Tòa Thánh tham gia Hiệp Ước LHQ chống các tội phạm chống các nhà ngoại giao

Tòa Thánh tham gia Hiệp Ước LHQ chống các tội phạm chống các nhà ngoại giao

NEW YORK. Tòa Thánh tham gia hiệp ước của LHQ về việc phòng ngừa và trừng phạt những tội ác chống lại các nhà ngoại giao.

Văn kiện tham gia của Tòa Thánh đã được Đức TGM Ngoại trưởng Dominique Mamberti nạp nơi ông Tổng thư ký LHQ chiều ngày 26 tháng 9-2012.

Trong thông cáo hôm 27 tháng 9-2012, Phòng báo chí Tòa Thánh giải thích rằng khi thực hiện cử chỉ trên đây, Tòa Thánh tuyên bố muốn góp phần thêm một cách cụ thể vào sự dấn thân của thế giới trong việc phòng ngừa và chống lại các tội phạm chống lại các nhà ngoại giao. Ngoài ra Văn kiện tham gia của Tòa Thánh nhắc nhớ rằng việc thăng tiến các giá trị huynh đệ, công lý và hòa bình giữa con người và các dân tộc là điều được Tòa Thánh đặc biệt quan tâm. Sự tham gia này cũng khẳng định sự chú ý của Tòa Thánh đối với các văn kiện quốc tế về sự cộng tác tư pháp trong vấn đề chống tội ác, như Hiệp ước này là một thí dụ.

Vì thế quyết định tham gia này không những biểu lộ ước muốn của Tòa Thánh cộng tác vào việc bảo vệ thích hợp các nhân viên ngoại giao, trước tiên là các nhân viên của mình và các nhà ngoại giao được ủy nhiệm nơi Tòa Thánh, nhung còn trợ giúp cộng đồng quốc tế duy trì ở mức độ cao sự cảnh giác chống lại những nguy cơ khủng bố.

Sau cùng, đây là một sáng kiến trong khuôn khổ và theo chiều hướng của tiến trình đã được khởi sự từ lâu để thích ứng hệ thống luật pháp của Vatican với các tiêu chuẩn cao nhất của quốc tế nhắm chống lại tệ nạn trầm trọng là các tội ác chống lại các nhà ngoại giao. (SD 27-9-2012)

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Đức Thánh Cha đề cao phụng vụ như trường dạy cầu nguyện

Đức Thánh Cha đề cao phụng vụ như trường dạy cầu nguyện

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 20 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 26 tháng 9-2012, ĐTC Biển Đức 16 đề cao phụng vụ như trường dạy cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa.

Đây là buổi tiếp kiến đầu tiên tại Quảng trường thánh Phêrô từ đầu mùa hè đến nay. Trong bài huấn dụ, ĐTC đã diễn giải về đề tài ”Phụng vụ, trường dạy cầu nguyện: chính Chúa dạy chúng ta cầu nguyện”. Ngài nói:

”Trong những tháng qua, chúng ta đã thực hiện một hành trình dưới ánh sáng Lời Chúa, để học cầu nguyện ngày càng chân thực hơn, bằng cách nhìn đến một số nhân vật chính của Cựu Ước, các thánh Vịnh, các thư thánh Phaolô và Sách Khải Huyền, nhưng nhất là nhìn kinh nghiệm có một không hai và cơ bản của Chúa Giêsu, trong tương quan của Người với Chúa Cha trên trời. Thực vậy, chỉ trong Chúa Kitô, con người mới có thể kết hiệp với Thiên Chúa một cách sâu xa và thân mật như một người con đối với người cha yêu thương, chỉ trong Chúa Kitô chúng ta mới có thể ngỏ lời với Thiên Chúa trong tất cả sự chân thực, gọi Ngài một cách thân mật là là ”Abbà! Ba ơi!”. Cũng như các Tông Đồ, chúng ta đã lập lại trong những tuần qua và hôm nay chúng ta còn thưa với Chúa Giêsu: ”Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1).

Ngoài ra, để học cách sống quan hệ bản thân với Thiên Chúa một cách khẩn trương hơn, chúng ta đã học cách cầu khẩn Chúa Thánh Linh, là hồng ân đầu tiên mà Chúa Phục Sinh ban cho các tín hữu, vì chính Người ”đến nâng đỡ sự yếu đuối của chúng ta: chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho thích hợp” như thánh Phaolô đã nói (Rm 8,26) và chúng ta biết thánh nhân có lý.

Nhưng đến đây, sau một loạt dài các bài giáo lý về việc cầu nguyện trong Kinh Thánh, chúng ta có thể tự hỏi: Làm sao tôi có thể để cho Chúa Thánh Linh huấn luyện và có thể bước vào không khí quyển của Thiên Chúa, cầu nguyện với Thiên Chúa? Đâu là trường học trong đó Người dạy tôi cầu nguyện và đến trợ giúp sự khó khăn vất vả của tôi trong việc ngỏ lời với Thiên Chúa một cách đúng đắn? Trường đầu tiên để học cầu nguyện chúng ta đã trải qua trong những tuần này chính là Lời Chúa, là Kinh Thánh, Kinh Thánh trong cuộc đối thoại trường kỳ giữa Thiên Chúa và con người, một cuộc đối thoại từ từ trong đó Thiên Chúa ngày càng tỏ ra gần hơn. Chúng ta có thể ngày càng biết rõ tôn nhan, tiếng nói, bản chất của Chúa và con người học cách chấp nhận biết Thiên Chúa, nói với Thiên Chúa. Vì thế, trong những tuần này, khi đọc Kinh Thánh, chúng ta đã tìm hiểu từ Kinh Thánh, từ cuộc đối thoại trường kỳ ấy, xem làm sao để tiếp xúc với Thiên Chúa.

Còn một ”môi trường” quí giá khác, một nguồn mạch quí giá khác để tăng trưởng trong việc cầu nguyện, một nguồn nước hằng sống có liên hệ mật thiết với nguồn Kinh Thánh. Tôi muốn nói đó là phụng vụ, là môi trường ưu tiên trong đó Thiên Chúa nói với mỗi người chúng ta, ở đây và trong lúc này, và Ngài chờ đợi câu trả lời của chúng ta.

Phụng vụ là gì?

”Nhưng phụng vụ là gì? Nếu chúng ta mở Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, – vốn là một trợ giúp luôn quí giá và không thể thiếu được mà chúng ta có thể đọc thấy rằng nguyên thủy, từ ”phụng vụ” có nghĩa là ”việc phục vụ của dân và mưu ích cho dân” (n.1069). Khi thần học Kitô giáo lấy lại danh từ này từ thế giới Hy Lạp, chắc chắn là người ta nghĩ đến Dân Mới của Thiên Chúa, được khai sinh bởi Chúa Kitô Đấng đã giang rộng hai tay trên Thánh Giá để nối kết con người trong an bình của Thiên Chúa duy nhất. ”Phục vụ cho dân”, một dân tộc không tự hiện hữu, nhưng được hình thành nhờ Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Thực vậy, Dân Chúa không hiện hữu do những liên hệ máu mủ, lãnh thổ, quốc gia, nhưng luôn phát sinh từ hoạt động của Con Thiên Chúa và từ sự hiệp thông với Chúa Cha mà Chúa Kitô mang lại cho chúng ta.

Ngoài ra, Sách Giáo Lý chỉ rõ rằng ”Trong truyền thống Kitô giáo, từ ”phụng vụ” có nghĩa là Dân Thiên Chúa tham dự vào công trình của Thiên Chúa”, vì Dân Chúa chỉ hiện hữu như là Dân của Chúa nhờ hoạt động của Thiên Chúa. Điều ấy chính sự phát triển của Công đồng chung Vatican 2 đã nhắc nhở chúng ta. Công đồng bắt đầu cách đây hơn kém 50 năm với việc thảo luận lược đồ về phụng vụ thánh. Sau đó Lược đồ này được long trong chấp thuận ngày 4-12-1963 như Văn kiện đầu tiên của Công đồng. Có lẽ một số người cho rằng sự kiện văn kiện về phụng vụ là kết quả đầu tiên của Công đồng là một điều tình cờ. Trong bao nhiêu dự án, văn kiện về phụng vụ dường như là văn bản ít gây tranh luận nhất, và chính vì thế, văn kiện này có thể là một sự tập luyện để học phương pháp làm việc của Công Đồng. Nhưng chắc chắn là, một điều thoạt đầu có vẻ là một sự tình cờ, đã tỏ ra là một sự chọn lựa đúng đắn nhất, kể cả khi xét về phẩm trật các đề tài và nghĩa vụ quan trọng nhất của Giáo Hội. Thực vậy, khi bắt đầu bằng đề tài ”phụng vụ”, Công đồng làm nổi bật một cách rõ ràng quyền tối thượng của Thiên Chúa, chỗ đứng ưu tiên tuyệt đối của ngài. Thiên Chúa đứng trước mọi sự: đó là điều mà chọn lựa của Công đồng muốn nói với chúng ta khi khởi hành từ phụng vụ. Nơi nào cái nhìn về Thiên Chúa không còn có tính chất quan trọng quyết định nữa, thì mọi sự khác sẽ mất hướng đi. Tiêu chuẩn cơ bản đối với phụng vụ là qui hướng về Thiên Chúa, để có thể tham gia vào chính công trình của Chúa.
”Nhưng chúng ta có thể tự hỏi: Đâu là công trình của Thiên Chúa mà chúng ta được mời gọi tham gia? Hiến Chế của Công đồng về phụng vụ thánh mang lại cho chúng ta 2 câu trả lời. Thực vậy, ở đoạn số 5 Công đồng dạy rằng công trình của Thiên Chúa là những hoạt động của Ngài trong lịch sử mang lại cho chúng ta ơn cứu độ, với tột đỉnh ở trong Cái Chết và Sự Sống lại của Chúa Giêsu Kitô; nhưng ở đoạn số 7, Hiến Chế này định nghĩa việc cử hành phụng vụ như ”công trình hoạt động của Chúa Kitô”. Trong thực tế, hai ý nghĩa này liên kết mật thiết với nhau. Nếu chúng ta tự hỏi ai cứu cuộc thế giới và con người, thì câu trả lời duy nhất là: Đức Giêsu thành Nazareth, là Chúa và là Đức Kitô, chịu đóng đanh và sống lại. Và Mầu Nhiệm Sự Chết và Sống lại của Chúa Kitô mang lại ơn cứu độ cho tôi được hiện thực hóa ở đâu? Thưa là ở trong hoạt động của Chúa Kitô qua Giáo Hội, trong phụng vụ, đặc biệt là trong Bí Tích Thánh Thể, làm cho hy tế của Con Thiên Chúa Đấng cứu chuộc chúng ta, được hiện diện; trong Bí tích Hòa giải, trong đó con người đi từ cái chết vì tội lỗi đến sự sống mới; và trong các hành vi bí tích khác thánh hóa chúng ta (Xc .O 5). Như thế, Mầu Nhiệm Vượt Qua với Cái Chết và Sự Sống lại của Chúa Kitô chính là trung tâm thần học phụng vụ của Công đồng.

Chúng ta hãy tiến thêm một bước và tự hỏi: sự hiện tại hóa Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô có thể diễn ra thế nào? Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, đã viết như sau nhân dịp kỷ niệm 25 năm Hiến Chế Thánh Công Đồng (Sacrosanctum Concilium): ”Để hiện tại hóa Mầu Nhiệm Vượt Qua, Chúa Kitô luôn hiện diện trong Giáo Hội của Ngài, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Vì thế, Phụng vụ là nơi ưu tiên để các tín hữu Kitô gặp gỡ Thiên Chúa và với Đấng mà Ngài sai đến, là Chúa Giêsu Kitô (Xc Ga 17,3)” (Vecesimus quintus annus, n.7). Theo cùng chiều hướng ấy chúng ta đọc trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo: ”Mỗi việc cử hành bí tích là một cuộc gặp gỡ của con cái Thiên Chúa với Chúa Cha, trong Chúa Kitô và Chúa Thánh Linh, và cuộc găp gỡ ấy được diễn tả như một cuộc đối thoại, qua những hành động và lời nói” (n. 1153). Vì thế điều kiện đầu tiên để cử hành phụng vụ tốt đẹp là làm sao để việc cử hành này là cầu nguyện và đối thoại với Thiên Chúa, nhất là lắng nghe và đáp lại”.
ĐTC đặc biệt nhắc đến lời mời gọi của vị chủ tế trong thánh lễ trước kinh Tiền Tụng: ”Sursum corda”, chúng ta hãy nâng tâm hồn lên khỏi những mớ tơ vò của những bận tâm của chúng ta, những mong ước, lo lắng, sự chia trí của chúng ta. Con tim chúng ta, chính thẳm sâu tâm hồn chúng ta phải mở rộng ngoan ngoãn đối với Lời Chúa và mặc niệm trong kinh nguyện của Giáo Hội, để được qui hướng về Thiên Chúa nhờ chính những lời được nghe và nói. Cái nhìn của tâm hồn phải hướng về Chúa, Đấng đang ở giữa chúng ta: đó là thái độ cơ bản phải có.

Khi chúng ta sống phụng vụ với thái độ căn bản như thế, tâm hồn chúng ta như được đưa khỏi sức hút của trọng lực lôi chúng ta xuống, để nâng tâm hồn lên cao, lên cùng sự thật và tình thương, hướng về Thiên Chúa.
Và ĐTC kết luận rằng: ”Các bạn thân mến, chúng ta chỉ cử hành và sống phụng vụ một cách tốt đẹp nếu chúng ta ở trong thái độ cầu nguyện, nếu chúng ta không muốn làm cái gì đó, tỏ cho người ta thấy chúng ta, hành động mà thôi, nhưng chúng ta muốn hướng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa và ở trong tư thế cầu nguyện, kết hiệp với Mầu Nhiệm Chúa Kitô và cuộc đối thoại của Chúa Con với Chúa Cha. Chính Chúa dạy chúng ta cầu nguyện, như thánh Phaolô đã quả quyết (Rm 8,26). Chính Chúa ban cho chúng ta những lời thích hợp để hướng về Chúa, những lời mà chúng ta gặp trong sách Thánh Vịnh, trong những đại kinh nguyện của Phụng vụ và trong việc cử hành thánh lễ. Chúng ta hãy cầu xin Chúa bản cho chúng ta ngày càng ý thức hơn điều này: Phụng vụ chính là hoạt động của Thiên Chúa và con người; kinh nguyện trào dâng từ Thánh Linh và từ chún gta, hoàn toàn hướng về Chúa Cha, trong niềm kết hiệp với Con Thiên Chúa làm người (Xc Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, n.2564)
Sau bài giáo lý trên đây, như thường lệ tên của các phái đoàn đã được giới thiệu lên ĐTC, bắt đầu là các nhóm nói tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha và các thứ tiếng khác.

