Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ với các GM, LM tại Manila

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ với các GM, LM tại Manila

MANILA. Đức Thánh Cha kêu gọi hàng giáo sĩ, tu sĩ Philippines xa tránh chủ nghĩa duy vật, sống thanh bần, thanh liêm và quan tâm giúp đỡ người nghèo.

Đó là nội dung bài giảng trong thánh lễ ngài cử hành sáng ngày 16-1-2015 tại Nhà thờ chính tòa Manila, với 600 vị gồm các GM và LM Philippines trước sự hiện diện của 1400 nữ tu và chủng sinh toàn quốc. Các vị đến từ các giáo phận toàn quốc, mỗi giáo phận được gởi 10 đại diện.

Ngoài ra cũng có các vị GM đến từ các nước Á châu khác, đứng đầu là ĐHY Gracias, TGM giáo phận Bombay Ấn độ, Chủ tịch Liên HĐGM Á châu.

Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Manila, được coi là mẹ của tất cả các thánh đường ở Philippines. Thánh đường nguyên thủy tại đây được kiến thiết cách đây 434 năm, tức là vào năm 1581, bằng tre và lá dừa. Qua dòng lịch sử nhà thờ đã bị hủy hoại nhiều lần vì bão tố và hỏa hoạn, động đất và bom đạn trong thời thế chiến thứ II. Nhà thờ hiện nay có từ thập niên 1950 và được ĐGH Gioan Phaolô 2 nâng lên hàng tiểu vương cung thánh đường.
Cách đây 3 năm, tức là hồi tháng 2 năm 2012, Nhà thờ chính tòa bị đóng cửa để tu bổ, nhất là để củng cố, thiết lập hệ thống an ninh cần thiết chống động đất. Phí tổn 1 triệu rưỡi mỹ kim đã được các xí nghiệp lớn và các tín hữu tài trợ.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC nhắc đến cố gắng của các GM, LM và tu sĩ trong quá khứ không những để loan báo Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội tại đất nước Philippines này, nhưng còn kiến tạo một xã hội theo tinh thần Phúc Âm, bác ái, tha thứ, và liên đới phục vụ công ích. ”Giống như họ, ngày nay anh chị em cũng đang thi hành các công tác tình thương. Giống như họ, anh chị em cưũng được kêu gọi kiến tạo những nhịp cầu để các dân tộc Á châu đón nhận lời Chúa. .. Chúng ta được kêu gọi trở thành những sứ giả tình thương của Chúa Kitô” (2 Cr 5,20). ĐTC nói:

”Là sứ giả của Chúa Kitô trước tiên có nghĩa là mời gọi mỗi người hãy canh tân cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Giêsu (Ev. Gaudium 3). Lời mời gọi này phải là trọng tâm chương trình kỷ niệm loan báo Tin Mừng tại Philippines. Nhưng Tin Mừng cũng là một lời mời gọi hoán cải, xét mình, trong tư cách cá nhân và cộng đoàn. Các GM Philippines đã có lý khi dạy rằng Giáo Hội tại nước này được mời gọi nhìn nhận và chiến đấu chống lại những nguyên nhân gây ra bất bình đẳng và bất công trong xã hội nước này, khiến cho nó mâu thuẫn với giáo huấn của Chúa Kitô. Tin Mừng kêu gọi mỗi Kitô hữu hãy sống một cuộc sống lương thiện, thanh liêm, dấn thân cho công ích. Nhưng Tin Mừng cũng kêu gọi các cộng đồng Kitô kiến tạo những nhóm người lương thiện, nhưng mạng liên đới có thể lan rộng trong xã hội để biến đổi xã hội bằng chứng tá ngôn sứ của mình”.

Trong mục đích ấy, ĐTC mời gọi các LM và tu sĩ nam nữ hãy tăng cường cuộc gặp gỡ hằng ngày với Chúa trong kinh nguyện và chống lại mọi cám dỗ duy vật. ”Chỉ khi nào chúng ta trở nên thanh bần, tước bỏ sự tự mãn, thì chúng ta mới có thể đồng hóa với những anh chị em hèn mọn nhất. Chúng ta sẽ nhìn sự việc dưới ánh sáng mới và chân thành và liêm chính đáp ứng thách đố loan báo sự quyết liệt của Tin Mừng trong một xã hội quá quen với sự loại trừ, những thái độ phe phái và bất bình đẳng tỏ tường.

ĐTC đặc biệt quan tâm đến các linh mục tu sĩ trẻ và chủng sinh hiện diện trong buổi lễ. Ngài nói: ”Anh chị em hãy ở giữa những người trẻ, họ có thể bị hoang mang và xuống tinh thần, nhưng họ tiếp tục coi Giáo Hội như bạn đồng hành và là nguồn hy vọng của họ. Anh chị em hãy gần gũi những người sống trong một xã hội bị nghèo đói và tham nhũng đè nặng, nhưng nản chí, muốn buông xuôi tất cả, rời bỏ trường học và sống bụi đời. Anh chị em hãy công bố vẻ đẹp và sự thật về hôn nhân Kitô cho một xã hội đang bị cám dỗ vì những quan niệm xáo trộnv ề tính dục, hôn nhân và gia đình. Các định chế này ngày càng bị tấn công do những thế lực mạnh mẽ đe dọa làm biến thái chương trình sáng tạo của Thiên Chúa và phản bội những giá trịđích thực đã soi sáng và hình thành những điều đẹp đẽ trong nền văn hóa của Philippines.

Cuối thánh lễ, ĐHY Antonio Luis Tagle, TGM Manila sở tại, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC. ĐHY nói: ”Người Phippines chúng con bị mọi tai ương nhưng không bị đè bẹp, như thánh đường này bị hỏa hoạn và động đất tàn pha, nhưng rồi lại tái sinh, như dân tộc Philippines. Đức tin làm cho chúng con liên tục chống lại bao nhiêu những vụ hỏa hoạn hằng ngày, động đất, cuồng phong và chiến tranh. Và ngay nhiều người nghèo chúng con đang trỗi dậy từ thiên tại và những tai ương do con người gây ra, trong lúc chúng con đang chiến đấu thì ĐTC đến với chúng con. Ngài không mang lửa để hủy diệt, nhưng để thanh tẩy. Ngài mang động đất đến không phải để làm tan vỡ nhưng để thức tỉnh chúng con”.

Thánh lễ kết thúc lúc 1 giờ trưa giờ địa phương. Trước khi trở về tòa Sứ thần để dùng bữa và nghỉ ngơi, ĐTC đã ghé vào nhà một nhà gần Thánh đường, thuộc tổ chức TNK do cha Mathieu Dauchez, 40 tuổi, người Pháp sáng lập để đón nhận và săn sóc các trẻ em bụi đời. Ngoài 20 trẻ nữ sống tại đây còn có hàng trăm trẻ em khác dành cho ĐTC một cuộc tiếp đón thật đơn sơ nhưng rất cảm động. Các em ca hát và tặng ngài một bức tranh khảm làm bằng giấy mầu, một hình chụp Mình Thánh Chúa được đặt khu rác nhân dịp các em tổ chức chầu Thánh Thể tại đây..

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

BUỔI HỌP BÁO GIỚI THIỆU BẢN TƯỜNG TRÌNH CHUNG KẾT CUỘC THANH TRA TÔNG TÒA CÁC DÒNG NỮ HOA KỲ

BUỔI HỌP BÁO GIỚI THIỆU BẢN TƯỜNG TRÌNH CHUNG KẾT CUỘC THANH TRA TÔNG TÒA CÁC DÒNG NỮ HOA KỲ

VATICAN: Sáng 16-12 ĐHY Jão Bras de Avis, Tổng trưởng Bộ các Dòng tu và Tu hội tông đồ, và ĐTGM José Rodriguez Carballo, Tổng thư ký, đã chủ sự buổi họp báo giới thiệu bản tường trình chung kết cuộc thanh tra tông tòa các dòng nữ Hoa Kỳ.

Tháng 12 năm 2008 Hiệp hội các Dòng nữ Hoa Kỳ quyết định lựa chọn một Cuộc thanh tra tông tòa các dòng nữ hoạt động trên toàn nước. Lý do là vì các dòng đang phải đối phó với nhiều thách đố và khó khăn nghiêm trọng đe dọa phẩm chất đời tu và chính sự sống còn của các dòng. Cuộc thanh tra đã đươc thực hiện từ năm 2009 tới 2012 bao gồm 4 giai đoạn, liên quan tới 341 dòng tu giáo phận cũng như quyền toà thánh, 405 cơ sở và 50.000 nữ tu. Mẹ Mary Clare Millea, dòng Tông đồ Thánh Tâm Chúa Giêsu, đã được Bộ chỉ định làm Vị Thanh tra tông toà. Mẹ đã chọn một ban nữ tu cộng tác giúp mẹ trong việc này để đi thăm các dòng tu và thu thập các dũ kiện cần thiết. Trong giai đoạn đầu các bề trên tổng quyền đuợc mời gọi nói chuyện hay viết cho Vị thanh tra để chia sẻ các hy vọng và vấn đề liên quan tới dòng của minh. Tiếp đó trong giai đoạn hai một bản câu hỏi được gửi tới các dòng nhằm thu thập mọi dữ kiện phẩm lượng liên quan tới cuộc sống thiêng liêng, cộng đoàn và các công tác của dòng. Sau khi nghiên cứu kỹ các dữ kiện, Vị thanh tra và các cộng sự viên đích thân viếng thăm 90 dòng tu bao gồm phân nửa số nữ tu toàn Hoa Kỳ. Giai đoạn cuối cùng là soạn thảo bản tường trình chung kết và gửi về Bộ.

ĐHY Tổng trưởng chân thành cám ơn Mẹ Mary Clare Millea và bầy tỏ lòng biết ơn sự hiện diện của các nữ tu tại Hoa Kỳ và phần đóng góp rất to lởn và qúy báu của các chị cho sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội. Ngay từ đầu lịch sử Giáo Hội tại Hoa Kỳ các nữ tu đã can đảm xả thân lo lắng cho các nhu cầu tinh thân, luân lý, giáo dục, thể lý của biết bao nhiêu người, đặc biệt là những người nghèo và bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. Công tác giáo dục của các nữ tu trong các trường công giáo cũng đã thăng tiến phát triển cá nhân và dưõng nuôi đức tin của biết bao thế hệ trẻ, và khiên cho cuộc sống của Giáo Hội Mỹ nở hoa. Đa số các cơ sở của hệ thống y tế công giáo tại Hoa Kỳ phục vụ bao nhiêu triệu người đều đã do các dòng nữ thành lập và điều khiển. Để đáp ứng các nhu cầu thời đại các dòng nữ đã trải rộng hoạt động tông đồ trong nhiều lãnh vực khác và theo đuổi việc đào tạo thần học và nghề nghiệp chuyên môn, hầu có thể phục vụ Giáo Hội và xã hội một cách hữu hiệu hơn.

Bản tường trình cho biết con số các nữ tu tại Hoa Kỳ từ 125.000 trong giữa thập niên 1960 dần dần giảm xuống chỉ còn 50,000 như hiện nay. Tuy nhiên nói chung các nũ tu rất ý thức đuợc đặc sủng và căn tính của dòng, cũng như thách đố thăng tiến ơn gọi và đào tạo trong đời tu, sự cần thiết củng cố đời cầu nguyện, cuộc sống thiêng liêng và sinh hoạt phụng vụ cộng đoàn, tập trung mục đích cuộc sống nơi Chúa Kitô, thực thi quyền bính và quản trị trong tinh thần phục vụ và ý thức trưởng thành, cộng tác nhiều hơn vào sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội, đặc biệt đối với người nghèo, cũng như sống tinh thần đối thoại và tình hiệp thông trong Giáo Hội (SD 16-12-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha khuyến khích các dòng tu canh tân

Đức Thánh Cha khuyến khích các dòng tu canh tân

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 27-11-2014, dành cho 80 tham dự viên khóa họp toàn thể của Bộ các Dòng tu, ĐTC khuyến khích các tu sĩ can đảm canh tân các tập quán và cơ cấu không còn đáp ứng những điều Chúa yêu cầu ngày nay nữa.

Trong số các tham dự viên có 19 HY, GM và Bề trên tổng quyền thành viên của Bộ. Khóa họp khoáng đại này tiến hành từ ngày 25 đến 29-11-2014 về chủ đề rút từ Tin Mừng theo thánh Marco: ”Rượu mới trong các bầu mới”, nhắm lắng nghe những hành trình của Thánh Linh để phân định và hướng dẫn đời sống thánh hiến trong niềm trung thành sáng tạo.

Đi từ đề tài này, ĐTC khẳng định rằng ”chúng ta đừng sợ từ bỏ các bầu rượu cũ, nghĩa là cần đổi mới những thói quen và cơ cấu trong đời sống Giáo Hội, cũng như trong đời sống thánh hiến, mà chúng ta nhận thấy không còn tương ứng với những gì Thiên Chúa yêu cầu chúng ta ngày nay, để mở rộng Nước Chúa trong trần thế: đó là những cơ cấu mang lại cho chúng ta một sự bảo vệ giả tạo và ảnh hưởng tiêu cực tới năng động bác ái; đó là những tập quán làm cho chúng ta xa lìa đoàn chiên mà chúng ta được sai đến và ngăn cản không cho chúng ta tiếng kêu của những người đang chờ đợi Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô”.

ĐTC cũng nhắc đến những nhược điểm có thể gặp thấy trong đời thánh hiến ngày nay, như sự kháng cự của một số thành phần chống lại sự thay đổi, sự suy giảm sức thu hút, nhiều người bỏ tu, sự mong manh của một số hành trình đào tạo, những cơ cực vất vả vì thi hành các công tác và thừa tác vụ làm thương tổn đời sống thiêng liêng, sự khó hội nhập vào các môi trường và thế hệ khác, sự thiếu quân bình trong việc thực thi quyền bính và sử dụng của cải. ĐTC ghi nhận sự kiện Bộ các dòng tu muốn lắng nghe các dấu hiệu của Thánh Linh đang mở ra những chân trời mới và thúc đẩy tiến vào những con người mới, luôn khởi hành từ qui luật tối thượng là Tin Mừng và lấy hứng từ sự táo bạo sáng tạo của các vị sáng lập dòng”. (SD 27-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong 6 vị tân hiển thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong 6 vị tân hiển thánh

VATICAN. Từ ngày 23-11-2014, Giáo Hội Công Giáo có thêm 6 vị tân hiển thánh. Các vị được ĐTC ghi vào sổ bộ các thánh trong buổi lễ ngài chủ sự lúc 10 giờ 25 sáng chúa nhật, Lễ Chúa Kitô Vua, tại Quảng trường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của hơn 50 ngàn tín hữu.

