PHỦ QUỐC VỤ KHANH TÒA THÁNH YÊU CẦU CÁC VỊ ĐẠI SỨ CẠNH TÒA THÁNH CHÚ Ý TỚI THẢM CẢNH CỦA CÁC KITÔ HỮU VÙNG TRUNG ĐÔNG

PHỦ QUỐC VỤ KHANH TÒA THÁNH YÊU CẦU CÁC VỊ ĐẠI SỨ CẠNH TÒA THÁNH CHÚ Ý TỚI THẢM CẢNH CỦA CÁC KITÔ HỮU VÙNG TRUNG ĐÔNG

VATICAN: Trong hai ngày 28-29 tháng 7 năm 2014 Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã gửi văn thư cho các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh, yêu cầu chú ý tới thảm cảnh của các kitô hữu vùng Trung Đông và tích cực dấn thân tìm giải pháp hóa bình cho các dân tộc vùng này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ hôm 29-7-2014 Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, ngoại trưởng Tòa Thánh, đã cho biết như trên.

Văn bản của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh bao gồm các lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô cho hòa bình tại vùng Trung Đông. Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh rất lo âu theo dõi tình hình của các cộng đoàn kitô Trung Đông. Họ đang đau khổ một cách bất công, lo sợ và bị bắt buộc phải di cư. Chỉ trong thành phố Mosul đã có 30 nhà thờ và đan viện bị các lực lượng hồi cuồng tín chiếm đóng, phá hoại và tháo gỡ thánh giá. Trong biết bao năm nay đây là lần đầu tiên đã không có thánh lễ Chúa Nhật. Cần phải nhớ rằng tại Irak cũng như trong các nước vùng Trung Đông, các kitô hữu đã hiện diện ngay từ đầu lịch sử Giáo Hội, và đã có một vai trò ý nghĩa trong sự phát triển xã hội; và họ muốn tiếp tục hiện diện như các tác nhân hòa bình và hòa giải.

Tòa Thánh đã hoạt động trên nhiều bình diện khác nhau. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần bầy tỏ sự gần gũi với các cộng đoàn kitô, đặc biệt với các gia đình kitô tại Mosul, bằng cách mời gọi mọi người cầu nguyện cho họ. Ngài đã bầy tỏ sự gần gũi của ngài qua Đức Thượng Phụ Can đê Babilonia và Đức Thượng Phụ Siri Antiokia, khích lệ tín hữu mạnh mẽ trong hy vọng. Ngài cũng đã gửi trợ giúp kinh tế cho các gia đình qua Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum Đồng Tâm.

Về phía mình Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã hoạt động qua các ngã ngoại giao, khích lệ các chính quyền quốc gia và hàng lãnh đạo quốc tế chú ý tới số phận của các kitô hữu vùng Trung Đông, trong thông tư gửi cho mọi tòa đại sứ cạnh Tòa Thánh. Phủ Quốc Vụ Khanh hy vọng cộng đoàn quốc tế lưu tâm tới vấn đề này, vì nó liên quan tới nhân phẩm và các quyền căn bản của con người, sự sống chung hòa bình và hòa hợp giữa các cá nhân và các dân tộc. Irak và các quốc gia khác của vùng Trung Đông được mời gọi là một mô thức sống chung giữa các cộng đoàn khác nhau, nếu không sẽ là một mất mát rất lớn và là một dấu hiệu rất xấu cho toàn thế giới.

Liên quan tới thảm cảnh của người Palestine sống trong dải Gaza thật là đáng tiếc sự kiện người ta coi nó như điều không thể tránh được, nhưng không đúng như vậy. Đức Thánh Cha đã đưa ra nhiều lời kêu gọi mọi người cầu nguyện nài xin ơn hòa bình, và tiếp nhận lời Thiên Chúa mời gọi bẻ gẫy vòng luẩn quẩn của thù hận và bạo lực đẩy xa hòa bình.

Đức Tổng Giám Mục Mamberti nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha đã yêu cầu các giới chức trách nhiệm chính trị địa phương cũng như thế giới làm tất cả những gì có thể để ngưng thù nghịch và đạt tới hòa bình mong mỏi cho thiện ích của tất cả mọi người. Cần có nhiều can đảm để tạo dựng hòa bình hơn là để gây chiến tranh. Ngoài ra, phải đặt để công ích và việc tôn trọng mọi người vào trung tâm, chứ không phải các lợi lộc riêng tư (SD 29-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican  Radio

SỨ ĐIỆP GỬI TÍN HỮU HỒI GIÁO NHÂN KẾT THÚC THÁNH CHAY TỊNH RAMADAN

SỨ ĐIỆP GỬI TÍN HỮU HỒI GIÁO NHÂN KẾT THÚC THÁNH CHAY TỊNH RAMADAN

VATICAN: Hôm qua, 18.07, Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn đã công bố sứ điệp gửi các tín hữu Hồi giáo nhân dịp kết thúc tháng chay tịnh Ramadan.

Sứ điệp mang chữ ký của Đức Hồng Y Jean Louis Tauran chủ tịch và linh mục Miguel Ayuso Guixot, tổng thư ký hội đồng đối thoại liên tôn của Tòa Thánh, có đoạn viết ”Anh chị em hồi giáo thân mến, chúng tôi rất vui mừng và thành tâm chúc mừng anh chị em dịp lễ Id al Fitr, chấm dứt tháng chay tịnh Ramadan là tháng dành để cầu nguyện, thanh tịnh và cứu giúp người nghèo. Hồi năm ngoái, trong năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân gửi điệp cho anh chị em nhân dịp này. Tín hữu Kitô và hồi giáo đều là anh chị em của nhau, vì cùng là con cái của một Thiên Chúa duy nhất đã tạo dựng nên gia đình nhân loại. Chúng ta luôn cám ơn Đấng Tối Cao đã ban cho chúng ta nhiều điểm tương đồng, chẳng hạn như phẩm giá con người là con cái Thiên Chúa và lòng tuân phục Người, cùng với tình yêu, công lý, hòa bình và sứ mạng phục vụ giúp đỡ người nghèo khó. Như mọi người chúng ta đều rõ, thế giới ngày nay đang phải đối diện với những thách đố trước hiểm họa môi sinh, cuộc khủng hoảng kinh tế hoàn vũ và nạn thất nghiệp lên cao, nhất là giữa người trẻ. Nhân loại ngày nay cần phải chung sức hoạt động để xây những nhịp cầu hòa bình và thăng tiến hòa giải, nhất là tại những vùng mà tín hữu kitô và hồi giáo cùng đang chịu cảnh thương đau của chiến tranh. Cầu xin tình thân hữu của chúng ta sẽ làm nảy sinh những đường hướng cộng tác mới để giải quyết những thách đố này cách khôn ngoan và thận trọng, để chứng minh rằng các tôn giáo có thể là suối nguồn mang lại hòa hợp và lợi ích cho toàn xã hội. Cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng tôi xin gửi đến toàn thể các anh chị em những lời chúc mừng an vui và thịnh vượng nồng nhiệt nhất. (CSD 4974).

Mai Anh – Vatican Radio

SỨ ĐIỆP CỦA LIÊN HĐGM PHI CHÂU VÀ MADAGASCAR

SỨ ĐIỆP CỦA LIÊN HĐGM PHI CHÂU VÀ MADAGASCAR

BRAZZAVILLE: Trong sứ điệp công bố sau hội nghị về gia đình do Liên HĐHM Phi châu và Madagascar tổ chức trong các ngày từ mùng 6 đến 13 tháng 7, các Giám Mục đã đưa ra 23 đề nghị nhằm củng cố gia đình truyền thống bằng cách gia tăng chương trình chuẩn bị hôn nhân, thăng tiến giáo dục đào tạo gia đình cả trên bình diện tinh thần.

Các chương trình này cần thiết, vì giúp gia đình đương đầu với cuộc khủng hoảng hiện nay hậu qủa của chủ trương cá nhân, duy lợi ích và tham lam, khiến cho người ta quên đi sự nhưng không của tình yêu.

Mười đề nghị đầu liên quan tới việc chuẩn bị hôn nhân chu đáo, bắng cách tái cấu trúc mục vụ gia đình, đào tạo các nhân viên mục vụ gia đình, củng cố đặc thái kitô, giáo dục con cái và người trẻ có tinh thần trách nhiệm và trưởng thành, dấn thân trong các lãnh vực xã hội, luật pháp và chính trị.

Mười đề nghị tiếp theo nêu bật bốn cột trụ của chiều kích tinh thần trong cuộc sống gia đình là: lắng nghe Lời Chúa, thường xuyên tham dự các buổi cử hành Thánh Thể, cầu nguyện chung và siêng năng rước Minh Thánh Chúa.