Khi nói bằng tiếng Ý, ĐTC chào thăm 110 nữ tu dòng thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm và các nữ tu dòng Cát Minh Thừa Sai đang nhóm tổng tu nghị. Ngài khích lệ các chị tiếp tục theo đuổi sứ mạng rao giảng Tin Mừng trong niềm trung thành với đoàn sủng của các vị sáng lập dòng.

G. Trần Đức Anh OP

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử

 

Sinh nhật thứ 100 của thi sĩ Công giáo Hàn Mạc Tử gắn kết các nhà thơ Công giáo trên toàn quốc và mở ra tương lai hứa hẹn cho nền thơ văn Công giáo Việt Nam.

Khoảng 60 tham dự viên, phần lớn là các nhà thơ đến từ 12 giáo phận trong nước và nước ngoài, đã tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ Hàn Mạc Tử 22/9/1912-22/9/2012 tại Chủng viện Quy Nhơn ở thành phố Quy Nhơn hôm 21-22/9.

Sự kiện này do Câu lạc bộ Sáng tác thơ văn Công giáo đồng xanh thơ Quy Nhơn tổ chức.

“Sự kiện này là cơ hội cho các nhà thơ Công giáo Việt Nam gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm sáng tác thơ ca Công giáo với nhau.

Đây là lần đầu tiên các nhà thơ quy tụ lại với nhau vì rất nhiều người chưa một lần gặp nhau” – linh mục Gioan Phêrô Võ Tá Khánh, trưởng ban tổ chức, cho biết.

Ngoài việc hàn huyên tâm sự, ngâm thơ và hát những bài hát được phổ nhạc từ thơ của Hàn Mạc Tử, các tham dự viên còn hành hương về lại những căn nhà, lối xóm mà cố thi sĩ tài hoa đã sống và qua đời ở đất Quy Nhơn như nhà số 20 Khải Định nay là đường Lê Lợi, xóm Tấn, xóm Động, xóm Bàu, Ghềnh Ráng và trại phong Quy Hòa.

Cụ Trương Hồ, 82 tuổi, kể lại những kỷ niệm hồi nhỏ cụ nhìn thấy cố thi sĩ trong thời gian cố thi sĩ lánh bệnh tại nhà bà con ở xóm Bàu, Gò Bồi. Cụ và bọn trẻ ngày ấy bỏ đọc kinh tối để kéo nhau đi xem “ông phung” vì tò mò, sau này lớn lên cụ hiểu căn bệnh này là gì và đã xin lỗi cố thi sĩ và người thân về sự dại dột của tuổi thơ.

Trong đoàn có chị Nguyễn Hoàn Mỹ Lộc là ái nữ của tác giả Nguyễn Bá Tín, gọi nhà thơ Hàn Mạc Tử bằng bác, và chị Hoàng Kim Mỹ Phượng gọi nhà thơ bằng ông, là cháu ngoại người chị thứ ba của Hàn Mạc Tử là bà Như Nghĩa.

Đoàn hành hương cũng ghé thăm Gò Thị, mộ Thánh Anrê Kim Thông, nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu, đền Vĩnh Thạnh kính Thánh giám mục Stêphanô Thể và đài kỷ niệm Nước Mặn, cái nôi của chữ Quốc ngữ.

Cha Khánh cho biết Ban mục vụ văn hóa và truyền thông giáo phận Quy Nhơn đã phát động Giải viết văn đường trường mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng được rao giảng tại Quy Nhơn (1618-2018).

Cuộc thi, nhằm đào tạo cho Giáo hội những cây bút văn xuôi, giới hạn vào hai thể loại truyện ngắn và kịch bản.

Mừng 100 năm ngày sinh của Hàn Mạc Tử, Cha Khánh cũng phát hành bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo (bốn tập), tập hợp những bài thơ của 140 tác giả Công giáo và của Hàn Mạc Tử.

Hiện nay chỉ còn 106 tác giả còn sống.

Ngài nói bộ sưu tập được giới thiệu rộng rãi cho mọi người, nhất là người ngoài Công giáo và những ai quan tâm đến thơ ca Việt Nam như là cách chuyển tải các giá trị Tin Mừng cho họ qua thơ ca.

Ngài dự định sẽ tiếp tục sưu tập thơ ca của những tác giả Công giáo khác trong thời gian tới để phát hành nhằm gìn giữ kho tàng thơ ca Công giáo Việt Nam.

Tiểu sử Hàn Mạc Tử:

Hàn Mạc Tử tên thật Phanxicô Assisi Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912 tại giáo xứ Tam Tòa, tỉnh Quảng Bình.

Ông học tiểu học ở Quảng Ngãi 1924-1926 trước khi vào Quy Nhơn cùng mẹ, ông học trung học ở Huế năm 1928-1930 và lãnh Bí tích thêm sức tại nhà thờ Quy Nhơn (nay là tòa giám mục Quy Nhơn) năm 1933.

Sau khi vào Sài Gòn làm báo năm 1934, ông in tập Gái Quê năm 1936 và về Quy Nhơn chữa bệnh. Ông hoàn thành tập Thơ Điên năm 1938, và năm sau, sáng tác Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội.

Ông qua đời ngày 11-11-1940 tại Quy Hòa.

UCANVIETNAM

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa nhật 23-9-2012

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa nhật 23 tháng 9-2012

CASTEL GANDOLFO. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng ngàn tín hữu hành hương trưa chúa nhật 23 tháng 9-2012 tại Castel Gandolfo, ĐTC Biển Đức 16 đã kêu gọi các tín hữu luôn chống lại sự kiêu ngạo và thanh tẩy, trở về cùng Thiên Chúa.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài giải thích về bài Tin Mừng chúa nhật thứ 25 thường niên năm B và đặt đoạn này trong bối cảnh các đoạn Tin Mừng theo thánh Marco qua đó, trong cuộc hành trình cuối cùng lên thành Jerusalem, Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của ngài, và nhắn nhủ các môn đệ hãy có thái độ khiêm tốn, loại bỏ thái độ kiêu ngạo lo tìm chỗ nhất.. ĐTC nói:

Anh chị em thân mến,
Trong hành trình của chúng ta với Tin Mừng theo thánh Marco, chúa nhật tuần trước chúng ta đã đi vào phần hai, tức là hành trình cuối cùng của Chúa Giêsu hướng về thành Jerusalem và tiến đến tột đỉnh sứ mạng của Ngài. Sau khi thánh Phêrô, nhân danh các môn đệ khác, tuyên xưng niềm tin nơi Chúa, nhìn nhận Ngài là Đức Kitô (Xc Mc 8,29), Chúa Giêsu bắt đầu nói công khai về những gì sau cùng sẽ xảy ra cho Ngài. Thánh sử Tin Mừng lần lượt thuật lại 3 lời tiên báo về cái chết và sự sống lại của Chúa ở chương 8,9 và 10: qua những lời đó, Chúa Giêsu loan báo ngày càng rõ ràng vận mệnh đang chờ đợi Ngài và sự cần thiết nội tại của những điều ấy. Đoạn Tin Mừng chúa nhật hôm nay chứa đựng lời loan báo thứ hai. Chúa Giêsu nói: ”Con Người – một kiểu nói Ngài dùng để chỉ chính Ngài – sẽ bị giao nộp trong tay loài người và họ sẽ giết Người; nhưng một khi bị giết, Người sẽ sống lại sau 3 ngày” (Mc 9,31). Nhưng các môn đệ ”không hiểu những lời ấy và họ sợ không dám hỏi Ngài” (v.32).

Thực vậy, khi đọc phần trình thuật này của thánh Marco, người ta thấy rõ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ có một sự cách biệt nội tâm sâu xa; có thể nói là cả hai ở những tần số khác nhau, vì thế các bài diễn văn của Thầy không được các môn đệ hiểu hoặc chỉ được hiểu một cách hời hợt. Thánh Phêrô Tông Đồ, ngay sau khi biểu lộ niềm tin nơi Chúa Giêsu, đã dám trách cứ Chúa vì Người đã loan báo sẽ bị phủ nhận và giết chết. Sau lời loan báo thứ hai về cuộc khổ nạn, các môn đệ bắt đầu thảo luận xem ai là người lớn nhất trong số họ (Xc Mc 9,34) và sau lần loan báo thứ ba, Giacôbê và Gioan đã xin Chúa Giêsu cho được ngồi bên tả và bên hữu Ngài, khi Ngài ở trong vinh quang (Xc Mc 10,35-40). Nhưng cũng có những dấu hiệu khác cho thấy sự xa cách này: chẳng hạn, các môn đệ không chữa lành được một cậu bé bị bệnh động kinh, sau đó Chúa chữa cậu bé bằng sức mạnh của lời cầu nguyện (Xc Mc 9,14-29); hoặc khi các trẻ em được giới thiệu với Chúa Giêsu, các môn đệ đã khiển trách các em, trái lại Chúa Giêsu thịnh nộ, cho các em được ở lại, và khẳng định rằng chỉ có ai giống như các trẻ em, thì mới được vào Nước Thiên Chúa (Xc Mc 10,13-16).

ĐTC đặt câu hỏi: ”Tất cả những điều ấy nói gì với chúng ta? Những sự kiện ấy nhắc nhớ cho chúng ta rằng tiêu chuẩn hành động của Thiên Chúa luôn khác với tiêu chuẩn của chúng ta, như chính Thiên Chúa đã biểu lộ qua miệng ngôn sứ Isaia: ”Tư tưởng của Ta không phải như tư tưởng của các ngươi, con đường của các ngươi không phải là con đường của Ta” (Is 55,8). Vì thế, việc theo Chúa luôn đòi con người phải có sự hoán cải sâu xa, một sự thay đổi lối suy nghĩ và sống, đòi phải mở rộng con tim lắng nghe để được soi sáng và biến đổi trong nội tâm. Một điểm then chốt trong đó Thiên Chúa và con người khác biệt nhau, chính là sự kiêu ngạo: nơi Thiên Chúa không có sự kiêu ngạo, vì Ngài là sự sung mãn trọn vẹn và tất cả đều hướng và sự yêu thương và ban sự sống; trái lại nơi con người chúng ta, kiêu ngạo ăn rễ sâu và vì thế chúng ta phải luôn cảnh giác và thanh tẩy. Tuy là bé nhỏ, nhưng chúng ta lại khao khát được coi là cao cả, được chiếm chỗ nhất, trong khi Thiên Chúa không do dự hạ mình xuống, trở nên người rốt cùng.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúng ta hãy tín thác cầu khẩn Mẹ Maria, Mẹ là Đấng hoàn toàn sống hợp với Thiên Chúa, xin Mẹ dạy chúng ta trung thành theo Chúa Giêsu trên con đường yêu thương và khiêm tốn.

Sau khi ban phép lành cho mọi người, bằng tiếng Ý, ĐTC nhắc đến lễ phong chân phước cho cha Louis Brisson tại thành phố Troyes bên Pháp hôm thứ bẩy 22-9 vừa qua. Ngài nói: ”Cha Brisson sống vào thế kỷ 19, sáng lập hai dòng các nữ tu và nam tu Hiến sinh thánh Phanxicô đệ Salê. Tôi vui mừng hiệp ý cảm tạ Chúa với cộng đoàn giáo phận Troyes và tất cả các con cái thiêng liêng, nam và nữ, của vị Tân Chân Phước”.

Và như thường lệ ĐTC đã chào thăm các tín hữu hành hương bằng các thứ tiếng và đưa ra những lời nhắn nhủ ngắn. Bằng tiếng Pháp, ngài nói: ”Các tín hữu hành hương nói tiếng Pháp quí mến, tôi chân thành cám ơn anh chị em đã tháp tùng bằng lời cầu nguyện sự thành công tốt đẹp của Tông du của tôi tại Liban, và mở rộng đến toàn vùng Trung Đông. Xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho các tín hữu Kitô ở Trung Đông, cho hòa bình và cuộc đối thoại thanh thản giữa các tôn giáo. Hôm qua, tôi đã hiệp ý trong tinh thần với niềm vui của các tín hữu giáo phận Troyes, tập họp để tham dự lễ phong chân phước cho cha Louis Brisson, vị sáng lập dòng các hiến sinh, nam và nữ, của thánh Phanxicô đệ Salê. Ước gì tấm gương của vị chân phước mới soi sáng cuộc sống của anh chị em! Người đã nói: ”Tôi cần Thiên Chúa, đó là một sự đói khát dày vò tôi”. Giống như cha Brisson, anh chị em hãy học đói khát Thiên Chúa và không ngừng chạy đến cùng Chúa với niềm tín thác”.

ĐTC vui mừng chào đón các nữ tu từ nhiều quốc gia đến Học viện thừa sai Mẹ Giáo Hội (Mater Ecclesiae) ở Castel Gandolfo để theo học, trong đó có một số nữ tu Việt Nam. Ngài cầu chúc cho các chị được một năm huấn luyện và đời sống cộng đoàn trong thanh thản và được nhiều thành quả.

ĐTC cũng thân ái chào thăm các thành viên Liên đoàn toàn quốc các nông dân trực canh ở Italia, gọi là Coldiretti. Ngài nói: ”Các bạn thân mến, tôi đánh giá cao sự dấn thân của các bạn trong việc bảo tồn thiên nhiên và cám ơn anh chị em vì các món quà.”
Các nông dân này đã mang tặng ĐTC một số nông phẩm được sản xuất hợp với môi sinh, như khoai tím, cà tím, táo xám, cà chua, nho, v.v.

G. Trần Đức Anh OP
 

 

Giám Mục Kevin Vann thay thế ĐGM Tod D. Brown cai quản giáo phận Orange, nam California.

Giám Mục Kevin Vann thay thế ĐGM Tod D. Brown cai quản giáo phận Orange, nam California.

Orange 22/09/2012.-Tin từ Tòa Thánh Vatican hôm nay cho biết ĐTC Bênêđictô XVI đã nhận đơn xin từ nhiệm của Đức Giám Mục Tod Brown, 75 tuổi, của giáo phận Orange, nam California và bổ nhiệm ĐGM Kevin Vann đang cai quản giáo phận Forth Worth, Texas về thay thế Giám Mục Tod Brown. Đây là vị Giám Mục thứ hai tại tiểu bang Texas được Đức Thánh Cha bổ nhiệm về cai quản giáo phận nam California

ĐGM Kevin Vann năm nay 61 tuổi từng cai quản giáo phận Forth Worth từ năm 2005.Ngài sinh tại Springfield, Illinois năm 1951, thụ phong Linh Mục năm 1981, đậu Tiến Sĩ Giáo Luật năm 1985 tại Viện Đại Học St Thomas ở Roma. Ngài từng giữ các chức vụ: Phó Xứ, Chánh Xứ, thành viên tòa án của giáo phận Springfield

Người Công Giáo cũng như không Công Giáo vùng bắc Texas rất cảm phục nhân cách của ĐGM Vann

Ngày 10 tháng 12 năm 2012, ĐGM Vann sẽ chính thức nhận chức Giám Mục cai quản giáo phận Orange. Dân số của toàn giáo phận Orange là 3.2 triệu người trong đó 41% tức 1.3 triệu là người Công Giáo

Tưởng cũng nên nói thêm, giáo phận Orange có số giáo dân Việt Nam đông nhất tại Hoa Kỳ.