Các tân thánh gồm 4 vị người Italia và 2 vị người Ấn độ, 3 vị đã sáng lập dòng tu, một nữ tu và một giáo dân.

Đứng đầu danh sách là chân phước Giovanni Antonio Farina, GM giáo phận Vicenza, bắc Italia, sáng lập dòng các nữ tu giáo viên thánh Dorotea Nữ Tử Thánh Tâm. Tiếp đến là chân phước LM Kuriakose Elias Chavara, đồng sáng lập và là Bề trên Tổng quyền đầu tiên dòng Camêlô Đức Mẹ Vô nhiễm, sinh tại bang Kerala nam Ấn độ năm 1805 và qua đời năm 1871 và được Đức Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 8-2-1986 tại thành phố Kottayam, Ấn độ, trong cuộc viếng thăm của ngài tại nước này. Thứ ba là Chân phước Ludovico Casoria, LM thuộc dòng Phanxicô, sáng lập dòng các nữ tu Phan Sinh Elizabeth. Thứ tư là chân phước Nicola da Longobardi, tu sĩ dòng Hèn Mọn (Minimi) Thứ năm là nữ chân phước Eufrasia Eluvathingal Thánh Tâm, người Ấn độ, thuộc dòng các nữ tu Đức Mẹ Camêlô. Sau cùng là chân phước Amato Ronconi, thuộc dòng Ba Phanxicô, sáng lập bệnh viện hành hương nghèo ở Saludecio, nay là Dưỡng Đường Hội Chân Phước Amato Ronconi. Hình của các vị được treo trên mặt tiền Đền thờ Thánh Phêrô.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ có 60 HY, GM và khoảng 300 linh mục, nhiều vị trong phẩm phục của Giáo Hội nghi lễ Đông phương Syro Malabar bên Ấn. Trong số các tín hữu hiện diện ó khoảng 5 ngàn tín hữu người Ấn.

Sau kinh cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, tiến lên trước ĐTC và xin ngài ghi tên 6 vị chân phước vào sổ bộ các thánh theo lời thỉnh nguyện của toàn thể các tín hữu Kitô. Rồi ĐHY trình bày vắn tắt tiểu sử 6 vị chân phước.

Quang cảnh lễ phong thánh 2 Ấn Độ và 4 Ý Đại Lợi ngày 11-23-2014


ợc sử 6 vị thánh mới

1. Chân phước GM Giovanni Antonio Farina là vị chủ chăn nhiệt thành của giáo phận Treviso, rồi giáo phận Vicenza, bắc Italia, sinh cách đây 211 năm (11-1-1803) tại giáo phận Vicenza, phụ phong LM năm lên 24 tuổi và 9 năm sau đó, khi được 33 tuổi, ngài thành lập dòng các nữ tu thánh Dorotea Nữ Tử hai Thánh Tâm, chuyên giáo dục các thiếu nữ nghèo, và giúp đỡ tất cả những người sầu muộn và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Năm 1850, ngài được bổ nhiệm làm GM giáo phận Treviso và 10 năm sau đó, được chuyển về giáo phận Vicenza và ở đây cho đến khi qua đời năm 1888, thọ 83 tuổi.

Đức Cha Farina hăng say làm việc mục vụ, dù bầu không khí không luôn luôn thuận lợi: tại Treviso có những hiểu lầm và xung khắc với các kinh sĩ Nhà thờ chính tòa; tại Vicenza ngài bị vu khống. Đối lại những điều đó, ngài vẫn bình tĩnh và những công việc quá khứ cũng như gần đó đã trả lời thay cho ngài. Đức Cha canh tân trường học và phục vụ tại nhà thương, giữ vai chính trong việc mục vụ dựa trên sự giáo dục tâm hồn. Vài năm sau khi qua đời, người ta bắt đầu nói về những ân lạ nhờ lời chuyện cầu của ngài. Đức Cha Giovanni Antonio Farina được Đức Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 4-11 năm 2001.

2. Vị chân phước thứ hai là Cha Kuriakose Elias Chavara Thánh Gia, sinh tại bang Kerala Ấn độ cách đây 209 năm (1805), thụ phong LM năm 24 tuổi (1829) và thành lập dòng và là Bề trên Tổng quyền đầu tiên của dòng Camêlô Đức Mẹ Vô nhiễm.

Tân hiển Thánh người Ấn

Trong việc điều khiển dòng, Cha Kuriakose tỏ ra có những năng khiếu đặc biệt của một nhà đào tạo đầy tinh thần đạo đức, xác tín, có linh đạo sâu xa dựa trên lòng tôn sùng Thánh Thể, kính mến Thánh Mẫu và hoàn toàn trung thành với Giáo Hội Công Giáo, cùng với tinh thần cầu nguyện và khổ chế, thực hành các phương pháp mới trong việc tông đồ.

Cha cũng cộng tác vào việc lập dòng Ba Cát Minh Nhặt Phép. Cha tận tụy phục vụ Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Siro Malabar và qua đời năm 1871 thọ 66 tuổi. Cha được phong chân phước năm 1986.

3. Vị Chân phước thứ ba là Cha Ludovico da Casoria sinh năm 1814 tức là cách đây đúng 200 năm, gia nhập dòng Anh em Hèn Mọn Phanxicô khi được 18 tuổi, và thụ phong linh mục 5 năm sau đó. Thoạt đầu cha được Bề trên giao phó nhiệm vụ dạy triết học và toán học, và 10 năm sau đó, cha hoàn toàn dấn thân phục vụ những người nghèo khổ, rốt cùng. Tình bác ái đối với tha nhân ngày càng bừng cháy trong tâm hồn cha Ludovico. Cha mời gọi các giáo dân nam nữ dòng Ba Phanxicô tham gia vào công trình bác ái này.
Sau một thời gian ngắn phục vụ tại Phi châu, Cha Ludovico trở về Italia và thành lập nhiều tổ chức ác ái. Cha qua đời tại Napoli năm 1885, thọ 71 tuổi và được Phong chân phước năm 1993.

4. Vị chân phước thứ tư là Thầy Nicola da Longobardi người Italia sinh cách đây 364 năm (1650), gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn thánh Phanxicô da Paola. Thầy sống trong nhiều cộng đoàn, thi hành những công tác khiêm hạ nhất: từ việc coi phòng thánh, làm vườn, phụ trách nhà bệnh, làm bếp cho đến việc khất thực và coi cổng nhà dòng. Thầy Nicola đặc biệt yêu thương những người nghèo và người bệnh. Thầy qua đời năm 1709 thọ 59 tuổi và được phong chân phước năm 1786.

5. Vị chân phước thứ 5 là nữ tu Eufrasia Thánh Tâm Chúa Giêsu người Ấn độ, sinh cách đây 137 năm (1877) cũng thuộc bang Kerala và gia nhập dòng các nữ tu Đức Mẹ Camêlô.

Sister Eufrasia Eluvathingal

Chị là một nhà đại thần bí, sống kết hiệp hoàn toàn với Chúa Giêsu như với vị hôn phu, và được Chúa cho tham dự vào những đau khổ trong cuộc khổ nạn, và cả niềm vui phục sinh của Chúa, đến độ chị thông truyền một vẻ an bình, nụ cười đầy hấp lực thiêng liêng. Hầu hết những giờ rảnh rỗi, chị Eufrasia dành để chầu Mình Thánh Chúa. Các tín hữu bên ngoài thấy chị là một nữ tu luôn cầu nguyện với Kinh Mân Côi và chầu Mình Thánh, đến độ họ gọi chị là ”Nhà tạm lưu động” hay là ”Mẹ cầu nguyện”. Vì thế, rất nhiều tín hữu đã đến xin chị Eufrasia cầu nguyện cho các nhu cầu của họ.

Chị qua đời năm 1952, thọ 75 tuổi và được phong chân phước năm 2006.

6. Vị chân phước thứ 6 là Amato Ronconi, giáo dân người Italia, sinh cách đây 788 năm. Ngay từ nhỏ người đã quyết định sống Tin Mừng theo gương thánh Phanxicô, nhất là về đời sống thống hối và bác ái. Anh gia nhập dòng Ba Phanxicô, tận tụy tiếp đón người nghèo và các tín hữu hành hương, thiết lập cho họ một nhà trọ. Về sau anh lui vào đời sống thống hối và đã thực hiện 4 lần cuộc hành hương tới Đền thánh Giacôbê Tông Đồ, Santiago de Compostela bên Tây Ban Nha. Anh qua đời năm 1292 thọ 66 tuổi và được phong chân phước năm 1776.

Phong thánh
Sau lời thỉnh nguyện và giới thiệu của ĐHY Amato, ĐTC đã mời gọi mọi người dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria và các thánh, với kinh cầu các thánh. Tiếp đến ĐTC đã long trọng đọc công thức phong thánh:

Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi cực thánh, để tuyên dương đức tin Công Giáo và tăng tiến đời sống Kitô, với quyền bính của Chúa Giêsu Kitô, của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và của Chúng Tôi, sau khi suy nghĩ chín chắn, nhiều lần khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em chúng tôi trong hàng Giám Mục, chúng tôi tuyên bố và xác định Chân Phước Giovanni Antonio Farina, Kuriakose Elias Chavara, Ludovico Casoria, Nicola da Longobardi, Eufrasia Eluvathingal Thánh Tâm và Amato Ronconi, là Hiển Thánh, và ghi tên các vị vào sổ bộ các Thánh và qui định rằng trong toàn thể Giáo Hội, các Ngài được được tôn kính với lòng sùng mộ nơi Các Thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

ĐTC vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo, Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa.. Trong khi đó, thánh tích của 6 vị tân hiển thánh được rước lên cho ĐTC hôn kính trước khi đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng sau bài Phúc Âm, ĐTC diễn giải ý nghĩa lễ Chúa Kitô và áp dụng vào trường hợp 6 vị tân hiển thánh, những người đã noi gương bác ái của Chúa Giêsu Kitô. Ngài nói:

”Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta hướng nhìn lên Chúa Giêsu là Vua Vũ Trụ. Kinh tiền tụng thật đẹp nhắc nhở chúng ta rằng Vương quốc của Chúa là ”Vương quốc sự thật và sự sống, Vương quốc thánh thiện và ân sủng, Vương quốc công lý, tình thương và hòa bình”. Các bài đọc chúng ta đã nghe tỏ cho chúng ta thấy cách thức Chúa Giêsu thực hiện vương quốc của Ngài; cách Ngài thực hiện trong diễn tiến lịch sử và Ngài yêu cầu chúng ta điều gì.
Trước tiên, cách thức Chúa Giêsu đã thực hiện Vương quốc của Ngài: Ngài thực thi nước ấy trong sự gần gũi và dịu dàng đối với chúng ta. Chúa là vị Mục Tử mà ngôn sứ Ezechiele đã nói trong bài đọc thứ I (Xc 34,11-12.15-17). Trọn đoạn văn này được dệt bằng những động từ cho thấy sự ân cần và yêu thương của vị Mục Tử đối với đoàn chiên: tìm kiếm, kiểm điểm, tập hợp từ các nơi phân tán, dẫn tới đồng cỏ, cho nghỉ ngơi, tìm kiếm con chiên bị lạc, dẫn chiên lạc trở về, băng bó vết thương, chăm sóc chiên đau yếu, chăm nom, chăn dắt. Tất cả những thái độ ấy trở thành thực tại trong Chúa Giêsu Kitô: Ngài thực sự là ”Vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên và là người chăn dắt các linh hồn” (Xc Dt 13,20; a Pr 2,25).

Và trong tư cách là những người được kêu gọi trở thành mục tử trong Giáo Hội, chúng ta không thể xa rời mẫu gương ấy, chẳng vậy chúng ta sẽ trở thành những người chăn thuê. Về điểm này, dân Chúa có khả năng đánh hơi không thể sai lầm trong việc nhận ra các mục tử tốt lành, và phân biệt họ với những người chăn thuê.

Sau khi chiến thắng, tức là sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã tiến hành nước Ngài như thế nào? Thánh Phaolô Tông Đồ, trong thư thứ I gửi tín hữu Corintô, nói rằng: ”Điều cần thiết là Chúa hiển trị cho đến khi tất cả mọi kẻ thù bị đặt dưới chân Ngài” (15,25). Chính Chúa Cha dần dần đặt mọi sự tùng phục Chúa Con, và đồng thời chính Chúa Con đặt mọi sự tùng phục Chúa Cha. Chúa Giêsu không phải là vua theo kiểu thế gian này: đối với Ngài, cai trị không phải là truyền lệnh, nhưng là vâng phục Chúa Cha, và tùng phục Chúa Cha, để ý định yêu thương và cứu độ của Chúa Cha được hoàn thành. Vì thế có một sự hỗ tương hoàn toàn giữa Chúa Cha và Chúa Con. Vậy thời kỳ cai trị của Chúa Kitô là thời gian dài đặt mọi sự tùng phục Chúa Con và giao nạp mọi sự cho Chúa Cha. ”Kẻ thù cuối cùng bị tiêu diệt chính là sự chết” (1 Cr 15,26). Sau cùng, khi mọi sự được đặt dưới vương quyền của Chúa Giêsu, và tất cả, kể cả Chúa Giêsu, tùng phục Chúa Cha, thì Thiên Chúa sẽ là mọi sự trong tất cả” (Xc 1 Cr 15,28).

