Bài trừ nạn tra tấn để bảo vệ sự tự do và phẩm giá của con người

Bài trừ nạn tra tấn để bảo vệ sự tự do và phẩm giá của con người

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève

Trong hai ngày 5-6 tháng 5 năm 2014 khóa họp thứ 52 của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Hiệp ước chống tra tấn, gọi tắt là CAT, đã diễn ra tại Genève bên Thụy Sĩ. Tham dự khóa họp có phái đoàn của Tòa Thánh do Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc, hướng dẫn. Thuộc thành phần phái đoàn có Đức Ông Christophe El-Kassis, giáo sư Vincenzo Buonomo, và Đức Ông Richard Gyhra.

Trong hai ngày họp phái đoàn Tòa Thánh đã điều trần theo lượt trước Ủy ban này, giống như trường hợp nhiều nước khác. Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi dã nhấn mạnh rằng Tòa Thánh dấn thân chống lại tra tấn với ý muốn đầu tiên là bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của bản vị con người”. Tòa Thánh coi ”Hiệp ước chống tra tấn” là một dụng cụ có giá trị để chống lại các hành động xúc phạm nặng nề tới phẩm giá con người, và đánh giá cao Hiệp ước mà quốc gia thành Vaticăng đã phê chuẩn năm 2002. Hiệp ước cũng được áp dụng cho quốc gia Thành Vaticăng, nhưng thật là sai lầm, khi nghĩ rằng Tòa Thánh có quyền tài phán trên mọi thành phần của Giáo Hội Công Giáo, sống rải rác trong nhiều nước trên thế giới.

Đức Tổng Giám Mục Tomasi đã bác bỏ những phê bình của một số thành viên Ủy ban Liên Hiệp quốc chống nạn tra tấn. Các thành viên này cho rằng Tòa Thánh đã không có hành động xử lý những vụ tra tấn liên quan đến lạm dụng tính dục trẻ em tại một số nơi trong Giáo Hội công giáo; hoặc có thành viên cho rằng khi chủ trương cấm phá thai là Giáo Hội Công Giáo góp phần tạo ra sự ”tra tấn” đối với những người cảm thấy cần phải phá thai.

Đức Tổng Giám Mục cho biết cần phải phân biệt Tòa Thánh, Giáo Hội Công Giáo và Quốc gia Thành Vatican. Tòa Thánh ký và phê chuẩn Hiệp ước chống tra tấn nhân danh quốc gia Thành Vatican và muốn là một uy tín tinh thần để cổ võ việc chống tra tấn trên thế giới. Tuy nhiên, Tòa Thánh không có quyền tài phán trên các tín hữu công giáo là công dân của một quốc gia.

Nếu một tín hữu công giáo vi phạm luật cấm tra tấn, thì thẩm quyền xét xử và trừng phạt thuộc về quốc gia nơi đương sự là công dân. Chính quyền các nước có bổn phận phải bảo vệ, và khi cần, truy nã các người sống dưới quyền tài phán của mình. Chính quyền mỗi nước có thẩm quyền hợp pháp hành động như chủ thể có trách nhiệm công lý đối với các tội phạm và các lạm dụng do các người dưới quyền tài phán của mình vấp phạm. Mỗi cá nhân, bất kể tùy thuộc một cơ cấu công giáo nào, thuộc quyền đặc biệt của quốc gia nơi họ sinh sống.

Tòa Thánh cũng thực thi quyền bính đó trên những ai sống trong quốc gia thành Vaticăng theo các luật lệ riêng của mình. Tòa thánh tôn trọng các nguyên tắc về sự độc lập và chủ quyền của mỗi nước.

Tòa Thánh cầu mong rằng trong việc áp dụng Hiệp ước vào trong tất cả mọi hoàn cảnh mới các hoàn cảnh đó ở trong lãnh vực chuyên biệt của Hiệp ước. Cần phải chú ý tới điều này vì đưa các đề tài khác mà Hiệp ước không đề cập tới giảm thiểu mục đích ban đầu của Hiệp ước, và gây nguy hiểm cho các tình trạng của những người bị lạm dụng và tra tấn. Từ đó có nguy cơ công việc của Ủy ban chẳng những vô hiệu, mà còn gây thiệt hại nữa. Đức Tổng Giám Mục Tomasi cũng nhắc tới nhiều lập trường của các giới chức cấp cao của Giáo Hội chống lại tra tấn, đặc biệt là giáo huấn của các Giáo Hoàng sau thời Đệ Nhị Thế Chiến. Tòa Thánh đã và sẽ tiếp tục là tiếng nói tinh thần mạnh mẽ nhất trên thế giới bênh vực các quyền con người.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, về vấn đề này.