VietCatholic

(Xin xem thơ từ Tòa Giám Mục Fort Worth, TexasLetter from Diocese of Fort Worth )

 

 

TUẦN TIN CÔNG GIÁO Từ 09-17 đến 09-23-2012

TUẦN TIN CÔNG GIÁO Từ 09-17 đến 09-23-2012

Trích từ Xuân Bích VN

CÁC CHUYÊN GIA BÁC BỎ « CHỨNG CỨ » MỚI RẰNG CHÚA GIÊSU ĐÃ KẾT HÔN.

GM Williamson sẽ bị khai trừ khỏi SSPX?

-Chính phủ Pháp dự tính « bình đẳng » đối với hôn nhân đồng tính.

Giới chức Châu Âu nhắm thu thuế trên các bất động sản của Giáo Hội.

-Những thách đố của Phi Châu dưới ánh sáng học thuyết xã hội của Giáo Hội.

Bổ nhiệm mới.

Xét xử vụ án Vatileaks.

Giám mục phụ tá Berchier trao thư uỷ nhiệm cho 06 phụ tá lễ an táng.

TGP ở Anh cho phép việc an táng cho giáo dân cầm đầu..

Giáo sĩ Hồi giáo mạo phạm Kinh Thánh.

Thường gặp sự thờ ơ hơn là thù nghịch với đức tin.

Giới hạn phân tích DNA không ngừng lùi xa.

Thành lập các “uỷ ban nhân dân” có vũ trang về phía các Kitô hữu.

Phim tài liệu về Công Đồng Vatican II.

Đa thê, loạn luân có thể theo sau việc hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính.

Thượng phụ thứ ba của Phi Châu xuất hiện hoàn toàn bất ngờ.

Tăng số lượng Thánh Lễ theo Hình thức đặc biệt.

Phép lạ Thánh Januarius lập lại: Máu hoá lỏng.

Thượng phụ Bartholomaios I và TGM Rowan Williams đến Roma.

Thượng hội đồng sẽ xem xét khi nào các Kitô hữu có thể cùng rao giảng chung.

Quốc hội Hoa Kỳ gia hạn chương trình [cấp] chiếu khán cho những nhà hoạt động tôn giáo người nước ngoài.

  (  Xem chi tiết . . . TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO 09-17 đến 09-23-2012 )

 

 

NGƯỜI LÀM LỚN

NGƯỜI LÀM LỚN

Trong xã hội loài người, ít ai chọn cái cực khổ, bần hàn, thấp kém. Người ta lo tranh giành cái sung sướng, lợi lộc, vinh hoa. Ai lại thèm khát chức quyền là vì mưu cầu lợi ích quốc gia ? Ai lại ra công tìm cho mình một chiếc ghế ông lớn vì mong muốn làm cho đất nước giàu mạnh ? Ai lại dùng đủ mọi xảo thuật gian tà tranh giành một địa vị quan trọng vì nghĩ đến chuyện ấm no hạnh phúc của toàn dân ?

Con số những người lãnh đạo đất nước giữ được lòng công chính may ra đếm được trên đầu ngón tay. Bởi vì, quyền lực và tài sản công của đất nước luôn cám dỗ đức công chính của người lãnh đạo. Điều đó càng hiển nhiên hơn trong những xã hội không muốn biết đến Thiên Chúa và Đức Công Chính của Người. Đức Công Chính của Thiên Chúa vẫn còn réo gọi trong lương tâm họ, nhưng họ không muốn nghe theo, vì nghe theo Đức Công Chính thì đành bỏ mất cơ hội kiếm chác – bất hợp pháp cách nào cũng làm cho thành hợp pháp !

Chuyện này không phải mới hôm nay, mà đã từ ngàn xa xưa trước, không chỉ ở đất nước này, mà là khắp nơi. Bất kỳ ai làm người cũng đều bị Satan cám dỗ thèm khát quyền lực, thèm khát bả vinh hoa phú quí. Nếu không chiến thắng nổi cơn cám dỗ ấy, có nghĩa là phải quy phục Satan, biến thành kẻ gian ác và làm theo lệnh của nó: chống lại, bức bách, hãm hại người công chính. Bởi vậy, sách Khôn Ngoan viết rằng: “Những kẻ gian ác nói: “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật” (Kn 2, 12 ).

Từ xưa đến nay, chuyện thanh trừng nhau giành chỗ ông lớn ngay trong một đảng phái chính trị không phải là hiếm hoi, nhưng lại là chuyện thường ngày như chuyện xử nhau của bọn giang hồ, dao búa, hoặc của những kẻ vô học, hoặc của những tên có chữ mà không có nghĩa ! Chuyện hãm hại nhau trên thương trường cũng nhan nhãn đến mức giết người không gớm tay. Tất cả đều bắt nguồn từ tham vọng bảo vệ và phát triển cái vốn liếng bất lương mà ma quỷ đã ban cho. Chuyện thanh trừng nhau bỗng rộ lên từ bí mật đến công khai vào những lúc tranh sáng tranh tối, lúc một mất một còn của một chính thể. Thật đáng quí, đáng kính nể những người có lương tâm ngay thẳng, có tiếng nói thật thà, có ước nguyện đả phá cái bất công và xây dựng sự công chính ngay trong những guồng máy gian tà. Họ bị trù dập, cách chức hoặc bi hãm hại, bị ám sát vì lẽ công chính. Họ là người công chính, chung số phận với Chúa Giê-su như sách khôn khoan đã nói: “Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó” (Kn 2, 19 – 20).

Từ chuyện làm lớn trong xã hội, đến chuyện làm lớn trong làng xóm, trong gia đình cũng không khác là bao. Ai làm ông thôn, ông xóm, ai có tiền hơn, giàu có hơn, là có quyền thế hơn, “miệng có gang có thép” hơn, được nể nả hơn và có thể xem người khác chẳng ra gì. Vợ chồng tranh nhau quyền làm chủ gia đình. Ai làm ra kinh tế thì mặc nhiên có quyền bính hơn, coi thường lấn lướt người kia. Cả con cái, đến lúc ổn định cuộc sống rồi, khấm khá rồi, nên ông kia, nên bà nọ rồi, nhìn cha mẹ già như một gánh nặng, một món nợ đời. Ai phục vụ ai ?

Có vẻ như người ta đang đánh mất dần ý nghĩa “Phục Vụ” nhau, mất dần “Đức Công Chính” trong cuộc sống hôm nay, từ trong gia đình đến xã hội, thậm chí cả trong các sinh hoạt của Giáo Hội !

Chúa Giêsu đến trong xã hội loài người để tái lập một nền Công Chính của Nước Thiên Chúa bằng việc Thiên Chúa nêu gương phục vụ cho con người, để con người biết phục vụ nhau cách trân trọng nhất.

Trong trang Tin Mừng hôm nay, các môn đệ, những người gần gũi nhất với Chúa Giêsu cũng không hiểu ý định yêu thương, khiêm tốn phục vụ, sống vì hạnh phúc tha nhân của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Những tưởng, theo ông Giêsu tài phép này chắc chắn cũng sẽ tìm được một chỗ đứng, một vị trí trên hàng chóp đỉnh quyền lực và danh vọng của đất nước Do Thái. Bởi vậy mới có chuyện họ tranh luận với nhau xem ai cao trọng hơn ai, ai làm lớn hơn ai, ai sẽ vào bộ chính trị, ai giữ bộ tài chính, ai nắm ngoại thương… Nhưng không ngờ Chúa Giêsu cảnh tỉnh họ hãy bỏ ngay cái ý tưởng ám muội của loài người ấy đi, vì đối với Thiên Chúa thì: “Ai muốn làm lớn nhất, hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (Mc 9, 35).

Chúa Giêsu đã dạy như thế và đã sống trọn cuộc đời như thế. Người đời, dùng chân lý này làm chiêu bài lừa bịp với khẩu hiệu rằng: “Lãnh đạo là đầy tớ nhân dân”, “Cán bộ là đầy tớ nhân dân”. Nói như thế, nhưng chẳng bao giờ làm như thế. Ai đầy tớ ai ? Ai phục vụ ai ?

Còn chúng ta thì sao ?

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” hẳn phải là kim chỉ nam cho tất cả mọi tín hữu trong đời sống Đức Tin và đời sống Giáo Hội, là kim chỉ nam cho mọi thành phần trong Giáo Hội. Trong chuyến viếng thăm Liban ngày 16-9-2012 vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêdictô 16 nói: “Một đòi hỏi khẩn thiết đối với Giáo Hội là phục vụ và, đối với các tín hữu Kitô, là phải trở thành những người phục vụ đích thực theo hình ảnh Chúa Giêsu. Phục vụ là một yếu tố nền tảng trong căn tính các môn đệ của Chúa Kitô (Xc Ga 13,15-17)

Những con người bị cho là cùng đinh, thấp bé nhất dưới cái nhìn xã hội không thể cũng bị xem là cùng đinh thấp bé nhất dưới cái nhìn của Giáo Hội. Giáo Hội của Chúa Kitô nhìn loài người, nhìn vạn vật với con mắt Chúa Kitô. Bao lâu trong Giáo Hội chúng ta, kẻ bề trên bề dưới, nhìn nhau với con mắt xác thịt loài người, con mắt cao, con mắt thấp, thì bấy lâu, chưa thực sự là Giáo Hội Chúa Kitô. Tiếng nói của Dân Chúa chưa hẳn là tiếng nói của những người đại diện Dân Chúa, nếu những người đại diện ấy chưa muốn lắng nghe, chưa ghi nhận tiếng nói của những kẻ cùng đinh, thấp bé nhất, ít học nhất trong Giáo Hội để quan tâm đáp ứng.

Là Tín Hữu Chúa Giêsu, là môn đệ Chúa Giêsu hẳn phải là người chung số phận với Chúa Giêsu: số phận của người công chính, số phận của những đầy tớ phục vụ anh em, số phận những người nhẫn nai chịu nhục mạ, chịu kết án, chịu đóng đinh và chịu chết vì sự Công Chính của Nước Thiên Chúa. Như vậy, số phận của Kitô hữu đã đành rành: được sinh ra, sống yêu thương phục vụ mọi người, làm chứng cho Đức Công Chính của Thiên Chúa, cùng chết với Đức Kitô, cùng sống lại với Người.

Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần gìn giữ chúng ta đừng bị vướng vào bẫy của Satan, để rồi tranh nhau cao thấp mà quên việc chính của chúng ta ở đời là phục vụ cách trân trọng nhất. Đừng vì muốn làm ông lớn mà “ganh tị và cãi vã, sinh ra hỗn độn và đủ thứ tệ đoan”, nhưng hãy làm người phục vụ như Chúa Giêsu đã yêu thương khiêm tốn phục vụ. Thánh Giacôbê nói, đó là “sự khôn ngoan từ Trời xuống, trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình” (Gc 3, 16 – 4, 3).

Lạy Chúa, xin cho Lời Ngài thức tỉnh những ai đang tranh giành quyền lực biết theo gương Ngài mà phục vụ nhân loại các chân thành. Xin cho mọi người trong Giáo Hội biết phục vụ nhau cách trân trọng nhất, nhất là đối với những người thấp bé cùng đinh. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến các dân biểu Dân Chủ Kitô

Đức Thánh Cha tiếp kiến các dân biểu Dân Chủ Kitô

CASTEL GANDOLFO. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 22 tháng 9-2012 dành cho 110 tham dự viên khóa họp của Ban Chấp Hành phong trào Dân Chủ Kitô quốc tế, ĐTC tái kêu gọi bảo về gia đình và bênh vực sự sống con người.

Trong số những người hiện diện, có nhiều vị Đại biểu quốc hội đến từ các nước năm châu. Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc đến nhiều lập trường mà ngài gọi là ”ồn ào, nhắm mang lại những câu trả lời vội vã, hời hợt, ngắn hạn cho các nhu cầu căn bản và sâu xa của con người”. Tình trạng này làm cho người ta nghĩ đến lời cảnh giác của thánh Phaolô về thời đại mà ”người ta không còn chịu được đạo lý lành mạnh nữa.. và tự coi mình là thầy dạy, theo sở thích hay thay đổi của mình, từ chối lắng nghe chân lý, để đi lạc theo những huyền thoại” (2 Tm 4,3).

Trong bối cảnh xã hội như thế, ĐTC kêu gọi thực hiện sự phân định cần thiết, trong những lãnh vực sinh tử của con người: ”sự tôn trọng sự sống trong mọi giai đoạn, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chấm dứt tự nhiên – với những hệ luận là từ chối phá thai, làm cho chết êm dịu và chọn giống người tốt. Các nghĩa vụ này liên hệ tới nghĩa vụ phải tôn trọng hôn nhân, như một sự kết hiệp bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, như nền tảng của cộng đoàn đời sống gia đình. Chính trong gia đình, dựa trên hôn nhân và cởi mở đối với sự sống mà con người cảm nghiệm được sự chia sẻ, sự tôn trọng và yêu thương nhưng không, đồng thời nhận được tình liên đới cần thiết, từ lúc còn là hài nhi cho đến khi bệnh tật, và tuổi già”.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng: ”Một sự tiến bộ đích thực của xã hội loài người không thể tách rời khỏi những chính sách bảo vệ và thăng tiến hôn nhân và cộng đoàn nảy sinh từ đó; những chính sách mà không những các quốc gia nhưng cả cộng đồng quốc tế có nhiệm vụ đề ra, để đảo ngược xu hướng ngày càng làm cho cá nhân bị cô lập, là nguồn mạch đau khổ và khô cằn cho cá nhân và chính cộng đoàn”.

ĐTC nhắc nhở rằng trách nhiệm như vừa nói trên đây đặc biệt là của những người nắm giữ vai trò đại diện. Được đức tin linh hoạt, họ có khả năng thông truyền cho các thế hệ tương lai những lý do để sống và hy vọng (GS 31).
Đầu buổi tiếp kiến, Ông Pier Ferdinando Casini, Đại biểu quốc hội Italia, thuộc Đảng UDC, Liên minh Phe Trung, cựu Chủ tịch Hạ viện Italia, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC. (SD 22-9-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Bổ nhiệm 45 chuyên viên và 49 dự thính viên Thượng HĐGM

Bổ nhiệm 45 chuyên viên và 49 dự thính viên Thượng HĐGM

VATICAN. Hôm 22 tháng 9-2012, với sự chấp thuận của ĐTC Biển Đức 16, Đức TGM Nikola Eterovic, Tổng thư ký Thượng HĐGM, đã bổ nhiệm 45 chuyên viên và 49 dự thính viên tham dự Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 sẽ tiến hành tại Roma từ ngày 7 đến 28-10 tới đây về đề tài ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin”.

Các chuyên viên gồm các LM, nữ tu và giáo dân, hầu hết là các giáo sư đến từ năm châu trong đó có 2 người Á châu (Philippines và Hong Kong), có nhiệm vụ trợ giúp ĐHY Tổng tường trình viên và Đức TGM Tổng thư ký đặc biệt của Công nghị Giám Mục này.

Các dự thính viên, gồm LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân, có quyền phát biểu nhưng không có quyền bỏ phiếu trong Thượng HĐGM. Trong số các vị có Ông Carl Anderson, người Mỹ, thủ lãnh Hội Hiệp sĩ Colombo, nhiều Bề trên Tổng quyền các dòng tu như dòng các Sư huynh La San, dòng nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta, dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu, dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, chị Maria Voce, Chủ tịch Phong trào Focolare, Tổ Ấm, v.v.. Có 6 vị người Á châu là Ấn độ (2), Nhật bản, Đại Hàn , Siria (2) (SD 22-9-2012)

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Đức Thánh Cha hỗ trợ các Giám Mục bênh vực gia đình

Đức Thánh Cha hỗ trợ các Giám Mục bênh vực gia đình

CASTEL GANDOLFO. Trong buổi tiếp kiến 32 GM Pháp sáng 21 tháng 9-2012, ĐTC bênh vực sự sống và gia đình đang bị đe dọa trong xã hội.

Chính phủ thuộc đảng xã hội tại Pháp hiện nay đang xúc tiến việc ban hành luật công nhận hôn nhân đồng phái và một số hình thức làm cho chết êm dịu. Nhiều người phê bình lập trường chống đối của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh vực này là ”lạc hậu”.

Ngỏ lời với các GM Pháp thuộc đoàn thứ I trong số 3 đoàn lần lượt về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, ĐTC nhận xét rằng ”gia đình, vốn là nền tảng đời sống xã hội, đang bị đe dọa tại nhiều nơi, do một quan niệm thiếu sót về bản tính con người. Bảo vệ sự sống và gia đình trong xã hội không có gì là lạc hậu, nhưng đúng hơn, việc làm ấy có tính chất ngôn sứ vì nó có nghĩa là thăng tiến các giá trị giúp phát huy trọn vẹn con người, vốn được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa (Xc St 1,26). Đó thực là một thách đố chúng ta cần phải đương đầu.”

Trong bài huấn dụ, ĐTC đặc biệt khích lệ các GM Pháp tiếp tục quan tâm đến đời sống tâm linh của các linh mục, đặc biệt giữa lúc các LM đang phải gánh thêm nhiều công việc mục vụ. Ngài nói: ”Đời sống thiêng liên của LM chính là nền tảng đời sống tông đồ của các vị và từ đó, bảo đảm cho sứ vụ của linh mục được phong phú.. Anh em hãy quan tâm cung cấp cho các linh mục những phương thế các vị cần có để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và trí thức, cũng như tìm được sự nâng đỡ từ đời sống huynh đệ. Tôi chào mừng những sáng kiến anh em đã đề ra theo chiều hướng đó, như một sự kéo dài Năm Linh Mục, được đặt dưới sự bảo trợ của thánh Cha Sở họ Ars”.

Giáo Hội Công Giáo tại Pháp đang điều chỉnh lại các cơ cấu tổ chức. Về vấn đề này, ĐTC nhắc nhở rằng ”Việc giải quyết các vấn đề mục vụ giáo phận không thể chỉ giới hạn vào những vấn đề tổ chức, dù chúng quan trọng thế nào đi nữa. Có một nguy cơ là nhấn mạnh vào việc tìm kiếm hiệu năng bằng cách ”bàn giấy hóa việc mục vụ”, chú tâm tới các cơ cấu, việc tổ chức và các chương trình, do đó có thể có thái độ ”tự tham chiếu”, chỉ phục vụ cho các thành phần của các cơ cấu ấy mà thôi. Khi ấy các cơ cấu đó sẽ có ít ảnh hưởng trên đời sống của các tín hữu ít thực hành đạo.

ĐTC nói: ”Công việc rao giảng Tin Mừng đòi phải khởi hành từ cuộc gặp gỡ với Chúa, trong một cuộc đối thoại qua kinh nguyện, rồi tập trung vào việc làm chứng tá để giúp những người đồng thời nhận ra và tái khám phá những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa”.

ĐTC tỏ ra rất vui mừng vì việc Chầu Mình Thánh Chúa dành cho các tín hữu đang được đề ra tại Pháp. Ngài nói ”Tôi vui mừng sâu xa về điều này và khích lệ anh em làm sao để Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể trở thành nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô (Xc LG 11).

HĐGM Pháp bắt đầu về Roma hành hương, viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh từ ngày 20-9-2012: nhóm thứ I thuộc vùng Tây Pháp. Hai nhóm kế tiếp sẽ về Roma ngày 12-11 và 3-12-2012, mỗi nhóm qui tụ các Giám mục thuộc 5 giáo tỉnh. (SD 21-9-2012)

G. Trần Đức Anh OP
 

 

Cuốn sách thứ ba của Đức Thánh Cha sẽ xuất bản trước Giáng Sinh

Cuốn sách thứ ba của Đức Thánh Cha sẽ xuất bản trước Giáng Sinh

VATICAN. Cuốn thứ 3 và là cuốn cuối cùng trong bộ sách của ĐTC Biển Đức 16 về Đức Giêsu Thành Nazareth sẽ được xuất bản trước lễ Giáng Sinh tới đây.

Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết hôm 21-9-2012, Nhà Xuất Bản Vatican và Nhà Xuất Bản Rizzoli của Italia đã ký hợp đồng về việc xuất bản cuốn sách của ĐTC Biển Đức 16 về thời thơ ấu của Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng.

Nhà Xuất bản Vatican ủy thác cho nhà xuất bản Rizzoli việc bán tác quyền tác phẩm này trên toàn thế giới.

Tại Italia, cuốn thứ 3 này sẽ được bán tại tất cả các hiệu sách trước lễ Giáng Sinh và mang tên hai nhà xuất bản Vatican và Rizzoli.

Cùng với ấn bản tiếng Ý, Ấn bản tiếng Đức sẽ được nhà Herder xuất bản, đây là nhà xuất đã từng ấn hành từ trước đến nay các sách của ĐHY Joseph Ratzinger.

Ấn bản các tiếng khác đang được tiến hành. Tựa đề chung kết cuốn sách thứ 3 trong bộ sách của ĐTC chưa được công bố.

Cuốn thứ I Bộ sách 3 cuốn của ĐTC: Đức Giêsu thành Nazareth: từ lúc chịu phép rửa tại sông Giordan đến biến cố hiển dung” được ấn hành vào năm 2007; cuốn thứ hai hồi năm 2011 với tựa đề ”Đức Giêsu thành Nazareth. Từ lúc vào thành Jerusalem cho đến khi sống lại” (SD 21-9-2012).


G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến 120 Giám Mục mới

Đức Thánh Cha tiếp kiến 120 Giám Mục mới

CASTEL GANDOLFO. ĐTC Biển Đức 16 khích lệ các GM giúp các tín hữu đào sâu đức tin và nêu gương nên thánh cho mọi thành phần dân Chúa.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 20 tháng 9-2012, dành cho 120 GM thụ phong trong khoảng 12 tháng gần đây, đang tham dự khóa bồi dưỡng do Bộ Giám Mục và Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương tổ chức tại Roma.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc đến Năm Đức Tin sắp bắt đầu, nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2 và 20 năm công bố Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Ngài nói:

”Tôi khuyến khích anh em hãy dấn thân để nội dung nòng cốt của đức tin được trình bày một cách có hệ thống và mạch lạc cho tất cả mọi người theo lứa tuổi và bậc sống khác nhau của họ, để họ có thể trả lời cho những vấn nạn mà thế giới kỹ thuật và hoàn cầu hóa ngày nay đang nêu lên. Những lời sau đây của Vị Tôi Tớ Chúa, ĐGH Phaolô 6, vẫn luôn có tính chất thời sự. Người nói: “Cần phải rao giảng Tin Mừng cho văn hóa và các nền văn hóa của con người, không phải như để trang trí, như lớp sơn bên ngoài, nhưng phải rao giảng một cách sinh động, sâu xa, đến tận gốc rễ, luôn luôn đi từ con người và luôn trở về những quan hệ của con người với nhau và với Thiên Chúa” (Evangelii nuntiandi, 20).

ĐTC cũng khẳng định rằng ”Đức tin đòi phải có những chứng nhân đáng tin cậy, những người tín thác nơi Chúa và phó thác cho Chúa để trở nên 'dấu chỉ sinh động sự hiện diện của Đấng Phục sinh trong thế giới' (Porta fidei, 15). GM là chứng nhân đầu tiên về đức tin, tháp tùng hành trình của các tín hữu, bằng cách nêu gương sống trong sự phó thác tin tưởng nơi Thiên Chúa. Vì thế, để trở thành bậc thầy có uy tín và là sứ giả của đức tin, Giám Mục phải sống trước mặt Chúa, như là người của Thiên Chúa. Thực vậy, ta không thể phục vụ con người, nếu trước đó ta không phải là những người phục vụ Thiên Chúa”.

Sau cùng ĐTC nhắn nhủ các GM rằng: ”Sự dấn thân nên thánh của anh em đòi anh em mỗi ngày phải hấp thụ Lời Chúa trong kinh nguyện và nuôi sống mình bằng Thánh Thể, để kín múc từ hai bàn tiệc này nhựa sống cho sứ vụ. Ước gì đức bác ái thúc đẩy anh em gần gũi với các linh mục của anh em, với tình phụ tử, biết nâng đỡ, khích lệ và tha thứ. Các linh mục là những cộng tác viên đầu tiên và quí giá của anh em trong việc đưa Chúa đến cho con người và đưa con người đến cùng Thiên Chúa”.

ĐTC không quên nhắc nhở các GM gần gũi và nâng đỡ ngươi nghèo khổ, giúp đỡ các gia đình, người trẻ, chăm sóc các chủng sinh, để họ được huấn luyện về mặt nhân bản, tu đức, thần học và mục vụ, làm choi các cộng đoàn có được những mục tử trưởng thành và vui tươi, những người hướng đạo chắc chắn trong đức tin” (SD 20-9-2012).

G. Trần Đức Anh OP

Ngoại trưởng Tòa Thánh chống lan tràn võ khí hạt nhân

Ngoại trưởng Tòa Thánh chống lan tràn võ khí hạt nhân

VIENNE. Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức TGM Dominique Mamberti, phê bình các cường quốc nguyên tử dành những số tiền khổng lồ để tân trang kho võ khí hạt nhân.

Đức TGM Mamberti bày tỏ lập trường trên đây trong bài tham luận hôm 17 tháng 9-2012 tại Đại Hội lần thứ 56 của cơ quan quốc tế về năng lượng hạt nhân, gọi tắt là Iaea (International Atomic Energy Agency) nhóm tại Vienne, thủ đô Áo, từ ngày 17 đến 21 tháng 9-2012.

Đức TGM khẳng định rằng: ”Không thể coi là đủ về mặt luân lý việc giảm bớt kho dự trữ võ khí hạt nhân thừa thãi đồng thời lại tân trang kho võ khí hạt nhân, bằng cách đầu tư những ngân khoản khổng lồ để đảm bảo việc sản xuất các võ khí ấy trong tương lai và duy trì chúng. Vì thế, Tòa Thánh coi Hiệp ước không làm lan tràn võ khí hạt nhân NPT (Non-Proliferation treaty) như một hòn đá góc trong chương trình hoàn vũ chống lại sự lan tràn võ khí hạt nhân, và Tòa Thánh sẽ tiếp tục đóng góp phần của mình cho việc chuẩn bị một môi trường thuận lợi giúp Hội nghị kỳ 9 cứu xét Hiệp ước không làm lan tràn võ khí hạt nhân, dự kiến vào năm 2015 tới đây, mang lại những thành quả quan trọng và khả quan, không những để củng cố Hiệp ước này, nhưng còn làm cho nó trở thành một dụng cụ hữu hiệu hơn trong việc đáp ứng những thách đố mới liên tục nảy sinh ở chân trời hạt nhân”.

Nhắc đến việc dùng hạt nhân vào việc xạ trị (terapia radioattiva) chống ung thư, hữu hiệu tại nhiều nước công nghệ cao, Đức TGM Mamberti nhận xét rằng hơn một nửa số bệnh nhân ung thư tại các nước đang trên đường phát triển không được áp dụng phương pháp trị liệu này vì thiếu dụng cụ thích hợp và chuyên viên được huấn luyện. Tòa Thánh khuyến khích nỗ lực của tổ chức Aiea và các cơ quan đối tác khác trong việc hoạch định và phổ biến các chương trình kiểm soát ung thư, và giúp đỡ các nước thành viên trong việc bài trừ ung thư bằng phương pháp xạ trị (SD 20-9-2012).


G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Danh sách các nghị phụ tham dự Công nghị tháng 10-2012

Danh sách các nghị phụ tham dự Công nghị tháng 10-2012

CatholicCulture (18-09-2012) – ĐTC. Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm thêm 36 Hồng y và Giám mục tham dự tổng công nghị 13 sẽ tổ chức tại Rôma vào tháng 10-2012 để thảo luận về công cuộc “tân Phúc Âm hóa”. Các vị được mời sẽ tham dự với các Giám mục khác đã được các HĐGM bổ nhiệm để thảo luận tại Công nghị, khai mạc ngày 07-10 và kết thúc ngày 28-10.

ĐTC. Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm 12 Hồng y, 01 Giáo phụ, 11 Tổng Giám mục, và 08 Giám mục làm Nghị phụ. Ngài cũng bổ nhiệm 04 Linh mục là Bề trên uy tín của các Dòng tu. Đức TGM. José Gomez của Los Angeles là người Mỹ duy nhất trong danh sách các nghị phụ lần này. Danh sách các nghị phụ gồm:

  1. ĐHY. Josip Bozanic of Zagreb, Croatia;
  2. ĐHY. Peter Erdo của Budapest, Chủ tịch HĐGM Hungary;
  3. ĐHY. Oswald Gracias của Bombay, Tổng thư ký Liên HĐGM Á châu;
  4. ĐHY. Joachim Meisner của Cologne;
  5. ĐHY. George Pell của Sydney;
  6. ĐHY. Polycarp Pengo của Dar-es-Salaam, Chủ tịch Hội nghị HĐGM Phi châu và Madagascar;
  7. ĐHY. Vinko Puljic của Sarajevo;
  8. ĐHY. Christoph Schonborn của Vienna;
  9. ĐHY. Lluis Martinez Sistach của Barcelona;
  10. ĐHY. Angelo Sodano, Hiệu trưởng Đại học Hồng y;
  11. ĐHY. Agostino Vallini, Tổng đại diện TGP Rôma;
  12. ĐHY. Andre Vingt-Trois của Paris, Pháp quốc;
  13. Giáo phụ Francesco Moraglia của Venice;
  14. ĐTGM.  Hector Ruben Aguer của La Plata, Argentina;
  15. ĐTGM.  Antonio Arregui Yarza của Guayaquil, Ecuador, Chủ tịch HĐGM Ecuador.
  16. ĐTGM.  Carlos Aguiar Retes của Tlalnepantla, Chủ tịch HĐGM Mỹ châu Latin;
  17. ĐTGM.  John Atcherley Dew của Wellington, New Zealand, Chủ tịch Liên HĐGM Oceania;
  18. ĐTGM. Jose Horacio Gomez của Los Angeles;
  19. ĐTGM.  Bernard Longley của Birmingham, Anh quốc;
  20. ĐTGM.  John Olorunfemi Onaiyekan của Abuja, Nigeria;
  21. ĐTGM.  Jose Octavio Ruiz Arenas, Thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc Âm hóa;
  22. ĐTGM.  Ricardo Antonio Tobon Restrepo của Medellin, Colombia;
  23. ĐTGM.  Filippo Santoro của Taranto, Ý quốc;
  24. ĐTGM. Luis Antonio Tagle của Manila, Philippines;
  25. ĐGM. Benedito Beni dos Santos của Lorena, Brazil;
  26. ĐGM. Enrico Dal Covolo S.D.B., Hiệu trưởng Đại học Giáo hoàng Lateran ở Rôma;
  27. ĐGM. Javier Echevarria Rodriguez, Trưởng Hội Opus Dei;
  28. ĐGM. Menghisteab Tesfamariam, Trưởng Asmara, Eritrea;
  29. ĐGM. Luigi Negri của San Marino-Montefeltro, Ý quốc;
  30. ĐGM. Dominique Rey của Frejus-Toulon, France;
  31. ĐGM. Santiago Jaime Silva Retamales, Giám mục phụ tá GP Valparaiso, Chile, kiêm Tổng thư ký HĐGM Mỹ châu Latin;
  32. ĐGM. Alberto Francisco Sanguinetti Montero của Canelones, Uruguay;
  33. LM. Julian Carron, Trưởng Huynh đoàn Liên lạc và Giải phóng (Communion and Liberation);
  34. LM .Jose Panthaplamthottiyil, Bề trên tổng quyền Dòng Kín Đức Mẹ Vô Nhiễm;
  35. LM. Renato Salvatore, Bề trên tổng quyền Dòng Camillians;
  36. LM. Heinrich Walter, Bề trên tổng quyền Dòng các Cha Schoenstatt.

        TRẦM THIÊN THU

Kitô giáo và Hồi giáo phải chống lại bạo lực, chia rẽ và chiến tranh

Kitô giáo và Hồi giáo phải chống lại bạo lực, chia rẽ và chiến tranh

Đã đến lúc Kitô giáo và Hồi giáo phải cùng nhau làm chứng tá chân thành và cương quyết chống lại các chia rẽ, bạo lực và chiến tranh.

Đức Thánh Cha Biển Đc XVI đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm chậu tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần của Đức Thánh Cha trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 19-9-2012. Trong số các tín hữu hành hương Việt Nam cũng có một đoàn 52 người từ Na Uy do Đức Ông Huỳnh Tấn Hải hướng dẫn. Ngoài ra còn có một số người đến từ Việt Nam và Pháp.

Như qúy vị và các bạn đã biết Đức Thánh Cha mới công du mục vụ Libăng về tối Chúa Nhật 16-9-2012, nên trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với tín hữu một số cảm tưởng và kinh nghiệm của ngài. Đức Thánh Cha nói đây đã là chuyến viếng thăm mà ngài rất muốn, mặc dù có các hoàn cảnh khó khăn, vì một người cha thì phải luôn luôn gần gũi các con cái của mình, khi chúng gặp các khó khăn nghiêm trọng. Khẩu hiệu chuyến viếng thăm mục vụ là lời Chúa Giêsu phục sinh nói với các môn đệ: ”Thầy ban cho các con sự bình an của Thầy” (Ga 14,27). Mục đích chính của chuyến viêng thăm là để ký Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt cho vùng Trung Đông.

Đó đã là một biến cố giáo hội cảm động, đồng thời cũng là dịp sống sự đối thoại trong một quốc gia phức tạp, biểu tượng cho toàn vùng vì truyền thống chung sống và cộng tác giữa các thành phần tôn giáo và xã hội khác nhau. Đề cập tới các khổ đau và thảm cảnh của các dân tộc vùng Trung Đông Đức Thánh Cha nói:

Trước các khổ đau và các thảm cảnh còn kéo dài trong vùng Trung Đông, tôi đã bầy tỏ sự gần gũi của tôi với các ngưỡng vọng của các dân tộc thân yêu, bằng cách đem đến cho họ một sứ điệp khích lệ và hòa bình. Tôi đặc biệt nghĩ tới cuộc xung đột kinh khủng đang gây ra buồn thương não nề cho Siria, khiến cho hàng ngàn người chết, gây ra làn sóng người tị nạn đi tìm an ninh và tương lai. Và tôi cũng không quên tình hình khó khăn tại Irak. Trong chuyến viếng thăm của tôi, người dân Libăng và vùng Trung Đông, công giáo, đại diện của các Giáo Hội và các cộng đoàn giáo hội, cũng như của các cộng đoàn hồi giáo đã sống một kinh nghiệm tôn trọng lẫn nhau, thông cảm và huynh đệ, một cách hăng say và trong bầu khí thanh thản và xây dựng. Nó là một dấu chỉ hy vọng cho toàn nhân loại. Nhưng nhất là cuộc gặp gỡ với các tín hữu công giáo Libăng và vùng Trung Đông, với hàng ngàn người hiện diện đã khơi dậy trong tâm hồn tôi một tâm tình biết ơn sâu xa đối với đức tin sốt mến và chứng tá của họ.

Đức Thánh Cha đã cảm tạ Thiên Chúa vì ơn qúy báu này trao ban hy vọng cho tương lai của Giáo Hội trong các vùng đất này: giới trẻ, người lớn các gia đình được linh hoạt bởi ước mong kiên trì làm cho cuộc sống đâm rễ sâu nơi Chúa Kitô, gắn chặt vào Tin Mừng, và cùng tiến bước trong Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã cám ơn tất cả những ai góp phần chuẩn bị chuyến viếng thăm của ngài: các Thượng Phụ, các Giám Mục Libăng và các cộng sự viên, Ban tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, hàng giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, cũng như tổng thống, giới lãnh đạo chính quyền các cấp, các cơ cấu và tổ chức, các thiện nguyện viên, và tất cả những ai đã cầu nguyện cho chuyến viếng thăm này. Sự đón tiếp đã rất là nồng hậu theo tinh thần hiếu khách nổi tiếng của dân tộc Libăng.

Đề cập tới sự tiếp đón của anh em hồi giáo Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em hồi giáo đã tiếp đón tôi với lòng tôn trọng lớn và trân qúy chân thành. Sự hiện diện và tham dự liên tục của họ đã cho phép tôi gióng lên một sứ điệp của sự đối thoại và cộng tác giữa Kitô giáo và Hồi giáo: Xem ra đã đến lúc phải cùng nhau làm chứng tá chân thành và cương quyết chống lại các chia rẽ, bạo lực và chiến tranh. Các tín hữu công giáo, đến từ các nước lân cận, đã bầy tỏ lòng yêu mến sốt sắng đối với Người Kế Vị Thánh Phêrô.

Sau lễ nghi tiếp đón tại phi trường Beirut là lễ nghi ký Tông huấn Giáo Hội tại vùng Trung Đông trong vương cung thánh đường Melkít Hy lạp Thánh Phaolô tại Harissa. Trong dịp này tôi đã mời gọi các tín hữu công giáo Trung Đông hướng cái nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đanh, để tìm ra sức mạnh cử hành chiến thắng của tình yêu trên hận thù, tha thứ trên báo oán, hiệp nhất trên chia rẽ, cả trong các bối cảnh khó khăn và đau khổ. Tôi đã bảo đảm với mọi người tình yêu thương, sự gần gũi, liên đới và lời cầu nguyện của Giáo Hội hoàn vũ. Họ không được sợ hãi, Chúa luôn ở với họ, và Giáo Hoàng không quên họ.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: trong ngày thứ hai tôi đã gặp gỡ đại diện các cơ cấu Cộng Hòa và thế giới văn hóa, ngoại giao đoàn và giới lãnh đạo các tôn giáo. Tôi đã đề nghị một con đường giúp tiến tới một tương lai hòa bình và liên đới: đó là hoạt động để các khác biệt văn hóa, xã hội và tôn giáo dẫn tới một tình huynh đệ mới, trong đó điều kết hiệp là ý thức chia sẻ về sự cao cả và phẩm giá của con người, mà sự sống cần phải luôn luôn được bảo vệ và bênh vực. Trong cùng ngày tôi cũng gặp các vị lãnh đạo các cộng đoàn hồi giáo trong tinh thần đối thoại và nhân hậu. Tôi cảm tạ Chúa vì cuộc gặp gỡ đó, thế giới ngày nay cần các dấu chỉ đối thoại và cộng tác, và điều mà Libăng đã và phải tiếp tục là gương mẫu cho các quốc gia A rập và phần còn lại của thế giới.

Vào buổi chiều tại dinh Thượng Phụ Maronít tôi đã được hàng ngàn bạn trẻ Libăng và các nước láng giềng tiếp đón với sự hăng say không thể kìm hãm nỗi. Họ đã tạo ra một buổi lễ hội và cầu nguyện sẽ ghi đậm nét trong con tim nhiều người. Tôi đã nêu bật sự may mắn của họ được sống trong một phần đất của thế giới, mà Chúa Giêsu đã sống, đã chết và đã sống lại để cứu rỗi chúng ta, cững như sự phát triển của Kitô giáo. Tôi đã khuyến khích họ sống trung thành và yêu thương đối với quê hương của họ, mặc dù có các khó khăn do thiếu ổn định và an ninh gây ra. Ngoài ra, tôi cũng khích lệ họ kiên vững trong đức tin, tin tưởng nơi Chúa Kitô, là suối nguồn của niềm vui, và đào sâu tương quan cá nhân với Chúa trong lời cầu nguyện, cũng như cởi mở đối với các lý tưởng cuộc sống, gia đình, tình bạn, và tình liên đới. Khi thấy các người trẻ Kitô và hồi giáo mừng lễ với nhau tôi đã khuyến khích họ cùng nhau xây dựng tương lai của Libăng và vùng Trung Đông và chống lại bạo lực và chiến tranh. Sự hòa hợp và hòa giải phải mạnh mẽ hơn các thúc đẩy của cái chết.

Sáng Chúa Nhật Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ cho tín hữu tại trung tâm Waterfront của thành phố. Trước sự hiện diện đông đảo của các Giám Mục và tín hữu đến từ mọi nước Trung Đông Đức Thánh Cha nói:

Tôi đã muốn khích lệ tất cả mọi người sống đức tin và không sợ hãi làm chứng rằng ơn gọi của tín hữu Kitô và của Giáo Hội là noi gương Chúa Giêsu đem Tin Mừng đến cho tất cả mọi người không phân biệt ai. Trong môt bối cảnh ghi dấu bởi các xung khắc khốc liệt, tôi đã nhắc tới việc chú ý tới sự cần thiết phục vụ hòa bình và công lý, bằng cách trở thành dụng cụ của hòa giải và là những người xây dựng hiệp thông. Sau thánh lễ tôi đã sung sướng trao Tông huấn thu thập các kết luận của Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt cho vùng Trung Đông. Qua các Thượng phụ, các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, tài liệu này muốn đến với tất cả mọi tín hữu của vùng Trung Đông thân yêu, để nâng đỡ họ trong đức tin và sự hiệp thông, và thúc đẩy họ tiến bước trên con đường tái truyền giảng Tin Mừng. Vào buổi chiều tôi đã đựơc niềm vui có cuộc gặp gỡ đại kết với các Thượng Phụ chính thống, chính thống đông phương và đại diện các Giáo Hội Kitô cũng như các cộng đoàn giáo hội khác.

Đám đông tín hữu đến từ toàn vùng Trung Đông đã có cơ may suy tư, đối thoại, và nhất là cùng nhau cầu nguyện bằng cách canh tân dấn thân đâm rễ sâu đời mình trong Chúa Kitô. Tôi chắc chắn rằng nhân dân Libăng trong hình thái đa dạng tôn giáo và xã hội của nó, sẽ lại biết hăng say làm chứng cho hòa bình đích thực với sự tin tưởng nơi Thiên Chúa. Tôi cầu mong rằng các sứ điệp hòa bình và trân qúy khác nhau, mà tôi đã đưa ra, có thể giúp các giới lãnh đạo trong vùng có các bước quyết định đi tới hòa bình và một sự hiểu biết tốt đẹp hơn trong tương quan giữa các tín hữu Kitô và hồi giáo.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trước khi cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải
 

 

Đại Hội quốc tế các Viện Phụ dòng Biển Đức

Đại Hội quốc tế các Viện Phụ dòng Biển Đức

ROMA. Đại hội quốc tế các Viện Phụ và Bề trên Đan viện Biển Đức trên thế giới đang tiến hành tại Đan viện thánh Anselmo ở Roma từ ngày 17 đến 25-9 tới đây, với sự tham dự của lối 300 người.

Một điểm chính trong những ngày họp là cuộc bầu Đức Thống Phụ mới của Liên hiệp các dòng Biển Đức, kế nhiệm Viện Phụ Notker Wolf người Đức, sắp mãn nhiệm sau 12 năm phục vụ. Ngài người Đức, nguyên là Viện Phụ Tổng quyền của chi dòng Biển Đức St. Ottilien ở miền Bavaria, nam Đức.

Trong số các tham dự viện Đại hội này cũng có 25 đại diện Nữ tu và Nữ Đan sĩ thuộc Liên hiệp quốc tế các Nữ Đan viện Biển Đức, và một số khách mời thuộc Chính Thống Giáo và Tin Lành. Ngoài ra cũng có Viện Phụ và Bề trên của các Đan viện Biển Đức ở Việt Nam.

Hai thuyết trình viên chính của Đại hội là giáo sư Michael Hochschild trình bày một nghiên cứu về sức sinh động của các Đan viện Biển Đức, và Cha Michael Casey, thuộc dòng Xitô Nhặt Phép, quen gọi là dòng Trappiste, trình bày về sự tự trị trong đời sống Biển Đức.

Đại hội có một loạt các cuộc hội luận liên quan đến đời sống Đan tu như căn tính Biển Đức, sự căng thẳng và kiệt sức, các chương trình dành cho các thành viên liên kết, việc quản trị Đan viện, cá nhân chủ nghĩa trong Đan viện, quan hệ với các nữ tu Biển Đức, các hình thức mới trong sự hiện diện của dòng Biển Đức giữa lòng xã hội, phong trào đại kết, mầu nhiệm Phục Sinh trong Phụng Vụ, những đường hướng mới trong việc đối thoại liên đan viện, vai trò của viện phụ, việc huấn luyện các ứng sinh có khuynh hướng bảo thủ, v.v.

Các Viện phụ và Bề trên Biển Đức sẽ hành hương viếng thăm các Đan viện Biển Đức ở Subiano, Montecassino, Norcia và Đan viện Biển Đức Camaldoli ở Italia đang mừng 1 ngàn năm thành lập.

Trong hai ngày liền trước đại hội này, tức là ngày 15 và 16-9-2012, đã có một khóa định hướng cho các tân Viện phụ và tân Bề trên.

Hôm thứ tư, 19-9-2012, nhiều viện phụ và bề trên nam nữ dòng Biển Đức đã tham dự buổi tiếp kiến chung của ĐTC tại Đại thính đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican. Ngài đã đặc biệt chào mừng các vị.

Theo niên giám 2012 của Tòa Thánh, tổng số các Đan sĩ Biển Đức trong Giáo Hội hiện nay là 7.528 người, thuộc 357 đan viện, tất cả họp thành 12 chi dòng. Trong số các Đan sĩ vừa nói có 4.008 Linh mục.

4 Đan viện Biển Đức tại Việt Nam – Thiên An, Thiên Hòa, Thiên Bình và Thiên Phước – họp thành một tỉnh dòng thuộc chi dòng Biển Đức Subiaco. Chi dòng này có 64 đan viện tại 5 châu và 45 cộng đoàn nữ. (Web OSB 17-9-2012)

G. Trần Đức Anh OPVietvatican

Lễ Giỗ Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận tại trung tâm Công Giáo Santa Ana, California

Lễ Giỗ Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận tại trung tâm Công Giáo Santa Ana, California

Santa Ana (Bình Sa)- – Vào lúc 6 giờ chiều Thứ Sáu ngày 14 tháng 9 năm 2012 tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, GP. Orange tọa lạc tại số 1538 Century Blvd, Santa Ana CA.92703. Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange và Cardinal Nguyen Van Thuan Foundation đã tổ chức lễ giỗ lần thứ 10 Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, lễ giỗ do Đức Giám Mục Đa Minh Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange chủ tế thánh lễ và thuyết giảng cùng10 vị Linh mục và 2 thầy Phó Tế đồng tế với Đức Giám Mục. Hơn 500 giáo dân, trong đó có Ban Chấp Hành Cộng Đồng và Ban Chấp Hành 15 Cộng đoàn Công giáo VN tại GP. Orange với một số nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá LA.

Trước khi Thánh lễ bắt đầu, nhà văn Quyên Di, một người rất thân cận với Đức cố Hồng Y  lên chia sẻ về "Linh Đạo Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, một Linh Đạo "Vui Mừng và Hy Vọng – Nhân Ái và Tha Thứ". GS. Quyên Di cũng nhắc lại một số nét đặc biệt về cuộc sống giản dị của Đức cố Hồng Y, mặc dù khi đang đảm nhận vai trò quan trọng trong Giáo triều Roma (Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý Hòa Bình), Ngài vẫn sống đơn sơ, khi cần, tự tay nấu ăn đãi khách và luôn luôn phó thác vào Thiên Chúa và Mẹ Maria La Vang. Gia sản Linh đạo của ngài thể hiện mẫu gương hoàn hảo: "Tín thác – Phục vụ – Yêu thương – Vị tha" Trong một hành trình không ngơi nghỉ đó là "Đường Hy Vọng".

Lễ giỗ lần thứ 10 Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận.

Sau lời chia sẻ của GS. Quyên Di, ông Nguyễn Văn Nghi lên hướng dẫn Giờ Khấn Đức Mẹ La Vang qua tâm tình của ĐHY. Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận. Tiếp theo, Ban tế lễ lên dâng hương trước bàn thờ có đặt di ảnh Đức cố Hồng Y.

Ông Nguyễn Hoàng Vinh   thay mặt Ban Tổ Chức nói lời mở đầu trước khi Đức Giám Mục và Linh Mục đoàn tiến lên bàn thờ: "Đức HY Phanxico Nguyễn Văn Thuận Ngài được Chúa gọi về; nhìn vào  đời sống của Ngài, Ngài  như một hạt lúa mà Thiên Chúa đã gieo vào lòng đất để rồi chịu biết bao mưa nắng dập vùi, chịu sức mạnh những cơn lốc vật vã, rét buốt thấu da, Ngài đã trải qua những vất vả khó khăn nhất trong đời để rồi như hạt lúa cũ mục nát đi, mặc lấy đời sống mới của cây lúa để rồi trổ sinh muôn vàn bông hạt khác tươi mới, đẹp đẽ…

Tưởng nhớ công ơn Ngài, trong Thánh lễ này, chúng ta hãy noi gương Ngài, biết chấp nhận tất cả,biết tha thứ tất cả, biết yêu mến tất cả. Tất cả mọi sự và mọi người đang ở trong đời, dù gây nên đau khổ cho ta đều là món quà Chúa gửi ban. Tất cả đều là hồng ân của Chúa. Trong tâm tình yêu mến Đức Hồng Y Phanxico, chúng ta hiệp lòng cùng Đức Giám Mục và quý Linh Mục dâng thánh lễ, xin Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta hãy sống cuộc sống thánh thiện và yêu thương, tha thứ theo gương Đức Cố Hồng Y."

Lễ giỗ lần thứ 10 Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận.

Trong bài giảng, Đức Giám Mục Mai Thanh Lương nói: "Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội vũ hoàn mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Kito. Như tôi nói trong đầu lễ, đây không phải là sự tình cờ mà là sự an bài của Thiên Chúa, tại vì cuộc sống của Đức Hồng Y là tin tưởng Thánh Giá Chúa Kitô. Thánh Phaolo Tông Đồ trong thư thứ nhất gửi cho tín hữu Corinto có rất nhiều đoạn nói về Thánh Giá. Nhưng tôi xin trích một vài câu rất là ý nghĩa và rất phù hợp với đời sống của Đức Hồng Y. Thánh nhân nói "Người Roma tìm dấu lạ, người Hy Lạp tìm sự khôn ngoan còn chúng tôi tìm Chúa Kito đóng đinh trên Thập Giá. Ngài là quyền năng và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Câu nói đó, thưa qúy ông bà anh chị em có thể áp dụng từng chữ một vào cuộc sống của Đức Cố Hồng Y. Hôm nay chúng ta dâng thánh lễ với Ngài, và nhất là cầu nguyện cho việc phong Á Thánh của Ngài sớm được thực hiện…" Sau đó, Đức GM. Mai Thanh Lương kể lại một số câu chuyện xẩy ra giữa ngài và đức cố Hồng Y tại Roma cũng như tại Hoa Kỳ cho thấy con người hết sức đặc biệt, thánh thiện, hồn nhiên và luôn hy vọng. Đức GM cũng nhắc đến cuốn "Đường Hy Vọng" do Đức cố Hồng Y viết và Ngài ao ước tương lai mọi giáo dân được nhận "Free" Sau cùng ông Nguyễn Văn Liêm, Chủ Tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam lên cám ơn Đức Giám Mục, quý Linh Mục, Phó Tế, nam nữ tu sĩ, ca đoàn cùng tòan thể tín hữu đã đến tham dự lễ giỗ cho Đức cố Hồng Y. Sau thánh lễ, ông mời mọi người đến dự buổi tiệc gây quỹ tại nhà hàng Seafood Palace ở 6731 Westminster Blvd, Westminster,  yểm trợ việc phong Chân Phước cho đức Cố Hồng Y.

Đức cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận sinh ngày 17.4.1928 tại Phủ Cam, Huế. Gia nhập Tiểu Chủng viện An Ninh tại Quảng Trị năm 1940. Thụ phong Linh Mục ngày 11.6.1953. Tiến sĩ Giáo Luật, Giám Đốc Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện, Huế, Tổng Đại diện GP. Huế năm 1964. Ngày 24.6.1964 được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục tiên khởi GP. Nha Trang với khẩu hiệu "Vui Mừng và Hy Vọng". Ngày 23.4.1975 được cử làm Tổng Giám Mục Phó với quyền kế vị Tổng GP. Saigon. Ngày 15.8.1975 bị  nhà cầm quyền CS bắt đi tù biệt giam 13 năm không bản án. Năm 1991 xin qua Roma chữa bệnh. Bị Cộng sản VN từ chối không cho trở về nước. Ngày 24.11.1994 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II cử làm Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý Hòa Bình. Ngày 24.6.1998 được cử làm Chủ Tịch Ủy Ban này. Ngày 21.2.2001 nhận mũ Hồng Y do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo Đệ II trao. Năm 2002 lâm trọng bệnh và qua đời ngày 16.9.2002 tại Roma. Ngày 16.9.2007 được Giáo Hội tôn phong lên hàng "Tôi Tớ Chúa" và ngày 22.10.2010 Roma khởi sự Án Phong Chân Phước cho đức cố Hồng Y Phanxico Nguyễn Văn Thuận.

Nguồn: Việt Báo

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Beirut, Liban

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Beirut, Liban

BEIRUT. Trong thánh lễ trước hàng trăm ngàn tín hữu sáng chúa nhật 16 tháng 9-2012 tại thủ đô Beirut, ĐTC đã kêu gọi quốc tế, nhất là các nước Arập giúp tìm một giải pháp hòa bình cho chiến cuộc tại Siria.

Khi vực hành lễ gọi là Waterfront, bờ biển, tọa lạc giữa bến tàu du lịch và trung tâm thành phố Beirut. Cũng tại nơi đây, Đức Chân Phước Gioan Phaolô 2 đã cử hành thánh lễ cho hàng trăm ngàn tín hữu vào ngày 11-5 cách đây 15 năm. Tại đây có bố trí nhiều màn hình khổng lồ để các tín hữu có thể tham dự thánh lễ, dù ở xa lễ đài.

Đến nơi vào lúc 10 giờ, ĐTC đã được ông đô trưởng Beirut đón tiếp và trao tặng ngài chía khóa thành phố. Ngài dùng xe bọc kính tiến qua các lối đi để chào thăm hàng trăm ngàn tín hữu hiện diện. Số người được ước lượng từ 400 đến 500 ngàn người, mặc dù thoạt đầu ban tổ chức chỉ hy vọng có khoảng 75 ngàn người đến dự lễ.
Tại đây cũng có tổng thống Michel Sleiman và Phu nhân, cùng với nhiều vị lãnh đạo trong chính quyền. Nhiều phái đoàn tín hữu từ các nước Trung Đông cũng đến đây tham dự thánh lễ cùng với các vị chủ chăn liên hệ dưới bầu trời nắng. Cha Shamir Khalil Shamir dòng Tên, nhận định rằng đây là buổi lễ đông đảo chưa từng có tại Liban.
Đồng tế với ĐTC có 300 GM Trung Đông và hàng trăm LM trong áo chùng thâm với giây stola màu trắng ngồi trước lễ đài.

Đầu thánh lễ, Đức Thượng Phụ Béchara Rai, Giáo Chủ Công Giáo Maronit, đã đại diện mọi người chào mừng và gọi cuộc viếng thăm của ĐTC là một biến cố diễn ra dưới dấu hiệu hòa bình, một nền hòa bình mà mọi người mong ước, nhất là tại Trung Đông này. Đức Thượng Phụ cũng gọi Thượng HĐGM Trung Đông với Tông Huấn sau đó dẫn đưa Giáo Hội tại đây vào một ”Mùa xuân tinh thần của Kitô giáo”, như báo trước và chuẩn bị cho Mùa xuân Arập mà mọi người mong ước.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng kể lại việc Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: Người ta bảo Thầy là ai? và thánh Phêrô đã tuyên xưng ”Thầy là Đức Kitô”. Và Chúa loan báo trước việc ngài sẽ chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại. Chúa đã khiển tránh Phêrô vì đã chống lại ý định này của Chúa. ĐTC cũng mời gọi toàn thể Giáo hội và từng tín hữu hãy dấn thân phục vụ hòa bình và hòa giải. Ngài nói:

”Bước theo Chúa Giêsu là vác thập giá của mình để tháp tùng Chúa trên con đường của Ngài, một con đường cam go, không phải là con đường của quyền lực hoặc vinh quang trần thế, nhưng là con đường nhất thiết dẫn tới sự từ bỏ bản thân, mất mạng sống mình vì Chúa Kitô và Tin Mừng, để cứu mạng sống ấy. Vì chúng ta được cam kết rằng con đường ấy dẫn đến sự phục sinh, đến sự sống đích thực và chung kết với Thiên Chúa. Quyết định tháp tùng Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã trở nên người Tôi Tớ của người, đòi phải sống ngày càng thân mật hơn với Ngài, chăm chú lắng nghe Lời Ngài để kín múc sự soi sáng cho các hành động của chúng ta. Khi tuyên bố Năm Đức Tin sẽ bắt đầu vào ngày 11-10 tới đây, tôi đã muốn rằng mỗi tín hữu có thể dấn thân một cách mới mẻ trên con đường hoán cải tâm hồn. Vì thế, trọn năm Đức Tin, tôi nồng nhiệt khuyến khích anh chị em hãy đào sâu suy tư về đức tin để làm cho đức tin có ý thức hơn để củng cố lòng gắn bó của anh chị em với Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người”.
Anh chị em thân mến, con đường mà Chúa Giêsu muốn dẫn chúng ta đi là con đường hy vọng cho tất cả mọi người. Vinh quang của Chúa Kitô được tỏ hiện chính vào lúc mà, trong nhân tính, Ngài tỏ ra yếu đuối nhất, đặc biệt là khi nhập thể và trên thập giá. Chính qua đó Thiên Chúa biểu lộ tình thương của ngài, khi trở nên người tôi tớ, khi hiến thân cho chúng ta. Đó chẳng phải là một mầu nhiệm lạ thường, nhiều khi khó chấp nhận sao? Chính thánh Phêrô cũng chỉ hiểu được điều đó về sau.

Dấn thân cho công lý và hòa bình

ĐTC cũng nhắc đến bài đọc thứ hai trích từ thư thánh Giacôbê, theo đó việc theo Chúa Giêsu đòi phải có những hành động cụ thể ”vì qua các hành vi tôi chứng tỏ cho bạn đức tin của tôi” (Gc 2,18). Từ đó ĐTC khẳng định rằng:
”Một đòi hỏi khẩn thiết đối với Giáo Hội là phục vụ và, đối với các tín hữu Kitô, là phải trở thành những người phục vụ đích thực theo hình ảnh Chúa Giêsu. Phục vụ là một yếu tố nền tảng trong căn tính các môn đệ của Chúa Kitô (Xc Ga 13,15-17). Ơn gọi của Giáo Hội và của Kitô hữu là phục vụ, như chính Chúa đã làm, một cách nhưng không và cho tất cả mọi người, không phân biệt ai. Vì thế, phục vụ công lý và hòa bình, trong một thế giới không ngừng gia tăng chết chóc và tàn phá, là một điều cấp thiết để dấn thân cho một xã hội huynh đệ hơn, để kiến tạo tình hiệp thông!

”Anh chị em thân mến, tôi đặc biệt cầu xin Chúa ban cho vùng Trung Đông những người phục vụ hòa bình và hòa giải để tất cả mọi người có thể sống an bình và trong phẩm giá. Đó là một chứng tá thiết yếu mà các tín hữu Kitô phải làm ở đây, trong sự cộng tác với tất cả mọi người thiện chí. Tôi kêu gọi tất cả anh chị em hãy hoạt động cho hòa bình. Mỗi người theo cấp độ và tại nơi mình đang sống.

”Việc phục vụ cũng phải ở trọng tâm đời sống của chính cộng đoàn Kitô. Mọi thừa tác vụ, mọi trách vụ trong Giáo Hội, trước tiên là phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình! Chính tinh thần ấy phải linh hoạt mọi tín hữu đối với nhau, nhất là qua sự dấn thân thực sự nâng đỡ những người nghèo nhất, những người bị gạt ra ngoài lề, những người đau khổ, để phẩm giá bất khả nhượng của mỗi người được bảo tồn”.

”Anh chị em là những người đang chịu đau khổ trong thân xác hoặc trong tâm hồn, sự đau khổ của anh chị em không phải là vô ích! Chúa Kitô người tôi tớ đã trở nên gần gũi mọi người đau khổ. Người hiện diện cạnh anh chị em. Ước gì anh chị em tìm được trên đường những người anh em, chị em, biểu lộ cụ thể sự hiện diện yêu thương của Chúa, không thể bỏ rơi anh chị em! Anh chị em hãy tràn đầy hy vọng vì Chúa Kitô!
”Và tất cả anh chị em là những người đến dự thánh lễ này, hãy cố gắng ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Đấng đã trở nên người tôi tớ của mọi người để thế giới được sống. Xin Thiên Chúa chúc lành cho Liban, chúc lành cho tất cả mọi dân tộc tại vùng Trung Đông yêu quí và ban cho miền này được ơn an bình của Chúa.

Phần lời nguyện giáo dân được xướng lên bằng nhiều thứ tiếng: Pháp, Arập, Anh, Arméni và Hy lạp, cầu cho ĐTC, cho các tín hữu, các nhu cầu của Giáo Hội, nhất là công lý, hòa bình và sự hòa giải.

Trao Tông Huấn

Cuối thánh lễ, Đức TGM Nikola Eterovic, Tổng thư ký Thượng HĐGM, đã cảm ơn ĐTC và xin ngài trao Tông Huấn cho các vị Thượng Phụ Công Giáo Đông Phương, cùng với các vị Chủ tịch HĐGM Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, Chủ tịch HĐGM Bắc Phi, và hàng chục đại diện giáo dân nam nữ.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC cám ơn tất cả các nghị phụ đã góp phần vào Thượng HĐGM Trung Đông với chủ đề ”Giáo Hội Công Giáo tại Trung Đông: hiệp thông và chứng tá. Đông đảo những người trở thành tín hữu đồng tâm hiệp ý với nhau” (Cv 4,32). Ngài nói:

”Với việc trao Tông Huấn này, bắt đầu công việc học hỏi và hấp thụ của tất cả mọi người giữ vai chính trong Giáo Hội, các vị mục tử, những người thánh hiến và giáo dân, để mỗi người tìm được niềm vui mới mẻ theo đuổi sứ mạng của mình, được khích lệ và củng cố để thi hành sứ điệp hiệp thông và chứng tá, theo những khía cạnh khác nhau: nhân bản, đạo lý, Giáo Hội, linh đạo và mục vụ được trình bày trong Tông Huấn này. Tôi cầu chúc Tông Huấn là cuốn chỉ nam để tiến bước trên những nẻo đường đa dạng và phức tạp mà Chúa Kitô đã đi trước anh chị em.”

ĐTC cũng cầu chúc cho Giáo Hội tại Trung Đông tiến bước theo cha ông của mình trong đức tin, những người đã mở ra con đường của nhân loại đáp lại mạc khải của Thiên Chúa qua sự kiên trì và trung thành của các ngài. Ngài mời gọi Giáo Hội tại đây tìm được trong sự khác biệt huy hoàng của các thánh đã tươi nở tại đây những tấm gương và những vị chuyển cầu, soi sáng cho Giáo Hội địa phương đáp lại tiếng gọi của Chúa tiến bước về Jerusalem thiên quốc, nơi Chúa sẽ lau sạch mọi nước mắt của chúng ta (Kh 21,4).

Kinh Truyền Tin và kêu gọi hòa bình cho Siria

Sau khi trao bản Tông Huấn cho các vị Đại diện hàng giáo phẩm và giáo dân, ĐTC đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin, dâng lên Đức Mẹ Liban vốn được cả các tín hữu Kitô và Hồi giáo tôn kính. Ngài nói:

”Chúng ta hãy cầu xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta với Chúa Con, đặc biệt là cho dân chúng tại Siria và các nước láng giềng đang cầu khẩn ơn hòa bình. Anh chị em biết rõ thảm trạng xung đột và bạo lực đang gây ra bao nhiêu đau khổ. Đáng tiếc thay tiếng súng đạn vẫn tiếp tục, cũng như tiếng kêu của các góa phụ và cô nhi! Bạo lực và oán thù xâm chiếm cuộc sống, và các phụ nữ, trẻ em là những nạn nhân đầu tiên. Tại sao bao nhiêu kinh hoàng như thế? Tại sao bao nhiêu chết chóc như vậy? Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế! Tôi kêu gọi các nước Arập, trong tư cách là các nước anh em, hãy đề nghị những giải pháp có thể thi hành được, tôn trọng phẩm giá của mỗi người, các quyền và tôn giáo của họ! Ai muốn kiến tạo hòa bình thì phải ngưng coi tha nhân như một sự ác phải loại trừ. Thật không dễ coi người khác như một người cần tôn trọng và yêu thương, nhưng phải làm như thế nếu ta muốn kiến tạo hòa bình, nếu muốn tình huynh đệ (Xc 1 Ga 2,10-11; a Pr 3,8-12). Xin Chúa ban cho đất nước của anh chị em, cho Siria và Trung Đông hồng ân an bình của các tâm hồn, cho tiếng súng đạn im bặt và chấm dứt mọi bạo lực! Ước gì con người hiểu rằng mọi người là anh chị em với nhau! Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, hiểu những lo âu và nhu cầu của chúng ta. Cùng với các vị Thượng Phụ và GM hiện diện, tôi đặt Trung Đông dưới sự bảo vệ từ mẫu (Xc Prop.44). Với ơn phù trợ của Chúa, ước gì chúng ta có thể hăng say làm việc cho sự thiết lập hòa bình cần thiết cho một cuộc sống hòa hợp giữa anh chị em với nhau, bất luận họ thuộc gốc gác và theo xác tín tôn giáo nào.
Thánh lễ kết thúc lúc qua 12 giờ trưa, giờ địa phương, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Harissa cách đó 30 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ Liban

Đức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ Liban

BKERKÉ. Lúc 6 giờ chiều thứ bẩy, 15 tháng 9-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã gặp gỡ hơn 25 ngàn bạn trẻ Liban, trong bầu không khí tưng bừng và nồng nhiệt. Ngài mời gọi họ dấn thân xây dựng tương lai đất nước và Giáo Hội trong niềm hy vọng.

Các bạn trẻ đã tụ họp thành hình vòng cung tại Quảng trường trước Tòa Thượng Phụ Công Giáo Maronite ở Bkerké, cùng với hàng trăm GM và LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh. lại cho giới trẻ nước này. Bay trên lễ đài, có một xâu chuỗi mân côi bằng bong bóng bay với những hạt kinh Kính Mừng mầu xanh da trời và những bóng màu vàng chỉ kinh sáng danh. Tổng thống Sleiman cũng đến tham dự biến cố này mặc dù sự hiện diện của ông không có trong chương trình.

Cuộc gặp gỡ diễn ra dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa và được mở đầu với cuộc rước Sách Phúc Âm và ảnh Đức Mẹ Liban cùng với Thánh Giá giới trẻ tiến lên lễ đài.

Sau lời chào mừng của Đức Thượng Phụ Béchara Rai, Giáo Chủ Công Giáo Maronite, và phần giới thiệu của Đức Cha Elie Haddad, TGM giáo phận Saida của Giáo Hội Melkite, trong tư cách là Phó chủ tịch Hội đồng tông đồ giáo dân Liban, 2 bạn trẻ một nam một nữ đã trình bày chứng từ. Tất cả đều nhắc đến những vấn đề của người trẻ Liban và Trung Đông trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, họ cảm thấy như bất lực và cảm thấy cần đến sự giúp đỡ hơn bao giờ hết của Giáo Hội. Câu nói của thiếu nữ như tóm gọm tâm tình của nhiều người: ”Kính thưa Đức Thánh Cha, sự hiện diện của ngài tại Liban này, mặc dù tình hình của chúng con, là một thách đố đối với chiến tranh và tuyệt vọng. Đó là một dấu hiệu an bình và hy vọng”.

Huấn từ của Đức Thánh Cha

Ngỏ lời với mọi người sau bài Tin Mừng, ngài đi từ các bạn trẻ để tha thiết kêu gọi chấm dứt mọi cuộc chiến và xây dựng một tương lai hòa bình cho toàn vùng Trung Đông. Ngài khích lệ các trẻ Liban hãy xác tín mình là hy vọng và tương lai của đất nước:

”Tôi biết những khó khăn của các bạn trong đời sống thường nhật, vì tình trạng thiếu ổn định và an ninh, vì khó tìm được công ăn việc làm hoặc vì cảm tưởng cô độc và bị gạt ra ngoài lề. Trong một thế giới liên tục biến chuyển, các bạn phải đương đầu với nhiều thách đố trầm trọng. Nhưng cả nạn thất nghiệp và tình trạng bấp bênh như thế không được thúc đẩy các bạn nếm ”mật đắng” là sự di cư ra nước ngoài để tìm một tương lai không chắc chắn, hành động này kéo theo sự mất gốc rễ và chia cách. Điều hệ trọng ở đây là làm sao để các bạn trở thành những tác nhân xây dựng tương lai đất nước của các bạn, chu toàn vai trò của mình trong xã hội và trong Giáo Hội.”
”Các bạn có một chỗ đứng ưu tiên trong tâm hồn tôi và trong toàn thể Giáo Hội vì Giáo Hội luôn luôn trẻ trung! Giáo Hội tin tưởng nơi các bạn. Giáo Hội hy vọng nơi các bạn. Hãy là những người trẻ trong Giáo Hội! Giáo Hội đang cần sự hăng say và óc sáng tạo của các bạn! Tuổi trẻ là lúc người ta mong ước những lý tưởng cao cả, và là thời kỳ các bạn học hỏi để chuẩn bị một nghề nghiệp và một tương lai. Đó là điều quan trọng và đòi thời gian. Các bạn hãy tìm kiếm những gì là đẹp đẽ và yêu thích làm điều thiện! Hãy chứng tỏ sự cao cả và phẩm giá thân xác của các bạn, ”thân xác này là để phụng sự Chúa” (1 Cr 6,13). Các bạn hãy có một con tim tế nhị và ngay thẳng! Theo Đức Chân Phước Gioan Phaolô 2, tôi cũng lập lại với các bạn rằng: ”Các bạn đừng sợ, hãy mở toang cánh cửa tâm trí của các bạn cho Chúa Kitô!”. Cuộc gặp gỡ với Chúa ”mang lại cho cuộc sống một chân trời mới và qua đó là một hướng đi quyết định” (Deus caritas es, 1). Nơi Ngài, các bạn sẽ tìm được sức mạnh và can đảm để tiến bước trên đường đời của các bạn, vượt thắng những khó khăn và đau khổ. Trong Chúa, các bạn sẽ tìm được nguồn mạch vui mừng..”

ĐTC nói thêm rằng: ”Những bất mãn thất vọng hiện nay không được làm cho các bạn chạy trốn vào trong những thế giới song song, như thế giới của ma túy đủ loại, hoặc thế giới của sầu muộn và dâm ô. Về những mạng xã hội, chúng hay ho nhưng cũng có thể dễ dàng lôi kéo các bạn vào tình trạng lệ thuộc và lẫn lộn giữa thực tế và tiềm thể. Hãy tìm kiếm và sống những quan hệ phong phú của tình bạn chân thành và cao thượng. Hãy có những sáng kiến mang lại ý nghĩa và căn cội cho cuộc sống của các bạn bằng cách chiến đấu chống lại sự hời hợt và sự tiêu thụ dễ dàng! Các bạn cũng bị một thứ cám dỗ khác, đó là cám dỗ của tiền bạc, thứ thần tượng bạo chúa này làm mù quáng đến độ bóp nghẹt nhân vị và con tim. Những thí dụ xung quanh các bạn không luôn luôn là những điều tốt đẹp nhất. Nhiều người quên lời Chúa Kitô dạy: không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài (Xc Lc 16,13). Hãy tìm kiếm những bậc thầy tốt, những bậc tôn sư linh đạo, biết chỉ cho các bạn con đường trưởng thành, loại bỏ những gì là ảo tưởng, chỉ có cái vẻ bề ngoài và gian dối.

”Các bạn hãy trở thành những người mang tình yêu của Chúa Kitô, bằng cách qui hướng không chút dè dặt về Thiên Chúa, là Cha của Đức Kitô, là mẫu mực những gì là công chính, là chân thực và tốt lành. Hãy suy niệm Lời Chúa! Hãy quan tâm tìm hiểu và khám phá tính chất thời sự của Tin Mừng. Hãy cầu nguyện! kinh nguyện, các bí tích là những phương thế chắc chắn và hiệu nghiệm để là Kitô hữu và sống ”ăn rễ sâu và được xây dựng trong Chúa Kitô, được củng cố trong đức tin” (Cl 2,7). Năm Đức Tin sắp bắt đầu sẽ là dịp để khám phá kho tàng đức tin đã lãnh nhận khi chịu phép rửa. Các bạn có thể đào sâu nội dung đức tin nhờ học hỏi Sách Giáo Lý để đức tin của bạn được sinh động và sống thực. Như thế các bạn sẽ trở thành những chứng nhân về tình yêu của Chúa Kitô cho tha nhân. Nơi Ngài, mọi người trở thành anh chị em với nhau. Tình huynh đệ đại đồng mà Chúa Kitô đã khai mào trên Thánh Giá làm cho cuộc cách mạng tình yêu được ánh sáng rạng ngời và có những đòi hỏi. ”Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34). Đó chính là di chúc của Chúa Giêsu và là huy hiệu của Kitô hữu. Đó là cuộc cách mạng tình yêu đích thực!”

”Vì thế, Chúa Kitô mời gọi các bạn hãy làm như ngài, đón nhận tha nhân không chút dè dặt, dù họ thuộc nền văn hóa, tôn giáo và quốc gia khác. Dành chỗ cho họ, tôn trọng họ và nhân từ với họ, ngày càng gia tăng tình người và được vững mạnh nhờ an bình của Chúa. Tôi biết nhiều người trong các bạn tham gia những hoạt động khác nhau do các giáo xứ, trường học, phong trào và hội đoàn đề xướng. Thật là đẹp khi dấn thân với và cho tha nhân. Việc cùng nhau sống những giờ phút thân hữu và vui mừng sẽ giúp chống lại những mầm mống chia rẽ, vốn là điều luôn luôn phải bài trừ. Tình huynh đệ là điều báo trước trời cao và ơn gọi làm môn đệ của Chúa Kitô là làm men trong bột như thánh Phaolô đã quả quyết: ”Một chút men làm dậy cả đấu bột” (Gl 5,9). Hãy trở thành những sứ giả Tin Mừng sự sống và những giá trị sự sống. Hãy can đảm chống lại tất cả những gì chối bỏ sự sống như phá thai, bạo lực, phủ nhận và khinh rẻ tha nhân, bất công, chiến tranh. Như thế các bạn làm cho hòa bình lan tỏa xung quanh các bạn… Khám phá nơi chân lý sự tha thứ và lòng từ bi của Thiên Chúa là điều luôn luôn giúp tái khởi hành để sống một đời mới. Thật không dễ tha thứ, nhưng sự tha thứ của Thiên Chúa trao ban sức mạnh để hoán cải và niềm vui tha thứ. Tha thứ và hòa giải là những con đường hòa bình và mở ra tương lai.

Đáp lại tiếng Chúa gọi

Tiếp tục bài huấn dụ trong buổi gặp gỡ, ĐTC nói với các bạn trẻ Liban rằng:
“Các bạn thân mến, chắc chắn nhiều người trong các bạn tự hỏi một cách hơn kém ý thức: Chúa mong đợi gì nơi tôi? Đâu là dự phóng của Ngài dành cho tôi? Phải chăng tôi không muốn loan báo cho thế giới tình yêu cao cả của Chúa qua chức linh mục, đời sống thánh hiến hoặc cuộc sống hôn nhân? Phải chăng Chúa Kitô không kêu gọi tôi theo sát Ngài? Các bạn hãy tin tưởng đón nhận những câu hỏi ấy. Hãy dành thời gian để suy tư và cầu xin ánh sáng. Hãy đáp lại lời mọi bằng cách mỗi ngày dâng hiến bản thân cho Đấng đã kêu gọi các bạn trở thành bạn hữu của Ngài. Hãy tìm cách theo Chúa Kitô với trọn tâm hồn và với lòng quảng đại, Chúa là Đấng đã cứu chuộc chúng ta vì yêu thương và hiến mạng vì mỗi người chúng ta. Các bạn sẽ được niềm vui và được sự sung mãn chắc chắc. Đáp lại lời mời gọi của Chúa Kitô dành cho ta, chính là bí quyết an bình đích thực.”

Trong phần kết luận, ĐTC cũng chào thăm những bạn trẻ Hồi giáo có mặt tại buổi gặp gỡ và cám ơn họ vì sự hiện diện rất quan trọng như thế. Ngài nói: ”Cùng với các bạn trẻ Kitô, các bạn là tương lai của đất nước tuyệt vời này và của toàn vùng Trung Đông. Hãy cùng nhau kiến tạo tương lai ấy! Khi các bạn trở thành người lớn, hãy tiếp tục sống hòa hợp trong tình đoàn kết với các tín hữu Kitô. Vì vẻ đẹp của Liban ở nơi sự liên kết đẹp đẽ ấy. Toàn Trung Đôgn cần nhìn các bạn và hiểu rằng người Hồi giáo và Kitô, Hồi giáo và Kitô giáo, có thể sống chung với nhau không chút oán ghét, trong niềm tôn trọng tín ngưỡng của mội người, để cùng nhau xây dựng một xã hội tự do và nhân bản”.

”Tôi được biết trong số các bạn cũng có những người trẻ đến từ Siria. Tôi muốn nói với các bạn rằng tôi ngưỡng mộ lòng can đảm của các bạn. Xin hãy nói với những người thân, với gia đình và bạn hữu của các bạn rằng Giáo Hoàng không quên các bạn. Hãy nói cho những người quanh các bạn rằng Giáo Hoàng đau buồn vì những đau khổ và tang tóc của các bạn. Người không quên Siria trong kinh nguyện và quan tâm. Người không quên những người Trung Đông đang chịu đau khổ. Đã đến lúc người Hồi giáo và Kitô liên kết với nhau để chấm dứt bạo lực và chiến tranh.”

Sau buổi gặp gỡ giới trẻ, ĐTC còn hội kiến với 7 vị Thượng Phụ Công Giáo tại nhà nguyện Đức Mẹ Lên Trời trong tòa Thượng Phụ Công Giáo Maronite, trước khi trở về tòa Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa tối và qua đêm.

G. Trần Đức Anh OP

ĐỨC TIN SỐNG

ĐỨC TIN SỐNG
 

CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B (16/09/2012)
[Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35]

Được gọi là tín hữu Chúa Kitô hay Kitô hữu, ít là một lần chúng ta đã tuyên xưng “tôi tin” vào Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, xuống thế làm người, chịu đóng đinh chịu chết và sống lại để cứu chuộc chúng ta, phục hồi cho chúng ta sự sống mới trong Thiên Chúa”.

Hầu hết chúng ta được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội từ nhỏ, vì thế, Cha Mẹ, người đỡ đầu, có bổn phận hướng dẫn chúng ta thành toàn ơn Đức Tin đã được lãnh nhận. Việc thành toàn ấy bao gồm việc học biết về Đấng mình đã Tin và Sống theo ý muốn của Đấng mình đã tin. Thánh Gia-cô-bê nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết" (Gc 2, 17).Vậy, muốn cho ĐỨC TIN SỐNG, Đức Tin phải có việc làm.
 
Lời Chúa hôm nay giúp ta khám phá một vài việc làm của Đức Tin:
 
1. Tuyên xưng Đức Tin: .
 
Tuyên xưng Đức Tin  vào Chúa Giê-su không phải là công bố một công thức hay một kiến thức kinh điển thần học, hoặc một số vốn liếng Giáo Lý. Những người có học thần học hay có ít vốn liếng Giáo Lý cũng không nên xem thường đức tin bậc giáo dân thấp kém hay những người mù chữ, ít học. Bởi đức tin là một ân huệ hơn là một khả năng của lý trí. Và ơn huệ của đức tin được nhân lên mỗi phút giây cho những ai biết rõ Đức Giê-su Ki-tô, Người mình tin, kết hiệp mật thiết với Người và sống theo điều Người dạy. Một số giáo dân tưởng rất kém cỏi, nhưng thực ra, đức tin của họ thật mãnh liệt. Họ Tuyên Xưng Đức Tin bằng đời sống anh dũng của họ trước những làn tên mũi đạn của cuộc đời, của những cuộc bức bách có tổ chức, nhờ họ có lòng mến thực thà, chân thành.
 
Trong khi các tông đồ không nhận ra “người mình tin” là ai, thì Phê-rô, người đánh cá tầm thường nhất, đại diện cho những con người ít học, đã biết “người mình tin”, sống thiết thân với “người mình tin” và được ân huệ nhân lên do bởi ánh sáng của Chúa Thánh Thần của lòng mến đã công bố: “Thầy là Đức Ki-tô” (Mc 8, 29),hiểu là “Đấng đã được Thiên Chúa Xức Dầu”, “Đấng Cứu Chuộc Thế Gian”
 
2.Từ bỏ mình:
 
Việc làm cụ thể của Đức Tin còn phải là từ bỏ mình, như Chúa Giê-su nói: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình" (Mc 8, 34-35).
 
Từ bỏ mình cũng đồng nghĩa với từ bỏ ma quỷ, từ bỏ con người cũ của ma quỷ, từ bỏ cái tôi kiêu ngạo được ma quỷ nâng đỡ, khuyến khích, xúi giục, từ bỏ những thứ tham sân si thuộc về cõi phù vân, cõi tạm mang tính-hay-chết hoặc không tồn tại trên đời, cũng là từ bỏ tất cả những gì chúng ta không thể mang theo vào cuộc sống mai sau.
 
Nhiều người đã tập buông bỏ tất cả cho tâm hồn bình an thư thái, thân xác khỏe mạnh, nhưng cách buông bỏ ấy chưa hẳn là cách buông bỏ theo ý muốn của Chúa Giê-su. Bởi thế, Chúa đã thêm vào việc “từ bỏ mình” là “vác thập giá mình mà theo Chúa”. Một đòi hỏi thật tích cực của Đức Tin vào “Đấng Đã Chịu Đóng Đinh” là phải chịu đóng đinh với Đấng mình đã tin. Như vậy, từ bỏ là biến đau khổ thành niềm vui, biến gian nan thử thách thành con đường sống, biến sự chết thành sự sống lại ngay trong bản tính hay chết của mỗi con người. Con mắt Đức Tin nhìn đau khổ và sự chết ở đời này, chính là hạnh phúc và sự sống ở đời sau.
 
Hãy cảm phục những lời tuyên xưng đức tin cách sống động, những việc làm cụ thể của đức tin, nơi những Ki-tô hữu đang đau khổ, bệnh tật, phong cùi, bị đàn áp, bị bức bách… Đừng nên xem thường họ, nhưng hãy kiểm lại cách từ bỏ và vác Thập Giá của mình.
 
3. Làm việc bác ái:
 
Tuyên xưng Đức tin vào Chúa Giê-su mà không mặc lấy trái tim nhân hậu của Ngài thì quả thật là giả dối, là môi miệng. Bởi thế, Thánh Gia-cô-bê giải thích việc làm của Đức Tin là việc Bác Ái: “Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: "Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm", mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì?” (Gc 2, 15-16).
 
Có những tín hiệu đáng vui mừng nơi những Giáo Dân hôm nay đang khá trưởng thành về việc thực hành Đức Bác Ái trong một xã hội vô cảm. Ý nghĩa “Bác Ái vì Chúa” của người Công Giáo, của các nhóm Công Giáo vẫn luôn là kim chỉ nam để mọi người thể hiện việc làm của Đức Tin hơn là việc làm cách giả hình, cách đạo đức mỵ dân của một xã hội gian dối. Chúng ta được quyền tin tưởng nơi những ủy ban Caritas rằng sẽ không thể có chuyện ăn chặn, bớt xén những phần giúp đỡ người nghèo, người bị thiên tai bão lụt…cũng không có chuyện lạc địa chỉ vào túi ông kia vào nhà bà nọ… bởi vì, tất cả đang trưởng thành về việc phải thực hiện đời sống Đức Tin bằng một Đức Bác Ái chân thành, Đức Bác Ái Ki-tô Giáo.
 
4. Hiên ngang sống công chính:
 
Thánh vịnh Đáp ca hôm nay cũng góp phần vào việc hướng dẫn một đức tin sống động: Hiên ngang sống công chính giữa cuộc đời giả trá điêu ngoa. “Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (Tv.114,9).
 
Hiên ngang sống công chính vì đã tin vào Đấng Công Chính và có Ngài nâng đỡ, phù trợ, như tiên tri Isaia khẳng định:“Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Đấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?” (Is 50, 5-9a).
 
Vâng, Từ bỏ mình, vác thập giá mình, rồi “theo Chúa”. Theo Chúa là theo cách sống công chính của Chúa. Sự công chính ấy lan tỏa ra cho thế gian bằng một đời sống chứng nhân can đảm: “Tôi đã đưa lưng tôi cho kẻ đánh, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, không tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi” (x. Tv 114, 1-9).
 
Người Công Giáo Việt Nam hôm nay đang bị trong đấm vào lưng, ngoài vả vào mặt, trong giật râu, ngoài nhạo cười phỉ báng. Các Ki-tô hữu Việt Nam, thuộc mọi thành phần, phẩm trật đang bị hành hình đủ kiểu, mà kiểu nào cũng đòi hỏi một sự kiên cường làm chứng cho Đức Tin Công Giáo và hiên ngang sống công chính giữa mọi thế lực trong ngoài đều có thể là gian tà. Trước tình hình nhiễu nhương hư thực, chẳng biết đâu là gian đâu là thật, Người công Giáo Việt Nam chỉ còn có thể Tin vào Chúa Giê-su Ki-tô đích thực là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống mà nhắm thẳng đích đến trong cuộc sống chứng nhân.
 
 
Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa Giê-su Ki-tô, là Đấng Cứu Chuộc chúng con. Xin cho Đức tin của chúng con được sống và lớn lên nhờ việc từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa, sống bác ái với mọi người và  anh dũng làm chứng nhân cho Chúa giữa đời. A men.

 
PM. Cao Huy Hoàng