Tin Mừng cho chúng ta thấy Nước Chúa Giêsu đòi chúng ta điều gì: Tin Mừng nhắc nhở chúng ta rằng sự gần gũi và dịu dàng cũng là qui luật sống cho chúng ta, và chúng ta sẽ bị phán xét theo qui luật ấy. Đó là đại dụ ngôn về sự phán xét chung trong đoạn 25 của Tin Mừng theo thánh Mathêu. Vua nói: ”Hãy đến đây, hỡi những người được Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh nhận gia sản là Nước được chuẩn bị cho các con từ khi tạo dựng thế giới, vì Ta đói, các con đã cho Ta ăn, Ta khát các con đã cho ta uống, Ta là khách ngụ cư, các con đã đón tiếp Ta, Ta trần trụi, các con đã cho ta mặc, Ta bệnh tật và các con đã viếng thăm Ta, Ta ở trong tù, và các con đã đến gặp Ta” (25,34-36). Những người công chính sẽ hỏi: có bao giờ chúng con làm tất cả những điều ấy đâu? Và Vua đáp: ”Thực, Ta bảo thực các con: tất cả những gì các con đã làm cho một trong những người anh em bé mọn nhất của Ta đây, chính là các con làm cho Ta” (Mt 25,40).

ĐTC giải thích rằng: ”Ơn cứu độ không bắt đầu bằng sự tuyên xưng vương quyền của Chúa Kitô, nhưng từ sự noi gương các công việc từ bi qua đó Chúa thực thi Vương quốc của Ngài. Ai thực thi những công việc ấy thì chứng tỏ mình đã đón nhận Vương quyền của Chúa Giêsu, vì họ dành chỗ trong tâm hồn cho tình yêu mến Thiên Chúa. Vào cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu, về sự gần gũi và dịu dàng đối với anh chị em chúng ta. Chúng ta có được vào Nước Thiên Chúa hay không, được ở bên tả hay bên hữu Chúa, điều ấy tùy thuộc lòng bác ái của chúng ta đối với tha nhân. Chúa Giêsu, qua chiến thắng của Ngài, đã mở Nước Ngài cho chúng ta, nhưng tùy theo chúng ta có vào đó hay không, ngay từ đời này, chúng ta có trở nên người thân cận của người anh chị em hay không, người anh chị em đang xin cơm bánh, quần áo, sự đón tiếp, tình liên đới. Và nếu chúng ta thực sự yêu thương người anh chị em của chúng ta, thì chúng ta sẽ được thúc đẩy chia sẻ với họ điều quí giá nhất đối với chúng ta, đó là chính Chúa Giêsu và Tin Mừng của Chúa!

Áp dụng những điều trên đây vào các vị thánh mới, ĐTC nói:

”Ngày hôm nay, Giáo Hội đặt trước chúng ta những vị thánh mới như gương mẫu, chính qua những công việc quảng đại hiến thân cho Thiên Chúa và anh chị em, các vị đã phục vụ Nước Thiên Chúa, mỗi người trong môi trường của mình, và trở nên người thừa kế Nước Chúa. Mỗi vị Thánh đáp lại giới răn mến Chúa yêu người với tinh thần sáng tạo ngoại thường. Các vị đã tận tụy phục vụ những người rốt cùng không chút dè dặt, giúp đỡ những người túng thiếu, các bệnh nhân, người già, người lữ hành. Sự yêu thương ưu tiên mà các vị dành cho những người bé nhỏ và nghèo hèn chính là phản ánh và là mẫu mực tình yêu vô điều kiện đối với Thiên Chúa. Thực vậy, các thánh đã tìm kiếm và khám phá tình bác ái trong quan hệ mạnh mẽ và bản thân đối với Thiên Chúa, từ đó đã nảy sinh tình yêu chân thực đối với tha nhân. Vì thế, trong giờ phán xét, các vị đã nghe lời mời gọi ngọt ngào này: ”Hỡi những người được Cha Ta chúc phúc, hãy đến nhận gia sản là Vương quốc đã được chuẩn bị cho các con từ khi sáng tạo thế giới này” (Mt 25,34).

Và ĐTC kết luận rằng:

”Qua nghi thức phong thánh, một lần nữa chúng ta đã tuyên xưng mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và tôn vinh Chúa Kitô Vua, là vị Mục Tử đầy tình thương yêu đối với đoàn chiên. Nguyện xin các thánh mới, qua tấm gương và lời chuyển cầu của các vị, làm tăng trưởng trong chúng ta niềm vui được tiến bước trong con đường Tin Mừng, quyết định đón nhận Tin Mừng như địa bàn hướng dẫn cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy bước theo, bắt chước niềm tin yêu của các thánh, để niềm hy vọng của chúng ta cũng được đặc tính bất diệt. Chúng ta đừng để mình bị xao nhãng vì những lợi lộc trần thế chóng qua. Xin Mẹ Maria, Nữ Vương tất cả các thánh, hướng dẫn chúng ta trong hành trình tiến về Nước Trời. Amen

Thánh lễ tiến hành như thường lệ. Đứng cạnh ĐTC trên bàn thờ có 6 HY và GM của các giáo phận xuất xứ của 6 vị thánh, đứng đầu là ĐHY Crescenzio Sepe, TGM giáo phận Napoli, 2 vị TGM Ấn độ, và các GM giáo phận Cosenza, Rimini và Vicenza.

Sau thánh lễ, ĐTC đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin. Số tín hữu tham dự tăng thêm hàng chục ngàn người. Trong dịp này ngài đã chào thăm các phái đoàn chính thức từ quốc gia, thành phố và giáo phận nguyên quán của các vị tân Hiển Thánh.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha lên án bạo lực tại Thánh Địa

Đức Thánh Cha lên án bạo lực tại Thánh Địa

VATICAN. ĐTC bày tỏ lo âu vì bạo lực gia tăng tại Jerusalem và lên án vụ khủng bố mới đây tại Hội đường Do thái.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung, sáng 19 tháng 11-2014, ĐTC nói: ”Tôi lo âu theo dõi sự gia tăng bạo lực đáng báo động tại Jerusalem và những vùng khác ở Thánh Địa, với những vụ bạo lực không thể chấp nhận được, không kiêng nể cả những nơi thờ phượng. Tôi cam đoan đặc biệt cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của tình trạng bi thảm này và những người đang phải chịu đau khổ nhiều nhất vì những hậu quả của những vụ này. Tự thâm tâm, tôi gửi lời kêu gọi chấm dứt cái vòng lẫn quẩn oán thù và bạo lực và hãy đưa ra những quyết định can đảm để thực hiện hòa giải và hòa bình. Kiến tạo hòa bình là điều khó khăn, nhưng sống mà không có hòa bình là một cực hình”.

Kêu gọi hỗ trợ các tu sĩ chiêm niệm

ĐTC cũng mời gọi các tín hữu trong toàn Giáo Hội nâng đỡ và hỗ trợ các tu sĩ sống đời chiêm niệm về tinh thần và vật chất. Ngài nói:

”Thứ sáu 21 tháng 11 này, lễ dâng Đức Mẹ Chí Thánh vào Đền Thờ, chúng ta sẽ cử hành Ngày nâng đỡ những người cầu nguyện, pro Orantibus, Ngày các cộng toàn dòng tu chiêm niệm. Đây là cơ hội thuận lợi để cảm tạ Chúa vì hồng ân bao nhiêu người, trong các đan viện và các am ẩn sĩ, tận hiến phụng sự Chúa trong kinh nguyện và thinh lặng làm việc, nhìn nhận quyền tối thượng của một mình Thiên Chúa. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì chứng tá cuộc sống đan tu và đừng để họ bị thiếu sự hỗ trợ của chúng ta về tinh thần và vật chất, để họ chu toàn sứ vụ quan trọng này”. (SD 19-11-2014)

Ngày ”pro Orantibus” về những người sống đời chiêm niệm được thành lập từ năm 1953 dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô 12.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thành lập Hội đồng đặc biệt tại Bộ giáo lý đức tin

Thành lập Hội đồng đặc biệt tại Bộ giáo lý đức tin

VATICAN. ĐTC đã quyết định thành lập một hội đồng đặc biệt tại Bộ Giáo Lý đức tin để đẩy mạnh việc xét xử mau lẹ hơn những vụ kháng án về tội nặng thuộc quyền xử của Bộ này.

Vì con số cao những vụ kháng án được gửi về Bộ giáo lý đức tin và để bảo đảm cho Bộ này có thể xét xử nhanh chóng, qua phúc chiếu trong buổi tiếp kiến ĐHY Pietro Parolin ngày 3-11-2014, ĐTC quyết định thành lập tại Bộ giáo lý đức tin một Hội đồng đặc biệt gồm 7 Hồng y hoặc Giám mục, các vị này có thể là thành viên hoặc là những người ở ngoài bộ. Vị chủ tịch Hội đồng này và các thành viên do ĐTC bổ nhiệm.

ĐTC cũng đề ra một số chi tiết về cách hoạt động của Hội đồng đặc biệt này đồng thời cho biết một qui luật nội bộ của Hội đồng sẽ xác định thêm các thể thức tiến hành. Ngoài ra, ngài quyết định rằng sắc luật điều hành này được đăng trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11-11-2014, sau đó sẽ được đăng trên Công báo của Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis).

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh giải thích rằng: cho đến nay, mỗi tháng một lần vào ngày thứ tư, các thành viên của Bộ giáo lý đức tin nhóm họp và cứu xét trung bình 4, hay 5 vụ kháng án. Phần lớn những vụ này liên quan đến việc lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Về những tội chống lại đức tin, thì thẩm quyền xét xử ở cấp I là GM giáo phận đối với các linh mục triều, và Bề trên cấp cao dòng đối với các tu sĩ. Nếu đương sự kháng án thì hồ sơ được Bộ giáo lý đức tin cứu xét trong khóa họp thường lệ. Từ nay Bộ có một Hội đồng đặc biệt để cứu xét các vụ kháng án. Nếu bị can là Giám Mục và là vụ đặc biệt tế nhị thì Bộ sẽ cứu xét trong khóa họp thường lệ, và trong trường hợp này các thành viên của Bộ có thể xin ĐTC đích thân cứu xét những vụ đặc biệt tế nhị.

Tự sắc ”Bảo vệ tính chất thánh thiêng của các bí tích” (Sacramentorum sanctitatis tulela) do Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo hoàng ban hành năm 2001 và được ĐGH Biển Đức 16 cập nhật năm 2010, có liệt kê một số tội nặng thuộc quyền xét xử của Bộ giáo lý đức tin về mặt hình luật, tư pháp hoặc hành chánh, ví dụ tội lấy hoặc giữ Mình Thánh Chúa để xúc phạm hoặc phạm thánh, giải tội cho người đồng phạm về điều răn thứ 6, xúi giục hoặc dụ dỗ người khác phạm điều răn này trong khi hoặc nhân dịp giải tội cho đương sự, vi phạm ấn tích bí mật tòa giải tội, giáo sĩ phạm điều răn thứ 6 với một trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, v.v.

Hồi tháng 7-2010, Bộ giáo lý đức tin đã công bố một văn kiện kỷ luật chứa đựng những qui luật mới liên quan đến những tội nặng. Bộ coi việc truyền chức LM cho phụ nữ như một ”tội chống lại đức tin” và Bộ kéo dài thời hiệu (prescription) trong những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên từ 10 lên 20 năm (sau khi nạn nhân tròn 18 tuổi). Bộ cũng coi tội dâm ô trẻ em (pornographie infantile) là một tội nặng. (SD 11-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha tiếp tổng tu nghị dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ

Đức Thánh Cha tiếp tổng tu nghị dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ

VATICAN. ĐTC khuyến khích các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ biến tu viện và hoạt động của mình thành những môi trường loan báo Tin Mừng, cùng với giới trẻ.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 8-11-2014, dành cho 200 nữ tu vừa kết thúc tổng tu nghị của dòng ở Roma với chủ đề ”Cùng với người trẻ ngày nay trở thành căn nhà loan báo Tin Mừng”. ĐTC nhận xét rằng ”đề tài này thật thích hợp trong bối cảnh xã hội và Giáo Hội ngày nay, đang chịu ảnh hưởng của bao nhiêu hình thức lầm than về tinh thần và vật chất. Thực vậy, ngày nay, người ta đang chịu đau khổ vì nghèo túng vật chất, và thiếu thốn cả về mặt tình thương và quan hệ. Trong bối cảnh đó, chị em có thể nhận thấy sự mong manh của người trẻ mà chị em dấn thân yêu thương chăm sóc, theo phương pháp cảu thánh Gioan Bosco và theo gương Mẹ Mazzarello”.

ĐTC khích lệ các nữ tu Salésiennes kiến tạo bầu không khí đồng trách nhiệm nơi giới trẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho hành trình đức tin của mỗi người và lòng gắn bó của họ với Chúa Giêsu, để Chúa tiếp tục thu hút mỗi người. Như thế, chị em huấn luyện những người trẻ trở thành những tác nhân loan báo Tin Mừng cho những người trẻ khác”.

ĐTC nói: ”Tôi khích lệ chị em tiếp tục hăng say tiến bước theo chiều hướng hoạt động mà Chúa Thánh Linh đang đề nghị cho chị em. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận sự thúc đẩy nội tâm của ơn thánh Chúa, mở rộng tầm nhìn để nhận ra những nhu cầu đích thực nhất và những điều khẩn cấp của xã hội và của một thế hệ đang thay đổi”.

ĐTC cũng nhắc nhở các nữ tu tăng cường làm chứng tá về lý tưởng hiệp thông huynh đệ với nhau, với những tâm tình đón tiếp nhau, chấp nhận những giới hạn và đề cao phẩm tính cũng như những năng khiếu của mỗi người, theo lời dạy của Chúa Giêsu: ”Cứ dấu này mà người ta biết các con là môn đệ của Thầy, đó là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35). Điều này đòi có một hành trình huấn luyện nghiêm túc, bao gồm cả sự canh tân trong các khoa học nhân văn, có thể giúp chị em trong sứ mạng. Thực vậy, chị em được yêu cầu biết lắng nghe trong thái độ sẵn sàng và cảm thông những người đến cùng chị em để được nâng đỡ về mặt tinh thần và nhân bản, biết giải thích những hoàn cảnh trong đó chị em hoạt động, để có thể hội nhập sứ điệp Tin Mừng vào văn hóa. Về vấn đề này, sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại mở ra cho chị em một cánh đồng rất rộng lớn để chị em hiến thân với tất cả tình thương” (SD 8-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Thay đổi quan trọng tại Tòa Thánh

Thay đổi quan trọng tại Tòa Thánh

VATICAN. Hôm 8-11-2014, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Dominique Mamberti, ngoại trưởng Tòa Thánh, làm Tân Chủ tịch Tối Cao Pháp viện của Tòa Thánh thay thế ĐHY Raymond Burke 66 tuổi, được bổ làm người Bảo Trợ Hội hiệp sĩ Malta.

Đức TGM Mamberti người Pháp, năm nay 62 tuổi, nguyên là Sứ thần Tòa Thánh tại Sudan trước khi được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm ngoại trưởng cách đây 8 năm.

Ngoài ra, ĐTC bổ nhiệm Đức TGM Paul Richard Gallagher làm tân ngoại trưởng của Tòa Thánh. Đức TGM người Anh, 60 tuổi (1954) cho đến nay là Sứ thần Tòa Thánh tại Australia. Trước đó ngài làm Sứ thần Tòa Thánh tại Guatemala từ 2009 đến 2012.

Hội hiệp sĩ Malta, gọi tắt là SMOM, là một ”dòng hiệp sĩ” hiện nay chuyên hoạt động từ thiện bác ái, với 13 ngàn thành viên và 80 ngàn người thiện nguyện tại 120 nước trên thế giới và có quan hệ ngoại giao trên cấp đại sứ với hơn 104 quốc gia.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kêu gọi các tu sĩ nam nữ

Đức Thánh Cha kêu gọi các tu sĩ nam nữ

VATICAN. ĐTC mời gọi các tu sĩ nam nữ giúp đỡ Giáo Hội gia tăng sức thu hút đối với con người, qua cuộc sống chứng tá Tin Mừng và huynh đệ.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 7-11-2014 dành cho 100 Bề trên tham dự viên Đại hội của Hội đồng các Bề trên thượng cấp các dòng nam ở Italia.

ĐTC khẳng định rằng: ”Đời sống tu trì giúp Giáo Hội thực hiện ”sự thu hút” làm cho Giáo Hội được tăng trưởng, vì trước chứng tá của một nam tu sĩ, một nữ tu sống thực đời tu trì, người ta tự hỏi: ”Có gì đây? Điều gì thúc đẩy người này đi xa hơn chân trời phàm tục?”. Tôi muốn nói điều đầu tiên của tu sĩ là giúp Giáo Hội tăng trưởng bằng sức thu hút”.

ĐTC giải thích rằng các tu sĩ được kêu gọi làm chứng tá về một cuộc sống theo tinh thần Phúc Âm, chứng tá ngôn sứ này đồng hóa với sự thánh thiện. Và theo ngài, cuộc sống chứng tá ấy đòi phải có sự hoán cải, có đời sống kinh nguyện và thờ lạy, chia sẻ với dân thánh của Thiên Chúa đang sống nơi các khu vực ngoại ô của lịch sử.”
ĐTC cũng nhắc nhở các tu sĩ rằng ”Không được bảo tồn mỗi đoàn sủng như một chai nước lọc, nhưng cần phải can đảm làm cho đoàn sủng ấy sinh hoa kết quả, đối chiếu với thực tại hiện nay, với các nền văn hóa, với lich sử, như các đại thừa sai các dòng của chúng ta vẫn dạy”.

ĐTC không quên cổ võ các tu sĩ sống tình huynh đệ, đi ngược với nền văn hóa thịnh hành ngày nay theo cá nhân chủ nghĩa, chỉ qui trọng tâm vào các quyền của mỗi cá nhân. Đó là một nền văn hóa làm hao mòn xã hội, bắt đầu từ tế bào đầu tiên là gia đình. Đời sống thánh hiến có thể giúp đỡ Giáo Hội và toàn thể xã hội bằng chứng tá về đời sống huynh đệ, chứng tỏ cho mọi người thấy rằng có thể sống chung với nhau như anh em trong sự khác biệt!”. (SD 7-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP –  Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha tăng cường luật về hưu của các Hồng Y và Giám Mục

Đức Thánh Cha tăng cường luật về hưu của các Hồng Y và Giám Mục

VATICAN. ĐTC tăng cường kỷ luật theo đó các GM giáo phận, các GM Phó và Phụ tá được yêu cầu đệ đơn từ chức khi tròn 75 tuổi.

Trong buổi tiếp kiến hôm 3-11-2014 dành cho ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ĐTC phê chuẩn và truyền công bố qui luật dưới hình thức một ”Phúc chiếu” (Rescriptum) gồm 7 điều khoản, có hiệu lực từ ngày 5-11-2014, là ngày được đăng trên báo ”Quan sát viên Roma” của Tòa Thánh. Nói chung các qui luật này đã được thi hành trong Giáo Hội từ lâu nay, nhưng nay được tăng cường thêm. ĐTC chấp thuận phúc chiếu này sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng các Hồng Y (9 vị) trợ giúp ngài trong việc chuẩn bị cải tổ giáo triều Roma và cai quản Giáo Hội.

Các GM chính tòa, GM Phó và GM Phụ tá của các giáo phận, và các vị tương đương, được mời đệ đơn từ chức lên ĐTC khi tròn 75 tuổi. Việc từ chức này chỉ có hiệu lực từ lúc được thẩm quyền hợp pháp của Giáo Hội chấp nhận.
Với sự chấp nhận việc từ chức này, các vị ấy cũng chấm dứt bất kỳ chức vụ nào khác trên bình diện quốc gia, được giao phó trong một thời hạn vì chức vụ mục vụ ấy.

ĐTC cũng đánh giá cao những GM, vì lòng yêu mến và ước muốn có một sự phục vụ tốt đẹp hơn, khi thấy mình yếu bệnh hoặc vì lý do hệ trọng nào khác mà đệ đơn từ chức trước khi tròn 75 tuổi. Trong những trường hợp ấy các tín hữu được kêu gọi tỏ lòng liên đới và cảm thông đối với vị đã từng là Mục Tử của họ.

Trong một số hoàn cảnh đặc biệt, Nhà chức trách có thẩm quyền có thể thấy là cần yêu cầu một giám mục từ chức, sau khi đã cho biết lý do và lắng nghe các lý do của vị ấy, trong cuộc đối thoại huynh đệ.

ĐTC cũng qui định rằng các HY thủ lãnh các cơ quan Tòa Thánh và các HY khác thi hành chức vụ do ĐGH bổ nhiệm, thì cũng ”buộc phải” đệ đơn từ chức lên ĐTC để ngài định liệu (luật trước đây chỉ nói là các vị được ”thỉnh cầu” đệ đơn từ chức).

Các vị thủ lãnh khác của các cơ quan trung ương Tòa Thánh mà không phải là Hồng Y, cũng như các vị Tổng thư ký và các GM thi hành các chức vụ khác do ĐTC bổ nhiệm, thì tức khắc chấm dứt nhiệm vụ khi tròn 75 tuổi. Các Thành viên các cơ quan ấy thì chấm dứt khi được 80 tuổi. Tuy nhiên các thành viên thuộc về một bộ do chức vụ, thì đương nhiên chấm dứt nhiệm vụ thành viên, khi không còn giữ chức vụ ấy nữa.

Phó giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cha Ciro Benedettini, nóirằng ”Phúc Chiếu” của ĐTC trên đây là một ”sự tái mạnh mẽ đề nghị các qui luật hiện hành và là một lời mời gọi thi hành” (SD 5-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Hiện tình Giáo Hội tại Cap Vert

Hiện tình Giáo Hội tại Cap Vert

Phỏng vấn Đức Cha Arlindo Gomes Furtado, Giám Mục Santiago de Cabo Verde

Trong các ngày đầu tháng 9 năm 2014 các Giám Mục nước Cap Vert đã về Roma viếng mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Cap Vert rộng hơn 4.000 cây số vuông là một quần đảo gồm 10 đảo chính và một số đảo nhỏ. Các đảo chính gồm: São Tiago, Santo Antão, Boa Viosta, Fogo và São Nicolau. Quần đảo này là vùng phát xuất từ núi lửa có ngọn Pico de Fogo, cao 2829 mét nằm trên đảo Fogo.

Dân số Cap Vert được 566 ngàn người, cộng thêm 1,5 triệu sống tại các nước ngoài. Người dân Cap Vert gồm nhiều chủng tộc khác nhau gốc phi châu cũng như âu châu, nói tiếng Creol là thổ ngữ và tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ chính thức. Trên bình diện tôn giáo 93% tổng số dân theo Công Giáo, số còn lại theo Tin Lành hay Hồi giáo. Cũng có người tự xưng là vô thần.

Cap Vert được các nhà thám hiểm Diego Gomes và Antonio da Noli khám phá ra giữa các năm 1450-1460, và từ đó trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha cho tới năm 1975 mới được độc lập. Tiếp đến Cap Vert hiệp nhất với Guinea Bissau cho tới năm 1980. Ngay từ đầu chính quyền đảng Phi châu độc lập Guinea và Cap Vert đã lãnh đạo đất nước và có khuynh hướng phò Liên Xô. Chỉ sau khi tách rời khỏi Guinea Bissau năm 1990 đảng này mới khước từ địa vị độc tôn để rộng mở cho chế độ đa nguyên. Sau 10 năm do đảng Phong trào dân chủ lãnh đạo, năm 2001 đảng Phi châu độc lập lại trở lại nắm quyền.

Cap Vert là môt dân tộc trẻ có tuổi trung bình là 21, và 35% tổng số dân dưới 15 tuổi, chỉ có 6% trên 64 tuổi. Lãnh vực giáo dục, y tế tiến triển mạnh, nhưng số các nhà thương vẫn còn thiếu. Vì không có quặng mỏ và nước khan hiếm nên Cap Vert đã không thể phát triển nhiều về kinh tế. Cuộc sống khó khăn khiến cho người dân di cư ra nước ngoài để tìm công ăn việc làm tại Brasil, Hoa Kỳ, và các nước Âu châu như Bồ Đào Nha và Italia.

Giáo Hội Cap Vert chỉ có hai giáo phận trực thuộc Tòa Thánh là Santiago de Cap Vert được thành lập năm 1553 và hiện do Đức Cha Arlindo Gomes Furtado cai quản; và giáo phận Mindelo, được thành lập năm 2003, do Đức Cha Dos Santos Lopes Fortes cai quản. Cho tới khi được độc lập năm 1975 hàng giáo sĩ gồm các thừa sai Bồ Đào Nha và Italia.

Các thừa sai Italia là các cha dòng Capucino đã làm việc tại đây từ 60 năm qua. Nhóm đầu tiên đã tới Cap Vert vào năm 1940. Song song với việc truyền giáo các tu sĩ Capucino đã góp phần rất tích cực vào việc phát triển nhân bản với các trường học và vườn trẻ, các trung tâm đào tạo, bác ái xã hội, thông tin và văn hóa. Trong số hàng trăm chương trình thăng tiến an sinh có Nhà cho người nghèo, xây hồ chứa nước, các khóa đào tạo quản trị khách sạn hàng quán, nguyệt san ”Đất Mới”, và đài phát thanh “Radio Nova”. Ngày nay đa số các tu sĩ là người gốc Cap Vert đã tu học bên Bồ Đào Nha và Italia. Phụ tỉnh Cap Vert hiện có tất cả 35 tu sĩ, 4 tập sinh và 5 thỉnh sinh.

Vì qúa nhỏ Cap Vert không có Hội Đồng Giám Mục riêng, nhưng là thành phần của Hội Đồng Giám Mục Sénégal, Mauritania, Cap Vert và Guinea Bissau, cũng như là thành viên của Hội Đồng Giám Mục miền Tây Phi châu nói tiếng Pháp, và của Liên Hội Đồng Giám Mục Phi châu và Madagascar.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Arlindo Gomes Furtado, Giám Mục Santiago de Cabo Verde, về hiện tình Giáo Hội tại Cap Vert. Đức Cha Furtado năm nay 64 tuổi. Năm 2004 ngài đã được chỉ định làm Giám Mục đầu tiên của giáo phận tân lập Mindelo, và năm 2009 được thuyên chuyển về Santiago de Cabo Verde là giáo phận đã được thành lập năm 1553.

Hỏi: Thưa Đức Cha Furtado, trên bình diện tôn giáo Cap Vert cò đa số dân theo Công Giáo, nhưng cũng có tín hữu các tôn giáo khác nữa chứ, có phải thế không?

Đáp: Vâng, tại Cap Vert cũng có các giáo phái tin lành đến từ Brasil chiếm 3% dân số. Thế rồi có giáo phái Nazareen đến từ Hoa Kỳ chiếm 5%. Người ta cũng tìm thấy giáo phái ”Adventist ngày thứ bẩy” và ”Pentecotist các cộng đồng của Thiên Chúa”. Trong khi các tín hữu Do thái thì đã hiện diện tại Cap Vert từ thế kỷ XVI. Họ thuộc những người đầu tiên đến sống trên quần đảo này. Ngoài ra còn có một ấp gọi là Hội đường, điều này có nghĩa là đã có một hội đường Do thái. Nhưng với thời gian người do thái đã bị đồng hóa và theo Kitô giáo. Tòa đại sứ Israel đã tìm thấy các mộ do thái và đã trùng tu các mộ này.

Cap Vert cũng có một số những người ”không tôn giáo” và người hồi, từ Phi châu tới. Bên trong các nước thuộc Liên Hiệp Kinh Tế Phi châu có quyền tự do di chuyển, điều này cho phép người Phi châu dễ dàng tới sống trên quần đảo của chúng tôi. Chúng tôi cũng có các người di cư đến từ các nước Guinea Bissau, Sénégal, Nigeria, Ghana, Guinea Konakry và Mali. Nhưng chúng tôi cũng đã di cư và tiếp tục di cư. Cap Vert có 1,5 triệu người di cư, tức ba lần nhiều hơn con số người dân sống trên quần đảo. Rất đông người di cư sống tại Bồ Đào Nha, nhưng cũng có người sống bên Hoa Kỳ, Pháp, Hòa Lan, Luxembourg, Thụy Sĩ vv… Nhiều người thuộc thế hệ thứ hai hay thứ ba rồi, nhưng họ vẫn luôn luôn coi mình là công dân Cap Vert.

Hỏi: Giữa ngã tư của các đại lục Âu châu, Phi châu và Mỹ châu, người Cap Vert có phải là Phi châu không thưa Đức Cha?

Đáp: Cap Vert thật ra chịu các ảnh hưởng của cả ba đại lục. Chúng tôi coi mình như là những người lai giống trên bình diện văn hóa cũng như trêm bình diện sinh học. Và sự kiện chúng tôi nói tiếng Bồ Đào Nha tạo dễ dàng cho việc hội nhập với thế giới bên ngoài. Trong khi Đạo Công Giáo đã rất cổ truyền trên quần đảo, thì giống như Công giáo bình dân Bồ Đào Nha, Giáo Hội Cap Vert cũng phải đương đầu với các thách đố của sự tục hóa. Hiện tượng này đã xuất hiện trên đất nước chúng tôi cũng như bên Âu châu vào cuối thập niên 1960. Cuộc cách mạng năm 1968 đã là điểm khởi đầu của việc ý thức rằng các sự vật thay đổi trong thế giới.

Hỏi: Cuộc cách mạng chống lại thực dân Bồ Đào Nha có bị ảnh hưởng bởi chủ thuyết mác xít không thưa Đức Cha?

Đáp: Các người trí thức đã chiến đấu để thoát khỏi chế độ thực dân, nhưng đã không có các trận đánh du kích trên các đảo, vì đây là điều không thể làm được, bởi không có chỗ trú ẩn. Đó đã là một cuộc chiến đấu lén lút, một việc làm ý thức hệ. Các trận đánh chống lại người Bồ Đầo Nha đã xảy ra trên đất của nước Guinea Bissau.

Sau cuộc Cách mạng hoa Cẩm chướng tại Bồ Đào Nha vào tháng tư năm 1974 chúng tôi đã giành được độc lập. Chế độ mới có gợi hứng xã hội chủ nghĩa do ảnh hưởng của Cuba và Liên Xô đã kéo dài cho tới năm 1990.

Giáo Hội đã rất gắn bó với hệ thống thuộc địa, nên đã phải gánh chịu các hậu qủa và vì thế đã đau khổ nhiều. Đảng Phi châu đôc lập của Guinea và Cap Vert là đảng duy nhất, năm 1980 trở thành đảng Phi châu độc lập Cap Vert. Sau khi có cuộc đảo chánh tại Guinea Bissau hai nước tách rời nhau. Đảng này đã coi Giáo Hội là đồng lõa với chế độ thực dân. Và cũng có một phần thật. Các người cách mạng ngờ vực Giáo Hội, và Giáo Hội đã có thể trở thành một đối kháng ít nhiều công khai.

Hỏi: Thưa Đức Cha, Giáo Hội có bị bách hại bởi chế độ xã hội chủ nghĩa không?

Đáp: Đã không có bách hại thực sự, nhưng đã có một việc gạt bỏ Giáo Hội ra ngoài lề nào đó, một sự khinh bỉ tinh tế… Phải nói rằng hầu hết các nhân viện mục vụ, các thừa sai, đã thuộc thời của người ngoại quốc, chính yếu là người Bồ Đào Nha và vài tu sĩ Capucino người Ý. Đã có rất ít người gốc Cap Vert trong hàng giáo sĩ, và đó là điểm yều của Giáo Hội Cap Vert. Ban đầu sau thời gian độc lập người ta đã cảm thấy sự hăng say của cách mạng, vài người ngoại quốc đã ra đi, trong đó có ba thừa sai bị coi như những người không được chấp nhận. Nhưng sau đó các sự việc đã lắng dịu. Trong khi đó thì các chủng sinh người Cap Vert đã được thụ phong linh mục, và các linh mục này được chấp nhận tốt. Họ là những người Cap Vert trong thân xác cũng như trong tâm hồn, họ là ”người nhà”. Liên quan tới Giáo Hội vấn đề đích thật của các nhà chính trị thời đó là hình ảnh thực dân dính trên da. Được người Bồ Đào Nha thành lập năm 1553, Giáo Hội của chúng tôi đã chỉ có Giám Mục bản địa đầu tiên khi được độc lập, đó là Đức Cha Paulino Livramento Evora, dòng Chúa Thánh Thần.

Nói chung, Giáo Hội được trân trọng, nhất là kể từ sau khi thiết lập chế độ chính trị đa dảng và các cuộc bầu cử đa nguyên năm 1991. Từ đó đến nay không còn có các xung đột ý thức hệ giữa các đảng phái nữa, và nền dân chủ hoạt động tốt. Nếu không có thỏa hiệp nữa, thì đã có một sự đồng ý pháp lý được ký kết với Tòa Thánh; và chính quyền thừa nhận Giáo Hội và các cơ cấu của Giáo Hội, như tổ chức Caritas và các chi nhánh địa phương của nó.

Hỏi: Như thế Giáo Hội có dân thân cho việc phát triển đất nước không thưa Đức Cha?

Đáp: Nhờ tình liên đới của các tổ chức trợ giúp quốc tế như Caritas quốc tế chúng tôi có thể hoạt động cho việc phát triển. Đất nước chúng tôi nằm trong vùng sa mạc Sahel, nên thường có các vấn đề hạn hán. Trong qúa khứ, Cap Vert đã có nhiều thời gian bị đói kém, trận đói cuối cùng xảy ra vào năm 1947. Đã có nhiều người chết đói năm đó. Hồi đó không có các tổ chức nhân đạo quốc tế như ngày nay. Chính quyền thuộc địa Bồ Đào Nha đã muốn dấu nhẹm các nạn đói khủng khiếp này trước mắt thế giới và che dấu chúng. Nhưng các thời điểm đó đã trở thành ký ức rồi…

Việc thiếu nước vẫn còn đó. Đây là một vấn đề thường xuyên. Nhưng ngày nay chúng tôi có được việc đào tạo kỹ thuật dẫn nước, mặc dù là dẫn nước nhỏ giọt. Có các chương trình tài trợ nhỏ giúp mua rơm cỏ. Có các đập và các đê giữ nước được xây cất. Đây là sáng kiến tốt đẹp của chính quyền. Hiện nay lo lắng đầu tiên của chúng tôi là nạn người trẻ thất nghiệp, nhất là giới trẻ đã tốt nghiệp đại học. Tuy có bằng chuyên môn, nhưng họ không tìm ra việc làm tại chỗ. Vì thế họ di cư sang các nước khác như Angola, Guinea Equatorial, nơi có nhiều khả thể hơn. Cả khi số sinh giảm mỗi gia đình có 3-4 người con, so với 6 người con cách đây 25 năm, đất nước Cap Vert không thể thu nhận tất cả số công nhân này. Trái lại, ngành du lich phát triển tốt, nhất là từ khi có cuộc khủng hoảng do ”mùa xuân A Rập” tạo ra, vì du khách bỏ vùng Bắc Phi để hướng tới Cap Vert. Có hy vọng, vì người ta thấy tình hình Cap Vert từ từ cải tiến và trở nên tốt hơn.

(SD 6-9-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều tạ ơn 200 năm tái lập dòng Tên

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều tạ ơn 200 năm tái lập dòng Tên

ROMA. ĐTC Phanxicô mời gọi các tu sĩ dòng Tên tiếp tục phục vụ Giáo Hội, can đảm cùng nhau đương đầu với những thách đố ngày nay.

Ngài đưa ra lời kêu gọi này trong bài giảng tại buổi hát kinh chiều thứ bẩy 27-9-2014 tại Nhà Thờ Chúa Giêsu ở Roma, nhân dịp tạ ơn kỷ niệm 200 năm ĐGH Piô 7 tái lập dòng Tên.

Dòng Tên được thánh Ignatio Loyola thành lập năm 1539 nhưng bị ĐGH Clémente 14 giải tán năm 1773 dưới sức ép của các triều đình Âu Châu. Ngày 7 tháng 8 năm 1814, ĐGH Piô 7 ban sắc chỉ ”Sollicitudo omnium ecclesiarum” (mối quan tâm của toàn thể các Giáo Hội) tái lập dòng Tên.

Nhà Thờ Chúa Giêsu của dòng Tên ở trung tâm Roma là nơi có giữ hài cốt thánh Ignatio cũng như một cánh tay của Thánh Phanxicô Xavie, Tông đồ miền viễn đông, và cũng có mộ của nhiều Bề trên Tổng quyền của dòng. Kể từ khi làm Giáo Hoàng ngày 13-3 năm ngoái, ĐTC Phanxicô đã đến Nhà thờ Chúa Giêsu 4 lần. Hiện diện tại thánh đường này trong buổi hát Kinh Chiều, ĐHY João Aviz de Braz, Tổng trưởng Bộ các dòng tu, Cha Bề Trên Tổng Quyền Adolfo Nicolas và khoảng 300 tu sĩ dòng Tên cùng với một số tín hữu.

Trong bài giảng, ĐTC nhắc lại những biến cố đau thương dòng Tên đã trải qua, từ những vụ bị nhà cầm quyền trục xuất khỏi Tây Ban Nha, Pháp, Bồ đào nha cho đến khi bị Đức Clemente XIV giải tán năm 1773. Ngài nhắc đến tinh thần vâng phục của dòng giữa những tủi nhục, giữa những mất mát tất cả, thậm chỉ cả căn tính công khai của mình. Cha Ricci, Bề Trên Tổng quyền bấy giờ, vẫn nhắn nhủ anh em duy trì tinh thần bác ái, hiệp nhất, tuân phục, kiên nhẫn, đơn sơ theo Phúc Âm, và sống tình bạn đích thực với Thiên Chúa.

ĐTC khẳng định rằng ”Con thuyền dòng Tên đã bị sóng gió vùi dập và không nên ngạc nhiên vì sự kiện đó. Cả con thuyền thánh Phêrô ngày nay cũng có thể bị như vậy. Đêm tối và quyền lực của bóng đen vẫn luôn gần kề.. Các tu sĩ dòng tên phải luôn là ”những tay chèo lành nghề và dũng cảm” (Piô VII, Sollecitudo omnium ecclesiarum): anh em hãy chèo dù thế nào đi nữa! Hãy chèo, hãy vững mạnh, kể cả khi gặp gió ngược! Hãy chèo để phục vụ Giáo Hội! Hãy cùng nhau chèo! Nhưng trong khi chèo – tất cả chúng ta đều chèo, kể cả Giáo Hoàng cũng chèo với con thuyền thánh Phêrô – chúng ta phải cầu nguyện thật nhiều: 'Lạy Chúa, xin cứu chúng con! Lạy Chúa, xin cứu dân Chúa!”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Ngày nay, dòng Tên đang đương đầu một cách khôn ngoan và cần cù với cả vấn đề bi thảm của những người tị nạn và di tản; trong tinh thần phân định, Dòng đang cố gắng liên kết việc phục vụ đức tin với sự thăng tiến công lý, phù hợp với Tin Mừng. Ngày hôm nay tôi tái khẳng định điều mà ĐGH Phaolô 6 đã nói với Tổng tu nghị thứ 32 của chúng ta mà chính tôi đã nghe: “Bất kỳ nơi nào trong Giáo Hội, cả trong những cánh đồng khó khăn và khắc nghiệt nhất, nơi các ngã tư của các ý thức hệ, nơi các chiến hào xã hội, đã và đang có sự đối chiếu giữa những đòi hỏi nóng bỏng của con người và sứ điệp ngàn đời của Tin Mừng, tại những nơi đó đã và đang có các tu sĩ Dòng Tên”. (SD 27-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô khóc công khai

Lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô khóc công khai

TIRANA. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảm động đến rơi lệ khi nghe chứng từ của 1 LM Albani đã bị kết án tử hình và của một nữ tu tại nước này.

Chiều chúa nhật 22-9-2014, trong chuyến viếng thăm mục vụ ”chớp nhoáng” từ sáng tới chiều ở Albani, ĐTC đã chủ sự buổi hát kinh chiều tại Nhà thờ chính tòa thủ đô Tirana với 7 GM Albani, cùng với khoảng 150 LM, 400 tu sĩ nam nữ và các chủng sinh, các thành viên phong trào giáo dân.

Sau lời chào của Đức TGM sở tại, Rrok Mirdita, một linh mục và một nữ tu đã kể lại những gian khổ đã chịu trong thời kỳ bị bách hại.

Trước tiên là Cha Ernest Simoni, 84 tuổi, từng bị kết án tử hình, nhưng rồi được biến cải thành 27 năm lao động khổ sai trong các trại khác nhau. Cha bị nhà nước cộng sản bắt giam từ lễ giáng sinh năm 1963, kết án tử hình vì đã cử hành 3 lễ cầu nguyện cho Tổng thống Kennedy của Mỹ bị ám sát chết 1 tháng trước đó. Cha bị tra tấn và đối xử vô nhân đạo. Sau đó, án tử hình được biến cải thành 18 năm tù, trong đó có nhiều năm lao động khổ sai, và sau khi được trả tự do một thời gian, cha bị bắt trở lại, tổng cộng là 27 năm tù đày.

Trong thời gian đó, cha vẫn cử hành thánh lễ thuộc lòng bằng tiếng la tinh, cũng vậy con đã giải tội và bí mật phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.

Khi cha Simoni dứt lời, ĐTC đã tiến đến ôm vị linh mục thật lâu và khóc vì cảm động.

Chứng từ thứ hai được nữ tu Marije Kaleta, 85 tuổi, thuộc dòng Dấu Thánh Chúa Kitô, có chú là Cha Ndoc Suma, một linh mục đã chịu đau khổ nhiều năm trời trong cảnh tù ngục và lao động khổ sai. Ngày nay đang được giáo hội tiến hành án phong chân phước.
Sau 7 năm tu dòng, chị Kaleta phải hồi tục vì tu viện bị nhà nước đóng cửa. Nhưng chị vẫn âm thầm rửa tội cho các trẻ em, mang Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân. Chị kể:

”Hôm ấy con đi làm từ hợp tác xã trở về nhà. Dọc đường con nghe có tiếng người gọi con. Một phụ nữ chạy đến và xin con rửa tội rửa tội cho đứa con bà đang bồng trên tay. Con sợ vì biết đó là vợ một cán bộ cộng sản, con nói với bà ta là ”tôi không có gì để rửa tội”, vì bấy giờ chúng con đang ở trên đường. Nhưng bà rất tha thiết và nói với con rằng ở kênh gần đó có nước. Nhưng con nói với bà ấy là ”tôi không có gì để kín nước”. Nhưng bà ta cứ nài nỉ xin con rửa tội cho đứa con gái của bà. Sau khi thấy niềm tin của bà như thế, con cởi một cái dầy bằng plastic của con, để kín nước từ con kênh và rửa tội con đứa bé gái. Ngoài ra, nhờ quen biết các linh mục, con được may mắn giữ Mình Thánh Chúa trong tủ nhỏ ở nhà con, và con mang Mình Thánh cho các bệnh nhân và những người sắp qua đời.”

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Lễ giỗ lần thứ 12 Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận

Lễ giỗ lần thứ 12 Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận

ROMA: Lúc 9 giờ sáng 18-9-2014, ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, đã chủ sự thánh lễ tại Nhà Thờ Đức Mẹ Cầu Thang ở Roma, nhân lễ giỗ lần thứ 12 của vị Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Tại thánh đường này của dòng Camêlô nhặt phép có mộ của Đức Cố hồng Y. Đồng tế thánh lễ có Đức Cha Mario Toso, Tổng thư ký Hội Đồng và gần 30 linh mục Việt Nam và Ý, trước sự hiện diện của gần 100 người gồm các nữ tu Việt Nam, chủng sinh, tu sinh Việt Nam một số giáo dân và thân nhân bạn hữu và cộng tác viên của Đức Cố Hồng Y trong Hội Đồng.

Giảng trong thánh lễ, ĐHY Turkson đã khai triển ý nghĩa các bài đọc thánh lễ, ngài liên kết những đau khổ mà ĐHY Phanxicô đã chịu trong tình trạng tù đày với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. ĐHY cùng mời gọi mọi người cầu nguyện để án phong chân phước cho ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận được tiến hành mau lẹ và tốt đẹp.
ĐHY Nguyễn Văn Thuận qua đời ngày 16-9 năm 2002 hưởng thọ 74 tuổi. Hồi đầu tháng 7 năm 2013, cuộc điều tra cấp giáo phận để làm án phong chân phước cho Đức Cố HY đã được kết thúc trọng thể và toàn bộ hồ sơ được chuyên lên Bộ Phong Thánh để cứu xét. (TPN 18-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức TGM Bùi Văn Đọc làm thành viên Bộ truyền giáo

Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức TGM Bùi Văn Đọc làm thành viên Bộ truyền giáo

VATICAN. Hôm 13-9-2014, ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM giáo phận Sài Gòn, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, làm thành viên Bộ truyền giáo.

Cùng được bổ nhiệm làm thành viên của Bộ trong dịp này cũng có 6 HY, 9 GM và 4 Cha Bề trên Tổng quyền của 4 dòng tu.

Nhiều vị Hồng y TGM chính tòa trước đây của Việt Nam cũng được bổ nhiệm làm thành viên Bộ truyền giáo. (SD 13-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha chia buồn về 3 nữ tu thừa sai Italia bị sát hại

Đức Thánh Cha chia buồn về 3 nữ tu thừa sai Italia bị sát hại

VATICAN. ĐTC Phanxicô đã chia buồn với dòng thừa sai Savie và Tổng giáo phận Bujumbura bên Burundi, nơi 3 nữ tu của dòng bị sát hại dã man hôm 7-9-2014.

3 nữ tu cao niên, cả đời phục vụ người nghèo ở Phi châu, chị Lucia Pulici 75 tuổi, và Olga Raschietti 83 tuổi, bị cắt cổ cắt cổ chiều chúa nhật 7-9 vừa qua trong tu viện ở Kamenge, ngoại ô Bujumbura của Burundi. Sau đó, nữ tu Bernedetta Boggian, 79 tuổi, từ hơn 44 năm nay phục vụ tại Trung Phi, Congo và Burundi, cũng bị chém đầu trong đêm hôm ấy. Đại tá Helmegilde Harimenshi, phát ngôn viên của cảnh sát Burundi, cho biết cả 3 nữ tu đều bị kẻ sát nhân hãm hiếp. Một nữ tu không những bị cắt cổ nhưng còn bị thủ phạm dùng đá đánh vào mặt nhiều cú. Cảnh sát bác bỏ tin cho rằng 3 nữ tu là nạn nhân của vụ đánh cướp, vì kẻ sát nhân không lấy tiền bạc hoặc vật dụng gì trong tu viện.

Trong điện văn thứ nhất gửi đến Nữ tu Ines Frizza, Bề trên Tổng quyền dòng thừa sai Savie ở thành phố Parma, bắc Italia, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh TT, cho biết ĐTC xúc động sâu xa vì cái chết thê thảm của các nữ tu thừa sai Savie bị giết ở Burundi, ngài nồng nhiệt chia buồn với toàn dòng vì sự mất mát các nữ tu nhiệt thành như vậy. ĐTC cầu mong máu của các chị đổ ra sẽ trở thành hát giống để xây dựng tình huynh đệ đích thực giữa các dân tộc, đồng thời dâng lời khẩn nguyện sốt sắng để cầu cho các chứng nhân quảng đại của Tin Mừng.

Trong điện văn chia buồn thứ hai gửi đến Đức Cha Evariste Ngoyagoye, TGM Bujumbura, ĐHY Parolin cho biết ĐTC nhắc đến sự phục vụ của 3 nữ tu ở giáo xứ Thánh Guido Maria Conforti ở thủ đô Burundi, và ngài xin Chúa đón nhận 3 nữ tu trung thành và tận tụy này vào nơi an bình và ánh sáng của Chúa. ĐTC bày tỏ sự gần gũi và chia buồn với toàn thể cộng đoàn giáo phận, nhất là những người bị thương tổn vì cái chết đau thương của ba nữ tu. (SD 8-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiến hành 2 bổ nhiệm quan trọng tại Tây Ban Nha

Đức Thánh Cha tiến hành 2 bổ nhiệm quan trọng tại Tây Ban Nha

VATICAN. Hôm 28-8-2014, ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Antonio Canizares Llovera, cho đến nay là Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, làm tân TGM giáo phận Valencia là giáo phận nguyên quán của ngài.

Ngoài ra, ĐTC cũng nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của ĐHY Antonio Maria Rouco, 78 tuổi, TGM giáo phận thủ đô Madrid, đồng thời bổ nhiệm người kế vị là Đức TGM Carlos Osoro Sierra, cho đến nay là TGM giáo phận Valencia.

ĐHY Antonio Canizares Llovera, tân TGM giáo phận Valencia, sinh tại Valencia cách đây 69 năm (1945), nguyên là giáo sư thần học huấn giáo ở Đại học Salamanca, và được bổ nhiệm làm GM giáo phận Avila năm 1992, 4 năm sau đó ngài thăng TGM giáo phận Granada, và 6 năm sau làm TGM giáo phận Toledo là giáo phận cổ kính nhất tại Tây Ban Nha, rồi được bổ nhiệm làm Hồng Y năm 2006. Năm 2008, ngài được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ phụng tự và kỷ luật bí tích.

Trang thông tin Vatican Insider, trích thuật những nguồn tin ở Vatican, cho biết ĐHY Canizares đã nhiều lần xin ĐTC Phanxicô cho trở về Tây Ban Nha coi sóc giáo phận.

Đức Cha Carlos Osoro Sierra, tân TGM giáo phận thủ đô Madrid, năm nay cũng 69 tuổi (1945) thuộc giáo phận Santander. Năm 1996, ngài được bổ nhiệm làm GM giáo phận Orense, và 6 năm sau thăng TGM giáo phận Oviedo, nhưng chỉ 4 năm sau, 2009, ngài được thuyên chuyển về Valencia. Giáo phận này hiện có 3 triệu 51 ngàn tín hữu Công Giáo, trong khi Tổng giáo phận Madrid có 3 triệu 615 ngàn tín hữu Công Giáo. Đức TGM Osoro hiện là Phó Chủ tịch HĐGM Tây Ban Nha. Giới báo chí cũng gọi ngài là ”Đức Phanxicô Tây Ban Nha” vì ngài rất phù hợp với lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô mong một Giáo Hội ”đi ra ngoài”. (SD 28-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ngày thứ 3 chuyến viếng thăm Nam Hàn của Đức Thánh Cha Phanxicô

Ngày thứ 3 chuyến viếng thăm Nam Hàn của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thứ bẩy 16-8-2014 chuyến viếng thăm Nam Hàn của Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiến hành được một nửa. Đức Thánh Cha đã có bốn sinh hoạt chính, ban sáng sau khi đến kính viếng các vị tử đạo Đại Hàn tại Đền thánh Seo-So-Mun, lúc 10 giờ Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ đồng tế phong chân phước cho linh mục Phaolô Yun-Ji-Chung và 123 bạn tử đạo.

Lễ Phong Chân Phước cho LM Phaolô Yun Ji-Chung và 123 Bạn tử đạo

Ban chiều ngài đã thăm trung tâm phục hồi người tàn tật Kkottongnae, rồi chủ sự buổi hát kinh chiều gần Trường Tình Thương với 5,000 tu sĩ nam nữ, và gặp gỡ các giáo dân lãnh đạo tổ chức tông đồ giáo dân Nam Hàn tại trung tam tu đức Kkottongnae.

Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của Đức Thánh Cha. Lúc 8 giờ 45 Đức Thánh Cha rời tòa Sứ Thần đi xe tới viếng đền các vị tử dạo Seo-So-Mun nằm cách đó 4 cây số. Đậy là nơi 103 tín hữu công giáo đã bị hành quyết và đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh ngày mùng 6 tháng 5 năm 1984. Con đường đi từ quảng trường Gwanghwamun tới Seo-So-Mun được mệnh danh là ”tử lộ”, con đường của sự chết hay ”tử đạo”, và gắn liền hai lễ tôn phong với nhau.

Đền thánh các vị đạo là nơi chôn cất 44 vị tử đạo, gồm ba cây cột bằng nham thạch, cột chính giữa cao 15 thước, hai cột hai bên cao 13 thước. Đền kỷ niệm tọa lạc gần nhà thờ Yakhyeon, là ngôi nhà thờ công giáo đầu tiên của Đại Hàn xây năm 1892.

Có hai bạn trẻ đã giúp Đức Thánh Cha đặt vòng hoa tôn kính các Thánh Tử Đạo và ngài đã thinh lặng cầu nguyện một lúc.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã lên Papamobil để tới quảng trường Gwanghwamun cách đó 2 cây số. Đây là quảng trường rộng nối liền cửa Hoàng Cung với quảng trường Tòa Thị Sảnh, biểu tượng cho lịch sử Hàn quốc, và là nơi diễn ra các lễ nghi quan trọng.

Cửa GwangHwaMun được xây năm 1395 như là cửa chính của hoàng cung Gyeongbokgung, là Dinh vua trong triều đại Joseon. Năm 1592 trong cuộc xâm lăng của Nhật Bản nó đã bị tàn phá bởi một trận hỏa hoạn và để hoang tàn trong hơn 250 năm cho tới khi được tái thiết năm 1867 cùng với hoàng cung dưới triều đại hoàng đế Gojong. Chiến tranh Triều Tiên đã phá hủy hoàn toàn cấu trúc bằng gỗ, chỉ còn trơ đế bằng đá bị bỏ hoang. Cấu trúc bằng gỗ được xây lại bằng xi măng cho tới năm 2006.

Xe đã chở Đức Thánh Cha đi một vòng để ngài chào 1 triệu tín hữu đến tham dự thánh lễ, vượt ngoài mọi chờ mong của ban tổ chức. Thánh lễ tôn phong chân phước cho 124 vị tử đạo Hàn quốc đã được cừ hành bằng tiếng Latinh và tiếng Đại Hàn. Đức Thánh Cha đã giảng bằng tiếng Ý được dịch sang tiếng Đại Hàn.

Đây là lần thứ ba Giáo Hội Đại Hàn cử hành lễ phong chân phước cho một số các con cái chết vì đạo Chúa. Lần thứ nhất ngày mùng 5 tháng 7 năm 1925 đã có 79 vị tử đạo, bị giết trong các năm 1839-1846 được phong chân phước. Lần thứ hai ngày 29 tháng 2 năm 1968, đã có 24 vị chết trong cuộc bách hại năm 1866 được phong chân phước. Ngoài ra, cũng đang có án phong chân phước và phong thánh cho cho một số vị tử đạo khác nữa, trong đó có vị linh mục thứ hai của Đại Hàn là cha Tôma Choe Yang-Cop và Đức Cha Phanxicô Borgia Hong Yong-Ho.

Đức Cha Phanxicô Xaviê Ahn Myong-Ok Chủ tịch Ủy ban xin phong chân phước và vị thỉnh nguyện viên đã tới trước mặt Đức Thánh Cha xin ngài phong chân phước cho các vị tử đạo, rồi vị thỉnh nguyên viên đọc tiểu sử của các vị Tôi Tớ Chúa. Tiếp đến Đức Thánh Cha đọc công thức tuyên phong Chân Phước cho các vị. Đức Hồng Y Yeum Soo-Jung, Tổng Giám Mục Seoul đã cám ơn Đức Thánh Cha và nêu bật vai trò của các vị tử đạo đối với Giáo Hội Hàn quốc: 103 Thánh và 124 Chân Phước.

Quảng trường này đã là nơi các vị chết vì đức tin. Nhưng chính cái chết đó đã khiến cho Giáo Hội Đại Hàn lớn lên. Và Giáo Hội đã chứng minh cho xã hội thấy gương sáng của Giáo Hội bằng việc thăng tiến công lý và các quyền con người. Thánh lễ phong Chân phước hôm nay là một dịp để Giáo Hội tiếp tục theo đuổi sự hài hòa và hiệp nhất, không chỉ giữa các tín hữu công giáo mà cả toàn dân Đại Hàn và mọi dân tộc Á châu nữa, qua tình huynh đệ đại đồng. Nó cũng là dịp thăng tiến truyền giáo và theo đuổi lý tưởng là một Giáo Hội phục vụ người nghèo, người bị áp bức và gạt bỏ ngoài lề xã hội, bằng cách loan báo Tin Mừng cho họ.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã nêu bật sự kiện các vị tử đạo Hàn quốc đã sống và chết vì Chúa Kitô, nên giờ đây được cùng hiển trị với Người trong niềm vui và vinh quang, bởi vì trong cái chết và sự sống lại của Con của Ngài, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta chiến thắng vĩ đại nhất. Thật thế, ”Cho dù là sự chết hay sự sống, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

Lễ tôn phong cha Phaolô và các bạn tử đạo cống hiến cho chúng ta dịp trở lại các thời ban đầu của lịch sử Giáo Hội Hàn quốc. Nó mời gọi tín hữu công giáo Đại Hàn nhớ lại những điều trọng đại mà Thiên Chúa đã thực hiện trên phần đất này và giữ gìn gia tài đức tin đo cha ông họ để lại như kho tàng cho cuộc sống xã hội. Tin Mừng đã đến Hàn quốc không do các thừa sai, mà là do chính các giáo dân trí thức tò mò đã rộng mở tâm trí cho Tin Mừng và dẫn họ đến chỗ gặp gỡ chính Chúa, các bí tích đầu tiên và ước muốn một cuộc sống bí tích và giáo hội cũng như các dấn thân truyền giáo đầu tiên. Nó đã đem lại các hoa trái trong các cộng đoàn sống theo mẫu gương của Giáo Hội thời khai sinh, đồng tâm nhất trí, không chú ý tới các khác biệt xã hội. Lịch sử này nói với chúng ta về tầm quan trọng, phẩm giá và vẻ dẹp ơn gọi của giáo dân. Tôi đặc biệt chào anh chị em giáo dân hiện diện, đặc biệt là các gia đình kitô, hằng ngày dấn thân giáo dục người trẻ sống đức tin và tình yêu thương hòa giải của Chúa Giêsu.

Phúc Âm hôm nay nhắn gửi chúng ta tất cả một sứ điệp. Chúa Giêsu xin Thiên Chúa Cha thánh hiến chúng ta trong sự thật, và giữ gìn chúng ta khỏi thế gian. Ngài không xin Chúa Cha cất chúng ta ra khỏi trần gian. Nhưng Ngài sai các môn đệ ra đi làm muối đất và ánh sáng thế gian. Các vị tử đạo chỉ đường cho chúng ta. Khi theo Chúa, họ đã biết lời Chúa cảnh báo rằng họ sẽ bị thế giới thù ghét vì Ngài. Họ biết giá phải trả.

Đối với nhiều người điều này có nghĩa là sự bắt bớ và sau này, trốn chạy lên núi, nơi họ thành lập các làng công giáo. Họ sẵn sàng chịu các hy sinh lớn lao và để cho mình bị tước bỏ mọi sự có thể làm cho họ xa rời Chúa Kitô: của cải và đất đai, uy thế và danh dự, bởi vì họ biết rằng Chúa Kitô là kho tàng đích thật của họ. Ngày nay, rất thường khi chúng ta cũng sống kinh nghiệm đức tin bị thử thách, và trong rất nhiều cách thế người ta xin chúng ta chấp nhận các giàn xếp về lòng tin, làm tan loãng các đòi buộc của Tin Mừng, và thích nghi với tinh thần thế gian. Các vị tử đạo nhắc nhở chúng ta phải để Chúa Kitô trên tất cả mọi sự, và nhìn tất cả mọi sự còn lại trong tương quan với Người. Các vị tử đạo khiêu khích chúng ta tự vấn xem chúng ta có sẵn sàng chết vì điều gì không.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: gương các vị tử đạo đậy cho chúng ta biết tầm quan trọng của tình bác ái trong cuộc sống đức tin. Chính chứng tá trong sáng của họ đối với Chúa Kitô được thể hiện ra trong việc chấp nhận phẩm giá như nhau của tất cả mọi người được rửa tội, dẫn họ tới một hình thức sống huynh đệ thách đố các cơ cấu xã hội cứng nhắc thời đó. Sự khưởc từ phân rẽ giới răn tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân khiến cho họ dấn thân lo lắng cho nhu cầu của các anh chị em khác. Áp dụng vào hiện tình thế giới Đức Thánh Cha nói:

Gương sống của họ có nhiều điều để nói với chúng ta, là những người sống trong xã hội, nơi bên cạnh các giầu có vô biên, gia tăng trong thinh lặng sự nghèo hèn; nơi ít khi tiếng kêu của người nghèo được lắng nghe; và nơi Chúa Kitô tiếp tục mời gọi, xin chúng ta yêu Người và phục vụ Người, bằng cách giơ tay ra trợ giúp các anh chị em nghèo túng… Buổi lễ hôm nay cũng ôm trọn biết bao nhiêu vị tử đạo vô danh, trong đất nước này và trên thế giới, là những người, đặc biệt trong thế kỷ vừa qua, đã hiến mạng sống vì Chúa Kitô và đã chịu các cuộc bách hại vì danh Người.

Gia tài của các vị tử đạo có thể gợi hứng cho tất cả mọi người thiện chí hoạt động trong hòa hợp cho một xã hội công bắng hơn, tự do và hòa giải và như thế cộng tác vào nền hòa bình và việc bảo vệ các giá trị nhân bản đích thực của quốc gia này và trên toàn thế giới. Ước chi các lời cầu của tất cả các vị tử đạo Hàn quốc, hiệp nhất với các lời bầu cử của Đức Bà là Mẹ Giáo Hội, ban cho chúng ta ơn kiên trì trong đức tin và mọi việc lành, trong sự thánh thiện và trong sạch của con tim, và trong lòng hăng say tông đồ làm chứng cho Chúa Giêsu trong quốc gia thân yêu này, và trong toàn Á châu cho tới tận cùng bờ cõi trái đất.

Thánh lễ đã kết thúc lúc 12 giờ rưỡi trong bầu khi rất hân hoan. Đức Thánh Cha đã đi xe về Tòa Sứ Thần dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng và nghỉ ngơi chốc lát trước khi tiếp tục các sinh hoạt ban chiều.

Lúc 15.30 Đức Thánh Cha lấy trực thăng đi Khottongnae cách đó 90 cây số trong giáo phận Cheongju, miền trung Nam Hàn. Kkhottongnae có nghĩa là ”Đồi hoa” do linh mục Gioan Oh Woong-Jun, thuộc cộng đoàn Canh tân Đặc Sủng Thánh Linh, thành lập. Trung tâm chiếm cả một ngọn đồi gồm nhà ở, nhà thương, một đại học và các trung tâm phục hồi cho người tàn tật, người nghèo, người vô gia cư, đau yếu bị bỏ rơi thuộc mọi lứa tuỗi.

Giáo phận Cheongiu có hơn 155,000 tín hữu chiếm 11% dân số, gồm 76 giáo xứ 142 linh mục giáo phận, 12 linh mục dòng, 91 tu huynh, 515 nữ tu, 20 đại chủng sinh. Giáo phận điều khiển 26 cơ quan giáo dục và 70 cơ sở bác ái xã hội.

Đón Đức Thánh Cha tại bãi đậu trực thăng có cha Gioan Oh Woong-Jun, người thành lập Đồi Hoa và Đức Cha Gabirel Chang Nong-Hun cùng vài giới chức chính qpuyền địa phương. Đức Thánh Cha đã đi xe về ”Nhà hy vọng” cách đó 1 cây số. Hai bên đường có rất đông tín hữu vẫy khăn trắng chào đón Đức Thánh Cha.

Bên trong hội trường Nhà Hy vọng có khoảng 150 người tàn tật, đa số là trẻ em ngồi trên xe lăn, có một em nằn trên giường. Ngỏ lời chào Đức Thánh Cha, Đức Cha Gabriel, Giám Mục sở tại, đã nêu bật sự kiện ngay từ khi được thành lập giáo phận Cheongiu đã có nhiều sinh hoạt trợ giúp người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội, các cơ sở giáo dục cho trẻ em tàn tật như ”Trường Đức Bà” cho trẻ em mù, ”Trường Thánh Tâm” cho trẻ em câm điếc; trường ”Chúa Thánh Thần” cho trẻ em bị chấn thương cảm xúc. Năm 2001 các tu sĩ Kkottongae đã khánh thành trường cho trẻ em bị bỏ rơi và con của các thiếu nữ làm mẹ không được ai nhận vì tàn tật. Các em bị bỏ rơi hai lần, bởi cha mẹ vì chúng tàn tật, rồi bởi vì không có ai nhận nuôi.

Đức Thánh Cha đã hôn, vuốt ve, an ủi từng em một và bắt tay hỏi chuyện các nữ tu và các nhân viên săn sóc các em. Các trẻ em đã trình diễn vài màn vũ, rồi các em tặng Đức Thánh Cha các thủ công nghệ do chính các em làm.

Lúc 17 giờ Đức Thánh Cha đã đi xe tới Trung tâm ”Trường tình thương” càch đó 1,5 cây số để gặp gỡ các tu sĩ nam nữ. Khi đi qua ”Vườn các thai nhi bị phá”, ngài đã đừng lại thinh lặng cầu nguyện. Cũng có sự hiện diện của các thành viên phong trào bảo vệ sự sống và tu huynh thừa sai Lee Gu-Won, cụt chân cụt tay.

Ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha linh mục chủ tịch Hiệp Hội các dòng Nam nêu bật các khó khăn của cuộc sống tu trì trong xã hội tục hóa ngày nay. Tuy biết mình phải tìm thiện ích của thế giới và Giáo Hội với các đặc sủng là ơn của Chúa Thanh Thần, nhưng các tu sĩ có nguy cơ yêu mình hơn yêu cộng đoàn, và để bị lôi kéo bởi chủ thuyết tiêu thụ, hơn là tinh thần tiết độ và chia sẻ. Tu sĩ có nguy cơ khiến cho căn tính và các đặc sủng bị lu mờ bởi tinh thần thế tục.

Nữ tu Chủ tịch Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền dòng nữ thì nhấn mạnh trên sự kiện Giáo Hội Đại Hàn đã lớn lên nhờ máu và tinh thần tu đức của các vị tử đạo. Nhưng xã hội đại hàn đau khổ vì hiện tượng toàn cầu hóa với sự thống trị của chủ thuyết tư bản, tân tư bản và duy đời. Và Giáo Hội cũng bị ảnh hưởng và liên lụy. Từ khắp nơi đều vang lên tiếng kêu cứu Giáo Hội trợ giúp. Vai trò của các nam nữ tu sĩ hiện diện tại những nơi có nước mắt và người yếu đuối cần trợ giúp.

Ngỏ lời với các tu sĩ nam nữ Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự phong phú của các đặc sủng làm giầu cho cuộc sống Giáo Hội. Xác tín đươc Chúa yêu là trọng tâm của ơn gọi: là dấu chỉ sờ mó đựơc sự hiện diện của Nước Chúa. Đức Thánh Cha nói với các tu sĩ như sau:

Chỉ khi chứng tá của chúng ta tươi vui, thì mới có thể lôi kéo các người nam nữ tới với Chúa Kitô; và niềm vui đó là một ơn đươc nuôi dưỡng bằng một đời cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa , cử hành các Bí tích và sống đời cộng đoàn… Không thể tránh được các xung khắc, các hiểu lầm cần đương đầu, nhưng mặc dù có các khó khăn, chúng ta được kêu gọi lớn lên trong lòng thương xót, sự kiên nhẫn và tình bác ái trọn vẹn. Kinh nghiệm về lòng thương xót Chúa, được dưỡng nuôi bằng lời cầu nguyện và cuộc sống cộng đoàn, phải nhào nặn tất cả những gì anh chị em là và những gì anh chị em làm… Không có lối tắt đâu: Thiên Chúa muốn con tim của chúng ta một cách tron vẹn, và điều này có nghĩa là chúng ta phải ”tháo gỡ chính mình”, ”ra khỏi chính mình” ngày càng nhiều hơn.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh một hình thức nghèo khó, được diễn tả ra một cách cụ thể trong kiểu sống cá nhân và cộng đoàn, đặc biệt cần tránh mọi sự có thể làm cho tu sĩ lo ra và gây gương mù gương xấu cho người khác. Trong đời tu sự khó nghèo là ”bức tường” che chở và là ”mẹ”, vì nó giúp tu sĩ lớn lên và hướng dẫn tu sĩ bước đi trên con đường đúng đắn. Sự giả hình của những người sống đời thánh hiến tuyên khấn nghèo khó mà lại sống giầu sang, đả thương và làm hại Giáo Hội. Nguy hiểm là cám dỗ sống theo tâm thức hoàn toàn trần tục và duy lợi, khiến chúng ta chỉ đặt để hy vọng nơi các phương tiện của con người và phá hủy chứng tá nghèo khó mà Chúa Giêsu Kitô đã sống và dậy chúng ta sống.

Các tu sĩ đã tặng Đức Thánh Cha một bó hoa thiêng liêng gồm hơn 3 triệu 700 ngàn tràng chuỗi Mân Côi đã lần, hơn 118.400 hy sinh hãm mình, và một số tiền đã quyên mỗi tuần trong nhiều tháng qua để Đức Thánh Cha giúp người nghèo.

Sau khi Đức Thánh Cha ban phép lành, các tu sĩ đã nắm tay nhau đồng ca bài dân ca Đại Hàn ”Arirăng”

Từ giã mọi người Đức Thánh Cha lên xe tới Trung tâm tu đức cách đó 2 cây số để gặp gỡ đại diện các phong trào giáo dân hoạt động trong 16 giáo phận toàn Nam Hàn.

Ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha ông chủ tịch Hiệp hội giáo dân công giáo Hàn quốc đã nêu bật sự kiện Giáo Hội Hàn quốc là Giáo hội duy nhất do vài giáo dân khai sinh, không có sự trợ giúp của các thừa sai. Họ đã đi bộ cả ngàn cây số nhiều lần sang Bắc Kinh để xin các linh mục.

Ông nói: trong các hoạt động chúng con đi tới với người nghèo, người đau yếu, nạn nhân của các bất công không đựơc ai trợ giúp. Các vùng ngoại biên của giáo dân Hàn quốc cũng là các anh chị em đã xa rời Giáo Hôi, mất hy vọng và mất hướng đi. Và chúng con cũng nghĩ tới một trong các vùng ngoại biên khác là đi đến với các anh chi em sống tại Bắc Hàn, bên kia biên giới, nơi họ bị bách hai và chờ đợi bàn tay của chúng con. Nhưng một trong các vùng ngoại biên khác nữa của chúng con cũng là các dân tộc Á châu chưa biết Chúa.

Ngỏ lời với 150 lãnh đạo các hiệp hội giáo dân Nam Hàn Đức Thánh Cha nói: Giáo Hội Đại Hàn thừa kế đức tin của các thế hệ giáo dân đã kiên trì trong tình yêu đối với Chúa Kitô và trong sự hiệp thông với Giáo Hội, mặc dù có ít linh mục và bị đe dọa bởi các cuộc bách hại. Gương của 124 tân Chân phước chứng minh cho điều đó… Ngày nay cũng như luôn mãi Giáo Hội cần một chứng tá đáng tin cậy của giáo dân cho sự thật cứu độ của Tin Mừng, cho sự phong phú trong việc xây dựng gia đình nhân loại trong hiệp nhất, công lý và hòa bình. Giáo Hội có một sứ mệnh duy nhất, và mọi tín hữu được rửa tội đều có vai trò sinh tử trong sứ mệnh đó. Công tác tông đồ có thể khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm thăng tiến sứ mệnh của Giáo Hội, bằng cách bảo đảm cho trật tự trần thế được thấm nhuần và hoàn thiện bới Thần Khí của Chúa Kitô hầu chuẩn bị cho Nước Chúa.

Đức Thánh Cha đặc biệt ca ngợi hoạt động của nhiều hiệp hội giáo dân trợ giúp người nghèo và ngừơi túng thiếu trong các vùng ngoại biên của xã hội, thể hiện sự hiệp nhất ”không còn do thái hay hy lạp”. Tuy nhiên, trợ giúp người nghèo thôi không đủ. Ngài xin giáo dân Hàn quốc gia tăng nỗ lực để thăng tiến nhân bản làm sao để mọi người biết tới niềm vui phát xuất từ phẩm giá có công ăn việc làm để nuôi sống gia đình.

Đức Thánh Cha thừa nhận phần đóng góp qúy báu của các phụ nữ công giáo Đại Hàn cho cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội, như mẹ gia đình, giáo lý viên, và bà giáo trong nhiều cách thức khác nhau. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của chứng tá gia đình kitô. Trong thời đại khủng hoảng gia đình các cộng đoàn kitô đươc mời gọi nâng đỡ các cặp vợ chồng và các gia đình trong việc chu toàn sứ mệnh của chúng trong Giáo Hội và xã hội. Gia đình là sự hiệp nhất nền tảng của xã hội, và là trường học đầu tiên, trong đó trẻ em học các giá trị nhân bản, tinh thần và luân lý, khiến cho chúng có khả năng là các ngọn đèn pha của lòng tốt, sự toàn vẹn và công bắng trong các cộng đoàn… Vì thế cần phải có sự đào tạo thường hằng đầy đủ hơn cho anh chị em giáo dân, qua một chương trình giáo lý và linh hướng hường xuyên, trong hoạt động hòa hợp với các chủ chăn và dùng các trực giác, tài năng và đặc sủng của họ để phục vụ sự lớn mạnh của Giáo Hội, trong sự hiệp nhất và với tinh thần truyền giáo.

Từ giã các anh chị em lãnh đạo các phong trào và hiệp hội giáo dân Nam Hàn Đức Thánh Cha ra đi xe tới bãi đậu trực thăng tại KKhottongnae cách đó 2 cây số đề bay về thủ đô Seoul, rồi đi xe về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 7 cây số, kết thúc tốt đẹp ngày thứ 3 trong chuyến công du Nam Hàn.

Chúa Nhật 17-8-2014 lúc 11 giờ Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các Giám Mục Á châu tai dền thánh Haemi, và vào lúc 4 giờ rưỡi chiều ngài sẽ chủ sự thánh lễ kết thúc Ngày Giới Trẻ Công Giáo Á châu kỳ 6 tai quảng trường lâu đài Haemi.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Hội nghị toàn quốc Brasil về truyền thông xã hội

Hội nghị toàn quốc Brasil về truyền thông xã hội

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Truyền Thông Xã hội

Trong các ngày từ 24 đến 27 tháng 7 năm 2014 Hội nghị toàn quốc Brasil lần thứ IV về truyền thông xã hội đã diễn ra tại đền thánh Đức Bà Aparecida với sự tham dự của hàng trăm tham dự viên gồm các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ dấn thân trong lãnh vực truyền thông. Mục đích của hội nghị là tìm ra các con đường mới để đào tạo và huy động các nhân viên mục vụ truyền thông trong nước, nhân kỷ niệm một năm chuyến công du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Brasil.

Trong sứ điệp gửi Hội nghị mục vụ truyền thông toàn nước Brasil lần thứ IV, Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ rao giảng Tin Mừng và cống hiến cho ”thế giới vi tính” cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô, một cuộc găp gỡ thực sự đổi đời.

Sứ điệp mang chữ ký của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, lấy lại ý chính bài giảng của Đức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm Brasil, và khuyến khích Giáo Hội tại đây đừng khép kín trong các giáo xứ, cộng đoàn và cơ cấu giáo xứ hay giáo phận, nhưng ”đi ra”, tìm kiếm và gặp gỡ, vì có biết bao nhiêu người đang chờ đợi Tin Mừng. Thái độ ”đi ra” đó cũng phải áp dụng cho lãnh vực truyền thông bằng vi tính. Không được loại trừ con đường nào hết đối với người nhân danh Chúa Kitô phục sinh luôn dấn thân liên đới với con người. Với Tin Mừng trên tay và trong tim, cần tái khẳng định rằng đã đến lúc tiếp tục chuẩm bị các con đường dẫn đến Lời Chúa, và đặc biệt lưu ý tới những ai đang trong giai đoạn kiếm tìm. Thật thế, mục vụ trong thế giới vi tính được mời gọi chú ý tới những người không tin, bị rơi vào tình trạng chán nản, nhưng vẫn vun trồng ước ao sự tuyệt đối và chân lý không mau qua, bởi vì các phương tiện truyền thông cho phép tiếp cận với tín hữu các tôn giáo khác, với các người không tin và con người thuộc mọi nền văn hóa.

Trong bối cảnh đó, các ”kênh vi tính” là một lãnh vực nền tảng của mục vụ truyền thông trong việc đi ra mới của công tác rao truyền Tin Mừng. Và mọi kitô hữu đều được mời gọi góp phần vào công tác này, cách riêng các nhân viên truyền thông công giáo. Có hai phương thế cụ thể cần dùng: một đàng là sử dụng các phương tiện và học hiểu thứ ngôn ngữ chuyên biệt của lãnh vực vi tính, đàng khác là thừa nhận quyền tối thượng của con người, mà không quên rằng trước khi là một thực tại kỹ thuật, thế giới vi tính trước hết là nơi gặp gỡ với các người nam nữ, có các ước vọng và các thách đố thực sự cần các câu trả lời cụ thể.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Truyền Thông Xã hội, về hội nghị nói trên. Đức Tổng Giám Mục đã tham dự và thuyết trình trong hội nghị về đề tài ”Các thay đổi xã hội văn hóa, mà các kỹ thuật mới có thể đem lại cho con người ngày nay.”

Hỏi: Thưa Đức Cha Celli, các tín hữu kitô phải có vai trò nào trong thế giới truyền thông ngày nay?

Đáp: Kitô hữu nắm một vai trò quan trọng trong thế giới truyền thông. Nhưng nó không phải là ”bỏ bom” mạng lưới truyền thông với các sứ điệp tôn giáo, mà là cống hiến chứng tá của mỗi người, làm sao để phối hợp đức tin của mình với các vấn đề, các khía cạnh, các căng thẳng của cuộc sống thường ngày.

Hỏi: Các người tổ chức hội nghị đã xin Đức Cha thuyết trình về một đề tài rất rộng rãi liên quan tới ”các thay đổi xã hội văn hóa, mà các kỹ thuật mới có thể đem lại cho con người ngày nay.” Đức Cha có ý khởi hành từ các tiền đề nào?

Đáp: Trước hết, tôi xin nói rằng Hội Đồng của chúng tôi rất chú ý tới các sáng kiến như việc tổ chức hội nghị này. Ngoài ra, trong các nhiệm vụ của Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền Thông có nhiệm vụ khích lệ các Giáo Hội địa phương suy tư về các thách đố chính gọi hỏi Giáo Hội trong lãnh vực truyền thông xã hội. Trong trường hợp chuyện biệt của thực tại Brasil đó là lãnh nhận một trách nhiệm mới, trong nghĩa tín hữu công giáo được mời gọi ”là các thừa sai trong thế giới liên mạng”. Bởi vì có cả một nền tu đức cần diễn tả cả trong thế giới internet nữa, cũng giống như kiểu chúng ta sống nền tu đức này trong nhà, trong môi trường làm việc, với gia đình, với bạn bè. Và đây là điều nền tảng.

Hỏi: Thưa Đức Cha, cả đề tài chung được chọn do các nhân viên mục vụ truyền thông Brasil cũng tạo thành một chương trình dấn thân, có đúng thế không?

Đáp: Đúng thế. Người ta nói tới các thách đố và các cơ may trong kỷ nguyên vi tính, như thế nó liên quan tới việc làm cho chín mùi ý thức về những gì xảy ra trong lãnh vực truyền thông nhờ các kỹ thuật mới, và tái khám phá ra sự kiện các kỹ thuật này có thể tạo ra một khung cảnh sống, nơi có hàng trăm ngàn người lui tới. Vì thế Giáo Hội có sứ mệnh rao truyền Tin Mừng phải tự vấn làm thế nào để có thể và phải loan báo sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô trong bối cảnh xã hội là mạng truyền thông này.

Hỏi: Trong sứ điệp gửi Ngày Truyền Thông Quốc Tế năm nay Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi dùng các phương tiện truyền thông xã hội để phục vụ một nền văn hóa gặp gỡ đích thật. Có thể thực hiện điều này như thế nào thưa Đức Cha?

Đáp: Đức Thánh Cha đã xin chúng ta làm sao để truyền thông trở thành gần gũi với con người nam nữ ngày nay. Và ngài cũng thêm rằng cần phải tạo ra một nền văn hóa của sự gặp gỡ. Do đó, cần phải tự hỏi xem mình có thể dùng các cơ may mà các kỹ thuật tân tiến cống hiến cho chúng ta như thế nào để đi đến cuộc gặp gỡ này. Tôi còn nhớ các lời Đức Thánh Cha nói trong buổi khai mạc hội nghị của giáo phận Roma, khi ngài nhấn mạnh rằng: ”thách đố lớn của Giáo Hội ngày nay là trở thành mẹ”.

Hỏi: Một cách cụ thể điều này có nghĩa là gì thưa Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền Thông?

Đáp: Giám Mục Roma diễn tả giấc mộng của một Giáo Hội có khả năng cho thế giới thấy gương mặt hiền mẫu của mình. Như thế, ngài muốn một Giáo Hội cho thấy và sống sự tiếp đón và chia sẻ, bằng cách gần gũi con người trong các nẻo đường khác nhau của cuộc sống. Và điều này có một tầm quan trọng, đặc biệt trong một quốc gia có biết bao nhiêu mâu thuẫn như Brasil.

Hỏi: Các thuyết trình viên khác của hội nghị truyền thông toàn quốc Brasil là những ai thưa Đức Cha?

Đáp: Tôi muốn nhắc tới hai vị tên tuổi: đó là Cha Antonio Spadaro, Giám đốc tuần san ”Văn minh công giáo” là người thuyết trình về nhiều đề tài khác nhau như nền thần học vi tính và nền tu đức của trang mạng. Vị thứ hai là bà Leticia Soberon, thuộc Ủy ban Mạng truyền thông của Giáo Hội tại châu Mỹ Latinh, trình bày đề tài các môn đệ truyền giáo trong kỷ nguyên của nền văn hóa vi tính.

Hỏi: Thưa Đức Cha, đề tài ”môn đệ truyền giáo” đã được đào sâu trong Hội nghị lần thứ V của Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh triệu tập tại Aparecida hồi năm 2007. Nó được cụ thể hóa như thế nào trong lãnh vực truyền thông?

Đáp: Trong trường hợp của chúng ta câu hỏi cần đưa ra là các môn đệ của Chúa làm thế nào để ”trở thành các thừa sai trong mạng lưới truyền thông xã hội”. Liên quan tới điều này cần phải minh xác một điều đó là không có chuyện chiêu dụ tín đồ. Như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói, và như Đức Thánh Cha Phanxicô đã lập lại nhiều lần, đây không phải là việc bỏ bom mạng truyền thông với các sứ điệp tôn giáo, mà là cống hiến chứng tá. Và lý luận này, trong viễn tượng của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới sắp tới cũng có thể được trải dài ra cho các đề tài về gia đình. Bởi vì trong các lúc khó khăn nhưng cả trong những lúc tích cực, chúng ta có thể là các chứng nhân của các giá trị kitô trong mạng truyền thống xã hội, để gia đình luôn tiếp tục là tế bào nòng cốt đích thật của xã hội.

(SD 25-5-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio