánh Carlo Borromeo Tổng Giám Mục Milano, và được cất giữ ở đây từ đó đến nay. Vua Umberto II nhà Savoia trối lại gia tài cho Tòa Thánh Vaticăng, và Tòa Thánh giao cho Tổng Giám Mục Torino việc coi giữ Tấm Khăn Liệm Thánh.

Trong qúa khứ Giáo Hội công giáo đã không coi đó là tấm khăn thật liệm xác Chúa Giêsu. Năm 1389 Giám Mục thành Troyes gửi thư cho Đức Giáo Hoàng tuyên bố rằng tấm khăn chỉ coi là ”một bức vẽ rất tài tình, do tay người làm ra chứ không phải do phép lạ”. Năm 1390 Đức Giáo Hoàng Clemente VII công bố 4 tự sắc cho phép trưng bầy nhưng phải nói lớn tiếng rằng nó ”không phải là tấm khăn liệm thật của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô”. Năm 1506 Đức Giáo Hoàng Julio II cho phép công khai sùng kính Tấm Khăn Liệm với lễ và kinh thần vụ riêng. Ngày nay, tuy Giáo Hội không lên tiếng về vấn đề này, và để cho các nhà khoa học nhiệm vụ tìm hiểu các bằng chứng phò hay chống, nhưng cho phép sùng kính hình cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Nhiều Giáo Hoàng từ Đức Pio XI đến Đức Gioan Phaolô II đã bầy tỏ xác tín riêng về tính cách đích thực của Tấm Khăn Liệm Thánh.

Năm 2005 một nhóm 24 nhà nghiên cứu đã ký chung một tài liêu cung cấp nhiều tin tức và khẳng định rằng đã không có thí nghiệm nào thành công trong việc tái tạo lại tất cả các đặc thái của Tấm Khăn Liệm thành Torino.

Trong hai buổi phát lần trước chúng tôi đã gửi tới qúy vị và các bạn phần đầu và phần hai bài phỏng vấn, hôm nay xin gửi phần ba cuộc phỏng vấn giáo sư Barberis dành cho hãng thông tấn ZENIT ngày 8 tháng 6 năm nay.

Hỏi: Thưa giáo sư Barberis, hai kiểu tìm hiểu hình người in trên Tấm Khăn Lim thành Torino như giáo sư đã trình bầy có thực sự đối kháng với nhau đến như vậy không?

Đáp: Riêng cá nhân tôi, thì tôi cho rằng hai kiểu tìm hiểu Tấm Khăn Liệm không chỉ có thể hòa hợp với nhau, mà còn bổ túc cho nhau nữa. Chúng làm thành hai phần không thể thiếu của một sự trình bầy Tấm Khăn Liệm một cách đúng đắn, hữu hiệu và đầy đủ. Chúng rất có thể hiện hữu cùng nhau, miễn là tôn trọng các tầng lớp chuyên môn khác nhau, không tìm mọi cách trộn lẫn chúng và gò ép các kết luận mà không tôn trọng tính cách chuyên biệt của chúng. Về điểm này, để khỏi gây ra các hiểu lầm, cần phải nhắc nhớ rằng đức tin kitô không dựa trên và sẽ không bao giờ dựa trên Tấm Khăn Liệm. Có nhiều lần tôi đã bi các nhà báo và các phóng viên hỏi rằng đức tin của tôi sẽ ra sao, nếu người ta chứng minh được rằng Tấm Khăn Liệm thành Torino không phải là tấm khăm thật đã liệm xác Chúa Giêsu. Dĩ nhiên là tôi đã trả lời rằng sẽ không có gì thay đổi cả. Đức tin kitô dựa trên nhiều giả thiết khác, mà Tấm Khăm Liệm có thể là một yểm trợ có giá trị, nếu được coi như là một dụng cụ qúy báu, qua thứ ngôn ngữ của hình ảnh, nó góp phần vào việc suy tư về một điều nòng cốt quan trọng của đức tin: đó là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Đối với tất cả những ai đứng trước Tấm Khăm Liệm mà không có các ý niệm chế sẵn trước, và không có các thành kiến, thì việc trình bày đúng đắn cống hiến khả thể bước đi trên một lộ trình suy tư, giúp khám phá ra mầu nhiệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, được kể lại trong hình thái văn chương bởi các tác giả Phúc Âm. Lộ trình ấy cần được nâng đỡ bởi các xác nhận và các khám phá đến từ các cuộc nghiên cứu khoa học các dấu vết trên Tấm Khăn Liệm, cũng như từ suy tư cho phép đi xa hơn hình ảnh để tiếp nhận được sứ điệp cứu rỗi và ơn cứu độ, mà sự khổ đau của Chúa Kitô trao ban cho chúng ta trên con đường khổ nạn dài và đau đớn của Người. Vì thế Tấm Khăn Liệm tuyệt đối cần được nghiên cứu và hiểu biết theo cả hai kiểu tìm hiểu: kiểu tìm hiểu của khoa học và kiểu tìm hiểu của đức tin. Nếu không, sẽ không thể nào tiếp nhận và đào sâu được sứ điệp sâu xa của nó một cách tràn đầy.

Hỏi: Thưa giáo sư, vậy Tấm Khăn Liệm có thể là đi tượng của cuộc đối thoại đa tôn giáo hay không?

Đáp: Câu trả lời của tôi chắc chắn là có rồi. Không ai được ngạc nhiên trước sự kiện đề tài Tấm Khăn Liệm không chỉ lôi cuốn sự chú ý của các tín hữu thuộc nhiều Giáo Hội Kitô, mà nó cũng lôi cuốn người của các tôn giáo khác và cả những người tuyên bố mình là vô thần nữa. Lịch sử của cả các lần trưng bầy cuối cùng đầy các chứng từ chứng minh cho điều đó. Trong lần trưng bầy Tấm Khăn Liệm hồi năm 2010 tôi đã có dịp thảo luận lâu và một cách rất xây dựng với một nhóm tín hữu Hồi đến Torino để viếng Tấm Khăm Liệm. Đây đã là một kỷ niện không thể nào quên được. Cũng thế, các buổi thuyết trình của tôi tại Đan Mạch và Phần Lan hồi năm 1998 cho phép tôi có dịp đối thoại với các tín hữu Luther rất chú ý tới Tấm Khăn Liệm và sứ điệp của nó; hay các buổi thuyết trình tại Nam Hàn hồi năm 1999 cũng thế. Các kinh nghiệm này đã xác nhận một xác tín mà tôi có trong tim từ lâu. Nó nảy sinh từ nhiều sự kiện và các cuộc gặp gỡ mà người khác đã sống và kể lại cho tôi nghe. Xác tín rằng sứ điệp mà hình người trên Tấm Khăn Liệm chuyển tới thật sự đại đồng, và nó nói với tất cả mọi người nam nữ thuôc mọi chủng tộc và tôn giáo. Tôi không nghi ngờ sự kiện mỗi một tín hữu hành hương đi qua trước Tấm Khăm Liệm Thánh đều trở về nhà, được phong phú và trưởng thành hơn trên bình diên tinh thần, và sẽ khó mà quên đựơc hình ảnh của Tấm Khăn Liệm, một hình ảnh gây âu lo và nói một cách hùng hồn với con người của mọi thời đại, của mọi nền văn hóa, của mọi tôn giáo và chủng tộc. Đó là lý do tại sao tôi hoàn toàn đồng ý với bà Mechthild Flury Lemberg, tín hữu Luther người Thụy Sĩ, chuyên viên về các loại vải cổ xưa. Hồi năm 2002 bà là người đã khâu Tấm Khăn Liệm trên một lớp khăn đệm mới. Và trong một cuộc phỏng vấn bà đã định nghĩa Tấm Khăn Liệm ”là một dụng cụ qúy báu có thể tạo thuận tiện cho cuộc đối thoại đại kết”. Tấm Khăn Liệm có đó, ở trước mặt tất cả mọi người không trừ ai. Chúng ta có bổn phận không phung phí sứ điệp rất qúy báu của nó, bằng cách tận tâm làm sao để cho tất cả mọi người đều có thể trông thấy và hiểu biết nó một cách tường tận.

Hỏi: Tấm Khăn Lim đã đơc các Giáo Hoàng đnh nghĩa như là ”sự khiêu khích trí thông minh”, ”tấm gương của Phúc âm”, ”hình ảnh của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh”. Giáo sư, thì giáo sư định nghĩa Tấm Khăn Liệm là gì?

Đáp: Một trong các đặc tính chuyên biệt của Tấm Khăn Liệm là đã đựợc định nghĩa bởi hằng chục kiểu khác nhau. Đó là dấu chỉ của các khía cạnh đa diện qua đó có thể đọc bức hình duy nhất và không thể lập lại được này. Không có một định nghĩa ý nghĩa hơn các định nghĩa khác, bởi vì tất cả mọi định nghĩa đều góp phần định nghĩa một khía cạnh nền tảng. Trong biết bao nhiệu định nghĩa, định nghĩa mà tôi thích nhớ lại nhất là định nghĩa Tấm Khăn Liệm như là ”một hính ảnh không thể giải thích được”, vì nó nêu bật một sự kiện thực sự gây kinh ngạc: đó là tất cả các lý thuyết được đề nghị cho tới nay để thử giải thích kiểu tạo thành hình trên Tấm Khăn Liệm, dù tự chúng có hay mấy đi nữa, nhưng kết qủa đều luôn luôn thiếu sót, bởi vì chúng đã được kèm theo bởi các kiểm soát thực nghiệm minh nhiên trên các hình ảnh có được các đặc thái vật lý hóa học rất khác với các đặc thái có được từ Tấm Khăm Liệm. Vì thế tiến trình tạo thành hình trên Tấm Khăn Liệm vẫn chưa được biết tới, và để đạt tới việc nhận ra nó cần phải có các nghiên cứu trên bình diện lý thuyết cũng như trên bình diện thử nghiệm.

(ZENIT 10-6-2012) (3/3)

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha đề cao tinh thần đồng trách nhiệm của giáo dân

Đức Thánh Cha đề cao tinh thần đồng trách nhiệm của giáo dân

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 đề cao tinh thần đồng trách nhiệm của giáo dân trong đời sống và hoạt động của Giáo Hội.

Ngài nhắc lại lập trường trên đây trong Sứ điệp gửi các tham dự viên Đại hội kỳ 6, quen gọi là ”Diễn đàn quốc tế” của Phong trào Công Giáo tiến hành, nhóm tại thành phố Iasi bên Rumani từ ngày 22 đến 26-8-2012 với sự tham dự của các Đại biểu phong trào đến từ 35 nước thuộc 4 đại lục trên thế giới. Diễn đàn có chủ đề “Giáo dân Công Giáo tiến hành: đồng trách nhiệm trong Giáo Hội và xã hội”, nhắm cổ võ sự tham gia của giáo dân vào đời sống giáo xứ và cộng đoàn, nhất là qua việc học hỏi và thi hành các nguyên tắc Giáo huấn xã hội Công Giáo.

ĐTC nhận xét rằng ”đề tài của Diễn đàn có tầm quan trọng lớn đối với giáo dân, một đề tài có vị trí rất thích hợp trước Năm Đức Tin và Thượng HĐGM thế giới sắp tới về tái truyền giảng Tin Mừng”

”Tinh thần đồng trách nhiệm đòi phải thay đổi não trạng, nhất là về vai trò của giáo dân trong Giáo Hội: không được coi giáo dân chỉ là ”những cộng tác viên” của hàng giáo sĩ, nhưng như những người thực sự ”đồng trách nhiệm” đối với cuộc sống và hoạt động của Giáo Hội. Vì thế, điều quan trọng là phải củng cố một hàng giáo dân trưởng thành và dấn thân, có khả năng đóng góp phần đặc thù của mình cho sứ mạng của Giáo Hội, trong niềm tôn trọng các thừa tác vụ và nghĩa vụ của mỗi người trong đời sống Giáo Hội và luôn luôn hiệp thông với các GM”.

ĐTC giải thích rằng ”Điều này có nghĩa là khi phục vụ Giáo Hội, giáo dân phải đón nhận mục đích tông đồ trong toàn bộ, trong một sự quân bình phong phú giữa Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội địa phương, và trong tinh thần hiệp thông sâu xa với Người Kế Vị Thánh Phêrô và tinh thần đồng trách nhiệm thực sự với các vị chủ chăn của mình.”

ĐTC cũng nhận xét rằng vai trò của giáo dân có một tầm quan trọng đặc biệt, nhất là trong giai đoạn hiện nay của lịch sử, cần phải được giải thích dưới ánh sáng giáo huấn xã hội của Hội Thánh, để ngày càng trở thành ”một phòng thí nghiệm về sự hoàn cầu hóa tình liên đới và bác ái, để cùng với toàn thể Giáo Hội tăng trưởng trong sự đồng trách nhiệm mang lại một tương lai hy vọng cho nhân loại, có can đảm đưa ra những đề nghị đòi hỏi nhiều cố gắng”.

ĐTC không quên khuyến khích mọi thành phần của Phong trào Công giáo tiến hành cộng tác vào công trình ”tái truyền giảng Tin Mừng, loan báo ơn cứu độ trong Chúa Kitô bằng ngôn ngữ và phương pháp dễ hiểu trong thời đại chúng ta ngày nay, một thời đải có những tiến trình xã hội và văn hóa đang biến chuyển mau lẹ.”

Sau cùng, Ngài nhắc lại lịch sử lâu dài và phong phú của Phong trào Công giáo tiến hành, do những ”chứng nhân can trường của Chúa Kitô viết lên” và ngài mời gọi các thành viên phong trào này canh tân quyết tâm trên con đường sống thánh thiện, duy trì đời sống cầu nguyện sâu xa, cổ võ và tôn trọng những hành trình đức tin bản thân, và đề cao sự phong phú của mỗi người, với sự tháp tùng của các linh mục tuyên úy và các vị trách nhiệm có khả năng giáo dục về sự đồng trách nhiệm về mặt Giáo Hội và xã hội. Cuộc sống của anh chị em hãy có tính chất 'trong sáng', được Tin Mừng hướng dẫn và được soi sáng nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, được yêu mến và noi theo không chút sợ hãi. Hãy đảm nhận và chia sẻ những chọn lựa mục vụ của các giáo dân và giáo xứ, tạo những cơ hội gặp gỡ và cộng tác chân thành với các thành phần khác trong Giáo Hội, kiến tạo những quan hệ quí mến và hiệp thông với các linh mục, để họp thành một cộng đồng sinh động, phục vụ và truyền giáo..” (SD 23-8-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: quyết tâm theo Chúa hằng ngày

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: quyết tâm theo Chúa hằng ngày

CASTELGANDOLFO. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng ngàn tín hữu tại Castelgandolfo trưa chúa nhật 26 tháng 8-2012, ĐTC Biển Đức 16 mời gọi các tín hữu tái quyết tâm hằng ngày bước theo Chúa.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã giải thích về bài Tin Mừng chúa nhật thứ 21 thường niên năm B, kể lại phần kết bài diễn văn của Chúa Giêsu về ”bánh sự sống”, trong đó nhiều môn đệ từ khước việc Chúa Giêsu mời gọi ăn mình và uống máu Ngài, và họ rút lui, không còn đi với Ngài nữa (Ga 6,66):

Anh chị em thân mến,

Những chúa nhật vừa qua, chúng ta đã suy niệm về bài diễn văn ”Bánh sự sống” mà Chúa Giêsu trình bày tại Hội đường Do thái ở Cafarnaum sau khi đã cho hàng ngàn người ăn no nê với 5 chiếc bánh và 2 con cá. Hôm nay, bài Tin Mừng trình bày phản ứng của các môn đệ về bài diễn văn ấy, một phản ứng mà chính Chúa Kitô chủ ý khơi lên. Trước tiên, thánh sử Gioan – hiện diện cùng với các Tông Đồ khác – thuật lại rằng ”từ lúc ấy nhiều người trong các môn đệ tháo lui và không đi với Ngài nữa” (Ga 6,66). Tại sao? Tại vì họ không tin những lời Chúa Giêsu nói: Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì sẽ sống đời đời” (Xc Ga 6,51.54), đối với họ đó thực là những lời không thể chấp nhận được, không thể hiểu được. Đối với họ, mạc khải này không thể hiểu nổi, như tôi vừa nói, vì họ chỉ hiểu mạc khải này theo nghĩa vật chất, trong khi trong những lời ấy có tiên báo mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu, trong đó Ngài hiến mình để cứu độ trần thế”.

”Khi thấy nhiều môn đệ bỏ đi, Chúa Giêsu quay lại nói với các Tông Đồ: ”Các con có muốn bỏ đi không?” (Ga 6,67). Giống như trong những trường hợp khác, chính Phêrô trả lời nhân danh Nhóm Mười Hai: ”Lạy Chúa, chúng con biết theo ai bây giờ? Chúa có lời ban sự sống đời đời và chúng con đã tin và biết rằng Chúa là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69). Về đoạn này chúng ta có một bài bình luận rất hay của thánh Augustino, nói rằng: “Anh chị em thấy thánh Phêrô hiểu vì Người đã tin. Thầy có những lời sự sống đời đời. Thầy cho chúng con sự sống đời đời bằng cách trao tặng mình máu Thầy cho chúng con. Và chúng con đã tin và nhận biết. Người không nói: chúng con đã biết và tin, nhưng chúng con đã tin, rồi chúng con biết. Chúng con đã tin để có thể biết; thực vậy, giả sử chúng ta đã muốn biết trước khi tin, thì chúng ta sẽ không thành công trong việc nhận biết và tin. Chúng ta đã tin điều gì và biết điều gì? Thưa rằng Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa, nghĩa là Thày chính là sự sống đời đời, và trong thịt và máu Thầy, Thầy ban cho chúng con chính mình Thầy” (Chú giải Tin Mừng Gioan 27,9).

ĐTC nói tiếp: ”Sau cùng, Chúa Giêsu biết rằng ngay cả trong 12 Tông Đồ, có một người không tin, đó là Giuda. Lẽ ra cả Giuđa cũng có thể bỏ đi, như nhiều môn đệ khác; đúng hơn, giả sử ông ta là người lương thiện thì đã bỏ đi rồi. Trái lại ông vẫn ở lại với Chúa Giêsu. Ông ở lại không phải vì tin, cũng chẳng vì yêu mến, nhưng với chủ đích thầm kín là để trả thù Thầy. Tại sao? Vì Giuđa cảm thấy bị Chúa Giêsu phản bội, và ông phản bội lại Ngài. Giuđa vốn là người theo phái Zelote, và muốn có một Đức Messia chiến thắng, hướng dẫn cuộc nổi loạn chống lại người La Mã. Nhưng Chúa Giêsu đã làm cho những mong đợi này bị thất vọng. Vấn đề là Giuđa không bỏ đi, và lỗi nặng nhất của ông ta là sự gian trá, vốn là dấu hiệu của ma quỷ. Vì thế Chúa Giêsu nói với nhóm 12: ”Một người trong các con là quỷ!” (Ga 6,70).
Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta tin nơi Chúa Giêsu, như thánh Phêrô, và luôn thành thực với Chúa và với tất cả mọi người.”

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau khi ban phép lành cho mọi người, như thường lệ ĐTC đã chào thăm các tín hữu hành hương bằng các thứ tiếng và đưa ra những lời nhắn nhủ ngắn:

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ngài đặc biệt chào thăm nhóm bạn trẻ đến đây cùng với các tu sĩ dòng Tôi Tớ Chúa Giêsu và Mẹ Maria. ĐTC nói: ”Mỗi ngày chúng ta có thể định hướng cuộc sống của mình qua những chọn lựa ta thực hiện. Chúng ta hãy đặt mình dưới cái nhìn của Thiên Chúa để Ngài giúp chúng ta phân định điều gì là tốt để thực hiện. Ngài biết rõ và yêu thương chúng ta. Hỡi các tín hữu hành hương và các bạn trẻ thân mến, anh chị em hãy ý thức rằng Thiên Chúa muốn cho anh chị em được hạnh phúc. Hãy tín thác nơi Chúa! Ngài là nguồn mạch bình an. Xin Chúa Giêsu hướng dẫn anh chị em trên con đường đời này!

Bằng tiếng Anh, ĐTC nồng nhiệt chào thăm các sinh viên mới của Giáo Hoàng Học Viện Bắc Mỹ và nói: ”Các chủng sinh thân mến, các con hãy tận dụng thời gian của các con ở Roma để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô hoàn hảo hơn. Thực vậy, ước gì nhiều người trong chúng ta tiếp tục trung thành với Chúa, cả khi đức tin của chúng ta nơi giáo huấn của Chúa bị thử thách.”

Với các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC nhắc nhở rằng: ”Các bài đọc phụng vụ Chúa nhật này muốn giúp chúng ta ý thức rõ cách thức chúng ta phải đón nhận Lời Chúa. Nếu chỉ biết điều gì đó về Chúa mà thôi thì không đủ. Chúa Giêsu muốn hiện diện trong cuộc sống và sinh hoạt thường nhật của chúng ta, Ngài muốn đồng hành với chúng ta. Chúng ta được mời gọi bước theo Chúa: hành động theo gương Chúa, cầu nguyện đối thoại với Chúa, kể cho tha nhân về những điều tốt lành của Chúa. Như thế, hình ảnh Chúa Kitô có thể trở nên sinh động đối với chúng ta và tâm hồn chúng ta ngày càng được tràn đầy tình thương của Chúa. Xin Chúa ban cho anh chị em được ơn thánh của Ngài”.

Khi ngỏ lời với các tín hữu hành hương người Ba Lan hiện diện, ĐTC cũng chuyển lời chào thăm các GM Ba Lan và những người hành hương tụ tập tại Đền thánh Jasna Gora. ”Lạy Mẹ Maria, con ở với Mẹ, con tưởng nhớ, con canh thức với Mẹ”, khi lập lại lời yêu thương này với Mẹ Thiên Chúa, chúng ta ý thức rằng lời này cũng có nghĩa là phải quyết tâm trung thành và vâng phục Con của Mẹ: ”Anh chị em hãy làm tất cả những gì Người dạy” (Ga 2,5). Xin Mẹ Maria luôn bảo vệ anh chị em!

Sau cùng, ĐTC chào thăm các tín hữu hành hương người Italia, đặc biệt là các nữ tu dòng Nhan Thánh, và ngài cầu chúc cho Tổng tu nghị của các chị được mọi sự tốt đẹp: xin Chúa Thánh Linh soi sáng và hướng dẫn chị em. ĐTC cũng nồng nhiệt chúc mừng các tu sĩ dòng Salésien Don Bosco kỷ niệm 50 năm khấn trọn đời, trong đó có cả Cha sở ở Castel Gandolfo này!.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Ireland kêu gọi hy vọng về tương lai

Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Ireland kêu gọi hy vọng về tương lai

DUBLIN. Đức TGM Charles Brown, Sứ thần Tòa Thánh tại Ireland, kêu gọi các tín hữu hy vọng khi nhìn về tương lai Giáo Hội Công Giáo tại đây.

Đức TGM Brown người Mỹ, nguyên là một chức sắc của Bộ giáo lý đức tin, được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Ireland hồi tháng 11 năm 2011. Ngài đưa ra lời khích lệ trên đây trong bài giảng thánh lễ hôm 22 tháng 8-2012, kết thúc tuần cửu nhật thường niên tại Đền thánh Đức Mẹ Knock ở mạn tây bắc Ireland.

Giáo Hội Công Giáo tại Ireland bị rúng động và sa sút trầm trọng trong những thập niên gần đây, do những vụ giáo sĩ tu sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Trong bài giảng, Đức Sứ Thần Tòa Thánh nhắc đến những dấu hiệu tích cực gần đây và xác quyết rằng Giáo Hội tại Ailen không bị kết án phải ”biến mất” mặc dù những thống kê tiêu cực và những xìcăngđan trong 20 năm gần đây. Giáo Hội Ai Len đã từng trải qua thời kỳ đen tối và đã biết cách ra khỏi những tình trạng như thế.

Đức TGM Brown nhắc đến sự thành công đặc biệt của Đại hội Thánh Thể quốc tế tại Dublin hồi tháng 6 năm nay, và sự tham dự đông đảo của giới trẻ trẻ tại cuộc hành hương mới đây ở Croagh Patrick. Ngài nói: ”Tương lai của Giáo Hội ở Ireland là ở đó, một tương lai chỉ có thể có được nếu Giáo Hội này thực sự là Công Giáo. Chính Chúa Giêsu chỉ đường cho chúng ta khi Ngài khuyên chúng ta ”hãy tìm kiếm trước tiên Nước Thiên Chúa và sự công chính của Chúa” (Mt 6,33).

Đức Sứ Thần Tòa Thánh nhắc đến nhiều sáng kiến do ĐTC Biển Đức 16 để xướng để giúp Giáo Hội đương đầu với những thách đố tương lai: từ việc thành lập Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, cho đến việc triệu tập Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 về việc tái truyền giảng Tin Mừng và thông truyền đức tin, tiếp đến là việc ấn định Năm Đức Tin, tạo cơ hội cho các tín hữu ”tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Phục Sinh, để mỗi người cảm thấy nhu cầu mạnh mẽ phải biết Chúa rõ hơn để thông truyền cho các thế hệ tương lai đức tin ngàn đời” (Porta Fidei, 8).
Trong ý hướng đó, Đức Sứ Thần Tòa Thánh nhắc lại lời của ĐTC Biển Đức 16 mời gọi các tín hữu học hỏi và tái khám phá Sách Giáo Lý chung của Hội Thánh Công Giáo, giúp chúng ta gặp gỡ con người của Chúa Kitô. HĐGM Ireland mới đây cũng đã công bố ”Cuốn chỉ nam toàn quốc về huấn giáo” với tựa đề ”Chia sẻ Tin Mừng” (Share the Good News).

Và Đức TGM Charles Brown kết luận rằng: ”Tương lai của Giáo Hội tại Ireland đang bắt đầu bây giờ: đây không phải là con đường dễ dàng, cũng giống như tình trạng không dễ dàng của các tín hữu Công Giáo Ireland khi Đức Mẹ hiện ra tại Knock hồi năm 1897. Và tiếp theo cuộc hiện ra ấy là một trong những thời kỳ phong phú nhất của Giáo Hội Công Giáo tạiIreland” (RG 25-8-2012)

G. Trần Đức Anh OP  (VietVatican)

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO 08-20 đến 08-26-2012

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO 08-20 đến 08-26-2012

Trích từ Xuân Bích Việt Nam

Nhóm duy truyền thống ( không phải SSPX ) được ban quy chế Giáo Hội.

Nhũng người vô thần đấu tranh để gỡ bỏ thập giá bằng sắt khỏi địa điểm 9 tháng 11.

Đức Piô XII là nạn nhân chiến dịch bôi nhọ của Xô-viết.

Chống lại kế hoạch biến thánh đường lịch sử thành một nhà thờ Hồi giáo.

Tượng Đức Trinh Nữ Maria ở Panama cao hơn Tượng Nữ Thần Tự Do.

– Bổ nhiệm mới.

Đức Thánh Cha chào mừng cuộc gặp gỡ giữa Chính Thống Nga và Công Giáo Balan.

Dâng mình cho Đức Trinh Nữ Maria để chống lại ba thù.

-Các GM Zambia chống lại định nghĩa Zambia là một « quốc gia Kitô giáo ».

Kỷ niệm 140 năm sáng lập Dòng Nữ Tử  Đức Maria Phù Hộ ở Hong Kong.

-Đức Thánh Cha vẫn tông du Liban mặc cho những căng thẳng.

Cựu linh mục bắt đầu lập Dòng mới. Tin báo chí đưa làm độc giả hoang mang.

Tín hữu Công Giáo thực hành sụt giảm, nhưng các con số khó mà chứng minh.

-Hàng ngàn tín hữu tham dự Đại Hội Thánh Thể Giáo phận Phong Dương.

-Quan toà phán quyết rằng linh mục không phải là người làm công cho Vatican.

Đại Hội Liên Phi các tín hữu Giáo dân Công Giáo.

Di tích Thánh Phanxicô Xaviê đi vòng nước Úc.

ĐHY người Tô Cách Lan ngừng đàm phán với chính phủ về hôn nhân đồng tính.

Giúp đỡ ơn gọi ở Châu Phi: sáng kiến của Hội truyền giáo Giáo  Hoàng của Đài Loan.

Khâm sứ Toà Thánh trình bày cái nhìn đối với tương lai Đạo Công giáo Ái Nhĩ Lan.

Năm Đức Tin và Tân Truyền Giáo : trong chương trình họp Liên HĐGM Châu Úc.

Giáo Hội, chính phủ và lãnh tụ Hồi giáo được huy động để cứu Rimsha.

Báo cáo về các nữ tu Hoa Kỳ không xung đột với Vatican.

Giáo hội Ái Nhĩ Lan lường trước tình hình thiếu linh mục trong các giáo xứ.

Thỏa thuận giữa Vatican và Hãng Apple

Gia tăng bất bao dung đối với các Kitô hữu.

Các tình nguyên viên Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đón nhận Cờ Olympic ở Rio.

-Con bé bén rễ sâu trong đức tin.

Một Bộ Chính Trị mới cầm đầu nước Nga

  (Xem chi tiết . . .   TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO 08-20 to 08-26-2012)

Đức Thánh Cha góp phần tái thiết Đền thờ thánh Augustino

Đức Thánh Cha góp phần tái thiết Đền thờ thánh Augustino

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 góp phần tái thiết Vương cung thánh đường thánh Augustino ở thành phố Annaba bên Algérie, gần nơi xưa kia là tòa GM giáo phận Hippone do thánh nhân coi sóc.

Đức Thánh Cha đương kim vốn là một học giả nghiên cứu về thánh Augustino và rất mộ mến đạo lý của thánh nhân. Trên huy hiệu Giáo Hoàng của ngài có vẽ hình vỏ sò để nhắc nhớ sự tích thánh Augustino gặp thiên thần dưới hình một trẻ em dùng vỏ sò múc cả nước biển đổ vào lỗ con dã tràng, một điều ”dễ dàng hơn cả nỗ lực của thánh nhân muốn giải thích mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi”.

Đức Cha Paul Desfarges, GM giáo phận Constantine bên Algérie nói với báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, số ra ngày 24-8-2012 rằng sự đóng góp của ĐTC cũng như của Ngân Quỹ Giáo Hoàng (Papal Foundation) có trụ sở tại Hoa Kỳ, chứng tỏ tầm quan trọng của dự án này. Cả chính phủ Algérie cũng hỗ trợ chương trình trùng tu có từ hơn một năm nay.

Đức Cha Desfarges nói: ”Chúng ta biết ĐTC Biển Đức 16 rất quan tâm đến thánh Augustino. Chúng ta cũng biết rằng Vương cung thánh đường kính thánh nhân ở Annaba không phải chỉ là một nơi thờ phượng. Toàn thể đồi Hippone, trên đỉnh có Vương cung thánh đường, là một địa điểm biểu tượng nói lên sự sống chung và tình huynh đệ về mặt nhân sự và tinh thần.. Tiểu sử thánh Augustino, nền văn hóa và giáo dục, cũng như việc Thánh nhân tìm kiếm Thiên Chúa và thánh ý Chúa thúc đẩy các tín hữu Kitô cũng như Hồi giáo và cả những người không tín ngưỡng suy xét xem đâu là điều thiết yếu nhất trong cuộc đời”.

Vương cung Thánh đường thánh Augustino được hoàn thành hồi năm 1900, cách vài trăm mét địa điểm khảo cổ về thành Hippo Regius thời xưa. Tại đây cũng có di tích Vương cung thánh đường cổ kính nơi thánh Augustino làm Giám Mục từ năm 395 đến 430.

Thánh đường hiện nay do 3 LM dòng thánh Augustino coi sóc. Các vị mong muốn có thêm LM để đáp ứng công tác mục vụ và đón tiếp các tín hữu hành hương và du khách, nhưng xin được thị thực nhập cảnh và cư trú cho các LM và tu sĩ tại Algérie thực là một công trình khó khăn.

Đức Cha Desfarges cũng cho biết trong số các du khách cũng có nhiều người Hồi giáo muốn tìm hiểu thêm về thánh Augustino hoặc muốn tìm một nơi yên tĩnh. Ngài nói: ”Khi bạn bước qua ngưỡng cửa Vương cung thánh đường, bạn hiểu rằng mình không vào một bảo tàng viện, nhưng là một nơi trong đó sự thinh lặng và an bình thu hút bạn”.

Theo thống kê của Tòa Thánh, trong số 12 triệu dân sống trên lãnh thổ giáo phận Constantine ở Algérie, chỉ có 1 ngàn người Công Giáo. Phần lớn các tín hữu Công Giáo tại nước này là các sinh viên từ các nước Phi châu nam Sahara và những công nhân người Philippines làm việc cho các công ty quốc tế. Có rất ít người Algérie bản xứ là tín hữu Công Giáo. (CNS 24-8-2012)

G. Trần Đức Anh OP

 

 

Giáo Chủ Công Giáo Ucraine Đông Phương hy vọng hòa giải với Chính Thống Nga

Giáo Chủ Công Giáo Ucraine Đông Phương hy vọng hòa giải với Chính Thống Nga

KOLYMYYA. Đức TGM trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công Giáo Ucraine nghi lễ đông phương, hy vọng tiến trình hòa giải với các vị lãnh đạo Chính Thống Nga, theo sau Sứ điệp hòa giải giữa Ba Lan và Nga.

Hôm 17 tháng 8-2012, trong cuộc viếng thăm lịch sử tại Ba Lan, Đức Thượng Phụ Kirill I, Giáo chủ Chính Thống Nga, đã ký một tuyên ngôn chung với Đức TGM Michalik, Chủ tịch HĐGM Ba Lan, kêu gọi dân tộc Ba Lan và Nga loại bỏ mọi phẫn nộ và thành kiến đối với nhau từ nhiều thế kỷ và cộng tác với nhau để duy trì căn tính Kitô của đất nước liên hệ.

Phản ứng về sự kiện này, Đức TGM Shevchuk tuyên bố rằng: ”Chúng ta cũng phải đi theo cùng con đường hòa giải như vậy, nếu không sẽ không thể ngăn chặn sự Nga hóa tại Ucraine và nạn ghét người Ucraine ở Nga.. Nếu chúng ta cố gắng giải quyết những vấn đề đau thương trong quá khứ với tư cách là Kitô hữu, dưới ánh sáng Tin Mừng, và chữa lành ký ức bằng đường lối hòa giải, thì chúng ta có thể kiến tạo một cái gì có tính chất xây dựng”.

Đức TGM giáo chủ Công Giáo Ucraine cũng nhận xét rằng ”Tuyên ngôn chung không nói rõ người Ba Lan phải tha thứ cho người Nga về điều gì và Giáo Hội Chính Thống muốn xin lỗi Giáo Hội Công Giáo la tinh ở Ba Lan về điều gì, nhưng Tuyên ngôn này là một tấm gương hùng hồn”.

Các tín hữu Công Giáo la tinh và Đông phương ở Ucraine chỉ chiếm 10% trên tổng số gần 50 triệu dân tại nước này. 1 phần 3 còn lại trong dân Ucraine là tín đồ Chính Thống giáo, nhưng họ thuộc 3 Giáo Hội cạnh tranh nhau. Quan hệ giữa Công Giáo Đông phương và Chính Thống Nga ở Ucraine cũng bị căng thẳng từ nhiều thập niên qua vì dưới thời Liên Xô, Nhà nước cộng sản triệu tập một công nghị giả tạo, tuyên bố giải tán Giáo Hội Công Giáo Đông phương và ép sáp nhập vào Chính Thống Nga cùng với các thánh đường và tài sản liên hệ. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, các tín hữu Công Giáo Đông phương phục hồi tài sản, đòi lại các thánh đường. Chính Thống Nga gọi hành động này là ”Sự chiêu dụ tín đồ của Công Giáo”.

Đức TGM trưởng Shevchuv than phiền rằng Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Mascơva dường như sẵn sàng nói chuyện không những với thủ lãnh toàn thể Giáo Hội Công Giáo (ĐGH), nhưng với cả thủ lãnh của một Giáo Hội quốc gia.. nhưng các cuộc đối thoại của Chính Thống Nga về các tín hữu Công Giáo Ucraine chỉ diễn ra tại Vatican và hầu như luôn luôn không có chúng tôi” (CNS 24-8-2012)

G. Trần Đức Anh OP
 

 

GIA ĐÌNH TÔI TÔN THỜ THIÊN CHÚA

 GIA ĐÌNH TÔI TÔN THỜ THIÊN CHÚA

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN B
[Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ep 5,21-32; Ga 6,54a.60-69]
 
Liên tiếp những tuần qua, Lời Chúa đề cập đến Lương Thực Trường Sinh là chính Thịt và Máu Chúa Giê-su, Đấng bởi trời mang Bánh Bởi Trời đến cho con người. Ai TIN và tiếp rước Người, thì được sống đời đời.  
 
Lời Chúa hôm nay cho thấy thái độ tiếp nhận Lời rao giảng ấy nơi một số môn đệ Chúa Giê-su: "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!". Vâng đúng hơn là nghe thì được mà họ không chấp nhận được, không tin được hay chưa tin được! Trước thái độ khó chấp nhận Tin Mừng, Chúa Giê-su lại xác quyết “Lời Ta nói với các con là thần trí và là sự sống”.  
      
Để có thể TIN được Lời Chúa, con người phải thành tâm tìm kiếm sự công chính và Nước Thiên Chúa mới được Chúa Cha ban cho Thần Khí khôn ngoan mà chấp nhận chân lý, vì “Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho” 
      
Bởi vậy đã có những người không thành tâm theo Chúa, không thành tâm tìm kiếm Lương Thực ban sự sống đời đời, không tin có sự sống đời sau đã rút lui bỏ cuộc, không theo Ngài nữa.  
      
Tôn trọng tự do của các tông đồ, Chúa Giê-su hỏi họ “Cả các con, các con có muốn bỏ Thầy mà đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa”. 
      
Ông Simon Phê-rô, người đánh cá ít học, đã đại diện cho anh em tuyên xưng không bỏ Chúa Giê-su, nhưng theo Chúa vì Chúa có Lời Ban Sự Sống Đời Đời. 
      
Tính cách Đại Diện của Phê-rô có liên quan đến tính cách Đại Diện của Giosuê thời Cựu Ước, khi ông triệu tập triệu tập tất cả các chi tộc lại ở Sikem, rồi gọi các kỳ lão, các thủ lãnh gia tộc, quan án, sĩ quan đến, và họ đứng trước mặt Thiên Chúa. Giosuê liền nói với toàn dân như thế này: "Nếu các ngươi không muốn tôn thờ Thiên Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn: hôm nay, các ngươi hãy tuỳ ý chọn phải tôn thờ ai hơn: hoặc là các thần cha ông các ngươi đã tôn thờ ở Mêsôpôtamia, hoặc các thần của người xứ Amôrê, nơi các ngươi đang ở. Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa". 
      
“Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa". Câu tuyên xưng của Giosuê có ảnh hưởng nhất định đến quyết định của toàn dân. Vì thế toàn dân đã trả lời: "Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại. Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, chính Người đã dẫn chúng tôi và cha ông chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Người đã làm những việc kỳ diệu cả thể trước mắt chúng tôi và đã gìn giữ chúng tôi suốt con đường chúng tôi đã đi, giữa tất cả mọi dân chúng tôi đã đi qua. Chúa đã trục xuất tất cả những dân đó cũng như người Amôrê trên phần đất chúng tôi đã tiến vào" 
      
Lời Chúa đã vang vọng hai ngàn năm rồi. Lời Chúa đã  được lưu truyền rao giảng, dẫn giải từ thế  hệ này đến thế hệ khác, và nhất là đã trở nên đời sống của các chứng nhân anh dũng về Thiên Chúa, về Nước Thiên Chúa, về Sự Sống Lại, về Đời Sau. Nhưng, cho đến nay, việc đón nhận và sống theo Lời Chúa vẫn mãi còn là một thách thức lớn lao đối với mỗi người chúng ta, nhất là những người đang làm nhiệm vụ đại diện, những mục tử, cách riêng cho những gia trưởng trong gia đình. Cũng vậy, các Kitô Hữu Công Giáo luôn phải đứng trước sự lựa chọn giữa Đức Tin và vô thần, hoặc giữa việc Tôn Thờ Thiên Chúa với việc tôn thờ các thực tại trần gian. 
      
– Trước đây, một số nơi, gia đình những người công giáo Việt Nam thường có cây Thánh Giá ngay trước cổng nhà mình. Tuy không để câu “Gia đình tôi tôn thờ Thiên Chúa” nhưng đó là dấu chỉ của một niềm tin vào Chúa Ki tô, vào Thập Giá Cứu Rối, vào Lời Chúa. Sau năm 1975, có một thời, cây Thánh Giá trước cổng nhà không còn nữa, bị buộc phải dỡ bỏ đi vì “có thờ thì đem vào nhà mà thờ”. Thế là bà con ta phải theo cách “nay giấu cất để mai sau sẽ trưng bày” cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.  
      
Mãi  đến hôm nay, thì hầu như dấu chỉ ấy chưa có cơ hội để phục hồi! Vẫn chưa đến kỳ “trưng bày”. Vẫn còn thời “giấu cất”! Đến bao giờ thì người công giáo Việt Nam mới có thể đặt trước nhà mình một câu tuyên xưng công khai rằng “Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa". 
      
Cũng những ngày ấy, các xứ đạo toàn tòng hầu như  được trúng tuyển đi kinh tế mới không phải vì hảo ý tìm kế sinh nhai mà là  vì để phân tán mỏng những “gia đình tôn thờ Thiên Chúa” cho họ không còn điều kiện tôn thờ Thiên Chúa nữa vì xa nhà thờ, vì vắng chủ chiên! Tạ ơn Chúa vì Ngài vẫn thương gìn giữ con cái Chúa sống trong Đức Tin và nhờ Đức Tin được gieo vãi, nhờ đời sống hạt lúa mì chịu mục nát đi của các giáo dân, mà hầu hết các vùng kinh tế mới nay đã trở nên một Giáo Xứ mới, một ngôi nhà Tôn Thờ Thiên Chúa sống động. 
      
– Không vì những thành quả chung chung ấy mà quên  đi một thực tế đau lòng: Đến nay, điểm lại, mấy chục năm qua, từ chỗ “Đói lòng ăn hột chà là.Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng”, rồi từ chỗ “ăn no mặc ấm” đến “ăn ngon mặc đẹp”… con người ta tưởng như thế là hạnh phúc, hoặc đã đủ hạnh phúc, rồi quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa ngay trong chính gia đình mình. Và cũng từ đó, không lấy gì làm xót xa đau lòng khi chính họ đang dần dần bỏ Chúa, dần dần lãng quên sự hiện diện của Chúa. 
      
Không dám dặt vấn đề trách nhiệm của những đại diện, những lãnh đạo tôn giáo, chỉ xin đề cập đơn vị nhỏ nhất của Giáo Hội là Gia Đình và trách nhiệm bảo vệ Đức Tin công giáo của những người làm cha mẹ:
      
Sắp hết đời của những con người làm cha mẹ đã từng sống hai thời kỳ, và sẽ còn lại một thế hệ hậu duệ có tuổi từ 37 trở xuống. Đã có không ít những người làm cha mẹ buồn lòng vì con cái thời nay chúng nó không muốn giữ đạo nữa, hoặc nếu có, thì cũng chỉ vì đức tin ông bà hơn là vì thành tâm tìm kiếm sự sống chính của Thiên Chúa.  
      
Trong đoạn nhật ký của anh bạn tôi, có viết: “Các con thân mến, Cha có lỗi với các con, vì đã quá bận tâm đến cải củ khoai củ nần, đến miếng cơm manh áo, mà lơ là việc giáo dục đức tin cho các con thuở còn nhỏ. Sau những ngày thơ ấu, cố gắng kiếm cho con cái chữ, giao phó con cho nhà trường. Hết tiểu học, rồi trung học. Cố gắng cho con đi đại học. Học cái gì cha không hiểu. Chỉ biết, kết quả sau mười mấy năm cố gắng của cha là các con nhận được một nhân cách mới: nhân cách vô đạo. Các con coi thường việc giữ đạo của Cha Mẹ, xem nhẹ việc đọc kinh cầu nguyện, không bận tâm việc đọc và sống Lời Chúa, lơ là việc đi lễ, xưng tội, rước lễ, bài bác việc bác ái, việc tông đồ của cha. Con nói: “Sống như thế thì lấy gì mà ăn?”. Chúa ơi! Gia đình con không bỏ Chúa mà! Gia đình con tôn thờ Thiên Chúa. Xin hãy cứu lấy chúng con!”  
      
Thiết tưởng tâm tư của anh bạn tôi, cũng là tâm tư  của bạn của tôi, của chúng ta trong những ngày này, và  nhất là hôm nay, trước câu hỏi của Chúa Giê-su dành cho mỗi người, cách riêng cho những người đại diện gia đình, các gia trưởng: “Cả các con, các con có muốn bỏ Thầy mà đi không?”. Và câu trả lời của chúng ta, phải là: “Chúng con tin vào Chúa Giê-su, Đấng Kitô Con Thiên Chúa”, và Gia đình chúng tôi tôn thờ Thiên Chúa”, 
      
Nguyện xin Chúa cứu lấy gia đình chúng con trước hiểm họa mất Đức Tin. Ước gì mỗi nhà, mỗi người chúng con khi chưa phục hồi được cây Thánh Giá trước cổng, khi chưa đặt được ở trước nhà hàng chữ: “Gia đình chúng tôi tôn thờ Thiên Chúa”, thì mỗi thành viên trong gia đình chúng con vẫn biết yêu mến, tin tưởng và tôn thờ Chúa, sống nhờ Lời Chúa và Thánh Thể Chúa trong hành trình về với cõi sống ngàn thu. 

 
PM. Cao Huy Hoàng

Bổn phận gửi các thừa sai đi truyền giáo và trợ giúp các Giáo Hội nghèo

Bổn phận gửi các thừa sai đi truyền giáo và trợ giúp các Giáo Hội nghèo

Trong tháng 9 tới đây Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới cầu xin cho các cộng đoàn kitô sẵn sàng gửi các thừa sai linh mục và giáo dân đi truyền giáo và gia tăng trợ giúp cụ thể cho các Giáo Hội nghèo nhất.

Ngay từ thời khai sinh, Kitô giáo đã mang sắc thái đại đồng, vì bao gồm các tín hữu thuộc mọi chủng tộc, mầu da, ngôn ngữ, không phân biệt và kỳ thị ai. Mọi người đều là anh chị em với nhau, con của cùng một Thiên Chúa là Cha, đều là môn đệ của và là em của Đức Giêsu Kitô Trưởng Tử, và đều sống Tin Mừng yêu thương. Do đó, việc chia sẻ với nhau và cho nhau đã được kitô hữu thực thi ngay từ ban đầu như kể trong sách Công Vụ: ”Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2,44-45).

Cũng chính tình yêu thương bác ái tương trợ lẫn nhau ấy đã khiến cho Tông Đồ Phaolô phát động chiến dịch lac quyên trong các giáo đoàn và khuyến khích tín hữu quảng đại đóng góp để trợ giúp tín hữu của giáo đoàn mẹ ở Giêrusalem đang gặp đói kém khó khăn, như được nhắc tới trong chương 8 thư thứ II gửi tín hữu Côrintô.

Ngày nay khi duyệt xét tình hình Giáo Hội trên năm châu, chúng ta nhận ra ngay nhiều nhu cầu khác nhau. Có những cộng đoàn phải sống trong cảnh chiến tranh bạo lực và loạn lạc như bên Siria, Sudan, Congo Zair, Somalia. Có những cộng đoàm khác phải sống trong cảnh hạn hán, mất mùa đói kém như bên Etiopia, Eritrea, Somalia. Nhiều cộng đoàn khác nữa lại bị bách hại và kỳ thị như bên Ấn Độ, Irak và Nigeria. Và đây là đều khó tin nhưng số tín hữu kitô bị kỳ thị bách hại trên thế giới lên đến hơn 200 triệu, trong đó có tín hữu các giáo đoàn phải sống dưới các chế độ độc tài vô thần như Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam. Nói chung các Giáo Hội tại các vùng truyền giáo nghèo như Á châu, Phi châu và châu Mỹ Latinh vừa cần các thừa sai vừa cần các trợ giúp vật chất. Trong khi các Giáo Hội tại các nước giầu tây Âu không cần trợ giúp vật chất, nhưng lại đang cần các thừa sai, vì số ơn gọi linh mục qúa ít, và vì tình trạng tục hóa nặng nề khiến cho nhiều người xa rời Giáo Hội và không còn biết Chúa nữa. Các quốc gia kitô xưa kia từng gửi biết bao nhiêu thừa sai đi truyền giáo khắp nơi, giờ đây lại trở thành các vùng truyền giáo và cần có các thừa sai.

Trong sứ điệp gửi Ngày thế giới truyền giáo năm 2009 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tái khẳng định sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội. Sứ mệnh của Giáo Hội là mời gọi mọi dân tộc đến với ơn cứu độ, do Thiên Chúa thực hiện qua người Con nhập thể của Người là Đức Giêsu Kitô. Vì thế cần phải canh tân dấn thân loan báo Tin Mừng, là men của sự tự do, tiến bộ, tình huynh đệ, hiệp nhất và hòa bình (Ad Gentes 8). Đức Thánh Cha viết: Tôi muốn ”tái xác nhận rằng lệnh truyền rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người, là Sứ mệnh nòng cốt của Giáo Hội” (Evangelii Nuntiandi, 14), là bổn phận và sứ mệnh mà các thay đổi sâu rộng của xã hội khiến trở thành cấp thiết hơn nữa. Vấn đề ở đây là ơn cứu rỗi đời đời của con người, là chính sự kết thúc và thành toàn của lịch sử của nhân loại và của vũ trụ. Được linh hoạt và gợi hứng bởi vị Tông Đồ của các quốc gia, chúng ta phải ý thức rằng Thiên Chúa có một dân tộc đông đảo trong tất cả mọi thành phố được rảo qua, bởi cả các tông đồ ngày nay nữa… Toàn thể Giáo Hội phải dấn thân trong sứ mệnh đến với muôn dân… Tôi xin nhắc nhớ cho các Giáo Hội kỳ cựu cũng như cho các Giáo Hội mới được thành lập biết rằng họ được Chúa đặt để như là muối đất và ánh sáng thế gian, họ được mời gọi loan truyền Chúa Kitô, Ánh Sáng các Quốc gia, cho tới tận cùng bờ cõi trái đất. Việc truyền giáo phải là điểm ưu tiên trong các chương trình mục vụ.

Tôi cũng xin cám ơn và khích lệ các Hiệp hội giáo hoàng truyền giáo vì công tác linh hoạt không thể thiếu, cũng như việc đào tạo truyền giáo và trợ giúp kinh tế cho các Giáo Hội trẻ. Qua các cơ quan giáo hoàng này sư hiệp thông giữa các Giáo Hội được thể hiện một cách đáng khâm phục, với việc trao đổi qùa tặng, trong sự lo lắng cho nhau và trong các dự án truyền giáo chung.

Đức Thánh Cha viết tiếp trong sứ điệp: Sự hăng say truyền giáo đã luôn luôn là dấu chỉ sức sinh động của các Giáo Hội. Tuy nhiên cần phải phải tái khẳng định rằng việc rao truyền Tin Mừng là một công trình của Thần Khí, trước khi là một hoạt động, nó là chứng tá và sự dãi tỏa ánh sáng của Chúa Kitô từ phía Giáo Hội địa phương, gửi các thừa sai nam nữ đem chúng vượt qúa các biên giới của mình. Chính vì thế tôi mời gọi tất cả mọi tín hữu công giáo cầu xin Chúa Thánh Thần để Người làm lớn lên trong Giáo Hội sự đam mê truyền giáo, là việc rộng mở Nước Chúa, nâng đỡ các thừa sai nam nữ và các cộng đoàn kitô dấn thân hàng đầu trong Sứ Mệnh này, đôi khi trong các mội trường thù nghịch của bách hại.

Đồng thời tôi cũng xin các tín hữu công giáo cho một dấu chỉ đáng tin cậy của tình hiệp thông giữa các Giáo Hội, bằng một đóng góp kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng mà nhân loại đang trải qua này, để cho các Giáo Hội trẻ có điều kiện soi sáng muôn dân bằng Tin Mừng bác ái.

Với các tâm tình trên đây trong tháng 9 tới này hiệp ý với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và tín hữu công giáo toàn thế giới chúng ta hãy cầu xin cho các cộng đoàn kitô sẵn sàng gửi các thừa sai linh mục và giáo dân, và gia tăng trợ giúp cụ thể cho các Giáo Hội nghèo nhất.

Linh Tiến Khải

Các chủng viện (Thượng Hải) hoãn khai giảng năm học mới

Các chủng viện (Thượng Hải) hoãn khai giảng năm học mới

UCANEWSVIETNAM

Giáo phận Thượng Hải chứng kiến thêm cảnh bất hòa sau vụ điều tra lễ tấn phong giám mục của Đức cha Thaddeus Ma Daqin.

Các chủng viện ở Thượng Hải hoãn khai giảng năm học mới vào tháng tới, một động thái được các linh mục cho là đánh dấu tình hình căng thẳng mới nhất sau khi một giám mục bất ngờ từ chức trong Hội Công giáo yêu nước Trung Quốc hồi tháng trước.

Cũng có thông báo bề trên một dòng nữ trong giáo phận bị sa thải.

Đức Giám mục phó Aloysius Jin Luxian, đứng đầu Giáo hội "công khai" ở Thượng Hải, yêu cầu Đại Chủng viện Sheshan và Tiểu Chủng viện Tailaiqiao hoãn các lớp học "cho đến khi có thông báo mới" do "tình hình hiện nay" nhưng không giải thích rõ lý do.

"Thông báo ngắn gọn nhưng khiến chúng tôi bị sốc" – một linh mục yêu cầu giấu tên do tình hình nhạy cảm phát biểu hôm 21-8.

Một nguồn tin Giáo hội cũng từ chối nêu tên tiết lộ rằng các lãnh đạo Giáo hội trong các vùng gần Thượng Hải dự định phản đối quyết định này với chính quyền tỉnh.

Đại chủng viện Sheshan thu nhận các chủng sinh đến từ năm tỉnh lân cận thuộc miền trung đông Trung Quốc gồm An Huy, Chiết Giang, Giang Tây, Giang Tô and Phúc Kiến cũng như chủng sinh ở Thượng Hải, thành phố tự trị.

"Sheshan là chủng viện khu vực nên lẽ ra không bị liên lụy đến vụ tấn phong giám mục" – một nguồn tin Giáo hội khác cũng yêu cầu không tiết lộ danh tánh cho biết.

Thông báo được phát hành một vài ngày sau khi Giáo hội được nhà nước bảo trợ thông báo hôm thứ Sáu rằng đã sa thải nữ tu Agnes Liu Shujing, Tổng phụ trách dòng Đức Mẹ Dâng Mình, và nhà dòng cũng đã hủy bỏ khóa đào tạo một tuần dành cho 86 nữ tu của nhà dòng.

"Chúng tôi sẽ vâng lời vì đây là quyết định của giáo phận – một nữ tu trong dòng nói – Cho dù tình hình rối ren đến thế nào đi nữa, chúng tôi cũng phải chu toàn bổn phận".

Cho đến nay chưa có một lời giải thích chính thức nào về quyết định sa thải hay việc hủy bỏ khóa huấn luyện.

Tin cho biết nữ tu Liu đã "không hợp tác" khi chính quyền địa phương nhiều lần triệu tập chị sau khi một số nữ tu tẩy chay lễ tấn phong giám mục cho Đức Giám mục phụ tá Thaddeus Ma Daqin vì có sự hiện diện của một giám mục bất hợp thức trong Thánh lễ.

Các nguồn tin cho biết chị Liu đã trì hoãn thông báo cho các nữ tu tham dự lễ tấn phong giám mục hôm 7-7.

Trong khi đó, Đức cha Ma – tâm điểm gây tranh cãi ở Thượng Hải – vẫn còn ở chủng viện Sheshan và vẫn không được phép mặc lễ phục giám mục, theo một nguồn tin tại chủng viện từng gặp ngài.

"Ngài trông xanh xao và gầy đi" – nguồn tin nói thêm.

Đại diện Tòa Thánh thăm giáo dân tỉnh Điện Biên, Sơn La

Đại diện Tòa Thánh thăm giáo dân tỉnh Điện Biên, Sơn La

UCANEWSVIETNAM

Phái đoàn thăm được bảy cộng đoàn Công giáo nhưng chỉ được làm mục vụ ở năm nơi

Vị đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam vừa có chuyến thăm mục vụ đặc biệt đầu tiên tới các cộng đoàn Công giáo xa xôi chưa được chính quyền địa phương công nhận ở hai tỉnh Sơn La và Điện Biên.

Dù mưa lớn gây ngập lụt và sạt lở nhiều đoạn trên đường dài 500km từ Hòa Bình lên Điện Biên, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đức cha Gioan Vũ Tất của Hưng Hóa và tám linh mục đã viếng thăm bảy cộng đoàn Công giáo ở Mộc Châu, Mai Sơn, Mường La, thành phố Sơn La, Mường Ảng, Tủa Chùa và thành phố Điện Biên.

Tại bốn nhà nguyện ở tỉnh Sơn La và một ở tỉnh Điện Biên, các ngài ban bí tích Thêm Sức cho khoảng 300 người H’mông và 200 người Kinh. Thánh lễ và bài giảng bằng tiếng Latin và tiếng Anh được dịch ra tiếng Việt và H’mông.

Các nhà nguyện có diện tích từ 100-200m2, nên không đủ sức chứa lượng người ước tính từ 500-1.500 người tham dự mỗi nơi, bà con phải ngồi tràn ra cả sân và ven đường tham dự lễ qua màn hình lớn. Người H’mông phải đi từ 40-200km mới tới được nơi có lễ và phải thuê xe khách đi từ hôm trước.

Bà con xếp hàng cả tiếng trước nhà nguyện tay cầm cờ vàng trắng chờ đón đoàn và hô vang “Viva Papa”, “Đức Thánh Cha trường thọ”, “Hoan hô Đức tổng đại diện Tòa Thánh tới viếng thăm”.

“Cha thấy các con rất vui vẻ và hạnh phúc mặc dù các con đang phải trải qua nhiều gian nan thử thách trong đời sống đức tin. Ở nơi các con một lòng sống đạo can đảm làm chứng cho Chúa” – Đức cha Girelli nói với cộng đoàn.

Ngài động viên họ “trở lên người Công giáo tốt và người công dân tốt, xin Chúa chúc lành, nâng đỡ và bảo vệ cho các con, ban thêm sức mạnh để các con trở thành những nhà truyền giáo đem ánh sáng Tin Mừng đến cánh đồng truyền giáo mênh mông này”.

Còn tại hai cộng đoàn Mường Ảng và Tủa Chùa, phái đoàn chỉ đến thăm, nghe báo cáo tình hình và ban phép lành cho giáo dân, vì chính quyền hai huyện này không cho phép đoàn cử hành Thánh lễ.

Tại những nơi đoàn đến thăm, nhân viên an ninh mặc thường phục rất đông đến đợi sẵn, quay phim chụp hình nhưng không ngăn cản ra mặt.

“Việc an ninh theo dõi chặt chẽ tại các nhà nguyện là một điều tốt, vì điều đó sẽ giúp cho chính quyền hiểu rõ hơn sinh hoạt tôn giáo của người Công giáo” – linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình, quản nhiệm các cộng đoàn ở tỉnh Điện Biên, nhận xét.

Cha Bình cho biết Tòa Giám mục Hưng Hóa sắp xếp chuyến thăm này và đã gửi thông báo tới chính quyền các tỉnh trước một tháng.

Cha nói chính quyền tỉnh Điện Biên đã gặp gỡ phái đoàn đến thăm và còn hứa sẽ sớm công nhận chính thức các cộng đoàn ở Điện Biên, nhưng không thể công nhận một lúc mà phải dần dần từng bước cho từng cộng đoàn một. “Điều này đã làm cho linh mục và giáo dân ở đây vui mừng và thêm nhiều hy vọng” – ngài nói thêm.

“Chuyến thăm này là rất đặc biệt ghi dấu ấn lịch sử, tuy có một vài khó khăn ngăn cản nhưng không lớn lắm, điều quan trọng là người Công giáo đã được gặp gỡ vị đại diện Đức Thánh Cha, con cái họ được nhận bí tích Thêm Sức. Điều này giúp họ có thêm lòng tin, dũng cảm vượt thử thách và hy vọng lớn vào tương lai sẽ tốt đẹp hơn”, Cha Bình nhận xét.

Cha kể các cộng đoàn này đã đăng ký với chính quyền địa phương để được công nhận hợp pháp từ năm 2005 nhưng chính quyền vẫn chưa trả lời. Chưa có một nhà thờ nào được phép xây dựng và linh mục chưa được phép tới ở tại chỗ.

“Tuy nhiên chính quyền cũng làm ngơ để sinh hoạt tôn giáo diễn ra trong các nhà nguyện quanh năm và cũng bớt theo dõi”, ngài nói thêm.

Ông Trịnh Xuân Thủy, người dâng ngôi nhà của mình làm nhà nguyện cho cộng đoàn ở thành phố Sơn La, cho biết giáo dân ở đây đã nhiều năm sống đức tin âm thầm, rồi bán công khai. Ông hy vọng với những chuyến thăm cấp cao như vậy, tình hình sinh hoạt tôn giáo sẽ được cải thiện.

“Hy vọng Đức tổng Girelli sẽ báo cáo, đề đạt lên chính quyền trung ương để cộng đoàn chúng tôi sớm được công nhận, xây nhà thờ và có linh mục sở tại” – ông nói.

Ông Thủy nói Cha Giuse Nguyễn Trung Thoại coi sóc các cộng đoàn ở tỉnh Sơn La từ năm 2005 đến nay, nhưng mỗi lần đi lên làm mục vụ mất cả tuần và phải đi xa vòng quanh cả ngàn kilômét. Ở Lai Châu và Điện Biên, Cha Bình cũng phải đi cả ngàn cây số từ Sa Pa sang làm mục vụ rất khó khăn.

 

Đức Thánh Cha đề cao tinh thần đồng trách nhiệm của giáo dân

Đức Thánh Cha đề cao tinh thần đồng trách nhiệm của giáo dân

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 đề cao tinh thần đồng trách nhiệm của giáo dân trong đời sống và hoạt động của Giáo Hội.

Ngài nhắc lại lập trường trên đây trong Sứ điệp gửi các tham dự viên Đại hội kỳ 6, quen gọi là ”Diễn đàn quốc tế” của Phong trào Công Giáo tiến hành, nhóm tại thành phố Lasi bên Rumani từ ngày 22 đến 26 tháng 8-2012 với sự tham dự của các Đại biểu phong trào đến từ 35 nước thuộc 4 đại lục trên thế giới. Diễn đàn có chủ đề “Giáo dân Công Giáo tiến hành: đồng trách nhiệm trong Giáo Hội và xã hội”, nhắm cổ võ sự tham gia của giáo dân vào đời sống giáo xứ và cộng đoàn, nhất là qua việc học hỏi và thi hành các nguyên tắc Giáo huấn xã hội Công Giáo.

ĐTC nhận xét rằng ”đề tài của Diễn đàn có tầm quan trọng lớn đối với giáo dân, một đề tài có vị trí rất thích hợp trước Năm Đức Tin và Thượng HĐGM thế giới sắp tới về tái truyền giảng Tin Mừng”

”Tinh thần đồng trách nhiệm đòi phải thay đổi não trạng, nhất là về vai trò của giáo dân trong Giáo Hội: không được coi giáo dân chỉ là ”những cộng tác viên” của hàng giáo sĩ, nhưng như những người thực sự ”đồng trách nhiệm” đối với cuộc sống và hoạt động của Giáo Hội. Vì thế, điều quan trọng là phải củng cố một hàng giáo dân trưởng thành và dấn thân, có khả năng đóng góp phần đặc thù của mình cho sứ mạng của Giáo Hội, trong niềm tôn trọng các thừa tác vụ và nghĩa vụ của mỗi người trong đời sống Giáo Hội và luôn luôn hiệp thông với các GM”.

ĐTC giải thích rằng ”Điều này có nghĩa là khi phục vụ Giáo Hội, giáo dân phải đón nhận mục đích tông đồ trong toàn bộ, trong một sự quân bình phong phú giữa Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội địa phương, và trong tinh thần hiệp thông sâu xa với Người Kế Vị Thánh Phêrô và tinh thần đồng trách nhiệm thực sự với các vị chủ chăn của mình.”

ĐTC cũng nhận xét rằng vai trò của giáo dân có một tầm quan trọng đặc biệt, nhất là trong giai đoạn hiện nay của lịch sử, cần phải được giải thích dưới ánh sáng giáo huấn xã hội của Hội Thánh, để ngày càng trở thành ”một phòng thí nghiệm về sự hoàn cầu hóa tình liên đới và bác ái, để cùng với toàn thể Giáo Hội tăng trưởng trong sự đồng trách nhiệm mang lại một tương lai hy vọng cho nhân loại, có can đảm đưa ra những đề nghị đòi hỏi nhiều cố gắng”.

ĐTC không quên khuyến khích mọi thành phần của Phong trào Công giáo tiến hành cộng tác vào công trình ”tái truyền giảng Tin Mừng, loan báo ơn cứu độ trong Chúa Kitô bằng ngôn ngữ và phương pháp dễ hiểu trong thời đại chúng ta ngày nay, một thời đải có những tiến trình xã hội và văn hóa đang biến chuyển mau lẹ.”

Sau cùng, Ngài nhắc lại lịch sử lâu dài và phong phú của Phong trào Công giáo tiến hành, do những ”chứng nhân can trường của Chúa Kitô viết lên” và ngài mời gọi các thành viên phong trào này canh tân quyết tâm trên con đường sống thánh thiện, duy trì đời sống cầu nguyện sâu xa, cổ võ và tôn trọng những hành trình đức tin bản thân, và đề cao sự phong phú của mỗi người, với sự tháp tùng của các linh mục tuyên úy và các vị trách nhiệm có khả năng giáo dục về sự đồng trách nhiệm về mặt Giáo Hội và xã hội. Cuộc sống của anh chị em hãy có tính chất 'trong sáng', được Tin Mừng hướng dẫn và được soi sáng nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, được yêu mến và noi theo không chút sợ hãi. Hãy đảm nhận và chia sẻ những chọn lựa mục vụ của các giáo dân và giáo xứ, tạo những cơ hội gặp gỡ và cộng tác chân thành với các thành phần khác trong Giáo Hội, kiến tạo những quan hệ quí mến và hiệp thông với các linh mục, để họp thành một cộng đồng sinh động, phục vụ và truyền giáo..” (SD 23-8-2012)

G. Trần Đức Anh OP

 

 

Tòa án tại Mỹ xác nhận linh mục không phải là công nhân viên của Tòa Thánh

Tòa án tại Mỹ xác nhận linh mục không phải là công nhân viên của Tòa Thánh

PORTLAND. Một thẩm phán liên bang ở bang Oregon Hoa Kỳ phán quyết rằng Tòa Thánh không phải là chủ nhân của một LM bị cáo lạm dụng tính dục một trẻ em 10 tuổi tại đây.

Từ 10 năm nay, luật sư Jeff Anderson, người đã đảm nhận hằng trăm vụ kiện chống các giáo phận ở Mỹ để đòi bồi thường cho các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tính dục, đã đầu đơn kiện Tòa Thánh vì cho rằng Giáo Hội là một ”đại xí nghiệp” và ĐGH là một thứ chủ nhân ông của các linh mục. Do đó khi có những linh mục lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, được thuyên chuyển từ nơi này sang nơi khác, để rồi tiếp tục lạm dụng, thì Tòa Thánh phải chịu trách nhiệm và phải trả tiền bồi thường. Cụ thể trong những sự kiện này là vụ tại giáo phận Portland, một người đệ đơn kiện vì đã bị LM Andrew Ronan, thuộc dòng Tôi Tớ, lạm dụng nhiều lần trong thập niên 1960. LM này trước đó đã lạm dụng trẻ em tại Tổng giáo phận Chigaro, rồi được thuyên chuyển đến Portland. Đương sự qua đời hồi năm 1992.

Tại bang Kentucky và Wisconsin từ năm ngoái cũng có những vụ kiện tương tự chống Tòa Thánh.

Hôm 20 tháng 8-2012, sau khi cứu xét hàng ngàn văn kiện pháp lý, thẩm phán Michael Mosman phán quyết rằng không thể coi Tòa Thánh là chủ nhân ông của các giáo sĩ Công Giáo như người chủ việc; ”không có những sự kiện chứng tỏ có quan hệ công việc giữa Ronan và Tòa Thánh”.

Phán quyết này được coi là một ”chiến thắng” quan trọng đối với Tòa Thánh. Tòa Thánh không thể bị coi là có trách nhiệm đối với các linh mục lạm dụng tính dục, như thể Giáo Hội là một xí nghiệp.
Luật sư Jeff Anderson tuyên bố sẽ kháng án chống lại phán quyết của quan tòa ở Portland.

Luật sư của Tòa Thánh, Ông Jeff Lena, cho rằng phán quyết này thật là quan trọng. ”Khi một thẩm phán phán quyết tại một tòa án công khai, có nghĩa là ông nghiên cứu các sự kiện trong vụ này một cách rất cẩn thận. Ông nhìn nhận tầm quan trọng của vụ này”. (CNS 21-8-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Hồng Y Đan Quốc Tỷ, cựu thừa sai Dòng Tên tại Việt Nam, qua đời

Đức Hồng Y Đan Quốc Tỷ, cựu thừa sai Dòng Tên tại Việt Nam, qua đời

CAO HÙNG. ĐHY Phaolô Đan Quốc Tỷ (Shan Kuo-Hsi), dòng Tên, nguyên GM giáo phận Cao Hùng bên Đài Loan, cựu thừa sai Dòng Tên tại Việt Nam, đã qua đời hôm 22 tháng 8-2012 vì bệnh ung thư phổi, hưởng thọ 89 tuổi.

ĐHY Đan Quốc Tỷ sinh năm 1923 tại tỉnh Phúc Dương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, gia nhập dòng Tên năm 1946 tại Bắc Kinh, theo học triết và thần học tại Baguio, Philippines và thụ phong LM năm 1955. Sau đó, ngài học tại Đại học giáo hoàng Gregoriana ở Roma và đậu tiến sĩ thần học linh đạo tại đây năm 1961. Tiếp đến, Cha Đan Quốc Tỷ được gửi đang Việt Nam làm phụ tá giáo tập tại Tập viện Dòng Tên ở Thủ Đức từ năm 1961 đến 1963.

Sau khi khấn trọng với 4 lời khấn của dòng vào năm 1963, Cha Đan Quốc Tỷ được bổ nhiệm làm giáo tập tại thành phố Chương Hóa (Changhua), Đài Loan, từ năm 1963 đến 1970.
Tháng 11 năm 1979, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM giáo phận Hoa Liên. Ngài cũng được bầu làm Chủ tịch Văn phòng đối thoại liên tôn của liên HĐGM Á châu (1983-1985), tiếp đến làm Chủ tịch Văn Phòng truyền thông xã hội (1985-1991) của các GM Á châu. Trong thời kỳ đó ngài được bầu làm Chủ tịch HĐGM Đài Loan năm 1987.

Tháng 3 năm 1991, Đức Cha Đan Quốc Tỷ được bổ nhiệm làm GM giáo phận Cao Hùng, và trong dịp Thượng HĐGM Á châu năm 1998, ngài được ĐTC chỉ định làm Tổng tường trình viên của Công nghị GM này. Trước đó ngài được thăng Hồng y ngày 21 tháng 2-1998. ĐHY Đan Quốc Tỷ về hưu từ tháng giêng năm 2006.

ĐHY đã dịch hai cuốn sách quan trọng ra tiếng Hoa: cuốn ”Làm thế nào là một nhà lãnh đạo” (Come essere una guida) và ”Dấn thân và Lãnh đạo” (Impegno e Leadership). Cả hai cuốn trở thành những sách bán chạy nhất, cuốn thứ hai được dùng để đào tạo các vị lãnh đạo trong chính quyền.

Hôm 23 tháng 8-2012, ĐTC đã gửi điện văn đến Đức Cha Phêrô Lưu Chấn Trung (Liu Cheng Chung) đương kim GM giáo phận Cao Hùng, để chia buồn với toàn thể giáo phận.

Trong điện văn, Ngài viết: ”Tôi đau buồn sâu xa khi hay tin qua đời của ĐHY Phaolô Đan Quốc Tỷ, nguyên GM Cao Hùng. Trong niềm biết ơn Thiên Chúa Tối Cao, tôi nhớ đến những năm tận tụy phục vụ của Đức Cố HY, trước tiên như GM giáo phận Hoa Liên, và trong tư cách là Chủ tịch HĐGM miền của Trung Hoa. Tôi chân thành chia buồn với Đức Cha, hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân các giáo phận Hoa Liên, Cao Hùng và toàn thể Giáo hội tại Đài Loan, và đoan hứa cầu nguyện cho Đức Cố Hồng Y. Cùng với Đức Cha và tất cả những người đang thương khóc Người, kể cả các anh em tu sĩ Dòng Tên, tôi phó thác linh hồn tư tế của Người cho lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa là Người Cha yêu thương của chúng ta”.

Với sự qua đi của ĐHY, Hồng Y đoàn còn 207 vị, trong số này có 118 Hồng y cử tri, dưới 80 tuổi (SD 22,23-8-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Mẹ Maria là Nữ Vương của phục vụ, trợ giúp và yêu thương

Mẹ Maria là Nữ Vương của phục vụ, trợ giúp và yêu thương

Mẹ Maria là Nữ Vương của phục vụ, trợ giúp và yêu thương. Mẹ sống gần Thiện Chúa trên Trời, nhưng cũng gần gũi với từng người trong chúng ta, yêu thương và lắng nghe chúng ta. Vì thế trong an vui cũng như trong những lúc tối tăm của cuộc đời, chúng ta hãy hướng nhìn lên Mẹ và tín thác nơi sự cầu bầu hiền mẫu liên lỉ của Mẹ.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khích lệ tín hữu và du khánh hành hương như trên trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 22 tháng 8-2012 trong sân nhà nghỉ măt Castel Gandolfo.

Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:

Anh chị em thân mến, hôm nay trong phụng vụ là lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria được khẩn cầu với tước hiệu ” Nữ Vương”. Đây là một lễ mới được thành lập sau này, cả khi nó đã có nguồn gốc và lòng sùng kính cổ xưa. Thật thế, vì lễ đã được Đấng đáng kính Pio XII thành lập năm 1954, vào cuối Năm Thánh Mẫu, và chỉ định mừng ngày 31 tháng 5 (x. Ad ceali Reginam 11-10-1954; AAS 46 (1954), 625-640). Trong khung cảnh đó người nói rằng Đức Maria là Nữ Vương cao vượt hơn mọi thụ tạo khác vì sự cao trọng của linh hồn Mẹ và vì sự tuyệt hảo của các ơn thánh Chúa mà Mẹ đã nhận được. Mẹ không ngừng trải rộng mọi kho tàng tình yêu và các lo lắng của Mẹ cho nhân loại (Discorso in onore di Maria Regina 1-11-1954). Sau cuộc canh tân lịch phụng vụ thời hậu Công Đồng, lễ được mừng vào tám ngày sau lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời, để nêu bật mối dây mật thiết giữa vương quyền của Đức Maria và sự vinh hiển trong thân xác và linh hồn Mẹ bên cạnh Con Mẹ. Chúng ta đọc thấy trong Hiến chế về Giáo Hội Lumen Gentium rằng: ”Đức Maria được đưa lên vinh quang trên trời và được Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống con Mẹ trọn vẹn hơn” (LG, 59)

Tiếp tục bài huấn Đức Thánh Cha nói: Đó là nguồn gốc của ngày lễ hôm nay: Đức Maria là Nữ Vương, bởi vì được kết hiệp một cách duy nhất với Con của Người, trên con đường cuộc sống trần gian cũng như trong vinh quang trên Trời. Như giáo phụ Efrem người Siri khẳng định, chức nữ vương của Đức Maria phát xuất từ chức làm Mẹ Thiên Chúa của Mẹ: Mẹ là Mẹ Chúa, Vua các vua (Is 9,1-6) và Mẹ chỉ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là sự sống, ơn cứu độ và niềm hy vọng của chúng ta. Như Vị Tôi tớ Chúa Đức Phaolô VI đã nhắc lại trong Tông huấn Marialis Cultus: ”Nơi Đức Trinh Nữ Maria, tất cả đều liên quan tới Chúa Kitô, và tất cả đều tùy thuộc nơi Chúa: vì Người mà Thiên Chúa Cha, từ đời đời, đã chọn Mẹ làm Mẹ hoàn toàn thánh thiện và trang điểm Mẹ với các ơn của Thần Khí, mà Người đã không ban cho ai khác” (s. 25). Và Đức Phaolô VI còn lấy lai điều giáo phụ Ildefonso đã khẳng định: ”Điều được cống hiến để phục vụ Nữ Tỳ, được quy chiếu về Chúa, và như thế vang vọng lên trên người Con điều được ban cho Mẹ… và như thế rơi trở lại trên Vua vinh dự được khiêm ban cho Nữ Vương (ibid).

Nhưng Đức Maria Nữ Vương có nghĩa là gì? Đó có phải chỉ là một tước hiệu hiệp nhất với các tước hiệu khác, và vương miện là một trang sức như các trang sức khác hay không? Vương quyền này có nghĩa là gì? Đó là hiệu qủa sự kết hiệp của Mẹ với Con Mẹ, của cuộc sống trên Trời, nghĩa là sự kết hiệp với Thiên Chúa. Mẹ chia sẻ trách nhiệm và tình yêu của Thiên Chúa đối với thế giới. Có một ý niệm chung tầm thường về vua hay nữ hoàng: đó là một người với quyền bính và sự giầu sang. Nhưng đây không phải là loại vương quyền của Chúa Giêsu và của Mẹ Maria. Chúng ta hãy nhớ tới Chúa: vương quyền, chức là vua của Chúa Kitô được làm thành bởi sự khiêm nhường, phục vụ và tình yêu; nhất là phục vụ, trợ giúp và yêu thương. Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đã được công bố là vua trên Thập Giá với bảng do quan Philatô cho viết ”vua người Do thái” (Mc 15,26). Trong lúc ở trên thập giá Người cho thấy Người là vua, và là vua như thế nào? bằng cách đau khổ vì chúng ta, cho chúng ta, yêu thương cho đến cùng, và như thế cai trị và tạo ra chân lý, tình yêu và công lý. Hay chúng ta hãy nghĩ tới lúc khác: trong Bữa Tiệc Ly Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Như vậy vương quyền của Chúa Giêsu không liên quan gì tới vương quyền của các kẻ quyền thế của trái đất. Người là một vì vua phục vụ các tôi tớ của mình, như Người đã chứng minh trong toàn cuộc sống của Người. Đối với Mẹ Maria cũng thế: Mẹ là Nữ Vương trong việc phục vụ Thiên Chúa và nhân loại. Mẹ là Nữ Vương của tình yêu, sống ơn trao ban mình cho Thiên Chúa để bước vào trong chương trình cứu độ con người. Mẹ trả lời Sứ Thần: ”Này tôi là nữ tỳ của Chúa” và trong bài thánh thi Magnificat Mẹ hát: “Thiên Chúa đã đoái nhìn tới sự mọn hèn của nữ tỳ Người”. Mẹ trợ giúp chúng ta. Mẹ là Nữ Vương bằng cách yêu thương chúng ta, trợ giúp chúng ta trong mọi nhu cầu; Mẹ là chị của chúng ta, là nữ tỳ khiêm hạ.

Nói thêm trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã đưa ra câu hỏi như sau:

Mẹ Maria thi hành vương quyền phục vụ và yêu thương như thế nào? Bằng cách canh thức trên chúng ta là con cái Mẹ, hướng về Mẹ trong lời cầu nguyện, để cám ơn Mẹ hay để cầu xin sự chở che hiền mẫu của Mẹ và sự trợ giúp trên trời của Mẹ, sau khi lạc đường, bị áp bức bởi khổ đau, lo lắng vì các chuyện buồn thương và khốn khó của cuộc sống. Trong an vui hay trong đen tối của cuộc đời chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria và tín thác chúng ta cho lời bầu cử liên lỉ của Mẹ, để từ Con Mẹ chúng ta có được mọi ơn thánh và lòng xót thương cần thiết cho cuộc hành hương trên các nẻo đường của thế giới này. Qua Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta tin cậy hướng về Đấng cai quản thế giới và nắm trong tay các vận mệnh của vũ trụ. Từ bao thế kỷy nay, Mẹ được khẩn cầu như là Nữ Vương trên trời: sau kinh Mân Côi Mẹ được khẩn nài trong Kinh Cầu tám lần như là Nữ Vương của các Thiên Thần, của các Tổ phụ, của các Ngôn sứ, của các Tông Đồ, của các vị Tử đạo, của các vị Tuyên tín, của các Trinh nữ và của tất cả các Thành và các Gia đình. Tiết nhịp của các lời khẩn cầu cổ xưa và các lời cầu thường ngày như là kinh Kính Chào Nữ Vương, giúp chúng ta hiểu rằng Đức Thánh Trinh Nữ là Mẹ chúng ta bên cạnh Chúa Giêsu Con Mẹ, trong vinh quang trên Trời, luôn luôn ở cùng chúng ta trong cuộc sống thường ngày.

Tước hiệu Nữ Vương như thế là tước hiệu của sự tin tưởng, tuơi vui và tình yêu. Và chúng ta biết rằng Đấng có trong tay một phần các vận mệnh của thế giới là Đấng tốt lành, yệu thương chúng ta và trợ giúp chúng ta trong các khó khăn.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Các bạn thân mến, lòng sùng kính Đức Mẹ là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống thiêng liêng. Trong lời cầu chúng ta đừng quên tin tưởng hướng về Mẹ. Mẹ Maria sẽ không quên bầu cử cho chúng ta bên Con Mẹ. Khi nhìn lên Mẹ chúng ta hãy noi gương đức tin và sự sẵn sàng tràn đầy của Mẹ đối với chương trình tình yêu của Thiên Chúa, sự quảng đại của Mẹ đón nhận Chúa Giêsu. Chúng ta hãy tập sống từ Mẹ Maria. Mẹ Maria là Nữ Vương trên trời ở gần Thiên Chúa, nhưng cũng là Mẹ gần gũi với từng người trong chúng ta, yêu thương và lắng nghe chúng ta.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Chào các nhóm nói tiếng Pháp ngài khích lệ họ moi gương đức tin và lòng quảng đại của Mẹ Maria để tiếp nhận Chúa Giêsu vào trong cuộc sống. Mẹ là Nữ Vương trên trời, sống gần Thiên Chúa, nhưng cũng là Mẹ gần gũi từng người trong chúng ta, Mẹ yêu thương chúng ta và lắng nghe chúng ta.

Chào các nhóm nói tiếng Anh Đức Thánh Cha xin cho lời cầu của Đức Mẹ hướng dẫn chúng ta trên con đường hành hương đức tin, để chúng ta được chia sẻ chiến thắng của Con Mẹ và hiển trị với Người trong Nước vĩnh cửu.

Với các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha Đức Thánh Cha mời gọi họ dâng lên Mẹ Maria Nữ Vương các lời cầu tha thiết, vì Mẹ là Mẹ Của Chúa Kitô, Vua các vua, để Mẹ dâng chúng lên cho Chúa và xin ơn lành cho chúng ta.

Chào các tín hữu Ba Lan ngài nhắn nhủ họ hãy tín thác nơi quyền là Nữ Vương của Mẹ Maria, và nếm hưởng sự chở che hiền mẫu của Mẹ.

Trong tiếng Slovac ngài khuyên tín hữu hãy biết tin tưởng hướng về Mẹ trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

Sau cùng bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha đặc biệt chào các ”Nữ tu của Mẹ Maria rất thánh ủi an” đang nhóm tổng tu nghị tại Roma, các nữ tu Calddê ”Nữ tử Đức Maria Vỗ Nhiễm nguyên tội” đang dấn thân phục vụ người dân Iraq, cũng như các tham dự viên cuộc họp của ”Hiệp hội các Gia đình cầu nguyện cho ơn gọi”, các đại chủng sinh tham dự đại hội mùa hè, và các cặp vợ chồng mới cưới. Ngài mời gọi mọi người dành thời giờ để đào tạo đức tin kitô.

Tiệp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Tấm Khăn Liệm thành Torino (2/3)

Tấm Khăn Liệm thành Torino (2/3)

Phỏng vấn giáo sư Bruno Barberis

Vào hạ tuần tháng 5 năm nay giáo sư Bruno Barberis, chuyên viên nghiên cứu Tấm Khăn Liệm thành Torino, đã thuyết trình các bài cuối cùng trong chương trình khóa học lấy bằng chuyên môn về khoa nghiên cứu Tấm Khăn Liệm, do đại học giáo hoàng Nữ Vương các Tông Đồ ở Roma tổ chức.

Giáo sư Barberis đã bắt đầu nghiên cứu Tấm Khăn Liệm thành Torino năm 1975, và từ năm 1977 giáo sư là thành viên ”Huynh đoàn Tấm Khăn Liệm Rất Thánh thành Torino” và của ”Trung tâm quốc tế Khoa Tấm Khăn Liệm học”, là cơ quan tổ chức các cuộc nghiên cứu và tìm hiểu Tấm Khăm Liệm. Giáo sư là tác giả của hơn 20 cuốn sách và hơn 150 bài viết về Tấm Khăn Liệm trên bình diện khoa hoc cũng như trên bình diện phổ biến kiến thức đại đồng. Các bài nghiên cứu này được đăng trên các tạp chí khoa học và nhật báo Italia và quốc tế. Giáo sư cũng đã chủ tọa 2.000 buổi diễn thuyết về Tấm Khăn Liệm trong nước Itaia cũng như tại hải ngoại.

Sau đây là phần hai cuộc phỏng vấn giào sư dành cho hãng thông tấn ZENIT ngày 9 tháng 6 năm nay.

Hi: Thưa giáo sư Barberis, theo kinh nghiệm của giáo sư, khoa hc và đc tin đối thoại với nhau hay chống đi nhau?

Đáp: Tương quan giữa đức tin và khoa học là một đề tài vô cùng thời sự. Vì trong thời đại của chúng ta thường có các mâu thuẫn và lập trường chống đối liên quan tới các đề tài như vậy. Việc phổ biến trên Internet, các cuộc tranh luận trên đài truyền hình, các bài viết trên báo chí đã góp phần một cách đáng kể vào việc quảng bá các đề tài này, ngay cả giữa những người không bao giờ chu ý đến, hay không đọc sách về các đề tài đức tin và khoa học. Nhưng người ta cũng ghi nhận nguy cơ của việc thông tin xấu, vì rất thường khi những người được mời phát biểu về các đề tài này lại không phải là các chuyên viên, và họ cũng không có sự khách quan và phương pháp sít sao cần thiết.

Và như thế người ta thường chứng kiến các cuộc tranh luận xung đột, trong đó người ta bênh vực các ý kiến tiên thiên và hầu như luôn luôn thiếu sự nghiêm chỉnh, thiếu các lý luận và các suy diễn nghiêm xác. Do đó ít khi người ta có được các suy tư đúng đắn liên quan tới khoa học và đức tin, nhắm mục đích minh giải và kiểm thực xem có khả năng đối thoại xây dựng và hội nhập hay không. Và đây là điểm nòng cốt. Có đúng thật là khoa học và đức tin không thể hòa hợp với nhau đươc như nhiều người chủ trương hay không? Có đúng thật là các khám phá khoa học có thể cho phép con người hiểu biết tất cả sự thật liên quan tới cuộc sống của mình cũng như ý nghĩa của tất cả những gì bao quanh, và do đó đức tin cùng lắm chỉ là một cái gì thuần túy chủ quan và riêng tư thôi hay không?

Hi: Thưa giáo sư, nếu đức tin và khoa học có tương quan với nhau, thì tương quan ấy bao gồm bao nhiêu loại?

Đáp: Ông Ian Barbour, một học giả người Mỹ, đã đưa ra giả thuyết bốn loại tương quan khác nhau giữa khoa học và đức tin: tương quan xung khắc, tương quan tùy thuộc, tương quan đối thoại và tương quan hội nhập. Ngày nay, xem ra hai kiểu xung khắc và tùy thuộc thắng thế. Nhưng phải hỏi xem có thể có một cuộc đối thoại ích lợi và xây dựng, hay hơn nữa, một sự hội nhập đích thật của hai tri thức trong một viễn tượng liên ngành hay không. Đây là các câu hỏi nền tảng mà chúng ta không thể tránh né, trong tư ách là các thành phần của xã hội trong đó chúng ta sống, và như là các cá nhân phải suy tư về nền tảng cuộc sống là người của chúng ta, và về ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống trong vũ trụ mênh mông bát ngát bao quanh chúng ta.

Một trong các giáo sư thường đề cập tới vấn đề này là giáo sư Joseph Ratzinger, tức Đức Đương Kin Giáo Hoàng Biển Đức XVI, trong rất nhiều sách vở, và các tài liệu chính thức cũng như các diễn văn. Các diễn văn ý nghĩa nhất đã được thu thập trong một cuốn sách hay của ông Umberto Casale tựa đề ”Đức tin và khoa học. Một cuộc đối thoại cần thiết”.

Trong số các diễn văn của Đức Thánh Cha mà tôi muốn nhắc tới, có bài thuyết trình mà Đức Hồng Joseph Ratzinger đọc tại rạp hát Regio ngày 12 tháng 6 năm 1998, nhân dịp ngài đến viếng Tấm Khăn Liệm thành Torino. Đức Hồng Y Ratzinger nói: ”Nếu con người không thể tự vấn một cách có lý lẽ về các điều nòng cốt của cuộc sống, về nguồn gốc, vận mệnh, về cái nó phải và có thể làm, mà phải để các vấn đề định đoạt này cho một tâm tình tách rời khỏi tôn giáo, thì khi đó nó không nâng cao lý trí, mà lấy mất đi phẩm gía của lý trí. Sự tan rã của con người được đưa vào như thế đồng thời làm nảy sinh ra bệnh tật của tôn giáo và bệnh tật của khoa học”. Rồi Đức Hồng Y nói thêm: ”Không có sự lựa chọn nào khác, lý trí và tôn giáo phải trở lại với nhau, mà không tan biến trong nhau… Điều này liên lụy tới con người và liên lụy tới thế giới”.

Hỏi: Thế riêng cá nhân giáo sư, thì giáo sư nghĩ gì về vấn đ này?

Đáp: Tôi đã không bao giờ nghĩ rằng giữa đức tin và khoa học có sự không thể hòa hợp được, miễn là luôn luôn có sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai lãnh vực. Khoa học là nguồn mạch các giá trị của sự hiệp thông, chứ không phải là sự đối kháng với các gía trị của đức tin. Trong mỗi lãnh vực của khoa học, nhờ các nghiên cứu và tìm hiểu con người đã từ từ ý thức được mình là nơi chứa đựng một đặc ân duy hhất: đó là có thể đọc ra cái luận lý của Vũ trụ, nghĩa là của thực tại trong đó chúng ta sống. Đàng khác, khoa học không thể chứng minh được sự hiện hữu của Thiên Chúa, và cũng không thể chứng minh được sự không hiện hữu của Thiên Chúa. Khoa học chỉ có thể tìm hiểu các hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên. Đức tin là một ơn của Thiên Chúa, và nó cho phép chúng ta bước vào trong thế giới của sự siêu việt để thử hiểu biết và lãnh hội đựơc ý nghĩa của nó.

Khoa học gia Galileo Galilei đã có các kiểu diễn tả nổi tiếng về việc phân chia nhiệm vụ giữa khoa học và đức tin và tính cách bổ túc cho nhau của chúng. Ông nói như sau: ”Ý của Chúa Thánh Thần là dậy cho chúng ta biết lên trời thế nào, chứ không phải trời đi như thế nào”; ”Thánh Kinh và thiên nhiên đều bắt nguồn từ Ngôi Lời Thiên Chúa: Thánh Kinh như là lời Chúa Thánh Thần đọc cho mà viết, thiên nhiên như là kẻ rất vâng lời thi hành các mệnh lệnh của Thiên Chúa”. Nếu khi đọc các chương đầu của sàch Sáng Thế, mà chúng ta yệu sách tìm thấy nơi đó một miêu tả khoa học đúng đắn việc tạo thành Vũ trụ và sự phát triển của sự sống trên trái Đất này, thì chúng ta phạm một lỗi lầm lượng định nghiệm trọng. Lý do là vì các trang sách đó là một suy tư thần học tuyệt diệu đã được các soạn giả sống nhiều thế kỷ trước Chúa Kitô biên soạn ra, chứ không phải là một khảo luận về vũ trụ học.

Đức Gioan Phaolô II đã nói với các tham dự viện một đại hội các hoa học gia như sau: ”Khoa học và đức tin đều có gốc rễ trong một ơn tuyệt vời mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho con người: đó là lý trí. Khoa học và đức tin, cả hai đều không thể thiếu để con người có thể tiến triển trong sự hiểu biết một cách trọn vẹn, bằng cách phát triển tất cả con người, chứ không phải chỉ phát triển một phần của nó mà thôi”.

Hỏi: Như thế khi áp dụng các điu trên đây vào việc nghiên cứu Tấm Khăn Liệm thành Torino, chúng ta cũng phải chú ý tới hai bình diện, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, đúng thế. Việc đọc hiểu, nghiên cứu và suy niệm về hình người trên Tấm Khăn Liệm thành Torino, một cách nòng cốt, dẫn đưa tới hai bình diện suy tư. Một đàng, việc nghiên cứu hình diễn tả một lợi ích rất cao trên bình diện khoa học. Nhất là trong bốn mươi năm qua các nhà khoa học đã tìm hiểu cặn kẽ các đặc tính và nguồn gốc của nó, bằng cách đưa ra các nghiên cứu trong các lãnh vực khác nhau của khoa học như: vật lý, hóa học, sinh học, tin học, y khoa, thống kê vv… Vì thế trong các năm này Tấm Khăn Liệm đã là trung tâm của một cuộc thảo luận rộng rãi, sôi nổi, có thứ tự trên bình diện khoa học và liên ngành.

Đàng khác, truyền thống đã luôn luôn coi Tấm Khăn Liệm như là khăn liệm xác Đức Giêsu thành Nagiarét, và trong thời gian mới hơn sau này việc đồng hóa đó đã có được các kết qủa đáng kể từ các nghiên cứu chú giải kinh thánh. Và điều này đã lôi kéo sư chú ý của lãnh vực đức tin kitô và mở ra một cuộc thảo luận sôi nổi về tương quan giữa Tấm Khăm Liệm và đức tin. Các cuộc trưng bầy mới đây vào các năm 1998, 2000 và 2010 đã góp phần vào việc minh nhiên ý nghĩa mục vụ và tinh thần của Tấm Khăn Liệm. Hai kiểu hiểu việc tìm tòi về Tấm Khăn Liệm thường gặp phải các đụng độ đôi khi chia rẽ cả các nhân viên làm việc nghiên cứu cũng như dân chúng.

Tấm Khăn Liệm là đối tượng của đức tin, của lòng sùng kính hay là đối tượng của lợi ích khoa học và nghiên cứu? Rất thường khi trong các năm qua hai kiểu tìm hiểu tấm Khăn Liệm đối nghịch nhau, như thể là một kiểu phải nhất thiết loại trừ kiểu kia, vì không thể hòa hợp với nhau. Và thế là nó đã dấy lên một cuộc tranh luận nóng bỏng, có lẽ chưa từng có trong qúa khứ, nhờ các phương tiện truyền thông tân tiến cũng như bởi sự chú ý mà các lần trưng bầy cuối cùng đã khơi dậy trên bình diện quốc tế.

Thật là nguy hiểm, khi đối chọi kiểu tìm hiểu khoa học với kiểu tìm hiểu tôn giáo, bởi vì một đàng người ta có nguy cơ giản lược Tấm Khăn Liệm thành ”một đồ vật chết”, một hình ảnh chỉ có ý nghĩa trong nó và cho nó, mà không gọi hỏi cuộc sống chúng ta; đàng khác là nguy cơ biến Tấm Khăn Liệm thành một loại ngẫu tượng phục vụ cho các luận thuyết tiên thiên và bị lèo lái. Tôi xác tín sâu xa rằng phó thác việc trình bầy tấm Khăn Liệm cho một kiểu tìm hiểu triệt để khoa học hay triệt để mục vụ không thôi, thì không đúng đắn, cũng không ích lợi cho những người nhận là các nhà khoa học cũng như dân chúng.

(ZENIT 8-6-2012) (2/3)

Linh Tiến Khải

Nhà xuất bản Vatican liên minh với hãng Apple

Nhà xuất bản Vatican liên minh với hãng Apple

VATICAN. Nhà Xuất Bản Vatican và hãng vi tính Apple liên minh trong việc phổ biến các tác phẩm huấn giáo của ĐTC Biển Đức 16 dưới dạng kỹ thuật số (digital), qua các máy tablet và smartphone.

ĐTC Biển Đức 16 là một trong những nhà thần học Công Giáo được đọc nhiều nhất trên thế giới. Các sách của ngài đã được dịch ra hàng chục ngôn ngữ và một số trở thành sách bán chạy nhất. Danh mục các sách của ngài gồm hơn 100 tựa đề, không kể những tuyển tập các bài diễn văn, sứ điệp, bài giảng hoặc các bài phát biểu của ngài.

Cha Giuseppe Costa, SDB, Giám đốc nhà xuất bản Vatican, cũng là cơ quan đặc trách về tác quyền các tác phẩm của ĐTC Biển Đức 16, tuyên bố với mạng Vatican Insider rằng việc liên minh với hãng Apple ”là một chọn lựa được suy xét kỹ lưỡng và có tính chất 'chiến lược'; sớm muộn gì chúng tôi cũng phải dấn thân trong dạng điện tử này; chúng tôi thực hiện điều này qua việc liên minh với hãng Apple là hãng giúp chúng tôi trong việc sản xuất các bài huấn giáo của ĐTC, có minh họa”.

Từ hai tháng nay, người ta có thể mua một loạt các bài huấn giáo của ĐTC, được minh hoạ bằng những kiệt tác lịch sử mỹ thuật, qua tiệm sách tiềm thể i-Tunes. Cuốn sách ”Người cầu nguyện” cũng được bán ra và trong tương lai gần đây sẽ có loạt sách điện tử 'Kinh nguyện trong Tân Ước', đã được xuất bản thành sách in trong thời gian qua.

Nhà xuất bản Vatican có thể cứu xét việc xuất bản các tác phẩm của ĐTC dưới dạng sách điện tử (e-book). Theo cha Costa, hiện nay vẫn còn quá sớm chưa thể làm một tổng kết về sáng kiến đầu tiên này. Tuy nhiên Nhà xuất bản này tiếp tục phát triển các dự án trong thế giới tiềm thể.

Andrès Beltramo Álvarez (Vatican Insider, 22-8-2012). Trần Đức Anh OP chuyển ý
 

Tấm Khăn Liệm thành Torino

Tấm Khăn Liệm thành Torino

Phỏng vấn giáo sư Bruno Barberis (1/3)
Vào hạ tuần tháng 5 năm nay – 2012 – giáo sư Bruno Barberis, chuyên viên nghiên cứu Tấm khăn liệm thành Torino, đã thuyết trình các bài cuối cùng trong chương trình khóa học lấy bằng chuyên môn về khoa nghiên cứu Tấm Khăn Liệm, do đại học giáo hoàng Nữ Vương các Tông Đồ ở Roma tổ chức.

Giáo sư Barberis đã bắt đầu nghiên cứu Tấm Khăn Liệm thành Torino năm 1975, và từ năm 1977 giáo sư là thành viên Huynh đoàn Tấm Khăn Liệm Rất Thánh thành Torino và của Trung tâm quốc tế Khoa Tấm Khăn Liệm học, là cơ quan tổ chức các cuộc nghiên cứu và tìm hiểu Tấm Khăm Liệm. Từ năm 1983 ông là giáo sư Vật lý toán học tại phân khoa ”Khoa học toán, Vật lý và Thiên nhiên” của đại học Torino. Trong các năm 1988-2002 giáo sư đã là Chủ tịch Huynh đoàn Tấm Khăn Liệm Rất Thánh và là giám đốc Trung tâm quốc tế Khoa Tấm Khăn Liệm thành Torino. Từ năm 2002 giáo sư là Giám đốc khoa học của Trung tâm. Giáo sư Barberis cũng là tác giả của hơn 20 cuốn sách và hơn 150 bài viết về Tấm Khăn Liệm trên bình diện khoa học cũng như trên bình diện phổ biến kiến thức đại đồng. Các bài nghiên cứu này được đăng trên các tạp chí khoa học quốc gia và quốc tế, cũng như trên các nhật báo Italia và quốc tế. Giáo sư cũng đã chủ tọa 2.000 buổi diễn thuyết về Tấm Khăn Liệm tại Itaia cũng như tại hải ngoại.

Hỏi: Thưa giáo sư Barberis, theo giáo sư đâu là các tiêu chun lưng định các nghiên cứu và tìm tòi về Tấm Khăn Liệm thành Torino?

Đáp: Trong hơn 100 năm chia cách chúng ta với bức hình chụp Tấm Khăn Liệm lần đầu tiên hồi năm 1898, đã có hàng ”sông mực” chảy ra để nghiên cứu và tìm hiểu Tấm Khăn Liệm. Thư mục về Tấm Khăn Liệm hiện bao gồm hàng ngàn tác phẩm được công bố trên năm châu. Nhưng không luôn luôn dễ dàng minh giải và gỡ rối các tác phẩm khác nhau, thường đưa ra các giả thuyết mới, các phê bình hay chỉ trích ít nhiều xây dựng liên quan tới các nghiên cứu đi trước, hoặc các đề nghị nghiên cứu tìm tời mới. Làm thế nào để lựa chọn các công việc nghiêm chỉnh và có ý nghĩa trong hàng đống tác phẩm như thế?

Khía cạnh thứ nhất quan trọng cần chú ý gắn liền với sự kiện Tấm Khăn Liệm liên kết các lý do và các lợi ích khoa học cũng như tôn giáo. Điều này đương nhiên không có gì là tiêu cực cả, trái lại còn vô cùng hấp dẫn và lý thú nữa. Nhưng rất thường khi người ta có nguy cơ lẫn lộn hay trộn lẫn hai bình diện với nhau, và đánh mất đi giá trị và hiệu lực của sự truyền thông, nhất là khi người ta phạm lỗi lầm nghiêm trọng đương đầu với các vấn đề có tính cách tôn giáo với các phương pháp khoa học, và ngược lại, đương đầu với các vấn đề khoa học với các phương pháp loại tôn giáo.

Có một nguy cơ nghiêm trọng khác nữa: đó là để cho các xác tín cá nhân liên quan tới đức tin ảnh hưởng trên các cứu xét và các kết qủa nghiên cứu lịch sử khoa học. Điều này thường dẫn tới các kết luận gò ép, được đưa ra bởi ý muốn chứng minh bằng mọi cách các luận thuyết chế sẵn, hay để chống lại các luận thuyết không trùng hợp với các xác tín cá nhân của mình.

Hỏi: Và như thế là dễ rơi vào mt khuynh hướng cuồng tín, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, như thế là dễ rơi vào khuynh hướng qúa khích, và như vậy không phải là việc tìm tòi khoa học nghiêm chỉnh. Khuynh hướng qúa khích này thường gây ra sự lẫn lộn nơi người đọc, khiến cho họ có cảm tưởng đang chứng kiến một cuộc chiến giữa các luận thuyết chống đối nhau hơn là một cuộc đối thoại nghiêm chỉnh và chính xác. Cuộc đối thoại ấy có thể chặt chẽ, nhưng để thực sự khoa học, thì phải có tính cách xây dựng, biết tôn trọng các ý kiến của người khác, và chỉ có mục đích tìm hiểu sự thật.

Nhiệm vụ của nhà khoa học nghiêm túc là nhiệm vụ thông tin một cách đúng đắn, bằng cách luôn luôn phân biệt giữa các tin tức và các sự kiện chắc chắn với các giả thuyết chỉ dựa trên một phần các dữ kiện và tài liệu, hay dựa trên các dữ kiện và tài liệu không đáng tin cậy chút nào. Do đó khó mà phân biệt được một cách rõ ràng giữa các sách vở tài liệu tuyệt đối nghiêm chỉnh và chính xác với các sách vở tài liệu không nghiêm chỉnh và chính xác.

Hỏi: Vậy thì thưa giáo sư đâu là các đặc thái của cuộc thảo luận về Tấm Khăn Lim trong hai mươi năm qua?

Đáp: Trong các năm qua, người ta đã chứng kiến một cuộc thảo luận khá sôi nổi chung quanh Tấm Khăn Liệm, có lẽ chưa bao giờ xảy ra như thế trong qúa khứ. Được như thế cũng là nhờ cái loa phóng thanh của các phương tiện truyền thông.

Cuộc tranh luận này đã bắt đầu bởi việc xác định thời gian của Tấm Khăn Liệm qua tia hồng ngoại tuyến hồi năm 1988. Và kết qủa của nó khẳng định rằng Tấm Khăm Liệm thuộc thời Trung Cổ, đã khơi dậy một cuộc đối đầu sôi nổi, không chỉ giữa các nhà khoa học và chuyên viên nghiên cứu, mà cả trong dư luận công cộng nữa. Cũng như đã xảy ra trong qúa khứ, cuộc tranh luận không chỉ giới hạn giữa hai phe chống đối nhau kịch liệt: một bên bênh vực tính cách xác thực tuyệt đối không thể thảo luận của Tấm Khăn Liệm vì cho rằng nó là tấm khăn liệm xác Đức Giêsu thành Nagiarét; và bên kia ủng hộ luận thuyết cho rằng nó là tấm khăn liêm giả, hay không dính dáng gì tới Đức Giêsu thành Nagiarét. Sau cùng nó cũng lôi cuốn nhiều nhà khoa học và các chuyên viên vào cuộc: họ bị lôi kéo bởi việc kiếm tìm sự thật hơn là khả năng chứng minh một luận thuyết làm sẵn. Dù muốn hay không, họ tự đặt mình vào trong một lập trường dung hòa ở giữa hai phe chống đối nhau, và thường không phải là lập trường thuận tiện nhất.

Và như thế người ta đã chứng kiến một loạt các can thiệp bất tận, đôi khi nặng nề, theo sau đó là các phản bác không kém nặng nề. Một vài nghi ngờ được nêu lên với các sự kiện rõ ràng có chứng cớ tài liệu; các nghi ngờ khác thì tự ý và có thể theo ý kiến này hay ý kiến nọ. Kết qủa đã là sự chia rẽ ngày càng rõ ràng và vô lý trong cuộc tranh cãi của hai bên chống đối nhau, làm giảm sự chú ý tới các lý lẽ tuyệt đối có tính cách khoa học đáng lý ra phải là các lý lẽ duy nhất cần lưu tâm; đàng khác là tình trạng dậm chân tại chỗ như hiện nay. Trong khi đó còn có rất nhiều việc phải làm để kiểm thực cặn kẽ các phê bình chỉ trích nghiêm chỉnh liên quan tới việc dùng phương pháp tia hồng ngoại than để xác định thời gian của Tấm Khăn Liệm, và nhất là để giải thích các dự kiện đã đạt được một cách đúng đắn.

Hỏi: Nhưng mà đáng lý ra thì cuôc tranh luận khoa học phải phải xảy ra giữa các nhóm khoa học gia và các chuyên viên nghiên cứu thôi chứ, thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, đáng lý ra thì phải như vậy, vì đó là điều đúng đắn theo luận lý. Nghĩa là cuộc thảo luận chỉ ở giữa các nhà khoa học và chuyên viên nghiên cứu Tấm Khăn Liệm để xác định Tấm Khăn Liệm đã được dệt khi nào ra sao và gồm các chất liệu gì, với khả thể là công bố các kết qủa thử nghiệm và các nhận định lý thuyết trong các cuộc gặp gỡ và các hội nghị khoa học. Nhưng thật ra đã không xảy ra như thế, bởi vì trong cuộc thảo luận đã có các lý luận không khoa học liên quan tới việc lấy mẫu thử nghiệm và định thời gian không theo các tiêu chuẩn khoa học, mà đúng hơn là theo tiêu chuẩn luân lý đạo đức và sự liêm chính trong cung cách hành xử của những người tham dự công việc điều tra với các tước hiệu khác nhau.

Hỏi: Giới truyền thông có phần lỗi nào trong cảnh hỗn loạn này không?

Đáp: Có. Giới truyền thông chắc chắn đã không giúp cho công việc được dễ dàng hơn, vì họ thường can thiệp một cách rộng rãi vào một ít tin tức nhỏ nhặt, mà lại im lặng đối với các tin nghiêm chỉnh quan trong. Họ hầu như chỉ chú ý tới các tin giật gân trong xác tín vô lý và nguy hiểm rằng đối với giới độc giả trung bình việc hiểu biết các bước tiến, đôi khi rất nhỏ và không có tính cách định đoạt, của việc nghiên cứu, tuyệt đối không quan trọng. Và hậu qủa là dư luận công cộng hầu như chỉ biết tới các thảo luận thô kệch và vô nghĩa, mà không biết gì về các nghiên cứu có ý nghĩa và quan trọng.

Thế rồi còn có cuộc tranh cãi giữa hai khuynh hướng qúa kích. Một bên bênh vực lập trường chắc chắn Tấm Khăn Liệm này là Tấn Khăn Liệm thật đã bọc xác Chúa Giêsu Kitô, và một bên cho rằng không có tương quan nào giữa hai Tấm Khăn Liệm. Có thể bênh vực lập trường của mình, nhưng cũng phải tôn trọng các tiêu chuẩn của khoa học tân tiến. Ở đây trái lại người ta chứng kiến nhiều khẳng định và các tranh luận, khởi hành từ các giả thuyết tuyệt đối tự do và chế sẵn. Người ta sử dụng các lý luận đi ngược lại các luật lệ luận lý sơ đẳng nhất, để đi đến các kết luận không thể chứng minh được.

Hỏi: Thế ni ta đi đến các kết luận nào?

Đáp: Nhiều thứ lằm: nào là trên Tấm Khăn Liệm có vẽ hình của nhà danh họa và khoa học gia Leonardo di Vinci; nào là Tấm Khăn Liệm là khăn giả thuộc thời Trung Cổ đã dùng các kỹ thuật lạ không được biết ngày nay. Rồi Tấm Khăn Liệm là bằng chứng khoa học của sự sống lại, hay là hậu qủa của hiện tượng phóng xạ đặc thù của sự sống lại, làm như thể sự sống lại là một điều tự nhiên, có thể lập lại được trong phòng thí nghiệm, và vì vậy có thể xem xét được với các phương pháp khoa học. Và danh sách còn dài lắm.

Gò ép các dữ kiện khoa học hay hoàn toàn lơ là chúng và khởi hành từ các giả thuyết tuyệt đối không có các nền tảng có nghĩa là gây thiệt hại và làm mất uy tín ý nghĩa và sứ điệp khiến cho Tấm Khăm Liệm là vật duy nhất trên thế giới này. Khởi hành từ giả thuyết Tấm Khăn Liệm là khăn bọc xác Chúa Kitô, và tìm mọi cách chứng minh cho điều đó mà không chú ý tới các lý lẽ nghiêm chỉnh và khách quan, hay khởi hành từ việc coi Tấm Khăn Liệm là một tác phẩm giả thời Trung Cổ, thì không chỉ là làm một việc không đúng đắn trên bình diện khoa học, mà còn là lừa dối tất cả những người muốn biết nhiều hơn về Tấm Khăn Liệm, coi các kết luận ấy là thật.

Hỏi: Như vy đâu là thái đ đúng đắn nhất thưa giáo sư?

Đáp: Thái độ đúng đắn nghiêm chỉnh và liêm chính duy nhất là của người ước muốn hiểu biết sự thật, khiêm tốn kiếm tìm, mà không yêu sách nuốn chứng minh luận thuyết chế sẵn nào cả; trái lại khước từ tất cả những gì không được chứng minh một cách nghiêm chỉnh và khoa học.

Lập trường của người tìm kiếm quân bình và liêm chính thì khá phiền toái, và ai chọn nó thì phải có can đảm và kiên trì theo đuổi cho đến cùng, bởi vì nó là con đường duy nhất dẫn tới chỗ thực hiện các cuộc tìm kiếm nghiêm chỉnh và có nền tảng, giúp thông tin cho dân chúng một cách trung thực và liêm chính. Lời Đức Gioan Phaolô II nói ngày 24 tháng 5 năm 1998 trước Tấm Khăn Liệm phải là kim chỉ nam hướng đẫn nhà nghiên cứu: ”Giáo Hội khuyến khích các nhà khoa học đương đầu với việc nghiên cứu Tấn Khăn Liệm mà không có các lập trường chế sẵn coi các kết qủa như đương nhiên, mà thực ra không phải như vậy. Giáo Hội mời gọi họ hành động với sự tự do nội tâm và sốt sắng tôn trọng phương pháp khoa học cũng như sự nhạy cảm của các tín hữu”.

(ZENIT 8-6-2012)

Linh Tiến Khải