Hỏi: Thưa Đức Cha Tomasi, Tòa Thánh đã ký nhận Thỏa hiệp chống tra tấn này trong tư cách là quốc gia thành Vaticăng. Như vậy Tòa Thánh có thái độ nào trước các phản bác hay các tố cáo không thể tránh được tìm cách đưa vấn đề vào trong bình diện tổng quát hơn của Giáo Hội công giáo?

Đáp: Trách nhiệm của Tòa Thánh được thi hành theo hai thể thức khác nhau. Thứ nhất là qua thẩm quyền triệt để tư pháp – hợp pháp mà Tòa Thánh có trên lãnh thổ của Quốc gia thành Vaticăng và nó được thực thi giống y như mọi chính quyền khác. Thứ hai là việc thực thi thẩm quyền có tính cách tinh thần của mình với một hình thức quyền bính dựa trên sứ mệnh chuyên biệt của Giáo Hội và lôi cuốn sự gằn bó tự nguyện của tín hữu với các nguyên tắc đức tin công giáo. Các quốc gia duy trì quyền tài phán riêng và triệt để trên các công dân của mình theo công giáo, chẳng hạn trong trường hợp các người này phạm tội. Đối với nhiều người thật là khó hiểu sự kiện việc thực thi quyền bính tinh thần có các phương thế và nguyên tắc khác với việc thi hành quyền bính chính trị và pháp luật. Vì Đức Thánh Cha có quyền trên toàn Giáo Hội người ta nghĩ rằng ngài có thể quyết định trên các cung cách hành xử và các trừng phạt mà các thành phần của Giáo Hội đáng bị. Quyền chìa khóa của Phêrô không giống như quyền bính đời. Các thành phần của Giáo hội sống rải rác trên toàn thế giới gồm các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ, nhưng họ không phải là công dân của quốc gia thành phố Vaticăng, mà là công dân của các quốc gia trong đó họ sinh sống, vì thế họ có các quyền lợi và các bổn phận công dân của các nước đó.

Hỏi: Ngày mùng 5 tháng hai năm nay Tòa Thánh đã kinh ngạc khi nhận được bản tường trình của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về quyền của các trẻ vị thành niên tại Genève liên quan tới Tòa Thánh: đây là một hành vi tố cáo gay gắt các vụ làm dụng tính dục trẻ vị thành niên từ phía một số nhân viên của Giáo Hội, mà theo Đức Cha, nó đã được viết ra trước khi Đức Cha phát biểu hồi tháng giêng năm 2014. Đức Cha có tin rằng kiểu đọc hiểu phiến diện này về Giáo Hội Công Giáo có thể vẫn còn đè năng trên việc tiếp nhận bản tường trình của Đức Cha hay không?

Đáp: Trong hai ngày mùng 5 và mùng 6 tháng 5 Tòa Thánh trình bầy bản báo cáo của mình trong phiên họp thứ 52 của Ủy ban Liên Hiệp Quốc y như các nước khác. Đây là một tiến trình nhằm áp dụng Hiệp Ước một cách tôt đẹp hơn. Tuy nhiên, từ việc duyệt xét ngắn gọn ”Các nhận xét kết luận” mà Ủy ban Liên Hiệp Quốc đưa ra đối với các bản tường trình của các nước trong hai năm qua, đã nảy sinh một loạt các đề tài chỉ liên quan một cách gián tiếp, qua một sinh hoạt giải thích rất là nới rộng, đối với văn bản và các chủ ý của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Hiệp ước chống tra tấn. Thí dụ đưa vào trong Ủy ban CAT thảo luận về việc lạm dụng tính dục trẻ em thì thật là rườm rà, vì nó đã được Hiệp ước về các quyền của Trẻ em đề cập tới rồi. Điều này đặc biệt đúng vì bản văn chính và ý nghĩa của nó không bao gồm các từ liên quam tới tội phạm này. Các đọc hiểu khác về Hiệp ước rất có thể có.