Các Giám Mục cũng đề cao việc đẩy mạnh tình liên đới với các gia đình nghèo túng và gặp khó khăn, cũng như thanh tẩy các tập tục liên quan tới của hồi môn, chống lại các hiện tượng giáo phái, phù thủy, ma thuật và thăng tiến mục vụ của lý trí (SD 16-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

CẦN PHẢI BẢO VỆ QUYỀN CỦA CÁC NGƯỜI SỐNG VỀ NGHỀ BIỂN

CẦN PHẢI BẢO VỆ QUYỀN CỦA CÁC NGƯỜI SỐNG VỀ NGHỀ BIỂN

VATICAN: Trong sứ điệp gửi ”Ngày biển” 13-7-2014 Đức Hồng Y Antonio Maria Veglio, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh cho người di cư và lưu động, khẳng định rằng cần phải bảo vệ quyền lợi của những người sống về nghề biển, bằng cách ý thức được các khó khăn của họ.

Trong số các khó khăn của những người sống về nghề biển, ngoài cảnh xa gia đình nhiều tháng trời mỗi năm, còn có nguy cơ gặp cướp biển nguy hại tới tính mạng.

Hiện nay hơn 90% hàng hóa trên thế giới được khoảng 100,000 con tầu chuyên chở bằng đường biển, với 1.2 triệu nhân công thuộc mọi chủng tộc, quốc tịch, mầu da, tiếng nói, văn hóa và tôn giáo. Đây là một thực tại quan trọng trong cuộc sống xã hội. Nhưng các nhân công này như những người ”vô hình” đối với con mắt chúng ta và đối với xã hội. Vì thế cần phải ý thức về các vất vả, khó khăn mà những ngừơi sống về nghề hàng hải phải đương đầu mỗi ngày, cũng như sự phục vụ qúy báu của tổ chức Tông Đồ Biển đối với các anh chị em này và gia đình họ. Đức Hồng Y Veglio nhắc cho mọi người nhớ rằng cuộc sống của nghề biển rất khó khăn và nguy hiểm, không chỉ phải đương đầu với thiên nhiên bão táp mà còn có nạn cướp biển trong nhiều vùng, cũng như nạn kỳ thị và bị bỏ rơi không được trả lương nữa.

Từ hơn 90 năm nay Giáo Hội cống hiến các công tác mục vụ cho những người sống về nghề biển, với các ”trung tâm Sao Biển” là các nơi duy nhất họ được tiếp đón nồng hậu. Đặc biệt các linh mục tuyên úy luôn luôn sẵn sàng cống hiến sự trợ giúp tinh thần cho họ. Tổ chức Tông Đồ Biển là tiếng nói của những người thường không có tiếng nói, bằng cách tố cáo các lạm dụng và bất công, bảo vệ các quyền lợi của những người sống về nghề biển, yêu cầu kỹ nghệ hàng hải và các chính quyền tôn trọng các Hiệp ước hàng hải quốc tế (SD 13-7-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

CHIA SẺ VÀ CẢM NGHIỆM – CHUNG MỘT TẤM LÒNG

CHIA SẺ VÀ CẢM NGHIỆM – CHUNG MỘT TẤM LÒNG

Ngày 29 tháng 06 hằng năm Giáo Hội long trọng mừng kính chung hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Các ngài là nền tảng kiên cố của toà nhà Hội Thánh. Các ngài là hai vị thánh lớn đã có nhiều cống hiến cho Giáo Hội thời sơ khai. Vì Chúa biến đổi con người hai ngài cho nên xứng đáng với sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ. Ơn Chúa thật sự hoạt động trong cuộc đời của các ngài. Chính Chúa liên kết hai con người có nhiều điểm khác nhau trong cùng một lòng mến. Cho nên điểm hẹn cuối cùng và cũng là điểm hẹn quan trọng nhất của cả đời các ngài là cái chết làm chứng cho Ðức Kitô Phục Sinh.

Thánh Phêrô là người xuất thân từ nghề đánh cá, ít học, tính khí nóng nảy thẳng thắn và năng nổ. Một đặc điểm trong cả cuộc đời của Thánh Phêrô là luôn sống chân thật. Ðiều này thật đáng quý mà con người thời này khó có thể sống được. Chỉ có Thánh Phêrô dám nói thẳng ra những gì ngài suy nghĩ trong lòng mà không “rào trước đón sau”. Chính vì thế trong Tin Mừng chúng ta thấy rải rác những lời phát biểu đơn sơ của ngài. Chỉ có Thánh nhân mới dám nói lên ý định cản ngăn không cho Ðức Giêsu lên Giêrusalem chịu chết. Và lời nói tệ nhất trong cuộc đời thánh nhân là lời phủ nhận mình là môn đệ của Ðức Giêsu. Có thể Thánh Phêrô là người có nhiều sai phạm hơn so với các bạn đồng môn, thậm chí những lỗi lầm đó rất nặng đến độ đáng phải bị trừng phạt. Song Chúa Giêsu vẫn yêu thương ngài. Chúa không từ bỏ ý định đặt thánh Phêrô làm đầu Hội Thánh.

Ðiều đó cho thấy Thiên Chúa trước sau như một, Ngài không bao giờ thất vọng vì con người, ngay cả với những người tội lỗi, Chúa hằng ngày đợi chờ những người lầm lỗi, sám hối trở về với ngài. Ðối với Chúa, dù có lỗi nặng hay lỗi nhẹ, nhiều hay ít không là gì cả. Chỉ có một tấm lòng sám hối chân thành và biết sửa đổi đời sống mới xoá bỏ mọi lầm lỗi. Vì Thiên Chúa luôn tha thứ cho mọi lầm lỗi của chúng ta. Khi trao cho Thánh Phêrô vị trí đứng đầu Giáo Hội, Chúa đã hết lòng tin tưởng ở ngài. Còn về phía thánh nhân, từ sự khóc lóc sám hối vì mình đã chối Chúa, thánh nhân đã thay đổi hoàn toàn đời sống. Thánh nhân cũng đặt hết tin tưởng ở Thiên Chúa. Như thế suốt cuộc đời ngài như là một lời tuyên xưng niềm tin vào Ðức Kitô: “Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”. Vì Chúa thánh nhân có thể mạnh dạn bước vào con đường thập giá mà không một chút sợ sệt. Với một lòng yêu mến Chúa, ngài có thể làm tất cả mọi sự mà không sợ bị bách hại và sợ bị giết chết.

Cuộc đời thánh Phaolô cũng được tình thương Chúa chở che. Trước tiên Chúa đã yêu thương kêu gọi thánh Phaolô làm tông đồ dân ngoại. Dựa vào tài năng, trí thông minh, vốn liếng kiến thức được học hành và nhất là tâm huyết ngài có thể đem rất nhiều người trở về với Chúa. Ngài có khả năng giảng dạy giáo lý một cách mạch lạc và dễ hiểu đối với mọi người. Kể từ biến cố “té ngựa” trên đường đi Ða-mát đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời thánh Phêrô. Từ một người bắt bớ các Kitô hữu ngài đã trở thành người rao giảng Tin Mừng cứu độ. Ngài sẵn sàng quên mình để đi đến với những người ngoài Do-thái giáo và tiếp xúc với họ. Dù được biết Chúa muộn hơn nhưng những đóng góp của ngài cho Giáo Hội thì không thua kém ai. Lòng yêu mến Chúa chân thành là động lực thúc đẩy ngài đi đến với dân ngoại. Thánh nhân đã ý thức được sự hoạt động của Chúa khi ngài nói; “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi “. Giáo Hội mà ngài xây dựng là cộng đoàn phổ quát gồm nhiều người thuộc nhiều quốc gia, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hoá, nhưng chung một niềm tin và lòng mến vào Chúa Kitô.

Mừng lễ hai thánh Phêrô và Phaolô chúng ta cảm phục Thiên Chúa đã thực hiện một sự kết hợp kỳ diệu giữa hai con người. Chúa lập nên Giáo Hội từ những sự khác biệt nhưng có thể hợp tác bổ túc cho nhau.

Mỗi người trong Hội Thánh dù khác nhau về trình độ, giai cấp, tính tình nhưng luôn có chung một tấm lòng. Ðó là tấm lòng yêu mến Chúa và yêu mến Giáo Hội. Vì khi biết đồng tâm hiệp lực với nhau làm việc người ta sẽ có thể vượt qua được mọi khó khăn gian khổ. Chung một tấm lòng để cùng nhau làm việc người ta sẽ làm được những điều kỳ diệu vượt quá sức tưởng tượng. Tình yêu Chúa đối với chúng ta phải là động lực mạnh mẽ nhất giúp chúng ta phục vụ Hội Thánh.

Ngày nay Chúa đang mời gọi mỗi người Kitô hữu đáp lại tình thương của Chúa bằng việc phục vụ Hội Thánh. Chúng ta có thể phục vụ Giáo Hội khi biết tham gia vào những sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ nơi mình đang sống. Những công việc đó dù bị người ta xem là “việc bao đồng” nhưng thực chất là trách nhiệm của mỗi người Kitô hữu.

Lạy Chúa, khi biểu dương gương sáng đời sống của hai thánh Phêrô và Phaolô Chúa muốn dạy chúng con về tinh thần phục vụ Hội Thánh. Chúng con nhiều khi phải mất thời gian giàn xếp những lộn xộn nội bộ vì không biết cộng tác với nhau để làm việc cho Chúa. Xin cho chúng con tuy nhiều người nhưng chỉ có một tấm lòng chung đó là lòng yêu mến Chúa nồng nàn. Amen.