Cuộc rước nến tại Quảng trường thánh Phêrô kỷ niệm 50 năm Công Đồng

Cuộc rước nến tại Quảng trường thánh Phêrô kỷ niệm 50 năm Công Đồng

VATICAN. 40 ngàn tín hữu đã tham dự cuộc rước nến tối ngày 11 tháng 10-2012 tại Quảng trường Thánh Phêrô, nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2.

Giống như Đức Gioan 23, ĐTC Biển Đức 16 cũng xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài vào cuối buổi rước nến để chào thăm các tín hữu. Ngài cám ơn Hội Công Giáo tiến hành Italia đã tổ chức cuộc rước nến này và nói:
”Cách đây 50 năm, vào ngày này, tôi cũng có mặt tại Quảng trường thánh Phêrô, hướng nhìn lên cửa sổ đây, nơi vị Giáo Hoàng từ nhân, Đức Chân phước Gioan 23, nói với chúng tôi bằng những lời không thể quên được, những lời đầy thơ phú, nhân từ, những lời phát xuất từ con tim của Người.

”Tôi có thể nói, hồi đó chúng tôi hạnh phúc, đầy phấn khởi. Đại Công Đồng đã được khai mạc, và chúng tôi chắc chắn là một mùa xuân mới sẽ đến với Giáo Hội, một lễ Hiện Xuống mới, với một sự hiện diện mãnh mẽ mới mẻ của ân thánh giải thoát của Tin Mừng.

ĐTC nhận xét rằng: ”Ngày nay chúng ta cũng hạnh phúc, chúng ta mang niềm vui trong tâm hồn, nhưng tôi có thể nói đây là một niềm vui 'điều độ' hơn, một niềm vui khiêm tốn. Trong 50 năm qua, chúng ta đã học và cảm nghiệm thấy tội nguyên tổ vẫn hiện hữu và luôn tái thể hiện qua các tội cá nhân, chúng cũng có thể trở thành những cơ cấu tội lỗi. Chúng ta đã thấy trong ruộng của Chúa luôn có những cỏ dại. Chúng ta đã thấy rằng trong lưới của thánh Phêrô cũng có những con cá độc. Chúng ta đã thấy sự dòn mỏng của con người cũng hiện diện trong Giáo Hội, con thuyền của Giáo Hội đang đi ngược gió, với những phong ba bão táp đang đe dọa con thuyền, và đôi khi chúng ta đã nghĩ: ”Chúa ngủ và đã quên chúng ta rồi”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Đó là một phần những kinh nghiệm trong 50 năm qua, nhưng chúng ta cũng được một kinh nghiệm mới về sự hiện diện của Chúa, về lòng từ nhân và sức mạnh của Chúa. Ngọn lựa của Chúa Thánh Linh, của Chúa Kitô, không phải là ngọn lửa thiêu hủy, tàn phá; đó là một ngọn lửa âm thầm, là một ngọn lửa bé nhỏ của lòng từ nhân và sự thật, biến đổi, trao ban ánh sáng và sức nóng. Chúng ta đã thấy Chúa không quên chúng ta. Ngày nay, Chúa cũng theo cách thức khiêm tốn của ngài, hiện diện và sưởi ấm các tâm hồn, chứng tỏ sự sống, sáng tạo những đoàn sủng nhân từ và bác ái soi sáng thế giới và bảo đảm lòng từ nhân của Thiên Chúa cho chúng ta”.

Sau cùng, ĐTC Biển Đức nói rằng ”Tôi xin lập lại những lời không thể quên được của Đức Giáo Hoàng Gioan 23: anh chị em hãy về nhà, trao một nụ hôn cho các trẻ em và nói đó là nụ hôn của Đức Giáo Hoàng” (SD 11-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP
 



Đức Thánh Cha khai mạc Năm Đức Tin

Đức Thánh Cha khai mạc Năm Đức Tin

VATICAN. Sáng ngày 11 tháng 10-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ cùng với 400 Hồng Y và GM thế giới, để khai mạc Năm Đức Tin.

Buổi lễ cũng là dịp kỷ niệm đúng 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2, và 20 năm công bố Sách Giáo Lý Công Giáo.

Trong số 400 vị đồng tế với ĐTC có 80 Hồng y, 15 nghị phụ đã từng tham dự Công Đồng Vatican 2 (trong số 70 vị còn sống), 8 vị Thượng phụ và thủ lãnh của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, 191 TGM và GM, ngoài ra có 104 vị Chủ tịch HĐGM trên thế giới. Hiện diện tại buổi lễ với chỗ danh dự trên lễ đài đặc biệt có Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople và cũng là vị thủ lãnh danh dự chung của toàn Chính Thống giáo; tiếp đến là Đức Giáo Chủ Anh giáo, Rowan Williams, TGM Canterbury. Ngoài ra có hơn 20 ngàn tín hữu, trong đó có đông đảo các LM và tu sĩ, đặc biệt là sinh viên nam nữ của nhiều Đại học Giáo Hoàng ở Roma.

Cảnh tượng 400 vị GM đồng tế đi rước từ giữa quảng trường tiến lên lễ đài gợi lại hình ảnh cách đây nửa thế kỷ hàng ngàn nghị phụ cũng đi rước như thế tiến vào Đền thờ để cử hành thánh lễ khai mạc Công Đồng do Đức Gioan 23 chủ sự.

Một nghi thức khác nhắc lại Công Đồng, đó là cuộc rước Sách Thánh đặt lên ngai cạnh bàn thờ. Ngai giá sách này cũng đã được dùng trong Công Đồng, được đặt tại trung tâm Đền thờ trong khóa họp, để nói lên sự kiện chính Lời Chúa chủ tọa và hướng dẫn Công Đồng.



Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã gợi lại biến cố khai mạc Công đồng chung Vatican 2 và ảnh hưởng của Công Đồng trên Giáo Hội, đồng thời cũng liên kết biến cố này với Năm Đức Tin mà ngài ấn định từ ngày 11 tháng 10 hôm qua, đến chúa nhật 24-11 năm tới. Ngài nói:

”Năm Đức Tin mà chúng ta khai mạc hôm nay gắn liền với toàn thể hành trình của Giáo Hội trong năm 50 năm qua, từ Công Đồng, qua Giáo Huấn của vị Tôi Tớ Chúa Đức Phaolô 6, Người đã ấn định Năm Đức Tin vào năm 1967, cho đến Đại Năm Thánh 2000, qua đó Chân Phước Gioan PHaolô 2 đã tái đề nghị với toàn thể nhân loại Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất, hôm qua, hôm nay và mãi mãi..

”Công Đồng Vatican 2 đã không muốn đặt đề tài đức tin trong một văn kiện chuyên biệt. Nhưng Công Đồng đã hoàn toàn được linh hoạt nhờ ý thức và ước muốn có thể nói là phải tái chìm đắm trong mầu nhiệm Kitô để có thể tái đề nghị hữu hiệu cho con người ngày nay. Về điểm này Vị Tôi Tớ Chúa Phaolô 6 đã nói như sau 2 năm sau khi bế mạc Công Đồng: ”Tuy Công Đồng không đích thị bàn về đức tin, nhưng Công Đồng nói về đức tin trong mỗi trang, nhìn nhận đặc tính chủ yếu và siêu nhiên của đức tin, giả thiết đức tin phải toàn vẹn và mạnh mẽ, và kiến tạo các đạo lý của mình trên đức tin. Chỉ cần nhắc lại vài lời khẳng định của Công Đồng (…) để thấy rõ tầm quan trọng thiết yếu mà Công Đồng, phù hợp với truyền thống đạo lý của Giáo Hội, dành cho đức tin, đức tin chân chính, có nguồn mạch là Chúa Kitô và qua trung gian của Huấn quyền Hội Thánh” (Giáo lý buổi tiếp kiến chung ngày 8-3-1967).



ĐTC Biển Đức cũng nhắc lại cảm nghiệm bản thân của ngài: ”trong Công Đồng có một sự căng thẳng cảm động đối với nghĩa vụ chung là làm cho chân lý và vẻ đẹp của đức tin được rạng ngời trong thời đại chúng ta ngày nay, không hy sinh đức tin cho những đòi hỏi của hiện tại và cũng không gắn chặt đức tin với quá khứ: trong đức tin có vang dội hiện tại vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng vượt lên trên thời gian và chỉ có thể được chúng ta đón nhận trong hiện tại không thể lập lại. Vì thế, tôi thấy rằng điều quan trọng nhất, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm đầy ý nghĩa như hiện nay, cần phải khơi dậy trong toàn thể Giáo Hội sự căng thẳng tích cực ấy, sự khao khát nồng nhiệt tái loan báo Chúa Kitô cho con người ngày nay.”

ĐTC nhận xét rằng: ”Nhưng để đà thúc đẩy nội tâm này hướng đến sự tái truyền giảng Tin Mừng không phải chỉ là lý tưởng và không lẫn lộn, cần làm sao để sự thúc đẩy ấy dựa vào một nền tảng cụ thể và chính xác và nền tảng này chính là những văn kiện của Công Đồng Vatican 2, trong đó nó được biểu lộ. Vì thế, tôi đã nhiều lần nhấn mạnh về sự cần thiết phải trở về với văn bản của Công Đồng – để tìm ra tinh thần đích thực trong đó, – và tôi đã lập lại rằng gia sản đích thực của Công Đồng chung Vatican 2 là ở trong các văn kiện. Sự tham chiếu các văn kiện Công Đồng giúp tránh được những thái cực hoài tưởng lỗi thời hoặc thái độ chạy về đàng trước, đồng thời cũng giúp lãnh hội sự mới mẻ trong sự tiếp tục. Công Đồng không tạo ra điều gì mới về đức tin, cũng không muốn thay thế những gì cổ kính. Đúng hơn, Công Đồng quan tâm làm sao để cũng đức tin ấy tiếp tục được sống trong thời nay, tiếp tục là một đức tin sinh động trong một trong một thế giới đang biến chuyển.

”Nếu chúng ta tiến theo hướng đi đích thực mà Chân phước Gioan 23 muốn đề ra cho Công Đồng chung Vatican 2, chúng ta có thể thực hiện hướng đi đó trong Năm Đức Tin này, trong hành trình duy nhất của Giáo Hội muốn tiếp tục đào sâu hành trang đức tin mà Chúa Kitô đã ủy thác. Các nghị phụ Công Đồng muốn tái trình bày đức tin một cách hữu hiệu; và sở dĩ các vị cởi mở đối thoại trong tin tưởng với thế giới hiện đại là vì các vị chắn chắn về đức tin của mình, về đá tảng vững chắc trên đó họ dựa vào. Trái lại, trong những năm sau đó, nhiều người đã đón nhận não trạng thịnh hành mà không phân định, đặt lại vấn đề chính những nền tảng của kho tàng đức tin mà rất tiếc là họ không còn cảm thấy là của họ trong chân lý của họ.

”Sở dĩ hôm nay Giáo Hội đề nghị một Năm Đức Tin mới và tái truyền giảng Tin Mừng, không phải để cử hành một kỷ niệm, nhưng vì Giáo Hội đang cần Năm Đức Tin hơn cả cách đây 50 năm! Và câu trả lời cần đáp lại nhu cầu ấy cũng là câu trả lời mà các vị Giáo Hoàng và các nghị phụ mong muốn và được chứa đựng trong các văn kiện Công Đồng. Cả sáng kiến thành lập một Hội đồng Tòa Thánh thăng tiến việc tái truyền giảng Tin mừng cũng ở trong viễn tượng ấy. Tôi đặc biệt cám ơn Hội đồng này vì sự dấn thân đặc biệt cho Năm Đức Tin. Đâu là ý nghĩa một cuộc sống, một thế giới không có Thiên Chúa, thời Công Đồng người ta đã có thể biết từ một vài trang bi thảm của lịch sử, nhưng giờ đây rất tiếc là chúng ta thấy nó xảy ra hằng ngày chung quanh chúng ta. Đó là một sự trống rỗng đang lan tràn. Nhưng chính từ kinh nghiệm về sa mạc, từ sự trống rỗng ấy, chúng ta có thể tái khám phá niềm vui đức tin, tầm quan trọng sinh tử của đức tin đối với chúng ta. Trong sa mạc người ta tái khám phá giá trị của những gì là thiết yếu để sống; cũng thế trong thế giới ngày này có vô số những dấu chỉ, thường được diễn tả trong một hình thức mặc nhiên hoặc tiêu cực, về sự khao thát Thiên Chúa, về ý nghĩa tối hậu của cuộc sống. Và trong sa mạc, đặc biệt cần những người có đức tin, qua chính cuộc sống của họ, chỉ cho chúng ta con đường về Đất Hứa và giữ vững niềm hy vọng. Đức tin được sống thực mở rộng tâm hồn cho Ơn Thánh Chúa, là Đấng giải thoát khỏi thái độ bi quan. Ngày nay hơn bao giờ hết, rao giảng Tin Mừng có nghĩa là làm chứng một cuộc sống mới, được Thiên Chúa biến đổi, và chỉ đường.

“Bài đọc thứ I trích từ sách Huấn Ca nói với chúng ta về sự khôn ngoan của người du hành (Xc Hc 34,9-13): hành trình là biểu tượng cuộc sống và người lữ hành khôn ngoan là người đã học nghệ thuật sống và có thể chia sẻ với anh chị em mình – như vẫn xảy ra với các tín hữu hành hương theo con đường Santiago de Compostela, hoặc trên những con đường khác, không phải tình cờ mà các cuộc hành hương này tái thịnh hành trong những năm gần đây. Làm sao mà bao nhiêu người ngày nay cảm thấy cần phải đi hành hương theo những con đường ấy? Phải chăng tại đó họ tìm được, hoặc ít là trực giác được ý nghĩa cuộc sống của chúng ta trên trần thế? Đó cũng là cách thức chúng ta có thể áp dụng cho Năm Đức Tin: đó là một cuộc lữ hành trong sa mạc của thế giới ngày nay, trong đó ta chỉ mang theo mình những gì là thiết yếu: không gậy, không bao bị, không bánh và không tiền bạc, không mang theo hai áo dài, như Chúa nói với các Tông Đồ khi sai họ đi giảng đạo (Lc 9,3), như Tin Mừng và đức tin của Giáo Hội, mà các Văn kiện Công Đồng Vatican 2 diễn tả một cách rạng ngời, cũng như Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo công bố cách đây 20 năm diễn tả.

Và ĐTC kết luận rằng ngày 11 tháng 10-1962 là lễ kính Đức Maria Chí Thánh Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta phó thác cho Mẹ Năm Đức Tin, như tôi đã làm cách đây một tuần khi đến hành hương tại Loreto. Xin Đức Trinh Nữ Maria luôn chiếu sáng như ngôi sao trên con đường tái truyền giảng Tin Mừng. Ước gì Mẹ giúp chúng ta thực hành lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô: ”Hãy để cho Lời Chúa Kitô ngự trị nơi anh chị em trong sự phong phú của Lời. Với mọi khôn ngoan anh chị em hãy dạy dỗ và nhắn nhủ nhau.. Và bất kỳ anh chị em làm hãy trong lời nói và công việc, tất cả hãy xảy ra nhân danh Chúa Giêsu, nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3,16-17)

Đc Thượng Phụ Bartolomaios

Cuối thánh lễ, Đức Thượng Phụ Bartolomaios đã lên tiếng phát biểu. Ngài nhắc đến những ảnh hưởng tích cực của Công đồng chung Vatican 2 về đại kết Kitô, và gợi lại kinh nghiệm bản thân của ngài về Công Đồng, khi còn là một sinh viên trẻ học tại Giáo Hoàng Học Viện Đông phương ở Roma, và ngài cũng đích thân tham dự vài khóa họp đặc biệt của Công Đồng. Đức Thượng Phụ nói: ”Chúng tôi đã chứng kiến tận mắt các GM cảm nghiệm với một ý thức mới về giá trị của truyền thống và đức tin ”được thông truyền cho các thánh một lần cho tất cả ” (Giuda 1,3). Đó là một thời kỳ đầy triển vọng, nhiều hy vọng ở bên trong cũng như bên ngoài Giáo Hội Công Giáo.
Đức Thượng Phụ nhắc đến những tiến bộ cụ thể trong việc đối thoại thần học giữa Công Giáo và Công Giáo, và bao nhiêu thành quả khác của Công Đồng, và ngài nói đến nỗ lực chung mà Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống có thể thực hiện được.

Ngài nói với ĐGH: ”Hiền Huynh quí mến, sự hiện diện của chúng ta ở đây có nghĩa và đánh dấu sự dấn thân chung của chúng ta cùng làm chứng cho sứ điệp cứu độ và chữa lãnh cho anh chị em nhỏ bé nhất của chúng ta: những ngừơi nghèo khổ, bị áp bức, bị gạt ra ngoài lề thế giới được Thiên Chúa tạo dựng. Chúng ta hãy bắt đầu những kinh nguyện cho hòa bình và an sinh của anh chị em Kitô chúng ta đang sống tại Trung Đông. Trong cái lò bạo lực hiện nay, sự phân cách và chia rẽ đang gia tăng giữa các dân nước, ước gì tình thương và ước muốn hòa hợp mà chúng ta đang tuyên bố ở đây, cũng như sự cảm thông và chúng ta tìm kiếm bằng đối thoại và tôn trọng lẫn nhau, trở thành mẫu mực cho thế giới chúng ta. Ước gì nhân loại có thể giơ tay ra cho người khác, và chúng ta có thể cùng nhau làm việc để khắc phục đau khổ của các dân tộc khắp nơi, đặc biệt là nơi họ đang chịu đau khổ vì đói khát, thiên tai, bệnh tật và chiến tranh, mà rốt cục chúng ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả chúng ta”.

Trao sứ đip Công Đồng

Sau khi ban phép lành kết thúc, ĐTC đã diễn lại một cử chỉ đã được thực hiện khi bế mạc Công Đồng chung Vatican 2: Đức Phaolô 6 đã trao 7 Sứ điệp gửi Dân Chúa.

ĐTC Biển Đức 16 cũng trao 7 Sứ điệp ấy cho các đại diện của cộng đồng nhân loại: vị Niên trưởng và Phó niên trưởng đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh và 5 đại sứ năm châu lên nhận Sứ điệp, đại diện cho các chính phủ. Tiếp đến là đại diện của giới khoa học và trí thức, nghệ sĩ, các ký giả, phụ nữ, công nhân, di dân, giới trẻ, và cả một người tàn tật ngồi trên xe lăn nữa.

G. Trần Đức Anh OP

Hội Thảo Năm Đức Tin tại nhà thờ Tam Biên

Hội Thảo Năm Đức Tin tại nhà thờ Tam Biên (ngày 11 và 12 tháng 10 – 2012)

* Để cử hành Năm Đức Tin ý nghĩa hơn, trân trọng kính mời Qúi Vị tham dự những sinh họat sau tại nhà thờ Tam Biên (St. Callistus) 
12901 Lewis St., Garden Grove, CA 92840 * Phone #: Tel.: 714-971-4704

 

1) Chầu Thánh Thể với sự hướng dẫn của Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương vào thứ Năm ngày 11 tháng     10 từ  7:00PM-8:30PM trong nhà thờ Cũ.  Đây là ngay ngày chính thức Khai Mạc Măm Đức Tin của Giáo Hội hòan vũ.
 

2) Buổi hội thảo đặc biệt với chủ đề Năm Đức Tin với Linh mục Nguyễn Khắc Hy & Tiến sĩ Lê Xuân Hy: từ 
    7:00PM-9:30PM trong nhà thờ cũ vào thứ Sáu ngày 12 tháng 10.  
Tiếng Việt Nam trong nhà thờ cũ:
7:00PM-8:15PM do Tiến sĩ Lê Xuân Hy
8:30PM-9:30PM do Linh mục Nguyễn khắc Hy, S.S.
Tiếng Mỹ trong phòng số 6:
7:00PM-8:15PM do Linh Mục Nguyễn Khắc Hy, S.S.
8:30PM-9:30PM do Tiến sĩ Lê Xuân Hy

 

Up-coming Events:
 

1) Come to rediscover our Faith, reinvigorate our relationship with Jesus
What: Eucharistic Adoration
When: Thursday, October 11 from 7:00 pm to 8:30 pm at the Parish Center
Let’s join with Bishop Dominic Luong and the Universal Church to mark the beginning of the Year of Faith.  

 

2) Come to find out what Faith can do
When: Friday, October 12 from 7:00PM-9:30PM
Where: Parish Hall * (English Workshop)
Speakers: Rev. Matthew Hy Nguyen, S.S. Ph.D.  & Hy Le, Ph.D.
7:00PM-8:15PM * “Faith Seeking Understanding” by Rev. Matthew Nguyen, S.S., Ph.D.
8:30PM-9:30PM * “I Believe” by Hy Nguyen, Ph.D.