Trong bối cảnh quốc tế của Liên Hiệp Quốc và của nền văn hóa công cộng quốc tế chúng ta đang ở trên hai mặt khác nhau liên quan tới các giá trị nền tảng phải hướng dẫn cuộc sống chung xã hội, chẳng hạn việc bảo vệ quyền sống và sự chú ý tới các nhóm yếu đuối dễ bị thương tích hơn của xã hội. Đặc biệt trên điểm này sự đối nghịch của hai nền văn hóa khác nhau thật là hiển nhiên. Chắc chắn là các trẻ em bị để cho chết chịu một hình thức tra tấn rõ ràng. Chẳng hạn, bên Canada giữa các năm 2000 và 2011 đã có 622 trẻ còn sống sau khi phá thai, nhưng bị để cho chết, cũng như 66 trẻ em bên Anh quốc năm 2005. Một vài phương pháp phá thai chậm trễ cũng là một tra tấn, đặc biệt trong trường hợp gọi là ”giãn nở và rút ra”: bào thai bị cắt chặt thành từng mảnh, rồi bị kéo ra khỏi tử cung. Đương nhiên là Tòa Thánh sẽ ủng hộ quan niệm về bản vị con người phát xuất từ truyền thống kitô và từ khuynh hướng thực tế gắn liền với quyền tự nhiên.

Hỏi: Thưa Đức Cha Tomasi, Tòa Thánh đã phê chuẩn hiệp ước chống tra tấn ngày 22 tháng 6 năm 2002, nhưng bản tường trình đầu tiên đã chỉ được đưa ra vào năm nay 2014, tức hơn mười năm sau khi ký kết. Tại sao lại có sự chậm trễ như thế?

Đáp: Tòa Thánh tham dự vào cuộc sống của cộng đồng quốc tế một cách tích cực. Tòa Thánh góp phần mình như tiếng nói của lương tâm. Tòa Thánh không có các quyền lực to lớn và các lợi lộc kinh tế và quân sự, nhưng muốn bênh vực con người và các giá trị nền tảng nâng đỡ phẩm gía của nó như: quyền tự do tín ngưỡng, tự do phát biểu ý kiến, quyền liên đới, chống lại nghèo dói và các lạm dụng quyền bính. Tòa Thánh làm điều đó cho quốc gia thành Vaticăng như dấu chỉ, nhất là như dấu chỉ của việc khước từ mọi hình thái bạo lực hạ nhục bản vị con người. Việc chậm trễ soạn thảo bản tường trình cho Ủy ban của Hiệp ước cũng một phần dễ hiểu, bởi vì không phải là một bí mật gì sự kiện Tòa Thánh tiếp tục bênh vực các nguyên tắc và kiểu hành xử mà Hiệp Ước thừa nhận. Dầu sao đi nữa giờ đây Tòa Thánh chu toàn bổn phận này và không phải chỉ một cách hình thức, nhưng như là một gặp gỡ xây dựng với các chuyên viên của Ủy ban để thăng tiến sứ điệp của Hiệp ước, mà một cách lịch sử nó đã được thương lượng trong kỷ niệm các kinh hoàng của Đệ Nhị Thế Chiến và trong ước mong che chở các tù nhân khỏi bị tra khảo và các đối xử tàn tệ vi phạm mọi hình thái phẩm giá và quyền tự do của con người.

(RG 3-5-2014; KNA 5-5-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

Biến cố xảy ra gần thành Xêsarê thật quan trọng, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm thêm một lần nữa nhân dịp Lễ Kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ hôm nay. Đây không phải chỉ có một lời tuyên xưng của Phêrô mà thôi, nhưng là hai lời tuyên xưng, đó là của Phêrô và của Chúa Giêsu.

Lời tuyên xưng thứ nhất của Phêrô: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Thiên Chúa yêu thương con người đến độ sai Con Một Người xuống thế để cứu rỗi nhân loại. Lời tuyên xưng của Phêrô nhìn nhận chương trình của Thiên Chúa đang diễn ra trong lịch sử con người: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống”.

Đáp lại lời tuyên xưng này, có thể nói dựa vào lời tuyên xưng Chúa Giêsu tuyên bố vinh hạnh của Phêrô, đồng thời cũng là vinh hạnh của con người, của tất cả mọi người được qui tụ trong đại gia đình của Thiên Chúa, trong một cộng đoàn con cái Thiên Chúa: “Này Simon Phêrô, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy”.

Phêrô tuyên xưng vinh quang của Thiên Chúa, Chúa Giêsu tuyên xưng vinh quang của Phêrô. Phêrô được chọn làm đá tảng và sự lựa chọn đó bền vững muôn đời, cho dù Phêrô có thế nào đi nữa thì Thiên Chúa vẫn không thay đổi chương trình, không hủy bỏ sự lựa chọn: “Phêrô con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy”. Vinh quang của Phêrô được Chúa Giêsu tuyên bố ra đây không phải là để Phêrô khoe khoang vinh quang hay hưởng thụ quyền lực và danh vọng, mà là vinh quang của thập giá, của hy sinh chiến đấu, của sự từ bỏ mọi sự cho đến cả mạng sống mình, và chúng ta biết rõ con đường vinh quang thập giá mà Phêrô đã trải qua.

Phêrô vừa mới tuyên xưng một sự thật: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống”, tiếp đó Chúa Giêsu tuyên bố một sự thật khác:”Trên đá tảng là chính con đây, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy”. Phêrô mới nhìn nhận mầu nhiệm Con Thiên Chúa nơi chính con người Giêsu thành Nazareth đang đứng trước mặt mình, thì Chúa Giêsu liền mạc khải thêm mầu nhiệm Nhập Thể thường hằng mãi mãi trong lịch sử, không phải cho một người mà cho nhiều người được qui tụ lại làm con Thiên Chúa trong một cộng đoàn, một Giáo Hội của Người. Giáo Hội là một mầu nhiệm nhập thể kéo dài mãi mãi của Con Thiên Chúa, đó là Giáo Hội mà chúng ta đang là phần tử và đó cũng chính là Giáo Hội mà Chúa Giêsu muốn thiết lập.

Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến với Ngài trong Giáo Hội, để chúng ta được biến đổi thành con cái Thiên Chúa, sống trong sự hiệp thông với Chúa và với nhau. Tất cả mọi sinh hoạt của người đồ đệ Chúa đều được diễn ra trong Giáo Hội của Ngài, và mọi Kitô hữu đều được qui tụ lại với nhau trong Chúa, trong một thân thể huyền nhiệm của Chúa. Đây là Giáo Hội của Thầy, trên tảng đá Phêrô, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và cửa hỏa ngục sẽ không thắng được.

Giáo Hội yếu hèn vì gồm những con người tội lỗi, nhưng Giáo Hội cũng rất thánh thiện, tràn đầy thánh sủng của Chúa và được gìn giữ đến tận cùng: “Con là Phêrô nghĩa là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và cửa hỏa ngục sẽ không thắng được”. Lời công bố long trọng của Chúa Giêsu đã trấn an các Tông Đồ, đồng thời mạc khải tính cách thường hằng mãi mãi. Giáo Hội sẽ hiện diện mãi mãi trong lịch sử cho đến tận thế, dù cửa hỏa ngục, tức quyền lực của hỏa ngục tấn công vào Giáo Hội, nhưng hỏa ngục sẽ không thắng được. Chúng ta hãy tin tưởng vào Giáo Hội cho đến cùng, chúng ta hãy chiến đấu với chính sự dữ nằm trong bản thân để giúp Giáo Hội chiến thắng trên mọi sự dữ.

Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trên đường về cùng Chúa, xin tăng triển nơi con tình yêu thương và tin tưởng vào Giáo Hội, xin củng cố đức tin và củng cố sự hiệp nhất giữa chúng con trong Chúa và trong Giáo Hội của Chúa. Amen.

Veritas Radio

Huyền nhiệm tình yêu

Huyền nhiệm tình yêu

Thiên Chúa là tình yêu. Đó là chân lý, là lời khẳng định của thánh Gioan Tông đồ được ghi lại trong sách Tin Mừng. Thực vậy, sách Tin mừng được xem là lá thư mà Thiên Chúa đã tỏ tình với con người qua suốt dọc dài lịch sử của ơn cứu độ. Tình yêu đó được tỏ bày qua từng biến cố của dòng đời để dần dà với thời gian con người mới khám phá ra tình yêu của một vì Thiên Chúa nhưng được thực hiện qua 3 cách thức khác nhau. Ngài đã tỏ mình là một vì Thiên Chúa là Cha qua công trình sáng tạo vũ trụ vạn vật và Ngài còn tiếp tục thi thố tình thương đó qua sự quan phòng đầy kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa. Ngài đã tỏ tình yêu của mình qua Ngôi Hai Thiên Chúa mang lấy thân phận con người để có thể cùng chia sẻ những thăng trầm nổi trôi của cuộc sống con người. Ngôi Hai Thiên Chúa đã ghi dấu tình yêu vĩnh cửu của mình qua cái chết thập tự giá để nói lên một tình yêu vô bờ bến mà Ngài dành cho con người. Vì “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người dám thí mạng sống vì người mình yêu”. Với Ngôi Ba Thiên Chúa, tình yêu của Ngài luôn đầy tràn trong cuộc đời các tín hữu để thánh hoá con người làm con cái Thiên Chúa và trở thành đền thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, là dịp để chúng ta tạ ơn tình thương của Chúa vẫn luôn bao phủ trên cuộc đời chúng ta. Chúa cho chúng ta được sinh ra làm người và làm con cái Thiên Chúa. Chúa luôn quan phòng gìn giữ chở che cuộc đời chúng ta “như con ngươi trong mắt Ngài”. Chúa biết rõ từng cuộc đời chúng ta như mục tử biết từng con chiên. Chúa vẫn ngàn đời tín trung với tình yêu ban đầu, vì cho dầu “như người cha người mẹ có bỏ con cái, còn Ta cũng không bao giờ bỏ các ngươi”. Tình thương đó Chúa muốn mời gọi chúng ta đón nhận với lòng tri ân và cũng biết trao lại tình yêu đó cho tha nhân. Vâng, có lẽ, điều Chúa muốn nơi chúng ta chính là hãy hoạ lại chân dung tình yêu của Chúa cho anh em. Vì con người là “hoạ ảnh của Chúa”, nên con người phải biết sống yêu thương. Yêu thương sẽ làm chúng ta giống Chúa hơn. Yêu thương sẽ giúp chúng ta sống hoàn thiện con người mình hơn. Chính tình yêu phục vụ tha nhân sẽ là cách chúng ta đáp đền tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.