 

NĂM ĐỨC TIN
Để củng cố hoặc tái khám phá đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa
Để rao giảng Thiên Chúa với Niềm Vui Cho mọi người trong thời đại chúng ta.

 

Ý Nghĩa của biểu tượng (logo) Năm Đức Tin:
Dấu hiệu này được biểu tượng qua một hình vuông, với con thuyền tượng trưng cho Giáo Hội, được trình bày như đang lướt trên những ngọn sóng. Dấu hiệu chính của con tàu là hình thánh giá được vẽ trên những cánh buồm trong bằng dấu hiệu rõ ràng tượng trưng cho Chúa Kitô (HIS). Đàng sau những cánh buồm là một mặt trời, hoà hợp với biểu tượng, dấu chỉ của Thánh Thể.

Year of Faith
to Strengthen our Faith in God and
        to Proclaim God with joy
        to the people of our time.

 

The meaning of the Year of Faith logo:
The logo is composed of a square, bordered field on which a boat, symbolizing the Church, is represented as sailing on a graphically minimal representation of waves. The main mast of the boat is a cross, and sails are attached to it displaying dynamic signs, portraying the trigram of Christ (HIS). The background to the sails is a sun which, associated with the trigram, refers to the Eucharist.

ĐTC. BÊNÊĐÍCTÔ XVI VÀ NĂM ĐỨC TIN

 ĐTC. BÊNÊĐÍCTÔ XVI VÀ NĂM ĐỨC TIN

Lời giới thiệu:

Năm Đức Tin được Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI khởi xướng qua việc công bố Tông Thư Tự Sắc Porta Fidei (Cánh Cửa Đức Tin) trong đó Ngài nói rõ lý do, mục đích và những hướng dẫn cho việc cử hành năm Đức Tin.

Năm Đức Tin bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 năm 2012 – kỷ niệm 50 năm công đồng Vatican II và 25 năm xuất bản cuốn Giáo Lý Công Giáo – cho đến ngày 14 tháng 11 năm 2013, dịp lễ Chúa Kitô Vua. Trọng tâm là động viên Kitô hữu tái khám phá đức tin của mình để tìm lại “niềm vui và sự hăng hái tìm gặp Đức Kitô,” đồng thời đối diện với chủ nghĩa tục hoá và những thách đố khác đang làm khủng hoảng đức tin của nhiều Kitô hữu.

Nói chuyện với thành viên Thánh Bộ Tín Lý ngày 27 tháng 1 năm 2012, ĐTC Bênêdictô XVI nói đến “hiện nay tại nhiều nơi, đức tin có nguy cơ bị dập tắt, như một ngọn lửa đang tàn” vì “những khủng hoảng đức tin sâu xa, nhất là mất dần ý thức tôn giáo” trong đời sống.

Năm Đức Tin nhấn mạnh đến chưong trình Tân Phúc Âm hoá, một nổ lực đã được khai tâm từ thời ĐTC Gioan Phaolô II, nhằm củng cố đức tin cho Kitô hữu, nhất là những người “đã đánh mất căn tính của mình,” và rao giảng cho thế giới biết sự cần thiết phải có Thiên Chúa trong đời sống xã hội.

Trong Năm Đức Tin, chúng ta sẽ có dịp học hỏi nhiều về đức tin Công giáo mà chúng ta đã lãnh nhận. Như tiêu đề của Tự Sắc Porta Fidei- Cánh Cửa Đức Tin, nhắc nhở mọi Kitô hữa đã bước qua ngưỡng cửa đức tin là bí tích rửa tội, giờ đây cần mở lại cánh cửa đó để đón nhận luồng gió mới của Chúa Thánh Thần khai sáng tâm trí và hâm nóng lại nhiệt tình sống đạo.

Trong bài viết đầu tiên của loạt bài về Năm Đức Tin, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về nguyên nhân và động lực (có tính cách cá nhân) thúc đẩy ĐTC Bênêdictô XVI công bố năm Đức Tin này.

Bênêdictô XVI Đối Thoại Với Thế Giới Hiện Đại

Là một chuyên viên (peritus) trẻ cho các nghị phụ tại công đồng Vatican II, là một thần học gia trong những năm hậu Công Đồng, là Bộ Trưởng thánh bộ Tín Lý Đức Tin trong 25 năm, ĐTC Bênêdictô đã tỏ ra dè dặt trong vấn đề đối thoại với thế giới hiện đại. Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, có tên là Vui Mừng và Hy Vọng – Gaudium et Spes- được xem là văn kiện mở đường cho những đối thoại giữa Giáo hội và thế giới, và được nhiều thần học gia lấy làm điểm xuất phát cho phong trào “đem đạo vào đời” hay “Thiên Chúa nhập thể để Giáo hội nhập thế”.

Nhưng ĐTC Bênêdictô không hoàn toàn đồng nhất với tư tưởng diễn dịch đó. Ngược lại, Ngài có nhiều thắc mắc và cẩn trọng khi suy tư về Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng. Trong nhiều bài viết và phát biểu, ĐTC Bênêdictô cho là cách giải thích của nhiều thần học gia đưong thời về Hiến Chế này là sai lầm, hoặc vì họ hiểu sai lạc, hoặc vì họ cắt nghĩa bản văn không đúng với bối cảnh của nó. ĐTC Bênêdictô đã nhiều lần nhắc nhở các thần học gia cần đọc Hiến Chế này không như một bản văn độc lập, nhưng chung với những văn kiện khác cúa Công Đồng, nhất là Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen gentium – Ánh Sáng Muôn Dân để thấy rõ những gì Thánh Công Đồng muốn dạy, và để soi tỏ những yếu tố chưa rõ ràng trong Hiến Chế Gaudium et Spes.

Chính thần học gia trẻ J. Ratzinger (ĐTC Bênêdictô) đóng vai trò chủ động trong việc soạn bản thảo cho Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng này. Trong thảo luận, Ngài đưa ra những tiềm năng nguy hiểm mà nhiều nghị phụ, và nhất là các thần học gia bấy giờ, quá lạc quan và phấn khởi khi nói đến đối thoại với thế giới hiện đại. Qua cái nhìn nhân chủng học và vũ trụ học của Teihard de Chardin (một thần học gia Pháp có ảnh hưởng lớn thời bấy giờ), một số các nghị phụ và các chuyên viên cố vấn (peritus) đã quá vội vàng đồng hoá niềm hy vọng Kitô hữu với niềm tin của thế giới hiện đại qua những tiến bộ của con người, nghĩa là, Giáo Hội không còn đối nghịch với “Đời” vì cả hai cùng nhắm đến một mục đích cao cả là phục vụ công ích cho con người và xã hội.

J. Ratzinger cho rằng đây chính là yếu điểm “đơn sơ” của các nhà thần học cắt nghĩa Hiến Chế với sự nhầm lẫn giữa thành quả khoa học và hy vọng Kitô giáo. Ngài sợ họ tập trung quá nhiều và mầu nhiệm nhập thể (Thiên Chúa làm Người), mà quên đi mầu nhiệm Thập Giá (Đức Kitô chết vì không cùng một quan điểm về Chân Lý và Luân Lý với thế giới Ngài sống).

Chúng ta có thể nói được rằng với ĐTC Bênêdictô XVI, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng không là giấy phép tùy tiện cho những đối thoại liên tục giữa Giáo Hội với thế giới hiện đại, mà là những cảnh báo về tiêu chuẩn hạn chế cần quan tâm trong những đối thoại đó.[1]

Với ĐTC Bênêdictô, đối thoại với thế giới chỉ thật sự đồng nhất khi thế giới (mà danh từ Việt Nam tinh khéo gọi là Thế Gian) được tinh lọc, thánh hoá.[2]

Ratzinger cũng đã nhiều lần nói đến sự cần thiết tái khám phá Công Đồng Vatican II khi Ngài công khai phê bình sự cởi mở của Công Đồng đã bị nhiều thần học gia diễn dịch sai lạc.[3] Theo Ratz¬inger, thế giới hiện đại rõ ràng không cùng quan điểm với Giáo Hội khi bàn về Chân Lý, về Thiên Chúa, quan niệm Tội, Đúng- Sai v.v…

Vì thế, Kitô hữu cần tái khám phá căn tính mình “trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian” (Jn 17:14-16).

Bênêdictô XVI và Hiện Trạng Âu Châu

Từ khi làm giáo hoàng, Bênêdictô XVI tiếp tục ưu tư của vị tiền nhiệm ĐTC John Paul II, đã nhiều lần lên tiếng về khủng hoảng đức tin Công Giáo nói riêng, và đức tin Kitô giáo nói chung, ở châu Âu.[4] Theo thống kê về con số, Kitô hữu vẫn gia tăng ở Á Châu và Phi Châu, nhưng con số những người hoặc công khai từ chối đức tin Kitô giáo, hoặc không sống đức tin Kitô giáo, ngày càng nhiều ở Châu âu và Bắc Mỹ. Các nhà thờ vắng bóng giáo dân. Họ không muốn đề cập đến tôn giáo trong học đường hay ngoài xã hội. Ở nước Đức, nhiều Kitô hữu rút tên mình ra khỏi danh sách đóng thuế cho nhà thờ, vì họ tự hỏi tại sao lại đóng thuế cho nhà thờ khi họ không còn tin nữa.

Bên cạnh đó, mức sinh sản của người Âu Châu thấp. Họ nghĩ đến hưởng thụ cá nhân và không nghĩ đến tương lai có con cái hay cho con cái. Ngay cả khi chết, nhiều người không muốn chôn cất theo nghi thức tôn giáo cổ truyền tốn kém, mà chỉ rải tro trên những nơi họ muốn.

Âu châu tục hoá thật sự đang trở lại thời kỳ vô thần, không theo nghĩa là không tin có Thiên Chúa, nhưng theo một dạng vô thần mới ở đó con người sống không cần Thiên Chúa, và nếu có Thiên Chúa thì Ngài cũng không ảnh hưởng gì đến đời sống con người.

Khi không tin vào Thiên chúa, con người lần mò tìm kiểm cho mình một đối tượng làm căn bản cho giá trị đạo đức và trật tự xã hội. Về mặt sinh hoạt, khi Thiên Chúa và tôn giáo không giải đáp được những nhu cầu hiện tại của con người, họ đặt hy vọng vào khoa học kỹ thuật, một Vị Cứu Tinh mới của họ.

Đức Giáo hoàng lên tiếng rằng khủng hoảng Âu Châu gắn liền với khủng hoảng Giáo Hội. Với nền văn hoá Hậu Hiện Đại tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, đặt nặng quyền của con người hơn là nghĩa vụ của họ đối với tha nhân, ĐTC Bênêdictô XVI đã cảnh cáo rằng con người đang tự tiêu diệt mình vì tính ích kỷ, khi con người là đối tượng mà xã hội phục tùng hơn là phục tùng xã hội. ĐTC Bênêdictô còn khẳng định rằng chỉ có một giải pháp cho khủng hoảng hiện tại là Âu Châu cần quay về với nguồn gốc Kitô giáo của mình.

Khủng Hoảng Triết Lý Nhân Bản Dẫn Đến Khủng Hoảng Đức Tin

Việc ĐTC Bênêdictô XVI quan tâm cách đặc biệt đến tình trạng đức tin và sống đạo của Âu Châu đã quá rõ ràng. Cho đến ngày nay Âu Châu vẫn đóng vai trò then chốt cho nền tảng đức tin và các sinh hoạt của Giáo hội. Dù con số giáo dân ở Á Châu và Phi Châu đang gia tăng, nhưng ảnh hưởng về đời sống đạo vẫn còn lệ thuộc vào tư tưởng Âu Châu rất nhiều.

Khi lên ngôi giáo hoàng và chọn tên Bênêdictô, Đức Thánh Cha đương nhiệm không chỉ muốn nhắc đến vị tiền nhiệm Bênêdictô XV (1914-1918) người có công hạn chế thiệt hại thế chiến thứ nhất chia rẽ âu châu, mà Ngài còn nhắm đến thánh Bênêdictô, đấng sáng lập dòng Biển Đức và là quan thầy của Âu Châu vì những đóng góp của thánh nhân cho di sản Kitô giáo không thể chối cãi được trong văn hoá Âu châu.[5]

Âu châu đang gặp khủng hoảng với chính những giá trị đã tạo ra nó, và đang bị thoái hoá vì chính những giá trị đó bị hiểu sai lạc.

Khủng hoảng phát xuất từ thành quả Tự Do và Dân Chủ trong xã hội. Tự Do (freedom), một tiến bộ của xã hội, đã bị giáng cấp xuống thành quyền tự quyết cho chính cá nhân mình. Tự Do hiểu theo lối cá nhân chủ nghĩa tùy tiện này hoàn toàn tiêu cực và trống rỗng. Dân Chủ (democracy), một thành quả của nhân loại, được coi như một lá chắn (hay bùa hộ mạng) bảo vệ cho Tự Do cá nhân qua việc trưng cầu ý muốn của đa số. Nói cách khác, trong xã hội, con người đòi quyền tự do tuyệt đối cho mình, và họ dùng lá bùa Dân Chủ để bảo vệ các quyền căn bản này. Ví dụ, Tự Do luyến ái, đồng tính, phá thai, trợ tử, vô thần… được bảo vệ bởi hiến pháp của một đất nước dân chủ.

ĐTC Bênêdictô nhấn mạnh rằng Tự Do và Dân Chủ là những món quà tuyệt vời của nhân loại, nhưng nếu không bị ràng buộc bởi mục đích tìm công phúc cho xã hội và tìm chân lý, chúng sẽ trở thành những nguyên tắc trống rỗng, dẫn đến hình thành chủ nghiã tương đối (relativism), chủ nghiã hư vô (nihilism), chủ nghĩa yếm thế (cynicism), và kết qủa là con người “ngây thơ” cổ động cho một văn hoá sự chết mà họ cho là phục vụ cho lợi ích (hưởng thụ) của họ.[6]

Theo Ratzinger, Âu châu không chịu rút ra bài học từ sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, áp dụng phương thức tự quyết (self-determination) cho mình mà không cần Thiên Chúa hay tôn giáo như một yếu tố bảo đảm tính khách quan của Chân Lý, của Tự Do, của Luân Lý Đúng-Sai. Chủ nghĩa cộng sản dùng vũ lực chính phủ (khác với các nước khác dùng lá phiếu Dân Chủ) để củng cố thêm quyền tự định đoạt này.[7]

Theo ĐTC Bênêdictô, Âu Châu đang rối loạn với những hệ tư tưởng lẫn lộn mà không có một hướng đi rõ ràng, ngoại trừ điều mà nhiều người cho là “tín lý bất khả ngộ” của xã hội, đó là: tự do cá nhân cần phải được tôn trọng (tuyệt đối).

Khi quyền tự quyết (tự do cá nhân) được cổ võ mà thiếu cơ sở luân lý hay sự đồng thuận về luân lý, con người sẽ rơi vào tình trạng hổn loạn dẫn đến tự hủy diệt. Ví dụ, khoa học đã thành công Tạo Sinh Vô Tính (cloning) chó, mèo, dê, cừu… Vậy việc gì ngăn cản những khoa học gia điên rồ rồi đây sẽ tạo ra những con người trong phòng thí nghiệm với mục đích cá nhân, hay các nhà độc tài tạo ra con người với mục đích quân sự?

Vậy đâu là nền móng Luân Lý- Đạo Đức của xã hội? ĐTC Bênêdictô trả lời là Sự Thật, vì như Chúa Giêsu nói “Sự Thật sẽ giải thoát chúng ta” (Jn 8:32). Chính Chúa Giêsu Kitô là Sự Thật (Jn 24:6). Vì thế, Ngài là nền tảng Luân Lý-Đạo Đức cần có của xã hội.

Triết lý Âu Châu ngày nay lặp lại tư tưởng thời Phục Hưng, cho rằng Sự Thật là sản phẩm của xã hội được quyết định bởi đa số (nhiều người thì đúng, ít người thì sai). Với Bênêdictô, Chân Lý và Tự Do không là sản phẩm con người mà là quà tặng con người đón nhận. Chân Lý được Thiên Chúa mặc khải trong lịch sử, và chính nó trở thành nền tảng Luân Lý của con người khi Thiên Chúa ban cho con người khả năng nhận thức và áp dụng Chân Lý đó trong từng hoàn cảnh sống của xã hội dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nghĩa là, Chân Lý và Luân Lý là giới răn Thiên Chúa truyền ban, không phải là lựa chọn do con người đặt ra và làm chủ. Kết qủa của một xã hội tự tạo Chân Lý hay tiêu chuẩn Đạo Đức bằng ý kiến đa số hay ý của kẻ mạnh sẽ dẫn đến một xã hội phi lý, phi luân lý, và diệt vong.

ĐTC Bênêdictô thực sự chất vất và ưu tư về sự khập khểnh trong tương quan giữa Khoa Học Kỹ Thuật và Gía Trị Đạo Đức con người ngày nay khi Âu Châu loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài hiến pháp và đời sống thường ngày của họ.

Đây cũng là lí do mà những xã hội khác (Phi Châu, Á Châu và các nước Hồi Giáo) đã lên án lối sống thác loạn và loại trừ tiêu chuẩn sống của Âu châu như một mẫu mực cho đời sống con người.[8]

ĐTC Bênêdictô kêu gọi mọi Kitô hữu cần ý thức “chống lại trào lưu thế giới”, can đảm “lội ngược dòng” để rao giảng tin mừng Chúa Kitô và đem lại đức tin cho Âu Châu, một giải pháp duy nhất cứu họ khỏi diệt vong.

Kết Luận

Năm Đức Tin cần thiết, trước hết và trên hết, là cho sự sống còn của Âu Châu. Theo ĐTC Bênêdictô, khủng hoảng Châu Âu là sự xung đột giữa Tin hay Không Tin, giữa hệ tư tưởng Lý Luận Luân Lý dựa trên Thiên Chúa là Đấng Bảo Đảm cho tính tuyệt đối của nó, và hệ tư tưởng Tuyền Duy Lý xuất phát từ sau thời Phục Hưng, hưng thịnh nhất là sau thế kỷ 17. Âu Châu đang chối bỏ căn tính của mình khi loại Thiên Chúa và giá trị Kitô giáo ra khỏi những luật lệ chính trị quốc gia, với mục đích tạo một xã hội tục hoá trong đó con người có thể đứng lại với nhau và sống công bằng mà không cần Thiên Chúa.

Giải pháp duy nhất cho khủng hoảng này là quay trở về với Đức Tin Kitô giáo. ĐTC Bênêdictô XVI nói: “Lúc này đây, Âu châu và thế giới cần đến sự hiện diện của Thiên Chúa… Là những Kitô hữu, chúng ta có trách nhiệm duy trì sự hiện diện của Thiên Chúa trên thế giới, vì chỉ có sự hiện diện này mới có sức mạnh gìn giữ con người khỏi tự huỷ hoại chính mình.”[9]

Đây chính là mệnh lệnh Chúa Giêsu nói với tất cả chúng ta: “các con là ánh sáng thế gian… là muối cho đời” (Mt 5:23-26).

Lm. Mátthêu Nguyễn Khắc Hy

—————————-

Chú thích:

[1] Bất đồng đưa đến chia rẽ giữa những thần học gia sau công đồng. Năm 1972, Joseph Ratzinger cùng với Hans Urs von Balthasar, Karl Lehmann, Henri de Lubac và những thần học gia khác xuất bản nguyệt san thần học Communio thay thế cho nguyệt san Concilium mà họ cho là quá cấp tiến, và “muốn thiết lập một hệ thống giáo huấn thứ hai”. Xem “Nicht ich habe mich geändert, sondern die Andern”, trong Joseph Ratzinger, Zur Lage des Glaubens: Ein Gespräch mit Vittorio Messori (Munich/Zurich/Vienna: Neue Stadt, 1985), p. 16.

[2] ĐTC Benedict XVI dùng động từ “trừ tà” để chỉ việc thanh luyện này trong thế gian trong bài viết “Angesichts der Welt von heute”, in Dogma und Verkündigung, (1973) p. 201.

[3] J. Ratzinger có những phê bình tiêu cực khi thấy một số các thần học gia cấp tiến (như Edward Schillebeeckx và cụ thể là Johann Baptist Metz khai thác thần học chính trị của ông) cho là họ theo tinh thần Vatican II khi giới thiệu tư tưởng hậu-Marxist vào trong thần học suy niệm của họ. Với Ratz¬inger, hiểu như vậy về Gaudium et spes là sai khi nói đến những cởi mở và hợp thời của công đồng, vì Giáo Hội sẽ không bao giờ ngừng tiến trình hội nhập với xã hội. Xem Joseph Ratzinger, “Der Katholizismus nach dem Konzil—Katholische Sicht”, in Auf Dein Wort hin. 81. Deutscher Katholikentag (Paderborn: Bonifacius, 1966), pp. 245–266; “Der Weltdienst der Kirche. Auswirkungen von Gaudium et spes im letzten Jahrzehnt”, in Internationale katholische Zeitschrift Vol. 4 (1975), pp. 439–454.

[4] J. Ratzinger, Values in a Time of Upheaval, (Ignatius press, 2006) p. 145.

[5] Xem bài phát biểu buổi triều yết của ĐTC Benedict XVI ngày 27 tháng 4 năm 2005 với giáo dân.

[6] Văn hoá sự chết được tìm thấy trong việc sử dụng ngày càng nhiều các chất hoá học (như thuốc phiện) để hưng phấn con người. Bên cạnh đó, thanh niên Âu Châu sống hiện tại mà sợ tương lai. Họ thường trì hoãn việc lập gia đình, nếu không nói là không muốn có gia đình vì thêm khó khăn. Xem J. Ratzinger, Values in a Time of Upheaval, p. 140.

[7] J. Ratzinger, Europe: Today and Tomorrow, (Ignatius Press, 2007) p. 67ff.

[8] Các nước Hồi Giáo ngày càng củng cố căn tinh tôn giáo của họ (đôi khi với phương thức cực đoan) là câu trả lời cho ảnh hưởng Âu Châu mà họ không chấp nhận cho con cái họ sau này. J. Ratzinger, Values in a Time of Upheaval, p. 138-139.

[9] J. Ratzinger, Values in a Time of Upheaval, p. 165.

Năm Đức Tin: Trách nhiệm ngôn sứ của người tông đồ và của tín hữu giáo dân

Năm Đức Tin: Trách nhiệm ngôn sứ của người tông đồ và của tín hữu giáo dân

Thánh Lễ khai mạc Năm Đức Tin sẽ  được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI long trọng cử hành  tại Rôma  ngày 11-10 tới đây. Năm Đức Tin được mở ra nhân kỷ niêm 50 năm sau Công đồng Vatican II kết thúc, và cũng kỷ niệm 20 năm ngày công bố Sách Giáo lý mới của Giáo hội Công giáo, đồng thời cũng là dịp Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới (Synod of Bishops) họp phiên kháng đại lần thứ 13.

Đây là thời điểm thích hợp để toàn thể Giáo Hội nhìn lại đời sống đức tin của mình dựa trên nền tảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô, Đấng đã đến trần gian làm Con Người để rao giảng Tin Mừng, và  hy sinh “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 20,28).

Nghĩa là mọi người trong Giáo Hội – Hàng Giáo phẩm, Giáo sĩ, Tu sĩ và Giáo dân – đều được mời gọi để canh tân, củng cố và sống niềm tin của mình vào Chúa Kitô cách hữu hiệu hơn nữa để ứng phó với những thách đố của thời đại tục hoá (vulgarism) tôn thờ khoái lạc (hedonism) vô thần (atheism) và phi luân (amoralism), là những đặc trưng của “văn hoá sự chết” đang lan tràn ở khắp nơi trên thế giới ngày nay để lôi cuốn biết bao người vào hố diệt vong. Diệt vong vì  không có niêm tin vào một Quyên Lực, hay một Đấng Tối Cao mà người tín hữu chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa, Đấng dựng nên và thưởng phạt  con người về những việc mình làm trong cuộc sống trên đời này. Vì không có niềm tin này, nên người ta tự do sống thác loan, làm những sự dữ và tội ác không sao tả cho xiết được… Thực trạng này phải là mới ưu tư hàng đầu của những ai muốn sống niềm tin có Thiên Chúa cực tốt cực lành, đã sai Con Một là Chúa Kitô đến trần gian vì “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4).

Nhưng muốn được cứu độ và nhận biết chân lý thì phải thực sự và thực tâm tin Chúa Kitô và thể hiện niềm tin ấy cách cụ thể  bằng thực hành hay sống theo Tin Mừng Cứu Độ của Ngài.

Thật vậy, Phức Âm Sự Sống hay Tin Mừng Cứu Độ mà Chúa Kitô đã rao giảng và trả giá bằng chính mạng sống của Ngài trên thập giá cách nay trên 2.000 năm, cho đến nay vẫn còn xa lạ  đối với  đa số người trên trái đất này, vì  hiện còn  trên 5 tỷ người chưa biết Chúa Kitô và đang còn ở ngoài Giáo hội Công giáo là phương tiện hữu hiệu nhất để chuyên chở ơn cứu độ của Chúa Kitô đến cho mọi dân mọi nước trên khắp địa cầu cho đến ngày mãn thời gian.

Vì thế, sứ mang Phúc Âm hoá thế giới vẫn là trọng trách và là mối ưu tư hàng đầu của Giáo Hội. Và để thi hành sứ mang này cách hiệu quả hơn, Giáo Hội cần nhìn lại chính mình để xem Tin Mừng của Chúa Kitô đã thấm sâu vào tim óc của mình đến đâu cũng như đã biến đổi chính mình ra sao, trước khi tiếp tục sứ mạng Phúc Âm hoá người khác, tức mời gọi thêm nhiều người nữa đón nhận và tin Chúa Kitô là Đấng cứu chuộc duy nhất của nhân loại.

Đó là lý do Giáo Hội mở Năm Đức Tin để toàn thể Giáo Hội được dịp kiểm điểm đời sống đức tin của mình trước khi quảng bá đức tin ấy cho những người chưa nhận được Tin Mừng này.

Ngày 22-9 vừa qua, nhân tiếp kiến một số đông tân Giám mục ở Roma, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã lưu ý các tân Giám mục về sứ mệnh Phúc Âm hoá:

“Công cuộc Phúc Âm hoá quả thực không phải là công việc của các chuyên gia mà là của toàn thể dân Chúa trong Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của các chủ chăn. Mỗi thành viên của tập thể tín hữu ở trong và cùng với cộng đồng Giáo Hội phải cảm thấy mình có trách nhiêm công bố và làm nhân chứng cho Tin Mừng” (Evangelization, indeed, is not a work of specialists, but of the entire people of God under the guidance of theirs Pastors. Every member of the faithful, in and with the ecclesial community must feel responsible  for proclaiming  and witnessing to  the Gospel; – L’Osservatore Romano, September 26,2012, p. 5).

Đây chính là sứ mệnh mà Chúa Kitô đã trao phó cho các Tông đồ trước tiên và cho toàn thể Giáo Hội ngày nay trước khi Ngài về Trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án” (Mc 16,16).

Như thế, loan báo Tin Mừng hay Phúc Âm hoá thế giới phải là sứ mênh quan trọng nhất của Giáo Hội nhận lãnh từ chính Chúa Kitô sau khi Ngài hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại  của Thiên Chúa qua khổ hình thập giá, chết, sống lại và lên Trời.

Nhưng muốn cho công cuộc Phúc Âm hoá được kết quả mong muốn thì người công bố phải là người chứng tá cho Tin Mừng  mình loan truyền cho người khác, như Đức Thánh Cha đã nhắc nhở các tân Giám mục trên đây. Nghĩa là chính mình phải sống Tin Mừng ấy cách đích thực và sâu đậm thì mới có sức thuyết phục người khác tin điều mình rao giảng cho họ.

I. Trách nhiệm ngôn sứ và nhân chứng của người tông đồ

Thật vậy, người tông đồ xưa và nay là người được Chúa kêu goi cách riêng đi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng. Thế giới xưa và đặc biệt ngày nay đã và đang thách đố niềm tin Kitô giáo và những ai rao giảng Tin Mừng của Chúa với thực trạng của “văn hoá sự chết” chối bỏ Thiên Chúa và mọi giáo lý của Người để quyến rũ con người vào đường hư mất đời đời.

Vì thế cho nên “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16) như Thánh Phaolô đã nhắc nhở chính mình và những ai được ơn gọi đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô, là linh dược để chữa lành mọi bệnh tật của linh hồn và bảo đảm hy vọng được sống hạnh phúc với Chúa trên Nước Trời mai sau.

Nói khác đi, để đối kháng với mọi thách đố của “văn hoá sự chết” chỉ có Phúc Âm sự sống của Chúa Kitô mới có sức hoá giải mọi độc hại của các tà thuyết vô thần, tôn thờ tiền bạc và của cải vật chất, chuộng khoái lạc vô luân vô đạo, dửng dưng trước sự đau khổ, nghèo đói của người khác. Đó là bộ mặt của thế gian trống vắng niềm tin, và nhuộm đầy màu sắc của sự dữ sự gian ác, sự ô uế, sự bất công và thiếu tình người.

Nhưng cho được thuyết phục người khác nghe và tin Chúa Kitô, người tông đồ phải là người chứng tá trung thực của Tin Mừng mình rao giảng.

Cụ thế, nếu người tông đồ cũng ham mê tiền của và hư danh trần thế, để vận động hay mua chuộc ai  hầu được tiến cử vào các chức vụ lãnh đạo trong Giáo Hội hoàn vũ hay địa phương – hoặc  tệ hại hơn nữa – làm tay sai cho thế quyền để mưu lợi ích cá nhân, thì chắc chắn sẽ không thể giảng sự khó nghèo của Phúc Âm và thuyết phục được ai sống tinh thần khó nghèo này và khiêm tốn phục vụ theo gương Chúa Kitô, Người đã sống lang thang, khó nghèo đến nỗi “không có nơi tựa đầu, trong khi con chồn có hang, chim trời có tổ” (Mt 8,21).
 
Như vậy, nếu dính bén vào của cải trần thê,và chạy theo danh vọng hư hèn thì đã khinh chê tinh thần khó nghèo của chính Chúa Kitô.

Mặt khác, để nói lên sự khinh chê về những ham muốn danh vọng hư hão trên đời này và cũng để trả lời các môn đệ đến hỏi Chúa xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời, Chúa Giêsu đã nói với họ: “Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18,4).
 
Đó chính là gương phục vụ sáng chói mà Chúa Giêsu đã nêu cao khi Ngài cúi mình rửa chân cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly sau hết trước khi Ngài bị trao nộp và tử nạn trên thập giá để đền tội thay nhân loại và cứu chuộc cho muôn người khỏi chết đời đời vì tội.

Như thế, sống đức tin cho có chiều sâu và có sức thuyết phục người khác trong Năm Đức Tin này cũng đòi hỏi cách riêng người tông đồ lớn nhỏ ngày nay phải nhìn lại đời sống đức tin của chính mình, xem mình có thực sự sống cốt lõi của Tin Mừng hay chưa – và đặc biệt – đã thực sự sống tinh thần khó nghèo của Chúa Kitô, “Đấng vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên khó nghèo vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có” (2 Cr 8,9)?

Nếu người tông đồ mà không là mẫu mục đức tin, đức cậy, đức mến, kèm với tinh thần phục vụ khiêm tốn và khó nghèo theo gương Chúa Kitô, thì làm sao có thể thuyết phục được ai nghe mình giảng dạy về những nhân đức này nữa? Chúa nói: “Ai có tai nghe thì nghe” (Mt 13,43 Mc 4,23; Lc 8,8).

II. Trách nhiệm ngôn sứ và chứng tá của người tín hữu giáo dân

Không phải chỉ người tông đồ mới có trách nhiệm rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng.

Ngược lại, qua Bí tích Rửa Tội, người giáo dân cũng tham dự vào 3 chức Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Chúa Kitô nhưng với thể thức khác với Hàng Giáo phẩm, Giáo sĩ và Tu sĩ.

Cụ thể , Hàng Giáo sĩ và Tu sĩ thừa tác (Ministerial clergy and religious) như các giám mục và linh mục dòng và triều thi hành chức năng tư tế bằng việc tế lễ trên bàn thờ, tức là dâng lại Hy tế thập giá của Chúa Kitô, giảng Phúc Âm và cử hành các bí tích trong nhà thờ nhân danh Chúa (in persona Christi).

Người tín hữu giáo dân, ngược lại, dâng chính đời sống của mình với mọi vui buồn, sướng khổ để hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Kitô trên thập giá xưa và cách bí nhiệm ngày nay trên bàn thờ mỗi khi Thánh lễ Tạ ơn (Eucharist) được cử hành để cảm tạ Chúa Cha và xin ơn tha tội cho chúng ta cùng thể thức và mục đích của Hy tế Chúa Kitô dâng lần đầu tiên trên thập giá.

Cũng vậy, người tín hữu giáo dân thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình bằng chính đời sống của mình trước mặt người đời để “họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Nghĩa là trong khi những người không có niềm tin vào Chúa Kitô và đang làm những sự xấu sự dữ như giết người, giết thai nhi, thay vợ đổi chồng, dâm ô trác táng, gian manh, trộm cắp, cờ bạc, căm thù, chia rẽ, coi nhẹ lương tâm để lường gạt, bóc lột người khác… thì người có niềm tin nơi Chúa phải sống niềm tin ấy cách cụ thể và sống động để nêu cao những giá trị của niềm tin là tôn trọng sự sống, tôn trọng công bình, lương thiện, thực thi bác ái, yêu thương, tha thứ, “như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa giữa một thế hệ gian tà sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15) theo lời dạy của Thánh Phaolô Tông Đồ.

Thật vậy, sống trong thời đại của “văn hoá sự chết”, đức tin của người tín hữu Chúa Kitô đang bị thách đố nặng nề bởi những kẻ không có niềm tin nào, nên chỉ còn biết chay theo những quyến rũ của tiền bạc và danh vọng hư hão, coi nhẹ luân thường, đạo lý để làm những sự độc ác như giết người không gớm tay, lường đảo, gian manh, pha chế chất độc vào thực phẩm để làm hại sức khoẻ của dân chúng; trồng cây thuốc phiện, cần sa, ma tuý; mở sòng bạc, nhà điếm, buôn bán phụ nữ và trẻ em cho kỹ nghệ mãi dâm, ấu dâm vô cùng khốn nạn và tội lỗi.

Nếu người tín hữu Chúa Kitô mà cũng tham gia vào những việc tội lỗi nói trên, thì đã tự đánh mất niềm tin của mình và đã thoả hiệp với thế gian vô đạo cách rõ nét nhất. Và như thế thì thay vì làm nhân chứng cho Chúa Kitô trước mặt người đời, người tín hữu sẽ trở thánh phản chứng (anti-witness) bằng chính đời sống của mình trước mặt người khác khi không dám sống niềm tin của mình phản ánh trung thực Tin Mừng của sự sống, sự công bình, đức bác ái, tình thương tha nhân, lòng yêu mến sự trong sạch thánh thiện là những đặc trưng và đòi hỏi của Tin Mừng Cứu Độ, tức Phúc Âm Sự Sống đối nghịch hoàn toàn với “văn hoá sự chết” của thế giới tục hoá ngày nay.

Mặt khác, khi người tín hữu Chúa Kitô tích cực hoạt động để bảo vệ cho sự sống, bảo vệ và nêu cao những giá trị của luân lý Kitô giáo về hôn nhân, về gia đình, về sự chung thuỷ của vợ chồng trong hôn nhân, về công bình xã hội, về tôn trọng quyền sống của con người… thì đã góp phần tích cực vào việc mở mang Nước Chúa là Vương quốc của sự bình an, công bình, yêu thương và thánh thiện.

Đó là trách nhiệm ngôn sứ và nhân chứng của người giáo dân trong Giáo Hội. Công đồng Vatican II đã đặc biệt nói đến trách nhiệm này trong Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng Muôn dân – LG):

“Vì thế, giáo dân làm tông đồ là thông phần vào chính sứ mệnh của Giáo Hội. Mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ qua việc nhận lãnh Phép Rửa và Thêm Sức,…Nhưng giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động trong những nơi và hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian” (x. LG, 33).

Nói khác đi, mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội đều có trách nhiệm rao giảng Lời Chúa và làm nhân chứng cho Chúa để đem ánh sáng Chúa Kitô vào nơi tối tăm ô uế vì ham chuộng khoái lạc, dâm ô, nhảy nhót mất nết, đem công bình vào nơi bóc lột và bất công, đem yêu thương vào nơi oán thù, đem bình an vào nơi đang sôi sục lửa chiến tranh và khủng bố.

Tóm lại, Năm Đức Tin là thời cơ thuận lợi cho mọi người trong Giáo Hội kiểm điểm đời sống đức tin của mình để canh tân và đào sâu thêm đức tin vào Chúa Kitô trong 2 chiều kích đi loan truyền và làm nhân chứng cho Tin Mừng Cứu Độ để mời gọi thêm nhiều người nữa tin và yêu mến Chúa Kitô để được cứu độ và được vinh phúc “thông phần bản tính Thiên Chúa sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian này” (1 Pr 1,4).

Lm. Fx. Ngô Tôn Huấn

Đức Thánh Cha kỷ niệm 50 năm Công Đồng chung Vatican 2

Đức Thánh Cha kỷ niệm 50 năm Công Đồng chung Vatican 2

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến 40 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 10-10-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã nhắc nhớ và đề cao đặc tính thời sự của Công Đồng như địa bàn hướng dẫn hành trình của Giáo Hội ngày nay.

ĐTC nói: ”Đức Chân phước Gioan Phaolô 2, trước ngưỡng cửa Ngàn Năm Thứ Ba đã viết: ”Tôi cảm thấy hơn bao giờ hết nghĩa vụ phải coi Công Đồng như một đại ân phúc mà Giáo Hội được hưởng trong thế kỷ 20: trong Công Đồng chúng ta được một địa bàn chắc chắn để định hướng trên hành trình trong thế kỷ đang mở ra” (Tông thư Novo millennio ineunte, 57). Tôi nghĩ rằng hình ảnh này thật là hùng hồn. Chúng ta cần trở về với các văn kiện Công Đồng Vatican 2 và giải thoát chúng khỏi bao nhiêu ấn phẩm nhiều khi thay vì làm cho chúng ta được biết các văn kiện Công Đồng thì lại che khuất chúng. Cả ngày nay, các văn kiện Công Đồng Vatican 2 vẫn là một hải bàn giúp con thuyền Giáo Hội hải hành trong biển khơi, giữa những bão tố hoặc khi sóng yên biển lặng, để tiến hành chắc chắn và tới đích.

ĐTC cũng kể lại kinh nghiệm bản thân của ngài về Công Đồng và nói rằng:

”Tôi còn nhớ rõ thời kỳ ấy: tôi là một giáo sư trẻ về thần học cơ bản tại Đại học Bonn, và chính ĐHY Frings, TGM giáo phận Koeln đã mang tôi theo về Roma, như thần học gia cố vấn của Người; đối với tôi Người là một điểm tham chiếu về mặt nhân bản cũng như về mặt linh mục; rồi sau đó tôi cũng được bổ nhiệm làm chuyên gia Công Đồng. Đó thực là một kinh nghiệm có một không hai đối với tôi: sau tất cả những nhiệt thành và phấn khởi trong thời kỳ chuẩn bị, tôi đã có thể thấy một Giáo Hội sinh động – hầu như 3 ngàn Nghị Phụ Công Đồng từ các nơi trên thế giới, nhóm họp dưới sự hướng dẫn của Người Kế Vị Thánh Phêrô Tông Đồ – các vị đặt mình nơi trường học của Chúa Thánh Linh, là động cơ đích thực của Công Đồng. Thật là họa hiếm trong lịch sử Giáo Hội, người ta hầu như có thể động chạm một cách cụ thể hoàn vũ tính của Giáo Hội trong một thời điểm thành tựu quan trọng của sứ mạng mang Tin Mừng trong mọi thời đại và đến tận bờ cõi trái đất. Trong những ngày này, nếu xem lại những hình ảnh của ngày lễ khai mạc Công Đồng, qua truyền hình hoặc các phương tiện truyền thông khác, anh chị em cũng có thể nhận thấy niềm vui, hy vọng và sự khích lệ mà sự tham dự biến cố ánh sáng ấy mang lại cho tất cả chúng ta, ánh sáng ấy còn chiếu tỏa cho đến ngày nay.

ĐTC cũng nhắc lại sự kiện: trong lịch sử Giáo Hội, các Công đồng thường được triệu tập để xác định những yếu tố cơ bản của đức tin, nhất là để sửa chữa những sai lầm. Nhưng nếu nhìn lại Công Đồng chung Vatican 2, chúng ta thấy lúc ấy trong hành trình của Giáo Hội không có những sai lầm đức tin cần sửa chữa hoặc lên án, cũng chẳng có vấn đề đặc thù về đạo lý hoặc kỷ luật cần làm sáng tỏ. Vì thế, chúng ta có thể hiểu được sự kinh ngạc của một nhóm nhỏ các HY hiện diện trong phòng hội của Đan viện Biển Đức Phaolô ngoại thành ngày 25-1-1959, khi Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23 loan báo triệu tập công nghị giáo phận Roma và Công đồng chung toàn Giáo Hội.

Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến những vấn đề của thời đại mà Công Đồng Vatican 2 đã tìm cách giải quyết: ví dụ làm sao nói về đức tin một cách mới mẻ, quyết liệt hơn vì thế giới đang biến chuyển mau lẹ; làm sao xác định một cách mới mẻ tương quan giữa Giáo Hội và thời đại tân tiến, giữa Kitô giáo và một số yếu tố thiết yếu của tư tưởng hiện đại, không phải để chiều theo các tư tưởng đó, nhưng để trình bày cho thế giới này đang có xu hướng xa lìa Thiên Chúa, những đòi đỏi của Tin Mừng trong tất cả sự cao cả và tinh tuyền của sứ điệp ấy…

ĐTC nói: ”Chúng ta thấy thời đại chúng ta đang sống ngày nay tiếp tục chịu tình trạng quên lãng và tỏ ra điếc đối với Thiên Chúa. Vì thế tôi thiết nghĩ chúng ta phải học bài học đơn sơ và cơ bản nhất của Công Đồng, nghĩa là nòng cốt của Kitô giáo hệ tại niềm tin nơi Thiên Chúa là Tình Yêu Ba Ngôi, và hệ tại cuộc gặp gỡ – bản thân và cộng đoàn – với Chúa Kitô, Đấng dìu dắt và hướng dẫn cuộc sống: tất cả những điều khác theo sau điều cơ bản ấy. Điều quan trọng ngày nay, cũng như trong ước muốn của các Nghị Phụ Công Đồng, là làm sao để con tái thấy rõ Thiên Chúa đang hiện diện, đang nhìn chúng ta và trả lời chúng ta. Trái lại, khi thiếu niềm tin nơi Thiên Chúa, thì cả điều thiết yếu cũng sụp đổ, vì con ngừơi đánh mất phẩm giá sâu xa của mình, chính phẩm giá ấy làm cho nhân tính của con người trở nên cao cả và chống lại được mọi chủ trương thu hẹp con người. Công Đồng nhắc nhở chúng ta rằng, Giáo Hội trong tất cả các phần tử của mình, có nghĩa vụ, có một mệnh lệnh phải thông truyền lời yêu thương của Thiên Chúa Đấng Cứu Độ, để lời mời gọi của Thiên Chúa được lắng nghe và đón nhận, chính lời mời gọi ấy chứa đựng hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta.“

ĐTC nói thêm rằng: khi nhìn dưới ánh sáng ấy sự phong phú chứa đựng trong các văn kiện Công Đồng Vatican 2, tôi chỉ muốn nhắc đến 4 Hiến Chế, như 4 phương hướng chính của địa bàn có thể hướng dẫn chúng ta. Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium chỉ cho chúng ta thấy trong Giáo Hội ngay từ đầu có sự thờ lại, có Thiên chúa, có sự trung tâm của mầu nhiệm sự hiện diện của Chúa Kitô. Và Giáo Hội, thân mình của Chúa Kitô và là dân tộc lữ hành trong thời gian, có nghĩa vụ cơ bản là tôn vinh Thiên Chúa, như Hiến chế tín lý Ánh sáng muôn dân, Lumen gentium, diễn ta. Văn kiện thứ 3 mà tôi muốn nhắc đến là Hiến chế về mạc khải Dei Verbum: Lời sinh động của Thiên Chúa triệu tập Giáo Hội và làm cho Giáo Hội được sinh động suốt trong hành trình lịch sử của mình. Và cách thức Giáo Hội mang cho toàn thế giới ánh sáng mà Giáo Hội đã nhận lãnh từ Thiên Chúa để Ngài được tôn vinh, đó chính là đề tại chính yếu của Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, Vui Mừng và hy vọng.

Sau cùng, ĐTC nói: “Công Đồng Vatican hai là một lời kêu gọi mạnh mẽ gửi đến chung ta: mỗi ngày hãy tái khám phá vẻ đẹp của đức tin chúng ta, biết đức tin ấy một cách sâu xa để có quan hệ nồng nhiệt hơn với Chúa, sống trọn ơn gọi Kitô của chúng ta.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau bài huấn giáo dài bằng tiếng Ý, như thường lệ ĐTC đã tóm tắt bằng các sinh ngữ chính và chào thăm phái đoàn các tín hữu được giới thiệu lên ngài.

Đặc biệt lần đầu tiên tiếng Arập xuất hiện tại buổi tiếp kiến chung của ĐTC. Một giám chức đã tóm tắt bài huấn dụ của ngài bằng tiếng Arập, trước khi Ngài chào thăm các tín hữu bằng ngôn ngữ này: ”Giáo Hoàng cầu nguyện cho tất cả những người nói tiếng Arập. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.!”

Sau cùng bằng tiếng Ý, sau khi nhắc đến các phái đoàn như Hiệp hội các gia đình tiếp đón, các tham dự viên hội nghị do Đài phát thanh Maria tổ chức, các phó tế vĩnh viễn của Tổng giáo phận Milano, bắc Italía, ĐTC không quên chào các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ngài mời gọi họ nghĩ đến Mẹ Maria, kêu cầu Mẹ trong tháng 10 này như Nữ Vương Mân Côi. Hỡi những người trẻ, các con hãy nhìn lên Mẹ .. và sẵn sàng lập lại lời thưa xin vâng, đáp lại dự phóng tình thương của Chúa dành cho mỗi người các con. Và hỡi anh chị em bệnh nhân quí mến, anh chị em hãy chia sẽ với Mẹ Maria những đau khổ của anh chị em, dâng những đau khổ ấy như hồng ân cứu độ cho các anh chị em khác. Và hỡi các đôi tân hôn, hãy kiên trì với Mẹ Maria trongkinh nguyện, như các Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly và gia đình của anh chị em sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện an ủi của Chúa Thánh Linh.”

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Sinh hoạt Thượng Hội đồng Giám Mục XIII

Sinh hoạt Thượng Hội đồng Giám Mục XIII

VATICAN. Sáng thứ tư 10-10-2012, vì ĐTC bận tiếp kiến chung 40 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô, nên Thượng HĐGM kỳ thứ 13 không nhóm phiên khoáng đại. Thay vào đó các nghị phụ đã nhóm họp lần đầu tiên trong các nhóm nhỏ theo ngôn ngữ chính.

Trong phiên họp từ lúc 9 giờ đến 12 giờ rưỡi, các nghị phụ cùng với các dự thính viên đã bầu vị trưởng nhóm và tường trình viên của mỗi nhóm, rồi thảo luận về bản tường trình đầu tiên của ĐHY Donald Wuerl, TGM Washington Hoa kỳ, trong tư cách là Tổng tường trình viên, đã trình bày trong hai phiên khoáng đại hôm thứ hai 8-10 vừa qua.
Ban chiều 10-10-2012, các vị trưởng nhóm và tường trình viên đã nhóm họp lúc 4 giờ rưỡi, trước khi cùng mọi người tham dự phiên họp khoáng đại thứ 5 trước sự hiện diện của ĐTC, từ lúc 4 giờ rưỡi đến 6 giờ chiều và được tiếp nối bằng cuộc thảo luận tự do.

Nội dung một số bài phát biểu

Trong số nội dung các bài phát biểu được công bố cho đến nay, người ta đặc biệt chú ý đến nhận định của một vị TGM người Philippines, Đức Cha Socrates Villegas của giáo phận Lingayen-Dagupan, nói với Thượng HĐGM hôm 9-10 vừa qua rằng chỉ có thể rao giảng Tin Mừng cho người nghèo nếu người truyền giảng chia sẻ sự nghèo khó của họ. ”Tin Mừng có thể được giảng cho những bao tử trống rỗng, nhưng chỉ khi nào bao tử của người giảng thuyết cũng trống như bao tử các giáo dân của mình”.

Đức TGM Socrates Villegas cũng là một trong nhiều nghị phụ nhấn mạnh tầm quan trọng của đức khiêm tốn và liên đới với người nghèo, giữa lúc Giáo Hội Công Giáo đang nỗ lực củng cố đức tin của các tín hữu và khích lệ những người Công Giáo xa lìa Giáo Hội hãy trở về.

Bài tham luận của Đức Cha Villegas đã được các nghị phụ vỗ tay tán thưởng. Ngài nói: ”Việc tái truyền giảng Tin Mừng kêu gọi chúng ta phải có một sự khiêm tốn mới mẻ. Tin Mừng không thể thu hút trong sự kiêu hãnh.. Theo Chúa Kitô có nghĩa là noi gương Chúa với một ”cảm thức sâu xa về lòng kính trọng đối với nhân loại.. Việc rao giảng Tin Mừng đã bị thương tổn và tiếp tục bị cản trở vì sự kiêu hãnh của những sứ giả Tin Mừng”.

– Một nghị phụ khác người Philippines là Đức Cha Luis Antonio Tagle, TGM giáo phận thủ đô Manila, nhấn mạnh sự noi gương khiêm tốn Chúa Giêsu, được biểu lộ rõ ràng nhất qua ý chỉ của Chúa trở thành người, để chịu đau khổ và chịu chết cho nhân loại. Lòng khiêm tốn của Chúa Giêsu đã làm cho người chứng tỏ tình yêu chân thành và mối quan tâm đói với mọi người, đặc biệt là ”những người bị thế gian lơ là và coi rẻ”. Giáo hội cũng phải làm như vậy.

”Khiêm tốn có nghĩa là nhìn nhận khi Giáo Hội không có tất cả mọi câu trả lời, và vì thế cũng muốn im lặng.. Một Giáo Hội im lặng sẽ làm cho những người không có tiếng nói tin rằng họ không lẻ loi”.

ĐHY Zenon Grocholewski, người Ba Lan, Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo, nói trước Thượng HĐGM rằng một chướng ngại lớn nhất mà một LM hoặc một nhà thần học gặp phải, trong việc trở thành một nhà rao giảng Tin Mừng đích thực chắc chắn là thái độ kiêu ngạo, cùng với ”đồng minh” của tật xấu này là sự ích kỷ. Sự ham hố và miệt mài cố gắng trở thành cao trọng, thành người đặc sắc và quan trọng khiến cho nhiều giáo sĩ trở thành những ”người chăm sóc bản thân mình thay vì lo lắng quan tâm cho đoàn chiên”, như thánh Augustino đã nói.

ĐHY Grocholewski cũng nói rằng ”Mỗi phần tử của Giáo Hội phải nghiêm túc xét mình và dưới chân Thánh Giá, học trở nên khiêm tốn và yêu thương thực sự”. ĐHY không quên kêu gọi các nghị phụ rất nghiêm túc cứu xét tình trạng của nền giáo dục Công Giáo. Ngày nay có nhiều trường học và đại học Công Giáo hơn bao giờ hết, nhưng sự tăng trưởng dường như bị một cuộc khủng hoảng gia tăng về đức tin đi kèm.. Một chìa khóa để giải quyết vấn đề này, theo ĐHY, là đảm bảo sao cho các LM và thần học gia hiểu rằng những năm học hành và những thành tựu vẻ vang về việc học không thu hút ai đi theo Chúa Kitô nếu những người rao giảng Tin Mừng không thực sự biết Chúa và dạy điều mà Giáo Hội tuyên dạy”.

Đức Cha José Rauda Gutierrez, GM giáo phận San Vicente bên El Salvador, nói với Công nghị các GM rằng các GM và KM thường là chướng ngại cho việc rao giảng Tin Mừng. ”Sự đánh mất nhiệt huyết mục vụ, sự giảm sút các hoạt động truyền giáo, các buổi cử hành phụng vụ thiếu cảm nghiệm sâu xa về mặt thiêng liêng, và sự thiếu vui mừng và hy vọng của các giáo sĩ mạnh mẽ đến độ ảnh hưởng tới chính đời sống của các cộng đoàn chúng ta”.
Theo Đức Cha Rauda, việc tái truyền giảng Tin Mừng phải giống như phương dược mang lại vui tươi và sức sống thay vì sự sợ hãi”.

Đức Cha John Corriveau, GM giáo phận Nelson thuộc bang British Colombia, Canada và nguyên là Bề trên Tổng quyền dòng Capuchino, trong bài phát biểu, đã nói rằng xây dựng cộng đoàn và thăng tiến cảm thức hiệp thông, nhất là đứng trước trào lưu cá nhân chủ nghĩa đang gia tăng, chính là một thành phần quan trọng trong việc tái truyền giảng Tin Mừng.

Linh đạo hiệp thông được hình thành theo khuôn mẫu quan hệ yêu thương giữa các ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa, một tình yêu sáng tạo được biểu lộ cho nhân loại qua sự nhập thể của Chúa Kitô.

Đức Cha Corriveau nói: ”Ơn gọi hiệp thông không phải chỉ là một khẩu hiệu. Đó chính là sự hoán cải tâm hồn”.
– Đức TGM Gerhard Mueller, người Đức, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, nói với Thượng HĐGM rằng việc rao giảng Tin Mừng đích thực trước tiên đòi Giáo Hội phải vượt thắng một số cuộc tranh luận trong nội bộ Giáo Hội giữa những người gọi là bảo thủ và những người gọi là cấp tiến; thay vào đó các phần tử Giáo Hội phải chú tâm đến việc chia sẻ Tin Mừng và thi hành điều đó trong sự hiệp nhất với Giáo Hội và hòa hợp với giáo huấn của Giáo Hội”. Đức TGM Mueller muốn ám chỉ đến thực trạng Giáo Hội Công Giáo tại Đức hiện nay (CNS 9-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Thượng Hội Đồng Giám Mục tiếp tục với phiên nhóm toàn thể thứ 2 và 3.

Thượng Hội Đồng Giám Mục tiếp tục với phiên nhóm toàn thể thứ 2 và 3.

VATICAN. Sáng 9 tháng 10-2012, Thượng HĐGM thế giới về việc tái truyền giảng Tin Mừng đã nhóm phiên khoáng đại thứ 3 lúc 9 giờ trước sự hiện diện của ĐTC và dưới quyền chủ tọa theo lượt của ĐHY Robles, TGM giáo phận Guadalajara bên Mehicô.

Hiện diện tại phiên họp có 259 nghị phụ, trong số này có 142 vị tham dự lần đầu tiên tại một Thượng HĐGM.
Phiên họp mở đầu với kinh giờ Ba, và đã có 14 nghị phụ đăng ký phát biểu ý kiến, mỗi vị được nói tối đa 5 phút. Các vị đề cao giá trị của người di dân, nhất là đức tin mà họ mang theo khắp nơi trên thế giới, khiến họ trở thành những người rao giảng Tin Mừng thực sự. Vì thế, Giáo Hội cần nâng đỡ và bảo vệ người di dân chống lại những hình thức kỳ thị của xã hội, giúp họ hội nhập vào xã hội mới và bảo tồn căn tính của họ.

Cũng có những nghị phụ kêu gọi Giáo Hội cần xét mình về cách thức sống và làm chứng đức tin. Cần tránh nguy cơ bàn giấy hóa đời sống bí tích, làm mất uy tín của Giáo hội. Điều này có nghĩa là trước khi trở thành những người rao giảng Tin Mừng thì chúng ta phải được rao giảng Tin Mừng.

Một số nghị phụ nhắc đến bí tích giải tội hầu như bị biến mất tại một số miền trên thế giới, các vị gọi đây thực sự là bí tích của việc tái truyền giảng Tin Mừng.

Các nghị phụ không quên kêu gọi hòa bình cho Siria và liên đới với các nạn nhân cuộc xung đọt tại nước này.
Chiều thứ hai vừa qua, 8-10, các nghị phụ đã nhóm phiên khoáng đại thứ 2 lúc 4 giờ rưỡi chiều và đã nghe 5 nghị phụ đại diện Giáo Hội tại 5 châu tường trình về tình hình tại châu lục liên hệ.

ĐHY Oswald Gracias, TGM Bombay, Tổng thư ký Liên HĐGM Á châu, đã nói về tình hình đại lục này, chiếm tới 60% dân số hoàn cầu, trong đó Trung Quốc và Ấn độ chiếm 37% dân số thế giới. ĐHY cho biết hầu như không có sự đồng nhất trong bối cảnh Á châu, vì thế rất khó xác định Á châu tính là gì. Ngài nhấn mạnh đến sự hoàn cầu hóa và sự hao mòn các giá trị cổ truyền của Á châu. Trào lưu duy vật và tục hóa ngày càng lan tràn và chiếm ưu thế. Dân Á châu vốn quí chuộng tôn giáo, nhưng nay chúng ta thấy Thiên Chúa đang dần dần bị đưa ra khỏi trung tâm cuộc sống của dân chúng.

ĐHY Gracias nói: ”Các nhà thờ của chúng ta vẫn còn đông người nhưng liệu điều này có còn tiếp tục trong tương lai hay không?” Năm Đức Tin thực là một thách đố đòi chúng ta phải thông truyền sứ điệp đức tin một cách hấp dẫn, quan trọng và là một câu trả lời cho các vấn nạn thời nay”.

Gia đình Á châu vẫn còn quan trọng, nhưng nay đang bị tấn công. Ly dị trước kia bị coi là điều cầm kỵ, nhưng nay đang trở thành điều thông thường. Một số người lên tiếng yêu cầu hôn nhân đồng phái. Thật là một thách đố lớn đối với chúng ta phải tìm ra những phương thức mới để bảo tồn tính chất thánh thiêng của gia đình.
Đặc biệt ĐHY Peter Erdoe, TGM giáo phận Esztergom Budapest bên Hungari, Chủ tịch Liên HĐGM Âu Châu, đã trình bày một quang cảnh khá đen tối về tình hình tôn giáo tại đại lục này, nhưng cũng không thiếu những dấu hiệu hy vọng.

ĐHY Erdoe nhắc lại rằng trong số những dấu hiệu đang lo âu được Đức Gioan Phaolô 2 đã nói đến, có ”sự quên mất gia sản Kitô tại Âu Châu” (Giáo Hội tại Âu Châu, 7). Tiến trình đó càng trở nên hiển nhiên trong những năm gần đây. Mặc dầu có nhiều kinh nghiệm vui mừng, nhưng trong phần lớn đại lục, sự dốt nát về đức tin Kitô đang lan tràn. Nhiều cơ quan truyền thông trình bày về đức tin Kitô và lịch sử nhiều khi đầy những điều vu khống, xuyên tạc trước dư luận về nội dung đức tin của chúng ta cũng như về thực tại của Giáo Hội. Cả hoạt động huấn giáo của chúng ta, nhất là những lớp giáo lý tại các trường công lập cũng có rất nhiều giới hạn. Cách đây vài năm, Liên HĐGM Âu Châu đã thực hiện một cuộc điều tra tại các nước trên toàn đại lục về tình trạng pháp lý, thống kê, Giáo Hội và văn hóa liên quan đến việc giảng dạy môn tôn giáo. Kết quả cho thấy trong các trường công lập tại nhiều nước có thể được giảng dạy về một tôn giáo hoặc nhiều tôn giáo, nhưng không được dạy về đạo Công Giáo. Môn tôn giáo được dạy như thế gọi là ”trung lập”, đúng ra nó bao hàm một thứ giáo dục về tôn giáo trộn lẫn hoặc có thái độ dửng dưng.

Sự rời bỏ Kitô giáo ở Âu Châu có kèm theo những cuộc tấn công xảy ra nhiều lần về mặt pháp lý và đôi khi cả về thể lý nữa, chống lại sự hiện diện hữu hình của những biểu hiệu đức tin.

Nơi dân chúng tại Âu châu, vì tình trạng dân số suy giảm và già nua, có một hiện tượng đã được Liên HĐGM Âu Châu điều tra từ hai năm nay, vì khủng hoảng kinh tế và suy yếu căn tính văn hóa và tôn giáo, nên họ đang khao khát hy vọng.

Ngày Quốc tế giới trẻ tại Koeln bên Đức và Madrid Tây Ban Nha, cũng như các cuộc viếng thăm mục vụ của ĐTC tại nhiều nước, là một dấu chỉ lớn về hy vọng và đã có một hiệu năng truyền giáo đặc biệt. Sự tham gia đông đảo của dân chúng và các phương tiện truyền thông, các buổi cử hành trọng thể đã đánh động tâm hồn nhiều ngừơi, đặc biệt nhạy cảm đối với thứ ngôn ngữ truyền thôgn này. Những hiệu quả không phải là chóng qua. Trong những dịp ấy nhiều tham dự viên đã nhận được cả ơn gọi linh mục và tu trì. Cả một số GM cũng cảm động sâu xa vì những cuộc gặp gỡ ấy.

Các cuộc đại phúc truyền giáo ở nhiều trung tâm của Âu Châu đã tìm cách làm nổi bật niềm hy vọng ấy.
Một dấu chỉ khác của thời đại, đặc biệt có triển vọng tại Âu Châu, đó là sự gia tăng những ngừơi thiện nguyện trong các giáo xứ, nhất là trong các tổ chức bác ái. Đặc biệt những người về hưu, từ 65 đến 75 tuổi, tỏ ra rất quảng đại và góp phần củng cố tình liên đới của các thế hệ trẻ.

Sau phần trình bày của 5 nghị phụ, ĐHY Donald Wuerl, TGM Washington Hoa Kỳ, Tổng tường trình viên, tiếp tục trình bày về các vấn đề cần bàn trong công nghị GM này.

Sau cùng các nghị phụ có 1 giờ đồng hồ, từ 6 đến 7 giờ, để thảo luận tự do.

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican
 



Đức TGM Fisichella họp báo về lễ khai mạc Năm Đức Tin

Đức TGM Fisichella họp báo về lễ khai mạc Năm Đức Tin

VATICAN. Sáng 9 tháng 10-2012, Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, đã mở cuộc họp báo về thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin do ĐTC chủ sự sáng thứ năm 11 tháng 10-2012.

Đức TGM cho biết có một mối liên hệ đặc biệt giữa Công đồng chung Vatican 2 và Năm Đức Tin. Dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng là cơ hội để trở về với một biến cố đã ghi dấu sâu đậm trên đời sống của Giáo Hội trong thế kỷ 20 và để kiểm điểm ảnh hưởng giáo huấn của Công đồng trong những thập niên qua và những năm tới đây, sẽ mang dấu vết nỗ lực của Giáo Hội trong việc tái truyền giảng Tin Mừng.

Đức TGM Fisichella cho biết tham dự thánh lễ ngày 11 tháng 10-2012 có tất cả các nghị phụ của Thượng HĐGM đang tiến hành, các vị Chủ tịch HĐGM trên thế giới và 14 nghị phụ Công đồng đến được Roma dù tuổi cao sức yếu. 70 nghị phụ Công đồng còn sống đều được mời đến Roma, nhưng vì tuổi tác và bệnh, nên các vị không thể đến. Dầu vậy các vị đã viết thư bày tỏ hiệp ý tham dự.

Trong số 14 vị hiện diện có ĐHY Francis Arinze, người Nigeria, nguyên Tổng trưởng Bộ phụng tự và kỷ luật bí tích, Đức Cha Yves Georges Ramousse M.E.P, nguyên GM đại diện Tông tòa Phnom Penh bên Campuchia.

Trong thánh lễ 11 tháng 10-2012, sau khi các vị đồng tế đi rước lên bàn thờ, có nghi thức đặt Lời Chúa trên ngai, cử chỉ này nhắc nhớ một lúc đầy ý nghĩa trong các phiên họp của Công đồng, khi Kinh Thánh được rước và đặt ở trung tâm của Đền thờ Thánh Phêrô. Điều này nhắc cho mọi người rằng việc phục vụ Lời Chúa vẫn ở trung tâm các hoạt động của Giáo Hội.

Giá sách đặt Kinh Thánh ngày mai cũng là giá sách đã được dùng Trong Công Đồng.

Cuối thánh lễ, có một cử chỉ khác nhắc nhớ sự kiện khi bế mạc Công đồng, Đức Phaolô 6 đã trao Sứ điệp gửi Dân Chúa. ĐTC Biển Đức 16 sẽ trao Sứ điệp của ngài trao cho một số đại diện của cộng đồng nhân loại. Vị Niên trưởng và Phó niên trưởng đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh và 5 đại sứ năm châu sẽ nhận sứ điệp, đại diện cho các chính phủ. Ngoài ra có các đại diện của giới khoa học và trí thức, các ký giả, phụ nữ, công nhân, di dân, giới trẻ, v.v. (SD 9-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Phiên họp thứ I của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13

Phiên họp thứ I của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13

VATICAN. Sau thánh lễ khai mạc trọng thể chúa nhật vừa qua tại Quảng trường Thánh Phêrô, sáng 8 tháng 10-2012, lối 260 nghị phụ Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 đã nhóm phiên khoáng đại đầu tiên trước sự hiện diện của ĐTC.
Công nghị GM thế giới có chủ đề là: ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin”.

ĐHY Gioan Thang Hán, GM giáo phận Hong Kong, một trong 3 HY Chủ tịch thừa ủy, đã chủ tọa phiên họp.
Tại Hội Trường ở nội thành Vatican, cũng có 46 dự thính viên, các đại biểu Giáo Hội Kitô Anh em, và các chuyên gia, 45 chuyên viên, cùng với một số đại diện báo chí.

Suy niệm của ĐTC
Sau kinh giờ 3 khởi sự lúc 9 giờ, ĐTC đã trình bày một bài suy tư ứng khẩu về việc rao giảng Tin Mừng đi từ bài đọc ngắn và thánh thi của giờ kinh, qua đó ngài nhấn mạnh rằng rao giảng Tin Mừng là có một ngọn lửa của Thiên Chúa trong tâm hồn và can đảm thắp lên ngọn lửa ấy trong thế giới. Chúng ta là người truyền giảng Tin Mừng nếu chúng ta ý thức trong con tìm rằng chính Thiên Chúa hoạt động trong Giáo Hội và nếu ta có một lòng say mê nồng nhiệt muốn thông truyền Chúa Kitô cho thế giới.

ĐTC nhận xét rằng có một câu hỏi lớn trong tâm hồn rất nhiều người: ”Thiên Chúa là ai? Ngài có liên hệ gì với nhân loại? Nhiều người ngước mắt lên trời, họ không thấy gì và tiếp tục tự hỏi: đàng sau sự thinh lặng của vũ trụ, đàng sau những đám mây của lịch sử, có Thiên Chúa hay không? Và nếu có Thiên CHúa, thì Ngài có biết chúng ta hay không, Ngài có liên hệ gì với chúng ta? Vị Thiên Chúa ấy có tốt lành và thực tại sự thiện có quyền năng gì trong thế giới hay không? Câu hỏi này ngày nay rất thời sự cũng như xưa kia. Bao nhiêu người tự hỏi: Thiên Chúa là một giả thuyết hay không? Ngài có phải là thực tại không? Tại sao Chúa không lên tiếng? ”Tin Mừng có nghĩa là Thiên Chúa đã phá vỡ im lặng của Ngài: Thiên Chúa đã nói, Thiên Chúa hiện hữu (…), Thiên Chúa biết chúng ta, Ngài đã đi vào lịch sử. Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là Thiên Chúa tỏ cho chúng ta thấy Ngài yêu thương chúng ta, chịu đau khổ với chúng ta đến độ chịu chết và sống lại”.

ĐTC nói: ”Đó chính là câu trả lời của Giáo Hội cho vấn nạn lớn” và ngài đưa ra câu hỏi thứ hai, một câu hỏi sinh tử đối với các nghị phụ: ”Thiên Chúa đã nói, đã thực sự phá vỡ im lặng lớn, đã tỏ mình ra. Nhưng làm sao chúng ta có thể đưa thực tại ấy tới con người ngày nay để trở thành ơn cứu độ?”.

ĐTC nói đến 3 yếu tố chính, trước tiên là cầu nguyện. ”Các Tông Đồ không thành lập Giáo Hội bằng cách đề ra một hiến pháp, nhưng các vị tụ họp nhau cầu nguyện trong lúc chờ đợi Chúa Thánh Linh hiện xuống. Chúng ta không thể tạo ra Giáo Hội, chúng ta chỉ có thể làm cho người ta biết điều mà chính Chúa đã làm. Giáo Hội không bắt đầu bằng công việc của chúng ta, nhưng bằng việc làm và lời nói của Thiên Chúa (..) .Chỉ Thiên Chúa mới có thể sáng tạo Giáo Hội của Ngài. Nếu Thiên Chúa không hành động, thì những việc chúng ta làm chỉ là của chúng ta, và không đủ. Chỉ Thiên Chúa mới có thể làm chứng rằng chính Ngài đang nói và đã nói”.

Vì thế – ĐTC nhận xét – không phải là một hình thức nếu mỗi Thượng HĐGM bắt đầu bằng kinh nguyện, nhưng là một sự chứng tỏ điều này: chính Thiên Chúa là người đưa ra sáng kiến, điều mà chúng ta có thể khẩn cầu và Giáo Hội chỉ có thể cộng tác với Thiên Chúa.

Yếu tố thứ hai là ”confessio”, sự công khai tuyên xưng đức tin của mình. ĐTC giải thích rằng cử chỉ này không phải chỉ nói lên niềm tin nơi Chúa Kitô mà thôi:

“Từ confessio này, trong tiếng la tinh của Kitô giáo, đã thay thế từ Professio, hàm chứa một yếu tố làm chứng nhân trước các thẩm quyền thù nghịch với đức tin (..). Đây chính là điều bảo đảm sự đáng tin: confessio không phải là bất kỳ điều gì người ta có thể bỏ qua. Nó hàm chứa thái độ sẵn sàng hiến mạng sống mình, chấp nhận khổ nạn.

Nhưng thái độ confessio cũng có một bộ áo làm cho nó hữu hình. Đó là yếu tố thứ ba, tức là ”caritas”, bác ái, yêu thương, nghĩa là sức mạnh lớn nhất phải nung nấu trong tâm hồn Kitô hữu, một ngọn lửa từ đó ta kín múc sức mạnh để làm cho chung quang được Tin Mừng thiêu đốt. ĐTC nói: ”Chúng ta phải có một niềm say mê, được tăng trưởng nhờ đức tin, biến thành một ngọn lửa đức ái (..). Kitô hữu không thể sống nguội lạnh (..). Đức tin phải trở thành một ngọn lửa tình yêu trong chúng ta: ngọn lửa thực sự nung nấu con người tôi, trở thành sự say mê của tôi và qua đó tôi cũng làm cho tha nhân trở nên nồng nhiệt. Đó chính là bản chất của công cuộc rao giảng Tin Mừng”.

Lời chào của ĐHY Thang Hán

Tiếp lời ĐTC, ĐHY Thang Hán đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn Ngài. ĐHY cũng nói:

”Cách đây 50 năm Công đồng chung Vatican 2 đã khuyến khích chúng ta thả lưới (Lc 5,4). Ngày nay, cũng vậy, chúng ta phải lấy cộng đồng Kitô đầu tiên (Cv 2,42-47) làm gương mẫu cho chúng ta trong việc truyền giảng Tin Mừng. Các phần tử của cộng đoàn ấy có 3 đức tin mà chúng ta có thể mô tả bằng 3 từ Hy lạp là: didaché, koinonia và diakonia. Didaché có nghĩa là đạo lý, đây không phải chỉ là một lý thuyết, nhưng đúng hơn là một cuộc gặp gỡ bản chân với Chúa Giêsu Kitô nhập thể, chịu đóng đanh và sống lại. Koinonia có nghĩa là hiệp thông ở nhiều cấp độ: trước tiên là với Thiên Chúa, rồi với tất cả các phần tử của Giáo Hội, rồi với con người trên toàn thế giới, đặc biệt là với những người nghèo. Diakonia có nghĩa là phục vụ, vì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta đừng để được phục vụ nhưng là phục vụ, đến hộ hiến toàn thân, việc phục vụ đưa tới thập giá (Xc Mt 20,28). 3 đức tin này đã được minh họa ở Hong Kong, Macao và Hoa Lục.

Tại Hong Kong, trước khi thành này được sáp nhập vào Trung Quốc năm 1997, nhiều gia đình đã gặp khủng hoảng vì sợ sống dưới chế độ cộng sản. Từ ”khủng hoảng” trong tiếng Hoa được định nghĩa bằng hai chữ ”nguy hiểm” và ”cơ may”. Vì lý do đó, đứng trước khủng hoảng vì bất bênh, cả những tín hữu Công Giáo không hành đạo cũng trở về lòng Giáo Hội để được nâng đỡ về đàng thiêng liêng. Và nhiều tín hữu đã tham dự các lớp giáo lý, các lớp học Kinh Thánh và thần học để đào sâu đức tin và trở thành những người rao giảng Tin Mừng. Ngày nay, giáo phận chúng con có hơn 1 ngàn giáo lý viên thiện nguyện được huấn luyện kỹ lưỡng. Năm nay hơn 3 ngàn người lớn đã được rửa tội vào áp lễ Phục Sinh.

Macao, giáo phận giáp giới với chúng con, cũng có cùng những công tác như thế và đã thấy con số những người rửa tội gia tăng trong những năm gần đây.

Tại Hoa Lục, một cha sở miền quê đã chia sẻ với con kinh nghiệm truyền giáo của cha ấy. Sau khi cầu nguyện nhiều, cha đã quyết định phân các giáo dân thành hai nhóm với nhiệm vụ khác nhau. Cha đã yêu cầu những người mới chịu phép rửa mời gọi các bạn hữu và thân nhân không Công Giáo học giáo lý, và những người Công Giáo đã lâu thì cha sở xin họ dạy giáo lý cho các dự tòng. Trong khi họ dạy, thì cha sở sốt sắng cầu nguyện tại nhà thờ. Và thế là giáo xứ đã có thêm hơn 1 ngàn người được chịu phép rửa mỗi năm.

Trong số 3 đặc tính – đạo lý, hiệp thông và phục vụ – mà chúng ta thấy ví dụ trong Giáo Hội sơ khai, và phản ánh trong các chứng tá mà chúng ta vừa nói đây, con thấy đạo lý là quan trọng nhất, vì Thiên Chúa hoạt động qua chúng ta như những chứng nhân của ngài. Ngày nay, khi chúng ta đương đầu với nền văn hóa duy vật của thế giới và với vấn đề nhiều người Công Giáo xa lìa Giáo Hội, chúng ta phải là những chứng nhân nhiệt thành về đức tin của chúng ta. Ngoài ra, chúng ta phải được biệt quan tâm đến người trẻ, như ĐTC thường nhắc nhở chúng ta: ”Ước gì người trẻ trở thành những người rao giảng Tin Mừng cho người trẻ”. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa thật là gây ngạc nhiên. Con chắc chắn rằng, với lòng tin, cậy, mến, sứ mạng rao giảng Tin Mừng của chúng ta sẽ được thành công.

ờng trình của Đức TGM Eterovic
Sau lời chào mừng của ĐHY Thang Hán, Đức TGM Nikola Eterovic Tổng thư ký Thượng HĐGM, đã tường trình công cuộc chuẩn bị Thượng HĐGM kỳ thứ 13 hiện nay. Nhưng trước đó, Đức TGM cám ơn ĐTC và nói rằng:

”Con muốn cảm tạ ĐTC, nhất là vì đã triệu tập công nghị GM hiện nay, là Thượng HĐGM thứ 5 trong 8 năm triều đại Giáo Hoàng của ngài. Con số nhiều như thế thật là rất ý nghĩa vì biểu lộ lòng quí chuộng của ĐTC đối với Thượng HĐGM vốn diễn tả tốt đẹp tình hiệp thông giữa các GM thành viên của Giám mục đó, và sự hiệp nhất với ĐTC là thủ lãnh của cộng đoàn ấy. Thực vậy, dưới sự hướng dẫn không ngoan của ĐTC, đã diễn ra hai Thượng HĐGM thế giới về bí tích Thánh Thể và về Lời Chúa, hồi năm 2005 và 2008, cũng như hai Thượng HĐGM đặc biệt về Phi châu năm 2009 và về Trung Đông năm 2010.

Tiếp đến, Đức TGM Eterovic đã chào 262 nghị phụ đến từ 5 châu: 50 vị từ Phi châu, 63 từ Mỹ châu, 39 từ Á châu, 103 từ Âu Châu và 7 vị từ Úc châu. Các vị đại diện cho 13 Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản, 114 HĐGM và Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền các dòng nam.

Đức TGM nói thêm rằng: ”Con cũng chào các vị thủ lãnh các cơ quan trung ương Tòa Thánh, những người cộng tác thân tín nhất của ĐTC Biển Đức 16. Phần lớn các vị tham dự Công nghị GM này, tức là 172 vị trên tổng số 182, là do các HĐGM bầu lên, 10 vị do Hiệp Hội các Bề trên tổng quyền dòng nam, 3 vị do các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản chỉ định; 37 vị tham dự do chức vụ, 40 vị do ĐTC bổ nhiệm.

Tổng cộng trong số các nghị phụ 6 Thượng Phụ, 49 Hồng Y, 3 TGM trưởng trong đó 1 vị là Hồng Y thuộc các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, 71 TGM, 120 GM và 14 LM. Về chức vụ của các nghị phụ, có 10 vị thủ lãnh các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản, 32 vị Chủ tịch HĐGM, 26 vị thủ lãnh các cơ quan trung ương Tòa Thánh, 211 vị GM chính tòa của các giáo phận và 11 GM Phụ tá. Trong Thượng HĐGM này, chúng ta cũng sẽ được dịp chào 3 vị được ĐTC mời đặc biệt.

Đức TGM Eterovic cũng chào 45 chuyên gia và 49 vị dự thính viên, được chọn trong số bao nhiêu chuyên gia và những người dấn thân trong việc rao giảng Tin Mừng và thăng tiến con người, với ý thức rằng chứng tá bản chân của các vị các các cộng đoàn liên hệ sẽ làm cho công việc của Thượng HĐGM này thêm phong phú.

Tiếp tục bài tường trình bằng tiếng la tinh, Đức TGM Tổng thư ký Thượng HĐGM gợi lại công cuộc chuẩn bị cho công nghị GM thế giới hiện nay, từ sau khi kết thúc Thượng HĐGM thế giới hồi năm 2008 với cuộc tham khảo ý kiến các nghị phụ về đề tài cho khóa họp này.

Ngày 24-10-2010, trong thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để bế mạc Thượng HĐGM Trung Đông, ĐTC đã thông báo chủ đề của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 là: ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô”

Tiếp theo đó việc chuẩn bị tài liệu đề Lineamenta kèm theo bản câu hỏi đã được hoàn tất rồi gửi đến các Giáo Hội địa phương và các cơ quan khác từ ngày 4-3-2011 để tham khảo ý kiến. Tỷ số trả lời sau đó rất cao, lên tới 90,5% chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan được hỏi ý kiến. Thực vậy trong số 13 Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản, có 11 Giáo Hội trả lời; trong số 26 cơ quan trung ương Tòa Thánh có 25 cơ quan trả lời, ngoài ra có bản trả lời của Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền các dòng nam. Trong số 114 HĐGM trên thế giới có 93 Hội đồng trả lời. Xét về đại lục, Úc châu trả lời 100%, Mỹ châu 95,8%, Á châu 88,8%, Âu Châu 81,25% và Phi châu thấp nhất với 66,6%.

Dựa vào các bản trả lời đó, Hội đồng của Thượng HĐGM đã soạn tài liệu làm việc làm căn bản cho các cuộc thảo luận của Công nghị và công bố ngày 19-6 năm 2012.

Việc phổ biến tài liệu làm việc đã giúp nhiều người biết chương trình nghị sự của Thượng HĐGM kỳ thứ 13, những khí cạnh tích cực trong các hoạt động của các Giáo Hội địa phương, cũng như những điểm cần được suy tư và đào sâu hơn.

Cũng trong bài tường trình, Đức TGM Eterovic đã nói về việc cập nhật cuốn chỉ nam dành cho các nghị phụ Tượng HĐGM.

Theo tài liệu này, như trong các công nghị GM gần đây, mỗi nghị phụ được quyền phát biểu 5 phút. Bản văn của các vị soạn thảo có thể dài hơn và nộp cho Văn phòng Tổng thư ký. Ngoài ra các vị cũng cần soạn một bản tóm để công bố cho công chúng.

Các Đại biểu các Giáo Hội anh em cũng như các dự thính viên nam nữ được phát biểu 4 phút. Xét vì con số đông, các vị cũng có thể nộp văn bản phát biểu dài cho Văn phòng Tổng thư ký để có thể được cứu xét. Văn phòng sẽ làm hết sức để các vị dự thính viên có thể lên tiếng trong các khóa họp toàn thể của Công nghị GM, hoặc riêng rẽ hoặc chung thành nhóm.

ĐHY Tng tường trình viên Donald Wuerl
Bài tường trình dài của Đức TGM Eterovic đã kết thúc lúc 10 giờ rưỡi. Mọi người được nửa giờ giải lao, trước khi tái nhóm vào lúc 11 giờ để nghe ĐHY Donald Wuerl, TGM giáo phận Washington, Hoa Kỳ, Tổng tường trình viên của Thượng HĐGM, trình bày những vấn đề và hướng đi của Công nghị GM này.
ĐHY Tổng tường trình viên nhận xét rằng Tài liệu Làm Việc đã phác họa phần lớn cuộc thảo luận của Công nghị GM này. Ở đây ngài chỉ nêu bật một số điểm:

– Chúng ta công bố Ai và điều gì – Lời Chúa
– Những tài nguyên gần đây để giúp chúng ta thi hành sứ mạng
– Những hoàn cảnh đặc biệt thời nay làm cho Thượng HĐGM này trở nên cần thiết
– Những yếu tố của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng
– một số nguyên tắc thần học của việc tái truyền giảng Tin Mừng
– các đức tính của những người tái truyền giảng tin Mừng
– và sau cùng những đoàn sủng của Giáo Hội ngày nay trợ giúp trong nghĩa vụ tái truyền giảng Tin Mừng.
ĐHY Wuerl đã rút ngắn bài tường trình của ngài và kết thúc lúc 12 giờ trưa. ĐTC và các nghị phụ đã đọc kinh Truyền Tin trước khi giải tán.

Trong phiên khoáng đại thứ 2 chiều hôm qua, 5 nghị phụ đại diện cho 5 châu đã trình bày tổng quát về hiện tình công cuộc tái truyền giảng tại 5 châu. Mỗi vị nói trong vòng 10 phút. Sau đó, từ lúc 6 đến 7 giờ, là phần thảo luận tự do, mỗi nghị phụ được quyền lên tiếng, nhưng không quá 3 phút.

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Đức Thánh Cha tôn phong hai Tiến Sĩ Hội Thánh và khai mạc Thượng HĐGM thế giới thứ 13

Đức Thánh Cha tôn phong hai Tiến Sĩ Hội Thánh và khai mạc Thượng HĐGM thế giới thứ 13

VATICAN. Từ ngày 7 tháng 10-2012, Giáo Hội Công Giáo đã có thêm hai vị Tiến Sĩ Hội Thánh và công trình tái truyền giảng Tin Mừng được đẩy mạnh với Thượng HĐGM thế giới thứ 13.

Hai vị Tiến Sĩ thứ 34 và 35 của Hội Thánh là thánh Gioan Avila người Tây Ban Nha và thánh nữ Hildegard von Bingen người Đức.

Hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô, có lối 30 ngàn tín hữu, trong đó có hơn 20 HY đã về hưu và không đồng tế.

Có 408 vị đồng tế với ĐTC, hầu hết là các nghị phụ, dự thính viên và chuyên viên cũng như các cộng tác viên của Thượng HĐGM, trong số này có 49 Hồng y, 7 vị thủ lãnh của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, tức là các vị Thượng Phụ và TGM Trưởng, cùng với 120 GM; thêm vào đó có 75 GM thuộc HĐGM Tây Ban Nha và Đức. Các vị ngồi hai bên bàn thờ trên thềm đền thờ Thánh Phêrô.

Tại mặt tiền Đền thờ, có treo hai bức chân dung thật lớn của hai vị thánh Tiến Sĩ Hội Thánh.

Sau kinh cầu các Thánh, ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã xin ĐTC tôn phong thánh Gioan Avila và Hildegard von Bingen làm tiến sĩ Hội Thánh. Ngài nói: Các vị đã chiêm ngắm sự hiện diện sâu thẳm của Con Thiên Chúa trong lịch sự trần thế và với tâm hồn say mê, trí thông minh sắc bén, các vị đã thám hiểm những chân trời mới của vẻ đẹp trường cửu mà Chúa mạc khải. Vì thế, ngày nay các vị vẫn có thể tuôn đổ dòng nước sự sống và làm chứng về niềm vui của sự tìm kiếm chân lý một cách không biết mệt mỏi và phong phú”.

Tiếp lời ĐHY Amato, tóm lược tiểu sử hai vị thánh đã lần lượt được xướng lên.

1. Thánh Gioan Avila sinh năm 1499 tại Tây Ban Nha, con một của gia đình rất đạo đức và khả giả về kinh tế và xã hội. Sau khi học tại Đại học Alcalà, thầy Gioan thụ phong linh mục năm 1526 khi được 27 tuổi, rồi đến Sevilla để đợi tàu đi Tân Tây Ban Nha, tức là Mêhicô ngày nay.

Trong khi chờ đợi, cha Gioan tận tụy lo việc giảng thuyết tại Sevilla và các thành phố lân cận. Cũng tại đây cha gặp một người bạn linh mục lớn tuổi hơn, tên là Fernando de Contreras, cũng là một nhà giáo lý uy tín, tốt nghiệp đại học Alcalà. Cảm kích vì cách giảng thuyết của cha Gioan, Cha Fernando thuyết phục được Đức TGM giáo phận Sevilla làm cho cha Gioan từ bỏ ý định đi Mỹ châu và lưu lại miền Andalusia, nơi đang có nhu cầu cấp thiết là củng cố đức tin của các tín hữu sau nhiều thế kỷ bị người Hồi giáo thống trị. Thế là cha Gioan Avila lưu lại Sevilla, ở chung nhà, và chia sẻ sự khó nghèo cũng như đời sống cầu nguyện với cha Fernando de Contreras. Trong khi tiếp tục chăm chỉ giảng thuyết và linh hướng, cha Gioan học thêm thần học tại Học viện thánh Tômasô ở Sevilla.
Cha Gioan Avila sống rất thanh bần và chuyên chăm cầu nguyện, giảng thuyết, cha quan tâm đến vấn đề làm sao cải tiến việc đào tạo các ứng sinh linh mục. Cha thành lập các đại học viện và tiểu học viện, các cơ sở này, sau Công đồng chung Trento, được gọi là Đại chủng viện và tiểu chủng viện. Đối với giáo sư Gioan Avila, việc cải tổ Giáo Hội – mà cha càng ngày càng thấy cần thiết- nhất thiết đòi hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân phải sống thánh thiện hơn.

Cha Gioan Avila chịu đau đớn rất nhiều vì bệnh tật. Với thánh giá cầm trong tay và được các môn đệ bạn hữu quây quần, cha phó thác linh hồn cho Chúa sáng ngày 10-5-1569 trong căn nhà khiêm hạ ở Montilla. Lúc ấy cha được 70 tuổi đời. Thánh nữ Têrêxa Avila vừa khi hay tin nãy, đã thốt lên: ”Tôi khóc vì Giáo hội của Chúa vừa mất đi một cột trụ”.

2. Thánh nữ Hildegard von Bingen sinh năm 1098 tại Bermesheim, bên Đức và gia nhập dòng nữ Biển Đức. Năm 1136, chị Hildegard bấy giờ 37 tuổi được chỉ định cai quản nữ đan viện và sau đó di chuyển cộng đoàn Đan tu đến Rupertsberg gần Bingen. Tại đây, mặc dù sức khỏe yếu, nhưng thánh nữ Hildegard hoạt động hăng say trong 30 năm trời, thực hiện nhiều cuộc du hành đến gặp các vị lãnh đạo cấp cao của Giáo Hội và các giới chính trị. Thánh nữ làm chứng về Lời Chúa và thăng tiến đức tin Kitô. Viện mẫu Hildegard rất được các vị Giáo Hoàng, các GM và vua chúa kính trọng, nhưng Mẹ cũng là một người tham chiếu đối với dân thường và là một trong những người được kính trọng nhất của Giáo Hội hồi thế kỷ 12.

Khi còn nhỏ, thánh nữ Hildegard đã được ơn thị kiến, và với thời gian các thị kiến này càng gia tăng. Vì không rành tiếng la tinh, nên với sự trợ giúp của một thư ký, thánh nữ ghi lại các kinh nghiệm thần bí ấy trong nhiều văn kiện. Các tác phẩm của Viện Mẫu Hildegard được coi như những tác phẩm đầu tiên về thần bí tại Đức. Các văn kiện của Người bàn về nhiều vấn đề khác nhau, từ sức khỏe đến các khoa học thiên nhiên, vụ trụ, các vấn đề đạo đức học, thần học, họp thành một gia sản quan trọng của nền văn hóa thời trung cổ.

Ngày 17 tháng 9-1179, Viện Mẫu Hildegard von Bingen qua đời gần Rupertsberg và được an táng tại đây.
ĐTC long trọng tuyên bố:

”Đón nhận ước muốn của nhiều anh em trong hàng Giám Mục và nhiều tín hữu trên toàn thế giới, sau khi có ý kiến của Bộ Phong Thánh, và sau khi suy nghĩ chín chắn, và đạt tới sự xác tín hoàn toàn và chắc chắn, với trọn quyền Tông Đồ, Tôi tuyên bố Thánh Gioan Avila, Linh mục giáo phận, và Thánh Nữ Hildegard von Bingen, nữ đan sĩ đã khấn thuộc dòng thánh Biển Đức, là Tiến Sĩ Hội Thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Sau nghi thức tôn phong Tiến Sĩ Hội Thánh, thánh lễ được bắt đầu như thường lệ, với ca nhập lễ, kinh thương xót và vinh danh với các bài đọc của Chúa nhật thứ 28 thường niên.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC đã nói đến ý nghĩa việc tái truyền giảng Tin Mừng, cuộc khủng hoảng của hôn nhân ngày nay gắn liền với khủng hoảng đức tin, sau cùng là vai trò của các thánh trong việc tái rao giảng Tin Mừng. Ngài quảng diễn bài Tin Mừng của Chúa nhật 28 thường niên năm B, trong đó có lời Chúa Giêsu dạy ”Vì thế người nam sẽ bỏ cha mẹ và kết hiệp với vợ mình và cả hai trở thành một xác thể duy nhất” (St 2,24; Mc 10.7-8). Ngài đặt câu hỏi:

”Lời này nói gì với chúng ta ngày nay? Tôi thấy Lời ấy dường như mời chúng ta ý thức hơn về một thực tại đã được biết đến nhưng không được hoàn toàn đề cao giá trị, đó là hôn nhân; Lời này của Chúa đã là một Phúc Âm, một Tin Mừng cho thế giới ngày nay, đặc biệt là thế giới xa lìa Kitô giáo.”

ĐTC ghi nhận rằng hôn nhân, ngay tại những vùng kỳ cựu được truyền giảng Tin Mừng, đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu đậm. Và đó không phải là một sự tình cờ. Hôn nhân gắn liền với đức tin, không phải theo một nghĩa tổng quát. Hôn nhân như một sự kết hiệp yêu thương chung thủy và bất khả phân lý, dựa trên ơn thánh đến từ Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi, Đấng trong Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu trung tín cho đến Thập Giá. Ngày nay chúng ta có thể lĩnh hội tất cả chân lý của lời khẳng định ấy, trái ngược với thực tại đau thương của bao nhiêu hôn nhân bị tan vỡ. Có một sự tương ứng hiển nhiên giữa cuộc khủng hoảng đức tin và khủng hoảng hôn nhân. Và như Giáo Hội từ lâu vẫn khẳng định và làm chứng rằng hôn nhân được kêu gọi không phải chỉ trở thành một đối tượng mà thôi, nhưng còn là chủ thể của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, Điều này được thể hiện trong nhiều kinh nghiệm, gắn liền với các cộng đoàn và phong trào, nhưng còn ngày càng được thực hiện trong cơ cấu của các giáo phận và giáo xứ, như cuộc gặp gỡ các gia đình Công Giáo thế giới mới đây đã chứng tỏ.

ĐTC nhắc đến sự kiện Công đồng chung Vatican 2 đã mang lại một sự thúc đẩy mới cho việc truyền giáo qua việc nhấn mạnh đến ơn gọi nên thánh của mọi người. Các thánh thực là những người nắm vai chính trong việc truyền giáo theo mọi ý nghĩa. Các vị đặc biệt cũng là những người đi tiên phong và là những người khích lệ công trình tái truyền giảng Tin Mừng, qua việc chuyển cầu và qua gương sống, chú ý đến sức sáng tạo của Thánh Linh, các thánh tỏ cho những ngừơi dửng dưng và cả những người đố kỵ vẻ đẹp của Tin Mừng và sự hiệp thông trong Chúa Kitô, mời gọi các tín hữu nguội lãnh hãy tái khám phá lòng yêu thích Lời Chúa và các Bí tích, đặc biệt là Bánh Sự Sống, Thánh Thể. Trong số các nhà truyền giáo quảng đại loan báo Tin Mừng cho những người ngoài Kitô giáo, có nhiều vị thánh nam nữ, thường tại các xứ truyền giáo và ngày nay tại tất cả các nơi có những người ngoài Kitô sinh sống.
Từ sự kiện trên đây, ĐTC đã nhắc đến hai vị Tân Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài đề cao tinh thần truyền giáo của thánh Gioan Avila, tận tụy giảng thuyết và gia tăng việc lãnh nhận bí tích nơi các tín hữu. Thánh Nữ Hildegard von Bingen, Phụ nữ quan trọng của thế kỷ 12 đã đóng góp quí giá cho sự tăng trưởng của Giáo Hội trong thời đại của Người, đề cao giá trị những ơn đã lãnh nhận từ Chúa và tỏ ra là một phụ nữ có trí thông minh linh động, nhạy cảm sâu xa và được nhìn nhận là một người có uy tín lớn về tinh thần. Thiên Chúa đã ban cho thánh nữ tinh thần tiên tri và khả năng bén nhậy phân định các dấu chỉ thời đại. Thánh Hildegard có lòng yêu mến sâu xa đối với thiên nhiên, đào sâu y khoa, thi văn và âm nhạc, nhất là Người có lòng trung thành mạnh mẽ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội.

ĐTC nói thêm rằng: ”Việc nhìn đến lý tưởng của đời sống Kitô, được biểu lộ trong ơn gọi nên thánh, thúc đẩy chúng ta khiêm tốn nhận thực sự dòn mỏng của bao nhiêu Kitô hữu, đúng hơn là tội lỗi của họ, tội cá nhân và cộng đoàn, tạo nên một chướng ngại lớn cho công cuộc rao giảng Tin Mừng, cái nhìn ấy cũng thúc đẩy chúng ta nhìn nhận sức mạnh của Thiên Chúa, trong đức tin, gặp sự yếu đuối của con người. Vì thế, ta không thể nói về công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng mà không có một tâm trạng hoán cải chân thành. Để cho mình được hòa giải với Thiên Chúa và tha nhân (Xc 2 Cr 5,20) chính là con đường tốt nhất để tái truyền giảng Tin Mừng. Chỉ khi được thanh tẩy, các tín hữu Kitô mới có thể tìm lại niềm hãnh diện hợp pháp về phẩm giá làm con cái Thiên Chúa, được dựng nên theo hình ảnh của Chúa và được cứu chuộc bằng máu của Đức Giêsu Kitô, và họ có thể cảm nghiệm được niềm vui của Chúa để chia sẻ với mọi người gần xa.

Trong phần lời nguyện giáo dân bằng nhiều thứ tiếng, cộng đoàn đã cầu nguyện cho Giáo Hội, cho ĐTC và các nghị phụ Thượng HĐGM, cho các nhu cầu của đời sống nhân loại, các nhà giảng thuyết và các thần học gia, cho những người thuộc giới văn hóa, khoa học, và y tế.

Cuối thánh lễ, như thường lệ ĐTC đã chủ sự Kinh Truyền Tin. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài nhắc đến Lễ Đức Mẹ Mân Côi mừng vào chúa nhật hôm qua và mời gọi các tín hữu hiệp ý với những lời khẩn cầu được dâng lên Mẹ Thiên Chúa ở Đền thánh Đức Mẹ Pompei, nam Italia. ĐTC cũng kêu gọi mọi người nêu cao giá trị của kinh Mân Côi trong Năm Đức Tin sắp bắt đầu. ”Thực vậy, với Kinh Mân Côi, chúng ta để cho Mẹ Maria mẫu gương đức tin hướng dẫn, trong việc suy niệm các mầu nhiệm Chúa Kitô, ngài qua ngày chúng ta được giúp đỡ hấp thụ Tin Mừng, để trọn cuộc sống chúng ta được uốn nắn… Tôi mời gọi đọc kinh Mân Côi, riêng, hoặc trong gia đình và trong cộng đoàn, theo học tại trường của Mẹ Maria là Đấng dẫn chúng ta đến cùng Chúa Kitô, trung tâm sống động của đức tin chúng ta. ĐTC còn chào thăm họ bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, trước khi đọc kinh Truyền Tin và Phép lành cho các tín hữu.

G. Trần Đức Anh OP – VietVatacan

 

Vatileaks: Paolo Gabriele bị tuyên án 18 tháng tù

Vatileaks: Paolo Gabriele bị tuyên án 18 tháng tù

VATICAN. Người cựu hầu cận bất trung của ĐTC, Ông Paolo Gabriele, 46 tuổi, đã bị tòa án tại Vatican kết án tù 1 năm rưỡi về tội ăn trộm các tài liệu mật từ căn hộ của ĐTC.

Trong phiên tòa thứ tư và cũng là phiên cuối cùng dài 2 tiếng đồng hồ, sáng 6 tháng 10-2012, thẩm phán đoàn gồm 3 vị đã công bố phán quyết như trên.

Trước đó, Ủy viên công tố Nicola Piccardi đã yêu cầu tòa kết án bị can 3 năm tù và cấm vô thời hạn không cho đương sự không được lãnh trách nhiệm nào trong ngành hành chánh. Ông cũng bác bỏ một trong những cuộc giám định tâm lý cho rằng Gabriele đã bị xáo trộn về tâm trí khiến ông không còn trách nhiệm về những hành động của mình.

Luật sư biện hộ, bà Cristina Arru, xin tòa tha bổng bị can. Bà yêu cầu tòa đổi tội trạng ”ăn trộm” thành ”chiếm hữu bất hợp pháp”. ”Tuy bị can Gabriele đã làm những hành vi đáng lên án và bất hợp pháp, nhưng ông làm vì muốn giúp đỡ chứ không muốn gây hại cho Giáo Hội.” Vì thế, nếu tòa lên án thì xin tuyên án tối thiểu mà thôi”.
Bị can Gabriele tuyên bố mình hành động vì yêu mến Giáo Hội và cảm thấy mình không phải là kẻ trộm vì hành động đã làm. Trả lời câu hỏi của chánh án xem ông cảm thấy có lỗi hay vô tôi, đương sự đáp: ”Điều mà tôi cảm thấy mạnh mẽ trong tôi là xác tín đã hành động chỉ vì lòng yêu mến cố hữu đối với Giáo Hội của Chúa Kitô và với thủ lãnh hữu hình của Giáo Hội. Đó là điều mà tôi cảm thấy.”

Chánh án Giuseppe Dalla Torre cho biết tòa kết án bị can 3 năm tù, nhưng quyết định giảm xuống còn 1 năm rưỡi, vì ”sự phục vụ của ông cạnh ĐGH, vì xác tín của ông muốn phục vụ Giáo Hội, tuy rằng xác tín ấy sai lầm, vì cung cách của ông trong cuộc xử án và sau cùng vì ý thức của ông đã phản bội ĐGH”. Chánh án cũng truyền cho bị can Paolo Gabriele phải trả án phí.

Bị can Gabriele im lặng nghe bản án và không tỏ lộ một cảm xúc nào. Tuy nhiên, khi rời phòng xử, ông ta đã mỉm cười và chào những người hiện diện.

Tuyên bố với giới báo chí sau đó, Bà Cristina Arru nhìn nhận bản án là ”tốt” và quân bình, nhưng bà chờ đọc những lý do lên án và sẽ cùng với bị can cứu xét xem có nên kháng án hay không.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, nhận xét rằng Ủy viên công tố đã đào sâu vấn đề đồng lõa trong vụ Gabriele ăn trộm tài liệu, nhưng không có bằng chứng nào được đưa ra về vấn đề này. Cha cũng cho biết vụ xử ông Claudio Sciarpelletti, chuyên viên vi tính, bị cáo về tội đồng lõa với ông Gabriele, sẽ diễn ra trong thời gian tới đây, có lẽ vào tháng 11-2012 sau Thượng HĐGM thế giới (7-28/10/2012).

Theo cha Lombardi, ”rất có thể” bị can sẽ được hưởng một sự ân xá của ĐTC. Bây giờ ngài sẽ cứu xét hồ sơ vụ xử này và sẽ quyết định. Cha nói thêm rằng: ”Tôi đã có thể cảm nghiệm một sự hoàn toàn độc lập của các thẩm phán tòa án Vatican với các thẩm quyền khác, và tôi rất kính trọng ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh vì đã không hề tạo một sức ép nào trong vụ này.. Bên cạnh kinh nghiệm quan trọng về sự phân quyền, tôi cũng có ấn tượng tích cực về sự mau lẹ trong việc xét xử. Ảnh hưởng tới sự kiện này là, với bộ luật được thi hành ở Vatican, việc điều tra cũng thuộc vào tiến trình xử án mà không cần phải làm lại điều gì”. (Tổng hợp 6-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Ngày mồng 7 tháng Mười


Sau cuộc chiến thắng quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lépante ngày 7-10-1571, nhờ ơn lạ đặc biệt của Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi, Đức Thánh Piô V dạy rước kiệu Mẹ trọng thể và thành lập lễ Mẹ Thắng Trận vào ngày mồng 7 tháng 10 để ghi ơn Đức Mẹ. Đến đời Đức Grêgôriô XIII, theo lời dòng Đaminh tâu xin, đổi lại ngày lễ. Ngài ra sắc lệnh ngày 1-4-1573 đổi là lễ Mẹ Mân Côi được mừng vào Chúa nhật I tháng 10 tại các nhà thờ tôn kính Mẹ Mân Côi.

(Xem tiếp . . .LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI ngày 7 tháng 10 )

CHUỖI MÂN CÔI NGÀY ẤY

 CHUỖI MÂN CÔI NGÀY ẤY

KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
[Cv 1,12-14; Gl  4,4-7; Lc 1,26-38]
 
Lời kinh Mân Côi luôn gắn bó với đời sống đức tin và lòng đạo đức bình dân của tín hữu Việt Nam. Vâng, từ những ngày đầu tiên Tin Mừng đến đất nước này, việc đọc kinh kính mừng thịnh hành đến nỗi mọi người đọc khắp mọi nơi. Đã vậy, các sự gẫm còn được suy gẫm theo cách văn vần để ngắm theo cung kinh vãn long trọng. Gẫm Năm Sự Vui, thứ năm thì gẫm: “Đức Bà tìm đặng Đức Chúa Giê-su trong đền thánh. Ta hãy xin giữ nghĩa cùng Chúa luôn” trong bản kinh phép ngắm Rosa, là một chứng tích:
 
                               Lễ rồi, con lạc, Mẹ tìm con,
                               Lòng Mẹ, ba ngày rất héo hon.
                               Đoạn trở vào đền, tìm lại thấy,
                               Con về, thảo kính đến khi khôn.
                               Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay,
                               Xin vì sự  nhiệm mầu này, xuống ơn
                               Cho con lòng thật  ăn năn,
                               Soi gương phúc  đức, siêng năng, vâng lời
                               (Văn côi thánh nguyệt tán tụng thi ca, 73-80).
 
Người Việt Nam vốn giàu tình cảm với mẹ mình thế nào thì nay, Kinh kính mừng đã trở nên lời kinh trước tiên là đầy tình cảm dành cho Mẹ  Maria Mẹ Thiên Chúa, Mẹ chúng sinh, và sau đó là lời kinh của Đức Tin khi học hiểu cùng Mẹ sống trọn Tin Mừng Chúa Giê-su, Con Mẹ. Đọc kinh kính mừng để ca tụng Mẹ, để noi gương mẹ, để xin ơn Mẹ sống Tin Mừng của Chúa và xin ơn an bình trong những lúc cùng khốn.
 
-Kinh kính mừng trong cơn bách đạo của các chứng nhân xin Mẹ được ơn can đảm làm chứng cho Đức Tin Công Giáo.
 
-Kinh kính mừng trong lúc khốn khổ ở La Vang, ở nơi này nơi kia xin Mẹ ơn bình an giữ đạo Chúa cho nên.
 
-Kinh kính mừng trong thời chiến tranh loạn lac, giữa bom đạn, giữa lúc tản cư, giữa đường chạy giặc, xin cho thoát khỏi nạn quỷ dữ vô thần.
 
-Kinh kính mừng của những ngày đất nước phải sống trong một hoàn cảnh mới.
 
Vâng, làm sao quên được cảnh đời cơ cực ở Việt Nam đã suốt bao nhiêu năm trời. Và cũng làm sao mà quên được những chuỗi kinh kính mừng trong phút giờ tưởng như là tuyệt vọng. Người người đọc kinh Mân Côi. Nhà nhà lẫn chuỗi Mân Côi. Trên nương rẫy, dưới đồng sâu, nơi hợp tác xã, trong trại cải tạo, dưới ánh trăng khuya bên ngọn đèn dầu khu kinh tế mới, cụ ông cụ bà thấp cao không đều giọng đọc với trẻ con, thế mà tiếng kinh kính mừng âm thầm râm ran như lời kêu van thống thiết Mẹ Ơi Đoái Thương chúng con giữa cảnh đời u ám điêu tàn! Và nhờ kinh kính mừng, lòng người được bình an.
 
 Tôi còn nhớ, phía sau nhà thờ gỗ loang lỗ  những vết đạn, rách nát do những mảnh bom, cụ già Toma với năm bảy người bên ngọn đèn dầu, lần chuỗi Mân Côi:
 
– “Tháng này lần chuỗi xin Đức Mẹ cho có cha trông coi giáo xứ”.
 
– “Sao không vào nhà thờ mà đọc kinh?” 
 
– “Xứ mình không có cha, không dám làm gì trong nhà thờ cả. Ủy Ban Xã bên cạnh. Hôm bữa họ xách súng qua đây hỏi rồi”.
 
– “Vậy, mình đọc ở đây họ thấy có bắt không”
 
– “Không đâu! Đức Mẹ nào để cho ai bắt mình. Nhưng bắt thì  mình xin. Đọc kinh mà, tội gì. Cứ đọc đi. Ban đầu thì sau nhà thờ, rồi ít bữa nữa đọc hè nhà thờ, cho người ta thấy quen mắt rồi mình vào trong nhà thờ”.
 
Và nhờ kinh kính mừng, Đức Mẹ đã cầu thay nguyện giúp. Chúa đã nhậm lời. Từ những buổi kinh ít người ngoài, rồi trong nhà thờ rách nát, đến đông hơn, rồi phụng vụ Lời Chúa, rồi “mượn” được Cha về làm lễ, và cuối cùng là có cha xứ, xây nhà thờ mới, giáo xứ phát triển….
 
Cụ Tô-ma đã qua đời được gần 20 năm, nhưng kỷ niệm Mân Côi ấy không phai nhòa trong ký ức của giáo xứ.
 
Tôi còn nhớ, một nửa buổi nọ, mang ra ruộng cho cha vài củ khoai. Đứng trên bờ nhìn xuống, tôi đếm cha cày được 10 đường cày rồi. Thế là tôi biết cha đã lần hai chuỗi. Bên kia, Mẹ chất đầy hai giỏ mạ. Thì ra mẹ cũng hai chuỗi Mân Côi rồi, không ít hơn.
 
Vâng, những ngày gian khổ ấy, cha mẹ chúng ta Lần Chuỗi Mân Côi không bằng xâu chuỗi ngọc sáng trưng, không bằng xâu chuỗi gỗ xinh xắn, nhưng bằng mười ngón tay bùn lầy, đen đủi, rám nắng. Chuỗi Mân Côi và 5 sự gẫm được tính bằng lọn mạ, đường bừa, đường cày, tính bằng vồng khoai, thúng bắp, bó rau thật sốt sắng, thật tin tưởng, thật khẩn thiết, thành tâm.
 
Cũng nhờ kinh kính mừng, đời sống các gia đình thật êm đềm hạnh phúc.
 
Không ai dám tiếc nuối một thuở thời lầm lũi trong nghèo khổ đau thương, trong nước mắt dập vùi. Bởi vì, ai cũng có quyền ước mơ một cảnh đời an nhàn thư thái, sung túc, thịnh vượng. Nhưng khi đã hưng thịnh, giàu sang, phú quý hay ít là có của ăn của để rồi, thì tôi bỗng dưng tiếc nuối lòng đạo đức của ông bà cha mẹ chúng ta trong những ngày gian khổ ấy. Lòng đạo đức của ông bà, của tiền nhân nay còn đâu?! Đáng lý ra, tấm gương sáng của những người đi trước chúng ta, hẳn phải lưu truyền lại cho hậu thế, và hậu sinh phải là những người tiếp bước lòng đạo đức ấy.
 
Là hậu duệ của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là con là cháu trong gia đình Công Giáo hôm nay, nhân tháng Mân Côi này, hẳn phải lập lại đời sống đạo đức, đời sống Đức Tin, đời sống Tin Mừng mà cha ông ta đã nêu gương sáng lạn. Có như thế, thiết nghĩ mới gọi được là có lòng hiếu kính với ông bà, có lòng tri ân Thiên Chúa tri ân Mẹ Maria đã giúp ông bà cha mẹ chúng ta vượt qua bao gian nan thử thách của cuộc đời, để chúng ta có được ngày hôm nay.
Vâng, Lễ Mẹ Maria Mân Côi, nhắc đến sức mạnh của Kinh Mân Côi, của Chuỗi Mân Côi chiến thắng bè rối Albigeois chống phá Giáo Hội và cụ thể hơn, nhắc nhớ cho mỗi tín hữu Việt Nam rằng ông bà cha mẹ của chúng ta đã nhờ kinh Mân Côi mà vượt qua mọi gian nan, mà chiến thắng thế lực của quỷ thần
 
– để có một Giáo Hội Việt Nam thu hoạch mùa lúa dồi dào
– để còn các gia đình kính thờ Thiên Chúa
– để còn Đức Tin và hạnh phúc nhờ Đức Tin mang lại trong các gia đình công giáo trong mỗi tín hữu.
 
Chuỗi Mân Côi nay đâu? Kinh Mân Côi nay đâu? Lớp người trẻ, thế hệ  con cháu có còn yêu mến, siêng năng và sốt sắng đọc kinh kính mừng hay lần chuỗi Mân Côi?
 
Thiết tưởng, bổn phận khẩn cấp của chúng ta hôm nay, đặc biệt người trẻ, là tái lập việc đọc kinh Mân Côi chung, riêng ở khắp mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh.
 
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã giúp cha ông chúng con vượt qua gian nan và chiến thắng quỷ thần nhờ sức mạnh của kinh Mân Côi. Xin cho chúng con lòng yêu mến, sốt sắng cùng sống Đức Tin qua lời kinh Mân Côi trong suốt đời mình. Amen.
 
PM Cao Huy Hoàng
 

CÓ CHÚA TRONG ĐỜI NHAU

CÓ CHÚA TRONG ĐỜI NHAU

Chuyện tình yêu đôi lứa ngày mới xây mơ dệt mộng biết bao là sắc màu xinh đẹp. Những hẹn hò trước lễ thành hôn, những nũng nịu hồn nhiên, những chiều chuộng rất nhân từ, những cho nhau không hề giữ lại, không hề tiếc nuối…tưởng như là hạnh phúc! Đôi tim hồng rạng rỡ. Mạch sống căng tràn sức xuân. Tưởng như thế là thời gian chuẩn bị đã xong, đã đủ. Rồi cuối cùng, quyết định đến với nhau nên nghĩa vợ chồng. Hôn nhân tự nhiên đẹp theo một khuôn định tự nhiên của Đấng Tạo Hóa, mà đôi khi con người không khám phá ra nổi. Đã vậy, còn mơ hồ định nghĩa tình yêu như một chuyện tự nhiên mà không cần đến sự can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa. Vì thế, chuyện đến với nhau và để bỏ nhau cũng  bỗng dưng cho là chuyện tự nhiên bình thường.

Ki-tô hữu Công Giáo khi bước vào đời sống hôn nhân cũng không thiếu những ước mơ hạnh phúc lãng mạn của thuở ban đầu yêu nhau say đắm. Nhưng hẳn phải khác hơn người không tin Thiên Chúa ở nhiều điểm:

-thứ nhất là tin mọi biến cố trong đời đều có sự can thiệp của Thiên Chúa,

-thứ hai là phải học hiểu thấu đáo về ý nghĩa của Hôn Nhân Công Giáo, đặc biệt là ý nghĩa Đơn Hôn và Vĩnh Hôn: một vợ một chồng và suốt đời trung tín. Bởi Chúa Giê-su đã nâng hôn nhân tự nhiên lên hàng Bí Tích khi Ngài nói rõ: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly”.

-Và thứ ba: phải sống niềm tin ấy trong đời hôn nhân bằng sự chung thủy sâu xa và chân thành.

Thiên Chúa đã Liên Kết:

Khi chuẩn bị bước vào hôn nhân, Kitô Hữu  hẳn phải biết kết hiệp với Chúa và xin ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn để tình yêu đôi lứa được thánh hóa nên tình yêu vợ chồng trong cuộc hôn nhân thánh thiện. Nhờ ơn Bí tích, đôi vợ chồng dần dần khám phá ra những chiều kích kỳ diệu mới mẻ trong hôn nhân.

Có người chưa hiểu thấu ý Chúa khi mới thành hôn, nhưng qua thời gian, họ đã ngộ ra:“Ngày ấy tôi tưởng tôi chọn em. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu: Chúa đã can thiệp vào con người, vào ý muốn tôi, không phải tự sức riêng tôi. Và tôi cảm tạ Chúa vì tôi đã lấy em, không phải người khác. Nếu là một người khác, chắc gì họ đã chịu đựng được tôi cho đến hôm nay”. Và ngược lại, người vợ cũng phải hiểu được thấu đáo điều đó và đừng đứng núi này mà trông núi nọ.

Sự ràng buộc của Hôn Nhân Công Giáo, của Bí tích hệ tại ở việc Thiên Chúa muốn thi thố tình thương của Ngài qua việc kết hiệp ấy. Đã có không ít người tuyên bố: “Nếu cho phép tôi chọn lần thứ hai, tôi sẽ không chọn anh ấy nữa. Nhưng vì chỉ được chọn có một lần và muôn đời không đổi, nên tôi mới hiểu ra tôi “phải làm thế nào” “phải cộng tác với ơn Chúa thế nào” để người ấy chính là người tuyệt vời nhất của đời tôi, và để tôi nhìn nhận”.

Con người vẫn là loài kiêu ngạo trên đời, và cả trong tình yêu cũng không thiếu cốt cách kiêu ngạo ấy. Không biết thế nào là tình yêu mà vẫn cho rằng mình yêu người ta nhất, và vì yêu ngạo, không nhận ra tình yêu của người khác dành cho mình. Sự ngu đần về tình yêu không phải nơi người ngu chữ ít học, mà là nơi người ngu vì coi cái tôi của mình to lớn hơn cả trời cả đất.

Vậy thì, việc “tôi phải làm thế nào”, “phải cộng tác thế nào” ấy là tôi phải học bài tình yêu hiền lành và khiêm nhượng. Chỉ khi tôi hiền lành và khiêm nhượng, thì:

-một là tôi mới thấy người ấy đáng yêu,

-hai là mới có sức làm cho người ấy thay đổi con người từ đáng ghét đến đáng yêu,

-và ba là, mới chứng minh cho người ấy rằng tôi yêu người ấy.

Công việc của người tin, hiểu điều “Thiên Chúa đã liên kết” là cộng tác với ơn Chúa làm cho điều đã liên kết trở nên thành toàn, bền vững.

 “Không được phân ly”

Vậy, khi xác nhận được điều “Thiên Chúa đã liên kết”, hẳn phải giữ điều Chúa dạy “không được phân ly”.

Có thể nói các trường hợp ly dị đều bắt nguồn từ chỗ không những chối bỏ việc “Thiên Chúa liên kết” mà còn cho rằng việc liên kết với nhau là do chính mình. Vì thế họ nghĩ đơn giản rằng đã yêu nhau được thì cũng có quyền bỏ nhau khi không còn yêu nhau nữa. Đó là cách yêu và cách bỏ của những người không tin có Thiên Chúa. Những người Công Giáo thời nay cũng bắt chước như vậy. Họ cũng đang chối bỏ Thiên Chúa.

Người Do Thái ngày xưa có hai chủ trương: một là không sống với nhau được nữa thì cứ ly dị, hai là nếu người vợ ngoại tình thì người chồng được ly dị. Nhưng Chúa Giê-su đã khẳng định “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly”.

Thời nay, nạn ly dị tràn lan. Ai dám đổ thừa cho người không tin Thiên Chúa làm gương xấu cho người tin Thiên Chúa, nhưng thiết tưởng các Ki-tô hữu phải tự đấm ngực mình về tội bất trung với người bạn đời, cũng đồng nghĩa với tội bất trung với Thiên Chúa. Ly dị thì chỉ có hai người mà hậu quả của ly dị thì ảnh hưởng tới không biết bao nhiêu người! Trước hết là con cái mồ côi cha mẹ khi cha mẹ hãy còn sống, rồi đến những chuyện tình lần thứ hai, thứ ba, thứ năm thứ bảy của người đã ly dị, kể cả chuyện tái hôn bất hợp pháp, lần này sang lần nọ. Cuộc sống không phút bình yên cho ai cả!

May mắn thay, khi đã ly dị, còn có người biết sám hối và ngộ ra mình đã thưa nhau ra tòa vì nhiều lý do vặt vãnh, nhưng còn nhiều lý do sâu xa hơn:

-Ngày chưa cưới nhau thì “Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con lấy được người con yêu”. Cưới được rồi, chẳng thấy có phút kinh nguyện mà thưa với Chúa ‘Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con yêu được người con đã lấy”.

-Nhớ xưa, khi còn là con nít, được nhận nhiều hơn cho đi. Nay lớn rồi, phải cho đi nhiều hơn nhận lại, mới chứng minh được là  mình đã trưởng thành, đã lớn. Lòng ích kỷ của mình chỉ thích nhận hơn là cho đi.

Hai người lấy nhau nên vợ thành chồng không còn là con nít với nhau nữa. Họ cùng là người lớn. Nhưng trong tình yêu, bỗng dưng cả hai sẽ có khi là con nít để nhận, là người lớn để trao. Lẽ công bằng trao và nhận. Con nít của lòng đơn sơ khiêm nhượng, và người lớn của lòng quảng đại bao dung.

-Sách Talmud Do Thái có đoạn : “Xin đừng làm phụ nữ khóc, vì Thượng Đế đang đếm từng giọt lệ của nàng. Hãy nhớ, nàng không đi ra từ đôi chân hay từ cái đầu của chàng. Nàng đã đi ra từ cạnh sườn của Chàng. Bởi thế, nàng được bình an dưới cánh tay ấp ủ của chàng và nàng hạnh phúc gối lên ngực chàng bên trái tim nồng ấm”.

À thì ra, tình yêu của chúng tôi đã thiếu sự “tôn trọng nhau suốt đời” như lời đã hứa.

Và còn bao nhiêu lý do sâu xa nữa…, nhưng một lý do cốt lõi của nạn ly dị vẫn là: Từ chối sự hiện của Chúa trong đời mình và trong đời nhau.

 Lạy Chúa, chỉ vì chúng con không mời Chúa đến và ở lại trong lòng chúng con, trong nhà chúng con, nên gia đình chúng con trở nên một địa ngục trần gian quá kinh khủng. Từ nay, xin cho chúng con biết giữ Chúa ở trong lòng mỗi chúng con, trong nhà chúng con, để sự hiện diện của Chúa kiện toàn hạnh phúc hôn nhân và hạnh phúc trong mái ấm gia đình của chúng con. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng, 05 tháng 10-2012

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO Từ 10-01 đến 10-06-2012

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO Từ 10-01 đến 10-06-2012

Trích từ Xuân Bích VN

 

Từ chối lớp học Yoga giáo xứ vì “không tương thích” với đức tin.

Tunisia : họp thượng đỉnh thế giới các ủy ban quốc gia về đạo đức lần 9.

-Triển lãm kể về “sứ mệnh bất khả thi” của các thừa sai MEP trên nóc nhà thế giới.

Thu hồi những cảnh báng bổ đối với Kitô hữu khỏi bộ phim của Bollywood.

Tại sao các Giáo Hoàng không mặn mà trong việc tổ chức các công đồng?

Hy vọng mau đạt được hiệp định với Vatican về hiệp ước ngoại giao.

Những cơ hội mong manh còn lại cho hoà giải của SSPX?

Vatican bớt gay gắt với vị LM bị cách chức do ngẫu hứng các lời nguyện.

-Các tu viện trưởng Dòng Biển-Đức đặt câu hỏi điều gì hấp dẫn ơn gọi.

Hàng trăm LM và nữ tu chuẩn bị Năm Đức Tin ở Vijayawada.

-Xuất bản tập 2011 của “Thư mục truyền giáo”.

-Nhà tập Dòng Kín Á Châu  trở lại Đài Loan.

Tân bề trên tổng quyền Dòng Passionist (CP – Dòng Khổ Giá) .

Bổ nhiệm mới.

Lập ra “Giải Thưởng Carlo Maria Martini”.

Đức Thánh Cha nói với Hồng Y người Anh đừng nhận ghế trong Thượng Nghị Viện.

Bọn vẽ bậy (graffiti) bài Kitô giáo tấn công tu viện Giêrusalem.

Chính trị và “những nguyên lý trói buộc” của học thuyết xã hội Công giáo.

-Các giáo huấn Vatican II không phải tùy ý.

Các tu sĩ Thượng Hải bị buộc tham dự giáo dục cải tạo.

Sử gia hàng đầu Giáo hội Liên Hiệp Anh trở lại Công giáo.

 (Xem chi tiết . . .TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO Từ 10-01 đến 10-06-2012 )

Phát Tang, Cầu Nguyện Cho Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện

Phát Tang, Cầu Nguyện Cho Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện

Santa Ana (Bình Sa)- – Tại Nhà Thơ Đức Mẹ La Vang (Our Lady of La Vang Church) tọa lạc tại số 288 S. Habor Blvd, Santa Ana, CA 92704, Lễ Phát Tang và Thánh Lể cầu nguyện Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện đã được tổ chức vào lúc 12 giờ PM Thứ Sáu ngày 5 tháng 10 năm 2012. Hiện diện trong buổi lễ có vợ chồng người anh ruột là ông Nguyễn Công Giân và phu nhân đến từ Washington DC, ngoài ra còn có một số qúy vị nhân sĩ trí thức, nhà văn, nhà thơ, qúy vị đại diện các hội đoàn, đoàn thể và bạn bè thân hữu của Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện tham dự.

Lễ phát tang nhà thơ Thomas Moore Nguyễn Chí Thiện

Mở đầu Bác Sĩ Trần Văn Cảo giới thiệu Linh Mục Đức Minh lên chủ lễ phát tang và Thánh Lễ cầu nguyện, sau khi lễ phát tang cử hành, Ông bà Nguyễn Công Giân lên để được Linh Mục Đức Minh quàng khăn tang. Sau đó mọi người cùng đọc kinh cầu nguyện theo nghi thức tôn giáo.

Sau lễ phát tang là phần thăm viếng sẽ kéo dài đến 7 giờ tối, và từ 7 giờ tối đến 8 giờ tối Thánh Lễ Cầu Nguyện sẽ do Đức Giám Mục Mai Thanh Lương, Giám Mục Phó Giáo Phận Quận Cam và một số Linh Mục đồng tế chủ lễ.Theo chương trình thì  Thánh Lễ an táng sẽ được tổ chức vào lúc 8 giờ sáng Thứ Bảy ngày 6 tháng 10 năm 2012, sau đó linh cửu sẽ được di chuyển đến nhà quàn Melrose Abbey Memorial Park số 2303 South Manchester Ave, Anaheim, CA 92802 để làm hỏa táng tại đây.

Trong dịp nầy chúng tôi có tiếp xúc với ông Nguyễn Công Giân Bào Huynh của Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện được ông cho biết, theo ý nguyện người qúa cố, xin miển phúng điếu, tang gia không nhận bất cứ sự đóng góp tài vật nào cũng như xin được từ chối những lời điếu văn trong tang lễ.

Nguồn: Việt Báo

Thánh Faustina Tông đồ lòng Chúa thương xót

Thánh Faustina Tông đồ lòng Chúa thương xót

Chị Helen Kowalska sinh ngày 25 tháng 08-1905 tại Glogowiec gần Lodz, nước Ba Lan. Chị là con thứ 3 trong một gia đình Công Giáo gồm 10 người con.

Chị xuất thân từ một gia đình nghèo, lao động vất vả về nghề nông. Vì hoàn cảnh gia đình, chị phải nghỉ học khi chưa hết lớp 3 để phụ giúp cha mẹ trong việc trông coi đàn gia súc của gia đình. Khi lên 15 tuổi, chị xin đi tu thì bị cha mẹ từ chối. Năm 20 tuổi, chị mới được vào tu trong dòng “Các Chị Em Đức Mẹ Từ Bi”, và được đổi tên là nữ tu Maria Faustina Kowalska. Vì chị thiếu khả năng, cũng không có trình độ học vấn, nên chỉ được nhận vào tu với tư cách là một “Trợ Sĩ”, nhưng cũng được mặc áo dòng và khấn ba lời khấn. Trong nhà dòng, chị thường làm những công việc rất hèn hạ như làm bếp, làm vườn hoặc giữ cổng…

Một trợ sĩ vô danh, không tài năng, không học vấn như chị thì không ai nghĩ rằng chị có thể làm nên chuyện đáng nói. Nhưng Thiên Chúa lại có cái nhìn khác, Ngài yêu thích những tâm hồn khiêm hạ, bé nhỏ và tỏ cho họ những bí nhiệm của Trời cao. Chúa nói với chị : “Ta chọn con, vì con là người kém cỏi, và thiếu khả năng nhất. Nhưng qua đó, kế hoạch của Ta sẽ được hoàn tất”

Chúa Giêsu đã dùng chị Faustina làm Tông Đò truyền bá Lòng Thương Xót Chúa. Cho nên chẳng bao lâu, Chúa đã giúp cho chị hiểu được một cách sâu sắc các mầu nhiệm trong đạo, khiến cha linh hướng của chị hết sức bỡ ngỡ, kinh ngạc. Khi nói chuyện với chị, Ngài thấy khả năng thảo luận của chị về những vấn đề này đã đạt tới trình độ của một nhà thần học thông thái, uyên bác. Đọc nhật ký của chị, chúng ta thấy có lần chị cầu nguyện với Chúa : “Lạy Chúa, Lòng Nhân Từ của Chúa đã khuyến khích con thưa chuyện với Chúa. Lời Chúa đã dọi ánh sáng vào tâm hồn con, làm con mỗi ngày một hiểu Chúa cách sâu sắc hơn”

Cha linh hướng ra lệnh cho chị ghi lại trong nhật ký những mặc khải của Chúa và Đức Mẹ. Nhưng cầm bút viết lại là một trở ngại lớn cho chị. Chị tâm sự điều này với Chúa : “Lạy Chúa, Chúa biết khả năng viêt lách của con thật tệ hại. Vả lại, con cũng không có đến một cây bút để viết nữa. Con phải cố gắng đến khổ sở để dùng nét chữ nguệch ngoạc mà ráp từng từ lại với nhau…”

Một người với khả năng như thế, nhưng lại được Thiên Chúa dùng làm thư ký cho Người, thật là kỳ diệu : “Hỡi thư ký của mầu nhiệm sâu thẳm nhất của Ta, nhiệm vụ của con là viết ra mọi điều Ta mặc khải cho con về Lòng Thương Xót của Ta. Hãy viết về mầu nhiệm cao cả nhất của Ta. Nhiệm vụ trọn đời con là khuyến khích các linh hồn tin tưởng nơi Ta”.

“Hỡi thư ký nhỏ của Lòng Thương Xót, hãy viết. Sau này, những ai đọc cuốn nhật ký này sẽ hiểu về Ta và đặt tin tưởng nơi Ta. Hãy viết rằng : “Lòng Rộng Lượng của Ta dành cho người tội lỗi, nhiều hơn cho người công chính. Ta bỏ Trời xuống thế là vì người tội lỗi. Máu châu báu của Ta đổ ra cũng là cho họ”.

Vâng lời cha linh hướng, và được sự khuyến khích của Chúa và Đức Mẹ, chị đã viết cho tới khi lìa trần được khoảng 600 trang đánh máy. Điều lạ là từ đầu cho tới khi hoàn tất, người ta thấy hầu như không có chỗ nào bị sửa chữa, hay viết sai lỗi chính tả.

Ngoài công tác làm thư ký, chị còn được Chúa trao cho sứ vụ làm tông đồ của Lòng Thương Xót. Ngày 04-07-1937 chị ghi lại trong nhật ký : “Hôm nay lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong khi tham dự Thánh Lễ, tôi được Chúa cho hiểu hơn về Thánh Tâm Chúa, và về ngọn lửa tình yêu đang bùng cháy nơi Trái Tim Người dành cho chúng ta cũng như hiểu được làm sao Chúa là biển cả Thương Xót”. Rồi tôi nghe thấy tiếng Chúa phán : “Hỡi tông đồ của Lòng Thương Xót Ta, hãy loan báo cho toàn thể nhân loại về Lòng Thương Xót vô bờ của Ta. Đừng nản lòng về những khó khăn con gặp phải khi cổ võ Lòng Thương Xót của Ta. Những đau khổ gây nên bởi những khó khăn này rất cần thiết, vì nó sẽ giúp Thánh hoá con, cũng như đó là dấu chứng cho biết, đây là công việc của Ta. Hỡi con ! hãy chuyên cần viết lên từng câu Ta đã nói với con về Lòng Thương Xót của Ta, bởi vì nhờ đó mà rất nhiều linh hồn sẽ được ơn ích vì biết chạy đến với Ta.”

Chị Faustina bị bệnh lao phổi hoành hành như Chúa đã báo trước, nhưng chị đã vui vẻ chấp nhận. Chị qua đời ngày 05 tháng 10-1938.

Chị đã được Đức Gioan Phaolô II suy tôn chân phước ngày 18 tháng 04-1993 và tuyên thánh ngày 30 tháng 04-2000 nhân dịp Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa.

Trong bài giảng lễ suy tôn Hiển Thánh cho chị, Đức Gioan Phaolô II nói : “Nữ tu Faustina là quà tặng mà Thiên Chúa ban Cho thời đại Chúng ta…”. “Nhân loại sẽ không tìm thấy được sự bình an cho đến khi hết lòng quay về Lòng Thương Xót Chúa” (Nhật ký trang 132).

Và ngài kết thúc bài giảng hướng về chị Faustina như sau : “Thưa chị Faustina, một quà tặng mà Thiên Chúa ban cho thời đại chúng tôi, một quà tặng từ đất nước Ba Lan cho toàn thể Hội Thánh, xin cho chúng tôi biết được chiều sâu của Lòng Thương Xót Chúa ; Xin cho chúng tôi có một kinh nghiệm sống động và làm chứng về Lòng Thương Xót ấy cho anh chị em chúng tôi. Ước gì sứ điệp về ánh sáng và niềm hy vọng của chị lan toả khắp thế giới, bằng cách thúc đẩy người tội lỗi hoán cải, xoá bỏ mọi tranh chấp, hận thù cùng dẫn đưa mọi cá nhân, và quốc gia đến việc thực thi tình huynh đệ. Hôm nay, khi cùng chị hướng nhìn lên khuôn mặt của Đức Kito sống lại, ước gì chúng tôi lấy làm của mình lời cầu nguyện tin tưởng phó thác của chị và nói lên với niềm hy vọng vững vàng : “Lạy Chúa Giêsu Con Tín Thác Vào Chúa”

 

Sưu tầm

Nguồn: GX ĐaMinh

Đức Thánh Cha ban ơn toàn xá cho các tín hữu trong Năm Đức Tin

Đức Thánh Cha ban ơn toàn xá cho các tín hữu trong Năm Đức Tin

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 ban ơn toàn xá cho các tín hữu nhân dịp Năm Đức Tin từ ngày 11 tháng 10-2012 đến ngày 24 tháng 11-2013, theo những điều kiện được Tòa Ân Giải thông báo.

Trong Sắc lệnh ký ngày 14 tháng 9-2012 và được Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến hôm 5 tháng 10-2012, Tòa Ân Giải nhắc lại chủ đích của ĐTC khi ấn định Năm Đức Tin nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2 là để ”mời gọi Dân Chúa và các GM toàn thế giới, hiệp với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, tưởng niệm Hồng ân đức tin quí giá trong thời kỳ ân phúc Chúa ban cho chúng ta (Porta fidei, n. 8), để tất cả các tín hữu được cơ hội tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Phục Sinh.. tại các Nhà thờ chính tòa và các thánh đường trên toàn thế giới, tại tư gia và trong gia đình họ, để mỗi người mạnh mẽ cảm thấy nhu cầu am tường hơn và thông truyền cho các thế hệ tương lai đức tin ngàn đời.. Ngoài ra, Năm Đức Tin cũng có mục đích kêu gọi tất cả các tín hữu, riêng rẽ hoặc chung với cộng đoàn, làm chứng công khai về đức tin của mình trước mặt tha nhân trong những hoàn cảnh đặc thù của đời sống thường nhật”.

Sau khi nhắc lại giáo lý của Hội Thánh Công Giáo về ân xá, Sắc Lệnh khẳng định rằng Ơn toàn xá được ban cho các tín hữu để hỗ trợ họ về đàng thiêng liêng trong việc theo đuổi các mục đích nói trên: Giáo Hội dùng quyền quản lý ơn cứu chuộc do Chúa Kitô thực hiện, thông ban cho các tín hữu sự tham phần vào sự sung mãn ấy của Chúa trong cộng đồng hiệp thông của các thánh, cung cấp dồi dào cho họ các phương thế để đạt tới ơn cứu độ”.

Những trường hợp đưc ơn toàn xá

Sau lời dẫn nhập trên đây, Tòa Ân Giải tối cao cho biết trong trọn Năm Đức Tin (11 tháng 10/2012 đến 24 tháng 11/2013), các tín hữu có thể được hưởng ơn toàn xá, tha các hình phạt tạm vì tội lỗi, nhờ lòng từ bi của Chúa, và có thể nhường các ơn này cho các linh hồn nơi luyện ngục, nếu họ thành tâm thống hối, xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha:

1. Mỗi khi họ tham dự ít là 3 bài giảng trong cuộc đại phúc hoặc ít là 3 bài học về các Văn kiện Công Đồng chung Vatican hay và về những khoản trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo, tại bất kỳ nhà thờ nào hoặc tại nơi thích hợp.

2. Mỗi khi họ hành hương tại một Vương Cung Thánh Đường Giáo Hoàng, một hang toại đạo Kitô, một Nhà thờ chính tòa, một nơi thánh do Bản quyền địa phương chỉ định cho Năm Đức Tin, ví dụ các Tiểu Vương cung thánh đường, các Đền Thánh dâng kính Đức Mẹ, các Tông Đồ và các Thánh Bổn mạng) và tham dự tại có một lễ nghi thánh hoặc ít là dừng lại suy niệm một lúc và kết thúc bằng kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính dưới bất kỳ hình thức nào hợp pháp, kêu cầu Đức Trinh Nữ Maria, và các Thánh Tông Đồ hoặc Thánh Bổn mạng, tùy theo trường hợp;
3. Mỗi khi họ tham dự thánh lễ trọng thể hoặc Phụng vụ giờ kinh, kèm theo việc tuyên xưng đức tin, dưới bất kỳ hình thức nào hợp pháp, trong những ngày do Bản quyền địa phương ấn định cho Năm Đức Tin (ví dụ vào những lễ trọng kính Chúa, Đức Mẹ, lễ kính các Thánh Tông Đồ và Bổn mạng, lễ kính Tòa Thánh Phêrô) tại bất kỳ nơi thánh nào.

4. Vào một ngày tín hữu tùy ý chọn lựa, trong Năm Đức Tin, để kính viếng giếng rửa tội hoặc nơi khác, mà họ đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và lập lại những lời hứa khi chịu phép rửa, theo bất kỳ hình thức nào hợp pháp.
Các GM giáo phận, và các vị tương đương theo luật, nhân dịp buổi cử hành chính yếu, ví dụ ngày 24 tháng 11-2013, lễ Chúa Kitô Vua, kết thúc Năm Đức Tin, có thể ban Phép Lành Tòa Thánh với ơn Toàn Xá, cho tất cả các tín hữu thành tâm lãnh nhận Phép Lành này.

Tòa Ân Giải Tối Cao nói thêm rằng ”Những tín hữu thành tâm thống hối và không thể tham dự các lễ trọng vì lý do hệ trọng, như tất cả các nữ đan sĩ sống trong Đan viện kín vĩnh viễn, những người sống ẩn dật, các vị ẩn tu, các tù nhân, người già yếu, bệnh tật, cũng như những người phục vụ tại các nhà thương, bệnh xá, cũng được hưởng ơn Toàn Xá với cùng điều kiện nói trên, nếu tại tư gia hoặc tại nơi mà họ bị ngăn trở, họ hiệp ý với các tín hữu hiện diện, đặc biệt trong những lúc lời ĐTC và các GM giáo phận được truyền hình hoặc truyền thanh, họ đọc Kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính dưới bất kỳ hình thức nào, và các kinh khách phù hợp với mục đích của Năm Đức Tin, dâng những đau khổ và khó khăn trong cuộc sống của họ”. (SD 5-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP  – Viet Vatican

400 người tham dự Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 13

400 người tham dự Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 13

VATICAN. Tổng cộng có 400 người tham dự Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 sẽ tiến hành từ chúa nhật 7 tháng 10 đến 28 tháng 10 tới đây về chủ đề ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô”.

Trong cuộc họp báo sáng ngày 5 tháng 10-2012, Đức TGM Nikola Eterovic, người Croát, Tổng thư ký Thượng HĐGM, cho biết trong số 400 người vừa nói có 262 nghị phụ, con số đông đảo chưa từng có trong lịch sử các Thượng HĐGM. Trong số này có 103 vị từ Âu Châu, 63 từ Mỹ châu, 50 từ Phi châu, 39 từ Á châu và 7 vị từ Úc châu. Có 182 nghị phụ do các HĐGM và Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam bầu lên và được ĐTC phê chuẩn. HĐGM Việt Nam có hai GM đại biểu tham dự là Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, GM Phát Diệm, và Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, GM Phan thiết.

Xét về thứ bậc các nghị phụ có 6 Thượng Phụ, 49 Hồng Y, 3 TGM trưởng của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, 71 TGM, 120 GM và 14 LM.

ĐTC là Chủ tịch của Thượng HĐGM; ngài đã bổ nhiệm 3 vị Hồng y theo lượt thay ngài để chủ tọa các khóa họp, đó là ĐHY Gioan Thang Hán, GM Hongkong, ĐHY Francisco Robles Ortega, TGM Guadalajara bên Mêhicô, và ĐHY Laurent Monsengwo Pasinya, TGM Kinshasa, thuộc Cộng hòa dân chủ Congo.

Vị Tổng tường trình viên của Công nghị này là ĐHY Donald Wuerl, TGM Washington, Hoa Kỳ, và vị Tổng thư ký đặc biệt của Công nghị GM này là Đức Cha Pierre-Marie Carré, TGM giáo phận Montpellier bên Pháp.
Tham dự công nghị còn có 45 chuyên gia và 49 dự thính viên nam nữ. Các chuyên gia gồm các LM, nữ tu và giáo dân, hầu hết là các giáo sư đến từ năm châu, có nhiệm vụ trợ giúp ĐHY Tổng tường trình viên và Đức TGM Tổng thư ký đặc biệt của Công nghị Giám Mục này.

Các dự thính viên có quyền phát biểu nhưng không có quyền bỏ phiếu trong Thượng HĐGM. Trong số các vị có Ông Carl Anderson, người Mỹ, thủ lãnh Hội Hiệp sĩ Colombo, nhiều Bề trên Tổng quyền các dòng tu như dòng các Sư huynh La San, dòng nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta, dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu, dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, chị Maria Voce, Chủ tịch Phong trào Focolare, Tổ Ấm, v.v..

Có các Đại biểu Anh em, đại diện cho 15 Giáo Hội và Cộng đoàn Giáo Hội chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, trong số này đặc biệt có Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ Chính Thống Constantinople kiêm Giáo chủ danh dự chung của toàn Chính Thống giáo, và Đức TGM Rowan Williams, của Giáo phận Canterbury, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo. Hai vị sẽ dự thánh lễ ĐTC chủ sự ngày 11-10 tới đây để khai mạc Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm khai mạc công đồng. Riêng Đức giáo chủ Anh giáo cũng sẽ lên tiếng tại Công nghị.

Sau cùng có 3 vị được mời đặc biệt, đó là thầy Alois, Tu viện trưởng tu viện đại kết Taizé bênPháp, Mục sư Lamar Vest, Chủ tịch Hội Kinh Thánh Hoa Kỳ, và Ông Werner Arber, Giáo sư môn vi sinh học tại Trung tâm Sinh học thuộc đại học Bâle, Thụy Sĩ kiêm Chủ tịch Hàn lâm viện khoa học của Tòa Thánh.

Cũng có 32 LM trợ giúp các nghị phụ và 30 thông dịch viên. Tổng cộng có 400 người dự Thượng HĐGM thế giới thứ 13.

Đức TGM Eterovic cũng nói rằng trong 3 tuần họp, Thượng HĐGM sẽ có 23 phiên khoảng đại và 8 phiên họp nhóm. Ngay trong cuộc họp đầu tiên, các nghị phụ sẽ được phân thành 12 nhóm nhỏ tùy theo ngôn ngữ chính của Công nghị GM này. Các vị sẽ họp để chọn điều hợp viên và tường trình viên của nhóm liên hệ.
Về phương pháp, Đức TGM cho biết mỗi nghị phụ được phát biểu 5 phút trong phiên họp khoáng đại, và trong các phiên họp ban chiều từ 6 đến 7 giờ, mỗi vị không được nói quá 3 phút. Các dự thính viên và đại biểu anh em không được nói quá 4 phút.

G. Trần Đức Anh OP

 

 

Chia s?