Người ta kể rằng: Ngày kia, tại một ngôi làng nhỏ ở Miền Nam Trung Quốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân làng dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của em.

Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé trên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và những viên gạch đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.

Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: “Phong hủi! Phong hủi!”

Với những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình:

– Tại sao ông lại lo lắng cho con?

Nhà truyền giáo đáp:

– Vì Ông Trời đã tạo dựng nên cả hai chúng ta. Và cũng vì thế em sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ là người anh lớn của em bé.

Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi:

– Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn sự cứu giúp của ông?

Nhà truyền giáo mỉm cười đáp:

– Con hãy trao tặng cho những người khác tình yêu của con, càng nhiều càng tốt.

Kể từ ngày ấy cho đến ba năm sau, khi em bé gái tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương cho những bệnh nhân khác, ân cần đút cơm cho họ, nhất là em luôn tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại.

Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ mới tròn mười một tuổi. Các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau rằng:

– “Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời!”

Vâng, con hãy trao tặng cho người khác tình yêu của con phải chăng cũng là sứ điệp mà lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta? Hãy sống cho tha nhân. Hãy trao tặng cho nhau một nụ cười cảm thông. Một cái bắt tay thân mật. Một nghĩa cử bác ái đầy tình người. Hãy sống cho anh em của mình một cách quảng đại. Hãy là chứng nhân cho tình yêu của Chúa giữa một thế giới mà con người đang xa dần nhau vì quyền lợi bản thân, vì bon chen và hưởng thụ. Hãy giới thiệu cho nhân thế một tình yêu tinh ròng không bị hoen ố bởi những toan tính ích kỷ, tầm thường. Hãy giới thiệu cho thế giới một tình yêu hy sinh đến quên cả chính mình cho người mình yêu được hạnh phúc.

Nguyện xin Chúa Ba Ngôi là suối nguồn tình yêu dẫn chúng ta đi sâu vào huyền nhiệm tình yêu của Chúa để chính chúng ta cũng biết thở ra hơi ấm tình thương cho anh em của mình. Amen.

Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

Vụ khủng bố nhà thờ Đức Bà Fatima vùng ngoại ô thủ đô Bangui của Trung Phi

Vụ khủng bố nhà thờ Đức Bà Fatima vùng ngoại ô thủ đô Bangui của Trung Phi

Phỏng vấn Linh Mục Mathieu Bondonbo và Linh Mục Zephirin Yakanda, cha phó giáo xứ Alassio

Chiều ngày 28-5-2014 một nhóm người vũ trang, có lẽ là cựu phiến quân hồi giáo Seleka, đã dùng lựu đạn tấn công nhà thờ Đức Bà Fatima vùng ngoại ô thủ đô Bangui, khiến cho ít nhất 17 người chết kể cả một linh mục.

Tin địa phương nói số nạn nhân khoảng 40 người. Ngày 30-5-2014 hàng trăm người đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Bangui để phản đối và lên án vụ khủng bố đã man này, đồng thời để phản đối các lực lượng quốc tế, tuy ở gần đó nhưng đã can thiệp chậm trễ. Vị linh mục bị thiệt mạng là cha Paul Emile Nzale, 76 tuổi. Cha đang thăm người tỵ nạn trong giáo xứ. Người ta cũng cho biết là đã có một số tín hữu bị nhóm phiến quân hồi bắt làm con tin.

Trung Phi rộng gần 623 ngàn cây số vuông, có khoảng 5 triệu dân gồm nhiều chủng tộc khác nhau, hơn 80% theo Kitô giáo gồm 51,4% Tin Lành 28,9% Công Giáo, 15% hồi giáo và 9.6% theo đạo thờ vật linh. Từ năm 2012 lực lượng Seleka gồm các phiến quân hồi nổi lên tiến chiếm miền bắc và miền trung và từ năm 2013 đánh chiếm thủ đô Bangui và lên nắm quyền. Các lực lượng dân quân kitô quy tụ thành phong trào Chống Balaka đánh nhau với lực lượng Seleka, khiến cho nội chiến kéo dài tại Trung Phi.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Mathieu Bondobo về tình hình Trung Phi hiện nay.

Hỏi: Thưa cha, tại sao các binh sĩ lực lượng phiến quân Seleka lại tấn công và gieo chết chóc cho các kitô hữu như thế?

Đáp: Tin khủng bố sát hại này thật là buồn và trầm trọng. Ban đầu chúng tôi đã dấn thân nói rằng cuộc xung khắc này là chính trị, chứ không phải là cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo. Nhưng sự kiện cố ý tấn công một họ đạo như vậy làm cho chúng tôi lo sợ, bởi vì nó là một dữ kiện mạnh mẽ để nói rằng cuộc xung đột đang ngày càng trở thành tôn giáo nhiều hơn. Và điều này cũng giúp chúng tôi nói rằng các tôn giáo chúng tôi phải tỉnh táo mở mắt, để không bị lèo lái bởi các nhà chính trị, bởi vì chỉ cần lơ là một chút là rơi vào cạm bẫy này. Dân tộc này đã luôn luôn chung sống với nhau với các tôn giáo khác nhau hiện diện tại đây, và vì thế ngày hôm nay chúng tôi không thể bắt đầu gây chiến với nhau được. Tuy nhiên, chúng tôi phải sẵn sàng và tỉnh thức để tránh tất cả các cạm bẫy này. Tôi xin lập lại, với điều đã xảy ra, chỉ cần một chút thôi là lại nảy sinh ra sự báo thù trong trái tim con người.

Hỏi: Theo cha thì tại sao lại xảy ra cuộc tấn công này?

Đáp: Tôi không có một tư tưởng rõ ràng về các lý do chính xác của vụ tấn công. Nhưng cần nói rằng giáo xứ Đức Bà Fatima này nằm trong một vùng rất gần một khu phố, nơi đã có lời đồn thổi rằng vài phiến quân đã len lỏi vào và tập trung tại đây. Và như thế một giáo xứ rất ngoại ô là một vùng hơi nóng bỏng. Do đó chỉ cần một chút là xảy ra các vụ tấn công loại này.

Hỏi: Giáo Hội nằm giữ vai trò nào trong tình trạng hiện nay tại Trung Phi? Và các giáo xứ trong thủ đô Bangui hiện đang làm gì, một cách đặc biệt để trợ giúp dân chúng?

Đáp: Kể từ khi cuộc xung khắc bắt đầu, Giáo Hội công giáo đã luôn luôn làm rất nhiều để trợ giúp dân chúng. Giáo Hội công giáo ủng hộ hòa bình. Vì thế họ đạo Đức Bà Fatima, cũng như tất cả các họ đạo khác trong thủ đô Bangui, đã trở thành nơi tiếp đón. Tất cả những người không cảm thấy an ninh đã tìm được nơi trú ẩn trong nhà thờ này: đó là sự kiện quan trọng. Mọi họ đạo của chúng tôi đều tiếp đón rất nhiều người. Nhưng các nhà thờ không được bảo vệ. Và tiện đây tôi xin kêu gọi các cơ quan quốc tế để họ mở mắt nhìn một họ đạo yểm trợ hòa bình tiếp đón biết bao nhiêu người tỵ nạn, mà lại không được bảo vệ, thì đây không phải là điều bình thường. Do đó trong số các nạn nhân, ngoài đa số là tín hữu kitô, cũng có những người không kitô. Họ đã bỏ khu phố của họ để đến trú ẩn nơi đây vì không cảm thấy an ninh.

Hỏi: Xem ra tình hình tại Trung Phi lắng dịu hơn một chút có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Các tin tức cuối cùng cho biết như thế. Tại Trung Phi nói chung tình hình không yên ổn. Nhưng tại thủ đô thì đã có nhiều kiểm soát hơn một chút, trong nghĩa các sinh hoạt đã bắt đầu trở lại, nghĩa là cuộc sống bắt đầu trở lại trong thủ đô Bangui. Đó là các tin mới nhất. Tuy nhiên, điều này giúp hiểu rằng còn có rất nhiều việc phải làm.

Hỏi: Dân chúng trong thủ đô Bangui đã mất hy vọng rồi hay sao thưa cha?

Đáp: Người dân đã không hoàn toàn mất hy vọng, nhưng họ có một chút nghi ngờ. Nói một cách nhân loại thì họ có mất hy vọng. Dĩ nhiên là sự sợ hãi lại nảy nở trong con tim người ta. Tôi tin rằng ngày nay khó đi lang thang trong các khu phố này của thủ đô hay ra khỏi nhà. Chắc chắn là người ta lo sợ. Vì không có an ninh. Nhưng chúng tôi luôn luôn có niềm hy vọng, bởi vì chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi phải đi tới hòa bình thôi.

Hỏi: Các nhóm quân bảo hòa liên hiệp quốc đã làm những gì, và có thể làm những gì trong tình trạng này, thưa cha?

Đáp: Nói thật ra, họ đã có thể can thiệp nhanh nhất có thể. Từ các tin tức mà tôi đã nhận được các toán quân đó ở cách xa chỗ xảy ra khủng bố ngót một cây số. Họ đã được liên lạc, nhưng họ đã mất hàng giờ hàng giờ để can thiệp. Nếu ho đã can thiệp trước, thì tôi tin rằng đã có thể tránh được được tình hình tồi tệ này.

Tiếp theo đây là một số nhận định của Linh Mục Zephirin Yakanda, cha phó giáo xứ Alassio, và là người quen biết cha Nzale.

Hỏi: Thưa cha Yakanda, cha Paul Emile Nzale là người như thế nào?

Đáp: Cha là một người tốt lành, sống gần gũi dân chúng và là người không sợ hãi ai. Cha đang thăm các gia đình tỵ nạn trong giáo xứ thì bị bắn.

Hỏi: Cha có kỷ niệm nào với cha Nzale hay không?

Đáp: Chính cha Nzale đã dậy tôi giảng. Ngài đã đậy tội sống với dân chúng. Khi tôi còn là chủng sinh tôi đã biết cha tại giáo xứ Chúa Ba Ngôi và ngài đã hướng dẫn tôi từ từ cho tới khi tôi làm linh mục cách đây 18 năm.

Hỏi: Cha có nhớ vài lời khuyên hay vài lời nói của ngài hay không?

Đáp: Có chứ. Ngài khuyên tôi kiên trì trong lời cầu nguyện, đừng bao giờ chán nản ngã lòng và luôn luôn hy vọng: ngài lập đi lập lại các lời khuyên này.

Hỏi: Nghĩa là cha Nzale đã luôn luộn sống giữa dân chúng và đã được người dân rất thương mến?

Đáp: Vâng, ngài đã luôn luôn sống giữa người dân và được dân chúng trong thủ đô Bangui rất thương mến.

Hỏi: Vậy bây giờ dân chúng thủ đô ra sao?

Đáp: Người dân sống trong sợ hãi. Trong thành phố không có điện, nhưng có cuộc tổng đình công bãi thị. Dân chúng khua đĩa inh ỏi để phản đối.

Hỏi: Cha có hy vọng gì không?

Đáp: Tôi hy vọng người ta thôi bạo lực. Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế giúp chúng tôi làm một cái gì đó để tìm lại được hòa bình, bởi vì Trung Phi đã là một quốc gia luôn luôn sống trong hòa bình. Chỉ từ 15 năm qua ma qủy đã tỉnh thức: ma qủy chia rẽ đã tỉnh thức và gieo tai họa. Chúng tôi khÔng thành công trong việc ngăn chặn hận thù và sự căng thẳng này.

Hỏi: Cũng có các vụ phản đối lực lượng bảo hòa đã không mau chóng can thiệp, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đúng vậy. Các binh sĩ ở cách họ đạo không xa và có các phương tiện tạo dựng hòa bình. Nhưng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra tại đó mà họ đã không hành động.

Hỏi: Cha có muốn đưa ra lời kêu gọi nào không?

Đáp: Có. Chúng tôi muốn kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng nhắm mắt và để cho dân chúng Trung Phi biến mất khỏi bản đồ địa lý thế giới. Ước chi họ hành động và yểm trợ người dân Trung Phi. Dân Trung Phi chỉ muốn có hòa bình, chỉ muốn sống. Xem ra người dân nước này bị bỏ rơi cho số phận của họ. Điều này không đúng! Xin cộng đồng quốc tế hãy can thiệp và làm một cái gì đó để nâng đỡ những người dân vô tội đang phải chết này!

(RG 29.30-5-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Sự sống mới

Sự sống mới

Nếu các Tin mừng Matthêu, Marcô và Luca mời gọi ta vào Vương quốc Thiên Chúa, thì Tin Mừng Gioan mời gọi ta vào tình yêu Chúa Giêsu Kitô. Thánh Gioan là người sống sau cùng. Sau khi đã nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thánh nhân nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, là sống sự sống của Thiên Chúa.

Tình yêu đó không phải là thứ tình yêu mơ mộng lãng mạn nhưng là một tình yêu sàng suốt của lý trí.Tình yêu đó không phải là chuyện đuổi bướm, hái hoa, rung động, xúc cảm, nhưng là một tình yêu với những việc làm cụ thể. Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy.

Đó chính là bí quyết Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, trước khi người giã từ các ông để đi vào thế giới đức tin. Từ nay để gặp gỡ Người, để yêu mến Người, để sống với Người, cần phải có đức tin và tình yêu.

Tin và Yêu là đôi mắt giúp ta nhìn thấy những sự thực siêu nhiên. Người không tin và không yêu sẽ không nhìn thấy như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy ban cho anh em Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể đón nhận được vì thế gian không thấy và không biết Người”. Cũng như kiến thức ý khoa là khả năng chuyên môn giúp người bác sĩ nhận dạng được các loại vi trùng, định đúng được bệnh trạng của bệnh nhân; hoặc như kiến thức về thảo mộc củanhà thực vật học giúp họ nhận dạng phân loại và biết rõ đặc tính của những loải cây cỏ, tin và yêu cũng phải là khả năng chuyên môn giúp người môn đệ Chúa nhận ra những sự thực siêu nhiên, nhìn thấy, nhận biết và đón nhận Thiên Chúa.

Tin và Yêu, như vậy, là con đường dẫn đưa ta tới gặp gỡ Thiên Chúa.

Với đức tin và tình yêu, người môn đệ Chúa không còn thấy Thiên Chúa là một Đấng xa vời, mơ hồ, nhưng là một Đấng gần gũi, rất thật. Với đức tin và tình yêu ta sẽ gặp được Đức Chúa Cha, Đấng thương yêu, luôn chăm sóc cho ta, luôn mời gọi ta, luôn muốn ấp ủ ta, luôn muốn tha thứ cho ta.

Với đức tin và tình yêu, ta sẽ gặp được Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, trong Sách Thánh, trong những lời giáo huấn của Giáo hội và trong những anh em sống quanh ta.

Với đức tin và tình yêu, ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần khi Người đốt lên trong tim ta ngọn lửa yêu mến, khi Người thúc đẩy ta dẫn thân phục vụ, khi Người soi sáng cho ta những sáng kiến trong những hoạt động mới.

Nhưng quan trọng nhất là: Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như lời Chúa Giêsu nói: “Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến”.

Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta. Ở trong người nào tức là được người ấy yêu thương. Hiệp thông trong yêu thương là một thái độ cởi mở: mở tâm hồn ra để cho đi và nhận lãnh sự sống. Nhờ Tin và Yêu, ta mở lòng ra đón nhận Thiên Chúa, sự sống mới, sự sống sung mãn, sự sống vĩnh cửu.

Đúng như lời Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi”. Ai nhắm mắt đức tin, sẽ không nhìn thấy Chúa, sẽ trở thành mồ côi. Ai đóng cửa tình yêu, sẽ không gặp được Chúa, sẽ sống trong cô độc. Nhưng người môn đệ Chúa, nhờ có đức tin và tình yêu sẽ gặp được Thiên Chúa Ba Ngôi. Và như thế việc ta đi của Chúa Giêsu không những không thiệt hại mà còn ích lợi cho ta. Sự ra đi của Người dẫn ta đi đến kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự sung mãn, sự sống dồi dào.

Nhưng để đạt tới điều Chúa Giêsu đã hứa, ta hãy nhớ lại một lần nữa lời Người căn dặn: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các giới răn của Thầy”. Đức tin được thể hiện bằng tình yêu. Tình yêu được chứng minh qua hành động. Đó là chìa khoá của đời sống Kitô hữu.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Theo bạn, tình yêu mến Chúa là những tình cảm bồng bột hay những việc làm cụ thể theo lý trí?

2- Có bao giờ bạn cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống không?

3- Bạn có cố gắng làm chứng cho người khác về sự hiện diện của Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và bác ái của bạn không?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt